Yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Trần Thanh Tùng YẾU TỐ KỲ ẢO TRONG VĂN XUÔI LÃNG MẠN VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1930 – 1945 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC Thành phố Hồ Chí Minh - 2009 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Trần Thanh Tùng YẾU TỐ KỲ ẢO TRONG VĂN XUÔI LÃNG MẠN VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1930 – 1945 Chuyên ngành : Văn học Việt Nam Mã số : 60 22 34 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC TS. NGUYỄN THÀNH TH

pdf116 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 2187 | Lượt tải: 5download
Tóm tắt tài liệu Yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
I Thành phố Hồ Chí Minh – 2009 LỜI CẢM ƠN Tôi xin gởi lời tri ân đến quí thầy cô giáo đã nhiệt tình giảng dạy cho tôi trong những năm học qua. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc đến Tiến sĩ Nguyễn Thành Thi – Phó chủ nhiệm khoa Ngữ văn trường Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Thầy đã giúp đỡ tôi giải quyết các vấn đề vạch ra trong đề tài, cũng như tận tình hướng dẫn, động viên tôi trong suốt quá trình viết luận văn. Xin chân thành cám ơn các thầy cô giáo trong Ban chủ nhiệm Khoa Ngữ văn và phòng Khoa học công nghệ & sau đại học trường Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện cho tôi hoàn thành luận văn này. Xin cám ơn Ban giám hiệu, Tổ Văn trường THPT Trần Bình Trọng – Cam Lâm – Khánh Hòa đã tạo điều kiện thuận lợi trong công tác để tôi hoàn thành luận văn này. Xin cám ơn đồng nghiệp, bạn bè và gia đình đã động viên, khích lệ tôi trong suốt quá trình thực hiện luận văn. T.p Hồ Chí Minh, tháng 8 năm 2009 Người viết TRẦN THANH TÙNG MỤC LỤC Trang phụ bìa Lời cảm ơn Mục lục 2.3.3. Yếu tố kỳ ảo và những khát khao về hạnh phúc lứa đôi.......................... 66 2.3.4. Yếu tố kỳ ảo và cảm hứng triết luận về con người .................................. 72 2.3.5. Yếu tố kỳ ảo và những lý giải khoa học về các hiện tượng thần bí ......... 79 Chương 3: YẾU TỐ KỲ ẢO TRONG VĂN XUÔI LÃNG MẠN VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1930 – 1945 TỪ GÓC NHÌN THẨM MĨ 3.1. Kỳ ảo như một yếu tố mang giá trị mĩ cảm ....................................................... 86 3.1.1. Thỏa mãn nhu cầu tưởng tượng lãng mạn ............................................... 86 3.1.2. Thỏa mãn nhu cầu đời sống tâm linh ....................................................... 88 3.2. Kỳ ảo như một yếu tố, phương tiện kỹ thuật trong văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 ...................................................... 93 3.2.1. Tác động của yếu tố kỳ ảo lên cốt truyện .............................................. 93 3.2.2. Tác động của yếu tố kỳ ảo lên thế giới nhân vật ................................... 97 3.2.3. Tác động của yếu tố kỳ ảo lên trần thuật ............................................. 102 3.2.4. Tác động của yếu tố kỳ ảo lên không gian và thời gian nghệ thuật .... 113 KẾT LUẬN ............................................................................................................ 122 TÀI LIỆU THAM KHẢO .................................................................................... 126 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 1.1. Văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 đã có sự phát triển vượt bậc và đạt đến những thành tựu đỉnh cao. Chỉ trong vòng 15 năm, người đọc được chứng kiến sự xuất hiện của hàng loạt cây bút chuyên nghiệp tài năng như: Thạch Lam, Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Nguyễn Tuân, Thanh Tịnh, Lan Khai, Tchya – Đái Đức Tuấn, Thế Lữ… Tên tuổi và sự nghiệp của họ gắn liền với những tìm tòi, đổi mới về cách thức thể hiện nội dung và bút pháp nghệ thuật. Sự phá cách, chất hiện đại trong phong cách sáng tác của các văn nhân thi sĩ đã làm nên sự đa sắc diện cho nền văn xuôi lãng mạn Việt Nam. Những tưởng trước ngưỡng cửa cuộc sống hiện đại, trước những xâm lấn của văn hóa phương Tây vào xã hội Việt Nam, yếu tố huyễn hoặc, kỳ ảo trong văn học sẽ không còn đất để sinh tồn. Thế nhưng, khi đi sâu vào khám phá địa hạt của văn học nghệ thuật giai đoạn 1930 – 1945, lạ thay cái chất kỳ ảo, ma quái, kinh dị vẫn nảy nở và phát triển trong các tác phẩm văn học, đặc biệt là trong các tác phẩm văn xuôi thuộc khuynh hướng lãng mạn. Trên thi đàn văn xuôi lãng mạn giai đoạn 1930 – 1945 đã xuất hiện nhiều trang viết đậm chất kỳ ảo, huyễn hoặc. Có thể kể đến: Rừng khuya – Lan Khai; Thần hổ, Ai hát giữa rừng khuya – Tchya Đái Đức Tuấn; Vàng và máu, Trại Bồ Tùng Linh – Thế Lữ; Trên đỉnh non Tản, Xác ngọc lam, Loạn âm, Khoa thi cuối cùng… – Nguyễn Tuân; Lan rừng, Bóng người trong sương mu – Nhất Linh; Ngậm ngãi tìm trầm – Thanh Tịnh… Sáng tác của họ đưa người đọc vào thế giới của những câu chuyện hoang đường kỳ ảo đậm chất huyễn hoặc, ma quái. Ở đấy, trí tưởng tượng phong phú của các nhà văn lãng mạn có dịp tung hoành mà không bị hiện thực cuộc sống kiềm tỏa. Họ thỏa sức đào sâu vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, vào cái tôi nội cảm, diễn tả ước mơ, khát vọng của cá nhân, đề cập đến những số phận cá nhân với thái độ bất hoà, bất lực trước hiện thực tầm thường, tù túng… Hơn bao giờ hết, yếu tố kỳ ảo được đưa vào trong văn học với mật độ khá dày đặc, trở thành một dòng, một nhánh riêng với nhiều tên tuổi nổi tiếng: Thế Lữ, Nhất Linh, Nguyễn Tuân, Đái Đức Tuấn, Lan Khai, Thanh Tịnh, Hoàng Trọng Miên… Sáng tác của họ đã gây tiếng vang lớn trên văn đàn, được đông đảo người đọc đón nhận và thu hút nhiều sự chú ý của giới nghiên cứu phê bình văn học. 1.2. Sự thực, yếu tố kỳ ảo đã xuất hiện từ rất lâu trong đời sống văn học nhân loại và nó hoàn toàn không hề xa lạ với độc giả Việt Nam. Yếu tố kỳ ảo đã tạo thành một dòng chảy liên tục trong lịch sử của văn học dân tộc từ thời kì cổ đại cho đến cận hiện đại. Tuy nhiên, do đặc điểm xã hội, tâm lí nhận thức của mỗi thời kì khác nhau, nên yếu tố kỳ ảo ở mỗi thời kì văn học cũng không giống nhau. Ngay từ buổi bình minh của văn học, văn học dân gian Việt Nam đã gắn liền với yếu tố kỳ ảo. Những câu chuyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết dân gian ra đời nhằm phản ánh nhận thức, niềm tin của con người cổ đại về những biến cố, sự kiện của thế giới thuở hồng hoang. Sang thời kì trung đại, yếu tố kỳ ảo tiếp tục tồn tại trong những sáng tác của các văn nhân nho sĩ. Sáng tác của họ là lời cảnh báo về những chuyện xấu xa ở trần gian hướng con người đến cuộc sống tốt lành nhằm mục đích phục vụ cho quan niệm “văn dĩ tải đạo”. Đến đầu thế kỉ XX, đặc biệt là giai đoạn 1930 – 1945, hạt giống yếu tố kỳ ảo đã thực sự sinh trưởng tốt tươi trên mảnh đất văn xuôi lãng mạn và thu đạt được những thành tựu rực rỡ. Yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 là sản phẩm của sự kết hợp độc đáo giữa yếu tố kỳ ảo trong văn học phương Tây và văn học truyền thống. Vì vậy, nghiên cứu văn xuôi kỳ ảo văn học giai đoạn này không chỉ giúp chúng ta thấy được những đóng góp của nó vào thành tựu chung của văn xuôi lãng mạn mà còn hiểu rõ hơn về truyền thống của văn học Việt Nam. 1.3. Yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 đã góp phần tạo nên những giá trị khó phủ nhận về mặt nội dung và nghệ thuật. Nó là phương thức thể hiện quan niệm mới về thế giới, cuộc sống của các nhà văn lãng mạn, là một trong những hình thức đắc dụng để nhà văn đi sâu vào khám phá thế giới nội tâm với những cung bậc cảm giác của con người. Đồng thời, nó mang lại giá trị thẩm mĩ đặc sắc cho những tác phẩm lãng mạn, phản ánh, lưu giữ được nhiều dấu ấn phong cách tác giả và sự đa dạng về văn phong nghệ thuật. Nghiên cứu yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi lãng mạn là một việc làm có ý nghĩa góp phần giúp người đọc hiểu rõ hơn về diện mạo của dòng văn xuôi lãng mạn giai đoạn 1930 – 1945. Chính vì thế, trong luận văn này, chúng tôi chọn đề tài: “Yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945” để nghiên cứu. 2. Lịch sử vấn đề Trên thế giới, yếu tố kỳ ảo trong văn học đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều nhà nghiên cứu từ những thập niên đầu của thế kỉ XIX. Ở Việt Nam, vấn đề này chỉ được bàn luận vào sau những năm 1975 và thực sự sôi nổi vào những năm đầu của thế kỉ XXI. Nội dung các bài nghiên cứu về yếu tố kỳ ảo tập trung ở hai phương diện sau: 2.1. Nghiên cứu lý luận Bài nghiên cứu Cái kỳ ảo và văn học huyễn ảo của Lê Huy Bắc đã xác định đặc điểm phát triển của “văn học kỳ ảo và cái kỳ ảo” bằng việc xác định bản thể và định danh trong tiến trình lịch sử. Ông đề xuất dùng khái niệm “văn học huyễn ảo” “với mục đích nhằm bao quát cả một lịch sử sáng tạo văn chương nơi xuất hiện sự đan cài của hai yếu tố thực và ảo mà hàm lượng bao giờ cũng nghiêng qua phần ảo”. Từ đó, ông nhấn mạnh “thế giới của văn học huyễn ảo là thế giới của trí tưởng tượng, nơi sự khác lạ hoang đường, thần diệu… luôn ngự trị. Có lúc nó giúp người đọc bình tâm, tự tại; có lúc nó khiến họ hoang mang, khiếp đảm và có lúc khiến họ hoài nghi, bối rối…”[3]. Lê Huy Bắc đã dùng khái niệm “văn học huyễn ảo “ để thay cho khái niệm “văn học kỳ ảo” và ông dùng khái niệm văn học kỳ ảo để chỉ một bộ phận, một giai đoạn trong tiến trình của văn học huyễn ảo. Bài viết này đã có những đóng góp nhất định trong việc xác định quan niệm về văn học kỳ ảo. Bài viết Về cái kỳ ảo và văn học kỳ ảo trong nghiên cứu văn học của Lê Nguyên Long bước đầu cũng đã thể hiện sự quan tâm đến văn học kỳ ảo và khái niệm cái kỳ ảo. Trong bài viết này, Lê Nguyên Long đã tổng hợp nhiều quan niệm về thuật ngữ kỳ ảo và văn học kỳ ảo của các học giả nước ngoài. Từ đó ông đưa ra ý kiến của mình về cái kỳ ảo: “cái kỳ ảo là cái không thể cắt nghĩa được bằng lý tính từ điểm nhìn của chúng ta với tầm nhận thức hiện tại. Chính sự không cắt nghĩa được bằng lý tính ấy đã tạo nên một “sự đứt gãy trong chuỗi liên kết vũ trụ” (Roger Caillois), gây ra tâm trạng hoang mang cho người nào đối diện với nó” [30]. Khái niệm mà Lê Nguyên Long đề xuất phần lớn xuất phát từ thực tiễn sáng tác của văn học phương Tây. Chỉ có một lần duy nhất tác giả liên hệ với văn học Việt Nam khi khẳng định: “truyền thống truyện truyền kỳ, chí quái phương Đông với những kiệt tác như Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, hay tuyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ chính xác cần được gọi tên là fantasy, vừa xét về thời điểm ra đời, vừa xét từ đặc trưng nghệ thuật của nó…” [3]. 2.2. Nghiên cứu thực tiễn sáng tác Trong tiểu luận Tìm hiểu các dạng truyện kỳ ảo trong văn học cổ trung đại và cận đại Đông Tây nhà nghiên cứu phê bình văn học Nguyễn Huệ Chi đã luận giải khá rõ nét về lý thuyết và thực tiễn truyện kỳ ảo trong đời sống văn học Phương Tây và Trung Hoa từ cổ đại cho đến cận đại. Bài viết cũng đã xác lập được diện mạo “truyện truyền kì” trong văn học cổ cận đại Việt Nam trong quan hệ đối sánh với văn học kỳ ảo nước ngoài. Ông nhận định: “Văn học Việt Nam trong hàng nghìn năm chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn học và văn hóa Trung Quốc, lẽ dĩ nhiên, “cái kỳ ảo” Trung Quốc vang bóng rất rõ vào “cái kỳ ảo” Việt Nam. Mặc dù thế, trước khi tìm hiểu “cái kỳ ảo” Trung Quốc tưởng cũng nên nhìn sang chân trời xa hơn, thử xem “cái kỳ ảo” phương Tây có những đặc sắc gì, có những biểu hiện gì chung với “cái kỳ ảo” phương Đông, hoặc giả có thể soi tỏ được chút gì cho việc tìm tòi các dạng thức, các đặc điểm của “cái kỳ ảo” trong văn học dân tộc” [7]. Với tiểu luận này, Nguyễn Huệ Chi đã góp một phần không nhỏ giúp người đọc nhìn thấy được bản sắc của truyện kỳ ảo Việt Nam. Luận án tiến sĩ: Sự hồi sinh của yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi đương đại Việt Nam của Bùi Thanh Truyền – Trường Đại học Huế cũng là một công trình nghiên cứu đáng chú ý. Trong luận án này tác giả đã đi tìm nguyên nhân về sự hồi sinh của yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi đương đại. Theo tác giả, sự có mặt trở lại của yếu tố kỳ ảo trong văn học giai đoạn này xuất phát từ những nguyên nhân: từ những thay đổi trong đời sống xã hội – văn học, từ sự mở rộng quan niệm về hiện thực và đối tượng phản ánh của văn học, từ sự mở rộng quan niệm về hiện thực và đối tượng phản ánh của văn học, từ sự mở rộng quan niệm về phương pháp sáng tác tiếp cận hiện thực và xuất phát từ truyền thống văn hóa văn học dân tộc. Phải thấy rằng, đây là công trình nghiên cứu có giá trị khoa học lớn góp phần giúp người đọc hình dung được sắc diện của dòng văn xuôi kỳ ảo trong thời đại mới. Bài viết gần với đề tài nhất: Dư ba của truyện truyền kỳ, chí dị trong văn học Việt Nam hiện đại của Vũ Thanh. Trong bài viết này, tác giả không chỉ giới thiệu khá đầy đủ những nhà văn mà các tác phẩm của họ mang đậm phong cách truyền kì, kinh dị như: Nguyễn Tuân, Thế Lữ, Lan Khai, Thanh Tịnh, Đái Đức Tuấn… mà còn làm sáng rõ bút pháp nghệ thuật độc đáo, đa dạng của họ. Hơn thế, ông đã phân tích đánh giá khá sâu về những đóng góp của dòng truyện truyền kỳ đời mới cho văn học hiện đại Việt Nam. Bên cạnh đó cũng phải kể đến: Truyện kỳ ảo Việt Nam trong đời sống văn học đương đại của Bùi Thanh Truyền. Trong bài viết này, có một phần nhỏ nhà nghiên cứu đã đề cập đến: “những cây bút kỳ ảo với phong cách tài hoa, độc đáo: Thế Lữ, Tchya Đái Đức Tuấn, Đỗ Huy Nhiệm, Nguyễn Tuân. Sự xuất hiện của đội ngũ này đã làm sinh động đời sống văn học lúc bấy giờ…”. Tuy nhiên, đó chỉ là sự phác thảo, điểm qua một giai đoạn văn học chứ chưa có sự đào sâu nghiên cứu các khía cạnh của vấn đề. Hay bài báo: Yếu tố kỳ ảo trong sáng tác của Nguyễn Tuân đăng trên báo Văn nghệ, số 51, năm 2008. Tuy là bài viết khảo sát cụ thể về yếu tố kỳ ảo trong sáng tác của riêng một tác giả (Nguyễn Tuân), song nó cũng có những gợi mở cần thiết cho đề tài. Mặc dù dòng văn xuôi kỳ ảo lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 chưa được quan tâm nhiều, nhưng yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi nghệ thuật sau 1975, đặc biệt là văn xuôi đương đại lại được quan tâm hơn trong những năm gần đây. Có thể kể đến luận văn thạc sĩ: Nghệ thuật kỳ ảo trong văn xuôi đương đại Việt Nam và luận án tiến sĩ: Yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi đương đại Việt Nam của Bùi Thanh Truyền. Hay đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ: Yếu tố huyền ảo trong văn xuôi nghệ thuật Việt Nam sau 1975 (đề tài nghiên cứu cấp Bộ) của Hoàng Thị Văn. Ngoài ra, trên các tạp chí chuyên ngành văn học cũng có rất nhiều những bài viết ở khía cạnh này: Yếu tố kỳ ảo trong truyện ngắn Việt Nam từ sau 1975 của Phùng Hữu Hải; Vai trò của yếu tố kỳ ảo trong truyện Việt Nam sau 1975 của Nguyễn Văn Kha; Vai trò của cái kỳ ảo trong truyện và tiểu thuyết Việt Nam của Đặng Anh Đào… Các bài viết trên đã đưa ra những nhận định, phân tích, lý giải hiệu quả nghệ thuật của yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi hiện đại Việt Nam sau 1975 ở những góc nhìn khác nhau. Như vậy, cho đến nay nghiên cứu về yếu tố kỷ ảo trong văn học đã được các nhà nghiên cứu bàn luận ở nhiều phạm vi, mức độ khác nhau. Nhìn chung, các bài viết nghiêng nhiều về nghiên cứu lý luận. Còn nghiên cứu về thực tiễn sáng tác thì chủ yếu gắn với văn học kỳ ảo sau 1975 hoặc là văn học kỳ ảo đương đại. Thực tế, cho thấy chưa có nhiều bài viết về yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi lãng mạn giai đoạn 1930 – 1945 hoặc có thì chỉ ở dạng phác họa, điểm qua nên còn nhiều khía cạnh quan trọng, thú vị chưa được nghiên cứu. Trên đây là một vài nhận xét của chúng tôi về các công trình nghiên cứu yếu tố kỳ ảo trong văn học Việt Nam. Vì những nguyên nhân khách quan và năng lực chủ quan, chúng tôi rất lấy làm tiếc chưa thể tiếp cận và thống kê thật đầy đủ các bài viết, công trình nghiên cứu về yếu tố kỳ ảo trong văn học đã được công bố. Trong phạm vi của một luận văn chúng tôi rất trân trọng những ý kiến, quan điểm, cách đánh giá, nhận xét của các nhà khoa học đã đề xuất. Những ý kiến quí báu đó sẽ giúp chúng tôi có những định hướng đúng đắn, vững chắc về mặt phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu, cũng như về mặt tư liệu tham khảo để có thể hoàn thành mục tiêu đề ra của luận văn. 3. Mục đích nghiên cứu Mục đích của luận văn là nghiên cứu Yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 nhằm qua thế giới nghệ thuật tìm ra những quan niệm mới của nhà văn về cuộc sống, con người và giá trị thẩm mĩ đặc sắc mà yếu tố kỳ ảo mang lại. Đồng thời, qua nghiên cứu luận văn sẽ phác thảo bức tranh chung về dòng văn học kỳ ảo giai đoạn này. 4. Phạm vi nghiên cứu và những đóng góp của luận văn Luận văn khảo sát và tìm hiểu yếu tố kỳ ảo trong một số tác phẩm văn xuôi (đối tượng khảo sát là truyện ngắn và tiểu thuyết) giai đoạn 1930 – 1945 của những tác giả thuộc khuynh hướng lãng mạn như: Trên đỉnh non Tản, Khoa thi cuối cùng, Xác ngọc lam, Đới roi, Loạn âm, Rượu bệnh của Nguyễn Tuân; Làng, Am culy xe… của Thanh Tịnh; Vàng và máu, Trại Bồ Tùng Linh… của Thế Lữ; Thần ho, Ai hát giữa rừng khuya của Tchya – Đái Đức Tuấn, Rừng khuya của Lan Khai… Từ đó, luận văn miêu tả, lý giải sức hấp dẫn, ám ảnh của yếu tố kỳ ảo, tìm ra những nét độc đáo của yếu tố kỳ ảo trong quan niệm thẩm mĩ cũng như phương thức thể hiện nội dung của những tác phẩm văn học này. 5. Phương pháp nghiên cứu Để phục vụ cho mục đích nghiên cứu, luận văn chúng tôi không loại trừ phương pháp luận nghiên cứu văn học nào, song với đối tượng nghiên cứu của mình, chúng tôi sử dụng một số phương pháp nghiên cứu sau: 5.1. Phương pháp lịch sử – xã hội Tác phẩm văn học là sản phẩm của một hoàn cảnh xã hội cụ thể trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc. Mối quan hệ giữa văn học và thế giới thực tại khách quan là điều đã được chứng minh và thừa nhận. Sự hình thành, tồn tại và phát triển của yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 ít nhiều chịu sự chi phối văn học truyền thống và hoàn cảnh thời đại mà người cầm bút đang sống. Vì vậy, nghiên cứu yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 chúng tôi không thể không nghiên cứu lịch sử hình thành của nó trong quá khứ, sự tác động của hoàn cảnh lịch sử trong thời đại nó ra đời. Phương pháp lịch sử – xã hội với cái nhìn lịch đại sẽ giúp chúng ta thấy rõ hơn sự chi phối đó. 5.2. Phương pháp sưu tầm thống kê và phân loại. Chúng tôi sử dụng phương pháp sưu tầm, thống kê để thu thập thống kê các tác phẩm kỳ ảo của dòng văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 từ các tuyển tập Văn học. Sau khi sưu tầm, chúng tôi làm công tác thống kê các tác phẩm kỳ ảo và sắp xếp, phân loại chúng theo từng nhóm đề tài (tùy thuộc vào sự xuất hiện của yếu tố kỳ ảo trong tác phẩm) để tiến hành nghiên cứu theo mục tiêu và nhiệm vụ mà luận văn đã đề ra. 5.3. Phương pháp hệ thống loại hình. Vận dụng phương pháp này, mục đích của chúng tôi là đặt các tác phẩm có sử dụng yếu tố kỳ ảo thuộc dòng văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 vào trong hệ thống văn học kỳ ảo Việt Nam từ trước đến nay. Đồng thời, có thể mở rộng hệ thống để liên hệ với những nền văn học trên thế giới ít nhiều có ảnh hưởng đến văn học Việt Nam: Trung Quốc, Pháp, Mỹ… Phương pháp hệ thống loại hình sẽ giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về đặc trưng của thể loại truyện ngắn kỳ ảo và những nét chính về phong cách trần thuật. Đồng thời, còn giúp thấy rõ những nét độc đáo của đời sống tâm linh người Việt có trong những tác phẩm mà chúng tôi nghiên cứu. 5.4. Phương pháp miêu tả so sánh Vận dụng phương pháp này để chỉ ra những đóng góp của yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945trên các phương diện nội dung và nghệ thuật. Thấy được những khác biệt của văn học giai đoạn này so với văn học kỳ ảo truyền thống cũng như văn học hậu hiện đại. Phương pháp này còn giúp chúng tôi liên hệ với những hiện tượng tiêu biểu của dòng văn học kỳ ảo thế giới như: Allan Poe, Hoffmann, Maupassant, Bồ Tùng Linh… thấy được những điểm tương đồng cũng như dị biệt giữa các tác phẩm kỳ ảo của văn xuôi lãng mạn Việt Nam với các truyện ngắn kỳ ảo của các tác giả kể trên. 5.5. Phương pháp phân tích, tổng hợp Phương pháp phân tích, tổng hợp cũng được chúng tôi sử dụng thường xuyên trong quá trình tiếp cận, nghiên cứu các văn bản kỳ ảo của dòng văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945. Trong các phương pháp nghiên cứu trên, chúng tôi ý thức được rằng, không nên tuyệt đối hóa phương pháp nào. Mỗi phương pháp có những mặt mạnh riêng. Trong quá trình nghiên cứu đòi hỏi người viết phải có sự phối kết hợp nhuần nhuyễn giữa các phương pháp và các thủ pháp khác để đạt hiệu quả cao nhất. 6. Cấu trúc của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, luận văn được tổ chức thành ba chương: Chương 1: Yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 từ góc nhìn lịch sử. Chương 2: Yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 từ góc nhìn thể tài. Chương 3: Yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 từ góc nhìn thẩm mĩ. Chương 2 YẾU TỐ KỲ ẢO TRONG VĂN XUÔI LÃNG MẠN VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1930 – 1945 TỪ GÓC NHÌN THỂ TÀI 2.1. Điểm qua một số tác giả và tác phẩm có sử dụng yếu tố kỳ ảo và một vài nhận xét về đặc trưng thể loại truyện kỳ ảo 2.1.1. Một số tác giả và tác phẩm có sử dụng yếu tố kỳ ảo Dòng văn xuôi lãng mạn giai đoạn 1930 – 1945 có bao nhiêu tác giả, tác phẩm sử dụng yếu tố kỳ ảo? Câu trả lời hầu như vẫn còn bỏ ngõ. Bởi, cho đến nay vẫn chưa có nhà nghiên cứu nào cất công biên soạn tuyển tập về văn xuôi lãng mạn kỳ ảo giai đoạn 1930 -1945. Vì thế, để có cái nhìn tổng quan về văn học kỳ ảo giai đoạn này, thiết nghĩ việc điểm qua một số tác giả, tác phẩm có sử yếu tố kỳ ảo là cần thiết. Qua khảo sát các tuyển tập: Truyện truyền kỳ Việt Nam (3 tập) của Nguyễn Huệ Chi, Truyện không nên đọc vào lúc giao thừa của Lưu Minh Sơn tuyển chọn, Đêm bướm ma của Ngô Tự Lập và Lưu Minh Sơn tuyển chọn và giới thiệu, Tinh tuyển văn học Việt Nam, Văn xuôi lãng mạn Việt Nam (8 tập), Tổng tập văn học Việt Nam (cuốn 29B, 30A, 30B, 30C, 31)… chúng tôi nhận thấy có khoảng 12 tác giả và gần 50 tác phẩm văn xuôi viết theo dạng kỳ ảo (Trong bài viết này, rất tiếc chúng tôi không thể tìm được văn bản các truyện đường rừng của Lan Khai gồm: Đôi vịt con, Ma thuồng luồng, Con bò dưới thủy tề, Người lạ, Người hóa hổ, Con thuồng luồng nhà họ Ma… để khảo sát. Đây là những truyện ngắn có giá trị của Lan Khai và cũng rất tiêu biểu cho dòng văn xuôi kỳ ảo lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945). Tuy chưa phải là con số thống kê hoàn toàn chính xác, nhưng chừng ấy cũng đủ nói lên rằng: Yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 -1945 đã tạo nên một dòng riêng, một xu thế văn xuôi mới trong lịch sử văn học dân tộc. Sự xuất hiện của dòng văn học này đã góp phần tạo nên sự đa hương sắc cho bộ mặt của văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945. Sau đây chúng tôi giới thiệu một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu và đây cũng chính là đối tượng để luận văn phân loại và mô tả. (Bảng thống kê tác giả và tác phẩm có sử dụng yếu tố kỳ ảo) STT Tác giả Tác phẩm Thể loại 1 Nguyễn Tuân Đới roi, Loạn âm, Trên đỉnh non Tản, Xác ngọc lam, Rượu bệnh, Lửa nến trong tranh, Khoa thi cuối cùng, Bữa rượu máu, Một truyện không nên đọc lúc giao thừa, Tâm sự nước độc. Truyện ngắn 2 Thanh Tịnh Am culy xe, Làng, Tình trong câu hát, Ngậm ngải tìm trầm Truyện ngắn 3 Thế Lữ Vàng và máu, Trại Bồ Tùng Linh. Một chuyện ghê gớm, Một đêm trăng, Tiếng hú ban đêm, Ma xuống thang gác. Hai lần chết. Tiểu thuyết Truyện ngắn 4 Tchya – Đái Đức Tuấn Thần hổ, Ai hát giữa rừng khuya. Oan nghiệt. Tiểu thuyết Truyện ngắn 5 Lan Khai Rừng khuya. Tiểu thuyết 6 Hoàng Trọng Miên Người đàn bà trong trắng, Người bạn kì dị, Đàn bồ câu trắng, Người đẹp Truyện ngắn phương Đông, Trăng xanh huyền hoặc. 7 Nhất Linh Bóng người trong sương mù, Lan rừng, Câu chuyện mơ trong giấc mộng. Truyện ngắn 8 Bùi Hiển Chiều sương, Một trận bão cuối năm, Ma đậu. Truyện ngắn 9 Đỗ Huy Nhiệm Ông rắn, Một chuyện lạ, Ngủ với ma, Cây đa ba chạc, Tết trên Mường. Truyện ngắn 10 Phạm Cao Củng Người con gái tỉnh Bắc. Truyện ngắn 11 Cung Khanh Hoàng Kim ốc, Quyến rũ, Trên bồng lai, Mặt trời, Đi tiêu dao, Người con gái thần rắn. Truyện ngắn 12 Trần Tiêu Ma. Truyện ngắn Để định hướng cho việc tiếp nhận cũng như tạo sự thuận tiện cho công việc nghiên cứu, chúng tôi xin được nhắc rõ: đối tượng nghiên cứu của luận văn là những tác phẩm có sử dụng yếu tố kỳ ảo. Nghĩa là tác phẩm đó phải có sự tham gia của các yếu tố kỳ ảo: hồn ma, quỷ dữ, cảnh tượng kỳ dị, sự hóa thân… vào cốt truyện. Yếu tố này có thể xuất hiện thường xuyên hoặc không thường xuyên nhưng nó có khả năng chi phối đến cốt truyện, kết cấu và chủ đề của tác phẩm. Tùy vào khả năng sáng tạo của tác giả và tầm đón nhận của bạn đọc, yếu tố kỳ ảo có thể gây ra những hiệu ứng tâm lý như sự tò mò, nỗi sợ hãi, sự hoang mang, sự hoài nghi, niềm xác tín hay một cảm xúc thẩm mĩ nào đó nơi người đọc… Đó chính là tiêu chí làm cơ sở để chúng tôi xác định những tác phẩm đã nêu (trong bảng thống kê ở trên) là những tác phẩm có sử dụng yếu tố kỳ ảo. Theo đó mục 2.2 sẽ giải thích rõ hơn việc xác định đối tượng nghiên cứu của chúng tôi. 2.1.2. Một vài nhận xét về đặc trưng thể loại truyện kỳ ảo Qua bảng thống kê ở mục 2.1.1, chúng tôi nhận thấy: Yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 hầu hết chỉ xuất hiện trong thể loại truyện ngắn. Truyện dài, tiểu thuyết chứa đựng yếu tố kỳ ảo chỉ đến trên đầu ngón tay. Vậy tại sao yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 thường chọn hình thức thể loại truyện ngắn để tồn tại? Giải đáp vấn đề này phải dựa vào các góc nhìn sau: Từ góc nhìn lịch sử văn học: Lịch sử thể loại truyện ngắn thế giới có điểm tựa từ rất xa xưa dưới các hình thức truyện cổ dân gian. Truyện ngắn Việt Nam cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Hơn nữa, nó lại có sự chuẩn bị kĩ lưỡng trong văn học trung đại qua: Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, Thánh Tông di thảo, Truyền kì mạn lục… để hình thành nên truyện ngắn Việt Nam đầu thế kỉ XX. Những đặc điểm trên cho thấy, ngoài sử thi (chiếm tỉ lệ không lớn trong văn học nhân loại), thì truyện ngắn đóng vai trò chủ đạo trong việc dung chứa những yếu tố huyền ảo, kỳ dị và tâm linh. Từ góc nhìn lịch sử văn học, chúng ta có thể kết luận, ngay từ buổi khởi nguyên của văn học nhân loại, hình thức ngắn ngọn đã chiếm ưu thế trong việc chuyển tải những vấn đề thuộc về thế giới kỳ ảo, linh dị, ma quái cũng như quan niệm tâm linh của con người. Từ góc nhìn nhu cầu sáng tạo: Nguồn gốc truyện ngắn là một vấn đề thú vị gây nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu văn học nhưng không phải là không chứng minh được. Như trên đã trình bày, truyện ngắn đã tồn tại dưới hình thức truyền miệng truyền thống và thực sự trở thành một thể loại văn học hiện đại vào thế kỉ XIX. Kể từ đó, trong đời sống văn học loại hình truyện ngắn đóng một vai trò chủ chốt và nó tỏ ra gần gũi và tự nhiên với chúng ta hơn những hình thức kể chuyện dài hơi khác. Truyện ngắn diễn ra trong một thời gian ngắn, cực ngắn và thường được kể một cách “chọn lọc”. Hình thức ngắn gọn khiến nó thiên về biểu hiện những ấn tượng, những lát cắt sâu đậm trong cuộc sống. Cách miêu tả về nhân vật, sự kiện, thời gian và không gian trong tác phẩm luôn có sự cô động và tiêu biểu. Đó là cả một quá trình biên tập bao hàm trong đó sự chọn lọc, nhấn nhá và hư cấu của người kể chuyện. Truyện ngắn thường mang lại cho người đọc những âm vang dài và rộng hơn khuôn khổ chật hẹp về mặt hình thức của nó. Loại hình truyện ngắn tỏ ra là mảnh đất màu mỡ để yếu tố kỳ ảo tồn tại và phát triển. Những hiện tượng siêu nhiên, huyền bí, tâm linh luôn là một phạm trù bí ẩn đối với tầm hiểu biết của con người. Trong văn học dù nhà văn có dùng nó để chuyển tải niềm tin thẩm mĩ hay coi đó là phương tiện nghệ thuật thì những hiện tượng ấy luôn tạo sự “lưỡng lự” trong tầm đón đợi của người tiếp nhận. Yếu tố kỳ ảo ở trong cuộc sống và trong văn học đều tạo ra ấn tượng cho con người. Nhà văn khi viết về những ấn tượng ấy, ít tìm đến thể loại tiểu thuyết hay truyện dài. Bởi hình thức dài lê thê của chúng buộc nhà văn phải bổ sung thêm sự kiện, nhân vật, tình tiết… Thời gian và không gian giãn nở ra, sự cô động, tính chặt chẽ trong truyện sẽ giảm đi. Vì thế, hiệu quả ấn tượng sẽ bị mờ dần. Từ góc nhìn nhu cầu tiếp nhận: Đọc giả luôn là một yếu tố quan trọng quyết định đến hình thức tồn tại của một thể loại văn học. Vào đầu thế kỉ XX, nhu cầu thưởng thức văn học trong bộ phận người dân thành thị là rất lớn. Thể loại truyện ngắn tỏ ra rất gần gũi với bạn đọc. Bởi hình thức ngắn gọn của nó giúp độc giả dễ dàng tiếp cận tác phẩm một cách liền mạch từ đầu đến cuối. Người đọc có điều kiện chú ý từng từ, từng đoạn và từng hành động trong truyện. Dung lượng của truyện ngắn cũng làm cho cốt truyện lộ ra rất nhanh, người đọc không mất nhiều thời gian để lập luận giải thích. Vì thế, hiệu ứng tâm lý do bản thân yếu tố kỳ ảo gây ra sẽ trực tiếp hơn. Khả năng gây xung đột về “cái bất khả giải” trong lòng độc giả mạnh mẽ hơn. Trong quá trình sáng tác Poe là người rất chú trọng đến tầm đón đợi của người tiếp nhận. Poe cho rằng: “Một tác phẩm quá dài sẽ hạn chế tính duy nhất của ấn tượng mà tác phẩm sản sinh ra. Hiệu quả duy nhất hay “hiệu quả của tính duy nhất” là nguyên tắc mà Poe đặt ra trong truyện ngắn. Bởi, nếu một tác phẩm bị đọc gián đoạn do quá dài, bị các công việc khác xen vào, “thì tất cả những cái mà chúng ta gọi là toàn bộ, cái tổng thể sẽ bị phá hủy lập tức” [24, tr.168]. Lý thuyết về truyện ngắn được Poe thể hiện khá rõ trong truyện ngắn kỳ ảo của ông. Truyện của Poe vắng bóng những lời giới thiệu hay sự giải thích dài dòng về tiểu sử và những sự kiện mà hầu như chỉ tập trung thể hiện về nỗi ám ảnh trong truyện. Đó là nỗi ám ảnh về những người phụ nữ đầy huyền bí. Hoặc là nổi ám ảnh về cái chết đang cận kề. Bên cạnh những khía cạnh đề cập trên, chúng tôi còn nhận thấy, sở dĩ yếu tố kỳ ảo xuất hiện nhiều trong truyện ngắn là do đặc trưng của đời sống hiện đại. Đời sống báo chí và truyền thông luôn hướng về sự ngắn gọn. Nhà biên tập ngại đăng tải những truyện dài trên các mặt báo. Đây cũng là nguyên nhân gián tiếp tác động đến sự hình thành và phát triển của thể loại truyện ngắn kỳ ảo. Nhìn vào thực tế sáng tác của văn xuôi lãng mạn Việt Nam, số lượng tác phẩm có sử dụng yếu tố kỳ ảo đều tập trung nhiều ở thể loại truyện ngắn. Các tác giả Thế Lữ, Nhất Linh, ._.Lan Khai, Nguyễn Tuân, Thanh Tịnh, Bùi Hiển… dù ý thức hay không ý thức về vấn đề thể loại đều nhất loạt chọn hình thức truyện ngắn để khai thác tối đa hiệu quả nghệ thuật của yếu tố kỳ ảo. Trong các tác phẩm: Bóng người trong sương mù, Lan rừng (Nhất Linh); Chiều sương, Một trận bão cuối năm (Bùi Hiển); Làng, Ma đậu (Thanh Tịnh); Cây đa ba chạc, Một chuyện lạ, Ngủ với ma, Ông rắn, Tết trên Mường (Đỗ Huy Nhiệm)… ấn tượng về yếu tố kỳ ảo đạt hiệu quả khá cao. Khả năng khắc sâu và gây sự bất ngờ trong tâm trí của độc giả là rất mạnh. Nói như thế không có nghĩa là những truyện dài và tiểu thuyết có chứa yếu tố kỳ ảo kém hiệu quả biểu hiện nghệ thuật. Nhìn vào thực tiễn sáng tác văn học thế giới, những cuốn tiểu thuyết: Bá tước Dracula (Bram Stoker ) Trăm năm cô đơn (Maquez), Miếng da lừa (Balzac)… đã để lại những ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả về chủ nghĩa huyền ảo. Trong văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 sự xuất hiện của các tác phẩm: Ai hát giữa rừng khuya, Thần hổ (Đái Đức Tuấn), Vàng và máu, Trại Bồ Tùng Linh (Thế Lữ) cũng đã đóng góp những thành công đáng kể cho dòng truyện kỳ ảo. Có được điều này là nhờ vào khả năng kể chuyện biến hóa tài tình của nhà văn. Lời kể có sự sáng tạo và luôn hấp dẫn người đọc. Nội tâm nhân vật được khắc sâu. Sự kiện trong truyện và các lập luận của nhân vật luôn được sắp xếp một cách logic và hợp lý… Tất cả đã tạo nên sức hấp dẫn mãnh liệt khi người đọc tiếp xúc với tác phẩm. Tóm lại, việc chúng tôi nêu ra một vài nhận xét về vấn đề thể loại là nhằm giải thích cho hiện tượng mang tính phổ biến trong đời sống văn học giai đoạn 1930 – 1945 chứ không phải khoanh vùng thể loại để khảo sát. Nếu làm như thế, vô hình trung chúng ta chối bỏ những đóng góp quan trọng của các tác phẩm kỳ ảo được viết theo hình thức truyện dài và tiểu thuyết. Trong hành trình mười lăm năm phát triển, bên cạnh những truyện ngắn kỳ ảo đã đạt đến những thành tựu nghệ thuật đỉnh cao: Tâm sự nước độc (Nguyễn Tuân), Tình trong câu hát (Thanh Tịnh)… Truyện dài và tiểu thuyết kỳ ảo: Ai hát giữa rừng khuya, Thần hổ (Đái Đức Tuấn), Vàng và máu, Trại Bồ Tùng Linh (Thế Lữ) cùng hòa vào thành tựu của truyện ngắn kỳ ảo tạo nên một diện mạo khá phong phú về thể loại cho dòng văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945. Tuy nhiên, nếu đặt dòng văn xuôi kỳ ảo lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 vào hệ thống văn xuôi kỳ ảo thế giới, chúng tôi nhận thấy có sự khác biệt lớn. Chỉ xét riêng về kỹ thuật viết truyện, dù xuất hiện trước gần một thế kỉ nhưng các sáng tác kỳ ảo của Edgar Allan Poe đã đạt đến kỹ thuật của truyện ngắn hiện đại. Truyện của ông đã đi sâu vào khắc họa thế giới nội tâm của nhân vật với những nỗi ám ảnh triền miên. Cái kỳ ảo cũng được ông đưa vào cuối truyện để tạo ra sự bất ngờ về mặt thẩm mĩ. Truyện ngắn kỳ ảo thuộc đòng văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 ra đời sau, nhưng những tác phẩm đạt đến thành tựu cao là rất ít. Kỹ thuật viết truyện ngắn còn ảnh hưởng lớn từ văn học quá khứ. Cách xây dựng nhân vật cũng chưa thực sự khắc họa nội tâm của nhân vật. Các tác phẩm vì thế phần lớn nghiêng về tái hiện hơn là thể hiện. Do vật, sức hấp dẫn của nó cũng không thể so sánh được với các sáng tác của Edgar Allan Poe hay Hoffman. 2.2. Phân loại yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi lãng mạn Việt Nam 1930 - 1945 Yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 được biểu hiện ở những dạng thức nào? Nó gồm bao nhiêu chủng loại truyện kỳ ảo? Đó là câu hỏi rất cần được trả lời. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp xúc với các công trình nghiên cứu có liên quan mật thiết với đề tài của luận văn, chúng tôi nhận thấy chưa có bài viết nào đề cập đến vấn đề này. Đó chính là khó khăn lớn cho chúng tôi trong việc tiếp cận các tác phẩm có sử dụng yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945. Trong luận văn này, để thuận tiện cho công việc nghiên cứu, qua khảo sát các tác phẩm, chúng tôi tạm phân thành ba loại truyện kỳ ảo như sau: Kỳ ảo ma quỷ, kỳ ảo thần linh, kỳ ảo kỳ bí. Sự phân loại này chủ yếu dựa vào những yếu tố siêu nhiên, siêu thực mà các tác giả lựa chọn để tạo nên chất kỳ ảo, huyền hoặc. Cách phân loại này có thể chưa nhận được sự đồng thuận của nhiều người nhưng hy vọng nó sẽ đem đến cho chúng ta một cái nhìn cụ thể hơn về yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945. 2.2.1. Kỳ ảo ma quỷ Nghiên cứu yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi lãng mạn giai đoạn 1930 – 1945, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều tác phẩm đề cập đến sự xuất hiện của ma quái, quỷ dữ. Các sáng tác của Nguyễn Tuân, Lan Khai, Đái Đức Tuấn, Thanh Tịnh, Bùi Hiển, Đỗ Huy Nhiệm… luôn đưa người đọc vào thế giới của những loài ma. Nhân vật ma, chi tiết liên quan đến ma có ý nghĩa rất lớn trong việc chuyển tải quan niệm nghệ thuật của các nhà văn. Một mặt, nó biểu hiện văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người Việt là luôn tin vào sự hien hữu của thế giới cõi âm. Mặt khác, nó còn gởi đến người đọc những cảm xúc thẩm mĩ, những trăn trở về cuộc sống của con người trong thời đại mới. Thế giới ma quỷ xâm nhập vào trong các tác phẩm kỳ ảo giai đoạn 1930 – 1945 không phải là những hiện tượng đơn lẻ mà nó tạo thành một chủng loại “Kỳ ảo ma quỷ”. Sỡ dĩ chúng tôi mạnh dạn khẳng định như vậy, bởi thực tiễn nghiên cứu đã chứng minh điều đó. Hàng loạt các câu chuyện ma quái xuất hiện trong các trang viết của những cây bút “chuyên trị”. Đỗ Huy Nhiệm với các truyện ma trong Truyền kiếp: ma cây đa, ma rắn, ma Mường, ma nhà xác… Tchya Đái Đức Tuấn đưa người đọc đến với thế giới ma rùng rợn: ma hổ, ma rắn, ma xó, ma trành, ma cụt đầu (Ai hát giữa rừng khuya, Thần hổ…), Bùi Hiển với ma thuyền chài (Chiều sương, Một trận bão cuối năm), Thanh Tịnh với ma culy (Am culy xe), Thế Lữ với ma khách, ma giữ của (Vàng và máu, Một đêm trăng, Một chuyện ghê gớm, Tiếng hú ban đêm)… Tính chất ly kỳ, rùng rợn của yếu tố kỳ ảo ma quỷ đã được các nhà văn khai thác một cách tối đa. Đọc các tác phẩm kể trên, người đọc dù thần kinh có vững chãi đến mấy cũng không khỏi có cảm giác lạnh buốt ở sống lưng. Dòng truyện ma quái, quỷ dữ luôn gây ấn tượng mạnh trong lòng đọc giả. Đa số những tác phẩm viết về ma quỷ đều có cốt truyện được lưu truyền trong dân gian. Những câu chuyện ma ly kỳ, quái đản từ miền ngược đến miền xuôi và ở trong người dân tộc thiểu số đã được các tác giả khai thác một cách triệt để. Mặc dù loại truyện kỳ ảo ma quỷ được xây dựng trên cơ sở những câu chuyện nhân gian nhưng nội dung nghệ thuật của nó thì khác hẳn. Các câu chuyện ma thuần túy thường nói về sự tồn tại của ma và nỗi sợ hãi của con người về ma. Ngược lại, mục đích tối cao của loại truyện kỳ ảo ma quỷ là đem đến cho bạn đọc một cảm xúc nghệ thuật nào đó và nỗi sợ chỉ còn là phương tiện, được sử dụng như một không gian thậm chí là một cái cớ để đạt đến mục đích đó. Quan niệm về ma ở mỗi thời đại, mỗi dân tộc cũng có sự khác nhau. Ma trong quan niệm của văn học phương Tây bao giờ cũng gắn liền với cái xấu và cái ác. Trong quan niệm của người phương Đông cổ xưa, ma là một thực thể tinh thần. Người ta gọi linh hồn của người chết là hồn ma. Ma cũng có sức mạnh siêu nhiên như thần thánh có thể tác oai tác quái, ban phúc hay tiên tri số mệnh, vận hạn cho người sống. Đặc biệt, chúng có khả năng biến lẫn vào thân thể người khác hay cứ trú vào bất cứ thực thể nào (hoa lá, cỏ cây, vạn vật…), gây ra bệnh tật, chết chóc, gọi là ma nhập, ma ám hay ma cư trú. Đối với họ ma quỷ là nỗi khiếp sợ. Ngược lại, ma trong văn học giai đoạn 1930 – 1945 rất gần gũi thân thiện đối với con người. Ngoài một số oan hồn ma gắn với nghiệp độ nhật của mình lúc sống trên thế gian: Ma culy xe (Am culy xe), ma thuyền chài (Một trận bão cuối năm, Chiều sương), ma tài tử (Đới roi, Tâm sự nước độc)… Phần lớn trong quan niệm của các nhà văn hiện đại ma là hiện thân của người phụ nữ. Vì thế, hồn ma hiện ra trong các tác phẩm thường là các ma nữ: người con gái Mường (Tết trên mường), Pengslao, Oanh Cơ (Thần hổ, Ai hát giữa rừng khuya), Sao (Lan rừng), Hoàng Lan Hương (Trại Bồ Tùng Linh), Ngọc Bách (Người con gái tỉnh Bắc )… và hầu hết đều rất đẹp. Nhân vật ma còn là biểu tượng cho sự minh triết và tình yêu, cho hạnh phúc và bất hạnh. Tình yêu đưa con người đến tột đỉnh của hạnh phúc nhưng cũng chính tình yêu làm cho con người ta ê chề đau khổ. Tình yêu ngàn đời vẫn là điều bí ẩn. Có lẽ những người đàn bà ma đã ra đời như thế. Tóm lại, nghiên cứu yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi lãng mạn giai đoạn 1930 – 1945 chúng ta cần phải thừa nhận những tác phẩm kỳ ảo ảo ma quỷ là một nhánh, một chủng loại truyện. Có như thế mới thấy hết những đóng góp của loại truyện này trong nỗ lực tìm tòi và sáng tạo của các nhà văn lãng mạn. 2.2.2. Kỳ ảo thần linh Bên cạnh việc sử dụng yếu tố kỳ ảo ma quỷ, các nhà văn giai đoạn này còn đưa vào trong tác phẩm của mình những nhân vật, chi tiết mang tính thần linh. Tuy nhiên, quan niệm, niềm tin về thế giới thần linh của con người hiện đại không còn chất phác như xưa. Trong văn học truyền thống, thần linh là nhân vật trung tâm của tác phẩm. Thần linh thuộc về thế giới khác, thế giới siêu trần với quyền năng tối cao và quyền uy tối thượng. Thần là chỗ dựa tinh thần vững chắc, là niềm tin, sự ngưỡng vọng của con người và cộng đồng. Thượng đế, Diêm Vương, Long Quân, Tiên, Phật… xuất hiện trong các tác phẩm: Việt điện u linh (Lý Tế Xuyên), Lĩnh Nam chích quái (Vũ Quỳnh, Kiều Phú), Thánh Tông di thảo (Lê Thánh Tông), Truyền kì mạn lục (Nguyễn Dữ)… với quyền năng, phép thuật vô hạn để đem lại hạnh phúc và cứu rỗi con người thoát khỏi hoạn nạn. Trong văn học giai đoạn 1930 – 1945, thần linh không còn là nhân vật trung tâm mà thay vào đó là con người. Thần linh được hình thành theo tư tưởng và đạo diễn của tác giả. Sự xuất hiện của Sơn thần Tản Viên trên núi Ba Vì (Trên đỉnh non Tản), thần hổ (Thần hổ, Ai hát giữa rừng khuya), thần rắn (Ông rắn)… chính là thủ pháp độc đáo để chuyển tải quan niệm của nhà văn về cuộc đời và con người. Vì thế, trong văn học hiện đại yếu tố thần linh là phương tiện nghệ thuật giúp nhà văn “thấu” tất cả những bề bộn, trăn trở của cuộc sống thực tại. Từ đó gởi gắm vào cuộc đời những ước mơ, những hy vọng dù bé nhỏ, mong manh. Bóng dáng của thần linh trong các tác phẩm văn học hiện đại phảng phất dư vị của truyền thuyết dân gian. Câu chuyện về Quan Ôn có trong Loạn âm và sự bất tử của Thần Tản Viên (Trên đỉnh non Tản) đều tồn tại trong quan niệm nhân gian và phảng phất dư âm của truyện Dạ xoa bộ soái lục và Tản Viên từ soái sự luc trong Truyền kì mạn lục. Chuyện thần giữ của trong tác phẩm Một truyện không nên đọc lúc giao thừa, truyền thuyết chuột tha lá phủ mặt trong tác phẩm Thần hổ, hay thần hổ trong Ai hát giữa rừng khuya rất gần với những câu chuyện dân gian vẫn tồn tại ở vùng đồng bằng Bắc bộ, một số dân tộc ít người ở vùng núi Đông – Bắc và trong quan niệm của người Mường. Chính sự gần gũi đó đã khơi gợi trong tâm thức người đọc những ý niệm của cha ông ta về đời sống tâm linh. Và cái dưỡng chất truyền thống ấy được gia vị bằng chút cảm quan nghệ thuật hiện đại. Vì thế, người đọc luôn có cảm giác vừa quen, vừa lạ. Quen vì nó gần với đời sống tâm linh bản địa. Lạ, vì nó in đậm dấu ấn sáng tạo của nhà văn hiện đại. So với kỳ ảo ma quỷ, kỳ ảo thần linh chiếm một tỉ lệ khiêm tốn hơn. Nhưng với thành công của các tác phẩm: Thần hổ, Loạn âm, Trên đỉnh non Tản, Một truyện không nên đọc lúc giao thừa (Nguyễn Tuân), Ông rắn (Đỗ Huy Nhiệm), Mặt trời, Người con gái thần rắn (Cung Khanh) … cũng đủ để chúng ta thừa nhận đây là một dòng truyện kỳ ảo có giá trị nghệ thuật cao. Các tác giả văn học giai đoạn này sử dụng yếu tố kỳ ảo thần linh như là một thủ pháp sáng tạo trong văn chương. Cùng với kỳ ảo ma quỷ, kỳ ảo thần linh góp phần minh hiển những ước nguyện của con người trong cuộc sống. Chính vì vậy, yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi lãng mạn giai đoạn 1930 – 1945 vừa thấp thoáng bóng dáng của văn học truyền thống nhưng lại vừa thoát ra khỏi những truyền thống đó. Nó đã được xã hội hiện đại khoác lên mình một tấm áo tươi mới hơn, làm cho con người vừa được thỏa mãn niềm tin, tín ngưỡng tâm linh lại vừa phải suy ngẫm về cuộc sống. 2.2.3. Kỳ ảo kỳ bí Thế giới chúng ta đang sống quả là vô cùng rộng lớn. Nó càng rộng lớn hơn bởi đang ẩn chứa quá nhiều điều bí ẩn mà trí tuệ loài người, dù có tiến bộ đến đâu, vẫn chưa dễ cắt nghĩa. Trong thực tế, vẫn có những vấn đề không thể giải đáp thuần túy về mặt khoa học hay văn hóa tâm linh, hay về tín ngưỡng, tôn giáo... Thực tế quá kỳ bí. Và cũng bởi có loại vấn đề mà người đời càng cố công tìm lời giải đáp thì sự tình lại có vẻ trở nên huyền bí hơn. Ý thức được giá trị nghệ thuật của yếu tố kỳ ảo kỳ bí, các nhà văn lãng mạn giai đoạn 1930 –1945 đã sử dụng nó như một phương tiện để gây những “cú sốc”, “cú hích” tâm lý trong lòng độc giả. Giống như truyện kỳ ảo ma quỷ và kỳ ảo thần linh, truyện kỳ ảo kỳ bí cũng sử dụng các thế lực siêu nhiên để tạo nên tính ly kì rùng rợn của tác phẩm. Bản chất của cái siêu nhiên trong truyện kỳ ảo ma quỷ và kỳ ảo thần linh chính là sự hiện hữu của những ma, quỷ, oan hồn, thần linh… Sự hiện hữu đó được người đọc chấp nhận như một thế lực quyền năng tối thượng và không phải mất công tìm hiểu lý giải. Còn cái siêu nhiên trong loại truyện kỳ ảo kỳ bí là cái siêu nhiên không thể nhận diện được về bản chất. Nó là cái “bất khả tri” và “bất khả giải”. Cái siêu nhiên “bất khả tri” (không thể nhận biết) ấy trở thành những ảo ảnh mang hình hài ma quái, quỷ dữ đeo đuổi ám ảnh con người một cách khủng khiếp. Vì thế, nó luôn đặt con người trong tình trạng phải hoài nghi với chính mình: đó là nỗi sợ hãi trong phút chốc không làm chủ được lý trí. Hay là nỗi khiếp sợ trong vô thức? Hay cũng có thể là những ẩn ức dồn nén từ bấy lâu bột phát?... Chính sự lưỡng lự, không chắc chắn giữa các cách giải thích đã đưa người đọc vào những mê lộ, những bát quái trận đồ kỳ ảo. Tạo nên những mê lộ, bát quái trận đồ như thế không phải là để bóp nghẹt trái tim người đọc bằng nỗi khiếp sợ. Ngược lại, các tác giả muốn đem chút ánh sáng khoa học để giải mê người đọc ra khỏi những nỗi ám ảnh đó. Hơn thế, những mê lộ kỳ ảo còn là hình thức đắc dụng để nhà văn chuyên chở những ước mơ, những trăn trở, những lo âu về con người về cuộc đời. Vì thế, nó đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Đặt các tác phẩm văn học kỳ ảo kỳ bí Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 vào trong quan hệ đối sánh với văn học kỳ ảo thế giới, chúng tôi nhận thấy loại truyện này rất gần gũi với truyện kinh dị của văn học phương Tây ở thế kỉ XIX. Hơi hướng truyện trinh thám của Hoffman, Poe luôn phảng phất trong sáng tác của các nhà văn Thế Lữ, Đỗ Huy Nhiệm, Nguyễn Tuân… Điều này cũng dễ hiểu, bởi trong quá trình tiếp xúc với văn học phương Tây, các nhà văn Việt Nam của thế kỉ XX đã tìm thấy một thủ pháp nghệ thuật mới rất phù hợp với cảm quan nghệ thuật hiện đại của mình. Và, họ đã tiếp thu chúng để làm đa dạng thêm và mới mẻ hơn sắc điệu của dòng văn xuôi kỳ ảo. Vậy nên, chúng ta có thể gọi: các tác phẩm văn xuôi kỳ ảo kỳ bí của văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 là sản phẩm của xã hội hiện đại, là tư duy sáng tạo nghệ thuật của những đầu óc duy vật biện chứng. Và, cũng chính dòng văn xuôi này đã tạo năng lượng để văn học kỳ ảo Việt Nam bứt ra khỏi văn học kỳ ảo truyền thống hòa vào guồng chạy của văn học kỳ ảo thế giới. Tiếp cận văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 chúng tôi nhận thấy có rất nhiều trang viết đậm chất kỳ ảo kỳ bí. Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu: Vàng và máu, Trại Bồ Tùng Linh, Ma xuống thang gác, Một đêm trăng (Thế Lữ), Lửa nến trong tranh (Nguyễn Tuân), Bóng người trong sương mù (Nhất Linh)… Đó là những tác giả và tác phẩm có đóng góp và thành công nhất định về nghệ thuật. Xét về công lao của người tiên phong mở đường phải ghi nhận sự đóng góp của Thế Lữ. Chính cây bút chủ lực của phong trào thơ mới đã có những trang viết kỳ ảo kỳ bí mang đậm màu sắc của Á Đông và Thái Tây. Đọc tác phẩm Trại Bồ Tùng Linh, người đọc sẽ thấy được sự kết hợp nhuần nhuyễn bản sắc văn hóa dân tộc – văn học vùng, với văn học hiện đại thế giới. Các nhân vật, sự kiện, tình tiết… đời thường trong sáng tác của Thế Lữ luôn được xây dựng trên cái nền kỳ ảo, liêu trai, ma quái của phương Đông pha chút kinh dị phương Tây. Vì thế, câu chuyện của ông bao giờ cũng có sự trộn lẫn giữa thực hư, giữa mộng mị và đời thường. Nhân vật trong tác phẩm theo đó cũng trở nên kỳ bí, khó đoán định. Ví dụ, nhân vật Hoàng Lan Hương (Trại Bồ Tùng Linh) là người hay ma, là ảo hay thực? Dấu hỏi mập mờ về thân thế nhân vật cũng là dấu hỏi cho chính số phận rủi may về tình yêu của đôi bạn trẻ. Đó chính là tài năng đạo diễn độc đáo của nhà văn. Ông buộc người đọc phải đứng trước hai lựa chọn: hoặc là lý giải rằng đó chẳng qua là những ảo ảnh, là sự trùng hợp ngẫu nhiên, hoặc là có những qui luật khác, tồn tại ngoài sự hiểu biết của chúng ta. Tất nhiên, mỗi người đọc có một cách giải thích khác nhau tùy theo trình độ và quan niệm sống của họ. Còn đối với tác giả, câu trả lời bao giờ cũng là dấu chấm lửng. Chính dấu chấm lửng đó đã đem đến một kết thúc mở cho tác phẩm. Buộc người đọc phải suy ngẫm, phải trăn trở nhiều hơn về con người, về tình yêu và cuộc sống chứ không phải là những thắc mắc vụn vặt mang tính đời thường. Xét về cách tổ chức cốt truyện, các tác phẩm kỳ ảo kỳ bí của Việt Nam tuy mang hơi hướng tư duy “trinh thám” của Edgar Allan Poe nhưng nội dung lại rất gần gũi với truyền thống tâm linh người Á Đông. Lối viết truyện này không chỉ nhằm vào ý thích của người đọc khi đem lại cảm giác sợ hãi nhờ tưởng tượng mà còn gây ngạc nhiên, bất ngờ khi kết thúc theo hướng khoa học viễn tưởng. Đó cũng chính là cách để nhà văn đối lập với cuộc sống duy lý thường ngày cũng như đa dạng hóa hiện thực. Tóm lại, chính sự xuất hiện của các tác phẩm kỳ ảo, linh dị đã đem đến cho văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 một sự tươi mới hơn. Nó là cầu nối, là những gợi hứng cho dòng văn học kỳ ảo đương đại. Tiếc rằng, trong một hoàn cảnh xã hội nhất định những trang viết kỳ ảo kiểu Thế Lữ, Nguyễn Tuân, Cung Khanh, Đỗ Huy Nhiệm không nhiều. Nhưng dù sao văn học kỳ ảo lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 cũng đã kết thúc thành công vai trò mở đường. Bởi thế, bóng dáng của nó vẫn còn in dấu trong các tác phẩm của một số nhà văn đương đại: Những ngọn gió Hua tát của Nguyễn Huy Thiệp; Bóng đè của Hoàng Diệu; Cô gái đầm sen của Nguyễn Văn Hách, Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh; Cõi người rung chuông tận thế, Đức Phật, nàng Savitri và tôi của Hồ Anh Thái… Nơi các nhà văn trẻ này, yếu tố kỳ ảo, ly kỳ lại có dịp tái xuất và phát triển mạnh mẽ hơn. Với lối viết đầy ngẫu hứng sáng tạo, đan xen tài tình giữa hư và thực, sử dụng các môtíp điềm triệu, báo oán, lời nguyền, hồn ma… để xâm nhập, khám phá những vấn đề nhạy cảm của văn học. Những nhà văn trẻ này đã tiếp bước lớp nhà văn đi trước thổi một luồng gió mới vào đời sống văn học đương đại. 2.3. Chức năng của yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 2.3.1. Yếu tố kỳ ảo – sự hữu hình hóa cái ác và giấc mơ về những giá trị Chân – Thiện – Mĩ Văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 tồn tại và phát triển trong một xã hội có sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Đông - Tây. Trong cuộc biến thiên văn hóa ấy, dòng chảy của cuộc sống hiện đại đã cuốn trôi đi những giá trị đạo đức truyền thống muôn đời của dân tộc. Con người đôi khi chỉ vì cái lợi trước mắt mà đã vứt bỏ lương tri để chạy theo cám dỗ của vật chất. Sáng tạo và thưởng thức cái đẹp chỉ còn là những mĩ từ xa xỉ. Trước những đổi thay của con người và xã hội, văn học giai đoạn này đã sử dụng yếu tố kỳ ảo như một phép màu để cảnh tỉnh lương tri và hướng con người đến cuộc sống tốt đẹp hơn. Hai lần chết (Thế Lữ), là câu chuyện về hai lần chết của nhân vật Tâm. Ở lần chết hụt thứ nhất, Tâm đã nhận rõ tâm địa xấu xa của người bạn chí cốt (Mão). Người bạn mà Tâm đã đặt trọn niềm tin, tình cảm, người mà Tâm đã từng xem như anh em ruột thịt lại chính là kẻ sát nhân mất tính người. Mão muốn Tâm phải chết để tờ di chúc kia sớm được trở thành hiện thực. Vì thế, lợi dụng lúc Tâm đang ngất đi vì căn bệnh thần kinh hành hạ, Mão đã ra tay tống tiễn bạn vào quan tài. Và một cái đám ma cho Tâm là sự hợp pháp hóa toàn bộ gia sản của Tâm thuộc về Mão. Để gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh con người về sự băng hoại, đổ vỡ của đạo đức nhân bản, Thế Lữ đã để nhân vật Tâm sống lại và trừng phát Mão. Tâm sống lại để đọc bản cáo trạng về sự bất lương của Mão. Đoạn văn miêu tả sự xuất hiện của Tâm tại gác trọ hết sức ly kì rùng rợn. Các bạn Tâm cứ ngỡ đó là một hồn ma trở về, trong không khí nửa hư nửa thực ấy, bản chất cái ác, cái xấu xa trong con người của Mão bị lột trần qua những lời giãi bày của Tâm: “…Trong có một giây đồng hồ tôi cũng đã thoáng thấy được cái kế hiểm độc của bạn với cái tình thế nguy hiểm lúc bấy giờ. Tôi căm giận không biết ngần nào, đấm nát tay lên nắp săng. Nhưng cái nắp bật hé lên lại bị ấn xuống. Chân tôi không bị buộc trói như thói thường trong khâm liệm, nhưng không thể cử động được dễ. Bên ngoài tôi nghe thây bước chân vội vàng chạy xa dần. Tôi đoán chắc hắn đi tìm cái gì để đè lên mặt săng cho nặng thêm. Nhân cơ hội tôi thét lên một tiếng rất dữ, đạp một cái hết sức mạnh, nắp săng bật ra một chỗ, tôi ngồi dậy thì hắn đã tiến đến, cái ống tiêm thuốc độc cầm ở một tay. Tôi vùng đứng lên, vừa sợ vừa giận. Hắn bước tới, tôi liền níu lấy tóc, nghiến răng ấn đầu hắn xuống rồi nhảy xổ lại đè lên mình hắn: cái ống tiêm rơi xuống, vỡ tan ra. Hắn bị tôi cưỡi lên ngực, hai cánh tay bị dập dưới đầu gối tôi, và cổ bị hai bàn tay tôi thắt vào đến hai mươi phút. Tôi càng nhìn cái mặt thú vật của nó, cái bộ mặt mà mới hôm trước đây, tôi còn yêu quý, thì cơn giận cứ bốc lên mãi, tôi bóp ghì lấy cổ nó mà vẫn không rõ là mình làm gì. Lúc nó đã tắt thở rồi, tôi mới buông tay ra. Bấy giờ đúng mười hai rưỡi” [34, tr 206, 207]. Gieo nhân nào, gặp quả đó. Mão đã phải chết cho những suy nghĩ ti tiện và hành động bất nhân ác độc. Nhưng với Tâm, cái chết mà mình gây ra cho Mão là không thể tha thứ. Mặc dù, bạn bè thông cảm cho anh, pháp luật đã cho anh trắng án nhưng tòa án lương tâm không cho phép anh vô tội. Vì thế, Tâm đã tự giam mình và chết trong gian nhà phố Hàng Bột. Đó là cái chết mang nhiều ý nghĩa; cái chết của một con người chân chính; cái chết của một con người không thỏa hiệp với cái xấu xa, cái ác độc; cái chết của ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn… Tác phẩm Một truyện ghê gớm (Thế Lữ), là một câu truyện ghê gớm, kỳ dị mà nhân vật tôi chứng kiến trong một lần đi săn. Qua lời kể của nhân vật tôi, người đọc phải uất hận trước những hành động tác oai tác quái của tên quan cao phẩm Mã Hồng. Một kẻ đam mê nữ sắc, chuyên cưỡng bức đàn bà con gái. Và ghê rợn trước những hành động giết người man rợ, hãm hại phụ nữ như súc vật của tên khách trú Lý Thạch. Sự thù hận đã biến Lý Thạch trở thành một tên sát nhân khát máu. Trong tiềm thức của hắn luôn in đậm oán thù: “Cha mẹ ta đang an cư lạc nghiệp, tổ phụ nhà người dùng thủ đoạn thái ác mà giết hại, khối máu căm hờn chưa biết bao giờ mới tan. Ta may còn lọt sống lại đây, nên quyết đem cái mạng thừa này làm cho ba đời nhà ngươi cùng chịu với cha mẹ ta một số phận. Bấy lâu ngươi chưa phải chết vì người chưa có gia đình để ta đến phá. Bây giờ người đã có vợ, là đã đến giờ ta ra tay. Thủ cấp ngươi ta đem tế cha ta, còn tính mạng vợ ngươi ta sẽ đem tế mẹ ta ngày nay ở dưới cửu tuyền vẫn đợi trông ta báo phục” [10, tr.48]. Con người Lý Thạch đã bị khuôn theo cách nghĩ “nợ máu trả bằng máu” nên tội ác mà hắn gây ra chẳng kém gì với tội ác của tổ phụ nhà họ Mã. Ba đời nhà họ Mã đã phải chết dưới lưỡi dao oan nghiệt của Lý Thạch dù họ là những người vô tội. Oan oan tương báo? Con người chẳng lẽ sống để hận thù? Thế thì còn đâu nhân tính, đạo đời. Viết tác phẩm Một truyện ghê gớm phải chăng Thế Lữ muốn gởi đến người đọc thông điệp: Trong bể đời bao la, để hướng đến cuộc sống tốt đẹp con người cần phải phá chấp. Thật vậy, lời tâm tình của Thúy Liễu ở cuối tác phẩm chính là biểu hiện cho quan niệm ấy: “… Những việc trên đây, đáng lẽ thiếp phải giữ kín, nhưng nghĩ rằng chiếc thân gửi nơi đất lạ, không đành làm một khối oan hồn kỳ bí, khiến cho ân nhân không hiểu những tội tình kia thiếp chịu là duyên cớ vì đâu. Vậy tiện thiếp không quản bại nhược cố tỉnh tâm thần, để lại máy hàng này, xin ân nhân soi xét.” [10, tr.50] Giống như tác phẩm Một truyện ghê gớm của Thế Lữ, tác phẩm Oan nghiệt (Tchya Đái Đức Tuấn) cũng viết về mối thâm thù truyền kiếp giữa hai dòng tộc Vương và Hoàng. Bằng niềm tin vào thuyết quả báo và kiếp luân hồi, Đái Đức Tuấn đã đưa người đọc vào một thế giới mà âm – dương kề cận bên nhau. Trong thế giới ấy, sự thù hận của hai dòng họ diễn ra dai dẳng. Vương Tổng Đốc lạnh lùng vô cảm trước lời cầu xin của mẹ và vợ của Hoàng Sinh Mẫn nên đã gieo nỗi oán hận vào lòng người vợ trẻ họ Hoàng. Người thiếu phụ tuổi mười tám tuổi với lời nguyền báo thù oan thiêng: “Ta năm nay mới có mười tám tuổi đầu, ta chết đi sẽ theo dõi dòng họ mày mà báo thù cho đến thuở đá mòn sông cạn, ta sẽ làm cho họ mày, cũng như họ chồng ta, tuyệt tự, ta sẽ làm cho con cái nhà mày cũng như ta, chết giữa thời niên thiếu, lúc trên đầu chưa đội hết đôi chín xuân xanh” đã gieo biết bao oan khốc lên đầu họ Vương. Oán thù che lấp lí trí, che mờ nhân tính con người. Con người cứ chạy theo vòng xoáy của oán – ân thì cuộc sống vẫn còn nhiều điều bi thảm. Nhằm giúp con người thoát khỏi cái vòng uẩn khúc ấy, tác giả đã mượn lời tuyệt bút của Liễu (kiếp trước là vợ của Hoàng Sinh Mẫn): “Trời là đấng chí công chí minh, ta có ra ngoài cõi thế, nhìn vào phàm trần, mới trông thấy lắm điều chí lý mà khi làm người, ta không bao giờ tưởng tượng được” [10, tr.116] để cảnh tỉnh cuộc đời, con người. Đó là lời cảnh tỉnh mang nhiều ý nghĩa nhân văn. Một đêm trăng (Thế Lữ) là lời tố cáo nhưng kẻ lừa tình. Đó là tội ác không thể tha thứ. Bằng lối kể chuyện kỳ ảo ma quái, Thế Lữ đã đưa người đọc bước vào địa hạt của những câu chuyện liêu trai. Trong không gian thơ mộng của một đêm trăng giữa đại ngan tịch mịch âm u, nhân vật “tôi” đã gặp một người con gái Thổ trẻ đẹp. Cuộc gặp gỡ và dạo chơi đó không phải để dệt nên mối tình lãng mạn của lứa đôi. Đó chỉ là cái cớ để nhân vật tôi (người kể chuyện) khẳng định câu chuyện mà mình đã chứng kiến. Đó là cảnh trả thù rùng rợn của cô gái Mán đối với kẻ lừa tình (ông Ba – đi – ghệt): “Nói xong, nó đứng dạng chân ra, cái mép váy đằng trước căng thẳng bởi hai ống chân hơi thô và trắng. Một tay nó xốc ông Ba đứng dậy, một tay nữa nâng ở ngang lưng. Tôi toan dò bước đến gần thì đã thấy người con gái dướn mình văng cái thây chết xuống. Rồi, không biết vì quá đà hay cố ý, cả người con gái cũng văng theo..” [34, tr.119]. Cái chết thảm hại của ông Ba là án phạt tất yếu, là hồi chuông cảnh tỉnh đạo đức, lương tri những kẻ trăng hoa chuyên lợi dụng tiền bạc để chiếm đoạt tiết trinh của người phụ nữ. Ngược lại, hành động tự vẫn theo chồng của cô gái gợi người đọc nhận rõ vẻ đẹp về lòng thủy chung son sắt của người phụ nữ cùng ước mơ được sống với người mình yêu. Bữa rượu máu (Nguyễn Tuân), là câu chuyện về đao phủ Bát Phẩm Lê có lối chém “treo ngành” sắc ngọt. Bát Phẩm Lê được quan Đổng lý quân vụ sai chém mười hai dư đảng giặc Bãi Sậy cho quan công sứ Nam kì xem. Đoạn văn miêu tả cảnh xử trảm thật ghê rợn: “Viên công sứ Pháp chăm chú nhìn Bát Lê múa lượn giữa hai hàng tử tù và múa hát đến đâu thì những đầu tội nhân bị quỳ kia chẻ ngục đến đấy. Những tia máu phun lên kêu phì phì, vọt cao lên nền trời chiều. Mà trên áng cỏ hoen ố, không một chiếc thủ cấp nào rụng xuống” [68, tr.83]. Cái chết của mười hai con người làm niềm vui cho một viên công sứ Pháp. Đó là một sự thật trớ trêu mà cuộc sống đương thời đem lại. Ngòi bút Nguyễn Tuân tưởng chừng lạnh lùng, trơ cảm nếu người đọc không chú ý đến yếu tố kỳ ảo ở cuối tác phẩm cho dù đó chỉ là : “…một trận lốc xoáy tất mạnh”, “Trận gió xoắn giật, hút cát bụi lên, xoay vòng quanh đám tử thi, và đuổi theo các quan ra về.” [68, tr.84]. Thông qua yếu tố kỳ ảo, Nguyễn Tuân muốn thể hiện một ước mơ về công lý và tố cáo những hành động phi nhân tính của xã hội đương thời. Trong tác phẩm Khoa thi cuối cùng (Nguyễn Tuân), yếu tố kỳ ảo tham gia vào cốt truyện không chỉ để diễn giải một thực tế, một quan niệm nhân sinh mà còn để lên án cái ác. Hình ảnh kỳ ảo: “Người người đàn bà trẻ, xoã tóc, ẵm con, hiện ngay lên dưới lều, ngay chỗ đầu chõng, kêu gào giữ rịt lấy tay không cho viết quyển nữa. Gào khóc chán, người đàn bà ấy lấy mớ tóc xoã quất vào mặt ông cứ bỏng rát lên. Lại cười sằng sặc, lấy nghiên mực đổ vào quyển của ông. Lần ấy ông xin đổi quyển đến hai ba lần. Vẫn người đàn bà quấy nhiễu không tha để quyển ông cứ tỳ ố mãi” [68, tr.189]. Oan hồn người phụ nữ trẻ cố phá không cho ông đầu xứ Anh và ông đầu xứ Em thi cử là bởi từ hành động thất đức của ông Huấn lúc sinh thời: “Hồi còn mồ ma cụ Huấn, cụ đã mang lấy trách nhiệm tinh thần về cái chết của một người nàng hầu tài hoa nổi tiếng một thời. Người thiếp đó, lúc tự ải, đã có mang được sáu bảy tháng. Cái âm oán ấy còn theo đuổi ông mãi, nếu ông cứ còn lều chiếu ở cửa trường thi” [68, tr.190]. Chính tội lỗi đó của ông Huấn đã để lại cho con cháu của ông một âm oán khủng khiếp và dai dẳng, món nợ máu phải trả: “Nó còn đi thi, cô còn báo mãi. Các người hỏi cô muốn những gì ấy à! Cô muốn, cô muốn nó phạm húy, cho nó bị tội cả nhà kia” [68, tr.190]. Qua chi tiết hồn ma và âm oán trư._. vượt qua mọi trở ngại trong cuộc sống để bảo vệ nhân cách và danh dự của mình: Loan (Đôi bạn), Mai (Nửa chừng xuân). Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều tác phẩm mang chất lãng mạn thoát ly khi đi sâu vào miêu tả những mối tình lãng mạn, ảo tưởng, những bi kịch của số phận không rõ căn nguyên xã hội, những tính cách cá nhân không phổ biến. Thời kì 1936 – 1939, văn xuôi lãng mạn Việt Nam không còn thống nhất dưới lá cờ của Tự Lực văn đoàn, nó đã phân hóa thành những khuynh hướng khác nhau. Một số sáng tác của Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo vẫn tiếp tục đấu tranh bài xích những hủ tục cổ hủ của lễ giáo phong kiến (Lạnh lùng, Thừa tự, Thoát ly, Gia đình…) và đi sâu vào tình yêu, lối sống nhiễm triết lý cá nhân chủ nghĩa cực đoan hưởng thụ (Đời mưa gió, Trống mái, Dưới ánh trăng, Đẹp). Mặt khác, các tác phẩm văn xuôi lãng mạn thời kì này còn quan tâm đến xã hội và đời sống của những người dân nghèo khổ, cần lao. Họ đưa ra chủ đề cải cách xã hội qua những tiểu thuyết luận đề, qua những nhân vật hăng say cải cách xã hội có tính chất cải lương (Gia đình, Con đường sáng). Bước vào thời kì 1940 – 1945, trong một hoàn cảnh xã hội vô cùng bức bối và văn xuôi lãng mạn cũng bước vào thời kì thoái trào. Tổ chức Tự Lực văn đoàn bắt đầu phân hóa và tan rã, các tác phẩm của nhóm cũng không còn thuần túy mang tính chất lãng mạn nữa mà đã nhiễm triết lý hiện sinh, lối sống hưởng thụ... Trong thời kì này, chúng ta chứng kiến sự xuất hiện của Nguyễn Tuân, Lan Khai, Lê Văn Trương… Chính họ đã đem đến nhiều giọng điệu, nhiều phong cách mới lạ và độc đáo, đem đến cái tôi cá nhân mang nhiều khuôn dáng, cái tôi cao ngạo, khinh bạc… đem đến một tấm lòng hướng đến cái thiện cái cao cả, cái hoàn mĩ. Tất nhiên cả những tâm sự u uất, bất bình với lối sống bụi bẩn xung quanh. Mặc dù văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 có nhiều khuynh hướng phát triển không thuần nhất. Nhưng, nhìn chung các tác phẩm văn học thời kì này có những đặc trưng chuẩn mực sau: Thứ nhất, văn xuôi lãng mạn mang tính chất thoát ly: thoát lý khỏi hiện thực cuộc sống, khỏi không khí ngột ngạt và yêu cầu bứt thiết và những sự kiện quan trọng của xã hội. Các tác giả văn xuôi lãng mạn thường tưởng tượng nên những câu chuyện xa rời thực tế: đó là một mối tình đầy ảo mộng trong cảnh chùa dưới bóng Phật tổ (Hồn bướm mơ tiên), đó là câu chuyện tình giữa một cô gái Hà Nội trưởng giả với một anh dân chài nghèo chất phác (Trống mái – Khái Hưng)… Có tác giả tìm vào quá khứ của lịch sử dân tộc để dệt nên những chuyện tình say đắm mà không bị hiện thực cuộc sống kiềm tỏa (Tiêu sơn tráng sĩ – Khái Hưng, Đỉnh non thần – Lan Khai). Viết về truyện đường rừng, chốn rừng thẳm nước thiêng chứa đựng nhiều bí ẩn, các nhà văn đã thêu dệt nên những mối tình đặc biệt, những câu chuyện ly kỳ ở chốn sơn lâm hoang dã: Tiếng gọi nơi rừng thẳm, Suối đàn, Hồng thầu… (Lan Khai), Ai hát giữa rừng khuya, Thần hổ (Đái Đức Tuấn). Cũng có những tác giả tập trung miêu tả cuộc sống riêng tư cùng những ràng buộc giữa cá nhân và xã hội, số phận của nhân vật đi theo con đường riêng của nó mà không phụ thuộc vào hoàn cảnh xã hội. Đó chính là những cách thoát ly của nhà văn khỏi hiện thực bức bối của xã hội để đi vào hướng lãng mạn phiêu bồng. Thứ hai, mọi định hướng mọi chuẩn mực trong các tác phẩm văn xuôi lãng mạn đều do cái tôi quyết định. Nghĩa là: “Nhà văn không dựa vào quy luật của xã hội, không nghiên cứu khảo sát hoàn cảnh mà lấy cái tôi làm quyền lực tôi cao quyết định tất cả. Thế giới nghệ thuật không được tổ chức song song với cuộc đời như một tấm gương phản chiếu mà theo vòng tròn hướng tâm” [20, tr.708]. Thứ ba, văn xuôi lãng mạn giàu cảm xúc trữ tình. Mạch nguồn cảm xúc chính là phương thức biểu hiện của tác phẩm. Theo dòng cảm xúc, câu chuyện thường được tô điểm nhấn mạnh, thậm chí cường điệu để tạo nên nhiều khác biệt, nhiều tương phản gây ấn tượng rõ rệt với người đọc. Dấu ấn cá nhân người viết với nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau nhiều khi in đậm qua các trang viết. Bạn đọc có thể nhận thấy: “lối văn gọn ghẽ chặt chẽ của Thế Lữ, chải chuốc và tình cảm của Khái Hưng, trong sáng, gợi cảm của Thạch Lam, cầu kỳ và độc đáo của Nguyễn Tuân, thương cảm của Hồ Dzếch,…” [20, tr.708]. Tóm lại, đánh giá về thành tựu của dòng văn học này tuy vẫn còn nhiều ý kiến khác biệt nhau. Nhưng có điều không thể phủ nhận là non hai thập niên tồn tại và phát triển, văn xuôi lãng mạn Việt Nam đã khẳng định được vị thế của mình trên bước đường hiện đại hóa văn học nước nhà. Hơn thế, nó còn sản sinh ra nhiều tên tuổi xứng danh: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Nguyễn Tuân, Lan Khai… Và, “vẫn còn lại mãi mãi với thời gian những trang viết nhiều màu sắc và những phong cách sáng tạo, hấp dẫn, độc đáo” [20, tr.718]. 1.2. Yếu tố kỳ ảo – từ văn xuôi trung đại đến văn xuôi hiện đại Việt Nam trước 1945. 1.2.1. Yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi trung đại Việt Nam Văn xuôi trung đại Việt Nam tồn tại và phát triển từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX trong một môi trường xã hội phong kiến với ý thức hệ Nho giáo, lực lượng sáng tác chủ yếu là tầng lớp trí thức, những người được đào tạo từ “cửa Khổng sân Trình”. Văn học giai đoạn này gắn liền với cảm hứng yêu nước, cảm hứng nhân đạo và thế sự. Theo quan niệm của các văn nhân nho sĩ đương thời loại văn chương kỳ ảo, linh dị là loại văn chương thấp kém, hạ lưu, phi chính thống, là đi ngược lại với những tín điều của Nho giáo. Nhưng không phải vì thế mà sức sống của yếu tố kỳ ảo trong đời sống văn học trung đại trở nên khô cằn. Bất chấp sự kìm kẹp của hệ tư tưởng Nho giáo các đệ tử ưu tú của “cửa Khổng sân Trình” đã tìm đến yếu tố linh dị, kỳ ảo với một sức hút kì lạ. Đi tìm nguyên nhân trỗi dậy của “mảng độc” văn chương này, nhà nghiên cứu Bùi Thanh Truyền cho rằng: “một phần là do những cảm xúc nghệ thuật mạnh mẽ mà yếu tố kỳ ảo mang lại cho người viết. Nó còn là biểu hiện ý thức “trước thư lập tôn” của tác giả. Mặt khác không loại trừ sự gặp gỡ giữa yếu tố kỳ ảo trong sáng tác văn học với những chủ trương chính trị tích cực của Nho giáo. Với đăc trưng nhận thức và phản ánh cuộc sống bằng những yếu tố thần linh linh dị, kỳ ảo dễ dàng giúp cho lớp nho sĩ vốn chịu không ít những kìm tỏa bức bối của tam cương ngũ thường tìm được con đường để giải tỏa những ẩn ức dồn nén đồng thời thông qua đó bộc lộ những suy tư, chiêm nghiệm về cuộc đời” [60]. Bên cạnh đó, ông còn cho rằng: "cái kì trong truyền thống văn học phương Đông còn gắn bó chặt chẽ với triết học Phật giáo và phần nào triết học Lão Trang, hai học thuyết đối trọng với Nho giáo nhưng lại khá dung hoà với tín ngưỡng gốc dân gian để góp phần tạo ra bản sắc dân tộc Việt Nam (… ). Chính là nhờ hai học thuyết này, cộng với văn hoá dân gian mà đời sống văn học của phương Đông thời trung đại giữ được thế quân bình cần thiết giữa một bên là cách nhìn hiện thực – thực dụng, khô khan của nhà nho và một bên là trí tưởng tượng bay bổng qua các truyện truyền kỳ, các truyện ngụ ngôn kỳ ảo” [60]. Đó là những cơ sở thiết yếu lý giải về sự hiện diện của yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi trung đại Việt Nam. Yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi trung đại gắn liền với thể loại truyện truyền kỳ (tiểu thuyết truyền kỳ): Truyền kỳ mạn lục, Thánh Tông di thảo, Truyền kỳ tân phả… Vậy truyền kỳ là gì? Truyền kỳ có nghĩa là truyền đi một sự lạ. Hạt nhân cơ bản của loại truyện này là “kì”. Cái kì – lạ trong truyện truyền kỳ không đơn thuần chỉ là ghi chép những “kì sự”– “kì nhân”. Ở một trình độ cao hơn, kì là một phương thức tư duy nghệ thuật kiểu phương Đông để tạo nên những “kì văn”. Đặc trưng của truyện truyền kỳ là miêu tả những câu chuyện lạ, kỳ ảo. Trên bước đường mười thế kỉ hình thành và phát triển, văn xuôi trung đại đã để lại rất nhiều những tác phẩm đậm chất kỳ ảo, hoang đường. Có thể kể đến những tác phẩm tiêu biểu: Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên, Lĩnh Nam chích quái của Vũ Đình và Kiều Phú, Thánh Tông di thảo, Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm… Yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi trung đại là địa hạt của những điều siêu nhiên huyền bí: hồn ma, điềm báo, hóa kiếp, đạo sĩ làm bùa phép phù chú, nhà sư có phép thần thông… Chính những yếu tố kì lạ, khác thường ấy thể hiện một niềm tin thiêng liêng và lòng tôn sùng ngưỡng mộ của con người và thời đại đối với lực lượng ấy. Đồng thời thông qua đời sống tâm linh của mình, của người, các tác giả trung đại còn thể hiện nguyện vọng ước mơ của họ về nhiều vấn đề trong cuộc sống. Động cơ sáng tác kỳ ảo của các tác giả trung đại cũng không vượt khỏi phạm vi “tải đạo ngôn chí” của quan niệm sáng tác văn chương trung đại. Bởi, theo lời hé lộ của tác giả Lĩnh Nam chích quái: "Chỉ cốt khuyên điều thiện, răn điều ác, bỏ giả theo thật để khuyến khích phong tục mà thôi". Tuy nhiên, “họ tải đạo bằng con đường khác – con đường nhỏ (tiểu đạo), và đã thoáng nói đến những cái khác – những ước muốn bị coi là cấm kị, cả sự bất đắc chí… mà dù có cố gắng chính thống hóa nó đến mấy chăng nữa cũng nổi lên như một giấc mộng đẹp, một nổi khắc khoải chân thành” [53] Như vậy, yếu tố kỳ ảo đã góp một phần quan trọng trong việc tạo nên những thành tựu cho văn xuôi trung đại Việt Nam, nhất là ở thể loại truyền kỳ. Trong suốt quá trình phát triển đó, yếu tố kỳ ảo đã được các tác giả sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật mang tính đặc trưng thể loại. Nó còn là phương tiện thẩm mĩ, nghệ thuật tạo nên sức hấp dẫn bề nổi cho những câu chuyện và tác phẩm như được khoác thêm chiếc áo sặc sỡ bắt mắt. Mặt khác, sự xuất hiện của yếu tố kỳ ảo trong các tác phẩm văn xuôi trung đại Việt Nam như là những bước chạy đà quan trọng để hình thành nên dòng văn xuôi kỳ ảo Việt Nam hiện đại. 1.2.2. Yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi hiện đại Việt Nam trước 1945 Trọng tâm của mục này chủ yếu chúng tôi đi vào tìm hiểu sự có mặt của yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945. Song để có cái nhìn tổng thể về yếu tố kỳ ảo từ văn xuôi trung đại đến văn học hiện đại Việt Nam, chúng tôi thiết nghĩ cần phải điểm qua đôi nét về yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi giai đoạn từ đầu thế kỉ XX đến 1930. Như chúng ta đã biết, yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi Việt Nam là mạch chảy xuyên suốt từ truyền thống đến hiện đại. Tuy nhiên khoảng 30 năm đầu thế kỉ XX (cụ thể là từ đầu thế kỉ XX đến 1920), yếu tố kỳ ảo đột nhiên vắng bóng trong các sáng tác của các nhà văn. Nghiên cứu giai đoạn văn học này, chúng tôi nhận thấy số lượng tác giả, tác phẩm có sử dụng yếu tố kỳ ảo là rất ít. Người mặn mà nhất với thể loại truyện kỳ ảo đó chính là Tản Đà. Ngoài việc dịch Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh (Trung Quốc) sang tiếng Việt, ông còn được biết đến với những tác phẩm đầy mộng tưởng nơi chốn thần tiên: Giấc mộng con I, Giấc mộng con II, Giấc mộng lớn… Bên cạnh đó, còn phải kể đến: Giấc mộng (Bửu Đình), Lời than vãn của bà Trưng Trắc (Nguyễn Ái Quốc). Tuy nhiên, dấu ấn thẩm mĩ của yếu tố kỳ ảo trong văn học giai đoạn này là không nhiều. Vì thế, có rất nhiều ý kiến (của các nhà nghiên cứu phê bình văn học) cho rằng đây là giai đoạn văn xuôi kỳ ảo có sự đứt quãng, không liền mạch. Bước sang những năm 1930 – 1945, xã hội Việt Nam có sự biến chuyển khá mạnh mẽ so với ba mươi năm đầu thế kỉ XX. Nhiều đô thị lớn mọc lên, tầng lớp trí thức tiểu tư sản ngày càng một lớn mạnh và khẳng định được vị thế nhất định của mình trong xã hội. Thị hiếu thẩm mĩ tiếp nhận văn học của công chúng cũng có nhiều thay đổi. Trước những đổi thay của cuộc sống hiện đại, văn học cũng có sự “lột xác” mới mẻ. Dấu ấn sinh động nhất của đời sống văn học thời kì này chính là sự ra đời của văn học lãng mạn Việt Nam. Chính sự ra đời của văn xuôi lãng mạn Việt Nam cùng với việc tiếp thu những thành tựu của văn học phương Tây mà nhiều thể loại văn học mới đã ra đời (thơ mới, tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch nói…), nhiều phong cách sáng tác độc đáo, phá cách được hình thành. Cuộc sống đương đại với những con người hiện đại tràn ngập trong tác phẩm. Nhưng không vì thế mà những gì thuộc về truyền thống lại bị gạt bỏ, cắt đứt. Nghiên cứu văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945, chúng tôi nhận thấy, bên cạnh những tác phẩm lãng mạn thấm nhuần tư duy thẩm mĩ hiện đại vẫn còn rất nhiều trang viết âm thầm tiếp nối quá khứ. Cái mới và cái truyền thống cùng hòa điệu để tạo nên nét độc đáo của văn học giai đoạn này. Cái mới tạo năng lượng cần, đủ để các nhà văn bước ra khỏi những khuôn sáo của cái truyền thống. Cái truyền thống là nguồn mạch nuôi dưỡng hồn cốt của dân tộc. Chính sự giao thoa giữa Đông – Tây đã tạo điều kiện thuận lợi cho thể loại văn học kỳ ảo tiếp tục phát triển. Xét ở một góc cạnh nào đó, nói đến yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi lãng mạn 1930 – 1945 là một điều phi lý. Bởi, đây là thời đại của văn minh, thời đại của những phát kiến khoa học, thời đại của chủ nghĩa duy lý. Nhưng, không phải vì thế mà thế giới huyễn tưởng, ma quái, thần linh bị đẩy lùi vào quá khứ. Mảnh đất hiện đại vẫn là bầu sữa mát dung dưỡng dòng văn học kỳ ảo phát triển. Sức vóc của nó được tác tạo, bồi đắp bởi những cây bút chuyên nghiệp: Thế Lữ, Nguyễn Tuân, Đái Đức Tuấn, Lan Khai, Phạm Cao Củng… Đây là những phong cách tài hoa, sắc sảo được nuôi dưỡng bởi hai luồng văn hóa Đông – Tây. Chính sự xuất hiện của những phong cách “truyền kỳ đời mới” này đã làm sinh động đời sống văn học lúc bấy giờ. Non hai thập kỉ hình thành và phát triển, văn xuôi lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 đã trình làng rất nhiều những trang viết kỳ ảo: Rừng khuya – Lan Khai, Thần hổ, Ai hát giữa rừng khuya – Tchya Đái Đức Tuấn, Vàng và máu, Trại Bồ Tùng Linh – Thế Lữ, Trên đỉnh non Tản, Xác ngọc lam, Loạn âm… – Nguyễn Tuân, Lan rừng, Bóng người trong sương mù – Nhất Linh, Ngậm ngải tìm trầm – Thanh Tịnh… Tác phẩm của họ “đã trở thành món “khoái khẩu” đối với cái dạ dày “ăn tạp” của độc giả thành thị thích săn tìm cái lạ” [65, tr.86]. Đồng thời, qua lăng kính kỳ ảo hiện đại, thế giới ma quỷ: ma trành, ma xó, ma khách, ma mường, hùm tinh, ma báo oán, ma tài tử… và những truyền thuyết dân gian về quan ôn bắt lính, chuột tha lá phủ mặt, ngậm ngải tìm trầm… khiến không khí truyện trở nên chập chờn ma mị, đậm chất liêu trai nhưng đánh thức nhiều quan niệm mới về tình yêu và cuộc sống. “Chất men” của yếu tố kỳ ảo không chỉ có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với các cây bút có sở trường: Nguyễn Tuân, Lan Khai, Đái Đức Tuấn, Phạm Cao Củng… mà còn quyến rũ tất thảy những người cầm bút khác. Nhất Linh ngoài vị thế chủ soái của những trang tiểu thuyết tình cảm lãng mạn chủ trương cổ vũ cái mới còn được biết đến với một Nhất Linh đầy rùng rợn ly kỳ, ma quái trong các tác phẩm: Lan rừng, Bóng người trong sương mù… Hay, Thế Lữ không chỉ là cây đàn muôn điệu ru đời, ru tình bằng những vần thơ lãng mạn, say đắm mà còn là một nhà văn đầy kinh dị, ma quái qua các tác phẩm: Vàng và máu, Trại Bồ Tùng Linh, Ma xuống thang gác… Có thể thấy rằng yếu tố kỳ ảo mang một sức hút không cưỡng đối với đông đảo đội ngũ cầm bút đương thời. “Mảng độc” văn chương này ngày một đơm hoa kết trái và trở thành một dòng, một nhánh riêng trong tiến trình hiện đại hóa của văn học dân tộc. Đóng góp của dòng văn học này vào thành tựu chung của văn xuôi lãng mạn là một điều không thể phủ nhận. Nó không chỉ nối lại nguồn mạch của mảng văn học truyền kỳ truyền thống có lúc bị đứt quãng khoảng 30 năm đầu của thế kỉ XX mà còn tạo ra một cuộc bức phá ngoạn mục so với văn học truyền thống để giúp dòng văn học kỳ ảo Việt Nam hòa vào quĩ đạo của văn học thế giới. 1.2.3. Yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi hiện đại Việt Nam trước 1945 – sự kế thừa và cách tân Nếu 30 năm đầu thế kỉ XX yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi Việt Nam có sự đứt mạch thì đến những năm 1930 – 1945 mạch chảy ấy đã được nối lại trong các tác phẩm của văn xuôi lãng mạn. Tuy có sự gián đoạn như thế nhưng yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi lãng mạn Việt Nam không phải là những “kì hoa dị thảo” đột ngột xuất hiện như một sự "thất cước với giống nòi" mà là mạch chảy được khơi nguồn từ văn học truyền thống có sự sáng tạo bổ sung. Dấu ấn của văn hóa dân gian và văn học trung đại vẫn còn in đậm trong cảm thức của các chủ thể sáng tác. Các sáng tác của Thế Lữ, Nhất Linh, Bùi Hiển, Thanh Tịnh, Tchya Đái Đức Tuấn, Nguyễn Tuân, Phạm Cao Củng… là những cuộc “về nguồn” có ý thức. Chất liệu mà các nhà văn này dùng để tạo ra yếu tố kỳ ảo phần lớn được chiết lọc từ những quan niệm về tâm linh, tín ngưỡng trong dân gian. Cốt truyện cũng được thu nhặt, gợi ý từ các truyền thuyết và chuyện kể dân gian có tính chất ly kỳ, rùng rợn. Tuy nhiên, chúng lại được kể bằng bút pháp tiểu thuyết hiện đại và phản ánh qua tâm trạng và bối cảnh của con người hiện đại. Tạo nền cho những cốt truyện về sự kiện, con người, xã hội hiện đại, các tác giả thường tìm đến những câu chuyện được lưu truyền trong dân gian. Các tác phẩm Thần hổ, Ai hát giữa rừng khuya (Đái Đức Tuấn), Ngậm ngải tìm trầm (Thanh Tịnh), Vàng và máu, Một đêm trăng (Thế Lữ)… đều là những câu chuyen ly kỳ, hấp dẫn có nguồn gốc từ các truyện ma (ma hổ, ma trành, ma xó, ma cụt đầu, ma thắt cổ, ma nhà hoang), truyện thần (thần giữ của, khách để của) kết hợp với các truyền thuyết dân gian (quan ôn bắt lính, chuột tha lá phủ mặt). Nhưng nếu cứ bám chặt vào “dưỡng chất của truyền thống” mà không có sự sáng tạo thì dòng văn học ấy sẽ sớm “đoản mệnh”. Ý thức được luật chơi của sáng tạo nghệ thuật, các nhà văn kỳ ảo giai đoạn này luôn biết cách bứt phá khỏi những khuôn mẫu. Ví dụ, khi viết về các truyện ma quỷ, thần linh các tác giả dân gian và trung đại thường gởi gắm niềm tin, sự tín ngưỡng của mình và cộng đồng vào trong tác phẩm. Không chỉ nham mục đích khuyên lành, lánh dữ và xác tín thế giới tâm linh như một biểu tượng văn hóa tinh thần của người Việt như trong các tác phẩm Truyền kỳ mạn lục, Thánh Tông di thảo… mà các tác phẩm kỳ ảo thuộc dòng văn xuôi lãng mạn giai đoạn 1930 – 1945 còn muốn chuyển tải những trăn trở, xúc cảm của con người trong thời đại mới. Trại Bồ Tùng Linh (Thế Lữ) là minh chứng cho sự kế thừa và cách tân ấy. Tác phẩm viết về một chuyện tình đắm say, mơ mộng, ngọt ngào ái ân, bất chấp khuôn phép. Một cuộc tình tự do phóng khoáng đầy bí ẩn đậm chất ma quái. Bối cảnh, tung tích nhân vật, sự xuất hiện, những buổi hò hẹn, những lần hoan lạc của đôi trai gái… đều in đậm dấu ấn của truyện truyền kỳ, liêu trai. Có điều, câu chuyện thường được kể bằng bút pháp hiện đại, bằng khả năng đào sâu vào cái tôi nội cảm nhân vật của các nhà văn hiện đại. Chính sự tìm tòi và đổi mới về nghệ thuật của các chủ thể sáng tác đã giúp cho văn học giai đoạn này có được khuôn diện mới khắc hẳn với truyền thống. Sự nở rộ của yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi lãng mạn giai đoạn 1930 – 1945 không chỉ là sự tiếp nối văn học truyền thống mà còn là cuộc bén duyên với văn học phương Tây. Như chúng ta đã biết, ở thế kỉ XIX trong đời sống văn học phương Tây đã hình thành nên dòng truyện kỳ ảo với những tên tuổi: Hoffmann (Đức), Edgar Allan Poe (Mỹ), Balzac (Pháp)… Sáng tác của họ là sản phẩm của xã hội văn minh hiện đại. Nhạy cảm trước những biến chuyển của thời đại, các tác giả đã dùng phương thức kinh dị – “bất khả giải”, “bất khả tri” để chuyển tải quan niệm của mình về cuộc sống mới. Ngọn gió kỳ ảo Tây phương từ sáng tác của các nhà văn như thế, đã thổi vào khu vườn văn học Việt Nam những hạt mầm kỳ ảo hiện đại. Trong khu vườn văn học ấy, những người thợ làm vườn (là những trí thức Tây học) tâm huyết đã ra sức vun xới cho hạt giống kỳ ảo ngày một tốt tươi. Có điều, hạt giống ấy sinh trưởng trong mảnh đất vốn giàu tính dân tộc nên hương sắc của nó, vì thế, đậm chất vị phong thổ bản địa hơn. Có đi sâu vào tìm hiểu các tác phẩm kỳ ảo giai đoạn này chúng ta mới thấy hết được sự tiếp biến tài tình đó. Sáng tác Vàng và máu, Trại Bồ Tùng Linh, Thế Lữ chịu ảnh hưởng khá rõ nét truyện trinh thám của Edgar Allan Poe nhưng cách đặt tên truyện và nội dung lại rất gần gũi với truyền thống tâm linh người Á Đông. Tác phẩm Tâm sự nước độc của Nguyễn Tuân, Trên bồng lai, Quyến rũ, Người con gái thần rắn của Cung Khanh, Người đàn bà trong trắng, Người bạn kì dị của Hoàng Trọng Miên… đậm tính triết lý, óc khoa học của truyện kinh dị Hoffmann nhưng ẩn chứa một niềm tin về sự tương thông, tương giao giữa người sống và người chết, giữa thế giới thực tồn và thế giới siêu nhiên. Chính những ảnh hưởng đó đã góp phần tạo nên một diện mạo đặc trưng cho văn xuôi kỳ ảo lãng mạn giai đoạn 1930 – 1945. Như vậy, chúng ta có thể khẳng định rằng: yếu tố kỳ ảo trong văn xuôi hiện đại trước 1945, đặc biệt là trong văn xuôi lãng mạn giai đoạn 1930 – 1945 là sự kết hợp khá nhuần nhị các yếu tố truyền thống và hiện đại. Một mặt, chúng mang bóng dáng truyền thống, vì phần lớn cốt truyện đều xuất phát từ các truyền thuyết và chuyện kể dân gian. Mặt khác, chúng được thể hiện bằng bút pháp của truyện ngắn hiện đại và phản ánh qua tâm trạng và bối cảnh của con người hiện đại. Phần lớn những truyện này đều hướng vào thực tại sôi động, ở đó yếu tố kỳ ảo là nhân tố quan trọng mang lại những giá trị thẩm mĩ thực sự cho tác phẩm chứ không chỉ nhằm mục đích kích thích nhu cầu chuộng lạ đơn thuần của người đọc. Bút pháp kỳ ảo, phi thực đa dạng, nhiều biến ảo này đã khiến văn học trở nên phong phú, sinh động hơn và người viết bước đầu cũng đã có được gương mặt riêng, sức cuốn hút riêng của mình. Hơn nữa, yếu tố kỳ ảo trong văn học giai đoạn này còn chịu ảnh hưởng của văn học kinh dị phương Tây. Tuy nhiên, trong quá trình tiếp nhận yếu tố ngoại lai, hiện đại các nhà văn luôn biết tự khẳng định và làm mới để không trở thành cái bóng của những bậc thầy kinh dị phương Tây khi điểm tô vào trang viết của mình chút kỳ dị của phương Đông. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Phạm Đình Ân (giới thiệu và tuyển chọn) (2007), Thế Lữ – về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục. 2. Bakhtin, M. (1992), Lí luận và thi pháp tiểu thuyết (Phạm Vĩnh Cư tuyển chọn, giới thiệu và dịch), Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội. 3. Lê Huy Bắc (2006), Cái kỳ ảo và văn học huyễn ảo, Tạp chí nghiên cứu văn học số 8. 4. Ngô Vĩnh Bình (1996), Thanh Tịnh – văn và đời (sưu tầm và tuyển chọn), NXB Thuận Hóa. 5. Lê Nguyên Cẩn (1999), Cái kỳ ảo trong tác phẩm Balzac, NXB Giáo dục 6. Nguyễn Cừ, Nguyễn Hoành Khung, Phong Hà, Trần Hồng Nguyên (1998), Văn xuôi lãng mạn Việt Nam 1930-1945 (8 tập), H. Khoa học xã hội. 7. Nguyễn Huệ Chi (1999), Tìm hiểu các dạng truyện kì ảo trong văn học trung đại và cận đại Đông Tây (in trong Những vấn đề lý luận và lịch sử văn học, Viện Văn học). 8. Nguyễn Huệ Chi (chủ biên) (1999), Truyện truyền kì Việt Nam, quyển 1, NXB Giáo dục, Hà Nội. 9. Nguyễn Huệ Chi (chủ biên) (1999), Truyện truyền kì Việt Nam, quyển 2, NXB Giáo dục, Hà Nội. 10. Nguyễn Huệ Chi (chủ biên) (1999), Truyện truyền kì Việt Nam, quyển 3, NXB Giáo dục, Hà Nội. 11. Nguyễn Huệ Chi, Đỗ Đức Hiểu, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá, Từ điển văn học (bộ mới), NXB Văn hóa. 12. Trường Chinh (1974), Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, NXB Sự thật, in lần hai, Hà Nội. 13. Nguyễn Văn Dân (1999), Nghiên cứu văn học, Lý luận và ứng dụng, NXB giáo dục. 14. Nguyễn Đăng Duy (2002), Văn hóa tâm linh, NXB Thông tin. 15. Đặng Anh Đào (2006), “Vai trò của cái kỳ ảo trong truyện và tiểu thuyết Việt Nam”, Tạp chí nghiên cứu văn học số 8. 16. Phan Cự Đệ, Tuyển tập (tập 3), NXB Giáo dục. 17. Phan Cự Đệ, Trần Đình Hượu, Nguyễn Trác, Nguyễn Hoành Khung, Lê Chí Dũng, Hà Minh Đức (1999), Văn học Việt Nam 1900 – 1945, Nhà xuất bản giáo dục. 18. Hà Minh Đức (chủ biên), Văn học Việt Nam thế kỉ XX (truyện ngắn trước 1945 – quyển II, tập 3), NXB Văn học, Hà Nội, 2002. 19. Hà Minh Đức (1999) Những vấn đề lý luận và lịch sử văn học, Viện Văn học 20. Hà Minh Đức, Khải luận về văn xuôi lãng mạn Việt Nam thời kỳ 1930 – 1945 (trong Hà Minh Đức tuyển tập – tập 2), NXB Giáo dục. 21. E.M.Meletinsky, Thi pháp của huyền thoại (Trần Nho Thìn, Song Mộc dịch), NXB Đại học quốc gia Hà Nội. 22. Phùng Hữu Hải (2006), “Yếu tố kỳ ảo trong truyện ngắn Việt Nam từ sau 1975”, Tạp chí nghiên cứu văn học. 23. Đoàn Trọng Huy, Hình tượng không gian đa dạng trong văn xuôi nghệ thuật Nguyễn Tuân, Đại học sư phạm Hà Nội. 24. Đào Duy Hiệp (2006), “Cấu trúc cái kì ảo trong truyện ngắn Maupassant”, Tạp chí nghiên cứu văn học số 9. 25. Hoàng Ngọc Hiến (1992), Năm bài giảng về thể loại, Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội. 26. Vũ Ngọc Khánh (2001), “Truyện thần linh ma quái và vấn đề giáo dục con người”, Tạp chí nghiên cứu văn học số 10. 27. Vũ Ngọc Khánh, Phạm Minh Thảo (2004), Từ điển Việt Nam văn hóa tín ngưỡng phong tục, NXB Văn hóa thông tin Hà Nội. 28. Ngô Tự Lập, Những đường bay mê lộ, www.viet-studies.info/NgoTuLap- Melo.htm. 29. Ngô Tự Lập, Ma với tư cách là nhân vật văn học, www.viet- studies.info/NgoTuLap-Melo.htm. 30. Lê Nguyên Long (2006), “Về khái niệm cái kì ảo và văn học kì ảo trong nghiên cứu văn học”, Tạp chí nghiên cứu văn học số 9. 31. Nguyễn Văn Long, Lã Nhâm Thìn (2006), Văn học Việt Nam sau 1975, những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, NXB Giáo dục, Hà Nội. 32. Nguyễn Trường Lịch (1997), “Huyền thoại và sức sống của huyền thoại trong văn chương xưa và nay”, Tạp chí nghiên cứu văn học số 5. 33. Nhất Linh, Câu chuyện mơ trong giấc mộng, vantuyen.net. 34. Thế Lữ (1997), Truyện ngắn, NXB Hội nhà văn. 35. Thế Lữ (1999), Vàng và máu, NXB Văn học. 36. Nguyễn Đăng Mạnh (2000), Giáo trình lịch sử văn học Việt Nam 1930-1945, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội. 37. Nguyễn Đăng Mạnh, “Tinh tuyển văn học Việt Nam (Tập 7 – quyển 1) – Văn học giai đoạn 1900 – 1945”, Nhà xuất bản Khoa học xã hội. 38. Nguyễn Đăng Mạnh, Lý luận và phê bình văn học, NXB Đà Nẵng. 39. Nguyễn Đăng Mạnh (2005), Nhà văn hiện đại Việt Nam – Chân dung và phong cách, Nhà xuất bản trẻ. 40. Trần Thanh Mại (1961), “Những câu chuyện thần linh ma quái”,Tạp chí nghiên cứu văn học số 2. 41. Lưu Sơn Minh (2007), Truyện không nên đọc vào lúc giao thừa (tuyển tập truyện ma Việt Nam), NXB Văn học. 42. Nguyễn Trà My (2008), “Yếu tố kì ảo trong tác phẩm của Nguyễn Tuân”, Báo Văn nghệ, số 51. 43. Tôn Thảo Miên (Tuyển chọn và giới thiệu), Nguyễn Tuân – về tác giả và tác phẩm, NXB Giáo dục, 2007. 44. Tôn Thảo Miên (2006), “Nguyễn Tuân - Dấu ấn của cá tính sáng tạo”, Tạp chí nghiên cứu văn học số 2. 45. Nguyễn Nam (2006), “Từ Chùa Đàn đến Mê Thảo liên văn bản trong văn chương và điện ảnh”, Tạp chí nghiên cứu văn học số 12. 46. Nhiều tác giả (1992), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục. 47. Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại (tập 3), NXB giáo dục. 48. Vũ Ngọc Phan, Một tiểu thuyết gia có biệt tài, trong Thế Lữ về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, 2007. 49. Vũ Quỳnh, Kiều Phú (2003), Lĩnh Nam chích quái, NXB Văn học. 50. S.Iu. Nekliudov (2007), “Những hình ảnh của thế giới bên kia trong tính ngưỡng dân gian và văn chương cổ điển” (Phạm Vĩnh Cư dịch), Tạp chí nghiên cứu văn học số 11. 51. Trần Đình Sử, Tự sự học (một số vấn đề lí luận và lịch sử), NXB Đại học sư phạm. 52. Vũ Thanh, “Dư ba của truyện truyền kì, chí dị trong văn học Việt Nam hiện đại” (in trong Những vấn đề lý luận và lịch sử văn học, Viện Văn học, 1999). 53. Bùi Thị Thiên Thai, Truyện kì ảo hiện đại – dư ba của truyện truyền kì truyền thống (luận văn thạc sĩ khoa học Ngữ văn), trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội. 54. Hồ Anh Thái, Nguyễn Thị Anh Thư (2003), Đồng hồ báo tử (tập truyện ngắn kinh dị – Nhiều tác giả), NXB Văn học. 55. Nguyễn Minh Thái (2007), Người săn đuổi và thờ phụng cái đẹp (trong Thế Lữ – Về tác gia và tác phẩm), NXB Giáo dục. 56. Bùi Việt Thắng (1999), Bình luận truyện ngắn, NXB Văn học, Hà Nội. 57. Tzevan Todorov, Dẫn luận về văn chương kỳ ảo (Lê Hồng Sâm, Đặng Anh Đào dịch), NXB Đại học sư phạm, 2008. 58. Nguyễn Thành Thi, “Lược đồ” văn học quốc ngữ Việt Nam - Nhìn từ quá trình hình thành và tương tác thể loại, Đại học sư phạm TP. Hồ Chí Minh. 59. Trần Mạnh Tiến, Nguyễn Thanh Trường (2004), Lan Khai - Truyện đường rừng (Tác phẩm và chuyên khảo), NXB Thông Tin, Hà Nội. 60. Bùi Thanh Truyền (2006), “Sự hồi sinh của yếu tố kì ảo trong văn xuôi đương đại Việt Nam”, Tạp chí nghiên cứu văn học số 11. 61. Bùi Thanh Truyền (2007), “Song đề truyền thống – hiện đại trong điểm nhìn nghệ thuật của truyện giả cổ tích và truyện cũ viết lại đời mới”, Tạp chí nghiên cứu văn học số 2. 62. Bùi Thanh Truyền (2001), Cái kì ảo trong văn học Việt Nam: Từ truyền thống đến hiện đại, Thông báo khoa học trường ĐHSP Huế. 63. Bùi Thanh Truyền (2004), “Kiểu nhân vật ma trong văn xuôi đương đại Việt Nam”, Tạp chí khoa học Đại học Huế. 64. Bùi Thanh Truyền (2006), Đi tìm nguyên nhân hồi sinh của yếu tố kì ảo trong văn xuôi đương đại Việt Nam, Hội thảo Văn học kì ảo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. 65. Bùi Thanh Truyền (2005), “Truyện kì ảo trong đời sống văn học Việt Nam đương đại”, Tạp chí Nghiên cứu văn học. 66. TchyA – Đái Đức Tuấn (2007), Thần hổ, NXB Thanh Hóa 67. TchyA – Đái Đức Tuấn (2007), Ai hát giữa rừng khuya, NXB 68. Nguyễn Tuân (2004), Truyện ngắn, NXB Văn học. 69. Phùng Văn Tửu (2006), “Những hướng đổi mới của văn học kì ảo thế kỉ XX”, Tạp chí nghiên cứu văn học số 5. 70. Phùng Văn Tửu (2007), “Phương thức huyền thoại trong sáng tác văn học”, Tạp chí nghiên cứu văn học số 10. 71. Hoàng Thị Văn (2008), Yếu tố huyền ảo trong văn xuôi nghệ thuật Việt Nam sau 1975 (Đề tài nghiên cứu khoa học ấp Bộ), Trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh. 72. Đinh Phan Cẩm Vân (2000), “Cái “kì” trong tiểu thuyết truyền kì”, Tạp chí nghiên cứu văn học số 10. 73. Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phê Bình văn học Việt Nam (Nửa đầu thế kỉ XX 1900 – 1945), NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLA5216.pdf
Tài liệu liên quan