Xuất khẩu lao động của Việt Nam sang thị trường khu vực Đông Bắc Á - Thực trạng và giải pháp

Mở Đầu 1. Tính cấp thiết của đề tài Đẩy mạnh xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một chủ trương của Đảng và Nhà nước, được coi là một chiến lược quan trọng, lâu dài, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho một bộ phận lao động, tạo nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. XKLĐ còn là biện pháp để tiếp thu, chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài, giúp đào tạo đội ngũ lao động có chất lượng và tăng cường các quan hệ hợp tác quốc tế của Việt Nam, tạo điều kiện cho Việt Nam h

doc115 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 1701 | Lượt tải: 0download
Tóm tắt tài liệu Xuất khẩu lao động của Việt Nam sang thị trường khu vực Đông Bắc Á - Thực trạng và giải pháp, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ội nhập sâu hơn vào khu vực và quốc tế. Khu vực Đông Bắc á có các nước có trình độ cao về phát triển kinh tế, khoa học, kỹ thuật và công nghệ, trong đó Nhật Bản còn là nước công nghệ nguồn, là khu vực có nhu cầu nhập khẩu nhiều loại lao động. Vì vậy, XKLĐ sang khu vực này còn có mục đích tiếp thu các kiến thức khoa học công nghệ (KHCN), kỹ thuật sản xuất tiên tiến, kinh nghiệm quản lý, kinh doanh hiện đại từ các nước trong khu vực này, nâng cao tay nghề và rèn luyện tác phong công nghiệp cho người lao động. Thực tế, khu vực Đông Bắc á là một thị trường XKLĐ khu vực quan trọng đối với Việt Nam, trong đó các nước nhập khẩu lao động (NKLĐ) chính là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Từ đầu những năm 1990 đến nay, hoạt động XKLĐ của Việt Nam sang khu vực này chiếm tỷ trọng lớn và có tác động tích cực đối với người lao động cũng như đối với sự phát triển chung của các ngành, địa phương của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan, hoạt động XKLĐ của Việt Nam sang khu vực Đông Bắc á thời gian qua đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, có những diễn biến phức tạp và phát sinh các tiêu cực, rủi ro. Xảy ra hiện tượng lao động Việt Nam bị phân biệt đối xử về tiền công, về điều kiện làm việc và sinh hoạt, bị lạm dụng, lao động tự ý phá hợp đồng, bỏ trốn ra ngoài làm việc và cư trú bất hợp pháp, v.v... Đặc biệt, số lượng lao động Việt Nam tự ý phá hợp đồng, bỏ trốn ngày càng lớn, đến mức các nước này đã nhiều lần lên tiếng sẽ đóng cửa thị trường nếu Việt Nam không tìm cách ngăn chặn và giải quyết dứt điểm, thậm chí Đài Loan đã tạm thời ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam ở một số lĩnh vực. Những vấn đề đó đã tác động tiêu cực tới quan hệ hợp tác lao động của Việt Nam với các nước trong khu vực, là nguyên nhân gây ra nguy cơ bị đóng băng hoặc mất thị trường XKLĐ vào tay các nước XKLĐ khác, làm phức tạp thêm tình hình, gây khó khăn cho công tác quản lý lao động Việt Nam ở các nước này. Hơn nữa, xét về tầm chiến lược, những vấn đề đó nếu không được giải quyết triệt để sẽ làm mất uy tín của người lao động cũng như các doanh nghiệp XKLĐ của Việt Nam trên thị trường lao động quốc tế, tạo dư luận và tâm lý không tốt trong xã hội đối với hoạt động XKLĐ, ảnh hưởng xấu tới mục tiêu và hiệu quả của hoạt động XKLĐ của Việt Nam sang khu vực này trong thời gian tới. Từ tình hình thực tế nêu trên, việc nghiên cứu, phân tích, đánh giá hoạt động XKLĐ của Việt Nam sang thị trường khu vực Đông Bắc á để tìm ra những nguyên nhân của thành công và hạn chế, rút ra các bài học kinh nghiệm, đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế những phát sinh tiêu cực, thúc đẩy hoạt động XKLĐ của Việt Nam sang thị trường khu vực này phát triển là rất có ý nghĩa và cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, vấn đề "Xuất khẩu lao động của Việt Nam sang thị trường khu vực Đông Bắc á - thực trạng và giải pháp" được chọn làm đề tài nghiên cứu luận văn thạc sĩ. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài ở nước ta trong những năm qua đã có một số công trình nghiên cứu về vấn đề XKLĐ, như: Nguyễn Lương Trào (1993): Mở rộng và nâng cao hiệu quả việc đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài - Luận án tiến sĩ kinh tế; Cao Văn Sâm (1994): Hoàn thiện hệ thống tổ chức và cơ chế xuất khẩu lao động - Luận án tiến sĩ kinh tế; Trần Văn Hằng (1995): Các giải pháp nhằm đổi mới quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động trong giai đoạn 1995-2010 - Luận án tiến sĩ kinh tế; Nguyễn Đình Thiện (2000): Một số vấn đề về xuất khẩu lao động của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay - Luận văn thạc sĩ kinh tế chính trị; Nguyễn Văn Tiến (2002): Đổi mới cơ chế quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động - thực trạng và giải pháp - Luận văn thạc sĩ quản lý kinh tế; Nguyễn Phúc Khanh (2004): Xuất khẩu lao động với chương trình quốc gia về việc làm - Thực trạng và giải pháp - Đề tài khoa học cấp Bộ. Ngoài ra còn có một số đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, các bài nghiên cứu đăng trên nhiều tạp chí viết về vấn đề này. Các công trình nghiên cứu này nhìn chung đã tiếp cận vấn đề XKLĐ của Việt Nam ở nhiều góc độ khác nhau, tập trung nhiều vào việc phân tích đánh giá hoạt động XKLĐ của Việt Nam nói chung, hoặc về các khía cạnh chính sách, cơ chế quản lý hoạt động XKLĐ. Tuy đề cập đến thực trạng và hướng phát triển XKLĐ của Việt Nam sang các nước thuộc khu vực Đông Bắc á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, nhưng các công trình này mới chỉ dừng lại ở mức độ đánh giá chung, tổng quát, chưa đi sâu vào phân tích, đánh giá đầy đủ về nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài (LĐNN) của khu vực cũng như hoạt động XKLĐ của Việt Nam sang Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Hơn nữa, trong điều kiện nền kinh tế thế giới, khu vực và bản thân Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan cũng luôn hàm chứa những yếu tố có tác động không nhỏ tới việc tuyển dụng LĐNN ở từng nước, hoạt động XKLĐ của nước ta còn nhiều tồn tại, khó khăn, có nhiều diễn biến phức tạp chưa giải quyết được thì việc nghiên cứu, làm rõ cả về lý luận và thực tiễn về XKLĐ nói chung, hoạt động XKLĐ của Việt Nam sang thị trường khu vực Đông Bắc á nói riêng cần phải được tiến hành thường xuyên, để từ đó đưa ra được các giải pháp phù hợp thúc đẩy hoạt động này tăng trưởng ổn định và phát triển bền vững. Do đó, tiếp tục nghiên cứu về XKLĐ nói chung và hoạt động XKLĐ của Việt Nam sang thị trường khu vực Đông Bắc á nói riêng là cần thiết, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn trong bối cảnh hiện nay. 3. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn Trên cơ sở hệ thống hóa những vấn đề lý luận và kinh nghiệm thực tiễn về XKLĐ của một số nước và ở nước ta trong thời gian qua, luận văn có mục đích xác định những quan điểm cơ bản về hoạt động XKLĐ và kiến nghị một số giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động XKLĐ của Việt Nam sang thị trường khu vực Đông Bắc á trong thời gian tới, góp phần phát triển hoạt động XKLĐ nói chung của nước ta. Để thực hiện được mục đích đó, luận văn có các nhiệm vụ chính sau đây: - Phân tích làm rõ bản chất, đặc điểm, các yếu tố tác động tới hoạt động XKLĐ và vai trò của hoạt động XKLĐ. - Khái quát những kinh nghiệm của một số nước về XKLĐ. - Phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động XKLĐ của Việt Nam sang thị trường khu vực Đông Bắc á; rút ra một số kinh nghiệm đối với hoạt động XKLĐ của Việt Nam. - Phân tích nhu cầu tuyển dụng LĐNN của khu vực Đông Bắc á và nêu phương hướng XKLĐ của Việt Nam sang thị trường khu vực Đông Bắc á. - Xác định một số quan điểm về hoạt động XKLĐ cần nhận thức đúng; đề xuất một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, hạn chế và đẩy mạnh hoạt động XKLĐ của Việt Nam sang thị trường khu vực Đông Bắc á. 4. Phạm vi và đối tượng nghiên cứu của luận văn Luận văn nghiên cứu XKLĐ với tính chất là một hoạt động xuất khẩu hàng hóa sức lao động - một loại hàng hóa đặc biệt và chỉ nghiên cứu hình thức XKLĐ trực tiếp: đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại các nước và vùng lãnh thổ ngoài Việt Nam theo các hợp đồng cung ứng lao động giữa các tổ chức kinh tế của Việt Nam và nước ngoài, có sự quản lý của nhà nước. Hoạt động XKLĐ của Việt Nam sang khu vực Đông Bắc á được thực hiện chính thức từ năm 1992 và chủ yếu là XKLĐ sang Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Vì vậy, nghiên cứu thực trạng hoạt động XKLĐ của Việt Nam sang thị trường khu vực Đông Bắc á chỉ giới hạn trong phạm vi nghiên cứu hoạt động XKLĐ trực tiếp của Việt Nam sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan từ năm 1992 đến năm 2004. Đối tượng nghiên cứu là hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh và làm dịch vụ giúp việc tại các nước và vùng lãnh thổ này. Thuật ngữ xuất khẩu sức lao động và xuất khẩu lao động được dùng tương đương trong luận văn và đồng nhất về cách hiểu, mặc dù về khía cạnh khoa học, chỉ có sức lao động mới là hàng hóa và là đối tượng của trao đổi, mua bán, trong đó có xuất khẩu. Người lao động ở các trình độ, nghề nghiệp khác nhau được đưa đi làm việc ở nước ngoài theo các hợp đồng cung ứng lao động được nghiên cứu chung là lao động xuất khẩu (LĐXK). 5. Phương pháp nghiên cứu Luận văn sử dụng phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời kết hợp với một số phương pháp khác như thống kê, phân tích, so sánh và tổng hợp một cách logíc, có kế thừa những kết quả nghiên cứu của các công trình nghiên cứu khoa học trước đây để giải quyết các nhiệm vụ đặt ra. 6. Những đóng góp của luận văn - Hệ thống hóa những vấn đề lý luận liên quan đến hoạt động XKLĐ. - Làm rõ nhu cầu tuyển dụng LĐNN của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan và phương hướng XKLĐ của Việt Nam sang các nước này. - Tìm ra một số nguyên nhân của thành công và hạn chế trong hoạt động XKLĐ của Việt Nam sang thị trường khu vực Đông Bắc á, rút ra một số kinh nghiệm về hoạt động XKLĐ của Việt Nam. - Đưa ra một số giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế các phát sinh tiêu cực, đồng thời thúc đẩy hoạt động XKLĐ của Việt Nam sang thị trường khu vực Đông Bắc á phát triển trong thời gian tới. 7. ý nghĩa thực tiễn của luận văn Luận văn có thể được dùng làm tài liệu tham khảo cho các nhà hoạch định chính sách kinh tế - xã hội, nhất là đối với những người làm công tác XKLĐ, các nhà nghiên cứu và các độc giả quan tâm. 8. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung của luận văn gồm 3 chương, 9 tiết. Chương 1 Những Vấn Đề Lý Luận Và Thực Tiễn Về Xuất Khẩu LAO Động 1.1. Xuất khẩu lao động - một hình thức hợp tác kinh tế quốc tế Xuất khẩu lao động là một hoạt động có tính chất phức tạp, nhạy cảm do liên quan trực tiếp đến con người, tới nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, xã hội, quan hệ đối ngoại cũng như do có nhiều quan điểm và nhận thức khác nhau. Bởi vậy, làm rõ bản chất, đặc điểm, các yếu tố tác động tới hoạt động XKLĐ sẽ giúp cho có được một cách nhìn toàn diện, thống nhất về quan điểm trong lý luận cũng như thực tiễn về hoạt động XKLĐ ở nước ta. 1.1.1. Bản chất, đặc điểm của hoạt động xuất khẩu lao động 1.1.1.1. Một số vấn đề liên quan đến thuật ngữ XKLĐ Theo cách hiểu thông thường, việc khảo sát thị trường lao động, tìm kiếm người sử dụng lao động ở nước ngoài, ký kết các hiệp định hợp tác hoặc hợp đồng lao động, tiến hành đưa người lao động đi làm việc ở các nước và các hoạt động kèm theo là nội dung chính của hoạt động XKLĐ. Theo cách hiểu đó, hoạt động XKLĐ bao hàm việc di chuyển của người lao động từ một nước này đến nước khác làm việc. Tuy nhiên, không phải bất cứ một sự di chuyển lao động nào như vậy của người lao động đều là hoạt động XKLĐ. Vấn đề này, ở các quốc gia, thậm chí ở một quốc gia, tùy từng điều kiện cụ thể mà người ta có các cách hiểu, quan niệm khác nhau. Nhưng nhìn chung, về thực chất, sự di chuyển này là việc người lao động đi làm thuê cho người sử dụng lao động ở ngoài nước. Để làm rõ bản chất cũng như đưa ra được khái niệm đầy đủ về hoạt động XKLĐ, cần xem xét tới một số vấn đề liên quan sau: Thị trường lao động: Là thị trường trao đổi sức lao động, là một không gian trao đổi, tiến tới một thỏa thuận giữa người sở hữu sức lao động và người cần sức lao động đó để sử dụng. Kết quả của sự trao đổi đó là sự thỏa thuận bằng hợp đồng về tiền công cùng với một số điều kiện khác cho một công việc cụ thể. Thị trường lao động chính là biểu hiện của sự trao đổi, là mối quan hệ kinh tế cần thiết giữa người sở hữu và người sử dụng sức lao động. Hàng hóa trên thị trường lao động là sức lao động - một loại hàng hóa đặc biệt, giá cả của nó cũng chịu sự tác động của các quy luật kinh tế, nhất là quy luật cung - cầu. Lao động di cư (migrant worker) chỉ người lao động di chuyển từ nước này sang nước khác để làm việc, thuộc phạm trù di dân quốc tế (international migration). Di dân quốc tế bao gồm những vấn đề lớn hơn khái niệm lao động di cư, để chỉ những người hoặc dòng người di chuyển từ nước này sang nước khác vì nhiều mục đích khác nhau, với nhiều lứa tuổi khác nhau, trong đó có một bộ phận thuộc lực lượng lao động. Xuất khẩu lao động: Được hiểu như là công việc đưa người lao động từ một nước đi lao động tại nước có nhu cầu thuê mướn, sử dụng lao động. Nó có liên quan đến các khái niệm: lao động xuất cư - chủ yếu đề cập tới người lao động ra đi từ một nước nào đó tới nước mà họ lao động; lao động nhập cư - chủ yếu đề cập đến người lao động từ nước ngoài vào một nước nào đó để làm việc; lao động xuất khẩu - đề cập đến người lao động của một nước có độ tuổi, sức khỏe và kỹ năng lao động khác nhau được đưa đi làm việc ở ngoài nước theo các quy định của pháp luật nước đó. Trên thế giới, thuật ngữ thông dụng để chỉ sự di chuyển của người lao động ra khỏi biên giới một nước là lao động di cư hay lao động di trú. Theo Điều 11 của Công ước số 97 (1949) của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), khái niệm người lao động di cư chỉ một người di cư từ nước này sang một nước khác để làm thuê cho người khác [47]. Như vậy, bất cứ sự di chuyển nào của người lao động từ nước này đến nước khác để làm việc đều được gọi chung là lao động di cư, không phân biệt hình thức tổ chức và đối tượng tham gia. Với cách hiểu này, thuật ngữ lao động di cư chỉ phản ánh biểu hiện bề ngoài sự di chuyển của người lao động đi làm việc ở nước ngoài dưới bất kỳ hình thức nào, chưa thể hiện được bản chất của nó là quá trình mua bán sức lao động giữa người lao động (người sở hữu sức lao động) với người thuê lao động (người sử dụng sức lao động). Hơn nữa, khái niệm cũng bao hàm và không phân biệt các trường hợp di chuyển hợp pháp (có sự quản lý của nhà nước) và di chuyển bất hợp pháp (nhà nước không kiểm soát được) của người lao động. ở Việt Nam, liên quan đến sự di chuyển của người lao động đi làm việc ở nước ngoài có một số quan niệm, thuật ngữ được sử dụng ở các thời kỳ khác nhau như: hợp tác quốc tế về lao động, đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, xuất khẩu lao động. Hợp tác quốc tế về lao động hay hợp tác quốc tế về sử dụng lao động là cụm từ được sử dụng vào những năm 1980, phản ánh hoạt động cung ứng và tiếp nhận lao động giữa Việt Nam với một số nước xã hội chủ nghĩa cũ và một số nước ở châu Phi và Trung Đông theo các hiệp định chính phủ. Như vậy, hợp tác quốc tế về lao động bao gồm các hoạt động: đưa lao động Việt Nam sang nước khác làm việc, cung cấp lao động cho nước ngoài sử dụng ngay trong nước và tiếp nhận LĐNN vào Việt Nam làm việc. Nhưng thực tế lúc đó chủ yếu là Việt Nam thực hiện cung cấp lao động đáp ứng nhu cầu lao động bị thiếu hụt ở các nước tiếp nhận, được thể hiện dưới hình thức Nhà nước tuyển chọn và trực tiếp đưa lao động ra nước ngoài nhằm mục đích đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề ở các nước tiếp nhận trên tinh thần giúp đỡ, hợp tác hữu nghị, chưa chú trọng đến mục đích kinh tế. Vì vậy, "hợp tác quốc tế về lao động" chỉ được sử dụng với nghĩa hẹp, phù hợp với cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch hóa tập trung và điều kiện lịch sử lúc đó, không thể hiện được bản chất của nó đó là sự trao đổi, mua bán hàng hóa sức lao động trên cơ sở ngang giá và cân bằng lợi ích giữa các chủ thể tham gia. Đưa người lao động đi làm việc (có thời hạn) ở nước ngoài: Là cụm từ được sử dụng vào đầu những năm 1990 thay cho cụm từ hợp tác quốc tế về lao động, gắn liền với sự thay đổi nhận thức về sức lao động và quan niệm về việc đưa lao động ra nước làm việc. Sức lao động đã được thừa nhận là một hàng hóa có thể trao đổi, mua bán ở cả trong và ngoài nước. Hoạt động đưa người lao động ra nước ngoài là nhằm các mục tiêu: kinh tế (thu nhập cho người lao động và thu ngoại tệ cho đất nước), xã hội (giải quyết việc làm); quan hệ quốc tế (hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật), được thực hiện theo các hình thức tổ chức: hiệp định giữa hai chính phủ (nếu có); các hợp đồng cung ứng lao động giữa các tổ chức kinh tế của Việt Nam và nước ngoài; các hợp đồng lao động giữa người lao động với các tổ chức kinh tế Việt Nam hoặc các tổ chức kinh tế và cá nhân nước ngoài [22]. Nhà nước không trực tiếp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài mà chủ yếu do các tổ chức kinh tế được cấp phép đảm nhiệm. Hoạt động này đã phản ánh sát thực bản chất của việc cung ứng và tiếp nhận lao động giữa các quốc gia, đó là sự trao đổi, mua bán hàng hóa sức lao động nhằm mục đích kinh tế - xã hội, nằm trong quỹ đạo của nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Xuất khẩu lao động: Là thuật ngữ hiện được sử dụng phổ biến, có ý nghĩa tương đương với cụm từ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong nhiều văn bản pháp luật, tài liệu nghiên cứu về người lao động đi làm việc ở ngoài nước. Trong cơ chế kinh tế thị trường, XKLĐ phản ánh hoạt động cung - cầu lao động trên thị trường lao động quốc tế theo các quy luật kinh tế, trên cơ sở giá cả của hàng hóa sức lao động và lợi ích kinh tế của các chủ thể tham gia; phản ánh được sự khác biệt giữa hình thức tổ chức đưa lao động ra nước ngoài làm việc một cách hợp pháp với các hình thức tổ chức khác. 1.1.1.2. Bản chất của hoạt động XKLĐ Từ hiện tượng di chuyển lao động tự do đến XKLĐ là một quá trình gắn liền với quá trình phát triển kinh tế của mỗi nước. Đó cũng là một quá trình nhận thức khách quan về vai trò của người lao động và sức lao động tiềm ẩn trong các nước dư thừa lao động. Vấn đề di chuyển lao động và XKLĐ về thực chất là việc đem sức lao động từ một nước này tới một nước khác nhằm mục đích kinh tế, nhưng giữa chúng có sự khác nhau về chất. Việc di chuyển lao động ban đầu mang tính tự phát còn việc di chuyển lao động trong XKLĐ lại mang tính tự giác, tức là có việc tổ chức đưa lao động đi và về kèm theo hạch toán kinh tế, có ý nghĩa chiến lược của một quốc gia. Như vậy, XKLĐ bản thân nó là một hoạt động nhằm mục đích kinh tế, có liên quan đến nhiều vấn đề nhạy cảm và phức tạp vì gắn liền với hoạt động của người lao động. Từ thực tế nêu trên cùng với tính đặc biệt của hàng hóa sức lao động đã tạo ra sự phức tạp trong hoạt động XKLĐ, do đó vẫn còn có những điểm khác nhau trong các khái niệm khi nghiên cứu về hoạt động XKLĐ ở Việt Nam. Dưới góc độ chuyên ngành kinh tế và tổ chức lao động, theo tác giả Nguyễn Lương Trào: "Việc tổ chức đưa lao động ra nước ngoài làm việc được nhà nước xem đó là một lĩnh vực hoạt động kinh tế hợp pháp và cho phép các tổ chức kinh tế (nhà nước hoặc tư nhân) thực hiện thì đó chính là hoạt động xuất khẩu lao động" [45, tr. 5]. Trên giác độ phân tích một hoạt động nghiệp vụ ngoại thương, tác giả Nguyễn Phúc Khanh cho rằng: "Xuất khẩu lao động là hoạt động kinh tế đối ngoại đặc thù của một quốc gia, thực hiện việc cung ứng lao động cho một quốc gia khác trên cơ sở hợp đồng có thời hạn, có tính chất pháp quy được thống nhất giữa quốc gia đưa và nhận lao động" [25, tr. 10]. Phân tích XKLĐ dưới góc độ quản lý kinh tế, XKLĐ được quan niệm: "Xuất khẩu lao động là hoạt động kinh tế của một quốc gia, thực hiện việc cung ứng lao động cho một quốc gia khác trên cơ sở những hiệp định, hợp đồng giữa các nhà nước, tổ chức kinh tế, pháp nhân, cá nhân của quốc gia xuất khẩu với các quốc gia nhập khẩu" [44, tr. 5]. Có thể thấy, trong các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, theo cách tiếp cận khác nhau, người nghiên cứu đưa ra các khái niệm khác nhau, hoặc có điểm khác nhau trong quan niệm về XKLĐ. Các khái niệm này nhìn chung đã phản ánh những biểu hiện cụ thể, mang tính kỹ thuật của hoạt động XKLĐ: cung ứng lao động cho nước ngoài theo các hợp đồng đã ký kết. Việc phản ánh bản chất của hoạt động XKLĐ mới ở mức độ khái quát những biểu hiện chung nhất - đó là một hoạt động nhằm mục đích kinh tế qua việc đưa lao động từ nước này sang nước khác, mà chưa thể hiện được đó là việc bán hàng hóa sức lao động trong nước cho chủ sử dụng ở nước ngoài. Trong nền kinh tế thị trường, sức lao động được coi là hàng hóa, được đem ra trao đổi, mua bán trên thị trường. Nhưng người lao động là chủ sở hữu sức lao động, chỉ bán giá trị sử dụng của sức lao động và bán nó trong một khoảng thời gian nhất định cho người mua là người sử dụng lao động, theo những điều kiện đã được thỏa thuận giữa hai bên. Người mua chỉ được sử dụng sức lao động trong thời gian đã thỏa thuận để thu giá trị thặng dư do người lao động tạo ra, hết thời hạn này, sự ràng buộc giữa hai bên chấm dứt. Hoạt động mua bán này diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, có thể người lao động trực tiếp tìm đến người sử dụng hoặc thông qua các môi giới trung gian theo các hợp đồng cung ứng lao động. Nếu người lao động bán sức lao động, đi làm thuê cho người sử dụng ở ngoài nước thì việc mua bán này diễn ra trên thị trường lao động quốc tế, khi đó hoạt động này vượt ra ngoài phạm vi biên giới quốc gia và do đó, liên quan tới các quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội,… giữa quốc gia mà người lao động đi và quốc gia mà người lao động đến để làm việc. Để đảm bảo quyền lợi của người lao động cũng như các lợi ích khác của quốc gia, nhà nước đã phải tham gia vào hoạt động này. Cho đến nay, hầu hết sự di chuyển của người lao động ra nước ngoài làm việc đều có sự can thiệp của nhà nước, nhưng với các mức độ khác nhau ở các nước khác nhau. Vì thế trên thế giới người ta thường xếp XKLĐ vào hoạt động kinh tế đối ngoại hay hoạt động kinh tế quốc tế. Như vậy có thể thấy, thực chất XKLĐ là hoạt động xuất khẩu hàng hóa sức lao động - một loại hàng hóa đặc biệt, bản chất của hoạt động này là việc bán hàng hóa sức lao động trong nước cho nước ngoài. Người lao động thông qua các tổ chức môi giới giao dịch hàng hóa sức lao động, hay các tổ chức XKLĐ, của nhà nước hoặc tư nhân, để bán sức lao động, đi làm thuê cho chủ sử dụng lao động ở ngoài nước. Từ những phân tích trên, chúng tôi mạnh dạn tóm lược các nội dung trên và đưa ra một khái niệm tương đối đầy đủ về XKLĐ như sau: Xuất khẩu lao động là một hoạt động kinh tế - xã hội đặc thù, thuộc lĩnh vực hợp tác kinh tế quốc tế của một quốc gia nhằm thực hiện việc cung ứng hàng hóa sức lao động cho nhu cầu sử dụng ở nước ngoài theo các hình thức do nhà nước quy định. Đây là một hình thức giao dịch hàng hóa sức lao động trên thị trường lao động quốc tế, trong đó người chủ bán hàng hóa sức lao động cho người sử dụng ở nước ngoài thông qua các tổ chức môi giới trung gian của nhà nước hoặc tư nhân. 1.1.1.3. Đặc điểm của hoạt động XKLĐ Sức lao động là một loại hàng hóa đặc biệt, do đó, hoạt động XKLĐ cũng có những đặc điểm khác với hoạt động xuất khẩu các hàng hóa khác. - Hoạt động XKLĐ là một hoạt động đặc thù thuộc lĩnh vực hợp tác kinh tế quốc tế. Tính đặc thù này được thể hiện hoạt động XKLĐ là một hoạt động nhằm mục đích kinh tế nhưng mang tính xã hội sâu sắc trong quan hệ với nước ngoài. Là một hoạt động kinh tế, ở nhiều nước, XKLĐ đã trở thành một giải pháp để giải quyết việc làm cho lực lượng lao động ngày càng tăng, tích lũy tư bản từ nguồn tiền chuyển về nước của người lao động đi XKLĐ và các khoản thu khác từ hoạt động này. Những lợi ích kinh tế này buộc nước XKLĐ phải nỗ lực để có thể chiếm được thị phần XKLĐ cao nhất. Chính vì vậy, nước XKLĐ phải tính toán sao cho bù đắp được chi phí trong hoạt động XKLĐ và thu được các lợi ích kinh tế cho các chủ thể tham gia, vì vậy phải có cơ chế thích hợp để tăng tối đa khả năng cung lao động. Mục tiêu kinh tế luôn được chú trọng trong hoạt động XKLĐ, do đó, mọi chủ trương, chính sách, các biện pháp quản lý, điều tiết của nhà nước về hoạt động XKLĐ đều bám sát đặc điểm này, định hướng và bảo đảm cho hoạt động XKLĐ đạt được mục tiêu về lợi ích kinh tế. Tính chất xã hội của hoạt động XKLĐ bắt nguồn từ tính chất đặc biệt của hàng hóa sức lao động. Sức lao động là toàn bộ những năng lực thể chất và tinh thần tồn tại trong một cơ thể, trong một con người đang sống và được người đó đem ra sử dụng mỗi khi sản xuất ra một giá trị sử dụng nào đó [34, tr. 251]. Vì vậy, xét cả về số lượng và chất lượng, hàng hóa sức lao động phụ thuộc hoàn toàn vào bản thân người mang loại hàng hóa này. Hơn nữa, sức lao động còn bao hàm các yếu tố về lịch sử và tinh thần [34, tr. 257], nên hàng hóa sức lao động có một đặc tính xã hội riêng có. Người lao động có khả năng tư duy và tự làm chủ bản thân, mang trong mình các đặc điểm về đạo đức, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán… của một quốc gia, dân tộc, chúng di chuyển cùng người LĐXK. Vì thế, các chính sách điều tiết hoạt động XKLĐ đều phải kết hợp với các chính sách xã hội khác, nhất là phải đảm bảo được quyền lợi của người lao động, trong các hiệp định hợp tác lao động, hợp đồng XKLĐ cũng phải có những điều khoản đề cập đến đời sống chính trị, tinh thần, văn hóa, sinh hoạt của người lao động như vấn đề thăm thân, tham gia các hoạt động văn hóa, lễ hội, sinh hoạt tập thể... Hoạt động XKLĐ luôn đòi hỏi phải có sự tham gia của nhà nước - với tư cách là một chủ thể tham gia vào quá trình này. Nhà nước tham gia vào hoạt động XKLĐ bằng cách xây dựng các khuôn khổ pháp lý cho hoạt động XKLĐ để bảo đảm các lợi ích quốc gia, quyền lợi của các tổ chức, doanh nghiệp, người lao động tham gia XKLĐ, duy trì và phát triển quan hệ hợp tác với các nước NKLĐ,... Trong những trường hợp cần thiết, nhà nước phải trực tiếp giải quyết các vấn đề mà bản thân các tổ chức, doanh nghiệp XKLĐ không thể đảm đương được như bảo vệ người lao động ở nước ngoài, đàm phán ký kết các hiệp định chính phủ về hợp tác lao động với nước ngoài, ký kết các điều ước quốc tế liên quan đến người lao động, giải quyết các vấn đề tiêu cực trong hoạt động XKLĐ như lao động vi phạm pháp luật ở nước NKLĐ, lừa đảo trong hoạt động XKLĐ,... - Hoạt động XKLĐ là một hoạt động xuất khẩu dịch vụ đặc thù. Đặc điểm này được thể hiện qua tính chất vô hình không thể chia cắt và tính chất không xác định trong hoạt động XKLĐ. + Tính chất vô hình, không thể chia cắt: Hoạt động dịch vụ thông thường có đặc điểm không hiện hữu, không tồn tại dưới dạng vật thể, không thể sờ mó, tiếp xúc hay nhìn thấy được khi ra quyết định sử dụng. Đối với XKLĐ, yếu tố không hiện hữu thể hiện ở chỗ, hoạt động XKLĐ không chấm dứt khi đã hoàn thành thủ tục đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nó kéo dài từ khi đưa người lao động đi XKLĐ, giúp người lao động thích nghi với công việc ở nước ngoài cho đến khi người lao động về nước. Các bên liên quan đến hoạt động XKLĐ có quyền lợi và nghĩa vụ trong suốt thời hạn của hợp đồng, đồng thời, phải thường xuyên có những hành động để thực hiện nghĩa vụ quy định trong hợp đồng, hoặc cả trường hợp không quy định trong hợp đồng nhưng có liên quan đến quyền lợi của người lao động, người cung ứng lao động và người sử dụng lao động [24, tr. 12]. + Tính chất không xác định: Dịch vụ có tính không đồng nhất, sản phẩm dịch vụ phi tiêu chuẩn hóa, chất lượng thường không xác định bởi các dịch vụ phụ thuộc vào người cung cấp chúng. Tính chất không xác định trong hoạt động XKLĐ được quy định bởi chất lượng hàng hóa sức lao động. Chất lượng của hàng hóa sức lao động được phản ánh và phụ thuộc vào nguồn lực thể chất và tinh thần của người lao động, hay là khả năng dẻo dai, bền bỉ trong lao động, khả năng thành thạo và sáng tạo của người lao động cũng như điều kiện làm việc, sinh hoạt nghỉ ngơi, các hoạt động văn hóa… cho người lao động. Tuy nhiên, các yếu tố này ở mỗi người, ở mỗi địa phương, khu vực là khác nhau, có thể thay đổi làm cho chất lượng hàng hóa sức lao động thay đổi theo, không ổn định, do đó tạo ra tính chất không xác định trong hoạt động XKLĐ. - Hoạt động XKLĐ có cách tính giá cả hàng hóa xuất khẩu khác biệt. Hàng hóa xuất khẩu trong hoạt động XKLĐ là sức lao động, giá cả hàng hóa sức LĐXK là biểu hiện bằng tiền của giá trị sức lao động của người LĐXK và được xác định trên thị trường lao động. Giá trị của hàng hóa sức lao động được xác định gồm: giá trị tư liệu sinh hoạt cần thiết để duy trì sự sống và đảm bảo tái sản xuất sức lao động của bản thân người lao động, để nuôi sống gia đình, con cái của người lao động và các chi phí đào tạo nghề nghiệp, kỹ năng lao động, các chi phí để thỏa mãn các nhu cầu văn hóa tinh thần của người lao động [34, tr. 256-258]. Do đó, ngoài vấn đề phải đảm bảo được sức cạnh tranh trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc tính toán giá cả hàng hóa trong XKLĐ phải tính đúng và tính đủ các yếu tố hình thành giá trị hàng hóa sức lao động, phải tính toán trong điều kiện từng thị trường cụ thể, nơi diễn ra việc trao đổi sức lao động vì mỗi thị trường có chi phí và điều kiện sinh hoạt khác nhau. Như C.Mác đã chỉ ra "những nhu cầu thiết yếu, cũng như phương thức thỏa mãn những nhu cầu đó... phụ thuộc phần lớn vào trình độ văn minh của mỗi nước, ngoài ra còn phụ thuộc rất nhiều vào những thói quen và những nhu cầu sinh hoạt" [34, tr. 256]. - Hoạt động XKLĐ phải đảm bảo lợi ích kinh tế cho ba chủ thể tham gia. Hoạt động XKLĐ, ngoài sự tham gia của Nhà nước và doanh nghiệp XKLĐ, còn có sự tham gia trực tiếp của người lao động. Người lao động tham gia vào hoạt động XKLĐ với tư cách vừa là người tạo ra hàng hóa xuất khẩu, vừa là người trực tiếp mang hàng đi bán, lợi ích của họ là các khoản thu nhập hay tiền công lao động ở nước ngoài; lợi ích của các doanh nghiệp XKLĐ chủ yếu là các loại phí trong việc giúp cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài; lợi ích của nhà nước là các khoản ngoại tệ ròng nhận được thông qua các khoản tiền của người lao động gửi về nước, các khoản phí và thuế từ hoạt động XKLĐ. Vì lợi ích kinh tế, cả người lao động và doanh nghiệp XKLĐ rất dễ vi phạm các quy định của pháp luật. Do đó, các chính sách điều chỉnh phải đảm bảo được sự hài hòa lợi ích trực tiếp của các chủ thể tham gia, trong đó phải chú trọng đến lợi ích của người lao động. - Hoạt động XKLĐ không có sự chuyển quyền sở hữu hàng hóa xuất khẩu, việc thực hiện quyền sử dụng hàng nhập khẩu có thời hạn. Sức lao động gắn chặt với người lao động, không thể tách rời khỏi cơ thể sống của người lao động và luôn thuộc quyền sở hữu của người lao động. Người lao động với tư cách là một con người phải thường xuyên duy trì mối quan hệ đối với sức lao động của mình như là đối với một vật sở hữu của mình hay như đối với một hàng hóa của bản thân anh ta [34, tr. 252]. Do đó, người lao động chỉ bán sức lao động của mình và bao giờ cũng chỉ để cho người mua sức lao động sử dụng hay tiêu dùng sức lao động đem bán trong một thời hạn nhất định, không từ bỏ quyền sở hữu về sức lao động đó. Nếu người lao động chuyển quyền sở hữu sức lao động của mình cho người mua, tức ngườ._.i lao động đã "bán đứt hẳn toàn bộ sức lao động ấy trong một lần thì người lao động sẽ tự bán cả bản thân anh ta, và từ chỗ là một người tự do, anh ta sẽ trở thành nô lệ, từ chỗ là người chủ hàng hóa, anh ta sẽ trở thành một hàng hóa" [34, tr. 252]. Vì vậy, trong hoạt động XKLĐ không có sự chuyển quyền sở hữu hàng hóa xuất khẩu từ người bán cho người mua như hoạt động xuất khẩu hàng hóa thông thường, quyền sở hữu sức lao động vẫn thuộc về người lao động khi hợp đồng được thực hiện. Trong khoảng thời gian của hợp đồng XKLĐ, người chủ sử dụng tiến hành khai thác và sử dụng sức lao động mua về một cách hiệu quả nhất nhằm thu được tối đa giá trị tăng thêm do sức lao động đó tạo ra. Tuy nhiên, việc sử dụng đó là có giới hạn, phải tuân theo các điều kiện, thỏa thuận đã ký kết giữa họ và người LĐXK, tuân theo các hiệp định chính phủ ký kết giữa nước họ với nước XKLĐ và phù hợp với các quy ước, thông lệ quốc tế về lao động nhập cư. Sau thời hạn hợp đồng, người chủ sử dụng hết quyền sử dụng hàng hóa sức lao động đó và phải trả người lao động về nước XKLĐ. - Hoạt động XKLĐ có sự đa dạng về thị trường, hình thức và chủng loại hàng hóa. Đây là một thực tế phản ánh quá trình phân công lao động quốc tế trong bối cảnh tự do hóa kinh tế và toàn cầu hóa, dưới tác động của sự phát triển mạnh mẽ của KHCN. Trong quá trình phát triển kinh tế, vì nhiều lý do khác nhau, có nhiều ngành, lĩnh vực mà bản thân lực lượng lao động của mỗi nước cũng không đáp ứng được, do đó có nhu cầu sử dụng LĐNN. Hơn nữa, trong điều kiện tự do hóa kinh tế và tác động của các quy luật kinh tế, người lao động sẽ di chuyển từ nơi dư thừa lao động, thu nhập thấp đến nơi thiếu hụt lao động, thu nhập cao. Đặc biệt, ở nhiều nước, nhất là các nước đang và chậm phát triển, sự di chuyển này được thúc đẩy mạnh mẽ bởi các chính sách của chính phủ, coi việc đưa lao động ra nước ngoài làm việc bằng nhiều hình thức khác nhau là một hướng đi để góp phần giải quyết vấn đề việc làm trong nước, tăng thu nhập ngoại tệ cho quốc gia. Quá trình đó đã tạo ra sự đa dạng trong hoạt động XKLĐ: diễn ra ở tất cả các nước, khu vực trên thế giới, không chỉ đơn thuần hướng từ các nước đang và chậm phát triển sang các nước phát triển mà còn có chiều ngược lại, hoặc giữa các nước có cùng trình độ phát triển, dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm nhiều loại lao động có trình độ khác nhau, làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau theo nhu cầu của các nước tiếp nhận. Do đó, quá trình này đã tạo ra tình trạng một nước vừa XKLĐ loại này nhưng vẫn phải NKLĐ loại khác. Tuy nhiên, dòng XKLĐ từ các nước phát triển sang các nước kém phát triển hơn thường gắn liền với các hiệp định chính phủ, các hoạt động đầu tư, thương mại, các công trình thầu khoán của các tập đoàn, công ty xuyên quốc gia của các nước phát triển. Đây là sự di chuyển của dòng lao động chất lượng cao, có trình độ tay nghề, chuyên môn kỹ thuật cao như các chuyên gia, các nhà quản lý, kỹ thuật viên cao cấp,… sức lao động của họ được định ở mức giá cao hay có mức lương luôn lớn hơn so với mức lương của người lao động bản xứ, thậm chí trong cùng một công việc, do đó, giá trị XKLĐ của các nước phát triển thường cao hơn. - Hoạt động XKLĐ có sự di chuyển và giao thoa của các yếu tố truyền thống, văn hóa, phong tục tập quán giữa các quốc gia, dân tộc. Sức lao động bao hàm cả yếu tố lịch sử và tinh thần, vì thế người lao động luôn mang trong mình các yếu tố thuộc về đạo đức, truyền thống văn hóa, phong tục tập quán... của một quốc gia, dân tộc và chúng được di chuyển cùng người lao động sang nước NKLĐ. Người LĐXK, để sống và làm việc ở nước NKLĐ, buộc phải thích nghi, hòa nhập với phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, pháp luật, thói quen sinh hoạt và làm việc,... của nước sở tại, do đó tạo ra sự trao đổi, hiểu biết về các yếu tố đó giữa người LĐXK và người dân bản địa. Vì vậy, hoạt động XKLĐ cũng là một nhân tố thúc đẩy giao lưu văn hóa và hợp tác hữu nghị giữa nước XKLĐ và nước NKLĐ. 1.1.2. Các yếu tố tác động đến hoạt động xuất khẩu lao động 1.1.2.1. Sự hình thành hoạt động XKLĐ Hoạt động kinh tế của bất cứ một quốc gia nào cũng luôn phải tính đến nguồn nhân lực, trong đó vấn đề chính là sự dư thừa lao động ở trong nước. Trước sức ép về việc làm, tỷ lệ thất nghiệp và thu nhập, việc XKLĐ để giảm các sức ép này và thu ngoại tệ là một yêu cầu khách quan. Tuy nhiên, hoạt động XKLĐ không nhất thiết phải từ các nước dư thừa lao động. Một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự hình thành hoạt động XKLĐ là: - Sự phát triển không đều giữa các quốc gia trên thế giới. Các nước trên thế giới ngày càng có xu hướng phát triển cao dựa trên nền tảng KHCN tiên tiến và có những cải tiến vượt bậc trong các lĩnh vực cơ khí hóa và tự động hóa. Trong điều kiện tự do kinh tế, các nước, nhất là các nước phát triển, đều không ngừng đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế để nâng cao năng lực sản xuất và hiệu quả của nền kinh tế, tăng cường khả năng cạnh tranh của quốc gia. Quá trình này đã dẫn đến hiện tượng, ở nhiều ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế của một quốc gia nào đó, đôi khi chính lực lượng lao động của nước đó cũng không đáp ứng được, do vậy có nhu cầu sử dụng lao động từ nước ngoài. Trong khi đó, ở một số nước khác, thường là các nước đang và chậm phát triển, nước nghèo nhưng đông dân, có mức tiền công lao động thấp, thường xuyên dư thừa lao động, đã nảy sinh nhu cầu cung ứng lao động cho những nước thiếu lao động. Từ mối quan hệ cung và cầu về lao động đó tất yếu dẫn đến hoạt động XKLĐ giữa các quốc gia. - Sự phân bổ tài nguyên không đồng đều giữa các nước trên thế giới. Những nước có ít tài nguyên thiên nhiên bị thiếu hụt nguyên, nhiên, vật liệu trong việc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, nhất là các nước phát triển, phải tìm kiếm từ nước khác. Một số nước đã trở thành khách hàng của các nước nhiều tài nguyên (dầu mỏ, than đá, khoáng sản...), trong khi các nước nhiều tài nguyên này lại rất cần kỹ thuật, vốn đầu tư, lao động từ các nước phát triển hơn để phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế. Chính mối quan hệ này đã nảy sinh các nhu cầu lao động phục vụ cho các dự án khai thác tài nguyên và phát triển kinh tế này, từ đó thúc đẩy khuyến khích một cách không tự giác việc XKLĐ trong các nước có dư thừa lao động. - Sự phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ đã đẩy nhanh quá trình chuyên môn hóa sản xuất và phân công lao động ở cả phạm vi quốc gia và quốc tế, hình thành lên các ngành nghề, lĩnh vực mới trong nền kinh tế dựa trên các kỹ thuật, công nghệ cao ở nhiều nước. ở các nước phát triển, sự tập trung các nguồn lực vào phát triển các ngành, lĩnh vực mới, có lợi nhuận cao một mặt dẫn tới sự thiếu hụt lao động ở các ngành kinh tế truyền thống sử dụng nhiều lao động, thậm chí ở cả những ngành, lĩnh vực mới do sự phát triển của các ngành này vượt quá khả năng cung cấp nhân lực của nước đó, do đó các nước này có nhu cầu sử dụng LĐNN; mặt khác, lại có nhu cầu đưa một số lao động trong nước theo các dự án chuyển giao các công nghệ (cũ) sang các nước khác. ở các nước đang và chậm phát triển, việc đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH), thực hiện chuyên môn hóa và phân công lao động quốc tế một mặt tạo ra sự dư thừa lao động, thiếu việc làm trong nền kinh tế, do đó có nhu cầu đưa lao động sang các nước khác làm việc. Mặt khác, lại cần lao động chất lượng cao từ nước ngoài vào làm việc trong các lĩnh vực sử dụng nhiều chất xám, hoặc theo các dự án tiếp nhận công nghệ từ nước ngoài mà lao động trong nước chưa đáp ứng được. Dưới tác động của các quy luật kinh tế các quá trình trên tất yếu dẫn đến sự trao đổi lao động để đáp ứng các nhu cầu về lao động giữa các nước, hình thành lên hoạt động XKLĐ. - Quá trình toàn cầu hóa và hoạt động của các công ty xuyên quốc gia (TNCs). Quá trình toàn cầu hóa đã thúc đẩy mạnh mẽ sự di chuyển của các dòng đầu tư và thương mại giữa các quốc gia, kéo theo sự di chuyển của người lao động. Tác động của quá trình này cũng thúc đẩy người lao động có xu hướng di chuyển tới làm việc ở những nơi có thu nhập cao hơn, sức lao động được định giá cao và xác thực hơn. Xu hướng này đã kéo theo sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp làm trung gian để đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, và để đảm bảo được quyền lợi của các bên tham gia cũng như giữ được trật tự an toàn xã hội, đến lượt nhà nước phải trực tiếp tham gia vào hoạt động này. Việc TNCs bành trướng hoạt động ra phạm vi toàn cầu đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phân công lao động và quá trình tái cơ cấu kinh tế ở các quốc gia, làm nảy sinh nhu cầu trao đổi lao động giữa các nước. Một mặt, việc đẩy nhanh quá trình tích tụ và tập trung tư bản để thực hiện sự bành trướng kinh tế của TNCs đã thúc đẩy việc tìm kiếm nguồn cung cấp các yếu tố đầu vào giá rẻ từ các nước khác, trong đó có sức lao động, do đó tạo ra sự di chuyển lao động giữa các nước, nhất là từ các nước nghèo, đông dân sang các nước giàu hơn. Mặt khác, quá trình tái cơ cấu TNCs ở các quốc gia cũng thúc đẩy sự di chuyển lao động từ nước này sang nước khác. Việc hình thành các chi nhánh, công ty con của TNCs để thực hiện chuyên môn hóa trong hệ thống sản xuất kinh doanh của TNCs đã tạo ra các nhu cầu lao động khác nhau ở các nước khác nhau. Một sản phẩm hàng hóa của một công ty ở một nước nào đó không nhất thiết phải được sản xuất tại chính nước đó, do vậy, tự nó phát sinh các nhu cầu lao động kỹ thuật như nhau, tất yếu phải có trao đổi lao động kỹ thuật và chuyên gia giữa các nước. Do đó, sự di chuyển lao động từ nơi này đến nơi khác tất yếu xảy ra, làm xuất hiện hoạt động XKLĐ giữa các nước. 1.1.2.2. Các yếu tố tác động đến hoạt động XKLĐ XKLĐ là một hoạt động kinh tế đối ngoại có tính đặc thù, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau, bị tác động của nền kinh tế và chính sách phát triển của cả nước XKLĐ và nước NKLĐ, đồng thời có tác động trở lại đối với nền kinh tế - xã hội của các nước này. Trong điều kiện của nền kinh tế thị trường, hoạt động XKLĐ chịu tác động của một số yếu tố sau: - Quan hệ cung - cầu về lao động: Từ thực trạng hoạt động xuất và nhập khẩu lao động của các nước trên thế giới cho thấy, một nước phải sử dụng LĐNN khi nguồn lao động trong nước không đáp ứng được cho nhu cầu phát triển kinh tế của nước đó. Sự thiếu hụt một hay nhiều loại lao động của một nước nào đó không chỉ do thiếu dân số mà còn do không đủ lực lượng lao động có đủ kỹ năng cần thiết để đảm nhận công việc, hoặc đơn giản chỉ do người lao động nước đó không sẵn sàng làm việc. Điều này thể hiện rất rõ ở các nước phát triển, trường hợp Nhật Bản và Hàn Quốc là ví dụ điển hình ở châu á. Bên cạnh đó, do thị trường lao động là một bộ phận không thể tách rời với chu kỳ kinh tế, vì thế sự tăng trưởng hay suy thoái, khủng hoảng hay phục hồi của một nền kinh tế cũng có những tác động tới nhu cầu lao động trong nền kinh tế, có thể tạo ra việc làm cho người lao động hay cũng có thể làm giảm bớt số việc làm cho họ. Trong những điều kiện như vậy, nhu cầu về lao động và khả năng cung ứng ở các nước có tác động rất lớn tới hoạt động XKLĐ trên phạm vi quốc tế. Thực trạng quan hệ cung - cầu về lao động là cơ sở để một quốc gia quyết định NKLĐ hay XKLĐ, xác định số lượng lao động, cơ cấu ngành nghề, loại lao động cần nhập khẩu hay có thể xuất khẩu. Sự phù hợp giữa nhu cầu lao động của nước NKLĐ và khả năng cung ứng của nước XKLĐ là yếu tố quyết định đảm bảo cho sự ổn định của hoạt động XKLĐ giữa các quốc gia. Trình độ phát triển kinh tế và KHCN là yếu tố có tác động mạnh mẽ tới quan hệ cung - cầu về lao động giữa các nước, quyết định loại hình và số lượng lao động mà một nước sẽ nhập khẩu hay xuất khẩu. Các nước có trình độ công nghệ tiên tiến như Mỹ, Đức, Nhật Bản thực hiện các chính sách khuyến khích và ưu đãi để thu hút lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao từ các nước khác, hạn chế tuyển dụng lao động phổ thông, trong khi những nước có trình độ kém hơn như Đài Loan lại nhập khẩu nhiều loại lao động đáp ứng các nhu cầu lao động bị thiếu hụt trong nước, phần lớn là lao động có trình độ kỹ thấp, lao động phổ thông; hoặc như Malaysia, Thái Lan lại vừa xuất khẩu và nhập khẩu lao động phổ thông, lao động giản đơn. - Sự cạnh tranh: Thị trường lao động quốc tế vừa là thị trường tự do cạnh tranh, vừa là thị trường cát cứ giữa các quốc gia. Do đó, hoạt động XKLĐ vừa diễn ra sự hợp tác giữa các nước vừa cạnh tranh nhau mạnh mẽ, sự hợp tác là yêu cầu bắt buộc, yếu tố cạnh tranh đảm bảo cho sự sống còn của hoạt động XKLĐ. Sự cạnh tranh trong hoạt động XKLĐ diễn ra giữa các doanh nghiệp XKLĐ của một nước XKLĐ, hay của các nước XKLĐ, thậm chí giữa các nhà nước của các quốc gia XKLĐ. Sự cạnh tranh thể hiện qua số lượng hợp đồng XKLĐ, cơ chế quản lý lao động ở nước ngoài, mức lương, sự đa dạng về ngành nghề, trình độ, kỹ năng lao động, khả năng đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật tại nơi làm việc, khả năng thích nghi về văn hóa, khả năng giao tiếp… của người lao động. Ngoài ra, còn có sự cạnh tranh giữa LĐXK với lao động bản địa về việc làm ở nước NKLĐ. Do sự cạnh tranh này, công đoàn tại các nước NKLĐ thường tạo sức ép với chính phủ để hạn chế số lượng LĐNN được tiếp nhận vào làm việc. - Chất lượng lao động: Chất lượng hàng hóa sức lao động được xem xét dưới góc độ là sự tổng hòa các yếu tố tạo ra năng lực lao động của người lao động như thể lực, trí lực, các mối quan hệ xã hội của người lao động có ảnh hưởng tới năng lực làm việc của người lao động ở nước NKLĐ. Chất lượng lao động phải đảm bảo được việc tạo ra giá trị tăng thêm trong thời gian sử dụng sức lao động đó, bảo đảm cho người lao động duy trì và tái tạo sức lao động, phát huy được các khả năng sáng tạo, đảm bảo được cường độ lao động, tạo được nhiều giá trị thặng dư cho người chủ sử dụng. Yếu tố này có tác động quan trọng tới quyết định của chủ sử dụng về quy mô tuyển dụng LĐNN. Chính vì vậy, chất lượng lao động là yếu tố căn bản quyết định khả năng cạnh tranh và lợi thế trong việc chiếm lĩnh thị trường XKLĐ, đảm bảo cho sự phát triển của hoạt động XKLĐ. - Các chính sách, pháp luật: Hoạt động XKLĐ liên quan đến nhiều người, nhiều tổ chức, liên quan đến nước XKLĐ và nước NKLĐ, liên quan đến các tổ chức quốc tế như Tổ chức di cư quốc tế (IOM), Tổ chức lao động quốc tế (ILO), do đó nó chịu tác động mạnh mẽ của môi trường chính trị, pháp luật và chính sách của chính phủ cả nước XKLĐ và nước NKLĐ cũng như luật pháp quốc tế. Hoạt động XKLĐ của một quốc gia luôn có sự tham gia của chính phủ nước đó nhằm bảo vệ các lợi ích của quốc gia, dân tộc. Vì vậy, hoạt động XKLĐ chịu tác động trực tiếp từ chủ trương và các chính sách, biện pháp quản lý, điều tiết của chính phủ nước XKLĐ. Các văn bản, chính sách đó có thể khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động XKLĐ nhưng cũng có thể gây khó khăn, cản trở hoạt động này. Trong khi đó, bất cứ một sự điều chỉnh trong chính sách tiếp nhận LĐNN, những quy định, điều kiện nhập cư, thậm chí những thay đổi trong chính sách đầu tư, tái cơ cấu kinh tế, chính sách đối ngoại... của chính phủ các nước NKLĐ đều có những tác động có thể làm thay đổi nhu cầu LĐNN ở nước NKLĐ, thậm chí trở thành rào cản hạn chế số lượng lao động nhập khẩu, do đó làm thay đổi mức cung ứng lao động của nước XKLĐ. Ví dụ, Hàn Quốc cho phép Việt Nam tham gia đưa lao động vào Hàn Quốc làm việc Luật cấp phép cho LĐNN mới đã làm cho chỉ tiêu lao động Việt Nam được tiếp nhận vào nước này trong năm 2005 tăng hơn 3.000 người so với năm 2004; Đài Loan quyết định ngừng tiếp nhận lao động giúp việc gia đình và chăm sóc người bệnh từ Việt Nam đã cản trở việc tăng số lượng LĐXK của Việt Nam vào thị trường này và làm cho hơn 30 doanh nghiệp XKLĐ của Việt Nam bị đình chỉ hoặc tạm dừng hoạt động XKLĐ vào Đài Loan. Sự thay đổi chính sách đầu tư của chính phủ Malaysia trong lĩnh vực xây dựng làm cho hàng trăm LĐXK Việt Nam ở nước này bị mất việc làm phải về nước sớm hoặc phải chuyển làm các công việc khác vào đầu năm 2003,... - Các yếu tố truyền thống văn hóa và con người: Các chính sách tuyển dụng LĐNN của bất kỳ quốc gia nào cũng hàm chứa sự bảo tồn và gìn giữ các giá trị truyền thống văn hóa và phù hợp với tôn giáo của quốc gia đó. Vì vậy, một quốc gia sẽ có chủ trương ưu đãi hơn đối với lao động đến từ các nước có nền văn hóa tương tự (về tôn giáo, phong tục tập quán, về ngôn ngữ…). Hơn nữa, thị trường thực chất là sự kết hợp của con người và nền văn hóa của thị trường đó. Vì thế, một số thị trường lao động có thể tạo ra rất nhiều cơ hội đối với một loại việc làm cho LĐNN do tính chất riêng có của thị trường ấy hoặc đơn thuần chỉ vì thị trường đó không có đủ lao động có khả năng đảm nhận công việc đó. Ví dụ, ở châu Âu, Nhật Bản nhu cầu về y tá là rất lớn gắn liền với sự già hóa dân số ở các nước này, nhưng các nước ở Trung Đông lại ít khi có ý định thuê nữ y tá chăm sóc cho bệnh nhân nam; hoặc ở những nước mà phụ nữ tham gia tích cực vào lực lượng lao động hoặc đấu tranh để khẳng định quyền bình đẳng về việc làm, thu nhập, trình độ và địa vị trong xã hội như Đài Loan thì nhu cầu về người giúp việc gia đình, trông trẻ và chăm sóc người già cũng cao hơn. Điều này cũng có tác động nhất định về số lượng, ngành nghề, loại lao động trong việc cung ứng lao động của nước XKLĐ. 1.1.2.3. Các hình thức XKLĐ Theo cách tổ chức thực hiện, XKLĐ có một số hình thức chủ yếu sau: - XKLĐ theo các hiệp định được ký kết giữa chính phủ hai quốc gia. ở hình thức này, người lao động được đưa đi làm việc ở nước ngoài theo các hiệp định về hợp tác lao động giữa chính phủ hai quốc gia. ở Việt Nam, căn cứ vào các hiệp định đã ký, Nhà nước phân bổ chỉ tiêu cho các Bộ, ngành, địa phương tiến hành tuyển chọn và đưa người lao động đi làm việc ở các nước, chủ yếu là các nước Đông Âu và Liên Xô cũ. Lao động Việt Nam ở nước ngoài được sự quản lý thống nhất từ trên xuống dưới, làm việc xen ghép với lao động của các nước khác. Hiện nay, lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hiệp định chủ yếu là các chuyên gia trong các chương trình hợp tác quốc tế giữa chính phủ Việt Nam với các nước và tổ chức quốc tế về các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, giáo dục,... - XKLĐ thông qua hợp đồng cung ứng lao động. Hợp đồng cung ứng lao động có thể ký dưới hai loại: + Hợp đồng cung ứng lao động được ký kết giữa doanh nghiệp, tổ chức kinh tế của nước XKLĐ với tổ chức thuê và sử dụng lao động ở nước ngoài. Căn cứ vào nhu cầu của tổ chức sử dụng LĐNN, các doanh nghiệp, tổ chức làm dịch vụ cung ứng lao động tiến hành tuyển và đưa lao động từ trong nước ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng đã ký kết. Đây là hình thức phổ biến nhất trong XKLĐ hiện nay. + Hợp đồng cá nhân: Do người lao động trực tiếp ký kết với người sử dụng lao động ngoài nước được pháp luật chấp nhận. - XKLĐ thông qua liên doanh liên kết chia sản phẩm với nước ngoài (hợp tác trực tiếp) hoặc doanh nghiệp nhận thầu, khoán công trình hoặc đầu tư ở nước ngoài có sử dụng lao động trong nước. Hình thức nhận thầu, khoán công trình được thực hiện chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng công trình cơ sở hạ tầng mà các chủ đầu tư của nước XKLĐ trúng thầu ở nước ngoài. Hình thức này thường phải đưa đồng bộ cả máy móc, phương tiện kỹ thuật cùng lực lượng lao động ra nước ngoài làm việc. 1.2. Vai trò của hoạt động xuất khẩu lao động đối với các nước hữu quan Hoạt động XKLĐ có các tác động, ảnh hưởng cả trước mắt và lâu dài đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước XKLĐ và nước NKLĐ. Luận văn chỉ nghiên cứu vai trò của hoạt động XKLĐ đối với các nước này trong ngắn hạn, ở một số khía cạnh sau: 1.2.1. Đối với nước xuất khẩu lao động - Góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người lao động. XKLĐ là một biện pháp tốt để góp phần giải quyết một phần lao động dôi dư ở nhiều nước, nhất là các nước đang và chậm phát triển, những nước đông dân, thiếu việc làm và có mức thu nhập thấp, tỷ lệ thất nghiệp lớn, trong khi dân số lại tăng nhanh. Đây cũng là mục tiêu quan trọng trong chính sách XKLĐ của các nước này. Đối với những nước luôn có tỷ lệ thất nghiệp cao, XKLĐ được coi là một giải pháp lâu dài, còn đối với những nước xảy ra khủng hoảng kinh tế thì XKLĐ sẽ là đối sách trước nạn thất nghiệp tạm thời. Ví dụ, Anbani có tỷ lệ thất nghiệp thực tế lên đến 35 - 40% và luôn có khoảng 600 nghìn trong tổng số hơn 3 triệu dân của nước này lao động ở nước ngoài. XKLĐ của Philippine đã giải quyết việc làm cho khoảng 500 nghìn - 900 nghìn lao động mỗi năm [23], [48]. LĐXK khi ra nước ngoài làm việc có mức lương cao hơn nhiều lần so với mức lương của những lao động có cùng ngành nghề và trình độ ở trong nước, vì vậy người lao động có điều kiện tích luỹ được một số lượng vốn lớn nướcmà ở trong nước họ rất khó có cơ hội để có được. Ví dụ, lương một y tá Philippine ở trong nước là 180 USD/tháng nhưng ở Anh họ được trả 2.200 - 2.600 USD/tháng [11]. Theo ước tính của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam, nếu một LĐXK Việt Nam ở khu vực Đông Bắc á làm việc đúng hợp đồng ký kết, sau 2 năm làm việc cũng tiết kiệm được ít nhất 100 triệu đồng Việt Nam [3]. Nguồn thu nhập này đã góp phần cải thiện được đời sống của người lao động trong nước, giúp giải quyết tình trạng thiếu vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, giảm đói nghèo. Ngoài ra, từ nguồn thu nhập ở XKLĐ, nhiều lao động sau khi về nước đã đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, trở thành các nhà đầu tư và các chủ doanh nghiệp, tạo việc làm và thu nhập cho một bộ phận lao động khác, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. - Góp phần vào việc đào tạo tay nghề cho người lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong thời gian làm việc ở nước ngoài, bên cạnh việc rèn luyện và nâng cao trình độ các thao tác, kỹ năng đã được học trước khi đi XKLĐ, người lao động có cơ hội, điều kiện tiếp cận và học tập được các kiến thức về kỹ thuật, công nghệ sản xuất mới, kinh nghiệm quản lý kinh doanh, vận hành các dây chuyền sản xuất hiện đại,… khi hết hợp đồng về nước, họ sẽ trở thành đội ngũ lao động có đủ khả năng đáp ứng các công việc trong quá trình đổi mới, thực hiện CNH, HĐH đất nước. Vì vậy, hoạt động XKLĐ là biện pháp giúp nước XKLĐ đào tạo tay nghề, trình độ cho người lao động, tạo điều kiện nâng cao trình độ, kỹ năng và kỷ luật lao động, đồng thời giảm được các chi phí đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đội ngũ lao động đi XKLĐ sau thời gian làm việc ở nước ngoài sẽ có được những kinh nghiệm, tác phong lao động công nghiệp, thành thạo về chuyên môn kỹ thuật. Những người này sẽ dễ dàng thích ứng với việc tiếp thu và chuyển giao công nghệ hay đáp ứng được các nhu cầu lao động của các công ty nước ngoài hay các xí nghiệp liên doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư nước ngoài. Đây cũng là nguồn lao động đủ khả năng đáp ứng cho quá trình phát triển kinh tế thời kỳ CNH, HĐH. - Tạo nguồn thu quốc gia, tăng tích lũy cho nền kinh tế quốc dân. Lượng tiền do người lao động đi làm việc ở nước ngoài tích lũy được gửi về nước là nguồn vốn quan trọng cho nhiều quốc gia XKLĐ. Đối với nhiều nước đang phát triển, lượng tiền do người lao động gửi về ngang với thu nhập từ xuất khẩu một số loại hàng hóa và là một trong những nguồn thu ngoại tệ nhiều nhất, giúp cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, đối phó với tình trạng nợ nần, nhập siêu. Ví dụ, số tiền người lao động ở nước ngoài gửi về đã giúp tổng sản phẩm quốc dân của các nước như Enxanvado, Eritơria, Giamaica, Gioocdani, Nicaragoa và Yêmen năm 2000 tăng hơn 10%. Năm 2002, lượng tiền này đã lớn hơn cả giá trị xuất khẩu của Enxanvado và chiếm hơn một nửa giá trị xuất khẩu của Đôminica và Nicaragoa [23]. Số tiền người lao động Philippine đang làm việc ở nước ngoài gửi về nước hàng năm từ 8 - 10 tỷ USD, XKLĐ là một trong 4 ngành có mức thu nhập ngoại tệ lớn nhất của Philippine [48]. Đặc biệt, lượng tiền gửi từ nước ngoài về thường được xem là phương thuốc để phá vỡ chiếc vòng luẩn quẩn của nghèo đói. Trong dân chúng, lượng tiền này được dành cho tiêu dùng hàng ngày, mua sắm vật dụng trong gia đình giúp nâng cao chất lượng cuộc sống hoặc có thể được gửi tiết kiệm hay đầu tư như mua đất đai, công cụ sản xuất, tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó lại tạo ra nguồn thu mới trong dân chúng, tăng tích lũy vốn trong nền kinh tế. Đây cũng là nguồn vốn tiềm năng, rất cần thiết và quan trọng có thể huy động được cho các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. - Góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nước XKLĐ và nước NKLĐ. Hoạt động XKLĐ có diễn ra sự giao thoa, hòa nhập của các yếu tố lịch sử và tinh thần của người LĐXK với người bản địa. Do đó, hoạt động XKLĐ là cầu nối, hình thức để trao đổi, giao lưu các nền văn hóa, phong tục tập quán các dân tộc, góp phần tăng cường sự hiểu biết giữa các quốc gia, thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các nước XKLĐ và NKLĐ. Hơn nữa, hoạt động XKLĐ tạo ra một đội ngũ lao động có hiểu biết về phong tục tập quán, được đào tạo tay nghề và rèn luyện tác phong lao động ở các nước NKLĐ. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi giúp nước XKLĐ thu hút các dự án đầu tư từ các nước NKLĐ, tạo điều kiện duy trì và phát triển các quan hệ nhiều mặt giữa nước XKLĐ và nước NKLĐ. Tuy nhiên, hoạt động XKLĐ cũng có những tác động tiêu cực nhất định tới sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Hoạt động XKLĐ có khả năng làm giảm bớt một bộ phận lao động trẻ, khỏe, có trình độ văn hóa, chuyên môn tương đối cao, do đó có thể làm giảm sức sản xuất của nước XKLĐ. Hoạt động XKLĐ cũng có thể gây biến động về sức mua trong nước (giảm khi người lao động đi xuất khẩu, tăng đột ngột khi lao động trở về); ảnh hưởng đến an ninh kinh tế quốc gia, trật tự an toàn xã hội, như: xảy ra tình trạng chảy máu chất xám, mất bí mật quốc gia (do người lao động mang đi bán) nhất là đối với các nước phát triển, người lao động có thể làm gián điệp cho nước ngoài, cung cấp thông tin gây thiệt hại cho đất nước, người lao động cũng có thể mang theo nếp sống không phù hợp, các bệnh xã hội từ nước ngoài về nước sau thời gian đi XKLĐ. Hoạt động XKLĐ cũng có thể tác động xấu tới quan hệ quốc tế của nước XKLĐ khi LĐXK có các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng ở nước NKLĐ làm phương hại đến quan hệ hợp tác giữa nước XKLĐ và nước NKLĐ. 1.2.2. Đối với nước nhập khẩu lao động Giữa hai quốc gia, hoạt động XKLĐ của một nước này sẽ là hoạt động NKLĐ của nước kia. Do đó, nghiên cứu vai trò của hoạt động XKLĐ đối với nước NKLĐ là nghiên cứu vai trò của hoạt động NKLĐ đối với nước này. - Bù đắp sự thiếu hụt nguồn lao động trong nước. Hoạt động NKLĐ cung cấp nguồn nhân lực từ nước ngoài để bù đắp sự thiếu hụt lao động ở các ngành, lĩnh vực mà lực lượng lao động trong nước không đáp ứng được. Vai trò này được thể hiện rất rõ ở nhiều nước phát triển ở châu Âu, Nhật Bản, những nước đang phải đối mặt với với xu hướng già hóa dân số ngày càng tăng, lực lượng lao động đang già đi, tỷ lệ sinh đẻ thấp không bổ sung kịp lực lượng lao động kế cận và một bộ phận trong lực lượng lao động không muốn làm việc. Thông qua việc sử dụng LĐNN, các nước NKLĐ có điều kiện giải quyết các áp lực về kinh tế - xã hội do tình trạng thiếu lao động ở nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế gây ra, đảm bảo cho các hoạt động kinh tế, sản xuất kinh doanh tiếp tục vận hành bình thường, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh theo phân công lao động quốc tế. - Góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Người LĐXK đã được đào tạo cơ bản về kỹ năng lao động, trình độ tay nghề, do đó họ có thể tham gia làm việc luôn mà không cần hoặc chỉ mất ít thời gian và vốn đầu tư để đào tạo lại. Hơn nữa, sử dụng LĐNN sẽ giúp nước NKLĐ tiết kiệm được một khoản tài chính lớn do người LĐNN thường chấp nhận lương thấp hơn rất nhiều so với người lao động bản xứ ở cùng một công việc. Tại Thái Lan, nguồn LĐNN đã giúp tiết kiệm được khoảng 35 triệu bath/ngày công hay gần 13 tỷ bath/năm. Trong số đó, thậm chí người lao động Myanma sẵn sàng nhận mức lương 800 bath/tháng cho những công việc mà người Thái Lan đòi 3.000 bath [23]. Ngoài ra, người LĐNN hầu hết làm việc trong thời hạn ngắn, do đó nước NKLĐ thường không phải chi trả nhiều cho các khoản chi phí về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đặc biệt là tiền lương hưu. Những khoản tiết kiệm từ chi phí thấp trong việc tuyển dụng LĐNN làm giảm được chi phí đầu vào, tăng được lợi nhuận, tạo sức mạnh và lợi thế cạnh tranh quốc tế. - Tận dụng được nguồn LĐNN trẻ có hiệu suất lao động cao, tạo điều kiện thực hiện phân công lao động và tái cơ cấu nền kinh tế. Lao động đi XKLĐ hầu hết là lao động trẻ, đang ở độ tuổi sung mãn về thể lực và trí lực, được đảm bảo về sức khỏe. Đây là giai đoạn người lao động có khả năng làm việc với hiệu suất cao nhất, tạo ra được nhiều giá trị thặng dư nhất cho chủ sử dụng, nhất là trong việc sử dụng, khai thác chất xám từ LĐXK chất lượng cao như các chuyên gia, kỹ thuật viên chuyên ngành,... Đây là yếu tố thuận lợi để nước NKLĐ tăng năng lực sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm thặng dư và tăng lợi nhuận. Không những thế, NKLĐ sẽ làm tăng sự cạnh tranh về việc làm trong nước, kích thích tăng năng suất lao động. Số lượng công việc giảm đã tạo sức ép làm cho người lao động, kể cả LĐNN và lao động bản địa ở các ngành nghề phải tập trung làm việc để cạnh tranh nhau về chỗ làm, do đó tạo ra năng suất cao hơn và hiệu quả làm việc tốt hơn cho người chủ sử dụng lao động và nền kinh tế. Hơn nữa, việc sử dụng LĐNN tạo điều kiện cho các nước NKLĐ phân bổ lại các nguồn lực sản xuất và cơ cấu lại các lĩnh vực, ngành nghề. Đối với các nước phát triển, các lĩnh vực ngành nghề có mức lương thấp, nặng nhọc... sẽ dần tập trung nhiều cho LĐNN, người lao động bản địa sẽ tập trung nhiều vào các ngành, lĩnh vực mới, những ngành có mức lương cao hơn. Do đó, hình thành lên một cơ cấu sử dụng lao động mới tương ứng với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế ở các nước này. Đối với các nước đang và chậm phát triển, việc sử dụng LĐNN có chất lượng cao còn giúp các nước này bù đắp được sự thiếu hụt các kỹ thuật viên, chuyên gia làm việc trong các ngành công nghiệp mới, giúp họ thực hiện việc tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng CNH, HĐH nhanh hơn. Ngoài ra, nước NKLĐ cũng có thể đánh._. phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, tiến tới xây dựng, hình thành các tập đoàn cung ứng nhân lực Việt Nam có khả năng đảm nhận được toàn bộ các quy trình XKLĐ, từ tuyển chọn, đào tạo nguồn LĐXK đến quản lý lao động ở nước ngoài, giải quyết vấn đề liên quan đến tài chính và việc làm cho người lao động khi về nước. - Chính phủ ban hành, bổ sung các chính sách, biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác tham gia hơn nữa vào hoạt động XKLĐ, như: thực hiện ưu đãi thuế đầu tư thúc đẩy XKLĐ, miễn thuế cho các doanh nghiệp XKLĐ trong các năm đầu mới thành lập và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong một số năm tiếp theo, hỗ trợ các doanh nghiệp XKLĐ mới thành lập tiếp cận thông tin về thị trường, đối tác... - Cơ quan quản lý hoạt động XKLĐ thường xuyên kiểm tra giám sát các doanh nghiệp XKLĐ trong việc ký kết và thực hiện các điều khoản trong hợp đồng cung ứng lao động cho các đối tác nước ngoài để đảm bảo đúng các quy định của pháp luật và thỏa thuận hợp tác lao động của nước ta với các nước NKLĐ. Kiểm tra, giám sát các hoạt động môi giới, tuyển dụng đưa người ra nước ngoài làm việc của các đơn vị XKLĐ nhằm hạn chế thấp nhất các rủi ro trong hoạt động XKLĐ, tránh các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, nhất là trong hoạt động thu phí môi giới, tuyển dụng, đào tạo LĐXK,... - Hiệp hội XKLĐ Việt Nam phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm trong hoạt động để tạo ra sự bình đẳng, thống nhất và ổn định trong hoạt động của các doanh nghiệp XKLĐ; chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gian lận trong hoạt động XKLĐ như giảm giá LĐXK, tăng phí môi giới để dành đối tác, thu phí đi XKLĐ sai quy định,... - Cơ quan quản lý hoạt động XKLĐ định kỳ đánh giá, tổng kết về công tác XKLĐ, các mô hình XKLĐ hiệu quả để rút kinh nghiệm, đưa ra các biện pháp quản lý, điều tiết phù hợp với những biến động của tình hình thực tế, tạo sự thống nhất cho các doanh nghiệp về cơ chế hoạt động và sự thuận lợi trong quá trình giải quyết các tiêu cực phát sinh trong hoạt động XKLĐ. - Thực hiện phân cấp, phân công rõ ràng và thống nhất, quy trách nhiệm cụ thể đối với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp XKLĐ trong việc quản lý, giám sát người lao động đang lao động, tu nghiệp ở nước ngoài. Các doanh nghiệp XKLĐ có trách nhiệm quản lý lao động do doanh nghiệp đưa sang Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan làm việc, như: về số lượng, địa điểm lao động, điều kiện làm việc và sinh hoạt và thực hiện các nghĩa vụ khác theo pháp luật hiện hành. Phối hợp chặt chẽ với phía sử dụng lao động và người lao động thực hiện đầy đủ và đúng các điều khoản trong các hợp đồng được ký kết giữa doanh nghiệp với phía tiếp nhận, giữa người lao động với chủ sử dụng lao động để đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia. Cơ quan chức năng và đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm bảo vệ người lao động theo luật pháp Việt Nam, luật pháp nước sở tại và theo các công ước quốc tế, đồng thời phải có biện pháp để luôn theo sát quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động ngay cả khi họ đã thuộc quyền quản lý của người sử dụng nước ngoài; hỗ trợ việc tìm kiếm đối tác, xúc tiến mở rộng thị trường XKLĐ, tác động phía nước ngoài tăng chỉ tiêu LĐXK cho Việt Nam. - Tăng cường công tác hỗ trợ, bảo vệ LĐXK ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Thiết lập các văn phòng quản lý lao động ở các khu vực có đông lao động Việt Nam làm việc sinh sống để giám sát, giải quyết kịp thời các vướng mắc và tranh chấp phát sinh, bảo vệ quyền lợi của LĐXK, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và tạo niềm tin cho họ. Đối với những khu vực có ít lao động Việt Nam làm việc và sinh sống, đàm phán và phối hợp với phía nước ngoài, nhất là các cơ sở tuyển dụng, tổ chức định kỳ các buổi gặp mặt, trao đổi thông tin để nắm tình hình về LĐXK Việt Nam; thiết lập đường dây trao đổi thông tin giữa bộ phận quản lý lao động với người sử dụng LĐXK Việt Nam để cùng giải quyết các vướng mắc, tranh chấp phát sinh liên quan đến quyền lợi của LĐXK Việt Nam. - Hỗ trợ về tài chính, giảm các thủ tục xuất nhập cảnh,... cho các doanh nghiệp XKLĐ cử đại diện sang nước NKLĐ, nhất là tại các khu vực có đông lao động Việt Nam do doanh nghiệp đưa đi. Trên cơ sở pháp luật của nước sở tại, thành lập các tổ, hội, cơ sở Đảng, Đoàn để người lao động tham gia sinh hoạt. Thông qua đó, một mặt nắm được tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề vướng mắc trong sinh hoạt, quan hệ chủ thợ của người lao động để có biện pháp xử lý phù hợp và kịp thời; mặt khác đây là biện pháp để theo dõi, quản lý, giám sát người lao động ở nước sở tại. 3.3.5. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động xuất khẩu lao động Công bố công khai, rõ ràng các thông tin về hoạt động XKLĐ là biện pháp hạn chế các rủi ro phát sinh trong hoạt động XKLĐ. Người lao động trên cơ sở các thông tin có sẵn sẽ xác định mục tiêu, định hướng đúng đắn khi tham gia XKLĐ, hạn chế được hiện tượng lừa đảo, bỏ trốn,... Chỉ khi người lao động định hướng được nghề nghiệp, tự chuẩn bị cho bản thân các kiến thức, tay nghề tối thiểu và tự bản thân tự nguyện tham gia, chấp nhận những điều kiện làm việc mới thì họ mới có ý thức, trách nhiệm với công việc, có ý thức bảo vệ quyền lợi của chính mình cũng như lợi ích của cộng đồng, đất nước trong hoạt động XKLĐ. Vì thế hoạt động thông tin, tuyên truyền không chỉ góp phần nâng cao nhận thức của người lao động về hoạt động XKLĐ mà còn góp phần làm lành mạnh môi trường kinh doanh XKLĐ cũng như đảm bảo cho hoạt động XKLĐ ổn định và bền vững. Các giải pháp thực hiện là: - Nhà nước và các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ cần tăng cường đầu tư tài chính và nhân lực để thông tin, tuyên truyền, định hướng tới mọi gia đình, mọi tổ chức về bản chất của hoạt động XKLĐ trong cơ chế thị trường, chủ trương chính sách về XKLĐ của Đảng và Nhà nước, nhất là đối với các vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn, miền núi, những khu vực còn gặp nhiều khó khăn hạn chế về điều kiện giáo dục, đào tạo và cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc. - Kết hợp tuyên truyền về các gương điển hình tốt, mô hình hiệu quả trong hoạt động XKLĐ với việc khuyến khích người lao động tham gia phát hiện, tố giác và ngăn chặn các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật trong hoạt động XKLĐ, nhất là hành vi lừa đảo dưới danh nghĩa XKLĐ của các tổ chức, cá nhân không có chức năng XKLĐ. - Công bố công khai, thường xuyên, đầy đủ trên các phương tiện thông tin đại chúng về chương trình XKLĐ của nhà nước, các văn bản pháp lý, các quy định, những thay đổi trong chủ trương chính sách về XKLĐ của Đảng và Nhà nước, nhất là ở các khu vực có đông lao động tham gia XKLĐ, các vùng sâu, vùng xa, nông thôn, miền núi. Công bố đầy đủ các thông tin về cơ hội việc làm ở nước ngoài, đối tượng tuyển dụng, điều kiện làm việc, thu nhập, điều kiện sinh hoạt, đặc biệt là các thủ tục đi XKLĐ và các khoản tài chính phải nộp… để người lao động định hướng được nghề nghiệp tương ứng với khả năng của họ. - Tuyên truyền, vận động và khuyến khích người lao động sau khi về nước sử dụng thu nhập từ nước ngoài đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tạo mở việc làm cho bản thân và cho những người khác như hỗ trợ cho vay thêm vốn ưu đãi, miễn giảm thuế đầu tư sản xuất kinh doanh... Xây dựng và công bố đầy đủ về chính sách định hướng việc làm, các biện pháp hỗ trợ tái hội nhập cộng đồng cho LĐXK sau khi hết hợp đồng trở về nước. - Đẩy mạnh việc quảng bá, tuyên truyền ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan về lao động Việt Nam để giúp chủ sử dụng ở các nước này hiểu và nắm rõ về tiềm năng LĐXK Việt Nam, tạo điều kiện cho việc xúc tiến tìm kiếm đối tác, mở rộng và phát triển thị trường XKLĐ ở khu vực này. 3.3.6. Xây dựng đồng bộ và hoàn thiện các văn bản pháp quy về hoạt động xuất khẩu lao động nói chung và xuất khẩu lao động sang khu vực Đông Bắc á nói riêng. Một trong những nguyên nhân hạn chế hoạt động XKLĐ của nước ta trong thời gian qua là do thiếu một hệ thống văn bản pháp lý đồng bộ để điều chỉnh hành vi của các chủ thể tham gia hoạt động XKLĐ, các chế tài xử lý các vi phạm pháp luật về XKLĐ hiện hành còn nhẹ và thiếu, chưa tạo ra được ý thức kỷ luật, trách nhiệm đối với các chủ thể tham gia hoạt động XKLĐ. Điều này không chỉ dẫn đến hiện tượng các doanh nghiệp không thống nhất về cơ chế hoạt động, gặp khó khăn, lúng túng khi xử lý các vấn đề tiêu cực phát sinh trong hoạt động XKLĐ mà còn tạo kẽ hở, môi trường cho các hoạt động bất hợp pháp tồn tại. Vì vậy, bên cạnh việc định hướng và gắn kết kế hoạch XKLĐ với các chương trình mục tiêu và chiến lược phát triển kinh tế xã hội khác, xây dựng đồng bộ và hoàn thiện các quy định, văn bản pháp quy về hoạt động XKLĐ nhằm tạo ra một hệ thống pháp lý thống nhất, tạo cơ sở cho các chủ thể tham gia mạnh mẽ hơn vào hoạt động này là một trong những vấn đề quan trọng, đảm bảo sự lành mạnh và ổn định trong hoạt động XKLĐ của nước ta. Các giải pháp thực hiện là: - Khẩn trương xây dựng và ban hành Luật về XKLĐ để thống nhất các chế tài điều chỉnh hoạt động XKLĐ. Các chế tài trong Luật phải đảm bảo được sự nghiêm minh của pháp luật, đủ sức mạnh để răn đe, giáo dục các đối tượng vi phạm pháp luật về hoạt động XKLĐ, nhưng cũng phải bảo đảm được quyền lợi của các chủ thể tham gia, khuyến khích được doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và người lao động tham gia hoạt động XKLĐ. Trong khi chưa ban hành được Luật về XKLĐ, ban hành bổ sung nghị định hoặc pháp lệnh về XKLĐ trong đó có các chế tài xử lý nghiêm khắc như phạt tiền, tịch thu tài sản hoặc phạt tù, lao động công ích tại địa phương... đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động XKLĐ, nhất là đối với các hành vi: lợi dụng danh nghĩa XKLĐ để lừa đảo; tổ chức đưa người trốn ra nước ngoài; tuyển chọn lao động, đào tạo, thu tiền và đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trái quy định của pháp luật; lao động Việt Nam ở nước ngoài có hành vi lôi kéo, dụ dỗ người khác bỏ trốn; giả mạo giấy tờ hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn chứng nhận sai giấy tờ để đi làm việc ở nước ngoài; lao động Việt Nam vi phạm pháp luật ở nước sở tại làm ảnh hưởng đến quan hệ chính trị - ngoại giao giữa hai nước. - Tăng cường các hoạt động hợp tác và tương trợ tư pháp với Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan để có cơ sở giải quyết vấn đề LĐXK Việt Nam tự ý phá hợp đồng, bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp ở nước sở tại. Phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan thực hiện các biện pháp đấu tranh ngăn chặn, xử lý kịp thời và triệt để các hành vi lợi dụng hoạt động XKLĐ của một số cá nhân, tổ chức ở các nước này nhằm thực hiện các mưu đồ chống phá các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta, có các hành vi dụ dỗ, lôi kéo người LĐXK Việt Nam bỏ trốn, vi phạm pháp luật tại nước sở tại,... - Đàm phán với các nước xuất khẩu nhiều lao động vào thị trường khu vực Đông Bắc á để thống nhất các đối sách nhằm bảo vệ quyền và quyền lợi của LĐXK. Nghiên cứu phương án đàm phán với các nước trong khu vực ASEAN thành lập Hiệp hội XKLĐ khu vực để tăng cường vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực XKLĐ và hạn chế được các hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ các nước XKLĐ khác, đảm bảo được lợi ích quốc gia trong hoạt động XKLĐ vào thị trường khu vực Đông Bắc á. Kết Luận XKLĐ là một bộ phận của chương trình mục tiêu giải quyết việc làm - một trong những chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm của quốc gia. Đây là hoạt động mang tính chất kinh tế - xã hội sâu sắc thông qua việc phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tạo thu nhập và nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Bên cạnh đó, là một bộ phận của hoạt động kinh tế đối ngoại, hoạt động XKLĐ góp phần củng cố và thắt chặt mối quan hệ hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với các nước tiếp nhận lao động. Đây cũng là một hoạt động mang tính chất đặc thù và nhạy cảm. Vận dụng lý luận của C. Mác về hàng hóa sức lao động, luận văn đã phân tích được bản chất, đặc điểm, các yếu tố tác động tới hoạt động XKLĐ; phân tích và đánh giá thực trạng hoạt động XKLĐ của Việt Nam sang khu vực Đông Bắc á, cụ thể là sang Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan trong giai đoạn 1992 - 2004. Kết quả của hoạt động XKLĐ của Việt Nam sang khu vực Đông Bắc á đã góp phần đáng kể vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội như giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống người lao động, tạo nguồn thu cho quốc gia,... Những khó khăn, hạn chế trong hoạt động XKLĐ thời gian qua do cả chủ quan và khách quan, cả Việt Nam và các nước NKLĐ. Trong đó nguyên nhân chủ yếu là còn thiếu một chiến lược tổng thể về XKLĐ, bao gồm từ khâu tạo nguồn LĐXK đến quản lý lao động ở nước ngoài và giải quyết những vấn đề sau khi LĐXK về nước. Những giải pháp đẩy mạnh hoạt động XKLĐ của Việt Nam sang khu vực Đông Bắc á được dựa trên những phân tích về nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn trong hoạt động XKLĐ của Việt Nam sang Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan trong hơn 10 năm qua. Quan trọng và có tính quyết định là phải xây dựng một kế hoạch XKLĐ phù hợp với chiến lược tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, gắn liền với giải pháp về đào tạo nguồn LĐXK theo hướng: đa dạng về ngành nghề, tăng tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, thông thạo ngoại ngữ, có tác phong công nghiệp và am hiểu về luật pháp của nước sở tại. Bên cạnh đó, luận văn cũng đưa ra một số giải pháp hỗ trợ khác liên quan đến toàn bộ quy trình hoạt động XKLĐ sang khu vực Đông Bắc á như về công tác thị trường, quản lý lao động, thông tin, tuyên truyền, xây dựng chính sách pháp luật... Hơn nữa, trong quá trình thực hiện cần phải có sự phối hợp tích cực của tất cả các bên tham gia, trong đó sự nhận thức đúng đắn và tham gia một cách tích cực của người lao động vào hoạt động XKLĐ có vai trò quan trọng, quyết định đối với hiệu quả cũng như đảm bảo sự tăng trưởng ổn định và phát triển bền vững của hoạt động này. Khu vực Đông Bắc á với các thị trường XKLĐ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan vẫn là thị trường quan trọng, chủ yếu của Việt Nam trong định hướng phát triển hoạt động XKLĐ trong những năm tới. Ngoài những yếu tố tích cực từ phía các nước tiếp nhận LĐXK của Việt Nam ở khu vực Đông Bắc á, để đảm bảo được mục tiêu đặt ra các cơ quan chức năng và doanh nghiệp XKLĐ cần phải phối hợp thực hiện các giải pháp căn bản nhằm khắc phục những hạn chế, khó khăn đang tồn tại, đồng thời tranh thủ và tận dụng những thay đổi có tính chất cơ hội để đẩy mạnh hoạt động XKLĐ của Việt Nam sang khu vực này. Các giải pháp đưa ra trong luận văn có tính chất tham khảo cho các chủ thể tham gia hoạt động XKLĐ nói chung và hoạt động XKLĐ của Việt Nam sang Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan nói riêng với mong muốn được các chủ thể này vận dụng vào thực tế nhằm góp phần đẩy mạnh hoạt động XKLĐ của Việt Nam sang thị trường XKLĐ khu vực Đông Bắc á trong thời gian tới. những công trình liên quan đến luận văn đã được công bố Lưu Văn Hưng (2004), "Giải phỏp hạn chế rủi ro trong xuất khẩu lao động hiện nay", Nông nghiệp và phát triển nông thôn, (8), tr. 1018-1020. Lưu Văn Hưng (2004), "Xuất khẩu lao động - một hướng đi góp phần giải quyết việc làm cho lao động nụng thụn", Nông nghiệp và phát triển nông thôn, (10), tr. 1319-1322. Lưu Văn Hưng (2005), "Một số biện pháp nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu Việt Nam sang thị trường khu vực Đông Bắc á", Kinh tế và phát triển, (98), tr. 41-44. Lưu Văn Hưng (2005), "Một số vấn đề trong chính sách tuyển dụng lao động nước ngoài của Nhật Bản, Hàn Quốc thời gian gần đây", Những vấn đề kinh tế thế giới, 7(111), tr. 48-60. Lưu Văn Hưng (2005), "Một số biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu lao động của Việt Nam sang Hàn Quốc", Nông nghiệp và phát triển nông thôn, (16), tr. 13-15. Lưu Văn Hưng (2005), "Một số vấn đề trong chính sách tuyển dụng lao động nước ngoài của Nhật Bản hiện nay", Kinh tế châu á - Thái Bình Dương, 33(77), tr. 23-25. Lưu Văn Hưng (2005), "Di chuyển lao động tạm thời trong điều kiện tự do hóa thương mại đối với các nước đang phát triển", Nông nghiệp và phát triển nông thôn, (10), tr. 76-79. DANH Mục Tài Liệu THAM Khảo Lê Xuân Bá, Nguyễn Thị Kim Dung, Trần Hữu Hân (2003), Một số vấn đề về phát triển thị trường lao động ở Việt Nam, Nxb Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội. Ban Chỉ đạo điều tra lao động - việc làm Trung ương (2004), Báo cáo kết quả điều tra lao động - việc làm, ngày 01/7, Hà Nội. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2003), Báo cáo về tình hình xuất khẩu lao động và chuyên gia 2001-2003 và phương hướng đến năm 2005, Hà Nội. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2003), Báo cáo tổng kết và triển khai Nghị định 81/2003/NĐ-CP của Chính phủ về xuất khẩu lao động và chuyên gia, Hà Nội. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2003), Báo cáo tình hình và biện pháp tăng cường quản lý tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật Bản, Hà Nội. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2003), Thông tư hướng dẫn số 22/2003/TT-BLĐTB&XH ngày 13/10 về thực hiện một số điều của Nghị định số 81/2003/NĐ-CP ngày 17/7/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ Luật lao động về người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài, Hà Nội. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2003), Đánh giá thực trạng và các giải pháp đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, Hà Nội. Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2003), Thông tư liên tịch số 107/2003/TTLT-BTC-BLĐTB&XH ngày 07/11 hướng dẫn thực hiện chế độ tài chính đối với người lao động và doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo quy định tại Nghị định 81/2003/NĐ-CP ngày 17/7/2003 của Chính phủ, Hà Nội. Chính phủ (1999), Nghị định số 152/1999/NĐ-CP ngày 20/9 của Chính phủ quy định về việc người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, Hà Nội. Chính phủ (2003), Nghị định số 81/2003/NĐ-CP ngày 17/7 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động về người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài, Hà Nội. "Cơn lốc y tá ngoại đến Anh" (2004), Việc làm ngoài nước, (3), tr.12. Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (2005), Thông báo về tình hình hoạt động xuất khẩu lao động 2004 và phương hướng nhiệm vụ 2005, Hà Nội. Nguyễn Duy Dũng (2004), "Thực trạng phát triển nguồn nhân lực ở Nhật Bản những năm gần đây", Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc á, 5(53), tr. 3-10. Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Chỉ thị số 41-CT/TƯ ngày 22/9 của Bộ Chính trị về xuất khẩu lao động và chuyên gia, Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam (1997), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Đào Công Hải (2004), "Một số nét mới về thị trường lao động Hàn Quốc và triển vọng đối với lao động Việt Nam", Lao động và xã hội, 242, tr. 5-7, 15. Trần Văn Hằng (1995), Các giải pháp đổi mới quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động ở Việt Nam trong giai đoạn 1995 - 2010, Luận án tiến sĩ kinh tế, Viện Kinh tế học - Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia, Hà Nội. Trần Văn Hằng (2002), "Đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ thuật cho công tác xuất khẩu lao động", Việc làm ngoài nước, (2), tr.3-6. Dương Phú Hiệp - Vũ Văn Hà (2004), Quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản trong bối cảnh quốc tế mới, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Hội đồng Bộ trưởng (1991), Nghị định số 370/HĐBT ngày 9/11 của Hội đồng Bộ trường ban hành quy chế về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, Hà Nội. Nguyễn Mạnh Hùng (2004), "Tác động của di cư quốc tế và an ninh kinh tế quốc gia", Những vấn đề kinh tế thế giới, 2(94), tr. 3-10. Nguyễn Liên Hương (2002), "Bước đầu tìm hiểu về lĩnh vực hợp tác lao động giữa Việt Nam và Đài Loan", Nghiên cứu Trung Quốc, 6(46), tr. 57-64. Nguyễn Phúc Khanh (2004), Xuất khẩu sức lao động với Chương trình quốc gia vè việc làm - Thực trạng và giải pháp, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội. Phạm Thị Khanh (2004), "Phát triển thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế", Website Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 02/5/2005. Trần Thúy Lâm, Trần Minh Tiến (2004), Hướng dẫn các điều của Bộ luật lao động, Nxb Lao động, Hà Nội. Trần Đức Lân (2002), "Sớm đổi mới và tăng cường các biện pháp quản lý công tác đào tạo, giáo dục định hướng cho lao động xuất khẩu", Việc làm ngoài nước, (4), tr. 23-25. "Lao động Việt Nam đang mất dần thế cạnh tranh" (2005), Thời báo kinh tế Việt Nam, ngày 02/6. Nguyễn Gia Liêm (2002), "Xuất khẩu lao động của Trung Quốc", Việc làm ngoài nước, (3), tr. 24, 26. Nguyễn Thị Phương Linh (2003), "Tạo nguồn lao động xuất khẩu trên cơ sở nâng cao chất lượng đào tạo nghề", Việc làm ngoài nước, (6), tr. 17-20. Hoàng Vĩnh Long (2004), Kinh tế quốc tế, Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Đặng Như Lợi (2003), "Thực trạng công tác xuất khẩu lao động và những kiến nghị", Việc làm ngoài nước, (5), tr. 3-7, 11. C. Mác và Ph. Ăngghen (1993), Toàn tập, tập 23, Nxb Sự thật - Chính trị quốc gia, Hà Nội. Nakorn Silpa-Archa (2003), "Lao động Thái Lan ở nước ngoài", Việc làm ngoài nước, (4), tr. 21-22, 24. Ngân hàng Thế giới (2004), Di chuyển con người để cung cấp dịch vụ, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. Nguyễn Bá Ngọc - Trần Văn Hoan (2002), Toàn cầu hóa: cơ hội và thách thức đối với lao động Việt Nam, Nxb Lao động xã hội, Hà Nội. Trịnh Thị Kim Ngọc (2003), Một số vấn đề trong giao lưu văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp viện, Viện Nghiên cứu con người - Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia, Hà Nội. Trịnh Thị Kim Ngọc (2004), "Lao động phổ thông Việt Nam tại các doanh nghiệp Hàn Quốc", Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc á, 4(52), tr. 65-74. "Quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài: cần những chế tài đủ mạnh" (2005), Thời báo kinh tế Việt Nam, ngày 01/8. Nguyễn Vinh Quang (2003), "Nhiệm vụ, mục tiêu và những giải pháp cho hoạt động xuất khẩu lao động đến năm 2005", Việc làm ngoài nước, (6), tr.2-7. Cao Văn Sâm (2004), "Những nhân tố ảnh hưởng đến xuất khẩu lao động", Việc làm ngoài nước, (4), tr. 14-15. Vũ Thu Thủy (2002), "Lao động nước ngoài có tay nghề và chính sách nhập lao động nước ngoài ở Đài Loan", Việc làm ngoài nước, (6), tr. 23-24. Nguyễn Văn Tiến (2002), Đổi mới cơ chế quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động - thực trạng và giải pháp, Luận văn thạc sĩ quản lý kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội. Nguyễn Lương Trào (1993), Mở rộng và nâng cao hiệu quả việc đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, Luận án tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội. Nguyễn Lương Trào (2004), "Xuất khẩu lao động và chuyên gia, kinh nghiệm bước đầu, mục tiêu và giải pháp tới", Lao động và xã hội, (230+231+232), tr. 8-9, 15-16. Phạm Công Trứ (2003), "Một số vấn đề xung quanh thuật ngữ xuất khẩu lao động", Nhà nước và pháp luật, (8), tr. 53-60. "Vai trò của xuất khẩu lao động Philippine" (2002), Báo Quốc tế điện tử, 16(483), Viện Nghiên cứu Nhật Bản (2001), Lao động và vấn đề xuất khẩu lao động Việt Nam sang Nhật Bản - thực trạng và những giải pháp, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Viện, Hà Nội. "Xuất khẩu lao động: động lực quan trọng của nền kinh tế Philippine" (2004), Việc làm ngoài nước, (4), tr. 18-20. Tiếng ANH Cabinet Office, Government of Japan (2004), Annual Report on the Japanese Economy and Public Finance 2003 - 2004, Ames Gross and Rachel Weitraub (2004), 2004 Human Resources Trends in Japan, Soo Kyeong Hwang (2005), Korea’s Labor Market: Recent Trends and Outlook for 2005. Korea Labor Institute, e-Labor News No39, Manolo I. Abella (2004), Labour Migration in East Asian Economies. International Labour Organization (ILO). Pacific Bridge Inc. (2003), Human Resource Issue in Asia (Presentation), Yoo Kil - Sang (2004), "Migrant Workers’ Labor Market in Korea", Korea Labor Institute, Phụ Lục Phụ lục 1 Nguồn lao động nước ngoài tại Đài Loan Đơn vị: người Năm Thái Lan Indonesia Philippine Việt Nam Tổng số 1998 133.367 22.058 114.255 0 269.680 1999 139.526 41.224 113.928 131 294.809 2000 142.665 77.830 98.161 7.746 326.402 2001 127.732 91.132 72.779 12.916 304.559 2002 111.538 93.212 69.426 29.473 303.649 Tổng 654.828 325.456 468.549 50.266 1.499.099 Nguồn: Điều tra về việc sử dụng và quản lý LĐNN tại Đài Loan - ủy ban lao động Đài Loan. Phụ lục 2 Số lượng tu nghiệp sinh nước ngoài vào Nhật Bản thông qua JITCO Đơn vị: người 1999 2000 2001 2002 2003 1999-2003 1992-2003 Trung Quốc 16.314 21.036 26.837 30.253 33.527 127.967 200.189 Indonesia 3.959 4.686 4.155 3.653 3.923 20.376 37.493 Việt Nam 1.432 1.672 1.820 1.953 1.928 8.805 12.929 Philippine 1.627 2.015 2.090 1.860 2.317 9.909 20.337 Thái Lan 1.111 1.114 1.135 1.113 1.196 5.669 14.393 Peru 0 1 6 3 2 12 80 Lào 0 4 2 4 9 19 25 Sri Lanka 175 186 269 186 73 889 1.457 ấn Độ 7 145 99 60 17 328 897 Myanmar 35 17 11 5 16 84 254 Mông Cổ 32 123 143 98 86 482 527 Uzbekistan 0 6 0 3 6 15 17 Campuchia 0 4 2 3 13 22 27 Nepal 2 1 3 0 1 7 29 Các nước khác 937 888 851 530 343 3.549 19.293 Tổng 25.631 31.898 37.423 39.724 43457 178.133 307.947 Nguồn: Japan International Training Cooperation Organization (JITCO) Phụ lục 3 Lao động nước ngoài ở Hàn Quốc theo tình trạng cư trú Đơn vị: người, % Năm Tổng số (100%) Có visa lao động Có visa tu nghiệp sinh (TNS) Bất hợp pháp TNS trong các công ty ĐTNN TNS công nghiệp 1994 81.824 5.265 (6,4) 9.512 (11,6) 18.816 (23,0) 48.231 (58,9) 1995 128.906 8.228 (6,4) 1.5238 (11,8) 23.574 (18,3) 81.866 (63,5) 1996 210.494 13.420 (6,4) 29.724 (14,1) 38.396 (18,2) 129.054 (61,3) 1997 245.399 15.900 (6,5) 32.656 (13,3) 48.795 (19,9) 148.048 (60,3) 1998 157.689 11.143 (7,1) 15.936 (10,1) 31.073 (19,7) 99.537 (63,1) 1999 217.384 12.592 (5,8) 20.017 (9,2) 49.437 (22,7) 135.338 (62,3) 2000 285.506 19.063 (6,7) 18.504 (6,5) 58.944 (20,6) 188.995 (66,2) 2001 329.555 27.614 (8,4) 13.505 (4,1) 33.230 (10,1) 255.206 (77,4) 2002 362.597 33.697 (9,2) 14.035 (3,9) 25.626 (7,1) 289.239 (79,8) 2003 388.816 200.039 (51,5) 11.826 (3,0) 38.895 (1,0) 138.056 (35,5) Nguồn: Bộ Tư pháp Hàn Quốc (con số trong ngoặc đơn là tỷ lệ tương ứng). Phụ lục 4 Các nước tham gia Chương trình tu nghiệp sinh (TNS) của Hàn Quốc* Đơn vị: người, % Các nước Chỉ tiêu do KFSB phân bổ Tỷ lệ / chỉ tiêu (%) Số công ty tham gia Tổng số lượt TNS đã nhập cảnh Số TNS, lao động làm việc Tỷ lệ TNS, lao động bỏ trốn (%) Trung Quốc 30.790 23,75 9 44.086 27.456 52,10 Indonesia 22.480 17,34 8 44.881 19.022 24,80 Việt Nam 18.770 14,48 8 30.109 17.457 59,25 Philippine 13.310 10,27 6 21.611 11.050 49,80 Bangladesh 6.990 5,39 4 13.533 8.583 78,60 Sri Lanka 4.470 3,45 2 4.898 2.713 51,50 Pakistan 4.370 3,37 2 5.419 3.310 56,10 Thái Lan 5.380 4,15 2 6.658 3.262 29,10 Iran 510 0,39 1 733 186 44,30 Myanmar 2.180 1,68 1 2.268 1.029 72,90 Nepal 4.880 3,76 2 5.059 2.999 30,40 Uzbekistan 6.830 5,27 2 8.819 4.003 27,40 Kazastan 4.480 3,46 2 2.857 1.200 36,90 Mongolia 3.200 2,47 1 983 672 55,90 Cambodia 1.000 0,77 1 - - - Tổng 129.640 100,00 51 191914 102.942 * Thông qua Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc; tính đến tháng 10/2003. Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc á, số 4(52) 8-2004. Phụ lục 5 Thống kê tổng hợp hồ sơ thẩm định số lượng lao động Việt Nam vào Đài Loan từ tháng 11/1999 đến tháng 6/2002 Tổng cộng 11-12/1999 01-12/2000 01-12/2001 01-06/2002 Hồ sơ (bộ) 16.533 533 4.737 5.728 5.535 Lao động (người) 37.989 1.572 12.667 12.274 11.476 - Nam 12.443 364 3.846 3.891 4.342 - Nữ 25.546 1.208 8.821 8.383 7.134 HL & GVGĐ* 13.350 553 3.800 4.707 4.310 Điện tử 5.880 315 2.353 2.294 910 Dệt may 4.925 247 1.928 1.373 1.377 Cơ khí 11.863 465 3.943 3.491 3.964 Xây dựng 737 0 484 233 20 Thuyền viên 1.225 12 158 174 881 * Hộ lý và giúp việc gia đình. Nguồn: Tạp chí nghiên cứu Trung Quốc số 6(46)-2002. Phụ lục 6 Tình hình tu nghiệp sinh, lao động Việt Nam tại Hàn Quốc (tính đến tháng 10/2003) TT Công ty phái cử Chỉ tiêu (người) % trong tổng chỉ tiêu Tổng số nhập cảnh vào HQ (người) Số TNS, lao động đang ở Hàn Quốc (người) Số TNS, lao động bỏ trốn còn ở HQ (người) Tỷ lệ bỏ trốn (%) 1 Vinaconex 3.230 17,0 5.927 3.077 1.547 48,50 2 Sovilaco 2.890 15,4 5.077 2.760 1.990 68,70 3 Lod 3.080 16,4 5.608 2.973 1.914 46,30 4 Suleco 2.550 13,6 4.328 2.279 1.407 47,00 5 Tracimexco 1.380 7,4 1.642 1.337 1.078 74,00 6 Oleco 2.250 12,0 3.314 2.116 1.409 67,00 7 Tracodi 1.850 9,9 2.810 1.685 1.292 70,00 8 Ims 1.540 8,2 1.403 1.230 645 50,50 Tổng 18.770 100 30.109 17.457 11.282 Nguồn: Tạp chí Việc làm ngoài nước, số 5/2003. Phụ lục 7 Số lượng lao động xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực Đông Bắc á và các nước khác (từ 1992 đến 2004) Đơn vị: người Năm Tổng số Đài Loan Nhật Bản Hàn Quốc Malaysia Nước khác 1992 810 0 0 210 0 600 1993 3.960 0 164 3.318 0 478 1994 10.150 0 382 4.781 0 4.987 1995 7.187 0 286 5.270 0 1.631 1996 12.959 0 1.046 7.826 0 4.087 1997 18.470 191 2.227 4.880 0 11.172 1998 12.240 1.697 1.896 1.500 7 7.140 1999 21.810 558 1.856 4.518 1 14.877 2000 31.500 8.099 1.497 7.316 239 14.349 2001 36.168 7.782 3.249 3.910 23 21.204 2002 46.122 13.191 2.202 1.190 19.965 9.574 2003 75.000 29.069 2.256 4.336 38.227 1.112 2004 67.447 37.144 2.752 4.779 14.567 8.205 Tổng số 343.823 97.731 19.813 53.834 73.029 99.416 Nguồn: Phòng Quản lý lao động - Cục quản lý lao động ngoài nước - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docLA2639.doc
  • docLVTS0018.doc
Tài liệu liên quan