Xây dựng và hoàn thiện pháp luật kinh tế nhằm đảm bảo quyền tự do kinh doanh ở nước ta

mở đầu 1. Tính cấp thiết của đề tài Trong bất cứ nền kinh tế hàng hóa nào cũng tồn tại nhu cầu tự do kinh doanh. Tuy nhiên, trong các xã hội khác nhau và ở trong từng thời kỳ lịch sử cụ thể thì mức độ đảm bảo việc thực hiện nhu cầu tự do kinh doanh cũng khác nhau. Điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó pháp luật giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Lý luận và thực tiễn đã chứng minh hệ thống pháp luật là một trong những nhân tố quyết định cho việc đảm bảo quyền tự do kinh doanh. Sự khác

doc215 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 2350 | Lượt tải: 2download
Tóm tắt tài liệu Xây dựng và hoàn thiện pháp luật kinh tế nhằm đảm bảo quyền tự do kinh doanh ở nước ta, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
nhau về tính hoàn thiện, tính hiệu quả của hệ thống pháp luật là một trong những nhân tố quyết định cho việc đảm bảo thực hiện quyền tự do kinh doanh. Thông thường, ở những quốc gia có hệ thống pháp luật đồng bộ thống nhất, minh bạch, có hiệu quả là những nước có thể khơi dậy nguồn hứng khởi cho các nhà kinh doanh, thu hút được các nguồn đầu tư cho sự phát triển kinh tế. ở nước ta và các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, do áp dụng cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, tự do kinh doanh đã không được pháp luật công nhận và trên thực tế không tồn tại khái niệm "quyền tự do kinh doanh". Trong các văn bản pháp luật cũng như các văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước ta lúc đó khó có thể tìm thấy khái niệm "quyền tự do kinh doanh". Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI đã đề ra đường lối đổi mới nói chung và cơ chế quản lý kinh tế nói riêng. Theo đó, tự do kinh doanh đã chính thức trở thành quyền pháp định. Điều 4 Luật Công ty (1990) quy định "trong khuôn khổ pháp luật, công ty có quyền tự do kinh doanh". Đến Hiến pháp (1992) thì tự do kinh doanh đã trở thành quyền hiến định: "Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật" (Điều 57). ở nước ta, quyền tự do kinh doanh là vấn đề còn rất mới mẻ trong khoa học pháp lý. Vì vậy, việc nghiên cứu làm sáng tỏ bản chất, nội dung của quyền tự do kinh doanh, trên cơ sở đó thể chế hóa kịp thời và đầy đủ những yêu cầu mà quyền tự do kinh doanh đặt ra có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. ở phương diện này, pháp luật nói chung và pháp luật kinh tế nói riêng có vai trò quyết định đối với việc đảm bảo tự do kinh doanh. Do đó, việc nghiên cứu để tìm ra những luận cứ khoa học, những định hướng và giải pháp cho việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật kinh tế đảm bảo tự do kinh doanh ở nước ta là đòi hỏi bức thiết cả về lý luận và thực tiễn. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Trên thế giới, khái niệm quyền tự do kinh doanh từ lâu đã được sử dụng khá phổ biến và rộng rãi. Quyền tự do kinh doanh gắn liền với thuyết tự do hóa kinh tế của Adam Smith. Ông cho rằng, tự do trong kinh tế là tự do chọn nghề, tự do hành nghề, tự do sở hữu và tự do cạnh tranh được pháp luật đảm bảo. Quyền tự do kinh doanh ở nước ta gắn liền với quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế. Đặt ra yêu cầu bức xúc trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật kinh tế đang được sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực. ở những phạm vi và mức độ khác nhau đã có khá nhiều công trình trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến vấn đề quyền tự do kinh doanh và pháp luật kinh tế, như: Quyền con người trong thế giới hiện đại do TS. Phạm Khiêm ích và GS.TS Hoàng Văn Hảo chủ biên; Pháp luật trong cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước của PGS.TS Trần Ngọc Đường; Thực trạng pháp luật kinh tế ở nước ta và các quan điểm đổi mới đưa pháp luật kinh tế vào cuộc sống của PGS.TS Nguyễn Niên; Quan điểm pháp luật kinh tế trong nền kinh tế thị trường của cố PGS.TS Trần Trọng Hựu; Một số vấn đề cấp thiết cần giải quyết để đảm bảo quyền tự do kinh doanh của TS. Dương Đăng Huệ; Pháp luật kinh tế nước ta trong bước chuyển sang kinh tế thị trường của TS. Nguyễn Như Phát; Môi trường pháp luật kinh tế đầy đủ phù hợp với cơ chế thị trường của TS. Hoàng Thế Liên; Pháp luật và quyền tự do kinh doanh của PGS.TS Lê Hồng Hạnh; Hoàn thiện luật kinh tế ở Việt Nam trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Luận án Phó Tiến sĩ của Nguyễn Am Hiếu; Đổi mới và hoàn thiện khung pháp luật kinh tế trong điều kiện kinh tế thị trường Việt Nam, Luận án Phó tiến sĩ của Nguyễn Minh Mẫn; Quyền tự do kinh doanh trong pháp luật kinh tế Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ của Bùi Ngọc Cường. Ngoài ra, vấn đề hoàn thiện pháp luật kinh tế còn thu hút sự chú ý của nhiều đề tài khoa học thuộc dự án do các tổ chức quốc tế thực hiện như: Dự án của UNDP mang tên Tăng cường năng lực pháp luật tại Việt Nam (Dự án VIE/94/003), mà nội dung chính là xây dựng khung pháp luật kinh tế phù hợp với nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Nhìn chung, các bài viết, các công trình nghiên cứu nói trên đã đề cập đến nhiều khía cạnh và ở các mức độ khác nhau của quyền tự do kinh doanh. Tuy nhiên, một công trình nghiên cứu một cách có hệ thống lý luận về quyền tự do kinh doanh, vai trò của pháp luật kinh tế trong việc đảm bảo quyền tự do kinh doanh và nhất là thực trạng của pháp luật kinh tế trong việc đảm bảo quyền tự do kinh doanh ở nước ta hiện nay, trên cơ sở đó đưa ra những kiến nghị để xây dựng và hoàn thiện pháp luật kinh tế đảm bảo quyền tự do kinh doanh thì cho đến nay vẫn chưa có. 3. Mục đích nghiên cứu và nhiệm vụ của luận án Căn cứ vào những quan điểm của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cũng như từ thực tiễn xây dựng pháp luật trong thời gian qua, mục đích nghiên cứu của luận án là làm sáng tỏ quan niệm về quyền tự do kinh doanh, vai trò của pháp luật kinh tế đối với việc đảm bảo quyền tự do kinh doanh. Trên cơ sở đó tìm ra những định hướng, giải pháp nhằm xây dựng và hoàn thiện pháp luật kinh tế đảm bảo quyền tự do kinh doanh ở nước ta. Để thực hiện mục đích đó, nhiệm vụ của luận án là: - Nghiên cứu những vấn đề lý luận về quyền tự do kinh doanh; từ đó xác định đúng đắn bản chất, nội dung, những yếu tố chi phối quyền tự do kinh doanh. - Nghiên cứu, lý giải vai trò của pháp luật kinh tế trong việc đảm bảo quyền tự do kinh doanh. - Phân tích, đánh giá thực trạng những nội dung cơ bản của quyền tự do kinh doanh trong pháp luật kinh tế hiện hành. - Đề ra những định hướng và giải pháp nhằm xây dựng và hoàn thiện pháp luật kinh tế đảm bảo quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam. 4. Phạm vi nghiên cứu Quyền tự do kinh doanh là vấn đề rất nhạy cảm có quan hệ mật thiết với nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội và pháp luật. Pháp luật là phương tiện quan trọng nhất đảm bảo cho quyền tự do kinh doanh được thực hiện và phát huy giá trị tích cực trong cuộc sống. Tuy nhiên, luận án chỉ tập trung nghiên cứu trong khuôn khổ pháp luật kinh tế. Pháp luật kinh tế là bộ phận cấu thành của cơ chế kinh tế. Với nội dung, cơ cấu, cơ chế điều chỉnh của mình, pháp luật kinh tế có mối quan hệ mật thiết và có vai trò quan trọng, trong việc đảm bảo quyền tự do kinh doanh. Pháp luật kinh tế được đề cập trong luận án là khái niệm tổng hợp chỉ tổng thể các quy phạm pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau có quan hệ trực tiếp đến quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh và quản lý nền kinh tế. Khi nghiên cứu hệ thống pháp luật kinh tế, luận án cũng chủ yếu chỉ đi sâu nghiên cứu những chế định pháp luật có liên quan trực tiếp nhất với sự hình thành và đảm bảo quyền tự do kinh doanh. Vì vậy, hướng nghiên cứu của luận án là luôn bám sát mối quan hệ giữa yêu cầu của quyền tự do kinh doanh mà pháp luật kinh tế phải thể chế hóa và đảm bảo. Tác giả của luận án cũng ý thức rằng để đảm bảo quyền tự do kinh doanh cần phải giải quyết nhiều vấn đề thuộc các lĩnh vực khác nhau như cải cách bộ máy hành chính, nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ, công chức nhà nước, cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh... Đó là những vấn đề phức tạp cần phải được tiếp tục nghiên cứu ở các công trình khoa học pháp lý tiếp theo sau này. 5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu Luận án được thực hiện trên cơ sở vận dụng những quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp đổi mới nhằm xây dựng và phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mà thực chất là dân chủ hóa trong đời sống kinh tế - xã hội để phát huy mọi tiềm năng phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Luận án vận dụng các nguyên tắc phương pháp luận của triết học Mác - Lênin, của lý luận nhà nước và pháp luật, đặc biệt là lý luận về pháp luật kinh tế trong điều kiện cơ chế kinh tế mới. Trong đó, luận án đặc biệt chú ý đến việc vận dụng phương pháp biện chứng, phương pháp lịch sử để phân tích, so sánh, đối chiếu, tổng hợp trong quá trình giải quyết những vấn đề mà đề tài đặt ra. 6. Những đóng góp mới về khoa học và thực tiễn của luận án Luận án có những điểm mới sau: - Luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách có hệ thống lý luận về quyền tự do kinh doanh. - Luận án phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật kinh tế đảm bảo quyền tự do kinh doanh ở nước ta hiện nay. - Luận án đề xuất những định hướng và giải pháp hoàn thiện những chế định pháp luật quan trọng có liên quan trực tiếp đến việc đảm bảo thực hiện quyền tự do kinh doanh. Trong đó, đáng chú ý là hình thức sở hữu pháp nhân; thống nhất sự điều chỉnh pháp luật về doanh nghiệp; thống nhất sự điều chỉnh pháp luật về hợp đồng. Đó là những vấn đề mới mẻ trong khoa học pháp lý nước ta hiện nay. Về mặt thực tiễn, trên cơ sở đánh giá thực trạng pháp luật kinh tế đảm bảo quyền tự do kinh doanh ở nước ta, luận án đã đưa ra những kiến nghị cụ thể góp phần vào hoạt động xây dựng pháp luật kinh tế của nước ta trong thời gian tới, nhằm đảm bảo sự vận hành của nền kinh tế thị trường với nguyên tắc cơ bản là tự do kinh doanh. 7. Kết cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và các phụ lục, nội dung luận án bao gồm 3 chương. Chương 1 quyền tự do kinh doanh và vai trò của pháp luật kinh tế trong việc đảm bảo quyền tự do kinh doanh 1.1. Những vấn đề lý luận về quyền tự do kinh doanh 1.1.1. Khái niệm kinh doanh và quyền tự do kinh doanh 1.1.1.1. Khái niệm kinh doanh Dưới góc độ kinh tế, kinh doanh là một phạm trù gắn liền với sản xuất hàng hóa, là tổng thể các hình thức, phương pháp và biện pháp nhằm tổ chức các hoạt động kinh tế, phản ánh quan hệ giữa người với người trong quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi tiêu dùng của cải vật chất xã hội nhằm mục đích thu về một giá trị lớn hơn giá trị đã bỏ ra ban đầu. Hoạt động kinh doanh gắn liền với quan hệ sở hữu và bị quan hệ sở hữu chi phối. Trong "Tư bản", C.Mác đã phân biệt rõ hai loại tư bản: tư bản sở hữu và tư bản chức năng. Tư bản sở hữu là tư bản "chết", nằm yên; tư bản chức năng là tư bản hoạt động, tư bản kinh doanh, làm cho tư bản "chết" thành tư bản "sống". Tùy thuộc vào tính chất của chế độ sở hữu sẽ có một chế độ kinh doanh nhất định. Mặt khác, quan hệ kinh doanh có tác động trở lại quan hệ sở hữu. Quan hệ sở hữu quyết định bản chất xã hội của quan hệ kinh doanh, mục đích và xu hướng vận động của nó. Nhưng tự nó, quan hệ sở hữu không tạo ra và không làm tăng thêm sản phẩm và giá trị. Nó chỉ là điều kiện cơ bản và tiên quyết của kinh doanh. Muốn làm được điều đó quan hệ sở hữu phải được thực hiện thông qua quan hệ kinh doanh. Nhờ có quan hệ kinh doanh mà quan hệ sở hữu được thực hiện về mặt kinh tế, kinh doanh càng có hiệu quả thì mức độ thực hiện sở hữu về mặt kinh tế càng cao. Kinh doanh bao giờ cũng phục vụ cho chế độ sở hữu, là hành động tiếp theo của sở hữu. Do đó, kinh doanh đóng vai trò làm cho sở hữu từ chỗ tồn tại về mặt hình thức trở thành tồn tại hiện thực. Với quan niệm đó, kinh doanh được chia thành nhiều kiểu, chế độ, lĩnh vực khác nhau, như kinh doanh trong nền sản xuất hàng hóa giản đơn, kinh doanh trong nền kinh tế thị trường; kinh doanh tư bản chủ nghĩa, kinh doanh xã hội chủ nghĩa; kinh doanh trong công nghiệp, kinh doanh trong nông nghiệp, kinh doanh trong thương nghiệp, kinh doanh trong vận tải... Tuy nhiên, dù phân chia như thế nào thì mục đích cuối cùng của kinh doanh là làm tăng thêm giá trị vật chất cho xã hội và đối với từng nhà kinh doanh thì đó chính là lợi nhuận. ở nước ta, trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp trước đây đã có quan niệm không đầy đủ, không đúng về kinh doanh. Kinh doanh được hiểu theo nghĩa rất hẹp, kinh doanh được coi là một phần của quá trình tái sản xuất, cụ thể là chỉ gắn với hoạt động lưu thông, trao đổi, là buôn bán. Thậm chí, có người còn ác cảm với kinh doanh, coi kinh doanh là con đường dẫn tới bóc lột. Do vậy, chỉ có các tổ chức kinh tế xã hội chủ nghĩa (quốc doanh, tập thể) mới được phép kinh doanh, còn các thành phần kinh tế khác thì bị hạn chế và cấm đoán. Thực ra, kinh doanh như đã trình bày ở trên luôn gắn với quan hệ hàng hóa - tiền tệ và quy luật giá trị. Trong bất cứ phương thức sản xuất nào, còn sản xuất hàng hóa và quy luật giá trị tồn tại khách quan thì còn kinh doanh với tính cách là phương thức hoạt động kinh tế của con người. ở nước ta, khái niệm kinh doanh được định nghĩa trong Luật Công ty (1990). Theo quy định tại Điều 3 của đạo luật này thì: "Kinh doanh là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc thực hiện dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi". Khái niệm kinh doanh được khẳng định lại trong Luật Doanh nghiệp (1999) (khoản 2 Điều 3). Với khái niệm trên, kinh doanh đã được hiểu một cách đầy đủ, đúng đắn bao gồm tất cả các hoạt động như: đầu tư, sản xuất, trao đổi, dịch vụ nếu các hoạt động này nhằm mục đích sinh lợi. Hoạt động này không nhất thiết phải bao gồm tất cả các công đoạn để đạt đến kết quả cuối cùng mà chỉ cần một trong các hoạt động nói trên là đủ, miễn sao hoạt động đó có mục đích sinh lợi. Với khái niệm này, kinh doanh có nội dung rất rộng và ở mức độ khái quát có thể đưa ra những dấu hiệu đặc trưng sau: - Kinh doanh là hoạt động mang tính nghề nghiệp. Điều đó có nghĩa là trong xã hội đã có những người, nhóm người, tổ chức mà nghề nghiệp chính của họ là kinh doanh, sống bằng nghề kinh doanh. Kinh doanh mang tính thường xuyên, liên tục, ổn định và lâu dài. - Kinh doanh là hành vi diễn ra trên thị trường. Cụ thể, hoạt động kinh doanh phản ánh mối quan hệ giữa các nhà kinh doanh với nhau, với xã hội nói chung thông qua các quan hệ mua bán, trao đổi, tiêu dùng... Những quan hệ này tự nó phản ánh quan hệ hàng hóa - tiền tệ. - Mục đích của kinh doanh là lợi nhuận. Kinh doanh đã trở thành một nghề trong xã hội (và là nghề quan trọng vì nó tạo ra của cải vật chất, tinh thần để xã hội tồn tại và phát triển), do đó nó có những đòi hỏi riêng về chủ thể cũng như điều kiện để hoạt động kinh doanh. Một trong những đòi hỏi mang tính quy luật của nền kinh tế thị trường là phải bảo đảm quyền tự do kinh doanh cho con người. Vấn đề này bắt nguồn từ yêu cầu khách quan của nền kinh tế thị trường là sự tồn tại những hình thức sở hữu khác nhau, của quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh. Đồng thời nó cũng phù hợp với xu thế vận động phát triển của xã hội trong thế giới văn minh hiện đại. 1.1.1.2. Khái niệm quyền tự do kinh doanh Quyền tự do kinh doanh là một bộ phận hợp thành trong hệ thống các quyền tự do của công dân. Để có quan niệm đúng đắn về nó, trước hết cần tìm hiểu để nhận thức đầy đủ nội hàm các khái niệm quyền con người, quyền công dân nói chung dưới góc độ lịch sử, nguồn gốc và bản chất. Quyền con người (nhân quyền), quyền công dân (dân quyền) luôn là mối quan tâm của nhân loại ở mọi thời kỳ lịch sử. Mỗi bước phát triển của lịch sử xã hội loài người đều gắn liền với cuộc đấu tranh giai cấp, cách mạng xã hội nhằm giải phóng con người. Trong lịch sử tư tưởng nhân loại có các quan niệm khác nhau về sự ra đời, bản chất của quyền con người. Trước khi học thuyết "pháp luật tự nhiên" ra đời, trong lịch sử nhân loại đã từng có quan niệm (tuy còn ít và rời rạc) cho rằng con người mang thuộc tính tự nhiên, con người ra đời đương nhiên có quyền tự do. Quyền tự do của con người không do ai ban phát. Quyền con người xuất hiện trước khi có Nhà nước, pháp luật. Trong điều kiện lịch sử cụ thể đó, quan niệm này thể hiện khát vọng của con người, khi mà các quyền tự do của họ bị chà đạp, nhu cầu về quyền tự do đã trở nên bức xúc. Lúc đó người ta thường tìm đến tính chất tự nhiên "tạo hóa", "bẩm sinh" các quyền tự do của con người. Nhận xét về quan niệm này, GS.TS Hoàng Văn Hảo viết: "Quan niệm này thể hiện tính triết học nhân bản, nhưng khó tránh khỏi tính trừu tượng phi lịch sử, khó tránh khỏi tính chất ảo tưởng khi xác định nội dung các quyền con người, quyền công dân trong đời sống thực tiễn" [11, tr. 13]. Đến thế kỷ XVII, XVIII các nhà tư tưởng, nhà cải cách lỗi lạc như Locke, Rousseau... đã đưa ra học thuyết "pháp luật tự nhiên nhân". Theo quan niệm của thuyết "pháp luật tự nhiên nhân" thì quyền con người là đặc quyền tự nhiên, quyền tự nhiên, "pháp luật tự nhiên" đứng trên, cao hơn pháp luật Nhà nước. Locke cho rằng các quyền cơ bản, tự nhiên của con người bao gồm: quyền sống, quyền được tự do và quyền có tài sản. Thuyết pháp luật tự nhiên ra đời có nguyên nhân lịch sử của nó. ở thời kỳ đó, xã hội phong kiến châu Âu đang thống trị bởi hai thứ quyền lực là "Vương quyền" - quyền lực của Nhà nước và "Thần quyền" - quyền lực của chúa trời. Thế kỷ thứ XVII, XVIII, chế độ quân chủ đã được thiết lập ở hầu hết các nước phong kiến châu Âu và đạt đến đỉnh cao của sự tha hóa, nô dịch. Đó cũng là thời kỳ các Vua coi Chúa, Thánh thần là đồng minh để hợp pháp hóa uy quyền của họ. Sự liên minh quyền lực giữa "Vương quyền" và "Thần quyền" đã chà đạp thô bạo các quyền con người. Vì lẽ đó, thuyết "pháp luật tự nhiên" ra đời nhằm thể hiện nhu cầu tự do của con người, khẳng định quyền con người là tự nhiên vốn có. Thuyết pháp luật tự nhiên ra đời để chống lại, phủ nhận quyền lực, pháp luật của Nhà nước (Vương quyền), quyền lực, luật lệ của Nhà thờ thiên chúa giáo (Thần quyền). Xét về mặt lịch sử, thuyết pháp luật tự nhiên mang giá trị nhân bản, nhân đạo về con người. Nó đưa ra những tư tưởng, nguyên tắc để bảo vệ quyền cá nhân con người trước quyền lực nhà nước. Những giá trị đó về sau đã được thấm nhuần, được tiếp thu trong khoa học chính trị, pháp lý ở các nước tư sản. Tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 coi quyền con người là quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Tuyên ngôn về quyền con người của Liên Hợp Quốc 1948 đã đề ra 30 điều có tính nguyên tắc về quyền con người. Các Công ước của Liên Hợp Quốc khẳng định lại và cụ thể hóa thêm những nguyên tắc đó thành các quyền trong các lĩnh vực: chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội. Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin luôn đặt con người cũng như quyền con người trong tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Quyền tự do của con người là khái niệm mang tính lịch sử, hình thành và phát triển trong cuộc đấu tranh giai cấp vì sự tiến bộ xã hội. Quyền tự do của con người không phải là khái niệm trừu tượng, cũng không chỉ là quyền cá nhân con người mang tính tự nhiên bẩm sinh, mà luôn gắn với trình độ phát triển và tiến bộ xã hội, chịu sự chi phối của chế độ chính trị, chế độ kinh tế... Khái niệm quyền tự do của con người không thể đặt trừu tượng bên ngoài Nhà nước và pháp luật. Quyền tự do của con người phản ánh mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân. Với quan niệm đó, quyền con người được xem là giá trị được xã hội hóa, nghĩa là phải được Nhà nước ghi nhận và bảo đảm bằng pháp luật thì mới trở thành hiện thực. Một mặt, quyền con người mang tính chất tự nhiên, do đó không phải Nhà nước (hoặc bất cứ ai) là kẻ ban tặng cho con người cái quyền vốn có của họ. Mặt khác, khi chưa được Nhà nước quy phạm hóa bằng pháp luật thì các quyền con người chưa được xã hội thừa nhận, cũng có nghĩa là chưa chính thức ra đời. Vai trò của Nhà nước chính là ở chỗ đáp ứng được nhu cầu về quyền cá nhân con người trong xã hội, biết phát hiện nhu cầu hiện thực của việc xuất hiện các quyền con người để sớm thể chế hóa và bảo vệ bằng pháp luật [11, tr. 19]. Cũng cần lưu ý là khái niệm quyền con người và khái niệm quyền công dân là không đồng nhất, xét về cả hai phương diện chủ thể và nội dung. Quyền con người là khái niệm rộng hơn khái niệm quyền công dân. Khái niệm quyền công dân mang tính xác định gắn liền với mỗi quốc gia, được pháp luật của mỗi quốc gia quy định, khái niệm quyền công dân không chứa đựng hết khái niệm quyền con người. Về phương diện chủ thể, quyền công dân là cá nhân được xác định là công dân (có quốc tịch) trong khi đó chủ thể quyền con người ngoài những cá nhân là công dân còn bao gồm cả những người không phải là công dân (người nước ngoài, người không có quốc tịch, người bị pháp luật tước quyền công dân). Những người này tuy không được hưởng quyền công dân nhưng vẫn được hưởng các quyền con người với tư cách là một thực thể tự nhiên - xã hội. ở Việt nam cũng như các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, quyền con người ít được nói đến, được mặc nhiên đồng nhất với quyền công dân. Trong các văn bản pháp luật chỉ sử dụng thuật ngữ quyền công dân. Trong quá trình đổi mới do Đảng ta đề xướng, những tri thức hợp lý của nhân loại đã và đang được chúng ta tiếp thu. Điều 50 Hiến pháp (1992) nước ta quy định: "ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và pháp luật." Như vậy, có thể khẳng định rằng, việc ghi nhận và bảo đảm thực hiện tốt các quyền công dân cũng chính là đã thực hiện nội dung cơ bản của quyền con người. Các quyền tự do của công dân rất đa dạng, liên quan đến mọi mặt của đời sống xã hội. Trong hệ thống các quyền tự do đó thì quyền tự do kinh doanh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Giá trị to lớn của quyền tự do kinh doanh thể hiện ở chỗ nó là tự do trong hoạt động kinh tế. Hoạt động kinh tế luôn giữ vị trí trung tâm trong đời sống xã hội, quyết định các hoạt động khác. Từ quan niệm chung về quyền tự do của con người, cho phép chúng ta khẳng định: Quyền tự do kinh doanh là một phạm trù pháp lý. Dưới góc độ này, quyền tự do kinh doanh được hiểu theo nghĩa chủ quan và nghĩa khách quan. + Theo nghĩa chủ quan hay nhìn nhận dưới góc độ quyền chủ thể: quyền tự do kinh doanh được hiểu là khả năng hành động một cách có ý thức của cá nhân hay pháp nhân trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo nghĩa này, quyền tự do kinh doanh bao hàm những khả năng mà cá nhân hay pháp nhân có thể xử sự như: tự do đầu tư tiền vốn để thành lập doanh nghiệp, tự do lựa chọn mô hình tổ chức kinh doanh; tự do lựa chọn đối tác để thiết lập các quan hệ kinh tế, tự do cạnh tranh, tự do định đoạt trong việc giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hoạt động kinh doanh... Những khả năng xử sự này là thuộc tính tự nhiên của cá nhân (hay pháp nhân) chứ không phải do Nhà nước ban tặng. Song những khả năng xử sự đó muốn trở thành hiện thực thì phải được Nhà nước thể chế hóa bằng pháp luật và khi đó nó mới trở thành "thực quyền". Cũng chính vì vậy mà quyền tự do kinh doanh với tư cách là quyền năng chủ thể cũng có giới hạn nhất định, vì như Lênin từng chỉ rõ: "Sống trong một xã hội mà lại thoát khỏi xã hội ấy để được tự do, đó là điều không thể được" [56, tr. 127]. + Theo nghĩa khách quan hoặc được xem xét dưới góc độ là một chế định pháp luật: quyền tự do kinh doanh là hệ thống các quy phạm pháp luật và những đảm bảo pháp lý do Nhà nước ban hành nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân hay pháp nhân thực hiện quyền chủ thể nói trên. Với quan niệm đó, quyền tự do kinh doanh - một mặt bao gồm những quyền mà họ được hưởng; mặt khác, đó là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, công chức nhà nước khi thực hiện chức năng quản lý của mình phải tôn trọng, bảo vệ những quyền của chủ thể kinh doanh. Hai mặt này tồn tại thống nhất trong chế định pháp lý tự do kinh doanh. Nếu chỉ thừa nhận những quyền của chủ thể mà không đảm bảo cho nó những điều kiện để thực hiện thì quyền tự do kinh doanh cũng chỉ mang tính hình thức mà thôi. Tóm lại, theo chúng tôi, quan niệm về quyền tự do kinh doanh phải được nhìn nhận, xem xét một cách toàn diện trên những khía cạnh cơ bản sau đây: Một là, quyền tự do kinh doanh là một phần hợp thành và đóng vai trò quan trọng trong hệ thống các quyền tự do của con người. Như vậy, quyền tự do kinh doanh phải được xem như là một giá trị tự thân của con người mà Nhà nước phải thừa nhận và bảo vệ chứ không phải là sự ban phát, trao tặng. Hai là, quyền tự do kinh doanh có trở thành hiện thực và phát huy tác dụng trong thực tiễn hay không, tùy thuộc vào việc Nhà nước có đáp ứng được những đòi hỏi mà quyền tự do kinh doanh đặt ra để kịp thời thể chế hóa và bảo vệ bằng pháp luật. Ba là, quyền tự do kinh doanh của công dân tồn tại như một nhu cầu tất yếu của sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, nó phải là mục tiêu mà Nhà nước hướng tới nếu như muốn thực hiện địa vị hợp pháp, tính nhân văn tiến bộ trong quá trình thực hiện quyền thống trị của mình. 1.1.2. Nội dung của quyền tự do kinh doanh 1.1.2.1. Căn cứ xác định nội dung quyền tự do kinh doanh Xác định đúng đắn, đầy đủ những yếu tố hợp thành quyền tự do kinh doanh có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng. Trước hết, nó giúp chúng ta hiểu biết một cách toàn diện, có hệ thống về những yếu tố hợp thành quyền tự do kinh doanh, vị trí vai trò của từng yếu tố và mối quan hệ giữa chúng. Từ đó, có căn cứ khoa học để hoàn thiện pháp luật bảo đảm quyền tự do kinh doanh. Việc xác định này còn giúp cho các nhà kinh doanh nắm được những quyền mà họ được làm, cách thức thực hiện những quyền đó như thế nào. Đối với các cơ quan nhà nước, công chức nhà nước, khi thực hiện chức năng quản lý của mình, có nghĩa vụ tôn trọng và bảo đảm những quyền đó cho nhà kinh doanh. Để đảm bảo tính khách quan, việc xác định nội dung của quyền tự do kinh doanh cần phải dựa vào hai căn cứ sau: Thứ nhất, căn cứ vào đặc điểm của nền kinh tế thị trường để xác định nội dung quyền tự do kinh doanh. Những tính chất và đặc điểm của nền kinh tế thị trường quy định nội dung, tính chất của các quan hệ kinh tế, đồng thời cũng xác định nội dung của hoạt động kinh doanh. Để xác định những nội dung cụ thể của quyền tự do kinh doanh phải căn cứ vào yêu cầu nội tại của bản thân quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, tức là những yêu cầu mà hoạt động sản xuất kinh doanh đặt ra cho các nhà kinh doanh. ở mức độ khái quát có thể hình dung những việc mà các nhà kinh doanh phải thực hiện: Trước hết tạo nguồn vốn, tài sản; tiếp theo lựa chọn ngành nghề kinh doanh; tiến hành thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh. Trong quá trình hoạt động, các nhà kinh doanh phải thực hiện rất nhiều hành vi khác như: thiết lập các quan hệ kinh doanh (liên doanh, liên kết; mua bán, trao đổi, thực hiện các dịch vụ...). Tất cả những công việc đó, khi đã được pháp luật thừa nhận và được bảo đảm, sẽ trở thành quyền của các nhà kinh doanh, tạo thành nội dung của quyền tự do kinh doanh. Thứ hai, căn cứ vào những quy định của pháp luật hiện hành để xác định nội dung của quyền tự do kinh doanh. Như đã khẳng định, quyền tự do kinh doanh trước hết là quyền chủ thể, song nó phải được pháp luật thừa nhận và đảm bảo thì mới trở thành thực quyền. Điều này cho thấy nếu chỉ căn cứ vào yêu cầu nội tại của hoạt động kinh doanh để xác định nội dung quyền tự do kinh doanh thì sẽ chủ quan và sinh ra tùy tiện. Trong thực tiễn, có những yêu cầu, những đòi hỏi của hoạt động kinh doanh khi chưa được Nhà nước thể chế hóa hoặc thừa nhận thì các nhà kinh doanh cũng chưa được phép tiến hành. Chẳng hạn, như nhu cầu tạo vốn để kinh doanh thông qua việc góp vốn thành lập công ty là yêu cầu nội tại của hoạt động kinh doanh. Nếu Nhà nước không ban hành Luật Công ty thì các nhà kinh doanh cũng không thực hiện được quyền góp vốn để thành lập công ty. Dựa vào căn cứ này ta thấy rõ mức độ hoàn thiện của nội dung quyền tự do kinh doanh luôn phụ thuộc vào mức độ hoàn thiện pháp luật. Việc mở rộng hay hạn chế nội dung quyền tự do kinh doanh do pháp luật quy định phù hợp với điều kiện kinh tế khách quan mà ở đó quyền tự do kinh doanh tồn tại. 1.1.2.2. Những nội dung cụ thể của quyền tự do kinh doanh quyền tự do kinh doanh được hiểu là hệ thống các quyền gắn với chủ thể kinh doanh, mà chủ yếu và trước hết là: - Quyền được đảm bảo sở hữu đối với tài sản; - Quyền tự do thành lập doanh nghiệp (trong đó bao hàm quyền tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh, địa điểm kinh doanh, lựa chọn mô hình doanh nghiệp); - Quyền tự do hợp đồng; - Quyền tự do cạnh tranh theo pháp luật; - Quyền tự định đoạt trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp; Các quyền tự do trên có mối quan hệ hữu cơ tạo thành thể thống nhất của nội dung quyền tự do kinh doanh. Quá trình phát triển của nền kinh tế chắc chắn sẽ làm phong phú thêm nội dung của quyền tự do kinh doanh. a) Quyền được đảm bảo sở hữu đối với tài sản Sở hữu là hình thức xã hội của việc chiếm hữu. Nó phản ánh mối quan hệ giữa con người với con người trong quá trình sản xuất về việc chiếm hữu những của cải vật chất trong xã hội, mà trước hết là tư liệu sản xuất. Các hình thức sở hữu được pháp luật ghi nhận trở thành chế độ sở hữu. Chế độ sở hữu là vấn đề cơ bản nhất của một chế độ kinh tế - xã hội. Đối với quyền tự do kinh doanh thì quyền sở hữu tư liệu sản xuất giữ vị trí vai trò quan trọng nhất; nó được coi là nền tảng, là tiền đề cho việc hình thành và thực hiện quyền tự do kinh doanh. Chỉ khi được sở hữu tư liệu sản xuất thì người ta mới có thể dùng tài sản đó đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Không ai có thể tiến hành đầu tư để kinh doanh nếu không sở hữu một số tư liệu sản xuất, hàng hóa hay giá trị nhất định. Người nắm giữ sở hữu tài sản sẽ nắm quyền quản lý, quyền phân phối thu nhập. Điều này đã được thực tiễn chứng minh. ở các nước tư bản chủ nghĩa, sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất được coi là nguyên tắc "bất khả xâm phạm" và gắn liền với nó là quyền tự do kinh doanh được coi là lẽ tự nhiên, là điều "thiêng liêng" mà Nhà nước phải bảo vệ. ở nước ta cũng như ở các quốc gia xã hội chủ nghĩa trước đây, do nhận thức chủ quan, duy ý chí, chúng ta đã nóng vội thiết lập chế độ công hữu đối với tư liệu sản xuất trên phạm vi toàn xã hội. Sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất không được thừa nhận, do đó không tồn tại khái niệm quyền tự do kinh doanh. Từ khi chúng ta tiến hành đổi mới mọi mặt trong đời sống kinh tế - xã hội thì quan niệm về quyền sở hữu đã có sự thay đổi cơ bản. Nền kinh tế nước ta là nền kinh tế nhiều thành phần với nhiều hình thức sở hữu khác nhau. Sở hữu tư nhân đối với tư liệu sản xuất đã chính thức được thừa nhận. Quyền tự do kinh doanh - quyền cơ bản của công dân - đã chính thức trở thành hiện thực trong đời sống kinh tế - xã hội nước ta. Quyền được đảm bảo sở hữu đối với tài sản có tác động tích cực, mạnh mẽ ._.đến các quyền tự do khác, như: tự do thành lập doanh nghiệp, tự do hợp đồng, tự do cạnh tranh... Đối với quyền tự do thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, quyền sở hữu tư liệu sản xuất đóng vai trò quyết định. Không ai có thể thành lập doanh nghiệp - đăng ký kinh doanh nếu không có trong tay những tư liệu sản xuất, số vốn nhất định. Tư liệu sản xuất, vốn đó phải thuộc quyền sở hữu của người góp vốn, người thành lập doanh nghiệp, người đăng ký kinh doanh. Khi thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, vấn đề sở hữu bao giờ cũng nổi lên hàng đầu. Chẳng hạn, như việc thành lập, đăng ký kinh doanh đối với công ty thì vấn đề góp vốn, cơ chế góp vốn luôn có ý nghĩa quyết định. Theo PGS.TS Lê Hồng Hạnh, "việc góp vốn là cơ sở hình thành sở hữu doanh nghiệp. Bản thân vấn đề góp vốn cũng là vấn đề thuần túy mang tính chất sở hữu" [9, tr. 21]. Mặt khác, quyền sở hữu tư liệu sản xuất đã tác động tích cực làm đa dạng hóa, phong phú thêm các loại hình doanh nghiệp. Trước đây, pháp luật chỉ thừa nhận sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể nên trong nền kinh tế nước ta hầu hết tồn tại doanh nghiệp nhà nước và hợp tác xã. Từ khi pháp luật nước ta thừa nhận nhiều hình thức sở hữu đã xuất hiện nhiều loại hình doanh nghiệp mới như các loại công ty, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đối với quyền tự do hợp đồng thì vai trò của quyền sở hữu tư liệu sản xuất càng có vai trò quan trọng. Theo lôgíc của hợp đồng thì không ai có thể mua bán, trao đổi hàng hóa, nếu không xác định được sở hữu của người bán đối với tài sản là đối tượng của hợp đồng. Trong quá trình kinh doanh, các quan hệ kinh tế được thiết lập bởi sự thúc đẩy của lợi ích. Lợi ích chỉ có thể có được khi các quan hệ đó được hình thành trên cơ sở tự do ý chí. Sự tự do ý chí trong hợp đồng là biểu hiện của việc thực hiện quyền sở hữu của các chủ thể trong quan hệ hợp đồng. Quan hệ hợp đồng chính là sự vận động tự do của vốn và hàng hóa (hợp đồng là hình thức của quan hệ hàng hóa - tiền tệ xét dưới góc độ kinh tế). Suy cho cùng thì bản chất của hợp đồng là sự vận động của quan hệ sở hữu. Thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh ở nước ta hiện nay đã khẳng định vai trò của quyền sở hữu tư liệu sản xuất đối với quyền tự do hợp đồng. Các quan hệ kinh tế hiện nay đã phát triển sống động, đa dạng (thông qua hợp đồng) trên các lĩnh vực của nền kinh tế trong nước cũng như với nước ngoài; giữa các chủ sở hữu thuộc các thành phần kinh tế khác nhau; giữa các nhà kinh doanh trong nước với các thương gia nước ngoài. Để thực hiện được quyền sở hữu đối với tư liệu sản xuất thì các điều kiện sau đây cần phải được đáp ứng: - Mở rộng các đối tượng có khả năng trở thành chủ sở hữu tư liệu sản xuất. - Quy định nhiều hình thức sở hữu tư liệu sản xuất; các hình thức sở hữu phải được đối xử bình đẳng. - Tạo cơ sở cho sự phát triển tự giác các hình thức sở hữu tồn tại với những đặc trưng vốn có của chúng. - Đảm bảo việc chuyển dịch sở hữu được thuận lợi, nhanh chóng, an toàn và sinh lợi. - Mở rộng khách thể của quyền sở hữu. - Phải có những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ các hình thức sở hữu khác nhau đối với tư liệu sản xuất. Chủ sở hữu phải có những biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền sở hữu của mình. b) Quyền tự do thành lập doanh nghiệp Quyền tự do thành lập doanh nghiệp là nội dung cơ bản, quan trọng trong hệ thống các quyền tự do kinh doanh. Vị trí, vai trò quan trọng đó được thể hiện ở chỗ công dân muốn trở thành nhà kinh doanh hợp pháp (có tư cách pháp lý hợp pháp) thì họ phải tiến hành đăng ký kinh doanh tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi đã tiến hành đăng ký kinh doanh (được công nhận tư cách pháp lý) thì lúc đó họ mới có tư cách của nhà kinh doanh và mới được phép tiến hành các hoạt động kinh doanh như: sản xuất, trao đổi, mua bán. thực hiện các dịch vụ... Như vậy, quyền tự do thành lập và đăng ký kinh doanh là cơ sở để cá nhân, pháp nhân được Nhà nước công nhận là chủ thể kinh doanh hợp pháp, là tiền đề để họ tiến hành các hoạt động kinh doanh khác. TS Dương Đăng Huệ cho rằng, thủ tục thành lập và đăng ký kinh doanh chưa có nội dung kinh tế, nhưng nó là tất yếu, là cần thiết, là tiền đề để hình thành các quan hệ kinh tế thuần túy - quan hệ sản xuất kinh doanh đích thực [21, tr. 3]. Nói đến quyền tự do thành lập và đăng ký kinh doanh chúng ta hiểu rằng đây là quyền của cá nhân hay pháp nhân trong việc tạo lập tư cách pháp lý thông qua các thủ tục thành lập, đăng ký kinh doanh. Không ai có quyền can thiệp, ngăn cản trái phép quyền thành lập và đăng ký kinh doanh của họ. Đồng thời với quyền của cá nhân, pháp nhân là nghĩa vụ của cơ quan nhà nước phải tạo những điều kiện đảm bảo cho họ thực hiện quyền của mình. Vấn đề đặt ra là: cá nhân, pháp nhân muốn có tư cách của nhà kinh doanh hợp pháp lại phải tiến hành thủ tục thành lập và đăng ký kinh doanh. Điều này có vi phạm quyền tự do kinh doanh hay không? Trước hết, cần khẳng định rằng, việc thành lập và đăng ký kinh doanh là thủ tục hành chính thông thường nhằm thừa nhận tư cách pháp lý cho các nhà đầu tư và thể hiện sự quản lý của Nhà nước đối với các hoạt động kinh tế. Khi cá nhân, pháp nhân đã nộp đủ hồ sơ hợp lệ thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải cấp giấy đăng ký kinh doanh cho họ. Việc cấp giấy đăng ký kinh doanh là góp phần tích cực vào hoạt động quản lý nhà nước, đồng thời cũng chính là bảo vệ lợi ích cho bản thân nhà kinh doanh. Theo TS. Dương Đăng Huệ thì "trong xã hội văn minh con người được tự do kinh doanh, nhưng điều đó không có nghĩa là họ không phải làm bất cứ một thủ tục pháp lý nào trước khi trở thành nhà kinh doanh. ở các nước phát triển, thủ tục này đơn giản, gọn nhẹ được thực hiện thông qua hình thức đăng ký kinh doanh" [21, tr. 2]. Gắn liền với quyền thành lập và đăng ký kinh doanh là quyền tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh; hình thức tổ chức trong kinh doanh và địa điểm kinh doanh. Khi thực hiện quyền tự do thành lập và đăng ký kinh doanh, các chủ thể kinh doanh đã quyết định lựa chọn ngành nghề kinh doanh cho mình. Việc lựa chọn ngành nghề kinh doanh hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn, điều kiện và khả năng của các nhà kinh doanh, dựa trên cơ sở tìm hiểu nhu cầu thị trường. Sự lựa chọn này có tác dụng rất lớn đến sự nghiệp kinh doanh của nhà doanh nghiệp trên thương trường. Không ai có quyền can thiệp trái phép vào quyền này của họ, bởi lẽ người chịu trách nhiệm về những kết quả kinh doanh chính là các chủ doanh nghiệp. Quyền tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh tạo ra khả năng rộng lớn cho nhà kinh doanh trong việc tìm hiểu nhu cầu thị trường. Ngành nghề kinh doanh rất đa dạng, phong phú, có thể là trong công nghiệp, nông nghiệp, ngân hàng, dịch vụ... Trong từng lĩnh vực đó lại chia thành những lĩnh vực nhỏ hơn tạo nên sự đa dạng muôn màu muôn vẻ của đời sống kinh doanh, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Quyền tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh cũng bị giới hạn bởi một số lĩnh vực có liên quan đến an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Trên cơ sở lựa chọn ngành nghề kinh doanh, các nhà đầu tư có quyền tự do lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh phù hợp với điều kiện của mình. Các nhà đầu tư có thể thành lập và đăng ký kinh doanh theo mô hình công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc doanh nghiệp tư nhân... Một quyền tự do không kém phần quan trọng của các nhà đầu tư là lựa chọn địa điểm kinh doanh. Địa điểm kinh doanh là nơi mà họ tiến hành các hoạt động kinh doanh, nó không chỉ phản ánh tính không gian của hoạt động kinh doanh mà tự nó còn có ý nghĩa pháp lý quan trọng. Lựa chọn ngành nghề kinh doanh, hình thức tổ chức trong kinh doanh, địa điểm kinh doanh là những quyết định đầu tiên của nhà kinh doanh. Thừa nhận quyền tự do này chính là tôn trọng quyền định đoạt của chủ sở hữu và tạo ra khả năng thuận lợi ban đầu cho sự nghiệp kinh doanh của họ; đồng thời cũng giúp họ trả lời ba câu hỏi cơ bản mà nền kinh tế thị trường đặt ra. Đó là "sản xuất cái gì?", "sản xuất như thế nào?" và "sản xuất cho ai?". Lựa chọn ngành nghề kinh doanh và địa điểm kinh doanh chính là việc nhà kinh doanh trả lời câu hỏi "sản xuất cái gì" và "sản xuất cho ai". Lựa chọn hình thức kinh doanh, nhà kinh doanh sẽ giải đáp được câu hỏi "sản xuất như thế nào, bằng cách gì". Tôn trọng quyền tự do kinh doanh xét cho cùng chính là tôn trọng những quy luật trong nền kinh tế thị trường. Để đảm bảo quyền tự do thành lập và đăng ký kinh doanh, quyền tự do lựa chọn ngành nghề kinh doanh, địa điểm kinh doanh thì các điều kiện sau đây cần được đáp ứng: - Phải mở rộng đối tượng được phép kinh doanh. - Phải có nhiều mô hình tổ chức kinh doanh để nhà đầu tư lựa chọn. - Thủ tục thành lập và đăng ký kinh doanh phải đơn giản, thuận tiện. - Nhà nước phải quy định một cách minh bạch những ngành nghề kinh doanh nào bị cấm; những ngành nghề kinh doanh nào đòi hỏi phải có điều kiện, điều kiện đó là gì? ở nước ta hiện nay, kể từ khi Nhà nước ban hành Luật Doanh nghiệp (có hiệu lực từ 1-1-2000) thì về cơ bản những điều kiện trên đã được đáp ứng. c) Quyền tự do hợp đồng "Buôn có bạn, bán có phường" là yêu cầu khách quan đối với các nhà kinh doanh. Để tồn tại và phát triển; các nhà kinh doanh phải thiết lập các quan hệ kinh tế với nhau để trao đổi sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ... Các quan hệ kinh tế đó rất đa dạng và phong phú, nó xuất hiện ở tất cả các khâu của quá trình kinh doanh. Việc thiết lập các quan hệ kinh tế được thực hiện thông qua hợp đồng. Hợp đồng phản ánh mối quan hệ kinh tế giữa các nhà kinh doanh. Đó là mối quan hệ ý chí được xác lập một cách tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi. Với ý nghĩa đó, tự do hợp đồng là một trong những nội dung quan trọng của quyền tự do kinh doanh. Nó biểu hiện cụ thể, sinh động giá trị hiện thực của quyền sở hữu, quyền tự do thành lập và đăng ký kinh doanh, tự do cạnh tranh... Các quyền sở hữu tư liệu sản xuất, tự do thành lập và đăng ký kinh doanh sẽ mất ý nghĩa nếu như không có tự do hợp đồng. Hợp đồng biểu hiện những hành vi kinh doanh cụ thể. Mọi hành vi kinh doanh như: góp vốn thành lập doanh nghiệp, sử dụng lao động, mua sắm máy móc thiết bị, xây dựng, liên doanh liên kết, vay vốn, trao đổi hàng hóa, thực hiện các dịch vụ... đều thông qua hợp đồng. Chính vì vậy, "hợp đồng có mặt trong bất cứ lĩnh vực nào nếu ở đó có sự chuyển dịch lợi ích" [9, tr. 25]. Do đó, đảm bảo quyền tự do hợp đồng chính là điều kiện để thực hiện tốt các quyền tự do khác trong hệ thống các quyền tự do kinh doanh. Tóm lại, tự do hợp đồng là quyền của các chủ thể kinh doanh, được thể hiện ở bốn khía cạnh sau đây: - Một là, ký kết hợp đồng là quyền của các nhà kinh doanh, không ai có quyền áp đặt, can thiệp vào quyền này. - Hai là, các chủ thể kinh doanh có quyền tự do lựa chọn đối tác để thiết lập các quan hệ kinh doanh. - Ba là, các chủ thể kinh doanh có quyền thỏa thuận để áp dụng các biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng. - Bốn là, các chủ thể kinh doanh có quyền tự do thỏa thuận thay đổi một số nội dung trong quá trình thực hiện hợp đồng... d) Quyền tự do cạnh tranh lành mạnh Cạnh tranh là một trong những quy luật của nền kinh tế thị trường. Nó có vai trò quan trọng không những với tư cách là động lực của sự phát triển, mà còn với tư cách là yếu tố quan trọng làm lành mạnh các quan hệ kinh doanh. Trong cơ chế thị trường, nếu lợi nhuận thúc đẩy các nhà kinh doanh thì cạnh tranh bắt buộc họ phải điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, sử dụng các nguồn lực (vốn, lao động, kỹ thuật...) có hiệu quả nhất nhằm duy trì sự tồn tại và phát triển sự nghiệp kinh doanh của mình. Trong nền kinh tế thị trường, người tiêu dùng và các nhà kinh doanh có quan hệ tác động qua lại lẫn nhau, trong đó người tiêu dùng được coi là "thượng đế" và vì vậy, luôn là đối tượng hướng tới của tất cả các nhà kinh doanh. Cạnh tranh có vai trò quan trọng không chỉ đối với bản thân từng nhà kinh doanh mà còn có ý nghĩa đối với cả nền kinh tế nói chung. TS. Nguyễn Như Phát cho rằng, cạnh tranh mang lại những lợi ích sau [45, tr. 21]: - Thứ nhất, đáp ứng thị hiếu và nhu cầu người tiêu dùng. - Thứ hai, người tiêu dùng nhận được cái họ muốn với giá rẻ. - Thứ ba, khuyến khích áp dụng công nghệ mới. - Thứ tư, tạo sức ép buộc phải sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. - Thứ năm, tạo sự đổi mới nói chung, thường xuyên và liên tục vì vậy mang lại tăng trưởng kinh tế cao. Cạnh tranh có nhiều hình thức và được phân ra ở nhiều cấp độ khác nhau như: cạnh tranh hoàn hảo; cạnh tranh không hoàn hảo; cạnh tranh mang tính chất độc quyền; cạnh tranh lành mạnh; cạnh tranh không lành mạnh [46, tr. 20]. ở đâu có kinh tế thị trường thì ở đó có cạnh tranh. Tuy nhiên, không phải ở mọi nơi, mọi giai đoạn phát triển thì hình thức, mức độ cạnh tranh đều giống nhau. Mặt khác, quan niệm về cạnh tranh còn phụ thuộc vào đặc điểm truyền thống kinh doanh và pháp luật của mỗi quốc gia. Có nhiều định nghĩa khác nhau về cạnh tranh, song nhìn chung cạnh tranh được định nghĩa như sau: "Đó là sự ganh đua, sự kình địch giữa các nhà kinh doanh trên thị trường nhằm tranh giành cùng một loại tài nguyên sản xuất hoặc cùng một loại khách hàng về phía mình" [67, tr. 11]. Định nghĩa trên cho thấy cạnh tranh là thuộc tính tự nhiên của các nhà kinh doanh. Vì vậy, nó phải được pháp luật bảo hộ với tư cách là quyền của các nhà kinh doanh và trở thành nội dung không thể thiếu của quyền tự do kinh doanh. Cũng cần phải khẳng định rằng, quyền tự do cạnh tranh của các nhà kinh doanh là cạnh tranh lành mạnh. Đó là "hình thức cạnh tranh đẹp, trong sáng và giải thoát được khỏi các thói hư tật xấu trong cuộc sống đời thường. Nó đối lập với cạnh tranh không lành mạnh" [46, tr. 24]. Trong mối quan hệ với các quyền tự do kinh doanh khác, quyền tự do cạnh tranh có ý nghĩa quan trọng. Nó chính là động lực thúc đẩy việc thực hiện các quyền sở hữu tư liệu sản xuất, tự do hợp đồng... Ngày nay, hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới đều thừa nhận cạnh tranh và đưa ra những đảm bảo pháp lý nhằm thúc đẩy tự do cạnh tranh lành mạnh. Để đảm bảo quyền tự do cạnh tranh lành mạnh cho các chủ thể kinh doanh thì các yêu cầu sau đây phải được đảm bảo: - Phải có hệ thống pháp luật về cạnh tranh hoàn thiện. - Nhà nước phải có cơ chế kiểm soát giá cả. - Phải kiểm soát được độc quyền và hạn chế tối đa sự độc quyền, dù đó là độc quyền nhà nước. - Phải có chế tài nghiêm ngặt đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, cạnh tranh bất hợp pháp và các mặt tiêu cực khác của cạnh tranh. - Phải đảm bảo sự bình đẳng cho các thành phần kinh tế. e) Quyền tự do lựa chọn hình thức và phương thức giải quyết tranh chấp Chuyển sang nền kinh tế thị trường, các quan hệ kinh tế ngày càng phát triển. Sự sống động, đa dạng, phức tạp của các quan hệ kinh tế, sự thôi thúc của lợi nhuận, của cạnh tranh làm cho các tranh chấp kinh tế càng trở nên phức tạp hơn. Tranh chấp kinh tế có những đặc thù khác với những tranh chấp trong dân sự. Những đặc thù đó là: - Lĩnh vực phát sinh tranh chấp là lĩnh vực kinh doanh. - Giá trị tranh chấp thường lớn. - Tranh chấp trong kinh doanh thông thường mang tính phản ứng "dây chuyền". - Mức độ ảnh hưởng của tranh chấp là rất lớn, nó tác động xấu đến quá trình kinh doanh, đến trật tự kinh tế nói chung. Những đặc thù trên đòi hỏi việc giải quyết tranh chấp phải nhằm phúc đáp tối đa yêu cầu cho các nhà kinh doanh. Những yêu cầu đó là: - Phải đảm bảo quyền tự định đoạt ở mức độ cao cho các nhà kinh doanh trong việc giải quyết tranh chấp. - Việc giải quyết tranh chấp phải được tiến hành nhanh chóng, thuận lợi; hạn chế tới mức tối đa sự gián đoạn của quá trình kinh doanh. - Đảm bảo dân chủ trong quá trình giải quyết tranh chấp. - Bảo vệ uy tín, bí mật cho các nhà kinh doanh. - Đạt hiệu quả thi hành các quyết định của cơ quan tài phán, bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp. Trong nền kinh tế thị trường, hoạt động kinh doanh luôn luôn tiềm ẩn phát sinh các tranh chấp, gắn liền với tranh chấp. Do đó, về mặt khách quan phải bảo đảm quyền tự do lựa chọn hình thức, phương thức giải quyết tranh chấp cho các nhà kinh doanh. Về mặt lý luận, phải coi đây là công việc "riêng tư" của các nhà kinh doanh, bởi lẽ việc giải quyết tranh chấp trước hết là bảo vệ lợi ích của họ và do đó, họ có quyền tự định đoạt. Cơ chế thị trường luôn gắn liền với sự tự do thỏa thuận và tự chịu trách nhiệm, Nhà nước chỉ can thiệp khi họ yêu cầu. Vì vậy, quyền tự do lựa chọn hình thức và phương thức giải quyết tranh chấp kinh tế là một bộ phận trong tổng thể quyền tự do kinh doanh. Quyền này thể hiện ở chỗ, khi có tranh chấp xảy ra, các bên có quyền quyết định đưa vụ tranh chấp đó ra trước cơ quan có thẩm quyền để giải quyết hay không cũng như lựa chọn cơ quan nào và giải quyết theo thủ tục nào. Như vậy, khi có tranh chấp xảy ra, các bên có thể tự thương lượng, hòa giải để giải quyết tranh chấp hoặc có thể đưa ra Tòa án hay trọng tài để giải quyết vụ việc, nếu thấy thuận lợi cho mình. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường, với sự tồn tại và phát triển đa dạng các hình thức tổ chức kinh doanh thuộc nhiều thành phần kinh tế thì tính chất của các tranh chấp đã có sự thay đổi. Đây không còn là tranh chấp giữa các "đồng chí" với nhau mà là tranh chấp giữa các chủ sở hữu khác nhau với những lợi ích khác nhau. Do vậy, phải tôn trọng quyền tự do cho các nhà kinh doanh trong việc giải quyết tranh chấp, cũng chính là biện pháp bảo đảm quyền sở hữu tài sản, quyền tự do hợp đồng, tự do cạnh tranh lành mạnh và cũng là biện pháp hữu hiệu đảm bảo quyền tự do kinh doanh. Để thực hiện được quyền tự do này, ngoài việc phải tôn trọng quyền tự định đoạt của các nhà kinh doanh cần có nhiều hình thức, phương thức giải quyết phù hợp, khắc phục tình trạng hình sự hóa các tranh chấp kinh tế, dân sự. 1.1.3. Những yếu tố chi phối quyền tự do kinh doanh Qua nghiên cứu ở mức khái quát chúng tôi nhận thấy, quyền tự do kinh doanh nói riêng và quyền tự do của con người nói chung phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu và trước hết là: 1.1.3.1. Chế độ chính trị "Chế độ chính trị là tổng thể những phương pháp và thủ đoạn mà các cơ quan nhà nước sử dụng để thực hiện quyền lực nhà nước" [49, tr. 51]. Trong lịch sử, từ khi xuất hiện Nhà nước đến nay, các giai cấp thống trị đã sử dụng nhiều phương pháp và thủ đoạn để thực hiện quyền lực nhà nước. Những phương pháp và thủ đoạn đó trước hết xuất phát từ bản chất của Nhà nước, đồng thời phụ thuộc vào nhiều yếu tố của mỗi giai đoạn, trong mỗi nước cụ thể. Những phương pháp và thủ đoạn này có thể được phân chia thành hai loại chính là: những phương pháp dân chủ và những phương pháp phản dân chủ. Đương nhiên, do những giới hạn lịch sử khách quan, mỗi giai cấp thống trị ở mỗi thời kỳ lịch sử chỉ có thể đáp ứng và đảm bảo được quyền con người, quyền công dân ở một mức độ, một nấc thang nhất định. Lịch sử xã hội loài người đã chứng minh điều đó. Trong chế độ chiếm hữu nô lệ và chế độ phong kiến, giai cấp nô lệ, giai cấp nông dân hoàn toàn phụ thuộc vào giai cấp chủ nô, địa chủ về chính trị, tư tưởng, kinh tế. Do đó, "nô lệ không có quyền gì cả, họ không được coi là con người... Địa vị của nông dân chỉ khác rất ít địa vị của nô lệ trong xã hội chiếm hữu nô lệ" [57, tr. 87]. Các quyền tự do cá nhân của con người trong chế độ chiếm hữu nô lệ, chế độ phong kiến không được thừa nhận như một giá trị. Nhà nước tư sản với thể chế dân chủ là một tiến bộ lớn trong lịch sử so với chế độ phong kiến. Chính thể dân chủ tư sản đã thúc đẩy sự phát triển của văn minh nhân loại. Các quyền tự do của cá nhân đã chính thức được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật. Tuyên ngôn độc lập của Mỹ (1776) khẳng định: "Mọi người sinh ra đều bình đẳng, tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền được tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc" [11, tr. 13]. Chủ nghĩa xã hội là kiểu chế độ chính trị dân chủ cao nhất trong lịch sử. ở đó có những tiền đề, điều kiện để giải phóng con người gắn liền với sự thay đổi quan hệ sở hữu, sự thiết lập chế độ chính trị mà bản chất là tất cả các quyền lực thuộc về nhân dân. Trên thực tế, chủ nghĩa xã hội hiện thực đã có những thành tựu nhất định về phương diện thực hiện quyền con người, quyền công dân. Hiến pháp các nước xã hội chủ nghĩa đều quy định rộng rãi các quyền công dân. Một số quyền đã thể hiện tính ưu việt như quyền bầu cử, quyền tham gia quản lý nhà nước... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trước hết là sự hạn định của các điều kiện kinh tế - xã hội, những hạn chế của cơ chế chính trị, cơ chế quản lý kinh tế, quyền con người, quyền công dân ở các nước xã hội chủ nghĩa vẫn chưa được thực hiện đầy đủ và triệt để. Vì vậy, trong khoa học pháp lý cũng như trong thực tiễn trước đây không có khái niệm quyền tự do kinh doanh. 1.1.3.2. Cơ chế quản lý kinh tế " Cơ chế quản lý kinh tế là khái niệm dùng để chỉ phương thức mà qua đó Nhà nước tác động vào nền kinh tế để định hướng nền kinh tế tự vận động đến các mục tiêu đã định" [46, tr. 8]. Khái niệm trên cho thấy: - Cơ chế kinh tế là phương thức vận động của nền kinh tế, nó mang tính khách quan. - Cơ chế quản lý kinh tế là phương thức tác động của Nhà nước do đó nó mang tính chủ quan. - Nhà nước tác động vào nền kinh tế thông qua cơ chế kinh tế chứ không trực tiếp tác động vào nền kinh tế. Quan niệm như vậy đưa đến nhận thức chung là mỗi nền kinh tế đều có một cơ chế đặc trưng của nó. Dựa vào đó, người ta phân loại các nền kinh tế thành: - Kinh tế thị trường vận hành theo cơ chế thị trường. - Kinh tế chỉ huy, vận hành theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung. - Kinh tế hỗn hợp vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Trong nền kinh tế thị trường, các quan hệ kinh tế giữa các nhà kinh doanh đều thông qua quan hệ mua bán hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Thái độ cư xử của từng nhà kinh doanh là theo sự dẫn dắt của thị trường hay "Bàn tay vô hình" (Adam Smith). Vì vậy, cơ chế thị trường luôn gắn liền với tự do, và tự do kinh doanh là nguyên tắc của cơ chế thị trường. Cơ chế thị trường có những ưu điểm và khuyết tật của nó; cho nên ngày nay, hầu hết các quốc gia đều đề cao vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế. Sự tác động của Nhà nước là nhằm hạn chế những khuyết tật của cơ chế thị trường, nghĩa là cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước (kinh tế hỗn hợp). Nước ta cũng như các nước xã hội chủ nghĩa trước đây theo mô hình kinh tế chỉ huy. Do đó, vấn đề chủ yếu của cơ chế quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa là: kế hoạch tập trung được coi là công cụ số một có tính pháp lệnh bắt buộc đối với toàn xã hội. Các công cụ khác đều được xếp sau công cụ kế hoạch. Nhà nước trở thành "Ông chủ" của một "doanh nghiệp" khổng lồ. Thông qua công cụ kế hoạch, Nhà nước trực tiếp can thiệp và quyết định tất cả các vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cơ chế này có những đặc trưng cơ bản là: - Cơ sở kinh tế được thiết lập trên nền tảng của chế độ công hữu về tư liệu sản xuất; Nhà nước thiết lập thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa với hai hình thức sở hữu: toàn dân và tập thể. Sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất không được thừa nhận. - Nhà nước quản lý nền kinh tế thông qua hệ thống các chỉ tiêu kế hoạch chi tiết với chế độ cấp phát và giao nộp theo quan hệ hiện vật. Nhà nước can thiệp quá sâu, quá cụ thể vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến các đơn vị kinh tế không có quyền tự chủ trong kinh doanh. - Quy luật giá trị hầu như không được tính tới, tiền tệ là một trong những công cụ năng động nhất không được coi trọng. - Các giá trị như đất đai, tư liệu sản xuất, sức lao động... không được coi là hàng hóa. Cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp, tất yếu dẫn đến hậu quả là các quyền của công dân trong hoạt động sản xuất kinh doanh không được coi trọng và tất nhiên không có khái niệm quyền tự do kinh doanh. Nhận xét về vấn đề này, TS. Trần Đình Hảo cho rằng: "Cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp kéo dài đã làm nghèo đi những nội dung, phương thức quản lý một cách dân chủ theo những trình tự thủ tục thông thường"[12, tr. 1]. ở nước ta, công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng đã đem lại những thắng lợi hết sức to lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Quyền tự do kinh doanh của công dân chính thức được thừa nhận. Điều 3 Luật Doanh nghiệp tư nhân (1990) quy định: "Trong khuôn khổ pháp luật, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tự do kinh doanh". Với Hiến pháp (1992), quyền tự do kinh doanh đã trở thành nguyên tắc Hiến định. Điều 57 Hiến pháp (1992) quy định "Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật". Sự trình bày khái quát trên cho thấy cơ chế quản lý kinh tế là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo đảm quyền tự do kinh doanh. 1.1.4. ý nghĩa của quyền tự do kinh doanh Quyền tự do kinh doanh - quyền của con người trong lĩnh vực kinh tế, có ý nghĩa quan trọng, thiết thân nhất vì nó gắn bó với mỗi con người và toàn xã hội. Giá trị to lớn của nó thể hiện ở chỗ chúng tạo điều kiện và đảm bảo cho các thành viên trong xã hội những cơ hội mưu cầu hạnh phúc riêng, sự phồn thịnh riêng, cơ hội để thỏa mãn các nhu cầu kinh tế, cơ hội cho tiến thân theo những con đường khác nhau: con đường công danh, con đường kinh doanh, con đường sáng tạo nghiệp vụ... Một xã hội phát triển nhanh hay chậm, tiến bộ hay lạc hậu phụ thuộc chủ yếu vào việc các quyền tự do nói chung, quyền tự do kinh doanh nói riêng có được đảm bảo không. Vì vậy, việc thừa nhận và đảm bảo thực hiện quyền tự do kinh doanh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. 1.1.4.1. ý nghĩa về chính trị pháp lý Xét dưới góc độ chính trị thì tự do kinh doanh là một trong những biểu hiện của chế độ tự do, dân chủ, bình đẳng - những khái niệm được coi là nền tảng triết lý của mọi xã hội tiến bộ. Chủ nghĩa xã hội là chế độ xã hội được coi là tiến bộ nhất, dân chủ nhất không thể không thừa nhận các giá trị tự do đó. Mục tiêu cao cả của chủ nghĩa xã hội suy cho cùng là giải phóng con người, xây dựng một xã hội trong đó con người sống trong bầu không khí tự do, dân chủ, bình đẳng, con người được phát triển toàn diện, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thấm đượm tính nhân văn. Vì vậy, thừa nhận và bảo đảm thực hiện quyền tự do kinh doanh là tôn trọng quyền tự do của con người trong lĩnh vực kinh tế. Điều đó có nghĩa là chúng ta đang thực hiện mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Quyền tự do nói chung và quyền tự do kinh doanh nói riêng không chỉ là mục tiêu của xã hội văn minh, mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ xã hội, vì nó phát huy được nhân tố con người (mà con người là tài nguyên quan trọng nhất trong xã hội). Những sản phẩm trí tuệ, tài năng, kiến thức, nghệ thuật kinh doanh... là những tài sản thuộc về cá nhân, gắn liền với phẩm chất của con người, khi được giải phóng sẽ mang lại sức mạnh vô cùng to lớn - giải phóng sức sản xuất xã hội, thúc đẩy xã hội phát triển về mọi mặt. Quyền tự do kinh doanh bản thân nó là sự biểu hiện của quyền tự do, dân chủ. Thừa nhận và bảo đảm thực hiện quyền tự do kinh doanh còn là biểu hiện sự tôn trọng quyền con người (nhân quyền). Chủ nghĩa xã hội coi trọng quyền con người thì càng phải tôn trọng quyền tự do đó. Bản chất của nhà nước ta là Nhà nước "của dân, do dân và vì dân". Tôn trọng quyền tự do kinh doanh tức là đề cao bản chất tốt đẹp của Nhà nước ta. Quyền tự do kinh doanh vừa là mục tiêu của nhà nước "vì dân", vừa là phương tiện của một Nhà nước "do dân". Nếu như tự do kinh doanh là đòi hỏi có tính quy luật của nền kinh tế thị trường, thì việc bảo đảm quyền tự do này đã thể hiện sự phù hợp giữa pháp luật và kinh tế, khẳng định đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Sự phù hợp này là nhân tố quan trọng quyết định thành công sự nghiệp đổi mới, vì suy cho cùng, thực chất đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta là dân chủ hóa đời sống xã hội. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Sự nghiệp cải cách kinh tế cũng là sự nghiệp của con người. Cải cách thành công, nhanh hay chậm tùy thuộc vào khả năng giải phóng con người. Phát triển nhân tố con người, chúng ta sẽ giải phóng tiềm năng như vốn, sức lao động, tài nguyên thiên nhiên... tạo điều kiện cho con người hoạt động sáng tạo, tự do hình thành nhân cách con người. Đó là những con người năng động, tự lập, hợp tác trong kinh doanh, biết giữ chữ tín, trung thực trong kinh doanh góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước, góp phần ổn định chính trị, xã hội ở nước ta. Như vậy, việc xây dựng thành công một xã hội dân chủ, giàu mạnh, việc thực hiện những lý tưởng cao cả của chủ nghĩa xã hội về tự do, bình đẳng không thể tách rời việc xây dựng một cơ chế thích hợp cho việc thực hiện các quyền kinh tế của mỗi cá nhân. Trong điều kiện nước ta chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường thì việc xác định một cơ chế thích hợp cho việc thực hiện quyền tự do kinh doanh là điều có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên, về mặt chính trị, khi thực hiện cơ chế này, chúng ta cần phải lưu ý giải quyết đúng đắn những mâu thuẫn nội tại giữa quyền tự do kinh doanh và vấn đề công bằng xã hội, sự phân hóa giàu nghèo, tình trạng kinh doanh vô chính phủ chỉ biết chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá dẫn đến việc vi phạm pháp luật, hủy hoại môi trường... Khi tiến hành cải cách nhằm đưa xã hội nước ta phát triển, Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định rõ định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở nước ta. Việc khẳng định định hướng xã hội chủ nghĩa cho nền kinh tế thị trường ở nước ta có nghĩa là các giá trị tích cực của quyền tự do kinh doanh sẽ được phát huy cao độ và các tác động tiêu cực của chúng đối với lý tưởng công bằng xã hội, bình đẳng... sẽ phải được hạn chế. Nếu nhấn mạnh khía cạnh công bằng xã hội mà coi nhẹ bản chất cá nhân của quyền tự do kinh doanh thì sẽ khó tạo ra sự phát triển của xã hội. Ngược lại, nếu quá chú trọng các giá trị cá nhân của quyền tự do kinh doanh mà không tính đến sự phân hóa giàu nghèo thì khó thực hiện lý tưởng công bằng xã hội. Giải pháp cho mâu thuẫn này không có sẵn. Chúng ta chưa có một mô hình tương tự trong lịch sử để nghiên cứu và rút kinh nghiệm. Việc xây dựng một cơ chế thích hợp cho việc thực hiện quyền tự do kinh doanh phải căn cứ vào đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội, truyền thống tâm lý của xã hội Việt Nam. Về mặt pháp lý, tự do kinh._.các bên thỏa thuận lựa chọn một Tòa án cụ thể giải quyết và nếu Tòa án này cũng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật thì nguyên đơn chỉ được nộp đơn kiện tại Tòa án đó mà thôi". Quy định này đặc biệt có ý nghĩa nếu tổ chức Tòa kinh tế theo khu vực. Thứ ba, pháp luật về tố tụng kinh tế không nên quy định một thời hiệu khởi kiện cứng nhắc mà nên để cho Luật nội dung quy định, phù hợp với từng quan hệ pháp luật cần điều chỉnh và phải tuân thủ các quy định chung trong Bộ luật Dân sự về thời hiệu, cách tính thời hiệu và khôi phục thời hiệu khởi kiện. Hiện nay, thời hiệu khởi kiện vụ án kinh tế được quy định rất ngắn: 6 tháng kể từ ngày phát sinh tranh chấp, nếu pháp luật không có quy định khác (Điều 31 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế) và thời hạn đó càng bị "rút ngắn" do những hướng dẫn bất hợp lý trong Thông tư liên ngành số 04/TTLN ngày 07/01/1995 của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao về cách xác định ngày phát sinh tranh chấp. Quy định thời hiệu khởi kiện khắt khe như vậy một mặt không làm quá trình giải quyết tranh chấp kinh tế được nhanh chóng như hy vọng của những nhà làm luật mà trái lại làm cho việc giải quyết tranh chấp bị kéo dài do những mâu thuẫn trong việc xác định thời hiệu khởi kiện, mặt khác hạn chế quyền thương lượng, hòa giải của các bên tranh chấp và không bảo đảm được quyền khởi kiện của người có quyền, lợi ích bị vi phạm. Trong nhiều vụ án kinh tế, các bên đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ với nhau nhưng do hết thời hiệu mà Tòa án không giải quyết. Hơn nữa, trong khi xác định thời hiệu khởi kiện vụ án kinh tế, Tòa án hoàn toàn không áp dụng quy định tại Điều 171 Bộ luật Dân sự về bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện. Theo quan điểm của chúng tôi, nếu pháp luật tố tụng còn giữ lại quy định về thời hiệu khởi kiện áp dụng chung cho các tranh chấp kinh tế thì thời hiệu này tối thiểu cũng phải là hai năm, kể từ ngày phát sinh quyền khiếu nại. Ngoài ra, phải bổ sung các quy định về thủ tục khiếu nại, thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện và bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện. Thứ tư, xác định rõ phạm vi xét xử và quyền hạn của Tòa án phúc thẩm để tránh tình trạng "lấn sân", "bao sân" thẩm quyền xét xử sơ thẩm làm quá trình giải quyết tranh chấp kinh tế kéo dài, không hiệu quả, gây tốn kém cho Nhà nước và cho các đương sự. Theo quy định hiện hành (các Điều 70, 71 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế) thì phạm vi xét xử và quyền hạn của Tòa án phúc thẩm rất rộng. Có thể hình dung là Tòa án phúc thẩm có thẩm quyền xét xử lại toàn bộ vụ án và vô hình chung, Tòa án phúc thẩm và Tòa án sơ thẩm cùng làm một nhiệm vụ. Thực tế có nhiều vụ án mà bản án sơ thẩm không bị đương sự kháng cáo ở thủ tục tố tụng, ví dụ về xác định sai thẩm quyền, nhưng Tòa phúc thẩm vẫn hủy bản án sơ thẩm và giao vụ án cho Tòa án sơ thẩm xét xử lại theo một thủ tục tố tụng khác để rồi Tòa án xét xử sơ thẩm lần thứ hai cũng ra phán quyết giống hệt phán quyết lần thứ nhất. Để việc giải quyết tranh chấp kinh tế được nhanh chóng, chính xác, theo chúng tôi phải xác định lại phạm vi xét xử của Tòa án phúc thẩm theo hướng Tòa án phúc thẩm chỉ xét xử phúc thẩm những phần có kháng cáo, kháng nghị của bản án, quyết định sơ thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm chỉ được hủy bản án, quyết định sơ thẩm khi Tòa án sơ thẩm có những vi phạm nghiêm trọng trong việc đánh giá chứng cứ hay áp dụng pháp luật. Kết luận chương 3 Từ việc nghiên cứu những vấn đề lý luận về quyền tự do kinh doanh, vai trò của pháp luật kinh tế trong việc đảm bảo quyền tự do kinh doanh và nghiên cứu thực trạng pháp luật kinh tế đảm bảo quyền tự do kinh doanh ở nước ta hiện nay cho thấy vấn đề xây dựng và hoàn thiện pháp luật kinh tế là yêu cầu khách quan. Quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật kinh tế phải dựa trên những căn cứ nhất định đảm bảo tính khoa học, tính thực tiễn, tính khả thi của hệ thống pháp luật kinh tế. Trên cơ sở của những căn cứ đã được trình bày, chúng tôi đưa ra một số định hướng chủ yếu cho việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật kinh tế đảm bảo quyền tự do kinh doanh ở nước ta bao gồm: xây dựng hệ thống pháp luật kinh tế đầy đủ, đồng bộ hướng tới việc thống nhất sự điều chỉnh pháp luật hoạt động kinh doanh của các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế; đảm bảo tính hài hòa tương thích với pháp luật và tập quán quốc tế. Việc chọn những giải pháp cơ bản cho việc hoàn thiện pháp luật kinh tế đảm bảo quyền tự do kinh doanh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Những giải pháp đã trình bày chính là những đòi hỏi cơ bản mà quyền tự do kinh doanh đặt ra đối với hệ thống pháp luật kinh tế nước ta. Kết luận 1. Quyền tự do kinh doanh là bộ phận quan trọng hợp thành hệ thống các quyền tự do của con người và vì vậy một mặt nó phải được xem như là một giá trị tự thân, mặt khác nó phải được Nhà nước quy phạm hóa bằng pháp luật thì mới có giá trị hiện thực. Chính vì vậy, quyền tự do kinh doanh được hiểu là một phạm trù pháp lý. Trước hết đó là quyền năng của chủ thể; theo nghĩa này thì quyền tự do kinh doanh là khả năng của thể nhân hay pháp nhân được tiến hành mọi hoạt động kinh doanh mà pháp luật không cấm. Thứ hai, quyền tự do kinh doanh là tổng hợp những quy phạm pháp luật và những đảm bảo pháp lý do Nhà nước ban hành nhằm tạo điều kiện cho các thể nhân, pháp nhân thực hiện quyền chủ thể. Quyền tự do kinh doanh bao hàm hệ thống các quyền cơ bản: quyền sở hữu tài sản; quyền tự do thành lập doanh nghiệp (bao hàm cả quyền tự do lựa chọn ngành nghề, quy mô, địa điểm kinh doanh, lựa chọn mô hình tổ chức kinh doanh); quyền tự do hợp đồng; quyền tự do cạnh tranh lành mạnh; quyền tự định đoạt trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp. Giữa các quyền tự do này có mối quan hệ hữu cơ với nhau tạo thành thể thống nhất của quyền tự do kinh doanh. 2. Sự hình thành, phát triển quyền tự do kinh doanh luôn phụ thuộc vào điều kiện chính trị, cơ chế quản lý kinh tế của mỗi quốc gia trong từng thời kỳ lịch sử cụ thể. Song nhìn chung các quốc gia đều có xu hướng mở rộng quyền tự do kinh doanh cho phát triển kinh tế. ở nước ta việc thực hiện nhất quán đường lối đổi mới kinh tế của Đảng gắn liền với việc đảm bảo quyền tự do kinh doanh cho công dân, doanh nghiệp. 3. Quyền tự do kinh doanh trở thành hiện thực và phát huy tích cực trong thực tiễn, điều đó phụ thuộc vào hệ thống pháp luật mà đặc biệt là pháp luật kinh tế phải đáp ứng được những đòi hỏi mà quyền tự do kinh doanh đặt ra. Pháp luật kinh tế là khái niệm tổng hợp chỉ tổng thể các quy phạm pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau có liên quan trực tiếp đến quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh và quản lý nền kinh tế. Pháp luật kinh tế là bộ phận cấu thành của cơ chế kinh tế, một mặt nó đảm bảo các nguyên tắc của kinh tế thị trường mà hạt nhân là tự do kinh doanh, mặt khác pháp luật kinh tế đảm bảo sự can thiệp của Nhà nước vào đời sống kinh tế. Vì vậy, pháp luật kinh tế có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quyền tự do kinh doanh. Vai trò đó được thể hiện trên hai phương diện: thứ nhất, pháp luật kinh tế thể chế hóa những đòi hỏi của quyền tự do kinh doanh; thứ hai, pháp luật kinh tế tạo ra những đảm bảo cho việc thực hiện quyền tự do kinh doanh. 4. Từ việc trình bày những vấn đề lý luận về quyền tự do kinh doanh, quan niệm về pháp luật kinh tế và vai trò của nó đối với việc bảo đảm quyền tự do kinh doanh. Việc nghiên cứu thực trạng pháp luật kinh tế đảm bảo quyền tự do kinh doanh ở nước ta hiện nay có ý nghĩa quan trọng cho việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật kinh tế đảm bảo quyền tự do kinh doanh trong thời gian tới. 5. Xây dựng và hoàn thiện pháp luật kinh tế đảm bảo quyền tự do kinh doanh phù hợp với điều kiện và đặc điểm của nền kinh tế nước ta là một quá trình, đòi hỏi phải dựa trên những căn cứ nhất định với tư cách là tư tưởng chỉ đạo cho việc đề ra các định hướng và giải pháp hoàn thiện. Chúng tôi cho rằng, việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật kinh tế đảm bảo quyền tự do kinh doanh ở nước ta trong thời gian tới phải đảm bảo các định hướng sau: - Thống nhất việc điều chỉnh pháp luật đối với hoạt động kinh doanh của các chủ thể kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế. - Đảm bảo cho hệ thống pháp luật kinh tế nước ta hài hòa, tương thích với pháp luật và tập quán quốc tế. Theo hướng đó, luận án đưa ra một số giải pháp cơ bản nhằm xây dựng và hoàn thiện pháp luật kinh tế nước ta trong thời gian tới, bao gồm: - Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về sở hữu tư liệu sản xuất, trong đó đặc biệt chú ý sửa đổi các quy định về sở hữu tư liệu sản xuất trong Bộ luật Dân sự, những quy định của pháp luật về chứng khoán. - Hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp theo hướng thống nhất sự điều chỉnh pháp luật đối với các loại hình doanh nghiệp ở nước ta. - Hoàn thiện pháp luật về hợp đồng theo hướng thống nhất sự điều chỉnh của pháp luật đối với hợp đồng dân sự, kinh tế, thương mại. - Xây dựng và ban hành Luật cạnh tranh và kiểm soát độc quyền. - Hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp kinh tế theo hướng đảm bảo quyền tự định đoạt cho các chủ thể kinh doanh trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp kinh tế. Xây dựng hệ thống quan điểm, cơ sở khoa học cho việc hoàn thiện pháp luật kinh tế đảm bảo quyền tự do kinh doanh là một đòi hỏi cấp bách, đồng thời cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn phức tạp. Nó đòi hỏi phải có quá trình nghiên cứu, tập trung trí tuệ của nhiều ngành khoa học nhằm xây dựng được một hệ thống pháp luật kinh tế hoàn chỉnh đảm bảo cho nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta vận hành trôi chảy, tích cực. những công trình nghiên cứu liên quan đến luận án đã được công bố Bùi Ngọc Cường (đồng chủ biên) (1994), Giáo trình Luật kinh tế, (đồng tác giả chương 1, tác giả chương 5), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. Bùi Ngọc Cường (1995), "Nội dung cơ bản của luật doanh nghiệp nhà nước", Luật học, (4). Bùi Ngọc Cường (1997), "Bàn về quyền tự do kinh doanh", Luật học, (3). Bùi Ngọc Cường (1997), Quyền tự do kinh doanh trong pháp luật kinh tế Việt Nam, Luận văn thạc sĩ Luật học. Bùi Ngọc Cường (1998), Cơ sở lý luận xây dựng nội dung, chương trình môn học Luật môi trường, Đề tài khoa học cấp trường, đã được nghiệm thu năm 1998, đạt kết quả xuất sắc. Bùi Ngọc Cường (đồng chủ biên) (1999), Giáo trình Luật kinh tế, (đồng tác giả chương 1, tác giả chương 5), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. Bùi Ngọc Cường (chủ biên) (2000), Giáo trình Luật kinh tế, (trung cấp), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. Bùi Ngọc Cường (2000), "Luật doanh nghiệp với việc bảo đảm quyền tự do kinh doanh ở nước ta", Luật học, (5). Bùi Ngọc Cường (chủ biên) (2001), Giáo trình Luật thương mại, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. Bùi Ngọc Cường (2001), Đánh giá thực trạng, đề xuất các kiến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế và thiết chế trong nước đáp ứng yêu cầu của các thỏa thuận ASEAN và WTO" (Dự án VIE/98/001 UNDP), Phó chủ nhiệm, biên tập chính dự án, Đề tài đã được nghiệm thu khoa học ngày 14-4-2001, đạt kết quả tốt. danh mục Tài liệu tham khảo A.A.Painter và R.G.Lawson (1987), Giới thiệu Luật kinh doanh của Anh, Bản dịch tiếng Việt của Vương Quang Thọ, Nxb Thống kê. TS. Đinh Văn Ân (2000), "Định hướng hoàn thiện pháp luật, chính sách về đầu tư trực tiếp của nước ngoài trước yêu cầu hội nhập đầu tư quốc tế", Bài viết tham dự dự án VIE/98/001 về Tăng cường năng lực pháp luật tại Việt Nam - giai đoạn 2. Bộ Tư pháp (1998), "Khuyến nghị về xây dựng và hoàn thiện pháp luật kinh tế ở Việt Nam từ nay đến năm 2000 và những năm tiếp theo", Báo cáo kiến nghị về xây dựng và hoàn thiện khung pháp luật kinh tế tại Việt Nam thuộc dự án VIE/94/003 về tăng cường năng lực pháp luật tại Việt Nam, tr. 31-64, Hà Nội. Bộ Tư pháp - Viện Khoa học pháp lý (2000), Luật doanh nghiệp - những điểm mới, sự khởi sắc và một số vấn đề đặt ra trong cơ chế thi hành, tr. 8. C.Mác - Ph. Ăngghen (1984), Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, Nxb Sự thật, Mátxcơva. C.Mác - Ph. Ăngghen (1987), Toàn tập, tập 3, Nxb Sự thật, Hà Nội. TS. Hà Hùng Cường (1996), "Giải quyết tranh chấp kinh tế và việc tham gia Công ước Niu-oóc 1958", Tài liệu Hội thảo khoa học Phát triển pháp luật hướng tới thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tại Bộ Tư pháp từ ngày 28-30/8/1996. Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội. PGS.TS Lê Hồng Hạnh (1996), "Bộ luật dân sự nhìn dưới góc độ nền kinh tế thị trường có định hướng XHCN", Luật học (số chuyên đề), tr. 21-25. PGS.TS, Lê Hồng Hạnh (2000), "Khái niệm thương mại trong pháp luật Việt Nam và những bất cập dưới góc độ thực tiễn áp dụng và chính sách hội nhập", Luật học, (4). TS. Hoàng Văn Hảo và Phạm Khiêm ích chủ biên (1995), Quyền con người trong thế giới hiện đại, Viện Thông tin khoa học xã hội, Hà Nội. TS. Trần Đình Hảo (2000), "Nhà nước pháp quyền và kinh tế thị trường ở Việt Nam", Báo cáo khoa học tại Hội thảo khoa học Nhà nước pháp quyền trong bối cảnh Việt Nam, do Viện Nhà nước và pháp luật tổ chức 11-9-2000 tại Hà Nội. TS. Trần Đình Hảo (2000), "Pháp luật về cạnh tranh trong điều kiện chuyển sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường ở Việt Nam hiện nay", Tham luận tại hội thảo Pháp luật về cạnh tranh và kiểm soát độc quyền, do Viện nghiên cứu nhà nước và pháp luật tổ chức tháng 10-2000. "Hồng Kông - Cuộc đọ găng quyết liệt", Bản tin Thông tấn xã Việt Nam 27.6.1993. TS. Nguyễn Am Hiểu (1999), "Mấy vấn đề về pháp luật kinh tế Việt Nam hiện nay", Luật học, (3). TS. Nguyễn Am Hiểu (1996), Hoàn thiện luật kinh tế ở Việt Nam trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Luận án PTS luật học, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội. Trần Ngọc Hiên (1995), "Chính sách kinh tế của quá trình đổi mới ở nước ta", Bình luận Hiến pháp 1992, Nxb Khoa học xã hội. TS. Phan Chí Hiếu (2000), "Tăng cường vai trò của tòa án trong việc giải quyết tranh chấp kinh tế", Giải quyết tranh chấp kinh tế và phá sản doanh nghiệp, Nxb Giao thông vận tải. Hiến pháp 1980 (1995), "Chế độ kinh tế", Nxb Chính trị quốc gia. Hiến pháp 1992 (1995), "Chế độ kinh tế", Nxb Chính trị quốc gia. TS. Dương Đăng Huệ (1999), Các biện pháp xử lý vi phạm pháp luật kinh tế và vai trò của các biện pháp hình sự trong việc bảo đảm trật tự quản lý kinh tế, Báo cáo khoa học tại Bộ Tư pháp. TS. Dương Đăng Huệ (1996), Một số vấn đề về luật kinh tế Việt Nam hiện nay, Tham luận tại Bộ Tư pháp Nhật Bản, 9.1996 do JICA tổ chức. TS. Dương Đăng Huệ (1999), "Sự cần thiết ban hành Pháp lệnh hợp đồng kinh tế sửa đổi", Thông tin khoa học pháp lý (4), từ tr. 51-59. TS. Dương Đăng Huệ (2000), "Luật doanh nghiệp, vai trò, quá trình thực hiện và một số vấn đề pháp lý đặt ra", Dân chủ và pháp luật, (6), tr. 15. TS. Dương Đăng Huệ (năm 1999), "Trọng tài kinh tế phi chính phủ ở Việt Nam - thực trạng và những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của nó", Thông tin khoa học pháp lý, (5), (chuyên đề về các phương thức giải quyết tranh chấp kinh tế hiện nay), từ tr. 45-64. F.Kubler (1992), Mấy vấn đề Pháp luật kinh tế Cộng hòa Liên bang Đức, Nxb Pháp luật, Hà Nội. GS. Suzuki Ken (1999), "Đặc điểm và những khái niệm lý luận cơ bản của Luật hợp đồng thống nhất của Trung Quốc", Tài liệu hội thảo về Luật dân sự và thương mại Việt Nam - Nhật Bản tại Hà Nội 17, 18-11-1999. Francis Lemeunier (1993), Nguyên lý và thực hành Luật thương mại, Luật kinh doanh, (Bản dịch tiếng Việt), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Kỷ yếu hội thảo giải quyết tranh chấp kinh doanh và phá sản doanh nghiệp do Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội và Konrad Adenauer Stiftung tổ chức 10-1999. TS. Hoàng Thế Liên (1999), "Xác định đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế (sửa đổi)", Thông tin khoa học pháp lý, (4), tr. 42- 50. TS. Hoàng Thế Liên (1998), "Một số vấn đề về Luật kinh tế trong bước chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường ở nước ta", Tập bài giảng cho dự án TA2853/VIE - Đào tạo lại cán bộ pháp luật của Chính phủ, tr. 16-41. Thế Linh (1997), "Tòa án giải quyết hay Trọng tài giải quyết", Tòa án nhân dân, (7), tr. 18. TS. Nguyễn Văn Luyện (1999), "Luận cứ khoa học của việc xây dựng pháp luật kinh tế ở Việt Nam", Nhà nước và Pháp luật, (10), tr. 3-10. TS. Nguyễn Văn Luyện (1999), "Mối quan hệ giữa Luật dân sự, Luật kinh tế và Luật thương mại", Nhà nước và Pháp luật, (12), tr. 3-10. TS. Nguyễn Minh Mẫn (1996), Đổi mới và hoàn thiện khung pháp luật kinh tế trong điều kiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, Luận án PTS luật học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Dương Thanh Mai (1999), "Hòa giải trong giải quyết tranh chấp kinh tế ở Việt Nam hiện nay", Thông tin khoa học pháp lý, (5), tr. 108, Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp. TS. Phạm Duy Nghĩa (1999), "Mối quan hệ giữa pháp luật thương mại kinh tế và dân sự", Tạp chí khoa học, (1), tr. 22- 28, Đại học Quốc gia Hà Nội. TS. Phạm Duy Nghĩa (2000), "Pháp luật cạnh tranh ở Việt Nam, nhu cầu, khả năng và một vài kiến nghị", Tham luận tại hội thảo Pháp luật về cạnh tranh và kiểm soát độc quyền, do Viện Nghiên cứu nhà nước và pháp luật tổ chức, tháng 6.2000. TS. Phạm Hữu Nghị (1999), "Về cơ chế giải quyết tranh chấp kinh tế ở nước ta trong giai đoạn hiện nay", Nhà nước và Pháp luật, (12), tr. 11-16. Nghiên cứu các qui định về quyền sở hữu (Phần thứ hai, Chương 4, chương 7, Tham luận tại Hội thảo về sửa đổi Bộ luật dân sự tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 18-6-2001). TS. Nguyễn Như Phát (1999), "Dự thảo Luật doanh nghiệp - một số vấn đề phương pháp luận", Nhà nước và pháp luật, (5), tr. 46. TS. Nguyễn Như Phát (2000), "Đối tượng điều chỉnh của pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh", Tham luận tại hội thảo Pháp luật về cạnh tranh và kiểm soát độc quyền, do Viện nghiên cứu nhà nước và pháp luật tổ chức, tháng 6-2000. TS. Nguyễn Như Phát (1999), "Quyền tự chủ về vốn và tài sản của doanh nghiệp nhà nước", Nhà nước và Pháp luật, (3), tr. 22-27. TS. Nguyễn Như Phát (2001), "Luật kinh tế - Mấy kinh nghiệm và bài học từ nước ngoài", khoa học pháp lý, (8), tr. 36-46. TS. Nguyễn Như Phát (2001), Tiến tới xây dựng pháp luật cạnh tranh trong điều kiện chuyển sang nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. Lương Xuân Quỳ (1994), Cơ chế thị trường và vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế Việt Nam, Nxb Thống kê, Hà Nội. PGS.TS. Lê Minh Tâm (2001), “Về một số điểm mới trong Báo cáo chính trị Đại hội Đảng IX và những vấn đề đặt ra đối với luật học”, Luật học, (3), tr. 32-37. Tờ trình về dự án Luật doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ ngày 22-12-1998. Trường Đại học Luật Hà Nội (1994), Giáo trình Lý luận Nhà nước và pháp luật, tr. 51. Từ kinh tế kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường (1994), Tài liệu đánh giá của viện FES, Hà Nội. TSKH. Đào Trí úc (2000), "Cạnh tranh và pháp luật cạnh tranh hiện nay ở Việt Nam", Nhà nước và pháp luật, (11), tr. 3-10. TSKH. Đào Trí úc (1993), Những vấn đề lý luận về luật so sánh - Tìm hiểu luật so sánh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Viện Nghiên cứu Nhà nước và pháp luật (2001), Những vấn đề lý luận và thực tiễn pháp lý của quá trình hợp tác và hội nhập quốc tế - khu vực của Việt Nam, Đề tài khoa học cấp nhà nước, Hà Nội. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI (1987), Nxb Sự thật, Hà Nội. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ IX (2001), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. V.I. Lênin (1979), Toàn tập, tập 12, Nxb Tiến bộ, Matxcơva. V.I. Lênin (1979), Toàn tập, tập 39, Nxb Tiến bộ, Matxcơva. М.И.Бргинский И В.В.Витрянский (1998),Дoгoвoрнoe Прaвo (общие положения),стр 6 Из-во: Статут, Москва. Е.А.Васильев (1993),Грaжданское и Торговое Право Капиталистических Государств (Издание Третье- Переработанное и дополненое),стр 104,Из-во: Меж.отнощения,Москва. А.Я.Сухарев В.Е.Крутских (2000), Большой Юридический Словарь (Издание второе Переработанное и дополненое),стр 472, Из-во: Инфа.М,Москва. М.И.Брагинский (1995), Комментарий части первой Гржданского Кодекса Российской Федерации стр 573,Из-во: Редакция журнала "Хозяйство и Право" Фирма "СПАРК", Москва. М.А.Баскакова (1995), Тольковый Юридический Словарь Бизнесмена (Издание Шестое),стр 583, Из-во: Финансы и статистика, Москва. М.М.Богуславский (1994), Международное Частное Право, (Издание второе - Переработанное и дополненое), стр 392, Из-во: Меж.отношения, Москва. The Commercial Code of Japan, Book III: Commercial transactions. Jame W. Vander Zanden (1988), The social experiences, NewYork,. Devid Kely&Ann Holmes (1997), Principles of Business Law, London, Sydney. USA. Business Prentice Hand International Edition 1993. Black's Law Dictionary, USA. Commercial Transaction, Butterworths, 1999. phụ lục 1 Từ một nền kinh tế có mức lạm phát cao, kinh tế hầu như không có tăng trưởng trước 1986, kinh tế Việt Nam đã từng bước khôi phục và phát triển ổn định. Kết quả hơn mười năm đổi mới thông qua các chỉ số sau: 91 92 93 94 95 96 97 98 99 Chỉ số lạm phát (%) 67.51 17.5 5.2 14.4 12.7 4.5 3.6 9.2 0.1 Tăng trưởng GDP (%) 5.96 8.65 8.07 8.84 9.54 9.34 8.15 5.83 4.8 (Báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp Quốc hội thứ 6 Quốc hội khóa 10 (11.99) Kết quả này được biểu hiện qua các hoạt động kinh tế chủ yếu. 1. Đầu tư nước ngoài là nét nổi bật trong bức tranh kinh tế Việt Nam thời kỳ đổi mới và mở cửa: Đầu tư nước ngoài từ 1991 đến 1999 Đơn vị: Triệu USD 91 92 93 94 95 96 97 98 99 Số vốn đăng ký 1388 2271 2087 4071 5516 9212 5548 4100 1566 Số vốn thực hiện 221 398 1106 152 2652 2371 2950 2000 1534,76 Số dự án cấp phép 155 193 272 362 404 501 419 210 278 (Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 6 quốc hội khóa 10 tháng 11 năm 1999) 2. Sản xuất công nghiệp tăng nhanh, đã hình thành hàng loạt những ngành công nghiệp mới như: dầu khí, điện tử cao cấp, lắp ráp ô tô, xe máy... Bình quân 5 năm, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 13,5% trong đó khu vực kinh tế quốc doanh tăng 9,5%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 11,8% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 21,8%. 3. Nông nghiệp phát triển ổn định, vượt qua những thăng trầm trước đây vươn lên thành ngành sản xuất hàng hóa, không những đáp ứng đủ nhu cầu lương thực trong nước mà còn dư thừa gạo để xuất khẩu. Ngày nay, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn đứng thứ hai trên thế giới sau Thái Lan. Năm 2000, sản lượng lương thực đạt 35,64 triệu tấn. Điều đó chứng minh rằng khi người nông dân có quyền tự do trên mảnh đất của mình, họ sẽ mang lại những điều kỳ diệu về kinh tế. 4. Hoạt động thương mại phát triển theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa, mở rộng thị trường, đổi mới phương thức hoạt động, hình thành thị trường cạnh tranh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ bình quân 5 năm qua tăng khoảng 10%/ năm. Đặc biệt hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu có tiến bộ vượt bậc. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2000 đạt trên 14,5 tỷ USD, tăng gần gấp 2 lần năm 1996. Nhập khẩu năm 2000 đạt 15,2 tỷ USD tăng 37% so với năm 1996. Cho đến nay nước ta đã có quan hệ thương mại với trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. 5. Giải phóng và thúc đẩy năng lực sản xuất, phát huy các nguồn lực trong xã hội. Người dân đã có niềm tin, yên tâm bỏ vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo thống kê của Vụ quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư, tính từ tháng 1 năm 1991 đến 15-11-1999 thì cả nước ta có: - Doanh nghiệp tư nhân: 26.639; tổng số vốn đầu tư: 5.995.876 triệu. - Công ty TNHH: 22227; tổng số vốn đầu tư: 13.099.332 triệu. - Công ty cổ phần: 421; tổng số vốn đầu tư: 5231057 triệu. - Doanh nghiệp nhà nước: 5.991; tổng số vốn đầu tư: 527.256 tỷ đồng. - Doanh nghiệp của các tổ chức chính trị - xã hội: 377 - Hợp tác xã: 14.740 - Cá nhân và hộ kinh doanh: khoảng 2 triệu. Đặc biệt là từ khi luật doanh nghiệp có hiệu lực (1-1-2000) đến tháng 6 năm 2001, cả nước đã có 22.000 doanh nghiệp mới được thành lập với số vốn đầu tư 2.700 tỷ đồng. ở Việt Nam hiện nay, cứ khoảng trên 1.000 dân có một doanh nghiệp (cả nước có 60.000 doanh nghiệp/≈80 triệu dân). Mặc dù tỷ lệ này là thấp so với các nước có nền kinh tế phát triển (bình quân 50 người có một doanh nghiệp, ở Hồng Kông 5 người có một doanh nghiệp; ở Bỉ có 700.000 doanh nghiệp/ 10 triệu dân; Đài Loan có 1,2 triệu doanh nghiệp/ 22 triệu dân; ở Pháp có 2,4 triệu doanh nghiệp/ 60 triệu dân). Song có thể thấy rằng, đây cũng là thành công lớn trên con đường đổi mới ở nước ta mà trọng tâm là bảo đảm quyền tự do kinh doanh cho công dân, đưa nước ta chuyển dần sang xã hội kinh doanh. (Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, công bố tháng 5 năm 2000 trong “Con số và sự kiện”, tr. 2 - 4). phụ lục 2 Thái độ của dân cư đối với kinh doanh và chuyển sang kinh tế thị trường Thành phố Tiêu chí Hà nội Thành phố Hồ Chí Minh Đà Nẵng Số người % Số người % Số người % - Nghề nào quan trọng nhất + Thương (buôn bán kinh doanh) 636 36,9 407 39,2 157 31,1 + Sĩ (trí thức, quan chức ) 571 33,1 230 22,1 179 35,4 + Công (công nhân) 403 23,4 295 28,4 117 23,2 + Nông (nông dân) 113 6,6 107 10,3 52 10,3 - Tác động của kinh tế thị trường đến đời sống hộ gia đình + Tốt hơn 1397 80,8 725 69,8 319 63,2 + Xấu hơn 42 2,4 28 2,7 40 7,9 + Như cũ 103 6,0 128 12,3 66 18,1 + Khó nói 185 10,7 158 15,2 80 15,8 - Kỳ vọng vào kinh tế thị trường + Kỳ vọng tốt (thu hút nguồn lực và nhiều cơ hội) 1228 71,3 672 64,7 348 68,9 + Kỳ vọng xấu (rủi ro, phân hoá giàu nghèo) 495 28,7 367 35,3 157 31,1 - Thái độ của xã hội đối với nghề kinh doanh + Rất tôn trọng 569 33,0 409 39,4 161 31,9 + Còn kỳ thị 298 16,8 115 11,1 128 25,3 + Bình thường 753 43,7 387 37,2 144 28,5 + Không có ý kiến 112 6,5 128 12,3 72 14,3 Nguồn: Tạp chí nghiên cứu kinh tế số 272 năm 2001 trang 32. Quan điểm xã hội về kinh tế thị trường Thành phố Tiêu chí Hà nội Thành phố Hồ Chí Minh Đà Nẵng Số người % Số người % Số người % - Kinh tế thị trường + Là của riêng CNTB 253 14,7 142 13,7 112 22,2 + Là thành quả của nhân loại 1470 85,3 897 86,3 393 77,8 - So sánh KTTT XHCN và KTTT TBCN + Giống nhau 266 15,4 170 16,4 72 14,3 + Khác nhau 1010 58,6 585 56,3 289 57,2 + Khó nói 447 25,9 284 27,3 144 28,5 Nguồn: Tạp chí nghiên cứu kinh tế số 272 năm 2001 trang 34. nhận định của dân cư về thực trạng kinh doanh Thành phố Tiêu chí Hà nội Thành phố Hồ Chí Minh Đà Nẵng Số người % Số người % Số người % - Điều kiện cho hoạt động của kinh tế tư nhân hiện nay: + Thuận lợi 341 19,8 302 29,1 62 12,3 + Khó khăn 1382 80,2 737 70,9 443 87,7 - Yếu tố trở ngại nhất cho kinh doanh: + Cơ chế chính sách 332 18,7 300 28,9 95 18,8 + Tâm lý lo ngại 115 6,7 60 5,8 48 9,5 + Thiếu vốn 565 38,1 311 29,9 185 36,6 + Thiếu kiến thức 324 18,8 106 10,2 64 12,7 + Thủ tục phiền hà 188 10,9 188 18,1 68 13,5 + Sức mua yếu 117 6,8 74 7,1 45 8,9 - Thực trạng kinh doanh hiện nay: + Tốt 119 6,9 133 12,8 53 10,5 + Xấu 226 13,1 116 11,2 71 14,1 + Bình thường 1090 63,3 527 50,7 295 58,4 + Không biết 288 16,7 263 25,3 86 17,0 - Yếu tố quyết định nhất đối với doanh nghiệp VN: + Vốn 526 30,5 297 28,6 126 25,0 + Công nghệ 200 11,6 115 11,1 87 17,2 + Quản lý 564 32,7 336 32,3 146 28,9 + Thị trường 433 25,1 291 28,0 146 28,9 Nguồn: Tạp chí nghiên cứu kinh tế số 272, năm 2001, trang 35. nguyên nhân của tình trạng kinh doanh tư nhân còn khó khăn Thành phố Tiêu chí Hà nội Thành phố Hồ Chí Minh Đà Nẵng Số người % Số người % Số người % - Tại sao kinh doanh còn khó khăn: + Do quan điểm chưa phù hợp 49 2,8 52 5,0 35 6,9 + Chính sách chưa đủ rộng 300 17,4 235 22,6 125 24,8 + Thủ tục hành chính phức tạp 446 25,9 281 27,0 116 23,0 + Lo ngại, chưa dám kinh doanh 76 4,4 30 2,9 21 4,2 + Nội lực yếu 560 32,5 231 22,2 154 30,5 + Do tất cả các yếu tố trên 292 16,9 210 20,2 54 10,7 - Nguyên nhân chính của tiêu cực hiện nay: + Do cơ chế cũ 178 10,3 102 9,8 69 13,7 + Do kinh tế thị trường 463 26,9 253 24,4 180 35,6 + Do cả hai 1082 62,3 684 65,8 256 50,7 - Nguyên nhân của tình trạng kinh doanh chưa như mong muốn: + Thị trường sơ khai 497 28,8 307 29,5 92 18,2 + Quản lý của Nhà nước 655 38,8 346 33,3 233 46,1 + Thiếu luật lệ, thể chế 405 23,5 315 30,3 97 19,2 + Tuyên truyền giáo dục 147 8,5 71 6,8 83 16,4 + Do tất cả 19 1,1 0 0 0 0 Nguồn: Tạp chí nghiên cứu kinh tế số 272 năm 2001, trang 37. thái độ và lòng tin của người Việt Nam vào kinh tế thị trường tương lai Thành phố Tiêu chí Hà Nội Thành phố Hồ Chí Minh Đà Nẵng Số người % Số người % Số người % 1. Đánh giá khả năng kinh doanh của người Việt Nam : + Rất tốt 272 15,8 285 27,4 74 14,7 + Bình thường 942 54,7 405 39,0 269 53,3 + Yếu 261 15,1 136 13,1 82 16,2 + Khó trả lời 248 14,1 213 20,5 80 15,8 * Nguyên nhân không có khả năng kinh doanh rất tốt: + Thiếu tính cộng đồng 359 23,4 271 28,3 128 27,8 + Không có truyền thống kinh doanh 284 18,5 116 12,1 78 16,9 + Chưa quen mạo hiểm 455 29,7 165 17,2 144 31,2 + Khó trả lời 436 28,4 406 42,4 111 24,1 2. Yếu tố thành đạt của doanh nhân: + Năng khiếu 235 15,6 144 13,9 43 8,5 + Quan hệ 182 10,6 122 11,7 88 17,4 + Uy tín 434 25,2 364 35,0 154 30,5 + Học vấn 224 13,0 131 12,6 55 10,9 + ý trí 275 16,0 113 10,9 68 13,5 + Kinh nghiệm 373 21,0 165 15,9 97 19,2 3. Dự định nghề nghiệp cho con cái: + Công chức nhà nước 640 37,1 208 20,0 160 31,7 + Trí thức (giáo viên, kỹ thuật, nghiên cứu) 597 34,6 484 46,6 238 47,1 + Làm nghệ thuật, y tế 56 3,3 81 7,8 18 3,6 + Kinh doanh 430 25,0 226 25,6 89 17,6 4. Khả năng do hội nhập đem lại: + Thị trường mở rộng 512 29,7 291 28,0 224 44,4 + Tài chính dồi dào 149 8,6 114 11,0 97 19,2 + Cạnh tranh ác liệt 354 20,5 234 22,5 56 11,1 + Cả cơ hội, cả thách thức 708 41,1 400 38,5 128 25,3 Nguồn: Tạp chí nghiên cứu kinh tế số 272 năm 2001, trang 3. ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docLA2745.DOC
Tài liệu liên quan