Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp ở tỉnh Quảng Ngãi

MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của Đảng và nhân dân ta, chiến sĩ cộng sản quốc tế lỗi lạc, danh nhân văn hoá thế giới. Trước khi qua đời, Người đã để lại cho Đảng và nhân dân ta di sản lý luận vô cùng quý giá, thật sự là nguồn trí tuệ to lớn soi sáng công cuộc đổi mới sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội từ một nền sản xuất nhỏ, kinh

doc110 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 1758 | Lượt tải: 1download
Tóm tắt tài liệu Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp ở tỉnh Quảng Ngãi, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
tế nông nghiệp là chủ yếu. Sản xuất nông nghiệp có vai trò cực kỳ quan trọng đối với việc phát triển kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân. Ngay trong ngày đầu cách mạng Tháng Tám mới thành công, trong Thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam, Hồ Chí Minh viết: "Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh" [43, tr.225]. Mặc dù bộn bề với trăm công ngàn việc của cuộc kháng chiến cứu nước, nhưng Hồ Chí Minh rất quan tâm, đã dành nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu, chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp. Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp là một bộ phận trong hệ thống tư tưởng kinh tế của Người. Những tư tưởng chủ đạo của Hồ Chí Minh về phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện công nghiệp hoá; phát triển kinh tế tập thể, xã hội hoá nông nghiệp, xây dựng quan hệ sản xuất trong nông nghiệp là mẫu mực của sự vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và những quy luật kinh tế khách quan vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam, không những có ý nghĩa thực tiễn to lớn, mà còn là cơ sở lý luận vô cùng quan trọng đã và đang được các cấp bộ Đảng và chính quyền vận dụng để xây dựng phát triển nền kinh tế nông nghiệp nước ta đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Sau 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nền nông nghiệp nước ta cơ bản đã chuyển sang sản xuất hàng hoá, tốc độ tăng trưởng khá cao và liên tục trong nhiều năm. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn còn nhiều mặt bất cập, thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất hàng hoá trong nông nghiệp nhỏ, phân tán, trình độ khoa học công nghệ thấp, sức cạnh tranh của hàng hoá nông sản nước ta trên thị trường thế giới yếu, thị trường tiêu thụ hạn hẹp, thu nhập của nông dân thấp. Quảng Ngãi, một tỉnh duyên hải miền Trung, nông nghiệp là ngành sản xuất chính, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông. Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh tăng trưởng tương đối ổn định, tự đảm bảo được lương thực và bước đầu hình thành được một số vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến. Cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng trong nông nghiệp, nông thôn từng bước được tăng cường. Song, cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh còn lạc hậu và chuyển dịch chậm, ngành trồng trọt vẫn chiếm tỷ trọng lớn, quy mô sản xuất quá nhỏ bé, năng suất, chất lượng, hiệu quả thấp. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá còn nhiều hạn chế. Việc quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên chưa tốt. Phần lớn các hợp tác xã sau chuyển đổi hoạt động cầm chừng kém hiệu quả, kinh tế cá thể nhỏ bé, manh mún. Đời sống của người dân ở nông thôn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng kháng chiến cũ. Những hạn chế của sản xuất nông nghiệp cả nước nói chung, Quảng Ngãi nói riêng có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, nhưng trước hết là do chưa nhận thức sâu sắc và vận dụng tốt những tư tưởng chủ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào hoạt động thực tiễn. Tổng kết thực tiễn 20 năm đổi mới, Đại hội lần thứ X của Đảng rút ra 5 bài học lớn, trong đó bài học đầu tiên là: Trong quá trình đổi mới cần phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Những tư tưởng của Người đã trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam. Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII đến nay, Đảng ta luôn khẳng định: Cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho nhận thức và hành động của Đảng. Đặc biệt là tháng 12 năm 2003 Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định đưa tư tưởng Hồ Chí Minh thành một môn học chính thức vào giảng dạy trong các trường cao đẳng và đại học của cả nước. Như vậy, việc tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ về mặt lý luận, nâng cao trình độ nhận thức phục vụ cho công tác giảng dạy và góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển trong tình hình hiện nay là cần thiết. Với những lý do trên, tôi quyết định chọn đề tài “Vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp ở tỉnh Quảng Ngãi” làm luận văn thạc sỹ của mình. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Kể từ sau Đại hội VII của Đảng, đề tài về tư tưởng Hồ Chí Minh đã thu hút được sự quan tâm nghiên cứu của các cơ quan, ban ngành và các nhà khoa học trong và ngoài nước. Liên quan đến nội dung luận văn nghiên cứu hiện nay đã có một số công trình chủ yếu được công bố như : - “Bước đầu tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế” của TS Phạm Ngọc Anh, Nxb CTQG, Hà Nội, 2003. - “Tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh với xây dựng nền kinh tế định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay” của TS Nguyễn Huy Oánh, Nxb CTQG, Hà Nội năm 2004. - "Phát triển nông nghiệp nông thôn trong giai đoạn công nghiệp hoá và hiện đại hoá ở Việt Nam" Nguyễn Văn Bích - Chu Tiến Quang, Nxb Nông nghiệp năm 1999. - "Nông nghiệp các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ trong những năm đổi mới" của TS Trương Minh Dục, Nxb Đà Nẵng năm 2006. - “Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp, nông thôn ở nước ta” của Hà Lệ Hằng - Lê Thị Anh Đào đã đăng trên Tạp chí Sinh hoạt Lý luận, số 5 năm 2003. - “Tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ giữa nông nghiệp với công nghiệp” của Hà Lệ Hằng đăng trên Tạp chí Sinh hoạt Lý luận, số 2 năm 2004. Hiện nay chưa có một đề tài nào nghiên cứu về việc vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào phát triển nông nghiệp ở tỉnh Quảng Ngãi. Những công trình trên đây có giá trị to lớn về lý luận, song cũng chỉ là sự mở đầu, có tính chất khai phá, nêu lên vấn đề để luận văn của tác giả tiếp tục kế thừa, phân tích sâu hơn và đưa ra giải pháp vận dụng thúc đẩy thực tiễn sản xuất nông nghiệp ở địa phương Quảng Ngãi. 3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu 3.1. Mục tiêu nghiên cứu Một là: Nắm vững những tư tưởng cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sản xuất nông nghiệp và tình hình vận dụng những tư tưởng đó vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp ở nước ta thời gian qua nói chung, tỉnh Quảng Ngãi trong nói riêng để từ đó nâng cao nhận thức phục vụ cho công tác giảng dạy hiện nay của bản thân. Hai là: Đề xuất những phương hướng, giải pháp chủ yếu tiếp tục vận dụng có hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh góp phần thúc đẩy phát triển, chuyển dịch mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nâng cao đời sống nhân dân trong thời gian tới. 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu - Trình bày, luận giải làm sáng tỏ những tư tưởng chủ đạo của Hồ Chí Minh về phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện công nghiệp hoá nông nghiệp, về phát triển kinh tế tập thể, xã hội hoá nông nghiệp, xây dựng quan hệ sản xuất mới trong nông nghiệp. - Phân tích, đánh giá quá trình vận dụng những tư tưởng đạo của Hồ Chí Minh về phát triển sản xuất nông nghiệp vào trong thực tiễn đổi mới ở nước ta nói chung, nhất là trong sản xuất nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi nói riêng, khẳng định những thành tựu đã đạt được, chỉ rõ hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại yếu kém trong việc vận dụng những tư tưởng đó ở tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian qua. - Đề xuất những phương hướng, giải pháp chủ yếu để tiếp tục quán triệt sâu sắc và vận dụng tốt tư tưởng Hồ Chí Minh vào thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi phát triển, chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Trong khuôn khổ của một luận văn chuyên ngành kinh tế chính trị, luận văn tập trung nghiên cứu những tư tưởng chủ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nông nghiệp và tình hình vận dụng những tư tưởng đó vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian từ 1995 - 2005. 5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu Luận văn được xây dựng dựa vào phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, chủ yếu là sử dụng phương pháp trừu tượng hoá khoa học, phương pháp lôgic kết hợp với lịch sử, đối chiếu thực tế và kết hợp với các phương pháp nghiên cứu khác của khoa kinh tế chính trị học. Nguồn tài liệu chủ yếu được sử dụng trong luận văn là các tác phẩm kinh điển Mác, Ăngghen, Lênin và Hồ Chí Minh, văn kiện của Đảng, các tác phẩm tiêu biểu các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các tác phẩm và tài liệu có liên quan của các cơ quan, ban ngành. 6. Đóng góp của luận văn Luận văn đã góp phần luận giải làm sáng tỏ, sâu sắc những tư tưởng chủ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển sản xuất nông nghiệp. Luận văn góp phần tổng kết, đánh giá quá trình hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta đối với thực tiễn phát triển sản xuất nông nghiệp, mà đặc biệt là hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi. Luận văn đã đề xuất được những giải pháp chủ yếu để tiếp tục vận dụng có hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh vào thúc đẩy phát triển mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp của Quảng Ngãi chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân. Luận văn góp phần đổi mới, hoàn thiện các chính sách về phát triển kinh tế nông nghiệp và kinh tế nông thôn ở trên địa bàn của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung. 7. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, luận văn được kết cấu gồm 3 chương, 7 tiết. Chương1 NHỮNG TƯ TƯỞNG CƠ BẢN CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ SỰ VẬN DỤNG NHỮNG TƯ TƯỞNG ĐÓ VÀO ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI CỦA ĐẢNG Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã đưa ra khái niệm về tư tưởng Hồ Chí Minh và khẳng định Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế nông nghiệp là một bộ phận trong hệ thống tư tưởng kinh tế của Người. Những tư tưởng kinh tế nói chung, về phát triển nông nghiệp nói riêng của Hồ Chí Minh là một mẫu mực của sự vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin và những quy luật kinh tế khách quan vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam. Tư tưởng về phát triển nông nghiệp của Hồ Chí Minh đã và đang là những cơ sở lý luận cho đường lối phát triển kinh tế nói chung, đường lối phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn nói riêng của Đảng ta. 1.1. NHỮNG TƯ TƯỞNG CƠ BẢN CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP 1.1.1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nền sản xuất nông nghiệp toàn diện Phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện là một trong những tư tưởng cơ bản của Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp. Vấn đề này được Người nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi nói chuyện với cán bộ, đảng viên và nông dân. Sản xuất nông nghiệp toàn diện theo quan niệm của Hồ Chí Minh: Thứ nhất, có ngành trồng trọt phát triển toàn diện, bao gồm cả trồng cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, cây lấy gỗ. Về trồng cây lương thực, tập trung phát triển cây lương thực, vì nó giải quyết nhu cầu cấp thiết về "cái ăn" cho đồng bào. Trong các cây lương thực, Người nói nhiều đến việc trồng lúa, coi cây lúa là chính; song Người cũng rất chú trọng các loại cây hoa màu khác để tạo điều kiện phát triển chăn nuôi. Bởi vì hoa màu không những là cây lương thực quý của người, mà còn dùng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm; thiếu hoa màu chăn nuôi sẽ kém phát triển. Người coi trọng cây hoa màu đến mức dành hẳn một số bài báo đăng trên Báo Nhân Dân để cổ động, khuyến khích bà con nông dân trồng cây hoa màu. Về trồng cây công nghiệp, khi đi thăm và chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh Tuyên Quang, Hưng Yên, Hà Đông, Nghệ An, Thanh Hoá,...Người yêu cầu cần phải chú ý phát triển cây công nghiệp, bởi vì cây công nghiệp không đạt được kế hoạch thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất công nghiệp. Trong các cây công nghiệp, Người rất quan tâm đến cây bông, cây dâu tằm, vì đây là những cây nguyên liệu làm sợi cho ngành dệt vải, giải quyết "cái mặc" cho đồng bào. Sau cây bông, cây dâu tằm Người còn nói nhiều đến cây cà phê, cây lạc, cây vừng, cây mía, cây chè,...vì nước ta có điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi cho các loại cây nầy phát triển, đồng thời đó là những cây vừa cho hiệu quả kinh tế cao, vừa là nguồn hàng xuất khẩu để đổi lấy ngoại tệ và máy móc. Về trồng cây ăn quả, Người rất chú ý đến đời sống nông dân, khi đến những nơi có điều kiện, Người đều nhắc nhở trồng cây ăn quả. Người quan tâm đến từng chi tiết đối với người lao động, Người còn nhắc đến cả việc trồng ớt để ăn. Về trồng cây lấy gỗ, đối với nông dân ở đồng bằng Người động viên phải ra sức trồng cây, vì sau nầy không những sẽ có đủ gỗ làm nhà, đóng giường, bàn ghế, làm nông cụ, mà còn góp phần làm cho nước ta phong cảnh ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hoà hơn. Đối với thanh niên Người chỉ rõ trồng cây đó là nguồn lợi kinh tế lớn. Theo tính toán của Người, mỗi thanh niên trồng 3 cây, mỗi cây 3 đồng, trong 5 năm 8 triệu thanh niên miền Bắc sẽ thu hoạch được một số tiền rất lớn là 360 triệu đồng, có thể xây dựng được tám nhà máy cơ khí loại khá. Chính vì lợi ích to lớn, nhiều mặt của việc trồng cây mà Người đã phát động phong trào Tết trồng cây và viết nhiều bài báo để cổ động nhân dân tạo nên một phong tục "Tết trồng cây" tốt đẹp ở nước ta. Thứ hai, có ngành chăn nuôi phát triển. Tại hội nghị tổng kết phong trào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp năm 1959, Người yêu cầu phải phát triển mạnh chăn nuôi để có thêm thịt ăn, thêm sức kéo, thêm phân bón. Chăn nuôi không những là nguồn thực phẩm quan trọng mà còn cung cấp phân bón cho trồng trọt. Chăn nuôi và trồng trọt có mối quan hệ mật thiết, tương hỗ với nhau. Trong chăn nuôi, Người chú trọng chăn nuôi trâu, bò, lợn vì trâu, bò, lợn là nguồn lợi lớn, lại là một nguồn phân bón tốt cho ruộng nương. Đi liền với việc khuyến khích phát triển chăn nuôi, nhiều lần Người nhắc nhở không được lạm sát trâu bò, vì vừa làm giảm sức kéo, vừa gây ra tệ nạn ăn uống lãng phí. Thứ ba, có ngành lâm nghiệp phát triển. Hồ Chí Minh không chỉ chú ý đến việc trồng cây lấy gỗ ở đồng bằng, mà còn luôn nhắc nhở bà con các dân tộc miền núi trồng rừng và bảo vệ rừng, bởi vì cây và rừng là nguồn lợi lớn. Nhiều lần Người nhắc lại câu tục ngữ "Rừng vàng biển bạc" và căn dặn "Chúng ta chớ lãng phí vàng, mà phải bảo vệ vàng của chúng ta" [49, tr.321]. Người còn chỉ rõ nguy cơ tác hại nhiều mặt của nạn phá rừng. Phá rừng sẽ dẫn đến lụt lội, trôi đất, mất nước, ảnh hưởng xấu đến sản xuất và đời sống. Phá rừng thì dễ, nhưng gây lại rừng thì khó phải mất nhiều công của và thời gian. Đi liền với việc trồng rừng, bảo vệ rừng là việc khai thác nguồn lợi từ rừng. Việc khai thác lâm thổ sản từ rừng là hết sức cần thiết vì lợi ích kinh tế to lớn của nó. Nhưng việc khai thác không hợp lý sẽ để lại hậu quả nặng nề, vì vậy việc khai thác rừng phải có kế hoạch thật hết sức chu đáo, phải chấm dứt tình trạng khai thác rừng bừa bãi. Thứ tư, có ngành thuỷ, hải sản phát triển. Nước ta có tiềm năng thế mạnh về biển, do đó Người động viên nhân dân cần phải ra sức đẩy mạnh nghề đánh cá, nghề làm muối, nuôi dưỡng, bảo vệ và phát triển mạnh các nguồn lợi hải sản. Nước ta người nông dân vốn sống chủ yếu bằng nghề trồng cây lúa nước. Sự kết hợp giữa trồng lúa nước với nuôi các loại thuỷ, hải sản trong vườn, ao, hồ, ruộng, sông suối, biển là rất phù hợp, vừa phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa tạo điều kiện để cải thiện đời sống nhân dân rất tốt. Khi đến những nơi có điều kiện thuận lợi, Người đều nhắc cùng với việc trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi thì phải đẩy mạnh việc nuôi trồng thuỷ, hải sản, đặc biệt là phải thả cá. Thứ năm, đặc biệt quan tâm đến việc phát triển nghề phụ gia đình. Theo Người, miếng vườn của mỗi gia đình xã viên và các loại nghề phụ là nguồn lợi để tăng thu nhập, do đó Người yêu cầu cần phải phát triển thích đáng kinh tế phụ gia đình của xã viên. Khai thác mảnh vườn, mở mang nghề phụ là rất phù hợp và cần thiết để giải quyết công ăn việc làm nâng cao đời sống cho bà con nông dân ở nông thôn, và đây cũng là một yêu cầu khách quan bức thiết hiện nay để từng bước chuyển nền kinh tế nông nghiệp, nông thôn đi trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Thứ sáu, phát triển nền nông nghiệp theo mô hình sản xuất hàng hoá, mạnh mẽ và vững chắc. Hồ Chí Minh quan niệm nền nông nghiệp toàn diện không phải là nền sản xuất nhỏ, manh mún, tự sản tự tiêu, mà đó là một nền sản xuất nông nghiệp hàng hoá phát triển, có quy mô lớn, có quy hoạch, kế hoạch phù hợp với yêu cầu của quá trình công nghiệp hoá nền kinh tế quốc dân. Khi thăm và nói chuyện với đồng bào xã Đại Nghĩa (Hà Đông), Người chỉ rõ: "Trong kế hoạch 5 năm còn nói đến việc bắt đầu khoanh vùng nông nghiệp. Như nơi nào sản xuất lúa nhiều và tốt thì nơi đó sẽ thành vùng sản xuất lúa là chính, nơi nào sản xuất chè nhiều và tốt thì nơi đó sẽ thành vùng sản xuất chè là chính,v.v...Làm như vậy thì sẽ sử dụng một cách hợp lý và có lợi nhất của cải giàu có của đất nước ta và sức lao động dồi dào của nhân dân ta. Làm như vậy thì sau nầy dùng máy cũng dễ và tiện" [49, tr.407]. Người coi đây là điều kiện tiền đề, là bước chuẩn bị đầu tiên để xây dựng, phát triển một nền sản xuất hàng hoá, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Vì sao Hồ Chí Minh coi trọng phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện? Sở dĩ Người coi trọng phát triển nông nghiệp toàn diện, là vì phát triển nông nghiệp toàn diện không những đáp ứng được nhu cầu cái ăn, cái mặc, chỗ ở, ổn định và cải thiện được đời sống cho nhân dân, mà còn vì phát triển nông nghiệp toàn diện là giải pháp quan trọng để phát triển nông nghiệp mạnh mẽ và bền vững. Như chúng ta đã biết, trong trồng trọt bao gồm nhiều loại cây khác nhau, nếu biết trồng xen canh, gối vụ thì vừa tận dụng được đất đai mà còn làm cho năng suất từng loại cây trồng tăng lên. Trong nông nghiệp còn có chăn nuôi, sự phát triển trồng trọt đa dạng sẽ đẩy mạnh được chăn nuôi. Chăn nuôi phát triển thì lại có nhiều phân bón để đẩy mạnh trồng trọt. Sự phát triển cả trồng trọt và chăn nuôi sẽ làm cho bản thân ngành nông nghiệp phát triển. Nông nghiệp theo nghĩa rộng bao gồm cả lâm, ngư nghiệp. Nếu phát triển cả lâm, ngư nghiệp thì sản xuất nông nghiệp sẽ phát triển mạnh, bền vững và có đóng góp to lớn cho việc tăng trưởng lâu dài của nền kinh tế. Nông nghiệp toàn diện còn bao gồm các ngành nghề phụ, ngành nghề truyền thống ở nông thôn. Việc phát triển ngành nghề bổ sung cho nông nghiệp sẽ làm cho nền nông nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá và tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống nông dân. Phát triển ngành nghề sẽ đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng dần công nghiệp, dịch vụ, giảm dần nông nghiệp. Phát triển ngành nghề sẽ hình thành yêu cầu và điều kiện thúc đẩy việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn, tạo thuận lợi cho phát triển công nghiệp trên địa bàn nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Tóm lại, theo tư tưởng Hồ Chí Minh nền nông nghiệp toàn diện là nền nông nghiệp bao gồm cả: nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, có cơ cấu kinh tế nội bộ ngành hợp lý, cân đối, hài hoà, bổ sung cho nhau cùng phát triển mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hoá lớn, hiệu quả kinh tế cao và bền vững. 1.1.2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đẩy mạnh công tác thuỷ lợi, cải tiến nông cụ, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thực hiện công nghiệp hoá để phát triển lực lượng sản xuất trong nông nghiệp Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội từ nền sản xuất nhỏ, kinh tế nông nghiệp là chủ yếu. Với tư tưởng ''quan trọng nhất là nông nghiệp", ''coi nông nghiệp làm gốc, làm chính", trong quá trình chỉ đạo phát triển kinh tế của đất nước, Hồ Chí Minh rất chú ý đến công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Điều này xuất phát từ đặc điểm thực tiễn của nền kinh tế nước ta, từ mối quan hệ biện chứng giữa sản xuất nông nghiệp và sản xuất công nghiệp, từ yêu cầu của việc xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, từ đòi hỏi của việc xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ của dân tộc. Hồ Chí Minh cho rằng muốn đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn, trước hết phải ra sức làm tốt công tác thuỷ lợi, phòng chống thiên tai hạn hán, lụt bão. Người đặc biệt quan tâm đến thuỷ lợi là vì, đối với nền nông nghiệp lúa nước, dân ta đã có câu: "Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống". Hồ Chí Minh hiểu rõ nước là nhân tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi và đời sống sinh hoạt của nhân dân ở nông thôn. Người khẳng định, nói đến kinh tế nông thôn trước hết là nói đến vấn đề nước. Ở nông thôn, nước ví như sông mà chủ nghĩa xã hội như thuyền, nước sông lên nhiều thì thuyền đi lại dễ dàng. Cho nên, phải làm sao đẩy mạnh công tác thuỷ lợi cho đều, cho tốt và chắc chắn. Hồ Chí Minh hiểu làm thuỷ lợi trước mắt tuy rất nhiều khó khăn nhưng lợi ích của nó vô cùng to lớn và lâu dài, vì vậy Người đã động viên nông dân phải gắng làm thuỷ lợi, gắng chịu khó nhọc trong vài năm để được sung sướng lâu dài. Người đã chỉ ra cách làm thuỷ lợi là cần phải kết hợp công trình lớn với công trình vừa và công trình nhỏ; cần phải kết hợp việc giữ nước với việc dẫn nước và việc tháo nước. Trong điều kiện kinh phí Nhà nước còn hạn chế, Người chỉ ra phương châm, cơ chế về nguồn lực làm thuỷ lợi: Các công trình thuỷ lợi có quy mô lớn thì Nhà nước xuất tiền, nhân dân xuất sức. Các công trình thuỷ lợi có quy mô vừa thì Nhà nước với nhân dân cùng làm. Các công trình thuỷ lợi nhỏ thì nhân dân tự làm. Trong việc phòng chống thiên tai hạn hán, Hồ Chí Minh luôn căn dặn cán bộ, đồng bào phải thấm nhuần tinh thần "nhân định thắng thiên", tư tưởng phải thông suốt, phải tin vào chính bản thân mình. Khi có hạn chúng ta phải quyết tâm khơi thêm mương, đào thêm giếng, gánh nước, tát nước. Phải quyết tâm làm đủ mọi cách để có đủ nước tưới ruộng. Chúng ta phải thực hiện "vắt đất ra nước, thay trời làm mưa". Phải kiên quyết động viên và dựa vào lực lượng vô cùng vô tận của quần chúng để làm cho có nước. Cùng với chống hạn, công tác phòng chống lũ lụt cũng được Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Người cho rằng giặc lụt là đồng minh của giặc đói. Muốn chống đói thì phải chống lụt. Muốn chống lụt thì phải kịp thời đắp đê, giữ đê. Người coi việc phòng chống lũ lụt như một chiến dịch lớn, trên một mặt trận dài, trong một thời gian khá lâu và Người kêu gọi toàn thể đồng bào, cán bộ phải có quyết tâm vượt mọi khó khăn, làm tròn nhiệm vụ đắp đê và giữ đê, phòng lụt và chống lụt. Muốn làm tốt công tác thuỷ lợi, theo Người phải dựa vào lực lượng to lớn của quần chúng nhân dân, phải có kế hoạch chu đáo, phải ra sức tuyên truyền giải thích, phải khéo động viên nhân dân, phải cố gắng gây thành một phong trào sôi nổi. Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thuỷ lợi cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị thực tiễn. Thứ hai, là khâu giống. Chọn được giống tốt là khâu quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Có giống tốt mới có điều kiện để nâng cao được sản lượng, chất lượng và năng suất lao động trong nông nghiệp. Trên cơ sở đó mới có thể phát triển được một nền nông nghiệp bền vững. Trong Bài nói chuyện với cán bộ Hưng Yên về những việc cần làm để vụ mùa thắng lợi, ngày 03.7.1958, Hồ Chí Minh khẳng định: "Giống tốt thì lúa tốt, lúa tốt thì được mùa. Điều đó rất dễ hiểu. "Lúa tốt vì giống, lúa sống vì phân" [48, tr.194]. Trong điều kiện của những năm 1950 nền kinh tế ở nước ta còn hết sức khó khăn, mà Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề chọn giống tốt, là một trong những việc quan trọng cấp bách cần phải làm để phát triển kinh tế nông nghiệp. Quan điểm ấy thật quý báu và càng đúng hơn trong điều kiện tiến bộ kỹ thuật hiện nay. Thứ ba, phải đẩy mạnh cải tiến nông cụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, thực hiện công nghiệp hoá nông nghiệp. Hồ Chí Minh cho rằng cải tiến nông cụ là một công việc rất quan trọng để phát triển sản xuất nông nghiệp. Nói về ích lợi của việc cải tiến nông cụ, Người đã chỉ rõ nếu làm tốt phong trào cải tiến nông cụ, thì sức lao động sẽ lợi gấp đôi, gấp ba, mà lúa và hoa màu sẽ tốt gấp bội, tức là năng suất lao động sẽ tăng lên nhiều. Chúng ta đều biết rằng, năng suất lao động chịu ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố, nhưng trong đó nhân tố giữ vai trò quyết định năng suất cao hay thấp là do công cụ lao động hiện đại hay thô sơ. Chính do nông cụ của chúng ta thô sơ, lạc hậu mà người nông dân làm việc tốn nhiều công sức, vất vả nhưng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế lại kém. Theo tư tưởng của Người, việc cải tiến nông cụ cần phải thực hiện mạnh hơn nữa, toàn diện hơn nữa; phải chú ý cải tiến từ cái cày, cái bừa, chiếc xe vận tải cho đến các dụng cụ làm cỏ, tuốt lúa, thái rau,...Đồng thời với việc gây dựng phong trào cải tiến nông cụ rộng khắp, Người yêu cầu phải đẩy mạnh công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp, đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn. Trong Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá III) bàn về phát triển công nghiệp, Người nói: "Công nghiệp phát triển mạnh để cung cấp đủ hàng tiêu dùng cần thiết cho nhân dân, trước hết là nông dân; cung cấp máy bơm nước, phân hoá học, thuốc trừ sâu...để đẩy mạnh nông nghiệp; và cung cấp dần máy cày, máy bừa cho các hợp tác xã nông nghiệp" [49, tr.544-545]. Cùng với việc gây dựng phong trào cải tiến nông cụ, đưa máy móc vào sản xuất, Người đề nghị cán bộ và nhân dân phải ra sức học tập và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh rất coi trọng khoa học công nghệ. Sở dĩ như vậy là vì Người đã nhìn thấy trước được xu hướng phát triển của khoa học công nghệ trên thế giới và vai trò cực kỳ quan trọng của nó trong việc nâng cao năng suất lao động. Người khẳng định khoa học công nghệ từ sản xuất mà ra và yêu cầu khoa học công nghệ phải quay lại phục vụ sản xuất, đời sống, phải luôn cố gắng giải quyết tốt các yêu cầu thực tiễn cách mạng đất nước đặt ra. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Người luôn coi "trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc". Bản thân Người rất trân trọng các trí thức, tin tưởng giao trọng trách cho họ, có chính đãi ngộ và tạo điều kiện thuận lợi cho họ làm việc, cống hiến tài năng; đồng thời luôn nhắc nhở trí thức cần phải có quan điểm phục vụ quần chúng. Nhờ đó, trí thức nước ta đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Để nhanh chóng đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất có hiệu quả, Người hết sức quan tâm đến việc phổ biến tri thức khoa học rộng rãi vào quần chúng nhân dân và kịp thời khai thác đúc kết những kinh nghiệm hay của quần chúng để đẩy mạnh sản xuất; vì theo Người nhân dân ta rất cần cù, thông minh, khéo léo và có rất nhiều kinh nghiệm quý báu. Quan điểm quần chúng của Người trong việc triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt càng có ý nghĩa hơn trong tình hình khoa học công nghệ đang phát triển nhanh chóng. 1.1.3. Tư tưởng Hồ Chí Minh về hợp tác hoá, xã hội hoá sản xuất, xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp, nông thôn Từng bước đưa nông dân vào con đường làm ăn tập thể, hình thành và phát triển các hợp tác xã trong nông nghiệp là tư tưởng lớn, có từ rất sớm trong Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, xuất bản năm 1927, Người đã dành hẳn một chương để nói khá kỹ về hợp tác xã, từ căn cứ lý luận, lịch sử phát triển cho đến các loại hình và cách thức tổ chức hợp tác xã. Sở dĩ, Hồ Chí Minh quan tâm nhiều đến hợp tác hoá, xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp, nông thôn là vì theo Người, đây không chỉ là một biện pháp quan trọng để đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống nông dân, phát triển nền sản xuất nông nghiệp một cách vững chắc, mà còn là một tất yếu khách quan trên con đường đấu tranh cách mạng, xoá bỏ áp bức bóc lột, xây dựng nông thôn xã hội chủ nghĩa. Vấn đề đưa nông dân từng bước vào con đường làm ăn tập thể đã được Ăng ghen nêu ra từ năm 1894. Trong tác phẩm "Vấn đề nông dân ở Pháp và Đức" Ăng ghen đã dạy rằng khi nắm được chính quyền, chúng ta không được suy nghĩ về việc cưỡng bức những người tiểu nông như chúng ta cần phải làm với bọn địa chủ lớn, mà nhiệm vụ chính là ở chỗ phải chỉ rõ cho nông dân thấy, chúng ta có thể cứu và giữ gìn đất đai, vườn tược cho họ chỉ khi chuyển chúng thành sở hữu tập thể và sản xuất tập thể. Sau này V.I.Lênin đã phát triển tư tưởng đó trong tác phẩm "Bàn về chế độ hợp tác xã" chỉ rõ tầm quan trọng của hợp tác xã trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. V.I.Lênin khẳng định: "Nếu chúng ta tổ chức được toàn thể nông dân vào hợp tác xã thì chúng ta đứng vững được hai chân trên miếng đất xã hội chủ nghĩa" [33, tr.248] và đưa ra những chỉ dẫn có tính nguyên tắc về hợp tác hoá trong thực tiễn, đó là: tự nguyện; nhà nước phải giúp đỡ về vật chất; thực hiện từng bước đi dần từ thấp đến cao. Đồng thời V.I.Lênin lưu ý cần phải quan tâm đến việc giáo dục thuyết phục, nâng cao trình độ văn hoá cho nông dân và phải nêu gương bằng thực tiễn, tạo ra lợi ích thiết thân cho họ. Kế thừa và phát triển tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước phải bắt đầu từ nông nghiệp, nông dân và muốn phát triển nông nghiệp, làm cho nông dân thật sự ấm no, giàu có, hạnh phúc thì phải đưa nông dân đi vào con đường làm ăn tập thể, bắt đầu từ chỗ hình thành và phát triển các tổ đổi công, hợp tác xã, nông trường tập thể đến chỗ xã hội hoá nông nghiệp. + Nói về sự cần thiết khách quan và tác dụng của việc đưa nông dân đi vào con đường làm ăn tập thể, hình thành và phát triển các hợp tác xã trong nông nghiệp, Người đã giải thích: "Trong lời Tuyên ngôn của hợp tác xã Anh đã nói: Cốt làm cho những người vô sản giai cấp hoá ra anh em...làm giùm lẫn nhau, nhờ lẫn nhau. Bỏ hết thói cạnh tranh. Làm sao cho ai trồng cây thì được ăn trái, ai muốn ăn trái thì giùm vào trồng cây. Tục ngữ An nam có câu: "Nhóm lại thì giàu chia nhau thành khó" và "Một cây làm chẳn._.g nên non, nhiều cây nhóm lại thành hòn núi cao". Lý luận hợp tác xã đều ở trong những điều ấy" [41, tr.313-314]. Vì vậy, muốn giàu có thì phải vào hợp tác xã, bởi nhiều người hợp lại thì sẽ làm được nhiều hơn, tốt hơn, nông dân có thêm sức để cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất và sẽ đi đến chỗ ấm no, sung sướng. Thật vậy, hợp tác tạo nên sức mạnh tập thể, giúp các hộ nông dân làm được những công việc mà từng hộ gia đình riêng lẻ không có khả năng thực hiện, hoặc thực hiện kém hiệu quả hơn như: phòng chống thiên tai, xây dựng các công trình thuỷ lợi, phòng trừ dịch hại, sâu bệnh,...Ngoài lợi ích to lớn về kinh tế, hợp tác còn là cơ sở để xây dựng tình đoàn kết, phát huy tinh thần tương thân tương ái để xây dựng cộng đồng xã hội tốt đẹp ở nông thôn. + Mục đích cuối cùng của việc làm ăn tập thể, xây dựng và phát triển hợp tác xã như Hồ Chí Minh đã chĩ rõ là để cải thiện đời sống nông dân, làm cho nông dân được no ấm, mạnh khoẻ, được học tập, làm cho dân giàu, nước mạnh. "Dân có giàu thì nước mới mạnh. Đó là mục đích riêng và mục đích chung của việc xây dựng hợp tác xã" [48, tr.537]. + Về bước đi và hình thức hợp tác hoá nông nghiệp: Rút kinh nghiệm từ thực tiễn, Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định hợp tác hoá nông nghiệp ở nước ta, cần phải trải qua hình thức tổ đổi công và hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Nhưng trước hết phải bắt đầu từ chỗ xây dựng và phát triển rộng khắp tổ đổi công, với các hình thức như tổ đổi công từng vụ, từng việc, tổ đổi công thường xuyên. Sau này tổ đổi công thường xuyên đã rộng khắp và có nền nếp rồi, mới tiến lên xây dựng hợp tác xã nông nghiệp từ thấp đến cao. Chớ vội tổ chức hợp tác xã ngay. Chúng ta phát triển từng bước vững chắc tổ đổi công và hợp tác xã thì hợp tác hoá nông nghiệp nhất định sẽ thành công. + Về nguyên tắc xây dựng tổ đổi công và hợp tác xã, Hồ Chí Minh căn dặn là không được cưỡng ép ai hết. Phải tuyên truyền, giải thích cho nông dân thấy được lợi ích của tổ đổi công và hợp tác xã. Phải làm sao cho những gia đình trong tổ đổi công và hợp tác xã đều có lợi. Có lợi thì người ta mói vui lòng vào. Quản trị phải dân chủ. Việc làm phải bàn bạc với nhau, mọi người đều hiểu mới vui lòng làm. + Về phương châm tiến hành: chắc chắn, thiết thực, từ nhỏ đến lớn. Chớ ham làm mau, ham rầm rộ. Làm ít mà chắc chắn hơn làm nhiều, làm rầm rộ mà không chắc chắn. Đi bước nào vững vàng, chắc chắn bước ấy, cứ tiến tới dần dần. Đã tổ chức là phải làm việc thiết thực, chứ không phải tổ chức cho có tên mà không có thực tế, có số lượng mà không có chất lượng. Phải làm từ nhỏ đến lớn, không nên tổ chức quá to, vì quá to thì khó quản lý, dễ thất bại. + Về củng cố và phát triển hợp tác xã, Hồ Chí Minh căn dặn cần phải chú ý các điều kiện cần thiết sau: - Đi đôi với việc tuyên truyền, giáo dục, vận động thuyết phục nông dân cần phải tổ chức tốt các hợp tác xã kiểu mẫu. - Cán bộ đảng viên phải chí công vô tư, phải làm tròn nhiệm vụ của người cộng sản; đoàn viên thanh niên lao động phải làm gương mẫu, làm đầu tàu. - Lãnh đạo phải dân chủ. Quản lý phải chặt chẽ và toàn diện. Phân phối phải công bằng. Các hợp tác xã phải trao đổi sáng kiến và kinh nghiệm cho nhau. - Phải chú ý lợi ích kinh tế, phải làm cho xã viên trong hợp tác xã thu nhập nhiều hơn trong tổ đổi công và tổ viên trong tổ đổi công thu nhập nhiều hơn nông dân còn làm ăn riêng lẻ. - Từ trung ương đến địa phương, các ngành, các cấp phải ra sức giúp đỡ phong trào hợp tác xã, phải cố gắng phục vụ lợi ích hợp tác xã. - Người đặc biệt nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của chi bộ đảng cơ sở đối với hợp tác xã. Cùng với việc đưa nông dân vào làm ăn tập thể, hình thành và phát triển tổ đổi công, hợp tác xã trong nông nghiệp, Người còn nhắc nhở đưa những người làm nghề thủ công vào các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp. Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất của họ, ra sức hướng dẫn và giúp đỡ họ cải tiến cách làm ăn, khuyến khích họ tổ chức hợp tác xã sản xuất theo nguyên tắc tự nguyện. Về xã hội hoá sản xuất nông nghiệp: Theo Hồ Chí Minh quá trình vận động, phát triển nền sản xuất xã hội từ thấp đến cao, từ nền sản xuất nhỏ lên nền sản xuất lớn, việc xã hội hoá sản xuất nông nghiệp là một tất yếu khách quan, có tính quy luật. Quá trình xây xây dựng và phát triển nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta cũng tuân theo quy luật chung đó của lịch sử. Khi nói về vai trò lịch sử của chủ nghĩa tư bản, VI. Lênin viết: "Vai trò tiến bộ của chủ nghĩa tư bản về mặt lịch sử có thể tóm tắt bằng hai luận điểm: tăng lực lượng sản xuất của lao động xã hội và xã hội hoá lao động. Nhưng hai sự kiện ấy biểu hiện dưới những hình thức rất khác nhau trong những ngành khác nhau của nền kinh tế quốc dân" [27, tr.753-754]. VI.Lênin đã chỉ rõ quá trình xã hội hoá biểu hiện ra ở chỗ: Một là, chấm dứt tình trạng phân tán của những đơn vị kinh tế nhỏ riêng lẻ vốn có trong nền kinh tế tự nhiên, làm hình thành một thị trường rộng lớn thống nhất trong toàn quốc và sau đó trên toàn thế giới. Sản xuất cho mình biến thành sản xuất cho toàn xã hội. Hai là, thay vào tình trạng phân tán trước kia là sự tập trung sản xuất chưa từng thấy, cả trong nông nghiệp cũng như trong công nghiệp. Ba là, đẩy lùi những hình thức lệ thuộc cá nhân, là những hình thức vốn có trong các chế độ kinh tế cũ...So với lao động của người nông dân bị lệ thuộc hay bị nô dịch, thì lao động của người công nhân làm thuê tự do trong tất cả các ngành kinh tế quốc dân là một hiện tượng tiến bộ. Bốn là, tạo ra tình trạng lưu động của dân cư mà các chế độ kinh tế xã hội cũ không cần có, và ở vào thời kỳ ấy tình trạng lưu động đó cũng không thể tồn tại một cách khá rộng rãi được. Năm là, thường xuyên làm giảm bớt tỉ lệ của số dân cư làm nghề nông và làm tăng thêm số trung tâm công nghiệp lớn. Sáu là, làm cho dân cư ngày càng thấy cần phải lập hội, kết đoàn và làm cho các tổ chức liên hiệp ấy có một tính chất riêng biệt, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt hình thành những tập đoàn lớn trong sản xuất và thúc đẩy mạnh mẽ nội bộ mỗi tập đoàn ấy đi đến chỗ liên hiệp nhau lại. Bảy là, sự chuyển biến mau chóng của các phương thức sản xuất và sự tập trung rất lớn của sản xuất, tiêu diệt hết thảy mọi hình thức lệ thuộc cá nhân và những quan hệ gia trưởng, sự lưu động của dân cư, sự ảnh hưởng của các trung tâm công nghiệp lớn v.v… tất cả những điều ấy không thể không dẫn đến một sự thay đổi sâu sắc trong chính ngay tính chất của những người sản xuất. Từ các biểu hiện ở trên, chúng ta có thể khái quát: Xã hội hoá sản xuất là sự liên kết nhiều quá trình kinh tế riêng lẻ thành quá trình kinh tế xã hội dựa trên cơ sở phân công lao động xã hội và hợp tác sản xuất phát triển. Trong lịch sử đã từng có hai loại hình xã hội hoá sản xuất, đó là xã hội hoá sản xuất tư bản chủ nghĩa và xã hội hoá sản xuất xã hội chủ nghĩa. Như vậy, theo chúng tôi quan điểm xã hội hoá sản xuất nông nghiệp của Hồ Chí Minh là gắn trực tiếp với nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa và nội dung của nó phải được thể hiện trên cả ba mặt của quá trình kinh tế - xã hội, kinh tế - kỹ thuật và kinh tế - tổ chức, quản lý sản xuất. Ba mặt nói trên của xã hội hoá sản xuất có mối quan hệ hữu cơ với nhau, vì vậy trong quá trình xây dựng phát triển nền sản xuất nông nghiệp chúng ta phải thực hiện đồng thời cả 3 nội dung: Xã hội hoá mặt kinh tế - xã hội: xác lập quan hệ sở hữu đa dạng về hình thức, đi dần từ thấp đến cao, xây dựng quan hệ sản xuất mới phù hợp với lực lượng sản xuất. Xã hội hoá mặt kinh tế - kỹ thuật: thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá để xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất. Xã hội hoá mặt kinh tế - tổ chức, quản lý sản xuất: phân công và hiệp tác sản xuất phát triển rộng khắp, quản lý nền kinh tế thống nhất, kiểm soát và phân phối thu nhập hợp lý các vùng, các ngành và trong toàn bộ nền kinh tế. Chỉ khi nào tiến hành đồng bộ và hoàn thành cơ bản không những về mặt quan hệ sở hữu, mà cả về xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại để có năng suất lao động cao, kiểm soát được việc sản xuất và phân phối thì chúng ta mới có thể đưa đến cho nông dân một cuộc sống thật sự ấm no, sung sướng như mong ước của Người. 1.2. VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ THỰC TIỄN ĐỔI MỚI Ở VIỆT NAM 1.2.1. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh phản ánh qua đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển nền sản xuất nông nghiệp toàn diện Kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cả nước thống nhất quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (12.1976) chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, chú trọng cả trồng trọt lẫn chăn nuôi, đẩy mạnh lâm nghiệp, ngư nghiệp theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Về lương thực, đẩy mạnh thâm canh đi đôi với mở rộng diện tích trồng lúa bằng tăng vụ và khai hoang, xây dựng những vùng lúa trọng điểm tạo ra nguồn lương thực hàng hoá. Đối với hoa màu phải phát triển mạnh, hình thành những vùng tập trung, sản xuất đi đôi với chế biến, cơ khí hoá đồng bộ. Đối với cây thực phẩm, phát triển sản xuất tập trung thành những vùng chuyên canh, những vành đai lớn quanh thành phố và khu công nghiệp, đồng thời phát triển rộng rãi trong các gia đình. Về phát triển cây công nghiệp, cần có kế hoạch đầu tư lâu dài về lao động, lương thực, kỹ thuật để xây dựng những vùng cây công nghiệp tập trung ở trung du và miền núi. Làm tốt công tác phân vùng đất đai, tổ chức nghiên cứu khoa học, kỹ thuật và xây dựng kịp thời công nghiệp chế biến để phát triển toàn diện với quy mô lớn các cây có sợi, mía, các cây có dầu, cao su, chè, cà phê, dứa, chuối và các cây ăn quả khác, các cây hương liệu, dược liệu...Chăn nuôi phải phát triển nhanh chóng, từ nghề phụ của nông dân trở thành ngành sản xuất chính nhằm cung cấp thịt, trứng và tiến tới cung cấp sữa để cải tiến bữa ăn của nhân dân, cung cấp sức kéo, cung cấp phân chuồng cho thâm canh, tăng vụ và mở rộng diện tích. Thực hiện Nghị quyết Đại hội IV của Đảng trong điều kiện đất nước có chiến tranh ở hai đầu biên giới, đặc biệt là chịu sự ảnh hưởng nặng nề bởi cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp. Mặc dù bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng nhìn tổng thể nền kinh tế vẫn trì trệ, kém phát triển, sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 1,9%, sản xuất công nghiệp tăng 0,6%, thu nhập quốc dân tăng 0,4%; trong khi đó dân số mỗi năm tăng thêm gần một triệu người. Nhận thức dược tình trạng khủng hoảng và trì trệ của nền kinh tế, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 (khoá IV) năm 1979 đã khởi động công cuộc đổi mới với tư tưởng làm cho sản xuất "bung ra". Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (3.1982) đã tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội IV và đề chủ trương tập trung sức phát triển mạnh nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, đưa nông nghiệp một bước lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, ra sức đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng và tiếp tục xây dựng một số ngành công nghiệp nặng quan trọng; kết hợp nông nghiệp, công nghiệp hàng tiêu dùng và công nghiệp nặng trong một cơ cấu công - nông nghiệp hợp lý. Đại hội đã giao cho ngành nông nghiệp là phải vươn lên làm tốt ba nhiệm vụ: bảo đảm lương thực cho toàn xã hội, cung ứng nguyên liệu nông sản cho công nghiệp hàng tiêu dùng, tạo ra nguồn hàng xuất khẩu quan trọng. Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng trong điều kiện vật tư kỹ thuật được cung cấp ít hơn trước, thiên tai, địch hoạ diễn ra liên tiếp, nhưng sản xuất nông nghiệp đã có sự tăng trưởng đáng kể, đặc biệt là sản xuất lương thực. Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ V, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12.1986) khẳng định, nông nghiệp nước ta đã có chuyển biến, đạt được một số thành tựu quan trọng, nhất là về sản xuất lương thực và tạo ra một số vùng chuyên canh cây công nghiệp. Song, sản lượng lương thực tăng không đều và chưa vững chắc; diện tích cây công nghiệp tăng chậm, nhất là cây công nghiệp ngắn ngày; chưa gắn việc phát triển nông, lâm, ngư nghiệp với công nghiệp chế biến; lao động, đất đai, rừng, biển chưa được sử dụng tốt. Nguyên nhân của tình hình trên là do nhận thức về nông nghiệp toàn diện chưa được thấu suốt, đầy đủ. Đầu tư và nhất là các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp chưa được giải quyết thoả đáng. Nông nghiệp chưa thật sự được coi là mặt trận hàng đầu, không được đảm bảo những điều kiện cần thiết để phát triển. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, đánh dấu bước ngoặc tư duy của Đảng về đổi mới sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta nói chung, đổi mới phát triển nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Đại hội đã đề ra những quan điểm và chính sách đổi mới, trước hết là đổi mới kinh tế, nhấn mạnh vai trò hàng đầu của sản xuất nông nghiệp trong việc đáp ứng những yêu cầu cấp bách về lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Với tư tưởng chủ đạo của các chính sách kinh tế là tập trung giải phóng mọi năng lực sản xuất hiện có, khai thác mọi khả năng tiềm tàng của đất nước và sử dụng có hiệu quả sự giúp đỡ quốc tế để phát triển lực lượng sản xuất. Trước mắt là phải tập trung sức người, sức của vào việc thực hiện cho được ba chương trình mục tiêu về lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Phấn đấu đưa nông nghiệp trở thành nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá xã hội chủ nghĩa. Đại hội lần thứ VI của Đảng xác định phương châm phát triển các lĩnh vực của ngành nông nghiệp như sau: - Phát triển nông nghiệp là kết hợp chuyên môn hóa với phát triển toàn diện, cân đối giữa trồng trọt và chăn nuôi, lúa và màu, cây lương thực và cây công nghiệp. Phát triển mạnh cây công nghiệp ngắn ngày; việc mở rộng diện tích cây công nghiệp dài ngày phải chú trọng chất lượng, thâm canh ngay từ đầu. Phát triển nông nghiệp phải lấy thâm canh, tăng vụ là chính đồng thời mở rộng diện tích một cách vững chắc và hiệu quả. - Phát triển lâm nghiệp theo hướng bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên rừng, tăng thêm vốn rừng, phát triển có trọng điểm trồng rừng tập trung chuyên canh, đẩy nhanh nhịp độ phủ xanh đất trống, đồi núi trọc theo phương thức nông - lâm kết hợp; ngăn chặn nạn phá rừng, cháy rừng; phát triển rộng khắp phong trào trồng cây, chú ý cả cây lấy gỗ, cây làm nguyên liệu và cây làm củi. Tiến hành định canh, định cư, giao đất, giao rừng cho các đơn vị và nhân dân sử dụng lâu dài để làm chủ đất rừng cũng như làm chủ đất ruộng. Xây dựng các khu kinh tế tổng hợp lâm- nông- công nghiệp; khai thác, bảo quản, chế biến sử dụng gỗ và các loại lâm sản khác với hiệu quả kinh tế ngày càng cao. - Về hải sản và thủy sản nước ngọt, nước lợ là một nguồn lợi lớn. Coi trọng cả đánh bắt và nuôi trồng, đi đôi với việc giải quyết tốt chế biến, vận chuyển để đáp ứng nhu cầu trong nước và tăng nhanh nguồn hàng xuất khẩu. Tiếp sau Đại hội VI, ngày 05.4.1988, Bộ Chính trị (khóa VI) đã ra Nghị quyết số 10-NQ/TW về đổi mới quản lý nông nghiệp. Nghị quyết đã chỉ rõ rằng, nông nghiệp nước ta những năm qua tuy đã có tiến bộ nhưng phát triển chậm, tỷ suất hàng hóa thấp, nhiều vùng vẫn chưa thoát khỏi tình trạng tự cấp tự túc, chia cắt và độc canh. Vài ba năm gần đây, trên một số mặt sản xuất, nhất là lương thực giảm sút. Rừng tiếp tục bị phá hoại nghiêm trọng, môi trường sinh thái chưa được bảo vệ tốt. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có chiến lược đúng về kinh tế - xã hội để tạo ra cơ cấu kinh tế công - nông nghiệp hợp lý. Chưa tập trung đúng mức cho mặt trận nông nghiệp, đặc biệt là cho phát triển lương thực, thực phẩm. Chưa kết hợp chặt chẽ nông, lâm, ngư nghiệp. Chưa gắn công nghiệp với nông nghiệp, nhất là công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất cho nông nghiệp và công nghiệp chế biến,… Trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng phát triển nông nghiệp, nông thôn Bộ chính trị đã chủ trương: Sắp xếp và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên môn hóa kết hợp với kinh doanh tổng hợp, gắn trồng trọt với chăn nuôi, nông nghiệp với lâm nghiệp và ngư nghiệp, gắn nông - lâm - ngư nghiệp với công nghiệp và giao thông vận tải, đặc biệt là công nghiệp chế biến và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn, gắn phát triển sản xuất với mở rộng lưu thông giữa các vùng trong nước và với thị trường quốc tế, đồng thời không ngừng tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho nông nghiệp và đưa kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, chế biến để tăng nhanh năng suất, khối lượng, chất lượng và giá trị hàng hóa trong nông nghiệp. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (6-1991) đã phân tích tình hình đất nước trong bối cảnh có nhiều biến động phức tạp, đánh giá những thành quả của công cuộc đổi mới, chỉ rõ những hạn chế, những khuyết điểm, những vấn đề mới nảy sinh phải được bổ sung và phát triển các chủ trương của Đại hội VI đã đề ra trước đây. Đại hội VII của Đảng đã khẳng định những tiến bộ rõ rệt trong việc thực hiện các mục tiêu của ba chương trình kinh tế lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu; đồng thời cũng chỉ rõ phát triển nông, lâm, ngư nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, phát triển toàn diện kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để ổn định tình hình kinh tế - xã hội. Đại hội cũng đã chỉ rõ nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp là đảm bảo vững chắc nhu cầu lương thực - thực phẩm trong nước và có khối lượng xuất khẩu lớn, nhất là gạo và sản phẩm chăn nuôi; phát triển cây công nghiệp dài ngày và ngắn ngày trên quy mô lớn để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến xuất khẩu và thay thế nhập khẩu. Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ (khóa VII), lần đầu tiên Đảng ta đưa ra khái niệm công nghiệp hóa, hiện đại hóa và yêu cầu phải phát triển toàn diện nông, lâm, ngư nghiệp gắn liền với công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (năm 1996) đã đánh giá thành tựu 10 năm thực hiện công cuộc đổi mới và quyết định chuyển sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đại hội xác định rõ nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (1996-2000) là phát triển toàn diện nông, lâm, ngư nghiệp, gắn với công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và đổi mới cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sau Đại hội, ngày 10.11.1998, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã ra Nghị quyết số 06-NQ/TW một số vấn đề về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nghị quyết đã khẳng định đưa nông nghiệp và kinh tế nông thôn lên sản xuất lớn là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng cả trước mắt và lâu dài, là cơ sở để ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, củng cố liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (4-2001) và nhất là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001-2010 đã làm rõ hơn nữa quan điểm của Đảng ta về xây dựng và phát triển nền sản xuất lớn nông nghiệp theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Khẳng định sự cần thiết phải đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn và coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trong hàng đầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX, tổng kết 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, tiếp tục nhấn mạnh: “Hiện nay và trong nhiều năm tới, vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng. Phải luôn luôn coi trọng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa lớn, đa dạng, phát triển nhanh và bền vững, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao” [16, tr.190-191]. Để phát triển nền nông nghiệp toàn diện, hiệu quả và bền vững, Đại hội chỉ ra các định hướng lớn, đó là cần phải đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn, chuyển mạnh sang sản xuất các loại sản phẩm có thị trường và hiệu quả kinh tế cao. Quy hoạch diện tích sản xuất lương thực ổn định, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực. Phát triển mạnh chăn nuôi theo hướng quy mô lớn, an toàn dịch bệnh và bền vững về môi trường. Xây dựng các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung gắn với việc chuyển giao công nghệ sản xuất, chế biến và bảo quản. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình bảo vệ và phát triển rừng. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa lớn đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái; chuyển đổi cơ cấu khai thác qua việc lựa chọn ngư trường, loại hình nghề nghiệp và loại hình sản phẩm để nâng cao giá trị hàng hóa, sử dụng hợp lý nguồn lợi, giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh, bảo đảm tăng trưởng bền vững. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, nhất là những ngành nghề sử dụng nhiều lao động, coi đây là phương hướng chính để tạo ra nhiều việc làm mới, góp phần tăng nhanh thu nhập cho nông dân. Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng cộng sản Việt Nam luôn xác định “sản xuất nông nghiệp là mặt trận hàng đầu” và không ngừng hoàn thiện đường lối phát triển nền sản xuất nông nghiệp toàn diện phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của đất nước trong từng thời kỳ. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp nước ta trong nhiều năm qua đã đạt và duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao và liên tục. Tính bình quân trong thời kỳ 1990-2005, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm ngành nông nghiệp (bao gồm cả nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản) đạt xấp xỉ 4,0%/ năm. Đây là một thành tựu rất to lớn, bởi lẽ trên thế giới rất ít nước có thể đạt và duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và liên tục trong thời gian dài như vậy. Đặc biệt giai đoạn 2001-2005, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 5,4%/năm. Năng suất, sản lượng và hàm lượng công nghệ trong sản phẩm nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản tăng khá. An ninh lương thực quốc gia được đảm bảo. Một số sản phẩm xuất khẩu chiếm được vị trí cao trên thị trường thế giới. Việt Nam từ một nước phải nhập khẩu lương thực, giờ đây đứng thứ nhất về xuất khẩu hạt tiêu, thứ hai về xuất khẩu gạo, cà phê và hạt điều, thứ tư về cao su. Đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn với tỷ trọng sản phẩm hàng hóa và xuất khẩu đạt cao, hình thành các mối liên kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa nông sản. Thị trường đối với hàng hóa nông nghiệp và ở các vùng nông thôn phát triển mạnh, thúc đẩy việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa nông nghiệp. Đây là những nhân tố rất quan trọng tạo động lực cho nông nghiệp phát triển phù hợp với xu thế chung của nền kinh tế, góp phần định hình con đường công nghiệp hóa đất nước trong những năm tới. Mặc dù, sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nước ta đã đạt được những thành tựu lớn, nhưng nhìn chung tốc độ tăng trưởng toàn ngành vẫn còn thấp, nhiều nguồn tiềm năng to lớn trong nông nghiệp vẫn chưa được khai thác có hiệu quả. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp vẫn trong tình trạng lạc hậu và chuyển dịch chậm. Ngành trồng trọt vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn trong giá trị sản xuất của toàn ngành, trong khi đó tỷ trọng chăn nuôi tương đối thấp và tỷ trọng dịch vụ không đáng kể. Trong vòng 15 năm qua, tỷ trọng trồng trọt dao động trong khoảng 75,4 - 77,9%; tỷ trọng chăn nuôi trong khoảng 17,8 - 22,4%; tỷ trọng dịch vụ trong khoảng 2,1- 2,9%. Thực tế đó cho thấy, sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn là ngành sản xuất sản phẩm thô, chăn nuôi, dịch vụ ở nông thôn chưa phát triển. Hơn nữa sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi còn mang nặng tính chất độc canh, manh mún, tự phát. Cơ cấu sản xuất giữa các nhóm cây trồng, những năm gần đây tuy đã có tiến bộ so với trước, song tỷ trọng nhóm cây lương thực vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành trồng trọt, tỷ trọng các nhóm cây khác như rau đậu, cây công nghiệp, cây ăn quả,... tuy có tăng, nhưng tỷ trọng và tốc độ rất hạn chế. Khi quan hệ cung - cầu lương thực trên thế giới đã thay đổi, thị trường lúa gạo đã bão hòa, việc nhiều địa phương vẫn trong xu hướng duy trì độc canh cây lúa là không hợp lý; thế mạnh của nền nông nghiệp nước ta là sản xuất cây rau quả, cây công nghiệp, cây lấy gỗ…vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng. 1.2.2. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh phản ánh trong đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam về đẩy mạnh công tác thuỷ lợi, cải tiến nông cụ, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thực hiện công nghiệp hoá phát triển lực lượng sản xuất trong nông nghiệp Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn coi trọng vai trò của tiến bộ khoa học, kỹ thuật và ứng dụng vào trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Ngay sau khi nước nhà thống nhất, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV đã chỉ rõ cần phải tập trung phát động phong trào quần chúng đẩy mạnh thủy lợi hóa, bảo đảm tưới tiêu chủ động; làm tốt việc cải tạo đất, khắc phục bạc màu, chua mặn, chống xói mòn; xây dựng hệ thống giống quốc gia, cung cấp các loại giống mới có năng suất cao; áp dụng những thành tựu mới của khoa học kỹ thuật nông nghiệp, phát huy ưu thế của nông nghiệp nhiệt đới; đẩy mạnh cơ khí hóa những vùng lúa trọng điểm và tiến hành từng bước cơ khí hóa các vùng khai hoang,… Cụ thể hóa chủ trương của Đại hội IV, những năm 1976-1980 Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách lớn về đầu tư để làm thủy lợi, thực hiện cải tạo giống cây trồng, vật nuôi, thực hiện cơ giới hóa, làm đường giao thông, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế ở nông thôn. Vì vậy, công tác thủy lợi hóa và cơ giới hóa nông nghiệp trong giai đoạn này đã được triển khai thực hiện rầm rộ, hàng vạn công trình thủy lợi lớn và nhỏ được xây dựng, hàng ngàn động cơ, máy kéo và máy nông nghiệp các loại được đưa vào sản xuất góp phần đẩy nhanh tiến độ phục hồi và phát triển sản xuất nông nghiệp sau chiến tranh. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng chủ trương “đưa nông nghiệp một bước lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa” và tiếp tục khẳng định một trong những nhiệm vụ hàng đầu để phát triển sản xuất nông nghiệp là đẩy mạnh cách mạng khoa học - kỹ thuật trong nông nghiệp, tích cực xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, hiện đại hóa một bước nông nghiệp. Đẩy mạnh thủy lợi hóa, chú ý cả tưới và tiêu; cải tạo đất, xây dựng đồng ruộng; ứng dụng rộng rãi các thành tựu về sinh học trong trồng trọt và chăn nuôi; mở rộng hóa học hóa, tận dụng các nguồn phân hữu cơ, đi đôi với tìm mọi cách tăng thêm phân hóa học; làm tốt việc phòng trừ sâu bệnh; thực hiện cơ khí hóa thích hợp với từng địa bàn, kết hợp tốt cơ khí với thủ công và nửa cơ khí, bảo đảm hiệu quả kinh tế. Mặc dù, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm chỉ đạo đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp. Nhưng nhìn chung, trong thời kỳ trước đổi mới việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp còn rất hạn chế. Đầu tư thiếu đồng bộ và chưa thỏa đáng cho việc nghiên cứu khoa học và ứng dụng kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất. Trình độ khoa học kỹ thuật của sản xuất nông nghiệp còn rất thấp, chưa đảm bảo tưới tiêu chủ động cho những vùng trọng điểm lúa, chưa cung ứng đủ công cụ, vật tư cần thiết cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã chỉ rõ những yếu kém trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và yêu cầu đầu tư cho nông nghiệp phải đồng bộ từ sản xuất đến chế biến, vận chuyển, bảo quản để có nhiều sản phẩm cuối cùng. Mở rộng và hoàn chỉnh các hệ thống thủy lợi; ứng dụng rộng rãi những thành tựu khoa học và tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ sinh học, đưa vào sử dụng phổ biến và ổn định các loại giống mới; đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu về phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú y; tăng thêm sức kéo, bảo đảm đủ công cụ thường và công cụ cải tiến thực hiện từng bước và có trọng điểm việc cơ giới hóa; hạ thấp mức hư hao nông sản trong các khâu thu hoạch, bảo quản, vận chuyển, chế biến, chủ động phòng, chống lụt bão. Sau Đại hội VI, các kỳ Đại hội VII, VIII tiếp theo của Đảng và Ban Chấp hành Trung ương các khoá đều xác định đưa sản xuất nông nghiệp lên một tầm cao mới; đều khẳng định công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là vấn đề cực kỳ quan trọng cả trước mắt và lâu dài, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để đưa nền kinh tế đất nước phát triển, là nhiệm vụ trọng tâm của công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Quán triệt tư tưởng của Hồ Chí Minh, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã yêu cầu các cấp bộ đảng cần phải tăng cường sự chỉ đạo và huy động các nguồn lực cần thiết để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Tiếp tục phát triển đưa nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp lên một trình độ mới bằng ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ sinh học; đẩy mạnh thủy lợi hóa, cơ giới hóa, điện khí hóa; quy hoạch sử dụng đất hợp lý; đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị thu được trên một đơn vị diện tích; giải quyết tốt vấn đề tiêu thụ nông sản hàng hóa. Đầu tư nhiều hơn cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội ở nông thôn. Phát triển công nghiệp và dịch vụ, các ngành nghề đa dạng, chú trọng công nghiệp chế biến, cơ khí phục vụ nông nghiệp, các làng nghề, chuyển một bộ phận quan trọng lao động nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ, tạo nhiều việc làm mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện đời sống nông dân và dân cư ở nông thôn. Thực hiện Nghị quyết Đại hội IX, Hội nghị BCHTW lần thứ năm đã ra Nghị quyết về đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001-2010. Đảng ta đã xác định rõ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường; thực hiện cơ khí hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ, trước hết là công nghệ sinh học, đưa thiết bị, kỹ thuật và công nghệ hiện đại vào các khâu sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội IX, tổng kết 20 năm t._.địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các hợp tác xã để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể từng bước xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp với lực lượng sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn theo di huấn của Người. Từ nay đến 2010 cần tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau: + Đẩy mạnh công tác tuyền truyền phổ biến Luật hợp tác xã đến từng người lao động, hộ gia đình, các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, các loại hình doanh nghiệp, để làm cho mọi người hiểu đúng bản chất của mô hình hợp tác xã kiểu mới và ý thức đầy đủ tinh thần hợp tác cộng đồng, có trách nhiệm cao, xác định rõ mình là những người chủ thực sự của hợp tác xã. + Tiếp tục chuyển đổi nội dung, phương thức quản lý và tổ chức sản xuất kinh doanh của các hợp tác xã nông nghiệp. Hoạt động của hợp tác xã phải lấy hiệu quả kinh tế làm chính, đồng thời thực hiện đúng các nguyên tắc được quy định trong Luật hợp tác xã: tự nguyện, bình đẳng, dân chủ, cùng có lợi, phân định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi xã viên. Tập trung chỉ đạo tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về cơ chế, chính sách, bảo đảm cho hoạt động của các hợp tác xã phát huy hiệu quả. Có chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể và cơ chế hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã. Phấn đấu 100% cán bộ chủ nhiệm và kế toán hợp tác xã nông nghiệp đến năm 2010 có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên. + Tổ chức tốt đại hội xã viên theo Luật, bảo đảm quyền và lợi ích bình đẳng giữa các xã viên trong hợp tác xã. Kiện toàn bộ máy Ban quản lý các hợp tác xã phù hợp với điều kiện thực tiễn. Hầu hết các hợp tác xã hiện nay có quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ, số lượng vốn góp ít, phạm vi hoạt động hẹp cả về địa giới hành chính và về ngành nghề, vì vậy nên xây dựng bộ máy tổ chức Ban quản trị hợp tác xã theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu quả. Tất cả các hợp tác xã đều phải thành lập Ban kiểm soát và có chế tài cụ thể để Ban kiểm soát hoạt động, thực sự là cơ quan kiểm tra, giám sát mọi hoạt động của hợp tác xã, bảo đảm sự rõ ràng, minh bạch trong quản lý, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho xã viên. + Về phân phối: Các hợp tác xã trong giai đoạn tới phải bảo đảm kết hợp được lợi ích của từng xã viên với lợi ích của hợp tác xã. Bên cạnh việc phân phối lãi cho xã viên, hợp tác xã cũng phải chú trọng việc xây dựng và phát triển các quỹ sản xuất và quỹ dự phòng, hình thành tài sản chung của hợp tác xã. Các quỹ này sẽ giúp hợp tác xã duy trì, đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh cho các năm tiếp theo; đồng thời cũng giúp hợp tác xã vượt qua những khó khăn khi gặp rủi ro. Đây chính là nền tảng để hợp tác xã có thể phát triển vững mạnh. + Mở rộng, đa dạng hóa ngành nghề hoạt động, không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh của các hợp tác xã để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường. Hiện nay, việc cung cấp các cấp dịch vụ đầu vào cho sản xuất đã phát triển khá mạnh trên thị trường. Để vươn ra thị trường và giảm tác động rủi ro, tăng hiệu quả kinh tế, các hợp tác xã cần mở rộng lĩnh vực hoạt động vươn tới đảm nhận những khâu quan trọng như chế biến, tiêu thụ sản phẩm và các loại hình dịch vụ mới; đồng thời phải nhanh chóng đổi mới, cải tiến kỹ thuật, cách tổ chức sản xuất, kinh doanh, nâng cao trình độ quản lý, điều hành của cán bộ hợp tác xã để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Điều đó sẽ giúp hợp tác xã khẳng định được vị thế trên thương trường. + Xây dựng một số hợp tác xã tiên tiến điển hình, tạo tấm gương, tạo tiền đề động lực để thúc đẩy toàn bộ phong trào hợp tác xã. Để có bước tiến vượt bậc của khu vực này, trong thời gian tới mỗi huyện cần tập trung chỉ đạo xây dựng 3 - 5 hợp tác xã điển hình tiên tiến qua đó rút kinh nghiệm, nhân rộng cho các hợp tác xã còn lại. Phấn đấu mỗi năm toàn tỉnh thành lập mới từ 10 - 15 hợp tác xã, tập trung chủ yếu vào các loại hình: hợp tác xã nuôi trồng, chế biến thuỷ sản; hợp tác xã chuyên canh mía, mì; chế biến nông, lâm sản, thực phẩm và hợp tác xã trong các làng nghề truyền thống. Đến năm 2010 trên 90% số hợp tác xã hoạt động có lãi, không còn hợp tác xã yếu kém. - Đối với kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác: + Thực hiện tốt các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hộ, chú trọng khuyến khích các hộ có khả năng về vốn, lao động và kinh nghiệm mở rộng sản xuất theo hướng kinh tế trang trại. Đồng thời tạo mọi tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo phát triển sản xuất để vươn lên thoát nghèo, làm giàu và có cơ chế chính sách phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân, thành lập các doanh nghiệp ở nông thôn để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. + Kinh tế trang trại hình thành và phát triển đã góp phần làm chuyển biến nền kinh tế nông nghiệp, nông thôn và cải thiện đời sống nông dân. Hạn chế của mô hình kinh tế trang trại ở Quảng Ngãi hiện nay là tập trung chủ yếu trên địa bàn trung du, miền núi; hầu hết các chủ trang trại đều thiếu vốn sản xuất, thiếu máy móc thiết bị, khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, thiếu thông tin về thị trường bên ngoài, quy mô sản xuất nhỏ bé và hiệu quả kinh doanh chưa cao. Vì vậy, trong thời gian tới cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp kịp thời phối hợp tháo gỡ những khó khăn, nhanh chóng giao quyền sử dụng đất, hỗ trợ vốn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, cung cấp thông tin thị trường... tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế trang trại phát huy hiệu quả, khai thác tối đa tiềm năng về đất đai, lao động, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá cho xã hội, góp phần vào ngân sách và cải thiện đời sống nhân dân. + Khuyến kích kinh tế tư nhân phát triển sản xuất kinh doanh các ngành nghề đa dạng. Đây là lực lượng quan trọng có khả năng thu hút nhiều lao động, tăng năng lực chế biến, tiêu thụ nông sản, dịch vụ kỹ thuật và đời sống ở nông thôn. Cần có chính sách hỗ trợ bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, nhất là chính sách đất đai, tài chính, tín dụng, đào tạo, thị trường và khuyến nông. 3.2.5. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện một số chính sách gắn liền với phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn - Về chính sách đất đai: + Đổi mới công tác quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, chú trọng đến hai phần quy hoạch cứng và quy hoạch mềm. Quy hoạch cứng áp dụng với diện tích đất đưa vào xây dựng kết cấu hạ tầng và phần diện tích đất bố trí để phát triển công nghiệp, dịch vụ và các công trình văn hoá, phúc lợi xã hội ở nông thôn. Quy hoạch mềm áp dụng với diện tích đất, mặt nước được sử dụng lâu dài vào sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản. + Tiếp tục giao đất , giao rừng cho các hộ gia đình ở các vùng, nhất là vùng ven biển, miền núi cho nhân dân sử dụng lâu dài để trồng rừng, phát triển kinh tế trang trại, trồng cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi,... + Mở rộng các quyền chuyển đổi và chuyển nhượng cho người sử dụng đất theo quy hoạch đã được phê duyệt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và khắc phục tình trạng chuyển đổi, chuyển nhượng đất tự phát tràn lan sẽ phá vỡ quy hoạch sử dụng đất; đồng thời để khuyến khích nông dân thực hiện “dồn điền, đổi thửa” khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún hiện nay, tạo tiền đề cho việc phát triển một nền sản xuất hàng hoá quy mô lớn. + Tăng thêm thời hạn sử dụng đất nông nghiệp để người sử dụng đất yên tâm bỏ vốn đầu tư cải tạo đồng ruộng và áp dụng các quy trình sản xuất kinh doanh tiên tiến, hiệu quả kinh tế cao. + Tổng kết tình hình quản lý, sử dụng đất đai nông, lâm, ngư nghiệp làm cơ sở bổ sung, sửa đổi Luật đất đai và thể chế hóa thành các qui định cụ thể để thực hiện một cách chặt chẽ. - Về chính sách đầu tư: + Cân đối ngân sách và dành một khoản vốn thích đáng để đầu tư cho phát triển toàn diện sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Điều chỉnh cơ cấu đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng phát triển các vùng sản xuất hàng hoá tập trung chuyên canh phục vụ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. + Chú trọng đầu tư cho công tác đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. + Ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn các huyện miền núi, vùng ven biển, hải đảo. Đối với các xã vùng cao, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc khó khăn của các huyện Tây Trà, Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long; nguồn kinh phí đầu tư cần tập trung vào các hạng mục chủ yếu: khai hoang, lập làng, phát triển thuỷ lợi nhỏ mở rộng diện tích đất trồng lúa nước giải quyết vấn đề lương thực và phát triển hệ thống giao thông để ổn định đời sống các đồng bào dân tộc. Đối với vùng ven biển và huyện đảo Lý Sơn cần tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế thuỷ sản. - Về chính sách tài chính - tín dụng: + Nhanh chóng triển khai thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong hạn điền cho nông dân, để nông dân có thêm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. + Rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời các chính sách thuế theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy sản và phát triển nghề muối công nghiệp. + Các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, đặc biệt là ngân hàng phát triển nông nghiệp và ngân hàng chính sách cần phải đẩy mạnh hoạt động bằng nhiều hình thức, đáp ứng nhu cầu về vốn sản xuất cho hộ nông dân, các hợp tác xã và doanh nghiệp ở nông thôn với lãi suất phù hợp đảm bảo các bên cùng có lãi. + Khuyến khích phát triển quỹ tín dụng nhân dân ở các xã, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn. + Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các ngân hàng, các tổ chức tín dụng liên kết cùng với các hợp tác xã, các doanh nghiệp để đầu tư tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp. - Về đào tạo nâng cao nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn. + Trên cơ sở quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần phải đẩy mạnh việc phân công lại lao động nông thôn theo hướng tăng tỉ lệ lao động công nghiệp, dịch vụ nông thôn và giảm tỉ lệ lao động nông nghiệp xuống dưới 50% vào năm 2010. + Tăng nguồn vốn ngân sách đầu tư nâng cấp, hiện đại hoá các cơ sở dạy nghề trong hệ thống giáo dục công lập; đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục, khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, công ty có điều kiện tổ chức các hình thức đào tạo, dạy nghề tại chỗ cho người lao động để giảm bớt chi phí đào tạo, tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo lên trên 30% vào năm 2010, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. + Đối với các huyện miền núi ở Quảng Ngãi tỷ lệ hộ nghèo chiếm 74,95%, đăc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới trên 85%, tập trung chủ yếu ở vùng chiến khu trong các cuộc kháng chiến, vì vậy nhà nước nên có chế độ hỗ trợ giáo dục một cách thoả đáng để nâng cao dân trí, tạo điều kiện cho nhân dân vươn lên thoat khỏi đói nghèo. Để phát triển nguồn nhân lực miền núi, trước mắt cần đầu tư nâng cấp, mở rộng và từng bước hiện đại hoá cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng đào tạo ở trường dân tộc nội trú ở tỉnh và hiện có ở các huyện; đồng thời có chính sách quan tâm đến đời sống của học viên, đãi ngộ thoả đáng cho đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên cắm bản ở vùng sâu, vùng xa. + Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở nông thôn. Quy hoạch đào tạo đồng bộ các loại cán bộ cho sự nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ khuyến nông, cán bộ kế toán các doanh nghiệp, mà đặc biệt là chủ nhiệm và kế toán trong các hợp tác xã. + Có chính sách đãi ngộ xứng đáng và tạo môi trường công tác thuận lợi để khuyến khích những người đã được đào tạo, có trình độ cao về làm việc lâu dài trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là miền núi và vùng sâu, vùng xa. + Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích mạnh các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tận dụng khai thác tiềm năng thế mạnh về đất đai, tài nguyên và lao động tại chỗ để khai thêm đất mới, trồng rừng, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, phát triển chăn nuôi, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ,... tạo thêm nhiều việc làm mới, nâng cao thu nhập, ổn định và cải thiện đời sống cho người lao động ở nông thôn. - Về thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế. + Tạo mọi điều kiện thuận lợi để tất cả các thành phần kinh tế tham gia và mở rộng thị trường kinh doanh vật tư, tiêu thụ hàng hóa nông sản. + Có chính sách thích hợp huy động các nguồn vốn để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hoá nông sản. Tổ chức thực hiện tốt việc kiểm tra, quản lý chất lượng sản phẩm, xây dựng và bảo vệ thương hiệu hàng hóa của Việt Nam. + Thực hiện chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng các hình thức bán trả góp vật tư, máy móc, thiết bị nông nghiệp cho các hợp tác xã và nông dân. Có cơ chế phù hợp để ứng vốn cho hợp tác xã và nông dân vay ưu đãi đẩy mạnh sản xuất nguyên liệu công nghiệp và hàng hoá xuất khẩu. + Xây dựng và thực hiện chính sách bảo hộ hợp lý một số ngành hàng nông sản có nhiều triển vọng nhưng trước mắt còn gặp khó khăn để các hợp tác xã và nông dân hạn chế bớt những rủi ro trong quá trình thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. + Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng quỹ bảo hiểm ngành hàng để trợ giúp người sản xuất khi gặp rủi ro. Khuyến khích hình thành các hiệp hội ngành hàng, các quỹ để hộ trợ xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. KẾT LUẬN Tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế nông nghiệp là một bộ phận cốt lõi trong hệ thống tư tưởng kinh tế của Người. Những tư tưởng chủ đạo của Người về phát triển một nền sản xuất nông nghiệp toàn diện, bền vững; về đẩy mạnh công tác thuỷ lợi, cải tiến nông cụ, cơ giới hoá sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật,... thực hiện công nghiệp hoá để phát triển lực lượng sản xuất trong nông nghiệp; về hợp tác hoá, xã hội hoá sản xuất, xây dựng quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp, nông thôn là một điển hình của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong điều kiện thực tiễn kinh tế xã hội cụ thể ở nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhờ vận dụng tốt những tư tưởng đó vào sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nước ta trước đây, mà Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta lập nên những kỳ tích lịch sử, lần lượt đánh thắng "những đế quốc to", giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Khi nền kinh tế xã hội nước ta rơi vào trong tình trạng khủng hoảng, những tư tưởng đó đã gợi mở, chỉ dẫn cho Đảng ta con đường đổi mới, sớm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng và tiếp tục lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam tiến lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Qua 20 năm vận dụng tư tưởng của Người vào thực hiện công cuộc đổi mới, nền nông nghiệp nước ta đã có bước phát triển đáng kể, cơ bản đã chuyển sang sản xuất hàng hoá, tốc độ tăng trưởng khá cao và liên tục trong nhiều năm, đời sống nhân dân ổn định và được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới, vẫn còn có những lúc, những nơi chúng ta chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc và vận dụng tốt những tư tưởng chủ đạo nói trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo như Di huấn của Người. Đặc biệt, Quảng Ngãi - một tỉnh duyên hải miền Trung, nông nghiệp là ngành sản xuất chính. Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh tăng trưởng tương đối ổn định, tự đảm bảo được nhu cầu lương thực và bước đầu hình thành được một số vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến. Hệ thống thuỷ lợi, giao thông, điện lực, bưu chính viễn thông,...đều được tăng cường. Song, cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh còn lạc hậu và chuyển dịch chậm, ngành trồng trọt vẫn chiếm tỷ trọng lớn, quy mô sản xuất quá nhỏ bé. Trình độ khoa học, công nghệ trong nông nghiệp thấp, sức cạnh tranh của hàng hoá nông sản yếu, thị trường tiêu thụ hạn hẹp. Các nguồn tài nguyên gắn liền với sản xuất nông nghiệp, việc quản lý, khai thác, sử dụng chưa tốt. Phần lớn các hợp tác xã sau chuyển đổi hoạt động cầm chừng kém hiệu quả, kinh tế cá thể nhỏ bé, manh mún. Đời sống của người dân ở nông thôn, nhất là ở vùng cao, vùng xa, vùng kháng chiến cũ gặp nhiều khó khăn. Ngày nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của tiến bộ khoa học, công nghệ và những đòi hỏi khắt khe của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Những tư tưởng chủ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển nền nông nghiệp toàn diện; về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện công nghiệp hoá nông nghiệp, phát triển lực lượng sản xuất; xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những còn nguyên giá trị, mà còn có ý nghĩa lịch sử cả về mặt lý luận và thực tiễn. Những tư tưởng đó đã và đang là kim chỉ nam hướng dẫn chúng ta con đường xây dựng một nền kinh tế vững mạnh, độc lập, dâu giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh. Vì vậy, trong thời gian tới các cấp, các ngành trong tỉnh cần phải tập trung tổ chức học tập, phổ biến, quán triệt tư tưởng của Người sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; khắc phục những tồn tại yếu kém và đặc biệt là tổ chức thực hiện tốt các phương hướng, giải pháp chủ yếu sau: - Những giải pháp chủ yếu để quán triệt tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào phát triển sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian tới. - Phát triển nông nghiệp toàn diện, tạo bước chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá, bền vững. - Tập trung cao hơn các nguồn lực để tiếp tục phát triển hạ tầng nông thôn, đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. - Phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp với lực lượng sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn theo định hướng xã hội chủ nghĩa. - Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện một số chính sách gắn liền với phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Quán triệt toàn diện và tổ chức thực hiện tốt các nội dung nói trên sẽ làm cho kinh tế của tỉnh chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhanh chóng đưa tỉnh Quảng Ngãi ra khỏi tình trạng nghèo, kém phát triển và trở thành Tỉnh có trình độ phát triển kinh tế - xã hội khá trong khu vực. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Phạm Ngọc Anh (2003), Bước đầu tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Ban Tư tưởng văn hoá Trung ương - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (2005), Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn trong 20 năm đổi mới. Nguyễn Văn Bích - Chu Tiến Quang (1999), Phát triển nông nghiệp nông thôn trong giai đoạn công nghiệp hoá và hiện đại hoá ở Việt Nam, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2005), Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Trần Xuân Châu (1997), "Tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế hợp tác và ý nghĩa của nó trong đổi mới HTX nông nghiệp hiện nay ở nước ta", Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, (số 7). Cục thống kê tỉnh Quảng Ngãi (1992), Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ngãi năm 1991, Nxb Thống kê, Hà Nội. Cục thống kê tỉnh Quảng Ngãi (1995), Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ngãi năm 1994, Nxb Thống kê, Hà Nội. Cục thống kê tỉnh Quảng Ngãi (1997), Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ngãi năm 1996, Nxb Thống kê, Hà Nội. Cục thống kê tỉnh Quảng Ngãi (2001), Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ngãi năm 2000, Nxb Thống kê, Hà Nội. Cục thống kê tỉnh Quảng Ngãi (2005), Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ngãi năm 2005, Nxb Thống kê, Hà Nội. Trương Minh Dục (2006), Nông nghiệp các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ trong những năm đổi mới, Nxb Đà Nẵng. Đảng Cộng sản Việt Nam (1987), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam (1993), Một số Văn kiện của Đảng về phát triển nông nghiệp, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam (2005), Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi mới (1986 - 2006), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (10-1991), Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Quảng Ngãi. Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (5-1996), Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Quảng Ngãi. Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (3-2001), Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Quảng Ngãi. Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi (12-2005), Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Quảng Ngãi. Phạm Hảo (2005), Phát triển kinh tế thị trường - Một số vấn đề thực tiễn ở miền Trung và Tây Nguyên, Nxb Lý luận Chính trị, Hà Nội. Hà Lệ Hằng - Lê Thị Anh Đào (2003), "Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp, nông thôn ở nước ta", Tạp chí Sinh hoạt Lý luận, (số 5). Hà Lệ Hằng (2004), "Tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ giữa nông nghiệp với công nghiệp", Tạp chí Sinh hoạt Lý luận, (số 2). V.I.Lênin (2005), Toàn tập, Tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. V.I.Lênin (2005), Toàn tập, Tập 19, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. V.I.Lênin (2005), Toàn tập, Tập 22, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. V.I.Lênin (2005), Toàn tập, Tập 36, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. V.I.Lênin (2005), Toàn tập, Tập 43, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. V.I.Lênin (2005), Toàn tập, Tập 44, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. V.I.Lênin (2005), Toàn tập, Tập 45, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (2005), Báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước 5 năm (2000 - 2005) và phương hướng nhiệm vụ công tác 2006 - 2010, Hà Nội. Liên minh hợp tác xã tỉnh Quảng Ngãi (2005), Báo cáo Hội nghị tổng kết thi đua Liên minh hợp tác xã tỉnh Quảng Ngãi (2000 - 2005), Quảng Ngãi. Đinh Xuân Lý (2005), Tìm hiểu vai trò của Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. C.Mác và Ph.Ăngghen (2004), Toàn tập, tập 16, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. C.Mác và Ph.Ăngghen (2004), Toàn tập, tập 19, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. C.Mác và Ph.Ăngghen (2004), Toàn tập, tập 22, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, Tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, Tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, Tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, Tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, Tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, Tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, Tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, Tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Hồ Chí Minh (2002), Toàn tập, Tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Nguyễn Huy Oánh (2004), Tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh với xây dựng nền kinh tế định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Nguyễn Văn Phúc (2004), Công nghiệp nông thôn Việt Nam - thực trạng và giải pháp phát triển, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Vũ Văn Phúc (2005), Nền kinh tế quá độ trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Lý luận chính trị Vũ Văn Phúc - Trần Thị Minh Châu (2001), Một số vấn đề về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Đỗ Thanh Phương (1999), "Tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế hợp tác hoá trong nông nghiệp và sự vận dụng trong điều kiện hiện nay", Tạp chí Sinh hoạt lý luận, (số 3). Lê Khả Phiêu (2000), Tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng con đường Đảng ta và nhân dân ta tiến vào thế kỷ XXI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi (2005), Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch (2001 - 2005) và phương hướng nhiệm vụ kế hoạch (2006-2010), Quảng Ngãi. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi (2005), Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch giai đoạn 2001- 2005 và định hướng kế hoạch 2006 - 2010, Quảng Ngãi. Lưu Văn Sùng (2004), Một số kinh nghiệm điển hình về phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hoá, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. Thủ tướng Chính Phủ (2005), Quyết định số 04/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2010. Tổng cục thống kê (2006), Niên giám thống kê 2005, Nxb Thống kê, Hà Nội. Nguyễn Thanh Tùng (1995), "Tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp trong quá trình công nghiệp hoá", Tạp chí Nghiên cứu lý luận, (số 3). Tỉnh uỷ Quảng Ngãi (12.2005), Các báo cáo tham luận tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Hồ Quang Vịnh - Nguyễn A (2002), Phát triển kinh tế trang trại ở tỉnh Quảng Ngãi trong thời kỳ đổi mới, Hội khoa học kinh tế tỉnh Quảng Ngãi. PHỤ LỤC Phụ lục 1 TỔNG SẢN PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN THEO GIÁ HIỆN HÀNH PHÂN THEO KHU VỰC KINH TẾ Đơn vị tính: triệu đồng Năm Tổng số Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản Công nghiệp và xây dựng Dịch vụ 1995 1.805.894 923.885 284.293 597.716 1996 2.184.053 1.037.932 356.984 789.137 1997 2.430.038 1.081.749 433.786 914.503 1998 2.748.421 1.220.403 530.767 997.251 1999 2.920.179 1.262.862 589.039 1.068.278 2000 3.229.745 1.927.958 741.687 1.190.100 2001 3.390.887 1.315.789 752.703 1.322.395 2002 3.395.984 1.528.627 926.470 1.498.851 2003 4.414.246 1.617.965 1.093.790 1.702.491 2004 5.237.409 1.911.339 1.376.566 1.985.504 2005 6.572.396 2.284.724 1.968.492 2.319.180 Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi. Phụ lục 2 CƠ CẤU TỔNG SẢN PHẨM TRONG TỈNH THEO KHU VỰC Đơn vị tính: % Năm Tổng số Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản Công nghiệp và xây dựng Dịch vụ 1995 100,00 51,16 15,74 33,10 1996 100,00 47,52 16,35 36,13 1997 100,00 44,52 17,85 37,63 1998 100,00 44,41 19,31 36,28 1999 100,00 43,25 20,17 36,58 2000 100,00 40,19 22,96 36,85 2001 100,00 38,80 22,20 39,00 2002 100,00 38,66 23,43 37,91 2003 100,00 36,65 24,78 38,57 2004 100,00 36,24 26,10 37,66 2005 100,00 34,76 29,95 35,29 Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi. Phụ lục 3 GIÁ TRỊ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP THEO GIÁ HIỆN HÀNH Đơn vị tính: Triệu đồng Năm Tổng số Trồng trọt Chăn nuôi Dịch vụ Săn bắt 1995 1.152.831 793.906 327.706 31.219 ... 1996 1.264.975 863.509 358.324 43.142 ... 1997 1.277.864 905.188 310.625 62.051 ... 1998 1.493.517 1.091.995 330.996 70.526 ... 1999 1.499.618 1.075.973 352.153 71.492 ... 2000 1.480.785 1.040.262 362.758 77.544 221 2001 1.510.349 1.023.914 403.471 82.753 211 2002 1.788.545 1.211.899 491.494 84.942 210 2003 1.853.790 1.230.776 538.908 83.902 204 2004 2.187.956 1.468.567 628.857 90.322 210 2005 2.545.091 1.649.891 767.370 127.645 185 Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi. Phụ lục 4 CƠ CẤU GÍA TRỊ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TRONG TỈNH Đơn vị tính: % Năm Tổng số Trồng trọt Chăn nuôi Dịch vụ Săn bắt 1995 100,00 68,86 28,43 2.71 ... 1996 100,00 68,26 28,33 3,41 ... 1997 100,00 70,84 24,31 4,85 ... 1998 100,00 73,12 22,16 4,72 ... 1999 100,00 71,75 23,48 4,77 ... 2000 100,00 70,25 24,50 5,24 0,01 2001 100,00 67,79 26,72 5,48 0,01 2002 100,00 67,76 27,48 4,75 0,01 2003 100,00 66,39 29,07 4,53 0,01 2004 100,00 67,12 28,74 4,13 0,01 2005 100,00 64,83 30,15 5,01 0,01 Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi. Phụ lục 5 GIÁ TRỊ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP TỈNH QUẢNG NGÃI THEO GIÁ SO SÁNH NĂM 1994 Đơn vị tính: Triệu đồng Năm Tổng số Trồng trọt Chăn nuôi Dịch vụ Săn bắt 1995 942.390 642.374 264.352 35.304 ... 1996 1.009.039 687.755 265.477 55.807 ... 1997 1.024.780 698.924 256.974 68.882 ... 1998 1.066.489 725.698 262.739 78.052 ... 1999 1.134.638 781.341 272.767 80.530 ... 2000 1.147.317 767.526 289.590 90.060 141 2001 1.198.831 768.115 335.067 95.512 137 2002 1.283.948 845.842 339.844 98.128 134 2003 1.374.773 904.510 371.458 98.666 139 2004 1.462.210 964.380 394.293 103.414 123 2005 1528.009 995.164 423.484 109.247 114 Chỉ số phát triển (Năm trước = 100).% 1996 107,07 107,00 100,43 158,08 ... 1997 101,56 101,62 96,80 123,43 ... 1998 104,07 103,83 102,24 113,31 ... 1999 106,39 107,67 103,82 103,17 ... 2000 101,12 98,23 106,17 111,83 ... 2001 104,49 100,08 115,70 106,05 97,16 2002 107,10 110,12 101,43 102,74 97,81 2003 107,07 106,94 109,30 100,55 103,73 2004 106,62 106,62 106,15 104,81 88,49 2005 104,50 103,19 107,40 105,64 92,68 Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Quảng Ngãi. Phụ lục 6 QUY MÔ, LOẠI HÌNH SẢN XUẤT CHỦ YẾU CỦA TRANG TRẠI Quy mô đất sản xuất Trung du miền núi Đồng bằng Ven biển Tổng số Số T. tr tỷ lệ % Dưới 1 ha 18 18 15,0 Từ 1< 2 ha 10 5 10 25 20,8 Từ 2< 5ha 22 14 3 39 32,5 Từ 5 < 10ha 10 8 18 15,0 Từ 10 < 30ha 11 4 15 12,5 Từ 30 - 50ha 1 1 2 1.7 Trên 50 ha 3 3 2,5 Cộng 57 50 13 120 100 Loại hình sx Tổng hợp 45 28 73 60,83 Cây c.nghiệp 9 1 10 8,33 Lâm nghiệp 2 1 3 2,5 Nuôi gia cầm 13 13 10,83 Nuôi lợn 7 7 5,83 Nuôi bò 1 1 0,83 Nuôi tôm 13 13 10,83 Cộng 57 50 13 120 100 Nguồn: Hội kinh tế tỉnh Quảng Ngãi. ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docLUANVANTOTNGHIEP21.12.doc
  • docmuc luc.doc
  • docbia moi.doc
  • docLV TOM TAT L2.doc
Tài liệu liên quan