Vấn đề tính dục trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương dưới góc độ so sánh

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH  Nguyễn Thị Ngọc Châu VẤN ĐỀ TÍNH DỤC TRONG THƠ NÔM HỒ XUÂN HƯƠNG DƯỚI GÓC ĐỘ SO SÁNH Chuyên ngành : Văn học Việt Nam Mã số : 60 22 34 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC : PGS. TS. LÊ THU YẾN Thành phố Hồ Chí Minh - năm 2010 LỜI CẢM ƠN Tôi xin chân thành cám ơn Quý thầy cô ngành Văn học Việt Nam trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh tham gia. giảng dạy lớp Cao học khóa 18 (năm học 2007

pdf134 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 2889 | Lượt tải: 4download
Tóm tắt tài liệu Vấn đề tính dục trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương dưới góc độ so sánh, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
-2010) đã nhiệt tình trong giảng dạy và truyền đạt cho tôi những kiến thức quý báu làm nền tảng cho việc thực hiện luận văn này. Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến PGS. Tiến sĩ Lê Thu Yến đã tận tình hướng dẫn, chỉ bảo và tạo điều kiện cho tôi nghiên cứu và hoàn thành luận văn này. Tôi cũng xin chân thành cám ơn tất cả những tác giả, những nhà nghiên cứu, đã giúp tôi có nguồn tư liệu quý gía để tham khảo và hoàn thành luận văn này. Tôi cũng xin cảm ơn đồng nghiệp, bạn bè, và gia đình đã động viên, ủng hộ tinh thần tôi trong suốt thời gian qua. TP. HCM, ngày 30/11/2010 DẪN NHẬP 1. Lí do chọn đề tài Hoàng Trung Thông trong bài “ Hồ Xuân Hương – Người đó là ai” có những câu thơ khá hay viết về Hồ Xuân Hương: …Nàng Hương ơi Người ta bình luận về dâm và tục trong thơ nàng Nhưng tôi vẫn thấy mùi hương phảng phất Mùi hương của thơ ca. ……………………………………………. Cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX, người con gái họ Hồ quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An ấy đã xuất hiện trên thi đàn văn học như một cơn gió lạ, thổi tung lớp rêu phong cổ kính của chế độ phong kiến già nua và rải khắp nhân gian mùi hương kì diệu: hương của đất, của nước, của gió, của trăng, của đá, của rêu, của lạch, của khe, của những hội hè đình đám (đánh đu), của những sinh hoạt đời thường (tát nước, dệt cửi), đến cả chiếc bánh trôi, con ốc nhồi, chiếc lá đa cũng dậy hương dưới bút thơ của nàng. Đó là mùi hương của sự sống phập phồng, của xuân tình phơi phới, của khát khao cháy bỏng, của nhựa sống tràn trề…Đó là tất cả những gì rạo rực, đắm say nhất, tự nhiên nhất và vì thế mà cũng mang đậm tính người nhất. Và từ ấy đến nay, Hồ Xuân Hương đã trở thành một hiện tượng độc đáo vượt chặng đường dài của không gian, thời gian đến tận hôm nay vẫn hiện diện trong đời sống văn học của chúng ta. Không sao thống kê hết con số chính xác những bài viết, những công trình nghiên cứu, những phê bình, nhận định, đánh giá của nhiều thế hệ độc giả đủ mọi lứa tuổi, trình độ, giới tính … bàn về Hồ Xuân Hương và thơ bà. Trong lịch sử văn học nước nhà đây quả là một hiện tượng lạ lùng hiếm thấy! Càng lạ lùng hơn, quanh cuộc đời và thơ bà đến nay vẫn còn không ít nghi vấn, nhiều vấn đề chưa rõ thực hư, vẫn đối lập đâu đấy những ý kiến khen chê trái ngược gay gắt. Nhưng ngay cả khi không ít ý kiến cho thơ bà chỉ nói điều thông tục, tầm thường, chỉ rặt những thứ tục và dâm thì vượt trên tất cả, thơ bà vẫn sống mãnh liệt và nguyên vẹn trong lòng nhân dân nhiều thế hệ. Phải chăng chính nhân dân mới là những người tri kỉ, những bạn đọc tri âm thấu rõ hơn ai hết những giá trị của thơ bà? Phải chăng vì trong thơ nữ sĩ mang sức sống kì diệu của tâm hồn nhân dân và văn hóa dân tộc nên dù có ý kiến khen chê khác nhau nhưng không ai có thể phủ nhận những độc đáo về nghệ thuật và tầm tư tưởng nhân văn lớn lao vượt thời đại chứa trong những vần thơ của nữ sĩ. Mang nỗi băn khoăn ấy, người viết muốn làm một cuộc đối sánh thơ Hồ Xuân Hương với một số sáng tác trữ tình trong nền văn học Việt Nam từ xưa đến nay có đề cập đến vấn đề tính dục qua đề tài: “ Vấn đề tính dục trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương dưới góc độ so sánh”, nhằm lý giải vì sao cùng một cảm hứng, đề tài có đề cập đến vấn đề tính dục nhưng chỉ thơ Hồ Xuân Hương mới tạo thành hiện tượng tranh luận suốt bao thế kỉ trên văn đàn thi ca và vì sao sử dụng yếu tố này thơ Hồ Xuân Hương lại tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt, sức sống mãnh liệt như thế trong lòng bạn đọc muôn thế hệ.? 2. Mục đích nghiên cứu Nhiều công trình nghiên cứu đã khám phá những điều độc đáo, mới mẻ trong sáng tác của Hồ Xuân Hương cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Trên cơ sở học tập, tiếp thu những nghiên cứu của người đi trước, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề có nhiều quan điểm trái ngược trong thơ Hồ Xuân Hương là vấn đề tính dục. Từ trước đến nay, vấn đề này trong thơ Hồ Xuân Hương có nhiều cách đánh giá, lý giải khác nhau. Trước kia, Trương Tửu, Nguyễn Văn Hanh giải thích vấn đề tính dục - mà hai ông gọi là yếu tố tục và dâm trong thơ Hồ Xuân Hương, dựa trên lý thuyết phân tâm Freud là kết quả của quá trình thần kinh nữ sĩ có những ẩn ức tình dục. Về sau một số nhà nghiên cứu hoặc dựa vào cơ sở xã hội học hoặc lấy văn hóa học làm nền tảng, luận giải thơ Hồ Xuân Hương mượn yếu tố tục, dâm để phản kháng lại những bất công thối nát của xã hội phong kiến; thậm chí có nhà nghiên cứu còn tôn vinh Hồ Xuân Hương là nhà cách mạng có tư tưởng tiến bộ và thái độ dũng cảm. Gần đây nhất, những nghiên cứu của Đỗ Lai Thúy đặt lại vấn đề tục và dâm trong thơ Hồ Xuân Hương dưới góc nhìn của tín ngưỡng phồn thực…. Do khả năng hạn hẹp, chúng tôi không có tham vọng đưa ra một ý kiến, quan niệm hay cách lý giải mới nào về vấn đề tục và dâm trong thơ Hồ Xuân Hương, mà chỉ muốn qua luận văn này bày tỏ một cách nghĩ riêng. Theo chúng tôi, thơ Nôm Hồ Xuân Hương có cách thể hiện thật dí dỏm, tinh nghịch, cách nhìn và nghĩ thật hồn nhiên, đôi bài với cách nói nước đôi, ngôn ngữ đa nghĩa tài hoa đã khéo léo mở ra trường nghĩa ngầm; lạ lùng, độc đáo hơn nét nghĩa nào cũng gợi người đọc tự nhiên liên tưởng đến vấn đề tính dục: các bộ phận sinh dục nam nữ, những hoạt động tính giao….thậm chí từ cả hình sông thế núi hay tư thế lao động, những hoạt động vui chơi hội hè ….cũng gợi người đọc tự nhiên nghĩ đến, hướng đến “cái ấy”, “chuyện ấy”. Nhưng nếu cứ cho là trong thơ Hồ Xuân Hương có sử dụng yếu tố tính dục đi chăng nữa thì quan trọng là nữ sĩ sử dụng nó nhằm mục đích gì? Đâu phải cứ sáng tác nghệ thuật nào có đề cập đến chuyện ái ân trai gái, vấn đề tính dục thì đều bị coi là dâm ô, gợi dục. Đó là quan niệm hẹp hòi và có phần phiến diện. Nên chăng khi xem xét, đánh giá một vấn đề cần đặt nó trong cái nhìn tổng thể, toàn diện với nhiều mối quan hệ: hoàn cảnh lịch sử, mục đích sáng tác, quan niệm thẩm mĩ của người sáng tác…. Bằng cách so sánh thơ Nôm của Hồ Xuân Hương với một số sáng tác trữ tình có xuất hiện yếu tố tính dục trong thi ca Việt Nam từ xưa đến nay, chúng tôi muốn lý giải vì sao cùng sử dụng những yếu tố này mà các sáng tác khác lại không gây nhiều tranh luận, không tạo sức hấp dẫn và sức sống mãnh liệt bằng thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Phải chăng cội nguồn làm nên sức sống của thơ Nôm Hồ Xuân Hương chính bởi ngoài tài năng, bà đã nhìn, nghĩ, sống và sáng tác thơ bằng cách nhìn, cách nghĩ, bằng lối sống của cha ông ? Phải chăng mượn đề tài tính dục là cách để nữ sĩ đề cao quyền sống chính đáng của con người, nhằm phủi sạch thứ đạo đức giả trói buộc con người và đôi lúc nó là thứ vũ khí phản kháng lại những gì đi ngược, trái với tự nhiên, trái với sự sống chính đáng của con người? Phải chăng chỉ có trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương, khái niệm tính dục gắn với quyền sống hạnh phúc của con người mới được nhìn nhận một cách trọn vẹn, đúng đắn, khoa học nhất đồng thời cũng đậm chất nhân văn nhất ? Và phải chăng viết về vấn đề tính dục là cách Hồ Xuân Hương thể hiện rõ nhất tấm lòng mình, một trái tim luôn biết yêu thương, quan tâm, coi trọng con người, lấy con người làm gốc “ con người với thực thể hiện hữu của nó - sự sống còn và bản chất người ( bao gồm các bản năng vốn có và những giá trị khác)” [82:5]. 3. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi khảo sát Nội dung luận văn chủ yếu đi sâu tìm hiểu: “Vấn đề tính dục trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương dưới góc độ so sánh”. Trước đây đã có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề tính dục trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương nhưng mới dừng ở mức độ khẳng định có yếu tố tục và dâm trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương mà chưa làm rõ mục đích việc sử dụng các yếu tố đó, nhất là chưa có sự so sánh ở bình diện lịch đại với nhiều tác phẩm xuyên suốt tiến trình lịch sử văn học như: văn học dân gian, văn học trung đại, văn học hiện đại. Do thời gian và khả năng còn hạn chế mà đề tài luận văn khá rộng, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ xin đi sâu vào hai ý chính: nội dung và nghệ thuật thể hiện vấn đề tính dục trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương dưới góc độ so sánh. Về thơ Nôm Hồ Xuân Hương, chúng tôi dựa trên tài liệu “Thơ Hồ Xuân Hương” của nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc xác định có khoảng bốn mươi bài thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương, giáo sư Lê Trí Viễn trong “Nghĩ về thơ Hồ Xuân Hương” cũng cho rằng thơ Nôm xác định tương đối chính xác là của Xuân Hương thì có độ khoảng bốn mươi bài. Luận văn sẽ không xét những bài thơ Nôm trong “ Lưu hương ký” vì có phong cách khác, không liên quan nhiều đến đề tài tìm hiểu của luận văn. Trong văn học dân gian, chúng tôi sẽ khảo sát một số câu ca dao, tục ngữ, câu đố có yếu tố tính dục. Trong văn học trung đại, chúng tôi sẽ khảo sát một số câu thơ, đoạn thơ có yếu tố tính dục trong các tác phẩm: Truyện Kiều – Nguyễn Du ; Cung oán ngâm khúc – Đặng Trần Côn, Chinh phụ ngâm – Nguyên tác chữ Hán: Đặng Trần Côn, bản dịch chữ Nôm: Đoàn Thị Điểm, Song Tinh Bất Dạ của Nguyễn Hữu Hào. Trong văn học hiện đại. chúng tôi sẽ khảo sát một số bài thơ có yếu tố tính dục trong các tác phẩm của Xuân Diệu, Bích Khê và Vi Thuỳ Linh. Cụ thể như sau:  Xuân Diệu: chỉ tìm hiểu những tác phẩm viết trước Cách mạng tháng Tám trong hai tập: Thơ thơ (1938), Gửi hương cho gió (1945).  Bích Khê: một số bài trong hai tập thơ: Tinh Huyết (1939), Tinh Hoa (1941).  Vi Thùy Linh: một số bài thơ trong bốn tập thơ: Khát”( 1999), “Linh” (2000), “Đồng Tử”( 2005),“ Vili in love”( 2008). Đồng thời chúng tôi mạn phép có tham khảo những công trình nghiên cứu từ trước tới nay có liên quan đến vấn đề tính dục và thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương. 4. Lịch sử vấn đề Hồ Xuân Hương là một nhà thơ lớn của dân tộc. Thế nhưng, cho đến nay, cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của bà vẫn là “ cuộc tìm kiếm giữa màn sương huyền thoại”. Là một hiện tượng văn học nên dù số lượng tác phẩm để lại không nhiều, trong đó có cả những tác phẩm vẫn còn hồ nghi về gốc tích tác giả, nhưng qua nhiều thời đại, cuộc đời và sự nghiệp văn học của Hồ Xuân Hương vẫn luôn tạo ra nhiều luồng đánh giá, nhận định khác nhau, thậm chí có cả những tranh luận, ý kiến đối lập nhau gay gắt. Trong đó nổi bật lên vấn đề gây nhiều tranh luận nhất là : vấn đề tính dục trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương nảy mầm, ươm hạt và lớn lên từ nền văn hóa dân gian. Ở Xuân Hương, ta thấy có sự chọn lọc, tiếp thu và sáng tạo thi liệu từ nguồn văn hóa dân gian. Nhưng bằng tài năng và lòng dũng cảm của người nghệ sĩ thiên tài, Xuân Hương lại chọn lọc những chỗ “gai góc” nhất của dân gian. Những chỗ mà ngay cả thiên tài trước và sau Xuân Hương cũng không dám lại gần, đó là vấn đề vốn được xem là cấm kị trong văn học: đề tài tính dục. Vì thế, với một hiện tượng độc đáo như thơ Hồ Xuân Hương, quanh đề tài tính dục trong thơ bà đã có rất nhiều hướng tiếp cận. Theo dòng lịch sử hơn hai thế kỉ qua kể từ khi một chân dung văn học được khẳng định, người ta vẫn chưa thôi tranh luận về thơ bà, giới nghiên cứu vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong hướng lý giải vấn đề tính dục trong thơ Hồ Xuân Hương. Thậm chí hình thành cả những trường phái, khuynh hướng tiếp nhận thơ Hồ Xuân Hương theo nhiều góc độ như: phân tâm học, xã hội, văn hóa… Theo tìm hiểu, chúng tôi thấy quanh vấn đề tính dục trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương thì những nhận định, quan điểm, các công trình nghiên cứu từ trước đến nay có thể tạm chia làm hai khuynh hướng, hai cách đánh giá : phê phán và bênh vực. Khuynh hướng phê phán đầu tiên có lẽ phải kể đến là ý kiến phê bình của nhà sử học Dương Quảng Hàm nhận xét: “ Suốt tập thơ của nàng mấy bài là không có ý lả lơi, dầu tả cảnh gì, vịnh vật gì cũng vậy” [24:387]. Năm 1933, trên An Nam tạp chí (số 3-1933), Tản Đà cũng viết: “ Thơ của Hồ Xuân Hương thật là linh quái, những câu hay đọc đến ghê người. Người ta thường có câu “thi trung hữu hoạ” nghĩa là “trong thơ có hoạ”, nhưng thơ Hồ Xuân Hương thời lại là “thi trung hữu quỷ” nghĩa là trong thơ có ma! Song mà nhận ra thời là tục”. Về sau, chịu ảnh hưởng của lý thuyết phân tâm học, ở Việt Nam có Nguyễn Văn Hanh và Trương Tửu là hai nhà phê bình đã khẳng định trong thơ Hồ Xuân Hương có yếu tố tục, dâm. Họ lý giải nguồn gốc yếu tố tục, dâm trong thơ nữ sĩ là căn bệnh tâm thần do nỗi ám ánh tính dục bị kìm hãm. Trong Hồ Xuân Hương, Tác phẩm, Thân thế và văn tài, Nguyễn Văn Hanh viết: “ Xuân Hương không bao giờ thoả thích dục vọng, nàng bị dồn ép luôn luôn. Nàng bệnh thần kinh. Dục tình chiếm cả đầu óc, ám ảnh nàng mãi. Nó nhuộm các tư tưởng của nàng. Bao nhiêu thơ của Xuân Hương đều biểu lộ sự khao khát, sự bất mãn. Dục tính được biến chuyển qua mỹ thuật trong thơ” [19:111]. Còn Trương Tửu trong Kinh thi Việt Nam lại cho rằng Hồ Xuân Hương có “căn tính dâm”, là “thiên tài hiếu dâm đến cực điểm", “ cái nhãn quan độc nhất của Hồ Xuân Hương về sự vật là một nhãn quan dâm” [76:104]. Cùng quan điểm với hai nhà phê bình trên, Văn Tân cũng chịu ảnh hưởng của lý thuyết phân tâm học Freud khi cho rằng Hồ Xuân Hương do phải sống trong cảnh thiếu thốn tình cảm, góa bụa cô đơn nên “ tất không khỏi bị những đòi hỏi về tính dục giày vò”. Mặt khác, Vân Tân còn kết hợp so sánh với văn hóa dân gian để chỉ ra điểm kế thừa yếu tố tính dục trong thơ Hồ Xuân Hương là từ “cái tục, cái dâm ở ca dao tục ngữ và ở những câu đố tục giảng thanh……đã hòa hợp với sự khủng hoảng tính dục trầm trọng ở con người Xuân Hương để tạo nên một phần ý thức tư tưởng của Xuân Hương, rồi chi phối hầu hết thi phẩm của Xuân Hương”[62:115]. Nhìn chung, các ý kiến trên có phần hơi phiến diện, cực đoan khi chỉ đi sâu lý giải cội nguồn của hiện tượng tính dục trong thơ Hồ Xuân Hương ở góc độ những uẩn ức của đời sống tình cảm, tâm lý, nghĩa là chỉ chú trọng con người sinh lý, tâm lý mà bỏ quên con người xã hội , con người nhân văn… trong mối quan hệ hữu cơ của con người. Khuynh hướng tán dương, ngợi ca có thể kể đến các công trình, bài nghiên cứu như Lê Dư trong cuốn Nữ lưu văn học sử đã nhận xét: “ Văn Nôm của nàng thật có đặc tài đặc thú, đứng hẳn riêng là một thi gia, cứ kể cho là vô song được, thơ nàng xưa nay ai cũng kêu là có ý thô tục, nhưng xét kỹ tục mà thanh…”. Giáo sư Trần Thanh Mại lại chia thơ Hồ Xuân Hương ra ba loại: một loại gồm những bài có tính tư tưởng và nghệ thuật thanh nhã, một loại gồm những bài có yếu tố tục và loại thứ ba là những bài có yếu tố dâm. Ông khẳng định nhân tố tục và dâm trong thơ Hồ Xuân Hương là có thật nhưng“ nó là một hiện tượng xã hội không phải là một biểu hiện bệnh thái” [: 488]. Những đóng góp mang đến cho người đọc cái nhìn thấu đáo khi soi sáng vấn đề tính dục trong thơ Hồ Xuân Hương dưới góc nhìn xã hội phải kể đến là khuynh hướng tiếp nhận xã hội học với những tên tuổi các nhà nghiên cứu uy tín như: Phạm Thế Ngữ, Nguyễn Lộc, Lê Hoài Nam, Lê Trí Viễn… Nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc có cách lý giải yếu tố tục và dâm trong thơ Hồ Xuân Hương khi gắn thơ bà với văn học dân gian: “ Trong một số bài thơ của Xuân Hương quả có yếu tố tục. Điều này cũng không ai chối cãi được. Trong văn học dân gian, nhất là trong truyện tiếu lâm, truyện Trạng Quỳnh, chúng ta từng thấy nhân dân lao động dùng cái tục làm phương tiện để đả kích giai cấp thống trị, những kẻ sống rất tục mà làm ra vẻ sợ cái tục. Hồ Xuân Hương đã học tập phương pháp đó của văn học dân gian”[61:263]. Giáo sư Lê Trí Viễn trong tác phẩm Nghĩ về thơ Hồ Xuân Hương giải thích yếu tố tục trong thơ Hồ Xuân Hương:“ Xuân Hương nhân danh một sự sống theo lẽ phải của tự nhiên, Xuân Hương xuất phát từ sự sống gốc nguồn, sự sống là phối hợp âm dương, là sinh sôi nảy nở. Nên Xuân Hương mới trở lại hình ảnh cụ thể của sự giao hợp ấy. Cái đó, ngày nay ta gọi là tục, kỳ thực không phải”[61:520]. Không đồng tình với những quan niệm trước giờ cho rằng thơ Hồ Xuân Hương chỉ nói về cái tục, chuyện buồng kín, Đổ Đức Hiểu nhiệt thành ngợi ca thơ Xuân Hương: “ Ở đây không hề có “cái tục”, mà chỉ có cái tự nhiên, cái đẹp, sức sống của tồn tại con người. Không phải vấn đề đạo lý mà vấn đề triết lý, triết lý tự nhiên và triết lý cái đẹp: Nó hướng tới hạnh phúc và tự do”[61:576]. Cùng quan điểm trên, Lại Nguyên Ân trong bài viết Tinh thần phục hưng trong thơ Hồ Xuân Hương cũng cho rằng: “ Hồ Xuân Hương coi thân thể và cả bộ phận sinh dục trên cơ thể con người như là tự nhiên, thiên tạo, nó giống như tự nhiên, thiên nhiên vậy. Đã thế quyền miêu tả nó trong văn chương cũng là một quyền năng tự nhiên” [61:530]. N.I. Niculin- giáo sư tiến sĩ ngữ văn người Nga, còn so sánh việc thể hiện nội dung tính dục trong thơ Hồ Xuân Hương rất giống với cách thể hiện của Rabelais: “ Trong sáng tác của bà, cũng như thường hay thấy ở các nhà thơ Việt Nam, thơ trữ tình phong cảnh chiếm một vị trí quan trọng và điều này không có gì đáng lạ. Đáng lạ chăng chính là bản thân những bức phác hoạ phong cảnh của Hồ Xuân Hương. Ở đây nhục tình đã xâm nhập vào cũng như trong những bài thơ khác của bà. Con người, thân thể con người tựa hồ đã hoà lẫn với thiên nhiên. Nhà nữ thi sĩ đã sáng tạo những bài thơ biểu tượng hai mặt trong đó hình ảnh kỳ dị của thân thể con người lẫn với những chỗ lồi lõm trên mặt đất, một loại hình ảnh như của Rabelais, đã song song xuất hiện với phong cảnh” ”[61:630]. Góp thêm một cách nhìn, một hướng tiếp nhận phong phú hơn về vấn đề tính dục trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương còn phải kể đến các công trình nghiên cứu của những nhà phê bình theo khuynh hướng văn hóa học. Đại diện tiêu biểu cho khuynh hướng này là Đỗ Lai Thúy với công trình nghiên cứu Hồ Xuân Hương – hoài niệm phồn thực. Dựa trên cơ sở lý luận là lý thuyết phân tích văn hóa của Bakhtin khi đặt sáng tác của Rabelais vào bối cảnh nền văn hóa phục hưng thời Trung cổ để rút ra kết luận: hiện tượng Rabelais có cội nguồn sâu xa trong đời sống văn hóa và tinh thần con người, từ đó Đỗ Lai Thúy đã có những lý giải hợp lý về vấn đề tính dục trong thơ Hồ Xuân Hương: “Tiếp cận từ tín ngưỡng phồn thực chẳng những tìm ra được nguồn tinh huyết của thơ Hồ Xuân Hương, ý nghĩa dâm tục như là một hình thức thị phạm ma thuật để cầu phồn thực phồn sinh”[69:51]. Nhìn chung, các khuynh hướng nghiên cứu trên tuy có những xuất phát điểm khác nhau, cách tiếp cận khác nhau và mặc dù còn nhiều quan điểm đánh giá khác nhau nhưng tất cả các nhà nghiên cứu đều thống nhất: thơ Hồ Xuân Hương có một sức sống mãnh liệt và đậm đà sắc thái dân gian. Ngay cả trong vấn đề tính dục còn nhiều tranh cãi người ta vẫn tìm thấy có sự tương đồng với những sáng tác dân gian. Thế hệ chúng ta hôm nay nhờ độ lùi thời gian có thể nhìn vấn đề tính dục trong thơ Hồ Xuân Hương một cách khoa học hơn, cởi mở hơn khi đặt nó trong dòng chảy văn học Việt Nam nói riêng, văn học thế giới nói chung để đối sánh. Rõ ràng, hiện tượng Hồ Xuân Hương không còn là cá biệt nhưng vẫn thật riêng biệt, độc đáo do cách thức thể hiện và mục đích sử dụng, khai thác vấn đề tính dục trong thơ bà. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy những công trình, đề tài nghiên cứu trên chỉ mới hoặc khẳng định có yếu tố tính dục trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương, hoặc chỉ dừng lại lý giải vấn đề tính dục trong bản thân cấu trúc tác phẩm hay dựa vào cuộc đời, thời đại, nguồn cội văn hoá dân gian, hoặc vận dụng cái nhìn xã hội học, tâm lý học, văn hoá học… để tìm hiểu vấn đề; chưa có công trình nào mở rộng phạm vi nghiên cứu so sánh đối tượng với những tác phẩm cùng chủ đề, cùng đề tài của những tác giả khác. Vì thế, với luận văn này, chúng tôi mạnh dạn mở rộng phạm vi nghiên cứu bằng cách chọn một vấn đề vốn gây nhiều tranh luận quanh thơ Nôm Xuân Hương là vấn đề tính dục, đặt yếu tố này vào hệ thống những tác phẩm cùng thể loại (sáng tác trữ tình), cùng đề tài (tính dục) để so sánh tìm những điểm tương đồng, dị biệt nhằm mục đích góp một cách nhìn, cách hiểu cụ thể hơn vấn đề tính dục trong thơ Hồ Xuân Hương, đặt trong hệ thống tác phẩm cùng đề tài; qua đó góp phần lý giải phần nào sức hấp dẫn đặc biệt của thơ Nôm Hồ Xuân Hương. 5. Phương pháp nghiên cứu Để thực hiện luận văn này, chúng tôi vận dụng những phương pháp nghiên cứu liên ngành. Dưới đây là một số phương pháp chủ yếu: Phương pháp hệ thống: Tác phẩm văn học là một chỉnh thể nghệ thuật trọn vẹn. Mỗi tác phẩm lại trở thành một thành tố, một bộ phận trong hệ thống lớn hơn: hệ thống văn học dân tộc, hay hệ thống đề tài, hệ thống cốt truyện, biểu tượng…Vì thế tác phẩm của từng tác giả cần được đặt trong những hệ thống lớn hơn để có thể cho ta có cái nhìn đa chiều, toàn diện, sâu sắc hơn về vấn đề đang nghiên cứu. Bài viết này chọn một số sáng tác trữ tình của nhiều tác giả trong nền văn học dân tộc, khác nhau về thời đại nhưng cùng nằm trong hệ thống đề tài chung: đề tài tính dục- để tìm hiểu, hầu có cái nhìn đầy đủ, sâu sắc về đề tài này trong nền văn học dân tộc. Hạt nhân trọng tâm để so sánh, đối chiếu là thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Trên cơ sở so sánh, đối chiếu giữa thơ Nôm Hồ Xuân Hương với các sáng tác: thơ ca dân gian, thơ trung đại, thơ hiện đại có xuất hiện yếu tố tính dục, chúng tôi sẽ thống kê, phân loại một số nội dung thể hiện và hình thức nghệ thuật được sử dụng nhằm phục vụ cho mục đích so sánh. Phương pháp so sánh: Đây là phương pháp chủ yếu, chúng tôi sẽ tiến hành so sánh thơ Nôm Hồ Xuân Hương viết về đề tài tính dục với các tác phẩm khác có yếu tố tính dục để tìm ra những nét tương đồng, dị biệt ở một số khía cạnh như nội dung, nghệ thuật thể hiện vấn đề tính dục; lý giải nguyên nhân có sự giống, khác đó. Từ đó, chúng ta có thể thấy rõ những ảnh hưởng qua lại giữa các sáng tác cùng đề tài, có cái nhìn toàn diện, khái quát ở bình diện rộng và cái nhìn sâu ở bình diện hẹp của những tác phẩm viết về đề tài tính dục trong văn học Việt Nam hầu tìm ra những giá trị riêng của từng sáng tác, đóng góp riêng của từng tác giả. Trên hết, luận văn muốn đi đến kết luận: khẳng định ý nghĩa đặc biệt của vấn đề tính dục là một trong những yếu tố góp phần làm nên giá trị và sức hấp dẫn của thơ Nôm Hồ Xuân Hương Phương pháp phân tích – tổng hợp: Phương pháp phân tích tổng hợp được sử dụng để thấy được những nét tương đồng, dị biệt trong các sáng tác có đề cập đến vấn đề tính dục nhằm làm rõ sự ảnh hưởng, kế thừa tinh hoa văn hóa dân tộc cùng sự sáng tạo độc đáo của Hồ Xuân Hương. 6. Kết cấu luận văn Luận văn có 162 trang chính văn. Ngoài phần mở đầu 10 trang, kết luận 6 trang, nội dung luận văn 146 trang được triển khai trong ba chương: Chương 1: TÍNH DỤC TRONG THƠ NÔM HỒ XUÂN HƯƠNG – NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG Chương 2: SO SÁNH VẤN ĐỀ TÍNH DỤC TRONG THƠ NÔM HỒ XUÂN HƯƠNG VỀ MẶT NỘI DUNG Chương 3: SO SÁNH VẤN ĐỀ TÍNH DỤC TRONG THƠ NÔM HỒ XUÂN HƯƠNG VỀ MẶT NGHỆ THUẬT 7. Đóng góp của luận văn Ý nghĩa khoa học: Đã có nhiều công trình nghiên cứu về Hồ Xuân Hương, luận văn này có sự kế thừa và phát huy những thành tựu rất đáng trân trọng của những người đi trước. Luận văn nêu lên và đi sâu vào một phương diện trong tư tưởng nhân văn và phong cách sáng tạo của Hồ Xuân Hương: vấn đề tính dục trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương dưới góc độ so sánh. Ý nghĩa thực tiễn: Người viết mong muốn đề tài nghiên cứu này sẽ góp phần làm rõ hơn vẻ đẹp nhân văn của yếu tố tính dục trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Từ đó khẳng định tài năng của nữ sĩ có sự kế thừa, phát huy nền văn hoá dân gian của dân tộc. Nghiên cứu về Hồ Xuân Hương là niềm đam mê đồng thời để tự trang bị cho bản thân vốn hiểu biết về nhà thơ mình yêu thích nhằm phục vụ, hỗ trợ tốt cho công tác giảng dạy văn học sau này trong nhà trường phổ thông. Chương 1: TÍNH DỤC TRONG THƠ NÔM HỒ XUÂN HƯƠNG NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG 1.1.Khái niệm tính dục và vấn đề tính dục ở phương Đông, phương Tây 1.1.1. Khái niệm tính dục Tính dục – theo Văn Tân và Nguyễn Văn Đạm trong Từ điển tiếng Việt định nghĩa: là “thú vui của xác thịt giữa nam và nữ”. Còn Nguyễn Như Ý trong Đại từ điển tiếng Việt thì cho rằng tính dục là những “đòi hỏi về quan hệ tính giao”[85:1593]. Tính dục xét về mặt hoạt động là khái niệm chỉ hoạt động tính giao, là thuộc tính của một sinh thể sống, một nhu cầu thiết yếu, phổ biến của con người, một hành vi có tính bản năng. Nói cách khác con người dưới góc nhìn khoa học vừa là một sinh vật tự nhiên vừa là một sinh vật xã hội mà trong đó khái niệm tính dục được hiểu như là mặt sinh vật tự nhiên thuộc về bản năng của con người, là phần “con” trong con người. Trong Bốn bài giảng mỹ học, Lý Trạch Hậu đã khẳng định con người song song tồn tại trong sự thống nhất tính động vật và tính xã hội và nhân tính chính là sự thống nhất giữa cảm tính và lý tính, tự nhiên và xã hội. Khi con người “trở lại tính động vật, trở lại với tính dục là trở về với sự sống đích thực, bởi vì chỉ có như thế thì cái tôi có một lần mới có thể tồn tại như một thực thể” [29]. Nhìn ở phương diện khác văn hoá chẳng hạn, tính dục là sự thăng hoa của những xúc cảm thẩm mỹ, đầy nhân tính: tình yêu, khát vọng, cội nguồn của sự sống, hoạt động duy trì nòi giống của muôn loài. Trong văn học, khái niệm tính dục được dùng chủ yếu để phản ánh hoạt động luyến ái trong quan hệ nam nữ. Tính dục thuộc về bản năng con người, đời sống tình dục, quan hệ ân ái là bản năng sinh lý tự nhiên của loài người không thể cấm đoán hay phủ nhận. Xưa Mạnh Tử đã khẳng định: “ Thực sắc, tính dã ” nghĩa là ham ăn uống, mê sắc dục là bản tính tự nhiên có sẵn của con người. Cùng trường nghĩa với khái niệm tính dục ta còn có những khái niệm khác như: tục, dâm, giới tính, tình dục… Giới tính: “Những đặc điểm của cấu tạo cơ thể và của tâm lý làm cho có chỗ khác nhau giữa nam và nữ, giữa giống đực và giống cái” Tục: “Tầm thường, không thanh cao” Dâm: “Ham muốn thú vui nhục dục quá chừng độ hoặc không chính đáng” Tình dục: “sự ham muốn thú vui nhục dục” Như vậy, so với những khái niệm trên thì khái niệm “tính dục” phù hợp với đề tài chúng tôi muốn thực hiện vì nói đúng bản chất hiện tượng được phản ánh trong đối tượng nghiên cứu, vừa là khái niệm chứa trong nó ít nhiều những nét nghĩa có liên quan trong các khái niệm còn lại. Mặt khác, chúng tôi cho rằng dùng khái niệm “ tính dục” là cách thể hiện quan điểm riêng của chúng tôi khi cho rằng thơ Nôm Hồ Xuân Hương có gợi liên tưởng đến vấn đề tính dục nhưng không tục, không dâm, tuyệt nhiên thơ bà không lấy việc khêu gợi tình dục làm mục đích. Khi viết về đề tài tính dục, nữ sĩ chỉ muốn qua nó ngợi ca, khẳng định quyền sống bản năng chính đáng ở mỗi con người. Vấn đề tính dục được đề cập trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương vì thế là cái đẹp của nghệ thuật chân chính, nghệ thuật vì con người; đó cũng là vẻ đẹp đậm chất nhân văn trong thơ bà. Ngoài ra, liên quan đến khái niệm tính dục còn có khái niệm hoạt động tính giao được xem là thuộc tính của mọi sinh thể sống. Nằm trong từ khoái, sướng, thích của người bình dân, hoạt động tính giao được mặc nhiên nhìn nhận như một nhu cầu phổ biến thiết yếu của con người, bất kể giàu - nghèo, sang – hèn; từ đó ý nghĩa của tình dục – một hành vi bản năng, được nhìn nhận như là sự khơi nguồn, khởi đầu cho tình yêu và những cảm xúc nhân tính. Hiện nay, tình dục học là một khoa học nghiên cứu về tính dục của con người, một bộ môn vừa thuộc khoa học xã hội nhân văn vừa thuộc lĩnh vực y học, tâm lý học, nó giúp cho con người hiểu biết thêm về các vấn đề liên quan đến các hoạt động tính dục, học nghệ thuật kiềm chế, giải toả những ức chế để làm cho cuộc sống con người tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. 1.1.2. Vấn đề tính dục ở phương Đông, phương Tây Lần theo cội nguồn của vấn đề tính dục, dựa vào chứng tích văn hóa – tôn giáo, cũng như những dấu tích còn lại qua tâm thức của người nguyên thủy thì người xưa đã biết phân biệt cái thiêng với cái tục ( tục hiểu theo nghĩa là những gì dâm tục, ô uế). Đặc biệt, tư duy nguyên thủy coi khái niệm tục và thiêng không đối lập mà là một thể xoắn luyến vào nhau: thiêng là tục, tục là thiêng. Bởi cái thiêng lẫn cái tục đều gây cho họ một thái độ vừa sợ hãi vừa thèm muốn tiếp xúc. Mãi đến khi xã hội có giai cấp, cái thiêng và cái tục mới bắt đầu tách rời nhau, mờ dần những quan hệ ban đầu, dần tách biệt và trở nên đối lập, nhất là trong ý thức chính thống của xã hội phong kiến. Có lẽ vì thế mà trong ý thức dân gian những biểu tượng phồn thực không bị coi là dâm tục, mà chỉ trong ý thức chính thống của xã hội phong kiến thì mới cho đó là tục dâm vì người ta đã tách rời những biểu tượng này khỏi cái thiêng là cầu mong phồn thực, phồn sinh. Thậm chí, người xưa còn nâng những biểu tượng phồn thực lên thành tín ngưỡng. Tín ngưỡng phồn thực là một hiện tượng tôn giáo phổ biến trong đời sống nhân loại từ xa xưa. Biểu hiện chủ yếu của tín ngưỡng phồn thực này là thờ sinh thực khí nam nữ. Dấu vết của tín ngưỡng được biểu hiện trong di sản văn hóa vật chất và tinh thần của người xưa còn lưu lại trong nếp phong tục, lễ hội, nghệ thuật dân gian, trong vốn văn hóa dân tộc…Ở Châu Âu, tín ngưỡng phồn thực nhất là tục thờ dương vật rất phổ biến. Ở Hy Lạp, La Mã trong các buổi lễ Tửu thần, người ta cúng Phallus –sinh thực khí nam. Ở Châu Á, các nước lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, tín ngưỡng phồn thực còn phát triển lên thành triết học, văn hóa tính dục…. Sau này, F.Ăng ghen trong cuốn “Nguồn gốc gia đình, tư hữu và nhà nước” đã viết rằng, có hai hình thức sản xuất quan trọng nhất: “Một mặt, đó là sản xuất phương tiện sống - đồ ăn, đồ mặc, nhà cửa, công cụ cần thiết, mặt khác, đó là việc sản xuất bản thân con người, là sự kế tục giống nòi”. Đây là cơ sở thực tiễn dẫn đến nhận thức khái quát làm cơ sở cho thuyết âm - dương, mặt khác đó là ý thức tôn giáo của quần chúng liên quan đến việc thần thánh hóa các cơ quan sinh sản, các sinh thực khí (sinh: đẻ, thực: nảy nở, khí: công cụ ). Phương Đông cổ đại lấy lý thuyết âm dương và ngũ hành làm cơ sở để giải thích mọi hiện tượng trong đời sống tính dục. Theo đó nam là dương, nữ là âm. Nếu âm dương không cân bằng, không hoà hợp thì con người sẽ phát sinh._. bệnh tật và tổn thọ. Kinh Dịch được xây dựng trên quan niệm âm dương, âm – dương là hai phạm trù đại biểu cho hai dạng sự vật phổ biến trong vũ trụ, một dạng có dương tính (cứng cỏi, nồng nhiệt, tích cực), một dạng có âm tính (mềm yếu, lạnh lùng, tiêu cực). Hai thế lực âm dương tác động lẫn nhau tạo thành vũ trụ, vạn vật. Bất cứ vật gì trong vũ trụ cũng có âm dương, từ những năng lượng, vật chất đến động vật, thực vật, từ cơ thể con người, tâm lý con người đến cơ cấu xã hội. Tư tưởng cơ bản của Kinh Dịch là biến hoá, phát triển, bao gồm hai nguyên lý có quan hệ chặt chẽ. Trong đó nguyên lý thứ nhất là âm dương tương ứng, âm dương giao hoà, khí dương là trời, khí âm là đất, khí dương ở dưới do có tính chất thăng mà giao tiếp với khí âm, hai khí giao hoà, mọi vật yên ổn. Âm – dương giao hoà thì sự sống mới tồn tại và phát triển: “ Trời đất cảm nhau mà vạn vật mới hoá sinh”, “Giống đực giống cái kết hợp tinh khí mà vạn vật sinh nở biến hoá” [43:112]. Tóm lại, âm dương phải tương ứng, tương sinh, đó là nguyên lý bao quát trong cả đời sống tình dục. Lão Tử có viết: “ Bốn mùa, trời đất, âm dương, con người phải luận theo”. Cách thức giao hợp cũng phải theo những thế đối nghịch nhau của sự vật như trời (dương) trùm lên đất (âm), trời đất hoà quyện liền nhau thành nhất thể nên mãi mãi trường tồn. Rõ ràng, tín ngưỡng phồn thực, sự hòa hợp âm dương đã được người xưa coi trọng như là một qui luật tất yếu có tính tự nhiên và xã hội để giúp loài người tránh họa diệt vong. Vấn đề tính dục do đó cũng có tính chất lâu đời và tính qui luật như thế. Điểm qua nền văn hóa nhân loại từ phương Tây đến phương Đông, xét ở một số lĩnh vực như văn học, hội họa, điêu khắc, lễ hội…ta thấy quan niệm vấn đề tính dục ở các nước phương Đông và phương Tây có nhiều nét giống nhau nhưng sắc thái và mức độ phản ánh trong mỗi nền văn hóa thì thật phong phú, muôn màu muôn vẻ. 1.1.2.1.Vấn đề tính dục trong văn học Thời cổ đại, trong thần thoại Hy Lạp có một bộ phận truyện kể về sự gặp gỡ của các vị thần và những con người đầu tiên có liên quan đến việc các nam thần (nhất là Zeus) quyến rũ hay cưỡng bức một người phụ nữ và tạo ra những người con anh hùng, hay việc các nữ thần kết hợp với một người đàn ông trần thế như trong “Vần thơ của Homer về Aphorodite” trong đó nữ thần này kết hợp với Ankhises và sinh ra Aeneas, hay cuộc giao hoan giữa Peleus và nữ thần Thetis sinh ra Achilles. Trong quan niệm người cổ đại, tính dục là chuyện tự nhiên, thậm chí thần thoại còn khoác cho vấn đề tính dục màu sắc thiêng liêng, đậm tín ngưỡng dân gian, ngoài chức năng sáng tạo con người, tính dục còn là nguồn cội sáng tạo anh hùng, văn hoá, thi ca, triết học, tôn giáo, sáng tạo ra thế giới con người từ vật chất đến tinh thần ( mỗi nhân vật sinh ra từ những cuộc hôn phối ấy đều ẩn dụ biểu tượng cho một lĩnh vực nào đó trong cuộc sống ). Ở phương Đông, cùng với hai nền văn minh rực rỡ của Ấn Độ và Trung Quốc, hai bộ sách tính dục Kamasutra và Tố nữ kinh xứng đáng được xem là những tác phẩm cổ điển đề cập một cách sâu sắc đến lạc thú gối chăn trên bình diện khoa học. Kamasutra được xem là một trong những“tính dục kinh” cổ điển của nhân loại, do Vatsyayana một nhà hiền triết nghiên cứu về tôn giáo sống ở Ấn Độ viết bằng tiếng Phạn, trong khoảng năm 200 đến 300. Tác phẩm gồm 1.250 khổ thơ chia làm 36 chương và 64 đoạn, trong tiếng Phạn: Kama là khóai lạc, sutra là kinh nên Kamasutra có nghĩa là “Dục lạc kinh” . Bộ sách dạy con người biết cách tận hưởng những lạc thú của cuộc đời nhất là thú vui ái tình. Theo tín ngưỡng Hindu giáo, của cải vật chất trên trần thế, tính dục và sự cứu rỗi của linh hồn đều có tầm quan trọng như nhau. Nếu thiếu vắng một trong những yếu tố trên thì cuộc sống con người sẽ không hoàn hảo. Không có tính dục, xã hội loài người sẽ biến mất, điều đó lý giải vì sao mỹ thuật tính dục lại chiếm vị trí vừa quan trọng vừa thiêng liêng trong kinh cổ của người Hindu. Ở Trung Quốc, Tố nữ kinh được coi là sách kinh điển về tính dục học suốt thời kì phong kiến, chủ yếu ghi lại những câu hỏi của nhà vua và lời giải đáp của Tố nữ quanh chuyện ái ân, qua đó cho người đời những hiểu biết sâu xa và lý thú về cuộc sống phong the, những kinh nghiệm ái ân. Ngoài ra Kinh Dịch được xem là bộ bách khoa toàn thư của Trung Quốc, thể hiện cách nhìn thế giới qua lăng kính tình dục của người xưa: các trạng thái vận động của vũ trụ được miêu tả bằng các hành vi tính dục như “nam nữ cấu tinh, vạn vật hoá sinh”, “thiên điạ bất giao như vạn vật bất hưng”…những tiếng “mây”, “mưa”, “giao”, “cảm”, nam “động thì thẳng”, nữ “động thì mở”…đều là những thuật ngữ tình ái. [43:101]. Sử thi Ramayana của Ấn Độ xuất hiện dày đặc môtip sinh sôi, trạng thái giao hoan của vạn vật, theo đó tính dục tồn tại để thực hiện chức năng duy trì giống nòi, con người có quyền thoả mãn nhu cầu khoái lạc thể xác, không có khoái lạc tình dục và hạnh phúc thể xác, cuộc sống gia đình không thể tồn tại, dòng giống sẽ bị tuyệt diệt. Quan niệm đó đuợc cố định thành luật – luật Manu. Sử thi “Đẻ đất đẻ nước” của người Mường ( Việt Nam) coi ông Thu Tha bà Thu Thiên là cặp vợ chồng khai sáng vũ trụ. Trời đất được sinh ra từ sự hôn phối của hai ông bà có tầm vóc kỳ vĩ này. Chuyện Ông Đùng Bà Đà trong cộng đồng người Mường của dân tộc Việt kể về cuộc gặp gỡ, giao hoan giữa Ông Đùng Bà Đà làm rung chuyển trời đất sinh ra mưa to gió lớn. Ngày nay ở Hòa Bình còn thờ sinh thực khí Ông Đùng. Ở Nhật, từ thời đại Edo (triều đại Tokugawa, 1603-1867), người ta thấy đề tài tính dục đã có một lịch sử lâu đời, một truyền thống văn hoá tính dục thể hiện trong văn hoá nghệ thuật có chung các chủ đề giống phương Tây như quan giới (heterosexual), đồng giới (homosexual), hành lạc tập thể (group sex), có cả tính dục bái vật (fetishism)….Đây là thời đại mà Thần đạo (Shinto) phục hưng, tín ngưỡng vật linh (animism) chi phối tinh thần dân chúng, người ta có xu hướng mê tín thích trộn lẫn những chuyện hoang đường truyền tụng trong dân gian với hành vi tính dục. Còn hầu hết các sáng tác thần thoại dân gian của các nước Đông Nam Á tuy có nhiều cách lý giải khác nhau về nguồn gốc vũ trụ, loài người nhưng đều giống nhau trong môtip cây vũ trụ. Cây sinh ra từ cõi hỗn mang, là kết quả chung đụng của đất trời. Do đất trời chung đụng mà cây mang thuộc tính đối cực: âm – dương, nóng – lạnh, sáng – tối Thế kỉ XV, XVI, xã hội phương Tây bước vào thời đại Phục Hưng – thời kì quá độ từ thời Trung cổ phong kiến sang thời cận đại tư bản. Ăng ghen xem đây là “ bước ngoặt tiến bộ vĩ đại nhất từ trước đến bây giờ loài người chưa từng thấy”. Phong trào nhân văn bừng lên sức sống mới báo trước thời kỳ sụp đổ không tránh khỏi của chế độ phong kiến già nua và giáo hội khắc nghiệt đè nén sức sống của con người lâu nay, giải phóng con người và trả lại cho họ quyền sống chính đáng về cả mặt vật chất lẫn tinh thần, tâm hồn lẫn thể xác. Chủ nghĩa nhân văn lên án tất cả những gì kìm hãm tự do của con người, đấu tranh cho con người được hưởng quyền sống chính đáng và hạnh phúc tự nhiên ngay trên thế gian này. Chủ nghĩa nhân văn xem con người là “ sản phẩm của tự nhiên” với những nhu cầu tự nhiên về vật chất cũng như tinh thần, nó chống lại tất cả những gì trái tự nhiên như chủ nghĩa khổ hạnh, chủ nghĩa cấm dục. Đỉnh cao của chủ nghĩa nhân văn vào thế kỉ XVIII- “thế kỉ ánh sáng” là những kiệt tác của Ruxô: July hay nàng Hêlôiđơ mới, Môngtexkiơ với Những bức thư Ba Tư…lên án sự phân biệt đẳng cấp, ca ngợi tình yêu tự do, lãng mạn, say đắm. Giai đoạn này, ở phương Đông vấn đề giải phóng con người cá nhân cũng trở nên cấp thiết. Cùng với trào lưu chủ nghĩa nhân văn đang phát triển ở phương Tây, văn học ở các nước phương Đông cũng đồng hành với con người trong hành trình đấu tranh với rào cản hệ tư tưởng và những thế lực phong kiến để khẳng định giá trị đích thực của con người cá nhân trong tự nhiên và đời sống xã hội. Ở Ấn Độ, hàng loạt tác phẩm văn học lấy tình yêu đôi lứa làm cảm hứng ngợi ca, cũng như Êrôx của Hi lạp, Cupidong của La Mã, Kama được tôn là thần tình yêu của Ấn Độ. Theo cách giải thích của người Ấn Độ: “sự sinh sôi nảy nở trong trời đất là do sự phối hợp giữa giống đực (Purusha) và giống cái (Prakriti). Hai giống ấy có khắp nơi luôn luôn tìm gặp nhau theo ý muốn tự nhiên, nghĩa của Kama là như vậy” [80: 36]. Kama – thần tình yêu trở thành biểu tượng của khát vọng hạnh phúc trần thế mà con người muốn đạt đến: “ Hỡi Kama ! Thần có chiếc tên nhằm trúng đích. Cánh tên là sầu muộn, lòng tên là mong mỏi, mũi tên là dục tình, mong thần đến xuyên qua trái tim con người”[80: 37]. Còn trong tiểu thuyết Genji monogatari, cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất của văn học Nhật Bản thường được so sánh với tác phẩm Decameron ( Mười ngày ) của Boccaccio – tác phẩm tràn ngập những yếu tố nhục thể, thì nhân vật Genji lại được xem là một “Don Juan Japonais ”[4:122]. Trong xã hội Việt Nam thời phong kiến, con người vừa bị trói buộc bởi những quan niệm khắt khe vừa phải ép mình vào những khuôn khổ luân lý, đạo đức khắc nghiệt mà xã hội đặt ra nhằm tiết chế tình cảm, không cho phép con người sống hợp lẽ tự nhiên:“ Trong tất cả các thứ tình, thứ dục thì Nho giáo sợ nhất là sắc đẹp đàn bà và tình yêu. Đó là thứ tình mạnh nhất, thứ dục thiết tha nhất, thứ đam mê da diết, dai dẳng, bất trị nhất. Cho nên đối với tình yêu, các nhà nho tỏ ra có nhiều nghi ngại, đặt ra nhiều lễ tiết, lo nghĩ, phòng phạm rất cẩn thận”. [30:172]. Nho giáo phủ nhận con người cá nhân, đề cao con người xã hội, con người đạo đức phong kiến. Giai cấp thống trị đề ra những chuẩn mực, khuôn mẫu gò con người vào khuôn khổ đạo đức theo tư tưởng Nho giáo: Trai thời trung hiếu làm đầu Gái thời tiết hạnh là câu trao mình. Nhiều thế kỉ con người bị giam cầm trong vòng kiềm toả của những lễ giáo phong kiến nặng nề. Đến thế kỉ XVIII – giữa thế kỉ XIX, cùng với sự khủng hoảng của nhà nước phong kiến là sự bùng nổ các phong trào nông dân khởi nghĩa và tinh thần Phục hưng trong văn học. Nhiều tác phẩm có gía trị nở rộ giai đoạn này: Truyện Kiều, Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm, thơ Nôm Hồ Xuân Hương, Song Tinh Bất Dạ…thể hiện sự thức tỉnh của con người, lên tiếng đòi quyền sống, đòi giải phóng tình cảm cho con người. Chính Trần Thanh Đạm trong bài viết : “ Giới tính và Văn nghệ” có nhận xét : “ Không phải sang thời hiện đại thì con người mới có ý thức về giới tính, mới tiến hành cái gọi là cuộc “Cách mạng tình dục” như một vài người muốn rêu rao để tỏ ra mình hiện đại. Trong văn chương ta trên vấn đề này từ lâu đã có truyền thống dân gian, có thơ Hồ Xuân Hương, Truyện Kiều, Cung oán ngâm khúc….Nhân loại cũng như dân tộc từ lâu đã có ý thức được tính tất yếu, và cả tính thẩm mĩ nữa của giới tính và quan hệ giới tính trong cuộc đời cũng như trong nghệ thuật”[18]. Ngày nay, phương Tây quan niệm tình dục cũng là một trong những nhu cầu cần thiết như đói ăn, khát uống, như không khí sống hàng ngày. Đề tài tính dục trở nên phổ biến, đại chúng trên mọi lĩnh vực. Tính dục trở thành một thuộc tính nhân sinh phổ biến. Đề tài tính dục phổ biến, thậm chí thành một trào lưu, xu hướng sáng tác ở nhiều quốc gia phương Đông (Trung Quốc, Nhật, Việt Nam…), đặc biệt hình thành cả một khuynh hướng văn học sex phát triển mạnh, phổ biến rộng nhờ các phương tiện nghe nhìn và do tư tưởng dân chủ, tự do, cởi mở của thời đại. Trong thế giới phẳng, văn hoá tính dục được mở rộng không giới hạn, phương Đông phương Tây có sự giao lưu và ảnh hưởng trong mọi lĩnh vực trong đó có văn học. Vấn đề tính dục trong văn học phương Tây có xu hướng tìm về phương Đông huyền bí, chú trọng đa dạng hoá thế giới cảm xúc, ngược lại phương Đông lại tiếp thu phương Tây tinh thần dân chủ đề cao tự do trong hôn nhân tình yêu và cả tình dục. Tính dục xuất hiện không chỉ trong lĩnh vực nghệ thuật như văn học, hội hoạ, phim ảnh mà nó còn được đưa vào học đường nhằm giáo dục giới tính cho giới trẻ. Nhà phê bình Vương Trí Nhàn trong một bài viết trên diễn đàn VietNamnet có khẳng định: đối với những nhà văn tài năng thì “ những trang liên quan tới sex là một phần làm nên giá trị văn chương của họ và quả thật chỉ bằng cách đó mới biểu hiện được tư tưởng cao đẹp… và bởi tính dục là một nhu cầu tự nhiên của con người thì việc quan tâm tới nó cũng là tự nhiên”. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý “việc phân biệt giữa tác phẩm khiêu dâm, vi phạm đạo đức nhân bản, và tác phẩm dùng sex để biểu hiện khao khát nhận thức, khao khát tự do của con người, cái đó bao giờ cũng quá khó và dễ bị giải thích sai lệch”[58]. Đó cũng là nỗi boăn khoăn chung của những người cầm bút chân chính trong ý thức trách nhiệm với xã hội, với nghề khi viết về vấn đề khá nhạy cảm: tính dục. 1.1.2.2. Vấn đề tính dục trong hội họa, điêu khắc Từ cổ xưa, những hình vẽ trong hang động, những tượng đá cổ sơ đào được ở miền Nam nước Pháp, phía Bắc của Tây Ban Nha là những người đàn bà mặt mũi không rõ nét nhưng mông, vú, âm vật thì rất to. Các nàng vệ nữ thời ấy được tôn sùng vì mắn đẻ. Ở Ấn Độ, Nê Pan, trong nghệ thuật của họ và của các dân tộc chịu ảnh hưởng (nghệ thuật Chàm chẳng hạn) tục thờ Linga - Yoni rất phổ biến. Đó là hai vị thần biểu trưng cho hai nguyên lý của vũ trụ, phân biệt và hòa hợp để sáng tạo thế giới. Ở các ngôi đền Ấn giáo, Phật Mật Tông, trên mặt tiền, dưới chân cột hoặc nội điện đầy các tượng thần nam và nữ đang ở trạng thái hoan lạc, người xem tưởng như đang xem các minh họa của các sách dạy kỹ thuật làm tình như Dục lạc kinh, Tố nữ kinh...Còn người Trung Hoa nâng các yếu tố đực – cái thành nguyên lý phổ quát âm - dương của vũ trụ. Như vậy, ước vọng phồn thực của cha ông: gia súc sinh sôi nảy nở, mùa màng tốt tươi, con người vui vẻ chan hòa ham sống... được thể hiện thông qua tín ngưỡng phồn thực và hoạt động tính giao nói trên. Đó chính là biểu tượng kỳ diệu nhất về sự bất diệt của cuộc sống con người và vạn vật trong không gian và thời gian. Ở phương Tây, đề tài tính dục từ tín ngưỡng dân gian, từ đời sống đi vào lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo: Hội họa có tranh loã thể với tác phẩm Les Desmoiselles d’Avignon của Picasso, điêu khắc có tượng Nữ thần Tự do biểu tượng của nền dân chủ Mỹ và sự giải phóng thiên tính nữ, hay tượng Nữ thần tình yêu và sắc đẹp Apherođit khỏa thân bằng cẩm thạch ở bảo tàng Luvere (Pháp) Phương Đông có tín ngưỡng phồn thực, trước hết biểu hiện ở tục thờ sinh thực khí, biểu tượng của năng lượng thiêng sinh ra muôn loài. Các nền văn hoá cổ đều chịu ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ như Thái Lan, Mianma, Campuchia, Inđonesia và ở Việt Nam, hầu hết các công trình kiến trúc mang tín ngưỡng tôn giáo ở Chăm đều có thờ Linga - Yoni. Ở Ấn Độ, người dân có tục tôn thờ, tín ngưỡng thần Mẹ và thờ cúng âm lực, coi âm vật (Yoni) là nguồn gốc của mọi sáng tạo. Cạnh Yoni, họ thờ cúng dương vật (Linga). Hai thần đó được biểu hiện bằng một khối đá hoặc đất sét cứng hình trụ có chóp tròn hoặc tháp tròn đặt trên một cái bệ hình tam giác. Họ cho rằng mọi sự sinh sôi nảy nở trong trời đất, con người, súc vật ngày càng đông đúc, mùa màng cây cối tươi tốt đều do đực - cái hay âm - dương kết hợp với nhau. Theo quan niệm dân gian, hoa sen Đức Phật cầm tay hay toà sen Phật ngồi là biểu tượng âm vật thể hiện sự an lành, thịnh vượng, sự sinh sôi nảy nở. Theo Đỗ Lai Thuý, tục thờ sinh thực khí thường liên quan đến các hành động tính giao. Sự mô phỏng các hoạt động này mang ý nghĩa thị phạm ma thuật. Trên nắp thạp đồng Đào Thịnh có hình các cặp trai gái trong tư thế giao hợp, người đàn ông nằm chồng lên người đàn bà, tư thế mặt đối mặt. Tranh dân gian ở làng Đông Mai, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh được mọi người biết đến với cái tên tranh Đông Hồ có bức Hứng dừa vẻ cảnh các chàng trai mình trần đóng khố leo lên cây hái dừa ném xuống, các cô gái đứng dưới hai tay kéo váy để hứng dừa ( trai trên gái dưới, trai hứng gái cho, trái dừa có nước là tinh dịch) [69: 93]. Nghệ thuật điêu khắc đình làng cũng mang đậm dấu ấn tính dục gắn với tín ngưỡng phồn thực: đình Đệ Tứ ( Nam Định), đình Đông Viên (Hà Tây): khắc hình nam nữ đùa giỡn nhau khi tắm hồ sen; đình Phù Lão (xây dựng năm 1688) chạm hình ảnh một người đàn bà khoả thân bụng lớn, âm vật lộ rõ; Chùa Ông (Hưng Yên) chạm hình người đàn bà đầu đội mặt trời, hai tay mở sang hai bên để lộ rõ ngực, bụng, bộ phận sinh dục; bia chùa Phúc Hải và đình Hải Trung( phỏng đoán xây dựng nửa đầu thế kỷ XVII ) có khắc hình người đàn bà khoả thân ngồi xổm, hai chân dạng ra hai bên lộ bụng lớn, bộ phận sinh dục…. 1.1.2.3. Vấn đề tính dục trong lễ hội, tín ngưỡng Ở phương Tây, thời Hi Lạp cổ đại, con người có tục rước sinh khí thực trong lễ cúng thần Dyonisos, vị thần rượu nho dũng cảm, thần làm cho đất đai màu mỡ, đem lại cho con người niềm vui sống và sự yêu đời. Và vì sinh thực khí được quan niệm là nguồn gốc sự sống nên trên thế giới có 190 dân tộc thì có đến 13 dân tộc lấy bộ ngực nữ làm bái vật giáo tính dục. Người phương Tây đặc biệt đề cao vai trò của bộ ngực như là biểu tượng của sự sống và sự dồi dào trong tính dục, đôi vú nở nang đầy đặn của người đàn bà thu hút nam giới một cách kì lạ vì nó liên quan đến cơ năng sinh sản của người đàn bà. Các dân tộc ở Châu Phi lại xem âm vật là biểu tượng của tính dục nữ nên mới có hủ tục cắt bỏ âm vật như một sự kìm hãm dục tính. Người Trung Hoa thì mê đắm tôn thờ những bàn chân của nữ giới. Chính sự khác biệt về văn hoá đã đưa ra những quan điểm thẩm mỹ dị biệt về bái vật giáo tính dục nữ. Những biểu tượng sinh thực khí cũng xuất hiện trong nhiều lễ hội ở các nước phương Đông có liên quan đến tín ngưỡng phồn thực như Tục cầu mưa, Lễ cầu nước Mẹ, Tục té nước, Tục đi lấy nước thờ của người Thái, người Lào và của một số dân tộc ở Campuchia, Mianma, Philippin, Việt Nam… Tục nhảy múa tập thể của người Lào, người Khơme, tục đánh đu, tục hát đối nam nữ của nhiều dân tộc và hàng loạt hình thức cúng bái, tế lễ cấu trời khác của cư dân Đông Nam Á cho mùa màng bội thu, cho các giống loài sinh sôi nảy nở đều phần nào biểu hiện nghi thức phồn thực của một xã hội nông nghiệp. Theo Chu Xuân Diên, trong các hình thức thực hành tín ngưỡng nông nghiệp của người Việt, thường có các nghi lễ cầu mong cho sự sinh sản dồi dào của cây cối và gia súc. Đó là nghi lễ phồn thực. Tín ngưỡng và nghi lễ phồn thực của người việt rất đa dạng. Trước hết là tục thờ sinh thực khí mà nhiều địa phương gọi là nõ nường ( nõ = cái nêm, tượng trưng cho sinh thực khí nam; nường = nang, mo nang tượng trưng cho sinh thực khí nữ), tục rước sinh thực khí diễn ra trong hội làng ở nhiều nơi. Cùng với tục thờ sinh thực khí là tục thờ các hành vi giao phối. Từ thời Đông Sơn đã có những chứng tích về ý nghĩa quan trọng của tục thờ hành vi giao phối như tượng bốn đôi nam nữ giao hợp trên thạp đồng Đào Thịnh, tượng các cặp thú như chim, cóc trên trống đồng. Trong điệu múa Tùng dí ở hội Đền Hùng, từng đôi thanh niên nam nữ cầm những vật tượng trưng cho sinh thực khí nam nữ trong tay, và làm cử chỉ giơ tay cho hai vật đó chạm vào nhau (dí) mỗi khi nghe tiếng trống đánh (tùng). Ở làng Đông An, huyện Châu Giang (tỉnh Hưng Yên) có thờ tượng đá Ông Đùng và Bà Đà ở hậu cung đình làng. Hàng năm đầu tháng ba âm lịch, làng mở hội, có lễ rước Ông Đùng Bà Đà quanh làng và tục diễn tượng trưng hành vi giao phối của hai hình nhân Ông Đùng Bà Đà ( làm bằng nan tre ), rồi băm vụn ném xuống ao, ruộng để cầu mong ruộng tốt lúa, ao nhiều cá. Trong hôn lễ của người Việt có tục giã cối đón dâu. Nhà trai bày chày cối trước cổng, khi đón dâu về người nhà trai cầm chày mà giã vào cối không mấy tiếng. Tục này có ý nghĩa cầu chúc cho đôi vợ chồng trẻ được đông con nhiều cháu. Từ thời Đông Sơn, ý nghĩa này từng được thể hiện qua hình ảnh từng đôi nam nữ giã gạo, khắc trên các trống đồng. Cũng xuất phát từ ý nghĩa ấy mà có tục hát giao duyên nam nữ kèm theo động tác giã cối chày tay [10:171,172]. Ngoài ra trong lễ hội còn kèm theo nhiều trò chơi dân gian như: tắt đèn, đánh đu, ném còn, bắt vịt…Lễ hội rước sinh thực khí ở làng Đông Kỵ (Từ Sơn- Bắc Ninh): rước hai lễ vật bằng gỗ có hình thù như sinh thực khí âm - dương. Đám rước vừa đi vừa hát, đồng thời làm những động tác đưa hai sinh thực khí vào nhau như hoạt động giao hợp gọi là vũ điệu âm – dương. Hoặc như trò múa mo ở xã Sơn Đông, Hà Sơn Bình vào ngày mồng sáu tháng hai ta. Khi tế lễ xong, trai gái tụ họp tại đình. Một người vừa múa, vừa hát trước bàn thờ, tay trái cầm khúc tre, biểu tượng của dương vật, tay phải cầm mo cau, biểu tượng âm vật. Người múa dùng khúc tre đập vào mo cau gợi lên hành động giao phối. Sau đó tung hai vật vào đám đông, trai gái tranh nhau giành lấy mong gặp được may mắn trong hôn nhân. Tục tắt đèn được tổ chức ở nhiều nơi như ở làng Ngô Xá (Bắc Ninh), lễ hội Chùa Hương…lễ hội tiến hành một lúc thì đèn đột nhiên tắt để trai gái sờ soạng đùa nghịch với nhau, “tục lệ này cho phép con người trở lại với tính tự nhiên trong một thời gian ngắn dựa trên một thần tích kỳ quặc”[36:172]. Đó là các sinh hoạt văn hóa đậm tín ngưỡng phồn thực mang màu sắc thiêng liêng, cao quý cầu cho cuộc sống con người phồn thịnh, tốt đẹp. 1.2. Thơ Nôm Hồ Xuân Hương 1.2.1. Tác giả 1.2.1.1. Cuộc đời Tài liệu nghiên cứu đầu tiên tương đối cụ thể về Hồ Xuân Hương là của Dương Quảng Hàm ( Việt văn giáo khoa thư, 1940) cho rằng Hồ Xuân Hương là con gái ông Hồ Phi Diễn người làng Quỳnh Đôi huyện Quỳnh Lưu, xứ Nghệ An. Nhân ông Diễn ra dạy học ở Hải Dương lấy người thiếp ở đây sinh ra bà. Thân thế của bà không có sách nào chép rõ. Bà ở về đời Lê mạt- Nguyễn sơ, cha mất sớm, mẹ cho đi học. Học giỏi thường hay lấy văn thơ thử tài các văn nhân nho sĩ lúc bấy giờ. Có lẽ, cũng vì sự thử thách, kén chọn ấy cho nên duyên phận long đong. Sau bà lấy lẽ một ông thủ khoa làm đến tri phủ Vĩnh Tường (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phú) nhưng được ít lâu sau vì gia cảnh lại phải lấy người cai tổng tục danh là Cóc. Không bao lâu ông Tổng Cóc cũng chết. Từ bấy giờ hình như bà chán nổi số phận hẩm hiu nên thường đi chơi các nơi thắng cảnh và ngâm vịnh thơ ca để khuây khỏa nỗi buồn. Năm 1995, nhà xuất bản Giáo dục cho in tài liệu Thơ Hồ Xuân Hương, từ cội nguồn vào thế tục của Đào Thái Tôn lại đưa ra một ý kiến khác về tiểu sử Hồ Xuân Hương: nàng là con gái của Hồ Sĩ Danh (1706-1783), em cùng cha với Hồ Sĩ Đống (1738-1786), nguyên quán làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, Hồ Sĩ Danh đậu Hương Cống (cử nhân) năm 1732. Tuy không ra làm quan nhưng vì có con làm quan to nên ông được phong tặng chức Hàn lâm thừa chỉ và hàm Thái Bảo . Sách còn viết mẹ Xuân Hương người họ Hà, là hầu thiếp của Hồ Sĩ Danh. Khi cha mất, Xuân Hương cùng mẹ ra Thăng Long sống ở phường Khán Xuân, huyện Vĩnh Thuận gần Hồ Tây- Hà Nội, có ngôi nhà đặt tên là Cổ Nguyệt Đường. Đây là nơi Xuân Hương đón tiếp những khách văn nhân tài tử cùng đến đàm đạo, xướng hoạ thơ văn. Trong đó có nhiều bạn thơ như ông Tốn Phong Thị, ông Hiệp trấn Sơn Nam thượng họ Trần, ông Sơn Phủ, ông Trí Hiên, và cả Cần chánh học sĩ Nguyễn hầu tức Nguyễn Du…Họ ít nhiều đều để lại dấu ấn trong các bài thơ đối đáp, xướng hoạ của Xuân Hương. Trong bài viết “ Sức sống thơ Hồ Xuân Hương và việc tiếp nhận”, tác giả Nguyễn Hữu Sơn và Vũ Thanh có thống kê một số giả thiết xoay quanh cuộc đời của Hồ Xuân Hương như sau: - Có một Hồ Xuân Hương sinh khoảng năm 1770, con của Hồ Phi Diễn (1703-1786), quê ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. (theo Dương Quãng Hàm, Trương Tửu, Văn Tân, Thanh Lãng, Nguyễn Lộc, Hoàng Xuân Hãn, Hồ Tuấn Niêm,….) - Có một Hồ Xuân Hương cũng sinh khoảng năm 1770 nhưng là con của Hồ Sĩ Danh (1706-1783), người anh em họ của Hồ Phi Diễn ( Theo Trần Thanh Mại, Đào Thái Tôn,…) - Có một Hồ Xuân Hương sinh khoảng năm 1770 từng là bạn tình của ông Nguyễn Du (1766-1820), Tốn Phong Thị, Mai Sơn Phủ, Hiệp trấn Sơn Nam thượng họ Trần, Hiệp trấn Sơn Nam hạ họ Trần, có thơ bỡn cợt với Chiêu Hổ- Phạm Đình Hổ và là vợ Tham hiệp Yên Quảng Trần Phúc Hiển ( ?- 1819). - Có một Hồ Xuân Hương là vợ kế cử nhân Phạm Viết Đại (1802-1842). Ông này từng làm quan ở các tỉnh Thanh Hoá, Ninh Bình, Sơn Tây và có làm Tri phủ Vĩnh Tường. - Có một Hồ Xuân Hương qua đời khoảng năm 1822, hoặc năm 1833, trước khi Tùng Thiện Vương Miên Thẩm làm thơ (1842) đã nhắc đến nấm mồ tài nữ Xuân Hương. ……. Tóm lại về tiểu sử Hồ Xuân Hương cho đến nay vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp, nhưng nổi lên hai quan niệm được xem là chính thống: một giả thiết do một số nhà nghiên cứu hồi đầu thế kỉ XX cho Hồ Xuân Hương là con của Hồ Phi Diễn, quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An là đáng tin cậy vì được sự công nhận, đồng tình nhiều nhất của các nhà nghiên cứu từ trước đến giờ và hiện nay ý kiến này cũng trở thành tài liệu học tập chính thức cho học sinh trong nhà trường phổ thông; một quan niệm khác gần đây của Trần Thanh Mại, Đào Thái Tôn trong những nghiên cứu của mình xác định Hồ Xuân Hương lại là con của Hồ Sĩ Danh (1706-1783) và là em họ Hồ Sĩ Đống (1738-1786). Nhìn chung, so với những ý kiến khác, hai ý kiến trên được đánh giá là có cơ sở khoa học hơn cả. Ngay cả năm sinh năm mất của Hồ Xuân Hương vẫn còn là mối hồ nghi. Trong bài viết “Trở lại vấn đề Hồ Xuân Hương” (Tạp chí Văn học ngày 17/6/1964), Trần Thanh Mại dựa vào năm sinh năm mất của Hồ Sĩ Danh (1906-1983) để phỏng đoán năm sinh Hồ Xuân Hương là vào khoảng 1755-1760 và năm mất có thể là trước năm 1842 do căn cứ vào tập thơ “ Thương Sơn” của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm sáng tác năm 1842 khi hộ giá Thiệu Trị ra Bắc, khi đi ngang qua mộ Xuân Hương có viết bài thơ “ Long Biên trúc chi từ thập tứ thủ” trong đó có hai câu nhắc đến Xuân Hương: Mạc hướng Xuân Hương phần thượng quá Tuyền đài do hận thác khiên ti. ( Tạm dịch: Chớ đi qua bên trên phần mộ của nàng Xuân Hương Dưới suối vàng nàng còn ôm mối hận vì rút nhầm tơ đấy ) Như vậy, dù còn nhiều nghi vấn quanh cuộc đời Hồ Xuân Hương nhưng ít ra người đời vẫn có thề khẳng định chắc chắn có một nàng Xuân Hương giỏi thơ, hay chữ trong thực tế sống vào khoảng cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX. 1.2.1.2. Thời đại Thời Hồ Xuân Hương sống, xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX, nhà nước phong kiến bước sang giai đoạn suy tàn, chính sách chuyên chế càng nghiệt ngã, cuộc sống con người càng bị bóp nghẹt cả về vật chất ( chiến tranh phi nghĩa tranh giành quyền vị giữa các tập đoàn phong kiến, nỗi khổ của nhân dân) lẫn tinh thần (phủ nhận con người cá nhân, tước đoạt quyền sống hạnh phúc của con người: tự do yêu đương, tự do trong hôn nhân, quan niệm hôn nhân “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, vấn đề yêu đương nam nữ, tình cảm đôi lứa, con người bản năng tự nhiên, đề tài tính dục bị xem là xấu xa, cấm kị). Nhưng xã hội phong kiến cũng bộc lộ bộ mặt giả dối, phi nhân tính: trai năm thê bảy thiếp, vua chúa có tam cung lục viện, hàng trăm cung tần mĩ nữ phục dịch, bọn quan lại sống hoang dâm, sa đoạ… Bản chất của xã hội phong kiến thối nát mục ruỗng không qua đuợc cái nhìn sắc sảo, nghiêm khắc của nhân dân, nhiều phong trào nông dân nổi dậy, đỉnh cao là phong trào Tây Sơn như mở đường cho một tinh thần mới, một triết lí mới của thời đại: dân chủ - bình đẳng, triết lý vì con người. Tinh thần ấy đã đi vào văn học làm nên nền văn học giàu giá trị nhân văn mang màu sắc của dân gian, của cuộc đời. Tinh thần ấy thể hiện trong nhiều lĩnh vực: phong trào nông dân, văn hóa dân gian giai đoạn này phát triển mạnh mẽ, nhiều giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc được phục hưng. Làm tiền đề cho văn học vì con người, nói lên tiếng nói đòi quyền sống cho con người vút cao. Và “hiện tượng nói tục, nói dâm cũng là một hình thái của sự quật khởi như vậy trong văn học dân gian”. Trong văn học chính thống xuất hiện nhiều tác phẩm mang màu sắc tính dục, thơ Nôm Hồ Xuân Hương là ví dụ. Từ nội dung tìm hiểu trên, ta có thể rút ra vài điểm chính trong cuộc đời và thời đại đã có ảnh hưởng đến sáng tác của Hồ Xuân Hương: xuất thân trong gia đình nho học, cha mất sớm, mẹ là thiếp, cuộc đời riêng lại lận đận tình duyên nên bà cũng nhiều nếm trải, thấu hiểu những vui buồn của cuộc đời, nhất là mối đồng cảm sâu sắc với người phụ nữ không có hạnh phúc trọn vẹn. Vì thế, việc đấu tranh hay mưu cầu hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình dường như là nguồn cảm hứng sáng tạo dồi dào nhất trong thơ bà. Dù viết về số phận của mình hay của người khác thì Hồ Xuân Hương đều bộc lộ thái độ hết sức chân thành, tình cảm vô cùng tha thiết và một đòi hỏi quyết liệt. Mặt khác Xuân Hương có tính tình phóng khoáng, cá tính mạnh mẽ, đi nhiều, biết rộng, kết thân với nhiều bạn thơ trong đó có Nguyễn Du, Chiêu Hổ …lại sống gần gũi với nhân dân, hiểu rõ cuộc sống nơi đất kinh kỳ lẫn chốn làng quê dân dã, bà dễ dàng hấp thụ lời ăn tiếng nói dân gian và tinh thần Phục hưng của thời đại; nên thơ bà là tiếng nói mạnh mẽ nhất đại diện cho sự thức tỉnh của con người cá nhân đòi quyền sống chính đáng, trong đó có quyền được hạnh phúc trong hôn nhân, quyền tự do luyến ái. Với tiếng thơ độc đáo, táo bạo trong cách dùng từ ngữ hình ảnh, phá vỡ nhiều quy phạm của thơ cổ điển, bà xứng đáng được tôn vinh là “ Bà Chúa thơ Nôm” ( Xuân Diệu) . 1.2.2. Sự nghiệp thơ ca 1.2.2.1. Tác phẩm Về thơ văn của Hồ Xuân Hương, trong tài liệu đã nêu trên, Nguyễn Hữu Sơn – Vũ Thanh có thống kê những công trình văn bản học tiêu biểu nhất về thơ Xuân Hương như sau: * Văn bản chữ Nôm và in kèm chữ quốc ngữ: - Theo Đào Thái Tôn, hiện ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn 18 cuốn sách có chép thơ Nôm Hồ Xuân Hương và 3 văn bản khắc ván chữ Nôm - có kèm phiên âm ra chữ quốc ngữ. - Theo khảo tả của Hoàng Xuân Hãn, phần thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương được tập hợp trong Xuân Hương thi gồm Phần A (13 bài), Phần B (18 bài), Phần C (46 bài, góp làm 40 tiểu mục), cộng chung 77 bài. ._.ặt. Tiếng cười ở đây thật gần với tiếng cười dân gian trong câu đố tục giảng thanh, đố thanh giảng tục. Là nhà thơ trân trọng hạnh phúc, khao khát tình yêu nên nữ sĩ thấy chướng tai gai mắt trước đối tượng Quan thị chọn lối sống trái tự nhiên, diệt dục để chịu cảnh sống vô hồn, vô cảm mất hết ý nghĩa tồn tại của con người. Giọng thơ không đồng tình nhưng cũng thấu hiểu cảm thông: Mười hai bà mụ ghét chi nhau, Đem cái xuân tình vứt ở đâu? …………………………….. Đã thế thì thôi, thôi mặc thế, Trăm năm càng khỏi tiếng nương dâu. (Quan thị ) Kẻ đáng kính bị hạ bệ còn nơi tôn nghiêm cũng bị điểm mặt. Xuân Hương không tha cho những kẻ buôn thần bán thánh lấy chốn trang nghiêm làm điều xằng bậy, bởi điều đó đồng nghĩa với việc họ đã chà đạp lên niềm tin, tín ngưỡng của nhân dân. Viết về đối tượng này, nữ sĩ không ngăn được giọng bất bình, không giấu được thái độ ghét cay ghét đắng bọn sư hổ mang qua nghệ thuật nói lái, dùng tiếng chửi dân gian -…Buồm từ cũng muốn về Tây Trúc, Trái gió cho nên phải lộn lèo ( Cái kiếp tu hành ) -…Cha kiếp đường tu sao lắt léo, Cảnh buồn thêm ngán nợ tình đeo! ( Chùa Quán Sứ ) Giọng điệu bất bình phản kháng trong thơ Hồ Xuân Hương (trong đó có bất bình về quyền sống hạnh phúc, tình yêu không được xã hội trân trọng) cũng là giọng điệu chủ đạo trong văn học giai đoạn thế kỉ XVIII – giữa thế kỉ XIX đánh dấu sự trỗi dậy của tinh thần Phục hưng của thời đại và tiếng nói dân chủ của con người trong xã hội phong kiến thối nát đang trên đường giãy chết. Nó khác về mức độ và sắc thái so với văn học hiện đại. Về mức độ, trong văn học hiện đại hầu như vắng bóng giọng điệu bất bình phản kháng về đề tài giới tính, tính dục; về sắc thái biểu hiện nếu có thì đó là giọng điệu không rõ tính chất đối kháng với xã hội, với hoàn cảnh mà đó là sự mâu thuẫn giữa cá nhân với thế thái nhân tình, với qui luật tồn vong của con người: một cái tôi ham sống yêu đời vô tận đối lập với đời người hữu hạn, một trái tim đa cảm, đa tình, đa mang nhưng gặp phải thói đời vô tình hờ hững, đen bạc…Văn học hiện đại (nhất là sáng tác của các nhà Thơ mới: Xuân Diệu, Bích Khê) luôn lấy “cái tôi nội cảm” của mình làm thước đo cho muôn vật. Vì thế nó có phạm vi hẹp trong một trào lưu ,một đối tượng (ví dụ nỗi buồn trong thơ mới là nỗi buồn của một lớp trí thức yêu nước nhưng bế tắc tìm đến thiên nhiên, tình yêu như cứu cánh để thoát ly hiện thực….). Còn giọng điệu bất bình trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương và các tác giả cùng thời lại tiếp nối tinh thần dân chủ, tính chiến đấu trong văn học dân gian: mượn tiếng cười để mỉa mai những hiện tượng, đối tượng đáng cười, để châm biếm đấu tranh với những thói hư tật xấu nhằm hướng tới xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn nên đó là tiếng cười tái sinh, tiếng cười có ý nghĩa xây dựng tích cực, là động lực thúc đẩy xã hội phát triển.  Tiểu kết: Viết về vấn đề tính dục là việc khó đối với người cầm bút. Khó bởi đấy vốn là vùng đất cấm kị, người viết luôn chịu tác động bởi phản ứng, áp lực từ dư luận xã hội; khó vì đây còn là vùng đất hoang ít người cày xới nên việc định hình một chuẩn mực, một hướng đi vẫn còn bỏ ngõ; khó còn là vì tính dục là chuyện buồng kín, phòng the, giờ phơi bày lên mặt giấy thì viết sao cho không rơi vào thô thiển, dung tục, sỗ sàng quả không phải là dễ. Đó thực sự là thử thách đối với người cầm bút. Nhưng bao giờ cái khó cũng vừa là thử thách vừa mang đến cho ta cơ hội. Các tác giả mà chúng tôi tuyển chọn trong phạm vi nghiên cứu của luận văn đã chứng tỏ: với những tài năng lớn, thử thách luôn là cơ hội để họ ghi một dấu ấn trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của mình, thậm chí họ còn khai phá cả một con đường khi lựa chọn tính dục như là một yếu tố nghệ thuật đắc dụng giúp họ biểu đạt những quan niệm mới. Mỗi tác phẩm một vẻ, mỗi nhà thơ một phong cách, nhưng họ đều góp phần đưa văn học có đề cập đến yếu tố tính dục vượt khỏi cái bản năng thô sơ vươn đến cái thẩm mĩ trong nghệ thuật, chất nhân văn trong nội dung. Trong quá trình tìm hiểu tư liệu để viết luận văn, chúng tôi thích thú vô cùng khi đọc và giải những câu đố lý thú, những bài ca dao trữ tình có đề cập đến yếu tố tính dục vẫn còn nguyên chất mộc mạc của cuộc sống và vẻ tươi tắn, hồn nhiên trong tâm hồn người bình dân. Tác giả dân gian đã khéo léo vận dụng thể thơ lục bát quen thuộc, tiếng nói đời sống sinh động để bộc lộ tiếng yêu thương da diết, khát vọng hạnh phúc thiết tha của mình. Gấp quyển sách lại, kết thúc bài viết, chúng tôi vẫn như nghe đâu đó tiếng đồng vọng thiết tha của tình yêu và khát vọng vang lên sau luỹ tre làng, mênh mông trên những cánh đồng và trải dài theo những con sông trên khắp mọi nẻo đường quê, cuối cùng đọng lại thiết tha trong lòng người. Tình yêu mang màu sắc tính dục được đề cập đến trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương và văn học trung đại lại mang đến cho người đọc một khoái cảm thẩm mĩ mới. Nó ví như một đoá hoa hàm tiếu còn e ấp mà đã dậy hương thơm gợi mời sự khám phá và đón nhận nơi người đọc. Chịu ảnh hưởng của tinh thần dân chủ của thời đại, phong trào phục hưng trong dân gian, văn học trung đại với sự thức tỉnh của ý thức cá nhân đã dấy lên cả một trào lưu văn học mang tiếng nói khát khao đòi giải phóng con người, đòi quyền sống cho con người trong đó có quyền hạnh phúc. Chưa bao giờ những áng thơ tình xuất hiện trên thi đàn văn học nhiều và đặc sắc như thế. Một Đặng Trần Côn, Nguyễn Gia Thiều với thể ngâm khúc diễm lệ, ngôn từ bóng bẩy hoa mĩ, giọng điệu đắm say đã nói thay người phụ nữ nỗi oan trái và đánh thức nơi họ những khát khao tình yêu đầy bản năng mà vẫn tinh tế, không chút sống sượng. Đại thi hào Nguyễn Du tìm về dân tộc trong thể thơ dân gian lục bát để làm nên Truyện Kiều bất hủ. Tưởng chừng khó có thể dung hoà những đề tài lớn, những tư tưởng cao sâu, những biến động dữ dội và trên hết là những tiếng tâm tình bi thiết mà tinh vi nhất của thế giới nội tâm con người vào thể thơ dân gian mộc mạc. Ấy vậy mà Nguyễn Du đã thành công! Điều đó vừa chứng minh tầm vóc lớn của một thiên tài - Nguyễn Du vừa giúp người đọc khám phá ra chất ngọc, mỏ vàng vẫn còn tiềm ẩn trong thể thơ dân gian và những chất liệu quý trong nền văn hoá dân tộc. Xuân Hương lại là một khám phá bất ngờ khác. Trái với Nguyễn Du tìm về hình thức thể hiện quen thuộc của dân gian, Xuân Hương vẫn sử dụng thể thơ tứ tuyệt, thất ngôn luật Đường phổ biến trong xã hội đương thời nhưng bằng sự thông mính và sáng tạo nữ sĩ đã cách tân, Việt hoá thể thơ bác học này để nó có thể chứa được bên trong cái hồn cốt, tư tưởng thuần Việt. Với công lao ấy, nhà phê bình Lại Nguyên Ân đã không quá lời khi khẳng định: “Trong số những tác giả lớn của văn học đương thời, Hồ Xuân Hương dân chủ nhất. Bà cũng khác hẳn và mạnh mẽ hơn hẳn các tác giả khuyết danh đã tạo ra cả một loại truyện Nôm; nếu như họ đã dân tộc hoá những quy phạm của đạo lý phong kiến, đại chúng hoá những mẫu mực của văn chương bác học thì Xuân Hương làm theo hướng ngược lại với họ, bà đem vào văn học cả tinh thần, thế giới quan của văn học dân gian lẫn những phương tiện ngôn ngữ đặc thù của nó”. [: 538]. Nghĩa là không chỉ Việt hoá nội dung mà ngòi bút Xuân Hương còn buộc thể thơ Đường luật bác học ấy phải lột xác để chứa cho khớp cái tinh thần Việt ấy. Quả là một hiện tượng độc đáo vô song; chưa kể đến những biệt tài khác của nữ sĩ trong việc kế thừa và sáng tạo thi liệu văn học dân gian. Chính nhờ khả năng đặc biệt đó mà thơ Nôm mang màu sắc tính dục của Xuân Hương bao thế kỷ qua vẫn sống và luôn tạo thành hiện tượng tranh luận, là nguồn cảm hứng khám phá, là đề tài nghiên cứu của bao thế hệ. Tiếp nối những thành tựu của thế hệ trước, đoá hoa tình yêu hàm tiếu đã mãn khai rực rỡ dưới ngòi bút của các nhà thơ hiện đại. Thơ ca hiện đại viết về tình yêu có đề cập đến yếu tố tính dục lại tiếp tục hành trình cách tân nghệ thuật đưa thơ ca Việt Nam nói chung, thơ ca có yếu tố tính dục nói riêng, ngày càng phát triển, rút ngắn khoảng cách với thơ ca hện đại thế giới. KẾT LUẬN Xuất hiện đề tài tính dục trong văn chương là dấu hiệu sự thức tỉnh của con người cá nhân. Theo dòng lịch sử “cái tôi” cá nhân ấy cũng có sự phát triển. Khởi đầu “cái tôi” ấy phôi thai trong lòng đại chúng, phát triển tự nhiên, hồn nhiên trong môi trường văn hóa dân gian như là một cách lý giải tự nhiên mang màu sắc tín ngưỡng . Đến giai đoạn trung đại, “cái tôi” cá nhân ấy thức tỉnh giữa xã hội phong kiến đang trên đường suy tàn, và “cái tôi” ấy ngày càng lớn mạnh khi đón nhận luồng gió hiện đại của những tư tưởng dân chủ từ phương Tây thổi vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX . Không thể phủ nhận những đóng góp lớn lao của văn học viết về đề tài tính dục vì nó đã góp phần thay đồi quan niệm nghệ thuật về con người: từ con người vô ngã đến con người cá nhân tự ý thức giá trị bản thân , khẳng định nhu cầu sống tự nhiên, trọn vẹn. Đó là khát vọng muôn đời của con người. Vì thế văn học viết về vấn đề tính dục giàu giá trị nhân văn. Vấn đề tính dục trong văn học qua những tác phẩm tìm hiểu trong luận văn ít nhiều góp phần làm phong phú đa dạng bộ phận văn học Việt viết về đề tài tình yêu, thay đổi cái nhìn của không ít người do định kiến khắt khe với vấn đề khá nhạy cảm này nên thường có cái nhìn phiến diện, đánh giá chưa chính xác, mặt khác bài viết cũng góp một tiếng nói để khẳng định giá trị của những trang thơ Nôm giàu sức sống làm nên tên tuổi Hồ Xuân Hương. Do ảnh hưởng thời đại, cuộc đời riêng, phong cách sáng tác …mà mỗi nhà thơ đều có những đóng góp riêng, những nét riêng trong nội dung và cách thể hiện khi viết về vấn đề tính dục. Qua tìm hiểu chúng tôi rút ra được một số kết luận thú vị: Các tác giả thuộc nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau nhưng trong cảm thức về tình yêu, một chủ đề muôn thuở, thơ họ vẫn có những điểm tương đồng.Trước hết thơ họ viết về vấn đề tính dục đều thể hiện một quan niệm nhân sinh mới về con người. Tiếp nối chủ nghĩa nhân văn trong những giai đoạn trước: văn học ca ngợi con người với vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách, trí tuệ, kết tinh phẩm chất của cộng đồng, dân tộc; những tác phẩm văn học có yếu tố tính dục mà chúng tôi giới hạn tìm hiểu trong luận văn đã bổ sung quan niệm mới về con người khi đưa vào văn học hình tượng con người cá nhân với nhân vật trung tâm là người phụ nữ - biểu tượng mới của cái đẹp, tình yêu, tuổi trẻ, biểu tượng cho khát vọng sống và quyền hạnh phúc của con người. Giờ đây văn học không chỉ đề cao con người lí tưởng, đạo đức gắn với trách nhiệm, cống hiến và hi sinh, mà văn học còn khẳng định con người cá nhân với quyền được sống, được yêu thương và mưu cầu hạnh phúc, trong đó bao gồm cả hạnh phúc về mặt tinh thần lẫn vật chất, thể xác, bản năng…. Hành trình sống của con người là hành trình đi tìm hạnh phúc trong đó có hạnh phúc tình yêu. Khao khát tình yêu gắn với khao khát nhục cảm ái ân là khát vọng có thật của con người được phản ánh trong văn học dưới hình thức những yếu tố tính dục. Dưới góc độ so sánh, ta có thể thấy vấn đề tính dục trong văn học có sự phát triển như một dòng chảy liên tục, có sự kế thừa và cách tân nhưng tất cả đều bắt nguồn từ cội rễ văn học dân gian kế thừa ở giai đoạn văn học trung đại và nối tiếp mạnh mẽ ở văn học hiện đại. Cả ba bộ phận văn học dân gian, trung đại và hiện đại viết về vấn đề tính dục đều lấy hình tượng người phụ nữ vừa là đối tượng phản ánh vừa là nguồn cảm hứng sáng tạo. Người phụ nữ hiện lên trong văn học với nhiều vẻ đẹp khác nhau: mộc mạc trong ca dao, tươi tắn trong thơ Hồ Xuân Hương, quyến rũ trong thơ trung đại và tràn trề nhựa sống trong thơ hiện đại. Đặc biệt cả ba bộ phận văn học trên đều tìm thấy ở vẻ đẹp hình thể người phụ nữ nguồn sống, nguồn yêu, nguồn hoan lạc. Người phụ nữ xuất hiện trong những tác phẩm tìm hiểu trên đều đẹp, từ góc nhìn tổng thể đến từng bộ phận cơ thể đều thức dậy dục tình, đánh thức những khát khao bản năng rất đời thường của con người. Trước vẻ đẹp đó con người vứt bỏ lớp áo đạo đức ngụy trang trở về với đúng bản ngã hồn nhiên của mình. Qua hình tượng người phụ nữ gắn với đề tài tính dục ta tìm thấy sự tương đồng trong cách nghĩ cách cảm của Hồ Xuân Hương với văn học dân gian gắn với triết lý phồn thực mật thiết hơn so với văn học trung đại và văn học hiện đại. Văn học trung đại mượn tiếng nói đòi quyền sống hạnh phúc cho con người nhất là người phụ nữ để gián tiếp chống lại lễ giáo phong kiến nhưng do nhà thơ đa số là những trí thức phong kiến bị trói buộc bởi ý thức hệ giai cấp mình nên trong sáng tác vấn đề tính dục nếu có đề cập cũng bóng gió xa xôi, mang tính ước lệ. Trái lại, văn học hiện đại do tư tưởng tự do dân chủ nên các nhà thơ không chút e dè khi công khai, trực tiếp để người phụ nữ trong thơ mình vượt lễ giáo, định kiến tự do đuổi theo khát vọng tình yêu. Đó là thứ tình yêu mang đậm triết lí hưởng thụ, tình yêu là sự gắn bó hòa hợp cả thể xác lẫn tâm hồn, tan biến vào nhau đến vô biên tuyệt đích, yêu là tận hưởng, tận hiến. Với quan niệm đó những tác phẩm viết về đề tài tính dục cũng trở nên khá táo bạo: đề cập nhiều đến các bộ phận nhạy cảm (sinh thực khí), mô tả trực tiếp đôi lúc khá thô và trần trụi các hoạt động tính giao. Đặc biệt các nhà thơ hiện đại với cái tôi cá nhân mạnh mẽ không ngần ngại kiêng dè khi bộc lộ đích danh cái tôi cá nhân – chủ thể trữ tình trong thơ. Họ không che dấu những khát vọng bản năng, họ ca tụng tình yêu, bản năng và thân xác và họ dũng cảm đi tìm hạnh phúc nơi thiên đường trần thế. Vấn đề tính dục trong thơ hiện đại được thể hiện nhiều về số lượng và đa dạng, phong phú về nội dung. Nhưng do dấu ấn cái tôi cá nhân khá đậm nét nên vấn đề tính dục trong thơ hiện đại còn mang tính cá thể. Hồ Xuân Hương lại khác, thơ Nôm của nữ sĩ hài hòa giữa tiếng lòng riêng và tiếng nói thân phận chung của người phụ nữ nên vấn đề tính dục trong thơ nữ sĩ không phải là ẩn ức cá nhân mà là khát vọng chính đáng của con người. Bà đã nói đúng, nói thay cái điều mà lẽ ra là quyền sống của con người nhưng trong xã hội phong kiến lễ giáo nó bị cấm kị, kiêng dè. Rõ là thơ Nôm Xuân Hương đã nhân đạo và tiến bộ hơn thời đại bà sống để vượt không gian thời gian tìm thấy sự tri âm tương giao trong tư tưởng với các nhà thơ hiện đại thế kỉ XX. Vấn đề tính dục trong thơ Hồ Xuân Hương do đó vừa mang tính khái quát, đại chúng vừa giàu giá trị nhân văn khi dám lên tiếng đấu tranh cho quyền sống chính đáng của con người. Vấn đề tính dục phản ánh trong ba bộ phận văn học kể trên còn xác lập cho văn học một quan niệm thẩm mĩ mới: con người tuổi trẻ, tình yêu là cái đẹp, nhưng cái đẹp đó phải được thức dậy, được sống động ở nhục thể, ở da thịt, ở ân ái. Họ thay cái nhìn e dè vốn có trong tư tưởng con người phương Đông bằng cái nhìn trực diện về xác thịt, tính dục. Và ở điểm này, các nhà thơ hiện đại tìm thấy ở Hồ Xuân Hương sự đồng điệu trong quan niệm thơ tính dục. Trước hết là cái nhìn thiên nhiên được miêu tả luôn mang màu sắc tính dục, thiên nhiên mang bóng dáng con người biết tìm đến nhau để giao hòa, giao tình. Sau nữa, các nhà thơ đã làm đổi mới một quan niệm truyền thống: Thơ xưa (thơ trung đại) lấy thiên nhiên làm thước đo vẻ đẹp của con người thì thơ nay ( thơ hiện đại) lấy con người làm chuẩn mực để đo vẻ đẹp của tự nhiên. Thật lạ thơ Nôm Hồ Xuân Hương như nhịp cầu nối hai bờ hiện đại – trung đại, trở về hồi sinh trong văn học dân gian khi thiên nhiên trong thơ nữ sĩ hài hòa cả hai quan niệm trên. Mặt khác, với cá tính độc đáo, tài năng lạ thường, nữ sĩ đã không lặp lại văn học dân gian, thơ bà cũng không phải là trung bình cộng các giá trị của hai bộ phận văn học trung đại và hiện đại mà những bài thơ Xuân Hương viết về con người thực sự là những khám phá mới lạ, toàn diện và nhân bản nhất về con người. Thơ Nôm Hồ Xuân Hương thực sự là bài ca tin yêu nhân hậu nhất viết về con người – con người đúng nghĩa trần thế nhất: cao thượng và bình thường, tâm hồn và vật chất, lí tưởng và bản năng, hạnh phúc và khổ đau, ước mơ và bi kịch…, Ngòi bút Xuân Hương chứa chan tình: ca ngợi người phụ nữ đầy yêu thương, đề cao khát vọng tình yêu đôi lứa rất trần thế, viết về nhu cầu hạnh phúc ái ân vô cùng chân thành…những đề tài, cảm hứng quen thuộc, những khao khát muôn đời của con người vào thơ nữ sĩ bỗng có hồn, có tình, khác thường và xúc động khôn tả, bởi nữ sĩ đã sống và viết bằng tất cả ước mơ, khát khao, hi vọng, đau khổ của bản thân của giới nữ và của cả nhân loại. Về nghệ thuật, từ cách nói nôm na, bình dị bằng thứ ngôn ngữ bình dân, đại chúng trong văn học dân gian, đến văn học trung đại thì đề tài tính dục trở nên sâu sắc hơn, sục sôi khát khao dù được bọc trong lớp vỏ nghệ thuật bóng bẩy hoa mỹ để có thể tồn tại trong lòng xã hội phong kiến nhiều trói buộc. Và đến giai đoạn văn học hiện đại, đề tài tính dục đã trở nên phổ biến, trần trụi, hiện thực hơn với nhiều cách tân nghệ thuật làm giàu cho nền văn học nước nhà. Cách thể hiện đề tài tính dục trong dân gian bộc trực hồn nhiên, đến Xuân Hương lại nhẹ nhàng thâm thúy, sâu sắc, đề cập đến những khao khát của con người ở chiều sâu chứ không dừng ở khoái cảm, cảm xúc sinh lý nên thật độc đáo. Cách nói, cách nghĩ và phương tiện biểu đạt trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương vừa gần gũi với văn hoá dân gian vừa mang dấu ấn sáng tạo riêng nên thơ Nôm Hồ Xuân Hương đã vượt qua giới hạn tiếng nói cá nhân mà trở thành tiếng nói, khát vọng của con người nói chung nên nó có sưc sống thật kì diệu. Hồ Xuân Hương tiếp thu cái đẹp tự nhiên, chân chất của ca dao, hình thức ngắn gọn, kiệm lời, của tục ngữ, tiếng cười bình dân mà trí tuệ của câu đố để làm giàu và đem lại sức sống mới cho thơ Nôm đường luật; Việt hóa, dân gian hóa thể thơ Nôm Đường luật. Nữ sĩ tiếp thu văn học dân gian nhưng không lặp lại, rập khuôn. Bà tiếp thu những cái hay nét đẹp, cái đúng, bà không phủ định dân gian mà góp phần làm cho kho tàng văn học dân gian ngày càng phong phú. Thơ Hồ Xuân Hương là sự hài hoà giữa nội dung và nghệ thuật: một hình thức thuần tuý Việt Nam chứa một tâm hồn, lối sống, cách nghĩ cũng rất Việt Nam. Nữ sĩ dù mượn thơ để vịnh cảnh, tự tình để đứng về phía người phụ nữ xót thương đồng cảm, chống lễ giáo, phong kiến hay lên tiếng đòi quyền sống hạnh phúc trần thế cho con người…Dù ở nội dung nào nó cũng ánh lên vẻ đẹp nhân văn rất gần với chủ nghĩa nhân đạo của dân tộc. Đồng thời ở thơ bà ta còn thấy dấu hiệu của sự cách tân trong nội dung tư tưởng về tính dân chủ, tính cá thể hóa tạo nên bước tiến vượt thời đại, có lẽ vì thế mà ta thường bắt gặp lại hình ảnh Xuân Hương trong sáng tác của một số nhà thơ hiện đại. Có thể nói Xuân Hương đứng trên truyền thống mà hướng về tương lai. Chính điều đó khiến Xuân Hương chiếm vị trí quan trọng trên thi đàn văn học và tồn tại lâu dài trong lòng bạn đọc muôn thế hệ. Điều đó làm nên sức sống kì diệu cho thơ Nôm của bà. Như trên đã đề cập, giá trị lớn nhất mà luận văn đem lại cho chúng tôi là qua so sánh chúng tôi nhận thấy có sự giao thoa, học tập kế thừa và cách tân trong văn học viết về vấn đề tính dục ở các bộ phận văn học: dân gian, trung đại, hiện đại, qua những giai đoạn lịch sử trong những quá trình văn học khác nhau. Dù chọn cách nói trực tiếp hay gián tiếp, dù tuân theo truyền thống hay đổi mới cách tân, dù nghệ thuật thể hiện vấn đề này có đa dạng phong phú đến đâu thì điểm gặp nhau duy nhất ở những bộ phận văn học viết về đề tài tính dục là hướng đến mục đích đấu tranh cho quyền sống chính đáng, đẹp đẽ, hồn nhiên và bản năng nhất của con người. Đó cũng chính là gía trị nhân văn của văn học viết về đề tài tính dục nói chung và thơ Nôm Hồ Xuân Hương nói riêng. Mặt khác, chúng tôi còn rút ra qui luật trong sáng tạo nghệ thuật: những tác phẩm nào bắt rễ trong mạch nguồn văn hóa dân tộc cùng với cá tính và tài năng sáng tạo độc đáo tạo nên phong cách riêng thì nhất định sẽ luôn mới, luôn đúng, luôn sống bất chấp mọi thời đại. Cuối cùng, sự gặp gỡ giữa các tác giả viết về đề tài tính dục là một minh chứng hùng hồn cho sự phổ biến và tất yếu của những quan điểm, khát khao đi tìm sự tự do trong việc giải phóng và thoả mãn những khát khao chân chính và đậm tính nhân văn về bản năng tự nhiên của nhân loại trên con đường tiến hoá của lịch sử. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. M. Bahktin ( Lê Sơn -dịch), Sáng tác của Francois Rabelais và nền văn hóa dân gian Trung cổ và Phục hưng, tài liệu photo. 2. M. Bakhtin ( Phạm Vĩnh Cư, tuyển chọn, dịch và giới thiệu), (1992), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Bộ Văn hóa thông tin và thể thao, trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội, 1992. 3. Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, Chinh phụ ngâm khúc, Nxb Đồng Nai, 2001. 4. Nhật Chiêu (2001), Văn học Nhật Bản từ khởi thuỷ đến 1868, Nxb Giáo dục, tr.122. 5. Nguyễn Văn Dân (1995), Những vấn đề lý luận của văn học so sánh, Nxb KHXH, HN 6. Nguyễn Văn Dân (2007), Từ điển Thần thoại Hy Lạp – La Mã, Nxb Từ điển Bách Khoa. 7. Nguyễn Văn Dân ( 1998), Lý luận văn học so sánh, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.72. 8. Nguyễn Nghĩa Dân (tuyển chọn-giải thích) (2005), Tục ngữ các dân tộc Việt Nam về Giáo dục đạo đức, Nxb Giáo dục. 9. Chu Xuân Diên (2001), Về phương pháp so sánh trong nghiên cứu văn hoá dân gian, Nxb Giáo dục, tr.72. 10. Chu Xuân Diên (1999), Cơ sở văn hoá, ĐHQG, TP. HCM, tr.171,172. 11. Xuân Diệu (1987), Các nhà thơ cổ điển Việt Nam ( 2 tập ), Nxb Văn học, Hà Nội. 12. Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào (sưu tầm và biên soạn), (2008), Ca dao trữ tình Việt Nam, Nxb Văn học. 13. Lê Tiến Dũng (1998), Những cách tân nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu giai đoạn 1932 - 1945, Nxb Giáo dục. 14. Lê Tiến Dũng, Thơ Xuân Diệu giai đoạn 1932 – 1945, Cái nhìn nghệ thuật mới về thế giới con người, tạp chí Văn học số 9 – 1997. 15. Phan Cự Đệ ((chủ biên) (2004), Văn học Việt Nam thế kỷ XX, Nxb Giáo dục. 16. Hà Minh Đức ( 1987), “Giá trị nhân bản của phong trào thơ mới” trong Nhìn lại một cuộc cách mạng trong thi ca, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 17. Tản Đà, An Nam tạp chí, số 3-1933. 18. Trần Thanh Đạm, Giới tính và Văn nghệ, Báo SG-GP- số Chủ Nhật 31.10.1993. 19. Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Hữu Sơn, Vũ Thanh (tuyển chọn và giới thiệu) (1999), Nguyễn Du về tác giả tác phẩm, Nxb Giáo dục. 20. Nguyễn Đăng Điệp (2002), Giọng điệu trong thơ trữ tình, Nxb Văn học, Hà Nội. 21. Hà Huy Giáp (giới thiệu), Nguyễn Thạch Giang (Khảo đính, chú thích), Truyện Kiều của Nguyễn Du (Chú thích chú giải và tư liệu gốc ), Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2000. 22. Nguyễn Hữu Hào, Truyện Song Tinh, Nguyễn Thị Thanh Xuân khảo đính, phiên âm và chú thích (1984), Nxb Văn Nghệ, TP.HCM. 23. Dương Quảng Hàm (1930), Quốc văn trích diễm, Nxb Lê Văn Tân, Hà Nội. 24. Dương Quảng Hàm (1940), “ Hồ Xuân Hương”, Việt văn giáo khoa thư, Hà Nội, tr.387. 25. Dương Quảng Hàm ( 1942), Việt Nam văn học sử yếu, Học chánh Đông Dương, Hà Nội. 26. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) (2007), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, tr. 134. 27. Nguyễn Văn Hanh (1937), Hồ Xuân Hương tác phẩm thân thế và văn tài, J. Aspar, Sài Gòn, tr.111. 28. Khánh Hằng ( tuyển chọn ) (2005), Ca dao tục ngữ hay nhất, Nxb Thanh niên. 29. Lý Trạch Hậu (2002), Bốn bài giảng mỹ học, Trần Đình Sử, Lê Tẩm dịch, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội. 30. Trần Đình Hượu (Chủ biên) (1998), Văn học Việt Nam 1900 – 1945, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.172. 31. Trần Đình Hượu (1998), Nho giáo và văn học Trung cận đại Việt Nam, Nxb Giáo dục. 32. Kiều Thu Hoạch (2008), Thơ Nôm Hồ Xuân Hương, Nxb Văn học. 33. Hà Minh Đức ( Chủ biên ) (2007), lý luận văn học, Nxb Giáo dục, tr.185. 34. Châu Nhiên Khanh ( tuyển chọn) (2000), Tục ngữ Việt Nam, Nxb Đồng Nai 35. Vũ Ngọc Khánh (2007), Nghiên cứu văn hóa cổ truyền Việt Nam, Nxb Giáo dục. 36. Đinh Gia Khánh (1993), Văn hoá dân gian Việt Nam trong bối cảnh Văn hoá Đông Nam Á, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.172. 37. Đinh Gia Khánh (1976), Ca dao Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội. 38. Đinh Gia Khánh, Tục thờ mẫu và truyền thống văn hoá dân gian ở Việt Nam, Văn học, số 5, 1992. 39. Nguyễn Xuân Kính ( 1992 ), Thi pháp ca dao, Nxb Khoa học xã hội. 40. Bích Khê (1996), Tinh hoa, Nxb Hội nhà văn. 41. Lê Đình Kỵ ( 1988), Thơ với Xuân Diệu, Hoài Thanh, Chế Lan Viên, Nxb Cửu Long. 42. Nguyễn Quang Lê, Thử tìm hiểu mối quan hệ giữa lễ hội với các tín ngưỡng dân gian, VHDG, số 1, 1990. 43. Nguyễn Hiến Lê (1922), Kinh Dịch- đạo của người quân tử, Nxb Văn học, tr.112. 44. Nguyễn Lộc (1999), Văn học Việt nam nửa cuối thế kỷ XVIII – hết thế kỷ XX, Nxb Giáo dục, tr. 47, 63, 284, 460. 45. Nguyễn Lộc (1983), Thơ Hồ Xuân Hương, Nxb Văn học. 46. Vi Thùy Linh (1999), Khát, Nxb Hội nhà văn. 47. Vi Thùy Linh (2000), Linh, Nxb Thanh niên. 48. Vi Thùy Linh (2005), Đồng tử, Nxb Văn nghệ. 49. Vi Thùy Linh (2008), Vili in love, Nxb Văn nghệ, tr.120. 50. Phan Trọng Luận, Trương Dĩnh,Nguyễn Thanh Hùng, Trần Thế Phiệt (1999), Phương pháp dạy học văn, Nxb ĐH Quốc gia Hà Nội, tr.152. 51. Phương Lựu (2002), Từ văn học so sánh đến thi học so sánh, Nxb Văn học. 52. Trần Thanh Mại (1964), Bản “Lưu hương ký” và lai lịch phát hiện của nó, Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 11.1964. 53. Trần Thanh Mại, Phải chăng Hồ Xuân Hương còn là một nhà thơ chữ hán,Tạp chí Nghiên cứu văn học số 3-1963. 54. Trần Thanh Mại, Trở lại vấn đề Hồ Xuân Hương, tạp chí Văn học, số 10 – 1964. 55. Nguyễn Đăng Mạnh (1998), “Xuân Diệu và niềm khát khao giao cảm với đời” trong sách Luận đề Xuân Diệu, Nxb Trẻ. 56. Tôn Thảo Miên ( 2007), “Thơ thơ và gửi hương cho gió”, Tác phẩm và lời bình, Nxb Văn học, Hà Nội, tr 89. 57. Trần Quang Minh, Đinh Thị Khang (tuyển chọn và biên soạn), Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Nxb Giáo dục, 1999. 58. Vương Trí Nhàn, Văn học sex - chấp nhận để tìm cách đổi khác?, Nguồn Vietnamnet. 59. Bùi Mạnh Nhị (chủ biên) Hồ Quốc Hùng, Nguyễn Thị Ngọc Điệp (2000), Văn học Việt Nam Văn học dân gian những công trình nghiên cứu, Nxb Giáo dục. 60. Trần Đình Sử (1996), Lý luận, phê bình văn học, Nxb Hội nhà văn. 61. Nguyễn Hữu Sơn, Vũ Thanh ( tuyển chọn và giới thiệu) (2007), Hồ Xuân Hương về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục. 62. Văn Tân (2004), Văn học trào phúng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến ngày nay, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.115. 63. Văn Tân, Nguyễn Văn Đạm (1994), Từ điển tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội. 64. Quách Tấn (1971), Đời Bích Khê, Nxb Lửa Thiêng, Tr. 95. 65. Tuấn Thanh – Anh Vũ (tuyển chọn) (2005), Hồ Xuân Hương tác phẩm và lời bình, Nxb Văn học. 66. Thanh Thảo – Lại Nguyên Ân (tuyển chọn) (2005), Thơ Bích Khê tuyển tập, Nxb Hội Nhà văn Việt Nam – Hội Văn học – Nghệ thuật Quãng Ngãi. 67. Ngô Ngọc Thăng (tuyển chọn) (2008), Ca dao Việt Nam chọn lọc, Nxb Văn hóa - thông tin. 68. Lưu Khánh Thơ ( tuyển chọn) (1999), Xuân Diệu về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục. 69. Đỗ Lai Thúy ( 1999), Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực, Nxb Văn hóa thông tin, tr.51. 70. Đỗ Lai Thuý, Tín ngưỡng phồn thực - nhìn từ góc độ văn hoá, Nxb Văn hoá nghệ thuật, số 4, 1994 71. Trần Khải Thanh Thủy (2004), Băm sáu cái nõn nường, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội. 72. Nguyễn Đình Thi (1949), Mấy ý nghĩa về thơ (tiểu luận-phê bình), 73. Trần Nho Thìn (2008), Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hoá, Nxb Giáo dục, tr. 420, 427. 74. Nguyễn Gia Thiều, Cung oán ngâm khúc, Nxb Đồng Nai. 75. Hoàng Tiến Tựu (1992 ), Bình giảng ca dao, Nxb Giáo dục. 76. Trương Tửu (1940), Kinh thi Việt nam, Nxb Hàn Thuyên, Hà Nội. 77. Đào Thái Tôn. (1999), Hồ Xuân Hương: Tiểu sử văn bản – Tiến trình huyền thoại dân gian hóa, Nxb Nhà văn. 78. Đào Thái Tôn (1994), Thơ Hồ Xuân Hương (tuyển chọn và giới thiệu), Nxb Giáo dục, Hà Nội. 79. Lê Ngọc Trà (1990), Lí luận văn học, Nxb Trẻ, tr.76. 80. Lưu Đức Trung (1999), Văn học Ấn Độ, Nxb Giáo dục, tr 36, 37. 81. Nguyễn Văn Trung (1986), Câu đố Việt Nam, Nxb Tổng hợp TP. HCM. 82. Đoàn Thị Thu Vân (2007), Con người nhân văn trong thơ ca Việt Nam sơ kì trung đại, Nxb Giáo dục, tr.5. 83. Đông Vân ( Sưu tầm và biên soạn), (2005), Kho tàng báu truyền câu đố dân gian, Nxb Văn hóa dân tộc, Tr. 9, 87, 89. 84. Lê Trí Viễn, Lê Xuân Lít, Nguyễn Đức Quyền, (1987), Nghĩ về thơ Hồ Xuân Hương, SGD Nghĩa Bình. 85. Nguyễn Như Ý( Chủ biên ), (2007), Đại từ điển Tiếng Việt, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, tr. 1593. 86. Lê Thu Yến (2008), Sức hấp dẫn của thơ Nôm Hồ Xuân Hương, Nxb Văn học, tr.32,120,121. 87. Lê Thu Yến, Ám ảnh Tiền Đường, Tạp chí Tài hoa trẻ, số 327, ngày 4-8-2004. 88. Lê Thu Yến tuyển chọn (2008), Hồ Xuân Hương trong cảm hứng sáng tác người đời sau, Nxb Giáo dục. 89. Lê Thu Yến tuyển chọn (2001), Nguyễn Du và Truyện Kiều trong cảm hứng thơ người đời sau, Nxb Giáo dục.  Một số tạp chí, báo, giáo trình 90. Trần Đình Sử (1993), Giáo trình thi pháp học, ĐHSP. 91. Nguyễn Đức Bính (1962), Người Cổ Nguyệt, chuyện Xuân Hương, Tạp chí Văn nghệ số 10/1962. 92. Nguyễn Thị Thanh Hà (1998), Từ láy trong thơ Hồ Xuân Hương, Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 5. 93. Đỗ Đức Hiểu (1990), Thế giới thơ Nôm Hồ Xuân Hương, Tạp chí Văn học, số 5/1990. 94. Đặng Thanh Lê, Nguyễn Đức Dũng (1963), Góp thêm một tiếng nói trong việc đánh giá thơ Hồ Xuân Hương, Nghiên cứu văn học, số 3/1963. 95. Nguyễn Đăng Na (1991), Thơ Hồ Xuân hương với văn học dân gian, Tạp chí Văn học, số 2/1991. 96. Hồ Tuấn Niêm (1973), Chung quanh vấn đề về tiểu sử Hồ Xuân Hương, Tạp chí Lịch sử, số 152/1973. 97. Đỗ Lai Thuý (1998), Phong cách thơ Hồ Xuân Hương, Tạp chí Văn học, số 12/1998. 98. Đỗ Lai Thuý(1995) Tiếp cận thơ Hồ Xuân Hương từ nguyên lý hội hoá trang, Tạp chí văn hoá dân gian, số 3/1991. 99. Trương Xuân Tiếu (1999), Thành ngữ và tục ngữ tiếng Việt với thơ Nôm Đường luật của Hồ Xuân Hương, Tạp chí Văn hoá dân gian, số 1/1999. 100. Trần Tường (1974), Một số tư liệu mới tìm thấy về Hồ Xuân Hương, Tạp chí Văn học, số 3/1974. ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLA5185.pdf
Tài liệu liên quan