Vấn đề tiếp nhận văn xuôi tự lực văn đoàn

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ................ ................ HUỲNH THỊ HOA VẤN ĐỀ TIẾP NHẬN VĂN XUÔI TỰ LỰC VĂN ĐOÀN LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC Chuyên ngành : Lý luận văn học Mã số : 602232 Người hướng dẫn khoa học: TS. HUỲNH VĂN VÂN Thành Phố Hồ Chí Minh - 2006 Lời Cảm Ơn Tôi xin chân thành bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc tới Tiến sĩ Huỳnh Văn Vân, người đã tận tình hướng dẫn tôi trong quá trình nghiên cứu và hoàn

pdf128 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 2872 | Lượt tải: 1download
Tóm tắt tài liệu Vấn đề tiếp nhận văn xuôi tự lực văn đoàn, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
thành luận văn. Tôi xin chân thành cảm ơn sự nhiệt tình giảng dạy của các thầy cô giáo cũng như sự giúp đỡ, tạo điều kiện của khoa Khoa học và Sau đại học, Trường Đại Học Sư Phạm Thành Phố Hồ Chí Minh để tôi có thể hoàn thành khoá học, hoàn thành luận văn tốt nghiệp. Tôi cũng xin chân thành gửi những lời cảm ơn sâu sắc tới những người thân trong gia đình, bạn bè đã động viên giúp đỡ tôi vượt mọi khó khăn hoàn thành khoá học và luận văn. Tác giả luận văn Huỳnh Thị Hoa MỤC LỤC Trang MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1 NỘI DUNG ..................................................................................................... 10 CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ TIẾP NHẬN VĂN XUÔI TỰ LỰC VĂN ĐOÀN TRƯỚC 1945...................................................... 10 1.1. Sự ra đời và phát triển của Tự lực văn đoàn ...................................... 10 1.2. Vấn đề tiếp nhận văn xuôi Tự lực văn đoàn từ trước 1945 ............... 12 1.2.1. Các hướng tiếp nhận Tự lực văn đoàn giai đoạn trước 1945 ..................................................................................... 12 1.2.2. Tiền đề tiếp nhận Tự lực văn đoàn 25 CHƯƠNG 2: NHỮNG VẤN ĐỀ TIẾP NHẬN VĂN XUÔI TỰ LỰC VĂN ĐOÀN TỪ 1954-1986 .................................................... 36 2.1. Vấn đề tiếp nhận văn xuôi Tự lực văn đoàn ở miền Bắc 37 2.1.1. Các hướng tiếp nhận Tự lực văn đoàn ở miền Bắc từ 1954-1986 ........................................................................... 37 2.1.2. Tiền đề tiếp nhận Tự lực văn đoàn ở miền Bắc từ 1954-1986 .......................................................................... 55 2.2. Vấn đề tiếp nhận Tự lực văn đoàn ở miền Nam từ 1954 – 1986 .......................................................................................... 59 2.2.1. Các hướng tiếp nhận Tự lực văn đoàn ở miền Nam từ 1954-1986.......................................................................... 60 2.2.2. Những tiền đề tiếp nhận Tự lực văn đoàn ở miền Nam ............................................................................................ 73 CHƯƠNG 3: NHỮNG VẤN ĐỀ TIẾP NHẬN VĂN XUÔI TỰ LỰC VĂN ĐOÀN TỪ 1986 ĐẾN NAY........................................... 78 3.1. Các hướng tiếp nhận Tự lực văn đoàn ............................................... 79 3.1.1. Tự lực văn đoàn từ quan điểm lịch sử .......................................... 79 3.1.2. Tự lực văn đoàn từ quan điểm phương pháp sáng tác ................................................................................................... 84 3.1.3. Tự lực văn đoàn từ góc độ chức năng và tác dụng của nghệ thuật. .......................................................................... 90 3.1.4. Tự lực văn đoàn từ góc độ thể loại ............................................... 93 3.1.5. Tự lực văn đoàn từ góc độ thi pháp ............................................. 95 3.1.6. Tự lực văn đoàn từ góc độ thế giới vô thức, tâm linh ................................................................................... 111 3.1.7. Tự lực văn đoàn từ góc độ tinh thần dân tộc và tính nhân bản .................................................................................... 113 3.2. Tiền đề tiếp nhận Tự lực văn đoàn sau 1986 ................................... 116 3.2.1. Tình hình chính trị - xã hội, văn hóa - tư tưởng.......................... 116 3.2.2. Sự xuất hiện của một tầng lớp độc giả mới................................. 118 3.2.3. Tiền đề văn học và lí luận văn học cho sự tiếp nhận Tự lực văn đoàn ..................................................................... 119 KẾT LUẬN................................................................................................... 123 TÀI LIỆU THAM KHẢO............................................................................. 126 1 MỞ ĐẦU 1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI Không kể địa hạt báo chí, chỉ tính riêng trong lĩnh vực văn học, đặc biệt là ở thể loại tiểu thuyết, Tự lực văn đoàn đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của văn học thời kì hiện đại. Nói về văn học hiện đại 1930- 1945 không thể không nói đến Tự lực văn đoàn. Thế nhưng từ khi ra đời cho đến nay nó đã đón nhận những sự khen chê, những cách nhìn nhận, đánh giá khác nhau, có thể nói đã trải qua những bước thăng trầm. Ngay từ khi mới ra đời đã có những luồng ý kiến khen chê khác nhau, song chủ yếu được đánh giá khá cao. Rồi đã có thời gian dài, nhóm tác giả này và những tác phẩm của họ không được nhắc đến hoặc nhắc đến với thái độ phê phán "nghiêm túc đến khắt khe" và "không kém phần nghiệt ngã"[69, tr. 59]. Ngay cả từng tác giả nhận được sự tiếp nhận, đánh giá khác nhau, thậm chí trái ngược. Một số tác giả như Thạch Lam, Xuân Diệu, Thế Lữ…được khen ngợi còn Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo lại chưa được xem xét đúng mức. Cho đến những năm cuối thập niên tám mươi thế kỷ trước trở lại đây, tác phẩm của Tự lực văn đoàn được tái bản khá nhiều. Và cũng từ thời điểm đó, xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu mới, đem lại nhũng cách nhìn khác trước về văn đoàn này. Tiếp thu những thành tựu của lý thuyết tiếp nhận, chúng tôi chọn đề tài này với mong muốn góp phần dựng nên bức tranh toàn cảnh về sự tiếp nhận các sáng tác của Tự lực văn đoàn cũng như tìm hiểu và giải thích những nguyên nhân dẫn đến số phận thăng trầm của nó. Lí thuyết tiếp nhận ra đời đã đem đến một diện mạo mới cho lí luận và nghiên cứu văn hoc, phá vỡ sự độc quyền quá lâu của lối xem xét văn học chỉ quan tâm đến mối quan hệ tác giả - tác phẩm bằng cách bổ sung lối xem xét văn học lưu ý đến mối quan hệ tác phẩm - người đọc. Có mầm mống từ chủ nghĩa cấu trúc trường phái Prague, chủ nghĩa hình thức Nga những năm 10-20 của thế kỉ XX, từ xã hội học văn học vốn nghiên cứu tác động của văn học đến công chúng đọc, từ giải thích học dựa vào “triết học sự sống” của W. Dilthey và hiện tượng học của E. Husserl và tiếp theo là trong các công trình 2 của Ingarden, Felix Vodicka, H. J. Gadamer, nhưng phải đến những năm 60 của thế kỉ XX với trường phái Konstanz ở CHLB Đức, mĩ học tiếp nhận mới chính thức được công nhận. Đại diện tiêu biểu của trường phái này là H.R.Jauss. Ông đề cao vai trò của người tiếp nhận trong nghiên cứu văn học. Theo ông, tác phẩm văn học=văn bản + sự tiếp nhận của độc giả.Và lịch sử văn học cần phải được viết lại, nó phải là lịch sử của mối quan hệ giữa tác phẩm và người tiếp nhận. Jauss cũng đồng tình với việc tiếp cận giải thích học trong nghiên cứu văn học nhưng không phạm phải hạn chế của các nhà giải thích học, ông gắn quá trình lí giải tác phẩm không phải với sự tuỳ tiện tuyệt đối cũng không phải bằng sự phân tích cấu trúc bên trong của tác phẩm của người lí giải mà là với những khả năng khách quan của độc giả, được quy định bởi kinh nghiệm thẩm mỹ và tầm chờ đợi của anh ta. Tuy nhiên Jauss đã cực đoan khi đề cao quá mức vai trò của người tiếp nhận. Manfred Nauman, đại diện cho các nhà nghiên cứu macxit cũng xem “quan hệ tác phẩm - người đọc là một vấn đề cơ bản có ý nghĩa then chốt”[67, tr.140]. Tuy nhiên họ cho rằng tác phẩm là một đề án tiếp nhận (Rezeptionsvorgabe), là nhân tố hàng đầu, tính năng động của người đọc là một yếu tố cũng hết sức thiết yếu. Ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu cũng đã quan tâm đến tiếp nhận văn học trong hai mươi năm trở lại đây. Nguyễn Văn Hạnh, Hoàng Trinh, Huỳnh Văn Vân, Trần Đình Sử, Phương Lựu, Nguyễn Văn Dân... đều có bài viết về vấn đề này. Trần Đình Sử cho rằng tiếp nhận văn học là một lĩnh vực rộng lớn của lí luận văn học đang còn để ngỏ, và vô cùng quan trọng bởi tiếp nhận văn học có thể làm sáng tỏ "những vấn đề bản chất, đặc trưng, chức năng, cấu trúc giá trị của văn học mà lý luận từ phía sáng tác không giải thích được" [78, tr. 125]. Theo ông, có hai quan niệm tiếp nhận, là tri âm và kí thác. Quan niệm tri âm đòi hỏi người đọc tiếp nhận hết, hiểu hết những điều tác giả muốn nói trong tác phẩm bằng hình tượng. Nhưng yêu cầu này trong thực tế là quá khó, không thực hiện được. Lâu nay trong văn học, người đọc đi theo hướng đó và 3 thông thường là hiểu được phần nào tâm sự, nỗi lòng của tác giả. Còn trong quan niệm kí thác, người đọc có thể xem tác phẩm như phương tiện để thể hiện nỗi lòng, dụng tâm của mình. Ở đó người đọc có thể phát huy trí tưởng tượng, sự sáng tạo của mình để đem đến cho tác phẩm một ý nghĩa mới. Trong thực tế cách đọc này khá phổ biến. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu Việt Nam đã thấy được tầm quan trọng của lý thuyết tiếp nhận trong nghiên cứu văn học. Từ những lí do trên luận văn hướng đến các mục đích nghiên cứu sau: 1. Khái quát quá trình tiếp nhận văn xuôi Tự lực văn đoàn từ khi ra đời đến nay. 2. Tìm và đưa ra cách lí giải nguyên nhân vì sao có nhiều cách hiểu khác nhau về văn xuôi Tự lực văn đoàn qua từng thời kì từ mối quan hệ giữa tác phẩm và người đọc. Từ đó đưa ra cách hiểu tương đối thống nhất về tác phẩm Tự lực văn đoàn. 2. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU. 1.Hoạt động của Tự lực văn đoàn khá rộng gồm nhiều lĩnh vực: báo chí, sáng tác văn học. Báo chí cũng là một lĩnh vực khá thành công của nhóm này. Phạm Thế Ngũ từng nhận xét: “ngay ở địa hạt báo chí họ đã làm cho tờ báo nước nhà tiến bộ nhiều từ bài vở cho đến kỹ thuật”[70, tr. 560]. Tuy vậy, trong phạm vi của một luận văn, chúng tôi chỉ đề cập đến những sáng tác của họ. Ngay trong sáng tác của nhóm cũng gồm nhiều thể loại: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, tiểu luận. Mảng thơ cũng rất thành công với Xuân Diệu, Thế Lữ và thơ trào phúng của Tú Mỡ. Song, với tính chất phức tạp của đề tài về một nhóm nhiều thành viên mà sáng tác của họ bao gồm nhiều thể loại khác nhau như đã nói nên chúng tôi giới hạn phạm vi nghiên cứu của mình ở việc khảo sát vấn đề tiếp nhận văn xuôi Tự lực văn đoàn, cụ thể là truyện ngắn và tiểu thuyết. Vì thế, trong tám thành viên của Tự lực văn đoàn, chúng tôi chỉ bàn đến bảy thành viên, trừ Tú Mỡ. 2. Do chưa có điều kiện và với dung lượng có hạn của luận văn nên chúng tôi chỉ nghiên cứu tiếp nhận của các nhà nghiên cứu và phê bình. Luận 4 văn sẽ phân tích các kết quả tiếp nhận đó và đưa ra các giải thích về các động cơ, các cơ sở và nguyên nhân của chúng. Mảng tiếp nhận của sáng tác văn học cũng đã hé lộ, như ảnh hưởng của Thạch Lam đối với Bình Nguyên Lộc (truyện Lò chén chòm sao trong Nhốt gió) và Mai Thảo trong Giai đoạn chị Định( tập Tháng giêng cỏ non) nhưng chưa có căn cứ vững chắc cũng như mức độ ảnh hưởng chưa rộng rãi, sâu sắc nên chúng tôi không đề cập đến trong luận văn này. 3. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ. Tự lực văn đoàn được xem là một hiện tượng văn học thú vị và phức tạp. Vì thế những công trình nghiên cứu, đánh giá về Tự lực văn đoàn khá nhiều nhưng còn đề tài Vấn đề tiếp nhận văn xuôi Tự lực văn đoàn, cho đến nay chúng tôi nhận thấy chưa có công trình nào đề cập đến một cách đầy đủ. Tuy nhiên, trong những bài viết của mình có khá nhiều tác giả, bên cạnh việc trình bày các ý kiến khen chê, các phân tích nhận định của họ về các tác giả hay tác phẩm mà họ nghiên cứu - đối tượng mà chúng tôi tìm hiểu ở đây - đã nhắc đến mối quan hệ giữa tác phẩm và người đọc. Trong đó chủ yếu là nói đến sự tác động của sáng tác của Tự lực văn đoàn đối với độc giả hay một vài ý kiến có liên quan ít nhiều đến lý luận tiếp nhận mà chúng tôi sẽ đề cập đến ở phần tiếp theo. Năm 1939, trong cuốn Dưới mắt tôi, Trương Chính có nhắc đến ý kiến của Trương Tửu về Nửa chừng xuân . Ông tỏ ý không đồng tình với Trương Tửu khi ông này cho rằng "suốt đời Mai, nàng chẳng hy sinh cái gì, lần nào hết' [7, tr. 645]. Năm 2000, trên Tạp chí văn học, Phan Trọng Thưởng có bài "Cuối thế kỷ nhìn lại việc nghiên cứu, đánh giá văn chương Tự lực văn đoàn". Ông cho rằng "Nếu như trong lịch sử văn học Việt nam hiện đại, vấn đề đánh giá Phong trào Thơ mới (1932-1942) từng là một vấn đề phức tạp thì vấn đề đánh giá Tự lực văn đoàn còn phức tạp hơn nhiều" [69, tr. 57]. Phan Trọng Thưởng đã khái quát lại toàn bộ quá trình đánh giá Tự lực văn đoàn. Ông chia quá 5 trình đánh giá Tự lực văn đoàn làm hai thời kì (ông không tính thời kì từ 1932-1945): - Thời kì thứ nhất từ 1986 trở về trước. - Thời kì thứ hai từ 1986 đến nay. Ông cho rằng ở thời kì thứ nhất, Tự lực văn đoàn thường được nhìn nhận bằng nhãn quan chính trị và xuất phát tự lập trường chính trị, từ quan điểm giai cấp, nhất là đối với ba nhân vật: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo nên các nhận xét, đánh giá về hoạt động văn chương của Tự lực văn đoàn cũng như văn chương lãng mạn nói chung thường tỏ ra khe khắt, chưa thỏa đáng. Mặt đóng góp của Tự lực văn đoàn có phần bị xem nhẹ, trong khi mặt tiêu cực của nhóm lại bị nhấn quá mạnh. Theo ông, thực ra đã có ý kiến của Trường Chinh và Thanh Trường (bút danh của Hà Minh Đức) nhận thấy và đặt vấn đề cần đánh giá đúng văn học lãng mạn nói chung, Tự lực văn đoàn nói riêng. Trường Chinh chỉ rõ: "Đối với trào lưu văn học lãng mạn, chúng ta không nên mạt sát, vơ đũa cả nắm...Việc uốn nắn lại những thái độ hẹp hòi, máy móc đối với những giá trị văn nghệ cũ không những có tác dụng sữa chữa những thái độ bất công đối với nhiều tác phẩm mà còn có tác dụng mở rộng con đường cho sáng tác văn nghệ hiện thời"[69, tr. 57]. Thanh Trường cũng có bài báo: Cần đánh giá đúng phong trào Tự lực văn đoàn trên tạp chí Sinh viên Việt Nam (số 11 tháng 6 năm 1957) nhưng do những đòi hỏi của cuộc đấu tranh tư tưởng trên lĩnh vực văn học nghệ thuật lúc đó nên những mặt hạn chế, tiêu cực của một số cây bút chủ chốt trong Tự lực văn đoàn vẫn được chú trọng làm rõ hơn. Phan Trọng Thưởng nêu nhận xét về tình hình nghiên cứu, đánh giá Tự lực văn đoàn thời kì này: "Nhìn chung, trong hơn ba thập kỷ, từ giữa những năm năm mươi đến giữa những năm tám mươi của thế kỷ này, văn chương Tự lực văn đoàn đã chịu một sự phán quyết nghiệt ngã. Có lúc, có nơi, sự phán quyết đó đã đẩy văn chương lãng mạn nói chung và văn chương Tự lực văn đoàn nói riêng đến nguy cơ bị phủ định". [69, tr. 58]. Phan Trọng Thưởng lại nhận thấy tình hình ngược lại ở miền Nam: "Trong khi đó, ở miền Nam thời kì 1954-1975, trong một số cuốn sách, các 6 tác giả lại có xu hướng đánh giá quá cao Tự lực văn đoàn, không thấy hết những hạn chế thực sự về tư tưởng nghệ thuật của một số tác giả, tác phẩm, đẩy vấn đề nghiên cứu đánh giá Tự lực văn đoàn đến một đối cực khác so với giới nghiên cứu ở miền Bắc"[69, tr. 59] Từ 1986 đến nay, theo ông, những đóng góp và hạn chế của Tự lực văn đoàn đã được nhìn nhận một cách điềm tĩnh, thấu đáo, khách quan khoa học hơn. Phan Trọng Thưởng điểm lại ý kiến đề nghị đánh giá lại văn đoàn này của Trương Chính trên tạp chí văn học 4/1988. Rồi hồi kí của Tú Mỡ đã cung cấp nhiều tư liệu về nhóm mình góp phần xác định những điểm còn hoài nghi. Sự ra đời của bộ Văn xuôi lãng mạn Việt Nam (8 tập) được xem là một bước tiến mới trong cách nhìn nhận đánh giá văn chương Tự lực văn đoàn. Tiếp theo là Hội thảo khoa học về văn chương Tự lực văn đoàn do khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cùng với nhà xuất bản đại học và trung học chuyên nghiệp tổ chức. Theo ông, Hà Minh Đức đã không đồng tình với việc xếp tất cả sáng tác của Tự lực văn đoàn vào trào lưu lãng mạn như lâu nay vẫn làm, còn Nguyễn Đình Chú đề nghị "chính trị hóa việc nghiên cứu văn chương" cũng là một sai lầm. Chính sai lầm này đã tạo ra những phiến diện và cực đoan trong thẩm định và đánh giá Tự lực văn đoàn. Cũng tại đây, Phong Lê đã yêu cầu cần phân biệt giữa "nhầm lẫn cách mạng" với "sự thù hằn cách mạng" vì sự lựa chọn của các nhà văn Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo chỉ là một sự nhầm lẫn đáng trách. Phan Trọng Thưởng cho rằng ý kiến của nhà thơ Huy Cận được xem là thấu tình đạt lý. Ý kiến của Trần Đình Hượu nhìn Tự lực văn đoàn "từ góc độ tính liên tục của lịch sử qua bước ngoặt hiện đại hóa trong lịch sử văn học phương Đông" cũng được ông xem là đáng lưu ý. Theo Phan Trọng Thưởng, Trong cuốn Tự lực văn đoàn- con người và văn chương (1990) Phan Cự Đệ đã một lần nữa nhìn nhận lại Tự lực văn đoàn với thái độ điềm tĩnh, khách quan, khoa học, với tinh thần trân trọng những đóng góp thực sự của Tự lực văn đoàn cho tiến trình văn học hiện đại. Tiếp tục điểm đến một loạt bài tiểu luận của Lê Thị Đức Hạnh, người được Phan Trọng Thưởng xem là khá am hiểu về Tự lực văn đoàn, bà đã cung 7 cấp một cái nhìn tổng quan về tình hình nghiên cứu, đánh giá Tự lực văn đoàn. Ông đánh giá cao một loạt lời giới thiệu của Hà Minh Đức và Phan Cự Đệ trong các cuốn tiểu thuyết được tái bản của Tự lực văn đoàn. Những lời giới thiệu đó đã phân tích những cái hay, cái dở, những yếu tố tích cực và tiêu cực của từng tác phẩm cũng như những đóng góp của các tác giả này cho sự phát triển của tiểu thuyết hiện đại. Ông nhận định: "Với những lời giới thiệu này, giá trị của văn chương Tự lực văn đoàn đã được minh định theo tinh thần đổi mới tư duy nghiên cứu, đổi mới cách tiếp cận văn học, đổi mới cách nhìn nhận, đánh giá lại các hiện tượng văn học cũ"[69,tr. 63]. Cũng theo tác giả bài báo, trong chuyên luận: Quan niệm về con người trong tiểu thuyết, Lê Thị Dục Tú dựa trên sự khảo sát sáng tác của ba nhà văn Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, tiếp cận quan niệm nghệ thuật về con người để đánh giá về ba tác giả nói riêng, tự lực văn đoàn nói chung. Phan Trọng Thưởng nhận xét Trịnh Hồ Khoa trong cuốn Những đóng góp của Tự lực văn đoàn trong văn xuôi hiện đại Việt Nam đã khẳng định vai trò của Tự lực văn đoàn trong quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam và đã nêu bật được những đóng góp về nội dung, hình thức và những cách tân về nghệ thuật của văn chương Tự lực văn đoàn. Và gần đây là công trình Khảo luận văn chương, phần Khải luận về văn xuôi lãng mạn Việt Nam thời kì 1930-1945 của Hà Minh Đức. Theo ông, Hà Minh Đức nhận xét do tác động của những biến cố chính trị, xã hội Việt Nam giai đoạn 1930-1945 nên dòng văn xuôi lãng mạn không thuần nhất và phát triển qua từng thời kì, trong đó thời kì 1932-1945 là thời kì Tự lực văn đoàn dã đem lại sức sống cho văn học dân tộc. Cuối cùng, tác giả bài báo kết luận: "Vào năm cuối cùng của thế kỉ, nhìn lại cả hai thời kì nghiên cứu và đánh giá Tự lực văn đoàn, giới nghiên cứu đã đạt được những thành tựu đáng kể. Với những ý kiến trên đây, thiết tưởng những đánh giá chung nhất về văn chương Tự lực văn đoàn cả ở hai thời kì đã được giới thiệu ở phần cốt lõi, cơ bản nhất. Cũng như nhiều hiện tượng văn chương phức tạp khác, văn chương Tự lực văn đoàn tuy là một 8 trong số những hiện tượng văn chương đáng chú ý của thế kỉ, nhưng không được hưởng cái may mắn đánh giá một lần là xong, minh định một lần là đạt ngay đến sự thống nhất. Có thể xem đó là một số phận văn chương không mấy suôn sẻ nếu không muốn nói là "nhiều nỗi truân chuyên", giống như số phận của Thơ Mới và văn chương lãng mạn cùng thời kì"[69, tr. 64].Ông cho rằng quá trình nghiên cứu hiện tượng văn học này chưa khép lại, mỗi giai đoạn, mỗi thời đại, mỗi thế hệ công chúng luôn tìm cách tiếp cận, khai thác những giá trị quá khứ, kiếm tìm trong đó những nguồn tinh thần mới mẻ, những hành trang cần mang vào tương lai. Như vậy, bài viết của Phan Trọng Thưởng đã đề cập một cách khá hệ thống về vấn đề nghiên cứu, đánh giá Tự lực văn đoàn. Tuy nhiên, đây chỉ là bài báo nên mang tính khái quát, là những nhận xét ban đầu, chưa đi sâu lý giải vấn đề bằng cơ sở lịch sử xã hội. Đây chính là lối đi còn rộng mở để chúng tôi tiếp tục khám phá về Tự lực văn đoàn. 4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU. Từ những đặc điểm của đối tượng nghiên cứu và mục đích của luận văn, chúng tôi sử dụng những phương pháp nghiên cứu: -Phương pháp lịch sử chức năng. Phương pháp này giúp chúng tôi xác định những điều kiện lịch sử, xã hội, chính trị, tâm lý đã ảnh hưởng đến việc tiếp nhận tác phẩm văn xuôi Tự lực văn đoàn trong từng giai đoạn lịch sử. -Phương pháp hệ thống được sử dụng giúp chúng tôi có cái nhìn bao quát về lịch sử tiếp nhận tác phẩm văn xuôi Tự lực văn đoàn. -Để hệ thống các hình thức tiếp nhận khác nhau đối với tác phẩm Tự lực văn đoàn, chúng tôi sử dụng phương pháp phân tích và tổng hợp. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ của phương pháp thống kê. -Phương pháp so sánh cũng được dùng để đối chiếu sự giống và khác nhau của các hình thức tiếp nhận. Từ đó, có thể rút ra những vấn đề có ý nghĩa lí luận. 9 5. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN VĂN. 1.Bước đầu khái quát, hệ thống và đánh giá các hướng, các quan điểm tiếp nhận tác phẩm Tự lực văn đoàn. 2.Vận dụng hướng nghiên cứu theo lý thuyết tiếp nhận để giải thích về số phận thăng trầm của tác phẩm Tự lực văn đoàn. Qua đó thấy được phần nào tiến trình lịch sử của sự tiếp nhận sáng tác của văn đoàn này. 6. KẾT CẤU CỦA LUẬN VĂN. Luận văn gồm 133 trang. Ngoài phần Mở đầu (10tr), Kết luận ( 3tr)và Tài liệu tham khảo (8 tr), luận văn gồm ba chương: Chương I. Vấn đề tiếp nhận văn xuôi Tự lực văn đoàn trước 1945. Chương II. Vấn đề tiếp nhận văn xuôi Tự lực văn đoàn từ 1954-1986. Chương III. Vấn đề tiếp nhận Tự lực văn đoàn sau 1986. 10 NỘI DUNG CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ TIẾP NHẬN VĂN XUÔI TỰ LỰC VĂN ĐOÀN TRONG GIAI ĐOẠN TRƯỚC 1945. 1.1. SỰ RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN CỦA VĂN ĐOÀN TỰ LỰC. Trước đây, khi nghiên cứu về Tự lực văn đoàn, có rất nhiều ý kiến không thống nhất về thời điểm ra đời, và kết thúc, số lượng các thành viên cũng như mục đích, tôn chỉ của nhóm. Nhưng cho đến nay dựa vào những tư liệu đáng tin cậy của Tú Mỡ, một trong những thành viên chủ chốt của Tự lực văn đoàn có thể xác định Tự lực văn đoàn ra đời vào khoảng đầu tháng 7- 1932, ban đầu gồm năm thành viên Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), Khái Hưng (Trần Khánh Giư), Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long), Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân), và Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu), sau kết nạp thêm ba thành viên nữa là Thế Lữ (Nguyễn Thứ Lễ), Trần Tiêu và Xuân Diệu (Ngô Xuân Diệu). Đứng đầu cả nhóm là Nhất Linh. Cơ quan ngôn luận của văn đoàn là tờ tuần báo Phong Hoá, khi Phong Hoá bị đóng cửa (năm 1936) thì có tờ Ngày Nay thay thế. Văn đoàn ra đời trong thời điểm văn chương nhuốm đầy một chất bi quan, chán đời, uỷ mị khóc sướt mướt, than thân trách phận, không còn chút sinh khí. Điều đó được giải thích bởi tình trạng xã hội lúc bấy giờ. Sau khi những phong trào cách mạng bị dìm trong máu, một không khí chán nản, yếm thế bao trùm khắp đời sống, thanh niên bế tắc, không có lý tưởng để phụng sự nên “thoát ly trong những tình cảm cá nhân, nhất là yêu đương”[4, tr. 34]. Mong muốn của các nhà văn Tự lực là đưa văn học đương thời thoát ra khỏi không khí trên. Chủ trương của Tự lực văn đoàn được gói gọn trong 10 điều sau: 11 1. Tự sức mình làm ra những sách có giá trị về văn chương chứ không phiên dịch sách nước ngoài nếu những sách này chỉ có tính cách văn chương thôi. Mục đích là để làm giàu thêm văn sản trong nước. 2. Soạn hay dịch những sách có tư tưởng xã hội, chú ý làm cho người và xã hội ngày một hay hơn lên. 3. Theo chủ nghĩa bình dân; soạn những cuốn sách có tính cách bình dân và cổ động cho người khác yêu chủ nghĩa bình dân. 4. Dùng một lối văn giản dị, dễ hiểu, ít chữ nho, một lối văn thật có tính cách An-nam. 5. Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có chí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ. 6. Ca tụng những nét hay vẻ đẹp của nước nhà mà có tính cách bình dân, khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân. Không có tính cách trưởng giả, quý phái. 7. Trọng tự do cá nhân. 8. Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa. 9. Đem phương pháp khoa học thái tây ứng dụng vào văn chương An- nam. 10. Theo một trong chín điều trên cũng được miễn là đừng trái ngược với những điều khác. Năm 1936 tờ Phong hoá bị thực dân Pháp đóng cửa, đến năm 1940 tờ Ngày nay cũng bị cho là tờ báo của bọn phiến loạn và bị cấm nốt. Tự lực văn đoàn hoạt động cầm chừng, một số thành viên bước vào đường làm chính trị, Tự lực văn đoàn thực sự tan rã. Có thể thấy, từ đầu đến cuối trong quá trình sáng tác, các nhà văn trong văn đoàn đã tuân theo đúng tôn chỉ đã đề ra. Các nhà văn trong Tự lực văn đoàn đều là những người có tài và có tâm huyết, có tinh thần dân tộc, có lý tưởng thực tiễn. Họ nắm bắt được tâm lí, thị hiếu thẩm mỹ của người đọc lúc bấy giờ nên đã gặt hái được những thành công rực rỡ. Tiểu thuyết của họ vào loại bán chạy nhất lúc bấy giờ “Từ 1933-1936, nhà xuất bản Đời nay đã bán được 58.000 bản tiểu thuyết và thơ, có những cuốn như Đời mưa gió được in 12 lại đến nghìn thứ tám” [13, tr. 51-52], tác phẩm của họ có sức hấp dẫn nhất định đối với công chúng thành thị đương thời. Tú Mỡ đã nhận xét hoàn toàn đúng về những điều họ đã làm được, theo nhận xét của ông, văn đoàn này “ đã có một đóng góp đáng kể vào văn học Việt Nam, tạo cho đoàn một tiếng tăm vang dội một thời, một thành tích mà các văn đoàn khác ra đời sau không đạt được, một chân giá trị riêng trong một giai đoạn nhất định mà giới văn học ngày nay và ngày mai phải công nhận”, [63, tr. 156-157]. Một số ý kiến khác cũng nêu lên vị trí và vai trò quan trọng của Tự lực văn đoàn “Nhóm Tự Lực không phải là nhóm duy nhất nhưng quan trọng nhất và là nhóm cải cách đầu tiên của nền văn học hiện đại”.[16, tr. 462]. Đặt trong hoàn cảnh bấy giờ, những việc mà các nhà văn đã làm được có ý nghĩa lớn lao. Tự lực văn đoàn đã tạo được uy tín và ảnh hưởng lớn trong đời sống văn học. Có thể nói, Tự lực văn đoàn đã hoàn thành sứ mệnh văn chương của mình đối với thời đại dù không tránh khỏi những sai sót, hạn chế. 1.2. VẤN ĐỀ TIẾP NHẬN VĂN XUÔI TỰ LỰC VĂN ĐOÀN TỪ TRƯỚC 1945. 1.2.1Các hướng tiếp nhận Tự lực văn đoàn giai đoạn trước 1945. 1.2.1.1. Hướng tiếp nhận từ quan điểm đạo đức và xã hội. Với chủ trương tấn công vào bức tường thành phong kiến đã trở nên lạc hậu, ngay sau khi Tự lực văn đoàn phát hành những tác phẩm đầu tiên đã đón nhận những ý kiến khác nhau từ phía độc giả. Trong tập Dưới mắt tôi (1939) Trương Chính đã dành hơn một trăm trang bình các tác phẩm chính của Khái Hưng và Nhất Linh. Ông tập trung ca ngợi nội dung phá đổ sự áp bức chuyên chế của Khổng giáo, cải tạo xã hội trong các tác phẩm của Nhất Linh và Khái Hưng. Viết về Nhất Linh, ông nhận xét Đoạn tuyệt đã có công đánh dấu một cách rõ ràng thời kì thay đổi trong lịch sử tiến hóa của xã hội An Nam. Tác phẩm "công bố sự bất hợp thời của một nền luân lý khắc khổ, eo hẹp, đã giết chết bao nhiêu hy vọng, đè bẹp bao nhiêu lực lượng đáng kể, giam hãm bao nhiêu chí khí bồng bột đang ao ước sống một đời đầy đủ, một đời mãnh liệt, 13 cường tráng."[8, tr. 625] vì theo ông, gia đình hiện thời chỉ là một chế độ nô lệ đưới một lớp sơn lừa dối [8, tr. 625]. Trương Chính đứng về phía Loan - cô gái mới - để cho rằng cô đã làm hết sức để có được hạnh phúc nhưng sự hy sinh của nàng thành vô nghĩa, vì cô chính là nạn nhân của gia đình nệ cổ, gia đình ấy chỉ cố tìm cách làm cho cô đau khổ mà thôi. Ông khen Đoạn tuyệt không chỉ có giá trị xã hội mà còn có giá trị tâm lý nữa, nó là "một kiệt tác trong văn học Việt Nam hiện đại"[8, tr. 629]. Ông cũng nhận xét khi Nhất Linh viết Đoạn tuyệt để dùng nghệ thuật tái thiết xã hội Việt Nam trên một nền tảng vững vàng, theo những nguyên tắc hợp lý và nhân đạo thì có nhiều người hoan nghênh đồng thời cũng bị nhiều người phản đối. Những người phản đối chính là các nhà đạo đức cổ không hiểu những nguyện vọng; những nhu cầu mới của những người mới và không chịu nhìn nhận sự tiến bộ của nhân loại. Lạnh lùng được Trương Chính xem là mũi tên độc thứ hai Nhất Linh bắn vào Khổng giáo. Nạn nhân của chế độ cũ là Nhung, một người đàn bà trẻ tuổi, nhưng không thể, không dám đi lấy chồng "vì Luân lý, vì Đạo đức, vì Danh dự"[8, tr. 630]. Tác giả "Dưới mắt tôi" khen Nhất Linh đã làm một việc nhân đạo vì "Luân lý ấy là luân lý áp bức, đạo đức ấy là đạo đức giả dối, danh dự ấy là danh dự hão huyền...Hơn nữa tác giả muốn cho ta đủ tự do sống theo nguyện vọng của mình, gây lại hạnh phúc gia đình mình một cách chính đáng."[8, tr. 630]. Trương Chính bênh vực Lạnh lùng, phê phán Trương Tửu không hiểu được những điều trên nên đã cả gan kết án tác phẩm. Nhưng đồng thời cũng đứng trên quan điểm đạo đức, Trương Chính cho rằng hành vi của Nhung đôi khi biểu thị một tâm hồn phóng tứ "Nhưng ta thất vọng khi nhìn thấy nàng quá tự do bỏ nhà đi ngang về tắt với tình nhân. Nàng sẽ lấy Nghĩa, không ai phản đối. Nhưng nàng "ăn nằm" với Nghĩa trước khi lấy Nghĩa, thì người ta không thể tha thứ cho nàng được. Người ta sẽ nghi nàng bị lôi cuốn bởi sức cám dỗ của bản năng, theo tiếng gọi của xác thịt hơn theo tiếng gọi của trái tim, nghi cho nàng cố ý đi tìm khoái lạc hơn đi tìm chân lý hạnh phúc."[8, tr. 632]. 14 Với một số ý kiến chê Tối tăm, Trương Chính nhận định "Theo tôi thấy, lúc nào ông Nhất Linh cũng chỉ đi theo con đường ông vạch sẵn để di tới mục đích: cải tạo xã hội."[8, tr. 635]. Trương Chính cho rằng: "Trước kia ông bênh vực một hạng người đau khổ, vì biết suy tưởng và biết phân tách lòng mình, nên sự đau khổ ấy lại càng chua chát. Bây giờ ông bênh vực một hạng người khác khốn nạn mà không biết mình khốn nạn, vì ngu dại và thất học, đương chìm đắm trong đêm tối một cách rất đáng thương."[8, tr. 636]. Đó là những chàng nông phu lương thiện vì dốt nát bị lừa dối, những người cha không dám cho con gái đi học, những bà mẹ không biết sạch sẽ là gì, những cái Bìm ngoan ngoãn một cách đần độn...Trương Chính lý giải họ bị đày vào cảnh khổ nhục như vậy vì không có ai gợi cho họ những ước mong khác và theo ông "nhà nghệ sỹ không có quyền đứng ngoài xã hội, ẩn trong tháp ngà để hưởng hạnh phúc mình một cách ích kỉ và khốn nạn. Đời của ta có liên quan tới đời của mọi người."[8, tr. 636._.]. Ông cũng bày tỏ rõ quan niệm của mình: " Tôi tưởng cái vấn đề nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh đã kết liễu từ lâu, và bây giờ không ai cứng đầu không chịu hiểu rằng nghệ thuật sẽ là sự mỉa mai nếu mục đích của nó không phải là nâng cao trình độ sinh hoạt của nhân loại."[8, tr. 637] Phê bình Nửa chừng xuân của Khái Hưng, Trương Chính ghi nhận sự phấn đấu của cá nhân chống lại chế độ đại gia đình, theo ông "tác giả nó biện luận cho quan niệm nhân sinh mới và công bố sự bất hợp thời của những tập quán do nền luân lý cổ truyền tạo ra."[8, tr. 642]. Khi viết về cuốn Gia đình, mặc dù ông nhận thấy công cuộc cải tạo xã hội của Hạc có tính cách trưởng giả, chú trọng ở bề mặt hơn bề sâu, và Khái Hưng đã tỏ thái độ lạc quan quá dễ dãi ở sự thành công của Hạc nhưng ông không phê bình công cuộc cải tạo ấy. Vì theo ông, đời Hạc còn đáng sống hơn đời lắm kẻ khác. Ở khía cạnh tác động xã hội, Trương Chính đánh giá Gia đình là nhát búa cuối cùng vào bức tượng khổng lồ nhưng đã mục nát của thế hệ trước: chế độ đại gia đình. Về nghệ thuật, nhìn chung Trương Chính hết lời khen ngợi Nhất Linh và Khái Hưng: Đoạn tuyệt có giá trị tâm lý không ai chối cãi được. Nhất Linh 15 đã quan sát rất tinh vi để tả những trạng thái phiền phức trong tâm hồn riêng của nhân vật và đi sâu vào đời bên trong của họ. Trương Chính cho là Nhất Linh còn có tài miêu tả nhân vật, điều ấy được thể hiện qua nhân vật bà Án trong Lạnh lùng: "Nhất là tả bà Án, ông đã lột được hết tinh thần một người đàn bà quý phái, ranh mãnh, khôn khéo, biết chiều chuộng con dâu khi cần phải chiều chuộng, biết dạy dỗ khi cần phải dạy dỗ."[8, tr. 634]. Trong khi phê bình các tác phẩm và tác giả Tự lực văn đoàn, chúng ta thấy rõ quan điểm của Trương Chính. Đối với ông, văn chương phải góp tiếng nói để cải tạo, xây dựng xã hội. Hơn nữa, nó còn phải phù hợp với quan niệm về đạo đức của xã hội. Trương Chính nhiều lần khen nghệ thuật miêu tả tâm lý của Khái Hưng: “Nhà luân lý Khái Hưng lại là một nhà tâm lý nữa"[8, tr. 639]. Nhà văn "hiểu rằng một cử chỉ, một dáng điệu, một sắc mặt có thể biểu lộ một trạng thái tâm hồn nên tác giả Hồn bướm mơ tiên chỉ tả cái dáng điệu ấy, vẽ cái cử chỉ ấy, ghi cái sắc mặt ấy. Vài nhận xét có ý tứ cũng đủ làm hoạt động những nhân vật trong truyện."[8, tr. 639]. Khái Hưng còn được xem là nhà hội họa có tài, đã kết tinh được cái hồn thơ man mác bao trùm cảnh vật và ghi được những màu sắc rất hay biến đổi bằng một ngòi bút điêu luyện. Tóm lại, “…một quyển như Hồn bướm mơ tiên là một hòn châu báu”[8, tr. 641]. Đặc biệt, Trương Chính rất ca ngợi Gia đình, theo ông đó "có thể xem như một tác phẩm không tì vết”, "Tôi chưa từng thấy trong văn học Việt Nam, một nhà văn, kể cả Nhất Linh, đã tả người đàn bà một cách xác đáng như Khái Hưng" [8, tr. 655]. Ông cho rằng tác giả đã giải phẫu tâm lý nhân vật trong truyện một cách công phu; sự xếp đặt và cách kết cấu trong Gia đình không để ta chê trách được ở chỗ nào cả. Trương Chính cũng đánh giá rất cao Đời mưa gió, đó "là một kiệt tác”[8, tr. 668]. Với Đời mưa gió thì Khái Hưng và Nhất Linh đã có “nghệ thuật tuyệt diệu” khi tả một người phóng đãng như Tuyết mà làm cho người đọc thương hại nàng, bênh vực nàng. Trương Chính cũng đã bước đầu chỉ ra những mặt cần khắc phục. Ở Đoạn tuyệt, tác giả không nên nấp sau lưng nhân vật để nói thay ở đoạn Loan ra toà. Ông cho 16 rằng như thế là “thiếu thành thực và có hại cho nghệ thuật”[8, tr. 629], “Nửa chừng xuân xếp đặt không chặt chẽ”[8, tr. 645], “Vọi trong Trống Mái không thực. Tác giả đã sửa chữa bức tranh của ông nhiều quá”[8, tr. 651]. Đáng chú ý nhất là cuộc tranh luận dựa trên quan niệm về mối quan hệ giữa văn chương với đạo đức và xã hội. Nếu như Trương Chính bảo vệ và dành cho Lạnh lùng của Nhất Linh những lời khen thì Trương Tửu lại kết án chúng. Trương Tửu đặt vấn đề : "Một văn phẩm hoàn toàn về nghệ thuật mà có ảnh hưởng tai hại đến cá nhân và xã hội thì nên hoan nghênh hay bài trừ" và ngay sau đó ông đã lên án trong cuốn Lạnh lùng, Nhất Linh định phá hoại sự tiến bộ của phụ nữ, chủ trương tự do phát triển xác thịt. Theo ông, Nhung phải ở vậy để thờ chồng, giữ tròn danh tiết. Ông hô hào: "Tất cả những đàn bà, những cô quan tâm đến vấn đề phụ nữ nên kết án Lạnh lùng", "tất cả những bậc phụ mẫu muốn cho con gái khỏi sự phóng đãng quyến rũ, nên cấm tiệt không cho đọc Lạnh lùng."[8, tr. 630-631]. Thúc Tề lại nhấn mạnh chỉ ở dưới chế độ phong kiến người đàn bà góa trẻ mới phải ở vậy, còn dưới xã hội mới tình trạng đau đớn ấy không thể có nữa. Vấn đề giải phóng phụ nữ được đặt ra trong sáng tác của Tự lực văn đoàn do vậy đã trở thành vấn đề xã hội rộng lớn, được dư luận quan tâm. Ở đây Trương Chính và Trương Tửu đã đứng ở góc độ khác nhau khi nhận xét về Lạnh lùng. Trương Chính thấy được mặt tích cực chủ yếu của tác phẩm là bảo vệ quyền sống chính đáng của con người, hạn chế về mặt đạo đức chỉ là thứ yếu. Trong khi đó, Trương Tửu lại quá nhấn mạnh khía cạnh đạo đức nên chỉ thấy Lạnh lùng là một tác phẩm có hại. Cũng xuất phát từ quan điểm xã hội, Dương Quảng Hàm trong cuốn “Việt Nam văn học sử yếu” xuất bản năm 1941 đã thấy được đóng góp của Tự lực văn đoàn không chỉ ở lĩnh vực văn học mà còn tác động về mặt xã hội “công việc của Tự Lực văn đoàn đã có ảnh hưởng về đường xã hội và đường văn học”[27, tr. 21]. Theo đó, về nội dung, tác phẩm của Tự lực văn đoàn đã làm rõ những cái dở, cái giả dối trong các hủ tục, thiên kiến của chế độ phong kiến. Về nghệ thuật, đã làm cho “thể tiểu thuyết đắc thắng”, ngôn ngữ sáng 17 sủa, dễ hiểu hơn. Từ góc độ đạo đức, bảo vệ những mặt tích cực của nền luân lý cũ, ông phê phán các nhà văn đã có thiên lệch khi đánh giá về những phong tục cũ, mà theo ông có những mặt tốt cần phải giữ gìn. Ông lấy ví dụ về tục đàn bà goá chồng ở vậy thờ chồng nuôi con, xưa nay biết bao gia đình nhờ cái tục ấy mà không bị li tán, con cái được nuôi dạy thành người. Dương Quảng Hàm đã thấy được phong tục cũ của chế độ phong kiến không phải không có mặt tốt, mặt hay, điều mà khi phê phán, các tác giả của Tự lực văn đoàn đã bỏ qua. Cũng cùng quan điểm xã hội nhưng nếu như Trương Chính, Dương Quảng Hàm thấy được những mặt tích cực của chủ trương cải cách xã hội, tác động tốt đến xã hội và dành cho các nhà văn Tự lực văn đoàn những lời khen tặng thì Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Đặng Thai Mai lại phản đối. Nguyễn Công Hoan đã chê Đoạn tuyệt dở vì không giúp người ta cách nào thiết thực để đoạn tuyệt với gia đình cũ. Để cho lời tuyên bố thêm hùng hồn, ông đã viết Cô giáo Minh, chọn kết thúc cô giáo Minh không chống gia đình chồng mà cảm hoá được mẹ chồng phong kiến rất độc ác, ăn ở hết sức hoà thuận với một anh chồng ngu xuẩn. Nhưng không may cho Nguyễn Công Hoan kết thúc này không được hoan nghênh như nhận xét của Vũ Đức Phúc: “Nguyễn Công Hoan lại tỏ ra lạc hậu hơn các nhà văn lãng mạn về việc chống lễ giáo phong kiến”[74, tr. 118]. Một nhà văn hiện thực nữa lên án Tự lực văn đoàn là Vũ Trọng Phụng. Trên báo Tương lai, 25-3-1937, ông đã phê phán Tự lực văn đoàn là tô vẽ xã hội, biến những cô gái điếm thành những “phụ nữ tân thời, vui vẻ, trẻ trung, hy sinh cho ái tình, hoặc cách mạng lại gia đình "[74, tr. 120]. Trên báo Tiên Phong, Đặng Thai Mai vạch rõ tính chất tiêu cực trong sáng tác của Khái Hưng, Nhất Linh. Dũng trong Đoạn tuyệt muốn làm một nhà cách mạng nhưng thực ra “chỉ là một chàng công tử thành thị mang cái bệnh Don Quichotte rồi đi tập điệu bộ “hảo hớn” mà thôi”[74, tr. 168]. Rõ ràng ở đây những nhà văn hiện thực còn đòi hỏi cao hơn ở tác phẩm Tự lực văn đoàn. Họ muốn tác phẩm phải phản ánh đúng hiện thực xã hội, và cao 18 hơn nữa phải vạch ra cách cho con người thoát khỏi sự đau khổ do những bất công trong xã hội gây ra. Các nhà văn hiện thực đã đứng trên lập trường giai cấp vô sản để đòi hỏi các nhà văn phải giải quyết triệt để những vấn đề nỗi khổ đau cho người nghèo khổ trong tác phẩm của mình. 1.2.1.2. Hướng tiếp nhận từ đặc trưng thể loại. Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại(1942) viết về hầu hết các nhà văn trong Tự lực văn đoàn: Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Thế Lữ, Xuân Diệu, Trần Tiêu. Khác với nhiều người nghiên cứu cùng thời, ông tiếp cận với Tự lực văn đoàn từ nghệ thuật của tác phẩm. Từ góc độ này, Vũ Ngọc Phan đã đem đến nhiều nhận xét có giá trị. Nghiên cứu về Nhất Linh, Vũ Ngọc Phan chú ý đến thể loại của tác phẩm, ông xếp Nhất Linh vào tác gia viết tiểu thuyết luận đề. Ông nhận thấy thể loại tiểu thuyết của Nhất Linh thay đổi rất nhanh "Ông viết từ tiểu thuyết ái tình, tiểu thuyết tình cảm, qua những tiểu thuyết luận đề, đến tiểu thuyết tâm lý: sự tiến hóa ấy chứng ra rằng mỗi ngày ông càng muốn đi sâu vào tâm hồn người ta"[71, tr. 234] và cho rằng Nhất Linh chú trọng nhất và cũng thành công nhất ở tiểu thuyết luận đề. Vũ Ngọc Phan xếp Nho phong vào tiểu thuyết luân lý, một truyện cổ bình thường, có tính cách trung hậu như hàng trăm truyện cổ nước ta. Đánh giá về Nhất Linh, Vũ Ngọc Phan kết luận, ông cũng nhận thấy sự tiến bộ rất nhanh về nghệ thuật của Nhất Linh. Ông cho rằng sau cuốn tiểu thuyết đầu tiên Nho phong mà cách hành văn còn cổ lỗ câu văn thật kêu, du dương, chữ sáo thì đến Gánh hàng hoa, văn đã giản dị và trong sáng. Khi viết về Nhất Linh, có thể nhận thấy Vũ Ngọc Phan chưa chọn phân tích những tác phẩm thành công nhất của nhà văn. Vũ Ngọc Phan xếp Thế Lữ vào các thi gia. Thế Lữ được ông đánh giá “là một tiểu thuyết gia có tiếng” [71, tr. 113], chuyên viết hai loại rùng rợn và trinh thám. Tác giả khá tinh ý khi nhận xét “truyện hay hơn cả lại không phải là truyện ghê sợ” hay “Trong tập truyện ngắn của Thế Lữ, tôi chỉ thấy những truyện căn cứ vào sự thực là hay thôi.”[71, tr. 115]. Còn “trong tiểu thuyết 19 trinh thám hay nhất là những lời nghị luận của nhà trinh thám.”. Theo ông, Vàng và máu là tập truyện đặc sắc hơn cả “Nghệ thuật viết tiểu thuyết của Thế Lữ ở đây đã lên tới một trình độ khá cao.”[71, tr. 116]. Những đánh giá của ông được thời gian kiểm chứng hoàn toàn đúng đắn. Khi nghiên cứu về Thạch Lam, Vũ Ngọc Phan cho rằng thể loại mà Thạch Lam viết nhiều nhất là tiểu thuyết tình cảm "Trong các truyện ngắn, truyện dài của ông, tình cảm đều có một địa vị đặc biệt."[71, tr. 450]. Thạch Lam được ông xếp chung dòng với các nhà văn viết tiểu thuyết xã hội. Ông nhận ra Thạch Lam tả thật tỷ mỷ và tinh vi “những cảm tình, những cảm giác con con nảy nở và biểu lộ ở đủ các hạng người.”[71, tr. 450]. Ông chỉ ra ở Những ngày mới , Thạch Lam tả cảm tưởng xuất phát từ một cảm giác của Tân, cảm giác đói của Sinh...Vũ Ngọc Phan nhận ra bước tiến dài của nghệ thuật Thạch Lam từ Gió đầu mùa đến Sợi tóc. Ở Gió đầu mùa, Thạch Lam chuyên tả tình nên khi tả cảnh nét bút còn ngượng ngập. Nắng trong vườn viết theo lối văn giản dị êm ái nhưng nhiều truyện không được đậm đà, làm cho người đọc dễ chán. Tuy nhiên có nhận xét của Vũ Ngọc Phan mang tính cảm tính nên chưa thật chính xác, ông cho truyện Thạch Lam chưa hay vì ông chỉ xây dựng những truyện giản dị và tầm thường “ những truyện như Cuốn sách bỏ quên (trang 45), Người đầm (trang 75), Đứa con (trang 77), Bóng người xưa (trang 99), Hai đứa trẻ (trang 109), đều là những truyện tầm thường.”[71,tr. 455-456] Vũ Ngọc Phan nhận định có sự thay đổi về thể loại trong sáng tác của Khái Hưng: "Đọc tiểu thuyết của Khái Hưng, người ta nhận thấy lúc đầu ông là một nhà tiểu thuyết có lý tưởng, dần dần ngả về phong tục là loại ông có nhiều đặc sắc nhất, rồi đến khi viết Hạnh, ông bắt đầu khuynh hướng về tâm lý."[71, tr. 168]. Theo ông, Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân, Trống mái đều là những tiểu thuyết về lý tưởng. Tình yêu của Ngọc và Lan trong Hồn bướm mơ tiên là thứ ái tình thanh cao quá, thứ ái tình lý tưởng đặc biệt, ít khi có thể thấy ở một đôi trai gái yêu nhau. Trống Mái cũng thuộc loại tiểu thuyết lý tưởng , nhưng cái lý tưởng ở đây là cái lý tưởng về thân hình đẹp theo quan 20 niệm mỹ thuật của một hạng gái mới Việt Nam mà Hiền là người tiêu biểu. Trống Mái tuy truyện không thiết thực nhưng về nghệ thuật rất thành công “Trống Mái tuy truyện không được thiết thực nhưng ai đã được đọc cũng đều phải chú ý đến lời văn trác tuyệt và bát ngát của Khái Hưng.”[71, tr. 173], “Người ta đã thấy những tính tình, cảnh vật đầy thơ mộng, đẹp đẽ và êm ái, rất hợp với tâm hồn người ta, rồi lại những cử chỉ ngôn ngữ của các nhân vật về phái đẹp bao giờ tác giả cũng tả rất tinh tế.”[71, tr. 171]. Thừa tự là tiểu thuyết phong tục được tác giả đánh giá rất cao “Thừa tự vào số những tiểu thuyết phong tục có giá trị và rất hiếm trong lúc này.”[71,tr. 177]. Từ việc phân tích tác phẩm, ông cho rằng tác phẩm đã cho thấy được phong tục thừa tự vô lý ở Việt Nam đã bị người ta xem như miếng mồi để tranh giành, cấu xé lẫn nhau. Nghệ thuật của tác phẩm dưpợc tác giả khen ngợi: “Trong Thừa tự, ngoài những xen tươi sáng trên này, lại có hai bức chân dung tuyệt khéo: bức chân dung của sư ông và bức chân dung của mụ mối hay một bà đồng.”[71, tr. 176]. Vũ Ngọc Phan xếp Hạnh vào tiểu thuyết tâm lý. Ông nhận thấy "Khái Hưng nhận xét rất đúng về con người nhút nhát.”. Về tính tình Hạnh, Khái Hưng viết: “Như phần nhiều người nhút nhát, Hạnh rất hay lo mất thể diện nhất khi đứng trước đàn bà” [71, tr.179]. Cách cử chỉ của người nhút nhát được tác giả mô tả: “Hạnh yên lặng ngồi xuống, hai cánh tay tỳ lên khăn bàn trắng, hai bàn tay chắp lại, rít chặt. Những lúc ngượng ngập, Hạnh khổ sở nhất về hai bàn tay, chẳng biết để vào đâu và dùng làm việc gì."[71, tr. 179]. Ông cũng khen truyện Thời chưa cưới là truyện ngắn hay trong tập Hạnh. Trong đó, "Khái Hưng khảo sát tính tình hạng thanh niên tân tiến đúng vô cùng. Tình yêu của họ là thứ tình yêu nồng nàn, bồng bột, cho nên cái thời chưa cưới của họ càng kéo dài bao nhiêu, họ càng có dịp để chán nhau bấy nhiêu." [71, tr. 180]. Vũ Ngọc Phan cũng đánh giá rất cao sự am hiểu tâm lý của Khái Hưng: " Ông xét tâm lý phụ nữ Việt Nam rất đúng" [71, tr. 189], "Nhưng dù ở tiểu thuyết lý tưởng, tiểu thuyết phong tục hay tiểu thuyết tâm lý, cái đặc sắc mà người ta thấy trong các văn phẩm của Khái Hưng là sự xét nhận rất đúng về tâm hồn nam nữ thanh niên Việt Nam." [71, 21 tr. 190]. Theo nhà phê bình, đó là nguyên nhân khiến các tác phẩm của nhà văn này được các thanh niên trí thức, đặc biệt là phụ nữ hoan nghênh. Phân tích cả ba loại tiểu thuyết của Khái Hưng, Vũ Ngọc Phan khẳng định loại trội hơn, đặc sắc hơn cả của Khái Hưng là tiểu thuyết phong tục và ông xếp Khái Hưng vào nhà văn phong tục. Truyện ngắn của Khái Hưng cũng được nhận định thành công không kém tiểu thuyết “Về truyện ngắn, Khái Hưng viết tuyệt hay”, “…nghệ thuật của ông là tìm cho ra những ý nghĩa đau đớn hay khoái lạc của mọi việc ở đời, rồi ghi lại bằng những lời văn gọn gàng, sáng suốt…”[71, tr. 183] Ông nhận ra một Xuân Diệu thi sĩ trong văn xuôi “Xuân Diệu ở đâu cũng đem theo một hồn thơ bát ngát và mơ màng.” [71, tr. 134] bởi trong Phấn thông vàng ông chỉ thấy “rặt thơ là thơ”. Chất thơ ấy thể hiện trong tâm hồn một người đa cảm, trong tâm hồn tự do xâm chiếm, tràn lan, không biết đâu là bờ bến, ở tấm lòng yêu dào dạt, băn khoăn. Cái hay của Phấn thông vàng chính là nó đã diễn tả hết cảm tưởng của tác giả về cuộc đời. Vũ Ngọc Phan khẳng định tác phẩm này rất kén độc giả “không phải hạng sách yêu dấu của tất cả mọi người, nó thuộc loại sách của người ưa suy nghĩ, muốn sống một đời tinh thần đầy đủ.”[71, tr. 137]. Tiểu thuyết của Trần Tiêu được Vũ Ngọc Phan xếp vào tiểu thuyết phong tục thôn quê. Trần Tiêu thành công ở thể loại truyện dài hơn là truyện ngắn. Ông dành sự chú ý cho tiểu thuyết Con trâu và Chồng con, là hai tác phẩm tiêu biểu tả phong tục thôn quê rất tường tận. Vũ Ngọc Phan nhận ra sự tỷ mỷ chính là một nét tiêu biểu của Trần Tiêu nên nhắc đến nhiều lần “Những điều nhận xét kỹ càng , tỷ mỷ của ông ở truyện dài trở nên những cái lôi thôi, dài dòng ở truyện ngắn”, “Các vai phụ đều được tác giả tả về ngôn ngữ, hành vi rất tỷ mỷ.”[71, tr. 193], “…thật là những thói tục bất di bất dịch của người dân quê Việt Nam mà Trần Tiêu đã tả rất đúng rất tỷ mỷ”[71, tr. 193], “ Trong Chồng con, phong tục của người dân quê Việt Nam còn được tả tỷ mỷ hơn nữa.”[71, tr. 194]. 22 Tuy được nhận xét là không thiên lệch theo một khuynh hướng nào nhưng qua những bài viết của mình, Vũ Ngọc Phan cũng thể hiện quan điểm văn học hiện thực của mình. Ông cho rằng về tư tưởng, trong Gánh hàng hoa, Nhất Linh đã bộc lộ rõ khuynh hướng bình dân. Ông sớm nhận ra hạn chế của Nhất Linh chưa thật sự quan tâm đến những người nghèo khổ. Trong tập truyện ngắn Tối tăm, khi so sánh Nhất Linh với nhà văn bình dân Pháp Pierre Hamp, tác giả cho rằng nhà văn Pháp viết về cảnh lầm than của thợ thuyền đã phô bày mọi việc một cách giản dị và khéo léo, không tô điểm, để người đọc tự suy nghĩ còn Nhất Linh cũng động lòng thương xót nhưng là sự thương xót của một người ở giai cấp khác. Với Khái Hưng, ông nhận xét Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân là những tiểu thuyết lý tưởng, tác giả dựng nên những cái cao quá, người ở thế gian này không thể nào có được. Hạn chế của Trần Tiêu được ông chỉ ra là "cho thấy cái mặt kém cỏi của người dân quê Việt Nam"[71, tr.194] và chưa cho chúng ta biết sức mạnh nào đã giúp người dân quê có được nghị lực chống chọi với đói nghèo cũng như có được những tính tình tốt đẹp của họ. Từ góc độ đặc trưng thể loại, Vũ Ngọc Phan quan tâm đến những đổi mới trong nghệ thuật của các nhà văn Tự lực văn đoàn. Mỗi khám phá về nghệ thuật của các nhà văn đều được nhà phê bình tìm tòi, phát hiện và biểu dương. Nhờ đó, ông đã chỉ ra được những nét độc đáo cũng như hạn chế của mỗi nhà văn Tự lực văn đoàn. Những nhận xét của tác giả vì thế cũng rất khách quan, trung thực. Có thể thấy Vũ Ngọc Phan là một nhà phê bình nghiêm túc, đã nắm bắt được những giá trị lẫn tồn tại của những tác phẩm và tác giả mà ông phê bình. Cũng chính vì có quan điểm hiện thực mà những nhận xét của ông khá gần với những nhà phê bình hiện nay. Trong giai đoạn đầu tiên này, Vũ Ngọc Phan, Trương Chính và Dương Quảng Hàm có thể xem là những người đầu tiên có công trình nghiên cứu khá công phu. Họ đã đưa ra được những nhận xét bước đầu khá đúng đắn, có thể làm cơ sở để định hướng trong tiếp nhận cho công chúng. Tuy chưa thật sâu 23 sắc nhưng những nhận xét cơ bản nhất của họ về Tự lực văn đoàn không cách xa với chúng ta ngày nay bao nhiêu. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu, phê bình chủ yếu tập trung vào Nhất Linh và Khái Hưng, là những tác giả có nhiều tác phẩm và nhiều tác phẩm bán chạy hơn hết lúc bấy giờ, họ đang được độc giả bấy giờ mến mộ. Các tác giả khác ít được chú ý đến. Điều này hoàn toàn có thể hiểu được. Khi nhóm Tự lực mới ra đời, Nhất Linh và Khái Hưng là hai cây bút chủ chốt, có nhiều sáng tác và những tác phẩm của họ thực sự là những cách tân về cả nội dung lẫn nghệ thuật. Tác phẩm của Nhất Linh và Khái Hưng hầu hết là luận đề, nội dung chống lễ giáo phong kiến, là những vấn đề thu hút được nhiều người với những quan điểm trái ngược nhau quan tâm đến. Tuy nhiên, khi nghiên cứu về hai tác giả Khái Hưng, Nhất Linh, họ cũng chỉ tập trung vào một số tác phẩm chính như Nửa chừng xuân, Thừa tự, Trống mái- Khái Hưng, Đoạn tuyệt, Lạnh lùng, Gánh hàng hoa- Nhất Linh nên cũng chưa có cái nhìn bao quát về toàn cảnh bức tranh văn học của Tự lực văn đoàn. Những đánh giá về tác phẩm của Tự lực văn đoàn có phần hơi cực đoan, khen (Trương Chính) cũng như chê (Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Trương Tửu…) đều quá đáng và có phần đơn giản, chưa thực sự thấy được thành công cũng như hạn chế. Riêng về phần nghệ thuật thì ý kiến đánh giá tương đối thống nhất. Hầu hết đều khen văn Tực lực văn đoàn giản dị, trong sáng; nghệ thuật miêu tả tâm lý, nội tâm tài tình; tả cảnh thơ mộng tạo nên những trang văn thi vị, hấp dẫn. Hạn chế của các nhà văn Tự lực văn đoàn về nghệ thuật được đánh giá là không đáng kể. Như vậy, khi đánh giá về Tự lực văn đoàn, các nhà nghiên cứu đều có lập trường quan điểm khác nhau. Thành công cũng như hạn chế của các quan điểm tiếp nhận này sẽ được lý giải bằng những nguyên nhân xã hội, văn hóa, lí luận ...sau đây. 1.2.2. Tiền đề tiếp nhận Tự lực văn đoàn. 24 1.2.2.1. Tình hình chính trị, xã hội và sự xuất hiện độc giả mới của văn học. Năm 1858, Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Đến đầu thế kỷ XX Pháp tiến hành khai thác thuộc địa, xã hội Việt Nam chuyển thành xã hội thực dân nửa phong kiến. Trong xã hội bắt đầu có những thay đổi sâu sắc. Các đô thị mới xuất hiện từ Nam chí Bắc, trở thành những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của chính quyền thực dân. Nhiều thành thị mới ra đời từ sự phát triển thương nghiệp và giao thông. Trong xã hội xuất hiện những tầng lớp mới: tư sản, tiểu tư sản, dân nghèo thành thị, thợ thuyền ...gọi chung là tầng lớp thị dân. Điều kiện của một xã hội mới làm thay đổi cách sống, quan niệm sống, nhịp sống của tầng lớp thị dân. Họ có tư tưởng, tình cảm, thị hiếu thẩm mỹ khác với các thế hệ trước và có nhu cầu mới trong đó có văn học. Đây chính là công chúng mới của văn học và là độc giả chủ yếu của Tự lực văn đoàn. Trương Chính khẳng định: "Cũng cần nói ngay rằng, người đọc ở đây là người đọc tiểu tư sản bà con với những nhân vật tả trong truyện, đang vui buồn những nỗi vui buồn của giai cấp trong thời kì quá độ."[5, tr. 233]. Bạch Năng Thi cũng cho rằng độc giả mới của nhóm là những người "thuộc các tầng lớp tương đối nhàn rảnh ở thành thị: viên chức, học sinh, sinh viên...tư sản và tiểu tư sản nói chung, cùng với biết bao phụ nữ ở các tầng lớp ấy."[81, tr. 589]. Với độc giả mới, văn học vì thế cũng buộc phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu của xã hội trên đà đổi mới. Theo Bạch Năng Thi, công chúng mới say sưa đọc tiểu thuyết vì nội dung và hình thức dễ thích hợp với điều kiện sinh hoạt và khả năng thưởng thức của họ, họ đã chán ngấy cuộc sống của đại gia đình phong kiến, thù hằn quan niệm “môn đăng hộ đối” và những hủ tục man rợ [81, tr. 589]. Trương Chính cho rằng người đọc tìm thấy sự tương đồng về tư tưởng ở tác phẩm Tự lực văn đoàn: "Thanh niên bây giờ đã hấp thụ một nền văn minh mới, đã tiêm nhiễm những tư tưởng nhân đạo, trọng tự do cá nhân, không thể sống trong gia đình cũ với những điều kiện cũ, không thể chịu những nỗi áp bức chuyên chế của Khổng giáo được."[8, tr. 625]. Thạch Lam lý giải sự yêu thích tiểu thuyết của công chúng đương thời bằng sự 25 phong phú và phức tạp trong đời sống tinh thần của chính họ. "Khi người ta bắt đầu có một đời sống bên trong, hay tìm xét những trạng thái tâm hồn mình, người ta thích đọc tiểu thuyết."[48, tr. 72]. Tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đáp ứng được tâm lý, thị hiếu thẩm mỹ của đông đảo công chúng, đã phản ánh được tâm hồn và ước mơ của họ nên được đón nhận nồng nhiệt. Đặt tên nhóm là Tự Lực, các thành viên của nhóm mong muốn có thể sống bằng sức lao động nghệ thuật của mình. Tuy không đặt vấn đề thương mại lên hàng đầu nhưng rõ ràng các nhà văn đã hướng về phía người đọc, nắm bắt và đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của độc giả đương thời, trong đó tầng lớp tiểu tư sản thành thị là lớp độc giả đông đảo nhất. Đối với đông đảo độc giả thời ấy vấn đề chống phong kiến, cải cách xã hội và đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết chính là tâm điểm được chú ý trong thời kì này. Tuy nhiên, bên cạnh lớp công chúng mới đó, vẫn còn sự tồn tại của lớp công chúng chịu ảnh hưởng sâu sắc của tư tưởng phong kiến, ít nhiều họ thừa nhận những đổi mới, sáng tạo về mặt nghệ thuật của tác phẩm nhưng không đồng tình với những nét tính cách quá mới mẻ của những con người mới trong tác phẩm dẫn đến những ý kiến trái chiều nhau khi phê bình tác phẩm Tự lực văn đoàn như phần trên đã đề cập. 1.2.2.2. Cơ sở tư tưởng- văn hóa. Cùng với sự thay đổi hình thái xã hội, đời sống tư tưởng, văn hóa Việt Nam cũng có sự thay đổi lớn. Ý thức hệ phong kiến vẫn tồn tại nhưng mất địa vị độc tôn. Cùng với sự phát triển của tầng lớp trí thức Tây học và đời sống mới ở thành thị, ý thức hệ tư sản xuất hiện. Sau đó xuất hiện ý thức hệ vô sản và từ năm 1930 trở đi cùng với sự ra đời của Đảng cộng sản Đông Dương, văn hóa vô sản Việt Nam ngày càng phát triển. Điều này tác động rất lớn đến quan điểm tiếp cận Tự lực văn đoàn. Ý thức hệ khác nhau dẫn đến những quan điểm tiếp nhận hoàn toàn khác nhau. Sự cùng tồn tại của các ý thức hệ khiến cho việc tiếp nhận Tự lực văn đoàn trở nên rất phức tạp. Cùng có quan điểm xã hội nhưng Trương Chính, Dương Quảng Hàm đánh giá cao sự tiến bộ 26 của các nhà văn Tự lực đã đả phá mạnh mẽ các hủ tục của xã hội phong kiến để cải tạo xã hội. Vũ Ngọc Phan lại đánh giá cao những thành công từ phía đặc trưng thể loại. Các nhà văn đứng về phía giai cấp vô sản như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng muốn phản ánh đúng hiện thực cuộc sống, mong mỏi dùng ngòi bút tìm cách giải thoát cho con người nên phê phán các nhà văn lãng mạn trên ý thức hệ tư sản và tiểu tư sản đã tô vẽ xã hội. Giao lưu văn hóa cũng đã thay đổi. Trước đây, văn học Việt Nam vốn chỉ quẩn quanh trong vòng ảnh hưởng của khu vực văn hóa cổ Trung Hoa, từ giữa thế kỷ XIX, đặc biệt đầu thế kỷ XX được tiếp xúc với tư tưởng, văn hóa, văn học phương Tây hiện đại, đặc biệt là Pháp. Cũng cần nhớ rằng, ban đầu văn hóa Pháp được du nhập với mục đích làm lu mờ nền văn hóa truyền thống dân tộc. Khi tiếp nhận, một mặt, chúng ta phản ứng với văn hóa nô dịch để bảo vệ văn hóa dân tộc, mặt khác, chọn lọc, tiếp thu cái mới, cái hay của nền văn hóa đó. Cuộc tiếp xúc này đã đem đến một lối sống khác với lối sống trước đây. Đó là lối sống hiện đại của một lớp người trong xã hội. Họ coi trọng tự do cá nhân, khẳng định tình yêu tự do và xây dựng hạnh phúc gia đình trên cơ sở bình đẳng, chống đối lại sự ràng buộc trong luân lý của lối sống cũ. Đó là trường hợp của Dũng, Loan trong Đoạn tuyệt, Nhung trong Lạnh lùng, Trương, Thu trong Bướm trắng, Mai trong Nửa chừng xuân... Đây cũng là một trong những lí do dẫn đến những quan điểm tiếp cận khác nhau đối với lối sống còn quá mới mẻ đó. Hầu hết các ý kiến của nhà nghiên cứu khen ngợi tính chất tiến bộ, hiện đại của những con người mới. Tuy nhiên, từ góc độ đạo đức, một vài người cũng tìm thấy những chỗ con người cá nhân đã vượt quá những tiêu chuẩn đạo đức cho phép. Tuyết (Đời mưa gió) bị xem là đại diện cho chủ nghĩa cá nhân cực đoan nhiễm thêm chất độc của sự trụy lạc. Nhung (Lạnh lùng) cũng bị đánh giá là người đàn bà phóng tứ. 1.2.2.3. Tình hình văn học và lí luận văn học. - Thời kì từ đầu thế kỷ XX -1945 nền văn học được hiện đại hóa với tốc độ cực kì nhanh chóng. Những năm cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỷ XX, phong 27 trào tiểu thuyết dịch phát triển mạnh. Chủ yếu là tiểu thuyết Trung Quốc và tiểu thuyết, kịch Pháp. Từ công việc dịch thuật, các nhà văn tiến dần đến mô phỏng, phóng tác. Một số tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh đã mô phỏng tiểu thuyết của Huygo, Dumas trên nhiều bình diện: cốt truyện, môtip, mô hình nhân vật.... Phong trào dịch thuật, mô phỏng đã mang lại cho tiểu thuyết Việt Nam một diện mạo mới. Từ năm 1920 về sau phong trào sáng tác bắt đầu phát triển mạnh. Báo chí là mảnh đất thuận lợi cho truyện ngắn và tiểu thuyết ra đời. Hàng loạt tiểu thuyết được xuất bản: Câu chuyện tối tân hôn, Chuyện cô Chiêu Nhì ( Nguyễn Bá Học), Sống chết mặc bay (Phạm Duy Tốn), Tố Tâm (Hoàng Ngọc Phách), Giọt lệ thu (Tương Phố)... Trên nền tảng đó, đến những năm 30 cuộc cách tân triệt để hơn với sự xuất hiện cả nhóm Tự lực văn đoàn và sau đó là của các nhà văn hiện thực đã hoàn tất quá trình hiện đại hóa văn xuôi. -Văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX-1945 có sự phân hóa phức tạp thành nhiều trào lưu và khuynh hướng văn học khác nhau. Chưa có bao giờ trong lịch sử văn học Việt Nam lại có nhiều trào lưu, khuynh hướng văn học cùng tồn tại như thế. Chính sự khác nhau về quan điểm nghệ thuật và khuynh hướng thẩm mỹ của các nhà văn dẫn đến sự phân hóa thành nhiều trào lưu, khuynh hướng trong nội bộ nền văn học. Cũng từ đó nổ ra những cuộc tranh luận sôi nổi, như cuộc tranh luận giữa thơ cũ và thơ mới, cuộc tranh luận giữa hai phái gọi là "nghệ thuật vị nghệ thuật" (tiêu biểu là Hoài Thanh) và "nghệ thuật vị nhân sinh" (người đứng đầu là Hải Triều). Về khuynh hướng văn học, có bộ phận văn học công khai, hợp pháp và bộ phận văn học bất hợp pháp. + Bộ phận văn học công khai, hợp pháp. Chính sách của thực dân vẫn là đàn áp văn học cách mạng, hạn chế các khuynh hướng văn học tiến bộ. Khi cao trào cách mạng 1930-1931 bùng nổ sau cuộc khủng hoảng kinh tế, một mặt chúng thi hành chính sách đàn áp dữ dội, mặt khác chúng sử dụng nhiều thủ đoạn khôn khéo về văn học. Chúng mở cửa cho các trào lưu văn học có ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý độc giả. Những trào lưu này tuy cũng có tinh 28 thần dân tộc và chứa đựng những yếu tố tư tưởng lành mạnh, tiến bộ nhưng không trực tiếp chống chế độ thống trị. Do sự khác biệt về nghệ thuật, bộ phận này lại tự phân hóa thành hai trào lưu chính dưới đây: o Trào lưu văn học lãng mạn có ảnh hưởng từ văn học lãng mạn của Pháp. Đại diện cho trào lưu này là phong trào Thơ mới và tiểu thuyết Tự lực văn đoàn. Văn học lãng mạn bộc lộ cái Tôi trữ tình tràn đầy cảm xúc, khát vọng và ước mơ đồng thời đề cập đến số phận cá nhân với thái độ bất hòa với xã hội (Thơ mới, văn xuôi của Hoàng Ngọc Phách, Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam, Nguyễn Tuân ...) o Trào lưu hiện thực chịu ảnh hưởng ở những phương diện nào đó từ văn học hiện thực Pháp, nó phát triển mạnh trong giai đoạn 1930- 1945, đặc biệt dưới thời kỳ Mặt trận dân chủ. Những nhà văn tiêu biểu cho nhóm này là Hồ Biểu Chánh, Bửu Đình, Nguyễn Công Hoan, Ngô T._.cái Đẹp, đi chắt chiu cái đẹp của thiên nhiên, của tâm hồn con người, bảo tồn cái đẹp có giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc. Thạch Lam thực sự là một nhà văn có tài, có tâm hồn nghệ sỹ. Tác phẩm của ông không chạy theo thị hiếu đương thời. Ông không sáng tác những tác phẩm luận đề như Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, với mục đích phê phán và cải tạo xã hội, tác phẩm của ông không có những yếu tố quyến rũ độc giả nhất thời nên lúc mới ra đời sách của ông bán rất ế. Thạch Lam lặng lẽ đi khám phá chiều sâu tâm hồn con người, ông phát hiện ra vẻ đẹp của con người ở những điều tưởng chừng nhỏ bé nhất bằng một tấm lòng nhân hậu. Tóm lại, tác phẩm của Thạch Lam có chiều sâu nhân bản. Vu Gia từng nhận xét: “Tình người trong văn của 108 Thạch Lam cũng không phải tình người của một thời, mà của muôn thuở, nó cứ vằng vặc như trăng rằm và sẽ mãi mãi như trăng rằm”[24, tr. 98], hay lời của Bùi Hiển: "Khỏi cần nhắc lại là những sáng tác của Thạch Lam, đặc biệt các truyện ngắn, có đời sống lâu bền, còn làm rung động chúng ta hôm nay và mãi mãi, chính nhờ cái ánh sáng nhân hậu ấy tỏa vào"[34, tr. 417]. Ngoài các hướng tiếp nhận đã khảo sát trên đây về tác phẩm văn xuôi Tự lực văn đoàn thì bản thân các nhà văn như Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo cũng được xem xét lại. Lê Thị Đức Hạnh cho rằng về thái độ chính trị, có thể xét riêng Nhất Linh để tìm ra câu trả lời chung cho cả nhóm bởi ông là linh hồn của nhóm. Nhất Linh tuy không theo đường lối giải phóng dân tộc của Đảng Cộng sản Đông Dương nhưng cũng luôn luôn đi tìm một con đường giải phóng dân tộc. Ông có tội chăng là không tìm ra con đường phù hợp với hướng đi của lịch sử dân tộc, chứ hoàn toàn không phải là kẻ bán nước cầu vinh, cúi đầu làm nô lệ. Xuyên suốt qua các khuynh hướng tiếp nhận này, có thể nhận thấy các nhà nghiên cứu, phê bình từ 1986 đến nay đánh giá rất cao đóng góp của Tự lực văn đoàn trong tiến trình văn học dân tộc và trả nó về với vị trí xứng đáng trong nền văn học Việt Nam. Làm được điều này, các nhà nghiên cứu xem như đã trả được "món nợ" (chữ dùng của Phan Trọng Thưởng) bấy lâu nay. Từ tình hình tiếp nhận trên, có thể thấy rõ từ sau 1986 quá trình tiếp nhận văn chương Tự lực văn đoàn không hề dừng mà ngược lại trở nên khởi sắc hơn, sôi nổi hơn trước đây rất nhiều. Những người mới lần đầu tìm đến với Tự lực văn đoàn và cả những người trước đây từng nghiên cứu nhưng chưa thỏa mãn với kết quả của mình, giờ quay trở lại tìm tòi thêm và đưa ra những nhận xét khách quan, chính xác hơn. Điều đó bắt nguồn từ những tiền đề mà chúng tôi sẽ đề cập sau đây. 3.2. TIỀN ĐỀ TIẾP NHẬN TỰ LỰC VĂN ĐOÀN SAU 1986. 3.2.1. Tình hình chính trị - xã hội, văn hóa - tư tưởng. 109 Trong những năm đất nước bị xâm lược, có hai nhiệm vụ được đặt ra: nhiệm vụ cứu nước và nhiệm vụ canh tân đất nước. Trong thời gian chiến tranh, nhiệm vụ đầu tiên đã thu hút toàn bộ sự quan tâm của nhân dân ta, chúng ta đã mất vào đó không biết bao nhiêu công sức, trí tuệ. Năm 1975, đất nước hoàn toàn giải phóng, Đảng ta đã hoàn thành nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc. Mọi sự nỗ lực để giành lại độc lập đã được đền bù xứng đáng. Đảng cộng sản lại cùng với nhân dân bắt tay vào khôi phục và xây dựng đất nước trong muôn vàn khó khăn gian khổ. Sau chiến tranh, chúng ta phải đối mặt với nền kinh tế lạc hậu, kém phát triển. Một thời gian dài phải mò mẫm tìm lối ra. Những quan niệm ấu trĩ vẫn còn tồn tại. Phải đến năm 1986, với chủ trương đổi mới được đề ra ở Đại hội Đảng lần thứ sáu, dưới ánh sáng của công cuộc đởi mới tư duy và đổi mới toàn diện đất nước trên mọi lĩnh vực, sự thay đổi mới thực sự bắt đầu. Về kinh tế, chúng ta chấp nhận nền kinh tế thị trường, tuy vẫn giữ theo định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng đã mở ra rất nhiều cơ hội cho người dân được tự do kinh doanh, tạo sự khởi sắc cho nền kinh tế. Về chính trị, chúng ta mở rộng quan hệ ngoại giao với nhiều nước ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Đây là một tiền đề quan trọng để mở rộng khu vực giao lưu văn hóa. Tiếp tục mở rộng giao lưu văn hóa với phương Tây và tiếp xúc thêm với những nền văn hóa, văn học mới mẻ của châu Mỹ Latinh, châu Úc... độc giả Việt Nam được đón nhận rất nhiều tác phẩm văn học, nhiều trường phái lí luận, phê bình văn học khác nhau. Những cuộc giao lưu quốc tế đó giúp chúng ta rất nhiều trong quá trình nghiên cứu, tiếp nhận tác phẩm từ nhiều góc độ khác nhau để có cái nhìn toàn diện hơn về tác phẩm. Cũng cần thấy được sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và công nghệ in ấn đã góp phần không nhỏ vào việc xuất bản sách báo. Ngày nay sách báo tràn ngập thị trường. Các tác phẩm của các tác giả được tái bản hàng loạt tạo điều kiện cho công chúng được tiếp xúc dễ dàng với các tác phẩm từ cổ điển đến hiện đại, từ văn học Việt Nam đến văn học nước ngoài. Tác phẩm Tự lực văn đoàn vì thế cũng đến tay độc giả thuận tiện hơn. 110 Một tiền đề vô cùng quan trọng nữa trong tiếp nhận văn học từ 1986 đến nay là sự thay đổi về tư tưởng. Tinh thần của Đại hội VI là đề cao nhân tố con người, mở rộng dân chủ, tôn trọng sự thật. Tiếp theo đó là nghị quyết 05 của Bộ Chính trị về văn hóa văn nghệ với chính sách tự do sáng tác, quý trọng các tài năng nghệ thuật và có chủ trương khuyến khích những tìm tòi sáng tạo của văn nghệ sỹ. Đó cũng là lí do để các nhà nghiên cứu quay trở lại minh định lại vai trò và vị trí của những tác phẩm, tác giả, phong trào trước đây bị đánh giá chưa thỏa đáng. Đó là trường hợp của phong trào Thơ mới, văn xuôi Tự lực văn đoàn, các tác giả Vũ Trọng Phụng, Hàn Mặc Tử... 3.2.2.Sự xuất hiện của một tầng lớp độc giả mới. Với thời gian mười mấy năm sau chiến tranh, dân tộc ta đã kịp chuyển mình để hội nhập cùng nền kinh tế - văn hóa thế giới. Theo đó là sự xuất hiện của một tầng lớp độc giả mới. Họ là những người sinh ra sau chiến tranh, không hề vướng bận với một sự ràng buộc nào. Và cũng vẫn còn người của thế hệ cũ, nhưng đã thay đổi ít nhiều theo tinh thần đổi mới chung của đất nước. Họ được tiếp cận với những tri thức mới mẻ từ những thành tựu của lí luận văn học trên thế giới, có nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ khác hơn và ngày càng được nâng cao. Họ không bị ràng buộc, chi phối chặt chẽ trong mối quan hệ giữa văn học với chính trị nên có cái nhìn cởi mở hơn. Vì thế, hướng nghiên cứu, tiếp cận cũng rộng lớn hơn, góp phần khám phá thêm những giá trị văn học mới. Gần đây việc các tác phẩm của Tự lực văn đoàn ( nhất là tác phẩm của Thạch Lam, Khái Hưng, Nhất Linh) được tái bản hàng loạt với số lượng nhiều cho thấy lượng độc giả của Tự lực văn đoàn không hề giảm sút. Những tác phẩm đó vẫn đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu và thưởng thức của độc giả đương đại. Khi Tự lực văn đoàn chính thức được nhìn nhận lại với cái nhìn thoả đáng hơn, đã có đông đảo các độc giả chuyên nghiệp tỏ rõ sự hứng thú trong việc tiếp nhận tác phẩm Tự lực văn đoàn. Nhu cầu khám phá những hiện tượng văn học độc đáo trong quá khứ sau một thời gian tiếp nhận gián đoạn là 111 một nhu cầu rất lớn. Không chỉ những người đã từng nghiên cứu về Tự lực văn đoàn có nguyện vọng trả lại cho nó vị trí xứng đáng trên văn đoàn mà cả những người nghiên cứu mới cũng mong muốn có thể khám phá thêm những điều mới mẻ từ tác phẩm của văn đoàn này. Có thể thấy rõ điều đó qua các công trình của Trương Chính, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Lữ Huy Nguyên hay các chuyên luận của Lê Thị Dục Tú, Trịnh Hồ Khoa, Nguyễn Thành Thi...Điều này chứng tỏ công cuộc đổi mới, đặc biệt là đổi mới phương pháp tư duy đã phát huy hiệu quả to lớn, người nghiên cứu phê bình có thái độ khách quan hơn, khoa học hơn và có kinh nghiệm tiếp thu từ những người đi trước. Các bài báo, chuyên luận, công trình nghiên cứu đã đánh giá khá chính xác và toàn diện về những đóng góp lẫn hạn chế của các thành viên Tự lực văn đoàn trong lĩnh vực văn xuôi. Hướng tiếp cận tác phẩm cũng được mở rộng, và đã tránh được sự phiến diện, cực đoan, thiên vị, từ đó mang đến cho tác phẩm văn học nhiều giá trị mới mẻ, thú vị, văn học nhờ thế cũng trở nên phong phú, đa dạng hơn, hấp dẫn hơn. 3.2.3. Tiền đề văn học và lí luận văn học cho sự tiếp nhận Tự lực văn đoàn. -Quan niệm coi văn học phục vụ chính trị kéo dài đến những năm 80 của thế kỉ XX mới bắt đầu có chuyển biến. Cả văn học lẫn lý luận phê bình đều tự đổi mới bởi người ta đã nhận ra “lịch sử văn học phải lấy các sự kiện văn học làm đối tượng, cũng như ở lịch sử xã hội, chính trị phải lấy các sự kiện chính trị, xã hội làm đối tượng”[59, tr. 6]. Chủ trương đổi mới thực sự đã khuyến khích, khơi dậy ở văn nghệ sỹ tiềm năng sáng tạo. Trong thời gian chiến tranh, văn học chỉ quan tâm những vấn đề có ý nghĩa cộng đồng. Sáng tác lẫn phê bình văn học giờ đây quan tâm đến nhiều vấn đề hơn: vấn đề con người cá nhân với số phận riêng, với những nhu cầu tinh thần và vật chất đa dạng, con người phức tạp với những cá tính, nhân cách không phải là bất biến; vấn đề bản sắc dân tộc. Đây cũng là những nội dung mà Tự lực văn 112 đoàn đã từng quan tâm. Chính điểm tương đồng đó khiến Tự lực văn đoàn được đón nhận trở lại. - Dưới ánh sáng của công cuộc đổi mới phương pháp tư duy và đổi mới toàn diện đất nước trên tất cả lĩnh vực, những hiện tượng văn học trước đây bị đánh giá khắt khe đều được minh định lại. Lê Đình Kỵ đưa ra ý kiến khá thoả đáng “Vấn đề không phải từ bỏ lập trường quan điểm macxít trong nghiên cứu đánh giá, mà ở chỗ vận dụng lập trường quan điểm một cách linh hoạt để không rơi vào chủ nghĩa biệt phái, đánh mất quan điểm lịch sử”.[41, tr. 166]. TS Lê Ngọc Trà đã thấy được vấn đề một cách sâu sắc "Bây giờ thì dần dần chúng ta đã hiểu đúng hơn: cuộc đời rộng hơn chính trị, con người rộng hơn con người giai cấp, thế giới tinh thần của con người và ý thức giai cấp của anh ta không phải là một,...không phải tất cả hình thức và nội dung đều có thể quy về quan điểm chính trị, lập trường giai cấp".Theo ông, nhận thức đúng đắn mối quan hệ giữa đời sống và chính trị, con người và giai cấp sẽ giúp cho văn học chúng ta có khả năng phong phú và hấp dẫn hơn. - Chính từ sự đòi hỏi với nhu cầu đa dạng của độc giả ngày nay mà nền văn học nói chung, ngành lý luận văn học nói riêng đang tự đổi mới mình. Về lĩnh vực sáng tác, văn học không còn nặng khuynh hướng sử thi, ca ngợi con người điển hình cho cả cộng đồng nữa mà đi vào tìm hiểu con người cá nhân với tất cả sự phức tạp của nó. Đó cũng chính là những vấn đề mà trước đây Tự lực văn đòan đã từng đề cập đến. Ngay từ những năm tám mươi của thế kỷ XX chúng ta đã có những tác phẩm của Nguyễn Minh Châu, Chu Lai, Lê Lựu, Nguyễn Huy Thiệp...Tác phẩm của họ nhìn vấn đề quá khứ, hiện tại, tương lai bằng cái nhìn nhân bản, họ đi sâu vào đời sống nội tâm, tâm hồn để tìm hiểu, khám phá con người. - Ngành lý luận cũng không ngừng tự phê bình để phát triển. Đây cũng là tiền đề quan trọng dẫn đến sự thay đổi trong quan điểm tiếp nhận Tự lực văn đoàn. Nhìn từ phía lý luận, đổi mới văn học bắt đầu từ hai vấn đề có ý nghĩa. Đó là mối quan hệ giữa Văn nghệ và Chính trị, và Văn học và Hiện thực. Hai vấn đề này đã tạo ra nhiều cuộc tranh luận. Tập tiểu luận Lý luận và 113 văn học (1990) của Lê Ngọc Trà đã mở rộng cách hiểu về hiện thực. Theo ông, nghệ thuật không chỉ đơn thuần phản ánh hiện thực mà còn nghiền ngẫm về hiện thực. Nó xem xét, đánh giá sự kiện, hành động trong nhiều chiều khác nhau. Cuốn sách Các vấn đề của khoa học văn học (1990) của Viện Văn học đem khoa nghiên cứu, phê bình lý luận văn học trả nó với với đúng nghĩa của nó. Việc những vấn đề cơ bản của văn học được đem ra mổ xẻ, bàn luận kỹ càng đã giúp cho người sáng tác lẫn người phê bình có cái nhìn đúng đắn hơn, thống nhất hơn. Đây chính là các bước khởi đầu tạo tiền đề vô cùng quan trọng cho những đổi mới trong văn học. Nhờ đó, khi tiếp cận với tác phẩm Tự lực văn đoàn, các nhà nghiên cứu không còn mang nặng thiên kiến chủ quan, không đặt nặng vấn đề lập trường tư tưởng, giai cấp hay vấn đề phản ánh hiện thực như trước kia nữa mà chú ý nhiều hơn đến tiêu chí văn chương. Cái đẹp, ý nghĩa nhân văn của tác phẩm được chú ý hơn. Bướm trắng của Nhất Linh là một ví dụ. Nếu trước đây các nhà ngiên cứu chỉ chú ý khai thác mặt suy đồi trong lối sống của Trương, của Thu thì giờ Đỗ Đức Hiểu còn thấy tác phẩm là hành trình tìm kiếm cái đẹp của nhân vật: "Có phải Nhất Linh muốn nói: Tình yêu, cái đẹp như con bướm trắng, trẻ thơ không bao giờ bắt được, nó luôn luôn ở phía trước con người. Và con người không hề ngơi nghỉ đuổi bắt cái đẹp (..)"[31, tr. 247]. Đây là tiền đề vô cùng quan trọng làm thay đổi cả các khuynh hướng tiếp nhận văn học, góp phần thay đổi cả thị hiếu thẩm mỹ của độc giả. Những tác phẩm trước đây từng bị đánh giá thấp ở miền Bắc như Bướm trắng -Nhất Linh, Đời mưa gió - Khái Hưng... được nhìn nhận lại. Đỗ Đức Hiểu xem xét Bướm trắng từ thi pháp hiện đại, đã đánh giá cao tác phẩm này. Ngay cả những ảnh hưởng văn học phương Tây của Tự lực văn đoàn cũng được xem xét lại. Không phải chỉ thấy những ảnh hưởng tiêu cực từ Nietzsche, Andre Gide mà các nhà nghiên cứu còn thấy cả những mặt tích cực của nó "Tự lực văn đoàn đã tiếp thu những ảnh hưởng của cả phương Tây và phương Đông, của truyền thống văn học dân tộc để xây dựng một nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại"[14, tr. 276]. 114 -Xu hướng toàn cầu hóa trên mọi lĩnh vực đã giúp cho văn học có mối giao lưu rộng rãi. Nhiều trường phái lí luận của thế giới được du nhập vào và được đón nhận nhanh chóng hơn.Việc tìm hiểu, nghiên cứu văn học do đó được mở rộng từ nhiều góc độ: thi pháp học, văn bản, cấu trúc, ngôn ngữ, lý thuyết tiếp nhận, tự sự học, văn học so sánh... Vận dụng những tri thức mới mẻ này để xem xét các tác phẩm Tự lực văn đoàn đã đem lại những thành tựu đáng kể. Có thể kể ra các công trình của Nguyễn Trác - Đái Xuân Ninh, Lê Dục Tú, Nguyễn Thành Thi tìm hiểu từ khía cạnh ngôn ngữ. Đỗ Đức Hiểu, Trịnh Hồ Khoa từ thi pháp học hiện đại... Dù tiếp cận với tác phẩm Tự lực văn đoàn từ góc độ nào đi chăng nữa thì cuối cùng ý kiến của độc giả chuyên nghiệp cũng thống nhất về những thành công lẫn hạn chế cơ bản của họ. Những tác phẩm được xem là hay nhất của họ là những tiểu thuyết tâm lý viết về tình yêu, về gia đình. Nội dung của một số tiểu thuyết đã mang tính nhân văn khi đấu tranh chống lễ giáo phong kiến ràng buộc con người, đáp ứng được yêu cầu giải phóng con người của xã hội đương thời, một số tác phẩm đã đi sâu vào từng ngóc ngách trong nội tâm, tâm hồn con người để khám phá vẻ đẹp của họ. Một số tác phẩm mang tính dân tộc sâu sắc. 115 KẾT LUẬN 1. Tự lực văn đoàn là một hiện tượng văn học độc đáo và khá phức tạp trong văn học Việt Nam, có ảnh hưởng vô cùng quan trọng đến quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX. Các tác phẩm văn xuôi của các nhà văn Tự lực văn đoàn mang trong nó những nội dung không phải dễ dàng thống nhất nên luôn có một sức hấp dẫn đặc biệt để độc giả tiếp tục khám phá và phát hiện những điều mới mẻ. 2. Ở miền Bắc trong một thời gian dài (1945-1986), điều kiện tiếp nhận Tự lực văn đoàn không thuận lợi. Khuynh hướng chính trị hóa trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, sự am hiểu còn chưa sâu sắc về quan điểm Mác - Lênin đã dẫn đến những hạn chế trong đánh giá vai trò, vị trí của văn xuôi Tự lực văn đoàn. Mặc dù vậy, nhưng tác phẩm văn xuôi Tự lực văn đoàn vẫn âm thầm chiêu mộ độc giả cho mình. Phan Cự Đệ có viết "Tiểu thuyết của Nhất Linh và Khái Hưng hiện nay còn gây tác hại đối với học sinh sinh viên ở các đô thị miền Nam và không phải là không có ảnh hưởng đến một bộ phận nhỏ nào đó của độc giả miền Bắc"[13, tr. 56]. Từ góc độ xem xét vấn đề người đọc, chúng ta có thể thấy được dù điều kiện tiếp nhận không thuận lợi nhưng với sức quyến rũ mạnh mẽ, tác phẩm Tự lực văn đoàn vẫn đến được với bạn đọc. 3. Trong khi đó miền Nam với những lý do và điều kiện khác nhau đã sẵn sàng hơn trong việc đón nhận tác phẩm của nhóm. Với khuynh hướng đề cao nghệ thuật, đề cao con người tác giả và chủ trương cải cách xã hội thể hiện trong tác phẩm, độc giả miền Nam đã phần nào thấy được đóng góp của Tự lực văn đoàn. Tuy nhiên, chân lý vẫn còn rất xa khi độc giả miền Nam chưa khái quát được giá trị của tác phẩm trong mối quan hệ chặt chẽ giữa nội dung và hình thức nghệ thuật. 4. Tinh thần đổi mới từ những năm 1986 thực sự là cơ hội lớn cho Tự lực văn đoàn được trở về với giá trị đích thực của mình. Khi không còn bị khuynh hướng chính trị nào chi phối, người đọc trở nên khách quan hơn trong đánh giá Tự lực văn đoàn. Tiếp xúc với những tri thức mới, độc giả ngày hôm 116 nay có được niềm tin vững chắc trong việc đi tìm những cánh cửa mới để tiếp cận với tác phẩm. Điều đó giải thích cho những trang viết không lặp lại lối mòn của những người đi trước trong việc kiếm tìm chân lý. Với góc nhìn rộng hơn, tầm nhìn của người viết cũng thoáng hơn do đã tháo gỡ những rào cản, những công trình nghiên cứu sau 1986 thực sự đã đem lại nhiều giá trị trong việc khám phá những thành tựu của Tự lực văn đoàn. Điều này đã góp phần nâng cao tri thức cho bạn đọc, giúp họ quay lại thẩm thấu tác phẩm tốt hơn. 5. Tác phẩm văn xuôi Tự lực văn đoàn đã có một giai đoạn hầu như vắng bóng ở miền Bắc, hoặc bị lợi dụng cho những âm mưu chính trị ở miền Nam. Tuy nhiên, trải qua tất cả những thăng trầm đó, những gì có giá trị của văn xuôi Tự lực văn đoàn đều được trả lại đúng cho nó. Và những gì là hạn chế của thời đại, của lịch sử cũng được đánh giá một cách đúng đắn. Lịch sử tiếp nhận Tự lực văn đoàn cho ta thấy trong từng hoàn cảnh lịch sử, chính trị, xã hội, văn hóa, tư tưởng khác nhau, mỗi thế hệ người đọc sẽ có những cách tiếp nhận khác nhau, tìm thấy những ý nghĩa khác nhau phù hợp với bản thân và thời đại. Chính vì thế mới có hiện tượng cùng một thời điểm lịch sử nhưng ở miền Bắc lại có cách tiếp cận Tự lực văn đoàn hoàn toàn khác ở miền Nam, và mỗi thế hệ ở từng giai đoạn lịch sử lại tiếp nhận khác nhau. Từ việc nghiên cứu lịch sử tiếp nhận còn cho thấy hiện tượng cùng một nhà phê bình nhưng qua từng thời kì khác nhau, sống trong bối cảnh lịch sử xã hội khác nhau cũng có những thay đổi trong quan điểm tiếp nhận ( Trương Chính, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức ). Điều đó nói lên rằng những yếu tố lịch sử - xã hội không những có ảnh hưởng mà còn ảnh hưởng vô cùng quan trọng đến việc tiếp nhận tác phẩm. Và nếu chỉ nghiên cứu tác phẩm từ phía người sáng tác, bỏ qua lịch sử tiếp nhận tác phẩm thì không thể thấy hết giá trị cũng như hạn chế của tác phẩm văn học. 6. Dù những giá trị cơ bản của văn xuôi Tự lực văn đoàn đã được khẳng định nhưng quá trình tiếp nhận tác phẩm vẫn tiếp tục vận động. Tác phẩm sẽ tiếp tục được sống trong lòng người đọc. Xung quanh văn đoàn này vẫn còn rất nhiều vấn đề chưa có hồi kết như vấn đề thời điểm ra đời và kết 117 thúc của văn đoàn... .Những vấn đề này sẽ tiếp tục thu hút giới nghiên cứu trong tương lai. 118 TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Vũ Tuấn Anh (1992),“Thạch Lam - văn chương và cái đẹp”, TC Văn học,(6). 2. Lại Nguyên Ân (2003), "Giải pháp điều hòa xã hội trong văn Thạch Lam", Thạch Lam- tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 3. Trường Chinh (1974), Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội. 4. Trường Chinh (1949), "Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam", Về văn hóa văn nghệ, Nxb Văn hóa, Hà Nội. 5. Trương Chính(2000),“Tự lực văn đoàn”, Tự lực văn đoàn trong tiến trình văn học dân tộc, Nxb văn hoá –Thông tin, Hà NộI (Mai Hương tuyển chọn). 6. Trương Chính (2000), "Nhất Linh", Tự lực văn đoàn trong tiến trình văn học dân tộc, Nxb văn hoá –Thông tin, Hà NộI (Mai Hương tuyển chọn). 7. Trương Chính (2000), "Khái Hưng", Tự lực văn đoàn trong tiến trình văn học dân tộc, Nxb văn hoá –Thông tin, Hà NộI (Mai Hương tuyển chọn) 8. Trương Chính (2000), "Dưới mắt tôi", Tự lực văn đoàn trong tiến trình văn học dân tộc, Nxb Văn hóa-thông tin, Hà Nội (Mai Hương tuyển chọn) 9. Trương Chính (1990), "Nhìn lại vấn đề giải phóng phụ nữ trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn", Tạp chí văn học (5), Hà Nội. 10. Nguyễn Mạnh Côn (2000), "Vĩnh quyết Nhất Linh", Tự lực văn đoàn trong tiến trình văn học dân tộc, Nxb văn hoá –Thông tin, Hà Nội. (Mai Hương tuyển chọn) . 11. Nguyễn Nhật Duật (1989), "Nhìn lại tiểu thuyết Tự lực văn đoàn", TC Văn,(5). 12. Phan Cự Đệ (1970), Thơ văn cách mạng 1930-1945, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 13. Phan Cự Đệ (1978), Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, tập 1, Nxb Đại học và THCN, Hà Nội. 119 14. Phan Cự Đệ (1990), Tự lực văn đoàn-con người và văn chương, Nxb văn Học, Hà Nội. 15. Phan Cự Đệ (2002), Văn học lãng mạn Việt Nam(1930-1945), NxbVăn học, Hà Nội. 16. Phan Cự Đệ (2002), "Chuyện trò với Hoàng Xuân Hãn", Văn học lãng mạn Việt Nam (1930-1945), Nxb Văn học, Hà Nội. 17. Hà Minh Đức (2003), Khảo luận văn chương, Nxb KHXH, Hà Nội. 18. Hà Minh Đức (chủ biên –2001), Lí luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 19. Hà Minh Đức (1992), Văn chương Tự lực văn đoàn, tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 20. Hà Văn Đức (2003), "Thế giới nhân vật của Thạch Lam", Thạch Lam-về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục. 21. Phạm Văn Đồng (1976), Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ, Nxb Văn học, Hà Nội. 22. Vu Gia (1995), Nhất Linh trong tiến trình hiện đại hoá văn học,Nxb Văn Hoá, Hà Nội. 23. Vu Gia (1997), Hoàng Đạo, nhà báo-nhà văn, Nxb Văn hoá, Hà Nội. 24. Vu Gia (2000), "Thạch Lam bước đầu tôi biết", Thạch Lam của cái đẹp, Nxb văn hóa thông tin, Hà Nội. 25. Vu Gia (2000), "Những điều còn đọng lại", Thạch Lam của cái đẹp, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. 26. Văn Giá( tuyển chọn và biên soạn-1999), Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Hải Triều, Đặng Thai Mai, Nxb Giao dục. 27. Dương Quảng Hàm (1943), Việt Nam văn học sử yếu, Hà Nội. 28. Lê Thị Đức Hạnh (1991), “Mấy ý kiến đánh giá Tự lực văn đoàn”, TC Văn học, (3). 29. Lê Thị Đức Hạnh (1965), “Mấy ý kiến đánh giá Thạch Lam”, TC Văn học, (4). 120 30. Lê Thị Đức Hạnh (1965), “Mấy nét về màu sắc dân tộc trong sáng tác của Thạch Lam” , " Thạch Lam, về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 31. Nguyễn Văn Hạnh (2002), Văn học và văn hóa - vấn đề và suy nghĩ, Nxb Khoa học xã hội, tp Hồ Chí Minh. 32. Nguyễn Văn Hạnh, Huỳnh Như Phương(1998), Lý luận văn học- Vấn đề và suy nghĩ, Nxb Giáo dục. 33. Vũ Hạnh (2000), "Nhà văn Nhất Linh và một kẻ đến sau", Tự lực văn đoàn trong tiến trình văn học dân tộc, Nxb văn hoá –Thông tin, Hà Nội (Mai Hương tuyển chọn). 34. Bùi Hiển (1992), "Một nhãn quan, một tâm hồn nghệ sĩ", Thạch Lam- về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 35. Đỗ Đức Hiểu (2000), Thi pháp hiện đại, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. 36. Đinh Hùng (2000), "Tìm hiểu Thạch Lam một vài khía cạnh", Tự lực văn đoàn trong tiến trình văn học dân tộc, Nxb văn hoá –Thông tin, Hà Nội (Mai Hương tuyển chọn). 37. Tường Hùng (1995), "Một vài nét về chân dung Nhất Linh", Nhất Linh trong tiến trình hiện đại hóa văn học, Nxb Văn hóa, Hà Nội. 38. Phạm Thị Thu Hương (1993), "Quan niệm nghệ thuật về con người trong truyện ngắn Thạch Lam”, Tạp chí văn học, (3), tr.16-19. 39. Trần Đình Hượu (2000), "Tự lực văn đoàn, nhìn từ góc độ tính liên tục của lịch sử, qua bước ngoặt hiện đại hóa trong lịch sử văn học phương Đông", Tự lực văn đoàn trong tiến trình văn học dân tộc, Nxb văn hoá – Thông tin, Hà Nội (Mai Hương tuyển chọn). 40. Tam Ích (1967), "Hồn bướm mơ tiên", Văn học lãng mạn Việt Nam(1930- 1945), Nxb Văn học, Hà Nội. 41. Hans Robert Jauss (2002), "Lịch sử văn học như là sự khiêu khích đối với khoa học văn học", Văn học nước ngoài (2), Hà Nội. 42. Trịnh Hồ Khoa (1997), Những đóng góp của Tự lực văn đoàn cho văn xuôi hiện đại Việt Nam, Nxb Văn học. 121 43. Nguyễn Hoành Khung (1998), "Lời giới thiệu", Văn xuôi lãng mạn Việt Nam 1930-1945, tập 1, Nxb Khoa học xã hội. 44. Lê Đình Kỵ (1987), Nhìn lại tư tưởng văn nghệ thời Mỹ nguỵ, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. 45. Lê Đình Kỵ (1999), Vấn đề chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 46. Lê Đình Kỵ (1992), “Về vấn đề đánh giá văn học Việt nam 1930-1945 và đánh giá Vũ Trọng Phụng”, Tạp chí văn học,(6), tr.4. 47. Lê Đình Kỵ (2001), "Văn xuôi Thế Lữ", Văn chương Tự lực văn đoàn, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 48. Thạch Lam (1996), "Vài ý kiến về tiểu thuyết", Khảo về tiểu thuyết, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội (Vương Trí Nhàn biên soạn). 49. Thạch Lam (1938), "Người đầm", Truyện ngắn Thạch Lam-tác phẩm và dư luận, Nxb Văn học, Hà Nội. 50. Thanh Lãng (1973) , Phê bình văn học thế hệ 1932, Phong trào văn hóa, Sài Gòn. 51. Thanh Lãng (1967), Bảng lược đồ văn học Việt nam, quyển hạ, Nxb Trình bày, Sài Gòn. 52. Nguyễn Hiến Lê (2001), Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, Nxb Văn nghệ tp Hồ chí Minh. 53. Phong Lê (1988), “Thạch Lam trong Tự lực văn đoàn”, TC Văn học,(2), tr. 103-109. 54. Phong Lê (1991), “Nhận dạng văn học Việt Nam sau 1945”, TC Văn học,(4), tr.5-8. 55. Phong Lê (2002), “ThờI kì 1932-1945 và diện mạo hiện đại của văn học”, TC Văn học,(9), tr. 3-11. 56. Phong Lê (2005), Về văn học Việt Nam hiện đại nghĩ tiếp, Nxb ĐHQG Hà Nội. 57. Thế Lữ (2003), "Tính cách tạo tác của Thạch Lam", Thạch Lam, về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 122 58. Nguyễn Đăng Mạnh (1994), Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 59. Nguyễn Đăng Mạnh (1995), "Một cuộc nhận đường mới", Tạp chí Văn học, (4), tr 6. 60. Dương Nghiễm Mậu (1972), “Thời của Thạch Lam”, Thạch Lam, về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 61. Dương Nghiễm Mậu (1964), "Nhân nghĩ về Khái Hưng", Khái Hưng- nhà tiểu thuyết xuất sắc, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. 62. Nam Mộc (1978), Luyện thêm chất thép cho ngòi bút, Nxb Văn học, Hà Nội. 63. Tú Mỡ (1988), "Trong bếp núc của Tự lực văn đoàn", Tự lực văn đoàn trong tiến trình văn học dân tộc, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. 64. Vương Trí Nhàn (2003),"Cốt cách trí thức ở ngòi bút Thạch Lam", Thạch Lam, về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 65. Nhiều tác giả (2003), Lí luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 66. Lữ Huy Nguyên (2000), "Tìm đọc Thạch Lam", Thạch Lam của cái đẹp, Nxb văn hóa thông tin, Hà Nội. 67. Phạm Thế Ngũ (1960), "Nhất Linh - Văn tài tiêu biểu của Tự lực văn đoàn", Tự lực văn đoàn trong tiến trình văn học dân tộc, Nxb văn hoá – Thông tin, Hà NộI (Mai Hương tuyển chọn). 68. Phạm Thế Ngũ (1960), "Khái Hưng", Tự lực văn đoàn trong tiến trình văn học dân tộc, Nxb văn hoá –Thông tin, Hà NộI (Mai Hương tuyển chọn). 69. Phạm Thế Ngũ (1960), "Thạch Lam", Tự lực văn đoàn trong tiến trình văn học dân tộc, Nxb văn hoá –Thông tin, Hà NộI (Mai Hương tuyển chọn). 70. Phạm Thế Ngũ (1960), "Tự lực văn đoàn", Tự lực văn đoàn trong tiến trình văn học dân tộc, Nxb văn hoá –Thông tin, Hà NộI (Mai Hương tuyển chọn). 71. Vũ Ngọc Phan (1994), Nhà văn hiện đại, tập 2, Nxb Văn học, Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học, tp Hồ Chí Minh. 123 72. Thế Phong (1974), Lược sử văn nghệ Việt Nam, nxb Vàng son. 73. Vũ Đức Phúc(1963),”Mấy nhận xét về quá trình phát triển của các khuynh hướng thuộc trào lưu văn học lãng mạn 1930-1945), Nghiên cứu văn học, (3), tr.12-19. 74. Vũ Đức Phúc (1971),Bàn về những cuộc đấu tranh tư tưởng trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại(1930-1954), Nxb KHXH, Hà Nội. 75. Phạm Thị Phương (2002), "Vấn đề tiếp nhận Dostoievski tại Việt Nam", Luận án tiến sĩ ngữ văn Viện Khoa học xã hội tại tp Hồ Chí Minh. 76. Doãn Quốc Sĩ (1972), Văn học và tiểu thuyết, NXb Sáng tạo, Sài Gòn. 77. Trương Bảo Sơn (2002), "Triết lý tuyệt hảo trong cuộc đời của Nhất Linh Nguyễn Tường Tam", Văn chương lãng mạn Việt Nam (1930-1945), Nxb Văn học, Hà Nội. 78. Trần Đình Sử (1987), Lý luận và phê bình văn học, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. 79. Hoài Thanh , Tuyển tập Hoài Thanh, Nxb Văn học, Hà Nội. 80. Bạch Năng Thi (2000),"Nhất Linh - tác gia tiêu biểu ", Khái Hưng-nhà tiểu thuyết xuất sắc, Nxb Văn hoá-thông tin, Hà Nội. 81. Bạch Năng Thi (2000), "Khái Hưng-cây bút trụ cột của Tự lực văn đoàn”, Khái Hưng-nhà tiểu thuyết xuất sắc, Nxb Văn hoá-thông tin, Hà Nội. 82. Bạch Năng Thi (1961), "Ưu thế của tiểu thuyết Tự lực văn đoàn", Tự lực văn đoàn trong tiến trình văn học dân tộc, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. 83. Nguyễn Thành Thi (2006), Phong cách văn xuôi nghệ thuật Thạch Lam, Nxb KHXH, Tp HCM. 84. Bích Thu (2003), "Thạch Lam và kiểu nhân vật tự thức tỉnh", Thạch Lam, tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 85. Đỗ Đức Thu (2003), "Thạch Lam", Thạch Lam, tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 86. Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Cừ (2001), Văn chương Tự lực văn đoàn (tập 1, 2, 3), Nxb Giáo dục. 124 87. Phan Trọng Thưởng (2000), "Cuối thế kỉ nhìn lại việc nghiên cứu, đánh giá Tự lực văn đoàn", TC Văn học, (2), tr 57-64. 88. Nguyễn Trác –Đái Xuân Ninh, Về Tự lực văn đoàn, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. 89. Lê Ngọc Trà (1990), Lí luận và văn học, Nxb Trẻ, Tp HCM 90. Nguyễn Văn Trung (1995), "Nghĩ về một thái độ trí thức", Nhất Linh trong tiến trình hiện đại hóa văn học, NxbVăn hóa, Hà Nội. 91. Nguyễn Tuân (1988), "Thạch Lam", Thạch Lam, tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 92. Lê Thị Dục Tú (2003), Quan niệm về con ngườI trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, Nxb Thanh Niên,Tp HCM. 93. Lê Thị Dục Tú (1995), "Vấn đề đánh giá văn học lãng mạn Việt Nam và sự đổi mới tư duy nghiên cứu văn học”, Tạp chí văn học,(9), tr.39-45. 94. Huỳnh Vân (1990), "Nhà văn - bạn đọc và hàng hóa hay văn học và sự dị trị", Tạp chí văn học, (6), Hà Nội. 95. Huỳnh Vân (1990), "Quan hệ văn học - hiện thực với vấn đề tiếp nhận, tác động và giao tiếp thẩm mỹ", Văn học và hiện thực, Nxb KHXH, Hà Nội. 96. Nguyễn Văn Xung (1958), Bình giảng về Tự lực văn đoàn, Nxb Tân Việt, Sài Gòn. ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLA7160.pdf
Tài liệu liên quan