BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
TRẦN VĂN THỊNH
VẤN ĐỀ
TIẾP NHẬN LEP TÔNXTÔI
TẠI MIỀN NAM VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1954 - 1975
Chuyên ngành: Lý luận văn học
Mã số: 5. 04. 05
LUẬN VĂN THẠC SĨ LÝ LUẬN VĂN HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
TS. HUỲNH VĂN VÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - 2005
MỞ ĐẦU
Lep Tônxtôi là một trong những nhà văn Nga thế kỉ XIX có ảnh hưởng lớn đến văn học thế giới
và văn học Việt Nam. Uy tín và tiếng tăm của nhà văn này luôn đ
104 trang |
Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 2159 | Lượt tải: 3
Tóm tắt tài liệu Vấn đề tiếp nhận Lep tônxtôi tại miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ược các nhà phê bình và nghiên cứu
văn học đánh giá rất cao. Sự xuất hiện của Chiến tranh và hoà bình, Anna Karênina và Phục sinh cùng
với những tác phẩm tôn giáo đã nâng tên tuổi của Lep Tônxtôi lên hàng vĩ nhân của nền văn học nhân
loại. Sự xuất hiện của Chiến tranh và hoà bình được xem như một sự kiện văn học lớn của nền văn học
Nga và thế giới thế kỉ XIX với tư cách như là sự xuất hiện của một thể loại tiểu thuyết mới: tiểu thuyết
sử thi. Sự xuất hiện của Anna Karênina một lần nữa lại trở thành một sự kiện văn học lớn khi nó được
xem như là một trong những tác phẩm đã đột phá thể loại tiểu thuyết gia đình đương thời. Lep Tônxtôi
nghiễm nhiên trở thành một nhà văn mà tác phẩm của ông hiện diện khắp nơi trên thế giới, Chiến tranh
và hoà bình, Anna Karênina hầu như có mặt trong mọi thư viện gia đình.
Không chỉ là một nhà văn lớn, Lep Tônxtôi còn là một nhà tư tưởng lớn. Nói đến nhà văn Lep
Tônxtôi, không thể không biết đến nhà cải cách Lep Tônxtôi và càng không thể không biết nhà tư
tưởng Lep Tônxtôi. Chủ nghĩa Lep Tônxtôi trở thành một học thuyết tôn giáo-xã hội mà ảnh hưởng của
nó chắc chắn đã có tác động rất lớn đến sự vận động và biến đổi của lịch sử thế giới. Gandhi- một vị
thánh sống của Ấn Độ, đã từng khẳng định mình đã học hỏi và vận dụng học thuyết Lep Tônxtôi vào
con đường tranh đấu cách mạng nhằm giải phóng và thống nhất Ấn Độ. Đương thời, tên tuổi và học
thuyết tôn giáo-xã hội của Lep Tônxtôi đã quyến rũ hàng ngàn người trên thế giới hành hương đến
Iaxnaia, quê hương của “giáo chủ” Lep Tônxtôi. Ảnh hưởng của Lep Tônxtôi đến tinh thần của loài
người trên thế giới là không gì có thể đo đếm được. Điều này cũng hoàn toàn đúng đối với người Việt
Nam nói chung, người miền Nam nói riêng.
Nguyễn Ái Quốc được xem là người Việt Nam đầu tiên tiếp xúc với sáng tác của Lep Tônxtôi
(khi Người đang ở Pháp). Người cũng tự nhận mình là người học trò nhỏ của đại văn hào Lep Tônxtôi.
Ở miền Bắc, những tác phẩm của Lep Tônxtôi được đón nhận nồng nhiệt mà thái độ của độc giả khá
thống nhất trên tinh thần tiếp nhận của Lênin đối với Lep Tônxtôi vào thập niên đầu tiên của thế kỉ XX.
Ở miền Nam, những tác phẩm của Lep Tônxtôi cũng được đón nhận không kém phần hào hứng.
Trên tinh thần thời đại và điều kiện kinh tế-chính trị-văn hoá-xã hội miền Nam, sự tiếp nhận của độc
giả ở miền Nam có sự khác biệt so với sự tiếp nhận của độc giả miền Bắc Việt Nam, tuy vậy với tư
cách như là những công trình nghệ thuật đích thuật và có giá trị nghệ thuật lớn lao, sự tiếp nhận của
công chúng miền Nam đối với sáng tác và tư tưởng của Lep Tônxtôi vẫn tương đối thống nhất. Sự phân
hoá độc giả trong quá trình tiếp nhận Lep Tônxtôi tuy có tồn tại nhưng chưa bao giờ là một sự phân hoá
lớn và sâu sắc.
1. Lý do chọn đề tài:
Chúng tôi chọn đề tài Vấn đề tiếp nhận Lep Tônxtôi ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975
bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau, cả khách quan lẫn chủ quan, nhưng nguyên nhân chính vẫn là
xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của đề tài. Nhìn chung, chúng tôi có một số lý do như sau:
-Văn học Nga là một trong những nền văn học tiên tiến và vĩ đại của thế giới. Những tên tuổi và
tác phẩm của nền văn học này từ lâu đã quen thuộc với độc giả bình dân và giới trí thức Việt Nam hơn
nửa thế kỉ nay. Ảnh hưởng nền văn học này đến nền văn học thế giới nói chung và văn học Việt Nam
nói riêng là rất lớn và từ lâu đã được khẳng định. Kí ức người Việt từ lâu luôn dành một vị trí trang
trọng cho những giá trị bất diệt của nền văn học giàu tính triết lý và tinh thần nhân văn này. Vì những
lý do đó, việc tiếp cận và nghiên cứu về những biểu hiện của nền văn học này là hết sức cần thiết.
-Cùng với các tên tuổi Puskin, Gôgôn, Tuôcghênhep, Đôxtôiepxki, Tsêkhôp,… nhà văn Lep
Tônxtôi là một trong những tinh hoa của đội ngũ các nhà văn Nga và đồng thời cũng là một trong số
những nhà văn lớn của văn học thế giới. Do tầm vóc, uy tín cũng như vai trò của Lep Tônxtôi to lớn
như thế nên việc tìm hiểu về sáng tác cũng như những vấn đề liên quan đến sự nghiệp của ông vẫn luôn
là một yêu cầu đối với sự nhận thức văn học nghệ thuật của mọi thời đại. Mặt khác, Lep Tônxtôi trong
thế giới tinh thần người Việt Nam hiện đại có một vị trí cực kì quan trọng nên việc tìm hiểu về ông là
một cách để hiểu thêm về chính chúng ta. Sự hiểu biết này không bao giờ là thừa.
-Xã hội miền Nam trước 1975 đối với đa số chúng ta đã là quá khứ. Tuy nhiên, hiểu biết về quá
khứ để nắm bắt thực tại và định hướng tương lai vẫn là một việc làm có ý nghĩa. Đối với một lĩnh vực
tinh thần như văn học nghệ thuật, việc tìm hiểu thế giới tinh thần của người miền Nam trước 1975 sẽ có
ý nghĩa thực tiễn trong việc định hướng tinh thần người miền Nam nói riêng, người Việt Nam nói
chung trong thời kì hiện đại.
-Lý thuyết tiếp nhận từ khi ra đời đến nay vẫn luôn là một lĩnh vực mới của lý luận văn học. Từ
lý thuyết tiếp nhận, tiếp cận một nhà văn và nhà tư tưởng có tiếng tăm lớn như Lep Tônxtôi là một
công việc mà các nhà nghiên cứu trước đây chưa thực hiện đầy đủ. Đề tài luận văn này sẽ góp một
hướng tiếp cận mới bổ sung vào một số khiếm khuyết mà lý luận văn học trước đây đã bỏ sót đối với
Lep Tônxtôi.
2. Lịch sử vấn đề:
Tìm hiểu lịch sử vấn đề của đề tài Vấn đề tiếp nhận Lep Tônxtôi ở miền Nam Việt Nam giai
đoạn 1954-1975, chúng ta thấy có không nhiều những bài báo hoặc công trình nghiên cứu về Lep
Tônxtôi. Nhìn chung, chúng tôi nhận thấy bài viết Lep Tônxtôi tại các đô thị miền Nam trước 1975 của
tác giả Trần Thị Quỳnh Nga (in trong Khoa Ngữ Văn một phần tư thế kỷ, Khoa Ngữ Văn ĐHSP
TPHCM) và Luận văn thạc sĩ Văn học Nga tại các thành thị miền Nam giai đoạn 1954-1975 của tác
giả Phạm Thị Phương (một số phần đã được trích in như: Thống kê đầu sách dịch và bài viết về văn
học Nga tại miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975, Khoa Ngữ Văn ĐHSP TPHCM, 1995; Văn
học Nga tại thành thị miền Nam giai đoạn 1954-1975, Kỷ yếu khoa học 1998, Khoa Ngữ Văn ĐHSP
TPHCM) là đáng quan tâm hơn hết.
Luận văn thạc sĩ Văn học Nga tại các thành thị miền Nam giai đoạn 1954-1975 của tác giả
Phạm Thị Phương là công trình đầu tiên đề cập đến trường hợp tiếp nhận của độc giả miền Nam đối
với Lep Tônxtôi trước 1975. Công trình này lấy việc nghiên cứu tiếp nhận văn học Nga-Xô và trường
hợp tiếp nhận Đôxtôiepxki làm đối tượng nghiên cứu chính nên trường hợp tiếp nhận Lep Tônxtôi chỉ
là một trong những đối tượng được đề cập đến. Điều này đã chi phối kết quả nghiên cứu đối với trường
hợp tiếp nhận Lep Tônxtôi. Nhìn chung, đối với trường hợp tiếp nhận Lep Tônxtôi, tác giả Phạm Thị
Phương đã có những nhận định và minh chứng mang tính chất khái quát nhưng do Lep Tônxtôi không
phải là đối tượng nghiên cứu trọng tâm nên tác giả không đi vào phân tích cụ thể. Xem việc tiếp nhận
Lep Tônxtôi như một trong những biểu hiện của tiến trình tiếp nhận của độc giả miền Nam trước 1975
đối với nền văn học Nga –Xô, tác giả công trình đã đặt việc tiếp nhận Lep Tônxtôi bên cạnh
Đôxtôiepxki và đã có những nhận định chính xác về vị trí của hai nhà văn này trong mắt độc giả miền
Nam :
Lev Tolstoi và Dostoievski có một vị trí quan trọng giữa các nhà văn cổ điển nước ngoài được
giới thiệu vào miền Nam. Về phương diện tư liệu ta thấy tổng số các danh tác của hai nhà văn này
được chuyển dịch và xuất bản nhiều hơn so với các nhà văn Nga khác. Trong các bài nghiên cứu, phê
bình văn học tên tuổi của Lev Tolstoi và Dostoievski được nhắc đến khá thường xuyên. Ở hai nhà văn
này, người ta thường đi khai thác những tư tưởng triết học, tôn giáo phù hợp với tinh thần Đông
phương. Về dịch thuật, các danh tác của hai nhà văn này cũng có phần công phu hơn, điển hình là
trường hợp Nguyễn Hiến Lê với bản dịch “Chiến tranh và hoà bình” [47, 37]
Khi so sánh sự tiếp nhận của độc giả miền Nam đối với hai nhà văn này tác giả Phạm Thị
phương cũng có những nhận định chí lý: Nhìn chung giới độc giả thành thị miền Nam cho rằng Lev là
một nghệ sĩ hoàn toàn hơn, dễ hiểu hơn Dostoievski: đối với tâm hồn người Việt Nam, tinh thần của
Lep Tônxtôi dễ tiếp thu hơn. [47, 39]. Có lẽ vì thế mà tác giả Phạm Thị Phương cho rằng: So với Lev
Tolstoi, thành phần độc giả của Dostoievski ở thành thị miền Nam dường như thu hẹp hơn. [47, 39]
Đánh giá về ảnh hưởng của phong cách viết của Lep Tônxtôi đối với quá trình tiếp nhận của độc
giả miền Nam, tác giả Phạm Thị Phương lưu ý rằng: “Phong cách cổ điển rất mực trong sáng, hài hoà
của Lep Tônxtôi gây được cảm tình lớn đối với những nhà văn, những bạn đọc vốn từng hấp thụ truyền
thống văn học cổ điển và lãng mạn Pháp và được đào luyện trong tinh thần Nho giáo. Phong cách ấy
thấm dần, trở thành mẫu mực để người ta noi theo, “rèn cách viết”. [47, 38]
Tác giả Phạm Thị Phương cũng không quên đề cập đến một trong những đặc điểm quan trọng
nhất của quá trình tiếp nhận Lep Tônxtôi, đó là cách thức tiếp nhận có vấn đề của một số ít độc giả. Tác
giả công trình cho rằng: “Ở Sài Gòn đôi khi người ta có xu hướng nhìn nhận Lep Tônxtôi với cặp mắt
Hiện sinh chủ nghĩa. Một số người thích khai thác một cách thái quá những chi tiết đời sống thường
nhật của nhà văn. Họ hay dùng những từ ngữ, những khái niệm của lý thuyết Hiện sinh để bàn đến nhà
văn và tác phẩm.” [47, 38]. Để minh chứng cho luận điểm này, tác giả dẫn lại và nhấn mạnh những từ
ngữ, khái niệm mà nhà xuất bản Phù Sa đã sử dụng khi giới thiệu tác phẩm “Vùng đất hồi sinh”: “ý
niệm khai phóng”, “mặc cả vô hiệu”, “ẩn ức”, “trả giá”.
Bài viết Lev Tolstoi tại các đô thị miền Nam trước 1975 [42] của tác giả Trần Thị Quỳnh Nga
tiếp cận vấn đề tiếp nhận Lep Tônxtôi trước 1975 tại các thành thị miền Nam tương đối khái quát và cụ
thể hơn. Đây cũng là lẽ đương nhiên bởi lẽ đối tượng được đề cập chính trong bài nghiên cứu này chính
là Lep Tônxtôi. Tiếp cận Lep Tônxtôi, tác giả Trần Thị Quỳnh Nga đặt trọng tâm ở hai phương diện
chính: tình hình dịch thuật và tình hình nghiên cứu.
Đề cập đến tình hình dịch thuật Lep Tônxtôi ở các đô thị miền Nam trước 1975, tác giả Trần
Thị Quỳnh Nga đã cho thấy toàn bộ tình hình dịch Lep Tônxtôi ở miền Nam giai đoạn này. Tác giả cho
rằng người đọc miền Nam đã quen thuộc với Lep Tônxtôi từ những năm 50: Trên tư liệu dịch thuật,
Tolstoi trở nên quen thuộc với độc giả miền Nam vào những năm 50. Cuối những năm 50, bạn đọc Sài
Gòn tiếp xúc với tác phẩm Hạnh phúc gia đình, Bản sonat tặng Kreutzer và một số đoạn trích Chiến
tranh và hoà bình qua bản dịch của Bảo Sơn [42, 192]. Tình hình dịch vào những năm 60 và 70 cũng
được tác giả đề cập khá cụ thể.
Chất lượng dịch thuật cũng được tác giả bài viết đề cập. Theo Trần Thị Quỳnh Nga, “những tác
phẩm của Lep Tônxtôi được giới thiệu ở miền Nam đã góp phần vào việc giới thiệu sáng tác của nhà
văn cổ điển này, song chất lượng các bản dịch còn là vấn đề cần xem xét bởi hầu hết các tác phẩm của
L.Tolstoi cũng như văn học Nga nói chung đều được dịch qua một ngôn ngữ trung gian là tiếng Anh
hoặc tiếng Pháp (mà tiếng Pháp là chủ yếu). Đó là chưa kể một số dịch giả tuỳ tiện thay đổi nhan đề
tác phẩm, Việt hoá các tên nhân vật, ngôn ngữ dịch nghèo nàn, thiếu chính xác.” [42, 194]
Về tình hình nghiên cứu Lep Tônxtôi, tác giả Trần Thị Quỳnh Nga đã đề cập đến những nhận
định, nghiên cứu chung về bản thân nhà văn Lep Tônxtôi và mảng sáng tác của ông. Những nhận định
của Nguyễn Hiến Lê đặc biệt được tác giả bài viết lưu ý. Tác giả cũng không quên tìm hiểu một cách
sơ lược những nguyên nhân, tiền đề nhằm lý giải cho tình hình dịch thuật và nghiên cứu Lep Tônxtôi.
Nhìn chung, trong bài viết của mình, tác giả Trần Thị Quỳnh Nga đã cố gắng giới thiệu một
cách cụ thể nhất về Lep Tônxtôi trong khuôn khổ của một bài khảo cứu sơ bộ. Tuy nhiên, do khuôn
khổ của một bài báo nên tác giả chưa có điều kiện đi sâu tìm hiểu những vấn đề cụ thể và rộng lớn hơn.
Dù vậy, bài viết này đã có những gợi mở rất quan trọng trong việc định hướng nghiên cứu Lep Tônxtôi.
3. Mục đích nghiên cứu
Với đề tài Vấn đề tiếp nhận Lep Tônxtôi ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975, chúng tôi
sẽ tiến hành tiếp cận một số vấn đề sau:
-Chúng tôi đề cập một số nét về sự ra đời, tình hình nghiên cứu lý luận tiếp nhận trên thế giới và
ở Việt Nam cũng như những khái niệm cơ bản và tầm quan trọng của lý thuyết tiếp nhận đối với lý
luận văn học. Trên cơ sở những tiếp cận đó, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến lý thuyết tiếp nhận như là
một lĩnh vực mới mẻ đồng thời thể hiện cách hiểu của mình về một số khái niệm và đó cũng là cơ sở để
tiếp cận một nhà văn lớn như Lep Tônxtôi.
-Đề tài Vấn đề tiếp nhận Lep Tônxtôi ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975 sẽ được triển
khai theo hướng làm rõ một số đặc điểm của quá trình tiếp nhận Lep Tônxtôi của độc giả miền Nam
trước 1975. Trên cơ sở những vấn đề được đề cập, một mặt chúng tôi sẽ triển khai lý giải thực trạng
tiếp nhận Lep Tônxtôi đồng thời làm rõ sự ảnh hưởng và tác động qua lại giữa các nhân tố độc giả-tác
phẩm-hiện thực xã hội cũng như một số vấn đề thuộc về lý thuyết tiếp nhận và ứng dụng chúng vào
trường hợp tiếp nhận cụ thể.
- Những kết quả tiếp nhận Lep Tônxtôi sẽ được chúng tôi xem như là những kinh nghiệm tiếp
nhận để từ đó gợi ý quá trình tiếp nhận thực tế ở miền Nam cũng như đối với độc giả Việt Nam nói
chung hiện nay.
Nhìn chung, với đề tài Vấn đề tiếp nhận Lep Tônxtôi ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-
1975, chúng tôi không có tham vọng tìm hiểu toàn bộ tiến trình tiếp nhận Lep Tônxtôi của độc giả
miền Nam mà chỉ tiếp cận một số vấn đề có liên quan đến việc độc giả tiếp nhận tác gia này để sơ bộ lý
giải và làm cơ sở định hướng cho những nghiên cứu dài hơi hơn. Những vấn đề như công việc dịch,
vấn đề chuyển mã văn bản sang Tiếng Việt không được đề cập cụ thể trong đề tài này. Những vấn đề
như ảnh hưởng của Lep Tônxtôi đối với sáng tác của các văn nghệ sĩ miền Nam, cũng như ảnh hưởng
của nhà văn này đến các lĩnh vực sáng tác nghệ thuật cũng không được đề cập. Việc tiếp cận một cách
toàn diện tiến trình tiếp nhận Lep Tônxtôi của độc giả miền Nam trước 1975 sẽ được thực hiện trong
một công trình nghiên cứ dài hơi hơn. Với đề tài này, kết quả nghiên cứu có thể được dùng làm tài liệu
tham khảo cho học sinh, sinh viên và nhiều đối tượng khác có nhu cầu tìm hiểu những vấn đề có liên
quan đến lý thuyết tiếp nhận và một số vấn đề nổi bật trong tiến trình tiếp nhận Lep Tônxtôi ở miền
Nam giai đoạn 1954-1975. Ngoài ra, công trình còn có thể được dùng làm tài liệu tham khảo cho
những nhà quản lý văn hoá và xuất bản sách, người đọc và cả giới sáng tác.
4. Phạm vi và đối tượng nghiên cứu:
Phạm vi đề tài của chúng tôi là sơ bộ tiếp cận một số vấn đề có liên quan đến quá trình tiếp nhận
Lep Tônxtôi của độc giả ở miền Nam giai đoạn 1954-1975. Những vấn đề mà chúng tôi đề cập trong
luận văn này không phải là toàn bộ các vấn đề của lý thuyết tiếp nhận. Phạm vi mà chúng tôi đề cập chỉ
là một số vấn đề. Những vấn đề được đề cập sẽ được chúng tôi triển khai theo hướng phân tích thực
tiễn để đúc rút thành những vấn đề có tính lý luận.
Đây là một đề tài có phạm vi nghiên cứu hẹp, chúng tôi sẽ chỉ quan tâm đến công chúng miền
Nam tiếp nhận Lep Tônxtôi như thế nào, những ảnh hưởng xã hội học, ảnh hưởng văn học… đối với họ
như thế nào.
Đối tượng nghiên cứu chính của chúng tôi trong luận văn này chính là những nhận định, phản
ứng trực tiếp hoặc gián tiếp của người đọc đối với trường hợp cụ thể là Lep Tônxtôi trong giai đoạn
1954-1975 ở miền Nam. Chúng tôi ý thức được đây là những đối tượng hết sức cụ thể đồng thời cũng
hết sức khó xác định. Thời kì mà chúng tôi tiếp cận nghiên cứu là một thời kì đã qua, thời kì đã lui vào
dĩ vãng, những biểu hiện tiếp nhận của độc giả đối với Lep Tônxtôi nói riêng, với nhiều tác gia văn học
khác nói chung đã thất lạc hoặc ít tồn tại dưới dạng vật chất. Những tài liệu dùng để nghiên cứu hết sức
hạn hẹp và không thể tránh được thiếu sót. Đó là một trong những khó khăn chính của chúng tôi khi
tiếp cận đề tài này.
5. Phương pháp nghiên cứu:
Từ đặc điểm của đối tượng nghiên cứu và mục đích nghiên cứu của luận văn, chúng tôi sử dụng
những thao tác cũng như những phương pháp khả dĩ có thể đem đến những kết quả nghiên cứu tốt nhất.
Phân tích các tư liệu được xem như là thao tác trọng tâm trong việc triển khai đề tài và giúp
chúng tôi phát hiện cũng như làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến độc giả tiếp nhận và kết quả tiếp
nhận của độc giả đối với Lep Tônxtôi. Các thao tác diễn dịch, quy nạp cũng được chúng tôi sử dụng
thường xuyên trong quá trình nghiên cứu và triển khai đề tài.
Sử dụng phương pháp lịch sử chức năng, chúng tôi hy vọng tìm thấy sự hỗ trợ của nó trong việc
xác định các vấn đề xã hội có liên quan đến quá trình tiếp nhận của độc giả miền Nam trước 1975 đối
với Lep Tônxtôi. Xác định các tiền đề kinh tế-chính trị-văn hoá-xã hội để từ đó làm rõ sự ảnh hưởng
của chúng đến sự vận động, biến đổi và phát triển của độc giả trong quá trình tiếp nhận Lep Tônxtôi là
một trong những mục tiêu của luận văn, điều này chỉ có thể được thực hiện trên cơ sở có sự trợ giúp
của phương pháp lịch sử chức năng.
Sử dụng phương pháp xã hội học, chúng tôi có điều kiện đề cập đến những vấn đề thuộc về thị
hiếu thẩm mỹ, tầm đón nhận của độc giả. Phương pháp này còn cho phép chúng tôi lý giải những vấn
đề liên quan đến đặc điểm của độc giả tiếp nhận.
Nhìn chung, tuỳ theo yêu cầu của từng nội dung và mục tiêu, đối tượng của luận văn mà chúng
tôi sử dụng những thao tác, phương pháp phù hợp.
6. Đóng góp của luận văn:
-Làm rõ hơn một số vấn đề lý luận của lý thuyết tiếp nhận trên cơ sở phân tích thực tế tiếp nhận.
-Vận dụng lý thuyết tiếp nhận để làm sáng tỏ một số phương diện của tiến trình tiếp nhận Lep
Tônxtôi ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975.
- Kết quả nghiên cứu cho phép chúng tôi rút ra những kinh nghiệm cho việc định hướng hoạt
động tiếp nhận hiện nay với tư cách như là những gợi ý.
7. Kết cấu luận văn:
Luận văn gồm 122 trang chính văn. Ngoài phần Mở đầu (10 trang), Kết luận (4 trang), nội dung
luận văn được triển khai trong ba chương như sau:
Chương 1: Một số vấn đề chung về lý thuyết tiếp nhận văn học
1.1. Lý thuyết tiếp nhận - một lĩnh vực mới của lý luận văn học
1.2. Lý thuyết tiếp nhận và sự vận dụng nó ở Việt Nam
Chương 2: Một số vấn đề tiếp nhận Lep Tônxtôi qua lĩnh vực dịch thuật, xuất bản
và nghiên cứu
2.1. Lĩnh vực dịch thuật và xuất bản
2.2. Lĩnh vực nghiên cứu
Chương 3: Một số vấn đề về các yếu tố quy định tiếp nhận trong tiếp nhận Lep Tônxtôi
3.1.Vấn đề độc giả trong tiếp nhận Lep Tônxtôi
3.2. Vấn đề tiền đề xã hội trong tiếp nhận Lep Tônxtôi
3.3. Vấn đề đặc trưng đối tượng tiếp nhận trong tiếp nhận Lep Tônxtôi
3.4. Vấn đề kích hoạt tiếp nhận trong tiếp nhận Lep Tônxtôi
CHƯƠNG 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
VỀ LÝ THUYẾT TIẾP NHẬN VĂN HỌC
1. Lý thuyết tiếp nhận văn học - một lĩnh vực mới của lý luận văn học:
1.1. Lịch sử ra đời của lý thuyết tiếp nhận:
Lấy việc nghiên cứu sự tiếp nhận của người đọc làm nhiệm vụ trung tâm, lý thuyết tiếp nhận ra
đời vào giữa thế kỉ XX là một bước tiến quan trọng của nền lý luận văn học. Tuy nhiên, trước khi lý
thuyết tiếp nhận ra đời thì nhân loại đã có những tiếp cận nhất định đối với vấn đề này. Thời cổ đại,
Aristote đã từng đề cập đến khái niệm “Catharsis” trong cảm xúc thẩm mỹ của đối tượng. Khi ông
định nghĩa bi kịch như sự thanh lọc tình cảm thông qua xót thương (pitie) và sợ hãi (terreus) thì cũng
có nghĩa là ông đã đụng chạm đến nhân tố người đọc. Sau Aristote, Kant cũng đề cập đến khái niệm
“thị hiếu” trong các tác phẩm của mình. Đến Hêghen, vấn đề tiếp nhận đã được đề cập một cách khá cụ
thể. Ông cho rằng: “Tác phẩm nghệ thuật tồn tại để (…) cho công chúng, những người muốn nhìn thấy
trong đối tượng miêu tả bản thân mình cùng với những tín ngưỡng, tình cảm và trí tưởng tượng của
mình, và để cho công chúng có khả năng trở thành đồng vọng với vật thể được miêu tả…” (Hêghen,
Mỹ học, T.1 )
Nhà phê bình lý luận Nga Biêlinxki cũng nhiều lần nhắc đến nhân tố người đọc. Ông cho rằng,
văn học không thể tồn tại thiếu công chúng, cũng như công chúng không thể thiếu văn học. Khi bàn về
Puskin, ông nhấn mạnh đến sự lưu chuyển, sự biến đổi, những quan niệm của độc giả về các hiện tượng
văn học: “Puskin thuộc về những hiện tượng sống động và chuyển biến không ngừng, những hiện
tượng không chấm hết tại thời điểm cái chết của nhà văn mà vẫn tiếp tục phát triển trong ý thức xã hội.
Mỗi thời đại nhìn nhận những hiện tượng như thế dường như chưa được đầy đủ, chính xác, mặc dù đã
có cố gắng phát biểu về chúng một điều gì mới mẻ hơn, đúng đắn hơn, nhưng rút cuộc không thời đại
nào phát triển hết những mới mẻ đó” [24]. Ở đây, nhà phê bình Biêlinxki đã nhìn thấy những khả năng
bất tận của các tác phẩm Puskin trong mối liên hệ với người đọc. Đặt trong mối liên hệ biện chứng với
người đọc, tác phẩm của Puskin sẽ không đứng yên mà luôn luôn biến đổi theo sự tiếp nhận của người
đọc.
Với những ý tưởng tinh tế và tiên tri như vậy, lẽ ra người ta phải sớm phát triển và tìm hiểu
chúng, nhưng mãi đến sau này, những ý tưởng đó của Bêlinxki mới được người ta đọc lại và tìm hiểu.
Như vậy, không nhiều thì ít, trong quá khứ lý luận tiếp nhận đã được đề cập ở những mức độ
nhất định. Sự ra đời của nó chắc hẳn phải là sự phản ứng lại quan niệm về tính tự trị của tác phẩm và
quan niệm xem tác phẩm, văn bản tác phẩm là duy nhất, bất biến và tách khỏi văn cảnh. Tuy nhiên, để
nói đến tiền đề vững chắc cho sự ra đời của lý thuyết tiếp nhận thì trước hết cần phải nhắc đến vai trò
của chủ nghĩa cấu trúc trường phái Prague và hàng loạt những trường phái khác như:giải thích học, chủ
nghĩa hình thức Nga những năm 1910 - 1920, xã hội học văn học...
Chủ nghĩa cấu trúc ra đời trên cơ sở phát triển những thành tựu của chủ nghĩa hình thức Nga.
Khái niệm “lạ hoá” của Skhlôpxki lần đầu tiên đã nhấn mạnh đến vai trò người đọc. Xuất phát từ nhân
tố người đọc, ông đã đề xuất cách miêu tả làm cho sự vật trở nên mới lạ, hấp dẫn người đọc.
Chủ nghĩa cấu trúc tiếp tục nhấn mạnh vai trò của người đọc. Chủ nghĩa cấu trúc cho rằng, khi
người đọc tiếp xúc với một tác phẩm, không phải là đang đối diện với một văn bản mang một hàm
nghĩa nào đó, mà chỉ là một văn bản được đan dệt một cách có nghệ thuật những lời văn thế thôi, và
bạn đọc, do đó, mỗi người sẽ có một cách lý giải khác nhau đối với tác phẩm. Ở đây, sự phủ nhận cực
đoan nội dung tác phẩm văn học đã tạo tiền đề cho sự tôn vinh hoá vai trò người đọc ở lý thuyết tiếp
nhận. Đến chủ nghĩa hậu cấu trúc, Jacques Derrida một lần nữa tạo tiền đề cho sự ra đời của lý thuyết
tiếp nhận khi cho rằng “cái được biểu đạt” có thể chuyển hoá thành “cái biểu đạt”- tức là, “cái biểu đạt”
sẽ tạo ra hàng loạt những “cái được biểu đạt” tuỳ theo sự tiếp nhận của người đọc.
Bên cạnh chủ nghĩa cấu trúc, các nhà nghiên cứu thuộc trường phái hiện tượng luận (như
Roman Ingarden) và giải thích học (như Hans Georg Gadamer) cũng nhấn mạnh đến vai trò của người
đọc. Những nhận định của họ đã góp phần tạo ra tiền đề cho sự ra đời của mỹ học tiếp nhận.
Đến những năm năm mươi của thế kỉ XX, mô hình “mỹ học tiếp nhận” tương đối hoàn chỉnh
đã ra đời với người chủ soái là Hans Robert Jauss.
Hans Robert Jauss có một cái nhìn độc đáo về “tính lịch sử của văn học”. Theo ông, sự thật của
tác phẩm phải bao gồm sự thể hiện ý đồ sáng tạo của nhà văn và sự tiếp nhận thực tế của người đọc. Do
đó, lịch sử của văn học không chỉ là lịch sử của nhà văn mà còn bao gồm cả lịch sử tiếp nhận của người
đọc. Hans Robert Jauss khẳng định: “Tính lịch sử của văn học không phải ở chỗ chỉnh lý sắp xếp
những sự thực văn học “post festum” mà ở những trải nghiệm vốn có của bạn đọc đối với tác phẩm
văn học” ( Lịch sử văn học như là sự thách thức đối với khoa học văn học). Tác phẩm văn học được
ông quan niệm: Tác phẩm văn học = văn học + sự tiếp nhận của công chúng.
Với những khái niệm trọng tâm như “tầm đón nhận”, “khoảng cách thẩm mỹ”...Hans Robert
Jauss và cả trường phái Konstanz đã tạo lập được một định thức biểu thị sự hoàn tất quá trình sáng tạo
của nhà văn, nhà thơ từ sáng tác đến tiếp nhận.
Ngoài Hans Robert Jauss, Wolfang Iser cũng là một trong những người đặt nền móng đầu tiên
cho lý thuyết tiếp nhận. Khác với Jauss (Jauss triển khai vấn đề tiếp nhận trên một bối cảnh xã hội và
văn học rộng lớn), Iser chỉ tập trung nghiên cứu sự tiếp nhận trong một hoạt động đọc cụ thể. Hai công
trình nghiên cứu tiêu biểu của ông là kết cấu vẫy gọi của văn bản và hoạt động đọc.
Như vậy, lý thuyết tiếp nhận ra đời trên cơ sở kế thừa, phát triển và kết hợp những lý luận của
nhiều trường phái lý luận khác nhau trước nó. Sự ra đời của nó thật sự đã đánh dấu một bước phát triển
mới của lý luận văn học cũng như khẳng định một đường hướng mới, một phương diện tiếp cận mới
hoàn toàn về chất đối với văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, hiện tại lý thuyết tiếp nhận vẫn chưa có một
hệ thống lý thuyết thật sự hoàn chỉnh. G.Grimn nhận xét, những khó khăn gắn với việc xây dựng một
lý thuyết tiếp nhận thống nhất, có gốc rễ ở tính phức tạp và đa thành phần của chính đối tượng nghiên
cứu, cần phải đòi hỏi một sự tiếp cận phân tích liên ngành và đa ngành trong tương lai. Rõ ràng, lý
thuyết tiếp nhận ra đời đã mấy thập kỉ nhưng đến nay nó vẫn đang trên đường được bổ sung để tiến đến
sự hoàn chỉnh. Một lý thuyết về lý thuyết tiếp nhận hoàn chỉnh hơn trong tương lai sẽ là một tất yếu
không thể phủ nhận. Tuy nhiên, để thực hiện điều này, các nhà nghiên cứu tiếp nhận cần triển khai
nghiên cứu nhiều hơn những trường hợp tiếp nhận cụ thể, từ đó mới tiến dần đến sự khái quát về mặt lý
luận nhằm làm giàu thêm cho lý thuyết tiếp nhận.
1.2. Một số khái niệm và phạm trù cơ bản của lý thuyết tiếp nhận:
Lý thuyết tiếp nhận có một hệ thống những khái niệm. Song song với sự phát triển của lý thuyết
tiếp nhận trước đây, những khái niệm này cũng đang dần dần hoàn chỉnh qua quá trình vận dụng thực
tế. Dưới đây là một số những khái niệm và phạm trù cơ bản của lý thuyết tiếp nhận có liên quan đến
những vấn đề được nghiên cứu ở luận văn này.
1.2.1. Tầm đón nhận:
Hans Robert Jauss đã cố gắng phát triển khái niệm “tầm đón nhận” và biến nó thành một phạm
trù quan trọng của mỹ học tiếp nhận. Ông cho rằng, tầm đón nhận là những nhu cầu và trình độ thưởng
thức kết tinh từ kinh nghiệm sống, hứng thú, lý tưởng của từng người đọc. Nó chính là tầm văn hoá do
điều kiện lịch sử- xã hội và thời đại quy định. Tầm văn hoá đó hình thành trong quá trình tiếp thu các
sáng tác mang năng lượng thẩm mỹ của nhà văn đồng thời với sự rèn luyện về mặt văn hoá. Nó gắn
liền với hệ thống chuẩn mực nghệ thuật tương đối ổn định. Cho đến khi người đọc tiếp nhận những tác
phẩm văn học mới với năng lượng thẩm mỹ mới và chất lượng nghệ thuật mới hẳn thì lúc đó có thể
người đọc sẽ bị thuyết phục bởi những chuẩn mực mới và do đó tầm đón nhận cũng được nâng lên.
Ngược lại, nếu như nhà văn chỉ sáng tác những tác phẩm thấp kém và người đọc bị cám dỗ bởi những
tác phẩm này thì tầm đón nhận sẽ bị kéo xuống.
Như vậy, khái niệm “tầm đón nhận” là một khái niệm có khả năng chỉ ra mối liên hệ giữa sáng
tác và tiếp nhận. Thông qua tầm đón nhận mà ta nhận ra sự tác động và chi phối mạnh mẽ của tiếp nhận
đối với sáng tác. Ở một mức độ nào đó, những nguyên tắc nghệ thuật của tác phẩm phải phù hợp với
những đòi hỏi, nhu cầu và tiếp nhận của người đọc. Nhưng tiếp nhận của người đọc thì lại được quy
định bởi những quan niệm thẩm mỹ, đạo đức,… của từng thời đại và thậm chí những cả điều kiện
thuộc về mỗi cá nhân tiếp nhận như tâm sinh lý, nghề nghiệp, lứa tuổi, nhân sinh- thế giới quan... cho
nên đời sống, số phận của từng tác phẩm, thậm chí cả di sản của một nhà văn cũng được nhìn nhận hết
sức khác nhau. Khrapchenko đã đưa ra một ví dụ: “Tác động của những tác phẩm của Lep Tônxtôi và
Đôxtôiepxki trong những điều kiện dân tộc khác nhau cũng phức tạp không đồng đều. Ở đây chỉ nêu
lên sự cảm thụ đặc biệt với Tônxtôi ở Ấn Độ và một số nước phương Đông khác, nơi người ta đánh giá
cao ông với tư cách là một triết gia tôn giáo, hoặc chỉ cần nêu lên việc một số nước phương Tây ra sức
đề cao tư tưởng của Đôxtôiepxki về bi kịch vĩnh cửu của kiếp sống con người, về sự quy phục, nhằm
đối lập lại những yếu tố phê phán trong sáng tác của nhà văn…” [24]
Có thể nói, tầm đón nhận được lý thuyết tiếp nhận xem như là một thước đo nhà văn và người
đọc đồng thời cũng chính là phẩm chất mà nhà nghiên cứu cần xác định ở người đọc trong mối quan hệ
với phẩm chất nghệ thuật của nhà văn, bên cạnh đó nó cũng là một trong những mục tiêu nhân bản và
tiến bộ mà xã hội cần hướng tới trong lĩnh vực văn học nghệ thuật nhằm đào tạo và xây dựng nhân
cách con người.
Liên quan đến tầm đón nhận của người đọc, các nhà nghiên cứu cũng cần lưu ý đến “tầm đón
nhận” của tác phẩm, nói chính xác hơn, đó là tầm thẩm mỹ của tác phẩm. Tầm thẩm mỹ của tác phẩm
chính là cái tạo nên giá trị của tác phẩm trong mối tương quan với những giá trị thẩm mỹ được người
đọc xác lập. Tầm thẩm mỹ của tác phẩm có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc xác định
khoảng cách thẩm mỹ giữa tầm đón nhận giữa người đọc và tầm thẩm mỹ của tác phẩm. Mối liên hệ
giữa tầm đón nhận của người đọc (cũng có thể tạm gọi là tầm thẩm mỹ của người đọc) và tầm thẩm mỹ
của tác phẩm (cũng có thể gọi là tầm đón nhận, tầm đón đợi của tác phẩm) là một mối liên hệ biện
chứng và tác động lẫn nhau, thúc đẩy lẫn nhau trong tiến trình phát triển của văn học nghệ thuật.
Về khái niệm “tầm đón nhận” được sử dụng trong luận văn này, chúng tôi không tiếp thu toàn
bộ nội hàm của khái niệm đã được lý thuyết tiếp nhận khẳng định. Nội hàm tầm đón nhận mà chúng tôi
quan tâm ở đây chỉ là tổng thể những khác biệt ở người đọc do những yếu tố xã hội tạo nên. Tầm đón
nhận được đề cập ở đây không hướng đến việc xác định._. tầm đón nhận của người đọc ở đây là cao hay
thấp, có tác động tiêu cực hay tích cực đến tác phẩm và nhà văn...mà là nhằm xác định dạng người đọc
của Lep Tônxtôi trong mối tương quan với các dạng người đọc của một số tác giả khác.
1.2.3. Người đọc:
Một trong những phạm trù quan trọng của lý thuyết tiếp nhận mà người ta thường vận dụng vào
nghiên cứu cụ thể những hiện tượng văn học là phạm trù “người đọc”. Đối với lý thuyết tiếp nhận,
người đọc chính là cái tạo nên lịch sử văn học. Viết lại lịch sử văn học chính là viết lại lịch sử tiếp nhận
của người đọc đối với văn chương nghệ thuật. Với ý nghĩa này, công chúng đóng một vai trò vô cùng
quan trọng và ta thấy nổi bật lên vai trò của người đọc với tất cả sự chủ động sáng tạo của nó. Sự chủ
động sáng tạo này chính là cái tạo nên đời sống đích thực của tác phẩm và tác phẩm trở thành một “khả
năng” chứ không phải là một sự khẳng định cuối cùng. Thật vậy, trước hết người đọc căn cứ vào tầm
đón nhận của mình mà quyết định thái độ tiếp nhận ban đầu đối với tác phẩm. Quá trình đọc tiếp theo
sẽ là quá trình giải mã mà kết quả của nó không phải là cái mã nguyên si bất biến mà tác giả đã đưa
vào, nó phụ thuộc vào tầm đón nhận của người đọc. Bên cạnh đó, nhà văn không thể nói hết mọi
chuyện mà người đọc sẽ phải tưởng tượng thêm, sáng tạo thêm trên cơ sở văn bản tác phẩm, vì thế mà
tác phẩm trong lòng người đọc sẽ khác nhau với những mức độ khác nhau. Nói tóm lại, tác phẩm
trường tồn hay chết yểu, tất cả đều do người đọc quyết định.
Nhìn chung, khi nghiên cứu vai trò nổi bật của người đọc, các nhà khoa học đi đến nhận định
rằng:
-Một tác phẩm văn học sẽ phát huy tác dụng trong chừng mực nó phù hợp với thái độ, quan
điểm của người tiếp nhận đã có từ trước, đến nay được bổ sung thêm.
-Sự đánh giá chủ quan của người đọc có ảnh hưởng quyết định đến hiệu quả giao tiếp văn học.
-Sự lựa chọn và cách tiếp thụ nội dung, hình thức nghệ thuật của tác phẩm văn học tuỳ thuộc
vào tư tưởng và mối quan tâm của người đọc
-Mạng lưới quan hệ giữa các thế hệ, cá nhân người đọc tác động không nhỏ đối với kết quả tiếp
nhận.
Những nhận định trên cho phép chúng ta đi đến kết luận rằng, nghiên cứu tiếp nhận để đi đến
những kết quả khoa học thì phải biết lắng nghe tiếng nói sáng tạo của độc giả. Tiếp nhận văn học
không thể chỉ dừng lại theo cách khảo sát và nghiên cứu người đọc thông qua văn bản tác phẩm của
nhà văn.
Người đọc quy định sự tồn tại hay chết yểu của tác phẩm chứ không phải là nhà văn (một cách
tương đối), tuy nhiên, do có nhiều loại độc giả nên những giá trị quy định sự trường tồn hay chết yểu
đối với tác phẩm vẫn khá tương đối. Như chúng ta đã biết, đối với loại độc giả này, giá trị này của tác
phẩm sẽ làm cho nó trở nên bất tử trong lòng họ nhưng đối với loại độc giả khác, một giá trị khác của
tác phẩm-đôi khi trái ngược với giá trị kia-sẽ quy định sự sống còn của tác phẩm. Chính những khuynh
hướng tiếp nhận khác nhau đó sẽ góp phần đáng kể cho việc tạo nên lịch sử của tác phẩm. Tất cả những
điều đó cho thấy vai trò của người đọc là rất quan trọng.
Tiếp cận phạm trù người đọc, người ta có thể thấy những dạng công chúng khác nhau đối với
sáng tác của tác giả, tức là đối tượng mà nhà văn muốn tác động, giao tiếp trong quá trình sáng tác
cũng như chịu sự tác động ngược trở lại từ phía đối tượng. Nói đến loại người đọc là nói đến các dạng
người đọc được phân loại theo cách thức tiếp nhận, theo tầm đón nhận… nhưng xét cho cùng thì khái
niệm “loại người đọc” là chỉ ra khả năng, hiệu quả tác động của sáng tác đối với người đọc và ngược
lại. Thật vậy, các sáng tác của nhà văn tuỳ theo năng lượng thẩm mỹ, tư tưởng chứa đựng trong tác
phẩm mà có những loại người đọc khác nhau, nhưng đồng thời, những loại người đọc khác nhau cũng
tạo ra những hiệu quả tiếp nhận khác nhau đối với từng tác phẩm cụ thể. Ở đây, nội dung tư tưởng,
nghệ thuật, cấu trúc của tác phẩm cũng như sự khác nhau về giới, về lứa tuổi, về đặc điểm tâm lý, về
địa vị xã hội, về văn hoá, về dân tộc… ở người đọc đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo nên
những dạng công chúng khác nhau. Chẳng hạn, người ta có thể chia ra ba loại người đọc: 1) Người đọc
thực tế, 2) Người đọc giả định, 3) Người đọc tinh hoa. Ba loại người đọc này tạo ra sự không đồng nhất
trong tiếp nhận. Thông qua sự tiếp nhận của công chúng, người ta có thể tái lập lại một cách tương đối
đầy đủ về một thời đại xác định cùng với những đặc điểm chung về tâm lý, thị hiếu, trình độ văn hoá,
quan điểm giai cấp …và ngược lại. Dĩ nhiên, vấn đề công chúng là một vấn đề cực kì phức tạp của lý
thuyết tiếp nhận đồng thời đó cũng là vấn đề trọng tâm. Nếu như trước đây lịch sử văn học được xem là
lịch sử của nội dung văn học hoặc hình thức văn học thì trong mối tương quan với công chúng, lý
thuyết tiếp nhận đã có tham vọng muốn viết lại lịch sử văn học với tư cách như là lịch sử tiếp nhận của
người đọc cả theo hướng đồng đại và lịch đại. Mặt khác, nếu như trước đây người ta chỉ lưu ý đến vấn
đề phân loại công chúng dựa trên sự khu biệt về tâm sinh lý, về lứa tuổi, về địa vị, về các mức độ tiếp
nhận, về cách thức tiếp nhận, về tầm đón nhận khác nhau đối với tác phẩm thì hiện nay chúng ta cũng
cần lưu ý đến sự phân loại người đọc căn cứ vào mối quan hệ giữa người đọc với người đọc cũng như
căn cứ vào chức năng tiếp nhận của họ để làm rõ tiến trình tiếp nhận của từng trường hợp cụ thể. Đó
cũng là một trong những điều kiện để lý thuyết tiếp nhận ngày càng phát triển và dần hoàn thiện.
1.2.4. Khoảng cách thẩm mỹ:
“Khoảng cách thẩm mỹ” là khái niệm xác định mức độ bất ngờ của tác phẩm đối với độc giả và
xác định giá trị thi học của nó. Theo quan niệm của lý thuyết tiếp nhận, một trong những tiêu chuẩn để
xác nhận giá trị thẩm mỹ của một tác phẩm nghệ thuật chính là biểu hiện của trạng thái tâm lý dưới
dạng thất vọng hay ngạc nhiên của người tiếp nhận tác phẩm đó. Sự thất vọng, thờ ơ hay khoan khoái,
ngạc nhiên ở đây chính là biểu hiện tâm lý của người tiếp nhận khi mà khoảng cách giữa tầm đón nhận
của độc giả và tầm chờ đợi của tác phẩm có những giá trị khác nhau. Nếu như khoảnh cách giữa tầm
đón nhận của độc giả, tức là những cái thuộc về kinh nghiệm thẩm mỹ đã trải qua và tầm đón nhận của
tác phẩm có một độ chênh tương đối lớn thì kết quả của độ chênh đó sẽ biểu hiện bằng trạng thái tâm lý
cực đoan của người đọc khi tiếp nhận tác phẩm. Cụ thể, khi tầm đón nhận của độc giả lớn hơn tầm đón
đợi của tác phẩm thì người đọc sẽ có trạng thái tâm lý thờ ơ, thất vọng, dửng dưng, vô cảm. Còn nếu
tầm đón nhận của độc giả không nhỏ hơn quá so với “tầm đón đợi” của tác phẩm thì ở người đọc sẽ
xuất hiện trạng thái ngạc nhiên, sửng sốt, hứng khởi, sung sướng… Đương nhiên, nếu như tầm đón đợi
của tác phẩm quá lớn so với tầm đón nhận của người đọc thì có thể ở người đọc cũng xuất hiện trạng
thái do dự, lưỡng lự do không thể đánh giá được tầm thẩm mỹ của tác phẩm.
Một số khái niệm vừa trình bày ở trên là những khái niệm thuộc loại quan trọng của lý thuyết
tiếp nhận. Bên cạnh những khái niệm đó, chúng ta thấy lý thuyết tiếp nhận còn có những khái niệm như:
văn cảnh, cụ thể hoá, đồng nhất hoá, hiện thời hoá, tính bất định giao tiếp, tính xác định giao tiếp, tính
phi tình thế, chiến lược văn bản, nghĩa ảo, lập nghĩa, kinh nghiệm thẩm mỹ... Tuy nhiên, nghiên cứu sự
tiếp nhận không chỉ dừng lại ở những khái niệm trung tâm đó mà vấn đề là làm sao tiếp cận một cách
chi tiết, cụ thể những con đường khác nhau của tiếp nhận. Nghiên cứu tiếp nhận có thể là nghiên cứu
những tiền đề của tiếp nhận, những con đường của tiếp nhận, đối tượng tiếp nhận, những phương thức
tiếp nhận, cách thức tiếp nhận, hình thức tiếp nhận, nội dung tiếp nhận, những nguyên tắc tiếp nhận…
từ đó mà hiểu rõ được quá trình tiếp nhận cũng như đề ra được những khái niệm mới cho lý thuyết tiếp
nhận để thâm nhập sâu hơn vào tiến trình tiếp nhận của lịch sử văn học, vừa triển khai được những vấn
đề cụ thể của tiếp nhận, vừa bổ sung thêm về mặt lý thuyết cho lý luận tiếp nhận, đó mới là nghiên cứu
thực tế lý thuyết tiếp nhận và thúc đẩy lý thuyết tiếp nhận phát triển.
1.3. Tầm quan trọng của lý thuyết tiếp nhận:
Nói đến tầm quan trọng của lý thuyết tiếp nhận, tức là chúng ta phải xem xét vị trí, vai trò của lý
thuyết tiếp nhận trong đời sống văn học.
Lý thuyết tiếp nhận chiếm một vị trí cực kì quan trọng trong nghiên cứu văn học. Nếu như xem
hoạt động nghiên cứu văn học trước đây chỉ đề cập chủ yếu đến tác phẩm và tác giả mà ở đó người ta
cố gắng nghiên cứu một cách có hệ thống mối quan hệ giữa bối cảnh lịch sử xã hội với nội dung các tác
phẩm và mối quan hệ giữa nhà văn với tác phẩm thì với lý thuyết tiếp nhận, mối quan hệ giữa người
đọc với các nhân tố khác của quá trình văn học mới được triển khai một cách có hệ thống và khá cụ thể.
Với vai trò đó, lý thuyết tiếp nhận đã có một vị trí quan trọng trong lý luận văn học, cũng nhờ đó lý
luận văn học trở nên đầy đủ hơn, hợp lý hơn, quá trình văn học nhờ đó mà được soi sáng hơn, được
nhìn nhận nhiều chiều, nhiều hướng và tổng quát hơn. Không có lý thuyết tiếp nhận, lý luận văn học
cũng như đời sống văn học sẽ thiếu một mảng lớn mà không gì có thể thay thế được.
Nói đến tầm quan trọng của lý thuyết tiếp nhận, cũng không thể không nói đến sự trưởng thành
của lý luận về tiếp nhận cũng như ý nghĩa của sự trưởng thành đó.
Trong suốt lịch sử của lý luận văn học, lý luận về tiếp nhận luôn tồn tại và phát triển nhưng chỉ
đến khi lý thuyết tiếp nhận ra đời thì những lý luận đó mới trở nên có hệ thống và được triển khai cụ
thể vào trong nghiên cứu bên cạnh những lý thuyết khác về văn học. Do đó, sự xuất hiện của lý thuyết
tiếp nhận chính là một biểu hiện của sự phát triển mang tính bước ngoặc của lý luận văn học.
Cũng liên quan đến tầm quan trọng của lý thuyết tiếp nhận, chúng ta không thể không nhìn nhận
sự đóng góp của lý thuyết tiếp nhận vào quá trình nghiên cứu văn học hiện nay. Trên cơ sở của lý
thuyết tiếp nhận, hiện nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn học ra đời, cũng như sẽ có nhiều
công trình ra đời trong tương lai. Điều đó sẽ dự báo tầm quan trọng của lý thuyết tiếp nhận trong việc
làm phong phú thêm những công trình nghiên cứu, làm nảy sinh và đặt ra nhiều vấn đề mà các lý
thuyết văn học khác đã tỏ ra cạn kiệt về mặt lý luận cũng như ứng dụng.
Với tầm vị trí và tầm quan trọng như trên, lý thuyết tiếp nhận chắc hẳn sẽ còn phát triển và cần
thiết cho sự phát triển của lý luận văn học nói riêng, văn học nói chung.
1.2. Lý thuyết tiếp nhận và sự vận dụng ở Việt Nam:
1.2.1. Nghiên cứu lý luận tiếp nhận ở Việt Nam:
Ở Việt Nam, lý luận tiếp nhận phát triển khá muộn màng. Người đầu tiên nói đến vấn đề tiếp
nhận là nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hạnh. Trong bài Ý kiến của Lênin về mối quan hệ giữa văn học và
đời sống (Tạp chí Văn học, số 4, 1971), ông đã chỉ ra:
- Mối liên quan giữa giá trị của tác phẩm với phạm vi “thưởng thức” tác phẩm của người đọc.
- Trong khâu sáng tác, giá trị là cố định; trong khâu thưởng thức, giá trị mới hiện thực và luôn
biến đổi.
Những ý kiến nói trên đã bước đầu xác lập những bước tiếp cận đầu tiên đối với vấn đề tiếp
nhận trên nền tảng của lý luận macxit. Tuy nhiên, chỉ mãi đến gần bảy năm sau, lần đầu tiên, một số
vấn đề của lý thuyết tiếp nhận mới được giới thiệu ở Việt Nam qua bản dịch bài viết “Song đề của mỹ
học tiếp nhận” mang tính chất phê phán của Manfred Nauman, một trong những chuyên gia hàng đầu
thế giới về nghiên cứu tiếp nhận trên lĩnh vực lý thuyết. Đến 1980, Hoàng Trinh tiếp cận những vấn đề
tiếp nhận trong bài viết Văn học so sánh và những vấn đề tiếp nhận văn học (Tạp chí văn học, số 4,
1980 ). Năm 1990, những vấn đề của lý thuyết tiếp nhận được đề cập và làm rõ trong các bài viết Quan
hệ văn học-hiện thực và vấn đề tác động, tiếp nhận và giao tiếp thẩm mỹ, Nhà văn, bạn đọc và hàng
hoá sách hay văn học và sự dị trị của Huỳnh Vân. Năm 1991, Nguyễn Văn Dân tổng hợp một số bài
viết có liên quan đến tiếp nhận và được Viện thông tin Khoa học xã hội xuất bản dưới nhan đề Văn học
nghệ thuật và sự tiếp nhận.
Trong bài viết Giao tiếp trong văn hoá của Hoàng Trinh đăng trên Tạp chí Văn học, số 4, 1986,
ông đã xem xét phạm trù người đọc trong mối quan hệ với nghệ thuật. Ông cho rằng, mỗi một thế hệ
sáng tạo mới sẽ tạo ra những tác phẩm nghệ thuật chứa đựng những năng lượng thẩm mỹ mới. Điều
này đòi hỏi phải có một lớp người đọc mới xuất hiện có khả năng giải mã được nguồn năng lượng thẩm
mỹ ấy. Và như vậy, tương ứng với một thế hệ sáng tác mới sẽ là sự xuất hiện của một lớp công chúng
tương ứng có khả năng và khát vọng mới về nghệ thuật nhất định.
Các nhà nghiên cứu Trần Đình Sử, Nguyễn Văn Dân, Huỳnh Vân, Nguyễn Thanh Hùng…khi
tiếp cận lý thuyết tiếp nhận đã có những nghiên cứu ban đầu đối với vấn đề này. Về mặt lý luận, các
nhà nghiên cứu này đều cho rằng lý luận tiếp nhận là một mảng lớn của lý luận văn học nhưng chưa
được đề cập, nghiên cứu cũng như vận dụng một cách đúng mức. Nhà lý luận Trần Đình Sử cho rằng:
“Nếu xem hoạt động của văn học gồm hai mảng lớn: sáng tác và tiếp nhận, thì bản thân sự tiếp nhận
văn học đã hàm chứa một nửa lý luận văn học (…) Nếu lý luận văn học về sáng tác gắn liền với ý thức
về cá tính sáng tạo của nhà văn, thì lý luận tiếp nhận đề cập đến tính sáng tạo của người đọc.” [54]
Huỳnh Vân trong một số bài có liên quan đến lý luận tiếp nhận hay vận dụng cách tiếp cận theo
lý luận tiếp nhận đã đặt ra những vấn đề về mối quan hệ giữa nhà văn, tác phẩm, người đọc, hiện thực,
theo đó, đây là mối quan hệ biện chứng không thể tách rời, trong đó của người đọc có vị trí vô cùng
quan trọng trong đời sống của một tác phẩm cũng như đối với sự nghiệp của một tác gia cụ thể. Huỳnh
Vân cho rằng khoa học văn học không thể dừng lại ở mối quan hệ giữa nhà văn và hiện thực, nhà văn
và tác phẩm mà còn phải chú ý đến mối quan hệ giữa nhà văn- người đọc, tác phẩm-người đọc, một
vấn đề mà lý luận văn học ở ta lâu nay đã bỏ quên và việc bỏ quên đó đã làm cho lý luận văn học,
nghiên cứu văn học trở nên không hoàn chỉnh. Một số nhà nghiên cứu khác nhấn mạnh đến sự tương
đồng giữa lý thuyết tiếp nhận và lý thuyết sản xuất- tiêu dùng của Các Mác, theo đó quá trình sáng tác
của nhà văn và tiếp nhận của công chúng thuộc về lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng tinh thần chứ không
phải vật chất, do đó nó mang những đặc điểm đặc biệt của lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng tinh thần.
Nguyễn Thanh Hùng thì lưu ý: “Tiếp tục phát triển lý thuyết tiếp nhận đi liền với sự đánh giá một cách
khoa học những thành tựu mà lý thuyết đó đã đạt được, đồng thời không quên chỉ ra những cách nhìn
phiến diện hoặc cực đoan và giáo điều của luận giải học (Gađame), của hiện tượng học (Ingácđen),
của mỹ học tiếp nhận (Giauxơ), của cấu trúc luận (Bácthơ),… là một cách khẳng định những thành tựu
đã được thừa nhận của mỹ học mácxít.” [21, 229]
Ở trên là vài nét sơ lược về những tìm hiểu bước đầu về lý thuyết tiếp nhận ở Việt Nam. Nhìn
chung, về mặt lý luận, các nhà lý luận Việt Nam đã chủ động tiếp thu các thành tựu của lý thuyết tiếp
nhận hiện đại trên cơ sở dung hợp với lý luận Macxit. Chính vì thế mà lý thuyết tiếp nhận ở Việt Nam
không rơi vào sự cực đoan hoá. Tuy nhiên, liệu sự dung hợp đó có đến mức độ nào thì hợp lý, nó còn
có thể tạo nên những động lực thúc đẩy lý thuyết tiếp nhận phát triển đúng hướng và mạnh mẽ nữa hay
không, đó còn là một vấn đề của thời gian.
Có thể nói, hiện nay ở Việt Nam, những vấn đề chính của lý thuyết tiếp nhận vẫn chưa được các
nhà lý luận Việt Nam đề cập và phân tích một cách thật đầy đủ trên cơ sở kết hợp với lý luận mácxit.
Tuy nhiên, ngoài những khái niệm và những vấn đề chính yếu của lý thuyết tiếp nhận đã được tiếp
nhận, những vấn đề khác của lý thuyết tiếp nhận như vấn đề tiếp nhận tiêu cực và tiếp nhận tích cực,
tiếp nhận đích thực và nguỵ tiếp nhận, vấn đề loại hình độc giả định hướng, vấn đề xu thế tiếp nhận,
vấn đề đặc trưng của đối tượng tiếp nhận, vấn đề nguyên tắc tiếp nhận... là chưa được đề cập cụ thể và
chưa được làm rõ trong từng trường hợp tiếp nhận cụ thể.
1.2.2. Vận dụng lý luận tiếp nhận ở Việt Nam:
Đối với việc vận dụng những thành tựu của lý thuyết tiếp nhận hiện đại vào việc khảo sát các
hiện tượng văn học cụ thể, chúng ta đã đạt được những thành công nhất định. Tìm hiểu lịch sử tiếp
nhận của một tác phẩm cụ thể, chúng ta cũng đã có những công trình nghiên cứu bước đầu về phương
diện này. Để dẫn chứng, chúng ta có thể nói đến công trình Lịch sử tiếp nhận truyện Kiều của Phan
Công Khanh. Tìm hiểu về lịch sử tiếp nhận sự nghiệp sáng tác của một tác gia, chúng ta cũng đã có
những công trình nghiên cứu nhất định. Các tác gia đã được nghiên cứu có thể kể đến là Puskin, Gôgôn,
Đôxtôiepxki, Sêkhôp, Gorki…
Trong công trình Lịch sử tiếp nhận truyện Kiều, tác giả Phan Công Khanh đã chỉ ra những cách
thức tiếp nhận Truyện Kiều khác nhau và khá cụ thể của từng loại người đọc cũng như sự biến đổi của
tác phẩm Truyện Kiều qua sự tiếp nhận tiêu cực hay tích cực của từng loại người đọc trong cùng một
hoàn cảnh lịch sử cụ thể và cả từng thời kì lịch sử khác nhau. Bên cạnh đó, tác giả còn chỉ ra sự ảnh
hưởng tiêu cực và tích cực của Truyện Kiều đối với các lĩnh vực xã hội khác nhau như văn học và các
loại hình nghệ thuật, chính trị, văn hoá, xã hội. Nhìn chung, công trình là một thành tựu rất đáng quý
trong buổi đầu nghiên cứu tiếp nhận ở Việt Nam. Những vấn đề như những ảnh hưởng lẫn nhau giữa
các loại người đọc trong quá trình tiếp nhận, vấn đề tiếp nhận sáng tạo và tiếp nhận tiêu cực, vấn đề
định hướng tiếp nhận… tuy chưa được triển khai cụ thể về mặt lý thuyết (do luận án không lấy đó làm
trọng tâm) nhưng đã có những đề cập mang tính định hướng rất đáng quý đối với quá trình nghiên cứu
tiếp nhận sau này.
Trong công trình Văn học Nga tại các thành thị miền Nam trước 1975- trường hợp Đôxtôiepxki,
tác giả Phạm Thị Phương đã chỉ ra một số đặc điểm tiếp nhận của độc giả miền Nam đối với một số tác
phẩm của các tác giả Nga tiêu biểu như Puskin, Tônxtôi, Sêkhôp, Pasternac... Điều đáng kể trong công
trình này là tác giả đã cố gắng chỉ ra một cách khái quát và cụ thể việc độc giả miền Nam đã tiếp nhận
văn học Nga giai đoạn 1954-1975 như thế nào. Bên cạnh đó, tác giả công trình còn tiếp cận quá trình
tiếp nhận Đôxtôiepxki thông qua việc tìm hiểu cơ sở tiếp nhận, tiền đề tiếp nhận, cũng như cách thức
độc giả miền Nam tiếp nhận một số nội dung tư tưởng trong tác phẩm của nhà văn này. Nhìn chung,
đây là một công trình chủ yếu đề cập đến lịch sử tiếp nhận của một tác giả ở một giai đoạn lịch sử nhất
định, nói cách khác, tác giả nghiên cứu lịch sử tiếp nhận Đôxtôiepxki theo hướng đồng đại. Công trình
này được xem như là công trình đầu tiên nghiên cứu lịch sử tiếp nhận về một tác giả nước ngoài ở miền
Nam trong một giai đoạn lịch sử nhất định.
Trong công trình tiếp theo Vấn đề tiếp nhận Đôxtôiepxki của tác giả Phạm Thị Phương, tác giả
đã tìm hiểu sâu sắc và cụ thể hơn về lịch sử tiếp nhận tác giả Đôxtôiepxki theo hướng lịch đại. Song
song với hướng nghiên cứu này, ở đây tác giả cũng không quên việc kết hợp với nghiên cứu đồng đại.
Tác giả không dừng lại ở việc nghiên cứu sự tiếp nhận của độc giả miền Nam mà còn nghiên cứu sự
tiếp nhận của độc giả miền Bắc ở những giai đoạn lịch sử khác nhau và trên cơ sở đó tiến hành so sánh,
đánh giá quá trình tiếp nhận của độc giả. Có thể nói, ở công trình này, tác giả Phạm Thị Phương đã tiến
hành nghiên cứu cả theo hướng đồng đại và lịch đại. Cách tiếp cận như thế là toàn diện đối với việc
nghiên cứu lịch sử tiếp nhận tác giả.
Nhìn chung, công trình này là một trong những thành tựu đáng kể của việc vận dụng lý thuyết
tiếp nhận ở Việt Nam. Lịch sử tiếp nhận một tác gia nước ngoài lần đầu tiên được tác giả trình bày một
cách toàn diện. Một số vấn đề như cách thức mà người đọc tiếp cận tư duy nghệ thuật của tác giả, đặc
điểm đối tượng tiếp nhận chi phối tiếp nhận… dù chưa được xem là mục tiêu nghiên cứu nhưng tác giả
cũng đã có những gợi ý quan trọng cho quá trình nghiên cứu tiếp theo.
Nhìn chung, các công trình này đặt trọng tâm nghiên cứu là một hay một vài tác gia tiêu biểu,
một hay một vài tác phẩm nổi tiếng. Đây là những công trình có định hướng nghiên cứu lịch sử tiếp
nhận nên chưa đặt nặng vấn đề nghiên cứu về mặt lý luận tiếp nhận. Qua thực tiễn nghiên cứu tiếp
nhận ở Việt Nam, chúng tôi cho rằng cần mở rộng thêm phạm vi nghiên cứu lĩnh vực này.
CHƯƠNG 2
MỘT SỐ VẤN ĐỀ TIẾP NHẬN LEP TÔNXTÔI
QUA LĨNH VỰC DỊCH THUẬT, XUẤT BẢN VÀ NGHIÊN CỨU
2.1. Lĩnh vực dịch thuật và xuất bản:
2.1.1. Tình hình dịch thuật và xuất bản:
Ở miền Nam trước 1975, trong sự tương quan với các ấn phẩm thuộc các nền văn học Pháp, Mỹ,
Trung Quốc, văn học Nga tuy không được giới thiệu, nghiên cứu rộng rãi nhưng nó cũng có một vị trí
đáng kể. Theo số liệu của Trần Trọng Đăng Đàn trong Văn hoá văn nghệ thực dân mới tại miền Nam
Việt Nam, (Nhà Xuất bản Long An, 1990, trang 309) các ấn phẩm văn học nước ngoài và các bài
nghiên cứu, giới thiệu có liên quan được xuất bản ở miền Nam Việt Nam trước 1975 được thống kê
như sau:
Dịch và giới thiệu các tác phẩm của nền văn học Đức: 57 đầu sách.
Dịch và giới thiệu các tác phẩm của nền văn học Ý: 58 đầu sách. .
Dịch và giới thiệu các tác phẩm của nền văn học Nhật: 71 đầu sách..
Dịch và giới thiệu các tác phẩm của nền văn học Anh: 91 đầu sách..
Dịch và giới thiệu các tác phẩm của nền văn học Mỹ: 273 đầu sách..
Dịch và giới thiệu các tác phẩm của nền văn học Pháp: 499 đầu sách..
Dịch và giới thiệu các tác phẩm của nền văn học Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông: 358 đầu
sách. .
Dịch và giới thiệu các tác phẩm của nền văn học Nga-Liên Xô: 120 đầu sách. .
Ngoài ra còn có 156 đầu sách của 38 nước không thuộc các nước nêu trên.
Số liệu trên cho chúng ta thấy văn học Nga chiếm một tỉ lệ không lớn nhưng cũng không quá
nhỏ so với các nền văn học khác ở miền Nam Việt Nam. Tên tuổi các nhà văn Nga xuất hiện trên văn
đàn miền Nam như F.Đôxtôiepxki, A.Tsêkhôp, M.Gorki, M.Sôlôkhôp, B.Pasternak...qua các bản dịch
hoặc các bài nghiên cứu của giới học giả Sài Gòn đã minh chứng cho vị trí của nền văn học Nga. Tuy
nhiên, vẫn còn nhiều tên tuổi lớn của văn học Nga vẫn chưa được giới thiệu đầy đủ. Puskin,
Lecmôntôp, Nhêcraxôp, Êxênhin, Maiacôpxki còn khá xa lạ với độc giả Sài Gòn khi mà những thi
phẩm của họ chưa đến được với bạn đọc. Với sự nghiệp của Puskin, độc giả miền Nam chỉ mới tiếp
xúc với một vài tác phẩm thuộc thể loại văn xuôi, chẳng hạn, tác phẩm Phát đạn đăng trên Bách Khoa
số 73 năm 1960. Với tên tuổi Maiacôpxki, độc giả cũng chỉ biết về ông qua quyển sách có độ dày
khiêm tốn Maiakovski- thi sĩ Nga và mối tình câm. Về kịch của A.Tsêkhôp, độc giả Sài Gòn cũng chưa
biết nhiều. Có một số bài phê bình về kịch của A.Tsêkhôp nhằm khẳng định vị trí của A.Tsêkhôp đối
với nền kịch nghệ Nga cổ điển nhưng chưa có vở kịch nào của ông được dịch sang tiếng Việt
Không giống với các tên tuổi của nền văn học Nga như A.Tsêkhôp, M.Gorki, M.Sôlôkhôp,...
Lep Tônxtôi được các nhà xuất bản ở miền Nam quan tâm dịch và giới thiệu khá rầm rộ. Từ cuối
những năm 50, độc giả miền Nam bắt đầu tiếp xúc với khá nhiều tác phẩm của Lep Tônxtôi như Tình
nghĩa vợ chồng (Nxb Phượng Giang, 1958), Một bản đàn (Văn hoá ngày nay, 1958, các số 1, 2, 3, 4, 5,
6, 7, 8, 9, 10, 11), những đoạn trích từ tiểu thuyết Chiến tranh và hoà bình như: Mối tình chớm nở (Văn
hoá ngày nay, 1958, số 8), Cái chết của An Đễ, Tâm trạng một thương binh (Văn hoá ngày nay, 1959,
số 8), Buổi dạ hội đầu tiên (Tạp chí Tân Phong, tập I, 1958).
Đến những năm 60, bên cạnh hai bản dịch Tình nghĩa vợ chồng, Một bản đàn do Bảo Sơn dịch,
được Nhà xuất bản Đời Nay tái bản 1961, xuất hiện bản dịch Cái chết của Ivan Ilitch của Vũ Đình Lưu,
Nhà xuất bản Thời Mới ấn hành năm 1963. Truyện ngắn Số đất cần cho con người được Nguyễn Vạn
Hộ dịch đăng trên tạp chí Bách Khoa số 172 năm 1964 và truyện Ba người thánh thiện do Nguyễn Kim
Phượng dịch đăng trên Bách Khoa số 240 năm 1967. Năm 1966 ở Sài Gòn xuất hiện bản dịch truyện
ngắn Ba cái chết do Vũ Minh Thiều dịch đo nhà xuất bản Khai Trí ấn hành. Năm 1969 ở Sài Gòn xuất
hiện bản dịch Chiến tranh và hoà bình của Nguyễn Hiến Lê kèm theo phần giới thiệu khá chi tiết về
Lep Tônxtôi. Bản dịch này trọn bộ bốn tập do Nhà xuất bản Lá Bối ấn hành. Bên cạnh đó còn có bản
dịch của Nguyễn Đan Tâm (dựa trên bản dịch rút ngắn của Manel Komroff, trong số đó có bỏ một số
chương bàn về tôn giáo, triết lý chiến tranh và lịch sử) do Nhà xuất bản Miền Nam công bố. Trong dịp
này, tạp chí Văn đã ra số đặc biệt về Lep Tônxtôi để “độc giả của Văn - những bạn ưa thích văn học
dịch – làm quen với Tolstoi, biết tới sự xuất hiện của một tác phẩm cổ điển giá trị, đã từng được phiên
dịch ra nhiều thứ tiếng, phổ biến khắp hoàn cầu: Chiến tranh và hoà bình” [13, 79]. Tạp chí Văn cũng
đã giới thiệu dịch giả trẻ Nguyễn Kim Phượng qua bản dịch một số truyện ngắn của Lep Tônxtôi như:
Ba cái chết, Các cô bé khôn hơn người lớn, Người ta sống bởi gì?, Cái xấu cám dỗ, những cái tốt tồn
tại, Việc làm, sự chết và bệnh tật. Ngoài ra, tạp chí này còn đăng Thiện ác đáo đầu do Lạc Nhân dịch.
Sang những năm 1970, bên cạnh sự lên ngôi của các tác phẩm của các nhà văn mang tính thời
sự như Đôxtôiepxki, Pasternak, Soljenitsyn... tác phẩm của Lep Tônxtôi tiếp tục xuất hiện qua các bản
dịch An na Kha Lệ Ninh (Anna Karênina) do Vũ Ngọc Phan và Vũ Minh Thiều dịch, (Nxb Khai Trí
xuất bản 1970) Sơn lâm êm đềm (Những người Côdắc) của Nguyễn Trọng Đạt (Nxb Trí Đăng, 1970),
Đời tôi do Vũ Minh Thiều dịch (Nxb Khai Trí, 1970, 1971, 1972), Khúc nhạc mê ly (Bản Sonat tặng
Kreutzer) do Nguyễn Văn Điền dịch (Nxb Đất Sống, 1973), tác phẩm Vùng đất hồi sinh (Phục sinh) do
Nguyễn Đan Tâm và Vũ Kim Thư dịch (Nxb Phù Sa, 1973), tác phẩm Vùng đất hoang vu (Những người
Côdắc) do Mặc Đỗ dịch (Nxb Đất Sống, 1973), tác phẩm Tình trong chiến hào (Những mẫu chuyện
Sébastopol) do Hoàng Hải Thuỷ dịch (Nxb Đất Mới, 1973, 1974). Ngoài những tác phẩm trên, một số
tác phẩm hoặc đoạn trích từ các sáng tác dài hơi của Lep Tônxtôi cũng được dịch và đăng trong các
tuyển tập, tập truyện. Chẳng hạn, trong tập truyện ngắn quốc tế Tử thần chờ đợi do Xuân Hoàng tuyển
dịch (Nxb Tự Lực, 1974) có in đoạn trích tác phẩm Cái chết của Ivan Ilitch; tập 101 truyện ngắn hay
nhất thế giới do Nguyên Hùng tuyển dịch (Nxb Sống Mới, 1970) in truyện Lạc giữa đồng tuyết; tập
truyện ngắn nước ngoài Mãi mãi yêu người do Vũ Đình Lân tuyển dịch in truyện Một lần trong đời.
2.1.2 Một số vấn đề rút ra từ tình hình dịch thuật và xuất bản tác phẩm của Lep Tônxtôi:
Căn cứ vào tình hình dịch thuật và xuất bản, tái bản tác phẩm của Lep Tônxtôi ở miền Nam
trước 1975, chúng tôi nhận thấy có một số vấn đề liên quan đến hoạt động tiếp nhận cần làm rõ để nhận
diện tiến trình tiếp nhận Lep Tônxtôi của độc giả miền Nam. Dưới đây chúng tôi sẽ đi vào làm rõ một
số vấn đề.
2.1.2.1. Tình hình dịch thuật và xuất bản Lep Tônxtôi cho thấy, cuối những năm 50, một số tác
phẩm của Lep Tônxtôi đã bắt đầu được dịch và xuất bản ở miền Nam với sự tham gia hạn chế của một
số nhà xuất bản và tạp chí. Điều này đặt ra vấn đề về thực tế tiếp nhận Lep Tônxtôi ở miền Nam trong
giai đoạn đó. Vấn đề nêu trên đặt ra nhiều câu hỏi như: Những tác phẩm của Lep Tônxtôi xuất hiện
trong thời gian này đóng vai trò gì? Ý nghĩa của chúng đối với việc nhận dạng tiến trình tiếp nhận Lep
Tônxtôi ở miền Nam giai đoạn 1954-1975? Tầm quan trọng của chúng đối với việc hình thành lực
lượng độc giả của Lep Tônxtôi vào những năm 60? Lý giải những câu hỏi đó sẽ giúp chúng ta nhận
diện rõ hơn về tiến trình tiếp nhận Lep Tônxtôi.
Như chúng ta đã biết, vào những năm 50, một số tác phẩm của Lep Tônxtôi đã đến với bạn đọc
miền Nam. Đó là tác phẩm Tình nghĩa vợ chồng (Nxb Phượng Giang, 1958), Một bản đàn (Văn hoá
ngày nay, 1958, các số 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11), đoạn trích Buổi dạ hội đầu tiên (Tạp chí Tân
Phong,Tập I, 1958) Cái chết của Anđrây, tâm trạng một thương binh (Văn hoá ngày nay, 1958, số 8) từ
tiểu thuyết Chiến tranh và hoà bình. Đối chiếu với sự nghiệp sáng tác đồ sộ của Lep Tônxtôi, chúng ta
dễ dàng nhận ra đây chỉ là những tác phẩm chưa tiêu biểu cho sự nghiệp của Lep Tônxtôi. Một bản đàn,
Tình nghĩa vợ chồng chỉ mới là những đoản tác của đại văn hào, còn Cái chết của An Đễ, Tâm trạng
một thương binh, Buổi dạ hội đầu tiên chỉ là những đoạn trích từ tiểu thuyết đồ sộ Chiến tranh và hoà
bình. Những tác phẩm lớn của Lep Tônxtôi như Chiến tranh và hoà bình, Anna Karênina, Phục sinh…
chưa hề được dịch và giới thiệu với bạn đọc. Số lượng các nhà xuất bản và tạp chí tham gia vào việc
giới thiệu tác phẩm của Lep Tônxtôi lúc này rất khiêm tốn với những cái tên như nhà xuất bản Phượng
Giang, Văn hoá ngày nay, Tạp chí Tân Phong. Vì vậy, ta có thể nói rằng, sự xuất hiện những tác phẩm
của Lep Tônxtôi vào những năm 50 cần được xem là giai đoạn giới thiệu Lep Tônxtôi với bạn đọc. Đó
là giai đoạn khởi đầu, giai đoạn thăm dò, khảo sát thị hiếu độc giả miền Nam.
Với sự xuất hiện khiêm tốn một số tác phẩm của Lep Tônxtôi như trên thì thực tế tiếp nhận của
độc giả miền Nam diễn ra như thế nào? Về mặt lý thuyết, thực tế trên cho thấy hoạt động tiếp nhận Lep
Tônxtôi vào giai đoạn này của độc giả ở miền Nam cũng chỉ mới là sự làm quen, sự tiếp xúc ban đầu.
Với những sáng tác được xuất bản khiêm tốn như thế, thật khó để độc giả có một sự tiếp cận đầy đủ,
toàn diện đối với sự nghiệp của Lep Tônxtôi. Về mặt lý thuyết, với những tác phẩm xuất hiện đầu tiên
ở miền Nam, sự tiếp nhận của độc giả miền Nam nói chung chỉ mới là sự khởi đầu, sự làm quen với
một tên tuổi còn mới mẻ, dù đó là một đại văn hào của văn học thế giới đã xuất hiện trước đó hơn một
thế kỉ.
Sự xuất hiện những đoản tác và đoạn trích ._.n là đánh giá và thẩm định lại những sáng tác của
ông. Cụ thể:
Với uy tín và tiếng tăm của mình, Lep Tônxtôi sẽ được đón nhận một cách phóng khoáng trên
tinh thần ngưỡng mộ và nghiêm chỉnh. Giới phê bình, nghiên cứu sẽ quan tâm nhiều đến ông và đặt
ông ở một vị trí của một bậc tiền bối. Thái độ tiếp cận của họ sẽ rất dè dặt và những lời khen sẽ che
khuất những ý kiến phê phán. Độc giả bình dân khi tiếp cận tác phẩm của ông sẽ rất nghiêm túc trong
hoạt động đọc. Họ đọc tác phẩm của ông với một thái độ trân trọng và chú trọng đến việc thưởng thức,
tận hưởng những giá trị nghệ thuật đích thực hơn là đọc với mục đích gải trí thông thường.
Với tài năng của ông, giới phê bình sẽ rất quan tâm đến những đóng góp và ảnh hưởng của ông
đối với các nền văn học. Các nhà văn sẽ tìm đến tác phẩm của ông với khuynh hướng tiếp nhận nghệ
thuật sáng tác nhằm hoàn thiện “tay nghề” của mình.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý rằng, uy tín, tiếng tăm và sự nổi tiếng của Lep Tônxtôi đôi
khi cũng là một nhân tố bị sử dụng cho mục đích chính trị. Điều này là một thực tế khi mà người ta sử
dụng danh tiếng như là một phương tiện để đề cao, nhấn mạnh những mặt tiêu cực và phê phán, xuyên
tạc những giá trị chân chính.
-Đặc trưng thứ hai của Lep Tônxtôi là cuộc đời và tiểu sử cũng như tính cách, nhân cách của
ông có sự “khác lạ” dẫn đến sự tò mò của độc giả, kích thích sự tìm hiểu của giới nghiên cứu và độc
giả. Chúng ta dễ dàng nhận ra điều này qua hàng loạt những bài giới thiệu, nghiên cứu về cuộc đời
“ngoại hạng” của Lep Tônxtôi. Nhân cách vĩ đại của Lep Tônxtôi cùng với tính cách khác người của
ông đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tiếp nhận của độc giả miền Nam khi họ tôn sùng ông là một á
thánh.
-Đặc trưng thứ ba mà chúng ta cần lưu ý về đối tượng tiếp nhận là tác giả Tônxtôi là một tác gia
văn học và là một tư tưởng gia của nước Nga - một đất nước có nền văn học tiên tiến và to lớn trong
nền văn học thế giới đồng thời cũng là một nền văn học của chế độ đối nghịch với chế độ miền Nam
lúc bấy giờ. Việc tiếp nhận Lep Tônxtôi - ở một phương diện nào đó - chính là sự tiếp cận với diện mạo
và tinh hoa của nền văn học vĩ đại cũng như tiếp nhận những giá trị của một nền văn học thuộc về một
chế độ chính trị khác (dĩ nhiên Lep Tônxtôi xuất hiện trước chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô).
Đặc trưng này của Lep Tônxtôi đã quy định chiều hướng tiếp nhận của độc giả miền Nam theo
hướng tìm hiểu những tinh hoa của một nền văn học lớn đồng thời cũng khám phá những bí mật về một
sự thật sau “bức màn thép”. Người đọc sẽ tiếp nhận Lep Tônxtôi trong sự tương quan với các tác gia
của nền văn học phương Tây chứ không tiếp nhận “một chiều” như đối với các tác gia phương Tây.
-Đặc trưng thứ tư mà chúng ta cần lưu ý khi nghiên cứu lịch sử tiếp nhận Lep Tônxtôi là tầm
vóc to lớn của các tác phẩm của ông. Những tác phẩm được độc giả miền Nam tiếp nhận như Chiến
tranh và hoà bình, Anna Karênina, Phục sinh, Vùng đất hoang vu...là những tác phẩm đã được thẩm
định và được độc giả đánh giá là những tác phẩm xuất sắc của nền văn học Nga cũng như văn học thế
giới. Những tác phẩm này khi đến tay độc giả miền Nam thì nó đã là những tác phẩm đã vượt qua thời
gian thở thách trên dưới một thế kỉ và đã được xem là những tác phẩm kinh điển, mẫu mực của văn học
thế giới.
Với đặc trưng này, độc giả miền Nam chắc hẳn phải tiếp nhận những kiệt tác của Lep Tônxtôi
như là những tác phẩm kinh điển và vĩ đại của nền văn học thế giới. Xu hướng chiêm ngưỡng và
thưởng thức những giá trị nghệ thuật đích thực có lẽ trở thành xu hướng chính của độc giả miền Nam
dưới ảnh hưởng của đặc trưng này. Bên cạnh đó, những giá trị thật sự của các kiệt tác của Lep Tônxtôi
có lẽ sẽ giúp cho tầm đón nhận của độc giả miền Nam có sự điều chỉnh, đề kháng trước sự lấn át của
những ấn phẩm phản động, suy đồi lúc bấy giờ ở miền Nam.
-Đặc trưng thứ năm mà chúng ta cần lưu ý khi nghiên cứu vấn đề tiếp nhận Lep Tônxtôi là đặc
điểm thi pháp tác phẩm của Lep Tônxtôi. Có thể nói, trước khi đến miền Nam, những tiểu thuyết lớn
của Tônxtôi đều được đánh giá là những tiểu thuyết mang văn phong cổ điển. Tính “độc thoại” của các
tác phẩm này có cùng “tính chất” với các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, Lê Văn Trương và một số tác
phẩm của nhóm Tự Lực văn đoàn cũng như những tác phẩm của các nhà văn Pháp (như A.Dumas) mà
độc giả bình dân miền Nam rất yêu thích. Điều này có lẽ sẽ quy định về thành phần độc giả của Lep
Tônxtôi trên cơ sở hoà hợp về thị hiếu, tầm thẩm mỹ. Trong thực tế, do đặc trưng này của các tác phẩm
của Lep Tônxtôi mà số lượng độc giả của Lep Tônxtôi đông đúc hơn độc giả của Đôxtôiepxki cả về
thành phần lẫn số lượng, thị hiếu thẩm mỹ của độc giả của Lep Tônxtôi khác với thị hiếu thẩm mỹ của
độc giả của Đôxtôiepxki.
-Đặc trưng thứ sáu của đối tượng tiếp nhận còn là tính hợp thời của nội dung tư tưởng (không
phải tất cả tư tưởng) tác phẩm của Lep Tônxtôi với nhu cầu tinh thần của phần lớn độc giả miền Nam.
Đặc trưng này cùng với tất cả những đặc trưng vừa nêu đã góp phần thúc đẩy hoạt động dịch thuật, phổ
biến và tiếp nhận Lep Tônxtôi ở miền Nam.
-Đặc trưng thứ bảy của đối tượng tiếp nhận ở đây là tính đa nghĩa và mâu thuẫn trong tư tưởng
nghệ thuật của các tác phẩm. Tác phẩm của Lep Tônxtôi vừa mang tư tưởng bất bạo động vừa thể hiện
tinh thần bạo động. Nói về điều này, Romain Rolland viết: “Cái gì ở Tolstoi cũng là bạo động, kể cả
thuyết bất bạo động của ông” [30, 22]. Lep Tônxtôi chủ trương bất bạo động, tuy nhiên tác phẩm của
ông lại mang tinh thần phê phán, tố cáo dữ dội đối với xã hội. Chính vì đặc điểm này mà tác phẩm của
Lep Tônxtôi đã tạo ra những lực lượng độc giả khác nhau về thị hiếu thẩm mỹ. Nếu như những người
cách mạng ở miền Bắc và miền Nam tìm thấy ở tác phẩm của ông tinh thần phản kháng, tinh thần cách
mạng thì ở miền Nam, người ta lại ca ngợi tư tưởng bất bạo động của Lep Tônxtôi. Ở đây, bản thân tác
phẩm của Lep Tônxtôi đã tiềm tàng những loại độc giả khác nhau về thị hiếu và điều kiện xã hội đã
góp phần thúc đẩy tạo ra hai loại độc giả như chúng ta đã biết.
-Đặc trưng thứ tám của đối tượng tiếp nhận mà chúng tôi muốn đề cập ở đây là sự hiện diện của
độ lệch nghệ thuật hiển nhiên do sự tiếp nhận được thực hiện không thông qua ngôn ngữ nghệ thuật
gốc. Như chúng ta đã biết, phần lớn những tác phẩm của Tônxtôi được tiếp nhận ở miền Nam là những
tác phẩm được chuyển dịch từ bản tiếng Pháp, tiếng Anh trong khi nguyên bản tác phẩm của Lep
Tônxtôi là tiếng Nga. Sự chuyển dịch của các tác phẩm từ tiếng Nga sang tiếng Anh hay Pháp, dù dịch
giả có nghiêm túc và tài năng đến mấy, thì cũng không thể nào chuyển tải nguyên vẹn nguyên tác. Sự
xuất hiện một độ lệch nghệ thuật là điều hiển nhiên của bất cứ bản dịch nào. Nguyễn Hiến Lê khi nói
về công việc dịch Chiến tranh và hoà bình cũng đã đề cập đến hiện tượng cùng một nguyên tác nhưng
có hàng chục bản dịch mà bản nào cũng khác xa nhau. Nói về một trong những bản dịch công phu: bản
dịch Chiến tranh và hoà bình của nhà xuất bản Văn Hoá, Hà Nội năm 1961, ông chú thích: “Chúng tôi
có cảm tưởng rằng họ chia nhau mỗi người dịch một phần, vì bản dịch không nhất trí: cùng một tiếng,
trên dịch khác, dưới dịch khác; và lời dịch có chỗ xuôi có chỗ trúc trắc” [66, 108]. Có thể nói, tiếp
nhận từ bản dịch sẽ có sự khác biệt nhất định so với việc tiếp nhận nguyên tác. Huống chi, có những tác
phẩm của Tônxtôi trong quá trình chuyển dịch lại được dịch rút gọn, cắt xén - chẳng hạn tác phẩm An-
na Kha-Lệ -Ninh do nhà sách Khai Trí xuất bản năm 1970. Về mặt lý thuyết, điều này làm xuất hiện
một độ lệch nghệ thuật là vấn đề không cần phải bàn cãi. Đặc trưng này của các tác phẩm dịch của Lep
Tônxtôi ở miền Nam đã quy định một phần khá lớn về chất lượng tiếp nhận của độc giả miền Nam đối
với các tác phẩm của Lev Tolstoi.
Những đặc trưng của Lep Tônxtôi vốn có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tiếp nhận của độc giả
miền Nam. Tuy nhiên, trong khuôn khổ luận văn này, chúng tôi chỉ quan tâm một số đặc trưng tiêu
biểu để hiểu rõ hơn sự chi phối của một số yếu tố đến tiến trình tiếp nhận Lep Tônxtôi của độc giả miền
Nam.
3.4. Vấn đề kích thích hoạt động tiếp nhận trong tiếp nhận Lep Tônxtôi:
Nếu hoạt động tiếp nhận được định hướng mà không khơi gợi ở người đọc nhu cầu tiếp xúc tác
phẩm thì sự định hướng đó cũng không thể phát huy được tác dụng. Từ thực tế đó, chúng tôi nhận thấy
kích thích hoạt động tiếp nhận là một trong những hoạt động rất cần thiết cho quá trình tiếp nhận. Khi
tiếp cận hoạt động tiếp nhận của độc giả miền Nam trước 1975 đối với Lep Tônxtôi, chúng tôi nhận
thấy hoạt động kích hoạt tiếp nhận đã được quan tâm với nhiều biểu hiện đa dạng. Dưới đây chúng tôi
sẽ làm rõ một số một số vấn đề liên quan.
Như chúng ta đã biết, việc dịch và xuất bản, phát hành hàng loạt các ấn phẩm của các nhà văn
nước ngoài trong thời điểm trước 1975 ở miền Nam là một thực tế. Để tiêu thụ cũng như để thực hiện
mục tiêu đưa tác phẩm đến với người đọc, ngưòi ta đã hết sức quan tâm đến hoạt động kích thích hoạt
động tiếp nhận của người đọc. Tiếp xúc với các hoạt động tiếp nhận đặc biệt này, chúng ta có thể nhận
ra các cách thức kích hoạt sau:
+Sử dụng các bài giới thiệu trực tiếp trên ấn phẩm được phát hành. Đây là hình thức kích hoạt
phổ biến và hiệu quả của các nhà xuất bản, nhà sách. Hình thức này có ưu điểm là cung cấp cho người
đọc những thông tin liên quan đến tác phẩm, tác giả. Những bài giới thiệu của Nguyễn Hiến Lê trong
bộ Chiến tranh và hoà bình, các lời tựa của Nhà xuất bản Phù Sa trong Vùng đất hồi sinh, lời tựa trong
An na Kha Lệ Ninh... là những ví dụ tiêu biểu. Khi dịch Chiến tranh và hoà bình, Nguyễn Hiến Lê đã
cung cấp cho người đọc hàng loạt những thông tin về cuộc đời và sự nghiệp của Lep Tônxtôi, về các
tác phẩm của ông và nhất là về nội dung và nghệ thuật kiệt tác Chiến tranh và hoà bình. Chúng ta có
thể xem hình thức kích hoạt tiếp nhận này là một trong những hình thức kích hoạt mà chúng ta cần phải
học hỏi để tác phẩm đến với người đọc một cách tốt nhất. Thực tế hiện nay cho thấy, tác phẩm được
xuất bản thường không có lời giới thiệu, không có những thông tin về tác phẩm cũng như không có
thông tin nào về tầm vóc, vị trí, tiểu sử... của tác giả. Điều này làm người đọc không sao xác định được
những thông tin liên quan đến việc chọn lựa tác phẩm cho phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của mình.
+Sử dụng các bài giới thiệu trên các báo, tạp chí có nội dung giới thiệu những tác phẩm đã và
sắp được xuất bản. Bài viết Vài cảm nghĩ xuôi dòng của Trần Phong Giao là một ví dụ. Hình thức kích
hoạt tiếp nhận này giống với các bài giới thiệu sách hiện nay trên các báo.
+Giới thiệu những ấn phẩm đã và sắp được xuất bản trên các ấn phẩm đang phát hành. Đây là
một hình thức kích hoạt tiếp nhận mà ngôn ngữ thường được sử dụng là ngôn ngữ mang nặng tính
quảng cáo.
+Giới thiệu hàng loạt những tác phẩm của Lep Tônxtôi theo chuyên đề trên một báo hoặc nhiều
báo khác nhau. Chúng ta có thể xem Văn số 128, 1969 chuyên đề Lep Tônxtôi cũng như nhiều bài viết
về Lep Tônxtôi xuất hiện trong năm này là một ví dụ.
Đi sâu vào nội dung và ngôn ngữ của các bài giới thiệu, chúng ta thấy họ sử dụng những cách
thức sau:
+Đánh vào trí tò mò của độc giả. Lep Tônxtôi được họ giới thiệu như là đại diện lớn của nền
văn học “cổ điển” thế giới và là tiền nhân của nền văn học Xô viết. Có lẽ vì thế mà người đọc tìm kiếm
ở ông những cái mà mình cần biết.
+Đánh vào sở thích triết học và tư tưởng thời thượng đương thời. Đặt tư tưởng Lep Tônxtôi
trong sự đối chiếu với những học thuyết, tư tưởng đương thời (thuyết hiện sinh, thuyết bất bạo động)
như là một cách để người đọc tìm đến tác phẩm của Lep Tônxtôi.
+Khơi gợi độc giả bằng những câu chuyện đời tư hấp dẫn của Lep Tônxtôi. Cuộc đời Lep
Tônxtôi với những sự kiện, biến cố và hành động li kì, hấp dẫn được nhấn mạnh và phân tích kĩ lưỡng
như một cách đánh vào lòng ham khám phá và tính hiếu kì của độc giả.
+Khẳng định nhiều lần về tầm vóc, vị trí, sự nổi tiếng của nhà văn cũng như tầm vóc, giá trị của
tác phẩm. Sự nổi tiếng cũng như tầm vóc, ảnh hưởng của Lep Tônxtôi và các tác phẩm của ông được
nhấn mạnh nhiều lần như một cách để buộc độc giả phải biết đến ông.
+Đặt Lep Tônxtôi bên cạnh và so sánh ông với các nhà văn nổi tiếng khác. So sánh Lep Tônxtôi
với Đôxtôiepxki như là một cách để độc giả của Lep Tônxtôi phải biết đến Đôxtôiepxki và độc giả của
Đôxtôiepxki phải biết đến Lep Tônxtôi.
+Sử dụng thứ ngôn ngữ phù hợp. Tuỳ theo từng đối tượng và mục đích tiếp nhận mà người ta sử
dụng những phong cách ngôn ngữ khác nhau. Chẳng hạn, Nguyễn Hiến Lê sử dụng thứ bút pháp tự
nhiên, thành thực, bình dị để phục vụ thị hiếu và tầm văn hoá của người đọc. Ông viết: “vấn đề là diễn
được đúng những cái chúng ta muốn diễn đạt và gây được trong lòng độc giả những cảm xúc như
chính ta cảm xúc” [33, 483]. Dùng thứ ngôn ngữ giản dị để người đọc dễ đọc, dễ hiểu, đó là một cách
để mọi thành phần độc giả có thể tiếp cận và tiêu hoá.
Như vậy, tiếp cận vấn đề này, chúng ta nhận thấy hoạt động kích hoạt tiếp nhận của các nhà xuất
bản, nhà sách, độc giả định hướng đối với người đọc miền Nam trước 1975 diễn ra khá mạnh mẽ với
nhiều hình thức, cách thức đa dạng, phong phú. Điều này thể hiện một thực tế là giới phát hành, các
học giả rất quan tâm đối với sự tiếp nhận của người đọc. Đặc biệt, hình thức sử dụng các bài giới thiệu
về tác giả và tác phẩm bằng một thứ ngôn ngữ bình dân, dễ hiểu đi kèm với ấn phẩm phát hành là một
trong những hình thức kích thích hoạt động tiếp nhận mang nhiều ý nghĩa mà chúng ta cần phải tiếp
nhận và học hỏi.
Bên cạnh những vấn đề vừa đề cập, chúng ta cũng nên lưu ý đến sự kích hoạt tiếp nhận tiêu
dùng bình thường vì mục đích kinh tế và kích hoạt tiếp nhận vì mục tiêu nghệ thuật, truyền bá tri thức,
nâng cao tầm đón nhận cho độc giả. Phân biệt được sự khác nhau giữa hai loại kích hoạt tiếp nhận này
sẽ giúp chúng ta trong việc xác định phương hướng hoạt động kích hoạt tiếp nhận hiện nay.
KẾT LUẬN
Đến với đề tài tiếp nhận Lep Tônxtôi ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975, trong luận
văn này chúng tôi đi vào tiếp cận những vấn đề như: vấn đề dịch thuật, xuất bản và vấn đề nghiên cứu,
giới thiệu Lep Tônxtôi; một số vấn đề khác có liên quan đến quá trình tiếp nhận Lep Tônxtôi như vấn
đề độc giả của Lep Tônxtôi, vấn đề tiền đề xã hội, vấn đề đặc trưng đối tượng tiếp nhận và vấn đề kích
thích hoạt động tiếp nhận Lep Tônxtôi. Trên cơ sở tiếp cận những vấn đề trên, chúng tôi rút ra một số
kết luận sau:
1. Lep Tônxtôi là một hiện tượng lớn của nền văn học thế giới và có ảnh hưởng lớn lao đến các
nền văn học trên thế giới. Cuộc đời của ông hàm chứa nhiều ý nghĩa đối với người đọc và những tác
phẩm của ông chứa đựng những nội dung tư tưởng mang tính đa trị, đa nghĩa, nghệ thuật trong đó được
xem là hết sức điêu luyện và mới mẻ rất cần để được khám phá, chiêm ngưỡng, thưởng thức và học hỏi.
Vì vậy, việc tìm hiểu, nghiên cứu và khám phá sự tiếp nhận của các thế hệ độc giả đối với Lep Tônxtôi
là việc làm rất cần thiết.
2. Trên cơ sở tính đa trị, đa nghĩa trong các tác phẩm của Lep Tônxtôi, quá trình tiếp nhận Lep
Tônxtôi chịu sự chi phối mạnh mẽ bởi yếu tố xã hội. Xã hội miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975
với những điều kiện kinh tế-chính trị-văn hoá đặc biệt đã ảnh hưởng và tác động rất lớn tiến trình tiếp
nhận Lep Tônxtôi. Tìm hiểu sự tiếp nhận của độc giả đối với Lep Tônxtôi cũng như sự tác động qua lại
giữa tác phẩm và độc giả trong môi trường xã hội miền Nam lúc này sẽ là một việc làm rất cần thiết
trong việc nhận diện diện mạo tiến trình tiếp nhận Lep Tônxtôi ở miền Nam nói riêng, ở Việt Nam và
thế giới nói chung.
3. Khảo sát tình hình dịch thuật và xuất bản Lep Tônxtôi ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-
1975, chúng tôi nhận thấy những tác phẩm của ông và nhất là những tác phẩm tiêu biểu đã có một vị trí
đáng kể bên cạnh nhiều tác phẩm của các nhà văn lớn của Nga và thế giới. Lực lượng tham gia vào
việc dịch và xuất bản tác phẩm của ông cũng hết sức hùng hậu. Điều này cho thấy Lep Tônxtôi được
độc giả miền Nam đặc biệt quan tâm. Lý giải thực tế tiếp nhận này, chúng tôi nhận ra sự tác động tích
cực từ nhiều phía, trong đó sự phù hợp của bản thân tác phẩm của Lep Tônxtôi (nội dung, nghệ thuật…)
với những đòi hỏi của xã hội là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất.
4. Tiếp cận vấn đề độc giả của Lep Tônxtôi, chúng tôi nhận ra nhiều đặc điểm về các loại độc
giả của Lep Tônxtôi. Về sự hình thành độc giả của Lep Tônxtôi trong giai đoạn ban đầu, chúng tôi
nhận thấy có những nhân tố thuận lợi cho việc tiếp nhận Lep Tônxtôi. Điều đó có thể lý giải cho sự
xuất hiện hàng loạt những sáng tác của Lep Tônxtôi trong một thời gian ngắn.
Tiếp cận vấn đề độc giả, chúng tôi còn nhận ra những đặc điểm của một số loại độc giả tiêu biểu
của Lep Tônxtôi. Sự hiểu biết này giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về các yếu tố chi phối tiếp nhận cũng như
về tiến trình tiếp nhận Lep Tônxtôi ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975.
Cũng trên tinh thần tiếp nhận này, chúng tôi còn nhận ra sự chi phối mạnh mẽ của những nhân
tố như văn hoá, chính trị, tư tưởng, xã hội đến sự hình thành các thành phần độc giả của Lep Tônxtôi.
Các thành phần độc giả này không thuần nhất mà đan xen lẫn nhau tạo nên sự phong phú trong tiếp
nhận.
Thực tế tiếp cận này còn đặt ra vấn đề mang tính cấp thiết: cần xây dựng những lực lượng độc
giả mang tính định hướng theo khuynh hướng tiến bộ nhằm điều chỉnh, cân bằng, thậm chí đề kháng
với các lực lượng độc giả còn hạn chế nhằm vừa đảm bảo được sự nâng cao tầm đón nhận cho đa số
độc giả vừa đảm bảo sự phong phú, đa dạng trong tiếp nhận.
5. Khảo sát tình hình nghiên cứu Lep Tônxtôi ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975 cho
thấy, ở miền Nam vào lúc này chưa có những chuyên gia, nhà nghiên cứu “đích thực” về Lep Tônxtôi.
Việc giới thiệu và tìm hiểu Lep Tônxtôi chỉ do một số học giả không chuyên, một số dịch giả và một số
nhà xuất bản đảm nhiệm. Điều này cho thấy trong giai đoạn tiếp xúc tương đối ngắn ngủi, Lep Tônxtôi
chủ yếu đến với độc giả thông qua tác phẩm và qua những bài giới thiệu có tính chất cung cấp thông tin
khái quát.
Khảo sát tình hình nghiên cứu Lep Tônxtôi, chúng tôi nhận ra qua các bài viết một số khuynh
hướng tiếp nhận Lep Tônxtôi rất đặc biệt. Khuynh hướng này, một cách tương đối, mang tính trung lập
hoặc đối lập với những khuynh hướng tiếp nhận ở miền Bắc Vệt Nam cùng thời. Tư tưởng tác phẩm
được phần lớn độc giả miền Nam tiếp nhận lúc này là những tư tưởng được Lep Tônxtôi phát biểu trực
tiếp hoặc thông qua giải pháp mà ông đặt ra trong tác phẩm chứ không phải là toát ra từ toàn bộ tác
phẩm. Nói cách khác, miền Nam chỉ tiếp nhận một phương diện, một mặt trong sáng tác của Lep
Tônxtôi, họ chỉ tiếp nhận cách giải quyết vấn đề đặt ra trong tác phẩm chứ không tiếp nhận vấn đề đặt
ra trong đó hoặc tiếp nhận toàn bộ tư tưởng của tác phẩm. Điều này cho thấy khuynh hướng tiếp nhận
của phần lớn độc giả miền Nam chịu ảnh hưởng lớn từ hoàn cảnh xã hội, nhất là từ những khuynh
hướng triết học, tôn giáo lúc bấy giờ.
6. Tiếp cận vấn đề sự ảnh hưởng của đặc trưng đối tượng (Lep Tônxtôi và các tác phẩm của ông)
đến sự tiếp nhận của độc giả miền Nam, chúng tôi cho rằng một trong những nguyên tắc để tiếp cận
quá trình tiếp nhận là quan tâm đến sự tác động của đặc trưng đối tượng tiếp nhận đến chủ thể tiếp nhận.
Thực tế tiếp nhận của độc giả miền Nam trước 1975 đối với Lep Tônxtôi cho thấy, sự tiếp nhận của
độc giả miền Nam chịu sự tác động rất lớn từ đặc điểm của đối tượng tiếp nhận là Lep Tônxtôi và các
tác phẩm của ông. Điều này đặt ra vấn đề tiếp cận đối tượng tiếp nhận như thế nào trong quá trình
nghiên cứu tiếp nhận cũng như trong quá trình phổ biến tác phẩm đến với người đọc.
7. Tiếp cận vấn đề kích hoạt tiếp nhận trong tiếp nhận Lep Tônxtôi, chúng tôi cho rằng một
trong những vấn đề để phát triển hoạt động tiếp nhận của độc giả là cần có sự quan tâm của các nhà
xuất bản, những người làm văn hoá, đến quá trình tiếp nhận của người đọc. Thực tế tiếp nhận Lep
Tônxtôi cho thấy, trước 1975, người ta rất quan tâm đến người đọc, quan tâm đến cách làm thế nào để
người đọc tiếp cận và đến với nhà văn và tác phẩm. Để tác phẩm đến với người đọc, để người đọc biết
đến và có mong muốn khám phá tác phẩm, người ta sử dụng nhiều cách thức để cung cấp những thông
tin cần thiết cũng như những thông tin kích thích sự khám phá của người đọc. Những bài giới thiệu đó
có thể có vấn đề về nội dung định hướng như chưa mang tính chuyên môn cao, chưa phục vụ cho
nghiên cứu chuyên sâu, nhưng xét về phương diện kích thích người đọc tìm đến tác phẩm thì đây cũng
là một kinh nghiệm cần lưu ý trong hoạt động văn hoá, văn học.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. M. Bakhtin (1992), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Bộ văn hoá thông tin và thể thao - Trường
viết văn Nguyễn Du, Hà Nội
2. M. Bakhtin (1993), Những vấn đề thi pháp Dostoievski, NXB Giáo dục, Hà Nội.
3. I. Bochenski, (1969) Triết học Tây phương hiện đại, Ca dao xuất bản.
4. Dorothy Brewster, John Angus Burrell (2003), Tiểu thuyết hiện đại, Dương Thanh Bình dịch,
NXB Lao động, Hà Nội.
5. Thu Oanh Nguyễn Duy Cần (1971), Văn hoá giáo dục miền Nam Việt Nam đi về đâu?, NXB
Nam Hà, Sài Gòn.
6. Đỗ Hồng Chung và những người khác (1997), Lịch sử văn học Nga, NXB Giáo dục, Hà Nội.
7. Phạm Vĩnh Cư (1982), “Lời giới thiệu”, Tội ác và hình phạt, NXB Văn học, Hà Nội.
8. Trương Đình Cử (1972), “Lời nói đầu”, Tội ác và hình phạt, NXB Khai Trí, Sài Gòn.
9. Nguyễn Văn Dân (1999), Nghiên cứu văn học – lý luận và ứng dụng, NXB Giáo dục, Hà Nội.
10. Nguyễn Văn Dân (1991), Văn học nghệ thuật và sự tiếp nhận, Viện thông tin KHXH..
11. Trần Trọng Đăng Đàn (1991), Văn học thực dân mới Mỹ ở miền Nam những năm 1954 – 1975,
NXB Sự thật, Hà Nội.
12. Trần Độ và các tác giả khác (1979), Văn hoá văn nghệ miền Nam dưới chế độ Mỹ-Nguỵ, tập 2,
NXB Văn hoá.
13. Trần Phong Giao (1969), Vài cảm nghĩ xuôi dòng, Văn 128.
14. Nguyễn Hải Hà (1992), Thi pháp tiểu thuyết L.Tolstoi, NXB Giáo dục, Hà Nội.
15. Nguyễn Văn Hạnh (1971), “Ý kiến của Lê nin về mối quan hệ giữa văn học và đời sống”, Tạp
chí Văn học, số 4, Hà Nội.
16. Nguyễn Văn Hạnh, Huỳnh Như Phương (1998), Lý luận văn học - vấn đề và suy nghĩ, NXB
Giáo dục.
17. Lê Văn Hảo (1969), “Thực trạng KHXH vùng đô thị miền Nam”, Nghiên cứu lịch sử (6), Sài
Gòn.
18. Đỗ Đức Hiểu (2000), Thi pháp hiện đại, Hội Nhà văn Việt Nam, Hà Nội.
19. Nguyễn Hữu Hiệu (1972), “Dostoievski”, Anh em nhà Karamazov, Nguồn Sáng, Sài Gòn.
20. Lưu Hiệp (1996), “Văn tâm điêu long” – Phan Ngọc dịch và giới thiệu, Văn học nước ngoài (3),
Hội Nhà văn Việt Nam, Hà Nội.
21. Nguyễn Thanh Hùng (2002), Đọc và tiếp nhận văn chương, NXB Giáo dục.
22. Waiter Kaufmann (1967), Nghệ thuật truyền thống và chân lý, Ca dao xuất bản.
23. Phan Công Khanh, “Lịch sử tiếp nhận Truyện Kiều”, Luận văn tiến sĩ, ĐHSP TPHCM.
24. Khrapchenko (1978), Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn học, NXB Tác
phẩm mới, Hà Nội.
25. Khrapchenko (1984), Sáng tạo nghệ thuật, hiện thực, con người (2 tập), NXB KHXH, Hà Nội.
26. Lê Đình Kỵ (1987), Nhìn lại tư tưởng văn nghệ thời Mỹ nguỵ, NXB TPHồ Chí Minh.
27. Nguyễn Hiến Lê (1960), “Dostoievski một con người suốt đời chịu khổ để viết”, Bách khoa
(82,83), Sài Gòn.
28. Nguyễn Hiến Lê (1990), Gương thành công, NXB Tổng hợp Đồng Nai.
29. Nguyễn Hiến Lê (1969), “Lời cảm ơn gởi nhà xuất bản”, Văn (128).
30. Nguyễn Hiến Lê (1959), “Léon Tolstoi- một Á Thánh”, Bách Khoa (48).
31. Nguyễn Hiến Lê (1968), “Dịch văn ngoại quốc”, “Sự thuần khiết trong ngôn ngữ”, Bách Khoa
(281, 282).
32. Nguyễn Hiến Lê (1969), “Chiến tranh và hoà bình”, Bách Khoa (288).
33. Nguyễn Hiến Lê (2001), Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn nghệ TPHCM.
34. Nguyễn Hiến Lê (2001), Để tôi đọc lại, NXB Văn học.
35. Nhất Linh (1960), “Viết và đọc tiểu thuyết”, Văn hoá Ngày nay (3), Sài Gòn.
36. Cao Việt Linh, (1972) “Đốt lửa và lên tiếng”, Vượt thoát, Nhà in Đuốc miền Tây.
37. Phương Lựu chủ biên (1986-1988), Lý luận văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội.
38. Phương Lựu (2001), Lí luận phê bình văn học phương Tây thế kỉ XX, NXB Văn học.
39. Nguyễn Đăng Mạnh (1994), Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, NXB Giáo dục,
Hà Nội.
40. K.Marx, F.Engels, Lênin (1977), Về văn học và nghệ thuật, NXB Sự thật, Hà Nội.
41. Maufret Nauman (1987), “Song đề của lý luận tiếp nhận”, Tạp chí Văn học (4), Hà Nội.
42. Trần Thị Quỳnh Nga (2001), “L. Tolstoi tại các đô thị miền Nam giai đoạn trước 1975”, Khoa
Ngữ Văn một phần tư thế kỷ, Khoa Ngữ Văn ĐHSP TPHCM.
43. Đỗ Hồng Ngọc, “Ông Nguyễn Hiến Lê và tôi”, Bách Khoa (436).
44. Vũ Ngọc Phan (1989), Nhà văn hiện đại, NXB KHXH, TPHồ Chí Minh.
45. Võ Phiến (1961), “Nhân vật tiểu thuyết”, Văn nghệ, số 1.
46. Phạm Thị Phương (1995), “Thống kê đầu sách dịch và bài viết về văn học Nga tại miền Nam
Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975” - Phần phụ lục luận văn Cao học Ngữ Văn Văn học Nga tại
thành thị miền Nam giai đoạn 1954 – 1975, Khoa Ngữ Văn ĐHSP TPHCM.
47. Phạm Thị Phương (1995), “Văn học Nga tại thành thị miền Nam giai đoạn 1954 – 1975”, Luận
văn Cao học, Khoa Ngữ Văn ĐHSP TPHCM.
48. Phạm Thị Phương(1996), “Những cơ sở cho việc tiếp nhận Dostoievski ở miền Nam Việt Nam
trước 1975”, Kỷ yếu Hai mươi năm một chặng đường nghiên cứu, Khoa Ngữ Văn, ĐHSP
TPHCM.
49. Phạm Thị Phương(1998), “Văn học Nga tại thành thị miền Nam giai đoạn 1954-1975”, Kỷ yếu
khoa học 1998, Khoa Ngữ Văn ĐHSP TPHCM.
50. Phạm Thị Phương(1999), “Những tiếp xúc đầu tiên với Dostoievski của độc giả Sài Gòn”, Kỷ
yếu khoa học 1999, Khoa Ngữ Văn ĐHSP TPHCM.
51. Phạm Thị Phương (2002), “Vấn đề tiếp nhận Dostoievski tại Việt Nam”, Luận văn tiến sĩ, Viện
KHXH TPHCM.
52. Thạch Phương, Trần Hữu Tá chủ biên (1977), Văn hoá, văn nghệ miền Nam dưới chế độ Mỹ -
nguỵ, NXB Văn hoá, Hà Nội.
53. G.Pospelov chủ biên (1985), Dẫn luận nghiên cứu văn học (2 tập) NXB Giáo dục, Hà Nội.
54. Trần Đình Sử (1991), “Mấy vấn đề tiếp nhận văn học”, Cái mới trong KHXH (11).
55. Phạm Văn Sỹ (1986), Về tư tưởng và văn học phương Tây hiện đại, NXB ĐH & THCN, Hà Nội.
56. Phạm Văn Sỹ (1975), Văn học giải phóng miền Nam 1954 – 1975, Hà Nội.
57. Doãn Quốc Sỹ (1973), “Văn học Nga và tiểu thuyết”, Sáng tạo, Sài Gòn.
58. Tràng Thiên (1963), “Một đề tài của Tolstoi: Cái chết”, Bách Khoa, số 163.
59. Tràng Thiên (1963), “Tiểu thuyết hiện đại”, Thời mới, Sài Gòn.
60. Phạm Công Thiện (1970), Ý thức mới trong văn nghệ và triết học, NXB Lá Bối, Sài Gòn.
61. Thuý Toàn (1999), Không phải của riêng ai, NXB Văn học.
62. Lep Tônxtôi (1958), Tình nghĩa vợ chồng, Bảo Sơn dịch, in lần thứ hai, NXB Phượng Giang,
Sài Gòn.
63. Lep Tônxtôi (1961), Tình nghĩa vợ chồng, Bảo Sơn dịch, NXB Đời Nay, Sài Gòn.
64. Lep Tônxtôi (1961), Một bản đàn, Bảo Sơn dịch, NXB Đời Nay, Sài Gòn.
65. Lep Tônxtôi (1973), Khúc nhạc mê ly, Trần Văn Điền dịch, NXB Đất Sống, Lá Bối, Sài Gòn.
66. Lep Tônxtôi (1969), Chiến tranh và hòa bình, Nguyễn Hiến Lê dịch, NXB Lá Bối.
67. Lep Tônxtôi (1969), Chiến tranh và hoà bình, Nguyễn Đan Tâm phỏng dịch và rút ngắn, NXB
Miền Nam.
68. Lep Tônxtôi (1971, 1972, 1973), Đời tôi, Vũ Minh Thiều dịch, NXB Khai Trí, Sài Gòn.
69. Lep Tônxtôi (1973), Anna Karenina, Mạc Thế Phong dịch, NXB Đất sống, Sài Gòn.
70. Lep Tônxtôi (1973), Vùng đất hoang vu, Mạc Đỗ dịch, NXB Đất Sống, Sài Gòn.
71. Lep Tônxtôi (1973), Vùng đất hồi sinh, Nguyễn Đan Tâm, Vũ Minh Thư dịch, NXB Phù Sa,
Sài Gòn.
72. Lep Tônxtôi (1973, 1974), Tình trong chiến hào, Hoàng Hải Thuỳ dịch Tử thần chờ đợi, NXB
Đất Mới, Sài Gòn.
73. Lep Tônxtôi (1974) Cái chết của Ivan Ilich, in trong Tập truyện ngắn nước ngoài, Xuân Hoàng
dịch, NXB Tự Lực, Sài Gòn.
74. Lep Tônxtôi, Một lần trong đời, in trong tập truyện ngắn nước ngoài Mãi mãi yêu người, Võ
Đình Lân tuyển dịch.
75. Lep Tônxtôi (1958-1959), “Một bản đàn”, Văn hoá ngày nay, số 1,2,3,4,5,6,7,10,11.
76. Lep Tônxtôi (1958), “Mối tình chớm nở”, Văn hóa ngày nay (8).
77. Lep Tônxtôi (1959), “Cái chết của An-đễ”, Văn hoá ngày nay (8).
78. Lep Tônxtôi (1959), “Tâm trạng của một thương binh”, Văn hoá ngày nay ( 8.)
79. Lep Tônxtôi (1959), “Buổi dạ hội đầu tiên”, Tân phong, Tập 1.
80. Lep Tônxtôi (1964), “Số đất cần cho con người”, Nguyễn Vạng Hộ dịch, Bách Khoa, số 172.
81. Lep Tônxtôi (1967), “Ba người thánh thiện”, Nguyễn Kim Phượng dịch, Bách Khoa, số 240.
82. Lep Tônxtôi (1969), “Ba cái chết”, “Các cô bé khôn hơn người lớn”, “Người ta sống bởi gì?”,
“Cái xấu cám dỗ, nhưng cái tốt tồn tại”, “Việc làm, sự chết và bệnh tật”, “Thiện ác đáo đầu”,
Nguyễn Kim Phượng và Lạc Nhân dịch, Văn, số 128.
83. Lep Tônxtôi (1970), An-na Kha-Lệ-Ninh, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn.
84. Lê Ngọc Trà (1990), Lý luận và văn học, NXB Trẻ, TPHCM.
85. Hoàng Trinh (1980), “Văn học so sánh và vấn đề tiếp nhận văn học, Tạp chí Văn học (4), Hà
Nội.
86. Hoàng Trinh (1986), “Giao tiếp trong văn học”, Tạp chí Văn học (số 4), Hà Nội.
87. Lý Chánh Trung (1960), Cách mạng và đạo đức, Nxb Nam Sơn, Sài Gòn
88. Lưu Đức Trung chủ biên (2003), Chân dung các nhà văn thế giới, tập 3, NXB Giáo dục, Nà Nội.
89. Nguyễn Văn Trung (1964), Nhận đinh II, Nam Sơn xuất bản.
90. Hoàng Vũ Đức Vân (1964), Leon Tolstoi trong tác phẩm Chiến tranh và hoà bình, Văn học (22)
91. Huỳnh Vân (1990), “Quan hệ văn học - hiện thực với vấn đề tiếp nhận, tác động và giao tiếp
thẩm mỹ”, Văn học và hiện thực, NXB KHXH.
92. Huỳnh Vân (1990), “Nhà văn - bạn đọc và hàng hoá sách hay văn học và sự dị trị”, Tạp chí Văn
học (6), Hà Nội.
93. Đào Văn Vỹ (1960), “Quan niệm về con người qua các giai phẩm của thời đại”, Quê hương
(18), Sài Gòn.
94. Zweig (1996), Ba bậc thầy: Dostoievski, Banzac, Dikens, NXB Giáo dục, Hà Hội.
._.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LA5588.pdf