Vấn đề stress của công nhân ở một số khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH  ĐÀO THỊ DUY DUYÊN VẤN ĐỀ STRESS CỦA CÔNG NHÂN Ở MỘT SỐ KHU CHẾ XUẤT, KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Chuyên ngành : Tâm lý học Mã số: 60 31 80 LUẬN VĂN THẠC SĨ TÂM LÝ HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: TS. ĐINH PHƯƠNG DUY Thành phố Hồ Chí Minh - 2010 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của chính tôi. Các số liệu và kết quả nghiên cứu là trung thực. Đào Thị Duy

pdf111 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 4306 | Lượt tải: 1download
Tóm tắt tài liệu Vấn đề stress của công nhân ở một số khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Duyên LỜI CẢM ƠN Tôi xin chân thành cảm ơn TS. Đinh Phương Duy đã tận tình hướng dẫn, đóng góp những ý kiến quý báu cho đề tài và đã luôn động viên tôi cố gắng hoàn thành luận văn này. Tôi cũng xin cảm ơn các Thầy Cô đã giảng dạy lớp Cao học Tâm lý học khóa 18 (2007 -2010) tại trường ĐHSP TPHCM đã cung cấp cho tôi những kiến thức chuyên môn và kĩ năng nghiên cứu khoa học làm cơ sở cho tôi hòan thành luận văn này. Xin cảm ơn các anh/chị công nhân, các cán bộ quản lý đã nhiệt tình cung cấp cho tôi những thông tin và số liệu quý báu giúp đề tài có được những kết quả chính xác và thực tế nhất. Xin cảm ơn các bạn trong nhóm cộng tác viên đã đồng hành cùng tôi trong suốt giai đoạn thu thập số liệu cho đề tài. Xin cảm ơn các cán bộ , nhân viên công tác tại phòng Khoa học, công nghệ và sau đại học Xin cảm ơn các Thầy trong hội đồng bảo vệ đề cương đã đóng góp những ý kiến định hướng nghiên cứu cho tôi trong đề tài này. Đào Thị Duy Duyên DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT Chữ viết tắt Chữ đầy đủ CN Công nhân KCX – KCN Khu chế xuất – Khu công nghiệp ĐTB Điểm trung bình TX Thường xuyên TT Thỉnh thoảng KC Không có SD Độ lệch chuẩn Sig Mức ý nghĩa với hệ số tin cậy 95% α=0.05 SL Số lượng % Tỷ lệ phần trăm MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Lịch sử loài người đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau, ở mỗi giai đoạn phát triển, con người đều phải đối mặt với rất nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp nảy sinh trong cuộc sống, do đó con người đều có nguy cơ bị stress. Nhiều nhà nghiên cứu về stress cho rằng xã hội càng phát triển, càng hiện đại thì nguy cơ bị stress của con người ngày càng cao, đặc biệt trong xã hội mà chúng ta đang sống ngày nay. Với sự phát triển của thời đại công nghiệp, bên cạnh việc nó làm cho điều kiện sống của con người ngày càng tốt hơn thì mặt khác nó lại làm phát sinh rất nhiều những hệ lụy tiêu cực, trở thành những tác nhân gây stress cho con người nhiều hơn. Xã hội càng hiện đại, nhịp sống ngày càng khẩn trương, gấp gáp và đặt ra yêu cầu cao hơn ở con người, như Alvin Toffler đã chỉ ra rằng những biến động xã hội mạnh mẽ mau lẹ và liên tục là những tác nhân gây stress thời hiện đại [ 31, tr.232], tác động tâm lý của sự biến động này gây ra tâm trạng mơ hồ và lo hãi có chiều hướng gia tăng. Khi xã hội có nhiều thay đổi, con người phải trải nghiệm nhiều sức ép nếu bản thân không kiềm chế được thay đổi hoặc bị thay đổi áp đặt từ bên ngoài, một khi cá nhân cảm thấy mất khả năng kiềm chế và mất khả năng đoán trước được các sự kiện thì sẽ gây ra căng thẳng và khi những sự thay đổi diễn ra với tốc độ quá nhanh cũng sẽ làm cho con người cảm thấy bối rối vì nó vượt quá năng lực thích ứng của bản thân [31, tr.238]. Thật vậy, trong những năm gần đây stress là một vấn đề trở nên phổ biến trong đời sống xã hội, hầu hết mọi người đã quen thuộc với thuật ngữ stress, stress có mặt trong mọi biến cố của cuộc sống, stress xuất hiện ở mọi nơi, mọi hoàn cảnh sống của con người…Theo thống kê của tổ chức tư vấn doanh nghiệp Grant Thornton International có trụ sở tại Anh, mức độ stress của các chủ doanh nghiệp trên khắp thế giới đã tăng 57% vào năm 2006 so với 39% hồi năm 2005 [70]. Một cuộc nghiên cứu khác của các nhà xã hội học Anh nghiên cứu trên 6000 người từ 18 tuổi trở lên cho thấy có 63% phụ nữ bị stress và 51 % nam bị stress [72]. Ngoài ra, kết quả khảo sát đánh giá stress ở Việt Nam do công ty Hoffmann – La Roche thực hiện trong thời gian 2 tháng ( 8-10/2003) với 834 người cũng cho thấy tỷ lệ bị stress bình quân ở nước ta là 52% [75]. Stress trong việc làm là vấn đề mà hầu hết mọi CN đều vướng mắc không nhiều thì ít. Thống kê của hãng bảo hiểm Northwestern National Life cho thấy tới 40% CN than phiền bị stress trong công việc. Kết quả theo dõi của đại học Yale cho hay 29% CN bị stress khá nặng vì công việc. Các kết quả khảo sát trên cho thấy tỷ lệ người bị stress đang ngày càng gia tăng đáng kể trong xã hội hiện nay. Stress có thể xảy ra với bất cứ ai, ở mọi lứa tuổi, mọi giới, mọi ngành nghề khác nhau, không chỉ trên thế giới, mà ở nước ta số người bị stress cũng khá cao. Nước ta đang trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa nên xã hội còn rất nhiều khó khăn phức tạp và có nhiều vấn đề nảy sinh nên con người luôn đứng trước nguy cơ bị stress. Trong những năm gần đây, tại TPHCM ngày càng có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập đã thu hút rất nhiều CN từ khắp mọi miền đất nước tập trung đến để làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp. Có thể nói trong giai đoạn nước ta đang chú trọng phát triển công nghiệp như hiện nay thì CN là một lực lượng lao động rất quan trọng góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, một thực tế cho thấy rằng đời sống CN đang còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần bởi đa số họ là những người xuất thân từ nông dân, trình độ văn hóa không cao, và chủ yếu là dân nhập cư phải sống xa gia đình, xa quê hương, đời sống kinh tế thấp …,chính những khó khăn thiếu thốn ấy lại càng làm cho CN có nguy cơ bị stress cao hơn, họ không chỉ có nguy có bị stress trong công việc mà cả những áp lực, thách thức, khó khăn do cuộc sống thời đại hiện nay mang lại cũng rất dễ làm cho CN bị stress. Một khi bị stress và không biết cách ứng phó thì stress sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả lao động của CN và sẽ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Do đó, việc quan tâm đến đời sống tinh thần của CN, đặc biệt là tình trạng stress của CN hiện nay để có những biện pháp hỗ trợ kịp thời nhằm giúp giải tỏa stress là một việc làm rất cần thiết của mỗi doanh nghiệp nói riêng và của xã hội nói chung. Khi đứng trước những tác nhân gây stress nếu mỗi người được trang bị những kĩ năng ứng phó và giải tỏa stress thì stress sẽ không phải là mối đe dọa to lớn nhưng ngược lại nếu không có sự hiểu biết về stress, không có đủ khả năng để tự mình ứng phó với stress mà lại không nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài thì khi đó stress sẽ là một mối đe dọa cho đời sống của mỗi người. Như đã nói, đặc điểm CN đang làm việc tại TPHCM đa phần là có trình độ thấp, đời sống vật chất khó khăn, đời sống tin thần thiếu thốn, việc tiếp cận thông tin còn nhiều hạn chế nên có thể nói những hiểu biết về stress và những kĩ năng ứng phó, ngăn ngừa stress cũng ít nhiều còn hạn hẹp nên CN ắt hẳn rất cần đến sự hỗ trợ từ phía xã hội, từ doanh nhiệp…để giúp họ đối diện, vượt qua stress một cách dễ dàng. Cho nên, việc tìm hiểu nhu cầu của CN để có sự đáp ứng kịp thời là một việc khẩn thiết và có ý nghĩa to lớn. Chính thực tế cho thấy stress đang ngày càng phổ biến trong xã hội nên trong những năm gần đây đã có nhiều công trình nghiên cứu về stress ở nước ta ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có ngành tâm lý học. Các nhà tâm lý cũng đã bắt đầu nghiên cứu về stress trong lĩnh vực lao động, kỹ thuật, quản lý, stress ở từng lứa tuổi. Một số đề tài luận văn cao học tâm lý học cũng đã bắt đầu nghiên cứu stress ở tuổi trung niên, stress ở học sinh, sinh viên, stress ở người trưởng thành và một vài khóa luận tốt nghiệp đã bước dầu nghiên cứu về stress nghề nghiệp ở CN…nhưng riêng đối với vấn đề stress nói chung ở CN và nhu cầu của họ về sự hỗ trợ từ bên ngoài để giúp ngăn ngừa và ứng phó với stress là một vấn đề chưa được nghiên cứu sâu ở một công trình nghiên cứu khoa học nào. Hơn thế nữa, đa phần những khách thể nghiên cứu trong đề tài nghiên cứu chuyên ngành tâm lý học nước ta chưa chú trọng đến CN, một lực lượng lao động khá đông và quan trọng của xã hội, cho nên việc nghiên cứu những vấn đề tâm lý trên khách thể này là một hướng đi mới và rất cần thiết, góp phần làm phong phú thêm nội dung nghiên cứu trong chuyên ngành tâm lý học nước ta và trên cơ sở đó mang lại những lợi ích thiết thực cho CN về mặt đời sống tinh thần. Với những lý do đã trình bày, người nghiên cứu quyết định thực hiện đề tài “ Vấn đề stress của công nhân ở một số khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh” nhằm tìm hiểu thực trạng stress của CN về mặt lý luận và thực tiễn, cũng như nhu cầu của CN về sự hỗ trợ xã hội trong việc giải tỏa stress, qua đó thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đến vấn đề stress của CN để góp phần nâng cao chất lượng đời sống tâm lý, tinh thần cho họ. 2. Mục đích nghiên cứu Nghiên cứu một cách khái quát vấn đề stress ở CN về mặt lý luận, thực tiễn, đồng thời khảo sát nhu cầu của CN về sự hỗ trợ xã hội trong việc ngăn ngừa và ứng phó với stress. Trên cơ sở đó đề xuất với các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội có những biện pháp cụ thể giúp CN ứng phó với stress và nâng cao chất lượng cuộc sống về mặt tinh thần. 3. Khách thể và đối tượng nghiên cứu 3.1 Khách thể nghiên cứu 400 CN đang trực tiếp làm việc tại khu chế xuất Tân Thuận, khu công nghiệp Tân Tạo, khu công nghiệp Vĩnh Lộc trên địa bàn TPHCM 7 cán bộ quản lý trực tiếp và gần gũi CN 3.2 Đối tượng nghiên cứu Stress ở CN, nhu cầu hỗ trợ xã hội và các giải pháp từ sự hỗ trợ xã hội trong việc giúp CN ngăn ngừa và ứng phó với stress 4. Phạm vi nghiên cứu Luận văn chỉ tập trung nghiên cứu stress của CN trực tiếp lao động sản xuất trong các dây chuyền và cơ sở sản xuất 5. Nhiệm vụ nghiên cứu 5.1 Nghiên cứu cơ sở lý luận về stress nói chung và stress ở CN 5.2 Khảo sát thực trạng hiểu biết về stress của CN, mức độ stress, những biểu hiện stress , nguyên nhân gây stress , cách ứng phó của CN với stress. 5.3 Khảo sát nhu cầu của CN về sự hỗ trợ xã hội trong việc giúp họ ứng phó với stress 5.4 Đề xuất những biện pháp từ sự hỗ trợ xã hội để giảm stress cho CN 6 . Giả thuyết nghiên cứu 6.1 Đa số CN đang làm việc ở các khu chế xuất, khu công nghiệp tại TPHCM chưa có hiểu biết đầy đủ về stress và họ bị stress biểu hiện ở các mức độ khác nhau, tập trung ở mức độ thỉnh thoảng bị stress. Có nhiều nguyên nhân gây ra stress, trong đó những yếu tố về đời sống vật chất, tình cảm, công việc ảnh hưởng nhiều tới mức độ stress của CN. Stress tác động tiêu cực đến hiệu quả lao động và đời sống của CN thể hiện qua những biểu hiện khi bị stress. Mặc dù CN đã có một số cách thức cụ thể để ứng phó với stress nhưng họ vẫn có nhu cầu rất lớn về sự hỗ trợ xã hội để giúp ngăn ngừa và ứng phó với stress. 6.2 Có sự khác biệt giữa các nhóm khách thể về mức độ của stress, sự hiểu biết về stress . 7 . Phương pháp nghiên cứu 7.1 Phương pháp nghiên cứu lý luận Phân tích và tổng hợp tài liệu để xây dựng cơ sở lý luận của đề tài gồm các vấn đề liên quan đến stress nói chung và stress ở CN 7.2 Phương pháp nghiên cứu thực tiễn - Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi - Phương pháp phỏng vấn - Phương pháp nghiên cứu trường hợp điển hình ( case study) - Phương pháp xử lý toán thống kê bằng phần mềm SPSS: tần số, trung bình, kiểm nghiệm Anova, kiểm nghiệm T…. 8 . Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài 8.1 Ý nghĩa khoa học Khái quát và hệ thống hóa những lý luận về stress dưới góc độ tâm lý học nói chung và stress ở CN nói riêng. Góp phần làm phong phú thêm nội dung nghiên cứu của chuyên ngành tâm lý học bằng việc mở rộng nghiên cứu các vấn đề tâm lý, cụ thể là stress trên khách thể nghiên cứu là CN – một lực lượng lao động quan trọng trong xã hội nhưng vẫn chưa được nhiều người quan tâm nghiên cứu. 8.2 Ý nghĩa thực tiễn Luận văn cung cấp những kết quả thực tế những hiểu biết của CN về stress, thực trạng stress ở CN, những nguyên nhân và ảnh hưởng của stress đến hiệu quả lao động và chất lượng cuộc sống của CN, một số cách CN thường sử dụng để ứng phó với stress và hiệu quả của các biện pháp đó. Ngoài ra còn giúp chúng ta thấy được nhu cầu hiện nay của CN về sự trợ giúp xã hội trong việc giúp ngăn ngừa và ứng phó với stress một cách hiệu quả. Từ những kết quả nghiên cứu trên, các nhà quản lý doanh nghiệp, các tổ chức xã hội như công đoàn, trung tâm hỗ trợ thanh niên CN, quỹ hỗ trợ CN sẽ nắm bắt được thực trạng stress hiện nay của CN và nhu cầu cần được hỗ trợ của CN thế nào để có những biện pháp hỗ trợ cụ thể nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng stress cho CN về lâu dài, việc làm này một mặt thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp, của đoàn thể xã hội đến CN, mặt khác làm cho hiệu quả kinh tế không ngừng được nâng cao vì khi CN được quan tâm đến sức khỏe và cải thiện tình trạng stress kịp thời thì họ mới chuyên tâm lao động, không để stress ảnh hưởng đến công việc. Bên cạnh đó, kết quả của luận văn cũng cung cấp những số liệu cần thiết làm cơ sở cho các nhà tâm lý học đề xuất xây dựng và đưa vào hoạt động mô hình tham vấn stress cho CN trực tiếp tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất ở TPHCM, đây sẽ là một cơ hội việc làm rất tiềm năng cho những người tốt nghiệp ngành tâm lý học hiện nay. CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA ĐỀ TÀI 1.1 Lịch sử nghiên cứu vấn đề stress và stress ở CN 1.1.1 Lịch sử nghiên cứu vấn đề stress trên thế giới Khi con người xuất hiện thì lúc đó stress cũng đã tồn tại trong cuộc sống của con người, tuy nhiên người ta chưa nhận thức rõ ràng về những hiện tượng mà sau này được nhiều nhà khoa học gọi là stress mà chỉ nghiên cứu nhiều khía cạnh của stress dưới những thuật ngữ khác nhau và chưa mang tính hệ thống. Stress thật sự được quan tâm nghiên cứu một cách khoa học bắt đầu từ thế kỉ 17 bởi Hooke với thuyết “Engineering Analogy” ( tương đồng cấu trúc) trong lĩnh vực kiến trúc xây dựng. Hooke đã đưa ra các thuật ngữ “load” khối nặng đè lên cấu trúc, “stress “ phần bị khối nặng đè lên và “strain” sự thay đổi hình dạng do tương tác giữa khối nặng và stress. Những khái niệm này có nhiều nét tương đồng với những khái niệm liên quan đến stress tâm sinh lý về sau này : stress là những yêu cầu bên ngoài đặt lên hệ tâm sinh lý xã hội [45,tr1] Sau đó, stress được nhiều nhà sinh lý học quan tâm nghiên cứu: Ảnh hưởng sinh học của sự sợ hãi được Luis Juan Vives miêu tả từ nhiều thế kỷ trước. Cơ sở cho hiểu biết của chúng ta về khái niệm stress đã được nghiên cứu hơn một thế kỷ trước đây bởi nhà khoa học người Pháp Claude Bernard. Ông là người đầu tiên nhận ra làm thế nào cơ thể nỗ lực để duy trì một trạng thái tương đối cố định bên trong cơ thể trong một môi trường luôn thay đổi (Bernard, 1878) Năm 1911, Walter Bradford, một sinh học gia Hoa Kỳ đã nhận thấy kích thích tố nang thượng thận gia tăng khi cơ thể bị xúc động mạnh [64], những phát hiện này làm tiền đề cho những nghiên cứu về mối liên hệ giữa stress và sức khỏe sau này. Walter Cannon (1927) là nhà nghiên cứu đầu tiên mô tả một cách khái quát một phản ứng đối với sự đe dọa mà ông gọi là phản ứng “chống hoặc chạy” (fight or flight), mỗi khi các loài vật đối mặt với kẻ săn mồi, chúng phải quyết định chống cự hay chạy trốn. Trong cả hai tình huống này, nhịp tim và huyết áp tăng cao, tăng nhịp thở, tăng hoạt động cơ bắp. Thị lực và thính lực hoạt động mạnh hơn để đạt được hiểu qua tốt hơn. Theo ông, đây là một phản ứng được “cài đặt sẵn” về mặt sinh học, cho phép mỗi sinh vật có thể ứng phó với những tác nhân gây đe dọa từ môi trường bên ngoài [10], [84] . Kết quả nghiên cứu của Cannon được vận dụng trong những nghiên cứu về những chiến lược ứng phó stress của con người sau này, hoặc là đối diện để giải quyết tác nhân gây stress hoặc là né tránh chúng. Hans Hugo Bruno Selye, là người đã phổ biến từ ngữ stress trong công chúng khi ông phát hành cuốn “The Stress of Life” vào năm 1956, và cũng là một người nghiên cứu rất nhiều về stress để rồi những quan điểm của ông trở thành những luận điểm cơ bản, nền móng cho những nghiên cứu khoa học về stress. Ông cho rằng bất cứ sự kiện nào đòi hỏi sự thích ứng đều làm khởi phát các đáp ứng sinh lý đặc trưng cho stress, những đáp ứng này cũng có tính không đặc hiệu; các loại sự kiện gây stress khác nhau đều dẫn đến những biến đổi tương tự nhau. Và gọi quá trình đáp ứng này là “hội chứng thích nghi chung” (General Adaptation Syndrome - GAS) [64]. GAS ngụ ý chỉ những hoạt động thần kinh và nội tiết cho phép cơ thể sinh vật chống lại những kích thích sinh lý có hại. GAS được chia làm ba giai đoạn: báo động , kháng cự và kiệt quệ (exhaustion)[15],[84]. Mô hình GAS mặc dù có hạn chế là chỉ mới đề cập đến yếu tố sinh lý, chưa đề cập đến yếu tố tâm lý những nó được xem là cơ sở hiểu biết của chúng ta về stress . Selye còn tiếp tục những nghiên cứu của ông về stress với hàng trăm trang luận cứ khoa học và 39 cuốn sách. [8], [52] Một điểm giống nhau trong lý thuyết của Selye và Cannon là sự xuất hiện các đáp ứng “chống hoặc chạy” và GAS tùy thuộc vào sự nhận biết của sinh vật về các kích thích có hại và việc diễn giải các kích thích này là có tính đe dọa hoặc có hại cho chúng hay không. Bổ sung thêm vào luận điểm này Syrington, Currie, Curran, Davidson, (1955) và Mason (1975) đã thừa nhận: “khi các kích thích có hại xảy đến mà không có sự nhận biết của đương sự, các đáp ứng sinh học sẽ không xảy ra”. Đồng thời sự xuất hiện phản ứng “chống hoặc chạy” và GAS phụ thuộc vào khả năng tiên đoán và kiểm soát các sự kiện có hại. [84]. Đồng quan niệm với luận điểm này, một loạt nghiên cứu của Weiss (1968,1971) trên chuột cũng đã cho thấy tầm quan trọng của những khả năng tiên đoán và kiểm soát đối với những sự kiện đe dọa, và mối quan hệ giữa nó với bệnh loét dạ dày. Những phát hiện của Weiss cho thấy một sự kiện đe dọa sẽ ít gây ra những hậu quả tai hại nếu chúng ta biết được khi nào nó sẽ xảy ra, nếu chúng ta có thể làm được một việc gì đó trước sự kiện ấy, và nếu chúng ta nhận được những phản hồi về hiệu quả của hành động ấy. Tầm quan trọng của khả năng tiên đoán và kiểm soát cũng được thấy trong các đáp ứng của con người đối với những tác nhân gây stress (Rodin, 1980) [84] Nhiều người nghiên cứu cho rằng những nghiên cứu dựa trên quan điểm stress là một đáp ứng sinh lý có tính không đặc hiệu - các loại sự kiện gây stress khác nhau đều dẫn đến những biến đổi tương tự nhau là quan điểm đúng nhưng chưa thật đầy đủ. Vì vậy họ nghiên cứu stress theo quan điểm stress như một sự kiện từ môi trường - tất cả các sự thay đổi tích cực hoặc tiêu cực từ môi trường, cuộc sống đều có tính chất gây stress và mỗi một sự kiện nhất định đều có tính chất gây stress như nhau với tất cả mọi người. Các nghiên cứu thực hiện theo quan điểm môi trường đều có bản chất dịch tễ học: số lượng và mức độ của các sự kiện gây stress sẽ có tính tiên lượng cho tình trạng sức khỏe của đương sự. [84]. Tuy nhiên, sau này quan điểm stress như một sự kiên từ môi trường được đánh giá là cũng có hạn chế trong việc giải thích tại sao lại có những sự kiện gây stress cho người này nhưng không gây stress cho người khác. Vào những năm 1970 và 1980, nhiều nhà nghiên cứu đã công bố các chương trình nghiên cứu thực nghiệm nhằm tìm ra mối liên hệ giữa thay đổi cuộc sống và đau ốm. Điển hình cho những cuộc nghiên cứu này là cuộc nghiên cứu của Thomas Holmes và Richard Rahe (1967), họ đã thiết kế một thang đo mức độ stress đi kèm với các sự kiện thường gắn với cuộc sống hằng ngày gọi là thang đo sự kiện cuộc sống (SRE: schedule of recent events - gồm 43 sự kiện cuộc sống) để tìm ra những tình huống nào trong cuộc sống có khả năng gây stress nhiều nhất [31, tr 243]. Ngoài ra cuộc nghiên cứu này cũng đưa ra kết luận càng tích lũy nhiều khủng hỏang trong cuộc sống thì con người càng dễ bị đau ốm trong khỏang thời gian nào đó [31, tr 247], [84] Việc ra đời của SRE được xem là một đóng góp rất có giá trị trong việc nghiên cứu nhiều vấn đề liên quan đến stress . Sau này, nhiều nhà nghiên cứu khác đã ứng dụng thang đo sự kiện cuộc sống vào những nghiên cứu của mình như Patrich và Holmes (1987) nghiên cứu tương quan giữa những sự kiện cuộc sống với thời gian mắc các bệnh mãn tính, A.L Beautrais và cộng sự (1982) lọc ra 20 trong 43 items trong thang đo nói trên để nghiên cứu dọc trên 1082 trẻ em theo dõi từ mới đẻ đến 4 tuổi, kết quả cho thấy gia đình nào có 12 biến cố trở lên thì số lần trẻ em của gia đình đó phải vào viện gấp 6 lần so với nhóm gia đình chỉ có 3 biến cố và các bệnh thường gặp là viêm phổi, tiêu chảy, tai nạn, bỏng, ngộ độc. H.A Williamson (1989) dùng thang đo trên để theo dõi 513 phụ nữ mang thai để nghiên cứu liên quan giữa biến cố cuộc sống với các biến cố lúc chưa sinh. [31, tr 248-249]. Một hướng nghiên cứu khác về stress là nghiên cứu mặt tích cực của stress : những người này cho rằng, stress không thể thiếu trong cuộc sống mà “thiếu stress” vì thế cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực (Frankenhaeuser, 1978), Những người được bảo vệ tránh stress quá mức có lẽ có nguy cơ cao bởi vì họ không thể phát triển được những kỹ năng ứng phó cần thiết trong đời sống hằng ngày (Murphy, 1979). Stress có thể dẫn đến những hệ quả tích cực. Giải quyết thành công những đe dọa và thách thức sẽ đưa đến những cảm xúc tích cực, tạo nên những cảm giác về tính hữu dụng của bản thân và sức khỏe thể chất [84] Nhìn chung, hiện nay trên thế giới đã có rất nhiều nghiên cứu về stress, có những nghiên cứu thuần túy lý thuyết và nghiên cứu thực nghiệm, thực tiễn trên một đối tượng nhất định hoặc kết hợp cả hai trên nhiều lĩnh vực riêng lẻ y học, sinh học, tâm lý học, xã hội học hoặc những nghiên cứu liên ngành. Những kết quả nghiên cứu đó giúp cho con người hiểu biết thêm về stress và có cách ngăn chặn những tác động của nó khi mà xã hội hiện nay stress đang ngày càng trở nên phổ biến. Riêng đối với lĩnh vực tâm lý học, tác giả L.A .Kitaepxmưx (1983) đã thống kê các sách báo khoa học nghiên cứu stress bằng tiếng Anh và Đức từ năm 1976-1980 có trên 1000 tài liệu được công bố [27, tr12] , cho đến nay thì con số đó đã tăng lên đáng kể, điển hình là chỉ bằng thao tác tìm kiếm trên công cụ Google với từ chính xác “psychology of stress” thì có 6.018 kết quả, với cụm từ “ psychology studies on stress “ thì có 1.180 kết quả , đó là chưa kể đến những nghiên cứu không đưa lên internet và những ngôn ngữ khác…điều này cho thấy tâm lý học hiện nay đã quan tâm nghiên cứu rất nhiều về stress, và nhiều trường đại học trên thế giới đã nghiên cứu và đưa stress vào nội dung giảng dạy cho sinh viên, có thể khái quát những xu hướng nghiên cứu sau: - Nghiên cứu nội hàm của khái niệm stress dưới góc độ tâm lý học : Gatchel & Baum (1983) R.S. Lazarus and S. Folkman (1984), S. Palmer (1999), nhà tâm lý học Mc Grath, Robert S. Feldman (1997), Stephen Worchel và Wayne Shebilsue, bác sĩ Eric Albert, nhà tâm lý học, người sáng lập Viện nghiên cứu stress - Nghiên cứu stress tâm lý : bao gồm những biểu hiện về mặt tâm lý khi bị stress và những ảnh hưởng tâm lý của stress đối với cá nhân, những phương pháp,liệu pháp tâm lý giải tỏa stress, cách phòng ngừa stress về mặt tâm lý v.v …điển hình như một số nghiên cứu của Weiss (1972), Lagone (1981), [19] - Nghiên cứu những tác nhân gây stress, phân loại chúng và những ảnh hưởng của những yếu tố tâm lý cá nhân đến việc xuất hiện và duy trì stress, cũng như loại bỏ nó như loại nhân cách và stress, ảnh hưởng của cảm xúc và quá trình nhận thức đến stress …Fleming, Baum & Singer (1984), Paterson & Neufeld (1987), Lazaus &Cohen (1977), Folkman (1984), Rodin (1986), Taylor (1991) v.v…[52] - Nghiên cứu những cách ứng phó, đương đầu với stress : Folkman & Lazarus (1980) , Adwin & Revénon (1987), Compas (1987), Miller, Brody & Summerson (1988), Amirkhan (1990), Sarason (1990) v.v…[52] - Nghiên cứu ảnh hưởng của stress trong mối liên hệ với tâm lý học sức khỏe, bệnh tật và những rối loạn tâm lý, tâm thể, tâm lý học thần kinh v.v…như Mason (1975), Selye (1976), Kiecolt-Glaser &Glaser (1986), Schneiderman (1983), Brown (1984), Eckenrode (1984) v.v…[52] Năm 1977, Caroline Bedell Thomas đã công bố kết quả nghiên cứu từ năm 1946-1977, những người thường kiềm nén cảm xúc, che giấu các tình cảm mạnh, cả tiêu cực, lẫn tích cực trước tình huống khó thì dễ bị ung thư. Bên cạnh đó, stress làm giảm hiệu quả của các loại vacxin, làm suy giảm hệ thống miễn dịch (nghiên cứu của giáo sư Janice Kiecolt Glaser và tiến sĩ y học Ronald Glaser, tiến sỹ y học Sheldon Cohen ). Tiến sĩ y học William Malarkeep còn cho thấy stress còn ảnh hưởng đến cả tuổi tác và tuổi thọ. Philip Cowen và Walter Kaye (1989) nghiên cứu sự tác động của stress với rối loạn tiêu hóa [8] - Nghiên cứu stress trong các chuyên ngành của tâm lý như tâm lý học lao động (stress nghề nghiệp), tâm lý học kỹ thuật, tâm lý học gia đình (stress gia đình), tâm lý học lứa tuổi, tâm lý học sư phạm v.v, tâm lý học hành vi v.v hoặc nghiên cứu stress trên những đối tượng khác nhau (giáo viên, bác sĩ, CN, phụ nữ, nam giới, sinh viên, nhà quản lý v. v…) Tình hình nghiên cứu stress trên thế giới đã bắt đầu từ rất lâu và đang diễn ra rất phổ biến nhưng đối với Việt Nam, nghiên cứu về stress là một lĩnh vực còn khá mới mẻ, nhất là trong tâm lý học, stress chỉ mới bắt đầu được nghiên cứu một cách khoa học trong mấy chục năm trở lại đây. 1.1.2 Lịch sử nghiên cứu vấn đề stress và stress của CN ở Việt Nam 1.1.2.1. Những nghiên cứu mang tính lý luận Hiện nay, ở Việt Nam stress vẫn chưa được nghiên cứu nhiều như những vấn đề khác, trong các trường đại học có chuyên khoa tâm lý học vẫn chưa đưa stress vào nội dung giảng dạy chính thức nên chưa có một hệ thống lý luận chung cho vấn đề stress, chủ yếu những kiến thức người học biết được về stress tham khảo từ những cuốn sách, bài viết trên các phương tiện thông tin hoặc từ kết quả nghiên cứu của những lĩnh vực khác. Có thể nói, một trong những nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam về stress là của tác giả Tô Như Khuê vào những năm 60 của thế kỉ XX, với những tác phẩm và bài viết liên quan đến stress trong lĩnh vực quân sự, trong lao động , kỹ thuật , đời sống cụ thể như “phòng chống trạng thái căng thẳng (stress ) trong đời sống và lao động” năm 1976, “đại cương tâm lý học kỹ thuật quân sự” năm 1980, “ cảm xúc và căng thẳng cảm xúc trong lao động” năm 1995, “ đại cương tâm sinh lý học lao động và tâm lý học kỹ thuật” năm 1997. Sau đó, có thêm một số cuốn sách viết về stress được xuất bản cung cấp những kiến thức khái quát về stress như định nghĩa stress , dấu hiệu nhận biết stress, hậu quả của stress, cách ứng phó với stress như tác phẩm “ stress trong thời đại văn minh” của Phạm Ngọc Rao và Nguyễn Hữu Nghiêm đề cập đến stress như là một hiện tượng phổ biến của xã hội hiện đại, mọi người đều có nguy cơ bị stress và chịu tác hại của nó vì thế cần có những cách phòng ngừa và loại bỏ stress. Tác phẩm “ Stress và sức khỏe”, “ Cơ sở tâm lý học ứng dụng”, hoặc “ Tâm lý học và đời sống” của Đặng Phương Kiệt, Nguyễn Khắc Viện….cung cấp một hệ thống lý luận về stress làm cơ sở tham khảo lý luận cho những người nghiên cứu về stress ở Việt Nam sau này, nhưng chủ yếu những nội dung trong các sách này được tham khảo và dịch từ những tác phẩm nước ngòai. Hơn nữa , hai ông còn có một số bài viết về vấn đề stress ở trẻ em . Ngoài ra, tác giả Nguyễn Văn Nhận, Nguyễn Bá Dương, Nguyễn Sinh Phúc với tác phẩm “ tâm lý học y học” đã chỉ rõ tác hại của stress tiêu cực với sức khỏe con người và cách phòng chống stress tiêu cực [dẫn theo 27, tr17]; Nguyễn Công Khanh với tác phẩm “ tâm lý trị liệu” đóng góp những liệu pháp tâm lý trong việc giải tỏa stress. 1.1.2.2 Những công trình nghiên cứu thực tiễn về stress Trong những năm gần đây, stress đã bắt đầu được nghiên cứu dưới dạng những nghiên cứu mang tính thực tiễn, như một công trình nghiên cứu khoa học nhiều hơn, làm phong phú thêm những hiểu biết của chúng ta về stress. Nếu như trước đây, chúng ta chỉ thấy có một vài công trình nghiên cứu cấp bộ về stress của Tô Như Khuê từ năm 1983 -1995 nghiên cứu stress của các bộ đội hoặc các phương pháp phòng chống, giải tỏa stress như dùng võ thuật . Thì hiện nay, chúng ta đã có thêm những nghiên cứu về stress qua các hội thảo khoa học “ Những rối loạn có liên quan đến stress ở trẻ em và thanh thiếu niên” do Viện sức khỏe tâm thần thuộc bệnh viện Bạch Mai tổ chức (1997) đã nghiên cứu vấn đề stress trên đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên; Hội thảo Việt – Pháp về tâm lý học “ trẻ em, văn hóa, giáo dục” (2000) tập hợp những nhà tâm lý học, xã hội học đầu ngành của Việt Nam và thế giới để trao đổi về những nghiên cứu liên quan đến trẻ em, trong đó các tác giả Nguyễn Công Khanh đã có bài báo cáo về những rối nhiễu liên quan đến stress qua các trường hợp trị liệu điển hình, và Lại Thị Bưởi cùng cộng sự với cuộc nghiên cứu “Tìm hiểu stress về thay đổi môi trường sống thanh thiếu niên dân tộc ít người tại trường phổ thông vùng cao Việt Bắc” đã nêu ra những nhân tố tâm lý do thay đổi môi trường sống gây ra stress và các biểu hiện về mặt cơ thể, tâm lý khi bị stress Bên cạnh đó còn có những nghiên cứu về stress được đăng trên các tạp chí chuyên ngành như Nguyễn Bá Đạt ( 2001) “ Ảnh hướng của stress đến kết quả thi học kì của sinh viên”, nghiên cứu biểu hiện tâm sinh lý và kết quả học tập của những sinh viên bị stress trong kì thi. Phạm Thị Thanh Hương (2004) “ một số biểu hiện và mức độ stress ở sinh viên trong học tập” nghiên cứu mức độ stress nói chung và stress ở sinh viên đại học sư phạm hà nội trong học tập, các biểu hiện và thực trạng việc sử dụng các biện pháp giảm stress có hại ở sinh viên; Phạm Thanh Bình (2007) “ stress trong học tập của học sinh trung học phổ thông” nghiên cứu nhận thức của học sinh THPT về stress , mức độ và nguyên nhân gây stress trong học tập của học sinh THPT; Nguyễn Hữu Thụ và Nguyễn Bá Đạt (2009) nghiên cứu những nguyên nhân và cách ứng phó của sinh viên đại học quốc gia Hà Nội với stress trong học tập; Lê Thị Thanh Thủy (2009) với bài “ stress trong học tập và cách ứng phó ở học sinh cuối cấp trung học phổ thông” nghiên cứu mức độ , nguyên nhân gây stress trong học tập, ảnh hưởng của stress tới học tập, cách ứng phó với stress của học sinh cuối cấp THPT. Ngoài ra, đã có thêm những._. công trình nghiên cứu dưới hình thức luận văn, luận án cũng đã chọn stress làm vấn đề nghiên cứu như Nguyễn Mai Anh (1991) với luận văn cử nhân tâm lý bước đầu tìm hiểu “stress của sinh viên trong học tập” đã nghiên cứu ảnh hưởng của stress đến chất lượng bài thi của sinh viên; Nguyễn Thành Khải (2001) với luận án tiến sĩ “ Nghiên cứu stress ở cán bộ quản lý” nghiên cứu mức độ, biểu hiện, nguyên nhân và các yếu tố ảnh hưởng tới stress và thựuc trạng sử dụng các phương pháp làm giảm stress ở cán bộ quản lý, đây có thể được xem là công trình nghiên cứu đầu tiên ở nước ta về vấn đề stress ở cán bộ quản lý và bổ sung thêm những lý thuyết về stress một cách hệ thống; Nguyễn Thị Kim Quy (2004) với luận văn tốt nghịêp đại học “ Bước đầu tìm hiểu thực trạng stress ở sinh viên trường Đại học Sư Phạm Tp.HCM” nghiên cứu thực trạng, ảnh hưởng tiêu cực của stress đến việc học tập và ứng xử của sinh viên; Gần đây có một số luận văn thạc sĩ tâm lý học đã nghiên cứu về vấn đề stress trên các đối tượng khác nhau như Trần Anh Thụ (2005) “ Nghiên cứu stress ở những người tuổi trung niên” đã nghiên cứu mức độ, nguyên nhân gây stress, biểu hiện về mặt tâm lý, các biện pháp ứng phó với stress và tương quan giữa nhận thức và stress, kiểm nghiệm 2 biện pháp giảm stress là thiền của Phật giáo và cầu nguyện của Công giáo ; Lại Thế Luyện (2007) “ biểu hiện stress trong sinh viên trường ĐHSP Kỹ thuật Tp.HCM” đã nghiên cứu những biểu hiện , nguyên nhân và cách ứng phó của sinh viên với stress trong học tập và cuộc sống; Nguyễn Thị Hải (2008) với luận văn thạc sĩ “ nghiên cứu stress ở người trưởng thành” nghiên cứu mức độ, biểu hiện, nguyên nhân, hậu quả của stress ở người trưởng thành và chứng minh hiệu quả của yoga đến việc giải tỏa stress. 1.1.2.3 Những công trình nghiên cứu thực tiễn về stress ở CN Với đối tượng CN, hiện nay đã có một số nghiên cứu về stress trên đối tượng này nhưng chủ yếu ở lĩnh vực y học và xã hội học, có thể kể đến các công trình sau: Cuộc khảo sát từ dự án “Bạn gái với các vấn đề xã hội” của Trung tâm công tác xã hội thanh thiếu niên (Trung ương Hội LHTNVN) phối hợp với Công ty Diana thực hiện trên 326 nữ CN làm việc tại ba khu công nghiệp - khu chế xuất TP.HCM là Tân Thới Hiệp, Tân Bình và Linh Trung, có phần nghiên cứu về tình trạng stress ở CN và những việc họ thường làm khi bị stress [60], [79], đề tài mang tính một cuộc nghiên cứu xã hội về một số nội dung liên quan đến stress ở CN nữ mà không nghiên cứu ở nam Lê Thị Bưởi , “Nghiên cứu sức khoẻ tâm thần và các Stress ở CN ngành may mặc”. Nghiên cứu trên 1066 CN may mặc nhằm đánh giá thực trạng sức khỏe tâm thần và các căng thẳng (stress) nghề nghiệp, xác định các yếu tố nguy cơ gây stress. [61], đề tài này chỉ giới hạn nghiên cứu stress ở CN may mặc . Nguyễn Bạch Ngọc , “Stress nghề nghiệp và sức khoẻ tâm thần của người vận hành” nghiên cứu 84 nam CN vận hành công trình ngầm, tuổi từ 22-43, thâm niên công tác từ 1 đến 15 năm. Các thử nghiệm đối với CN đã được đo 3 lần trong 1 ca (ca sáng) vào các thời điểm trước khi vào cao, trước khi nghỉ ăn trưa và trước khi tan ca. Kết quả làm test Zung và Beck của 41 sinh viên được dùng để làm chứng[78]. Đề tài này cũng chỉ nghiên cứu CN làm việc ở công trình ngầm. Qua những nghiên cứu trên có thể thấy nghiên cứu vấn đề stress ở CN không phải là một vấn đề hoàn toàn mới mẻ ở nước ta mà nó đã được nghiên cứu bởi những nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác như y tế và xã hội học, nhưng có sự giới hạn về đối tượng đa số là CN may, nữ CN hoặc các CN trong những công trình ngầm và nội dung nghiên cứu thì thường nghiên cứu stress trong mối quan hệ với những rối loạn tâm thần. Riêng đối với chuyên ngành tâm lý học, chúng tôi chỉ tìm thấy một nghiên cứu về stress nghề nghiệp ở CN do Trịnh Thị Minh Dung thực hiện trong luận văn tốt nghiệp đại học chuyên ngành tâm lý học “ Bước đầu tìm hiểu stress nghề nghịêp ở nữ CN một số công ty tại khu công nghịêp Biên Hòa” (2005), chủ yếu nghiên cứu mức độ biểu hiện, nguyên nhân gây ra stress nghề nghiệp, những ảnh hưởng về mặt tâm lý và cách ứng phó của nữ CN đối với stress nghề nghiệp. Đề tài này chỉ giới hạn trên đối tượng nữ CN và vấn đề stress nghề nghiệp ở một khu công nghiệp tại Biên Hòa. Trong giới hạn của mình chúng tôi chưa thấy một công trình nào nghiên cứu một cách khái quát vấn đề stress ở CN nói chung đang làm việc ở các khu chế xuất, khu công nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy có thể thấy đây là một lĩnh vực nghiên cứu còn khá mới mẻ và bỏ ngõ chưa được quan tâm nhiều trong giai đoạn hiện nay, do đó chúng tôi đã mạnh dạn chọn đề tài “Vấn đề stress của CN ở một số khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh” để bổ sung thêm về mặt lý luận và thực tiễn trong việc nghiên cứu vấn đề stress của CN ở nước ta nói chung và của chuyên ngành tâm lý học nói riêng. 1.2 Những lý luận chung về stress và stress ở CN 1.2.1 Một số khái niệm cơ bản 1.2.1.1. Khái niệm stress Khi nghiên cứu về stress, mỗi người nghiên cứu thường đưa ra một khái niệm về stress của mình, do đó cho đến nay có rất nhiều khái niệm, cách hiểu khác nhau về stress, mỗi khái niệm đều đề cập đến một hoặc vài khía cạnh, bình diện khác nhau của stress, nhưng tập trung lại có những cách hiểu sau về stress : Hướng thứ 1: xem stress là một tình trạng căng thẳng, chịu áp lực, sự mất cân bằng do nhiều tác nhân gây ra Theo nghĩa thông dụng: vào thế kỷ thứ 17, stress được dùng với nghĩa để chỉ một sức ép hay một xâm phạm nào đó tác động vào con người gây ra phản ứng căng thẳng. Ngày nay stress là một thuật ngữ được dùng rộng rãi để nói về sự căng thẳng cũng như những hậu quả và tác động của nó đến sức khỏe con người [70]. Trong từ điển tâm lý học của Nga, theo V.P.Dintrenko và B.G.Mesiriakova, “stress là trạng thái căng thẳng về tâm lý xuất hiện ở người trong quá trình hoạt động ở những điều kiện phức tạp, khó khăn của đời sống hằng ngày, cũng như trong những điều kiện đặc biệt [18, tr19]. Định nghĩa này nêu ra được 2 khía cạnh là bản chất và nguồn gốc gây stress. Trong Merriam-Webster Medical Dictionary thì danh từ stress chỉ “tình trạng căng thẳng thể lý và tinh thần do những nhân tố làm thay đổi trạng thái cân bằng hiện tại” [45,16]. Định nghĩa này đề cập thêm stress không chỉ là căng thẳng tinh thần mà còn căng thẳng thể lý và nêu lên khía cạnh thứ 3 của stress là ảnh hưởng của nó, làm thay đổi trạng thái cân bằng hiện tại. Trong The American Heritage Dictionary of the English Language, stress là “một tình trạng gây khó chịu hoặc gây thương tổn về cảm xúc, tinh thần, xảy ra khi cơ thể phản ứng lại những ảnh hưởng trái ngược bên ngoài và có thể làm ảnh hưởng tới sức khỏe thể lý dễ nhận thấy qua các dấu hiệu: tim đập nhanh, huyết áp cao, căng cơ, cảm giác khó chịu, và ưu phiền” [45,16]. Định nghĩa này chỉ ra cả 3 khía cạnh của stress , nhất là chỉ rõ những dấu hiệu của stress về mặt cảm xúc và thể lý. Trong A Dictionary of psychology của Andrew M. Colman , stress là “căng thẳng thể lý và tâm lý phát sinh do những tình huống, sự kiện, trải nghiệm khó có thể chịu đựng hoặc vượt qua như những biến cố nghề nghiệp, kinh tế, xã hội, cảm xúc và thể lý” [45,17]. Theo từ điển Tâm lý học do Vũ Dũng chủ biên “ stress là một thuật ngữ có giới hạn rộng dùng để chỉ những trạng thái của con người xuất hiện do phản ứng với những tác động đa dạng từ bên ngoài ở các mức độ sinh lý, tâm lý, hành vi [14, tr 241] Theo J. Delay “ stress là một tình trạng căng thẳng cấp diễn ra của cơ thể bị bắt buộc phải điều động những tổ chức phòng vệ của nó để đương đầu với một tình huống đe doạ” [15] Theo S. Palmer (1999), Stress xuất hiện khi áp lực vượt quá khả năng thông thường của cá nhân để ứng phó . => Các định nghĩa này giống nhau ở chỗ không chỉ ra ảnh hưởng của stress ra sao. Theo Đặng Phương Kiệt, Nguyễn Khắc Viện “stress được định nghĩa là một lực vật lý hoặc tâm lý mà khi tác động vào một hệ thống thì đủ tạo ra sự căng thẳng hay méo mó trong hệ thống hoặc nếu rất mạnh thì làm hỏng hệ thống đó” . Nguyễn Công Khanh hiểu “stress là trạng thái căng thẳng của cơ thể , phản ứng lại với những kích thích bên trong hoặc bên ngoài cơ thể”. [28,185] Trong luận án tiến sĩ về Stress ở cán bộ quản lý, Nguyễn Thành Khải đã đưa ra định nghĩa stress “ dưới góc độ tâm lý học, stress là trạng thái căng thẳng về tâm lý mà con người cảm nhận được trong quá trình hoạt động cũng như trong cuộc sống.” [27, tr20] => Ba định nghĩa trên không chỉ ra được nguồn gốc gây stress Trong luận văn stress ở người trưởng thành, Nguyễn Thị Hải đã định nghĩa “stress là trạng thái căng thẳng về mặt tâm lý, xuất hiện ở người trong quá trình hoạt động gặp phải những biến cố, những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, dễ nhận thấy qua các dấu hiệu: nhịp tim tăng, huyết áp cao, cơ căng, cảm giác mệt mỏi, khó chịu, hoặc ưu phiền, chán nản…có thể dẫn đến những hậu quả nhiều mặt tùy theo khả năng ứng phó của mỗi người” [18, tr 22] Định nghĩa này nêu ra được đầy đủ 3 khía cạnh của stress và những dấu hiệu cụ thể của nó. Tuy nhiên về bản chất thì khác nhau, một người thì cho rằng stress là tình trạng khó chịu hoặc gây thương tổn về cảm xúc và tinh thần, người kia thì xem stress là trạng thái căng thẳng tâm lý. Hướng thứ 2: Xem stress là những đáp ứng, phản ứng sinh học của cơ thể hoặc một quá trình phản ứng của con người Theo Hans Selye (1930) “stress là mọi đáp ứng của cơ thể trước mọi yêu cầu hay đòi hỏi tác động lên cơ thể đó” [15]. Trong đời sống hàng ngày, stress là hiện tượng sinh lý (physiologique) cần thiết cho con người. Nhờ có stress ta mới đáp ứng được với các điều kiện thay đổi không ngừng của môi sinh. Ông đã viết “ không có stress là chết”. Ngược lại, stress mạnh quá hay nhiều quá, có thể gây ra bệnh tật. Do đó ông đưa ra 2 cụm từ “ eutress” (những stress ảnh hưởng tích cực , có lợi cho con người) và “ distress” (những stress tiêu cực gây hại đến sức khỏe của cá nhân). Định nghĩa này mở ra một cách hiểu mới về stress , trước đây mọi người đều cho rằng stress chỉ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, chứ không biết rằng stress cũng có mặt tích cực của nó. Theo Robert S. Feldman (1997), stress là phản ứng của con người trước các sự kiện đang đe dọa hay thách thức họ.[87]. Định nghĩa này không nêu ảnh hưởng của stress và nhấn mạnh đến tính chất đe dọa, thách thức của sự kiện là nguồn gốc gây stress Theo Stephen Worchel và Wayne Shebilsue, “ stress là một quá trình mà bằng cách đó con người phản ứng lại với các sự kiện môi trường và tâm lý mà được nhận thức là đe doạ hoặc thách thức” . [19, tr 429]. Định nghĩa này nhấn mạnh đến yếu tố nhận thức cá nhân về nguồn gốc gây stress . Hướng thứ 3 : Stress như một sự kiện từ môi trường Theo bác sĩ Eric Albert, nhà tâm lý học, người sáng lập Viện nghiên cứu stress thì “ stress là nỗ lực của cơ thể để thích nghi với những đổi thay” Theo Holroyd (1979), stress như một sự kiện từ môi trường đòi hỏi một cá nhân phải thử thách những tiềm năng và đáp ứng không bình thường. [84] Như vậy, Stress hình thành do những “đòi hỏi” của sự kiện môi trường hơn là bên trong cá nhân người ấy , cách hiểu này có hạn chế ở chỗ là không phải sự kiện nào từ môi trường cũng gây ra stress và không phải ai cũng bị stress bởi một sự kiện như nhau. Hướng thứ 4: Xem stress là một hiện tượng nhận thức của cá nhân, một quá trình tương tác với môi trường Theo giáo sư Ferreri, stress được hiểu là mối liên quan giữa con người và môi trường xung quanh, nó vừa để chỉ tác nhân kích thích, vừa để chỉ phản ứng của cơ thể trước tác nhân đó. Như vậy stress là mối tương tác giữa tác nhân kích thích và phản ứng của cơ thể. [10, 47] Theo Charles Spielperger stress là quá trình tương tác giữa khả năng đáp ứng của mỗi cá nhân với những đòi hỏi được đặt ra cho cá nhân đó trong môi trường của họ, quá trình tương tác đó có thể ảnh hưởng xấu về nhiều mặt (sinh lý, tâm lý, cảm xúc, hành vi) [50,17] Theo Gatchel & Baum (1983), “stress là một tiến trình mà bằng cách đó con người phản ứng lại với các sự kiện môi trường và tâm lý được nhận thức là sự đe dọa hoặc thách thức” [19, tr 429] Theo R.S. Lazarus (1966), “stress như một quá trình tương giao giữa con người và môi trường, trong đó đương sự nhận định sự kiện từ môi trường là có tính chất đe dọa và có hại, và đòi hỏi đương sự phải cố gắng sử dụng các tiềm năng thích ứng của mình”. [84]. Stress là một diễn tả chủ quan, từ trong tâm trí, nên nó xuất hiện tùy theo cách nhìn của con người với sự việc (nó có chứa đựng yêu cầu cao đối với cá nhân không, nó có đe dọa chủ thể không; và nhìn nhận về khả năng ứng phó của mình: liệu bản thân mình có đủ nguồn lực để đáp ứng được với những yêu cầu và đe dọa đó không. Một sự kiện chỉ gây stress khi cá nhân nhận định là “có hại”, và khi thiếu các phương tiện để ứng phó) . Đồng ý với quan điểm này Nguyễn Khắc Viện đã nêu “stress là một vấn đề mang tính cá nhân, ta trải nghiệm bao nhiêu stress là do bản chất của tác nhân gây stress quyết định, do cách stress được lý giải ra sao, những nguồn lực sẵn có để đối phó với tác nhân gây stress và loại căng thẳng nào ta chịu ảnh hưởng”. Cũng như theo Tô Như Khuê, “stress tâm lý chính là những phản ứng không đặc hiệu xảy ra một cách chung khắp, do các yếu tố có hại về tâm lý xuất hiện trong các tình thế mà con người chủ quan thấy là bất lợi hoặc rủi ro, ở đây vai trò quyết định không chủ yếu do tác nhân kích thích mà do sự đánh giá chủ quan về tác nhân đó” [45,tr18]. Hướng thứ 5: một quan điểm hệ thống về stress Quan điểm này được xây dựng bằng cách tích hợp các bình diện sinh học, tâm lý, môi trường, và đặc biệt là yếu tố nhận thức cá nhân của stress, xem stress là một khái niệm mang tính tổ chức, liên hệ đến nhiều thông số và quá trình. Vì thế, “stress là một đáp ứng tích hợp sinh học - tâm lý - xã hội với những sự kiện được xem là có hại và đòi hỏi những kỹ năng ứng phó của đương sự”[84] . Đóng góp của định nghĩa này cho thấy tính đa dạng, phức tạp của stress, nhất là sự đa dạng, phức tạp trong phản ứng với stress. Do đó, khi nghiên cứu những phản ứng với stress cần nghiên cứu trên cả 3 mặt sinh học, tâm lý, xã hội. Như vậy, có rất nhiều định nghĩa khác nhau về stress, có những định nghĩa về stress dựa trên bình diện sinh học, có những định nghĩa dựa trên bình diện tâm lý hoặc môi trường hoặc phối hợp cả ba bình diện đó , có những định nghĩa đơn giản, có những định nghĩa phức tạp hơn nhưng khái quát lại các định nghĩa đó đã chỉ ra được: + Bản chất của stress : stress là một tình trạng đang chịu một sức ép hay áp lực mạnh hoặc một trạng thái căng thẳng về nhiều mặt ( sinh lý, tâm lý) biểu hiện qua các dấu hiệu cơ thể; hoặc stress như một quá trình tương tác giữa con người và môi trường; hoặc stress là nỗ lực của cơ thể để thích nghi; hoặc stress là mọi đáp ứng, phản ứng của con người xảy ra một cách chung khắp, trên nhiều bình diện ( sinh lý, tâm lý, xã hội) với những tác động vào người đó. + Những nguồn gốc ( tác nhân, nguyên nhân ) gây stress hoặc góp phần tạo nên stress : một phần do bản chất của những kích thích (sức ép) đa dạng từ bên ngoài hoặc do chính bản thân gây ra (tự tạo áp lực...), một phần do nhận thức của cá nhân lý giải về nguồn gốc gây stress ra sao và nhận thức về khả năng và tiềm lực của bản thân, cũng như các nguồn lực sẵn có để ứng phó (stress xuất hiện khi thiếu khả năng, nguồn lực để ứng phó)… + Những ảnh hưởng, hệ quả của stress : gây ra những hậu quả và ảnh hưởng đến sức khỏe con người biểu hiện ở các mặt sinh lý, tâm lý (quá trình nhận thức, cảm xúc,hành vi), xã hội (cuộc sống, hoạt động thường ngày…) và những hậu quả đó sẽ tùy theo khả năng ứng phó của mỗi người. Theo chúng tôi, một khái niệm stress đầy đủ phải chỉ ra được 3 khía cạnh của stress là bản chất, nguồn gốc và ảnh hưởng của stress. Do đó trong đề tài nghiên cứu của mình, chúng tôi hiểu dưới góc độ tâm lý học: stress là một quá trình biến đổi trạng thái cân bằng hiện tại của con người gây ra sự căng thẳng về tâm lý; nảy sinh do con người phản ứng lại với những nhân tố tác động, trong đó một phần do bản chất của những kích thích đa dạng từ bên ngoài hoặc do chính bản thân gây ra, một phần do nhận thức của cá nhân lý giải về những kích thích đó, về khả năng, tiềm lực của bản thân, các nguồn lực sẵn có để ứng phó; quá trình này gây ra những ảnh hưởng cho con người biểu hiện ở các mặt sinh lý, tâm lý, xã hội” 1.2.1.2 Khái niệm CN và stress ở CN a. Khái niệm CN Theo viện khoa học xã hội Việt Nam – Viện ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, Trung tâm từ điển ngôn ngữ Hà Nội 1992 “ CN là những người lao động chân tay, làm việc ăn lương”. [15, tr 35] Theo Lênin “ CN là những người lao động công nghiệp, làm việc trong nền đại công nghiệp” [5, tr 12] Trong nền sản xuất xã hội thì CN là một lực lượng xã hội, còn trong thể chế chính trị thì CN là một giai cấp xã hội, đây là một giai cấp được nhiều nhà nghiên cứu chủ nghĩa xã hội khoa học quan tâm: Theo tác giả Đan Tâm “ Giai cấp CN Việt Nam là cộng đồng xã hội những người làm công ăn lương, thu nhập và nguồn sống chủ yếu là tiền công , trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất công nghịêp hoặc có tính công nghiệp, tạo ra sản phẩm công nghiệp hoặc có tính công nghiệp; nắm giữ những cơ sở vật chất kĩ thuật then chốt của xã hội, tiêu biểu cho phương thức sản xuất mới và là cộng đồng làm chủ xã hội Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa” [44, tr 102] Tác giả Bùi Đình Bôn đã rút ra một kết luận từ ý kiến của những nhà kinh điển của chủ nghĩa xã hội khoa học và từ thực tiễn hiện nay về công nhân“ đặc trưng chủ yếu của giai cấp CN là lao động công nghiệp, trực tiếp sản xuất hoặc tham gia vào quá trình sản xuất công nghịêp tạo ra giá trị vật chất cho xã hội” [5, tr 14]. Cũng theo tác giả, không thể quan niệm giai cấp CN chỉ bao gồm những người lao động chân tay, điều khiển các máy móc cơ khí, mà theo ông do sự phát triển của lực lượng sản xuất, một bộ phận trí thức đã gia nhập giai cấp CN thực hiện chức năng của người CN lành nghề trong sản xuất ( là những người gắn liền trực tiếp với lao động công nghịêp, với quy trình sản xuất công nghịêp tạo ra của cải vật chất cho xã hội) , và thêm nữa cả những người lao động trong các ngành dịch vụ công nghiệp mà lao động của họ có tính chất công nghiệp cũng nằm trong nội hàm khái niệm giai cấp CN. Cũng không nên đưa tất cả những người lao động “ làm công ăn lương” vào giai cấp CN nếu họ không có hoạt động lao động sản xuất trực tiếp hoặc tham gia vào quy trình sản xuất công nghiệp. [5, tr 15] Từ những khái niệm và phân tích trên đây có thể thấy khái niệm CN là một khái niệm tương đối rộng nhưng trong giới hạn đề tài của mình chúng tôi hiểu “CN là một lực lượng lao động những người làm công ăn lương, thu nhập chủ yếu bằng tiền công, trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất công nghiệp hoặc có tính công nghiệp, tạo ra giá trị của cải vật chất cho xã hội.” b. Khái niệm stress ở CN Từ khái niệm về stress và khái niệm CN nêu trên chúng tôi định nghĩa về stress ở CN như sau : Stress ở CN là một quá trình biến đổi trạng thái cân bằng hiện tại của mỗi người CN, gây ra sự căng thẳng về tâm lý; nảy sinh do mỗi người phản ứng lại với những nhân tố tác động - một phần do bản chất của những kích thích đa dạng từ bên ngòai liên quan đến đời sống sinh lý, tâm lý, xã hội và các hoạt động đặc trưng của CN, hoặc do chính bản thân mỗi người gây ra, một phần do nhận thức của họ về những kích thích đó, nhận thức về khả năng, tiềm lực của bản thân, cũng như các nguồn lực sẵn có để ứng phó với nó; quá trình này sẽ gây ra những ảnh hưởng đến CN ở các mặt sinh lý, tâm lý, xã hội.” 1.2.2 Một số đặc điểm tâm sinh lý, xã hội của CN 1.2.2.1. Đặc điểm xã hội của CN CN vừa là một lực lượng lao động trong xã hội, vừa là một giai cấp chính trị và giữ vai trò lãnh đạo trong giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa nhưng trong đề tài này chúng tôi sẽ không đề cập đến vai trò sứ mệnh lịch sử đó, mà chủ yếu quan tâm đến những mặt khác trong đặc điểm của CN Việt Nam, đó là: - Đội ngũ CN Việt Nam có nguồn gốc xuất thân chủ yếu từ nông dân nên còn những mặt hạn chế như: tính tổ chức, kỷ luật chưa cao; tư tưởng, tâm lý, tác phong và thói quen của những người sản xuất nhỏ còn khá nặng nề, chưa trải qua hoạt động kinh tế đại công nghiệp, đa số họ chưa qua đào tạo về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật, họ làm việc vì nhu cầu cơm ăn, áo mặc. Khi chịu ảnh hưởng nhiều bởi những yếu tố đó, có nhiều CN chưa thích ứng được với những yêu cầu trong lao động công nghiệp trong khi chủ nhân thuê mướn của họ lại là những người mang tác phong công nghiệp và quan hệ giữa họ là quan hệ chủ tớ với những quy tắc và cách ứng xử nghiệt ngã, nên những mâu thuẫn chủ tớ sẽ diễn ra. Thực tế hiện nay ở các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TPHCM sử dụng phần lớn là CN, lao động trẻ, đa số là dân nhập cư chiếm khoảng 71% số lượng CN (theo số liệu của ban quản lý các KCX-KCN TPHCM) [5], [57] - Mặc dù số liệu thống kê cho thấy trình độ tri thức, trình độ tay nghề của CN mỗi năm một cao hơn, nhưng mặt bằng chung là vẫn còn thấp vì các doanh nghiệp chưa chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho CN, cũng như chưa có các chính sách thỏa đáng về lương, ưu đãi và các phúc lợi, quyền lợi vật chất, tinh thần khác đối CN bậc cao, lành nghề , còn mang tính chất bình quân nên không khuyến khích được CN phấn đấu nâng cao bậc thợ, tay nghề. Hơn nữa, cuộc sống của người CN hiện nay vẫn khó khăn nên họ thiếu thời gian, điều kiện, nhiệt tình và lòng say mê nghề nghịêp để rèn luyện, nâng cao tay nghề, bậc thợ. [5, tr 36,37] , [57, tr 19], [68] - Điều kiện lao động, môi trường lao động và môi trường sống, đời sống của CN đang thiếu những đảm bảo cần thiết: biểu hiện ở mức độ thiếu an toàn lao động, thiếu các phương tiện, dụng cụ bảo hộ lao động, sự gia tăng bệnh nghề nghiệp làm suy giảm sức khỏe và năng lực lao động của CN, nhiều CN đang phải làm việc quá số giờ làm việc/ngày/tháng theo qui định của luật lao động; tình hình việc làm ngày càng căng thẳng, lương không đủ sống, người CN phải xoay sở mọi cách để tồn tại, phải vật lộn với cuộc sống hằng ngày, đặc biệt đối với CN nhập cư gặp nhiều bất lợi về điều kiện sống, như diện tích nơi ở chật chội, giá điện nước cao, nguồn nước và môi trường kém vệ sinh. Tại các khu dân cư có đông CN ở trọ còn quá thiếu các hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể thao, phổ biến về kỹ năng sống, hoạt động đoàn thể và cộng đồng mà họ có thể tham gia. Cũng chính vì điều đó mà CN ít quan tâm và không tích cực tham gia các hoạt động xã hội, thờ ơ với tình hình chính trị- xã hội trong nước và trên thế giới, ngại học tập, đời sống tinh thần thiếu thốn; gặp khó khăn trong việc “hòa nhập xã hội” (bất lợi, thiệt thòi trong các mối quan hệ xã hội) dẫn đến tình trạng thiếu "vốn xã hội" – được hiểu là những mối quan hệ và mạng lưới, các nhóm chính thức và phi chính thức và các tổ chức xã hội có liên quan đến CN [5, tr 45, 51], [57, tr 18, 236], [68], [87] - Những chính sách xã hội dành cho CN chưa được thực hiện rộng rãi như chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, vấn đề nhà ở cho CN vẫn đang là vấn đề đáng lo ngại [68]. Hiện nay, ở TPHCM hiện có 7 dự án nhà lưu trú cho CN CN chỉ đáp ứng được cho 6.058 CN ở (theo số liệu của ban quản lý các KCX-KCN TPHCM) - CN là một lực lượng lao động quan trọng trong ngành công nghiệp mà nước ta đang chú trọng phát triển để phát triển kinh tế, nên những biến động của nền kinh tế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến CN gây ra những tâm trạng lo lắng, bất an vì nguy cơ thất nghiệp và đời sống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, mặt khác do những yêu cầu của thời đại công nghiệp nên CN cần phải có những thay đổi đáng kể để thích ứng, quá trình chuyển đổi vai trò từ một người lao động trong nông nghiệp sang công nghiệp luôn có những thử thách, khó khăn đòi hỏi sự nỗ lực thích ứng của cá nhân để có thể tồn tại trong môi trường lao động công nghiệp luôn cần sự nhanh chóng và chính xác. Từ đó, những hệ thống giá trị của cá nhân và xã hội cũng thay đổi mà mỗi CN đều phải chịu tác động, đòi hỏi mỗi người phải cân nhắc, chọn lựa giá trị thích hợp cho bản thân. 1.2.2.2 Đặc điểm tâm sinh lý của CN Về mặt sinh lý : CN ở giai đoạn phát triển và hoàn thiện về thể chất, cũng như về mặt giới tính. Về mặt tâm lý CN có những đặc điểm sau: - Về mặt nhận thức: do trình độ văn hóa của CN tương đối thấp nên nhận thức của họ về nhiều vấn đề trong cuộc sống, trong xã hội có nhiều hạn chế, điều này khiến cho họ có thể cảm thấy tự tin, mặc cảm và khó hòa nhập vào cuộc sống hiện đại của xã hội, nhiều CN vì thế hạn chế giao tiếp, tự cô lập mình với người khác rồi trở nên cô đơn không người thân thiết bên cạnh. - Về đời sống tình cảm: Họ đang trong lứa tuổi có những rung động giới tính và cảm xúc yêu đương với người khác giới, họ đã có những tình yêu thật sự và thông thường đó là những mối quan hệ để chuẩn bị cho một cuộc sống hôn nhân. Trong tình yêu họ bộc lộ những thái độ, nhận thức và quan điểm riêng, cũng như bản sắc riêng của mỗi người . Đối với CN, việc có được một mối quan hệ tình yêu tốt đẹp là điều rất quan trọng, và là một nhu cầu rất lớn, tình yêu là nguồn động viên và là động lực để họ sống và làm việc, ngược lại khi có những trục trặc trong mối quan hệ này thì sẽ ảnh hường không tốt đến tâm lý của CN, từ đó ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc của họ. Hơn nữa, một đặc điểm cũng đáng quan tâm của CN đang làm việc tại các KCN – KCX ở TPHCM là đa số họ là những người nhập cư và tỷ lệ nữ CN nhiều hơn nam CN nên việc có được một người yêu phù hợp không phải là chuyện dễ dàng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người cảm thấy hụt hẫng, cô đơn và chán nản khi có những thất bại trong quá trình dẫn đến tình yêu và việc duy trì mối quan hệ đó. Mặt khác, cũng chính vì có nhiều vấn đề không thuận lợi trong việc tìm cho mình một tình yêu và duy trì tình yêu (xa nhà, kinh tế thiếu thốn, tỷ lệ nam nữ chênh lệch, không có môi trường giao lưu …) nên trong CN xảy ra các hiện tượng sống chung, sống thử trước hôn nhân hoặc bị lợi dụng tình cảm , dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Không chỉ có mối quan hệ tình yêu ảnh hưởng đến đời sống tâm lý của CN mà cả những mối quan hệ khác cũng có nhiều vấn đề nảy sinh. Con người khi tồn tại ở một môi trường nào đó đều cần phải có những mối quan hệ với những người xung quanh, nhưng đối với CN hầu hết những mối quan hệ thân thiết của họ như những người bạn, hàng xóm láng giềng đều được hình thành từ khi họ còn sinh sống ở quê, lên thành phố với một môi trường xa lạ và nhiều phức tạp, nhiều CN không hòa nhập, thích nghi được nên đã chọn lối sống khép kín, quanh quẩn trong khu nhà trọ của mình do đó họ không thể tạo ra được cho mình những mối quan hệ thân thiết, làm chỗ dựa tinh thần cho mình, và tìm kiếm nguồn chia sẻ động viên, vì thế nhiều CN cảm thấy lạc lõng, cô đơn, luôn mang trong mình nỗi nhớ nhà gia diết. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh họ đành phải lưu lại TPHCM để làm việc và nén lại những cảm xúc đó. - Hoạt động chủ đạo của CN: đó chính là hoạt động lao động trong ngành công nghiệp, đối với CN mục đích chính của họ là làm việc để kiếm thu nhập chăm lo cho bản thân và gia đình nên khi có những vấn đề nảy sinh từ việc làm, công việc không như ý thì sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến CN. Theo tâm lý học lao động, trong hoạt động lao động công nghiệp, CN là một thành phần trong hệ thống người – máy – môi trường, nên luôn luôn có sự tương tác và ảnh hưởng qua lại với những thành phần khác như máy móc, trang thiết bị, tính chất công việc , môi trường vật lý, môi trường xã hội trong lao động công nghiệp, cụ thể hơn là mối quan hệ giữa CN với đồng nghiệp, với quản lý, với lãnh đạo, sự tương tác giữa những đặc điểm tâm lý của cá nhân với yêu cầu công việc và phương tiện lao động, môi trường lao động [40]. Sự tương tác này ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều mặt trong đời sống CN. - Các hoạt động để tạo ra sự cân bằng tâm lý: Những ảnh hưởng từ cuộc sống, những mối quan hệ, công việc có thể gây ra sự mất cân bằng tâm lý cho CN nhưng do điều kiện kinh tế, điều kiện làm việc, thói quen sinh hoạt và hiểu biết nên nhiều CN không có điều kiện hoặc không biết cách tạo ra sự cân bằng về tâm lý cho mình. Sở dĩ chúng tôi đề cập đến những đặc điểm và thực trạng của CN Việt Nam hiện nay như trên là vì nó có thể ảnh hưởng ít nhiều đến vấn đề stress của CN mà chúng tôi muốn nghiên cứu. Những đặc điểm này sẽ được phân tích cụ thể hơn trong phần những nguyên nhân gây stress cho CN 1.2.3 Các mức độ của stress Theo Tô Như Khuê, stress có 3 mức độ là [27, tr40] : - Mức độ stress bình thường : là mức độ đảm bảo hoạt động sống bình thường, cho dù có chịu tác động bởi những tác nhân gây căng thẳng nhẹ hoặc vừa nhưng cá nhân vẫn giữ được trạng thái cân bằng, không có ảnh hưởng của yếu tố căng thẳng đáng kể , ở mức độ này hoạt động tâm sinh lý diễn ra bình thường. - Mức độ stress cao : khi có các tác nhân gây căng thẳng đáng kể, cơ thể phải sử dụng thêm một số các năng lượng và cấu trúc lại hệ thống chức năng để thích nghi với những kích thích đó, các phản ứng thích nghi đạt tới mức giới hạn nếu yếu tố gây căng thẳng đến mức tới hạn. Ở mức độ này, mặc dù có những biến đổi của cơ thể nhưng nó sẽ được hồi phục lại sau khi tác nhân ngừng tác động. Tuy nhiên nếu mức độ này kéo dài, hoặc các tác nhân kích thích quá mức hơn nữa thì phản ứng thích nghi sẽ không đáp ứng được nữa, cơ thể sẽ chuyển sang trạng thái bệnh lý. - Mức độ stress bệnh lý : ở mức độ này, các phản ứng của cơ thể không còn hiệu quả mong muốn, các hệ thống chức năng mất tính mềm dẻo, môi trường bên trong có nhiều rối loạn và không trở lại bình thường khi kích thích ngừng tác động. Theo bác sĩ Đặng Phương Kiệt._._________________________________________ ___________________________________________________________________________ ___________________________________________________________________________ ___________________________________________________________________________ Xin cảm ơn Quý vị đã cung cấp thông tin! PHIẾU KHẢO SÁT Các Anh/Chị công nhân thân mến! Chúng tôi – là những chuyên viên tâm lý đang thực hiện một cuộc nghiên cứu về stress của công nhân để trên cơ sở đó chúng tôi và các doanh nghiệp có những việc làm cụ thể mang lại những lợi ích thiết thực cho công nhân trong việc giải tỏa “ stress” nói riêng cũng như cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống tinh thần, tâm lý nói chung. Vì vậy chúng tôi rất mong nhận được sự hợp tác của Anh/Chị bằng việc Anh/Chị hãy trả lời đầy đủ những câu hỏi bên dưới để chúng tôi có được những thông tin cần thiết. Chân thành cảm ơn sự cộng tác của Anh/Chị! Các Anh/Chị hãy lần lượt đọc thật kĩ từng câu hỏi và đánh dấu (X) vào một nội dung mà Anh/Chị thấy phù hợp với mình nhất hoặc điền vào những chỗ còn bỏ trống . A. Thông tin bản thân 1. Anh/Chị đang làm việc tại: 1.  Khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2.  Khu công nghiệp Tân Tạo 3.  Khu chế xuất Tân Thuận 2.Giới tính : 1.  Nam 2.  Nữ 3. Tình trạng gia đình: 1.  Chưa kết hôn 2.  Đã kết hôn 3.  Đã ly thân hoặc ly dị 4. Nếu chưa kết hôn hoặc đã ly dị thì Anh/Chị có người yêu chưa? 1.  Đang có 2.  Hiện không có 5. Điều kiện kinh tế: 1.  Có tiền dư 2.  Vừa đủ 3.  Thiếu thốn 6. Tình trạng tăng ca hiện nay : 1.  Tăng ca thường xuyên 2.  Thỉnh thoảng tăng ca 3.  Không tăng ca 7. Tình trạng sức khỏe hiện tại: 1.  Khỏe mạnh 2.  Có bệnh 3.  Không biết 8. Anh chị có đang theo học ở một trường trung cấp, cao đẳng hay đại học nào không? 1.  Có 2.  Không B. Sự hiểu biết về stress 9. Những kiến thức, sự hiểu biết của Anh/Chị về stress như thế nào? 1.  Chưa biết gì về stress 2.  Hiểu biết về stress Rất ít 3.  Hiểu biết về stress Tương đối 4.  Hiểu biết về stress Nhiều 10. Những kiến thức, sự hiểu biết về stress Anh/Chị có được từ đâu? ( có thể chọn nhiều ý) 1.  Từ các phương tiện thông tin đại chúng ( đài, báo, tivi, mạng internet…) 2.  Từ những buổi học, nói chuyện chuyên đề công ty tổ chức 3.  Từ các bạn bè, đồng nghiệp, người quen 4.  Từ những kiến thức ở nhà trường 5.  Khác………………………………………………………. C. Mức độ stress 11. Anh/chị có thường xuyên bị stress không? 3.  Thường xuyên bị stress 2.  Thỉnh thoảng bị stress 1.  Hiếm khi hoặc hầu như chưa bị stress D. Những biểu hiện của Stress Câu 12 . Khi bị stress thường có nhiều biểu hiện khác nhau. Anh/Chị hãy đọc từng biểu hiện và đánh dấu X vào một con số thể hiện mức độ phù hợp với anh/chị theo dòng hàng ngang * Mức độ biểu hiện 3 = Thường xuyên 2 = Thỉnh thoảng 1 = Không có biểu hiện đó stt Các biểu hiện Mức độ biểu hiện a. Những biểu hiện về mặt thể chất, sinh lý cơ thể TX TT KC 1 Mệt mỏi, uể oải 3 2 1 2 Mặt mày ủ rũ ( sắc mặt không tươi) 3 2 1 3 Đau nhức, căng cứng ở các bộ phận khác nhau trên cơ thể (như ở cổ, lưng, ngực, nhói bụng, đau cơ bắp chân tay, đau xương khớp …) 3 2 1 4 Nhức đầu (đau nửa đầu, Chóng mặt, choáng, hoa mắt…) 3 2 1 5 Có vấn đề trong dạ dày, ruột ( như buồn nôn hoặc đau bụng, tiêu chảy, táo bón, không tiêu, cồn cào, ợ hơi) 3 2 1 6 Có vấn đề trong ăn uống (Ăn không ngon, không muốn ăn hoặc Ăn nhiều hơn bình thường) 3 2 1 7 Sự thay đổi về cân nặng cơ thể ( tăng hoặc giảm cân đột ngột) 3 2 1 8 Có vấn đề trong giấc ngủ ( Khó ngủ, mất ngủ hay ngủ nhiều một cách bất thường, có những giấc mơ đáng lo ngại...) 3 2 1 9 Sức đề kháng giảm sút (dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, bệnh cảm; bệnh tình đã có trước đó tái phát trở lại, bệnh đang có nặng hơn, lâu khỏi hơn) 3 2 1 10 Đổ mồ hôi một cách khác thường (ví dụ, đẫm mồ hôi tay, chân, cơ thể ) ngay cả khi nhiệt độ không cao hoặc không có sự vận động cơ thể gắng sức 3 2 1 11 Xuất hiện các bệnh về da ( như nổi mụn, dị ứng, viêm da, phát ban, ngứa…) 3 2 1 b. Những biểu hiện về mặt cảm xúc TX TT KC 12 Cảm thấy khó chịu trong người 3 2 1 13 Dễ bị kích động (dễ mất bình tĩnh, cáu giận, gắt gỏng,dễ bực mình) 3 2 1 14 Đè nén các cảm xúc (Không thể bộc lộ những cảm xúc thật của bản thân ra ngoài) 3 2 1 15 Cảm thấy chán nản, buồn bã 3 2 1 16 Tính cách thay đổi ( tâm tính bất ổn, khó tính, khắt khe hơn…. ) 3 2 1 17 Lo lắng về nhiều điều 3 2 1 18 Cảm thấy cô đơn không ai có thể chia sẻ cảm xúc của mình 3 2 1 19 Nôn nóng, sốt ruột, thiếu kiên nhẫn 3 2 1 20 Cảm thấy dễ bị tổn thương 3 2 1 21 Cảm xúc thay đổi nhanh 3 2 1 22 Dễ khóc và xúc động 3 2 1 23 Cảm thấy bồn chồn, bứt rứt 3 2 1 c. Những biểu hiện về mặt nhận thức và hoạt động thần kinh TX TT KC 24 Cảm thấy luôn bị thời gian thúc ép , vội vàng 3 2 1 25 Cảm thấy bị áp lực, đè nén ( tâm lý nặng nề) 3 2 1 26 Cảm thấy quá tải hoặc quá sức chịu đựng 3 2 1 27 Cảm thấy mệt mỏi tinh thần muốn buông xuôi mọi việc 3 2 1 28 Có vấn đề về trí nhớ ( khó ghi nhớ những thông tin mới, quên cái gì đó hoặc giảm trí nhớ, đãng trí, kém minh mẫn) 3 2 1 29 Khó tập trung chú ý 3 2 1 30 Độ nhạy của các giác quan bị giảm sút (nhìn, nghe không rõ hoặc nhạy cảm với tiếng ồn và ánh sáng mạnh) 3 2 1 31 Suy nghĩ nhiều hơn hoặc ý nghĩ cứ quanh quẩn, vẩn vơ , lộn xộn trong đầu 3 2 1 32 Suy nghĩ theo kiểu bất cần 3 2 1 33 Khó khăn trong việc ra quyết định ( đắn đo, do dự, lưỡng lự) 3 2 1 34 Khả năng tư duy giảm sút 3 2 1 35 Đầu óc trống rỗng hoặc không muốn suy nghĩ gì nữa 3 2 1 36 Cảm thấy đầu óc muốn vỡ tung, căng thẳng thần kinh 3 2 1 37 Suy nghĩ tiêu cực, bi quan 3 2 1 38 Bị ám ảnh bởi một vấn đề hoặc một suy nghĩ nào đó 3 2 1 39 Trở nên đa nghi (nghi ngờ) hoặc thiếu lòng tin ( vào người khác hoặc vào cuộc sống…) 3 2 1 40 Cảm thấy cần nương tựa vào điều gì hoặc ai đó 3 2 1 41 Cảm thấy không hài lòng, thất vọng (về bản thân, người khác, cuộc sống) 3 2 1 42 Có ý muốn nghỉ việc d. Những biểu hiện trong hành vi, hoạt động thường ngày TX TT KC 43 Khó duy trì những hoạt động nào kéo dài 3 2 1 44 Hiệu quả làm việc kém, năng suất, thành tích giảm (vd: dễ xảy ra sai sót trong công việc, hư hỏng sản phẩm, không đảm bảo chỉ tiêu, bị tai nạn … ) 3 2 1 45 Không quản lý, sắp xếp được thời gian, công việc (mọi thứ cứ rối lên, bận rộn, tất bật) 3 2 1 46 Chậm chạp, kém linh hoạt hơn bình thường (Không còn sự năng động, tích cực trong các hoạt động như trước) 3 2 1 47 Không muốn nói chuyện hoặc ít nói hơn, trầm ngâm hơn 3 2 1 48 Không còn chú ý chăm sóc đến vẻ bề ngoài của mình ( ăn mặc, tóc tai, áo quần…) 3 2 1 49 Mất hứng thú hoặc không còn muốn làm các việc trước đây từng thích 3 2 1 50 Không thể ngồi yên lâu 3 2 1 51 Khả năng giao tiếp với người khác giảm sút đi 3 2 1 52 Không thể hoặc không dám thư giãn, nghỉ ngơi vì việc gì đó chưa xong, không làm kịp 3 2 1 53 Không muốn tiếp xúc với người khác, không thích chỗ đông người 3 2 1 54 Phản ứng quá mức trước các sự việc, tình huống ( hành vi quá khích) 3 2 1 E. Những nguyên nhân, tác nhân gây stress Dưới đây là những nguyên nhân, tác nhân góp phần gây nên stress. Anh/Chị hãy đọc kỹ từng nguyên nhân trong mỗi nhóm và đánh dấu (X) vào một mức độ phù hợp với mình nhất, tương ứng như sau: * Mức độ mức độ ảnh hưởng của các tác nhân gây stress đến bản thân 3= ảnh hưởng Nhiều đến tôi 2= ảnh hưởng Ít đến tôi 1= Không ảnh hưởng đến tôi Câu 13: Những nguyên nhân liên quan đến yếu tố thể lý, tâm lý của bản thân ảnh hưởng không tốt đến Anh/Chị với những mức độ nào? ( đánh dấu X vào một mức độ phù hợp) Mức độ ảnh hưởng STT Những nguyên nhân Nhiều Ít không 1 Tình trạng sức khỏe của bản thân không tốt hoặc đang mắc bệnh 3 2 1 2 Sự thay đổi vóc dáng, các đặc điểm trên khuôn mặt và cơ thể 3 2 1 3 Trình độ kiến thức hạn hẹp, thiếu hiểu biết 3 2 1 4 Khi các nhu cầu của bản thân không được thỏa mãn 3 2 1 5 Do bản thân có việc làm sai trái nào đó 3 2 1 6 Các cảm xúc tiêu cực kéo dài 3 2 1 7 Áp lực do chính bản thân tạo ra cho mình ( yêu cầu cao với bản thân) 3 2 1 8 Nghiền ngẫm những thất bại hoặc kinh nghiệm khó chịu trong quá khứ 3 2 1 9 Do mất lòng tin (vào bản thân, người khác hoặc xã hội) 3 2 1 10 Mặc cảm, tự ti về bản thân 3 2 1 11 Lo lắng, lo sợ về nhiều vấn đề 3 2 1 12 Bản thân không thể giải quyết được những vấn đề khó khăn của mình 3 2 1 13 Xung đột nội tâm làm bản thân không tìm được lối thoát 3 2 1 14 Cảm thấy không có quyền hoặc ít có quyền quyết định những việc quan trọng 3 2 1 15 Cách suy nghĩ của bản thân ( suy nghĩ vội vàng, tuyệt đối hóa, suy nghĩ tiêu cực, trầm trọng hóa vấn đề, buộc tội chính mình, suy nghĩ cứng nhắc…) 3 2 1 Câu 14: Những nguyên nhân từ đời sống vật chất và tinh thần, cuộc sống thường ngày ảnh hưởng không tốt đến Anh/Chị với những mức độ nào?( đánh dấu X vào một mức độ phù hợp) Mức độ ảnh hưởng STT Những nguyên nhân Nhiều Ít Không 16 Đời sống kinh tế thiếu thốn, chật vật 3 2 1 17 Ăn uống không điều độ, không đủ chất 3 2 1 18 Ngủ nghỉ, sinh hoạt không điều độ ( rối loạn nhịp sinh học cơ thể) 3 2 1 19 Cuộc sống tẻ nhạt (thiếu các hoạt động vui chơi, giải trí, luyện tập thể thao, thiếu các hoạt động xã hội) 3 2 1 20 Không có thời gian nghỉ ngơi để phục hồi sức lao động ( lúc nào cũng bận rộn) 3 2 1 21 Việc thay đổi môi trường sống ( từ quê lên thành phố hoặc đổi chỗ ở….) 3 2 1 22 Những điều không thuận lợi, phức tạp do nơi ở mang lại ( Nơi ở chật chội, ngột ngạt, nóng bức, ẩm thấp , thiếu vệ sinh, thiếu an toàn …) 3 2 1 23 Những ảnh hưởng từ môi trường (Tiếng ồn, bụi bặm, ô nhiễm, tình trạng giao thông, nhịp sống hối hả….) 3 2 1 24 Do cuộc sống xã hội ngày càng phức tạp ( như bất công xã hội, tệ nạn, sự cạnh tranh …) 3 2 1 25 Gặp thất bại trong cuộc sống 3 2 1 26 Những sự thay đổi, quá nhanh và đột ngột (của con người hoặc của cuộc sống) 3 2 1 27 Những sự kiện lớn đã xảy ra trong cuộc sống của bản thân 3 2 1 28 Những phiền toái vụn vặt hằng ngày ( vd: đồ đạc hư hỏng, gặp chuyện xui xẻo, sự trễ nãi , người khác gây phiền hà…) 3 2 1 29 Gặp khó khăn nhưng thiếu sự trợ giúp của mọi người ( vd: của các đoàn thể xã hội hoặc lãnh đạo công ty …) 3 2 1 30 Đảm trách nhiều vai trò (vừa đi làm, vừa lo cho gia đình hoặc vừa đi làm vừa đi học) 3 2 1 31 Bị bế tắc trong cuộc sống 3 2 1 32 Những hoạt động, những vấn đề bản thân quan tâm, và có ý nghĩa gặp khó khăn, trở ngại hoặc bị đe dọa 3 2 1 33 Những sự kiện, tình huống bất ngờ xảy ra ngoài dự đoán của bản thân 3 2 1 34 Những sự kiện, tình huống bản thân không kiểm soát được 3 2 1 35 Các sự kiện có giới hạn về thời gian, sự cấp bách về thời gian 3 2 1 36 Những sự kiện kéo dài quá lâu 3 2 1 Câu 15: Những nguyên nhân từ công việc , nghề nghiệp ảnh hưởng không tốt đến Anh/Chị với những mức độ nào? (đánh dấu X vào một mức độ phù hợp) Mức độ gây stress STT Những nguyên nhân Nhiều Ít Không 37 Công việc không phù hợp 3 2 1 38 Công việc đòi hỏi mức độ trách nhiệm cao 3 2 1 39 Công việc không ổn định, đảm bảo 3 2 1 40 Quá tải trong công việc ( khối lượng công việc nhiều phải làm trong thời gian ngắn, công việc nặng nhọc hoặc phức tạp) 3 2 1 41 Sự đòi hỏi khắt khe của chất lượng công việc và sản phẩm của công việc 3 2 1 42 Không đáp ứng kịp thời hoặc không thạo việc khi công việc có sự thay đổi 3 2 1 43 Công việc không được xác định rõ ràng ( vai trò nhập nhằng) 3 2 1 44 Công việc quá đơn điệu, buồn chán ( cứ lặp đi lặp lại) 3 2 1 45 Bị hạn chế giao tiếp với người khác trong khi làm việc hoặc bầu không khí tâm 3 2 1 lý làm việc nặng nề, căng thẳng 46 Ngừng làm việc ( vd: Thiếu hoặc không có việc để làm, chờ việc bị cho thôi việc, sa thải , thất nghiệp, không làm ra tiền) 3 2 1 47 Thời gian làm việc không hợp lý (kéo dài, ít nghỉ giải lao, làm việc quá giờ) 3 2 1 48 Vấn đề lương bổng, phụ cấp không thỏa đáng (lương thấp không đủ sống, bị cắt giảm tiền lương/tiền thưởng, bữa ăn cho công nhân đạm bạc không đúng với mức giá đã đưa ra) 3 2 1 49 Cách quản lý của cấp trên không thích hợp ( Có quá nhiều quản lý, giám sát trong công việc, tạo áp lực tinh thần , hay la mắng, khiển trách , không nhận được sự chỉ dẫn, hỗ trợ từ cấp trên….) 3 2 1 50 Không có đối thoai giữa công nhân và lãnh đạo ( công nhân không có cơ hội để nói ra những khó khăn, trở ngại, lãnh đạo không lắng nghe công nhân) 3 2 1 51 Làm thêm nhiều việc 3 2 1 52 Vấn đề tăng ca ( tăng ca nhiều, làm việc về đêm, hình thức chuyển ca không hợp lý, thay đổi ca liên tục) 3 2 1 53 Môi trường, điều kiện làm việc không thuận lợi (ồn ào, nóng bức, thiếu ánh sáng, kém vệ sinh, ngột ngạt, căng thẳng, thiếu an toàn , độc hại…) 3 2 1 54 Sự kỳ thị, phân biệt nơi làm việc 3 2 1 55 Những quy định , kỷ luật chặt chẽ của công ty 3 2 1 Câu 16: Những nguyên nhân do các mối quan hệ ảnh hưởng không tốt đến Anh/Chị với những mức độ nào? (đánh dấu X vào một mức độ phù hợp) Mức độ gây stress STT Những nguyên nhân Nhiều Ít Không 56 Gia đình (bố mẹ, anh chị em, họ hàng) có nhiều chuyện không vui 3 2 1 57 Gia đình (bố mẹ, anh chị em, họ hàng) đối xử không công bằng với mình 3 2 1 58 Không làm được gì nhiều cho gia đình (bố mẹ, anh chị em, họ hàng) 3 2 1 59 Gia đình đặt nhiều kì vọng và áp lực 3 2 1 60 Sự mất mát của thành viên gần gũi trong gia đình 3 2 1 61 Sống xa gia đình 3 2 1 62 Mâu thuẫn với người khác (người thân, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên, hàng xóm…) 3 2 1 63 Những trở ngại trong mối quan hệ với người khác ( vd: không được cảm thông, bị hiểu lầm, bị ghét bỏ, lời nói, thái độ và hành động không hay của người khác với mình, bị bàn tán , bị xoi mói , bị bắt nạt…) 3 2 1 64 Không có cơ hội giao lưu với người khác giới để thiết lập mối quan hệ tình cảm và lập gia đình 3 2 1 65 Có trách nhiệm với quá nhiều người 3 2 1 66 Thiếu thốn tình cảm 3 2 1 67 Cô đơn không người chia sẻ hoặc phải ở một mình khi bản thân không muốn (thiếu những mối quan hệ) 3 2 1 68 Những người quan trọng, có ý nghĩa với tôi gặp những khó khăn, thách thức, nguy hiểm, bị đe dọa 3 2 1 Câu 17: Những nguyên nhân liên quan đến mối quan hệ tình yêu ảnh hưởng không tốt đến Anh/chị mức độ nào? ( Câu này chỉ dành cho những người đã và đang có người yêu trả lời, nếu không có vui lòng chuyển đến câu 18 hoặc 19) Mức độ gây stress STT Những nguyên nhân Nhiều Ít Không 69 Sự cách trở về mặt địa lý trong tình yêu 3 2 1 70 Mâu thuẫn, gây gỗ , giận hờn với người yêu 3 2 1 71 Bị lừa dối 3 2 1 72 Bị lợi dụng 3 2 1 73 Sự chờ đợi 3 2 1 74 Bị ngăn cản trong chuyện tình cảm riêng hoặc đường tình duyên trắc trở 3 2 1 75 Chia tay với người yêu 3 2 1 76 Người yêu không chung thủy hoặc bị phản bội 3 2 1 77 Quan hệ tình dục trước hôn nhân 3 2 1 78 Có thai ngoài hôn nhân (bản thân có thai hoặc bạn tình có thai) 3 2 1 79 Sống chung, sống thử trước hôn nhân 3 2 1 80 Chuyện lập gia đình, kết hôn 3 2 1 Câu 18: Những nguyên nhân liên quan đến mối quan hệ vợ/chồng, con cái ảnh hưởng không tốt đến Anh/chị mức độ nào? ( Câu này dành cho những người đã kết hôn trả lời , nếu chưa vui lòng chuyển đến câu 20) Mức độ gây stress STT Những nguyên nhân Nhiều Ít Không 81 Sống xa vợ/chồng, con cái 3 2 1 82 Mất đi một thành viên trong gia đình ( qua đời, ly thân, ly dị...) 3 2 1 83 Tăng thêm một thành viên mới trong gia đình (sinh con, người khác ở chung…) 3 2 1 84 Chuyện con cái ( giáo dục, chăm sóc con…) 3 2 1 85 Mâu thuẫn vợ chồng 3 2 1 86 Mâu thuẫn với gia đình nhà chồng hoặc nhà vợ 3 2 1 87 Cuộc sống gia đình không hạnh phúc 3 2 1 88 Bạn đời ngoại tình, phản bội 3 2 1 89 Sự ghen tuông 3 2 1 90 Bạn đời có các vấn đề không tốt 3 2 1 91 Kinh tế, tiền bạc gia đình thiếu hụt 3 2 1 92 Có vấn đề trong đời sống tình dục 3 2 1 93 Vấn đề sức khỏe của vợ/chồng, con cái 3 2 1 Phần F: Những cách làm giảm stress của công nhân Câu 19: Khi bị stress hoặc gặp vấn đề khó khăn về tâm lý Anh/chị đã làm những gì? Anh/Chị hãy đọc lần lượt từng biện pháp và đánh dấu ( X) vào một mức độ tương ứng mà Anh/Chị đã sử dụng theo hàng ngang ứng với từng câu. 3= Thường xuyên sử dụng 2= Thỉnh thoảng sử dụng 1= Không sử dụng Mức độ sử dụng stt Các cách làm giảm ( giải tỏa) stress Thường xuyên (3) Thỉnh thoảng (2) Không dùng (1) 1 Tâm sự, chia sẻ với người khác (bạn bè, đồng nghiệp, người thân) 3 2 1 2 Chia sẻ, tìm sự hỗ trợ từ cấp trên hoặc lãnh đạo doanh nghiệp 3 2 1 3 Tìm đến các tổ chức, đoàn thể xã hội để nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ (Công đoàn, đoàn thanh niên, trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân, quỹ hỗ trợ công nhân…) 3 2 1 4 Tìm sự hỗ trợ về mặt tâm lý từ các Chuyên viên Tư Vấn Tâm Tý 3 2 1 5 Thay đổi lối suy nghĩ, nhận thức (suy nghĩ tích cực hơn, nhìn mặt tươi sáng của vấn đề, thay đổi cách nhìn vấn đề theo quan điểm khác để cảm thấy dễ chịu hơn) 3 2 1 6 Tự trấn an, động viên bản thân ( bằng những câu nói hoặc ý nghĩ thầm kín để hướng dẫn những cố gắng của bản thân vào việc ứng phó với tác nhân gây stress). 3 2 1 7 Tưởng tượng về những điều tốt đẹp, suy nghĩ về những thời điểm lạc quan, vui vẻ hơn; hi vọng, mong đợi vào những điều kì diệu sẽ tới 3 2 1 8 Cố gắng suy nghĩ, chứng minh cho hành động, việc làm, cách ứng xử của mình là hợp lý, có thể chấp nhận được để làm bản thân cảm thấy nhẹ nhõm hơn. 3 2 1 9 Tìm hiểu thông tin liên quan đến vấn đề của bản thân để hiểu rõ hơn về nó và cách ứng phó với nó 3 2 1 10 Làm phong phú thêm kiến thức của bản thân (bằng cách tham gia một lớp học nào đó hoặc các buổi giáo dục, truyền thông , nói chuyện chuyên đề …) để bản thân cảm thấy tự tin hơn trong việc ứng phó với các tác nhân gây stress 3 2 1 11 Làm cho bản thân trở nên cứng rắn, không còn trải qua bất kì cảm xúc tiêu cực nào để không bị ảnh hưởng bởi các tác nhân gây stress nữa. 3 2 1 12 Giải tỏa cảm xúc tiêu cực bằng cách trút lên người khác, đồ vật khác bằng lời nói hoặc hành động ( theo kiểu giận cá chém thớt ) 3 2 1 13 Tìm cách quên đi những cảm xúc tiêu cực, tình huống hiện tại bằng các hành vi không tốt cho cơ thể ( vd : Uống rượu, bia , hút thuốc, dùng chất kích thích, dùng thuốc …) 3 2 1 14 Bộc lộ cảm xúc ( bằng việc khóc cho nhẹ nhõm, ghi ra những suy nghĩ trong lòng…) 3 2 1 15 Đối mặt với vấn đề gây ra stress và tìm cách giải quyết để loại bỏ hoặc làm suy yếu tác nhân gây stress 3 2 1 16 Tìm cách lảng tránh tác nhân gây stress (tránh đối mặt với người hoặc vấn đề gây ra stress, cố gắng quên đi không suy nghĩ về tác nhân gây stress; lờ đi coi như chưa hề xảy ra) 3 2 1 17 Sắp xếp lại cuộc sống ( lên kế hoạch theo thời gian, sắp xếp công việc cho hợp lý ….) 3 2 1 18 Tập trung vào làm việc nhiều hơn, miệt mài hơn để không còn thời gian rảnh nghĩ tới chuyện buồn ( tăng ca , làm thêm, làm các công việc dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, chơi các môn thể thao vận động…) 3 2 1 19 Làm những việc bản thân thấy thích và có hứng thú có tác dụng giải trí ( Nghe nhạc, Xem tivi, Hát karaoke, Đọc sách, báo, Lên mạng, Chơi điện tử, Đi du lịch, đi dạo, đi làm đẹp , đi mua sắm, tổ chức ăn uống, đi chơi….) 3 2 1 20 Thực hiện các hoạt động có tác dụng thư giãn ( ngủ, nghỉ ngơi, tập thể dục nhẹ nhàng) 3 2 1 21 Tham gia các hoạt động vui chơi, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hội thi do các đoàn thể, doanh nghiệp tổ chức để giải tỏa stress 3 2 1 22 Tham gia vào các hoạt động xã hội hoặc giúp đỡ người khác để tìm niềm vui, sự cân bằng cho bản thân 3 2 1 23 Cải thiện điều kiện sinh hoạt , môi trường sống để tạo sự thoải mái hơn 3 2 1 24 Ở một mình để yên tĩnh 3 2 1 25 Tìm đến các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng 3 2 1 26 Giao lưu , mở rộng các mối quan hệ xã hội 3 2 1 Phần G : Những nhu cầu về sự hỗ trợ xã hội trong việc ứng phó với stress Câu 20: Anh/Chị có những nhu cầu (mong muốn) nào về sự hỗ trợ từ bên ngoài (xã hội) để giúp Anh/Chị ngăn ngừa và giảm stress? ( đánh dấu X vào mức độ thích hợp với Anh/Chị) Các mức độ stt Các nhu cầu Rất cần Ít cần Không cần Hỗ trợ tinh thần 1 Thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho công nhân 3 2 1 2 Tổ chức các hoạt động đoàn hội tạo điều kiện cho công nhân tham gia 3 2 1 3 Tổ chức đi du lịch nhiều hơn 3 2 1 4 Tạo điều kiện cho công nhân nói ra những khó khăn, vấn đề bức xúc của mình 3 2 1 5 Quan tâm về mặt tinh thần bằng cách động viên, hỏi han, chia sẻ, cảm thông 3 2 1 6 Không gây áp lực nhiều cho công nhân 3 2 1 7 Tạo bầu không khí làm việc vui vẻ, thoải mái 3 2 1 8 Tổ chức những buổi giao lưu giữa các công nhân với nhau 3 2 1 9 Có các buổi tư vấn tâm lý định kì hàng tuần, hàng tháng trực tiếp hoặc tư vấn qua điện thoại miễn phí để công nhân có thể chia sẻ những vấn đề của mình 3 2 1 10 Tổ chức các lớp học mang tính giải trí, nghệ thuật như ca hát,nhảy múa, hội họa... 3 2 1 Hỗ trợ vật chất 11 Doanh nghiệp tạo điều kiện, môi trường làm việc tốt nhất cho công nhân 3 2 1 12 Tăng lương 3 2 1 13 Trợ cấp thêm cho công nhân để đảm bảo cuộc sống kinh tế 3 2 1 14 Doanh nghiệp cho công nhân có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, nhiều hơn 3 2 1 15 Giảm thời gian làm việc 3 2 1 16 Có một quỹ cụ thể để giúp công nhân nghèo và bệnh tật 3 2 1 17 Hỗ trợ chỗ trọ 3 2 1 18 Hỗ trợ công nhân vốn để phát triển kinh tế ngoài giờ 3 2 1 19 Hỗ trợ công nhân tiền học để nâng cao tay nghề tăng thu nhập 3 2 1 20 Có chế độ khen thưởng để tạo động lực làm việc 3 2 1 21 Tư vấn, giới thiệu việc làm ổn định 3 2 1 22 Đảm bảo việc làm ổn định 23 Tổ chức bán hàng giảm giá cho công nhân 3 2 1 24 Tránh tình trạng thay đổi ca bất thường, liên tục 3 2 1 25 Tăng chất lượng bữa ăn phụ cấp 3 2 1 26 Bảo vệ quyền lợi vật chất cho công nhân 3 2 1 27 Có chỗ cho công nhân được nghỉ trưa đầy đủ 3 2 1 Hỗ trợ thông tin 28 Tổ chức các lớp tập huấn , các buổi nói chuyện chuyên đề định kì tìm hiểu về stress, các biện pháp ngăn ngừa và giải tỏa stress 3 2 1 29 Các chuyên viên tư vấn tâm lý, bác sĩ, luật sư cung cấp thêm thông tin về những cách giải quyết khó khăn cụ thể cho vấn đề của từng công nhân 3 2 1 30 Phát các tài liệu, tờ rơi về stress 3 2 1 31 Cung cấp thông tin về stress qua các phương tiện truyền thông như tivi, báo chí, phát thanh… Cảm ơn các Anh/Chị đã cung cấp thông tin! PHỤ LỤC 4 BIÊN BẢN PHỎNG VẤN ( dành cho quản lý doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ công nhân)  Người được phỏng vấn:  Chức vụ:  Nơi công tác: …………………………….………………(KCX-KCN: ………………………)  Nội dung phỏng vấn: 4. Quý vị có những nhận xét đánh giá gì về tình trạng stress của công nhân hiện nay? _______________________________________________________________________________ _______________________________________________________________________________ _______________________________________________________________________________ _______________________________________________________________________________ _______________________________________________________________________________ 5. Với vai trò là người quản lý hoặc các tổ chức hỗ trợ công nhân thì quý vị có thể làm những gì để giúp công nhân ngăn ngừa và ứng phó với stress hiệu quả? _______________________________________________________________________________ _______________________________________________________________________________ _______________________________________________________________________________ _______________________________________________________________________________ _______________________________________________________________________________ _______________________________________________________________________________ _______________________________________________________________________________ _______________________________________________________________________________ _______________________________________________________________________________ 6. Nếu kết quả nghiên cứu của chúng tôi cung cấp những thông tin về thực trạng stress, đời sống tinh thần và những nhu cầu về sự hỗ trợ của công nhân, cùng với các biện pháp để giải quyết tình trạng stress của công nhân thì Quý vị sẽ sử dụng kết quả này như thế nào? _______________________________________________________________________________ _______________________________________________________________________________ _______________________________________________________________________________ _______________________________________________________________________________ _______________________________________________________________________________ _______________________________________________________________________________ _______________________________________________________________________________ 7. Nếu quý vị có những ý kiến khác liên quan đến tình trạng stress hoặc đời sống tinh thần của công nhân , xin vui lòng chia sẻ thêm: ______________________________________________________________________________ _______________________________________________________________________________ _______________________________________________________________________________ _______________________________________________________________________________ _______________________________________________________________________________ PHỤ LỤC 5 Bảng tổng hợp những cách ứng phó với stress của công nhân TX TT Không Thứ bậc Các nguyên nhân ĐTB SL % SL % SL % 1 Làm những việc bản thân thấy thích và có hứng thú có tác dụng giải trí ( Nghe nhạc, Xem tivi, Hát karaoke, Đọc sách, báo, Lên mạng, Chơi điện tử, Đi du lịch, đi dạo, đi làm đẹp , đi mua sắm, tổ chức ăn uống, đi chơi….) 2.34 186 49.2 134 35.4 58 15.3 2 Tâm sự, chia sẻ với người khác (bạn bè, đồng nghiệp, người thân) 2.29 151 39.9 187 49.5 40 10.6 3 Tưởng tượng về những điều tốt đẹp, suy nghĩ về những thời điểm lạc quan, vui vẻ hơn; hi vọng, mong đợi vào những điều kì diệu sẽ tới 2.27 164 43.4 152 40.2 62 16.4 4 Thực hiện các hoạt động có tác dụng thư giãn ( ngủ, nghỉ ngơi, tập thể dục nhẹ nhàng) 2.27 167 44.2 145 38.4 66 17.5 5 Tự trấn an, động viên bản thân ( bằng những câu nói hoặc ý nghĩ thầm kín để hướng dẫn những cố gắng của bản thân vào việc ứng phó với tác nhân gây stress). 2.22 152 40.2 159 42.1 67 17.7 6 Cố gắng suy nghĩ, chứng minh cho hành động, việc làm, cách ứng xử của mình là hợp lý, có thể chấp nhận được để làm bản thân cảm thấy nhẹ nhõm hơn. 2.13 130 34.4 169 44.7 79 20.9 7 Làm cho bản thân trở nên cứng rắn, không còn trải qua bất kì cảm xúc tiêu cực nào để không bị ảnh hưởng bởi các tác nhân gây stress nữa. 1.99 112 29.6 150 39.7 116 30.7 8 Tập trung vào làm việc nhiều hơn, miệt mài hơn để không còn thời gian rảnh nghĩ tới chuyện buồn ( tăng ca , làm thêm, làm các công việc dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, chơi các môn thể thao vận động…) 1.99 108 28.6 157 41.5 113 29.9 9 Thay đổi lối suy nghĩ, nhận thức (suy nghĩ tích cực hơn, nhìn mặt tươi sáng của vấn đề, thay đổi cách nhìn vấn đề theo quan điểm 1.97 108 28.6 151 39.9 119 31.5 khác để cảm thấy dễ chịu hơn) 10 Ở một mình để yên tĩnh 1.90 104 27.5 132 34.9 142 37.6 11 Sắp xếp lại cuộc sống ( lên kế hoạch theo thời gian, sắp xếp công việc cho hợp lý ….) 1.86 79 20.9 166 43.9 133 35.2 12 Tham gia các hoạt động vui chơi, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hội thi do các đoàn thể, doanh nghiệp tổ chức để giải tỏa stress 1.85 81 21.4 158 41.8 139 36.8 13 Cải thiện điều kiện sinh hoạt , môi trường sống để tạo sự thoải mái hơn 1.84 79 20.9 158 41.8 141 37.3 14 Bộc lộ cảm xúc ( bằng việc khóc cho nhẹ nhõm, ghi ra những suy nghĩ trong lòng…) 1.83 79 20.9 156 41.3 143 37.8 15 Tham gia vào các hoạt động xã hội hoặc giúp đỡ người khác để tìm niềm vui, sự cân bằng cho bản thân 1.80 81 21.4 140 37.0 157 41.5 16 Giao lưu , mở rộng các mối quan hệ xã hội 1.79 77 20.4 143 37.8 158 41.8 17 Tìm hiểu thông tin liên quan đến vấn đề của bản thân để hiểu rõ hơn về nó và cách ứng phó với nó 1.72 57 15.1 158 41.8 163 43.1 18 Làm phong phú thêm kiến thức của bản thân (bằng cách tham gia một lớp học nào đó hoặc các buổi giáo dục, truyền thông , nói chuyện chuyên đề …) để bản thân cảm thấy tự tin hơn trong việc ứng phó với các tác nhân gây stress 1.69 67 17.7 128 33.9 183 48.4 19 Đối mặt với vấn đề gây ra stress và tìm cách giải quyết để loại bỏ hoặc làm suy yếu tác nhân gây stress 1.67 51 13.5 153 40.5 174 46.0 20 Tìm cách lảng tránh tác nhân gây stress (tránh đối mặt với người hoặc vấn đề gây ra stress, cố gắng quên đi không suy nghĩ về tác nhân gây stress; lờ đi coi như chưa hề xảy ra) 1.60 42 11.1 142 37.6 194 51.3 21 Chia sẻ, tìm sự hỗ trợ từ cấp trên hoặc lãnh đạo doanh nghiệp 1.47 31 8.2 114 30.2 233 61.6 22 Tìm cách quên đi những cảm xúc tiêu cực, tình huống hiện tại bằng các hành vi không tốt cho cơ thể ( vd : Uống rượu, bia , hút thuốc, dùng chất kích thích, dùng thuốc …) 1.46 36 9.5 103 27.2 239 63.2 23 Giải tỏa cảm xúc tiêu cực bằng cách trút lên 1.46 27 7.1 118 31.2 233 61.6 người khác, đồ vật khác bằng lời nói hoặc hành động ( theo kiểu giận cá chém thớt ) 24 Tìm đến các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng 1.41 40 10.6 76 20.1 262 69.3 25 Tìm đến các tổ chức, đoàn thể xã hội để nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ (Công đoàn, đoàn thanh niên, trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân, quỹ hỗ trợ công nhân…) 1.40 32 8.5 86 22.8 260 68.8 26 Tìm sự hỗ trợ về mặt tâm lý từ các Chuyên viên Tư Vấn Tâm Tý 1.33 27 7.1 70 18.5 281 74.3 HỤ LỤC 6 DANH SÁCH CÁN CÁN BỘ QUẢN LÝ THAM GIA PHỎNG VẤN Chúng tôi đã thực hiện cuộc phỏng vấn với 7 cán bộ gồm :  Lê Tấn Đạt - chủ tịch công đoàn công ty  Nguyễn Thanh Quang – phó chủ tịch công đòan các KCX – KCN TPHCM  Nguyễn Vân Lai – chủ tịch công đòan công ty  Huỳnh Minh Hoa – phụ trách nhân sự  Trương Minh Châu – phụ trách nhân sự  Nguyễn Xuân Thủy – trưởng phòng quản lý  Huỳnh Ngô Tịnh – giám đốc trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân TPHCM ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLA5270.pdf
Tài liệu liên quan