Truyền thuyết dân gian về những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ (1858 - 1918)

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH  VÕ PHÚC CHÂU TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN VỀ NHỮNG CUỘC KHỞI NGHĨA CHỐNG PHÁP Ở NAM BỘ (1858 – 1918) Chuyên ngành VĂN HỌC VIỆT NAM MÃ SỐ: 62 22 34 01 LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TSKH BÙI MẠNH NHỊ TP. HỒ CHÍ MINH - NĂM 2010 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu riêng của tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong Luận án là trung thực. Nếu nội dung Luận án có

pdf143 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 3092 | Lượt tải: 2download
Tóm tắt tài liệu Truyền thuyết dân gian về những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ (1858 - 1918), để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
sự gian dối, sao chép thành quả nghiên cứu của người khác, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm. Tác giả Luận án Võ Phúc Châu QUY ƯỚC TRÌNH BÀY LUẬN ÁN *** 1. Cách trình bày trích dẫn ý kiến Trong quá trình diễn giải vấn đề, khi cần nêu địa chỉ tham khảo hoặc dẫn lại một số nhận xét, ý kiến của các nhà nghiên cứu, chúng tôi xin được trình bày theo quy ước:  Phần trích dẫn ngắn: đặt trong dấu ngoặc kép, in nghiêng.  Phần trích dẫn dài: tách thành đoạn riêng, lề trái lùi thêm 2 cm, không dùng ngoặc kép, cỡ chữ nhỏ hơn, không in nghiêng.  Phần ghi địa chỉ tham khảo: [205] (có nghĩa là xem tài liệu số 205 ở phần Tài liệu tham khảo).  Phần ghi xuất xứ trích dẫn:  [205,tr.135] (có nghĩa là dẫn chứng được trích từ tài liệu số 205 ở phần Tài liệu tham khảo, trang 135).  [PL1,3.1.2] (có nghĩa là dẫn chứng thuộc phần Phụ lục1, trong văn bản mang ký hiệu 3.1.2). 2. Cách chú thích  Phần chú thích trực tiếp: viết liên tục, đặt trong dấu ngoặc đơn, có thể in chữ nghiêng. Ví dụ: “nhu cầu gắn truyền thuyết với một chứng tích văn hóa nào đó (lăng mộ, địa danh, lễ hội…)”.  Phần chú thích thêm: đặt cuối trang, mỗi chú thích đều có số thứ tự. 3. Quy ước viết tắt một số từ ngữ được dùng nhiều lần trong Luận án STT Từ ngữ được dùng nhiều lần Viết tắt là 1 Truyền thuyết dân gian về những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ (1858 – 1918) Truyền thuyết dân gian 2 Hệ thống truyền thuyết dân gian về những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ (1858 – 1918) Hệ thống truyền thuyết dân gian 3 Các nhóm truyền thuyết trong hệ thống truyền thuyết dân gian về những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ (1858 – 1918) Các nhóm truyền thuyết  MỞ ĐẦU *** 1. Lý do chọn đề tài - mục đích nghiên cứu Kể từ khi người Việt đến khai khẩn, mở đất, mảnh đất Nam Bộ đã có hơn ba trăm năm tồn tại và ngày càng phát triển. Trong hơn ba trăm năm ấy, con người bao phen chứng kiến sự biến thiên lịch sử. Một trong những sự kiện oai hùng nhất của dân tộc ta nói chung, của Nam Bộ nói riêng trong thời kỳ “khổ nhục nhưng vĩ đại” (Phạm Văn Đồng) là cuộc đối đầu không cân sức với thực dân Pháp xâm lược. Cuộc kháng chiến này đã tạo nên hào khí rạng ngời: Hào khí Đồng Nai. Chỉ xét chặng đường ngắn ngủi, từ 1858 đến 1918, biết bao người con ưu tú của Nam Bộ đã vùng lên chiến đấu và hy sinh lẫm liệt. Họ in dấu ấn đời mình vào thời gian và không gian. Họ đã trở thành bất tử. Nhưng sự hy sinh của họ đã được nhìn nhận bởi các đánh giá, xem xét của những thái độ tình cảm, cách nhìn khác nhau. Triều Nguyễn, thông qua lịch sử chính thống, đã khe khắt và hẹp hòi khi đánh giá công trạng những anh hùng kháng Pháp. Chỉ có nhân dân mới nhìn thấy hết tầm vóc và sự bất tử của những tấm gương vì dân mộ nghĩa. Chỉ có nhân dân mới hiểu hết giá trị phải đánh đổi để còn được mảnh đất này. Từ xa xưa, quần chúng nhân dân đã có cách nhìn riêng đối với con người và sự kiện lịch sử. Họ biết ngợi ca, tôn vinh, tưởng nhớ các anh hùng, thông qua truyền thuyết dân gian. Những truyền thuyết về anh hùng kháng Pháp, về những địa danh lịch sử đã hiện diện nơi này nơi khác, tập trung hoặc rời rạc… trong các tư liệu sưu tầm văn học dân gian, trong tư liệu khảo cứu, từ ký ức người dân… Chúng báo hiệu những mỏ quặng truyền thuyết dân gian phong phú, phức tạp nhưng chưa được tập hợp, nghiên cứu đầy đủ. Nghiên cứu vấn đề này, chúng tôi hy vọng thấy được phần nào đặc điểm của thể loại truyền thuyết trong thời cận đại. Bởi, truyền thuyết chỉ phổ biến, phát triển mạnh ở những giai đoạn trước. Qua đó, trong chừng mực tư liệu cho phép, chúng tôi cũng mong muốn phát hiện màu sắc địa phương, tính thống nhất và đa dạng của tác phẩm truyền thuyết dân gian Nam Bộ so với truyền thuyết các vùng miền trong cả nước. Nghiên cứu truyền thuyết dân gian về những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ, luận án đồng thời sẽ giúp công việc giảng dạy lịch sử, văn học địa phương thêm chiều sâu và hiệu quả. 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề 2.1. Các công trình nghiên cứu, bài viết về thể loại truyền thuyết: Đây là những bài viết, những tập sách được đăng tải rải rác, không liên tục, chưa thành hệ thống chuyên đề. Tuy nhiên, mỗi bài viết đều xoáy vào một khía cạnh đặc trưng, mới mẻ và phức tạp của truyền thuyết. Phần lớn tựa đề đã nêu rõ đối tượng và mục đích bài viết: Nghiên cứu truyền thuyết, những vấn đề đặt ra [1], Suy nghĩ mới về bản chất thể loại truyền thuyết [3], Bàn thêm về thể loại truyền thuyết [4], Thể loại truyền thuyết dưới mắt các nhà nghiên cứu Folklore Nhật Bản và Trung Quốc [72], Quan điểm quần chúng trong truyền thuyết dân gian Việt Nam [80], Truyền thuyết Việt Nam & vấn đề thể loại [84], Mối quan hệ giữa truyền thuyết người Việt và hội lễ về các anh hùng [106], Tìm hiểu kết cấu của dạng truyền thuyết anh hùng [193], Truyền thuyết dân gian với tâm lý cộng đồng người Việt [194], Tinh thần dân tộc qua các truyền thuyết lịch sử [220], Dạy “An Dương Vương và Mỵ Châu - Trọng Thủy” từ góc nhìn truyền thuyết [188]... Ở các công trình này, các nhà nghiên cứu thường chú ý khảo sát thể loại truyền thuyết qua mấy phương diện: dạng thức tác phẩm, thời gian được phản ánh, mối quan hệ với cộng đồng, đặc điểm nội dung, đặc điểm nghệ thuật, tâm lý tiếp nhận văn bản... Nguồn tư liệu này giúp hình dung sự hình thành và vận động của thể loại truyền thuyết trong đời sống văn học. Cũng có lúc, một số nhà nghiên cứu không thừa nhận sự tồn tại của thể loại truyền thuyết hoặc gọi chúng bằng những tên khác: huyền thoại, truyền văn, truyền ngoa, cổ tích lịch sử... Nhưng giờ đây, trong nhiều nền văn học dân gian trên thế giới, truyền thuyết luôn được xem là một thể loại lớn; có mối quan hệ đặc biệt với lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng; có sự giao thoa với thần thoại, giai thoại, cổ tích... Ra đời sau thần thoại, trước cả cổ tích, truyện thơ dân gian... nhưng truyền thuyết lại “trường thọ” hơn tất cả các thể loại này. Đấy là sức sống kỳ lạ của thể loại truyền thuyết. Nhìn chung, lý thuyết thể loại khá rõ. Tuy nhiên, khi vận dụng nguồn lý thuyết này để sưu tầm và khảo sát truyền thuyết dân gian Nam Bộ (từ sau 1858), chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, quá ít công trình nghiên cứu giúp phân biệt rõ truyền thuyết và giai thoại, truyền thuyết lịch sử và giai thoại lịch sử. Trong khi đó, do ra đời muộn (thời cận đại), nhiều câu chuyện về nhân vật và sự kiện lịch sử tuy mang đặc điểm truyền thuyết nhưng thiếu đi chất kỳ ảo, hoang đường hoặc vẫn chưa thoát hẳn màu sắc giai thoại. Một số truyền thuyết dân gian lại nằm ngay trong tư liệu lịch sử, bằng cảm tính không dễ gì bóc tách ra được. 2.2. Một số tư liệu sưu tầm, biên khảo truyền thuyết dân gian, văn học dân gian, văn hóa dân gian Nam Bộ Nguồn tư liệu này bao gồm các công trình sưu tầm, biên khảo về tác phẩm truyền thuyết; một số khai thác truyện dân gian nói chung; còn phần lớn là những công trình sưu tầm, biên khảo văn học dân gian địa phương, văn hóa dân gian Nam Bộ, địa phương chí. Để tiện khảo sát, chúng tôi phân nguồn tư liệu thành nhiều nhóm: - Nhóm tư liệu về truyền thuyết, truyện dân gian (của cả nước) - Nhóm tư liệu về văn học dân gian địa phương - Nhóm tư liệu về văn hóa dân gian Nam Bộ, địa phương chí Dưới đây xin giới thiệu tóm tắt đặc điểm một vài tư liệu: 2.2.1. Nhóm tư liệu về truyền thuyết, truyện dân gian: * Truyện tích Việt Nam [88], Kho tàng truyện truyền kỳ Việt Nam [94], Truyền thuyết Việt Nam [96], Truyền thuyết Việt Nam [108], Chuyện kể địa danh Việt Nam [98], Chuyện xưa tích cũ [149], Việt Nam - thần thoại và truyền thuyết [153]: Các tập sách này tuyển chọn những truyền thuyết đặc sắc, phổ biến của Việt Nam, nhưng mốc thời gian chỉ dừng lại trong (hoặc trước) thời kỳ quốc gia phong kiến độc lập. Không truyền thuyết nào kể về cuộc những cuộc khởi nghĩa buổi đầu chống Pháp ở Nam Bộ. Chỉ trong Truyện tích Việt Nam [88], có truyện số 24 kể về Thiên Hộ Dương, truyện số 25 kể chung về những anh hùng chống Pháp. Tuy nhiên, cả hai còn dừng ở mức độ ghi chép, sưu khảo. Các truyện không ghi xuất xứ. * Giai thoại dân gian Đồng Tháp Mười [65]: Cả 42 truyện đều có bối cảnh không gian là vùng Đồng Tháp Mười, thời gian trải dài từ “ngày xưa” cho đến nửa đầu thế kỷ XX. Tập sách lần lượt nhắc lại sự tích những địa danh; những câu chuyện hào hùng, cảm động về các anh hùng hào kiệt đã sống, chiến đấu và ngã xuống trên quê hương Đồng Tháp. Các câu chuyện được gọi chung là giai thoại dân gian, mặc dù một số nên gọi là truyền thuyết dân gian. Vài truyện sưu tầm không ghi xuất xứ. * Truyền thuyết Thiên Hộ Dương – Đốc Binh Kiều [66]: Tuyển tập giới thiệu những câu chuyện liên quan đến cuộc khởi nghĩa Thiên Hộ Dương và phó tướng Đốc Binh Kiều. Các truyện này hầu hết đã được in trong “Giai thoại dân gian Đồng Tháp Mười”. Có điều, những tác phẩm trước đây được gọi là giai thoại thì nay được xác định là truyền thuyết. Đây là công trình sưu tầm truyền thuyết dân gian Nam Bộ duy nhất mà chúng tôi có được. * Nam Kỳ cố sự [67]: Phần lớn tác phẩm được sưu tầm tại Đồng Tháp, kể về đất và người Đồng Tháp. Trong đó có một số truyền thuyết dân gian. Tác phẩm được gọi chung là chuyện xưa (cố sự). Một số truyện không ghi xuất xứ. 2.2.2. Nhóm tư liệu về văn học dân gian địa phương: * Văn học dân gian – những tác phẩm chọn lọc [163]: Tập sách được sắp xếp theo thể loại. Tác phẩm được phân theo tiểu loại hoặc thời kỳ mà chúng phản ánh. Một số tiểu loại, tác phẩm có kèm phần tiểu dẫn, nhằm giúp người đọc hiểu đúng văn bản. Ở thể loại truyền thuyết, tác phẩm được xếp theo thời kỳ lịch sử. Riêng thời kỳ chống Pháp, tập sách giới thiệu 3 truyền thuyết về Nguyễn Trung Trực, 2 truyền thuyết về Thiên Hộ Dương. Các truyện đều có ghi xuất xứ. * Văn học dân gian Đồng bằng sông Cửu Long [101]: Tác phẩm được sắp xếp thành hai phần: văn xuôi, văn vần. Ở phần văn xuôi dân gian, căn cứ vào nội dung, truyện được chia theo nhóm. Có một số truyền thuyết dân gian thời chống Pháp. Tuy nhiên, các truyện không được xem xét ở góc độ thể loại, bởi theo các tác giả: “Nhiều truyện không còn giữ được tính chất thể loại của nó. Một số truyện có thể là truyền thuyết nhưng lại mang màu sắc cổ tích, một số truyện loài vật có màu sắc ngụ ngôn… Biện pháp khả thi ở đây là sắp xếp các truyện theo nội dung” [169,14]. Do đó, một số truyền thuyết về các anh hùng chống Pháp được xem là giai thoại. * Nghìn năm bia miệng, 2 tập [215]: Ở lời giới thiệu, các tác giả có nhận xét về sự kế thừa những mẫu đề, môtif truyền thống trong một số tác phẩm tự sự dân gian… Đặc biệt, mảng truyền thuyết dân gian về các anh hùng chống Pháp được nhận xét khá sâu sắc và trang trọng. Do được sắp xếp theo đề tài, bộ sách có hẳn mảng truyện về những nhân vật lịch sử, đặc biệt là những anh hùng chống Pháp đã làm rạng rỡ hào khí đất Gia Định – Đồng Nai. Các câu chuyện đều có ghi xuất xứ nhưng không được xác định về mặt thể loại. * Thơ văn Đồng Tháp [235]: Bộ sách gồm 2 tập. Tập I dành riêng cho Thơ văn dân gian. Riêng truyền thuyết có 16 truyện, nội dung kể về sự tích các địa danh, những anh hùng hào kiệt buổi đầu chống Pháp. Một số truyện không ghi xuất xứ. * Tài liệu hướng dẫn học tập thơ văn Kiên Giang trong nhà trường [236], Thơ văn Đồng Tháp trong nhà trường [237]: Đây là giáo trình giảng dạy văn học địa phương trong nhà trường. Mỗi bài học có in nguyên văn tác phẩm, sau đó là phần hướng dẫn đọc thêm. Một số truyền thuyết về anh hùng chống Pháp ở Nam Bộ được tuyển từ Thơ văn Đồng Tháp, tập I. 2.2.3. Nhóm tư liệu về văn hóa dân gian Nam Bộ, địa phương chí: * Sổ tay Hành hương đất phương Nam [218]: Nội dung tập sách, sau Chuyên luận là phần Sổ tay hành hương. Trong phần này, nhóm tác giả giới thiệu những dạng thức tín ngưỡng, tôn giáo ở Nam Bộ, những địa điểm hành hương tại 18 tỉnh thành của vùng đất mới phương Nam. Lồng trong việc giới thiệu tín ngưỡng, tôn giáo có một vài mẩu chuyện về nhân vật khởi nghĩa chống Pháp. Ví dụ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương có Đức Cố Quản Trần Văn Thành và các con Trần Văn Chái, Trần Văn Nhu... Bên cạnh đó, nhiều đền, miếu, lăng mộ trên khắp tỉnh thành Nam Bộ gắn với việc thờ tự những anh hùng buổi đầu chống Pháp. Ví dụ, đình Mỹ Khánh (Biên Hòa) thờ Nguyễn Tri Phương; chùa Cô Hồn (Biên Hòa) thờ 9 người lãnh đạo trại Lâm Trung chống Pháp; dinh thờ ở ấp Hàng Sao (Hóc Môn- TP.HCM) thờ Nguyễn Ảnh Thủ; đình chánh Tân Kim (Long An) thờ ông Mai Văn Phận – tùy tướng của Trương Định... * Nam Bộ xưa và nay [241]: Tác phẩm tập hợp những bài viết về lĩnh vực lịch sử, văn hóa của miền đất Nam Bộ xưa và nay. Một số bài viết về sự kiện, nhân vật lịch sử buổi đầu chống Pháp (1858 – 1918). * Địa chí Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh [46]: Bộ sách gồm bốn tập. Riêng tập I viết về các chặng đường lịch sử ngót 300 năm của đất Sài Gòn – Gia Định. Tập II tổng kết thành tựu văn học, báo chí và nghệ thuật của vùng đất này. Tập I có phần viết riêng về Sài Gòn dưới ách thống trị thực dân Pháp từ 1859 đến 1918. Một số gương anh hùng chống Pháp được ghi nhận (Hồ Huân Nghiệp, Trương Định, Phan Văn Hớn, Nguyễn Hữu Trí, Phan Xích Long…). Qui mô, tính chất các cuộc khởi nghĩa được phân tích dưới góc độ sử học. Ở tập II, phần Văn học có bài về Văn học dân gian Gia Định – Sài Gòn. Tuy dẫn chứng trong giới hạn địa phương nhưng bài viết đã gợi mở cách nhìn về diện mạo và đặc điểm chung của văn học dân gian cả miền đất Nam Bộ. Bài viết có đề cập truyện kể dân gian về anh hùng chống Pháp và giai thoại về những nhà nho làm thơ đánh giặc. * Bến Nghé xưa [143], Đất Gia Định xưa [145]: Bộ sách được viết theo dạng địa phương chí. Tác giả không chủ định sưu tầm văn học dân gian. Tuy nhiên, có một số mẩu chuyện mang màu sắc truyền thuyết. Chuyện kể thường có thêm đoạn tả cảnh và diễn biến tâm lý nhân vật, thể hiện phần nhuận sắc của tác giả. * Bạc Liêu xưa [130], Cần Thơ xưa [131], Định Tường (Mỹ Tho) xưa [132], Gia Định xưa [133], Gò Công xưa [134], Kiến Hòa (Bến Tre) xưa [135], Sa Đéc xưa [136], Tây Ninh xưa [137], Vĩnh Long xưa [138], Vũng Tàu xưa [139], Tân Châu xưa [104]...: Đây là bộ sách sưu khảo của Huỳnh Minh, được viết theo dạng địa phương chí. Mỗi tập sách tổng hợp kiến thức về địa lý, lịch sử, nhân vật, giai thoại, huyền thoại, di tích, thắng cảnh, cũng như các địa danh năm xưa của một tỉnh ở Nam Bộ. Mỗi tập sách được chia thành từng phần mục cụ thể. Những địa danh lịch sử, gương anh hùng chống Pháp thường xuất hiện trong phần mục về nhân vật, giai thoại, huyền thoại. Chuyện về các anh hùng chống Pháp phần nhiều được thể hiện dưới dạng bút kí. Các mẩu chuyện thường tản mạn. Một số sự kiện còn dừng ở dạng liệt kê (gạch đầu dòng). Tác giả không xác định được thể loại truyền thuyết. 2.3. Các tư liệu lịch sử ghi chép về con người và sự kiện lịch sử buổi đầu chống Pháp ở Nam Bộ Để tiện khảo sát, chúng tôi phân nguồn tư liệu thành hai nhóm: 2.3.1. Tư liệu về giai đoạn lịch sử: Chống xâm lăng (quyển I) [47], Việt Nam Pháp thuộc sử (1884 – 1945) [102], Việt Nam thế kỷ XIX (1802 – 1884) [181], Việt Nam – những sự kiện lịch sử (1858 – 1918) [186]... Các bộ sách này chủ yếu trình bày theo hướng biên niên sử, qua cái nhìn hệ thống. Mỗi phần mục khai thác một vấn đề lớn trong lịch sử; nội dung sự kiện được ghi cụ thể, hàm súc, chính xác. Những sự kiện, câu chuyện diễn ra từ 1858 đến 1918 đã phần nào nêu bật vai trò lịch sử của những anh hùng chống Pháp ở Nam Bộ. 2.3.2. Tư liệu về nhân vật lịch sử: Nguyễn Trung Trực [148], Anh hùng kháng Pháp Nguyễn Trung Trực [100], Nguyễn Trung Trực – thân thế và sự nghiệp [13], 130 năm nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp Trương Định [189], Khởi nghĩa Trương Định [180]. Đây là tư liệu về những nhân vật lịch sử, được viết theo dạng nhân vật chí. Mỗi công trình tập trung khắc hoạ thân thế, sự nghiệp, vai trò lịch sử… của một nhân vật anh hùng chống Pháp. Từng chương mục lần lượt tái hiện, diễn giải nguồn gốc xuất thân, động cơ khởi binh đánh giặc, chiến công… của nhân vật. Một số vấn đề, sự kiện được minh giải qua nhiều nguồn cứ liệu, nhiều quan điểm khác nhau. Ví dụ, nguyên nhân Nguyễn Trung Trực sa vào tay giặc. Một số đoạn, bài mang tính chất gợi ý khai thác nội dung, ý nghĩa của truyền thuyết dân gian. Ví dụ, bài nghiên cứu truyền thuyết dân gian về Nguyễn Trung Trực của Bùi Mạnh Nhị [13]. Mặt khác, trong một số chương mục của các tư liệu này, không ít mẩu chuyện mang đặc điểm của văn bản tự sự dân gian, cụ thể là truyền thuyết dân gian [189]. Điều này có lẽ xuất phát từ nhu cầu phục hiện sống động quá khứ, nhưng nguồn sử chính thống quá khe khắt và hiếm hoi, các nhà sử học buộc phải cần đến sự viện trợ đắc lực của kho tàng chuyện kể dân gian. Những mẩu truyền thuyết ấy cần sự soi rọi bởi lý thuyết folklore. * Đại Nam liệt truyện, 4 tập [183], Đại Nam nhất thống chí, 3 tập [184]: Đây là hai bộ sử triều Nguyễn. Tác phẩm có qui mô khá đồ sộ trong kho tàng thư tịch cổ viết bằng chữ Hán của Việt Nam, giữa thế kỷ XIX. Mỗi bộ gồm nhiều tập. Mỗi tập có nhiều quyển. Mỗi quyển viết nhiều chủ đề khác nhau. Đại Nam nhất thống chí trình bày nội dung theo nhóm hành chính (Kinh Sư, Phủ Thừa Thiên, Tỉnh Quảng Bình, Đạo Hà Tĩnh…). Trong mỗi vùng, các sử quan đều có phần viết về nhân vật. Riêng Đại Nam liệt truyện trình bày theo nhóm nhân vật (nhân vật dòng dõi tôn thất, các bậc nữ liệt, các vị anh hùng trung nghĩa, những kẻ phản nghịch…). Một số anh hùng chống Pháp ở Nam Bộ được ghi chép công trạng (Phan Văn Đạt, Trần Xuân Hòa, Nguyễn Hữu Huân, Trương Định…). Tuy nhiên các truyện chưa hội đủ yêu cầu của một tự sự dân gian. 2.4. Nhận xét chung 2.4.1. Các công trình nghiên cứu về truyền thuyết dân gian, cho đến nay, đã soi rõ đặc trưng thể loại này. Tuy nhiên, vẫn chưa có công trình nào khảo sát toàn diện kho truyền thuyết thời cận đại (trong Luận án, chúng tôi xin gọi là truyền thuyết muộn). Cụ thể, chưa có bài viết nào đề cập và lý giải sự phai mờ của yếu tố kỳ ảo, hoang đường trong truyền thuyết muộn; các công trình cũng chưa lý giải đầy đủ sự đan xen giữa truyền thuyết và giai thoại; giữa truyền thuyết lịch sử và chuyện kể lịch sử. 2.4.2. Các công trình sưu tầm truyền thuyết, truyện dân gian Việt Nam nói chung hầu hết chỉ tập hợp những câu chuyện xảy ra trước 1858. Do vậy thiếu vắng những truyền thuyết về anh hùng buổi đầu chống Pháp. Phải chăng, thành tựu truyền thuyết dân gian từ sau 1858 (nhất là ở Nam Bộ) chưa đủ đầy đặn để được các nhà nghiên cứu lưu tâm khảo sát và thẩm định? 2.4.3. Các công trình sưu tầm truyện dân gian Nam Bộ thực ra có đăng tải khá nhiều truyền thuyết về các anh hùng buổi đầu chống Pháp ở Nam Bộ. Tuy nhiên, hầu hết tác phẩm chưa được phân định rạch ròi về thể loại. Chúng thường được gọi chung là chuyện xưa (cố sự), truyện dân gian, hoặc là giai thoại. Điều này buộc chúng tôi, để sưu tầm, tuyển chọn đúng tác phẩm, cần phải định danh tất cả tự sự dân gian có nội dung kể về những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ. 2.4.4. Một số công trình sưu tầm, biên khảo truyện dân gian Nam Bộ được thực hiện bởi một cá nhân, lại được biên tập và in ấn bởi các nhà xuất bản địa phương. Từ đó phát sinh một số điều “chưa ổn”. Cụ thể, đó là lối diễn đạt riêng, theo phong cách ngôn ngữ viết làm mất đi sự tươi mới, sinh động của phương ngữ Nam Bộ. Đó là hiện tượng sai chính tả, lỗi cú pháp trong các văn bản kể - hoàn toàn không phải phong cách dân gian. Điều này buộc chúng tôi, khi sưu tầm, biên soạn, phải cố gắng đưa bản kể về lối diễn đạt gần “chất dân gian” hơn. 2.4.5. Một số công trình biên khảo văn hóa dân gian, tư liệu lịch sử đã xem những mẩu chuyện về nhân vật và sự kiện lịch sử chỉ như nguồn dữ liệu cho bài viết. Do không chủ định công bố tác phẩm truyền thuyết nên tác giả không kể chúng theo hình thức văn bản tự sự dân gian. Điều này gợi ý chúng tôi nên học cách biên soạn các mẩu chuyện rời rạc ấy thành những văn bản truyền thuyết dân gian 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Như tên đề tài, Truyền thuyết dân gian về những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ (1858 – 1918), đó là đối tượng nghiên cứu của chúng tôi. Bản thân thể loại truyền thuyết vốn đã phức tạp. Sự hiện diện của nó trong giai đoạn lịch sử từ nửa cuối thế kỷ XIX, ở Nam Bộ, lại càng phức tạp hơn. Những truyền thuyết kể về thời này, hầu hết, đều mang vết nhuận sắc của cá nhân người đời sau, tồn tại qua các loại văn bản. Điều đó buộc chúng tôi phải cân nhắc, khi ranh giới giữa dân gian và sử biên niên khá mờ nhạt, giữa truyền thuyết và giai thoại vẫn chưa định rõ. Chúng tôi tự giới hạn đối tượng nghiên cứu là những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở đất Gia Định xưa, sau được gọi là Nam Kỳ lục tỉnh, giờ là các tỉnh thành Nam Bộ - miền đất trải dài từ lưu vực sông Đồng Nai đến phần hạ lưu của chín nhánh sông Cửu Long. Còn giới hạn thời gian, chọn giai đoạn từ 1858 đến 1918, chúng tôi dựa vào mốc khảo sát của một số nhà nghiên cứu sử học để tìm bản chất của đối tượng, tính chân thật của sự kiện. Mặt khác, giới hạn này phù hợp với nguồn tư liệu mà chúng tôi đã sưu tầm, biên soạn được. Dĩ nhiên, mốc thời gian 1858 – 1918 chỉ mang tính tương đối và đúng hơn, các mốc này chỉ có ý nghĩa trong giới hạn đề tài mà chúng tôi đề cập đến. 4. Mục tiêu nghiên cứu Chúng tôi cố gắng đạt đến, trong chừng mực tốt nhất có thể, những mục tiêu chính sau đây: 4.1. Hệ thống hóa truyền thuyết dân gian về những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ (1858 – 1918) 4.1.1. Dựa vào đặc điểm thể loại và tiêu chí nội dung, tiến hành sưu tầm, tuyển chọn các văn bản truyền thuyết dân gian về những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ (1858 – 1918); 4.1.2. Dựa vào nội dung (nhân vật và sự kiện lịch sử), hệ thống hóa các truyền thuyết tìm được (trên cơ sở xây dựng các mảng truyện, nhóm truyện). 4.2. Khảo sát Hệ thống truyền thuyết dân gian về những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ (1858 – 1918) 4.2.1. Nhận xét tình hình văn bản, đặc điểm kết cấu tác phẩm trong từng nhóm truyện; 4.2.2. Mô tả nội dung lịch sử từng nhóm truyền thuyết, kết hợp so sánh với chính sử để thấy được phần đóng góp đáng kể của truyền thuyết đối với lịch sử dân tộc. 4.3. Giới thiệu những motif đặc sắc, tiêu biểu cho diện mạo của truyền thuyết dân gian về những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ (1858 – 1918) 4.3.1. Qua khảo sát tần số xuất hiện của các tình tiết trong từng tác phẩm, từng nhóm truyện, đề xuất những motif, nhóm motif đặc sắc cần khảo sát. 4.3.2. Qua đối sánh với những motif truyền thống trong các tự sự dân gian giai đoạn trước, làm rõ sự kế thừa và vẻ đẹp mới mẻ, độc đáo của các motif trong hệ thống truyền thuyết vừa xây dựng. 4.4. Khảo sát một số nhóm chứng tích văn hóa liên quan đến truyền thuyết dân gian về những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ (1858 – 1918) 4.4.1. Ghi nhận những nhóm chứng tích văn hóa quan trọng, gắn liền với hệ thống truyền thuyết vừa khảo sát như địa danh; phần mộ; miếu, đền, đình, chùa; lễ hội... 4.4.2. Bước đầu phân tích cơ sở hình thành và ý nghĩa các chứng tich văn hóa, xét từ phương diện văn hóa – lịch sử - xã hội. 4.4.3. Khẳng định sức sống và ý nghĩa thiêng liêng của truyền thuyết dân gian (1858 – 1918) đối với đời sống tâm linh của đồng bào Nam Bộ. Khẳng định sự tồn tại vững chãi của thể loại truyền thuyết trong tiến trình lịch sử và vai trò đặc biệt của nó đối với sự trưởng thành của một dân tộc. 5. Phương pháp nghiên cứu Truyền thuyết dân gian là thể loại lớn của văn học dân gian, cũng là một bộ phận quan trọng cấu thành tầm vóc, giá trị của nền văn học dân tộc. Do vậy, chọn truyền thuyết dân gian làm đối tượng nghiên cứu, chúng tôi dùng những phương pháp nghiên cứu văn học dân gian làm nền tảng. Đồng thời, chúng tôi cũng kết hợp với những phương pháp của khoa nghiên cứu văn học. Trong phạm vi Luận án, chúng tôi đã sử dụng những phương pháp cụ thể sau: 5.1. Phương pháp loại hình lịch sử: khảo sát từng văn bản truyền thuyết và cả hệ thống truyền thuyết dân gian (1858 – 1918), qua việc đặt tác phẩm trở lại bối cảnh lịch sử xã hội, môi trường nó chào đời, nhằm phát hiện những khúc xạ của lịch sử vào trong tác phẩm, kể cả những hào quang mà nó tỏa chiếu trên nền lịch sử. 5.2. Phương pháp phân loại, hệ thống hóa: 5.2.1. Phân loại những tác phẩm sưu tầm được, chọn hoặc loại bỏ chúng (dựa trên các tiêu chí thể loại, giới hạn nghiên cứu và đối tượng khảo sát); 5.2.2. Hệ thống hóa các văn bản rời rạc, đưa chúng vào từng mảng, nhóm truyện; khảo sát từng motif qua việc đặt chúng trong một hệ thống motif cụ thể. 5.3. Phương pháp thống kê, miêu tả: 5.3.1. Sử dụng số liệu thống kê làm cơ sở phát hiện sự tồn tại của các motif trong Hệ thống truyền thuyết dân gian; 5.3.2. Miêu tả kết cấu, đặc điểm nội dung của từng mảng, nhóm truyện; miêu tả cảm hứng chủ đạo, dấu ấn mới mẻ, độc đáo của Hệ thống truyền thuyết dân gian… 5.4. Phương pháp phân tích, so sánh 5.4.1. Phân tích kết cấu tác phẩm, sự truyền cảm của các chi tiết nghệ thuật, vẻ đẹp lung linh của hình tượng nhân vật; phân tích dấu vết truyền thống và những sáng tạo mới trong từng motif. 5.4.2. So sánh tác phẩm với tác phẩm, mảng truyện này với mảng truyện khác, truyền thuyết giai đoạn này với giai đoạn trước, truyền thuyết lịch sử với các thể loại gần gũi, giao thoa (giai thoại, chuyện kể lịch sử…). Đây là cơ sở hữu hiệu để thấy được sự thống nhất của hệ thống, sự đa dạng của tác phẩm, sự thâm nhập, chuyển hóa giữa các thể loại văn học,… 5.5. Phương pháp sưu tầm và thẩm định tư liệu 5.5.1. Sưu tầm tác phẩm, chủ yếu qua việc khoanh vùng các nguồn tài liệu có trữ lượng lớn về văn học dân gian Nam Bộ, soi rọi chúng dưới ánh sáng của lý thuyết thể loại, dựa vào “chất dân gian” để đưa chúng vào hệ thống. Cố gắng sưu tầm những mẩu truyền thuyết còn ẩn khuất ở miền quê, qua lời kể của người dân địa phương. 5.5.2. Thẩm định từng tác phẩm trong hệ thống, thông qua việc chọn lọc, sắp xếp theo nhóm nội dung, theo đơn vị motif; kết hợp thao tác tìm về một số địa phương để chứng thực sự tồn tại của nó. Dựa vào “chất dân gian”, đặc trưng thể loại để thẩm định những trường hợp phức tạp: tồn tại dị bản (nếu có), nhiều bản kể khác nhau, nhiều xuất xứ khác nhau, sự nhập nhằng ở đường biên thể loại… 6. Đóng góp mới của Luận án Luận án của chúng tôi xin có những đóng góp cụ thể sau: 6.1. Giới thiệu tổng quan những công trình sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian có đề cập thể loại truyền thuyết, đặc biệt là truyền thuyết dân gian thời chống Pháp ở Nam Bộ (1858 – 1918). 6.2. Đề xuất một khung tiêu chí phục vụ việc sưu tầm, biên soạn truyền thuyết dân gian thời cận đại. Từ đó hệ thống hóa truyền thuyết dân gian về những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ (1858 – 1918). Các nhóm, mảng trong hệ thống có khả năng thu nhận bất cứ truyền thuyết nào (thỏa điều kiện) được tiếp tục sưu tầm và phát hiện. Hệ thống này sẽ dự phần vào kế hoạch sưu tầm, hệ thống hóa toàn bộ kho tàng truyền thuyết dân gian ở Việt Nam. 6.3. Phân tích vẻ đẹp hồn nhiên, sức hấp dẫn đặc biệt của truyền thuyết dân gian buổi đầu chống Pháp ở Nam Bộ; đồng thời chỉ ra phần bổ sung đáng quý của nó cho sự khe khắt của chính sử triều Nguyễn bấy giờ. 6.4. Giới thiệu một số motif, nhóm motif đặc sắc trong hệ thống truyền thuyết vừa xây dựng. Qua đó, phát hiện sự kế thừa và sáng tạo trong các truyền thuyết muộn, bước đầu thấy được sự vận động và những biến đổi của bản thân thể loại. 6.5. Giới thiệu một số chứng tích văn hóa liên quan đến truyền thuyết về những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ để làm sáng tỏ thêm đời sống tâm linh của đồng bào Nam Bộ, đồng thời khẳng định vai trò đặc biệt của truyền thuyết dân gian trong suốt tiến trình giữ nước của dân tộc Việt Nam. 7. Kết cấu Luận án Luận án được chia thành các phần mục như sau: Mở đầu 14 trang Chương 1: Hệ thống hóa truyền thuyết dân gian về những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ (1858 – 1918) 21 trang Chương 2: Khảo sát các nhóm truyền thuyết trong hệ thống truyền thuyết dân gian về những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ (1858 – 1918) 33 trang Chương 3: Khảo sát những motif, nhóm motif phổ biến trong hệ thống truyền thuyết dân gian về những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ (1858 – 1918) 63 trang Chương 4: Khảo sát một số chứng tích văn hóa liên quan đến truyền thuyết dân gian về những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ (1858 – 1918) 23 trang Kết luận và Định hướng nghiên cứu mới 4 trang Luận án có Phụ lục gồm 4 phần: Văn bản tác phẩm truyền thuyết dân gian về những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ ( 1858 – 1918); Một số văn bản tồn nghi; Các bảng thống kê; Môt số hình ảnh chứng tích văn hóa. * * * CHƯƠNG 1 HỆ THỐNG HÓA TRUYỀN THUYẾT DÂN GIAN VỀ NHỮNG CUỘC KHỞI NGHĨA CHỐNG PHÁP Ở NAM BỘ (1858 – 1918) *** 1. Tiêu chí xác định văn bản truyền thuyết dân gian Ở phương Đông, theo GS. Kiều Thu Hoạch, từ thời cổ đại Trung Quốc, tuy chưa có danh từ “truyền thuyết” nhưng đã có hai từ tương đương là “truyền văn”, “truyền ngoa”. Chúng xuất hiện trong các bộ sách cổ như Sử ký, Hán thư. Khái niệm “truyền văn”, “truyền ngoa” nhằm chỉ những mẩu chuyện hoang đường, kỳ quái lưu truyền trong dân gian mà người kể không hề được trực tiếp tai nghe mắt thấy. Chúng chưa có cốt chuyện, chưa thành một câu chuyện hoàn chỉnh. Chúng được xem là một loại bia miệng, là “khẩu bi” (chữ dùng của Yanagita Kunio - nhà folklore Nhật Bản), là truyền thuyết - theo nghĩa rộng. Để được gọi là truyền thuyết như hiện nay, những mẩu chuyện ấy phải có thêm nhiều tình tiết, phải qua một quá trình phát triển thành câu chuyện văn học có đầu có đuôi. Còn ở Nhật Bản, danh từ “truyền thuyết” khá thông dụng, nhưng nghĩa gốc của nó lại được giải thích là “sự việc khó quên”; hoặc là “cái khó quên” hoặc là “sự việc không thể quên được” [74,tr.94]. Ở phương Tây, theo TS. Frank Proschan, thuật ngữ legend (truyền thuyết) có gốc từ La ._. tinh legere (đọc). Khởi thủy, thuật ngữ này nhằm chỉ những tài liệu lý giải về cuộc đời các vị thánh, được sắp xếp theo theo trật tự của lịch Thiên chúa và được đọc trong những ngày lễ thánh tại lễ nghi thiêng liêng. Đến cuối thời kỳ Trung đại, chữ “truyền thuyết” đã mở rộng nghĩa thành “thông tin không chính xác” hay là “một câu chuyện không chắc có thực”. Ngày nay, theo cách nói thông thường, “truyền thuyết” vẫn được coi là một câu chuyện không có thực và chỉ những người cả tin mới tin. Tuy nhiên, trải suốt nền văn minh phương Tây, “truyền thuyết” với tư cách là một thể loại văn học dân gian, hiện diện trong các biên niên sử, lịch sử địa phương và quốc gia, các luận văn (y học, lịch sử tự nhiên, pháp lý và giáo hội)... thì luôn gắn với niềm tin và cái thiêng, bởi “Cốt lõi của truyền thuyết thực sự là một đức tin”[201,tr.315-320-135]. Còn ở Việt Nam, chúng tôi chưa biết chính xác khái niệm “truyền thuyết” được dùng lần đầu tiên khi nào. Nhưng khái niệm “truyền kỳ” thì đã có trong văn học trung đại, nhằm chỉ những câu chuyện kỳ lạ lưu truyền trong dân gian và được ghi chép lại (thuật ngữ này xuất phát từ tiểu thuyết truyền kỳ Trung Quốc đời Đường). Một số chuyện trong đó liên quan ít nhiều đến các nhân vật và sự kiện lịch sử. Và những mẩu chuyện ly kỳ mang màu sắc lịch sử này cũng đồng thời được các sử gia phong kiến quan tâm, dùng bổ sung tư liệu cho chính sử. Để rồi, ngay trong lòng các bộ chính sử, không ít truyền thuyết đã được ghi chép hoàn chỉnh và tồn tại đến bây giờ. Truyền thuyết “Mị Châu – Trọng Thủy” qua Đại Việt sử ký toàn thư và An Nam chí lược là một trong nhiều minh chứng [124,tr.332]. 1.1. Khái niệm “truyền thuyết” Hình như mỗi nhà nghiên cứu truyền thuyết dân gian đều muốn chọn một góc nhìn riêng để khám phá sâu bản chất thể loại này. Bằng chứng là đã có nhiều cách định nghĩa khác nhau về khái niệm “truyền thuyết”. Chẳng hạn, theo Từ điển thuật ngữ văn học của Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (chủ biên), đây là “một thể loại truyện dân gian mà chức năng chủ yếu là phản ánh và lý giải các nhân vật và sự kiện lịch sử có ảnh hưởng quan trọng đối với một thời kỳ, một dân tộc, một quốc gia hay một địa phương” (NXB Giáo Dục, 1992). Theo Lại Nguyên Ân, truyền thuyết là “khái niệm chỉ một nhóm những sáng tác dân gian mà đặc điểm chung là trong đó có các yếu tố kỳ diệu, huyễn tưởng, nhưng lại được cảm nhận là xác thực, diễn ra ở ranh giới giữa thời gian lịch sử và thời gian thần thoại, hoặc diễn ra ở thời gian lịch sử” (Lại Nguyên Ân (2004), Từ điển Văn học, NXB Thế giới) [64,tr.1835]. Còn cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận định: “Truyền thuyết thường có cái lõi là sự thật lịch sử mà nhân dân qua nhiều thế hệ đã lý tưởng hóa, gởi gắm vào đó tâm tình thiết tha của mình cùng với thơ và mộng, chắp đôi cánh của sức tưởng tượng và nghệ thuật dân gian, làm nên những tác phẩm văn hóa mà đời đời con người ưa thích” (Phạm Văn Đồng, “Nhân ngày giỗ tổ Hùng Vương”, Nhân Dân, số ra ngày 29/04/1969). Vũ Ngọc Khánh lại cho rằng “Truyền thuyết là cảm quan của một cộng đồng về những sự kiện và nhân vật lịch sử, là cách đánh giá, phản ánh lịch sử một cách không chính thống của mọi thời đại, cách phản ánh dân dã nhất, vì thế mà hồn nhiên và đầy chất thơ nhất” (Vũ Ngọc Khánh (1998), Truyền thuyết Việt Nam, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội) [96,tr.7]... Từ rất nhiều định nghĩa như trên, chúng tôi nhận ra các nhà nghiên cứu đã chú ý khảo sát thể loại truyền thuyết qua những phương diện: dạng thức tác phẩm, thời gian được phản ánh, quan hệ với cộng đồng, đặc điểm nội dung, đặc điểm nghệ thuật, tâm lý tiếp nhận văn bản... Dưới đây là cách diễn đạt của các nhà nghiên cứu: - Dạng thức tác phẩm: theo Lã Duy Lan, truyền thuyết là “những điều truyền tụng”; Phan Trần nhấn mạnh hơn: “là truyện truyền tụng trong dân gian”. Nguyễn Xuân Lạc khẳng định truyền thuyết “là truyện dân gian”; Kiều Thu Hoạch khu biệt nó vào “thể tài của văn học dân gian”; Lại Nguyên Ân quy về “những sáng tác dân gian”; riêng thủ tướng Phạm Văn Đồng gọi nó “là tác phẩm văn hóa”. - Thời gian được phản ánh: Từ chỗ xác định truyền thuyết là chuyện kể về quá khứ, Hồ Quốc Hùng cho truyền thuyết “là ký ức cộng đồng về quá khứ”; Nguyễn Đổng Chi hình dung nó “là tia hồi quang chân thực của lịch sử”; Lại Nguyên Ân định vị nó “ở ranh giới giữa thời gian lịch sử và thời gian thần thoại, hoặc diễn ra ở thời gian lịch sử”. - Quan hệ với cộng đồng: các nhà nghiên cứu chú ý nhấn mạnh mối quan hệ giữa truyền thuyết và quần chúng nhân dân: truyền thuyết phản ánh vận mệnh của cả cộng đồng, là sản phẩm của toàn thể cộng đồng. Để diễn đạt ý tưởng này, Nguyễn Đổng Chi dùng từ “quần chúng”; Phạm Văn Đồng dùng chữ “nhân dân”; Vũ Ngọc Khánh, Lã Duy Lan cùng sử dụng khái niệm “cộng đồng”. - Đặc điểm nội dung: bởi nội dung truyền thuyết phong phú nên các cách phát biểu cũng đa dạng. Phạm Văn Đồng nhấn mạnh “cái lõi là sự thật lịch sử”; Kiều Thu Hoạch cho rằng nó “phản ánh lịch sử ở một mức độ nhất định”. Phan Trần nói rõ hơn, đó là “những sự việc và nhân vật có liên quan đến lịch sử”; Vũ Ngọc Khánh rút gọn thành “những sự kiện và nhân vật lịch sử”. Nguyễn Đổng Chi thấy được “công cuộc lao động, chiến đấu và sáng tạo của quần chúng”; Lã Duy Lan nêu chi tiết hơn, đó là “các nhân vật, các sự vật, địa danh, các sự kiện liên quan đến sự phát triển của một cộng đồng”. - Đặc điểm nghệ thuật: nổi trội trong truyền thuyết là yếu tố kỳ ảo, hoang đường. Phan Trần xem đó là sản phẩm của “hư cấu, tưởng tượng”; Lại Nguyên Ân gọi là “yếu tố kỳ diệu, huyễn tưởng”; Vũ Ngọc Khánh quan tâm đến vẻ đẹp “hồn nhiên và đầy chất thơ”; Phạm Văn Đồng thấy được vẻ đẹp “lý tưởng hóa, chất thơ và mộng, đôi cánh của sức tưởng tượng và nghệ thuật dân gian”. - Tâm lý tiếp nhận: một số phát biểu trên còn quan tâm đến tâm lý tiếp nhận truyền thuyết. Theo Lại Nguyên Ân, truyền thuyết luôn “được cảm nhận là xác thực”; Phạm Văn Đồng tin truyền thuyết sẽ được “đời đời con người ưa thích”; còn Hồ Quốc Hùng lại thấy truyền thuyết “làm đắm say biết bao thế hệ”. Từ nội hàm khái niệm trên, chúng tôi nhận diện được 4 tiêu chí quan trọng dùng xác định một tác phẩm nào đó là truyền thuyết dân gian:  Tiêu chí 1: tác phẩm là một tự sự dân gian.  Tiêu chí 2: tác phẩm có nội dung phản ánh con người và sự kiện lịch sử trong quá khứ.  Tiêu chí 3: tác phẩm có sử dụng yếu tố hư cấu, tưởng tượng (kỳ ảo).  Tiêu chí 4: tác phẩm được đón nhận bằng niềm tin, sự yêu thích của cả cộng đồng. 1.2. Phân biệt truyền thuyết dân gian với giai thoại Trong văn học dân gian, mỗi thể loại đều tích hợp trong nó nhiều giá trị khác nhau. Chúng là nghệ thuật mà cũng là một cái gì lớn hơn nghệ thuật. Chúng là một hiện tượng văn hóa phong phú và phức tạp. Bởi sinh thành ngay trong dòng chảy văn hóa dân gian nên các thể loại văn học dân gian cũng luôn vận động và biến đổi. Trong quá trình đó, sự giao thoa, xâm nhập giữa các thể loại đã diễn ra. Do vậy, cách nhận diện tốt nhất bản chất một thể loại văn học dân gian, theo chúng tôi, chính là đối sánh nó với những thể loại có quan hệ gần gũi. Ở đây, chúng tôi xin khảo sát mối quan hệ giữa truyền thuyết và giai thoại. Lý do là trong quá trình sưu tầm, nghiên cứu truyền thuyết dân gian Nam Bộ, chúng tôi gặp nhiều nan giải từ chính mối quan hệ này. Phân biệt truyền thuyết và giai thoại – vấn đề đặt ra tưởng chừng không cần thiết. Bởi chúng đã là hai thể loại khác nhau. Từ điển văn học (bộ mới) giới thuyết chúng rõ ràng qua việc giải thích thuật ngữ [64,tr.519-1835]. Nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu về folklore cũng không xem chúng là một1. Tuy nhiên, việc phân biệt hai thể loại này lại liên quan trực tiếp đến vấn đề lý thuyết lẫn thực tế sưu tầm, biên soạn văn học dân gian. Trong khoa học về folklore, việc đối sánh các thể loại với nhau luôn là thao tác hữu hiệu nhằm củng cố thêm đặc trưng thể loại và tìm hiểu cấu trúc bên trong tác phẩm. Thao tác này được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất và khó khăn nhất của người nghiên cứu văn học dân gian. Vì theo Propp, “ranh giới giữa các thể loại không phải bao giờ cũng vững chắc và đôi khi cũng bị phá vỡ” [177,tr.28]. Truyền thuyết và giai thoại cũng không có ngoại lệ: “… Trong những ghi chép sớm nhất, giai thoại văn học thường không phân giới rõ rệt với truyền thuyết, truyền kỳ, có những mảng giai thoại xuất hiện thời kỳ sau lại gần với tiếu lâm” [64,tr.519]. 1 Xin nêu vài dẫn chứng (chúng tôi gạch dưới): - Một cách tổng quát, có thể nói rằng thần thoại và cổ tích thực sự chiếm một tỉ lệ quá ít ỏi trong kho tàng chuyện dân gian Nam Bộ. Trái lại, thể loại truyền thuyết (ở đây chúng tôi gọi là sự tích) và giai thoại chiếm đại đa số [215,tr.12]. - Một nhân vật được coi là nhân vật lịch sử khi nhân vật đó có những ảnh hưởng hay đóng góp cho quá trình phát triển của cộng đồng. Với những nhân vật này, thường là có truyền thuyết và cũng có cả giai thoại [108,tr.7]. Thực tế càng chứng tỏ hai thể loại này chưa được phân giới rõ ràng. Khi sưu tầm, khảo sát chuyện dân gian về những anh hùng kháng Pháp ở Nam Bộ, có quan điểm cho rằng: “Khác với những truyền thuyết danh nhân ở Bắc Bộ, những truyện ở đây có thể xem là những giai thoại vì nó gần gũi với người thật, ít có yếu tố siêu nhiên, thần kỳ” [101,tr.14]. Có công trình gộp chung mọi tự sự dân gian vào giai thoại [65]. Có tập sách gọi một số tác phẩm là giai thoại, trong khi chúng hội đủ những đặc trưng của truyền thuyết: Giai thoại về Thiên Hộ Dương, Giai thoại về ông Phòng Biểu [67]. Về thao tác khoa học, việc đối sánh hai thể loại này tưởng chừng chông chênh. Liệu có nên khảo sát một đối tượng khi nó còn đang vận động và biến đổi? Bởi truyền thuyết đôi khi còn nhập nhằng với thần thoại, cổ tích [41,tr.356]. Giai thoại thuộc về văn học viết hay văn học dân gian2? Giai thoại có phải là một loại hình của truyện cổ tích hay không? [177,tr.44] v.v. Thực ra, sự phức tạp trên không ngăn trở việc tìm ranh giới giữa truyền thuyết và giai thoại. Trái lại, nó còn hỗ trợ cho việc nhận diện rõ hơn đặc trưng, cấu trúc của các thể loại này - cơ sở quan trọng dùng đối sánh. Hơn nữa, nếu một thể loại văn học dân gian (biểu hiện qua từng đơn vị tác phẩm cụ thể) luôn có sự biến đổi, giao thoa với thể loại khác thì điều đó càng chứng tỏ nó vẫn đang sống và rất giàu sức sống. Về điều này, Propp đã từng khẳng định: “Tác phẩm phônclo vận động, luôn luôn thay đổi, và sự vận động, sự thay đổi ấy là một trong những dấu hiệu đặc trưng của phônclo” [177,tr.12]. Tiến hành phân biệt truyền thuyết và giai thoại cũng đồng nghĩa với việc quay về khảo sát đặc trưng từng thể loại và đối sánh chúng với nhau. Nó gắn với hàng loạt câu hỏi: Truyền thuyết là gì? Giai thoại là gì? Chúng thường nhập nhằng ở phương diện nào? Tại sao có sự nhập nhằng ấy? Những căn cứ nào giúp phân biệt chúng? Có thể rút ra dấu hiệu nhận dạng từng thể loại không?... * Như đã trình bày, truyền thuyết là một thể loại lớn trong văn học dân gian, đã hình thành, vận động và phát triển lâu đời. Ở Việt Nam, nhiều công trình nghiên cứu có giá trị đã xác định được bản chất thể loại này. Tựu trung, truyền thuyết là những tự sự dân gian có cái lõi lịch sử; màu sắc ít nhiều huyền ảo; nội dung kể về các nhân vật và sự kiện lịch sử. Truyền thuyết không phải là chính 2 Trong Từ điển Văn Học [64,tr.519], Lại Nguyên Ân cho giai thoại “thuộc về văn chương bác học, gắn với sinh hoạt văn học thành văn, nhưng lại tồn tại dưới dạng truyền miệng, tức là dạng thức tồn tại của các chuyện kể dân gian”. Còn trong Thông báo Văn hóa dân gian 2002 [73,tr.652], Kiều Thu Hoạch lại xác định “giai thoại là sáng tác folkore, là văn học dân gian, mà tác giả nước ngoài còn gọi rõ là giai thoại dân gian”. sử mà chỉ là dã sử. Nó là văn học chứ không phải lịch sử. Nó thể hiện cách nhìn, cách đánh giá của nhân dân về lịch sử. * Giai thoại là đối tượng nghiên cứu khá mới mẻ của văn học dân gian và cả văn học thành văn. Tuy được công nhận là một thể loại nhưng lý thuyết về nó còn ít được chú ý. Ở Trung Quốc, thuật ngữ giai thoại xuất hiện ngay từ thời Đường – Tống nhưng chưa thấy ai luận bàn gì về thể loại. Ở Nga, những năm 60 của thế kỷ XX, lý thuyết giai thoại mới được giới Folklore học quan tâm. Còn ở Việt Nam, thuật ngữ này có lẽ đã được sử dụng từ 1940 qua quyển Việt Sử giai thoại của Đào Trịnh Nhất (Cộng Lực xuất bản, năm 1940). Đến 1965, lại xuất hiện qua tập sách Giai thoại văn học Việt Nam của nhóm soạn giả Hoàng Ngọc Phách, Kiều Thu Hoạch3. Nhìn chung, theo Vũ Ngọc Khánh: “Tuy vẫn luôn luôn được nhắc đến, kể đến, với nhiều trân trọng, nhưng phải nói rằng giai thoại chưa được nghiên cứu bao nhiêu, và thật ra thì cũng chưa xác định vị trí cho rõ rệt lắm” [97,tr.164]. Cho đến nay, qua một số công trình nghiên cứu về folklore, bản chất của giai thoại, nhìn chung, đã được xác định. Theo GS. Kiều Thu Hoạch, “giai thoại vốn là một thuật ngữ gốc Hán, giai có nghĩa là hay, thoại là câu chuyện kể. Như vậy, giai thoại là câu chuyện kể hay, đẹp, mà lâu nay, giới nghiên cứu vẫn coi thuật ngữ này là tương đương với thuật ngữ anecdote của phương Tây” [73,tr.644]. Vũ Ngọc Khánh cũng xem giai thoại tương đương với thuật ngữ anecdote, đồng thời nhấn mạnh, đó là những mẩu chuyện ngắn, rất ngắn, có tính cách hài hước, dí dỏm, gây được những nụ cười “mang ý nghĩa triết học” [97,tr.164]. Chú ý đến không gian sống của nó, Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố cho giai thoại “là việc tốt, chuyện hay, thường truyền tụng ở dân gian” [156,tr.243]. Có khác đi, Lại Nguyên Ân cho giai thoại là “một thể loại chuyện kể truyền miệng, lưu hành chủ yếu trong giới nhà văn và lớp công chúng yêu thích thơ văn, nhất là những người có hiểu biết Hán học và văn chương chữ Hán” [64,tr.519]. Nghiêng về thi pháp thể loại, Guxép định nghĩa, “Chúng tôi gọi là giai thoại, tác phẩm tự sự trào phúng hoặc hài hước, được xây dựng trên một tình tiết có một sức tăng tiến, tới điểm cao, biểu hiện rõ rệt và hết sức bất ngờ” [99,tr.168]. Theo trên, giai thoại là những tự sự dân gian, chủ yếu được truyền miệng. Nó là những câu chuyện lý thú, hay, đẹp, có tính chất hài hước, dí dỏm, mang nhiều ý nghĩa triết lý. * Thoạt xem qua, truyền thuyết và giai thoại chỉ giống nhau ở chỗ: cùng là những tự sự dân gian và chủ yếu được truyền miệng. Còn lại, một bên gắn liền với những vấn đề, sự kiện 3 Theo Thông báo Văn hóa dân gian 2002 [73,tr.645], bản thảo này hoàn thành từ 1963, Kiều Thu Hoạch biên soạn, Hoàng Ngọc Phách đọc duyệt, Trần Thanh Mại viết lời giới thiệu. lịch sử, thiêng liêng, hệ trọng; một bên là chuyện đời thường, lý thú và hài hước. Làm sao có thể nhầm lẫn giữa hai thể loại có nhiều dấu hiệu khác biệt nhau như vậy? Tuy nhiên vấn đề không đơn giản và không dừng ở đó. Soi vào thực tế tác phẩm, nếu chỉ xem giai thoại là anecdote (theo cách hiểu của phương Tây) thì chuyện về cuộc đời những anh hùng kháng Pháp ở Nam Bộ sao được phép gọi là giai thoại? Bởi làm sao có yếu tố trào phúng, hài hước trong những câu chuyện khởi nghĩa, hy sinh đầy bi tráng? Nhưng tại sao một số công trình sưu tầm, biên soạn văn học dân gian vẫn xem chúng là giai thoại? Có lẽ mấu chốt nằm ở chỗ này: do đặc thù văn hóa, ở phương Đông và Việt Nam, giai thoại không dễ phân biệt với truyền thuyết. Bởi, giai thoại phương Đông còn được xem “là cuốn sổ biên niên của cuộc sống, là người bạn thường xuyên của con người và của các sự kiện lịch sử xã hội” [84,tr.165]. Giai thoại phương Đông đâu chỉ mang ý vị hài hước. Nó còn có những câu chuyện đẹp, được viết, kể thật nghiêm túc, cẩn trọng về các nhân vật lịch sử. Những công trình biên soạn về Việt sử giai thoại của Đào Trinh Nhất và Nguyễn Khắc Thuần là minh chứng4. Vấn đề sẽ càng rõ hơn khi giai thoại được phân nhóm như truyền thuyết. Qua khảo sát kho tàng giai thoại Việt Nam, Vũ Ngọc Khánh đề nghị chia giai thoại làm ba nhóm: giai thoại văn học, giai thoại lịch sử, giai thoại Folklore. Xin ghi lại phần diễn giải của Vũ Ngọc Khánh về ba nhóm giai thoại này [97,tr.174]: - Giai thoại văn học: những câu chuyện hoàn toàn là chuyện sáng tạo và chuyện những người sáng tạo trong địa hạt văn chương học thuật. - Giai thoại lịch sử: những câu chuyện khác liên quan với những sự kiện, những nhân vật hoạt động trong các chính trường, có liên hệ chặt chẽ với tiến trình tồn vong của đất nước. - Giai thoại Folklore: các mẩu chuyện về những tài năng thợ thêu, thợ chạm, những nghệ nhân, nghệ sĩ tuồng chèo, hội họa, điêu khắc, diễn xướng… gây được những thú vị, bất ngờ; các mẩu chuyện làm nền cho những thành ngữ, phương ngôn, vẫn thường được nhân dân truyền tụng để biểu lộ niềm tin, tự hào về con người, quê hương, dòng họ… Theo đó, điểm chính tạo nên tình trạng nhập nhằng giữa truyền thuyết và giai thoại là do nhóm giai thoại lịch sử. 4 Việt Sử giai thoại của Đào Trịnh Nhất (Cộng Lực xuất bản, 1940). Sau này là bộ Việt Sử giai thoại của Nguyễn Khắc Thuần (NXB Giáo Dục, 2001). * Vậy có tiêu chí nào dùng phân biệt truyền thuyết lịch sử và giai thoại lịch sử không? Có thể rút ra dấu hiệu quan trọng nhất nhằm nhận dạng từng thể loại không?... Để tìm câu trả lời, chúng tôi tìm hiểu thêm về thi pháp thể loại và kiểm chứng trên văn bản tác phẩm. Tác phẩm dùng kiểm chứng, đối sánh là truyền thuyết dân gian về những cuộc khởi nghĩa buổi đầu chống Pháp ở Nam Bộ và những giai thoại lịch sử thế kỷ XIX [208]. Sở dĩ chúng tôi chỉ khảo sát trong vùng hẹp này là vì chúng tôi có thuận lợi về tư liệu. Mặt khác, ở thế kỷ này, trữ lượng truyền thuyết lịch sử và giai thoại lịch sử khá lớn, đồng thời có nhiều văn bản còn nhập nhằng giữa hai thể loại. Trong quá trình đối sánh, chúng tôi nhận ra truyền thuyết lịch sử và giai thoại lịch sử có không ít chỗ trùng hợp. Phải chăng, đây chính là nguyên nhân tạo ra tình trạng nhập nhằng, dẫn đến gây nhầm lẫn giữa hai thể loại này. Theo chúng tôi, điểm trùng hợp giữa truyền thuyết lịch sử và giai thoại lịch sử là cùng phương pháp phản ánh (nhân vật gần với đời thực, ít yếu tố siêu nhiên, thần kỳ; đôi khi còn ít nhiều yếu tố hư cấu, tưởng tượng) Ngoài sự trùng hợp trên, truyền thuyết lịch sử và giai thoại lịch sử có rất nhiều điểm khác nhau: - Về qui mô tác phẩm, giai thoại thường phải hết sức ngắn gọn. Một giai thoại hấp dẫn cần phải có lời kể, lời thoại thật ngắn gọn. Đây là yếu tố làm tăng kịch tính và độ căng cho câu chuyện. Tuy nhiên, truyền thuyết không có nhu cầu được kể ngắn gọn. Những truyền thuyết ngắn gọn dễ bị nhầm với giai thoại là vì vậy. - Về hình thức thể hiện, giai thoại bắt buộc phải có lời thoại, tức có đối đáp giữa các nhân vật. Không có lời thoại, câu chuyện dù thú vị đến đâu cũng không thể thành giai thoại. Trong khi đó, không ít truyền thuyết rất hấp dẫn mà chẳng cần có lời thoại nào. - Về sự kiện, tình tiết trong tác phẩm, giai thoại gắn với không gian, thời gian sinh hoạt đời thường, hàng ngày. Còn truyền thuyết luôn gắn với không gian thiêng, thời gian thiêng, liên quan đến vận mệnh nhân vật và dân tộc. Trong truyền thuyết, cho dù một vàm sông, con rạch bình thường cũng gắn liền với công đức, sự hy sinh dũng liệt của những người yêu nước (vàm Hổ Cứ, vàm Bà Bầy, rạch Nàng Hai, Vũng Linh…). Trong truyền thuyết, các tình tiết, sự kiện, cho dù gần với sinh hoạt đời thường cũng gắn liền với một thời khắc lịch sử nào đó, có ý nghĩa đặc biệt trong cuộc đời nhân vật lịch sử. - Về những sự kiện lịch sử, giai thoại sử dụng nó không nhằm mục đích phản ánh, đánh giá lịch sử. Nó không được kể như “cái đương là” mà phần lớn chỉ được nhắc nhở qua những lời đàm tiếu, sự luận bàn công - tội của vua chúa hay của giới quan lại, đại thần. Sự hiện diện của chúng chỉ nhằm phác họa rõ hơn bản chất và cách đối nhân xử thế của các nhân vật lịch sử (Vũ Ngọc Khánh xem giai thoại “là người bạn thường xuyên của con người và của các sự kiện lịch sử xã hội” phải chăng cũng vì lý do này?). Riêng với truyền thuyết, sự kiện lịch sử được xem là phần trung tâm, là cái lõi của tác phẩm. Như đã nêu ở mục 1, thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhận xét, truyền thuyết “thường có cái lõi là sự thật lịch sử”; Nguyễn Xuân Lạc nhấn mạnh “chính cái nội dung lịch sử lại là đặc điểm nổi bật của thể loại văn học dân gian này”; còn Hồ Quốc Hùng xem truyền thuyết là “ký ức cộng đồng về quá khứ” Chúng tôi nghĩ, những cách nói này đều nhằm khẳng định vị trí, vai trò của sự kiện lịch sử trong truyền thuyết. - Về nhân vật, giai thoại chỉ tập trung kể chuyện sinh hoạt đời thường, chuyện “thâm cung bí sử” của những nhân vật vốn nổi tiếng. Một giai thoại, dù đã có tình huống lý thú, lời thoại lý thú nhưng nếu được gán vào một nhân vật nổi tiếng thì tính lý thú của nó càng tăng thêm bội phần. Không ít giai thoại văn học đã được lịch sử hóa, có lẽ cũng từ quan niệm này. Còn đó, giai thoại về các hoàng tử con vua Gia Long: Nguyễn Phúc Phổ ngổ ngáo, Nguyễn Phúc Đài tham lam, Nguyễn Phúc Quân xấc xược… Rồi chuyện các đại thần: tướng Lê Văn Quân chết rồi vẫn bị đánh 100 gậy, Tả quân Lê Văn Duyệt bị san mộ, Tham tri Nguyễn Tri Phương bị vua nghiêm phê, Tiến sĩ Phan Thanh Giản bảy lần bị trách phạt… Riêng truyền thuyết, ngoài những anh hùng dân tộc như Trương Định, Thiên Hộ Dương, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân… tác phẩm có thể chỉ kể về những người xuất thân bình thường hoặc vô danh. Đơn cử, đó là chuyện mười tám nghĩa binh phò Trương Định, chuyện ông lực điền Phòng Biểu - tướng tài của Thiên Hộ Dương, chuyện Bà Điều, Bà Đỏ – nghĩa quân thân tín của Nguyễn Trung Trực, chuyện tướng cướp hoàn lương Sáu Hải - người đánh mõ trung thành của Thủ Khoa Huân… - Về cách miêu tả, giai thoại thường đưa cuộc đời nhân vật đi từ chỗ bí ẩn trở về gần gũi với mọi người. Nó có xu hướng kéo nhân vật xuống đời thường. Có thể kể, đó là chuyện hỉ nộ hàng ngày của vua Gia Long, chuyện ăn uống của bà Từ Dụ (đời sau quen gọi là Từ Dũ – thân mẫu vua Tự Đức)… Ngược lại, truyền thuyết đưa nhân vật đi từ chỗ bình thường hóa thành thiêng liêng, bất tử. Nó theo xu hướng nâng nhân vật lên ngưỡng đề cao, tôn thờ. Ví dụ, chuyện ông Dương Văn Hạnh, phó xã trưởng đất Lý Nhơn, vì giấu tung tích Trương Định mà bị chặt đầu nên nhân dân tôn thành Ông thần không đầu; chuyện Bà Bầy, vì ủng hộ nghĩa quân Thiên Hộ Dương mà bị giặc bắt tra tấn, hãm hiếp đến chết nên được nhân dân thương tiếc, lấy tên bà đặt cho một vàm sông - vàm Bà Bầy… - Về chức năng tác phẩm, giai thoại nhằm tạo cảm giác lý thú, từ đó có thể rút ra bài học triết lý nhân sinh. Còn truyền thuyết lại nhằm đánh giá lịch sử, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn, tôn thờ, ngưỡng mộ của nhân dân với người có công đức. Sự khác biệt này từng được GS. Lã Duy Lan lưu ý: “Giai thoại không thể hiện sự ngưỡng mộ như truyền thuyết mà chỉ thể hiện một vài khía cạnh riêng tư, đặc biệt của nhân vật đó mà thôi” [108,tr.7]. - Về thái độ tiếp nhận, khi nghe một giai thoại, mọi người có thể tin hoặc không tin. Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố từng chú giải: “giai thoại là chuyện vặt, chuyện dật sử, có cái không đáng tin” [156,tr.243]. Thế nhưng, khi nghe một truyền thuyết, ai nấy đều luôn có niềm tin. Nói theo Trần Thị An, “hạt nhân quan trọng nhất trong thể loại truyền thuyết đó là niềm tin vào sự hiện diện của cái kỳ ảo trong đời sống…” [3,tr.602]. Để củng cố niềm tin, mọi người có nhu cầu gắn truyền thuyết với một chứng tích văn hóa nào đó (lăng mộ, địa danh, lễ hội…). Ở sự tiếp nhận giai thoại, nhu cầu này không có. Từ quá trình miêu tả, đối sánh trên đây, chúng tôi rút ra vài nhận xét: - Những tiêu chí dùng đối sánh cũng là dấu hiệu cụ thể, giúp xác định bản chất từng thể loại. Hẳn nhiên, không phải bất kỳ giai thoại lịch sử, truyền thuyết lịch sử nào cũng phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này. - Những tiêu chí dùng đối sánh chính là những định hướng cụ thể, giúp nhận diện một tự sự dân gian là giai thoại lịch sử hay truyền thuyết lịch sử. Nó giúp người sưu tầm, biên soạn văn học dân gian có thể hạn chế tối đa sự nhầm lẫn khi phân loại, khảo sát tác phẩm. - Trong quá trình phân loại, có thể còn một vài văn bản khó xác định là giai thoại lịch sử hay truyền thuyết lịch sử. Nên chăng xem đó là trường hợp chuyển hóa thể loại – biểu hiện cho sự vận động và biến đổi của tác phẩm folklore. Nhưng đúng hơn, theo chúng tôi, nên xem đó là hiện tượng giai thoại điểm xuyết thêm cho truyền thuyết, làm cho truyền thuyết gần gũi với đời thường hơn. Và phải chăng, đây chính là đặc điểm chủ yếu, khiến truyền thuyết muộn ở Nam Bộ khác với truyền thuyết Đàng Ngoài? - Ở trường hợp văn bản khó xác định nêu trên, theo chúng tôi, hai tiêu chí phân biệt có tính quyết định chính là cách thức miêu tả nhân vật, sự kiện và thái độ tiếp nhận tác phẩm. Nếu giai thoại lịch sử tìm cách vén bức màn bí ẩn, kéo những nhân vật vốn nổi tiếng, quyền uy xuống gần với đời thường (sự giải thiêng) thì truyền thuyết lại tìm cách phủ thêm màn sương huyền ảo, nâng những con người bình thường lên ngưỡng thiêng liêng, bất tử (sự thiêng hóa). Mọi yếu tố trong truyền thuyết đều gắn liền hoặc hướng về cái thiêng, sự tôn thờ, ngưỡng mộ. Nếu giai thoại lịch sử chỉ được người nghe (đọc) đón nhận bằng cảm giác lý thú, có quyền tin hoặc không tin, thì trái lại, truyền thuyết luôn được đón nhận bằng một niềm tin. Trong văn học dân gian, sự vận động của tác phẩm được xem là không ngừng nghỉ. Do vậy, sự phân biệt này cũng chỉ là công việc bước đầu, tạm thời làm công cụ khảo sát trong luận án. 2. Hệ thống hóa truyền thuyết dân gian về những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ (1858 – 1918) 2.1. Quá trình sưu tầm, biên soạn 2.1.1. Định hướng tiêu chí sưu tầm, biên soạn Ở đây, bên cạnh công việc sưu tầm, chúng tôi có thêm nhiệm vụ biên soạn truyền thuyết. Nguyên nhân là không ít truyền thuyết còn nằm lẫn trong nhiều tư liệu biên khảo lịch sử, văn hóa dân gian...; một số mẩu truyền thuyết nằm rải rác trong cùng tư liệu cần được xâu chuỗi lại để thành một tự sự dân gian hoàn chỉnh. Việc sưu tầm vốn đã khó, việc biên soạn càng khó khăn hơn. Khó khăn là vì một khi đã cần đến thao tác biên soạn tức là phải xử lý những văn bản truyền thuyết chưa hoàn chỉnh. Muốn có được một tác phẩm truyền thuyết hoàn chỉnh, người biên soạn tuy có quyền can thiệp vào tư liệu bằng kiến thức folklore, bằng kỹ năng nghiên cứu văn học nhưng lại không được phép tùy tiện sửa đổi tư liệu theo cách hiểu, theo định kiến chủ quan của mình. Một vấn đề nữa, việc khảo sát văn học dân gian Nam Bộ sẽ thành ra phiến diện nếu chỉ thu hẹp trong phần văn học dân gian người Kinh. Bởi trên vùng đất mới phương Nam còn nhiều dân tộc anh em cùng chung sống: Hoa, Khơme, Chăm... Mỗi dân tộc đều có phần văn học dân gian đặc sắc của riêng mình. Trước thực tế này, chúng tôi xin không lấy tiêu chí dân tộc làm cơ sở phân loại tác phẩm và không xem xét những văn bản không được ghi bằng chữ quốc ngữ. Để việc sưu tầm, biên soạn nhất quán, chúng tôi đề ra những tiêu chí xét chọn văn bản truyền thuyết như sau: 2.1.1.1. Văn bản phải là những tự sự dân gian (tự sự + chất “dân gian”). * Văn bản được chọn trước hết phải theo phương thức phản ánh tự sự, cụ thể là phải có cốt truyện, có nhân vật, tình tiết, ngôn ngữ kể chuyện... Do vậy, những văn bản nào tuy đề cập đúng nhân vật và sự kiện lịch sử buổi đầu chống Pháp nhưng nếu chỉ dừng ở mức độ tư liệu ghi chép thì sẽ bị loại. * Văn bản được tuyển chọn đồng thời phải có “chất dân gian”. Chất dân gian không đơn giản đồng nghĩa với việc tác phẩm được truyền miệng và không có tên tác giả. Chất dân gian được nhìn nhận ở chỗ tác phẩm đã được quần chúng công nhận, đã trải qua đời sống trong dân gian, đã thể hiện được tâm tư, nguyện vọng và quan điểm đánh giá của nhân dân. Chất dân gian, còn được hiểu như Trần Thị An và một nhà nghiên cứu folklore người Pháp: “Là dân gian, tất cả những gì không chính thống”. “Chất dân gian” là tiêu chí để chúng tôi xem xét các trường hợp sau: - Chỉ có một nội dung câu chuyện nhưng được công bố ở nhiều tài liệu khác nhau, tại nhiều thời điểm khác nhau và mang dấu ấn nhiều phong cách kể khác nhau. - Câu chuyện có trong chính sử, các sách biên khảo về lịch sử, văn hóa nhưng được kể theo quan điểm nhận thức, đánh giá của nhân dân. - Các nhân vật và sự kiện lịch sử tuy không được đưa vào chính sử nhưng lại được ghi chép trong các tài liệu địa phương chí, trong gia phả của dòng tộc. Đây là những trang sử “không chính thống”. 2.1.1.2. Văn bản phải kể về những cuộc khởi nghĩa chống Pháp (nội dung), diễn ra ở Nam Bộ (không gian), giai đoạn từ 1858 đến 1918 (thời gian). Những văn bản nào không hội đủ yêu cầu này sẽ không được xem xét. 2.1.1.3. Văn bản phải đúng thể loại truyền thuyết. Những câu chuyện dân gian, sau khi đáp ứng các tiêu chí trên, sẽ được thẩm định lần cuối về mặt thể loại. Dựa trên kiến thức về thể loại, chúng tôi chỉ chọn văn bản tự sự dân gian nào hội đủ những đặc điểm thi pháp thể loại truyền thuyết. Những tự sự dân gian tuy đáp ứng đúng tiêu chuẩn 2.1.1.2 nhưng còn bị tồn nghi (đậm chất giai thoại hoặc chuyện kể lịch sử) cũng không được chọn. 2.1.2. Định hướng nguồn sưu tầm, biên soạn - Quá trình sưu tầm, biên soạn truyền thuyết dựa theo hai nguồn tư liệu: tư liệu điền dã và tư liệu ghi chép trong sách vở. - Để có tư liệu điền dã, chúng tôi tìm về những vùng đất từng xảy ra các cuộc khởi nghĩa, từng ghi dấu chiến công và nơi hy sinh của người anh hùng... Đến các địa phương này, chúng tôi tìm cơ hội gặp gỡ, hỏi chuyện và ghi chép từ những người am hiểu đề tài (các vị cao tuổi ở địa phương; các vị trông coi lăng mộ, miếu thờ; các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian; các nhà văn, nhà báo địa phương...). - Để có tư liệu sách vở, chúng tôi tìm đọc từ nhiều nguồn: tư liệu sưu tầm văn học dân gian địa phương, tư liệu địa phương chí, nhân vật chí; tư liệu biên khảo về lịch sử, văn hóa - xã hội... 2.1.3. Kết quả sưu tầm, biên soạn Từ những định._.ân gian, luận án đặt các truyền thuyết dân gian về những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ trong mối quan hệ với các chứng tích văn hóa tại địa phương. Chứng tích văn hóa (chứng tích địa danh, chứng tích lăng mộ, miếu, đình, đền thờ, lễ hội) là một thành tố gắn liền với nội dung, sự vận động và tồn tại của truyền thuyết. Ở đó, truyền thuyết là động lực hình thành, là cơ sở lý giải chứng tích văn hóa; ngược lại chứng tích văn hóa là sự minh chứng, là không gian nuôi giữ sức sống, cái thiêng cho truyền thuyết. Các chứng tích văn hóa này cũng góp phần tô đậm tính thống nhất dân tộc và tính địa phương của hệ thống truyền thuyết được nghiên cứu. 8. Từ kết quả của đề tài, chúng tôi xác định một số công việc cần tiếp tục thực hiện như sau: 8.1. Sớm công bố Hệ thống truyền thuyết dân gian về những cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nam Bộ giai đoạn 1858-1918 vừa được sưu tầm, biên soạn . 8.2. Tiếp tục sưu tầm, biên soạn để bổ sung tác phẩm cho từng nhóm truyện trong hệ thống. Tiếp tục khám phá chiều sâu nội dung của các nhóm truyện, tăng cường đối sánh với sử liệu để hiểu sâu hơn thái độ và cách đánh giá của nhân dân đối với các sự kiện và nhân vật lịch sử . 8.3. Tiếp tục khảo sát thêm vẻ đẹp đặc sắc của từng nhóm, mảng truyện dưới góc độ thi pháp học: thời gian, không gian nghệ thuật, kiểu kết cấu, hình tượng nhân vật… 8.4. Tiếp tục bổ sung những chứng tích văn hóa có liên hệ với truyền thuyết dân gian trong hệ thống; đồng thời đi sâu mô tả, tái hiện quá trình hình thành các chứng tích văn hóa tìm được; xem xét mức độ ảnh hưởng của chúng đối với đời sống tinh thần người dân Nam Bộ. 8.5. Mở rộng phạm vi đề tài nghiên cứu những truyền thuyết dân gian về các cuộc khởi nghĩa chống Pháp theo các hướng: thời gian (từ 1858 đến 1945), không gian (cả Bắc – Trung – Nam). * * * CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc DANH MỤC CÔNG TRÌNH CỦA NGHIÊN CỨU SINH Ngành VĂN HỌC VIỆT NAM Mã số: 62 22 34 01 *** A. BÀI BÁO KHOA HỌC 1. Truyền thuyết dân gian về cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ (1858 – 1918), Bình luận Văn học - Niên giám 2004, NXB ĐHQG TP.HCM, 2004, tr.254. (Bài viết này có chỉnh sửa, bổ sung và được đăng lại trong Tạp chí Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐHSP TP.HCM, 2004, tr.94) 2. Bước đầu phân biệt truyền thuyết và giai thoại, Bình luận Văn học – Niên giám 2005, NXB Văn Hóa Sài Gòn & Hội nghiên cứu – Giảng dạy Văn học TP.HCM, 2005, tr.95. (Bài viết này có chỉnh sửa, bổ sung và được đăng lại trong Kỷ yếu Hội thảo Nghiên cứu sinh trường ĐHSP TP.HCM, NXB Đại học Quốc gia TP.HCM, 2008) 3. Thử phân biệt truyền thuyết và lịch sử, Bình luận Văn học – Niên giám 2006, NXB Văn Hóa Sài Gòn & Hội nghiên cứu – Giảng dạy Văn học TP.HCM, 2006. 4. Tìm hiểu thêm về mối quan hệ giữa truyền thuyết và cổ tích, Tạp chí Khoa học – Công nghệ - trường Đại học Tiền Giang, NXB Đại học Quốc gia TP.HCM, số tháng 4/2009. B. BÀI VIẾT LIÊN QUAN 1. Tư liệu mới về Thủ Khoa Huân, Tạp chí Văn Nghệ Tiền Giang, số 7, tr.73. 2. Xin tiếp tục bảo tồn di tích lịch sử – văn hóa, Báo Ấp Bắc, số 1508 (ra ngày 10/10/2003), tr.5. 3. Truyền thuyết dân gian về cuộc khởi nghĩa của Thủ Khoa Huân, Tạp chí Văn Nghệ Tiền Giang, số 15/2005, tr.61. 4. Truyền thuyết dân gian về “Tứ Kiệt”, Tạp chí Văn Nghệ Tiền Giang - Xuân Bính Tuất, số 17/2006, tr.62. 5. Một ngày với thị xã Cao Lãnh, Báo Văn Nghệ Đồng Tháp, số 6 (322)/2006, tr.1. 6. “Nghĩ mà buồn cho người xưa”, Báo Văn Nghệ Đồng Tháp, số 7 (323)/2006, tr.1. 7. Đường về Gò Tháp, Báo Văn Nghệ Đồng Tháp, số 9&10(326)/2006, tr.15. 8. Tưởng nhớ người xưa, Báo Văn Nghệ Đồng Tháp, số 13/2006, tr.3. 9. Truyền thuyết dân gian về cuộc khởi nghĩa của Thiên Hộ Dương, Báo Văn Nghệ Đồng Tháp, số 18 (358)/2007, tr.3. 10. Truyền thuyết dân gian về cuộc khởi nghĩa của Trương Định, Tạp chí Văn Nghệ Tiền Giang, số 29/2008, tr.42.  TÀI LIỆU THAM KHẢO *** 1. Trần Thị An (1994), “Nghiên cứu truyền thuyết, những vấn đề đặt ra”, Văn Học, số 7, tr.34. 2. Trần Thị An (1999), “Truyện kể địa danh, từ góc nhìn thể loại”, Văn Học, số 3, tr.50. 3. Trần Thị An (2002), “Suy nghĩ mới về bản chất thể loại truyền thuyết”, Thông báo Văn hóa dân gian, NXB ĐHQG, Hà Nội, tr.597. 4. Chiêng Xom An (1992), “Bàn thêm về thể loại truyền thuyết”, Văn hóa dân gian, số 2. 5. Vũ Thị Tú Anh (2002), “Bám sát đặc trưng thể loại để dạy – học sử thi Việt Nam ở trường THPT”, Thông báo Văn hóa dân gian, NXB ĐHQG, Hà Nội, tr.491. 6. Nguyễn Vũ Tuấn Anh (2004), Thời Hùng Vương qua truyền thuyết và huyền thoại, NXB Văn hoá thông tin, Hà Nội. 7. Toan Ánh (1998), Con người Việt Nam, NXB TP.HCM. 8. Toan Ánh (1998), Hội hè đình đám Việt Nam, NXB TP.HCM. 9. Toan Ánh (1999), Hương nước hồn quê, NXB Thanh Niên, Hà Nội. 10. G.A. Avanesova (Từ Thị Loan dịch) (2006), “Các phương pháp nghiên cứu của văn hóa học”, Văn hoá Nghệ thuật, số 8(266), dẫn theo www.vae.org.vn. 11. Lại Nguyên Ân (2003), 150 thuật ngữ văn học, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội. 12. Ban Tuyên giáo Tỉnh Ủy Kiên Giang (2002), “Thân thế và sự nghiệp anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực”, Thông tin Tư tưởng, số 154 (10/2002), tr.6. 13. Bảo tàng Kiên Giang (1989), Nguyễn Trung Trực – thân thế và sự nghiệp, Kiên Giang. 14. Nguyễn Trần Bạt (2005), “Truyền thống”, Hoạt động Khoa Học, dẫn theo www.chungta.com. 15. Nguyễn Chí Bền (2000), Văn hóa dân gian Việt Nam– những suy nghĩ, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội. 16. Nguyễn Chí Bền (2005), “Những hằng số của văn hóa dân gian người Việt Nam Bộ”, Tìm hiểu đặc trưng di sản văn hóa văn nghệ dân gian Nam Bộ, NXB KHXH, Hà Nội, tr.46. 17. Lê Đình Bích (2005), “Đi tìm bản sắc văn hóa Nam Bộ”, Tìm hiểu đặc trưng di sản văn hóa văn nghệ dân gian Nam Bộ, NXB KHXH, Hà Nội, tr.60. 18. Trần Đức Các (1978), “Về việc điều tra văn học dân gian từ một điểm đến việc nghiên cứu một thể loại”, Văn Học, số 3, tr.89. 19. Hà Châu (1967), “Văn học dân gian sau lũy tre xanh”, Văn Học, số 8, tr.66. 20. Phong Châu (1972), “Bàn về vấn đề văn bản truyện cổ dân gian Việt Nam”, Văn Học, số 6, tr.24. 21. Nguyễn Đổng Chi (1967), “Văn học dân gian là một kho tàng quý báu cho sử học”, Văn Học, số 1, tr. 94. 22. Trần Tùng Chinh (2000), Bước đầu tìm hiểu truyện kể dân gian về các địa danh ở Nam Bộ, Luận văn Thạc sĩ, Trường ĐHSP TP.HCM. 23. Tô Duy Chiêm (2002), “Lễ hội anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực – Một Festival văn hóa – du lịch khu vực ĐBSCL ?”, Báo Kiên Giang, số 1482 (ra ngày 26/9/2002), tr.4. 24. Nguyễn Đình Chú (1980), “Để tiến tới xác định rõ ràng hơn nữa vai trò làm nền của văn học dân gian trong lịch sử văn học dân tộc”, Văn Học, số 5, tr.86. 25. Việt Cúc – Sơn Nam (1999), Gò Công cảnh cũ người xưa, NXB Trẻ, TP.HCM. 26. Chu Xuân Diên (1969), “Vấn đề nghiên cứu văn học dân gian hiện đại”, Văn Học, số 4, tr.34. 27. Chu Xuân Diên (1981), “Về việc nghiên cứu thi pháp văn học dân gian”, Văn Học, số 5, tr.19. 28. Chu Xuân Diên (1997), “Về phương pháp so sánh trong nghiên cứu văn học dân gian”, Văn Học, số 9, tr.92. 29. Chu Xuân Diên (2001), Văn hóa dân gian – mấy vấn đề phương pháp luận và nghiên cứu thể loại, NXB Giáo Dục, Hà Nội. 30. Chu Xuân Diên (chủ biên) (2002), Văn học dân gian Sóc Trăng, NXB TP.HCM. 31. Chu Xuân Diên (2004), Mấy vấn đề văn hóa và văn học dân gian Việt Nam, NXB Văn Nghệ, TP.HCM. 32. Chu Xuân Diên (chủ biên) (2005), Văn học dân gian Bạc Liêu, NXB Văn Nghệ, TP.HCM. 33. Nguyễn Đăng Duy (1997), Văn hóa tâm linh Nam Bộ, NXB Hà Nội. 34. Phạm Đức Dương (2005), “Từ phương pháp luận đến phương pháp liên ngành - xuyên ngành (dưới góc độ văn hoá học)”, Di Sản, Số 3(12) 35. Nguyễn Tấn Đắc (2001), Truyện kể dân gian, đọc bằng Type và Motif, NXB KHXH, Hà Nội. 36. Trần Bạch Đằng (chủ biên) (1996), Địa chí Đồng Tháp Mười, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. 37. Cao Huy Đỉnh (1972), “Phương thức sáng tác dân gian và văn học dân gian”, Văn Học, số 6, tr. 41. 38. Nguyễn Định (2006), “Sự khác nhau giữa hai khái niệm Truyện cổ dân gian và Truyện cổ tích”, Văn hoá Dân gian, Số 4 (106), dẫn theo www.vae.org.vn. 39. Trịnh Hoài Đức (1998), Gia Định thành thông chí, Hà Nội: Giáo Dục. 40. Hà Minh Đức (2005), “Một vài suy nghĩ về văn hóa Việt Nam”, Hoạt động Khoa Học, dẫn theo www.chungta.com. 41. Nguyễn Xuân Đức (2002), “Vấn đề phân loại truyện dân gian”, Thông báo Văn hóa dân gian, NXB ĐHQG, Hà Nội, tr.356. 42. Nguyễn Xuân Đức (2003), “Truyện “Bánh chưng bánh giầy” là truyền thuyết hay cổ tích”, Thông báo Văn hóa dân gian, NXB ĐHQG, Hà Nội, tr.565. 43. Mạc Đường (chủ biên) (1991), Vấn đề dân tộc ở Đồng bằng sông Cửu Long, NXB ĐHQG, Hà Nội. 44. N.A. Êrôphêep (1981), Lịch sử là gì?, NXB Giáo Dục, Hà Nội. 45. Bảo Định Giang – Huỳnh Lứa – Nguyễn Quảng Tuân (1990), Gương sáng ngàn đời, NXB Tổng hợp Tiền Giang. 46. Trần Văn Giàu (1987), Địa chí văn hóa TP.HCM (tập 1-2), NXB TP.HCM. 47. Trần Văn Giàu (2001), Chống xâm lăng, NXB TP.HCM. 48. P.X.Gurevits (Hoàng Vinh dịch) (2006), “Các lý thuyết về nguồn gốc của văn hóa”, Văn hoá Nghệ thuật, Số 3(261), dẫn theo www.vae.org.vn. 49. V. Guxep (1999), Mỹ học Folklore, NXB Đà Nẵng. 50. Nguyễn Bích Hà (1986), “Bước đầu tìm hiểu nguồn truyện kể địa danh Việt Nam”, Văn Học, số 2, tr. 59. 51. Nguyễn Thị Bích Hà (2005), “Mã và mã văn hoá”, Văn hoá Nghệ thuật, số 6 (102), dẫn theo www.vae.org.vn. 52. Lê Thị Diệu Hà (2005), “Những “huyền thoại” về mở đất trong dân gian Nam Bộ”, Tìm hiểu đặc trưng di sản văn hóa văn nghệ dân gian Nam Bộ, NXB KHXH, Hà Nội, tr.211. 53. Vũ Hạnh (1999), Người Việt cao quý, NXB Mũi Cà Mau. 54. Vũ Tố Hảo (2002), “Tìm hiểu quan điểm lịch sử nhân dân qua văn học dân gian”, Thông báo Văn hóa dân gian, NXB ĐHQG, Hà Nội, tr.366. 55. Đinh Thị Minh Hằng (2004), “Văn học truyền thống và văn hoá dân tộc”, Văn hóa dân gian, số 6(96). 56. Nguyễn Văn Hầu (2001), Thất Sơn mầu nhiệm (bản photo), Thiền Lâm, P.O BOX 690241 HOUSTON TX.77269. 57. Nguyễn Văn Hầu (2004), Diện mạo văn học dân gian Nam Bộ (tập 2), NXB Trẻ, TP.HCM. 58. Phùng Hiển (2006), “Nhận diện những hiện tượng phản văn hóa”, Triết học, dẫn theo www.chungta.com. 59. Nguyễn Ngọc Hiệp (2002), “Phương pháp sưu tầm và sắp xếp các tư liệu Folklore của Arnold van Gennep”, Thông báo Văn hóa dân gian, NXB ĐHQG, Hà Nội, tr.584. 60. Nguyễn Ngọc Hiệp (2005), “Đời sống của nhân vật truyền kỳ ngoài tác phẩm và trong lòng tín ngưỡng dân gian Việt Nam”, Văn hoá dân gian, số 5(101), dẫn theo www.vae.org.vn. 61. Hồ Sĩ Hiệp (1978), “Thiên Hộ Dương – người anh hùng Đồng Tháp”, Văn Nghệ TP.HCM, số 42 (10/11/1978). 62. Hồ Sĩ Hiệp (1999), “Sử xưa với đất và người Nam Bộ”, Văn Nghệ TP.HCM, số 93 (2/11/1999). 63. Hồ Sĩ Hiệp – Hoài Anh (1990), Những danh sĩ miền Nam, NXB Tổng hợp Tiền Giang. 64. Đỗ Đức Hiểu (chủ biên) (2004), Từ điển Văn Học (bộ mới), NXB Thế giới, Hà Nội. 65. Nguyễn Hữu Hiếu (1988), Giai thoại dân gian Đồng Tháp Mười, NXB Đồng Tháp. 66. Nguyễn Hữu Hiếu (1993), Truyền thuyết Thiên Hộ Dương – Đốc Binh Kiều, NXB Tổng hợp Đồng Tháp. 67. Nguyễn Hữu Hiếu (1997), Nam kỳ cố sự, NXB Đồng Tháp. 68. Nguyễn Hữu Hiếu (chủ biên) (2005), Võ Duy Dương với Đồng Tháp Mười, NXB Trẻ & Tạp chí Xưa và Nay, TP. HCM. 69. Hồ Hoàng Hoa (1994), “Về một nền lễ hội văn hóa truyền thống”, Văn Học, số 9, tr.41. 70. Lê Trung Hoa (2003), Nguyên tắc và phương pháp nghiên cứu địa danh, NXB KHXH, Hà Nội. 71. Kiều Thu Hoạch (1988), “Vai trò của truyện kể dân gian đối với sự hình thành các thể loại tự sự trong văn học Việt Nam”, Văn Học, số 1, 2. 72. Kiều Thu Hoạch (2000), “Thể loại truyền thuyết dưới mắt các nhà nghiên cứu Folklore Nhật Bản và Trung Quốc”, Văn Học, số 2. 73. Kiều Thu Hoạch (2002), “Xác định thể loại giai thoại”, Thông báo Văn hóa dân gian, NXB ĐHQG, Hà Nội, tr.644. 74. Kiều Thu Hoạch (2006), Văn học dân gian người Việt – góc nhìn thể loại, NXB KHXH, Hà Nội. 75. Thái Hoàng (1999), “Truyền thuyết dân gian và địa danh”, Văn Học, số 9. 76. Đoàn Công Hoạt (2005), “Truyền thuyết Sơn Tinh ở vùng núi Tản”, Văn hoá dân gian, số 4 (13), dẫn theo www.vae.org.vn. 77. Thượng Hồng (chủ biên) (2005), Anh hùng Võ Duy Dương chống Pháp ở Đồng Tháp Mười, NXB Thanh Niên, Hà Nội. 78. Nguyễn Thị Huế (1994), “Bước tiến của lý luận nghiên cứu văn hóa dân gian trong những năm qua”, Văn Học, số 2, tr.38. 79. Nguyễn Thị Huế (2002), “Giới thiệu bộ sưu tập “Truyền thuyết và cổ tích An Nam” của Alandes”, Thông báo Văn hóa dân gian, NXB ĐHQG, Hà Nội, tr.604. 80. Châu Minh Hùng (2006), “Quan điểm quần chúng trong truyền thuyết dân gian Việt Nam”, dẫn theo 81. Hồ Quốc Hùng (1998), “Về nhóm truyền thuyết khẩn hoang ở một vùng đất mới”, Văn Học, số 4, tr.71. 82. Hồ Quốc Hùng (1999), Những đặc trưng cơ bản của truyện dân gian vùng Thuận Hóa, Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học KHXH&NV, TP.HCM 83. Hồ Quốc Hùng (2000), “Về sự tái sinh của nhóm truyền thuyết anh hùng bộ lạc ở một vùng đất mới”, Văn Học, số 10. 84. Hồ Quốc Hùng (2003), Truyền thuyết Việt Nam & vấn đề thể loại, NXB Trẻ – Hội Nghiên cứu & Giảng dạy Văn học TP.HCM. 85. Trương Thanh Hùng (2005), “Tính cách con người Tây Nam Bộ”, Tìm hiểu đặc trưng di sản văn hóa văn nghệ dân gian Nam Bộ, NXB KHXH, Hà Nội, tr.70. 86. Nguyễn Việt Hùng (2005), “Những hiện tượng văn hoá dân gian chung quanh nhân vật Trạng Gầu - Tống Trân”, Văn hoá dân gian, số 3(99), dẫn theo www.vae.org.vn. 87. Nguyễn Việt Hùng (2006), “Tính hai mặt của không gian nghệ thuật truyện cổ tích”, Văn hoá dân gian, số 1 (103), dẫn theo www.vae.org.vn. 88. Lê Hương (2002), Truyện tích Việt Nam, NXB Trẻ, TP.HCM. 89. Phạm Văn Khanh – Nguyễn Phúc Nghiệp (2005), Tiền Giang – con người & sự kiện, NXB Trẻ, TP.HCM. 90. Đinh Gia Khánh (1967), “Văn học dân gian các địa phương và vai trò của nghệ nhân dân gian”, Văn Học, số 1, tr.76. 91. Đinh Gia Khánh (1977), “Để có thể nắm bắt thực chất của văn học dân gian”, Văn Học, số 6, tr.77. 92. Đinh Gia Khánh (1983), “Văn hóa dân gian hay Folklore là gì?”, Văn Học, số 1. 93. Đinh Gia Khánh (chủ biên) (2003), Văn học dân gian Việt Nam, NXB Giáo Dục, Hà Nội. 94. Vũ Ngọc Khánh (1995), Kho tàng truyện truyền kỳ Việt Nam, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội. 95. Vũ Ngọc Khánh (1995), Từ vựng thuật ngữ Folklore Việt Nam, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội. 96. Vũ Ngọc Khánh (1998), Truyền thuyết Việt Nam, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội. 97. Vũ Ngọc Khánh (1999), Tiếp cận kho tàng Folklore Việt Nam, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội. 98. Vũ Ngọc Khánh (2000), Chuyện kể địa danh Việt Nam, NXB Thanh niên, Hà Nội. 99. Vũ Ngọc Khánh (2005), Hành trình vào thế giới Folklore Việt Nam, NXB Thanh niên, Hà Nội. 100. Nguyễn Văn Khoa (2001), Anh hùng kháng Pháp Nguyễn Trung Trực, NXB Trẻ, TP.HCM. 101. Khoa Ngữ Văn Trường ĐHCT (2002), Văn học dân gian đồng bằng sông Cửu Long, NXB Giáo Dục, Hà Nội. 102. Phan Khoang (1960), Việt Nam Pháp thuộc sử (1884 – 1945), Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn. 103. Lê Kinh Khiên, (1980), “Một số vấn đề lý thuyết chung về mối quan hệ văn học dân gian – văn học viết”, Văn Học, số 1, tr.69. 104. Nguyễn Văn Kiềm – Huỳnh Minh (2003), Tân Châu xưa, NXB Thanh Niên, Hà Nội. 105. Nguyễn Xuân Kính (1982), “Thi pháp học và việc nghiên cứu thi pháp văn học nghệ thuật dân gian”, Văn hóa dân gian, số 3. 106. Lê Văn Kỳ (1996), Mối quan hệ giữa truyền thuyết người Việt và hội lễ về các anh hùng, NXB KHXH, Hà Nội. 107. Nguyễn Xuân Lạc (1998), Văn học dân gian Việt Nam trong nhà trường, NXB Giáo Dục, Hà Nội. 108. Lã Duy Lan (1997), Truyền thuyết Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội. 109. Phương Lâm (1979), Hào khí Đồng Nai – những danh nhân chống Pháp, NXB Thanh Niên, Hà Nội. 110. Hồ Liên (2006), “Nhận diện một khuynh hướng nghiên cứu văn hoá Việt Nam”, Văn hoá Nghệ thuật, số 1(103), dẫn theo www.vae.org.vn. 111. Đỗ Nam Liên (2002), “Văn hóa dân gian – bảo tồn hay phát triển?”, Văn hóa xã hội, số 4 (56), tr.66. 112. Phan Ngọc Liên (chủ biên) (2003), Phương pháp luận sử học, NXB. ÐHSP Hà Nội 113. Trần Gia Linh (1980), “Vai trò của người phụ nữ khai sáng đất nước và dân tộc trong truyền thuyết dân gian”, Văn Học, số 2, tr.34. 114. Trần Gia Linh, (1991), “Văn học dân gian hôm nay”, Văn Học, số 2, tr.44. 115. Trần Gia Linh (2002), “Nghiên cứu và giảng dạy truyện cổ dân gian trong nhà trường”, Văn hóa dân gian, số 2 (80), tr.514. 116. Nguyễn Thụy Loan (2002), “Mấy điều quanh khái niệm Dân gian”, Thông báo Văn hóa dân gian, NXB ĐHQG, Hà Nội, tr.16. 117. Võ Văn Lộc – Nguyễn Phúc Nghiệp (2005), Nhân vật tỉnh Tiền Giang, NXB Trẻ, TP.HCM. 118. Đặng Văn Lung (1969), “Điểm qua ý kiến của một số tác giả xung quanh vấn đề văn học dân gian hiện đại”, Văn Học, số 6, tr.57. 119. Đặng Văn Lung (1979), “Văn nghệ dân gian và đề tài chống xâm lược”, Văn Học, số 2, tr.19. 120. Đặng Văn Lung (1983), “Trao đổi ý kiến về vấn đề định tính văn học dân gian”, Văn Học, số 6, tr.58. 121. Đặng Văn Lung (1988), “Vấn đề logic mờ trong truyện kể dân gian”, Văn Học, số 2, tr.42. 122. Đặng Văn Lung (1989), “Vai trò của văn học dân gian trong sự phát triển văn học dân tộc”, Văn Học, số 2, tr.92. 123. Đặng Văn Lung (1991), “Tư duy mới về văn học dân gian”, Văn Học, số 4, tr.40. 124. Đặng Văn Lung (2003), Lịch sử và Văn học dân gian, NXB Văn Học, Hà Nội. 125. Phan Thanh Lương (chủ biên) (1986), Tài liệu hướng dẫn giảng dạy thơ văn Đồng Tháp trong nhà trường, Sở Giáo dục Đồng Tháp. 126. Lê Hồng Lý (2005), “Thử nhìn nhận Những hoạt động lễ hội trong thời gian qua”, Văn hoá Dân gian, số 6 (102), dẫn theo www.vae.org.vn. 127. Lê Hồng Lý (2006), “Khai thác các giá trị văn hoá và lễ hội truyền thống ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phục vụ phát triển du lịch”, Văn hoá Dân gian, số 2 (104), dẫn theo www.vae.org.vn. 128. Nguyễn Văn Mạnh (2002), “Giá trị của lễ hội truyền thống trong xã hội hiện đại”, Văn hóa dân gian, số 2 (80), tr.3. 129. Đoàn Ngọc Minh (2002), Hỏi đáp nghi lễ phong tục dân gian, NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội. 130. Huỳnh Minh (2001), Bạc Liêu xưa, NXB Thanh Niên, Hà Nội. 131. Huỳnh Minh (2001), Cần Thơ xưa, NXB Thanh Niên, Hà Nội. 132. Huỳnh Minh (2001), Định Tường (Mỹ Tho) xưa, NXB Thanh Niên, Hà Nội. 133. Huỳnh Minh (2001), Gia Định xưa, NXB Thanh Niên, Hà Nội. 134. Huỳnh Minh (2001), Gò Công xưa, NXB Thanh Niên, Hà Nội. 135. Huỳnh Minh (2001), Kiến Hòa (Bến Tre) xưa, NXB Thanh Niên, Hà Nội. 136. Huỳnh Minh (2001), Sa Đéc xưa, NXB Thanh Niên, Hà Nội. 137. Huỳnh Minh (2001), Tây Ninh xưa, NXB Thanh Niên, Hà Nội. 138. Huỳnh Minh (2001), Vĩnh Long xưa, NXB Thanh Niên, Hà Nội. 139. Huỳnh Minh (2001), Vũng Tàu xưa, NXB Thanh Niên, Hà Nội. 140. Nguyễn An Mỹ (2006), “Giá trị tư tưởng và nghệ thuật của kho tàng văn học dân gian Liễu Đôi”, Văn hoá Nghệ thuật, số 6 (264), dẫn theo www.vae.org.vn. 141. Sơn Nam (1969), Người Việt có dân tộc tính không, NXB An Tiêm, Sài Gòn. 142. Sơn Nam (1992), Đình miễu và lễ hội dân gian, NXB TP.HCM. 143. Sơn Nam (1997), Bến Nghé xưa, NXB Trẻ, TP.HCM. 144. Sơn Nam (1997), Cá tính miền Nam, NXB Trẻ, TP.HCM. 145. Sơn Nam, (1997), Đất Gia Định xưa, NXB Trẻ, TP.HCM. 146. Sơn Nam (1997), Lịch sử khẩn hoang miền Nam, NXB Trẻ, TP.HCM. 147. Sơn Nam (1997), Nghi thức và Lễ bái của người Việt Nam, NXB Trẻ, TP.HCM. 148. Sơn Nam – Lê Đình Kỵ (1987), Nguyễn Trung Trực, NXB Tổng hợp Kiên Giang. 149. Sơn Nam – Tô Nguyệt Đình (1993), Chuyện xưa tích cũ - 3 tập, NXB Trẻ, TP.HCM. 150. Nguyễn Phúc Nghiệp (1998), Những trang ghi chép về lịch sử – văn hóa Tiền Giang, NXB Trẻ, TP.HCM. 151. Phan Ngọc (2005), “Gia tài văn hóa của Việt Nam”, Hoạt động Khoa Học, dẫn theo www.chungta.com. 152. Nguyễn Tri Nguyên (2005), “Lễ hội cổ truyền Việt Nam - trong bối cảnh văn hoá tộc người và văn hoá vùng”, Di sản, số 4 (13), dẫn theo www.vae.org.vn. 153. Bùi Văn Nguyên (1993), Việt Nam thần thoại và truyền thuyết, NXB KHXH & NXB Mũi Cà Mau. 154. Phạm Nguyễn (2005), “Cuộc khởi nghĩa của Phan Liêm – Phan Tôn”, Đồng Tháp Xưa & Nay, số 14, tr.46. 155. Hữu Nhân (2005), “Đình Mỹ Long – dấu ấn của thời gian”, Đồng Tháp Xưa & Nay, số 14, tr.40. 156. Đào Trinh Nhất (2000), Phan Đình Phùng – Việt sử giai thoại, NXB Văn Hóa, Hà Nội. 157. Phan Đăng Nhật (1980), “Nghiên cứu văn học dân gian theo tinh thần của nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 4”, Văn Học, số 3, tr.42. 158. Phan Đăng Nhật (1981), “Phương pháp nghiên cứu văn học dân gian trong hệ thống của các tác phẩm”, Văn Học, số 5, tr.27. 159. Phan Đăng Nhật (2004), “Một phương pháp tiếp cận văn hoá dân tộc”, Văn hoá Nghệ thuật, số 10, dẫn theo www.vae.org.vn. 160. Nguyễn Tá Nhí (2002), “Đi tìm một thời điểm xuất hiện cho một giai thoại”, Thông báo Văn hóa dân gian, NXB ĐHQG, Hà Nội, tr.680. 161. Bùi Mạnh Nhị (1985), “Tiếp cận văn học dân gian địa phương từ đặc trưng của văn học dân gian”, Văn Học, số 3. 162. Bùi Mạnh Nhị (chủ biên) (2000), Văn học dân gian – những công trình nghiên cứu, NXB Giáo Dục, Hà Nội. 163. Bùi Mạnh Nhị (chủ biên) (2000), Văn học dân gian – những tác phẩm chọn lọc, NXB Giáo Dục, Hà Nội. 164. Bùi Mạnh Nhị ( ), Thi pháp văn học dân gian, Chuyên đề giảng dạy Sau Đại học. 165. Nguyễn Thị Oanh (2002), “Văn bản xưa nhất về truyền thuyết trong có bài thơ Nam quốc sơn hà”, Thông báo Văn hóa dân gian, NXB ĐHQG, Hà Nội, tr.613. 166. Vũ Ngọc Phan (1960), “Sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian là một vấn đề cấp thiết”, Văn Học, số 2, tr.33. 167. Vũ Ngọc Phan (1962), “Cần tìm hiểu những đặc tính của văn học dân gian Việt Nam để nhận định được rõ giá trị của văn học dân gian Việt Nam”, Văn Học, số 12, tr.56. 168. Vũ Ngọc Phan (1964), “Tìm hiểu quá trình hoàn chỉnh của một số truyện cổ dân gian Việt Nam”, Văn Học, số 5, tr.56. 169. Vũ Ngọc Phan (1975), “Vấn đề viết hay kể truyện cổ dân gian”, Văn Học, số 2, tr.64. 170. Vũ Ngọc Phan (1976), “Việt Nam, Tổ quốc ta, Đất nước ta và con người”, Văn Học, số 1, tr.1. 171. Vũ Ngọc Phan (1977), “Những bước tìm hiểu văn học dân gian Việt Nam”, Văn Học, số 6, tr.63. 172. Lê Trường Phát (1987), “Về hiện tượng xen kẽ giữa văn vần và văn xuôi trong truyện kể dân gian”, Văn Học, số 4, tr.22. 173. Hoàng Phê (chủ biên) (1994), Từ điển Tiếng Việt, NXB KHXH & Trung tâm Từ điển học. 174. Tôn Quang Phiệt (1997), Tìm hiểu Hoàng Hoa Thám qua một số tài liệu và truyền thuyết, NXB Đà Nẵng. 175. Đông Phong (1998), Về nguồn văn hóa cổ truyền Việt Nam, NXB Mũi Cà Mau. 176. Đỗ Lan Phương (2004), “Sự vận động của hiện tượng thờ Chử Đồng Tử qua phân tích hệ thống truyền thuyết”, Văn hoá dân gian, số 1(91), dẫn theo www.vae.org.vn. 177. V. IA. Propp (1976), Phônclo và thực tại, NXB Khoa Học, Moskva (Bản dịch tiếng Việt của Chu Xuân Diên – tài liệu đánh máy). 178. Lương Hồng Quang (2002), “Môi trường văn hóa và việc sưu tầm nghiên cứu các di sản văn hóa phi vật thể vùng Nam Bộ”, Thông báo Văn hóa dân gian, NXB ĐHQG, Hà Nội, tr.84. 179. Phan Quang (1985), Đồng bằng sông Cửu Long, NXB Cửu Long & NXB Mũi Cà Mau. 180. Nguyễn Phan Quang (2001), Khởi nghĩa Trương Định, NXB Trẻ, TP.HCM. 181. Nguyễn Phan Quang (2002), Việt Nam thế kỷ XIX (1802 – 1884), NXB TP.HCM. 182. Lê Chí Quế (chủ biên) (1999), Văn học dân gian Việt Nam, NXB ĐHQG, Hà Nội. 183. Quốc sử quán triều Nguyễn (1997), Đại Nam liệt truyện – 4 tập, NXB Thuận Hóa, Huế. 184. Quốc sử quán triều Nguyễn (1997), Đại Nam nhất thống chí - 3 tập, NXB Thuận Hóa, Huế. 185. Hoàng Quốc(2006), “Tín ngưỡng, kiêng kỵ và hèm”, Văn hoá Nghệ thuật, số 4 (262), dẫn theo www.vae.org.vn. 186. Dương Kinh Quốc (2001), Việt Nam – những sự kiện lịch sử (1858 – 1918), NXB NXB Giáo Dục, Hà Nội. 187. Dương Trung Quốc (2001), Việt Nam – những sự kiện lịch sử (1919 – 1945), Hà Nội: Giáo Dục. 188. Nguyễn Hữu Kỳ Quyền (2007), “Dạy “An Dương Vương và Mỵ Châu - Trọng Thủy” từ góc nhìn truyền thuyết”, Giáo dục và Thời đại, số 53, ra ngày 3/5/2007. 189. Sở VHTT Tiền Giang (1995), 130 năm nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp Trương Định, Tiền Giang. 190. Bùi Hoài Sơn (2006), “Tổ chức và quản lý lễ hội truyền thống hiện nay”, Văn hoá Nghệ thuật, số 6(264), dẫn theo www.vae.org.vn. 191. N.V. Sisova (Hoàng Vinh dịch) (2005), “Văn hóa và văn minh”, Văn hoá Nghệ thuật, số 12 (258), dẫn theo www.vae.org.vn 192. Bùi Quang Thanh (1979), “Về một thể loại văn học dân gian”, Văn Học, số 4, tr.125. 193. Bùi Quang Thanh (1981), “Tìm hiểu kết cấu của dạng truyền thuyết anh hùng”, Văn Học, số 3, tr.58. 194. Bùi Quang Thanh (1982), “Truyền thuyết dân gian với tâm lý cộng đồng người Việt”, Văn Học, số 2, tr.68. 195. Huỳnh Quốc Thắng (2003), Lễ hội dân gian ở Nam Bộ, Viện Văn hóa & NXB Văn hóa - thông tin, Hà Nội. 196. Nguyễn Phương Thảo (1993), Huyền thoại miệt vườn, NXB Văn hóa - thông tin, Hà Nội. 197. Nguyễn Phương Thảo (1994), Văn hóa dân gian Nam Bộ – những phác thảo, Giáo Dục. 198. Lã Nhâm Thìn (1991), “Tính lặp lại trong văn học dân gian và vấn đề tập cổ trong văn học viết”, Văn Học, số 6, tr.38. 199. Ngô Đức Thịnh (2001), “Văn hóa dân gian và bản sắc văn hóa dân tộc”, Văn hóa Việt Nam – đặc trưng và cách tiếp nhận, NXB Giáo Dục, tr.167. 200. Ngô Đức Thịnh (2004), Văn hóa vùng & phân vùng văn hóa ở Việt Nam, NXB Trẻ, TP.HCM. 201. GS.TS. Ngô Đức Thịnh – TS. Frank Proschan (đồng chủ biên), (2005), Folklore thế giới - một số công trình nghiên cứu cơ bản, NXB KHXH, Hà Nội. 202. GS.TS. Ngô Đức Thịnh – TS. Frank Proschan (đồng chủ biên), (2005), Folklore - một số thuật ngữ đương đại, NXB KHXH, Hà Nội. 203. Ngô Đức Thịnh (2005), “Văn hoá dân gian trong di sản văn hoá dân tộc”, Di Sản, số 4 (13). 204. Ngô Đức Thịnh (2006), “Bản sắc dân tộc: Từ thần thoại - truyền thuyết đến truyện tranh và phim hoạt hình của dân tộc Việt”, Văn hoá dân gian, số 2 (104), dẫn theo www.vae.org.vn. 205. Ngô Đức Thịnh (?), “Văn hóa dân gian với đời sống xã hội”, dẫn theo www.suutap.com/dangian 206. Phạm Hùng Thoan (2004), “Vai trò của văn hoá phi vật thể trong di tích lịch sử, văn hoá”, Văn hoá Nghệ thuật, số 6, dẫn theo www.vae.org.vn. 207. Thích Huệ Thông (2002), “Hòa thượng Minh Mai tự Phượng Danh”, Phật giáo Tiền Giang – lược sử và những ngôi chùa, NXB TP.HCM, tr.385. 208. Nguyễn Khắc Thuần (2001), Việt Sử giai thoại, Hà Nội: Giáo Dục. 209. Nguyễn Ngọc Thường (1987), “Về mối quan hệ giữa môtip và các cốt truyện”, Văn Học, số 2, tr.57. 210. Nguyễn Ngọc Thường (1988), “Motip người khổng lồ và người anh hùng văn hóa”, Văn Học, số 2, tr.50. 211. Bùi Đức Tịnh (1999), Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam Bộ, TP.HCM: Văn Nghệ. 212. Nguyễn Khánh Toàn (1967), “Phải triệt để khai thác vốn văn nghệ dân gian giàu có của dân tộc”, Văn Học, số 1, tr.30. 213. Nguyễn Khánh Toàn (1973), “Tìm hiểu quan hệ giữa thần thoại, truyền thuyết và diễn xướng tín ngưỡng phong tục”, Văn Học, số 6, tr.98. 214. Nguyễn Khánh Toàn (1974), “Văn học dân gian Việt Nam, một biểu hiện độc đáo và xuất sắc sức sống mãnh liệt của dân tộc”, Văn Học, số 1, tr.2. 215. Huỳnh Ngọc Trảng (1992), Nghìn năm bia miệng - 2 tập, NXB TP. Hồ Chí Minh. 216. Huỳnh Ngọc Trảng (1998), Vè Nam Bộ, NXB Đồng Nai. 217. Huỳnh Ngọc Trảng (1999), Đình Nam bộ xưa và nay, NXB Đồng Nai. 218. Huỳnh Ngọc Trảng (2002), Sổ tay hành hương đất phương Nam, NXB TP.HCM. 219. Lâm Trần - Bùi Tiến (2004), “Đình làng Việt - Một di sản văn hoá kiến trúc - Vài suy nghĩ lại”, Di sản, số 8, dẫn theo www.vae.org.vn. 220. Phan Trần (1967) “Tinh thần dân tộc qua các truyền thuyết lịch sử”, Văn Học, số 3, tr.50. 221. Đỗ Bình Trị ( ), Những đặc điểm thi pháp của truyền thuyết lịch sử, Giáo trình giảng dạy Đại học (tài liệu photocopy). 222. Đỗ Bình Trị (đồng tác giả) (1996), Môn Văn và Tiếng Việt tập III (tài liệu Bồi dưỡng thường xuyên), NXB Giáo Dục, Hà Nội. 223. Trình Minh Trị (2005), “Ngôi mộ cổ và lai lịch Búng Bình Thiêng”, Đồng Tháp Xưa & Nay, số 14, tr.33. 224. Bùi Thanh Truyền (2002), “Dấu ấn thần thoại, truyền thuyết và cổ tích trong không gian nghệ thuật của văn xuôi đương đại”, Thông báo Văn hóa dân gian, Hà Nội: ĐHQG, tr.629. 225. Đặng Nghiêm Vạn (1983), “Một vài ý kiến cần thảo luận xung quanh vấn đề văn nghệ dân gian”, Văn Học, số 4, tr.7. 226. Văn hóa Nghệ thuật (2000), Hỏi và đáp về văn hóa Việt Nam, NXB Văn Hóa Dân tộc & Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật. 227. Nguyễn Thị Thu Vân (1995), Bước đầu khảo sát truyện cổ Chăm, Luận văn Thạc sĩ, Trường ĐHSP TP.HCM. 228. Trần Ngọc Vương (1999), Văn học Việt Nam, dòng riêng giữa nguồn chung, NXB ĐHQG, Hà Nội. 229. Trần Quốc Vượng (1996), Theo dòng lịch sử – những vùng đất, thần và tâm thức người Việt, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội. 230. Trần Quốc Vượng (2003), Nghìn xưa văn hiến tập I, NXB Hà Nội. 231. Trần Quốc Vượng (2004), “Nam Bộ - các tiểu vùng sinh thái khảo cổ nhân văn và huyền tích khởi nguyên luận”, Tìm hiểu đặc trưng di sản văn hóa văn nghệ dân gian Nam Bộ, NXB KHXH, Hà Nội, tr.7. 232. Trần Quốc Vượng (2004), Những mẩu chuyện lịch sử, NXB QĐND, Hà Nội. 233. Trần Quốc Vượng (?), “Bàn thêm về truyền thuyết Mỵ Châu - Trọng Thuỷ”, Văn hoá nghệ thuật, dẫn theo 234. Trần Quốc Vượng (?), “Căn bản triết lý người anh hùng Phù Đổng và Hội Gióng”, Văn hoá nghệ thuật, dẫn theo 235. Lê Trí Viễn (chủ biên) (1986), Thơ văn Đồng Tháp tập I, NXB Tổng hợp Đồng Tháp. 236. Lê Trí Viễn (chủ biên) (1990), Tài liệu hướng dẫn học tập thơ văn Kiên Giang trong nhà trường, Sở Giáo dục Kiên Giang. 237. Lê Trí Viễn (chủ biên) (1996), Thơ văn Đồng Tháp trong nhà trường, Sở GD – ĐT Đồng Tháp. 238. Viện Khoa học xã hội (1998), Góp phần tìm hiểu lịch sử – văn hóa 300 năm Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh, NXB Trẻ, TP.HCM. 239. Viện ngôn ngữ học (1994), Từ điển TiếngViệt, NXB KHXH & Trung tâm Từ điển học, Hà Nội 240. Vĩnh Xuyên (1994), Nguyễn Trung Trực (diễn ca), NXB Mũi Cà Mau. 241. Xưa và Nay (1998), Nam bộ xưa và nay, NXB TP.HCM & Tạp chí Xưa và Nay.  ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLA5419.pdf
Tài liệu liên quan