BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
VÕ HOÀNG ANH THƯ
TRÍ TUỆ CẢM XÚC CỦA HỌC SINH
TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
THÀNH PHỐ BẢO LỘC – LÂM ĐỒNG
Chuyên ngành: Tâm lý học
Mã số: 603180
LUẬN VĂN THẠC SĨ TÂM LÝ HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
TS. TRẦN THỊ THU MAI
Thành phố Hồ Chí Minh - 2010
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình của bản thân. Các nội dung nghiên cứu và kết
quả trong đề tài này là trung thực, chưa được ai công bố trong bất cứ công
122 trang |
Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 3029 | Lượt tải: 1
Tóm tắt tài liệu Trí tuệ cảm xúc của học sinh Trung học phổ thông Thành phố Bảo Lộc - Lâm Đồng, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
trình nào.
Nếu có bất kỳ sự gian lận nào, tôi xin chịu trách nghiệm trước Hội đồng cũng như kết
quả luận văn của mình.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày tháng năm
Tác giả
Võ Hoàng Anh Thư
LỜI CẢM ƠN
Lời đầu tiên tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến TS. Trần Thị Thu Mai, người thầy
đã tận tình hướng dẫn và giúp đỡ tôi hoàn thành luận văn này.
Tôi xin chân thành cảm ơn sự chỉ dẫn tận tâm của tất cả các giảng viên đã giảng
dạy chúng tôi trong suốt thời gian học tập vừa qua, đặc biệt là sự quan tâm, tận tình giúp
đỡ của quý thầy cô đang công tác tại phòng Khoa học Công nghệ - Sau đại học và khoa
Tâm lý Giáo dục trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.
Tôi cũng xin trân trọng cảm ơn Ban Giám Hiệu và các em học sinh của trường
trung học phổ thông Bảo Lộc và trường trung học phổ thông Nguyễn Du đã tạo mọi điều
kiện thuận lợi và nhiệt tình giúp đỡ tôi trong quá trình thưc hiện đề tài này.
Cuối cùng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến những người thân trong gia đình
đặc biệt là ba mẹ và ông xã về sự động viên, giúp đỡ to lớn nhất dành cho tôi trong suốt
quá trình học tập và nghiên cứu luận văn này. Đây cũng là món quà tôi dành tặng cho
con gái bé nhỏ vì đã luôn mang lại cho tôi những niềm vui và hạnh phúc lớn lao.
BẢNG DANH SÁCH CÁC CHỮ VIẾT TẮT
RC Rất cao
C Cao
TB Trung bình
T Thấp
RT Rất thấp
ĐLC Độ lệch tiêu chuẩn
ĐTB Điểm trung bình
N Tần số
TSCN Trị số cao nhất
TSTN Trị số thấp nhất
P Mức ý nghĩa
ĐC Nhóm đối chứng
TN Nhóm thực nghiệm
RN Rất nhiều
KAH Không ảnh hưởng
NXB Nhà xuất bản
EQ Chỉ số trí tuệ cảm xúc
IQ Chỉ số trí thông minh
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Xã hội hiện đại, khoa học kỹ thuật phát triển, cá nhân dễ dàng đạt được thành
công trong nhiều lĩnh vực. Đây cũng là lúc con người có sự quan tâm đến những nhu cầu
của đời sống tinh thần đặc biệt là trong các mối quan hệ người - người. Mặc dù mục tiêu
giáo dục của nước ta là phát triển toàn diện nhân cách học sinh nhưng chương trình giáo
dục hầu như chỉ tập trung phát triển các năng lực học tập, cung cấp kiến thức mà ít chú
trọng đến vấn đề giáo dục trí tuệ cảm xúc cho học sinh. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu của
xã hội, giáo dục cần phải có những thay đổi để có thể đào tạo ra những công dân không
những vừa có đức vừa có tài mà còn có khả năng giải quyết hiệu quả các mối quan hệ xã
hội. Trong đó, giáo dục phát triển trí tuệ cảm xúc cho trẻ là một trong những yếu tố quan
trọng góp phần tạo nên sự thành đạt của những công dân tương lai.
1.2. Trí tuệ cảm xúc, một dạng trí thông minh mà các cuộc nghiên cứu gần đây
khẳng định rằng chúng quan trọng hơn cả trí thông minh truyền thống trong việc dự
đoán sự thành công và hạnh phúc của con người. Giáo sư Daniel Goleman cho rằng:
“Nếu bạn không có những khả năng về cảm xúc thì bạn không thể nào tiến xa được”. Và
từ thời cổ đại, Aristotle cũng cho rằng: “Bất cứ ai cũng có thể trở nên giận dữ - điều này
thật dễ dàng. Tuy nhiên, để giận đúng người, đúng mức, đúng lúc, đúng mục đích, và
đúng cách - điều này là không dễ”. Trong một nghiên cứu năm 2005, Gary R. Low và
Darwin B. Nelson (trường Cao đẳng Giáo dục Texas Hoa Kỳ) đã kết luận “Trí tuệ cảm
xúc là chìa khóa quan trọng của cá nhân trong việc giành được thành tích xuất sắc trong
học thuật và sự nghiệp” [29]. Như vậy, có thể nói việc nhận thức đúng về tình cảm và
khả năng xử lý cảm xúc sẽ quyết định sự thành công và hạnh phúc của mọi người thuộc
mọi tầng lớp và trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
1.3. Phát triển trí tuệ cảm xúc có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển của
học sinh. Ví dụ, trí tuệ cảm xúc giúp trẻ quản lý các tình huống căng thẳng và giải quyết
các vấn đề hàng ngày một cách hiệu quả. Điều này tạo cho trẻ một nền tảng tốt về nhân
cách cũng như những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống để trẻ có thể thành công vững
chắc trong tương lai. Trí tuệ cảm xúc chịu ảnh hưởng bởi kinh nghiệm mà cá nhân gặp
phải, nó không cố định và có thể thay đổi. Do vậy, việc giáo dục trí tuệ ở học sinh là một
điều cần thiết và rất đáng được quan tâm.
1.4. Trí tuệ cảm xúc được hình thành trong những năm đầu của cuộc đời và tiếp
tục phát triển cho đến khi trưởng thành. Đặc biệt, những năm học ở nhà trường phổ
thông là những năm thú vị và có ý nghĩa sâu sắc trong cuộc đời, là thời gian các em phát
triển về mặt xã hội, tình cảm, nhận thức và thể chất một cách mạnh mẽ. Đây chính là
giai đoạn học sinh trải nghiệm sự phát triển to lớn về mặt tình cảm. Đối với học sinh
trung học phổ thông, việc học hỏi để hiểu biết và phát triển những khả năng về cảm xúc
là vô cùng quan trọng. Điều này giúp cho các em nâng cao năng lực cảm xúc của bản
thân và tạo dựng nền tảng cho sự phát triển của trí tuệ cảm xúc. Sự chuẩn bị tốt về mặt
cảm xúc ở giai đoạn tuổi học sinh trung học phổ thông là tiền đề để trẻ tự tin, vững bước
tiến vào ngưỡng cửa cuộc đời. Như vậy, giai đoạn học sinh trung học phổ thông là giai
đoạn cần thiết và quan trọng để giáo dục trí tuệ cảm xúc.
1.5. Tuy vậy, trí tuệ cảm xúc vẫn là một vấn đề mới mẻ, phức tạp nên chưa được
nghiên cứu nhiều. Đặc biệt vấn đề trí tuệ cảm xúc của học sinh trung học phổ thông
thành phố Bảo Lộc – Lâm Đồng chưa được ai nghiên cứu.
Từ những lý do nêu trên, chúng tôi thực hiện nghiên cứu đề tài: “TRÍ TUỆ CẢM
XÚC CỦA HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG THÀNH PHỐ BẢO LỘC –
LÂM ĐỒNG”
2. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu thực trạng mức độ và biểu hiện trí tuệ cảm xúc của học sinh trung học
phổ thông thành phố Bảo Lộc – Lâm Đồng. Trên cơ sở đó đề xuất một số biện pháp
nhằm nâng cao mức độ trí tuệ cảm xúc của học sinh trung học phổ thông.
3. Khách thể, đối tượng nghiên cứu
3.1 Khách thể nghiên cứu
Học sinh trung học phổ thông Thành phố Bảo Lộc – Lâm Đồng.
3.2. Đối tượng nghiên cứu
Trí tuệ cảm xúc của học sinh trung học phổ thông.
4. Giả thuyết khoa học
Đa số học sinh trung học phổ thông thành phố Bảo Lộc – Lâm Đồng có mức độ trí
tuệ cảm xúc ở mức trung bình.
Các mặt biểu hiện trí tuệ cảm xúc của học sinh trung học phổ thông thành phố
Bảo Lộc – Lâm Đồng chưa đồng đều.
Mức độ trí tuệ cảm xúc của học sinh trung học phổ thông thành phố Bảo Lộc –
Lâm Đồng sẽ được nâng cao nếu học sinh được hướng dẫn và tích cực rèn luyện.
5. Nhiệm vụ nghiên cứu
Nghiên cứu lý thuyết để làm cơ sở lý luận cho đề tài.
Khảo sát thực trạng mức độ và các mặt biểu hiện trí tuệ cảm xúc của học sinh
trung học phổ thông thành phố Bảo Lộc – Lâm Đồng.
Thực nghiệm tác động sư phạm nâng cao mức độ trí tuệ cảm xúc của học sinh
trung học phổ thông thành phố Bảo Lộc – Lâm Đồng.
Đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao trí tuệ cảm xúc cho học sinh trung học
phổ thông thành phố Bảo Lộc – Lâm Đồng.
6. Giới hạn phạm vi nghiên cứu
6.1. Giới hạn đối tượng nghiên cứu
Nghiên cứu thực trạng mức độ và các mặt biểu hiện trí tuệ cảm xúc của học sinh
trung học phổ thông thành phố Bảo Lộc – Lâm Đồng.
Thực nghiệm tác động một số biện pháp sư phạm nhằm nâng cao mức độ một số
mặt biểu hiện trí tuệ cảm xúc của học sinh trung học phổ thông thành phố Bảo Lộc –
Lâm Đồng.
6.2. Giới hạn khách thể nghiên cứu
Đề tài nghiên cứu trên phạm vi 230 học sinh lớp 10, 11, 12 thuộc hai trường trung
học phổ thông Bảo Lộc và trường trung học phổ thông Nguyễn Du thành phố Bảo Lộc –
Lâm Đồng.
7. Phương pháp nghiên cứu
Nhóm phương pháp nghiên cứu lý luận
a. Mục đích
Phân tích, tổng hợp, hệ thống hóa các tri thức lý luận và thực tiễn có liên quan đến
trí tuệ cảm xúc nhằm viết cơ sở lý luận của vấn đề nghiên cứu và định hướng cho việc
nghiên cứu thực tiễn và thực nghiệm.
b. Cách thực hiện
Đọc, phân tích, tổng hợp kết quả các công trình nghiên cứu, tài liệu, các bài
viết…có liên quan đến trí tuệ cảm xúc. Trên cơ sở đó hệ thống hóa những vấn đề lý luận
tâm lý học về trí tuệ cảm xúc để xây dựng đề cương nghiên cứu, xác định khái niệm
công cụ, xây dựng cơ sở lý luận của vấn đề nghiên cứu.
Nhóm phương pháp nghiên cứu thực tiễn
- Phương pháp trắc nghiệm
- Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi
- Phương pháp quan sát
- Phương pháp phỏng vấn
- Phương pháp thực nghiệm
- Phương pháp thống kê toán học
8. Đóng góp mới của đề tài
- Xác định mức độ và biểu hiện trí tuệ cảm xúc của học sinh trung học phổ
thông thành phố Bảo Lộc – Lâm Đồng.
- Đưa ra một số biện pháp tác động sư phạm nhằm nâng cao mức độ trí tuệ cảm
xúc của học sinh trung học phổ thông.
- Đề xuất một số hướng nhằm nâng cao trí tuệ cảm xúc cho học sinh trung học
phổ thông.
9. Cấu trúc luận văn
Luận văn gồm có các phần như sau:
Mở đầu
Nội dung nghiên cứu
Chương 1: Cơ sở lý luận về trí tuệ cảm xúc của học sinh trung học phổ thông
Chương 2: Thực trạng mức độ và biểu hiện trí tuệ cảm xúc của học sinh trung học
phổ thông thành phố Bảo Lộc – Lâm Đồng
Chương 3: Biện pháp tác động sư phạm nhằm nâng cao mức độ trí tuệ cảm xúc
của học sinh trung học phổ thông thành phố Bảo Lộc – Lâm Đồng
Kết luận và kiến nghị
Tài liệu tham khảo
Phụ lục
Chương 1:
CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ TRÍ TUỆ CẢM XÚC
1.1. Lịch sử nghiên cứu vấn đề trí tuệ cảm xúc
1.1.1. Những nghiên cứu trên thế giới
Phong trào nghiên cứu trí tuệ cảm xúc bắt nguồn và phát triển mạnh mẽ nhất ở
Mỹ với các nhà tâm lý học kiệt xuất.
E.L. Thorndike là người đầu tiên tìm cách nhận dạng trí tuệ cảm xúc mà lúc đó
ông gọi là trí tuệ xã hội vào cuối những năm 1930. Theo ông, trí tuệ xã hội là “năng lực
hiểu và điều khiển mà những người đàn ông, đàn bà, con trai và con gái sử dụng để hành
động một cách khôn ngoan, sáng suốt trong các mối quan hệ của con người”.
David Weschler (1940) cho rằng yếu tố phi trí tuệ là yếu tố quan trọng cho con
người trong việc thích nghi và đạt được những thành tích trong cuộc sống. Theo ông,
yếu tố phi trí tuệ được xem là cần thiết để dự đoán khả năng thành công của một người.
Howard Gardner (1983) cho ra đời tác phẩm “Frames of mind” như là một
tuyên ngôn chống lại độc quyền của trí thông minh, chứng minh rằng không có hình
thức duy nhất, toàn khối của trí tuệ quyết định thành công trong cuộc đời, đúng hơn có
một thang trí tuệ rộng lớn. Theo lập luận đó, ông đưa ra mô hình đa trí tuệ và cho rằng
trí tuệ cá nhân gồm hai loại: trí tuệ liên nhân cách (interpersonal intelligence) và trí tuệ
về bản thân (intrapersonal intelligence). Ông cho rằng hai loại trí tuệ này cũng quan
trọng như trí thông minh được biểu thị bởi chỉ số IQ (Intelligence quotient) và đo bằng
trắc nghiệm IQ.
Reuven Bar-On (1985) là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ trí tuệ cảm xúc trong
luận án tiến sĩ của mình. Bar-On đặt trí tuệ cảm xúc trong phạm vi lý thuyết nhân cách,
đưa ra mô hình Well-being (1997) với ý định trả lời câu hỏi: “Tại sao một người nào đó
lại có khả năng thành công hơn những người khác?”. Bar-On đã xem xét lại những
nghiên cứu tâm lý về các đặc tính của nhân cách có liên quan đáng kể đến sự thành công
trong cuộc sống và đã nhận diện được 5 khu vực (nhân tố) bao quát về mặt chức năng
phù hợp với sự thành công trong cuộc sống. Từ đó ông đưa ra mô hình trí tuệ cảm xúc
kiểu hỗn hợp.
Vào năm 2000, Bar-On định nghĩa: “Trí tuệ cảm xúc như là một dãy các phi năng
lực và những kỹ năng ảnh hưởng đến năng lực một người thành công trong công việc
đương đầu với những đòi hỏi và sức ép từ môi trường”.
Peter Salovey và John Mayer là hai nhà tâm lý học Mỹ đã công bố định nghĩa
chính thức đầu tiên về trí tuệ cảm xúc vào năm 1990: “Trí tuệ cảm xúc là khả năng hiểu
rõ cảm xúc của bản thân, thấu hiểu cảm xúc của người khác, phân biệt được chúng và sử
dụng những thông tin ấy để hướng dẫn suy nghĩ và hành động của mình” [24]. Định
nghĩa này đã có ảnh hưởng quan trọng đến lý thuyết trí tuệ cảm xúc tại thời điểm đó.
Cũng trong năm 1990, Mayer, Salovey cùng với M.T. Đipaolo đã công bố bộ trắc
nghiệm đo trí tuệ cảm xúc và từ đây hai ông đã dẫn đầu sự phát triển khoa học về lý
thuyết và phương pháp xác định chỉ số trí tuệ cảm xúc (EQ – Emotional Quotient).
Sau bảy năm, Mayer và Salovey (1997) đã chỉnh sửa đôi chút định nghĩa trí tuệ
cảm xúc được nêu vào năm 1990 như sau: “Trí tuệ cảm xúc như là năng lực nhận biết,
bày tỏ cảm xúc; cảm xúc hóa tư duy; hiểu, suy luận với cảm xúc; điều khiển, kiểm soát
cảm xúc của mình và của người khác” [9, tr.98]. Dựa trên định nghĩa này mô hình trí tuệ
cảm xúc thuần năng lực được xây dựng.
Daniel Goleman – tiến sĩ tâm lý học của đại học Harvard – đã tập hợp các kết
quả nghiên cứu về trí tuệ cảm xúc và cho ra đời cuốn sách đầu tiên “Trí tuệ cảm xúc”
vào năm 1995 thì thuật ngữ “trí tuệ cảm xúc” đã trở thành mối quan tâm hàng đầu trong
xã hội Mỹ. Daniel Goleman nghiên cứu trí tuệ cảm xúc theo lý thuyết hiệu quả thực hiện
công việc, ông xác định: mô hình trí tuệ cảm xúc dựa trên lý thuyết này có thể ứng dụng
trực tiếp vào khu vực hiệu quả quản lý và hoàn thành công việc từ người bán hàng đến
công việc của nhà quản lý. Mô hình trí tuệ cảm xúc mà D. Goleman đề xuất là một mô
hình kiểu hỗn hợp.
Theo D. Goleman, trí tuệ cảm xúc bao gồm các năng lực: sự tự chủ, lòng nhiệt
thành và kiên nhẫn cũng như khả năng và sự kích thích hành động.
Từ năm 1995, Daniel Goleman – người được xem là nhà nghiên cứu hàng đầu về
trí tuệ cảm xúc hiện nay, đề xuất chúng ta phải có những năng lực cảm xúc cá nhân
gồm:
- Năng lực tự nhận biết bản thân;
- Năng lực tạo động lực;
- Những năng lực thông minh cảm xúc xã hội gồm: năng lực thấu cảm với người
khác và năng lực giao tiếp xã hội.
Tuy nhiên vào năm 2001, D. Goleman đưa ra bốn biểu hiện của trí tuệ cảm xúc
nói lên năng lực của cá nhân trong mối quan hệ với mình và năng lực xã hội của con
người trong mối quan hệ với người khác:
- Tự biết mình;
- Tự kiểm soát, tự quản;
- Nhận biết các quan hệ xã hội;
- Kiểm soát, điều khiển các mối quan hệ xã hội.
Những nghiên cứu của Goleman không chỉ dừng lại ở việc xác định bản chất của
trí tuệ cảm xúc mà ông còn đưa ra những biện pháp để giáo dục trí tuệ cảm xúc.
Như vậy, nhìn một cách tổng thể có thể nói có ba đại diện tiêu biểu đã đi sâu
nghiên cứu trí tuệ cảm xúc dưới những cách tiếp cận khác nhau, trong đó R. Bar-On tiếp
cận trí tuệ cảm xúc dưới góc độ nhân cách, P. Salovey và J. Mayer nghiên cứu dưới góc
độ nhận thức và D. Goleman tiếp cận dưới góc độ hiệu quả công việc.
1.1.2. Những nghiên cứu ở Việt Nam
Ở Việt Nam, vấn đề trí tuệ, đặc biệt là trí thông minh, trí sáng tạo đã được các nhà
tâm lý học nghiên cứu từ lâu. Thế nhưng, những công trình nghiên cứu về trí tuệ cảm
xúc chỉ mới ở những bước đi đầu tiên.
Vào năm 2000, tạp chí Tâm lý học lần đầu tiên đăng các bài viết của PGS.TS
Nguyễn Huy Tú về trí tuệ cảm xúc.
Đề tài cấp nhà nước KX-05-06 giai đoạn 2001 – 2005 do PGS.TS Trần Kiều cùng
với các nhà tâm lý và giáo dục thuộc Viện chiến lược và chương trình giáo dục nghiên
cứu trí tuệ cảm xúc đã xác định trí tuệ cảm xúc là một trong ba thành tố của trí tuệ (trí
thông minh, trí sáng tạo và trí tuệ cảm xúc) trên sinh viên, học sinh và lao động trẻ. Đề
tài này mở đầu cho các công trình nghiên cứu trí tuệ cảm xúc sau này.
Các tác giả trong các công trình nghiên cứu luận văn, luận án tâm lý học cũng đã
chọn trí tuệ cảm xúc làm vấn đề nghiên cứu, chẳng hạn như: luận văn thạc sĩ của Dương
Thị Hoàng Yến (2004), luận án tiến sĩ của Nguyễn Thị Dung (2007),…Các đề tài này
phần lớn tập trung nghiên cứu trí tuệ cảm xúc của giáo viên trong hoạt động chủ nhiệm
lớp. Luận văn thạc sĩ của tác giả Phan Trọng Nam (2004) và Nguyễn Thị Tuấn Anh
(năm 2008) tập trung nghiên cứu trí tuệ cảm xúc của đối tượng là sinh viên sư phạm.
Ngoài ra còn một số sông trình nghiên cứu khác về trí tuệ cảm xúc tập trung chủ yếu
trên đối tượng là sinh viên.
Hiện nay, các tác giả Nguyễn Huy Tú, Nguyễn Công Khanh, Nguyễn Quang Uẩn,
Trần Trọng Thủy, Phan Trọng Ngọ, …và nhiều tác giả khác vẫn đang tiếp tục đi sâu
nghiên cứu trí tuệ cảm xúc.
Như vậy, có thể nói rằng những công trình nghiên cứu trong và ngoài nước về trí
tuệ cảm xúc tuy chưa nhiều nhưng đã đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, các
đề tài về trí tuệ cảm xúc chưa quan tâm nhiều đến đối tượng học sinh trung học phổ
thông. Vì vậy, nghiên cứu trí tuệ cảm xúc của học sinh trung học phổ thông là việc làm
cần thiết.
1.2. Trí tuệ cảm xúc
1.2.1. Khái niệm trí tuệ
Trong tiếng La tinh: Trí tuệ (Intellectus) có nghĩa là trí năng sắc sảo, sự hiểu biết
chu đáo [9, tr.7].
Trong từ điển Tiếng Việt: Trí tuệ là khả năng nhận thức lý tính đạt đến một trình
độ nhất định [14, tr.1245].
Trong từ điển tâm lý: Trí tuệ là khả năng hành động thích nghi với biến động của
hoàn cảnh thiên về tư duy trừu tượng (Nguyễn Khắc Viện, 2001).
Cho đến nay, trong Tâm lý học có rất nhiều định nghĩa về trí tuệ tùy theo cách
tiếp cận. Nhìn chung trí tuệ được hiểu theo hai quan niệm: quan niệm truyền thống và
quan niệm hiện đại.
Trí tuệ theo quan niệm truyền thống
Điểm chung của quan niệm truyền thống là đồng nhất trí tuệ với trí thông minh
(intelligence). Theo F.S. Freeman (1963), trong vô số các định nghĩa về trí tuệ, có thể
thấy rõ có 3 loại: thứ nhất, xem trí tuệ là năng lực học tập; thứ hai, xem trí tuệ là năng
lực tư duy trừu tượng; thứ ba, xem trí tuệ là năng lực thích ứng cá nhân.
Nhóm quan điểm xem trí tuệ là năng lực học tập
Đây là quan niệm đã có từ lâu và khá phổ biến.
Nhà tâm lý học người Nga B.G.Ananhev xem trí tuệ là đặc điểm tâm lý phức tạp
của con người mà kết quả của công việc học tập và lao động phụ thuộc vào nó [11,
tr.41].
V.V.Bogoxlovki và những người khác (1973) xem hệ thống những thuộc tính trí
tuệ của nhân cách đảm bảo cho sự tương đối dễ dàng trong việc nắm các tri thức, được
hiểu là các năng lực chung [15, tr.71].
Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy giữa học tập (đặc biệt là kết quả học tập)
với khả năng trí tuệ của cá nhân có mối quan hệ nhân quả và chúng không đồng nhất.
Trên thực tế, phần lớn học sinh có chỉ số IQ cao thì kết quả học tập cũng cao, song cũng
có những học sinh có chỉ số IQ cao nhưng kết quả học tập lại không cao. Điều này có
thể giải thích bằng nhiều lý do như động cơ học tập, ý chí, hứng thú, cách học…Chính
A.Binet đã nghiên cứu và chứng minh được những học sinh học kém là do khả năng trí
tuệ và những em do lười hoặc những nguyên nhân khác [11, tr.42].
Nhóm quan điểm xem trí tuệ là năng lực tư duy trừu tượng
L.Terman (1937) cho rằng trí tuệ là năng lực phát triển tư duy trừu tượng. Theo
cách hiểu như vậy thì chức năng của trí thông minh là sử dụng có hiệu quả các khái
niệm và tượng trưng [15, tr.72].
N.A.Menchinskaia xem đặc trưng của trí tuệ là sự tích lũy vốn tri thức và các thao
tác trí tuệ để con người tiếp thu được tri thức [13, tr.15].
X.L.Rubinstein cho rằng đặc trưng cơ bản hàng đầu của trí tuệ là năng lực tâm
thần ở mức cao chẳng hạn như suy luận trừu tượng [1, tr.10].
Theo cách hiểu này, trí tuệ tức là khả năng sử dụng có hiệu quả các thao tác tư
duy để giải quyết các vấn đề đặt ra. Trong khi đó, tư duy chỉ là một thành phần, một bộ
phận của trí tuệ. Quan niệm như vậy đã thu hẹp nội hàm lẫn hình thức của trí tuệ.
Nhóm quan niệm xem trí tuệ là năng lực thích ứng của cá nhân
Đây là quan niệm phổ biến nhất và được nhiều nhà nghiên cứu tán thành.
V. Stern coi trí tuệ là năng lực thích ứng tâm lý chung của con người với những
điều kiện và nhiệm vụ mới trong đời sống [15, tr.72].
D. Wechler (1958) xem trí tuệ là năng lực chung của nhân cách, được thể hiện
trong hoạt động có mục đích, trong sự phán đoán và thông hiểu một cách đúng đắn,
trong sự làm cho môi trường thích nghi với những khả năng của mình [15, tr.72], [9,
tr.96].
J. Piaget xem bản chất của trí tuệ bộc lộ trong việc cấu tạo những mối quan hệ
giữa môi trường và cơ thể [15, tr.72]. Ông cũng cho rằng bất kỳ trí tuệ nào cũng đều là
một sự thích ứng [13, tr.42].
F. Raynal, A. Rieunier (1997) xem trí tuệ là khả năng xử lý thông tin để giải quyết
vấn đề và nhanh chóng thích nghi với tình huống mới [13, tr.42]
N. Sillamy (1997) xem trí tuệ là khả năng hiểu mối quan hệ sẵn có giữa các yếu tố
của tình huống và thích nghi để thực hiện cho lợi ích bản thân [13, tr.42]
Theo cách tiếp cận này, trí tuệ được thể hiện trong mối quan hệ giữa chủ thể và
môi trường. Tuy nhiên sự tác động qua lại đó phải được xem xét như là một sự thích ứng
tích cực, có hiệu quả nhằm cải tạo môi trường cho phù hợp với mục đích của con người,
chứ không phải là sự thích ứng thụ động đơn giản.
Nhìn chung, các quan điểm trên không loại trừ lẫn nhau mà do cách tiếp cận khác
nhau trong việc lựa chọn dấu hiệu quan trọng nhất của trí tuệ. Các quan niệm này còn có
một điểm chung là đã đồng nhất trí tuệ với trí thông minh. Nhưng rõ ràng không một
định nghĩa nào trong các định nghĩa trên chứa đựng được hết bản chất của hiện tượng
tâm lý phức tạp như trí tuệ của con người. Do vậy, có thể xem những quan niệm trên đây
là những quan niệm truyền thống về trí tuệ. Những quan niệm này là nền tảng cho sự ra
đời của quan niệm hiện đại về trí tuệ.
Trí tuệ theo quan niệm hiện đại
Ngày nay, việc nghiên cứu trí tuệ dưới sự kết hợp các khoa học như: Di truyền
học, Thần kinh học, Công nghệ thông tin…đã đem lại một cách nhìn toàn diện và sâu
sắc hơn. Từ đó, các nhà tâm lý học cũng thừa nhận trí tuệ là một hiện tượng tâm lý xã
hội mang bản chất lịch sử xã hội chứ không phải là cơ cấu khép kín, không thay đổi và
có tính bẩm sinh di truyền. Mặt khác, các nhà nghiên cứu có xu hướng cho rằng có nhiều
loại trí tuệ khác nhau và trí tuệ theo cách hiểu như vậy được biểu thị bởi thuật ngữ
Wisdom.
Các nhà tâm lý học như: Hofstatter (1971), Sterberg và Gardner (1984) khẳng
định trí tuệ phải có cơ sở và gắn liền với thực tiễn. Trí tuệ theo quan niệm mới không chỉ
thể hiện ở việc giải quyết các nhiệm vụ có tính hàn lâm mà còn thể hiện ở việc giải
quyết các tình huống trong đời sống hàng ngày. Trí tuệ chính là kết quả tương tác giữa
con người với môi trường sống đồng thời trí tuệ cũng là tiền đề cho sự tương tác đó.
Theo Neisse (1976), nếu đặt trí tuệ hàn lâm (academic intelligence) vào điều kiện tự
nhiên thì sẽ có một dạng trí tuệ khác được thể hiện khi thực hiện các tình huống đời
thường [17, tr.35]. Cho đến 1990, Amelang và Bartussek gọi dạng trí tuệ này là trí tuệ
thực tiễn (practical intelligence). Con người luôn sống và hoạt động trong mối tương tác
với người khác, với cộng đồng, với các nhóm khác nhau,… Vì vậy, nếu con người chỉ
trang bị cho bản thân những tri thức trường học, tư duy logic, trí nhớ hay trí sáng tạo thì
chưa đủ để hoàn thành nhiệm vụ thực tiễn. Do vậy, ngoài trí thông minh và trí sáng tạo,
con người còn cần phải có trí tuệ xã hội (Social Intelligence = SI). Trí tuệ xã hội là năng
lực hoàn thành các nhiệm vụ trong hoàn cảnh có sự tương tác với người khác. Nó diễn ra
trong hoạt động cùng người khác, với mục đích, tâm lý và tính xã hội nhất định [17,
tr.36]. Trí tuệ xã hội được tạo nên bởi ba thành tố sau đây, trong đó trí tuệ cảm xúc là hạt
nhân:
- Tự nhận thức về bản thân
- Năng lực xã hội (social competence) bao gồm ba tiểu thành tố:
+ Nhận thức (cognitive)
+ Xúc cảm (emotion)
+ Vận động (motorie)
- Trí tuệ cảm xúc bao gồm bốn tiểu thành tố:
+ Tri giác (nhận ra) cảm xúc
+ Khả năng biểu hiện cảm xúc
+ Điều khiển có hiệu quả cảm xúc (của mình và của người khác)
+ Sử dụng những thông tin có liên quan đến cảm xúc để thúc đẩy, đặt kế
hoạch và thực hiện có kết quả những hành động nhất định.
Vào năm 1988, H.J. Eysenck đã đưa ra mô hình trí tuệ ba tầng bậc dựa trên sự kế
thừa, phát triển quan niệm truyền thống với quan niệm hiện đại:
- Trí tuệ sinh học (biological intelligence) là mặt sinh học của năng lực trí tuệ và
là một nguồn gốc của những khác biệt về trí tuệ cá nhân.
- Trí tuệ tâm trắc (psychoetric intelligence) hay trí tuệ hàn lâm là mặt trí tuệ
được đo bằng các trắc nghiệm IQ, CQ (Creative Quotient: chỉ số sáng tạo) truyền thống
được xây dựng trong tình huống giả định, có tính hàn lâm chưa phải là tình huống thực
trong cuộc sống. Nó bao gồm trí tuệ hàn lâm, trí thông minh hay năng lực nhận thức và
sáng tạo.
- Trí tuệ xã hội là sự thể hiện của trí tuệ tâm trắc khi cần phải giải quyết các
nhiệm vụ trong cuộc sống thực tế của chủ thể hoạt động có tự nhận thức rõ ràng về bản
thân, có nhận thức về xã hội và mối quan hệ giữa bản thân với xã hội đó.
Theo Eysenck, trí tuệ là một thuộc tính nhân cách mang bản chất sinh vật, tâm lý,
xã hội và văn hóa một cách sâu sắc.
Như vậy, trí tuệ theo quan niệm hiện đại không còn được hiểu đồng nhất với trí
thông minh, bởi lẽ trí tuệ là một cấu tạo tâm lý động, có phạm vi rộng hơn không chỉ bao
gồm trí thông minh mà còn trí sáng tạo và trí tuệ xã hội.
Trên lập trường của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, khi nghiên
cứu trí tuệ con người cần chú ý đến những vấn đề lý luận và phương pháp luận sau:
- Trí tuệ là yếu tố tâm lý có tính độc lập tương đối với các yếu tố tâm lý khác
của cá nhân.
- Trí tuệ có chức năng đáp ứng mối quan hệ tác động qua lại giữa chủ thể với
môi trường sống, tạo ra sự thích ứng tích cực của cá nhân.
- Trí tuệ được hình thành và biểu hiện trong hoạt động của chủ thể.
- Sự phát triển của trí tuệ chịu ảnh của yếu tố sinh học của cơ thể và chịu sự chế
ước của các yếu tố văn hóa – xã hội.
Như vậy, trí tuệ là một cấu trúc động, tương đối độc lập của các thuộc tính nhận
thức của nhân cách, được hình thành và thể hiện trong hoạt động, do những điều kiện
văn hóa – lịch sử qui định và chủ yếu đảm bảo cho sự tác động qua lại phù hợp với hiện
thực xung quanh, cho sự cải tạo có mục đích. (Blaykhe V.M và Burolachuc L.F, 1978)
[16, tr.5].
Kế thừa và phát huy một cách sáng tạo, các nhà tâm lý học thuộc viện chiến lược
và Chương trình Giáo dục Việt Nam đã đưa ra định nghĩa hiện đại và toàn vẹn hơn về trí
tuệ như sau: Trí tuệ - đó là một cấu trúc tương đối độc lập của những năng lực nhận thức
và xúc cảm của cá nhân, được hình thành và thể hiện trong hoạt động, do những điều
kiện văn hóa – lịch sử quy định và chủ yếu đảm bảo cho sự tác động qua lại phù hợp với
hiện thực xung quanh, cho sự cải tạo có mục đích của hiện thực ấy nhằm đạt được các
mục tiêu quan trọng trong cuộc sống của cá nhân và xã hội [16, tr.6].
1.2.2. Trí tuệ cảm xúc
1.2.2.1. Khái niệm trí tuệ cảm xúc
Nếu trí thông minh được biết đến và nghiên cứu một cách phổ biến, sâu sắc trong
gần một thế kỷ nay thì trí tuệ cảm xúc là một khái niệm mới được biết đến khoảng trên
một thập kỷ trở lại đây. Những nghiên cứu đầu tiên về trí tuệ cảm xúc được công bố trên
các tạp chí vào những năm 90 của thế kỷ XX, được xem là nhân tố dự đoán sự thành
công của con người (Daniel Goleman) và là nhân tố mang lại hạnh phúc cho con người
(Hein Steve).
Thuật ngữ trí tuệ cảm xúc được P. Salovey và J. Mayer sử dụng đầu tiên vào năm
1990. Không lâu sau đó vào năm 1995, D. Goleman cho ra đời cuốn sách bán rất chạy
mang tên “Emotional Intelligence” thì thuật ngữ trí tuệ cảm xúc trở nên rất phổ biến và
thông dụng ở nước Mỹ. Từ đây, các công trình nghiên cứu trí tuệ cảm xúc diễn ra một
cách rộng khắp và phổ biến.
Trí tuệ cảm xúc là một vấn đề còn mới mẻ, phức tạp đã và đang được nghiên cứu
sâu rộng. Vì thế, cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về trí tuệ cảm xúc.
Tuy nhiên, nhìn tổng quát có thể nhận ra hai dòng quan niệm tiêu biểu về trí tuệ cảm xúc
như sau:
Quan niệm trí tuệ cảm xúc theo kiểu thuần năng lực tâm thần
Trên cơ sở quan niệm của Howard Gardner về sự tồn tại một dạng trí tuệ cá nhân
bao gồm trí tuệ về mối quan hệ giữa các cá nhân và trí tuệ cá nhân hướng nội, năm 1990,
P. Salovey và J. Mayer đi tiên phong trong việc phát triển lý thuyết trí tuệ cảm xúc theo
kiểu thuần năng lực tâm thần. Hai ông đã đưa ra nội dung chính thức về trí tuệ cảm xúc
như sau: “Trí tuệ cảm xúc là khả năng hiểu rõ cảm xúc bản thân, thấu hiểu cảm xúc của
người khác, phân biệt được chúng và sử dụng những thông tin ấy để hướng dẫn suy nghĩ
và hành động của mình” [24].
Sau nhiều công trình nghiên cứu, năm 1997, Mayer và Salovey đã thay đổi đôi
chút định nghĩa trí tuệ cảm xúc được nêu vào năm 1990 nhằm nhấn mạnh hơn nữa khía
cạnh nhận thức, suy nghĩ về cảm giác và các giai đoạn phát triển trí tuệ và xúc cảm.
Mayer và Salovey đã chính xác hóa nội dung định nghĩa như sau: “Trí tuệ cảm xúc là
năng lực nhận biết và bày tỏ cảm xúc; hòa cảm xúc vào suy nghĩ; hiểu và suy luận với
cảm xúc; điều khiển, quản lý cảm xúc của mình và của người khác” [9, tr.98].
Trong một cuốn sách xuất bản năm 1996, H. Steve cũng đưa ra định nghĩa tương
đồng với các tác giả trên, theo đó: “Trí tuệ cảm xúc là sự kết hợp giữa sự nhạy cảm về
cảm xúc có tính chất tự nhiên với các kỹ năng quản lý cảm xúc có được do tự học hỏi,
nhằm giúp con người đạt được hạnh phúc trong cuộc sống” [11, tr.176]. Theo đó, ông
cho rằng: trí tuệ cảm xúc là một tiềm năng bẩm sinh để cảm nhận, sử dụng, giao tiếp,
nhận biết, ghi nhớ, mô tả, xác định, học hỏi, quản lý hiểu và giải thích cảm xúc [22].
Cùng với quan điểm trên, Boyatizis (1999) cho rằng: “Trí tuệ cảm xúc là năng lực
nhận biết những tình cảm của mình và của người khác để tự thúc đẩy mình, kiểm soát,
điều khiển cảm xúc của mình và của người khác” [9, tr.98].
Quan niệm trí tuệ cảm xúc theo kiểu hỗn hợp
R. Bar-On dựa trên cơ sở hiểu biết cảm xúc và xã hội có ảnh hưởng đến khả năng
đối phó có hiệu quả của con người đối với môi trường và hoàn cảnh, ông cho rằng: “Trí
tuệ cảm xúc là một dãy các năng lực phi nhận thức và những kỹ năng có ảnh hưởng đến
khả năng thành công của một người trong hoàn cảnh người đó phải đương đầu với
những yêu cầu và sức ép từ môi trường” [9, tr.98-99].
Theo cách tiếp cận trên, quan niệm của D. Goleman (1995) được biết đến một
cách rộng rãi hơn: “Trí tuệ cảm xúc bao gồm các năng lực: tự kiềm chế, kiểm soát, nhiệt
tình và năng lực tự thôi thúc mình” [9, tr.99]. ._.Goleman nhận thức được rằng ông đang đi
từ trí tuệ cảm xúc sang cái gì đó rộng lớn hơn khi cho rằng có một từ có vẻ lỗi thời cho
một loạt các kỹ năng mà trí tuệ cảm xúc được xem là đại diện qua các kỹ năng này là:
“tính nết”. [9, tr.106]
Các quan niệm theo kiểu hỗn hợp cho thấy có sự pha trộn hay kết hợp giữa các
năng lực tâm thần và các năng lực không phải là tâm thần, chẳng hạn như các nét nhân
cách: nhiệt tình, kiên trì, lạc quan…
Hiện nay trí tuệ cảm xúc được các nhà tâm lý học trên thế giới định nghĩa như là
khả năng tác động một cách có hiệu quả lên những ham muốn của bản thân (R. Busk,
1991; E.L. Ykovleva, 1997); khả năng hiểu sự thể hiện của nhân cách ra bên ngoài
thông qua cảm xúc, cũng như dùng trí tuệ để phân tích, tổng hợp vấn đề, trên cơ sở đó
điều tiết cảm xúc của mình (Peter Salovey, John D. Mayer, 1994; G.G. Gorskova, 1999)
[1, tr.26].
Như vậy, các cách tiếp cận trên đã đưa ra các định nghĩa khác nhau về trí tuệ cảm
xúc, từ đây sẽ làm nảy sinh các mô hình trí tuệ cảm xúc khác nhau. Nhìn chung chúng ta
có thể nhận thấy trí tuệ cảm xúc là một phẩm chất phức hợp, đa diện, đại diện cho những
nhân tố khó thấy, khó nắm bắt như tự ý thức, tự nhận thức, tự tin, sự thấu cảm, tính tích
cực hoạt động xã hội… Về cơ bản, các tác giả nhất trí xem trí tuệ cảm xúc có liên quan
đến những năng lực nhận biết và điều khiển các cảm xúc của mình và của người khác.
Nghiên cứu trí tuệ cảm xúc dưới góc độ thuần năng lực đã cho thấy có sự khác
biệt giữa trí tuệ cảm xúc và các nét tính cách quan trọng của nhân cách, khu trú trí tuệ
cảm xúc vào năng lực tâm lý và chỉ rõ nội dung cốt lõi của trí tuệ cảm xúc là sự tương
tác giữa cảm xúc và tư duy. Điều này có nghĩa là những người được coi là có trí tuệ cảm
xúc cao phải có khả năng tiến hành xử lý thông tin xúc cảm một cách tinh tế. Do vậy khi
con người sử dụng năng lực của bản thân để làm cho suy nghĩ của chính mình dễ dàng
thì họ có thể học được cách điều chỉnh cảm xúc. Trên cơ sở này, chúng tôi chọn quan
điểm trí tuệ cảm xúc theo kiểu thuần năng lực của Mayer và Salovey làm cơ sở lý luận
định hướng nghiên cứu của đề tài.
1.2.2.2. Những nét đặc trưng của trí tuệ cảm xúc
* Trí tuệ cảm xúc là một cấu trúc phức hợp của nhiều năng lực khác nhau
liên quan đến lĩnh vực cảm xúc
Trí tuệ cảm xúc là tổ hợp của những năng lực về cảm xúc của bản thân. Tổ hợp
đó bao gồm nhiều năng lực cụ thể khác nhau chẳng hạn như: năng lực hiểu biết cảm xúc
của bản thân, năng lực điều khiển, điều chỉnh cảm xúc của bản thân cho phù hợp với
hoàn cảnh xung quanh. Các năng lực này đóng vai trò quyết định trong việc một người
có thể học các kỹ năng cần thiết để thành công trong công việc và cuộc sống.
Trí tuệ cảm xúc mang bản chất xã hội lịch sử, trí tuệ cảm xúc được hình thành
trong quá trình cá nhân tham gia vào các dạng hoạt động như học tập, lao động, hoạt
động xã hội,…và chịu sự chế ước to lớn của môi trường giáo dục, môi trường xã hội.
* Trí tuệ cảm xúc dễ thay đổi và có biên dộ thay đổi rộng
Trái với quan niệm truyền thống, những phát hiện gần đây trong tâm lý học và từ
thực tế nghịch lý cho thấy trí thông minh, bằng cấp, và các kỳ thi chưa phải là công cụ
tiên đoán một cách chắc chắn sự thành công trong tương lai của con người. Vài thập
niên gần đây, nhiều nhà tâm lý học cho rằng trí thông minh chỉ là vùng hẹp của những
năng lực ngôn ngữ và toán học, khả năng dự đoán của các kết quả trắc nghiệm trí thông
minh tốt cũng sẽ không cao và ít quan trọng hơn khi rời khỏi lĩnh vực trường học.
Goleman nhận định rằng: “Sự tương quan giữa chỉ số IQ và thành tựu đạt được trong
công việc, tỉ lệ này dự kiến đạt mức cao nhất chỉ vào khoảng 25%” [3, tr.48]. Theo
Gardner, trong tuyệt đại đa số trường hợp, vị trí chắc chắn mà cá nhân có được trong xã
hội được quy định bởi những nhân tố khác. Nhân tố ấy chính là trí tuệ cảm xúc như là
năng lực tự thúc đẩy hay kiên trì trong khó khăn, làm chủ những xung năng của mình và
nhẫn nại chờ đợi sự thỏa mãn ham muốn, khả năng điều hòa tâm lý và không để sự buồn
rầu của mình chi phối khả năng đồng cảm và hy vọng [2, tr.71]. Trí tuệ cảm xúc có thể
cho phép tiên đoán sự thành công trong đường đời của mỗi người. Trí tuệ cảm xúc
hướng dẫn sự lựa chọn sáng suốt, mang màu sắc lý tính trong những tình huống khác
nhau, chúng hoạt động ăn khớp với tinh thần lý trí, cho phép hoặc ngăn cấm hoạt động
lý trí.
Trí tuệ cảm xúc là khả năng có thể tự học hỏi được và ngày càng sắc sảo hơn
trong quá trình sống tức là được tích lũy dần từ kinh nghiệm của chúng ta. Trí tuệ cảm
xúc dễ thay đổi và có biên độ thay đổi lớn. Trí tuệ cảm xúc có thể được dạy bởi giáo
viên, gia đình…Điều này mở ra khả năng cho việc giáo dục trí tuệ cảm xúc cho mọi
người. Thực tế cho thấy rằng trong 2 năm sau khi xuất bản cuốn sách của Goleman, có
hơn 700 trường học tiến hành chương trình học tập cảm xúc xã hội (SEL-Social
Emtional Learning) được thiết kế để dạy học sinh những kỹ năng cảm xúc xã hội
(Ratnesr, 1997). Chương trình SEL tập trung vào khả năng nhận thức cảm xúc, kỹ năng
xã hội và trí tuệ cá nhân khi giải quyết vấn đề (Cohen, 2001).
* Trí tuệ cảm xúc là một dạng siêu năng lực hay siêu trí tuệ
Trí tuệ hàn lâm không chuẩn bị cho con người đủ sức đương đầu với những thử
thách, cơ hội và biến đổi không ngừng của cuộc sống. Ngay cả chỉ số trí thông minh cao
cũng không đảm bảo cho sự thành công, thịnh vượng và hạnh phúc nếu không có những
nét tính cách phù hợp, những xúc cảm thông minh. Đời sống xúc cảm là một lĩnh vực
nhạy cảm, phức tạp mà con người có thể chứng tỏ những năng lực của mình và đòi hỏi
vốn hiểu biết nhất định. Sự thành thạo, khéo léo của con người về trí tuệ cảm xúc là
nguyên nhân tạo thành công cho người đó, trong khi người khác có trí thông minh tương
đương nhưng có trí tuệ cảm xúc kém lại thất bại. Trí tuệ cảm xúc thực sự là loại siêu trí
tuệ, siêu năng lực vì nó quyết định việc chúng ta có thể khai thác thế mạnh của mình, kể
cả lợi thế về trí thông minh hay không. Thực tế cho thấy những người có sự hiểu biết về
đời sống tình cảm, nắm được và làm chủ chúng, đoán được những xúc cảm của người
khác và hòa hợp với xúc cảm ấy một cách hữu hiệu thì luôn có lợi thế trong nhiều lĩnh
vực. Ngược lại, những người không kiểm soát được đời sống tình cảm của mình thường
chịu xung đột nội tâm, mất năng lực tập trung và suy nghĩ thiếu sáng suốt. Điều này
chứng tỏ người có trí tuệ cảm xúc cao thường nhanh nhẹn nắm bắt thời cơ để đạt lấy
thành công và hạnh phúc.
1.2.2.3. Mô hình trí tuệ cảm xúc
Năm 1990, P. Salovey và J. Mayer lần đầu tiên đưa ra mô hình trí tuệ cảm xúc,
cho đến nay đã có một số mô hình trí tuệ cảm xúc được đề xuất: mô hình của Goleman
(1995), Bar-On (1997), Cooper và Sawap (1997), Weisinger (1998),… Nhìn một cách
tổng quát có thể phân thành hai nhóm mô hình trí tuệ cảm xúc bao gồm: mô hình trí tuệ
cảm xúc thuần năng lực và mô hình trí tuệ cảm xúc hỗn hợp. Hai mô hình này không chỉ
khác nhau về khái niệm, cấu trúc, thành tố mà còn về cách thức, phương pháp đo lường
và đánh giá.
* Mô hình trí tuệ cảm xúc thuần năng lực (Mental ability models of EI)
P. Salovey và J. Mayer (1990) đưa ra mô hình trí tuệ cảm xúc thuần năng lực bao
gồm 3 quá trình trí tuệ (mantal process) liên quan đến nhau và hàm chứa các thông tin
cảm xúc dựa trên cách hiểu trí tuệ cảm xúc như là năng lực làm chủ, điều khiển, kiểm
soát tình cảm của mình và của người khác, để định hướng cách suy nghĩ và hành động
của bản thân.
Những quá trình của mô hình trí tuệ cảm xúc (1990) bao gồm:
- Đánh giá và biểu hiện cảm xúc (bản thân và người khác)
- Điều khiển, kiểm soát cảm xúc (bản thân và người khác)
- Sử dụng cảm xúc một cách phù hợp để giải quyết vấn đề, bao hàm từ cách suy
nghĩ linh hoạt, suy nghĩ sáng tạo, tập trung chú ý trực tiếp và động cơ thúc đẩy.
Sau khi đưa ra mô hình trí tuệ cảm xúc (1990), hai ông đã đưa ra hai cách đánh
giá đo lường trí tuệ cảm xúc như sau: phương pháp đánh giá trí tuệ cảm xúc dựa vào tự
thuật (self-report measures) và phương pháp đánh giá trí tuệ cảm xúc dựa vào năng lực
hành động (ability measures). Tuy nhiên, lúc bấy giờ Mayer và Salovey đã lưu ý rằng
cần làm sao để những thành phần của trí tuệ cảm xúc có thể đánh giá như một năng lực.
Dựa vào mô hình trí tuệ cảm xúc (1990), Shutte và các đồng sự của bà đã soạn
thảo một thang đo lường trí tuệ cảm xúc theo kiểu tự đánh giá gồm 33 mục hỏi, còn gọi
là EIS. Tuy nhiên người ta nhận thấy EIS có thể không thích hợp cho việc đo lường trí
tuệ cảm xúc mặc dù có nhiều nghiên cứu đã cho thấy có nhiều nhân tố có liên quan đến
đặc điểm của trí tuệ cảm xúc và quá trình thông tin của trí tuệ cảm xúc.
Sau bảy năm nghiên cứu ứng dụng mô hình trí tuệ cảm xúc năm 1990, Mayer và
Salovey nhận ra những thiếu sót của mô hình này và đã cùng đồng nghiệp là David
Caruso bổ sung, đổi mới để cho ra đời một quan niệm mới về trí tuệ cảm xúc và một mô
hình trí tuệ cảm xúc mới vào năm 1997 gồm bốn năng lực cảm xúc sau đây:
- Nhận thức cảm xúc (của bản thân, người khác và môi trường xã hội).
- Sử dụng cảm xúc để đẩy mạnh tư duy và để tạo ra một sự chia sẻ cảm xúc
tương ứng.
- Hiểu rõ cảm xúc, chẳng hạn: hiểu nguyên nhân cảm xúc, sự biến đổi của chúng
qua thời gian…
- Kiểm soát sự kết hợp của lập luận và dữ kiện về những cảm xúc để ra những
quyết định chiến lược hay còn gọi là kiểm soát cảm xúc.
Mô hình này nhấn mạnh đến mặt nhận thức, tập trung vào khả năng tâm trí cụ thể
để phục vụ cho việc nhận biết và tổ chức điều khiển cảm xúc.
Điểm nổi bật của mô hình trí tuệ cảm xúc năm 1997 so với mô hình trí tuệ cảm
xúc năm 1990 ở chổ là các năng lực trong mô hình trí tuệ cảm xúc năm 1997 không đơn
thuần chỉ có mối quan hệ với nhau như những thành phần trong một cấu trúc mà còn
như một quy trình liên tục. Ý nghĩa quan trọng của mô hình trí tuệ cảm xúc năm 1997
đem lại là có thể xây dựng một quy trình phát triển trí tuệ cảm xúc gồm 4 giai đoạn
tương ứng với 4 thành tố tạo nên trí tuệ cảm xúc.
Dựa vào mô hình trí tuệ cảm xúc thuần năng lực năm 1997, D. Caruso và các
cộng sự đề xuất một quy trình phát triển trí tuệ cảm xúc gồm 4 giai đoạn như sau: nhận
thức cảm xúc, sử dụng cảm xúc, hiểu rõ cảm xúc và kiểm soát cảm xúc.
Cũng dựa trên mô hình trí tuệ cảm xúc thuần năng lực năm 1997, Mayer, Salovey
và Caruso đã soạn thảo trắc nghiệm đo lường trí tuệ cảm xúc theo kiểu phép đo lường
năng lực mang tên MSCEIT (Mayer Salovey Caruso Emotional Intelligence Test) vào
năm 2002.
* Mô hình trí tuệ cảm xúc hỗn hợp (Mixed models of EI)
Khác với mô hình trí tuệ cảm xúc thuần năng lực, các mô hình trí tuệ cảm xúc hỗn
hợp đều pha trộn nhiều yếu tố và mở rộng ý nghĩa của cấu trúc. Đại diện cho mô hình trí
tuệ cảm xúc hỗn hợp như mô hình của Bar-On, Cooper và Sawap, Goleman,…
Tiếp cận trí tuệ cảm xúc dưới góc độ nhân cách, R. Bar-On (1997) đưa ra mô hình
trí tuệ cảm xúc hỗn hợp. Lý thuyết của Bar-On kết hợp những đặc tính được xem là
năng lực tâm lý chẳng hạn như: tự nhận biết cảm xúc của mình với các đặc tính khác
được xem là khác biệt với năng lực tâm lý như là tính độc lập, tính tự trọng và tâm trạng.
Theo Bar-On cấu trúc trí tuệ cảm xúc gồm 5 khả năng sau:
- Khả năng hiểu mình, thể hiện khả năng làm chủ cảm xúc của mình, thể hiện ở
sự nhận thức ra cảm xúc của bản thân, ở tính chủ động, tự trọng, tự lập và sự hiện thực
hóa.
- Khả năng hiểu người khác, thể hiện trong các quan hệ cá nhân, trong trách
nhiệm xã hội và ở sự đồng cảm với người khác.
- Khả năng thích ứng, thể hiện trong khả năng giải quyết vấn đề, trong việc kiểm
tra cảm xúc qua thực tiễn và trong tính mềm dẻo của tư duy.
- Khả năng kiểm soát căng thẳng (stress), thể hiện ở khả năng chịu đựng các
căng thẳng gặp phải, khả năng kiểm soát được các bốc đồng, xung tính.
- Khả năng giữ tâm trạng cân bằng, thể hiện ở sự hạnh phúc, tinh thần lạc quan.
Dựa trên sự tổng kết nhiều công trình nghiên cứu, Daniel Goleman (1995) đã đưa
ra mô hình trí tuệ cảm xúc hỗn hợp bao gồm 5 khu vực như sau:
- Hiểu biết về cảm xúc của mình (Knowing one’s emotions): thể hiện ở sự tự
nhận biết cảm xúc của mình khi nó xảy ra ở mọi lúc.
- Quản lý cảm xúc (Managing emotions): thể hiện ở khả năng xử lý cảm xúc
một cách thích hợp, ở năng lực an ủi, động viên con người, năng lực tìm ra các phương
pháp để loại bỏ những nỗi sợ hãi, lo lắng, giận dữ và buồn đau.
- Tự thúc đẩy/ động cơ hóa mình (Motivating oneslf): thể hiện ở năng lực điều
khiển cảm xúc hướng vào mục đích hành động: khả năng biết trì hoãn những ham muốn
của bản thân, chế ngự, dập tắt sự bốc đồng xung tính và khả năng hòa vào tâm trạng
hứng khởi.
- Nhận biết cảm xúc ở người khác (Recognizing emotions in thers): thể hiện ở
khả năng đồng cảm với người khác, bao gồm sự nhạy cảm, quan tâm đến cảm xúc của
người khác và khả năng đoán trước được những triển vọng của họ, làm cho mình phù
hợp với điều người khác cần và mong muốn.
- Xử lý các quan hệ (Handling relationships): thể hiện ở khả năng điều khiển
cảm xúc ở người khác và biết phối hợp hành động hài hòa với người khác. Xử lý các
quan hệ sẽ cho thấy trình độ tự nhận thức và năng lực xã hội của cá nhân như thế nào.
Xử lý các mối quan hệ còn chứa đựng khả năng kiểm soát xúc cảm trong quan hệ với
người khác, năng lực xã hội và kỹ năng xã hội.
Tuy nhiên, năm 2001, Goleman lại đưa ra cấu trúc của trí tuệ cảm xúc gồm có hai
nhóm năng lực: năng lực cá nhân và năng lực xã hội.
Năng lực cá nhân Năng lực xã hội
(quan hệ với mình) (quan hệ với người khác)
* Tự biết mình * Nhận biết các quan hệ xã hội
- Nhận biết cảm xúc của mình - Đồng cảm
- Đánh giá chính xác mình - Định hướng sự phục vụ
- Tự tin - Biết cách tổ chức
* Tự kiểm soát, quản lý mình * Quản lý điều khiển các mối
quan hệ xã hội
- Kiểm soát cảm xúc của mình - Phát triển người khác
- Có lòng tin - Tạo ảnh hưởng
- Tự ý thức - Giao tiếp
- Thích ứng - Kiểm soát xung đột
- Động cơ thành đạt - Lãnh đạo có tầm nhìn, khôn
ngoan
- Sáng tạo - Xúc tác để thay đổi
- Xây dựng các mối quan hệ
- Tinh thần đồng đội, sự hợp tác
Dựa vào mô hình trí tuệ cảm xúc hỗn hợp, Bar-On đã soạn thảo trắc nghiệm đo
lường trí tuệ cảm xúc theo kiểu tự đánh giá là EQ-I (Emotional Quotient-Interview),
thang đo trí tuệ cảm xúc của Goleman (1995) hay thang đo trí tuệ cảm xúc của Cooper
(1996 – 1997)…
Như vậy, trong khi mô hình trí tuệ cảm xúc hỗn hợp có khuynh hướng pha trộn
nhiều nét của nhân cách, vừa không chứng minh được trí tuệ cảm xúc là một dạng trí
tuệ, vừa ít có điều kiện đo lường nó một cách chính xác, tin cậy thì mô hình trí tuệ cảm
xúc thuần năng lực nổi bật và thu hút nhiều nhà nghiên cứu cũng như đem lại nhiều lợi
ích hơn trong nhiều lĩnh vực như: giáo dục học, tổ chức nhân sự, lãnh đạo quản lý xã
hội,… Ngay từ năm 1993, Mayer và Salovey đã phát biểu rằng trí tuệ cảm xúc tiêu biểu
cho những cấu trúc độc nhất vô nhị có thể làm nền tảng cho quá trình hình thành thông
tin cảm xúc, không nên xem xét trí tuệ cảm xúc như hỗn hợp những năng lực bẩm sinh
và những nét tính cách xã hội, mà nên xem nó như một loại trí tuệ làm phát triển nâng
cao sự hình thành các loại thông tin nhất định.
Mô hình trí tuệ cảm xúc hỗn hợp chủ trương đánh giá trí tuệ cảm xúc dựa vào sự
tự thuật (self-report measures) trong khi mô hình trí tuệ cảm xúc thuần năng lực đưa ra
những tiêu chuẩn đánh giá dựa trên những thông tin biểu hiện (performance-based
measures). Trên thực tế, con người thường không thông báo chính xác trình độ năng lực
trí óc của mình. Điều này cũng xảy ra tương tự đối với sự thông báo của cá nhân về năng
lực cảm xúc. Chẳng hạn khi yêu cầu người ta đánh giá trí tuệ cảm xúc của mình rồi cung
cấp cho họ một biện pháp khách quan về thực hành trí tuệ cảm xúc, kết quả cho thấy
mối tương quan rất thấp và thường không có ý nghĩa về mặt thống kê. Chính vì thế, các
nhà tâm lý học thế giới bên cạnh việc tiếp tục khám phá lĩnh vực trí tuệ cảm xúc đã thừa
nhận: “Dựa trên bằng chứng hiện thời, chúng tôi đề xuất rằng lĩnh vực này sẽ thu được
nhiều lợi ích nếu các nhà nghiên cứu trí tuệ cảm xúc nghiên cứu căn cứ theo mô hình trí
tuệ cảm xúc thuần năng lực của Mayer, Salovey và cộng sự (1997)”[21].
Từ những phân tích trên về các mô hình trí tuệ cảm xúc và phương pháp đo lường
trí tuệ cảm xúc dựa trên các mô hình của nó, chúng tôi chọn mô hình trí tuệ cảm xúc
thuần năng lực của Mayer và Salovey (1997) làm cơ sở lý luận nghiên cứu thực trạng
của đề tài. Mô hình này được tạo thành bởi bốn nhóm năng lực cơ bản: nhận thức cảm
xúc, cảm xúc hóa tư duy, hiểu biết cảm xúc và điều khiển, kiểm soát cảm xúc.
1.2.2.4. Các mặt biểu hiện của trí tuệ cảm xúc
a. Nhận thức cảm xúc
Nhận thức cảm xúc là khả năng phát hiện, giải mã những cảm xúc trên gương
mặt, tranh ảnh, giọng nói và những giả tạo văn hóa (cultural artifact). Đây cũng là khả
năng nhận dạng, nhận biết được cảm xúc của mình, của người khác hay môi trường xã
hội nói chung và sự ảnh hưởng của cảm xúc như thế nào đến hiệu quả công việc. Điều
này có nghĩa con người phải nhận biết được thời điểm xuất hiện và nguyên nhân của
cảm xúc, nhận biết được mối liên hệ giữa tình cảm và suy nghĩ, giữa lời nói và việc
làm… của bản thân và của người khác. Nhận thức cảm xúc này có thể thông qua các con
đường như: các tác phẩm nghệ thuật, ngôn ngữ, hành vi, nét mặt,… và vô số những tín
hiệu khác từ cơ thể. Điều quan trọng trong nhận thức cảm xúc là phải nhận ra được sự
khác biệt giữa những biểu lộ cảm xúc có thật và biểu lộ cảm xúc một cách miễn cưỡng
giả tạo.
Nhận biết cảm xúc là đại diện của một khía cạnh của trí tuệ cảm xúc, nó làm cho
các xử lý thông tin cảm xúc khác trở thành có thể. Nhận biết cảm xúc là thành phần cơ
bản của trí tuệ cảm xúc bởi lẽ không gọi được tên các cảm xúc, không nhận biết đúng
bản chất của nó thì sẽ không phân biệt được một cách chính xác một cảm xúc này với
một cảm xúc khác. Do đó, những kỹ năng khác nếu có được cũng không đem lại lợi ích
gì. Chẳng hạn làm sao bạn có thể điều khiển, kiểm soát được những cảm xúc của mình
nếu bạn không biết mình phải điều khiển hay kiểm soát cái gì. Cảm xúc là một loại
thông điệp phản ánh thái độ, tình cảm, suy nghĩ, trạng thái sinh lý và tâm lý của mình và
của người khác cho chính bản thân và đối tượng giao tiếp biết được. Điều này cho phép
chúng ta biết được những nhu cầu, nguyện vọng… đã được thỏa mãn hay chưa. Sự nhận
thức như thế sẽ dẫn đường cho sự điều chỉnh, kiểm soát những cảm xúc, hành vi nhằm
giúp cá nhân thành công trong công việc và mối quan hệ với mọi người xung quanh.
Nhận thức cảm xúc khơi nguồn bằng sự hòa hợp với dòng cảm xúc, sự hòa hợp này luôn
tồn tại trong mỗi chúng ta. Dòng cảm xúc của chúng ta luôn tồn tại song song một cách
hoàn hảo với dòng suy nghĩ của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta hiếm khi quan tâm, chú ý
hay chịu dừng lại để tập trung quan sát những cảm xúc nên thường cảm nhận được
chúng một cách mờ nhạt trước khi chúng phát triển mạnh mẽ. Người có khả năng nhận
biết cảm xúc có thể đọc các cảm xúc của mình và của người khác một cách rõ ràng,
chính xác cũng như thể hiện, biểu lộ những cảm xúc một cách hợp lý về mặt xã hội.
Nhận biết cảm xúc còn thể hiện ở việc hiểu rõ sự ảnh hưởng cảm xúc của bản thân
và của người khác đến hiệu quả công việc như thế nào khi hợp tác làm việc. Điều này
nói lên khả năng tự đánh giá của cá nhân về những ưu, hạn chế trong cảm xúc để phát
huy cảm xúc có lợi và hạn chế cảm xúc gây cản trở, khó khăn trong hợp tác.
Những người không có khả năng nhận biết và biểu lộ cảm xúc sẽ ở thế bất lợi,
thường bị cảm xúc chi phối, phó mặc thậm chí lệ thuộc vào cảm xúc, tình cảm của mình
dù không có lợi. Theo Mayer và Salovey: “Những người biết chắc về cảm giác của mình
sẽ có thể sống tốt hơn, cảm nhận chân thật và đúng đắn hơn về các quyết định của mình,
dù đó là chọn bạn đời hay một nghề”. [2, tr.86]
b. Cảm xúc hóa tư duy (hay hòa cảm xúc vào suy nghĩ)
Cảm xúc hóa tư duy thể hiện ở việc cảm xúc hỗ trợ tư duy, hành động một cách
có hiệu quả và giúp cho óc phán đoán, trí nhớ hoạt động hiệu quả hơn.. Vai trò của năng
lực này không phải ai cũng nhận ra bởi lẽ chúng ta được dạy một cách sai lầm là cảm
xúc cản trở, phá vỡ suy nghĩ. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của nhà thần kinh học
Antonio Damasio chỉ ra rằng những cảm xúc là nền tảng của việc đưa ra những quyết
định đúng đắn. Theo ông, cảm xúc không phải là xa xỉ, chúng hoạt động như là những
hướng dẫn bên trong và giúp chúng ta kết nối với những dấu hiệu khác mà dấu hiệu này
cũng có thể hướng dẫn những cảm xúc. Người có trí tuệ cảm xúc có thể sử dụng tối đa
khả năng của cảm xúc trong việc đưa ra những quyết định đúng đắn và dễ dàng chấp
nhận. Cảm xúc hóa tư duy còn thể hiện ở việc cân nhắc để phân biệt cảm xúc với ý nghĩ
và làm cho cảm xúc định hướng có chú ý.
Các cảm xúc có thể hạn chế hoặc tăng thêm khả năng suy nghĩ và hoạch định của
chúng ta cũng như khả năng học tập để đạt tới mục đích lâu dài, giải quyết các vấn đề,…
Điều đó đồng nghĩa với việc xác định giới hạn năng lực trong việc sử dụng các năng lực
tinh thần bẩm sinh của mỗi người, do đó cảm xúc tham gia vào việc quyết định tương lai
cá nhân. Người biết sử dụng cảm xúc của bản thân một cách có ý thức có thể làm tăng
khả năng tư duy uyển chuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc liên kết các ý tưởng, cho
phép khám phá ra những mối liên hệ, dự đoán được hệ quả các quyết định,… Vì thế, khả
năng giải quyết vấn đề sẽ dễ dàng hơn dù là những vấn đề lý thuyết hay vấn đề trong
mối quan hệ xã hội. Theo ý nghĩa này, trí tuệ cảm xúc là năng lực chủ yếu có ảnh hưởng
sâu sắc tới các năng lực khác bằng cách kích thích hay ức chế chúng.
Người có khả năng cảm xúc hóa tư duy nhận thức được rằng một sự thay đổi
trong trạng thái cảm xúc có thể làm nảy sinh các loại năng lực giải quyết vấn đề khác
nhau. Cảm xúc có quyền năng to lớn trong việc hỗ trợ hoặc khống chế, thậm chí làm tê
liệt bộ não tư duy. Sự thay đổi cảm xúc có thể làm ảnh hưởng đến trí nhớ, óc phán đoán
và cách giải quyết vấn đề. Chẳng hạn như khi thoải mái, chúng ta nhớ lại sự kiện tốt
hơn, cân nhắc được mặt mạnh, mặt yếu của một quyết định, phán đoán tình hình đúng
đắn hơn, ngược lại khi tâm trạng xấu sẽ dẫn đến việc đưa ra quyết định quá dè dặt, quá
thận trọng.
Có thể nói rằng cảm xúc hóa tư duy là khả năng quản lý tốt các trạng thái cảm xúc
bên trong của bản thân, giúp cho cá nhân chịu trách nhiệm về các hành vi của mình, linh
hoạt trong việc giải quyết các vấn đề, nhất là các vấn đề nảy sinh trong điều kiện hoàn
cảnh thay đổi.
c. Hiểu biết cảm xúc
Năng lực hiểu cảm xúc thể hiện ở chỗ hiểu được những loại cảm xúc nào là tương
tự, là đối nghịch hay sự pha trộn giữa các loại cảm xúc. Hiểu cảm xúc cũng chính là hiểu
những quy luật trong đời sống cảm xúc, chẳng hạn như sự mất mát thường kéo theo sự
buồn chán hoặc sự buồn chán có thể làm người ta không muốn tiếp xúc với người khác,
sự thành công không thể giải thích được của đối phương dễ dẫn đến cảm giác ghen tỵ,…
Hiểu biết cảm cảm xúc liên quan đến khả năng thấu hiểu các ngôn ngữ cảm xúc,
hiểu rõ mối quan hệ phức tạp giữa các cảm xúc. Thành phần này liên quan đến khả năng
hiểu, thấu hiểu (thông cảm, đồng cảm), tôn trọng, thúc đẩy và truyền cảm xúc để khích
lệ, an ủi người khác. Hiểu biết cảm xúc thể hiện ở chỗ cá nhân hiểu xúc cảm, tình cảm
của bản thân, nhưng nhấn mạnh ở việc cá nhân hiểu biết xúc cảm và tình cảm của người
khác, để tâm và lắng nghe những mối quan tâm, cảm xúc của họ, hiểu được nhu cầu,
mong muốn được phát triển của người khác và nâng đỡ các khả năng phát triển đó. Theo
Goleman: “Không hiểu được những cảm xúc của chính bản thân mình hay không ngăn
cản được việc chúng làm ngập lòng ta thì chúng ta sẽ rơi vào tình trạng hoàn toàn không
hiểu được tâm trạng của người khác” [3, tr.230]. Charles Darwin cho rằng hai khả năng
gắn bó chặt chẽ với nhau là truyền đạt và hiểu cảm xúc đóng vai trò to lớn trong sự tiến
hóa của con người, cả việc thiết lập và duy trì trật tự xã hội.
Trong quan hệ với người khác, cá nhân có hiểu biết cảm xúc cao thường có khả
năng phán đoán, nhận ra và đáp ứng ở chừng mực tốt nhất những nhu cầu và mong
muốn của người khác. Ngoài ra cá nhân còn biết nuôi dưỡng các cơ hội thông qua các
mối quan hệ của bản thân với nhiều loại khác nhau trong chừng mực nhất định. Khi
tham gia vào các nhóm xã hội khác nhau, cá nhân còn thể hiện ở khả năng nhận ra và
hiểu được các dòng xúc cảm của nhóm nào đó để có hành vi ứng xử phù hợp.
Để có thể cảm nhận, thấu cảm, đồng cảm với những cảm xúc của người khác,
trước hết cá nhân cần có khả năng tự nhận thức, “đọc” được cảm xúc và phân biệt được
các dấu hiệu bản chất của cảm xúc bản thân và người khác. Bởi lẽ người khác hiếm khi
nói ra trực tiếp những gì diễn ra trong bản thân mà thường ẩn chứa, che giấu trong điệu
bộ, nét mặt, ngôn ngữ, cử động toàn thân,… mà chúng ta cần phải khám phá ra được.
Hiểu được cảm xúc còn đòi hỏi cá nhân phải gạt sang một bên những cảm xúc riêng của
bản thân để có thể tiếp nhận và phân biệt một cách rõ ràng những tín hiệu cảm xúc của
người khác để đưa ra những hành vi, ứng xử và quyết định khôn khéo, thông minh. Từ
đó có thể đạt được những kết quả tốt trên con đường theo đuổi mục tiêu.
d. Điều khiển, kiểm soát cảm xúc
Trong mối quan hệ với người khác, cá nhân không chỉ có hành vi, ứng xử hợp lý,
đúng mực với đối tượng, hoàn cảnh, mục đích mà những biểu hiện đó phải hài hòa, phù
hợp với những biểu lộ của cảm xúc. Điều này phản ánh sự tham gia của ý thức trong
việc quản lý các cảm xúc của cá nhân. Năng lực này thể hiện tính chủ động, chủ định
của cá nhân trong kiểm soát cảm xúc, do đó nó rất quan trọng và có ích nếu cá nhân biết
sử dụng đúng lúc và phù hợp. Theo Mayer và Salovey: “Sự kiểm soát các cảm xúc – tức
là có thể trì hoãn sự thỏa mãn ham muốn của mình và đè nén xung lực – là cơ sở của
mọi sự hoàn thiện” [2, tr.87].
Điều khiển kiểm soát cảm xúc được thể hiện ở khả năng đưa ra những quyết định
thông minh do bản thân xử lý cân bằng giữa lý trí và cảm xúc, không nghiên về bên nào
để điều khiển, kiểm soát các cảm xúc của mình và người khác nhằm đạt được những
mục tiêu dự định. Đồng thời còn là khả năng điều khiển và chịu trách nhiệm về cảm xúc
của mình, đặc biệt là chịu trách nhiệm về động cơ thôi thúc nội tại của hành vi ứng xử
trong cuộc sống. Theo ý đó, Goleman cũng cho rằng, thực chất quản lý cảm xúc là bao
hàm các kỹ năng xã hội, trong đó có những kỹ năng được đề cao như: biết lắng nghe
một cách cởi mở, biết chia sẻ, đồng cảm, biết khuyến khích động viên người khác, biết
hợp tác và làm việc với những con người đến từ các nền văn hóa khác nhau để cùng học
tập và chia sẻ lợi ích.
Quản lý cảm xúc không chỉ ở bản thân mà cá nhân còn phải biết kiểm soát, điều
chỉnh cảm xúc của người khác: an ủi, động viên họ, xoa dịu, làm giảm các cảm xúc tiêu
cực hay giúp người khác thoát khỏi trạng thái bất ổn, bốc đồng, nhất thời cũng như biết
cách kích thích các cảm xúc tích cực. Biết cách an ủi, đỡ nâng tinh thần cho người khác
là một kỹ năng rất cần thiết và hữu ích.
Theo Mayer và Salovey: “Trí tuệ cảm xúc là sự kết hợp của những thuộc tính
nhạy bén về cảm xúc do trời phú (bẩm sinh) với những thuộc tính kỹ năng quản lý cảm
xúc có được nhờ con người tự tạo bằng việc học hỏi, luyện tập để giúp con người thành
đạt và có cuộc sống hạnh phúc lâu dài” [17, tr.43]. Điều đó nói lên rằng khả năng quản
lý cảm xúc không chỉ phụ thuộc vào tri thức mà còn phụ thuộc vào sự tích lũy kinh
nghiệm xã hội, các trải nghiệm, kinh nghiệm sống,… của bản thân. Do vậy, cá nhân có
thể học tập, rèn luyện, tự nâng cao và bồi dưỡng trí tuệ cảm xúc của bản thân thông qua
con đường luyện tập trong đời sống hàng ngày. Cá nhân kiểm soát và điều khiển cảm
xúc một cách có suy nghĩ và chủ động thì sẽ sử dụng có hiệu quả khả năng của cảm xúc
để kích thích sự phát triển của trí tuệ, cảm xúc và dễ dàng tiến đến thành công.
Các biểu hiện của trí tuệ cảm xúc phát triển từ thấp đến cao, mức độ cao nhất của
trí tuệ cảm xúc là năng lực kiểm soát và điều khiển các cảm xúc của bản thân và của
người khác. Nhưng không vì vậy mà các năng lực trí tuệ cảm xúc còn lại không quan
trọng, bởi lẽ các năng lực trí tuệ cảm xúc vừa là nền tảng của nhau, vừa có quan hệ biện
chứng đan xen và hòa quyện vào nhau. Một người thật sự có trí tuệ cảm xúc ít nhất phải
có sự kết hợp nhuần nhuyễn và linh hoạt giữa các năng lực đó. Mỗi người có những biểu
hiện ở các năng lực trí tuệ cảm xúc khác nhau, chẳng hạn có người có khả năng nhận
biết cảm xúc nhạy bén nhưng lại không có khả năng điều chỉnh, kiểm soát cảm xúc của
bản thân. Mức độ biểu hiện các nội dung cụ thể trong từng năng lực trí tuệ cảm xúc cũng
khác nhau, chẳng hạn như một số người có thể chế ngự sự lo lắng của bản thân nhưng
không biết làm dịu những lo lắng của người khác.
1.2.2.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển trí tuệ cảm xúc
Quá trình hình thành, phát triển trí tuệ cảm xúc chịu sự chi phối của nhiều yếu tố
và mỗi yếu tố đều có một vai trò nhất định. Trong đó, mức độ ảnh hưởng của các yếu tố
đến sự hình thành và phát triển trí tuệ cảm xúc như sau:
- Di truyền không quyết định trực tiếp đến sự phát triển trí tuệ cảm xúc. Yếu tố
di truyền là tiền đề, nền tảng vật chất, là điều kiện cần cho sự hình thành, phát triển của
trí tuệ cảm xúc. Nếu có được những đặc điểm di truyền ưu việt về hệ thần kinh, não bộ,
các giác quan,… thì sẽ có nhiều thuận lợi cho sự phát triển trí tuệ sau này và đặt ra trước
chủ thể nhiều tiềm năng khác nhau. Việc khai thác những tiềm năng đó như thế nào còn
tùy thuộc vào chủ thể và hoạt động của chủ thể.
- Môi trường là nguồn gốc cho sự phát triển nhưng ở dạng tiềm năng và chỉ có ý
nghĩa khi có sự tích cực hoạt động của cá nhân. Trong các yếu tố của môi ._. a, b, c ở
từng câu chỉ chọn một mức độ.
Câu 1: Khi tạo ra các kiểu trang trí mới, gây cảm giác hứng khởi cho một buổi liên hoan sinh
nhật thì những cảm xúc dưới đây có thể giúp ích như thế nào?
Không có ích Rất có ích
a. Bực mình
b. Buồn chán
c. Vui sướng
Câu 2: Khi tổ chức một cuộc diễu binh hấp dẫn thì những xúc cảm dưới đây có thể giúp ích
như thế nào?
Không có ích Rất có ích
a. Tức giận
b. Phấn chấn
c. Thất vọng
Câu 3: Khi phải nấu món ăn theo công thức phức tạp, thì những xúc cảm dưới đây có thể giúp
ích như thế nào?
Không có ích Rất có ích
a. Tức giận
b. Phấn chấn
c. Thất vọng
Câu 4: Những cảm xúc dưới đây có thể giúp ích như thế nào để bạn hiểu được cái gì xảy ra
cuộc ẩu đã giữa 3 đứa trẻ, khi mỗi đứa trẻ lại tường thuật khác nhau về cuộc ẩu đả đó? Để hiểu
cái gì đã xảy ra đòi hỏi bạn phải chú ý đến các tình tiết của câu chuyện và phải cân nhắc nhiều
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
sự kiện.
Không có ích Rất có ích
a. Hạnh phúc
b. Ngạc nhiên
c. Buồn rầu
Câu 5: Những cảm xúc dưới đây có thể giúp ích như thế nào cho một bác sỹ khi lựa chọn một
kế hoạch điều trị cho bệnh nhân mắc chứng ung thư. Bác sỹ này phải áp dụng một số các
nguyên tắc mâu thuẫn nhau trong điều trị bệnh ung thư.
Không có ích Rất có ích
a. Hạnh phúc
b. Không vui cũng
không buồn
c. Tức giận và
chống đối
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
PHẦN C
Bạn hãy đọc kỹ từng tình huống dưới đây để hiểu các loại cảm xúc xuất hiện và phát hiện
như thế nào. Sau đó bạn chọn 1 phương án trả lời tốt nhất cho mỗi tình huống.
Tình huống 1: Hà ngày càng thấy xấu hổ, rồi cảm thấy mình là người vô tích sự. Sau đó Hà
cảm thấy………
a. Ngập chìm trong các cảm xúc đó.
b. Trầm cảm (u uất).
c. Xấu hổ.
d. Tủi hổ.
e. Lo lắng.
Tình huống 2: Kiên cảm thấy hài lòng khi nghĩ về cuộc sống của mình. Càng nghĩ về những
điều tốt mình đã làm và những niềm vui mình mang lại cho người khác, Kiên càng cảm
thấy………
a. Ngạc nhiên.
b. Trầm cảm.
c. Chấp nhận.
d. Hạnh phúc.
e. Sửng sốt.
Tình huống 3: Trong cuộc sống của mình, Nga chưa bao giờ ngạc nhiên hơn lúc này. Khi tỉnh
lại từ cú sốc do sự mất mát, thì Nga nhận thấy mình có thể tránh được sự bất lợi từ tình huống
này, nếu cô lập kế hoạch cẩn thận. Cô trở nên………
a. Sửng sốt.
b. Lẫn lộn.
c. Phủ nhận tình huống này.
d. Mong đợi.
e. Suy tư.
Tình huống 4: Long buồn vì được người nhà báo tin xấu và anh muốn bày tỏ sự thương tiếc
của mình. Sau đó, Long biết rằng mình không được thông tin đúng và vấn đề trở nên xấu hơn
lúc đầu anh nghĩ. Long cảm thấy………
a. Tức giận và ngạc nhiên.
b. Buồn phiền và lường trước.
c. Sốc và hối hận.
d. Sợ và lo hãi.
e. Tức giận và buồn chán.
Tình huống 5: Bảo cảm thấy hạnh phúc với công việc và những chuyện khác ở nhà cũng tốt
đẹp. Bảo nghĩ mình và đồng nghiệp nói chung được trả lương thỏa đáng, được đối xử tốt. Hôm
nay, tất cả mọi người trong cơ quan đều được tăng lương chút đỉnh như là một phần của chính
sách điều chỉnh về lương. Bảo cảm thấy………
a. Ngạc nhiên và bị sốc.
b. Thanh thản và im lặng.
c. Chấp nhận và phấn khởi.
d. Bị làm nhục và mặc cảm tội lỗi.
e. Tự hào và nổi trội.
Tình huống 6: Hà yêu Kiên, người cô cảm thấy thuộc về mình. Cô bắt đầu nhìn anh như là
mẫu người lý tưởng cho cô và cho nhiều người khác. Cô cảm thấy………
a. Tôn trọng anh.
b. Thán phục anh
c. Ghen tỵ với anh.
d. Ngưỡng mộ và coi anh như là thần tượng.
e. Nể sợ anh.
Tình huống 7: Lan cảm thấy bực mình khi một đồng nghiệp đã nhận được tiền cho một dự án
và bây giờ người đó lại nhận được tiền lần nữa. Cô cảm thấy………
a. Tức giận.
b. Bực mình.
c. Hẫng hụt và thất vọng.
d. Hoảng hốt.
e. Trầm cảm.
Tình huống 8: Sau khi xe bị lấy trộm, Tiến lắp thêm một ổ khóa nữa vào chiếc xe mới mua. Xe
mới đó lại bị lấy trộm. Tiến bị sốc và ngạc nhiên, sau đó cảm thấy………
a. Sửng sốt và kinh ngạc.
b. Bất lực, thất vọng và tức giận.
c. Tức giận và ghê tởm.
d. Ghen tỵ và đố kỵ.
e. Trầm cảm và khinh bỉ.
Tình huống 9: Khi thấy một số sinh viên quay cóp trong kỳ thi, Sơn nghĩ điều này vi phạm qui
chế. Anh báo với giáo viên nói chẳng thể làm gì được. Sơn thấy cần báo cáo điều này lên giáo
vụ trường, Vì anh cảm thấy…với những điều gì đã xảy ra.
a. Khó chịu.
b. Bực tức.
c. Bất bình (đến mức không thể chịu đựng được).
d. Trầm cảm.
e. Không vui.
Tình huống 10: Vân bị một số người bạn thân thiết nhất của mình xúc phạm, cô cảm thấy tức
giận. Vân đã nói với người bạn đó mình bị tổn thương như thế nào. Nhưng người kia vẫn tiếp
tục xúc phạm. Vân cảm thấy………
a. Tức giận.
b. Sợ hãi.
c. Rất bực mình.
d. Lo lắng
e. Giận điên lên.
Tình huống 11: Thuý theo dõi chương trình Dự báo thời tiết trên TV để biết sự di chuyển của
một cơn bão đang tiến vào gần bờ, gần nơi bố mẹ nình đang sống. Khi biết cơn bão hướng tới
nhà bố mẹ mình cô lo lắng và cảm thấy bất lực. Tuy nhiên vào phút cuối cùng, cơn bão đã đổi
hướng và không gây thiệt hại gì cho vùng đó. Cô cảm thấy………
a. Nhẹ người, rối biết ơn.
b. Ngạc nhiên rồi bị sốc.
c. Căng thẳng, rồi nhẹ người.
d. Lường trước và lo lắng.
e. Lường trước và bình tĩnh.
Tình huống 12: Một phụ nữ cảm thấy được an toàn, được chấp nhận rồi sau đó cảm thấy trầm
cảm. Điều gì trong những điều sau đây có nhiều khả năng xảy ra ở khoảng giữa hai trạng thái
cảm xuc đó?
a. Chị nhận được lời khen dự định dành cho ai đó.
b. Chị phát hiện ra chồng đã lừa dối mình.
c. Một người bạn bị ốm.
d. Gói bưu phẩm gửi cho bạn bị phát nhầm cho người khác.
e. Chị thất vọng vì công việc tồi tệ mà chị đã làm ở một dự án.
Tình huống 13: Một đứa trẻ mong chờ được hạnh phúc vào ngày sinh nhật của nó, nhưng sau
đó nó cảm thấy buồn. Điều gì trong những điều sau đây có nhiều khả năng xảy ra ở khoảng
giữa hai trạng thái cảm xúc trên của đứa trẻ này.
a. Nó bị bạn chọc tức và nó đã đánh lại.
b. Hai người bạn nó mời và mong đợi đã không đến.
c. Nó ăn quá nhiều bánh.
d. Mẹ nó làm ngượng trước mặt những trẻ khác.
e. Bố nó buộc tội nó về cái gì đó mà nó không làm.
Tình huống 14: Một phụ nữ tuổi trung niên cảm thấy hạnh phúc và sau đó cảm thấy không tán
thành. Điều gì trong những điều sau đây có nhiều khả năng xảy ra ở khoảng giữa hai trạng thái
cảm xúc đó?.
a. Con trai cô bị thương nhẹ ở nơi làm việc.
b. Cô nhận ra mình đã xúc phạm người bạn thân.
c. Con dâu cô về nhà muộn khiến cả nhà chờ cơm.
d. Chồng cô phê phán cô.
e. Cô đánh mất một cuốn sách quan trọng.
Tình huống 15: Một người đàn ông cảm thấy thảnh thơi và sau đó cảm thấy thán phục. Điều gì
trong những điều sau đây có nhiều khả năng xảy ra ở khoảng giữa hai trạng thái cảm xúc đó?.
a. Trong lúc thảnh thơi, ông ta đã giải quyết xong một vấn đề quan trọng liên quan đến
công việc.
b. Ông ta nghe một câu chuyện về một người anh hùng trong thể thao, người lập kỷ lục
mới.
c. Bạn của ông ta vừa gọi điện báo tin anh ra đã mua một chiếc xe thể thao với giá
khuyến mại.
d. Ông ta nhận được gói quà mẹ gửi qua bưu điện.
e. Bác sỹ gọi điện báo cuộc kiểm tra sức khoẻ cho kết quả tốt, ông ta hoàn toàn khoẻ
mạnh.
Tình huống 16: Một phụ nữ cảm thấy có thiện cảm, sau đó thấy yêu. Điều gì trong những điều
sau đây có nhiều khả năng xảy ra ở khoảng giữa hai trạng thái cảm xúc này?.
a. Cô ta ủng hộ từ thiện và nghĩ về những người mình có thể giúp đỡ.
b. Cô mặc một chiếc váy mà nó đặc biệt làm tôn vẻ đẹp của cô.
c. Cô đọc một cuốn tạo chí dành cho người hâm mộ viết về một ngôi sao mà cảm thấy
rất quyến rũ.
d. Mẹ cô gọi điện nói bà đã gửi cho cô món quà sinh nhật, nó có thể làm cô ngạc nhiên.
e. Cô đến một cuộc hẹn hò và nhận ra mình có nhiều điểm chung với một người đàn ông
hấp dẫn.
Tình huống 17: Một giám đốc điều hành công ty cảm thấy không vui và sau đó cảm thấy rất bực tức.
Điều gì đã xảy ra ở khoảng giữa hai trạng thái cảm xúc của người giám đốc này?.
a. Cấp dưới không đạt được các mục tiêu kinh doanh cho giai đoạn đó.
b. Một cán bộ trong công ty, người ta cho là không có năng lực, được tăng lương cao
hơn lương ông ta.
c. Ông ta đọc mộ bản tin về những người dân ở vùng khác trên thế giới sống trong
nghèo khổ và các hoạt động cứu trợ đang gặp trở ngại.
d. Vợ ông ta giúp các con làm bài tập về nhà.
e. Không ai thích giúp ông ta.
Tình huống 18: Một phụ nữ tức giận, sau đó mặc cảm mình có lỗi. Điều gì đã xảy ra ở khoảng
giữa hai trạng thái cảm xúc của người phụ nữ này?.
a. Chị đánh mất số điện thoại của người bạn thân.
b. Chị không hoàn thành công việc tốt như mong đợi vì không đủ thời gian.
c. Chị giận dữ một người bạn, sau đó chị nhận ra người bạn này không làm gì gây
thương tổn cho mình.
d. Chị mất một người bạn thân.
e. Chị tức giận vì ai đó đàm tiếu về mình, và sau đó thấy người khác cũng bị người đó
bôi nhọ theo cùng một cách.
Tình huống 19: Một người đàn ông yêu quý người bạn của mình, nhưng sau đó lại tỏ ý coi
khinh người bạn này. Điều gì đã xảy ra ở khoảng giữa hai trạng thái cảm xúc của người đàn
ông này?.
a. Người bạn mượn của ông ta một cuốn sách đắt tiền và làm mất.
b. Người bạn đã phản bội vợ.
c. Người bạn đã được tăng lương, mà lẽ ra không đáng được như vậy.
d. Người bạn này cho biết anh ta đa chuyển đi chỗ khác.
e. Ông ta cảm thấy mình đã xúc phạm bạn nhưng đó cũng một phần là do lỗi của người
bạn.
Tình huống 20: Một phụ nữ yêu một người, sau đó cảm tháy yên tâm. Điều gì đã xảy ra ở
khoảng giữa hai trạng thái cảm xúc của người phụ nữ này?.
a. Chị quen biết một người khác và người này yêu chị.
b. Chị quyết định không bày tỏ tình cảm của mình.
c. Tình yêu của chị đã ra đi.
d. Chị nói với một người khác rằng chị yêu anh ta.
e. Tự tình yêu của chị mang lại sự bảo đảm đó.
PHẦN D
Bạn hãy đọc kỹ các tình huống dưới đây. Mỗi hành động ở từng tình huống chỉ chọn 1
trong 5 mức độ từ rất kém hiệu quả đến rất hiệu quả.
Tình huống 1: Hà thức dậy cảm thấy sảng khoái, cô đã ngủ ngon, cảm thấy được nghỉ ngơi tốt
và không cần có sự chăm sóc hoặc quan tâm đặc biệt nào. Mỗi hành động dưới đây tốt đến mức
nào trong việc giúp Hà duy trì được tâm trạng này?.
Hành động 1: Cô vùng dậy và thích thú vớ những gì xảy ra với cô trong ngày hôm đó.
Rất kém hiệu quả Rất hiệu quả
Hành động 2: Cô thích tình cảm này nên cô ngẫm nghĩ, thưởng thức tất cả những gì tốt
đẹp đang diễn ra với mình.
Rất kém hiệu quả Rất hiệu quả
Hành động 3: Cô nghĩ, cách tốt nhất là không để ý đến trạng thái tình cảm đó, vì nó
không thể kéo dài mãi.
Rất kém hiệu quả Rất hiệu quả
Hành động 4: Nhân lúc phấn chấn này cô gọi điện cho mẹ mình, người đang bị trầm
nhược và cố động viên bà.
Rất kém hiệu quả Rất hiệu quả
Tình huống 2: Toàn làm việc chăm chỉ, nếu không nói là chăm chỉ hơn các đồng nghiệp của
anh. Thực tế những ý tưởng của anh thường là tốt ơn cho việc đạt những kết quả tích cực cho
công ty. Trong khi một đồng nghiệp làm việc của anh rất xoàng nhưng lại quen biết lãnh đạo
nên được ưu ái. Do vậy khi công ty thông báo rằng phần thưởng thi đua hằng năm sẽ được trao
cho người đồng nghiệp này, Toàn rất tức giận. Mỗi hành động dưới đây có hiệu quả như thế
nào trong viêc giúp Toàn cảm thấy dễ chịu hơn?.
Hành động 1: Toàn ngồi lại và suy nghĩ về tất cả những điều tốt đẹp trong cuộc sống và
trong công việc của anh.
Rất kém hiệu quả Rất hiệu quả
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
Hành động 2: Toàn cố tìm những ưu điểm khác của người đồng nghiệp này.
Rất kém hiệu quả Rất hiệu quả
Hành động 3: Toàn cảm thấy thật tồi tệ nếu mình cứ giữ thái độ như vậy và anh tự nói với
mình không việc gì phải quá bực tức về những việc nằm ngoài tầm kiểm soát của mình.
Rất kém hiệu quả Rất hiệu quả
Hành động 4: Toàn quyết định nói cho mọi người biết công việc kém cỏi của người
đồng nghiệp này và anh ta không xứng đáng nhận phần thưởng đó. Toàn tập hợp tư liệu và
bằng chứng để chứng minh quan điểm của mình.
Rất kém hiệu quả Rất hiệu quả
Tình huống 3: Ngân không biết khi nào các hóa đơn thanh toán tiền đến hạn trả, liệu có bao
nhiêu hóa đơn đòi trả ngay hoặc cô có chạy đủ tiền để trả hay không. Lúc đó, chiếc xe máy của
cô lại trục trặc và người sửa chữa nói rằng máy của nó quá cũ và công sửa chữa quá đắt nên
không đáng để sửa. Cô cảm thấy khó ngủ, thường thức dậy vài lần trong đêm và cô hiểu rằng
mình lúc nào cũng lo sợ. Mỗi hành động sau có hiệu quả như thế nào trong việc giúp Ngân
giảm được nỗi lo sợ này?.
Hành động 1: Ngân cố tìm hiểu xem cô nợ những khoản gì, nợ bao nhiêu và khi nào các
khoản nợ đến hạn phải thanh toán.
Rất kém hiệu quả Rất hiệu quả
Hành động 2: Ngân học các liệu pháp thư giãn để tự làm mình bớt lo sơ.
Rất kém hiệu quả Rất hiệu quả
Hành động 3: Ngân gọi điện thoại nhờ một chuyên gia tư vấn giúp cô học cách làm thế
nào để quản lý số tiền của mình một cách đúng đắn.
Rất kém hiệu quả Rất hiệu quả
Hành động 4: Ngân quyết định sẽ tìm một công việc khác có lương cao hơn.
Rất kém hiệu quả Rất hiệu quả
Tình huống 4: Dường như chẳng có gì tốt đẹp xảy ra với Hải. Chẳng có gì nhiều trong cuộc
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
sống của Hải làm anh thích thú và mang lại niềm vui. Năm tới những hàng động sau có hiệu
quả như thế nào trong công việc làm cho Hải cảm thấy vui thích hơn?.
Hành động 1: Hải bắt đầu gọi điện cho những người bạn mà đã lâu anh không giữ liên
lạc và có kế hoạch đến thăm một vài người trong số họ.
Rất kém hiệu quả Rất hiệu quả
Hành động 2: Anh cố ăn tốt hơn, đi ngủ sớm hơn và tập thể dục nhiều hơn.
Rất kém hiệu quả Rất hiệu quả
Hành động 3: Hải cảm thấy mình làm mọi người không vui và quyết địnhở một mình
một thời gian, cho đến khi có thể hiểu ra điều gì làm mình buồn chán.
Rất kém hiệu quả Rất hiệu quả
Hành động 4: Hải phát hiện thấy rằng ngồi thư giãn trước TV vào buổi tối với một hoặc
hai lon bia thực sự giúp anh cảm thấy tốt hơn.
Rất kém hiệu quả Rất hiệu quả
Tình huống 5: Khi Khải lái xe từ cơ quan về nhà, một chiếc xe khác vượt qua ngang mũi xe
anh. Anh không kịp bóp còi, chỉ kịp lái xe sang phải để tránh đâm vào nó. Anh rất tức giận.
Mỗi hành động sau có hiệu quả như thế nào trong viêc giúp Khải đương đầu với sự tức giận
này?.
Hành động 1: Khải quyết định dạy cho người lái xe kia một bài học bằng cách vượt lên
liệng sát mũi xe anh ta khi ra khỏi đường cao tốc.
Rất kém hiệu quả Rất hiệu quả
Hành động 2: Khải tự nhủ rằng những điều như vậy thường xảy ra và lái xe về nhà.
Rất kém hiệu quả Rất hiệu quả
Hành động 3: Khải hét lên và chửi hoặc nguyền rủa người lái xe kia.
Rất kém hiệu quả Rất hiệu quả
Hành động 4: Khải thề rằng sẽ không bao giờ lai xe trên con đường cao tốc đó nữa.
Rất kém hiệu quả Rất hiệu quả
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
PHẦN E
Bạn hãy quan sát kỹ 6 bức ảnh và nhận xét từng loại cảm xúc đã cho biểu hiện như thế nào
qua từng bức ảnh theo thang bậc từ 1 đến 5.
Câu 1 (Xem ảnh 1): Những cảm xúc dưới đây được biểu lộ như thế nào khi xem bức ảnh này.
Mỗi loại cảm xúc a, b, c, d, e chỉ chọn một mức độ phù hợp với bức ảnh.
a. Không hạnh phúc Rất hạnh phúc
b. Không buồn Rất buồn
c. Không lo sợ Rất lo sợ
d. Không tức giận Rất tức giận
e. Không ghê tởm Rất ghê tởm
Câu 2 (Xem ảnh 2): Những cảm xúc dưới đây được biểu lộ như thế nào khi xem bức ảnh này.
Mỗi loại cảm xúc a, b, c, d, e chỉ chọn một mức độ phù hợp với bức ảnh.
a. Không buồn Rất buồn
b. Không tức giận Rất tức giận
c. Không ngạc nhiên Rất ngạc nhiên
d. Không ghê tởm Rất ghê tởm
e. Không phấn chấn Rất phấn chấn
Câu 3 (Xem ảnh 3): Những cảm xúc dưới đây được biểu lộ như thế nào khi xem bức ảnh này.
Mỗi loại cảm xúc a, b, c, d, e chỉ chọn một mức độ phù hợp với bức ảnh.
a. Không hạnh phúc Rất hạnh phúc
b. Không lo sợ Rất lo sợ
c. Không tức giận Rất tức giận
d. Không ngạc nhiên Rất ngạc nhiên
e. Không ghê tởm Rất ghê tởm
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
Câu 4 (Xem ảnh 4): Những cảm xúc dưới đây được biểu lộ như thế nào khi xem bức ảnh này.
Mỗi loại cảm xúc a, b, c, d, e chỉ chọn một mức độ phù hợp với bức ảnh.
a. Không buồn Rất buồn
b. Không lo sợ Rất lo sợ
c. Không tức giận Rất tức giận
d. Không ngạc nhiên Rất ngạc nhiên
e. Không ghê tởm Rất ghê tởm
Câu 5 (Xem ảnh 5): Những cảm xúc dưới đây được biểu lộ như thế nào khi xem bức ảnh này.
Mỗi loại cảm xúc a, b, c, d, e chỉ chọn một mức độ phù hợp với bức ảnh.
a. Không hạnh phúc Rất hạnh phúc
b. Không buồn Rất buồn
c. Không lo sợ Rất lo sợ
d. Không tức giận Rất tức giận
e. Không ghê tởm Rất ghê tởm
Câu 6 (Xem ảnh 6): Những cảm xúc dưới đây được biểu lộ như thế nào khi xem bức ảnh này.
Mỗi loại cảm xúc a, b, c, d, e chỉ chọn một mức độ phù hợp với bức ảnh.
a. Không hạnh phúc Rất hạnh phúc
b. Không buồn Rất buồn
c. Không tức giận Rất tức giận
d. Không ngạc nhiên Rất ngạc nhiên
e. Không ghê tởm Rất ghê tởm
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
PHẦN F
Mỗi tình huống dưới đây đòi hỏi Bạn phải tưởng tượng mình đang cảm nhận theo một cách
nào đó. Hãy đưa ra câu trả lời tốt nhất theo cách hiểu của Bạn, thậm chí ngay cả khi Bạn
không thể hình dung nổi tình cảm đó.
Mỗi mục a, b, c bạn chỉ chọn 1 mức độ phù hợp theo thang bậc từ 1 (không giống) đến 5
(rất giống).
Tình huống 1: Hãy tưởng tượng rằng Bạn đang mặc cảm rằng mình có lỗi do Bạn quên đi
thăm người bạn thân bị ốm nặng. Trưa hôm đó, Bạn chợt nhớ ra quên không đến thăm người
bạn thân này đang nằm trong bệnh viện. Vậy mặc cảm có lỗi của Bạn giống những xúc cảm,
tình cảm dưới đây ở mức độ nào?.
Không giống Rất giống
a. Thờ ơ
b. Bất an
c. Hài lòng
Tình huống 2: Bạn hãy tưởng tượng đang cảm thấy hài lòng về một ngày tuyệt vời với những
tin tức tốt lành về công việc, về gia đình. Với tình cảm mãn nguyện đó giống những xúc cảm,
tình cảm dưới đây ở mức độ nào?.
Không giống Rất giống
a. Ấp áp, dễ chịu
b. Tức giận
c. Xót xa
Tình huống 3: Hãy tưởng tượng Bạn đang cảm thấy lạnh lẽo, buồn tẻ và đau xót. Tình cảm này
giống như những xúc cảm, tình cảm duới đây ở mức độ nào?.
Không giống Rất giống
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
a. Bị thách thức
b. Bị cô lập
c. Ngạc nhiên
Tình huống 4: Hãy tưởng tượng Bạn có cảm giác mênh mang, rộng lớn, mềm mại và xanh
tươi. Tình cảm này giống những xúc cảm, tình cảm dưới đây ở mức độ nào?.
Không giống Rất giống
a. Hứng khởi
b. Ghen tức
c. E sợ
Tình huống 5: Hãy tưởng tượng Bạn có cảm thấy có cái gì khép kín, u ám và tê dại. Tình cảm
này giống những xúc cảm, tình cảm dưới đây ở mức độ nào?.
Không giống Rất giống
a. Buồn sầu
b. Hài lòng
c. Bình tĩnh
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
PHẦN G
Bạn chỉ chọn 1 phương án đúng nhất trong số 5 phương án (a, b, c, d, e) cho mỗ câu dưới
đây.
Câu 1: Sự quan tâm gần nhất với tổ hợp xúc cảm nào dưới đây………
a. Yêu thương, lo âu, ngạc nhiên, tức giận.
b. Ngạc nhiên, tự hào, tức giận, sợ hãi.
c. Chấp nhận, lo âu, sợ hãi và lường trước.
d. Sợ hãi, vui sướng, ngạc nhiên, lúng túng.
e. Lo lắng, chăm sóc, lường trước.
Câu 2: Từ khác biểu thị sụ vui vẻ, hướng về tương lai một cách kiên định là………
a. Lạc quan.
b. Hạnh phúc.
c. Thỏa mãn.
d. Vui sướng.
e. Ngạc nhiên.
Câu 3: Chấp nhận, vui sướng và nồng nhiệt thường kết hợp lại với nhau để hình thành………
a. Sự yêu thương.
b. Sự sửng sốt.
c. Sự đoán trước.
d. Sự hài lòng.
e. Sự chấp nhận.
Câu 4: Sự kết hợp các cảm xúc: ghê tởm và tức giận sẽ hình thành………
a. Mặc cảm tội lỗi.
b. Sự nổi khùng.
c. Sự xấu hổ.
d. Sự thù hận.
e. Sự coi thường.
Câu 5: Sự ngạc nhiên do buồn rầu dẫn đến………
a. Thất vọng.
b. Sửng sốt.
c. Tức giận.
d. Lo sợ.
e. Hối tiếc.
Câu 6: Buồn chán, mặc cảm tội lỗi và hối tiếc kết hợp lại sẽ hình thành………
a. Sự bi lụy.
b. Sự bực tức.
c. Trầm cảm (u uất).
d. Sự ân hận.
e. Sự đau khổ.
Câu 7: Thư giãn, yên ổn và bình tĩnh là những thành phần của………
a. Sự yêu mến.
b. Sự mệt mỏi.
c. Sự mong đợi.
d. Sự điềm tĩnh.
e. Sự lường trước.
Câu 8: Sợ, vui sướng, ngạc nhiên và lúng túng là những thành phần của………
a. Sư quý trọng.
b. Nể sợ.
c. Sự lo sợ.
d. Sự tôn trọng.
e. Đồng cảm.
Câu 9: Xấu hổ, ngạc nhiên và lúng túng là những thành phần của………
a. Sự ghen tức
b. Buồn chán.
c. Mặc cảm tội lỗi.
d. Đố kỵ.
e. Thẹn thùng.
Câu 10: Cảm phục, yêu quý và lo lắng là những thành phần của………
a. Ghen tức.
b. Buồn chán.
c. Ác tâm.
d. Tự hào.
e. Lo sợ.
Câu 11: Vui sướng, phấn chấn và không chắc chắn là những thành phần của………
a. Sinh động.
b. Sự lường trước.
c. Lo âu.
d. Bình tĩnh.
e. Than thảnh.
Câu 12: Buồn và hài lòng, cả hai đôi khi những thành phần của………
a. Nỗi luyến tiếc.
b. Lo âu.
c. Lường trước.
d. Trầm cảm.
e. Coi thường.
PHẦN H
Bạn chọn một câu trả lời tốt nhất cho mỗi phương án trong các tình huống dưới đây theo
thang bậc từ 1 (rất kém hiệu quả) đến 5 (rất hiệu quả).
Tình huống 1: Nam kết bạn thân với một người cùng cơ quan được hơn một năm. Hôm nay,
người bạn đó làm anh ngạc nhiên khi nói rằng, anh ta đã xin chuyển công tác sang cơ quan
khác và có thể chuyển khỏi vùng này. Anh ta không kể chi tiết việc anh ta chuyển công tác.
Những phương án ứng xử dưới đây có hiệu quả như thế nào giúp Nam duy trì mối quan hệ bạn
bè tốt với người bạn kia?.
Phương án 1: Nam cảm thấy không sao và nói với bạn rằng anh vui mừng vì bạn có chỗ
làm mới. Qua vài tuần Nam hẹn gặp để khẳng định họ vẫn là bạn bè.
Rất kém hiệu quả Rất hiệu quả
Phương án 2: Nam cảm thấy buồn vì bạn đã chuyển đi, nhưng những gì đã xảy ra cho
thấy người bạn đó đã không quan tâm nhiều đến anh. Người bạn này không nói gì về việc tại
sao anh ta chuyển đi, điều này chứng tỏ anh ta không còn là bạn. Nam không để ý đến điều đó,
mà thay vào đó anh tìm cách kết bạn với những người khác cùng cơ quan.
Rất kém hiệu quả Rất hiệu quả
Phương án 3: Nam tức giận vì bạn không nói gì với mình. Nam tỏ thái độ không đồng
tình bằng cách lờ người đó đi đến khi người đó nói cái gì đó về điều anh ta đã làm. Nam nghĩ
rằng nếu người bạn không nói gì, điều đó có thể khẳng định người đó không đáng là bạn.
Rất kém hiệu quả Rất hiệu quả
Tình huống 2: Thầy giáo của Tâm vừa mời bố mẹ của Tâm đến để nói rằng Tâm học rất
kém, không tập trung chú ý, là người hay quậy phá và không thể ngồi yên trong giờ học. Thầy
giáo này không có nhiều kinh nghiệm để đối phó với những trẻ hiếu động và bố mẹ của Tâm lo
lắng không biết điều gì sẽ xảy ra. Sau đó thầy giáo nói rằng con trai họ sẽ không được lên lớp
trừ khi có sự tiến bộ, bố mẹ của Tâm cảm thấy rất tức giận. Những phương án sau sẽ giúp ích
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
con họ như thế nào?.
Phương án 1: Bố mẹ của Tâm nói với giáo viên rằng đây là cú sốc lớn đối với họ, vì
đây là lần đầu tiên họ nghe nói về vấn đề của con họ. Họ đề nghị được gặp lại giáo viên để
cùng trao đổi và nếu có thể, mời hiệu trưởng cùng dự.
Rất kém hiệu quả Rất hiệu quả
Phương án 2: Bố mẹ giáo viên nói rằng nếu giáo viên cứ tiếp tục đe dọa không cho con
trai họ lên lớp, họ sẽ đưa vấn đề này lên hiệu trưởng. Họ nói “nếu con trai chúng tôi bị đúp,
chúng tôi sẽ buộc anh phải chịu trách nhiệm. Anh là giáo viên, công việc của anh là dạy học,
không nên đổ lỗi cho học trò.
Rất kém hiệu quả Rất hiệu quả
Phương án 3: Bố mẹ của Tâm không nói chuyện với giáo viên. Họ đi gặp hiệu trưởng
và phàn nàn về tái độ đe dọa của giáo viên, đồng thời đề nghị cho con họ chuyển sang lớp khác.
Rất kém hiệu quả Rất hiệu quả
Tình huống 3: Mọi chuyện diễn ra tốt đẹp với Lê. Trong khi những người khác bị quở
trách về công việc thì Lê đượ khen, lại được thăng chức. Các con của cô ngoan và học giỏi, gia
đình cô hòa thuận và hạnh phúc. Lê bắt đầu cảm thấy mình rất quan trọng và bắt đầu nhận thấy
mình bắt đầu khoe khoang về cuộc sống của mình với bạn bè. Những phương án sau có hiệu
quả như thế nào cho việc duy trì các mối quan hệ của cô.
Phương án 1: Vì mọi thứ đều tốt, Lê cảm thấy tự hào về điều đó nhưng cô cũng cảm
thấy một vài người không thích hoặc họ ghen tức với cô. Vì vậy, cô chỉ nên nói với những
người bạn thân.
Rất kém hiệu quả Rất hiệu quả
Phương án 2: Lê bắt đầu nghĩ về tất cả những khó khăn trong tương lai để cô có thể có
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
cái nhìn toàn cảnh về cuộc sống của mình.
Rất kém hiệu quả Rất hiệu quả
Phương án 3: Lê chia sẽ các cảm nhận của cô đối với chồng tối hôm đó. Sau đó cô
quyết định gia đình mình nên sử dụng thời gian cùng nhau vào cuối tuần và tham gia vào một
vài sự kiện của gia đình để mọi người được ở cùng nhau.
Rất kém hiệu quả Rất hiệu quả
1 2 3 4 5
1 2 3 4 5
PHIẾU TRẢ LỜI TRẮC NGHIỆM MSCEIT
Họ và tên:………………………………… Nam/Nữ:………………………
Học sinh lớp:…………………………….. Trường:………………………..
Kết quả học tập học kỳ I:……………………………………………………..
Các bạn hãy đọc kỹ phần hướng dẫn và trả lời từng câu hỏi đã nêu trong trắc nghiệm
bằng cách viết các con số (1, 2, 3, 4, 5 hoặc 6), hoặc chữ cái (a, b, c, d, e) vào ô trống
trong phiếu điều tra. Xin các bạn không bỏ sót câu trả lời nào.
PHẦN A
PHẦN B
PHẦN C
Tình huống
Câu 1 Câu 2 Câu 3 Câu 4
a… a… a… a…
b… b… b… b…
c… c… c… c…
d… d… d… d…
e… e… e… e…
Câu 1 Câu 2 Câu 3 Câu 4 Câu 5
a… a… a… a… a…
b… b… b… b… b…
c… c… c… c… c…
1… 5… 9… 13… 17…
2… 6… 10… 14… 18…
3… 7… 11… 15… 19…
4… 8… 12… 16… 20…
PHẦN D
Tình huống 1 Tình huống 2 Tình huống 3 Tình huống 4 Tình huống
5
Hành động 1… Hành động
1…
Hành động 1… Hành động
1…
Hành động
1…
Hành động 2…Hành động
2…
Hành động
2…
Hành động
2…
Hành động
2…
Hành động 3…Hành động
3…
Hành động
3…
Hành động
3…
Hành động
3…
Hành động 4…Hành động
4…
Hành động
4…
Hành động
4…
Hành động
4…
PHẦN E
Câu 1 Câu 2 Câu 3 Câu 4 Câu 5 Câu 6
a… a… a… a… a… a…
b… b… b… b… b… b…
c… c… c… c… c… c…
d… d… d… d… d… d…
e… e… e… e… e… e…
PHẦN F
Câu 1 Câu 2 Câu 3 Câu 4 Câu 5
PHẦN G
Câu
1
Câu
2
Câu
3
Câu
4
Câu
5
Câu
6
Câu
7
Câu
8
Câu
9
Câu
10
Câu
11
Câu
12
a… a… a… a… a… a… a… a… a… a… a… a…
b… b… b… b… b… b… b… b… b… b… b… b…
c… c… c… c… c… c… c… c… c… c… c… c…
d… d… d… d… d… d… d… d… d… d… d… d…
e… e… e… e… e… e… e… e… e… e… e… e…
PHẦN H
Tình huống 1 Tình huống 2 Tình huống 3
Phương án 1… Phương án 1… Phương án 1…
Phương án 2… Phương án 2… Phương án 2…
Phương án 3… Phương án 3… Phương án 3…
a… a… a… a… a…
b… b… b… b… b…
c… c… c… c… c…
PHIẾU Ý KIẾN
Chân thành cảm ơn các bạn đã giúp đỡ để chúng tôi có thể hoàn thành đề tài nghiên cứu
“trí tuệ cảm xúc của học sinh trung học phổ thông”. Các bạn vui lòng đánh dấu (X) vào
ô mà các bạn cho là phù hợp.
Bạn là học sinh khối:…………………………………………………………..
Giới tính của bạn:……………………………………………………………
Kết quả học tập học kỳ I:………………………………………………….
Môn học yêu thích của bạn:………………………………………………………
Theo bạn, những nguyên nhân sau đây có ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển
trí tuệ cảm xúc của bạn?
Mức độ ảnh hưởng
Các nguyên nhân Rất
nhiều Nhiều
Trung
bình
Ít
Không
ảnh
hưởng
Chưa biết các phương pháp luyện
tập để nâng cao trí tuệ cảm xúc
Tích cực, chủ động tham gia các
hoạt động có tính tập thể ở trường,
xã hội
Nhu cầu, mong muốn nâng cao trí
tuệ cảm xúc
Chưa nhận thức vai trò của trí tuệ
cảm xúc trong hoạt động sống và
công việc
Chưa có tri thức, hiểu biết về trí
tuệ cảm xúc
Phạm vi mối quan hệ còn bó hẹp
chủ yếu trong nhà trường
Ít tiếp xúc, va chạm, trải nghiệm
với cuộc sống xã hội
Ảnh hưởng của nhóm bạn thân
Di truyền từ cha mẹ
Nội dung các môn học trong nhà
trường
Phong cách dạy và giao tiếp của
giáo viên
Nghề nghiệp của cha mẹ
Các hoạt động tập thể trong nhà
trường
Giáo dục gia đình: cách cư xử, thể
hiện tình cảm…
Hoàn cảnh sống
BẢNG CÂU HỎI PHỎNG VẤN
1. Bạn hãy kể lại một câu chuyện xảy ra gần đây nhất giữa bạn và một người khác
mà giữa hai người do không kiềm chế được cảm xúc đã nảy sinh mâu thuẫn?
2. Bạn hãy tự nhận xét những ưu điểm và hạn chế của bạn trong việc kiểm soát,
quản lý cảm xúc trong quá trình giao tiếp?
3. Bạn có những đề nghị gì nhằm giúp bạn nâng cao những năng lực cảm xúc của
bản thân?
BẢNG XẾP LOẠI HỌC SINH
TRƯỜNG THPT NGUYỄN DU VÀ THPT BẢO LỘC
Trường
Xếp loại Tần số và tỷ lệ
% Nguyễn Du Bảo Lộc
Yếu Tần số
Tỷ lệ %
25
25,3%
2
1,7%
Trung bình
Tần số
Tỷ lệ %
61
61,6%
33
28,4%
Khá
Tần số
Tỷ lệ %
13
13,1%
75
64,7%
Giỏi Tần số
Tỷ lệ %
0
0%
6
5,2%
Tổng Tần số
Tỷ lệ %
99
100%
116
100%
BẢNG DANH SÁCH HỌC SINH THAM GIA
NHÓM THỰC NGHIỆM
TT Họ và tên Điểm lần 1 Điểm lần 2
1 Điền Thị An 87.6 90.6
2 Nguyễn Thị Ngọc Yến 91.76 112.5
3 Lê Quang Phương 113.3 117.2
4 Phạm Thị Hoa 90.8 98.91
5 Nguyễn Anh Tuấn 110.8 111.4
6 Đặng Thị Huyền Ly 106.8 111.9
7 Phạm Xuân Kỳ 101.6 99.64
8 Trần Thị Thanh Hương 102.8 110.6
9 Nguyễn Thị Hảo 95.36 114
10 Nguyễn Thị Thùy Linh 101.6 114.8
11 Hoàng Kim Ngân 91.28 107.5
12 Nguyễn Hữu Đức 93.32 95.99
13 Đặng Duy Thiên 105.1 113.3
14 Đoàn Anh Bảo 116.1 116.5
15 Phạm Bích Quỳnh 92.13 110.4
._.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LA5189.pdf