Tranh Đông Hồ- một nét Kinh Bắc
LỜI MỞ ĐẦU
...Ai về bên kia sông Ðuống
Cho ta gửi tấm the đen
Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên
Những hội hè đình đám
Trên núi Thiên Thai
Trong chùa Bút Tháp
Giữa huyện Lang Tài
Gửi về may áo cho ai ? …
(“Bên kia sông Đuống”- Hoàng Cầm)
Làng quê Kinh Bắc được biết đến bao đời nay là cái nôi của văn hóa dân gian Việt Nam . Kinh Bắc yên bình với những triền đê quanh co , những cánh đồng rộng rãi và bên dòng sông Đuống êm ả. Kinh Bắc
14 trang |
Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 1759 | Lượt tải: 1
Tóm tắt tài liệu Tranh Đông Hồ - 1 nét Kinh Bắc, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
cổ kính lâu đời với những ngôi chùa hàng trăm năm tuổi cùng các làng nghề truyền thống. Kinh Bắc lại đẹp duyên dáng bên những làn điệu dân ca quan họ.Về với Kinh Bắc là người ta về với chùa Dâu, chùa Bút Tháp, lăng Kinh Dương Vương ,hay về với làng gốm Phù Lãng, làng nghề tre trúc Xuân Lai, hội Lim…Về với Kinh Bắc người ta cũng không quên ghé qua làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) - vùng đất đã nổi tiếng suốt 5 thế kỷ qua với một dòng tranh dân gian được coi như di sản văn hóa không thể thiếu của người Việt.
Những nét Kinh Bắc theo thời gian tuy đã có phần mai một nhưng vẫn là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm về nguồn cội. Làng tranh Đông Hồ- một nét Kinh Bắc ấy từ lâu đã đi vào cuộc sống tinh thần của nhân dân, đặc biệt là người dân Kinh Bắc, là vùng đất quê hương của những bức tranh dân gian mang đậm lối sống giản dị mộc mạc của người Việt. Một ngày về với đất Kinh Bắc và với làng tranh Đông Hồ, qua những lời giới thiệu của người làng tranh hiếu khách, tận mắt chứng kiến cách những người nghệ nhân làm ra những bức tranh còn thơm mùi giấy điệp, tôi đã phần nào hiểu được làng tranh Đông Hồ xưa và nay , cùng những nét đặc biệt mà đầy ý nghĩa của dòng tranh dân gian này.
...Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp...
NỘI DUNG
Phần 1: Làng tranh Đông Hồ xưa - lịch sử và phát triển
Làng tranh Đông Hồ xưa là làng nghề nổi tiếng về tranh dân gian, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cách Hà Nội chừng trên 35 km. Làng Đông Hồ (đôi khi dân địa phương chỉ gọi là làng Hồ) nằm trên bờ phía nam của con sông Đuống hài hòa , cạnh bến đò Hồ. Từ Hà Nội đi Đông Hồ du khách thường qua các địa danh khá nổi tiếng của huyện Gia Lâm (Hà Nội) như phố Sủi, chợ Keo, chợ Dâu (Thuận Thành-Bắc Ninh). Dọc theo triền đê với những ngôi nhà tường gạch nổi bật giữa màu xanh của cánh đồng lúa, thấp thoáng những sân phơi tranh với màu sắc xanh đỏ,xa xa là dòng sông Đuống chảy êm đềm, ta đến với làng tranh.
Lịch sử cũng như sự phát triển của làng tranh Đông Hồ gắn liền với lịch sử và phát triển của dòng tranh Đông Hồ truyền thống.Tên gọi dân gian xưa của làng tranh Đông Hồ là làng Mái. Chỉ sau một thời gian gắn bó với nghề làm tranh mà người ta gọi nó là làng Hồ hay làng Đông Hồ.Tranh Đông Hồ ra đời vào khoảng thế kỷ thứ XVI với số lượng mẫu tranh vô cùng phong phú mà không ai thống kê hết được, chỉ biết gồm có 5 loại chính là :tranh thờ, tranh chúc tụng,tranh sinh hoạt,tranh lịch sử và tranh giáo dục.Có một điều đặc biệt ở một làng tranh đã hơn 500 năm tuổi là chưa ai từng nghe đến ông tổ của làng nghề. Bởi lẽ tinh hoa của nghề đã được những người làng tranh – những bàn tay nghệ nhân truyền từ đời này sang dời khác, thế kỷ này sang thế kỷ khác. Từ cuối thế kỷ XIX đến 1944 là thời kì hưng thịnh của làng tranh. Lúc ấy, trong làng có 17 dòng họ thì tất thảy đều làm tranh. Đến hẹn lại lên, cứ khoảng tháng 7, tháng 8 hàng năm là cả làng đã tất bật để chuẩn bị cho mùa tranh Tết, khắp làng rực rỡ sắc màu của giấy điệp, không một mảnh đất trống nào không được người dân làng Hồ tận dụng để phơi giấy: từ sân nhà, sân đình, ven các ngõ xóm, đường làng, dọc theo triền đê cho đến các nóc nhà, nóc bếp….Không khí trong làng rộn rạo từ sáng đến tối suốt mấy tháng liền như thế. Thế rồi làng tranh nhộn nhịp với hội tranh giữa những ngày tháng Chạp, đặc biệt là các ngày mùng 6, 11,16,21 và 26. Bà con và du khách thập phương muôn nơi đổ về tấp nập mua tranh treo tết, cầu mong một sự phú quý vinh hoa cho nhà mình. Bên cạnh đó, đến chợ tranh làng Hồ không chỉ có khách buôn và mua tranh, mà có cả những người hâm mộ nghệ thuật tranh dân gian thích thăm thú, xem tranh và đi trảy hội mùa xuân. Làng tranh lúc bấy giờ thật đẹp và đông vui biết bao.
“Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ đến tháng Chạp thì về buôn tranh”.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, cùng nhân dân cả nước,Đông Hồ cũng rơi vào cảnh đạn bom, làng tranh bị giặc đốt phá tan hoang, người dân trong làng lo chạy loạn khắp nơi, các bản khắc tranh cũng bị thiêu cháy rụi. Nghề tranh từ đó cũng bị gián đoạn. Nhưng khi hoà bình lập lại (1954) ,làng tranh được khôi phục.Thời gian này, nhiều tổ hợp tác sản xuất tranh Đông Hồ được thành lập, đây cũng là thời điểm tranh Đông Hồ được xuất khẩu nhiều ra nước ngoài, nét đẹp tranh Đông Hồ mang hồn Việt đã được rất nhiều bạn bè quốc tế biết đến.
Còn nói về người làng tranh, các cụ làng Đông Hồ ngày xưa vẫn truyền lại mấy câu ca rằng:
Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có sông tắm mát có nghề làm tranh.
“Làng mái có lịch có lề” - Chữ lề ở đây tượng trưng cho những quy tắc đạo đức của người xưa, rất trọng danh dự, khí tiết. Còn dân làng Mái, dân nghệ thuật rất trọng lời ăn tiếng nói. Không như nhiều làng quê khác, người dân làng Hồ, nhất là phụ nữ, ăn nói rất lịch lãm, trên dưới thưa gửi rất rõ ràng. Người làng kể rằng kể cả từ xưa, rất hiếm khi trong làng có tiếng người mắng chửi nhau. Du khách về với làng tranh cũng rất hài lòng trước sự hiếu khách của dân làng. Đó cũng chính là một nét Kinh Bắc khiến cho người ta đến một lần và nhớ mãi…
Như vậy, làng tranh Đông Hồ cùng dòng tranh mang hồn dân tộc ấy trải qua biết bao thăng trầm đã trở thành một thói quen tâm linh, một phong tục tín ngưỡng của người Việt, đặc biệt là người Bắc. Một vài tờ tranh bên cạnh mâm ngũ quả đã trở thành thứ mà các bà các chị không quên sắm cho gia đình mỗi dịp tết đến xuân về.
Phần 2: Tranh dân gian Đông Hồ
-dòng tranh mang hồn Việt
Thú chơi tranh tết của người Việt Nam gắn liền với nhiều dòng tranh: có tranh Kim Hoàng, tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ….Tuy nhiên,những thăng trầm thời gian đã làm cho dòng tranh Kim Hoàng đi vào dĩ vàng, tranh Hàng Trống đến nay chỉ còn một nghệ nhân. Còn tranh dân gian Đông Hồ tuy cũng đã trải qua nhiều sóng gió nhưng có thể nói đó là dòng tranh dân tộc có sức sống lâu bền nhất. Dòng tranh ấy ẩn chứa tự trong nó những nét đặc trưng sống mãi với thời gian mà không một dòng tranh nào khác có được.
Trước hết ,tranh dân gian Đông Hồ đặc trưng ở chất liệu làm tranh và cách in tranh. Chất liệu làm tranh Đông Hồ hoàn toàn bắt nguồn từ các sản phẩm của thiên nhiên, gắn bó gần gũi với đời sống con người Việt Nam như : Giấy làm từ cây dó, màu đỏ từ gạch non, màu vàng từ hoa điệp vàng, màu đen từ lá tre đốt, màu trắng được nghiền từ vỏ sò, ốc… Rồi bàn tay khéo léo tài hoa của các nghệ nhân làng tranh hòa vào những chất liệu tự nhiên ấy mới làm nên tranh Đông Hồ một cách đúng nghĩa.Bởi lẽ mỗi bức tranh có từ bảy đến tám màu và mỗi màu phải in theo một trình tự nhất định:đầu tiên là màu đỏ, rồi xanh, tiếp đến là trắng, hồng hoặc vàng và cuối cùng là màu đen (bản nét).. . Mỗi một Quết hồ lên giấy dó
màu của bức tranh lại đi kèm với một bản khắc bằng gỗ thị. Ví dụ như bức tranh Đám cưới chuột có bốn màu đỏ, xanh, vàng và đen thì có bốn bản khắc các chi tiết khác nhau đi kèm với các màu tương ứng .Để hoàn thành một bức tranh người nghệ nhân phải rất công phu tỉ mỉ trong từng khâu: sơn hồ lên giấy, phơi giấy cho khô hồ, quết điệp rồi lại phơi giấy cho khô lớp điệp, rồi mỗi một lần in màu lên giấy lại phơi một lần. Chính vì thế mà sân nhà lúc nào cũng phơi đầy tranh, để cho cảnh sắc thiên nhiên Kinh Bắc cùng nếp sống của con người khắc sâu vào trong tranh, làm nên nét đẹp và đặc trưng thứ hai của tranh Đông Hồ. Phơi giấy điệp
Thật vậy, cái làm nên nét đẹp và đặc biệt ở tranh Đông Hồ để cho người ta đã nhìn là muốn ngắm mãi, là phải suy ngẫm chính là ý nghĩa của tranh. Tranh dân gian Đông Hồ, đúngnhư cái tên gọi của nó ,là thế giới thu nhỏ của cuộc sống làng quê Việt Nam.Đó là cái gì bình dị mà gần gũi, trong sáng mà sâu lắng cảm xúc, toát lên từ cách thể hiện màu sắc đến nhân vật trong tranh. Theo lời một nghệ nhân làng tranh đã gắn bó với nghề từ lâu đời,màu sắc mang tiếng nói riêng khi nền màu đỏ thể hiện sự nóng giận ngột ngạt trong tranh đánh ghen, màu vàng gắn với cảnh vui tươi tràn ngập săc xuân ngày tết, màu xanh phủ đầy trên cảnh những làng quê yên bình. Mỗi bức tranh mang một ý nghĩa nhân sinh riêng từ những mong ước giản dị cho đến những điều cao quý. Đề cao cái đẹp, đề cao đạo lí làm người, giáo dục những phẩm chất tốt và mong cầu những điều tốt đẹp nhất cho cuộc sống chính là ý nghĩa nhân văn cao đẹp mà ta tìm thấy ở tranh Đông Hồ.
Tranh Đông Hồ có 5 loại chính là tranh thờ( gắn với tục thờ cúng tổ tiên và tín ngưỡng đa thần với những chủ đề tranh như: Táo Quân, Phật Bà, Thổ Công, ngũ hổ, …);tranh chúc tụng(biểu đạt cho những lời chúc: bình an, hạnh phúc, giàu có, sung túc, thăng tiến hoặc đông con như Đại cát-Nghinh xuân, Gà đàn, Gà trống,vinh hoa phú quí, cậu bé cưỡi trâu....);tranh sinh hoạt (chuột đỗ trạng nguyên, chuột vinh qui, đám cưới chuột, chuột mèo hóa giải, đánh ghen, hái dừa, thầy đồ cóc...);tranh lịch sử(ca ngợi lịch sử oanh liệt và hết sức tự hào của dân tộc như Hai Bà Trưng, Bà Triệu cưỡi voi xung trận, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền đánh quân Nam Hán, Đinh Bộ Lĩnh cờ lau tập trận hay Việt Nam độc lập, bình dân học vụ, bắt sống giặc lái máy bay, Bác Hồ về thăm làng...);và tranh giaó dục (Cóc đi học, Nhị thập tứ hiếu, tranh chuyện Kiều, thánh Gióng, Thạch Sanh, tranh ngụ ngôn…).
Để hiểu thêm một cách sâu sắc hơn ý nghĩa của tranh Đông Hồ ta hãy cùng tìm hiểu một số bức tranh Đông Hồ tiêu biểu sau:
Đám cưới chuột
Đây là một trong những bức
tranh có từ lâu đời và nổi tiếng nhất của dòng tranh Đông Hồ. Nó thuộc loại tranh sinh hoạt, là một bức tranh hài hước nhưng mang ý nghĩa châm biếm sâu sắc.Hài hước ở chỗ chuột lại đi
rước dâu, lấy vợ, hay chính là
nghệ nhân dân gian đã thổi hồn vào bức tranh, nhân hóa con chuột để nó mang dáng dấp con người. Châm biếm ở chỗ chú rể chuột muốn đón dâu phải mang chim, mang cá đến cống cho mèo. Trên bức tranh có hai chữ Nghênh hôn chỉ đám cưới. Con mèo trong bức tranh đại diện cho tầng lớp thống trị xưa. Còn con chuột là hình ảnh của những người nông dân trong xã hội cũ.
Trạng Chuột ơn vua cưới vợ làng,
Kiệu son lộng lẫy lọng hoa vàng !
Nàng dâu xứ chuột chân đi đất,
Ngón nhỏ bùn non vẫn dính chân !
“Đám cưới chuột” cùng với hai bức tranh chuột khác là “chuột vinh quy” và “chuột rước rồng” đã phản ánh một cách sâu sắc quan hệ mạnh hiếp yếu trong xã hội, là tiếng nói của nhân dân lao động trước nạn tham ô, cướp bóc của bọn tham quan.
Đàn lợn âm dương
Nếu như“đám cưới chuột” là tiếng nói châm biếm thì tranh “đàn lợn âm dương” mang sắc thái hoàn toàn khác. Đó chính là ước mơ của nhân dân về một cuộc sống sung túc, no đủ, thịnh vượng,một đại diện điển hình cho thể loại tranh chúc tụng. Lợn là con vật gắn liền với đời sống của những người nông dân lao động chất phác, nó mang đến sự gần gũi như một người bạn và sắc thái tươi vui ,dí dỏm. Trong bức tranh “đàn lợn âm dương” có hình ảnh một chú lợn mẹ và năm chú lợn con quây quần xung quanh,đều được viền bởi những nét khắc chắc khoẻ mà mềm mại, không chỉ đẹp mà còn đúng về đặc điểm hình thể. Con lợn nào cũng có xoáy âm dương được trang trí trên mình để thể hiện sự sinh sôi, phát triển.
Vinh hoa- phú quí
Cũng thuộc loại tranh chúc tụng,bộ tranh “vinh hoa-phú quí” đã trở thành biểu tượng đẹp về sự phát triển phồn thịnh, hạnh phúc gia đình.
Tranh “vinh hoa” với hình ảnh em bé trai bụ bẫm ôm gà trống biểu hiện lời chúc cho mọi người có con trai khỏe đẹp ý chí kiên cường bất khuất của đấng nam nhi, lớn lên cuộc đời sẽ vinh hiển thành đạt, có đủ các đức tính: văn (vẻ đẹp – mào gà), vũ (cứng rắn – cựa gà), nhân (lòng thương yêu đồng loại – chia mồi khi kiếm được), dũng (sức mạnh – kiên quyết chống lại kẻ thù), tín (gáy rất đúng giờ)...
Đi đôi với tranh “Vinh hoa” là tranh em bé gái ôm vịt, còn gọi là tranh“Phú quí”. Con vịt trong tranh là con vật biểu hiện đức tính của nữ giới về sự phong lưu, hiền dịu, đông con.
Ngũ Hổ
Thuộc thể loại tranh thờ, tranh “”ngũ hổ” Đông Hồ tuy không nổi tiếng bằng tranh “ngũ hổ” Hàng Trống nhưng cũng là nột bức tranh ẩn chứa nhiều mật mã và ý nghĩa. Một ông hổ màu vàng ngự ở giữa tranh nghiêm trang, uy nghi ,trong lòng ôm hòm ấn có nhãn quẻ càn,xung quanh có 4 ông hổ con bốn màu xanh, đỏ, đen, trắng tượng trưng cho thuyết Âm Dương Ngũ hành: hỏa-hổ đỏ, mộc-hổ xanh, thủy-hổ đỏ, kim-hổ trắng, thổ- hổ vàng. Bức tranh này thể hiện nguyên lý Ngũ hành tương khắc, từ trái sang phải, ngược chiều kim đồng hồ và từ dưới lên. Đây là một nét tâm linh mà người Việt đã trân trọng và quan niệm từ xưa.
Như vậy, tranh dân gian Đông Hồ không chỉ đặc sắc trong cách làm nguyên liệu, màu sắc, cách in tranh mà hơn cả là nó còn mang những ý nghĩa lớn lao đi xuyên thời đại.Mỗi bức tranh Đông Hồ mang một vẻ khác nhau đã phản ánh một cách chân thực nhất đời sống vật chất, tinh thần của con người Việt Nam, góp phần quan trong vào vẻ đẹp văn hóa Việt Nam.Vì thế mà tranh Đông Hồ không phụ lòng người với cái tên người ta gọi nó – nét dân gian lưu giữ hồn dân tộc.
Phần 3: Làng tranh Đông Hồ nay
Xã hội phát triển, công nghệ in ấn ngày càng tinh xảo kéo theo sự ra đời của nhiều loại tranh ảnh khác nhau, liệu có còn chỗ cho một dòng tranh cổ truyền đã vang bóng một thời?
Thực tế cho thấy từ những năm 1985-90 ,do tác động của nền kinh tế thị trường,nhu cầu thẩm mĩ của người dân thay đổi,việc xuất khẩu tranh gặp nhiều khó khăn, tranh Đông Hồ truyền thống dần dần bị mai một. Đến với làng tranh vào những ngày cuối năm, người yêu tranh không còn thấy cái không khí nhộn nhịp người ta bày bán tranh , cũng không còn cảnh người người, nhà nhà ưa chuộng tranh Đông Hồ như ngày xưa nữa. Cả làng tranh Đông Hồ nay chỉ còn hai gia đình của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam và Nguyễn Đăng Chế còn bám trụ với nghề truyền thống. Còn người làng Đông Hồ không sống được bằng tranh nên từ lâu đã chuyển sang nghề làm vàng mã để có công việc ổn định, để thoát được đói nghèo. Về làng tranh ta vẫn thầy cảnh người ta phơi giấy , nhưng không phải giấy dó để làm tranh, mà là giấy để làm vàng mã. Du khách về với Đông Hồ bây giờ cũng chỉ là những người muốn níu giữ một tình yêu tranh.
Một trong hai gia đình nghệ nhân còn theo đuổi nghề tranh ở làng Đông Hồ là gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, người mới đây đã cùng UBND huyện Thuận Thành đầu tư 2,5 tỉ đồng xây dựng Trung tâm lưu giữ, bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ tại xã Song Hồ. Ông cũng là người lưu giữ gần 1.000 bản khắc, khuôn tranh trong đó có nhiều bản khắc gỗ hiếm quý cách đây trên 200 năm và cả những bức tranh cổ từ 300 năm nay. Đây có lẽ là nơi để cho những người yêu tranh tìm được cái truyền thống xưa, tìm được cái đẹp của tranh và hiểu được ý nghĩa của mỗi bức.Kề bên nhà nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế là nhà cụ Nguyễn Hữu Sam, năm nay đã 77 tuổi. Gia đình cụ cũng đã có trên mười đời theo đuổi nghề tranh dân gian độc đáo này.Hai nghệ nhân đều là những người gắn bó với dòng tranh quê hương từ nhỏ,và có thể nói ,chính niềm đam mê với tranh và yêu tranh đã giúp cho họ bám trụ và phục hồi dòng tranh truyền thống này. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế
Sẽ thật đáng tiếc biết bao nếu như một dòng tranh quý và đậm chất dân tộc như Đông Hồ phai tàn theo năm tháng.Mặc dù gần đây đã có nhiều dự án khôi phục lại làng nghề, phát triển du lịch làng nghề truyền thống song làng tranh dân gian Đông Hồ vẫn chỉ đang tồn tại ở mức độ "phảng phất", chưa thực sự được quan tâm đầu tư để phát triển. Hi vọng trong tương lai gần, cùng với các làng nghề truyền thống khác trên cả nước, làng tranh Đông Hồ sẽ tìm lại được vị trí vốn có của mình và ngày càng phát triển, làm giàu thêm cho nền văn hoá đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam.
KẾT THÚC
Vùng quê Kinh Bắc nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung với bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời thực sự không thể vắng bóng nét đẹp của làng tranh Đông Hồ và dòng tranh Đông Hồ.Dẫu cho thời gian với những thăng trầm của lịch sử có làm mai một những bức tranh, làm mai một những nghệ nhân tranh, thì hồn Việt ẩn chứa trong tranh sẽ còn trường tồn mãi mãi. Bản thân tôi trước kia không phải là người biết nhiều và hiểu nhiều về tranh, nhưng có lẽ một lần được về làng tranh và tìm hiểu nét đẹp của những bức tranh dân tộc này,tôi sẽ trở thành một người yêu tranh .Và một ngày kia biết đâu khi tìm về với làng tranh trong một ngày giáp tết, tôi được tân hưởng đúng cái không khí giống như ngày xưa, ngày người người,nhà nhà mua tranh về treo tết,ngày làng tranh được khôi phục. Đó là niềm mong ước của tất cả những ai yêu vá quý trọng dòng tranh Đông Hồ- một nét Kinh Bắc, một nét dân gian lưu giữ hồn dân tộc.
._.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 26064.doc