TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ TRONG PHÁP LUẬT PHONG KIẾN VIỆT NAM
I) GIỚI THIỆU CHUNG
Pháp luật phong kiến Việt nam ra đời và ngay lập tức đã thể hiện vai trò đắc lực giúp vua chúa phong kiến trong việc điều hành và quản lý nhà nước. Con đường hình thành của pháp luật cũng đi từ sự kế thừa, sao chép thuần tuý những phong tục tập quán sẵn có trong dân gian, đến từng bước vận dụng xây dựng văn bản pháp luật chính thức. Tại từng triều đại, trong từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể mà hoạt động xây dựng pháp luật
12 trang |
Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 1894 | Lượt tải: 1
Tóm tắt tài liệu Trách nhiệm dân sự trong pháp luật Phong kiến Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
được quan tâm xây dựng và phát triển ở các mức độ khác nhau. Nhưng, dưới giác độ pháp điển hoá, pháp luật phong kiến Đại việt về căn bản có những bộ luật cơ bản như Bộ hình thư thời nhà Lý; Bộ hình thư thời nhà Trần; Quốc triều hình luật và Quốc triều khám tụng điều lệ thuộc triều hậu Lê và Bộ Hoàng việt luật lệ (Luật Gia Long) của triều Nguyễn…
Suốt thời kỳ Nhà nước phong kiến Đại việt, đặc biệt là giai đoạn từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18, pháp luật phong kiến không ngừng được xây dựng và hoàn thiện. Mỗi triều đại thường chỉ ban hành một bộ luật tổng hợp vì vậy mà bộ luật đó có hiệu lực trong suốt thời kỳ tồn tại của triều đại đó. Triều Vua Lê từ Lê Thái Tổ đến Lê Thái Tông và tiếp đến là Lê Thánh Tông hoạt động xây dựng pháp luật có thể nói là phát triển rực rỡ nhất. Trong gần 40 năm trị vì của mình Lê Thánh Tông đã ban hành nhiều luật lệ và còn được lưu lại đến ngày nay. Không chỉ ban hành nhiều luật lệ (qua các chiếu, chỉ, đạo dụ, sắc phong...) mà hoạt động tập hợp hoá, pháp điển hoá pháp luật cũng được chú trọng thích đáng. Hai bộ luật quốc triều hình luật và quốc triều khám tụng triều Lê là kết quả của hoạt động pháp điển hoá nói trên. Bộ quốc triều hình luật là đỉnh cao của thành tựu lập pháp từ thế kỷ 15-18, là bộ luật tiêu biểu nhất trong lịch sử pháp luật phong kiến Việt Nam.
Nhìn chung các bộ luật trong thời kỳ này đều có nội dung tổng hợp bao gồm nhiều quy phạm pháp luật của nhiều ngành luật khác nhau. Bố cục của các bộ luật về cơ bản đều mô phỏng theo các bộ luật của Trung quốc, cách trình bày của các bản điều dù trong lĩnh vực hình sự, hay các lĩnh vực hành chính, dân sự, ruộng đất, hôn nhân và gia đình,…..đều phổ biến là dùng các quy phạm pháp luật hình sự để trình bày. Các nhà làm luật phong kiến về cơ bản chưa có khái niệm phân chia pháp luật thành các ngành luật như thời cận hiện đại sau này. Tuy nhiên các bộ luật thuộc các triều đại phong kiến Việt nam đã phần nào điều chỉnh được các mối quan hệ xã hội trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội lúc bấy giờ.
Trong phạm vi chuyên đề nhỏ này, tôi chỉ đi sâu nghiên cứu về chủ đề Trách nhiệm dân sự trong pháp luật phong kiến Việt Nam mà cụ thể là nó được thể hiện trong Bộ quốc triều hình luật và trong Luật Gia Long.
Bộ quốc triều hình luật và Bộ Hoàng Việt luật Lệ là kết quả của hoạt động pháp điển hoá pháp luật, nó là kết quả qua nhiều đời vua: từ soạn thảo đến bổ sung và hoàn chỉnh. Hai Bộ luật này là thành tựu lập pháp của triều Lê và triều Nguyễn, qua nhiều đời vua kế tiếp nhau trong đó nó được bổ sung hoàn chỉnh nhất là thời Lê Thánh Tông đối với Bộ Quốc Triều Hình Luật (Luật Hồng Đức) và thời Gia Long đối với Bộ Hoàng Việt luật Lệ (Luật Gia Long).
Về bố cục của bộ luật Quốc Triều Hình Luật: Theo bản dịch của Viện sử học, bộ luật này có 13 chương, tổng cộng có 722 điều. Ngoài ra, trước khi đi vào chương, điều mở đầu có các biểu đồ quy định các hạng để tang và tang phục về kích thước và các hình (roi, trượng, gông, dây sắt).
Về bố cục của bộ luật Hoàng Việt luật Lệ: Bộ Hoàng Việt luật Lệ gồm 398 điều, chia thành 22 quyển căn cứ vào chức năng, thẩm quyền của Lục bộ. Mở đầu bộ luật là lời tựa của Hoàng đế Gia Long, tiếp sau là Tổng mục về luật, lệ của vua Việt Nam.
II) TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ TRONG PHÁP LUẬT PHONG KIẾN
Trong luật pháp phong kiến nói chung, Bộ Quốc triều hình luật và Bộ Hoàng Việt Luật Lệ nói riêng hình luật là nội dung trọng yếu và có tính chủ đạo. Đặc biệt là bộ Quốc triều hình luật thì ngay cái tên đã phản ánh tính chất luật hình của nó. Vì thế, trong cả 2 bộ luật này, ngoài một số điều khoản quy định trách nhiệm dân sự không liên quan đến chế tài hình sự, còn lại, chế tài dân sự luôn gắn chặt với chế tài hình sự. Các nhà làm luật sử dụng trách nhiệm dân sự chỉ là biện pháp hỗ trợ cho trách nhiệm pháp luật hình sự, biến trách nhiệm dân sự thành một biện pháp chế tài.
1. Trách nhiệm bồi thường dân sự do vi phạm khế ước (hợp đồng)
Trong Quốc triều hình luật quy định rất rõ về nguyên tắc ký kết các loại hợp đồng: Hợp đồng thực hiện phải trên cơ sở tự nguyện, phải bình đẳng phải trung thực, tài sản đem giao dịch phải là tài sản hợp pháp của chủ sở hữu.
Hợp đồng thường là văn khế (Văn tự) giữa hai bên tham gia hợp đồng, trong đó phải có sự chứng thực của một viên quan trong làng xã. Tại điều 366 (Tức điều 25 - Chương điền sản) quy định trách nhiệm dân sự của những người làm chúc thư, văn khế như sau: " Những ai làm chúc thư, văn khế mà không do quan trưởng làng viết thay và chứng kiến thì bị tội đánh 80 trượng, phạt tiền theo việc nặng nhẹ. Chúc thư văn khế ấy bị coi như không có giá trị. Biết chữ thì cho phép tự viết lấy"...
Trong bộ Quốc triều hình luật quy định 4 loại Hợp đồng chủ yếu:
- Hợp đồng mua bán ruộng đất (Thời bấy giờ gọi là bán đứt). Ruộng đất là tư liệu sản xuất cơ bản, là tài sản chính trong gia đình. Vì thế đây là loại hợp đồng chiếm số lượng lớn trong các loại hợp đồng dân sự phong kiến. Hợp đồng mua bán ruộng đất được coi là hợp pháp khi có đủ hai điều kiện: ruộng đất đem ra bán là của mình và không được ức hiếp để mua ruộng đất. Ví dụ: Điều 355: “Người nào ức hiếp để mua ruộng đất của người khác thì phải biếm hai tư và cho lấy lại tiền mua”, điều 378: “Cha mẹ còn sống mà bán trộm điền sản, con trai thì xử phạt 60 trượng, biếm hai tư, con gái thì xử phạt 50 roi, biếm một tư; phải trả nguyên tiền cho người mua, điền sản trả cha mẹ.... Người biết sự việc mà mua thì mất số tiền mua...”
- Hợp đồng thuê mướn ruộng đất (Thời bấy giờ được gọi là cấy rẽ ruộng hoặc tá điền cấy nhờ ruộng). Việc cho thuê ruộng đất là có thời hạn, hoặc có thể tiếp tục năm này qua năm khác (Tuỳ theo sự thoả thuận của chủ ruộng và ngươi thuê ruộng). Vì vậy các nhà làm luật đã dự liệu các tá điền sinh lòng tham muốn chiếm ruộng đất của chủ. Trong điều 356 (Điều 15 - Chương Điền sản) quy định như sau: " Tá điền cấy nhờ ruộng nhà kẻ khác mà trở mặt nói là của mình thì phạt 60 trượng, biếm hai tư. nếu chủ ruộng có văn tự xuất trình ra thì tá điền ấy phải đền gấp đôi tiền ruộng đất. Không có văn tự thì trả nguyên tiền là đủ"
- Hợp đồng về cầm cố ruộng đất: đây loại hợp đồng rất thông dụng vì ruộng đất đối với nông dân là nguồn sống, là máu thịt của họ. Người nông dân dù buộc phảI bán tạm ruộng đất do nhu cầu cấp bách về tiền nong thì họ vẫn mong có ngày được chuộc lại. Do vậy, trong Bộ luật quy định rất rõ về Trách nhiệm dân sự của người bán và người mua ruộng đất được quy định rất rõ trong đIều 384 (Điều 11 - chương Thỉ tăng điền sản) như sau: "Đem ruộng đất cầm mà khi chuộc chủ cầm không cho chuộc hay không muốn chuộc mà chủ cầm buộc phảI chuộc thì đều bị 80 trượng. Nếu quá hạn mà chủ ruộng cố đòi chuộc thì chủ ruộng cũng bị đánh 80 trượng và không cho chuộc. Nếu quá hạn mà chủ ruộng cố đòi chuộc thì chủ ruộng cũng bị đánh 80 trượng và không cho chuộc (Kỳ hạn ruộng mùa là rằm tháng 3, ruộng chiêm là rằm tháng 9) Còn trong hạn đã đem tiền đến chuộc và được quan cho chuộc, nhưng chủ cầm cố chần chừ để quá kỳ hạn thì bị đánh 80 trượng, buộc phảI để người ta chuộc và phảI trả tiền lời của những ngày chờ đợi. Nếu quá niên hạn mà xin chuộc thì không cho (niên hạn là 30 năm) TráI lý, người bán còn thưa lên quan đòi chuộc thì bị đánh 50 roi, biếm một tư"
- Hợp đồng vay nợ: Mức lãi vay do Nhà nước quy định, nếu vi phạm quy định thì sẽ bị xử phạt như điều 587 (Điều 35 – Chương tạp luật) như sau: " Cho vay nợ hay cầm đồ đạc mỗi tháng được ăn lời là 15 tiền kèm mỗi quan. Dù lâu năm cũng không được tính quá một gốc, một lời, trái luật thì biếm một tư, mất tiền lời. nếu tính lời vào gốc rồi bắt làm văn tự khác thì xử tội nặng thêm một bực"; hoặc điều 588 (Điều 36 - Chương tạp luật) quy định về trách nhiệm dân sự của người vay nợ phải trả nợ đúng hạn như sau: " Mức nợ quá hạn không trả thì xử trượng, tuỳ nặng nhẹ, nếu con nợ nhứt quyết không trả thì xử biếm hai tư, đền gấp hai, quá niên hạn mà không đòi thì mất nợ (Hạn là người trong họ 30 năm, kẻ ngoài 20 năm)"; Điều 590 (Điều 38 - Chương tạp luật) quy định về trách nhiệm của người bảo lãnh vay nợ...
Bộ luật Hoàng Việt Luật Lệ có quy định, các vi phạm hợp đồng chỉ phải bồi thường khi đã gây tổn hại, có thể đền bằng vật chất, có thể đền bằng tiền theo mức trung bình, có thể tiếp tục thực hiện nghĩa vụ đã cam kết, có thể khôi phục quyền sở hữu hoặc họ tự thoả thuận với nhau (được quy định tại các Điều 23, 87, 91, 134, 137, 138 ) của Bộ luật. Nhìn chung chính quyền chỉ can thiệp khi có tranh chấp mà thôi. Cá biệt có những trường hợp nếu do thiên tai, địch hoạ, lũ lụt có thể miễn giảm trách nhiệm dân sự.
2. Trách nhiệm bồi thường dân sự do hành vi phạm tội gây ra
Vấn đề này được nhiều điều khoản trong 2 bộ luật đề cập tới. Ngoài một số điều bồi thường dân sự do vi phạm hợp đồng và quy định do gây thiệt hại, hầu hết các điều khoản còn lại của cả 2 bộ luật đều quy định về trách nhiệm dân sự do hành vi phạm tội gây ra. Đó là trách nhiệm bổ sung cho trách nhiệm hình sự do gây thiệt hại, thậm chí có trường hợp không gây thiệt hại vẫn phải bồi thường dân sự. Việc bồi thường dân sự không phải lúc nào cũng bồi thường bằng nguyên tắc ngang bằng mà khá phổ biến là bồi thường gấp đôi hoặc gấp ba. Các tội thường có trách nhiệm bồi thường bổ sung như: trộm cướp, hối lộ, đánh người, giết người, quan chức lợi dụng địa vị chiếm tài sản công hoặc tư, vô ý gây bị thương, chết người, cố ý đốt nhà người ta...
Những quy định trên thể hiện rõ qua Điều 187 (Điều 91 - Chương Chức chế - Luật Hồng Đức) qui định phạt tội về hành vi buôn bán gian lận như sau: " Trong các chợ ở kinh thành hay thôn quê mà người bán không theo đúng cân thước, thăng dầu nhà nước đưa ra, mà cải đổi riêng để mua bán thì xử biếm hoặc đồ";
Hoặc tại điều 333 (Điều 50 - Chương Hộ hôn - Luật Hồng Đức) quy định: " đã gả con gái cho ngươi rồi, sau thấy chồng nó nghèo khó mà bắt con gái về thì bị đánh 60 trượng, biếm hai tư, bắt con gái trả về nhà chồng. Nếu con rể mắng nhiếc cha mẹ vợ bởi chuyện phi lý thưa lên, quan sẽ cho ly dị;
Hoặc tại điều 566 (Điều 14 - Chương tạp luật - Luật Hồng Đức) quy định về việc bảo đảm bí mật đời tư người khác như sau: "Ai mở xem trộm những công văn có đóng dấu niêm phong thì xử biếm hay bãi chức nếu là việc cơ mật thì xử chém. Lầm mở nhưng không coi thì giảm 3 bậc tội. Mở trộm văn thư ngoại quốc gởi đến thì cũng bị xử như vậy"
Điều 466 - Luật Hồng Đức qui định về tội đáng người “... sưng, phù thì phải đền tiền thương tổn 3 tiền, chảy máu thì một quan, gãy một ngón tay, một răng thì đền 10 quan; đâm chém bị thương thì 15 quan; đoạ thai chưa thành hình thì 30 quan; đã thành hình thì 50 quan; đứt lưỡi và hỏng âm, dương vật thì đền 100 quan..,” .
Trường hợp người gây ra lỗi phải nuôi Bảo cô ví dụ như tội đánh người thì phải nuôi dưỡng chữa chạy cho nạn nhân từ 20 đến 50 ngày (Điều 272 - Luật Gia Long). Đây là một quy định mang tính trực tiếp, phổ biến và dễ áp dụng.
Như vậy, trong cả 2 bộ luật mà đặc biệt là bộ Quốc triều hình luật đã quy định rất hà khắc về trách nhiệm dân sự đối với các hành vi phạm tội gây ra.
3 - Trách nhiệm bồi thường dân sự do gây thiệt hại
Bộ luật Hồng Đức và bộ luật Gia Long đều qui định trách nhiệm bồi thường thiệt hai do lỗi trực tiếp hoặc do người khác, do súc vật thuộc sở hữu của người đó gây ra.
- Do lỗi trực tiếp:
Tại điều 601 (Điều 49 - Chương tạp luật - Luật Hồng Đức) quy định về trách nhiệm dân sự do gây thiệt hại như sau: “Chặt phá cây cối và lúa má của người khác thì phải phạt 50 roi biếm một tư, và đền tiền gấp đôi số thiệt hại trả cho chủ; nếu là cây cối của công, thì xử tội biếm hay đồ, và bồi thường như luật định”.
Hoặc tại điều 530 (Điều 17 - Chương Trá nguỵ - Luật Hồng Đức) quy định: " Những kẻ giả mạo tự xưng là thị giám (Quan coi chợ) đòi càn đồ mừng lễ, tiền quà lễ tết thì xử biếm hai tư, và đền gấp hai. Bắt dẫn đi bêu diễu quanh chợ ba ngày. Người quý tộc thì phạt 30 quan tiền và xử tội kẻ tay sai làm chuyện đó... “
Điều 91 luật Gia long: “làm hư phòng ốc của quan, dân buộc phải phạt bằng cách sửa sang dặm vá lại nhà cửa ấy”; bỏ bê, làm mất, lỡ làm hư, chặt phá đồ của quan thì trả cho quan ; liên hệ đến dân thì trả cho chủ.
Điều 135 – Luật Gia long: Xâm phạm đến tài sản công, tư; làm hư hao mất mát tiền bạc, lúa gạo trong kho tàng phải đền bằng bạc lượng. Ra lệnh cho gia thuộc khai rõ ruộng, nhà, động sản bán đồ góp cho đủ số tiền kia .
Điều 581- Luật Gia Long: “Người thả trâu ngựa cho dày xéo, ăn lúa, dâu của người ta thì xử phạt 80 trượng và đền sự thiệt hại. Nếu cố ý thả cho dày xéo, phá hại của người ta thì xử biếm một tư và đền gấp đôi sự thiệt hại...”
Trách nhiệm nghề nghiệp: thầy thuốc hành nghề gây tổn hại cho sức khoẻ, mạng sống của bệnh nhân bị cấm hành nghề y, cho chuộc tội bằng tiền, cấp cho gia đình nạn nhân. (Đ206, 266 – Luật Gia Long)
- Lỗi gián tiếp:
Điều 581 - Luật Hồng Đức: “Người thả trâu ngựa cho dày xéo, ăn lúa, dâu của người ta, thì xử phạt 80 trượng, và đền sự thiệt hại. Nếu cố ý thả cho dày xéo, phá hại của người ta, thì xử biếm một tư và đền gấp đôi sự thiệt hại. Nếu vì trâu ngựa chạy lồng lên, không kìm hãm được, thì miễn tội trượng”
Điều 585 - Luật Hồng Đức: “Trâu của hai nhà đánh nhau, con nào chết thì hai nhà cùng ăn thịt, con nào sống thì hai nhà cùng cày, trái luật thì xử phạt 80 trượng”.
Trách nhiệm bồi thường do người khác hoặc súc vật gây nên thì gia trưởng bồi thường cho những hành vi gây thiệt hại của con cháu trong gia đình, phạt vạ, đền sính lễ (Điều 21, 94, 109, 269 - Luật Gia Long). Trường hợp đặt bẫy săn thú, bắn cung tên, xe ngựa vô ý hại người xử giảm nhẹ và phải bồi thường thiệt hại. Súc vật thả phá hoại hoa màu hoặc cắn người thì chủ bị phạt roi và bồi thường thiệt hại (Điều 207, 208, 267 - Luật Gia Long)
Điều 590 - Luật Hồng Đức: “Người vay nợ trốn mất, thì người đứng bảo lãnh phải trả thay tiền gốc thôi; nếu trong văn tự có nói người nào sẽ trả thay, thì người ấy phải trả như người mắc nợ, trái luật thì xử phạt 80 trượng; nếu kẻ mắc nợ có con thì được đòi ở con”,
Qua các chế định trong 2 bộ luật ta thấy, những người gây thiệt hại chủ yếu do lỗi cố ý. Mức bồi thường cũng được quy định rất hà khắc nhất là đối với những thiệt hại gây ra đối với tài sản công.
Ngoài ra, Bộ Hoàng Việt Luật Lệ còn quy định các trường hợp tăng, giảm, miễn trách nhiệm dân sự như:
- Trường hợp mà hành vi xâm hại mang tính hình sự, gây thiệt hại nặng nề cho nạn nhân hoặc tái phạm cố ý như cắt lưỡi, tuyệt đường sinh sản… thì sẽ coi là bồi thường tăng nặng và sẽ xử trượng, lưu và phải bồi thường bằng 1/2 gia sản….
- Trường hợp do sự lầm lỡ, vô ý gây hại, phụ nữ phạm tội nhẹ, vợ quan chức hoặc những người quá nghèo khổ thì được bồi thường giảm nhẹ như: “ Phàm về giết người vô ý, nếu xét kỹ phạm nhân nghèo cùng cực không thể trả đủ thì bắt trả bằng 1/2 cho gia đình nạn nhân.”
- Trường hợp miễn giảm trách nhiệm hình sự như được hoàng đế đặc xá, ân xá, tài sản đã tiêu sài hết mà phạm nhân đã chết thì không truy thu, người không có tài sản hoặc do thiên tai địch hoạ thì cũng được miễn (Điều 23, 135)
III) KẾT LUẬN
Các chế định dân sự được quy định trong Quốc triều hình luật và Hoàng Việt Luật Lệ, xét dưới góc độ pháp luật hiện đại – luật dân sự ngày nay – mặc dù là trách nhiệm dân sự, đều mang màu sắc của hình luật (luật hình sự): ngưòi vi phạm bị xử với các mức hình phạt nặng, nhẹ khác nhau cộng với phạt tiền hay taì sản ở các mức độ khác nhau tuỳ thuộc vào sự vi phạm của người đó là nặng hay nhẹ khác nhau... Nhưng có thể nói trách nhiệm dân sự trong hai bộ luật nói riêng và toàn bộ hệ thống pháp luật phong kiến Việt Nam nói chung đã phản ánh thành tựu lập pháp của nhà nước phong kiến Đại Việt, đặc biệt là công lao đóng góp to lớn của các triều đại phong kiến, nhất là triều Lê (đời vua Lê Thánh Tông). Đây là bộ luật tiêu biểu nhất và được thừa kế cho các triều đại sau.
TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ TRONG PHÁP LUẬT PHONG KIẾN VIỆT NAM 1
I) GIỚI THIỆU CHUNG 2
II) TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ TRONG PHÁP LUẬT PHONG KIẾN 4
1. Trách nhiệm bồi thường dân sự do vi phạm khế ước (hợp đồng) 4
2. Trách nhiệm bồi thường dân sự do hành vi phạm tội gây ra 6
3 - Trách nhiệm bồi thường dân sự do gây thiệt hại 8
III) KẾT LUẬN 11
._.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- I0078.doc