Tóm tắt Luận án - Tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1986 – 2014 từ góc nhìn phê bình sinh thái

ĐẠI HỌC HUẾ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC NGUYỄN THÙY TRANG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1986 – 2014 TỪ GÓC NHÌN PHÊ BÌNH SINH THÁI Chuyên ngành: VĂN HỌC VIỆT NAM Mã số : 62 22 01 21 LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS ĐỖ LAI THÚY TS. TÔN THẤT DỤNG HUẾ - NĂM 2018 LỜI CAM ĐOAN Tôi cam đoan luận án này hoàn toàn do tôi thực hiện. Các kết quả nghiên cứu, đoạn trích dẫn và số liệu sử dụng trong luận án đều được dẫn nguồn và có độ chính xác cao nhất trong phạm

docx168 trang | Chia sẻ: huong20 | Ngày: 14/01/2022 | Lượt xem: 450 | Lượt tải: 2download
Tóm tắt tài liệu Tóm tắt Luận án - Tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1986 – 2014 từ góc nhìn phê bình sinh thái, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
vi hiểu biết của tôi. TP. Huế, tháng 8 năm 2018 Người viết cam đoan Nguyễn Thùy Trang Lời Cảm Ơn Tôi xin bày tỏ sự biết ơn sâu sắc nhất đến PGS.TS Đỗ Lai Thúy và TS. Tôn Thất Dụng, người đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ, động viên, khích lệ tôi trong suốt quá trình thực hiện luận án. Tôi xin trân trọng cảm ơn Khoa Ngữ Văn và Phòng Đào tạo Sau Đại học, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế đã giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi trong suốt quá trình tôi theo học Nghiên cứu sinh, khóa 2014-2017. Tôi cũng xin chân thành cảm ơn Ban Giám hiệu Trường Đại học Sư phạm Huế, Ban Chủ nhiệm và các đồng nghiệp Khoa Ngữ Văn đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để tôi hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu. Cuối cùng, tôi xin cảm ơn gia đình, bạn bè đã khích lệ, ủng hộ tôi trong suốt thời gian thực hiện luận án. TP. Huế, tháng 8 năm 2018 Tác giả Nguyễn Thùy Trang MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Bước sang thế kỉ XXI, khi khoa học kĩ thuật – công nghệ và văn minh nhân loại đã đạt những thành tựu vượt bậc, và khi con người trở thành “bá chủ” trong hành tinh Trái đất, thì cũng chính là lúc nhân loại phải đối mặt với một vấn nạn bức thiết: sự hủy hoại môi trường sinh thái ngày càng tàn khốc. Cái giá mà nhân loại phải trả cho những phương tiện máy móc tân tiến, thiết bị điện tử thông minh, từng tòa cao ốc chọc trời, các nhà máy có quy mô đồ sộ là sự biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường sống, cạn kiệt nguồn nước, thiên tai khó lường, rừng biến mất, dịch bệnh tràn lan Đó là những hệ lụy đau lòng, khiến con người phải nhìn nhận lại hành động và trách nhiệm của chính mình đối với hệ sinh thái trong bối cảnh hiện nay. Khi Trái đất đang bị đe dọa nghiêm trọng, không thể nói rằng văn học hoàn toàn vô cảm trong sự phá hủy ấy. Ra đời từ những năm 70 của thế kỉ XX, phê bình sinh thái là kết quả của chuỗi “phản ứng muộn màng” (so với các ngành khoa học xã hội – nhân văn khác) đối với nguy cơ sinh thái. Mãi đến những năm 90, phê bình sinh thái mới thực sự phát triển sâu rộng, sôi nổi khi các hoạt động văn học gắn kết với môi trường liên tục diễn ra: Hội thảo “Phê bình sinh thái: làm xanh lại nghiên cứu văn học” (1991), thành lập “Hội nghiên cứu văn học và môi trường” (1992), xuất bản công trình Nghiên cứu liên ngành về văn học và môi trường (1993), ấn phẩm kỉ niệm hai mươi năm thành lập Hội nghiên cứu Văn học và Môi trường – Sổ tay Oxford Phê bình sinh thái (2013) Những hoạt động trên đã khiến phê bình sinh thái trở thành một phong trào có tiếng vang trong giới học thuật. Giáo sư Laurence Buell nhận định: “Văn học sinh thái là văn học viết về nguy cơ của thế giới”. Ở Việt Nam, có thể thấy rõ dấu ấn của văn chương sinh thái qua những tiểu thuyết tiêu biểu như: Trăm năm còn lại (Trần Duy Phiên), Thập giá giữa rừng sâu (Nguyễn Khắc Phê), Chó Bi, đời lưu lạc (Ma Văn Kháng), Họ vẫn chưa về (Nguyễn Thế Hùng), Sông (Nguyễn Ngọc Tư), Gần như là sống, Ruồi là ruồi (Đỗ Phấn), Săn cá thần (Đặng Thiều Quang), Dòng sông chết (Thiên Sơn), Nhắm mắt nhìn trời (Nguyễn Xuân Thủy), Thân xác (A Sáng), Thiên đường ảo vọng (Nguyễn Trí), Chúa đất (Đỗ Bích Thúy), Vết thương hoa hồng (Nguyễn Văn Học), Con chim joong bay từ A đến Z (Đỗ Tiến Thụy) Với số lượng tác phẩm đáng kể, các nhà văn Việt Nam đã thể hiện được sự nhạy bén của mình trong việc tri nhận những vấn đề thời sự mang tính nhân loại. Hướng đến môi trường, phải chăng văn học đang hướng đến sự sống còn của toàn nhân loại? Đó cũng chính là sứ mệnh của văn học sinh thái. Vì lẽ đó, chúng tôi lựa chọn đề tài: Tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1986 – 2014 từ góc nhìn phê bình sinh thái. Hướng nghiên cứu này sẽ góp phần khỏa lấp mảng trống của phê bình sinh thái trong văn học Việt Nam; đồng thời thúc đẩy các nhà văn chú ý nhiều hơn đến đề tài môi trường và mối quan hệ giữa văn học với môi trường, trách nhiệm của nhà văn với giới tự nhiên và sự an nguy, tồn vong của dân tộc, nhân loại; thể hiện sự gắn kết giữa khoa học với thực tiễn, đưa văn học Việt Nam hội nhập và phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa. 2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn sau 1986. Đặc biệt luận án khảo sát những tiểu thuyết của một số tác giả mà cảm thức sinh thái hiện lên khá rõ nét, tiêu biểu như: Đỗ Phấn (Gần như là sống; Ruồi là ruồi, Rụng xuống ngày hư ảo), Nguyễn Khắc Phê (Thập giá giữa rừng sâu); Trần Duy Phiên (Trăm năm còn lại); Nguyễn Ngọc Tư (Sông); Đỗ Bích Thúy (Bóng của cây sồi, Chúa đất), Ma Văn Kháng (Chó Bi, đời lưu lạc), Nguyễn Thế Hùng (Họ vẫn chưa về), Đặng Thiều Quang (Săn cá thần), Bùi Ngọc Tấn (Biển và chim bói cá), Nguyễn Xuân Thủy (Nhắm mắt nhìn trời), A Sáng (Thân xác), Đỗ Tiến Thụy (Con chim joong bay từ A đến Z) Danh mục cụ thể các tác phẩm khảo sát trong luận án chúng tôi sẽ đưa vào phần Phụ lục 1. Phạm vi nghiên cứu Dù luận án có tên: Tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1986 – 2014 từ góc nhìn phê bình sinh thái, nhưng mốc giai đoạn 1986 – 2014 chỉ mang tính chất đánh dấubước khởi đầu một thời kì văn học sau Đổi mới cho đến năm 2014 – là thời điểm chúng tôi tiếp nhận đề tài nghiên cứu. Về cơ bản, những vấn đề sinh thái trong tiểu thuyết Việt Nam thể hiện rõ nét vào những năm đầu thế kỉ XXI cho đến tận bây giờ. Vì thế, chúng tôi cũng khảo sát thêm cả những tiểu thuyết sau năm 2014 (cụ thể là 2015, 2016, 2017). Luận án tập trung nghiên cứu những yếu tố thể hiện dấu ấn sinh thái trong tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn sau 1986 đến nay trên các phương diện cơ bản sau: hệ sinh thái, hình tượng con người và các hình thức nghệ thuật thể hiện góc nhìn sinh thái. 3. Cơ sở lí thuyết và phương pháp nghiên cứu Cơ sở lí thuyết Để nghiên cứu đề tài Tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1986 – 2014 từ góc nhìn phê bình sinh thái, chúng tôi hệ thống hóa lí thuyết phê bình sinh thái trong văn học đã được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước công bố trên các chuyên luận, các tạp chí có uy tín. Bên cạnh đó, chúng tôi xem xét những sáng tác thuộc thể loại tiểu thuyết giai đoạn Đổi mới đến nay nằm trong sự vận động, giao lưu giữa văn học đương đại với các nền văn học khác trên thế giới. Đặc biệt, chúng tôi chú ý dấu ấn và ảnh hưởng của lí thuyết phê bình sinh thái trong tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn này, những yếu tố đậm nhạt thể hiện góc nhìn sinh thái ở những tác giả, tác phẩm cụ thể, riêng lẻ. Từ đó, chúng tôi tổng hợp, đánh giá khách quan những vấn đề chung liên quan đến lí thuyết phê bình sinh thái trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Đồng thời, trong quá trình thực hiện đề tài chúng tôi chú trọng đến những đặc điểm nổi bật nhất của một số cây bút tiểu thuyết đương đại trong sự giao thoa với những đặc trưng cơ bản của văn học hậu hiện đại. Phương pháp nghiên cứu - Phương pháp cấu trúc – hệ thống: Đây là phương pháp giúp chúng tôi định hình, đặt các yếu tố tương quan, có những dấu hiệu lặp lại và đồng đẳng với nhau trong một chỉnh thể thống nhất, nhằm minh giải cho các phương diện của luận án. Cụ thể, chúng tôi sẽ luận giải khuynh hướng phát triển của tiểu thuyết Việt Nam từ sau Đổi mới trong sự liên hệ đa chiều với các đặc trưng của phê bình sinh thái. Đồng thời, khi phân tích tác phẩm và những biểu hiện của thi pháp sinh thái, người viết không xem xét vấn đề theo hướng cô lập mà đặt trong hệ thống để xác định các sắc độ tiếp biến nghệ thuật sinh thái ở mỗi nhà văn. - Phương pháp liên ngành: Mối quan hệ giữa phê bình sinh thái và văn học là lĩnh vực thể hiện mối liên hệ mật thiết giữa văn hóa, tự nhiên, sinh học, dân tộc học, chính trị Vì thế, khi nghiên cứu một hiện tượng văn học từ góc nhìn phê bình sinh thái, các nhà nghiên cứu thường sử dụng phương pháp liên ngành để phân tích tác phẩm văn chương, từ đó rút ra những cảnh báo về môi trường. - Phương pháp so sánh: Bằng cách đối chiếu với văn học nhiều nước khác, người nghiên cứu có thể khẳng định vai trò quan trọng của lí thuyết phê bình sinh thái trong việc thay đổi nhận thức, thái độ của nhà văn, độc giả, cũng như cộng đồng trên thế giới về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên trong thế bình đẳng, tương trợ, giao hòa. Phương pháp này còn giúp tiến hành nghiên cứu văn chương được toàn diện hơn khi liên hệ với các lĩnh vực khác liên quan đến bảo vệ môi trường, bảo vệ Trái đất, như sinh học, địa lí, vật lí Đóng góp của luận án Thứ nhất, từ sau năm 1986 đến nay, văn học Việt Nam đã hòa mình trong xu thế toàn cầu hóa, không ngừng giao lưu, tiếp nhận những lí thuyết phê bình mới mẻ, nhân văn và ứng dụng tinh chọn, hiệu quả như: thi pháp học, tự sự học, phân tâm học, hậu hiện đại, hậu thực dân, nữ quyền luận Tuy nhiên, phê bình sinh thái vẫn còn là mảng đề tài, sáng tác, phê bình ít được các nhà nghiên cứu quan tâm. Cho nên, triển khai đề tài “Tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1986 – 2014 từ góc nhìn phê bình sinh thái” sẽ đưa ra những minh chứng về mối liên hệ mật thiết giữa văn học với môi trường sinh thái, và vai trò quan trọng của văn chương đối với sự thức tỉnh của con người trong việc tàn phá, xâm lấn môi sinh. Thứ hai, vận dụng lí thuyết phê bình sinh thái, chúng tôi minh giải những đặc trưng tiêu biểu của tiểu thuyết Việt Nam từ sau Đổi mới đến nay qua những vấn đề căn bản: - Tiểu thuyết Việt Nam đang bước vào quỹ đạo mới của kỉ nguyên hậu hiện đại qua những phân nhánh như phê bình sinh thái. Điều này thể hiện rõ ở tính chất giải cấu trúc phê bình sinh thái trong tiểu thuyết. - Quá trình tái thiết quan niệm mới về tự nhiên thông qua sự lật đổ quan niệm “nhân loại trung tâm”. Trên cơ sở này, xác lập hệ chuẩn tắc đạo đức sinh thái của con người. - Gợi mở vấn đề sinh thái tinh thần như một hành trình phục hưng lại giá trị cao đẹp của văn hóa nhân loại trong tâm thức và lối hành xử với tự nhiên. - Khẳng định văn học cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự sinh tồn và phát triển của nhân loại. Kết cấu luận án Luận án gồm những phần chính: mở đầu, nội dung, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục. Trong đó, phần nội dung là trọng tâm, được triển khai thành 4 chương: Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu Chương 2: Một cái nhìn hậu/ giải cấu trúc về phê bình sinh thái trong tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1986 - 2014 Chương 3: Định giá chuẩn tắc đạo đức sinh thái từ hệ thống nhân vật Chương 4: Phục hưng tinh thần sinh thái từ quyền lực văn hóa NỘI DUNG CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn sau 1986 nhìn từ lí thuyết phê bình sinh thái là một hướng triển khai mang lại nhiều kiến giải mới, đồng thời cũng rất thiết thực và quan trọng. Nó cho thấy, các nhà văn, nhà phê bình đã bắt đầu nắm bắt được xu hướng của thời đại trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi vấn đề môi trường và nguy cơ sinh thái đang ở mức báo động, đe dọa sự sống còn của Trái đất. Vì vậy, tìm hiểu tổng quan tình hình nghiên cứu của đề tài phải xem xét từ bình diện khái quát đến cụ thể. Về cơ bản, những thành tựu trong nghiên cứu phê bình sinh thái trên thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng được khởi thành, đóng góp từ những công trình, những bài nghiên cứu đáng chú ý sau: Nghiên cứu lí thuyết phê bình sinh thái Nghiên cứu lí thuyết phê bình sinh thái trên thế giới Từ khi ra đời đến nay, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu – phê bình có liên quan luận bàn về lí thuyết và ứng dụng phê bình sinh thái trong nghiên cứu văn học/ văn hóa. Do khuôn khổ của luận án và khả năng tư liệu, chúng tôi chỉ quan tâm đến những nghiên cứu lí thuyết phê bình sinh thái trên mảng tư liệu tiếng Anh. Hơn nữa, nhìn nhận quá trình hoạt động và phát triển của phê bình sinh thái, chúng tôi xin chia thành ba chặng đường nghiên cứu cơ bản sau: 1.1.1.1. Chặng một từ 1972 đến 1991: Thời kì manh nha Đến nay, nhiều nhà nghiên cứu đều thừa nhận, phê bình sinh thái chính thức bắt nguồn từ Mĩ, cụ thể vào năm 1972, cuốn sách Hài kịch của sinh tồn: nghiên cứu sinh thái học văn học (The Comedy of Survival: Studies in Literary Ecology) của W. Meeker xuất bản, ông đã chú ý đến vấn đề sinh thái trong văn học. Bằng việc phân tích một số sáng tác của Dante Alighieri, William Shakespeare, cùng một số nhà văn đương đại, Meeker nhận thấy văn học như là một sự mô phỏng, bắt chước những phạm trù căn bản của cuộc sống con người. Hơn nữa, soi chiếu kịch Hi Lạp cổ đại, kịch của William Shakespeare, Meeker còn tìm thấy những điểm khác biệt đáng kể giữa hài kịch và bi kịch liên quan đến cái nhìn về tự nhiên: bi kịch hầu như chỉ là sự sáng tạo của nền văn minh phương Tây, phát sinh từ những huyền thoại anh hùng, ca ngợi sự vĩ đại của con người; trong khi đó hài kịch “gần như phổ biến, xảy ra bất cứ nơi nào có văn minh nhân loại hiện hữu”. Bi kịch tập trung vào một anh hùng cá nhân “chịu chết và sẵn sàng chết vì lí tưởng của mình”. Hài kịch lại nhìn những lí tưởng, những siêu việt hay chiến thắng của một cá nhân với cái nhìn giễu cợt, “chán nản”, và đúc rút rằng sự thành công của con người luôn được khởi sinh từ sự tiếp nối cộng đồng. Theo quan điểm của Meeker, bi kịch là một sản phẩm của chủ nghĩa nhân loại phương Tây, đồng thời có mối quan hệ thảm khốc với tự nhiên, nó ca ngợi tầm quan trọng của mỗi cá nhân và đặt ra “giả thuyết về sự vượt trội của con người đối với quá trình phát triển của tự nhiên nhằm chứng minh sự khai phá của con người về thiên nhiên mà không quan tâm đến hậu quả”. Qua đó, Meeker nhận ra, “từ quan điểm không khoan nhượng của sự tiến hóa và chọn lọc tự nhiên, văn học đóng góp nhiều cho sự tồn tại của chúng ta hơn là sự tuyệt chủng của nhân loại”, và ông đề xuất: “Con người đang là những sinh vật thuộc về văn học duy nhất trên trái đất. Nếu sự sáng tạo văn học là một đặc điểm quan trọng của loài người, nó cần được kiểm tra một cách cẩn thận và trung thực để khám phá ảnh hưởng của nó đối với hành vi của con người và môi trường tự nhiên – để xác định vai trò gì, nếu có, nó đóng vai trò trong sự bảo vệ và sự tồn tại của nhân loại, và những gì nó cho thấy một cái nhìn sâu sắc vào các mối quan hệ của con người với các loài khác và với thế giới xung quanh chúng ta” [77, tr.3-4]. Trên cơ sở này, năm 1978, trong tiểu luận Văn học và Sinh thái học: Một thử nghiệm trong Phê bình sinh thái (Literature and Ecology: An Experiment in Ecocriticism), thuật ngữ “Phê bình sinh thái” (Ecocriticism) lần đầu tiên được William Rueckert sử dụng, gợi ý rằng đây là sự “kết hợp văn học và sinh thái học”. Ông kiến nghị, lí luận văn học hiện đại nên “xây dựng được một hệ thống thi pháp sinh thái” để tạo nên một “tầm nhìn sinh thái” kết nối văn học với sinh thái học. Tuy nhiên, phải đến một thập niên sau, lí thuyết phê bình sinh thái mới được nhắc đến mạnh mẽ trong cuốn Giảng dạy văn học môi trường: Tài liệu, Phương pháp và Tiềm năng (Teaching Environmental Literature: Materials, Methods, Resources) do Frederick O. Waage chủ biên, xuất bản năm 1985 bởi Hội ngôn ngữ học hiện đại; công trình đã thúc đẩy các nhà nghiên cứu ở Mĩ tiến hành mở bộ môn liên quan đến văn học sinh thái và tiến hành nghiên cứu lĩnh vực này. Sau đó, trong Đại hội “Hội văn học miền Tây” nước Mỹ năm 1989, Cheryll Glotfelty với báo cáo Vì một nền phê bình văn học sinh thái (Toward an Ecological literary criticism) và Glen. A. Love với báo cáo Định giá lại tự nhiên: Vì một nền phê bình sinh thái học (Revaluing Nature: Toward an ecological criticism) đã lần nữa khẳng định sự hiện diện của phê bình sinh thái rất thiết thực trong văn học và lí luận phê bình hiện đại. Năm 1990, cuốn The Norton: Cuốn sách của lối viết tự nhiên (The Norton: book of nature writing) do Robert Finch và John Elder chủ biên ra đời, đã giới thiệu những tác phẩm quan trọng viết về tự nhiên của Âu Mĩ từ thế kỉ XVIII. Hiệu ứng cuốn sách mang lại là sự mở rộng hiểu biết của độc giả về phê bình sinh thái, đưa lí thuyết này đến gần hơn với mọi người. Đến năm 1991, hội thảo “Phê bình sinh thái: Xanh hóa nghiên cứu văn học” (Ecocriticism: The Greening of Literary Studies) do Harold Fromm chủ trì đã diễn ra tại Hội Ngôn ngữ học Hiện đại Mĩ, tập hợp những công trình nghiên cứu về “lối viết tự nhiên” và văn học viết về môi trường. Cũng trong năm này, tại Anh, Jonathan Bate (Đại học Liverpool) xuất bản chuyên luận Sinh thái học lãng mạn: Wordsworth và truyền thống môi trường (Romantic Ecology: Wordsworth and the Environmental Tradition). Khi nghiên cứu, J. Bate đã sử dụng thuật ngữ “phê bình sinh thái văn học” (literary ecocriticism). Các chuyên gia cho rằng, sự xuất hiện của cuốn sách này đánh dấu bước mở đầu của phê bình sinh thái Anh. Ở giai đoạn này, phê bình sinh thái vẫn đang bước những bước đầu tiên chậm rãi và chưa có hệ thống. Các nhà nghiên cứu văn học và văn hóa đã phát triển lí thuyết và phê bình về phương diện sinh thái bằng cách tiếp cận liên ngành. Nhưng các nghiên cứu của họ được coi là “những nghiên cứu của lối viết tự nhiên” (the study of nature writing) xuất hiện đơn lẻ với những tên gọi khác nhau như: chủ nghĩa đồng quê, sinh thái học nhân văn, chủ nghĩa địa phương (regionalism), phong cảnh trong văn học, nghiên cứu liên ngành (interdisciplinary studies) Cho nên, hai mươi năm đầu tiên vẫn là giai đoạn manh nha hình thành của phê bình sinh thái. 1.1.1.2. Chặng hai từ 1992 đến 2004: bùng nổ lí thuyết phê bình sinh thái Năm 1992, một sự kiện quan trọng tạo nên bước chuyển cho phê bình sinh thái là Hội nghiên cứu văn học và môi trường (The Association for the Study of literature and Environment), gọi tắt là ASLE được thành lập ở trường đại học Nevada (Mĩ). Đây là một tổ chức học thuật phê bình sinh thái mang tính quốc tế, với hơn nghìn hội viên đến từ các nước khác nhau. Bằng việc tổ chức các hội thảo quốc tế, các cuộc thảo luận quy mô nhỏ, xuất bản tập san, giới thiệu những thành quả phê bình sinh thái mới nhất, hội ASLE đã làm cho khuynh hướng phê bình sinh thái ngày càng lan rộng và phát triển mạnh mẽ. Hội trưởng đầu tiên của ASLE - Scott Slovic là một trong những người có nhiều thành tựu nghiên cứu về phê bình sinh thái. Scott Slovic bắt đầu tiếp cận phê bình sinh thái năm 1989. Đến năm 1992, ông xuất bản chuyên luận Tìm kiếm ý thức sinh thái trong văn bản viết về tự nhiên ở Mỹ (Seeking Awareness on America Nature writing), có ảnh hưởng rất lớn ở Mĩ. Các nhà văn sinh thái nổi tiếng như Annie, Edward, Abbey, Wedell Bery, Bary Lopez đều được Slovic quan tâm tìm hiểu. Ông chú ý đến những sách viết về tự nhiên và nguyên nhân tâm lí của văn học sinh thái, đồng thời cũng quan tâm đến cơ chế bên trong sự giao lưu giữa con người và tự nhiên. Tiếp đó, một loạt công trình về phê bình sinh thái được công bố và tạo dấu ấn đặc biệt, như: cuốn sách Bản đồ cảnh quan vô hình: Văn học dân gian, Văn học viết và Ý thức nơi chốn (Mapping the Invisible Landscape: Folklore, Writing and the Sense of Place) của Kent C. Ryden xuất bản năm 1993 đã tiến hành một cuộc khảo sát quy mô và cặn kẽ về nơi chốn. Dựa vào các phương pháp và tư liệu địa lí, truyện kể dân gian và văn học viết, cuốn sách là những phân tích liên ngành sâu rộng về nơi chốn, nhận thức vai trò quan trọng của vị trí địa lí trong việc hình thành nên văn hóa địa phương cũng như cách thức nơi chốn tác động đến cuộc sống cá nhân. Qua đó, Ryden phát hiện mối liên hệ biện chứng giữa một vùng địa phương và sự thể hiện địa phương đó trong văn học, đóng góp một tiếng nói quan trọng trong lĩnh vực phê bình. Năm 1994, chuyên luận Phê bình văn học sinh thái: tưởng tượng lãng mạn và Sinh học tư duy (Ecological literary criticism: romantic imagining and the Biology of mind) của Karl Kroeber biên soạn đã bàn luận những vấn đề chính yếu của phê bình sinh thái như nguyên nhân hình thành, đặc trưng, tiêu chuẩn và mục đích của phê bình sinh thái. Năm 1995, chuyên luận Tưởng tượng về môi trường: Thoreau, văn viết tự nhiên và sự hình thành của văn hóa Mĩ (The Environmental Imagination: Thoreau, Nature Writing, and the Formation of American Culture) của Lawence Buell xuất bản đã nghiên cứu trường hợp nhà văn Thoreau qua tác phẩm Walden và kiến nghị vai trò, trách nhiệm của văn học đối với môi trường, vì ông cho rằng, “nguy cơ môi trường bao gồm cả nguy cơ trong tưởng tượng”. Tuy nhiên, tác phẩm được xem như tài liệu nhập môn của phê bình sinh tháilàTuyển tập Phê bình sinh thái: Các mốc quan trọng trong Sinh thái học Văn học (The Ecocriticism Reader: Landmarks in Literary Ecology), xuất bản năm 1996, do Cheryll Glotfelty và Harold Fromm chủ biên. Cuốn sách gồm hai mươi sáu bài viết, là kết hợp những bài tái bản lẫn mới công bố, được chia làm ba phần: Phần một – Lí thuyết sinh thái học: Sự phản ánh thiên nhiên và văn hóa; Phần hai – Những quan tâm phê bình sinh thái trong tiểu thuyết và kịch; Phần ba – Các nghiên cứu quan trọng của Văn học Môi trường. Đi sâu tìm hiểu mối quan hệ giữa văn học và môi trường vật lí, công trình đã chỉ ra Sinh thái văn học là nghiên cứu những cách thức của lối viết vừa phản ánh lại vừa ảnh hưởng tương tác như thế nào giữa con người với thế giới tự nhiên. Tác phẩm đã cung cấp một hệ thống tổng quan về những vấn đề then chốt xung quanh lí thuyết mới này, như: khái niệm phê bình sinh thái, nguồn gốc hình thành, quá trình phát triển trong hơn hai mươi năm qua và đưa ra những diễn giải tại sao phê bình sinh thái lại có vai trò quan trọng trong nghiên cứu văn học hôm nay. Đây chính là công trình đầu tiên chiếu sáng vào một lĩnh vực nghiên cứu có sự tham gia một cách đầy đủ của các ngành khoa học – xã hội với các vấn đề đương đại cấp bách của chúng ta – cuộc khủng hoảng môi trường toàn cầu. Năm 1999, công trình chuyên sâu về phê bình sinh thái đô thị được ấn hành do Michael Bennett và David W. Teague biên soạn có tên Bản chất của các thành phố: Phê bình sinh thái và Môi trường đô thị (The Nature of Cities: Ecocriticism and Urban Environments). Vốn là những nhà nghiên cứu xuất thân từ thành thị, Michael Bennett và David W. Teague đã trình bày trên tinh thần đưa phê bình sinh thái từ vùng hoang dã trở về nhà. Qua 6 phần chính: phần 1 – Bản chất của các thành phố, phần 2 – Lối viết bản chất đô thị, phần 3 – Công viên thành phố, phần 4 – Đô thị “hoang dã”, phần 5 – Sinh thái học nữ quyền và Thành phố, phần 6 – Lí thuyết không gian đô thị, cuốn sách này đã chỉ ra rằng, các thành phố thường được cho là tách biệt với thiên nhiên, nhưng xu hướng gần đây của phê bình sinh thái đòi hỏi chúng ta xem xét thành phố cũng là một phần của hệ sinh thái. Và rõ ràng, sự tương tác của văn hóa và tự nhiên ở các thành phố và vùng ngoại ô cũng phong phú, đa dạng không kém gì những vùng nông thôn, hoang dã. Soi chiếu từ góc độ này, các nhà nghiên cứu cũng truyền tải thông điệp gửi gắm những thị dân về vị trí của họ trong việc cân bằng môi trường sống. Bước sang thế kỉ XXI, phê bình sinh thái thực sự phát triển sâu rộng, trở thành một hiện tượng lí luận phê bình văn học – văn hóa toàn cầu. Nhiều hội thảo liên tiếp được diễn ra: Tháng 6 năm 2000 tại Đại học Cork tiến hành Hội thảo khoa học Quốc tế đa ngành với chủ đề “Giá trị của môi trường”. Tháng 10 năm đó, tại Đại học Danjiang Đài Loan đã tổ chức Hội thảo Quốc tế phê bình sinh thái với chủ đề “Diễn ngôn sinh thái”. Các chuyên luận phê bình sinh thái giai đoạn này mang tính cô đúc, đi sâu hơn về học thuật. Tiêu biểu: cuốn Tuyển tập Nghiên cứu Xanh: từ Chủ nghĩa lãng mạn đến Phê bình sinh thái (The Green Studies Reader: From Romanticism to Ecocriticism) của Laurence Coupe. Tác phẩm chứng minh rằng, phê bình sinh thái của Anh được sinh ra từ phong trào Lãng mạn Anh những năm 90 thế kỉ XVIII hơn là phong trào Tiên nghiệm Mỹ trong thập kỉ 40 thế kỉ XIX. Và không giống với các nhà phê bình Mĩ, các nhà phê bình Anh quốc ngay thời kì đầu đã nghiêng hơn về “nghiên cứu xanh” chứ không phải “phê bình sinh thái”. Đồng thời, nếu phê bình sinh thái Mỹ thiên về ca tụng tự nhiên thì phê bình sinh thái Anh thiên về cảnh báo môi trường. Cũng cần phải kể thêm công trình tiếp theo của Lawrence Buell là: Viết vì một Thế giới lâm nguy: Văn học, Văn hóa, Môi trường nước Mĩ và các quốc gia khác (Writing for an Endangered World: Literature, Culture, and Environment in the United States and Beyond, 2001). Cuốn sách có điểm khác so với các trước tác khác là không chỉ đơn phương bàn luận văn học có khuynh hướng tự nhiên nữa, mà tuyển chọn cũng như thảo luận tác phẩm văn học có khuynh hướng tự nhiên tiêu biểu và những tác phẩm văn học có khuynh hướng văn hóa, làm rõ quan điểm tư tưởng khác nhau trên hệ thống diễn ngôn luân lí sinh thái, hiện đại hóa, phát triển, tài nguyên, ô nhiễm. Phương pháp nghiên cứu như vậy có lợi đối với việc thúc đẩy sự hình thành những tri thức chung cơ bản trong quá trình đối thoại của những quan điểm khác nhau, đồng thời làm cho phê bình sinh thái càng có tính sắc bén, mang đến mô hình có ý nghĩa cho văn học truyền thống từ góc nhìn sinh thái.  Greg Garrard, giáo sư tại Đại học British Columbia, thành viên sáng lập và là cựu chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu về Văn học và Môi trường (Anh và Ireland). Ông là tác giả cuốn sách Phê bình sinh thái (Ecocriticism) xuất bản năm 2004, trong đó lưu ý việc: phê bình sinh thái nhấn mạnh cách thức mà chúng ta tưởng tượng và miêu tả mối quan hệ giữa con người và môi trường trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo văn hóa. Sự tiếp cận của Greg Garrard dựa trên sự phát triển của phong trào và nghiên cứu những khái niệm mà các nhà phê bình sinh thái đang sử dụng nhiều nhất, bao gồm: Sự ô nhiễm; Vùng hoang dã; Tận thế; Nơi trú ngụ; Động vật; Trái đất, cùng với một danh mục thuật ngữ và những đề xuất để tham khảo thêm. Ông chứng minh rằng không có quan điểm duy nhất hay đơn giản hợp nhất tất cả các nhà phê bình sinh thái. Chuyên luận này được xem là một bước đi ý nghĩa trong phát triển nghiên cứu văn học và văn hóagần đây, tạo tiền đề cho những nghiên cứu mới về phê bình sinh thái sau này. Ngoài ra còn có một số giáo trình lí luận đề cập đến phê bình sinh thái như một lí thuyết văn học mới nổi cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI, chẳng hạn như: Giới thiệu Phê bình đầu thế kỉ XXI (Introducing Criticism at the Twenty-First Century) do Julian Wolfreys biên tập, có Chương 7 - “Phê bình sinh thái” được Kate Rigby viết đã giới thiệu tường tận về phê bình sinh thái. Giáo trình Nhập môn lí thuyết: dẫn luận lí luận văn học và văn hóa (Beginning Theory: An Introduction to Literary and Cultural Theory) tái bản năm 2002, cũng có một chương mới là “Phê bình sinh thái” do Peter Barry soạn thêm (ấn phẩm xuất bản năm 1995 chưa có chương này). Ngoài ra, còn có một số bài viết tiêu biểu khác như: Phê bình sinh thái: Thế giới tự nhiên trong kính ngắm văn học (Ecocriticism: Natural world in the literary viewfinder) của Serpil Oppermann; Bài ca trái đất (The Song of the Earth) của Jonathan Bate... 1.1.1.3. Chặng ba từ 2005 đến nay: sự hoàn thiện và mở rộng phê bình sinh thái Mốc quan trọng đánh dấu bước chuyển của lí thuyết này bắt nguồn từ sự ra đời chuyên luận phê bình sinh thái thứ ba của Lawrence Buell mang tên: Tương lai của phê bình môi trường: khủng hoảng môi trường và tưởng tượng văn học (The Future of Environmental Criticism: Environmental Crisis and Literary Imagination). Lawrence đặt phê bình sinh thái vào chỉnh thể lĩnh vực nghiên cứu văn hóa và văn học để khảo sát, chỉ ra một cách rõ ràng “sự chuyển hướng của sinh thái môi trường trong những nghiên cứu về văn học và văn hóa” (the environment turn in literary and cultural studies), “diễn ngôn sinh thái của văn học” (literary ecodiscourse) được sử dụng rộng rãi hơn, hình thành hệ thống toàn cầu hóa hơn, được thảo luận liên ngành nhiều hơn, được cấu thành từ nhiều phương diện hơn. Đến năm 2006, phê bình sinh thái tiếp tục được mở rộng khi công trình Tự nhiên trong nghiên cứu văn học và văn hóa – Cuộc đàm luận bên kia Đại Tây Dương về phê bình sinh thái (Nature in literary and cultural studies – Transatlantic conversations on ecocriticism) được biên soạn bởi Catrin Gersdorf và Sylvia Mayer xuất bản. Tác phẩm này đã khẳng định phê bình sinh thái là phương pháp nghiên cứu tiên tiến, đón đầu xu thế thời đại trong bối cảnh ngày nay, gồm bốn phần: Lí thuyết tự nhiên của phê bình sinh thái; Định vị tự nhiên trong ngôn ngữ, văn học và văn hóa hằng ngày; Tự nhiên, văn học và không gian quốc gia; Những đạo đức của tự nhiên. Nó đã cung cấp thêm một số lí thuyết và khái niệm liên quan đến phê bình sinh thái nhằm hướng đến một sự nghiên cứu nghiêm ngặt hơn về tự nhiên bằng một thách thức thiết lập văn hóa, chính trị và những quy chuẩn đạo đức. Công trình này ủng hộ mạnh mẽ sự phát triển của phê bình sinh thái như một phương pháp tái xem xét lịch sử về ý thức hệ, về mặt thẩm mĩ và đạo đức có động cơ thúc đẩy những khái niệm của tự nhiên, chức năng xây dựng và sự ẩn dụ của nó trong các hoạt động văn học và văn hóa khác. Từ đó, tác phẩm tạo ra một cuộc đối thoại xuyên Đại Tây Dương đã từng được diễn ra từ thập niên cuối thế kỉ XX, chủ yếu là giữa các nhà phê bình sinh thái Mĩ và Anh; đồng thời cũng mở rộng cuộc trò chuyện này với những tiếng nói mới (từ Đức, Estonia, Lithuania) và đối tượng khu vực khác (văn học bằng tiếng Đức, ngôn ngữ học định hướng về mặt sinh thái). Năm 2008, Scott Slovic xuất bản cuốn Đi xa để suy nghĩ: Nhập thế, xuất thế và trách nhiệm của phê bình sinh thái (Going Away to Think: Engagement, Retreat, and Ecocritical Responsibility) gợi mở tầm quan trọng của phê bình sinh thái trong việc tham gia vào đời sống xã hội. Qua 17 tiểu luận, tác giả đưa người đọc phiêu lưu cùng những chuyến đi thâm nhập thực tiễn từ Oregon, Mexico, Nevada để chứng minh rằng ngôn ngữ và truyền thông là mấu chốt tạo ra sự thay đổi tích cực về môi trường, trong đó, các nhà phê bình sinh thái là người có vai trò quan trọng điều phối phê bình sinh thái đến gần hơn với công chúng bằng cách hòa nhập vào tự nhiên, vào cộng đồng hoặc cống hiến nghiêm túc, chuyên sâu vào nghiên cứu khoa học. Không đơn thuần là một cuốn sách về học thuật, cuốn sách đã mở đầu cho những chuyển hướng sau này của phê bình sinh thái từ góc nhìn trải nghiệm của nhà nghiên cứu. Năm 2011, giáo sư Susan Rowland ra mắt tác phẩm Tinh thần phê bình sinh thái: Văn học, sự phức tạp của tiến hóa và Jung (The Ecocritical Psyche: Literature, Evolutionary Complexity and Jung) được xem là “bước đột phá” của phê bình sinh thái, bởi đây là lần đầu tiên, nghiên cứu phê bình sinh thái đã có sự kết hợp liên ngành với tâm lí học, cùng các ý tưởng của Jung, huyền thoại và lí t... đàn văn nghệ; thì đến nay các thuật ngữ này đã trở nên thông dụng, được nhắc đến thường xuyên. Đồng thời, trước làn sóng chuyển biến liên tục của nghiên cứu văn học trên thế giới, nghiên cứu văn học Việt Nam cũng bị cuốn theo như một sự hiển nhiên, tất yếu. Phần lớn những lí thuyết văn chương nổi bật đều được hấp thụ chọn lọc, truyền tải vào đời sống sáng tác và phê bình. Trong đó, phê bình sinh thái được xem là một trong những lí thuyết có “khớp nối” phù hợp, “ăn ý” với thực tiễn sáng tác và nghiên cứu ở Việt Nam, bởi chúng ta đang sống trong thời đại có quá nhiều biến động. Khi bước vào “thế giới phẳng”, mọi khoảng cách trên địa cầu này đều trở nên ngắn lại, và nhân loại nhanh chóng nhận được sự tương thông, liên đới với nhau. Một câu chuyện từ nơi xa xôi cách nửa vòng Trái đất cũng có thể được biết đến tường tận. Một thảm họa tự nhiên ở bất kì nơi nào cũng đều dễ dàng trở thành thảm họa chung cho nhân loại. Do vậy, khi giữa tâm bão của khủng hoảng môi trường diễn ra trên thế giới, phê bình sinh thái nổi lên như một trào lưu văn hóa - văn học chuyển tải thông điệp bảo vệ Trái đất, cứu lấy tương lai nhân loại, thì văn học Việt Nam cũng có sự nhạy bén, cảm nhận được với ý thức sinh thái rõ rệt. Cũng thật dễ hiểu, vì nước ta là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của tình trạng biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên ở mức báo động. Hiển nhiên, là “thư kí của thời đại”, nhà văn sẽ ánh xạ vào tác phẩm như một hiện thực phũ phàng, trăn trở giữa đời sống hôm nay. Bắt đầu là những tiểu thuyết viết về đề tài chiến tranh, như Chim én bay (Nguyễn Trí Huân, 1988), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh, 1991), Phố (Chu Lai, 1992) đã cho thấy mặt trái của chiến tranh không chỉ ảnh hưởng đến đời sống con người thời hậu chiến mà còn ảnh hưởng đến môi trường. Bom đạn, chất độc da cam thải ra khiến những cánh rừng bạt ngàn hoang sơ trở nên xơ xác, rụng úa, tàn lụi. “Mùa khô ấy, nắng to gió lớn, rừng bị ướt đẫm xăng đặc, cuồn cuộn lửa luyện ngục”, “đến ngày nay cỏ cây vẫn chưa lại hồn để mọc lên nổi, thân thể giập vỡ, tanh bành, phùn phụt phì hơi nóng” (Nỗi buồn chiến tranh). Và dư âm chiến tranh còn để lại giữa cuộc sống thời hậu chiến, khi người lính trở về mang nhiều bỡ ngỡ, “mới cách đây chừng vài ba năm chứ mấy, cảnh sắc nơi này còn thâm trầm vắng lặng. Trải qua bao biến thiên khắc nghiệt của thời gian, thời tiết, của chiến tranh hay hòa bình, của những cơn bão đốn gục tới phân nửa số lượng gốc cây” (Phố). Dẫu chiến tranh lùi xa, nhưng khí độc, dioxin, những vết tích, tàn tro vẫn còn gây ra những tổn thất về môi trường dài lâu mà con người chưa thể khắc phục ngay được, nó ngấm ngầm bào mòn nhiều thế hệ và tàn phá tự nhiên. Vì vậy, dưới góc nhìn sinh thái, việc phản đối chiến tranh, khắc phục những hậu quả của năm tháng “mưa bom bão đạn” vừa là hành động phục sinh cuộc sống hòa bình cho con người, đồng thời xa hơn và bao quát hơn, đấy còn là bảo vệ, tái thiết tự nhiên. Xây dựng ngôi nhà chung Trái đất bình yên. Hình ảnh chim én bay và câu đề từ đầu tiểu thuyết Chim én bay của Nguyễn Trí Huân, “Em mong sao trên trái đất hoa thơm nở bốn mùa/ Em mong sao trên trái đất không còn sự chia lìa/ Em mong sao trên trái đất mọi con người/ Như em đây là chim trắng bay giữa trời/ Sống để yêu thương” dường như đã truyền tải sâu sắc ý niệm này. Tiếp đến, những nhà văn như Tạ Duy Anh (Lão Khổ, Đi tìm nhân vật), Hoàng Minh Tường (Gia phả của đất), Đào Thắng (Dòng sông Mía), Nguyễn Khắc Trường (Mảnh đất lắm người nhiều ma), Hồ Anh Thái (Cõi người rung chuông tận thế), Nguyễn Bình Phương (Thoạt kì thủy) dù đề tài chính trong các sáng tác này là những phức tạp trong đời sống con người ở nông thôn và thành thị từ hệ lụy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng ẩn giấu trong mạch ngầm văn bản là những cảnh báo về môi sinh: đất nông nghiệp sẽ ngày càng thu hẹp, các khu đô thị dần mọc lên, con người ngột ngạt và bức tử trong thế giới “số hóa” do chính mình tạo dựng, lạc lõng, xa cách đồng loại. Càng về sau, tiểu thuyết càng thể hiện tính chất sinh thái rõ nét, với sự đóng góp của những nhà văn dày dặn kinh nghiệm về tuổi đời và tuổi nghề như Nguyễn Khắc Phê (Thập giá giữa rừng sâu), Trần Duy Phiên (Trăm năm còn lại), Ma Văn Kháng (Chó Bi, đời lưu lạc), Bùi Ngọc Tấn (Biển và chim bói cá), sau đến các cây bút trẻ như Nguyễn Ngọc Tư (Sông), Thiên Sơn (Dòng sông chết), Đặng Thiều Quang (Săn cá thần), Đỗ Phấn (Ruồi là ruồi), Nguyễn Xuân Thủy (Nhắm mắt nhìn trời), A Sáng (Thân xác), Đỗ Bích Thúy (Chúa đất), Nguyễn Trí (Thiên đường ảo vọng), Nguyễn Văn Học (Vết thương hoa hồng), Đỗ Tiến Thụy (Con chim joong bay từ A đến Z) Như vậy, ý thức sinh thái trong văn học Việt Nam sau 1986 nói chung, tiểu thuyết Việt Nam nói riêng bắt đầu manh nha từ dòng chảy văn học hậu chiến. Qua việc tố cáo tội ác chiến tranh, những di chứng chất độc màu da cam đã tàn phá thiên nhiên, để lại những khu rừng trơ trụi lá, dioxin thấm vào đất, vào nước, cỏ cây qua hàng chục năm, gây nguy hại cho nhiều thế hệ người Việt, nhiều nhà văn đã dự cảm một từ trường sinh thái sẽ lan tỏa trong văn học đương đại. Về sau, văn học thời kì Đổi mới bắt đầu xuất hiện và chú ý đến vị thế trong mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Nhiều nhà văn đã ngầm cảnh báo rằng nguồn gốc của nguy cơ sinh thái chính là tính hiện đại và căn bệnh của chủ nghĩa tiêu dùng – sự tiêu xài quá độ, sự lên ngôi của đồng tiền. Cụ thể qua sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Xuân Thủy, Đặng Thiều Quang, Đỗ Phấn, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Văn Học, Đỗ Tiến Thụy đã chỉ ra sự hủy hoại môi sinh dẫn tới việc mất cân bằng tự nhiên; quá trình đô thị hóa khiến con người rời xa môi trường sinh thái, trở thành nạn nhân, công cụ của thương mại. Do vậy, từ những năm 90 đến nay, văn học có khuynh hướng tìm về biểu hiện mối quan hệ giữa con người và tự nhiên trong cái nhìn mới, bằng một tư duy sinh thái hiện đại trong việc nhận diện, phân tích và thể hiện những nỗi đau môi trường, số phận con người trong cuộc khủng hoảng môi sinh cũng như hướng con người sống có ý thức bảo vệ thiên nhiên, biết hòa mình vào tự nhiên để được thanh thản, cân bằng trong cuộc sống. Thấy rõ dấu ấn sinh thái đã manh nha phát triển trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1986, nhiều nhà phê bình, nghiên cứu khám phá một cách tiếp cận mới, qua đó kết nối văn học nước ta với những vấn đề thiết yếu của nhân loại về trách nhiệm mỗi con người trước khủng hoảng môi sinh. 1.2.2. Phê bình sinh thái – một lối tiếp cận mới vào tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 Việc nghiên cứu các tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến nay nhìn từ lí thuyết phê bình sinh thái hiện nay là một cách tiếp cận mới mẻ. Qua quá trình tìm hiểu và thu thập tư liệu, chúng tôi nhận thấy rất ít công trình chuyên sâu vấn đề này. Xin điểm qua một số bài báo, đề tài nổi bật có liên quan như: Bài báo Sáng tác và phê bình sinh thái – Tiềm năng cần khai thác của văn học Việt Nam của Nguyễn Thị Tịnh Thy đăng trên Tạp chí Văn nghệ quân đội (25/10/ 2014) đã đưa ra những dẫn chứng cho thấy những tiềm năng trong sáng tác, phê bình sinh thái của văn học Việt Nam. Tác giả nhận thấy: trên thực tế, dù số lượng tác phẩm văn học sinh thái của nước ta còn rất ít, nhưng vấn đề sinh thái vẫn hiện hữu trong các tác phẩm từ xưa đến nay. Điều này thể hiện qua thái độ trân trọng, yêu quý và bảo vệ tự nhiên, các hành động tước đoạt và phá hoại tự nhiên, điều kiện sống không đảm bảo (ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn, kiến trúc đô thị tùy tiện, không gian nhà ở tù túng), bi kịch của việc thành thị hóa nông thôn, thái độ kính sợ tự nhiên, quan niệm “mưu sự tại nhân thành sự tại thiên”. Bài viết cònnhắc đến một số tiểu thuyết ở Việt Nam có khuynh hướng sinh thái, như Trăm năm còn lại, Thập giá giữa rừng sâu Đây là những nhận định mang tính chất khái quát, tổng hợp nhằm gợi ý để áp dụng lí thuyết phê bình sinh thái vào tìm hiểu, nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Năm 2016, Trần Thị Ánh Nguyệt đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ với đề tài “Con người và tự nhiên trong văn xuôi Việt Nam sau 1975 từ góc nhìn phê bình sinh thái” (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội). Qua luận án, tác giả khảo sát văn học Việt Nam sau 1975 và thấy có sự xuất hiện khuynh hướng văn xuôi sinh thái. Khuynh hướng ấy thể hiện ở việc tồn tại các chủ đề sinh thái, có lực lượng sáng tác riêng và có những thay đổi đáng kể trong những thể nghiệm nghệ thuật vận động về phía sinh thái. Văn xuôi sinh thái có những dấu ấn nhất định vào khoảng những năm 1980, đó cũng là thời kì của công cuộc đổi mới, Việt Nam bắt đầu tăng tốc về phía nền kinh tế thị trường, những áp lực của việc biến đổi tự nhiên trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa bắt đầu xuất hiện. Tác giả chỉ ra, chính thái độ nhập cuộc, dấn thân của văn xuôi sau 1975 đã làm cho văn học xích lại gần hơn với những vấn đề thời sự, thể hiện tính dân chủ của văn học qua những cách tân nghệ thuật mà văn xuôi sinh thái thể nghiệm. Có thể xem đây là công trình đầu tiên nghiên cứu văn xuôi sau 1975 từ góc nhìn sinh thái được đầu tư công phu, kĩ lưỡng và đầy thuyết phục. Đến cuối năm 2016, cuốn sách Con người và tự nhiên trong văn xuôi Việt Nam sau năm 1975 từ góc nhìn phê bình sinh thái được xuất bản do Trần Thị Ánh Nguyệt và Lê Lưu Oanh kết hợp, biên tập lại từ Luận án đã bảo vệ, có bổ sung thêm một số bài nghiên cứu của Lê Lưu Oanh. Một lần nữa các tiểu thuyết như Trăm năm còn lại (Trần Duy Phiên), Thập giá giữa rừng sâu (Nguyễn Khắc Phê), Sông (Nguyễn Ngọc Tư), Dòng sông chết (Thiên Sơn), Biển và chim bói cá (Bùi Ngọc Tấn) được nhắc đến và lưu tâm như một hiện tượng của văn học mang dấu ấn sinh thái tại Việt Nam. Nhưng xét trên tinh thần khách quan, ngoài một số tiểu thuyết tiêu biểu, công trình này còn chú trọng nhiều đến truyện ngắn mang cảm thức sinh thái. Hơn nữa, nhiều tiểu thuyết chứa nội dung sinh thái vẫn chưa được nghiên cứu và đi sâu giải mã như Nhắm mắt nhìn trời (Nguyễn Xuân Thủy), Thân xác (A Sáng), Họ vẫn chưa về (Nguyễn Thế Hùng) Đặc biệt, trường hợp Đỗ Phấn – một hiện tượng “nhà văn sinh thái” với hàng loạt tác phẩm là những phẫn uất của lớp thị dân trước cảnh đô thị hóa ồ ạt, như Gần như là sống, Dằng dặc triền sông mưa, Chảy qua bóng tối, Ruồi là ruồi đều không nằm trong diện khảo sát của cuốn sách này. Tháng 12 năm 2017, Hội thảo Phê bình sinh thái – Tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu do Viện Văn học tổ chức đã khẳng định sức lan tỏa của phê bình sinh thái trong giới nghiên cứu Việt Nam. Kỷ yếu của Hội thảo tập hợp 84 bài viết, trong đó có những công trình cũng đã chú ý đến tiểu thuyết như: Tinh thần sinh thái trong văn xuôi Nam Bộ (Bùi Thanh Truyền), Tiểu thuyết chiến tranh Việt Nam đầu thế kỉ XXI – Từ góc nhìn sinh thái (Lê Thị Hường), Khủng hoảng môi trường và số phận của cộng đồng thiểu số trong tiểu thuyết Paris 11 tháng 8 của Thuận (Đỗ Hải Ninh), Cảm quan sinh thái trong sáng tác của Đỗ Phấn (Lê Hương Thủy), Sông của Nguyễn Ngọc Tư và những vấn đề sinh thái môi trường (Trịnh Đặng Nguyên Hương)... 1.3. Đánh giá tình hình nghiên cứu và hướng triển khai đề tài 1.3.1. Về tình hình nghiên cứu Việc nghiên cứu phê bình sinh thái trên thế giới đã diễn ra hơn bốn thập kỉ nhưng không liên tục mà bị gián cách trong biên độ thời gian lẫn không gian do những yếu tố về địa lí, chính trị, văn hóa – xã hội của từng quốc gia, khu vực. Thoạt tiên ở Mỹ, phê bình sinh thái hình thành rồi lan sang các nước Anh ngữ, Úc, và tiếp đến là Châu Âu, Châu Á đón nhận nó nhưng một hiện tượng văn hóa – xã hội của kỉ nguyên hậu công nghiệp. Tính chất liên ngành của phê bình sinh thái đã thu hút nhiều quan tâm, chú ý của các chuyên gia văn học, văn hóa, sinh học, lịch sử, địa lí, vật lí Từ những năm 1970 đến nay, phê bình sinh thái từ phong trào nhỏ lẻ, tản mác đã trở thành một hướng nghiên cứu phổ biến, sôi nổi toàn cầu. Ở Việt Nam, lí thuyết này du nhập và được các học giả hưởng ứng cũng chỉ khoảng mười năm trở lại đây. Từng có lúc, phê bình sinh thái đã bị nhiều chuyên gia hồ nghi rằng đó chỉ là một phong trào hoạt động xã hội nhằm bảo vệ môi trường, về sau phát triển thành lí thuyết trong lí luận văn học, không mang giá trị cách tân và đột phá. Nhưng rồi, ý nghĩa thực tiễn cùng những tác động tích cực mà phê bình sinh thái mang lại trong nhận thức và tư tưởng của nhiều người đã khiến các nhà nghiên cứu phải định giá lại vai trò, sức ảnh hưởng và sự đóng góp của lí thuyết này. Điểm qua những công trình kể trên, chúng tôi thấy rằng, việc dẫn nhập, ứng dụng lí thuyết này ở Việt Nam vẫn chỉ ở giai đoạn khởi đầu. Dẫu trong hai năm gần đây, từ 2016 đến 2017 đã có hai cuốn sách của Trần Thị Ánh Nguyệt – Lê Lưu Oanh và Nguyễn Thị Tịnh Thy xuất bản, nghiên cứu tương đối chuyên sâu, có hệ thống về phê bình sinh thái, nhưng so với mặt bằng chung của thế giới, sự phát triển phê bình sinh thái ở nước ta vẫn còn đơn biệt. Nếu phê bình trên thế giới đã bước sang giai đoạn thứ ba của tiến trình phát triển – xây dựng lí luận phê bình sinh thái, hoàn thiện thi pháp sinh thái, thì Việt Nam còn đang nằm ngưỡng ban đầu, thao tác chủ yếu là phân tích, đánh giá tự nhiên đã được mô tả như thế nào trong văn bản, diễn tả những bất bình về sự biến mất, thiếu vắng thiên nhiên. Tập trung vào vấn đề sống – còn của nhân loại, phê bình sinh thái hẳn nhiên sẽ là một lí thuyết thịnh hành trong tương lai, vì tính thời sự, cấp bách và thiết thực của nó đối với những nguy cơ mà Trái đất đang đối mặt. Không có Trái đất, sẽ không thể có con người. Cho nên, việc đặt ra câu hỏi: Đâu là những hướng nghiên cứu của phê bình sinh thái? Liệu văn học Việt Nam có khuynh hướng văn chương sinh thái hay không? Tiểu thuyết đã chạm thấu được những gì đang diễn ra trước cuộc khủng hoảng môi trường? Những chất vấn này không dễ trả lời một cách ngắn gọn, chung chung, và để có đáp án cụ thể, chính xác đòi hỏi phải có nhiều thời gian cũng như nhiều tâm huyết của các nhà nghiên cứu. Đó chính là sự khai mở đầy lí thú cho chúng tôi mạnh dạn tìm tòi, khám phá lãnh địa hấp dẫn với nhiều nghi vấn cần giải mã này. 1.3.2. Hướng triển khai đề tài Từ những kết quả nghiên cứu trên, để thực hiện những đóng góp mới, vừa không trùng lặp dấu chân của người đi trước, lại vừa nằm trong quỹ đạo phê bình sinh thái, hướng nghiên cứu của đề tài Tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1986 – 2014 từ góc nhìn phê bình sinh thái sẽ được triển khai như sau: Thứ nhất, giới thiệu ngành sinh thái học nhân văn hiện nay đang trở thành một khoa học toàn cầu, kết hợp thành tựu của khoa học tự nhiên và khoa học nhân văn để xử lý những vấn đề mà Trái đất, môi trường đặt ra trước con người. Qua đó, dẫn nhập phê bình sinh thái như là một cách tiếp cận mới, có tính hậu hiện đại đối với văn học, nhằm phát hiện và giải quyết các vấn đề sinh thái thách thức trong thời đại ngày nay. Thứ hai, văn học Việt Nam nói chung và tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 nói riêng đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề sinh thái – môi trường, và có những dấu hiệu của sự hình thành mảng văn học sinh thái. Tiểu thuyết vốn là thể loại văn chương nhạy cảm với thời cuộc, nên những vấn đề nguy cơ sinh thái hiện nay ắt hẳn ít nhiều cộng hưởng trong đó. Qua tiếp cận phê bình sinh thái, chúng tôi phát hiện những bước chuyển của tiểu thuyết Việt Nam từ hệ hình tiền hiện đại sang hiện đại, hậu hiện đại. Thứ ba, khảo cứu những tiểu thuyết từ Đổi mới đến nay, chúng tôi tiến hành định giá các chuẩn tắc đạo đức sinh thái được biểu hiện cụ thể qua hệ thống nhân vật. Mỗi hành động, ứng xử của nhân vật sẽ là nấc thang để phân chia phạm trù đạo đức. Đây cũng là cách thức để chúng tôi hướng đến sự phê phán những nhận thức sai lệch, lỗi thời của con người đối với thế giới phi nhân loại, xóa bỏ tư tưởng cổ hủ, tái thiết tư tưởng chỉnh thể sinh thái bằng tinh thần hòa hợp giữa con người và tự nhiên. Thứ tư, dựa vào tính chất liên ngành và những hiệu ứng mà phê bình sinh thái mang lại, chúng tôi đi sâu vào thế giới tinh thần qua quyền lực của diễn ngôn và các phạm trù văn hóa, liên văn bản. Tại đây, sự kết hợp giữa Đông – Tây, sự trở về diễn ngôn lãng mạn cùng triết lí về tự nhiên của phương Đông là một trong những cách thức chúng tôi nhấn mạnh đến cội nguồn tư tưởng và cơ sở lí luận vững chắc của phê bình sinh thái. Những vấn đề trên được chúng tôi đưa vào giải quyết ở các chương hai, chương ba, chương bốn. Với kết cấu: Chương hai – Một cái nhìn hậu/ giải cấu trúc về phê bình sinh thái trong tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1986 - 2014; Chương ba – Định giá chuẩn tắc đạo đức sinh thái từ hệ thống nhân vật; Chương bốn – Phục hưng tinh thần sinh thái từ những quyền lực văn hóa. Như vậy, thiết lập kết cấu từng chương cụ thể, gắn sát với trọng tâm, hướng nghiên cứu của chúng tôi hoàn toàn không trùng lặp với tất cả những công trình đi trước, hơn nữa còn có thể mở ra một phương cách tiếp cận mới cho tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Đồng thời, để làm tốt những điều này, chúng tôi cũng mượn các thuật ngữ nghiên cứu liên ngành về văn hóa và sinh thái học, phân tâm học để soi sáng các giá trị văn chương mà tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến nay đã thể hiện. Tiểu kết: Việc nghiên cứu chuyên sâu về phê bình sinh thái trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại từ một tác phẩm riêng biệt hay tổng quát vẫn là mảnh đất còn nhiều khám phá hấp dẫn, mới mẻ. Khảo sát tất cả những công trình nghiên cứu trên, chúng tôi nhận thấy thấy rằng: chưa có một công trình nào nghiên cứu về lí thuyết phê bình sinh thái trong tiểu thuyết Việt Nam từ sau Đổi mới. Trên đâylà tổng quan về tình hình nghiên cứu và hướng triển khai của đề tài, dựa vào những nhận định, những kết quả có tính chất chỉ dẫn và gợi mở của nhiều nhà nghiên cứu, chúng tôi đặt ra những vấn đề khoa học cần thiết phải giải quyết trong đề tài: “Tiểu thuyết Việt Nam giai đoạn 1986 – 2014 từ góc nhìn phê bình sinh thái”. CHƯƠNG 2. MỘT CÁI NHÌN HẬU/ GIẢI CẤU TRÚC VỀ PHÊ BÌNH SINH THÁI TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1986 – 2014 2.1. Phê bình sinh thái và đặc tính hậu/ giải cấu trúc 2.1.1. Về khái niệm và cội nguồn của phê bình sinh thái 2.1.1.1. Khái niệm Phê bình sinh thái (Ecocriticism) là thuật ngữ bao gồm tiền tố “eco-” (sinh thái học) và “criticism” (sự phê bình). Thuật ngữ sinh thái học (Ecology) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, gồm oikos (nhà/ nơi ở) và logos (học thuyết/ khoa học). Hiểu theo từ nguyên gốc, sinh thái học là khoa nghiên cứu về “nhà”, “nơi ở” của sinh vật. Hiểu rộng hơn, sinh thái học là khoa nghiên cứu mối quan hệ giữa sinh vật hoặc một nhóm hay nhiều nhóm sinh vật với môi trường xung quanh. Thuật ngữ này xuất hiện từ giữa thế kỉ XIX, do nhà khoa học người Đức Ernst Haecker nêu ra vào năm 1869. Theo ông, chúng ta đang hiểu về tổng giá trị kinh tế của tự nhiên: nghiên cứu tổ hợp các mối tương tác của con vật với môi trường của nó và trước tiên là mối quan hệ “bạn bè” và thù địch với một nhóm động thực vật mà con vật đó tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp. Đến nay, từ chỗ là một bộ môn gắn liền với sinh học, sinh thái học dần mở rộng, ảnh hưởng đến nhiều bộ môn khoa học khác, trong đó có khoa học xã hội và nhân văn. Tuy nhiên, trước khi các học giả thế giới thống nhất chung một thuật ngữ Phê bình sinh thái, nhiều thuật ngữ khác đã được đưa ra với cùng nội hàm ý nghĩa, đó là: Sinh thái học văn học (Literary ecology), Thi pháp sinh thái (Ecopoetics), Phê bình văn học môi trường (Environmental literary criticism), Nghiên cứu văn học và môi trường (Studies of literature and environment), Phê bình xanh (Green Studies), Phê bình văn hóa xanh (Green cultural studies) Đến năm 1996, trong công trình Introduction: Literary Studies in an Age of Environmental Crisis, giáo sư Cheryll Glotfelty nhận định Phê bình sinh thái (Ecocriticism) là thuật ngữ phù hợp nhất với lí do: “nó ngắn gọn và có thể dễ dàng tạo thành các dạng thức khác là ecocritical (tính chất phê bình sinh thái) và ecocritic (nhà phê bình sinh thái). Hơn nữa, họ thích tiền tố “eco-” (sinh thái) hơn tiền tố “enviro-” (môi trường), vì theo nghĩa rộng, tiền tố “enviro-” mang tính nhị nguyên, hàm ý con người là trung tâm, tất cả mọi thứ xung quanh chúng ta là môi trường. Ngược lại, tiền tố “eco-” lại ngầm chỉ vạn vật cộng đồng phụ thuộc lẫn nhau, tạo thành một hệ thống và những yếu tố trong hệ thống đó luôn có sự hòa hợp, gắn bó chặt chẽ với nhau” [73, tr.xx]. Những lí giải này đã tạo ra sự thuyết phục cho các nhà nghiên cứu về mặt thuật ngữ. Với tinh thần gợi dẫn những quan niệm cơ bản nhất của triết học sinh thái vào phê bình văn học, phê bình sinh thái trong quan niệm của Rachela A. Klue là một phương pháp tiếp cận toàn diện cho văn học đang tìm cách để kiểm tra các mối quan hệ giữa con người và môi trường, xác nhận rằng văn học không thể được tiếp cận theo cách đặt con người và tự nhiên trong sự đối lập lẫn nhau. Thay vào đó, “nó phải được tiếp cận bằng cách kiểm tra con người như là một phần của hệ sinh thái, chứ không phải là người thống trị cũng như là nô lệ, con người đơn giản chỉ là một bộ phận của một hệ thống phức tạp” [80]. Cách định nghĩa này cho thấy, đây là phương pháp đặc biệt phù hợp cho sự phản ứng trước cuộc khủng hoảng môi trường toàn cầu đang diễn ra nghiêm trọng, nhưng nó mới chú trọng đến nội dung mà chưa đề cập đến những khía cạnh nghệ thuật. Với Cheryll Glotfelty, phê bình sinh thái đưa đến một lối nghiên cứu xóa bỏ quan niệm “nhân loại trung tâm luận” để xác lập một quan niệm mới, đó là phương pháp tiếp cận “trái đất trung tâm”: “Nói đơn giản, phê bình sinh thái là nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và môi trường tự nhiên. Cũng giống như phê bình nữ quyền xem xét ngôn ngữ và văn học từ góc độ giới tính, phê bình Marxit mang lại ý thức của phương thức sản xuất và thành phần kinh tế để đọc văn bản, phê bình sinh thái mang đến phương pháp tiếp cận trái đất trung tâm để nghiên cứu văn học” [73, tr.xviii]. Để hiểu rõ hơn về phê bình sinh thái, C. Glotfelty còn xác định một số câu hỏi mà các nhà phê bình sinh thái yêu cầu, phạm vi từ ‘Thiên nhiên được miêu tả như thế nào trong bài thơ sonnet?’, cho đến ‘Khái niệm về vùng hoang dã đã thay đổi như thế nào theo thời gian?’, và ‘Bản thân khoa học mở ra những gì để phân tích văn chương?’, cuối cùng là ‘Điều gì thúc đẩy có thể thực hiện được giữa nghiên cứu văn học và diễn ngôn môi trường trong các môn học liên quan như lịch sử, triết học, tâm lí học, lịch sử nghệ thuật, và đạo đức học?’. Trả lời những câu hỏi đó nghĩa là truy được các khía cạnh đặc trưng của phê bình sinh thái. Phê bình sinh thái là lí thuyết độc đáo trong số các lí thuyết văn học và văn hóa đương đại vì mối quan hệ chặt chẽ của nó với các ngành khoa học sinh thái. Các nhà phê bình sinh thái có thể không có đủ điều kiện để đóng góp cho các cuộc tranh luận về vấn đề trong sinh thái học, nhưng họ vẫn phải vượt quá giới hạn chuyên ngành và phát triển những “kiến thức sinh thái” của chính mình càng nhiều càng tốt. Với tinh thần như vậy, phê bình sinh thái thực sự phát động một lời kêu gọi văn học kết nối với những vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay. Đồng quan điểm với Glotfelty, Richard Kerridge trong Lối viết Anh vềmôi trường (British Writing the Environment) cho thấy sự cần thiết mở rộng một phê bình sinh thái văn hóa: “Các nhà phê bình sinh thái muốn đi tìm những ý tưởng môi trường và những người đại diện ở bất cứ nơi nào họ xuất hiện, để thấy rõ hơn một cuộc tranh luận dường như đang diễn ra, thường bị che giấu một phần, trong rất nhiều không gian văn hóa lớn. Hầu hết, tất cả phê bình sinh thái tìm cách đánh giá các văn bản và ý tưởng trong giới hạn liên kết và hữu dụng của họ như sự đối phó với khủng hoảng môi trường” [Dẫn theo 69, tr.4]. Phần đông các nhà nghiên cứu đều nhận thấy, lí thuyết mới này mang lại một sự thay đổi nghiên cứu văn chương bằng cách liên kết lí thuyết và phê bình văn học với những vấn đề sinh thái rộng lớn. Trong cuốn Phê bình sinh thái, Greg Garrard cũng đưa ra nhận định về phê bình sinh thái: “Phê bình sinh thái thường liên kết các phân tích văn hóa của họ một cách rõ ràng với một tinh thần ‘xanh’ và chương trình quốc gia. Về khía cạnh này, phê bình sinh thái liên quan mật thiết với sự phát triển định hướng môi trường trong triết học và học thuyết chính trị. Phát triển những hiểu biết sâu sắc của các phong trào phê bình trước đó, sinh thái học nữ quyền, sinh thái học xã hội và những người chủ trương đối xử công bằng với môi trường tìm kiếm một sự tổng hợp những mối quan tâm đến môi trường và xã hội” [69, tr.3]. Sự định nghĩa của G. Garrard đã gặp những điểm chung với C. Glotfelty, nhưng việc xác định bản chất phê bình sinh thái như vậy vẫn còn quá rộng khi các học giả còn chú trọng đến các vấn đề văn hóa, chính trị, môi trường vào lí thuyết này. Từ sự góp nhặt những mặt tích cực và hạn chế của các nhà nghiên cứu phê bình sinh thái Âu – Mĩ, Vương Nặc – giáo sư Văn học Trung Quốc đã đề xuất định nghĩa mới: “Phê bình sinh thái là phê bình văn học nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và tự nhiên từ định hướng của chủ nghĩa sinh thái, đặc biệt là chủ nghĩa chỉnh thể sinh thái. Nó phơi bày nguồn gốc văn hóa tư tưởng của nguy cơ sinh thái được phản ánh trong tác phẩm văn học, đồng thời khám phá thẩm mĩ sinh thái và biểu hiện nghệ thuật của nó trong tác phẩm” [Dẫn theo 60, tr.153]. Hầu hết các chuyên gia văn học trên thế giới và Việt Nam đều thừa nhận và sử dụng định nghĩa của giáo sư Cheryll Glotfelty. Còn theo Nguyễn Thị Tịnh Thy, các học giả Trung Quốc lại nghiêng về định nghĩa của giáo sư Vương Nặc. Trên tinh thần tổng hợp các định nghĩa của nhiều học giả và dựa vào định nghĩa của Vương Nặc, Nguyễn Thị Tịnh Thy đã đề xuất định nghĩa như sau: “Phê bình sinh thái là phê bình văn học nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và tự nhiên từ định hướng tư tưởng của chủ nghĩa sinh thái, đặc biệt là chủ nghĩa chỉnh thể sinh thái thông qua việc khám phá thẩm mĩ sinh thái và biểu hiện nghệ thuật của nó trong tác phẩm” [60, tr.157]. Tính chất mở, đa chiều và liên ngành đã mang đến nhiều khái niệm cho phê bình sinh thái. Điều này không tạo nên những mâu thuẫn, đối lập và tranh cãi giữa các học giả. Ngược lại, nó phát ra một hiệu ứng khả nghiệm, lan tỏa và thu hút nhiều ý kiến đóng góp hơn nữa nhằm hoàn thiện lí thuyết, đồng thời cũng khẳng định từ trường hấp dẫn của phê bình sinh thái đối với thế giới hiện nay. Và dù có nhiều cách định nghĩa khác nhau, nhưng tất cả các học giả đều đồng nhất phê bình sinh thái là một lí thuyết có những đặc trưng tư tưởng và nguyên tắc mĩ học rõ ràng, đó là lấy chủ thuyết chỉnh thể sinh thái làm tôn chỉ, phán xét nguồn gốc văn hóa tư tưởng của nguy cơ sinh thái và thẩm định văn bản từ góc độ nghệ thuật sinh thái. Đây cũng chính là quan điểm của chúng tôi trong luận án. 2.1.1.2. Cội nguồn triết học của phê bình sinh thái Sự ra đời của bất kì lí thuyết văn học nào cũng gắn liền với cơ sở triết học của nó. Mặc dù khởi nguồn phê bình sinh thái chỉ là một phong trào hoạt động xã hội – môi trường diễn ra vào những năm 70 của thế kỉ XX nhằm chống lại sự tàn phá Trái đất, nhưng để dẫn tới sự “bùng nổ lí thuyết” toàn cầu, phê bình sinh thái đã có sự tích tụ và kế thừa những tư tưởng rất lâu đời. Từ thời cổ đại Hi La đến thời Phục hưng, tư tưởng văn hóa chủ lưu của phương Tây là chủ nghĩa nhân loại trung tâm với khát vọng chinh phục, chế ngự, cải tạo tự nhiên. Các nhà tư tưởng lớn tôn vinh con người như “thước đo của vạn vật” (Protagoras), “linh hồn của vạn vật” (Shakespeare); và biến tự nhiên “trở thành nô lệ của con người” (Bacon). Tuy nhiên, một số triết gia lại đề xuất thái độ tôn trọng tự nhiên, chẳng hạn như triết gia cổ đại La Mã Cicero khẳng định: “động vật và con người giống nhau, đều cần có tôn nghiêm của sinh mệnh, không nên bị tổn hại”. Triết gia Qiesapiernuo thời Phục hưng quan niệm, “trong giới tự nhiên không có gì đáng căm ghét, ngay cả sinh vật bé nhỏ nhất cũng có giá trị thần thánh của riêng mình” [Dẫn theo 18]. Những lập luận này trước đây thường bị bỏ qua, xem là phát biểu mang tính chất cá nhân, đơn lẻ, lạc nhịp, nay lại trở thành cơ sở tư tưởng đáng quý của phê bình sinh thái. Bước sang thời kì hiện đại, thế kỉ XVIII-XIX, trào lưu triết học hướng về tự nhiên bắt đầu xuất hiện ngày càng rõ nét. Đặc biệt sự hưng khởi của chủ nghĩa lãng mạn với ý niệm sùng bái tự nhiên, đặt tự nhiên trong mối quan hệ hài hòa với con người đã hình thành một chất xúc tác cho những tư tưởng sinh thái. V. Hugo nhận định rằng, “con người và con người nên đối đãi một cách văn minh với nhau, điều này đã tương đối tiến bộ rồi; sau đó con người cũng nên đối đãi một cách văn minh với tự nhiên, nhưng điều này cho đến nay vẫn là một khoảng trống rỗng” [Dẫn theo 18]. Còn H. Thoreau qua tác phẩm tiêu biểu Walden – Một mình sống trong rừng, đã đi tìm lối thoát cho con người khỏi gánh nặng vật chất, ẩn chứa giấc mơ về cuộc sống vô ưu đầy vui thú, hòa mình với thiên nhiên. Không chỉ đề cao tự nhiên của chủ nghĩa lãng mạn, các nhà sinh vật học thế kỉ này cũng đã có những cống hiến vĩ đại cho tư tưởng sinh thái của nhân loại. Nhà thực vật học Thụy Điển Linnaeus đề xuất thuyết “thể chung của tự nhiên” và trật tự tự nhiên, rất coi trọng quan hệ tương hỗ giữa vạn vật tự nhiên. Các nhà khoa học thuộc phái Linnaeus đề xuất thuật ngữ nổi tiếng “chuỗi sinh tồn” (chain of being), chỉ ra “trong bất kì tình huống nào, nếu như một mắt xích của dây xích tự nhiên bị đứt đoạn thì sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn không có trật tự của chỉnh thể”. Thuyết tiến hóa của C. Darwin có vai trò thúc đẩy không nhỏ đối với sự phát triển của tư tưởng triết học sinh thái. Bằng việc chứng minh con người có nguồn gốc từ loài tinh tinh, Darwin đã hạ bệ ngôi vị thống trị con người qua hàng thế kỉ qua, đồng thời phá vỡ những tham vọng hoang đường của nhân loại trong vũ trụ, hướng sự quan tâm đến tất cả các sinh mệnh khác. Hơn nữa, sự chỉ trích, phê phán của các triết gia như Mumford, Heidegger, Horkheimer, Marcuse, Habermas trước những mặt trái của khoa học kĩ thuật cũng tạo nguồn khởi sinh các phong trào bảo vệ môi trường. Qua việc tố cáo những “cỗ máy” khai thác tự nhiên có tính hủy diệt đối với hệ sinh thái, nhiều nhà tư tưởng đã nhấn mạnh những tiêu cực của đời sống văn minh gây hệ lụy đến tương lai nhân loại và Trái đất, để rồi gợi dẫn phương thức sống hòa hợp giữa sự sinh tồn của con người và tự nhiên. Những tư tưởng triết học của các trường phái luân lí học môi trường phương Tây nửa đầu thế kỉ XX có... Nxb Thanh niên, Hà Nội. Đỗ Bích Thúy (2015), Chúa đất, Nxb Phụ nữ, Hà Nội. Đỗ Lai Thúy (1999), Từ cái nhìn văn hóa, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội. Đỗ Lai Thúy (2012), Thơ như là mỹ học của cái khác, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. Nguyễn Xuân Thủy (2014), Nhắm mắt nhìn trời, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh. Đỗ Tiến Thụy (2007), Màu rừng ruộng, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh. Đỗ Tiến Thụy (2017), Con chim joong bay từ A đến Z, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh. Nguyễn Thị Tịnh Thy (2013), Tôtem Sói của Khương Nhung nhìn từ lý thuyết phê bình sinh thái, Đề tài khoa học công nghệ cấp trường, Đại học Sư phạm Huế, 12/2013. Nguyễn Thị Tịnh Thy (2013), “Phê bình sinh thái – nhìn từ lí thuyết giải cấu trúc”, Văn học hậu hiện đại – lí thuyết và thực tiễn, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội, tr. 25-31. Nguyễn Thị Tịnh Thy (2017), Rừng khô, suối cạn, biển độc và văn chương – Phê bình sinh thái, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Nguyễn Trí (2015), Thiên đường ảo vọng, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh. Thủy Trương (2012), Biển của vô cùng, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội. Nguyễn Ngọc Tư (2012), Sông, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh. Jacques Vernier (2005), Môi trường sinh thái, Trương Thị Chí, Trần Chí Đạo dịch, Minh Yến hiệu đính, Nxb Thế giới, Hà Nội. Trần Trọng Vũ (2013), Thành phố bị kết án biến mất, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. Trần Thị Hải Yến (2014), “Nghiên cứu phê bình sinh thái hiện đại và di sản văn hóa: nhìn từ cách Sinh thái học tìm về Tam giáo” (Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo), Hội thảo khoa học Phát triển văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế, Viện Văn học. Danh mục tài liệu tiếng nước ngoài Walter Benjamin (1969), “Theses on the philosophy of history”, Illumination, Edited and with an Introduction by Hannah Arendt, Schocken Books, New York, p.253 – 264. Alessandro Duranti (2010), Husserl, intersubjectivity and anthropology, University of California, Greg Garrard (2004), Ecocriticism, London and New York. Catrin Gersdorf and Sylvia Mayer (2006), Nature in literary and cultural studies – Transatlantic conversations on ecocriticism, Amsterdam - New York. Cokinos Christopher (1994), What is ecocriticism?, uploads/ASLE_Primer_DefiningEcocrit.pdf Michel Foucault (1977), Language counter memory practice, edited by Donald F. Bouchard, Cornell University Press, New York. Cheryll Glotfely (1996), “Introduction: Literary Studies in an Age of Environmental Crisis”, The Ecocriticism Reader: Landmarks in Literature Ecology, edited by Cheryll Glotfely and Harold Fromm, University of Georgia Press, p.xv - xxxvi. Irena R. Makaryk (Editor) (1993), Encyclopedia of Contemporary Literary Theory: Approaches, Scholars, Terms, University of Toronto Press. Christopher Manes (1995), “Nature and Silence”, The Ecocriticism Reader: Landmarks in Literary Ecology, edited by Cheryll Glotfelty & Harold Fromm, New York & London: Routledge, p. 15 - 29. Daniel Pérez Marina (2009), Anthropocentrism and Androcentrism – An Ecofeminist Connection), Sodertorns Hogskola. Joseph W. Meeker (1974), The comedy of sunvival: studies in literary ecology, New York: Charles Scribner’s Sons. Michael J.McDowell, “The bakhtinian road to ecological insight”, The Ecocriticism Reader: Landmarks in Literary Ecology edited by Cheryll Glotfelty and Harold Fromm, University of Georgia Press, p. 371 - 392. Michael Verderame (2010), The Shape of Ecocriticism to Come, New Direction in Ecocriticism,https://www.ideals.illinois.edu/bitstream/handle/2142/5241/%20 verderame_michael_markup.html Rachel A. Klue (2005), Man’s return to nature: An ecocritical approach to tournier’s vendredi ou les limbes du pacifique, https://getd.libs.uga.edu/pdfs/ klue_rachel_a_200808_ma.pdf Serpil Oppermann (1999), Ecocriticism: Natural World in the Literary viewfinder,http:// www.asle.org/wp-content/uploads/ASLE_Primer_ Oppermann.pdf Serpil Oppermann (2006), “Theorizing Ecocriticism: Toward a Postmodern Ecocritical Practice”, Isle:  Interdisciplinary Studies in Literature and Environment, Vol 13, Issue 2, p.103-128. Kate Rigby (2002), Chapter 7: “Ecocriticism” from Julian Wolfreys (ed.), Introducing Criticism at the Twenty-First Century, pp.151-78, ECOCRITICISM+Rigby+article.pdf. Susan Rowland (2011), The Ecocritical Psyche: Literature, Evolutionary Complexity and Jung, published by Routledge, New York. Scott Sloviic, Swarnalatha Rangarajan, and Vidya Sarveswaran (2014), Ecoambiguity, Community, and Development: Toward a Politicized Ecocriticism, Lexington Books. Llewellyn Vaughan-Lee (edited) (2013), Spiritual Ecology: the Cry of the Earth, The Golden Sufi Center Publish, California. PHẦN PHỤ LỤC PHỤ LỤC 1 (Những tiểu thuyết Việt Nam được khảo sát trong Luận án) Y Ban (2014), ABCD, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh. Mạc Can (2008), Những bầy mèo vô sinh, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh. Nguyễn Văn Học (2016), Vết thương hoa hồng, Nxb Thế giới, Hà Nội. Nguyễn Trí Huân (2003), Chim én bay, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội. Nguyễn Thế Hùng (2009), Họ vẫn chưa về, Nxb Phụ nữ, Hà Nội. Ma Văn Kháng (2016),Chó Bi, đời lưu lạc, Nxb Kim Đồng, Hà Nội. Nguyễn Xuân Khánh (2006), Mẫu thượng ngàn, Nxb Phụ nữ, Hà Nội. Chu Lai(2009), Phố, Nxb Lao động, Hà Nội. Bảo Ninh (2011), Nỗi buồn chiến tranh, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh. Đỗ Phấn (2011), Chảy qua bóng tối, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh. Đỗ Phấn (2013), Dằng dặc triền sông mưa, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh. Đỗ Phấn (2013), Gần như là sống, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh. Đỗ Phấn (2014), Ruồi là ruồi, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh. Đỗ Phấn (2015), Rụng xuống ngày hư ảo, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh. Nguyễn Khắc Phê (2002), Thập giá giữa rừng sâu, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh. Nguyễn Khắc Phê (2009), Những ngọn lửa xanh, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh. Trần Duy Phiên (1996), Trăm năm còn lại, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh. Nguyễn Bình Phương (2014), Thoạt kỳ thủy, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh. Đặng Thiều Quang (2013), Săn cá thần, Nxb Văn học, Hà Nội. A Sáng (2011), Thân xác, Nxb Phụ nữ, Hà Nội. Thiên Sơn (2011), Dòng sông chết, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. Bùi Ngọc Tấn (2014), Biển và chim bói cá, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh. Hồ Anh Thái (2013), Cõi người rung chuông tận thế, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh. Đào Thắng (2004), Dòng sông Mía, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh. Đỗ Bích Thúy (2006), Bóng của cây sồi, Nxb Thanh niên, Hà Nội. Đỗ Bích Thúy (20014), Cánh chim kiêu hãnh, Nxb Tổng hợp, Tp Hồ Chí Minh. Đỗ Bích Thúy (2015), Chúa đất, Nxb Phụ nữ, Hà Nội. Nguyễn Xuân Thủy (2014), Nhắm mắt nhìn trời, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh. Đỗ Tiến Thụy (2007), Màu rừng ruộng, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh. Đỗ Tiến Thụy (2017), Con chim joong bay từ A đến Z, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh. Thủy Trương (2012), Biển của vô cùng, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội. Nguyễn Khắc Trường (1999), Mảnh đất lắm người nhiều ma, Nxb Văn nghệ, Tp Hồ Chí Minh. Nguyễn Ngọc Tư (2012), Sông, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh. Hoàng Minh Tường (2013), Gia phả của đất, Nxb Phụ nữ, Hà Nội. Trần Trọng Vũ (2013), Thành phố bị kết án biến mất, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. PHỤ LỤC 2 Chuông Chánh niệm THÍCH NHẬT HẠNH (Dịch từ “Spiritual Ecology: the Cry of the Earth”(2013), Llewellyn Vaughan-Lee (edited), The Golden Sufi Center Publish, California, p. 29 – 30) Chuông chánh niệm đang kêu gọi chúng ta, cố gắng đánh thức chúng ta, nhắc nhở chúng ta nhìn sâu vào tác động của chúng ta trên hành tinh. Chuông chánh niệm đang kêu lên. Trên khắp Trái đất, chúng ta đang trải qua các trận lũ lụt, hạn hán, và cháy rừng quy mô lớn. Băng biển đang tan ở Bắc Cực và các cơn bão và sóng nhiệt đang giết chết hàng ngàn người. Những khu rừng đang biến mất nhanh chóng, sa mạc đang lớn dần, nhiều giống loài đang bị tuyệt chủng mỗi ngày, và chúng ta vẫn tiếp tục tiêu thụ, phớt lờ tiếng chuông đang vang vọng. Tất cả chúng ta đều biết rằng hành tinh xanh xinh đẹp của chúng ta đang gặp nguy hiểm. Cách đi bộ trên Trái đất của chúng ta có ảnh hưởng lớn đến động vật và thực vật. Tuy nhiên chúng ta hành động như thể cuộc sống hàng ngày của chúng ta không có gì cần phải làm với tình trạng của thế giới. Chúng ta giống như những người mộng du, không biết mình đang làm gì và đang ở đâu. Cho dù chúng ta có thể thức dậy hay không phụ thuộc vào việc chúng ta có thể đi bộ một cách thận trọng trên Đất Mẹ. Tương lai của mọi sự sống, kể cả của chính chúng ta, phụ thuộc vào các bước đi cẩn thận của mình. Chúng ta phải nghe tiếng chuông chánh niệm vang lên khắp hành tinh. Chúng ta phải bắt đầu học cách sống theo cách mà con cháu chúng ta có thể làm được trong tương lai. Tôi ngồi bên Đức Phật một thời gian dài và thỉnh giáo ngài về vấn đề nóng lên toàn cầu, và lời chỉ dạy của Đức Phật rất rõ ràng. Nếu chúng ta tiếp tục sống như chúng ta đã từng, tiêu thụ mà không nghĩ đến tương lai, phá hủy rừng và thải ra lượng carbon dioxide nguy hiểm thì sự tàn phá của biến đổi khí hậu là điều không thể tránh khỏi. Phần lớn hệ sinh thái của chúng ta sẽ bị phá hủy. Mực nước biển sẽ tăng và các thành phố ven biển sẽ bị ngập nước, điều này buộc hàng trăm triệu người tị nạn khỏi ngôi nhà của họ, gây ra các cuộc chiến tranh và bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm. Chúng ta cần một sự thức tỉnh cộng đồng. Có những người đàn ông và phụ nữ trong số chúng ta đã thức tỉnh, nhưng điều đó là không đủ; hầu hết mọi người vẫn đang say ngủ. Chúng ta đã xây dựng một hệ thống mà rồi không thể kiểm soát được. Nó áp đặt lên chúng ta, biến ta trở thành nô lệ và nạn nhân của nó. Đối với hầu hết chúng ta, những người muốn có một ngôi nhà, một chiếc xe, một tủ lạnh, một chiếc ti vi, vân vân, chúng ta phải hy sinh thời gian và cuộc sống để đổi lấy. Chúng ta liên tục chịu áp lực của thời gian. Trước đây, chúng ta có thể dành ba giờ để uống một tách trà, vui thú hội hè với bạn bè trong một bầu không khí thanh bình và đậm tinh thần. Chúng ta có thể tổ chức một bữa tiệc mừng sự bung nở của một nhành lan trong khu vườn. Nhưng ngày nay chúng ta không còn có thể có được những thứ này. Chúng ta nói rằng thời gian là tiền bạc. Chúng ta đã tạo ra một xã hội mà người giàu trở nên giàu hơn và người nghèo càng lúccàng nghèo, và trong đó chúng ta bị cuốn vào những vấn nạn trực tiếp của chính mình mà chúng ta không đủ khả năng để phòng liệu về những gì đang xảy ra với phần còn lại của gia đình nhân loại hay hành tinh Trái đất. Trong tâm trí tôi, tôi nhìn thấy một đàn gà trong một cái lồng đang tranh giành nhau một vài hạt ngũ cốc, mà không hay biết rằng trong vài giờ tất cả chúng sẽ bị giết. Người dân ở Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và các nước đang phát triển khác vẫn luôn mơ ước về “giấc mơ Mỹ”, như thể giấc mơ đó là mục tiêu cuối cùng của nhân loại - mọi người đều phải có xe hơi, tài khoản ngân hàng, điện thoại di động, bộ vô tuyến truyền hình của riêng họ. Trong 25 năm tới, dân số Trung Quốc sẽ là 1,5 tỉ người, và nếu mỗi người đều muốn lái chiếc xe của mình, Trung Quốc sẽ cần đến 99 triệu thùng dầu mỗi ngày. Nhưng sản lượng thế giới hiện nay chỉ là 84 triệu thùng ngày. Vì vậy, giấc mơ Mỹ là bất khả đối với người dân Trung Quốc, Ấn Độ hay Việt Nam. Giấc mơ của người Mỹ không còn khả thi nữa đối với người Mỹ. Chúng ta không thể tiếp tục sống như thế này. Đây không phải là một nền kinh tế bền vững. Chúng ta phải có một giấc mơ khác: ước mơ của tình anh em và tình chị em, của lòng từ bi và trắc ẩn. Giấc mơ đó có thể xảy ra ngay tại đây và ngay bây giờ. Chúng ta có Phật pháp, chúng ta có phương tiện, và chúng ta có đủ trí tuệ để có thể sống giấc mơ này. Chánh niệm là trung tâm của thức tỉnh, giác ngộ. Chúng ta tập thở để có thể ở đây trong khoảnh khắc hiện tại để chúng ta có thể nhận ra những gì đang xảy ra bên trong và xung quanh chúng ta. Nếu những gì đang xảy ra bên trong chúng ta là tuyệt vọng, chúng ta phải nhận ra điều đó và hành động ngay. Chúng ta có thể không muốn đối đầu với hệ thống tinh thần đó, nhưng đó là một thực tế, và chúng ta phải nhận ra để biến đổi nó. Chúng ta không phải chìm vào nỗi thất vọng về sự nóng lên toàn cầu; chúng ta có thể hành động. Nếu chúng ta chỉ ký đơn và quên đi nó, điều này sẽ chẳng giúp gì nhiều. Hành động khẩn cấp phải được thực hiện ở cấp độ cá nhân và tập thể. Tất cả chúng ta đều có một mong muốn tuyệt vời là có thể sống trong hòa bình và môi trường lành mạnh. Điều mà hầu hết chúng ta vẫn chưa làm được là những cách thức cụ thể để tạo nên tinh thần trách nhiệm của chúng tavề cuộc sống bền vững trong một thực tế đời sống hằng ngày. Chúng ta không sắp đặt được chính mình. Chúng ta không thể chỉ đổ lỗi cho chính phủ và các tập đoàn về những hóa chất gây ô nhiễm nước uống, về bạo lực trong các khu phố, về những cuộc chiến tranh tàn phá rất nhiều sinh mạng. Đã đến lúc mỗi người cần thức dậy và hành động cho chính cuộc sống của mình. Chúng ta chứng kiến nạn bạo lực, tham nhũng và phá hoại xung quanh. Chúng ta đều biết rằng luật pháp có điểm không đủ mạnh để kiểm soát mê tín, tàn ác và lạm dụng quyền lực mà chúng ta thấy hàng ngày. Chỉ có đức tin và quyết tâm mới có thể ngăn chúng ta rơi vào hố sâu tuyệt vọng. Phật giáo là hình thái mạnh mẽ nhất của chủ nghĩa nhân đạo mà chúng ta có. Nó có thể giúp chúng ta học cách sống với trách nhiệm, từ bi, và bác ái. Mỗi học viên Phật tử nên là người bảo vệ môi trường. Chúng ta có quyền quyết định vận mệnh của hành tinh mình. Nếu chúng ta thức tỉnh với hoàn cảnh thực tế, sẽ có một sự thay đổi trong ý thức cộng đồng. Chúng ta phải làm gì đó để đánh thức mọi người. Chúng ta phải giúp Đức Phật thức tỉnh những người đang sống trong một giấc mộng. PHỤ LỤC 3 Thế giới của thần diệu THOMAS BERRY (Dịch từ “Spiritual Ecology: the Cry of the Earth”(2013), Llewellyn Vaughan-Lee (edited), The Golden Sufi Center Publish, California, p. 21 – 26) BẠN NHÌN THẤY ĐIỀU GÌ? Bạn thấy điều gì khi nhìn lên bầu trời đêm, những vì sao sáng chói giữa thiên đường khuya vắng? Bạn nhìn thấy điều gì khi bình minh rẽ qua đường chân trời phía đông? Suy nghĩ của bạn là gì trong những ngày mùa hè phai nhạt khi những chú chim bắt đầu chuyến hành trình về phương nam, hay khi những chiếc lá mùa thu lần lượt nhuộm nâu và thổi bay xa? Bạn nghĩ gì khi nhìn ra ngoài đại dương vào mỗi tối? Bạn thấy điều gì? Nhiều người trước đây đã nhìn thấy những hiện tượng tự nhiên này trong một thế giới vượt ra khỏi sự hiện hữu nhanh chóng, một thế giới vĩnh cửu, một thế giới được thể hiện qua các kỳ quan của mặt trời và mây trôi từng ngày, các ngôi sao và hành tinh vào ban đêm, một thế giới bao trùm nhân loại theo một cách thức sâu sắc. Thế giới khác này là người bảo vệ, người chỉ dạy, người chữa bệnh - nguồn gốc mà con người được sinh ra, nuôi dưỡng, bảo vệ, hướng dẫn, và định mệnh mà chúng ta quay trở về. Trên tất cả, thế giới này cung cấp sức mạnh tinh thần mà nhân loại cần trong thời điểm của những khủng hoảng. Cùng với thế giới hữu hình và thế giới vũ trụ, thế giới con người đã hình thành nên một cộng đồng thuộc về ba yếu tố có ý nghĩa của tất cả sự sống. Điều này thể hiện rõ nhất trong tư tưởng Khổng giáo, nơi con người được xem như một phần của bộ ba với Trời và Đất. Thế giới vũ trụ này bao gồm các quyền lực được đề cập như những nhân vật có quan hệ với thế giới con người. Các nghi lễ đã được thiết lập nhờ đó con người có thể giao tiếp với nhau, với các quyền năng trần thế và vũ trụ. Cùng nhau tạo thành một cộng đồng trọn vẹn đơn nhất - một vũ trụ. Nhân loại đặt chính mình vào trung tâm của vũ trụ này. Bởi vì con người đã hiểu rằng vũ trụ là trung tâm ở mọi nơi, trung tâm cá nhân này có thể tọa lạc bất cứ nơi nào. Chẳng hạn, các dân tộc bản địa Bắc Mỹ đã đưa cột trụ thiêng liêng (sacred pipe) đến với quyền năng của bốn hướng để tự đặt mình vào một không gian thiêng liêng nơi họ bước vào một sự hiện diện có ý thức với những quyền lực này. Họ tham khảo về những quyền lực để được chỉ dẫn trong cuộc săn bắn, sức mạnh trong chiến tranh, chữa bệnh trong thời gian đau ốm, hỗ trợ trong việc ra quyết định. Chúng ta thấy sự nhận thức về mối quan hệ giữa con người và các thế lực của vũ trụ cũng thể hiện ở các nền văn hoá khác. Tại Ấn Độ, Trung Quốc, Hy Lạp, Ai Cập và Rome, các trụ cột được thành lập để phân định một trung tâm thiêng liêng, tạo ra một điểm tham chiếu cho các vấn đề của con người và ràng buộc Trời và Đất với nhau. Có những nghi lễ khác, theo đó các cộng đồng người dân xác thực giá trịchính mình bằng cách cảm ơn mùa vụ về các quyền lực khác nhau của nghi thức ban ân huệ, nơi mặt trời, trái đất, gió, nước, cây cối và thú vật lần lượt nhận được những biểu hiện của lòng biết ơn cá nhân về những tặng phẩm đã làm cho cuộc sống tốt đẹp. Rõ ràng, những người này nhìn thấy một cái gì đó khác với những gì chúng ta thấy. Chúng ta đã đánh mất sự kết nốivới thế giới hiện thực bí ẩn này. Do đó, bây giờ chúng ta thấy mình trên một lục địa tàn phá không còn thánh thần, không còn thiêng liêng. Chúng ta không còn có một thế giới có giá trị cố hữu, không có thế giới kỳ diệu, không còn hoang sơ, không bị cướp phá, thế giới nguyên vẹn. Chúng ta đã dùng đến mọi thứ. Bằng cách “phát triển” hành tinh này, chúng ta đã làm giảm Trái đất tới một dạng mới không bình thường. Các nhà khoa học nói rằng chúng ta đang ở trong thời kỳ tuyệt chủng thứ sáu trong lịch sử Trái đất. Đã không có sự tuyệt diệt của các dạng sống đã xảy ra kể từ khi khủng long tuyệt chủng khoảng sáu mươi lăm triệu năm trước. Hiện nay có một vấn đề duy nhất trước mắt chúng ta: sự sống còn. Không chỉ đơn thuần là sự sinh tồn của cơ thể, mà còn là sự sinh tồn trong một thế giới đầy đủ điều kiện, sinh tồn trong một thế giới sống, nơi những bông tuyết nở vào mùa xuân, nơi những vì sao tỏa sáng với tất cả sự nhiệm màu của nó, sinh tồn trong một thế giới có ý nghĩa. Tất cả các vấn đề khác đều cạn dần một cách đáng kể - dù là luật pháp, sự cai trị, tôn giáo, giáo dục, kinh tế, y học, khoa học hay nghệ thuật. Tất cả nằm trong sự hỗn loạn, bởi vì chúng ta đã nói với chính mình: Chúng tôi biết! Chúng tôi hiểu! Chúng tôi thấy! Nhưng trong thực tế những gì chúng ta thấy, cũng như tổ tiên của chúng ta trên mảnh đất này, là một lục địa sẵn sàng để khai thác. Lần đầu tiên chúng ta đến lục địa này cách đây bốn thế kỷ, chúng ta cũng thấy đây là một vùng đất mà giúp ta có thể thoát khỏi những thống trị của chế độ quân chủ châu Âu và thế giới hoàng gia của họ, thoát khỏi sự phục tùng. Ở đây trước mặt chúng ta là một vùng đất phong phú, một vùng đất mà chúng ta có thể sở hữu tài sản để sử dụng như mình mong muốn. Khi được tự do, thoát khỏi sự cai trị, chúng ta trở thành những người cai trị mọi thứ khác. Chúng ta nhìn thấy những rừng thông trắng của New England, những cây có đường kính 6 feet, như những khu rừng đã sẵn sàng để biến thành gỗ xẻ. Chúng ta thấy đồng cỏ để canh tác và sông ngòi ngập đầy cá. Chúng ta đã thấy một lục địa đang chờ đợi sự bóc lột từ những người được lựa chọn trên thế giới. Khi chúng ta lần đầu tiên đến với tư cách là những người định cư, chúng ta thấy chính mình như những người có tôn giáo nhất của cộng đồng, như thể tự do nhất trong truyền thống chính trị, những người được học hỏi nhiều nhất trong các trường đại học, những người có năng lực nhất trong kĩ thuật, và nhất là sẵn sàng khai thác mọi lợi thế về kinh tế. Chúng ta thấy mình như một phước lành thiêng liêng cho lục địa này. Trong thực tế, chúng ta đã là một cộng đồng con người cướp bóc trên một lục địa vô tội. Khi chúng ta nghĩ đến ý thức Mỹ về “vận mệnh khai thông”, chúng ta có thể muốn một số lời khuyên thận trọng về vai trò thực sự của chúng ta đã được ghi nhận cho những người châu Âu đầu tiên đến bờ biển này. Chúng ta có thể muốn một số chỉ dẫn để trở thành một giống loài nâng cao - cuộc sống, một giống loài được cung tặng trong suốt bốn thế kỷ qua. Khi chúng tôi lần đầu tiên đến bờ biển của lục địa này, chúng tôi đã có một cơ hội độc nhất để điều chỉnh bản thân, và toàn bộ quá trình của nền văn minh phương Tây, đến một sự hiện diện toàn cầu hơn cho lục địa này. Thay vào đó, chúng ta lại nghe theo lời khuyên của các triết gia Khai sáng, những người thúc giục thống trị tự nhiên: Francis Bacon (1561-1626), người đã nhìn thấy lao động con người là cách duy nhất để mang lại giá trị cho đất đai; René Descartes (1596-1650) và John Locke (1632-1704), người thúc đẩy khoảng cách tách biệt của sự tự ý thức với thế giới vật chất. Năm 1776, khi Tuyên ngôn độc lập của chúng tôiđược tuyên bố, chúng tôi đã đón nhận lời khuyên trong cuốn Thăm dò tự nhiên và Nguyên nhân giàu có của các quốc gia của Adam Smith (1723-1790), một cuốn sách ảnh hưởng rất lớn trong thế giới kinh tế từ đó cho đến bây giờ. Sự độc lập chính trị của chúng ta đã tạo ra một bối cảnh lý tưởng cho sự thống trị kinh tế đối với thế giới tự nhiên. Với tư cách là những người thừa kế truyền thống Kinh thánh, chúng tôi tin rằng hành tinh này thuộc về chúng ta. Chúng tôi không bao giờ hiểu rằng lục địa này có luật lệ riêng cần phải tuân theo và kinh nghiệm hiển hiện của nó cần phải được hiểu. Gần đây chúng tôi chỉ xem một cộng đồng lớn của cuộc sống nằm ở đây. Chúng ta vẫn không cảm thấy rằng mình cần phải tuân theo những luật lệ ban sơ của lục địa này, rằng mình nên tôn kính mọi sinh vật sống - từ côn trùng thấp nhất đến đại bàng vĩ đại trên bầu trời. Chúng ta không nhận ra bổn phận phải cúi đầu trước sự hùng vĩ của ngọn núi và dòng sông, của cánh rừng, đồng cỏ, vùng sa mạc, bờ biển. Những người dân bản xứ của lục địa này đã cố gắng dạy cho chúng ta giá trị của đất đai, nhưng thật không may chúng ta không thể hiểu được chúng, vì chúng ta đã mù quáng bởi giấc mơvề vận mệnh khai thông (manifest destiny). Thay vào đó, chúng ta đã bị tha hóa, vì họ chỉ muốn sống giản dị hơn là làm việc tận tụy. Chúng ta mong muốn dạy họ phương pháp của mình, mà không bao giờ nghĩ rằng họ có thể dạy chúng ta. Mặc dù chúng ta liên tục phụ thuộc vào các dân tộc sống ở đây để họ hướng dẫn chúng ta thiết lập các khu định cư, chúng ta không bao giờ nhìn thấy mình như đi vào một vùng đất thiêng liêng, một không gian thiêng liêng. Chúng ta chưa bao giờ được trải nghiệm trên mảnh đất này như họ đã làm - như là một sự hiện diện đời sống không đơn giản chỉ là được sử dụng mà phải được tôn kính và giao tiếp với nhau. René Descartes đã dạy chúng ta rằng không có nguyên tắc đời sống trong tiếng hót của chim gõ kiến hay dáng nhảy lên của con sói, hay con gấu mẹ âu yếm gấu con. Không có nguyên lý sống trong con chim ưng lang thang khi nó bay qua những không gian rộng lớn của bầu trời. Không có gì để trao đổi với nhau, không có gì để được tôn sùng. Đàn ong mật chỉ có một cơ chế thu thập mật ngọt trong những đóa hoa và biến nó thành mật ong để nuôi dưỡng tổ ong, và cây phong chỉ là một phương tiện để cung cấp nước ngọt. Theo những lời của một nhà khoa học nổi tiếng: “Với tất cả trí tưởng tượng, tính dồi dào và sức mạnh của chúng ta, chúng ta không hơn gìnhững cộng đồng vi khuẩn, những hiện hữu rời rạc của tế bào hạt nhân”. Để chống lại quan điểm giản hóa luận và thuyết cơ giới về vũ trụ như thế, chúng ta cần khôi phục lại tầm nhìn và khả năng để có thể nghiên cứu. Trong đoạn mở đầu của Hiện tượng con người, Pierre Teilhard de Chardin (1881-1955) đã nói: “Người ta có thể cho rằng cả cuộc đời đều nằm trong những điều trông thấy. Đó có lẽ là lý do tại sao lịch sử của thế giới sống có thể bị giản lược những phức tạp để xây dựng đôi mắt hoàn hảo hơn Hoặc xem như không hề có. Đây là trạng thái áp đặt lên mọi yếu tố của vũ trụ bằng món quà huyền bí của sinh tồn”. Chúng ta cần phải bắt đầu xem xét toàn bộ vùng đất này.Để hiểu rõ lục địa này, chúng ta có thể tưởng tượng mình đang ở trong thung lũng trung tâm tuyệt vời nằm giữa dãy núi Appalachia về phía đông và dãy núi Rocky về phía tây. Ở đó, chúng ta sẽ ngạc nhiên trước dòng sông Mississippi rộng lớn, chảy xuống thung lũng và rồi vào trong vùng vịnh bao la nằm sát biên giới phía nam của lục địa. Dòng chảy khổng lồ của nước, bao gồm cả nhánh sông Missouri, chảy từ phía tây bắc, tạo thành một trong những hệ thống sông lớn nhất trên hành tinh, rút kiệt nước hầu hết toàn bộ lục địa, từ New York và Appalachian Mountains ở phía đông đến Montana và Rocky dãy núi phía tây. Khu vực này gồm cao nguyên Great Plains, những đồng cỏ ngút ngàn, trải dài từ Indiana đến sông Mississippi, đến các đồng cỏ ngắn bắt đầu bên kia sông và kéo dài đến các ngọn núi. Đây là lãnh địa được tôn kính theo cách đặc biệt. Vùng phía tây dòng sông có những dải đất sâu nhất và màu mỡ nhất trên hành tinh này. Đất ở những nơi khác chỉ dày khoảng vài inch nhưng ở đây có chiều sâu vài feet, đất được hình thành từ những mảnh vụn được bồi đắp từ những ngọn núi trong nhiều thế kỷ. Sự trú ngụ của một lượng lớn người dân phụ thuộc vào khu vực này. Đất quý giá như vậy là một món quà được chăm sóc cẩn thận. Trung tâm của mậu dịch lúa mỳ, và sau đó là sản xuất ngô này, bắt đầu ở New York vào đầu thế kỷ XIX và kéo dài về phía tây cho đến bây giờ, nó có thể được đặt trong những cánh đồng lúa ở Kansas trải dài vượt quá chân trời. Khi đứng trong lưu vực sông Mississippi, chúng ta có thể quay về phía tây và trải nghiệm những điều huyền bí, phiêu lưu và đầy hứa hẹn của lục địa này; chúng ta có thể hướng về phía đông và cảm nhận được lịch sử, sự thống trị chính trị và các mối quan tâm thương mại. Về hướng tây là những cây gỗ đỏ đang lớn mạnh, cây cù tùng, cây thông Douglas, cây thông đen; về phía đông là những cây sồi, cây giẽ gai, cây ngô đồng, cây phong, cây vân sam, bạch dương tulip (tulip poplar), cây thiết sam. Quần tụ với nhau, những chứng cớ đầy thuyết phục này cho thấy sự kỳ diệu của lục địa và vùng biển bao trùm toàn bộ. Chúng ta cũng có thể đi đến sa mạc, hay trên những ngọn núi cao, hoặc tới bờ biển, nơi có lẽ lần đầu tiên chúng ta có thể thấy bình minh xuất hiện ở bầu trời đằng đông - làn sóng tím mờ đầu tiên trải dài trên đường chân trời, sự xuất hiện chầm chậm của quả cầu vàng tuyệt diệu. Vào buổi tối, chúng ta có thể nhìn thấy hoàng hôn đang cháy rực ở phía tây. Chúng ta có thể nhìn thấy những ngôi sao rơi xuống từ các tầng trời xa xôi và khoảnh khắc hiện hữu của chúng tưởng gần như chạm tới trong vòng tay của chúng ta nếu chúng ta đứng trên ngón chân. Vì vậy, chúng ta cũng có thể bắt đầu quan sát sự thay đổi của các mùa: sự thức tỉnh mùa xuân trên vùng đất khi hoa cúc nở trên đồng cỏ và cây dương đào bung nở những cánh hoa màu trắng mỏng manh về phía trước. Chúng ta có thể trải nghiệm những khoảnh khắc đáng sợ khi những cơn bão mùa hè phá tan đường chân trời và sấm sét chớp qua bầu trời, những khoảnh khắc khi bóng tối bao phủ mọi người trong rừng sâu, hoặc khi chúng ta trải nghiệm thế giới của chúng ta như là một cường quốc quyền lực tự khẳng định mình. Khi chúng ta quan sát tất cả những điều này, và có thể bắt đầu tưởng tượng ra con đường của nhân loại trong tương lai. Liên quan đến tương lai này chúng ta có thể đưa ra hai quan sát. Thứ nhất, Trái đất là một công trình tồn tại duy nhất. Không có thay đổi thực sự lần thứ hai. Rất nhiều thứ có thể được chữa lành vết thương bởi vì hành tinh này có sức mạnh hồi phục lớn, mặc dù hạn chế. Các lục địa Bắc Mỹ sẽ không bao giờ trở lại được những gì trước đây nữa. Cách thức mà chúng ta đã tàn phá lục địa chưa bao giờ xảy ra trước đó. Trong những lần tuyệt chủng nguyên thủy, bản thân đất vẫn có khả năng biến đổi, nhưng bây giờ có rất nhiều khó khănđể đạt được hiệu quả. Thứ hai, chúng ta đã xâm nhập vào chính mình và làm suy yếu lục địa trong quyền năng nguyên thủy của nó khiến lục địa không còn tự mình có thể tiếp diễn dễ dàng. Chúng ta phải chú tâm vào tương lai lục địa một cách toàn diện hơn. Rõ ràng, sẽ có rất ít sự phát triển sinh tồn ở đây trong tương lai nếu chúng ta không bảo vệ và nuôi dưỡng các dạng sống của lục địa này. Để làm điều đó, cần có một sự thay đổi diễn ra tận sâu trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta cần công nghệ, nhưng điều này đã vượt quá công nghệ. Công nghệ của chúng ta đã phản bội chúng ta. Đây là một sự mạo hiểm bí ẩn, một công việc của vùng hoang dã. Chúng ta cần một sự chuyển đổi như nhà bảo vệ môi trường Aldo Leopold (1887-1948) chia sẻ kinh nghiệm khi ông nhìn thấy ngọn lửa đang cháy trong mắt của một con sói mà ông ta bắn. Vì đó là hoang dã có tính sáng tạo. Như Henry David Thoreau (1817-1862) đã nói, “Trong sự hoang dã là sự bảo tồn của thế giới”. Sự giao thiệp xảy ra thông qua những trải nghiệm của thế giới hoang dã, nơi chúng ta cảm nhận được điều gì đó hiện tại và thoái chí, choáng ngợp trước cái đẹp của nó, là vượt khỏi sự hiểu biết trong thực tế, nhưng nó chỉ đơn giản là sự thánh thiện, thiêng liêng. Vũ trụ là biểu hiện tối cao của sự thiêng liêng. Quan niệm này là nền tảng để thiết lập một thế giới, một cách dễ hiểu trong sự nhận thức về vũ trụ hoặc thậm chí là bất kỳ phần nào của vũ trụ. Đó là lý do tại sao câu chuyện về nguồn gốc của sự vật được chứng nghiệm như là một nguyên tắc nuôi dưỡng tuyệt vời, như là một nguyên tắc nguyên mẫu của mẹ, hay như Mẹ vĩ đại, trong những giai đoạn đầu của ý thức con người. Một số người dân bản địa của đất nước này đã chứng nghiệm điều nàyvới tư cách là Mẫu ngô hay Đàn bà Nhện. Những người tôn kính người Mẫu ngô đặt một trái ngô bên cạnh đứa trẻ sơ sinh trong nôi để mang lại sự dịu dàng và an toàn mà đứa trẻ cần, giúp chúng cảm nhận được sự hiện diện sâu sắc của nó. Khi đứa trẻ sơ sinh chào đời, chúng bước ra khỏi sự ấm áp và an toàn trong tử cung để đến với đời sống lạnh giá và thế giới thay đổi, trái ngô là một sự hiện diện thiêng liêng, một phước lành. Chúng ta phải nhớ rằng đó không chỉ là thế giới nhân loại được gìn giữ an toàn trong sự bảo bọc thiêng liêng này mà là toàn bộ hành tinh. Chúng ta cần sự bảo toàn này, sự hiện diện này trong suốt cuộc đời của mình. Sự thiêng liêng là cái gợi lên những chiều sâu của điều huyền diệu. Chúng ta có thể biết một số điều, nhưng thực sự chúng ta chỉ biết bóng tối của sự vật. Chúng ta đi về biển và đứng dọc theo bờ vào ban đêm. Chúng ta lắng nghe những cuộn xoáy ạt ào của những đợt sóng lên cao ngút cho đến khi chúng đạt đến giới hạn của nó và không thể đi xa hơn nữa, sau đó trở lại với mặt biển yên tĩnh trong lành đến khi mặt trăng soi chiếu bóng dáng hiện diện của mình trên bờ biển này. Vì thế, đó là với một tầm nhìn đầy ý nghĩa mà chúng ta có thể đạt được - trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Rồi nó biến mất, chỉ quay trở lại trong nhận thức sâu sắc về một sự hiện diện đã níu giữ tất cả mọi thứ lại với nhau.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docxtom_tat_luan_an_tieu_thuyet_viet_nam_giai_doan_1986_2014_tu.docx
  • docxDong gop moi Tieng Viet - Tieng Anh.docx
  • docxHUE UNIVERSITY (1).docx
  • pdfHUE UNIVERSITY (1).pdf
  • pdfLUẬN ÁN HOÀN THIỆN -NGUYEN THUY TRANG.pdf
  • docxTÓM TẮT LUẬN ÁN (1).docx
  • pdfTÓM TẮT LUẬN ÁN.pdf
  • docxTrich Yeu Tieng Viet - Tieng Anh.docx
Tài liệu liên quan