Tóm tắt Luận án - Khía cạnh triết học trong Mo Mường Hòa Bình

1 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Trong tiến trình lịch sử tộc người, người Mường đã sáng tạo nên một nền văn hoá phong phú và giàu bản sắc. Trong đó, Mo Mường là nghi lễ tín ngưỡng trung tâm trong đời sống tinh thần của người Mường, quy tụ hầu hết các giá trị tư tưởng và văn hóa của người Mường. Chúng tôi chọn vấn đề Khía cạnh triết học trong Mo Mường Hòa Bình làm đề tài nghiên cứu trong luận án xuất phát từ các lý do sau: Thứ nhất, Hòa Bình là "quê hương" tập trung sinh sống c

pdf24 trang | Chia sẻ: huong20 | Ngày: 11/01/2022 | Lượt xem: 413 | Lượt tải: 0download
Tóm tắt tài liệu Tóm tắt Luận án - Khía cạnh triết học trong Mo Mường Hòa Bình, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
của người Mường từ lâu đời. Điều kiện địa lý, lịch sử, xã hội ở đây đã hình thành nên một nền văn hoá Mường đặc trưng và phát triển các giá trị của Mo Mường đến mức độ điển hình. Một số vùng mường ở Hoà Bình có sự phân hoá rõ ràng giữa Mo, Trượng, Mỡi1, có những dòng Mo Mường lớn, quy mô lễ thức đồ sộ và vốn lời phong phú. Từ khi được phát hiện, Mo Mường Hoà Bình đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, tuy nhiên, nghiên cứu Mo Mường Hòa Bình vẫn tồn tại những khoảng trống và "độ vênh". Do vậy, muốn nghiên cứu Mo Mường Hòa Bình thì phải xem xét dưới nhiều góc độ, phải bóc tách nhiều tầng lớp giá trị và phải hiểu nó trong mối quan hệ của nhiều ngành khoa học, trong đó có triết học. Thứ hai, Mo Mường Hòa Bình là hiện tượng văn hóa dân gian mang tính nguyên hợp, hàm chứa tư tưởng triết học độc đáo về vũ trụ và nhân sinh của người Mường. Tuy nhiên, trong những năm qua, nghiên cứu tư tưởng triết học Việt Nam trong lĩnh vực văn hoá dân gian vẫn ít được quan tâm thực hiện. Những nghiên cứu về tư tưởng triết học Việt Nam mới chỉ giới hạn trong phạm vi tư tưởng của người Việt. Tư tưởng của các tộc người khác, trong đó có tư tưởng của người Mường vẫn là một khoảng trắng. Do vậy, nghiên cứu khía cạnh triết học trong Mo Mường Hòa Bình là một hướng nghiên cứu cần thiết góp phần tìm hiểu tư tưởng của người Mường, đồng thời khẳng định và 1 Mo là nghi lễ được tổ chức trong đám tang để cúng tiễn đưa linh hồn người chết về mường Ma (thế giới của người chết). Trượng là nghi lễ tín ngưỡng có nhiệm vụ đánh đuổi ma tà hại người, bảo vệ người, chữa bệnh cho người sống (ông trượng). Mỡi là nghi lễ tín ngưỡng có nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc vía, đuổi ma tà, chữa bệnh cho người ốm (bà Mỡi). 2 luận chứng cho sự tồn tại của tư tưởng triết học Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa dân gian. Thứ ba, nghiên cứu khía cạnh triết học trong Mo Mường Hòa Bình góp phần làm sáng tỏ những giá trị độc đáo của Mo Mường Hòa Bình trong kho tàng tư tưởng, văn hóa Việt Nam và nhân loại. Qua đó, cung cấp thêm những căn cứ khoa học góp phần đưa Mo Mường Hòa Bình trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại2. Việc nghiên cứu này còn cần thiết vì nó góp phần thực hiện chủ trương của Đảng ta là: "Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" [16, tr. 213], đồng thời phải "khai thác và phát triển mọi sắc thái và giá trị văn hoá, nghệ thuật của các dân tộc trên đất nước, tạo ra sự thống nhất trong tính đa dạng và phong phú của nền văn hoá Việt Nam" [16, tr. 42]. Theo chủ trương này, việc nghiên cứu những hiện tượng văn hoá dân gian của các tộc người, trong đó có Mo Mường Hoà Bình của tộc người Mường sẽ góp phần nhận diện những sắc thái đặc trưng làm nên diện mạo của tư tưởng, văn hóa Việt Nam và phát huy những giá trị của nó trong cuộc sống hiện nay. Thứ tư, người Mường là tộc người có mối quan hệ gần gũi với người Việt, tộc người này chậm biến đổi hơn so với người Việt và còn giữ lại được nhiều yếu tố tư tưởng, văn hóa của người Lạc Việt. Trong hoàn cảnh tư tưởng và văn hóa của người Việt đã, đang bị biến đổi, nhiều yếu tố bị mai một thì việc tìm hiểu khía cạnh triết học trong Mo Mường Hoà Bình có thể giúp chúng ta nhận thức sáng tỏ nhiều hơn quan niệm của người Việt xưa về vũ trụ và nhân sinh. Qua đó, chúng ta thấy được tính độc đáo trong tư duy dân gian và thêm trân trọng các giá trị tư tưởng, văn hóa truyền thống của dân tộc. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án 2.1. Mục đích nghiên cứu Luận án phân tích làm rõ một số nội dung và giá trị triết học trong Mo Mường Hòa Bình. 2 Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình cùng với các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu, thẩm định và lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Mo Mường Hòa Bình là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 3 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu - Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan tới đề tài luận án. - Trình bày khái lược về sự hình thành, bản chất, cấu trúc và xu hướng biến đổi của Mo Mường Hòa Bình. - Phân tích nội dung của vũ trụ quan và nhân sinh quan trong Mo Mường Hòa Bình. - Phân tích giá trị của vũ trụ quan và nhân sinh quan trong Mo Mường Hòa Bình. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là khía cạnh triết học trong Mo Mường Hoà Bình. 3.2. Phạm vi nghiên cứu - Mo Mường Hòa Bình được nghiên cứu từ khía cạnh triết học thông qua vũ trụ quan và nhân sinh quan của nó với tính chất là một nghi lễ tín ngưỡng trong quá trình vận động từ quá khứ đến hiện tại, đồng thời phân biệt với nghi lễ Trượng và Mỡi. - Mo Mường Hòa Bình là một chỉnh thể gồm lễ thức Mo, lời Mo và diễn xướng Mo. Tuy nhiên, luận án tập trung nghiên cứu nội dung lời Mo vì nó thể hiện khá trọn vẹn vũ trụ quan và nhân sinh quan của người Mường trong Mo Mường Hòa Bình. Các lễ thức Mo và quá trình diễn xướng Mo chịu sự chi phối chủ yếu của quan niệm dân gian Mường về vũ trụ và nhân sinh được lưu giữ trong lời Mo. - Để đảm bảo tính thống nhất của đối tượng nghiên cứu, luận án chủ yếu sử dụng lời Mo trong cuốn Vốn cổ văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi cũng tham khảo thêm lời Mo trong một số cuốn như: Mo Mường (Mo Mường và nghi lễ tang ma), Mo Mường Hòa Bình, Tang lễ cổ truyền của người Mường. 4 4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận án 4.1. Cơ sở lý luận - Luận án sử dụng cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về mối quan hệ giữa tồn tại xã hội và ý thức xã hội, mối quan hệ giữa các hình thái ý thức xã hội; tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về dân tộc, văn hóa và tín ngưỡng, tôn giáo. - Luận án sử dụng một số lý thuyết nghiên cứu chuyên ngành khác như: lý thuyết tương đối văn hoá, lý thuyết vùng văn hoá, lý thuyết biểu tượng,... 4.2. Phương pháp nghiên cứu Luận án sử dụng phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, kết hợp với các phương pháp cụ thể như: phương pháp thống nhất giữa lịch sử và logic, phương pháp thống nhất giữa phân tích và tổng hợp, phương pháp so sánh, phương pháp thông diễn học, phương pháp văn bản học, phương pháp điền dã, phương pháp hệ thống - cấu trúc và một số phương pháp khác. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án - Luận án làm rõ bản chất, cấu trúc, cơ sở hình thành, tồn tại và xu hướng biến đổi của Mo Mường Hòa Bình dưới góc độ triết học. - Luận án là nghiên cứu triết học chuyên biệt đầu tiên về vũ trụ quan và nhân sinh quan trong Mo Mường Hòa Bình. - Luận án bước đầu đề cập đến một số giá trị triết học trong Mo Mường Hòa Bình thông qua vũ trụ quan và nhân sinh quan của nó. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án - Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần bổ sung thêm một số vấn đề lý luận và thực tiễn về Mo Mường Hòa Bình. - Nội dung của luận án có ý nghĩa quan trọng để tiến hành những nghiên cứu tiếp theo về ảnh hưởng của Mo Mường Hòa Bình đối với đời sống của người Mường ở Hòa Bình. - Luận án góp phần nghiên cứu tư tưởng triết học Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa dân gian. 5 - Luận án có thể dùng làm tài liệu tham khảo trong học tập, nghiên cứu và giảng dạy những môn học liên quan đến tư tưởng triết học Việt Nam, tín ngưỡng và văn hóa dân gian Việt Nam,... 7. Kết cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, tổng quan, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, luận án gồm 4 chương, 12 tiết. Chương 1. Khái lược về Mo Mường Hòa Bình Chương 2. Nội dung vũ trụ quan trong Mo Mường Hòa Bình Chương 3. Nội dung nhân sinh quan trong Mo Mường Hòa Bình Chương 4. Giá trị của vũ trụ quan và nhân sinh quan trong Mo Mường Hòa Bình TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU 1. Các công trình nghiên cứu chung về Mo Mường (bao gồm Mo Mường Hòa Bình) Mo Mường, trong đó có Mo Mường Hoà Bình mới chỉ thật sự được các nhà nghiên cứu trong nước quan tâm từ những năm thập niên 60 của thế kỷ trước. Nhìn chung, các công trình nghiên cứu về bản chất và cấu trúc Mo Mường chủ yếu quan tâm đến phần lời của Mo từ góc độ văn học dân gian và xác định nó là sử thi. Một số công trình nghiên cứu đã đề cập đến sự ảnh hưởng của yếu tố kinh tế - xã hội đối với sự hình thành Mo Mường và xu hướng giản lược các lễ thức trong quá trình biến đổi của Mo. Tuy nhiên, các cơ sở hình thành và các xu hướng biến đổi khác của Mo Mường Hòa Bình chưa được quan tâm. 2. Các công trình nghiên cứu về vũ trụ quan và vũ trụ quan trong Mo Mường (bao gồm Mo Mường Hòa Bình) Các công trình nghiên cứu đã đề cập đến một số vấn đề của vũ trụ quan, nhưng nội hàm của khái niệm vũ trụ quan chưa được xác định rõ ràng. Vũ trụ quan trong Mo Mường đã bước đầu được đề cập ở một số công trình nghiên cứu. Tuy nhiên, mục đích nghiên cứu của các công trình không đặt vấn đề nghiên cứu vũ trụ quan trong Mo Mường dưới góc độ triết học. Ngoài phần 6 Vũ trụ luận Mường qua đám tang trong cuốn sách Người Mường ở Hòa Bình của Trần Từ thì chưa có một công trình chuyên biệt nào nghiên cứu về vũ trụ quan trong Mo Mường Hòa Bình. Một số cuốn sách và bài viết đề cập đến vũ trụ quan trong Mo Mường chỉ có tính chất phác họa nhằm phục vụ cho những mục đích nghiên cứu về Mo Mường dưới góc độ văn hóa. 3. Các công trình nghiên cứu về nhân sinh quan và nhân sinh quan trong Mo Mường (bao gồm Mo Mường Hòa Bình) Khái niệm nhân sinh quan được đề cập đến trong mỗi công trình nghiên cứu có những sự khác biệt nhất định. Một số công trình nghiên cứu đã đề cập đến nhân sinh quan trong Mo Mường Hoà Bình dưới góc độ dân tộc học hay văn hóa dân gian. Các công trình đó đã gợi mở một số vấn đề trong nghiên cứu nhân sinh quan của Mo Mường Hòa Bình như: quan niệm về linh hồn; quan niệm về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên; vai trò làm nên lịch sử của những con người bình thường - những người lao động. Tuy nhiên, do mục đích nghiên cứu trong các công trình không đặt vấn đề nghiên cứu một cách hệ thống về nhân sinh quan trong Mo Mường Hòa Bình dưới góc độ triết học. 4. Các công trình nghiên cứu về giá trị của vũ trụ quan và nhân sinh quan trong Mo Mường (bao gồm Mo Mường Hòa Bình) Một số công trình nghiên cứu đã bước đầu đề cập đến giá trị của vũ trụ quan và nhân sinh quan của Mo Mường Hòa Bình trong việc xem xét giá trị tổng thể của Mo Mường. Tuy nhiên, đó chỉ là những đánh giá có tính gợi mở ban đầu ở các lĩnh vực: tín ngưỡng, phong tục, văn học, múa và hội họa. 5. Một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu trong luận án Thứ nhất, nghiên cứu Mo Mường Hòa Bình đòi hỏi phải xem xét nó như một chỉnh thể có cấu trúc gồm nhiều yếu tố khác nhau. Mặc dù, luận án không có tham vọng trình bày chi tiết các yếu tố hợp thành Mo Mường Hòa Bình, nhưng sẽ trình bày những nét cơ bản nhất để có một hình dung tổng quát về nó. Bên cạnh đó, luận án sẽ dành một dung lượng nhất định để đề cập đến cơ sở hình thành và xu hướng biến đổi của Mo Mường Hòa Bình nhằm phác họa quá trình hình thành, vận động của nó. Thứ hai, để nghiên cứu vũ trụ quan và nhân sinh quan trong Mo Mường 7 Hòa Bình, trước hết, luận án phải làm rõ một số vấn đề liên quan đến khái niệm vũ trụ quan và nhân sinh quan. Thứ ba, tiếp thu những kết quả nghiên cứu đã đạt được, luận án phải tập trung trình bày và phân tích một cách hệ thống quan niệm của người Mường về vũ trụ và nhân sinh được thể hiện trong Mo Mường Hòa Bình dưới góc độ triết học. Thứ tư, luận án sẽ có những phân tích, đánh giá về giá trị của vũ trụ quan và nhân sinh quan trong Mo Mường Hòa Bình đối với đời sống tinh thần của người Mường, cũng như giá trị phản ánh lịch sử xã hội người Mường và giá trị đối với tư tưởng triết học Việt Nam. Chương 1 KHÁI LƯỢC VỀ MO MƯỜNG HÒA BÌNH 1.1. Bản chất và cấu trúc của Mo Mường Hòa Bình 1.1.1. Bản chất của Mo Mường Hòa Bình Mo Mường Hòa Bình là nghi lễ shaman giáo được hình thành dựa trên sự quy tụ các yếu tố văn hóa, tín ngưỡng dân gian Mường trong tiến trình lịch sử lâu dài để tạo nên hệ thống các lễ thức và lời (khấn, ngâm), nhằm thực hiện các thủ tục tiễn đưa người chết về với tổ tiên ở thế giới mường Ma thông qua vai trò diễn xướng của ông Mo trong tang lễ người Mường ở Hòa Bình. Ông mo giữ vai trò của thầy pháp - shaman, khấn lời thiêng, điều khiển và áp chế ma, làm trung gian giữa con người và thần linh. Để thực hiện các công việc trên, ông mo phải có pháp thuật cao và còn phải có thế lực hộ thân là thân thư (thần hộ mệnh) và các vật thiêng như khót, khéng. Mo Mường Hòa Bình không phải là toàn bộ tang lễ nhưng là nghi lễ quan trọng nhất, chiếm gần như toàn bộ quá trình tổ chức tang lễ của người Mường ở Hòa Bình. 1.1.2. Cấu trúc của Mo Mường Hòa Bình Mo Mường Hòa Bình là một chỉnh thể gồm các lễ thức Mo, lời Mo và diễn xướng Mo. Quá trình hành lễ Mo Mường Hòa Bình là sự tiến hành các lễ thức Mo, khấn và ngâm lời Mo thông qua vai trò diễn xướng của ông Mo. * Lễ thức Mo Mường Hòa Bình 8 Dựa trên thống kê của các nhà nghiên cứu, sự tồn tại thực tế của Mo Mường Hòa Bình và mức độ phổ biến của các lễ thức, chúng tôi xác định nghi lễ Mo Mường Hoà Bình bao gồm 12 lễ thức cơ bản gồm: Nhập săng, Tống Trùng, cúng thần Kẹ, Đạp ma, Dâng ăn, Gọi nhờ nổ, Nhìn họ - nhìn Mường, Mo lên trời - xuống đất, Mo kể chuyện, Mo nhà xe, Chia cắt chia lìa, Về rừng. * Lời Mo Mường Hòa Bình Lời Mo Mường Hòa Bình có quy mô rất lớn, có thể nên tới hơn 30.000 câu thơ Mo (văn vần). Trên thực tế, chỉ một phần rất ít lời Mo được ông Mo sử dụng trong tang lễ của người Mường ở Hòa Bình. Nội dung lời Mo thể hiện quan niệm của dân gian Mường về linh hồn, các thế giới trong hành trình và tồn tại của linh hồn, đồng thời nói về con người và thế giới xung quanh. Lời Mo phản ánh về hiện thực đời sống, xã hội, phong tục tập quán,... cũng như những tình cảm, ước mơ đầy tính nhân văn của người Mường trước cái chết của mỗi con người. * Diễn xướng Mo Mường Hòa Bình Diễn xướng Mo là phần quan trọng nhất, quyết định thành công của quá trình hành lễ Mo. Ông Mo là chủ thể diễn xướng Mo, giữ vai trò tổ chức, điều phối quá trình hành lễ Mo trong tang lễ. Diễn xướng Mo là khấn và ngâm lời Mo của ông Mo trong các lễ thức Mo cùng với sự kết hợp các yếu tố nghệ thuật như âm nhạc, múa, phục trang, đạo cụ,... 1.2. Cơ sở hình thành và tồn tại của Mo Mường Hòa Bình 1.2.1. Cơ sở kinh tế - xã hội Điều kiện tự nhiên, phương thức sản xuất và đặc điểm định cư của người Mường ảnh hưởng khá rõ nét đến nội dung lời Mo, lễ thức Mo và quá trình diễn xướng Mo. Nội dung lời Mo tồn tại đan xen các quan niệm phản ánh các sự vật, hiện tượng của thế giới trên cạn và thế giới dưới nước, cũng như sự hợp nguyên giữa các yếu tố của thế giới trên cạn và thế giới dưới nước. Sự thống trị của tầng lớp lang cùng với quá trình chi phối của các triều đại phong kiến người Việt tới xã hội Mường đã ảnh hưởng đến sự hình thành 9 và tồn tại của Mo Mường Hòa Bình. Mo Mường Hoà Bình phản ánh khá rõ nét tính chất của xã hội phong kiến và bị chi phối bởi ý thức hệ phong kiến. 1.2.2. Cơ sở văn hoá và tín ngưỡng, tôn giáo Mo Mường Hòa Bình được hình thành trên cơ sở quy tụ theo thời gian các yếu tố văn hoá thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: văn học, tín ngưỡng, tôn giáo, nghệ thuật, phong tục tập quán, Mo Mường Hòa Bình thu hút các quan niệm dân gian Mường trong thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, truyện thơ, truyện cười, tục ngữ,... Bên cạnh yếu tố shaman giáo, trong quá trình hình thành, tồn tại, Mo thu hút và lưu giữ một số hình thức tín ngưỡng cổ xưa của người Mường như: bái vật giáo, tôtem giáo, vật linh giáo, thờ cúng tổ tiên. Dấu ấn văn hóa Việt trong Mo Mường Hòa Bình thể hiện ở sự tiếp nhận các yếu tố văn hóa Việt và tư tưởng của Phật giáo, Đạo giáo (Nho giáo rất mờ nhạt) đã được Việt hóa trong quá trình giao thoa và ảnh hưởng của văn hóa Việt đến văn hóa Mường 1.2.3. Cơ sở nhận thức và tâm lý Trên phương diện nhận thức, nghi lễ Mo Mường Hòa Bình bắt nguồn từ sự phản ánh hư ảo của người Mường thuở xưa trước các hiện tượng tự nhiên, xã hội và đặc biệt là trước cái chết của con người. Mo trong tang lễ Mường còn xuất phát từ mong muốn báo hiếu với cha mẹ, tổ tiên, trả ơn cho người chết và chuẩn bị chu toàn mọi thứ cho hồn người chết về sống ở mường Ma. 1.3. Xu hướng biến đổi của Mo Mường Hòa Bình 1.3.1. Xu hướng giản lược lễ thức và phai nhạt giá trị truyền thống Trong quá trình hành lễ Mo Mường Hòa Bình hiện nay, ông Mo chỉ thực hiện một số lễ thức cơ bản như: Cúng thần Kẹ, Đạp ma, Thủ tục ông Mo, Dâng ăn, Nhìn họ, Lên trời - xuống đất, Chia cắt chia lìa, Về rừng. Sự giản lược lễ thức Mo, một mặt đem lại những thay đổi tích cực trong đời sống tinh thần người Mường ở Hòa Bình, nhưng mặt khác cũng làm phai nhạt nhiều yếu tố văn hóa Mường truyền thống được bảo lưu trong quá trình hành lễ Mo. 10 1.3.2. Xu hướng phục hồi một số hủ tục và thương mại hóa trong quá trình tổ chức thực hành Mo Mường Hòa Bình Nhiều gia đình tổ chức Mo cho cha mẹ khi qua đời khá hoành tráng, giết nhiều trâu, bò, lợn để cúng cơm, mời họ hàng và người dân trong bản mường ăn uống. Hầu hết các gia đình ngoài việc trả công cho ông mo theo quy định vẫn thường có phần trả thêm để tỏ lòng thành tâm của tang chủ, những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả thì phần trả thêm này khá hậu hĩnh. Tiểu kết chương 1 Mo Mường Hòa Bình là nghi lễ tín ngưỡng được tiến hành trong đám tang của người Mường nhằm tiễn đưa linh hồn người chết về với tổ tiên ở mường Ma. Nó là một chỉnh thể được tạo thành từ hệ thống lễ thức Mo, lời Mo và diễn xướng của ông mo. Mo Mường Hòa Bình hình thành trên nền tảng nhận thức của người Mường về linh hồn và các thế giới, đồng thời đáp ứng nhu cầu tâm thức Mường trong việc tống táng người chết và được hình thành do tập hợp và quy tụ các hiện tượng văn hoá Mường. Mo Mường Hòa Bình chịu sự chi phối của các yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã hội và văn hóa của người Mường trong suốt quá trình hình thành và phát triển lâu dài. Trong giai đoạn hiện nay, Mo Mường Hòa Bình đang có những biến đổi lớn bao gồm cái mới, cái tích cực và sự phục hồi một số yếu tố cũ, lạc hậu gây cản trở cho sự phát triển của cộng đồng. Mặc dù vậy, bản chất và ý nghĩa của Mo trong đời sống tinh thần của người Mường không hề thay đổi. Mo vẫn giữ vị trí trung tâm trong đời sống tinh thần người Mường ở Hòa Bình. Mo nuôi dưỡng tâm hồn người Mường khi sống và dẫn dắt linh hồn họ về với tổ tiên khi chết. Chương 2 NỘI DUNG VŨ TRỤ QUAN TRONG MO MƯỜNG HÒA BÌNH Vũ trụ quan là quan niệm của con người về quá trình hình thành vũ trụ, về cấu trúc (không gian - thời gian) và nguồn gốc sự sống của vũ trụ. 2.1. Quan niệm về quá trình hình thành vũ trụ 2.1.1. Sự hình thành vũ trụ từ hỗn mang 11 Trong Mo Mường Hòa Bình, người Mường thừa nhận vũ trụ có một khởi đầu, đồng thời đề cập đến một thời kỳ bất định trước khi hình thành vũ trụ - thời kỳ hỗn mang. Thời kỳ hỗn mang là trạng thái mọi thứ còn "bạc lạc", "bời lời", xác xơ, mông lung và trống rỗng.Thời kỳ này chưa có đất dưới thấp, chưa có trời trên cao, do vậy, chưa có trăng sao, sông suối, núi non và đường đi lối lại, chưa có thực vật, động vật cũng như con người. Trong thời kỳ hỗn mang, không gian chưa mở ra vì đất trời đông đặc dính liền một khối; thời gian chưa trôi vì chưa có ngày đêm... Từ trạng thái hỗn mang, xuất hiện cơn gió tạo thành đất và nước - yếu tố khởi nguyên hình thành vũ trụ. Trời và đất sinh ra sau một vụ nổ do sự vận động nội tại của vũ trụ. Như vậy, Mo Mường Hoà Bình quan niệm vũ trụ được hình thành từ vật chất, sự hình thành vũ trụ là một quá trình khách quan, không có sự sáng tạo, chi phối của Thượng Đế hay thần linh. 2.1.2. Sự vận động từ vũ trụ khiếm khuyết đến vũ trụ hài hòa Vũ trụ thời kỳ khởi phát là một vũ trụ khiếm khuyết trong không gian và thời gian, khiếm khuyết trong giới vô sinh và giới hữu sinh. Trong trạng thái khiếm khuyết, trời đất gần sát nhau, không gian bầu trời chưa có trăng sao, mặt trời; muôn vật chưa biết phương thức sinh tồn. Vũ trụ từ trạng thái khiếm khuyết không ngừng vận động, biến đổi và dần trở nên ổn định, hài hòa. Trong trạng thái ổn định, hài hòa của vũ trụ, trời và đất cách xa nhau trong không gian, các sự vật, hiện tượng tự nhiên được định hình rõ rệt, phù hợp với sự tồn tại, phát triển của muôn loài và con người. Người Mường nhận thức về vũ trụ trong sự vận động, phát triển triển từ giới vô sinh đến giới hữu hữu sinh, từ thực vật đến động vật. Thần linh không tồn tại trước ở bên ngoài vũ trụ và không sản sinh ra vũ trụ như quan niệm của một số thần thoại và tôn giáo mà trái lại, các thần là sản phẩm của vũ trụ và số phận của nó phụ thuộc vào vũ trụ. 2.2. Quan niệm về cấu trúc vũ trụ Mo Mường Hòa Bình quan niệm vũ trụ gồm năm mường tồn tại ở ba tầng khác nhau, mỗi mường ấy đều ít nhiều gắn bó, liên quan đến cuộc sống của con người. 12 2.2.1. Tầng giữa - Mường Người (mương Mol) và mường Ma (mương Ma) Tầng giữa là tầng mặt đất trong vũ trụ, bao gồm mường Người và mường Ma. Mường Người còn được gọi là mường Pưa. Mường Người có khởi nguyên từ đất và nước, có quá trình hình thành từ hư vô đến hiện hữu, từ hỗn loạn đến trật tự theo tiến trình thời gian từ quá khứ đến tương lai. Mường Người là mường trung tâm của vũ trụ. Mường Ma là thế giới của người chết, là nơi định cư vĩnh viễn của tất cả mọi người sau khi cái chết xảy đến. Mường Người và mường Ma là hai thế giới vừa có sự tương đồng, vừa có sự khác biệt, đó là hai thế giới đối lập của sự sống và cái chết, của thế giới tự nhiên và thế giới siêu nhiên. Mường Người và mường Ma cùng nằm ở không gian mặt đất nhưng bị ngăn cách với nhau bởi một con sông phân chia không gian hai thế giới và đối lập nhau về thời gian. Ngày ở mường Người là đêm ở mường Ma. Mường người được quan niệm là mường Sáng, mường Ma là mường Tối. 2.2.2. Tầng trên - mường Trời (mương Tlời) Tầng trên là tầng cao nhất trong vũ trụ, tương ứng với sự tồn tại của thế giới mường Trời. Mường Trời được phân chia thành nhiều vùng mường khác nhau. Mường Trời dù là nơi diễn ra vụ xử kiện mang tính quyết định đến cuộc đời mới của linh hồn nhưng nó không phải là đích đến của linh hồn. Không gian mường Trời được sắp đặt theo trật tự từ mường Trời thấp đến mường Trời cao. Không gian của mường Trời không trải ra vô tận mà được xác định có giới hạn ở chỗ "cật nẻo", "cật lối". Thời gian của mường Trời không giống với thời gian của mường Người, ở đó không có sự phân định giữa ngày và đêm. Tuy không có nhiều lời Mo đề cập, nhưng có thể suy đoán thời gian trên mường Trời là vĩnh cửu vì trong quan niệm dân gian Mường cũng như quan niệm của các ông mo, thì vua Trời, các Kem, thần Sét,... là những thực thể bất tử. 2.2.3. Tầng dưới - mường Bằng dưới (mương Pưa Tịn) và mường Vua Khú (mương Bua Khú ) Tầng dưới là tầng thấp nhất trong vũ trụ gồm hai thế giới là mường Pưa Tịn mường Vua Khú. 13 Mường Pưa Tịn là thế giới trong lòng đất. Mường này có con người sống trong các bản mường, họ làm nương, săn bắt, đánh cá, trồng dâu nuôi tằm; trai gái cũng lấy nhau rồi sinh con. Thời gian của mường Pưa Tịn là hữu hạn vì con người của thế giới này cũng tuân theo quy luật sinh tử. Không gian của mường Pưa Tịn "co lại" so với không gian của mường Người, mọi thứ ở đây rất nhỏ bé. Mường Vua Khú cũng ở tầng thấp nhất của vũ trụ nhưng không phải trong lòng đất mà ở dưới đáy nước. Mường Vua Khú là nơi sinh sống của vua Khú và các loại thuỷ quái như rồng, rắn, cá, Mường này đầy những sự nguy hiểm luôn luôn rình rập người sống và linh hồn người chết. 2.3. Quan niệm về nguồn gốc sự sống Mo Mường Hòa Bình quan niệm, cây si là dạng sống đầu tiên xuất hiện trên mặt đất, có khởi nguồn từ đất đá và nước. Các loài động vật như cá, muông thú, chim và lớp người đầu tiên đều có nguồn gốc sinh thành từ cây si. Con người được sinh ra từ cây si và trứng của chim Ây - Ứa. Những con người thuộc lớp người đầu tiên có nguồn gốc sinh thành từ cây si nhưng sau đó bị hủy diệt bởi trận đại hồng thủy. Lớp người thứ hai được sinh ra từ trứng Điếng bắt đầu tạo lập nền văn minh của mình ở trần gian sau trận đại hạn và đại lụt. Trứng không chỉ sinh ra con người mà còn sinh ra muôn vật, muôn loài như: sương gió, thực vật, động vật,... Tuy nhiên, trứng Điếng nở ra người nên nó có tính thiêng, biểu hiện ở những điểm khác thường về cấu trúc, hình dạng và thời gian ấp nở. Như vậy, nguồn gốc con người liên quan mật thiết đến cây si sinh mệnh và vật tổ chim. Bóng dáng của thần thánh gần như không xuất hiện trong quá trình "đẻ người" mà chủ yếu là do sự vận động, phát triển tự thân của thế giới. Trong tư duy suy nguyên về nguồn gốc bản thân mình, giống như nhiều dân tộc khác, người Mường quan niệm con người có nguồn gốc tự nhiên, phủ nhận vai trò sáng tạo nên con người của Thượng Đế, thần linh. 14 Tiểu kết chương 2 Người Mường quan niệm vũ trụ hình thành từ hỗn mang và biến đổi trong một quá trình lâu dài từ vũ trụ khiếm khuyết đến vũ trụ hài hòa. Về cơ bản, vũ trụ có cấu trúc ba tầng với năm mường. Dạng sống đầu tiên trong vũ trụ là cây si được hình từ đất và nước, từ cây si đã sinh ra các loài và lớp người đầu tiên. Sau khi sự sống bị hủy diệt bởi trận đại hồng thủy, các loài được tái sinh nhờ công lao của Mụ Dạ Dần và từ trứng Điếng đã sinh ra lớp người mới. Vũ trụ quan trong Mo Mường Hòa Bình có sự pha trộn giữa yếu tố duy vật chất phác và biện chứng sơ khai với yếu tố duy tâm và siêu hình giản đơn. Yếu tố duy vật và biện chứng thể hiện ở những nhận thức ban đầu về sự tồn tại khách quan và bản chất vật chất của vũ trụ, cũng như mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng trong thế giới. Yếu tố duy tâm và siêu hình biểu hiện rõ nhất ở việc gán cho các hiện tượng tự nhiên những sức mạnh siêu nhiên, đồng thời quan niệm vạn vật trong vũ trụ đều có linh hồn. Sự xuất hiện, vận động, phát triển của nhiều sự vật, hiện tượng được giải thích từ nguyên nhân bên ngoài do sự quy định của thần linh. Chương 3 NỘI DUNG NHÂN SINH QUANTRONG MO MƯỜNG HÒA BÌNH Nhân sinh quan là quan niệm về cuộc đời con người, về mối quan hệ giữa con người với gia đình, xã hội và tự nhiên; từ đó định hướng thái độ, hành vi của con người trong cuộc sống. 3.1. Quan niệm về cuộc đời con người 3.1.1. Quan niệm về cuộc sống Mo Mường Hòa Bình quan niệm, con người có chung một nguồn cội nhưng cuộc sống mỗi người khác nhau do những khác biệt về giới tính, thể trạng, tính cách và số phận. Những khác biệt này đã được định sẵn từ trong trứng Điếng và biểu hiện ngay tại thời điểm mỗi cá thể ra đời. Mặc dù vậy, người Mường không bi quan, không coi cuộc sống nhân gian là cõi tạm, đau 15 khổ và không lấy việc thoát ly cuộc sống trần thế là lý tưởng như quan niệm của một số tôn giáo. Không giống như người Việt quan niệm "sinh ký tử quy", "đời là bể khổ" do chịu ảnh hưởng của Phật giáo, người Mường cho rằng không đâu tốt đẹp bằng cuộc sống trần gian - mường Người, bởi nơi đó có gia đình và bản mường thân thuộc. Mo Mường Hòa Bình bộc lộ tình tinh thần lạc quan và tình yêu tha thiết với cuộc sống của con người. 3.1.2. Quan niệm về cái chết và linh hồn Trong Mo Mường Hoà Bình, người Mường quan niệm mỗi người sống gồm phần thể xác và hồn vía (wại). Thể xác là phần hữu hạn và sẽ chết một cái chết tự nhiên. Hồn vía vừa phụ thuộc vào cơ thể sống, vừa phụ thuộc vào vị thần chuyên chăm sóc cho linh hồn trên mường Trời. Linh hồn có sự tồn tại phức tạp, nó phụ thuộc vào thể xác khi con người sống và sau cái chết, hồn vía (wại) sẽ biến thành hồn ma (khang) tồn tại độc lập với thể xác con người. Khi sống, con người có nhiều wại nhưng khi chết tất cả các wại hợp thành một khang hay ma duy nhất, hồn ma này tách khỏi cơ thể người chết. Hồn ma xuất hiện sau khi chết khác với các hồn vía lúc con người còn sống vì wại yếu đuối, mong manh, cần sự che chở của thần linh nhưng khang dữ dằn, có thể gây tổn hại đến người sống. Mo Mường Hòa Bình thừa nhận cái chết của con người là một quy luật tất yếu. Cái chết làm cho thân xác con người tan rữa nhưng linh hồn vẫn tiếp tục sống một cuộc đời mới bất tử ở thế giới mường Ma. Nguyên nhân khiến con người bệnh tật và chết được lý giải là do cây si linh hồn của mỗi người bị héo úa rồi chết. 3.2. Quan niệm về mối quan hệ giữa cá nhân với gia đình và xã hội 3.2.1. Quan niệm về đạo lý ứng xử trong quan hệ giữa cá nhân với gia đình và xã hội Mo Mường Hòa Bình thể hiện đạo lý hướng về nguồn cội, nhớ ơn tổ tiên, cha mẹ đã vất vả, hi sinh vượt qua khó khăn gian khổ để tạo dựng nên cuộc sống của các thế hệ con cháu và sự phát triển của cộng đồng. Mo Mường Hòa Bình đề cao tình yêu thương con người và sự ứng xử 16 tình nghĩa bao dung trong quan hệ giữa những người đang sống, giữa người sống với người, giữa thần linh và con người. Mo khuyên răn con người không được vong ân, bội nghĩa. Con người ở bất kỳ địa vị nào nếu sống vô ơn với tiền nhân và lãng quên quá khứ đều phải gánh chịu tai họa. Mo Mường Hòa Bình thể hiện tình cảm gắn bó giữa con người với gia đình, dòng họ và cộng đồng và đề cao sự ứng xử theo những chuẩn mực đạo đức xã hội trong các mối quan hệ nhất định. 3.2.2. Quan niệm về mối quan hệ giữa người thủ lĩnh và cộng đồng Trong Mo Mường Hoà Bình, những quyết định của người thủ lĩnh Lang Đá Cần và vua Dịt Dàng ở giai đoạn đầu có ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại và phát triển của cả cộng đồng. Họ đại diện cho ý chí và nguyện vọng của các thành viên trong cộng đồng. Tuy nhiên, quá trình vận động của lịch sử đã dần làm thay đổi quan hệ giữa cá nhân người thủ lĩnh và dân Mường. Người thủ lĩnh có vai trò định hướng và điều hành các hoạt động của cộng đồng, quần

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdftom_tat_luan_an_khia_canh_triet_hoc_trong_mo_muong_hoa_binh.pdf
Tài liệu liên quan