ĐẠI HỌC HUẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
ĐỖ MẠNH HÙNG
CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945
Ở CÁC TỈNH BẮC TRUNG BỘ
LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ
HUẾ, NĂM 2016ĐẠI HỌC HUẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
ĐỖ MẠNH HÙNG
CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945
Ở CÁC TỈNH BẮC TRUNG BỘ
Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam
Mã số: 62.22.03.13
LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ
Người hướng dẫn khoa học:
1. PGS.TS. Trương Công Huỳnh Kỳ
2. TS. Nguyễn Văn Hoa
HUẾ, NĂM 2016
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan luận án với đề tài: “Cách mạng tháng Tám
189 trang |
Chia sẻ: huong20 | Ngày: 13/01/2022 | Lượt xem: 412 | Lượt tải: 0
Tóm tắt tài liệu Tóm tắt Luận án - Cách mạng tháng tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ” là công trình nghiên cứu khoa học độc lập, do tác giả thực hiện dưới sự hướng dẫn của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Công Huỳnh Kỳ và Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoa.
Các số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất kì công trình nào khác.
Thừa Thiên Huế, ngày tháng năm 2016
Tác giả
Đỗ Mạnh Hùng
LỜI CẢM ƠN
Tôi xin bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Công Huỳnh Kỳ và Tiến sĩ Nguyễn Văn Hoa đã tận tình hướng dẫn tôi trong quá trình học tập và thực hiện đề tài luận án.
Xin được tỏ lòng biết ơn đối với Quý Thầy giáo, Cô giáo Khoa Lịch sử, Lãnh đạo Phòng Tổ chức - Hành chính, Ban Giám hiệu Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, Ban Tổ chức cán bộ và Ban Giám đốc Đại học Huế đã chỉ bảo, tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trong suốt quá trình học tập. Xin chân thành cảm ơn các vị lão thành cách mạng, các trung tâm lưu trữ, thư viện, bảo tàng đã cung cấp cho tôi nhiều tư liệu quý báu trong quá trình thực hiện luận án.
Tôi cũng xin chân thành cảm ơn bằng hữu và gia đình đã động viên, giúp đỡ tôi trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu và hoàn thành luận án.
Nghiên cứu sinh
Đỗ Mạnh Hùng
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
ĐVBQ : Đơn vị bảo quản
NXB : Nhà xuất bản
UBDTGP : Ủy ban dân tộc giải phóng
UBKN : Ủy ban khởi nghĩa
UBNDCM : Ủy ban nhân dân cách mạng
MỤC LỤC
Trang
Trang phụ bìa
Lời cam đoan
Lời cảm ơn
Danh mục các chữ viết tắt
Mục lục
Danh mục các bảng
MỞ ĐẦU 1
1. Lí do chọn đề tài 1
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 2
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3
4. Nguồn tư liệu và phương pháp nghiên cứu 3
5. Đóng góp của luận án 5
6. Bố cục của luận án 5
Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN
ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 6
1.1. Vấn đề nghiên cứu 6
1.2. Tình hình nghiên cứu 9
1.2.1. Những công trình về Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam 9
1.2.2. Những công trình về Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh
Bắc Trung Bộ 22
1.2.3. Những vấn đề liên quan đến đề tài đã được các công trình nghiên cứu giải quyết 28
1.3. Những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu 29
Chương 2. QUÁ TRÌNH CHUẨN BỊ KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN
Ở CÁC TỈNH BẮC TRUNG BỘ (TỪ THÁNG 9-1939 ĐẾN THÁNG 3-1945) 30
2.1. Tình hình các tỉnh Bắc Trung Bộ trước Chiến tranh thế giới thứ hai 30
2.1.1. Điều kiện tự nhiên, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và truyền thống yêu nước, cách mạng của các tỉnh Bắc Trung Bộ trước năm 1930 30
2.1.2. Sự ra đời của tổ chức Đảng và phong trào cách mạng của nhân dân các
tỉnh Bắc Trung Bộ những năm 1930 - 1939 37
2.2. Quá trình chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền 45
2.2.1. Bối cảnh lịch sử và sự chuyển hướng chỉ đạo cách mạng Việt Nam của Đảng Cộng sản Đông Dương 45
2.2.2. Kết hợp chuẩn bị với đấu tranh tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền
ở các tỉnh Bắc Trung Bộ 53
Tiểu kết chương 2 72
Chương 3. GẤP RÚT CHUẨN BỊ VỀ MỌI MẶT VÀ KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN Ở CÁC TỈNH BẮC TRUNG BỘ (TỪ THÁNG 3-1945
ĐẾN THÁNG 8-1945) 73
3.1. Chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương sau khi Nhật đảo chính Pháp 73
3.1.1. Âm mưu và thủ đoạn của phát xít Nhật 73
3.1.2. Chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương 78
3.2. Gấp rút xây dựng lực lượng về mọi mặt tiến tới khởi nghĩa giành
chính quyền 79
3.2.1. Xây dựng và củng cố tổ chức cơ sở Đảng 79
3.2.2. Đẩy mạnh xây dựng lực lượng chính trị 83
3.2.3. Đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa 95
3.3. Cao trào kháng Nhật cứu nước 100
3.3.1. Phong trào phá kho thóc, giải quyết nạn đói 100
3.3.2. Đẩy mạnh tuyên truyền xung phong, khởi nghĩa từng phần, lập chính quyền cách mạng 102
3.4. Thời cơ và kế hoạch khởi nghĩa của Đảng bộ, Mặt trận Việt Minh các tỉnh Bắc Trung Bộ 105
3.4.1. Thời cơ của cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh Bắc Trung Bộ 105
3.4.2. Kế hoạch khởi nghĩa của các tỉnh Bắc Trung Bộ 108
3.5. Diễn biến khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh Bắc Trung Bộ 113
3.5.1. Khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Hà Tĩnh (từ ngày 15-8-1945 đến ngày 21-8-1945) 114
3.5.2. Khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Nghệ An (từ ngày 17-8-1945 đến ngày 26-8-1945) 116
3.5.3. Khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Thanh Hóa (từ ngày 19-8-1945 đến ngày 26-8-1945) 119
3.5.4. Khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Thừa Thiên (từ ngày 19-8-1945 đến ngày 23-8-1945) 121
3.5.5. Khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Quảng Bình (ngày 23-8-1945) 125
3.5.6. Khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Quảng Trị (từ ngày 23-8-1945 đến ngày 25-8-1945) 126
Tiểu kết chương 3 129
Chương 4. MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945 Ở CÁC TỈNH BẮC TRUNG BỘ 130
4.1. Đặc điểm 130
4.1.1. Quá trình chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh Bắc Trung Bộ diễn ra trong điều kiện hết sức khó khăn nhưng đã đạt được những kết quả
toàn diện, thể hiện tính chủ động, sáng tạo của các địa phương 130
4.1.2. Hình thái khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh Bắc Trung Bộ linh hoạt và đa dạng 135
4.1.3. Phương thức khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh Bắc Trung Bộ
phong phú và độc đáo 137
4.2. Ưu điểm và hạn chế 140
4.2.1. Ưu điểm 140
4.2.2. Hạn chế 148
4.3. Vai trò 152
4.3.1. Trực tiếp chấm dứt chế độ phong kiến lạc hậu, làm tan rã Chính phủ
Trần Trọng Kim, thiết lập hệ thống chính quyền dân chủ nhân dân ở các tỉnh Bắc Trung Bộ 152
4.3.2. Tác động đến cuộc khởi nghĩa giành chính quyền một số tỉnh ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ 153
4.3.3. Có ảnh hưởng nhất định đối với sự nghiệp cách mạng của nước bạn Lào 154
4.4. Bài học kinh nghiệm 155
4.4.1. Về phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết và xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất 155
4.4.2. Về phương pháp xây dựng lực lượng cách mạng 156
4.4.3. Về nắm bắt thời cơ và chớp đúng thời cơ 157
4.4.4. Về công tác xây dựng Đảng 158
Tiểu kết chương 4 160
KẾT LUẬN 161
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 165
TÀI LIỆU THAM KHẢO 166
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC BẢNG
MỞ ĐẦU
1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Trong tiến trình lịch sử Việt Nam thời cận hiện đại, Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những sự kiện lịch sử vĩ đại, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong tiến trình lịch sử dân tộc. Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã đánh đổ chế độ thực dân, phát xít và phong kiến tay sai, thiết lập nên chế độ xã hội tiến bộ với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cách mạng tháng Tám đã tạo ra những tiền đề cho sự phát triển và thắng lợi của dân tộc Việt Nam từ năm 1945 đến nay.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một vấn đề khoa học được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm và đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Bên cạnh những vấn đề chung của Cách mạng tháng Tám, một số công trình mang tính khu vực và địa phương đã được tiếp cận. Cuộc vận động Cách mạng tháng Tám ở các tỉnh đã được nghiên cứu nhưng chủ yếu còn dưới dạng mô tả, vấn đề nêu đặc điểm gần như chưa được đề cập. Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Bắc Trung Bộ là một vấn đề quan trọng nhưng chưa được các nhà sử học nghiên cứu toàn diện và có hệ thống.
Đóng góp vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 có các tỉnh Bắc Trung Bộ. Đây là địa bàn chiến lược của xứ Trung Kì. Bộ máy cai trị cũng như lực lượng quân sự của thực dân Pháp và phát xít Nhật ở đây tương đối mạnh. Vì vậy, Bắc Trung Bộ là một trong những địa bàn diễn ra cuộc đấu tranh cách mạng ác liệt nhất, khó khăn nhất. Vượt qua các cuộc khủng bố của đế quốc, qua các phong trào cách mạng, vùng đất Bắc Trung Bộ thực sự là một trong những trung tâm cách mạng của cả nước. Bước vào giai đoạn 1939 - 1945, quán triệt và thực hiện đường lối cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng Cộng sản Đông Dương, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy Trung Kì, tổ chức Đảng địa phương, Việt Minh các tỉnh Bắc Trung Bộ đã lãnh đạo các tầng lớp nhân dân kết hợp chuẩn bị và đấu tranh tiến tới cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thắng lợi.
Trong cuộc vận động Cách mạng tháng Tám năm 1945, các tỉnh Bắc Trung Bộ có một vị trí, vai trò quan trọng. Đây là một trong những khu vực diễn ra cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi sớm nhất ở tỉnh lị, trực tiếp chấm dứt chế độ phong kiến lạc hậu và Chính phủ Trần Trọng Kim. Cuộc vận động Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ có nét sáng tạo về tập hợp lực lượng, phương thức khởi nghĩa và hình thái giành chính quyền. Vì vậy, nghiên cứu Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ là việc làm có ý nghĩa về mặt khoa học và có giá trị thực tiễn sâu sắc.
- Về khoa học: Góp phần tái hiện đầy đủ bức tranh lịch sử Cách mạng tháng Tám trong cả nước nói chung và ở khu vực nói riêng; làm nổi rõ vai trò, đặc điểm của Cách mạng tháng Tám ở Bắc Trung Bộ, khẳng định sự đúng đắn và sáng tạo của đường lối cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương vạch ra.
- Về thực tiễn: Góp vào kho tàng kinh nghiệm của lịch sử cách mạng Việt Nam một mẫu hình tiêu biểu về tổ chức lực lượng và phát động quần chúng tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi; đúc rút những bài học kinh nghiệm để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng chỉnh đốn Đảng, chiến lược đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam hiện nay; góp phần giáo dục truyền thống, củng cố tình đoàn kết giữa các dân tộc; bổ sung tư liệu về Cách mạng tháng Tám ở các tỉnh Bắc Trung Bộ và cả nước.
Vì những lí do trên, tôi chọn vấn đề “Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ” làm đề tài Luận án Tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam.
2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ.
2.2. Phạm vi nghiên cứu
- Về không gian: Khu vực Bắc Trung Bộ đặt dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung Kì, bao gồm các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên.
- Về thời gian: Từ ngày 1-9-1939 đến ngày 26-8-1945, là thời gian trực tiếp chuẩn bị và khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một biến cố lịch sử. Biến cố lịch sử này có quá trình chuẩn bị trong 15 năm, trực tiếp từ năm 1939 đến năm 1945.
Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ đã dẫn đến sự chuyển hướng đấu tranh của Đảng Cộng sản Đông Dương, biểu hiện qua các chủ trương lớn như chuyển trọng tâm công tác về nông thôn, rút vào hoạt động bí mật, đặt vấn đề giải phóng dân tộc lên hàng đầu, xúc tiến công tác chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền Vì vậy, chúng tôi chọn sự kiện Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (1-9-1939) làm mốc mở đầu của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Ngày 26-8-1945, các châu, phủ miền núi tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An là những địa phương cuối cùng giành được chính quyền, đánh dấu sự thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, để làm rõ phương thức, vai trò của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, một số nội dụng của luận án chúng tôi phân tích đến sự kiện Bảo Đại thoái vị ngày 30-8-1945.
3. MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU
3.1. Mục đích nghiên cứu
Tái hiện có hệ thống và toàn diện về cuộc vận động Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ. Trên cơ sở đó, khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn và sáng tạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Xứ ủy Trung Kì, tổ chức Đảng địa phương, Việt Minh các tỉnh Bắc Trung Bộ và sự đóng góp to lớn của quần chúng nhân dân ở khu vực này.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Tổng quan về vấn đề nghiên cứu để xác định các vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu về Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ.
- Phân tích bối cảnh lịch sử của cuộc vận động Cách mạng tháng Tám ở các tỉnh Bắc Trung Bộ.
- Trình bày công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh Bắc Trung Bộ từ tháng 9-1939 đến tháng 8-1945.
- Làm sáng tỏ cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ.
- Trên cơ sở đó, phân tích đặc điểm; ưu điểm, hạn chế; vai trò và bài học kinh nghiệm của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ.
4. NGUỒN TƯ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
4.1. Nguồn tư liệu nghiên cứu
- Nguồn tài liệu thành văn
+ Tài liệu đã công bố
Bao gồm các văn kiện của Đảng, các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các sách lịch sử Đảng bộ tỉnh, thành phố, thị xã, huyện ở Bắc Trung Bộ; các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước đã xuất bản; các luận án, luận văn đã bảo vệ thành công; các bài viết đăng trên báo, tạp chí về đề tài Cách mạng tháng Tám năm 1945 trên phạm vi cả nước nói chung và các tỉnh Bắc Trung Bộ nói riêng.
+ Tài liệu lưu trữ
Các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, thông cáo liên quan đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 của Đảng và Việt Minh các cấp ở một số tỉnh, một số hồi kí chưa công bố, một số tài liệu của thực dân Pháp liên quan đến phong trào cách mạng các tỉnh Bắc Trung Bộ tại Phòng Lưu trữ thuộc Văn phòng Tỉnh ủy các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, Thư viện, Bảo tàng, Kho Lưu trữ Viện Lịch sử Đảng, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tại Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV tại Đà Lạt, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng. Tác giả xem đây là nguồn tài liệu quan trọng để luận án đạt được nhiệm vụ đề ra.
- Nguồn tài liệu khảo sát điền dã
Tác giả luận án còn khảo sát điền dã, đi thực tế tại một số di tích lịch sử, đồng thời phỏng vấn các nhân chứng lịch sử để tìm hiểu, xác minh các sự kiện liên quan đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp luận của luận án là quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, của Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh về bạo lực cách mạng, xây dựng Đảng, vận động quần chúng, xây dựng lực lượng vũ trang, đặc biệt là khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.
- Trong luận án, chúng tôi kết hợp phương pháp lịch sử, phương pháp lôgic và các phương pháp cụ thể của chuyên ngành như miêu tả, phân tích, tổng hợp để tái hiện bức tranh lịch sử về Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Bắc Trung Bộ. Đồng thời, sử dụng phương pháp thống kê để thống kê định lượng các sự kiện lịch sử tiêu biểu theo nội dung tổ chức Đảng, quần chúng, số lượng đảng viên, tù chính trị ở các địa phương; trên cơ sở đó rút ra nhận xét, đánh giá những vấn đề lịch sử liên quan. Ngoài ra, tác giả luận án sử dụng phương pháp so sánh để đối chiếu phong trào giữa các tỉnh trong khu vực, giữa các tỉnh Bắc Trung Bộ với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ và các phương pháp liên ngành như điền dã, phỏng vấn nhân chứng để tìm hiểu, xác minh các nhân vật, sự kiện lịch sử.
5. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN ÁN
Thứ nhất, tái hiện toàn cảnh bức tranh lịch sử về Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Thứ hai, từ nội dung nghiên cứu rút ra đặc điểm đặt trong mối quan hệ đối sánh Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và các tỉnh Nam Bộ; nêu lên ưu điểm, hạn chế; vai trò và bài học kinh nghiệm của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Thứ ba, cung cấp hệ thống tư liệu tương đối hoàn chỉnh về Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Thứ tư, luận án là tài liệu tham khảo để nghiên cứu và học tập Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở bậc đại học và cao đẳng; góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho các tầng lớp nhân dân ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, là tài liệu bổ ích giúp giáo viên ở các trường trung học phổ thông biên soạn và giảng dạy phần lịch sử địa phương trong chương trình lịch sử.
6. BỐ CỤC CỦA LUẬN ÁN
Ngoài mở đầu (5 trang), kết luận (4 trang), tài liệu tham khảo (14 trang), phụ lục, luận án gồm 4 chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án (24 trang).
Chương 2: Quá trình chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh Bắc Trung Bộ (từ tháng 9-1939 đến tháng 3-1945) (43 trang).
Chương 3: Gấp rút chuẩn bị về mọi mặt và khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh Bắc Trung Bộ (từ tháng 3-1945 đến tháng 8-1945) (57 trang).
Chương 4: Một số nhận xét về Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ (31 trang).
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN
1.1. VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
Các tỉnh Bắc Trung Bộ nằm dọc theo ven biển, từ 160 đến 20030’ vĩ độ Bắc và từ 106002’ đến 108002’ kinh độ Đông bao gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên. Diện tích phần đất liền toàn khu vực khoảng 49.600 km2. Các tỉnh Bắc Trung Bộ có đường bờ biển dài hơn 632 km và 27 hòn đảo lớn nhỏ, tiêu biểu là các đảo: Cồn Cỏ (Quảng Trị) diện tích 4 km2, Hòn Ngư (Nghệ An) diện tích 2,5 km2, Sơn Dương (Hà Tĩnh) diện tích khoảng 1 km2.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Cách mạng tháng Tám thành công và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 2-9-1945 đã mở ra một thời kì mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi là kết quả của cuộc vận động trong suốt 15 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, là kết quả tổng hợp của các nhân tố chủ quan và khách quan.
Chiến tranh thế giới thứ hai làm cho chủ nghĩa đế quốc càng thêm suy yếu. Cuộc chiến đấu của nhân dân Liên Xô và lực lượng dân chủ đã từng bước làm thất bại lực lượng phát xít Đức - Ý - Nhật, điều kiện khách quan cho cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền đã hết sức thuận lợi. Phát xít Nhật ở Đông Dương và Chính phủ Trần Trọng Kim hoang mang, tê liệt. Đó là thời cơ “ngàn năm có một” được Đảng Cộng sản Đông Dương kịp thời chớp lấy, phát động toàn dân nổi dậy khởi nghĩa và giành được thắng lợi mau lẹ, ít đổ máu. Tuy nhiên, điều kiện khách quan đó chỉ có thể được phát huy thông qua các yếu tố chủ quan.
Đảng Cộng sản Đông Dương, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, trên cơ sở đường lối chiến lược đề ra trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng (2-1930) đã tiến hành chuyển hướng chỉ đạo cách mạng thể hiện trong các nghị quyết Hội nghị Trung ương tháng 11-1939, tháng 11-1940 và Hội nghị Trung ương 8 (5-1941). Đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, đã thể hiện sự đúng đắn và sáng tạo, phản ánh đúng thực tế Việt Nam trong xu thế phát triển của thế giới. Nhờ đó, Đảng Cộng sản Đông Dương đã khơi dậy, phát huy được truyền thống đoàn kết chống ngoại xâm của dân tộc, tinh thần yêu nước của nhân dân và dấy lên được phong trào yêu nước, cách mạng của quần chúng trong những năm 1930 - 1935 và phong trào dân chủ 1936 - 1939. Đến cuộc vận động giải phóng dân tộc 1939 - 1945, công cuộc chuẩn bị diễn ra trực tiếp, khẩn trương và toàn diện. Trong quá trình chuẩn bị, Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh và lãnh tụ Hồ Chí Minh chăm lo xây dựng lực lượng cách mạng, trước hết là lực lượng chính trị của quần chúng. Trên cơ sở lực lượng chính trị của quần chúng đã từng bước xây dựng lực lượng vũ trang. Đó là hai lực lượng cách mạng được Đảng Cộng sản Đông Dương sử dụng hợp lí nhằm phát huy sức mạnh to lớn vào cuộc đấu tranh với những hình thức thích hợp: Chính trị kết hợp vũ trang và khởi nghĩa vũ trang; từ khởi nghĩa từng phần giành chính quyền từng bộ phận, tiến lên tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến, giành chính quyền trong cả nước.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam. Nó đã đập tan ách thống trị của phát xít Nhật, chấm dứt chế độ phong kiến lạc hậu, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành chủ nhân thật sự của đất nước; đưa Việt Nam từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến thành một nước độc lập tự do; đưa Đảng Cộng sản Đông Dương thành một Đảng lãnh đạo chính quyền trong cả nước; đưa dân tộc Việt Nam lên hàng các dân tộc tiên phong trên thế giới. Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỉ nguyên mới: Kỉ nguyên độc lập tự do và tiến bộ xã hội. Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám chẳng những giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam có thể tự hào, mà giai cấp công nhân và những dân tộc bị áp bức ở các nơi khác cũng có thể tự hào rằng: “Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một đảng mới có 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền trong toàn quốc” [86, tr.159].
Đặc điểm của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là vừa mang tính toàn quốc nhưng đồng thời thể hiện những nét cụ thể của địa phương. Trong cuộc vận động Cách mạng tháng Tám năm 1945, xuất phát từ sự đa dạng về điều kiện tự nhiên và dân cư, kinh tế - xã hội vùng miền, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, cuộc vận động Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các địa phương diễn ra khá phong phú về hình thức tổ chức hoạt động.
Theo phân chia khu vực hành chính, đối tượng nghiên cứu của lịch sử bao gồm: Toàn quốc, khu vực (miền), tỉnh, huyện, xã Trong luận án, tác giả nghiên cứu về cuộc vận động Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở khu vực Bắc Trung Bộ được phân biệt với các khu vực khác bởi các dấu hiệu lịch sử, kinh tế, xã hội như khu vực đồng bằng Bắc Bộ; khu vực trung du, miền núi Bắc Bộ; khu vực duyên hải Nam Trung Bộ; khu vực Đông Nam Bộ; khu vực Tây Nam Bộ Chính sự đa dạng, phong phú này dẫn đến tính phong phú, đa dạng của Cách mạng tháng Tám về quá trình chuẩn bị, thời gian giành chính quyền, phương thức tiến hành, hình thái vận động và sự sáng tạo của các địa phương trong quá trình vận dụng đường lối của Đảng. Chẳng hạn, hình thái khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội, Huế là từ nông thôn vào thành thị nhưng ở Sài Gòn là từ thành thị về nông thôn
Về vấn đề địa giới Bắc Trung Bộ, theo Hiệp ước Patenôtre ngày 6-6-1884, xứ Trung Kì (L’Annam) bao gồm các tỉnh từ Thanh Hóa đến tỉnh Bình Thuận. Theo cách phân chia của người Pháp, Trung Kì gồm 3 khu vực: Bắc Trung Kì (Nord - Annam) gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh; Trung Trung Kì (Central - Annam) gồm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam và Quảng Ngãi; Nam Trung Kì (Sud - Annam) gồm các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng các tỉnh miền Trung, Xứ ủy Trung Kì đặt 2 trụ sở: Trụ sở chính đặt tại thành phố Vinh (Nghệ An) để lãnh đạo chung các tỉnh Trung Kì và trực tiếp chỉ đạo các tỉnh Bắc Trung Kì từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên; trụ sở 2 đặt tại thành phố Đà Nẵng (Quảng Nam) trực tiếp chỉ đạo các tỉnh Nam Trung Kì từ Quảng Nam đến Bình Thuận [153], [155].
Cuộc vận động Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ gắn với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Xứ ủy Trung Kì và sự lãnh đạo trực tiếp của tổ chức Đảng địa phương. Do đó, để làm rõ vai trò lãnh đạo của Xứ ủy đối với phong trào đấu tranh cách mạng ở các tỉnh, trong luận án chúng tôi sử dụng cách phân chia Trung Kì gồm hai khu vực như đã trình bày ở trên.
Về tên gọi, từ tháng 6-1884 đến tháng 3-1945, chính quyền thực dân Pháp gọi là Bắc Trung Kì; từ tháng 4-1945, Chính phủ Trần Trọng Kim gọi là Bắc Trung Bộ. Theo Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Quốc hội thông qua ngày 9-11-1946, nước Việt Nam về phương diện hành chính gồm có 3 bộ: Bắc, Trung, Nam. Để đảm bảo sự thống nhất và phù hợp với tên gọi hiện nay, trong luận án, chúng tôi dùng tên gọi Bắc Trung Bộ.
1.2. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một chủ đề khoa học lớn, hấp dẫn, thu hút nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, tìm hiểu. Liên quan đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 nói chung và ở các tỉnh Bắc Trung Bộ nói riêng đã có nhiều công trình được công bố, đề cập đến những khía cạnh khác nhau.
1.2.1. Những công trình về Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam
1.2.1.1. Các công trình nghiên cứu trong nước
Kỉ niệm một năm Cách mạng tháng Tám 1945, tập hợp những bài đã đăng trên báo “Sự thật”, năm 1946, Trường Chinh cho ra mắt tác phẩm “Cách mạng tháng Tám”. Công trình đã tái hiện lịch sử cuộc đấu tranh vĩ đại của dân tộc, phân tích tính chất, ý nghĩa lịch sử, làm rõ những ưu điểm và hạn chế của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Theo tác giả, ưu điểm của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là “chuẩn bị chu đáo”, “mau lẹ và kịp thời”, “toàn dân nổi dậy” [38, tr.367-372]. Nhược điểm của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là “tinh thần kiên quyết không đều”, “không triệt để tước vũ khí quân đội Nhật”, “không kiên quyết trấn áp bọn phản cách mạng”, “không chiếm được nhà ngân hàng” [38, tr.375-382].
Năm 1946, Nhà xuất bản Sự thật ấn hành công trình “Chặt xiềng”. Cuốn sách gồm một số tư liệu lịch sử từ sự kiện Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945) đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công trong cả nước. Những tài liệu được ghi lại trong cuốn “Chặt xiềng” đã phản ánh những nhận định, phân tích rất chính xác, khoa học của Đảng Cộng sản Đông Dương về tình thế cách mạng lúc bấy giờ và khi thời cơ đến đã kiên quyết phát động, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trong toàn quốc. Do đó, công trình có giá trị lớn về mặt tư liệu.
Năm 1957, Nhà xuất bản Văn Sử Địa ấn hành công trình “Cách mạng cận đại Việt Nam: Tài liệu tham khảo lịch sử” do Trần Huy Liệu chủ biên. Đây là công trình nghiên cứu công phu và đồ sộ nhất về lịch sử Việt Nam cận đại nói chung và cuộc vận động Cách mạng tháng Tám năm 1945 nói riêng. Trong các tập 10, 11, 12, công trình đã tái hiện bức tranh toàn cảnh và sinh động về phong trào chống phát xít, chống chiến tranh, về cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kì, binh biến Đô Lương; về cao trào kháng Nhật cứu nước và Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, trong đó có các tỉnh Bắc Trung Bộ. Đặc biệt, trong tập 12, sau khi trình bày về cuộc tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những phân tích, đánh giá về đặc điểm, nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Năm 1960, Nhà xuất bản Sử học ấn hành công trình “Lịch sử Cách mạng tháng Tám” của các tác giả Văn Tạo, Thành Thế Vĩ, Nguyễn Công Bình. Trên cơ sở kế thừa có chọn lọc thành tựu nghiên cứu của các công trình trước, các tác giả đã tập trung làm rõ bối cảnh lịch sử, kết quả quá trình chuẩn bị về mọi mặt và diễn biến của Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Đặc biệt, các tác giả đã dành 20 trang sách để phân tích về những đặc điểm của Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, đó là: “Thống nhất hành động, mau lẹ kịp thời”, “là thắng lợi của cuộc đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, thắng lợi chính trị là chủ yếu”, “lãnh đạo và quần chúng trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám đã khăng khít với nhau như keo sơn”, “từ nông thôn ra thành thị và từ thành thị về nông thôn” [117, tr.154-168]. Những luận điểm này giúp tác giả luận án có một cái nhìn tổng quan khi trình bày về đặc điểm của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Để làm rõ hơn cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc, năm 1960, Tổ Lịch sử Cách mạng tháng Tám của Viện Sử học đã xuất bản công trình “Cách mạng tháng Tám - Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội và các địa phương” (quyển 1, 2). Công trình là kết quả của sự phối hợp nghiên cứu giữa các nhà sử học với Ban Tuyên giáo và Hội đồng hương các tỉnh, thành trong cả nước tại Hà Nội. Do đó, công trình đã tập hợp được nguồn tư liệu phong phú, trong đó có nhiều tài liệu nhân chứng, điền dã. Diễn biến của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở các địa phương trong toàn quốc được trình bày cụ thể và sinh động hơn so với các công trình được xuất bản trước đó. Tuy nhiên, do một số tư liệu chưa được kiểm chứng nên dẫn đến những sai sót của các sự kiện lịch sử ở một vài địa phương. Chẳng hạn, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) diễn ra ngày 23-8-1945 nhưng trong công trình ghi ngày 25-8-1945 [152, tr.37]. Mặc dù vậy, công trình là tài liệu quý để tác giả luận án tham khảo khi trình bày về diễn biến cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh.
Năm 1967, Nhà xuất bản Sự thật ấn hành các công trình “Tìm hiểu Cách mạng tháng Tám” và “Tìm hiểu tính chất và đặc điểm của Cách mạng tháng Tám”. Hai công trình đã đi sâu nghiên cứu về quá trình chuẩn bị và diễn biến cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc, trong đó có các tỉnh Bắc Trung Bộ; phân tích tính chất, đặc điểm, nguyên nhân thắng lợi và những bài học kinh nghiệm của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Các tác giả của công trình “Tìm hiểu Cách mạng tháng Tám” đã hoàn toàn chính xác khi cho rằng, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 “là kết quả tất yếu của sự phát triển hợp quy luật của xã hội loài người nói chung và của xã hội Việt Nam nói riêng Nhờ đường lối chính trị đúng đắn của Đảng và vai trò tiền phong, gương mẫu của đảng viên, cho nên Đảng ta đã giữ được mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng. Đảng và quần chúng gắn bó mật thiết với nhau tạo thành một sức mạnh vô địch vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, đưa Cách mạng tháng Tám đến thắng lợi” [25, tr.70-72]. Ngoài những nguyên nhân cơ bản nói trên, các tác giả cũng khẳng định, Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi còn nhờ điều kiện khách quan thuận lợi. Tuy nhiên, do các công trình được biên soạn dưới góc độ lịch sử Đảng nên không có điều kiện đi sâu phân tích quá trình vận động quần chúng nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp trung gian tham gia cách mạng cũng như chưa đề cập, đánh giá vai trò của thanh niên trí thức đối với sự thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở các địa phương.
Năm 1970, Nhà xuất bản Tiền phong ấn hành công trình “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới” của Lê Duẩn. Trong phần 1 của công trình, tác giả đã nêu lên những kinh nghiệm cơ bản nhất của Đảng về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Công trình đã phân tích rất khoa học, rất sâu sắc những vấn đề được đề cập đến và đã nêu lên thành những tổng kết lí luận, những chân lí phổ biến của lí luận cách mạng Việt Nam. Chẳng hạn, phân tích vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương trong thời kì tiền khởi nghĩa, tác giả cho rằng: “Khi Nhật hất cẳng Pháp, Đảng đã tranh thủ thời cơ, chuyển hướng mau lẹ, phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước. Đây là thời kì động viên quần chúng sôi nổi, mạnh mẽ, phát triển lực lượng chính trị sâu rộng ở nông thôn và thành thị, đồng bằng và rừng núi, kết hợp với phát triển lực lượng vũ trang, chuẩn bị lực lượng mọi mặt, tiến tới tổng khởi nghĩa” [42, tr.49].
Đề cập toàn diện hơn về Cách mạng th....80-97]. Tuy nhiên, do bước đầu nghiên cứu nên công trình chỉ trình bày một cách khái quát quá trình chuẩn bị và khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Bình, không có sự đối sánh với phong trào cách mạng ở các tỉnh lân cận; vấn đề nêu đặc điểm về quá trình chuẩn bị, hình thái khởi nghĩa và phương thức giành chính quyền cũng chưa được đề cập đến.
Ngoài ra, cũng phải kể đến một số công trình khác như: Ban Nghiên cứu Lịch sử tỉnh Nghệ Tĩnh (1984), “Lịch sử Nghệ Tĩnh”, tập 1; Ban Nghiên cứu và biên soạn lịch sử tỉnh Thanh Hóa (1996), “Lịch sử Thanh Hóa (1930 - 1945)”, tập 5; Đặng Duy Báu (chủ biên) (2000), “Lịch sử Hà Tĩnh”, tập 1; Nguyễn Văn Hoa (chủ biên) (2005), “Địa chí Thừa Thiên Huế” (phần lịch sử); Nguyễn Khắc Thái (2014), “Lịch sử Quảng Bình”... đã ít nhiều phác họa sơ lược công cuộc chuẩn bị và khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân các tỉnh nói trên.
Đặc biệt, đến nay tất cả các tỉnh, huyện, thị, thành và nhiều xã, phường trong khu vực đã biên soạn lịch sử Đảng bộ của địa phương mình. Có thể kể ra đây một số công trình như: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh (1993), “Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh, tập 1 (1930 - 1954)”; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình (1995), “Lịch sử Đảng bộ Quảng Bình, tập 1 (1930 - 1954)”; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế (1995), “Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên Huế, tập 1 (1930 - 1954)”; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị (1996), “Lịch sử Đảng bộ Quảng Trị, tập 1 (1930 - 1954)”; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An (1998), “Lịch sử Đảng bộ Nghệ An, tập 1 (1930 - 1954)”; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (2010), “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (1930 - 1954)”...
Những công trình lịch sử Đảng bộ mới chỉ dừng lại ở việc tái hiện các sự kiện lịch sử có liên quan đến vai trò lãnh đạo của Đảng đối với phong trào cách mạng của nhân dân tại các địa phương, vấn đề nêu đặc điểm gần như chưa được đề cập. Có nhiều vấn đề quan trọng chưa được giải quyết thấu đáo hoặc còn đang tranh luận hay xác minh. Chẳng hạn tình trạng thiếu đoàn kết, nhất trí trong nội bộ những người cộng sản tại một số tỉnh thời gian đầu sau ngày 9-3-1945; việc vận động tầng lớp trung gian ở các địa phương; vai trò của thanh niên, trí thức trong những ngày diễn ra khởi nghĩa giành chính quyền tuy có đề cập đến nhưng vẫn còn hạn chế Hầu hết các công trình ít khai thác và sử dụng nguồn tư liệu của chính quyền thực dân Pháp và phát xít Nhật.
1.2.2.2. Các hội thảo khoa học, luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ và các bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí chuyên ngành
Luận án Phó tiến sĩ khoa học lịch sử “Công nhân xí nghiệp vôi thủy Long Thọ (1896 - 1945)” của tác giả Nguyễn Thị Đảm được bảo vệ thành công tại Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội năm 1994 đã trình bày một cách có hệ thống, tương đối hoàn chỉnh, trung thực về tình hình đội ngũ công nhân xí nghiệp vôi thủy Long Thọ. Trong chương 2 của luận án, tác giả đã dành một mục để trình bày hoạt động đấu tranh của công nhân Long Thọ, trong đó có phong trào phá kho thóc Nhật, việc thành lập và hoạt động của Tổ Việt Minh trong xí nghiệp, việc giành chính quyền ở nhà máy và tham gia cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế. Tác giả cho rằng: “Trong Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945), công nhân Long Thọ nhanh chóng hòa vào phong trào giải phóng ở Thừa Thiên Huế tự nhiên và mau lẹ. Nhờ đấy trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám họ trở thành lực lượng đi đầu trong cuộc đấu tranh giành chính quyền ở địa phương” [47, tr.146].
Năm 2003, tác giả Trần Văn Thức đã hoàn thành Luận án Tiến sĩ lịch sử với đề tài “Quá trình vận động cách mạng giải phóng dân tộc ở Nghệ An thời kì 1939 - 1945” tại Viện Sử học. Bằng nhiều nguồn tư liệu khác nhau, tác giả đã tái hiện công cuộc chuẩn bị và khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 ở Nghệ An; rút ra một số nhận xét về quá trình vận động cách mạng giải phóng dân tộc ở Nghệ An; so sánh với Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Thanh Hóa và Hà Tĩnh. Mặc dù vậy, trong luận án một số nhận định của tác giả cần được tiếp tục thảo luận trên cơ sở tư liệu và đánh giá vấn đề có tính toàn diện. Chẳng hạn, khi bàn về thời gian chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở Nghệ An, tác giả khẳng định: “Quá trình chuẩn bị lực lượng tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền cho Cách mạng tháng Tám 1945 chỉ thực sự được bắt đầu từ khi Việt Minh Nghệ Tĩnh ra đời (19-5-1945) đến khi khởi nghĩa giành chính quyền. Điều đó chứng tỏ rằng, thời gian chuẩn bị lực lượng cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Nghệ An là hết sức ngắn ngủi và quá ít ỏi so với tiến trình chung của cả nước” [124, tr.147].
Luận văn Thạc sĩ sử học “Chiến khu Ngọc Trạo trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Thanh Hóa” của tác giả Phạm Thị Hằng được bảo vệ thành công tại Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế năm 2009 đã trình bày tương đối toàn diện và có hệ thống về sự ra đời, quá trình xây dựng và hoạt động của chiến khu Ngọc Trạo trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Thanh Hóa. Qua đó, tác giả rút ra đặc điểm, vai trò và bài học kinh nghiệm của chiến khu Ngọc Trạo đối với phong trào cách mạng tỉnh Thanh Hóa.
Năm 2011, học viên Lê Thị Tuyết Nhung bảo vệ thành công Luận văn Thạc sĩ sử học với đề tài “Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Quảng Trị” tại Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế. Luận văn đã làm rõ quá trình chuẩn bị về mọi mặt, diễn biến của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền và rút ra một số nhận xét về Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở tỉnh Quảng Trị.
Trong những năm gần đây, mảng đề tài phong trào yêu nước và cách mạng các địa phương thời cận đại thu hút nhiều học viên, nghiên cứu sinh tìm hiểu. Năm 2012, tác giả Nguyễn Tất Thắng đã hoàn thành Luận án Tiến sĩ lịch sử với đề tài “Phong trào yêu nước và cách mạng Hà Tĩnh từ cuối thế kỉ XIX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945” tại Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế. Với nguồn tư liệu tương đối phong phú, tác giả luận án đã tái hiện các phong trào yêu nước và cách mạng ở Hà Tĩnh từ năm 1885 đến năm 1945; qua đó làm rõ sự chuyển biến của phong trào yêu nước và cách mạng Hà Tĩnh từ hệ tư tưởng phong kiến sang dân chủ tư sản và cuối cùng là sự thắng lợi của con đường cách mạng vô sản. Tuy nhiên, do công trình nghiên cứu trong một khoảng thời gian 60 năm nên cuộc vận động Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Hà Tĩnh được trình bày hết sức khái quát.
Ngoài ra, có thể kể đến những bài nghiên cứu của nhiều tác giả được đăng trên các tạp chí chuyên ngành. Tác giả Phạm Cúc với bài “Khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám 1945 ở Thanh Hóa” đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng, số 04 năm 1991 đã trình bày khái quát diễn biến của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền và phân tích những nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng tháng Tám ở Thanh Hóa. Cũng trong số 04 của Tạp chí Lịch sử Đảng năm 1991, tác giả Hoàng Tiêu với bài “Sự vận dụng sáng tạo đường lối khởi nghĩa của Trung ương Đảng ở Thanh Hóa” đã phân tích và chứng minh Tỉnh ủy, Việt Minh Thanh Hóa vận dụng một cách linh hoạt đường lối khởi nghĩa của Trung ương trong quá trình chuẩn bị và khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương, khẳng định đây là nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám ở Thanh Hóa. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 01 năm 2003 đã đăng bài “Góp phần làm sáng tỏ thêm cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Nghệ An” của tác giả Trần Văn Thức. Trong bài viết này, sau khi trình bày khái quát quá trình khẩn trương chuẩn bị và khởi nghĩa giành chính quyền, tác giả đã rút ra một số nhận xét về cuộc vận động cách mạng giải phóng dân tộc ở Nghệ An trên các phương diện: Thời gian chuẩn bị, hình thái khởi nghĩa, phương thức giành chính quyền, vai trò của tổ chức Đảng và Việt Minh Nghệ Tĩnh, tác động của Cách mạng tháng Tám ở Nghệ An đối với sự nghiệp cách mạng của nước bạn Lào Chẳng hạn, bàn về hình thái khởi nghĩa giành chính quyền ở Nghệ An, tác giả cho rằng: “Do đặc điểm tình hình và so sánh lực lượng giữa các vùng thành thị, đồng bằng, trung du và miền núi không đều nhau, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Nghệ An diễn ra trong hình thái nông thôn mở đầu; thành thị, nông thôn đồng thời tiến hành; và cuối cùng kết thúc ở nông thôn miền núi” [125, tr.22].
Kỉ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám, năm 2015, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Trí thức và tôn giáo Thừa Thiên Huế với Cách mạng tháng Tám - 70 năm nhìn lại”. 21 báo cáo được lựa chọn để in trong kỉ yếu của hội thảo đã phân tích, làm rõ sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Thừa Thiên Huế đối với trí thức và tôn giáo; trí thức Thừa Thiên Huế với sự nghiệp bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước và sự đồng hành của các tôn giáo trong tiến trình lịch sử dân tộc thời cận, hiện đại. Một số bài viết đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Thừa Thiên Huế. Tác giả Trương Công Huỳnh Kỳ với bài “Trường Thanh niên Tiền tuyến với Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Thừa Thiên Huế” đã phân tích về sự ra đời, quá trình “Việt Minh hóa” và đóng góp của Trường Thanh niên Tiền tuyến đối với Cách mạng tháng Tám năm 1945. Trên cơ sở đó, tác giả khẳng định: “Trong cuộc khởi nghĩa ở Huế tháng 8-1945, lực lượng Thanh niên Tiền tuyến tuy ít về số lượng (chỉ 43 người) nhưng đã thực hiện những trọng trách của một lực lượng đặc biệt cùng với lực lượng tự vệ cứu quốc góp phần tạo nên thắng lợi ở trung tâm chính trị đầu não của Chính phủ bù nhìn “Việt Nam đế quốc” [64, tr.71-72]. Ở một khía cạnh khác, tác giả Nguyễn Đắc Xuân với bài “Bảy mươi năm (1945 - 2015) nhìn lại sự kiện vua Bảo Đại thoái vị và làm Cố vấn cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” đã phân tích ý nghĩa chính trị của sự kiện này. Việc buộc Bảo Đại thoái vị và mời được Bảo Đại ra đảm nhận chức vụ Cố vấn cho Chính phủ lâm thời đồng nghĩa với sự thừa nhận về tính hợp pháp của quốc tế đối với chính quyền mới và sự đồng thuận của nhân dân. Có thể nói, đây là những nhận thức mới giúp tác giả luận án có một cái nhìn toàn diện hơn khi trình bày về Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Thừa Thiên Huế.
1.2.3. Những vấn đề liên quan đến đề tài đã được các công trình nghiên cứu giải quyết
Thứ nhất, các công trình đã phân tích bối cảnh lịch sử của cuộc vận động Cách mạng tháng Tám năm 1945 trong cả nước nói chung và ở từng tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ nói riêng.
Thứ hai, làm rõ quá trình chuẩn bị và diễn biến khởi nghĩa giành chính quyền ở từng tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng địa phương.
Thứ ba, bước đầu rút ra một số nhận xét về nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm và hạn chế của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ.
Thứ tư, các công trình “Quá trình vận động cách mạng giải phóng dân tộc ở Nghệ An thời kì 1939 - 1945” của tác giả Trần Văn Thức và “Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Quảng Trị” của tác giả Lê Thị Tuyết Nhung đã nêu lên đặc điểm về quá trình chuẩn bị, hình thái khởi nghĩa và phương thức giành chính quyền của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở tỉnh Nghệ An và tỉnh Quảng Trị.
Tóm lại, vấn đề “Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ” bước đầu đã được các nhà nghiên cứu đề cập ở một số góc độ khác nhau. Tuy nhiên, do mục đích của các công trình, cho đến nay vẫn chưa có một công trình nghiên cứu thật sự có tính hệ thống, toàn diện về vấn đề này dưới góc độ khu vực. Tuy mức độ liên quan đến đề tài luận án có khác nhau, nhưng các công trình trên là cơ sở quan trọng để tác giả tham khảo, kế thừa trong việc thu thập, xử lí nguồn tư liệu và phương pháp luận vào quá trình thực hiện đề tài.
1.3. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU
Trên cơ sở khảo cứu nguồn tài liệu từ nhiều phía, phân tích chính sách thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật và Nam triều ở các tỉnh Bắc Trung Bộ từ năm 1939 đến năm 1945, nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để làm sáng tỏ như: Những thủ đoạn vừa đàn áp khủng bố quyết liệt lực lượng cách mạng trên địa bàn, vừa mua chuộc thâm độc nhằm lôi kéo, dụ dỗ những phần tử nhẹ dạ, cả tin, phá hoại sự đoàn kết thống nhất trong tổ chức Đảng các cấp và khối đại đoàn kết các dân tộc ở Bắc Trung Bộ của thực dân Pháp và phát xít Nhật.
Tái hiện một cách chi tiết và đầy đủ về quá trình chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh Bắc Trung Bộ năm 1945 trên các khía cạnh cụ thể như: Sự vận dụng đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Đông Dương; quá trình xây dựng, khôi phục và thống nhất tổ chức cơ sở Đảng; xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, căn cứ địa; tập dượt quần chúng đấu tranh. Phân tích những ưu điểm và hạn chế trong quá trình chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh.
Mặt khác, cần làm sáng tỏ quá trình khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh Bắc Trung Bộ trên các phương diện: Phong trào khởi nghĩa từng phần; việc nhận định tình hình, chớp thời cơ, chủ động đề ra kế hoạch khởi nghĩa và diễn biến của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Phân tích vai trò của tầng lớp thanh niên trí thức trong quá trình giành chính quyền ở một số địa phương. Rút ra những ưu điểm và hạn chế của Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Hơn nữa, cần làm nổi rõ đặc điểm về quá trình chuẩn bị, hình thái vận động, phương thức khởi nghĩa giành chính quyền của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ qua sự đối sánh với Cách mạng tháng Tám ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và các tỉnh Nam Bộ. Mặt khác, phân tích vai trò của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ đối với Cách mạng tháng Tám năm 1945 trong toàn quốc và đối với sự nghiệp cách mạng của nước bạn Lào. Đồng thời, đúc rút một số bài học kinh nghiệm từ quá trình chuẩn bị và khởi nghĩa giành chính quyền ở các tỉnh, mà những kinh nghiệm đó có thể vận dụng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển ở Bắc Trung Bộ hiện nay.
Chương 2
QUÁ TRÌNH CHUẨN BỊ KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN
Ở CÁC TỈNH BẮC TRUNG BỘ
(TỪ THÁNG 9-1939 ĐẾN THÁNG 3-1945)
2.1. TÌNH HÌNH CÁC TỈNH BẮC TRUNG BỘ TRƯỚC CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ HAI
2.1.1. Điều kiện tự nhiên, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và truyền thống yêu nước, cách mạng của các tỉnh Bắc Trung Bộ trước năm 1930
2.1.1.1. Điều kiện tự nhiên
Trải dài trên một miền đất rộng, địa hình Bắc Trung Bộ rất đa dạng, bao gồm rừng núi, trung du, đồng bằng và thềm lục địa. Đặc điểm nổi bật của địa hình khu vực Bắc Trung Bộ là có nhiều dãy núi đâm ra biển Dãy Hoàng Mai (Nghệ An), dãy Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), dãy Hoành Sơn (Quảng Bình), dãy Bạch Mã (Thừa Thiên).
, ranh giới giữa các tỉnh được phân định bởi hình thế “một đèo, một đèo, lại một đèo”. Sự phức tạp của địa hình kéo theo sự thất thường của khí hậu.
Bắc Trung Bộ nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Lượng mưa lớn, đồng bằng hẹp ngang, khiến cho hệ thống sông ngòi ở Bắc Trung Bộ có những nét đặc thù. Phần lớn các con sông chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, qua nhiều miền địa hình, chủ yếu là rừng núi nên sông ngắn, dốc, nước chảy xiết. Lưu lượng nước không nhiều, phụ thuộc vào chế độ mưa. Bắc Trung Bộ có các hệ thống sông chính gồm: Sông Mã - sông Chu, sông Hoạt, sông Yên, sông Lạch Bạng (Thanh Hóa); sông Cả, sông Con, sông Hiếu (Nghệ An); sông Ngàn Phố, sông Ngàn Sâu, sông La, sông Nghèn, sông Rào Cai (Hà Tĩnh); sông Gianh, sông Nhật Lệ (Quảng Bình); sông Bến Hải, sông Hiếu, sông Thạch Hãn, sông Ô Lâu (Quảng Trị); sông Bồ, sông Hương, sông Truồi (Thừa Thiên). Nhìn chung, hệ thống sông ngòi ở Bắc Trung Bộ có mật độ khá dày, có giá trị đối với hoạt động dân sinh và quốc phòng.
Dựa vào địa thế tự nhiên hiểm trở và hệ thống sông ngòi, lực lượng kháng chiến có thể xây dựng các căn cứ địa, tiến hành chiến tranh du kích. Trong khi đó, đồng bằng đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển của phong trào yêu nước và cách mạng của các tỉnh Bắc Trung Bộ, nhất là khi đối phương tiến hành khủng bố, lực lượng kháng chiến có thể rút về hoạt động và xây dựng chỗ đứng chân vững chắc chủ yếu ở đồng bằng. Ngoài ra, khí hậu nóng ẩm cũng là một bất lợi cho đối phương. Tuy nhiên, địa hình đa dạng có đủ rừng núi, trung du, đồng bằng, thềm lục địa và hệ thống sông ngòi dày đặc tạo điều kiện thuận lợi cho đối phương tiến hành khủng bố, cô lập phong trào đấu tranh của nhân dân giữa các vùng trong một tỉnh, giữa các tỉnh với nhau, giữa khu vực Bắc Trung Bộ với khu vực khác. Chính vì vậy, trong cuộc vận động Cách mạng tháng Tám năm 1945, các tỉnh Bắc Trung Bộ thường xuyên mất liên lạc với Xứ ủy Trung Kì và Trung ương Đảng cũng như sự liên kết phong trào giữa các tỉnh chưa được thể hiện rõ nét, một phần là do điều kiện tự nhiên của khu vực.
2.1.1.2. Tình hình chính trị, kinh tế, xã hội
Tại khu vực Bắc Trung Bộ có thành phố Huế là thủ phủ của Nam triều, đồng thời là trung tâm đầu não của xứ Trung Kì bảo hộ. Triều đình phong kiến đứng đầu là nhà vua với hệ thống quan lại, hoàng tộc và 6 bộ đã trở thành phương tiện phục vụ cho chính sách thống trị của thực dân Pháp. Mọi hoạt động của triều đình đều bị chi phối bởi Khâm sứ Trung Kì. Tại các tỉnh, chính quyền “bảo hộ” của thực dân Pháp nắm hết mọi quyền hành chính và tư pháp. Chính quyền phong kiến trở thành bù nhìn tay sai. Đến tháng 4-1945, Huế là trung tâm đầu não của Chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim. Chính đặc điểm này cũng ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị cũng như việc giành chính quyền ở đây.
Sau khi cơ bản hoàn thành công cuộc bình định Việt Nam bằng quân sự (1896), thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa với quy mô ngày càng lớn.
Trước hết, thực dân Pháp mở rộng khai thác bằng cách cướp đoạt ruộng đất của nông dân để lập đồn điền. Tại Thanh Hóa, tư bản Pháp đã tước đoạt 24.000 ha ruộng đất để lập đồn điền, trong đó diện tích trồng cây cà phê trên 10.000 ha [63, tr.88]. Năm 1925, Nghệ An mới có 13 đồn điền của Pháp với 3.761 ha, đến năm 1929 đã tăng lên 36 đồn điền với 6.934 ha. Đến trước năm 1930, Hà Tĩnh có 19 đồn điền của Pháp, trong đó lớn nhất là đồn điền Sông Con (Hương Sơn) của Ferrey. Năm 1925, ở Quảng Bình mới hình thành một số đồn điền nhỏ của tư bản Pháp. Tại Quảng Trị, tư bản Pháp đã chiếm đoạt 6.878 ha ruộng đất để lập 10 đồn điền trồng cây công nghiệp và chăn nuôi dọc quốc lộ 9. Địa chủ, quan lại cũng dựa vào thế lực của thực dân Pháp ra sức bóc lột tô tức và chiếm đoạt ruộng đất của nông dân.
Để phát triển nông nghiệp, thực dân Pháp chủ trương xây dựng một số công trình thủy nông ở Bắc Trung Bộ. Đến trước Chiến tranh thế giới thứ hai, thực dân Pháp “đã hoàn thành xây dựng các hệ thống thủy nông Bái Thượng (Thanh Hóa) tưới cho 50.000 ha, hệ thống Đô Lương (Nghệ An) tưới cho 35.600 ha, hệ thống Đồng Cạm (Hà Tĩnh) tưới 20.000 ha” [62, tr.91].
Cùng với nông nghiệp, từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, tiểu thủ công nghiệp cũng có nhiều chuyển biến đáng kể. Ngoài các nghề thủ công truyền thống như chế biến gạo, nấu rượu trong thời kì này đã xuất hiện thêm một số nghề mới như chăn tằm, gốm sứ, dệt tơ lụa. Theo nghiên cứu của Ch.Robequain “ở Thanh Hóa thời kì giữa những năm 1930 có khoảng 1.200 khung dệt lụa, tập trung chủ yếu ở hai huyện Thiệu Hóa và Hoằng Hóa” [166, tr.427]. Nhiều nghề thủ công gia đình như mộc, điêu khắc, vẽ, chạm, khảm, đan lát, đan nón có bước phát triển.
Bên cạnh những biến đổi trong các ngành kinh tế truyền thống, các ngành kinh tế hiện đại được đầu tư và có bước phát triển. Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, nhiều công ti khai thác và thương mại của Pháp lần lượt được thành lập và đặt trụ sở tại Thanh Hóa, Nghệ An. Cảng Bến Thủy được thực dân Pháp liệt vào loại quan trọng sau cảng Hải Phòng và cảng Sài Gòn: “Vinh - Bến Thủy sẽ là một thành phố có nhiều triển vọng. Đây là cái chìa khóa của xứ Lào, vì có hai con đường chính nối liền Lào với cảng Bến Thủy: Đường Vinh sang Trấn Ninh qua Cửa Rào, đường Vinh sang Mê Kông qua Khăm Muộn là tỉnh giàu có của xứ Lào... Bến Thủy có đầy đủ đường giao thông các mặt và tất cả đều nhóm về cảng” [20, tr.26-27].
Từ nhận định ấy, tư bản Pháp đã đẩy nhanh tốc độ xây dựng cơ sở công thương nghiệp ở Vinh - Bến Thủy. Đến năm 1924, tại Vinh - Bến Thủy đã có hàng chục nhà máy được thành lập như: diêm, cưa, sửa chữa xe lửa, điện, cá hộp, rượu... Trong đó có những nhà máy lớn, tập trung hàng ngàn công nhân như Nhà máy sửa chữa xe lửa Trường Thi, Nhà máy diêm. Đặc biệt, tập đoàn tư bản lớn nhất miền Trung là Công ti vô danh rừng và diêm đầu tư mạnh tại một số tỉnh Bắc Trung Bộ. Tại Nghệ An, hãng này vừa sản xuất diêm, khai thác gỗ và các lâm sản quý để xuất khẩu, vừa kinh doanh hàng nhập khẩu, vừa mở đồn điền.
Tại các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên, thực dân Pháp cho xây dựng một số cơ sở, nhà máy phục vụ cho sinh hoạt đô thị như: Nhà máy điện, nhà máy nước, nhà máy rượu, xưởng chế biến nước mắm, Nhà máy vôi thủy Long Thọ. Song song với việc xây dựng và mở rộng các nhà máy, việc khai thác mỏ cũng được tư bản Pháp xúc tiến. Tại Thanh Hóa, tư bản Pháp đã độc chiếm 35 khu mỏ. Năm 1923, toàn tỉnh Nghệ An có 17 đơn xin khai mỏ, đến năm 1926 tăng lên 71 đơn [20, tr.28].
Tư bản Pháp còn độc quyền kinh doanh một số mặt hàng như rượu, muối, thuốc phiện, thuốc lào. Thâm độc nhất là chúng phân bổ theo đầu người, buộc từng làng phải tiêu thụ hết số rượu Fontaine của chúng. Chỉ tính riêng tỉnh Nghệ An, năm 1912 phải tiêu thụ 13.269 lít, đến năm 1927 đã phải tiêu thụ tới hơn 1 triệu lít rượu Fontaine [138, tr.22]. Về muối, nhân dân sản xuất ra được bao nhiêu đều phải bán cho các sở thương chánh. Giá muối chúng mua ở nơi sản xuất là 0,62 đồng/1 tạ, bán ra ở đồng bằng là 3,62 đồng/1 tạ và ở miền núi là 6,26 đồng/1 tạ. Rõ ràng, thực dân Pháp đã sử dụng muối như một công cụ để khống chế đồng bào các dân tộc miền núi.
Về chế độ sưu thuế, có hàng trăm thứ thuế, điển hình là thuế điền thổ và thuế đinh. Thuế điền thổ được chia ra làm 4 hạng điền, 6 hạng thổ. Thuế mỗi năm một tăng, năm 1904 tăng 8%, năm 1930 tăng 30%. Thuế thân (tức thuế đinh hoặc sưu) là một thứ thuế cực kì vô lí bổ vào đầu đàn ông từ 18 đến 60 tuổi. Trước năm 1928, thực dân Pháp chia nhân đinh ra làm 4 hạng để nộp các mức thuế khác nhau. Ngày 30-10-1928, chúng sửa đổi lại: Tất cả nhân đinh từ 18 đến 60 tuổi đều phải nộp đồng loạt 2,5 đồng mỗi năm. Vì không có ruộng hoặc thiếu ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác, nông dân buộc phải lĩnh canh nộp tô hoặc thuế ruộng đất của phú nông, địa chủ. Ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, địa tô chiếm từ 40% đến 70% hoa lợi.
Đến trước năm 1930, thực dân Pháp đã hoàn thành xây dựng các trục đường: Quốc lộ 1 bắc - nam qua các tỉnh Bắc Trung Bộ, quốc lộ 7 (Vinh - Cửa Rào - Lào), quốc lộ 8 (Vinh - Napê - Lào), quốc lộ 9 (thị trấn Đông Hà - Hướng Hóa - Lào). Năm 1927, đường sắt Hà Nội - Vinh được nối thông với Đông Hà, Huế, Đà Nẵng. Năm 1929, thực dân Pháp xây dựng xong sân bay Vinh.
Về giáo dục, y tế: Đến trước năm 1930, tại các tỉnh Bắc Trung Bộ có khoảng 200 trường sơ học, 32 trường tiểu học, 2 trường cao đẳng tiểu học (Quốc học Vinh và Đồng Khánh), 2 trường trung học (Quốc học Huế và Trung học bảo hộ Thanh Hóa). Bên cạnh hệ thống giáo dục phổ thông, một số trường kĩ thuật trung sơ cấp cũng được thành lập như: Trường Canh nông Huế (26-10-1898), Trường Bá công Huế (12-9-1899), đến năm 1925, Trường được đổi tên thành Trường Kĩ nghệ thực hành Huế. Năm 1894, Bệnh viện Tây Y Huế được thành lập, đến năm 1944 đổi tên thành Bệnh viện Trung ương Huế. Đây là bệnh viện Tây y đầu tiên của Việt Nam. Ngoài ra, ở mỗi tỉnh có một nhà thương nhỏ và vài trạm xá tại các phủ, huyện, chủ yếu là để chữa bệnh cho quan lại, địa chủ phong kiến. Việc thực dân Pháp thành lập hệ thống trường học và y tế các cấp đã tạo điều kiện để tập trung và sản sinh đội ngũ trí thức khá đông đảo tại các tỉnh. Đây là lực lượng có vai trò quan trọng trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 ở Bắc Trung Bộ.
Chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đã dẫn đến sự phân hóa giai cấp trong xã hội ở các tỉnh Bắc Trung Bộ ngày càng sâu sắc.
Nông dân chiếm hơn 90% dân số ở các tỉnh Bắc Trung Bộ. Họ không chỉ bị đế quốc, phong kiến bóc lột về tô, tức, sưu, thuế, chiếm đoạt ruộng đất, phu đài tạp dịch mà còn bị tư sản Pháp cướp bóc nặng nề về các thứ hàng nông, lâm, hải sản. Ngoài ra, họ còn bị khổ nhục, điêu đứng bởi nạn áp bức, nhũng nhiễu, hà hiếp của các hào lí. Sống trên vùng đất có bề dày truyền thống yêu nước, phần lớn nông dân các tỉnh Bắc Trung Bộ đều giàu lòng yêu nước, có ý thức dân tộc rất cao, là lực lượng cơ bản của cách mạng ở nông thôn các tỉnh.
Giai cấp công nhân ở các tỉnh Bắc Trung Bộ phần lớn xuất thân là nông dân địa phương bị phá sản, nên đời sống và sinh hoạt của họ gắn chặt với gia đình ở nông thôn. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, năm 1929 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ có khoảng 15.000 công nhân, chủ yếu tập trung ở khu công nghiệp Vinh - Bến Thủy, các nhà máy, xí nghiệp, đồn điền ở Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên. Công nhân phải làm việc với một cường độ lao động cao nhưng đồng lương hết sức rẻ mạt. Trung bình giờ làm việc của công nhân từ 10 đến 14 giờ, lương từ 5 xu đến 3 hào/1 ngày. Bên cạnh đó, họ còn bị cai kí trong nhà máy và hào lí ở nông thôn áp bức, hành hạ. Điều đó làm cho giai cấp công nhân ở các tỉnh Bắc Trung Bộ sớm giác ngộ về chính trị, liên hệ mật thiết với nông dân. Tuy số lượng chỉ chiếm gần 0,5% dân số của các tỉnh, trình độ còn thấp, nhưng giai cấp công nhân các tỉnh Bắc Trung Bộ là đại biểu cho một lực lượng sản xuất mới, triệt để cách mạng.
Tầng lớp tiểu tư sản ở Bắc Trung Bộ bao gồm viên chức, trí thức, học sinh, tiểu thương, tiểu chủ, thợ thủ công. Khi thực dân Pháp mở rộng khai thác, tầng lớp này ngày càng đông đảo, nhất là ở Huế, Vinh - Bến Thủy, Thanh Hóa. Dưới chế độ thực dân, phong kiến, họ là tầng lớp bị bạc đãi, thường xuyên đối mặt với nạn thất nghiệp, phá sản. Một số khá đông trí thức, học sinh các tỉnh Bắc Trung Bộ đã phát huy được truyền thống tốt đẹp của gia đình, quê hương, hăng hái tham gia các hoạt động yêu nước và cách mạng. Một bộ phận trong số đó trở thành những hạt nhân của phong trào yêu nước và tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào các tỉnh.
Giai cấp tư sản ở các tỉnh Bắc Trung Bộ rất nhỏ bé, hình thành sau giai cấp công nhân, đa số xuất thân từ địa chủ, phú nông. Các nhà tư sản ở Bắc Trung Bộ cũng muốn mở mang hoạt động thương mại, chấn hưng kinh tế, nhưng bị chính sách độc quyền kinh tế của Pháp và sự chèn ép của tư sản Hoa kiều, Ấn kiều nên họ không thể phát triển được. Do đó, họ có ý thức phản kháng tư sản ngoại quốc và tư tưởng chống chế độ phong kiến. Bên cạnh đó, vẫn có một bộ phận có quyền lợi gắn chặt với thực dân Pháp, đối lập với lợi ích của dân tộc và nhân dân.
Giai cấp địa chủ ở Bắc Trung Bộ có nhiều hạng. Triều đình phong kiến đứng đầu là nhà vua, quan lại, hoàng tộc, địa chủ kiêm quan lại phong kiến, địa chủ lớn, địa chủ Nhà chung hầu hết đều có quyền lợi gắn chặt với đế quốc và cấu kết với chúng chống phá các phong trào yêu nước và cách mạng. Tầng lớp địa chủ vừa và nhỏ bị thực dân, quan lại phong kiến chèn ép nên oán ghét chúng, có ý thức dân tộc.
Các điều kiện kinh tế - xã hội trên đây là tiền đề thúc đẩy nhân dân các tỉnh Bắc Trung Bộ bước sang thời kì đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
2.1.1.3. Truyền thống yêu nước và cách mạng
Từ buổi bình minh của lịch sử, con người đã có mặt trên vùng đất Bắc Trung Bộ. Trải qua thời gian, một cộng đồng cư dân được hình thành, đa dạng về tộc người bao gồm người Việt, Mường, Thái, HMông, Dao, Khơmú, Thổ, Chăm, Chứt, Bru-Vân Kiều, Tà-ôi, Cơ-tu Mỗi tộc người có những nét riêng về văn hóa, phong tục tập quán nhưng đã đoàn kết, hỗ trợ nhau trong cuộc đấu tranh chống thiên tai, địch họa để bảo vệ cuộc sống và giữ yên xóm làng.
Là một trong những địa bàn tụ cư và khai thác lâu đời của người Việt và người Chăm với nền văn hóa Đông Sơn, văn hóa Chămpa, lối sống của người nông dân vùng Bắc Trung Bộ chất phác, cần kiệm, chịu thương chịu khó, không quá câu nệ nhưng cũng không quá phóng khoáng. Nhìn chung, ngoài tinh thần yêu nước và tính năng động cách mạng, bản sắc con người vùng Bắc Trung Bộ là cần kiệm, khẳng khái, trung dũng, quyết liệt, trọng việc nghĩa, có ý thức cộng đồng, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau lúc khó khăn hoạn nạn. Những đức tính này ít nhiều tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến nét riêng trong quá trình đấu tranh cách mạng của địa phương.
Nhân dân các tỉnh Bắc Trung Bộ có truyền thống yêu nước từ lâu đời: Tham gia cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo nổ ra vào năm 40, góp phần quan trọng đối với sự thắng lợi của ba cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên ở thế kỉ XIII, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân xâm lược Minh (1418 - 1427) và chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789), đập tan hoàn toàn âm mưu xâm chiếm Đại Việt của quân Thanh.
Khi thực dân Pháp tiến hành vũ trang xâm lược nước ta (1-9-1858), nhân dân các tỉnh Bắc Trung Bộ đã kiên quyết đứng lên giết giặc cứu nước. Tuy nhiên, trước thái độ chống đỡ một cách yếu ớt, nhượng bộ và từng bước chấp nhận sự bảo hộ của thực dân Pháp của triều đình Huế, nhân dân Bắc Trung Bộ cùng với các văn thân đã tỏ rõ quyết tâm đánh “cả Triều lẫn Tây”. Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa năm Giáp Tuất (1874) do Trần Tấn, Đặng Như Mai, Trần Quang Cán lãnh đạo nổ ra ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Sau khi vụ biến kinh thành Huế thất bại (5-7-1885), Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi cùng phe chủ chiến rời khỏi kinh thành Huế, tiếp tục cuộc kháng chiến để giành lại độc lập cho dân tộc. Ngày 13-7-1885, tại Tân Sở (Quảng Trị), vua Hàm Nghi ban Dụ Cần Vương kêu gọi nhân dân ra sức giúp vua cứu nước. Hưởng ứng Dụ Cần Vương, dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu văn thân yêu nước, nhân dân Bắc Trung Bộ đã sôi nổi đứng lên chống Pháp. Ở Thừa Thiên có cuộc khởi nghĩa do Đặng Hữu Phổ chỉ huy nổ ra vào tháng 7-1885. Ở Quảng Trị có các cuộc khởi nghĩa của Trương Đình Hội, Nguyễn Tự Như. Ở Quảng Bình nổi lên cuộc khởi nghĩa của Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân, Lê Mô Khởi, Đoàn Đức Mậu, Mai Lượng, Hoàng Phúc, Trần Văn Định trong khoảng thời gian từ năm 1885 đến năm 1888. Ở Hà Tĩnh có các cuộc khởi nghĩa của Lê Ninh, Nguyễn Trạch, Ngô Quảng, Nguyễn Hữu Thuận đặc biệt là cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1885 - 1896) do Phan Đình Phùng và Cao Thắng lãnh đạo. Đây là cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn nhất, kéo dài nhất trong phong trào Cần Vương cuối thế kỉ XIX. Ở Nghệ An có các cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhạ (1885 - 1889). Ở Th...cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền như trường hợp các học viên Trường Thanh niên Tiền tuyến ở thành phố Huế. Nhiều thanh niên trí thức còn đảm trách các nhiệm vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền cách mạng ở một số địa phương thuộc các tỉnh Bắc Trung Bộ.
5. Hơn 70 năm đã đi qua kể từ thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, đất nước, xã hội và con người Việt Nam, trong đó có các tỉnh Bắc Trung Bộ đã đạt được những bước tiến dài. Nghĩ về quá khứ, cuộc vận động Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ vẫn gợi mở cho hiện tại những vấn đề thiết thực. Đó là về sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ của tổ chức Đảng; về vai trò lãnh đạo của Đảng trong việc sâu sát thực tế, kịp thời dự báo, nắm bắt, giải đáp và tổng kết thực tiễn; là vấn đề huy động sức mạnh toàn dân, dựa vào nhân dân, là mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng và dân; là sự xã thân hi sinh, năng động, linh hoạt, dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ, đảng viên; là sự vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng vào điều kiện cụ thể của địa phương; là vấn đề xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy yếu tố nội lực và bản lĩnh độc lập tự chủ của nhân dân, của mỗi địa phương. Bên cạnh đó, từ việc nhận định tình hình, nắm bắt và chớp thời cơ trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, các tỉnh Bắc Trung Bộ sẽ suy nghĩ cách tận dụng những thời cơ, vượt qua các thách thức mới của thế giới, khu vực và của đất nước trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
DANH MỤC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ
LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
1. Đỗ Mạnh Hùng (2013), “Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam qua sự nhìn nhận, đánh giá của một số nhà nghiên cứu Pháp”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quan hệ Việt - Pháp: Quá khứ và hiện tại, Hội Hữu nghị Việt - Pháp tỉnh Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế, (tháng 4-2013), tr.106-109.
2. Đỗ Mạnh Hùng (2014), “Phong trào yêu nước và cách mạng Quảng Bình 30 năm đầu thế kỉ XX”, in trong Báo cáo khoa học Hội thảo Quốc gia về Quảng Bình 410 năm hình thành và phát triển, Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội, tr.456-467.
3. Đỗ Mạnh Hùng (2014), “Đặc điểm Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Quảng Bình”, in trong Báo cáo khoa học Hội thảo Quốc gia về Quảng Bình 410 năm hình thành và phát triển, Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội, tr.500-512.
4. Đỗ Mạnh Hùng (2014), “Khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945 ở Hà Tĩnh”, Tạp chí Lịch sử Quân sự, số 272, tr.22-26.
5. Đỗ Mạnh Hùng (2015), “Các cuộc thương lượng với quân đội Nhật trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ”, Tạp chí Lịch sử Quân sự, số 285, tr.12-17.
6. Đỗ Mạnh Hùng (2016), “Vai trò của Việt Minh Nguyễn Tri Phương đối với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Thừa Thiên Huế”, Tạp chí Khoa học Đại học Huế (đã nhận đăng).
7. Đỗ Mạnh Hùng (2016), “Thừa Thiên Huế trong cuộc vận động Cách mạng tháng Tám năm 1945”, Đề tài cấp Đại học Huế (đang thực hiện).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. TÀI LIỆU THÀNH VĂN
1.1. Tiếng Việt
1. Hoàng Anh (2001), Quê hương và cách mạng (hồi kí), Nxb Thuận Hóa, Huế.
2. Phan Anh (1960), “Con đường đi tới Cách mạng tháng Tám của tôi”, Báo Nhân dân, số 2346 ngày 21-8-1960, tr.4-6.
3. Nguyễn Chung Anh (1979), Tài liệu về Cách mạng tháng Tám ở Nghệ Tĩnh, lưu tại Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, kí hiệu: T19.5.
4. Nguyễn Quang Ân (2003), Việt Nam những thay đổi địa danh và địa giới hành chính (1945 - 2002), Nxb Thông tấn, Hà Nội.
5. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hải Lăng (1995), Lịch sử Đảng bộ huyện Hải Lăng 1930 - 1975, Xí nghiệp in Quảng Trị, Đông Hà.
6. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hưng Nguyên (2000), Lịch sử Đảng bộ Hưng Nguyên (tập 1)1930 - 1945, Nxb Nghệ An, Vinh.
7. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Kì Anh (2003), Lịch sử Đảng bộ huyện Kì Anh (1930 - 2000), Xí nghiệp in Hà Tĩnh, Hà Tĩnh.
8. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn (1990), Lịch sử Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn (sơ thảo), tập 1, 1930 - 1954, Nxb Khí tượng Thủy văn, Hà Nội.
9. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nghi Lộc (1991), Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Nghi Lộc, sơ thảo (tập 1), Nxb Nghệ An, Vinh.
10. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Phong Điền (1999), Lịch sử Đảng bộ huyện Phong Điền (1930 - 1995), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
11. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Phú Vang (1999), Đảng bộ huyện Phú Vang 65 năm đấu tranh và xây dựng (1930 - 1995), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
12. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quảng Điền (1995), Lịch sử Đảng bộ huyện Quảng Điền (sơ thảo), Nxb Thuận Hóa, Huế.
13. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu (2000), Lịch sử Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu (1930 - 2000), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
14. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thanh Chương (2005), Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương (1930 - 1975), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
15. Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Đồng Hới (1997), Lịch sử Đảng bộ Đồng Hới 1930 - 1975, Xí nghiệp in Quảng Bình, Đồng Hới.
16. Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Quảng Trị (1999), Lịch sử Đảng bộ thị xã Quảng Trị 1930 - 1995, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
17. Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Huế (2010), Lịch sử Đảng bộ thành phố Huế 1930 - 2000, Nxb Thuận Hóa, Huế.
18. Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Vinh (2000), Sự kiện lịch sử Đảng bộ thành phố Vinh (tập 1), Nxb Nghệ An, Vinh.
19. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh (1993), Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh, (tập 1) 1930 - 1954, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
20. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An (1998), Lịch sử Đảng bộ Nghệ An, (tập 1) 1930 - 1954, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
21. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình (1995), Lịch sử Đảng bộ Quảng Bình, (tập 1) 1930 - 1954 (sơ thảo), Xí nghiệp in Quảng Bình, Đồng Hới.
22. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị (1996), Lịch sử Đảng bộ Quảng Trị,(tập 1) 1930 - 1954, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
23. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (2010), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa 1930 - 1954, Nxb Thanh Hóa, Thanh Hóa.
24. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế (1995), Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên Huế, (tập 1) 1930 - 1954, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
25. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng (1967), Tìm hiểu Cách mạng tháng Tám, Nxb Sự thật, Hà Nội.
26. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Hà Tĩnh (1966), Thời kì Cách mạng tháng Tám (1939 - 1945), Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Hà Tĩnh xuất bản.
27. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ An (1966), Cách mạng tháng Tám 1939 - 1945, Xí nghiệp in Nghệ An, Vinh.
28. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ An, Văn kiện Đảng bộ Nghệ An 1933 - 1945, lưu tại Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ An.
29. Ban Nghiên cứu Lịch sử Nghệ Tĩnh (1980), Danh nhân Nghệ Tĩnh, tập 1, Nxb Nghệ Tĩnh, Vinh.
30. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh (1987), Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Nghệ Tĩnh (tập1) 1925 - 1954 (sơ thảo), Nxb Nghệ Tĩnh, Vinh.
31. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Quảng Bình (1974), Lịch sử Cách mạng tháng Tám Quảng Bình (sơ thảo), Xí nghiệp in Quảng Bình, Đồng Hới.
32. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Quảng Bình (1974), Tư liệu về Cách mạng tháng Tám Quảng Bình, lưu tại Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, kí hiệu: T19/17.
33. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Thanh Hóa (1966), Sơ giản lịch sử Cách mạng tháng Tám Thanh Hóa (1939 - 1945), Xí nghiệp in Ba Đình, Thanh Hóa.
34. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương (1963), Cuộc tọa đàm về Cách mạng tháng Tám từ ngày 29-3 đến ngày 2-4-1963, lưu tại Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, kí hiệu: 1/C1.21.
35. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương (1976), Những sự kiện lịch sử Đảng (tập 1), 1920 - 1945, Nxb Sự thật, Hà Nội.
36. Nguyễn Đình Cả (2010), Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 ở đồng bằng Bắc Bộ, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
37. Trường Chinh (1963), Bài nói chuyện về Cách mạng tháng Tám tại Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, các ngày 16, 17-4-1963, lưu tại Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
38. Trường Chinh (1975), Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội.
39. Trường Chinh (1963), Một số vấn đề về Cách mạng tháng Tám Việt Nam, lưu tại Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, kí hiệu: C/1c.54.
40. Nguyễn Chuân (1993), Những việc ghi nhớ lại trong các cuộc vận động cứu nước và cách mạng ở huyện Quảng Ninh, lưu tại Ban Tuyên giáo Huyện ủy Quảng Ninh, mã số: 02.
41. Philippe Devillers (2003), Paris - Sài Gòn - Hà Nội: Tài liệu lưu trữ về cuộc chiến tranh 1944 - 1947, Nxb Tổng hợp, Thành phố Hồ Chí Minh.
42. Lê Duẩn (1970), Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb Tiền phong, Hà Nội.
43. Nguyễn Anh Dũng (1985), Đấu tranh vũ trang trong Cách mạng tháng Tám, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
44. Trần Hữu Dực (2010), Bước qua đầu thù (Hồi kí), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
45. Bảo Đại, Con rồng An Nam, bản dịch của Viện Sử học, lưu tại Phòng tư liệu Viện Sử học, Hà Nội.
46. Bảo Đại (1945), Lời tuyên chiếu của Hoàng đế ngày 8-5-1945, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, phông Tòa Đốc lí Hà Nội, hồ sơ số: 3485.
47. Nguyễn Thị Đảm (1994), Công nhân xí nghiệp vôi thủy Long Thọ (1896 - 1945), Luận án Phó tiến sĩ khoa học Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội.
48. Đảng Cộng sản Việt Nam (1976), Chặt xiềng, Nxb Sự thật, Hà Nội.
49. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng Toàn tập, (tập 2) 1930, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
50. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng Toàn tập, (tập 3) 1931, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
51. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng Toàn tập, (tập 6) 1936 - 1939, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
52. Đảng Cộng sản Việt Nam (2002), Văn kiện Đảng Toàn tập, (tập 7) 1940 - 1945, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
53. Lê Tất Đắc (1985), Chim vượt gió (hồi kí), Nxb Thanh Hóa, Thanh Hóa.
54. Đoàn Thanh niên Phản đế cứu quốc Vinh (1941), Truyền đơn rải ở Vinh đêm 22-1-1941, lưu tại Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ An, hồ sơ số: 02/1941.
55. Charles Fourniau, Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam, bản dịch lưu tại Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, kí hiệu: C/1c/10.
56. Võ Nguyên Giáp, Đội quân giải phóng, lưu tại Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, kí hiệu: C/1c/11.
57. Trần Văn Giàu (1963), Giai cấp công nhân Việt Nam (1939 - 1945), tập 3, Nxb Sự thật, Hà Nội.
58. Phạm Thị Hằng (2009), Chiến khu Ngọc Trạo trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Thanh Hóa, Luận văn Thạc sĩ Sử học, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, Huế.
59. Phạm Khắc Hòe (1987), Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, Nxb Thuận Hóa, Huế.
60. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (1995), 19-8. Cách mạng là sáng tạo, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam xuất bản, Hà Nội.
61. Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Yên Thành (1990), Lịch sử huyện Yên Thành, Nxb Nghệ Tĩnh, Vinh.
62. Nguyễn Văn Khánh (2004), Cơ cấu kinh tế xã hội Việt Nam thời thuộc địa (1858 - 1945), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
63. Trần Trọng Kim (1969), Một cơn gió bụi, Nxb Vĩnh Sơn, Sài Gòn.
64. Trương Công Huỳnh Kỳ (2015), “Trường Thanh niên Tiền tuyến với Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Thừa Thiên Huế”, in trong Trí thức và Tôn giáo Thừa Thiên Huế với Cách mạng tháng Tám 70 năm nhìn lại, Kỉ yếu Hội thảo khoa học, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế, Huế.
65. Khâm sứ Trung Kì (1930), Báo cáo của Khâm sứ Trung Kì gửi Chính phủ Pháp ngày 5-7-1930, bản dịch lưu tại Phòng Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An, hồ sơ số: 07.
66. Khâm sứ Trung Kì (1940), Báo cáo, công văn của Khâm sứ Trung Kì về các hoạt động của công nhân Nhà máy xe lửa Trường Thi và các hoạt động khác của Đảng ở Nghệ An năm 1940, bản dịch lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, phong sưu tập tài liệu chính quyền cũ liên quan đến hoạt động của Đảng 1925 - 1945, ĐVBQ: 043.
67. Liên hiệp Công đoàn Quảng Nam Đà Nẵng (1987), Phong trào công nhân và công đoàn Quảng Nam Đà Nẵng, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng.
68. Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị (1998), Lịch sử phong trào công nhân và công đoàn tỉnh Quảng Trị 1929 - 1995, Nxb Lao động, Hà Nội.
69. V.I.Lênin (1976), Toàn tập, tập 33, Nxb Tiến bộ, Matxcơva.
70. V.I.Lênin (1976), Toàn tập, tập 34, Nxb Tiến bộ, Matxcơva.
71. V.I.Lênin (1976), Toàn tập, tập 45, Nxb Tiến bộ, Matxcơva.
72. Mặt trận Việt Minh Ba Đình (1945), Báo Khởi nghĩa, số 1 ra ngày 15-2-1945, lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, kí hiệu: BTCM6240/Gy4599.
73. Mặt trận Việt Minh Ba Đình (1945), Báo Khởi nghĩa, số 3 ra ngày 15-4-1945, lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, kí hiệu: BTCM6241/Gy4600.
74. Mặt trận Việt Minh Ba Đình (1945), Báo Khởi nghĩa, số 4 ra ngày 15-5-1945, lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, kí hiệu: BTCM6242/Gy4601.
75. Mặt trận Việt Minh Quang Trung (1945), Báo Khởi nghĩa, số 6 ra ngày 15-7-1945, lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, kí hiệu: BTCM6243/Gy4602.
76. Mặt trận Việt Minh Nghệ Tĩnh (1945), Truyền đơn của Việt Minh Nghệ Tĩnh kêu gọi quốc dân đồng bào đứng lên đánh đổ chính phủ Việt gian, lập chính quyền nhân dân cách mạng, lưu tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, kí hiệu: 198/Gy149.
77. Mặt trận Việt Minh Nghệ Tĩnh (1945), Báo Kháng địch, số 01, ra ngày 15-6-1945, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, phông tư liệu sưu tập sách, báo, truyền đơn của Đảng 1925 - 1945, ĐVBQ: 226.
78. Mặt trận Việt Minh Thanh Hóa (1943), Báo Đuổi giặc nước, số 03 ra ngày 15-10-1943, lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, kí hiệu: BTCM6229/Gy4589.
79. Mặt trận Việt Minh Thanh Hóa (1943), Báo Đuổi giặc nước, số 04 ra ngày 15-12-1943, lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, kí hiệu: BTCM6230/Gy4589.
80. Mặt trận Việt Minh Thanh Hóa (1944), Báo Đuổi giặc nước, số 07 ra ngày 15-6-1944, lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, kí hiệu: BTCM6232/Gy4591.
81. Mặt trận Việt Minh Thanh Hóa (1944), Báo Đuổi giặc nước, số 08 ra ngày 15-7-1944, lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, KHTL: BTCM 6233/Gy 4592.
82. Mặt trận Việt Minh Thanh Hóa (1944), Báo Đuổi giặc nước, số 11 ra ngày 15-10-1944, lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, KHTL: BTCM 6238/Gy 4597.
83. Mặt trận Việt Minh Thanh Hóa (1944), Báo Đuổi giặc nước, số 12 ra ngày 15-11-1944, lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, KHTL: BTCM 6239/Gy 4598.
84. Mặt trận Việt Minh Thanh Hóa (1945), Tin bốn phương, số 01 ra ngày 1-9-1945, lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, kí hiệu: BTCM6245/Gy4604.
85. Đỗ Mậu (2000), Tâm sự tướng lưu vong (tái bản lần thứ 4), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
86. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
87. Hồ Chí Minh (2009), Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
88. Lâm Quang Minh (2014), “Nhớ về Trường Thanh niên tiền tuyến trong khởi nghĩa giành chính quyền ở Thừa Thiên Huế”, Tạp chí Lịch sử Quân sự, số 272, tr.69-73.
89. Ngô Văn Minh (2001), Đảng bộ các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ lãnh đạo quá trình vận động cách mạng 1939 - 1945, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.
90. Ngô Văn Minh (2005), Cách mạng tháng Tám tại các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng.
91. Lê Thị Tuyết Nhung (2011), Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Quảng Trị, Luận văn Thạc sĩ Sử học, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, Huế.
92. Nhiều tác giả (1985), Bình Trị Thiên tháng Tám bốn lăm (hồi kí), Nxb Thuận Hóa, Huế.
93. Nhiều tác giả (2008), Trường Thanh niên tiền tuyến Huế 1945 - Một hiện tượng lịch sử, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
94. Nội các Trần Trọng Kim (1945), Lời tuyên cáo của Nội các, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, phông Tòa Đốc lí Hà Nội, hồ sơ số: 3485.
95. Archimedes L.A.Patti (2008), Tại sao Việt Nam?, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng.
96. Phủ ủy Hưng Nguyên (1945), Nghị quyết của khoáng đại Hội nghị toàn phủ Hưng Nguyên năm 1945, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, phông sưu tập tài liệu các Xứ ủy Bắc - Trung - Nam Kì (1930 - 1945), ĐVBQ: 088.
97. Dương Trung Quốc (2000), Việt Nam - Những sự kiện lịch sử (1919 - 1945), Nxb Giáo dục, Hà Nội.
98. Sở Mật thám Bắc Kì và Tòa án Trung ương (1944), Công văn của Mật thám Bắc Kì và Tòa án Trung ương về hoạt động của Đảng ở Thanh Hóa năm 1944, bản dịch lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, phông sưu tập tài liệu chính quyền cũ liên quan đến hoạt động của Đảng (1925 - 1945), ĐVBQ: 115.
99. Sở Mật thám Hà Tĩnh (1940), Báo cáo, công văn của Mật thám Hà Tĩnh về hoạt động của Đảng ở Hà Tĩnh năm 1940, bản dịch lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, phông sưu tập tài liệu chính quyền cũ liên quan đến hoạt động của Đảng (1925 - 1945), ĐVBQ: 085.
100. Sở Mật thám Thanh Hóa (1942), Báo cáo của Mật thám Thanh Hóa về tình hình hoạt động của Đảng ở Thanh Hóa năm 1942, bản dịch lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, phông sưu tập tài liệu chính quyền cũ liên quan đến hoạt động của Đảng (1925 - 1945), ĐVBQ: 113.
101. Sở Mật thám Thanh Hóa (1945), Báo cáo của Mật thám Thanh Hóa về hoạt động của Đảng ở Thanh Hóa năm 1945, bản dịch lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, phông sưu tập tài liệu chính quyền cũ liên quan đến hoạt động của Đảng (1925 - 1945), ĐVBQ: 116.
102. Sở Mật thám Trung Kì (1944), Báo cáo, công văn của Mật thám Trung Kì về hoạt động của Đảng ở Thừa Thiên từ năm 1929 đến năm 1944, bản dịch lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, phông sưu tập tài liệu chính quyền cũ liên quan đến hoạt động của Đảng (1925 - 1945), ĐVBQ: 269.
103. Sở Mật thám Trung Kì (1933), Báo cáo, công văn của Mật thám Trung Kì về hoạt động của Đảng ở Nghệ An năm 1933, bản dịch lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, phông sưu tập tài liệu chính quyền cũ liên quan đến hoạt động của Đảng (1925 - 1945), ĐVBQ: 030.
104. Sở Mật thám Trung Kì (1940), Chỉ thị, báo cáo, công văn của Mật thám Trung Kì về hoạt động của Đảng Cộng sản ở Quảng Trị năm 1940, bản dịch lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, phông sưu tập tài liệu chính quyền cũ liên quan đến hoạt động của Đảng (1925 - 1945), ĐVBQ: 164.
105. Sở Mật thám Trung Kì (1941), Báo cáo, công văn của Mật thám Trung Kì theo dõi hoạt động của Đảng ở Nghệ An năm 1941, bản dịch lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, phông sưu tập tài liệu chính quyền cũ liên quan đến hoạt động của Đảng (1925 - 1945), ĐVBQ: 046.
106. Sở Mật thám Trung Kì (1944), Báo cáo, công văn của Mật thám Trung Kì về hoạt động của Đảng ở Quảng Trị, Thừa Thiên từ năm 1941 đến năm 1944, bản dịch lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, phông sưu tập tài liệu chính quyền cũ liên quan đến hoạt động của Đảng (1925 - 1945), ĐVBQ: 285.
107. Sở Mật thám Trung Kì (1942), Công văn, chỉ thị của Mật thám Trung Kì về hoạt động của Đảng ở Hà Tĩnh năm 1942, bản dịch lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, phông sưu tập tài liệu chính quyền cũ liên quan đến hoạt động của Đảng (1925 - 1945), ĐVBQ: 087.
108. Sở Mật thám Trung Kì (1942), Báo cáo, công văn của Mật thám Trung Kì về hoạt động của Đảng ở Nghệ An năm 1942, bản dịch lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, phông sưu tập tài liệu chính quyền cũ liên quan đến hoạt động của Đảng (1925 - 1945), ĐVBQ: 047.
109. Sở Mật thám Trung Kì (1943), Báo cáo, công văn của Mật thám Trung Kì về hoạt động của Đảng ở Nghệ An năm 1943, bản dịch lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, phông sưu tập tài liệu chính quyền cũ liên quan đến hoạt động của Đảng (1925 - 1945), ĐVBQ: 048.
110. Sở Mật thám Trung Kì (1945), Báo cáo của Mật thám Trung Kì về hoạt động của Đảng Cộng sản từ năm 1943 đến năm 1945, bản dịch lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, phông sưu tập tài liệu chính quyền cũ liên quan đến hoạt động của Đảng (1925 - 1945), ĐVBQ: 104.
111. Sở Mật thám Trung Kì (1945), Báo cáo của Mật thám Trung Kì về tình hình Quảng Trị (1939 - 1945), Phòng Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Trị, phông Tỉnh ủy Quảng Trị 1930 - 1975, ĐVBQ: 036.
112. Sở Mật thám Vinh (1939), Báo cáo của Sở Mật thám Vinh về những hoạt động của Đảng ở Nghệ An năm 1939, bản dịch lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, phông sưu tập tài liệu chính quyền cũ liên quan đến hoạt động của Đảng (1925 - 1945), ĐVBQ: 042.
113. Sở Mật thám Vinh (1941), Báo cáo số 1723 ngày 30-6-1941 của Mật thám Vinh gửi Công sứ Nghệ An về tình hình chính trị ở Bắc Trung Kì, bản dịch lưu tại Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ An, kí hiệu: PNT 441.
114. Sở Mật thám Vinh (1939), Hoạt động của công nhân Trường Thi 9-1939 sau vụ đình công của công nhân nhà máy Gia Lâm, bản dịch lưu tại Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ An, kí hiệu: PNT 402.
115. Văn Tạo (chủ biên) (1995), Cách mạng tháng Tám - Một số vấn đề lịch sử, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
116. Văn Tạo, Furuta Motoo (chủ biên) (1995), Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử, Viện Sử học xuất bản, Hà Nội.
117. Văn Tạo, Thành Thế Vĩ, Nguyễn Công Bình (1960), Lịch sử Cách mạng tháng Tám, Nxb Sử học, Hà Nội.
118. Nguyễn Thanh Tâm (2005), Khởi nghĩa từng phần lên Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng tháng Tám 1945, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
119. Hồ Trí Tân (1939), Hồi kí, Phòng Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Trị, phông Tỉnh ủy Quảng Trị 1930 - 1975, ĐVBQ: 037.
120. Nguyễn Khắc Thái (2014), Lịch sử Quảng Bình, Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội.
121. Hồ Thắng (1993), Một số tư liệu lịch sử về Đảng bộ Quảng Ninh, lưu tại Ban Tuyên giáo Huyện ủy Quảng Ninh, mã số: 04.
122. Nguyễn Tất Thắng (2012), Phong trào yêu nước và cách mạng Hà Tĩnh từ cuối thế kỉ XIX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, Huế.
123. Phạm Xuân Thừ (1993), Một số tư liệu về lịch sử Đảng bộ Quảng Ninh, lưu tại Ban Tuyên giáo Huyện ủy Quảng Ninh.
124. Trần Văn Thức (2003), Quá trình vận động cách mạng giải phóng dân tộc ở Nghệ An thời kì 1939 - 1945, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Viện Sử học, Hà Nội.
125. Trần Văn Thức (2003), “Góp phần làm sáng tỏ thêm cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Nghệ An”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 01-2003, tr.18-25.
126. Thường vụ Huyện ủy Gio Linh (1995), Lịch sử Đảng bộ huyện Gio Linh (1930 - 1975), Xí nghiệp in Quảng Trị, Đông Hà.
127. Thường vụ Huyện ủy Triệu Phong (1996), Lịch sử Đảng bộ huyện Triệu Phong (1930 - 1975), (sơ thảo), Xí nghiệp in Quảng Trị, Đông Hà.
128. Thường vụ Trung ương Đảng (1945), Thư của Thường vụ Trung ương gửi các đồng chí Trung Kì kêu gọi thống nhất lại đánh bại những phần tử phản lại Đảng ngày 27-6-1945, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, phông tư liệu Hội nghị hợp nhất, Đại hội 1, Ban Thường vụ Trung ương 1930 - 1945, ĐVBQ: 188.
129. Tỉnh ủy Quảng Trị (1941), Báo Tiến lên số 2 (18-4-1941), Phòng Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Trị, phông Tỉnh ủy Quảng Trị 1930 - 1975, ĐVBQ: 049.
130. Tỉnh ủy Quảng Trị (1945), Công việc nông hội (19-8-1945), Phòng Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Trị, phông Tỉnh ủy Quảng Trị 1930 - 1975, ĐVBQ: 019.
131. Tỉnh ủy Quảng Trị (1945), Kế hoạch biểu tình (15-8-1945), Phòng Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Trị, phông Tỉnh ủy Quảng Trị 1930 - 1975, ĐVBQ: 020.
132. Tỉnh ủy Thanh Hóa (1941), Nghị quyết Hội nghị đại biểu Tỉnh ủy Thanh Hóa (bản sao), Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, phông Xứ ủy Trung Kì 1930 - 1945, ĐVBQ: 134.
133. Tỉnh ủy Thanh Hóa (1944), Nghị quyết Hội nghị đại biểu Đảng bộ Thanh Hóa ngày 24-6-1944, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, phông Xứ ủy Trung Kì 1930 - 1945, ĐVBQ: 135.
134. Tỉnh ủy Thanh Hóa (1941), Thông cáo khẩn cấp của Tỉnh ủy Thanh Hóa, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, phông Xứ ủy Trung Kì 1930 - 1945, ĐVBQ: 130.
135. Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế (1930), Kế hoạch thi hành án nghị quyết Kì bộ về cuộc vận động bênh vực Nghệ An đỏ và chống lại chính sách khủng bố, Phòng Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, phông số 01, cặp số: 02.
136. Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế (1977), Hồ sơ tập sự kiện của Đảng bộ Thừa Thiên Huế thời kì 1930 - 1945, Phòng Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế.
137. Tỉnh ủy Việt Minh Thanh Hóa (1945), Chỉ thị Đòi ăn ngày 4-3-1945, lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, kí hiệu: BTCM17516/Gy14537.
138. Tiểu ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ An (2000), Xô viết Nghệ Tĩnh, Nxb Nghệ An, Vinh.
139. Tổng bộ Việt Minh (1945), Báo Cứu quốc số ra ngày 25-6-1945, lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, kí hiệu: BTCM6514/Gy4873.
140. Tổng bộ Việt Minh (1945), Thư trả lời Quân đội Nhật Bản, lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, kí hiệu: BTCM17390/Gy14411.
141. Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia (1995), Cách mạng tháng Tám và sự nghiệp đổi mới hôm nay, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
142. Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (2010), Hội thảo Cách mạng tháng Tám ở Nam Bộ, Nxb Đại học Sư phạm, Thành phố Hồ Chí Minh.
143. Phạm Hồng Tung (2010), Nội các Trần Trọng Kim - Bản chất, vai trò và vị trí lịch sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
144. Ủy ban Lâm thời tỉnh Quảng Trị (1945), Thông cáo số 1 của Ủy ban Lâm thời Quảng Trị (8-1945), Phòng Lưu trữ Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Trị, phông Tỉnh ủy Quảng Trị 1930 - 1975, ĐVBQ: 044.
145. Ủy ban khởi nghĩa Nghệ Tĩnh (1945), Lệnh khởi nghĩa của Ủy ban khởi nghĩa Nghệ Tĩnh, lưu tại Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ An.
146. Ủy ban Mặt trận Phản đế cứu quốc Bắc Trung Kì (1941), Báo Tự do, số 3, lưu tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa.
147. Ủy ban Mặt trận Phản đế cứu quốc Bắc Trung Kì (1941), Báo Tự do, số 6, lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, kí hiệu: BTCM6656/Gy5015.
148. Ủy ban thống nhất Trung Kì (1945), Thư của Ủy ban thống nhất Trung Kì kêu gọi các đồng chí cộng sản Trung Kì mau thống nhất lại, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, phông sưu tập tài liệu các Xứ ủy Bắc - Trung - Nam Kì (1930 - 1945), ĐVBQ: 047.
149. Viện Lịch sử Đảng (1985), Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, Nxb Sự thật, Hà Nội.
150. Viện Lịch sử Đảng (1995), Lịch sử Cách mạng tháng Tám, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
151. Viện Sử học (1960), Cách mạng tháng Tám - Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội và các địa phương, quyển 1, Nxb Sử học, Hà Nội.
152. Viện Sử học (1960), Cách mạng tháng Tám - Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội và các địa phương, quyển 2, Nxb Sử học, Hà Nội.
153. Xứ ủy Trung Kì (1940), Báo cáo vắn tắt tình hình Đảng bộ Trung Kì, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, phông Xứ ủy Trung Kì 1930 - 1945, ĐVBQ: 035.
154. Xứ ủy Trung Kì (1942), Lời hiệu triệu của Ban Thường vụ lâm thời Xứ ủy Trung Kì ngày 1-6-1942, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, phông sưu tập tài liệu các Xứ ủy Bắc - Trung - Nam Kì (1930 - 1945), ĐVBQ: 046.
155. Xứ ủy Trung Kì (1930), Nghị quyết Hội nghị chấp ủy Trung Kì mở rộng ngày 27-12-1930, lưu tại Ban Tổ chức Trung ương Đảng.
156. Xứ ủy Trung Kì (1941), Thông tri của Xứ ủy Trung Kì ngày 15-2-1941 về tình hình mới cần kịp thời vũ trang chuẩn bị khởi nghĩa, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, phông sưu tập tài liệu các Xứ ủy Bắc - Trung - Nam Kì (1930 - 1945), ĐVBQ: 042.
1.2. Tiếng nước ngoài
1.2.1. Tiếng Anh
157. Indochine in the 1940s and 1950s, vol.2, Southeast Asia Program, Cornell University, 1992.
158. David Marr (1995), Vietnam 1945. The quest for Power, University of California press, Berkely - Los Angeles, London.
159. Stein Tonnesson (1991), The Vietnamese Revolution of 1945, Roosevelt, Ho Chi Minh and De Gaulle in a world at war, International Peace Research Institute, Oslo, SAGE, London, Newbury - New delhi.
1.2.2. Tiếng Pháp
160. Annuaire Statistique de L’Indochine 1943 - 1946, lưu tại Thư viện Quốc gia, kí hiệu: FV375/64.
161. Général Catroux (1959), Deux actes du drame Indochinois, Plon, Paris.
162. Philippe Devillers (1952), Histoire du Viet Nam de 1940 à 1952, Éditions du Seuil, Paris.
163. Paul Mus (1952), Viet Nam Sociologie d’une guerre, Éditions du Seuil, Paris.
164. L’Inspecteur Principal de la Sureté Rossi Louis en mission à Vinh, Note 1437, Vinh, le ler Juin 1941, À Monsieur le Chef local des Services de Police en Annam à Hue; En c.ion à Monsieur le Résident de France à Vinh; Son Exellence le Tong Doc d’Antinh: Respression communiste dans la province de Nghe An, Affaire Lam Nhat Phan, lưu tại Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Bản dịch của Phạm Văn Tị.
165. Le Chef des Services de Police au Tonkin P. Pujol, Note 11408/s, Hanoi, le 30 Mai 1941, (secret), À M.M. le Résident supérieur au Tonkin, à L’Inspecteur Général des Services de Police (Hanoi), Arrestation le trois membres du “Commité central” du Parti communiste Indochinois, lưu tại Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Bản dịch của Phạm Văn Tị.
166. Charles Robequain (1934), Le Thanh Hoa, vol.2, Paris.
167. Résidence Superieur en Annam, Rapport au sujet de la mesure de respression prise contre les membres de l’ Association resvolutionnaire “Viet Nam cach mang Thanh Nien” du Résident Supérieur en Annam (10-3-1930), lưu tại Bảo tàng cách mạng Việt Nam, kí hiệu: K.H.17.112. Bản dịch của Phạm Hữu Lư.
168. Résidence Superieur en Annam, Situation Politique et Administrative de L’Annam 1933, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, phông Khâm sứ Trung Kì, hồ sơ số: 378/1 RSA/RP. Bản dịch của Phạm Văn Tị.
169. Résidence de Quang Tri, Situation Politique de Quang Tri 1933, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, phông Khâm sứ Trung Kì, hồ sơ số: 378/2 RSA/RP. Bản dịch của Phạm Văn Tị.
2. TÀI LIỆU PHỎNG VẤN NHÂN CHỨNG
170. Ông Thái Văn Công, sinh năm 1923, cán bộ lão thành cách mạng, hiện cư trú tại xã Hải Quy, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
171. Ông Phan Văn Hạnh, sinh năm 1924, cán bộ lão thành cách mạng, hiện cư trú tại xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
172. Ông Lại Văn Ly , sinh năm 1927, cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Trưởng Ty Giao thông vận tải tỉnh Bình Trị Thiên.
173. Ông Lê Quy Mỹ, sinh năm 1927, Bí thư Đảng ủy đầu tiên của xã Vinh Mĩ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện cư trú tại xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
174. Ông Hà Văn Sỹ, sinh năm 1920, cán bộ tiền khởi nghĩa, hiện cư trú tại phường Phú Cát, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
175. Ông Nguyễn Xuân Tảo, sinh năm 1925, cán bộ lão thành cách mạng, hiện cư trú tại xã Thiệu Vận, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
176. Ông Phạm Văn Thứ, sinh năm 1930, cán bộ lão thành cách mạng, hiện cư trú tại phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- tom_tat_luan_an_cach_mang_thang_tam_nam_1945_o_cac_tinh_bac.doc