Tìm hiểu về sự tích Thánh Gióng và khu di tích đền Sóc Sơn (đền Gióng)

LỜI MỞ ĐẦU Nơi những đỉnh núi có tự bao giờ Trang cổ tích sáng ngời câu huyền thoại Nơi làng Cháy vó ngựa còn in mãi Tre đằng ngà óng như lụa tằm tơ. ( Trích “ Sóc Sơn tình đất tình người” ) Vâng, bốn câu thơ trên là những vần thơ đẹp viết về mảnh đất Sóc Sơn với những ngọn núi trùng trùng điệp điệp, với những rặng tre đằng ngà đi vào sử sách, với những con người chất phác, đôn hậu… Và đáng quý hơn đó còn là mảnh đất của những trang cổ tích huyền thoại, mà tiêu biểu nhất chính là Thá

doc13 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 12323 | Lượt tải: 3download
Tóm tắt tài liệu Tìm hiểu về sự tích Thánh Gióng và khu di tích đền Sóc Sơn (đền Gióng), để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
nh Gióng, hay gọi là Phù Đổng Thiên Vương - một trong bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Hình tượng Thánh Gióng từ lâu đã đi vào ký ức và tình cảm sâu lắng của nhân dân ta và được biểu hiện cụ thể qua các đền, miều thờ cúng, qua các chứng tích, các chuyện kể, các bài ca, các hội hè tín ngưỡng, các diễn xướng dân gian... Hiện nay khu di tích đền Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội là nơi thờ Thánh Gióng cùng quần thể các đền thờ Phật và các vị thần. Nơi đây chính là 1 bài ca huyền thoại hoàn chỉnh về Thánh Gióng, nơi tiễn đưa người anh hùng vào cõi bất tử sau khi đã hoàn thành kỳ tích giữ nước. Trải qua bao lần trùng tu, tôn tạo, nhưng vóc dáng, hồn cốt xưa của ngôi đền vẫn còn hầu như nguyên vẹn nét kiến trúc xưa…trang nghiêm, cổ kính. Có thể thấy, vẻ đẹp trời cho cùng truyền thuyết Thánh Gióng về trời đã khiến cho núi Sóc Sơn trở thành vùng đất linh thiêng, thu hút rất nhiều du khách thập phương. Người xưa vẫn có câu về đền Sóc và Thánh Gióng: Sóc Sơn là ngọn núi nào Có ông Thánh Gióng bay vào trời xanh Tôi may mắn khi sinh ra là người con của mảnh đất huyền thoại này, được nghe những câu chuyện, những truyền thuyết về Thánh Gióng nội kể từ khi còn rất nhỏ. Mùng 3 Tết Canh Dần, giữa lúc đất trời giao hòa, trên đường về quê thăm nội, tôi lại có dịp được đến với đền Sóc, được đắm mình trong những trang lịch sử hào hùng của dân tộc, trong những lễ hội truyền thống, và đặc biệt là tôi đã hiểu thêm được lối kiến trúc tinh tế, đầy trang nghiêm của ngôi đền này. Đền Gióng bản anh hùng ca NỘI DUNG CHÍNH Phần I: Truyền thuyết Thánh Gióng Sự tích Thánh Gióng, huyền thoại Thánh Gióng là 1 bản anh hùng ca bất hủ, là truyền thuyết và cũng là nguyện vọng, ước mơ của nhiều đời. Ngay từ khi còn học phổ thông, ai ai trong chúng ta cũng đều biết đến truyền thuyết Thánh Gióng qua những lời giảng của cô thầy. Thánh Gióng-Phù Đổng Thiên Vương là hiện thân cho sức mạnh vĩ đại, ý chí quật cường của dân tộc. Cũng như truyền thuyết về bao vị anh hùng khác của dân tộc, luôn có xuất thân thật bình dị nhưng lại có những hành động phi thường, tiểu sử của Thánh Gióng được ghi lại rằng : Vào đời Hùng Vương thứ 6, ở làng Gióng có hai vợ chồng ông lão chăm làm ăn và có tiếng là phúc đức. Hai ông bà ao ước có một đứa con. Một hôm bà ra đồng trông thấy một vết chân to quá, liền đặt bàn chân mình lên ướm thử để xem thua kém bao nhiêu. Không ngờ về nhà bà thụ thai và mười hai tháng sau sinh một thằng bé mặt mũi rất khôi ngô. Hai vợ chồng mừng lắm. Nhưng lạ thay! Ðứa trẻ cho đến khi lên ba vẫn không biết nói, biết cười, cũng chẳng biết đi, cứ đặt đâu thì nằm đấy. Bấy giờ có giặc Ân đến xâm phạm bờ cõi nước ta. Thế giặc mạnh, nhà vua lo sợ. Bèn truyền cho sứ giả đi khắp nơi tìm người tài giỏi cứu nước. Ðứa bé nghe tin, bỗng dưng cất tiếng nói: "Mẹ ra mời sứ giả vào đây". Sứ giả vào, đứa bé bảo: "Ông về tâu vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc này". Sứ giả vừa kinh ngạc, vừa mừng rỡ, vội vàng về tâu vua. Nhà vua truyền cho thợ ngày đêm làm gấp những vật chú bé dặn. Càng lạ hơn nữa, sau hôm gặp sứ giả, chú bé lớn nhanh như thổi. Cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa mặc xong đã căng đứt chỉ. Hai vợ chồng làm ra bao nhiêu cũng không đủ nuôi con, thành thử phải chạy nhờ bà con, hàng xóm. Bà con đều vui lòng gom góp gạo thóc nuôi chú bé, vì ai cũng mong chú giết giặc, cứu nước. Giặc đã đến chân núi Trâu. Thế nước rất nguy, người người hoảng hốt. Vừa lúc đó, sứ giả đem ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt đến. Chú bé vùng dậy, vươn vai một cái bỗng biến thành một tráng sĩ mình cao hơn trượng, oai phong lẫm liệt. Tráng sĩ bước lên vỗ vào mông ngựa. Ngựa hí dài mấy tiếng vang dội. Tráng sĩ mặc áo giáp, cầm roi nhảy lên mình ngựa. Ngựa phun lửa, tráng sĩ thúc ngựa phi thẳng đến nơi có giặc, đón đầu chúng đánh giết hết lớp này đến lớp khác, giặc chết như rạ. Bỗng roi sắt gẫy. Tráng sĩ bèn nhổ những cụm tre cạnh đường quật vào giặc. Giặc tan vỡ. Ðám tàn quân giẫm đạp nhau chạy trốn, tráng sĩ đuổi đến chân núi Sóc (Sóc Sơn). Ðến đấy, một người một ngựa, tráng sĩ lên đỉnh núi cởi giáp sắt bỏ lại, rồi cả người lẫn ngựa từ từ bay lên trời. Vua nhớ công ơn, không biết lấy gì đền đáp, phong là Phù Đổng Thiên Vương và lập đền thờ ngay ở quê nhà. Hiện nay vẫn còn đền thờ ở làng Phù Ðổng, tục gọi là làng Gióng. Người ta kể rằng những bụi tre đằng ngà ở huyện Gia Bình vì ngựa phun lửa bị cháy mới ngả mầu vàng óng như thế, còn những vết chân ngựa nay thành những hồ ao liên tiếp. Người ta còn nói khi ngựa thét lửa, lửa đã thiêu cháy một làng, cho nên làng đó về sau gọi là làng Cháy. Phần II: Khu di tích đền Sóc Sơn Đền Sóc Sơn là nơi thờ một vị anh hùng văn hóa, mà tên tuổi từ lâu nổi trội trên hàng đầu của kho huyền thoại và lịch sử văn hóa Việt Nam, đó là Thánh Gióng. Cách Hà Nội gần 40km về phía tây bắc, khi di tích đền Sóc Sơn hiện nay thuộc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội. Trước khi di tích đền Sóc Sơn được nằm ngay trên ngọn Sóc Sơn, thuộc hương phận Bình Lỗ, xã Vệ Linh, sau đó thuộc xã Phù Linh, huyện Đa Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc. Mảnh đất nối liền 2 kinh đô xưa nhất của nước ta là Phong Châu - Kinh đô của Văn Lang và thành Cổ Loa - Kinh đô của Âu Lạc. Nằm dưới chân núi Sóc, khu di tích đền Sóc là một quần thể di tích lớn, được bao bọc bởi một bên là núi, một bên là hồ nước, tạo nên cảnh quan, vừa hùng vỹ, mang thần khí linh thiêng, vừa toát lên vẻ lãng mạn sơn thủy hữu tình. Theo phỏng đoán của một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam, có thể trước khi có câu chuyện ông Gióng đánh tan giặc Ân rồi chọn vùng đất linh thiêng này để về trời, thì đây là nơi thể hiện tín ngưỡng thờ Sơn thần của nhân dân địa phương - nơi tụ khí thiêng trời đất mà các triều vua thường đến đây thụ khí, cầu đạo trước khi ra trận, thắng trận rồi sắc phong xây sửa... Trải qua hơn 10 lần trùng tu, Quần thể khu di tích đền Sóc đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1962. Năm nay tôi may mắn có dịp được đến với đền Sóc vào đúng thời điểm đầu xuân Canh Dần. Mới mùng 3 Tết mà con đường dẫn vào đền Sóc đã đông nghẹt khách thập phương và nhân dân địa phương đến hành hương, chiêm bái. Giữa tiết trời đầu xuân, vạn vật như giao hòa, cõi lòng thơi thới, tôi cũng hòa vào dòng người vào đền. Trải qua bao lần trùng tu, tôn tạo, nhưng đền vẫn giữ nguyên được lối kiến trúc độc đáo, trang nghiêm và hết sức cổ kính.Các di tích ở dưới chân núi Sóc bao gồm đền Trình, đền Mẫu, chùa Đại Bi và đền Thượng. Bốn điểm di tích này được bố trí rất gần nhau. Hạt nhân được coi là quan trọng nhất của khu di tích là đền Thượng - cụm di tích đã được khởi dựng sớm nhất, chính là nơi thờ Thánh Gióng. Đền có bố cục mặt bằng kiểu chữ công, gồm tòa tiền tế, tòa ống muống và hậu cung. Căn cứ vào sử sách và các tư liệu ở di tích, đền Thượng được xây dựng từ rất lâu, đến thế kỷ X thời Lê Đại Hành, đều được trùng tu và sau đó được sửa chữa nhiều lần. Đến nay đền Thượng mang đậm nét của kiến trúc thời Nguyễn. Năm 1993, đền lại được đại tu sửa 1 lần nữa. Cách bài trí trong đền, cách sắp xếp đồ thờ, khí tự… tạo ra sự linh thiêng của nơi thờ cúng thần linh, mang đậm dấu ấn văn hóa Việt. Tòa tiền tế là một ngôi nhà 5 gian làm chồng diêm 2 tầng 8 mái. Các góc đao cong thanh thoát, kiến trúc cao thoáng nhờ phần cổ diêm làm chấn song. Hiện nay, bên trong đặt nhiều đồ thờ tự, dáng quý là đôi ngựa gỗ, một trong những hiện vật còn lại sau lần hỏa hoạn năm 1898. Tòa ống muống có 3 gian làm dọc, nối liền giữa tiền tế và hậu cung, tòa này cũng được làm chồng diêm hai tầng mái, phần cổ diêm tạo sự thông thoáng với ánh sang vừa khiến bên trong di tích lại càng lung linh. Hậu cung có 1 gian 2 chái làm 4 mái, có đao cong. Ban thờ chính diện trong hậu cung đắp cao 1 toà giả sơn bằng đá, bên ngoài đắp bàn đá, trên đặt bát hương thờ. Tòa gải sơn được đắp tượng Thánh Gióng cùng các thiên thần, vũ sĩ đứng 2 bên. Tượng đã được đắp lâu, đến thời Nguyễn được tu sửa với dáng vẻ to lớn kỳ vĩ, càng tạo vẻ linh thiêng khi vào đền. Tương truyền tượng Thánh Gióng được đắp với 3 đặc điểm”thiên-thổ-mộc”. Tượng đắp lộ thiên bên ngoài bằng vôi mật, cốt bên trong là gỗ trầm hương. Loại gỗ lấy từ giống cây mà tương truyền người anh hùng đã cởi áo vắt lên trước khi bay về trời. Để gợi nhớ những kỷ niệm xưa, người dân đã lấy thân cây trầm làm cốt của bức tượng Thánh Gióng. Trước cửa khu đền Thượng là dãy núi Mã, trong đó có ngọn núi Vây Rồng được truyền là đỉnh núi mà ông Gióng đã cởi áo giáp sắt vắt ở cây trầm rồi cưỡi ngựa bay về trời. Tôi rất tâm đắc với câu đối được viết ở đền Thượng. Nó như một lời răn dạy, giáo dục động viên thế hệ ngày nay luôn hoài niệm đến sức mạnhthiêng liêng của đức Thánh Gióng: Sự nghiệp cứu dân còn để mãi; Công ơn giúp nước được ghi sâu. Khu di tích tiếp theo là đền Hạ. Tương truyền đền Hạ còn được làm muộn hơn cả đền Thượng. Đền Hạ bố cục chữ nhị, kết cấu tường hồi bít đốc tay ngai, mỗi nếp nhà có 3 gian. Đền Hạ thờ vì Sơn Thần thổ địa, cai quản núi Sóc nơi có đền thờ ông Gióng. Tòa tiền tế của đền có các bia hậu, nên ngoài việc thờ cúng thần linh, nơi đây còn là hậu cung của khu đền. Hậu cung có pho tượng bằng đồng hun đen, có niên đại thời Nguyễn muôn. Tượng đúc khá đẹp ở tư thế ngồi, trên trán có 3 chữ: Thành Thần Vương, hai tay đặt lên đầu gối, nét mặc sắc sảo tạo vẻ uy nghi. Với các nếp áo của tượng uốn lượn mềm mại chứng tỏ nghệ thuật đúc đồng đã đạt trình độ cao. Một chút ở bên phải đền lùi về phía sau, trên quả núi đặt 1 tấm bia lớn có nhà che mưa che nắng. Bia có 8 mặt, bố cục cân đối, diềm bia trang trí hoa văn nổi bật đẹp mắt. Chữ trên bia rõ, nội dung ghi thần tích về thánh Gióng cùng sơ lược lịch sử xây dựng và hội vào tháng 4 năm Nhâm Tý, niên hiệu Dương Đức thứ nhất(1762).  Nhà bia được làm vào 2 năm 1920-1921, đến năm 1999 được trùng tu sửa chữa toàn bộ. Đền Mẫu là ngôi nhà 3 gian, làm 2 nếp xây tường hồi bít đốc, bên trong là ban thờ bà mẹ đã sinh ra Thánh Gióng. Theo tư liệu của khu di tích, đền được tu sửa, tôn cao nền, mở rộng diện tích vào năm Sửu, niên hiệu Duy Tân thứ 7(1913). Theo sử sách và tấm bia đá 8 mặt của khu di tích thì chùa Đại Bi được khởi dựng vào thế kỷ X, do nhà sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu trụ trì. Ngôi chùa đã nổi tiếng 1 thời với sự linh thiêng, sầm uất, sau đó chùa bị chiến tranh tàn phá. Đến năm 1999 chùa được tôn tạo theo lối kiến trúc cũ. Nằm trong quần thể khu di tích đền Sóc còn có một công trình kiến trúc hoành tráng, đó là chùa Non Nước. Chùa Non Nước có tên chữ là Sóc Vương Thiền Tự, được dựng trên thế long chầu hổ phục, nằm trên ngọn núi Non Tròn, cách 110m so với chân núi. Chùa nằm chính giữa dãy nũi hình vòng cung, tựa như người ngồi trên chiếc ngai, hướng nhìn xuống vùng hồ nước trong xanh, và những xóm làng trù phú của xã Vệ Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Dưới sự trụ trì của Thượng tọa, Tiến sỹ Phật học Thích Thanh Quyết. Chùa Non Nước có pho tượng Phật tổ bằng đồng cao 6,5m được đúc liền khối nặng 30 tấn lớn nhất Đông Nam Á (vào thời điểm năm 2001), được xây dựng trên nền đất cũ từ thời Tiền Lê, theo kiến trúc chùa cổ đang thu hút rất đông khách thập phương. Bức tượng Phật tổ được đặt trong thế vòng cung. Đức Phật ngự trên ngai, tựa lưng vào núi, có 9 ngọn núi lớn nhỏ chầu vào; mỗi ngọn núi đều gắn với một truyền thuyết như núi Đồng Sóc, núi Đá Đen, núi Voi Phục, núi Mũi Cày, núi Vẩy Rồng và núi Đá Chồng (theo truyền thuyết Thánh Gióng sau khi dẹp xong giặc Ân bèn cởi áo giáp bái biệt quê mẹ về trời. Tấm áo giáp hóa thạch tạo thành những tảng đá lớn nhỏ lớp lớp chồng lên nhau). Dự kiến, tượng đài Thánh Gióng sẽ được dựng lên tại đỉnh núi này với độ cao 297m, càng làm tăng thêm vẻ linh thiêng cho vùng đất huyền thoại này. Đây cũng là một trong những công trình tiêu biểu chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Theo con đường quanh co dẫn đến núi Sóc, tôi đã đến được đỉnh núi Vệ Linh, tương truyền là nơi Thánh Gióng bay về trời. Đứng trên đỉnh núi có thể cảm nhận hết vẻ đẹp về hình thế địa lý, vẻ đẹp của thiên nhiên với những ngọn núi, những đồi thông và rất nhiều cây cổ thụ khác nữa. Nữ sĩ Ngô Chi Lan, trong một lần đến thăm cảnh đền đã để lại một bài thơ bất hủ. Bài thơ viết có 4 câu: Vệ Linh cây cỏ lẫn mây ngàn, Muôn tía nghìn hồng đẹp thế gian. Ngựa sắt bay rồi tên sử sách, Anh hùng mãi mãi với giang san Ở vùng đất bạt ngàn thông xanh yên bình này, mỗi nơi dường đều còn chứa đựng những dấu tích nhắc nhở tới câu chuyện thần thoại mà mỗi người con đất Việt đều ghi sâu trong tâm khảm. Đó là hòn đá với hình thù áo giáp của Thánh Gióng cưỡi ngựa về trời vẫn vẹn nguyên với cỏ mọc xanh tốt, mượt mà có tự bao đời. Có thể thấy, vẻ đẹp trời cho cùng truyền thuyết Thánh Gióng về trời đã khiến cho núi Sóc Sơn trở thành vùng đất linh thiêng. Chính trong giây phút được đặt chân lên chỗ người anh hùng huyền thoại sau khi hoàn thành xong sứ mạng của mình bay lên trời đã gợi nhắc trong tôi cũng như bao du khách thập phương về một quá khứ hào hùng để thêm tự hào, thêm yêu mến đất nước mình, dân tộc mình. Tại khu vực di tích đền Sóc, vào ngày 6 tháng Giêng âm lịch hàng năm, giữa tiết trời xuân ấm áp, nhân dân trong vùng lại tưng bừng bước vào lễ hội 3 ngày để tưởng nhớ người anh hùng Thánh Gióng (còn tại quê hương của người anh hùng, làng Phù Đổng, Gia Lâm, thì lễ hội diễn ra vào ngày 9/4). Đây là một trong những lễ hội lớn, hàng năm thu hút rất nhiều khách thập phương. Trò chơi đặc sắc nhất của lễ hội đền Sóc là trò cướp giò hoa. Giò hoa gồm 500 bông được làm băng tre non, mô phỏng lại tích Thánh Gióng khi roi sắt gẫy đã nhổ tre hai bên đường làm vũ khí tiếp tục đánh giặc. Tương truyền, trong lễ hội đầu tiên thuở xa xưa, khi dân làng dâng giò hoa tre, loại hoa có sắc mà không có hương này lên lễ Thánh thì được Thánh chấp nhận vì nó tinh khiết, không có loài ong bướm nào có thể làm ô uế được. Trò cướp giò hoa diễn ra trong ngày đầu tiên của lễ hội, chỉ sau chừng nửa giờ khi đã kết thúc phần tế Thánh. Đó là phần hứng khởi nhất của những người tham dự lễ hội đền Sóc, không chỉ là trò mua vui, giải trí mà thực sự đã đi vào tiềm thức, tâm linh văn hóa những người dự hội, để lại dấu ấn tinh thần sâu sắc. PHẦN KẾT LUẬN Sự tích Thánh Gióng, huyền thoại Thánh Gióng là 1 bản anh hùng ca huyền thoại bất hủ, là truyền thuyết và cũng là nguyện vọng, ước mơ của nhiều đời. Thánh Gióng-Phù Đổng Thiên Vương là 1 sự sáng tạo tuyệt đối, vừa là sáng tạo tuyệt vời, hiện thân cho sức mạnh vĩ đại, ý chí quật cường của dân tộc. Trong quá khứ, thời kì đất nước đang còn chiến tranh, hình tượng Thánh Gióng phá giặc Ân lại như thôi thúc, giục giã người Việt Nam yêu nước đứng lên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: Trong lịch sử ta ghi nhận chuyện vị anh hùng dân tộc là Thánh Gióng đã dùng gốc tre đánh đuổi giặc ngoại xâm.Trong những ngày đầu kháng chiến, Đảng ta đã lãnh đạo hàng nghìn người, hàng vạn anh hùng noi gương Thánh Gióng đã dùng gậy tầm vông đánh đuổi thực dân Pháp. Đến nay, khi đất nước hòa bình, hình tượng Thánh Gióng vẫn luôn in sâu trong tâm thức của mỗi người dân Việt, thể hiện cho sức mạnh, ý chí, nghị lực phi thường, cho tinh thần, sức trẻ Phù Đổng bất diệt. Giữa tiết trời đầu xuân, vạn vật như giao hòa, một tiếng chuông chùa ngân lên trên lưng chừng núi Sóc, quyện vào trong thinh không, khiến cho cõi lòng của mỗi người con đến đây như bình thản hơn, trong sáng hơn, để rồi một lần đến mà mãi vấn vương về một vùng đất linh thiêng huyền thoại… ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • doc25977.doc
Tài liệu liên quan