BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
PHAN THỊ PHƯƠNG THẢO
TÌM HIỂU NHỮNG CÔNG TRÌNH
NGHIÊN CỨU VỀ TỤC NGỮ VIỆT NAM
TỪ 1975 ĐẾN NAY
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC
Thành phố Hồ Chí Minh -2010
A. PHẦN MỞ ĐẦU
1.LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI:
Tục ngữ là kho báu kinh nghiệm, tài sản tinh thần quý giá và tinh hoa của dân tộc được gìn
giữ qua nhiều thế hệ. Trong kho tàng văn học Việt Nam, so với các thể loại khác, tục ngữ là một
trong những thể loại văn học dân gian có sứ
163 trang |
Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 4524 | Lượt tải: 2
Tóm tắt tài liệu Tìm hiểu những công trình nghiên cứu về tục ngữ Việt Nam từ 1975 đến nay, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
c thu hút mạnh mẽ đối với nhiều người trong giới
nghiên cứu. Sức hấp dẫn ấy không chỉ vì tục ngữ là sản phẩm của tư duy mà còn là công cụ diễn
đạt những tri thức, kinh nghiệm quý báu, những triết lý nhân sinh sâu sắc thâm thúy và không kém
phần nghệ thuật, được lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Thực tế cho đến nay vấn đề tìm hiểu, nghiên cứu tục ngữ mặc dù đã đạt được những thành
tựu đáng kể, có giá trị nhưng đòi hỏi phải tìm hiểu, nghiên cứu thêm vì còn nhiều vấn đề chưa được
nhìn nhận một cách thỏa đáng, còn nhiều ý kiến tranh luận, thậm chí có vấn đề còn bỏ ngỏ.
Tìm hiểu những công trình nghiên cứu về tục ngữ Việt Nam từ 1975 đến nay ngoài ý nghĩa
tái hiện lại một giai đoạn nghiên cứu, tổng kết những điều mà người đi trước đã làm được, đã đặt ra
và giải quyết, còn có thể qua đó tìm thấy những vấn đề hết sức cần thiết cho nghiên cứu tục ngữ
hôm nay và mai sau.
Vì vậy, về mặt khách quan, tổng thuật những công trình nghiên cứu tục ngữ Việt Nam để
tìm ra những hướng nghiên cứu mới về thể loại này là một việc làm hết sức cần thiết. Hơn nữa, về
mặt chủ quan, người viết rất hứng thú với đề tài đã chọn vì qua đó, học hỏi được nhiều kinh nghiệm
trong nghiên cứu khoa học, hiểu sâu hơn về bản chất, đặc điểm, giá trị thể loại tục ngữ. Chọn đề tài
“Tìm hiểu những công trình nghiên cứu về tục ngữ Việt Nam từ 1975 đến nay” để nghiên cứu,
chúng tôi hy vọng đóng góp được phần nào trong công việc tổng thuật ấy.
2.LỊCH SỬ VẤN ĐỀ:
Tìm hiểu về tình hình nghiên cứu tục ngữ từ trước đến nay là vấn đề thú vị, đã thu hút được
sự quan tâm của một số nhà nghiên cứu trong cả nước. Có thể kể đến các công trình sau:
Trong công trình “Tục ngữ Việt Nam” (1975), Chu Xuân Diên đã giới thiệu một số thành
tựu chủ yếu của những người đi trước về các vấn đề nghiên cứu tục ngữ Việt Nam qua phần “Tiểu
luận về tục ngữ”. Đó là những nghiên cứu tục ngữ về mặt xã hội học, nhận thức luận và ngữ văn
học. Theo tác giả, nghiên cứu và khai thác tục ngữ Việt Nam về mặt xã hội học thường được tiến
hành theo hai hướng: thứ nhất, tục ngữ là đối tượng của chính sự nghiên cứu, đó là tìm hiểu nguồn
gốc, ý nghĩa các câu tục ngữ và nội dung khái quát của tục ngữ. Hướng thứ hai, tục ngữ được dùng
như tài liệu bổ trợ, loại tài liệu xã hội học trong việc nghiên cứu những đối tượng thuộc nhiều ngành
khoa học xã hội khác nhau: khoa học lịch sử, dân tộc học, tâm lý học, đạo đức học, lịch sử tư tưởng.
Sau khi điểm qua vai trò của nghiên cứu tục ngữ về mặt xã hội học, Chu Xuân Diên ghi nhận: “Kết
quả bước đầu trong việc nghiên cứu tục ngữ về mặt xã hội học ở ta chứng tỏ hướng nghiên cứu này
là quan trọng và hiện nay đang được nhiều người quan tâm đến” [37, 36]. Tác giả nhận thấy có một
hướng nghiên cứu đến nay chưa được quan tâm đúng mức, đó là nghiên cứu tục ngữ về mặt nhận
thức luận. Nghiên cứu về mặt xã hội học và nhận thức luận là nghiên cứu tục ngữ với tư cách là
một hiện tượng ý thức xã hội. Ngoài ra, tục ngữ còn được nghiên cứu về mặt ngữ văn. Trong từng
góc độ, Chu Xuân Diên đã nêu lên các vấn đề và phương pháp nghiên cứu, có minh họa bằng một
số công trình tiêu biểu. Những vấn đề và phương pháp mà người viết đưa ra có tính chất lý luận
nhằm giới thiệu những thành tựu của người đi trước và tìm ra những triển vọng trên con đường
nghiên cứu tục ngữ, làm cơ sở cho phần nghiên cứu tiếp theo của công trình trên..
Năm 1997, qua công trình “Tục ngữ Việt Nam- cấu trúc và thi pháp”, Nguyễn Thái Hòa
đã lược thuật những kiến giải và thành tựu nghiên cứu về phương diện lý thuyết của thể loại tục
ngữ. Đó là những vấn đề của tục ngữ nhìn ở góc độ nghiên cứu văn học và ngôn ngữ học. Ở góc độ
nghiên cứu văn học, theo ông, nhìn một cách tổng quát, các nhà nghiên cứu đã đề cập đến nhiều vấn
đề của tục ngữ: xác định khái niệm (phân biệt tục ngữ với thành ngữ, tục ngữ với ca dao), nội dung,
hình thức diễn đạt của tục ngữ, sự vận dụng và mối quan hệ giữa tục ngữ với các thể loại văn học
khác. Ở góc độ ngôn ngữ học, tác giả cũng điểm qua một số quan niệm về tục ngữ: tục ngữ là cụm
từ cố định; là câu hoàn chỉnh diễn đạt một ý trọn vẹn có cấu tạo là các kết cấu hai trung tâm; tục ngữ
là những câu cố định, thành ngữ là những cụm từ cố định; tục ngữ là ngữ thông báo; những đơn vị
ngữ cú và câu- thông điệp nghệ thuật. Tuy nhiên, Nguyễn Thái Hòa chỉ lược thuật một vài kiến
giải cũng như thành tựu của một số công trình tiêu biểu có liên quan đến nội dung nghiên cứu trong
cuốn sách trên, vì thế, nhiều vấn đề của tục ngữ không được đề cập đến.
Năm 1999, qua bài viết “Tình hình sưu tầm, biên soạn và nghiên cứu tục ngữ Việt Nam
từ năm 1975 đến nay” in trong tạp chí Văn hóa dân gian, Hà Nội, (số 1), Nguyễn Việt Hương đã
cung cấp cho người đọc cái nhìn khái quát về quá trình sưu tầm, biên soạn và nghiên cứu tục ngữ
Việt Nam từ 1975 đến nay. Các công trình nghiên cứu được tác giả phân loại theo từng vấn đề, cụ
thể là: nhận diện tục ngữ của các nhà văn học và ngôn ngữ học; khái quát về tục ngữ; ý nghĩa,
nguồn gốc của những câu tục ngữ cụ thể; nội dung; giá trị nhận thức, giáo dục của tục ngữ; hình
thức; so sánh tục ngữ; tục ngữ là tài liệu để nghiên cứu lịch sử- xã hội, triết lý nhân sinh, tâm lý, đạo
đức của con người; đưa tục ngữ vào chương trình giảng dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ cho
người nước ngoài. Trong từng vấn đề, sau khi liệt kê một vài công trình tiêu biểu, tác giả có nhận
xét và ghi nhận thành tựu nhưng chưa đi vào phân tích sâu những đóng góp của từng công trình
cũng như tìm ra những khoảng trống mà các công trình chưa đề cập đến.
Trong phần thứ nhất “Tổng quan về tục ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam” của công trình
“Tổng tập văn học dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam” , nhà xuất bản KHXH, HN phát hành
năm 2000 do Trần Thị An (chủ biên), tác giả đã giới thiệu sơ lược về thành tựu nghiên cứu tục
ngữ người Việt ở phương diện lý thuyết từ các góc độ. Trong mỗi góc độ, người viết điểm qua
những thành tựu với một số công trình nghiên cứu tiêu biểu. Cụ thể: ở góc độ ngữ văn có các công
trình nghiên cứu về thi pháp thể loại tục ngữ; ở góc độ nhận thức luận có các công trình nghiên cứu
về vấn đề nghĩa của tục ngữ. Ngoài ra, tác giả còn giới thiệu sơ lược lịch sử sưu tầm và nghiên cứu
tục ngữ các dân tộc thiểu số. Việc nghiên cứu tục ngữ các dân tộc thiểu số được người viết giới
thiệu qua một số công trình với các vấn đề theo tiến trình thời gian và ghi nhận chưa có nhiều thành
tựu: “Trong khi tình hình sưu tầm tư liệu tục ngữ các dân tộc thiểu số đã thu được một số thành tựu
nhất định thì việc nghiên cứu lại chưa được tiến hành bao nhiêu”.[1,50].
Năm 2002, trong công trình “Tổng tập văn học dân gian người Việt tập 1”, nhà xuất bản
KHXH, HN ở phần III của “Khải luận”, Nguyễn Xuân Kính đã giới thiệu khái quát vấn đề nghiên
cứu tục ngữ. Đó là quá trình tìm hiểu, nghiên cứu tục ngữ và những vấn đề chung quanh việc nghiên
cứu tục ngữ người Việt. Trong phần quá trình tìm hiểu, nghiên cứu tục ngữ, tác giả chia thành ba
giai đoạn: trước Cách mạng Tháng Tám; trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954) và sau hiệp
định Giơnevơ (1954), miền bắc hoàn toàn giải phóng; sau năm 1975. Khi đề cập đến tình hình
nghiên cứu tục ngữ Việt Nam trước năm 1945, Nguyễn Xuân Kính đã nhận định: “Nhìn chung,
trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở nước ta chưa có quan niệm thật xác đáng, khoa học về tục
ngữ với tư cách là một thể loại văn học dân gian. Trong một thời gian dài tục ngữ được quan tâm
chủ yếu trên phương diện sưu tầm, biên soạn” [117, 41]. Để chứng minh cho nhận định trên, tác giả
đã liệt kê một số công trình nghiên cứu tục ngữ trong thời gian này đồng thời đi đến kết luận: “Các
bài viết thiếu tính hệ thống... Việc nghiên cứu được tiến hành có tính chất tự phát, nghiệp dư, chưa
có cuốn sách nào bàn chuyên về tục ngữ, chưa có những tập hợp bài viết tìm hiểu, phân tích thể loại
này một cách hệ thống”[117, 42, 43]. Ở giai đoạn từ 1945 đến năm 1975, người viết giới thiệu sơ
bộ một số hoạt động nghiên cứu văn học dân gian: việc giảng dạy, xuất bản, sưu tầm, biên soạn,
nghiên cứu (trong đó có tục ngữ), có liệt kê một số công trình với những tác giả tiêu biểu, đồng thời
ghi nhận thành tựu: “Cho đến đầu những năm 1970 tuy còn một vài chỗ yếu về lý luận và phương
pháp, ngành nghiên cứu văn học dân gian ở miền bắc có những bước trưởng thành rõ rệt” [117,44].
Giai đoạn đất nước thống nhất (1975) đến nay, nghiên cứu tục ngữ đã được tác giả giới thiệu qua
nhiều thành tựu, có minh họa một số công trình tiêu biểu và đi đến nhận định: “Tục ngữ trở thành
đối tượng nghiên cứu của nhiều khoa học: khoa nghiên cứu văn học dân gian, ngành ngôn ngữ học,
khoa nghiên cứu văn hóa dân gian...”[117,46].
Phần tiếp theo, Nguyễn Xuân Kính xoay quanh những vấn đề nghiên cứu tục ngữ, đó là:
vấn đề bản chất thể loại; khai thác, phân tích nội dung tục ngữ; thi pháp tục ngữ; so sánh tục ngữ;
khai thác tục ngữ phục vụ cho hôm nay; tìm hiểu tục ngữ với tính chất là chất liệu trong sáng tác
văn học thành văn, trong sự vận dụng của các tác gia và những vấn đề khác… Tuy nhiên, trong mỗi
vấn đề, tác giả chỉ điểm qua một số công trình tiêu biểu theo tiến trình thời gian. Có thể nói, các vấn
đề xoay quanh việc nghiên cứu tục ngữ đã được người viết đề cập nhưng chưa đi vào phân tích cụ
thể để từ đó tổng hợp, khái quát thành những đóng góp cũng như hạn chế của các công trình.
Qua bài viết “Tiếp cận tục ngữ từ góc độ văn hóa học” in trong tạp chí Văn hóa dân gian,
số 1(103), HN, năm 2006, Hoàng Minh Đạo đã giới thiệu một cách tổng quát việc tìm hiểu giá trị
thể loại tục ngữ của các nhà folklore học Việt Nam dưới các góc độ chủ yếu sau đây: ở góc độ xã
hội học, tục ngữ được xem là một hiện tượng ý thức xã hội có tính đặc thù (đại diện cho xu hứớng
này là các công trình của Dương Quảng Hàm, Vũ Ngọc Phan); ở góc độ ngôn ngữ học, các nhà
nghiên cứu đi vào phân biệt tục ngữ với thành ngữ (đại diện là Nguyễn Văn Mệnh, Cù Đình Tú,
Hoàng Văn Hành); từ góc độ văn học, tục ngữ được xem là đối tượng nghiên cứu của bộ môn văn
học dân gian (tiêu biểu là Đỗ Bình Trị, Hoàng Tiến Tựu); tiếp cận tục ngữ từ góc độ kí hiệu học, thi
pháp học (tiêu biểu là Hoàng Trinh, Nguyễn Thái Hoà, Phan Thị Đào, Nguyễn Xuân Đức), tiếp
cận tục ngữ từ góc độ nhận thức luận (đại diện là Chu Xuân Diên) và từ nhiều góc độ, trên nhiều
bình diện (tiêu biểu là Nguyễn Xuân Kính). Tuy nhiên, tác giả chỉ dừng lại ở sự liệt kê vài tác giả
tiêu biểu qua các góc độ nghiên cứu tục ngữ.
Trong công trình “Khảo luận về tục ngữ người Việt” do Nxb Giáo dục, TP HCM phát
hành năm 2006, Triều Nguyên đã giới thiệu khái quát hai hướng tiếp cận tục ngữ của các nhà
nghiên cứu ở chương I “Tình hình nghiên cứu tục ngữ và các vấn đề đặt ra”. Đó là hướng tiếp cận
của các nhà folklore học và các nhà ngôn ngữ học. Riêng ở lĩnh vực folklore học, ông giới thiệu các
vấn đề đã được các nhà nghiên cứu xem xét như: khái niệm (xác định tục ngữ); nội dung; hình thức
kết cấu (hay cấu trúc); nghĩa và cơ chế tạo nghĩa; sự vận dụng và mối quan hệ giữa tục ngữ với các
thể loại văn học dân gian khác. Bên cạnh tác giả folklore học quan tâm đến vấn đề của tục ngữ trên,
theo Triều Nguyên, tác giả ngành ngôn ngữ học cũng chú ý đến các vấn đề: quan niệm xem tục ngữ
thuộc cấp độ ngữ, ngữ vị, ngữ cú; xem tục ngữ là câu, câu cố định; xem tục ngữ vừa là câu, vừa là
thông điệp nghệ thuật. Với mục đích trình bày các kiến giải của người đi trước như là những chỉ
dẫn, định hướng cho việc tiếp tục xem xét vấn đề nghiên cứu trong công trình của mình, mỗi hướng
tiếp cận tục ngữ, người viết giới thiệu một số công trình tiêu biểu, có phân tích, lý giải những đóng
góp cũng như hạn chế của từng công trình.
Nhìn chung, các công trình nghiên cứu trên chỉ trình bày một cách khái quát lịch sử sưu
tầm, biên soạn cũng như nghiên cứu tục ngữ Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XX đến nay. Một
số công trình giới thiệu các góc độ nghiên cứu tục ngữ và một số tổng thuật chung về tình hình
nghiên cứu tục ngữ. Trong các công trình tổng thuật về nghiên cứu tục ngữ, các tác giả chỉ giới
thiệu vấn đề nghiên cứu và điểm qua các công trình tiêu biểu, chưa phân tích sâu để có thể tổng hợp,
khái quát những đóng góp cũng như những hạn chế của các công trình, tìm ra những khoảng trống,
các khía cạnh tục ngữ chưa được nghiên cứu.
Như vậy, điểm qua lịch sử vấn đề, chúng tôi nhận thấy rằng đây là những công trình gợi ý
quý báu, là cơ sở quan trọng để chúng tôi tiếp tục khảo sát, thực hiện đề tài nghiên cứu. Đó là: “Tìm
hiểu những công trình nghiên cứu về tục ngữ Việt Nam từ năm 1975 đến nay”.
3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU:
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là các công trình nghiên cứu đã in thành sách hoặc đăng
trên các báo, tạp chí trong nước, các luận án, luận văn nghiên cứu về tục ngữ Việt Nam.
Phạm vi luận văn khảo sát là các công trình nghiên cứu tục ngữ người Việt và các dân tộc
thiểu số từ 1975 đến nay theo từng vấn đề.
Do điều kiện khó khăn trong việc sưu tầm tài liệu, nhất là các tài liệu nghiên cứu tục ngữ
xuất bản ở địa phương, có một số ít công trình chúng tôi chưa tìm được. Vì vậy, trong luận văn này,
chúng tôi khảo sát 249 công trình mà chúng tôi đã tiếp cận. Tuy vậy, với một khối lượng các công
trình vừa nêu, có thể nói, các vấn đề nghiên cứu tục ngữ đã được khai phá, lý giải.
4.PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:
4.1 Phương pháp thống kê, phân loại
Đây là phương pháp được tiến hành đầu tiên nhằm thống kê, phân loại những công trình
nghiên cứu về tục ngữ theo từng vấn đề một cách hệ thống.
4.2 Phương pháp so sánh
So sánh để thấy được những điểm tương đồng cũng như những khác biệt, những điểm đặc
sắc, mới mẻ của các công trình nghiên cứu theo từng vấn đề hoặc thời gian. Trên cơ sở đó, người
viết có thể miêu tả lịch sử nghiên cứu thể loại này.
4.3 Phương pháp phân tích, tổng hợp vấn đề
Phân tích các công trình nghiên cứu về tục ngữ từ đó có thể tổng hợp, khái quát những
đóng góp cũng như những hạn chế của các công trình, qua đó tìm ra những khoảng trống, các khía
cạnh tục ngữ chưa được nghiên cứu hoặc đã nghiên cứu nhưng còn nhiều bàn cãi, qua đó đề xuất,
kiến nghị các hướng nghiên cứu tục ngữ sau này.
Thực tế, bức tranh nghiên cứu tục ngữ Việt Nam cũng vô cùng phong phú và đa dạng. Qua
tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy có hai hướng nghiên cứu tục ngữ: thứ nhất, tục ngữ được khám phá
dưới nhiều góc độ: ngữ văn học, ngôn ngữ học, đạo đức học, dân tộc học, xạ hội học...thứ hai, tục
ngữ được lý giải, tìm tòi với nhiều vấn đề. Cả hai hướng nghiên cứu tục ngữ đều đã đạt được những
thành tựu đáng kể. Trong luận văn này, chúng tôi chọn cách tổng thuật theo từng vấn đề, sắp xếp để
giới thiệu các công trình theo trình tự thời gian vì cách làm này có thể giúp mọi người dễ dàng nhận
ra tiến trình nghiên cứu tục ngữ, thuận lợi đối với người đọc khi tìm ra vấn đề trong từng công trình,
qua đó tiếp tục phần nghiên cứu sau này.Với cách tổng thuật như trên, trong quá trình tìm hiểu, có
thể một công trình được nhắc lại nhiều lần với các vấn đề khác nhau.
5.ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN VĂN:
Qua việc tổng thuật tình hình nghiên cứu tục ngữ Việt Nam từ 1975 đến nay, luận văn có
thể giúp người đọc khám phá bức tranh toàn cục về nghiên cứu thể loại, học hỏi những thành tựu
trong nghiên cứu tục ngữ của những người đi trước. Từ đó, mọi người có thể nhận thức đúng đắn
hơn về bản chất, đặc điểm, giá trị thể loại này cũng như hiểu được những nỗ lực của các nhà khoa
học trong việc chiếm lĩnh, khám phá kho tàng tục ngữ Việt Nam từ năm 1975 đến nay.
Giúp mọi người thêm yêu quý di sản, tinh hoa trí tuệ của cha ông, dân tộc trong đó có tục
ngữ. Nâng cao ý thức giữ gìn và quý trọng vốn tục ngữ vô giá vì tục ngữ là kho kinh nghiệm quý
báu của cha ông đúc kết lại trên tất cả các lĩnh vực cuộc sống, vì nó thể hiện lối sống của thời đại,
lối nghĩ của nhân dân, lối nói của dân tộc.
6. KẾT CẤU LUẬN VĂN:
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, phần Nội dung của luận văn gồm có 4 chương:
+Chương 1:Giới thiệu chung về tục ngữ và tình hình nghiên cứu tục ngữ ở Việt Nam.
Ở chương này, chúng tôi trình bày một số vấn đề mang tính lý thuyết làm cơ sở, nền tảng
cho việc nghiên cứu của luận văn như: khái quát về tục ngữ, tục ngữ - một thể loại văn học giàu
tiềm năng nghiên cứu và vài nét về tình hình nghiên cứu tục ngữ ở Việt Nam.
+Chương 2: Những công trình nghiên cứu về vấn đề nội dung tục ngữ Việt Nam
Đây là chương chúng tôi tìm hiểu các công trình nghiên cứu về sự phong phú, đa dạng của
nội dung tục ngữ; những quan niệm về nghĩa của tục ngữ và giải thích ý nghĩa từng câu tục ngữ.
+Chương 3: Những công trình nghiên cứu về vấn đề thi pháp tục ngữ Việt Nam
Ở chương này, chúng tôi tìm hiểu các công trình nghiên cứu về cú pháp; vần, nhịp, sự hòa
đối và phương thức tạo nghĩa trong tục ngữ.
+Chương 4: Những công trình nghiên cứu về các vấn đề khác của tục ngữ Việt Nam.
Các vấn đề mà chúng tôi tìm hiểu ở chương này là: nhận diện tục ngữ; so sánh; vận dụng và
sáng tạo tục ngữ; mối quan hệ giữa tục ngữ và các thể loại văn học dân gian khác; khai thác tục ngữ
phục vụ cho hôm nay và cội nguồn tục ngữ.
Ở mỗi chương, chúng tôi sẽ tóm tắt nội dung, nhận xét các công trình nghiên cứu và đề xuất
các hướng nghiên cứu tiếp theo cho những vấn đề còn bỏ ngỏ.
Ngoài ra luận văn còn có phần Phụ lục, gồm:
+Bảng thống kê các công trình nghiên cứu tục ngữ Việt Nam từ 1975 đến nay (theo trình tự
thời gian)
+Giới thiệu một số hình ảnh sách, luận án, luận văn nghiên cứu về tục ngữ Việt Nam từ
1975 đến nay.
+Giới thiệu một số tác giả tiêu biểu có nhiều đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu tục ngữ
Việt Nam ( theo thứ tự A,B,C tên tác giả)
+Lược trích một số bài nghiên cứu in trên các báo, tạp chí theo các vấn đề đã tìm hiểu trong
luận văn .
B.PHẦN NỘI DUNG
Chương 1: GIỚI THIỆU CHUNG VỀ TỤC NGỮ VÀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
TỤC NGỮ Ở VIỆT NAM.
1.1Khái quát về tục ngữ:
1.1.1 Khái niệm tục ngữ:
Từ trước đến nay, ở Việt Nam có rất nhiều định nghĩa về tục ngữ.
Vũ Ngọc Phan trong công trình “Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam”, năm 1965 đã định
nghĩa như sau: “Tục ngữ là một câu tự nó diễn đạt trọn vẹn một ý, một nhận xét, một kinh nghiệm,
một lý luận, một công lý, có khi là một sự phê phán”[182, 39].
Trong bài viết “ Đạo lý trong tục ngữ” đăng trên tạp chí Văn học, số 5 năm 1985, Nguyễn
Đức Dân đã quan niệm:“Tục ngữ là những câu nói ổn định về cấu trúc, phản ánh những tri thức,
kinh nghiệm và quan niệm (dân gian) của một dân tộc về thế giới khách quan, tự nhiên cũng như xã
hội” [ 18, 58].
Hoàng Tiến Tựu trong công trình “Văn học dân gian Việt Nam”, tập 2 năm 1990 đã cho
rằng: “Tục ngữ là thể loại văn học dân gian nhằm đúc kết kinh nghiệm, tri thức, nêu lên những nhận
xét, phán đoán, lời khuyên răn của nhân dân dưới hình thức những câu nói ngắn gọn, giản dị, súc
tích, có nhịp điệu, dễ nhớ, dễ truyền” [257,109].
Theo Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, Võ Quang Nhơn trong “Văn học dân gianViệt
Nam” do Nxb Giáo dục phát hành năm 1998 thì: “Tục ngữ là những câu nói ngắn gọn, có ý nghĩa
hàm súc, do nhân dân lao động sáng tạo nên và lưu truyền qua nhiều thế kỷ” [112, 244].
Có thể nói: tục ngữ là một đơn vị ngôn ngữ, có chức năng thông báo, có khả năng tạo câu
một cách độc lập dưới dạng lời nói, hình thức cấu trúc của chúng tương đối ổn định, có ý nghĩa khái
quát cao, do nhân dân lao động sáng tạo nên và lưu truyền qua nhiều thế kỷ.
Tục ngữ là tấm gương phản chiếu mọi biểu hiện của đời sống dân tộc, mọi quan niệm của
nhân dân về các hiện tượng lịch sử xã hội, về đạo đức, tôn giáo. Nó là một thể loại văn học ra đời rất
sớm, có số lượng phong phú và sức sống lâu bền trong folklore của các dân tộc trên thế giới.
Tục ngữ là một di sản hết sức quý báu cần được lưu truyền và gìn giữ. Là sự đúc kết trí tuệ
và tâm hồn của nhân dân lao động, vì vậy mỗi câu tục ngữ không chỉ là một phán đoán, một triết lý
mà còn là văn bản nghệ thuật có giá trị. Tục ngữ được ví như “túi khôn nhân gian”, “kho báu của trí
tuệ nhân dân”.
Tục ngữ được nhân dân sáng tạo ra để vận dụng. Trong đời sống và tư duy, tục ngữ thể
hiện và hướng dẫn kinh nghiệm về cách nhìn nhận, bình giá, ứng xử, thực hành các hiện tượng.
Trong ngôn ngữ, tục ngữ làm đẹp, làm sâu sắc thêm lời nói, giúp mọi người diễn đạt cả những điều
khó diễn đạt hoặc không tiện nói ra trực tiếp. Vì vậy, khi giao tiếp qua ngôn ngữ nói hàng ngày
cũng như trong văn viết, từ xa xưa cha ông cha ta thường hay mượn thành ngữ, tục ngữ để diễn đạt
các khái niệm, các ý tưởng, khiến cho cách nói, cách viết vừa có hình ảnh, gợi cảm, đồng thời có
sức thuyết phục mạnh mẽ.
1.1.2 Đặc điểm tục ngữ:
1.1.2.1 Đặc điểm về nội dung:
Tục ngữ có thể gọi là “túi khôn” của dân tộc vì trong bản thân nó chứa đựng vô vàn tri thức
của đời sống. Đó là những tri thức về giới tự nhiên, mối quan hệ của con người với giới tự nhiên và
con người trong mối quan hệ với đời sống, xã hội.
Những câu tục ngữ phản ánh tri thức về tự nhiên và mối quan hệ của con người với giới tự
nhiên phần lớn là những câu nói về thời tiết và kinh nghiệm lao động, nảy sinh trong quá trình lao
động và đấu tranh với thiên nhiên của nhân dân ta. Nội dung của các câu này thể hiện sự nhận xét
tinh tế của nhân dân ta trước các hiện tượng tự nhiên hoặc dự đoán thời tiết: “Ráng mỡ gà ai có nhà
phải chống”, “Ráng vàng thì nắng, ráng trắng thì mưa”, “Chớp đông nhay nháy, gà gáy thì mưa”,
“Cầu vồng mống cụt, không lụt thì bão”, “Gió bấc hiu hiu, sếu kêu thì rét”, “Mùa hè đang nắng cỏ
gà trắng thì mưa”...Còn những câu tục ngữ về lao động sản xuất phản ánh tập quán làm ăn lâu đời
của nhân dân trong hoàn cảnh một nước nông nghiệp với kỹ thuật sản xuất thô sơ như kinh nghiệm
về trồng trọt: “Cày thưa hơn bừa kỹ”, “Hòn đất nỏ là một giỏ phân”, “Năm trước được cau, năm
sau được lúa”, làm ruộng: “Làm ruộng không trâu, làm giàu không thóc”, “Nhai kỹ no lâu, cày sâu
tốt lúa”, “Chiêm cập cợi, mùa đợi nhau”, “Nhất cày ải, nhì vãi phân”, “Khoai ruộng lạ, mạ ruộng
quen”...trong đó chủ yếu là kinh nghiệm trồng lúa. Tục ngữ về kinh nghiệm chài lưới và chăn nuôi
chiếm phần nhỏ hơn so với tục ngữ về kinh nghiệm làm ruộng, do hai nghề này không được phát
triển như nghề trồng lúa. Những câu phản ánh kinh nghiệm chài lưới: “Tôm đi chạng vạng, cá đi
rạng đông”, kinh nghiệm chăn nuôi, chọn giống gia súc: “Chấm trán, lọ đuôi, không nuôi cũng
nậy”(chọn lợn). Bên cạnh đó, còn có những câu nói về các nghề thủ công như nghề gốm: “Nhất
dáng, nhì men, ba chàm, bốn vẽ”, nghề dệt: “Con gái thấy hoa vải to như bò thấy nhà táng”...Nhìn
chung, tục ngữ về lao động sản xuất phản ánh trên một số nét chính điều kiện phương thức lao động
của dân tộc ta, phản ánh một số đặc điểm của đời sống dân tộc. Nhưng do chức năng đặc biệt của
nó, tục ngữ về lao động sản xuất không mang những nội dung cuộc sống phong phú như tục ngữ về
con người-đời sống-xã hội.
Đại bộ phận tục ngữ Việt Nam là những câu phản ánh con người-đời sống-xã hội. Có thể nói
đời sống xã hội của con người được thể hiện qua tục ngữ vô cùng phong phú. Qua tục ngữ, những
ký ức về thời kỳ lịch sử xa xưa của dân tộc ta đã được ghi lại: “Ăn lông ở lỗ”, “Con dại cái mang”,
“Năm cha ba mẹ”, “Chồng chung vợ chạ”...Những hiện tượng và nhân vật lịch sử cá biệt, những
biến đổi về kinh tế, chính trị ảnh hường đến đời sống nhân dân cũng được phản ánh trong một số
câu tục ngữ: “Đít Lý Râu, đầu Án Cộng”, “Lệnh ông, cồng bà”, “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi”,
“Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong”, “Một nhà hai chủ không hòa-Hai vua một nước ắt là không
yên”... Rất nhiều câu phản ánh tập tục sinh hoạt hàng ngày như ăn, ở, mặc, giao tế, cưới xin, ma
chay, hội hè, sinh hoạt tôn giáo..., như: “Cơm có bữa, chợ có chiều”, “Ếch tháng ba , gà tháng
bảy”, “Tương cà gia bản”, “Dưa La, cà Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô
Đầm Sét”, “Bánh giầy nếp cái, con gái họ Ngô”, “Lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng nam”, “Áo rách
thay vai, quần rách đổi ống”, “Hết tang trải chiếu ngang mà ngồi”...Có những câu ghi lại những
đặc điểm trong tổ chức và tập tục của xã hội-đơn vị cơ sở của quốc gia phong kiến Việt Nam: “Phép
vua thua lệ làng”, “Đất có lề, quê có thói”, “Sống lâu lên lão làng”, “Một miếng giữa làng bằng
một sàng xó bếp”... Nhiều câu tục ngữ phản ánh tổ chức gia đình và những quan điểm thân tộc của
nhân dân ta trong xã hội phong kiến: “Thế gian một vợ một chồng”, “Chết trẻ còn hơn lấy lẽ”,
“Cha truyền con nối”, “Chim có tổ người có tông”... Tục ngữ còn phản ánh đời sống của các giai
cấp và các tầng lớp nhân dân khác nhau, chủ yếu là nông dân lao động: “Canh một chưa nằm, canh
năm đã dậy”, “Con đóng khố, bố cởi truồng”, “Muốn nói oan làm quan mà nói”,“Quan thấy kiện
như kiến thấy mỡ”, “ Tuần hà là cha kẻ cướp”...và tình hình đấu tranh giai cấp, đấu tranh chống áp
bức bóc lột của nhân dân trong xã hội phong kiến: “Được làm vua thua làm giặc”, “Thượng đẳng
sợ kẻ bất đẳng”, “Quan bất phiền, dân bất nhiễu”, “Quan cần nhưng dân không vội, quan có vội
quan lội quan sang”...Bên cạnh đó, tục ngữ còn phản ánh khá đầy đủ những đức tính của nhân dân
lao động như tính cẩn thận: “Một người biết lo bằng kho người hay làm”, tính cần cù “Siêng làm thì
có, siêng học thì hay”, tính kiên trì, nhẫn nại “Còn nước, còn tát”, tinh thần lạc quan "Sông có khúc,
người có lúc”, “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, ý thức cao về cái đẹp của tâm hồn “ Tốt danh
hơn lành áo”, “Đói cho sạch rách cho thơm”, “Cái nết đánh chết cái đẹp”...Tình cảm gia đình cũng
được phản ánh đa dạng, phong phú qua những câu tục ngữ: đó là tình cảm vợ chồng: “Vợ chồng
sống gửi thịt, chết gửi xương”, “Gái thương chồng đương đông buổi chợ, trai thương vợ nắng quái
chiều hôm”, “Vợ chồng đầu gối tay ấp”..., tình cảm cha mẹ đối với con cái cũng như con cái đối
với cha mẹ: “Con lên ba, mẹ sa xương sườn”, “trẻ cậy cha, già cậy con”, “nhiều con, giòn mẹ”,
“Một bát cơm cha bằng ba bát cơm rể”...., tình cảm anh em: “ Em khôn cũng là em chị, chị dại
cũng là chị em”, “Con chị cõng con em, con em lèn con chị”, “Anh em hạt máu sẻ đôi”...Một số câu
phản ánh sâu sắc truyền thống, tư tưởng và đạo đức tốt đẹp của nhân dân lao động. Đó là tư tưởng
nhân đạo chủ nghĩa chân chính. Tư tưởng này này thể hiện ở sự quý trọng con người: “Người ta là
hoa đất”, “Người sống, đống vàng”, “Người như hoa ở đâu thơm đó”...; đó là truyền thống yêu lao
động, đánh giá cao lao động, xét đoán con người qua thái độ lao động: “Ăn không thì hóc, chẳng xay
thóc phải ẳm em”,“Của một đồng, công một nén”, “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”...; lòng
tự hào của nhân dân đối với đất nước giàu đẹp và con người tài hoa: “Chẳng thơm cũng thể hoa
nhài – Chẳng lịch cũng thể là người Tràng An”, “Ăn Bắc mặc Kinh”, “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì
phố Hiến”...
Tóm lại, nội dung của tục ngữ bao hàm tất cả tinh hoa của tính cách, truyền thống dân tộc, nó
là một kho tàng phong phú và quý báu gồm những kinh nghiệm đời sống, lịch sử - xã hội đã tích lũy
lại được từ hàng nghìn năm lao động và đấu tranh của nhân dân ta. Đó là những kiến thức của nhân
dân lao động thời xưa về khoa học - kỹ thuật, về lịch sử - xã hội, về triết học… Những kiến thức
này tuy còn gắn chặt với kinh nghiệm nhưng so với những hình thức văn hóa tinh thần dân gian
khác, đó là dạng kiến thức đã tiến gần hơn cả đến dạng kiến thức khoa học và trình độ nhận thức
của nhân dân lao động thời xưa có thể đạt tới.
Kho tàng tục ngữ Việt Nam còn có rất nhiều câu tục ngữ mới ra đời từ sau Cách mạng tháng
Tám. Nhiều câu xuất hiện trên cơ sở cải biên những câu tục ngữ cũ. Tục ngữ mới ra đời phản ánh
được sự hình thành trong nhân dân Việt Nam nhiều phẩm chất mới. Nội dung của chúng phản ánh
cuộc sống mới của dân tộc ta. Cụ thể, đó là cuộc kháng chiến chống xâm lược vĩ đại của dân tộc ta
với chân dung sinh động về những người chiến sĩ trong chiến đấu cũng như những người lao động ở
hậu phương: “Gái mười bảy bẻ gãy cổ Mỹ”, “Ăn pháo thủ, ngủ lái xe”, “Đi dân nhớ, ở dân thương”,
“Đôi vai ngàn cân, đôi chân vạn dặm”, “Thính như tai lính phòng không”, “Hố phân đầy chôn thây
giặc Mỹ”...Một số đặc điểm quan trọng của cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta nay được
tổng kết dưới dạng tục ngữ: “Một tấc không đi, một ly không rời”, “Ngày đêm trông chờ, một giờ
đứng lên”. Đặc biệt tục ngữ mới giới thiệu và khẳng định những quan hệ xã hội mới tốt đẹp, trong
đó nổi bật lên mối quan hệ giữa lãnh tụ và quần chúng, giữa Đảng và nhân dân: “Ý Bác lòng dân”,
“Đảng viên đi trước làng nước đi sau”, “Dễ mười điều không dân cũng chịu, khó trăm điều dân
liệu cũng xong”...Tục ngữ mới còn là vũ khí sắc bén của sự phê bình đối với những hiện tượng tiêu
cực trong xã hội mới “Đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị”, “Làm thì láo, báo cáo thì hay”...
Tục ngữ mới vẫn đang trên đường phát triển. Những câu tiêu biểu nhất trong tục ngữ mới
xứng đáng có được một chỗ đứng quan trọng trong kho tàng tục ngữ quý báu của nhân dân ta.
Tóm lại, từ những biểu hiện đa dạng, phong phú trong nội dung, tục ngữ thể hiện một số
đặc điểm như sau:
*Tính lịch sử: Tục ngữ là sản phẩm sáng tạo của quần chúng nhân dân trong quá trình lao
động sản xuất và nhận thức thế giới khách quan. Do trải dài theo thời gian, những dấu ấn lịch sử của
xã hội, của dân tộc dù ít dù nhiều cũng được lưu lại trong nhiều câu tục ngữ. Thực tế việc xác định
thời gian ra đời của tục ngữ không phải là dễ. Rất nhiều câu đã bay rất xa, vượt thời gian và mang
thêm cho mình một lớp nghĩa mới trong lớp vỏ bọc ngữ âm vốn có. Theo chiều dài của lịch sử và sự
đào thải của thời gian cũng có một số câu hiện không còn phù hợp với xã hội hiện tại, nhưng chúng
vốn vẫn là những thành viên đã từng góp sức làm nên kho tàng tục ngữ Việt Nam.
*Tính dân tộc: Nghiên cứu ngôn ngữ của một dân tộc, tất phải liên hệ đến lịch sử, văn
hóa… của dân tộc đó. Có thể nói chính đặc điểm lịch._. sử, văn hóa dân tộc đã hóa thân vào từng câu
tục ngữ khiến chúng thấm đượm tính dân tộc.
Tính dân tộc của tục ngữ còn thể hiện ở sự khác nhau trong tập quán và chất liệu ngôn ngữ.
Cùng biểu đạt một ý nghĩa, cùng một quan hệ logic nhưng mỗi dân tộc lại có cách diễn đạt khác
nhau.
Tục ngữ còn là một kho tàng phong phú về tài liệu ngôn ngữ dân tộc, gồm hàng nghìn câu
nói ở dạng làm sẵn, có thể dùng để diễn đạt hàng loạt những tư tưởng khác nhau từ những vấn đề cụ
thể đến những vấn đề trừu tượng về thế giới khách quan và đời sống con người.
1.1.2.2 Đặc điểm về thi pháp:
*Tính ngắn gọn, hàm súc: Tục ngữ ra đời bắt nguồn từ những nhận xét, phán đoán, suy
luận của con người về các hiện tượng của tự nhiên và xã hội. Những nhận xét, phán đoán này cần
phải được đúc rút lại thành những kinh nghiệm, chân lý. Hơn nữa những kinh nghiệm này cần phải
được lưu giữ, phổ biến từ người này sang người khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác…nhưng sự lưu
giữ và phổ biến này chủ yếu bằng con đường truyền miệng. Do đó, tục ngữ cần phải thật ngắn gọn
để tiện lợi cho trí nhớ. Vì vậy, câu càng ngắn gọn, hàm súc, càng gần với đặc trưng tục ngữ, ngược
lại càng dài, càng xa tục ngữ và dài đến một độ nào đó thì mất tính tục ngữ, trở thành ca dao hoặc
vè. Ý nhiều mà lại được gói trong một lượng lời ít, tiết kiệm ngôn ngữ đến mức tối đa, đó là nguyên
tắc lớn nhất, là đặc điểm nổi bật nhất của sự sáng tạo tục ngữ. Tục ngữ ưa nói ngắn, quen nói ngắn,
nói ngắn một cách thường xuyên, cũng nội dung ấy nói càng ngắn càng hay. Lời nói ngắn của tục
ngữ (xét về hình thức biểu đạt) là cốt để nói nhiều (xét về phương diện nội dung), nghĩa là nhằm
làm tăng mức độ khái quát cho bài học kinh nghiệm. Câu tục ngữ bao giờ cũng ngắn. Câu ngắn nhất
chỉ có ba tiếng: “May hơn khôn”, “Túng thì tính”...Thông thường là những câu có từ 4 đến 8 tiếng:
“Mất con còn cháu”, “Bụt chùa nhà không thiêng”, “Buôn có một, bán có mười”, “Có thờ có
thiêng, có kiêng có lành”...Những câu dài nhất chỉ khoảng 15-18 tiếng nhưng số lượng này rất ít. Ví
dụ: “Đen đông, chớp lạnh, quái vàng hoa bầu, trong ba điều ấy có lành đâu” (15 tiếng), “Dưa La,
cà Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét” (16 tiếng), “Của làm ra để
trên gác, của cờ bạc để ngoài sân, của phù vân để ngoài ngõ” (18 tiếng)...
Câu tục ngữ không chỉ ngắn gọn mà còn chặt chẽ, không một tiếng nào thừa. Mỗi tiếng,
mỗi từ đều cần thiết và đều đứng ở vị trí tối ưu đến mức chỉ một sự chuyển dịch nhỏ cũng đủ phá vỡ
toàn bộ câu tục ngữ. Gọn chắc là yêu cầu cao nhất của sự sáng tạo tục ngữ. Câu càng gọn chắc với
số tiếng càng ít thì nội dung càng hàm súc, ý càng nhiều. Trong thực tế ứng dụng, người ta có thể
chen thêm các kết từ hoặc các cụm từ có giá trị nối hai vế của câu tục ngữ. Và như vậy, trên nền
nghĩa cơ bản vốn có, câu tục ngữ đã có sự nới rộng nghĩa. Nhờ tỉnh lược đi một từ (hoặc cụm từ) mà
câu tục ngữ có thêm biết bao hàm nghĩa và do đó, chức năng ứng dụng thực hành càng được mở ra
một phạm vi rộng rãi biết bao nhiêu. Hoàng Tiến Tựu đã nói: “Trong tục ngữ có những hệ từ và từ
liên kết (thì, là, mà, nhưng, bởi, vì vậy, do đó, cho nên, vả chăng, song le, tuy thế...) thường bị bỏ đi
và nhiều khi cả những thành phần cơ bản của câu (như chủ ngữ, vị ngữ,...) cũng bị tỉnh lược. Do đó,
mối quan hệ giữa các phán đoán cũng như hình thức suy luận của nhân dân thường không được thể
hiện rõ trong tục ngữ” [256, 122]. Như vậy, sự cô đọng, hàm súc của tục ngữ là do chủ ngữ, vị ngữ
và các hệ từ, kết từ bị tỉnh lược. Trong khi đó, các từ còn lại đều rất cần thiết, không thừa. Hơn nữa,
tục ngữ là sự đúc kết kinh nghiệm ở dạng khái quát. Dễ thấy nhất là ở tục ngữ không có loại từ, đại
từ chỉ định, không có hạn định về thời gian-không gian một cách rõ ràng mà là phiếm định...Chẳng
hạn, tục ngữ nói “con gà tức nhau tiếng gáy” chứ không thể nói “con gà chuồng này tức nhau tiếng
gáy”...
Câu tục ngữ là những loại câu tương ứng với các phán đoán. Nhưng ở dạng câu rút gọn, có
thành phần bị tỉnh lược thì kết cấu không còn phù hợp hoàn toàn với kết cấu logic của phán đoán.
Thử xét câu “Lời nói gói bạc”. Đây là một câu rất cô đọng, hàm súc, giàu ý nghĩa. Do đó trong ứng
dụng thực tế người ta có thể mở rộng nội dung, ý nghĩa câu tục ngữ bằng cách chêm xen các kết từ
hoặc hiểu ngầm nghĩa khi đặt vào một ngữ cảnh cụ thể và phù hợp với dụng ý của người sử dụng.
Người ta có thể chêm xen như sau:
- Lời nói quý như gói bạc
- Lời nói quý hơn gói bạc
- Lời nói chỉ bằng gói bạc
- Lời nói phải kèm gói bạc
- Lời nói đi sau gói bạc
- Lời nói làm ra gói bạc...
Nếu câu trên có dạng cố định như một trong những dạng chêm xen trên thì nội dung của nó
sẽ bị hạn hẹp, bị “chết cứng” trong một nghĩa. Tức là các hệ từ, kết từ sẽ hiện thực hóa nội dung, ý
nghĩa của câu tục ngữ. Như vậy, tính ngắn gọn, hàm súc, cô đọng do tỉnh lược của tục ngữ là một
“mã nghệ thuật”, một “tiềm năng tiếp nhận”.
*Tính đối xứng: Đây là một đặc điểm nổi bật của câu tục ngữ. Nó không những góp phần
tạo nên tính ngắn gọn, chặt chẽ của lối nói trong tục ngữ mà còn tạo nên tính nhịp nhàng, dễ làm
“ngọt tai” người tiếp nhận. Bởi lẽ tiếng Việt vừa là thứ tiếng đơn âm tiết vừa là thứ tiếng giàu thanh
điệu có rất nhiều điều kiện để tạo nên tính hòa đối. Kho tàng tục ngữ Việt Nam có rất nhiều câu có
tính chất đối xứng. Hình thức cú pháp của tục ngữ thường rất phức tạp, đa dạng. Có hai kiểu câu đối
xứng trong tục ngữ là câu đối xứng đơn và câu đối xứng kép.
-Câu đối xứng đơn: là câu đảm bảo được hai đặc điểm sau:
Về mặt logic: nội dung của mỗi câu tục ngữ là một phán đoán.
Về mặt cú pháp: mỗi câu là một câu đơn mà mỗi thành phần câu tương đương với một vế.
Thí dụ: “Con gái là cái bòn”,“Của mua là của được”, “Tham thì thâm”...
-Câu đối xứng kép: là câu đảm bảo đủ hai yêu cầu sau:
Về mặt logic: có sự liên kết hai hoặc hơn hai phán đoán.
Về mặt cú pháp: mỗi câu là một câu phức mà mỗi thành phần câu tương đương với một câu
đơn. Thí dụ: “Trẻ dôi ra, già rụt lại”, “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, “Nhất sĩ, nhì nông,
tam công, tứ cổ”...
Trong hai loại câu đối xứng trên thì câu đối xứng kép phổ biến hơn, chiếm số lượng nhiều
hơn và căn bản đáp ứng, thỏa mãn được những yêu cầu, đặc điểm của một câu tục ngữ có tính đối
xứng. Chúng tôi xin lấy một câu tục ngữ cụ thể thuộc loại đối xứng kép, có phân tích để thấy rõ hơn
tính đối xứng của tục ngữ: “Đói ăn vụng, túng làm liều”. Ta thấy câu tục ngữ bao gồm 6 tiếng, tạo
thành hai vế đối xứng nhau, mỗi vế gồm có 3 tiếng. Tính đối xứng được thể hiện ở các bình diện
sau:
-Đối ý: là đối xứng giữa hai vế của câu tục ngữ với nhau về ý (đói ăn vụng đối với túng làm
liều). Quan hệ đối ý này được thể hiện qua kiểu cấu trúc so sánh trùng điệp có dạng a=b. Nghĩa là
hai vế của câu tục ngữ đối ý nhau nhưng có tác dụng liên kết, bổ sung cho nhau nhằm tô đậm, khẳng
định một ý chung.
-Đối lời: là sự đối xứng giữa các yếu tố trong hai vế của câu tục ngữ. Đối lời có quan hệ chặt
chẽ với đối ý đã nói ở trên, vì nhờ có quan hệ đối lời mà quan hệ đối ý mới có và thể hiện ra được.
Cũng trong câu tục ngữ trên, quan hệ đối lời được thể hiện như sau: Đói đối xứng với túng, ăn vụng
đối xứng với làm liều. Cần nói thêm rằng, sự đối ý, đối lời trong câu trên được xác lập nhờ vào
thuộc tính tương đồng về ngữ pháp- ngữ nghĩa giữa các yếu tố trong hai vế đó. Cụ thể:
Nội dung ngữ nghĩa của các yếu tố đối xứng nhau trong hai vế đều thuộc cùng một
phạm trù ngữ nghĩa: Đói/ túng: đều thể hiện trạng thái, hoàn cảnh của con người; Ăn vụng / làm
liều: đều là hiện tượng, việc làm xấu của con người.
Các yếu tố đối xứng phải cùng từ loại: Đói/ túng: đều là tính từ; Ăn vụng/ làm liều:
đều là động từ.
Thực tế thì các dạng đối trong tục ngữ rất nhiều. Quan hệ giữa các vế cũng rất nhiều loại,
muôn màu muôn vẻ, thêm vào đó hình thức cú pháp của tục ngữ thường rất phức tạp, đa dạng. Do
vậy, việc tìm hiểu cấu trúc đối xứng có ý nghĩa rất quan trọng, giúp ta hiểu đúng nội dung, ý nghĩa
câu tục ngữ.
*Tính vần điệu: đây là yếu tố không thể thiếu trong việc tạo dựng cấu trúc của câu tục ngữ
cả về phương diện hình thức nghệ thuật lẫn phương diện nội dung
Về vần: Vần là “chất keo” có chức năng kết dính, liên kết các yếu tố, các vế để tạo thành
một phát ngôn hoàn chỉnh, chặt chẽ, bền vững, khó bị tan vỡ. Bên cạnh đó, nhờ vần điệu mà câu tục
ngữ có âm hưởng mượt mà, xuôi tai, thuận miệng, người tiếp nhận tục ngữ có thể nhớ, thuộc, vận
dụng một cách dễ dàng hơn. Có hai loại vần trong tục ngữ là vần sát và vần cách.
+Vần sát: là khuôn vần được láy lại liền sau nó, giữa chúng không có yếu tố trung gian và
chúng thường xuất hiện ở vị trí giữa câu. Những câu có vần sát như: “Hay ở, dở đi”, “Được làm
vua, thua làm giặc”, “Gạo da ngà, nhà gỗ lim”, “Xa mỏi chân, gần mỏi miệng”, “Ngày lắm mối, tối
nằm không”...
+Vần cách: là những khuôn vần được láy lại mà giữa chúng có yếu tố trung gian và thường
xuất hiện ở các vị trí khác nhau trong câu. Những câu có vần cách như: “Ăn cỗ đi trước, lội nước
theo sau”, “Mài mực ru con, mài son đánh giặc”, “Chết trong còn hơn sống đục”, “Việc người thì
sáng, việc mình thì quáng”...
Về nhịp: nhịp là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên và làm rõ tình đối xứng của câu tục ngữ.
Thực tế thì nhịp trong tục ngữ rất đa dạng, linh hoạt, “tự do”. Sự đa dạng của nhịp được biểu hiện ở
một số khía cạnh:
Cùng một câu tục ngữ nhưng khi nói có thể ngưng giọng ở những chỗ khác nhau sẽ tạo nên
những sự ngắt nhịp khác nhau. Ví dụ:
-Dâu hiền hơn/ con gái.
Dâu hiền/ hơn con gái.
-Rể hiền hơn / con trai.
Rể hiền / hơn con trai.
Giữa nhịp (hình thức) và ý nghĩa (nội dung) của một câu tục ngữ có liên quan mật thiết với
nhau.
Trong một câu tục ngữ có thể có nhiều loại nhịp đan xen với nhau. Ví dụ: “Ruộng bề bề/
không bằng/ nghề trong tay” (nhịp 3/2/3); “Chăn tằm / kiếm cá/ nuôi con/ trong ba việc ấy/ ai còn
khoe hay” ( nhịp 2/2/2/4/4); “Lúc thì chẳng có ai/ lúc thì ông xã/ ông cai đầy nhà (nhịp 5/4/4)...
Phần lớn các câu tục ngữ nhịp trùng với ranh giới giữa các vế có số lượng tiếng bằng nhau,
đối nhau. Thí dụ: “Tay đứt/ ruột xót”, “Nhất nghệ tinh/ nhất thân vinh”, “Quan cứ lệnh/ lính cứ
truyền”...
Đối với những câu tục ngữ bị tỉnh lược kết từ thì vai trò của nhịp vô cũng quan trọng, nó trở
thành nơi “trú ẩn” của trục đối xứng. Còn đối xứng với những câu có thể chêm xen những kết từ
khác nhau thì nhịp của nó cũng thay đổi và dĩ nhiên ngữ nghĩa cũng thay đổi ít nhiều. Dựa vào nhịp
của tục ngữ, chúng ta có thể phân tích và vận dụng nó một cách linh hoạt, sáng tạo trong giao tiếp.
Cần lưu ý rằng, nhịp dù linh hoạt đến đâu cũng phải ăn nhập với ý vì nó là một trong những
hình thức thể hiện ý của tục ngữ.
Như vậy, nhịp và vần luôn gắn bó với nhau để tạo nên tính nhạc, sự hài hòa, sinh động, cân
đối cho câu tục ngữ. Nhịp và vần còn làm cho tục ngữ dễ ăn sâu vào trí nhớ con người. Trong tục
ngữ, vần và nhịp tự nhiên đồng thời là vần và nhịp logic giữa các vế. Nhịp và vần cũng góp phần
làm cho tục ngữ mặc dù là câu nói dùng hằng ngày nhưng vẫn mang đầy đủ những đặc điểm của
sáng tạo nghệ thuật ngôn từ.
*Tính hình tượng: Tục ngữ rất giàu hình tượng. Những quan sát cụ thể về thiên nhiên, cuộc
sống xung quanh đã giúp nhân dân tìm được kho hình tượng ẩn dụ, so sánh, nhân hóa… vô tận, ngụ
suy nghĩ, tình cảm của mình. Hình tượng tạo nên vẻ đẹp tươi mát, sinh động, tính hàm súc và trong
nhiều trường hợp tạo khả năng mở rộng nghĩa cho tục ngữ. Từ quan sát cụ thể đi tới hình ảnh, từ
hình ảnh cụ thể, giản đơn nâng lên thành hình ảnh khái quát và từ hình ảnh khái quát vận dụng vào
các hiện tượng cuộc sống- đó là quy luật, con đường sáng tạo, sử dụng hình tượng của nhiều câu tục
ngữ. Cũng nhờ hình tượng chính xác, sinh động, cụ thể và khái quát, kinh nghiệm, chân lý của tục
ngữ trở nên có sức thuyết phục hơn. Tục ngữ không đơn thuần chỉ là những hình thức nhận thức duy
lý mà còn là những hình thức đánh giá thẩm mỹ về các hiện tượng tự nhiên, xã hội. Hình tượng
trong tục ngữ được tạo ra bằng nhiều biện pháp nghệ thuật khác nhau như so sánh, ẩn dụ, hoán dụ,
chơi chữ, cường điệu...
So sánh (tỉ dụ): là phương thức biểu đạt bằng ngôn từ một cách hình tượng dựa trên cơ sở
đối chiếu hai hiện tượng có những dấu hiệu tương đồng làm nổi bật đặc điểm, đặc tính của hiện
tượng này qua đặc điểm, thuộc tính của hiện tượng kia. Trên thực tế, những câu tục ngữ dùng thủ
pháp so sánh rất nhiều: “Người đẹp nhờ lụa, lúa tốt nhờ phân”, “Ăn như rồng cuốn, nói như rồng
leo, làm như mèo mửa”, “Gái có chồng như gông đeo cổ, gái không chồng như phản gỗ long đanh”,
“Miệng quan trôn trẻ”...
Ẩn dụ (so sánh ngầm): đây là biện pháp nghệ thuật phổ biến trong tục ngữ. Biện pháp này sử
dụng phương pháp tu từ dựa trên cơ sở đồng nhất hai hiện tượng tương tự nhẳm thể hiện cái này qua
cái kia mà bản thân cái được nói tới thì giấu đi một cách kín đáo. Đây là lối nói bóng gió, ngụ ý. Do
lối nói này mà tục ngữ gợi lên sự liên tưởng phong phú khi muốn xác định ý nghĩa của nó. Nghĩa là
tục ngữ sử dụng lối nói gián tiếp, ngầm ẩn mà muốn nắm được ẩn ý phải qua công phu khai thác,
suy luận. Đây là phương thức phổ biến nhất trong tục ngữ. Chẳng hạn: “Giấy rách phải giữ lấy lề”,
“Tre già măng mọc”, “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, “Con sâu bỏ rầu nồi canh”, “Sẩy đàn
tan nghé”, “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”...
Nhân hóa: là cách thức gán cho sự vật vô tri, đối tượng trừu tượng đặc tính của con người
thể hiện ở động từ, tính từ chỉ hành động hoặc phẩm chất riêng vốn có ở con người. Trong tục ngữ
nhân hóa thường được sử dụng kèm với ẩn dụ: “Lá lành đùm lá rách”, “Con voi voi dấu, con chấu
chấu yêu”, “Cái nết đánh chết cái đẹp”, “Mèo khoe mèo dài đuôi”...
Tóm lại, những đặc điểm thi pháp của tục ngữ biểu hiện một cách tập trung những đặc điểm
của ngôn ngữ Việt Nam. Chính vì thế, tục ngữ Việt Nam không chỉ là kho tàng kinh nghiệm, tri
thức vô cùng phong phú và quý giá, nó còn là một kho mỹ từ pháp, là những văn bản mang tính
nghệ thuật tiêu biểu cho lời ăn tiếng nói của nhân dân.
1.2Tục ngữ- một thể loại văn học dân gian giàu tiềm năng nghiên cứu:
Tục ngữ là một hiện tượng văn hoá đa diện, đa dạng. Tục ngữ tồn tại như lời nói, chứ không
phải là lời kể, lời hát như các thể loại khác của sáng tác truyền miệng dân gian. Chức năng quan
trọng và cơ bản nhất của tục ngữ là diễn đạt, truyền bá kinh nghiệm đời sống. Các thể loại khác
cũng có chức năng này nhưng không trực tiếp, tập trung. Kinh nghiệm đời sống trong tục ngữ so với
các thể loại khác cũng toàn diện và đa dạng hơn. Bởi vì đề tài của nó rất rộng, bao quát hầu như tất
cả các lĩnh vực của thực tại, trong khi các thể loại khác có đối tượng phản ánh giới hạn hơn.
Tục ngữ phản ánh không chỉ những kinh nghiệm được nhìn thấy, nghe thấy từ các giác
quan bên ngoài, mà cả những kinh nghiệm được nhìn nhận, suy ngẫm từ các giác quan bên trong
tinh tế của con người.
Ngoài ra, tục ngữ còn là một tác phẩm nghệ thuật, một kho mỹ từ pháp, một kho kinh
nghiệm sử dụng lời nói để tổng kết tri thức, diễn đạt tư tưởng rất lâu đời, phong phú và đậm đà bản
sắc dân tộc.
Vì vậy, có thể nói, tục ngữ là một thể loại, một văn bản nhỏ nhất, nhưng không kém phần
phức tạp. Do đó, ở Việt Nam, từ lâu gia tài tục ngữ đã từng lôi cuốn sự chú ý của nhiều nhà hoạt
động văn hóa khoa học và đã từng được nhiều ngành khoa học khác nhau tìm hiểu và khai thác.
Bên cạnh đó, tục ngữ không chỉ là một hiện tượng ngôn ngữ, hiện tượng của tư duy mà còn
là hiện tượng của văn học dân gian. Vì thế, sự diễn đạt của nó đã hấp dẫn, lôi cuốn các nhà ngôn
ngữ, các triết gia và các nhà văn hoá dân gian. Cho nên, tục ngữ không chỉ là đối tượng của nghiên
cứu văn học mà còn là đối tượng của các bộ môn: văn hóa học, sử học, dân tộc học, triết học, ngôn
ngữ học, đạo đức học…Từ tục ngữ, các nhà khoa học ở những lĩnh vực khác nhau có thể nghiên cứu
những giá trị khác nhau, phát hiện ra những vấn đề khác nhau. Trong khi nhà nghiên cứu văn học
chú ý vào vẻ đẹp của tư duy sáng tạo thể hiện qua tục ngữ thì nhà dân tộc học lại say sưa khám phá
những tri thức về phong tục tập quán, kiến trúc làng xã, những ứng xử đạo đức tinh thần… Nhà sử
học lại nhìn thấy ở tục ngữ những dấu ấn của từng thời đại, cấu trúc xã thôn và những quan hệ chính
trị- kinh tế- văn hóa được lưu lại trong mỗi sáng tác tục ngữ... Mỗi ngành khoa học xã hội và cả một
số ngành khoa học tự nhiên (địa lý, thiên văn, khí tượng…) đều có thể nghiên cứu tục ngữ. Từ lâu,
tục ngữ đã được nghiên cứu ở nhiều góc độ khác nhau và ở góc độ nào cũng đem đến cho chúng ta
những điều thú vị. Từ thành thị đến nông thôn, đồng bằng đến miền núi xa xôi, ở đâu có cuộc sống
con người thì ở đó có tục ngữ. Tục ngữ không ngừng được sáng tạo và lưu truyền rộng rãi trong dân
gian. Tục ngữ của người Việt cũng như của các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam đã và đang
là nguồn đề tài vô hạn cho các nhà nghiên cứu và những người quan tâm khai thác, tìm hiểu.
Đây là một đối tượng nghiên cứu nhận được những kiến giải, nhìn nhận chưa được thống
nhất ở các nhà nghiên cứu đi trước. Có những câu tục ngữ ra đời từ khi mới có ngôn ngữ của con
người, được lưu truyền và tích lũy cho tận đến ngày nay. Có những câu của các thời đại, các thế hệ
khác nhau trong quá khứ cũng như trong hiện tại, lại có những câu mới xuất hiện. Bên cạnh rất
nhiều câu tục ngữ toàn dân còn có không ít những bộ phận có nguồn gốc, xuất xứ khác nhau. Có tục
ngữ từ các địa phương, các vùng trên lãnh thổ, có tục ngữ từ các nhóm thuộc tầng lớp xã hội, nghề
nghiệp khác nhau…Chưa kể đến những tục ngữ mượn từ các ngôn ngữ khác như từ các dân tộc anh
em, các tiếng nước ngoài… Như vậy, làm sao con người có thể biết hết, hiểu hết, giải thích được hết
cùng một lúc. Mặt khác, là những phán đoán, nhận định, những lời nói, kinh nghiệm rút ra từ tri
thức thực tiễn cuộc sống của xã hội loài người, tục ngữ vừa có sự phong phú về nội dung, ý nghĩa,
vừa đa dạng về hình thức cấu tạo. Phần lớn tục ngữ cũ lại được qua tay hàng triệu con người trong
đời sống hàng ngày, đi vào văn chương, qua các thời đại đã trở thành những sản phẩm sáng tạo đặc
thù của nhân dân. Bởi thế, có những câu tục ngữ hết sức dễ hiểu, quen thuộc với mọi người, thậm
chí có thể hiểu được ngay, cả đối với trẻ em người bản ngữ chưa có nhiều vốn sống. Bên cạnh đó,
còn có một bộ phận không nhỏ những câu ít dùng, ít người biết đến và đôi khi rất khó hiểu, khó giải
thích, vì chúng được cấu tạo cả bằng những từ cổ, từ địa phương hoặc bằng những cách nói riêng rất
độc đáo, hàm súc và phần nào được cách điệu hóa, có khi tưởng như xa lạ với cách nói, cách nghĩ
của con người hiện nay. Cho nên, việc nhận thức về tục ngữ là điều không đơn giản.
Đây là một đối tượng phong phú, đa dạng mà không thể thu hẹp, giới hạn ở mức độ có thể
cho là đủ bởi nếu làm như vậy kết quả nghiên cứu sẽ trở nên lạc lõng khi có những bằng chứng dựa
trên một cứ liệu đầy đủ hơn. Một di sản mênh mông cực kỳ phong phú, đa dạng, dân tộc nào cũng
có hiện còn bao nhiêu bí ẩn bên trong cái thế giới tưởng là đơn giản đó nhưng vẫn còn thách đố
khoa học, nhiều môn học mới, nhiều cách tiếp cận mới đã ra đời. Giao lưu quốc tế càng mở rộng,
càng đòi hỏi sự tự giới thiệu lẫn nhau về trí tuệ và kinh nghiệm truyền thống… Vì vậy, sự giàu có,
phong phú của tục ngữ Việt Nam là kết quả của nhiều công phu khai thác, tích lũy, quản lý một
cách có tổ chức, có kế hoạch. Hơn nữa, vẻ đẹp của tục ngữ không bộc lộ một cách dễ thấy mà phải
qua sự cắt nghĩa, phân tích của nhiều người, nhiều thế hệ mới bộc lộ được nhiều khía cạnh ẩn náu
bên trong, phát huy được bản chất trong sáng của nó.
1.3Vài nét về tình hình nghiên cứu tục ngữ ở Việt Nam.
1.3.1 Tình hình nghiên cứu tục ngữ trước 1975:
Từ những năm đầu thế kỷ XX, tuy khoa nghiên cứu văn học dân gian nước ta chưa ra đời
nhưng đã có nhiều nhà nho ghi chép, biên soạn tục ngữ. Nhìn chung chưa có quan niệm xác đáng,
khoa học về tục ngữ với tư cách là một thể loại văn học dân gian. Trong một thời gian dài tục ngữ
được quan tâm chủ yếu trên phương diện sưu tầm, biên soạn. Bên cạnh những công trình sưu tầm
còn có những tài liệu thích ngữ và dịch tục ngữ Việt Nam sang tiếng Pháp của người Pháp hoặc của
người Pháp làm chung với người Việt như phần Tục ngữ, thành ngữ trong sách Quảng tập viêm văn
(Chreastomathie annamite) của E. Nordemann; bài viết về Tín ngưỡng và tục ngữ dân gian ở thung
lũng Nguồn Sơn, Quảng Bình (Croyances et dicteens populair de la valle1e de Nguồn Sơn, Quảng
Bình) của linh mục L.Cadiè đăng trên BEFEO, I, 1909)…
Về nghiên cứu tục ngữ, theo trình tự thời gian, có một số công trình sau đây:
+Phạm Quỳnh (1921),“Tục ngữ ca dao”, Tạp chí Nam Phong, HN, (số 46).
+Phan Khôi (1929),“Theo tục ngữ phong dao xét về sự sanh hoạt của phụ nữ nước ta”,
Báo Phụ nữ tân văn, Hà Nội, (số 5,7,8,12,13,14,15,16,17,18).
+Tản Đà (1932),“ Phong dao tục ngữ”, An Nam tạp chí, HN, (số 45).
+Phan Khôi (1939),“Tục ngữ, phong dao và địa vị của nó trong văn học”, Tạp chí Tao đàn,
HN, (số 9,10,11).
+Phan Khôi (1939), “Tục ngữ, phong dao và địa vị của nó trong văn học”, Tạp chí Tao
đàn, HN, (số 9,10,11).
+Sùng Thanh (1941),“ Mấy câu tục ngữ và ca dao về ngày kỵ của vua Lê Thát Tổ”, Tạp
chí Tri Tân, HN,(số 19);
+Hoa Bằng (1943),“Phải chăng mấy câu tục ngữ ca dao này là có liên quan đến người và
việc trên trang quốc sử”, Tạp chí Tri Tân, HN,( số 147)…
+Văn Hạc (1943),“ Phụ nữ Việt Nam theo phong dao ngạn ngữ”, báo Trung Bắc chủ nhật,
HN, (số 181).
+ Dương Quảng Hàm (1943), Việt Nam văn học sử yếu, Nxb Nha học chính Đông Pháp,
HN, in lần thứ nhất.
+Trịnh Như Luân (1944),“Cách chiêm nghiệm và cuộc sinh hoạt của người xưa theo ca
dao tục ngữ” , Tạp chí Tri Tân, HN, (số 147).
+Nguyễn Văn Tố (1944),“Tục ngữ ta đối với tục ngữ Tàu và tục ngữ Tây” ,Tạp chí Tri
Tân, HN, (số 148).
+Hoa Bằng (1944),“ Tục ngữ, ca dao nguồn văn liệu rất phong phú”, Tạp chí Tri Tân, HN,
(số 148)…
Nhìn chung, thời gian này đa số các công trình là những bài viết đăng trên tạp chí, chưa có
những công trình nghiên cứu quy mô và chuyên sâu về tục ngữ.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954), công việc sưu tầm, biên soạn,
nghiên cứu tục ngữ bị hạn chế.Vì vậy, có rất ít công trình nghiên cứu:
+Nguyễn Trọng Lực (1949), Tiếng nói của đồng ruộng (hay là nghề nông Việt Nam qua ca
dao, tục ngữ), nhà sách Vĩnh Bảo, Sài Gòn.
+Lê Văn Hòe (1953),“Tục ngữ lược giải”, Nxb Quốc học thư, HN.
Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Trong tình hình đất nước ổn
định, các nhà nghiên cứu có điều kiện cần thiết để nghiên cứu tục ngữ. Một số các công trình sưu
tầm, biên soạn, nghiên cứu tục ngữ lần lượt ra đời. Về sưu tầm, biên soạn tục ngữ, có thể kể đến
công trình sau: “Một ít ca dao tục ngữ (tìm trong vốn cổ)”(1956), tạp chí Văn Nghệ, HN, (số 127),
(số 128), (số 129) do Thạch Hãn (sưu tầm) ...
Trong giai đoạn này, nhiều vấn đề của tục ngữ đã được đề cập, trong đó vấn đề nội dung
được nhiều tác giả lưu tâm. Có thể kể đến các công trình: “Giải thích vài tục ngữ về trồng lúa”
(1958), Nxb Nông Thôn, HN của Tam Phương; “Kinh nghiệm làm chiêm qua ca dao, tục ngữ”,
(1961), Nxb KH, HN của Ngô Xuân Minh, Trần Văn Doãn; “Kỹ thuật sản xuất qua tục ngữ và ca
dao Việt Nam”(1961), tạp chí Phổ thông, Sài Gòn, số 51 của Lê Huy Cận; “Tục ngữ ca dao dân ca
Việt Nam (1965), Nxb KHXH, HN của Vũ Ngọc Phan; “Một số thành ngữ, tục ngữ, ca dao về lời
ăn tiếng nói” (1969), tạp chí Ngôn ngữ, HN, số 2 của Anh Đào; “Tính chất nhân bản của tục ngữ,
ca dao” (1969), tạp chí Phổ thông, Sài Gòn, số 218 của Trần Đức Rật, “Tìm hiểu phong cách ăn
của dân tộc (qua ca dao, tục ngữ)” (1970), báo Văn nghệ, (số 355-356) của Từ Giấy; “Rượu qua
ca dao, tục ngữ Việt Nam” (1972), tạp chí Văn học, Sài Gòn, số 147 của Đỗ Nam...Bên cạnh đó,
các vấn đề nhận diện tục ngữ cũng được giới nghiên cứu tìm cách lý giải. Đó là các bài viết “Ranh
giới giữa thành ngữ và tục ngữ”, (1972), tạp chí Ngôn ngữ, HN, (số 3) của Nguyễn Văn Mệnh;
“Góp ý kiến về sự phân biệt thành ngữ với tục ngữ”, 1973, tạp chí Ngôn ngữ, HN, (số 1), của Cù
Đình Tú...Tìm hiểu sự vận dụng của tục ngữ cũng được Lê Anh Trà nghiên cứu qua bài viết “Cách
viết của Hồ Chủ tịch” đăng trên tạp chí Nghiên cứu Văn học, HN, (số 5), năm 1960; Nguyễn Phan
Cảnh với bài viết “Bước đầu tìm hiểu ngôn ngữ của Hồ Chủ tịch qua “ Những lời kêu gọi” in
trong tạp chí Văn học, HN, số 6 năm 1965; Cù Đình Tú với bài viết “Hồ Chủ tịch dùng thành
ngữ”, tạp chí Ngôn ngữ, HN, (số 2), năm 1970...Mối quan hệ giữa tục ngữ và các thể loại văn học
dân gian khác đã được Trần Đức Các tìm hiểu qua công trình “Tục ngữ với câu thơ lục bát trong
ca dao, dân ca” đăng trên tạp chí Văn học, HN, (số 1), năm 1973...
Nhìn chung, trước năm 1975, các công trình nghiên cứu có số lượng chưa nhiều, các vấn đề
của tục ngữ cũng được tìm tòi nhưng chưa bao quát, toàn diện. Trong đó, vấn đề nội dung đã được
nhiều nhà nghiên cứu lưu tâm nhiều nhất nhưng chưa lý giải triệt để với nhiều góc độ qua nhiều
ngành khoa học khác nhau. Ngoài ra, vấn đề thi pháp tục ngữ cũng được khám phá nhưng chưa sâu
sắc trên nhiều bình diện để tìm ra mọi “bí mật” làm nên sức mạnh biểu đạt của tục ngữ.
1.3.2 Tình hình nghiên cứu tục ngữ Việt Nam từ 1975 đến nay:
Năm 1975, đất nước hòa bình, thống nhất đã tạo tiền đề và mở ra một triển vọng tốt đẹp cho
sự phát triển của khoa học, trong đó có ngành nghiên cứu văn hóa dân gian. Về mặt tố chức, hội
Văn nghệ dân gian Việt Nam được củng cố: năm 1989, đại hội lần thứ hai; năm 1995, đại hội lần
thứ ba; năm 2000, đại hội lần thứ tư. Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian cũng được thành lập
(1983). Trong và sau thập kỷ thế giới phát triển văn hóa (1988- 1997), công việc nghiên cứu văn
hóa, văn học dân gian có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trước, tuy khó khăn vẫn còn không ít. Việc
sưu tầm cũng như nghiên cứu văn học dân gian, trong đó có tục ngữ đã được quan tâm. Với phương
châm bảo tồn và phát huy vốn văn hóa cổ truyền của dân tộc, các công trình nghiên cứu về văn học
dân gian (ca dao, tục ngữ, thành ngữ, vè…) được khuyến khích xuất bản. Các nhà nghiên cứu có
điều kiện khai thác vốn tục ngữ trên mảnh đất non sông liền một dải. Kho tàng tục ngữ như một
mảnh đất màu mỡ cho các nhà nghiên cứu tìm tòi, khai phá.
Từ 1975 đến nay, ở các trường đại học và viện nghiên cứu đã có nhiều nghiên cứu sinh, học
viên cao học, sinh viên chọn đề tài nghiên cứu tục ngữ, theo trình tự thời gian, có các công trình sau:
“Vị trí của tục ngữ trong mối quan hệ với một số thể loại folklore và văn học thành văn” của
Trần Đức Các, luận án Tiến sĩ, năm 1992.
“Khảo sát việc sử dụng thành ngữ, tục ngữ trong “Kho tàng ca dao người Việt”của Hồ
Tuyên, luận văn Cử nhân, năm 1996.
“Thế ứng xử xã hội cổ truyền của người Việt châu thổ Bắc bộ qua một số ca dao tục ngữ”
của Trần Thúy Anh, luận văn Thạc sĩ, năm 1998.
“Tục ngữ ca dao và việc phản ánh danh lam thắng cảnh” của Tạ Thị Hương, luận văn Cử
nhân, năm 1998.
“Con số trong ca dao, tục ngữ”của Phan Thị Hoa Lý, luận văn Cử nhân, năm 1999…
“Tục ngữ Việt Nam, bản chất thể loại qua hệ thống phân loại” của Nguyễn Việt Hương, luận
án Tiến sĩ, năm 2001.
“Cấu trúc cú pháp, ngữ nghĩa của tục ngữ Việt (trong sự so sánh với tục ngữ của một số dân
tộc khác” của Nguyễn Quý Thành, luận án Tiến sĩ, năm 2002 .
“Đặc điểm cấu trúc và ngữ nghĩa của thành ngữ và tục ngữ Nghệ Tỉnh (trong quan hệ với văn
hóa địa phương)” của Nguyễn Trí Sơn, luận án tiến sĩ, năm 2004.
“Khảo sát một số câu tục ngữ có nhiều cách hiểu” của Nguyễn Thanh Đảm, luận văn Thạc sĩ,
năm 2007.
“Biểu trưng trong tục ngữ Việt Nam” của Nguyễn Văn Nở, luận án Tiến sĩ, năm 2007.
“Khảo sát việc sử dụng thành ngữ, tục ngữ, ca dao trên báo chí” của Võ Nguyễn Bích Duyên,
luận văn Cử nhân, năm 2008.
“Định kiến giới trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ Việt Nam” của Nguyễn Thị Thịnh, luận văn
Thạc sĩ, năm 2008...
Nhiều tạp chí công bố các công trình nghiên cứu về tục ngữ: Văn học, Ngôn ngữ, Ngôn ngữ
và đời sống, Văn hóa dân gian, Văn hóa nghệ thuật…
Bên cạnh đó, Nxb Khoa học xã hội, Nxb Văn học… đã công bố rất nhiều công trình nghiên
cứu cũng như các chuyên luận có giá trị về tục ngữ.
Lực lượng nghiên cứu tục ngữ trong giai đoạn này rất phong phú. Đó là những tác giả dày
dặn kinh nghiệm và có tên tuổi đã được giới học thuật cũng như công chúng biết đến như Chu Xuân
Diên với “Tục ngữ Việt Nam” (1975),Vũ Ngọc Phan với “Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam” (1975),
Nguyễn Xuân Kính-Phan Hồng Sơn với “Tục ngữ Việt Nam” (1995), Nguyễn Lân với “Từ điển
thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (1994), Vũ Dung với “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam”
(1995), Vương Trung Hiếu với “Tục ngữ Việt Nam chọn lọc”(1996) , Việt Chương với “Từ điển
thành ngữ tục ngữ ca dao Việt Nam”(1995), Trần Mạnh Thường với “Tục ngữ ca dao dân ca Việt
Nam” (1996), ... Các tác giả Hoàng Tiến Tựu, Nguyễn Đức Dân, Nguyễn Nghĩa Dân, Nguyễn Việt
Hương, Nguyễn Văn Nở, Hoàng Văn Hành, Nguyễn Đức Dương, Đỗ Bình Trị, Bùi Mạnh Nhị,
Nguyễn Thái Hòa, Phan Thị Đào...với nhiều công trình nghiên cứu tục ngữ có giá trị. Ngoài ra còn
có một số tác giả trẻ đã tìm hiểu tục ngữ ở nhiều hướng mới. Các tìm tòi của họ phần lớn được đăng
trên “Ngữ học trẻ”(Kỷ yếu hội thảo ngôn ngữ học do hội Ngôn ngữ học Việt Nam tổ chức vào mùa
xuân hàng năm, bắt đầu từ năm 1996). Theo tiến trình thời gian, có thể điểm qua một số công trình
sau:
+Nguyễn Phương Trang (1998), “Hai hiện tượng gieo vần đặc biệt trong thành ngữ, tục ngữ
tiếng Việt”, Ngữ học trẻ, hội Ngôn ngữ học VN.
+Nguyễn Thị Hương (1999), “Đặc trưng ngữ pháp-ngữ nghĩa của lớp từ chỉ đơn vị tính toán,
đo lường trong tục ngữ”, Ngữ học trẻ, Hội Ngôn ngữ học VN.
+Nguyễn Quý Thành (2000), “Cấu trúc cú pháp ngữ nghĩa của những câu tục ngữ V._.óc độ, trên nhiều bình diện (Nguyễn
Xuân Kính). Tất cả các xu hướng đó đều có những ưu điểm và nhược điểm khi tiếp cận tục ngữ.
Tiếp thu thành tựu của những người đi trước, để khắc phục phần nào những hạn chế của các xu
hướng nghiên cứu tục ngữ ở Việt Nam đã được điểm qua, trong bài viết này chúng tôi trình bày
hướng tiếp cận tục ngữ từ góc độ văn hóa học.
1.2. Vì sao cần tiếp cận tục ngữ từ góc độ văn hóa học?
1.2.1. Văn hóa học là lĩnh vực nghiên cứu có tính liên ngành. Nó vận dụng tri thức của nhiều ngành
khoa học khác nhau để nghiên cứu một hiện tượng văn hóa. Đối tượng nghiên cứu của văn hóa học
rất rộng, bao gồm tất cả các hiện tượng và sự kiện văn hóa đã và đang diễn ra trong đời sống xã hội,
trong đó có tục ngữ. Với tư cách là một thể loại của văn học dân gian, tục ngữ cần được xem xét
bằng tri thức liên ngành đúng như Phan Ngọc đã nhận xét: “Mỗi nền văn học đều có cái mặt văn
hóa học của nó. Khi nghiên cứu bất kì bộ môn nào mà ta bỏ qua mặt văn hóa học của nó thì thực tế
ta đang lâm vào một tình trạng khoanh vùng khá võ đoán”[12, tr.17].
1.2.2. Tục ngữ thực chất là một loại sáng tác của nhân dân lao động, là “một hình thái tổng hợp đặc
biệt của tri thức dân gian có tính chất phi nghệ thuật
văn học là ở chỗ nó làm ra vì mục đích khoa học và triết lí” [3, tr.243]. Do đó, tri thức kinh nghiệm
được đúc kết trong tục ngữ của bất cứ dân tộc nào cũng là sự tổng hợp của nhiều lĩnh vực khoa học
khác nhau. Tục ngữ là di sản văn hóa phi vật thể của mỗi dân tộc trên thế giới, bộc lộ bản sắc văn
hóa của từng dân tộc: Do tục ngữ có tính chất như vậy, cho nên cách tiếp cận hữu hiệu đối với nó là
từ góc độ văn hóa học.
1.2.3. Văn hóa học rất chú trọng tính hệ thống và tính giá trị trong văn hóa. Hai thuộc tính cơ bản
này của văn hóa được các nhà văn hóa học ở nước ta và trên thế giới đưa lên vị trí hàng đầu khi khái
quát đặc trưng của nó. Do đó, vận dụng tri thức văn hóa học để tiếp cận tục ngữ còn đưa đến cái
nhìn hệ thống cùng với việc phát hiện những giá trị tương đối ổn định của một thể loại mà hiện tại ở
nước ta còn có những cách hiểu chưa thống nhất về nghĩa của nó. Tục ngữ nhiều nghĩa (đa nghĩa)
hay chỉ có một nghĩa? Tiếp cận nó từ góc độ văn hóa học, hi vọng sẽ có thêm lời giải đáp cho câu
hỏi đó.
2. Giải quyết vấn đề
2.1. Tiếp cận tục ngữ trong cái nhìn hệ thống
Trong cuốn Kho tàng tục ngữ người Việt, ở mục “Giáo dục, học tập, văn hóa, văn học nghệ
thuật, vật võ, chọi gà, đấu cờ”, các soạn giả đã tổng hợp được 471 câu thuộc chủ đề này. Trong tổng
số đó, chỉ tính riêng những câu nói về giáo dục, học tập, theo sự thống kê của chúng tôi đã có tới
195 câu, chiếm tỉ lệ 45%. Con số đó cũng đã nói lên một thực tế: Trong việc đúc kết kinh nghiệm,
với những phán đoán có tính chất “khuyên răn, dạy bảo” (chữ dùng của Dương Quảng Hàm), tục
ngữ rất chú trọng lĩnh vực giáo dục, học tập đối với con người. Về chủ đề này, trong 195 câu, tục
ngữ người Việt đề cập 5 phương diện:
- Vai trò của việc học đối với sự hiểu biết, thành đạt của con người. Phương diện này có 36
câu. Tiêu biểu như: ăn vóc, học hay, Chẳng học sao hay, Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học,
Dao có mài mới sắc, người có học mới khôn...
- Quan niệm về mục đích của việc học, thái độ học và cách học có 72 câu. Về mục đích của
việc học, tục ngữ đã đúc kết một thực tế. Đó là người Việt Nam học mong đỗ đạt để rồi được làm
quan: Học hành thì ích vào thân, quyền cao chức trọng dần dần theo sau, Nhà không con cháu học
hay, chức tước sang trọng có ai đem vào. Còn về cách học, tục ngữ đúc kết được những kinh
nghiệm quý: Học bất như hành, Chữ một nghĩ mười, Học không bao giờ muộn, Bảy mươi còn học
bảy mươi mốt...
Nêu gương các làng, các dòng họ có lắm người đỗ đạt và phong tục gắn với việc học.
Phương diện này có tất cả 35 câu, trong đó có những câu: Nam Chân tiến sĩ, Đồng Lũy tiến triều,
Lê: Chằm Vạc, Mạc, Đại An, Họ Ngô một bồ tiến sĩ, Hàng huyện làm cổng, hàng tổng làm nhà (để
đón ông nghè vinh quy), Tất niên khai bút, Mồng một tết cha, mồng ba tết thầy...
- Kinh nghiệm dạy dỗ con cái có 19 câu. Ví như những câu: Non chẳng uốn, già nổ đốt, Dạy
con từ thủa còn thơ, Mài mực ru con, mài son đánh giặc, Con học, thóc vay...
- Phê phán những kẻ lười học, không biết cách học, có 33 câu. Chẳng hạn như những câu:
Bút kình thiên, nghiên bỏ mốc. (Chẳng đoái hoài đến bút mực), Chữ không học, thóc không vay,
Dốt hay nói chữ, Học như cuốc kêu mùa hè (học vẹt)...
Đặc biệt, do coi trọng công tác giáo dục, đề cao việc học: Chữ thánh gánh vàng, Một kho
vàng không bằng một nang chữ, cho nên bằng tục ngữ, người dân lao động nước ta còn bộc lộ thái
độ tôn sư trọng đạo. Có một số câu có thể kết thành một chuỗi đều thể hiện truyền thống tốt đẹp
này, Không thầy đố mày làm nên, Nhất tự vi sư, bán tự vi sư, Nhất nhật vi sư, Trọng thầy lại được
làm thầy, Lạy lục khúm núm không bằng ghi tạc lời thầy, Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con
hay chữ thì yêu lấy thầy...
Tất cả các phương diện đó hợp thành một “hệ thống hữu cơ” (chữ dùng của Trần Ngọc Thêm
khi định nghĩa về văn hóa) nói lên truyền thống hiếu học của con người Việt Nam. Có được bức tranh
tổng hợp đó về một nét nổi bật của bản sắc văn hóa Việt Nam là do chúng tôi đã tiếp cận tục ngữ trong
cái nhìn hệ thống.
2.2. Tiếp cận liên ngành để hiểu nghĩa của một số câu tục ngữ
2.2.1. Tiếp cận liên ngành đối với hai câu tục ngữ đúc kết tri thức tự nhiên
Câu thứ nhất: Lập thu mới cấy lúa mùa, khác nào hương khói lên chùa cầu con. Muốn hiểu
được nghĩa của câu này, cần xem xét nó trên các bình diện. Trước hết, trên bình diện văn học, đây là
câu được thể hiện trong hình thức thơ lục bát, dùng biện pháp so sánh để tạo ra mối liên hệ giữa hai
sự việc: Cấy lúa mùa và Lên chùa cầu con. Trên bình diện ngôn ngữ học, trong câu tục ngữ có sự
kết hợp giữa từ Hán Việt và từ thuần Việt. Các từ lập thu, cầu là từ Hán Việt. Các từ còn lại đều là
từ thuần Việt. Sự kết hợp hai nhóm từ đó phải chăng để nói tới việc cấy lúa mùa tuy là công việc
quen thuộc của nhà nông (từ thuần Việt) nhưng cũng phải coi trọng yếu tố thời gian của công việc
có tính chất khởi đầu này (từ Hán Việt). Trên bình diện xã hội học, câu tục ngữ đó còn gắn với tục
đi cầu tự ở đền, chùa để mong sinh con. Đây là việc làm của những kẻ tin vào sự may rủi (bình diện
tâm lí học). Bằng sự kết hợp giữa tri thức văn học, ngôn ngữ học với tri thức xã hội học, tâm lí học,
chúng tôi đã làm sáng tỏ nghĩa của câu Lập thu mới cấy lúa mùa. Theo kinh nghiệm của nhà nông,
nếu đầu mùa thu mà mới cấy lúa mùa thì thời vụ đã muộn, nếu có thu hoạch chẳng qua chỉ là
chuyện may rủi. Câu này chỉ có một nghĩa duy nhất là khuyên người nông dân phải chú ý thời vụ
gieo trồng đối với cây lúa mùa.
Câu thứ hai: Lúa chiêm lấp ló đầu bờ, hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên. Về tri thức văn học,
cũng như ở câu trên, câu này được thể hiện trong hình thức thơ lục bát, dùng các hình ảnh để diễn tả
trạng thái của cây lúa chiêm. Lấp ló đầu bờ, phất cờ mà lên. Lối nói vần vè và bằng hình ảnh làm
cho tục ngữ nói chung và câu này nói riêng là lời nói có cánh, không phải là lời nói thông thường
mà là lời nói có tính nghệ thuật. Về tri thức ngôn ngữ học, câu tục ngữ Lúa chiêm lấp ló... dùng hầu
hết các từ thuần Việt, là: “lời ăn tiếng nói của nhân dân” (chữ dùng của Đinh Gia Khánh). Trong
câu đó còn có cả từ láy lấp ló và sử dụng phương thức tu từ nhân hóa nghe tiếng sấm. Về tri thức
nông học, hình ảnh Lúa chiêm lấp ló đầu bờ nhằm diễn tả cây lúa đã tròn mình, đứng cái, đang cần
có thêm phân để bón thúc. Về tri thức hóa học, mặc dù người sáng tạo ra câu đó chưa biết khái niệm
này nhưng qua thực tế, bằng kinh nghiệm, họ thấy khi có tiếng sấm thì sẽ có mưa, kèm theo đó là
tạo ra một lượng đạm tự nhiên cần cho sự phát triển của cây lúa chiêm. Về thiên văn học thì tiếng
sấm được nói tới ở đây là sấm vào tháng ba âm lịch bởi vì Sấm tháng ba thì ra mọi chuyện chứ
không phải là vào tháng tư vì rằng Sấm tháng tư thì hư mọi chuyện. Vận dụng tổng hợp các lĩnh vực
tri thức như vậy, chúng ta mới hiểu được nghĩa của câu Lúa chiêm lấp ló đầu bờ. Câu này cũng chỉ
có một nghĩa là khuyên nhà nông khi sản xuất lúa chiêm cũng phải chú ý đến thời vụ, sao cho khi
nó tròn mình, đứng cái gặp được cơn mưa đầu mùa là tốt nhất.
Như vậy, đứng từ góc độ văn hóa học, bằng cách tiếp cận liên ngành, chúng ta đã thấy rõ:
Tục ngữ đúc rút tri thức tự nhiên chỉ có một nghĩa. Sở dĩ như vậy là do: tri thức này đòi hỏi phải
chính xác, có như vậy mới vận dụng được vào thực tiễn.
2.2.2. Tiếp cận liên ngành đối với hai câu tục ngữ đúc kết tri thức xã hội
- Câu thứ nhất: ăn vóc, học hay.
Trong bài “Về hai câu tục ngữ ăn vóc, học hay và ăn hóc học hay (Tạp chí “Nguồn sáng dân
gian” số 3, 2005, tr.70), các tác giả Nguyễn Xuân Kính, Nguyễn Thuý Loan, Phan Lan Hương,
Nguyễn Luân đã đưa ra năm cách hiểu về nghĩa của hai câu đó. Đối với câu ăn vóc, học hay, các tác
giả của bài viết này nhất trí với cách lí giải của Hoàng Văn Hành và của Việt Chương. Theo họ,
nghĩa của câu này là: “Câu tục ngữ được hiểu là ăn khỏe học hành giỏi giang. Đây là quan niệm và
lòng mong muốn của cha mẹ đối với con cái” [10 - tr.70].
Nếu tiếp cận câu ăn vóc học hay từ góc độ văn hóa học (vận dụng tri thức liên ngành) thì
nghĩa của câu đó có thể hiểu theo cách khác. Do tính chất cô đúc, tiết kiệm lời và thường có lối nói
vần vè (đặc điểm chung của tục ngữ) nên câu này giàu chất thơ. Theo Nguyễn Đăng Mạnh, những
tác phẩm giàu chất thơ thường có tính đa nghĩa, do đó cho phép có nhiều cách tiếp cận dẫn tới
những cách hiểu khác nhau. Giàu chất thơ là xét câu ăn vóc học hay trên bình diện văn học. Trên
bình diện ngôn ngữ học, câu tục ngữ này thuộc loại câu hai vế, câu ghép và có cấu trúc đối xứng
kép. Trong câu đó có hai từ là “vóc” và “học”, nhất là từ “vóc” đã gây nhiều tranh cãi về từ loại và
nghĩa của chúng (xin xem bài viết của nhóm tác giả đã dẫn ra ở trên). Chúng tôi cũng nhất trí với ý
kiến của nhiều người cho rằng: Từ “vóc” trong ăn vóc là danh từ được tính từ hoá. Có như vậy mới
tương ứng với từ “hay” trong học hay cũng là tính từ. Tuy nhiên, nghĩa của từ “vóc” nếu dùng như
tính từ thì thiên về đẹp hơn là về khoẻ bởi vì: Trong Từ điển tiếng Việt, từ này được cắt nghĩa là
danh từ chỉ người và chỉ một loại “hàng dệt bằng tơ, bóng mịn, có hoa” [13, tr.1119]. Vóc là tên gọi
của một loại lụa đẹp, sang và quý, khác với lụa thông thường. Ngay cả từ vóc nói về con người thì
trong các từ ghép như sức vóc, tầm vóc, dáng vóc... nghĩa của nó vẫn là sự kết hợp giữa khoẻ và
đẹp, một vẻ đẹp hài hoà (trên thực tế có người khoẻ nhưng không đẹp và ngược lại). Còn từ hay”
trong học hay nằm trong sự kết hợp có tính phổ biến như nói hay, hát hay, diễn hay... Tất cả các
hành động như học, nói, hát, diễn... khi kết hợp với hay thì không còn dừng lại ở mức bình thường
mà “được đánh giá là có tác dụng gây được sự hứng thú hoặc cảm xúc đẹp... đạt yêu cầu cao, mang
lại hiệu quả mong muốn” [13, tr.426]. Với cách lí giải hai từ “vóc” và “hay” như vậy, nghĩa của câu
“ăn vóc học hay” là: ăn sao cho đẹp, học sao cho giỏi. Câu tục ngữ này nhằm khuyên mọi người
(không chỉ riêng “đối với con cái”) trong việc ăn cũng như việc học không nên dừng lại ở mức bình
thường mà phải đạt tới tầm cao văn hoá, gây được sự hứng thú.
- Câu thứ hai: Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi. Câu này cũng đã có những cách giải thích
khác nhau về nghĩa của nó. Trong cuốn Tục ngữ Việt Nam, ông Chu Xuân Diên nhất trí với cách lí
giải của một số người trước đó và cho rằng: Đây là câu vừa có nghĩa gốc, nghĩa cụ thể ban đầu lại
vừa có nghĩa bóng. Về nghĩa bóng, cuốn sách này dẫn lại lời giải thích trong báo “Tri Tân số 25, ra
ngày 28 tháng 11 năm 1941”: “... phản ánh tập tục có những đám kị hoặc tế tự dồn dập, liên miên ở
xã, thôn Việt Nam trước đây” [1, tr.66]. Điều đáng lưu ý ở đây là: cả Chu Xuân Diên và tác giả bài
báo Tri Tân trước đó (không ghi họ tên) đều cho câu tục ngữ trên là câu hai nghĩa, trong đó nghĩa
gốc gắn với sự thật lịch sử và nghĩa bóng gắn với tập tục. Tuy nhiên, theo chúng tôi, trên thực tế,
câu Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi còn có một tầng nghĩa khác, có thể gọi là nghĩa phái sinh hay
nghĩa hiện dùng. Đó là từ việc phản ánh một hiện tượng lịch sử – xã hội, nghĩa của câu này có xu
hướng chuyển thành kinh nghiệm dự báo thời tiết (hiện tượng tự nhiên). Theo kinh nghiệm của dân
ta, hàng năm cứ đến ngày 21 và 22 tháng 8 âm lịch thường có lũ lụt, cần phải đề phòng. Như vậy,
trong bản thân câu tục ngữ đó đã có tới ba tầng nghĩa: nghĩa ban đầu (nghĩa gốc), nghĩa bóng và
nghĩa phái sinh (hiện dùng). Cả ba tầng nghĩa ấy đều có liên quan tới đời sống văn hóa của con
người Việt Nam. Qua việc tiếp cận hai câu tục ngữ đúc kết kinh nghiệm xã hội, từ góc độ văn hóa
học, chúng ta thấy được những câu thuộc loại này thường có nhiều nghĩa (ít nhất là từ hai nghĩa trở
lên). Chúng tôi cũng không phủ nhận quan niệm cho rằng: Tục ngữ chỉ nhiều nghĩa trong mỗi lần
phát ngôn (xin xem hai bài viết của Nguyễn Xuân Đức trong cuốn Những vấn đề thi pháp văn học
dân gian).
3. Kết thúc vấn đề
3.1. Nếu như trước đây, tục ngữ đã được nghiên cứu theo các xu hướng khác nhau thì trong bài viết
này, chúng tôi đưa ra cách tiếp cận nó từ góc độ văn hoá học. Cách tiếp cận đó đòi hỏi phải xem xét
tục ngữ trong cái nhìn hệ thống, phải vận dụng tri thức liên ngành để rồi chỉ ra bản sắc văn hóa
trong một thể loại văn học dân gian có quan hệ mật thiết nhất với đời sống từng dân tộc.
3.2. Tiếp cận tục ngữ từ góc độ văn hóa học cũng giúp chúng tôi góp thêm tiếng nói vào việc giải
quyết vấn đề nghĩa của tục ngữ. Muốn biết tục ngữ là câu chỉ có một nghĩa hay nhiều nghĩa thì phải
căn cứ vào từng loại. Đối với loại câu đúc kết tri thức tự nhiên thì chỉ có một nghĩa. Đối với loại câu
đúc kết tri thức xã hội thì thường có nhiều nghĩa (…)
(Nguồn:Tạp chí văn hóa dân gian, số 1(103), 2006).
( Chú thích: bài viết nghiên cứu vấn đề giải thích ý nghĩa từng câu tục ngữ).
******************************************************************
Tính nhiều nghĩa hay đa nghĩa của tục ngữ.
Phan Trọng Hòa
(…)
Bài viết của chúng tôi xem xét nghĩa của tục ngữ từ góc độ văn bản. Mục đích của bài viết là
góp phần giải đáp hai vấn đề mà không ít người băn khoăn sau khi đọc bài "Về nghĩa của tục ngữ"
của TS.Nguyễn Xuân Đức đăng trên Tạp chí Văn hoá dân gian, số 4-2000:
Một là, vì sao không nên nói tục ngữ đa (hay nhiều) nghĩa?
Hai là, đích thực tục ngữ có mấy nghĩa?
1. Vì sao không nên nói tục ngữ đa (hay nhiều) nghĩa?
Trong bài viết của mình, sau khi phân tích nội dung các tài liệu, giáo trình của các tác giả
Đinh Gia Khánh (chủ biên), Lê Chí Quế (chủ biên), Hoàng Tiến Tựu và Bùi Mạnh Nhị viết cho các
hệ học sinh từ phổ thông đến cao đẳng, đại học, Nguyễn Xuân Đức nhận xét: "Theo quan niệm của
hầu hết các nhà nghiên cứu thì có hai bộ phận tục ngữ: bộ phận chỉ có một nghĩa và bộ phận có
nhiều nghĩa (...). Tuy nói tục ngữ thường mang nhiều nghĩa nhưng trong trong toàn bộ bài viết của
mình, Bùi Mạnh Nhị cũng chỉ nói tới nghĩa đen và nghĩa bóng của thể loại này mà thôi”. Tương tự,
"mặc dù có hẳn một đề mục là" Tính nhiều nghĩa của tục ngữ" hoặc dùng hẳn từ "đa nghĩa" khi nói
về nội dung của tục ngữ nhưng đọc kĩ toàn bộ chương viết về tục ngữ trong giáo trình dành cho học
sinh cao đẳng sư phạm thì thấy Hoàng Tiến Tựu cũng chỉ nói được hai nghĩa mà thôi".
Những ý kiến trên là thoả đáng. Có điều, khi bác bỏ quan niệm cho rằng "Hai là nhiều, nhiều
là đa, vì thế có quyền nói tục ngữ là nhiều nghĩa, là đa nghĩa", ông Đức lập luận: "Đúng hai là
nhiều, mà nhiều là đa nhưng đa (hay nhiều) bao hàm cả hai chứ không chỉ có hai", và ông khuyên
"Không nên nói tục ngữ là đa nghĩa hay nói quá đi rằng tục ngữ có nhiều nghĩa như các tác giả
khác".
Ở đây, cái ý "nhưng đa (hay nhiều) bao hàm cả hai chứ không chỉ có hai" là thừa, là luẩn
quẩn, vì điều tác giả đang bàn là "Hai là đa (hay nhiều)" chứ không phải "Đa (hay nhiều) là hai".
Sắp xếp lại thứ tự của các phán đoán, đưa lập luận đang xét về dạng luận tam đoạn, ta sẽ sáng
rõ hơn điều này:
Nhiều là đa
Hai là nhiều
Vậy nên, hai là đa
"Hai là đa" là một kết đề tất yếu đúng, và theo đây, cứ câu tục ngữ nào có hai nghĩa thì câu
đó là nhiều nghĩa, đa nghĩa, không có gì phải băn khoăn cả. (Trong suy luận, khi đã biết rằng "Hổ là
thú ăn thịt" và biết "Con vật này là hổ",ta sẽ suy ra "Con vật này là thú ăn thịt". Ở đây không cần
phải ngoắc lại rằng "nhưng trong loài thú ăn thịt có hổ chứ không phải chỉ có hổ".)
Đây chỉ là cách tư duy thông thường. Thế nhưng trong các cuộc tranh luận khoa học, lắm khi
vì thiếu một chút kiến thức thông thường ấy mà một vấn đề đúng lại tưởng là sai, một vấn đề đơn
giản lại hoá thành phức tạp. Trường hợp ta vừa phân tích là một ví dụ.
Như vậy, nguyên nhân dẫn đến sự luẩn quẩn trong cách lập luận trên chủ yếu là do tác giả
chưa xác định rõ được mối quan hệ giữa các khái niệm "hai", "đa" và "nhiều". Thật ra, "đa" cũng có
nghĩa là "nhiều". Và "nhiều" hay "đa" đều là "từ hai trở lên". Trong thực tế, "đa" có thể là "từ ba trở
lên" (như "đa" trong "đa giác", "đa phức", "đa tiết", "đa trị") nhưng điều này không làm cho kết luận
vừa nêu (Đa hay nhiều đều là từ hai trở lên) sai, vì trong "từ hai trở lên" có "từ ba trở lên". Từ điển
giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học của Nguyễn Như Ý (1) cũng xác định: "đa nghĩa" là "có hai nghĩa
trở lên; còn gọi là nhiều nghĩa".
Từ sự phân tích trên, chúng ta có thể đi đến kết luận: Việc Hoàng Tiến Tựu và Bùi Mạnh Nhị
hay ai đó sử dụng khái niệm "nhiều nghĩa" hay "đa nghĩa" khi nói về những câu tục ngữ có hai
nghĩa là hoàn toàn đúng, không còn gì để bàn cãi nữa.
2. Đích thực tục ngữ có mấy nghĩa?
Câu hỏi này được ông Đức nêu ra trong bài viết của mình. Song trước khi giải đáp điều này,
có lẽ ta nên phân biệt hai cụm từ "số lượng nghĩa" và "loại nghĩa" của tục ngữ. Trong ngôn ngữ, số
lượng nghĩa của một từ có thể rất lớn, tính đến hàng chục (Ví dụ, trong Từ điển tiếng Việt 2002, từ
"ăn" có 13 nghĩa) nhưng loại nghĩa thì chỉ có hai: nghĩa đen (2) và nghĩa bóng(3). Tục ngữ cũng có
những nét tương tự. Theo các nhà nghiên cứu văn học dân gian, trong tiếng Việt, bên cạnh những
câu tục ngữ chỉ có một nghĩa là nghĩa đen (Ví dụ: Trời nắng, cỏ gà trắng thì mưa; May hơn khôn)
hoặc nghĩa bóng (Ví dụ: Gieo gió, gặt bão; Gió Sơn Tây trúc cây Hà Nội)(4) là những câu có hai
nghĩa, tức cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng (Ví dụ: Thuốc đắng dã tật; Tre non dễ uốn). Ở đây, số lượng
nghĩa và loại nghĩa của mỗi câu tục ngữ là đồng nhất. Dường như từ trước tới nay, khi phân tích
nghĩa của tục ngữ hầu hết các nhà tục ngữ học Việt Nam đều chỉ mới dừng lại ở mức độ này. Và
đúng như nhận xét của Nguyễn Xuân Đức, "dù nói tục ngữ nhiều nghĩa hay đa nghĩa thì xét đến
cùng, các tác giả cũng chỉ mới nhằm đề cập từ một đến hai nghĩa của tục ngữ mà thôi, chứ chưa nói
đến nghĩa thứ ba nào cả."
Thế nhưng mới đây, khi đọc Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam (Vũ Dung chủ biên)(5),
chúng tôi đã gặp một số câu tục ngữ có ba nghĩa, trong đó ở câu nào số lượng nghĩa bóng cũng
nhiều hơn nghĩa đen. Ví dụ:
Cá mè đè cá chép. (Tr. 106)
Nghĩa đen: Một kinh nghiệm chăn nuôi: Cá mè ăn nổi, sống ở tầng trên, cá chép sống ở tầng giữa.
Nghĩa bóng: - Cùng họ hàng, đồng loại mà đè nén, chèn ép nhau.
- Cảnh đời trớ trêu(6).
Đất nặn nên bụt (Để là hòn đất, cất là ông bụt; Hòn đất cất nên ông bụt).(Tr. 286)
Nghĩa đen: Hòn đất tự nhiên không có giá trị, không ra hình thù gì, khéo nặn thành tượng Phật thì
trở nên vật quí, được lễ bái cung kính.
Nghĩa bóng: - Bị bỏ xó một chỗ, không được cất nhắc thì chẳng là cái gì, gặp thời gặp vận lại được
trọng vọng cung kính.
-Vật tầm thường nếu khéo dùng, qua cải tạo sẽ trở nên quí hiếm.
-Một lần thì kín, chín lần thì hở.(Tr.461)
Nghĩa đen: Người khéo gói một lần là kín, người vụng gói nhiều lần vẫn hở.
Nghĩa bóng: - Việc làm mà khéo léo, cẩn thận thì chỉ một lần cũng xong xuôi chu đáo, nếu vụng về
cẩu thả thì làm đi làm lại cũng không ra gì.
-Việc làm vụng trộm nhiều lần sẽ bị phát hiện, không thể giấu giếm được.
Thực tế trên chứng tỏ, về số lượng, tục ngữ tiếng Việt có từ một đến ba nghĩa, nhưng về loại
thì chỉ có hai: nghĩa đen và nghĩa bóng…
(Tạp chí Văn hóa dân gian, số 3, 2003).
(Chú thích: bài viết nghiên cứu vấn đề những quan niệm về nghĩa của tục ngữ).
Tìm hiểu những yếu tố triết học (hay triết lý dân gian)
trong tục ngữ Việt Nam
Vũ Hùng
(…)Tục ngữ tuy không phải là triết học nhưng về phương diện nào đó nó rất gần gũi với triết
học. Tục ngữ được làm ra với mục đích triết lý, luôn luôn cố gắng phát hiện ra bản chất và tính quy
luật của các sự vật và hiện tượng tự nhiên, xã hội và đời sống con người. Do đó nhiều người gọi tục
ngữ là "'triết lý dân gian", "triết học của nhân dân lao động". Điều đó được thể hiện ở chỗ trong nội
dung tục ngữ có chứa đựng những yếu tố của tư tưởng triết học, nghĩa là những tư tưởng triết học
không được thể hiện một cách đầy đủ và chặt chẽ như những quy luật, nguyên lý và mệnh đề triết
học mà nó chỉ được thể hiện một phần nào đó và bằng cách nào đó trong nội dung của tục ngữ.
Về mặt thế giới quan, tục ngữ Việt Nam đã phản ánh những nhận thức có tính duy vật tự
phát, thừa nhận sự tồn tại và vận động khách quan của thế giới không phụ thuộc vào con người:
"Chạy trời không khỏi nắng", "Chạy mưa không khỏi trời", "trời", "nắng", "mưa" ở đây chính là
hiện thực khách quan. Sự vật và hiện tượng khách quan tồn tại, vận động và phát triển theo quy luật
vốn có của nó: “Trăng đến rằm thì tràng tròn, sao đến tối thì sao mọc", "Còn da lông bọc, còn chồi
nẩy cây". Tư tưởng duy vật của nhân dân lao động còn được thể hiện ở thái độ phản đối những
chuyện mê tín dị đoan và những người làm các nghề đó: "Thầy bói nói dựa", Bói ra ma, quét nhà ra
rác”.
Nhân dân lao động còn thể hiện tư tưởng duy vật của mình trong việc nhìn nhận và giải quyết
các vấn đề về đời sống xã hội. Đó à một thứ chủ nghĩa duy vật trực quan, chất phác, ngây thơ, xuất
phát từ kinh nghiệm. Quan điểm duy vật đó được thế hiện một cáchh đơn giản và sinh động: "Có
thực mới vực được đạo”. "Thực" ở đây có thể là ăn, là lương thực, là kinh tế như Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã từng vận dụng trong những trường hợp cụ thể khác nhau. Nhưng dù sao, "thực" cũng là
một cơ sở kinh tế, là đời sống vật chất là tồn tại xã hội, còn "đạo" nghĩa là sự nghiệp, là lý tưởng
hoạt động thuộc lĩnh vực kiến trúc thượng tầng, là đời sống tinh thần, là ý thức xã hội. "Thực" vực
"đạo", nghĩa là vật chất quyết định tinh thần, tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội.
Con người là chủ thể xã hội, nhưng cũng là một sinh vật. Đối với mọi sinh vật, ăn phải là nu
cầu hàng đầu: "Mẻ không ăn cũng chết". Những con người thì không chỉ có ăn, mà sau ăn phải là
mặc: "Được bụng no còn lo ấm cật". Và khi có ăn có mặc rồi thì con người không lo chết đói chết
rét nữa: "Cơm ba bát, áo ba manh, đói không xanh, rét không chết”.
Nhưng muốn có ăn, có mặc thì phải lao động vì như Engen nói: "lao động là điều kiện cơ bản
đầu tiên của toàn bộ đời sống con người". Vốn là những người lao động nên nhân dân ta rất coi
trọng lao động và thấy rõ giá trị của lao động: “Khen nết hay làm, ai khen nết hay ăn”, “Có khó mới
có miếng ăn”, “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”…
Nói đến xã hội, nói đến lao động thì phải nói đến chính bản thân con người, vì không có con
người thì không có xã hội, không có lao động. Bởi vậy xưa nay triết học Đông Tây đều bàn về con
người rất nhiều. Tục ngữ ta có câu; " Người ta là hoa đất” - một câu nói chỉ có năm từ thuần Việt
mà thể hiện sâu sắc quan niệm cả về vũ trụ và nhân sinh, với một tư tưởng nhân văn cao đẹp.
Nói về con người và giá trị con người, tục ngữ ta thường so sánh người và của bao giờ cũng
đặt người trên cao hơn rất nhiều: “Người làm ra của, của không làm ra người", "Một mặt người hơn
mười mặt của”, “Người sống hơn đống vàng"… Đương nhiên, trên thực tế tuy cùng là "người"
nhưng không phải ai cũng như ai, cũng như tuy cùng là "của" nhưng không phải cái gì cũng có hai
trị như nhau, vì thế tục ngữ ta cũng có phân loại: “Người ba bẩy đảng, của ba bẩy loài”.
Đi đôi với tư tưởng duy vật tự phát, trong tục ngữ Việt Nam cũng chứa đựng rất nhiều những
yếu tố của tư tưởng biện chứng. Đó là cách nhìn nhận các sự vật và hiện tượng không phải ở trạng
thai đứng im, bất biến mà ở trong sự vận động, biến đổi và phát triển và luôn luôn liên hệ điều đó
với đời sống con người: “Trời còn có khả năng khi mưa, ngày còn khi sớm khi trưa nữa người”,
“Người có lúc vinh, lúc nhục, nước có lúc đục lúc trong”, “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời”, “Hết cơn
bĩ cực đến kỳ thái lai”, “Tre già măng mọc”, “Con chị nó đi, con dì nó lớn”…Các sự vật và hiện
tượng không tồn tại độc lập, tách rời nhau: mà giữa chúng có những mối liên hệ, tác động qua lại
lẫn nhau với mức độ và phạm vi khác nhau tùy theo từng đối tượng cụ thể: "Mạ nhờ nước, nước nhờ
mạ”, “Hồ cậy rừng, rừng cậy hồ”, “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, “Gần lửa rát mặt”, “Cháy
thành vạ lây”, “Con sâu bỏ rầu nồi canh”, “Thớt trên mòn, thớt dưới cũng mòn’, “Trâu bò đánh
nhau ruồi muỗi chết”, “Cả nhà làm quan cả họ được cậy, một người làm bậy cả họ mất nhờ”, “Lê
tồn Trịnh, tại Lê bại Trịnh vong”…
Mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng được tục ngữ thể hiện khá phong phú và sinh động,
tuy không phải dùng đến khái niệm “Chất, lượng, độ, thuộc tính” như triết học. Phân biệt chất khác
nhau được tạo nên bởi những thuộc tính khác nhau: “Chẳng chua cũng thể là chanh, chẳng ngọt
cũng thể cam sành chín cây”. Chất khác nhau tạo ra những giá trị khác nhau: “Trăng mờ còn tỏ hơn
sao, dẫu rằng núi nở còn cao hơn đồi”. Không thể lấy lượng thay chất được dù rằng lượng đó gấp
bao nhiêu lần: “Trăm đom đóm không bằng bó đuốc, trăm hòm chỉ chẳng đúc lên chuông”. Chất
bao giờ cũng được coi trọng hơn lượng. “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”, “Văn hay chẳng lọ dài
dòng”… và rất nhiều câu diễn tả sự thay đổi về lượng khi “vượt độ” sẽ dẫn đến sự thay đổi về chất:
“Quá mù ra mưa”, “Tốt quá hoá lốp”, “Mèo già hoá cáo”, “Góp gió thành bão, góp cây nên
rừng”… Đặc biệt có câu thể hiện sự chuyển hoá lẫn nhau giữa khái niệm lượng và khái niệm chất:
”Gò với núi cũng kể loài cao, bể với ao cũng kể loài thấp”.
Mối quan hệ giữa bản chất và hiện tượng được tục ngữ nói đến ở nhiều góc độ và mức độ
khác nhau, rất thực tế và linh hoạt. Bản chất bao giờ cũng bộc lộ qua hiện tượng: "Người khôn dồn
ra mặt", "Khôn ngoan hiện ra nét mặt, què quặt hiện ra chân tay". Có thể căn cứ vào hiện tượng đề
kết luận về thực chất sự vật: "Nứa trôi sông chẳng giập thì gẫy, gái trồng rẫy chẳng chứng nọ cũng
tật kia". Hiện lượng khác nhau nhưng bản chất chi là một: “Khác lọ cùng một nước". Cái bề ngoài
thì dễ thấy nhưng cái bên trong thì khó mà thấy: "Họa hổ hoạ bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri
tâm". Phải cảnh giác với những hiện tượng xuyên tạc bản chất: "Thủ thỉ nhưng mà quỷ ma", "Tẩm
ngẩm tầm ngầm mà dẫm chết voi"...
Mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả (gọi tắt là quan hệ nhân quả) cũng được thể hiện
trong nhiều câu tục ngữ: "Không có lửa sao có khói", “Gieo gió gặt bão”, “Trèo cao ngã đau”,
“Nguồn đục dòng cũng đục”, “Thế gian chẳng ít thì nhiều, không dừng ai dễ đặt điều cho ai”…
Mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung trong tục ngữ được thể hiện như là sự gắn bó và
phân biệt giữa cá thể và và loài trong thế giới sinh vật: “Thân chim cũng như thân cò”, “Lòng vả
cũng như lòng sung, một trăm con lợn cũng chung một lòng”, “Sống mỗi người mỗi nết, chết mỗi
người mỗi tật”…
Quan hệ mâu thuẫn trong tự nhiên và xã hội được trình bày như là “sự trái ngược” đơn thuần:
“Được mùa cau, đau màu lúa”, “Được người mua, thua người bán’, “Được lòng ta xót xa lòng
người”, “Kẻ ăn không hết, người lần không ra”…
Bên cạnh những tư tưởng duy vật và tư tưởng biện chứng có tính chất trực quan đó, nhân dân lao
động ngày xưa, do thế giới quan không thuần nhất, do trình độ nhận thức còn thấp kém và do bị áp
bức nặng nề trong xã hội có giai cấp đối kháng nên không tránh khỏi những tư tưởng duy tâm và mê
tín dị đoan. Tuy có nghi ngờ, không tin vào các loại "thầy" cụ thể làm nghề mê tín, nhưng họ lại tin
vào thần thánh, vào vận hạn, vào tướng mạo và những dấu vết trên cơ thể con người, vào ngày giờ
lành dữ, và nhất lả tin vào số mệnh (những câu tục ngữ nói về "số" cũng nhiều hơn về các thứ mê
tín khác): "Đất có thổ công, sông có hà bá," "Trời cho hơn lo làm", "Một khoáy sống lâu, hai khoáy
trọc đầu, ba khoáy chóng chết", "Chớ đi ngày bảy, chớ về ngày ba", "Từ sinh hữu mệnh, phú quí tại
thiên", "Trăm đường tránh chẳng khỏi số", "Tốt số hơn bố giầu', "Số giàu tay trắng cũng giàu, số
nghèo chín đụn mười trâu cũng nghèo"...
Những tư tưởng duy tâm, mê tín nói trên không những chi phối nặng nề đời sống của nhân
dân lao động nước ta trong các xã hội trước đây, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phận
nhân dân trong xã hội ta ngày nay, đặc biệt là đối với lớp người làm nghề buôn bán và tầng lớp
thanh niên gặp nhiều khó khăn, trắc trở về tình duyên, về công việc làm ăn... Đó cũng là điều khó
tránh khỏi. Chi có sự phát triển của đời sống xã hội và kinh nghiệm thực tế của mỗi người mới có
thể dần dần khắc phục và loại trừ những quan niệm sai lầm trong thế giới quan và nhân sinh quan.
Ý nghĩa triết học của kho tàng tục ngữ Việt Nam rất rộng lớn, phong phú, muôn hình, muôn
vẻ. Đó là những di sản quý báu “những viên ngọc quý” của đời sống tinh thần được coi như một
trong những điểm tựa về tư tưởng truyền thống của dân tộc mà chúng ta cần và có thể chọn lọc, kế
thừa và sử dụng trong cuộc sống mới hiện nay.
(Nguồn:Tạp chí Triết học,2008)
(Chú thích: bài viết nghiên cứu vấn đề nội dung tục ngữ).
*************************************************************************************
._.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LA5190.pdf