Thực trạng và xu thế phát triển của hiệp định thương mại tự do (FTA) trong khu vực Asean

TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG KHOA KINH TẾ VÀ KINH DOANH QUỐC TẾ CHUYÊN NGÀNH KINH TẾ ĐỐI NGOẠI --------***------- KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐỀ TÀI: THỰC TRẠNG VÀ XU THẾ PHÁT TRIỂN CỦA HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO (FTA) TRONG KHU VỰC ASEAN Sinh viên thực hiện : Phạm Thị Huyền Trang Lớp : Anh 2 Khoá : K43A - KT&KDQT Giáo viên hướng dẫn : TS. Đỗ Hương Lan Hà Nội - 2008 MỤC LỤC DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT CFTA Khu vực Thương mại tự do ASEAN -Trung Quốc AFTA Khu vực Thương mại tự do A

doc112 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 5627 | Lượt tải: 1download
Tóm tắt tài liệu Thực trạng và xu thế phát triển của hiệp định thương mại tự do (FTA) trong khu vực Asean, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
SEAN APEC Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương ASEAN Hiệp hội các nước Đông Nam Á CEPT Chương trình thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung DDA Vòng đàm phán Đô-ha về Phát triển EAECAs Các thỏa thuận hợp tác kinh tế Đông Á EAI Sáng kiến Doanh nghiệp vì ASEAN EPA Hiệp định đối tác kinh tế EAFTA Khu vực Thương mại tự do Đông Á EEC Cộng đồng kinh tế Châu Âu EFTA Hiệp hội Thương mại tự do Châu Âu EU Liên minh Châu Âu FDI Đầu tư trực tiếp nước ngoài FTA Hiệp định Thương mại tự do (Free Trade Agreement) FTA Khu vực Thương mại tự do (Free Trade Area) GATT Hiệp định chung về Thương mại và Thuế quan GATs Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ GDP Tổng sản phẩm quốc nội GSP Hệ thống ưu đãi chung IMF Quỹ tiền tệ Quốc tế JKFTA Hiệp định Thương mại tự do Nhật Bản - Hàn Quốc JSEPA Hiệp định đối tác kinh tế Nhật Bản - Singapore LAFTA Khu vực Mậu dịch tự do Mỹ Latinh MERCOSUR Thị trường chung Nam Mỹ MFN Quy chế Tối huệ quốc NAFTA Khu vực Thương mại tự do Bắc Mỹ OECD Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển PTA Hiệp định Thương mại ưu đãi R.O.O Quy định xuất xứ hàng hóa RTA Hiệp định thương mại khu vực SAARC Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á SACU Liên minh Thuế quan Nam Châu Phi SAFTA Khu vực thương mại Tự do Nam Á UEA Tiểu Vương quốc Arập thống nhất UN Liên hợp quốc TIFA Hiệp định khung về Đầu tư và Thương mại WB Ngân hàng thế giới WTO Tổ chức thương mại thế giới DANH MỤC CÁC BẢNG Bảng 1: Hiện trạng các FTA của khối ASEAN với các đối tác 37 Bảng 2: Toàn cảnh các sáng kiến FTA của Singapore 40 Bảng 3: Tình hình tham gia FTA của Thái Lan 43 Bảng 4: Tình hình tham gia FTA của Malaysia 47 Bảng 5: Tình hình tham gia FTA của Philippine 50 Bảng 6: Tình hình tham gia FTA của Indonesia 52 Bảng 7: Tình hình tham gia FTA của các thành viên CLMV 56 Bảng 8: Kim ngạch mậu dịch Việt Nam-Nhật Bản 70 LỜI MỞ ĐẦU Tính cấp thiết của đề tài Những năm gần đây, khi mà vòng đàm phán đa phương trong khuôn khổ GATT/WTO lâm vào tình trạng bế tắc trước những vấn đề mở rộng tự do thương mại thì các quốc gia đang có xu hướng coi việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) là một cứu cánh. Người ta không thể không chú ý tới làn sóng ký kết FTA đang dậy lên mạnh mẽ trên khắp thế giới, trở thành một xu thế mới trong quan hệ kinh tế quốc tế. Theo một thống kê mới nhất của WTO thì hầu hết các nước thành viên của của tổ chức này đều có tham gia ký kết vào các FTA và giá trị trao đổi thương mại giữa thành viên của các FTA đã chiếm tới 40% tổng giá trị thương mại toàn cầu. Con số trên thể hiện vai trò to lớn của các FTA tới thương mại thế giới. Việc tham gia FTA của Việt Nam hiện nay chủ yếu là tham gia các FTA của khối ASEAN ký với các đối tác ngoại khối, ngoài ra Việt Nam cũng đang xúc tiến ký FTA song phương đầu tiên với Nhật Bản. Trong khi đó, làn sóng FTA song phương đang diễn ra như vũ bão tại các nước thành viên ASEAN khác mà dẫn đầu là Singapore và Thái Lan. Nếu chậm chân trong cuộc đua FTA, Việt Nam có thể phải gánh chịu nhiều thua thiệt và ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển cũng như tiến trình hội nhập của nước ta. Nhận thấy được tầm quan trọng của FTA đối với hoạt động thương mại và sự phát triển của nên kinh tế, xu thế gia tăng các FTA trên thế giới, đặc biệt tại khu vực ASEAN cũng như sự cần thiết phải nghiên cứu và rút ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, người viết đã lựa chọn và nghiên cứu đề tài “Thực trạng và xu thế phát triển của Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong khu vực ASEAN” cho khóa luận tốt nghiệp của mình. Mục đích nghiên cứu của đề tài 1 Nghiên cứu thực trạng ký kết, triển khai, chính sách và xu thế phát triển của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) tại khu vực ASEAN. Từ đó rút ra được những tác động mà làn sóng FTA khu vực có thể ảnh hưởng tới Việt Nam và bài học kinh nghiệm trong việc tận dụng những cơ hội do FTA mang lại cũng như tránh hoặc hạn chế những thua thiệt có thể xảy ra. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Khóa luận tập trung nghiên cứu vào thực trạng và xu thế phát triển của Hiệp định thương mại tự do ở các nước ASEAN. Trong đó một mặt khóa luận nghiên cứu ASEAN như một chủ thể thống nhất với chính sách FTA chung cùng với các FTA của Khối ký với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Mặt khác khóa luận cũng đưa ra những phân tích đối với chính sách FTA của từng quốc gia thành viên riêng biệt thuộc ASEAN, từ đó rút ra được cái nhìn tổng quát về xu thế phát triển FTA tại khu vực. Phương pháp nghiên cứu Khóa luận sử dụng tổng hợp các phương pháp nghiên cứu như phương pháp phân tích-tổng hợp, phương pháp diễn giải-quy nạp, phương pháp thống kê, phương pháp so sánh đối chiếu… để đi từ nghiên cứu những diễn biến thực tế đến khái quát và đưa ra đánh giá xu hướng chung. Bên cạnh đó, khóa luận còn dựa trên các quan điểm kinh tế, đường lối chính sách của các chủ thể (các nước) liên quan để làm sáng tỏ vấn đề. Khóa luận cũng tham khảo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế nhằm đạt được kết quả nghiên cứu tốt nhất. Kết cấu của khóa luận Khóa luận bao gồm ba chương: Chương I: Những vấn đề cơ bản liên quan đến Hiệp định thương mại tự do Chương II: Thực trạng và xu thế phát triển của Hiệp định thương mại tự do trong khu vực ASEAN Chương III: Triển vọng ký kết Hiệp định thương mại tự do cho Việt Nam Cuối cùng, em xin chân thành cảm ơn cô giáo, Tiến sỹ Đỗ Hương Lan đã tận tình gợi ý, giúp đỡ và hướng dẫn em hoàn thành khóa luận tốt nghiệp này. Em cũng xin cảm ơn toàn thể các thầy cô giáo trường Đại học Ngoại thương trong suốt bốn năm học qua đã truyền đạt và trang bị cho em những tri thức quý giá, không chỉ những kiến thức kinh tế cơ bản, kiến thức chuyên môn kinh tế đối ngoại mà còn cả những bài học đạo đức và kinh nghiệm sống quý báu…làm hành trang cho em vững bước vào tương lai. CHƯƠNG I NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN LIÊN QUAN ĐẾN HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO (FTA) I. CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO 1. Khái niệm hiệp định thương mại tự do FTA 1.1. Quan niệm truyền thống Quan điểm về một Khu vực thương mại tự do (Free Trade Area) lần đầu tiên được đưa ra tại GATT 1947 trong Điều XXIV-điểm 8b như sau: “Một Khu vực Thương mại tự do được hiểu là một nhóm gồm hai hoặc nhiều các lãnh thổ thuế quan trong đó thuế và các quy định thương mại khác sẽ bị dỡ bỏ đối với phần lớn các mặt hàng có xuất xứ từ các lãnh thổ đó và được trao đổi thương mại giữa các lãnh thổ thuế quan đó.” Ngoài ra tại điều XXIV-khoản 5 của hiệp định này cũng đã nêu rõ: “khu vực mậu dịch tự do được hình thành thông qua một hiệp định quá độ [interim agreement]”. Như vậy có thể thấy GATT 1947 mới chỉ nêu ra khái niệm về Khu vực Thương mại tự do tuy nhiên khi phân tích khái niệm này ta có thể thấy được tư tưởng của GATT về Hiệp định Thương mại tự do. Trong khái niệm này có những điểm chú ý: Thứ nhất, trong một Khu vực Thương mại tự do thì các nước thành viên cam kết giảm thuế và các quy định thương mại khác. Thứ hai, đối tượng cắt giảm thuế và giảm các quy định thương mại khác là với các mặt hàng có xuất xứ từ các nước thành viên trong Khu vực Thương mại tự do. Thứ ba, khái niệm này cho thấy GATT mới chủ yếu quan tâm đến thương mại hàng hóa. Đây cũng là điều dễ hiểu vì theo tiến trình lịch sử, quan hệ thương mại giữa các nước thời kỳ này chủ yếu tập trung vào trao đổi mua bán hàng hóa hữu hình. Qua đó có thể thấy quan niệm truyền thống về FTA mới chỉ dừng lại ở phạm vi thương mại hàng hóa hữu hình và mức độ cam kết tự do hóa mới chỉ dừng ở cắt giảm thuế quan và giảm thiểu một số quy định thương mại khác. 1.2. Quan niệm mới về Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Từ thập niên 1990 trở lại đây, khái niệm Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã được mở rộng hơn về phạm vi và sâu hơn về cam kết tự do hóa. Các FTA ngày nay không chỉ dừng lại ở phạm vi cam kết cắt giảm thuế quan và hàng rào phi thuế quan, mà hơn thế còn bao gồm nhiều vấn đề rộng hơn cả cam kết trong khuôn khổ GATT/WTO cũng như một loạt vấn đề thương mại mới mà WTO chưa có quy định. Phạm vi cam kết của các FTA “thế hệ mới” còn bao gồm những lĩnh vực như thuận lợi hóa thương mại, hoạt động đầu tư, mua sắm chính phủ, chính sách cạnh tranh (còn gọi là “những vấn đề Singapore”), các biện pháp phi thuế quan, thương mại dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ, cơ chế giải quyết tranh chấp, tiêu chuẩn và hợp chuẩn, lao động, môi trường, thậm chí còn gắn với những vấn đề như dân chủ, nhân quyền hay chống khủng bố… Khái niệm FTA được sử dụng rộng rãi ngày nay không còn được hiểu trong phạm vi hạn hẹp của những thỏa thuận hội nhập khu vực và song phương có cấp độ liên kết kinh tế “nông” của giai đoạn trước, mà đã được dùng để chỉ các thỏa thuận hội nhập kinh tế “sâu” giữa hai hay một nhóm nước với nhau. Ngoài ra trong một số trường hợp Hiệp định thương mại tự do có thể được gọi dưới một số tên gọi khác nhau như EPA (Hiệp định đối tác kinh tế) nhưng về bản chất vẫn không thay đổi. 2. Nội dung cơ bản của Hiệp định thương mại tự do FTA 2.1. Tự do hóa thương mại hàng hóa Về thuế và các rào cản thương mại phi thuế: Trong các FTA một nội dung không thể thiếu đó là cam kết dỡ bỏ các rào cản thuế quan và phi thuế đối với hàng hóa. Các bên cam kết dần dần xóa bỏ thuế quan, áp dụng mức thuế suất 0% đối với hầu hết các mặt hàng và thường quy định cụ thể các danh mục như: Danh mục hàng hóa dỡ bỏ thuế ngay, Danh mục hàng hóa cắt giảm thuế dần dần với lộ trình cắt giảm thuế, Danh mục hàng nhạy cảm, Danh mục loại trừ không đưa vào cắt giảm. Hiện nay ngày càng có ít mặt hàng nằm trong danh sách loại trừ hơn, các mặt hàng trong danh sách loại trừ thường là nhóm hàng nông phẩm, những hàng hóa liên quan đến an ninh, văn hóa, phong tục tập quán của quốc gia.. Còn lại hầu hết các mặt hàng thông thường đều nằm trong danh mục cắt giảm thuế. Bên cạnh đưa ra các danh mục cắt giảm thuế cụ thể, FTA còn đưa ra lộ trình cụ thể cho việc thực hiện các cam kết trên của các nước thành viên. Lộ trình này được đàm phán dựa trên tiềm lực, khả năng tự do hóa của mỗi quốc gia và thậm chí là tính chất riêng của một số mặt hàng. Trong các FTA ngày nay, các cam kết không chỉ dừng lại ở việc quy định dỡ bỏ các hàng rào thuế mà còn quy định cả về các biện pháp hạn chế định lượng và các rào cản kỹ thuật thương mại khác. Về xuất xứ hàng hóa: Một FTA thường bao gồm quy chế về xuất xứ hàng hóa. Nội dung của quy chế này là quy định một hàm lượng nội địa nhất định. Hàng hóa nhập khẩu vào nước đối tác phải đáp ứng được tỷ lệ nội địa đó mới được hưởng những ưu đãi về thuế hơn so với hàng hóa từ nước thứ ba. Ngoài ra, FTA còn có thể có những quy định về mặt thủ tục hải quan nhằm đơn giản hóa thủ tục, hài hòa với những tiêu chuẩn quốc tế và từ đó tạo thuận lợi cho thông thương hàng hóa. FTA còn có thể đưa ra điều khoản về Thương mại không qua giấy tờ với mục đích khuyến khích phát triển thương mại điện tử giữa các bên. 2.2. Tự do hóa thương mại dịch vụ FTA ngày nay thường bao gồm cả nội dung tự do hóa thương mại dịch vụ, có nghĩa là các nước tham gia hiệp định cam kết mở cửa thị trường dịch vụ cho nhau, tuy nhiên phạm vi và mức độ mở cửa lớn hay nhỏ trong các FTA còn tùy thuộc vào quốc gia tham gia ký kết. Các nước đang phát triển ký kết với nhau thì mức độ tự do hóa trong thương mại dịch vụ thường không cao bằng trong thương mại hàng hóa. Nhưng nếu FTA có sự tham gia của Mỹ hay một số nước phát triển khác thì thường đòi hỏi mức độ tự do hóa dịch vụ rất cao, thậm chí là đòi hỏi mở cửa tuyệt đối. 2.3. Tự do hóa đầu tư Các cam kết hướng tới tự do hóa đầu tư ngày càng xuất hiện nhiều trong các FTA, đặc biệt là các FTA có sự tham gia của các nước phát triển. Nội dung của các cam kết này thường là quy định dỡ bỏ các rào cản đối với nhà đầu tư của nước đối tác, tạo điều kiện thuận lợi cho họ ký kết đầu tư, ví dụ: bảo vệ các nhà đầu tư và hoạt động đầu tư, áp dụng quy chế đối xử quốc gia đối với các chủ đầu tư và hoạt động đầu tư, cấm các biện pháp cản trở đầu tư, đảm bảo bồi thường thỏa đáng trong trường hợp quốc hữu hóa, đảm bảo tự do lưu chuyển thanh khoản… 2.4. Thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các nước tham gia ký kết hiệp định Trong một FTA, một nội dung thường thấy nữa đó là các thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực nhằm thúc đẩy quan hệ và hợp tác kinh tế giữa các nước đối tác. Có thể kể ra đây một số lĩnh vực thường được cam kết hợp tác như: phát triển nguồn nhân lực, du lịch, nghiên cứu khoa học công nghệ, dịch vụ tài chính, công nghệ thông tin và viễn thông, xúc tiến thương mại và đầu tư, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát thanh truyền hình và các lĩnh vực chia sẻ thông tin khác. 2.5. Một số cam kết khác Điều khoản về sở hữu trí tuệ cũng được đưa vào trong nhiều “FTA thế hệ mới”. Các bên thường cam kết tiến hành các biện pháp thích hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng cơ sở dữ liệu về quyền sở hữu trí tuệ của họ một cách rộng rãi đối với công chúng và thuận lợi hóa quy trình cấp bằng sáng chế. Một số lĩnh vực hay được nhắc đến như: vấn đề tiếp cận thị trường dược phẩm, các sản phẩm sinh học, bí mật, bản quyền về việc tiếp cận thông tin, phát thanh truyền hình… Ngoài ra, Mỹ hay một số nước phát triển khác còn đưa vào trong các FTA của mình các vấn đề như mua sắm chính phủ, cạnh tranh, môi trường và lao động. Đây là những FTA có phạm vi và mức độ cam kết tự do hóa rất sâu rộng và đòi hỏi mở cửa rất lớn thị trường nên các nước đang phát triển muốn tham gia các FTA này thường gặp khá nhiều khó khăn, bất lợi và thường phải chịu thiệt thòi. 3. Phân loại Hiệp định thương mại tự do FTA Tùy vào mục đích nghiên cứu khác nhau các tổ chức, các học giả lại dựa vào các tiêu chí khác nhau để phân loại các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), tuy nhiên có hai cách phân loại phổ biến nhất, đó là phân loại dựa vào quy mô, số lượng các thành viên tham gia và phân loại dựa vào mức độ tự do hóa. 3.1. Căn cứ theo quy mô, số lượng các thành viên tham gia Nếu căn cứ theo quy mô, số lượng các thành viên tham gia thì FTA được chia thành FTA song phương (BFTA), FTA khu vực và FTA hỗn hợp BFTA là loại FTA chỉ có hai nước tham gia ký kết, và hiệp định này cũng chỉ có giá trị ràng buộc đối với hai quốc gia này mà thôi. BFTA do đặc điểm chỉ gồm 2 thành viên nên quá trình đàm phán và việc đạt được thỏa thuận cũng trở nên dễ dàng, nhanh chóng hơn so với các FTA khu vực hay FTA hỗn hợp. Trong làn sóng ký kết FTA toàn cầu hiện nay thì BFTA là loại FTA được ký kết nhiều nhất, phát triển mạnh cả về số lượng cũng như chất lượng cam kết. FTA khu vực là Hiệp định Thương mại tự do có sự tham gia của từ ba nước thành viên trở lên, thông thường các nước này có vị trí địa lý gần nhau. Những nước này tham gia FTA khu vực thường với mục đích tận dụng ưu thế về vị trí địa lý để tăng cường trao đổi thương mại, cũng như thắt chặt mối quan hệ láng giềng cũng như nâng cao vị thế của mỗi quốc gia trên trường quốc tế. Một số FTA khu vực điển hình nhất đó là Liên minh châu Âu (EC), Khu vực Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA). FTA hỗn hợp là FTA được ký kết giữa một khu vực tự do thương mại (FTA khu vực) với một nước, một số nước hoặc một khu vực tự do thương mại khác. Bất chấp sự phức tạp trong việc đàm phán, hiện nay loại FTA này cũng đang phát triển và tăng lên nhanh chóng về mặt số lượng. Một số FTA hỗn hợp điển hình như: FTA ASEAN- Trung Quốc (ACFTA), FTA ASEAN- Hàn Quốc, FTA EC - Mexico, FTA EC -Isarel… Có thể coi FTA hỗn hợp là một dạng FTA song phương đặc biệt vì đây là thỏa thuận tự do thương mại giữa một bên là một quốc gia và một bên là một khu vực mậu dịch tự do (hoặc một liên minh thuế quan). Tuy nhiên, rõ ràng là để đạt được một FTA hỗn hợp sẽ khó khăn phức tạp hơn nhiều so với một FTA song phương, nhất là về khía cạnh đàm phán và hệ quả. Về quá trình đàm phán: Đối với một FTA song phương thông thường, quá trình đàm phán sẽ diễn ra giữa hai quốc gia tham gia ký kết. Nhưng đối với một FTA hỗn hợp thì quá trình đàm phán sẽ diễn ra theo một trong hai cách hoặc cả hai cách sau: Cách 1: Tất cả các thành viên của FTA khu vực sẽ cùng nhau đàm phán với nước đối tác. Đây là kiểu đàm phán thường thấy khi EU ký kết FTA với các quốc gia khác. Cách 2: Nước đối tác sẽ đàm phán riêng với từng thành viên của FTA khu vực, sau đó FTA hỗn hợp sẽ là sự cộng gộp tất cả các thỏa thuận của các cuộc đàm phán riêng lẻ đó. Kiểu đàm phán này thường được khối ASEAN hoặc liên minh thuế quan Nam Phi (SACU) sử dụng khi đàm phán FTA hỗn hợp với các nước đối tác. Dù sử dụng cách đàm phán nào thì quá trình đám phán FTA hỗn hợp cũng diễn ra phức tạp hơn nhiều so với đàm phán một FTA song phương thông thường, chính vì lý do này mà nhiều ý kiến cho rằng nên phân biệt rõ loại FTA này với một FTA song phương. Xét về hệ quả: FTA hỗn hợp sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn hơn một cách tương đối so với FTA song phương hay FTA khu vực. Đối với nước đối tác, lợi ích của họ là cơ hội tiếp cận với một thị trường rộng lớn hơn, đa dạng và phong phú hơn về nhu cầu. Còn đối với khu vực thương mại tự do, về lý thuyết mà nói, họ sẽ có lợi thế hơn trong đàm phán do vượt trội hơn về quân số, vì vậy sẽ có lợi hơn khi đưa ra các yêu sách và được chấp nhận. Kết quả là mỗi bên đều có những lợi ích nhất định khi tham gia một FTA hỗn hợp. 3.2. Dựa vào mức độ tự do hóa Đây là cách phân loại được World Bank sử dụng. FTA theo tiêu chí này được chia thành FTA kiểu Mỹ, FTA kiểu châu Âu và FTA kiểu các nươc đang phát triển. FTA kiểu Mỹ là loại FTA có mức độ tự do hóa cao nhất, đòi hỏi các nước thành viên phải mở cửa tất cả các lĩnh vực, kể cả các lĩnh vực thuộc ngành dịch vụ. Một khi đã tham gia các FTA kiểu này thì chỉ có con đường là mở cửa thị trường hơn nữa hoặc giảm thiểu nhiều rào cản thương mại hơn nữa, chứ việc thay đổi hiệp định hoặc việc đảo ngược lại các điều khoản trong hiệp định là rất khó khăn. Trong hiệp định này áp dụng quy chế MFN và NT và tất cả các ngành đều phải mở cửa, trừ khi các bên có quy định khác và phải được ghi rõ trong hiệp định. Điều này khiến người ta cho rằng FTA kiểu Mỹ có xu hướng làm giảm sự tham gia của chính phủ trong việc bảo vệ môi trường sinh thái hoặc các ngành dịch vụ công. Ví dụ về FTA kiểu Mỹ điển hình là Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Xếp thứ hai sau Mỹ là FTA kiểu châu Âu. Đây cũng là dạng FTA có mức độ tự do hóa khá cao, thậm chí gần bằng FTA kiểu Mỹ. Điểm khác biệt của 2 loại FTA này là FTA kiểu châu Âu chỉ quy định mở cửa những lĩnh vực mà các nước cam kết hoặc thống nhất riêng với nhau. Ví dụ điển hình của FTA kiểu này là cam kết về tự do hóa thương mại của Liên minh châu Âu (EU). Trong cam kết tự do hóa thương mại, các nước EU đã không đưa vào lĩnh vực nông nghiệp - lĩnh vực vốn rất nhạy cảm và được hầu hết các nước thành viên EU bảo hộ. Các thành viên EU đều có những chính sách nông nghiệp riêng phù hợp điều chỉnh với những đặc thù của ngành nông nghiệp nước mình. Việc đưa nông nghiệp vào FTA sẽ làm ảnh hưởng lớn đến nền an ninh lương thực của các quốc gia cũng như đời sống của những người làm nông nghiệp mỗi nước. Xét về mức độ tự do hoá thì FTA kiểu các nước đang phát triển kém hơn hẳn so với hai dạng FTA ở trên. FTA kiểu này thường chú trọng nhiều hơn đến tự do hóa thương mại hàng hóa và ít khi bao gồm các điều khoản quy định mở cửa cho nhau trong các lĩnh vực dịch vụ, đầu tư và quyền sở hữu trí tuệ. Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) là những ví dụ điển hình cho kiểu FTA này. Có thể nói trong khi FTA kiểu Mỹ được xem là hội nhập một cách sâu rộng nhất thì FTA kiểu các nước đang phát triển được xem là mang lại ít ảnh hưởng nhất. 4. Tác động của Hiệp định thương mại tự do FTA 4.1. Tác động đến các quốc gia thành viên 4.1.1. Tác động tích cực a/ Các tác động về kinh tế Hiệu ứng tạo thêm thương mại Nhờ vào việc cam kết dỡ bỏ các rào cản thương mại, doanh nghiệp các nước thành viên được phép tự do trao đổi mua bán hàng hóa, không bị đánh thuế, không bị áp hạn ngạch hoặc phải thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu rắc rối khác. Kim ngạch xuất nhập khẩu từ đó cũng tăng lên kéo theo sự tăng trưởng về thu nhập và GDP của các nước trong FTA. FTA tạo ra một thị trường rộng lớn hơn với những cơ hội kinh doanh, thúc đẩy gia tăng sản xuất và mua bán trao đổi giữa các nền kinh tế thành viên. Hiệu ứng thúc đẩy cạnh tranh Với việc xóa bỏ các rào cản thương mại, một thị trường rộng lớn hơn được mở ra đồng thời các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn từ cả trong và ngoài nước. Thị trường rộng lớn hơn một mặt thúc đẩy các doanh nghiệp mở rộng quy mô, mặt khác làm tăng số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường. Ngoài ra, về nguyên tắc một FTA khi hình thành chính là sự hợp nhất của nhiều thị trường nhỏ hơn do đó làm giảm mức độ độc quyền một khi nhiều doanh nghiệp từ các nước thành viên khác nhau phải cạnh tranh với nhau. Sự gia tăng cạnh tranh trong nền kinh tế có thể là mối đe dọa đối với những doanh nghiệp trong nước làm ăn kém hiệu quả nhưng đối với cả nền kinh tế lại là một hiệu ứng tích cực, đặc biệt đối với những nước đang hướng tới một nền kinh tế thị trường phát triển. Lợi ích từ sự gia tăng cạnh tranh mang đến cho nền kinh tế có thể là: Thứ nhất, cạnh tranh buộc các doanh nghiệp cắt giảm chi phí và tăng doanh số, điều này giúp giảm các méo mó trên thị trường và có lợi cho người tiêu dùng. Thứ hai, quy mô thị trường lớn hơn cho phép doanh nghiệp khai thác hiệu quả kinh tế từ quy mô tốt hơn. Thứ ba, cạnh tranh khiến các hãng phải đa dạng hóa sản phẩm, nghĩa là người tiêu dùng sẽ có sự lựa chọn phong phú hơn sau khi FTA hình thành. Thứ tư, môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn buộc các hãng phải loại bỏ bớt những hoạt động không hiệu quả bên trong hệ thống doanh nghiệp và gia tăng năng suất đồng thời người lao động cũng phải nâng cao hiệu suất công việc để thích nghi với điều kiện làm việc cạnh tranh hơn, dễ bị mất việc làm hơn. Cuối cùng, hiệu ứng cạnh tranh còn buộc các nước thành viên phải cải cách hệ thống pháp luật liên quan nhằm đạt được một hệ thống pháp luật hoàn thiện và hợp lý hơn phù hợp với tiến trình tự do hóa. Hiệu ứng thúc đẩy đầu tư Hiệu ứng thúc đẩy đầu tư do FTA tạo ra thể hiện ở việc tạo ra những tác động tích cực đối với môi trường đầu tư và hành vi của nhà đầu tư. Một FTA khi hình thành có thể thúc đẩy cả dòng đầu tư nội địa và đầu tư nước ngoài, dòng đầu tư giữa các thành viên FTA cũng như với bên ngoài FTA đó. Thứ nhất, FTA thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư về mặt chất thông qua việc nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh và giảm thiểu các méo mó của môi trường đầu tư. Thứ hai, đối với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), FTA mang lại cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn với sức mua lớn hơn sẽ có tác dụng thu hút dòng FDI mới vào nước thành viên FTA. Thứ ba, dòng FDI lưu chuyển giữa các thành viên FTA còn nhắm vào mục tiêu tận dụng lợi thế về chi phí các nhân tố đầu vào sản xuất, chẳng hạn như chi phí lao động rẻ từ một nước thành viên khác trong FTA. Cuối cùng, dòng FDI từ bên ngoài vào một khu vực thương mại tự do, đặc biệt là các liên minh thuế quan có một mức thuế quan đối ngoại chung, thường tận dụng điều kiện tiếp cận thị trường mới để vượt qua các hàng rào thuế quan không đồng nhất giữa các thành viên FTA đó. Hiệu ứng học hỏi, chuyển giao tri thức, công nghệ và thông tin FTA còn tạo ra cơ hội cho các nước thành viên chia sẻ và chuyển giao công nghệ cho nhau thuận lợi hơn, đặc biệt là giữa các thành viên có nền kinh tế phát triển khác nhau. Ngoài ra, thông qua việc trở thành đối tác với nước phát triển hơn, một quốc gia có thể học hỏi từ chính sách, kinh nghiệm quản lý, thông lệ tốt trong quá trình phát triển của người đi trước, từ đó xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách và phát triển của mình. Hơn nữa, thông qua các FTA bản thân mỗi doanh nghiệp cũng học hỏi được từ nhau và từ chính quá trình liên kết kinh tế sâu rộng này. Cụ thể, bằng việc quan sát đối thủ cạnh tranh, hợp tác với các nhà cung ứng và giao tiếp với khách hàng, các hãng có thể vận dụng những bài học thực tiễn trong quan hệ thương mại và đầu tư để nâng cao hiệu quả, năng suất và lợi nhuận. b/ Các tác động phi kinh tế Hiệu ứng hòa bình và an ninh Nhiều ý kiến cho rằng các sáng kiến hình thành FTA ngày nay không đơn thuần xuất phát từ những mục tiêu kinh tế, mà còn từ những động cơ, kỳ vọng về chính trị và an ninh. Khi hai đối tác có quan hệ kinh tế, thương mại gần gũi hơn có thể làm gia tăng lòng tin giữa các bên từ đó làm giảm những bất trắc trong quan hệ đối ngoại, xác suất xung đột sẽ giảm tương ứng đồng thời củng cố quan hệ chính trị. Hơn nữa, việc hình thành FTA còn tạo ra cơ chế hợp tác và phối hợp về chính sách giữa các nhà nước, nhờ đó củng cố sự ổn định và an ninh của một nhóm nước hay một khu vực, thậm chí toàn cầu. Hiệu ứng cam kết cải cách Hiệu ứng này là việc hình thành FTA cho phép các quốc gia thành viên có thể duy trì sự nhất quán trong chính sách của mình cho dù các thế hệ lãnh đạo hay nhiệm kỳ Chính phủ có thể thay đổi theo thời gian. Nếu không có các cam kết quốc tế trong FTA, chính quyền mới của một quốc gia rất có thể đảo ngược chính sách kinh tế đối ngoại của chính quyền tiền nhiệm, hoặc không đủ cơ sở pháp lý để duy trì quá trình cải cách chính sách trong nước của chính quyền tiền nhiệm. Trong khi đó, những thay đổi chính sách bất ngờ và không tiên liệu được khiến các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư nước ngoài, rụt rè hơn trong đầu tư thậm chí không rót vốn trong nhiệm kỳ chính quyền đó. Do vậy, việc hình thành các FTA sẽ cho phép một nước thành viên có các cam kết quốc tế lâu dài và nhất quán hơn, do đó làm tăng mức độ tín nhiệm của môi trường kinh doanh quốc gia trong mắt giới đầu tư. Có thể lấy ra đây ví dụ về Mexico, một trong những mục đích chính của quốc gia này khi tham gia NAFTA chính là làm tăng niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với các cải cách trong nước. Hiệu ứng bảo hiểm chủ quyền Hiệu ứng này cũng là một trong những lí do chính khiến các nước nhỏ và yếu hơn tìm kiếm tư cách đối tác trong các FTA với các cường quốc hay các nền kinh tế có ảnh hưởng. Những nền kinh tế nhỏ dựa vào xuất khẩu phải tìm cách đảm bảo điều kiện tiếp cận thị trường xuất khẩu chiến lược của mình, do đó thường tìm cách có được các cam kết pháp lý cao nhất từ các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản.. Việc hình thành FTA với các đối tác thương mại lớn chính là xây dựng cho mình một cơ chế bảo hiểm trước nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại với các nền kinh tế lớn ấy. Đó là chưa kể việc có được những cam kết pháp lý về tiếp cận thị trường của các đối tác đó. Như vậy hiệu ứng bảo hiểm chủ quyền sẽ lớn đối với các FTA Bắc-Nam (FTA giữa các nước phát triển với các nước đang phát triển) và ở mức độ thấp hơn đối với các FTA Nam-Nam (FTA giữa các nước đang phát triển với nhau). Hiệu ứng gia tăng vị thế mặc cả Các FTA giúp các nước thành viên nâng cao sức mạnh chính trị của mình trên trường quốc tế. Hiệu ứng này lớn hơn đối với các nước tham gia FTA đa phương hay các hiệp định thương mại tự do khu vực RTA. Các quốc gia riêng lẻ có thể sẽ không có tiếng nói về chính trị tên trường quốc tế nhưng nhiều quốc gia cùng hợp tác lại thì sẽ tạo nên một tập thể lớn mạnh, có uy thế và ảnh hưởng lớn hơn đối với quốc tế. Nhờ đó, các thành viên nhỏ có thể có được vị thế mặc cả lớn hơn thay vì các cá thể đơn lẻ, đồng thời các nước thành viên thông qua chia sẻ và hợp tác sẽ có được chính sách, cơ chế phối hợp hiệu quả, thống nhất hơn trước các đối tác lớn. Ví dụ rất rõ ràng cho hiệu ứng này là trường hợp ASEAN/AFTA. 4.1.2. Tác động tiêu cực Hiệu ứng chệch hướng thương mại Hiệu ứng này xuất hiện khi nhà cung ứng không phải là thành viên của FTA có mức giá thấp hơn lại bị nước thành viên FTA thay thế bằng một nhà cung ứng trong FTA mặc dù có chi phí cao hơn. Như vậy nhà cung ứng kém hiệu quả hơn (thành viên FTA) lại thay thế nhà cung ứng hiệu quả hơn (không phải thành viên FTA) vì được hưởng các ưu đãi thuế quan do việc tham gia FTA mang lại. Do đó, hiệu ứng này làm chệch dòng thương mại của một thành viên FTA từ nhà cung ứng hiệu quả sang nhà cung ứng kém hiệu quả hơn và thành viên đó phải chịu thêm một khoản chi phí do phải trả giá nhập khẩu cao hơn. Hệ quả này còn làm nhà cung ứng ngoài FTA mất thị phần xuất khẩu và có thể buộc họ phải giảm giá xuất khẩu. Hiện tượng này đặc biệt hay xuất hiện ở các FTA giữa các nước đang phát triển. Ngoài ra, việc hình thành FTA còn có thể đưa đến một tác động tiêu cực khác, đó là việc các quốc gia thành viên có thể phải hi sinh hoặc chịu thiệt thòi trong một số lĩnh vực hoặc một số ngành nhất định khi theo đuổi mục đích đạt được FTA với đối tác. Nhưng nhiều khi những bất đồng liên quan đến những lĩnh vực nhạy cảm này lại chính là nguyên nhân trực tiếp khiến quá trình đàm phán FTA bị kéo dài hoặc thậm chí bị hủy bỏ. Như vậy bên cạnh những lợi ích to lớn mà FTA mang lại cho các nước thành viên thì vẫn còn một số những hiệu ứng tiêu cực. Tuy nhiên xét một cách toàn diện và lâu dài thì lợi ích mà FTA đem đến vẫn lớn hơn, FTA đem lại những chuyển dịch tích cực trong nền kinh tế mà lợi ích dài hạn lớn hơn nhiều so với cái giá của các hiệu ứng tiêu cực ban đầu kể trên. Bởi thế mà FTA có một sức hút rất lớn đối với nhiều quốc gia ngày nay, FTA đang trở thành một làn sóng trên khắp thế giới, là một cứu cánh cho các nước khi vòng đàm phán đa phương WTO rơi vào bế tắc. 4.2. Tác động đến quá trình đa phương hóa Tự do hóa thương mại khu vực/ song phương thúc đẩy hay cản trở tự do hóa thương mại đa phương? Hay cụ thể, các FTA là “vật cản đường” hay “vật lát đường” tới lộ trình tự do hóa thương mại trong khuôn khổ GATT/WTO? Cho tới nay mối quan hệ giữa chủ nghĩa khu vực và chủ nghĩa đa phương vẫn là một trong những vấn đề gây tranh cãi giữa các nhà nghiên cứu. Trên thế giới hiện tồn tại hai trường phái đối lập rõ rệt, một ủng hộ chủ nghĩa khu vực và một phản đối. Sau đây xin đưa ra và phân tích một số tác động cả tích cực và tiêu cực của các FTA tới quá trình đa phương hóa dựa trên quan điểm của cả 2 trường phái nêu trên. 4.2.1. Tác động tích cực a/ FTA là một hình thức để các nước chưa phải là thành viên của WTO hình thành nguyên tắc tự do hóa thương mại và chuẩn bị cho việc gia nhập tổ chức sau này Các ._.FTA hầu hết được hình thành trên nền tảng các nguyên tắc của WTO và thậm chí một số còn đi xa hơn WTO về mức độ tự do hóa ở một số lĩnh vực. Do vậy, những quốc gia chưa gia nhập WTO nhưng thông qua việc tham gia vào các FTA có thể khiến các thể chế kinh tế của mình đáp ứng được nhu cầu và đòi hỏi của tự do hóa thương mại phù hợp với nguyên tắc của WTO. Những người ủng hộ FTA lập luận rằng việc thúc đẩy các FTA song phương và khu vực sẽ tạo ra những “ngoại áp” cần thiết cho quá trình cải cách bên trong, đồng thời có thể tạo ra các hiệu ứng “cam kết cải cách” minh bạch, đoán định được và giảm thiểu nguy cơ đảo ngược chính sách. [25], [34]. Có thể coi đây là một cách thức để các nước chưa phải là thành viên của WTO chuẩn bị năng lực một thành viên WTO trong tương lai cho mình thông qua việc thực hiện các nguyên tắc tự do hóa thương mại trên nền tảng của hệ thống thương mại đa phương trong FTA. b/ FTA có thể hỗ trợ tiến trình tự do hóa thương mại trong WTO Những người ủng hộ lập luận này, như Loyd (2002) [27] cho rằng, các FTA có thể tạo ra các tiền lệ tốt về phương thức đàm phán và thể thức của một khu vực thương mại tự do nếu được hình thành và đó là những tiền lệ có thể áp dụng được vào quá trình đàm phán đa phương. Ví dụ, FTA đó có thể mở rộng phạm vi cam kết tự do hóa còn cao hơn so với cam kết hiện có của WTO hoặc những vấn đề mà WTO vốn đang bế tắc. Nếu càng có nhiều nước cam kết như vậy trong khuôn khổ các FTA thì sẽ càng thuận lợi trong việc đạt được các cam kết có mục đích tương tự trong vòng đàm phán đa phương của WTO. Có thể nói các tiến trình tự do hóa song phương và khu vực đang góp phần tạo áp lực thúc đẩy tiến trình tự do hóa đa phương đi nhanh hơn. c/ FTA là một kênh thay thế tiến tới tự do hóa thương mại đa phương Quan điểm ủng hộ tự do hóa thương mại khu vực lập luận rằng các FTA sẽ trở thành những “ viên gạch lát đường” cho quá trình tự do hóa thương mại đa phương. Nghiên cứu của Baldwin (1996) [19] đã phân tích “Hiệu ứng Đôminô” của việc hình thành các FTA, theo đó khi FTA hình thành thì các nước đứng ngoài sẽ có động lực đua nhau gia nhập FTA đó do lo ngại bị phân biệt đối xử, không được hưởng những ưu đãi của các nước tham gia FTA dành cho nhau. Cùng với quá trình kết nạp thành viên mới thi FTA đó sẽ trở nên rộng lớn hơn và dần bao gồm toàn bộ nền thương mại thế giới. 4.2.2. Tác động tiêu cực a/ FTA có thể làm suy yếu hệ thống thương mại hóa đa phương thông qua việc áp đặt hàng loạt các luật lệ về nguồn gốc xuất xứ khác nhau và phổ biến hóa sự vi phạm nguyên tắc không phân biệt đối xử thông qua các hiệp định thương mại tự do song phương BFTA, thậm chí có thể phá vỡ các nguyên tắc cơ bản này của WTO. Đây là quan điểm của những người không ủng hộ tự do hóa thương mại khu vực và việc hình thành các FTA, tiêu biểu như Jadish, Bhagwati (1993) [20], Anne O.Krueger (1997,1999) [26 & 27]. Năm 1995, Bhagwati đã đưa ra khái niệm “hiệu ứng bát mỳ ý” (Spagheti bowl) để mô tả tác động tiêu cực của các thảo thuận thương mại ưu đãi đối với tiến trình đa phương hóa. Ông chỉ ra rằng các FTA thường đưa ra quy định về xuất xứ hàng hóa (R.O.O) nhằm đảm bảo và duy trì lợi ích thu được từ các ưu đãi thương mại của FTA cho các thành viên. Tuy nhiên các ROO này thì lại khác nhau và được vận dụng khá tùy tiện, dẫn đến một mớ hỗn độn những quy định ưu đãi chồng chéo căn cứ theo xuất xứ hàng hóa. Nếu một nước tham gia quá nhiều FTA mà các FTA này có những ROO khác nhau, nghĩa là quy định tỷ lệ nội địa hóa khác nhau sẽ gây ra khó khăn trong việc xác định hàm lượng chất nội địa và gây rắc rối trong hoạt động xuất nhập khẩu. Các chi phí giao dịch của hoạt động thương mại trong một mạng lưới vô số các FTA sẽ tăng lên và trở thành rào cản trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các nguyên tắc xuất xứ khác nhau mang tính bảo hộ còn làm phá vỡ tính thống nhất và phân tách hệ thống thương mại đa phương thành những vùng khác nhau. b/ Việc theo đuổi các FTA khu vực và song phương có nguy cơ làm chệch hướng nguồn lực và các nỗ lực thúc đẩy tự do hóa thương mại đa phương Việc theo đuổi các FTA đòi hỏi các nguồn lực tài chính, kỹ thuật và nhân lực rất lớn trong suốt quá trình nghiên cứu, đàm phán, thực thi. Do đó với một nước nhỏ thì việc tập trung nguồn lực vào các FTA có thể làm giảm nguồn lực dành cho các hoạt động đàm phán tự do đa phương. Ngay cả các nước lớn dù có nguồn lực dồi dào để nghiên cứu FTA, sự quan tâm về mặt chính trị của các nhà lãnh đạo sẽ giảm nếu họ quá tập trung vào các FTA. Theo đuổi các FTA còn có thể dẫn đến nguy cơ giảm sự ủng hộ đối với tiến trình tự do hóa đa phương. Trước đây, khi các nước chỉ có thể lựa chọn giữa bảo hộ hay tự do hóa thương mại đa phương thì các lực lượng ủng hộ tự do hóa thương mại có thể được tập hợp dưới lá cờ đa phương hóa. Tuy nhiên, nếu họ còn có một sự lựa chọn khác, đó là tự do hóa thương mại thông qua các FTA thì họ có thể chấp nhận việc tự do hóa trong khuôn khổ vùng. Bhawati lo ngại sau khi đã đạt được giải pháp hội nhập khu vực và song phương, các nhà kinh doanh và các chính trị gia sẽ không còn động lực thúc đẩy tự do hóa đa phương nữa [20]. c/ FTA có thể làm gia tăng các hình thái bảo hộ mới Một số quan điểm phản đối FTA cho rằng những quy định mang tính ưu đãi chỉ dành riêng cho các thành viên FTA sẽ tạo ra những nhóm lợi ích mới và các nhóm này sẽ cản trở quá trình cải cách bên trong vì họ không muốn mất đi vị thế thuận lợi tại thị trường do FTA tạo ra. Thậm chí FTA có thể còn gây ra những xung đột và căng thẳng mới do bản chất của các “ưu đãi” là phân biệt đối xử với bên thứ ba và bất kỳ để xuất nào nhằm mở rộng những “ưu đãi” riêng có đó cho những đối tác thương mại mới sẽ gây nên các xung đột lợi ích trong lòng xã hội. Nghiên cứu của De Melo và Pangariya (1993) [24] đã dẫn chứng quá trình hội nhập kinh tế ở Tây Âu với nhận định rằng việc hình thành Cộng đồng kinh tế Châu Âu (EEC) đã trở thành công cụ để nhân rộng những biện pháp bảo hộ nông nghiệp quốc gia ra toàn cấp độ khu vực, nghĩa là các hiệp định thương mại khu vực đã trở thành phương tiện mở rộng chủ nghĩa bảo hộ sang quốc gia khác . d/ Các FTA có các thành viên quá chênh lệch về sức mạnh có thể dẫn đến áp đặt mô hình tự do hóa của các nước mạnh và gây khó khăn cho việc thống nhất mô hình hội nhập chung trong WTO Một thực tế là ngày càng xuất hiện nhiều các FTA Bắc-Nam và điều đáng nói là các nước mạnh thường gây sức ép và áp đặt những mô hình chính sách của mình, buộc các nước nhỏ phải tuân theo. Cho dù sự mất cân bằng sức mạnh cũng tồn tại trong khuôn khổ thương mại tự do đa phương của WTO nhưng sức mạnh của các nước lớn đã bị hạn chế đi nhiều do 2/3 số thành viên WTO là các nước đang phát triển và họ có quyền phủ quyết các quyết sách của WTO như họ đã làm trong Hội nghị Bộ trưởng Cancun. Tuy nhiên, trong khuôn khổ FTA, các nước mạnh sẽ dễ dàng hơn trong việc dùng quyền lực kinh tế và chính trị của mình để áp đảo đối tác yếu thế hơn. Trường hợp Mỹ đã dùng sức mạnh nước lớn buộc Mexico phải ký hiệp định phụ về lao động và môi trường là một ví dụ điển hình. Không những vậy, các nước lớn đều muốn mô hình tự do hóa của mình là mô hình được áp dụng chung cho WTO. Những nước như Hoa Kỳ luôn luôn coi mô hình tự do hóa của mình là mô hình mà các nước chỉ cần áp dụng và học tập ngay cả trong WTO. Trong khi các nước lớn vẫn dùng sức mạnh để áp đặt mô hình tự do hóa của mình và bản thân WTO vẫn chưa thống nhất được mô hình chính sách chung (đặc biệt đối với những vấn đề nhạy cảm như lao động, môi trường, mua sắm chính phủ) thì việc áp dụng các mô hình khác nhau thông qua các FTA càng tăng thêm khó khăn cho việc đạt được sự đồng thuận cho một mô hình tự do thương mại thống nhất trong khuôn khổ đa phương. II. TÌNH HÌNH KÝ KẾT CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO (FTA) TRÊN THẾ GIỚI Xu hướng hình thành các FTA khu vực và song phương trong nền kinh tế thế giới bắt đầu xuất hiện từ đầu những năm 1980 và bùng nổ sau năm 1995 khi Tổ chức thương mại thế giới (WTO) được thành lập. Theo thống kê của WTO, tính đến tháng 4/2008 đã có 169 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được các nước thành viên thông báo tới GATT/WTO. Có thể thấy các FTA đang gia tăng nhanh chóng về số lượng, đặc biệt là từ những năm 2000 trở lại đây.Tính trung bình mỗi năm trong hệ thống WTO có 11 FTA hình thành so với con số trung bình dưới 3 FTA trong hơn bốn thập kỷ hiệu lực của GATT (1947-1994). Hiện nay, giá trị trao đổi thương mại giữa thành viên của các thành viên Hiệp định thương mại tự do/khu vực kể trên đã chiếm tới 40% tổng giá trị thương mại toàn cầu. 1. Khu vực châu Âu 1.1. Khu vực Tây Âu Châu Âu được coi là khu vực tập trung nhiều nhất các thỏa thuận thương mại khu vực [23]. Liên minh châu Âu (EU) là nhóm nước tích cực triển khai các FTA song phương và khu vực nhất. Trước khi được mở rộng thành EU-25, EU-15 đã ký kết tổng cộng 111 hiệp định song phương và khu vực với các nước. Cụ thể, tới nay EU đã ký kết và thực thi các FTA với Tuynizi (1995), Irsarel (1995), Ma rốc (1996), Giooc-đani (1997), chính quyền Palestine (1997), Algeria (2001), Hy Lạp (2001) và Li-băng (2002). Các sáng kiến FTA với nhóm nước đáng chú ý là Hiệp định với nhóm nước Địa Trung Hải (EU-Mediterran FTA), với nhóm nước ACP (EU-ACP FTA) thay thế cho Hiệp ước Lôme, FTA với Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) và FTA với khối Mercosur. Sau khi EU -15 mở rộng thêm 10 thành viên mới thành EU-25 vào ngày 1/5/2004, số lượng các FTA trong EU đã giảm mạnh do việc kết nạp 10 thành viên mới đã tự động “làm vô hiệu” 65 FTA giữa 10 thành viên mới với các thành viên EU-15 và giữa 10 thành viên mới với bên thứ ba trước khi kết nạp. Song không gian thị trường chung châu Âu giờ đây đã gồm 28 nước (EU-25 cộng với 3 thành viên của EFTA) với 450 triệu dân và chiếm 18% nền thương mại thế giới. Nhìn chung, các hiệp định thương mại tự do trong khuôn khổ EU là một bộ phận của quá trình tăng cường nhất thể hóa châu Âu về mặt kinh tế và chính trị. Do vậy, các hiệp định thương mại tự do của EU sẽ có xu hướng tích hợp thành các hiệp định rộng lớn hơn. 1.2. Khu vực Trung và Đông Âu Sự phân rã của Liên bang Xô-viết và giải tán Hội đồng tương trợ kinh tế (COMECON) đã tạo ra 3 chiều hướng liên kết khu vực tại Trung và Đông Âu. Thứ nhất, một số nước kinh tế chuyển đổi Trung và Đông Âu đã gia nhập các FTA của EU và EFTA. Thứ hai, Liên bang Nga cùng các nước thành viên cũ của Liên bang Xô-viết đã nhanh chóng thành lập không gian Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) với 11 thành viên và không gian kinh tế thống nhất với 5 thành viên. Thứ ba, mặc dù thuộc nhóm các nền kinh tế chuyển đổi, vào đầu thập niên 1990, một số nước Trung và Đông Âu cũng sớm cùng nhau thành lập nên hai khu vực thương mại tự do để thúc đẩy tự do hóa thương mại khu vực là (1) Khu vực thương mại tự do Trung Âu (CEFTA) ký năm 1992, gồm Balan, Hungari, CH Séc, Slovakia sau đó mở rộng ra Rumani, Bungari và Slovenia; và (2) Khu vực thương mại tự do Ban-tic (BFTA) gồm Estonia, Latvia và Lít-va. 2. Khu vực châu Mỹ 2.1. Khu vực Bắc Mỹ Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) ra đời năm 1994 đánh dấu bước ngoặt trong nhận thức cũng như hành động về liên kết kinh tế khu vực của Mỹ nói riêng và tạo ra “hiệu ứng Đôminô” với một loạt các quốc gia khác trên thế giới. So với EU thì Bắc Mỹ đi sau nhiều trong liên kết kinh tế và thương mại khu vực. Làn sóng ký kết FTA diễn ra rất mạnh mẽ trong khu vực, ngay cả những quốc gia vốn rất “chung thủy” với vòng đàm phán đa phương như Mỹ nay cũng chuyển hướng mạnh mẽ sang xu thế hội nhập mới này. Trước khi có NAFTA, Mỹ cũng đâ ký FTA với Isarel vào năm 1985 nhưng lúc đó chủ yếu mang động cơ chính trị, an ninh hơn là kinh tế. Các tiếp cận FTA khu vực và song phương của Mỹ được đẩy mạnh dưới thời chính quyền Bush (2001-2004) với quan điểm “cạnh tranh trong tự do hóa thương mại”. Chỉ trong năm 2004, Mỹ đã tiến hành ký kết 9 FTA song phương với các nước và khối nước trên thế giới, cao hơn tổng số FTA Mỹ đã ký trước đó. Các đối tác FTA khu vực và song phương đáng chú ý của Mỹ là Gióc-đan (2003), Chile (2003), Singapore (2003), Australia (2004), Maroc (2004), 5 nước thuộc Thị trường chung Trung Mỹ (CACM) (DR-CAFTA 2004) và Baranh (2004). Hiện nay chính phủ Mỹ đang tiến hành đàm phán ký kết FTA song phương, tiểu khu vực và khu vực với 10 nền kinh tế khác nữa (như Colombia, Ecuado, Peru, Panama, SACU và Thái Lan). Mỹ cũng đang nghiên cứu khả thi về FTA với một loạt nước như Bolivia, Hy Lạp, New Zealand, Pakistan, Philippine, Đài Loan (TQ) và Urugoay [31]. Mới đây nhất, Mỹ và Hàn Quốc đã ký FTA song phương (KORUSFTA) và đang trong quá trình chờ Quốc hội hai nước phê chuẩn. 2.2. Khu vực Trung và Nam Mỹ Ngay từ thập kỷ 1960, các nước Mỹ La-tinh đã thành lập Khu vực mậu dịch tự do Mỹ La-tinh (LAFTA). Trong xu hướng hình thành FTA hiện nay, khu vực Trung và Nam Mỹ này cũng hết sức tích cực với các thỏa thuận thương mại song phương và nội khối với mục tiêu cao nhất là hình thành một liên minh thuế quan đầy đủ. Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Cộng đồng Andean (Adean Community), Khối Thị trường chung Trung Mỹ (CACM) và Cộng đồng Caribe (CARICOM) là những ví dụ sinh động. Xét ở bình diện toàn châu lục, xu hướng hình thành FTA ở châu Mỹ đang được triển khai theo hướng lập nên Khu vực Thương mại tự do toàn châu Mỹ (FTAA) với 34 thành viên, một sự kêt nối NAFTA với MERCOSUR, Cộng đồng Adean, CACM và Caricom. Kế hoạch này được khơi xướng tại Hội nghị Thượng đỉnh các nước châu Mỹ tại Miami (Mỹ) năm 1994, sau đó được nguyên thủ 34 nước thành viên chính thức phê chuẩn (kế hoạch trù bị với 9 nhóm đàm phán và 3 ủy ban đặc biệt) tại Hội nghị thượng đỉnh các nước châu Mỹ tại Santiago (Chile) năm 1998. Xét riêng từng quốc gia, có lẽ Mexico và Chile là những thành viên tích cực cuộc chơi song phương nhất. Sau khi tham gia NAFTA, Mexico chuyển hướng ký kết FTA với một loạt nước Trung và Nam Mỹ và châu Âu như với Costa Rica (1995), Bolivia (1995), Nicaragoa (1998), EU (2000), EFTA (2001) và gần đây là Nhật Bản (2004). Chile cũng tiến hành chiến lược FTA rộng khắp của mình với việc hình thành FTA với khối MERCOSUR (1996), Canada (1997), Peru (1998), Mexico (1999), các nước Trung Mỹ (2002), Mỹ (2003), EU (2003) và Hàn Quốc (2004). 3. Khu vực châu Á Tại khu vực châu Á, cùng với những kế hoạch hành động của Diễn đàn APEC, một loạt sáng kiến thỏa thuận Khu vực mậu dịch tự do đã được triển khai từ những năm 1990 và phát triển mạnh mẽ thời gian gần đây như các thỏa thuận và sáng kiến FTA sau: Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Thỏa thuận quan hệ kinh tế gần gũi hơn Australia-New Zealand (CER), Khu vực Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Ấn Độ (AIFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế ASEAN-Nhật Bản (AJEPA), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA), Khu vực Thương mại tự do Nam Á (SAFTA), Hiệp định Thương mại tự do Đông Á (EAFTA)… 3.1. Khu vực Đông Á Cho đến năm 2002 khi Nhật Bản và Singapore ký FTA song phương (JSEPA) thì AFTA (1992) vẫn là sự thử nghiệm FTA đầu tiên và duy nhất với mục tiêu thúc đẩy thương mại nội khối ASEAN. Song kể từ năm 1999, tại Đông Á đã bùng nổ các nỗ lực FTA song phương (BFTA), mở đầu là Singapore, sau đó là Nhật Bản, Hàn Quốc tuyên bố diễn đàn đa phương WTO không còn là sự lựa chọn duy nhất [3]. Trung Quốc và Thái Lan cũng nhanh chóng đưa ra các sáng kiến FTA song phương của mình. ASEAN với tư cách là một khối thống nhất cũng tăng cường thiết lập các cam kết FTA với một loạt các nước đối thoại chính như Australia và New Zealand (thuộc CER), Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. 3.2. Khu vực Nam Á Bảy quốc gia trong khu vực đã thành lập Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) từ năm 1985 và sau một thập kỷ SAARC đã đạt được thỏa thuận về Hiệp định Thương mại ưu đãi khu vực Nam Á (SAPTA) năm 1995. Bước tiếp theo, SAARC đã tuyên bố thời hạn chót cuối năm 2002 cho việc hình thành Hiệp hội thương mại tự do Nam Á (SAFTA). Những bước hội nhập kinh tế Nam Á kể trên cho thấy khu vực này cũng không nằm ngoài xu hướng hình thành FTA trên thế giới. Nền kinh tế lớn nhất Nam Á là Ấn Độ gần đây cũng đã có nhiều cải cách kinh tế theo hướng mở cửa và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế với một loạt các đề xuất liên kết kinh tế khu vực và song phương như tham gia SAPTA, thành lập FTA với Nepan (INFTA) và Butan (IBFTA), đàm phán ký với ASEAN thỏa thuận lập AIFTA (2003) và một số FTA song phương khác. 4. Khu vực Trung Đông và châu Phi 4.1. Khu vực Trung Đông Tại khu vực này, ngoài các hiệp định giữa Tổ chức hợp tác Vùng Vịnh (GCC) với EU và Mỹ, hiệp định giữa nhóm các nước Địa Trung Hải với EU, thì Gióoc-đan và Ma-rốc là hai quốc gia tích cực nhất trong việc theo đuổi FTA song phương với bên ngoài. Hiện cả hai quốc gia này đều đã có FTA song phương với Mỹ và EU. Bên cạnh đó còn phải kể đến sự xuất hiện mới đây của Khu vực Thương mại tự do Ả-rập (GAFTA) bao gồm toàn bộ các quốc gia Ả-rập, tuy rằng GAFTA vẫn chưa thông báo với WTO. 4.2. Khu vực châu Phi Các nước châu Phi từ lâu cũng tiến hành ký kết nhiều thỏa thuận và hiệp ước tăng cường liên kết kinh tế châu lục. Lâu đời nhất phải kể đến Liên minh thuế quan Nam châu Phi (SACU), bên cạnh đó là Liên minh Tài chính và Tiền tệ Trung Phi (CEMAC), Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS), Hiệp định Thị trường chung Đông và Nam Phi (COMESA), Cộng đồng Đông Phi (EAC), Hiệp định Aghadir vùng Bắc Phi, Nghị định thư Hợp tác thương mại của Cộng đồng phát triển vùng Nam Phi (SADC TCP)… Ngày nay, các nước châu Phi cũng đang phát tiến hành xây dựng các Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) với bên ngoài như với EU. Tuy nhiên, cấp độ hợp tác và hội nhập của châu Phi vẫn ở mức thấp so với các khu vực khác trên thế giới. CHƯƠNG II THỰC TRẠNG VÀ XU THẾ PHÁT TRIỂN CỦA HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO TRONG KHU VỰC ASEAN I. KHU VỰC ASEAN VÀ SỰ HÌNH THÀNH FTA Ở ASEAN 1. Giới thiệu chung về ASEAN ASEAN được thành lập ngày 8/8/1967 sau khi Bộ trưởng Bộ ngoại giao các nước Indonesia, Malaysia, Philippine, Singapore và Thái Lan ký bản tuyên bố ASEAN (còn gọi là Tuyên bố Bangkok). Hiện nay tổ chức này có 10 hội viên bao gồm 5 nước hội viên nguyên thủy và 5 hội viên gia nhập sau này là Brunei Darussalam (8/1/1984), Việt Nam (28/7/1995), Lào và Myanma (23/7/1997), Campuchia (30/4/1999). Trong thập kỷ 1990, ASEAN nổi lên như là một tổ chức tiểu khu vực hoạt động năng nổ và hữu hiệu, tuy nhiên cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính giữa năm 1997 đang đặt ra một số thách thức lớn đối với ASEAN. Cho tới nay, sau 40 năm thành lập và phát triển, ASEAN được xem là khu vực có tốc độ phát triển kinh tế cao và được coi là một tổ chức khu vực thành công nhất trong những nước đang phát triển. Hiện nay ASEAN trở thành thị trường quan trọng và hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, với dân số hơn 500 triệu người, diện tích rộng 4.5 triệu km2, GDP đạt 757 tỷ USD và tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 340 tỷ USD. ASEAN đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc tự do hóa thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Thương mại nội khối hiện nay đã đạt hơn 320 tỷ USD mỗi năm. Nỗ lực của ASEAN trong tự do hóa thương mại có thể được tính từ khi thành lập khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) năm 1992. Từ đó đến nay, thuế quan trong khu vực đã được cắt giảm một cách đáng kể. ASEAN cũng đã từng bước giảm thiểu hàng rào phi thuế quan đối với thương mại. Bên cạnh đó, ASEAN cũng đã có những tiến triển tích cực trong tự do hóa thương mại dịch vụ, mở cửa thu hút đầu tư, hợp lý hóa thủ tục hải quan, hài hòa các tiêu chuẩn và giảm khoảng cách phát triển. Để thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, 12 ngành ưu tiên được xác định là nông sản, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, cao su, ô tô, điện tử, du lịch, hàng không, chăm sóc sức khỏe, e-ASEAN và logistics. 9 trong số 12 ngành trên chiếm tới trên 50% tổng thương mại hàng hóa. ASEAN có tiềm năng lớn về nguồn lao động và tài nguyên thiên nhiên. Không chỉ hợp tác trong nội bộ khối, ASEAN còn mở rộng quan hệ đối thoại với các đối tác bên ngoài và giữ vai trò hạt nhân trong nhiều khuôn khổ hợp tác quốc tế như ARF (the ASEAN Regional Forum), ASEM (the Asia-Europe Meeting), APEC (Asia-Pacific Economic Cooperation), WEF (World Economic Forum)… Qua đó, ASEAN đã tranh thủ được sự ủng hộ hợp tác về kinh tế từ bên ngoài, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho sự phát triển của tổ chức mình. Trong suốt chặng đường của mình, ASEAN đã đạt được những thành tựu quan trọng, song cũng phải thừa nhận rằng sự liên kết hợp tác giữa các nước ASEAN vẫn chưa thực sự sâu rộng, đặc biệt là sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các nước thành viên. Để khắc phục điều này, năm 2000 các nhà lãnh đạo của các nước ASEAN đã thông qua “sáng kiến liên kết ASEAN” với mục tiêu giúp các nước thành viên mới nhanh chóng hội nhập cùng với khu vực; đồng thời, để làm cho ASEAN ngày càng trở nên gắn kết chặt chẽ hơn, có vai trò và vị thế quốc tế cao hơn, ASEAN đã quyết định hình thành “Cộng đồng ASEAN” vào năm 2015. Hiện nay, các nước thành viên ASEAN đang cố gắng hoàn tất để thông qua “Hiến chương ASEAN”, đây sẽ là một mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của tổ chức ASEAN, góp phần đưa ASEAN trở thành một Cộng đồng gắn bó, hoạt động hiệu quả hơn, năng động hơn, thích ứng với các thách thức mới. Mục tiêu tổng quát của Cộng đồng ASEAN là xây dựng ASEAN từ một Hiệp hội trở thành một tổ chức hợp tác liên chính phủ, liên kết chặt chẽ và gắn bó hơn nhưng không phải là một tổ chức siêu quốc gia và hoạt động sẽ không khép kín, luôn có xu hướng mở rộng hợp tác với bên ngoài. ASEAN đã thu được rất nhiều thành tựu trong quan hệ kinh tế đối ngoại trong khu vực châu Á cũng như trên thế giới, nhờ có sức mạnh tập thể mà nhóm các quốc gia đang phát triển này ngày càng nâng cao vị thế và tiếng nói trên trường quốc tế.Trước làn sóng hội nhập kinh tế quốc tế toàn cầu, ASEAN đang dần đóng vai trò trung tâm trong các liên kết kinh tế khu vực, đặc biệt là khu vực Đông Á, trở thành tâm trục của một loạt các liên kết khu vực và song phương thông qua các sáng kiến ASEAN+1, ASEAN+3 hay ASEAN+6… Tóm lại, dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng trong hơn 40 năm qua, ASEAN có thể tự hào nhìn lại những thành tựu về sự phát triển của mình. Và một thực tế không thể phủ nhận là ASEAN đang dần trở thành một thực thể chính trị- kinh tế gắn kết hơn, có vị thế quốc tế lớn hơn và là một đối tác không thể thiếu đối với các quốc gia lớn trong khu vực và trên thế giới. 2. Một số nhân tố thúc đẩy và cản trở xu hướng hình thành FTA ở ASEAN 2.1. Các nhân tố thúc đẩy Một câu hỏi được đặt ra là tại sao các quốc gia ASEAN lại chuyển hướng mạnh mẽ sang chính sách thương mại hướng vào hội nhập khu vực và tự do hóa thương mại song phương thay vì chỉ tập trung vào kênh tự do hóa thương mại đa phương như trước, đâu là nhân tố thúc đẩy xu hướng đàm phán và ký kết hàng loạt lộ trình FTA song phương và khu vực tại ASEAN. Nhìn lại bối cảnh những năm 1980 cho thấy sự khác biệt lớn về hệ thống kinh tế-chính trị, trình độ phát triển kinh tế khiến cho chi phí hình thành các mối liên kết kinh tế chính thức là cao và phương cách tốn ít chi phí hơn chính là sự hội nhập không chính thức của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong khu vực với nhau. Có thể nói môi trường quan hệ quốc tế trong khu vực trong thập kỷ này trở về trước đã không thuận lợi để chính phủ các quốc gia ASEAN có thể đi đến các cam kết hội nhập chính thức ở cấp vĩ mô. Bước sang thập kỷ 1990 và đặc biệt sau khi WTO ra đời, xu hướng hình thành các FTA đã trở thành một biểu hiện mới của quan hệ kinh tế quốc tế trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, nó được thúc đẩy và định hình từ những nền tảng của cuộc cách mạng khoa học-công nghệ và cuộc cách mạng trong tư duy chính sách. Sau đây là những nhân tố nổi bật trong việc thúc đẩy và định hình xu hướng hội nhập kinh tế khu vực một cách chính thức ở cấp vĩ mô, liên chính phủ thông qua việc ký kết nhiều lộ trình FTA trong khu vực ASEAN những năm gần đây. Thứ nhất, xu thế toàn cầu hóa kinh tế và công nghệ diễn ra rộng khắp từ sau các “cú sốc dầu mỏ” hồi thập kỷ 1970 và Chiến tranh lạnh kết thúc hồi cuối thập kỷ 1980 tạo môi trường thuận lợi cho các sáng kiến hội nhập giữa các quốc gia và khu vực. Toàn cầu hóa kinh tế là một xu hướng nổi trội trong quan hệ kinh tế quốc tế hiện đại và là nhân tố không thể bỏ qua khi phân tích nguồn gốc của xu hướng hình thành các FTA giữa các quốc gia ngày nay. Toàn cầu hóa kinh tế ngày nay đặc trưng bởi môi trường lưu hoạt cao của các nhân tố sản xuất như vốn, lao động và các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, môi trường công nghệ kỹ thuật số với nhiều tác nhân mới như các tập đoàn xuyên quốc gia, các định chế quốc tế, các thể chế siêu nhà nước và xã hội dân sự toàn cầu [8]. Chính những đặc trưng này khiến cho các quốc gia ngày càng tương thuộc lẫn nhau và đều phải hoạch định đối sách thích hợp trước làn sóng toàn cầu hóa kinh tế. Về mặt kinh tế, bên cạnh các khung khổ đa phương toàn cầu như WB, IMF và GATT/WTO, hội nhập và liên kết khu vực cũng là một kênh điều chỉnh chính sách quan trọng trước sức ép cạnh tranh mạnh mẽ của làn sóng toàn cầu hóa kinh tế. Môi trường công nghệ mới và sức ép cạnh tranh kinh tế toàn cầu buộc các chính phủ phải tiên phong mở cửa thị trường ở cả cấp độ khu vực và song phương, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước mình “vượt trước” các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Liên kết kinh tế khu vực không chỉ tạo ra một môi kinh tế-chính trị ổn định, đảm bảo các điều kiện tiếp cận thị trường, đạt được hiệu quả kinh tế từ quy mô thị trường lớn hơn, mà còn giúp tăng vị thế mặc cả của một tập hợp các nền kinh tế có quy mô nhỏ và trung bình. Như phân tích ở phần trên, liên kết kinh tế đã và đang diễn ra ở hầu khắp các châu lục, song sự bùng nổ thực sự chỉ diễn ra từ cuối thập kỷ 1980, thời điểm Chiến tranh lạnh kết thúc. Chiến tranh lạnh kết thúc đã phá vỡ rào cản về ý thức hệ, mở rộng không gian thị trường cho các sáng kiến liên kết kinh tế khu vực và song phương. Chiến tranh lạnh kết thúc cho phép chính phủ các quốc gia chuyển hướng nguồn lực sang phát triển kinh tế trong một môi trường quốc tế mà hòa bình, hợp tác và phát triển là chủ đạo. Thứ hai, thực tiễn thành công trong hội nhập kinh tế khu vực của EU trong suốt nửa sau thế kỷ XX Cộng đồng châu Âu (EC) mà sau này là Liên minh châu Âu (EU)- một ví dụ thực tiễn thuyết phục về hội nhập kinh tế khu vực trong nền kinh tế thế giới - đã thành công trong liên kết kinh tế khu vực thông qua hình thành các Hiệp định thương mại tự do khu vực và phát triển thành Liên minh thuế quan, rồi Liên minh kinh tế và chính trị. Những nỗ lực liên kết khu vực đầu tiên ở châu Âu được triển khai ngay sau khi kết thúc Thế chiến II với sự ra đời của Tổ chức hợp tác kinh tế châu Âu (OEEC) năm 1948, sau đó là Hội đồng châu Âu (CE) năm 1949. Bước ngoặt quan trọng là việc ký kết Hiệp ước Pari 1952, tạo cơ sở cho sự ra đời của Cộng đồng Than và Thép châu Âu (ECSC) cũng trong năm đó. Các hiệp ước và thỏa ước hội nhập khu vực quan trọng trong suốt nửa cuối thế kỷ XX đã đưa đến sự ra đời của Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC), rồi Cộng đồng châu Âu (EC) và Liên minh châu Âu (EU). Có thể nói sự thành công trong liên kết kinh tế khu vực của châu Âu cùng với làn sóng hội nhập kinh tế toàn cầu từ sau chiến tranh lạnh đã tác động mạnh mẽ tới xu hướng tăng cường liên kết kinh tế khu vực và song phương của Cộng đồng các quốc gia Đông Nam (ASEAN)- tổ chức vốn được hình thành để phục vụ cho những mục tiêu an ninh-chính trị. Thứ ba, chuyển hướng chính sách kinh tế đối ngoại của Mỹ từ giữa thập kỷ 1980 sang chủ nghĩa khu vực và song phương khiến các quốc gia khác phải điều chỉnh chính sách tương ứng. Mỹ chuyển hướng mạnh sang liên kết khu vực và song phương từ giữa thập kỷ 1980, đầu thập kỷ 1990 qua việc ký NAFTA, các FTA với Isarel, Canada, Gióc-đa-ni… và hơn 300 hiệp định hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương trong suốt hai nhiệm kỳ của tổng thống B.Clinton (1993-2000). Các nỗ lực hình thành FTA song phương đặc biệt mạnh mẽ dưới thời tổng thống Bush (2001-2004) với chiến lược “cạnh tranh trong tự do hóa” (competitive liberalization) tạo ra cạnh tranh, đua tranh trong các sáng kiến tự do hóa thông qua một loạt các thỏa thuận song phương. Chính quyền Bush trong nhiệm kỳ đầu (2001-2004) đã chủ trương chú trọng hơn tới các sáng kiến tự do hóa thương mại khu vực và song phương. Chiến lược thúc đẩy các thành viên hệ thống thương mại thế giới cạnh tranh với nhau trong xu hướng tự do hóa thương mại được thực hiện ở cả ba cấp độ song phương, khu vực và đa phương. Theo đó, Mỹ sẵn sàng đàm phán tự do hóa thương mại với các quốc gia muốn hình thành các FTA song phương hay khu vực với Mỹ, nhờ đó tạo sức ép cạnh tranh lên các đối tác thuộc kênh đa phương. Sự chuyển hướng chiến lược của Mỹ, thị trường quan trọng nhất của nhiều nền kinh tế cũng như hệ thống thương mại thế giới, sang tự do hóa thương mại khu vực và song phương đã kéo theo “phản ứng dây chuyền” của hàng loạt các quốc gia vốn phụ thuộc vào thị trường Mỹ, trong đó có nhóm nước ASEAN, theo đó hướng tới hình thành các FTA song phương và khu vực với Mỹ. Thứ tư, vai trò ngày càng ảnh hưởng của mạng lưới sản xuất và dịch vụ do các công ty xuyên quốc gia (TNC) chi phối Các tập đoàn xuyên quốc gia cùng với mạng lưới sản xuất và dịch vụ toàn cầu của mình đang ngày càng chi phối nền sản xuất và thương mại thế giới. Với vai trò “nhạc trưởng” của các mạng lưới sản xuất quốc tế, các tập đoàn xuyên quốc gia có tiếng nói quyết định đối với các dòng vốn đầu tư và thương mại quốc tế, do đó làm thay đổi mức độ chuyên môn hóa và cơ cấu phân bổ nguồn lực sản xuất toàn cầu. Các quốc gia có nền thương mại mở cửa và tích cực thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, sẽ có khả năng thích ứng với những thay đổi trên, bằng không sẽ bị gạt ra khỏi các mạng lưới phân công lao động quốc tế của các TNC. Bài toán chính sách đặt ra chính là chính phủ các nước phải làm gì khi các công ty của họ không đủ mạnh về tài chính và năng lực công nghệ để có thể gia nhập các mạng lưới phân công lao động quốc tế vốn đang nắm vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thế giới? Từ trước tới nay, điều chỉnh chính sách theo hướng tự do hóa, tăng cường ưu đãi để thu hút FDI vẫn là những ._.ác cam kết quốc tế như hiện nay. 4. Những lưu ý về nội dung và đàm phán khi ký kết FTA với các nước phát triển Như đã phân tích ở trên, Việt Nam sẽ đi theo xu thế là tiếp cận FTA với các nước có trình độ phát triển cao nhằm tận dụng được không những là những lợi ích “tĩnh” từ thị trường giàu có mà còn cả những lợi ích “động” từ trình độ phát triển và hoàn thiện cao trong thể chế kinh tế của những đối tác này. Tuy nhiên, điều gì cũng có hai mặt. Khi ký kết FTA với các nước phát triển Việt Nam còn phải đối mặt với những thách thức tiềm tàng. Có thể kể ra một số những thách thức chủ yếu như sau: thách thức do việc thiếu kinh nghiệm trong đàm phán và ký kết FTA với những đối tác hùng mạnh và giàu kinh nghiệm thách thức do các rào cản phi thuế quan (hàng rào kỹ thuật) mà các nước phát triển thường đặt ra dưới lá bài bảo vệ lợi ích người tiêu dùng nhưng thực chất là hạn chế nhập khẩu hàng hóa nước ngoài thách thức từ chính sách bảo hộ một số ngành của các nước phát triển thách thức từ những đòi hỏi tự do hóa ở mức độ cao của các nước phát triển Chính vì vậy, khi chuẩn bị đàm phán và ký kết FTA với các nước phát triển, cần học hỏi những kinh nghiệm từ các bài học FTA có trước gặp phải khi triển khai các nội dung cơ bản của FTA như vấn đề tiếp cận thị trường, vấn đề dịch vụ, vấn đề đầu tư, những “vấn đề Singapore” như mua sắm chính phủ và cạnh tranh và vấn đề quyền sở hữu trí tuệ. 4.1. Vấn đề tiếp cận thị trường Mong muốn mở rộng tiếp cận thị trường luôn là lý do chính khiến các nước đang phát triển ký kết các FTA. Trong một FTA giữa một nước đang phát triển và một nước phát triển thì nước đang phát triển thường đạt được nhiều hơn trong mục tiêu tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp các nước này cũng chỉ đạt được những kết quả rất đáng thất vọng. Trở ngại ở đây là các nước phát triển có thể dựng lên những rào cản về cơ cấu, luật pháp và chính trị, nhất là trong các mặt hàng “nhạy cảm”, những mặt hàng mà các nước đang phát triển có lợi thế xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản. Các nước phát triển không hề cắt giảm hoặc loại bỏ trợ cấp đối với các mặt hàng là lợi thế xuất khẩu của nước đối tác đang phát triển. Ví dụ như Mỹ, với đạo luật quyền xúc tiến thương mại lưỡng đảng năm 2002 (Bipartisan Trade Promotion Authority Act) đã cấm các FTA giảm mưc thuế suất của bất kỳ mặt hàng nông phẩm nhạy cảm nào xuống dưới mức thuế suất được áp dụng theo các thỏa thuận của vòng đàm phán Uruguay. Đạo luật này cũng không cho phép một sự đối xử đặc biệt nào bởi những mục tiêu đàm phán của Mỹ bao gồm “đôi bên cùng tiếp cận thị trường” và “đôi bên cùng đạt được những thỏa thuận dỡ bỏ các hàng rào phi thuế”. Về mặt hàng dệt may, Mỹ thường yêu cầu các đối tác FTA phải áp dụng quy tắc xuất xứ từ loại sợi có xuất xứ từ Mỹ hoặc từ các nước đối tác FTA. Do các nước đang phát triển không có ngành công nghiệp sợi hoặc không có khả năng hoạt động trong ngành này nên kết quả của điều kiện này mang ý nghĩa là sợi của Mỹ phải được sử dụng, thay vì các loại sợi rẻ hơn từ các nước khác không phải là đối tác trong FTA. Ngoài ra cũng cần phải có những thủ tục hải quan phiền phức nhằm xác định rằng loại quần áo đó có được sản xuất bằng các nguyên liệu có xuất xứ từ các nước trong FTA và cũng còn tồn tại những biện pháp an toàn khiến ngăn cản việc tiếp cận thị trường. Với các sản phẩm nông nghiệp thì việc mở rộng tiếp cận thị trường càng có thể bị hạn chế. Ví dụ như Australia đã không thể mở rộng hạn ngạch với mặt hàng đường mía trong FTA của nước này với Mỹ, và tình hình cũng không mấy khả quan hơn đối với sản phẩm thịt bò từ Australia sang Mỹ. Bên cạnh đó, những rào cản phi thuế như kiểm dịch động thực vật, vệ sinh dịch tễ… cũng làm cho Mexico không xuất khẩu được nhiều nông phẩm sang Mỹ theo NAFTA như mong đợi. Ngược lại, các nước đang phát triển cũng phải cho phép đối tác tiếp cận thị trường của mình, về việc tiếp cận đó có nhiều khả năng là lớn hơn về tỷ lệ và giá trị, bởi vì mức thuế trung bình đánh vào các hàng công nghiệp cao hơn. Không những thế, việc dỡ bỏ thuế quan với nhiều mặt hàng có thể dẫn đến việc các nhà sản xuất trong nước di chuyển địa bàn hoạt động. Ví dụ theo NAFTA, Mexico đồng ý không đánh thuế đối với mặt hàng nông phẩm. Ngay sau đó khối lượng ngũ cốc nhập khẩu (loại cây được trồng nhiều nhất và rộng rãi nhất ở Mexico và là nguồn thu nhập chính của những người nông dân tại các vùng thuộc miền Nam nước này) đã tăng gần gấp 3 sau NAFTA, và khối lượng nhập khẩu các mặt hàng đậu nành, lúa mỳ, gia cầm và thịt bò tăng trên 5 lần. Những sự gia tăng nhập khẩu này đã vượt quá mức so với sự gia tăng trong khối lượng xuất khẩu các mặt hàng rau quả của Mexico (loại sản phẩm mà hầu hết được trồng bởi các công ty đa quốc gia ở khu vực miền Bắc giàu có- khu vực duy nhất có thể trồng rau quả). Kết quả đáng buồn là 1.7 triệu người đã bị mất việc làm sau khi Mexico gia nhập NAFTA. Đối với Việt Nam, từ những bài học đắt giá nêu trên, khi ký kết FTA với các nước phát triển, đối với vấn đề tiếp cận thị trường, Việt Nam cần lưu ý: Thứ nhất, Việt Nam phải xác định rõ được mặt hàng nào là quan trọng đối với mình, mặt hàng nào mà chúng ta kỳ vọng có thể tăng xuất khẩu thông qua FTA. Hiện tại, có lẽ những mặt hàng quan trọng nhất vẫn là nông, lâm, thủy sản và một số mặt hàng tiêu dùng khác như dệt may, giày dép…Bên cạnh đó cũng phải cân nhắc liệu trên thực tế thì có thể mở rộng được việc tiếp cận thị trường hay không và mở rộng thị trường nào. Điều này cũng cần được cân nhắc lại so với những cái giá mà đất nước phải gánh chịu, cũng như trong việc nhượng bộ trên các lĩnh vực khác như dịch vụ, đầu tư và sở hữu trí tuệ. Thứ hai, Việt Nam với vị thế là một nước đang phát triển nên khi đàm phán ký kết FTA với các nước phát triển cũng cần yêu cầu được đối xử càng đặc biệt và càng đãi ngộ càng tốt, không chỉ trong vấn đề lộ trình thực hiện FTA dài hơn mà còn trong vấn đề các mặt hàng loại trừ hay các mặt hàng nhạy cảm với nước mình. 4.2. Vấn đề dịch vụ Dịch vụ là một lĩnh vực rất quan trọng đối với bất kỳ một quốc gia đang phát triển nào. Đối với những nước này, điều quan trọng là phải tạo điều kiện và cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trong nước phát triển, đặc biệt là với những ngành dịch vụ quan trọng mang tính xã hội hoặc tính kinh tế chiến lược. Các nước đang phát triển yếu thế hơn về khả năng cung cấp dịch vụ so với các nước phát triển. Do vậy, họ phải yêu cầu quyền được cam kết mở cửa ít lĩnh vực hơn hoặc cam kết mở trong mỗi lĩnh vực ở mức độ thấp hơn. Những lĩnh vực quan tâm của những nước này thường bao gồm cả việc di chuyển tự nhiên nhân hoặc việc tạo cơ hội cho người dân nước họ được làm việc tại những nước phát triển. Một lo ngại lớn là việc một vài FTA ngày nay bao gồm “danh mục tiêu cực” (negative list), trong đó quy định các nước sẽ phải tự do hóa hoàn toàn mọi lĩnh vực dịch vụ, trừ những lĩnh vực được liệt kê trong phụ lục. Những FTA như thế này thường có xu hướng ràng buộc các nước đang phát triển phải cam kết nhanh hơn và nhiều hơn các lĩnh vực dịch vụ so với “danh mục tích cực” (positive list) trong WTO (danh mục này quy định không lĩnh vực nào hoặc loại tự do hóa nào sẽ được cam kết trừ khi nêu rõ lộ trình). “Danh mục tiêu cực” trong các FTA sẽ khiến cho các nước đang phát triển khó khăn hơn trong việc tuân theo các nguyên tắc của WTO, rằng nước này có thể lựa chọn các lĩnh vực để tự do hóa và tự quy định tốc độ tự do hóa. Những FTA như thế cũng làm giảm các khoảng trống chính sách cho các nước đang phát triển. Lưu ý đối với Việt Nam: Dựa trên những lưu ý trên về vấn đề dịch vụ trong các FTA với các nước phát triển, có thể rút ra những kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình chuẩn bị và đàm phán nội dung này, đó là: Thứ nhất, Việt Nam cần phải đưa ra một kế hoạch quốc gia hoặc khung chiến lược về dịch vụ trong đó bao gồm những kế hoạch cụ thể cho từng ngành. Một phần trong kế hoạch đó sẽ bao gồm vai trò tương ứng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.Vị thế quốc gia trong các đàm phán thương mại cũng cần được đưa vào trong nội dung của kế hoạch này. Thứ hai, Việt Nam cũng cần phải quyết định xem có nên đưa ngành dịch vụ vào FTA hay không. Trong hoàn cảnh năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ nước ta còn yếu thì tốt nhất là tìm cách loại dịch vụ ra khỏi FTA. Thứ ba, Việt Nam còn cần phải tiến hành cân nhắc các ngành dịch vụ và các hoạt động mà mình có lợi thế xuất khẩu, cũng như cân nhắc xem những ngành hoặc hoạt động nào không thể cam kết ngay được. Những điều này cần phải được thực hiện thống nhất với kế hoạch quốc gia về dịch vụ. Không nên tiến hành đàm phán hay cam kết cho đến khi đã cân nhắc xong những điều nêu trên. Thứ tư, không nên ký kết các FTA có “danh sách tiêu cực” Thứ năm, nếu có thể thì nên đưa ra những yêu cầu cam kết về những ngành và hoạt động có lợi cho mình, ví dụ như việc di chuyển dân cư, lao động hoặc nhân công. Thứ sáu, trừ khi có thể đạt được những lợi ích vượt trội từ những đề nghị của phía đối tác, Việt Nam cần phải đạt được mức độ cam kết như đã có tại WTO. 4.3. Vấn đề đầu tư Đầu tư là một phần của các vấn đề được gọi là “các vấn đề Singapore” (Singapore Issues) tại WTO, các vấn đề còn lại là mua sắm của chính phủ và canh tranh. Rất nhiều các quốc gia đang phát triển phản đối việc khởi đầu đàm phán về môt thỏa thuận đầu tư tại WTO và WTO cũng đã đình chỉ các cuộc đàm phán về đầu tư vào tháng 6/2004. Tuy nhiên, vấn đề đầu tư lại luôn là một trong những tâm điểm trong chương trình nghị sự của rất nhiều các FTA. Yêu cầu của các nước phát triển về đầu tư trong các FTA là đi quá xa so với những cuộc thảo luận trong khuôn khổ WTO về đầu tư. Ví dụ, trong FTA Singapore-Mỹ, định nghĩa về nhà đầu tư và đầu tư là rất rộng, bên cạnh đó những yêu cầu đãi ngộ quốc gia, quyền tự do chuyển giao vốn, điều khoản sung công, các quy định về giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư và Nhà nước là rất cao. Điều khoản về đầu tư đòi hỏi mức độ mở cửa quá cao sẽ xóa bỏ hoặc giảm một cách đáng kể những khoảng trống chính sách của các nước đang phát triển. Chúng có thể dẫn đến những hậu quả bất lợi cho chính phủ trong việc duy trì và hình thành nên các chính sách liên quan đến xã hội, kinh tế và chính trị. Lưu ý đối với Việt Nam: Về vấn đề đầu tư, Việt Nam cần lưu ý những điểm sau khi tham gia ký kết FTA: Thứ nhất, Việt Nam có thể lập luận rằng do vấn đề này cũng đã bị khước từ trong các vòng đàm phán của WTO và do điều khoản này có thể gây nên những hậu quả bất lợi nên không nên đưa nó vào trong các FTA. Thứ hai, nếu vẫn quyết định sẽ bao gồm điều khoản về đầu tư vào trong FTA của mình, Việt Nam phải hạn chế điều khoản về đầu tư trong các hoạt động hợp tác và không bao gồm các quy định ràng buộc vào việc tiếp cận thị trường, bảo hộ đầu tư và điều khoản sung công. Thứ ba, cần phải chắc chắn rằng điều khoản đầu tư sẽ không buộc chúng ta phải cam kết vào những tiêu chuẩn và yếu tố có thể gây bất lợi cho các chính sách đầu tư và phát triển. 4.4. Những “vấn đề Singapore” khác: mua sắm chính phủ và cạnh tranh Những vấn đề này, kể cả vấn đề đầu tư giờ đây cũng đã biến mất khỏi chương trình nghị sự của WTO, ít nhất là trong chương trình làm việc Doha kéo dài. Rất nhiều các nước đang phát triển đã nỗ lực loại bỏ những vấn đề này ra khỏi chương trình nghị sự của WTO. Tuy nhiên, trong các FTA đây lại là những vấn đề mà Mỹ và một số nước phát triển khác hay đề nghị đưa vào. Về vấn đề mua sắm chính phủ, trong các FTA có Mỹ, điều khoản này thường đi xa hơn rất nhiều so với những gì đã được thảo luận tại WTO. Đối với vấn đề này, nhóm làm việc của WTO đã chỉ bàn luận đến “sự minh bạch trong mua sắm của chính phủ”, với những quy định có khả năng chỉ giới hạn trong các lĩnh vực là minh bạch hóa và không bao gồm các vấn đề tiếp cận thị trường. Trong khi đó, các điều khoản FTA về mua sắm chính phủ của Mỹ lại yêu cầu mở cửa rất lớn, ví dụ như việc phải cho phép các công ty nước ngoài được đấu thầu với những điều khoản giống hệt như những điều khoản mà các công ty trong nước có được. Điều này sẽ làm giảm đáng kể hoặc xóa bỏ mọi khoảng trống chính sách để chính phủ các nước phát triển có thể tạo ra những ưu đãi đối với các doanh nghiệp trong nước, đồng thời loại bỏ mất một công cụ quan trọng để phát triển nền kinh tế. Về vấn đề chính sách cạnh tranh, các nước phát triển đã đưa ra một thỏa thuận về cạnh tranh trong WTO, thỏa thuận này cho phép các doanh nghiệp, hàng hóa và dịch vụ nước ngoài có được sự cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp trong nước thông qua việc cắt bỉ những trợ cấp ưu đãi với các doanh nghiệp trong nước. Sau này, đề nghị này được thu hẹp lại thành những chủ đề cơ bản như nguyên tắc không phân biệt đối xử, tính minh bạch và sự công bằng trong các thủ tục. Tuy nhiên, các FTA mà có sự tham gia ký kết của Mỹ thường sẽ yêu cầu các nước đang phát triển phải thiết lập hành lang pháp lý về cạnh tranh. Các nhà kinh tế phát triển đã đặt ra nghi vấn liệu khung chính sách cạnh tranh hiện đang có hiệu lực tại Mỹ và các nước phát triển có thích hợp với các nước đang phát triển hay không. Họ lo ngại rằng khi FTA đưa ra yêu cầu về khung chính sách có thể ngăn cản sự phát triển của các doanh nghiệp trong nước, khiên họ giảm khả năng cạnh tranh hoặc tồn tại trước những công ty nước ngoài lớn, đặc biệt là khi phải đối mặt với quá trình toàn cầu hóa. Do đó, vấn đề cạnh tranh trong phạm vi các hiệp định thương mại có thể là một vấn đề cực kỳ phức tạp. Lưu ý đối với Việt Nam: Đối với Việt Nam khi tham gia đàm phán và ký kết FTA mà gặp phải những vấn đề này, cần phải lưu ý: Thứ nhất, cũng giống như trường hợp vấn đề đầu tư, Việt Nam cũng phải lập luận rằng hai “vấn đề Singapore” này cũng đang bị đình chỉ đàm phán tại WTO bởi người ta thấy chúng không phù hợp với hệ thống thương mại và do đó, chúng cũng sẽ không thích hợp với các FTA. Ví dụ, hội nghị Bộ trưởng Thương mại của Liên minh châu Phi ở Cairo tháng 6/2005 đã đưa ra tuyên bố rằng các vấn đề Singapore phải được loại ra khỏi chương trình nghị sự của các FTA với EU (Hiệp định hợp tác kinh tế) vì những vấn đề này cũng chưa được thảo luận tại WTO. Thứ hai, nếu những vấn đề này được đưa vào FTA, thì chúng phải được mang bản chất của một hiệp định hợp tác và không có những quy định ràng buộc. Thứ ba, Việt Nam cần đặc biệt lưu ý không nên cam kết bất kỳ việc tiếp cận thị trường nào đối với các vấn đề mua sắm của chính phủ, nếu vấn đề mua sắm chính phủ cũng được đưa vào trong FTA. 4.5. Vấn đề quyền sở hữu trí tuệ Việc đưa vấn đề sở hữu trí tuệ vào các thỏa thuận thương mại còn gây rất nhiều tranh cãi sau khi Hiệp định TRIPS được thông qua tại WTO. Người ta ngày càng nhận ra rằng những tiêu chuẩn về quyền sở hữu trí tuệ do TRIPS đặt ra cho các nước đang phát triển là không thích hợp với họ. Các nhà kinh tế học dự đoán rằng chi phí để các nước đang phát triển thực hiện TRIPS hàng năm có thể lên đến 60 tỷ USD và chi phí này vượt quá mức những gì họ được hưởng trong các lĩnh vực khác, ví dụ như việc tiếp cận thị trường. Các nước đang phát triển giờ đây phải tìm cách làm rõ hoặc sửa đổi một vài các lĩnh vực của TRIPS để hạn chế những tác động tích cực. Trong tuyên bố Doha về TRIPS và Y tế công cộng đã chỉ rõ rằng các nước đang phát triển có thể tận dụng những “sự linh động”. Tuy nhiên, trong các FTA của mình, các nước phát triển lại nỗ lực thiết lập nên các biện pháp TRIPS + để giảm hoặc loại bỏ những sự linh động mà Hiệp định TRIPS cho phép và thiết lập nên những tiêu chuẩn rất cao, vượt xa hơn so với các quy định của WTO. Các FTA như thế sẽ đe dọa đến sự linh động mà TRIPS cho phép, đặc biệt liên quan đến những vấn đề như (1) bằng phát minh sáng chế và việc tiếp cận thị trường dược phẩm, (2) bảo vệ sở hữu trí tuệ đối với các chi loài thực vật, (3) khả năng cấm việc cấp bằng phát minh sáng chế cho một số dạng thể sống, và (4) vấn đề bản quyền. Ví dụ như TRIPS của WTO không yêu cầu “độc quyền dữ liệu”, nghĩa là những dữ liệu mà người nắm giữ bằng phát minh sáng chế trình lên cơ quan có thẩm quyền về dược phẩm (để được phê duyệt về độ an toàn) không thể được tận dụng trong việc phê duyệt những ứng viên khác (ví dụ như là các nhà sản xuất dược phẩm đồng loại). Tuy nhiên, thông qua các FTA song phương, Mỹ và EU luôn tìm kiếm “các quyền ngoại lệ” đối với các dữ liệu do các công ty khởi xướng (originator company) cung cấp, điều này sẽ ngăn cản việc đăng ký và kinh doanh các loại thuốc đồng loại. Các FTA này cũng quy định vai trò của các cơ quan có thẩm quyền về dược phẩm. Từ xưa tới nay, vai trò của các cơ quan này là kiểm định lại chất lượng, độ an toàn và tính hiệu quả của sản phẩm trước khi tung ra thị trường. Tuy nhiên các điều khoản FTA giờ đây yêu cầu các cơ quan này đóng vai trò “cảnh sát chuyên trách” về bằng phát minh sáng chế và đảm bảo rằng sẽ không mặt hàng thuốc đồng loại nào sẽ được phê duyệt (trong khi vẫn tiếp tục cấp patent cho sản phẩm gốc của các công ty khởi xướng). Thông qua các FTA, Mỹ cũng tìm cách mở rộng vòng đời của các patent, cho phép các công ty khởi xướng có được quyền sở hữu trí tuệ lau dài thông qua việc gia hạn các patent hiện tại bằng cách đăng ký thêm những “công dụng mới” của các sản phẩm hiện hành. Về vấn đề bản quyền, FTA có sự tham gia của Mỹ bao gồm những nghĩa vụ TRIPS +, trong đó có cả việc mở rộng thời hạn bản quyền từ 50 năm sau ngày mất của tác giả lên thành 70 năm, cung cấp sự bảo vệ hợp pháp trước việc không được cung cấp đầy đủ thông tin về các biện pháp bảo hộ. Tóm lại, các FTA có sự tham gia của những nước lớn thường đòi hỏi quy định rất chi tiết về quyền sơ hữu trí tuệ và do đó tăng thêm nghĩa vụ đối với chính phủ các quốc gia đang phát triển, vì vậy những nước này cần hết sức thận trọng. Lưu ý đối với Việt Nam: Trước một nội dung rất phức tạp như quyền sở hữu trí tuệ, Việt Nam cần lưu ý: Thứ nhất, Việt Nam phải cân nhắc kỹ lưỡng xem có nên đưa điều khoản về sở hữu trí tuệ vào FTA hay không vì những quy định về sở hữu trí tuệ trong WTO cũng như trong WIPO đã là rất nghiêm ngặt. Hơn nữa, cần phải chắc chắn rằng mình không chấp nhận đưa vào FTA những điều khoản TRIPS +, những điều khoản như mở rộng thời hạn patent, cấp patent cho các dạng thể sống hoặc điều khoản dẫn đến hạn chế các quyền mà các nước kém phát triển được hưởng theo WTO. Chúng ta có thể học tập cách quy định điều khoản sở hữu trí tuệ như trong FTA Thái Lan-Australia, FTA này chỉ yêu cầu các bên tôn trọng những điều khoản của Hiệp định TRIPS và bất cứ các hiệp định đa phương nào liên quan đến sở hữu trí tuệ mà hai bên tham gia. Thứ hai, Việt Nam chỉ nên cân nhắc chấp nhận hoặc phê duyệt các hiệp định quốc tế về sở hữu trí tuệ sau khi đã thực hiện phân tích kỹ lưỡng lợi ích thu được với cái giá phải trả cũng như nhận thức được hết những ảnh hưởng tới xã hội và công cuộc phát triển kinh tế đất nước. 5. Công tác nghiên cứu và tham mưu chính sách Một yếu tố quan trọng đảm bảo đàm phán hiệu quả chính là sự chuẩn bị kỹ càng và quyết tâm chính trị cao. Việc chuẩn bị kỹ càng sẽ mang lại sự đồng thuận lớn và quyết tâm chính trị cao là nhân tố đảm bảo sự tự tin và quyết đoán trong đàm phán. Để có được điều này, công tác nghiên cứu tiền khả thi và tham mưu cần được ưu tiên hơn nữa. Cụ thể, trước khi bước vào tham vấn, ký kết bất cứ lộ trình FTA nào, các cơ quan tham mưu chính sách cần tiến hành nghiên cứu, phân tích, đánh giá về tính khả thi, lợi ích-chi phí của kịch bản FTA đó. Về dài hạn, nhà nước cần đầu tư thích đáng cho các nghiên cứu cấp quốc gia, có tính hệ thống về chiến lược FTA của Việt Nam. Có như vậy, chúng ta mới chủ động được trong xu thế hình thành FTA đang diễn biến rất nhanh, sống động trên thế giới và khu vực hiện nay. Hình dung trước được những thời cơ, nguy cơ để chúng ta có được những đối sách thích hợp, hiệu quả hơn trong quá trình hội nhập sâu rộng thời hậu WTO, trong xu hướng chính sach FTA đang chuyển biến nhanh chóng. Trên cơ sở đó, chúng ta mới có thái độ khoa học, thận trọng và không lo sợ những thách thức, bất lợi mà các lộ trình FTA có thể gây ra. Cũng như các quốc gia ASEAN khác, hun đúc quyết tâm đẩy mạnh cải cách bên trong, cải cách chính mình, từ thể chế cho đến chính sách, từ phương thức lãnh đạo cho đến cơ chế điều hành quá trình hội nhập và phát triển của đất nước chính là tư tưởng bao trùm để vượt qua thách thức của thời kỳ hội nhập sâu rộng vào cộng đồng quốc tế. KẾT LUẬN Hiệp định thương mại tự do đang là xu thế chung của hợp tác kinh tế quốc tế song song với quá trình tự do hóa đa phương khác đang diễn ra trong khuôn khổ GATT/WTO. Các nhà hoạch định chính sách kinh tế đối ngoại tại nhiều quốc gia ngày càng xem chính sách FTA là một công cụ chính sách thương mại trọng yếu và bổ sung cho chính sách tự do hóa thương mại đa phương vì phạm vi điều chỉnh chính sách của các FTA ngày nay mang tính toàn diện, sâu hơn những gì cam kết và thực thi trên kênh tự do hóa đa phương GATT/WTO. Ngoài ra, sự phát triển như vũ bão về số lượng và chất lượng của các FTA cũng thúc đẩy các nước còn ngại ngần với hiệp định thương mại tự do hãy vào cuộc nếu họ không muốn bị bỏ lại sau lưng. Tham gia FTA không chỉ mang lại cho quốc gia thành viên những lợi ích kinh tế như gia tăng thương mại, thúc đẩy cạnh tranh, đầu tư, chuyển giao tri thức, công nghệ và thông tin…mà còn đem lại cả những lợi ích phi kinh tế như gia tăng vị thế quốc gia trên trường quốc tế đồng thời củng cố hòa bình và an ninh. Hơn nữa, đối với tiến trình đa phương hóa, các kênh đàm phán FTA song phương và khu vực có vai trò như “lò luyện” giúp tích lũy những kinh nghiệm đàm phán, xử lý nhiều vấn đề thương mại mới, phức tạp mà thực tiễn đàm phán đa phương đang đặt ra nhưng lại chưa có tiền lệ. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, FTA đã nổi lên như một xu thế quan trọng, một hướng đi không thể không tính tới trong chính sách kinh tế đối ngoại của các quốc gia trên toàn thế giới. Làn sóng FTA cũng đã và đang diễn ra mạnh mẽ tại khu vực các quốc gia Đông Nam Á ASEAN theo cả hai chiều hướng FTA tập thể của cả khối với các đối tác bên ngoài và FTA song phương của riêng từng nước thành viên ASEAN. Cùng với lộ trình AFTA của mình, ASEAN đang trở thành một thị trường hấp dẫn đối với các cường quốc và cũng là không gian cạnh tranh ảnh hưởng địa-chiến lược của các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản hay Trung Quốc. Tuy nhiên để có khả năng trở thành “tâm trục” của một mạng lưới FTA đòi hỏi phải có một cơ chế phối hợp thống nhất, hiệu quả, giảm thiểu những ảnh hưởng xấu do việc trùng lắp các lộ trình FTA của cả khối với lộ trình của mỗi nước thành viên. Đối với Việt Nam, để hội nhập thành công sau khi gia nhập WTO, chúng ta cần vận dụng linh hoạt, khéo léo các quy định, các ngoại lệ của khuôn khổ thương mại đa phương GATT/WTO. Một chiến lược hội nhập thành công đòi hỏi nước thành viên đó phải biết kết hợp hội nhập ba cấp độ đa phương, khu vực và song phương với các chương trình cải cách bên trong hay có thể gọi là hội nhập đơn phương. Trong bối cảnh xu hướng hình thành các FTA diễn biến nhanh và rộng trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là sự bùng nổ các lộ trình hình thành FTA trong khu vực ASEAN, việc xây dựng một chính sách FTA tổng thể là đòi hỏi của thực tiễn quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực của Việt Nam sau khi gia nhập WTO. Chính sách FTA sẽ là công cụ mới cho quá trình đổi mới và xây mới thể chế kinh tế thị trường ở Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới. Việc lựa chọn cách tiếp cận chính sách FTA như là một công cụ đổi mới và xây mới thể chế kinh tế thị trường cũng là một điểm mới trong lý luận về chính sách hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực của Việt Nam sau khi là thành viên WTO. TÀI LIỆU THAM KHẢO Tiếng Việt Bộ Ngoại Giao Việt Nam (2005), Đề tài nghiên cứu cấp Bộ “Xu hướng các FTA trên thế giới: Hệ lụy, tác động và kiến nghị chính sách cho Việt Nam”, Vụ Kinh tế đa phương, Bộ Ngoại Giao Việt Nam, Hà Nội. Nguyễn Ngọc Dung, “Quá trình hình thành EU và ASEAN qua cách tiếp cận đối chiếu khu vực”, Tập san Khoa học xã hội và Nhân văn, số 4/1997. Bùi Trường Giang - Cheong Inkyo (2004), “Cách tiếp cận chính sách FTA hướng tới Hội nhập Kinh tế Đông Á: Tiến triển và thách thức” | “The FTA Approach towards East Asian Economic Integration: Progress and Challenges”, Chương 2 trong cuốn sách “Hướng tới Cộng đồng Kinh tế Đông Á” | “Towards East Asian Economic Community”, GS. TS. Đỗ Hoài Nam và PGS. TSKH. Võ Đại Lược (đồng chủ biên, 2004), NXB Thế giới và Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới. Hà Thị Ngọc Hà (2007), “ASEAN 40 năm trưởng thành, phát triển và triển vọng hợp tác”, Nhân dân, số ra ngày 07/08/2007. Đặng Phương Hoa (2006), “Sự nổi lên của các nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ: Cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế Việt Nam - ASEAN”, T/c Những vấn đề kinh tế thế giới, số 127 (tháng 11/2005), Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới. Đại học Quốc gia Hà Nội (2006), “Hướng tới Cộng đồng Đông Á: Cơ hội và Thách thức”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. Hoàng Lan, “Tác động của AFTA đối với nền kinh tế Vietnam”, VietNamNet, ngày 18/07/2003. Lê Bộ Lĩnh và Đoàn Hồng Quang (2004), “Toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế khu vực và triển vọng hợp tác kinh tế Đông Á”, Chương I cuốn “Hướng tới Cộng đồng Kinh tế Đông Á”, Đỗ Hoài Nam và Võ Đại Lược (đồng chủ biên, song ngữ), NXB Thế giới và Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, 2004. Võ Đại Lược (2006), “Những vấn đề lớn về toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế”, T/c Những vấn đề kinh tế thế giới, Số 125 (tháng 9/2006), Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới. Đỗ Hoài Nam và Võ Đại Lược (đồng chủ biên, 2004), sách song ngữ “Hướng tới Cộng đồng Kinh tế Đông Á” | “Towards East Economic Community”, NXB Thế giới và Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới. Dương Ngọc (2008), “Nhập siêu trong thương mại Việt-Trung ngày càng lớn”, VnEconomy, ngày 20/06/2008. Hoàng Thị Thanh Nhàn (2005), “Thái Lan với các Hiệp định Thương mại Tự do song phương những năm gần đây”, T/c Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương, Số 9, tháng 3/2005, Trung tâm hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (VAPEC), Hà Nội. Trần Anh Phương (2004), “ASEAN+3 và vị thế của Việt Nam trong tiến trình hội nhập”, T/c Những vấn đề kinh tế thế giới, Số 96 (tháng 4/2004), Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới. Võ Trí Thành và Nguyễn Anh Tú (2005), “Một số vấn đề của Vòng đàm phán Đôha đối với các nước đang phát triển”, T/c Những vấn đề kinh tế thế giới, Số 115 (tháng 11/2005), Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới. Nguyễn Xuân Thắng và Bùi Trường Giang (2006), “Những chuyển động kinh tế chủ yếu trong quá trình hướng tới Cộng đồng Đông Á”, T/c Những vấn đề kinh tế thế giới, Số 120 (tháng 4/2006), Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới. Nguyễn Hồng Thu (2006), “Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN: Quá trình hình thành, thực trạng và triển vọng”, T/c Những vấn đề kinh tế thế giới, Số 121 (tháng 5/2006), Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới. Lưu Ngọc Trịnh (chủ biên, 2006), “Phản ứng chính sách của các nước Đông Á trước xu hướng hình thành các Khu vực Mậu dịch Tự do (FTA) từ cuối những năm 1990”, NXB Lao động - Xã hội. Trung Việt (2008), “FTA Hàn-ASEAN: Cơ hội lớn cho thương mại song phương”, VnEconomy, ngày 20/06/2008. Tiếng Anh Baldwin, Richard (1996), “A Domino Theory of Regionalism”, NBER Working Papers 4465, National Bureau of Economic Research, Inc. Bhagwati, Jagdish (1993), “Regionalism and Multilateralism: An Overview”, in Melo and Panagariya, ed., New Dimensions in Regional Integration, Cambridge, Great Britain: Cambridge University Press. Chandra, Alexander C. (2004), “The benefits and dangers of Bilateral FTAs for Indonesia”, Jakarta Post, 20 December 2004 Cooper, C. & Massell B. (1965), “A New Look at Customs Unions Theory”, The Economic Journal, Vol. 75, pp. 742-7. Crawford, Jo-Ann & Fiorentino, Robert V. (2005), “The chainging landscape of Regional Trade Agreements”, WTO Discussion Paper 8, World Trade Organization, Geneva. De Melo, J. & A. Panagariya (1993), “New Dimension in Regional Integration”, Cambridge, Cambridge University Press. Grossman, Gene & Helpman, Elhanan (1995), “The Politics of Free-Trade Agreement”, The American Economic Review, Vol. 85, No. 4, pp. 667-690. Krueger, Anne (1997), “Free Trade Agreement versus Custom Unions”, Journal of Development Economics, 54, 169-97. Krugman, Paul (1991a), “Is Bilateralism Bad?” in International Trade and Trade Policy, ed. By Elhanan Helpman and Assaf Razin (Cambridge, Massachusetts: MIT Press). Lloyd, Peter (2002), “New Regionalism and New Bilateralism in the Asia Pacific”, PECC Trade Forum, Lima, Peru, May 17-19, 2002. Medalla, Erlinda M. & Dorothea C. Lazaro (2004), “Exploring the Phillippine FTA Policy Options”, PIDS Discussion Paper 2004-09, Manila. Pibulsonggram, Nitya (2005), “The Importance of the FTA to Thailand”, AMCHAM Monthly Luncheon Grand Hyatt Erawan Hotel, Wednesday, 25 May 2005, Bangkok, Thailand. Schott, Jeffrey (eds.2004), “Free Trade Agreements: US Strategies and Priorities”, Institute for International Economics, Washington D.C., USA. Talerngsri, Pawin & Vonkhorporn, Pimchanok (2005), “Trade Policy in Thailand. Pursuing a Dual Track Approach”, ASEAN Economic Bulletin, Vol. 22, No. 1 (April 2005), pp. 60-74. Tubeza, Philip (2006), “Arroyo eyes free trade pact with US by July 2007”, Inquirer Wei, Shang-Jin, and Jeffrey A. Frankel, (1998), “Can Regional Blocs Be a Stepping Stone to Global Free Trade?”, Ineternational Review of Economics and Finance, Vol.5 (No.4) Yap, Josef T. (2005), “Economic Intergration and Regional Cooperation in East Asian: A Pragmatic View”, Revised version of Session VI, Third East Asia Congress, 9-11 Dec.2005, ISIS, Kuala Lumpur, Malaysia. Các website 1. www.wto.org 14. www.europa.eu 2. www.aseansec.org 15. www.apec.org 3. www.mfat.govt.nz 16. www.afinet.org.au 4. www.thailandoutlook.com 17. www.globalwarming.mofa.go.jp 5. www.networkideas.com 18. www.oec.org 6. www.wikipedia.net 19. www.gc.sfc.keio.ac.jp 7. www.usinfo.state.gov 20. www.vneconomy.com.vn 8. www.vnexpress.net 21. www.vnn.vn 9. www.mot.gov.vn 22. www.mof.gov.vn 10. www.us-asean.org 23. www.adb.org 11. www.whitehouse.gov 24. www.china.org.vn 12. www.tuoitre.com.vn 25. www.ttvn.gov.vn 13. www.laws.dongnai.gov.vn 26. www.globalexchange.org ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • doc7319.doc
Tài liệu liên quan