Thực trạng quản lý công tác đào tạo giáo viên tiểu học quận Tân Bình, TP.HCM

Tài liệu Thực trạng quản lý công tác đào tạo giáo viên tiểu học quận Tân Bình, TP.HCM: ... Ebook Thực trạng quản lý công tác đào tạo giáo viên tiểu học quận Tân Bình, TP.HCM

pdf122 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 1750 | Lượt tải: 4download
Tóm tắt tài liệu Thực trạng quản lý công tác đào tạo giáo viên tiểu học quận Tân Bình, TP.HCM, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP HỒ CHÍ MINH _______________________ Nguyễn Thị Hạnh THỰC TRẠNG QUẢN LÍ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN TIỂU HỌC QUẬN TÂN BÌNH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Chuyên ngành : Quản lý giáo dục Mã số : 60 14 05 LUẬN VĂN THẠC SĨ GIÁO DỤC HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC : PGS. TS. ĐOÀN VĂN ĐIỀU Thành phố Hồ Chí Minh – 2009 LỜI CẢM ƠN Xin trân trọng cảm ơn: - Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. - Ban lãnh đạo và cán bộ chuyên viên Phòng giáo dục đào tạo quận Tân Bình, quận Tân Phú. - Các phòng ban thuộc Đại học Sư phạm, đặc biệt là phòng Khoa học công nghệ và Sau đại học. - Các thầy cô khoa Tâm lí-Giáo dục, các giảng viên đã giảng dạy khóa 16 QLGD trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh (2005–2008). - Ban Giám Hiệu và Giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn quận Tân Bình và quận Tân Phú. Đã tạo điều kiện, động viên, giúp đỡ, hướng dẫn, cộng tác để chúng tôi hoàn thành luận văn. Đặc biệt, tác giả mong muốn bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến PGS.TS ĐOÀN VĂN ĐIỀU , người thầy đã tận tình chỉ bảo, giúp đỡ và hướng dẫn chu đáo để tác giả hoàn thành bản luận văn này. Tân Bình, ngày 6 tháng 2 năm 2009 Tác giả NGUYỄN THỊ HẠNH DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT CBQL : cán bộ quản lí CĐSP : cao đẳng sư phạm CNTH : cử nhân tiểu học CNTT : công nghệ thông tin CSVC : cơ sở vật chất ĐHSP : đại học sư phạm GDĐT : giáo dục đào tạo GDTH : giáo dục tiểu học GVTH : giáo viên tiểu học GV : giáo viên HS : học sinh NL : năng lực NVSP : nghiệp vụ sư phạm PGD : phòng giáo dục PPDH : phương pháp dạy học PP : phương pháp SP : sư phạm QL : quản lí QLGD : quản lí giáo dục QLGD& ĐT : quản lí giáo dục và đào tạo TCGD : tạp chí giáo dục THCS : trung học cơ sở THSP : trung học sư phạm ĐLTC : độ lệch tiêu chuẩn F : tần số P : hệ số tương quan NVSP : nghiệp vụ sư phạm TB : trung bình MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Giáo dục phát triển không ngừng và là một trong những động lực cơ bản phát triển kinh tế xã hội. Nhận định về triển vọng kinh tế xã hội châu Á thế kỉ hai mươi mốt, từ năm 1993 UNESCO đã khẳng định: “Giáo dục là chìa khóa tiến tới một xã hội tốt hơn, là đòn bẩy mạnh mẽ nhất tiến vào tương lai ”. Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, giáo dục là lực duy trì khả năng cạnh tranh về nhiều mặt giữa các quốc gia. Sự phát triển của kinh tế đã luân chuyển các nguồn vốn, công nghệ, nhân lực và tạo ra sản phẩm xã hội có giá trị cao, tỉ lệ với chất xám đầu tư vào sản phẩm đó. Trong nền kinh tế này, tài sản được tính đến là trí tuệ và được gọi là nền kinh tế tri thức. Cùng với kinh tế tri thức, các thành tựu của khoa học và công nghệ đã làm biến đổi sâu sắc nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục, cách sống, cách làm việc... của con người và các quan hệ xã hội. Ngoài việc là động lực cho phát triển kinh tế, giáo dục còn là điểm tựa cho công bằng xã hội và qua giáo dục, mỗi cá nhân nỗ lực vươn lên tự khẳng định mình bằng tri thức và khả năng sáng tạo. Nền kinh tế tri thức toàn cầu đặt ra yêu cầu nước ta phải cấp bách đổi mới giáo dục và đào tạo với mục tiêu “đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển... tạo nền tảng để đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa...rút ngắn thời gian so với các nước đi trước..”. Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2001 – 2010 của Nhà nước Việt Nam đã đề ra sứ mạng mới của giáo dục là “đào tạo người có trình độ chuyên môn cao, người công dân có trách nhiệm, có nhân lực tư duy, có tinh thần tạo nghiệp, giữ gìn và thúc đẩy những giá trị xã hội.” Trong quá trình thực hiện sứ mạng giáo dục, vai trò của mỗi cấp học có những giá trị quan trọng khác nhau. Tiểu học là bậc học nền tảng của giáo dục quốc dân, “nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ và các kĩ năng cơ bản... ” trong đó “Giáo viên là nhân tố hàng đầu quyết định chất lượng giáo dục”. [38, phần IV] Để đáp ứng được yêu cầu mới, giáo dục Việt Nam phải quan tâm đặc biệt đến yếu tố chất lượng, nhất là chất lượng người thầy. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ ngày càng tác động mạnh mẽ lên tiến trình đổi mới giáo dục nước ta trong giai đoạn hiện nay và cả trong tương lai vì mô hình trường học theo kiểu cũ không phù hợp nữa. Việc học tập của học sinh là sự tham gia tích cực vào các hoạt động học. Xã hội ngày nay quan niệm học sinh tốt nghiệp là người có thể nhận diện và giải quyết các vấn đề liên quan với họ bằng kĩ năng thích ứng nên việc giúp học sinh đạt đến trình độ này đòi hỏi người thầy phải được đào tạo để tạo ra sự thay đổi. Thời gian gần đây xã hội chú ý đặc biệt đến chất lượng giáo dục thông qua những mục tiêu có thể đo lường được của các khóa học, các chương trình đào tạo nhằm kiểm soát việc thực hiện sứ mạng giáo dục của các nhà trường. Trong những năm qua, quận Tân Bình đã tiến hành nhiều cải cách quan trọng cho giáo dục tiểu học: tăng cường cải tạo trường lớp, tăng kinh phí đầu tư đào tạo- bồi dưỡng giáo viên, mở nhiều lớp đào tạo nâng chuẩn. Chất lượng đội ngũ được đánh giá hàng năm dựa vào tiêu chí số lượng GV đã đạt bằng cấp theo quy định. Số GVTH đạt chuẩn ở từng đơn vị trường tăng lên khá nhanh nhưng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội cũng như thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của trò đồng thời áp dụng dạy tiểu học theo phân môn, mở rộng diện trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày và tăng tỉ lệ trường đạt chuẩn quốc gia theo chương trình hành động của quận. Những lí do trên đòi hỏi cần phải xây dựng những giải pháp quản lí công tác đào tạo đội ngũ, là một công việc có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao chất lượng Giáo dục tiểu học. Vì thế “Thực trạng quản lí công tác đào tạo giáo viên tiểu học Quận Tân Bình thành phố Hồ Chí Minh” được chọn là đề tài nghiên cứu. 2. Mục đích nghiên cứu Trên cơ sở nghiên cứu thực trạng quản lí công tác đào tạo giáo viên tiểu học, một số giải pháp trong công tác đào tạo giáo viên tiểu học được đề xuất để góp phần đáp ứng yêu cầu đổi mới chất lượng giáo dục tiểu học tại quận Tân Bình trong giai đoạn sắp tới. 3. Nhiệm vụ nghiên cứu Xuất phát từ mục đích đã nêu, nhiệm vụ cụ thể của đề tài như sau: - Hệ thống hóa những vấn đề lí luận về chất lượng đào tạo nâng chuẩn trình độ và năng lực của người giáo viên. - Phân tích, đánh giá thực trạng quản lí công tác đào tạo giáo viên tiểu học - Đề xuất một số giải pháp quản lí công tác đào tạo giáo viên Tiểu học quận Tân Bình trong giai đoạn sắp tới. 4. Đối tượng và khách thể nghiên cứu - Đối tượng nghiên cứu của đề tài là thực trạng công tác đào tạo giáo viên Tiểu học quận Tân Bình Tp HCM. - Khách thể nghiên cứu: biện pháp quản lí công tác nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học tại quận Tân Bình Tp HCM. 5. Giả thuyết nghiên cứu Dù đội ngũ giáo viên tiểu học quận Tân Bình đáp ứng chuẩn trình độ đào tạo rất cao, nhưng năng lực chuyên môn nghiệp vụ của nhiều nhà giáo còn hạn chế về chất lượng, hiệu quả công tác, chưa thực sự đổi mới phương pháp giảng dạy. Nguyên nhân có thể xuất phát từ chất lượng việc thực hiện đào tạo nâng chuẩn của người GVTH. Cần điều chỉnh việc tổ chức, quản lý và thực hiện công tác đào tạo nâng chuẩn trình độ theo yêu cầu chuẩn hoá, hiện đại hoá nguồn lực. Xây dựng, quy hoạch đội ngũ hợp lý, có cơ cấu đồng bộ về trình độ, độ tuổi, giới tính…đảm bảo tính kế thừa và phát triển. Có chính sách sử dụng hiệu quả giáo viên sau đào tạo nâng chuẩn trình độ. Hoàn thiện các chức năng quản lý công tác đào tạo. 6. Các phương pháp nghiên cứu 6.1. Phương pháp nghiên cứu tài liệu Phân tích, hệ thống hóa các vấn đề lý luận từ các tài liệu, văn bản, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Sở Giáo dục thành phố HCM có liên quan đến đề tài. 6.2. Phương pháp nghiên cứu thực tiễn - Sử dụng phiếu điều tra để thu thập thông tin từ CBQL, GV về hiệu quả của nội dung đào tạo GV. - Nghiên cứu tổng hợp số liệu thông qua sổ sách, văn bản chỉ đạo của phòng Giáo dục Quận, Kế hoạch, phương hướng hoạt động và báo cáo của Phòng đào tạo bồi dưỡng giáo dục, của Hiệu trưởng các trường tiểu học. 6.3. Phương pháp hỏi ý kiến các chuyên gia: chuyên viên phòng giáo dục và đội ngũ Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn. 6.4. Phương pháp thống kê toán học, sử dụng phần mềm SPSS 16.0 for Windows để xử lí số liệu. * Vài nét về mẫu khảo sát Để thu thập thông tin cho đề tài, bảng câu hỏi đã được thiết kế và sử dụng để thực hiện việc thu thập số liệu thông qua phỏng vấn và trao đổi với GV đang tham gia giảng dạy tại 23 trường trong quận Tân Bình và tất cả CBQL trường công lập. Mẫu khảo sát chú ý chọn toàn bộ GV và CBQL trường tiểu học dạy 2 buổi/ ngày, những trường chỉ dạy một buổi thì khảo sát toàn bộ CBQL và GV là Tổ trưởng chuyên môn. Trong số trường khảo sát có 11 trường đang thực hiện phân công GV dạy theo môn học, 12 trường còn lại vẫn theo quy định trước đây: 1 GV chủ nhiệm 1 lớp học và dạy đủ môn. Tổng số GV đã tham gia khảo sát là 451 người, thu về được 396 phiếu có nội dung trả lời đầy đủ, trong đó số GV là 288, CBQL là 108. - Mục đích khảo sát : Điều tra về thực trạng năng lực của GVTH trong giảng dạy, ý kiến đánh giá của GV về hiệu quả của chương trình đào tạo nâng chuẩn trình độ hiện hành để có cơ sở đề ra các giải pháp cho việc xây dựng chương trình đào tạo giáo viên phù hợp với yêu cầu mới. - Nội dung khảo sát : Khái quát về tình hình đội ngũ và tình hình cơ sở trường lớp. Đánh giá tính hiệu quả của nội dung đào tạo, những hạn chế bất cập trong kĩ năng và kiến thức của GV. Những năng lực nghề nghiệp mà người GV mong muốn được cải thiện. - Lập bảng hỏi : Phiếu hỏi có 22 câu, gồm 4 phần chính với 87 mục hỏi (169 biến quan sát). Phần đầu của phiếu hỏi là những chi tiết về cá nhân (tuổi, giới tính, trình độ chuyên môn, thâm niên dạy học và quản lí) và đặc điểm của đơn vị trường. Phần 2 (từ câu 1-7) là thông tin về đặc điểm đào tạo và cách thức tham gia của GV, nhận xét của GV & CBQL về nội dung đào tạo. Phần 3 (từ câu 8- 16) đánh giá của GV & CBQL về lợi ích, hiệu quả cũng như những hạn chế cơ bản của GVTH hiện nay. Phần 4 (từ câu 17-22) đánh giá của GV & CBQL về năng lực cần cải thiện, mức độ ảnh hưởng của các yếu tố trong điều kiện, phương thức tổ chức đào tạo, các giải pháp đề nghị và ý kiến riêng của họ nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo GVTH tại địa phương. Số liệu được nhập và xử lý trên phần mềm SPSS 16.0. 7. Giới hạn phạm vi nghiên cứu - Chỉ nghiên cứu hiệu quả giảng dạy sau đào tạo nâng chuẩn trình độ giáo viên Tiểu học. - Phạm vi nghiên cứu: 23 trường tiểu học thuộc quận Tân Bình. Chương 1 CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI 1.1. Lịch sử nghiên cứu vấn đề Vấn đề đào tạo giáo viên từ trước đến nay là một đề tài luôn thu hút sự quan tâm của các triết gia và các nhà nghiên cứu. Hơn hai nghìn năm trước, Tuân Tử của Trung quốc đã nêu ra 4 chữ “giáo học tương trưởng”, nghĩa là dạy và học cùng nhau lớn lên. Khi xuất hiện cùng với kỉ nguyên công nghiệp hóa ở đầu thế kỉ 20, chủ nghĩa Mác-Lênin đã quan tâm đến việc phát triển giáo dục trong đó có đội ngũ giáo viên. Trong Luận cương số 3 về Feuerbach, Mác đã viết: “Nhà giáo dục cũng phải được giáo dục”. Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng thể hiện quan điểm “muốn làm tốt công tác giáo dục, phải xây dựng đội ngũ những người thầy giáo”, trong di sản để lại cho chúng ta ngày nay, Bác đã khuyến khích cán bộ giáo dục “luôn cố gắng học tập thêm, học chính trị, học chuyên môn”. [23, tr.394] Trong giáo dục hiện đại, việc học để dạy của người thầy đã trở thành hoạt động cần thiết, thường xuyên và là đề tài cho nhiều công trình nghiên cứu khoa học: - Tác giả Trần Bá Hoành trong bài “Đổi mới chương trình đào tạo bồi dưỡng giáo viên tiểu học” nhấn mạnh để nâng chất lượng người thầy cần xem việc đổi mới phương pháp đào tạo GV là trọng điểm và phải đặt nó trong mối quan hệ với các thành tố khác trong hệ thống giáo dục. [15, tr.24] - Tác giả Phạm Xuân Thanh trong bài “Xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong các trường đào tạo giáo viên tiểu học” quan tâm làm rõ những khái niệm về chất lượng, các công cụ được sử dụng để đánh giá chất lượng trong một chu trình đào tạo giáo viên tại các trường sư phạm. [30, tr.28] - Với đề tài “Chất lượng giáo viên tiểu học, thực trạng và giải pháp” các tác giả Nguyễn Ngọc Hợi, Phạm Minh Hùng, Thái văn Thành đã nhất trí nhận định việc nâng cao chất lượng GVTH là một yêu cầu cấp thiết để nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về tuyển sinh, đổi mới nội dung, PP đào tạo bồi dưỡng GVTH. [16, tr.11] - Trong đề tài “Tìm hiểu kĩ năng dạy học của giáo viên tiểu học” tác giả Phạm Minh Hùng đã phân tích những hạn chế cụ thể trong kĩ năng dạy học của GVTH hiện nay và chỉ ra nguyên nhân dẫn đến thực trạng này đồng thời yêu cầu phải đổi mới công tác đào tạo bồi dưỡng để tăng cường nghiệp vụ sư phạm cho người GVTH. [18, tr.30] - Với bài viết “Người thầy trong nhà trường hiện đại” tác giả Hoàng Tụy, đã nhấn mạnh vai trò quyết định nhất đối với hiệu quả giáo dục thuộc về các yếu tố có liên quan trực tiếp tới người thầy. [37] - Trong “Biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo” tác giả Phạm Phi Yên đã quan tâm đánh giá yếu tố đồng bộ của quản lí, phương pháp giảng dạy, chương trình, CSVC với chất lượng đào tạo và nhấn mạnh chính quản lí quyết định chất lượng giáo dục. [44] Ngoài ra còn có các đề tài nghiên cứu của các tác giả Lê Khánh Bằng “Một số phương hướng đổi mới việc nghiên cứu, học và dạy các khoa học giáo dục góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên” năm 2006, tác giả Phạm Quang Huân “Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác bồi dưỡng giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục” năm 2006, tác giả Lê Thị Phương Hồng “Thực trạng và giải pháp đào tạo – bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tiểu học, Trung học cơ sở tại tỉnh Hải Dương”, các tác giả đã đề xuất những biện pháp rà soát lại đội ngũ, tuyển dụng và điều chỉnh lại cơ cấu cho cân đối về số lượng, phân công dạy chéo môn để đảm bảo sử dụng hiệu quả đội ngũ hiện có đồng thời với việc nâng số lượng GV được bồi dưỡng đào tạo... Trong Luận văn tốt nghiệp của học viên Cao học QLGD trường ĐHSP thành phố HCM đã có nhiều tác giả tập trung nghiên cứu đề tài đào tạo GV như: “Thực trạng và một số giải pháp về quản lí quá trình đào tạo tại trường Đại học Mở bán công thành phố HCM” của tác giả Phạm Thị Phương Trang năm 2002. “Thực trạng quản lí đào tạo tại khoa ngoại ngữ trường CĐSP Tp.HCM và một số giải pháp” của tác giả Lê Văn Việt năm 2002. “Vấn đề quản lí công tác đào tạo giáo viên THCS môn Âm nhạc của trường CĐSP Bình Dương” của tác giả Phạm Phúc Tuy. “Một số giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tiểu học ở tỉnh Bình Thuận” của tác giả Hoàng Tấn Rư.... “Thực trạng quản lí giảng dạy trong việc đào tạo giáo viên tiểu học ở trường cao đẳng sư phạm và một số giải pháp” của tác giả Lê Văn Mạnh năm 2006. Các công trình nghiên cứu trên tập trung làm rõ những khó khăn, thuận lợi, những nỗ lực và sự chuyển biến tích cực của công tác đào tạo giáo viên. Hầu hết các tác giả đề cập đến kĩ năng dạy học, chương trình đào tạo bồi dưỡng GV trong những năm qua và đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo viên trong những điều kiện cụ thể. Trong một nghiên cứu về công tác đào tạo người thầy, “Peut-on former les enseignants - Một số vấn đề về đào tạo giáo viên” (1994), tác giả Michel Develay đã xác định: công tác đào tạo giáo viên tốt hơn sẽ làm giảm đáng kể khả năng thất bại trong việc học của học sinh do đó phải trang bị để GV nắm vững công việc mình giảng dạy hoặc chính xác hơn dạy những gì học sinh cần học. [46] Các tác giả Patrice Pelpel và Troger Vincent trong tác phẩm “Histoire de l’enseignement technique – Tự đào tạo để dạy học” (2001) cho rằng việc đào tạo GV cần dựa trên quan điểm toàn diện, cân đối giữa trang bị kiến thức và phương pháp luận bộ môn cũng như những hiểu biết khác để hình thành một hệ thống năng lực, kĩ năng nghề nghiệp có tính chuyên môn hoá. [47] Các tác giả Tom Peters và Robert Waterman trong “In Search of Excellence – Quản lí chất lượng tổng thể” đã nêu rõ: “Năng suất thông qua con người – Cần đối xử và xem nhân viên như là nguồn gốc của chất lượng.” [48] 1.2. Cơ sở lí luận của đề tài 1.2.1. Một số khái niệm * Quản lí: là quá trình tác động liên tục có tổ chức, có định hướng của chủ thể quản lí lên khách thể hay một hệ thống về các mặt chính trị, văn hoá, xã hội, kinh tế và bằng các luật lệ, chính sách, nguyên tắc, phương pháp cụ thể nhằm tạo ra ra môi trường và điều kiện cho sự phát triển của đối tượng, làm thay đổi hiện trạng của đối tượng đó hoặc đưa vào hệ thống đó những thuộc tính mới. Quản lí là phương tiện chỉ huy, điều khiển các quá trình xã hội và hoạt động của con người nhằm đạt đến mục tiêu đúng ý chí của người quản lí và phù hợp với quy luật khách quan. “Mục tiêu của mọi nhà quản lí là nhằm hình thành một môi trường mà trong đó con người có thể đạt được các mục đích của nhóm với thời gian, tiền bạc, vật chất và sự bất mãn cá nhân ít nhất”. [10, tr.29] “Quản lý là một hoạt động mà mọi tổ chức đều có, nó gồm 5 yếu tố tạo thành là: kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo, điều chỉnh và kiểm soát. Quản lý chính là thực hiện kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo điều chỉnh và kiểm soát ấy” - Fayel Quản lý không đơn giản chỉ là khái niệm, nó là sự kết hợp của 3 phương diện * Thứ nhất, thông qua tập thể để thúc đẩy tính tích cực của cá nhân. * Thứ hai, điều hoà quan hệ giữa người với người, giảm mâu thuẫn giữa các bên. * Thứ ba, tăng cường hợp tác hỗ trợ lẫn nhau, thông qua hỗ trợ để làm được những việc mà một cá nhân không thể làm được, thông qua hợp tác tạo ra giá trị lớn hơn giá trị cá nhân - giá trị tập thể. * Quản lí giáo dục Dù có rất nhiều định nghiã về quản lí giáo dục nhưng những định nghiã này đều thống nhất về mặt bản chất cuả quản lí giáo dục: “Quản lí giáo dục là tập hợp những biện pháp kế hoạch hóa nhằm đảm bảo sự vận hành bình thường cuả các cơ quan trong hệ thống giáo dục để tiếp tục phát triển và mở rộng hệ thống cả về mặt số lượng cũng như chất lượng”- M.Zade Theo tác giả Nguyễn Ngọc Quang thì “Quản lí giáo dục thực chất là tác động đến nhà trường làm cho nó tổ chức tối ưu được quá trình dạy học, giáo dục thể chất theo đường lối và nguyên lí giáo dục cuả Đảng, quán triệt được những tính chất cuả nhà trường xã hội chủ nghiã Việt Nam bằng cách đó tiến tới mục tiêu dự kiến, tiến lên trạng thái chất lượng mới”. [26, tr.75] Nội dung QLGD bao gồm một số vấn đề cơ bản: xây dựng và chỉ đạo chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển GD; ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục như tiêu chuẩn nhà giáo, CSVC thiết bị trường học, tổ chức bộ máy QLGD, tổ chức chỉ đạo công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ, huy động và quản lí việc sử dụng các nguồn lực.. Tóm lại “Quản lí giáo dục là tập hợp những biện pháp (tổ chức, cán bộ, kế hoạch hóa.. ) nhằm đảm bảo sự vận hành bình thường của các cơ quan trong toàn hệ thống cả về mặt số lượng cũng như chất lượng” [28, tr. 93] Ðó là quá trình nhằm tạo nên sức mạnh, gắn liền các vấn đề lại với nhau trong tổ chức và thúc đẩy các vấn đề chuyển động. Mục tiêu của QLGD là tạo ra giá trị thặng dư, tìm ra phương thức thích hợp để thực hiện nhiệm vụ giáo dục đạt hiệu quả cao nhất với chi phí các nguồn lực ít nhất. Quản lí giáo dục có những đặc trưng: - QLGD là loại quản lí nhà nước. Các hành động trong giáo dục dựa trên cơ sở quyền lực nhà nước mà đại diện là các cơ quan QLGD và đào tạo các cấp. Mọi hoạt động của chủ thể quản lí và đối tượng chịu sự quản lí đều thông qua hệ thống các quy phạm pháp luật như Luật Giáo dục, Nghị quyết của quốc hội, Nghị định của chính phủ... - QLGD là quản lí con người. Quản lí con người trong ngành giáo dục có ý nghĩa là đào tạo con người, dạy cho họ thực hiện vai trò xã hội, những chức năng, nghĩa vụ trách nhiệm, phát triển nghề nghiệp để họ làm tròn trách nhiệm xã hội của mình. - QLGD có 2 thuộc tính chủ yếu là tổ chức kĩ thuật và kinh tế xã hội. Trong mọi lĩnh vực của cuộc sống khi đã xuất hiện quản lí thì thuộc tính đầu tiên là tổ chức – kĩ thuật. Thuộc tính này thể hiện phải có một tổ chức để thực hiện công tác quản lí và đòi hỏi phải thường xuyên cải tiến, đổi mới công việc nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng hoạt động trong tổ chức. Thuộc tính kinh tế xã hội thể hiện ở chỗ QLGD có hiệu quả sẽ đem lại lợi ích cho xã hội. 1.2.2 Tổng quan về hiệu quả và quản lí hiệu quả 1.2.2.1. Hiệu quả * Khái niệm: hiệu quả là kết quả mong muốn mà con người chờ đợi và hướng tới; hiệu quả có nội dung khác nhau ở những lĩnh vực khác nhau. Trong sản xuất, hiệu quả có nghĩa là hiệu suất, là năng suất. Trong kinh doanh, hiệu quả là lãi suất, lợi nhuận. Trong lao động nói chung, hiệu quả là năng suất lao động, được đánh giá bằng số lượng thời gian hao phí để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm, hoặc là bằng số lượng sản phẩm được sản xuất ra trong một đơn vị thời gian. Trong xã hội học, một hiện tượng, một sự việc có hiệu quả xã hội, tức là có tác dụng tích cực đối với sự phát triển của một lĩnh vực xã hội đó. Hiệu quả là kết quả tối ưu đạt được so với mục tiêu. Hiệu quả mô tả các kết quả được thực hiện đích thực và rõ rệt như thế nào so với mục tiêu đề ra. * Quản lí hiệu quả "Suy cho cùng, quản lý là thực tiễn. Bản chất của nó không nằm ở nhận thức mà là ở hành động; kiểm chứng nó không nằm ở sự logic mà ở thành quả; quyền uy duy nhất của nó là thành tích"- Peter F. Druker “Quản lý phải được giới hạn bởi môi trường bên ngoài nó. Theo đó, quản lý bao gồm 3 chức năng chính là: quản lý tổ chức, quản lý ban điều hành, quản lý công việc và nhân công" - Peter. F. Dalark. Quản lý tổ chức phải theo nguyên tắc: "lấy hiệu quả kinh tế thực tế làm nguyên tắc hoạt động, nhìn tổng thể lấy thành tích làm cốt lõi". Quản lý công việc thì nhấn mạnh công việc cần có sức sản xuất và phải thông qua những công cụ phân tích, tổng hợp, kiểm soát và thí nghiệm. Quản lý nhân công coi trọng nguồn nhân lực, làm cho họ “có cơ hội, chủ động phát huy ưu điểm của mình, thoả mãn nhu cầu về chức năng và địa vị xã hội của họ trong công việc, đưa đến cho họ cơ hội, quyền lợi như nhau để mỗi người thể hiện giá trị, hoài bão của mình”. [45, tr.2] Trong nội dung, các định nghĩa trên đã đề cập đến bản chất của quản lý là theo đuổi năng suất, hiệu quả. Nếu không quản lý hiệu quả thì tổ chức không thể tồn tại. 1.2.2.2. Các khía cạnh thể hiện của hiệu quả Hiệu quả được đo lường bằng tỉ lệ tương quan giữa đầu ra và mức độ tiêu hao nguồn lực đầu vào, thể hiện ở 3 khía cạnh: hiệu quả về kĩ thuật, hiệu quả về kinh tế, hiệu quả về xã hội. - Hiệu quả về kĩ thuật: cùng một sản lượng nhưng sử dụng ít nguồn lực hơn do thực hiện với công nghệ có sẵn hoặc với cùng số lượng nguồn lực đầu vào có sẵn, đạt được mức sản lượng tối đa. - Hiệu quả về kinh tế: phản ánh tương quan giữa kết quả đạt được so với hao phí lao động, vật tư, tài chính. Là chỉ tiêu phản ánh trình độ và chất lượng sử dụng các yếu tố, nhằm đạt được kết quả kinh tế tối đa với chi phí tối thiểu. - Hiệu quả về xã hội: phân tích trên lợi ích của toàn xã hội để xem xét sự phát triển chung của xã hội như mức tăng trưởng, sự công bằng xã hội, sự phát triển cộng đồng và cả về môi trường. Hiệu quả xã hội được đo lường bằng mức độ công bằng trong phân bổ nguồn lực toàn xã hội, nếu tái phân bổ lợi ích, tổng lợi ích xã hội có thể được tăng thêm. Trong đào tạo, hiệu quả được xem là đại lượng cho biết giá trị của kết quả đạt được ở đầu ra so với mục tiêu và so với giá trị của nguồn lực đầu vào của chu trình đào tạo. Hiệu quả đào tạo thường được xem xét dựa trên 3 tiêu chí cơ bản: Chất lượng đào tạo; mức độ đáp ứng mục tiêu kinh tế xã hội; hiệu suất sử dụng các nguồn lực sau đào tạo.. 1.2.3. Chất lượng và hệ thống quản lí chất lượng Ngày nay, chất lượng là một trong những phạm trù quan trọng và thường gắn với lợi thế cạnh tranh cơ bản của một tổ chức. Thực tế cho thấy việc hiểu đúng, đầy đủ khái niệm quản lí chất lượng và mối quan hệ của nó với hoạt động của hệ thống góp phần quan trọng để hoạt động quản lí được triển khai một cách có hiệu quả. 1.2.3.1. Chất lượng Theo quan niệm triết học, chất lượng là một phạm trù biểu thị cái bản chất nhất của sự vật mà nhờ nó, có thể phân biệt vật này với vật khác. Theo bộ tiêu chuẩn ISO 9000:2000, chất lượng là “Mức độ tập hợp các đặc tính vốn có đáp ứng các yêu cầu” . “Chất lượng tốt không nhất thiết là chất lượng cao, nó có nghĩa là mức độ đồng đều ( về hình thức, về tính chất.. ) và sự tin cậy với giá thành thấp nhưng chất lượng được thị trường chấp nhận.”- W.E.Deming Từ những định nghĩa trên ta có thể rút ra một số đặc điểm của khái niệm chất lượng :  Chất lượng được đo bởi sự thỏa mãn nhu cầu. Nếu 1 sản phẩm vì 1 lí do nào đó không được nhu cầu chấp nhận thì phải coi là chất lượng kém cho dù công nghệ chế tạo ra sản phẩm đó có thể rất hiện đại.  Chất lượng quan tâm đến các yếu tố: đạt được yêu cầu, ổn định và phù hợp, sự tin cậy.  Chất lượng không phải chỉ là thuộc tính của sản phẩm, chất lượng còn áp dụng cho một hệ thống, một quá trình. Trong giáo dục, chất lượng là một lĩnh vực rộng bao gồm các tiêu chuẩn, kết quả, quá trình giảng dạy học tập, sinh hoạt của nhà trường với sự tương hợp giữa mục tiêu chương trình và khả năng của người học sau khi tốt nghiệp.(Frazer 1992,1994). Hệ thống chất lượng bao gồm cơ cấu tổ chức, các thủ tục, quá trình và các nguồn lực cần thiết để thực hiện quản lí chất lượng. 1.2.3.2. Các mô hình quản lí chất lượng Với sự tiến bộ của xã hội loài người, công nghiệp và dịch vụ ngày càng phát triển, hàng hóa sản xuất ngày càng nhiều, con người ngày càng quan tâm đến chất lượng hơn. Chính vì lẽ đó mà khoa học quản lí chất lượng được hình thành, trước hết ở trong công nghiệp, sau đó được đưa vào áp dụng trong giáo dục. Ba cấp độ quản lí chất lượng được nhiều người biết đến là: kiểm soát chất lượng (Quality Control), đảm bảo chất lượng (Quality assurance) và quản lí chất lượng tổng thể (Total Quality Management ). * Kiểm soát chất lượng là hình thức quản lí chất lượng đã được sử dụng lâu đời nhất, được thực hiện ở khâu cuối cùng trong quá trình đào tạo (sản xuất) nhằm phát hiện, loại bỏ toàn bộ hay từng phần ở sản phẩm cuối cùng do không đạt các chuẩn mực chất lượng quy định hoặc làm lại, nếu có thể. Đây là quá trình xảy ra sau khi sản phẩm đã được tạo ra nên nếu phải loại bỏ sẽ dẫn đến lãng phí nguyên vật liệu, thời gian và công sức. * Đảm bảo chất lượng là cấp độ quản lí chất lượng tiến bộ hơn kiểm soát chất lượng, được thực hiện trước và trong quá trình sản xuất và đào tạo. Đảm bảo chất lượng là toàn bộ các hoạt động có kế hoạch, có hệ thống được tiến hành trong hệ thống chất lượng và được chứng minh là đủ mức cần thiết để khách hàng thỏa mãn yêu cầu chất lượng. Đảm bảo chất lượng nhằm phòng ngừa sự xuất hiện những sản phẩm có chất lượng thấp, Philip B.Crossby gọi là “nguyên tắc không lỗi”, “làm đúng ngay từ đầu và làm đúng ở mọi thời điểm” ( Sallis, 1993). * Quản lí chất lượng tổng thể là cấp độ quản lí chất lượng cao nhất hiện nay. Quản lí chất lượng tổng thể có mối quan hệ chặt chẽ với đảm bảo chất lượng, tiếp tục và phát triển toàn hệ thống đảm bảo chất lượng. Quản lí chất lượng là việc tạo ra nền văn hóa chất lượng, nơi mà mục đích của mọi người trong tổ chức kinh doanh làm hài lòng khách hàng, nhà trường làm hài lòng người học (trên phương diện học thuật). [48] 1.2.3.3. Quản lí chất lượng và chất lượng giáo dục * Quản lí chất lượng : John S. Oakland (đại học Bradfort- vương quốc Anh) cho rằng hiện nay chúng ta đang đứng giữa cuộc “cách mạng chất lượng” vì trong nền kinh tế thị trường, giá thành giảm và chất lượng sản phẩm luôn được cải thiện luôn là yếu tố sống còn đối với bất kì tổ chức nào. [11, tr.152] Theo tiêu chuẩn ISO 9000:2005, quản lí chất lượng là “các hoạt động có phối hợp nhằm định hướng và kiểm soát một tổ chức về mặt chất lượng”. Quản lí chất lượng là quá trình nhằm nâng cao khả năng đạt được các kết quả, các yêu cầu đã hoạch định trước thông qua việc áp dụng một cách nhất quán những phương pháp tiêu chuẩn, thực hiện bởi những người có đủ nhận thức và năng lực, được cung cấp thông tin, cơ sở vật chất và môi trường làm việc thích hợp. Mục đích của quản lí chất lượng là “nâng cao sự thỏa mãn của khách hàng, cải tiến liên tục hệ thống, bảo đảm sự phù hợp với các yêu cầu của khách hàng và yêu cầu chế định được áp dụng” - ISO 9000:2000 Là một phần của công tác quản lí chung, quản lí chất lượng có mối quan hệ chặt chẽ với các lĩnh vực quản lí khác của một đơn vị, và việc quản lí tốt các mối quan hệ này giúp nâng cao hiệu quả của hoạt động quản lí chất lượng. Phần lớn quan hệ giữa quản lí chất lượng và quản lí chung được thể hiện ở ba phương diện chính là quản lí chiến lược, quản lí tác nghiệp và tổ chức. Quản lí chất lượng chỉ có thể được thực hiện, duy trì và cải tiến một cách có hiệu quả khi ba phương diện này được giải quyết tốt trong quá trình xây dựng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng. * Chất lượng giáo dục: Theo cách tiếp cận hệ thống và tổng thể ta thấy giáo dục được tổ chức từ nhiều thành tố vật chất và tinh thần, có thể quan sát và cảm nhận được, đó là nguồn lực người, cơ sở vật chất, các hoạt động, các mối quan hệ, môi trường hoạt động, kết quả (sản phẩm) được thể hiện trong các lĩnh vực: quản lí giáo dục, đào tạo sư phạm, nghiên cứu và thông tin giáo dục, quá trình và hoạt động giáo dục. Chất lượng giáo dục được toàn xã hội đặc biệt quan tâm vì chất lượng giáo dục có ý nghĩa quyết định đến chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo tác giả Đặng Thành Hưng chất lượng giáo dục là “tổng hòa những thuộc tính đặc điểm bản chất của tất cả những bộ phận thuộc nền giáo dục nhất định, làm cho nền giáo dục đó có khả năng đáp ứng các mục tiêu phát triển đất nước bền vững, thỏa mãn nhu cầu và lợi ích của nhân dân và sự phát triển của người học”. [19] Theo tác giả Nguyễn Đức Chính: “chất lượng giáo dục được đánh giá qua mức ._.độ trùng khớp với mục tiêu định sẵn”. [2] Định nghĩa này tương đồng với quan niệm về chất lượng của hầu hết các tổ chức đảm bảo chất lượng trên thế giới. Sự phù hợp với mục tiêu có thể bao gồm việc đáp ứng đòi hỏi của những người quan tâm như các nhà quản lí, nhà giáo hay các nhà nghiên cứu giáo dục và còn bao gồm cả sự đáp ứng hay vượt qua các chuẩn mực đã được đặt ra trong giáo dục và đào tạo. Sự phù hợp với mục tiêu cũng đề cập đến những yêu cầu về sự hoàn thiện của đầu ra, hiệu quả của đầu tư. “Các hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục không đảm bảo cho việc dạy và học tốt... nhưng việc dạy và học tốt thường được phát huy khi vấn đề chất lượng được mọi người cùng quan tâm” (William, 1992). Chất lượng giáo dục được hình thành từ chất lượng của nhiều lĩnh vực thuộc giáo dục trong đó có đào tạo giáo viên. Chất lượng đào tạo giáo viên được tăng cường sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng giáo dục. 1.2.4. Các quan điểm phát triển GD & ĐT của Đảng và Nhà nước 1.2.4.1. Các quan điểm phát triển giáo dục-đào tạo * Ngày 15 tháng 6 năm 2004, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40 - CT/TW về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục * Hội nghị lần thứ IX Ban chấp hành TW Đảng khóa IX đã khẳng định: Tập trung chỉ đạo quyết liệt việc nâng cao rõ rệt chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực.Giải pháp then chốt là đổi mới và nâng cao năng lực quản lí nhà nước trong giáo dục và đào tạo đẩy mạnh đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục theo hướng hiện đại cùng với đổi mới cơ chế quản lí. Khẩn trương triển khai đề án phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên… [39, tr.92] * Chương trình công tác năm 2008 của Bộ GD-ĐT đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong đó những giải pháp có liên quan đến công tác đào tạo GV là: Giải pháp 1: chăm lo và đầu tư cho phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD : xây dựng chương trình tự học về đổi mới PP dạy, đổi mới kiểm tra, đánh giá cho tất cả GV từ tiểu học đến THPT. Có chính sách đặc thù để phát triển GV sư phạm và các môn học còn thiếu GV: tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, tiếng dân tộc, GD quốc phòng – an ninh. Giải pháp 2: xây dựng đề án chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội giai đoạn 2008 -2015, tổ chức các hội thảo quốc gia đào tạo theo nhu cầu xã hội phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm, hỗ trợ đào tạo nhân lực, thành lập trung tâm dự báo nhu cầu GD. Giải pháp 3: nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục- đào tạo, hiện đại hóa giáo dục với chi phí thấp, cụ thể là tiếp tục đổi mới PP kiểm tra – đánh giá, khuyến khích tự học, ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo chất lượng và hiệu quả với cả người học và người dạy trong một trường, giữa các trường... Giải pháp 4: đổi mới cơ chế tài chính của nền giáo dục, thực hiện xã hội hóa mạnh mẽ, tăng ngân sách cho giáo dục- đào tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục- đào tạo đến năm 2010 gắn với tiêu chí hiệu quả, hỗ trợ đào tạo giáo viên... Giải pháp 5: thực hiện phân cấp và quản lí theo tiêu chí chất lượng, tiến hành cải cách hành chính mạnh mẽ, xây dựng và công bố các tiêu chí về chất lượng các loại hình trường học, chất lượng chương trình đào tạo, chất lượng đội ngũ nhà giáo ở phổ thông, GD chuyên nghiệp và ĐH. Thực hiện kiểm định, đánh giá chất lượng các trường phổ thông, hoàn thiện và ban hành điều lệ nhà trường các cấp, quy chế tổ chức và hoạt động đối với các loại hình trường. 1.2.4.2 Một số văn bản pháp quy có liên quan đến công tác đào tạo GV * Thông tư 28/TT-TC (1984), hướng dẫn và tổ chức hoạt động của trường bồi dưỡng giáo dục huyện của Bộ giáo dục và đào tạo. * Văn bản số 16 /ĐTBD (1990), hướng dẫn thực hiện thông tư 28/TT-TC về hoạt động bồi dưỡng giáo viên của trường ĐTBD huyện của Bộ giáo dục - đào tạo. * Luật giáo dục 2005 (chương IV điều 77, 80 ) * Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 2/8/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục 2005 (Chương V, điều 30) * Quyết định số 04/2008/QĐ-BGDĐT ngày 4/2/2008 quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường tiểu học. 1.2.5. Đào tạo nghề và chất lượng giáo viên 1.2.5.1. Khái niệm Theo từ điển giáo dục học, đào tạo là “quá trình chuyển giao một cách có hệ thống, có phương pháp những kinh nghiệm, kiến thức, kĩ năng thực hành, thao tác có liên quan đến quy trình thực hiện một nghề hay một lĩnh vực cụ thể, đồng thời dạy những phẩm chất đạo đức cần thiết giúp người học lĩnh hội và nắm vững những tri thức, kĩ năng nghề một cách có hệ thống để thích nghi và có khả năng đảm nhận một công việc hoặc đi vào cuộc sống lao động.” Theo từ điển Tiếng Việt phổ thông, đào tạo là “thực hiện những tác động nhằm làm cho người học trở thành người có năng lực theo những tiêu chuẩn nhất định”. Đào tạo chỉ sự giáo-hóa, việc truyền những khả năng thực hành, những hiểu biết lý thuyết và những kĩ năng cần thiết để giữ một chức vụ trong đời sống kinh tế. Giáo dục và đào tạo tuy có những đặc thù riêng nhưng đều nằm trong quá trình học tập suốt đời của con người. Đào tạo là khâu nối tiếp của giai đoạn giáo dục, chuẩn bị cho con người những hành trang cần thiết về kiến thức và kĩ năng nghề nghiệp để cá nhân bước vào cuộc sống, lao động, sáng tạo. Khái niệm đào tạo thường có nghĩa hẹp hơn khái niệm giáo dục, nói đến đào tạo là đề cập đến giai đoạn sau của cuộc đời học tập, khi người học đã ở một độ tuổi nhất định và có một trình độ kiến thức nhất định. Đào tạo nhấn mạnh đến việc tiếp thu các kĩ năng tuy nhiên kiến thức tích lũy lại có thể là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển kĩ năng. Có nhiều hình thức đào tạo: đào tạo cơ bản, đào tạo chuyên sâu, đào tạo nghề, đào tạo lại, tự đào tạo... 1.2.5.2. Đào tạo sư phạm Đào tạo sư phạm là một loại hình đào tạo nghề, là quá trình được hoạch định có mục đích nhằm nâng cao kĩ năng thực hành nghề chuyên môn của cá nhân, nó là sự mong muốn của GV hoặc của đôi bên: cá nhân người GV và tổ chức QLGD. Đào tạo sư phạm là “những quy trình chính quy mà quản lí ngành giáo dục sử dụng để thúc đẩy học tập sao cho kết quả đạt được góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu và mục đích giáo dục”. (William McGehee, 1979) Theo Max Foster, đào tạo sư phạm phải tạo điều kiện và thúc đẩy giáo viên thực hiện 4 điều sau: 1. Dấy lên sự hưởng ứng của những người khác. 2. Phát triển kiến thức, kĩ năng và thái độ. 3. Tạo nên sự thay đổi trong hành vi. 4. Đạt được những mục tiêu cụ thể. Chất lượng giáo viên hình thành và biến đổi trong suốt quá trình phát triển của nghề ở các khâu cơ bản là đào tạo sư phạm ban đầu, đào tạo lại (bồi dưỡng chuyên môn, bồi dưỡng nghề nghiệp, đào tạo nâng chuẩn), tự bồi dưỡng. Hệ thống đào tạo sư phạm có trách nhiệm chủ yếu về chất lượng giáo viên ở 2 khâu: đào tạo ban đầu và đào tạo lại. + Đào tạo sư phạm ban đầu tạo ra chất lượng nền của giáo viên, còn gọi là chất lượng xuất phát trong quá trình phát triển nghề nghiệp của GV. Đào tạo sư phạm ban đầu trang bị cho GV những kiến thức vừa cơ bản vừa chuyên sâu, thời gian đào tạo dài. Ngoài việc hình thành chất lượng nền, đào tạo ban đầu còn chi phối mạnh mẽ chất lượng hoạt động nghề nghiệp lâu dài của giáo viên, chất lượng và hiệu quả của hoạt động bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng đáp ứng chương trình mới, bồi dưỡng chuẩn hóa nghề nghiệp và thậm chí cả năng lực và khả năng tự bồi dưỡng của họ nữa. + Đào tạo lại (bồi dưỡng): đây là quá trình đào tạo tiếp tục nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng kĩ năng nghề, trang bị thêm những kiến thức mới, cập nhật với thực tiễn, tạo nên những thay đổi ở chất lượng nền của người giáo viên và hình thành chất lượng nền khác trước, cao hơn hoặc thích hợp hơn. Đào tạo lại có mối quan hệ hữu cơ hỗ trợ, bổ sung nhiều mặt rất chặt chẽ với đào tạo ban đầu. Bởi vì không có nghề nào, chỉ cần đào tạo một lần là xong để làm việc suốt đời mà không cần phải cập nhật kiến thức, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. + Các loại hình đào tạo lại - Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm là hoạt động nhằm thường xuyên bổ sung, cập nhật, đào tạo tiếp tục và đào tạo lại về chuyên môn, nghiệp vụ cho người GV, bao gồm bồi dưỡng thay sách giáo khoa dạy chương trình mới, bồi dưỡng thường xuyên theo chu kì, bồi dưỡng theo chuyên đề. * Hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm tổ chức tại địa phương theo kế hoạch hàng năm của bộ Giáo dục, thực hiện trong thời gian hè và tổ chức thành các lớp tập huấn với số lượng từ 50 -60 người/lớp, thời gian bồi dưỡng một môn từ 1-2 ngày, kết hợp giữa nghe báo cáo viên truyền đạt, xem băng hình các tiết dạy chuẩn và thực hành tổ chức các hoạt động. Hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm chủ yếu để giúp GV cập nhật phương pháp và hình thức giảng dạy mới, không kiểm tra, đánh giá mức độ hoàn thành trên từng cá nhân. * Hoạt động bồi dưỡng thường xuyên theo chu kì giúp GV nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, nắm bắt những vấn đề mới trong đổi mới giáo dục, chương trình, sách giáo khoa. Đây là giải pháp nhằm giải quyết 2 mâu thuẫn: mâu thuẫn giữa sự tăng nhanh khối lượng tri thức của loài người với trình độ đào tạo ban đầu của người GV và mâu thuẫn giữa yêu cầu giảng dạy các tri thức khoa học tiên tiến, hiện đại với điều kiện, khả năng cập nhật các kiến thức của bản thân từng GV.Tài liệu bồi dưỡng được biên soạn theo phương pháp giáo dục từ xa, gồm tài liệu in và băng hình minh họa diễn tả việc thực hiện phương pháp dạy học đối với 1 dạng bài học hoặc 1 nhánh kiến thức. Phương thức bồi dưỡng lấy tự học, tự bồi dưỡng là chủ yếu. Hình thức đánh giá là thực hành bài kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cho GV có kết quả đánh giá đạt yêu cầu trở lên. * Hoạt động bồi dưỡng theo chuyên đề nhằm cập nhật và đáp ứng những yêu cầu cấp thiết đặt ra trong đời sống xã hội, trong cuộc sống hiện tại cũng như trong giáo dục. Có những chuyên đề tổ chức bồi dưỡng cho tất cả GV tiểu học trên cả nước (giáo dục môi trường, giáo dục an toàn giao thông, phòng chống dịch bệnh, giáo dục hòa nhập…), có những chuyên đề tổ chức bồi dưỡng cho 1 bộ phận GVTH hoặc ở một số địa phương, cơ sở giáo dục (dạy tiếng dân tộc cho HS người dân tộc, dạy lớp ghép ở những địa phương có nhu cầu...) Phương thức bồi dưỡng là tổ chức hội thảo nghe báo cáo, trao đổi kinh nghiệm. - Bồi dưỡng chuẩn hóa và bồi dưỡng trên chuẩn Để đáp ứng việc mở rộng quy mô giáo dục và yêu cầu phổ cập, ngành giáo dục đã mở nhiều lớp đào tạo cấp tốc GVTH, thỏa mãn nhu cầu học tập của trẻ em khắp mọi miền đất nước. Đây chính là nguồn gốc ra đời của thế hệ GV sư phạm cấp tốc 7+1 (tháng), 7+3, 9+3... Số GV này tuy trình độ, năng lực còn yếu nhưng có nhiều yếu tố phù hợp để thực hiện việc quản lí và dạy học sinh biết đọc và viết tiếng Việt. Đến nay việc phát triển giáo dục tiểu học đã đi vào ổn định, tình trạng thiếu GVTH cơ bản đã được khắc phục, thực tiễn mới đòi hỏi phải thống nhất trên cả nước về chuẩn năng lực nghề nghiệp của GVTH, bắt đầu giai đoạn chuyển từ quản lí số lượng sang quản lí chất lượng đối với đội ngũ GVTH. - Những GVTH có trình độ ban đầu là SP cấp tốc, 9+3, 12+1... lần lượt được tham gia học các lớp nâng chuẩn cho đến hệ đào tạo trung học sư phạm 12+2. Quá trình đào tạo này được gọi tên chung là bồi dưỡng chuẩn hóa. - Từ những năm 90 của thế kỉ XX, xuất hiện các hệ cao đẳng SP, Đại học SP tuyển HS tốt nghiệp phổ thông đào tạo thành GVTH, đồng thời những GVTH có trình độ trung học sư phạm tiếp tục tham gia các khóa đào tạo lên CĐSP, Cử nhân Tiểu học, một bộ phận GVTH ưu tú đã được cử đi đào tạo Thạc sĩ... Quá trình đào tạo này được gọi tên chung là bồi dưỡng trên chuẩn. Chương trình đào tạo trên chuẩn thực hiện nhiệm vụ “nâng dần tỉ lệ GVTH có trình độ cao đẳng sư phạm, đại học sư phạm” tạo ra đội ngũ GVTH có nhiều trình độ, trong đó mỗi tập thể SP có những GV trên chuẩn chung, làm nòng cốt nâng cao chất lượng dạy học. [22, tr.33] 1.2.5.3. Chất lượng giáo viên Giáo viên là nhân tố thuộc cả hai lĩnh vực đào tạo và giáo dục vì giáo viên là sản phẩm đầu ra của hệ thống đào tạo sư phạm và là nguồn nhân lực đầu vào của quá trình hoạt động giáo dục. Theo nghĩa tổng thể, chất lượng GV bao gồm 3 thành tố nhưng thành tố chính để quyết định chất lượng nằm ở khâu đào tạo. Qua đào tạo người GV có thể khắc phục những khuyết điểm chủ quan, rèn luyện phẩm chất và năng lực sư phạm, có thể xác định cụ thể hơn mục đích và phương pháp giáo dục. Họ có thể lường trước kết quả giáo dục của những quyết định đã đưa ra, khéo léo xây dựng những mối quan hệ, tìm được cách giải quyết đúng, gây được tác động tích cực đến HS. Chất lượng giáo viên không phải là đại lượng bất biến, nó thay đổi và phát triển tích cực nếu môi trường hoạt động nghề nghiệp thuận lợi và nó suy thoái nếu môi trường và hoạt động nghề nghiệp của GV không tốt, không hiệu quả. 1.2.6. Những thay đổi tác động đến nội dung đào tạo giáo viên tiểu học 1.2.6.1. Môi trường thế giới thay đổi Khoa học và công nghệ phát triển nhanh đã đem lại thay đổi trên toàn cầu, trong các lĩnh vực, đặc biệt trong hệ thống giáo dục. Máy tính và hệ thống thông tin trở thành phương tiện giúp con người mở rộng giao tiếp, cập nhật, tích lũy kho tàng trí tuệ của nhân loại lên từng cá nhân với khối lượng và tốc độ rất nhanh. Môi trường học tập khác hẳn truyền thống đã ảnh hưởng rất lớn đến phương pháp học của học sinh. Cá nhân phải có kĩ năng học tập tích cực, giải quyết vấn đề, làm việc theo đội nhóm, thực hiện trách nhiệm công dân, hợp tác trong các tập thể. Không chỉ thể hiện ở nội dung kiến thức, PP học cũng đem đến những giá trị riêng cho mỗi người đi học và kiến thức ngày hôm nay có được sẽ trở thành lỗi thời nhanh hơn trước rất nhiều. Môi trường học hiện tại cũng làm thay đổi cả quan niệm về năng lực và trí thông minh của người học. Chỉ số thông minh (IQ - Intelligence Quotient) vẫn giữ vị trí quan trọng nhưng chỉ số hiếu học (CQ -Curiosity Quotient) và chỉ số đam mê (PQ – Passion Quotient) còn quan trọng hơn. Quan niệm mới này có thể diễn đạt bằng phương trình CQ + PQ > IQ: sự hiếu học cộng lòng đam mê quan trọng hơn trí thông minh. [31] Về sinh học, mỗi bán cầu não người điều khiển một chuỗi hoạt động tư duy khác nhau, việc tập trung rèn luyện để phát huy sức mạnh của bán cầu não nào là rất quan trọng và liên quan đến mục tiêu dạy học. Daniel Pink, (nhà báo Mỹ, tác giả cuốn New York times, BusinessWeek bestseller 2007) đã viết: “Mãi gần đây, bán cầu não trái vẫn còn chi phối khả năng thành công trong học tập, công việc hay kinh doanh. Ngày nay năng lực đó vẫn cần thiết song không còn đủ nữa. Trong một thế giới bị đảo lộn bởi việc cho thuê làm bên ngoài, tràn ngập thông tin và đầy rẫy các lựa chọn thì những khả năng quan trọng nhất gần với bán cầu não phải hơn. Đó là khả năng cảm thụ nghệ thuật, biết cảm thông, có tầm nhìn và khát vọng lớn. Để thành công cần bổ sung khả năng suy tưởng cao và sự mẫn cảm cao, nghĩa là tạo ra các vẻ đẹp thẩm mỹ và xúc cảm.” Kết luận này cũng phù hợp với xu hướng giáo dục hiện nay, các nhà trường phổ thông hiện đại không chỉ chú ý rèn luyện khả năng tư duy, phân tích logic mà còn rất quan tâm đến việc hình thành khả năng suy tưởng, cảm xúc thẩm mỹ cho HS. Những trọng tâm này chưa được nhà trường truyền thống trước đây đề cập tới và trang bị cho GV cũng như HS. Tiến bộ xã hội đang gây sức ép buộc hệ thống giáo dục nước ta phải có những thay đổi khẩn trương để có thể cung cấp cho xã hội những con người phù hợp với yêu cầu của xã hội hiện đại. 1.2.6.2. Cơ hội học tập của người học thay đổi Trẻ em là đối tượng giáo dục của người GVTH cũng đang thay đổi cùng với thế giới xung quanh. Trước đây cơ hội học tập của trẻ hầu hết không xảy ra trong trường học mà chủ yếu từ quan sát thực tế và bắt chước người lớn, tri thức và kĩ năng thu được qua quan sát và quá trình tương tác. Việc học tập chủ yếu thông qua phạm sai lầm, trẻ quan sát cách làm và tự sửa các sai lầm. Học sinh trong thời đại hiện nay làm quen và nắm được ngay các thao tác phức tạp của công nghệ số, học và chơi trò chơi trên máy tính trong thực tiễn đang trở thành một phần của việc giáo dục con người, “Công nghệ mới đã tác động lên sự ưa thích học tập của học sinh” (TS John Seely Brown, ĐH Antioch ). Trẻ em có nhiều cơ hội học tập hơn trước và thời gian học cũng nhiều hơn qua sự mở rộng của hệ thống truyền thông đa phương tiện. Cùng một ngày, trẻ có thể tiếp nhận thông tin từ nhiều chiều, nhiều môi trường học và nhiều kênh thông tin khác nhau. Việc học ở trường với sách giáo khoa và lời giảng của GV chỉ là một trong những nguồn thông tin đến với trẻ. Tác động giáo dục của nhà trường hiện đại có ảnh hưởng nhiều hay ít tùy thuộc vào việc nhà trường (GV) đã thiết kế các hoạt động học tập như thế nào, tổ chức môi trường học ra sao, tạo ra những yêu cầu và cơ hội sáng tạo gì cho mọi cá nhân HS cùng thực hiện. 1.2.6.3. Quan điểm giáo dục thay đổi Đã có nhiều chuyên gia đưa ra nhận định của mình về sự thay đổi của quan điểm giáo dục ngày nay: Theo Ph. Mayao, tổng giám đốc UNESCO: “Giáo dục không phải là chỉ tích tụ tri thức mà là thức tỉnh tiềm năng sáng tạo to lớn trong mỗi con người”. GS Peter Vaill (ĐH Antioch) nhấn mạnh: “Mục tiêu quan trọng của giáo dục là giúp học sinh trở thành chuyên gia thích ứng ”. “Sự hữu hiệu của hệ thống giáo dục phải được đo bằng khả năng trang bị cho con em chúng ta những năng lực đối phó một cách thành công với một thế giới không ngừng thay đổi” (Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, tháng 9-2006). Những nhận định trên của các chuyên gia dù đứng ở các góc độ khác nhau nhưng cũng thống nhất ở mục tiêu giáo dục ngày nay là hướng tới từng học sinh, khuyến khích HS phát triển tiềm năng sáng tạo, phát huy thế mạnh của bản thân để trở thành các nhà chuyên môn, có khả năng tiếp cận tới những tình huống mới một cách linh hoạt và học trong cả đời mình. Không chỉ dùng những điều đã học, trẻ còn có khả năng tự nhận thức chính việc học và nỗ lực vượt lên mức độ đặt ra của kế hoạch học tập. Giáo dục trở thành tư duy mới trong “sự chuyển đổi từ thời đại thông tin sang thời đại khái niệm” (Daniel Pink), vai trò tổ chức và điều khiển của người GV càng rõ nét hơn, càng khó khăn hơn, nhất là GV dạy tiểu học. Giáo dục tiểu học phải nâng đỡ trẻ em phát triển thuận lợi về thể chất, tinh thần đồng thời phải ngăn chặn những khó khăn nảy sinh trong quá trình nhận thức của trẻ, nhất là tăng cường hỗ trợ trẻ phát triển ý thức lành mạnh về lòng tự trọng thông qua các bài học đạo đức. Thế giới kinh nghiệm của trẻ phải được làm giàu, khi trẻ tự mình khám phá và bộc lộ kĩ năng cá nhân ở các lĩnh vực quan tâm mới khác (new areas of interest). Người GVTH phải dạy cách học để trẻ có khả năng tự nhận biết điều đúng sai để các hành động ứng xử có trách nhiệm của trẻ sẽ biểu hiện nhiều hơn, hướng dẫn trẻ thực hiện các quy tắc cùng tồn tại (rules of co- existence) và cam kết thực hiện các quy tắc đó. Dạy trẻ tiếp thu những chuẩn mực của xã hội, hiểu được ý nghĩa của các chuẩn mực này như là một phần trong cuộc sống hàng ngày. Trẻ phải được dạy cách kiểm soát bản thân tốt hơn và cách thức ứng phó với các tình huống, trẻ phải được hướng dẫn để hiểu được giá trị bình đẳng và cách giữ gìn sức khỏe tùy theo từng độ tuổi. Người GVTH phải tổ chức cho trẻ em hình thành kĩ năng tự khám phá, với các sự kiện và hiện tượng gắn liền với môi trường sống của trẻ. Các bài thực hành và các hoạt động phải dựa trên khả năng tiếp thu của trẻ, phải hướng vào mục đích cụ thể và mang tính thử thách. Người GVTH phải đặt hoạt động giảng dạy trẻ tiểu học trên cơ sở những hoạt động vui chơi và phải nhằm nâng đỡ khả năng ngôn ngữ và thúc đẩy sự phát triển tiềm năng của trẻ. Những yêu cầu mới về GD tiểu học cho thấy để thực hiện đầy đủ trách nhiệm, người GV dạy tiểu học phải thực sự là một nhà giáo có kĩ năng ưu việt về khoa học giáo dục và tâm lí sư phạm. Giáo dục trẻ ở tuổi tiểu học là giúp hình thành một con người. Những gì có được ở lứa tuổi này sẽ đặt nền tảng cho toàn bộ sự phát triển về sau vì: - Đây là thời kì hình thành về thể chất của một chủ thể. Mục tiêu phát triển con người bắt đầu từ việc phát triển hợp lí và cân đối về hình dáng, sức vóc. Việc quan tâm đến hình thành thể chất yêu cầu người GVTH phải phát triển ở trẻ năng lực của các giác quan, các bộ phận tay, chân.. Những năng lực này có ý nghĩa rất lớn đối với việc học tập, bồi dưỡng những kĩ năng lao động, sáng tạo, thưởng thức nghệ thuật... không chỉ cần cho trẻ trong những năm tiểu học mà còn cần trong suốt cuộc đời. - Chơi là đặc điểm nổi bật trong hoạt động của trẻ tiểu học. Nhiều điều người lớn phải học, phải tập một cách khó khăn mới đạt được thì trẻ em dễ dàng có được trong khi chơi (bơi lội, đi xe đạp, học ngoại ngữ). Người GVTH phải được đào tạo để hiểu chơi là phương thức giáo dục quan trọng với trẻ và vận dụng điều này vào giáo dục trẻ. Với chức năng là người GV tổng thể, tổ chức toàn bộ quá trình phát triển của trẻ bằng phương thức của nhà trường, GVTH phải dạy đủ môn trong chương trình và thực hiện công tác chủ nhiệm trong một lớp học. 1.2.6.4. Quan điểm đánh giá giáo viên thay đổi Trước đây trình độ giáo viên thường được sử dụng làm tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục với hai chỉ số chính: trình độ học vấn nói chung của GV và tỉ lệ GV được đào tạo để tham gia giảng dạy theo chuẩn quy định. Sự xuất hiện xu hướng “cải cách GD dựa trên các chuẩn” đã hình thành bộ chuẩn cho giáo dục ở nước ta bao gồm: chuẩn chất lượng giáo dục, chuẩn nhà trường, chuẩn cán bộ quản lí, chuẩn giáo viên. Trong bộ chuẩn cho giáo viên có chuẩn trình độ đào tạo, chuẩn nghề cho từng ngành, từng cấp và bắt đầu áp dụng đánh giá GV theo chuẩn từ năm học 2007-2008. Chuẩn nghề GV là mô hình cấu trúc nhân cách và hoạt động sư phạm, phản ánh những yêu cầu về phẩm chất và năng lực của giáo viên với những tiêu chí cụ thể : - Năng lực tìm hiểu đối tượng, môi trường giáo dục. - Năng lực xây dựng kế hoạch giáo dục. - Năng lực thực hiện kế hoạch giáo dục. - Năng lực kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục. - Năng lực hoạt động xã hội. - Năng lực giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn giáo dục. - Năng lực phát triển nghề nghiệp. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của giáo dục, ngoài những năng lực thiết yếu trên, người GVTH còn phải được đào tạo để có những kĩ năng mới:  Kĩ năng quản lí và tổ chức các hoạt động GD, giao tiếp và quản lí các dự án.  Kĩ năng sử dụng thành thạo kĩ thuật thông tin mới như Internet, giảng dạy bằng phương tiện công nghệ thông tin, thiết kế giáo án bằng phần mềm điện tử.  Kĩ năng tiếp cận với các PP mới trong các lĩnh vực đặc biệt của việc giảng dạy như đánh giá hồ sơ, giảng dạy dựa trên vấn đề...  Kĩ năng tiếp xúc và làm quen với môi trường GD mới, với các tổ chức và dự án, các thuật ngữ và cách làm việc mới trong đó việc đánh giá GV, hệ thống kiểm tra, đảm bảo chất lượng, tự chủ và tính chịu trách nhiệm sẽ trở thành những khái niệm và hoạt động thường xuyên. [4] Những thay đổi trên tạo ra khoảng cách giữa thực tiễn và nội dung đào tạo sư phạm đã trang bị trước đây cho người GV. Để thu hẹp sự khác biệt ấy, công tác đào tạo bồi dưỡng giáo viên phải thực hiện việc cải thiện nguồn lực GVTH ngay từ điểm gốc, đó là trình độ nghiệp vụ của người thầy. 1.2.7. Quy trình và hệ thống quản lí nghiệp vụ đào tạo giáo viên tiểu học 1.2.7.1.Khái niệm - Theo từ điển bách khoa toàn thư, quy trình quản lí là “quá trình hoạt động của các chủ thể quản lí tập hợp thành một cơ chế được quy định theo một trình tự lôgic, nhằm đạt được những mục tiêu quản lí đã được đề ra bằng cách thực hiện những chức năng quản lí nhất định, tuân thủ theo những nguyên tắc quản lí và vận dụng những phương pháp quản lí thích hợp. Hoạt động này có kế hoạch vĩ mô (các quá trình giữa tất cả các cơ quan quản lí hay giữa những nhóm cơ quan quản lí) và kế hoạch vi mô (các quá trình trong nội bộ cơ quan quản lí, ở từng nơi làm việc...). Quy trình quản lí thường gồm 7 khâu: xây dựng kế hoạch, tổ chức, biên chế, chỉ huy, điều phối, báo cáo, lập ngân sách. Quy trình quản lí chiếm vị trí đặc biệt trong hệ thống quản lí, đặc trưng cho đời sống thực tế của hệ thống quản lí sản xuất như tính tổng hợp, tính liên ngành, tính kế hoạch, tính hệ thống, mang nhiều yếu tố nghệ thuật, sáng tạo”. Vận dụng vào công tác đào tạo, quy trình quản lí nghiệp vụ đào tạo GVTH bao hàm những đặc điểm sau: - Chủ thể quản lí công tác đào tạo GV là các cơ quan chủ quản ngành giáo dục (Bộ, Sở, Phòng GD) và cơ sở đào tạo, quản lí giáo viên (trường Sư phạm, trường tiểu học). - Cơ chế quản lí tập trung theo chỉ đạo ngành kết hợp phân cấp, phân quyền quản lí cho từng đơn vị, từng địa phương. - Khách thể quản lý bao gồm các hoạt động đào tạo-bồi dưỡng giáo viên: bồi dưỡng thường xuyên nghiệp vụ chuyên môn theo chu kì, bồi dưỡng cập nhật tri thức, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ theo yêu cầu ngày càng cao của ngành nghề, đào tạo nâng chuẩn nghề, đào tạo nâng chuẩn trình độ … - Mục đích quản lí là nâng nhận thức nghề, chất lượng lao động nghề lên mức mới; hoàn thiện hơn về chuyên môn giảng dạy, phát triển nhân cách, phẩm chất người thầy nhằm củng cố nguồn nhân lực có trình độ cao cho xã hội, đặc biệt là đáp ứng nhu cầu học tập và giáo dục của nhân dân địa phương. - Môi trường và điều kiện quản lí: công tác đào tạo GVTH được quản lí trong bối cảnh đội ngũ GV có nhiều đặc điểm khác nhau về nền đào tạo ban đầu, về điều kiện xã hội và tâm lý của các thành viên. 1.2.7.2. Nguyên tắc quản lí chất lượng đào tạo Theo các chuẩn của ISO 9000, 9002 và 9004:2000, các nguyên tắc chung nhất của quản lí chất lượng tập trung vào sản phẩm cuối cùng trên cơ sở hoạch định, giám sát, đánh giá và thẩm định toàn bộ hệ thống quy trình đào tạo, gồm những nguyên tắc cơ bản sau: Nguyên tắc 1: đào tạo hướng vào người học, xã hội và Nhà nước- những chủ thể đề ra yêu cầu, thẩm định và đánh giá chất lượng, nghiệm thu sản phẩm đào tạo. Sự phát triển của giáo dục-đào tạo và chất lượng giáo dục tổng thể phụ thuộc vào những nhân tố này, đặc biệt là nhu cầu của người học, xã hội và Chính phủ – là lực lượng chính thức đại diện cho lợi ích của nhân dân. Nguyên tắc 2: thiết lập tính thống nhất về mục đích và phương hướng của công tác đào tạo, kiến tạo và duy trì môi trường bên trong thuận lợi cho lãnh đạo nhà trường tiểu học (Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, các tổ trưởng chuyên môn) và giáo viên có thể tham gia đầy đủ vào quá trình đào tạo. Nguyên tắc 3: các hoạt động và các nguồn lực của công tác đào tạo được quản lí như một quá trình để có thể nhìn nhận và giám sát, điều hành và đánh giá chúng thường xuyên, linh hoạt, phân tích và sử dụng chúng một cách biện chứng. Nguyên tắc 4: tiếp cận hệ thống để tiến hành quản lí. Cách tiếp cận hệ thống đòi hỏi phải quản lí chất lượng tổng thể công tác đào tạo, không thể chỉ quản lí riêng lẻ một bộ phận hay thành tố nào. Nguyên tắc 5: Cải thiện thường xuyên hoạt động giảng dạy và học tập, các quá trình quản lí công tác đào tạo, các nguồn lực cơ bản để hướng đến chất lượng mới cao hơn. Nguyên tắc 6: quan hệ cung ứng cùng có lợi, quan hệ lợi ích qua lại sẽ nâng cao năng lực tạo ra giá trị của cả hai bên. Trong phạm vi công tác đào tạo, đó là quan hệ giữa giáo dục-nhà trường-người học-xã hội. Điều này càng đặc biệt quan trọng trong điều kiện kinh tế thị trường, vì nó là động lực chủ yếu của quá trình quản lí chất lượng giáo dục và phát triển giáo dục. 1.2.7.3. Hệ thống quản lí đào tạo Giáo viên tiểu học tại cơ sở Phòng giáo dục đào tạo quận Tân Bình là cơ quan chuyên môn của UBND quận, chịu sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của UBND và sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Sở giáo dục thành phố Hồ Chí Minh về công tác giáo dục đào tạo. Nhiệm vụ của Phòng giáo dục đào tạo: - Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục của địa phương. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra các trung tâm giáo dục, cơ sở trường học công lập và ngoài công lập thực hiện nhiệm vụ năm học, chương trình, kế hoạch, nội dung, phương pháp, các quy định của Bộ, Sở về dạy và học, các hoạt động giáo dục khác theo yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện phù hợp với đặc điểm từng loại trường học, ngành học và vùng dân cư. - Tổng hợp kế hoạch của các trường, xây dựng kế hoạch hàng năm về biên chế, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Xây dựng phương án quy hoạch cán bộ và kế hoạch lựa chọn bồi dưỡng, đề bạt cán bộ quản lý các trường trong phạm vi quản lí của Phòng giáo dục. Công tác đào tạo giáo viên ở phòng GD là đào tạo nội bộ, đào tạo lại nhằm nâng chất lượng đội ngũ qua việc tổ chức các khóa bồi dưỡng hoặc cử giáo viên tham gia các lớp đào tạo nâng chuẩn theo yêu cầu của Bộ Giáo dục. Nguồn: Business Process Diagram B.MIS Quy trình nghiệp vụ QL cấp Phòng, 2007 Sơ đồ 1.1. Quy trình quản lí nghiệp vụ, đào tạo bồi dưỡng GV cấp Phòng GD * Ở cấp Phòng Giáo dục, quản lí đào tạo bồi dưỡng GV được xem là một trong những hoạt động chủ yếu nhằm thực hiện chức năng quản lí và tổ chức, đáp ứng nhiệm vụ giáo dục, giám sát việc thực hiện chính sách, quy chế điều lệ trong nhà trường, đảm bảo việc nâng chất lượng nghề cho đội ngũ trong đó có GVTH. - Chức năng quản lí: nghiên cứu thực hiện chủ trương, kế hoạch bồi dưỡng GV của Sở, tham mưu cho phòng giáo dục xây dựng kế hoạch bồi dưỡng GV hàng năm ở cả 3 cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Kiểm tra các lớp bồi dưỡng, theo dõi rút kinh nghiệm chỉ đạo hoạt động theo phương hướng của PGD. Phối hợp với trường Sư phạm để tổ chức giảng dạy, học tập, thi cử theo chế độ chính sách. - Mục tiêu quản lí: xây dựng đội ngũ đủ sức, đủ tài, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, lối sống nhà giáo, củng cố và phát huy hiệu quả dạy học của GV. - Phương pháp quả._. Caâu 1 : Theo Thaày/ coâ, vai troø cuûa coâng taùc ñaøo taïo ñoái vôùi ngöôøi giaùo vieân tieåu hoïc laø : º 1. Raát quan troïng º 2. Khaù quan troïng º 3. Quan troïng. 1 º 4. Ít quan troïng º 5. Khoâng quan troïng Caâu 2 : Trong 3 naêm qua, thaày/ coâ coù tham gia khoùa hoïc naâng cao trình ñoä ñaøo taïo naøo khoâng : Coù  (neáu coù chuyeån caâu 3 ) Khoâng  Neáu khoâng, xin cho bieát lí do : - Vì ñaõ ñaït chuaån trình ñoä  - Vì ñaõ lôùn tuoåi  - Lí do khaùc ................................................................. -.................................................................................... Caâu 3 : Thaày/ coâ hoïc chuyeân ngaønh gì :  Cao ñaúng / Cöû nhaân tieåu hoïc  Ngoaïi ngöõ  Chính trò  Tin hoïc  Khaùc ............................................................................................................................. Caâu 4 : Thaày/ coâ tham gia hoïc naâng cao trình ñoä ñaøo taïo baèng caùch naøo :  Töï lieân heä cô sôû ñaøo taïo  Ñöôïc cöû ñi hoïc Caâu 5 : Theo hình thöùc hoïc taäp naøo :  Hoïc moät soá ngaøy trong tuaàn/ thaùng  Hoïc taäp trung theo ñôït  Hoïc ngoaøi giôø Caâu 6 : Thaày/ coâ coù ñöôïc cô quan hoã trôï cho vieäc tham gia ñaøo taïo khoâng : Coù  Khoâng  Hỗ trợ một phần  Hình thöùc hoã trôï :  Hoã trôï kinh phí hoïc  Hoã trôï saùch vôû- taøi lieäu  Hoã trôï khaùc ( cuï theå ) ....................................................................................... Caâu 7 : Thaày/ coâ coù haøi loøng vôùi noäi dung vaø phöông phaùp ñaõ ñöôïc hoïc khoâng ?  Coù, hoaøn toaøn haøi loøng  Chæ haøi loøng moät phaàn  Hoaøn toaøn khoâng haøi loøng Caâu 8 : Thaày/ coâ quan taâm ñeán yeáu toá gì khi hoïc naâng cao trình ñoä ñaøo taïo :  Ñaït ñieåm thi cao  Naém kieán thöùc, kó naêng.  Vöøa ñaït ñieåm cao vöøa coù kieán thöùc  Khoâng bieát 2 Caâu 9 : Theo Thaày/ coâ, vieäc naâng cao trình ñoä ñaøo taïo mang lôïi ích gì cho ngöôøi giaùo vieân (haõy ñaùnh daáu vaøo caùc oâ töông öùng töø 1 ñeán 5 ) Neáu  Hoaøn toaøn ñoàng yù choïn soá 1  Ñoàng yù choïn soá 2  Khoâng ñoàng yù choïn soá 3  Hoaøn toaøn khoâng ñoàng yù choïn soá 4  Löôõng löï choïn soá 5 1 2 3 4 5 Thay ñoåi, tieán boä veà naêng löïc chuyeân moân, nghieäp vuï. Thay ñoåi, tieán boä veà naêng löïc xaây döïng keá hoaïch giaùo duïc Naâng cao khaû naêng ñaùp öùng vôùi yeâu caàu ñoåi môùi giaûng daïy. Cô hoäi chuyeån ñoåi coâng taùc khaùc. Cô hoäi thaêng tieán trong ngheà nghieäp. Môû roäng tri thöùc cho baûn thaân. Taêng cöôøng kó naêng hoïc taäp suoát ñôøi Giaûng daïy ñaït hieäu quaû cao. Giaûng daïy phuø hôïp muïc tieâu cuûa caáp hoïc, ngaønh hoïc. Caâu 10 : Vôùi chaát löôïng ñaøo taïo chuaån hoùa ngheà nghieäp hieän nay, coù phuø hôïp vôùi yeâu caàu daïy ñeàu , daïy ñuû caùc moân cuûa ngöôøi giaùo vieân tieåu hoïc ? Coù  Khoâng  Ñaùp öùng moät phaàn  Neáu ñaùp öùng moät phaàn hoaëc khoâng ñaùp öùng , xin cho bieát cuï theå coøn haïn cheá ôû moân naøo :  Moân töï nhieân ( toaùn )  Moân xaõ hoäi ( Tieáng vieät, Ñaïo ñöùc, Khoa söû ñòa )  Moân ngheä thuaät ( Nhaïc, Hoïa, kó thuaät )  Moân giaùo duïc theå chaát Caâu 11 : Vôùi keát quaû thöïc teá hieän nay, ngöôøi giaùo vieân tieåu hoïc ñaõ hoaøn thaønh nhieäm vuï phaùt trieån tö duy vaø nhaân caùch cuûa hoïc sinh ?ù  Hoaøn thaønh toát  Hoaøn thaønh  Chöa hoaøn thaønh Caâu 12 : Hãy đánh dấu những mục thể hiện chính xác nhất về hiệu quả của chương trình đào tạo GV tiểu học mà thầy cô đã tham gia Neáu  Hoaøn toaøn ñoàng yù choïn soá 1  Ñoàng yù choïn soá 2  Khoâng ñoàng yù choïn soá 3  Hoaøn toaøn khoâng ñoàng yù choïn soá 4  Không biết choïn soá 5 3 STT Nội dung nhận xét 1 2 3 4 5 1 Khối lượng kiến thức môn chung, các môn cơ sở và chuyên ngành là hợp lý 2 Kiến thức cơ sở và chuyên ngành được trang bị đáp ứng yêu cầu đổi mới của phổ thông 3 Kiến thức được cập nhật và sát với chương trình phổ thông 4 Kiến thức được trang bị đủ để làm cơ sở cho việc tiếp tục học lên hoặc tự học 5 Kiến thức được trang bị là đủ rộng để phục vụ cho giảng dạy 6 Kiến thức về lý luận dạy học được trang bị là đầy đủ và bổ ích 7 Đã vận dụng được các phương pháp dạy học phù hợp yêu cầu hiện nay 8 GV đã được trang bị các phương pháp dạy học mới 9 GV đã được trang bị đầy đủ các kỹ năng dạy học 10 GV đã biết ứng dụng CNTT, các thiết bị kỹ thuật hiện đại trong dạy học 11 GV đã có khả năng hướng dẫn thực hành cho HS 12 GV đã trang bị đủ các kiến thức và kỹ năng làm công tác chủ nhiệm lớp 13 GV đã biết tổ chức một giờ sinh hoạt lớp 14 GV đã biết tổ chức các hoạt động ngoài giờ 15 GV đã biết điều hành công tác Đoàn, Đội trong trường học 16 GV đã biết giáo dục học sinh cá biệt 17 GV đã có khả năng quản lý từ cấp Tổ chuyên môn trở lên 18 GV đã có khả năng tổ chức, chỉ đạo các hoạt động trong giờ học Caâu 13 : Theo Thaày/ Coâ, kieán thöùc naøo hieän ñang laø haïn cheá cô baûn cuûa ngöôøi GV tieåu hoïc hieän nay (haõy ñaùnh daáu vaøo caùc oâ töông öùng töø 1 ñeán 5 ) Neáu  Hoaøn toaøn ñoàng yù choïn soá 1  Ñoàng yù choïn soá 2  Khoâng ñoàng yù choïn soá 3  Hoaøn toaøn khoâng ñoàng yù choïn soá 4  Löôõng löï choïn soá 5 1 2 3 4 5 - Kieán thöùc khoa hoïc cô baûn coù lieân quan ñeán caùc moân hoïc trong chöông trình tieåu hoïc - Kieán thöùc veà nghieäp vuï Sö phaïm tieåu hoïc - Kieán thöùc veà nhöõng chuû tröông chính saùch lôùn cuûa Ñaûng, Nhaø nöôùc ñoái vôùi kinh teá, xaõ hoäi - Kieán thöùc phoå thoâng veà quaûn lí haønh chính nhaø nöôùc - Kieán thöùc phoå thoâng veà moâi tröôøng . - Kieán thöùc phoå thoâng veà chaêm soùc SK treû, y teá hoïc ñöôøng. - Kieán thöùc phoå thoâng veà daân soá, quyeàn treû em. - Kieán thöùc phoå thoâng veà an ninh quoác phoøng, an toaøn giao thoâng 4 - Kieán thöùc veà tình hình kinh teá, chính trò xaõ hoäi taïi ñòa phöông mình ñang daïy hoïc. - Kieán thöùc veà taâm sinh lí treû, veà giaùo duïc giôùi tính Caâu 14 : Theo Thaày/ Coâ, kó naêng sö phaïm naøo hieän ñang laø haïn cheá cô baûn cuûa ngöôøi GV tieåu hoïc hieän nay (haõy ñaùnh daáu vaøo caùc oâ töông öùng töø 1 ñeán 5 ) Neáu  Hoaøn toaøn ñoàng yù choïn soá 1  Ñoàng yù choïn soá 2  Khoâng ñoàng yù choïn soá 3  Hoaøn toaøn khoâng ñoàng yù choïn soá 4  Löôõng löï choïn soá 5 1 2 3 4 5 - Kó naêng laäp keá hoaïch baøi hoïc, - Kó naêng kieåm tra ñaùnh giaù ñuùng trình ñoä HS. - Kó naêng khuyeán khích HS töï hoïc. - Kó naêng toå chöùc linh hoaït giôø leân lôùp - Kó naêng ñaûm baûo caùc muïc tieâu cuûa baøi hoïc vôùi chaát löôïng khaù cao - Kó naêng laøm coâng taùc chuû nhieäm lôùp, - Kó naêng toå chöùc caùc hoaït ñoäng giaùo duïc theo quy ñònh - Kó naêng reøn luyeän hôïp lí cho töøng HS - Kó naêng giao tieáp, öùng xöû phuø hôïp vôùi HS - Kó naêng giao tieáp, öùng xöû phuø hôïp vôùi phuï huynh - Kó naêng giao tieáp, öùng xöû phuø hôïp ñoàng nghieäp - Kó naêng laäp hoà sô, löu giöõ vaø söû duïng hoà sô giaûng daïy - Kó naêng laäp hoà sô, löu giöõ vaø söû duïng hoà sô giaùo duïc HS - Kó naêng tìm kieám thoâng tin khoa hoïc kó thuaät - Kó naêng khai thaùc vaø giaûng daïy baèng phöông tieän coâng ngheä thoâng tin Caâu 15 : Theo yù kieán cuûa Thaày/ Coâ, hoaït ñoäng naøo cuûa ngöôøi giaùo vieân trong nhaø tröôøng tieåu hoïc hieän ñang coù nhu caàu ñöôïc ñaøo taïo boå sung naêng löïc chuyeân moân :  Coâng taùc Chuû nhieäm lôùp  Coâng taùc Ñoäi  Coâng taùc phuï ñaïo hoïc sinh yeáu keùm  Coâng taùc toå chöùc caùc sinh hoaït ngoaïi khoùa Caâu 16 : Theo Thaày/ Coâ, hieän nay taïi caùc tröôøng tieåu hoïc ñang giaûng daïy moân Ngoaïi ngöõ töï choïn vaø taêng cöôøng, coù giaùo vieân daïy moân ngoaïi ngöõ ñaõ qua ñaøo taïo nghieäp vuï Sö phaïm tieåu hoïc khoâng Coù Khoâng 1. Tieáng Anh 2. Tieáng Phaùp 5 Caâu 17 : Theo Thaày/ Coâ, neáu ñöôïc phaân coâng phuï traùch moät trong nhöõng moân naêng khieáu nhö nhaïc, hoïa, theå duïc thì thaày coâ coù theå daïy toát nhö caùc moân hoïc khaùc khoâng ? Coù  Khoâng  Neáu khoâng, xin thaày coâ cho bieát nhöõng trôû ngaïi cuï theå trong khi giaûng daïy nhöõng moân naøy :  Do thaày/coâ khoâng ñöôïc ñaøo taïo chuyeân saâu veà nhöõng moân hoïc naøy  Do thaày/ coâ khoâng coù naêng khieáu veà nhöõng moân hoïc naøy  Do thaày/ coâ gaëp khoù khaên khi chuaån bò taøi lieäu, söû duïng giaùo cuï khi daïy nhöõng moân hoïc naøy  Do thaày/ coâ khoâng thích daïy nhöõng moân hoïc naøy  Lí do khaùc ................................................................................................................... Caâu 18 : Theo Thaày/ Coâ, soá löôïng giaùo vieân tieåu hoïc ñaõ naâng chuaån ñaøo taïo vaø keát quaû xeáp loaïi tay ngheà giaùo vieân haøng naêm coù tæ leä phaùt trieån :  Raát caân ñoái  Khaù caân ñoái giöõa giaùo vieân ñaõ naâng chuaån ñaøo taïo vaø GV coù tay ngheà gioûi  Chöa caân ñoái, GV coù tay ngheà gioûi coù phaùt trieån nhöng khoâng ñaùng keå so vôùi tæ leä giaùo vieân ñaõ naâng chuaån ñaøo taïo  Khoâng caân ñoái, tæ leä tay ngheà gioûi quaù thaáp so vôùi tæ leä giaùo vieân ñaõ naâng chuaån ñaøo taïo  YÙ kieán khaùc ....................................................................................................... Caâu 19 : Nhöõng naêng löïc ngheà nghieäp maø Thaày/ Coâ mong muoán ñöôïc ñöôïc caûi thieän ñeå keát quaû giaûng daïy toát hôn ( haõy ñaùnh daáu vaøo caùc oâ töông öùng töø 1 ñeán 5 ) Neáu  Hoaøn toaøn ñoàng yù choïn soá 1  Ñoàng yù choïn soá 2  Khoâng ñoàng yù choïn soá 3  Hoaøn toaøn khoâng ñoàng yù choïn soá 4  Löôõng löï choïn soá 5 1 2 3 4 5 - Naêng löïc tìm hieåu ñoái töôïng giaùo duïc - Naêng löïc tìm hieåu moâi tröôøng giaùo duïc - Naêng löïc thöïc hieän keá hoaïch giaùo duïc - Naêng löïc kieåm tra, ñaùnh giaù keát quaû giaùo duïc - Naêng löïc giaûi quyeát nhöõng vaán ñeà naûy sinh trong thöïc tieãn giaùo duïc - Naêng löïc hoaït ñoäng xaõ hoäi - Naêng löïc phaùt trieån ngheà nghieäp Caâu 20 : Möùc ñoä aûnh höôûng cuûa caùc yeáu toá sau ñeán keát quaû ñaøo taïo naâng chuaån giaùo vieân , xin vui loøng ñaùnh daáu vaøo caùc oâ töông öùng töø 1 ñeán 5 . Neáu  Raát nhieàu choïn soá 1 6  Nhieàu choïn soá 2  Trung bình choïn soá 3  Ít choïn soá 4  Raát ít choïn soá 5 1 2 3 4 5 - Thôøi gian toå chöùc khoùa ñaøo taïo - Noäi dung cuûa chöông trình ñaøo taïo - Phöông phaùp giaûng daïy vaø kó naêng truyeàn ñaït cuûa giaûng vieân - Caáu truùc cuûa chöông trình ñaøo taïo - Phöông phaùp hoïc taäp cuûa hoïc vieân - Hình thöùc kieåm tra, ñaùnh giaù keát quaû ñaøo taïo - Ñieàu kieän vaø moâi tröôøng hoïc taäp - Thôøi löôïng ñaøo taïo - Cô cheá tuyeån duïng vaø chính saùch öu ñaõi Caâu 21 : Theo Thaày/ Coâ, nhöõng yeáu toá caàn caûi tieán cuûa coâng taùc ñaøo taïo chuaån hoùa giaùo vieân taïi ñòa phöông (haõy ñaùnh daáu vaøo caùc oâ töông öùng töø 1 ñeán 5 ) Neáu  Hoaøn toaøn ñoàng yù choïn soá 1  Ñoàng yù choïn soá 2  Khoâng ñoàng yù choïn soá 3  Hoaøn toaøn khoâng ñoàng yù choïn soá 4  Löôõng löï choïn soá 5 1 2 3 4 5 - Muïc tieâu ñaøo taïo - Phöông phaùp ñaøo taïo - Taøi lieäu hoïc taäp - Phöông tieän hoïc taäp - Noäi dung hoïc taäp - Hình thöùc hoïc taäp - Thôøi gian hoïc taäp - Hoïc phí Caâu 22 : YÙù kieán cuûa Thaày/ Coâ veà nhöõng bieän phaùp quaûn lí coâng taùc ñaøo taïo giaùo vieân tieåu hoïc taïi caáp Phoøng giaùo duïc Tính caàn thieát Tính khaû thi Raát caàn thieát Caàn thieát Khoâng C thieát Raát khaû thi Khaû thi Khoâng K. thi - Cải tiến cô cheá quaûn lí, thöïc hieän caùc cheá ñoä chính saùch phuø hôïp khuyeán khích ngöôøi hoïc - Xây dựng. kế hoạch đào tạo theo nhu cầu người học - Taêng cöôøng caùc ñieàu kieän CSVC phuø hôïp coâng taùc giaûng daïy cuûa giaûng vieân vaø hoïc vieân 7 - Ñoåi môùi hình thöùc , noäi dung ñaøo taïo - Taêng cöôøng cung cấp giaùo trình ñaøo taïo vaø taøi lieäu tham khaûo cho hoïc vieân. - Thieát laäp chế độ đánh giá, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch ñaøo taïo . - Phaùt huy yÙ thöùc töï hoïc cuûa hoïc vieân. - Xây dựng nguồn tài chính đầu tư cho công tác ñaøo taïo - Phát triển năng lực đội ngũ CBQL, giáo viên - YÙ kieán khaùc : Caâu 23 : YÙù kieán cuûa Thaày/ Coâ veà vieäc trong quaù trình GV vöøa hoïc vöøa laøm, coù söï tham gia kieåm tra thöïc teá tay ngheà cuûa Tröôøng Sö Phaïm º 1. Caàn thieát º 2. Raát caàn thieát º 3. Khoâng caàn thieát º 4. Hoaøn toaøn khoâng caàn thieát º 5. YÙ kieán khaùc ....................................................................................................... Caâu 24 : Xin Thaày/ Coâ vui loøng cho bieát neáu coù chöông trình ñaøo taïo giaùo vieân tieåu hoïc ñeå giaûng daïy theo boä moân thì Thaày/ Coâ coù uûng hoä khoâng : º 1. Raát uûng hoä º 2. Khoâng uûng hoä º 3. Chöa nghieân cöùu. Caâu 25 : Xin Thaày/ Coâ vui loøng ñeà xuaát nhöõng yù kieán nhaèm naâng cao chaát löôïng coâng taùc ñaøo taïo giaùo vieân tieåu hoïc : ..................................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... Xin chaân thaønh caùm ôn söï coäng taùc cuaû quyù Thaày/ Coâ 8 PHỤ LỤC 5 b PHIEÁU THAM KHAÛO YÙ KIEÁN ( Daønh cho Hieäu Tröôûng, Phoù Hieäu Tröôûng, khoái tröôûng CM caùc tröôøng tieåu hoïc ) Kính thöa quyù thaày/ coâ Phieáu tham khaûo yù kieán nhaèm tìm hieåu moät soá vaán ñeà coù lieân quan ñeán coâng taùc ñaøo taïo giaùo vieân tieåu hoïc taïi Quaän Taân Bình thaønh phoá HCM, xin Thaày/ Coâ vui loøng cho chuùng toâi bieát yù kieán rieâng cuûa mình veà caùc vaán ñeà döôùi ñaây baèng caùch ñaùnh daáu ( X ) vaøo oâ traû lôøi hoaëc vieát theâm vaøo choã troáng theo höôùng daãn noäi dung thích hôïp. YÙ kieán traû lôøi cuûa Thaày/ Coâ chæ ñöôïc duøng cho muïc ñích nghieân cöùu chöù khoâng nhaèm muïc ñích naøo khaùc .Taát caû nhöõng caâu traû lôøi cuûa Thaày/ Coâ ñeàu laø nhöõng thoâng tin quyù giaù vaø coù yù nghóa cho söï thaønh coâng cuûa nghieân cöùu naøy. Xin chaân thaønh caùm ôn veà söï coääng taùc, giuùp ñôõ cuûa quyù Thaày/ Coâ ! Xin Thaày Coâ vui loøng cho bieát moät soá chi tieát : VỀ CÁ NHÂN : - Giôùi tính :  Nam  Nöõ - Ñôn vò tröôøng : ................................................................................................................. - Ñoä tuoåi : 20 - 30  31- 40  Treân 40  1. Trình độ nghiệp vụ chuyên môn: THSP  CĐSP  ĐHSP  Cao học  2. Trình độ lý luận chính trị: Sơ cấp  Trung cấp  Cao cấp  Cử nhân  3. Trình độ ngoại ngữ, tin học: Ngoại ngữ: Trình độ A  Trình độ B  Trình độ C  Cao đẳng  Cử nhân  Tin học: Trình độ A  Trình độ B  Trình độ C  Cao đẳng  Cử nhân  4. Trình độ nghiệp vụ quản lý Bồi dưỡng ngắn hạn  Đào tạo theo chuẩn  Cử nhân  5. Soá naêm daïy ôû tieåu hoïc Döôùi 10 naêm  Töø 10 – 20 naêm  Töø 20 – 30 naêm  Treân 30 naêm  6. Soá naêm laøm coâng taùc quaûn lí tieåu hoïc Döôùi 5 naêm  Töø 6 – 10 naêm  Töø 11 – 20 naêm  Treân 20 naêm  VEÀ CÔ SÔÛ TRƯỜNG : Loại trường : có bán trú  không có bán trú  1 Soá lôùp : ............................... Toång soá giaùo vieân ........................ Trong ñoù Soá GV ñaõ ñaït chuaån trình ñoä ñaøo taïo : Trung hoïc Sö phaïm : .................. Cao ñaúng SP : ........................ Đaïi Hoïc SP ............................ Treân ñaïi hoïc : ........................ Caâu 1 : Theo Thaày/ coâ, vai troø cuûa coâng taùc ñaøo taïo ñoái vôùi ngöôøi giaùo vieân tieåu hoïc laø : º 1. Raát quan troïng º 2. Khaù quan troïng º 3. Quan troïng. º 4. Ít quan troïng º 5. Khoâng quan troïng Caâu 2 : Trong 3 naêm qua, trường của thaày/ coâ coù giaùo vieân tham gia hoïc naâng cao trình ñoä ñaøo taïo khoâng : Coù  (neáu coù chuyeån caâu 3 ) Khoâng  Neáu khoâng, xin cho bieát lí do : - Vì ñaõ ñaït chuaån trình ñoä  - Vì ñaõ lôùn tuoåi  - Lí do khaùc .................................................................. Caâu 3 : Ñaõ hoïc chuyeân ngaønh gì :  Cao ñaúng / Cöû nhaân tieåu hoïc  Ngoaïi ngöõ  Chính trò  Tin hoïc  Khaùc ............................................................................................................................. Caâu 4 : Giaùo vieân tham gia hoïc naâng cao trình ñoä ñaøo taïo baèng caùch naøo :  Töï lieân heä cô sôû ñaøo taïo  Ñöôïc cöû ñi hoïc Caâu 5 : Theo hình thöùc hoïc taäp naøo :  Hoïc moät soá ngaøy trong tuaàn/ thaùng  Hoïc taäp trung theo ñôït  Hoïc ngoaøi giôø Caâu 6 : Giaùo vieân coù ñöôïc cô quan hoã trôï cho vieäc tham gia ñaøo taïo khoâng : Coù  Khoâng  Hỗ trợ một phần  Hình thöùc hoã trôï :  Hoã trôï kinh phí hoïc  Hoã trôï saùch vôû- taøi lieäu  Hoã trôï khaùc ( cuï theå )........................................................................................ Caâu 7 : Taïi tröôøng cuûa thaày coâ, coâng taùc cöû tuyeån ngöôøi ñi hoïc naâng cao trình ñoä ñaøo taïo phuø hôïp ñöôïc : ..................................... % 2 Caâu 8 : Theo Thaày/ coâ, vieäc naâng cao trình ñoä ñaøo taïo mang lôïi ích gì cho ngöôøi giaùo vieân (haõy ñaùnh daáu vaøo caùc oâ töông öùng töø 1 ñeán 5 ) Neáu  Hoaøn toaøn ñoàng yù choïn soá 1  Ñoàng yù choïn soá 2  Khoâng ñoàng yù choïn soá 3  Hoaøn toaøn khoâng ñoàng yù choïn soá 4  Löôõng löï choïn soá 5 1 2 3 4 5 Thay ñoåi, tieán boä veà naêng löïc chuyeân moân, nghieäp vuï. Thay ñoåi, tieán boä veà naêng löïc xaây döïng keá hoaïch giaùo duïc Naâng cao khaû naêng ñaùp öùng vôùi yeâu caàu ñoåi môùi giaûng daïy. Cô hoäi chuyeån ñoåi coâng taùc khaùc. Cô hoäi thaêng tieán trong ngheà nghieäp. Môû roäng tri thöùc cho baûn thaân. Taêng cöôøng kó naêng hoïc taäp suoát ñôøi Giaûng daïy ñaït hieäu quaû cao. Giaûng daïy phuø hôïp muïc tieâu cuûa caáp hoïc, ngaønh hoïc. Caâu 9 : Vôùi chaát löôïng ñaøo taïo chuaån hoùa ngheà nghieäp hieän nay, coù phuø hôïp vôùi yeâu caàu daïy ñeàu , daïy ñuû caùc moân cuûa ngöôøi giaùo vieân tieåu hoïc ? Coù  Khoâng  Ñaùp öùng moät phaàn  Neáu ñaùp öùng moät phaàn hoaëc khoâng ñaùp öùng , xin cho bieát cuï theå coøn haïn cheá ôû moân naøo :  Moân töï nhieân ( toaùn )  Moân xaõ hoäi ( Tieáng vieät, Ñaïo ñöùc, Khoa söû ñòa )  Moân ngheä thuaät ( Nhaïc, Hoïa, kó thuaät )  Moân giaùo duïc theå chaát Caâu 10 : Vôùi keát quaû thöïc teá hieän nay, ngöôøi giaùo vieân tieåu hoïc ñaõ hoaøn thaønh nhieäm vuï phaùt trieån tö duy vaø nhaân caùch cuûa hoïc sinh ?ù  Hoaøn thaønh toát  Hoaøn thaønh  Chöa hoaøn thaønh Caâu 11 : Hãy đánh dấu những mục thể hiện chính xác nhất về hiệu quả của chương trình đào tạo GV tiểu học hiện hành dựa vào năng lực của giáo viên đang giảng dạy tại trường quý thaày coâ Neáu  Hoaøn toaøn ñoàng yù choïn soá 1  Ñoàng yù choïn soá 2  Khoâng ñoàng yù choïn soá 3  Hoaøn toaøn khoâng ñoàng yù choïn soá 4  Không biết choïn soá 5 3 STT Nội dung nhận xét 1 2 3 4 5 1 Khối lượng kiến thức môn chung, các môn cơ sở và chuyên ngành là hợp lý 2 Kiến thức cơ sở và chuyên ngành được trang bị đáp ứng yêu cầu đổi mới của phổ thông 3 Kiến thức được cập nhật và sát với chương trình phổ thông 4 Kiến thức được trang bị đủ để làm cơ sở cho việc tiếp tục học lên hoặc tự học 5 Kiến thức được trang bị là đủ rộng để phục vụ cho giảng dạy 6 Kiến thức về lý luận dạy học được trang bị là đầy đủ và bổ ích 7 Đã vận dụng được các phương pháp dạy học phù hợp yêu cầu hiện nay 8 GV đã được trang bị các phương pháp dạy học mới 9 GV đã được trang bị đầy đủ các kỹ năng dạy học 10 GV đã biết ứng dụng CNTT, các thiết bị kỹ thuật hiện đại trong dạy học 11 GV đã có khả năng hướng dẫn thực hành cho HS 12 GV đã trang bị đủ các kiến thức và kỹ năng làm công tác chủ nhiệm lớp 13 GV đã biết tổ chức một giờ sinh hoạt lớp 14 GV đã biết tổ chức các hoạt động ngoài giờ 15 GV đã biết điều hành công tác Đoàn, Đội trong trường học 16 GV đã biết giáo dục học sinh cá biệt 17 GV đã có khả năng quản lý từ cấp Tổ chuyên môn trở lên 18 GV đã có khả năng tổ chức, chỉ đạo các hoạt động trong giờ học Caâu 11 : Theo Thaày/ Coâ, kieán thöùc naøo hieän ñang laø haïn cheá cô baûn cuûa ngöôøi GV tieåu hoïc hieän nay (haõy ñaùnh daáu vaøo caùc oâ töông öùng töø 1 ñeán 5 ) Neáu  Hoaøn toaøn ñoàng yù choïn soá 1  Ñoàng yù choïn soá 2  Khoâng ñoàng yù choïn soá 3  Hoaøn toaøn khoâng ñoàng yù choïn soá 4  Löôõng löï choïn soá 5 1 2 3 4 5 - Kieán thöùc khoa hoïc cô baûn coù lieân quan ñeán caùc moân hoïc trong chöông trình tieåu hoïc - Kieán thöùc veà nghieäp vuï Sö phaïm tieåu hoïc - Kieán thöùc veà nhöõng chuû tröông chính saùch lôùn cuûa Ñaûng, Nhaø nöôùc ñoái vôùi kinh teá, xaõ hoäi - Kieán thöùc phoå thoâng veà quaûn lí haønh chính nhaø nöôùc - Kieán thöùc phoå thoâng veà moâi tröôøng . - Kieán thöùc phoå thoâng veà chaêm soùc SK treû, y teá hoïc ñöôøng. 4 - Kieán thöùc phoå thoâng veà daân soá, quyeàn treû em. - Kieán thöùc phoå thoâng veà an ninh quoác phoøng, an toaøn giao thoâng - Kieán thöùc veà tình hình kinh teá, chính trò xaõ hoäi taïi ñòa phöông mình ñang daïy hoïc. - Kieán thöùc veà taâm sinh lí treû, veà giaùo duïc giôùi tính Caâu 12 : Theo Thaày/ Coâ, kó naêng naøo hieän ñang laø haïn cheá cô baûn cuûa ngöôøi GV tieåu hoïc hieän nay (haõy ñaùnh daáu vaøo caùc oâ töông öùng töø 1 ñeán 5 ) Neáu  Hoaøn toaøn ñoàng yù choïn soá 1  Ñoàng yù choïn soá 2  Khoâng ñoàng yù choïn soá 3  Hoaøn toaøn khoâng ñoàng yù choïn soá 4  Löôõng löï choïn soá 5 1 2 3 4 5 - Kó naêng laäp keá hoaïch baøi hoïc, - Kó naêng kieåm tra ñaùnh giaù ñuùng trình ñoä HS. - Kó naêng khuyeán khích HS töï hoïc. - Kó naêng toå chöùc linh hoaït giôø leân lôùp - Kó naêng ñaûm baûo caùc muïc tieâu cuûa baøi hoïc vôùi chaát löôïng khaù cao - Kó naêng laøm coâng taùc chuû nhieäm lôùp, - Kó naêng toå chöùc caùc hoaït ñoäng giaùo duïc theo quy ñònh - Kó naêng reøn luyeän hôïp lí cho töøng HS - Kó naêng giao tieáp, öùng xöû phuø hôïp vôùi HS - Kó naêng giao tieáp, öùng xöû phuø hôïp vôùi phuï huynh - Kó naêng giao tieáp, öùng xöû phuø hôïp ñoàng nghieäp - Kó naêng laäp hoà sô, löu giöõ vaø söû duïng hoà sô giaûng daïy - Kó naêng laäp hoà sô, löu giöõ vaø söû duïng hoà sô giaùo duïc HS - Kó naêng tìm kieám thoâng tin khoa hoïc kó thuaät - Kó naêng khai thaùc vaø giaûng daïy baèng phöông tieän coâng ngheä thoâng tin Caâu 13 : Theo yù kieán cuûa Thaày/ Coâ, hoaït ñoäng naøo cuûa ngöôøi giaùo vieân trong nhaø tröôøng tieåu hoïc hieän ñang coù nhu caàu ñöôïc ñaøo taïo boå sung naêng löïc chuyeân moân :  Coâng taùc Chuû nhieäm lôùp  Coâng taùc Ñoäi  Coâng taùc phuï ñaïo hoïc sinh yeáu keùm  Coâng taùc toå chöùc caùc sinh hoaït ngoaïi khoùa Caâu 14 : Theo Thaày/ Coâ, hieän nay taïi caùc tröôøng tieåu hoïc ñang giaûng daïy moân Ngoaïi ngöõ töï choïn vaø taêng cöôøng, coù giaùo vieân daïy moân ngoaïi ngöõ ñaõ qua ñaøo taïo nghieäp vuï Sö phaïm tieåu hoïc khoâng Coù Khoâng 1. Tieáng Anh 2. Tieáng Phaùp 5 Caâu 15 : Theo Thaày/ Coâ, neáu ñöôïc phaân coâng phuï traùch moät trong nhöõng moân naêng khieáu nhö nhaïc, hoïa, theå duïc thì giaùo vieân tröôøng cuûa Thaày/ Coâ coù theå daïy ñuû, daïy ñeàu nhö caùc moân hoïc khaùc khoâng ? Coù  Khoâng  Neáu khoâng, xin thaày coâ cho bieát nhöõng trôû ngaïi cuï theå trong khi giaûng daïy nhöõng moân naøy ( coù theå choïn hôn 1 löïa choïn ):  Do giaùo vieân khoâng ñöôïc ñaøo taïo chuyeân saâu veà nhöõng moân hoïc naøy  Do giaùo vieân khoâng coù naêng khieáu veà nhöõng moân hoïc naøy  Do giaùo vieân gaëp khoù khaên khi chuaån bò taøi lieäu, söû duïng giaùo cuï khi daïy nhöõng moân hoïc naøy  Do giaùo vieân khoâng thích daïy nhöõng moân hoïc naøy  Lí do khaùc .................................................................................................................... .................................................................................................................... Neáu coù , soá giaùo vieân ñaùp öùng yeâu caàu daïy ñuû, daïy ñeàu vaøo khoaûng :...........................% Caâu 16 : Soá löôïng hoïc sinh gioûi ôû lôùp coù GV ñaõ naâng cao trình ñoä ñaøo taïo coù gia taêng hôn tröôùc khi hoï ñi hoïc ? Coù  Khoâng  Neáu coù , soá löôïng hoïc sinh gioûi gia taêng vaøo khoaûng :....................................................% Caâu 17 : Theo Thaày/ Coâ, soá löôïng giaùo vieân tieåu hoïc ñaõ naâng chuaån ñaøo taïo vaø keát quaû xeáp loaïi tay ngheà giaùo vieân haøng naêm coù tæ leä phaùt trieån :  Raát caân ñoái  Khaù caân ñoái giöõa giaùo vieân ñaõ naâng chuaån ñaøo taïo vaø GV coù tay ngheà gioûi  Chöa caân ñoái, GV coù tay ngheà gioûi coù phaùt trieån nhöng khoâng ñaùng keå so vôùi tæ leä giaùo vieân ñaõ naâng chuaån ñaøo taïo  Khoâng caân ñoái, tæ leä tay ngheà gioûi quaù thaáp so vôùi tæ leä giaùo vieân ñaõ naâng chuaån ñaøo taïo  YÙ kieán khaùc ....................................................................................................... Caâu 18 : Theo Thaày/ Coâ, nhöõng naêng löïc ngheà nghieäp maø giaùo vieân mong muoán ñöôïc caûi thieän ñeå keát quaû giaûng daïy toát hôn ( haõy ñaùnh daáu vaøo caùc oâ töông öùng töø 1 ñeán 5 ) Neáu  Hoaøn toaøn ñoàng yù choïn soá 1  Ñoàng yù choïn soá 2  Khoâng ñoàng yù choïn soá 3  Hoaøn toaøn khoâng ñoàng yù choïn soá 4  Löôõng löï choïn soá 5 1 2 3 4 5 - Naêng löïc tìm hieåu ñoái töôïng giaùo duïc - Naêng löïc tìm hieåu moâi tröôøng giaùo duïc - Naêng löïc thöïc hieän keá hoaïch giaùo duïc - Naêng löïc kieåm tra, ñaùnh giaù keát quaû giaùo duïc 6 - Naêng löïc giaûi quyeát nhöõng vaán ñeà naûy sinh trong thöïc tieãn giaùo duïc - Naêng löïc hoaït ñoäng xaõ hoäi - Naêng löïc phaùt trieån ngheà nghieäp Caâu 19 : Möùc ñoä aûnh höôûng cuûa caùc yeáu toá sau ñeán keát quaû ñaøo taïo naâng chuaån giaùo vieân , xin vui loøng ñaùnh daáu vaøo caùc oâ töông öùng töø 1 ñeán 5 . Neáu  Raát nhieàu choïn soá 1  Nhieàu choïn soá 2  Trung bình choïn soá 3  Ít choïn soá 4  Raát ít choïn soá 5 1 2 3 4 5 - Thôøi gian toå chöùc khoùa ñaøo taïo - Noäi dung chöông trình ñaøo taïo - Phöông phaùp giaûng daïy vaø kó naêng truyeàn ñaït cuûa giaûng vieân - Phöông phaùp hoïc taäp cuûa hoïc vieân - Hình thöùc kieåm tra vaø ñaùnh giaù keát quaû hoïc taäp - Ñieàu kieän vaø moâi tröôøng hoïc taäp - Thôøi löôïng ñaøo taïo - Cô cheá tuyeån duïng vaø chính saùch öu ñaõi Caâu 20 : Theo Thaày/ Coâ, nhöõng yeáu toá caàn caûi tieán cuûa coâng taùc ñaøo taïo chuaån hoùa giaùo vieân taïi ñòa phöông (haõy ñaùnh daáu vaøo caùc oâ töông öùng töø 1 ñeán 5 ) Neáu  Hoaøn toaøn ñoàng yù choïn soá 1  Ñoàng yù choïn soá 2  Khoâng ñoàng yù choïn soá 3  Hoaøn toaøn khoâng ñoàng yù choïn soá 4  Löôõng löï choïn soá 5 1 2 3 4 5 - Muïc tieâu ñaøo taïo - Phöông phaùp ñaøo taïo - Taøi lieäu hoïc taäp - Phöông tieän hoïc taäp - Noäi dung hoïc taäp - Hình thöùc hoïc taäp - Thôøi gian hoïc taäp - Hoïc phí 7 Caâu 21 : YÙù kieán cuûa Thaày/ Coâ veà nhöõng bieän phaùp quaûn lí coâng taùc ñaøo taïo giaùo vieân tieåu hoïc taïi caáp Phoøng giaùo duïc Tính caàn thieát Tính khaû thi Raát caàn thieát Caàn thieát Khoâng C thieát Raát khaû thi Khaû thi Khoâng K. thi - Cải tiến cô cheá quaûn lí, thöïc hieän caùc cheá ñoä chính saùch phuø hôïp khuyeán khích ngöôøi hoïc - Xây dựng. kế hoạch đào tạo theo nhu cầu người học - Taêng cöôøng caùc ñieàu kieän CSVC phuø hôïp coâng taùc giaûng daïy cuûa giaûng vieân vaø hoïc vieân - Ñoåi môùi hình thöùc , noäi dung ñaøo taïo - Taêng cöôøng cung cấp giaùo trình ñaøo taïo vaø taøi lieäu tham khaûo cho hoïc vieân. - Thieát laäp chế độ đánh giá, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch ñaøo taïo . - Phaùt huy yÙ thöùc töï hoïc cuûa hoïc vieân. - Xây dựng nguồn tài chính đầu tư cho công tác ñaøo taïo - Phát triển năng lực đội ngũ CBQL, giáo viên - YÙ kieán khaùc : Caâu 22 : YÙù kieán cuûa Thaày/ Coâ veà vieäc trong quaù trình GV vöøa hoïc vöøa laøm, coù söï tham gia kieåm tra thöïc teá tay ngheà cuûa Tröôøng Sö Phaïm º 1. Caàn thieát º 2. Raát caàn thieát º 3. Khoâng caàn thieát º 4. Hoaøn toaøn khoâng caàn thieát º 5. YÙ kieán khaùc ....................................................................................................... Caâu 23 : Xin Thaày/ Coâ vui loøng cho bieát neáu coù chöông trình ñaøo taïo giaùo vieân tieåu hoïc ñeå giaûng daïy theo boä moân thì ñòa phöông coù uûng hoä khoâng : º 1. Raát uûng hoä º 2. Khoâng uûng hoä º 3. Chöa nghieân cöùu. Caâu 24 : YÙù kieán ñeà xuaát cuûa Thaày/ Coâ nhaèm naâng cao chaát löôïng coâng taùc ñaøo taïo giaùo vieân tieåu hoïc : ..................................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... ..................................................................................................................................................... Xin chaân thaønh caùm ôn söï coäng taùc cuaû quyù Thaày/ Coâ 8 ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLA7467.pdf
Tài liệu liên quan