Tài liệu Thực tiễn ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hoá tại Công ty cổ phần Thăng Long: ... Ebook Thực tiễn ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hoá tại Công ty cổ phần Thăng Long
56 trang |
Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 2233 | Lượt tải: 5
Tóm tắt tài liệu Thực tiễn ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hoá tại Công ty cổ phần Thăng Long, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Lời nói đầu
Từ trước tới nay , hoạt động thương mại luôn giữ vai trò quan trọng và là nền tảng cho sự phát triển của mọi quốc gia . Vì vậy , tất cả các nước trên thế giới đều nỗ lực nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại trong và ngoài nước . Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó , điều đó đã được thể hiện rõ trong quá trình xúc tiến gia nhập tổ chức thương mại quốc tế WTO trong năm 2006
Bản chất của hoạt động thương mại chính là việc giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa . Vì vậy , hoạt động thương mại của một cá nhân , tổ chức hay tổng thể của cả một quốc gia chỉ có thể phát triển khi quốc gia đó có một hành lang pháp lý , các quy định pháp luật điều chỉnh về hợp đồng mua bán hàng hóa . Kể từ khi gia nhập WTO , tầm quan trọng của hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động kinh tế nói chung và hoạt động mua bán hàng hóa nói riêng đối với nước ta càng được thể hiện rõ ràng . Với mục đích tạo một hành lang pháp lý chuẩn mực cũng như dưới sức ép của việc chấp nhận những luật lệ chung trên thế giới , hệ thống pháp luật của nước ta đã có những thay đổi căn bản như việc ban hành Bộ luật dân sự 2005 và Luật Thương Mại 2005
Với sự ra đời của các đạo luật nêu trên , quy định về pháp luật hợp đồng hiện nay đã khá đầy đủ và có hệ thống . Tuy nhiên việc áp dụng các quy định của pháp luật trong việc kí kết và thực hiện hợp đồng vẫn đang có nhiều vấn đề cần xem xét . Đề tài “THỰC TIỄN KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN THĂNG LONG” dưới đây trình bày một cách khái quát về tình hình áp dụng pháp luật trong việc thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa ở Công ty cổ phần Thăng long –công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thực phẩm đồ uống tại Hà Nội .
Bài viết này bao gồm ba phần chính:
Chương I: Chế độ pháp lý về hợp đồng mua bán hàng hóa tại Việt Nam
Chương II Thực tiễn và việc áp dụng pháp luật trong giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa tại công ty CP Thăng long
Chương III: Một số ý kiến nhằm nâng cao hiệu quả của hợp đồng mua bán trong kinh doanh của doanh nghiệp
Trong thời gian thực tập tại công ty , em đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ phía cán bộ và nhân viên của công ty . Em xin gửi lời cảm ơn chân thành đến Ban giám đốc cùng toàn thể cán bộ , công nhân viên công ty đã giúp em có được một khoá thực tập thật bổ ích . Về mặt kiến thức chuyên ngành , em xin bày tỏ sự biết ơn sâu sắc tới thầy Trần Văn Nam và thầy Nguyễn Vũ Hoàng , sự tận tình giúp đỡ của hai thầy đã giúp em rất nhiều trong quá trình hoàn thành chuyên đề .
Em xin chân thành cảm ơn!
CHƯƠNG 1: CHẾ ĐỘ PHÁP LÝ VỀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA TẠI VIỆT NAM
1.1 KHÁI QUÁT CHUNG VỀ HỢP ĐỒNG
1.1.1 Khái niệm về hợp đồng mua bán hàng hóa
Quy định chung về hàng hóa: Hàng hóa theo nghĩa rộng được hiểu là sản phẩm lao động của con người , được tạo ra nhằm mục đích trao đổi để thỏa mãn những nhu cầu mang tính xã hội . Nhu cầu của con người phong phú và biến thiên liên tục vì vậy hàng hóa cũng luôn phát triển phong phú và đa dạng . Luật thương mại 2005 quy định , hàng hóa bao gồm:
+ Tất cả các loại động sản , kể cả động sản hình thành trong tương lai
+ Những vật gắn liền với đất đai .
Mua bán hàng hoá : là hoạt động thương mại , theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng , chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán , nhận hàng và quyền sở hữu hàng hoá theo thỏa thuận Khoản 8 điều 3 Luật Thương mại 2005
Hợp đồng mua bán hàng hóa Điều 428 BLDS 2005
: “Hợp đồng mua bán tài sản là sự thoả thuận giữa các bên , theo đó bên bán có nghĩa vụ giao tài sản cho bên mua và nhận tiền , còn bên mua có nghĩa vụ nhận tài sản và trả tiền cho bên bán” .
1.1.2 Ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa
1.1.2.1 Nguyên tắc ký kết
Bất kì một loại hợp đồng nói chung nào cũng cần tuân thủ những nguyên tắc nhất định . Đây chính là căn cứ pháp lý để hợp đồng có hiệu lực trước pháp luật:
Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật: Thương nhân thuộc mọi thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật trong hoạt động thương mại . Trong quá trình xác lập quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa , các bên tham gia đều bình đẳng , không được lấy bất cứ một lý do nào về sự khác biệt để đối xử không bình đẳng . Các chủ thể bình đẳng về năng lực pháp luật , bình đẳng giữa các hình thức sở hữu . Sự bình đẳng được thể hiện ở các khía cạnh
+ Sự bình đẳng trong việc tham gia vào quan hệ hợp đồng , không phụ thuộc vào giới tính , các địa vị xã hội khác
+ Sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ khi xác lập hợp đồng .
+ Sự bình đẳng về trách nhiệm dân sự nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện , thực hiện không đúng nghĩa vụ đều phải chịu trách nhiệm tài sản đối với bên có quyền .
Nguyên tắc tự do , tự nguyện thỏa thuận: Các bên tham gia có quyền tự do thỏa thuận không trái với các quy định của pháp luật , thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội để xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại; các bên hoàn toàn tự nguyện , không bên nào được thực hiện hành vi áp đặt , cưỡng ép , đe dọa , ngăn cản bên nào . Mọi cam kết , thỏa thuận không có sự tự nguyện của các bên có thể bị coi là vô hiệu .
1.1.2.2 Chủ thể giao kết hợp đồng
Chủ thể trong hợp đồng mua bán hàng hoá có thể được cấu thành bởi thương nhân với thương nhân hoặc thương nhân với một bên không phải là thương nhân . Trong luật cũng qui định rõ , thương nhân có thể là cá nhân hoặc pháp nhân có tiến hành hoạt động thương mại độc lập , thường xuyên và có đăng kí kinh doanh . Thương nhân khi là chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hoá phải phù hợp với phạm vi và lĩnh vực của họ trong đăng kí kinh doanh . Chủ thể khác không phải là thương nhân khi kí một hợp đồng với một thương nhân khác mà bản thân họ không nhằm mục đích sinh lời thì họ có thể là chủ thể của hợp đồng mua bán hàng hoá trong hoạt động thương mại nếu bên không phải là thương nhân lựa chọn luật thương mại để áp dụng khi giao kết hợp đồng
1.1.2.3 Hình thức hợp đồng
Theo quy định tại Điều 401 Bộ luật Dân sự 2005 : Hợp đồng mua bán hàng hóa được thể hiện bằng lời nói , bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể . Hình thức của hợp đồng là do các bên giao kết hợp đồng lựa chọn trừ trường hợp pháp luật có quy định hình thức bắt buộc , thủ tục nhất định . Song không phải bất cứ chủ thể nào được phép kinh doanh những mặt hàng nhất định . Căn cứ vào mức độ ảnh hưởng đến kinh tế , xã hội của một số loại hàng hoá , pháp luật quy định , chỉ có một số thương nhân được kinh doanh một số mặt hàng nhất định
1.1.2.4 Thủ tục ký kết hợp đồng
* Đề nghị giao kết hợp đồng:
Khái niệm: Ðề nghị giao kết hợp đồng là sự bày tỏ ý chí của một người về việc mong muốn giao kết hợp đồng với một người khác trên một đối tượng và trong những điều kiện đã được người đề nghị xác định rõ . Ðề nghị được gửi đến một người đối tác xác định cụ thể .
Hình thức đề nghị: Luật Việt Nam hiện hành chưa có quy định riêng về hình thức đề nghị . Vì vậy , việc đề nghị tuân thủ các quy định chung về hình thức giao dịch: đề nghị có thể được thể hiện bằng lời nói , bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể . Ngay cả trong trường hợp hợp đồng phải được giao kết theo một hình thức nhất định , thì đề nghị giao kết cũng có thể được ghi nhận dưới hình thức khác
Tính chất của đề nghị giao kết hợp đồng: Ðề nghị giao kết hợp đồng sẽ trở thành hợp đồng một khi người được đề nghị chấp nhận giao kết theo các điều kiện được đưa ra trong đề nghị đó . Bởi vậy:
+ Ðề nghị giao kết hợp đồng phải chắc chắn , hợp đồng sẽ phải được người đề nghị giao kết nếu lời đề nghị được chấp nhận .
+ Ðề nghị giao kết hợp đồng phải rõ ràng và đầy đủ
Hiệu lực của đề nghị giao kết trong thời gian chưa có sự chấp nhận đề nghị: Khi nào đề nghị giao kết hợp đồng chưa được chấp nhận , thì hợp đồng chưa được giao kết. Tuy nhiên , theo Bộ luật dân sự 2005 - Ðiều 390 , khi một bên đề nghị giao kết hợp đồng có nêu rõ nội dung chủ yếu của hợp đồng và thời hạn trả lời , thì không được mời người thứ ba giao kết trong thời hạn chờ trả lời và phải chịu trách nhiệm về lời đề nghị của mình .
Trường hợp người được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng , nhưng có nêu điều kiện hoặc sửa đổi đề nghị , thì coi như người này đã đưa ra đề nghị mới Bộ luật dân sự 2005 Ðiều 395
. Ðiều đó có nghĩa rằng đề nghị được đưa ra trước không còn hiệu lực .
* Chấp nhận đề nghị
Khái niệm: Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị đối với bên đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị .
Sự im lặng: Sự im lặng cũng được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng ,khi hết thời hạn trả lời mà bên nhận đề nghị vẫn im lặng ,nếu có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp thuận Bộ luật dân sự 2005 Ðiều 404 khoản 2
. Cần lưu ý câu chữ của luật: nếu có thỏa thuận . . Một người gửi một đề nghị cho người khác và ghi rõ trong đề nghị rằng nếu người nhận đề nghị im lặng , thì hết thời hạn trả lời , người này coi như chấp nhận giao kết hợp đồng . Ðiều kiện đó hoàn toàn vô nghĩa nếu người nhận được đề nghị , trong thời hạn trả lời , không xác nhận với người đề nghị về việc chấp nhận điều kiện . Một người nhận được một đề nghị có ghi rõ thời hạn trả lời và báo cho người đề nghị biết rằng nếu hết thời hạn đó mà người nhận đề nghị vẫn im lặng , thì coi như người này chấp nhận đề nghị : trong trường hợp này , sự im lặng trở thành hình thức diễn đạt sự chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng , theo sự thỏa thuận giữa hai bên liên quan .
Hệ quả của việc chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng: Việc chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng , cũng như việc đề nghị , không ràng buộc người bày tỏ ý chí chừng nào ý chí được bày tỏ chưa được thông tin cho người đối tác: người chấp nhận đề nghị có quyền rút lại lời chấp nhận trong trường hợp người đề nghị chưa nhận được lời chấp nhận . Nhưng khác với đề nghị Bộ luật dân sự 2005 Điều 397 khoản 1
chấp nhận đề nghị khi đã được người đề nghị tiếp nhận , sẽ không thể được rút lại hay thay đổi theo ý chí đơn phương của người chấp nhận đề nghị , trừ trường hợp chấp nhận đề nghị được gửi trễ hạn và trở thành một đề nghị mới
1.1.2.5 Nội dung hợp đồng mua bán hàng hóa
Nội dung của hợp đồng mua bán hàng hoá bao gồm các vấn đề sau Điều 402 BLDS 2005
- Tên hàng
- Số lượng
- Quy cách , chất lượng
- Giá cả
- Phương thức thanh toán
- Địa điểm và thời hạn giao hàng
- Quyền và nghĩa vụ của các bên
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng
- Phạt vi phạm hợp đồng
- Các nội dung khác .
Nội dung chủ yếu của hợp đồng là những nội dung mà khi các bên giao kết với nhau đều phải thoả thuận , nếu chưa thoả thuận được thì coi như chưa giao kết hợp đồng . Khi đã thoả thuận được nội dung chủ yếu thì hợp đồng mua bán hàng hoá coi như đã có hiệu lực pháp lý . Nội dung khác các bên có thể thoả thuận ghi vào hợp đồng , khi các bên không ghi vào hợp đồng thì mặc nhiên chấp nhận những quy định chung của pháp luật về vấn đề đó hoặc chấp nhận những tập quán thói quen trong hoạt động thương mại .
Tuy vậy , để hợp đồng mua bán hàng hóa có hiệu lực thì mục đích và nội dung các thỏa thuận trong Hợp đồng không được trái pháp luật và đạo đức xã hội . Ví dụ: hàng hóa mà các bên mua bán không phải là hàng cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam .
1.2 THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA
1.2. 1. Các nguyên tắc thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa
Trong quá trình thực hiện Hợp đông mua bán hàng hóa , các bên phải tuân thủ những nguyên tắc sau:
Thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa trung thực , theo tinh thần hợp tác và có lợi nhất cho các bên , đảm bảo tin cậy lẫn nhau . Các chủ thể tham gia kí kết hợp đồng là tự nguyện ràng buộc vào các nghĩa vụ .Các nghĩa vụ càng phức tạp và mang tính tổng thể thì cách thỏa thuận càng chi tiết nhằm dự liệu việc điều chỉnh các tình huống có thể xảy ra . Tuy nhiên , dù có thỏa thuận chi tiết đến đâu , vào thời điểm ký kết , người soạn thảo hợp đồng cũng không thể lường trước được tất cả những tình huống có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng . Vì vậy , để việc thực hiện hợp đồng diễn ra phù hợp với lợi ích của các bên đối tác , các bên cần có trách nhiệm thông báo cho nhau những thông tin liên quan , hợp tác , thương lượng và hòa giải đồng thời đưa ra các biện pháp thỏa đáng đế giải quyết những vấn đề mới xuất hiện
Thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa đúng đối tượng , chủng loại , chất lượng , số lượng , thời hạn , phương thức giao hàng , hình thức thanh toán và các thỏa thuận khác
Không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước , lợi ích công cộng , quyền và lợi ích hợp pháp của người khác .
1.2.2 Quá trình thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa
1.2.2.1 Nghĩa vụ về giao hàng
Bên bán giao hàng đúng như đã thoả thuận đồng thời phải kèm theo chứng từ có liên quan đến hàng hoá Điều 24 Luật thương mại 2005
.Nếu trong hợp đồng mua bán hàng hoá mà hàng hoá phải qua người vận chuyển thì bên bán phải ký hợp đồng vận chuyển , hợp đồng bảo hiểm rủi ro trên đường vận chuyển . Nếu hợp đồng quy định bên bán không ký hợp đồng bảo hiểm mà bên mua ký thì bên bán phải cung cấp cho bên mua tất cả những thông tin về hàng hoá để họ tự tiến hành ký hợp đồng bảo hiểm .
Khi thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa thì bên bán phải có nghĩa vụ đảm bảo tính hợp pháp của hàng hoá , đảm bảo quyền sở hữu của bên mua đối với hàng hoá , đảm bảo tính hợp pháp của hàng hoá đồng thời phải bảo đảm tính hợp pháp về sở hữu trí tuệ đối với hàng hoá đó , chịu trách nhiệm trong việc bảo hành hàng hoá . Trong nghĩa vụ giao hàng phải đảm bảo tính cụ thể các yếu tố sau:
* Địa điểm giao hàng
Bên bán có nghĩa vụ giao hàng đúng địa điểm đã thoả thuận . Trường hợp không có thoả thuận thì địa điểm giao hàng được xác định như sau:
- Nếu hàng hoá gắn liền với bất động sản thì nơi giao hàng chính là nơi có bất động sản đó .
- Nếu hàng giao qua người vận chuyển thì nơi giao hàng là tại địa điểm bốc xếp , kho giao hàng hoặc nơi sản xuất (của bên bán) mà cả hai bên đều biết .
- Trong các trường hợp khác nơi giao hàng sẽ coi như tại địa điểm kinh doanh của bên bán hoặc nơi cư trú hoặc nơi có trụ sở của bên bán .
- Việc giao hàng có thể được tiến hành tại cửa hàng , tại nơi sản xuất , tại trụ sở của người bán , tại trụ sở của người mua hay một địa điểm bất kỳ nào mà các bên thỏa thuận .
- Trường hợp trong hợp đồng có quy định về vận chuyển hàng hoá thì bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho người vận chuyển đầu tiên
- Trường hợp trong hợp đồng không có quy định về vận chuyển hàng hoá , nếu vào thời điểm giao kết hợp đồng , các bên biết được địa điểm kho chứa hàng , địa điểm xếp hàng hoặc nơi sản xuất , chế tạo hàng hoá thì bên bán phải giao hàng tại địa điểm đó .
-Trong các trường hợp khác , bên bán phải giao hàng tại địa điểm kinh doanh của bên bán , nếu không có địa điểm kinh doanh thì phải giao hàng tại nơi cư trú của bên bán được xác định tại thời điểm giao kết hợp đồng mua bán .” Điều 35 Luật thương mại 2005
* Thời hạn giao hàng
Nếu có thoả thuận về thời điểm thì bên bán phải giao hàng đúng như đã thoả thuận .Trường hợp chỉ thoả thuận thời hạn thì các bên có thể giao hàng vào bất cứ thời điểm nào trong thời hạn đó . Nếu không có thoả thuận gì thì bên bán phải giao hàng trong thời hạn hợp lý (theo quy định , thói quen , tập quán thương mại)
Trong trường hợp nếu người bán hàng giao hàng sau thời hạn thỏa thuận , tùy vào từng loại hàng khác nhau mà hậu quả pháp lý cũng khác nhau . Nếu hàng hóa được dùng cho một thời điểm nhất định ( những sản phẩm mang tính thời vụ như mứt tế , bánh trung thu…) mà sau thời điểm đó trở nên không cần thiết nữa , bên mua có quyền từ chối tiếp nhận hàng hóa giao chậm và yêu cầu bồi thường thiệt hại . Trong những trường hợp khác , bên mua thường gia hạn hợp lý để bên bán có thể thực hiện được nghĩa vụ giao hàng và yêu cầu bên bán đền bù thiệt hại hoặc trả phạt hợp đồng theo quy định liên quan đến trách nhiệm vật chất khi vi phạm hợp đồng .
* Phương thức giao hàng
Tùy theo tính chất , quy mô và các điều kiện cụ thể mà các bên thỏa thuận cụ thể về phương thức giao hàng . Khi đề cập đến phương thức thức giao hàng , các chủ trên hợp đồng cần làm rõ 3 yếu tố cơ bản sau:
- Đối tượng nhận hàng: Hàng có thể được giao trực tiếp cho người mua tại trụ sở , nơi bán hoặc nơi sản xuất của người bán , được giao cho người vận chuyển là chủ phương tiện vận chuyển .
- Phương thức vận chuyển: Hàng được vận chuyển bằng con đường nào : đường bộ , đường sắt , đường biển , đường thủy nội địa , đường hàng không .
- Trách nhiệm chịu cước phí vận chuyển và rủi ro thất thoát hàng hóa hư hỏng : Cần thỏa thuận rõ trách nhiệm thuộc về người mua hay người bán .
Tất cả các yếu tố trên phải được xem xét cụ thể và thống nhất giữa các bên để làm căn cứ thực hiện cũng như tạo ra cơ sở pháp lý trước pháp luật khi xảy ra sự cố
* Chất lượng hàng hóa
Người bán có nghĩa vụ giao hàng hóa cho người mua đảm bảo tất cả các yếu tố về chất lượng đã được thỏa thuận trong hợp hợp đồng . Bao bì sản phẩm là một yếu tố quyết định trực tiếp đến chất lượng sản phẩm , bao bì ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiêu thụ hàng hóa . Nếu không được quy định cụ thể về bao bì sản phẩm , người bán phải có trách nhiệm giao hàng với bao bì bảo đảm an toàn sản phẩm bên trong và phải tính đến khả năng chuyển tải trong điều kiện bốc dỡ vận chuyển thông thường phù hợp với thời gian và phương tiện vận tải
*Thanh toán
Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền mua hàng theo thoả thuận nếu không có thoả thuận gì thì thanh toán khi giao hàng . Giá thanh toán phải do thoả thuận nếu không có thoả thuận nào về giá thì theo chỉ dẫn của nhà nước về giá hoặc được xác định trong điều kiện tương tự về phương thức giao bán , thị trường địa lý , thời điểm giao bán . Địa điểm thanh toán có thể do các bên thoả thuận hoặc nơi kinh doanh , cư trú của bên bán hoặc là nơi giao hàng , chứng từ .
1.2.2.2 Quyền kiểm tra và trách nhiệm thông báo về hàng hóa không phù hợp với hợp đồng của bên mua
Quyền kiểm tra hàng hóa của bên mua: bên mua hoặc đại diện của bên mua có quyền tham dự việc kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi giao hàng nếu các bên có thỏa thuận . bên mua vắng mặt sau khi được thông báo mời dự kiểm tra thì người bán có quyền giao hàng theo thỏa thuận .
Sau khi hàng được vận chuyển đến nơi giao hàng , bên mua có quyền kiểm tra hàng trong một thời hạn hợp lý . Tùy theo đặc tính của từng loại hàng mà thời hạn và cách thức kiểm tra cũng khác nhau Điều 44 Luật thương mại 2005
. Trách nhiệm của bên mua trong việc kiểm tra hàng hóa: bên mua có quyền kiểm tra hàng hóa nhưng việc kiểm tra phải khẩn trương và trong một thời gian hợp lý , trong trường hợp phát hiện thấy hàng hóa không phù hợp với hợp đồng thì kịp thời thông báo cho người bán . Người bán không phải chịu trách nhiệm về những khiếm khuyết của hàng hoá mà bên mua hoặc đại diện của bên mua đã biết hoặc phải biết nhưng không thông báo cho bên bán trong thời hạn hợp lý sau khi kiểm tra hàng hoá .
1.2.2.3 Chuyển rủi ro
Vấn đề chuyển quyền rủi ro được quy định theo pháp luật như sau:
- Được thực hiện theo thoả thuận giữa các bên
- Trường hợp có địa điểm giao hàng xác định thì rủi ro về mất mát hàng hoá sẽ chuyển từ người bán sang người mua tại nơi giao hàng
- Trường hợp không có nơi giao hàng xác định thì nơi giao hàng cho người vận chuyển đầu tiên là nơi chuyển rủi ro hoặc nơi giao hàng cho người nhận hàng dể đưa cho người mua hoặc nếu hai bên mua bán hàng hoá mà lúc đó hàng hoá đang trên đường vận chuyển thì chuyển rủi ro là lúc giao kết hợp đồng .
1.2.2.4 Chuyền quyền sở hữu
Theo Điều 62 Luật thương mại 2005 , chuyển quyền sở hữu đươc quy định như sau:
- Thực hiện theo các quy định cụ thể giữa các chủ thể ký kết trong hợp đồng mua bán hàng hóa
- Ngoài những quy định cụ thể trên , quyền sở hữu được chuyển từ bên bán sang bên mua kể từ thời điểm hàng hóa được chuyển giao .
Về nguyên tắc , địa điểm và thời gian quyền sở hữu hàng hóa được chuyển từ người bán sang người mua do các bên tự do thỏa thuận . Bên bán thường ràng buộc việc chuyển giao quyền sở hữu với điều kiện bên mua đã thanh toán đầy đủ tiền hàng . Trong trường hợp này thời điểm chuyển quyền sở hữu có thể không đồng nhất với thời điểm giao hàng . Chỉ khi các bên không thỏa thuận và pháp luật không quy định thì quy định của điều 62 Luật thương mại 2005 mới được áp dụng . Khi đó thời điểm chuyển quyền sở hữu là thời điểm giao hàng .
1.2.2.5 Quyền ngừng thực hiện nghĩa vụ của người bán , người mua
Nếu có bằng chứng về việc một bên có hành vi lừa dối hoặc không có khả năng thực tế để thực hiện nghĩa vụ , thì bên kia có quyền đình chỉ việc thực hiện nghĩa vụ tương ứng của mình Điều 415 Bộ luật dân sự 2005
.
Điều 51 Luật thương mại quy định cụ thể về quyền ngừng thanh toán tiền mua hàng của bên mua: “Trừ trường hợp có thoả thuận khác , việc ngừng thanh toán tiền mua hàng được quy định như sau:
- Bên mua có bằng chứng về việc bên bán lừa dối thì có quyền tạm ngừng việc thanh toán;
- Bên mua có bằng chứng về việc hàng hóa đang là đối tượng bị tranh chấp thì có quyền tạm ngừng thanh toán cho đến khi việc tranh chấp đã được giải quyết;
- Bên mua có bằng chứng về việc bên bán đã giao hàng không phù hợp với hợp đồng thì có quyền tạm ngừng thanh toán cho đến khi bên bán đã khắc phục sự không phù hợp đó;
- Trường hợp tạm ngừng thanh toán theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này mà bằng chứng do bên mua đưa ra không xác thực , gây thiệt hại cho bên bán thì bên mua phải bồi thường thiệt hại đó và chịu các chế tài khác theo quy định của Luật này .”
1.3 TRÁCH NHIỆM DO VI PHẠM HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA
1.3.1 . Căn cứ xác định trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng
Trách nhiệm pháp lý thường đ ược hiểu là sự áp dụng chế tài cho một chủ thể vi phạm hợp đồng . Trong quan hệ hợp đồng , bên vi phạm nghĩa vụ phải gánh chịu những hậu quả bất lợi mang tính vật chất . Điều kiện để xuất hiện trách nhiệm vật chất là sự vi phạm hợp đồng được hiểu là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng , không đầy đủ nghĩa vụ trách nhiệm . Pháp luật Việt Nam tuân thủ nguyên tắc chỉ chịu trách nhiệm khi có lỗi Điều 312 BLDS 2005
do đó nếu chứng minh mình không có lỗi thì không phải chịu trách nhiệm vật chất . Bên bán phải chịu trách nhiệm về việc hàng không phù hợp với hợp đồng trừ trường hợp chứng minh là mình không có lỗi . Căn cứ để xác định trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng đó là hành vi vi phạm hợp đồng; thiệt hại; mối quan hệ trực tiếp giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại xảy ra; lỗi
1.3.1.1 Có thiệt hại xảy ra
Việc xác định thiệt hại là nhiệm vụ của bên bị vi phạm .Bên bị vi phạm phải có nhiệm vụ xác định xem bên vi phạm đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng , không đầy đủ nội dung hợp đồng như thế nào và phải chứng minh là đã có thiệt hại xảy ra đối với mình .
Thiệt hại xảy ra đối với bên bị vi phạm phải là thiệt hại về tài sản và là thiệt hại có thực , có thể tính toán được . Cụ thể hơn , những thiệt hại có thực tức là những thiệt hại cho bên bị vi phạm được tính toán dựa trên tổn thất , chi phí , thất thu .
1.3.1.2 Mối quan hệ trực tiếp giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại xảy ra Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân tất yếu của thiệt hại và thiệt hại phải là hậu quả tất yếu của hành vi vi phạm hợp đồng . Tức là hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại phải có mối quan hệ nhân quả với nhau
1.3.1.3 Lỗi
Lỗi là trạng thái tâm lý của chủ thể đã thực hiện đối với hành vi bị coi là trái pháp luật cũng như đối với hậu quả của hành vi đó . Lỗi có thể là lỗi vô ý hoặc cố ý . Lỗi trong các quan hệ thương mại cũng giống như lỗi trong các quan hệ pháp luật dân sự là lỗi suy đoán . Khi một bên vi phạm hợp đồng đã kí kết thì pháp luật suy ra bên vi phạm là có lỗi , muốn được coi là không có lỗi , không phải chịu trách nhiệm thì bên vi phạm phải tự chứng minh được là mình không có lỗi .
1.3.2 . Chế tài xử lý chủ thể vi phạm hợp đồng
Tùy theo từng loại nghĩa vụ hợp đồng , các bên có thể thỏa thuận hoặc bên bị vi phạm có thể lựa chọn các loại chế tài sau đây:
1.3.2.1 Buộc thực hiện đúng hợp đồng
Buộc thực hiện đúng hợp đồng là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh .
Trường hợp bên vi phạm giao thiếu hàng hoặc cung ứng dịch vụ không đúng hợp đồng thì phải giao đủ hàng hoặc cung ứng dịch vụ theo đúng thoả thuận trong hợp đồng . Trường hợp bên vi phạm giao hàng hoá , cung ứng dịch vụ kém chất lượng thì phải loại trừ khuyết tật của hàng hoá , thiếu sót của dịch vụ hoặc giao hàng khác thay thế , cung ứng dịch vụ theo đúng hợp đồng . Bên vi phạm không được dùng tiền hoặc hàng khác chủng loại , loại dịch vụ khác để thay thế nếu không được sự chấp thuận của bên bị vi phạm .
Trong trường hợp bên vi phạm không thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này thì bên bị vi phạm có quyền mua hàng , nhận cung ứng dịch vụ của người khác để thay thế theo đúng loại hàng hoá , dịch vụ ghi trong hợp đồng và bên vi phạm phải trả khoản tiền chênh lệch và các chi phí liên quan nếu có; có quyền tự sửa chữa khuyết tật của hàng hoá , thiếu sót của dịch vụ và bên vi phạm phải trả các chi phí thực tế hợp lý . Bên bị vi phạm phải nhận hàng , nhận dịch vụ và thanh toán tiền hàng , thù lao dịch vụ , nếu bên vi phạm đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định .
Trường hợp bên vi phạm là bên mua thì bên bán có quyền yêu cầu bên mua trả tiền , nhận hàng hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác của bên mua được quy định trong hợp đồng
1.3.2.2 . Phạt vi phạm
Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận , trừ các trường hợp miễn trách nhiệm đã được quy định . Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng , nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm .
1.3.2.3 . Bồi thường thiệt hại
Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm . Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế , trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm .
Một điểm khác biệt quan trọng của Luật thương mại 2005 so với Luật thương mại 1997 là mối quan hệm giữa chế tài bồi thường thiệt hại và chế tài phạt vi phạm . Luật thương mại 1997 quy định “Trong trường hợp các bên không có thoả thuận khác thì bên có quyền lợi bị vi phạm được lựa chọn một trong hai chế tài là phạt vi phạm hoặc buộc bồi thường thiệt hại đối với cùng một vi phạm .” Luật thương mại 2005 bổ sung thêm: “1 . Trường hợp các bên không có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại , trừ trường hợp Luật này có quy định khác . 2 . Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại , trừ trường hợp Luật này có quy định khác .” Theo quy định mới , chế tài bồi thường thiệt hại luôn được áp dụng khi có vi phạm hợp đồng còn chế tài phạt vi phạm chỉ áp dụng khi có thỏa thuận phạt vi phạm và mức phạt không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm .
1.3.2.4 . Tạm ngừng thực hiện , đình chỉ thực hiện , hủy hợp đồng
Tạm ngừng thực hiện hợp đồng là việc một bên tạm thời không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng thuộc một trong các trường hợp : xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để tạm ngừng thực hiện hợp đồng; Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng . Khi hợp đồng bị tạm ngừng thực hiện thì hợp đồng vẫn còn hiệu lực và bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật này .
Đình chỉ thực hiện hợp đồng là việc một bên chấm dứt thực hiện nghĩa vụ hợp đồng thuộc một trong các trường hợp: Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng; Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng .
Khi hợp đồng bị đình chỉ thực hiện thì hợp đồng chấm dứt từ thời điểm một bên nhận được thông báo đình chỉ . Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hợp đồng . Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán hoặc thực hiện nghĩa vụ đối ứng . Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật .
1.3.2.5 . Huỷ bỏ hợp đồng
Bao gồm hủy bỏ toàn bộ hợp đồng và hủy bỏ một phần hợp đồng: Hủy bỏ toàn bộ hợp đồng là việc bãi bỏ hoàn toàn việc thực hiện tất cả các nghĩa vụ hợp đồng đối với toàn bộ hợp đồng; Hủy bỏ một phần hợp đồng là việc bãi bỏ thực hiện một phần nghĩa vụ hợp đồng , các phần còn lại trong hợp đồng vẫn còn hiệu lực .
- Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được giao kết hợp đồng
- Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp trách nhiệm bằng văn bản , dự liệu trước các hậu quả có thể xảy ra , tìm biện pháp xử lý hậu quả trên tinh thần hợp tác Điều 295 LTM 2005
- Đối với những quan hệ mua bán hàng hoá có thời hạn cố định về giao hàng , nếu xảy ra trường hợp bất khả kháng các bên đều có quyền từ chối thực hiện hợp đồng và không bên nào có quyền đòi bên kia bồi thường . Nếu việc giao hàng được thoả thuận trong một thời hạn khi các bên không thoả thuận , thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được tính thêm một thời gian bằng thời gian xảy ra trường hợp bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả .
1.4 GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP
Những năm gần đây , tỷ lệ số lượng các vụ án liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hoá luôn ở mức cao nhất trong tổng các vụ án kinh tế đã được thụ lý và giải quyết . Vì vậy , việc hiểu rõ bản chất của hợp đồng mua bán hàng hoá nhằm xác định đúng cấp cơ quan có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp xảy ra trong thực hiện hợp đồng là rất cần thiết .
Tại điều 3 khoản 8 của LTM 2005 quy định : “mua bán hàng hoá là hoạt động thương mại” . Một nguyên tắc giải quyết chung khi xảy ra tranh chấp thương mại là: Ưu tiên hàng đầu cho việc hoà giải giữa các bên , chỉ khi các bên không thương lượng được với nhau do mâu thuẫn về lợi ích thì khi đó các bên mới lựa chọn con đường giải quyết khác theo quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam . Nếu trong hợp đồng mua bán hàng hoá không quy định hình thức bắt buộc phải áp dụng khi có tranh chấp xảy ra trong thực hiện hợp đồng thì các bên có thể lựa chọn con đường giải quyết sau:
1.4.1 Thương lượng trực tiếp giữa các bên
Thương lượng trực tiếp là việc các bên đương sự cùng nhau trao đổi , đấu tranh , nhân nhượng và thỏa thuận giải quyết tranh chấp .
Thương lượng trực tiếp có thể ._.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 30172.doc