Thơ nôm Hồ Xuân Hương nhìn từ góc độ giới tính

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH ___________________ Bùi Thị Thanh Vân THƠ NÔM HỒ XUÂN HƯƠNG NHÌN TỪ GÓC ĐỘ GIỚI TÍNH Chuyên ngành : Văn học Việt Nam Mã số : 60 22 34 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. LÊ THU YẾN Thành phố Hồ Chí Minh – 2009 LỜI CẢM ƠN Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của mình tới PGS – TS Lê Thu Yến, người đã trực tiếp, tận tình hướng dẫn, giúp đỡ tôi trong quá trình nghiên cứu, thực hiện và hoà

pdf107 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 2365 | Lượt tải: 2download
Tóm tắt tài liệu Thơ nôm Hồ Xuân Hương nhìn từ góc độ giới tính, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
n thành luận văn này. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các thầy cô giáo trong tổ Văn học Việt Nam, ban chủ nhiệm khoa Ngữ văn, phòng Quản lí sau đại học – trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tôi học tập và nghiên cứu. Tôi cũng xin được gửi lời cám ơn tự đáy lòng tới Ban giám hiệu trường THPT chuyên Lê Quý Đôn – Thành phố Vũng Tàu – nơi tôi đang công tác, tới gia đình và những người bạn thân thiết đã động viên, giúp đỡ để tôi hoàn thành khóa học. Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 1 năm 2009. Bùi Thị Thanh Vân MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Hồ Xuân Hương – một nữ sĩ tài năng và độc đáo trong lịch sử văn học Việt Nam, từng được thi sĩ Xuân Diệu tôn vinh là “Bà Chúa thơ Nôm”. Thơ của Xuân Hương đã góp phần làm cho đời sống văn học trở nên sôi nổi với hàng trăm bài viết, hàng trăm ý kiến khác nhau về thơ bà. Ý kiến về thơ của bà, đặc biệt là mảng thơ Nôm, dù khen hay chê, tất thảy đều mạnh mẽ, quyết liệt và thậm chí trái ngược nhau như nước với lửa. Thời gian trôi qua, những xúc cảm nóng bỏng và đầy tính nhân bản về những gì bà viết ở người đọc chuyển dần sang sự nghiền ngẫm kĩ lưỡng. Và người đời cũng đã đánh giá tài năng văn chương của Xuân Hương một cách khách quan hơn qua những trang viết thận trọng. Điều đó thật dễ hiểu khi tên tuổi của Hồ Xuân Hương được đặt cạnh thi hào Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… hơn thế nữa, cái tên ấy đã vượt tầm biên giới tổ quốc để sánh vai cùng các thi sĩ đại tài, nổi tiếng trên thế giới khi thơ của bà được chọn dịch và giới thiệu ra nước ngoài. Nữ sĩ họ Hồ có được vị trí đặc biệt ấy trên văn đàn là bởi những tư tưởng, những vấn đề mà bà đã đề cập được soi sáng ở mọi thời điểm và vào lúc nào vấn đề đó cũng mới, cũng lạ, cũng gây hứng thú vô cùng cho người đọc. Những điều đó không nằm ngoài khát vọng của con người về hạnh phúc, về tình yêu… nhằm thỏa mãn mọi nhu cầu “tự nhiên”, rất “bản chất” của con người. Giới tính là một trong những vấn đề luôn “nóng”, dường như trong mọi thời đại, dư luận thường rất quan tâm đến vấn đề này. Giới tính được thể hiện ở nhiều mặt trong các loại hình nghệ thuật, nhưng có lẽ không có loại hình nghệ thuật nào thể hiện được vấn đề giới tính một cách đầy đủ, trọn vẹn, có chiều sâu như trong văn chương; đặc biệt ta bắt gặp trong thơ Hồ Xuân Hương, giới tính là một nội dung được đề cập sắc nét, đồng thời giới tính như một phương tiện nghệ thuật để Hồ Xuân Hương khẳng định quyền được sống đúng với bản năng đích thực của con người. Đó là những lí do thôi thúc chúng tôi lựa chọn Thơ Nôm Hồ Xuân Hương nhìn từ góc độ giới tính làm đề tài nghiên cứu cho luận văn này. 2. Lịch sử vấn đề Hồ Xuân Hương với tài thơ độc đáo đã trở thành một “trung tâm” thu hút biết bao nhiêu thế hệ nhà nghiên cứu và các độc giả yêu quý Xuân Hương cũng như thơ bà vào cuộc kiếm tìm, vì vậy mà thân thế và thi tài của bà liên tục được định giá lại. Nghiên cứu về con người và thơ Hồ Xuân Hương đã như một vấn đề thời sự văn học. Thơ Nôm Hồ Xuân Hương đã được giới nghiên cứu tiếp nhận ở nhiều góc độ như phê bình văn học, tiếp nhận văn học, nhiều khuynh hướng như phân tâm học, văn bản học, xã hội học, văn hóa học… Qua các công trình nghiên cứu về Hồ Xuân Hương, từ trước đến nay, chúng ta nhận thấy, việc đánh giá về thơ Hồ Xuân Hương đã diễn ra rất phức tạp. Riêng việc tiếp cận thơ Nôm Hồ Xuân Hương dưới góc độ giới tính thì chưa thật nhiều, các ý kiến chủ yếu xoay quanh vấn đề dâm, tục trong thơ bà. Trước hết phải kể đến Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu, đầu những năm hai mươi của thế kỉ XX, phê bình “Thơ Hồ Xuân Hương thật tinh quái, những câu thơ hay đọc lên đến ghê người. Người ta thường có câu: “Thi trung hữu hoạ”. Nghĩa là trong thơ có vẽ. Nhưng thơ Hồ Xuân Hương thì lại là: “Thi trung hữu quỷ”. Nghĩa là trong thơ có ma! Song mà nhận ra thời tục” [21, tr.2]. Như thế, Tản Đà đã khẳng định có yếu tố “tục” trong thơ Xuân Hương. Đến Trương Tửu thấy trong thơ Hồ Xuân Hương chỉ có thuần tục và dâm, ngoài ra không có gì khác. Trương Tửu còn gọi Xuân Hương là «thiên tài hiếu dâm ». Trương Tửu cho rằng trong thơ Hồ Xuân Hương có những “khát vọng tiềm thức” và những “ám ảnh”, bệnh thần kinh vì dục tình không được thoả mãn [102, tr.333]. Sau đó, Nguyễn Văn Hanh đã phát triển quan điểm của Trương Tửu dựa trên quan điểm của học thuyết phân tâm học (Freud). Trong tác phẩm Hồ Xuân Hương, tác phẩm, thân thế và văn tài, Nguyễn Văn Hanh viết: “Dục tình ngày càng tăng, càng nén lại càng bồng bột. Ngày qua tháng qua, sức ép tình dục càng tăng vì sự cần kia càng khẩn cấp. Kết quả: Hồ Xuân Hương khủng hoảng tình dục. Khủng hoảng nặng sẽ kết bệnh thần kinh” [30, tr.45]. Nguyễn Văn Hanh đã thông qua thơ ca để tái hiện lại cuộc đời, con người Hồ Xuân Hương, từ đó ông rút ra kết luận là Hồ Xuân Hương bị khủng hoảng tình dục. Nhà nghiên cứu này đã đi sâu, lí giải cội nguồn hiện tượng thơ Hồ Xuân Hương từ bên trong, qua sự uẩn ức tâm lý. Tiếp cận thơ Nôm Hồ Xuân Hương theo hướng này còn có Văn Tân, trong bài Ý nghĩa và giá trị thơ Hồ Xuân Hương trích quyển: Hồ Xuân Hương với các giới phụ nữ, văn học và giáo dục, Văn Tân có đặt vấn đề tục dâm, nhưng khi phân tích, Văn Tân bị lôi cuốn theo cái ám ảnh của vấn đề thiếu thốn cái sinh lí: “Ở Xuân Hương, dâm và tục gặp một khu đất màu mỡ thuận tiện cho sự phát triển: sự khủng hoảng tính dục luôn luôn sôi sục và trầm trọng của con người rất mực đa tình là Xuân Hương. Dâm và tục đã ăn sâu vào ý thức tư tưởng Xuân Hương, chi phối hầu hết thi phẩm của Xuân Hương” [87, tr.109]. Cùng quan niệm trên phải kể đến Lê Hoài Nam viết về phần Hồ Xuân Hương trong cuốn Lịch sử văn học Việt Nam, tập 3, thời kì I (Gs Lê Trí Viễn chủ biên). Với vấn đề tục dâm ông cho rằng muốn nhận định một tác phẩm nghệ thuật dâm hay không dâm, trước hết phải căn cứ vào thái độ, mục đích của tác giả khi sáng tạo ra hình tượng nghệ thuật, phải tìm bắt cho được cái nỗi niềm kín, cái rung động sâu xa mà người nghệ sĩ muốn thổ lộ với người đời. Ông cho rằng những đòi hỏi hạnh phúc ái ân trong thơ Hồ Xuân Hương là chính đáng khi đặt nó trong hoàn cảnh xã hội nhất định, trong những điều kiện nhất định của một cá nhân [130, tr.3 - 4]. Điều đáng chú ý là trong công trình này, ông là một trong những người đầu tiên nhấn mạnh rằng thơ Hồ Xuân Hương thể hiện một khía cạnh đầy cá tính, đó là ý thức về giá trị của mình. Đến năm 1961, Trần Thanh Mại gợi lên trong: “Thử bàn lại vấn đề tục và dâm trong thơ Hồ Xuân Hương” khiến cho văn đàn bàn về thơ Hồ Xuân Hương lại có dịp trở nên sôi động. Từ đó thêm nhiều ý kiến về góc nhìn này trong nội dung thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Tiêu biểu cho các tiếp cận thơ Nôm Hồ Xuân Hương ở khía cạnh giới tính mà dưới tên gọi vấn đề dâm tục là Nguyễn Lộc. Trong bài Lời giới thiệu in trong tập Thơ Nôm Hồ Xuân Hương (1982). Hồ Xuân Hương trong bài viết này của Nguyễn Lộc như là hình tượng đại diện cho toàn thể người phụ nữ bị áp bức trong xã hội phong kiến Việt Nam. Vì vậy, đối với ông, những nội dung trữ tình trong thơ Hồ Xuân Hương cũng phản ánh nội dung tình cảm của những người phụ nữ bị áp bức. Tuy nhiên, Nguyễn Lộc không xem vấn đề nghĩa ngầm, dâm và tục là phương tiện chính đả kích sự dâm đãng. Mặt khác, ông luôn đặt hiện tượng thơ Hồ Xuân Hương trong tiến trình lịch sử văn học, bên cạnh trào lưu nhân văn chủ nghĩa trong văn học thế kỉ XVIII –XIX. Điều này soi sáng được mối liên hệ giữa thơ Hồ Xuân Hương và các sáng tác khác, góp phần cho thấy hiện tượng thơ Hồ Xuân Hương không phải là hiện tượng lạ lẫm, bất thường. Về sau có công trình nghiên cứu thơ Nôm Hồ Xuân Hương theo phương pháp phê bình văn hoá cũng có đề cập đến vấn đề giới tính là Hồ Xuân Hưong – Hoài niệm phồn thực của Đỗ Lai Thuý. Ông vận dụng hai khái niệm chủ chốt của nhân học văn hoá là “biểu tượng phồn thực” – âm vật và dương vật, “vô thức tập thể” để soi chiếu và giải mã hiện tượng thơ Hồ Xuân Hương. Theo ông “tín ngưỡng phồn thực” là cơ sở chính tạo nên hiện tượng thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Ở công trình này, Đỗ Lai Thuý cũng đã lý giải hiện tượng tục dâm trong thơ Hồ Xuân Hương bắt nguồn từ điểm nhìn văn hoá. Ý kiến này giải thích phần nào sức hấp dẫn của thơ Hồ Xuân Hương trong đời sống dân gian. Ngoài ra còn phải kể đến những nghiên cứu về Hồ Xuân Hương ở các trường đại học. Năm 2005, Hoàng Phong Tuấn, học viên Cao học Khóa 13, Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã chọn Các hướng tiếp nhận thơ Nôm truyền tụng Hồ Xuân Hươmg làm đề tài luận văn tốt nghiệp sau đại học cho mình. Trong đề tài này anh đã khái quát dường như tất cả các hướng tiếp cận thơ Nôm Hồ Xuân Hương, bao gồm cả những gì liên quan đến vấn đề giới tính trong thơ bà. Gần đây nhất, đầu năm 2008, tác phẩm Sức hấp dẫn của thơ Nôm Hồ Xuân Hương của PGS – TS Lê Thu Yến đã đem đến cho người tiếp nhận văn học những khám phá mới mẻ về nội dung nghệ thuật của thơ Nôm Hồ Xuân Hương ở một góc nhìn trần thế của con người. Bằng một giọng văn hóm hỉnh và giàu trí tuệ của một người yêu thơ Nôm Hồ Xuân Hương, tác giả của công trình nghiên cứu trên cũng đưa ra vấn đề giới tính là một điểm nhấn để lí giải cho sức hấp dẫn của thơ Nôm Hồ Xuân Hương thu hút bao thế hệ. Đây là một công trình có giá trị đối với những người yêu thơ Hồ Xuân Hương nói riêng và những người yêu văn chương nói chung. Cùng với các bài viết đã được công bố rộng rãi trên sách báo mà những người yêu mến Hồ Xuân Hương biết tới, còn một số lượng khá lớn các bài viết được đưa lên mạng internet rải rác trong khoảng hơn chục năm gần đây. Thế Uyên (trong Tình dục trong ca dao và thơ Hồ Xuân Hương – nguồn Talawas năm 2005) khẳng định “nhà văn nữ mà bàn tới tình dục trong tác phẩm thành văn của mình, tính từ lúc Ngô Quyền lập quốc thế kỷ thứ 10 cho đến thế kỷ 19, vẫn chỉ có nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương” [126]. Tác giả Trịnh Thanh Thủy có bài Sex - dưới mắt nhìn của người viết nữ Việt Nam trên trang Evan cho rằng: “Trong kho tàng văn học Việt Nam thời xưa, người viết nữ đề cập đến tình dục nhiều nhất là nữ sĩ Hồ Xuân Hương” [103]. Trong đọc lại Thiếu nữ ngủ ngày của Xuân Hương của tác giả Mai Văn Hoan đăng trên trang Văn nghệ quân đội cuối tuần ngày 18 – 04 - 2007 có đoạn: “Ở bức tranh "Thiếu nữ ngủ ngày”, Hồ Xuân Hương đã bổ sung thêm hai "điểm nhấn" hết sức quan trọng, càng tôn thêm vẻ đẹp tuyệt mỹ của thân thể người phụ nữ. Vì thiếu nữ "nằm chơi quá giấc nồng" giữa ban ngày ban mặt, lại vô ý để cho chiếc yếm đào "trễ xuống dưới nương long" nên mới lộ ra: đôi gò Bồng Đảo sương còn ngậm/Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông"! Đúng là một vẻ đẹp thần tiên. Chỉ cảnh tiên mới có Bồng Đảo, mới có Đào Nguyên. Gò Bồng Đảo đã đẹp rồi "sương còn ngậm" lại càng đẹp hơn nữa. Lạch Đào Nguyên đã hấp dẫn rồi "suối chửa thông" lại càng hấp dẫn hơn. Tất cả hãy còn trinh nguyên! Chỉ có Hồ Xuân Hương mới bạo dạn đặc tả cái "lạch Đào Nguyên" hết sức ấn tượng và tuyệt vời đến như vậy… nhằm tôn vinh cái đẹp trời cho của người phụ nữ” [39]. Trong cách cảm nhận của Mai Văn Hoan, Hồ Xuân Hương miêu tả Thiếu nữ ngủ ngày như thế không thể coi là tục mà tả như thế chỉ nhằm tôn vinh vẻ đẹp nữ giới. Sẽ là không đầy đủ khi không nhắc đến một số người yêu thơ Hồ Xuân Hương và đã tiếp nhận một cách sáng tạo qua việc họa thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Đó là họa sĩ Bùi Xuân Phái, họa sĩ Chóe, Đặng Quý Khoa, Nghiêm Xuân Quảng… Trong đó, Bùi Xuân Phái và Chóe đã có hẳn những bộ sưu tập về họa thơ Hồ Xuân Hương bằng tranh. Bất cứ ai khi tiếp cận với những bức tranh của hai họa sĩ này đều cảm nhận được sự sinh động của hình ảnh và cái duyên, sự hóm hỉnh của những tâm hồn nghệ sĩ đồng điệu. Những nét vẽ bằng cọ rất có hồn, hơn nữa nó thể hiện “trúng” ý nghĩa của những vần thơ Xuân Hương. Có thể nói chung rằng, các công trình nghiên cứu khoa học trên ít nhiều đã đi sâu vào nghiên cứu tìm hiểu và đưa ra được những lí giải khá sâu sắc, thú vị về một số phương diện cụ thể trong sáng tác của Hồ Xuân Hương. Riêng xét ở góc nhìn giới tính, các bài viết trên đã có đề cập, nhưng chưa có sự đào sâu về góc nhìn này, một số công trình nghiên cứu chỉ xoay quanh vấn đề tục dâm trong thơ bà và ở một số công trình khác lại thiên về chê hoặc khen tài thơ của bà mà chưa gọi tên cụ thể đó là vấn đề giới tính trong thơ Hồ Xuân Hương. Tuy nhiên, để hiểu một cách đầy đủ hơn về thơ Nôm Hồ Xuân Hương và nhằm xác định các đóng góp của Hồ Xuân Hương cho nền văn học Việt Nam trung đại, chúng ta cần có một cái nhìn toàn diện, đa chiều hơn. Và, có lẽ để có những cơ sở khách quan và chính xác, chúng ta cần đi sâu tìm hiểu những đặc trưng chủ yếu trong nội dung và nghệ thuật của nhà thơ tài năng này dưới góc nhìn giới tính. Mặt khác, từ góc độ tiếp nhận văn học, chưa có công trình nào đề cập đến vấn đề giới tính một cách hệ thống. Trên cơ sở đó, trong công trình này, chúng tôi cố gắng làm rõ những điểm trên. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng: luận văn của tôi thực hiện xung quanh vấn đề giới tính trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương, từ đó khái quát lên tư tưởng thời đại mới mẻ mà bà đề cập, khẳng định vai trò giới nữ, những quan niệm về vẻ đẹp của hình thể con người, về tính dục trong thơ bà. Nội dung được đặt trong sự so sánh với những quan niệm của một số văn sĩ khác trên thế giới có tư tưởng như bà. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Luận văn này có tên gọi: “Thơ Nôm Hồ Xuân Hương nhìn từ góc độ giới tính”, chúng tôi chọn mảng thơ Nôm được truyền tụng của Xuân Hương để khảo sát. Chúng ta đều biết, cho đến nay sáng tác được coi là của Hồ Xuân Hương gồm hai bộ phận: thơ chữ Nôm và thơ chữ Hán. Ở đây người viết chỉ tiếp cận những tác phẩm thơ Nôm của Hồ Xuân Hương. Chúng tôi chọn bộ phận thơ Nôm truyền tụng trong cuốn “Thơ Nôm Hồ Xuân Hương” do GS Nguyễn Lộc biên soạn năm 1982, ngoài ra chúng tôi cũng tham khảo những tài liệu có tính khoa học khác như cuốn “Thơ Nôm Hồ Xuân Hương” của tác giả Kiều Thu Hoạch (xuất bản năm 2008). Nói chung, thơ Nôm Hồ Xuân Hương về nội dung vẫn hết sức phức tạp. Theo các chuyên gia nghiên cứu văn học, khi tiếp cận thơ Nôm của Hồ Xuân Hương cần có sự chọn lọc, phân loại thận trọng vì một số bài thơ có nhiều dị bản, khó tìm được cơ sở vững chắc, chính xác. Xét trên những tập thơ Hồ Xuân Hương được xuất bản từ trước đến nay, chúng tôi thấy về số lượng và phong cách không có sự thống nhất. Cho đến tận thời điểm này, khi khảo sát về con người và văn chương Hồ Xuân Hương, chúng tôi chưa tìm thấy bất cứ một tài liệu nào đưa ra một số liệu cụ thể, cũng như khẳng định chắc chắn về con người Hồ Xuân Hương và thơ Nôm của bà. Chúng tôi nghĩ khi khảo sát thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương cần dựa trên những tài liệu tham chiếu đáng tin cậy. Tuy vậy trong quá trình khảo sát, chúng tôi chọn 48 bài (có phụ lục đính kèm) - vẫn được coi là của Hồ Xuân Hương và rất có thể là những sáng tác của Hồ Xuân Hương, vì những bài thơ này có cùng phong cách, giọng điệu và cách thức thể hiện khá giống nhau. Tuy nhiên trong những bài mà chúng tôi chọn để khảo sát vẫn có một số bài đang trong sự tranh luận các nhà nghiên cứu và kết quả vẫn chưa được xác định. Những tranh luận về văn bản và những “nghi án” văn học này thiết nghĩ cũng rất thú vị nhưng xét đến cùng thì chúng không thuộc phạm vi đề tài nghiên cứu của chúng tôi. Xin được dành phần này cho những nhà chuyên môn, những chuyên gia về thơ Nôm Hồ Xuân Hương ở các cấp nghiên cứu cao hơn. 4. Phương pháp nghiên cứu Để triển khai đề tài Thơ Nôm Hồ Xuân Hương nhìn từ góc độ giới tính, chúng tôi đã vận dụng những phương pháp và thao tác nghiên cứu chủ yếu sau: Phương pháp phân tích - tổng hợp: Phương pháp này giúp chúng tôi tiếp cận và khảo sát trực tiếp văn bản và đưa ra những luận điểm khái quát của luận văn. Phương pháp cấu trúc - hệ thống: Xem xét các yếu tố tạo nên cấu trúc tác phẩm, tìm ra nguyên tắc chi phối sự hình thành của chúng. Từ đó, rút ra kết luận về nguyên tắc chi phối việc sáng tạo cấu trúc tác phẩm đồng thời làm bật lên ý nghĩa nội dung qua những cấu trúc này. Đồng hành cùng các phương pháp trên, chúng tôi cũng sử dụng một số thao tác khoa học như: so sánh, thống kê phân loại, thống kê mô tả. Những phương pháp và thao tác trên sẽ được chúng tôi vận dụng một cách linh hoạt trong quá trình nghiên cứu. 5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài nghiên cứu Giới tính là một vấn đề mang tính khoa học. Từ xưa đến nay, loài người đã ý thức được giới tính và quan hệ giới tính có tính tất yếu và cả tính thẩm mỹ nữa trong cuộc sống và trong nghệ thuật. Giới tính và quan hệ giới tính là hiện tượng tự nhiên. Gần như với tất cả mọi người, giới tính và quan hệ giới tính là cần thiết cho cuộc sống và liên quan đến mọi khía cạnh của cuộc sống. Hơn thế nữa, giới tính và quan hệ giới tính còn là một trong những vấn đề quyết định sự sinh tồn của xã hội loài người. Nhưng giới tính và quan hệ giới tính lại là vấn đề tế nhị, riêng tư, nên thật khó mà bày tỏ cùng người khác và khó mà có thể nói to lên để mọi người cùng biết. Do đó từ trước đến giờ người ta vẫn có thái độ phủ nhận bản chất tự nhiên của nó và coi đó là một thứ “cấm kị”, tránh nói đến, nhất là ở các nước phương Đông như Việt Nam. Có lẽ cần phải đưa ra rất nhiều ý kiến, quan điểm để chứng minh cho ý nghĩa của vấn đề giới tính trong cuộc sống. Nhưng có lẽ bằng chứng thuyết phục nhất đó chính là thực tế cuộc sống. Hãy nhìn vào thực tế cuộc sống và những cuộc đấu tranh vì quyền lợi con người để tôn vinh vị trí và giá trị của con người, để thấy được ý nghĩa và bản chất đích thực của vấn đề giới tính. Vấn đề giới tính luôn được dư luận xã hội để ý, quan tâm, nhất là hiện nay tính “sex” trong văn chương đang là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Các cuộc tranh luận thường diễn ra gay gắt và phức tạp, thường là sự đụng độ giữa những quan điểm và thái độ cực đoan trái ngược nhau – giữa những nhà tư tưởng đạo đức với những nghệ sĩ. Xét đến cùng của những tranh luận ấy là những ý kiến không đồng tình giữa nhân tố tự nhiên và nhân tố văn hóa trong quá trình hình thành nhân cách con người cũng như quá trình hoàn thiện bản tính loài người. Như đã nói ở những phần trên, thơ Nôm Hồ Xuân Hương đã được nghiên cứu ở nhiều góc độ. Riêng vấn đề giới tính được các nhà nghiên cứu nhìn như là yếu tố “tục, dâm” trong thơ Xuân Hương. Trước đây tiếp cận thơ Nôm Hồ Xuân Hương ở góc nhìn này đã có, giới nghiên cứu thường quan tâm nhiều đến các vấn đề như: “tục, dâm” của Trương Tửu, Đỗ Lai Thuý lại viết rất xuất sắc về “hoài niệm phồn thực”… Việc đề cập đến giới tính trong thơ Hồ Xuân Hương thiết nghĩ vẫn còn là một lĩnh vực còn nhiều điều để suy ngẫm. Thật sự vấn đề giới tính chưa được gọi tên đúng với bản chất hiện tượng như trong thơ Xuân Hương. Nhưng dường như bất cứ ai khi tiếp nhận thơ Hồ Xuân Hương cũng thấy vấn đề giới tính là điểm mạnh, khía cạnh độc đáo nhất, nổi bật nhất trong các vấn đề bà đề cập. Đặt vấn đề nghiên cứu thơ Nôm Hồ Xuân Hương dưới góc nhìn giới tính chắc hẳn người viết sẽ tìm được những điều mới mẻ, thú vị, bổ ích. Ở đề tài này, cùng với những người nghiên cứu đi trước, người viết hy vọng sẽ góp thêm ý kiến nhỏ làm rõ hơn diện mạo vấn đề giới tính trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương. 6. Kết cấu luận văn Luận văn gồm có 146 trang, ngoài phần mở đầu (12) trang, kết luận (5 trang), phụ lục và tài liệu tham khảo (18 trang), phần nội dung chính của luận văn (gồm có 111 trang) chia làm 3 chương: Chương 1: Quan niệm về giới tính ở phương Đông và phương Tây. Chương này có 34 trang, luận văn bước đầu làm rõ một số khái niệm, thuật ngữ liên quan đến vấn đề giới tính cũng như những quan niệm về vấn đề giới tính trong thế giới quan và nhân sinh quan nhân loại làm căn cứ tiếp cận vấn đề giới tính trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương như trong triết học và tôn giáo, trong mỹ thuật và đặc biệt trong văn học. Chương 2: Nội dung thơ Nôm Hồ Xuân Hương và vấn đề giới tính Chương 2 của luận văn gồm 36 trang, đề cập đến nội dung thơ Nôm Hồ Xuân Hương trong đó người viết đặc biệt nhấn mạnh vào nội dung về vấn đề giới tính. Xuất phát là điểm nhìn giới tính từ đó làm bật lên trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương còn biểu hiện sự tự hào về hình thể đẹp đầy sức sống và phẩm chất cao quý của người phụ nữ, cũng như việc thơ bà đề cập đến thú vui trần thế và khát vọng tình yêu của con người. Chương 3: Nghệ thuật thơ Nôm Hồ Xuân Hương và vấn đề giới tính. Chương cuối này gồm 41 trang, luận văn tìm hiểu nghệ thuật thể hiện thơ Nôm Hồ Xuân Hương hướng về vấn đề giới tính qua: kết cấu lạ với việc phá vỡ sự cân bằng trong kết cấu thơ Đường luật, tạo những câu kết mang dấu hiệu mở. Ngoài ra còn là nghệ thuật sử dụng những biểu tượng tạo nghĩa độc đáo và những từ ngữ ấn tượng về giới tính. Chương 1: QUAN NIỆM VỀ GIỚI TÍNH Ở PHƯƠNG ĐÔNG VÀ PHƯƠNG TÂY 1.1. Giới tính 1.1.1. Khái niệm Giới tính: xét dưới góc độ khoa học, giới tính là một thuật ngữ (tiếng Anh gọi là sex) chỉ “đặc điểm của cấu tạo cơ thể và tâm lí làm cho có những chỗ khác nhau giữa nam và nữ, giữa giống đực và giống cái” [141, tr.37]. Khái niệm giới tính trên có ý nghĩa tổng quát, bao hàm cả tình dục hay tính dục nhưng không trùng với tình dục hay tính dục, tình dục hay tính dục vốn có hàm nghĩa hẹp hơn. Tình dục (tiếng Anh gọi là Sexual desire): “Tình dục hiểu là nhu cầu tự nhiên của con người về quan hệ tính giao” [139, tr.94]. Tính dục (tiếng Anh gọi là: sexual intercourse): “Tính dục là: đòi hỏi sinh lí về quan hệ tính giao, hay nói cách khác, tính dục là thú vui xác thịt giữa nam và nữ” [139, tr.95]. Bản năng giới tính (tiếng Anh gọi là: sexual instinct): được hiểu như “những khuynh hướng tự nhiên, những cư xử theo một cách nào đó do bẩm sinh mà có, mà không phải từ những lí luận hay sự giáo dục" [76, tr.82]. Tuy nhiên chúng ta vẫn biết rằng vấn đề bản năng giới tính của con người luôn có những đặc điểm mang ý thức, thể hiện tính nhân văn khác hoàn toàn với cái bản năng giới tính của con vật. Khi tìm hiểu về giới tính, người viết bắt gặp các thuật ngữ như thân xác, vấn đề nhục thể, chuyện xác thịt… tuy cách diễn đạt có khác nhau nhưng cũng nhằm nói đến vấn đề giới tính và quan hệ giới tính. Nên người trình bày luận văn cũng mạnh dạn sử dụng những thuật ngữ này như một sự kế thừa những công trình nghiên cứu của người đi trước trong vấn đề giới tính. Giới tính và quan hệ giới tính là quy luật tự nhiên, đồng thời cũng là hiện tượng hiển nhiên trong xã hội loài người. Nếu nói “con người vừa là một sinh vật tự nhiên vừa là một sinh vật xã hội” là nói đến giới tính. Còn tính dục chỉ là một mặt của giới tính - mặt sinh vật tự nhiên của con người. Như thế, giới tính thuộc về thuộc tính vật chất tự nhiên cơ bản của cấu trúc đời sống con người. Với cách hiểu trên, thiết nghĩ, đề cập đến giới tính là đề cập đến một vấn đề mang tính khoa học. Hơn nữa, giới tính và quan hệ giới tính là một trong những vấn đề quyết định sự sinh tồn của xã hội. Lịch sử nhân loại đã chứng minh vấn đề giới tính là vấn đề tất yếu phải có trong cuộc sống. Kinh nghiệm sống của con người từ thế hệ này sang thế hệ khác cũng thừa nhận giới tính và quan hệ giới tính là nhu cầu chung của toàn xã hội. Dù vậy, ở bất cứ thời đại nào, vấn đề giới tính và quan hệ giới tính cũng bị ít nhiều người phủ nhận bản chất tự nhiên của nó. Người ta thường công nhận con người sống và hưởng hạnh phúc trên cõi đời này là nhờ nhu cầu giao hoà của tâm hồn nhưng ít ai quan tâm, hoặc không muốn khẳng định nhu cầu hoà hợp thể xác, dù đây là một yếu tố không thể thiếu của đời sống tình cảm. Vì giới tính được xem như là một yếu tố không thể thiếu trong đời sống con người nên xét ở góc độ nào dù là tâm hồn hay thể xác, con người cần được sống đúng với bản năng tự nhiên của mình. Điều này có nghĩa vấn đề giới tính là vấn đề khoa học, phủ nhận nó cũng đồng nghĩa phủ nhận qui luật tự nhiên. Trong thực tế, dường như bất cứ khi nào đề cập đến vấn đề giới tính, chúng ta cũng sẽ phải đối mặt một cách song hành với những tranh luận gay gắt giữa các nhà đạo đức và các nghệ sĩ. Ở mặt đạo đức xã hội, vấn đề giới tính đúng là một vấn đề “nhạy cảm”, khó mở lời. Vì nó vốn được coi là vấn đề riêng tư, vấn đề thuộc chốn “phòng the”, vấn đề của sự tế nhị, không nên nói ở chốn đông người, thậm chí nó cũng thuộc một trong những điều cấm kị (taboo) của con người. Ở bình diện thẩm mỹ, các nghệ sĩ có tâm hồn tự do, phóng khoáng, cởi mở hơn khi nhìn về vấn đề giới tính. Có thể là một bức tranh, một bức tượng khoả thân, một bài thơ miêu tả thân hình mĩ miều của một cô gái… dưới con mắt của các nhà nghệ sĩ đó là cái đẹp. Cái đẹp đó bắt nguồn từ cuộc sống có thật của con người, nó đã bước từ cuộc sống đầy hương sắc bên ngoài để hiện hữu một cách đẹp đẽ, lành mạnh, khoẻ khoắn trong các tác phẩm nghệ thuật. Những đứa con tinh thần này là kết quả của những quan sát, những chiêm nghiệm từ cuộc sống, những phút xuất thần từ cảm hứng nghệ thuật, hoàn toàn không dung tục, không khiêu dâm. Từ những nguyên lí giới tính trên, chúng ta càng khẳng định vai trò cần thiết của vấn đề giới tính trong cuộc sống. Văn chương là những tác phẩm phản ánh cuộc sống, tình cảm của con người một cách sâu sắc nhất vì vậy văn chương không thể bỏ ngoài vấn đề giới tính. Để vấn đề giới tính vừa mang tư tưởng đạo đức, nhân bản vừa thoả mãn nhu cầu tự nhiên, khám phá chính bản thân con người, thiết nghĩ quan niệm về vấn đề này còn tuỳ thuộc vào góc nhìn của mỗi người và trách nhiệm, lương tâm, tài năng của người nghệ sĩ. Trước khi đi vào nội dung đề tài, chúng tôi khẳng định trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương có đề cập rất sâu sắc vấn đề giới tính cũng như yếu tố tính dục. Những yếu tố này xuất hiện trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương cũng như trong rất nhiều tác phẩm văn học từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, từ bình dân đến bác học. Vấn đề giới tính chính là một trong những điều đặc biệt tạo nên sức hấp dẫn, sự lôi cuốn của thơ Nôm Hồ Xuân Hương. 1.1.2. Nguồn gốc và bản chất của giới tính Con người cổ xưa sống, gắn bó với tự nhiên, khi mà văn hoá, giáo dục chưa thể có khả năng biến đổi con người thực của nó, cũng như chưa góp phần cản trở những bộc phát tự nhiên của các khuynh hướng bên trong con người. Con người sống bản năng ấy cũng là con người ưa thể hiện quan niệm về vũ trụ và cuộc sống bằng huyền thoại. Huyền thoại nói lên cảm nghĩ, kinh nghiệm và ước mơ của tổ tiên. Đây chính là cơ sở tạo nên những tầng vô thức sâu nhất của con người chúng ta ngày nay. Như thế, muốn tìm hiểu sâu về bản chất và nguồn gốc của giới tính, ta cần tìm về huyền thoại. Một trong những hình thức tư duy cổ xưa nhất của loài người là: “tư duy lưỡng hợp” - Nó như chất men của sự vận động trong suốt quá trình phát triển của văn minh nhân loại, mà những lớp trầm tích của nó vẫn còn lưu giữ qua những câu chuyện huyền thoại kể về nguồn gốc con người. Hay chính là những quan niệm về giới tính trong huyền thoại của triết học và tôn giáo. Trong Kinh thánh Do Thái giáo cũng có dấu vết của cùng một huyền thoại, người đàn bà được sinh tạo từ chiếc xương sườn của người đàn ông. Người đàn bà Eva được làm từ xương và thịt của Adam. Adam nói: “Người này là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi mà ra” [93, tr.15]. Vậy là ngay từ khởi đầu, có nam thì phải có nữ. Nam nữ kết hợp với nhau thì mới tạo nên sự hài hòa thống nhất. Nhưng Chúa lại dạy người đàn bà phải tuân phục đàn ông, bổn phận của người làm vợ phải phục tùng chồng mình. Với cách lí giải về nguồn gốc của giới tính như thế, Chúa vô tình chăng? – Người đã trao quyền “thống trị đàn bà” cho đàn ông. Thần thoại Hy Lạp lại giải thích khác về nguồn gốc giới tính. Chỉ biết rằng, các vị Thần trên đỉnh Ôlimpơ đã tạo ra giống đàn bà, một “loại độc hại” cho giống đàn ông mà đàn ông không sao dứt ra được. Vì thần Dớt nghĩ rằng người đàn bà sẽ luôn là người bạn đường của đàn ông, nhưng luôn gây ra bất hạnh cho họ [93, tr.17]. Cách giải thích về nguồn gốc giới tính này thật đáng buồn cười nhưng may mắn thay đó chỉ là lối tư duy mang tính thần thoại. Người Trung Hoa có một thần thoại nổi tiếng về Nữ Oa tạo dựng thế giới. Nữ Oa đã để cho “đàn ông và đàn bà lấy nhau, tự tạo ra và duy trì giống nòi” [93, tr.18]. Sự khác biệt về giới tính này đã được triết học cổ đại Trung Hoa nâng lên một bình diện khái quát, đó là sự thống nhất và đối lập giữa âm và dương. Tức là người ta dựa trên nguyên lí âm dương để phân cực giới tính. Qua lăng kính của nguyên lí này, tính dục càng trở nên huyền ảo hơn. Người Trung Hoa cho rằng nam – dương, nữ - âm; mà vạn vật trong trời đất đều có sự giao hoà khiến cho sinh hoá điều hoà làm nên cuộc sống, nên con người cũng phải tương thông với khí trời đất ấy thì sức khoẻ mới tốt, nếu không, mất sự cân bằng âm dương thì cuộc sống không hài hoà. Lấy chồng, lấy vợ là công việc đứng đắn nhất trong trời đất. Âm dương kết hợp là căn nguyên làm cho nhân loại sinh sôi, nảy nở, tạo ra những giá trị mới. Như thế ở Trung Hoa, người ta công nhận sự tồn tại giới tính một cách rõ rệt và còn hiểu được quy luật bù trừ tồn tại của giới tính. Cũng xin được lưu ý ở phần này người viết chỉ nói đến nguồn gốc và bản chất của giới tính mà chưa đề cập đến những sự hà khắc của quan niệm trọng nam khinh nữ của người Trung Hoa. Trong đời sống người Việt ta từ lâu cũng đã có ý thức về vấn đề giới tính. Ý thức này tồn tại dưới những hình thức tín ngưỡng phồn thực. Tín ngưỡng phồn thực có từ thời nguyên thuỷ, khi con người định cư và bước vào giai đoạn trồng trọt, chăn nuôi, thì điều người ta quan tâm nhất là kết quả của việc trồng trọt và chăn nuôi ấy. Qua kinh nghiệm tích luỹ được, người ta thấy, cây gì hoặc con gì muốn nhân lên nhiều thì phải có sự phối giống. Có lẽ chính vì vậy mà tín ngưỡng phồn thực được nâng lên thành tín ngưỡng thiêng liêng. Những tín ngưỡng này thể hiện rất rõ trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Theo giáo sư Đinh Gia Khánh trong cuốn Văn hoá dân gian ._.Việt Nam trong bối cảnh Văn Hoá Đông Nam, ở các lễ hội, người ta vẫn thực hiện những nghi lễ tôn giáo qua hình thức phối hợp giống đực và giống cái. Đôi khi hình thức lễ nghi này được thể hiện nhẹ nhàng bằng cách áp đôi hai con giống lại nhau, nhưng cũng có khi chọn một đôi trai gái thanh tân cho giao hợp. Từ đó, trong lễ hội dân gian người Việt hình thành tục “Bắt chạch trong chum”, tục “Tắt đèn” cũng đặc biệt hơn cả là lễ hội “Múa mo” [47, tr.72 – 247]. Ở Hà Tĩnh và nhiều địa phương có tục thờ cúng nõ nường (nõ là cái nêm, tượng trưng cho sinh thực khí nam; nường là nang, mo nang, tượng trưng cho sinh thực khí nữ). Ở hội làng Đồng Kị (Hà Bắc) có tục rước sinh thực khí (làm bằng gỗ) vào ngày 6 tháng giêng; tan hội hai sinh thực khí được đốt đi và tro được đem chia cho mọi người mang ra rắc ngoài ruộng - hành động này có tác dụng như một ma thuật truyền sinh cho mùa màng. Theo các cụ thì năm nào bỏ qua tục này, trong làng sẽ có nhiều chuyện không lành xảy ra. Nhiều địa phương ở Vĩnh Phú, Hà Bắc, Hà Sơn Bình, trước đây vào dịp hội làng, người ta rước tới 18 bộ sinh thực khí và khi đám rước kết thúc, mọi người tranh cướp nhau những vật này vì tin rằng nó đern lại may mắn, no đủ cho cả năm [94]. Thời Xuân Hương cách đây vài trăm năm, chắc chắn các lễ nghi mang tính phồn thực hãy còn tồn tại. Con người tinh ý, thông minh đến sắc sảo tuyệt vời ấy chắc chắn không bỏ qua những sinh hoạt dân gian này mà bà còn tìm được trong đó những khía cạnh phục vụ cho ý đồ sáng tác của mình. Với nhận thức và tài năng như thế, sự xuất hiện vấn đề giới tính trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương là một điều tất yếu. Trở lại với thị hiếu thẩm mĩ thời hiện đại, vấn đề giới tính được nhìn nhận một cách hết sức tích cực. Trong xã hội hiện đại, tranh khoả thân, tượng khoả thân được dùng như những món quà lưu niệm mang tính nghệ thuật, thẩm mĩ cao; thậm chí những “nữ hoàng sắc đẹp” thời hiện đại sẵn sàng chụp ảnh khỏa thân vì một mục đích cao cả nào đó như làm từ thiện chẳng hạn. Ngày trước, K.Mác từng phát biểu: “cái gì thuộc về con người không xa lạ với tôi”. Và người ta vẫn kể cho nhau nghe về câu chuyện của nhà thơ Hainơ, trước khi về với cát bụi, ông đã đến chiêm ngưỡng rất lâu trước bức tượng Vệ nữ (Venus) - gần như khoả thân trong bảo tàng Luvơrơ ở Milô (Pháp), như một sự giã từ cái đẹp trước khi về cõi vĩnh hằng. Như thế, vấn đề giới tính luôn được quan tâm trong xã hội, ở một góc độ nào đó, nó thật sự mang lại giá trị cho cuộc sống, góp phần làm cho cuộc sống của con người thêm phần tốt đẹp. Có thể nói, những vấn đề thuộc về bản năng, giới tính của con người từ khởi thuỷ được coi như một yếu tố thiêng. Theo dòng lịch sử văn minh nhân loại, quan niệm ấy được bổ sung và tô điểm cho cuộc đời với vẻ hấp dẫn và yếu tố này cũng đi vào nghệ thuật một cách tự nhiên thể hiện một trong những khía cạnh độc đáo nhất trong nhân tính và tự do của loài người. Với cách hiểu này sẽ giúp chúng ta nhận thức đúng đắn bản chất và tầm quan trọng của giới tính, quan hệ giới tính trong đời sống của mỗi con người và sinh hoạt xã hội. 1.1.3. Phương Đông và phương Tây nhìn về giới tính 1.1.3.1. Trong tôn giáo và triết học Dường như trong tất cả các nền văn minh, đặc biệt là trong tôn giáo, đều ít nhiều thấy sự khinh miệt những gì là vật chất, xác thịt và đề cao những gì là tinh thần, tâm hồn. Nếu như tinh thần như một lí tưởng để vươn tới hay bao gồm những giá trị đích thực của đời sống con người, thì vật chất, thân xác bị coi như những chướng ngại vật ngăn cản người ta hướng thượng, vươn tới đời sống tâm hồn. Do đó, tôn giáo thường răn dạy phải tiêu diệt vật chất, thân xác hoặc ít ra cũng phải kìm hãm, hay trừng phạt nó. Thân xác là một phần thuộc về vấn đề giới tính, nên có thể nói, tôn giáo cũng không mặn mà chút nào với phạm vi này. Những người tu hành theo chủ nghĩa khổ hạnh thì phải kiềm chế bản thân, thậm chí phải hành xác. Như thế tu trì miệt thị vấn đề giới tính mà biểu hiện cụ thể của nó là thân xác, coi thân xác là tội lỗi, xấu xa, thấp hèn. Nói rõ hơn, tôn giáo coi thân xác là cái xấu xa vì con người trần thế thường đam mê nó, nhất là đam mê sắc dục. Trong các thứ tội của tôn giáo thì tội mê dâm dục là tội nặng hơn hết và xác thịt là kẻ thù nguy hiểm nhất của tôn giáo. Phần lớn các nhà thần học, tôn giáo và những người theo chủ nghĩa cấm dục đều coi: thân xác là địa ngục của linh hồn. Nhất là làm sao để những người tu hành không làm những điều liên quan đến xác thịt cũng như khỏi nghĩ hay mơ tưởng đến những điều đó. Nên họ phải chiến đấu không ngừng để xua đuổi mọi hình ảnh, những ước muốn dục tình bằng đọc kinh cầu nguyện, bằng hãm mình ép xác như nằm giường gỗ cứng, ăn uống kham khổ vì sợ rằng không làm như thế thì có ngày “con thú” trong mình trỗi dậy. Hoặc quyết liệt hơn phải đánh đập thân xác - như thánh Đa Minh mỗi ngày lấy roi da quất vào người mình ba trăm nghìn cái hay như thánh Bênađô nhảy xuống hồ giá lạnh cho khỏi bị ma quỷ cám dỗ, mà nhất là sự cám dỗ từ đàn bà. Nói như thế, tôn giáo đã vô tình ngăn chặn sự phát triển tự nhiên của thân xác. Và thực tế thì Ki tô giáo không chấp nhận tính dục. Quan hệ tình dục bị coi là ô uế, bẩn thỉu… Quan niệm này đã được tôn giáo thánh hóa tính dục của con người qua tích Jesus ra đời. Kinh thánh còn ghi lại sự ra đời “khác thường” ấy. Chuyện kể rằng Đức mẹ Đồng Trinh trong giấc mơ được thiên thần báo mộng là sẽ mang thai, sau đó sinh ra Chúa Hài Đồng mà không cần có quan hệ giới tính [118, tr.7-13]. Như thế, Đạo Thiên Chúa một mặt ca tụng con gái đồng trinh mặt khác tìm cách xóa bỏ tính dục nữ, cũng như không thừa nhận có quan hệ tính dục ở con người, không thừa nhận sự phát triển tự nhiên của vấn đề giới tính. Chủ nghĩa Mác Lênin coi con người “không chỉ là một sinh thể tự nhiên có tính người, tức là tồn tại cho chính nó” [130, tr.185]. Do đó, con người phải “phải biểu lộ và được khẳng định như là một sinh thể đặc chủng trong tồn tại của nó và trong tri thức của nó”. Trường Chinh cũng viết: “Chủ nghĩa nhân đạo cộng sản chủ nghĩa phấn đấu vì tự do, hạnh phúc của con người, tin ở phẩm chất và lí trí của con người, tạo mọi điều kiện cho con người phát triển tự do và toàn diện, làm cho con người thật sự làm chủ vận mệnh của mình và làm chủ tự nhiên” [130, tr.185]. Hiểu theo cách nói ấy, thì bất kì cái gì tôn trọng, tin tưởng, ca ngợi, đề cao, bảo vệ, phát triển con người cái đó là nhân đạo, còn ngược lại là vô nhân đạo. Quan niệm và cách hành xử của tôn giáo như trên có thể coi là thiếu nhân đạo với con người. Dĩ nhiên đối với các nhà dòng và nữ tu thì sự cấm kị với những gì liên quan đến giới tính được lí giải là để giữ gìn sự thánh thiện. Phải chăng thánh thiện là đòi hỏi phải phủ nhận con người thậm chí chà đạp một phần con người. Sự miệt thị những gì liên quan đến giới tính kèm theo ý chí kiềm chế, tiêu diệt thân xác không những có tính chất phi nhân đối với chính bản thân kẻ thực hiện mà điều này còn làm cho người đó trở thành bất nhân, nghiêm khắc, không khoan dung với người khác. Dường như các tôn giáo đều cực lực phản đối việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp giới tính – vẻ đẹp cơ thể, đặc biệt là thân thể của người phụ nữ. Phật giáo thì quan niệm cảm quan nhục thể là căn nguyên nhất thiết của tội ác và đau khổ. Trong truyền thuyết của nhà Phật còn ghi lại những điều Phật dạy tỳ khâu. Phật dạy rằng: “nước mắt của đàn bà, nụ cười của đàn bà nên coi như kẻ thù! Dáng gục mặt của đàn bà, vẻ rũ tay của phụ nữ đều nên coi như những móc câu sắc thu hồn, đoạt vía con người. Mái tóc mượt mà, nét mặt hóa trang của đàn bà coi như những đai thép buộc chặt con người” [93, tr.25]. Dạy một tỳ khâu như vậy vì Phật Đà biết rõ mọi người đàn ông sống trong thế gian này đều thích đàn bà, muốn ngắm nhìn họ và muốn chiếm đoạt cả thân hình họ. Khi bị sắc dục chế ngự, mê hoặc, trí tuệ của họ sẽ đóng kín lại và họ không thể hiểu nổi chân lí; sinh mệnh, sự nghiệp và danh dự của họ sẽ đổ xuống sông xuống bể. Bởi vậy, người đàn ông cần tránh sắc dục và không được phép cho trái tim mình phóng túng. Quan niệm của Nho giáo cũng không khác mấy, dương (nam) cường, âm (nữ) nhu. Nữ là phái yếu, phải tuân theo “tam tòng, tứ đức”; “phu xướng phụ tùy”… nghĩa là người chồng phải là người quyết định, người vợ chỉ việc nghe theo. Nho giáo cho người đàn ông có quyền hạn rất lớn trong gia đình; có quyền được lấy nhiều vợ khi cần để duy trì nòi giống, có quyền được bỏ vợ nếu vợ phạm phải một trong bảy điều: không con, dâm nhác, không thờ cha mẹ chồng, lắm điều, trộm cắp, ghen tuông, có ác tật. Nho giáo đề cao nam giới “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” [82, tr.106], hơn nữa, người nữ phải phục tùng chồng mình hoàn toàn. Ngay cả Luật Hồng Đức được coi là bộ luật tiến bộ nhất nước ta thời phong kiến thì vị thế người phụ nữ vẫn rất thấp, đặc biệt sự lộ liễu về thân xác, phóng túng yêu đương của người đàn bà vẫn bị khép vào những tội nặng. Quan niệm, tư tưởng của tôn giáo và giai cấp phong kiến đặt ra những giáo lí khắt khe như vậy nhưng một số kẻ đại diện cho giáo lí, đạo đức, tư tưởng phong kiến lại có lối sống giả tạo, luôn rao giảng đạo đức, thanh sạch hòng che đậy những thèm khát nhục dục… đáng cười hơn một số người còn ham hố những chuyện trần tục đó hơn bất cứ người nào… điều này gây phản ứng xã hội. Có lẽ cái nhìn về vấn đề giới tính trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương bắt nguồn từ sự phản ứng này. 1.3.2. Mỹ thuật thể hiện về vấn đề giới tính Ngược lại với quan niệm giới tính của triết học và tôn giáo, mỹ thuật loài người luôn ca tụng, đề cao vẻ đẹp giới tính mà cụ thể chính là thân xác. Trong thế giới của mỹ thuật, ở đây người viết chủ yếu đề cập đến hội hoạ và điêu khắc, các nghệ sĩ, nghệ nhân đã thể hiện sự sáng tạo một cách phong phú về giới tính, vẻ đẹp giới tính trong các tác phẩm của họ. Vấn đề nhục thể, vẻ đẹp giới tính con người vốn là đối tượng nghiên cứu của các họa sĩ. Lịch sử mỹ thuật thế giới cũng đã khẳng định cơ thể con người, thân xác con người, nhất là cơ thể của người phụ nữ là một đề tài có tính chất vĩnh hằng: “Vẻ đẹp cơ thể người đàn bà là công trình của tạo hóa” (William Blake) [136, tr.34]. Dường như bất kì thời đại nào, tác phẩm sáng tạo về vẻ đẹp của thân xác mà cụ thể là tác phẩm khoả thân (tiếng Anh gọi là nude) cũng có sức hấp dẫn đặc biệt đối với người sáng tạo. Do đó, bài học đầu tiên của các trường mỹ thuật bao giờ cũng hướng dẫn cách vẽ nhân thể. Nhân thể trở thành nền tảng của hội hoạ. Các nhà nhiếp ảnh hiện đại thì coi cơ thể con người là vật sáng tạo điển hình và biến hình ở đỉnh cao nhất từ vật chất lẫn hình thể. Các nhà nghệ thuật đều đồng ý rằng: “đề tài của nghệ thuật luôn biến đổi nhưng một đề tài gần nhưng vĩnh hằng đối với hội hoạ và điêu khắc là nhân thể - thân xác con người” [77, tr.59]. Các nhà nghệ thuật thời kì Phục Hưng đã xây dựng nhiều bức tượng, bức hoạ khoả thân để ca ngợi vẻ đẹp thánh thiện của con người và đó cũng được coi là đích đến, là khát vọng vươn tới vẻ đẹp của cuộc sống. Khi hình thể, thân xác con người được khoác lên bộ cánh của siêu hình triết học, tôn giáo, những lí thuyết thánh thiện, thì cơ thể trần tục của con người đã thoát khỏi cái xác nặng nề, thô ráp của đời sống hằng ngày mà cất cánh bay lên tháp ngà nghệ thuật. Lịch sử mỹ học nhân loại cho đến nay vẫn còn những tác phẩm xuất sắc về hình thể con người. Những cơ thể đã được Raphael, Michel Langelo, Leonard de Vince và những nghệ sĩ khác chưng cất đến mức, chúng trở nên trần trụi, tinh khiết - không còn mảnh vải, bay liệng trên những vòm cung nhà thờ tôn giáo, trở thành những tác phẩm nghệ thuật suốt đời người ta phải ngưỡng vọng mà chẳng gợi lên bất kỳ ám ảnh nhục dục nào. Như thế, nghệ thuật khỏa thân (nude art) phương Tây đã bước ra từ tranh ảnh, tượng, ra đường phố, quảng trường giữa thanh thiên bạch nhật, “đàng hoàng” đến với cộng đồng người trong sự ngưỡng vọng về cái đẹp tinh khiết và trần thế. Sự ra đời của Venus (1484-1486) – tác phẩm của danh hoạ Botticelli, bức tranh thể hiện thân hình khỏa thân của nữ thần Vệ nữ (Venus). Bức tranh lụa này đã kết tinh hình tượng Venus diễm lệ và u buồn, thể hiện khoái cảm nhục thể và truyền đạt cả tinh thần đam mê tôn giáo [77, tr.38]: Hình 1.1: Sự ra đời của Venus (1484-1486) - Tranh của danh họa Botticelli Hơn thế nữa, người ta còn nghĩ một cách phổ biến rằng bất kì hình thể nào được coi là đẹp đều nhất thiết liên quan hoặc gợi nhớ tới thân thể con người. Chẳng hạn như nhìn bình hoa, cái lọ có cái eo được công nhận đó là hình ảnh mô phỏng những đường cong mỹ miều, thon thả của giới nữ. Nên những tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn và vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ là những tác phẩm nghệ thuật mang tính nhân bản, tôn vinh vẻ đẹp của cuộc sống - mà nhân thể con người là một hiện thân tuyệt vời. Tuy nhiên ta cần phân biệt vẻ đẹp ngoại hình, vẻ đẹp thân xác là những gì tạo hoá đã ban tặng cho con người, nhất là người phụ nữ khác hoàn toàn với những gì cố tình “phơi bày” dụng ý khiêu dâm, trần tục. Vậy, nếu coi vấn đề giới tính, thân xác con người thuộc về vấn đề của nghệ thuật thì người nghệ sĩ đề cập đến vấn đề thân xác cũng đã và đang tôn vinh vẻ đẹp thuần khiết của tạo hoá nơi con người, rồi mang cái đẹp ấy dâng tặng cho đời dù cuộc đời, người đời có thể chưa hiểu hết họ. Mỹ thuật về vấn đề giới tính của phương Tây phong phú là vậy, phương Đông tuy không nở rộ nhưng cũng không kém hương sắc, phải đến với một xứ sở mang đậm dấu ấn của văn hoá tính dục – Trung Hoa. Xuân cung họa là những bức vẽ miêu tả nam nữ sinh hoạt giới tính trong đủ các tư thế, chúng thường được trình bày dưới hình thức tấm tranh cuộn hoặc đóng thành tập. Loại tranh này xuất hiện trước tiên trong cung điện của các hoàng đế nhà Hán, về sau chúng trở thành công cụ để dạy về tình dục. Khi con gái đi lấy chồng, cha mẹ thường để vào đáy rương quần áo về nhà chồng vài bức tranh, như một sự bổ sung kiến thức cho con gái trong đêm tân hôn [77, tr.147]. Một điều thú vị khi nghiên cứu vấn đề giới tính trong mỹ thuật Trung Hoa, chúng tôi nhận thấy mục đích của những tranh ảnh đậm màu sắc tính dục ấy mang một ý nghĩa rất đáng trân trọng là dùng để thị phạm ma thuật. Người ta dùng những lời hay ý đẹp để tô vẽ cho tranh gợi dục. Những bức tranh ấy được coi là có phép trừ tà, đuổi quỷ và trừ hỏa hoạn. Theo thần thoại, khi thần lửa trông thấy cảnh làm tình, thần sẽ bối rối mà quay đi và tránh xa những chỗ nào có treo những tranh đó. Và thế là các nhà nho có thể “công khai” treo các bức “Kỵ hỏa đồ” kia trong thư phòng của mình [77, tr.147]. Như phần trên của luận văn đã thể hiện, Người Việt ta ngay từ xa xưa, sự ý thức về vấn đề giới tính đã được lưu giữ trong những tác phẩm dân gian cổ. Nếu nhìn vào những hình người giao hoan được khắc, vẽ trong những hang đá, trên dụng cụ sinh hoạt của những bộ tộc thời cổ, trên trống, trên thạp đồng… ta sẽ thấy đây là những minh chứng cho thời kì lên ngôi rực rỡ của văn hoá phồn thực ở Việt Nam. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Ngọc Thêm trong “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam”: “Trên nắp thạp đồng tìm được ở Đào Thịnh (Yên Bái, niên đại 500 năm tr.CN), xung quanh hình mặt trời với các tia sáng là tượng bốn đôi nam nữ đang giao hợp” [94]. Hình 1.2 Một góc của nắp thạp ồng ào Thịnh Đặc biệt trong văn hóa Chăm, Linga và Yoni là những linh vật. Theo thần thoại về Siva, thì vị thần này xuất hiện đầu tiên là một cột lửa hình dương vật. Sau này, con người đã biểu tượng hóa (Linga và Yoni) để thờ thần Siva, coi Linga là biểu hiện đặc tính dương, Yoni là biểu hiện đặc tính âm của thần. Dạng Linga kết hợp với Yoni hay còn gọi là Linga -Yoni được coi là biểu tượng sự sáng tạo của thần Siva. Linga và Yoni có những đặc điểm riêng của nó và không ở đâu Linga, Yoni lại có số lượng nhiều, hình dáng đa dạng và kích thước lớn như ở văn hóa Chăm. Linga và Yoni trong điêu khắc Chăm rất đa dạng loại hình và có thể được hàm ý mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Theo tác giả Nguyễn Văn Ngọc, người Chăm trong các lễ hội, đặc biệt là Lễ cúng mùa, người ta đổ rượu vào Linga để nó chảy xuống Yoni, sau đó người ta uống rượu đó với một mong muốn có sức khỏe và cầu mong một mùa bội thu [70]. Những pho tượng Linga, Yoni nơi đình tháp, nơi thờ tự tôn giáo, những bức phù điêu, bức hoạ trong cung điện, lăng tẩm, nhà thờ thiên chúa giáo, những bức điêu khắc dân gian với hình ảnh những cô gái với tấm thân tròn lẳn đang tắm ao sen, hoặc đang chải tóc ở những ngôi đình người Việt, những pho tượng đá khổng lồ với tập tục thờ đá (tượng trưng cho sinh thực khí dương) ở một số địa phương… là những vật chứng lịch sử cho thế giới quan, nhân sinh quan của người xưa về vai trò, vẻ đẹp của bản năng giới tính nơi con người. Từ những điều trình bày ở trên, chúng tôi thấy con người đã nhận thức về giới tính của mình rất sớm, ngay từ khi hình thành con người đầu tiên trong ý thức cá nhân và xã hội của nó. Giới tính có mặt hầu hết trong các lĩnh vực văn hóa và đời sống, từ những chi tiết đời thường nhỏ nhặt đến những khái quát triết học phổ quát. Cái giới tính ấy choán tất cả đời sống từ những nền tảng sâu xa cho đến những chức năng ngoại diện, từ lĩnh vực sinh lí đến những gì thiêng liêng nhất nơi tâm tình hay cách thức tư duy. 1.3.3. Giới tính trong nghệ thuật ngôn từ 1.3.3.1. Giới tính trong văn học nước ngoài Như trên đã nói, nhân loại từ lâu đã ý thức được tính tất yếu và cả tính thẩm mỹ của giới tính và quan hệ giới tính trong cuộc đời cũng như trong nghệ thuật. Vì đối với mỗi con người, giới tính và quan hệ giới tính là vấn đề cốt tử của sinh tồn và phát triển, từ đó có hạnh phúc hay khổ đau. Giới tính và quan hệ giới tính xuất hiện từ buổi bình minh của nghệ thuật ngôn từ. Thần thoại Hy Lạp, Ấn Độ miêu tả khá tỉ mỉ vẻ đẹp giới tính của người phụ nữ. Trong thế giới quan thần thoại, những vị thần được phác hoạ những khía cạnh tính cách giống như con người với những đam mê thế tục. Người ta biết đến thần gió Vayu với tính cách hùng mạnh, nhanh nhẹn, sinh động, nhưng cũng biết đó là một vị thần đa tình, chuyên rủ rê và ăn nằm với các Apsara (thiên thần vũ nữ). Thần yêu hàng trăm cô gái con vua Kusanabha, nhưng các cô từ chối. Đây là những lời tán tỉnh đường mật của thần với vũ nữ thiên thần Anjana: “Đừng giận ta, thân hình nàng vẫn trong trắng khi ta sờ nàng. Ta ôm nàng không phải bằng xác thịt mà bằng tình yêu trong lòng ta; cử chỉ âu yếm thần tiên của ta sẽ cho nàng sinh một con trai khoẻ mạnh không kém gì ta…” [134, tr.1025]. Văn học nước ngoài từ xưa đến nay có vô vàn những tác phẩm để lại dấu ấn mạnh mẽ về vấn đề giới tính. Người Ấn Độ, Ả Rập, Trung Hoa lớn lên trong một nền văn hoá vốn đã từng tạo nên những tác phẩm như Kamasutra, Vườn thơm hay Nhục Bồ Hoàn, Ngọc Phòng bí kíp, Tố Nữ kinh, Hồng lâu mộng…, phương Tây với một nền văn hóa cởi mở hơn có Mười ngày, Trà hoa nữ, Trăm năm cô đơn…, Nhật Bản có Đèn không hắt bóng, Rừng Nauy… Vì đây là một phần nhằm đưa ra để so sánh thấy sự tương đồng cũng như khác biệt trong những ngã rẽ sáng tạo của những người cầm bút về vấn đề giới tính. Nên ở phần này người viết luận văn chỉ chọn và đưa ra một vài ví dụ điển hình cho vấn đề này. Nhục Bồ Hoàn, Ngọc Phòng bí kíp, Tố Nữ kinh của Trung Hoa cũng như Kamasutra của Ấn Độ là những tác phẩm cổ bàn về thuật phòng the. Trong những tác phẩm kể trên phải kể đến Tố Nữ kinh. Theo tác giả Trần Phò “Tố Nữ kinh được coi như trước tác về thuật phòng the nổi tiếng và có sức lưu truyền rộng rãi trong lịch sử tính học Trung Hoa” [77, tr.177]. Trước hết, tác phẩm này nhằm phục vụ cho nhu cầu ăn chơi hưởng lạc của một bộ phận vua chúa, quan lại, quý tộc vào thời nhà Đường, nó cung cấp cho người ta những thủ thuật chăn gối. Sau đó, Tố Nữ kinh có sức ảnh hưởng rất mạnh mẽ trong xã hội Trung Hoa. Nó trở thành sách gối đầu giường của nam nữ trong thời kì kết hôn. Hay nói chính xác hơn, dưới thời Tùy, Đường, đọc Tố Nữ kinh là thói quen của những đôi vợ chồng mới cưới [77, tr.182]. Ca ngợi những gì thuộc về quyền sống tự nhiên của con người cũng là một vấn đề cơ bản của chủ nghĩa nhân văn – một trào lưu tư tưởng tạo nên giá trị rực rỡ của nền văn nghệ Phục Hưng. Boccasio - đại diện tiêu biểu cho văn học châu Âu giai đoạn Trung cổ, đầu Phục Hưng nhưng điều quan trọng hơn người viết tìm thấy trong tác phẩm của ông có nhiều điểm gặp gỡ với nội dung thơ Hồ Xuân Hương. Sáng tác của Boccasio thể hiện được tư tưởng nhân văn của giai cấp tư sản đang lên, đề cao cuộc sống trần gian và con người, đề cao tư tưởng chống phong kiến và thần học. Tác phẩm Mười ngày của Boccasio mang chất men tư tưởng mới của giai cấp thị dân đang bước lên vũ đài chính trị, cất tiếng nói đả kích thói đạo đức giả của những tu sĩ, lên án những luân lý khắc nghiệt mà họ đề ra, đòi hỏi một cuộc sống trần gian với đầy đủ những thú vui của nó. Nhà văn cười sự mâu thuẫn giữa bề ngoài đạo mạo với những mong ước thầm kín bên trong con người, bên trong cái diện mạo đẹp đẽ, quý phái kia của con người lại là tâm địa nhỏ nhen, hẹp hòi. Chuyện Vương phi báo thù cho thấy sự giả dối của những người ở địa vị cao nhất trong xã hội, ẩn sau những vẻ ngoài cao đạo là những khát khao thân xác, khao khát tình ái tầm thường như bao người khác. Tác phẩm Mười ngày nói nhiều đến cuộc sống trần gian. Bên cạnh cái cay đắng còn có cả những thú vui. Trong những thú vui đó thì không thể bỏ qua thú vui trần thế nhất của con người là thú vui xác thịt mà chủ nghĩa nhân văn thời Phục Hưng xem đó như là một cái gì hết sức tự nhiên của con người. Những đòi hỏi về ái tình nhục dục của con người được các nhà tư tưởng nhân văn xem như luồng gió mát mà cuộc sống con người cần phải có để xua tan đi những cơn nóng nực, bức bối, bực dọc do cuộc đời bụi bặm của thời đại mang lại. Boccasio mạnh dạn đòi hỏi con người phải được hưởng những quyền sống chính đáng ấy ở ngay cuộc đời trần thế như quyền được ăn, mặc, hưởng những thú vui vật chất, kể cả thú vui xác thịt. Chống lại những đòi hỏi sinh lý bình thường ấy là phản tự nhiên, là chống lại con người vì cái thú vui kia ai cũng muốn hưởng. Tất nhiên thú vui này phải dựa trên tình yêu - thứ tình yêu xuất phát từ những tâm hồn lành mạnh, ngoài quan hệ thân xác nó luôn đòi hỏi sự hoà hợp giữa những tâm hồn đồng điệu. Như thế mới tạo nên sức mạnh tình yêu. Giữa vườn hoa thơm trái ngọt của văn học thế giới vẫn thường xuất hiện những tác phẩm bàn về vấn đề giới tính con người và không ít những tác phẩm ấy đã trở thành kiệt tác của nhân loại. Gần đây nhất là tác phẩm Rừng Nauy của một nhà văn Nhật H. Murakami nổi lên như một hiện tượng của thị trường xuất bản sách. Tác phẩm không chỉ được đón nhận nồng nhiệt ở trong nước mà nó đã vượt biên giới đến với các nước trong khu vực và cả một số nước Châu Âu. Trong tác phẩm này vấn đề giới tính và quan hệ giới tính được đề cập rất cụ thể. Vấn đề giới tính của con người, cảm xúc của những lần đụng chạm da thịt cũng không ngại khai thác. Tuy nhiên tác phẩm không rơi vào lối miêu tả dung tục: “… một lúc sau, nàng đưa tay lên và bắt đầu cởi khuy bộ áo ngủ của mình… những ngón tay mảnh dẻ đáng yêu của nàng cởi dần từng chiếc khuy từ trên xuống dưới… khi đã cởi hết chúng, Naoko kéo cho bộ áo trật khỏi vai rồi lôi nó tuột hẳn xuống như một con côn trùng lột xác. Nàng không mặc gì dưới lần áo ngủ ấy…trần truồng và vẫn quì cạnh giường, nàng nhìn tôi. Tắm trong ánh trăng dịu, thân thể của Naoko ánh lên như da thịt sơ sinh khiến tôi thấy tan nát cả cõi lòng… khối tròn trịa căng phồng của cặp vú, hai đầu vú nhỏ xíu, chỗ lõm vào ở phần rốn, cặp xương hông và đám lông mu, tất cả đều tạo nên những bóng đỗ li ti lấm chấm mà hình dạng của chúng liên tục biến đổi như những gợn sóng lăn tăn trải dài trên mặt hồ phẳng lặng… đường cong kiều diễm từ thắt lưng xuống hông, vẻ phì nhiêu tròn trịa của đôi vú, những chuyển động nhẹ nhàng theo nhịp thở của làn bụng thon và đám lông mu đen đổ bóng bên dưới…” [65, tr.251-252]. Nhìn chung, trong văn học nước ngoài từ văn học dân gian đến văn học thành văn, từ trung đại đến hiện đại, vấn đề giới tính luôn được quan tâm và được đề cập mạnh mẽ, nóng riết, đầy màu sắc tính dục. Bởi lẽ các nhà nghệ sĩ phương Tây vẫn xem giới tính thuộc về thiên tính vừa mang tính nhân bản vừa thể hiện những điều cơ bản, gần gũi với con người. Sự thể hiện này có lẽ cũng dễ hiểu vì nó phụ thuộc vào lối sống văn hoá của mỗi vùng miền, mỗi dân tộc. 1.3.3.2. Vấn đề giới tính trong một số tác phẩm văn học Việt Nam Có thể nói, trong nền văn học Việt Nam, văn học dân gian là dòng nước ngọt tưới đẫm những cơn khát hạnh phúc, tình yêu của con người, cũng là nơi gieo mầm cho hạnh phúc của con người. Văn học dân gian là nơi cất tiếng nói mạnh mẽ, thẳng thắn, chân thực khi đề cao vẻ đẹp của con người mà trước hết là vẻ đẹp mang màu sắc giới tính. Văn học nói đến vẻ đẹp mang màu sắc giới tính hay chính là vẻ đẹp hình thể của con người. Vẻ đẹp hình thể của người Việt Nam được nhắc đến trong văn học bình dân như sau: Đàn ông đóng khố đuôi lươn Đàn bà mặc yếm hở lườn mới xinh (Ca dao) Dân gian ta vốn có cái nhìn “cởi mở” và thái độ bao dung với vẻ đẹp giới tính nơi con người. Vấn đề thân xác, nét đẹp hình thể ấy được thể hiện trong một truyện cổ tích Chử Đồng Tử. Chuyện kể rằng công chúa Tiên Dung chủ động đến với anh chàng đánh cá. Hai người đã ở trần cùng với nhau trong một cái hố, giữa màn vây bát tiên, giữa cảnh trời nước bao la khoáng đạt, giữa ánh sáng của thanh thiên bạch nhật đủ sức soi thấu mọi góc cạnh của cơ thể. Tình yêu của họ thật tinh khôi, lồ lộ của hai cơ thể giữa trời nước, trong ánh sáng, cạnh da thịt. Tình yêu nguyên thủy như thể tình yêu “đầu tiên” của loài người, chẳng khác gì tình yêu của nàng Eva khi ăn trái cấm trong vườn địa đàng để đến với Adam. Ca dao, tục ngữ, câu đố của người Việt đây đó bàng bạc yếu tố nhục thể, từ những lời nói bóng gió, nôm na, ý nhị: - Quả đào tiên ruột mất vỏ còn Buông lời hỏi bạn lối mòn ai đi? - Có trầu mà chẳng có cau Làm sao cho đỏ môi nhau thì làm Hay bông đùa hóm hỉnh: Càng già càng dẻo càng dai Càng gãy chân chõng càng sai chân giường Đến những cách nói lấp lửng về quan hệ giới tính: Tầm phạch, tầm phạch, tầm phanh, Khi vui, vui quá khi buồn buồn tênh. Khi xưa nó đỏ như đào, Bởi anh chơi ác nó đà thâm thâm (Cái quạt) Nhìn lại nền văn học truyền thống nước nhà, tình dục trong văn học Việt Nam dường như luôn luôn là một phương thức giải thiêng. Nó thuộc phạm trù cái tục. Người Việt ta dễ dàng sử dụng yếu tố tục này trong các câu đố ở dạng đố tục giảng thanh, hoặc đố thanh giảng tục. Và loại câu đố này luôn luôn nói về những hành động tính giao, hoặc chỉ những nơi thuộc “hạ tầng thân xác”: - Lưng tròn vành vạnh đít bảnh bao, Mân mân, mó mó đút ngay vào, Thủy hỏa tương giao sôi sình sịch, Âm dương nhị khí sướng làm sao. (Hút thuốc lào) - Dày như múi mít, đỏ tựa hạt hồng, giống cái lá vông Trông như rễ ấu, xấu thì thật xấu, xem vẫn muốn xem Nói đến thì thèm, bảo ăn lại giận. (Sinh thực khí đàn bà) Đọc những câu trên, ai cũng hiểu ý nói cái gì. Nhưng điều thú vị ở mục đích người bình dân sử dụng các câu nói, câu đố về vấn đề giới tính là làm người ta có thể bật cười, khoái trá khi đã nhận ra, hiểu được cái ngộ nghĩnh, hóm hỉnh, thâm thuý ẩn dấu bên trong, phát hiện ra sự vật đề cập một cách toàn vẹn. Người Việt ta vốn chuộng sự vui vẻ, cười lên để vui sống. Đây chính là sức hấp dẫn của loại hình câu đố tục giảng thanh trong văn hoá người Việt và cái cười hóm hỉnh, hài hước rất có duyên ấy là điều mà văn học thành văn tiếp thu từ văn học dân gian. Ta dễ nhận thấy điều này qua các tác giả tiêu biểu như Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Tú Mỡ và đặc biệt là bà chúa thơ Nôm - Hồ Xuân Hương. Nhưng phải đến văn học trung đại, mà cụ thể là giai đoạn từ cuối thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX, thì vấn đề giới tính, những khát vọng trần thế của con người cá nhân mới được biểu hiện một cách rõ ràng và độc đáo; đặc biệt trong các tác phẩm Nôm khuyết danh. Con người cá nhân lúc này không bị bó hẹp trong lớp áo phong kiến tù túng mà diện mạo của họ hoàn toàn mới lạ, sinh động trong từng đường nét tự nhiên. Chưa bao giờ trong văn học, vấn đề giới tính, thân xác, những nhu cầu tự nhiên của con người lại được đề cập nhiều đến thế, Đặng Trần Côn với Chinh phụ ngâm, Nguyễn Gia Thiều với Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Du với Truyện Kiều, Hồ Xuân Hương với mảng thơ Nôm. Có thể lí giải điều này ở khía cạnh thời đại, thể chế xã hội lúc bấy giờ. Văn học trung đại Việt Nam vốn bị kiềm toả bởi ý thức hệ Nho giáo, những gì thuộc về con người cá nhân, khát vọng hạnh phúc vốn không thể chấp nhận được. Nhưng điều đặc biệt là càng bị quản thúc, càng cấm kị thì nó càng nở rộ. Nếu như vấn đề giới tính trong văn học phương Tây cổ được đề cập một cách mạnh mẽ và rất sớm thì giới tính đến với văn học Việt Nam muộn hơn. Văn học trung đại Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX nổi bật lên với cảm hứng nhân đạo, nhân văn sâu sắc.Văn học lên tiếng bênh vực con người cá nhân, khẳng định vai trò của con người cá nhân trong cuộc sống, đả phá những quan niệm phong kiến để bảo vệ tình yêu, hạnh phúc. Trong cảm hứng đó, văn thơ thời ấy đã có những câu thơ toàn bích để nói về thân xác cũng như khát vọng về vấn đề thân xác, tình yêu của con người. Trong truyện Phan Trần, ni cô Diệu Thường từ tâm chữa bệnh một anh chàng đang “chết dần” vì thiếu tình yêu và chỉ có liều thuốc của tình yêu, của hơi ấm thể xác mới cứu được kẻ si tình ấy: “Dễ phương ngũ tích, dễ bài bát trận Bùa nào nghiệm, thuốc nào dằn, Dược sư ngán nỗi, lão quân khôn chiều, Có chăng liên nhục, liên kiều, Dùng phương đồng nữ mới tiêu bệnh chàng” (Phan Trần) Diệu Thường đã làm một điều thiện cho kẻ mắc bệnh phong tình kia và cũng làm một điều thiện cho chính bản thân mình. Phải chăng nàng đã phạm vào sắc giới nhà Phật hay._.người phụ nữ. Ta bắt gặp trong thơ Nôm của Hồ Xuân Hương là cả một nền văn hóa, lối sống của người Việt, hơn nữa những vấn đề mà bà đề cập còn là những vấn đề gắn liền với đời sống tình cảm, đời sống tinh thần của dân tộc, không những thế, những điều đó cũng thuộc về những vấn đề của nhân loại, thuộc mẫu số chung của nhân loại – Những vấn đề thuộc về tâm thức chung của nhân loại - Những vấn đề con người còn và mãi quan tâm, là tiếng nói tri âm về những khát khao hạnh phúc trần thế của con người. Chính vì thế, thơ Nôm Hồ Xuân Hương luôn sống trong hồn độc giả, trong lòng dân tộc – như món ăn tinh thần quý báu. Nếu như người đời thường chiêm nghiệm cuộc đời bằng việc bói Kiều thì người ta dùng thơ Nôm Hồ Xuân Hương để thổ lộ những khát khao hạnh phúc được ái ân, được sống trọn vẹn của mình. Trong giới hạn của một luận văn tốt nghiệp, chúng tôi dã chọn lọc từ những công trình nghiên cứu về Hồ Xuân Hương, kể cả những bài báo không chuyên đề liên quan đến vấn đề giới tính trong thơ Hồ Xuân Hương có những chỗ rất quí, độc đáo và mới mẻ đều được chúng tôi khai thác. Điều đó cho phép chúng tôi có được cái nhìn hệ thống toàn bộ những sáng tác của Xuân Hương về vấn đề giới tính. Luận văn chúng tôi đã trình bày được những điều tổng quát sau đây. Trong chương thứ nhất của luận văn chúng tôi đã đưa ra những nhận xét khái quát và hệ thống về vấn đề giới tính trong thế giới quan và nhân sinh quan nhân loại: từ phương Đông sang phương Tây, từ cổ chí kim, từ lịch sử, nguồn gốc đến bản chất của vấn đề giới tính; cho thấy vấn đề giới tính in dấu ấn trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội từ vật chất đến tinh thần. Giới tính trong lịch sử triết học và tôn giáo, trong lịch sử mỹ học: nghệ thuật điêu khắc và hội hoạ, đặc biệt là sự thể hiện vấn đề giới tính một cách phong phú, muôn màu trong nghệ thuật ngôn từ. Như thế chúng tôi đã được khảo sát vấn đề giới tính từ nhiều lĩnh vực để thấy giới tính là một vấn đề mang tính khoa học, một vấn đề tất yếu trong cuộc sống và trong văn chương. Trên cơ sở đó, giúp chúng tôi mở ra chương tiếp của luận án, góp phần giải quyết những vấn đề còn lại. Vấn đề giới tính trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương là trọng tâm chúng tôi khảo sát. Điều này được thể hiện ở cả hai mặt nội dung và nghệ thuật thể hiện chúng tôi thực hiện trong hai chương của luận văn. Trước hết là nội dung, chúng tôi nhận thấy, vấn đề giới tính trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương xoay quanh những quan niệm của bà về người phụ nữ. Từ điểm nhìn giới tính, nữ sĩ thể hiện sự bình đẳng về giới, sự tự hào về giới, ca ngợi người phụ nữ với nét đẹp hoàn mỹ về hình thể. Trong đó, chúng tôi luôn khẳng định vấn đề giới tính là điểm độc đáo và làm nên sức hấp dẫn của thơ Xuân Hương với nhiều thế hệ, điều đặc biệt là vấn đề giới tính được thể hiện cụ thể trong những khát vọng về tình yêu – khía cạnh hoà hợp thể xác, thú vui trần thế của con người. Vấn đề giới tính không chỉ được tiếp cận trong nội dung tác phẩm mà còn được khai thác từ những thủ pháp nghệ thuật thể hiện. Chúng tôi cũng đã phát hiện được các điểm độc đáo trong nghệ thuật thể hiện từ các bài thơ Nôm của Hồ Xuân Hương. Rõ ràng Xuân Hương độc đáo ngay trong cách thức thể hiện; hết sức sáng tạo trong nghệ thuật tổ chức bài thơ, độc đáo hơn cả là phá vỡ sự cân bằng của kết cấu thơ Đường luật, tạo sự cân bằng mới về ngữ nghĩa trong lối tả vịnh, là cách tạo ra những câu thơ kết mang dấu hiệu mở, là cách sử dụng những biểu tượng và từ ngữ độc đáo hướng về giới tính. Bằng thiên tài của mình, dấu hiệu của sự sáng tạo có mặt ở khắp các bài thơ trong kết cấu sáng tạo, các biểu tượng tạo nghĩa độc đáo, trong một số thủ pháp nghệ thuật chơi chữ, nghệ thuật dùng những từ ngữ mới lạ, ấn tượng. Các thủ pháp nghệ thuật này đã tạo ra một giọng thơ rất riêng, rất Hồ Xuân Hương. Tất nhiên chúng ta hiểu được điều mà Xuân Hương muốn nhắn gửi qua những hình thức nghệ thuật ấy chính là những thông điệp cuộc đời mà bà gửi lại cho người đời chẳng thể nào khác ngoài những khao khát hạnh phúc của con người. Đây cũng chính là phần đóng góp của người viết trong đề tài này. Văn chương nghệ thuật đích thực luôn lấy con người làm trung tâm thể hiện. Những khát khao, những nỗi niềm của con người bao giờ cũng là đề tài chính cho đối tượng của văn học, cho người nghệ sĩ sáng tạo. Hồ Xuân Hương cũng không nằm ngoài quy luật sáng tạo nghệ thuật ấy. Con người cá nhân trong thơ văn trung đại, đến thế kỉ XVIII, các nhà thơ, nhà văn đã có những thay đổi trong cách nhìn về đối tượng sáng tác của mình. Con người cá nhân được đề cao với đầy đủ những cung bậc của nó. Thơ Nôm Hồ Xuân Hương cũng hòa vào dòng chảy chung của những cảm hứng về con người cá nhân đó. Hơn bất cứ nhà thơ nào trước đó, Hồ Xuân Hương bộc lộ nỗi niềm riêng, khát vọng riêng một cách tha thiết, sâu sắc. Mà mục đích đầu tiên của sự thể hiện giới tính đó là khẳng định quyền sống trọn vẹn cho con người cá nhân. Thơ Xuân Hương là tiếng lòng của một người đàn bà khao khát được yêu, được sống và yêu sống một cách trọn vẹn. Khát vọng ấy làm cho tiếng nói của Xuân Hương độc đáo, khác lạ hơn những người cùng thời với bà. Có thể nói, viết những tác phẩm mang màu sắc giới tính cũng chính là đề cập đến những cái gì thuộc về con người, cuộc đời Xuân Hương. Một cái tôi nữ giới đầy cá tính, bản lĩnh chịu đựng trước nỗi đời cay cực để giữ trọn cái sắt son. Với những kết cấu nghệ thuật độc đáo, tác phẩm đã bao hàm nội dung cần biểu đạt. Bà muốn khẳng định triết lí sống trong thơ Nôm của mình, triết lí vì con người, vì sự sống trọn vẹn, đầy đủ những khát khao hạnh phúc. Khát khao hạnh phúc là nhân bản, là vấn đề sống còn của con người. Điều này lí giải tại sao giới tính, thân xác không phải chỉ là một khía cạnh, một góc nhỏ trong thơ Hồ Xuân Hương mà là một nội dung phổ biến bằng cả một hệ thống biểu tượng, hình ảnh. Không hiểu tại sao nhưng mỗi khi nghĩ về nữ sĩ này, người viết luôn có cảm giác con người tài tình ấy đang đi kiếm tìm hạnh phúc…trên một con đương xa ngái - Một con đường khấp khểnh đầy nhọc nhằn của những người phụ nữ đi tìm hạnh phúc. Giống như những kẻ lang thang trên sa mạc, con người khát khao hạnh phúc, Xuân Hương như người thứ lữ cần giọt nước; dẫu chưa có được những giọt nước mát lành thì ảo ảnh về nó cũng sẽ làm dịu đi cơn khát; hạnh phúc dẫu mơ hồ, bé nhỏ, ít ỏi cũng xoa dịu phần nào nỗi khát khao của con người trong cuộc đời. Vì chút hạnh phúc nhỏ nhoi ấy người ta dám đánh cược số mệnh của mình trong vai tỳ thiếp, trong vai vợ lẽ để chấp nhận kiếm chút ít “miếng đỉnh chung”. Sống trong xã hội bất bình đẳng, một xã hội mà mọi nề nếp đạo đức đang trên đà suy thoái thì số phận con người được nhìn nhận rõ nét hơn cả. Và con người được bộc lộ mình rõ nét hơn cả chính trong cuộc mưu cầu hạnh phúc, thể hiện một cách bản chất tính người, với những khát vọng chưa bao giờ đạt được của con người. Niềm khát vọng sống hạnh phúc trọn vẹn ấy đâu phải là khát vọng của riêng Xuân Hương nữa, nó trở thành sự khát khao của tất cả những người phụ nữ mà bà là người tiêu biểu. Xuân Hương đã ôm trọn trong trái tim mình sự rỉ máu của những nỗi đau và cả niềm khát vọng sống, khát khao hạnh phúc trọn vẹn cũa cả thời đại - một thời đại người phụ nữ chịu đầy bi kịch. Xuân Hương mang trong mình nỗi niềm của Thúy Kiều, của cả người phụ nữ sẵn lòng làm thứ “cơm nguội đỡ khi đói lòng” trong ca dao. Xuân Hương thu nhận cả khát vọng ân ái của người cung nữ, cả nỗi nhung nhớ của người chinh phụ, cả khúc li biệt não nề của công chúa Ngọc Hân... Người phụ nữ càng khát khao hạnh phúc thì càng chẳng có được nó một cách trọn vẹn trong xã hội ấy. Nàng Tấm muốn yên phận cũng không được, Thúy Kiều thông minh, sắc sảo rồi cũng bị cuốn vào kiếp đoạn trường, Thị Mầu phóng túng, lẳng lơ cũng là kẻ bất hạnh, Xúy Vân liều lĩnh rồi cũng hóa dại dại điên điên... Hồ Xuân Hương không cam chịu, bà cất tiếng nói đòi quyền sống cho người phụ nữ: quyền được làm vợ, làm mẹ, quyền được yêu và hưởng hạnh phúc chăn gối một cách trọn vẹn – những quyền sống tối thiểu và thiết yếu của giới mình. Thơ Xuân Hương là thơ của nỗi niềm, của thân phận rất riêng nhưng cũng là tiếng nói cho mọi người. Có thể nói, đề cập đến những vấn đề giới tính trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương là đề cập đến những vấn đề nhân bản. Dưới góc nhìn giới tính, chúng tôi đã tìm hiểu, phân tích, so sánh thơ bà với thơ văn cùng tư tưởng như bà trên thế giới để thấy rằng con đường đi đến với các thiên tài sáng tạo đều có điểm chung đó là các vấn đề con người làm cho “người gần người hơn”. TÀI LIỆU THAM KHẢO Tiếng Việt 1. Phương Anh (1969), “Con người Việt Nam trong nghệ thuật tạo hình xưa”, Tạp chí mỹ thuật Việt Nam, (5), tr.70 - 83. 2. Bakhtin. M (Phạm Vĩnh Cư dịch) (1992), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội. 3. Bakhtin. M (Từ Thị Loan dịch, Hoàng Ngọc Hiến hiệu đính) (2006), Sáng tác của Francois Rabelais và nền văn hóa dân gian Trung cổ Phục hưng, Nxb KHXH, Hà Nội. 4. Hoa Bằng (1970), Hồ Xuân Hương – nhà thơ cách mạng, Nxb Bốn Phương, Viện học thuật, Sài Gòn. 5. Trương Duy Bích (1984), “Điêu khắc đình làng”, VHDG, (3), tr.40 – 44. 6. Nguyễn Đức Bính (1982), “Người Cổ Nguyệt, chuyện Xuân Hương”, Tạp chí Văn nghệ, (10). 7. Bocassio (1994), Mười ngày, Nxb Văn học, Hà Nội. 8. Bùi Hạnh Cẩn (1999), Hồ Xuân Hương, Thơ chữ Hán, chữ Nôm và giai thoại, Nxb VHTT, HN. 9. Cây Thông (Nxb) (1950), Thân thế và thơ ca Hồ Xuân Hương: Bà chúa thơ Nôm, sưu tầm tất cả thơ ca của Hồ Xuân Hương từ lúc lên 8 tuổi trải mấy đời chồng cho đến lúc già, HN. 10. Nguyễn Thị Chiến (1992), “Tính bi kịch xã hội qua hình tượng người phụ nữ trong thơ ca thế kỷ XVIII và nửa thế kỷ XIX”, Tạp chí văn học, (2), tr.9 -12. 11. Đoàn Văn Chúc (1997), Văn hoá học, Viện văn hoá & NXB Văn hoá thông tin, Hà Nội. 12. Nguyễn Mạnh Côn, Hoàng Vũ (1984), “Tìm hiểu thơ Hồ Xuân Hương hay một vài nhận định về tâm lý học, phân tâm học và văn hoc”, Bách Khoa, (168), Sài Gòn. 13. Hoàng Sơn Cường (1994), “Đạo vợ chồng theo lý giải âm dương, bát quái”, Văn học nghệ thuật, (7), Hà Nội, tr.10 – 13. 14. Nguyễn Văn Dân (2005), Thần thoại Hy Lạp, Nxb Giáo Dục. 15. Ngô Viết Dinh (sưu tầm và biên tập) (1997), Đến với thơ Hồ Xuân Hương, Nxb Hà Nội. 16. Đỗ Hoàng Diệu (2005), Bóng đè, Nxb Đà Nẵng. 17. Xuân Diệu (1958), Ba thi hào dân tộc – Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nxb Phổ Thông, Hà Nội. 18. Xuân Diệu (1987), Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, Nxb Văn học. 19. Xuân Diệu (1961), Hồ Xuân Hương, Bà Chúa Thơ Nôm, Nxb Phổ Thông, Hà Nội. 20. Nguyễn Đức Dũng – Đặng Thanh Lê (1963), “Góp phần tiếng nói trong việc đánh giá thơ Hồ Xuân Hương”, Nghiên cứu văn học, (3), tr.76–83. 21. Tản Đà (1932), “Thơ Nôm Hồ Xuân Hương”, An nam tạp chí, (1), ra ngày 1-10, tr.1 – 2. 22. Chử Anh Đào (2000), Tự thú trước vần trăng (Phân tích những bài thơ hay), Nxb Mũi Cà Mau. 23. Trần Thanh Đạm (1993), “Giới tính và văn nghệ”, Báo Sài Gòn Giải Phóng, (5859). 24. Nguyễn Đăng Điệp (2002), Giọng điệu trong thơ trữ tình, Nxb Văn học, Hà Nội. 25. Phạm Xuân Độ (1960), Nữ văn hào Việt Nam – Sương Nguyệt Ánh, Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Trung tâm liệu học, Sài Gòn. 26. Mãn Hồng Đường (2003), “Từ “dê cỏn” đến “báo hoá dê”, Tạp chí Cửa Việt, (101), tháng 12. 27. Trần Thị Minh Giới (1995), Yếu tố Folklore học trong thơ Hồ Xuân Hương, Luận văn cao học Ngữ văn, Đại học KHXH & NV. 28. Nguyễn Thị Thanh Hà (1998), “Từ láy trong thơ Hồ Xuân Hương”, Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, (5). 29. Trịnh Thu Hằng (1992), “Hình ảnh người phụ nữ trong điêu khắc đình làng”, Khoa học và phụ nữ, Hà Nội, (2), tr.16 – 17. 30. Nguyễn Văn Hanh (1970), Hồ Xuân Hương tác phẩm, thân thế và văn tài, Nxb Khai Trí, Sài Gòn, in lần thứ 3. 31. Hoàng Xuân Hãn (1995), Thiên tình sử Hồ Xuân Hương, Nxb Văn học. 32. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử (1992), “Từ điển thuật ngữ văn học”, Nxb văn học. 33. Đỗ Đức Hiểu (1963), “Văn học thời Phục hưng”, Nghiên cứu văn học, (3), tr.63 – 64. 34. Đỗ Đức Hiểu (1990), “Thế giới thơ Nôm Hồ Xuân Hương”, Tạp chí văn học, (5). 35. Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (chủ biên) (2003), Từ điển văn học bộ mớ”, Nxb Thế giới. 36. Hồ Sĩ Hiệp (1996), Văn học trong nhà trường, Phần Hồ Xuân Hương, Nxb Văn Nghệ, tp HCM. 37. Nguyễn Hữu Hào (Nguyễn Thị Thanh Xuân khảo đính, phiên âm và chú thích) (1984), Truyện Song Tinh, Nxb Văn nghệ Tp HCM. 38. Kiều Thu Hoạch (2008), Thơ Nôm Hồ Xuân Hương, Nxb Văn học. 39. Mai Văn Hoan (2007), “Sex như thế không thể coi là tục”, www.vannghequandoicuoi. 40. Nguyễn Phi Hoanh (1984), Mỹ thuật Việt Nam, Nxb Tp HCM. 41. Hồng Tú Hồng (1953), “Có nữ sĩ Hồ Xuân Hương hay không?”, Nhân loại, (2), Sài Gòn, tr.10, 11, 15. 42. Hiền Hồng (1984), “Bức chạm trai gái đùa vui”, Văn hóa dân gian, Hà Nội, (4), tr.43 – 45. 43. Quang Hùng, Nguyễn Thị Tuyết (2003), Từ điển Việt - Anh, Nxb Đà Nẵng. 44. Nguyễn Văn Huyên (1992), “Từ những hình tượng nam nữ yêu nhau trên tháp Đào Thịnh, nghĩ về ước vọng phồn thực lâu đời của nhân dân ta”, Văn hóa dân gian, Hà Nội, (2), tr.60 – 67. 45. Trần Đình Hựu (1991), “Về ảnh hưởng nhiều mặt Nho giáo trong văn học Việt Nam cổ đại”, Tạp chí văn học, (3), Hà Nội, tr.18, 20, 75. 46. Đinh Gia Khánh (1990), “Nho giáo và văn hóa dân gian Việt Nam”, VHDG, (3), tr.5 – 10. 47. Đinh Gia Khánh (1997), Văn hoá dân gian Việt Nam trong bối cảnh Văn hoá Đông Nam Á, Nxb KHXH – Hà Nội. 48. Vũ Ngọc Khánh (1987), “Văn học dân gian và việc tìm hiểu thử tư tưởng Việt Nam”, VHDG, (4), tr.28 – 34. 49. Nguyễn Đức Khuê (2002), “Tự tình – 1, bài thơ giàu chất nhân văn, chất người của Hồ Xuân Hương”, Tạp chí Ngôn ngữ, (11). 50. Tương Lai (1989), “Phạm trù Người của triết học Mác – xít và nghiên cứu văn học”, TCVH, (3), tr.9 – 14. 51. Đặng Thanh Lê, Nguyễn Đức Dũng (1983), “Góp thêm một tiếng nói trong việc đánh giá thơ Hồ Xuân Hương”, Tập san Nghiên cứu văn học, (1). 52. Đặng Thanh Lê (1968), “Nhân vật phụ nữ qua một số truyện Nôm”, Tạp chí văn học, (2, 3), tr.102 – 114. 53. Lê– nin. I.V (1962), Bàn về văn học và nghệ thuật, Nxb Sự Thật, Hà Nội. 54. Mai Quốc Liên (1994), “Bàn lại chuyện Xuân Hương”, Báo Văn nghệ, (5, 6). 55. Nam Liên (1978), “Người phụ nữ trong sáng tác của một số nhà văn tiến bộ Ấn Độ nửa cuối thế kỷ XIX nửa đầu thế kỷ XX”, TCVH, (1), tr.114 – 123. 56. Trần Gia Linh (1980), “Vai trò của người phụ nữ khai sáng đất nước và dân tộc trong truyền thống dân gian”, TCVH, (2), tr.34 – 40. 57. Lại Văn Long (1991), “Thân phận người phụ nữ trong lịch sử làm vợ”, Kiến thức ngày nay, (68). 58. Nguyễn Lộc (1969), “Những vấn đề xã hội trong truyện Nôm bình dân”, Tạp chí văn học, (4), tr.62 – 73. 59. Nguyễn Lộc (1982), Thơ Nôm Hồ Xuân Hương, Nxb Văn học, Hà Nội. 60. Nguyễn Lộc (1986), Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX (tập 1), Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp. 61. Đặng Đình Lưu (1995), Nữ sĩ Tây Hồ, Tiểu thuyết, NXB Thanh Niên, Hà Nội. 62. Đặng Thai Mai (1943), “Ý nghĩa nhân sinh trong truyện cười nước ta ngày xưa”, Tri Tân, (112). 63. Trần Thanh Mại (1961), “Thử bàn lại vấn đề tục và dâm trong thơ Hồ Xuân Hương”, Tạp chí NCVH, (4). 64. Trần Thanh Mại (1964), “Lưu Hương ký và lai lịch phát triển của nó”, Tạp chí văn học, (11). 65. Murakami. Haruki (Trịnh Lữ dịch) (2007), Rừng Na-uy, Nxb Hội nhà văn. 66. Nguyễn Đăng Na (1992), “Thơ Hồ Xuân hương với văn học dân gian”, Tạp chí Văn học, (2), tr.36, 43, 73. 67. Niculin (Tiêu Dương dịch) (1968), Thơ Hồ Xuân Hương, Nxb Khoa học, M. 68. Nguyễn Nghiệp, Trương Quang Kiến (1961), “Thử tìm hiểu ý thức chủ đạo trong thơ Hồ Xuân Hương”, NCVH, Hà nội, (9), tr.12 – 27. 69. Nguyễn Thị Ngọc (1997), “Nguồn cội của thơ Nôm Hồ Xuân Hương”, Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, (156). 70. Nguyễn Văn Ngọc (2008), “Hình tượng Linga và Yoni trong điêu khắc Chăm”, www.khcnbinhdinh.com.vn. 71. Lữ Huy Nguyên (1996), Hồ Xuân Hương thơ và đời, Nxb Văn học. 72. Nguyễn Khắc Ngữ (1965), “Mẫu hệ Việt Nam”, Sài Gòn Tri Tân, (175 – 178). 73. Vương Trí Nhàn (1986), “Hồ Xuân Hương với Rabelais, Vi-lông và Đôxtôi-epxki, Tạp chí văn học, (1), tr.140, 149. 74. Hồ Tuấn Niêm (1972), “Bàn lại một đôi điều về tiểu sử Hồ Xuân Hương”, Tạp chí văn học, Hà Nội, tr.11 – 31. 75. Phạm Hoàng Oanh (2007), “Tục thờ sinh thực khí qua các hội làng cổ”, www.dongtacnet.vn. 76. Hoàng Phê (chủ biên) (2005), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng. 77. Trần Phò (2007), Người xưa với văn hóa tính dục, Nxb Phụ Nữ. 78. Vũ Trọng Phụng (2003), Giông Tố, Nxb Văn học, Hà Nội. 79. Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng (1991), Mỹ thuật của người Việt, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội. 80. Nguyễn Đức Quyền (2001), Mời trầu, in trong Giảng văn chọn lọc văn học Việt Nam, văn học dân gian và văn học cổ, cận đại, Trần Đình Sử tuyển chọn, Nxb ĐHQG, HN. 81. Vũ Tiến Quỳnh (Tuyển chọn và giới thiệu) (1994), Phê bình nghị luận thơ Hồ Xuân Hương, Nxb Văn nghệ TP HCM. 82. Hoành Sơn - Hoàng Sỹ Quý (2006), Tính dục nhìn theo phương Đông¸ Nxb Trẻ. 83. Nguyễn Hữu Sơn (1991), “Tâm lí sáng tạo trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương”, Tạp chí văn học, (2). 84. Phạm Côn Sơn (1996), Phụ nữ trong đời sống xã hội, Nxb Đồng Tháp. 85. Trần Đình Sử (1997), Về con người cá nhân trong văn học cổ Việt Nam, Nxb Giáo dục. 86. Trần Đình Sử (2005), Thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb ĐHQG, Hà Nội. 87. Văn Tân (1955), Hồ Xuân Hương với các giới phụ nữ, Văn hóa và Giáo dục, Nxb Sông Lô, Hà Nội. 88. Văn Tân, Nguyễn Văn Đạm (1994), Từ điển tiếng Việt (in lần thứ 3), Nxb KHXH. 89. Nguyễn Thanh (1992), “Về tên gọi một bài thơ của Hồ Xuân Hương nhìn từ góc dộ văn hóa dân gian”, VHDG, (1), tr.69 – 70. 90. Trần Thị Băng Thanh (1978), “Nhìn qua những tác phẩm viết về đề tài phụ nữ trong văn học chữ Hán thế kỷ XVIII và nửa thế kỷ XIX”, Tạp chí văn học, (2), tr.68 – 77. 91. Trần Thị Băng Thanh (1991), “Thơ Bà Huyện Thanh Quan, niềm vui và nỗi buồn”, Tạp chí văn học, (1), tr.34 – 41. 92. Tuấn Thành, Anh Vũ (tuyển chọn) (2007), Hồ Xuân Hương Tác phẩm và lời bình, Nxb Văn học. 93. Phạm Minh Thảo (biên soạn) (2002), Almanach Thế giới đàn ông, Nxb Thanh Niên, Hà Nội. 94. Trần Ngọc Thêm (1996), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam (cái nhìn hệ thống loại hình), Nxb Tp HCM. 95. Nguyễn Gia Thiều (1986), Cung oán ngâm khúc, Nxb Văn học. 96. Trần Nho Thìn (2003), Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa, Nxb GD. 97. Nguyễn Huy Thiệp (2006), “Tình dục trong văn học hôm nay”, www.vietnamNet.vn. 98. Đỗ Lai Thúy (1994), “Về hiện tượng “Dâm” và “Tục” trong văn hóa dân gian của người Việt Nam”, Văn hóa nghệ thuật, (8), tr.52 – 54. 99. Đỗ Lai Thúy (1994), “Nguyên lý giới tính trong đời sống văn hóa”, Văn hóa nghệ thuật, (8), tr.52 – 54. 100. Đỗ Lai Thúy (1994), “Tín ngưỡng phồn thực – nhìn từ góc độ văn hóa”, Văn hóa nghệ thuật, (4), tr.16. 101. Đỗ Lai Thúy (1995), “Tiếp cận thơ Hồ Xuân Hương từ nguyên lý Hội hóa trang của M. Bakhtin”, VHDG, (5). 102. Đỗ Lai Thúy (1999), Hoài niệm phồn thực, Nxb Văn hóa thông tin. 103. Trịnh Thanh Thủy, (2006), ““Sex – dưới mắt nhìn của người viết nữ Việt Nam”, www.evan.com.vn. 104. Lê Anh Thu (2007), “Bàn về thơ sex”, www.thotre.com.vn. 105. Trương Xuân Tiếu (1999), “Thành ngữ và tục ngữ tiếng Việt với thơ Nôm Đường luật của Hồ Xuân Hương”, Tạp chí Văn hoá dân gian, (1). 106. Bùi Bội Tỉnh (2001), Tình sử Hồ Xuân Hương (tiểu thuyết), Nxb VHTT, HN. 107. Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến (1917), Giai nhân di mặc, Hà Nội, Đông kinh ấn quốc. 108. Nguyễn Khánh Toàn (1974), “Văn hóa dân gian Việt Nam, một biểu hiện độc đáo và xuất sắc sức sống mãnh liệt của dân tộc”, Tạp chí văn học, (3), tr.2– 6. 109. Đào Thái Tôn (1978), “Bàn về bài thơ Đánh đu được xem là của Hồ Xuân Hương”, Tuần báo văn nghệ, (25). 110. Đào Thái Tôn (1978), “Xuân Đường đàm thoại – một nhịp nối trong tiến trình Dân gian hóa thơ ca Hồ Xuân Hương”, TCVH, (6), tr.64 –75. 111. Đào Thái Tôn (tuyển chọn và giới thiệu) (1993, 1994, 1995, 1997), Thơ Hồ Xuân Hương, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 112. Đào Thái Tôn (1993), Thơ Hồ Xuân Hương từ cội nguồn vào thế tục, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 113. Lê Ngọc Trà (1990), Lý luận văn học, Nxb Trẻ, Tp HCM. 114. Lê Ngọc Trà, Lâm Vinh (1984), Đi tìm cái đẹp, Nxb Tp HCM. 115. Trần Thị Trâm (1998), “Xuân Hương – kỳ nữ, kỳ tài”, Tạp chí Quê Hương, (3). 116. Nguyễn Văn Trung (1953), “Trường hợp có tác phẩm, có tác giả , nhưng chỉ là tục truyền, trường hợp Hồ Xuân Hương”, Văn học Sài Gòn, (108), tr.48 – 56. 117. Nguyễn Văn Trung (1986), Câu đố Việt Nam, Nxb Tp HCM. 118. Nguyễn Văn Trung (2006), Ca tụng thân xác, Nxb Văn nghệ. 119. Trần Quang Tuấn (1989), “Nữ thần trong nghệ thuật Ấn Độ”, VHDG, (4), tr.49 – 53. 120. Hoàng Phong Tuấn (2005), Các hướng tiếp nhận thơ Nôm truyền tụng Hồ Xuân Hương, Luận văn tốt nghiệp, Trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh. 121. Nguyễn Ngọc Tư (2005), Cánh đồng bất tận, Nxb Trẻ. 122. Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia - Viện KHXH tại tp HCM; Trung tâm nghiên cứu phụ nữ và gia đình (1995), Gia đình và địa vị người phụ nữ Việt Nam cách nhìn từ Việt Nam và Hoa Kỳ, Nxb KHXH. 123. Trương Tửu (1951), Văn nghệ bình dân Việt Nam, Nxb Văn hóa mới, Liên khu IV. 124. Trương Tửu (1958), Mấy vấn đề văn học sử Việt Nam, Nxb Xây dựng, Hà Nội. 125. Lê Thị Nhâm Tuyết (1975), Phụ nữ Việt Nam qua các thời đại (in lần thứ 2), Nxb KHXH, Hà Nội. 126. Thế Uyên (2005), “Tình dục trong ca dao và thơ Hồ Xuân Hương”, www.talawas.vn 127. Thôn Văn (1982), Thơ Hồ Xuân Hương, Hội liên hiệp Phụ nữ và Hội văn nghệ Hà Nội. 128. Đỗ Long Vân (1966), Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương, Nxb Trình bày, Sài Gòn. 129. Lê Trí Viễn (1987), Nghĩ về Hồ Xuân Hương, Sở Giáo dục Nghĩa Bình. 130. Lê Trí Viễn (1985), Lịch sử văn học Việt Nam (phần văn học viết thời quốc gia phong kiến độc lập đến nửa thế kỷ XIX), Nxb ĐHSP TpHCM. 131. Ngô Gia Võ (2000), “Nghệ thuật với ý nghĩa khẳng định khát vọng nhân văn trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương”, Tạp chí văn học, (2). 132.Trần Ngọc Vượng (2007), “Tục hóa - quay về để tiến tới”, www.vienvanhoc.org.vn. 133. Lê Thu Yến (2008), Sức hấp dẫn của thơ nôm Hồ Xuân Hương, Nxb Văn học, HN. 134. Nhiều tác giả (2008), Almanach Người mẹ và phái đẹp, Nxb Văn hóa thông tin. 135. Nhiều tác giả (1992), Bình luận văn học, Phần Hồ Xuân Hương, Nxb Tổng hợp Khánh Hòa. 136. Nhiều tác giả (1997), Danh ngôn phái đẹp, Nxb Đồng Nai. 137. Nhiều tác giả (2006), Tình dục dưới góc độ văn hóa, Nxb Phụ nữ. 138. Nhiều tác giả (2007), “Chuyên đề tình dục trong văn chương”, www.tienve.org.vn Tiếng nớc ngoài 139. Allgeres. E .R (1984), Sexual Interactions, D.C. health, Toronto. 140. Balaband. John (2000), Spring Essance: The poetry of Ho Xuan Huong, Port Toumsend, WA: Copper Canyon. 141. Jefreu. W (2003), Sexuallity, Routledge, London. 142. Moi.Torill (1985), Sexual or Textual politic, London and New York, Methuen. 143. Todd. Janet (1988), Ferminist Literary History, New York, Rouledge, 1988. PHỤ LỤC I. Phụ lục 1: Nhan đề 48 bài thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương. Chúng tôi chọn bộ phận thơ Nôm truyền tụng (gồm 48 bài: 45 bài thơ vịnh và 3 bài xướng họa cùng Chiêu Hổ) làm đối tượng nghiên cứu. Cụ thể là những bài sau đây: 1. Tranh tố nữ 2. Thiếu nữ ngủ ngày 3. Vịnh nữ vô âm 4. Mắng học trò dốt - 1 5. Mắng học trò dốt - 2 6. Ốc nhồi 7. Quả mit 8. Mời trầu 9. Bánh trôi nước 10. Đồng tiền hoẻn 11. Vịnh cái quạt - 1 12. Vịnh cái quạt - 2 13. Giếng nước 14. Trống thủng 15. Tát nước 16. Dệt cửi 17. Chùa quán sứ 18. Cái kiếp tu hành 19. Sư hổ mang 20. Sư bị ong châm 21. Cảnh chùa ban đêm 22. Tự tình - 1 23. Tự tình - 2 24. Tự tình - 3 25. Chiếc bách 26. Thân phận đàn bà 27. Lấy chồng chung 28. Không chồng mà chửa 29. Bỡn bà lang khóc chồng 30. Dỗ người đàn bà khóc chồng 31. Khóc Tổng Cóc 32. Khóc ông Phủ Vĩnh Tường 33. Đá ông chồng bà chồng 34. Hang Cắc Cớ 35. Hang Thánh Hóa 36. Đèo Ba Dội 37. Động Hương Tích 38. Kẽm Trống 39. Quán Khánh 40. Trăng thu 41. Hỏi trăng -1 42. Đề đền Sầm Nghi Đống 43. Đánh đu 44. Chơi chợ chùa Thầy 45. Đài Khán Xuân 46. Xướng họa cùng Chiêu Hổ - 1 47. Xướng họa cùng Chiêu Hổ - 2 48. Xướng họa cùng Chiêu Hổ - 3 II. Phụ lục 2: Những biểu tượng tính dục, những từ có ý nghĩa liên quan đến vấn đề giới tính: 1. Những từ mang biểu tượng liên quan đến âm vật: hang, động, đèo, kẽm, cửa, giếng, lỗ, kẽ, cái quạt, miệng túi, lá. Cụ thể là những trường hợp sau: - hang - Hang Cắc Cớ; hang - Hang Thánh Hóa, hang – (Ở trong hang núi còn hơi hẹp) - Kẽm Trống (3 lần) - động - Động Hương Tích - đèo - Đèo Ba Dội - kẽm (Có phải đây là Kẽm Trống không?) - Kẽm Trống - cửa (mình) (Qua cửa mình ơi nên ngắm lại) - Kẽm Trống; cửa son (Cửa son đỏ loét tùm hum nóc) – Đèo Ba Dội ( 2 lần) - lỗ (Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không) – Đánh đu; lỗ (Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom) - Động Hương Tích; lỗ trôn (Xin đừng ngó ngoáy lỗ trôn tôi) - Ốc nhồi; một lỗ (Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa -Vịnh cái quạt I (4 lần). - kẽ - kẽ hầm (Kẽ hầm rêu móc trơ toen hoẻn) - Hang Cắc Cớ; kẽ rêu (Trưa trật nào ai móc kẽ rêu) – Chùa Quán Sứ ; xỏ kẽ (Xỏ kẽ kèo tre đốt khẳng kheo) – Quán Khánh(3 lần) - miệng túi (Miệng túi càn khôn khép lại rồi) – Khóc ông Phủ Vĩnh Tường - giếng (Cầu trắng phau phau đôi vàn ghép) – Giếng nước. - Quạt (Chành ra ba góc da còn thiếu / khép lại đôi bên thịt vẫn thừa) - Vịnh cái quạt - 1; Quạt (Mỏng dày chừng ấy chành ba góc da còn thiếu) - Vịnh cái quạt - 2. (2 lần) - lá – lá đa (Nhờ hái cho xin nắm lá đa) - Xướng họa với Chiêu Hổ - 2. 2. Những từ mang biểu tượng liên quan đến dương vật: quả cau, sừng, nọc, cán cân, dùi trống, con suốt, cọc, hòn, đá. Cụ thể là những trường hợp sau: - quả cau (Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi) – Mời trầu. - nọc (Ong non ngứa nọc châm hoa rữa) - Mắng học trò dốt. - sừng (Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa) – Mắng học trò dốt. - cán cân (Cán cân tạo hóa rơi đâu mất) – Khóc ông phủ Vĩnh Tường. - dùi (Nó thủng vì chưng kẻ nặng dùi) – Trống thủng - con suốt (Một suốt đâm ngang thích thích mau) – Dệt cửi. - Con cò (Con cò mấp máy suốt đêm thâu) – Dệt cửi. - cọc (Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không) – Đánh đu; (Quân tử có thương thì đóng cọc) – Quả mít. (2 lần) - đá - hòn đá (Hòn đá xanh rì lún phún rêu) – Đèo Ba Dội; (Đá kia còn biết xuân già giặn) - Đá Ông chồng Bà Chồng (2 lần) - cây (Rộng hẹp dường nào cắm một cây) – Vịnh cái quạt - 2 - cành (Cho cả cành đa lẫn củ đa) – Xướng họa với Chiêu Hổ - 2. - củ - củ đa (Cho cả cành đa lẫn củ đa) – Xướng họa với Chiêu Hổ - 2. 3. Những từ mang ý nghĩa liên quan đến hành vi tính giao: Cụ thể là những trường hợp sau: đánh đu, đánh trống, dệt cửi, tát nước, châm, đục, đóng cọc, húc, trèo, xiên, đâm, chơi, húc… - đánh đu (Trai đu gối hạc khom khom cật / Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng” - Đánh đu . - dệt cửi (Hai chân đạp xuống năng năng nhắc / Một suốt đâm ngang thích thích mau) – Dệt cửi. - đánh trống (Ngày vắng đập tung dăm bảy chiếc / Đêm thanh tỏm cắc một đôi hồi /Khi giang thẳng cánh bù khi cúi / Đứng chiến không thôi lại chiến ngồi) - Trống thủng. - tát nước (Xì xòm đáy nước mình nghiêng ngửa / Nhấp nhổm bên ghềnh đít vắt ve / Mải việc làm ăn quên cả mệt / Dạng hang một lúc đã đầy phè) - Tát nước. - châm (Ong non ngứa nọc châm hoa rữa) - Mắng học trò dốt -1. - húc (Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa) - Mắng học trò dốt -1. - trèo (Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo) – Đèo Ba Dội. - xiên ngang (xiên ngang mặt đất rêu từng đám) – Tự tình – 2. - đâm toạc (đâm toạc chân mây đá mấy hòn) - Tự tình – 2. - chơi nguyệt (Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt) - Xướng họa với Chiêu Hổ - 2 . - ghẹo nguyệt (Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày) - Xướng họa với Chiêu Hổ - 1 . 4. Những từ chỉ bộ phận thân thể người phụ nữ: Cụ thể là những trường hợp sau: - trắng, tròn - Bánh trôi (Thân em vừa trắng lại vừa tròn) – Bánh trôi nước. - quả mít, múi mít (Thân em như quả mít trên cây / Da nó sù sì múi nó dày) – Quả mít - mặt trăng – tuyết trắng, (Đêm vắng cớ chi phô tuyết trắng / Ngày xanh xao nỡ tạnh lòng son) – Hỏi trăng – 1. - bồng đảo (ngực) (Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm) – Thiếu nữ ngủ ngày. - lạch - suối (Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông) - Thiếu nữ ngủ ngày. - oản (Oản dâng trước mặt dăm ba phẩm) – Sư hổ mang. 5. Những hình ảnh mang nghĩa liên tưởng đến bộ phận, hoặc yếu tố gợi dục: Cụ thể là những trường hợp sau: - rêu (xiên ngang mặt đất rêu từng đám) – Tự tình - 2; (Hòn đá xanh rì lún phún rêu) - Đèo Ba Dội; (Kẽ hầm rêu móc trơ toen hoẻn) - Hang Cắc Cớ; (Trưa trật nào ai móc kẽ rêu) – Chùa Quán Sứ (4 lần) - cỏ (Lườn đá cỏ leo sờ rập rạp) - Hang Thánh Hóa; (Cỏ gà lún phún leo quanh mép) – Giếng nước (2 lần). - sương (Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo) - Đèo Ba Dội; (Thớt dưới sương pha đượm má hồng) - Đá Ông chồng Bà Chồng; (Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm) – Thiếu nữ ngủ ngày (3 lần) - nhựa (Xin đừng mân mó nhựa ra tay) – Vịnh quả mít. - nước – (Một dòng nước biếc cảnh leo teo) - Quán Khánh; (Sóng dồn mặt nước vỗ lonh bong) – Kẽm Trống; (Rủ chị em ra tát nước khe / Xì xòm đáy nước mình nghiêng ngửa) – Tát nước; (Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm) – Hang Cắc Cớ; (Lách khe nước rỉ mó lam nham) – Hang Thánh Hóa; (Giọt nước hữu tình rơi thánh thót) - Động Hương Tích; (Nước trong leo lẻo một dòng thông) – Giếng nước; (6 lần) - ba chạc (cây)- (Ba chạc cây xanh hình uốn éo) - Quán Khánh. - quế đỏ (Nảy vừng quế đỏ đỏ lòm lom) - Hỏi trăng - 1. - ba góc (Chành ra ba góc da còn thiếu / Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa) - Vịnh cái quạt - 1; (Mỏng dày chừng ấy chành ba góc) - Vịnh cái quạt -2 ; (Lẽo đẽo chiếc gầu ba góc chụm) – Tát nước (3 lần) - cái xuân - cái xuân tình (Đem cái xuân tình vứt bỏ đâu) – Vịnh nữ vô âm; - cái xuân xanh (Nghìn năm còn mãi cái xuân xanh) – Tranh tố nữ (2 lần). ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLA7453.pdf
Tài liệu liên quan