Tài liệu Thơ Nho Việt Nam từ giữa thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XV: ... Ebook Thơ Nho Việt Nam từ giữa thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XV
154 trang |
Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 1961 | Lượt tải: 2
Tóm tắt tài liệu Thơ Nho Việt Nam từ giữa thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XV, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BOÄ GIAÙO DUÏC ÑAØO TAÏO
TRÖÔØNG ÑAÏI HOÏC SÖ PHAÏM TP. HOÀ CHÍ MINH
HUYØNH QUAÙN CHI
THÔ NHO VIEÄT NAM
TÖØ GIÖÕA THEÁ KYÛXIV ÑEÁN
GIÖÕA THEÁ KYÛ XV
Chuyeân ngaønh: Vaên hoïc Vieät Nam
Maõ soá: 62 22 34 01
LUAÄN AÙN TIEÁN SÓ NGÖÕ VAÊN
NGÖÔØI HÖÔÙNG DAÃN KHOA HOÏC:
1. PGS. MAI CAO CHÖÔNG
2. PGS-TS. ÑOAØN THÒ THU VAÂN
TP. HOÀ CHÍ MINH - 2010
LÔØI CAM ÑOAN
Toâi xin cam ñoan ñaây laø coâng trình nghieân cöùu khoa hoïc cuûa rieâng toâi. Caùc taøi lieäu, keát quaû nghieân
cöùu trong luaän aùn laø trung thöïc vaø chöa töøng ñöôïc ai coâng boá trong baát kyø coâng trình naøo khaùc.
Taùc giaû luaän aùn
NHÖÕNG CHÖÕ VIEÁT TAÉT
ÑhSP: Ñaïi hoïc Sö Phaïm
ÑhTH: Ñaïi hoïc Toång Hôïp
GD: Giaùo duïc
HvCTQG: Hoïc vie än Chính Trò Quoác Gia
KHXH: Khoa Ho ïc Xaõ Hoäi
KTNN: Kieán Thöùc Ngaøy Nay
NCGDVH: Nghieân cöùu giaûng daïy vaên hoïc
Q: quyeån
Nxb: Nhaø xuaát baûn
TcKHCT: Taïp chí Khoa Hoïc Chính Trò
TcVH: Taïp chí Vaên Ho ïc
TcVHNN: Taïp chí Vaên Ho ïc Nöôùc Ngoaøi
TtVHNN: Trung taâm Vaên hoaù Ngoân ngöõ
TcTH: Taïp chí Trieát hoïc
VHGD vaø TN: Vaên hoaù Giaùo Duïc vaø Thanh Nieân
VHTT: Vaên Hoaù Thoâng Tin
MỞ ĐẦU
1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Theo tiến trình vận động của thơ ca Việt Nam, đến giữa thế kỷ XIV ta thấy thơ có dấu
hiệu chuyển biến. Thơ Thiền phát triển mạnh và chiếm địa vị chủ đạo từ thế kỷ X đến đầu
thế kỷ XIV; nhưng đến giữa thế kỷ XIV thì lực lượng sáng tác, số lượng tác phẩm thơ Thiền
đã giảm thiểu. Thơ ca từ giữa thế kỷ XIV về sau tiếp tục phát triển, nhưng lực lượng sáng tác
chủ yếu là nhà nho. Nhìn chung số lượng tác giả, tác phẩm thơ phát triển. Quan niệm nghệ
thuật, cảm hứng thơ ca thời gian này chủ yếu là thuộc về loại hình tác giả nhà nho.
Nguyên nhân sâu xa của sự thay đổi này là sự thay đổi vị thế của tư tưởng Phật giáo đối
với xã hội. Vị thế thượng tôn của tư tưởng Phật giáo trên phương diện văn hóa xã hội được
thay thế bởi tư tưởng Nho giáo. Giờ đây, Nho giáo ảnh hưởng đến nhiều phương diện văn
hóa - xã hội Đại Việt. Về văn học, các nhà văn nhà thơ đã sáng tác bằng quan niệm nghệ
thuật và cảm hứng chịu ảnh hưởng Nho giáo. Quan niệm nghệ thuật và cảm hứng này đã
thay đổi nhiều so với trước đây.
Hiện tượng Nho giáo thay thế địa vị Phật giáo và đi dần đến độc tôn cũng đã diễn ra
tương tự ở các nước Đông Á (tuy có những chênh lệch ít nhiều về thời gian tùy theo hoàn
cảnh từng quốc gia). Hiện tượng chuyển đổi địa vị văn hóa của Thiền và Nho đã ảnh hưởng
lớn đến diện mạo văn học, thơ ca các quốc gia này. Ở nước ta, sau thế hệ Huyền Quang, thơ
Thiền không còn nhiều. Một số bài thơ ảnh hưởng Thiền như “Mai thôn phế tự”, “Đề Gia
Lâm tự”… (Trần Quang Triều và thi xã Bích Động); “Hạnh ngộ”, “Đề Cam Lộ tự”,
“Tương tịch, ký Nam Sơn thiền sư…” (Trần Minh Tông) (1300-1357) có thể xem là những
cố gắng duy trì ảnh hưởng của thơ Thiền. Cũng từ đây, lực lượng sáng tác đã có sự phân hóa,
thơ Thiền cũng không còn thịnh như trước, chất Thiền trong thơ cũng không còn đậm đà như
trước.
Từ giữa thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XV thơ Nho đã hoán đổi vai trò thượng tôn của thơ
Thiền. Trong khoảng một thế kỷ này, thơ Nho đã thể hiện tương đối trọn vẹn tính chất độc
đáo của nó. Nó tồn tại và phát triển như một mạch thơ, một dòng thơ, có tư tưởng – cảm
hứng chủ đạo, có quan niệm nghệ thuật và đặc điểm thể cách, ngôn ngữ khác biệt với thơ
Thiền trước đó. Sự khác biệt này gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ.
Trong khi đó nhiều công trình nghiên cứu về mảng văn học nhà Nho đã tiếp tục ra đời.
Những công trình nghiên cứu về văn học nhà Nho cũng tiếp tục phát triển song song với
những công trình nghiên cứu về văn học Phật giáo, văn học Thiền. Trong đó, ta có thể kể đến
những công trình tiêu biểu như “Nho giáo và văn học Việt Nam Trung cận đại” (Trần Đình
Hượu). Cũng trong mạch đó, công trình “Loại hình học tác giả văn học, nhà nho tài tử và
văn học Việt Nam” (Trần Ngọc Vương) (1995) [181] đi vào nghiên cứu loại hình tác giả nhà
nho tài tử. Ở “Văn học Việt Nam dòng riêng giữa nguồn chung” (1998), Trần Ngọc Vương
bàn đến “văn chương Nho giáo” [184, 114], “Văn học nhà nho thế kỷ XIV – XVII”
[184,134]. Tác phẩm “Văn học Trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa” (Trần Nho
Thìn) [153] đã có những ý kiến nhận xét lại những di sản của tác giả Trần Đình Hượu trong
nghiên cứu văn học nhà nho. Những công trình này đã làm cho việc nghiên cứu thơ văn nhà
nho thêm nhiều sinh khí. Các nhà nghiên cứu đã thật sự chú ý đến thơ văn nhà nho, thơ Nho.
Nhiều công trình nghiên cứu về thơ văn nhà nho đã tập trung chú ý đến thời gian từ giữa thế
kỷ XV về sau.
Tuy nhiên vấn đề không chỉ đơn giản như vậy. Thơ Thiền tuy mất dần ưu thế nhưng vẫn
còn tồn tại. Một số tác giả đã nghiên cứu về thơ Thiền trong thời gian này. Thơ Thiền trong
sự nghiệp thơ ca của Nguyễn Trãi đã được nghiên cứu bởi nhiều công trình như quyển
“Nguyễn Trãi” của Nguyễn Thiên Thụ [155], “Từ tâm sự qua mọi giai đoạn của cuộc đời
đến Thiền trong thơ Nguyễn Trãi” của Thạch Trung Giả [39], “Về cảm quan Phật giáo trong
thơ văn Nguyễn Trãi” của Nguyễn Hữu Sơn [143], “Nguyễn Trãi: Huyễn – Thực và Sắc –
Không” (Trần Ngọc Ninh) [162]… (Nếu xét riêng thì mạch thơ Thiền Lê - Nguyễn vẫn tiếp
tục lưu chuyển thầm lặng qua Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Minh Hành, Nguyên
Thiều, Ngô Thời Nhậm, Nguyễn Du… Nó tồn tại khiêm tốn bên cạnh thơ Nho). Tính chất
Thiền trong thơ đầu thế kỷ XV (tiêu biểu là trong thơ Nguyễn Trãi) được nhiều nhà nghiên
cứu chú ý. Hiện tượng này đã nói lên tính phức tạp của vấn đề nếu tìm hiểu thơ Nho thời
điểm giữa thế kỷ XIV. Trong cùng một thời gian có sự xuất hiện hai loại hình văn học chịu
ảnh hưởng bởi hai tư tưởng triết học khác nhau.
Như vậy, từ sự thay đổi địa vị của Nho và Thiền về mặt văn hóa – xã hội cũng như sự
khác biệt về nội dung và nghệ thuật của thơ Nho và thơ Thiền đã góp phần xác định sự khác
biệt của hai mạch thơ Nho và thơ Thiền. Sự phức tạp vì có cả thơ Thiền trong sáng tác của
các nhà nho (như trường hợp Nguyễn Trãi…) là lý do dẫn đến đề tài “Thơ Nho Việt Nam từ
giữa thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XV”. Việc nghiên cứu đề tài sẽ góp phần làm sáng tỏ những
phức tạp của thơ Nho Việt Nam trong khoảng một thế kỷ. Đó là một thế kỷ thơ Nho biểu
hiện như một dòng thơ với những đặc điểm độc đáo trong lịch sử thơ ca dân tộc.
2. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU
Mục đích nghiên cứu của Luận án là nhằm tìm hiểu rõ hơn về khoảng một thế kỷ thơ
Nho với tư cách một dòng thơ. Nội dung đề tài là tìm hiểu, nghiên cứu về nguồn gốc phát
sinh, cơ sở hình thành, diện mạo, đặc điểm của dòng thơ này nhằm đóng góp thành quả vào
lĩnh vực nghiên cứu thơ văn của các nhà nho Việt Nam.
Từ việc xác định lý do chọn đề tài và mục đích nghiên cứu, chúng ta cần tìm hiểu lịch
sử vấn đề thông qua những công trình nghiên cứu của những người đi trước, những khuynh
hướng nghiên cứu có liên quan.
3. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ
Từ lâu “thơ Nho” đã được giới nho sĩ quý trọng, sưu tập và lưu giữ. Qua nhiều thế hệ,
mỗi thế hệ có cách nhìn nhận, đánh giá, nghiên cứu thơ Nho với những định hướng và những
mức độ khác nhau. Trong quá khứ và gần đây đã có những ý kiến ít nhiều liên quan vấn đề
thơ Nho.
Xác định được những giá trị vô giá của thơ ca nhà nho có thể kể đến trước tiên là những
công trình sưu tập – biên tập thơ Nho cổ. Các công trình này cho ta nhiều thông tin có giá trị
nghiên cứu thơ Nho. Trước hết qua các tác phẩm thi lục, thi tuyển... các tác phẩm thơ ca của
các nhà nho chính thức được lưu giữ, trân trọng cùng với những ý kiến đề cao. Đó là những
tác phẩm như: “Việt âm thi tập” (1433) (Phan Phu Tiên soạn, Lý Tử Tấn phê điểm, tuyển
thơ thời Trần - Lê), “Tân tuyển Việt âm thi tập” (1459) (Chu Xa, Lý Tử Tấn, tuyển thơ thời
Trần - Lê), “Cổ kim thi gia tinh tuyển” (Dương Đức Nhan, tuyển thơ thời Trần, Hồ, Lê) (?),
“Trích diễm thi tập” (1497) (Hoàng Đức Lương, tuyển thơ thời Trần đến đầu thời Lê),
“Toàn Việt thi lục” (1768) (Lê Quý Đôn, tuyển thơ thời Lý đến đời Hồng Đức), “Hoàng
Việt thi tuyển” (1788) (Bùi Huy Bích, tuyển thơ thời Lý, Trần đến cuối thời Lê)... Các công
trình này có tác dụng lưu giữ những thi phẩm cổ trong đó có thơ Nho, đồng thời còn ít nhiều
cho thấy những quan niệm sáng tác, phê bình của những nhà nho xưa. Các công trình này đã
lưu giữ những thi phẩm và những ý kiến, nhận định quí báu của người xưa truyền lại cho đến
ngày nay.
Trong những công trình thuộc loại này, các nhà nho vừa sưu tập, biên tập vừa phản ánh
suy nghĩ của mình về văn học dân tộc, với niềm tự hào về văn hóa dân tộc. Lý Tử Tấn đã có
những đóng góp quan trọng trong buổi đầu sưu tập thơ văn cổ. Qua đó, ông bày tỏ niềm tự
hào về nền thơ của Đại Việt: “Nước Việt ta từ thời lập quốc đến nay, có nhiều nhà thơ nổi
tiếng với đời” (“Tân tuyển Việt âm thi tập”) [94, 51]. Trong số những nhà thơ đó ta thấy có
rất nhiều nhà thơ Nho. Càng ngày, phong trào sáng tác của các nhà nho càng lên cao. Phan
Phu Tiên nhận định về một thời đại rất xem trọng thơ văn. Ông nhận xét là: “mấy đời gần
đây, các bậc vua chúa, các quan công khanh và sĩ đại phu chẳng ai mà không để tâm tới
việc học thuật, sớm tối ngâm vịnh” (“Đề tựa tập thơ Việt âm mới san định”- Phan Phu Tiên)
[117, 74]. Thơ Nho đã trở thành sinh hoạt tinh thần của kẻ sĩ. Thơ Nho trở thành nơi để gởi
gắm ý chí, khát vọng, tâm sự của nhà nho. Cho đến thời gian này, Hoàng Đức Lương vẫn
còn xem trọng thơ Thiền bên cạnh thơ Nho khi phân trần: “đâu phải nhà nho không bằng
nhà Phật học” (Tựa Trích diễm thi tập) [118, 431-432]. Qua đó cho thấy vị thế của đội ngũ
trí thức trẻ càng lớn mạnh nhưng thái độ tôn trọng thơ Thiền vẫn còn. Nói chung nhờ vào
đây, ta có được những nguồn tư liệu tham khảo khi nghiên cứu về thơ Nho đồng thời những
tài liệu này cũng góp phần tái hiện không khí thời đại.
Bên cạnh những tài liệu về nguyên tác thơ Nho là các ý kiến nhận xét, phê bình bổ sung
vào kho tàng lý luận về thơ Nho. Nguyễn Dữ, Lê Quý Đôn, Bùi Huy Bích... đều có một số ý
kiến liên quan đến thơ Nho. Trong “Truyền kỳ mạn lục”, Nguyễn Dữ đã có nhận định đề cao
thơ Nho giữa thế kỷ XV trở về trước và phê bình mạnh mẽ thơ Nho cuối thế kỷ XV: “Thơ
ông Chuyết Am (Lý Tử Tấn) kỳ lạ mà tiêu tao,... thơ ông Cúc Pha (Nguyễn Mộng Tuân)... có
vẻ mềm mại, nhưng có thể khiến cho làng phong nhã thì chỉ duy những bài thơ đầy lòng
trung ái của Nguyễn Ức Trai...” [24, 251-252]. Đây là một trong những nhận định đánh giá
nhiều nhà thơ mà chủ yếu là những nhà thơ trong giai đoạn chúng ta khảo sát.
Qua “Vân đài loại ngữ”, Lê Quý Đôn (1726 - 1784) đã thu thập những kinh nghiệm lý
luận, phê bình từ văn học cổ của Trung Quốc có liên quan đến phương pháp phê bình và
sáng tác thơ Nho (Quyển V: Văn nghệ) [34, 89 -120]. Tiếp theo, học trò ông là Bùi Huy Bích
(1741-1818) đã có ý thức về sự vận động dựa trên tiêu chuẩn nghệ thuật khá chính xác. Bùi
Huy Bích viết trong “Lịch triều thi sao” (Tiểu dẫn) là: “Nước Việt ta từ đời Trần đến buổi
đầu Lê (giữa thế kỷ XV) khí thơ có hơi hồn hậu, đến thời Hồng Đức thì lời thanh tao bóng
bẩy, về sau dần dần yếu ớt, đến thời Trung hưng thì vụng về...” (“Lịch triều hiến chương loại
chí”– Văn tịch chí) [19, 181]. Từng giai đoạn thơ Nho đã được ý thức với những nét cơ bản
nhất của nó. Các tác giả cũng không quên bình luận những điểm chung nhất của mỗi giai
đoạn. Qua đó, chúng ta thấy cách đánh giá, thẩm định của chính các nhà nho về thơ Nho.
Trong các thế hệ nhà nho, các bậc cao sĩ được nhiều người kính trọng đồng thời cũng là
những tác giả thơ Nho. Lê Quý Đôn đã dựa theo phong độ, phẩm chất của họ để chọn ra
những nhân vật tiêu biểu (Kiến văn tiểu lục) [32, 298-300]. Theo tiêu chí đó, ông chọn được
ở triều Trần chỉ năm người: Chu An, Đặng Tảo, Trương Đỗ, Bùi Mộng Hoa, Trần Đình
Thâm. Thời Lê sơ theo Lê Quý Đôn thì có thể chọn Nguyễn Thiên Tích, Bùi Cầm Hổ,
Nguyễn Thì Trung... Điều này lại trùng hợp ngẫu nhiên vì đó là những nhà nho nổi tiếng
trong khoảng giữa thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XV!
Từ giữa thế kỷ XV về sau, phong độ kẻ sĩ như thời trước dần dần giảm đi. Đến giữa niên
hiệu Hồng Đức (Lê Thánh Tông) và từ những năm Đoan Khánh (Lê Uy Mục) những người
khí tiết khảng khái thật “thưa thớt”, đồng thời “tập tục sĩ phu thối nát” [32, 301]. Như vậy,
những nhà nho giữa thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XV có vị trí đặc biệt trong các thế hệ nho sĩ
nước ta qua các thời đại. Thơ ca của họ vì thế cũng được các thế hệ quan tâm, tìm hiểu. Các
nhà nho xưa đánh giá rất cao các tác giả thơ Nho thời gian này. Nhìn chung những nhà nho
xưa vẫn lấy triều đại làm tiêu chí để phân kỳ thơ Nho và đánh giá cao thơ thời Lý – đầu thời
Lê. Tuy tiêu chí lấy triều đại làm cơ sở cũng như lấy “đức nghiệp” để đánh giá có thể chưa
thật sự đi vào bản chất văn chương nhưng nó cũng có những bổ ích nhất định cho nghiên cứu
và đánh giá thơ văn nhà nho.
Đến đầu thế kỷ XX, các học giả vẫn còn quan điểm tôn trọng thơ Nho. Các nhà nghiên
cứu đã có những ý kiến khác nhau, bổ sung cho những ý kiến trước đó. Tác phẩm “Việt Hán
văn khảo” của Phan Kế Bính tiếp tục những quan niệm, những nguyên lý thơ văn cổ của các
nhà nho. Tác giả này viết về cái hay trong thơ, đó là “cái hay kỳ cổ, cái hay hào kiệt, cái hay
hồn hậu, cái hay thanh sảng...” [101, 342]. Những ý kiến đó không khác gì ý kiến các nhà
nho xưa. Đến Phan Kế Bính, ta vẫn chưa thấy gì khác nhiều so với những quan niệm tương
đối ổn định từ truyền thống.
Trong buổi giao thời, ở nhóm “Nam phong tạp chí” và một số nhà nghiên cứu như
Nguyễn Hữu Tiến (Nam âm thi văn khảo luận), Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc (Nam thi hợp
tuyển)... vẫn quan tâm thơ văn nhà nho. Phạm Quỳnh viết “Quan niệm về thơ của người ta
người Tàu” (Nam Phong tạp chí, số 05). Tùng Vân viết “Phái nhà nho khoảng 30 năm nay
với sự học cũ” (số 195). “Các bậc danh nho nước ta” (Nam Phong tạp chí, các số 53, 54, 55
(10/1921-01/1922). (Ở đây, nội dung trích lại từ “Lịch triều hiến chương loại chí”). Quan
niệm của Chương Dân về thơ đăng trong Nam Phong tạp chí vẫn là quan niệm của thơ Nho
nói chung: “Thơ làm ra cốt để tả cái tâm tình của mình mà cũng có ích cho người xem” [22,
354]. Bên cạnh đó mục Văn uyển của Nam Phong tạp chí thường tuyển cả thơ của những nhà
nho xưa và những thi nhân đương thời. Phạm Quỳnh chú ý đến cái khó trong thơ Đường luật
và bắt đầu phê bình thơ Đường luật – thể thơ quan trọng của nhà nho. Tác giả thấy thơ
Đường “hay quá, khéo quá, phần nhân công nhiều mà vẻ tự nhiên ít” (Quan niệm về thơ của
người ta người Tàu) [47, 261]. Đây cũng là một đặc điểm của thể loại thơ Nho. Ngoài sự
quan tâm, các nhà nghiên cứu đầu thế kỷ XX cũng đã tìm hiểu một số khía cạnh khác nhau
của thơ nhà nho. Đến đầu thế kỷ XX thơ văn của các nhà nho nói chung vẫn tiếp tục được
chú ý nhưng đã bắt đầu có những nhận xét đánh giá lại vấn đề một cách thích hợp hơn.
Ngoài ra, những công trình nghiên cứu, tuyển tập, lịch sử văn học như “Những áng văn
hay” do Tr. N. K, Thiếu Sơn biên tập (Nam ký thư quán, H,1933) và đặc biệt Dương Quảng
Hàm với “Việt Nam văn học sử yếu” (1943), “Việt Nam thi văn hợp tuyển” (1941), “Quốc
văn trích diễm” (1953)... đều chú ý đến tác giả, tác phẩm thơ Nho. Cả Việt Nam văn học sử
yếu lẫn Quốc văn trích diễm (Dương Quảng Hàm) đều có biểu liệt kê tác giả tác phẩm theo
thứ tự thời gian. Dương Quảng Hàm đã đánh giá cao thơ văn nho thời Lý - Trần. Theo ông,
các nhà nho phần nhiều đều có công nghiệp, phẩm cách thanh cao. Hơn nữa, “người cầm
quyền trong nước là người trong phái nhà nho” [48, 78]. Nho sĩ đã được xem như một
“phái”, “phái nhà nho”. Trong phái đó, các tác giả nổi bật cũng đồng thời là “các bậc cao sĩ
nước Nam”. Thơ của các tác giả nhà nho có một vị trí đặc biệt trong quan niệm của các nhà
nghiên cứu. Tuy đến thời điểm này, thơ văn nhà nho đã được tìm hiểu với cái nhìn mới của
người trí thức Tây học nhưng họ vẫn chưa tách thơ Thiền, thơ Nho ra thành những mạch
riêng. Quan niệm thơ của các nhà nho vẫn được nói chung, gồm cả thơ Thiền, thơ chịu ảnh
hưởng tư tưởng Lão –Trang.
Đối với các nhà nghiên cứu lịch sử văn học tiếp theo, họ có nhiều thời gian hơn, công
trình của họ có những nhận định liên hệ đến thơ Nho với những mức độ khác nhau. Các nhà
nghiên cứu lịch sử văn học có thể được xếp theo các nhóm khác nhau. Nhóm các tác giả
phân chia lịch sử văn học theo giai đoạn lịch sử - xã hội - văn học có thể kể đến các công
trình như “Lịch sử văn học Việt Nam” (T2) (Đại học Sư Phạm Hà Nội), “Văn học Việt Nam
thế kỷ X – nửa đầu thế kỷ XVIII” (Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương), “Lịch
sử văn học Việt Nam” (T1) (Ủy Ban KHXH, 1980)… Các nhà nghiên cứu lịch sử văn học
theo lịch sử triều đại có thể kể đến Dương Quảng Hàm, Nguyễn Đổng Chi (Việt Nam cổ văn
học sử), Phạm Thế Ngũ (Việt Nam văn học sử giản ước tân biên)… Cả hai nhóm tác giả các
công trình lịch sử văn học nói trên đều đánh giá cao thơ ca nhà nho thế kỷ XIV- XV. Ngay
cả những nhà nghiên cứu lịch sử văn học dựa theo thế hệ tác giả như trường hợp Thanh Lãng
cũng đánh giá cao thơ ca nhà nho thế kỷ XIV- XV.
Một số công trình đã có những ý kiến cần tham khảo. Tài liệu văn học sử của Phạm Thế
Ngũ cho rằng thời Trần là thời “thịnh đạt nhất”, “thi gia nẩy lên khắp làng nho” [121, 120].
Ngô Tất Tố đã viết “Trong rừng văn chương hồi ấy (Lý – Trần), phái Nho giáo đã tiến bộ
hơn phái Phật giáo” [163, 116]. Các tác giả đã có ý thức rõ về văn chương của “phái” Nho.
Đồng thời các tác giả cũng ý thức được sự phát triển của dòng văn chương này. Tuy vậy, thể
loại thơ và văn của nhà nho vẫn thường được khảo sát chung với nhau.
Mặt khác, khuynh hướng nghiên cứu lịch sử văn học dựa trên cơ sở các dòng phái đã có
xuất hiện. Cơ sở của những quan điểm này thường chịu ảnh hưởng những hệ hình và quan
điểm của người phương Tây. Một số nhà nghiên cứu đã thử đi theo hướng này. Theo khuynh
hướng này, ta có thể kể đến một số trường hợp như ở “Văn học phân tích toàn thư” (Thạch
Trung Giả) [40, 35]. Tác giả chia văn học Việt Nam gồm cả văn học cổ ra thành bốn dòng:
Tả thực, ấn tượng, tương trưng, thần bí (tương ứng với văn học thế giới) [40, 473-483]. Công
trình “Lịch sử văn học Việt Nam” (Lê Hữu Mục) [111] có cách phân chia trường phái rõ nét.
Tác giả này phân chia văn học cổ Việt Nam thành ba trường phái: Trường phái văn học
“Thiền tông” (Thế kỷ XI – XIII), trường phái văn học “Cổ điển” (thế kỷ XIV – XVI), trường
phái văn học “Nôm na” (thế kỷ XVII – XIX). Ở tập I, tác giả chủ yếu kiến giải và định hình
hai trường phái văn học Thiền tông và văn học Cổ điển. Cơ sở của trường phái ở đây được
xác định dựa trên loại hình tác giả. Hơn nữa nó còn là quá trình đi dần đến “đoạn tuyệt” với
phái văn học Phật giáo.
Theo tác giả này, trường phái văn học Cổ điển năm 1304 -1385 là sự thay đổi giảm dần
của văn học ảnh hưởng Phật giáo và tăng dần của văn học ảnh hưởng Nho giáo. Đây là một
cách tiếp cận sử dụng trường phái văn học làm cơ sở. Có thể nói, các công trình viết về lịch
sử văn học Việt Nam thời trung đại thường quan tâm đến vấn đề văn học ảnh hưởng Nho
giáo với những mức độ khác nhau.
Bên cạnh những công trình lịch sử văn học, ta có thể kể đến một số công trình xoay
quanh vấn đề “ảnh hưởng của Nho giáo đối với văn học Việt Nam”, “văn học nhà nho”.
Trong đó, những bước đi đầu có thể kể đến tác phẩm “Tâm lý và tư tưởng của Nguyễn Công
Trứ” (Nguyễn Bách Khoa) (1944) [154, 121-227]. Có lẽ ông là người đầu tiên dùng khái
niệm “nhà nho tài tử”. Theo ông, nhà nho tài tử chỉ “thiên trọng về văn học” [154, 167].
Công trình này chỉ giới hạn trong phạm vi một tác giả văn học.
Tiếp đến, đó là bài “Ảnh hưởng của Hán học đối với văn học Việt Nam” (Đặng Thai
Mai phát biểu tại Viện Đông phương, Liên Xô cũ (1974) [18, 2]. Bài phát biểu chủ yếu quan
tâm vào Hán học đối với văn học Việt Nam, đặc biệt lưu ý văn học Lý – Trần.
Đến những năm cuối thế kỷ XX, các công trình nghiên cứu, các bài viết công bố trên
các tạp chí bàn về những vấn đề có liên quan đến thơ Nho khá phong phú. Các nhà nghiên
cứu đã bắt đầu đi sâu vào nghiên cứu thơ văn nhà nho nói chung. Trong đó ta có thể kể đến
những công trình tiêu biểu như “Nho giáo và văn học Việt Nam Trung cận đại” (Trần Đình
Hượu). Tác giả đã hướng vào trọng tâm là “văn học do nhà nho viết” [61, 09], “văn học nhà
nho viết theo quan niệm Nho giáo” [63, 10], “ảnh hưởng của Nho và nhà nho đối với văn
học” [61, 16]. Từ đây tác giả cũng xác định loại hình tác giả nhà nho hành đạo, ẩn dật, tài tử
như là cơ sở ban đầu để đi xa hơn trong nghiên cứu.
Cũng trong mạch nghiên cứu đó, công trình “Loại hình học tác giả văn học, nhà nho tài
tử và văn học Việt Nam” (Trần Ngọc Vương) (1995) [181] đi vào nghiên cứu loại hình tác
giả nhà nho, đặc biệt là nhà nho tài tử với những đặc điểm riêng. Từ đó, tác phẩm tìm hiểu
những thế hệ nhà nho mang phẩm chất tài tử, nhất là trong thơ ca Việt Nam từ thế kỷ XVIII
về sau.
Ở tác phẩm “Văn học Việt Nam dòng riêng giữa nguồn chung” (1998), Trần Ngọc
Vương bàn đến “văn chương Nho giáo” [184, 114], “Văn học nhà nho thế kỷ XIV – XVII”
[184, 134]. Các nhà nghiên cứu nhìn chung đã đạt nhiều thành tựu trong nghiên cứu loại hình
văn học nhà nho. Ở các công trình này, diện mạo văn học nhà nho được kiến giải ngày càng
phong phú. Người đọc có thể có cái nhìn bao quát về thơ văn nhà nho ở nước ta. Tuy nhiên
các công trình này vẫn chưa nghiên cứu thơ Nho như là một dòng thơ có những đặc điểm
khác với thơ Thiền. Nó đã ít nhiều tiếp nối những thành tựu của thơ Thiền Lý – Trần.
Ở một công trình khác, tác phẩm “Những vấn đề thi pháp văn học Trung đại Việt Nam”
(1999) đã xác định có sự phân biệt của hai loại hình tác giả. Trong công trình này, tác giả
Trần Đình Sử đã nhìn nhận: “Có thể phân biệt nhà thơ Thiền và nhà thơ Nho” [139, 12].
Tuy công trình này nghiên cứu rất nhiều mặt của văn học Trung đại Việt Nam nhưng tác giả
đã lưu ý đến thơ Thiền và thơ Nho. Trường hợp này công trình chú ý đến loại hình tác giả
văn học. Từ cơ sở này, nhà nghiên cứu nói chung đã đi khá sâu vào nghiên cứu văn chương
Nho giáo.
Bên cạnh đó, những công trình về lý luận văn học và thơ ca cổ đã tiếp tục tìm hiểu
những quan niệm lý luận, phê bình của người xưa và nêu ra nhiều nhận định thú vị. Những
công trình như “Từ trong di sản” (1981) [167], “Về quan niệm văn chương cổ Việt Nam”
(Phương Lựu) (1985) [94], “Quan niệm văn học của Nho gia” (Phương Lựu) [99, 24-37],
“Người xưa bàn về văn chương” (tập I) (Đỗ Văn Hỷ) [66], “Thơ trong con mắt người xưa”
(Phạm Quang Trung) [165]... đã có nhiều đóng góp, tiếp tục tìm hiểu, bổ sung những cơ sở
lý luận, cảm thụ, tiếp nhận thơ ca nhà nho. Ngoài ra, ở các bài viết trên Tạp chí Văn học, các
nhà nghiên cứu đều đưa ra những ý kiến có liên quan về phương thức tiếp cận, đánh giá văn
chương Nho giáo hoặc một số phương diện cụ thể của thơ Nho. Các bài nghiên cứu có thể kể
đến như: “Bàn về một số khía cạnh trong thơ tình đời Trần” (Bùi Văn Nguyên) [115], “Các
yếu tố Phật Nho Lão được tiếp thu và chuyển hóa như thế nào trong đời sống và văn hóa
thời đại Lý Trần” (Nguyễn Huệ Chi) [14], “Về diễn biến của thơ trữ tình thời Trần” Nguyễn
Phạm Hùng) [55], “Về ảnh hưởng nhiều mặt của Nho giáo trong văn học Việt Nam Cổ, Cận
đại” (Trần Đình Hượu) [62], “Mối quan hệ giữa cái tôi nhà nho và thực tại trong văn
chương cổ” (Trần Nho Thìn) [150], “Giới hạn của nội dung nhân đạo chủ nghĩa văn chương
Nho giáo” (Trần Ngọc Vương) [182],... Đây là những ý kiến thú vị đóng góp vào lĩnh vực
nghiên cứu thơ văn nhà Nho nhất là về mặt phương pháp luận.
Thời gian gần đây, trong tư thế đối sánh “khác chủng loại”, công trình “Khảo sát một số
đặc trưng nghệ thuật thơ Thiền Việt Nam thế kỷ XI – XIV” (Đoàn Thị Thu Vân) (1996) đã có
đề cập đến thơ Nho. Trong quá trình nghiên cứu về thơ Thiền, tác giả đã xác định “Thơ Nho
được hiểu là thơ của các tác giả theo hệ tư tưởng Nho gia và đề cập đến những vấn đề thuộc
phạm trù triết học, đạo đức Nho giáo” [169, 143]. Đây là những cơ sở ban đầu để xác định
thơ Nho. Tác giả đã dùng quan niệm này để so sánh thơ Nho với thơ Thiền và tìm thấy
những dấu hiệu khác biệt của thơ Thiền và thơ Nho.
Nhìn chung ở nước ta, việc nghiên cứu trào lưu, trường phái nhất là trong văn học cổ
chưa được chú ý nhiều. Một số công trình nghiên cứu gần gũi với nghiên cứu trường phái đã
xuất hiện. Những công trình như “Nguồn suối Nho học và thơ ca Bạch Vân cư sĩ” (Lê
Nguyễn Lưu) (1999) [92], “Đoạn trường tân thanh dưới cái nhìn của Nho gia – Thiền gia”
(Nguyễn Thạch Giang) (2005) [43],… đã ra đời. Qua đó ta thấy có một số ý kiến thú vị khi
nhìn tác giả, tác phẩm văn học dưới cái nhìn có cơ sở từ một hoặc hai trường phái tư tưởng
triết học. Thông thường ở đây thì dòng mạch văn học Nho dường như được người ta chú ý
hơn thơ Nho.
Cơ sở đặc điểm thơ Nho Việt Nam giữa thế kỷ XIV – giữa thế kỷ XV do sự tác động
của Nho giáo. Tuy nhiên Nho giáo đã tác động không đồng đều đến từng tác giả. Thái độ và
cách thức tiếp thu của các tác giả trong từng hoàn cảnh và giai đoạn lịch sử cũng khác nhau.
Trong khi nghiên cứu văn chương nhà nho, yếu tố “Việt” trong tiếp thu Nho giáo cũng
được nghiên cứu, ví dụ “Một số đặc điểm của Nho Việt” (Nguyễn Hùng Hậu) [51], “Việt
Nho qua một số tác phẩm văn học trung đại Việt Nam” (Bùi Duy Tân) [144]… Tuy chưa
phải là những kết luận sau cùng nhưng đó là những gợi mở về đặc điểm Nho giáo ở Việt
Nam. Từ đó, việc nghiên cứu về bản sắc thơ Nho có định hướng thích hợp. Tuy nhiên, luận
án không đi vào phân biệt Việt Nho với Hán Nho, Tống Nho mà chỉ tập trung vào vấn đề thơ
Nho Việt Nam.
Đã có một số công trình nghiên cứu có liên quan đến thơ Nho cùng với tính chất dòng
phái. Các công trình có liên quan đến phái thơ Nho có thể kể đến tác phẩm “Trong dòng chủ
lưu của văn học Việt Nam chủ nghĩa yêu nước” của Trần Văn Giàu (1984) [45]. Tác phẩm
đã có gợi ý khá lý thú về thơ Nho Việt Nam với đỉnh cao Nguyễn Trãi. Trần Văn Giàu xem
Nguyễn Trãi là “người đứng đầu một văn phái yêu nước, thân dân” [45, 164]. Và theo ông,
““văn phái” có nghĩa hạn chế là một số nhà văn cùng một thời kỳ lịch sử, theo cùng một
khuynh hướng nhất định, gồm một hệ thống nét đặc sắc không thấy ở những người khác, ở
các thời khác” [45, 165]. Đây là môt cơ sở có tính qui ước để tác giả đi sâu hơn nghiên cứu
về chủ nghĩa yêu nước trong văn học.
Các công trình nghiên cứu về văn học Nho giáo như “Nho giáo và văn học Việt Nam
trung cận đại” (Trần Đình Hượu) (1964,...) [61], “Mối quan hệ giữa cái tôi nhà nho và thực
tại trong văn chương cổ” (Trần Nho Thìn) (1994) [150], “Loại hình học tác giả văn học,
nhà nho tài tử và văn học Việt Nam” (Trần Ngọc Vương) (1995) [181], “Bi kịch tinh thần
của nhà nho Việt Nam với tính cách là một nhân vật văn hóa (khảo sát qua trường hợp
Nguyễn Trãi” (Trần Nho Thìn) (2001) [152], “Ý thức văn học cổ trung đại Việt Nam” (Đoàn
Lê Giang) (2001) [41]… cũng đã có tác dụng gợi mở về vấn đề thơ các nhà nho. Các tác giả
đã tìm ra những kinh nghiệm tiếp cận vấn đề khá lý thú, đặc biệt là phương pháp loại hình
trong nghiên cứu văn chương các nhà nho.
Tác phẩm “Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại” (Trần Đình Hượu) [61] có
một ý nghĩa quan trọng trong lịch sử nghiên cứu văn chương nhà nho. Đặc biệt, bài “Về ảnh
hưởng nhiều mặt của Nho giáo trong văn học Việt Nam cổ cận đại” [61, 48-56] đã tập hợp
những bài giảng từ năm 1964 về sau, trong đó tác giả dành nhiều tâm huyết cho việc “khảo
sát văn học do nhà nho viết, viết theo quan niệm Nho giáo...” [61, 10]. Trên nhiều phương
diện, tác giả đã đạt được những thành tựu quan trọng trong nghiên cứu văn chương nhà nho
nói chung.
Bên cạnh đó, Trần Ngọc Vương đã có một số công trình có ý nghĩa bổ sung, hiện thực
hóa có hệ thống những tư tưởng khoa học của Trần Đình Hượu như “Loại hình học tác giả
văn học, nhà nho tài tử và văn học Việt Nam” (1995) [181], “Văn học Việt Nam dòng riêng
giữa nguồn chung” (1998) [184]. Ở “Loại hình học tác giả văn học, nhà nho tài tử và văn
học Việt Nam” [181], tác giả đã đi vào tìm hiểu và phát hiện sự thay đổi của hệ thống chủ đề,
đề tài, hệ thống hình tượng [181, 114-170], sự thay đổi hệ thống thể loại, ngôn ngữ [173-
182] ở văn chương nhà nho tài tử. Tác giả tiếp tục nghiên cứu về thơ văn nhà nho ở công
trình tiếp theo - “Văn học Việt Nam dòng riêng giữa nguồn chung”. Công trình này khai thác
khá toàn diện về văn chương nhà nho Việt Nam. Đặc biệt quan trọng là các bài: “Một số vấn
đề lý luận khi nghiên cứu văn chương Nho giáo ở Việt Nam” (Trần Ngọc Vương) [184, 114-
120], “Văn học nhà nho Việt Nam từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII” (Trần Ngọc Vương) [184,
134-146]. Một số vấn đề có tính chất phương pháp luận trong nghiên cứu văn chương nhà
nho đã được đặt ra trong tác phẩm.
Theo đó, Văn học Việt Nam từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX có thể cho thấy “nội hàm
khái niệm “văn học dân tộc” gần như trùng khớp với nội hàm khái niệm “văn học nhà nho ở
Việt Nam” [184, 118]. Vì thế, vấn đề đặt ra là người nghiên cứu cần giải quyết những vấn đề
“về mặt lý luận mối quan hệ giữa cái nội sinh bản địa và cái ngoại nhập, giữa những đặc
trưng mang tính thuần túy phản ánh bản sắc dân tộc với những thuộc tính mang tính khu
vực” (Trần Ngọc Vương) [184, 118]. Tác phẩm đã tiếp tục khuynh hướng nghiên cứu đã
được đặt ra từ nhà nghiên cứu đi trước - Trần Đình Hượu. Tác giả đã đạt được nhiều thành
công quan trọng, từ đó việc nghiên cứu thơ văn nhà nho Việt Nam có được khá nhiều kinh
nghiệm nghiên cứu.
Tuy nhiên gần đây, công trình “Văn học Trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa”
(Trần Nho Thìn) (2003) [153] đã có những ý kiến nhận xét lại những di sản của Trần Đình
Hượu. Theo đó, tác giả đã nêu những vấn đề cần quan tâm khi“nghiên cứu hiện tượng văn
học sử trong khuôn khổ hệ thống văn học của nhà nho” [153, 20-21]...
Bên cạnh đó, “Ý thức văn học cổ trung đại Việt Nam” (Đoàn Lê Giang) (2001) đã bàn
đến những quan niệm có liên quan đến thơ Nho: quan niệm về mối quan hệ của “văn học và
vận mệnh đất nước” [41, 60 - 68], quan niệm về “thơ và Chí, Tâm của kẻ sĩ quân tử” (Đoàn
Lê Giang) [41, 68 - 76]... Nói chung, những ý kiến này đã góp phần làm giàu thêm những cơ
sở phương pháp luận, những kinh nghiệm nghiên cứu văn học nhà nho và một số có thể vận
dụng trong nghiên cứu thơ Nho.
Ở nước ta, việc nghiên cứu thơ Nho Việt Nam đã có những tiền đề quan trọng về nội
dung, phương pháp. Nó đã có những gợi mở, thử nghiệm, thành tựu, nhưng nhìn chung vẫn
c._.ần tiếp tục khai thác.
4. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
Đối tượng nghiên cứu chính của luận án là thơ Nho Việt Nam trong khoảng một thế kỷ
(từ giữa thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XV).
Thơ Nho ở đây là thơ của các tác giả nhà nho, chịu ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo, cảm
hứng Nho giáo, quan niệm thẩm mỹ Nho giáo. Thơ Nho Việt Nam là những bài thơ của các
nhà nho Việt Nam, chịu ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo, cảm hứng Nho giáo, quan niệm thẩm
mỹ Nho giáo.
Ở luận án, thơ Nho được nghiên cứu như một dòng văn học trong khoảng thời gian từ
giữa thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XV nhằm làm sáng tỏ diện mạo và đặc điểm của nó trong
khoảng thời gian một thế kỷ này.
5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Trong quá trình làm luận án, nhiều phương pháp khoa học khác nhau đã được vận dụng.
Tùy theo từng công đoạn, tùy theo từng trường hợp cụ thể mà người viết vận dụng các
phương pháp khoa học phù hợp để thực hiện luận án.
Về phương pháp luận nghiên cứu thơ Nho: Từ Nho giáo đến thơ văn nhà nho nói chung
đã có nhiều công trình, nhiều nhà nghiên cứu đã đạt nhiều thành tựu đáng khâm phục. Thông
thường ta có thể chọn hướng tiếp cận từ Nho giáo tác động đến thơ văn nhà Nho. Tuy nhiên
người viết vẫn phải căn cứ, đối chiếu với văn hóa dân tộc, tâm lý dân tộc, yếu tố Việt trong
tiếp thu Nho giáo, sự tác động qua lại của Nho giáo và tư tưởng Thiền - Lão trong văn học
Nho giáo Việt Nam, tính chất dân tộc trong văn học.
Đối với thơ Nho, bên cạnh việc tìm thấy mối quan hệ của Nho đến thơ, ta cần tìm thấy
những tác động phức tạp của Nho đến thể loại, ngôn ngữ, giọng điệu, không gian – thời gian
trong thơ Nho. Mặt khác ta cũng cần đi vào tìm hiểu sự tác động của Nho đến việc lựa chọn
và triển khai các chủ đề, cái tôi trữ tình trong thơ Nho cho đến những quan niệm nghệ thuật
trong thơ Nho. Trong đó những quan niệm nghệ thuật thơ Nho phản ánh tư tưởng nghệ thuật
Nho giáo thế nào trong môi trường văn hóa xã hội Việt Nam giữa thế kỷ XIV đến giữa thế
kỷ XV.
Để giải quyết nhiều vấn đề đặt ra, luận án cần phải sự dụng một số phương pháp nghiên
cứu nhất định như: Phương pháp lịch sử – xã hội, phương pháp nghiên cứu theo thi pháp
học, phương pháp liên ngành (kết hợp những ưu thế từ nhiều ngành khoa học (Văn, Sử,
Triết). Ngoài ra luận án còn sử dụng thường xuyên các thao tác khoa học cơ bản: tổng hợp,
phân tích, so sánh...
Các phương pháp được vận dụng theo trình tự của luận án: Phương pháp lịch sử – xã hội
và phương pháp liên ngành dùng cho Chương 1. Phương pháp lịch sử – xã hội được vận
dụng bên cạnh phương pháp liên ngành nhằm trình bày những vấn đề chung nhằm làm cơ sở
cho những chương sau.
Phương pháp phân tích - tổng hợp được sử dụng cho chương 2. Chương này cũng vận
dụng kết hợp với phương pháp liên ngành nhằm làm sáng tỏ những đặc điểm nội dung của
thơ Nho từ giữa thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XV (căn cứ vào việc khảo sát những văn bản
thơ Nho được sáng tác trong thời gian này).
Người viết cũng vận dụng Thi pháp học để nghiên cứu đặc điểm nghệ thuật thơ Nho ở
chương 3. Ở chương này phương pháp phân tích – tổng hợp cũng được vậnsử dụng nhằm
làm sáng tỏ những đặc điểm nghệ thuật của thơ Nho từ giữa thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XV
(căn cứ vào việc khảo sát những văn bản thơ Nho được sáng tác trong thời gian này).
Phương pháp liên ngành được vận dụng trong nghiên cứu từng chương và liên hệ giữa
các chương.
6. ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN
Thành quả nghiên cứu của Luận án “Thơ Nho Việt Nam từ giữa thế kỷ XIV đến giữa
thế kỷ XV” có một số đóng góp nhất định trong lĩnh vực khoa học và thực tiễn.
- Ý nghĩa khoa học:
Qua những cố gắng nghiên cứu thơ Nho, luận án đi vào tìm hiểu đặc điểm khoảng một
thế kỷ thơ Nho từ giữa thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XV.
- Ý nghĩa thực tiễn:
Việc nghiên cứu thơ Nho giữa thế kỷ XIV – giữa thế kỷ XV thông qua đặc điểm nội dung
và nghệ thuật của thơ Nho đóng góp một phần nhỏ vào việc nghiên cứu và giảng dạy Lịch sử
văn học thế kỷ XIV- XV cũng như thơ ca thế kỷ XIV- XV.
7. CẤU TRÚC LUẬN ÁN
Luận án gồm phần mở đầu, phần nội dung (có ba chương), phần kết luận, tài liệu tham
khảo và phụ lục.
MỞ ĐẦU
Giới thiệu sơ lược về lý do chọn đề tài, lịch sử vấn đề, đối tượng và phạm vi nghiên cứu,
phương pháp nghiên cứu (Từ trang 01 đến trang 18).
CHƯƠNG 1. Những vấn đề chung của thơ Nho Việt Nam từ giữa thế kỷ XIV đến
giữa thế kỷ XV (Từ trang 20 đến trang 86)
Đây là chương xác định khái niệm thơ Nho Việt Nam; bối cảnh lịch sử, diện mạo thơ
Nho giữa thế kỷ XIV – giữa thế kỷ XV. Trên cơ sở đó chúng tôi phác họa con đường vận
động của dòng thơ này.
CHƯƠNG 2. Những cảm hứng trong thơ Nho Việt Nam từ giữa thế kỷ XIV đến
giữa thế kỷ XV (Từ trang 87 đến trang 123).
Chương này trình bày cảm hứng chủ đạo của thơ Nho Việt Nam từ giữa thế kỷ XIV -
giữa thế kỷ XV.
CHƯƠNG 3. Một số phương diện thi pháp của thơ Nho Việt Nam từ giữa thế kỷ
XIV đến giữa thế kỷ XV (Từ trang 124 đến trang 174).
Chương này nghiên cứu về thể loại, ngôn ngữ, giọng điệu, hình tượng con người, không
gian – thời gian nghệ thuật của thơ Nho thời gian này.
KẾT LUẬN
(Từ trang 175 đến trang 179).
Nhận định khái quát về thơ Nho Việt Nam từ giữa thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XV,
phương hướng nghiên cứu kế tiếp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(Tài liệu tham khảo gồm có tất cả 192 tài liệu, trong đó có 185 tài liệu tiếng Việt và 10
tài liệu nước ngoài) (trang 180 - 196).
PHỤ LỤC
PHỤ LỤC 1. Những từ ngữ trong thơ Nho Việt Nam từ giữa thế kỷ XIV đến giữa thế
kỷ XV có liên quan đến “Nho” (Từ trang 197 đến trang 201)
PHỤ LỤC 2. Nguyên tác bài “Thích An Nam sự thi” (Ý Tông triều cử tử) (“Toàn
Đường thi”, quyển 784) (Từ trang 202 đến trang 204).
CHƯƠNG 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG CỦA THƠ NHO VIỆT
NAM GIỮA THẾ KỶ XIV ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XV
1. 1. VỀ KHÁI NIỆM “THƠ NHO”
Đối tượng nghiên cứu của Luận án là thơ Nho Việt Nam trong giới hạn thời gian từ giữa
thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XV. Việc xác định đối tượng và phạm vi nghiên cứu này có liên
quan đến một số khái niệm khác như Nho hoc, Nho gia, nho sĩ, thơ Nho, thơ nhà nho, thi
luận Nho gia...
Nho học: một học phái quan trọng thời cổ đại ở Trung Quốc. Về sau Nho học trở thành
tư tưởng chính trị chính thống của chế độ phong kiến Trung Quốc và một số nước lân cận.
Nho học lấy tư tưởng Nhân nghĩa (Trung thứ) làm hạt nhân.
Nho gia: chỉ phương diện học phái của Nho học. Ở Việt Nam, nó còn bao hàm nghĩa
Nho sĩ (nhà nho).
Nho sĩ: người thời xưa theo Nho học hay có khi chỉ chung trí thức ở các nước chịu ảnh
hưởng Nho học.
Thơ Nho: xuất hiện trong tương quan so sánh với thơ Thiền, trước hết được xác định là
những tác phẩm thơ sáng tác trong thời gian từ giữa thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XV ở Việt
Nam. Thơ Nho là thơ của các tác giả nhà nho chịu ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo, quan niệm
văn học Nho giáo, cảm hứng Nho giáo. Thơ Nho, do đó, không hoàn toàn đồng nhất với thơ
nhà nho vì ở thơ nhà nho có khi có xen lẫn cả cảm hứng Thiền hoặc Lão – Trang.
Ở Trung Quốc người ta còn dùng đến khái niệm Thi luận (ví dụ “Trung quốc thi luận
sử”, “Khổng Tử luận thi và Khổng Tử thi luận”...). Đó là kho tàng những lý luận thơ ca,
những quan niệm về thơ nói chung vô cùng phong phú và phát triển theo thời gian.
Thi luận chính thống của Nho gia Trung Quốc thường được nhắc đến qua những quan
niệm và lý luận thơ ca của Khổng Tử, Tuân Tử, Mạnh Tử, Lưu Hướng, Mao Hanh - Mao
Trành, Trịnh Huyền, Lưu Hiệp, Đỗ Phủ, Nghiêm Vũ... Trong đó, phần lớn là những ý kiến
mang tính chất kinh điển.
Qua đó, có thể thấy không ít những khác nhau về quan niệm nghệ thuật thơ ca của nhà
nho, những kiến giải khác nhau về mối quan hệ thơ với đạo, chí, dụng, tình... Càng về sau
những lý giải này càng thêm phong phú (Ví dụ có những chú giải khác nhau về “Kinh thi”,
có sự ra đời của rất nhiều “thi thoại”, “thi phẩm”). Mạch thi luận này cũng là những vấn đề
quan trọng của Kinh học – môn học tìm hiểu và giải thích kinh điển Nho gia. “Văn dĩ tải
đạo” là mệnh đề được quan tâm của Kinh học, nó phản ánh sự ảnh hưởng Nho giáo đến thơ
văn của các nhà nho .
Ở Việt Nam, “thi luận” của Nho gia được nhiều nho sĩ. Gần đây, một số công trình về
bàn về Nho giáo - văn học có thể thấy như “Quan niệm văn học (và mỹ học) của phái Nho
gia” trích trong “Tinh hoa lý luận văn học cổ điển Trung Quốc” (Phương Lựu) [99, 23-30],
phần “Sự tiến triển của quan niệm Nho gia chính thống” trong “Cấu trúc và lịch sử của lý
luận văn học cổ điển Trung Hoa” (Phương Lựu) [100, 541-544]...
Thực trạng thơ Nho ở nước ta như một bức tranh có những nét riêng biệt, độc đáo và
sáng tạo. Thơ Nho Đại Viêt được hình thành với một lực lượng sáng tác phong phú nhưng
không đồng nhất. Đôi khi những tác giả nhà nho lại có cả thơ Thiền như Trần Minh Tông,
Phạm Mại, Nguyễn Trãi… nên cũng cần phải chú ý những bài thơ mang cảm hứng Thiền
tông của các tác giả nhà nho khi nghiên cứu.
Chọn lọc những tác phẩm thơ ca trong thời gian khoảng một trăm năm này, trước hết
cần chọn những tác phẩm chủ yếu chịu ảnh hưởng tư tưởng Nho. Những tác phẩm chịu ảnh
hưởng tư tưởng Thiền sâu đậm hay Lão – Trang quá nhiều cũng cần nên cân nhắc cụ thể.
Những tác phẩm như “Đình Thủy vương công” (Chu An) [178, 54], “Tạp hứng, 2” (Lý Tử
Tấn) [09, 364-365], “Thuật chí” (Lý Tử Cấu) [09, 386-387]... chịu ảnh hưởng khá nhiều bởi
tư tưởng Lão Trang nên khó có thể xếp vào thơ Nho.
Những tác phẩm khác như “Lễ Để sơn” (Lê Thiếu Dĩnh) [09, 408]) và gần một số bài
thơ của Nguyễn Trãi (“Du Nam Hoa tự” [123, 383-384), Thu dạ khách cảm” [123, 306,
307], ,“Tiên Du tự” [123, 37-373], “Mộc cận” [123, 471])... lại là những bài thơ mang
phong cách Thiền nên cũng không thể xếp vào thơ Nho
Tính sơ lược trong “Thơ văn Lý Trần” (tập 3) [178], thấy có khoảng 11 tác phẩm chịu
ảnh hưởng tư tưởng Thiền - Lão như: “Đề Dương Công Thủy Qua đình” (Chu An) [178, 54-
55], “Đề Huyền Thiên Cực cung” (Chu An) [178, 157], “Đề Nguyệt Giản Đạo Lục...” (Trần
Nguyên Đán) [178, 169], “Ngẫu đề” (Trần Nguyên Đán) [178, 192], “Tống Lãm Sơ Quốc sư
hoàn sơn” (Phạm Nhân Khanh) [178, 315], “Du Côn Sơn” (Nguyễn Phi Khanh) [178, 423],
“Đề Huyền Thiên tự” (Nguyễn Phi Khanh) [178, 466], “Thiên Khánh Hựu Quốc khởi Tảo”
(Nguyễn Phi Khanh) [178, 474], “Cầu siêu” (Sư chùa Yên Quốc) [178, 515], “Phong Thủy
đình quan ngư” (Phạm Nhữ Dực) [178, 569]... Những tác phẩm này cũng không thể xếp vào
thơ Nho để nghiên cứu. Tuy vậy trong thực tế có khá nhiều trường hợp các yếu tố Nho – Lão
– Phật hòa trộn vào nhau, hòa tan vào nhau trong bản thân người nho sĩ và trong thơ văn mà
họ sáng tác. Sự thâm nhập và hòa tan vào nhau này khá phức tạp tùy thuộc vào từng tác giả
và ở mỗi tác phẩm khác nhau.
Ở đây, cũng thấy có sự đan xen, sự tiếp thu văn học dân gian vào trong thơ Nho, nổi bật
nhất là trường hợp thơ Nôm của Nguyễn Trãi (“Quốc âm thi tập”). Vấn đề yếu tố Việt trong
thơ Nho cũng là một vấn đề rất phức tạp. Yếu tố Việt vừa xâm nhập chính vào sự tiếp thu
Nho giáo vừa trực tiếp đi vào thơ Nho. Yếu tố Việt là yếu tố bản địa vừa là tố chất cơ bản
của người sáng tác thơ Nho. Các tác giả thơ Nho chủ yếu là những nhà nho Việt. Họ đã sáng
tác bằng tâm sự, nỗi lòng riêng tư của những trí thức Đại Việt. Thơ Nho cũng mang hơi thở
cuộc sống dân tộc, đi cùng với những thăng trầm của dân tộc. Bản thân các tác giả thơ Nho
chủ yếu là những quan lại và thậm chí là những nhà vua. Họ là những người trực tiếp hoặc
gián tiếp có những trọng trách trong nhà nước phong kiến Đại Việt. Cũng vì thế yếu tố Việt
trong thơ Nho là một yếu tố quan trọng cùng tồn tại trong mỗi tác giả, trong mỗi bài thơ
Nho.
Vấn đề thơ Nho từ giữa thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XV cần tìm hiểu về
quá trình hình thành, xác định mốc thời gian, những giai đoạn chuyến biến của thơ Nho có ý
nghĩa quan trọng. Ban đầu, thơ Nho chỉ tồn tại khiêm tốn bên cạnh thơ Thiền và nó bị phản
ứng mạnh bởi tinh thần "bài Ngô". Chỉ khi đất nước độc lập, các vua Lý – Trần chủ động
vận dụng Nho giáo thì Nho học mới có địa vị và từng bước hình thành dòng thơ Nho.
Cho đến đời Trần, thơ Nho từng bước phát triển và hoàn thiện song song với quá trình
phát triển của thơ Thiền. Số lượng tác giả – tác phẩm thơ Nho ngày càng nhiều, có thể thấy
cuối đời Trần các thế hệ nho sĩ Chu An – Phạm Sư Mạnh – Lê Quát… đã ảnh hưởng đến văn
hóa đương thời. Hàn Thuyên được đánh giá như là người mở đầu một phong trào cải cách
văn hóa, nhiều văn tập – thi tập đã ra đời trong thời gian này. Nội dung các thi tập cho thấy
dấu vết Tống Nho nhưng bên cạnh đó tính dân tộc, tính khoan hoà, tính riêng tư, tính “Việt”
cũng rất đậm nét.
Dòng thơ Nho từng bước có diện mạo, định hình. Điều này đặc biệt có dấu hiệu khá rõ
vào nửa sau thế kỷ XIV. "Vào nửa sau thế kỷ XIV, khuynh hướng Nho giáo trong văn học đã
gia tăng” [125, 172]. Trong thời gian đó, ngay cả Nguyễn Trung Ngạn cũng đã nói lên cảm
hứng Nho giáo trong bối cảnh và không khí Phật giáo: “Giang sơn tín mỹ phi ngô thổ” (Du
Nhạc Lộc tự) [09, 135]. Càng ngày, các nho sĩ càng ý thức làm sáng tỏ những bản sắc cao
đẹp của thơ Nho, xác lập ưu thế của thơ Nho. Điều này đã diễn ra trong một thời gian dài.
Đó là quá trình dài mà người Nho sĩ tự ý thức, tự hào với kỹ năng sống, kỹ năng sáng
tạo nghệ thuật mới. Các nhà nho thời này đã tự ý thức trách nhiệm của mình. Ý thức mới của
họ là “đại công xuất nhậm thuộc ngô nho” (Ra công gánh vác việc lớn, thuộc về nhà nho ta)
(Tống Kinh Doãn Nguyễn công... - Nguyễn Phi Khanh) [178, 420]. Ý thức mới này cũng góp
phần hình thành một quan niệm thơ riêng. Mặt nào đó ta có thể nhận thấy thơ Nho đã lấy hệ
tư tưởng Nho giáo và tư tưởng dân tộc làm “vốn văn hóa” trong khi văn hóa Nho giáo đã
phát huy ảnh hưởng từ thượng tầng đến hạ tầng xã hội. Các tác giả thơ Nho cũng không
ngừng phát huy vai trò của mình trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa - văn học.
Tuy xác định hơi muộn hơn thực tế đôi chút, nhưng trong “Tựa Quần hiền phú tập” đã
có những nhận định về phái (thơ văn) nhà nho trong bước đầu xây dựng. Từ thời Trần đến
đầu Lê, kẻ sĩ rất nhiều, thế mà văn chương để lại chỉ có vài người thôi: “Nguyễn Nhữ Bật
(thời Vãn Trần, tác giả “Quan Chu nhạc phú”) khơi nguồn, Đào Sư Tích (người phản đối
Hồ Quý Ly), Lý Chuyết Am (Tử Tấn), Nguyễn Cúc Pha (Mộng Tuân), Trình Mật Liên (Thuấn
Du) (Thông Phán châu Vũ Ninh nhà Hồ?), Nguyễn Ức Trai (Nguyễn Trãi) làm cho gợn
sóng” (Tựa Quần hiền phú tập) [179, 242-243]. Lời tựa “Quần hiền phú tập” đã ví văn học
Nho như một dòng sông linh động. Dù chưa đề cập đến những thành tựu trước đó nhưng nó
đã phản ánh quy luật vận động và phát triển của thơ Nho từ khoảng giữa thế kỷ XIV đến
khoảng giữa thế kỷ XV. Người xưa đã xem Nguyễn Nhữ Bật thuộc thế hệ tiên phong vào
cuối đời Trần, Đào Sư Tích tiếp nối (dẫn nước) và hàng loạt các nhà thơ danh tiếng Lý Tử
Tấn, Nguyễn Mộng Tuân, Trình Thuấn Du, Nguyễn Trãi tiếp tục truyền thống…
Thơ Nho như một chuyến xe khởi hành trên một con đường, xuất phát từ Đinh - Lý
nhưng mở rộng và tự giác xác định từ nửa thế kỷ cuối đời Trần. Từ Huyền Quang (1254-
1334) đến Trương Hán Siêu (?-1354), Chu An (1292 – 1370) – những người được thờ ở Văn
miếu - là một bước chuyển từ thơ Thiền đến thơ Nho. (Lúc đó có sự chứng kiến của Trần
Anh Tông – nhà vua, nhà văn hoá). Đầu đời Lê, thơ Nho đã hoàn toàn trở thành một dòng
thơ chính thống, chiếm lĩnh toàn diện. Quá trình đó đã có nguồn gốc từ việc xây dựng Văn
miếu thời Lý, cho đến Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông cố vận động phục hồi tinh thần
dung hòa Tam giáo. Nhưng càng về sau, phần lớn triều đình và giới trí thức mới càng đề cao
Nho giáo rất mạnh mẽ.
Ở nước ta, quá trình sinh thành thơ Nho được xem như hệ quả của quá trình phát triển
của giới nho sĩ xét về mặt chức năng kéo dài đến năm thế kỷ (Thế kỷ X – XIV). Đó là quá
trình đóng góp của nhiều thi nhân, nhiều thế hệ, kể cả các nhà vua và quan lại triều đình.
Giữa thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XV là một thế kỷ thơ với những thành tựu đáng kể. Tuy là
những thành tựu ban đầu nhưng nó phản ánh gần như trọn vẹn những đặc điểm cơ bản của
thơ Nho về nội dung – nghệ thuật. Thơ Nho khoảng 100 năm này trong sáng, tích cực và
phản ánh đúng lý tưởng của người nho sĩ chân chính. Nó cũng phản ánh trọn vẹn lý tưởng
thẩm mỹ Nho học trong thi ca. Trong thời gian đó, Nguyễn Trãi là dấu son, là đỉnh cao của
đường biểu diễn dòng thơ Nho. Đến thế hệ Nguyễn Trãi, thơ Nho đã bước qua giai đoạn hình
thành và đi vào ổn định, phát triển.
Tính từ khi Trung Hoa xâm lăng đất Việt cho đến khi dòng thơ Nho chính thức hình
thành đã hơn mười lăm thế kỷ. Bằng những phương thức, những điều kiện, những mối tương
tác khác nhau, văn hóa phương Bắc đã tác động nhiều đến thi ca Đại Việt với mục đích
riêng. Nhưng lợi dụng điều đó, các thế hệ thi nhân nước ta đã truyền vào thơ một dòng máu
khác – dòng máu của văn hóa Việt để xây dựng cho đất nước mình một dòng thơ ngang tầm
thời đại, có bản sắc riêng, có thể sánh vai các truyền thống thi ca khu vực. Các học giả Trung
Quốc thường chủ quan và chưa đánh giá đúng mức khi nhận xét về nền văn học chữ Hán của
nước ta nhưng họ cũng không thể phủ nhận những sáng tạo và bản sắc dân tộc [189]. Đó là
sức sống và nội lực của sự sáng tạo trong văn học dân tộc.
Nhìn chung, thơ Nho từ giữa thế kỷ XIV – giữa thế kỷ XV có thể được xem là một
chặng đường, một mạch thơ riêng, tiếp nối và kế thừa thành tựu thơ trước đó. Thơ Nho càng
ngày càng hưng thịnh và có khuynh hướng chuyển dần thành độc tôn. Bước đường thơ Nho
giữa thế kỷ XIV – giữa thế kỷ XV nằm trong hành trình liên tục của thơ Nho Việt Nam thời
Trung đại và có thể chia thành hai giai đoạn:
-Từ bắt đầu thời Vãn Trần (năm 1341) (Trần Dụ Tông lên ngôi) đến năm 1400; với
những tác giả tiêu biểu như Chu An (? -1370), Phạm Sư Mạnh (1297 -1370), Lê Quát (1300
-1375), Trần Nguyên Đán (1325 -1390)... Thơ ca họ phản ánh khí thế đang lên của Nho học,
hào khí dân tộc, âm hưởng chiến thắng. Lý tưởng Nho giáo được sùng thượng vì nó đang tạo
ra một thiết chế phù hợp, khuyến khích đạo đức, khuyến khích sự trong sáng, minh bạch.
Thơ ca mang lý tưởng Nho giáo với giọng điệu trong trẻo, hồn hậu (thơ Chu An, Trần
Nguyên Đán,…). Phạm Đình Hổ cho là "có cái sở trường tột bậc của của thơ đời Hán, đời
Đường" [53, 181]. Ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo đã gia tăng mạnh mẽ lên thơ ca giai
đoạn này nhưng mạch chính là khuynh hướng tư tưởng “hướng nội”, phê phán Phật.
- Từ năm 1400 đến hết đời vua Lê Nhân Tông (năm 1459):
Nho giáo trong giai đoạn này là Nho giáo mang bản sắc dân tộc, nó trở thành một bản
chất quan trọng của văn hóa Đại Việt. Đây là một kiểu Nho giáo tích cực, dung dị trên nền
tinh thần nhân văn Đại Việt. Chặng đường này tương ứng với phần lớn hai thế hệ nho sĩ Hồ
Quý Ly và Nguyễn Trãi.
Thế hệ nho sĩ Hồ Quý Ly (1376 -1407) gồm Nguyễn Phi Khanh (1380 -1482), Phạm
Nhữ Dực (Giáo thụ đời Hồ), Đặng Dung (? – 1413)… Tuy có khi bị xem là Ngụy triều
nhưng họ đã chính thức đưa Nho giáo lên địa vị độc tôn. Điều cần lưu ý là cuộc khởi nghĩa
của nhà sư Thiệu Nhiên (Phạm Sư Ôn) (?-1390) làm vua Trần Thuận Tông phải rời Thăng
Long đã để lại nhiều ảnh hưởng cũng như sự hạn chế Phật giáo. Thơ giai đoạn này mang tâm
trạng tha hương, ly tán, ẩn dật của những nho sĩ yêu nước trong cảnh vong quốc điêu tàn;
giọng điệu thơ bi phẫn, thống thiết…
Kế đó là thế hệ Nguyễn Trãi (1380 -1442) gồm cả Nguyễn Mộng Tuân (?- ?), Vũ Mộng
Nguyên (1380 -?), Lý Tử Tấn (1378-?), Nguyễn Thiên Tích (? -?)… Thi ca của họ phản ánh
khá nhiều mặt của cuộc chiến chống ngoại xâm và tâm trạng phức tạp sau chiến thắng. Thơ
Nguyễn Trãi với bút pháp mới, không công thức mà bình dị, đề cao đời sống dân dã. Thơ của
ông gần gũi với những người dân đã đi theo Lê Lợi gian khổ giành độc lập. Nhìn chung, nội
dung thơ ca đã có biểu hiện vượt ngoài những giới hạn của kinh điển Nho giáo.
Ngoài ra, cũng có thể chia thơ Nho từ giữa thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XV ra làm 3
chặng đường, dựa vào hoàn cảnh lịch sử và sự thăng trầm của các triều đại. Ba chặng đường
đó có thể xác định như sau: 1. Thời Vãn Trần, 2. Thời Hồ và Hậu Trần, 3. Thời khởi nghĩa
Lam Sơn – Đầu nhà Lê.
Hơn một thế kỷ thơ ca đã thực sự vận động qua những bước đi riêng. Dù sao, từ giữa thế
kỷ XIV – giữa thế kỷ XV thơ vẫn được khẳng định là thể loại thu hút sự chú ý nhất với nhiều
thành tựu đáng kể bên cạnh các thể loại khác như văn bia, văn chính luận, sử ký, truyện
truyền kỳ… Tuy bị đánh giá là ít phong cách rõ nét nhưng thật ra mỗi nhà thơ vẫn có những
thành tựu nên không thể nhầm lẫn với những nhà thơ khác. Thơ Nguyễn Trung Ngạn phóng
khoáng theo hành trình xa rộng, thơ Phạm Sư Mạnh có khí thế hào hùng nơi biên tái, thơ
Đặng Dung có nỗi bi phẫn thời thế, thơ Nguyễn Phi Khanh là tình cảm sâu lắng với cuộc đời
– với nỗi đau đời, Nguyễn Trãi với lời thơ trung hậu tài hoa… Thơ của họ cũng khác với
Thái Thuận – nhà thơ có những vần thơ trẻ trung, táo bạo, dáng dấp những nhà nho tài tử đầu
tiên ở nửa cuối thế kỷ XV.
Hành trình thơ Nho cũng có những thăng trầm như cuộc đời. Thơ Nho giữa thế kỷ XIV
– giữa thế kỷ XV là chặng đường đi dần đến vinh quang của thi ca Nho giáo.
Việc chọn hai mốc thời gian giữa thế kỷ XIV và giữa thế kỷ XV để xác định giới hạn
nghiên cứu có những ý nghĩa nhất định. Thời gian này về bối cảnh văn hóa tư tưởng của Đại
Việt thì Phật giáo đã tạm rút lui về am thanh chùa vắng và thầm lặng lan tỏa vào mạch sống
dân tộc. Trong khi đó, Nho giáo thắng thế dần dần chiếm vị trí độc tôn. Vào nửa sau thế kỷ
XIV khuynh hướng Nho giáo trong văn học đã gia tăng… Từ sau kháng chiến chống Minh
thắng lợi (năm 1428), Nho giáo càng hưng thịnh. Lực lượng sáng tác thi ca chủ yếu là giới
nho sĩ.
Văn học nửa đầu thế kỷ XV so với nửa cuối thế kỷ XV về mặt nội dung, cảm hứng có
đôi chút khác biệt. Văn học nửa đầu thế kỷ XV cảm hứng chính là cảm hứng lịch sử, ca ngợi
chiến công oanh liệt, hào khí của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, ca ngợi thiên nhiên đất nước.
Trong thơ thời đó “quan niệm hiện thực và nhân dân đậm nét” (125, 173]. Đây là điểm khác
biệt của thơ Nho từ giữa thế kỷ XIV- giữa thế kỷ XV với thơ Nho sau đó.
Văn học nửa cuối thế kỷ XV cũng thể hiện nội dung yêu nước, bộc lộ niềm tự hào dân
tộc, cảm hứng ca ngợi thiên nhiên đất nước thái bình, nhưng nặng về thù phụng xướng họa.
Lê Quý Đôn nhận xét về thời Lê Thánh Tông: “sĩ tử tập lối văn bóng bẩy, đẽo gọt từng câu”
(Kiến văn tiểu lục) [32, 300]. Thơ ca nhiều khi đi vào a dua, tán tụng. Dần dần lối học khoa
cử đã làm cho học phong kém đi, phẩm chất thơ ca chữ Hán cũng giảm đi.
Từ giữa thế kỷ XIV, cụ thể là từ năm 1341 (bắt đầu thời Vãn Trần) thơ ca có khuynh
hướng “hướng nội”. Ở đây, lời hùng ca thời Thịnh Trần được thay thế bởi lời ca bi tráng.
Đời sống xã hội cuối thời Trần, sự xâm lăng của giặc Minh đã để lại nhiều bài thơ có khuynh
hướng này. Tuy nhiêu, sau chiến thắng giặc Minh thì hào khí dân tộc lại dâng cao. Không
khí đó cũng đi vào trong thơ.
Giữa thế kỷ XV, ta có thể lấy thời điểm năm 1459 (chấm dứt thời vua Lê Nhân Tông) để
phân chia hai giai đoạn văn học (nửa đầu và nửa sau thế kỷ XV). Nửa đầu thế kỷ XV là giai
đoạn tiến bộ của xã hội phong kiến, văn học có nhiều biểu hiện vượt ra ngoài ý thức hệ Nho
giáo.
Luận án chọn giới hạn nghiên cứu một thế kỷ thơ Nho từ giữa thế kỷ XIV đến giữa thế
kỷ XV là chọn lấy giai đoạn thơ Nho đậm chất dân tộc, tích cực, chưa bị phân hóa. Giai đoạn
này được Thanh Lãng gọi là văn học đối kháng Trung Hoa. Việc xác định giới hạn thời gian
nghiên cứu tạo điều kiện tập trung vào đối tượng nghiên cứu.
Tóm lại, thông qua việc giải quyết các vấn đề về khái niệm, giới hạn nghiên cứu, thơ
Nho Việt Nam từ giữa thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XV đã có những cơ sở lý thuyết xác định.
Đây là một dòng thơ có những nét đặc biệt về quá trình hình thành, phát triển, đặc điểm, bản
chất. Nó chịu ảnh hưởng Nho giáo tích cực buổi đầu, kể cả mặt tích cực của tư tưởng Tống
Nho. Đồng thời tư tưởng Nho giáo trong thơ ca được các nhà thơ Nho Việt Nam tiếp thu,
sáng tạo nên mang đậm tính hiện thực, tính dân tộc.
1.2. DIỆN MẠO THƠ NHO VIỆT NAM TỪ GIỮA THẾ KỶ XIV ĐẾN
GIỮA THẾ KỶ XV
1.2.1. Sự hình thành dòng thơ Nho từ giữa thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XV
1.2.1.1. Sự ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo
Nho giáo truyền đến Việt Nam làm ảnh hưởng đến nhiều mặt văn hóa Việt Nam. Nho
giáo ảnh hưởng đến các thể loại văn học Việt Nam thời trung đại, trong đó có thơ ca. Nho
giáo tác động đến thi ca là nhân tố quan trọng đi đến hình thành thơ Nho.
Nho giáo được truyền vào Việt Nam từ đầu triều Bắc Thuộc (cuối đời Tây Hán). Nội
dung Nho giáo thời gian này bị cắt xén và lợi dụng phục vụ cho công cuộc cai trị. Những
nhân vật tiêu biểu trong thời gian này là Tích Quang (đời Hán), Nhâm Diên (đời Hán), Sĩ
Nhiếp (đời Hán), Lý Cầm, Lý Tiến (đời Hán), Trương Trọng (đời Hán), Ngu Phiên (đời
Hán), Đỗ Tuệ Độ (đời Tấn), Tông Xác (đời Nam Bắc triều), Tinh Thiều (đời Nam Bắc
Triều)...
Cuối triều Bắc thuộc, từ thời thuộc Đường (618-907) về sau, một số ít nho sĩ thi đỗ Mậu
Tài (Tú tài), Hiếu Liêm (Cử nhân), làm quan ở địa phương hoặc ở Trung Quốc. Những nhân
vật tiêu biểu thời gian này là Khương Công Phụ, Khương Công Phục... (thời Đường).
Trong thời Bắc thuộc, văn hóa Trung Hoa đã có mặt, nguy cơ “Hán hóa” Đại Việt lên
cao. Tuy Nho học bước đầu ở Đại Việt còn ít người học, nhà trường không nhiều nhưng Nho
học ngày càng tăng ảnh hưởng trên vùng đất mới.
Mảnh đất phương Nam đã tiếp nhận, Nam phương hoá, Đại Việt hoá Nho giáo trên nền
văn hoá dân tộc. Nó gây nên không ít xung đột văn hoá, gây nên sự mất cân bằng nhưng để
rồi lập lại sự cân bằng mới. Nho giáo thời Lý – Trần cũng là Nho giáo trong sự dung hợp
Tam giáo. Cho đến giữa thế kỷ XIV, tuy Nho giáo cũng được chú trọng nhưng về cơ bản
Phật vẫn giữ vị trí cao hơn. Từ giữa thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XV, vai trò của Nho giáo
trong đời sống xã hội và văn hóa Việt Nam đã có sự thay đổi. Nho giáo giữ vai trò thượng
tôn.
Sau khi chiến thắng giặc Nguyên (1288), nhà Trần có khuynh hướng xa rời quần chúng.
Mô hình điền trang thái ấp nhà Trần đã không phát huy được sức lao động và ruộng đất canh
tác. Nhiều hiện tượng tiêu cực xã hội đã xảy ra, đất công bị chiếm dụng... Cũng vì thế, Nho
giáo dần dần thay thế vị trí của Phật giáo và đi đến độc tôn. Từ giữa thế kỷ XIV, trong lòng
xã hội Đại Việt một thế lực xã hội đã ra đời. Thế lực đó âm thầm phát triển, phát huy ảnh
hưởng trong môi trường một xã hội mở, một xã hội giàu tinh thần dân chủ, bình đẳng truyền
thống – đó là tầng lớp Nho sĩ, là tầng lớp trí thức mới thay thế cho tầng lớp trí thức cũ là các
nhà sư. Các nhà sư trước đây đã có một vai trò hết sức to lớn trong đoàn kết dân tộc, chống
quân phiệt hóa nhà nước, đề cao tinh thần tự chủ và đối kháng Trung Hoa. Nhưng từ giữa thế
kỷ XIV, họ đã từng bước nhường vị thế quốc giáo cho Nho giáo một cách thầm lặng.
Thời Vãn Trần (nửa cuối thế kỷ XIV) tương ứng các triều vua Trần Dụ Tông (1341-
1369), Nghệ Tông (1370-1372), Duệ Tông, Phế Đế, Thuận Tông)... Nho giáo vươn lên mạnh
mẽ và khẳng định vai trò lịch sử của mình. Giới nho sĩ ngày càng đông, đổ đạt cao. Những
nhân vật tiêu biểu có thể kể là Chu An, Trần Nguyên Đán, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh, Chu
Đường Anh... đã xây dựng được niềm tin ở xã hội.
Nho giáo lúc này về cơ bản có dấu hiệu Tống nho (sự kiện ra đời của Quốc Học viên và
Tứ thư, Ngũ kinh được giảng giải ở đây từ năm 1253). Về học thuật thì “theo Huấn hỗ học
của Hán nho và Đường nho” [78, 385]. Nhưng triều đình đại diện là vua Trần Nghệ Tông -
đã tiếp tục tư tưởng của Trần Minh Tông – và làm chậm lại sự đề cao đạo Nho cũng như ảnh
hưởng sâu rộng của Tống nho. Có thể nói trong thời gian này có ảnh hưởng đến văn hóa Việt
là Hán Nho, Đường Nho, Tống Nho. Tống Nho có vẻ nổi bật hơn trong khối hỗn hợp đó
nhưng vẫn chưa ảnh hưởng bằng Phật giáo và nó có nhiều dấu hiệu bị Việt hóa.
Đến đời Hồ và Hậu Trần, Nho giáo đã hoàn toàn thay thế vị trí Phật giáo. Nho giáo tiếp
tục đi đến độc tôn và ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính trị xã hội nước ta. Hồ Quý Ly phê phán
Tống nho, đề cao Chu Công, chuộng thực tế. Ông viết sách “Minh đạo” như một hướng đi
riêng, Việt hóa Nho. Nhưng về bản chất các nhân vật thời gian này như Lý Tử Tấn, Nguyễn
Phi Khanh... lại có thiện cảm với Tống nho. (Câu “Nghi thủy xuân phong dữ vật tâm” trong
bài “Du Phật Tích sơn đối giang ngẫu tác” của Nguyễn Phi Khanh “lấy ý từ câu “Bàng hoa
tùy liễu quá tiền xuyên” của Trình Minh Đạo” [178, 395]. Có thể nói Nho giáo thời gian này
Tống Nho có ảnh hưởng nhưng gặp nhiều đối kháng. Yếu tố Việt trong Nho giáo có biểu
hiện khá nhiều. Những nhân vật tiêu biểu thời gian này là Hồ Quý Ly, Đặng Dung, Nguyễn
Phi Khanh... Không bao lâu, vào thời Minh thuộc (1407- 1428), nhà Minh tiếp tục đem sách
vở Tống Nho vào nước ta.
Đến Khởi nghĩa Lam Sơn và Lê sơ, Nho giáo tiếp tục giữ vị trí quan trọng nhưng ban
đầu Nho học được vận dụng phục vụ kháng chiến (không giống khuynh hướng triết học của
Tống Nho). Sau kháng chiến, các nhà nho thời gian này (như Nguyễn Trãi) vẫn còn ảnh
hưởng văn hóa thời Lý – Trần. Nho giáo trog thời gian hòa bình lập lại từ năm 1428 cho đến
năm mở khoa thi Tiến sĩ 1442 về cơ bản vẫn là Tống nho, nhưng chưa rõ nét. Nhưng bên
cạnh đó, vai trò Nguyễn Trãi trong khuynh hướng Việt hóa và phục hưng văn hóa thời Lý
Trần rất đáng kể. (Thực tế vai trò của Nguyễn Trãi vẫn ảnh hưởng cho đến khi ông mất –
năm 1442). Những nhân vật nho sĩ tiêu biểu ở thời gian này là Nguyễn Trãi, Nguyễn Mộng
Tuân, Lý Tử Tấn...
Nhìn chung, để xác định ảnh hưởng của Nho học vào văn học nước ta cũng tùy vào từng
thời kỳ. Nếu nói thời gian này Nho giáo ở nước ta là Tống nho thì đó chỉ là khái quát. Không
thể không chú ý đến yếu tố Việt đã ảnh hưởng đáng kể bởi bốn nguyên nhân:
Thứ nhất: ảnh hưởng tư tưởng dung hòa tam giáo thời Trần.
Thứ hai: tư tưởng bài Tống nho triều Trần – Hồ.
Thứ ba: tư tưởng khôi phục văn h._. thiết. Các phạm trù: “Văn”, “Mỹ”, “Giao – Cảm”, “Dương cương”, “Âm nhu”… có phải
là những phạm trù Mỹ học thơ Nho Việt Nam? Cần đối chiếu thi luận kinh học Nho gia
Trung Quốc và thi luận của các nhà nho Việt để khai thác thêm những thành quả nghiên cứu
mới hay không? Đó là những vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu.
Từ việc nghiên cứu thơ Nho, người viết hy vọng sẽ đóng góp thêm một ý kiến vào lĩnh
vực nghiên cứu thơ thế kỷ XIV- XV của nền thơ ca Việt Nam.
Cuối cùng, điều lắng đọng lại trong thơ Nho phải chăng là những suy nghĩ của nho sĩ về
chính trị xã hội. Đó là những thông điệp kín đáo mà họ muốn gởi đến cho vua chúa và quan
lại. Thông điệp đó không ngoài nội dung là đường lối nhân nghĩa, chính sách thân dân, sự
cần thiết xây dựng đạo đức bản thân, đạo đức xã hội. Chỉ có đạo đức mới đem lại thành công
cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Với bấy nhiêu điều, thơ Nho vẫn luôn mang đến cho
cho tương lai những nỗi ưu ái đáng ngạc nhiên và gây xúc động cho người sau.
Những suy nghĩ về thể chế chính trị, nền vương đạo và cách ứng xử của bản thân là cơ
sở cho rất nhiều nội dung trong thơ Nho. Từ những điều này, tác giả thơ Nho thể hiện lòng
yêu nước, thương dân, đề cao đạo lý, xúc động trước thời cuộc hay để lại cảm giác cô đơn
trong tâm hồn. Đó cũng là cơ sở cho cái “tình” trong sáng thanh cao, gần với trạng thái tâm
lý và phẩm chất đạo đức của thánh nhân. Nó là bản sắc của những nhà nho chân chính và
cũng là một phần quan trọng trong bản sắc thơ Nho.
Có thể vì thế, thơ Nho thường đề cao đạo lý, chuyển tải đạo lý. Tuy không bay bổng như
thơ lãng mạn, không thúc giục kêu gọi như thơ ca phục vụ chính trị, thơ Nho có một sắc màu
riêng, thanh nhã, bình dị nhưng vẫn làm cho người sau yêu mến.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
I. TIẾNG VIỆT
1) Dư Quan Anh (Chủ biên) (1993), Lịch sử văn học Trung Quốc (T2), (Lê Huy
Tiêu, Lương Duy Thứ… dịch), Nxb GD, Hà Nội.
2) Đào Duy Anh (1957), Hán - Việt từ điển, Nxb Trường Thi, Sài Gòn.
3) Vũ Tuấn Anh (1995), Sự vận động của cái tôi trữ tình trong thơ Việt nam từ
1945 đến nay (Luận án Phó Tiến sĩ), Viện Văn học, Hà Nội.
4) Aristote, Lưu Hiệp (1999), Nghệ thuật thơ ca, Văn tâm điêu long, Nxb Văn
học, Hà Nội.
5) Bùi Văn Ba (1991), Góp phần xác lập hệ thống quan niệm văn học Trung đại
Việt Nam, (Luận án Tiến sĩ), ĐHSP Hà Nội I, Hà Nội.
6) Đỗ Tùng Bách (2000), Thơ thiền Đường Tống, (Phước Đức dịch), Nxb Đồng
Nai.
7) Bùi Huy Bích (1957), Hoàng Việt thi văn tuyển, (T1), Nhóm Lê Quí Đôn dịch,
Nxb Văn hóa, Hà Nội.
8) Bùi Huy Bích (1957), Hoàng Việt thi văn tuyển, (T2), Nhóm Lê Quí Đôn dịch,
Nxb Văn hóa, Hà Nội.
9) Bùi Huy Bích (2007), Hoàng Việt thi tuyển, Nhóm Lê Quí Đôn dịch, TTNC
Quốc học - Nxb Văn học, Hà Nội.
10) Nguyễn Văn Bình (1998), “Nhân cách nhà nho trong con người Nguyễn Trãi”
– TC TH, số 4, tr. 28-31.
11) Nguyễn Tài Cẩn (1998), Ảnh hưởng Hán văn Lý Trần qua thơ và ngôn ngữ
thơ Nguyễn Trung Ngạn, Nxb GD, Hà Nội.
12) Nguyễn Kim Châu (2000), Thơ tứ tuyệt trong văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến
thế kỷ XIX, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Trường ĐHSP Tp. HMC.
13) Nguyễn Đổng Chi (1970), Việt Nam cổ văn học sử, Phủ Quốc Vụ Khanh đặc
trách văn hóa xuất bản, Sài Gòn.
14) Nguyễn Huệ Chi (1978),“Các yếu tố Phật Nho Lão được tiếp thu và chuyển
hóa như thế nào trong đời sống và văn hóa thời đại Lý Trần”, TC VH, số 6, tr.
76-94.
15) Nguyễn Huệ Chi (1992), “Hiện tượng hội nhập văn hóa dưới thời Lý – Trần
nhìn từ một trung tâm Phật giáo tiêu biểu: Quỳnh Lâm”, TCVH, số 4, trang 13-
21.
16) Nguyễn Huệ Chi (2003), “Mấy đặc trưng loại biệt của của văn học Việt Nam từ
thế kỷ XV đến hết thế kỷ XIX” , TCVH, số 5, trang 7-14.
17) Nguyễn Đình Chú (1999), “Vấn đề "ngã”và "phi ngã" trong văn học Việt Nam
Trung cận đại ”, TCVH, số 5, tr. 38-54.
18) Nguyễn Đình Chú (2004), “Trở lại vấn đề ảnh hưởng của Nho giáo đối với nền
văn học Việt Nam thời trung cận đại”, tham luận Hội thảo khoa học về Nho
giáo, viện Hán nôm (Việt Nam) và viện Harvard (Hoa Kỳ).
19) Phan Huy Chú (1974), Lịch Triều hiến chương loại chí, (T. IX) – Văn tịch chí
– Tố Nguyên Nguyễn Thọ Dực dịch, Uỷ ban Dịch thuật – Bộ VHGD và TN
xuất bản, Sài Gòn.
20) Lê Củng (1998), Việt phong (Một nền văn hoá cổ truyền thuần tuý Việt…), Nxb
Văn nghệ Tp. HCM.
21) Chương Dân (1918), “Nam âm thi thoại”, TC Nam Phong, số 11, tr. 300-309.
22) Chương Dân (1918), “Nam âm thi thoại”, TC Nam Phong, số 12, tr. 353-355.
23) Lê Anh Dũng (1994) – Con đường Tam giáo ở Việt Nam: từ khởi nguồn đến
thế kỷ XIX, Nxb TP.HCM
24) Nguyễn Dữ (1952), Truyền kỳ mạn lục, (Ngô Văn Triện dịch), Nxb Tân Việt,
Sài Gòn.
25) Nguyễn Đăng Duy (1998), Văn hóa tâm linh, Nxb Hà Nội.
26) Đại Việt sử ký toàn thư (T1) (2004), (Cao Huy Giu dịch – Đào Duy Anh hiệu
đính), Nxb VHTT, Hà Nội.
27) Đại Việt sử ký toàn thư (T2) (2004), (Cao Huy Giu dịch – Đào Duy Anh hiệu
đính), Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
28) Quang Đạm (2006), Tư văn qua các triều đại, Nxb Lao động – Trung tâm Văn
hóa ngôn ngữ Đông Tây.
29) Nguyễn Đăng Điệp (2002), Giọng điệu trong thơ trữ tình, Nxb Văn học, Hà
Nội.
30) Kim Định (1973), Cơ cấu Việt Nho, Nxb Nguồn Sáng, Sài Gòn.
31) Kim Định (1961), Cửa Khổng – Nxb Ra Khơi , Sài Gòn.
32) Lê Quý Đôn (1962), Kiến văn tiểu lục, (Phạm Trọng Điềm dịch), Nxb Sử học,
Hà Nội.
33) Lê Quý Đôn (1972), Vân đài loại ngữ, (T1) (Tạ quang Phát dịch), Uỷ ban Dịch
Thuật xuất bản, Sài Gòn.
34) Lê Quý Đôn (1972), Vân đài loại ngữ, (T2) (Tạ quang Phát dịch), Uỷ Ban Dịch
thuật xuất bản, Sài Gòn.
35) Lê Quý Đôn (1973), Vân đài loại ngữ, (T3) (Tạ quang Phát dịch) –Uỷ ban Dịch
thuật xuất bản, Sài Gòn.
36) Lê Quý Đôn (1995), Quần thư khảo biện, (Nguyễn Như Diện dịch), Nxb
KHXH, Hà Nội.
37) Hà Minh Đức (chủ biên) (2003), Lý luận văn học, Nxb GD, Hà Nội.
38) Lâm Ngữ Đường (1965), Thưởng thức tự nhiên, Trong: Nghệ thuật về sống
đẹp, (Nguyễn Hiến Lê dịch), Nxb Tao Đàn, Sài Gòn.
39) Thạch Trung Giả (1975), “Từ tâm sự qua mọi giai đoạn của cuộc đời đến thiền
trong thơ của Nguyễn Trãi”, TC Hải Triều Âm, số 9, 10, tháng 4, tr. 163-193.
40) Thạch Trung Giả (1999), Văn học phân tích toàn thư, Nxb. Văn học, Hà Nội.
41) Đoàn Lê Giang (2001), Ý thức văn học Cổ Trung đại Việt Nam, (Luận án Tiến
sĩ Ngữ văn), ĐHQG TP.HCM, Trường ĐH KHXH và NV TP.HCM.
42) Đoàn Lê Giang (2001), Văn học cổ điển Việt Nam trong thế giới Đông Á, trong
Bình luận văn học niên giám 2006,Nxb Văn hóa Sài Gòn 2006, trg 07-61.
43) Nguyễn Thạch Giang (2005), Đoạn trường tân thanh dưới cái nhìn của Nho
gia – Thiền gia, Nxb Văn hóa Sài Gòn, Tp. HCM.
44) Trần Văn Giàu (1955), “Vai trò của quần chúng trong sự thay đổi các triều đại
Lê, Lý, Trần, Hồ”, TC Văn Sử Địa, số 1, tr. 27-40.
45) Trần Văn Giàu (1984), Trong dòng chủ lưu của Văn học Việt Nam tư tưởng
yêu nước, Nxb TPHCM.
46) Nguyễn Thị Bích Hải (1996), Thi pháp thơ Đường một số phương diện chủ
yếu, (Luận án Phó Tiến sĩ Ngữ văn), Trường ĐHSP Hà Nội.
47) Dương Quảng Hàm, Quốc văn trích diễm, Nxb Bốn Phương, Sài Gòn. 1953.
48) Dương Quảng Hàm (1968), Việt Nam văn học sử yếu, Trung tâm Học liệu xuất
bản, Sài Gòn.
49) Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2004), Từ điển thuật ngữ văn
học, Nxb GD, Hà Nội.
50) Nguyễn Văn Hạnh, Huỳnh Như Phương (1999), Lý luận văn học vấn -đề và
suy nghĩ, Nxb GD, Hà Nội.
51) Nguyễn Hùng Hậu (2005), “Một số đặc điểm của Nho Việt”, TC Nghiên cứu
tôn giáo”, số 01, tr. 36-40.
52) Hồng Đức quốc âm thi tập (1962) (Phạm Trọng Điềm, Bùi Văn Nguyên chú
giải), Nxb Văn hóa, Hà Nội.
53) Phạm Đình Hổ (1998), Vũ trung tuỳ bút, Nxb Văn nghệ, Tp. HCM.
54) Hội thảo quốc tế lần III “Nho giáo tại Việt Nam” (kỷ yếu), (19 - 21/7/2001).
55) Nguyễn Phạm Hùng (1980), “Về diễn biến của thơ trữ tình thời Trần” – TCVH,
4, tr. 76 -80.
56) Nguyễn Phạm Hùng (1989), “Sự xuất hiện khuynh hướng trong văn học Việt
Nam cổ”, TCVH, số 1, tr. 58 -71.
57) Nguyễn Phạm Hùng (1996), Thơ văn Lý Trần nhìn từ thể loại, Nxb GD, Hà
Nội.
58) Nguyễn Phạm Hùng (1998), Thơ Thiền Việt Nam những vấn đề lịch sử và tư
tưởng nghệ thuật, Nxb ĐHQG HN, Hà Nội.
59) Phạm Ngọc Hùng, Đặng Viết Ngoạn (biên tập) (1982), Kỷ niệm 600 năm sinh
Nguyễn Trãi, Nxb KHXH, Hà Nội.
60) Cao Xuân Huy (1995), Tư tưởng Phương Đông gợi những điểm nhìn tham
chiếu, Nxb Văn học, Hà Nội.
61) Trần Đình Hượu (1964), Nho giáo và văn học Trung cận đại, Nxb VHTT, Hà
Nội.
62) Trần Đình Hượu (1991), “Về ảnh hưởng nhiều mặt của Nho giáo trong văn
học Việt Nam Cổ, Cận đại”, TCVH, số 3, tr. 18-20 và t 75.
63) Trần Đình Hượu (1993), “Con người Việt Nam với truyền thống văn hóa Nho
giáo hóa”, TC KHXH, số 17, tr. 69-72.
64) Chu Hy (1968), Chu dịch bản nghĩa (Nguyễn Duy Tinh dịch), Trung tâm Học
Liệu, Sài Gòn.
65) Đỗ Văn Hỷ (1983), “Cái hay trong thơ xưa dưới con mắt nhà thơ xưa”, TCVH,
số 4.
66) Đỗ Văn Hỷ (1993), Người xưa bàn về văn chương (T1), Nxb KHXH, Hà Nội.
67) Đinh Gia Khánh (chủ biên) (1976), Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (Thế kỷ X –
thế kỷ XVII), Nxb Văn học, Hà Nội.
68) Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương (1997), Văn học Việt Nam
thế kỷ X – Nửa đầu thế kỷ XVIII, Nxb GD, Hà Nội.
69) Đinh Gia Khánh (2007), Đinh Gia Khánh tuyển tập (tập 2), Nxb GD, Hà
Nội.
70) Vũ Ngọc Khánh (2006), Văn thần Việt Nam, Nxb VHTT, Hà Nội
71) Khổng Cấp (1972), Trung Dung, (Nguyễn Xuân Giáo dịch), Trung Tâm Học
Liệu xuất bản, Sài Gòn.
72) Khổng Tử (1950), Luận ngữ (Đoàn Trung Còn dịch), Nxb Trí Đức tòng thư,
Sài Gòn.
73) Khổng Tử (1999), Kinh Lễ, (Nguyễn Tôn Nhan dịch), Nxb Văn học, Hà Nội.
74) Khổng Tử (2001), Thượng Thư, (Nhượng Tống dịch), Nxb Văn học, Hà Nội.
75) Khổng Tử (2002), Xuân Thu tam truyện (t1), (Hoàng Khôi dịch), Nxb TPHCM.
76) M.B. Khrapchenko (2002), Những vấn đề lý luận và phương pháp luận nghiên
cứu văn học, (Trần Đình Sử tuyển, giới thiệu), Nxb ĐHQG Hà Nội.
77) Trần Trọng Kim (1953), Việt Nam sử lược, Nxb Tân Việt, Sài Gòn.
78) Trần Trọng Kim (1965), Nho giáo, Nxb Tân Việt, Sài Gòn.
79) Kinh Lễ (1999), (Nguyễn Tôn Nhan dịch) – Nxb Văn Học, Hà Nội.
80) Kinh Thi (1992), (Tản Đà, Nghiêm Thượng Văn, Đặng Đức Tô dịch, chú giải),
Nxb TP.HCM.
81) Konrat. N (1997)– Phương Đông và Phương Tây – những vấn đề triết học, triết
học lịch sử, văn học Đông và Tây (Trịnh Bá Đĩnh dịch) – Nxb GD, Hà Nội.
82) Hàn Triệu Kỳ (2001), Ẩn sĩ Trung Hoa, (Cao Tự Thanh dịch), Nxb TP.HCM.
83) Lưu Cương Kỷ – Phạm Minh Hoa (2002), Chu Dịch và mỹ học, (Hoàng Văn
Lâu dịch), Nxb VHTT, Hà Nội.
84) Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận (tập 1, 2, 3), Nxb Văn học,
Hà Nội.
85) Thanh Lãng (1967), Bảng lược đồ văn học Việt Nam, (Q.Thượng) –Nxb Trình
bày, Sài Gòn.
86) Thanh Lãng (1971), Văn học Việt Nam (I) – Đối kháng Trung Hoa, Phong trào
Văn hóa xuất bản, Sài Gòn.
87) I. X. Lixêvich (1994), Tư tưởng văn học cổ Trung Quốc, (Trần Đình Sử dịch),
Nxb GD, Hà Nội.
88) Mai Quốc Liên (chủ biên) (1999), Nguyễn Trãi (toàn tập tân biên), (T1) –
TTNCQH, Nxb Văn học, Hà Nội.
89) Mai Quốc Liên (chủ biên) (1999), Nguyễn Trãi (toàn tập tân biên), (T2) –
TTNCQH, Nxb Văn học, Hà Nội.
90) Mai Quốc Liên (chủ biên) (2000), Nguyễn Trãi (toàn tập tân biên), (T3) –
TTNCQH – Nxb Văn học Hà Nội.
91) Nguyễn Thế Long (1995), Nho học ở Việt Nam, Nxb GD, Hà Nội.
92) Lê Nguyễn Lưu (1999), Nguồn suối Nho học và thơ ca Bạch Vân Cư sĩ, Nxb
Thuận Hóa, Huế.
93) Trần Chí Lương (1999), Đối thoại với tiên triết về văn hoá phương Đông thế
kỷ XXI, Nxb ĐHQG, Hà Nội.
94) Phương Lựu (1985), Về quan niệm văn chương cổ Việt Nam, Nxb Giáo Dục,
Hà Nội.
95) Phương Lựu (1996), Văn hóa văn học Trung Quốc cùng một số liên hệ ở Việt
Nam, Nxb GD, Hà Nội.
96) Phương Lựu (1997), Góp phần xác lập hệ thống quan niệm văn học Trung đại
Việt Nam, NXB GD, Hà Nội.
97) Phương Lựu (chủ biên) (1997), Lý luận văn học, Nxb GD, Hà Nội.
98) Phương Lựu (1997), Khơi dòng lý thuyết, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
99) Phương Lựu (1989), Tinh hoa lý luận văn học cổ Trung Quốc, Nxb GD, Hà
Nội.
100) Phương Lựu (2004), Lý luận phê bình văn học, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng.
101) Huỳnh Lý, Vũ Đình Liên, Nguyễn Đình Chú... (1985), Hợp tuyển thơ văn
Việt Nam (quyển 2), Nxb Văn học, Hà Nội.
102) Nguyễn Công Lý (2001), “Mấy đặc điểm văn học Lý Trần”, TC HN, số 2, t8-
15.
103) Nguyễn Công Lý (2002), Văn học Phật giáo thời Lý Trần diện mạo và đặc
điểm – Nxb ĐHQG TP.HCM.
104) Mạnh Tử (Thượng, Hạ) (1996) (Đoàn Trung Còn dịch) – Nxb Thuận Hóa –
Huế.
105) Hà Thúc Minh, Trịnh Gia Đống (2001), “Tính tôn giáo và sự giải thích hiện
đại về tư tưởng Nho gia”, TCKHCT, (HV CTQG, TPHCM), số 01.
106) Hà Thúc Minh (2001), “Đạo Nho phải chăng là tôn giáo”, TC KHCT (HV
CTQG TP.HCM) Số 01, tr. 37-39.
107) Trần Văn Hải Minh (1991), Bách gia chư tử, Hội NCGDVH TP.HCM xb.
108) Từ Tôn Minh, Trương Lập Văn (1998), Lý - triết học phương Đông, Nxb
KHXH, Hà Nội.
109) Mộng Bồi Nguyên (1998), Hệ thống phạm trù Lý học, Nxb. KHXH, Hà Nội.
110) Trần Ngọc Minh (1975), “Tư tưởng Việt Nam”, TC Hải Triều Âm, số 9, 10
(Tháng 4), tr. 50-88.
111) Lê Hữu Mục (1974), Lịch sử văn học Việt Nam (Ronéo), ĐHSP Sài Gòn.
112) Nguyễn Đăng Na (Chủ biên) (2004), “Tinh tuyển văn học Việt Nam” (T3), Nxb
KHXH, Hà Nội.
113) Lê Hoài Nam (1994), Thơ cổ điển Việt Nam một số vấn đề hình thức và thể
loại, Bộ GDĐT – Vụ Giáo viên, Hà Nội.
114) Bùi Văn Nguyên, Hà Minh Đức (1968), Các thể thơ ca và sự phát triển của
hình thức thơ ca trong văn học Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội.
115) Bùi Văn Nguyên (1975), “Bàn về một số khía cạnh trong thơ tình đời Trần”,
TCVH, số 1, tr. 109-112.
116) Bùi Văn Nguyên (1984), Văn chương Nguyễn Trãi, Nxb ĐH và THCN, Hà
Nội.
117) Bùi Văn Nguyên (Chủ biên) (1995) – Tổng tập văn học Việt Nam (T4) – Nxb
KHXH, Hà Nội.
118) Bùi Văn Nguyên (Chủ biên) (1995), Tổng tập văn học Việt Nam (T5), Nxb
KHXH, Hà Nội.
119) Trần Nguyên Nguyệt (2001), “Mối quan hệ Tam giáo trong lịch sử tư tưởng
Việt Nam thời kỳ Trung thế kỷ qua cách nhìn nhận hệ thống”, TC KHXH, số 4,
tr. 71-73.
120) Phạm Thế Ngũ (1968), Khảo luận về thơ cũ Trung Hoa, (Phỏng dịch từ – Cựu
thi lược luận, Lương Xuân Phương), Phạm Thế xuất bản, Sài Gòn.
121) Phạm Thế Ngũ (1996), Việt Nam văn học giản ước tân biên (T1), Nxb Đồng
Tháp.
122) Phạm Thế Ngũ (1997), Việt Nam văn học giản ước tân biên (T2), Nxb Đồng
Tháp.
123) Nguyễn Trãi (toàn tập) (1976)– Nxb KHXH – Hà Nội.
124) Nhiều tác giả (1999), Lịch sử văn hóa Trung Quốc, (T2), Nxb VHTT, Hà Nội.
125) N. I. Niculin (2006), Dòng chảy văn hóa Việt Nam, Nxb VHTT, Hà Nội.
126) Trần Ngọc Ninh (2009), “Nguyễn Trãi Huyễn – Thực và Sắc – Không”, TC
Hồn Việt, số 25, tr. 11-12, 62-63.
127) Lê Lưu Oanh (1998), Thơ trữ tình Việt Nam 1975 - 1990, Nxb ĐHQG Hà Nội.
128) Lê Văn Quán (2002), “Nguyễn Trãi với Chu Dịch”, TC HN, số 4, tr. 24-30.
129) Trần Lê Sáng (1981), Cuộc đời và thơ văn Chu Văn An, Nxb Hà Nội. Hà Nội.
130) Ngô Thì Sĩ (1997), Đại Việt sử ký tiền biên (Thượng), Nxb KHXH, Hà Nội.
131) Lê Văn Siêu (2003), Việt Nam văn minh sử – (Thượng), Nxb Lao Động, Hà
Nội.
132) Mộng Bình Sơn (1966), Ảnh hưởng Kinh Dịch trong văn học và cuộc sống,
Nxb Văn học, Hà Nội.
133) Nguyễn Hữu Sơn (1993), “Về con người cá nhân trong văn học cổ nhìn từ góc
độ lý thuyết”, TCVH, số 3, tr. 7-11.
134) Nguyễn Hữu Sơn (2000), “Về cảm quang Phật giáo trong thơ văn Nguyễn
Trãi”, TCVH, số 6, tr. 75-80.
135) Nguyễn Hữu Sơn (2005), Văn học Trung Đại Việt Nam – Quan niệm con người
và tiến trình phát triển, Nxb KHXH, Hà Nội.
136) Stephen Aldiss (2001), Nghệ thuật Zen, Tư Tam Định - Minh Châu dịch, Nxb
VHTT, Hà Nội.
137) Trần Đình Sử (1996), Lý luận và phê bình, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
138) Trần Đình Sử (1997), Những thế giới nghệ thuật thơ, Nxb Giáo Dục, Hà Nội.
139) Trần Đình Sử (1999), Những vấn đề thi pháp văn học Trung đại Việt Nam,
Nxb GD, Hà Nội.
140) Trần Đình Sử (2001), “Tư tưởng tự do trong truyền thống văn học cổ Việt
Nam” – TCVH, số 01, tr. 17-22.
141) Trần Đình Sử (2003), Thi pháp Truyện Kiều, Nxb GD, Hà Nội.
142) Thái Bá Tân (2001), Thơ cổ Phương Đông, Nxb Lao động, Hà Nội .
143) Bùi Duy Tân (1999), Khảo và luận một số tác gia – tác phẩm văn học Trung
đại Việt Nam (Tập 1), Nxb GD. Hà Nội.
144) Bùi Duy Tân (2005), “Việt Nho qua một số tác phẩm văn học Trung đại Việt
Nam”, TCVH, số 01, tr. 18-26.
145) Lê Tắc (2002), An Nam chí lược, (Trần Kinh Hòa dịch), Nxb Thuận Hóa – TT
Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội.
146) Quách Tấn (1998), Thi pháp thơ Đường, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh.
147) Khâu Chấn Thanh (2001), Lý luận văn học nghệ thuật cổ điển Trung Quốc,
(Mai Xuân Hải dịch), Nxb Văn học, Hà Nội.
148) Trần Thị Băng Thanh (Chủ biên) (2004), Tinh tuyển văn học Việt Nam (T4),
Nxb KHXH, Hà Nội.
149) Lê Sĩ Thắng (1977), “Nho giáo trong lịch sử Việt Nam”, TCTH số 2, tr.109-
112.
150) Trần Nho Thìn (1994), “Mối quan hệ giữa cái tôi nhà nho và thực tại trong văn
chương cổ”, TCVH, Số 2, tr. 32-37.
151) Trần Nho Thìn (2000), “Thơ Mới nhìn từ thơ cũ: vấn đề loại hình học của thơ
Hiện đại và thơ Trung đại”, TCVH số 01, tr. 37-46.
152) Trần Nho Thìn (2001),“Bi kịch tinh thần của nhà nho việt nam với tính cách là
một nhân vật văn hóa (khảo sát qua trường hợp Nguyễn Trãi)”, TCVH, số 7, tr.
49-60.
153) Trần Nho Thìn (2003), Văn học Trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa,
Nxb GD, Hà Nội.
154) Trần Nho Thìn (2007), Nguyễn Công Trứ về tác gia và tác phẩm, Nxb GD, Hà
Nội.
155) Nguyễn Thiên Thụ (1973), Nguyễn Trãi, Nxb Lửa Thiêng, Sài Gòn.
156) Nguyễn Khắc Thuần (1997), Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam (T3) (Nho
giáo với quá trình tham gia vào đời sống và tư tưởng Việt Nam – Nho giáo thời
Bắc thuộc, thời độc lập, thời nội chiến), Nxb GD, Hà Nội.
157) Thái Thuận (2002), Lữ Đường thi (tuyển dịch), (dịch giả Quách Tấn), Nxb Văn
học, Hà Nội.
158) Đỗ Minh Thúy (1997), Mối quan hệ giữa văn hóa và văn học, Nxb VHTT, Hà
Nội.
159) Trần Thị Hồng Thúy (1966), Ảnh hưởng của Nho giáo đối với chủ nghĩa yêu
nước Việt Nam truyền thống, (Luận án Phó Tiến sĩ Triết học), Viện Triết học,
Hà Nội.
160) Nguyễn Tài Thư (1996), Vấn đề con người trong Nho học sơ kỳ, (Luận án Phó
Tiến Sĩ), Viện Triết học, Hà Nội.
161) Nguyễn Tài Thư (1997), Nho học và Nho học ở Việt Nam – một số vấn đề lý
luận và thực tiễn, Viện Triết học xuất bản, Hà Nội.
162) Chu Quang Tiềm (1999), Tâm lý văn nghệ, Nxb TP. Hồ Chí Minh.
163) Ngô Tất Tố (1960), Văn học thời Lý, Nxb Khai Trí, Sài Gòn.
164) Phạm Quang Trung (1996), Tìm hiểu quan niệm thơ cổ Việt Nam, (Luận án
Phó Tiến sĩ), ĐH Sư Phạm TP.HCM.
165) Phạm Quang Trung (1999), Thơ trong con mắt người xưa, Nxb Hội Nhà văn,
Hà Nội.
166) Tu Weiming (Harvard), Đạo, học và chính trị trong học thuyết nhân văn Nho
giáo cổ điển,
www.hcmussh.edu.vn/USSH/ImportFile/Magazine/Journal13090625058
167) Từ trong di sản (1981), Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội
168) Ủy ban Khoa Học Xã Hội, Lịch sử văn học Việt Nam, (T1), Nxb KHXH, Hà
Nội.
169) Đoàn Thị Thu Vân (1981), Khảo sát một số đặc trưng nghệ thuật của thơ
Thiền Việt Nam Thế kỷ XI - XIV, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học - Nxb Văn
học, Hà Nội. 1981.
170) Đoàn Thị Thu Vân (2007), Con người nhân văn trong thơ ca Việt Nam sơ kỳ
trung đại, Nxb Giáo Dục, Hà Nội.
171) Lê Trí Viễn (2001), Đặc trưng văn học Trung đại Việt Nam, Nxb Văn nghệ Tp
HCM.
172) Nguyễn Khắc Viện (1998), Bàn về đạo Nho, Nxb Trẻ TP.HCM.
173) Viện KHXH (2004), Ngữ văn Hán Nôm (Tập 2), Ngũ Kinh – Nxb KHXH, Hà
Nội.
174) Viện Sử học (1980), Tìm hiểu xã hội Việt Nam thời Lý Trần, Nxb KHXH, Hà
Nội.
175) Viện Văn học (1963), Mấy vấn đề về sự nghiệp và thơ văn Nguyễn Trãi nhân
dịp kỷ niệm 520 năm ngày Nguyễn Trãi mất, Viện Văn học xb, Hà Nội.
176) Viện Văn học (1977), Thơ văn Lý, Trần (T1), Nxb KHXH, Hà Nội.
177) Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý, Trần – (T2, Q Thượng), Nxb KHXH, Hà
Nội.
178) Viện Văn học (1978), Thơ văn Lý Trần (T.3), Nxb, KHXH, Hà Nội.
179) Viện Văn học (1999), Tuyển tập 40 năm tạp chí Văn học 1960 -1999 (tập 2)
Văn học Cổ – Cận đại Việt Nam, Nxb. Tp. HCM.
180) Vũ Văn Vinh (1996), “Những nhu cầu xã hội thúc đẩy sự phát triển của Nho
giáo Việt Nam thời Trần”, TC TH, số 6, tr. 25-27.
181) Trần Ngọc Vương (1995), Loại hình học tác giả văn học, nhà nho tài tử và
văn học Việt Nam , Nxb GD, Hà Nội.
182) Trần Ngọc Vương (1996), “Giới hạn của nội dung nhân đạo chủ nghĩa văn
chương Nho giáo”, TCVH, số 7, tr. 21-27.
183) Trần Ngọc Vương (1996), “Một số vấn đề lý luận khi nghiên cứu văn chương
Nho giáo Việt Nam”, TCVH, số 10, tr. 59-61.
184) Trần Ngọc Vương (1998), Văn học Việt Nam dòng riêng giữa nguồn chung,
Nxb Văn học, Hà Nội.
185) Nguyễn Khắc Xuyên (2000), Thư mục tạp chí Nam Phong, Nxb Thuận Hoá –
TT VH NN Đông Tây, Hà Nội.
TIẾNG NƯỚC NGOÀI
1. Tiếng Anh
186) Book of poetry (
30/8/2005).
187) George K. C. Yeh (1943), The Confucion conception of Jên, The China Socety,
London.
188) Poetic Genius, Sage of poetry, Buddhist poet and poet Ghost
( (Chinadaily 30/8/2005).
2. Tiếng Hoa
189) 论汉语文学在越南文学中的地位 (Luận Hán ngữ Văn học tại Việt Nam Văn
học trung đích địa vị)
7404&detail=1
190) 李 甦 平 (Lý Tô Bình),韩国儒学的特性及其历史作用 (Hàn quốc Nho học đích
đặc tính cập kỳ lịch sử tác dụng),
www.phil-postdoctor-cass.cn/asp-bin/news_images/138_1.doc
191) 梅运生 (Mai Vận Sinh), (1996)士族、古文经学与中古诗论 (Sĩ tộc, cổ văn kinh
học dữ trung cổ thi luận) ( )
192) 儒学词典 (Nho học từ điển)
193) 广 韵 (Quảng vận),
( )
194) 懿宗朝举子 (Ý Tông triều cử tử), 刺安南事诗 (Thích An Nam sự thi), (全唐诗库)
(Toàn Đường thi khố):
195) 曹建国 张玖青 (Tào Kiến Quốc, Trương Cửu Thanh (2002),
孔子论《诗》与《孔子诗论》之比较(Khổng Tử luận “thi” dữ “Khổng Tử thi
luận” chi tỉ giảo),
(
m)
196) 陈昭瑛 (Trần Chiêu Anh) (1995),
儒 家美学与经典诠释》内容介绍(Nho gia mĩ học dữ kinh điển thuyên thích),
PHỤ LỤC
PHỤ LỤC 1. NHỮNG TỪ NGỮ TRONG THƠ NHO VIỆT NAM
TỪ GIỮA THẾ KỶ XIV ĐẾN GIỮA THẾ KỶ XV CÓ LIÊN
QUAN ĐẾN "NHO"
Trong 280 từ ngữ - điển tích chọn lọc được sử dụng trong thơ Nho từ giữa thế kỷ XIV
đến giữa thế kỷ XV, có 56 trường hợp sử dụng từ ngữ - điển tích liên quan đến kinh điển và
sách vở Nho học, có 45 trường hợp sử dụng điển tích liên quan đến quan niệm Nho giáo, có
101 trường hợp sử dụng điển tích liên hệ đến các danh nho...
Những tác phẩm kinh điển của Nho giáo được đề cập trong thơ Nho thời gian từ giữa
thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XV:
"Kinh thư": [178, 42], [178, 107], [178, 404], [178, 554], [123, 827],... (5 trường hợp).
"Kinh thi" : [178, 162[, [178, 190], [178, 385], [123, 689], [123, 702], [123, 836], [09,
266]... (7 trường hợp).
"Kinh Dịch": [178, 68], [178, 397], [178, 508], [178, 554], [178, 568], [123, 754], [123,
771], [123, 782], [09, 407],... (9 trường hợp).
"Kinh Xuân Thu" : [178, 351],.. (1 trường hợp).
"Kinh Lễ" : [178, 392], [178, 354], [178, 560], [123, 693], [123, 819], [09, 376], [178,
452]... (7 trường hợp).
"Luận ngữ" : [178, 16], [178, 159], [178, 202], [178, 215], [178, 395], [178, 548], [178,
577], [178, 588], [09, 453],... (9 trường hợp).
"Trung dung": [178, 454], [123, 787], [123, 799],... (3 trường hợp).
"Cửu kinh": [09, 377],... (01 trường hợp).
"Thái Huyền": [123, 694]... (01 trường hợp).
"Lã thị Xuân Thu" : [178, 42]...(01 trường hợp).
"Tả truyện" : [178, 69], [178, 404],... (2 trường hợp).
"Sử ký" : [178, 474], [178, 545],... (2 trường hợp).
"Quốc ngữ" : [178, 584].. (01 trường hợp).
"Hán thư" : [178, 552].... (01 trường hợp).
"Hậu Hán Thư": [178, 151], [178, 374].. (2 trường hợp).
"Đường thư" : [178, 42], [178, 506],... (3 trường hợp).
Những trường hợp sử dụng từ ngữ, điển tích có nội dung là những quan niệm Nho giáo
hay những quan niệm ảnh hưởng Nho giáo trong thơ Nho:
Xa thư [178, 100], kinh luân [178, 114], nhạc Thiều [178, 155], bồ luân [178, 162], sông
Nghi [178, 162], tư văn [178, 215], xã tắc [09, 256], đại ẩn [178, 506], Minh luân (nhà thờ
chính thờ Khổng Tử) [178, 557], cương thường [178, 583], tiên ưu [123, 669], bĩ thái [123,
792], tiêu trưởng [123, 769], thương y ý quốc [178, 16], qui khứ lai (Đào Tiềm) [178, 41],
thương lương (tùy thời) : [178, 41]. Nhạc Thiều [178, 455], bạch y (ẩn dật) [178, 159], đan
quế (đổ đạt) [178, 215], nhạn tháp (thi đổ Tiến sĩ) [178, 215], long môn [178, 215], lan (quân
tử) [178, 372], rau cần (trường Quốc Tử Giám) [3, 397], lí tố ti (đi trên tơ trắng) [178, 397],
hạc viên tâm (lòng viên hạc, ngao du) 123, 839], sài môn (cửa sài) [178, 419], lam thanh
(quan niệm trò giỏi hơn thầy) : [178, 431], hoàng hoa (ủy lạo người đi sứ) [178, 506], sương
lộ hiếu tư (kinh Lễ) [178, 523], đàn Hạnh (nơi Khổng Tử dạy học) [178, 537], treo cung (Lễ
ký) [178, 545], hành tàng (Luận ngữ) [178, 548], nho quan đa ngộ thân [123, 680], ỷ lấy
Nho [123, 713], tiểu nhân chi đức thảo (không thích cỏ) [123, 821], hiền [123, 823]...
Những trường hợp sử dụng từ ngữ, điển cố có liên quan đến những danh nho nói chung :
Nghiêu : [178, 120]... (01 trường hợp).
Thuấn : [178, 126], ... (01 trường hợp).
Nghiêu Thuấn : [478, 136], [178, 207], [123, 714], [123, 732],... (04 trường hợp).
Thương Hiệt : [178, 309] (01 trường hợp).
Vũ (Hạ) : [09, 424] (01 trường hợp).
Phó Duyệt : [178, 42] (01 trường hợp), Y – Phó : [178, 42] (01 trường hợp).
Tắc – Tiết : [178, 576] (01 trường hợp).
Sào, Do : [178, 165], [123, 714] (2 trường hợp).
Khương Thượng : [178, 24] (01 trường hợp).
Chu Công : [178, 571] (01 trường hợp).
Bá Di – Thúc Tề : [123, 697], [123, 735] (2 trường hợp).
Khổng Tử : [178, 120], [178, 537], [178, 557], [123, 714], [123, 802] (5 trường hợp).
Tăng tử : [178, 215], [178, 552] (2 trường hợp).
Tăng Điểm : [178, 584] (1 trường hợp).
Nhan Hồi : [178, 41], [123, 712], [123, 780], [09, 398] (04 trường hợp),...
Mạnh Tử : [178, 41], [178, 557], [178, 559], [178, 588], [178, 583], [123, 748] (06
trường hợp).
Tuân Tử : [178, 431] (01 trường hợp).
Hàn Phi Tử : [09, 429] (01 trường hợp).
Hạng Vương : [178, 130] (01 trường hợp).
Phạm Lãi : [123, 804] (01 trường hợp).
Tư Mã Tương: [178, 409], [123, 726] (02 trường hợp).
Hán Cao Tổ : [178, 220] (01 trường hợp).
Phàn Khoái, Hàn Tín : [178, 519] (01 trường hợp).
Vương Bột : [178, 528] (01 trường hợp).
Trương Hủ : [123, 756] (01 trường hợp).
Nghiêm Tử Lăng : [178, 28] (01 trường hợp).
Gia Cát : [178, 120], 178, 179], [123, 782] (03 trường hợp).
Đổng Trọng Thư : [178, 175] (01 trường hợp).
Tào Tháo : [178, 120] (01 trường hợp).
Tào Thực : [123, 796] (01 trường hợp).
Thục Đế : [123, 841] (1 trường hợp).
Khuất Nguyên : [178, 159], [178, 327], [178, 356], [178, 565], [123, 781] (05 trường
hợp).
Đào Tiềm : [178, 41], [178, 159], [178, 441], [123, 771], [09, 424] (5 trường hợp).
Liễu Hạ Huệ : [178, 397] (01 trường hợp).
Huyền Huy: [123, 826] (01 trường hợp).
Bá Nha – Tử Kỳ: [178, 42] (01 trường hợp).
Đỗ Phủ : [178, 429], [178, 458], [178, 519], [178.571], [123, 664], [123, 682], [123,
736] (7 trường hợp).
Lý Bạch : [178, 387], [123, 701], [123. 701] (03 trường hợp).
Tô Đông Pha : [178, 130], [123, 682] (02 trường hợp).
Tạ Linh Vận: [178, 404] (01 trường hợp).
Bạch Cư Dị : [178, 49], 178, 434] (02 trường hợp).
Trương Cửu Linh : [178, 409], [123, 700], [123, 701] (03 trường hợp).
Bùi Độ : [178, 180], [178, 188] (02 trường hợp).
Trình Minh Đạo : [178, 395] (01 trường hợp),...
Trình Y Xuyên : [178, 400] (01 trường hợp),...
Vương Hy Chi : [178, 405] (01 trường hợp),...
Chu Đôn Di : [178, 555], [123, 682], [123, 766], [09, 376] (04 trường hợp)...
Ngụy Trưng : [178, 42] (01 trường hợp).
Phạm Trọng Yêm : [123, 716] (01 trường hợp).
Lâm Bô : [123, 756] (01 trường hợp).
Sự xuất hiện của các từ ngữ, điển tích có liên quan đến quan niệm Nho giáo, kinh điển
Nho giáo và các danh nho cho thấy văn hóa và học thuật Nho giáo đã ảnh hưởng đến nhận
thức, tư duy của các tác giả thơ Nho.
PHỤ LỤC 2. Bài thơ “Thích An Nam sự thi” (Ý Tông triều cử tử)
(“Toàn Đường thi”, quyển 784)
刺安南事诗
懿宗朝举子
南荒不择吏,致我交趾覆。联绵三四年,致我交趾辱。
懦者斗则退,武者兵益黩。军容满天下,战将多金玉。
刮得齐民疮,分为猛士禄。雄雄许昌师,忠武冠其族。
去为万骑风,住为一川肉。时有残卒回,千门万户哭。
哀声动闾里,怨气成山谷。谁能听鼓声,不忍看金镞。
念此堪泪流,悠悠颍川绿。
Nguồn: “Toàn Đường thư khố”:
Phiên âm:
Thích An Nam sự thi
Nam hoang bất trạch lại
Trí ngã Giao Chỉ phúc.
Liên miêng tam tứ niên
Trí ngã Giao Chỉ nhục.
Nhu giả đấu tắc thoái
Vũ giả binh ích độc
Quân dong mãn thiên hạ
Chiến tướng đa kim ngọc,
Loát đắc tể dân sang…
Khứ mã vạn kỵ phong
Trụ vi nhất xuyên nhục
Thời hữu tàn tốt hồi
Thiên môn vạn hộ khốc
Bất nhẫn khán kim thốc
Niệm thủ khan lệ lưu
Du du Vĩnh Xuyên lục...
(Ý Tông triều Cử tử)
Dịch nghĩa:
“Những người cai trị một dãi đất An Nam nhỏ bé
(Người ta) đã làm cho xứ Giao Chỉ cúng tôi nghiêng đổ
(Người ta đã) làm cho xứ Giao Chỉ chúng tôi (thật là)
nhục nhã
(Người ta đã) tập thói quen hễ ra trận đánh nhau là lùi.
(Mà) lúc đánh nhau thì đồ binh khí (lại) là cái thẻ viết
(sớ tấu trình)
Binh lính thì vơ vét hết mọi người trong thiên hạ.
Chiến tướng (thì lại súng sính) nhiều vàng ngọc quá.
(Đó là những của) bóc lột được bằng cách chích máu dân…
(Thì) trơ ra chỉ còn một con sông đầy thây người chết
Khi tàn cuộc trở về
Nghìn cửa vạn nhà khóc.
Tiếng than vang động cả làng mạc,
Oán khí chồng chất thành non cao…
(Thì) lòng bất nhẫn (mà) cố giữ nước mắt (khỏi) trào ra
(Để) sao lục (câu chuyện) (gởi về) đất Dĩnh Xuyên
dằng dặc ở xa”. [131, 326-327].
Tạm dịch:
Oán trách việc An Nam
Một dãi đất quê tôi
Ai làm cho nghiêng đổ
Ai làm Giao Chỉ tôi
Đánh trận phải lùi bước?
Vũ khí là sớ tấu!
Vét hết người đi lính,
Chiến tướng tham vàng ngọc.
-Bóc lột chích máu dân!
Dòng sông đầy người chết
Khi tàn cuộc trở về
Nghìn cửa vạn nhà khóc.
Tiếng tan động làng mạc,
Oán khí chất non cao…
Lòng đau nước mắt trào,
Khắc ghi câu chuyện ấy
Hướng về quê hương xa…”
(Một Cử nhân An Nam triều vua Đường Ý Tông)
._.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LA5804.pdf