LỜI MỞ ĐẦU
Tính cấp thiết của đề tài
Đất nước ta đang trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa (CNH-HĐH) với mục tiêu chuyển nền kinh tế chủ yếu dựa trên nông nghiệp sang nền kinh tế chủ yếu dựa trên công nghiệp. Hệ quả tất yếu của quá trình đó là quá trình đô thị hóa được hình thành và phát triển, tạo ra sự thay đổi không chỉ về mặt kinh tế xã hội mà còn đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó đặc biệt là vấn đề việc làm cho người lao động.
Quận Cầu Giấy cũng nằm trong xu thế chung
110 trang |
Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 1203 | Lượt tải: 1
Tóm tắt tài liệu Tạo việc làm cho lao động thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp trong quá trình đô thị hóa ở quận Cầu Giấy, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
của cả nước, thực hiện sự nghiệp CNH, HĐH Thủ đô theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII và lần thứ IX, trong hơn 10 năm qua (1998-2008) Nhà nước đã thu hồi hàng trăm ha đất nông nghiệp trên địa bàn quận Cầu Giấy để xây dựng khu công nghiệp, các công trình đô thị, như: đường giao thông, các trường học, bệnh viện, khu chung cư, đặc biệt là các công trình phục vụ cho Đại hội Thể dục thể thao Đông Nam Á lần thứ 22 được tổ chức tại Việt Nam.
Những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân quận Cầu Giấy đạt được trong 10 năm qua trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng 3 năm 2002 và Huân chương lao động hạng nhì năm 2006, khẳng định sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân Quận. Tuy nhiên những vấn đề hậu giải phóng mặt bằng, trong đó vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp vẫn đang là vấn đề bức thiết cần được quan tâm giải quyết. Công tác tạo việc làm gặp không ít khó khăn do trình độ của người lao động thuộc diện mất đất thường thấp, khả năng nhanh chóng chuyển đổi nghề nghiệp còn nhiều hạn chế, trong khi yêu cầu của doanh nghiệp đòi hỏi cao để có khả năng thích ứng ngay với yêu cầu công việc. Vấn đề tạo việc làm cho những đối tượng này để họ ổn định và nâng cao đời sống không thể một sớm một chiều là có thể giải quyết, đòi hỏi chính quyền địa phương cùng với các cơ quan chức năng phải có chính sách phù hợp, phương thức thực hiện hiệu quả.
Từ thực tế đời sống, việc làm của người lao động nông nghiệp tại quận, tôi chọn đề tài “Tạo việc làm cho lao động thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp trong quá trình đô thị hóa ở quận Cầu Giấy”.
Mục đích của việc nghiên cứu đề tài là:
- Đánh giá thực trạng việc làm và tạo việc làm cho lao động bị thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn quận Cầu Giấy giai đoạn 1998-2008.
- Đề xuất các giải pháp tạo việc làm cho người lao động nông nghiệp bị thu hồi đất trong giai đoạn tới trên địa bàn quận Cầu Giấy.
Đối tượng nghiên cứu: Việc làm của lao động trong các gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi.
Phạm vi nghiên cứu: Giới hạn trên địa bàn quận Cầu Giấy, thời gian nghiên cứu là từ năm 1998 đến nay.
Phương pháp nghiên cứu:
- Sử dụng phương pháp thu thập số liệu từ các nguồn có sẵn, tài liệu sơ cấp thông qua điều tra xã hội học đối tượng lao động trong hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, phương pháp phỏng vấn.
- Phương pháp xử lý, tổng hợp và phân tích số liệu, thống kê-so sánh.
Bố cục đề tài bao gồm 3 chương:
Chương I: Sự cần thiết tạo việc làm cho lao động thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp trong quá trình đô thị hóa.
Chương II: Phân tích thực trạng việc làm và tạo việc làm cho lao động bị thu hồi đất nông nghiệp trong quá trình đô thị hóa ở quận Cầu Giấy giai đoạn 1998-2008.
Chương III: Những giải pháp chủ yếu nhằm tạo việc làm cho lao động thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp trong quá trình đô thị hóa ở quận Cầu Giấy trong thời gian tới.
CHƯƠNG I: SỰ CẦN THIẾT TẠO VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG THUỘC DIỆN BỊ THU HỒI ĐẤT NÔNG NGHIỆP DO QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA
1.1 Một số khái niệm cơ bản
1.1.1 Đô thị hóa
1.1.1.1 Khái niệm Đô thị hóa
Trước khi đi vào khái niệm đô thị hóa ta tìm hiểu sơ qua thế nào là đô thị.
Do trình độ phát triển khác nhau mà hiện nay trên thế giới ở mỗi nước khác nhau có những tiêu thức khác nhau về đô thị, có những tiêu chuẩn định lượng và định tính khác nhau để phân biệt thành thị và nông thôn. Nhìn chung có thể tóm tắt và nêu năm tiêu thức tương đối thống nhất là:
Đô thị thường là trung tâm của một vùng và lãnh thổ được hình thành do điều kiện địa lý, bối cảnh kinh tế, chính trị mang tính chất lịch sử.
Quy mô dân số phải đảm bảo ở mức tối thiểu cần thiết, mức này có thể khác nhau giữa các nước.
Đô thị phải có bộ máy hành chính được phân quyền quản lý theo chức năng quản lý nhà nước.
Đô thị phải là nơi có cơ sở hạ tầng như giao thông, thông tin liên lạc, cấp thoát nước, cơ sở vui chơi giải trí và các dịch vụ xã hội như bệnh viện, trường học… tương đối thuận tiện.
Đô thị phải là nơi có hoạt động phi nông nghiệp chiếm ưu thế, mà thước đo để đánh giá là tỷ lệ lao động phi nông nghiệp so với tổng số lao động của nội thị.
Ở Việt Nam, ngày 5/5/1990 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 132/HĐBT và nghị định số 72/2001/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 5/10/2001 quy định về phân loại đô thị và phân cấp đô thị. Theo đó, điểm dân cư gọi là đô thị phải có các chỉ tiêu cơ bản sau:
Là trung tâm tổng hợp hay chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của cả nước, của một miền lãnh thổ, của một tỉnh, huyện hoặc một vùng trong tỉnh hoặc trong huyện.
Quy mô dân số (nội thị) tối thiểu là 4000-6000 người, con số này có thể thấp hơn ở các vùng núi.
Mật độ dân cư (nội thị) cao hơn vùng nông thôn và được xác định theo từng loại đô thị, tối thiểu có mật độ là 2000 người/km2.
Có cơ sở hạ tầng kỹ thuật như giao thông, thông tin liên lạc, hệ thống cấp thoát nước, và các công trình công cộng phục vụ khu dân cư đô thị từng phần hoặc đồng bộ.
Có tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chiếm 60% trở lên trong tổng số lao động của nội thị.
Đô thị hóa
Theo giáo trình Dân số và phát triển: “Đô thị hóa là quá trình hình thành và phát triển các thành phố không chỉ về bề rộng mà cả về bề sâu”.
Theo từ điển Tiếng Việt: “Đô thị hóa là quá trình tập trung dân cư ngày càng đông vào các đô thị và làm nâng cao vai trò của đô thị đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội”.
Theo Bách khoa toàn thư thì “Đô thị hóa là sự mở rộng của đô thị, tính theo tỷ lệ phần trăm giữa số dân đô thị hay diện tích đô thị trên tổng số dân hay diện tích của một vùng hay khu vực. Nó cũng có thể tính theo tỷ lệ gia tăng của hai yếu tố đó theo thời gian. Nếu tính theo cách đầu thì nó còn được gọi là mức độ đô thị hóa, còn theo cách thứ hai, nó có tên là tốc độ đô thị hóa.”
Từ các khái niệm ở trên ta có thể hiểu Đô thị hóa là quá trình hình thành và phát triển các thành phố mà ở đó không chỉ là sự gia tăng số lượng và quy mô các thành phố về diện tích cũng như dân số, mà còn là sự phát triển về cả chất lượng đô thị được đánh giá bởi vai trò kinh tế, chính trị và văn hóa của các thành phố cũng như môi trường sống đô thị, phong cách và lối sống đô thị…
1.1.1.2 Đặc trưng của đô thị hóa
Đô thị hóa bao gồm nhiều đặc trưng nhưng ta có thể thấy 5 đặc trưng chủ yếu, đó là:
Thứ nhất, đô thị hóa làm số lượng thành phố kể cả những thành phố lớn có xu hướng tăng nhanh. Khi đó, nếu hình thành và phát triển nhiều thành phố gần nhau về mặt địa lý, liên quan chặt chẽ với nhau do sự phân công lao động đã tạo nên các vùng đô thị. Vùng đô thị thường là vùng bao gồm một vài thành phố lớn, xung quanh là các thành phố vệ tinh.
Thứ hai, quy mô dân số tập trung trong mỗi ngày càng lớn.
Thứ ba, di dân từ nông thôn ra thành phố với cường độ ngày càng cao làm dân số thành thị tăng nhanh, thay đổi tương quan dân số thành thị và nông thôn.
Thứ tư, đặc điểm đô thị hóa ở các nước có trình độ phát triển khác nhau là không giống nhau. Đô thị hóa theo “chiều rộng”, thường thấy ở những nước đang phát triển, tức là số lượng dân cư đô thị tăng lên và đang gây ra nhiều khó khăn cho đô thị như vấn đề thất nghiệp, đói nghèo, bất bình đẳng, ô nhiễm môi trường và tệ nạn xã hội. Đối với các nước phát triển, đô thị hóa chủ yếu diễn ra theo “chiều sâu”, đó là việc ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư ở các đô thị.
1.1.1.3 Tác động của đô thị hóa đối với sự phát triển kinh tế-xã hội
Đô thị hóa một mặt góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, mặt khác nếu đô thị hóa quá nhanh lại tạo ra những nhân tố cản trở, bất lợi cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Những tác động tích cực của đô thị hóa:
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại:
Đô thị hóa là quá trình tập trung dân cư ngày càng đông tại các khu đô thị, đòi hỏi phải có sự mở rộng quy mô đô thị. Điều này làm cho diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Vì thế chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp là điều tất yếu.
Bên cạnh đó, cùng với quá trình đô thị hóa, các trung tâm kinh tế, các khu công nghiệp tập trung với quy mô lớn dẫn đến sự phát triển ngày càng cao của khu vực công nghiệp. Các khu công nghiệp, các nhà máy cần có một kết cấu hạ tầng dịch vụ, giao thông vận tải, hệ thống thông tin liên lạc, phân phối, tài chính, bảo hiểm … rất rộng lớn. Các dịch vụ này cần phát triển rộng rãi để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các khu công nghiệp. Thêm vào đó, một số dịch vụ mà trước đây được thực hiện bởi chính nội bộ các doanh nghiệp như lau rửa, xử lý thông tin, quảng cáo… thì nay được đưa ra ký kết thực hiện với các doanh nghiệp trong khu vực dịch vụ. Tất cả những yêu cầu thay đổi trên đã dẫn đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm tăng tỷ trọng của khu vực dịch vụ.
Đối với một số ngành của nông thôn còn tồn tại trong các đô thị , tính chất đô thị hóa đã tạo nên sắc thái đặc trưng mới, đặt ra những yêu cầu mới cho sự phát triển của chúng. Các sản phẩm nông nghiệp phải đảm bảo yêu cầu sạch và có chất lượng cao, không gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Nâng cao thu nhập và gia tăng GDP:
Các vùng đô thị được coi là điểm trung tâm, là động lực cho sự chuyển biến kinh tế và khuyếch tán ra các vùng phụ cận theo quy mô và trật tự nhất định. Các vùng đô thị vừa đảm nhận chức năng hợp tác và hội nhập quốc tế, vừa đảm nhận vai trò tiếp nhận thông tin, vốn đầu tư, các thành tựu khoa học và công nghệ cả trong và ngoài nước. Những cơ hội kinh tế ở các khu vực đô thị đã thu hút ngày càng nhiều người sản xuất cũng như dân cư di dân từ nông thôn ra thành thị. Sự gia tăng dân số đô thị làm tăng nhu cầu tiêu dùng, từ đó mở rộng các ngành sản xuất hiện có, phát triển các ngành nghề mới, tăng nhu cầu sản phẩm dịch vụ… làm tăng quy mô của nền kinh tế. Với quy mô sản xuất, diện tích, dân số lớn và không ngừng gia tăng. Sự tập trung lớn các năng lực sản xuất, các đô thị có khả năng cung cấp một khối lượng đáng kể các sản phẩm công nghiệp và dịch vụ với chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu không chỉ của các đô thị mà của cả trong nước và xuất khẩu. Có thể nói, các khu vực đô thị là động lực thúc đẩy tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội, và có đóng góp quan trọng vào việc tăng giá trị xuất khẩu của cả nước.
Nâng cao năng suất lao động, trình độ lao động:
Các đô thị là các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, là nơi tiếp nhận các thành tựu khoa học kỹ thuật. Cùng với quá trình đô thị hóa, cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật ngày càng phát triển, máy móc thiết bị được hiện đại hóa, trình độ quản lý tổ chức sản xuất được nâng cao, điều kiện làm việc được cải thiện… tại các khu công nghiệp. Để đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển sản xuất đòi hỏi lao động phải có trình độ cao.
Các đô thị thường là nơi tập trung số lượng lớn các cơ sở đào tạo và khoa học, giữ vai trò đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, góp phần từng bước nâng cao chất lượng nguồn lao động cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, các đô thị cũng là nơi có ưu thế thu hút ngày càng nhiều nhân lực có chất lượng cao. Trình độ của người lao động kết hợp với với những ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, các trang thiết bị hiện đại sẽ góp phần nâng cao năng suất lao động không chỉ cho khu vực đô thị mà cho toàn bộ nền kinh tế.
Tại các đô thị đã dần dần hình thành đội ngũ lao động và cán bộ quản lý có trình độ và tác phong lao động công nghiệp hiện đại. Tay nghề của người lao động cùng với các kinh nghiệm quản trị kinh doanh … được tiếp tục lan tỏa sang các địa phương khác trên phạm vi cả nước thông qua việc phát triển các chi nhánh, các cơ sở sản xuất kinh doanh đặt tại các địa phương đó, gốp phần từng bước nâng cao chất lượng lao động, hiệu quả quản lý kinh doanh, từ đó nâng cao năng suất của các vùng kém phát triển nói riêng, và của toàn bộ nền kinh tế nói chung.
Những tác động tiêu cực của đô thị hóa:
Bên cạnh những tác động tích cực mà đô thị hóa mang lại thì các đô thị cũng là nguyên nhân chính gây ảnh hưởng đáng kể đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên, đến cân bằng sinh thái. Tài nguyên đất bị khai thác triệt để cho xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất, bên cạnh đó là ô nhiễm các chất thải công nghiệp và chất thải sinh hoạt, giảm diện tích cây xanh và mặt nước gây ra ngập úng; bùng nổ giao thông cơ giới, tắc nghẽn giao thông tại các khu đô thị đang là vấn đề bức xúc hiện nay.
Đô thị là những vùng kinh tế - xã hội phát triển, các cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng phục vụ cho nhu cầu vật chất và tinh thần của con người khá đầy đủ, hiện đại và đa dạng. Vì vậy, có thể nói đô thị là nơi có điều kiện sống và làm việc thuận lợi hơn khu vực nông thôn. Mặt khác, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, các điều kiện này (nơi vui chơi giải trí, học tập… ) ngày càng phát triển, làm cho trình độ văn hóa, mức sống của con người tại các thành phố ngày càng tăng, từ đó tạo khoảng cách ngày càng lớn giữa thành thị và nông thôn.
Mức sống, thu nhập tại các thành phố lớn, các khu đô thị cao hơn các vùng nông thôn đã tạo ra lực hút di dân từ nông thôn ra thành thị với hy vọng tìm được công việc có thu nhập cao hoặc nâng cao mức sống. Tốc độ tăng dân số và lao động đô thị, đặc biệt là tăng cơ học do dòng di dân ồ ạt gây ra sự quá tải đối với các đô thị.Việc tập trung quá đông dân cư tại các vùng đô thị kéo theo những yêu cầu mở rộng các cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhu cầu phát triển của con người như: nhà ở, trường hoc, thức ăn, việc làm, các dịch vụ xã hội, giao thông vận tải… trong khi đó, sự phát triển của các đô thị không thể đáp ứng hết những nhu cầu này của con người. Từ đó nảy sinh một loạt những vấn đề bất ổn xã hội như: vấn đề nghèo đói, thất nghiệp, khan hiếm nguồn nước, ô nhiễm môi trường, bệnh dịch và tệ nạn xã hội… gia tăng.
Vấn đề về quản lý hành chính: Đô thị hóa theo chiều rộng dẫn đến sự biến động liên tục về ranh giới các đơn vị hành chính, gây khó khăn đối với bộ máy quản lý đô thị vẫn còn nhỏ yếu.
1.1.1.4 Tác động của đô thị hóa đến lao động, việc làm
Tác động tích cực:
Thứ nhất, Chuyển dịch cơ cấu lao động:
Đô thị hóa là quá trình tạo ra cuộc cách mạng về phân công lao động xã hội, phát triển công nghiệp và dịch vụ, tạo thêm nhiều ngành nghề mới. Từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và việc làm từ các hoạt động nông nghiệp sang các hoạt động công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
- Sự phát triển của các đô thị đã tạo ra một số lượng lớn việc làm cho lao động tại các đô thị, đồng thời cũng giải quyết việc làm cho lực lượng lao động nông nhàn ở các vùng nông thôn. Ngoài số lao động làm việc chính thức tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, còn phải kể đến một lực lượng lớn lao động làm việc trong các khu vực phi chính thức, các ngành xây dựng cơ bản, dịch vụ phục vụ cho sự phát triển các đô thị này.
- Quá trình đô thị hóa đi cùng với CNH – HĐH làm cho năng suất lao động cao hơn, tăng thu nhập, đồng thời cũng đòi hỏi sự lựa chọn lao động kỹ hơn, yêu cầu lực lượng lao động có trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn. Do đó, tự nó sẽ hướng một bộ phận lớn dân số vào các chương trình giáo dục đào tạo chuyên môn nghiệp vụ. Trong tương lai, chất lượng đội ngũ lao động được cải thiện, lao động có chuyên môn, có tri thức tăng và lao động phổ thông có xu hướng giảm đi.
Tác động tiêu cực:
- Đô thị hóa kéo theo việc thu hồi đất nông nghiệp phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các khu công nghiệp, các công trình công cộng tại khu đô thị. Từ đó dẫn tới một số lượng đáng kể lao động thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp lâm vào tình trạng mất việc làm do mất đất sản xuất.
- Đô thị thường là trung tâm giáo dục, văn hóa, đồng thời cũng là nơi có cơ sở hạ tầng tốt hơn cả, do vậy các khu công nghiệp, thương mại, ngân hàng, cơ quan lãnh đạo… đều tập trung ở đô thị. Quá trình đô thị hóa do đó thu hút được nhiều lao động từ các địa phương có trình độ có trình độ phát triển thấp hơn, đặc biệt là dòng di dân từ nông thôn ra thành thị với mong muốn tìm được việc làm có thu nhập cao và nâng cao mức sống. Việc bùng nổ dân số đô thị làm gia tăng tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động, cùng với lượng lao động di dân ra thành thị đã tạo nên sức ép rất lớn về việc làm cho đô thị. Trong khi đó, số lượng việc làm được tạo ra tại các khu đô thị không thể đáp ứng hết nhu cầu của người lao động, đây là nguyên nhân gây ra tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm với tỷ lệ khá cao tại các khu đô thị.
- Cùng với quá trình đô thị hóa, trong các khu công nghiệp trình độ tổ chức sản xuất ngày càng được nâng cao, ứng dụng phổ biến những thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến, cải tiến máy móc, trang thiết bị. Quá trình sản xuất công nghiệp cũng đòi hỏi khắt khe đối với người lao động. Do đó, tuy cơ hội việc làm có nhiều, nhưng để có được công việc và thu nhập ổn định lâu dài lại rất khó khăn.
1.1.2 Việc làm
1.1.2.1 Việc làm
Tổ chức Lao động Quốc tế đưa ra khái niệm Việc làm là những hoạt động lao động được trả công bằng tiền hoặc bằng hiện vật.
Còn theo điều 13, chương II của Bộ luật Lao động của nước CHXHCN Việt Nam thì: “Mọi hoạt động lao động tạo ra nguồn thu nhập, không bị pháp luật cấm đều được thừa nhận là việc làm”.
Như vậy, một hoạt động được coi là việc làm khi nó thỏa mãn hai điều kiện, đó là: Thứ nhất, hoạt động đó phải có ích và tạo ra thu nhập cho người lao động và cho các thành viên trong gia đình; Thứ hai, hoạt động đó không bị pháp luật cấm. Hai điều kiện này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, đó là điều kiện cần và đủ để một hoạt động được thừa nhận là việc làm. Mọi hoạt động nào đó nếu chỉ thỏa mãn một điều kiện ở trên đều không được công nhận là việc làm, ví dụ, hoạt động mại dâm, buôn bán hêrôin, trộm cắp… tuy tạo ra thu nhập nhưng lại phi pháp; hoặc là hoạt động nội trợ trong chính gia đình mình tuy có ích và hợp pháp nhưng lại không được trả công thì vẫn không được thừa nhận là việc làm.
Tuy nhiên, khái niệm nêu trên còn nhiều hạn chế. Thứ nhất, tùy thuộc vào luật pháp và thể chế của từng quốc gia mà tính hợp pháp của một hoạt động có được thừa nhận hay không. Ví dụ, theo luật pháp của Thái Lan hoặc Philippines thì hoạt động mại dâm của phụ nữ được thừa nhận là việc làm vì nó được luật pháp các nước này bảo hộ và quản lý, được Bộ Y tế và các cơ quan quản lý sức khỏe theo dõi, kiểm tra sức khỏe định kỳ và cấp giấy phép hành nghề. Tuy nhiên, theo luật pháp Việt Nam thì hoạt động mại dâm của phụ nữ bị coi là phi pháp và không được thừa nhận là việc làm. Thứ hai, có những hoạt động tuy không tạo ra thu nhập nhưng lại có ích và cần thiết mà không được thừa nhận là việc làm, ví dụ, công việc nội trợ của người phụ nữ trong chính gia đình mình tuy không tạo ra thu nhập nhưng góp phần giảm chi tiêu cho gia đình thay vì thuê người làm công. Rõ ràng, trong trường hợp này nếu người phụ nữ đó đảm nhận một công việc bên ngoài xã hội và được trả công thì sẽ được thừa nhận là việc làm. Như vậy, ngay trong bản thân khái niệm việc làm theo Bộ luật Lao động đã cho thấy sự bất bình đẳng trong đối xử với lao động nữ.
Trong đề tài này tôi đồng tình với khái niệm: “Việc làm là phạm trù để chỉ trạng thái phù hợp giữa sức lao động và những điều kiện cần thiết (vốn, tư liệu sản xuất, công nghệ… ) để sử dụng sức lao động đó”1. Trạng thái phù hợp đó được thể hiện qua công thức:
∑VL = C/V
Trong đó: C là chi phí ban đầu như nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị, nguyên vật liệu…
V là chi phí về sức lao động
Quan hệ tỷ lệ biểu hiện sự kết hợp giữa C và V phải phù hợp với trình độ công nghệ sản xuất. Khi trình độ công nghệ thay đổi, như theo hướng công nghệ sử dụng nhiều vốn hoặc theo hướng công nghệ sử dụng nhiều sức lao động, thì sự kết hợp giữa C và V cũng thay đổi theo. Ví dụ, trong điều kiện kỹ thuật thủ công, với một đơn vị chi phí ban đầu về tư liệu sản xuất, về vốn đòi hỏi kết hợp với nhiều đơn vị sức lao động (công nghệ sử dụng nhiều lao động). Ngược lại, trong điều kiện tự động hóa, chi phí về vốn, công nghệ, thiết bị rất cao nhưng chỉ đòi hỏi một tỷ lệ thấp sức lao động (công nghệ sử dụng nhiều vốn).
Trong điều kiện khoa học kỹ thuật phát triển như hiện nay, việc ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất ngày càng
1 - PGS.TS Trần Xuân Cầu, PGS.TS Mai Quốc Chánh (2008), “Giáo trình Kinh tế nguồn nhân lực”, Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, tr 256.
phổ biến và mạnh mẽ, thì quan hệ tỷ lệ giữa C và V thường xuyên biến đổi. Từ công thức nêu trên ta có, nếu tỷ lệ C/V = 1 cho thấy sự phù hợp giữa chi phí ban đầu và sức lao động, nghĩa là mọi người có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc đều có việc làm. Nếu tỷ lệ C/V <1 cho thấy sự không phù hợp giữa chi phí ban đầu và sức lao động, lúc này là sử dụng sức lao động không hết khả năng hay lãng phí sức lao động, gây ra thiếu việc làm hoặc thất nghiệp.
Thiếu việc làm
Thiếu việc làm (còn gọi là bán thất nghiệp hoặc thất nghiệp trá hình) là hiện tượng những người làm việc ít hơn mức mà mình mong muốn.
Thiếu việc làm biểu hiện dưới 2 dạng : Thứ nhất, người lao động không có đủ việc làm theo thời gian quy định trong tuần, trong tháng ; thứ hai, người lao động phải đang làm những công việc có thu nhập quá thấp không đảm bảo cuộc sống, họ muốn làm thêm để có thêm thu nhập nhưng không tìm được việc làm khác.
Thất nghiệp
“Thất nghiệp là sự mất việc làm hay là sự tách rời sức lao động khỏi tư liệu sản xuất, nó gắn liền với người có khả năng lao động nhưng không được sử dụng có hiệu quả”1 .
Thất nghiệp thường được phân loại như sau :
Thất nghiệp tạm thời là loại thất nghiệp phát sinh do sự di chuyển không ngừng của con người giữa các khu vực địa lý, các công việc hay các giai đoạn khác nhau của cuộc sống, và người lao động cần có thời gian để tìm kiếm việc làm thích hợp nhất với chuyên môn và sở thích của họ. Ví dụ, học
1 - PGS.TS Trần Xuân Cầu, PGS.TS Mai Quốc Chánh (2008), “Giáo trình Kinh tế nguồn nhân lực”, Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, tr 260.
sinh, sinh viên tìm việc làm sau khi tốt nghiệp các trường, di chuyển đến nơi ở mới, hoặc phụ nữ sau khi sinh con quay lại hoạt động kinh tế.
Thất nghiệp cơ cấu là thất nghiệp xuất hiện khi trình độ, tay nghề, kỹ năng làm việc của người lao động không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của các ngành nghề đang cần lao động.
Thất nghiệp chu kỳ là thất nghiệp gắn với chu kỳ của ngành và của nền kinh tế. Vào giai đoạn suy thoái, mức cầu chung về lao động của ngành và của nền kinh tế giảm, khi đó người lao động có nhu cầu làm việc ở mức lương thịnh hành nhưng không tìm được việc làm.
Thất nghiệp do thiếu cầu là Thất nghiệp xuất hiện khi tổng cầu giảm kéo theo giảm cầu về lao động, tuy nhiên tiền lương và giá cả chưa kịp điều chỉnh để phục hồi mức toàn dụng lao động.
Thất nghiệp thiếu thông tin là Thất nghiệp do hai bên người sử dụng lao động và người lao động cần có thời gian để tìm kiếm, xử lý, xác nhận thông tin để đưa ra quyết định thuê lao động hoặc làm thuê.
Thất nghiệp mùa vụ là thất nghiệp thường xảy ra vào những thời kỳ nhất định trong năm do tính chất thời vụ của công việc như xây dựng, gặt hái mùa màng...
Người có việc làm, người thiếu việc làm, người thất nghiệp
Người có việc làm: “gồm những người làm việc trong khoảng thời gian xác định của cuộc điều tra kể cả lao động làm nghề giúp việc gia đình được trả công, hoặc tạm thời nghỉ việc do ốm đau, tai nạn, nghỉ lễ, nghỉ phép hoặc tạm thời nghỉ việc do thời tiết xấu”1 . Như vậy, từ khái niệm trên ta có thể thấy, người có việc làm gồm hai loại : Thứ nhất là những người có việc làm và hiện đang làm việc, thứ hai là những người có việc làm nhưng hiện đang không làm việc.
1 - PGS.TS Trần Xuân Cầu, PGS.TS Mai Quốc Chánh (2008), “Giáo trình Kinh tế nguồn nhân lực”, Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, tr 260, 261.
Người thất nghiệp: “gồm những người trong khoảng thời gian xác định của cuộc điều tra không có việc làm nhưng đang tích cực tìm việc làm và có nhu cầu được làm việc. Tiêu thức để xác định người thất nghiệp là đang không có việc làm, tích cực tìm việc làm và có khả năng lao động, có nhu cầu làm việc”1.
Người thiếu việc làm: “gồm những người trong khoảng thời gian xác định của cuộc điều tra có tổng số giờ làm việc nhỏ hơn số giờ quy định trong tuần, trong tháng hoặc trong năm và có nhu cầu làm thêm giờ; hoặc là những người có tổng số giờ làm việc bằng số giờ quy định trong tuần, tháng, năm nhưng có thu nhập quá thấp nên muốn làm thêm để có thu nhập”2 .
1.2 Cơ chế tạo việc làm
Tạo việc làm là “quá trình tạo ra số lượng, chất lượng tư liệu sản xuất, số lượng và chất lượng sức lao động và các điều kiện kinh tế xã hội khác để kết hợp tư liệu sản xuất và sức lao động”3.
Để tạo việc làm đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức cùng với các cá nhân người lao động, tạo thành cơ chế tạo việc làm. Cơ chế tạo việc làm là cơ chế ba bên với sự tham gia của người lao động – người sử dụng lao động – nhà nước. Mỗi bên đảm nhận một chức năng, nhiệm vụ nhất định song lại có mối quan hệ mật thiết, tác động qua lại lẫn nhau để cộng tác tạo thành việc làm một cách có hiệu quả. Suy cho cùng, nếu công tác tạo việc làm có hiệu quả cao thì cả ba bên đều có lợi. Về phía người lao động, họ có việc làm có thể có thu nhập, ổn định cuộc sống, nâng cao vị thế của mình trong xã hội.
1 - PGS.TS Trần Xuân Cầu, PGS.TS Mai Quốc Chánh (2008), “Giáo trình Kinh tế nguồn nhân lực”, Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, tr 261.
2- PGS.TS Trần Xuân Cầu, PGS.TS Mai Quốc Chánh (2008), “Giáo trình Kinh tế nguồn nhân lực”, Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, tr 261.
3- - PGS.TS Trần Xuân Cầu, PGS.TS Mai Quốc Chánh (2008), “Giáo trình Kinh tế nguồn nhân lực”, Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, tr 261.
Đối với người sử dụng lao động, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động cũng là duy trì và mở rộng kinh doanh cho doanh nghiệp. Còn đối với nhà nước, nếu lao động được tạo việc làm đầy đủ thì sẽ giảm thất nghiệp, từ đó giảm các khoản trợ cấp của chính phủ, tăng cường nguồn đầu tư vào các lĩnh vực khác, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng các công trình phúc lợi, nâng cao xã hội về nhiều mặt.
Để có được kết quả như trên cần có sự tham gia đóng góp tích cực của các bên. Trước hết, về phía người bản thân người lao động, họ mong muốn tìm được công việc phù hợp, có mức thu nhập cao. Muốn vậy, người lao động phải đầu tư phát triển SLĐ của mình để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Họ có thể tự dựa vào mình hoặc dựa vào các nguồn tài trợ từ gia đình hoặc các cá nhân, các tổ chức xã hội bên ngoài…để có thể tham gia đào tạo, nắm vững, nâng cao một nghề nhưng nhất định thông qua các khóa học đào tạo, các lớp dạy nghề.
Về phía người sử dụng lao động, đó là các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế xã hội trong và ngoài nước, họ cần phải có thông tin đầy đủ và kịp thời về thị trường đầu vào và thị trường đầu ra để không chỉ tạo ra chỗ làm việc mà còn phải duy trì và tăng cường chỗ làm việc cho người lao động. Điều đó cũng góp phần duy trì sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Để có thể duy trì sản xuất, mở rộng qui mô, nâng cao hiệu quả của sản xuất, người sử dụng lao động không chỉ cần vốn để mua hoặc thuê nhà xưởng, công nhân, máy móc, trang thiết bị, nguyên vật liệu, nhân công, mà cần thiết phải có cả kinh nghiệm tổ chức quản lý, khả năng vận dụng linh hoạt chính sách về lao động, việc làm của nhà nước, biết quản lý một cách khoa học và nghệ thuật để không những nâng cao sự thỏa mãn của người lao động trong công việc, thu hút, giữ chân người lao động giỏi mà vẫn đạt được mục tiêu mà doanh nghiệp đã đề ra.
Về phía nhà nước, nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý thông qua việc ban hành các luật lệ, chính sách liên quan trực tiếp đến người lao động và người sử dụng lao động, tạo môi trường pháp lý để kết hợp sức lao động với tư liệu sản xuất. Nhà nước cũng có chức năng cung cấp các thông tin về thị trường lao động một cách kịp thời để tạo cơ hội việc làm và mong muốn nguyện vọng được lao động của người lao động gặp nhau trên thị trường lao động đúng lúc và đúng chỗ.
1.3 Những nhân tố ảnh hưởng tới tạo việc làm
1.3.1 Điều kiện tự nhiên, vốn và con người
Cầu việc làm bắt nguồn từ đòi hỏi của sản xuất, sự phát triển của nền kinh tế. Sản xuất càng tăng, qui mô ngày càng mở rộng thì cầu lao động càng lớn, do đó khả năng tạo việc làm ngày càng tăng. Nhưng muốn mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế cần phải dựa vào những tiền đề vật chất, đó là nhân tố tiên quyết trước hết ảnh hưởng đến tạo việc làm. Trong những tiền đề vật chất, đầu tiên phải kể đến điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên của một quốc gia, một vùng, một địa phương. Chúng được hình thành một cách tự nhiên, ngoài ý muốn chủ quan của con người. Ví dụ như điều kiện khí hậu, độ màu mỡ của đất đai, diện tích đất canh tác bình quân đầu người, trữ lượng tài nguyên thiên nhiên…của địa phương. Trên thế giới, có những nước rất giàu tài nguyên, điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển các ngành sản xuất, thu hút được người lao động. Tuy nhiên, lại có những nước thiên nhiên không ưu đãi, tài nguyên thiên nhiên hạn hẹp, thường xuyên xảy ra thiên tai, động đất, bão lụt…gây ảnh hưởng bất lợi cho sản xuất. Chính vì vậy, mỗi quốc gia, mỗi địa phương cần phải biết tận dụng các lợi thế của mình để phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất tạo việc làm.
Tuy nhiên, điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên nếu không được khai thác và sử dụng thì cũng chỉ là những vật chết. Chính vì vậy, để biến các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên sẵn có trở thành nguồn nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và đời sống thì phải có vốn để mua công nghệ khai thác hiện đại, máy móc trang thiết bị để khai thác, chế biến chúng. Trong thực tế, có những nước mà tài nguyên thiên nhiên rất nghèo như Nhật Bản nhưng lại có công nghệ tiên tiến, máy móc hiện đại, phương pháp quản lý tiến bộ đã tạo ra được nhiều việc làm và việc làm có chất lượng cao.
Vốn đầu tư càng tăng sẽ ngày càng mở rộng qui mô sản xuất kinh doanh. Hơn nữa, việc thay đổi công nghệ sản xuất tiên tiến, máy móc thiết bị hiện đại sẽ làm tăng năng suất lao động, chất lượng hàng hóa từ đó nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường. Hệ quả là hoạt động sản xuất phát triển, cầu lao động t._.ăng.
1.3.2 Nhân tố thuộc về sức lao động
Điều kiện tự nhiên, vốn và công nghệ là yếu tố vật chất quyết định qui mô của sản xuất, từ đó tác động đến cầu lao động hay khả năng tạo việc làm. Tuy nhiên, để có thể đáp ứng yêu cầu lao động hay đáp ứng các đòi hỏi và yêu cầu của người sử dụng lao động thì phải kể đến nhân tố sức lao động của người lao động trên hai phương diện là số lượng và chất lượng lao động. Đây cũng là nhân tố có ảnh hưởng quyết định đến tạo việc làm cho người lao động trong cơ chế tạo việc làm có sự tham gia của ba bên: người lao động – người sử dụng lao động – nhà nước. Trong bối cảnh của một nước đang phát triển của Việt Nam hiện nay thì số lượng lao động không phải là vấn đề lo ngại vì trên thực tế, hàng năm số người bước vào độ tuổi lao động lớn hơn rất nhiều so với số người bước ra khỏi độ tuổi lao động. Vấn đề đáng lo ngại hiện nay là chất lượng sức lao động của nước ta còn thấp, lao động chưa qua đào tạo còn chiếm tỉ lệ cao trong lực lượng lao động. Do đó, người lao động muốn tìm được việc làm và nhất là việc làm có thu nhập cao trước hết cần thu thập các thông tin về thị trường lao động để lựa chọn được ngành nghề phù hợp, từ đó thực hiện đầu tư vào vốn con người có hiệu quả, chủ động tìm kiếm việc làm và nắm bắt các cơ hội việc làm. Người lao động có thể tự dựa vào điều kiện, hoàn cảnh của mình, hoặc tranh thủ các nguồn tài trợ từ gia đình, các cá nhân, các tổ chức xã hội bên ngoài để có thể tham gia học tập, đào tạo, nâng cao kiến thức, trình độ, kĩ năng cho bản thân. Đó cũng là những điều kiện cần thiết để duy trì việc làm.
1.3.3 Cơ chế, chính sách kinh tế - xã hội ảnh hưởng đến tạo việc làm
Cơ chế, chính sách kinh tế - xã hội của chính phủ quốc gia, của chính quyền địa phương là nhân tố rất quan trọng tạo ra việc làm cho người lao động. Trong mỗi thời kì khác nhau, chính phủ quốc gia sẽ đề ra những chính sách cụ thể, có thể mở rộng hay thu hẹp, ngành này, lĩnh vực này, khuyến khích phát triển ngành khác, lĩnh vực khác, tạo hành lang pháp lý cho phát triển sản xuất. Nhóm công cụ này rất đa dạng, từ chính sách vĩ mô đến vi mô, có thể theo ngành, lĩnh vực, vùng…Các chính sách, cơ chế kinh tế - xã hội sẽ tác động đến cầu lao động của thị trường lao động, cầu lao động của các doanh nghiệp, từ đó sẽ làm thay đổi cách ứng xử của người sử dụng lao động đối với người lao động, không chỉ làm thay đổi số lượng lao động thông qua cầu lao động mà còn làm thay đổi chất lượng lao động để đáp ứng các yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Một ví dụ cụ thể về việc thay đổi chính sách kinh tế ở nước ta đó là việc chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần, thay vì trước đây chỉ chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế tập thể thì hiện nay phát triển đa dạng hóa nhiều thành phần kinh tế, trong đó có thêm thành phần kinh tế tư nhân, thành phần kinh tế cá thể, thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Việc kết hợp và đan xen giữa sản xuất kinh doanh qui mô lớn với qui mô vừa và nhỏ, khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế đã thúc đẩy nền kinh tế phát triển, sản xuất mở rộng, tăng cầu lao động, nâng cao khả năng tạo việc làm.
1.4. Sự cần thiết tạo việc làm cho người lao động
Tạo việc làm cho người lao động là vô cùng cần thiết, trước hết là nhằm giảm lao động thất nghiệp cho nền kinh tế. Công nghiệp hóa là xu hướng tất yếu đối với các quốc gia chậm phát triển muốn nhanh chóng thoát ra khỏi nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, chuyển sang nền kinh tế công nghiệp hiện đại, năng suất cao. Trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ kéo theo chuyển dịch cơ cấu lao động. Hơn nữa, cùng với quá trình phát triển kinh tế, nhiều ngành nghề mới, hoạt động sản xuất mới ra đời thay thế cho một số hoạt động sản xuất cũ dẫn đến thất nghiệp phát sinh. Như vậy, tạo việc làm cho người lao động trước hết nhằm giảm lượng lao động thất nghiệp, đồng thời góp phần làm tăng sản lượng quốc dân, tăng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển bền vững.
Vấn đề việc làm và giải quyết việc làm là một trong những vấn đề có tính chất toàn cầu, là mối quan tâm rất lớn không những của nước ta mà là tất cả các nước trên thế giới. Việc làm có ý nghĩa to lớn trong việc làm ra của cải vật chất để nuôi sống con người. Tạo việc làm cho người lao động giúp họ có thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện thỏa mãn các nhu cầu chính đáng về vật chất và tinh thần của người lao động, ngày một nâng cao chất lượng cuộc sống, nâng cao vị thế của người lao động trong gia đình và ngoài xã hội.
Tạo việc làm cho lao động không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội. Nếu không có việc làm, thất nghiệp sẽ tăng, đó là nguồn gốc của các tệ nạn xã hội như: trộm cắp, cờ bạc, ma túy…Như vậy, tạo việc làm không những góp phần đẩy lùi được các tệ nạn xã hội mà còn có thể kích thích người lao động sáng tạo, thúc đẩy sản xuất, thúc đẩy xã hội phát triển, đảm bảo công bằng xã hội.
Vấn đề tạo việc làm cho lao động là vấn đề cần thiết trong mọi thời kỳ, đặc biệt đối với đối tượng lao động trong diện giải tỏa đất nông nghiệp do quá trình đô thị hóa thì vấn đề này càng trở nên bức thiết vì họ là những người có trình độ chuyên môn thấp, khả năng tìm việc làm và chuyển đổi nghề nghiệp thường thấp hơn so với các đối tượng khác.
Trong quá trình đô thị hóa, nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để xây dựng các công trình đô thị phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Do đó, hàng nghìn hộ nông dân kéo theo hàng vạn nhân khẩu nông nghiệp mất tư liệu sản xuất dẫn tới mất việc làm, cuộc sống và thu nhập của họ gặp không ít khó khăn. Một bộ phận nông dân có kiến thức, có trình độ đã chủ động mở mang các ngành nghề, dịch vụ, phát triển tiểu thủ công nghiệp… tạo việc làm và có cuộc sống ổn định. Song bên cạnh đó còn rất nhiều hộ còn lúng túng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế do họ không bắt kịp với cơ chế thị trường, trình độ thấp, không có nghề, hay tuổi đời cao…họ gặp phải nhiều khó khăn trong việc tìm và tạo việc làm mới. Do hạn chế về văn hóa và nhận thức, nếu như lực lượng này không được tạo việc làm, không có thu nhập để trang trải cuộc sống, cộng với việc có nhiều thời gian rảnh rỗi thì họ dễ bị lôi kéo, dụ dỗ vào các hoạt động phi pháp như trộm cắp, cướp giật, ma túy, cờ bạc…Vì vậy, tạo việc làm cho những lao động này cũng chính là biện pháp làm giảm tệ nạn xã hội, góp phần đảm bảo trật tự an ninh xã hội, môi trường sống xã hội sẽ trở nên tốt hơn.
Như vậy, vấn đề tạo việc làm cho người lao động nói chung, cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp nói riêng là vô cùng cần thiết vì nó không chỉ làm cho nền kinh tế tăng trưởng và phát triển, mà còn góp phần làm ổn định xã hội, giảm thất nghiệp và các tệ nạn xã hội, đồng thời cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo đúng hướng đó là tăng tỉ trọng lao động trong ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm tỉ trọng lao động trong ngành nông nghiệp.
CHƯƠNG II: PHÂN TÍCH THỰC TRẠNG VIỆC LÀM VÀ TẠO VIỆC LÀM CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG THUỘC DIỆN BỊ THU HỒI ĐẤT NÔNG NGHIỆP DO QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA Ở QUẬN CẦU GIẤY GIAI ĐOẠN 1998-2008.
2.1 Những đặc điểm của Quận ảnh hưởng đến tạo việc làm cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp do quá trình đô thị hóa
2.1.1 Khái quát chung về sự hình thành và phát triển của quận Cầu Giấy
Quận Cầu Giấy thành phố Hà Nội là một đơn vị hành chính mới được thành lập theo Nghị định 74/CP ngày 21/11/1996 của Chính phủ, và chính thức đi vào hoạt động ngày 1/9/1997, tính đến nay đã được hơn 10 năm. Quận Cầu Giấy khi mới thành lập bao gồm 4 thị trấn (Nghĩa Đô, Nghĩa Tân, Mai Dịch, Cầu Giấy) và 3 xã (Dịch Vọng, Yên Hòa, Trung Hòa) tách ra từ huyện Từ Liêm. Nay tất cả gọi là phường, trị trấn Cầu Giấy được chuyển tên thành phường Quan Hoa. Năm 2005, phường Dịch Vọng Hậu được thành lập trên cơ sở tách từ hai phường Quan Hoa và Dịch Vọng. Từ đó đến nay, quận Cầu Giấy có 8 phường.
Thời gian hơn 10 năm – chặng đường tuy ngắn ngủi so với chiều dài lịch sử của Thăng Long – Hà Nội nhưng quận Cầu Giấy đã có rất nhiều đổi thay. Năm 1998, một năm sau khi quận đi vào hoạt động, quận mới chỉ là một vùng đất ven nội, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, kinh tế còn nghèo nàn, cơ sở hạ tầng yếu kém, giờ đây vùng Cầu Giấy trở thành quận nội thành với kết cấu hạ tầng đô thị ngày càng văn minh – hiện đại; kinh tế phát triển mạnh; văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt; an ninh quốc phòng được đảm bảo; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường. Năm 2002, nhân dân và cán bộ Quận Cầu Giấy được nhà nước trao tặng huân chương lao động hạng ba. Năm 2006, quận là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua, được nhà nước trao tặng huân chương lao động hạng nhì. Mọi người dân quận Cầu Giấy đều vô cùng tự hào về những kết quả đạt được trong công cuộc đổi mới.
2.1.2 Đặc điểm của Quận ảnh hưởng tới tạo việc làm cho người lao động trong diện thu hồi đất nông nghiệp do quá trình đô thị hóa
2.1.2.1 Đặc điểm tự nhiên
Vị trí địa lý
Quận Cầu Giấy có vị trí địa lý rất quan trọng ở phía Tây-Tây Bắc thủ đô Hà Nội, phía Bắc giáp quận Tây Hồ và huyện Từ Liêm, phía đông giáp quận Đống Đa và quận Ba Đình, phía nam giáp quận Thanh Xuân, phía tây giáp huyện Từ Liêm. Quận nằm ở cửa ngõ phía tây của thủ đô Hà Nội nhưng liền kề với quận trung tâm, một trong những khu phát triển chính của thành phố Hà Nội, cách trung tâm thành phố chừng 6 km. Trong quận có sông Tô Lịch chạy dọc theo chiều dài phía Đông của quận, có các trục đường giao thông vành đai nối thủ đô Hà Nội với sân bay quốc tế Nội Bài và trục đường chính nối trung tâm Hà Nội với chuỗi đô thị vệ tinh Hòa Lạc – Sơn Tây – Xuân Mai (đường Trần Duy Hưng, đường Cầu Giấy – Xuân Thủy – 32). Có thể nói, Quận Cầu Giấy là nơi đầu mối giao thông, có nhiều lợi thế giao lưu kinh tế, lưu thông hàng hóa và tiếp nhận những thành tựu khoa học – kỹ thuật, đó là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt các ngành thương mại dịch vụ, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động trong Quận.
Quận Cầu Giấy nằm trong điểm giao nhau của trục phát triển công nghiệp và các vành đai phát triển công nghiệp của toàn thành phố Hà Nội. Phân bố không gian công nghiệp của Hà Nội được bố trí theo hai hướng, đó là theo các trục chính và theo các vành đai. Trong đó, trục phát triển công nghiệp xuyên qua quận Cầu Giấy là trục Mai Dịch – Cầu Diễn – Sơn Tây, vành đai công nghiệp qua Quận là hệ thống các khu cụm công nghiệp theo đường vành đai 3 (Pháp Vân - Thượng Đình – Mai Dịch – Nam Thăng Long – Bắc Thăng Long – Yên Viên…). Sự phát triển của hệ thống giao thông cùng với sự phân bố không gian công nghiệp nói trên tạo cho Quận có cơ hội và điều kiện thuận lợi trong việc lựa chọn và tổ chức, phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn, thu hút ngày càng nhiều lao động.
Quận Cầu Giấy tiếp giáp với quận Tây Hồ, quận Ba Đình và huyện Từ Liêm, đó là những nơi có nhiều tiềm năng du lịch. Những lợi thế của Quận sẽ tạo thành một quần thể du lịch thu hút khách du lịch không chỉ trong nước mà cả ngoài nước. Từ đó, thu hút được nhiều lao động hoạt động trong các ngành dịch vụ phục vụ khách du lịch.
Quận Cầu Giấy là trung tâm văn hóa, khoa học kỹ thuật, là nơi tập trung nhiều các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, các viện nghiên cứu, từ đó góp phần nâng cao chất lượng của đội ngũ lao động của quận.
Như vậy quận Cầu Giấy có vị trí địa lý quan trọng, tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, từ đó phát triển kinh tế - xã hội của quận, giải quyết việc làm cho một lực lượng lớn lao động không những trong quận mà của nhiều địa phương khác.
Đất đai, địa hình
Cầu Giấy là quận có diện tích đất tự nhiên đứng thứ 4 trong số 9 quận nội thành (12,045 km2). Quận có địa hình tương đối bằng phẳng. Về địa chất công trình, đất của quận thuận lợi cho xây dựng đô thị. Cùng với quá trình đô thị hóa nhanh trong những năm qua, Quận đã triển khai nhiều dự án lớn trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, xây dựng nhà ở và các công trình hạ tầng cơ sở kỹ thuật đô thị trên địa bàn quận. Theo đó, thúc đẩy phát triển các ngành xây dựng cơ bản và các ngành công nghiệp, dịch vụ phục vụ xây dựng, thu hút được nhiều lao động.
Để phục vụ cho quá trình đô thị hóa ở quận Cầu Giấy trong những năm qua, Nhà nước đã tiến hành thu hồi đất nông nghiệp làm cho diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm mạnh. Năm 1998 toàn quận có 404,09 ha đất nông nghiệp thì đến năm 2007 toàn quận chỉ còn 53 ha; đến năm 2008 diện tích đất nông nghiệp còn lại là 40 ha. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp phục vụ cho xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình đô thị đã làm cho hàng nghìn lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và một số ngành kinh doanh dịch vụ và sản xuất bị mất việc làm do mất đất sản xuất. Đời sống và việc làm của người lao động thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Tài nguyên thiên nhiên
Tài nguyên du lịch là tiềm năng phát triển của quận. Trên địa bàn quận có nhiều di tích lịch sử - văn hóa và cách mạng kháng chiến. Có thể kể đến như: Tại Nghĩa Đô có đền thờ Tướng quân Trần Công Tích và miếu thờ hai chị em họ Lê có công giúp vua Lê Đại Hành phá quân Tống (năm 981); chùa Dụ Ân ở Bái Ân (Nghĩa Đô) là nơi tu hành và dạy học của vị tôn thất nhà Lý là Lý Công Uẩn; nhà thờ Tổ nghề giấy sắc (năm 2006 Bộ VHTT đã công nhận là di tích cấp quốc gia). Ở Dịch Vọng Tiền (nay thuộc địa phận phường Quan Hoa) có chùa Hoa Lăng thờ mẹ của thiền sư Từ Đạo Hạnh, người đã dạy dỗ, nuôi dưỡng vua Lý Thái Tổ (tức Lý Công Uẩn). Ở phường Dịch Vọng có chùa Hà vừa là di tích lịch sử văn hóa, vừa là di tích cách mạng; chùa Thánh Chúa, một di tích lịch sử văn hóa được xây dựng từ thời nhà Lý…
Tiềm nămg du lịch hứa hẹn thu hút một lượng lớn khách tham quan du lịch và phát triển các dịch vụ phục vụ kèm theo. Từ đó sẽ tạo nhiều việc làm mới cho lao động trong quận tham gia cung cấp hàng hóa và dịch vụ phục vụ khách du lịch.
Dân số - nguồn nhân lực
Về số lượng
Cùng với quá trình đô thị hóa nhanh của quận trong những năm qua thì dân số của quận cũng tăng lên nhanh chóng (bảng 2.1)
Bảng 2.1: Biến động dân số quận Cầu Giấy
Chỉ tiêu
Đơn vị
2002
2006
2007
2008
1.Dân số trung bình
Người
150.029
178.200
190.002
199.187
2.Dân số nữ
Tỷ lệ % so với dân số
Người
%
74.367
49,57
88.629
49,74
96.805
50,95
98.956
49,68
3.Mật độ dân số
Người/km2
12.456
14.795
15.774
16.537
4.Tỷ lệ tăng dân số
%
5,26
5,55
6,62
4,83
5.Tỷ lệ tăng tự nhiên
%
1,001
0,899
1,105
1,102
6.Tỷ lệ tăng cơ học
%
4,26
4,65
5,515
3,728
Nguồn: Phòng thống kê, UBND quận Cầu Giấy
Theo số liệu thống kê từ bảng trên, năm 2002 dân số quận là 150029 người, đến năm 2007 dân số trung bình là 190002 người, tăng 6,6% so với năm 2006. Tốc độ tăng dân số giai đoạn 2002 – 2007 đạt mức trung bình 5,8%/năm, đến năm 2008, tốc độ tăng dân số của quận có giảm còn 4,53% và dân số trung bình của quận là 199187 người là do lượng dân nhập cư vào quận giảm so với những năm trước vì ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế 2008. Tốc độ tăng dân số của quận Cầu Giấy là tương đối cao, trong đó chủ yếu là tăng cơ học, bình quân giai đoạn 2002 – 2006 đạt 4,8%/năm, đến năm 2008 tỷ lệ tăng cơ học giảm còn 3,728%. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của quận biến động thất thường, bình quân trên 1%/năm.
Dân số của quận liên tục tăng qua các năm làm cho mật độ dân số cũng tăng lên nhanh chóng. Năm 2007, mật độ dân số toàn quận là 15774 người/km, gấp 1,33 lần mức trung bình của khu vực nội thành Hà Nội và gấp 4,3 lần mức trung bình toàn thành phố Hà Nội. Điều đó tạo áp lực rất lớn cho quận trong việc đảm bảo nhu cầu về kết cấu hạ tầng kinh tế (như giao thông, điện, nước…), kết cấu hạ tầng xã hội (nhà ở, bệnh viện, trường học…) và xử lý các vấn đề xã hội, môi trường.
Trong tổng dân số toàn quận, không có sự chênh lệch lớn về tỷ lệ dân số nữ và nam. Tỷ lệ dân số nữ các năm đều đạt xấp xỉ 50% trong tổng dân số và không có sự biến đổi lớn qua các năm.
Trong tổng dân số toàn quận thì số người trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ khá cao (trên 70%) và liên tục tăng qua các năm, ta có thể thấy qua bảng 2.2 dưới đây. Tuy nhiên, tốc độ tăng số người trong độ tuổi lao động năm 2008 giảm so với các năm trước, đó là do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 làm cho lao động di cư đến địa bàn quận giảm đáng kể.
Bảng 2.2: Biến động lao động quận Cầu Giấy
Stt
Chỉ tiêu
Đơn vị
2002
2006
2007
2008
1
Dân số trung bình
Người
150.029
178.200
190.002
199.187
2
Số người trong độ tuổi lao động
Người
105.433
136.910
148.440
149.948
Tỷ lệ % so với dân số
%
70,28
76,83
78,12
75,28
3
Số người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động (NLĐ)
người
99.476
129.763
141.000
142.930
Tỷ lệ % so với dân số
%
66,30
72,82
74,21
71,76
4
Lực lượng lao động
Người
96.933
125.850
135.235
137.950
Tỷ lệ % so với dân số
%
64,61
69,50
71,18
69,26
Nguồn: Phòng Lao động, thương binh và Xã hội, UBND quận Cầu Giấy
Nguồn lao động của quận cũng rất dồi dào và tăng nhanh qua các năm. Năm 2002, nguồn lao động của quận là 99476 người chiếm tỷ lệ 66,30% thì đến năm 2006 tăng lên là 129763 người chiếm 72,82% dân số và đến năm 2007, nguồn lao động đã là 141000 người chiếm 74,21% dân số. Trong cơ cấu nguồn lao động, còn một số lượng khá lớn học sinh phổ thông, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp…đến tuổi lao động còn đang đi học. Điều đó làm cho lực lượng lao động của quận nhỏ hơn nguồn lao động của quận. Quy mô lực lượng lao động của quận trong thời gian qua liên tục tăng, từ 96933 người chiếm 64,61% dân số năm 2002 lên 135235 người chiếm tỷ lệ 71,18% dân số năm 2007. Việc gia tăng lực lượng lao động chủ yếu từ các nguồn:
Số người bước vào độ tuổi lao động trên địa bàn khá cao
Số lao động chuyển đến Cầu Giấy từ các địa phương khác ngoài Hà Nội và từ các địa bàn của Hà Nội với nhiều lý do: thay đổi địa bàn kinh doanh, chuyển chỗ ở, chuyển công tác, tìm việc làm mới…
Sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng ở lại tìm việc và làm việc trên địa bàn Hà Nội và quận Cầu Giấy.
Tóm lại, dân số và lao động tăng nhanh qua các năm đã và đang đặt ra những vấn đề về bố trí lao động, tạo việc làm và quản lý nguồn lao động đang có xu hướng gia tăng dưới sự tác động của quá trình đô thị hóa.
Về chất lượng:
Chất lượng lao động của quận Cầu Giấy có thể nói là khá cao. Trước hết, về trình độ học vấn, theo số liệu thống kê từ bảng dưới ta thấy có sự tiến bộ rõ rệt qua các năm:
Bảng 2.3: Trình độ học vấn của lực lượng lao động quận Cầu Giấy
qua các năm
Đơn vị tính: %
Chỉ tiêu
2002
2004
2006
2007
Mù chữ và chưa tốt nghiệp tiểu học
0
0
0
0
Tôt nghiệp tiểu học
9,31
9,25
8
7,17
Tốt nghiệp THCS
54,99
54,55
51,9
48,51
Tôt nghiệp THPT
35,7
36,2
40,1
44,32
Nguồn: Phòng Lao động, thương binh và Xã hội, UBND quận Cầu Giấy
Nét nổi bật về trình độ học vấn của lực lượng lao động quận Cầu Giấy là không còn tỷ lệ lao động mù chữ và chưa tốt nghiệp tiểu học. Trong lực lượng lao động, tỷ lệ lao động tốt nghiệp tiểu học chiếm tỷ lệ nhỏ và giảm dần qua các năm, từ 9,31% năm 2002 xuống còn 9,25% năm 2004 và chỉ còn 7,17% năm 2007. Số lao động này chủ yếu là những lao động thuần nông nghiệp trước đây, thường tập trung ở ba phường chuyển đổi từ xã thuộc huyện Từ Liêm cũ, đó là Dịch Vọng, Yên Hòa và Trung Hòa.
Trong lực lượng lao động của quận đa số lao động tốt nghiệp cấp hai trở lên, tuy nhiên tỷ lệ này cũng giảm dần qua các năm và thay vào đó là tỷ lệ lao động tốt nghiệp trung học phổ thông tăng lên nhanh chóng. Năm 2002, tỷ lệ lao động tốt nghiệp trung học cơ sở là 54,99%, tốt nghiệp trung học phổ thông là 35,7%; đến năm 2007, con số này tương ứng là 48,51% và 44,32%. Nhìn chung, cùng với quá trình đô thị hóa và do đời sống và thu nhập của người dân được nâng cao, các gia đình ngày càng quan tâm đến việc học hành của con em họ làm cho trình độ học vấn của lao động quận có những bước tiến vượt bậc, tạo cơ sở cho sự gia tăng nguồn lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật trong thời gian qua và trong tương lai.
Về trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động của quận, qua số liệu thống kê ở bảng dưới đây tình trạng khá khả quan.
Bảng 2.4: Trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động
quận Cầu Giấy qua các năm
Đơn vị tính: %
STT
Chỉ tiêu
2002
2004
2006
2007
1
Không có chuyên môn kỹ thuật
47,33
44,98
42,11
39,28
2
Có trình độ chuyên môn kỹ thuật
52,67
55,02
57,89
60,72
CNKT không bằng
9,86
9,81
8,27
7,79
Sơ cấp/chứng chỉ
8,21
7,68
7,07
7,34
CNKT có bằng
6,45
6,92
7,75
8,32
Trung học chuyên nghiệp
8,37
8,46
9,71
10,07
CĐ, ĐH trở lên
19,78
22,15
25,09
27,2
Nguồn: Phòng Lao động, thương binh và Xã hội, UBND quận Cầu Giấy
Trong những năm qua tỷ lệ lao động được đào tạo chuyên môn kỹ thuật đã có những tiến bộ rõ nét, trong lực lượng lao động quận tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật luôn lớn hơn tỷ lệ lao động không có chuyên môn kỹ thuật và lao động qua đào tạo hàng năm liên tục tăng cả về số tuyệt đối và tương đối. Năm 2002, tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật trong tổng số lực lượng lao động của quận là 52,67%, đến năm 2004 tăng lên là 55,02% và đến năm 2007 đã có 60,72% lao động có chuyên môn kỹ thuật. Cùng với đó, tỷ lệ lao động không có chuyên môn kỹ thuật giảm dần từ 47,33% năm 2002 xuống còn 44,98% năm 2004, và đến năm 2007 là 39,28%.
Trong số lao động có chuyên môn kỹ thuật thì tỷ lệ lao động qua đào tạo cao đẳng, đại học trở lên chiếm tỷ lệ cao nhất và tăng với tốc độ cao qua các năm từ 19,78% năm 2002 lên 25,09% năm 2006, đến năm 2007 đã là 27,2%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trung học chuyên nghiệp và công nhân kỹ thuật cũng tăng lên qua các năm nhưng với tốc độ tăng nhỏ hơn. Số liệu thống kê cũng phản ánh đúng thực tế của quận là trung tâm văn hóa, khoa học kỹ thuật, nơi tập trung rất nhiều các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu, từ đó góp phần nâng cao chất lượng của lực lượng lao động quận. Phù hợp với xu thế đô thị hóa, đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa, các cấp chính quyền đã quan tâm đầu tư phát triển quy mô lực lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật và bản thân người lao động cũng đã có ý thức tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu công việc. Tuy nhiên, trong thời gian sắp tới quận cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề đào tạo nghề cho lao động, đặc biệt là lao động thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp vì nhóm đối tượng này thường có trình độ thấp, gặp phải nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi nghề nghiệp, nếu không được đào tạo một trình độ chuyên môn kỹ thuật nhất định thì khó có thể cạnh tranh được với những lao động có chất lượng cao của quận, đặc biệt là những lao động trẻ, khỏe, có năng lực từ nơi khác đến.
2.1.2.3 Điều kiện kinh tế
Kinh tế của quận có tốc độ tăng trưởng nhanh trong những năm qua, phát triển theo hướng bền vững, ưu tiên phát triển các lĩnh vực có sử dụng công nghệ cao và ngành nghề sử dụng nhiều lao động, hiệu quả kinh tế lớn, ít làm ảnh hưởng đến môi trường. Thời gian qua, thực hiện luật doanh nghiệp và chủ trương về phân cấp quản lý, đổi mới cơ chế quản lý, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, quận đã tạo điều kiện thuận lợi về đăng ký kinh doanh, môi trường hoạt động cho các doanh nghiệp, các hợp tác xã, các hộ gia đình sản xuất kinh doanh. Các thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển, tự chủ trong sản xuất kinh doanh. Tận dụng những lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, lại đang trong quá trình đô thị hóa mạnh, quận đã thu hút được một số lượng vốn đầu tư trong nước và ngoài nước vào các ngành xây dựng, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ làm cho tốc độ phát triển của các ngành này tăng không ngừng qua các năm.
Bảng 2.5: Kết quả giá trị sản xuất_giá hiện hành của các ngành kinh tế quận Cầu Giấy.
Ngành
Đơn vị
2004
2005
2006
2007
I. Tổng giá trị sản xuất
Triệu đồng
3.212.124
4.161.910
8.038.562
10.177.161
1. Nông, lâm, thủy sản
Triệu đồng
5131
2958
2375
1987
2. Công nghiệp – XDCB
Triệu đồng
2.165.296
2.916.495
6.160.047
7.722.522
3. Dịch vụ, thương mại
Triệu đồng
1.041.697
1.242.457
1.876.140
2.452.652
II. Cơ cấu kinh tế
1. Theo Lãnh thổ
%
- Thương mại, dịch vụ
%
32,43
29,85
23,34
24,1
- Công nghiệp
%
67,41
70,08
76,63
75,88
- Nông nghiệp
%
0,16
0,07
0,03
0,02
2. Theo địa phương quản lý
%
- Thương mại, dịch vụ
%
68,1
65,42
67,96
70,79
- Công nghiệp
%
31,41
34,19
31,7
28,93
- Nông nghiệp
%
0,49
0,39
0,34
0,28
Nguồn: Báo cáo 10 năm xây dựng và phát triển quận Cầu Giấy
Về thương mại và dịch vụ:
Quận đã chỉ đạo tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, sắp xếp ổn định các mạng lưới chợ hợp lý, hiệu quả như: chợ Cầu Giấy, chợ Nhà Xanh, chợ Quan Hoa, chợ Yên Hòa, chợ xe máy đồ cũ Dịch Vọng, đầu tư xây dựng chợ nông sản Đồng Xa (Mai Dịch) trên khuôn viên mới. Bên cạnh đó còn phát triển các siêu thị, các trung tâm thương mại…trên địa bàn quận. Các phường tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân mua bán, thu hút được nhiều loại hình kinh doanh, dịch vụ của doanh nghiệp, hộ kinh doanh đa dạng góp phần đẩy nhanh lưu chuyển hàng hóa, không những tạo được nhiều việc làm cho người lao động mà còn làm cho giá trị sản xuất ngành dịch vụ, thương mại tăng không ngừng qua các năm, từ 1.041.697 triệu đồng năm 2004 lên 1.242.457 triệu đồng năm 2005, giá trị sản xuất năm 2006 là 1.876.140 triệu đồng, tăng 51% so với năm 2005 và năm 2007 là 2.452.652 triệu đồng, tăng 30,73 % so với năm 2006.
Về Công nghiệp – Xây dựng
Quận khuyến khích đầu tư và phát triển các ngành, nghề sản xuất kinh doanh như: chế biến lương thực thực phẩm, gia công cơ khí, may mặc, đồ mộc dân dụng…. Vì vậy, sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh nhiều năm qua tiếp tục tăng trưởng. Giá trị sản xuất hàng năm tăng bình quân 40%, sản phẩm công nghiệp ngoài quốc doanh ngày càng phong phú.
Cùng với quá trình đô thị hóa nhanh trong thời gian qua trên địa bàn quận thì thị trường xây dựng ngày càng mở rộng, trong đó tập trung vào các lĩnh vực xây dựng cơ bản, các cơ sở hạ tầng kỹ thuật và cơ sở hạ tầng xã hội. Ngành công nghiệp phục vụ xây dựng cũng tăng theo, thu hút ngày càng nhiều lao động. Từ đó dẫn đến giá trị sản xuất ngành công nghiệp – xây dựng liên tục tăng trong những năm qua. Năm 2004 đạt 2165296 triệu đồng, đến năm 2005 là 2916495 triệu đồng, trăng 34,69 % so với năm 2005, quả là một kết quả ấn tượng, đó là do giá trị sản xuất ngành xây dựng tăng đột ngột từ 1658855 triệu đồng năm 2005 lên 4074998 triệu đồng năm 2006.
Về nông nghiệp, tốc độ tăng giảm dần qua các năm là do diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp dần bởi Nhà nước thu hồi đất xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị phục vụ quá trình đô thị hóa. Năm 2004, giá trị sản xuất nông nghiệp là 5131 triệu đồng đến năm 2005 chỉ còn 2958 triệu đồng. Và mặc dù diện tích đất nông nghiệp giảm mạnh, nhưng do Quận chỉ đạo đẩy mạnh công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến khích nông dân mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa các giống cây con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, do đó năng suất cây trồng, vật nuôi ngày càng tăng, vì vậy đến năm 2007 giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn đạt 1987 triệu đồng. Tuy nhiên, đầu tư vào nông nghiệp không cho hiệu quả cao bằng các ngành khác, nên nhiều hộ gia đình, nhiều lao động đã lựa chọn việc chuyển sang ngành nghề khác thay vì làm nông nghiệp. Đời sống việc làm và thu nhập của người lao động gặp nhiều khó khăn do trình độ thấp, không dễ dàng để chuyển đổi nghề nghiệp hoặc cạnh tranh trên thị trường lao động.
Về cơ cấu kinh tế
Từ năm 2000, cơ cấu kinh tế trên lãnh thổ của Quận liên tục phát triển theo hướng CN, TTCN,XD- thương mại, dịch vụ- nông nghiệp như NQ Đại hội đại biểu lần thứ nhất Đảng bộ Quận Cầu Giấy đã xác định: Đến năm 2007, ngành CN chiếm tỷ trọng 75,88% trong cơ cấu kinh tế; ngành Thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng 24,1%; còn 0,02% là của ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên theo Quận quản lý thì cơ cấu nổi trội chiếm ưu thế bền vững lại là thương mại, dịch vụ - Công nghiệp, xây dựng – Nông nghiệp. Năm 2004, Thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng 68,1%; Công nghiệp là 31,44% và nông nghiệp là 0,49% trong cơ cấu kinh tế; đến năm 2007, các con số tương ứng là 70,79%; 28,93% và 0,28%.
Nhìn chung, cơ cấu kinh tế có bước chuyển theo đúng hướng và phù hợp với xu thế công nghiệp hóa – hiện đại hóa của đất nước. Tỷ trọng ngành thương mại và công nghiệp ngày càng tăng và trong tương lai hứa hẹn thu hút nhiều lao động hoạt động trong các lĩnh vực này.
2.1.3 Tình hình thu hồi đất nông nghiệp phục vụ cho quá trình đô thị hóa ở quận Cầu Giấy
Biến động diện tích đất đai của quận Cầu Giấy
Trong thời kỳ 1998 – 2008, do sự tác động mạnh của quá trình đô thị hóa làm cơ cấu đất đai của Quận có nhiều thay đổi.
Bảng 2.6: Biến động diện tích đất đai của quận Cầu Giấy
Đơn vị: ha
Chỉ tiêu
1998
2000
2005
2006
2007
2008
Diện tích đất tự nhiên
1195,4
1204,5
1204,5
1204,5
1204,5
1204,5
Diện tích đất nông nghiệp
404,09
362
78
65
53
40
Đất phi nông nghiệp
739,01
809,7
1116,2
1130,4
1144,3
1158,7
Đất chưa sử dụng
52,3
32,8
10,3
9,1
7,2
5,8
Nguồn: Phòng tài nguyên môi trường, quận Cầu Giấy
Trước hết là sự thay đổi nhỏ về tổng diện tích đất tự nhiên của Quận, tăng từ 1195,4 ha năm 1998 lên 1204,5 ha năm 2002 và giữ nguyên cho đến thời điểm hiện nay. Sở dĩ có sự thay đổi như vậy là do khi tiến hành bàn giao đất trên sổ sách của huyện Từ Liêm cho Quận Cầu Giấy mới thành lập thì con số báo cáo chưa đúng với thực tế. Đến khi Quận Cầu Giấy tiến hành điều tra lại thì tổng diện tích đất tự nhiên của Quận thực tế là 1204,5 hà chứ không phải là 1195,4 ha như trên sổ sách.
Trong tổng số diện tích đất tự nhiên của quận thì cơ cấu đất đai có sự biến động mạnh qua các năm. Diện tích đấ._.sản xuất, vì vậy những kiến thức về quản lý, kinh doanh, điều hành đơn vị, kiến thức về pháp luật còn nhiều hạn chế làm cho các chủ sản xuất gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh ; tổ chức quản lý doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ; tiếp cận thị trường… Đây là vấn đề mà đa số các chủ sản xuất chưa biết và muốn tìm hiểu, học hỏi. Do đó, thành phố cần tổ chức các lớp học, các chương trình đào tạo bồi dưỡng riêng cho các chủ doanh nghiêp, chủ cơ sở sản xuất, và Quận cần cung cấp thông tin về các chương trình đào tạo này đến chủ sản xuất. Kinh phí cho hoạt động đào tạo này có thể do các chủ sản xuất đóng góp, và thành phố có thể hỗ trợ một phần. Nội dung của các chương trình đào tạo có thể là cung cấp các kiến thức cần thiết về pháp luật, việc hình thành và phát triển ý tưởng kinh doanh ; cung cấp những kiến thức và kỹ năng về lập chiến lược và kế hoạch sản xuất kinh doanh ; cách quản lý và phân bố nguồn lực lao động và các yếu tố sản xuất hợp lý ; kỹ năng cần thiết về xây dựng chiến lược sản phẩm, nghiên cứu thị trường, chính sách giá, xây dựng mạng lưới bán hàng và các biện pháp quảng cáo sản phẩm ; cung cấp kỹ năng khai thác nguồn thông tin vô tận trên Internet…
Thứ năm, các cấp, các ngành quận Cầu Giấy nên tập trung tuyên truyền, mở các buổi hội thảo để các chủ sản xuất, các hộ gia đình, người nông dân có điều kiện học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và cách làm, cùng giúp đỡ nhau làm kinh tế.
Thứ sáu, Quận cần có các chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất TTCN và làm nghề truyền thống đầu tư theo chiều sâu, đổi mới máy móc, thiết bị, hiện đại hóa công nghệ theo phương châm : kết hợp công nghệ thủ công truyền thống với công nghệ tiên tiến, lựa chọn công nghệ phù hợp để nâng cao chất lượng sản phẩm dủ sức cạnh tranh trên thi trường và tạo ra khối lượng sản phẩm lớn. Từ đó ổn định và mở rộng sản xuất, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, khuyến khích sử dụng lao động không có việc làm do bị mất đất sản xuất. Các hình thức hỗ trọ như : miến thuế từ 1-2 năm đầu, giảm thuế trong 2-3 năm tiếp theo ; cho vay vốn với lãi suất ưu đãi ; miễn, giảm tiền thuê đất…
Thứ bảy, Quận cần cố gắng mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm của các ngành nghề truyền thống, giúp người dân an tâm sản xuất.
Thứ tám, khuyến khích thành lập các hợp tác xã TTCN, hợp tác xã làm nghề truyền thống, các HTX này có ưu thế là nguồn vốn lớn, có thể tiến hành sản xuất tập trung, thuận lợi cho việc đầu tư đổi mới công nghệ, quy mô sản xuất lớn, sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường.
Giải pháp về quy hoạch hợp lý các chợ và các trung tâm thương mại
Với lao động khó chuyển đổi nghề thì cần tạo điều kiện phát triển những lĩnh vực mà các lao động này có khả năng tham gia. Qua phân tích ở phần thực trạng ở trên ta thấy một khả năng hợp lý để tạo việc làm cho những lao động khó chuyển đổi nghề là tạo điều kiện cho họ được buôn bán kinh doanh trong các chợ, các trung tâm thương mại bởi vì những công việc đó thường là buôn bán nhỏ nên cần ít vốn, kỹ năng bán hàng đơn giản. Mỗi chợ và trung tâm thương mại có thể tạo được số lượng khá lớn việc làm cho người dân bị thu hồi đất.
Quận Cầu Giấy là một quận đang trong qua trình đô thị hóa, hàng năm thu hút một số lượng lớn người nhập cư đến sinh sống và làm việc trên địa bàn quận. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều trường Đại học, Cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đóng trên địa bàn quận, hàng năm các trường này đều thu hút một số lượng không nhỏ sinh viên từ các nơi khác về học tập và ở lại làm việc trên dịa bàn quận. Nhu cầu tiêu dùng dồi dào của các đối tượng trên cộng với nhu cầu tiêu dùng của người dân của quận và thói quen đi chợ của người Việt Nam đòi hỏi phải xây dựng thêm một số chợ trên địa bàn các phường để đáp ứng tối đa nhu cầu tiêu dùng. Thực tế cũng cho thấy việc đầu tư xây dựng, quản lý chợ không đòi hỏi vốn lớn và năng lực quản lý cao, do đó phù hợp với khả năng quản lý của chính quyền địa phương cấp phường, đặc biệt đối với một quận mới thành lập như Cầu Giấy. Trong thời gian tới để phát triển mạng lưới chợ trong quận, quận có thể tận dụng các khu đất kẹt trong quá trình xây dựng khu đô thị để xây dựng chợ phục vụ nhu cầu mua bán hết sức đa dạng của người dân. Theo điều tra thị trường thì quận cần bố trí, xây dựng và mở rộng hệ thống chợ theo quy hoạch sau :
Phường Dịch Vọng Hậu cần xây dựng thêm một chợ mới là chợ Dịch Vọng Hậu.
Phường Mai Dịch xây dựng thêm một chợ mới vào khu Thành phố giao lưu, sắp xếp lại các chợ tạm trước bệnh viện 198 Bộ Công an.
Phường Dịch Vọng cần xây dựng một trung tâm thương mại tại khu đô thị 50,7 ha.
Phường Quan Hoa : đầu tư cải tạo, nâng cấp chợ Quan Hoa.
Phường Yên Hòa : sắp xếp hợp lý chợ Hợp Nhất, xây dựng khu trung tâm thương mại dịch vụ và cho thuê văn phòng giao dịch.
Phường Trung Hòa : xây dựng một chợ mới tại đường Trần Duy Hưng.
Cùng với việc quy hoạch mạng lưới các chợ trên địa bàn quận cần có kế hoạch bố trí việc làm cho các lao động bị thu hồi đất nông nghiệp trong các chợ và trung tâm thương mại đó.
Củng cố hoạt động dịch vụ tạo việc làm :
Trong phần thực trạng ta đã phân tích, nguyên nhân thiếu thông tin về việc làm là một trong những nguyên nhân chủ yếu chỉ sau nguyên nhân về trình độ của người lao động làm cho tỷ lệ thất nghiệp của lao động mất đất thời điểm sau khi thu hồi đất lớn hơn rất nhiều so với thời điểm trước khi thu hồi đất. Hệ thống thông tin chưa đầy đủ, chưa thực sự trợ giúp được cho người lao động trong việc tìm việc làm.
Hiện nay trên địa bàn quận Cầu Giấy đã có hội chợ việc làm và sàn giao dịch việc làm. Nơi đây diễn ra hội chợ việc làm của thành phố khoảng 1 tháng 1 lần tại Trung Kính, và sàn giao dịch việc làm được tổ chức tại Hoàng Quốc Việt diễn ra 1 năm 1 lần do Đoàn trường Đại học Ngoại thương phối hợp với các tổ chức, các doanh nghiệp thực hiện. Tuy nhiên, trong thời gian qua, số lao động được tuyển dụng qua các đợt hội chợ việc làm này lại chủ yếu là lao động có trình độ đã qua đào tạo tại các trường lớp chính quy, cơ hội việc làm cho những lao động cùng bị thu hồi đất mà chưa qua đào tạo nghề và cả qua đào tạo nghề đều rất thấp.Một thực tế khác là lao động mất đất không biết thông tin về các đợt hội chợ này. Do vậy, trong thời gian tới để khắc phục tình trạng này, chính quyền địa phương cần có sự phối hợp với ban tổ chức hội chợ để có thêm thông tin về thời gian và địa điểm tổ chức hội chợ, đồng thời liên hệ với các địa phương khác để biết thêm thông tin về các đợt hội chợ việc làm tại các địa phương đó, sau đó tuyên truyền lại cho người lao động địa phương mình có thể qua đài, báo, áp phích, băng rôn… nhằm giúp cho người lao động, đặc biệt là những lao động mất đất có cơ hội đến các hội chợ tìm việc làm cho bản thân, hoặc ít ra là để tìm hiểu yêu cầu của nhà tuyển dụng, từ đó có hướng đào tạo cho bản thân.
Một dịch vụ tạo việc làm khác cũng không kém phần quan trọng đó là các trung tâm giới thiệu việc làm. Ngày nay do yêu cầu phát triển thị trường lao động mà các trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL) xuất hiện ngày càng nhiều và càng tỏ rõ vai trò của mình trong việc là trung gian của thị trường lao động. Các trung tâm này thường là của tư nhân được sự cấp phép và chịu sự quản lý của các cấp chính quyền. Do trình độ hạn chế của người lao động thuộc diện thu hồi đất nông nghiệp nên họ ít có khả năng tiếp cận và sử dụng các website tuyển dụng trên mạng Internet. Do đó tìm việc làm qua các trung tâm giới thiệu việc làm dường như là một giải pháp hữu hiệu, đóng góp không nhỏ vào việc giảm thiểu đội quân thất nghiệp trong những vùng bị thu hồi đất nông nghiệp. Mục đích của hệ thống các TTGTVL là phát triển thị trường lao động, cung cấp những thông tin cơ bản nhất về cung cầu lao động trên thị trường, nó là trung gian tích cực giữa người lao động, người sử dụng lao động và các cơ sở dạy nghề. Do đó, việc nâng cao chất lượng các TTGTVL là giải pháp có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc khắc phục sự trì trệ của thị trường, đấy nhanh quá trình di chuyển lao động. Trong thời gian tới Quận Cầu Giấy và thành phố Hà Nội cần giải quyết những vấn đề sau :
Trước hết, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động, của các cơ sở đào tạo nghề, của doanh nghiệp về vai trò của các TTGTVL, sự hình thành và phát triển của nó là yêu cầu khách quan của thị trường lao động, góp phần xúc tiến và chắp nối việc làm, chủ động cung ứng lao động đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng vùng và cả nước. Chính quyền Quận cần tuyên truyền, phổ biến thông tin về các TTGTVL trên địa bàn Quận và thành phố tới người lao động, đồng thời Quận và thành phố cũng nên có sự quan tâm, hỗ trợ các TTGTVL trên địa bàn như miễn thế, giảm thuế đối với những trung tâm mà giới thiệu việc làm cho nhiều lao động…
Thứ hai, xây dựng website kết nối giữa các TTGTVL để tạo điều kiện tìm kiếm, trao đổi thông tin về lao động, việc làm, tiếp thu kinh nghiệm về giới thiệu việc làm.
Thứ ba, nghiên cứu và đầu tư xây dựng phần mềm trắc nghiệm đánh giá khả năng của từng người lao động để giúp cho việc tư vấn nghề nghiệp và giới thiệu việc làm.
Thứ tư, phối hợp chặt chẽ giữa các TTGTVL và các cơ sở dạy nghề. Đặc biệt là các cơ sở dạy nghề cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, tạo điều kiện trao đổi thông tin về lao động.
Thứ năm là tăng cường công tác quản lý Nhà nước về dịch vụ GTVL, kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan chủ quản của các TTGTVL để cùng quản lý hoạt động GTVL. Cần chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm của các TTGTVL.
Xuất khẩu lao động
Xuất khẩu lao động là một giải pháp có ý nghĩa trong việc giải quyết việc làm cho những lao động thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp hiện chưa có việc làm, đây là một biện pháp để giảm sức ép việc làm ở địa phương. Trong thời gian tới để đẩy mạnh hoạt động XKLĐ trên địa bàn quận Cầu Giấy nhằm tạo việc làm cho lao động thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp thì Quận cần chú trọng giải quyết các vấn đề sau :
Trước hết, Quận cần tập trung chủ động quan hệ với các cơ quan, doanh nghiệp được phép của Nhà nước đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài để tạo nguồn cung cho các hoạt động XKLĐ từ nguồn lao động của Quận.
Thứ hai, nâng cao nhận thức của lao động mất đất đối với hoạt động XKLĐ, cho họ thấy được những lợi ích mà XKLĐ đem lại. Hướng dẫn cho người dân hiểu về quy trình XKLĐ để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng khi họ muốn tham gia XKLĐ.
Thứ ba, UBND Quận chỉ đạo UBND phường và các cơ sở dạy nghề cung cấp danh sách người lao động đăng ký đi XKLĐ nhằm tuyển chọn lao động đưa đi XKLĐ.
Thứ tư, Quận tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp XKLĐ và các cơ sở dạy nghề tổ chức giáo dục, định hướng cho người lao động trước khi tham gia XKLĐ về các mặt : trình độ tay nghề, kỷ luật lao động, ngoại ngữ, văn hóa và phong tục của nước mà người lao động sẽ đến. Đây là một khâu vô cùng quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động đưa đi xuất khẩu đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chất lượng lao động xuất khẩu thấp sẽ là một trong những nguy cơ tiềm ẩn về khả năng mất thị trường xuất khẩu, hoặc giảm sức cạnh tranh của lao động Việt Nam so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, vấn đề giáo dục về pháp luật XKLĐ cũng là một trong những vấn đề được đặt lên hàng đầu nhằm giảm và khắc phục tình trạng phá vỡ hợp đồng lao động.
Thứ năm, Quận cần có chính sách hỗ trợ và ưu đãi tín dụng đối với những lao động thuộc diện thu hồi đất nông nghiệp tham gia XKLĐ.
Thứ sáu, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về XKLĐ. Các doanh nghiệp XKLĐ được phép hoạt động trên địa bàn Quận phải thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên và đột xuất với UBND quận và chịu sự kiểm tra của UBND quận. Đồng thời các doanh nghiệp XKLĐ được kiến nghị nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình tuyển lao động và làm thủ tục cho lao động của Quận đi XKLĐ. Tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành và người dân trong việc phòng, chống các hành vi tiêu cực, lừa đảo trong XKLĐ.
Chính sách thuế
Chính sách thuế ở đây chủ yếu được áp dụng đối với các doanh nghiệp, các hộ sản xuất kinh doanh, để khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn Quận mở rộng quy mô, thu hút nhiều hơn nữa lao động thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp vào làm việc. Một số biện pháp cụ thể nên áp dụng là :
Thứ nhất, thực hiện chính sách miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp trong 1-2 năm đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ gia đình mới đăng ký kinh doanh lần đầu khi thu hút được nhiếu lao động, trong đó có số lượng lớn là lao động mất đất hiện đang không có việc làm.
Thứ hai, miễn giảm thuế đối với những doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh sản xuất hàng TTCN hoặc làm nghề truyền thống mà tạo việc làm cho một số lượng lớn lao động mất đất hiện không có việc làm.
THứ ba, miễn giảm thuế đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh đang sử dụng nhiều lao động thuộc diện thu hồi đất, hoặc đang cung cấp dịch vụ hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động bị thu hồi đất nông nghiệp.
Ngoài ra, miễn giảm thuế cho các cơ sở đào tạo nghề cho người lao động mất đất, các trung tâm GTVL đã giới thiệu được nhiều việc làm cho lao động thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp.
Các giải pháp khác
Kiến nghị chính sách liên quan tới đền bù và bồi thường thiệt hại cho người dân khi thu hồi đất nông nghiệp
Trước hết, Nhà nước và chính quyền thành phố khi xây dựng chính sách liên quan tới thu hồi đất cần thống nhất quan điểm sau :
Thứ nhất, việc thu hồi đất không phải chỉ là một công việc đơn giản là đưa ra các văn bản hành chính và thực hiện các văn bản đó, mà nó còn tác động tới nhiều mối quan hệ trong xã hội. Do đó, khi xây dựng chính sách liên quan tới thu hồi đất thì trước hết cần tìm hiểu rõ về địa phương nơi có đất bị thu hồi để đưa ra những phương pháp xử lý phù hợp với hoàn cảnh đặc thù của địa phương đó.
Thứ hai, khi xây dựng chính sách cần chú ý tới nguyên tắc: người có đất bị thu hồi không phải là nạn nhân của sự phát triển mà là người đóng góp vào sự phát triển xã hội nên cần được hưởng lợi ích xứng đáng từ sự phát triển. Phải quan niệm như vậy mới có thể đưa ra được chính sách thu hồi đất công bằng. Việc thực hiện các phương án bồi thường, đền bù thu hồi đất không phải mang nặng tính hành chính mà phải tuân theo nguyên tắc thị trường.
Thứ ba, việc thu hồi đất phải được thực hiện theo thể thức pháp lý chặt chẽ, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và người có đất bị thu hồi. Việc xây dựng những chính sách liên quan tới thu hồi đất là một công việc phức tạp, có quan hệ đến nhiều vấn đề như kinh tế, tài chính, xã hội, do vậy nó cần được thực hiện với tính chuyên nghiệp cao và có sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia về địa chính, về pháp luật, về giá và về xã hội học.
Thứ tư, để giải quyết tốt việc làm cho người lao động thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp Chính phủ cần quy định rõ việc xây dựng các phương án giải quyết việc làm cho người lao động không còn đất sản xuất là một bộ phận cấu thành bắt buộc trong phương án bồi thường, đền bù thu hồi đất của các chủ đầu tư, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc tuyển dụng lao động bị mất đất nông nghiệp, trong việc hỗ trợ chuyển đổi nghề cho những lao động bị thu hồi đất. Ngoài ra, Nhà nước cần công khai, minh bạch trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp…cho người dân bị thu hồi đất.
Trên thực tế hiện nay, các chính sách liên quan tới đền bù và bồi thường thiệt hại cho những hộ gia đình bị thu hồi đất còn tồn tại nhiều bất cập, dẫn tới nhiều tranh chấp và khiếu kiện liên quan tới việc đền bù và bồi thường thiệt hại cho người dân bị thu hồi đất bởi một số lý do như: mức giá đền bù đất chưa thỏa đáng, không sát với giá thị trường, thường tính ở khung giá thấp, đặc biệt là giá đền bù cho đất nông nghiệp, quan hệ giao dịch đất đai còn mang nặng tính hành chính, nặng về ép buộc, thậm chí cưỡng chế. Chính vì vậy, cần hoàn thiện chính sách theo hướng: đối với tất cả các loại đất đều được đền bù theo giá thị trường tại thời diểm thu hồi đất.
Quy hoạch và sử dụng đất
Về dài hạn cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Quận nói chung, chiến lược phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp với chiến lược phát triển và sử dụng nguồn nhân lực. Nắm rõ tình hình lao động, việc làm ở những khu vực có đất bị thu hồi để có kế hoạch đào tạo lao động cụ thể.
Trong thời gian tới cần hạn chế và dần khắc phục tình trạng “quy hoạch treo”, “dự án treo”, đất đã được thu hồi nhưng không triển khai dự án theo đúng tiến độ, hoặc dự án đã được phê duyệt và cấp đất nhưng không được đầu tư và triển khai xây dựng, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không thu hút được lao động vào làm việc và người dân bị mất đất không có việc làm. Đây là một thực tế phổ biến hiện nay và gây lãng phí lớn, do đó thành phố cần có biện pháp xử lý triệt để, đối với những dự án trây ỳ, không thực hiện đầu tư thì thu hồi giấy phép đã phê duyệt. Cần có hệ thống chế tài và khung pháp lý hoàn chỉnh từ lập dự án, quản lý hồ sơ, kiểm kê giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành và các cấp chính quyền địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện để giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất.
Cần có điều tra, khảo sát trước khi phê duyệt các dự án đầu tư cần thu hồi đất
Các dự án đầu tư một mặt đem lại lợi ích rất lớn cho địa phương và người dân trên địa bàn, nhưng mặt khác cũng có những tác động tiêu cực đến môi trường và đời sống, việc làm của những hộ gia đình có đất bị thu hồi. Do vậy, trước khi đền bù thu hồi đất các cơ quan bồi thường cần tiến hành điều tra xã hội học để nắm bắt được nhu cầu, phương thức kiếm sống, thực trạng đời sống và việc làm của người dân bị thu hồi đất để có thể đưa ra những phương thức bồi thường phù hợp.
Trước khi phê duyệt các dự án đầu tư thì các nhà đầu tư và các cơ quan, ban ngành cần trả lời các câu hỏi sau: Dự án đầu tư đó đạt được lợi ích gì về các mặt kinh tế, xã hội, môi trường ? Dự án đòi hỏi cần thu hồi bao nhiêu đất nông nông nghiệp? Có bao nhiêu lao động bị mất việc làm trong dự án đó? Và phương án giải quyết việc làm cho những lao động đó như thế nào? Khi đó, thành phố sẽ xây dựng được kế hoạch hiệu quả để tạo việc làm cho đối tượng lao động thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp.
Xây dựng quy hoạch chiến lược tạo việc làm cho người lao động trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn quận Cầu Giấy
Đây là tiền đề hết sức quan trọng, định hướng cho chiến lược tạo việc làm, cần xác định các chỉ tiêu cụ thể như:
Số việc làm có thể tạo ra của khu vực đô thị hóa
Số lao động có thể thu hút hàng năm vào các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ
Số việc làm gián tiếp có khả năng tạo ra được do quá trình đô thị hóa.
Cần chú ý tới số việc làm được tạo ra gián tiếp từ các khu vực công nghiệp dịch vụ. Những việc làm gián tiếp này được tạo ra do hình thành hệ thống mạng lưới phục vụ đời sống cho nhân dân: bán hàng, các dịch vụ, văn hóa phẩm thiết yếu… Do vậy, khi quy hoạch cần quan tâm đến sự hình thành hệ thống việc làm được gián tiếp tạo ra và hệ thống chính sách cần có để thu hút, khuyến khích phát triển… Tứ quy hoạch này ta sẽ xây dựng được kế hoạch tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là những lao động thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp.
Tăng cường vai trò và trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc thu hồi, tạo việc làm cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp
Đây là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành công của công tác thu hồi đất để xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp. Muốn vậy, mọi cam kết với người dân cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc. Chính quyền cùng với các ban ngành và người dân cùng tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện thu hồi đất nông nghiệp. Cụ thể, trước khi thu hồi đất, cán bộ ban đền bù cùng cán bộ các ban ngành địa phương xuống với dân, giải thích mọi vướn mắc để người dân chấp thuận nhận tiền đền bù, tạo điều kiện thu hồi đất nhanh. Sau khi thu hồi đất, cán bộ các ngành có liên quan cần tiếp tục gần dân, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của người dân để có những giải pháp phù hợp giải quyết kịp thời, hoặc kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền để giải quyết. Cán bộ lãnh đạo Quận cần tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với người dân có đất nông nghiệp bị thu hồi để giải quyết những vấn đề gay cấn nhất trong việc đền bù thu hồi đất cũng như trong việc hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân mất đất. Bên cạnh đó cần có những biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp gây cản trở cho quá trình thu hồi đất. Có như vậy dự án đầu tư mới nhanh chóng được xây dựng và hoàn thành, khi các khu đô thị và các khu công nghiệp đi vào hoạt động sẽ tạo ra được nhiều việc làm cho người dân trong quận, đặc biệt có thể thu hút lao động thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp đang không có việc làm.
Đồng thời các cấp chính quyền là đại diện của dân nên phải có trách nhiệm kêu gọi và yêu cầu các chủ đầu tư tiến hành thu hồi đất để xây dựng nhà máy và khu công nghiệp giữ đúng cam kết thu hút lao động bị thu hồi đất vào làm việc.
Hoàn thiện chính sách về thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp
Sau khi bị thu hồi đất một số hộ nông dân còn một phần diện tích đất nông nghiệp có thể muốn mua quyền sử dụng phần đất nông nghiệp khác bù đắp vapf phần diện tích đã bị thu hồi để tiếp tục làm nông nghiệp, hoặc một số hộ lại muốn bán quyền sử dụng phần đất nông nghiệp còn lại để chuyển sang làm ngành phi nông nghiệp. Những hộ này đều cần sử dụng thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp để giải quyết nhu cầu của mình. Tuy nhiên, hiện nay thị trường này vẫn chậm phát triển, do đó còn gây nhiều trở ngại cho cả bên mua và bên bán trong các giao dịch về chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Để tháo gỡ những trở ngại này nhằm tạo điều kiện cho các hộ nông dân bị thu hồi đất tiếp tục sản xuất theo nguyện vọng và các lợi thế của mình thì trong thời gian tới thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp cần được hoàn thiện theo hướng sau :
Bổ sung vào hệ thống pháp luật việc Nhà nước mua lại quyền sử dụng đất nông nghiệp của các hộ nông dân cần bán, rồi bán lại quyền này cho các hộ nông dân cần mua tại các vùng Nhà nước thu hồi đất để xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị. Nhà nước cũng có thể tận dụng việc mua lại quyền sử dụng đất nông nghiệp từ các bên bán rồi sau đó bồi thường bằng đất với những hộ gia đình bị thu hồi đất mà cần đất nông nghiệp để tiếp tục sản xuất.
Tiến tới công nhận và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp được tự do mua và bán quyền sử dụng đất nông nghiệp trong và ngoài vùng Nhà nước xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp theo thỏa thuận giữa các bên. Chính sách này sẽ giảm thiểu được việc phải đảm nhận vai trò trung gian của Nhà nước như ở phần trên.
KẾT LUẬN
Vấn đề tạo việc làm là nhu cầu bức thiết của toàn xã hội. Đối với quận Cầu Giấy trong thời gian qua, cùng với quá trình đô thị hóa nhanh, Nhà nước tiến hành thu hồi ngày càng nhiều diện tích đất nông nghiệp để thực hiện các dự án xây dựng đô thị, hàng vạn nông dân hết tư liệu sản xuất phải chuyển đổi ngành nghề để đảm bảo cuộc sống và họ đang đứng trước nguy cơ bị thất nghiệp. Vì vậy tạo việc làm cho người lao động thuộc diện thu hồi đất nông nghiệp oqqr quận Cầu Giấy lại càng bức xúc và có tính thời sự trong giai đoạn hiện nay và trong những năm tới.
Sau một thời gian thực tập tại quận Cầu Giấy, trực tiếp đi điều tra, phỏng vấn về tình trạng việc làm của người lao động trong các hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, được nghe và chứng kiến những nỗi trăn trở của người lao động khi mất việc làm, cuộc sống bị đảo lộn, lo lắng cho tương lai của mình khi chưa hình dung hết khó khăn phải vượt qua, sự cạnh tranh khốc liệt trong cơ chể thị trường để tồn tại và vươn lên đứng vững trong xã hội, người lao động rất cần một chỗ dựa, một niềm tin vững chắc. Đó là sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, trang bị cho họ “cần câu cơm” để mưu sinh cuộc sống lâu dài.
Được học tập lý luận tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tôi đã đầu tư thời gian nghiên cứu và viết chuyên đề này nhằm phân tích, đánh giá thực trạng việc làm của người lao động thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn Quận Cầu Giấy trong thời gian qua, tìm ra những tồn tại trong việc tạo việc làm cho người lao động, từ đó đề ra các giải pháp tạo việc làm cho người lao động trong quận, đặc biệt là lao động mất đất, trong thời gian tới.
Tuy nhiên do thời gian có hạn và kiến thức hiểu biết còn nhiều hạn chế nên trong chuyên đề còn nhiều thiếu sót. Rất mong nhận được sự góp ý của các thầy giáo, cô giáo để chuyên đề của tôi được hoàn chỉnh hơn.
Xin chân thành cảm ơn!
Hà Nội, tháng 05 năm 2009
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Đảng bộ Thành phố Hà Nội, Quận ủy Cầu Giấy (2005), Tài liệu triển khai quán triệt và chỉ đạo thực hiện nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ III Đảng bộ Quận Cầu Giấy nhiệm kỳ 2005 – 2010.
GS.TS Tống Văn Đường, TS. Nguyễn Nam Phương (2007), “Giáo trình Dân số và phát triển”, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.
PGS.TS Trần Xuân Cầu, PGS.TS Mai Quốc Chánh (2008), “Giáo trình Kinh tế nguồn nhân lực”, Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.
Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận Cầu Giấy (2009), Các tài liệu, số liệu về lao động quận Cầu Giấy.
Phòng Tài nguyên Môi trường quận Cầu Giấy (2009), các số liệu về diện tích đất thu hồi.
Phòng THống kê quận Cầu Giấy (2009), số liệu về dân số quận Cầu Giấy.
Quận ủy, Hội đồng Nhân dân, UBND quận Cầu Giấy (2007), “Quận Cầu Giấy 10 năm xây dựng và phát triển”, Nxb Hà Nội.
TS Mai Quốc Chánh, TS Trần Xuân Cầu (2003), “Giáo trình kinh tế lao động”, Nxb Lao động – Xã hội, Hà Nội.
website: www.sotaichinh.gov.vn
DANH MỤC BẢNG BIỂU
MỤC LỤC
LỜI MỞ ĐẦU 1
Chương I: SỰ CẦN THIẾT TẠO VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG THUỘC DIỆN THU HỒI ĐẤT NÔNG NGHIỆP DO QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA 3
1.1 Một số khái niệm cơ bản 3
1.1.1 Đô thị hóa 3
1.1.2 Việc làm 11
1.2 Cơ chế tạo việc làm 15
1.3 Những nhân tố ảnh hưởng tới tạo việc làm 17
1.3.1 Điều kiện tự nhiên, vốn và con người 17
1.3.2 Nhân tố thuộc về sức lao động 18
1.3.3 Cơ chế, chính sách kinh tế - xã hội ảnh hưởng đến tạo việc làm 19
1.4. Sự cần thiết tạo việc làm cho người lao động 20
Chương II: PHÂN TÍCH THỰC TRẠNG VIỆC LÀM VÀ TẠO VIỆC LÀM CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG THUỘC DIỆN BỊ THU HỒI ĐẤT NÔNG NGHIỆP DO QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA Ở QUẬN CẦU GIẤY GIAI ĐOẠN 1998-2008. 23
2.1 Những đặc điểm của Quận ảnh hưởng đến tạo việc làm cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp do quá trình đô thị hóa 23
2.1.1 Khái quát chung về sự hình thành và phát triển của quận Cầu Giấy 23
2.1.2 Đặc điểm của Quận ảnh hưởng tới tạo việc làm cho người lao động trong diện thu hồi đất nông nghiệp do quá trình đô thị hóa 24
2.1.3 Tình hình thu hồi đất nông nghiệp phục vụ cho quá trình đô thị hóa ở quận Cầu Giấy 37
2.1.4 Đặc điểm của người lao động thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp. 41
2.2 Phân tích thực trạng việc làm của người lao động thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp do quá trình đô thị hóa ở quận Cầu Giấy trong thời gian vừa qua 46
2.2.1 Khái quát thực trạng việc làm, thất nghiệp, thiếu việc làm của lao động mất đất 46
2.2.2 Thực trạng việc làm của lao động mất đất theo ngành kinh tế 51
2.2.3 Phân tích thực trạng việc làm của lao động thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp do quá trình đô thị hóa sau khi mất đất theo khu vực hành chính tại quận Cầu Giấy. 53
2.3 Các chính sách của Quận tham gia hỗ trợ tạo việc làm cho lao động mất đất ở quận Cầu Giấy 55
2.3.1 Các chính sách đền bù, hỗ trợ 55
2.3.2 Thực trạng học nghề và giải quyết việc làm của lao động thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp ở quận Cầu Giấy trong thời gian vừa qua 58
2.4 Đánh giá những ưu điểm, tồn tại và những vấn đề đặt ra nhằm tạo việc làm cho lao động thuộc diện thu hồi đất nông nghiệp ở quận Cầu Giấy 63
CHƯƠNG III: NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM TẠO VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG THUỘC DIỆN THU HỒI ĐẤT NÔNG NGHIỆP TRONG QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA Ở QUẬN CẦU GIẤY TRONG THỜI GIAN TỚI 67
3.1 Các quan điểm về tạo việc làm cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp do quá trình đô thị hóa ở quận Cầu Giấy 67
3.2 Phương hướng phát triển kinh tế và dự báo dân số - lao động quận Cầu Giấy đến năm 2010 67
3.2.1 Dự báo dân số - lao động đến năm 2010 của quận Cầu Giấy 67
3.2.2 Định hướng chung về phát triển kinh tế 68
3.3 Giải pháp về tạo việc làm 69
3.3.1 Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách 69
3.3.2 Nhóm giải pháp về công tác quản lý và tổ chức thực hiện 72
KẾT LUẬN 83
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT
CĐ
Cao đẳng
CN
Công nghiệp
CNH
Công nghiệp hóa
CNKT
Công nhân kỹ thuật
ĐH
Đại học
GDP
Gross Domestic Products – Tổng sản phẩm quốc nội
HĐH
Hiện đại hóa
LĐ
Lao động
NLĐ
Nguồn lao động
THCS
Trung học cơ sở
THPT
Trung học phổ thông
TTCN
Tiểu thủ công nghiệp
UBND
Ủy ban nhân dân
XDCB
Xây dựng cơ bản
LỜI CAM ĐOAN
Tên em là
: Phạm Lê Mai
Mã sinh viên
: CQ 472021
Lớp
: Kinh tế lao động 47
Khoa
: Kinh tế và quản lý nguồn nhân lực
Trong thời gian thực tập tại phòng Kinh tế, UBND quận Cầu Giấy tôi đã chọn chuyên đề thực tập “Việc làm cho lao động thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp trong quá trình đô thị hóa ở quận Cầu Giấy”.
Tôi xin cam đoan những gì tôi viết trong chuyên đề thực tập này là do tôi nghiên cứu, không sao chép từ bất kỳ một tài liệu nào khác. Những phần trích dẫn thực hiện theo đúng quy định của nhà trường. Nếu có gì sai phạm tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Sinh viên
Phạm Lê Mai
LỜI CẢM ƠN
Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc tới PGS.TS Mai Quốc Chánh và các cô chú, anh chị trong phòng Kinh tế, UBND quận Cầu Giấy đã giành thời gian và công sức, nhiệt tình giúp đỡ tôi hoàn thành Chuyên đề thực tập tốt nghiệp của mình. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong nghiên cứu, song do kiến thức và thời gian còn hạn chế nên chuyên đề còn nhiều thiếu sót. Rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các thầy, cô giáo, các anh chị và các bạn để tôi có thể hoàn thiện kiến thức của mình hơn nữa, phục vụ cho các công trình nghiên cứu sau.
Tôi xin chân thành cảm ơn !
._.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 2499.doc