MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Ở Việt Nam, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò rất quan trọng trong suốt quá trình đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua ngành nông nghiệp nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế mang nhiều yếu tố tự nhiên, tự túc, tự cấp sang nền kinh tế hàng hóa, từ nền kinh tế với hai thành phần kinh tế là chủ yếu vận hành theo cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế nhiều thành phần vận hành th
102 trang |
Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 1679 | Lượt tải: 2
Tóm tắt tài liệu Sự phân hóa của các hộ nông dân Việt Nam trong những năm 1988 - 2006, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
eo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Kéo theo đó là đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân quanh năm vất vả đã được cải thiện, công bằng hơn trong tiếp cận các cơ hội phát triển.
Hộ nông dân là chủ thể sản xuất của nền kinh tế nông nghiệp đã trải qua biết bao biến cố thăng trầm khác nhau trong lịch sử. Hộ nông dân từng giữ vai trò là chủ thể sản xuất, rồi lại như là “người làm công” cho hợp tác xã và đến nay hộ nông dân đã chính thức có vị thế trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Kinh tế hộ nông dân luôn vươn lên và tự khẳng định mình có vai trò quan trọng tạo nên những chuyển biến lớn lao trong nông nghiệp. Song với tư cách là đơn vị kinh tế tự chủ trong hoạt động sản xuất theo cơ chế thị trường, dưới tác động khách quan của các quy luật kinh tế cung - cầu, trong nội bộ các hộ nông dân lại đang diễn ra sự phân hóa rõ nét và không kém phần phức tạp suốt trong quá trình vận động và phát triển kinh tế nông thôn.
Trong xu thế quốc tế hóa, nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường đang diễn ra thì việc nghiên cứu sự phân hóa của các hộ nông dân là vô cùng cần thiết nhằm góp phần tìm hiểu thực trạng của sự phân hóa cùng những khó khăn hạn chế mà hộ nông dân đang gặp phải để có những chính sách, giải pháp có cơ sở lý luận, thực tiễn tạo điều kiện phát triển kinh tế hộ nông dân đồng thời bảo đảm cho quá trình phân hóa phù hợp với mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Xuất phát từ tình hình và ý nghĩa như trên, chúng tôi đã lựa chọn đề tài này cho khóa luận tốt nghiệp của mình:
Sự phân hóa của các hộ nông dân Việt Nam trong những năm 1988 - 2006.
2. Tình hình nghiên cứu
Hộ nông dân không phải là đề tài mới, nó đã được không ít các học giả Việt Nam cũng như học giả nước ngoài nghiên cứu trên nhiều mảng và lĩnh vực khác nhau:
- Nhóm tài liệu thống kê qua các đợt khảo sát do Tổng cục Thống kê xuất bản: Kết quả tổng điều tra nông thôn và nông nghiệp năm 1994 (xuất bản năm 1995); Tư liệu kinh tế - xã hội chọn lọc từ kết quả các cuộc điều tra quy mô lớn những năm 1990 - 1996 (xuất bản năm 1998); Kết quả điều tra kinh tế - xã hội hộ gia đình 1994 - 1997 (xuất bản năm 1999); Kết quả điều tra đời sống kinh tế hộ gia đình năm 1999 (xuất bản năm 2000), Báo cáo sơ bộ kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp, thủy sản năm 2006 (xuất bản năm 2006), cùng các niên giám thống kê qua các năm 1994, 2001, 2006…
- Nhóm các công trình nghiên cứu trực tiếp về hộ nông dân dưới góc độ kinh tế như: Kinh tế hộ - Lịch sử và triển vọng phát triển của Vũ Tuấn Anh, Trần Thị Vân Anh (xuất bản năm 1997); Kinh tế hộ nông dân của GS.VS Đào Thế Tuấn (xuất bản năm 1997); Kinh tế hộ trong nông thôn Việt Nam do Chu Văn Vũ chủ biên (xuất bản năm 1995); Trang trại gia đình bước phát triển mới của kinh tế hộ nông dân của Nguyễn Đình Điền (xuất bản năm 2000), hay như các luận văn, luận án: Kinh tế hộ nông dân Việt Nam trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp của Hoàng Thị Thành, Kinh tế hộ nông dân trong sự phát triển nền kinh tế hàng hóa ở nước ta của Vũ Văn Yên…
- Nhóm các công trình đề cập đến đổi mới kinh tế nông nghiệp, nông thôn nói chung: Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, Thành tựu - Vấn đề và triển vọng do PTS. Nguyễn Văn Bích chủ biên (xuất bản năm 1994); Một số vấn đề về nông nghiệp, nông thôn hiện nay của Bùi Huy Đáp - Nguyễn Điền (xuất bản năm 1996)…và nhiều công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học đề cập đến từng mảng vấn đề cụ thể như: ruộng đất, trang trại, phân hóa xã hội …
- Bên cạnh đó còn có những công trình nghiên cứu đề cập đến các vấn đề xã hội như: Giàu nghèo trong nông thôn hiện nay của Nguyễn Văn Tiêm (xuất bản năm 1993); Khuynh hướng phân hóa hộ nông dân trong phát triển sản xuất hàng hóa của Nguyễn Xuân Nguyên (xuất bản năm 1995)…
- Trong những năm gần đây cũng đã có những công trình nghiên cứu nông nghiệp, nông dân dưới góc độ lịch sử: Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam của PGS.TS Trương Thị Tiến (xuất bản năm 1999); Quá trình xác lập vai trò tự chủ của kinh tế hộ nông dân trong nông nghiệp Việt Nam hiện nay (thời kỳ đổi mới) của Trương Thị Tiến (in trong tạp chí Khoa học ĐHQGHN, số 4/2002); Đề tài cấp ĐHQGHN: Một số vấn đề về kinh tế hộ nông dân Việt Nam thời kỳ đổi mới (Đề tài khoa học cấp Đại Học Quốc gia - mã số Qx 99.01)do PGS.TS Trương Thị Tiến chủ trì (năm 2003); Luận văn thạc sỹ: Đảng lãnh đạo phát triển kinh tế hộ nông dân trong nông thôn Việt Nam (1981 - 2001) của Đinh Thị Cẩm Tú…
Tuy nhiên hầu hết các công trình trên đều nghiên cứu về hộ nông dân dưới góc độ kinh tế là chính, cho thấy những khó khăn và thuận lợi, hiện trạng và tình hình sản xuất kinh tế - xã hội của các hộ nông dân hoặc những vấn đề lý luận chung. Có rất ít các công trình tiếp cận vấn đề phân hóa hộ nông dân Việt Nam trong thời kỳ đổi mới dưới góc độ lịch sử. Hơn nữa các công trình chủ yếu tập trung nghiên cứu trong khoảng thời gian thập niên 90 của thế kỷ XX.
3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu
- Mục đích: Nghiên cứu về hộ nông dân ở các mảng khác nhau là một lĩnh vực rất rộng lớn và đầy khó khăn phức tạp. Do vậy trong khuôn khổ của khóa luận tốt nghiệp này, chúng tôi không có tham vọng đi nghiên cứu toàn diện mọi mặt của các hộ nông dân mà chỉ thông qua nghiên cứu những ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường cùng các chính sách của Nhà nước có tác động như thế nào tới sự phân hóa của các hộ, để từ đó nhằm tập trung đi sâu phân tích thực trạng của sự phân hóa và đánh giá mức độ của sự phân hóa trong nội bộ các hộ nông dân.
- Nhiệm vụ:
+ Nêu lên những yếu tố tác động đến sự phân hóa của các hộ nông dân Việt Nam.
+ Phân tích sự phân hóa về nguồn lực sản xuất và phân hóa ngành nghề của các hộ nông dân Việt Nam.
+ Phân tích sự phân hóa về thu nhập và thực trạng phân hóa giàu nghèo của các hộ nông dân nước ta.
Thông qua việc giải quyết từng nhiệm vụ trên, bức tranh về sự phân hóa của các hộ nông dân Việt Nam trong nền kinh tế thị trường đã dần được bộc lộ theo từng khía cạnh.
4. Đối tượng, phạm vi, nguồn tài liệu nghiên cứu
- Đối tượng: Tập trung nghiên cứu về thực trạng sự phân hóa trong nội bộ các hộ nông dân Việt Nam.
- Phạm vi: Trong khuôn khổ của một khóa luận tốt nghiệp và những giới hạn về mặt thời gian, chúng tôi xin chỉ tập trung nghiên cứu vào vấn đề phân hóa của các hộ nông dân về nguồn lực sản xuất (ruộng đất, vốn, nhân lực), về ngành nghề, về thu nhập và tình trạng phân hóa giàu nghèo ở nước ta trong khoảng thời gian từ năm 1988 đến năm 2006.
- Nguồn tài liệu chính của khóa luận này là các sách báo, các công trình nghiên cứu khoa học về hộ nông dân, bên cạnh đó là các số liệu niên giám thống kê cũng như các cuộc tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn qua các năm.
5. Phương pháp nghiên cứu
Xuyên suốt quá trình thực hiện khóa luận này, chúng tôi sử dụng phương pháp nghiên cứu lịch sử là chủ yếu, có kết hợp với phương pháp hệ thống: thống kê, lập bảng biểu, so sánh số liệu điều tra từ các kết quả thống kê trên các sách báo, niên giám để từ đó rút ra sự phân hóa của các hộ nông dân trong quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam .
6. Bố cục khóa luận
Ngoài hai phần mở đầu, kết luận, phần nội dung của khóa luận được bố cục thành ba chương chính như sau:
+ Chương 1: Một số yếu tố tác động đến sự phân hóa của các hộ nông dân Việt Nam trong những năm 1988 - 2006.
+ Chương 2: Sự phân hóa về nguồn lực sản xuất và ngành nghề của các hộ nông dân Việt Nam trong những năm 1988 - 2006.
+ Chương 3: Sự phân hóa về thu nhập và tình trạng giàu nghèo của các hộ nông dân Việt Nam trong những năm 1988 - 2006.
Chương 1.
MỘT SỐ YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN SỰ PHÂN HÓA CỦA CÁC HỘ NÔNG DÂN VIỆT NAM TRONG NHỮNG NĂM 1988 - 2006.
1.1. Khái niệm hộ, hộ nông dân, hộ nông thôn và một số đặc điểm.
Hộ nông dân là đối tượng nghiên cứu chủ yếu của khoa học nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tất cả các hoạt động nông nghiệp và phi nông nghiệp ở nông thôn chủ yếu được thực hiện qua sự hoạt động của hộ nông dân nông thôn. Tuy nhiên, hộ, hộ nông dân, hộ nông thôn, hộ gia đình là những khái niệm còn chưa được thống nhất. Cho đến nay cũng chưa có một sự bàn thảo thấu đáo nào về khái niệm hộ và phương pháp nghiên cứu về hộ ở Việt Nam.
Nhóm tác giả của công trình nghiên cứu Kinh tế hộ trong nông thôn Việt Nam do Chu Văn Vũ chủ biên cho rằng khi phân định cần lưu ý một số điểm:
+ Hộ là một nhóm người cùng huyết tộc hay không cùng huyết tộc.
+ Hộ cùng sống chung hay không cùng sống chung một mái nhà.
+ Có chung một nguồn thu nhập và ăn chung (ăn chung ở đây có hàm nghĩa phân phối chung nguồn thu nhập mà các thành viên của hộ sáng tạo ra trong một khoảng thời gian nhất định).
+ Cùng tiến hành sản xuất chung [60; 11].
Trong quá trình phát triển kinh tế thì hộ giữ một vai trò hết sức quan trọng. Hộ là đơn vị sản xuất và tái sản xuất chứa đựng các yếu tố hay năng lực của quá trình tái sản xuất. Hộ là một đơn vị sản xuất, tự thực hiện quá trình tái sản xuất dựa trên việc phổ biến các nguồn lực vào các ngành kinh tế để thực hiện tốt các chức năng của nó. Trong quá trình đó, nó có mối liên hệ chặt chẽ với các đơn vị kinh tế khác và với hệ thống kinh tế quốc gia, khai thác các nguồn lực của hộ sẽ góp phần đẩy mạnh hệ thống kinh tế quốc gia phát triển. Xem xét các nguồn vốn sản xuất của hộ cũng như các yếu tố sản xuất bên trong của hộ như đất đai, lao động, công cụ sản xuất, vốn lưu động…có thể thấy những đặc điểm của kinh tế hộ trong nông thôn nước ta và những khả năng cũng như xu thế phát triển của nó [60; 25].
Nhóm tác giả cũng cho rằng gia đình là cơ sở của hộ nói chung. Gia đình - một loại hình hộ - chứa đựng các yếu tố để hình thành những loại hình hộ mở rộng khác. Nhưng hộ và gia đình là hai khái niệm khác nhau. Hộ có thể là một gia đình hạt nhân nhưng có khi là một đại gia đình. Một hộ có thể có hoặc không có gia đình nào hết, Tuy nhiên, trong gia đình cũng có thể có một hoặc nhiều hộ. Ở Việt Nam, mỗi hộ gia đình đều có sổ hộ khẩu riêng, trong đó có ghi mối quan hệ giữa thành viên với chủ hộ. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng của Nhà nước trong việc quản lý hành chính trên nhiều phương diện kinh tế, chính trị, xã hội.
Nhóm tác giả Vũ Tuấn Anh, Trần Thị Vân Anh trong công trình nghiên cứu Lịch sử và triển vọng phát triển kinh tế hộ cho rằng:…hộ có những đặc điểm thay đổi theo thời gian lịch sử. Khi trình độ phát triển của xã hội còn thấp, gia đình với kinh tế tự cấp, tự túc là thành tố cơ bản tạo nên hộ. Gia đình như vậy cùng sống chung dưới một mái nhà, cùng làm chung và ăn chung. Song khi xã hội phát triển hơn, thì thành viên của hộ không còn làm chung và ăn chung nữa. Họ có thể cùng sống chung nhưng làm việc ở những nơi khác nhau và có thể chỉ đóng góp một phần thu nhập vào một số hoạt động chung của hộ. Trình độ phát triển của xã hội cao, tính độc lập cá nhân của mỗi thành viên cao hơn thì tiêu thức chính còn lại để xác định hộ là sự cư trú chung [1; 51].
Hộ nông dân ở Việt Nam là một tế bào kinh tế, xã hội, là hình thức tổ chức cơ sở của kinh tế nông nghiệp trong đó các thành viên của hộ gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân huyết thống. Hộ nông dân đến nay được hiểu theo nhiều cách khác nhau, hộ bao gồm các đối tượng nào chưa có sự thống nhất trong nghiên cứu.
Hộ nông dân theo cách hiểu truyền thống trước đây được định nghĩa là các nông hộ, thu hoạch các phương tiện sống từ ruộng đất, sử dụng chủ yếu lao động gia đình trong sản xuất nông trại, nằm trong một hệ thống kinh tế rộng hơn, nhưng về cơ bản được đặc trưng bằng việc tham gia một phần trong thị trường hoạt động với một trình độ hoàn chỉnh không cao [64; 51]. Theo cách hiểu truyền thống này thì hộ nông dân là hộ làm nghề nông nghiệp và chỉ sống ở nông thôn mà thôi.
Một cách hiểu khác, hộ nông dân là các hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản sống ở khu vực nông thôn. Theo cách định nghĩa này thì đã loại bỏ đi một số lượng tương đối lớn các hộ cùng ngành nghề này nhưng sống ở vùng ngoại thành, ngoại thị.
Ngoài ra, hộ nông dân còn được định nghĩa như sau: hộ nông dân là các hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản sống ở khu vực nông thôn và thành thị. Từ đó đặt ra vấn đề là những hộ hoạt động trong các ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn thì về thành phần xã hội xếp họ vào đối tượng nào? Cũng có quan điểm xếp họ vào tầng lớp tiểu thương, tiểu chủ những quan điểm chung cho rằng xếp như vậy là chưa đủ độ chín. Hơn nữa, có một thực tế là đa số các hộ nông nghiệp đều làm thêm một ngành nghề phụ gì đó và các hộ chuyên nghề nghiệp ở nông thôn vẫn duy trì sản xuất nông nghiệp.
Theo Đào Thế Tuấn trong Kinh tế hộ nông dân thì hộ nông dân là những hộ chủ yếu hoạt động nông nghiệp theo nghĩa rộng, bao gồm cả nghề rừng, nghề cá và hoạt động phi nông nghiệp ở nông thôn [64; 75]. Nghĩa là các hộ nông dân ngoài hoạt động nông nghiệp còn tham gia vào các hoạt động phi nông nghiệp ở các trình độ khác nhau nên không có giới hạn thế nào là một hộ nông dân. Như vậy, theo cách này hộ nông dân được hiểu bao gồm tất cả các hộ làm nông, lâm, ngư nghiệp sống ở nông thôn, ngoại thành, ngoại thị và các hộ hoạt động phi nông nghiệp sống ở nông thôn.
Hộ nông dân nhìn chung là chưa rõ ràng và thống nhất trong một quan điểm chung do đó, có thêm khái niệm hộ nông thôn. Đó là các cư dân sống và làm việc ở khu vực nông thôn hoạt động trong các ngành nông nghiệp và phi nông nghiệp. Điều này đặt ra vấn đề, đó là ranh giới nào để phân biệt nông thôn và thành thị với nhau khi mà chúng còn chưa xác định rõ ràng về mặt không gian, để từ đó phân biệt hộ nông thôn và hộ thành thị. Theo cách tính của Tổng cục thống kê, hộ nông thôn chỉ được tính từ cấp xã trở xuống chứ các hộ sống ở huyện lỵ, thị trấn thì không được gọi là hộ nông thôn.
Tuy nhiên những khái niệm trên đây chỉ mang ý nghĩa tương đối. Trong khuôn khổ một bài khóa luận tốt nghiệp cử nhân, khóa luận tập trung nghiên cứu các hộ nông dân sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản theo khái niệm hộ nông dân của GS.VS. Đào Thế Tuấn trong Kinh tế hộ nông dân .
Hộ nông dân Việt Nam có những đặc điểm sau:
+ Hộ nông dân là một đơn vị kinh tế cơ sở, vừa là một đơn vị sản xuất, vừa là một đơn vị tiêu dùng.
+ Quan hệ giữa tiêu dùng và sản xuất tùy thuộc vào trình độ phát triển của hộ từ tự cấp hoàn toàn đến sản xuất hàng hóa hoàn toàn. Trình độ này quyết định quan hệ giữa hộ nông dân và thị trường.
+ Các hộ nông dân ngoài hoạt động nông nghiệp còn tham gia vào các hoạt động phi nông nghiệp với các mức độ khác nhau khiến cho khó giới hạn thế nào là hộ nông dân.
Hộ nông dân Việt Nam còn có những đặc trưng cơ bản sau:
+ Quy mô sản xuất của kinh tế hộ nông dân nhìn chung vẫn còn nhỏ bé biểu hiện như sau: quy mô đất đai canh tác nhỏ, manh mún, biểu hiện rõ nét tính chất tiểu nông; Lao động của hộ chủ yếu là sử dụng sức lao động của các thành viên trong gia đình; Nguồn vốn sản xuất kinh doanh eo hẹp.
+ Hệ thống công cụ tuy có sự cải tiến nhưng nhìn chung mức độ cai tiến còn hạn chế. Kỹ thuật canh tác chưa có sự đột phá.
+ Nông nghiệp vẫn là nền tảng của kinh tế nông hộ, cơ cấu sản xuất ít có sự thay đổi.
+ Hộ nông dân đang chuyển từ mục tiêu sản xuất tự cấp, tự túc sang mục tiêu sản xuất hàng hóa.
1.2. Thực trạng sản xuất nông nghiệp và vai trò của hộ nông dân Việt Nam trước đổi mới cơ chế quản lý.
Hiện nay, hộ nông dân và mô hình kinh tế hộ nông dân với tư cách là đơn vị kinh tế tự chủ, có vai trò rất quan trọng và có những đóng góp to lớn đối với sự phát triển của kinh tế nông thôn, nông nghiệp. Thực tế lịch sử cũng đã chứng minh kinh tế hộ là mô hình tổ chức sản xuất phù hợp nhất với nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam và hộ nông dân là chủ thể của mô hình này. Nhưng như chúng ta cũng đã thấy, không phải thời kỳ nào, hộ nông dân cũng có vị trí, vai trò như vậy. Có những lúc mô hình “hộ” này đã đi lệch con đường phát triển của mình bởi những chính sách của Nhà nước để rồi kéo theo nền kinh tế nông nghiệp nước nhà suy giảm trầm trọng. Vậy thì thực trạng sản xuất nông nghiệp của các hộ nông dân diễn ra như thế nào trong suốt thời gian đã qua:
1.2.1. Trong những năm khôi phục và phát triển kinh tế (1955 - 1957).
Trong những năm 1953 - 1957, Đảng ta đã phát động nông dân tiến hành cải cách ruộng đất, về cơ bản hơn 2 triệu hộ nông dân được chia cấp 81 vạn ha ruộng đất. Mặc dù có một số sai lầm nhưng cải cách ruộng đất đã xóa bỏ căn bản chế độ chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ phong kiến, đem lại ruộng đất cho nông dân, góp phần hình thành hàng triệu hộ tiểu nông với mức ruộng đất xấp xỉ với mức bình quân chung của địa phương. Tháng 5.1955, Chính Phủ ban hành một loạt các chính sách khuyến khích sản xuất: bảo đảm quyền sở hữu ruộng đất của hộ nông dân; khuyến khích nông dân khai hoang, tự do thuê mướn trâu bò, vay và cho vay, khuyến khích các hình thức đổi công tương trợ, ban hành chính sách thuế sửa đổi nhằm giảm mức đóng góp của nông dân sau chiến tranh…Những chính sách này thực sự đã giải phóng năng lực sản xuất của hộ nông dân, các hộ trở thành đơn vị kinh tế tự chủ và là hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu trong nông nghiệp. Các hộ nông dân được tạo điều kiện để phát triển sản xuất theo quy mô từng hộ gia đình. Hình thức tổ chức theo từng hộ gia đình còn phù hợp với tính chất, trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Bên cạnh đó, Đảng bước đầu chủ trương hình thành các tổ đổi công và thí điểm các mô hình hợp tác xã bậc thấp trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc “tự nguyện, cùng có lợi và quản lý dân chủ”. Thực hiện chủ trương đó, các tổ đổi công, tổ vần công đã ra đời và thí điểm xây dựng một số hợp tác xã nông nghiệp bậc thấp, quy mô nhỏ. Chủ trương này được nông dân ủng hộ, hợp tác theo nguyên tắc “công đổi công”.
Do hình thức tổ chức sản xuất phù hợp nên mặc dù Nhà nước chưa đầu tư cho nông nghiệp nhiều nhưng kinh tế nông nghiệp thời kỳ này vẫn phát triển vượt hơn hẳn so với mức sản xuất của năm 1939. Thật vậy, năm 1956 sản lượng lương thực đạt 4,7 triệu tấn, vượt mức năm 1939 là năm có sản lượng lương thực cao nhất thời Pháp thuộc (năm 1939 đạt 2,7 triệu tấn lương thực). Sản xuất nông nghiệp không những đảm bảo đủ lương thực cung cấp cho nhu cầu trong nước, mà còn dư thừa để xuất khẩu gạo, hai năm 1956 - 1957 là thời kỳ hoàng kim của nông nghiệp Việt Nam trước đổi mới.
Bảng số liệu sau đây thể hiện rõ nhất tình hình sản xuất nông nghiệp Việt Nam thời kỳ này:
Bảng 1.1. Kết quả sản xuất nông nghiệp miền Bắc Việt Nam thời kỳ
1955 - 1957.
Nguồn: PGS.TS Nguyễn Sinh Cúc (1995), Nông nghiệp Việt Nam 1945 - 1995, Nxb.Thống Kê, Hà Nội, tr.17.
Sự phát triển của sản xuất nông nghiệp trên đây chính là kết quả của tinh thần làm chủ của nông dân được phát huy sau những thay đổi lớn lao về chế độ chính trị, về quyền sở hữu ruộng đất, về mô hình tổ chức sản xuất phù hợp. Lẽ ra mô hình tổ chức sản xuất này phải được củng cố, hoàn thiện, nâng cao tính chất hợp lý của nó. Nhưng đáng tiếc là kinh tế hộ tự chủ lại chỉ được phép tồn tại một thời gian ngắn giống như bước đệm để tiến tới xây dựng mô hình tổ chức sản xuất được coi là cao hơn - hợp tác trên cơ sở tập thể hóa.
Tuy nhiên, kinh tế hộ thời kỳ này cũng có những điểm hạn chế nhất định và đương nhiên sản xuất nhỏ đang gây khó khăn cho việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, cải tạo đồng ruộng. Sản xuất cá thể cũng đã bắt đầu dẫn đến sự phân hóa về mức thu nhập giữa hộ làm ăn giỏi với những hộ không có kinh nghiệm sản xuất hoặc gặp rủi ro trong cuộc sống. Trên thực tế, một số nơi sau cải cách ruộng đất đã có sự phân hóa giàu nghèo ở mức độ nhất định. Điều đó trái với mục tiêu công bằng xã hội và trong tương lai có thể dẫn đến những bất công lớn, thậm chí còn có thể tạo ra mảnh đất tốt để chủ nghĩa tư bản phát triển (theo quan điểm nhận thức của thời kỳ đó). Vì thế việc ngăn chặn con đường phát triển tự phát của sản xuất nhỏ, đẩy nhanh tốc độ xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa được coi là nhiệm vụ trọng yếu của cách mạng lúc này [50; 31].
1.2.2. Trong những năm tập thể hóa nông nghiệp 1958 - 1980.
Vào những năm 1957 - 1958, kinh tế hộ nông dân vẫn là tự cấp, tự túc, những tiền đề kinh tế khách quan cho sự hợp tác tự nguyện của hộ nông dân chưa xuất hiện, thế nhưng chúng ta đã tiến hành tập thể hóa một cách tập trung ồ ạt. Hợp tác hóa nông nghiệp diễn ra từ thấp đến cao nhưng với một tốc độ đặc biệt nhanh chóng. Đến cuối năm 1960, việc xây dựng hợp tác xã ở miền Bắc đã vượt ngoài mong đợi với tổng số 40.422 hợp tác xã, thu hút 85,8% số hộ nông dân tham gia. Mấu chốt của vấn đề hợp tác hóa đó là Nhà nước tập trung tiến hành xóa bỏ kinh tế hộ nông dân đã thiết lập từ thời kỳ trước để tập thể hóa triệt để ruộng đất, sức lao động, các tư liệu sản xuất của nông dân vào hợp tác xã. Tập thể hóa được coi là tiêu chí cao nhất và là căn cứ để đánh giá mức độ xã hội chủ nghĩa của các hình thức tổ chức sản xuất; tổ đổi công mầm mống xã hội chủ nghĩa, hợp tác xã bậc thấp - nửa xã hội chủ nghĩa, hợp tác xã bậc cao - xã hội chủ nghĩa. Quản lý điều hành quá trình sản xuất của các hộ nông dân được tập trung vào tay ban quản trị hợp tác xã được chọn từ thành phần bần, cố nông những người không có khả năng và kinh nghiệm quản lý. Các quan hệ mua bán, trao đổi bị cấm đoán, ruộng đất bị công hữu hóa, làm cho hộ nông dân hình thành hai loại: Một số ít các hộ nông dân cá thể, số này ngày càng giảm và đại đa số là các hộ gia đình xã viên (trong các nông, lâm trường là các hộ công nhân xã viên).
Những thiếu sót trong quá trình hợp tác hóa nông nghiệp và sự yếu kém trong tổ chức quản lý các hợp tác xã cùng với việc thực hiện cơ chế quản lý tập trung, kế hoạch hóa trực tiếp, duy trì chế độ “cộng sản thời chiến” kéo dài đã làm cho các hộ mất hết quyền tự chủ, sản xuất nông nghiệp dần trì trệ, thu nhập của các hộ xã viên giảm đi so với thời kỳ trước. Mức bình quân thu nhập của xã viên trong những năm 1958 - 1960 đạt 0,98 đồng/công, trong những năm 1961 - 1965 giảm xuống còn 0,74 đồng/công. Năm 1961, mức phân phối lương thực cho xã viên hợp tác xã là 24kg/tháng, giảm xuống còn 14 kg/tháng vào năm 1965 [49;28]. Mặc dù vậy, mô hình tập thể hóa cùng với cơ chế tập trung quản lý, bao cấp do những điều kiện đặc biệt lại càng phát triển, Đảng và Nhà nước ra sức tiếp tục đầu tư củng cố hợp tác xã nông nghiệp từ bậc thấp lên bậc cao. Kết quả là kinh tế nông nghiệp thực sự đang đi đến bờ vực khủng hoảng, đời sống nhân dân sa sút, đã có hàng vạn nông dân xin ra khỏi hợp tác xã.
Bước sang những năm 1975 - 1980, mô hình tập thể hóa, tập trung hóa, chuyên môn hóa được nhân rộng ra trong cả nước và đây cũng là thời kỳ mô hình tập thể hóa phát triển cao nhất cả trong lý luận lẫn thực tiễn. Nhà nước ra sức đầu tư cho nông nghiệp song kết quả lại không được như mong muốn, mô hình này ngày càng khủng hoảng, hợp tác xã càng mở rộng thì quy mô, tình trạng sản xuất nông nghiệp lại càng trì trệ.
Điều đáng buồn hơn, mô hình sở hữu tập thể ở miền Bắc lại được áp dụng vào nông thôn Nam Bộ trong quá trình cải tạo nông nghiệp, mặc dù đặc điểm sản xuất nông nghiệp và nông thôn Nam Bộ hoàn toàn khác biệt. Ở đây sản xuất nông nghiệp bước đầu đã mang tính chất một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, việc áp dụng mô hình tập thể hóa này một cách tùy tiện không tính đến điều kiện đặc thù của Nam Bộ đã kéo nền nông nghiệp nơi đây quay trở lại tự cấp, tự túc, lãng phí không nhỏ vốn liếng, tài sản mà họ tích lũy được theo kiểu cào bằng bình quân chủ nghĩa. Do sự sai lầm này mà kết quả là càng tập thể hóa thì sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh phía Nam càng suy giảm. So với năm 1978 thì năm 1980, diện tích đất canh tác giảm đi 9,45 vạn ha, sản lượng lương thực giảm 4,1 vạn tấn. Đến cuối năm 1979, hàng loạt các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất tan rã ngay sau khi được đánh giá là hoàn thành hợp tác hóa nông nghiệp. Năm 1980, toàn miền chỉ còn lại 3.732 tập đoàn sản xuất và 173 hợp tác xã quy mô vừa [49; 48-49]. Tình trạng trên không chỉ xảy ra ở các tỉnh miền Nam mà ở các tỉnh miền Bắc, xản xuất nông nghiệp cũng giảm xuống nhanh chóng làm cho đời sống của xã viên đã thấp nay lại càng thấp hơn, bình quân lương thực 1 khẩu/1 tháng từ 1976 đến 1980 như sau: năm 1976: 15,4kg thóc, 1977 là 12,0kg, 1978 là 11,6 kg, 1979 là 11,9kg, 1980 là 10,4kg [49; 47].
Như vậy, hộ nông dân với tư cách là đơn vị kinh tế đã bị triệt tiêu hoàn toàn. Với kiểu tổ chức lao động tập thể, các thành viên trong một gia đình xé lẻ, phân tán vào các đội chuyên, đội cơ bản và được đặt dưới sự quản lý và điều hành theo kiểu công nghiệp. Hậu quả là lao động tách rời ruộng đất và sản phẩm cuối cùng, kinh tế hộ nông dân bị hòa tan vào kinh tế tập thể, hộ gia đình chỉ còn lại chức năng xã hội. Kinh tế ở đây mang tính chất chính trị, đã triệt tiêu mọi năng lực sản xuất của hộ nông dân, đó là chưa kể chế độ sở hữu tập thể còn là nơi ẩn náu cho những tệ nạn tham ô, lãng phí…Mô hình tập thể hóa đã xóa bỏ kinh tế hộ nông dân với các đặc trưng ưu việt của nó về bản chất là phi kinh tế, điều đó dẫn đến hậu quả là nông nghiệp trong những năm 1975 - 1980 đã lâm vào khủng hoảng.
Quá trình hợp tác hóa nông nghiệp diễn ra đồng thời với quá trình quá trình kinh tế hộ mất đi vai trò tự chủ. Hộ nông dân không còn vai trò gì đối với quản lý đất đai, điều hành tổ chức sản xuất, phân phối sản phẩm. Kinh tế hộ bị thu hẹp lại trong phạm vi kinh tế “phụ” gia đình trên mảnh đất 5% nhưng trên thực tế các hộ nông dân đều dồn công sức, vốn liếng tập trung đầu tư cho mảnh đất này. Mảnh ruộng 5% trở thành “mảnh đất thần kỳ”. Thực tiễn đã chứng minh, trong suốt thời gian phát triển của hợp tác xã bậc cao, thu nhập của xã viên từ hợp tác xã ngày càng giảm, trong khi đó phần thu nhập từ kinh tế phụ và thu khác lại tăng cao hơn và chiếm tỷ trọng tới 62,5% so với tổng thu nhập, phần thu từ các hợp tác xã chỉ chiếm 34,8%. Mặc dù bị hạn chế như vậy, bị coi là tự phát tư bản chủ nghĩa nhưng kinh tế “phụ” gia đình vẫn khẳng định vai trò của nó. Cụ thể như sau:
Bảng 1.2. Thu nhập bình quân đầu người một tháng của hộ nông dân tập thể (Đơn vị: %)
Nguồn: PGS.TS. Nguyễn Văn Bích (2007), Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam sau hai mươi năm đổi mới, quá khứ và hiện tại, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
Sức sống và vai trò to lớn của kinh tế gia đình còn được thể hiện ở sự trỗi dậy của hình thức khoán hộ bất chấp sự ngăn cản. Sự trỗi dậy không phải chỉ một lần và không phải chỉ ở một địa phương (Vĩnh Phúc, Hải Phòng), dần dần trở thành phổ biến ở nhiều địa phương (Phú Thọ, Thái Bình, Nghệ Tĩnh…), thể hiện nhu cầu bức xúc phải được thừa nhận, đánh giá đúng với bản chất của nó [50; 32]. Đứng trước thực trạng kinh tế - xã hội đó, Đảng ta cần phải nhìn nhận lại chủ trương, chính sách kinh tế của mình cho phù hợp với tình hình sản xuất nông nghiệp.
1.2.3. Trong những năm đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp (1981 - 1988).
Trước sự khủng hoảng của mô hình quản lý và sự giảm sút của tình hình sản xuất nông nghiệp, Đảng đã dần nhìn nhận lại chủ trương, chính sách kinh tế của mình. Trong thời kỳ trước, kinh tế hợp tác xã chiếm vị trí độc tôn, kinh tế hộ bị lấn át thành kinh tế “phụ” gia đình. Tuy nhiên kinh tế hộ vẫn luôn “sống” tiềm tàng và trỗi dậy, bất chấp sự ngăn cản từ phía Nhà nước. Việc “khoán chui” đã được thực hiện lần đầu tiên trên quê hương của đồng chí Kim Ngọc. Vĩnh Phúc, Hải Phòng là nơi xuất hiện hình thức khoán hộ từ thập niên 60 nhưng không được chấp nhận thì đến thập niên 70, hai địa phương này lại cũng là nơi xuất hiện lại hình thức khoán hộ. Việc khoán chui này dần lan rộng ra nhiều nơi khác như Phú Thọ, Thái Bình…đem lại những kết quả không ngờ cho sản xuất nông nghiệp. Khoán chui một mặt dường như là lối thoát bắt buộc trong tình thế khủng hoảng, mặt khác nó cũng phản ánh một số những khuyết tật của mô hình sản xuất tập thể và nó mở ra một hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp. Đó là khoán sản phẩm đến các hộ xã viên trong hợp tác xã. Trước hết là khoán hộ đối với rau màu được áp dụng tương đối phổ biến trong sản xuất vụ đông xuân ở nhiều hợp tác xã của miền Bắc. Do đó, những năm 1979 - 1980, diện tích, sản lượng, năng suất của vụ đông đều tăng nhanh, góp phần đáng kể vào việc tăng thêm rau màu, lương thực. Cách khoán này cũng đã được áp dụng linh hoạt vào sản xuất các loại cây nông nghiệp ngắn ngày (đay, lạc, đỗ tương, mía), một số cây công nghiệp ngắn ngày (chè, sơn, tằm) và đều cho kết quả tốt. Khi khoán hộ đối với rau màu trở thành phổ biến, ở nhiều nơi lại thực hiện khoán chui đối với cây lúa.
Sự xuất hiện của cơ chế khoán hộ lúc này đã dẫn đến cuộc đấu tranh giữa hai khuynh hướng cũ và mới về cơ chế quản lý nông nghiệp trong các hợp tác xã. Ở trung ương, trong các cơ quan nghiên cứu lý luận và chỉ đạo, một bộ phận cán bộ ủng hộ cơ chế khoán hộ, một bộ phận phản ứng gay gắt cho rằng khoán hộ sẽ làm xói mòn quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Ở địa phương cũng vậy, có nơi ủng hộ, tạo điều kiện cho cơ chế khoán được mở rộng; có nơi vẫn kiên quyết ngăn chặn. Để giải quyết mâu thuẫn trên, tháng 10.1980, Ban bí thư ra thông báo số 22 ghi nhận và cho phép các địa phương làm thử hình thức khoán sản phẩm đối với cây lúa. Sau khi có thông báo này, cơ chế khoán hộ được triển khai rộng rãi trong các hợp tác xã cả nước. Trên thực tế cơ chế khoán này đã tỏ ra ưu thế hơn hẳn so với cách khoán việc cũ, nó tạo ra một luồng sinh khí mới trong nông thôn, nông nghiệp nước ta vào thời điểm đó.
Trên cơ sở nhận định và phân tích tình hình thực tiễn lúc đó, tháng 1.1981, Ban bí thư Trung ương đã ban hành chỉ thị 100 CT/TW chủ trương mở rộng, quyết định thực hiện chế độ khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp. Đây được coi là bước đột phá, tạo tiền đề cho sự ra đời của hình thức, kinh tế hộ gia đình tự chủ sau đó. Mặc dù cơ chế khoán 100 còn nhiều hạn chế song thực sự nó đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Sau chỉ thị 100, mỗi vụ có trên 80% số hộ đạt và vượt khoán, riêng vụ đông xuân 1984 - 1985 có 92% số hộ vượt khoán. Năng suất thực tế đạt cao hơn từ 5 - 20% so với năng suất khoán của hợp tác xã. Từ 1981 - 1985, sản xuất nông nghiệp được khôi phục và phát triển. So với thời kỳ 1976 - 1980, sản lượng lương thực quy thóc tăng 27%, năng suất lúa tăng 23,8%, diện tích cây công nghiệp hàng năm tăng 62,1%. Đàn bò tăng 33,2%, đàn lợn tăng 22,1%, lương thực cung ._.cấp cho Nhà nước tăng 2 lần. Tốc độ tăng sản lượng lương thực hàng năm là 5% cao hơn năm trước, năm 1981 bình quân là 273kg, năm 1982 là 299kg, năm 1983 là 296kg, năm 1984 tăng lên 303kg, năm 1985 là 304kg [10; 31].
Bảng 1.3. Sản xuất nông nghiệp thời kỳ 1981 - 1985.
Nguồn: Nguyễn Sinh Cúc (1991), Nông nghiệp Việt Nam 1945 - 1995, Nxb. Thống Kê, Hà Nội, tr. 31.
Sản xuất nông nghiệp phát triển, bước đầu chứng tỏ kinh tế hộ chính là mũi nhọn, là đầu tầu góp phần vào sự ổn định và phát triển của nông thôn Việt Nam. Đời sống của nông dân nói riêng và của toàn xã hội nói chung được cải thiện.
Tuy nhiên cơ chế khoán sản phẩm theo tinh thần của chỉ thị 100 CT/TW vẫn còn thực hiện trên cơ sở duy trì chế độ sở hữu tập thể về tư liệu sản xuất và nhiều yếu tố của cơ chế cũ. Vì vậy mà một thời gian sau khi phát huy tác dụng, cơ chế khoán 100 đã bộc lộ những hạn chế, nhược điểm. Trong cơ chế này, người nông dân được làm chủ 3 khâu, còn 5 khâu vẫn do hợp tác xã quản lý điều hành, nhiều khi những khâu này không đáp ứng được yêu cầu về thời vụ cũng như chất lượng công việc, do đó ảnh hưởng đến năng suất. Việc tăng mức khoán đã triệt tiêu động lực kích thích sản xuất của các hộ xã viên, càng vượt khoán thì lại càng phải nộp cho hợp tác xã nhiều do mức khoán và ruộng khoán không ổn định, không đồng đều. Tỷ lệ vượt khoán mà người nông dân được hưởng chỉ còn có 20%. Năm 1987 sản xuất lương thực giảm gần 1 triệu tấn so với năm 1986, nạn đói kéo dài từ tháng 3.1987 đến tháng 3.1988, đã làm cho đời sống kinh tế - xã hội khủng hoảng, tình hình nông nghiệp trở nên trì trệ. Trước tình hình đó, nhiều địa phương đã cải tiến khoán 100 thành khoán gọn đến hộ gia đình xã viên và đã thu được kết quả tốt. Nhằm khắc phục những hạn chế trong khoán 100 và tiến hành đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp vào ngày 5.4.1988, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết 10 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp. Nghị quyết là bước ngoặt lớn lao trong việc thay đổi nhận thức và đổi mới tư duy quản lý. Đó là việc khẳng định hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ, được giao quyền sử dụng ruộng đất ổn định lâu dài; được quyền tự chủ trong quá trình sản xuất kinh doanh. Nhà nước còn thực hiện chính sách thương mại hóa vật tư, chính sách một giá, nông dân chỉ có nghĩa vụ nộp thuế và được tự do lưu thông trao đổi hàng hóa của mình ở nơi có lợi nhất, tạo ra những tiền đề để kinh tế thị trường đi vào nông thôn. Như vậy, vai trò của kinh tế hộ nông dân đã được khôi phục và mở ra khả năng rộng lớn cho việc giải phóng sức lao động, khai thác có hiệu quả các tiềm năng trong nông nghiệp, đưa lại sự phát triển vượt bậc trong sản xuất nông nghiệp.
1.3. Một số yếu tố tác động dẫn đến sự phân hóa của các hộ nông dân Việt Nam trong những năm 1988 - 2006.
Trước tiên muốn tìm hiểu được những yếu tố nào có tác động tới sự phân hóa giữa các hộ nông dân, chúng ta cần phải nắm được định nghĩa sự phân hóa các hộ nông dân là gì? Quá trình phân hóa đó có thể diễn ra theo những chiều hướng nào? Và quá trình phân hóa đó được phản ánh qua những mặt nào của đời sống kinh tế - xã hội của các hộ nông dân?
Phân hóa các hộ nông dân là một quá trình tự nhiên trong quá trình phát triển nền sản xuất hàng hóa, trong đó những mặt khác nhau ban đầu (về vốn, tư liệu sản xuất, thu nhập, quy mô sản xuất…) giữa các hộ này ngày càng tăng lên, hình thành những nhóm hộ có các đặc điểm khác nhau.
Quá trình phân hóa các hộ nông dân có thể diễn ra theo hai chiều hướng tích cực và tiêu cực:
+ Phân hóa tích cực: là quá trình biến đổi trong đó các hộ nông dân đều đạt được hiệu quả sản xuất ngày một tăng, thu nhập của các hộ ngày càng cao, đời sống được cải thiện…Mặc dù vẫn có khoảng cách về thu nhập giữa các hộ nhưng nhìn chung tất cả các hộ nông dân đều được hưởng lợi ích ngày càng tăng trong quá trình phân hóa và phát triển của bản thân họ cũng như của cả nền kinh tế.
+ Phân hóa tiêu cực: là quá trình biến đổi trong đó sự khác biệt giữa các hộ nông dân ngày càng có xu hướng tăng lên theo chiều hướng ngược nhau - một bộ phận nhỏ hộ nông dân trở thành các nhà sản xuất lớn, còn một bộ phận khác vẫn duy trì sản xuất ở mức tự cung, tự cấp như cũ và một bộ phận trở nên nghèo khổ hơn. Điều đó có nghĩa là trong quá trình phân hóa, không phải tất cả các hộ nông dân đều được hưởng các lợi ích ngày càng tăng lên của xã hội mà ngược lại đời sống của một bộ phận dân cư nghèo hơn đi.
Sự phân hóa tất yếu đó diễn ra theo chiều hướng nào có lợi hay có hại, điều đó tùy thuộc rất nhiều vào các yếu tố tác động cùng những chính sách vĩ mô của Đảng và Nhà nước ta. Vậy thì những yếu tố nào tác động sâu sắc dẫn tới sự phân hóa của các hộ nông dân ở Việt Nam:
1.3.1. Điều kiện tự nhiên và xã hội
Một số nhà nghiên cứu cho rằng quá trình phân hóa của các hộ nông dân diễn ra chủ yếu dưới tác động của các điều kiện tự nhiên, xã hội và các điều kiện này được xem như một định mệnh phân định số phận của từng hộ nông dân vậy. Quan điểm này không hoàn toàn đúng bởi lẽ nếu chúng ta nhìn nhận sự phân hóa hộ nông dân theo quan điểm này thì có nghĩa là chúng ta chấp nhận quá trình phân hóa là tự nhiên, khó thay đổi và tự phát tiêu cực, như vậy thì yếu tố chính sách Nhà nước cùng các yếu tố năng lực sản xuất kinh doanh của từng hộ và quy luật cạnh tranh không có vai trò, tác động gì đáng kể sao?
Đành rằng điều kiện tự nhiên có ảnh hưởng rất mạnh tới quá trình phân hóa của hộ nông dân, bởi trước hết nó ảnh hưởng tới việc hình thành cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Thật vậy, vị trí địa lý có ý nghĩa quan trọng, là một trong yếu tố ảnh hưởng lớn tới sự phân hóa, nếu hộ nông dân nào kinh doanh sản xuất tại vùng kinh tế tốt sẽ có khả năng mở rộng thị trường, tiếp thu các nguồn lực bên trong cũng như từ bên ngoài khác như công nghệ khoa học kỹ thuật, nguồn vốn…tiêu biểu như vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Đông Nam Bộ…Ngược lại, nếu một vùng có vị trí địa lý bất lợi thì việc thu hút các nguồn lực bên trong gặp rất nhiều khó khăn, chẳng hạn như vùng Tây Bắc, Đông Bắc.
Địa hình, khí hậu là yếu tố có ảnh hưởng không kém phần quan trọng vào sự phân hóa của các hộ nông dân, vùng nào có địa hình bằng phẳng, khí hậu mưa thuận gió hòa, đất đai màu mỡ đa dạng thì nơi đó sẽ phát triển đa dạng cơ cấu kinh tế nông nghiệp cây trồng, vật nuôi, để tiến tới xây dựng các vùng trọng điểm, chuyên canh khác nhau nhằm tận dụng mọi lợi thế mà thiên nhiên ưu đãi cho các hộ sinh sống và sản xuất tại các vùng này.
Chúng ta đều đã thấy rõ ràng, nếu như một vùng, một tỉnh nào ở vào vị trí, địa hình, khí hậu thuận lợi sẽ có khả năng phát triển đa dạng hóa sản phẩm, tiếp thu khoa học công nghệ, mở rộng thị trường tiêu thụ, tiếp thu các nguồn vốn kinh doanh…hơn các vùng, tỉnh không được thiên nhiên ưu đãi, và chắc chắn tất yếu sẽ dẫn đến các hộ nông dân sản xuất ở vùng ưu đãi thuận lợi hơn sẽ có mức thu nhập giàu hơn, phát triển hơn. Tuy nhiên, yếu tố tự nhiên khách quan không phải là yếu tố quyết định và khó thay đổi tới sự phân hóa hộ nông dân.
Người nông dân luôn đóng vai trò quyết định trong kinh tế nông nghiệp, là chủ thể của quá trình sản xuất nông nghiệp, chủ thể sở hữu đất đai. Họ là nguồn lực then chốt để nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất, là nhân tố thúc đẩy tiến bộ khoa học công nghệ dẫn đến quá trình phân hóa trong xã hội. Bằng năng lực thể chất, trí tuệ, kinh nghiệm kinh doanh của mình với mục tiêu sản xuất, các hộ nông dân đã tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có như đất đai, trâu bò, cây trồng, vốn tích tụ…đến các nguồn vốn đi vay, sự giúp đỡ của Nhà nước…để phân công tối đa sức lao động trong các hộ hay đi thuê mướn nhân công khác để nâng cao năng suất, cây trồng vật nuôi, tăng mức thu nhập, cải thiện đời sống. Bản thân các hộ nông dân luôn có ý thức vươn lên để làm giàu, để cải thiện chính đời sống của họ.
Những năm gần đây, dân số nông thôn vẫn tăng lên và chiếm tỷ lệ lớn: 60,7 triệu người, chiếm 73% dân số, lao động nông, lâm, thủy sản có tới 24,3 triệu người, với số lượng chiếm tới 56,8% tổng số lao động cả nước. Đây là nguồn lao động rất dồi dào, tiềm năng nếu như các hộ biết sử dụng và phân công lao động triệt để tận dụng mọi thời gian nông nhàn. Tuy nhiên, nguồn lao động này cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây ra sự phân hóa bởi vì, chất lượng lao động ở mỗi vùng miền có sự chênh lệch khá lớn. Vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người gặp nhiều khó khăn hơn trong việc phát triển văn hóa, giáo dục nên chất lượng lao động thường thấp hơn rất nhiều lần so với vùng đồng bằng, vùng ngoại thành, ngoại thị.
Như vậy, sự khác biệt về đất đai, khí hậu, môi trường sinh thái cũng như về dân cư, dân tộc, trình độ sản xuất và tập quán sinh sống giữa các vùng vừa tạo ra tính đa dạng trong kinh tế nông hộ đồng thời cũng tạo ra những nét khác biệt và đặc thù về cả quy mô, cấu trúc lẫn phương thức và trình độ phát triển. Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phân hóa về mọi mặt trong đời sống các hộ nông dân ở các vùng kinh tế khác nhau.
1.3.2. Tác động của quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp.
Trong suốt những năm từ 1958 - 1980, mô hình hợp tác xã tồn tại, đã nắm hết mọi tư liệu sản xuất, đất đai, vốn, nhân lực bằng cơ chế kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu, bao cấp. Người nông dân không được làm chủ quá trình sản xuất của mình, nguồn thu nhập bị “cào bằng” mang tính chất bình quân chủ nghĩa “tối thiểu 13, tối đa 18”, hình thức “rong công phóng điểm” xảy ra, khoán việc đến các xã viên đã không đạt kết quả như mong muốn. Mặc dù mô hình hợp tác xã cũng hạn chế phần nào sự phân hóa diễn ra giữa các hộ nông dân nhưng nó lại làm cho nền sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm sút trầm trọng và đến cuối những năm 70 gây ra tình trạng khủng hoảng kinh tế.
Để khắc phục tình hình trên, tháng 12.1980, Hội nghị Trung ương 9 (khóa IV) đã quyết định mở rộng khoán sản phẩm trong nông nghiệp và đến tháng 1.1981, Ban bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị 100 mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp. Mở ra bước tiến mới trong nông nghiệp, nông thôn, quan trọng hơn là các hộ nông dân dần được tự chủ. Quyền tự chủ của hộ nông dân được tái lập trên hai phương diện, đó là xã viên được giao đất sản xuất; hộ gia đình xã viên được làm chủ sản xuất trong 3 khâu là gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch…Tuy nhiên cơ chế khoán sản phẩm theo tinh thần chỉ thị 100 sau một thời gian phát huy tác dụng đã bộc lộ những hạn chế như ruộng khoán và mức khoán không ổn định, xã viên chưa làm chủ hoàn toàn về ruộng đất, mức khoán tăng, tình trạng “rong công phóng điểm” không chấm dứt làm cho thu nhập của người lao động từ kinh tế tập thể giảm sút. Hiệu lực của chỉ thị 100 mờ nhạt dần vì đây chỉ là giải pháp tình thế. Bởi lẽ nó mới là bước chuyển từ khoán việc sang khoán sản phẩm, từ khoán đội đến khoán hộ gia đình ở một số khâu chính; là bước quá độ từ kiểu quản lý và tổ chức sản xuất tập thể của các hợp tác xã sang phát huy quyền tự chủ của hộ xã viên chứ hộ nông dân chưa thực sự được làm chủ hoàn toàn quá trình sản xuất của mình.
Đến Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) đề ra đường lối đổi mới kinh tế toàn diện, căn bản. Xuất phát từ đổi mới tư duy kinh tế: chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, các chính sách kinh tế vĩ mô lần lượt được thực hiện như chính sách giá cả thị trường, tự do hóa lưu thông thương mại để chuyển nông nghiệp sang cơ chế thị trường, đổi mới chính sách kế hoạch hóa, chống lạm phát…
Theo tinh thần đổi mới kinh tế từ Đại hội Đảng lần thứ VI, để tiếp tục cải tiến cơ chế quản lý trong nông nghiệp, nông thôn, đồng thời nhằm khơi dậy và phát huy mọi tiềm năng của kinh tế hộ nông dân, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 10 (1988) về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (khoán 10). Nghị quyết đề ra yêu cầu cơ bản đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp là thực sự giải phóng sức sản xuất, phát huy mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế, các vùng, các ngành, chuyển nền nông nghiệp tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa; tạo điều kiện phát triển ngành nghề phi nông nghiệp theo hướng “ai giỏi nghề gì làm nghề ấy”. Nghị quyết 10 chính là sự khẳng định cơ bản về vai trò tự chủ của kinh tế hộ trong sản xuất nông nghiệp:
+ Về tư liệu sản xuất: hộ được nhận khoán ruộng đất ổn định dài hạn trong khoảng 10 - 15 năm, không bị hạn chế về việc mua sắm trâu bò, công cụ lao động…
+ Về tổ chức sản xuất: hộ được tự chủ trong toàn bộ các khâu trong quá trình sản xuất.
+ Về phân phối: chủ trương xóa bỏ hạch toán, phân phối theo công điểm, hộ chỉ có nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, được quyền làm chủ kinh tế, được hưởng trên 40% sản lượng khoán.
Cũng giống như miền Bắc sau cải cách ruộng đất, ở nông thôn nước ta sau khi thực hiện Nghị quyết 10 đã hình thành hàng loạt các hộ nông dân tự chủ về kinh tế nhưng sự khác nhau căn bản là các hộ nông dân thời kỳ này không còn thuần nhuất như thời kỳ tiền hợp tác xã mà đã có sự khác nhau về loại hình, cơ cấu ngành nghề, về năng lực sản xuất và khả năng thu nhập. Các hộ nông dân đang có xu hướng vượt khỏi tình trạng tự cung tự cấp, trở thành hộ sản xuất hàng hóa [50; 34].
Cơ chế khoán 100, khoán 10 đã giải phóng lực lượng sản xuất ra khỏi những trói buộc của cơ chế quan liêu, bao cấp cũ, từng bước khẳng định vai trò tự chủ của kinh tế hộ nông dân. Tuy nhiên, đổi mới mới chỉ dừng lại ở việc giải phóng kinh tế hộ khỏi sự trói buộc của cơ chế cũ.
Vì vậy, sau một thời gian thực hiện đổi mới theo tinh thần khoán 10 thì thực tế lại nảy sinh nhiều vấn đề như ruộng đất quá manh mún, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp chậm, các ngành nghề phi nông nghiệp chưa hoàn toàn được tạo điều kiện để phát triển. Những vấn đề đó đòi hòi Nhà nước ta phải tìm ra hướng đi mới để tiếp tục phát triển kinh tế nông nghiệp. Hướng đi mới, đó là sự ra đời của Nghị quyết hội nghị Trung ương lần thứ 5 khóa VII (6.1993) về tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội nông thôn cùng Luật đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua khẳng định quyền hạn sử dụng của người nông dân đối với đất đai Nhà nước giao cho. Nghị quyết xác định phải đổi mới cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phá vỡ cơ cấu thuần nông và xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp phát triển cân đối, trên cơ sở xúc tiến công cuộc công nghiệp hóa nông nghiệp, chuyển mạnh nền kinh tế sang cơ chế thị trường nhưng vẫn giữ định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực hiện chính sách giao quyền sử dụng đất lâu dài cho các hộ nông dân bao gồm có chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, cho thuê và thế chấp). Vì thế mà các hộ nông dân đã trở thành những đơn vị sản xuất kinh tế tự chủ thực sự, có trong tay quyền sử dụng ruộng đất, các hộ đã từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 khóa VIII (1998), Đảng đã có những quy định cụ thể về phát triển kinh tế trang trại, khuyến khích nông dân tiến hành sản xuất theo mô hình trang trại gia đình và hỗ trợ kinh tế hộ phát triển sản xuất bằng hàng loạt các chính sách cụ thể khác như:
+ Chính sách đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn.
+ Chính sách về tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp được cụ thế hóa trong Luật hợp tác xã (1996).
+ Chính sách đất đai góp phần xác lập quyền hạn của hộ trong quá trình sử dụng đất, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy quá trình tập trung ruộng đất trên quy mô lớn được cụ thể trong các Luật đất đai 1993 và không ngừng được bổ sung qua các năm 1998, 2001, 2003, nó là sự mở đầu cho quá trình sản xuất lớn khi tích tụ ruộng đất.
+ Chính sách tín dụng như Chỉ thị số 202/CT, Nghị định 14/CP, Quyết định số 67/QĐ - TTg tạo điều kiện cho hộ nông dân tiếp cận với nguồn vốn vay dễ dàng.
+ Chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp về miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho hộ.
+ Chính sách khoa học công nghệ và khuyến nông, chính sách thị trường và tiêu thụ sản phẩm, một mặt Đảng, Nhà nước ta không ngừng mở rộng quan hệ đối tác nhằm tìm kiếm thị trường và đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
+ Chính sách về giá cả cùng hàng loạt các chính sách khác như xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và phát triển nông thôn nhằm góp phần tạo cho hộ nông dân có được những điều kiện thuận lợi để tiến hành sản xuất kinh doanh.
Bước sang thế kỷ XXI, để tạo lập đồng bộ các yếu tố giúp cho kinh tế thị trường phát triển một cách hiệu quả theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X (2006) được tổ chức. Nhà nước khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để kinh tế hộ phát triển trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Như vậy, quá trình đổi mới cơ chế quản lý trong nông nghiệp đã tái lập vai trò tự chủ của kinh tế hộ, tạo điều kiện để kinh tế hộ phát triển trong nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nhìn lại những bước thăng trầm của kinh tế hộ dưới tác động của chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước, chúng ta thấy rằng hộ đã từng có quyền tự chủ ở thời kỳ khôi phục kinh tế nhưng ngay sau đó mô hình hợp tác xã đã lấn áp vai trò của kinh tế hộ, vì thế mà người nông dân không chăm lo đến sản xuất, cái nghèo khó được chia đều cho mọi gia đình, tất cả đều bình quân chủ nghĩa cho nên sự phân hóa gần như là không có, có chăng thì nông dân giàu so với nông dân nghèo cũng chỉ chênh lệch từ 1,5 - 2 lần. Nhưng từ khi có khoán 100, khoán 10, luật đất đai…cơ chế quản lý nông nghiệp chuyển sang cơ chế thị trường, các hộ nông dân đã thực sự làm chủ toàn bộ quá trình sản xuất, trở thành đơn vị kinh tế tự chủ nhờ vậy đã thúc đẩy được sự chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, cơ cấu ngành nghề trong nông thôn. Các hộ nông dân đã vươn lên làm giàu, tùy theo năng lực kinh doanh, mục tiêu sản xuất và điều kiện nguồn vốn, hộ đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển sang sản xuất hàng hóa.
Những thay đổi về địa vị, vai trò kinh tế của hộ nông dân do tác động của quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp đã đánh thức một “giấc ngủ dài” và khơi dậy các tiềm năng to lớn chưa được phát huy của các hộ nông dân, kinh tế nông nghiệp phát triển vượt bậc, đời sống nông dân được cải thiện, nâng cao. Tuy nhiên, khi cơ chế phân phối theo kiểu cào bằng như trước không còn, tất yếu sẽ kéo theo tình trạng phân hóa của các hộ nông dân diễn ra mạnh, liên tục và dần trở thành vấn đề lớn trong xã hội nông thôn Việt Nam.
1.3.3. Tác động của quy luật cạnh tranh và yêu cầu nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Với tư cách là đơn vị kinh tế tự chủ trong hoạt động sản xuất theo cơ chế thị trường, các hộ nông dân trong cả nước đã và đang tích cực đẩy mạnh phát triển sản xuất một cách năng động, đa dạng, phù hợp với năng lực và điều kiện cụ thể của mỗi hộ. Mặt khác dưới sự tác động khách quan của các quy luật kinh tế cung - cầu của nền kinh tế thị trường, trong nội bộ các hộ nông dân đang diễn ra sự phân hóa ngày càng rõ nét và không kém phần phức tạp trong quá trình vận động và phát triển kinh tế nông thôn.
Cạnh tranh là quy luật khách quan của nền sản xuất hàng hóa và nó buộc các nhà sản xuất trong đó là các hộ nông dân phải nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất trên cơ sở sử dụng tối ưu các năng lực sẵn có của từng người về vốn, lao động, tri thức, tư liệu sản xuất …
Trong nền sản xuất hàng hóa, các nhà sản xuất nói chung và từng hộ nông dân nói riêng, luôn luôn tìm mọi biện pháp để tăng cường khả năng cạnh tranh hoặc tìm cách tạo ra những sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu thị trường đang cần và ngược lại việc nâng cao hiệu quả sản xuất sẽ đảm bảo duy trì khả năng cạnh tranh cao của từng nhà sản xuất [33; 11-12]. Thật vậy, các quy luật cạnh tranh và không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất tác động mạnh mẽ tới từng người sản xuất, từng hộ nông dân, buộc họ phải luôn cải tiến các khâu trong quá trình sản xuất, tìm các biện pháp tối ưu hóa nhằm tiết kiệm thời gian và giảm chi phí sản xuất như: tổ chức lại quy trình sản xuất, nâng cao trình độ quản lý va kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, cải tiến chất lượng mẫu mã hàng hóa…. Trên cơ sở các cải tiến đó họ có thể đưa ra thị trường các sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ, từ đó có điều kiện để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm làm ra của mình.
Thực tế đã chỉ ra khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động kinh doanh của nhà sản xuất nói chung và các hộ nông dân nói riêng luôn có sự khác nhau. Chính vì vậy, trước vòng quay nghiệt ngã cung - cầu của thị trường, những hộ nông dân nào không có kế hoạch, mục tiêu sản xuất cụ thể sẽ nhanh chóng bị đào thải và ngược lại, những hộ nông dân nào nhanh nhạy, thích nghi trước sự biến động của thị trường sẽ nhanh chóng hòa nhập và được hưởng những mặt lợi ích do thị trường mang lại. Sự phân hóa vì thế mà diễn ra ngày càng rõ ràng, liên tục và có xu hướng tăng lên từ sau khi thực hiện đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp theo hướng thị trường hóa.
1.3.4. Năng lực kinh doanh và mục tiêu sản xuất của các hộ nông dân.
Mặc dù nền kinh tế thị trường với các quy luật khách quan cùng các chính sách của Nhà nước đã tạo ra những cơ hội đầu vào, đầu ra gần như nhau cho các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh và phân phối, song chính vì những sự khác nhau về năng lực sản xuất kinh doanh, tri thức, vốn, ruộng đất, tư liệu sản xuất…sẵn có của các hộ đã làm xuất hiện nhiều xu thế phát triển giữa các hộ nông dân. Có hộ nông dân phát triển sản xuất đạt tốc độ cao, bảo đảm tái sản xuất mở rộng, phát triển đa dạng các hoạt động sản xuất, chuyển sang các ngành nghề sản xuất phi nông nghiệp và cũng có hộ chỉ duy trì sản xuất ở mức tái sản xuất giản đơn, tái độc canh một sản phẩm…Do đó mà hiệu quả sản xuất và mức thu nhập giữa các hộ nông dân là có sự khác nhau dẫn đến tình trạng phân hóa: có hộ mức thu nhập rất cao nhưng lại có hộ rất thấp, thậm chí có hộ mức thu nhập không đủ để tái sản xuất giản đơn…Sự phân hóa đó còn dẫn đến hiện tượng một bộ phân nông dân giàu lên nhanh hơn so với một bộ phân nông dân khác, có những nhóm hộ nông dân đang từ giàu có trở thành người nghèo và có những nhóm hộ nghèo lại trở nên giàu có. Đây là quá trình khách quan xảy ra liên tục mặc dù quy mô và tốc độ của quá trình này ở mỗi nơi, mỗi vùng trong mỗi giai đoạn lịch sử có khác nhau.
Trong cơ chế thị trường, năng lực sản xuất của từng hộ là yếu tố có tác động rất quan trọng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, đến thu nhập và mức sống. Có thể nói năng lực sản xuất của các hộ được đánh giá là quyết định, nó là dấu hiệu báo trước “viễn cảnh tương lai” cho hộ nông dân. Nó là tác nhân chủ quan xuyên suốt quá trình phân hóa của các hộ nông dân khiến cho các hộ nghèo đi hay giàu lên.
Tiểu kết: Như chúng ta đều đã thấy, vai trò to lớn của kinh tế hộ nông dân đã được lịch sử chứng minh, trải qua bao biến cố thăng trầm khác nhau, kinh tế hộ vẫn luôn tiềm ẩn sức sống dẻo dai, mãnh liệt không thể dập tắt được. Khi thì kinh tế hộ tự chủ được tạo điều kiện phát triển trong những năm 1955 - 1957, khi thì bị bó hẹp bởi mảnh đất vẻn vẹn 5% trong thời kỳ hợp tác hóa kéo dài suốt từ năm 1958 đến thập niên 80. Kinh tế hộ bị mất đi vai trò của mình thay vào đó là hợp tác xã chiếm lấy vị trí đó, kinh tế nông nghiệp ngày càng trì trệ, đình đốn. Nhưng cũng chính trong thời gian này, các hộ nông dân càng vươn lên tìm hướng đi mới cho mình. Từ khoán hộ những năm 60 ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ đến khoán 100 là hướng đi mới minh chứng cho sức mạnh tiềm ẩn của các hộ nông dân. Đến khoán 10 thực sự là một luồng sinh khí hoàn toàn mới mẻ thổi vào trong đời sống kinh tế - xã hội các hộ. Không chỉ đánh thức “giấc ngủ dài” của các hộ nông dân mà còn vực nền kinh tế nông nghiệp thoát khỏi sự khủng hoảng trong những năm cuối của thập niên 70. Kinh tế hộ nông dân đã dần xác lập lại vai trò tự chủ của mình trong nông thôn, nông nghiệp. Ngoài ra, Đảng và Nhà nước còn ban hành nhiều chính sách mới về đất đai, vốn, khoa học kỹ thuật, giá cả, thị trường…góp phần hỗ trợ các hộ phát huy hơn nữa quyền tự chủ, cũng như nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của mình.
Tuy nhiên, dưới sự tác động của các quy luật kinh tế thị trường đầy biến động trong khi điều kiện kinh tế - xã hội ở mỗi vùng, miền khác nhau, năng lực sản xuất kinh doanh của các hộ khác nhau nên sự phân hóa trong nội bộ các hộ nông dân đang ngày càng rõ nét. Vậy thì thực trạng phân hóa của các hộ nông dân ở Việt Nam diễn ra như thế nào?.
Chương 2.
SỰ PHÂN HÓA VỀ NGUỒN LỰC SẢN XUẤT VÀ NGÀNH NGHỀ CỦA CÁC HỘ NÔNG DÂN VIỆT NAM TRONG NHỮNG NĂM 1988 - 2006.
Từ sau khi tái lập được vai trò tự chủ trong sản xuất kinh doanh, các hộ nông dân đã và đang tích cực đẩy mạnh phát triển sản xuất một cách năng động, đa dạng, phù hợp với năng lực và điều kiện cụ thể của mỗi hộ, tạo ra thị trường hàng hóa phong phú và dồi dào ngay tại các vùng nông thôn. Mặt khác dưới tác động của quá trình chuyển đổi cơ chế cùng các quy luật khách quan của kinh tế thị trường, trong nội bộ các hộ nông dân đang diễn ra sự phân hóa ngày càng rõ nét và không kém phần phức tạp. Sự phân hóa đó diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, với những mức độ khác nhau tùy theo từng tỉnh, vùng, miền và đang làm nảy sinh một số vấn đề trong đời sống xã hội của các hộ nông dân hiện nay.
2.1. Phân hóa về nguồn lực sản xuất.
Là một đơn vị kinh tế tự chủ, hộ nông dân thường có các nguồn lực sản xuất cơ bản nhất đó là: ruộng đất, lao động, nguồn vốn. Trong thời kỳ tập thể hóa, Hợp tác xã nắm quyền quản lý tư liệu sản xuất, sức lao động và nguồn vốn đầu tư vào toàn bộ các khâu trong sản xuất nông nghiệp. Giữa các hộ nông dân chỉ có sự chênh lệch nhau về năng lực sản xuất, mức độ sử dụng lao động và nguồn vốn đầu tư vào mảnh đất 5% của kinh tế phụ gia đình. Từ khi thực hiện cơ chế quản lý đổi mới kinh tế nông nghiệp đến nay, các hộ nông dân đã tận dụng triệt để mọi điều kiện về nguồn lực, tư liệu để sản xuất một cách có hiểu quả nhất. Tuy nhiên, sự tác động của kinh tế thị trường cùng các chính sách của Nhà nước một mặt đã mang đến cho các hộ những cơ hội sản xuất gần giống nhau nhưng mặt khác, tùy theo năng lực và điều kiện cụ thể của mỗi hộ, dần dần giữa các hộ nông dân có sự phân hóa trước hết về nguồn lực sản xuất.
2.1.1. Phân hóa về quy mô sử dụng ruộng đất.
Ruộng đất là nguồn tư liệu sản xuất cơ bản của các hộ nông dân, là địa bàn nơi con người tiến hành các hoạt động sinh sống, văn hóa, kinh tế…Đất rất quý giá đối với con người, thế nhưng tình hình sử dụng đất của các hộ nông dân ngày càng có nhiều biến động gây ra sự phân hóa ruộng đất đang nổi cộm trong nông thôn. Từ chỗ canh tác tập thể trong khuôn khổ hợp tác xã, ruộng đất đã được giao khoán cho các hộ nông dân theo tinh thần khoán 100 và chính thức giao khoán lâu dài từ sau Nghị quyết 10 và bắt đầu từ sau khi Quốc hội thông qua Luật Đất đai (1993) là giao hẳn quyền sử dụng ruộng đất ổn định lâu dài với các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp quyền sử dụng đất. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và sử dụng đất đai, hộ nông dân được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài.
Tuy nhiên việc giao đất ở các địa phương thường được tiến hành theo phương châm bình quân để đảm bảo về mặt công bằng xã hội: đó là chia đều cho các nhân khẩu và “có gần, có xa, có tốt, có xấu”. Với cách chia bình quân như trên thì quy mô ruộng đất của mỗi hộ trong từng vùng sẽ có sự chênh lệch vì quy mô ruộng đất và số lượng nhân khẩu của mỗi địa phương là khác nhau. Đây là nguyên nhân đầu tiên tác động tới quy mô ruộng đất giữa các hộ với nhau.
Trong nền kinh tế thị trường, bằng trình độ kinh doanh của mình, các hộ nông dân làm ăn khá giả, lại có vốn muốn có thêm đất đai để sản xuất hàng hóa đã có thể tích tụ cho mình ruộng đất lớn hơn mức được giao. Một số hộ đầu tư khai hoang, phục hóa để mở rộng quy mô sử dụng đất, một số hộ nhận đất đấu thầu của hợp tác xã, nhận khoán hoặc nhận thuê đất của nông trường quốc doanh…Mặt khác, lại có một số hộ nông dân tích tụ ruộng đất do sự vận động của thị trường đất đai khi các hộ có quyền sử dụng ruộng đất tương đối rộng rãi. Các hộ có khả năng chuyển sang ngành nghề phi nông nghiệp có thể chuyển nhượng, cho thuê đất để có điều kiện tập trung nguồn lực cho các ngành nghề khác đem lại hiệu quả hơn. Ngược lại, một số hộ không có năng lực sản xuất, gặp rủi ro buộc phải chuyển nhượng đất để đi làm thuê mướn, hoặc bị Nhà nước thu hồi đất bằng nhiều hình thức để phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Đây là những nguyên nhân cơ bản gây ra tình trạng phân hóa mức độ sử dụng ruộng đất của các hộ nông dân ngày càng mạnh và biểu hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau.
Trước hết, quy mô diện tích đất canh tác của các hộ nông dân ở các vùng có chênh lệch lớn bởi diện tích đất và số lượng hộ ở mỗi vùng đó khác nhau, nên quy mô diện tích đất canh tác của các hộ cũng khác nhau. Theo kết quả điều tra vào năm 1990, bình quân diện tích đất nông nghiệp trên một hộ nông dân ở Đông Nam Bộ đạt mức cao nhất: 1,42 ha/hộ; Tây Nguyên: 1,23 ha/ hộ và Đồng bằng Sông Cửu Long: 1,14 ha/hộ. Diện tích đất nông nghiệp bình quân thấp nhất ở Đồng bằng Sông Hồng: 0,23 ha/hộ và khu IV cũ: 0,53 ha/hộ. Tính ra mức chênh lệch bình quân trên hộ giữa các vùng là 4,44 lần [33; 63].
Đến năm 2005, quy mô đất nông nghiệp/hộ nông dân ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long vào loại cao nhất nước cũng chỉ đạt 1,4 - 1,5 ha nhưng ở nhiều tỉnh của vùng này số hộ có dưới 1 ha đất chiếm 70% số hộ. Ở Đồng bằng Sông Hồng, bình quân đất canh tác chỉ có 0,25 - 0,30 ha/hộ, trong đó số hộ có từ 0,5 - 1 ha chỉ chiếm 2% [63; 126]. Như vậy, không chỉ quy mô đất đai bình quân của một hộ nông nghiệp là rất nhỏ bé mà một tỷ lệ lớn số hộ có quy mô đất đai rất nhỏ. Chỉ một tỷ lệ nhỏ số hộ có quy mô đất đai đáng kể. Những số liệu trên đây cũng đã cho thấy ở các tỉnh đồng bằng phía Bắc quy mô đất đai của hộ rất nhỏ. Chỉ có ở Đồng bằng Sông Cửu Long và một số tỉnh miền núi, cao nguyên quy mô đất đai của hộ có độ lớn đáng kể song số hộ như vậy chiếm tỷ lệ không lớn. Đó là biểu hiện rõ nét tính chất tiểu nông, quy mô sản xuất ở phạm vi gia đình nhỏ bé là chủ yếu. Không chỉ hạn chế về mặt quy mô mà diện tích của hộ cũng bị phân tán trên nhiều cánh đồng, trên nhiều mảnh ruộng (3 - 5._.ất, trong đó chi cho lương thực nhiều hơn thực phẩm và ngược lại, nhóm hộ có thu nhập cao nhất thì chi cho các khoản ăn uống hút thấp nhất, trong đó chi cho lương thực thấp hơn thực phẩm. Tính riêng năm 1999, nhóm I chi tiêu cho việc ăn uống hút là 72,55% trong đó chi cho lương thực là 36,52%, cho thực phẩm là 30,47% và chi cho các khoản không phải ăn uống hút là 27,45%. Nhóm V chi tiêu cho việc ăn uống hút là 52,78%; trong đó chi cho lương thực là 11,07%, cho thực phẩm là 27,86% và còn 47,22% chi tiêu đời sống là cho các khoản không phải ăn uống hút [55; 128].
Năm 2006, tỷ trọng chi tiêu cho ăn uống ở thành thị là 48,2% trong khi ở nông thôn là 56,2%; nhóm các hộ giàu nhất là 45,8% và nhóm các hộ nghèo nhất là 65,2%. Cụ thể tính riêng năm 2006, chi tiêu cho đời sống bình quân đầu người/tháng khu vực thành thị đạt 738.000 đồng gấp 2,06 lần so với khu vực nông thôn là 359.000 đồng. Vùng có mức chi tiêu đời sống cao nhất là Đông Nam Bộ (740.000đ) gấp 2,5 lần vùng có mức chi tiêu đời sống thấp nhất là Tây Bắc (296.300đ). Nếu so sánh mức chi tiêu cho đời sống giữa 20% hộ có mức chi tiêu cao nhất với 20% hộ có mức chi tiêu thấp nhất thì hệ số chênh lệch có xu hướng tăng qua các năm: năm 1999 là 4,2 lần; năm 2002 là 4,45 lần và năm 2006 là 4,54 lần.
Tỷ lệ chi tiêu cho các nhu cầu ngoài ăn uống của các hộ thuộc nhóm trung bình, hộ khá và hộ giàu nhất tiếp tục tăng lên. Cụ thể:
+ Chi mua sắm thiết bị và đồ dùng gia đình từ 3,9% năm 1999 tăng lên 8,1% năm 2002; 9,1% năm 2004 và 9,2% năm 2006.
+ Chi cho y tế và chăm sóc sức khỏe tăng từ 4,6% năm 1999 lên 5,6% năm 2002; 7% năm 2004 và 6,4% năm 2006.
+ Chi giáo dục tăng từ 4,6% năm 1999 lên 6,1% năm 2002; 6,3% năm 2004 và 6,4% năm 2006 [54; 97].
Nếu so với nhóm hộ nghèo nhất thì mức chi tiêu những hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng ngoài ăn uống của nhóm hộ giàu nhất gấp 7,1 lần, trong đó chi về nhà ở, điện nước, vệ sinh gấp 8,8 lần; chi tiêu thiết bị và đồ dùng gia đình gấp 7,2 lần; chi tiêu về y tế, chăm sóc sức khỏe gấp 3,9 lần; chi đi lại và bưu điện gấp 12,1 lần; chi giáo dục gấp 5,2 lần; chi cho các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí gấp 69,8 lần [54; 97]. Những hộ thuộc nhóm giàu nhất có điều kiện nhà ở, phương tiện đi lại, đồ dùng trong sinh hoạt tốt hơn, có nhiều cơ hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội chất lượng cao và có mức hưởng thụ văn hóa tinh thần, mức sống cao hơn so với nhóm hộ nghèo. Sự chênh lệch về mức chi tiêu giữa các nhóm đang tăng lên, và nó đang dần khoét sâu thêm hố khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, giữa khu vực thành thị và nông thôn thêm doãng rộng ra.
Sự phân hóa giàu nghèo còn được thể hiện rất rõ nét thông qua nguồn tài sản của hộ nông dân. Hay nói cách khác, giá trị các loại tài sản trong gia đình là tiêu chí phản ánh rõ nét sự phân hóa giàu nghèo. Khi so sánh các loại giá trị tài sản theo 5 nhóm thu nhập, kết quả khảo sát cho thấy có sự chênh lệch rõ nét giữa nhóm hộ giàu và nhóm hộ nghèo. Phần lớn tài sản đắt tiền, có giá trị sử dụng trong sinh hoạt gia đình đều thuộc về hộ giàu. Nhóm hộ nghèo ít có cơ hội được sử dụng các loại tài sản hiện đại, có giá trị như ô tô, máy điều hòa…và ngay cả những loại tài sản cần thiết trong sinh hoạt gia đình như điện thoại, tủ lạnh, máy giặt, bình tắm nóng lạnh, máy vi tính…cũng chỉ chiếm một tỷ lệ thấp.
Thật vậy, năm 1993, theo điều tra của Bộ nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm về tình trạng giàu nghèo ở nông thôn nước ta cho thấy. Nhà ở của hộ nghèo còn khá đơn giản mới chỉ có 15,7% số hộ có nhà ngói, 72% còn lại ở nhà vách đất, 11,7% ở lều tạm. Đồ dùng gia đình còn thiếu thốn, bình quân mỗi hộ có một giường gỗ hoặc tre, 0,3 chiếc xe đạp, không có hộ nào có ti vi, xe máy, tư liệu sản xuất bình quân 10 hộ mới có một con trâu hoặc bò, ngay cả cày bừa gỗ cũng thiếu. Trong khi đó, hộ giàu có tích lũy khá, mua sắm được nhiều máy móc phục vụ sản xuất kinh doanh. Đã có 16,1% số hộ giàu có nhà mái ngói, chỉ có 6,95% ở nhà mái tranh. Số hộ có ti vi các loại là 47%, trong đó có 16,8% số hộ có ti vi màu, 79% số hộ có radio các loại, 87,8% xe đạp [24; 107-108].
Cho đến hiện nay, cụ thể tính riêng năm 2006, sự chênh lệch giữa hộ giàu và hộ nghèo đã doãng rộng ra so với những năm trước đấy. Nhóm hộ giàu nhất đã sở hữu các loại tài sản hiện đại, có giá trị chiếm tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với nhóm hộ nghèo: xe máy chiếm 127%; điện thoại 135%; ti vi màu 108%; đầu video 66% và tủ lạnh 61%, trong khi đó nhóm hộ nghèo chỉ chiếm một tỷ lệ thấp tương ứng là 24%; 3,8%; 49%; 18% và 15%. Điều đó cho thấy, nhóm hộ giàu có mức sống cao hơn và dễ dàng thỏa mãn nhu cầu cuộc sống vật chất, tinh thần so với nhóm hộ nghèo [6; 22]. Trên thực tế, những hộ giàu có điều kiện để nâng cao mức sống và tham gia các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí, các thành viên trong gia đình có nhiều cơ hội tìm việc làm có thu nhập cao, có điều kiện học tập, nâng cao trình độ. Cùng với những điều kiện đó, vị thế và uy tín của họ trong xã hội cũng được coi trọng. Ngược lại, những hộ nghèo do thiếu vốn, thiếu điều kiện học tập và chăm sóc sức khỏe, do đó nhiều người trong những hộ nghèo thường rơi vào tình trạng thiếu việc làm, thât nghiệp và trở thành nhóm xã hội yếu thế.
Tuy có sự chênh lệch về mức hưởng thụ các tiện ích xã hội nhưng nói chung điều kiện ăn, ở, đi lại, học hành của tất cả các loại hộ đều được nâng lên. Cụ thể, hầu hết cơ sở hạ tầng đã được xây dựng, nâng cấp nên số hộ nông dân được dùng điện từ 53,2% năm 1994 tăng lên 62,7% năm 1995 và 73% năm 1998; tỷ lệ hộ dùng nước sạch từ 37,2% năm 1994 tăng lên 37,8% năm 1995 và 39,4% năm 1998; tỷ lệ hộ có nhà đơn sơ từ 42,5% năm 1994 giảm xuống 37,3% năm 1995 và 25,9% năm 1998 [14; 36].
Những năm gần đây, điện khí hóa và xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn đã được thực sự coi trọng và cũng được đánh giá là một trong những tiêu chí thể hiện rõ sự phân hóa giàu nghèo. Nếu như năm 1994, cả nước mới có 60,4% số xã, 50% số thôn và 53% số hộ có điện, năm 2001 các con số tương ứng là 86%, 77% và 79% thì đến năm 2006 có tới 99% số xã, 92,8% số thôn có điện và tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng điện đã lên tới 93,3%. Tỷ lệ hộ dùng điện tăng nhanh ở các vùng mà trước đây có số hộ sử dụng ít như Tây Nguyên (hộ dùng điện tăng 90% so với năm 2001), Tây Bắc (+74%), Đồng bằng Sông Cửu Long (+51%). Nhưng đến nay vẫn còn một số tỉnh miền núi, tỷ lệ hộ chưa sử dụng điện còn cao như Lai Châu là 46,6%, Điện Biên là 38,3%, Hà Giang là 33,5%...[44; 16-17].
Còn về việc mở rộng, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn còn rất nhiều bất cập và không đồng đều giữa các vùng miền. Đến năm 200, cả nước có 8783 xã (96,7% tổng số xã) có đường ô tô đến trụ sở UBND xã (năm 1994 là 87,9% và năm 2001 là 94,5%). Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ đạt tỷ lệ cao nhất: 99,5%, thấp nhất là vùng Tây Bắc: 80,8%. Chất lượng đường giao thông liên thôn ở các vùng đặc biệt là Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Nguyên còn rất hạn chế [44; 16-17].
Kết quả điều tra đời sống kinh tế hộ gia đình năm 1999 cho thấy có 86,78% số hộ ở nông thôn tự đánh giá về đời sống của gia đình mình là khá hơn so với năm 1990. Chỉ có 9,62% số hộ đánh giá là như cũ và 3,6% số hộ cho rằng đời sống của mình giảm đi [55; 220].
Tiểu kết: Phân hóa giàu nghèo ở nông thôn là điều không thể tránh khỏi trong nền kinh tế thị trường ai mạnh, ai giỏi thì sẽ tồn tại bằng không thì sẽ bị đào thải. Đây là hiện tượng khách quan của quá trình phát triển sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, sự phân hóa giàu nghèo ở nông thôn nói riêng cũng như cả nước nói chung là có song chưa dẫn đến tình trạng mâu thuẫn, bất bình đẳng quá lớn trong dân cư như ở một số nước khác trên thế giới.
Việc đem mổ xẻ phân tích tình trạng phân hóa giàu nghèo của các hộ nông dân trong nền kinh tế thị trường gắn liền với quá trình đổi mới, với tình trạng hầu như không phân hóa dưới cơ chế cũ, để từ đó phủ định thành tựu đổi mới là không đúng. Dẫu còn nghèo hơn các hộ khác, nhưng đỡ nghèo hơn trước vẫn là điều khả dĩ chấp nhận được. Song không thể không quan tâm tìm cách ngăn ngừa, hạn chế tác động hậu quả tiêu cực của sự phân hóa vì về khách quan, nó vẫn đi ngược lại với lý tưởng xây dựng một xã hội công bằng dân chủ, văn minh và là nhân tố dẫn đến sự mất ổn định chính trị - xã hội. Về mặt này, nhiều việc đã làm tốt trong cơ chế cũ rất đáng nghiên cứu, áp dụng sáng tạo vào điều kiện mới. Sự kết hợp nỗ lực cộng đồng, đi đôi với khắc phục việc cào bằng mức hưởng thụ và tệ dựa dẫm ỷ lại, sẽ giúp phát huy được sức mạnh chung, tạo cơ hội đồng đều hơn cho mỗi người, mỗi nhà vươn lên cùng trở nên ấm no, sung túc [49; 218].
Trong những năm gần đây, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng doãng rộng ra thông qua sự gia tăng của chỉ số Gini. Do đó không thể để quá trình phân hóa giàu nghèo phát triển một cách tự phát bởi nếu không nó sẽ ảnh hưởng đến trật tự chính trị - xã hội. Nhận thức được điều này nên Đảng và Nhà nước đã có nhiều biện pháp, chính sách để kiểm soát quá trình này.
KẾT LUẬN
1. Đất nước ta đã và đang trong quá trình chuyển đổi toàn diện từ nền kinh tế mang nhiều yếu tố tự nhiên, tự túc, tự cấp sang nền kinh tế hàng hóa; từ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chủ trương đổi mới này đã từng bước được cụ thể hóa thành hệ thống chính sách. Chỉ thị 100 - CT/TW của Ban Bí thư trung ương (1981), Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (1988), Luật đất đai (1993)…và một loạt các chính sách khác của Đảng và Chính phủ là những luồng gió mới thổi vào nông nghiệp và nông thôn tạo nên những thành tựu rõ rệt, khởi sắc.
Với tư cách là đơn vị kinh tế tự chủ trong hoạt động sản xuất nông nghiệp theo cơ chế thị trường, các hộ nông dân trong cả nước đã và đang tích cực đẩy mạnh phát triển sản xuất một cách năng động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đa dạng, phù hợp với từng năng lực cụ thể của mỗi hộ, tạo ra thị trường hàng hóa phong phú và dồi dào ngay tại các vùng nông thôn. Đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận các hộ nông dân đã được cải thiện, công bằng hơn trong tiếp cận các cơ hội phát triển. Bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Tuy nhiên, dưới tác động khách quan của các quy luật kinh tế thị trường, nội bộ các hộ nông dân đang diễn ra sự phân hóa ngày càng rõ nét, nhanh, mạnh, liên tục và không kém phần phức tạp trong quá trình vận động và phát triển kinh tế nông thôn theo cơ chế thị trường. Trước vòng xoáy nghiệt ngã của các quy luật cung - cầu thị trường, nhiều hộ nông dân đã bị rơi vào cảnh thua thiệt, phải chịu nhiều thiệt thòi, hy sinh, trong khi đó một bộ phận nhanh chóng chớp lấy thời cơ để phát triển - đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa. Về nguyên lý, thị trường dường như mang lại nhiều cơ hội cho tất cả các hộ nông dân nhưng không phải các hộ này đều có khả năng như nhau để tận dụng cơ hội đó.
Sự phân hóa bắt đầu từ phân hóa về nguồn lực sản xuất như quy mô sử dụng ruộng đất, lao động, vốn; phân hóa về sự lựa chọn ngành nghề nông nghiệp hay phi nông nghiệp; phân hóa về mục tiêu sản xuất tự cung tự cấp hay sản xuất hàng hóa; phân hóa về năng lực sản xuất, khả năng thích ứng với cơ chế thị trường… Cuối cùng là phân hóa thu nhập, tất cả đều dẫn đến hậu quả tất yếu là sự phân hóa giàu nghèo giữa các hộ nông dân trong nông thôn nước ta.
2. Do sự tác động của quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp cùng các quy luật cạnh tranh của nền kinh tế thị trường, bức tranh thực trạng phân hóa của các hộ nông dân Việt Nam diễn ra theo hai chiều hướng khác nhau, bao hàm cả mặt tích cực và mặt tiêu cực - mặt trái của sự phân hóa:
Mặt tích cực của sự phân hóa là thúc đẩy tính năng động xã hội trong mỗi hộ nông dân, kích thích họ tìm kiếm và khai thác các cơ hội để làm giàu chính đáng nhằm nâng cao mức sống; đồng thời cũng tạo ra sự ganh đua về kinh tế, sự vượt trội hoặc thấp kém về kinh tế ở từng hộ nông dân; tạo ra môi trường cạnh tranh ngày càng quyết liệt nhằm sàng lọc, tuyển chọn những người có đủ năng lực và phẩm chất cần thiết để trở thành những hộ nông dân làm ăn giỏi - động lực cho sự phát triển nông nghiệp của một địa phương hay cả đất nước. Tiêu biểu đó là các chủ trang trại, các chủ doanh nghiệp tư nhân, tuy số lượng không nhiều nhưng đang là nhân tố mới, có vai trò tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa và tiến hành công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong nông thôn, nông nghiệp. Những cơ sở trang trại này đã có tác động tích cực tới việc tăng hiệu quả sản xuất, thu hút nhiều lao động dư thừa, tạo ra khối lượng nông sản hàng hóa ngày càng lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng nông thôn. Mặc dù vẫn có khoảng cách về thu nhập giữa các hộ nhưng nhìn chung, tất cả các hộ nông dân đều hưởng lợi ích ngày một tăng trong quá trình phân hóa và phát triển của bản thân họ cũng như nền kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, quá trình phân hóa các hộ nông dân trong nông thôn lại làm nảy sinh ra nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Đó là mặt trái phát sinh của sự phân hóa, nó thể hiện một cách bột phát, cực đoan.
Trước hết, do chính sách thu hồi đất nông nghiệp của Đảng và Nhà nước để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, do tốc độ đô thị hóa diễn ra quá nhanh cộng với hệ quả của hoạt động tích tụ, chuyển nhượng ruộng đất mà hiện nay, một bộ phận hộ nông dân không có đất nông nghiệp ngày càng gia tăng (tiêu biểu là vùng Đồng bằng Sông Cửu Long). Điều này gây ra tình trạng di cư lao động từ vùng nông thôn đi các vùng khác để làm thuê. Vì thế vấn đề đang gây ra bức xúc và nổi cộm trong nông thôn là giải quyết việc làm cho lực lượng lao động dôi dư theo hướng “ly nông bất ly hương”.
Thứ hai, trong những năm gần đây, mức thu nhập của các hộ nông dân đã tăng hơn trước rất nhiều, song nhóm thu nhập thấp nhất tăng với tốc độ chậm hơn rất nhiều so với nhóm có thu nhập cao nhất nên khoảng cách chênh lệch về thu nhập ngày càng lớn. Sự phân hóa thu nhập đã dần dần dẫn đến một hậu quả tất yếu là phân hóa giàu nghèo với các mức độ khác nhau.
Cách đây một phần tư thế kỷ, khi đất nước đi vào đổi mới và sự phân hóa giàu nghèo bắt đầu ló dạng, không ít người cho rằng hễ một người giàu lên thì ắt phải có một người khác nghèo đi. Lối suy nghĩ hẹp hòi như thế khiến chúng ta liên tưởng đến hình ảnh một chiếc bánh phải chia đều cho mọi người. Đó là cách suy nghĩ một thời xa xưa mà hậu quả là người ta nhân danh công bằng để chia đều với nhau sự nghèo khó trong thời kỳ hợp tác xã. Giờ đây chúng ta đã nghĩ khác, chiếc bánh được chia đều không phải là hình ảnh nói lên sự công bằng trong xã hội nữa mà những người tạo ra một giá trị cao hơn có quyền được hưởng phần bánh nhiều hơn để làm ra chiếc bánh lớn hơn hoặc có thêm chiếc bánh khác. Tình trạng cách biệt thu nhập giữa hộ giàu và hộ nghèo là điều đương nhiên có trong một xã hội cho phép sự cạnh tranh. Nhiều nhà kinh tế học khuyên rằng chúng ta đừng quá gay gắt với khoảng cách giàu nghèo mà nên quan tâm nhiều hơn đến việc làm cho chất lượng cuộc sống của mọi người trở nên tốt hơn. Như một nhà kinh tế học đã lưu ý: “Chúng ta nên quan tâm đến phần bánh mà người nghèo nhận được là bao nhiêu, chứ không phải là phần bánh họ nhận được bằng bao nhiêu so với phần bánh mà người giàu nhất có được”. Thật vậy, chúng ta cần khuyến khích các hộ giàu làm giàu thêm một cách chân chính đi đôi với xóa đói giảm nghèo và coi việc một bộ phận nông dân giàu trước là cần thiết cho sự phát triển.
Sự phân hóa trong nền kinh tế thị trường là một tất yếu khách quan và là một bước tiến so với sự “hòa đồng” trong thời kỳ hợp tác xã trước kia. Nó không phải là sự bần cùng hóa một bộ phân nông dân - vì ở đây không diễn ra sự tước đoạt tư liệu sản xuất, sự cưỡng bức lao động làm thuê và sự bóc lột giá trị thặng dư mà diễn ra trong điều kiện mọi hộ đều có tư liệu sản xuất, đều có lao động, không bị bóc lột. Vì vậy, sự phân hóa nêu trên là biểu hiện của sự phát triển đi lên. Trong giai đoạn đầu chuyển sang cơ chế thị trường như nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã chỉ rõ: “Việc có một bộ phận dân cư giàu có nhanh hơn số đông là hợp quy luật và cần thiết cho tiến bộ chung”.
Sự doãng rộng khoảng cách giàu nghèo sẽ dẫn đến mức tương phản thành hai cực trong xã hội. Thực tế, vấn đề phân hóa giàu nghèo đang trở thành vấn đề cần phải giải quyết. Bên cạnh những hộ nông dân đang ngày càng giàu lên là sự xuất hiện những hộ nghèo đang bị cơ chế thị trường đào thải và đang rơi vào tình trạng bần cùng cần phải có sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.
Thứ ba, mặc dù trong những năm qua, cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành nghề đã có sự chuyển dịch rõ nét theo hướng tích cực nhưng vẫn còn rất chậm, thiếu tính bền vững, mang nặng tính chất tự phát, phân tán, quy mô nhỏ và không đồng đều giữa các vùng miền. Do nhiều yếu tố tác động khác nhau mà có hộ nông dân chuyển dịch được theo hướng “ai giỏi nghề gì thì làm nghề ấy” nên đã nhanh chóng trở thành các hộ giàu và ngược lại một số hộ không bắt kịp được với tốc độ sản xuất của thị trường nên đã bị đào thải và trở thành hộ nghèo. Khi đã nghèo, các hộ lại càng bị thua thiệt đủ mọi thứ. Điều đáng lo ngại là do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thiếu tính bền vững nên nhiều hộ giàu cũng bị phá sản, số hộ cận nghèo, tái nghèo khá lớn, gây hậu quả xấu về mặt xã hội. Và nếu Nhà nước không có những chính sách đột phá thì cái vòng luẩn quẩn giàu nghèo này sẽ cản trở quá trình phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới.
3. Mặc dù tình trạng phân hóa của các hộ nông dân là hiện tượng khách quan của quá trình phát triển sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, không thể để quá trình này phát triển một cách tự phát, bột phát. Nhận thức được điều đó nên Đảng và Nhà nước cần đề ra nhiều biện pháp, chính sách để kiểm soát quá trình này theo hướng phân hóa tích cực. Ruộng đất là tư liệu sản xuất then chốt trong nền kinh tế nông nghiệp, cần có chính sách đất đai phù hợp, giải quyết đúng đắn vấn đề ruộng đất cho hộ nghèo từng bước phù hợp với nền kinh tế thị trường. Tiếp tục tăng gia đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, phát triển ngành nghề phi nông nghiệp, nhằm thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa; từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng cơ sở trong nông thôn, nông nghiệp; đưa tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất, hình thành và phát triển công nghiệp chế biến và dịch vụ ở nông thôn (và địa bàn lân cận) để thu hút lao động, sử dụng hiệu quả nhất các sản phẩm nông nghiệp và các hoạt động dịch vụ trong nông thôn. Cần có những chính sách cụ thể hết sức thiết thực về tạo điều kiện cho các hộ nông dân vay nguồn vốn với lãi suất ưu đãi. Đầu tư các dự án nhỏ và vừa tại vùng nông thôn để thu hút để thu hút lao động (đặc biệt là lao động nông nhàn) theo phương châm “ly nông chứ không ly hương”... Ngoài ra, Nhà nước cần đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả hơn nữa chính sách Xóa đói giảm nghèo để vực những người nông dân còn đang khó khăn dậy, giúp họ làm ăn để thoát khỏi cái nghèo, cái khổ.
Đặc biệt là Đảng và Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện các chính sách về giá cả, về mở rộng thị trường trong nước và ngoài nước, cũng như cần nâng cao hơn nữa cơ sở vật chất hạ tầng nhằm cung cấp thông tin thị trường cho nông dân, tăng cường các tổ chức liên kết bảo vệ quyền lợi nhằm tạo điều kiện cho các hộ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp.
Mặc dù các chính sách, biện pháp đã được đề xuất và ban hành, nhưng Nhà nước cần phải thực hiện đồng bộ, có kết hợp cả chính sách hướng nội lẫn hướng ngoại trên tầm vĩ mô và vi mô, vừa phải mang tính chiến lược toàn quốc gia nhưng cũng lại hết sức thiết thực và đi đến từng thôn xóm, bản làng. Đặc biệt là phải tránh tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, đầu tư nhỏ giọt, nhỏ lẻ, manh mún, sẽ không tạo ra được quy mô hiệu quả lớn trong nông nghiệp, nông thôn nước nhà.
Dưới ánh sáng của Đảng và Nhà nước, chúng ta tin rằng, chúng ta sẽ phát huy được mặt tích cực, hạn chế được mặt trái của quá trình phân hóa các hộ nông dân để xây dựng một nông thôn ấm no, nông dân đoàn kết, nông nghiệp phát triển trên con đường tiến tới mục tiêu chung của đất nước “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Vũ Tuấn Anh, Trần Vân Anh (1997), Lịch sử và triển vọng phát triển kinh tế hộ, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
2. Vũ Tuấn Anh, Nguyễn Xuân Mai (2007), Những biến đổi kinh tế - xã hội của hộ gia đình, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
3. Ban nông nghiệp Trung ương (1991), Kinh tế - xã hội nông thôn Việt Nam ngày nay (Tập 1), Nxb. Tư tưởng - văn hóa, Hà Nội.
4. Ban nông nghiệp trung ương (1991), Kinh tế - xã hội nông thôn Việt Nam ngày nay (Tập 2), Nxb. Tư tưởng - văn hóa, Hà Nội.
5. Nguyễn Văn Bích (1994), Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp, thành tựu, vấn đề và triển vọng, Nxb. Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội.
6. Bộ kế hoạch và đầu tư Tổng cục Thống kê (2006), Kết quả tóm tắt mức sống hộ gia đình năm 2006, Nxb. Thống kê, Hà Nội.
7. Trần Ngọc Bút (2002), Chính sách nông nghiệp, nông thôn Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX và một số định hướng đến năm 2010, Nxb. Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội.
8. Nguyễn Ngọc Cơ - Nguyễn Viết Hiển (1993), “Sự biến đổi đời sống vật chất của nông dân Đồng bằng Sông Hồng từ 1976 đến nay (Qua số liệu thống kê của một số địa phương)”, Tạp chí nghiên cứu lịch sử (số 4).
9. Ngô Đức Cát (2004), Kinh tế trang trại với xóa đói giảm nghèo ở nông thôn, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
10. Nguyễn Sinh Cúc (1991), Thực trạng phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam 1976 - 1990, Nxb. Thống Kê, Hà Nội.
11. Nguyễn Sinh Cúc (1995), Nông nghiệp Việt Nam 1945 - 1995, Nxb. Thống Kê, Hà Nội.
12. Nguyễn Sinh Cúc (2002), “Những bất cập trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn hiện nay”, Tạp chí con số và sự kiện (số 9).
13. Nguyễn Sinh Cúc (2003), Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam thời kỳ đổi mới (1986 - 2002), Nxb. Thống Kê, Hà Nội.
14. Hồ Sỹ Cúc, Nguyễn Doãn Gác (2001), “Thực trạng thu nhập và phân hóa giàu nghèo ở nước ta”, Tạp chí con số và sự kiện (số 1 + 2).
15. Phạm Thị Lương Diệu (2005), “Đảng Cộng Sản Việt Nam với quá trình phát triển kinh tế hộ trong những năm đổi mới”, Tạp chí Lịch sử Đảng (Số 10).
16. Nguyễn Hữu Đạt (1995), Đầu tư hỗ trợ của Nhà nước cho nông dân phát triển kinh tế hộ gia đình, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
17. Nguyễn Điền (1998), “Kinh tế hộ nông dân thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp trong thời kỳ công nghiệp hóa”, Tạp chí nghiên cứu kinh tế (số 238).
18. Nguyễn Đình Điền (2000), Trang trại gia đình - bước phát triển mới của kinh tế hộ nông dân, Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội.
19. Lê Xuân Đình (2008), “Bức tranh kinh tế hộ nông dân hiện nay và một số vấn đề đặt ra”, Tạp chí Cộng Sản (số 786).
20. Lê Thị Định (1998), Phát triển kinh tế hộ nông dân những năm 90, vấn đề và giải pháp, Luận văn thạc sĩ kinh tế XHCN, khoa Kinh tế (ĐHQG), Hà Nội.
21. Nguyễn Thị Thu Hà (1994), Vài nét về quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam 1981 - 1990, Khóa luận tốt nghiệp ngành lịch sử Việt Nam, trường Đại học KHXH&NV - ĐHQGHN, Hà Nội.
22. Phan Thị Thu Hải (2008), Biến đổi kinh tế - xã hội hộ gia đình qua cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản 1994, 2006, Khóa luận tốt nghiệp chuyên ngành lịch sử Việt Nam, trường Đại Học KHXH & NV, Hà Nội.
23. Nguyễn Đình Hương (1999), Sản xuất và đời sống của các hộ nông dân không có đất hoặc thiếu đất ở Đồng bằng Sông Cửu Long, thực trạng và giải pháp, Nxb. Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội.
24. Đặng Thị Thu Hường (2009), Một số chuyển biến trong đời sống kinh tế - xã hội của hộ nông dân Việt Nam (1986 - 2006), Khóa luận tốt nghiệp chuyên ngành lịch sử Việt Nam, trường Đại Học KHXH & NV, Hà Nội.
25. Nguyễn Văn Huân (1995), Kinh tế nông hộ - vị trí, vai trò trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nông thôn Việt Nam, Luận án PTS Khoa học Kinh tế, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.
26. Nguyễn Tiến Mạnh, Phạm Đức Minh (1999), “Tác động của chính sách kinh tế đến sự phát triển ngành nghề nông thôn”, Tạp chí kinh tế nông nghiệp (số 6).
27. Nguyễn Tiến Mạnh, Phí Văn Kỷ (1999), “Kinh tế trang trại ở nước ta hiện nay”, Tạp chí kinh tế nông nghiệp (số 10).
28. Nguyễn Văn Ngừng (1998), Kinh tế hộ gia đình trong bước chuyển sang cơ chế thị trường ở nông thôn nước ta hiện nay, Luận án tiến sỹ kinh tế chuyên ngành kinh tế chính trị xã hội chủ nghĩa, Hà Nội.
29. Nguyễn Thế Nhã (1998), “Thực trạng sản xuất và đời sống của hộ nông dân không đất và thiếu đất ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long”, Tạp chí nghiên cứu kinh tế (số 247).
30. Nguyễn Thế Nhã (1999), “Thực trạng phát triển kinh tế trang trại ở nước ta”, Tạp chí nghiên cứu kinh tế (số 257).
31. Nguyễn Thế Nhã (1999), “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng không đất và thiếu đất của hộ nông dân ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long”, Tạp chí kinh tế nông nghiệp (số 1).
32. PTS Lê Thị Nghệ, Viện quy hoạch và thiết kế Nông nghiệp, Sự phân hóa giàu nghèo trong nông thôn và các giải pháp chủ yếu để xóa đói giảm nghèo, Hà Nội.
33. PTS Nguyễn Xuân Nguyên (1995), Khuynh hướng phân hóa hộ nông dân trong phát triển sản xuất hàng hóa, Nxb. Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội.
34. PGS.TSKH Lê Du Phong - TS Hoàng Văn Hoa, TS. Nguyễn Văn Áng (2000), Giải quyết vấn đề phân hóa giàu nghèo ở các nước và Việt Nam, Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội.
35. Nguyễn Trường Phú (2000), Kinh tế hộ trong nông thôn Việt Nam thời kỳ đổi mới (1981 - 2000), Khóa luận tốt nghiệp ngành lịch sử Việt Nam, trường Đại học KHXH&NV - ĐHQGHN, Hà Nội.
36. Nguyễn Văn Quy (1992), “Kinh tế hộ nông dân ở nước ta từ 1954 đến nay”, Tạp chí nghiên cứu Lịch sử Đảng (số 4).
37. Nguyễn Văn Quy (1993), “Sở hữu ruộng đất trong nông nghiệp - nhìn từ thực tiễn”, Tạp chí nghiên cứu kinh tế (số 193).
38. Chu Hữu Quý (1996), Phát triển toàn diện kinh tế - xã hội nông thôn, nông nghiệp Việt Nam, Nxb. Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội.
39. Nguyễn Sinh (2004), “Thu nhập và phân hóa thu nhập dân cư ở nước ta (giai đoạn 2001 - 2003)”, Tạp chí Cộng Sản (số 17).
40. Đặng Kim Sơn (2006), Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam 20 năm đổi mới và phát triển, Nxb. Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội.
41. Đặng Kim Sơn (2008), Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam hiện nay và mai sau, Nxb. Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội.
42. Hoàng Thị Thành (1995), Kinh tế hộ nông dân Việt Nam trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, Luận án PTS khoa học kinh tế, Viện nghiên cứu Chủ nghĩa Mac - Lenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Hà Nội.
43. Lê Đình Thắng (1999), “Một số vấn đề phương hướng phát triển kinh tế trang trại ở nước ta”, Tạp chí nghiên cứu kinh tế (số 255).
44. Đỗ Thức (2007), “Mấy nhận xét ban đầu về nông thôn, nông nghiệp và thủy sản nước ta hiện nay (qua số liệu sơ bộ Tổng điều tra NT, NN và TS 2006)”, Tạp chí con số và sự kiện (số 1).
45. Đỗ Thức (2008), “Kết quả khảo sát mức sống hộ gia đình năm 2006 (Lược trích báo cáo của Tổng cục Thống kê tại cuộc họp ngày 31.12.2007 tại Hà Nội”, Tạp chí con số và sự kiện (số 1 + 2).
46. Đỗ Thức (2008), “Tổng quan về nông thôn, nông nghiệp và thủy sản Việt Nam từ kết quả điều tra”, Tạp chí con số và sự kiện (số 1 + 2).
47. Nguyễn Văn Tiêm (1993), Giàu nghèo trong nông thôn hiện nay, Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội.
48. Nguyễn Hữu Tiến (2008), Phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn ở Việt Nam, Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội.
49. Trương Thị Tiến (1999), Đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp ở Việt Nam, Nxb. Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội.
50. Trương Thị Tiến (2002), “Quá trình xác lập vai trò tự chủ của kinh tế hộ nông dân trong nông thôn, nông nghiệp Việt Nam (thời kỳ hiện đại”, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, KHXH&NV (số 4).
51. Trương Thị Tiến (2003), Một số vấn đề về kinh tế hộ nông dân Việt Nam thời kỳ đổi mới (Đề tài khoa học cấp Đại Học Quốc gia - mã số Qx 99.01), Hà Nội.
52. Trương Thị Tiến (2004), “Đổi mới chính sách ruộng đất ở Việt Nam và những vấn đề ruộng đất của kinh tế hộ nông dân”, Tạp chí nghiên cứu lịch sử (số 5).
53. Trương Thị Tiến (2005), “Nông thôn Việt Nam một số biến đổi về xã hội trong thời kỳ đổi mới”, Tạp chí nghiên cứu lịch sử (số 9).
54. Lê Văn Toàn (2008), “Phân tầng xã hội ở nước ta qua điều tra mức sống hộ gia đình”, Tạp chí Cộng Sản (số 789).
55. Tổng cục thống kê (2000), Kết quả điều tra đời sống kinh tế hộ gia đình năm 1999, Nxb. Thống kê, Hà Nội.
56. Tổng cục thống kê (2001), Kết quả Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản 2001, Nxb. Thống kê, Hà Nội.
57. Tổng cục Thống kê (2006), Báo cáo sơ bộ kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2006, Nxb. Thống kê, Hà Nội.
58. Tổng cục thống kê (2007), Báo cáo chính thức kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2006, Trung tâm tư liệu thống kê, Tổng cục Thống Kê, Hà Nội.
59. Lê Trọng (2003), Phát triển bền vững kinh tế hộ nông dân gắn liền với hạch toán kinh doanh, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
60. Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Viện kinh tế học, Chu Văn Vũ (1995), Kinh tế hộ trong nông thôn Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
61. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (1996), Đổi mới và phát triển nông nghiệp nông thôn, Nxb nông nghiệp, Hà Nội.
62. Định Thị Cẩm Tú (2005), Đảng lãnh đạo phát triển kinh tế hộ nông dân trong nông thôn Việt Nam (1981 - 2001), Luận văn Thạc sĩ lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, trường Đại học KHXH&NV (ĐHQGHN), Hà Nội.
63. Nguyễn Từ (2008), Tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đối với phát triển nông nghiệp Việt Nam, Nxb. Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội.
64. GS.VS. Đào Thế Tuấn (1997), Kinh tế hộ nông dân, Nxb. Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội.
65. GS.VS. Đào Thế Tuấn (2005), “Các vấn đề của nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam”, Tạp chí nông thôn mới (số kỳ 2).
66. Viện nghiên cứu phát triển (2008), Nông dân, nông thôn, nông nghiệp, những vấn đề đặt ra, Nxb. Tri Thức, Hà Nội.
67. Hoàng Việt (2001), Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam bước vào thế kỷ XXI, Nxb. Nông nghiệp, Hà Nội.
68. Chu Văn Vũ (1995), Kinh tế hộ trong nông thôn Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
69. Bùi Văn Yên (1994), Kinh tế hộ nông dân trong sự phát triển nền kinh tế hàng hóa ở nước ta, Luận án PTS Khoa học kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.
MỤC LỤC
._.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- CH003.doc