Mở đầu
1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài
Từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã giành được những thắng lợi quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước đã có nhiều khởi sắc, được nhân dân ta và quốc tế đánh giá cao.
Chủ trương hợp tác đầu tư với nước ngoài nhằm tranh thủ vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý và thị trường thế giới phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiệ
202 trang |
Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 2126 | Lượt tải: 4
Tóm tắt tài liệu Sự hình thành và phát triển của Luật Đầu tư nước ngoài trong hệ thống pháp luật Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
n đại hóa (CNH, HĐH) đã được xác định và cụ thể hóa trong các văn kiện của Đảng. Thể chế hóa chủ trương của Đảng, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành năm 1987, mở đầu cho việc thu hút có hiệu quả và sử dụng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài theo phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ kinh tế đối ngoại, góp phần thực hiện chủ trương phát huy nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế.
Trong gần mười lăm năm qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp ngày càng lớn vào tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH, mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo việc làm và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Khu vực các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận của nền kinh tế đang kinh doanh năng động, hiệu quả, tạo ra nhiều sản phẩm có hàm lượng trí tuệ và chất lượng cao, tạo thêm thế và lực cho Việt Nam chủ động hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới.
Trong các thành tựu nói trên, pháp luật đầu tư nước ngoài có sự đóng góp to lớn. Pháp luật đầu tư nước ngoài đã tạo dựng được khung pháp lý cơ bản, điều chỉnh hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng về mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng về cơ bản yêu cầu của thực tiễn, ngày càng phù hợp hơn với thông lệ quốc tế và có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, nhu cầu tiếp tục đổi mới toàn diện nền kinh tế, đẩy mạnh CNH, HĐH, chủ động hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới đã và đang đặt ra nhiệm vụ phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật đầu tư nước ngoài hiện hành. Bên cạnh đó, chính sách nhất quán thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam đã được khẳng định lại tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng: "Tiếp tục chính sách mở cửa và chủ động hội nhập kinh tế để phát triển" [27, tr. 330].
Vì vậy, việc nghiên cứu đề tài "Sự hình thành và phát triển của Luật Đầu tư nước ngoài trong hệ thống pháp luật Việt Nam" hiện nay mang tính cấp thiết, không những về lý luận, mà còn là đòi hỏi của thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Thuật ngữ "Luật Đầu tư nước ngoài" trong luận án này được hiểu là pháp luật đầu tư nước ngoài, trong đó đạo luật về đầu tư nước ngoài (năm 1987 và năm 1996) là văn bản pháp lý quan trọng nhất.
2. Tình hình nghiên cứu
Trong thời gian qua, một số tác giả đã có các công trình nghiên cứu về Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, như: tác giả Hoàng Phước Hiệp có Luận án Tiến sĩ luật học năm 1996 về "Cơ chế điều chỉnh pháp luật trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam; tác giả Lê Mạnh Tuấn có Luận án Tiến sĩ luật học năm 1996 về "Cơ sở khoa học của việc hoàn thiện khung pháp luật đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam; tác giả Nguyễn Hải Hà có Luận án Tiến sĩ luật học năm 2000 tại Pháp về "Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho in tập bài giảng năm 2000: Những vấn đề cơ bản về quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam; Bộ Tư pháp có Dự án VIE/94-03 năm 1998 - Tập II - Phần I: Pháp luật về các loại hình doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Dự án VIE/97-016 năm 1997: Tăng cường môi trường pháp lý cho hoạt động kinh doanh, trong đó có đề tài nhánh về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài...
Tuy nhiên, các công trình nói trên chỉ đề cập đến khía cạnh cơ chế điều chỉnh pháp luật đầu tư nước ngoài, pháp luật đầu tư nước ngoài hoặc quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam... Chưa có công trình nào nghiên cứu một cách có hệ thống, toàn diện về sự hình thành và phát triển của Luật Đầu tư nước ngoài trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
3. Mục đích, nhiệm vụ, đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
Mục đích nghiên cứu của luận án
Mục đích của luận án là trên cơ sở nghiên cứu một cách có hệ thống sự hình thành và phát triển của pháp luật đầu tư nước ngoài, đánh giá đúng thực trạng, dự báo xu hướng phát triển và kiến nghị phương hướng, nội dung hoàn thiện pháp luật đầu tư nước ngoài trong hệ thống pháp luật Việt Nam thời gian tới.
Nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
Để đạt được mục đích trên, việc nghiên cứu luận án có các nhiệm vụ sau:
- Làm sáng tỏ các khái niệm: Đầu tư nước ngoài, pháp luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; đặc điểm của pháp luật đầu tư nước ngoài và vai trò, vị trí của nó trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
- Phân tích, làm rõ sự hình thành và phát triển của pháp luật đầu tư nước ngoài qua từng thời kỳ lịch sử; đánh giá thực trạng của pháp luật đầu tư nước ngoài về cả ưu điểm và hạn chế.
- Dự báo phương hướng phát triển của pháp luật đầu tư nước ngoài và từ đó, kiến nghị các giải pháp hoàn thiện pháp luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Đối tượng nghiên cứu của luận án
Luận án nghiên cứu sự hình thành và phát triển của pháp luật đầu tư nước ngoài trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Phạm vi nghiên cứu của luận án
- Đề tài được nghiên cứu dưới góc độ lý luận chung về Nhà nước và pháp luật. Thuật ngữ "Luật Đầu tư nước ngoài" được hiểu theo nghĩa rộng gồm ba bộ phận: thứ nhất, đạo luật về đầu tư trực tiếp nước ngoài (được Quốc hội ban hành năm 1987 và 1996 cũng như các đạo luật sửa đổi, bổ sung hai đạo luật này) và các văn bản trực tiếp hướng dẫn thi hành; thứ hai, các chế định điều chỉnh hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài được quy định trong các đạo luật khác như chế định phá sản trong Luật Phá sản doanh nghiệp, chế định lao động trong Bộ luật Lao động...; thứ ba, các điều ước quốc tế mà Việt nam ký kết hoặc gia nhập điều chỉnh hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
Về thời gian, luận án nghiên cứu những vấn đề về đầu tư trực tiếp nước ngoài từ năm 1975 đến nay.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
Cơ sở lý luận của luận án là quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng ta về xây dựng Nhà nước và pháp luật, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế trong nền kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta; những thành tựu của các khoa học: triết học, kinh tế học, luật học và đặc biệt của khoa học quan hệ kinh tế quốc tế...
Luận án được trình bày dựa trên cơ sở nghiên cứu các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về đầu tư nước ngoài, các văn bản pháp luật đầu tư nước ngoài của Nhà nước, các báo cáo tổng kết về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam của Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ; các công trình nghiên cứu về pháp luật đầu tư nước ngoài của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của triết học Mác - Lênin, luận án sử dụng các phương pháp phân tích, tổng hợp, hệ thống, so sánh pháp luật, dự báo để nghiên cứu những vấn đề đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam trong thời gian qua.
5. Những đóng góp mới của luận án
Đây là luận án Tiến sĩ luật học đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu một cách toàn diện và có hệ thống về sự hình thành và phát triển của pháp luật đầu tư nước ngoài trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Trên cơ sở đó, tác giả dự báo xu hướng phát triển và kiến nghị phương hướng, nội dung hoàn thiện pháp luật đầu tư nước ngoài hiện hành. Có thể xem những nội dung sau đây là những đóng góp mới của luận án:
1. Làm sáng tỏ khái niệm, đặc điểm của pháp luật đầu tư nước ngoài ở Việt Nam và vai trò, vị trí của nó trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
2. Trình bày quá trình hình thành và phát triển của pháp luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử từ năm 1975 đến nay.
3. Đánh giá thực trạng của pháp luật đầu tư nước ngoài hiện hành xét trong tổng thể hệ thống pháp luật Việt Nam, phân tích những ưu điểm và hạn chế của nó và dự báo xu hướng phát triển của pháp luật đầu tư nước ngoài.
4. Đề cập các nguyên tắc hoàn thiện pháp luật đầu tư nước ngoài, đồng thời dự báo lộ trình và nội dung hoàn thiện pháp luật đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
6. ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
Thông qua những kết quả nghiên cứu và kiến nghị của luận án, tác giả mong muốn đóng góp phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển của kho tàng lý luận và thực tiễn về hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam nói chung và pháp luật đầu tư nước ngoài nói riêng. Với việc dự báo xu hướng và đề xuất các giải pháp phát triển pháp luật đầu tư nước ngoài hiện hành, tác giả hy vọng sẽ góp phần làm sáng tỏ cơ sở khoa học cho việc đổi mới pháp luật đầu tư nước ngoài trong khuôn khổ đổi mới hệ thống pháp luật nói chung của Việt Nam, theo hướng tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, tạo sức cạnh tranh cao hơn trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài so với các nước trong khu vực. Vì vậy, luận án có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo trong việc nghiên cứu, giảng dạy về lý luận pháp luật đầu tư nước ngoài cũng như đào tạo cán bộ chuyên ngành về pháp luật đầu tư nước ngoài thuộc các ngành Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Tài chính, Địa chính, Hải quan, Thương mại...
7. Kết cấu của luận án
Luận án gồm 187 trang. Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận án có 3 chương, 9 mục.
Chương 1
Một số vấn đề lý luận về sự hình thành và phát triển
pháp Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt nam
1.1. sự cần thiết phải có pháp Luật Đầu tư nước ngoài trong hệ thống pháp luật Việt Nam
1.1.1. Tính tất yếu khách quan của việc thu hút đầu tư nước ngoài
Trong lịch sử thế giới, đầu tư trực tiếp nước ngoài đã xuất hiện từ thế kỷ thứ XVI. Các nước tư bản phát triển nhất thời kỳ đó như Anh, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đã đầu tư vốn vào các nước châu á, châu Phi... để mở đồn điền, khai thác khoáng sản, cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp ở chính quốc. Chủ nghĩa tư bản càng phát triển thì hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài của các nước công nghiệp phát triển ngày càng có phạm vi, quy mô lớn hơn với những hình thức ngày càng phong phú hơn.
Trong thế kỷ thứ XIX, các nước tư bản phát triển đã tích lũy được những khoản tư bản khổng lồ. Đó là tiền đề quan trọng cho việc xuất khẩu tư bản. Theo nhận định của V.I. Lênin trong tác phẩm "Chủ nghĩa đế quốc - Giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản", thì xuất khẩu tư bản là một trong năm đặc điểm kinh tế của chủ nghĩa tư bản hiện đại, tức chủ nghĩa tư bản độc quyền. V.I. Lênin cho rằng, "chủ nghĩa tư bản tăng thêm lợi nhuận bằng cách xuất khẩu tư bản ra nước ngoài vào những nước lạc hậu. Trong các nước lạc hậu này, lợi nhuận thường cao, vì tư bản hãy còn ít, giá đất đai tương đối thấp, tiền công hạ, nguyên liệu rẻ" [45, tr. 456].
Khoa học kinh tế đã chỉ ra rằng, đó là một hiện tượng kinh tế mang tính tất yếu khách quan. Khi quá trình tích tụ và tập trung tư bản đạt đến một mức độ nhất định, sẽ xuất hiện nhu cầu đầu tư ra nước ngoài. Đây chính là quá trình phát triển của sức sản xuất xã hội, đến độ vượt ra khỏi khuôn khổ chật hẹp của một quốc gia, theo quy luật sẽ hình thành quy mô sản xuất xuyên quốc gia. Để tăng thêm lợi nhuận, các nhà tư bản ở các nước phát triển phải thực hiện đầu tư ra nước ngoài, thời gian đầu thường là vào các nước lạc hậu hơn, vì ở đó các yếu tố đầu vào của sản xuất còn rẻ, lợi nhuận thu được thường cao hơn.
Khi đưa ra "Chính sách kinh tế mới" V.I. Lênin đã cho rằng, những người cộng sản phải biết lợi dụng những thành tựu kinh tế và khoa học kỹ thuật của chủ nghĩa tư bản thông qua hình thức "tư bản nhà nước". Theo quan điểm này, nhiều nước đã "chấp nhận" phần nào sự bóc lột của chủ nghĩa tư bản để phát triển kinh tế, vì như thế có thể đi nhanh hơn là tự thân vận động hay đi vay vốn để mua lại kỹ thuật của các nước công nghiệp phát triển. Mặt khác, mức độ "bóc lột" của các nước tư bản cũng còn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của các nước tiếp nhận tư bản. Nếu như trước đây, hoạt động xuất khẩu tư bản của các nước đế quốc chỉ phải tuân theo pháp luật của chính họ, thì ngày nay, các nước nhận đầu tư đã là các quốc gia độc lập có chủ quyền, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài phải tuân theo pháp luật, sự quản lý của chính phủ nước sở tại và thông lệ quốc tế.
Một khó khăn lớn của hầu hết các nước đang phát triển trong đó có nước ta là thiếu vốn đầu tư. Có thể nói, vốn đầu tư là yếu tố quyết định để các nước này đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống vật chất của nhân dân. ở các nước đang phát triển, nguồn lao động và tài nguyên thiên nhiên thường chưa được sử dụng hết hoặc không được sử dụng vì thiếu các điều kiện vật chất cho quá trình lao động, sản xuất. Bản thân các nước đang phát triển lại ít có khả năng tự tích lũy vì năng suất lao động thấp, sản xuất hầu như không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Trong hoàn cảnh như vậy, nguồn vốn từ bên ngoài sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với bước phát triển ban đầu của các nước này. Đặc biệt, trong xu thế quốc tế hóa đời sống kinh tế thế giới hiện nay, các nước đang phát triển bị đặt vào tình huống phải tạo được tốc độ phát triển nhanh để đuổi kịp các nước phát triển và từng bước hội nhập với nền kinh tế thế giới. Nguy cơ tụt hậu không cho phép các nước đang phát triển được chậm trễ hay có cách lựa chọn nào khác. Trong điều kiện thế giới và khu vực có nhiều quốc gia có nhu cầu đầu tư ra nước ngoài, thì các nước đang phát triển có cơ cơ hội tranh thủ nguồn vốn và kỹ thuật của nước ngoài để phát triển kinh tế.
Ngoài các đặc điểm chung của một quốc gia đang phát triển, Việt Nam còn có những đặc thù riêng của một đất nước đã phải trải qua nhiều năm chiến tranh ác liệt. Nền kinh tế sau chiến tranh đã bị tàn phá nặng nề, lại vấp phải những sai lầm nghiêm trọng trong quản lý và điều hành cả trên tầm vĩ mô và vi mô của thời kỳ tập trung, quan liêu, bao cấp, nên đã rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Trong thời gian dài trước năm 1990, Việt Nam không có tích lũy từ trong nội bộ nền kinh tế. Một phần lớn tích lũy phải dựa vào vay nợ và viện trợ chủ yếu của Liên Xô, các nước XHCN Đông Âu trước đây, sau này là từ nhiều chính phủ và các tổ chức trên thế giới.
Để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, Việt Nam phải tranh thủ vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý tiên tiến của nước ngoài. Đây là điểm nút để nước ta thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của sự nghèo đói. Thực tiễn và kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, quốc gia nào thực hiện chiến lược kinh tế mở cửa với bên ngoài, biết tranh thủ và phát huy tác dụng của nhân tố bên ngoài, biến nó thành nhân tố bên trong, thì quốc gia đó tạo được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Có thể nói rằng, ở đâu và nước nào thu hút được nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thì ở nước đó, nền kinh tế đạt được tốc độ phát triển nhanh chóng. Vì vậy, trên thế giới đang diễn ra một cuộc cạnh tranh gay gắt nhằm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Trong điều kiện cụ thể của nước ta, nơi có những tiềm năng to lớn về lao động, tài nguyên... nhưng không có điều kiện khai thác và sử dụng, thì việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lại càng mang tính tất yếu khách quan và có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Muốn đạt được mục đích thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, kinh nghiệm quý báu của nhiều nước cho thấy, Việt Nam cần phải tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị và thực hiện cải cách nền kinh tế để từng bước hội nhập vào quỹ đạo phát triển kinh tế thế giới.
1.1.2. Sự cần thiết phải điều chỉnh hoạt động đầu tư nước ngoài bằng pháp luật
Trong xã hội, pháp luật là một phương tiện quan trọng bậc nhất không thể thay thế để điều chỉnh các quan hệ xã hội, tổ chức, quản lý đời sống xã hội, bảo đảm cho xã hội ổn định, phát triển, phù hợp với những mục đích mà Nhà nước và xã hội đặt ra. Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25/12/2001 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 10 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, tại Điều 2 quy định: "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân" và Điều 12 Hiến pháp năm 1992 quy định: "Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế XHCN ".
Quản lý kinh tế nói chung, quản lý hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài nói riêng, là chức năng cơ bản hàng đầu của Nhà nước trong điều kiện lịch sử hiện nay. Để thực hiện chức năng này, Nhà nước phải nhận thức đúng đắn các quy luật khách quan của sự vận động kinh tế - xã hội, xây dựng chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, khai thác có hiệu quả các nguồn lực của đất nước và các điều kiện quốc tế, sử dụng đồng bộ và hợp lý các công cụ kế hoạch, chính sách và các đòn bẩy kinh tế. Trong hệ thống các công cụ và biện pháp để Nhà nước điều chỉnh hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài, pháp luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Sự cần thiết phải điều chỉnh hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng pháp luật được thể hiện ở một số nội dung sau đây:
Thứ nhất, pháp luật là công cụ quản lý của Nhà nước, luôn luôn gắn liền với Nhà nước và chỉ Nhà nước mới sử dụng công cụ pháp luật. Nhà nước điều chỉnh các quá trình xã hội và hành vi hoạt động của con người, trong đó có hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng quyền lực nhà nước. Quyền lực nhà nước khác với các quyền lực khác ở chỗ, nó được thực hiện bằng một cơ chế thực thi pháp luật. Nhờ có quyền lực nhà nước, giai cấp thống trị thực hiện những lợi ích của mình, buộc cả xã hội phải tuân theo và phục tùng ý chí của mình bằng cách đề ra pháp luật và thực hiện pháp luật trên thực tế. V.I. Lênin cho rằng: "ý chí, nếu nó là ý chí của Nhà nước, thì phải được biểu hiện dưới hình thức một đạo luật do chính quyền đặt ra, nếu không thì hai tiếng ý chí chỉ là một sự rung động không khí do những âm thanh rỗng tuếch gây nên" [112, tr. 429]. Trong hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài, điều đó có nghĩa, chỉ có điều chỉnh hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng pháp luật, thì quyền lực nhà nước mới có ý nghĩa và mới đem lại hiệu quả thiết thực.
Tuy nhiên, ý chí của Nhà nước thể hiện trong pháp luật, xét đến cùng, không phải do ý chí chủ quan của một người nào, mà chính nó được hình thành một cách khách quan do các quan hệ kinh tế khách quan quy định. Nói pháp luật là sự thể hiện quyền lực và ý chí của Nhà nước cũng có nghĩa là khẳng định tính bị quy định một cách khách quan của pháp luật. Ph. Ăngghen cho rằng, ý chí được đề lên thành luật là ý chí có nội dung do những điều kiện sinh hoạt vật chất của giai cấp quyết định [59, tr. 42].
Qua việc phân tích sự cần thiết phải điều chỉnh hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng pháp luật cũng có thể khẳng định, pháp luật đầu tư nước ngoài ra đời từ nhu cầu bảo vệ lợi ích của nhân dân, trước hết là lợi ích kinh tế và lợi ích chính trị. Ph. Ăngghen cho rằng: "Tất cả hiện tượng pháp lý đều lấy bản chất chính trị làm cơ sở" [59, tr. 635]. V.I. Lênin khẳng định: "Một đạo luật là một biện pháp chính trị, là chính trị" [111, tr. 129]. Nội dung và mục tiêu của biện pháp chính trị đó là kinh tế, lợi ích kinh tế và địa vị thống trị của nhân dân lao động nước ta.
Thứ hai, để điều chỉnh hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài, Nhà nước có thể và cần phải sử dụng nhiều công cụ, biện pháp và hình thức khác nhau. Đó là các chính sách, kế hoạch đầu tư trực tiếp nước ngoài, đòn bẩy kinh tế, pháp luật đầu tư nước ngoài... Tuy nhiên, trong số các công cụ, biện pháp đó, việc điều chỉnh hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng pháp luật đã trở thành thiết yếu và cấp bách hiện nay, bởi lẽ với những đặc điểm riêng của mình, pháp luật có khả năng triển khai những chủ trương, chính sách của Nhà nước một cách nhanh nhất, đồng bộ và có hiệu quả nhất trên quy mô toàn xã hội. Chính vì vậy, chúng tôi hoàn toàn tán thành ý kiến của GS.TSKH Đào Trí úc: "Nhà nước chỉ có thể thể hiện được ý chí phổ biến và uy quyền công khai của mình qua một loại đại lượng có tính phổ biến, có tính bắt buộc chung. Đó là pháp luật" [84, tr. 205].
Thứ ba, trong nền kinh tế thị trường, sự tồn tại của pháp luật là một nhu cầu khách quan bắt nguồn từ những đòi hỏi của các quan hệ kinh tế. Đây là điểm khác biệt so với thời kỳ quan liêu, bao cấp. ở thời kỳ này, sự tồn tại của pháp luật như quan điểm của PGS.TS Chu Hồng Thanh, là: "một nhu cầu chủ quan bắt nguồn từ những đòi hỏi của Nhà nước, là một phương tiện trong tay Nhà nước để kìm hãm, xóa bỏ những quan hệ kinh tế nào đó một cách duy ý chí" [79, tr. 29].
Đối với hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài, pháp luật đầu tư nước ngoài được hình thành trên cơ sở những đòi hỏi của quan hệ đầu tư trực tiếp nước ngoài, tồn tại như một quan hệ nội tại của sự vận động, phát triển kinh tế đối ngoại. Pháp luật đầu tư nước ngoài là hệ thống các quy phạm, chuẩn mực, mà dựa vào đó các nhà đầu tư nước ngoài tìm được "sân chơi", các nhà quản lý có phương tiện để điều khiển "cuộc chơi". Pháp luật đầu tư nước ngoài là mực thước để phân định đúng, sai, kiểm nghiệm và điều chỉnh hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài cho phù hợp với nhu cầu xã hội.
Sự điều chỉnh hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng pháp luật phải bảo đảm cho hoạt động đầu tư vận động theo đúng những quy luật khách quan, không thể áp đặt và thay thế các quy luật khách quan ấy. Bằng pháp luật, Nhà nước tạo môi trường và hành lang pháp lý để chủ thể quan hệ đầu tư nước ngoài có thể tự chủ sản xuất kinh doanh, tự bảo vệ lợi ích của mình, đồng thời không làm tổn hại đến lợi ích của các chủ thể khác và toàn xã hội. Bằng pháp luật, Nhà nước xác định địa vị pháp lý của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư trực tiếp nước ngoài và thẩm quyền của các cơ quan có chức năng giải quyết các tranh chấp phát sinh trong hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Thứ tư, trong việc điều chỉnh quan hệ đầu tư trực tiếp nước ngoài, pháp luật quy định cho các bên tham gia các quan hệ đó có một số quyền và nghĩa vụ pháp lý nhất định, đồng thời thiết lập cả những điều kiện để đảm bảo cho các quyền và nghĩa vụ pháp lý đó được thực hiện. Vì vậy, khi tham gia vào các quan hệ đầu tư trực tiếp nước ngoài do pháp luật điều chỉnh, các chủ thể phải có hành vi phù hợp với các yêu cầu của pháp luật. Tuy nhiên, việc điều chỉnh hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng pháp luật, không chỉ tác động tới các hành vi của các chủ thể tham gia quan hệ đầu tư trực tiếp nước ngoài, mà còn tác động về tư tưởng đối với toàn xã hội nói chung.
Thứ năm, đối với sự điều chỉnh hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng pháp luật, sự tồn tại của pháp luật đầu tư nước ngoài phụ thuộc vào nhận thức và ý chí của Nhà nước. Tuy nhiên, sau khi pháp luật đầu tư nước ngoài đã được ban hành, các cơ quan nhà nước phải triệt để tuân thủ trong quá trình thực hiện chức năng quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đây cũng là một trong những nội dung cơ bản của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay.
1.2. Khái niệm và đặc trưng cơ bản của Pháp Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
1.2.1. Khái niệm pháp luật đầu tư nước ngoài
Để có thể làm sáng tỏ khái niệm pháp luật đầu tư nước ngoài, trước hết cần làm rõ khái niệm đầu tư nước ngoài, các hình thức, phương thức của đầu tư nước ngoài.
Việc nghiên cứu các tài liệu ở một số nước trên thế giới cho thấy, thuật ngữ "đầu tư" được hiểu khác nhau, phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế - xã hội nhất định. Trước đây, Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV) đã đưa ra khái niệm đầu tư nước ngoài như sau: "đầu tư nước ngoài được hiểu là tất cả những loại giá trị vật chất mà nhà đầu tư đưa từ nước ký kết này sang nước ký kết hữu quan theo pháp luật của nước sử dụng đầu tư" [110, tr. 19]. ở khái niệm này, đầu tư nước ngoài được hiểu với nghĩa rất hẹp chỉ bao gồm các giá trị vật chất, còn các loại tài sản vô hình thì lại chưa được đề cập đến. Trong tài liệu Hội thảo về thương mại và phát triển của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), khái niệm đầu tư trực tiếp nước ngoài được hiểu rộng hơn khái niệm trên: "Đầu tư với mục đích thiết lập các quan hệ kinh tế bền vững với một công việc kinh doanh, đem lại khả năng thực hiện một ảnh hưởng có hiệu quả đối với quản lý của việc đầu tư ấy" [106, tr. 17]. Trong báo cáo của Ngân hàng thế giới năm 1996: "Đầu tư thương mại và các thỏa thuận chính sách quốc tế", không đưa ra khái niệm đầu tư, nhưng có đưa ra định nghĩa pháp lý của khái niệm đầu tư trực tiếp nước ngoài: "là một khoản đầu tư liên quan đến các quan hệ dài hạn và phản ánh một lợi ích lâu dài và sự kiểm soát một thực thể trong một nền kinh tế (nhà đầu tư nước ngoài hay công ty mẹ) thông qua một doanh nghiệp thuộc về một nền kinh tế khác, nền kinh tế của nước có nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài" [108, tr. 219-220].
Dưới góc độ khoa học, khái niệm đầu tư được hiểu trong mối quan hệ với các khái niệm khác thuộc phạm trù kinh tế thị trường. Cuốn Từ điển kinh doanh xuất bản bằng tiếng Anh tại Luân Đôn năm 1982 đã đưa ra các khái niệm khác nhau về đầu tư (investment) như: "đó là việc dùng tiền để nhận được thu nhập hoặc lợi nhuận; đó là tiền được đầu tư…" [105, tr. 255].
ở nước ta, ngay từ năm 1977, khái niệm đầu tư nước ngoài đã chính thức được ghi nhận trong Điều lệ Đầu tư của nước ngoài ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam được ban hành kèm theo Nghị định số 115/CP ngày 18/4/1977 (sau đây gọi tắt là Điều lệ Đầu tư nước ngoài năm 1977):
Được coi là đầu tư của nước ngoài ở Việt Nam việc đưa vào sử dụng ở Việt Nam những tài sản và vốn sau đây, nhằm xây dựng những cơ sở mới hoặc đổi mới trang bị kỹ thuật, mở rộng các cơ sở hiện có:
- Các loại thiết bị, máy móc, dụng cụ (gồm cả những thứ dùng cho việc thí nghiệm), phương tiện vận tải, vật tư kỹ thuật… cần thiết cho mục đích nói trên;
- Các quyền sở hữu công nghiệp, bằng sáng chế, phát minh, phương pháp công nghệ, bí mật kỹ thuật (know - how), nhãn hiệu chế tạo…
- Vốn bằng ngoại tệ hoặc vật tư có giá trị ngoại tệ, nếu phía Việt Nam thấy cần thiết;
- Vốn bằng ngoại tệ để chi lương cho nhân viên và công nhân làm việc ở các cơ sở hoặc tiến hành những dịch vụ theo quy định của Điều lệ này [18, tr. 66].
Như vậy, trong khái niệm trên, không phải bất cứ sự vận động vốn (tư bản) nào từ nước ngoài vào Việt Nam đều là đầu tư nước ngoài, mà chỉ việc đưa vào sử dụng ở Việt Nam những tài sản và vốn đã được quy định tại Điều 2 Điều lệ đầu tư nước ngoài ở Việt Nam mới được coi là đầu tư nước ngoài.
Trong Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành năm 1987, khái niệm đầu tư nước ngoài đã được ghi nhận tại khoản 3 Điều 2 như sau: "Đầu tư nước ngoài là việc các tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp đưa vào Việt Nam vốn bằng tiền nước ngoài hoặc bất kỳ tài sản nào được Chính phủ Việt Nam chấp thuận để hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hoặc thành lập xí nghiệp liên doanh hoặc xí nghiệp 100% vốn nước ngoài theo quy định của luật này". Có thể nói, với quy định mới này, khái niệm đầu tư nước ngoài đã được mở rộng hơn so với khái niệm đầu tư nước ngoài trong Điều lệ đầu tư nước ngoài năm 1977.
Trong Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, khái niệm đầu tư được hiểu một cách rộng hơn: "là mọi hình thức đầu tư trên lãnh thổ của một Bên do các công dân hoặc công ty của Bên kia sở hữu hoặc kiểm soát trực tiếp hay gián tiếp, bao gồm các hình thức: một công ty hoặc một doanh nghiệp; cổ phần, cổ phiếu và các hình thức góp vốn khác, trái phiếu, giấy ghi nợ và các quyền lợi đối với các khoản nợ dưới các hình thức khác trong công ty; các quyền theo hợp đồng như quyền theo các hợp đồng chìa khóa trao tay, hợp đồng xây dựng hoặc hợp đồng quản lý, các hợp đồng sản xuất hoặc hợp đồng phân chia doanh thu, tô nhượng hoặc các hợp đồng tương tự khác; tài sản hữu hình, gồm cả bất động sản và tài sản vô hình, gồm cả các quyền như giao dịch thuê, thế chấp, cầm cố và quyền lưu giữ tài sản; quyền sở hữu trí tuệ, gồm quyền tác giả và các quyền có liên quan, nhãn hiệu hàng hóa, sáng chế, thiết kế bố trí, mạch tích hợp, tín hiệu vệ tinh mang chương trình đã được mã hóa, thông tin bí mật (bí mật thương mại, kiểu dáng công nghiệp và quyền với giống cây trồng và các quyền theo quy định của pháp luật như các giấy phép và sự cho phép".
Dưới góc độ khoa học, theo quan điểm của chúng tôi, đầu tư (investment) là việc sử dụng vốn vào quá trình tái sản xuất xã hội nhằm tạo ra năng lực sản xuất lớn hơn. Dưới góc độ của doanh nhân hoặc doanh nghiệp, đầu tư là việc đưa vốn vào một hoạt động nào đó nhằm mục đích thu lợi nhuận. Vốn đầu tư bao gồm tiền và các tài sản khác như động sản, bất động sản, tài sản hữu hình, tài sản vô hình…
Như vậy, ngoài những khái niệm về đầu tư nước ngoài đã được trình bày ở trên, về mặt lý luận, có thể đưa ra khái niệm đầu tư nước ngoài như sau: đầu tư nước ngoài là việc nhà đầu tư của nước này đưa vốn bằng tiền hoặc tài sản khác vào nước khác để thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhằm thu lợi nhuận.
Trong khái niệm này, yếu tố nước ngoài trong đầu tư nước ngoài được thể hiện ở hai dấu hiệu đặc trưng chính, một là: có sự tham gia của chủ thể nước ngoài và hai là: có sự di chuyển vốn từ nước này sang nước khác.
Đầu tư nước ngoài được phân làm hai loại: đầu tư nước ngoài trực tiếp và đầu tư nước ngoài gián tiếp. Đầu tư trực tiếp nước ngoài là loại hình kinh doanh, trong đó nhà đầu tư nước ngoài tự bỏ vốn thiết lập ra cơ sở sản xuất, kinh doanh cho riêng mình, tự đứng ra làm chủ sở hữu, tự quản lý hoặc thuê người quản lý cơ sở này (đầu tư 100% vốn), hoặc hợp tác với một hay nhiều doanh nghiệp của nước sở tại thành lập một doanh nghiệp liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh, cùng làm chủ sở hữu, cùng quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh này. Đầu tư gián tiếp nước ngoài là loại hình đầu tư, trong đó nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở kinh tế, nhưng không tham gia điều hành cơ sở kinh tế đó.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ là một trong bốn nguồn tài chính nước ngoài đổ vào một quốc gia, đó là: 1) Viện trợ phát triển chính thức (ODA) và phi chính phủ (NGO); 2) Tín dụng thương mại; 3) Tín phiếu, trái phiếu, cổ phiếu; 4) Vốn đầu tư trực tiếp. Viện trợ phát triển chính thức thường do các Chính phủ cấp không hoặc c._.ho vay ưu đãi nhằm tạo dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần thiết cho hoạt động thương mại, đầu tư. Tín dụng thương mại là nguồn vốn chủ yếu nhằm hỗ trợ cho các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu và xét đến cùng cũng là hỗ trợ cho đầu tư. Tín phiếu là nguồn vốn mà Chính phủ các nước muốn thu về bằng cách bán cổ phiếu, trái phiếu, công trái cho người nước ngoài. Vốn đầu tư trực tiếp chủ yếu là nguồn vốn tư nhân đầu tư vào quốc gia khác nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Bốn nguồn vốn này có mối quan hệ hữu cơ, tác động qua lại lẫn nhau. Nếu một nước kém phát triển không nhận được vốn ODA đủ mức cần thiết để hiện đại hóa kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thì khó có thể thu hút được nguồn vốn FDI và các nguồn vốn tín dụng khác. Nhưng nếu chỉ chú trọng nguồn vốn ODA, mà không tìm cách thu hút nguồn vốn FDI và các nguồn vốn tín dụng khác, thì Chính phủ sẽ không thể có thu nhập để trả nợ cho vốn ODA.
Hình thức đầu tư
Trên thế giới, các hình thức đầu tư rất đa dạng từ hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, hình thức liên doanh, hình thức công ty cổ phần, công ty quản lý vốn, chi nhánh công ty nước ngoài, đến hình thức gia công, lắp ráp... Còn ở nước ta, theo pháp luật đầu tư nước ngoài hiện hành, đầu tư trực tiếp nước ngoài bao gồm ba hình thức:
- Doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài là loại hình đầu tư, trong đó nhà đầu tư nước ngoài tự bỏ vốn thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh ở nước sở tại và có tư cách pháp nhân của nước sở tại.
- Doanh nghiệp liên doanh là loại hình đầu tư, trong đó nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước cùng góp vốn thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam.
- Hợp đồng hợp tác kinh doanh là loại hình đầu tư, trong đó nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước cùng bỏ vốn kinh doanh theo một hợp đồng, mỗi bên giữ tư cách pháp nhân riêng, không thành lập pháp nhân mới.
Phương thức đầu tư
Ngoài khái niệm các hình thức đầu tư, còn có khái niệm phương thức đầu tư. Phương thức đầu tư là cách tổ chức đưa vốn vào kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay, theo pháp luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có các phương thức sau:
- BOT (Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) là phương thức nhà đầu tư nước ngoài ký kết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng, tự kinh doanh để thu hồi vốn, lợi nhuận trong thời hạn nhất định, sau thời hạn đó chuyển giao công trình đó cho Nhà nước Việt Nam [5, tr. 4].
- BTO (Hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh) là phương thức nhà đầu tư nước ngoài ký kết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao công trình đó cho Nhà nước Việt Nam. Nhà nước Việt Nam dành cho nhà đầu tư quyền kinh doanh công trình đó trong một thời gian nhất định để thu hồi vốn và lợi nhuận [5, tr. 4].
- BT (Hợp đồng xây dựng - chuyển giao) là phương thức nhà đầu tư ký kết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao công trình đó cho Nhà nước Việt Nam. Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận [5, tr. 4].
- Khu chế xuất là khu công nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện các dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu, có ranh giới địa lý xác định do Chính phủ thành lập hoặc cho phép thành lập [5, tr. 4].
- Khu công nghiệp là khu chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp do Chính phủ thành lập hoặc cho phép thành lập [5, tr. 4].
Trên cơ sở khái niệm đầu tư nước ngoài, các hình thức đầu tư, phương thức đầu tư nước ngoài, cần làm sáng tỏ khái niệm pháp luật đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.
Hiện nay, khoa học pháp lý của nước ta thống nhất nhận thức rằng, pháp luật đầu tư nước ngoài là một bộ phận trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, xung quanh khái niệm pháp luật đầu tư nước ngoài còn có các quan điểm trái ngược nhau sau đây:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, pháp luật đầu tư nước ngoài là một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam, vì nó có đối tượng, phương pháp, điều chỉnh riêng.
Quan điểm thứ hai cho rằng, pháp luật đầu tư nước ngoài là một bộ phận của ngành Tư pháp quốc tế, bởi lẽ quan hệ đầu tư nước ngoài là một loại quan hệ có yếu tố nước ngoài. Đây là quan điểm được thừa nhận ở Liên bang Nga và Luật Đầu tư nước ngoài được viết thành một chương trong Giáo trình Luật Tư pháp quốc tế.
Quan điểm thứ ba cho rằng, pháp luật đầu tư nước ngoài là một bộ phận của Luật Kinh tế. Đây là quan điểm phổ biến được thừa nhận trong các giáo trình Luật Kinh tế của Trường Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh. Vấn đề địa vị pháp lý của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được viết thành một chương trong các giáo trình đó.
Quan điểm thứ tư cho rằng, pháp luật đầu tư nước ngoài không thuộc một ngành luật nào. Việc điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động đầu tư nước ngoài có sự tham gia của nhiều ngành luật, trong đó các ngành luật như Luật Kinh tế, Luật Tư pháp quốc tế, Luật Dân sự, Luật Lao động, Luật Đất đai... đóng vai trò rất quan trọng. Nói cách khác, pháp luật đầu tư nước ngoài là nơi giao thoa của nhiều ngành luật khác nhau như Luật Kinh tế, Luật Tư pháp quốc tế, Luật Dân sự, Luật Lao động, Luật Đất đai...
Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ tư, bởi lẽ:
Thứ nhất, quan điểm thứ nhất thiếu tính thuyết phục, bởi lẽ nếu giả định pháp luật đầu tư nước ngoài là một ngành luật độc lập, thì nó phải có đối tượng, phương pháp, điều chỉnh đặc thù và phải tồn tại trong một thời gian dài. Tuy nhiên, phương pháp điều chỉnh của pháp luật đầu tư nước ngoài thực chất cũng là phương pháp điều chỉnh của Luật Kinh tế hoặc Tư pháp quốc tế... mặc dù việc sử dụng có khác nhau về cấp độ, cho nên không thể nói có đặc thù hoàn toàn riêng. Mặt khác, pháp luật đầu tư nước ngoài không thể tồn tại lâu dài, bởi lẽ trong xu thế của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước ngày càng xích lại gần nhau và sẽ có mặt bằng pháp lý chung. Nói cách khác, trong tương lai gần, ở nước ta có thể sẽ không tồn tại pháp luật đầu tư nước ngoài mà chỉ có pháp luật khuyến khích đầu tư nước ngoài hoặc pháp luật đầu tư chung cho cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Hiện tại, do nước ta đang rất cần vốn đầu tư nước ngoài, kết cấu hạ tầng thấp kém so với các nước trong khu vực, nền kinh tế đang trong quá trình hội nhập, nên nước ta vẫn phải có cả Luật Đầu tư nước ngoài và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước. Nếu so sánh với các nước phát triển như Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức... thì ở các nước này không có pháp luật đầu tư nước ngoài mà chỉ có pháp luật đầu tư chung cho cả trong nước và nước ngoài với nhiều tên gọi khác nhau, thí dụ: Hợp chủng quốc Hoa Kỳ gọi là Luật Công ty, Cộng hòa Liên bang Đức gọi là Luật Kinh doanh. Các nước trong khu vực tương đối phát triển như Singapore, Hàn Quốc... cũng không có Luật Đầu tư nước ngoài mà chỉ có Luật Khuyến khích đầu tư nước ngoài.
Mặt khác, pháp luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam không chỉ thuần túy là Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành năm 1987, 1996 và các văn bản hướng dẫn trực tiếp mà còn là các quy định trong các đạo luật khác như Luật Phá sản doanh nghiệp, Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự... cũng như trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia. Với sự phân tích như vậy, rõ ràng, quan điểm coi pháp luật đầu tư nước ngoài là một ngành luật độc lập là không hợp lý, thiếu cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn.
Thứ hai, lý luận chung về Nhà nước và pháp luật đã chỉ ra rằng, muốn kết luận một lĩnh vực nào đó thuộc về một ngành luật, thì tiêu chí quan trọng nhất là các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực đó phải thuộc phạm vi điều chỉnh của ngành luật đó. Từ luận điểm này cho thấy, nếu coi pháp luật đầu tư nước ngoài thuộc Luật Tư pháp quốc tế, thì các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải do Luật Tư pháp quốc tế điều chỉnh, mà đây lại là những quan hệ xã hội không thuộc phạm vi điều chỉnh của ngành luật này.
Thứ ba, quan điểm coi pháp luật đầu tư nước ngoài là một bộ phận của Luật Kinh tế có hạt nhân hợp lý, bởi lẽ Luật Kinh tế điều chỉnh những quan hệ kinh tế phát sinh trong lĩnh vực quản lý, lãnh đạo kinh tế của Nhà nước và tổ chức thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị kinh tế cơ sở. Như vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và chức năng quản lý đầu tư nước ngoài của Nhà nước cũng nằm trong phạm vi đối tượng điều chỉnh của Luật Kinh tế. Tuy nhiên, trong hoạt động đầu tư nước ngoài, ngoài quan hệ kinh tế, thương mại là các quan hệ chủ yếu, còn có các quan hệ dân sự, lao động, tố tụng dân sự có yếu tố nước ngoài, mà các quan hệ này lại không thuộc phạm vi đối tượng điều chỉnh của Luật Kinh tế, mà thuộc phạm vi đối tượng điều chỉnh của Luật Tư pháp quốc tế. Chính vì vậy, cũng không thể coi pháp luật đầu tư nước ngoài là một bộ phận của Luật Kinh tế.
Như vậy, quan điểm coi pháp luật đầu tư nước ngoài không thuộc một ngành luật nào, mà chỉ là nơi giao thoa của nhiều ngành luật và gần gũi với Luật Kinh tế, là hợp lý hơn cả. Pháp luật đầu tư nước ngoài được hiểu theo nghĩa rộng, gồm ba bộ phận cấu thành:
Bộ phận thứ nhất: là đạo luật Đầu tư nước ngoài và các văn bản hướng dẫn trực tiếp thi hành.
Bộ phận thứ hai: là các chế định có liên quan đến đầu tư nước ngoài được quy định trong các đạo luật khác.
Bộ phận thứ ba: là các quy phạm pháp luật có liên quan đến đầu tư nước ngoài được quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.
Pháp luật đầu tư nước ngoài được hiểu theo nghĩa hẹp, chỉ bao gồm đạo luật Đầu tư nước ngoài và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành trực tiếp.
Về đối tượng điều chỉnh của pháp luật đầu tư nước ngoài
Lý luận chung về Nhà nước và pháp luật đã chỉ ra rằng, đối tượng điều chỉnh của pháp luật là các quan hệ xã hội, nhưng không phải là tất cả các quan hệ xã hội. Pháp luật chỉ điều chỉnh những quan hệ xã hội có liên quan đến đời sống cộng đồng, liên quan tới việc củng cố địa vị và lợi ích của công dân trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… còn những quan hệ xã hội như quan hệ tình cảm, quan hệ trong phạm vi nội bộ của các tổ chức xã hội… không chịu sự điều chỉnh của pháp luật. Đối tượng điều chỉnh của pháp luật có thể thay đổi tùy theo từng giai đoạn lịch sử, phụ thuộc vào ý thức chủ quan của giai cấp thống trị và các điều kiện chính trị, xã hội khác.
Trên quan điểm như vậy, đối tượng điều chỉnh của pháp luật đầu tư nước ngoài là các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Các quan hệ này bao gồm:
- Quan hệ giữa nhà đầu tư nước ngoài với Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam mà đại diện là các cơ quan có thẩm quyền, trong quá trình tìm hiểu môi trường đầu tư, cấp Giấy phép đầu tư và quản lý các hoạt động đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.
- Quan hệ hợp tác kinh doanh, liên doanh giữa nhà đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư trong nước.
- Quan hệ giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế.
- Quan hệ giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với các tổ chức, cá nhân nước ngoài.
- Quan hệ giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với Nhà nước thông qua các cơ quan có thẩm quyền.
- Quan hệ giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư trong nước với người lao động.
- Quan hệ giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư trong nước với các cơ quan tài phán trong nước và quốc tế.
- Các quan hệ khác.
Các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động đầu tư nước ngoài ở Việt Nam và được pháp luật điều chỉnh được gọi là các quan hệ pháp luật đầu tư nước ngoài. Đặc trưng có tính chất bao trùm của các quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật đầu tư nước ngoài là yếu tố nước ngoài. Các quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của các ngành luật khác như Luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Kinh tế... có thể cũng có yếu tố nước ngoài, nhưng không có tính chất bao trùm như quan hệ đầu tư nước ngoài.
Về phương pháp điều chỉnh của pháp luật đầu tư nước ngoài
Xét dưới góc độ lý luận chung về Nhà nước và pháp luật, phương pháp điều chỉnh của pháp luật là tổng hợp tất cả những cách thức tác động của pháp luật lên các quan hệ xã hội. Phương pháp điều chỉnh của pháp luật phụ thuộc vào nội dung, tính chất của các quan hệ xã hội là đối tượng điều chỉnh của pháp luật và ý muốn chủ quan của nhà làm luật thông qua sự nhận thức của họ về lợi ích của giai cấp, của xã hội trong từng giai đoạn lịch sử. Phương pháp điều chỉnh của pháp luật có những đặc điểm: do Nhà nước thông qua các cơ quan có thẩm quyền đặt ra; được ghi nhận trong quy phạm pháp luật; được Nhà nước đảm bảo thực hiện trên cơ sở có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước.
Luật Đầu tư nước ngoài, theo chúng tôi, có ba phương pháp điều chỉnh:
Phương pháp thứ nhất - phương pháp thỏa thuận hay còn gọi là phương pháp tự nguyện
Đây cũng là phương pháp điều chỉnh của Luật Kinh tế, Luật Dân sự, Luật Lao động... Quan hệ đầu tư nước ngoài là quan hệ tự nguyện được thiết lập trên cơ sở thỏa thuận về hình thức đầu tư, nội dung, mục tiêu, thời hạn đầu tư. Trong cơ chế thị trường, không chủ thể nào trong quan hệ kinh tế nói chung, quan hệ đầu tư nước ngoài nói riêng có quyền ra lệnh, bắt buộc chủ thể khác phải làm theo ý mình; các chủ thể đều phải tuân theo các quy luật kinh tế khách quan. Nhà nước hoặc các chủ thể trong nước có thể đưa ra danh mục kêu gọi đầu tư, nhưng nhà đầu tư nước ngoài có quyền quyết định có đầu tư vào nước sở tại hay không. Để đạt được sự thỏa thuận, các bên phải có sự bàn bạc, trao đổi, có những sự nhân nhượng cần thiết theo nguyên tắc đảm bảo các bên đều có lợi. Vấn đề quan trọng là biết thỏa thuận sao cho phù hợp với lợi ích của mỗi bên. Những yêu cầu mang tính chất áp đặt của bất cứ bên nào, đều không thể dẫn đến quá trình đầu tư. Nếu ta quá nhân nhượng, sẽ dẫn đến vi phạm nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, nhưng nếu không chú ý đúng mức đến lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài, cũng không thể thu hút họ vào đầu tư ở nước ta.
Quan hệ đầu tư nước ngoài diễn ra theo những quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường, cho nên Nhà nước không thể can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất - kinh doanh của họ, mà chỉ tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư nước ngoài. Vấn đề ở chỗ, Nhà nước chỉ can thiệp bằng biện pháp hành chính trong các trường hợp cần thiết liên quan đến các vấn đề quan trọng của quốc gia và trong trường hợp các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vi phạm các quy định của pháp luật. Do đó, các thủ tục pháp lý cần được quy định rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ. Pháp luật với tính chất là một bộ phận quan trọng của môi trường đầu tư, về lâu dài phải tạo ra "sân chơi" bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư trong nước.
Phương pháp thứ hai - phương pháp mệnh lệnh hay còn gọi là phương pháp bắt buộc
Phương pháp mệnh lệnh là phương pháp điều chỉnh của một số ngành luật có mối quan hệ tương tác, giao thoa với pháp luật đầu tư nước ngoài như Luật Hành chính, Luật Kinh tế... nhưng trong pháp luật đầu tư nước ngoài, nó được sử dụng ở cấp độ khác.
Bên cạnh những mặt tích cực, đầu tư nước ngoài cũng có mặt trái, mặt tiêu cực cần hạn chế, bởi lẽ đầu tư nước ngoài có bản chất của quan hệ thị trường, có mục đích là lợi nhuận nên dễ bất chấp, bỏ qua các lợi ích xã hội. Vì vậy, ngoài phương pháp thỏa thuận, pháp luật đầu tư nước ngoài còn sử dụng phương pháp mệnh lệnh hay còn gọi là phương pháp bắt buộc. Để định hướng cho các hoạt động đầu tư nước ngoài theo một trật tự nhất định, phát huy tối đa những ưu điểm của nó, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực của nó, pháp luật đầu tư nước ngoài vừa tạo ra "sân chơi" cho các hoạt động đầu tư nước ngoài, vừa tạo ra "hàng rào pháp lý" với những biện pháp chế tài nhất định và cơ chế đảm bảo thực hiện một cách chặt chẽ.
Để bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước, thì phương pháp được thực hiện không thể là "thỏa thuận", mà phải mang tính chất mệnh lệnh, buộc các bên tham gia quan hệ đầu tư nước ngoài phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam. Nhà nước Việt Nam với chức năng điều hành, quản lý xã hội có quyền buộc mọi người có mặt trên đất nước Việt Nam phải tuân thủ những quy định của pháp luật, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Trong trường hợp nhà đầu tư cố tình vi phạm các quy định của pháp luật, xâm phạm độc lập, chủ quyền của Việt Nam, Nhà nước Việt Nam có quyền áp dụng các biện pháp chế tài cần thiết đối với người vi phạm. Do không tuân thủ pháp luật Việt Nam, thực hiện những hành vi gây thiệt hại cho các lợi ích xã hội được Nhà nước bảo vệ, nhà đầu tư nước ngoài phải chịu trách nhiệm pháp lý về những gì họ gây ra.
Phương pháp thứ ba - phương pháp khuyến khích
Ngoài hai phương pháp trên, pháp luật đầu tư nước ngoài còn sử dụng phương pháp điều chỉnh thứ ba, đó là phương pháp khuyến khích. Phương pháp này mang tính chất khuyến khích các cá nhân, tổ chức nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực mà ta đang cần như: thực hiện các chương trình kinh tế lớn, sản xuất hàng xuất khẩu và thay thế hàng nhập khẩu; sử dụng kỹ thuật cao, đào tạo công nhân lành nghề; đầu tư theo chiều sâu để khai thác, tận dụng các khả năng và nâng cao công suất của các cơ sở kinh tế hiện có; sử dụng nhiều lao động, nguyên liệu và tài nguyên thiên nhiên sẵn có ở Việt Nam; xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng; đầu tư vào những vùng sâu, vùng xa, kinh tế khó khăn. Để có thể sử dụng phương pháp này, pháp luật đầu tư nước ngoài phải có những quy định mang tính chất ưu đãi về thuế, về sử dụng đất và các biện pháp khuyến khích, bảo đảm đầu tư khác.
Ba phương pháp điều chỉnh của pháp luật đầu tư nước ngoài có mối quan hệ hữu cơ, tác động qua lại lẫn nhau và được sử dụng trong sự kết hợp với nhau. Sẽ là sai lầm nếu như tuyệt đối hóa bất cứ phương pháp nào, kể cả việc tuyệt đối hóa phương pháp thỏa thuận là phương pháp mang tính chất đặc trưng của pháp luật đầu tư nước ngoài.
Việc nghiên cứu pháp luật đầu tư nước ngoài hoặc pháp luật khuyến khích đầu tư nước ngoài của một số nước trên thế giới như Indonesia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc,... cho thấy, các nước này đều sử dụng cả ba phương pháp điều chỉnh của pháp luật đầu tư nước ngoài, chỉ khác nhau ở sự kết hợp ba phương pháp.
ở Indonesia, Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành năm 1967 và được bổ sung, sửa đổi năm 1970. Theo luật này, căn cứ vào nhu cầu và mục tiêu phát triển kinh tế quốc dân trong từng thời kỳ, Chính phủ có thể ban hành danh mục các lĩnh vực khuyến khích, hạn chế và cấm đầu tư. Danh mục cấm đầu tư nước ngoài bao gồm: khai thác lâm sản, kinh doanh sòng bạc, sử dụng và nuôi trồng rong biển, sơ chế nguyên liệu gỗ, trồng trọt và chế biến cần sa... Danh mục lĩnh vực không cho phép người nước ngoài sở hữu 100% vốn bao gồm: xây dựng và kinh doanh cảng biển, sản xuất và phân phối điện, viễn thông; vận tải biển, vận chuyển hàng không, sản xuất điện nguyên tử [9, tr. 29].
Khác với Indonesia, Luật Đầu tư nước ngoài của Malaysia không cấm người nước ngoài đầu tư trên bất kỳ lĩnh vực nào, mà chỉ quy định một tỉ lệ tham gia tối thiểu của các công ty Malaysia tại các dự án nước ngoài trong một số lĩnh vực nhất định. Trong Luật Đầu tư nước ngoài của Malaysia, phương pháp khuyến khích được sử dụng tối đa. Malaysia khuyến khích đầu tư nước ngoài, đặc biệt đối với các ngành công nghiệp có sử dụng công nghệ mới, công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và ngành du lịch [9, tr. 30].
Luật Đầu tư nước ngoài của Philippines khuyến khích đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực được coi là quan trọng đối với việc phát triển các ngành công nghiệp nội địa và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước như: cải thiện mức sống và tạo việc làm cho người Philippines; nâng cao giá trị hàng nông sản, chất lượng, sản lượng và các mặt hàng xuất khẩu; tăng cường cạnh tranh trên thị trường quốc tế; chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và cung cấp dịch vụ.
Các lĩnh vực hạn chế hoặc cấm đầu tư nước ngoài của Philippines được quy định tại danh mục kèm theo Luật Đầu tư nước ngoài năm 1991 và được sửa đổi, bổ sung theo từng thời kỳ. Quy định mới nhất được ban hành cuối năm 1994, theo đó danh mục A quy định các lĩnh vực ưu tiên dành cho công dân Philippines. Đối với những lĩnh vực này, đầu tư nước ngoài có thể bị cấm hoặc chỉ được tham gia cổ phần ở mức không vượt quá 40%. Danh mục B quy định những lĩnh vực đầu tư nước ngoài chỉ được tham gia hạn chế, đó là các lĩnh vực liên quan đến an ninh, quốc phòng, y tế, các lĩnh vực ảnh hưởng xấu tới thuần phong, mỹ tục... Danh mục C quy định các lĩnh vực mà nhu cầu của nền kinh tế và của người tiêu dùng đã được thỏa mãn, không cần phải có thêm đầu tư nước ngoài.
Theo Luật Đầu tư nước ngoài của Thái Lan, đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực như ngân hàng, thủy sản, vận chuyển hàng không, xuất khẩu, khai khoáng... có thể bị hạn chế theo các đạo luật riêng [9, tr. 30].
ở Singapore, không có đạo luật riêng về đầu tư nước ngoài, nhưng đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đầu tư vào các dự án có sử dụng công nghệ hiện đại, sản xuất hàng xuất khẩu... được đặc biệt khuyến khích [9, tr. 31].
ở Trung Quốc, trong Luật Đầu tư nước ngoài có quy định cụ thể ba loại danh mục:
- Danh mục các ngành công nghiệp khuyến khích đầu tư nước ngoài.
- Danh mục các ngành công nghiệp cấm đầu tư nước ngoài.
- Danh mục các ngành công nghiệp hạn chế đầu tư nước ngoài.
Từ năm 1995 trở lại đây, phương pháp khuyến khích đã được Trung Quốc sử dụng tối đa. Phạm vi các ngành công nghiệp khuyến khích đầu tư nước ngoài đã được mở rộng hơn trước. Một số ngành và lĩnh vực trước đây bị cấm nay đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia như: vận tải hàng không, tài chính, bảo hiểm, kinh doanh chứng khoán, kiểm toán và thương mại. Mục đích của việc ban hành các danh mục nói trên nhằm xác định hướng thu hút đầu tư nước ngoài vào một số ngành công nghiệp nhất định, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài trong việc cập nhật thông tin về chính sách thu hút đầu tư nước ngoài trong từng thời kỳ [9, tr. 28].
Như vậy, pháp luật đầu tư nước ngoài có đối tượng và phương pháp điều chỉnh mang tính đặc thù ở cấp độ nhất định. Sự khác nhau về đối tượng điều chỉnh, theo chúng tôi, xuất phát từ chức năng của mỗi ngành luật. Pháp luật đầu tư nước ngoài không điều chỉnh các quan hệ xã hội trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội như các ngành luật khác, nó chỉ điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài. Từ sự phân tích ở trên, có thể đưa ra khái niệm về pháp luật đầu tư nước ngoài như sau:
Pháp luật đầu tư nước ngoài là hệ thống những quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài.
Về nội dung của pháp luật đầu tư nước ngoài (hệ thống pháp luật đầu tư nước ngoài):
Pháp luật đầu tư nước ngoài không phải là tổng hợp một cách máy móc, giản đơn các quy phạm pháp luật đầu tư nước ngoài, mà là một hệ thống, một chỉnh thể thống nhất các nhóm quy phạm có quan hệ hữu cơ với nhau. Pháp luật đầu tư nước ngoài gồm hai phần: Phần chung và Phần riêng.
Phần chung của pháp luật đầu tư nước ngoài bao gồm các quy phạm điều chỉnh các quan hệ có tính chất chung, phát sinh trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài như các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền của Việt Nam, nguyên tắc bảo đảm quyền sở hữu đói với vốn đầu tư và các quyền lợi khác của các tổ chức, cá nhân nước ngoài...; các quy phạm định nghĩa về các khái niệm cơ bản trong hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam như "Bên nước ngoài", "Bên Việt Nam", "Đầu tư nước ngoài", "Xí nghiệp liên doanh"...
Phần riêng của pháp luật đầu tư nước ngoài bao gồm các nhóm quy phạm điều chỉnh hoạt động đầu tư nước ngoài cụ thể, nói cách khác là các quy định cụ thể sau đây:
- Những quy định về hình thức đầu tư, phương thức đầu tư.
- Những quy định về thuế, ngân hàng, tài chính, kế toán, thống kê.
- Những quy định về chuyển giao công nghệ, sở hữu công nghiệp.
- Những quy định về Hải quan, xuất nhập khẩu.
- Những quy định về đất đai, xây dựng, lao động.
- Những quy định về hợp đồng kinh tế, trọng tài, xử lý tranh chấp.
- Những quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư nước ngoài.
1.2.2. Đặc trưng cơ bản của pháp luật đầu tư nước ngoài
Từ khái niệm pháp luật đầu tư nước ngoài đã được trình bày ở trên và qua nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật đầu tư nước ngoài hiện hành, có thể rút ra những đặc trưng cơ bản của nó như sau:
Đặc trưng thứ nhất - Pháp luật đầu tư nước ngoài ra đời trước khi có quan hệ đầu tư nước ngoài trên thực tế ở Việt Nam.
Thông thường, trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, các quan hệ xã hội được hình thành một cách tự nhiên, vận động theo các quy luật khách quan. Để điều chỉnh các quan hệ xã hội tồn tại, phát triển theo hướng mà Nhà nước mong muốn và để phản ánh đúng thực tiễn khách quan, Nhà nước xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Khi chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế, chúng ta chưa đồng thời và chưa kịp thời chuẩn bị được một hệ thống các quy tắc xử sự trong đời sống kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Như vậy, so sánh với tiến trình của các quan hệ kinh tế, pháp luật thường xuất hiện chậm so với sự biến động và phát triển của các quan hệ kinh tế. Năm 1977, khi các quy phạm pháp luật đầu tư nước ngoài ở Việt Nam lần đầu tiên được ban hành, thì trên thực tế ở Việt Nam hoàn toàn chưa có quan hệ đầu tư nước ngoài. Đây là vấn đề có thể lý giải được, vì lúc đó cơ chế quản lý tập trung, quan liêu, bao cấp đang ngự trị trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Các nhân tố của kinh tế thị trường như tự do thương mại, tự do cạnh tranh, thị trường vốn, thị trường lao động, xuất nhập khẩu tư bản... chưa được chấp nhận chính thức trong các văn bản của Đảng và Nhà nước ta. Đầu tư nước ngoài với tính chất là sự vận động trực tiếp của tư bản nước ngoài vào Việt Nam vào thời điểm đó chưa được nhiều người tán thành. Chỉ sau khi có chính sách đổi mới tư duy lý luận và tư duy kinh tế của Đảng và Nhà nước, thì đạo luật về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam mới có cơ hội ra đời, các quan hệ đầu tư nước ngoài mới hình thành và phát triển trên cơ sở pháp lý đó. Vì những lẽ đó, chúng tôi chia sẻ quan điểm của TS. Hoàng Phước Hiệp cho rằng "hệ thống các quy phạm pháp luật đầu tư nước ngoài được ban hành trước khi có quan hệ đầu tư nước ngoài theo đúng nghĩa của từ đó trên thực tế tại Việt Nam" [37, tr. 51].
Việc pháp luật đầu tư nước ngoài "vượt trước" hoạt động đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, không phải là hiện tượng trái quy luật. Dưới góc độ của triết học Mác - Lênin, cơ sở hạ tầng có mối quan hệ biện chứng với kiến trúc thượng tầng. Trong mối quan hệ này, pháp luật với tính chất là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng chịu sự quy định của cơ cấu kinh tế. Tuy chịu sự quy định của cơ sở hạ tầng, nhưng pháp luật vẫn có tính độc lập tương đối, tác động trở lại cơ sở hạ tầng. Sự tác động của pháp luật nếu phù hợp với quy luật kinh tế - xã hội, với yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất, thì thúc đẩy sự phát triển của xã hội; ngược lại, nếu sự tác động của pháp luật không phù hợp với quy luật kinh tế - xã hội, không phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, sẽ cản trở sự phát triển của sản xuất, xã hội. Trong một số trường hợp nhất định, pháp luật có thể "vượt trước", thúc đẩy sự phát triển của kinh tế, xã hội. Hơn nữa, nếu xem xét nền kinh tế nước ta dưới góc độ là một bộ phận của nền kinh tế khu vực và trên thế giới, thì hoạt động đầu tư nước ngoài đã tồn tại từ rất lâu ở nhiều nước trên thế giới với các mức độ khác nhau. Như vậy, pháp luật về đầu tư nước ngoài và hoạt động đầu tư nước ngoài ở Việt Nam là cái có sau so với nhiều nước trên thế giới và đương nhiên bị chi phối bởi quá trình quốc tế hóa nền kinh tế của các nước. Đây có thể coi là vấn đề hợp quy luật trong tiến trình hội nhập của nước ta vào đời sống kinh tế của các nước trong khu vực và trên thế giới.
So với các ngành luật truyền thống như Luật Hiến pháp, Luật Dân sự, Luật Lao động, Luật Đất đai... pháp luật đầu tư nước ngoài ra đời muộn hơn nhiều. Tuy còn rất non trẻ, nhưng pháp luật đầu tư nước ngoài đã nhanh chóng khẳng định được vị trí quan trọng, không thể thiếu trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay. Trong tương lai, cùng với sự phát triển của nền kinh tế đất nước và xu thế hội nhập kinh tế khu vực và trên thế giới, pháp luật đầu tư nước ngoài có xu hướng xích lại ngày càng gần hơn, với tốc độ nhanh hơn với pháp luật đầu tư trong nước. Đây có thể coi là một đặc trưng của pháp luật đầu tư nước ngoài mà các ngành luật khác không có và cần được lưu ý dưới góc độ lý luận.
Đặc trưng thứ hai - Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, pháp luật đầu tư nước ngoài có một số quy phạm pháp luật đầu tiên hướng tới nền kinh tế thị trường
Vào thời điểm năm 1977, sau hai năm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, nhân dân ta mới bắt tay vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế với cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp và nền kinh tế cơ bản có hai thành phần là kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, thì sự ra đời của Điều lệ Đầu tư nước ngoài năm 1977 là một bước đột phá vào nền kinh tế thị trường. Vì lẽ đó, Điều lệ Đầu tư nước ngoài năm 1977 là văn bản pháp lý đầu tiên trong hệ thống pháp luật của Việt Nam tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đầu tư nước ngoài. Trong Điều lệ này, Nhà nước ta đã khuyến khích, kêu gọi đầu tư nước ngoài vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế, trừ những ngành bị cấm. Điều đó thể hiện chủ trương cởi mở, đa dạng hóa các lĩnh vực đầu tư của nước ta. Như vậy, xét dưới góc độ lý luận, có thể khẳng định, công cuộc đổi mới do Đảng và Nhà nước khở._.ăm kể từ ngày Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ có hiệu lực.
Thứ hai, điều chỉnh các cam kết về việc thực hiện chế độ thẩm định cấp giấy phép đầu tư và chế độ đăng ký cấp giấy phép đầu tư
Luật đầu tư nước ngoài (sửa đổi) năm 2000 đã luật hóa quy định về chế độ thẩm định cấp giấy phép đầu tư và chế độ đăng ký cấp giấy phép đầu tư, nhưng không quy định cụ thể đối tượng, phạm vi cũng như nội dung của các chế độ này.
Để có thời gian rút kinh nghiệm việc triển khai chế độ đăng ký cấp giấy phép đầu tư đã được quy định cụ thể tại Nghị định 24 và Luật Đầu tư nước ngoài (sửa đổi) năm 2000 cho phù hợp với lộ trình đã cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập, chúng tôi kiến nghị sửa đổi Nghị định nói trên với các quy định có tính nguyên tắc sau đây:
Một là, công bố rõ ràng, công khai điều kiện cấp phép đối với tất cả các dự án đầu tư. Khi đáp ứng các điều kiện này, nhà đầu tư được cấp giấy phép mà không buộc phải thực hiện bất kỳ yêu cầu nào khác.
Hai là, từng bước mở rộng phạm vi các dự án được thực hiện chế độ đăng ký cấp giấy phép đầu tư theo hướng:
- Chỉ áp dụng các tiêu chí thực hiện chế độ đăng ký cấp giấy phép đầu tư đã cam kết gồm: các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất; các dự án có tỷ lệ xuất khẩu tối thiểu 50%; các dự án có vốn đầu tư đến 5 triệu USD.
- Trong vòng từ 2 - 3 năm, mở rộng chế độ đăng ký cấp giấy phép đầu tư đối với tất cả các dự án thuộc lĩnh vực sản xuất khác không phụ thuộc vào quy mô vốn đầu tư, trừ các dự án phải thực hiện chế độ thẩm định cấp giấy phép đầu tư.
Thứ ba, điều chỉnh các cam kết về việc xóa bỏ một số điều kiện đầu tư và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Việc thực hiện các cam kết về vấn đề này không ảnh hưởng đến các quy định của pháp luật đầu tư nước ngoài hiện hành, mà chỉ liên quan đến vấn đề điều chỉnh một số văn bản dưới luật để thực hiện Hiệp định về các biện pháp đầu tư có liên quan đến thương mại của WTO (Hiệp định TRIM) và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài bằng các quy định sau:
Một là, tiếp tục bảo lưu yêu cầu nội địa hóa và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước trong thời hạn đã thỏa thuận là 5 năm. Đương nhiên, việc duy trì các yêu cầu này không phù hợp với quy định của Hiệp định TRIM, nhưng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp chế biến và chế tạo cơ khí nước ta. Mặc dù bảo lưu tối đa yêu cầu này trong thời hạn đã thỏa thuận, nhưng cần chuyển sang áp dụng các ưu đãi thuế là chủ yếu thay vì các yêu cầu bắt buộc thực hiện chương trình nội địa hóa như hiện nay. Từ năm 2006, đề nghị giảm dần ưu đãi thuế nhập khẩu theo tỷ lệ nội địa hóa tại Quyết định 176 của Bộ Tài chính để thực hiện lộ trình miễn, giảm thuế nhập khẩu chung đã cam kết trong Chương thương mại hàng hóa của Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ.
Hai là, về yêu cầu xuất khẩu, tương tự như cam kết nói trên, chúng tôi kiến nghị bảo lưu tối đa yêu cầu này trong thời hạn 7 năm kể từ ngày Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ có hiệu lực.
Ba là, đối với quy định về chuyển giao công nghệ, Nghị định số 24 đã loại bỏ một số điều kiện bắt buộc về chuyển giao công nghệ đối với dự án đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các văn bản pháp quy của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường còn duy trì các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với việc nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng. Do vậy, đề nghị Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường sửa đổi Quyết định 2019 và Quyết định 419 cho phù hợp với Nghị định 24.
Bốn là, đối với cam kết về quy định chuyển nhượng, thế chấp giá trị quyền sử dụng đất, theo chúng tôi, cam kết này phù hợp với quy định của Luật đầu tư nước ngoài hiện hành và Nghị định 24. Tuy nhiên, để các quy định của Luật Đất đai đồng bộ với Luật Đầu tư nước ngoài, nên sửa đổi Luật Đất đai theo hướng áp dụng thống nhất cho cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Năm là, về vấn đề giải quyết tranh chấp đầu tư, chúng tôi kiến nghị ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc tham gia Công ước Washington năm 1965 về việc giải quyết tranh chấp đầu tư giữa Nhà nước và công dân của Nhà nước khác.
Sáu là, đối với việc quy định về giá, phí một số hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước quản lý, chúng tôi kiến nghị Nhà nước ban hành văn bản điều chỉnh giá, phí để chậm nhất đến năm 2003 xóa bỏ hoàn toàn chế độ hai giá theo hướng: hoặc tăng dần mức giá hiện hành áp dụng cho đối tượng trong nước lên ngang bằng với mức giá đang áp dụng cho đối tượng nước ngoài, hoặc ngược lại, giảm dần mức giá đang áp dụng cho đối tượng nước ngoài xuống bằng mức giá cho đối tượng trong nước.
Thứ tư, điều chỉnh các cam kết về mở cửa thị trường và dành quy chế đối xử quốc gia cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ.
Những cam kết về vấn đề này có liên quan trực tiếp đến các quy định của pháp luật về điều kiện đầu tư hoặc hành nghề của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Phần lớn các vấn đề này thuộc phạm vi điều chỉnh của các văn bản dưới luật do Chính phủ hoặc các Bộ, ngành quản lý kinh tế, kỹ thuật ban hành. Vì vậy, hướng điều chỉnh những cam kết này là rà soát toàn bộ các văn bản pháp quy của các ngành có liên quan về điều kiện đầu tư hoặc hành nghề của các doanh nghiệp nói chung để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các cam kết của Nhà nước ta.
3.2.2. Giải pháp tiếp tục hoàn thiện pháp luật đầu tư nước ngoài trong giai đoạn thứ hai
Trong giai đoạn này, việc hoàn thiện pháp luật đầu tư nước ngoài được thực hiện theo hướng sửa đổi một cách cơ bản Luật Đầu tư nước ngoài thành Luật Khuyến khích Đầu tư nước ngoài. Nội dung Luật Khuyến khích Đầu tư nước ngoài chỉ bao gồm các quy định khuyến khích dành riêng cho đầu tư nước ngoài như mô hình Luật Khuyến khích đầu tư trong nước hiện nay. Còn những vấn đề chung khác thì áp dụng như đối với doanh nghiệp trong nước. Ví dụ: việc thành lập và hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được tiến hành theo quy định của Luật Doanh nghiệp; các vấn đề về thuế thì theo quy định của các đạo luật về thuế; vấn đề phá sản doanh nghiệp thì được thực hiện theo Luật Phá sản doanh nghiệp...
Lúc đó, theo chúng tôi, dự kiến Luật Khuyến khích Đầu tư nước ngoài chỉ quy định những nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, về đối tượng điều chỉnh: các quan hệ xã hội liên quan đến việc hưởng chế độ ưu đãi trong đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, về phạm vi điều chỉnh: chỉ áp dụng đối với các chủ thể đạt tiêu chuẩn được hưởng ưu đãi.
Thứ ba, quy định mở rộng hơn về danh mục lĩnh vực và địa bàn khuyến khích đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, cần thu hẹp Danh mục hạn chế đầu tư và Danh mục đầu tư có điều kiện.
Thứ tư, quy định các tiêu chí để hưởng ưu đãi, mức thuế suất ưu đãi; các trường hợp miễn, giảm về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, thuế VAT...
Thứ năm, quy định tiêu chí để hưởng ưu đãi và mức miễn, giảm tiền thuê đất.
Thứ sáu, quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư về nước, thì được hưởng các ưu đãi đặc biệt.
Thứ bảy, quy định việc mở rộng diện các đối tượng được Nhà nước đảm bảo cân đối ngoại tệ, diện hỗ trợ cân đối ngoại tệ.
Thứ tám, quy định việc bảo lãnh của Chính phủ đối với các dự án BOT, BTO, BT; các dự án xây dựng hạ tầng, các dự án đặc biệt quan trọng.
Thứ chín, quy định về thẩm quyền, thủ tục xét giải quyết cho hưởng ưu đãi của Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương.
Đồng thời, để Luật Khuyến khích đầu tư nước ngoài đi vào cuộc sống, cần sửa đổi, bổ sung một cách đồng bộ các đạo luật có liên quan. Cụ thể là:
- Luật Doanh nghiệp cần bổ sung đối tượng áp dụng bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và quy định trình tự, thủ tục thành lập, hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả việc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất...
- Luật Phá sản doanh nghiệp cần bổ sung quy định về một số đặc thù của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, như: việc tính tài sản của doanh nghiệp khi Bên Việt Nam góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất; trường hợp tuyên bố phá sản doanh nghiệp khi các bên chưa góp đủ vốn pháp định...
- Luật Đất đai cần bổ sung quy định về các trường hợp cho thuê đất, giải phóng mặt bằng đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
- Luật Kinh doanh bất động sản cần quy định những vấn đề liên quan đến việc kinh doanh bất động sản của các nhà đầu tư nước ngoài.
Kết luận chương 3
Trong quá trình mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, việc tiếp tục đổi mới và hoàn thiện pháp luật đầu tư nước ngoài luôn là lĩnh vực được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Sự phát triển một cách nhanh chóng các quan hệ xã hội về đầu tư nước ngoài với tính chất đa dạng, đan xen lẫn nhau vừa có yếu tố kinh tế, vừa có yếu tố dân sự, lại có yếu tố tư pháp quốc tế và quan hệ mật thiết với các quan hệ thương mại, đòi hỏi hệ thống các quy phạm pháp luật đầu tư nước ngoài phải luôn luôn đổi mới để điều chỉnh cho phù hợp. Phương hướng hoàn thiện của pháp luật đầu tư nước ngoài phải đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn đầu tư nước ngoài và tạo được môi trường pháp lý thuận lợi, thông thoáng cho hoạt động đầu tư nước ngoài, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc nhất định, trong đó việc quán triệt đường lối, chính sách của Đảng về mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế là nguyên tắc quan trọng nhất.
Để thực hiện mục tiêu tiến tới áp dụng một khung pháp luật thống nhất chung cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà Đại hội Đảng lần thứ IX đã đề ra, pháp luật đầu tư nước ngoài sẽ hoàn thiện qua hai giai đoạn. Trong giai đoạn trước mắt, pháp luật đầu tư nước ngoài sẽ được đổi mới thêm một bước nhằm cải thiện môi trường đầu tư với mục tiêu: tháo gỡ kịp thời những khó khăn, cản trở đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép và đang hoạt động; thu hút nhiều dự án đầu tư mới, với chất lượng cao hơn; làm cho các quy định của pháp luật đầu tư nước ngoài xích gần thêm với đầu tư trong nước, tạo thế chủ động trong hội nhập quốc tế. Trong giai đoạn thứ hai, Luật Đầu tư nước ngoài sẽ được sửa đổi thành Luật Khuyến khích đầu tư nước ngoài như mô hình Luật khuyến khích đầu tư trong nước hiện hành và từng bước sẽ thực hiện mặt bằng pháp lý chung cho cả đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước. Đó là lôgíc của sự phát triển mà các nước tiên tiến đều phải trải qua và ta cần tiếp thu một cách có chọn lọc kinh nghiệm lập pháp trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài của các nước đó.
Kết luận
1. Trong gần mười lăm năm qua, hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp ngày càng lớn vào sự tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH, mở rộng thị trường xuất khẩu và tăng nguồn thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước, tạo thêm thế và lực cho Việt Nam chủ động hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới. Vì vậy, trong Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ IX vừa qua, Đảng ta đã khẳng định: "Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận của nền kinh tế Việt Nam". Đồng thời, Báo cáo chính trị đã nhấn mạnh chủ trương: "Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện các hình thức đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài… tăng cường hỗ trợ và quản lý sau giấy phép, tạo điều kiện cho dự án đã được cấp phép triển khai thực hiện có hiệu quả…". Điều đó thể hiện sự quan tâm và đánh giá cao vị trí, vai trò của khu vực đầu tư nước ngoài, đồng thời thể hiện sự chỉ đạo rất cụ thể, rõ ràng của Đảng ta về khuyến khích và thu hút đầu tư nước ngoài. Nhiệm vụ đặt ra là cần tiếp tục thể chế hóa các chủ trương này của Đảng thành pháp luật nhằm tháo gỡ các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của khu vực đầu tư nước ngoài.
2. Trong những thành tựu to lớn của hoạt động đầu tư nước ngoài, có sự đóng góp quan trọng của pháp luật đầu tư nước ngoài. Pháp luật đầu tư nước ngoài là một lĩnh vực pháp luật đặc thù trong hệ thống pháp luật Việt Nam, có vai trò quan trọng trong việc thiết lập và phát triển mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các quốc gia và các dân tộc, phát triển hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư nước ngoài, chuyển hóa các quy phạm điều ước quốc tế vào pháp luật quốc gia... Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài ở khu vực và trên thế giới, pháp luật đầu tư nước ngoài đã thực sự trở thành "đòn bẩy" quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
3. Là một bộ phận hợp thành hệ thống pháp luật Việt Nam, pháp luật đầu tư nước ngoài có vị trí độc lập tương đối trong toàn bộ chỉnh thể của hệ thống và có mối quan hệ hữu cơ với các đạo luật của nhiều ngành luật trong hệ thống đó. Trong mối quan hệ với các ngành luật khác, pháp luật đầu tư nước ngoài là nơi giao thoa, tương tác của nhiều ngành luật, có nghĩa là việc điều chỉnh các quan hệ đầu tư nước ngoài có sự tham gia của nhiều ngành luật, trong đó Luật Kinh tế, Luật Tư pháp quốc tế, Luật Dân sự, Luật Lao động, Luật Đất đai... đóng vai trò rất quan trọng. Phần lớn các quan hệ đầu tư nước ngoài thuộc phạm vi đối tượng điều chỉnh của các ngành luật đó. Pháp luật đầu tư nước ngoài sử dụng các phương pháp điều chỉnh của các ngành luật đó để điều chỉnh các quan hệ đầu tư nước ngoài. Đây là vấn đề mà nhà làm luật cần lưu ý khi xây dựng, hoàn thiện các đạo luật có liên quan đến đầu tư nước ngoài. Khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung một đạo luật mới cần nhận thức rằng, trong đạo luật đó có một bộ phận điều chỉnh các quan hệ đầu tư nước ngoài. Trước đây, khi xây dựng các đạo luật này, người ta chưa tính đến điều đó, vì lúc đó chưa có hoạt động đầu tư nước ngoài hoặc hoạt động đầu tư nước ngoài chưa phát triển. Pháp luật đầu tư nước ngoài dù ra đời muộn hơn so với các ngành luật truyền thống, nhưng đã khẳng định được vị trí quan trọng của mình. Khi xây dựng, hoàn thiện các đạo luật khác, người ta phải tính đến pháp luật đầu tư nước ngoài. Mặt khác, dù là nơi giao thoa, tương tác của nhiều ngành luật, nhưng pháp luật đầu tư nước ngoài vẫn có đối tượng, phương pháp điều chỉnh với tính độc lập tương đối.
4. Nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển của pháp luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cho thấy, từ năm 1977 cho đến nay, pháp luật đầu tư nước ngoài đã thường xuyên được sửa đổi, bổ sung, tạo dựng một khung pháp lý cơ bản, điều chỉnh hoạt động đầu tư nước ngoài, trên cơ sở quán triệt quan điểm "mở cửa", hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng, phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế. Những đóng góp của hoạt động đầu tư nước ngoài vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước là một minh chứng khẳng định vai trò tích cực của pháp luật đầu tư nước ngoài.
5. Tuy nhiên, ra đời trong bối cảnh công cuộc đổi mới đất nước đang diễn ra rất nhanh chóng và nhiều đạo luật về kinh tế được ban hành thường xuyên được bổ sung, sửa đổi, cho nên pháp luật đầu tư nước ngoài cũng đã bộc lộ một số hạn chế như không ít quy định còn chồng chéo, không thống nhất, thiếu đồng bộ, rõ ràng. Tình trạng trên cùng với việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành có liên quan đã tạo nên sự thiếu thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, ảnh hưởng đến hiệu quả của pháp luật đầu tư nước ngoài.
Vì vậy, việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật đầu tư nước ngoài là một nhu cầu có tính khách quan nhằm đáp ứng yêu cầu mới, tạo môi trường pháp lý ổn định, thông thoáng, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam là cần thiết. Việc hoàn thiện pháp luật đầu tư nước ngoài cần tuân thủ các nguyên tắc nhất định, đặc biệt phải quán triệt đường lối, chính sách của Đảng về mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Mục tiêu của việc hoàn thiện pháp luật đầu tư nước ngoài trong thời gian tới là đổi mới thêm một bước hành lang pháp lý và cải thiện môi trường đầu tư với ba mục tiêu: tháo gỡ kịp thời những khó khăn, cản trở đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp Giấy phép và đang hoạt động; thu hút nhiều dự án đầu tư mới, với chất lượng cao hơn; đưa các quy định của pháp luật đầu tư nước ngoài xích gần thêm một bước với các quy định của pháp luật đầu tư trong nước, tiến tới một mặt bằng pháp lý chung cho cả đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, tạo thế chủ động trong hội nhập quốc tế.
những công trình liên quan đến luận ánđã được công bố
Đỗ Nhất Hoàng (2001), "Một số suy nghĩ về việc tạo khung pháp lý cho cổ phần hóa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài", Dân chủ và pháp luật, (7), tr. 11-13; 27.
Đỗ Nhất Hoàng (2001), "Những điểm mới của pháp luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam", Luật học, (4), tr. 21-27.
danh mục Tài Liệu THAM Khảo
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (1994), Các văn bản pháp luật về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (1996), Báo cáo tổng kết tình hình đầu tư nước ngoài năm 1996.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (1996), Tập bài giảng về đầu tư nước ngoài năm 1996.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (1998), Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Văn phòng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hà Nội.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (1998), Các văn bản hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Hà Nội.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (1999), "Tăng cường sự hấp dẫn của môi trường đầu tư nước ngoài tại Việt Nam", Hội thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cộng đồng châu Âu đồng tổ chức, Hà Nội.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2000), Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Nxb Thống kê, Hà Nội.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2000), Những vấn đề cơ bản về quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, Tài liệu giảng dạy, học tập, Hà Nội.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2000), Luật pháp và chính sách về đầu tư trực tiếp nước ngoài của các nước trong khu vực, Tài liệu tham khảo, Vụ pháp luật đầu tư nước ngoài, Hà Nội.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2000), Ưu đãi đầu tư của Việt Nam và một số nước châu á, Vụ Pháp luật đầu tư nước ngoài, Hà Nội.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2000), Tờ trình về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư nước ngoài năm 2000.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2001), Các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. FLécheux, NG & Associés - Phillips Fox, Hà Nội.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2001), Luật Đầu tư nước ngoài và các văn bản hướng dẫn áp dụng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2001), Báo cáo tình hình thực hiện và giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Báo Sài Gòn Giải phóng, ngày 3/10/1997.
TS Hà Hùng Cường (2000), "Hiệp định giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về quan hệ thương mại và một số vấn đề đặt ra đối với hệ thống pháp luật và tư pháp nước ta", Dân chủ và Pháp luật, (10), tr. 2-6.
Công báo, số 37 ngày 8/10/2001, Hà Nội.
Công báo, số ngày 30/4/1977, Hà Nội.
TS. Trần Ngọc Dũng (2000), "Những quy định về công ty trong Luật Doanh nghiệp", Luật học, (3), tr. 10-16.
Đảng Cộng sản Việt Nam (1977), Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb Sự thật, Hà Nội.
Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Các đại hội Đảng ta, Nxb Sự thật, Hà Nội.
Đảng Cộng sản Việt Nam (1986), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội.
Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội.
Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội.
Đảng Cộng sản Việt Nam (1992), Văn kiện Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, Văn phòng Trung ương, Hà Nội.
Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
PGS.TS Trần Ngọc Đường (1992), "Pháp luật trong cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước", Nghiên cứu lý luận, (4), tr. 21-24.
PGS.TS Trần Ngọc Đường (1998), Lý luận chung về nhà nước và pháp luật, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Nguyễn Minh Đoan (1997), Hiệu quả pháp luật - những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
TS. Lê Đăng Doanh - TS. Nguyễn Minh Tú (chủ biên) (2001), Tăng trưởng kinh tế và chính sách xã hội ở Việt Nam trong quá trình chuyển đổi từ năm 1991 đến nay - kinh nghiệm của các nước ASEAN, Nxb Lao động, Hà Nội.
TS. Lê Sĩ Dược (2000), Cải cách bộ máy hành chính cấp trung ương trong công cuộc đổi mới hiện nay ở nước ta, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
GS.TS Hoàng Văn Hảo, TS Chu Hồng Thanh (chủ biên) (1996), Một số vấn đề về quyền kinh tế - xã hội, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
GS.TS Hoàng Văn Hảo (1998), "Quyền dân sự - chính trị trong hệ thống quyền con người", Nhà nước và Pháp luật, (1), tr. 15-22.
PGS.TS Lê Hồng Hạnh (1991), "Kinh tế thị trường và sự cần thiết phải hoàn thiện pháp luật kinh tế", Nhà nước và pháp luật, (4), tr. 9-11.
PGS.TS Lê Hồng Hạnh (2000), "Khái niệm thương mại trong pháp luật Việt Nam và những bất cập dưới góc độ thực tiễn áp dụng và chính sách hội nhập", Luật học, (2), tr. 32-43.
TS. Hoàng Phước Hiệp (1996), Cơ chế điều chỉnh pháp luật trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, Luận án phó tiến sĩ luật học, Hà Nội.
Trần Quang Hùng, Mạc Văn Chung (1998), Đổi mới chính sách bảo hiểm xã hội đối với người lao động, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Học viện Hành chính Quốc gia (1996), Giáo trình quản lý hành chính nhà nước, tập 1, Hà Nội.
Hiến pháp Việt Nam (1946, 1959, 1980, 1992) (1995), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Hội đồng quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam (1995), Từ điển bách khoa Việt Nam, Trung tâm biên soạn từ điển Bách khoa Việt Nam, Hà Nội.
TS. Dương Đăng Huệ (1998), "Luật Thương mại và sự ảnh hưởng của nó đến sự tồn tại của pháp luật hợp đồng kinh tế của nước ta", Nhà nước và Pháp luật, (11), tr. 31-37.
Khoa luật, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (1997), Giáo trình lý luận chung về nhà nước và pháp luật, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội.
Khoa Luật, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1993), Lịch sử các học thuyết chính trị trên thế giới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
V.I. Lênin (1981), Toàn tập, tập 29, Nxb Tiến bộ, Matxcơva.
V.I. Lênin (1981), Toàn tập, tập 33, Nxb Tiến bộ, Matxcơva.
V.I. Lênin (1981), Toàn tập, tập 38, Nxb Tiến bộ, Matxcơva.
V.I. Lênin (1981), Toàn tập, tập 39, Nxb Tiến bộ, Matxcơva.
TS. Vũ Đức Long (2000), "Quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam về phương diện pháp lý", Dân chủ và Pháp luật, (11), tr. 1-2 và tr.12.
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hướng dẫn thi hành (1998), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Luật Đất đai và hướng dẫn thi hành (1992), Nxb pháp lý, Hà Nội.
Luật Đất đai (1993), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai (1998), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (1994), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Luật Phá sản doanh nghiệp (1994), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Luật Thương mại (1997), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Luật Dầu khí (1993), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Luật Doanh nghiệp (1999), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
C. Mác - Ph. Ăng-ghen (1962), Tuyển tập, tập 1, Nxb Sự thật, Hà Nội.
C. Mác - Ph. Ăng-ghen (1995), Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
C. Mác - Ph. Ăng-ghen (1995), Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
C. Mác - Ph. Ăng-ghen (1995), Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
C. Mác - Ph. Ăng-ghen(1995), Toàn tập, tập 18, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
C. Mác - Ph. Ăng-ghen (1995), Toàn tập, tập 19, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
C. Mác - Ph. Ăng-ghen (1995), Toàn tập, tập 21, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
Hồ Chí Minh (1984), Toàn tập, tập 4, Nxb Sự thật, Hà Nội.
Hồ Chí Minh (1984), Toàn tập, tập 8, Nxb Sự thật, Hà Nội.
Montesquieu (1996), Tinh thần pháp luật, Nxb Giáo dục và Khoa luật Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Hà Nội.
TS. Nguyễn Minh Mẫn (1996), Đổi mới và hoàn thiện khung pháp luật kinh tế trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam, Luận án phó tiến sĩ luật học, Hà Nội.
TS. Đoàn Năng (1998), "Vấn đề hoàn thiện hệ thống quy phạm xung đột hướng dẫn chọn pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài ở nước ta hiện nay", Nhà nước và Pháp luật, (11), tr. 38-51.
TS. Đoàn Năng (1998), "Vấn đề quan hệ giữa pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia trong pháp luật và thực tiễn Việt Nam", Nhà nước và Pháp luật, (2), tr. 23-34.
TS. Vũ Trường Sơn (1996), Đầu tư trực tiếp nước ngoài với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, Luận án phó tiến sĩ khoa học kinh tế, Hà Nội.
PGS.TS Lê Minh Tâm (1991), "Một số ý kiến về khái niệm "hệ thống pháp luật" và những tiêu chuẩn để xác định mức độ hoàn thiện của một hệ thống pháp luật", Nhà nước và Pháp luật, (1), tr. 48-52.
PGS.TS Lê Minh Tâm (2000), "Pháp luật – yếu tố quan trọng bảo đảm tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững", Luật học, (3), tr. 35-41.
PGS.TS Lê Minh Tâm (2000), "Về khái niệm hiệu quả pháp luật và những tiêu chí xác định hiệu quả pháp luật", Nhà nước và Pháp luật, (11), tr. 46-51.
GS.TS Lê Hữu Tầng (chủ biên) (1997), Về động lực của sự phát triển kinh tế xã hội, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
TS. Lê Mạnh Tuấn (1996), Cơ sở khoa học của việc hoàn thiện khung pháp luật đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, Luận án phó tiến sĩ luật học, Hà Nội.
TS. Trịnh Đức Thảo (1998), "Những kết quả và bài học rút ra từ kinh nghiệm thực hiện cải cách hành chính theo mô hình "một cửa, một dấu" của các quận (huyện) thí điểm ở thành phố Hồ Chí Minh", Nhà nước và Pháp luật, (3), tr. 51-56.
TS Chu Hồng Thanh (1993), Nhà nước quản lý kinh tế bằng pháp luật trong cơ chế thị trường ở Việt Nam hiện nay, Luận án phó tiến sĩ luật học, Hà Nội.
TS Lê Minh Thông (1998), "Vai trò của Nhà nước trong trật tự kinh tế thị trường Việt Nam", Nhà nước và Pháp luật, (10), tr. 11-20.
TS Lê Minh Thông (chủ biên) (2001), Một số vấn đề về hoàn thiện tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
Trường Đại học Luật Hà Nội(1994), Lý luận chung về nhà nước và pháp luật, Hà Nội.
PGS.TSKH Đào Trí úc (1993), Những vấn đề cơ bản về pháp luật, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
PGS.TSKH Đào Trí úc (1997), Nhà nước và pháp luật của chúng ta trong sự nghiệp đổi mới, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
PGS.TSKH Đào Trí úc (2000), "Cạnh tranh và pháp luật cạnh tranh hiện này ở Việt Nam", Nhà nước và Pháp luật, (11), tr. 3-10.
PGS.TS Võ Khánh Vinh (1991), "Nguyên tắc công bằng và các hình thức thể hiện của nó trong pháp luật", Nhà nước và pháp luật, (2), tr. 56-59.
Viện Nghiên cứu Nhà nước và pháp luật (1995), Những vấn đề lý luận cơ bản về nhà nước và pháp luật, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp (1998), Chuyên đề về: Luật so sánh, Thông tin Khoa học Pháp lý, (7), Hà Nội.
Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp (1996), Chuyên đề về: Cạnh tranh, chống cạnh tranh bất hợp pháp và kiểm soát độc quyền, Hà Nội.
Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp (1994), Báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu đề tài KX03-13: Luận cứ khoa học cho việc hoàn thiện và xây dựng hệ thống pháp luật và quản lý kinh tế bằng pháp luật, Hà Nội.
Viện Nghiên cứu Nhà nước - pháp luật, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia (1995), Tìm hiểu Luật so sánh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Viện Nghiên cứu Nhà nước - pháp luật, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia (1995), Đề tài KX04-16, Hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước nhằm tăng cường hiệu lực quản lý các vấn đề thuộc chính sách xã hội, Hà Nội.
Viện Khoa học Tài chính - Bộ Tài chính (1995), Thông tin chuyên đề: Thuế thu nhập ở một số nước và ở Việt Nam, Hà Nội.
Viện Kinh tế học - Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia (1995), Tổng luận: Phát triển kinh tế và công bằng xã hội, Hà Nội.
Viện Nghiên cứu Kinh tế thế giới - Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia (1998), Tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội ở một số nước châu á và Việt Nam, Hà Nội.
Viện Nghiên cứu Thông tin khoa học xã hội - Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia (1997), Kinh tế thị trường và những vấn đề xã hội, Hà Nội.
Viện Chiến lược phát triển, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (2001), Cơ sở khoa học của một số vấn đề trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Kinh tế Việt Nam 2000, Hà Nội.
Viện Phát triển quốc tế Harvard (1994), Việt Nam - Cải cách kinh tế theo hướng rồng bay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư Pháp (1997) Một số vấn đề về phổ biến, giáo dục pháp luật, Nxb Thanh Niên, Hà Nội.
Nguyễn Như ý (chủ biên) (1996), Từ điển tiếng Việt thông dụng, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
APEC Committee on Trade and Investment (1999), Guide to the Investment Regimes of the APEC Member Economies, APEC Secretariat, Singapore.
China investment manual, 2nd Edition, Volume I, General Edition, Donald J. Lewis, Hong Kong, 1998.
Legal Framework for the Treatment of Foreign Investment, Volume I: Survey of Existing instruments, Progress Report and Background Studies, The World Bank Group, Washington, D. C, 1992.
Longman Dictionary of Business English, by J.H. Adam, London, 1982.
Scope and definition, Unctad series on issues in international investment agreements, United Nations, New york and Geneva, 1999.
VietNam attracting more and better foreign direct investment, Foreign Investment Advisory Service a joint service of the International Finance Corporation and The World Bank, 1999.
World investment Report 1996, Investment, Trade and Internation Policy Arrangments, Definitions and Sources, A. General Definitions.
Nguyen Hai Ha, Le droit des investissements etrangers au Viet Nam. Universite Pantheon – assas (Paris II).
Q]C, Ompqm~ll`~ imkkhpph~ nm no`bmbzk bmnomt`k, Oomqmimj 3mcm g`ped`lh~, Lmpib`,1990.
Kelhl C. I. Omjlme pmao`lhe pmvhlelhé, qmk 30, Lmpib`.
Kelhl C. I. Omjlme pmao`lhe pmvhlelhé, qmk 32, Lmpib`.
._.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LA2658.DOC