BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
BÙI VĂN NĂM
SO SÁNH PHƯƠNG THỨC NỐI TRONG VĂN
BẢN TIẾNG VIỆT VÀ TIẾNG ANH
Chuyên ngành: Lý luận ngôn ngữ
Mã số: 62.22.01.01
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN
Người hướng dẫn khoa học: PGS TS. TRỊNH SÂM
Thành phố Hồ Chí Minh – Năm 2010
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu
trong Luận án là trung thực và chưa từng được ai công bố trong một công trình nào khác.
202 trang |
Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 3937 | Lượt tải: 5
Tóm tắt tài liệu So sánh phương thức nối trong văn bản tiếng Việt và tiếng Anh, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tác giả luận án
Bùi Văn Năm
Thành phố Hồ Chí Minh – Năm 2010
QUY ƯỚC VIẾT TẮT
Liên kết LK
Luận án LA
Ngữ pháp văn bản NPVB
Ngôn ngữ học NNH
Phân tích diễn ngôn PTDN
Phương thức liên kết PTLK
Phép nối PN
Từ ngữ nối TNN
Văn bản VB
Số cứ liệu 20, Nam Cao, Chí Phèo [20, NC , CP]
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Ngữ pháp truyền thống xem câu là đơn vị lớn nhất, trên câu không có một đơn vị nào khác, do vậy,
trước những hiện tượng tuy bị khuôn định trong phạm vi câu như các từ ngữ nối (TNN): nói tóm lại, trước
hết, kế đến ... hoặc các đơn vị qui mô lớn hơn câu như chỉnh thể trên câu, đoạn văn, chương, phần… thì
chưa được chú ý đến. Vì vậy, ngữ pháp văn bản (NPVB) và phân tích diễn ngôn (PTDN) ra đời như một
tất yếu của quá trình nghiên cứu ngôn ngữ học (NNH), để giải quyết những vấn đề ngôn ngữ trong hành
chức mà do nhiều lý do ngữ pháp câu chưa vươn tới.
Những công trình đặt nền móng cho NNH văn bản đã xuất hiện vào những năm 501 của thế kỷ XX.
Nhưng lúc bấy giờ có ít người quan tâm đến sự tồn tại của ngành học này. Bước sang những năm 70 của
thế kỷ XX, NNH văn bản đã nhanh chóng đạt tới thời kỳ phát triển nở rộ. Ở Việt Nam, sau đó, từ những
năm 80 của thế kỷ XX, các thành tựu nghiên cứu ngành học này, bước đầu, được đưa ra giảng dạy ở
trường phổ thông và đã thu được những kết quả nhất định.
Các nhà NNH hiện đại như J. L. Austin(1962)2, quan niệm rằng, giao tiếp bằng ngôn ngữ, thực chất
là một hành động tương tác giữa con người với nhau. Đó là một phát hiện độc đáo về chức năng của ngôn
ngữ, giúp các nhà ngữ học đánh giá đúng bản chất mọi mặt biểu hiện của giao tiếp lời nói. Khi bàn đến
giao tiếp lời nói thì phải nói tới phát ngôn3 (câu) và diễn ngôn (văn bản). Và do đó mà E. Benveniste đã có
nhận định rằng “câu là sự sáng tạo không cùng, sự đa dạng không có giới hạn, chính là đời sống của ngôn
ngữ đang hành chức”. Càng ngày các nhà NNH càng nhận thấy rằng nghiên cứu VB và diễn ngôn thì
không thể tách rời các phát ngôn một cách đơn lẻ. Và, như vậy thì chưa giải quyết triệt để được vấn đề
phân tích mọi khía cạnh ngữ nghĩa của lời nói, của phát ngôn. “Nếu xem xét bản thân mỗi phát ngôn riêng
lẻ sẽ không thể giải thích nhiều hiện tượng biểu hiện trong phạm vi phát ngôn, nhưng lại liên quan tới
nhiều khía cạnh ngoài phát ngôn, ngoài câu” [108, tr. 13]. Những nhà NNH VB như P. Hartmann (1968)
và W.Dressler (1970) đã thừa nhận VB là đơn vị lớn nhất có chức năng giao tiếp. Nó đã thu hút sự quan
tâm nghiên cứu của nhiều ngành học khác nữa, trong đó có NNH.
Những năm 70 của thế kỷ XX, nhiều công trình lý luận về NPVB đã đến với các nhà Việt ngữ học.
Nhiều thành tựu NPVB đã được ứng dụng vào việc nghiên cứu tiếng Việt. Nhờ đó, nhiều cuốn sách, bài
viết nghiên cứu về NPVB tiếng Việt, đã được xuất bản hoặc được giới thiệu khá phong phú trên tạp chí
chuyên ngành. Và cũng từ đó, việc nghiên cứu tiếng Việt có thêm những khám phá mới, nhất là khi có vận
dụng những thành tựu của NPVB và PTDN vào để miêu tả tiếng Việt.
Ngày nay, việc khảo sát lời nói đặt trong chuỗi phát ngôn, đặt trong VB là một vấn đề có tính
nguyên tắc, khi phân tích ngữ nghĩa của phát ngôn, trong các hoàn cảnh giao tiếp cụ thể. Hay nói một cách
khác, nghiên cứu ngữ nghĩa biểu hiện của các phát ngôn trong ngôn cảnh, là một xu hướng nghiên cứu
phổ biến, được đặc biệt chú ý trong ngôn ngữ học hiện đại. Và trong thực tế, NNH hiện đại – với những
thành tựu xuất sắc của ngữ dụng học - đã đem lại ý nghĩa lý luận và thực tiễn lớn lao về lĩnh vực này.
NPVB trở thành một chuyên ngành NNH, theo chúng tôi, vẫn còn đặt ra nhiều đề tài hấp dẫn cho những ai
quan tâm đến nó.
Liên kết (LK; tiếng Anh: cohesion) trong VB là một hiện tượng luôn được đề cập và khảo sát trước
tiên trong NPVB. Vấn đề này đã được nhiều nhà NNH xem xét với những phạm vi và mức độ khác nhau.
Bởi vì, nếu quan sát các phát ngôn trong giao tiếp, ta sẽ thấy bên cạnh những phát ngôn có ý nghĩa hiển
ngôn, còn có những phát ngôn mà nếu chúng ta tách riêng ra để tìm hiểu thì nhiều khi chúng ta thấy nó trở
nên mơ hồ, có khi tối nghĩa. Trong một ngữ đoạn, có thể có phát ngôn chỉ là một từ, một ngữ, thậm chí
một từ tình thái.
Hãy quan sát các ví dụ sau:
(1) Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng tự nhủ: “Chắc nó trừ
mình ra!”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ồ, thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất!
[26, NC, CP]
(2) Có một người đi chơi xa, dặn con là có ai hỏi thì nói là bố đi vắng. Cẩn thận hơn, ông liền viết vào
giấy để nếu con có quên thì đưa tờ giấy để khách biết. Cậu con cầm tờ giấy bỏ vào túi áo. Tối đến,
sẵn có ngọn đèn, nó tò mò mở giấy ra xem, chẳng may vô ý để giấy cháy mất.
Hôm sau, có người đến chơi hỏi:
- Thầy cháu có nhà không?
Nó ngẩn người . Sực nhớ ra, nó sờ vào túi và hốt hoảng:
- Mất rồi!
Khách giật mình hỏi:
- Mất bao giờ?
- Mất hôm qua…
- Vậy sao mà mất?
- Cháy…
[79, TCDGVN]
Nếu chúng ta tách riêng các phát ngôn được in nghiêng trên đây để khảo sát về ngữ pháp – ngữ
nghĩa: trước hết, chúng là những phát ngôn chưa có đủ các thành phần 'nòng cốt' (chủ ngữ - vị ngữ), là
những phát ngôn 'đặc biệt' và biểu thị ý nghĩa không trọn vẹn, không rõ ràng. Nhưng trong hoạt động giao
tiếp, có rất nhiều phát ngôn mà không thể quy về các mô hình câu hay quy về hình thức của mô hình cấu
trúc cú pháp nào. Ngữ pháp truyền thống (ngữ pháp câu) coi đó là những hiện tượng không chuẩn mực,
không điển hình. Nhưng trong giao tiếp, đó chính là những biểu hiện phong phú về biểu đạt. Đó là nét
đẹp, sự linh hoạt, sự đa dạng trong cách diễn đạt của các nhà văn, là sự uyển chuyển trong hoạt động ngôn
ngữ của con người. Đây chính là thực tiễn giao tiếp sinh động, là cái hay và đồng thời cũng là cái phức tạp
dưới góc độ phân tích ngữ pháp - ngữ nghĩa, PTDN, dưới ánh sáng của NNH hiện đại. N. D. Arutjunova
đã viết: “Ra khỏi phạm vi của những câu kinh điển, người nghiên cứu rơi vào một đại dương rộng mở và
không bờ bến của những câu […] rất ít được quy phạm hóa về mặt hình thức” [108, tr. 14].
Thực tiễn giao tiếp cho thấy rõ ràng, phát ngôn chỉ là một yếu tố trong tổng thể diễn ngôn. Nó
không phải tồn tại một cách cô lập mà giữa chúng có một chuỗi quan hệ về nghĩa, về chức năng. Nói khác
đi, chúng hình thành nên một hệ thống LK. Những thành tựu nghiên cứu về phương thức LK văn bản, đã
gợi mở và thúc đẩy chúng tôi tiếp tục khảo sát, nghiên cứu theo hướng đi sâu vào một phương thức LK cụ
thể trong hệ thống LK VB tiếng Việt.
Qua thực tế giảng dạy ngữ văn ở trường trung học phổ thông, nhất là giảng dạy môn tiếng Việt và
môn tập làm văn, chúng tôi nhận thấy còn nhiều giáo viên lúng túng khi gặp phải những vấn đề mà nếu
chỉ dựa vào ngữ pháp truyền thống thì không thể nào lý giải một cách thuyết phục. Còn học sinh thường
không nắm vững lý thuyết về nối LK4, thường mắc lỗi về hành văn, lỗi lập luận, lỗi mạch lạc trong bài
làm, nhất là trong tập làm văn. Nếu học sinh hiểu một cách đầy đủ hơn về các phép LK câu, LK đoạn văn
thì chắc chắn sẽ có thể tạo ra những câu văn sáng sủa, những đoạn văn, bài văn mạch lạc, khúc chiết hơn
nhiều (xem phụ lục số 1 và phụ lục số 2).
Nghiên cứu ngôn ngữ gắn liền với hoàn cảnh sử dụng, gắn với con người sử dụng chính là khuynh
hướng chủ yếu của các nhà ngôn ngữ học hiện đại. Có thể kể như NNH tri nhận (cognitive linguistics),
NNH chức năng (functional linguistics), NNH tâm lý (psychological linguistics)… Riêng NNH văn bản,
như ta đã biết là một ngành khoa học lúc đầu gồm có ba bộ phận: (i) Lý thuyết văn bản đại cương (ii)
Phong cách học văn bản (iii) Ngữ pháp văn bản. Trong đó vấn đề 'liên kết' thuộc bộ phận NPVB, là hiện
tượng được các nhà ngữ pháp học chú ý nghiên cứu đầu tiên và nhiều nhất. Vì người ta đã khẳng định
rằng, “văn bản không phải là một phép cộng đơn thuần giữa các câu mà giữa chúng có những sợi dây liên
hệ chặt chẽ, trong đó mỗi câu riêng biệt gắn bó chặt chẽ với những câu còn lại”[98]. M.A.K. Halliday và
R. Hassan (1976) cũng đã viết: "These non-structural resourses for discourse are what are referred to by
the term cohesions". Có thể tạm dịch: “Những nguồn lực phi cấu trúc của diễn ngôn là những điều được
xác định bởi những phương thức LK”. Trên cứ liệu tiếng Anh, hai tác giả này là những người đầu tiên
nghiên cứu ngữ pháp văn bản theo khuynh hướng mở rộng, trong đó LK giữa các phát ngôn đã được các
tác giả mô hình hoá một cách khái quát.
Trên cứ liệu tiếng Việt, về mặt khái quát, hệ thống LK đã được xác định (Trần Ngọc Thêm 1985,
Nguyễn Thị Việt Thanh 1999) ... Và một số phương thức LK cụ thể cũng đã được nghiên cứu (Phạm Văn
Tình 2002, Nguyễn Phú Thọ 2008) ... Tuy nhiên, có thể nói rằng đó mới chỉ là bước đầu. Nhiều đề tài
nghiên cứu về một phương thức LK cụ thể vẫn còn mới mẻ. Chỉ riêng về phương thức nối - hay phép nối
(PN) đã đặt ra nhiều vấn đề cần được lý giải: (i) PN được sử dụng trong các thể loại VB như thế nào ? (ii)
PN có liên quan gì đến quan hệ ngữ nghĩa, ngữ pháp và mạch lạc của các phát ngôn, của VB, của diễn
ngôn ? (iii) Đặc điểm về cấu tạo và định danh ngữ pháp của các phương tiện ngôn ngữ được dùng trong
PN? (iv) Sự thể hiện PN trong văn bản tiếng Việt và tiếng Anh có những điểm tương đồng và dị biệt như
thế nào? ... Bấy nhiêu vấn đề tiềm ẩn đó, đã thôi thúc chúng tôi suy nghĩ để chọn một đề tài nghiên cứu
cho mình. Từ tất cả những điều kể trên, khiến chúng tôi chọn vấn đề “So sánh phương thức nối trong văn
bản tiếng Việt và tiếng Anh” làm đề tài cho luận án (LA) này.
2. Mục đích nghiên cứu
Để thực hiện đề tài này LA đặt ra những mục đích nghiên cứu như sau:
(i) Lý giải về vai trò tất yếu của PN trong việc tạo ra mạch lạc trong VB nói chung, trong lập luận
nói riêng.
(ii) Xác lập bản chất ngôn ngữ của PN tiếng Việt, có so sánh với tiếng Anh. LA tập trung khảo sát
chủ yếu trên hai bình diện: cấu tạo của TNN và vai trò của chúng trong việc thiết lập các quan hệ ngữ
nghĩa và ngữ pháp qua PN.
(iv) Đi tìm sự tương đồng và khác biệt trên hai bình diện đã xác định của PN trong tiếng Anh – một
ngôn ngữ biến hình và trong tiếng Việt – một ngôn ngữ đơn lập.
(v) Từ các kết quả này, thông qua khảo sát thực tế, LA đề xuất một số biện pháp về giảng dạy và
đối dịch Anh – Việt, Việt – Anh về PN.
3. Phạm vi nghiên cứu
PN là một phương thức LK VB phổ biến và được coi là một trong những điều kiện cần thiết để tạo
ra mạch lạc, để tổ chức VB, diễn ngôn. PN không chỉ có chức năng LK các phát ngôn với nhau mà còn
LK cả những đơn vị lớn hơn như: các đoạn văn, các chương, các phần khác nhau của văn bản, của diễn
ngôn để tạo nên một khối thống nhất chặt chẽ về cấu trúc và ý nghĩa. Vì vậy, nó cần phải được xem xét
trước hết với tư cách một phương thức LK độc lập, đồng thời, cần được đối chiếu, xác lập chức năng LK,
quan hệ ngữ nghĩa, giá trị ngữ pháp, trong hệ thống LK văn bản tiếng Việt.
Và chúng ta đã biết, PN có thể xuất hiện trong một phát ngôn và giữa các phát ngôn và các cấp độ
lớn hơn phát ngôn. LA này chỉ tập trung khảo sát PN giữa các phát ngôn. Dựa theo cách biện giải của
Trần Ngọc Thêm (1985) có thể hình dung:
- Gọi U1 là phát ngôn, U2 là phát ngôn kế cận, c là yếu tố LK thì PN có thể được hình dung bằng
một mô hình tổng quát5 sau đây:
U1. c U2 (U: utterance; c: connector)
(3) Tôi vội vàng bước ra khỏi nhà. Và nó cũng nối gót theo sau
U1 . c U 2
Trong đó c là từ ngữ nối (TNN), thực hiện chức năng nối. Đây là mô hình có tính chất điển hình,
trong thực tế còn có các dạng:
(i) c1 U1.c2U2. c3 U3
(4) Thoạt đầu thì người vợ chính ngạc nhiên. Rồi thì tức tối. Sau cùng thì nhẫn nại, phải nhẫn nại là hơn,
nếu hắn về thì cũng thế.
[47, NCH, BĐC]
c1 = thoạt đầu; c2 = rồi; c3 = sau cùng.
(ii) U1 . Ø U2
(5) Gió mỗi lúc một mạnh. (Và) Đoàn xe vẫn lao đi vun vút trong mưa.
[13, HTHN]
Đây là kiểu nối không có TNN (nối zêrô)6. Dù rằng, tác giả không dùng TNN và (hay một TNN
nào khác), nhưng về mặt nguyên tắc, ta có thể xác lập quan hệ nghĩa và lựa chọn những TNN tương thích
để tạo ra PN giữa hai phát ngôn trên đây.
Trong phần lớn các trường hợp, LA chỉ tập trung khảo sát ở mô hình điển hình, sau đó là mô hình ở
(i), còn ở (ii) chỉ xem xét khi thật cần thiết, nhất là khi cần biện giải cho PN và các phép LK liên quan.
4. Lịch sử nghiên cứu đề tài
Các câu trong VB thường có ‘sợi dây liên hệ chặt chẽ’ tạo ra sự gắn kết giữa câu với câu, trong đó
PN là một phương thức LK hình thức trong hệ thống LK trong VB. Việc nghiên cứu về PN trong VB
tiếng Việt, trong thực tiễn, còn đặt ra nhiều vấn đề cần phải tiếp tục bàn sâu, làm rõ. Sau đây chúng tôi thử
điểm qua những công trình nghiên cứu về các phương thức LK trong VB nói chung và việc nghiên cứu
PN nói riêng.
Trên thế giới, các công trình đầu tiên, đặt nền móng và khẳng định sự ra đời của NPVB bắt đầu
xuất hiện vào cuối những năm 40 của thế kỷ XX. Các nhà NNH đều nhận thấy phải mở rộng phạm vi
nghiên cứu ngôn ngữ. M. A. K. Halliday (1976), nhận định, đơn vị cơ bản khi chúng ta sử dụng ngôn ngữ
không phải là từ hay câu mà là VB. Nguyễn Quang Ninh, 1989 viết “ cần dành một vị trí riêng cho chuỗi
hoàn chỉnh các câu có chung ý nghĩa và là một chỉnh thể cú pháp – ngữ nghĩa nhất định”.
Cùng nhận định về đối tượng nghiên cứu ngôn ngữ tương đối mới mẻ này, H. Harmann (1965)
cũng cho rằng, các ký hiệu ngôn ngữ chỉ bộc lộ mình, chừng nào chúng là những cái gắn bó với nhau
trong VB…Mọi người chỉ nói bằng VB, chứ không phải bằng các từ và bằng các câu, ít ra cũng bằng các
câu làm thành từ các từ nằm trong VB. W. Dressler (1970) cũng thống nhất ý kiến rằng, trong thời đại
chúng ta mọi người thừa nhận rằng đơn vị ngôn ngữ cao nhất, ít lệ thuộc nhất, không phải là câu mà là
VB.
NPVB là một bộ môn chỉ thực sự được biết đến một cách rộng rãi từ những năm 1970, sau thời kỳ
cực thịnh của ngữ pháp và ngữ nghĩa tạo sinh. Tuy nhiên, sau khi ra đời, NPVB đã tỏ ra có những ứng
dụng hết sức thiết thực trong việc đề ra các phương pháp xây dựng, phân tích, tóm tắt, biên tập và hiệu
đính VB. Nhờ vậy, nó đã nhanh chóng được phổ biến và phát triển mạnh mẽ. NNH VB đã trải qua những
giai đoạn khác nhau trong nhận diện đối tượng nghiên cứu. O. I. Moskalskaja [71] ghi nhận rằng, thời kỳ
đầu người ta coi đối tượng nghiên cứu của NNH VB là chỉnh thể cú pháp trên câu ( còn gọi là thể thống
nhất cú pháp). Từ những năm 1981 về sau, người ta chú ý đến toàn VB. Vậy, sự ra đời của NPVB không
phải là một hiện tượng đột biến mà do yêu cầu tất yếu, là kết quả logic của quá trình nghiên cứu ngôn ngữ
và cả những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn sử dụng ngôn ngữ. NPVB không hề đối lập với ngữ pháp truyền
thống mà kế tục, hoàn thiện và mở ra những bình mới, đầy hứa hẹn của ngữ pháp học.
Nói đến NPVB là nói đến các phương thức LK VB. Trong đó PN có một vị trí đặc biệt, góp phần
tạo nên VB.
Trên cứ liệu tiếng Việt, Trần Ngọc Thêm có công rất lớn trong việc giới thiệu và nghiên cứu về
NPVB, xác lập hệ thống LK tiếng Việt, trong đó có PN. Theo Diệp Quang Ban (2003) - một trong những
nhà Việt ngữ học rất quan tâm nghiên cứu NPVB tiếng Việt nhận định rằng, “các mối quan hệ xuyên câu
thì mờ ảo hơn nhiều so với các mối quan hệ nội câu. Những khái niệm do cú pháp tìm ra không còn đủ để
giải quyết những vấn đề ngữ pháp câu nữa. Do vậy, chúng ta cần phải quan tâm, sử dụng đến cả những bộ
môn ngoài NNH, logic học, dụng học, tâm lý học…”.
Bên cạnh tên gọi ‘PTDN’, nhiều người cũng nhắc đến tên gọi ‘phân tích VB’. Thực tế đó cho
chúng ta thấy rằng, NNH hiện đại quan tâm nghiên cứu một cách tổng hợp về NNH VB. Trần Ngọc Thêm
[98] khẳng định, nếu chúng ta dừng lại ở ranh giới câu, thì NNH truyền thống gây cho mọi người ấn tượng
rằng chỉ cần biết thật nhiều từ và nắm vững các mô hình cấu tạo câu là có thể giao tiếp được. Vì vậy,
muốn có một VB hình như chúng ta chỉ cần ghép các câu đúng ngữ pháp lại với nhau.
Cái gì là nhân tố có tác dụng biến một chuỗi câu trở thành VB? Đó chính là những mối liên hệ qua
lại phức tạp về nội dung cũng như về hình thức giữa các câu văn, giữa các đoạn văn, là mạng lưới các mối
liên hệ giữa các câu trong một VB, là tính LK của VB. Do vậy, hiện tượng đầu tiên được các nhà NNH
VB chú ý đến là vấn đề tính LK của VB, trong đó có PN.
Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ biến hình và quan tâm xem xét các mối LK giữa các phát ngôn,
ngoài M.A.K. Halliday (1970, 2004), M.A.K. Halliday và R. Hassan (1976) và những nhà NNH tiên
phong, còn có thể kể đến Wolfgang Dressler (1982), Patricia L. Carrell (1982), Gillian Brown and
George Yule (1983), Regina Blass (1986), Kim S. Campbell (1995), Wolfram Bublitz (2000), … Một số
tác giả khác còn nghiên cứu mở rộng LK như Liên kết hội thoại (On Dialogue Cohesion) của Jeanne Mari
Conte (1999), Ngữ pháp diễn ngôn và Loại hình học (Discourse Grammar and Typology) của Abraham,
Werner, Talmy Givón and Sandra A. Thompson (1994), Chuyển tiếp mạch lạc và liên kết (Coherence
Continuity and Cohesion) của Kim S. Campbell (1995), …
Ở Việt Nam, về NPVB, PTDN tiếng Việt, cho đến hôm nay, vẫn chưa có nhiều công trình nghiên
cứu, khả dĩ đáp ứng mong mỏi cho những người quan tâm đến vấn đề này - nhất là các giáo viên ngữ văn.
Theo các nhà Việt ngữ học, ở Việt Nam, NPVB đã được đưa vào nghiên cứu và giảng dạy ở
Trường Đại học tổng hợp Hà Nội (nay thuộc ĐHQG Hà Nội) từ năm 1978. Những năm tiếp theo, có nhiều
trường ĐHSP và Cao đẳng sư phạm, đã quan tâm đến lĩnh vực mới này. Tiếp sau đó, các Trường ĐHSP
Hà Nội I, Viện khoa học giáo dục, ĐHSP Qui Nhơn, ĐHSP Vinh, ĐHSP Huế …, rất chú ý đến lĩnh vực
NPVB. Tài liệu tham khảo và giảng dạy lúc bấy giờ có Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt (1985) của
Trần Ngọc Thêm, Ngữ pháp văn bản và việc dạy làm văn (1985) của Nguyễn Trọng Báu – Nguyễn Quang
Ninh – Trần Ngọc Thêm. Nguyễn Quang Ninh (1989), có Ngữ pháp văn bản (Phục vụ chương trình
CCGD). Đỗ Hữu Châu (1994) biên soạn cuốn Ngữ pháp văn bản - Tài liệu sử dụng Bồi dưỡng thường
xuyên cho giáo viên cấp 2 phổ thông. Trần Ngọc Thêm – Trịnh Sâm (1989) có Ngữ pháp văn bản (Hỏi –
Đáp) do trường CĐSP Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành … Sách dịch có tác phẩm Văn bản với tư cách
đối tượng nghiên cứu của ngôn ngữ học của I. P.Gal’perin (1987), Ngữ pháp văn bản của I.O.
Moskalskaja do Trần Ngọc Thêm dịch và chú giải…
Nhìn chung các công trình NPVB tiếng Việt trên đây đều có đề cập đến PN. Tuy nhiên, kết quả
nghiên cứu về PN thì chưa thật hệ thống. Giáo trình NPVB và việc dạy tập làm văn của nhóm tác giả
Nguyễn Trọng Báu – Nguyễn Quang Ninh – Trần Ngọc Thêm (1985) có xem xét PN như một phương
thức LK riêng biệt. Các tác giả chỉ đề cập đến PN thông qua Chương hai với đề mục 'Liên kết liên câu' [9,
tr. 15-24]. Nguyễn Hữu Chỉnh [26] có bài nghiên cứu về quan hệ ngữ pháp trong văn bản. Lương Đình
Dũng (Ngôn ngữ (6), 2005, tr. 38-47) có 'Phép nối và một vài suy nghĩ về phương pháp dạy phép nối
trong tiếng Việt'. Trong bài này, tác giả đã đưa ra một số quan niệm về LK, PN và đưa ra sáu kiểu quan hệ
nghĩa của PN. Ngoài ra, gần đây còn có một số luận văn của học viên, LA của nghiên cứu sinh về LK, liên
từ và PN ... Nhưng, nhìn chung, công trình nghiên cứu về các phương thức LK cũng chưa thật sự phong
phú. Các phép LK trong VB tiếng Việt thật sự được nhiều nhà Việt ngữ học quan tâm hơn.
Trần Ngọc Thêm (1985) với Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt có thể coi là người đi tiên phong
ở lĩnh vực này trong số các nhà NPVB tiếng Việt. Với công trình trên đây, tác giả đã đi sâu nghiên cứu
các phương thức LK phổ biến về hình thức ngôn ngữ cũng như về nội dung trong VB tiếng Việt. Thành
tựu này có tác dụng gợi mở cho nhiều công trình khác về phép LKVB tiếng Việt sau này, đã đặt ra nhiều
đề tài cho các nghiên cứu sinh thực hiện thành công các LA của mình, xung quanh việc tìm hiểu về phép
LK và PN trong VB tiếng Việt.
Lịch sử NNH cho ta thấy rằng hiện tượng LK được người ta chú ý khảo sát từ rất sớm, trước hơn
cả những biện pháp tu từ như ‘lặp, điệp’. Ngoài hiện tượng ‘lặp’, ‘điệp’ người ta còn chú ý đến hiện tượng
khác mang chức năng LK như việc sử dụng quán từ, từ nối, sử dụng thời, thể của các động từ, sử dụng câu
hỏi tu từ, các hiện tượng tỉnh lược, song hành cú pháp. Trật tự từ trong câu và ngữ điệu cũng được xem là
phương thức có chức năng LKVB. Tất cả những hiện tượng đó được gọi chung là các phương tiện LKVB.
Như đã nói ở trên, vấn đề ‘LK hình thức và LK nội dung’ trong VB đã được trình bày rất hệ thống,
sáng tạo và chặt chẽ trong Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt.
Các phương tiện LK gắn liền với các loại phát ngôn có thể được tóm tắt trong bảng dưới đây:
Phát ngôn tự nghĩa (i) và
phương thức LK được
sử dụng
Phát ngôn hợp nghĩa (ii) và
phương thức LK được
sử dụng.
Ngữ trực thuộc (iii) và
phương thức LK được
sử dụng.
1- Phép lặp 1- Phép lặp 1- Phép lặp
2- Phép đối 2- Phép đối 2- Phép đối
3- Phép thế đồng nghĩa 3- Phép thế đồng nghĩa 3- Phép thế đồng nghĩa
4- Phép liên tưởng 4- Phép liên tưởng 4- Phép liên tưởng
5- Phép tuyến tính. 5- Phép tuyến tính. 5- Phép tuyến tính.
6- Phép thế đại từ 6- Phép thế đại từ
7- Phép tỉnh lược yếu 7- Phép tỉnh lược yếu
8- Phép nối lỏng 8- Phép nối lỏng
9- Tỉnh lược mạnh
10- Phép nối chặt
Bảng 3. : Hệ thống các phương thức liên kết văn bản tiếng Việt
(i) Phát ngôn tự nghĩa: là phát ngôn hoàn chỉnh về nội dung và đầy đủ về cấu trúc, vì vậy nó mang
tính độc lập lớn nhất.
(ii) Phát ngôn hợp nghĩa: là phát ngôn không hoàn chỉnh về nội dung, tuy vẫn đầy đủ về cấu trúc,
vì vậy nó không mang tính độc lập về mặt nghĩa.
(iii) Ngữ trực thuộc: là phát ngôn không hoàn chỉnh về nội dung và không đầy đủ về cấu trúc, vì
vậy nó không độc lập cả hai phương diện nội dung và cấu trúc câu.
M. A. K. Halliday và R. Hassan (1976) cho rằng các phương thức LK tạo ra trong tiếng Anh là:
quy chiếu (reference), thay thế (substitution), tỉnh lược (ellipsis), phép nối (conjunction) và liên kết từ
vựng ( lexical cohesion). Và các tác giả này cũng đã xem xét PN ở nhiều bình diện khác nhau, nhất là
quan hệ nghĩa giữa các phát ngôn, được tạo ra bởi các TNN. Qua cách phân loại các phương thức LK, chỗ
hai quan niệm gặp nhau chủ yếu là các phương tiện LK cụ thể được xem xét.
Như trên đã thấy phép LK, PN là vấn đề rất cơ bản trong NPVB và thực tế còn đặt ra nhiều phương
diện cần được các nhà ngữ học tiếp tục nghiên cứu và làm rõ. Các nhà Việt ngữ học khác cũng đã có
những chuyên đề và công trình nghiên cứu thành công xung quanh vấn đề PN và các phương thức LK
khác trong VB tiếng Việt.
Diệp Quang Ban đã có nhiều bài nghiên cứu đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ và các công trình nghiên
cứu về NPVB được xuất bản như Khả năng xác lập mối liên hệ giữa phân đoạn ngữ pháp và phân đoạn
thực tại câu tiếng Việt (1989), VB và liên kết trong Tiếng Việt, (1999), Giao tiếp – VB - Mạch lạc – Liên
kết - Đoạn văn (2003), Giao tiếp diễn ngôn và Cấu tạo VB (2009)… Đỗ Hữu Châu và Nguyễn Thị Ngọc
Diệu (1996) có Giáo trình giản yếu về NPVB. Nguyễn Thị Việt Thanh (1999) có Hệ thống liên kết lời nói
tiếng Việt. Nguyễn Hữu Chỉnh (2002) có bài viết Quan hệ ngữ pháp trong VB. Phạm Văn Tình (2002) với
LA tiến sĩ, Phép tỉnh lược và ngữ trực thuộc tỉnh lược trong tiếng Việt. Võ Văn Cương (2004) với chuyên
luận Liên kết hồi qui trong NNH VB. Lương Đình Khánh (2006), Phương thức liên kết nối và quan hệ
nghĩa các phát ngôn (LA tiến sĩ). Các giáo trình nghiên cứu về Tiếng Việt thực hành của Nguyễn Đức
Dân, Bùi Minh Toán – Lê A – Đỗ Việt Hùng, Nguyễn Minh Thuyết – Nguyễn Văn Hiệp, Hà Thúc Hoan,
Trịnh Sâm… hầu hết đều có đề cập đến các phương thức LK và PN. Diệp Quang Ban 2003, trong Giao
tiếp – VB – mạch lạc – Liên kết – Đoạn văn, PN cũng chỉ được đề cập đến một cách khái quát. Tác giả có
nói đến các 'từ ngữ nối kết' (tr. 248-249) và 'quan hệ nghĩa qua PN' (tr. 251-260). M.A.K. Halliday và R.
Hassan (1976) đề cập đến PN trong một chương của công trình Cohesion in English (tr. 226-273). Có thể
nói, các công trình nghiên cứu NPVB tiếng Việt nói trên đều có đề cập đến PN, trong cách quan sát tổng
thể các phương thức liên kết khác. Nhưng theo quan sát của chúng tôi, chưa có một công trình nghiên cứu
sâu về PN.
Trên cứ liệu tiếng Anh và tiếng Việt, bước đầu PN đã được khảo sát trong mối tương quan với các
phương thức LK khác. Tuy nhiên, nói không quá, tất cả các công trình vế PN còn khá khiêm tốn, còn
nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu.
Bên cạnh các công trình nghiên cứu về LK và mạch lạc như đã nói ở trên, Phạm Văn Tình (2002)
đã đi sâu tìm hiểu một phép LK cụ thể, một phương thức LK cơ bản. Đó là ‘Phép tỉnh lược’ (ellipsis) và
ngữ trực thuộc trong tiếng Việt. Với công trình này, tác giả đã đóng góp quan trọng và lý giải sâu sắc về
những vấn đề hết sức ý nghĩa của NPVB tiếng Việt. Đó là việc xác định ý nghĩa và chức năng của ‘phần
dư’ trong VB tiếng Việt.
Như vậy có thể thấy, trên cứ liệu tiếng Anh, tiếng Đức và cả tiếng Việt, PN được coi là một
phương thức LK mang tính phổ quát, một thành phần trong hệ thống LK của một ngôn ngữ đã được chú ý
và bước đầu đã xác lập được quan hệ ngữ nghĩa do biện pháp LK này tạo nên. Nhưng rõ ràng, với tư cách
là một PTLK độc lập và có đối sánh giữa các ngôn ngữ thì theo quan sát của chúng tôi, về PN, chưa có
công trình nào đề cập đến một cách chuyên sâu, toàn diện.
LA này trên cơ sở kế thừa thành quả của các công trình đi trước sẽ tiến hành khảo cứu PN một cách
có hệ thống và toàn diện hơn. Đặc biệt là nghiên cứu quan hệ ngữ nghĩa và ngữ pháp của PN trong tiếng
Việt và có những so sánh đối chiếu với tiếng Anh – một ngoại ngữ đa dụng ở Việt Nam cũng như nhiều
quốc gia trên thế giới.
5. Phương pháp nghiên cứu và nguồn ngữ liệu
5.1. Phương pháp nghiên cứu
Ngoài các thủ pháp như sưu tập, nhận diện, phân loại, miêu tả, LA sử dụng các phương pháp
nghiên cứu sau:
- Phương pháp PTDN (discourse analysis method): xem xét các ngữ liệu, gắn liền với ngữ cảnh, sử
dụng phân tích cả hai quá trình: từ trên xuống (top-down process) và từ dưới lên (bottom-up process),
trong đó việc tạo lập VB/ngôn bản từ nội dung đến hình thức, cũng như việc nhận diện VB từ hình thức
nắm bắt nội dung, đều được xem xét.
- Phương pháp thống kê (statistics method): bên cạnh các nhận định mang tính định tính, nhằm
minh họa và thuyết minh có các nhận xét, chúng tôi sẽ dùng phương pháp thống kê định lượng.
- Phương pháp so sánh đối chiếu (comparative-contrastive method): nhằm tìm ra sự tương đồng và
khác biệt về một số phương diện của PN như cấu tạo hình thức các TNN, chức năng ngữ nghĩa của các
quan hệ do chúng tạo ra giữa tiếng Việt và tiếng Anh, LA có sử dụng phương pháp này.
-Phương pháp hệ thống hóa (systematized method): các đặc điểm cụ thể của các hiện tượng ngôn
ngữ nói chung, PN nói riêng cần phải xem xét trong một chỉnh thể toàn diện. Do vậy, phương pháp hệ
thống hóa được vận dụng, để một mặt tìm ra các đặc trưng có tính chi phối, mặt khác để thấy mối quan hệ
giữa các yếu tố trong hệ thống, và, rõ ràng quan hệ khác nhau, ý nghĩa và chức năng sẽ khác nhau.
Trên đây là những phương pháp chủ yếu trong quá trình nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, người
viết cũng thực hiện một số thủ pháp như trắc nghiệm, thăm dò thông qua các biểu mẫu, với đối tượng là
học sinh trung học phổ thông.
5.2. Nguồn ngữ liệu
Để thực hiện đề tài này, chúng tôi tiến hành sưu tập một nguồn ngữ liệu gồm 1500 đơn vị LK nối7,
từ các VB tiếng Việt, chủ yếu từ các tác phẩm văn học được sử dụng trong nhà trường.
Đối với tiếng Anh, LA cũng sưu tập một số ngữ liệu tương đương với tiếng Việt (1500 đơn vị nối).
Do nhiều lý do khác nhau, ngữ liệu này có nguồn gốc từ nhiều phong cách và thể loại khác nhau, nhưng
nhiều nhất vẫn là văn học nghệ thuật. Trên cơ sở đó, chúng tôi nghĩ là có thể tiến hành so sánh đối chiếu
các ngữ liệu với nhau theo những chủ điểm đã xác định.
6. Ý nghĩa của đề tài nghiên cứu
PN, một trong những phương thức LK logic (bên cạnh phép tuyến tính) là vấn đề được các nhà
ngôn ngữ học đi trước có những giải thuyết khác nhau. Đặc trưng về phương tiện ngôn ngữ thể hiện trong
PN là việc sử dụng các TNN (linking words, connectors…). Chính điều này làm cho PN trong văn bản
tiếng Việt và văn bản tiếng Anh có sự tương đồng. M. A. K. Halliday gọi là ‘conjunction’ (This type of
cohesion is known as conjunction) [62, tr. 303].
Trong hoạt động hành chức của ngôn ngữ cho thấy, TNN trong tiếng Việt cũng như trong tiếng
Anh rất phức tạp, một mặt chúng thể hiện mối quan hệ trên bề mặt VB, nhưng mặt khác chúng chứa đựng
những quan hệ ngữ nghĩa-logic ngầm ẩn. Đặc biệt khi giữa các phát ngôn là quan hệ ngược logic thì bắt
buộc phải dùng các TNN để diễn đạt vì phép tuyến tính không có khả năng này.
PN là một trong các phép LK ( 5 phép LK: phép thế, phép tỉnh lược, phép lặp từ vựng, phép liên
tưởng và phép so sánh) được đưa vào các bài học về LK câu ở Sách tiếng Việt lớp 10 (Sách tiếng Việt lớp
10, Nxb GD, năm 2000, tr. 89). Tuy nhiên, mức độ nội dung kiến thức, phương pháp thực hành, ứng dụng
còn rất hạn chế.
Thực hiện đề tài này, chúng tôi hy vọng góp thêm tiếng nói về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn
nghiên cứu, thực hành, vận dụng PN trong việc tổ chức VB nói chung và tập làm văn nói riêng.
Về ý nghĩa lý luận, LA hướng tới xây dựng một hệ thống các tiêu chí lý luận cần thiết để nhận
diện, phân loại PN trong văn bản tiếng Việt. Những kết quả nghiên cứu sẽ góp phần bổ sung vào lĩnh vực
lý luận NPVB và PTDN, chỉ ra phương pháp phân tích ngữ nghĩa của phát ngôn được nhìn từ nhiều góc
độ như kết học, nghĩa học và dụng học.
Về ý nghĩa thực tiễn, kết quả của LA góp phần nâng cao việc dạy và học tiếng Việt, dạy và học
tập làm văn, đối dịch Việt - Anh, Anh - Việt. Trong một chừng mực nào đó, những kết quả nghiên cứu có
thể được ứng dụng vào việc phân tích câu văn, đoạn văn, đọc hiểu VB, mà cụ thể là việc xử lý các trường
hợp đang còn là vấn đề cần được n._.ghiên cứu trong cú pháp học, ngữ nghĩa học văn bản.
7. Cấu trúc luận án
LA gồm phần mở đầu, phần nội dung (có bốn chương), phần kết luận, danh mục tài liệu tham khảo,
ngữ liệu và phần phụ lục.
Chương 1. Một số vấn đề chung
Trong chương này, chúng tôi sẽ đề cập đến những tiền đề lý luận liên quan đến PN. Đó là vấn đề lý
luận cơ bản, có liên quan trực tiếp tới đề tài nghiên cứu. PN là một hiện tượng mang tính phổ quát với mọi
ngôn ngữ. Nhưng trong mỗi ngôn ngữ nó lại có những cách thức thể hiện khác nhau. Chúng tôi cố gắng hệ
thống lại một số luận điểm chính yếu dựa trên NNH văn bản, lý thuyết phân tích diễn ngôn làm cơ sở lý
luận cho việc triển khai các nội dung tiếp theo.
Chương 2. Quan hệ giữa phép nối, mạch lạc và văn bản
Nội dung của chương này làm sáng tỏ về vai trò của các cấp độ nối LK liên quan tới PN. Mặt khác,
chương này nhấn mạnh vai trò của PN trong mối quan hệ với mạch lạc – là yếu tố thứ nhất trong việc tạo
lập VB.
Chương 3. Cấu tạo từ ngữ nối và quan hệ nghĩa, ngữ pháp của phép nối
Qua việc khảo sát, thống kê các TNN được sử dụng trong PN tiếng Việt, chúng tôi đề xuất cách
phân loại, góp phần làm sáng tỏ về mặt ngữ pháp, ngữ nghĩa và cấu tạo của các TNN và các yếu tố được
nối.
Cũng trong chương này, qua việc thống kê, khảo sát nhiều VB khác nhau và trên cơ sở thừa hưởng
các thành tựu nghiên cứu của các tác giả đi trước, chúng tôi đề xuất một hệ thống các quan hệ ngữ nghĩa
và quan hệ ngữ pháp – các quan hệ làm nên bản thể của PN.
Chương 4. Một số điểm tương đồng và khác biệt của phép nối trong
văn bản tiếng Việt và tiếng Anh
Cũng như nhiều ngôn ngữ, tiếng Việt và tiếng Anh đều có hiện tượng nối LK. Và PN trong hai
ngôn ngữ đều có sử dụng các phương tiện ngôn ngữ nối kết. LA không phân tích sự khác nhau về quan
niệm và cách lý giải khác nhau của các nhà NNH về PN trong VB của hai ngôn ngữ. Bằng cách so sánh,
đối chiếu về chính PN của hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, LA chỉ nêu lên một số điểm tương đồng
và dị biệt giữa chúng. Những đặc điểm so sánh được rút ra chủ yếu từ phương diện cấu tạo ngữ nghĩa và
ngữ pháp và một ít về mặt ngữ dụng. Trên cơ sở này, LA cũng mạnh dạn đề xuất một số thủ pháp đối dịch
Anh – Việt, Việt – Anh.
Chương 1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
Nói đến LK là đề cập đến những đơn vị giao tiếp cụ thể, gắn liền với ngữ cảnh cụ thể, thậm chí có
thể hình dung ra những vai nghĩa cụ thể. Điều này hoàn toàn khác với cách làm của NNH truyền thống.
Để có cơ sở miêu tả ở các chương sau, chương này sẽ bàn đến những vấn đề lý thuyết mà khi đề cập đến
PN không thể không nhắc đến.
1.1. Câu, phát ngôn, đơn vị nối liên kết
Về mặt học thuật câu và phát ngôn đã được tìm hiểu với nhiều quan niệm khác nhau. Có nhiều
định nghĩa về câu đến nỗi mà “không dễ gì kiểm điểm lại” [3, tr. 106]. Việc xác định nội hàm và ngoại
diên của các thuật ngữ này nhằm để xác định rõ ràng hơn về cơ sở và đối tượng khảo sát của LA.
Như đã nói, trong giới NNH tồn tại rất nhiều định nghĩa về câu, nhưng có thể lược qui về 3 cơ sở:
(i) nội dung, đó là một nội dung thông báo trọn vẹn hoặc tương đối trọn vẹn. (ii) cấu trúc, câu phải đầy đủ
thành phần, hai thành phần nòng cốt câu, là chủ ngữ và vị ngữ và thường ít được định nghĩa về 2 yếu tố
này, (iii) hình thức, nếu là ngôn ngữ nói, câu thường gắn liền với những ngữ điệu; nếu là viết, câu bắt đầu
bằng một chữ cái viết hoa và kết thúc bằng một dấu câu mà phổ biến nhất là dấu chấm.
Ngữ pháp nhà trường Việt Nam trước đây, có một thời gian rất dài coi câu là đơn vị cao nhất, thực
hiện chức năng thông báo, chứ chưa đề cập đến chức năng tổ chức VB, cho nên câu thường được định
nghĩa là một đơn vị ngôn ngữ, và:
-có nghĩa hoàn chỉnh (hoặc tương đối hoàn chỉnh – tiêu chí về nội dung)
-có những kiểu cấu tạo nhất định (tiêu chí cấu trúc)
-có những dấu hiệu hình thức nhất định như ngữ điệu, dấu câu…(tiêu chí hình thức).
Nhưng trong thực tế ngôn ngữ hành chức, không phải câu nào cũng bộc lộ đủ ba tiêu chí đó. Đặc
biệt là có vô số những kiểu câu không đáp ứng về tiêu chí cấu trúc, thiếu thành phần ‘nòng cốt’ mà có lúc
còn nhiều người đã cho rằng đó là câu sai ngữ pháp ( còn được gọi là phần dư, phần thừa). Và có một thời
gian dài nhà trường không cho phép học sinh hành văn theo những kiểu câu đó trong khi làm văn.
Đây đúng tình trạng mà N.D. Aruchiunova đã nói một cách hình tượng:
“Ra khỏi phạm vi của những câu ‘kinh điển’, người nghiên cứu rơi vào một đại dương rộng mở và
không bờ bến của những câu […] rất ít được qui phạm hoá về mặt hình thức. Các câu này là cái
‘phần dư’ còn lại … Đây chính là trung tâm tranh luận của vấn đề ở mọi ngôn ngữ”.
[98, tr. 41-42]
Khi mở rộng phạm vi quan sát hành chức của phát ngôn, bên cạnh tính chất luôn gắn liền với ngữ
cảnh, mặt nội dung, đặc biệt là về cấu trúc được nhìn nhận một cách uyển chuyển, cách tiếp cận này
không thừa nhận phát ngôn đặc biệt. Và như đã giải thích, cơ sở để xem xét PN trong LA này chính là
phát ngôn. Như vậy về mặt số lượng, tối thiểu phải có ít nhất từ hai phát ngôn trở lên, mới có thể có PN.
Đương nhiên PN cũng có thể xảy ra trong nội bộ từng phát ngôn, nhưng không thuộc phạm vi quan sát
của LA, như đã trình bày ở 2.2.1.
Về mặt lý thuyết, câu thường đối lập với phát ngôn. Nếu đơn vị trước được hiểu là một đơn vị ngôn
ngữ có chất tĩnh tại, thường tách khỏi ngữ cảnh giao tiếp thì đơn vị sau là một đơn vị của lời nói, rất năng
động, gắn liền với từng ngữ cảnh giao tiếp cụ thể. Có thể thấy cách hình dung về câu với 3 tiêu chí vừa
nhắc qua ở trên có tính chất qui phạm. Thực tế sử dụng mách bảo số lượng câu đáp ứng tương đối đầy đủ
các yêu cầu trên là rất ít. Do vậy cái mà ngữ pháp truyền thống gọi là 'câu đặc biệt', thể hiện sự bất lực hay
ít nhất là chưa thật sự nghiêm ngặt về phân loại.
Phát ngôn là đối tượng khảo sát của nhiều phân ngành NNH, trong đó quan niệm gắn liền với hành
động ngôn ngữ của ngữ dụng học, nổi lên như một xu hướng triết học NNH. Trong nhận thức của chúng
tôi, phát ngôn là đơn vị nhỏ nhất của VB. Nó thực chất là câu trong VB. Điều đó có nghĩa là khi nói tới
phát ngôn là nói đến sự tương tác giữa nó và các phát ngôn khác chung quanh. Nó chịu sự tác động của
đặc điểm kế thừa thông báo. Phát ngôn mở đầu là chỗ dựa cho các phát ngôn sau. Đến lượt nó, các phát
ngôn sau là chỗ dựa cho các phát ngôn sau nữa, cứ thế chúng dựa vào nhau để tồn tại.
Về mặt cấu trúc, phát ngôn có thể đầy đủ thành phần hoặc không đầy đủ thành phần; về mặt nội
dung, có thể hoàn chỉnh hoặc không hoàn chỉnh; về mặt hình thức thì thì giống như đơn vị câu đã xác định
ở trên. Tại đây phần lớn ngữ liệu là ngôn ngữ viết, cho nên cái dấu hiệu hình thức bắt đầu bằng một chữ
cái viết hoa và kết thúc bằng một số dấu câu là những thuộc tính mà chúng tôi đưa ra như một tiêu chí để
nhận định.
Do vậy, khi khảo sát, coi phát ngôn là đơn vị nối, LK tối giản trước hết là mối quan hệ giữa hai
phát ngôn nằm cạnh nhau. Đương nhiên nối ở đây là nối giữa hai phát ngôn. Cần thấy ngữ pháp chức năng
hệ thống mà đứng đầu là M.A.K. Halliday coi cú mới là đơn vị cơ sở của LK [48, tr. 492]. Một cú thường
bao gồm đề (theme) – thuyết (rheme). LA này xem phát ngôn như vừa minh định bên trên là đơn vị của
nối LK. Do vậy, khi nghiên cứu về phát ngôn thì “không được nghiên cứu tách rời, biệt lập với văn cảnh,
ngữ cảnh, ngữ nghĩa mà đi vào các hiệu dụng đa dạng trong bối cảnh giao tiếp, hiệu quả giao tiếp, trong
các mối quan hệ liên nhân giữa người nói và người nghe”
[102, tr. 195].
Khái niệm phát ngôn được sử dụng ở đây như là đơn vị cơ sở để khảo sát về PN trong VB.
1.2. Văn bản, diễn ngôn
1.2.1.Văn bản
VB thực sự là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành NNH hiện đại. Từ L. Hjelmslev (1953),
M.A.K. Halliday (1960), H. Harmann (1965), H. Wienrich (1966), đến W. Dressler (1970), người đã đầu
tiên xuất bản những công trình khá hoàn chỉnh về NNH VB … thì hầu như người ta thống nhất rằng: “
trong thời đại chúng ta mọi người thừa nhận rằng đơn vị ngôn ngữ cao nhất, ít lệ thuộc nhất, không phải là
câu, mà là VB”
Trong thực tế, VB đã trải qua một quá trình định danh với những nội dung ý nghĩa không giống
nhau. Trước đây các nhà ngôn ngữ dùng thuật ngữ ‘VB’ để chỉ tất cả các trường hợp ghi lại hoạt động
giao tiếp bằng ngôn ngữ. Nhưng hiện nay, nhiều nhà ngôn ngữ thống nhất rằng, ‘VB’ là sản phẩm thể hiện
bằng văn viết; ‘ngôn bản’ là sản phẩm ngôn ngữ thể hiện qua lời nói.
Còn ‘diễn ngôn’ là khái niệm bao gồm cả VB và ngôn bản. Tuy nhiên, để đi đến một định nghĩa về
VB, chủ yếu để tiện làm việc, chúng tôi cũng trình bày một số quan niệm khác để tham khảo.
VB cũng có khá nhiều định nghĩa khác nhau:
(i) VB được xét như một lớp phân chia được thành các khúc đoạn. (L. Hjelmslev,
1953)
(ii) VB được hiểu ở bậc điển thể là phát ngôn bất kỳ có kết thúc và có LK, có tính độc lập và đúng
về ngữ pháp. (W. Koch, 1966).
(iii) VB “là chuỗi nối tiếp các đơn vị ngôn ngữ được làm thành bởi một dây chuyền của các
phương tiện thế có 2 trắc diện” - trục dọc và trục ngang.
(R. Harweg, 1968)
(iv) Nói một cách chung nhất, VB là một hệ thống mà trong đó các câu mới chỉ là phần tử. Ngoài
các câu - phần tử, trong hệ thống VB còn có cấu trúc. Cấu trúc của VB chỉ ra vị trí của câu và
những mối quan hệ, liên hệ của nó với những câu xung quanh nói riêng và với toàn VB nói chung.
Sự LK là mạng lưới của những quan hệ và liên hệ ấy (Trần Ngọc Thêm, 1985).
VB/ngôn bản là một sản phẩm trong sử dụng. Do tính đa dạng của phong cách và thể loại trong
hành chức nên việc xác định nó là cái gì quả không đơn giản, nói như W.A.M. Carsteris (1997) khi dùng
bao quát cái hiện thực ngôn ngữ - VB vào trong một định nghĩa hoàn chỉnh thì thật khó xác định cái biên
giới của đơn vị ấy.
Tuy nhiên, bước đầu có thể liệt kê thành các đặc điểm chung nhất của VB. Theo R.D. Beaugrande
& W. Dressler (1981), VB phải gồm các đặc điểm sau:
- Tính LK (cohesion)
- Tính mạch lạc (coherence)
- Tính chủ đích (intentionality)
- Tính tiếp nhận (acceptability)
- Tính thông tin (informativity)
- Tính ngữ cảnh (contextuallity)
- Tính tương tác (intertextuallity)
Diệp Quang Ban 2003, cho rằng VB có nhiều đặc trưng và có thể tóm tắt bằng sơ đồ sau đây:
Sơ đồ 1.2 : Tóm tắt đặc trưng của văn bản theo Diệp Quang Ban.
VĂN BẢN
Có yếu
tố nội
dung
Có cấu
trúc
Có mạch
lạc và
liên kết
Có yếu
tố chỉ
lượng
Có định
biên
(tính
trọn vẹn)
VB có 5 đặc trưng:
(i) Có đề tài hay chủ đề xác định (có yếu tố nội dung).
(ii) Có cách tổ chức hình thức và cách tổ chức nội dung phù hợp với phong cách chức năng và thể
loại văn (có cấu trúc).
(iii) Có sự nối kết đúng về nghĩa, về logic và về chức năng giữa các bộ phận bên trong một VB và
với ngữ cảnh bên ngoài VB. Có thể sử dụng các phương tiện ngôn ngữ để diễn đạt một số quan hệ nối kết
nhất định giữa các bộ phận khác nhau bên trong một VB (có mạch lạc và LK).
(iv) Gồm nhiều câu /phát ngôn nối tiếp nhau thường xuất hiện nhiều hơn trong VB (có yếu tố chỉ
lượng)
(v) Có biên giới trái hay ở đầu vào và biên giới phải hay ở đầu ra tạo nên tính trọn vẹn cho VB (có
định biên, có tính trọn vẹn)
Đến đây có thể ghi nhận:
- VB có thể tồn tại ở dạng nói hoặc dạng viết.
- VB có thể dài, có thể ngắn.
- Cấu trúc của VB bao gồm cả cấu trúc hình thức lẫn cấu trúc nghĩa.
- VB chuyển tải một nội dung nhất định.
- VB có những dấu hiệu LK, có những PTLK.
- VB có những kiểu loại khác nhau.
- VB có tính trọn vẹn về nội dung và hoàn chỉnh về hình thức.
Như vậy, VB là một sản phẩm của lời nói tồn tại dưới dạng viết hay nói, mang tính hoàn chỉnh,
chuyển tải một nội dung nhất định, nhắm đến một đối tượng giao tiếp nhất định.
Hiển nhiên, có thể cách nhận diện này chưa bao quát, chủ yếu là để tiện việc nghiên cứu.
1.2.2. Diễn ngôn
Vấn đề tên gọi diễn ngôn trong sự phân biệt với khái niệm VB cũng không đơn giản, thuần nhất
trong nghiên cứu và giảng dạy NNH. Có hai tên gọi khác nhau: VB (tiếng Anh: text; tiếng Pháp: texte);
diễn ngôn (tiếng Anh: discourse; tiếng Pháp: discours). Trong quá trình nghiên cứu NNH nói chung có
những tình hình sử dụng hai khái niệm VB và diễn ngôn không giống nhau.
Trong thời gian đầu, một số nhà NNH dùng khái niệm gọi VB như để chỉ chung cho những sự kiện
nói bằng chữ viết, có mạch lạc và LK. G. Brown và G. Yule (1983) đã dùng cách gọi ‘PTDN’ (Discourse
Analysis) để chỉ chung cho thao tác phân tích VB
nói và viết. Ngoài ra còn có: G. Cook (1989): Diễn ngôn (Oxford University Press), M. Coulthard (1977):
Một dẫn luận PTDN, P. Chen (1990): Suy nghĩ về sự phát triển của PTDN trong những năm 90 …
Sau đó, người ta lại có xu hướng dùng khái niệm VB để chỉ sự kiện nói bằng chữ viết, còn diễn
ngôn để chỉ sự kiện nói miệng. Còn hiện nay, người ta coi khái niệm diễn ngôn được dùng như VB ở giai
đoạn đầu, tức là được dùng chung cho cả hiện tượng nói miệng, lẫn sự kiện nói bằng chữ viết.
Cách định nghĩa sau đây của D. Nunan (1998) có tính chất dung hợp việc duy trì sự phân biệt một
bên là sự kiện nói là VB và sự kiện nói là diễn ngôn: VB và diễn ngôn cùng tồn tại trong tất cả các sự kiện
nói. Theo tác giả, thuật ngữ VB là chỉ bất kỳ cái điều gì ghi bằng chữ viết của một sự kiện giao tiếp. Sự
kiện đó tự nó có thể liên quan đến ngôn ngữ nói (Ví dụ: Một bài thuyết giáo, một cuộc thoại, một cuộc
giao dịch mua bán ...) hoặc ngôn ngữ viết (Ví dụ: một bài thơ, một tiểu thuyết ...). Thuật ngữ diễn ngôn
lại để chỉ việc giải quyết những sự kiện giao tiếp trong ngữ cảnh…
Trong LA này, VB được hiểu như là một đơn vị giao tiếp hoàn chỉnh, bao gồm những đơn vị lớn
hơn câu, được thể hiện dưới dạng nói hoặc viết, được thể hiện bằng nhiều phương thức LK khác nhau.
Trong việc phân tích chúng tôi hướng tới VB với tư cách là một đơn vị giao tiếp có tính chất điển hình,
tức nó có một tổ chức phức tạp, thường bao gồm nhiều phát ngôn, nhiều đoạn, ... Còn thực tế giao tiếp, có
thể có những đơn vị tối giản tương đương với phát ngôn, thậm chí nhỏ hơn phát ngôn.
1.3. Liên kết, mạch lạc, phép nối
Khi mở rộng tầm nhìn khỏi phạm vi câu, một trong những đặc điểm mà ta đã thống nhất là các phát
ngôn, đoạn văn thường không tồn tại một cách độc lập mà chúng có mối quan hệ khắng khít nhau. Ngữ
pháp truyền thống dựa vào chức năng đã xem xét các mối quan hệ giữa các bộ phận trong một câu và nhận
thức về vấn đề này là khá sâu sắc. Tuy nhiên, vượt ra ngoài phạm vi câu thì các đặc điểm của nó chưa
được đúc kết. Tại tiểu mục này, LA sẽ xem xét các đặc điểm như LK, mạch lạc và PN.
Trên kia có đề cập đến đặc điểm của VB. Dù có tiếp cận từ góc độ nào thì LK vẫn được các nhà
NNH thuộc các trường phái khác nhau đề cập đến.
Ở giai đoạn đầu, LK thường được coi là biện pháp có tính chất hình thức, được đánh dấu bằng các
phương tiện ngôn ngữ. Ví dụ về phép lặp: (i) nếu phương tiện liên kết là từ thì có phương thức lặp từ; (ii)
nếu phương tiện LK là âm thì có phương thức lặp âm; (iii) nếu phương tiện LK là cú pháp thì có phương
thức lặp ngữ pháp.
Thật vậy, nếu thuần túy dựa vào mặt hình thức thì LK rất dễ nhận diện và miêu tả. Cũng vào giai
đoạn này, các nhà NPVB thường sử dụng những phản chứng. Ở đó có LK hình thức mà vẫn không trở
thành một VB hoàn chỉnh. Phương pháp này bị các nhà NNH trên thế giới phê phán. Vì trong thực tế giao
tiếp không có VB kiểu này mà thường bao giờ ít nhiều cũng có LK về nghĩa.
Từ một góc độ khác, khi gắn liền với ngữ cảnh, có những trường hợp trên bề mặt của VB hầu như
chúng không có quan hệ gì về mặt hình thức.
Hãy khảo sát một ví dụ trong tiếng Anh (hầu như sách NPVB, PTDN nào cũng đều có đề cập đến):
- Chồng: - Có điện thoại
- Vợ: - Em đang tắm
Có thể xem đây là một VB trọn vẹn. Nó đã sử dụng nhiều tiền giả định. VB này có mạch lạc là nhờ
vào ngữ cảnh. Và cần lưu ý rằng trên bề mặt VB hầu như không có hình thức LK nào.
Từ đây một vấn đề khác được nảy sinh: đó là mạch lạc (coherence). Mạch lạc thường được coi là
quan hệ về nội dung, về mặt nghĩa. Cùng với PTDN và ngữ dụng học, cuối thế kỷ XX, các nhà NNH lại
tập trung chú ý đến đặc điểm này và có xu hướng bao trùm: nói đến mạch lạc là nói đến nghĩa. Thoạt nhìn
vấn đề tưởng đơn giản: LK là hình thức, còn mạch lạc là nội dung. Nhưng xét về mặt lý luận và cả thực
tiễn sử dụng thì không phải lúc nào hai phạm trù này cũng tách bạch một cách rạch ròi. Bởi vì nói đến LK
là nói đến mạch lạc, là nói đến sự tương tác. Trước hết là trong phạm vi nội chỉ (endophoric), nhưng nó lại
liên quan rất nhiều đến sự chi phối có tính chất ngoại chỉ (exophoric).
LA sẽ khảo sát những vấn đề phức tạp này. Chúng tôi hình dung LK là bao gồm cả mạch lạc. Nói
khác, LK là LK cả hình thức lẫn nội dung. Trong đó ngữ cảnh có thể coi là nền tảng cơ sở cho việc phát
ngôn và thụ ngôn.
1.3.1. Liên kết
LK nội dung được thể hiện bằng hệ thống các PTLK hình thức, và LK hình thức chủ yếu dùng để
diễn đạt sự LK nội dung. LK nội dung thể hiện sự gắn bó chặt chẽ của LK chủ đề và LK logic. LK hình
thức có thể được nhận diện dễ dàng qua các phương tiện ngôn ngữ như ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp… Như
vậy, phương thức LK, hay biện pháp LK/phép LK là cách sử dụng các phương tiện ngôn ngữ để tạo ra LK
VB. Phương tiện LK có thể có nhiều hình thức và cách biểu hiện khác nhau. Phép LK là vấn đề cốt lõi của
NPVB. Nói khác, đề cập đến VB là phải đề cập LK. Đây có thể được coi là vấn đề quan yếu của VB.
M. A. K Halliday [48] cho rằng, để tạo ngôn bản, chúng ta cần phải thiết lập các mối quan hệ bổ
sung trong ngôn bản không lệ thuộc vào những hạn chế này (những mối quan hệ trong cú phức). Điều này
không thể thực hiện được bằng cấu trúc ngữ pháp; nó phụ thuộc vào một nguồn lực thuộc kiểu khác. Đó là
những nguồn lực phi cấu trúc để kết cấu ngôn bản, cái được gọi là LK.
David Nunan [75] khi nói về LK và mạch lạc trong VB thì cho rằng, những VB mạch lạc - nghĩa là
những chuỗi câu có vẻ như ‘mắc vào nhau’ - chứa đựng cái được gọi là phương thức tạo thành VB. Đây là
những từ và tổ hợp từ làm cho người viết hoặc người nói có thể thành lập các mối LK xuyên qua biên giới
câu hoặc phát ngôn và chúng giúp buộc các câu lại với nhau trong một VB.
Trên website có địa chỉ: (5-2005) bàn về LK như sau:
“Cohesion is the grammatical and lexical relationship within a text or a sentence. Cohesion can be defined
as the links that hold a text together and give it meaning”.(LK là mối liên hệ ngữ pháp và từ vựng trong
một VB hoặc trong một câu. LK có thể được định nghĩa như là những sự nối kết để tổ chức văn bản và
tạo ra ý nghĩa cho VB).
Theo Diệp Quang Ban (2003), phép LK là thứ quan hệ giữa hai yếu tố ngôn ngữ nằm trong hai câu
(Câu ở đây được dùng trong nghĩa là câu dùng trong giao tiếp, tức là câu phát ngôn chứ không phải câu
cấu trúc). Nói cụ thể hơn, LK là thứ quan hệ nghĩa giữa hai yếu tố ngôn ngữ mà muốn hiểu nghĩa cụ thể
của yếu tố này phải tham khảo nghĩa của yếu tố kia, và trên cơ sở đó hai câu chứa chúng LK được với
nhau. (Hiện tượng này cũng gặp trong những khúc đoạn lời nói lớn hơn câu).
Các nhận diện trên đây đều có điểm chung là coi PTLK là những quan hệ, là điều kiện để tạo ra
VB, góp phần tạo ra những quan hệ ý nghĩa trong VB. Các quan hệ đó phải được diễn đạt bằng các
phương tiện hình thức ngôn ngữ.
Ví dụ:
(6) Cho dù tôi sẽ sung sướng hay khổ sở, cái đó sẽ tùy ở tính tình tôi khôn ngoan hay đần độn. Song tôi
chưa biết đến thế. Mà hãy lấy sự được ung dung và độc lập một mình là điều thích lắm rồi.
[80, TH, DMPLK]
Nội dung được nói đến trong đoạn văn này được diễn đạt qua các phát ngôn có LK chặt chẽ nhờ
các phương tiện LK là 'cho dù', 'song', 'mà'...
Hiển nhiên, nói đến VB là nói đến LK và LK là một phổ niệm NNH. Vấn đề là ở chỗ nó được thể
hiện cụ thể như thế nào trong những ngôn ngữ khác nhau. Trước đây người ta xuất phát từ hình thức để
khảo sát nội dung. Trường phái ngữ pháp chức năng hệ thống lại chủ trương ngược lại. Nói như
M.A.K.Halliday “vấn đề là ở chỗ nội dung này được diễn đạt bằng hình thức nào chứ không phải ngược
lại”. Và vì vậy, trong VB không chỉ có LK mà còn có mạch lạc. Chúng ta tiếp tục tìm hiểu khái niệm này.
1.3.2. Mạch lạc
Quan hệ giữa LK và mạch lạc đã được nhiều nhà NNH trong và ngoài nước nghiên cứu và biện giải
bằng nhiều cách khác nhau. Van Dijk (1985) xem LK như một trường hợp của mạch lạc [152]. M.A.K.
Halliday và R. Hassan cho rằng mạch lạc được tạo bởi LK [137]. B. Widdowson thì quan niệm LK không
quan trọng bằng mạch lạc xét về mặt ý nghĩa ...
Một VB có thể rất ngắn, chỉ gồm một từ, một câu. Đây là những VB tối giản và không điển hình.
Còn nhìn chung nói đến VB là nói đến độ phức tạp nào đó, ít nhất là một chùm phát ngôn mà như đã đề
cập ở trên. Chúng phải ‘mắc vào nhau’ (to stick together) để tạo ra mạch lạc. Thế nhưng, nói như D.
Nunan (1993): mạch lạc là hiện tượng khá mơ hồ.
Hãy nghe G.M. Green (1989) biện giải:
Một VB mạch lạc là một đơn vị mà ở đó người giải thích có thể khôi phục không mấy khó khăn cái
dàn ý của người nói với lý do vững chắc, bằng cách suy luận những mối quan hệ giữa các câu, và
giữa những mối quan hệ cá thể của chúng với những cái đích bộ phận khác nhau trong cái dàn ý
được suy đoán, để sự hoạch định được hiểu ra ngay.
[8, tr. 211]
Khi nói về mạch lạc trong văn học , K. Wales viết:
Để cho một VB hay một diễn ngôn nào đó mạch lạc, thì nó phải có nghĩa và cần có một chỉnh thể,
và cũng cần được định hình tốt. Mạch lạc được coi như là một trong những điều kiện đầu tiên hay
là một trong những đặc trưng của VB: không có mạch lạc một VB không đích thực là một VB”
[8, tr. 176]
G. Brown và G. Yule (1983) cho rằng, mạch lạc là kết quả của sự tương tác giữa VB và người tiếp
nhận. Trong đó, có ba bình diện cần được xem xét trong quá trình phân tích mạch lạc là: (i) giải thích
chức năng giao tiếp, (ii) sử dụng kiến thức tổng quát về văn hóa xã hội, (iii) xác định loại suy luận nào đã
được sử dụng. Ngoài ra, mạch lạc không chỉ dựa trên mối quan hệ giữa các phát ngôn mà còn phải phân
tích mối quan hệ giữa các hành động được thực hiện bằng các phát ngôn. Ví dụ, mạch lạc của một cuộc
hội thoại được nhận biết được là nhờ nguyên tắc cộng tác trong hội thoại. Có nghĩa là, trong mỗi lời thoại
đều có ẩn chứa một hành động phù hợp với mục tiêu của cuộc giao tiếp. Như vậy, có những chuỗi câu
hoàn toàn không có sự hiện diện của LK nhưng vẫn có mạch lạc. Mạch lạc có khi được xác định dựa theo
chức năng của các hành động nói và ngữ cảnh mà cuộc giao tiếp, hội thoại đã diễn ra.
Sau khi xem xét những cách tiếp cận khác nhau về mạch lạc, thiết nghĩ cần phân định nội hàm,
ngoại diên của các mối quan hệ giữa chúng. Đây có thể coi là cơ sở để giải quyết những vấn đề liên quan
sau:
- Các biểu hiện của mạch lạc và LK là khác nhau, nhưng không hoàn toàn đối lập nhau. Biểu hiện
của mạch lạc được hiểu rộng, bao gồm các kiểu quan hệ nghĩa - logic giữa các câu – mệnh đề với nhau
(mạch lạc trong triển khai mệnh đề), quan hệ của yếu tố ngôn ngữ với ngữ cảnh tình huống (mạch lạc với
ngữ cảnh tình huống), quan hệ dung hợp nhau giữa các hành động nói (mạch lạc diễn ngôn hay mạch lạc
trong chức năng) và quan hệ theo nguyên tắc cộng tác giữa các bộ phận của VB (mạch lạc theo nguyên
tắc cộng tác).
- VB mạch lạc có thể không được đánh dấu bằng các phương tiện LK. Ngay cả những VB có xuất
hiện trên bề mặt các phương tiện LK được đánh dấu thì có hay không có mạch lạc hoặc các mức độ mạch
lạc cũng không hoàn toàn giống nhau. Vấn đề sâu xa ở đây, một mặt là liên quan đến phạm trù hình thức
và phạm trù nội dung, mặt khác lại chịu sự tác động của ngữ cảnh, bao gồm có ngữ cảnh rộng và ngữ cảnh
hẹp. Quan sát những cứ liệu cụ thể, có thể nhận thấy rằng trong một chừng mức nhất định nào đó, LK có
tác động làm rõ mặt ngữ nghĩa.
- Về mặt định tính, rất khó xác định một cách cụ thể một VB này có tính mạch lạc nhiều hơn VB
kia. Tuy nhiên, mạch lạc là yếu tố quyết định sự triển khai VB, dẫn dắt VB theo những định hướng và
mục tiêu đã dự định của người tạo lập VB.
[8, tr 145]
Cần nói thêm đối với người tiếp nhận VB thì đây là nhân tố giúp cho họ lĩnh hội nội dung và những
tiêu điểm của nội dung.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần lưu ý rằng phương thức thể hiện tính mạch lạc không giống nhau
trong các kiểu loại VB khác nhau. Phương thức thể hiện của kiểu VB tự sự (truyện, ký…) là tính khách
quan, tính liên tục của sự kiện và sự việc được trình bày. Tính liên tục của sự kiện được diễn tả, bị chi
phối bởi nhân tố thời gian và tính hình tuyến của ngôn ngữ. Tính hình tuyến của ngôn ngữ thì quy định
nghiêm ngặt trình tự trình bày diễn tiến của sự việc. Do đó, trong những trường hợp, những chi tiết, những
sự việc mà tính hình tuyến của ngôn ngữ và nhân tố thời gian không đáp ứng được yêu cầu của việc thể
hiện, trình bày thì bắt buộc phải dùng những phương tiện ngôn ngữ. Đó là những phương thức LK có giá
trị hồi chỉ để quay về quá khứ hoặc có giá trị dự báo để hướng đến tương lai, tức khứ chỉ. Nếu không thì
VB sẽ không đáp ứng được tính mạch lạc và tính logic của hiện thực.
(7) Chỉ lát nữa người ta rước Dần đi. Đêm hôm nay chỉ còn mình ông với hai đứa trẻ con. Nhà sẽ vắng
ngắt vắng ngơ, chẳng khác gì ngày vợ ông mới chết đi. Rồi chỉ mươi bữa, nửa tháng là ông phải bỏ
nốt hai đứa con trai để đi ngược .
[37, NC, ĐMG]
Các từ ngữ được in nghiêng chính là các phương tiện, làm cho các sự kiện đã diễn ra trước được
nói sau mà vẫn đảm bảo tính logic về thời gian. Bởi vì, mạch lạc là sự liên tục logic (về thời gian hoặc
không gian), là sự lệ thuộc lẫn nhau giữa các thông báo, sự kiện, hành động cụ thể. Các phương tiện và
phương thức LK giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc thể hiện tính mạch lạc của VB tự sự nói riêng và
các VB nói chung.
VB trữ tình tiêu biểu là VB thơ. VB trữ tình dùng ngôn ngữ để phản ánh thế giới nội tâm của con
người (chủ yếu là của tác giả) bằng cách trực tiếp bộc lộ những cảm xúc, nêu lên những suy nghĩ, tình
cảm, tâm trạng ... Tính mạch lạc ở VB trữ tình được xây dựng từ quá trình phát triển cảm xúc, tình cảm,
tâm trạng của người viết. Vậy, tính mạch lạc trong VB trữ tình là sự thể hiện ở logic tâm trạng. Do đó,
trong thơ, chúng ta sẽ thường gặp những trường hợp mà logic sự việc, sự kiện bị đảo lộn, đồng thời xuất
hiện những yếu tố thoạt nhìn có vẻ phi lý để biểu đạt tâm trạng của nhân vật trữ tình, và như thế mà vẫn
đảm bảo tính mạch lạc của VB. Nguyễn Du có thể được xem là nhà thơ bậc thầy trong nghệ thuật thể hiện
tâm trạng, tình cảm của nhân vật trữ tình:
(8) Cậy em, em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa …
[49, ND, TK]
Tâm trạng phức tạp của Thuý Kiều trong đêm ‘trao duyên’ cho Thuý Vân, được diễn tả bằng những
ngôn từ rất ‘lạ lẫm, phi lý’ đối với Thuý Vân. Thuý Vân rất ngạc nhiên khi nghe chị nói những từ ngữ bất
thường đối với mình!
Xem xét một vài ví dụ khác:
(9) Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ.
Mặt trời chân lý chói qua tim.
Hồn tôi là một vườn hoa lá,
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…
[82, TH, TÂ]
(10) Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con!
Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp!
Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn.
[7, CLV, TT]
Trong khi đó tính mạch lạc trong VB nghị luận thể hiện cách lập luận của người nói hoặc người
viết. Lập luận thì phải tuân thủ theo quy tắc logic. Lập luận không mạch lạc thì biểu hiện một tư duy lộn
xộn, gây khó hiểu hoặc nhàm chán cho người đọc hoặc người nghe. Quy tắc logic của lập luận là sự thể
hiện việc sắp xếp các luận điểm, luận chứng, luận cứ… và phải gồm có các phần nêu vấn đề, giải quyết
vấn đề và kết luận. Chắc chắn các phương thức LK, nhất là PN phải được sử dụng để đảm bảo tính logic,
tính mạch lạc của VB nghị luận.
(11) Một sự thực cần thừa nhận là: virus máy tính đang tồn tại và đang phá hoại (1). Nhưng chúng ta có
thể hoàn toàn ngăn chặn và tiêu diệt vì cho dù có tinh quái đến mấy thì chúng cũng chỉ là những
chương trình máy tính do con người bằng xương bằng thịt lập ra. Và cách phòng chống virus tốt
nhất là chủ động tấn công vào chúng. Cũng như trên chiến trường, càng hiểu biết vầ kẻ thù bao
nhiêu thì khả năng chiến thắng càng lớn bấy nhiêu. Quyển sách này ra đời nhằm đáp ứng cho mục
tiêu đó: hiểu biết và phòng chống virus máy tính (5).
[63, NMT & NVH, TVTH]
Câu (1) là câu chủ đề, có tác dụng nêu vấn đề. Những từ ngữ được in nghiêng là những phương tiện
LK (bên cạnh những yếu tố khác), góp phần tạo ra tính mạch lạc của đoạn văn. Câu (5) là câu kết của
đoạn văn.
1.3.3. Phép nối
Nói đến đặc trưng của VB, người ta thường đề cập đến LK, tức là quan tâm đến những quan hệ
giữa các phần tử trong hệ thống LK. Cơ sở của hiện tượng LK hai phát ngôn, LK các thành tố của VB, là
sự tồn tại của các quan hệ. Đó là quan hệ ngữ pháp và quan hệ nghĩa. Trong các phương thức LK, có thể
nói, PN là phép LK thể hiện mối quan hệ phong phú giữa các thành tố trong VB.
PN là một PTLK quan trọng và được sử dụng một cách phổ biến trong tất cả các VB, của nhiều
ngôn ngữ. Dù các nhà ngữ pháp học có phân loại, định nghĩa PN theo những tiêu chí khác nhau và PN có
thể có những tên gọi không giống nhau, nhưng về cách giả thuyết của các nhà NPVB về phương thức KL
này cơ bản không khác nhau nhiều.
Mô hình khái quát PN là:
Sơ đồ 2.3. : Mô hình PN trong VB
TNN (1)
Phần tử được nối (2)
(1) ‘c’: TNN
(2) Phần tử được nối (U1, U2 ): câu/phát ngôn, đoạn văn,…
TNN c có 2 chức năng: chức năng LK hình thức và chức năng LK logic - ngữ nghĩa
Trong PN, phương tiện LK c không tách ra nằm giữa hai phát ngôn, không nằm giữa hai phần tử
LK mà luôn nằm hẳn một bên, ở một trong hai phát ngôn đó, làm cho phát ngôn, phần tử chứa nó được
gọi là kết ngôn và phụ thuộc vào phát ngôn còn lại. Nếu c nằm ở kết ngôn U2 trong mô hình: U1 . c U2 ta
có LK hồi chỉ và sẽ gắn bó mật thiết với một số quan hệ nghĩa. Còn nếu c nằm ở chủ ngôn U1 trong mô
hình U1 c . U2 thì tình hình kh._.reover, the total dollar value of all debits will
equal the total dollar value of all credits in a transaction. [RL-PL-DGS, FA]
50 At some English-speaking clubs, it is usual at each meeting for a short presentation of a topic
to be given at the start. Later, learness discuss the topic in small groups. [BLCUP, WSFIT]
51 In case of malpractice, the independent CPA may be held liable for losses suffered by those
who relied to the statements the CPA examined. As a result of the fraud, Maxidrive filled for
bankruptcy and will like be sold in an attempt to pay off creditors. [RL-PL-DGS, FA]
52 In this Chapter we focus on papa Jonh’s operating activities that involve the sale of food to the
public and the sale of ingredients, equipment, and services to franchisees. And, the results of
these activities are reported on the income statement. [RL-PL-DGS, FA]
53 Parents expect their children to obey them. Even when their sons and daughters grow up and
get married; parents still expect obedience from them. At least, that’s the way it was.
[BLCUP, WSFIT]
54 Instructor Advantage Plus quarantees you a full day on a-site training by a Blackboard or Web
CT specialist, for yourself and up to nine colleagues. Thereafter, you will enjoy the benefits
of unlimited telephone and e-mail support throughoput the file of your adoption
[RL-PL-DGS, FA]
55 Mail the enclosed posted-paid reservation card by March 1, 20X2, and the issue of The
Armchair Reader’s Review is your free. At the same time, we’ll reserve in your name a full –
year supscription at a special introductory rate[The AMA Handbook of Business letters; 80]
56 Many new companies do not become profitable this quickly. Further, both sales revenue and
net income had risen every year. [RL-PL-DGS, FA]
57 Maxidrive is loosely base on the infamous fraud at Miniscribe, a real disk driver manufacture.
The size of the real fraud, however, was more than 10 times as great as that in the fictional
case, as were the losses incurred and the damages claimed in the lawsuit that followed.
[RL-PL-DGS, FA]
58 In 1892, a road was built and the days at the barefoad mailmen were over. However, their
story has never been forgotten. [BLCUP, WSFIT]
59 They imposed chinese_style political institutions and made confucinasm the official ideology.
They also made chinese the offical ideology. They also made chinese the offical spoken and
written. Eventually, Chinese characters were adapted as the written form for the Vnamese
spoken language. [BLCUP, WSFIT]
60 The Nation Assembly holds 2 session each year to pass legislation proposed by the executive
barnch of the government. 2n the past, it served as a subber stamp. [BLCUP, WSFIT]
61 Most important, singing a contract involving the exchange of two promises to perorm does not
result in accounting transaction that is recorded. For example, if Papa John’s sent an other for
more napkins to it paper supp;ier and the suppier accepted the order but did not fill it
immediately, no transaction took place. As soon as the goods are shipped to Papa John’s.
However, the supplier has given up its inventory in exchange for a promise from Para John’s
to pay for the items in the near future, and Papa John’s has exchange its promise to pay for the
suppliers its receives. Because a promise has been exchanged for goods, a transaction has
taken place; both Papa John’s and the supplier’s statements will be affected.
[RL-PL-DGS, FA]
62 In 1892, a road was built and the days of the bare foot mailmen were over. However, their
story has never been forgotten
63 No performing an audit, the independent CPA examines the underlying transactions and the
accounting methods used to account for these transactions. Because of the enormous number
of transactions involving each of these transactions. Rather, professional approach is use to
ascertain beyond reasonable doubt that transactions were measured and reported properly
[RL-PL-DGS, FA; 23]
64 Many of these social ills may be invevitable consequences of the modernization process.
However, they vepresent a serious challenge to a government determined to bring about
economic development. [BLCUP, WSFIT]
65 Non-native teachers and students alike are intimidated by the native-speaker norm during the
course of their work together. If, however, we consider language study as initiation into a kind
of social practice that is at the boundary of two or more cultures, such as a linear progression
makes less sence[RL-PL-DGS, FA]
66 Using excess cash to purchase stocks in other companies is an investing activity for Papa
John’s. However, any interest or dividends earned on the investment is called investment
income or revenue. Likewise, borrowing money is a financing activities. However, the cost of
then using that money is called interrest expense [RL-PL-DGS, FA]
67 Once you’ve taken a particular test, Grade Summit returns a detailed results page showing
exactly where you did well where you need to improve. With that information, you can plan
your studying to focus to exclusively on your weak areas, without wasting effort on material
you’ve already mastered [RL-PL-DGS, FA]
68 Perhaps someone once told you that you were a credit to your school or your family. As a
result, you may think that credits are good and debits are bad [RL-PL-DGS, FA]
69 The us military sprayed these defoliants onforests and crops to help to expose the hiding
places of communist forces. As a consequence, inncemerable Vietnamses were exposed to
extremely toxic products knows as toxins. [BLCUP, WSFIT]
70 The growth of commercial forestry has been hiadered by a lack of transportation facilities as
well as by the mixture of differents species of tree. Furthermore, population pressures have
increased the vate of deforestation
71 Restaureant and Commissary Sales. Approximately 25 percent of Papa John’s stores are
owner by the company, while 75 percent are franchises. In addition, to reduce costs and
control quality and consitebcy, papa John’s builds regional commissaries (centralized kitchens
and supply facilities) that provide all of the chain’s pizza supplies and equipment
[RL-PL-DGS, FA]
72 Since revenues are defined as inflows of net assets, then by definition recording a revenue
results in either increasing an asset or decreasing a liability. In like maner, when recording an
expense, an asset is decreased or liability is increased. [RL-PL-DGS, FA]
73 Some call out special topics that help you to in presenting a complex subject; others highlight
issues relevant to what your students read in the paper or watch on TV. Either way, inancial
Accounting’s pedagogical support will make a real difference in your couser and your
students. [RL-PL-DGS, FA]
74 The detail of the statements are also important. For example, Maxidrie had to sell more than
$37 million worth of disk driver to make just over 43 million [RL-PL-DGS, FA]
75 The exact items listed as assets on a company’s balance sheet depend on the nature of its
operations. But they are comon names use by many companies [RL-PL-DGS, FA]
76 As noted, companies finance their asets with stockholder’s enquiry and debt. The higher the
proportion of assets financed by debt, the higher the financial leverage ratio. Conversely, the
higher the proportion of assets financed with stockholder enquiry, the lower the ratio(…)
However, it also increases risk. Debt financing is riskier than financing with stockholder
enquiry because the interest payments on debt must be make every period ( theyare legal
obligation), whereas dividents on stock can be postponed. [RL-PL-DGS, FA]
77 The Investing Activities section shows that Maxidrive is making heavy investments in new
manufacturing capacity, a good sign if demand cintinues to increase. But, as the Financing
Activities section indicates, if Maxidrive is not able to sell more drives, it may have trouble
meeting the payment on the new bank debt. [RL-PL-DGS, FA]
78 The preface to this book contains detailed information about the features and supplements that
make up the Financial Accounting package. While this material is written for your instructor,
we invite you to review it as well, that you lear more about the book and so make your
experience using it as rewarding and enjoyable as it can be. [RL-PL-DGS, FA]
79 The Q&A Center allow students to submit questions at any time and retrieve answers within
24 hours. Finally, the Archive Center allow student to browse for answers to previously asked
questons. [RL-PL-DGS, FA]
80 There are three types of notes. The first tupe provides descriptions of the accounting rules
applies in the company’s statements. The second presents additional detail about a line on the
financial statements. [RL-PL-DGS, FA]
81 They are all expected to have a reasonable understanding of accounting concepts and
procedures (this mau be one of the reason you are studying accounting). Of course, as we
discussed in Chapter 1, many other group, such as suppliers and customers, aslo use external
financial statements [RL-PL-DGS, FA]
82 This deferred or unearned revenue account represents the amount of goods or services owed
to the franchisees. Later, when Papa John’s provides the services (criteria 1), it earns and
records the revenue by reducing the liabilities account. [RL-PL-DGS, FA]
83 This designation is granted only on completion of requirements specified be the state that
issues the license. Although CPA requirement very among states, they include a college
degree with specified number of accounting courses, good character, one to five years of
professional experience, and successful completion of a professional exmination.
[RL-PL-DGS, FA]
84 Users usually are interested in information to assist them in projecting a bussiness’s future
cash inflows and outflows. For example, creditors and potential creditors need to access an
entity’s ability to pay interest over time and pay back the principle on the loan.
[RL-PL-DGS, FA]
85 We also received invaluable input and support through the years from present and former
colleagues and students, … Furthermore, we apprectiate and the additional comments,
suggestions, and support of our students and our colleagues at Cornell University, Ithaca
College, and Miami, University [RL-PL-DGS, FA]
86 We believe that students will be better prepared to use financial information if they learn to
evaluate different elements in financial performance as they learn how to measure and report
them. As a result, we introduce relevant key ratios in each chapter in Key Ratio Analysis
section. [RL-PL-DGS, FA]
87 We noted earlier that revenues are not necessarily the same as the payment to suppliers. As a
result, net income mormally does not equal the net cash generated by operations.
[RL-PL-DGS, FA]
88 When an amount is incurred to ganerate revenues during a period, whether paid yet or to be
paid in the future, an expense result. Therefore, not all expenditures are expenses, and
expenses are necessary to generate revenues
[RL-PL-DGS, FA]
89 Writing a successful text requires a team effort, and we have enjoyed working with excellent
tea-mates. Though out the process of writing this text, many people stepped forward with
tremendous efforts that allow us to accomplish our stated goals. [RL-PL-DGS, FA]
90 Your iron is designed to function using tap water. However, it will last longer if you use
distilled water. [RL-PL-DGS, FA]
1.3. Ngữ liệu về phép nối trong thơ
1 Ả trời say nhuộm một màu trăng
Và cả lòng tôi chẳng nói rằng
Không một tiếng gì nghe động chạm
Đâu là tiếng vỡ của sao băng…[HMT, ĐLTM]
2 Độ ấy xuân về em lớn lên
Thấy anh em đã mết làm duyên
Nhưng thời gian vẫn trôi đi mãi
Yêu dấu lòng anh ôm hận riêng. [HMT, ÂT]
3 Mình ơi, ta vốn khách đa tình
Nhưng mối tình ta toàn nhạt cả
Vì bao mĩ mĩ, ta đều khinh. [HMT, MDNCVGQ]
4 Người nói chuyện em đã muộn màng
Bởi vì nghèo khó chẳng xênh xang
Nhưng xuân em chín từ năm ngoái
Há phải vì em áo nói quàng. [HMT, DM]
5 Anh đã ngâm và đã thuộc làu
Cả người rung động hỡi thương đau
Bởi vì mê mẫn vì khoan khoái
Anh cắn lời thơ để máu trào…[HMT, LL]
6 Lụa trời cứ dệt với ai căng
Ai thả chim bay đến Quảng Hàn
Và ai gánh máu đi trên tuyết
Mãnh áo da cừu ngắm nở nang. [HMT, CT]
7 Dẫu đau đớn vì điều phụ rẫy
Nhưng mà ta không lấy làm đều
Trăm năm vẫn một lòng yêu
Và còn yêu mãi rất nhiều em ơi! [HMT, MNST]
8 Quê hương anh đó gió sương mù
Và rú rừng đây cảu chiến khu
Nhưng rồi khỏi từ xa gió thổi
Lại những ngày đi, vắt với sương. [TH, LTB]
9 Và các chị dân công mòn đêm vận tải!
Và mỗi trận, mỗi mùa vui thắng lợi
Mà đế quốc là loài dơi hốt hoảng
Đêm tàn bay chập choang dưới chân người. [TH, STN]
10 Ngàn năm xưa, nước non Hồng
Còn đây, ơn bác nối dòng dài lâu. [TH, VB]
11 Mà đất Phù Lai vẫn tốt cày
Mà quít hương cần ta vẫn ngọt
Mà lòng ta vẫn cháy thông nguôi. [TH, QM]
12 Đất đen phủ nặng tình con
Nhưng dòng nước mắt mẹ còn nặng hơn! [TH, CĐTD]
13 Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng hè ơi! [TH, KCTH]
13 Đâu những lưng cong xuống luống cày
Mà lùn hy vọng nứt hương ngây
Và đâu hết những bàn tay ấy
Vai giống tung trời những sớm mai? [TH, NĐ]
14 Đứa vui sướng là đứa con nhà chủ
Còn mong chi ngày trở lại Phước ơi! [TH, HĐB]
15 Rứa là hết! chiều ni em đi mãi
Còn mong chi ngày trở lại Phước ơi! [TH, ĐĐE]
16 Để thêm nóng mai kia hôn chiến đấu
Mà hôm nay anh đã nhom trong lòng! [TH, ĐĐE]
17 Mã nghẹn ngào. “Thôi hết, Man Châu ơi!”
Và quân binh cúi lặng chẳng nên lời… [TH, LRT]
18 Mà Mã tướng ngày nay dâng rượu cúc?
Rượu cúc ấy, Chiếm Sơn, là rượu nhục!”
Và xuân ấy nằm nghìn quân của Mã
Đánh tan xương của Nhật, một sư đoàn. [TH, LRT]
19 Chạch lòng tưởng nhớ thân nô lệ
Mà hận cừu chung bông réo rôi! [TH,QCT]
20 Nhưng lòng kia chỉ thêm ngao ngán
Buồn lại thêm buồn, anh lặng thinh. [TH,NLĐ]
21 Đây âm thanh của một cổ non tơ
Mà dây ngân còn vương vấn dại khờ
Mà giọng còn non quá, yếu dần hỏi
Nhưng cũng đủ cho lòng anh lắng rõ
Mà thương nữa, cũng đôi người lơ đễnh
Kêu em lại, mua cho vài chiếc bánh
Và con bé đi rồi, tình mới đâu. [TH,MTS Đ]
22 Anh nhìn len lét vườn cau mới
Và tấm hình phong đứng lạnh lùng [TH,NV]
23 Quê hương anh đó: gió sương mù
Và rú rừng đây của chiến khu
Nhưng rồi khói từ xa gió thổi
Lại những ngày đi, vắt với sương. [TH,LTB]
24 Và các chị dân công mòn đêm vận tải!
Và mỗi trận, mỗi mùa vui thắng lợi
Mà đế quốc là loài dơi hết hoảng
Đêm tàn bay chập choạn dưới chân Người…[TH,STN]
25 Ngày năm xưa, nước non Hồng
Còn đây, ơn Bác nối dòng dài lâu. [TH,VB]
26 Mà đất Phù Lai vẫn tốt cày
Mà quít Hương Cần ta vẫn ngọt
Mà lòng ta vẫn chấy không nguôi [TH,QM]
27 Đất đen phủ nặng tình con
Nhưng dòng nước mắt mẹ còn nặng hơn! [TH,CĐTD]
28 Sè sè nấm đất bên đàng,
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.
Rằng : Sao trong tiết thanh minh,
Mà đây hương khói vắng tanh thế mà? [ND, TK]
29 Thuyền tình vừa ghé tới nơi,
Thì đà trâm gẫy bình rơi vào giờ. [ND, TK]
30 Đã không duyên trước chăng mà
Thì chi chút ước gọi là duyên sau [ND, TK]
31 Rút trâm sẵn giắt mái đầu,
Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần
Lại càng mê mẩn tâm thần
Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra
Lại càng ủ dột nét hoa
Sầu tuôn đứt nối, châu sa vắn dài. [ND, TK]
32 Vâng trình hội chủ xem tường
Mà sao trong sổ đoạn trường có tên. [ND, TK]
33 Vì chăng duyên nợ ba sinh,
Thì chi đem thói khuynh thành trêu ngươi. [ND, TK]
34 Ví dù giải kết đến điều,
Thì đem vàng đá mà liều với thân!. [ND, TK; c.421]
35 Bâng khuâng đỉnh Giáp non Thần
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng. [ND, TK]
36 Ra tuồng trên Bộc trong dâu,
Thì con người ấy ai cầu làm chi! [ND, TK]
37 Mong khi chắp cánh liều cành,
Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên. [ND, TK]
38 Họ Chung có kẻ lại già
Cũng trong nha dịch lại là từ lâm. [ND, TK]
39 Một người dễ có mấy thân!
Hoa xuân đương nhụy, ngày xuân còn dài
Cũng là lỡ một lầm hai,
Đá vàng sao nỡ ép nài mưa mây!
Dám nhờ cốt nhục tử sinh,
Còn nhiều kết cỏ ngậm cành về sau! [ND, TK]
40 Nghe lời nàng đã sinh nghi,
Song đà quá đỗi, quản gì được thân
Cũng liều nhắm mắt đưa chân
Mà xem con Tạo xoay vần đến đâu! [ND, TK]
41 Lại còn bưng bít giấu quanh
Làm chi những thói trẻ ranh nực cười! [ND, TK]
42 Ra tuồng mèo mả gà đồng,
Ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào
Đã đem mình bán cửa tao
Lại còn khủng kỉnh làm cao thế này. [ND, TK]
43 Bề ngoài thơn thớt nói cười
Mà trong nham hiểm giết người không dao. [ND, TK]
44 Thôi thì thôi cũng chiều lòng,
Cũng cho khỏi lụy trong vòng bước ra
Sẵn Quan Âm các vườn ta,
Có cây trăm thước, có hoa bốn mùa. [ND, TK]
45 Cũng liều một giọt mưa rào,
Mà cho thiên hạ trông vào cũng hay! [ND, TK]
46 Người đâu sắc nước đời,
Mà chàng Thúc phải ra người bó tay! [ND, TK]
47 Thuyền vừa đỗ bến thảnh thơi,
Bạc sinh lên trước tìm nơi mọi ngày
Cũng nhà hành viện xưa nay
Cũng phường bán thịt, cũng tay buôn người. [ND, TK]
48 Đầu xanh đã tội tình chi?
Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi
Biết thân chạy chẳng khỏi trời
Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh. [ND, TK]
48 Nàng rằng : Chút phận ngây thơ,
Cũng may dây cát được nhờ bóng cây
Đến bây giờ mới thấy đây
Mà lòng đã chắc những ngày một hai. [ND, TK]
50 Nghìn vàng gọi chút lễ thường,
Mà lòng phiếu mẫu mấy vàng cho cân? [ND, TK]
51 Gặp cơn bình địa ba đào
Vậy đem duyên chị buộc vào cho em
Cũng là phận cải duyên kim
Cũng là máu chảy ruột mềm chớ sao? [ND, TK]
52 Chàng rằng: Khéo nói nên lời,
Mà trong lẽ phải có người có ta! [ND, TK]
53 Riêng lòng đã thẹn lắm thay,
Cũng đà mặt dan mày dày khó coi!
Những như âu yếm vành ngoài
Con toan mở mặt với người cho qua. [ND, TK]
II. CỨ LIỆU
[1, ACD, RSH]: Arthur Conan Doyle, The Return of Sherllock Holmes;
[2, AĐ, BTCM/HĐ]: Anh Đức, Bức thư Cà Mau; Hòn đất;
[3, BBL, NM]: Bàng Bá Lân, Ngày mùa;
[4, BLHS]: Bài làm của HS;
[5, BLCUP, WSFIT]: Beijing Language And Culture University Press, Writing Strategies For The
IELTS Test;
[6, BVN, AT]: Báo Văn nghệ, Ánh trăng;
[7, CLV, TT]: Chế Lan Viên, Tuyển tập;
[8, ĐTM, VHKL]: Đặng Thai Mai, Văn học khái luận;
[9, ĐG, ĐRPN]: Đoàn Giỏi, Đất rừng phương Nam;
[10, HCM, TT]: Hồ Chí Minh, Tuyển tập;
[11, HT, TNVN]: Hoài Thanh, Thi nhân Việt Nam;
[12, HT, NKTT]: Hoài Thanh, Nghệ thuật thơ Nhật ký trong tù;
[13, HTHN]: Hội thoại hàng ngày
[14, HMT, TG]: Hàn Mặc Tử, Thời gian
[15, HMT, LL]: Hàn Mặc Tử, Lưu luyến;
[16, HMT, ÂT]: Hàn Mặc Tử, Âm thầm;
[17, HMT, ĐLTM]: Hàn Mặc Tử; Đà Lạt trăng mờ;
[18, HTH, TVTH]: Hà Thúc Hoan, Tiếng Việt thực hành;
[19, HXH, TT]: Hồ Xuân Hương, Tuyển tập;
[20, KH & NL, GHH]: Khái Hưng và Nhất Linh, Gánh hàng hoa;
[21, KH, NCX]: Khái Hưng, Nửa chừng xuân;
[22, KH, APS]: Khái Hưng, Anh phải sống;
[23, LT, T]: Lỗ Tấn, Thuốc;
[24, LL, TXV]: Lê Lựu, Thời xa vắng;
[25, NC, ĐT]: Nam Cao, Đời thừa;
[26, NC, CP] : Nam Cao, Chí Phèo;
[27, NC, TCKĐATC]: Nam Cao, Trẻ con không được ăn thịt chó;
[28, NC, CMKCĐ]: Nam Cao, Cái mặt không chơi được;
[29, NC, ĐM]: Nam Cao, Đui mù;
[30, NC, LR]: Nam Cao, Lang rận;
[31, NC, MBN]: Nam Cao, Một bữa no;
[32, NC, NĐ]: Nam Cao, Nửa đêm;
[33, NC, NN]: Nam Cao, Nhỏ nhen;
[34, NC, NNTSS]: Nam Cao, Nhìn người ta sung sướng;
[35, NC, MĐC]: Nam Cao, Một đám cưới;
[36, NC, LH]: Nam Cao, Lão Hạc;
[37, NC, ĐMG]: Nam Cao, Đôi móng giò;
[38, NC, NĐ]: Nam Cao, Nửa đêm;
[39, NC, TCM]: Nam Cao, Tư cách mỏ;
[40, NC, MD]: Nam Cao, Mua danh;
[41, NC, RH]: Nam Cao, Rửa hờn;
[42, NC, RT]: Nam Cao, Rình trộm;
[43, NC, TS] Nam Cao, Trăng sáng;
[44, NC, SM]: Nam Cao, Sống mòn;
[45, NCH, KTB]: Nguyễn Công Hoan, Kép Tư Bền;
[46, NCH, TTTD]: Nguyễn Công Hoan, Tinh thần thể dục;
[47, NCH, BĐC]: Nguyễn Công Hoan, Bước đường cùng;
[48, NCH, CGM]: Nguyễn Công Hoan, Cô giáo Minh;
[49, ND, TK]: Nguyễn Du, Truyện Kiều;
[50, ND, TKML]: Nguyễn Dữ, Truyền kỳ mạn lục;
[51, NGVP, HLNTC]: Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí;
[52, NH, BV]: Nguyên Hồng, Bỉ vỏ;
[53, NH, NNTÂ]: Nguyên Hồng, Những ngày thơ ấu;
[54, NHT, LCTSCV]: Nguyễn Huy Tưởng, Lá cờ thêu sáu chữ vàng;
[55, NK, TĐ/ÔNTT]: Nguyễn Khuyến, Thu điếu; Ông nghè tháng tám;
[56, NK, BĐCN]: Nguyễn Khuyến, Bạn đến chơi nhà;
[57, NL, ĐT]: Nhất Linh, Đoạn tuyệt;
[58, NMC, MTCR]: Nguyễn Minh Châu, Mảnh trăng cuối rừng;
[59, NMC, NĐBTCTTH]: Nguyễn Minh Châu, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành;
[60, NNA, UQVT]: Nguyễn Nhật Ánh, Út Quyên và tôi;
[61, NQS, CCV]: Nguyễn Quang Sáng, Con chim vàng;
[62, NMT, ĐTB]: Nguyễn Mạnh Tuấn, Đứng trước biển;
[63, NMT&NVH, TVTH]:Nguyễn Minh Thuyết & Nguyễn Văn Hiệp,Tiếng Việt thực hành;
[64, NTT, TĐ]: Ngô Tất Tố, Tắt đèn;
[65, NTT, LC]: Ngô Tất Tố, Lều chỏng.
[66, NT, VBMT]: Nguyễn Tuân, Vang bóng một thời;
[67, NT, NCÂĐ]: Nguyễn Tuân, Những chiếc ấm đất;
[68, NTL, LLSP]: Nguyễn Thành Long, Lặng lẽ Sa Pa;
[69, NTAN&CT, 20TNCL A-V]: Nguyễn Thị Ái Nguyệt và Cát Tiên, 20 truyện ngắn chọn lọc Anh –
Việt;
[70, NTT, RSN]: Nguyễn Trung Thành, Rừng xà nu;
[71, NT, NĐCTGĐ]: Nguyễn Thi, Những đứa con trong gia đình;
[72, NAQ, NTL, V&PBC]: Nguyễn Ái Quốc, Những trò lố, Va-ren ...
[73, PVĐ, NT-NAHDT]:Phạm Văn Đồng, Nguyễn Trãi,người anh hùng dân tộc
[74, RL-PL-DGS, FA]: Robert Libby – Patria Libby – Daniel Short, Financial Acounting;
[75, SGTimes, 8/2004, p.20]: Báo Saigon Times, 8/2004, tr. 20;
[76, SG&MS, ER]: Simon Greenall & Michael Swan – Effective Reading;
[77, SN, HR]: Sơn Nam, Hương rừng;
[78, SN, SGH] Sơn Nam, Sông Gành Hào;
[79, TCDGVN]: Truyện cười dân gian Việt Nam;
[80, TH, DMPLK]: Tô Hoài, Dế mèn phiên lưu ký;
[81, TH, HĐT]: Tố Hữu, Hai đứa trẻ;
[82, TH, TA]: Tố Hữu, Từ ấy;
[83, TH,QM]: Tố Hữu, Quê mẹ;
[84, TH,MTRĐ]: Tố Hữu, Một tiếng rao đêm;
[85, TH,TT]: Tố Hữu, tuyển tập;
[86, TH, ĐĐE]: Tố Hữu, Đi đi em;
[87, TH, HĐB]: Tố Hữu, Hai đứa bé;
[88, TH, KCTH]: Tố Hữu, Khi con tu hú;
[89, TH, VB]: Tố Hữu, Việt Bắc;
[90, TH, STN]: Tố Hữu, Sáng tháng năm;
[91, TL, CĐMĐ]: Thế Lữ, Cây đàn muôn điệu;
[92, TL, DBHL]: Thạch Lam, Dưới bóng hoàng lan;
[93, TL, GĐM]: Thạch Lam, Gió đầu mùa;
[94, TL, NML]: Thạch Lam, Nhà mẹ Lê;
[95, TV2, PCĐH]: Tiếng Việt lớp 4, Phong cảnh đền Hùng;
[96, TN 2000, HX]: Truyện ngắn năm 2000, Hàng xóm];
[97, VTMT, NMVCNĐ]: Vương Thị Minh Tâm, Những mảnh vỡ của nỗi đau;
[98, VTP, CRV]: Vũ Trọng Phụng, Cái răng vàng;
[99, VTP, CGĐÔ]: Vũ Trọng Phụng, Cái ghen đàn ông;
[100, VTP, GT]: Vũ Trọng Phụng, Giông tố;
[101, XD, TT]: Xuân Diệu, Tuyển tập;
PHẦN PHỤ LỤC
------------
Bản thuyết minh Phụ lục 1
Nhằm kiểm tra về kiến thức và năng lực nhận diện các từ ngữ nối trong phép nối đối với học sinh
(HS) cấp trung học phổ thông (THPT), chúng tôi thực hiện phiếu thăm dò này trên một số lượng HS được
chọn ngẫu nhiên của cả ba khối lớp: 10, 11 và 12 tại Trường THPT chuyên Bến Tre. Sau đây là bảng
thống kê kết quả:
Tổng số HS
được kiểm tra
HS phát
hiện tốt
HS phát
hiện khá
HS phát
hiện yếu
HS phát
hiện kém
Lớp 10 220 72 # 32% 124 # 56% 24 # 11% 0 # 0%
Lớp 11 210 75 # 35% 118 # 56% 17 # 8% 0 # 0%
Lớp 12 200 92 # 46% 83 # 41% 20 # 13% 0 # 0%
Tổng cộng 630 239 # 37,6% 325 # 51,5% 61 #10,9% 0 # 0%
Nhận xét:
Từ kết quả thống kê trên, chúng ta thấy có 37,6% nhận diện tốt (nhận diện đúng trên 90%) và
51,5% nhận diện khá (nhận diện đúng trên 60%). Có 10,9% HS không nhận diện được hoặc nhận diện
không chính xác về phép nối.
Bản thuyết minh Phụ lục 2
-----------
Cũng nhằm để kiểm tra kiến thức và năng lực nhận diện các từ ngữ được sử dụng trong phép nối
trong văn bản tiếng Anh của HS cấp THPT, chúng tôi thực hiện phiếu thăm dò này trên một số lượng HS
được chọn ngẫu nhiên của cả ba khối lớp có học tiếng Anh : 10, 11 và 12 tại Trường THPT chuyên Bến
Tre.
Tổng số HS Phát hiện tốt Phát hiện khá Phát hiện yếu Phát hiện
kém
Lớp 10
chuyên Anh
30 13 # 43% 8 # 26% 7 # 23% 2 # 0,6%
Lớp 11
chuyên Anh
30 12 # 40% 10 # 33% 3 # 10% 5 # 16%
Lớp 12
chuyên Anh
30 15 # 50% 9 # 30% 3 # 10% 3 # 10%
Tổng cộng 90 40 # 44,4% 27 # 30% 13 #14,4 10 # 11,1%
Nhận xét:
Từ kết quả thống kê trên, chúng ta thấy có khoảng 74,4 % HS cấp THPT được thăm dò đã xác định
khá-tốt ( nhận diện được từ 60% về các yếu tố nối thường được sử dụng để liên kết); còn khoảng 25,5%
HS không nhận diện được hoặc nhận diện không chính xác về phép nối.
Bản thuyết minh Phụ lục 3, 4 và 5
Nhằm mục đích đo lường mối quan hệ tất yếu về vai trò của phép nối và mạch lạc của văn bản,
chúng tôi thực hiện các phiếu này.
Phụ lục 3: Đây là một đoạn văn mạch lạc, có dùng các từ ngữ nối. Chúng tôi đã lược bỏ các từ ngữ
nối này và đưa ra bài tập nhằm yêu cầu HS phục hồi các từ ngữ nối đó. Qua thống kê số liệu trên 100
phiếu (dành cho HS lớp 12), chúng tôi thấy có đến trên 70% HS đã chọn và điền đúng từ ngữ nối (hoặc
các từ ngữ tương đương) vào chỗ trống và tạo ra ý nghĩa mạch lạc của đoạn văn trên.
Phụ lục 4: Ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ tinh luyện. Việc sử dụng từ ngữ nối là rất hạn chế. Tuy nhiên,
để nắm nội dung bài thơ không thể không dùng đến các thao tác liên tưởng và đặc biệt là nối. Qua thống
kê 100 phiếu thăm dò (dành cho HS ba lớp chuyên Văn), có 67% HS đã có dùng hệ thống từ ngữ nối trong
bài làm của mình. Tất nhiên hệ thống liên kết này là khá phân tán, tùy thuộc vào tính ưa dùng của mỗi HS.
Trên cơ sở đó, chúng ta có thể kết luận rằng, phép nối trong thơ là phép nối ngầm ẩn. Để hiểu nội dung
tường minh và nội dung ánh xạ của thơ ca không thể không nhắc đến vai trò của liên kết nói chung và
phép nối nói riêng.
Phụ lục 5: Qua phụ lục 5, chúng tôi muốn xác định một cách chắc chắn rằng, bất kỳ một đoạn văn,
một văn bản mạch lạc nào cũng có xuất hiện yếu tố nối. Tức là ít nhiều có sử dùng từ ngữ nối để tạo nên
tính mạch lạc. Qua thống kê trên số liệu 100 phiếu thăm dò của HS được chọn ngẫu nhiên ở cả ba cấp lớp
10, 11 và 12, chúng tôi thấy trên 92% số đoạn văn mà các HS đánh giá là mạch lạc thì đều có dùng từ ngữ
nối. Điều này nói lên rằng, cũng giống như các phương thức liên kết khác, phép nối có vai trò rất lớn trong
việc tạo ra tính liên thông mạch lạc trong các đơn vị lớn hơn phát ngôn/câu.
Bản thuyết minh Phụ lục 6 và 7
------------
Liên kết là phương thức rất phổ dụng và khá đa dạng trong văn bản tiếng Việt, tiếng Anh. Nhằm để
nhận diện rõ và khẳng định tính đúng đắn của nhận định này, chúng tôi đưa ra phiếu thăm dò số 6 và số 7.
Mỗi loại phiếu thăm dò này được thực hiện trên 100 HS được chọn bất kỳ và ở ba cấp lớp 10, 11, 12. Các
ví dụ các HS tìm ra cũng không được giới hạn ở một thể loại nào (văn bản nghệ thuật, chính luận, báo chí
…), miễn là các ví dụ đó có sử dụng các từ ngữ nối đã được gợi ý trên phiếu thăm dò. Kết quả thống kê
trên 800 ví dụ tiếng Việt và 800 tiếng Anh như sau:
Văn bản nghệ
thuật
Văn bản nghị luận Văn bản báo chí Văn bản khác
Tiếng Việt 604/800 128/800 48/800 20/800
Tiếng Anh 576/800 88/800 100/800 36/800
Nhận xét:
Quan sát bước đầu có thể thấy có sự giống nhau trong độ phân bố của phép nối trong tiếng Việt và
tiếng Anh, trong đó nhiều nhất là văn bản văn xuôi nghệ thuật, đến văn bản nghị luận. Trong nhận thức
của chúng tôi, các con số này chưa khẳng định được điều gì. Bởi vì điều này còn lệ thuộc vào nguồn dữ
liệu được khảo sát. Ở đây các học sinh phần lớn chọn văn bản văn xuôi nghệ thuật nằm trong sách giáo
khoa. Do vậy, nếu khảo sát từ thủ pháp khác, phương pháp khác thì kết quả có thể khác. Chẳng hạn cho
khối lượng văn bản giống nhau về mặt phong cách cũng như thể loại thì chắc chắn độ phân bố nhận được
sẽ khác. Đó là chưa kể có sự khác biệt rất lớn giữa văn xuôi nghệ thuật và thơ ca, giữa nghị luận chính trị
xã hội và nghị luận khoa học. Tuy nhiên, các con số khảo sát bước đầu này cho ta cái nhìn sơ khởi về tần
suất phân bố của phép nối liên kết.
Bản thuyết minh Phụ lục 8, 9 và 10
-----------
Nhìn chung ngôn ngữ học truyền thống không đánh giá cao về ý nghĩa các từ nối. Tuy nhiên, vấn
đề từ nối trong thơ ca, dưới ánh sáng của ngôn ngữ học hiện đại, trở nên phức tạp hơn nhiều, có nghĩa là
ngoài chức năng liên kết, từ nối còn có chức năng biểu cảm nữa. Các phụ lục 8, 9 và 10 nhằm khẳng định
nhận định này.
Phụ lục 8: Trên tổng số 35 ví dụ đã được trình bày của nhiều tác giả khác nhau, từ những bài thơ
khác nhau, chúng ta thấy có các từ ngữ nối: mà, thì, cũng, còn, vẫn, nhưng, mà, là, … được dùng trong
các đoạn thơ. Chúng vừa có chức năng liên kết vừa có chức năng và biểu cảm. Cần lưu ý rằng do độ nén
của thơ cho nên các ngữ đoạn nối đều do từ đơn đảm nhiệm.
Phụ lục 9: Nguyễn Du là nhà ngôn ngữ bậc thầy. Phụ lục 9 cho thấy ông đã thể hiện cách dùng
các từ nối (mà, thì, còn, vẫn, lạ, nhưng, là, cũng, …) rất tài tình, linh hoạt, sinh động và uyển chuyển, tạo
ra những sắc thái biểu cảm phong phú từ những câu thơ Kiều đặc sắc.
Phụ lục 10: Chúng tôi đưa 355 ví dụ ngẫu nhiên, có sử dụng các từ ngữ nối, của nhiều tác giả khác
nhau từ nhiều bài thơ khác nhau (thơ truyền thống lẫn thơ hiện đại).
Với bảng thống kê sau đây, bước đầu cho chúng ta thấy tần số sử dụng các kết từ phổ biến trong
thơ như sau:
Kết từ Mà Thì Lại Cũng Còn Nhưng Là Và Vẫn
Số lần sử
dụng
69
25
35
47
43
50
37
79
27
Nhận xét chung:
Không tính đến liên kết trong nội bộ phát ngôn hay ngoài phát ngôn, có thể nói rằng hệ thống liên
kết trong thơ là đơn giản hơn rất nhiều so với văn xuôi mà phần lớn các từ ngữ nối lại cũng là từ đơn.
Trong đó các tác tử nối như: mà, và, nhưng, cũng … chiếm tần suất cao nhất. Điều này hoàn toàn phù hợp
với sự tương tác trong ngôn ngữ thơ.
._.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LA5283.pdf