lời Mở đầu
1. Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài
Trong khi trên thế giới có nhiều công trình nghiên cứu về phát triển thì các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Luật thuộc Đại học tổng hợp Virginia - Hoa kỳ đã đưa ra một kết luận bất ngờ là: trong giai đoạn 1960-1992, sự tăng trưởng kinh tế của các nước theo hệ thống luật án lệ nhanh hơn và lớn hơn so với các nước theo hệ thống luật dân sự. Một trong những lý do của sự khác biệt đó là: pháp luật của các nước theo hệ thống luật án lệ đưa
199 trang |
Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 3682 | Lượt tải: 5
Tóm tắt tài liệu Quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại ở Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ra những bảo đảm tốt hơn đối với các quyền tài sản và quyền hợp đồng so với các nước theo hệ thống pháp luật dân sự [100].
Kết luận đã gây ra sự chú ý không chỉ của giới luật gia mà của cả các nhà quản lý. Có thể kiểm nghiệm kết luận này bằng chính thực tiễn của Việt Nam trong hơn 20 năm đổi mới vừa qua. Sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng chủ yếu là do Nhà nước đã đưa ra các quy định pháp luật bảo vệ quyền tự chủ của doanh nghiệp và tự do hợp đồng. Việc ban hành Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế (1989), Bộ luật Dân sự (1995), Luật Thương mai (1997) và sau đó là Bộ luật Dân sự (2005), Luật Thương mại (2005) thay thế các văn bản trên, đã đánh dấu những bước phát triển quan trọng của pháp luật về hợp đồng ở Việt Nam. Quyền tự do hợp đồng đã từng bước được pháp luật bảo vệ. Sau 20 năm đổi mới, hệ thống các văn bản pháp luật về hợp đồng, về cơ bản, được xây dựng và hoàn thiện theo hướng ngày càng bảo đảm quyền tự do hợp đồng, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, pháp luật về hợp đồng còn bộc lộ những bất cập, hạn chế trong việc bảo vệ quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại, như: sự thiếu thống nhất, mâu thuẫn, hạn chế của các văn bản pháp luật chuyên ngành quy định về các hợp đồng trong những hoạt động thương mại đặc thù so với các quy định về hợp đồng của Bộ luật Dân sự (2005), nhất là các văn bản được ban hành trước Bộ luật Dân sự (2005). Ngay trong Bộ luật Dân sự (2005), Luật Thương mại (2005) vẫn còn có những hạn chế trong việc bảo đảm quyền tự do hợp đồng.
Trong quá trình nước ta đang chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường, dưới sức ép mạnh mẽ của tự do thương mại và quá trình toàn cầu hoá, pháp luật về hợp đồng của Việt Nam tuy đã được hoàn thiện nhưng vẫn còn ảnh hưởng của cơ chế cũ: Nhà nước vẫn còn can thiệp sâu vào quyền tự do khế ước, vừa không bảo vệ được trật tự công, đôi khi làm cho doanh nghiệp thế yếu và người tiêu dùng bị thiệt thòi trước các hành vi kinh doanh thiếu bình đẳng, lợi dụng vị thế thị trường gây thiệt hại cho đối tác. Việc bảo vệ quyền tự do xác lập hợp đồng của bên ở vị trí thế yếu trước các hành vi lạm dụng quyền tự do hợp đồng của bên có thế mạnh trong quan hệ hợp đồng chưa được pháp luật điều chỉnh cụ thể… Trong thực tiễn giao kết hợp đồng ở Việt Nam đang tồn tại khá phổ biến việc các doanh nghiệp lạm dụng các “điều kiện thương mại chung”, các “hợp đồng mẫu” (hợp đồng được soạn trước), nhất là các hợp đồng được ký kết bởi các doanh nghiệp có vị trí độc quyền. Do vậy, cần phải nghiên cứu xác định bản chất của các loại hợp đồng này. Các nhà lập pháp và Toà án, Thẩm phán cần phải tạo ra các công cụ pháp lý bảo vệ quyền tự do hợp đồng của bên yếu thế trước bên có thế mạnh hơn, bảo vệ sự “công bằng” trong giao kết hợp đồng [22]. Những hạn chế, bất cập này của pháp luật hợp đồng đặt ra yêu cầu cấp thiết cần được tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện kịp thời.
Do đó, tôi mạnh dạn chọn vấn đề: "Quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại ở Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” làm đề tài luận án tiến sĩ luật học của mình. Việc này có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại ở nước ta là vấn đề thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau. Trong những năm qua, giới nghiên cứu khoa học pháp lý đã có một số công trình, bài nghiên cứu liên quan đến vấn đề này, như: "Pháp luật về hợp đồng” của TS Nguyễn Mạnh Bách (1995),"Hoàn thiện pháp luật về hợp đồng ở Việt Nam" của PGS.TS Dương Đăng Huệ (2002), "Chế định hợp đồng kinh tế - Tồn tại hay không tồn tại" của GS.TS Lê Hồng Hạnh (2003), "Điều kiện thương mại chung và nguyên tắc tự do khế ước" của PGS.TS Nguyễn Như Phát (2003), "Điều chỉnh thông tin bất cân xứng và quản lý rủi ro trong pháp luật hợp đồng Việt Nam" của PGS.TS Phạm Duy Nghĩa (2003), "Một số vấn đề liên quan đến việc sửa đổi pháp luật Việt Nam về hợp đồng" (2004) và "Hoàn thiện pháp luật về biện pháp bảo đảm nhìn từ quyền tự do hợp đồng" của TS. Nguyễn Am Hiểu (2004), “Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) và vấn đề cải cách pháp luật hợp đồng ở Việt Nam”của PGS.TS Phạm Hữu Nghị (2005), "Hoàn thiện chế định hợp đồng" của TS Phan Chí Hiếu (2005), Luận án tiến sĩ "Hợp đồng kinh tế vô hiệu và hậu quả của hợp đồng kinh tế vô hiệu" của Lê Thị Bích Thọ (2002), Luận án tiến sĩ "Chế độ hợp đồng trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam giai đoạn hiện nay" của Phạm Hữu Nghị (1996)… Đề tài này cũng thu hút được sự quan tâm chú ý của các tổ chức nghề nghiệp (như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), các tổ chức và định chế quốc tế tại Việt Nam, như: Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Châu á, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Dự án Star Việt Nam… Các tổ chức này cũng đã có một số nghiên cứu về lĩnh vực này.
Trong những công trình nghiên cứu trên, các tác giả đã tập trung luận giải một số vấn đề lý luận và thực tiễn xung quanh yêu cầu xây dựng và hoàn thiện pháp luật hợp đồng của Việt Nam. Tuy nhiên, do mục đích nghiên cứu của các công trình đặt ra khác nhau, nên các công trình này mới dừng lại ở một số vấn đề nghiên cứu cụ thể khi đề cập đến thực trạng pháp luật về hợp đồng của Việt Nam nhìn từ góc độ bảo đảm quyền tự do khế ước. Qua đó, các công trình chỉ ra một số hạn chế, bất cập nhằm đưa ra các giải pháp hoàn thiện cụ thể, như: về tính thống nhất của pháp luật hợp đồng; hiệu lực của hợp đồng… Chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách cơ bản, toàn diện, mang tính hệ thống những vấn đề lý luận và thực tiễn về quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại, nhằm đưa ra cơ sở khoa học, phương hướng, giải pháp việc hoàn thiện pháp luật về hợp đồng ở Việt Nam. Tuy vậy, các công trình nói trên là những tài liệu rất quí giá cho tác giả luận án tham khảo phục vụ việc nghiên cứu của mình.
Luận án này sẽ nghiên cứu một cách đầy đủ hơn, sâu sắc hơn quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại theo pháp luật Việt Nam và đưa ra những phương hướng, giải pháp để hoàn thiện.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
Đối tượng nghiên cứu của luận án là: một số học thuyết, quan điểm luật học cơ bản về quyền tự do hợp đồng, hợp đồng và pháp luật về hợp đồng trong hoạt động thương mại; pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế và pháp luật của Việt Nam về hợp đồng trong hoạt động thương mại; thực tiễn xây dựng pháp luật, áp dụng pháp luật hợp đồng trong hoạt động thương mại ở Việt Nam.
Phạm vi nghiên cứu của luận án: việc giới hạn phạm vi nghiên cứu của luận án đối với hợp đồng trong hoạt động thương mại không nhằm đưa ra cách phân biệt truyền thống giữa hợp đồng thương mại và hợp đồng dân sự. Mục đích của việc giới hạn phạm vi nghiên cứu chỉ nhằm loại ra khỏi phạm vi nghiên cứu của luận án các hợp đồng dân sự không có mục đích kinh doanh (hợp đồng phục vụ mục đích tiêu dùng, hợp đồng lao động...). Tuy vậy, pháp luật về hợp đồng thương mại là một lĩnh vực pháp luật có nội dung rất rộng và phức tạp, không chỉ bao gồm các giao dịch thương mại nhằm cung cấp hay trao đổi hàng hoá, dịch vụ, mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế khác (như: đầu tư, ngân hàng, chứng khoán, hàng hải, hàng không, sở hữu trí tuệ, xây dựng...). Luận án giới hạn phạm vi nghiên cứu ở những vấn đề lý luận cơ bản về pháp luật bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại ở Việt Nam. Khi phân tích thực trạng pháp luật về hợp đồng thương mại ở Việt Nam, tác giả giới hạn phạm vi đánh giá thực trạng pháp luật thông qua một số văn bản pháp luật cơ bản còn có những điểm hạn chế, bất cập chưa bảo đảm tốt quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại. Các lĩnh vực pháp luật thương mại có tính chuyên ngành cao, như: đầu tư, ngân hàng, chứng khoán, hàng hải, hàng không, sở hữu trí tuệ, xây dựng... là những vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu sâu ở các công trình nghiên cứu khoa học pháp lý khác.
4. Phương pháp nghiên cứu đề tài
Khi nghiên cứu đề tài, tác giả luận án sử dụng phương pháp luận biện chứng duy vật của Chủ nghĩa Mác - Lênin và các quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về phát trển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Luận án sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học cụ thể, như: phương pháp tổng hợp, phân tích, phương pháp thống kê, phương pháp so sánh luật học, phương pháp logic và lịch sử, nghiên cứu lý luận kết hợp với thực tiễn...
5. Mục đích, nhiệm vụ của việc nghiên cứu đề tài
Mục đích của việc nghiên cứu đề tài là làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn của quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại. Trên cơ sở đó, luận án đề xuất các phương hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về hợp đồng, góp phần vào việc đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Để đạt được mục đích trên, việc nghiên cứu đề tài có các nhiệm vụ sau:
- Nghiên cứu làm rõ những vấn đề lý luận về quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại; vai trò, ý nghĩa của việc bảo vệ quyền tự do hợp đồng.
- Phân tích những nội dung cơ bản của pháp luật về hợp đồng. Đánh giá những ưu điểm và nhược điểm của pháp luật Việt Nam hiện hành trong việc bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại.
- Đề xuất các quan điểm, phương hướng và những giải pháp cụ thể nhằm hoàn thiện pháp luật bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại ở Việt Nam.
6. Những đóng góp mới của luận án
Luận án có những đóng góp mới sau:
- Nghiên cứu một cách có hệ thống những vấn đề lý luận cơ bản về quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại; mối quan hệ giữa Bộ luật Dân sự với Luật Thương mại và các văn bản pháp luật chuyên ngành trong việc điều chỉnh quan hệ hợp đồng thương mại; trên cơ sở đó xây dựng nguyên tắc áp dụng pháp luật nhằm bảo đảm tính thống nhất của pháp luật.
- Xác định các yếu tố chi phối pháp luật bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại.
- Xác định vai trò và sự tác động của Nhà nước đối với việc bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại và tác động của nó tới sự phát triển kinh tế - xã hội.
- Đánh giá một cách khách quan thực trạng pháp luật điều chỉnh các quan hệ hợp đồng trong hoạt động thương mại ở Việt Nam. Trên cơ sở chỉ ra những điểm bất cập, hạn chế, luận án khẳng định sự cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại ở Việt Nam.
- Trên cơ sở nghiên cứu xu hướng phát triển và thực tiễn áp dụng pháp luật hợp đồng ở một số nước và ở Việt Nam, luận án đề xuất những phương hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại ở Việt Nam.
7. Cơ cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận án bao gồm 3 chương:
Chương 1: Những vấn đề lý luận về quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại.
Chương 2: Thực trạng pháp luật về quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại ở Việt Nam.
Chương 3: Phương hướng và giải pháp hoàn thiện pháp luật bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại ở Việt Nam.
Chương 1
Những vấn đề lý luận về quyền tự do Hợp đồng trong hoạt động thương mại
1.1. khái niệm hợp đồng trong hoạt động thương mại
1.1.1. Khái niệm hợp đồng
Khi nghiên cứu về hợp đồng, có tác giả đã nhận xét: thật khó có thể nói hợp đồng có từ khi nào. Thuật ngữ "hợp đồng” (contractus) phát sinh từ động từ “contrahere” trong tiếng La tinh có nghĩa là ràng buộc và xuất hiện đầu tiên ở La Mã vào khoảng thế kỷ V- IV trước công nguyên. Sau khi đế quốc La Mã tan rã (khoảng thế kỷ thứ V- VI sau công nguyên), các nước châu Âu chấp nhận dùng thuật ngữ “hợp đồng” khởi nguồn từ luật La Mã. Xuất phát từ thuật ngữ La Mã “contractus”, từ hợp đồng trong tiếng Anh là “contract”, tiếng Pháp là “contrat”, trong tiếng Nga là “kontrakt”…[42, tr.38].
Trong lĩnh vực luật tư, Luật Hợp đồng là một trong những luật lâu đời nhất điều chỉnh các quan hệ giao lưu dân sự, kinh doanh, thương mại. Nếu như sự an toàn của con người được bảo vệ trên cở sở những quy định của Luật Hình sự, thì sự an toàn về tài sản trong giới kinh doanh, giao lưu buôn bán được bảo đảm trên cơ sở các quy định của Luật Hợp đồng [71, tr.7]. Bởi vậy, ngay từ thời La Mã sơ kỳ, Nhà nước La Mã có những quy định về hợp đồng trong pháp luật của mình. Trên cơ sở hệ thống hoá các dạng khế ước phổ biến, các luật gia La Mã đã định nghĩa hợp đồng “contractus” là căn cứ làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật với hai dấu hiệu đặc trưng không thể thiếu: thứ nhất, phải có sự thoả thuận (conventio, consensus), tức là có sự thống nhất ý chí giữa các chủ thể bình đẳng về địa vị pháp lý. Thứ hai, phải có mục đích nhất định (causa) mà các bên hướng tới. Pháp luật La Mã cũng quy định cụ thể các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, như: có sự thoả thuận thể hiện ý chí của các bên về việc xác lập hợp đồng; mục đích, nội dung hợp đồng không vi phạm điều cấm của pháp luật (ví dụ: cho vay nặng lãi với giá cắt cổ bị coi là vi phạm pháp luật), hoặc không trái đạo đức xã hội (ví dụ: giao kết hợp đồng nhằm ép buộc một cá nhân tự do không được kết hôn với người khác bị coi là trái đạo đức xã hội); đối tượng hợp đồng phải có khả năng thực hiện được…[42, tr.38]; [84, tr.111-119].
Với những ưu việt về kỹ thuật lập pháp trong pháp luật La Mã, các quy định về hợp đồng của người La Mã đã được áp dụng rộng rãi trong pháp luật các nước Tây Âu. ảnh hưởng của khái niệm hợp đồng trong pháp luật La Mã ngày càng được khẳng định với sự ra đời của các bộ luật dân sự ở các nước, nhất là ở châu Âu, bắt đầu từ bộ luật dân sự đầu tiên trên thế giới là Bộ luật Dân sự của Pháp (1804), cho đến các bộ luật dân sự hiện hành của các quốc gia khác như: Bộ luật Dân sự của Đức (1896), Bộ luật Dân sự của ý (1942), Bộ luật Dân sự của Tây Ban Nha (1889), Bộ luật Dân sự của Nhật Bản (1895), Bộ luật Dân sự của Nga (1994)…
Bộ Luật Dân sự của Pháp (1804) định nghĩa hợp đồng như sau: “Hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó một hoặc nhiều người cam kết với một hoặc nhiều người khác về việc chuyển giao một vật, làm hay không làm một công việc nào đó” (Điều 1101). Theo quan niệm của người Pháp, hợp đồng trước hết là một hành vi pháp lý thể hiện ý chí làm phát sinh các hệ quả pháp lý của các bên. Sự thống nhất ý chí giữa các bên làm phát sinh một hệ quả pháp lý đặc biệt là nghĩa vụ hợp đồng [5, tr.3-4]. Quan điểm này có ý nghĩa phân biệt hợp đồng với các thoả thuận khác không được coi là hợp đồng. Đó là các thoả thuận đạt được không thể hiện ý chí đích thực của các bên như: bị nhầm lẫn, bị lừa dối hoặc bị đe doạ, hay các thoả thuận không nhằm mục đích làm phát sinh nghĩa vụ pháp lý…
Bộ luật Dân sự của Đức (1896) (sửa đổi năm 2003) không đưa ra định nghĩa hợp đồng như Bộ luật Dân sự của Pháp, mà đề cập đến khái niệm hợp đồng thông qua quy định về việc xác lập hợp đồng. Việc tuyên bố ý chí của một bên có hiệu lực ràng buộc đối với bên đó kể từ thời điểm bên kia nhận được tuyên bố này (thuyết tiếp nhận). Do đó, đề nghị giao kết hợp đồng được đưa ra cho một người cụ thể sẽ có hiệu lực ràng buộc bên đề nghị giao kết hợp đồng và hợp đồng coi như đã được hình thành kể từ thời điểm bên đề nghị giao kết nhận được chấp thuận giao kết của người đó [42, tr.39]; [51, tr.63]. Điều 145 Bộ luật Dân sự của Đức quy định “người đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng với người khác phải chịu ràng buộc với đề nghị của mình, trừ trường hợp người đưa ra đề nghị thể hiện rõ rằng, anh ta không bị ràng buộc bởi đề nghị đó”. Hợp đồng sẽ bị vô hiệu trong các trường hợp sau:
(i) Thoả thuận giữa các bên trong giao kết hợp đồng không có hiệu lực trong trường hợp có sự nhầm lẫn, lừa dối, hay đe doạ. Nhầm lẫn làm cho thoả thuận không có hiệu lực trong hai trường hợp: một là, nhầm lẫn trong việc thể hiện ý chí (theo Khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự, đó là trường hợp không có sự thống nhất ý chí đích thực của các chủ thể với thể hiện ra bên ngoài về nội dung, phạm vi hay bản chất hợp đồng); hai là, nhầm lẫn về tính chất cơ bản của chủ thể hay đối tượng hợp đồng (Khoản 2 Điều 119).
(ii) Nội dung của hợp đồng không được trái với quy định của pháp luật hay quy tắc đạo đức. Điều 134 quy định: hợp đồng trái với quy định pháp luật sẽ bị vô hiệu. Quy định này đặc biệt có ý nghĩa trong việc ngăn ngừa các giao dịch bị pháp luật cấm.
Khác với các nước theo truyền thống pháp luật thành văn, ở các nước theo truyền thống luật án lệ (Common Law) như: Hoa Kỳ, Anh, các văn bản pháp luật không đưa ra định nghĩa hợp đồng. Ví dụ: ở Hoa Kỳ, trong lĩnh vực hợp đồng, nguồn luật quan trọng nhất là các quy tắc common law bao gồm các phán quyết của Toà án (quy định trong Bộ tuyển tập II thuyết trình pháp luật về hợp đồng năm 1981). Theo Samuel W.Williston và những người theo quan niệm truyền thống ở Hoa Kỳ coi Luật Hợp đồng là một tổng thể các quy tắc nhỏ được rút ra từ các trường hợp mà thẩm phán áp dụng nó [99, tr.45]. Nguồn quan trong thứ hai là quá trình phát triển các Luật mẫu sau này về hợp đồng đặc biệt là hợp đồng trong thương mại hàng hoá. Đó là một số văn bản luật liên bang, trong đó phải kể đến Luật Hợp đồng Liên bang (1887), Bộ luật Thương mại thống nhất (được các bang thông qua), Bộ luật Thống nhất về bảo vệ người tiêu dùng và một số thể loại hợp đồng đặc biệt. Nguồn thứ ba là các văn bản luật của các bang. Ngoài ra, các học thuyết, luận điểm của các nhà khoa học cũng được coi là một nguồn bổ trợ của pháp luật hợp đồng. Trong hệ thống pháp luật Hoa Kỳ không tồn tại hệ thống những khái niệm quy phạm pháp luật được thiết kế từ khái quát đến cụ thể liên quan đến hợp đồng như pháp luật các nước theo truyền thống châu Âu lục địa. Vì vậy, các học thuyết, luận điểm của các nhà khoa học trải qua quá trình kiểm nghiệm tính đúng đắn, hợp lý và hiệu quả trong thực tiễn có thể được Toà án viện dẫn, vận dụng trong quá trình xét xử [51, tr.209-210]; [96, tr.69-70].
Về khái niệm hợp đồng, pháp luật Hoa Kỳ không đưa ra định nghĩa hợp đồng, nhưng hợp đồng được hiểu là thoả thuận có mục đích hợp pháp, có hiệu lực bắt buộc thi hành giữa hai hay nhiều bên. Theo đó, mỗi bên hành động theo cách xử sự nhất định hoặc cam kết làm hay không làm một việc theo xử sự đó [101, tr.109]. Sự thoả thuận này đề cập đến những lời hứa làm phát sinh quyền và nghĩa vụ được Tòa án công nhận và buộc phải thi hành [51, tr.211]; [96, tr.70]. Để được Toà án công nhận là hợp đồng thì lời hứa giao kết hợp đồng phải có yếu tố cơ bản được xác định là sự “đền bù” (nghĩa vụ đối ứng [96, tr.253]). Sự đền bù là cái giá mà mỗi bên phải trả hoặc cái mà mỗi bên nhận được hoặc từ bỏ theo thoả thuận. Một thoả thuận mà không có sự “đền bù”, tức là một trong các bên không có nghĩa vụ theo thoả thuận, thì thông thường Toà án không thừa nhận đó là hợp đồng. Tuy nhiên, pháp luật một số bang cũng coi một số thoả thuận không có đền bù là hợp đồng trong trường hợp một bên đã làm cho bên kia tin chắc vào lời hứa của mình [71, tr.17-18]. Nếu hợp đồng được ký kết với một bên không có năng lực pháp luật hoặc không có năng lực hành vi sẽ bị vô hiệu tương đối. Nếu cả hai bên cùng nhầm lẫn về một vấn đề thì hợp đồng vô hiệu (nếu chỉ một bên nhầm lẫn về một vấn đề trong hợp đồng thì hợp đồng không bị vô hiệu). Nếu hợp đồng ký kết do một bên lạm dụng ảnh hưởng của mình trên cơ sở những thông tin lừa dối hoặc gian lận thì theo yêu cầu của bên bị hại, Toà án có thể tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Ngày nay, Toà án Hoa Kỳ có xu hướng quy định nghĩa vụ thông tin cho các bên giao kết hợp đồng và coi việc giữ thông tin vì mục đích lừa dối là một hành vi gian lận. Nếu nội dung hợp đồng không hợp pháp hoặc có một điều khoản nào đó trái với trật tự công cộng thì sẽ không có hiệu lực thi hành [51, tr.212].
Như vậy, theo pháp luật của Hoa Kỳ, hợp đồng gồm các yếu tố cơ bản sau: thứ nhất, là có sự thoả thuận của các bên bao gồm lời đề nghị và chấp nhận đề nghị. Thứ hai, sự thoả thuận này phải có yếu tố “đền bù”; thứ ba, các bên phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi; thứ tư, nội dung, mục đích của hợp đồng không trái pháp luật và trật tự công cộng.
Pháp luật hợp đồng của Việt Nam thời kỳ đầu không đưa ra định nghĩa hợp đồng nói chung, mà đưa ra định nghĩa các loại hợp đồng khác nhau gồm: Hợp đồng dân sự (Điều 934 BLDS (1995)), hợp đồng kinh tế (Điều 1 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế (1989)), hợp đồng thương mại. Luật Thương mại (1997) không đưa ra định nghĩa về hợp đồng thương mại nhưng lại quy định về các loại hợp đồng được giao kết để thực hiện các hoạt động thương mại theo quy định của Luật Thương mại. Ba loại hợp đồng này có đặc điểm khác biệt và được điều chỉnh bởi ba văn bản pháp luật: Bộ luật Dân sự (1995), Luật Thương mại (1997), Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế (1989). Đây là nguyên nhân tạo ra những bất cập, hạn chế trong lĩnh vực pháp luật hợp đồng của Việt Nam trước đây [27, tr.23-28]; [28, tr.31]; [37, tr.56-57]; [38, tr.4-7]; [39, tr.14-16]; [41, tr.1-6]. Để khắc phục hạn chế này, pháp luật hợp đồng của Việt Nam đã được sửa đổi theo hướng không có sự phân biệt một cách rạch ròi giữa hợp đồng dân sự, hợp đồng kinh tế và hợp đồng thương mại. Sự khắc phục này được thể hiện thông qua việc ban hành Bộ luật Dân sự (2005), Luật Thương mại (2005) và bãi bỏ Pháp lệnh Hợp đồng Kinh tế (1989). Theo Điều 388 Bộ luật Dân sự (2005): Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự .
Như vậy, cho dù pháp luật các nước có quy định khác nhau về hợp đồng về mặt thuật ngữ hay khái niệm hoặc không quy định cụ thể định nghĩa hợp đồng trong các văn bản pháp luật của mình, nhưng hợp đồng mà hệ thống pháp luật các nước đề cập đều có chung bản chất là hành vi pháp lý thể hiện sự thoả thuận của các bên giao kết nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ pháp lý nhất định. Sự thoả thuận của các bên giao kết chính là sự thể hiện cao nhất của quyền tự do hợp đồng.
Sự thoả thuận là sự biểu hiện ra bên ngoài mong muốn, cam kết của các bên thể hiện sự ưng thuận, đồng ý; là sự thống nhất ý chí đích thực của các bên. Sự thoả thuận này không cần phải theo một công thức nào. Vì vậy, người ta có thể thiết lập sự thoả thuận hợp đồng bằng lời nói, văn bản, hành vi ...; có thể thông qua trao đổi thư từ, điện thoại, điện tín... Chỉ một số trường hợp đặc biệt, pháp luật mới yêu cầu hợp đồng phải được lập theo một hình thức nhất định. Nội dung thoả thuận phải phù hợp với ý chí đích thực của các bên và phù hợp pháp luật. Nếu sự thoả thuận đó bị khiếm khuyết do hậu quả của hành vi đe doạ, lừa dối, nhầm lẫn hoặc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội, trái trật tự công cộng sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý là không thừa nhận giá trị pháp lý cũng như tính hợp pháp của hợp đồng. Về vấn đề này, theo PGS.TS Phạm Hữu Nghị “ Tất cả các hợp đồng đều là sự thoả thuận. Chỉ được coi là hợp đồng những thoả thuận thực sự phù hợp với ý chí của các bên, tức là có sự ưng thuận đích thực giữa các bên. Hợp đồng phải là giao dịch hợp pháp, do vậy sự ưng thuận ở đây phải là sự ưng thuận hợp lẽ công bằng, hợp pháp luật, hợp đạo đức. Những trường hợp có sự lừa dối, đe doạ, cưỡng bức thì dù có sự ưng thuận cũng không được coi là hợp đồng, tức là có sự vô hiệu của hợp đồng” [55, tr.22, 71]. Theo TS Lê Thị Bích Thọ, về mặt pháp lý, hợp đồng phải đáp ứng yêu cầu thể hiện sự tự do ý chí của các bên tham gia ký kết, là sự thoả thuận, sự thống nhất ý chí đích thực của các bên được pháp luật thừa nhận và bảo vệ [74, tr. 13-16]. Đây là đặc điểm mà pháp luật về hợp đồng của hầu hết các nước đều quy định như là một nguyên tắc cơ bản trong giao kết hợp đồng: nguyên tắc tự do, tự nguyện thoả thuận.
Ngày nay, mặc dù bản chất hợp đồng không thay đổi so với quan niệm truyền thống (là sự ưng thuận giữa các bên), nhưng pháp luật hợp đồng hiện đại đã có những thay đổi, phát triển đáng kể so với quan niệm truyền thống về hợp đồng. Khi nghiên cứu về hợp đồng trong xã hội thời nay, dưới góc độ là công cụ để bảo vệ sự công bằng về lợi ích của các bên, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa cho rằng: Bên cạnh quan niệm truyền thống coi hợp đồng là sự thống nhất ý chí của các bên vào thời điểm giao kết, hợp đồng ngày càng mang tính chất của một quá trình có điều tiết. Trong quá trình đó, các bên có nghĩa vụ chia sẻ thông tin; cùng nhận diện, đánh giá, phân chia rủi ro (quản lý rủi ro). Việc quy chiếu của các luật gia những gì diễn ra trong đời thường dưới những mẫu hợp đồng nhất định đã được các nhà làm luật thiết kế trong các đạo luật dẫn đến những bất cập nhất định [59, tr.38]. Quan điểm này tạo cơ sở lý luận cho việc can thiệp của pháp luật hợp đồng vào quá trình tích luỹ, khai thác, sử dụng thông tin của các chủ thể trong giao kết hợp đồng, nhằm chống lại việc lạm dụng thông tin bất cân xứng (sự không hiểu biết của bạn hàng) để “trục lợi” trong giao kết hợp đồng. Theo đó, bên có thông tin buộc phải có nghĩa vụ tiết lộ (cung cấp) thông tin nhằm bảo đảm cho việc thể hiện ý chí đích thực của các bên trong giao kết hợp đồng. Tôi đồng ý với quan điểm này và cho rằng, pháp luật can thiệp trong trường hợp này còn nhằm bảo đảm sự “công bằng” được coi là một trong những nguyên tắc cơ bản trong giao kết hợp đồng [22].
Sự phát triển của pháp luật hợp đồng cho thấy, khi xã hội đã đạt tới một trình độ nhất định thì tất cả các học thuyết về quyền tự do của con người đều thừa nhận tự do hợp đồng là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm và tôn trọng các hình thức hợp đồng là một nét đặc trưng quan trọng của đời sống văn minh [63, tr.109]. Cùng với việc đề cao các quyền tự do, dân chủ của con người trong xã hội văn minh, thì hợp đồng được đề cập không chỉ dưới góc độ là một nội dung quan trọng của pháp luật về nghĩa vụ như quan niệm truyền thống từ thủa ban đầu, mà nó còn được đề cập dưới góc độ là một quyền tự do dân chủ của con người trong lĩnh vực kinh tế, dân sự: quyền tự do hợp đồng.
1.1.2. Hợp đồng trong hoạt động thương mại
Do hoạt động thương mại có những đặc thù, nên trong hệ thống pháp luật của nhiều nước có sự phân biệt giữa hành vi thương mại với các hành vi dân sự khác, nhất là ở những nước theo hệ thống pháp luật châu Âu lục địa. Vì thế, các nước này đã ban hành các văn bản pháp luật để điều chỉnh các quan hệ thương mại, như: Bộ luật Thương mại của Pháp (1807), Bộ luật Thương mại của Đức (1887), Bộ Luật Thương mại của Nhật Bản (1899)… Các nước theo hệ thống pháp luật án lệ có truyền thống không phân biệt giữa hành vi thương mại và dân sự. Nhưng về sau, do nhu cầu điều chỉnh các quan hệ thương mại phát triển, truyền thống này đã bị phá vỡ. Một số nước đã ban hành các đạo luật để điều chỉnh các hoạt động thương mại. Những đạo luật này thường được xem như những văn bản pháp luật bổ sung cho pháp luật dân sự. Chúng chủ yếu đề cập đến những quy định riêng về các hoạt động thương mại đặc thù mà pháp luật dân sự không bao quát hết. Ví dụ: Hoa Kỳ ban hành Bộ luật Thương mại thống nhất (1958) (Uniform- Commercial Code- UCC), Anh ban hành Luật Bán hàng năm 1979 (Sale of goods), Luật Mua chịu năm 1965… Tuy nhiên, sự phân biệt mang tính chất tương đối theo nguyên tắc luật chung - luật chuyên ngành.
Sự ra đời của Luật Thương mại để điều chỉnh các hành vi thương mại và xác định quy chế của thương nhân xuất phát từ những lý do cơ bản: thứ nhất, về khách quan, trong xã hội ra đời một tầng lớp thương nhân chuyên thực hiện các hành vi thương mại làm nghề nghiệp chính của mình (có tính chuyên nghiệp) tự quy định các thông lệ cho riêng mình (các tập quán thương mại). Sau đó, đã làm nảy sinh nhu cầu ban hành các quy định pháp luật xác định quy chế thương nhân và điều chỉnh các hoạt động thương mại, gồm các vấn đề như: đăng ký thương nhân, nộp thuế, thực hiện các hoạt động thương mại, ký kết hợp đồng…Thứ hai, về chủ quan, việc thực hiện các hành vi thương mại trong hoạt động kinh doanh của thương nhân có những đòi hỏi đặc thù, đó là tính nhanh chóng, linh hoạt, đơn giản, bảo đảm tối đa quyền tự do kinh doanh của các chủ thể mà các quy định pháp luật dân sự không đáp ứng được. Do đó, cần có những quy định đáp ứng những yêu cầu đó. Để lưu thông hàng hoá được nhanh chóng, các quy định của Luật Thương mại phải tạo điều kiện cho thương nhân có quyền tự do hợp đồng để giao kết, thực hiện và thanh lý hợp đồng, giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, đơn giản nhất. Ngoài ra, các hành vi thương mại là các hành vi có mục đích kinh doanh kiếm lời, có chứa đựng yếu tố rủi ro, cho nên thường xuyên có xu hướng gây ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, quyền lợi của người thứ ba. Do đó, pháp luật thương mại cũng cần có những quy định để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và các đối tượng khách hàng khác, bảo đảm trật tự công cộng [82, tr.5-11].
Theo pháp luật của các nước, có nhiều cách trình bày khái niệm hành vi thương mại:
Bộ luật Thương mại của Pháp không đưa ra định nghĩa thế nào là hành vi thương mại, mà từ Điều 632 trở đi, Bộ luật liệt kê những hành vi được coi là hành vi thương mại gồm 3 nhóm: (1) Nhóm các hành vi thương mại bản chất; (2) Nhóm các hành vi thương mại hình thức; (3) Nhóm các hành vi thương mại phụ thuộc. Ngoài ra, nó còn bao gồm các hoạt động khác nếu các hoạt động này được thực hiện bởi các thương nhân nhằm mục đích phục vụ cho nhu cầu kinh doanh thương mại của thương nhân [18, tr.20-25].
Trong thương mại quốc tế, giải thích Điều 1 Luật Mẫu về trọng tài thương mại quốc tế - UNCITRAL, khái niệm thương mại gồm, song không bị giới hạn bởi các giao dịch cung cấp hay trao đổi hàng hoá, dịch vụ, các hợp đồng phân phối, chi nhánh đại diện thương mại, đại lý, cho thuê, gia công sản phẩm, tư vấn, sở hữu công nghiệp, đầu tư, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khai thác, tô nhượng, liên doanh hoặc hình thức khác của hợp tác công nghiệp hoặc kinh doanh. Đây cũng là khái niệm được pháp luật nhiều nước tiếp cận, nhất là các nước theo hệ thống pháp luật án lệ.
ở Việt Nam, thời kỳ đầu, hành vi thương mại được Luật Thương mại điều chỉnh có nội hàm hẹp hơn khái niệm kinh doanh và khái niệm thương mại mà pháp luật các nước trên thế giới đề cập. Theo Luật Thương mại (1997), hành vi thương mại là hành vi của thương nhân trong hoạt động thương mại. Theo quy định của Điều 45 Luật Thương mại (1997) chỉ điều chỉnh 14 hành vi thương mại gồm: Mua bán hàng hoá, đại diện cho thương nhân, môi giới thương mại, uỷ thác, đại lý mua bán._. hàng hoá, gia công trong thương mại, đấu giá, đấu thầu, dịch vụ giao thầu, giám định hàng hoá, khuyến mại, quảng cáo thương mại, trưng bầy, giới thiệu hàng hoá, hội chợ, triển lãm thương mại. Ngoài việc bị giới hạn bởi phạm vi điều chỉnh đối với một số hành vi thương mại, phạm vi áp dụng của Luật Thương mại (1997) còn bị giới hạn bởi nội hàm của khái niệm hàng hoá. Hàng hoá theo Luật Thương mại (1997) chỉ bao gồm: máy móc, thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, hàng tiêu dùng, các động sản được lưu thông trên thị trường, nhà ở dùng để kinh doanh dưới hình thức cho thuê, mua, bán (Điều 5 Khoản 3). Các tài sản khác theo Bộ luật Dân sự không được coi là hàng hoá, như: quyền sử dụng đất, cổ phiếu và các giấy tờ có giá khác, các quyền tài sản… Những hạn chế trên của Luật Thương mại (1997) đã dẫn đến những bất cập của pháp luật thương mại Việt Nam so với thông lệ quốc tế và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế [25, tr.32-39]; [39, tr.18-19]; [50, tr.112].
Nhằm khắc phục những bất cập trên, Luật Thương mại (2005) đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các hành vi thương mại theo nghĩa rộng hơn. Khoản 1 Điều 3 quy định: Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
Với khái niệm hành vi thương mại nêu trên, hợp đồng trong hoạt động thương mại là sự thoả thuận giữa các thương nhân với nhau hoặc giữa thương nhân với một bên không phải là thương nhân trong việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại. Trong hoạt động thương mại, hình thức pháp lý của hành vi thương mại chính là hợp đồng thương mại [55, tr.24].
Từ những nghiên cứu trên đây cho thấy, pháp luật điều chỉnh hợp đồng trong hoạt động thương mại bị chi phối bởi hai nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, về các nội dung đặc thù, xuất phát từ các đặc điểm đặc trưng sau của hoạt động thương mại: một là, chủ thể hợp đồng là thương nhân (hoặc ít nhất một bên là thương nhân). Hai là, mục đích của hợp đồng là phục vụ hoạt động thương mại của thương nhân, nhằm mục đích xa hơn là tìm kiếm lợi nhuận. Ba là, hợp đồng thương mại có tính lặp đi lặp lại do được thực hiện bởi các thương nhân chuyên nghiệp thực hiện các hoạt động thương mại như nghề nghiệp của mình. Vì vậy, thương nhân có nghĩa vụ lớn so với đối tác của họ. Bốn là, hợp đồng thương mại có tính gây ảnh hưởng về kinh tế - xã hội và ảnh hưởng đến người thứ ba. Chính những đặc điểm này là yếu tố chi phối pháp luật quy định về quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại. Điều này đặt ra yêu cầu đối với pháp luật về hợp đồng thương mại là cần phải xử lý các quan hệ hợp đồng một cách thống nhất và nhanh chóng so với các quan hệ hợp đồng dân sự [94, tr.53]. Ví dụ: theo pháp luật của Pháp, đối với một số hợp đồng dân sự, hình thức văn bản hợp đồng là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng. Nhưng trong thương mại, hình thức văn bản hợp đồng chỉ có giá trị chứng cứ [18, tr.24-26].
Các đặc điểm trên đòi hỏi pháp luật điều chỉnh hợp đồng thương mại phải có những quy định đặc thù để đáp ứng các quy định liên quan đến các vấn đề sau: một là, hình thức hợp đồng thương mại phải linh hoạt. Điều này đòi hỏi pháp luật quy định hình thức hợp đồng thương mại phải bảo đảm tối đa quyền tự do lựa chọn hình thức hợp đồng của các chủ thể trong hoạt động thương mại. Hai là, các quy định về nội dung hợp đồng thương mại không được cứng nhắc, bảo đảm tối đa quyền tự do thoả thuận về nội dung hợp đồng của các bên đáp ứng yêu cầu kinh doanh thay đổi hết sức linh hoạt trong thương mại (pháp luật không cần yêu cầu các bên phải thoả thuận theo các điều khoản định sẵn, các hợp đồng mang tính khuôn mẫu do các nhà làm luật quy định trước trong các văn bản pháp luật, kể cả các điều khoản cơ bản. Nội dung các điều khoản của hợp đồng trong thương mại có thể được xác định theo thói quen, tập quán thương mại đã được thiết lập giữa các bên hoặc bởi một bên thứ ba, trong trường hợp các bên không có thoả thuận). Ba là, do trong hoạt động thương mại, các thương nhân (chủ yếu là doanh nghiệp) thường là bên bán hàng hoá, dịch vụ có thế mạnh trong quan hệ hợp đồng (vì họ là những nhà kinh doanh chuyên nghiệp), nên pháp luật hợp đồng cần phải quy định cho họ nhiều nghĩa vụ đối với hoạt động cung cấp hàng hoá, dịch vụ của mình hơn so với trong quan hệ dân sự, như: nghĩa vụ thông tin về sản phẩm hàng hoá, dịch vụ; giải thích cho khách hàng về đặc điểm, cách sử dụng hàng hoá, dịch vụ; nghĩa vụ bảo hành, bảo đảm chất lượng hàng hoá, dịch vụ… Ngoài ra, pháp luật hợp đồng cũng cần có các quy định nhằm chống lại những hành vi lạm dụng thế mạnh trong quan hệ thương mại để bóc lột đối tác trong quan hệ hợp đồng, bảo vệ quyền tự do hợp đồng của bên ở vị trí thế yếu.
Thứ hai, về phạm vi, so với hợp đồng dân sự được ký kết trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, hợp đồng thương mại có phạm vi hẹp hơn vì là loại hợp đồng được ký kết trong lĩnh vực hoạt động thương mại. Theo pháp luật của hầu hết các nước, cụm từ “dân sự” trong khái niệm “hợp đồng dân sự” được hiểu theo nghĩa tính từ, nghĩa là bao gồm tất cả các lĩnh vực thuộc về luật tư (dân sự, thương mại, lao động…). Như vậy, khái niệm hợp đồng dân sự bao gồm cả hợp đồng thương mại. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xây dựng hệ thống các văn bản điều chỉnh các quan hệ hợp đồng nói chung và hợp đồng trong hoạt động thương mại nói riêng. Nó cũng có ý nghĩa quan trọng trong quá trình áp dụng pháp luật về hợp đồng. Theo đó, pháp luật điều chỉnh quan hệ hợp đồng được coi là luật chung, còn pháp luật điều chỉnh quan hệ hợp đồng trong hoạt động thương mại được coi là luật chuyên ngành. Trong mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng (chuyên ngành) thì hợp đồng dân sự là cái chung, còn hợp đồng thương mại là cái riêng. Cái riêng của hợp đồng thương mại bị chi phối bởi các đặc điểm đặc trưng nêu trên của hợp đồng thương mại.
Về mối quan hệ giữa hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại, GS Francois Collart Dutilleul (Trường Đại học Nant - Cộng hoà Pháp) cho rằng: hợp đồng thương mại là hợp đồng được ký bởi thương nhân nhằm phục vụ hoạt động thương mại của họ, nhưng hợp đồng thương mại cũng có thể do pháp luật quy định (ví dụ: pháp luật quy định hành vi nhượng quyền là hành vi thương mại thì hợp đồng nhượng quyền thương mại được coi là hợp đồng thương mại bất kể chủ thể hợp đồng là thương nhân hay không phải thương nhân). Việc phân biệt hợp đồng thương mại và hợp đồng dân sự, như: hợp đồng hôn nhân, hợp đồng lao động… chỉ mang tính tương đối, nhưng có ý nghĩa trong việc áp dụng pháp luật. Các quy định pháp luật áp dụng đối với hợp đồng thương mại thường là các quy định chi tiết, cụ thể (ví dụ: quy định về chứng cứ, thẩm quyền…), mang tính phức tạp, chuyên ngành hơn. Tuy nhiên, tất cả các hợp đồng đều chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật chung về hợp đồng (các nguyên tắc chung về nghĩa vụ) [104, tr.21].
Việc nghiên cứu các đặc điểm của hợp đồng trong hoạt động thương mại so với hợp đồng dân sự nói chung mang tính tương đối, nhưng có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng và áp dụng pháp luật về hợp đồng. Khi nghiên cứu về vấn đề này, PGS.TS Dương Đăng Huệ đã nhận xét: “Trên thế giới, ở những nước theo hệ thống luật châu Âu lục địa, thông thường người ta cũng có sự phân biệt giữa hợp đồng dân sự và hợp đồng thương mại, theo đó, hợp đồng dân sự là gốc, còn hợp đồng thương mại là hợp đồng chuyên biệt. Trên quan điểm như vậy, trong mối quan hệ với pháp luật về hợp đồng thương mại thì pháp luật dân sự là pháp luật có tính chất cơ bản, chung nhất, là nền tảng, còn pháp luật về hợp đồng thương mại là bộ phận pháp luật có tính chất chuyên ngành, là sự quy định cụ thể các nguyên tắc của việc ký kết và thực hiện hợp đồng trong một lĩnh vực đặc biệt là lĩnh vực hoạt động kinh doanh của các thương nhân” [96, tr.99]. Mối quan hệ giữa quy định về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự và các quy định về hợp đồng thương mại được xác định là mối quan hệ giữa luật chung và luật chuyên ngành [96, tr.267]. Nguyên tắc này dẫn đến một hệ quả quan trọng trong việc áp dụng pháp luật là: pháp luật về hợp đồng thương mại, với tư cách là luật chuyên ngành, sẽ được ưu tiên áp dụng trước để điều chỉnh quan hệ hợp đồng thương mại, so với pháp luật hợp đồng dân sự với tư cách là luật chung. Trong trường hợp pháp luật chuyên ngành không quy định thì sẽ áp dụng quy định của luật chung.
1.2. quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại
1.2.1. Cơ sở lý luận về quyền tự do hợp đồng
1.2.1.1. Thuyết tự do ý chí và ảnh hưởng của nó tới sự ra đời của quyền tự do hợp đồng
Mặc dù các quy định pháp luật về hợp đồng ra đời rất sớm trong lĩnh vực luật tư ngay từ thời La Mã cổ đại, nhưng nền tảng lý luận về quyền tự do hợp đồng bắt nguồn từ thuyết tự do ý chí lại ra đời sau đó. Thuyết tự do ý chí xuất hiện từ thế kỷ thứ XVIII và nằm trong hệ thống các quan điểm của trào lưu triết học ánh sáng. Nội dung của thuyết này xuất phát từ quan điểm cho rằng, ý chí của con người là tối thượng và tự chủ. Chỉ các hành vi xuất phát từ ý chí tự chủ của một người mới có hiệu lực ràng buộc đối với người đó. Một người chỉ bị ràng buộc khi người đó muốn như vậy và ràng buộc theo cách mà người đó muốn. Một hợp đồng sẽ công bằng khi các bên được tự do thể hiện ý chí của mình. Mỗi bên tham gia hợp đồng nhằm thoả mãn những lợi ích riêng của mình trong phạm vi phù hợp với lợi ích chung [5, tr.6]. Do đó, hợp đồng với bản chất được xác lập trên cơ sở thoả thuận, phải được coi là kết quả của sự thống nhất ý chí tự nguyện của các bên, là nguồn làm phát sinh quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa các bên. Theo nguyên tắc tự do ý chí, để bảo đảm công bằng trong quan hệ hợp đồng, bảo đảm lợi ích của các bên như họ mong muốn, ý chí của các bên phải được thể hiện một cách độc lập, xuất phát từ động cơ và lợi ích của họ, do họ tự quyết định, chứ không phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài, không phụ thuộc vào pháp luật. ý chí của các bên được thể hiện thông qua các hành vi pháp lý của họ, nhất là thông qua hợp đồng. Nguyên tắc tự do ý chí đưa đến một hệ quả pháp lý là hợp đồng, khi đã được các bên ký kết, sẽ có giá trị bắt buộc, như các quy định pháp luật giữa các bên.
Về mặt lý luận, thuyết tự do ý chí dẫn đến các hệ quả pháp lý trong giao kết hợp đồng: Một là, quyền tự do giao kết hợp đồng. Hai là, hiệu lực bắt buộc của hợp đồng.
i) Về quyền tự do hợp đồng: nội dung này thể hiện ở các điểm cơ bản: Thứ nhất, hợp đồng phải là kết quả của sự tự nguyện thoả thuận, là sự thể hiện ý chí đích thực của các bên. Hai là, các bên tự do xác định nội dung của hợp đồng, tự do thoả thuận các điều khoản của hợp đồng. Các quy định về trật tự công cộng chỉ được áp dụng trong trường hợp ngoại lệ đặc biệt. Ba là, chỉ cần các bên đạt được thoả thuận với nhau là coi như hợp đồng đã được ký kết. Việc thể hiện thoả thuận dưới một hình thức nhất định không phải là yếu tố quan trọng. Thường là thoả thuận thể hiện ý chí chung có thể được thể hiện dưới bất cứ hình thức nào. Bốn là, các bên có quyền tự do quyết định việc giải quyết bất đồng khi có tranh chấp phát sinh.
ii) Về hiệu lực của hợp đồng: Nguyên tắc tự do ý chí dẫn đến hiệu lực bắt buộc của hợp đồng. Khi hợp đồng được giao kết thì nó có giá trị bắt buộc thực hiện như quy định pháp luật đối với các bên. Bởi vì đó là mong muốn của các bên. Các bên phải chịu trách nhiệm về các cam kết của mình. Để bảo đảm công bằng và công lý, các bên phải tôn trọng và chịu trách nhiệm về tuyên bố ý chí của mình và thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết, không được đơn phương rút khỏi hợp đồng, không được bội ước. Việc thay đổi, bổ sung hợp đồng chỉ có thể được thực hiện bởi sự thoả thuận của các chủ thể mà không ai có quyền can thiệp vào quan hệ của họ, cũng như không có quyền làm thay đổi ý chí của họ. Hợp đồng có hiệu lực bắt buộc ngay cả đối với các cơ quan công quyền, nghĩa là khi xét xử, giải thích hợp đồng, Toà án phải tôn trọng ý chí của các bên, không được sửa đổi hay giải thích nội dung hợp đồng khác với ý chí, nội dung giao kết của các bên.
Cùng với sự phát triển của các quan hệ kinh tế, xã hội các quyền tự do dân chủ của con người được đề cao một cách tuyệt đối như: quyền sở hữu cá nhân, tự do thương mại, tự do cạnh tranh, tự do hợp đồng… Những nguyên lý pháp luật cơ bản này cũng được ra đời trên cơ sở nền tảng của thuyết về tự do ý chí và được thừa nhận tại các nước tư bản ở Châu Âu vào thế kỷ XIX cùng với thời kỳ của CNTB tự do [106, tr. 8]. GS Henri Rolan (Khoa Luật Trường Đại Học Lyon, Pháp) khi nghiên cứu về vai trò của ý chí hợp đồng cho rằng: ý chí của các bên là yếu tố cơ bản của hợp đồng. Điều này được biết đến qua học thuyết tự do ý chí [102, tr.3]. Học thuyết này đã thừa nhận một cách logic nguyên tắc tự do hợp đồng. Ngày nay, nguyên tắc này đã được hầu hết các hệ thống pháp luật về hợp đồng của các nước quy định [106, tr.8].
Khi đánh giá về sự ảnh hưởng của nguyên tắc tự do hợp đồng đến Luật Hợp đồng hiện đại, GS. Morishima Akio (Trường đại học Sophia, Nhật Bản) cho rằng: “Hợp đồng hiện đại khác với hợp đồng có sự phân biệt địa vị xã hội trong xã hội phong kiến, hay khác với hợp đồng kế hoạch trong xã hội chủ nghĩa ở chỗ: các tập tục hoặc Nhà nước không được can thiệp vào quan hệ hợp đồng; mỗi người có thể quyết định một cách tự do việc ký kết hợp đồng hay không, chọn ai làm đối tác, ký kết hợp đồng bằng phương thức nào và soạn thảo nội dung hợp đồng ra sao. Bên này và bên kia ký kết hợp đồng đều có quyền quyết định tự do, cho nên, sau khi các bên thoả thuận xong, mỗi bên sẽ bị ràng buộc (theo tư tưởng tự do của mình)” [49, tr.49].
1.2.1.2. Các quan điểm về những hạn chế của Thuyết tự do ý chí và vai trò của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do hợp đồng
Mặc dù đặt nền tảng cho nguyên lý của pháp luật hợp đồng, nhưng thuyết này còn có những hạn chế về phương diện lý luận và thực tiễn:
Thứ nhất, về lý luận, tác giả Corinne Renault Branhinsky cho rằng: chỉ riêng ý chí của các bên là chưa đủ để hình thành hợp đồng. ý chí của các bên chỉ trở thành nguồn làm phát sinh cam kết, phát sinh nghĩa vụ khi có sự quy định của pháp luật. Như vậy, pháp luật mới là nguồn đầu tiên của hợp đồng [5, tr.7]. Về mặt nguyên tắc, ý chí của các bên được ưu tiên hơn các quy định pháp luật về hợp đồng. Nhưng cũng cần thấy vai trò của luật hợp đồng là căn cứ pháp lý giải thích rõ nội dung các phần mà các bên chưa thể hiện rõ, hay có chức năng bổ sung các phần mà các bên chưa xác định [49, tr.49]. Ngoài ra, các quy định pháp luật còn bảo đảm cho sự tự do ý chí của các chủ thể thực hiện trong khuôn khổ tôn trọng trật tự công cộng và đạo đức xã hội. Bởi vì, trong thực tế có nhiều trường hợp các bên ký hợp đồng không có vị trí bình đẳng về kinh tế và xã hội (một bên ở vào thế mạnh và một bên ở vào thế yếu). Bên thế mạnh thường áp đặt “luật chơi riêng” của mình đối với bên thế yếu trong quan hệ hợp đồng. Điều này đòi hỏi pháp luật phải can thiệp để bảo vệ quyền tự do hợp đồng của bên thế yều [102, tr.8]. Như vậy, pháp luật hợp đồng cần có những quy định để bảo vệ sự tự do thoả thuận thiết lập hợp đồng. Tuy nhiên, sự tự do ấy phải được đặt trong giới hạn bởi lợi ích của người khác, lợi ích chung của xã hội và trật tự công cộng [83, tr.229-230]. Về lĩnh vực này, V.I. Lênin nhận xét rằng: nếu để các bên tự do vô hạn thì hợp đồng sẽ trở thành phương tiện để kẻ giàu bóc lột người nghèo và sẽ là nguy cơ đối với lợi ích chung của xã hội. Vì vậy, phải đi xa hơn nữa trong vấn đề tăng cường sự can thiệp của Nhà nước vào các quan hệ pháp luật tư, các việc dân sự [46, tr.577].
Với yêu cầu đó, Nhà nước với tư cách là chủ thể của quyền lực công, cần phải ban hành những quy định pháp luật chống lại các hành vi lạm dụng quyền tự do hợp đồng, nhằm bảo đảm quyền tự do hợp đồng của người khác, lợi ích chung của xã hội và trật tự công cộng. Đây là cơ sở để pháp luật hợp đồng đặt ra các quy định về năng lực chủ thể giao kết hợp đồng, nguyên tắc giao kết hợp đồng, các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, các trường hợp hợp đồng vô hiệu… Trên cơ sở đó, các học thuyết về hợp đồng ngày càng đặt ra nhiều cơ sở cho sự tác động của Nhà nước vào quyền tự do hợp đồng so với quan niệm truyền thống trước đây. Khi đề cập đến vấn đề này dưới góc độ quản lý thông tin bất cân xứng và quản lý rủi ro trong giao kết hợp đồng, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa cho rằng: Đối với các hợp đồng thương mại, vì môi trường kinh doanh biến thiên liên tục, các bên cần phản ứng linh hoạt, ý chí vào thời điểm giao kết hợp đồng không thể bất biến. Hợp đồng ngày càng mang tính chất của một quá trình có điều tiết. Trong đó các bên cùng nhận diện, đánh giá, phân chia, điều tiết, quản lý rủi ro. Lý thuyết về hợp đồng chuyển dần sang xu hướng dự phòng và quản lý rủi ro. Bên cạnh đó, thông tin bất cân xứng ngày càng trở thành một lĩnh vực cần được quan tâm, đặc biệt trong những hợp đồng giữa thương nhân và người tiêu dùng. Điều này đòi hỏi pháp luật hợp đồng phải quy định đối với các thương nhân những nghĩa vụ nhất định như: nghĩa vụ cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, nghĩa vụ bảo hành, trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm hàng hoá, dịch vụ…[59, tr.40-41]. Việc quy định các nghĩa vụ này nhằm mục đích bảo đảm sự công bằng về lợi ích của các bên trong hợp đồng, chống lại việc các thương nhân lạm dụng sự không hiểu biết, thiếu thông tin của bạn hàng để giành lợi ích kinh tế (lạm dụng thông tin bất cân xứng) [22]; [61]. Ngoài ra, pháp luật hợp đồng còn bảo vệ bên thế yếu trong quan hệ hợp đồng bằng cách quy định cho họ quyền rút khỏi nghĩa vụ hợp đồng và đòi đền bù thiệt hại thông qua quyền khởi kiện yêu cầu huỷ hợp đồng do: bị lừa dối, vi phạm đạo đức xã hội… Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để Toà án can thiệp vào quan hệ hợp đồng nhằm bảo vệ công bằng trong quan hệ thương mại.
Thứ hai, về mặt thực tiễn, theo tác giả Corinne Renault Branhinsky: xét trên bình diện thực tiễn kinh tế, xã hội, tự do ý chí và hệ quả của nó là tự do hợp đồng chưa đủ để bảo đảm sự công bằng về mặt kinh tế, xã hội và bảo đảm công lý cũng như lợi ích của các bên. Thực tế cho thấy hợp đồng vẫn thường được sử dụng như một phương tiện để một người buộc người khác phải phụ thuộc vào mình: “trong mối quan hệ giữa một bên yếu và một bên mạnh, ý chí sẽ tạo ra sự lệ thuộc còn pháp luật là phương tiện để giải phóng họ”. ý tưởng ở đây không phải là phủ nhận vai trò của ý chí trong hợp đồng mà là tránh tuyệt đối hoá vai trò ý chí của chủ thể [5, tr.8].
Thực tế giao kết hợp đồng ở các nước cho thấy, hợp đồng nhiều khi được sử dụng như một công cụ, phương tiện để một bên ở vào thế mạnh về kinh tế buộc bên kia phải phụ thuộc vào mình hoặc để bóc lột một bên ở vào vị trí thế yếu hơn trong quan hệ hợp đồng. Trong những trường hợp như vậy, quan điểm đề cao tự do hợp đồng một cách tuyệt đối đã ngày càng tạo ra sự bất bình đẳng, bất công bằng trong giao kết hợp đồng. Đó là sự xuất hiện của các “điều kiện thương mại chung”, các loại hợp đồng mẫu (hợp đồng gia nhập) được soạn sẵn bởi các công ty lớn hay công ty độc quyền; trong đó chứa đựng các điều khoản miễn trừ trách nhiệm của công ty này hoặc các điều khoản ràng buộc trách nhiệm của bên ký kết kia - thường là bên ở vào vị trí thế yếu. Bên ở vào vị trí yếu hơn hoặc người tiêu dùng không được thoả thuận về nội dung các điều khoản cụ thể của hợp đồng, không có cơ hội lựa chọn nào hơn là buộc phải ký vào hợp đồng đã được bên kia ấn định trước. Hiện tượng này đã từng diễn ra phổ biến ở các nước tư bản từ cuối thể kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Thời kỳ đầu, Toà án tôn trọng nguyên tắc hiệu lực bắt buộc của hợp đồng (tức là Toà án không can thiệp vào hợp đồng). Sau đó, các điều khoản có tính chất lạm dụng tạo nên sự bất bình đẳng, bất công bằng trong hợp đồng hay miễn trừ trách nhiệm của bên ở vào thế mạnh trong quan hệ hợp đồng bị xử lý tuyên bố vô hiệu. Ngoài ra, Toà án cũng đã can thiệp thông qua việc sửa đổi các điều khoản để bảo đảm sự công bằng trong quan hệ hợp đồng. Thực tiễn trên đã làm cho pháp luật hợp đồng ở các nước TBCN có những thay đổi nhằm giải quyết những hạn chế của việc đề cao một cách tuyệt đối nguyên tắc tự do hợp đồng. Ví dụ: ở Pháp từ cuối thế kỷ XIX, Nhà nước với tư cách là chủ thể của quyền lực công, đã phải can thiệp vào quan hệ hợp đồng. Cùng xu hướng này, nội dung pháp luật hợp đồng của Pháp ngày nay đã có nhiều thay đổi so với trước đây: quyền tự do giao kết hợp đồng bị hạn chế hơn (pháp luật quy định một số hợp đồng bắt buộc như hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự, quy định các nghĩa vụ bắt buộc đối với các doanh nghiệp như: nghĩa vụ thông tin, trách nhiệm đối với chất lượng sản phẩm của nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ; các doanh nghiệp độc quyền không được từ chối ký kết hợp đồng khi khách hàng có yêu cầu chính đáng; nghiêm cấm các thoả thuận hạn chế cạnh tranh theo pháp luật cạnh tranh…). Nguyên tắc hiệu lực bắt buộc của hợp đồng cũng không còn tuyệt đối như trước đây (Toà án có quyền can thiệp vào quan hệ hợp đồng thông qua việc tuyên bố vô hiệu những điều khoản hợp đồng trái pháp luật, hay sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng để lập lại sự cân bằng trong hợp đồng giữa các bên nhằm chống lại các điều khoản lạm dụng [5, tr.9]; [61]. Xu hướng này cũng diễn ra tương tự ở các nước như: Đức, Anh, Hoa Kỳ [64, tr.5-11]; [93, tr.5-22].
Như vậy, từ pháp luật thực định đến sự phát triển trong thực tiễn giao kết hợp đồng, pháp luật hợp đồng hiện đại đã có sự phát triển từ chỗ đề cao tự do ý chí cá nhân, tự do hợp đồng một cách tuyệt đối đã chuyển sang đề cao nguyên tắc “công bằng” trong giao kết hợp đồng. Từ quan điểm đề cao lợi ích cá nhân sang bảo vệ lợi ích chung của xã hội và trật tự công cộng [22]. Nhà nước thông qua việc ban hành pháp luật và hoạt động của cơ quan xét xử (Toà án) cần tác động vào quan hệ hợp đồng. Sự can thiệp của Nhà nước không phải là phủ nhận vai trò ý chí của các bên mà là tránh tuyệt đối hoá nó. Sự can thiệp này nhằm giới hạn quyền tự do hợp đồng với mục đích bảo đảm sự bình đẳng, công bằng trong quan hệ hợp đồng, bảo vệ quyền tự do hợp đồng của chủ thể khác, chống lại việc lạm dụng quyền tự do hợp đồng của một bên để vi phạm quyền tự do hợp đồng của bên kia.
1.2.2. Nội dung quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại
Từ những nghiên cứu về pháp luật hợp đồng cho thấy quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại thể hiện qua nhiều phương diện khác nhau, thông qua những nội dung cơ bản sau: (1) Quyền quyết định việc lựa chọn đối tác và đối tượng hợp đồng, (2) Quyền thoả thuận về nội dung của hợp đồng, quyền và nghĩa vụ các bên trong hợp đồng, (3) Quyền lựa chọn hình thức hợp đồng và (4) Quyền tự do quyết định việc giải quyết tranh chấp hợp đồng.
1.2.2.1. Quyền lựa chọn đối tác và đối tượng hợp đồng
Ngày nay, pháp luật hợp đồng quy định quyền tự do hợp đồng với ý nghĩa như là nguyên tắc cơ bản được quy định và bảo đảm thực hiện trong các văn bản pháp luật quan trọng của mỗi quốc gia, như: Bộ luật Dân sự, Luật Hợp đồng hay Luật Thương mại. Theo đó, nguyên tắc tự do lựa chọn đối tác ký kết hợp đồng là một nguyên tắc vô cùng quan trọng. Theo nguyên tắc này, các bên có quyền tự do giao kết hợp đồng hoặc tự do không giao kết hợp đồng với chủ thể nhất định. Tuỳ theo mỗi nước, nguyên tắc này có thể được quy định trong Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, các đạo luật về kinh doanh hoặc có nước quy định trong một đạo luật riêng về hợp đồng.
Theo nguyên tắc này, tất cả các chủ thể có đầy đủ năng lực pháp luật đều có quyền tự do quyết định việc ký kết hợp đồng mà không một chủ thể hay một tổ chức, cá nhân nào được ngăn cản hay can thiệp vào quyền này một cách bất hợp pháp [83, tr.342]. Nguyên tắc này được thể hiện qua các nội dung sau: Một là, các bên có quyền tự quyết định việc đưa ra đề nghị hay không đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng cũng như nội dung của đề nghị giao kết. Khi nhận được đề nghị, các bên có quyền quyết định chấp nhận hay không chấp nhận đề nghị. Việc quyết định ký hay không ký hợp đồng là do ý chí của các bên, không bị ảnh hưởng bởi ý chí hay sự ép buộc của bên kia hay người thứ ba nào khác. Hai là, các bên có quyền lựa chọn ký kết hợp đồng với chủ thể này và từ chối ký kết hợp đồng với chủ thể khác. Các thương nhân có quyền tự do quyết định họ sẽ ký kết hợp đồng với ai. Họ có quyền quyết định ai là người họ sẽ bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ của mình và ai là người họ muốn mua hàng hoặc nhận cung cấp dịch vụ cho mình, cũng như họ có quyền thoả thuận những điều khoản hợp đồng cụ thể. Trong hoạt động thương mại, nguyên tắc này được coi là nền tảng của một trật tự kinh tế mang tính mở cửa trên thị trường cạnh tranh [87, tr.41].
Tuy nhiên, nguyên tắc này cũng có những trường hợp ngoại lệ nhất định. Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, trật tự công cộng, quyền tự do lựa chọn đối tác ký kết hợp đồng phải được thực hiện không trái với quy định của pháp luật, đạo đức xã hội, trật tự công cộng. Pháp luật các nước quy định các trường hợp ngoại lệ của nguyên tắc này bao gồm: (1) Hợp đồng bị cấm giao kết trong một số lĩnh vực kinh tế, thương mại nhất định có sự điều chỉnh của Nhà nước, hoặc (2) đối với từng loại hợp đồng cụ thể, Nhà nước quy định các bên phải ký kết hợp đồng, hoặc không được ký kết hợp đồng.
* Các trường hợp ngoại lệ:
- Các lĩnh vực kinh tế, thương mại mà các chủ thể không được giao kết hợp đồng:
Xuất phát từ yêu cầu quản lý của Nhà nước, vì lợi ích chung, Nhà nước có thể tác động vào quyền tự do thương mại trong một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Trong những trường hợp đó, một số hàng hoá, dịch vụ bị cấm kinh doanh hoặc chỉ có thể mua được từ một nhà cung cấp thường là các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế nhà nước. Đối với những lĩnh vực nhất định, những hàng hoá, dịch vụ Nhà nước cấm kinh doanh, các chủ thể cũng không được phép ký kết hợp đồng trong những lĩnh vực đó hoặc đối với các hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh.
Ví dụ: theo pháp luật một số nước (Pháp, Trung Quốc, Việt Nam…), hợp đồng môi giới mại dâm, hoặc mua bán một số hàng hoá như: ma tuý, thuốc nổ, vũ khí… bị coi là vô hiệu; Theo pháp luật hợp đồng của Đức, Nhật, Anh, Hoa Kỳ…, hợp đồng cũng bị vô hiệu nếu vi phạm các quyền cơ bản được quy định trong Hiến pháp (ví dụ: Pháp luật hợp đồng của Đức quy định hợp đồng bị coi là trái pháp luật và bị vô hiệu khi vi phạm quyền tự do đi lại, quyền tự do kinh doanh, tự do chính kiến, tự do hôn nhân. Theo pháp luật của Nhật Bản, nếu hợp đồng hạn chế quyền tự do cá nhân, tự do kinh doanh của một bên sẽ bị coi là vi phạm trật tự công cộng, đạo đức xã hội và bị vô hiệu. Theo pháp luật của Anh, Hoa Kỳ, hợp đồng bị coi là trái với các nguyên tắc đạo đức, vi phạm trật tự công cộng và bị vô hiệu khi nó hạn chế tự do sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các hợp đồng vi phạm nguyên tắc tự do cạnh tranh) [51, tr. 64, 162, 292].
Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, pháp luật quy định các trường hợp đặc biệt buộc doanh nghiệp phải ký kết hợp đồng (thường với một bên chủ thể là Nhà nước). Theo pháp luật của Nhật Bản, trong trường hợp có chiến tranh xảy ra, để phân phối các nguồn dự trữ, pháp luật quy định một số doanh nghiệp sản xuất phải bán sản phẩm của mình cho những địa chỉ nhất định, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm (Khoản 2 Điều 3 Luật Kiểm soát lương thực, thực phẩm của Nhật Bản). Trong một số trường hợp, pháp luật hợp đồng của Nhật Bản quy định: người được đề nghị giao kết hợp đồng phải có nghĩa vụ chấp nhận đề nghị đó, ví dụ: các xí nghiệp, cá nhân độc quyền kinh doanh một số lĩnh vực nhất định như: điện, chất đốt, giao thông vận tải... không được từ chối ký kết hoặc chấm dứt hợp đồng nếu không có căn cứ chính đáng [91, tr.490]. ở Trung Quốc, trên cơ sở nhu cầu của mình, Nhà nước ban hành một kế hoạch bắt buộc hoặc đơn hàng mua sắm của Nhà nước, các pháp nhân và tổ chức khác có liên quan phải giao kết hợp đồng mà các quyền và nghĩa vụ của các bên được quy định trong các luật và quy định hành chính liên quan (Điều 38 Luật Hợp đồng của Trung Quốc). ở một số lĩnh vực kinh tế do Nhà nước thực hiện chính sách độc quyền, một số hàng hoá, dịch vụ trong xã hội chỉ có thể mua được từ một nhà cung cấp và thường là các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế nhà nước. Tuy nhiên, để bảo vệ người tiêu dùng, chống lại việc lạm dụng độc quyền nhà nước, pháp luật quy định những doanh nghiệp này có nghĩa vụ phải giao kết hợp đồng với bất kỳ ai có yêu cầu chính đáng, trong giới hạn của hàng hoá, dịch vụ sẵn có [21, tr.103].
- Các quy tắc bắt buộc hạn chế quyền tự do lựa chọn đối tác hợp đồng:
Nhìn chung, pháp luật hợp đồng được xây dựng trên cơ sở các quy phạm tuỳ nghi, tức là chỉ áp dụng khi các bên không thoả thuận. Tuy nhiên, pháp luật hợp đồng cũng quy định một số nguyên tắc, quy định mang tính bắt buộc trong giao kết hợp đồng. Tính bắt buộc của pháp luật thể hiện ở chỗ, trong giao kết hợp đồng, các bên phải tuân theo một số nguyên tắc, quy định pháp luật mà các bên không thể loại trừ hay sửa đổi chúng theo thoả thuận của mình. Trong trường hợp các bên không tuân theo các quy định bắt buộc này thì hợp đồng sẽ bị vô hiệu. Nhìn chung, pháp luật các nước thường đưa ra các quy tắc bắt buộc trong giao kết hợp đồng ở các lĩnh vực như: Pháp luật về bảo hiểm, pháp luật phá sản, pháp luật chống độc quyền; pháp luật về giá cả… Ví dụ: theo pháp luật bảo hiểm, chủ xe cơ giới buộc phải ký hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự với công ty bảo hiểm. Luật Phá sản nghiêm cấm chủ doanh nghiệp ký hợp đồng bán tài sản của doanh nghiệp trong giai đoạn sau khi Toà án thụ lý hồ sơ, mở thủ tục giải quyết phá sản doanh nghiệp. Pháp luật cạnh tranh nghiêm cấm việc các thoả thuận mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp dẫn đến độc quyền (ví dụ: theo Đạo luật Cạnh tranh năm 1980 của Anh, việc mua bán toàn bộ hoặc một phần doanh nghiệp, mua bán cổ phiếu, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp dẫn đến một doanh nghiệp sau khi mua bán chiếm thị phần trên 25 % hoặc quy mô doanh thu 5 triệu bảng trở lên dẫn đến độc quyền, thì có thể sẽ bị cấm thực hiện. ở Pháp, con số này là 25% doanh số bán hàng trên thị trường hoặc 7 tỷ frăng. Croatia quy định doanh thu bán hàng của tất cả các thương nhân tham gia hợp nhất vượt 700 triệu Kunaso so với trước khi hợp nhất thì sẽ bị cấm…). Pháp luật nghiêm cấm các công ty ._.ác biện pháp cơ bản ở tầm vĩ mô như: điều hoà cung - cầu giữa hàng hoá trong nước, giữa các vùng, miền và hàng hoá xuất, nhập khẩu; mua vào, bán ra hàng dự trữ, kiểm soát hàng tồn kho; kiểm soát các yếu tố hình thành giá; trợ giá trong trường hợp cần thiết đối với một số hàng hoá, dịch vụ thiết yếu đối với đời sống xã hội…
Bốn là, thực hiện việc đưa giá trong nước xích gần với giá thế giới, nhằm xoá bao cấp đầu vào cho nền kinh tế (đối với hàng nhập khẩu), thúc đẩy tiết kiệm và sử dụng vật tư có hiệu quả, đồng thời làm cho tiêu chuẩn, hiệu quả của giá cũng bộc lộ đầy đủ theo cơ chế thị trường.
3.2.6. Nội luật hoá các nguyên tắc, quy phạm, tập quán quốc tế trong quan hệ hợp đồng
Hiện nay, Việt Nam đã gia nhập các tổ chức và các diễn đàn kinh tế quốc tế và khu vực như: WTO, APEC, AFTA… Quá trình này đặt ra nhiều vấn đề hoàn thiện pháp luật thương mại cũng như pháp luật về hợp đồng để thực hiện các cam kết quốc tế và phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong giao lưu thương mại. Điều này đòi hỏi sự tương thích giữa các quy định về quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại của nước ta so với pháp luật và tập quán quốc tế. Cần nghiên cứu khả năng áp dụng các tập quán quốc tế, án lệ trong quá trình áp dụng pháp luật và giải quyết tranh chấp hợp đồng trong hoạt động thương mại theo các quy định mà Việt Nam đã cam kết. Để đáp ứng yêu cầu này, tôi cho rằng cần giải quyết các vấn đề sau:
Một là, nghiên cứu xây dựng và áp dụng các chế định, nguyên tắc và thông lệ quốc tế về giao kết hợp đồng nhằm hoàn thiện pháp luật về hợp đồng ở nước ta. Sau khi Nhà nước ban hành Bộ luật Dân sự (2005), Luật Thương mại (2005), pháp luật hợp đồng nước ta được hoàn thiện theo hướng ngày càng phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay một số quy định vẫn chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, do vậy, cần nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các quy định này, như: quy định về nguyên tắc công bằng, nguyên tắc bình đẳng trong giao kết hợp đồng thương mại; vấn đề điều chỉnh pháp lý đối với “điều kiện thương mại chung”, vấn đề về trách nhiệm của nhà sản xuất, kinh doanh đối với hàng hoá, dịch vụ do mình cung cấp…
Hai là, cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu lập pháp để tiếp nhận và áp dụng các giá trị pháp luật, các quy tắc, tập quán quốc tế trong quan hệ hợp đồng và giao lưu thương mại qua nhiều kênh tiếp nhận khác nhau, như: áp dụng trực tiếp các điều ước quốc tế có hiệu lực đối với Việt Nam; nội luật hoá các cam kết, hiệp định pháp lý, điều ước quốc tế song phương và đa phương; tiếp nhận thông qua thực tiễn áp dụng pháp luật trong quá trình hội nhập các tổ chức ASEAN, WTO …
Ba là, cần nghiên cứu hoàn thiện pháp luật bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại ở nước ta thông qua việc tiếp nhận các luật mẫu liên quan đến hợp đồng của các tổ chức quốc tế (như: Bộ Các nguyên tắc cơ bản về hợp đồng thương mại quốc tế của Unidroit, Luật Mẫu về trọng tài thương mại...); tiếp nhận các điều lệ của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế trong các lĩnh vực cung cấp hàng hoá, dịch vụ như: vận tải hàng hải, hàng không, bảo hiểm... Các quy định này đóng một vai trò quan trọng trong việc hài hoà hoá pháp luật giữa các quốc gia.
Bốn là, cần tăng cường tính minh bạch của pháp luật trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là một trong những yêu cầu quan trọng khi chúng ta tham gia WTO. Để thực hiện việc này, pháp luật hợp đồng của Việt Nam, nhất là các đạo luật chuyên ngành điều chỉnh các hoạt động thương mại đặc thù phải bảo đảm sự nhất quán, công khai, dễ tiếp cận đối với các doanh nghiệp và người dân, phải bảo đảm tính tin cậy, ổn định và dự đoán trước được [67, tr.16]. Đồng thời, hạn chế đến mức tối đa việc ban hành các văn bản pháp quy, văn bản quản lý hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan hành pháp can thiệp vào các quan hệ tài sản, hợp đồng trong nền kinh tế.
Năm là, trong quá trình thực thi, áp dụng pháp luật, cần nghiên cứu việc áp dụng án lệ, tập quán quốc tế, các học thuyết pháp lý trong quá trình giải quyết các tranh chấp hợp đồng thương mại. Việc nghiên cứu áp dụng các học thuyết pháp lý có vai trò ngày càng quan trọng nhằm giải thích các nguyên lý pháp luật. Nhưng ở nước ta, việc này còn có những hạn chế. Trong lĩnh vực hợp đồng, các học thuyết liên quan đến quyền tự do thoả thuận, tự do ý chí, về xác lập hợp đồng, hình thức hợp đồng, hiệu lực hợp đồng... có vai trò quan trọng trong việc xác định quan hệ hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên, nhằm bảo vệ một cách khoa học, hợp lý quyền lợi của các bên liên quan trong quan hệ hợp đồng.
Kết luận chương 3
1. Qua nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn cho thấy việc hoàn thiện pháp luật hợp đồng nhằm bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại ở nước ta cần dựa trên những định hướng và quan điểm thống nhất, có cơ sở khoa học và khả thi. Điều này đòi hỏi pháp luật hợp đồng của Việt Nam phải bảo đảm tính thống nhất trong việc bảo vệ quyền tự do hợp đồng, từ các quy định của Bộ luật Dân sự với vai trò là luật chung đến các quy định của Luật Thương mại và các luật chuyên ngành với vai trò là luật chuyên ngành, từ việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật đến thực tiễn áp dụng pháp luật về hợp đồng và hoạt động xét xử của Toà án.
2. Phương hướng hoàn thiện pháp luật nhằm bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại ở Việt Nam cần bảo đảm những nội dung sau: phù hợp đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về yêu cầu xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam; Bảo đảm tính thống nhất, nhất quán của pháp luật quy định về quyền tự do hợp đồng; phải đặt trong giải pháp tổng thể hoàn thiện pháp luật về hợp đồng và pháp luật về thương mại, kinh doanh và đáp ứng yêu cầu hội nhập của nền kinh tế.
3. Giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật quy định về quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại cần tập trung giải quyết những vấn đề chủ yếu sau: (i) Hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại bao gồm cả việc xây dựng hệ thống các nguyên tắc áp dụng pháp luật về hợp đồng; (ii) Xây dựng cơ sở pháp lý điều chỉnh “các điều kiện thương mại chung” trái pháp luật; (iii) Sửa đổi một số quy định trong Bộ Luật Dân sự (2005) nhằm bảo đảm đầy đủ hơn nội dung quyền tự do hợp đồng; (iv) Sửa đổi một số quy định của Luật Thương mại (2005) và các quy định về hợp đồng trong các văn bản pháp luật chuyên ngành, nhằm bảo đảm sự phù hợp, thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự (2005);(v) sửa đổi Pháp lệnh Giá (2002) và (vi) Nội luật hoá các nguyên tắc, quy phạm, tập quán quốc tế trong quan hệ hợp đồng.
4. Bên cạnh các giải pháp về xây dựng và hoàn thiện pháp luật, cũng cần đề cao hiệu quả, vai trò hoạt động của Thẩm phán trong hoạt động xét xử các hành vi vi phạm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại. Trong đó, việc quy định cho Thẩm phán quyền giải thích pháp luật hợp đồng và thừa nhận án lệ là nguồn bổ trợ cho pháp luật hợp đồng là rất cần thiết.
Kết luận
1. Theo quan niệm truyền thống, tự do hợp đồng là một nguyên tắc cơ bản của pháp luật hợp đồng. Mặc dù ra đời trên cơ sở nguyên tắc tự do ý chí với việc đề cao một cách tuyệt đối quyền tự do, dân chủ cá nhân trong xã hội tư bản cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, nhưng thực tế phát triển của hợp đồng và pháp luật hợp đồng qua hơn 200 năm đã khẳng định cả về mặt lý luận và thực tiễn: không thể có công bằng và công lý trong quan hệ hợp đồng, nếu như quyền tự do hợp đồng được thừa nhận tuyệt đối, đặt ngoài sự tác động của Nhà nước. Bởi vì, việc quyền tự do hợp đồng được thừa nhận một cách tuyệt đối dẫn đến nguy cơ bị "mất tự do hợp đồng", do bên thế mạnh thường lạm dụng ưu thế của mình để đưa ra những điều khoản bất lợi cho bên ở vào vị trí thế yếu nhằm mục đích hoặc có hậu quả làm hạn chế quyền tự do hợp đồng của các chủ thể khác.
2. Xu hướng phát triển của pháp luật hợp đồng các nước trên thế giới và Việt Nam cho thấy, với mục đích bảo đảm công bằng trong quan hệ hợp đồng, lợi ích chung của xã hội và trật tự công cộng, Nhà nước cần tác động vào quan hệ hợp đồng thông qua con đường: ban hành các văn bản pháp luật bảo đảm quyền tự do hợp đồng, thông qua hoạt động quản lý của các cơ quan hành pháp và thông qua hoạt động xét xử của Toà án. Sự tác động của Nhà nước xuất phát từ cơ sở nhằm bảo vệ quyền tự do hợp đồng, bảo vệ lẽ công bằng trong quan hệ hợp đồng, chống lại các hành vi lạm dụng quyền tự do hợp đồng của bên có vị trí thế mạnh nhằm mục đích hoặc có hậu quả làm hạn chế quyền tự do hợp đồng của các chủ thể khác, bảo vệ trật tự công công và lợi ích chung của xã hội.
3. Pháp luật quy định nội dung quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại bao gồm: quyền quyết định lựa chọn đối tác ký kết, quyền tự do thoả thuận nội dung các điều khoản hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên; quyền lựa chọn hình thức hợp đồng và quyền quyết định giải quyết tranh chấp hợp đồng.
Tuỳ thuộc vào những điều kiện kinh tế - xã hội ở mỗi nước, các nội dung trên của quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại được thể hiện ở những mức độ khác nhau do bị chi phối bởi các yếu tố: chế độ sở hữu, cơ chế quản lý kinh tế và yếu tố hội nhập quốc tế. Do vậy, việc Nhà nước bảo đảm sự đa dạng các hình thức sở hữu, tôn trọng tính thị trường trong việc thực hiện cơ chế quản lý kinh tế của Nhà nước; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế… là các cơ sở có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại. Bởi vì, việc xây dựng một hệ thống pháp luật bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại phù hợp cơ chế thị trường có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm sự tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội.
4. ở Việt Nam, quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại có quá trình phát triển qua từng giai đoạn phù hợp với những đặc thù của hoàn cảnh kinh tế - xã hội. Trong thời kỳ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, do bị chi phối bởi chế độ sở hữu và cơ chế quản lý kinh tế quan liêu bao cấp, quyền tự do hợp đồng không được tôn trọng đã làm cho các quan hệ kinh tế, thương mại kém phát triển, nền kinh tế rơi vào khủng hoảng. Khi chuyển sang phát triển nền kinh tế thị trường, quyền tự do hợp đồng của các chủ thể được pháp luật từng bước bảo đảm. Thực tiễn phát triển kinh tế đất nước hơn 20 năm qua đã chứng minh cho việc Nhà nước đưa ra các quy định pháp luật bảo vệ quyền tự chủ của doanh nghiệp và quyền tự do hợp đồng đã góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế.
5. Nghiên cứu thực trạng quyền tự do hợp đồng trong pháp luật hợp đồng Việt Nam cho thấy:
Hiện nay, quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại được quy định trong Bộ luật Dân sự (2005), Luật Thương mại (2005) và các văn bản pháp luật chuyên ngành. Trong đó, Bộ luật Dân sự (2005) đóng vai trò là luật chung, quy định những những vấn đề chung, có tính khái quát về hợp đồng, quyền tự do hợp đồng. Luật Thương mại (2005) và các văn bản luật chuyên ngành khác với vai trò là luật chuyên ngành, quy định các điểm đặc thù về hợp đồng thương mại trong những lĩnh vực thương mại đặc thù.
Bên cạnh tính thống nhất của hệ thống pháp luật về hợp đồng, hệ thống pháp luật về hợp đồng còn bộc lộ những hạn chế ảnh hưởng đến quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại, như: i) pháp luật hợp đồng nước ta còn thiếu các quy định bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại, nhất là các quy định xử lý các hợp đồng mẫu, "điều khoản thương mại chung" do các doanh nghiệp (thường là doanh nghiệp độc quyền) đưa ra vi phạm nguyên tắc tự do hợp đồng và nguyên tắc "công bằng" trong quan hệ hợp đồng; ii) nhiều quy định của Bộ Luật Dân sự (2005) còn hạn chế quyền tự do hợp đồng, nhất là quy định về hình thức hợp đồng, nội dung hợp đồng…; iii) sự thiếu thống nhất, mâu thuẫn và những hạn chế của các văn bản pháp luật chuyên ngành so với các quy định của Bộ luật Dân sự (2005) trong việc bảo đảm quyền tự do hợp đồng như các quy định về hợp đồng trong các văn bản: Luật Kinh doanh bảo hiểm (2000), Luật Điện lực (2004), Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông (2002), Pháp lệnh Giá (2002); iv) việc chưa quy định cho Thẩm phán có quyền giải thích pháp luật hợp đồng trong quá trình xét xử và thừa nhận án lệ là nguồn của pháp luật hợp đồng cũng là một hạn chế làm ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong thực tiễn…
6. Việc tiếp tục hoàn thiện pháp luật về hợp đồng nhằm bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại ở nước ta là yêu cầu khách quan và là một quá trình, đòi hỏi phải được tiến hành dựa trên những cơ sở khoa học. Qua việc phân tích những vấn đề lý luận cơ bản của quyền tự do hợp đồng và thực trạng quyền tự do hợp đồng ở nước ta hiện nay, luận án đã trình bầy phương hướng hoàn thiện pháp luật hợp đồng nhằm bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại ở Việt Nam bao gồm những điểm sau: i) phù hợp đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về yêu cầu xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam; ii) Bảo đảm tính thống nhất, nhất quán của pháp luật quy định về quyền tự do hợp đồng; iii) Hoàn thiện pháp luật nhằm bảo đảm quyền tự do hợp đồng phải đặt trong giải pháp tổng thể hoàn thiện pháp luật về hợp đồng và pháp luật về thương mại, kinh doanh; iv) Đáp ứng yêu cầu hội nhập của nền kinh tế.
Luận án đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật quy định về quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại. Các giải pháp này tập trung giải quyết những vấn đề chủ yếu sau: i) Hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại bao gồm cả việc xây dựng hệ thống các nguyên tắc áp dụng pháp luật về hợp đồng, quy định cho Thẩm phán có quyền giải thích pháp luật hợp đồng và thừa nhận án lệ là nguồn bổ sung trong giải thích và áp dụng pháp luật trong lĩnh vực hợp đồng; ii) Xây dựng cơ sở pháp lý điều chỉnh “các điều kiện thương mại chung”; iii) Sửa đổi các quy định trong Bộ Luật Dân sự (2005) nhằm bảo đảm đầy đủ hơn nội dung quyền tự do hợp đồng, nhất là quy định về hình thức, nội dung hợp đồng; iv) sửa đổi một số quy định của Luật Thương mại (2005) và các quy định về hợp đồng trong các văn bản pháp luật chuyên ngành (bao gồm: Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Điện lực, Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông), nhằm bảo đảm sự phù hợp, thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự (2005) trong việc bảo đảm quyền tự do hợp đồng của các chủ thể; v) sửa đổi Pháp lệnh Giá (2002) và vi) nội luật hoá các nguyên tắc, quy phạm, tập quán quốc tế trong quan hệ hợp đồng.
Hoàn thiện pháp luật bảo đảm quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại ở Việt Nam là một vấn đề phức tạp về cả lý luận và thực tiễn. Việc xác định các vấn đề chủ yếu làm cơ sở khoa học và thực tiễn để chỉ ra phương hướng và các giải pháp là một công việc cấp bách cũng như lâu dài và gồm nhiều nội dung liên quan. Các vấn đề khác liên quan đến quyền tự do hợp đồng trong hoạt động thương mại ở Việt Nam như: sở hữu, quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh,… là những vấn đề đặc thù cần được tiếp tục nghiên cứu luận giải ở các công trình khoa học pháp lý khác./.
Danh mục các công trình nghiên cứu của tác giả liên quan đến luận án đã được công bố
1. Phạm Hoàng Giang (2006), "Sự phát triển của pháp luật hợp đồng: từ nguyên tắc tự do hợp đồng đến nguyên tắc công bằng", Tạp chí Nhà nước và pháp luật, (10).
2. Phạm Hoàng Giang (2007), "Một số vấn đề về vai trò của Toà án và án lệ đối với sự phát triển của pháp luật hợp đồng", Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, (2); Tạp chí Toà án nhân dân, (3).
3. Phạm Hoàng Giang (2007), "Một số vấn đề về hình thức hợp đồng và ảnh hưởng của hình thức hợp đồng đến hiệu lực của hợp đồng", Tạp chí Nhà nước và pháp luật, (3).
Danh mục tài liệu tham khảo
A. Tài liệu tiếng Việt
Nguyễn Mạnh Bách (1995), Pháp luật về hợp đồng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Nguyễn Mạnh Bách (1998), Nghĩa vụ dân sự trong Luật Dân sự Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Nguyễn Mạnh Bách (2004), Luật dân sự Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Bộ Tư pháp (2004), Tờ trình Chính phủ của Bộ Tư pháp về việc sửa đổi Bộ luật Dân sự (1995).
Corinne Renault (2002), Đại cương về pháp luật hợp đồng, Nxb Văn hoá - thông tin, Hà Nội.
Bùi Ngọc Cường, Hoàn thiện pháp luật kinh tế bảo đảm quyền tự do kinh doanh, Luận án tiến sĩ Luật học, Hà Nội.
Bùi Ngọc Cường (2004), Một số vấn đề về quyền tự do kinh doanh trong pháp luật kinh tế hiện hành ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Nguyễn Văn Cường, Tưởng Duy Lượng (2005), Một vài vấn đề giải quyết tranh chấp tại Toà án liên quan đến hợp đồng kinh tế, dân sự, thương mại - Những khó khăn và vướng mắc, Báo cáo tham luận tại Hội thảo Khoa học "Pháp luật hợp đồng dân sự, kinh tế, thương mại - Những điểm tương đồng và khác biệt", Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp.
Diễn đàn doanh nghiệp (VCCI) - Câu lạc bộ Luật gia Việt - Đức (2003), Tài liệu hội thảo về xử lý hợp đồng vô hiệu, Hà Nội.
Trần Ngọc Dũng (2002), "Hệ thống pháp luật kinh tế trong nền kinh tế thị trường - Thực trạng và phương hướng hoàn thiện", Tạp chí Luật học, (4).
Trần Ngọc Dũng (2004), "Giải quyết tranh chấp kinh tế theo phương thức thương lượng, hoà giải", Tạp chí Luật học, (1).
Lưu Tiến Dũng (2006), "Vai trò của án lệ ở các nước theo hệ thống pháp luật án lệ (Common law) và các nước theo hệ thống dân luật (Civil law)", Tạp chí Toà án nhân dân, (1).
Dự án hỗ trợ thương mại Đa Biên (2006), Hỏi đáp về WTO, Hà Nội.
Dự án Star - Vietnam (2002), Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ Sự tác động tới Luật Thương mại.
Dự án Star - Vietnam (2004), Bình luận về dự thảo Luật Thương mại (sửa đổi).
Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Nguyễn Ngọc Điện (2005), Bình luận các hợp đồng thông dụng trong Bộ luật Dân sự Việt Nam, Nxb Trẻ thành phố Hồ Chí Minh.
Francis Lemnnier (1993), Nguyên lý và thực hành Luật Thương mại, Luật Kinh doanh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Phạm Hoàng Giang (2007), “Một số vấn đề về hình thức hợp đồng và ảnh hưởng của hình thức hợp đồng đến hiệu lực của hợp đồng”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, (3).
Phạm Hoàng Giang (2003), "Bản chất của hành vi cạnh tranh không lành mạnh và độc quyền trong pháp luật cạnh tranh", Tạp chí Nhà nước và pháp luật, (4).
Phạm Hoàng Giang (2003), "Pháp luật kiểm soát độc quyền: Đối tượng điều chỉnh và cơ chế bảo đảm thi hành", Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, (2).
Phạm Hoàng Giang (2006), "Sự phát triển của pháp luật hợp đồng: từ nguyên tắc tự do hợp đồng đến nguyên tắc công bằng", Tạp chí Nhà nước và pháp luật, (10).
Phạm Hoàng Giang (2007), "Vai trò của Toà án và án lệ với sự phát triển của pháp luật hợp đồng", Tạp chí Nghiên cứu lập pháp (2).
Nguyễn Linh Giang (2005), "án lệ trong hệ thống pháp luật một số nước trên thế giới", Tạp chí Nhà nước và pháp luật, (12).
Lê Hồng Hạnh (2000), "Khái niệm thương mại trong pháp luật Việt Nam và những bất cập dưới góc độ thực tiễn áp dụng và chính sách hội nhập", Tạp chí Luật học, (2).
Lê Hồng Hạnh (chủ biên) (2002), Những nền tảng pháp lý cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Trung tâm học liệu - ĐHSP, Hà Nội.
Lê Hồng Hạnh (2003), "Chế định hợp đồng kinh tế - Tồn tại hay không tồn tại", Tạp chí Luật học, (3).
Lê Hồng Hạnh (2003), "Bàn thêm về hoàn thiện pháp luật kinh tế ở Việt Nam hiện nay", Tạp chí Nhà nước và pháp luật, (4).
Lê Hồng Hạnh (2006), "Gia nhập WTO - Thách thức về mặt pháp luật và những điều cần quan tâm", Tạp chí Dân chủ và pháp luật, (11).
Trần Đình Hảo (2000), "Hoà giải, thương lượng trong việc giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế", Tạp chí Nhà nước và pháp luật, (1).
Nguyễn Thuý Hiền (2006), "Những quy định nghĩa vụ dân sự và hợp đồng trong Bộ luật Dân sự 2005", Tạp chí Dân chủ và pháp luật, Số chuyên đề về BLDS 2005.
Nguyễn Am Hiểu (1996), Hoàn thiện Luật Kinh tế ở Việt Nam trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Luận án Phó tiến sĩ Luật học, Hà Nội.
Nguyễn Am Hiểu, Quản Thị Mai Hường (2000), Tìm hiểu pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hoá và đại diện thương mại, Nxb Đà Nẵng.
Nguyễn Am Hiểu (2004), "Một số vấn đề liên quan đến việc sửa đổi pháp luật Việt Nam về hợp đồng", Tạp chí Nhà nước và pháp luật, (4).
Nguyễn Am Hiểu (2004), "Hoàn thiện pháp luật về biện pháp bảo đảm nhìn từ quyền tự do hợp đồng", Tạp chí Dân chủ và pháp luật, (7).
Nguyễn Am Hiểu, Về pháp luật hợp đồng trong Bộ luật Dân sự, http//www.vibonline.com.vn/vi-VN/Topic Deltai aspx?TopicID241.
Phan Chí Hiếu (2005), "Hoàn thiện chế định hợp đồng", Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, (4).
Dương Đăng Huệ (2005), Pháp luật về hợp đồng và giải quyết tranh chấp hợp đồng - Thực trạng và phương hướng hoàn thiện, Báo cáo tham luận tại Hội thảo về Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Dương Đăng Huệ (2002), "Hoàn thiện pháp luật về hợp đồng ở Việt Nam", Tạp chí Nhà nước và pháp luật, (6).
Dương Đăng Huệ (2005), "Một số vấn đề về sở hữu ở nước ta hiện nay", Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, (4).
Trần Hữu Huỳnh (2004), Pháp luật hợp đồng hiện hành - Những vấn đề đặt ra đối với Thẩm phán, doanh nghiệp, Trọng tài viên, Báo cáo tham luận tại Hội thảo pháp luật về hợp đồng ngày 29/4/2004, Hà Nội.
Nguyễn Ngọc Khánh (2006), "Hợp đồng: Thuật ngữ và khái niệm", Tạp chí Nhà nước và pháp luật, (8).
Triệu Quang Khánh (2006), "Việc sử dụng án lệ trong hệ thống pháp luật dân sự", Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, (7).
Vũ Đức Khiển (2004), "Việc sử dụng thực tiễn xét xử trong hoạt động giải thích pháp luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội - Quy định của pháp luật và thực tiễn triển khai", Báo cáo tham luận tại Hội thảo khoa học "Vai trò của thực tiễn xét xử trong việc hoàn thiện và áp dụng thống nhất pháp luật", Thông tin Khoa học pháp lý, Viện Khoa học Pháp lý - Bộ Tư pháp, (8).
Đào Đăng Kiên (2002) “Hợp đồng hành chính trong quản lý nhà nước về kinh tế”, Tạp chí nghiên cứu Kinh tế (7).
V.I.Lênin (1989), Toàn tập, Tập 36, Nxb Sự thật, Hà Nội.
Hoàng Thế Liên, Phạm Hữu Nghị, Trần Hữu Huỳnh (1993), Hợp đồng kinh tế và vấn đề giải quyết tranh chấp kinh tế ở nước ta hiện nay, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh.
C.Mác (1973), Tư bản, Quyển 1, Tập 1, Nxb Sự thật, Hà Nội.
Merrishima Akio (2000), "Nguyên lý của Luật Hợp đồng và Bộ luật Dân sự Nhật Bản", Tạp chí Thông tin khoa học pháp lý, (2), Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp, Hà Nội, tr.47-57.
Nguyễn Thị Mơ (2002), Hoàn thiện pháp luật về thương mại và hàng hải trong điều kiện Việt Nam hội nhập kinh tế, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Michel Fromont (2001), Các hệ thống pháp luật cơ bản trên thế giới, Nxb Tư pháp, Hà Nội.
"Năm sau sẽ thả nổi giá xăng" (3/3/2006), http:/www.vnexpress.net/ Vietnam/kinh-doanh/2006/03/3 B9E7461/.
"Người tiêu dùng xăng dầu bị "móc túi" 540 tỷ đồng/năm" (10/11/2006), http:/www.dantri.com.vn/news/printview.aspx? ID=146047.
Phạm Hữu Nghị (1996), Chế độ hợp đồng trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam giai đoạn hiện nay, Luận án Tiến sĩ Luật học, Hà Nội.
Phạm Hữu Nghị (2005), Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và vấn đề cải cách pháp luật hợp đồng ở Việt Nam, Tạp chí Nhà nước và pháp luật (4).
Phạm Hữu Nghị, Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và vấn đề cải cách pháp luật hợp đồng ở Việt Nam, http//www.vibonline. com.vn/vi-VN/Topic Deltai aspx? TopicID251.
Phạm Duy Nghĩa (2000), "Pháp luật thương mại của Việt Nam trước thách thức của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế", Tạp chí Nhà nước và pháp luật, (6).
Phạm Duy Nghĩa (2002), "Quyền tài sản trong cải cách kinh tế: quan niệm, một vài bài học nước ngoài và kiến nghị", Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, (11).
Phạm Duy Nghĩa (2003), "Điều chỉnh thông tin bất cân xứng và quản lý rủi ro trong pháp luật hợp đồng Việt Nam", Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, (5).
Phan Thảo Nguyên (2005), "Về hợp đồng mẫu trong cung ứng thương mại, dịch vụ", Tạp chí Nhà nước và pháp luật, (4).
Nhà pháp luật Việt - Pháp (1997), Tài liệu hội thảo sự phát triển của Luật Dân sự và Luật Thương mại, Hà Nội.
Nhà pháp luật Việt - Pháp (2004), Tài liệu hội thảo 200 năm Bộ luật Dân sự của Pháp, Hà Nội.
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia (1993), Những quy định chung của Luật hợp đồng ở Pháp, Đức, Anh, Hoa Kỳ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia (1993), Luật mua bán hàng hoá quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Nguyễn Như Phát (2003), "Điều kiện thương mại chung và nguyên tắc tự do khế ước", Tạp chí Nhà nước và pháp luật, (6).
Nguyễn Như Phát (2005), Vấn đề áp dụng điều kiện thương mại chung trong quan hệ hợp đồng, Báo cáo tham luận tại Hội thảo về Bộ luật Dân sự (sửa đổi) tại Bộ Tư pháp, Hà Nội.
Nguyễn Như Phát (2005), "Minh bạch hoá pháp luật và yêu cầu đặt ra đối với hệ thống pháp luật trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế", Tạp chí Nhà nước và pháp luật, (1).
Cao Xuân Phong (2005), Một số quy định pháp luật về hợp đồng của Hoa Kỳ và khả năng vận dụng vào pháp luật Việt Nam, Báo cáo tham luận tại Hội thảo khoa học về pháp luật về hợp đồng dân sự, kinh tế, thương mại - Những điểm tương đồng, khác biệt và giải pháp hoàn thiện, Viện Khoa học Pháp lý - Bộ Tư pháp ngày 05/4/2005, Hà Nội, tr.69-80.
Tào Hữu Phùng (2002), "Pháp luật kinh tế trong thời kỳ đổi mới: Thực trạng và phương hướng hoàn thiện", Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, (7).
Đinh Mai Phương (2005), "Đổi mới pháp luật về hợp đồng ở Việt Nam hiện nay - Những yêu cầu về mặt lý luận và thực tiễn", Tạp chí Nhà nước và pháp luật, (4).
Đinh Mai Phương (2005), Thống nhất Luật Hợp đồng ở Việt Nam, Nxb Tư pháp, Hà Nội.
Nguyễn Văn Thạo, Nguyễn Hữu Đạt (đồng chủ biên) (2004), Một số vấn đề về sở hữu ở nước ta hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Lê Thị Bích Thọ (2002), "Hình thức hợp đồng kinh tế và điều kiện có hiệu lực của hợp đồng", Tạp chí Luật học, (2).
Lê Thị Bích Thọ (2002), "Hợp đồng kinh tế vô hiệu và hậu quả pháp lý của hợp đồng kinh tế vô hiệu", Luận án Tiến sĩ Luật học, Hà Nội.
Trần Hậu Thự (1994), Vai trò quản lý của nhà nước về giá trong nền kinh tế thị trường ở nước ta, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Toà án nhân dân tối cao (2001), Báo cáo tổng kết công tác năm 2000 và phương hướng năm 2001 của ngành Toà án, Hà Nội.
Toà án nhân dân tối cao, Báo cáo tổng kết công tác năm 2005 và phương hướng năm 2006 (tr.17); Báo cáo tổng kết công tác năm 2003 và phương hướng năm 2004 (tr.23) của ngành Toà án, Hà Nội.
Toà án nhân dân tối cao (2004), "Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao năm 2003-2004 - Quyển 1 (Các quyết định giám đốc thẩm về dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động", Đặc san của Tạp chí Toà án nhân dân.
Toà án Liên bang Đức (1923), Quyết định của Toà án Liên bang Đức ngày 28/11/1923, Thuyết về trường hợp không dự tính được.
Trung tâm Từ điển học, Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng.
Trường Đại học Luật Hà Nội (2002), Giáo trình Luật Kinh tế, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
Trường Đại học Luật Hà Nội (2002), Giáo trình Luật Thương mại, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
Trường Đại học Luật Hà Nội (2003), Giáo trình Luật Dân sự, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
Trường Đại học Luật Hà Nội (2003), Giáo trình Luật La Mã, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (2002), “50 phán quyết trọng tài quốc tế chọn lọc”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Unidroit (1999), Các nguyên tắc hợp đồng thương mại quốc tế 1994, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
Unidroit (2005), Bộ nguyên tắc của Unidroit về hợp đồng thương mại quốc tế 2004, Nxb Tư pháp, Hà Nội.
Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước (1990), Kế hoạch hoá kinh doanh và hợp đồng kinh tế, Nxb Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Hà Nội.
Uỷ ban Quốc gia về hợp tác quốc tế, Chương trình hỗ trợ Việt Nam hội nhập quốc tế (2004), Tài liệu hội thảo Luật Thương mại (sửa đổi).
Văn phòng Quốc hội (2006), Báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động của Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đến hoạt động lập pháp của Quốc hội, Tài liệu toạ đàm đánh giá tác động của Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đến hệ thống pháp luật Việt Nam do Bộ Tư pháp và Dự án Star Việt Nam tổ chức, Hạ Long tháng 8/2006.
Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp (1995), Bình luận khoa học pháp lý Bộ luật Dân sự Nhật Bản, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp (1998), "Chuyên đề về đánh giá thực trạng và nhu cầu phát triển khung pháp luật Việt Nam đến năm 2010", Thông tin khoa học pháp lý, (2).
Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp (1998), "Chuyên đề về giao kết trục lợi trong kinh doanh", Thông tin khoa học pháp lý, (11).
Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp (2000), "Chuyên đề nghiên cứu so sánh pháp luật về hợp đồng giữa Việt Nam và Nhật Bản", Thông tin khoa học pháp lý, (2).
Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp (2000), "Chuyên đề một số vấn đề sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự Việt Nam", Thông tin khoa học pháp lý (11+12).
Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp (2005), Tài liệu hội thảo khoa học "Pháp luật về hợp đồng dân sự, kinh tế, thương mại - Những điểm tương đồng, khác biệt và phương hướng hoàn thiện", Hà Nội.
Viện Khoa học pháp lý - Bộ Tư pháp (2004), "Chuyên đề về vai trò của thực tiễn xét xử trong việc hoàn thiện và áp dụng thống nhất pháp luật", Thông tin khoa học pháp lý, (8).
Nguyễn Văn Yểu (2004), "Xây dựng luật, pháp lệnh đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế", Báo Nhân dân ngày 7/4/2004.
B. Tài liệu tiếng Anh
E.Allou Farnsworth, Alfred Mc Carmack (1991), United States Contract law, Transnational juris publications, New York.
Paul B. Maloney (2000), The Guman law and Economic Growth: Heayek Might be Right, University of Virginia School law/ http:/papers.ssrn. taf? abstract-id=206809.
William J.Robert, N. Cerley, Essel R.Dullavou, Chartles G.Hawrd ( ), Principles of Business Law, Eighth Edition - Prentice Hall, tr.109.
C. Tài liệu tiếng Pháp
BoirisStarck, Henri Roland (1993), Obligations (2. Contrat), éditon Litec.
Denis Mazeaud (2005), Revue des Contrats, LGDJ.
Francois Collart Dutilleul (2001), Contrats civils et commerciaux, Dalloz.
Jean Calais-Auloy (1990), Propositions pour un code de la consommation, La documentation francaise.
Loicienne Topor (1994), Les Contrats, édition Litec.
Martine Lambard et Gilles Dumont (2005), Droit Administratif, Dalloz.
Sophie Schiller (2002), Les limites de la liberté contractuelle en droit des sociétés, LGDJ.
._.