Đặt vấn Đề
Đất đai là tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá, là kết quả của quá trình đấu tranh và lao động của nhân dân, là tư liệu sản xuất đặc biệt không gì thay thế được của các ngành sản xuất nông - lâm nghiệp, là nền tảng để phân bổ và xây dựng các ngành kinh tế quốc dân, các khu dân cư, các công trình phục vụ đời sống và sự nghiệp cũng cố quốc phòng. Từ sự nhận thức được vị trí hết sức quan trọng của đất đai, Đảng và Nhà nước ta đã thường xuyên quan tâm tới các vấn đề về đất đai.
Cùn
84 trang |
Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 1354 | Lượt tải: 0
Tóm tắt tài liệu Quy hoạch sử dụng đất của xã Đại Kim đến năm 2020, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
g với sự nghiệp phát triển của đất nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế và quá trình hình thành, phát triển đô thị hoá rất nhanh chóng đã làm cho diện tích đất nông nghiệp đặc biệt là đất canh tác hàng năm ngày càng bị thu hẹp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan môi trường và ảnh hưởng tới vấn đề an toàn lương thực. Do đó, để quản lý và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên góp phần nâng cao đời sống của người dân thì biện pháp đầu tiên là đất đai phải được quy hoạch, sử dụng một cách phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và điều kiện tự nhiên. Mặt khác việc quy hoạch sử dụng đất phù hợp với lòng dân và xu thế phát triển chung của địa phương còn là nền tảng vững chắc nhằm thực hiện tốt kế hoạch phát triển chung của Đảng bộ, chính quyền huyện và Thành phố. Qua quá trình thực tập tại xã Đại Kim, cùng với sự giúp đỡ của các thầy cô giáo trong bộ môn kinh tế & quản lý Địa chính, chị Vũ Thị Lan cán bộ địa chính xã Đại Kim và đặc biệt là sự giúp đỡ tận tình của thầy giáo GS.TSKH. Lê Đình Thắng. Nên em chọn đề tài “quy hoạch sử dụng đất của xã Đại Kim đến năm 2020” làm chuyên đề thực tập tốt nghiệp của mình.
Mục đích nghiên cứu của chuyên đề:
Nghiên cứu cơ sở khoa học của quy hoạch sử dụng đất đai
Nghiên cứu quá trình lập phương án quy hoạch sử dụng đất đai trên thực tế
Đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất đai vào thực tế
Đề tài này được nghiên cứu theo các phương pháp sau:
Phương pháp kết hợp định tính và định lượng
Phương pháp thống kê dự báo
Phương pháp bản đồ
Bố cục chuyên đề gồm 3 phần chính:
Phần I: Cơ sở khoa học của quy hoạch sử dụng đất đai
Phần II: phương án quy hoạch sử dụng đất của xã đến năm 2020
Phần III: Một số giải pháp chủ yếu để thực hiện quy hoạch sử dụng đất đai
Phần I
Cơ sở khoa học của quy hoạch sử dụng đất đai
I. khái niệm và sự cần thiết của quy hoạch sử dụng đất đai
Khái niệm.
Về mặt thuật ngữ, “Quy hoạch” là việc xác định một trật tự nhất định bằng những hoạt động như: Phân bố, bố trí, sắp xếp, tổ chức… Đất đai là một phần lãnh thổ nhất định (vùng đất, khoanh đất, vạc đất, mảnh đất, miếng đất…) có vị trí, hình thể, diện tích với những tính chất tự nhiên hoặc mới tạo thành (đặc tính thổ nhưỡng, điều kiện đại hình, địa chất thuỷ văn, chế độ nước, nhiệt độ, ánh sáng, thảm thực vật, các tính chất lý hóa…), tạo ra những điều kiện nhất định cho việc sử dụng theo các mục đích khác nhau. Vì vậy, để sử dụng đất đạt hiệu quả cao cho các mục đích khác nhau, phù hợp với những điều kiện nhất định đem lại lợi ích cả về kinh tế, xã hội và môi trường của mỗi vùng, mỗi lãnh thổ, mỗi đơn vị hành chính thì cần phải có quá trình nghiên cứu, lao động sáng tạo nhằm xác định ý nghĩa, mục đích của từng phần lãnh thổ và đề xuất một trật tự sử dụng đất nhất định.
Xét về mặt bản chất, đất đai là đối tượng của các mối quan hệ sản xuất trong lĩnh vực sử dụng đất đai (người ta gọi đó là các mối quan hệ đất đai: quan hệ giữa con người với đất đai, quan hệ giữa đất đai với phương thức sản xuất xã hội, quan hệ giữa đất đai với điều kiện kinh tế - xã hội). Như vậy, quy hoạch sử dụng đất đai là một hiện tượng kinh tế xã hội, là một môn khoa học tổng hợp của rất nhiều chủ thể khác nhau thể hiện được đồng thời cả ba tính chất: kinh tế (bằng hiệu quả sử dụng đất); kỹ thuật (các tác nghiệp chuyên môn kỹ thuật như điều tra, khảo sát, xây dựng bản đồ, khoanh định, xử lý số liệu…) và thể hiện tính pháp chế cao (xác định tính pháp lý về mục đích và quyền sử dụng đất nhằm quản lý và sử dụng đất đai theo pháp luật).
Vì vậy có thể định nghĩa “Quy hoạch sử dụng đất đai là hệ thống các biện pháp của Nhà nước để tổ chức quản lý và sử dụng đất đai một cách đầy đủ, hợp lý, khoa học, và có hiệu quả nhất thông qua việc phân bố quỹ đất đai nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất của xã hội, tạo điều kiện bảo vệ đất đai và môi trường”.
Tính đầy đủ, hợp lý và khoa học của quy hoạch sử dụng đất đai được thể hiện mọi loại đất đều được đưa vào khai thác sử dụng cho các mục đích khác nhau phù hợp với đặc điểm tự nhiên và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng. Đặc biệt trên cơ sở tiềm năng đất đai để khai thác thế mạnh, phát huy thế mạnh của từng khu vực, bố trí việc sử dụng đất đai phù hợp với nhu cầu và mục đích sử dụng của các cấp các ngành và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Tuy nhiên, bên cạnh việc khai thác và sử dụng tiềm năng đất đai còn phải đi đôi với việc bảo vệ và cải tạo loại tài nguyên này thông qua việc áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật và các biện pháp tiên tiến nhằm đạt được hiệu quả cao nhất trên cả ba lợi ích kinh tê, xã hội và môi trường.
Quy hoạch sử dụng đất đai là quá trình hình thành các quyết định, các phương án tổ chức và tổ chức lại việc sử dụng đất đai theo pháp luật và pháp lệnh của Nhà nước bằng các phương pháp phân tích tổng hợp, phân bố địa lý các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội với những đặc trưng của tính phân dị giữa các cấp, các vùng lãnh thổ theo quan điểm tiếp cận hệ thống nhằm tạo điều kiện đưa đất đai vào sử dụng hiệu quả và bền vững để đem lại lợi ích cao nhất.
Quy hoạch sử dụng đất đai được nghiên cứu theo các chu kỳ phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ phát triển của đất nước. Theo đó tự nó có tính chất riêng của mình như là một biện pháp để không ngừng phát triển, sử dụng quỹ đất đai theo nghĩa tạo ra giá trị sử dụng ngày càng cao của đất đai. Quy hoạch sử dụng đất đai theo các chu kỳ tiếp nối và xen nhau về thời gian, tôn trọng nguyên tắc kế thừa, tích tụ và phát triển.
Quy hoạch sử dụng đất đai được xây dựng vì mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và ổn định chính trị, nó được lập cho các mục đích sử dụng đất đai trong một thời gian tương đối dài: 5 - 10 năm cho các quy hoạch sử dụng đất đai ở cấp xã, 10- 20 năm cho quy hoạch sử dụng đất đai cấp huyện và cấp tỉnh. Chính vì vậy, quy hoạch sử dụng đất đai mang một hình thái động, nó phải được cụ thể hoá bằng các kế hoạch 5 năm và kế hoạch hàng năm nhằm điều chỉnh nội dung cuả quy hoạch sử dụng đất đai một cách linh hoạt phù hợp với sự thay đổi về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của vùng trong giai đoạn quy hoạch.
Sự cần thiết phải quy hoạch sử dụng đât.
Đất đai là một loại tài nguyên thiên nhiên có trước lao động, là điều kiện tự nhiên của lao động. Đất đai là địa điểm, là cơ sở của các thành phố, làng mạc, công trình công nghiệp, giao thông, thuỷ lợi, các công trình phúc lợi khác, các cánh đồng để con người trồng trọt chăn nuôi… Con người đã tác động vào đất đai để tạo ra của cải nuôi sống mình và cộng đồng mình. Không những thế nhờ có đất đai mà con người đã thể hiện được vị trí to lớn của mình trong xã hội. Sự tác động qua lại giữa con người và đất đai thể hiện mối quan hệ qua lại giữa người và đất. mối quan hệ này được thể hiện rõ nét trong tiến trình lịch sử của xã hội loài người.
Trong giai đoạn đầu phát triển kinh tế - xã hội. Khi mức sống của con người còn thấp, công năng chủ yếu của đất đai là tập trung vào sản xuất vật chất, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp. Thời kỳ công cuộc phát triển ở mức cao, công năng của đất đai từng bước được mở rộng, vấn đề sử dụng đất cũng phức tạp hơn vừa là căn cứ của khu vực I, vừa là không gian, địa bàn của khu vực II. Điều này có nghĩa đất đai đã cung cấp cho con người tư liệu vật chất để sinh tồn và phát triển, cũng như cung cấp điều kiện cần thiết về hưởng thụ và đáp ứng nhu cầu của cuộc sống nhân loại. Mục đích sử dụng đất nêu trên được biểu hiện càng rõ nét trong các khu vực kinh tế phát triển.
Khi nền kinh tế - xã hội phát triển mạnh, cùng sự bùng nổ dân số đã làm cho mối quan hệ giữa người và đất ngày càng căng thẳng, những sai lầm liên tục của con người trong quá trình sử dụng đất (có ý thức hoặc vô thức) dẫn đến huỷ hoại môi trường đất, một số công năng nào đó của đất đai bị yếu đi, vấn đề sử dụng đất đai càng trở nên quan trọng và mang tính toàn cầu.
Trong những thập kỷ qua, nhiều tổ chức quốc tế và các nước trên thế giới (kể cả các nước có diện tích lớn) đã ngày càng chú ý đến việc sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, khoa học và có hiệu quả. Còn ở Việt nam, theo số liệu thống kê năm 1998 có tổng diện tích đất tự nhiên 33.104.218 ha. Có quy mô trung bình nhưng đông dân vào hàng thứ 13 trên thế giới (78,8 triệu) nên bình quân đất đai tính theo đâù người chỉ có 0,45ha/người. Thấp bằng 1/7 mức bình quân thế giới (3ha/người) tương đương với các Anh, Đức, Philippin, đứng hàng thứ 9 trong 10 nước Đông Nam á và đứng thứ 135 trong số 200 nước trên thế giới. Hơn nữa, Việt nam còn là một nước nông nghiệp với 80% dân số sống ở nông thôn và bình quân đất nông nghiệp là 1074 m2/người, 3446 m2/một lao động nông nghiệp. Như vậy, Việt nam được xếp vào loại đất chật người đông. Vì vậy, vấn đề sử dụng đất đai khoa học, hợp lý, tiết kiệm trong giai đoạn hiện nay ở nước ta là nhiệm vụ mang tính cấp bách và lâu dài. Một trong những biện pháp quan trọng và có hiệu quả để quản lý đất đai là tiến trình quy hoạch sử dụng đất đai ở các cấp và các ngành trên cả nước cũng như từng địa phương.
Sau khi Luật đất đai 1993 được ban hành, ngay từ đầu năm 1994. Tổng cục Địa chính đã triển khai xây dựng quy hoạch sử dụng đất đai toàn quốc đến năm 2010. Đây là một bước tiến lớn trong việc quản lý sử dụng đất đai. Thông qua quy hoạch sử dụng đất, các mối quan hệ đất đai được điều chỉnh đồng thời đã tạo điều kiện để quan hệ đất đai được tiếp cận với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN. Đặc biệt đã tạo một bước cho yêu cầu cân đối giữa nhiệm vụ an toàn lương thực với nhu cầu hiện đại hoá và đô thị hoá. Không những thế, quy hoạch sử dụng đất đai cả nước lad căn cứ cho quy hoạch sử dụng đất đai ở các địa phương (Tỉnh, Huyện, Xã). Quy hoạch sử dụng đất đai cả nước chỉ đạo việc xây dựng quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch cấp huyện xây dựng dựa trên cơ sở quy hoạch cấp tỉnh nhằm giải quyết các mâu thuẫn về quan hệ đất đai căn cứ vào đặc tính nguồn tài nguyên đất, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và các điều kiện cụ thể khác của huyện từ đó đề xuất các giải pháp phân bổ sử dụng các loại đất đồng thời xác định các chỉ tiêu khống chế về đất đai đối với quy hoạch ngành, xã phường trên phạm vi toàn huyện. Quy hoạch cấp xã được xây dựng dựa trên khung chung các chỉ tiêu định hướng sử dụng đất đai của huyện.
Quy hoạch sử dụng đất đai là một hệ thống quy hoạch 4 cấp: Cấp cả nước, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được thực hiện theo nguyên tắc kết hợp xây dựng từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên. Quy hoạch cấp trên là cơ sở và chỗ dựa của quy hoạch sử dụng đất đai của cấp dưới, quy hoạch của cấp dưới là phải tiếp theo, cụ thể hoá quy hoạch cấp trên và là căn cứ để điều chỉnh cao quy hoạch vĩ mô.
Với hệ thống quy hoạch 4 cấp này đã tạo ra sự thống nhất trong việc quản lý Nhà nước đối với đất đai, giúp Nhà nước nắm chắc quỹ đất đai trên cả nước về loại đất, chất đất và những đặc trưng, thế mạnh của từng vùng để từ đó có những biện pháp, chính sách thích đáng để phát huy tính năng của đất đặc biệt là việc phát huy lợi thế của từng vùng tạo nên sự chuyên môn hoá sản xuất. Tuy nhiên việc phát huy một cách hiệu quả, tối đa và khoa học tính năng của đất đồng nghĩa với quy hoạch sử dụng đất đai xác lập cơ cấu sử dụng đất đai cho các ngành nghề phù hợp với cơ cấu kinh tế để từ đó tạo sự cân đối trong phát triển kinh tế xã hội và môi trường tạo ra những bước đi vững chắc tránh phụ thuộc vào bên ngoài và góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội để thấy được mức độ sử dụng đất đai một cách khoa học, hợp lý ở giai đoạn hiện tại của vùng quy hoạch từ đó đề ra phương án quy hoạch sử dụng đất phát huy mặt tích cực và hạn chế những tồn tại yếu kém trong vấn đề sử dụng đất. Quy hoạch sử dụng đất đai đề ra phương án phân bổ quỹ đất đai cho các mục đích sử dụng nhừm khai thác lợi thế của từng vùng, tạo ra vùng sản xuất chuyên canh, vùng sản xuất hàng hoá lớn nhưng phải đảm bảo cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng theo nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Trong giai đoạn hiện nay khi kinh tế nước ta đang chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ đồng thời giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp thì sự phân bố quỹ đất đai cho các ngành luôn phải đáp ứng được các nhu cầu tối thiểu đảm bảo cho sự phát triển toàn diện cho ngành. Cùng với quá trình khai thác và sử dụng hợp lý quỹ đất đai, phương án quy hoạch sử dụng đất luôn chú ý đến vấn đề bảo vệ và cải tạo quỹ đất làm tăng khả năng sinh lợi của đất, tránh hiện tượng hoang hóa, xói mòn…
Quy hoạch sử dụng đất đai mang tính pháp lý cao, nó được lập cho việc sử dụng đất đai trước mắt và định hướng nhu cầu sử dụng đất đai dài hạn. Đó là cơ sở quan trọng để người sử dụng đất có định hướng sử dụng đất lâu dài trên mảnh đất mình được giao, được thuê, từ đó họ yên tâm đầu tư vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật để khai thác địa tô chênh lệch I, địa tô chênh lệch II và địa tô tuyệt đối.
Hơn nữa, quy hoạch sử dụng đất đai là một trong 7 nội dung của quản lý Nhà nước về đất đai, nó là điều kiện, là căn cứ để thực hiện việc giao cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất … và là căn cứ pháp lý để các nhà quản lý điều chỉnh các hành vi của người sử dụng đất gây lãng phí hay hủy hoại tài nguyên này.
Quy hoạch sử dụng đất đai được xây dựng theo một hệ thống 4 cấp đã tạo nên sự thống nhất để Nhà nước quản lý đất đai, xây dựng hoàn thiện các chính sách về quản lý và sử dụng đất đai, ngăn chặn các hiện tượng chuyển đổi mục đích sử dụng một cách trái pháp luật, giảm hiện tượng tranh chấp, lấn chiếm và những hiện tượng tiêu cực khác có liên quan đến đất đai. Bên cạnh đó, nó còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và phát triển thị trường bất động sản ở nước ta.
Như vậy, quy hoạch sử dụng đất đai xây dựng lên phương án sử dụng đất đai một cách tiết kiệm, hiệu quả và hợp lý quỹ đất đai của các bộ, các ngành, góp phần to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội. Chính vì vậy việc xây dựng quy hoạch sử dụng đất đai là một tất yếu khách quan.
II. những căn cứ để lập quy hoạch sử dụng đất
Để xây dựng được bản quy hoạch sử dụng đất của một cấp hay một ngành nào đó thì cần phải có sự tham gia của rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực có liên quan, trên cơ sở đó thu nhập những thông tin cần thiết đối với việc quy hoạch về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, tình hình quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương để thấy được cơ cấu sử dụng đất của các ngành đặc biệt làm rõ sự tác động của các ngành đó đối với đất đai và ngược lại trên cơ sở khai thác thế mạnh của từng vùng, phát triển một nền kinh tế bền vững… Cùng với dự báo nhu cầu sử dụng đất đai của các cấp, các ngành sẽ lên cân đối nhu cầu sử dụng đất phù hợp với từng địa bàn. Trên cơ sở đó xây dựng phương án quy hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, để phương án đạt được ba nhóm mục tiêu là hiệu quả, cân bằng và khả năng duy trì sự sống thì công tác quy hoạch phải được xây dựng trên những căn cứ về mặt pháp lý, căn cứ vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của vùng quy hoạch, căn cứ vào quy định sử dụng đất của cấp quản lý vùng quy hoạch và căn cứ vào hiện trạng vùng quy hoạch.
Căn cứ pháp lý để xây dựng kế hoạch.
Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt nam năm 1992 quy định “Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo quy hoạch và pháp luật, đảm bảo đúng mục đích và có hiệu quả” (Điều 18).
Luật đất đai năm 1993 quy định rõ nội dung, trách nhiệm, thẩm quyền lập và xét duyệt quy hoạch, kế hoach sử dụng đất đai (Điều 16, 17, 18), căn cứ giao đất và thẩm quyền giao đất là phải dựa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (Điều 19, 23), đồng thời tiến hành lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở tất cả 4 cấp: Cả nước, tỉnh, huyện và xã trong đó cấp cả nước có xét tới vùng sinh thái, các vùng kinh tế trọng điểm.
Ngoài các văn bản có tính pháp lý ở mức độ cao (Hiến pháp và Luật đất đai) còn có các văn bản dưới luật cũng như các văn bản ngành trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến vai trò, ý nghĩa, nội dung và hướng dẫn phương pháp lập quy hoạch sử dụng đất đai như việc ban hành công văn số 1814/CV - TCĐC ngày 12/10/1998 về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai và các hướng dẫn kèm theo: Hướng dẫn công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch sử dụng đất đai, hướng dẫn trình tự lập kế hoạch sử dụng đất đai cấp tỉnh, huyện, xã. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, để đảm bảo mục tiêu an toàn lương thực và vấn đề bảo vệ môi trường thì việc ra định hướng lập, thẩm định, xét duyệt kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp có rừng để sử dụng cho mục đích khác (kèm theo công văn số 1814/CV - TCĐC ngày 12/10/1998) đã đem lại hiệu quả cao trong việc xét duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai này. Ngoài ra còn ban hành các văn bản: Nghị định 404/CP ngày 7/11/1979, Nghị định 34/CP ngày 23/4/1994; Chỉ thị 247/TTg ngày 28/4/1995; Thông tư số 106/QHKH/RĐ ngày 15/4/1994…
Căn cứ vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của vùng quy hoạch.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội là hình thức đưa ra định hướng phát triển kinh tế xã hội, định hướng phát triển các ngành kinh tế chủ yếu: Ngành nông - Lâm nghiệp; ngành công nghiệp; ngành thương mại - du lịch và dịch vụ và định hướng phát triển về xã hội, về cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị… một cách khoa học phù hợp với khả năng phát triển của vùng, đưa vùng quy hoạch có cơ cấu kinh tế hợp lý phù hợp với sự phát triển chung của cả nước trong từng giai đoạn, trên cơ sở đặt ra các mục tiêu về kinh tế (thể hiện qua các chỉ tiêu GDP, GDP/người, cơ cấu kinh tế đến năm quy hoạch, khả năng huy động vốn từ các nguồn để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và tỷ lệ tích lũy); về xã hội (tỷ lệ sinh, tử, trình độ dân trí, tỷ lệ đói nghèo…) đề từ đó đưa ra các phương án phát triển kinh tế xã hội trong thời gian quy hoạch. Cân nhắc các nguồn lực hiện có về vốn, lao động, các cơ sở hiện có… Để chọn phương án quy hoạch hoặc tổng hợp một phương án phục vụ tốt nhất cho phát triển kinh tế xã hội cả ở hiện tại và tương lai đảm bảo có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng không những phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mình mà còn có sự đầu tư thích đáng đem lại hiệu quả kinh tế cao góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bên cạch đó, việc quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của vùng quy hoạch luôn luôn chú trọng đến mối quan hệ của vùng với các vùng lân cận và xu hướng phát triển của vùng với xu hướng phát triển của thời đại, điều đó đã tạo ra cho địa phương phát huy được thế mạnh về vị trí, gắn kết sự phát triển của mình với các vùng đó để cùng hội nhập.
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội người ta sẽ phân bổ qũy đất đai cho các ngành nghề, các chủ thể kinh tế phù hợp với xu thế phát triển của nó. Để đảm bảo lợi ích về kinh tế - xã hội và môi trường thì trên cơ sở dự báo khả năng sử dụng đất một cách khoa học người ta phân bố đất cho từng ngành nghề với số lượng bao nhiêu, phân bố ở đâu và chỉ ra khu vực này và chất đất như thế nào thích hợp với hình thức sử dụng gì, phương pháp khai thác sử dụng chúng ra sao để đem lại hiệu quả không những cho hiện tại mà cho cả tương lai. Sự phân bố các hình thức sử dụng đất phải đảm bảo khai thác được thế mạnh của vùng và xây dựng đồng bộ cơ sở vật chất kỹ thuật của vùng: Điện, đường, trường, trạm… Tạo ra sự giao lưu giữa các tiểu vùng với trung tâm của vùng quy hoạch và sự giao lưu của vùng với các vùng khác. Như vậy, quy hoạch sử dụng đất đai là quy hoạch chuyên ngành, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, nội dung của nó phải được điều hòa thống nhất với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.
Căn cứ quy hoạch sử dụng đất của cấp quản lý vùng quy hoạch.
Dự báo sử dụng đất đai là một bộ phận dự báo dài hạn về phát triển nền kinh tế - xã hội của đất nước phù hợp với trình độ phát triển lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Trong quy hoạch sử dụng đất của các cấp (vùng , tỉnh, huyện, xã) đều giải quyết chung một nhiệm vụ là sử dụng hợp lý quỹ đất gắn với phân bổ lực lượng sản xuất theo nguyên tắc từ trên xuống dưới và ngược lại sẽ chủnh lý hoàn chỉnh từ dưới lên. Vì vậy để xây dựng phương án quy hoạch sử dụng đất đai ở các cấp vĩ mô (huyện, xã) trong một thời gian trước mắt (từ 5 - 10 năm) trước hết phải xác định được định hướng và nhu cầu sử dụng đất đai dài hạn (dự báo cho 15 - 20 năm) trên phạm vi lãnh thổ lớn hơn (vĩ mô: Tỉnh, vùng, cả nước). Quy hoạch tổng thể sử dụng đất đai trên phạm vi lãnh thổ lớn hơn này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng mang tính tổng hợp cao trong đó đề cập đến rất nhiều ngành, từ đó đưa ra định hướng phân bổ và tạo điều kiện thuận lợi về mặt không gian để thực hiện các quyết định về mặt sử dụng đất cho giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài, đồng thời có được hướng xây dựng quy hoạch chuyên ngành đối với các công trình cơ sở hạ tầng gắn liền với đất như: Hệ thống giao thông, mạng lưới thuỷ lợi, hệ thống các điểm dân cư… Đặc biệt là các khu chức năng mang tính kinh tế, chính trị, văn hóa… của vùng lãnh thổ, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị… Đảm bảo phục vụ một cách tốt nhất về tài nguyên, về nguồn lực lao động, về vốn cho các ngành phát triển.
Tuy nhiên quy hoạch sử dụng đất đai ở cấp vĩ mô phần lớn mang tính định hướng, chỉ đạo. Trên cơ sở đó, xây dựng quy hoạch sử dụng đất cấp vĩ mô với nội dung: Phân bổ đất đai phù hợp với quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế trên cơ sở hiện trạng điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và tiềm năng đất đai của vùng gắn với phân công và phân công lại lao động cho các mục đích phát triển nông lâm nghiệp, công nghiệp - xây dựng và các ngành dịch vụ. Với định hướng sử dụng đất mà quy hoạch cấp vĩ mô đã vạch ra cho vùng trong việc sử dụng quỹ đất đai để phân bổ cho các loại hình sử dụng với mục tiêu phát huy thế mạnh của vùng, tạo lợi thế tuyệt đối, quy hoạch sử dụng đất đai cấp vĩ mô này sẽ đi vào quy hoạch chi tiết vấn đề sử dụng cho các ngành nghề với diện tích bao nhiêu? phân bổ ở đâu? sự chuyển dịch cơ cấu các loại đất sẽ được thực hiện như thế nào? xác định cụ thể vị trí phân bổ, hình thể, diện tích và cơ cấu sử dụng đất cho mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, khu dân cư, hệ thống cơ sở hạ tầng như đường giao thông, kêsnh mương thủy lợi, bưu chính viễn thông, y tế, văn hóa - giáo dục tạo mối quan hệ mật thiết giữa chúng. Có như vậy mới nâng cao được hiệu quả sử dụng đất, mới tạo được sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, giữa trung ương với địa phương trong quá trình quản lý và sử dụng đất, đồng thời đảm bảo tính thống nhất trong việc quản lý đất nước đối với đất đai.
Căn cứ vào hiện trạng sử dụng và tiềm năng đất đai vùng quy hoạch.
Hiện trạng vùng quy hoạch thể hiện rõ ở điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã
hội và hiện trạng sử dụng đất. Trên cơ sở phân tích, đánh giá các yếu tố về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, cảnh quan môi trường để xác định được các lợi thế, hạn chế trong việc sử dụng đất đai và phát triển kinh tế - xã hội, từ đó đưa ra phương án quy hoạch sử dụng để phát huy được các lợi thế và hạn chế các khó khăn như việc nghiên cứu đặc điểm địa hình, địa mạo, khí hậu, chế độ thủy văn… liên quan chặt chẽ đến vấn đề phát triển nông nghiệp của vùng thể hiện ở vị trí phân bố sản xuất nông nghiệp cho các loại cây trồng, vật nuôi nào là thích hợp sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao; hay việc đánh giá tài nguyên đất, tài nguyên khoáng sản… liên quan đến vấn đề phát triển ngành công nghiệp của vùng. Tuy nhiên, nghiêm cứu điều kiện tự nhiên mới chỉ có cảm nhận ban đầu chuẩn bị cho việc xây dựng phương án quy hoạch. Bên cạnh đó phải đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội cùng với sự gia tăng dân số,lao động, thực trạng phát triển đô thị, các khu dân cư, các ngành, các vùng kinh tế trọng điểm trên địa bàn quy hoạch để thấy được quy mô, tốc độ phát triển đã phù hợp với các nguồn lực kinh tế - xã hội của địa bàn hay chưa. Nguồn lực kinh tế - xã hội bao gồm nguồn lực lao động, nguồn nguyên liệu, cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Đây là những yếu tố đầu vào không thể thiếu được của quá trình sản xuất, nó quyết định rất lớn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh: nguồn lao động địa phương và trình độ lao động nói lên khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và nguồn lực lao động tham gia vào hoạt động của các ngành… Từ thực trạng của vùng quy hoạch, dự báo được nhu cầu sử dụng đất của các ngành nghề trong tương lai và xu thế phát triển của chúng.
III. Nội dung của quy hoạch sử dụng đất.
Nội dung của quy hoạch sử dụng đất đai của một quốc gia cũng như từng vùng trong một nước ở các giai đoạn lịch sử khác nhau là khác nhau do quy hoạch sử dụng đất mang tính lịch sử và nó chi phối mạnh mẽ bởi điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng vùng địa lý. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, quy hoạch sử dụng đất đai có nội dung bao gồm:
Điều tra và thu thập số liệu.
Đánh giá điều kiện tự nhiên kinh tế - xã hội.
Đánh giá tình hình sử dụng đất đai.
Xây dựng phương án quy hoạch sử dụng đất đai.
Tổng hợp phương án quy hoạch.
Công tác điều tra và thu thập số liệu.
Để xây dựng một phương án quy hoạch có luận chứng khoa học, có tác dụng thực tiễn và đem lại hiệu quả cao trong việc sử dụng đất trên lãnh thổ vùng quy hoạch, công tác điều tra và thu thập số liệu đóng một vai trò quan trọng nhằm thu thập thông tin, tư liệu, tài liệu và bản đồ có liên quan đến địa bàn tùy thuộc vào tình hình và điều kiện cụ thể của từng địa phương, các số liệu, tài liệu cần điều tra bao gồm: Các số liệu về điều kiện về tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và cảnh quan môi trường sinh thái; tài liệu về tình hình phát triển kinh tế xã hội và hiện trạng sử dụng đất đai trong những năm qua; tài liệu, số liệu nông hóa, thổ nhưỡng, về giá cả và phân hạng đất đai trên địa bàn. Bên cạnh đó còn phải kể đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới và định mức sử dụng đất đai tại địa bàn. Đây là căn cứ để phân bổ quỹ đất đai cho các hộ gia đình, các cá nhân và tổ các tổ chức kinh tế xã hội trong thời gian tới.
Ngoài ra để xây dựng được bản đồ quy hoạch sử dụng đất trong thời kỳ quy hoạch thì cần phải thu thập các tài liệu bản đồ hiện có: Bản đồ nông hóa, thổ nhưỡng, bản đồ nền địa hình, bản đồ cấp độ dốc, bản đồ hiện trạng sử dụng đất và các bản đồ khác có liên quan.
Trên cơ sở các thông tin, tư liệu thu thập được người ta tiến hành xử lý tổng hợp chúng để xây dựng lên đề cương sơ bộ của công tác quy hoạch. Cùng với công tác ngoại nghiệp sẽ chỉnh lý bổ sung tài liệu để giải quyết cụ thể từng nội dung tiếp theo của quy hoạch sử dụng đất đai.
Đánh giá điều kiện tự nhiên kinh tế - xã hội.
Như chúng ta đã biết, đất đai trong phạm vi lãnh thổ một vùng, một địa
phương rất khác nhau về điều kiện tự nhiên và vấn đề kinh tế - xã hội chi phối một cách rất mạnh mẽ tới việc sử dụng đất đai tại địa bàn, việc đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội là một tất yếu khách quan. Phân tích điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên trên các mặt vị trí địa lý của vùng so với các trục giao thông chính, các trung tâm chính trị, kinh tế văn hóa quan trọng trong khu vực từ đó thấy được những lợi thế và hạn chế trong việc phát triển kinh tế - xã hội do vị trí địa lý đem lại. Bên cạnh đó, đặc điểm địa hình, khí hậu và chế độ thủy văn được đánh giá một cách cụ thể trên cơ sở phân tích xu hướng địa hình, cấp độ dốc, quan điểm phân tiểu vùng theo yếu tố độ cao; phân tích đặc điểm vùng khí hậu, các mùa trong năm, lưu lượng nước trong hệ thống sông ngòi. Từ đó thấy được các ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên đến vấn đề phát triển sản xuất và sử dụng đất đai. Khi xây dựng phương án quy hoạch phải phát triển lợi thế do điều kiện tự nhiên mang lại.
Đánh giá tình hình quản lý và sử dụng đất đai.
Đất đai có nhiều công dụng khác nhau nhưng khi sử dụng đất đai cần căn cứ vào các tính chất của đất đai để lựa chọn mục đích sử dụng tốt nhất và có lợi nhất.
Việc đánh giá tình hình quản lý và sử dụng đất đai cho ta thấy hiện trạng sử dụng đất đai đem lại hiệu quả như thế nào, phát triển những tồn tại, đề xuất các giải pháp khắc phục làm cơ sở cho quy hoạch sử dụng đât. trên cơ sở phân tích hiệu quả sử dụng đất đai (biểu hiện ở mức độ khác thác thông qua các chỉ số; tỷ lệ sử dụng đất, tỷ lệ sử dụng loại đất, hệ số sử dụng đất), và hiệu quả sản xuất của đất đai biểu hiện bằng giá trị sản lượng của các ngành… Từ đó đánh giá mức độ phù hợp trong sử dụng đất đai biểu hiện ở tính hợp lý về cơ cấu sử dụng đất so với vùng, mức độ thích hợp so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở hiện tại và tương lai của khu đất dân cư, đất xây dựng công nghiệp, đất cho phát triển cơ sở hạ tầng… Quan hệ giữa đầu tư và hiệu quả thu được trong sử dụng đất đai…
Xây dựng các phương án quy hoạch.
Mục đích phải đạt được trong phương án quy hoạch sử dụng đất đai là
cần tạo ra cơ sở không gian, điều kiện lãnh thổ ban đầu nhằm sử dụng đất đúng mục đích được cấp, thực hiện các biện pháp cải tạo,bảo vệ và bồi bổ (nâng cao độ màu mỡ và chống xói mòn) tạo điều kiện bảo vệ thiên nhiên cảnh quan môi trường sinh thái
Theo Luật đất đai năm 1993, đất đai được chia thành 6 loại:
+ Đất nông nghiệp
+ Đất lâm nghiệp
+ Đất chuyên dùng
+ Đất đô thị
+ Đất khu dân cư nông thôn
+ Đất chưa sử dụng
Xét trên góc độ nào đó, các loại đất này có ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh như: khối lượng sản phẩm, chất lượng sản phẩm và giá thành. Do đó cần giải quyết đông bộ và hợp lý việc phân bổ tất cả các loại đất trên tạo nên nội dung chính của phương án quy hoạch sử dụng đât.
Phân bổ đất nông - lâm nghiệp.
Đất nông, lâm nghiệp tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất và làm ra sản phẩm cần thiết cho xã hội và cho bản thân những người lao động trên mảnh đất đó. Vì vậy, phân bổ hợp lý đất nông - lâm nghiệp có ý nghĩa quan trọng, nhất là giai đoạn hiện nay khi mà vấn đề an toàn lương thực là một trong ba mục tiêu đặt lên hàng đầu
Việc phân bổ kết hợp giữa đất nông, lâm nghiệp với các loại đất khu dân cư, đất chuyên dùng trong một thể thống nhất là yếu tố quyết định hiệu quả sử dụng đất
Để phân bổ hợp lý đất nông, lâm nghiệp trước hết là cần dựa vào tính năng đất đai và khả năng áp dụng các biện pháp khai hoang, phục hóa,bảo vệ đất, chống các quá trình xói mòn, ô nhiễm… Từ đó giải quyết đồng thời ba vấn đề:
- Thực hiện các._. biện pháp chuyển loại và cải tạo đất trên cơ sở đánh giá tiềm năng đất đai
- Dự báo nhu cầu sử dụng đất nông - lâm nghiệp
- Xác định vị trí phân bổ của từng loại đất trên lãnh thổ
Ba nội dung này tạo thành một thể thống nhất và được biểu hiện qua sơ đồ sau:
Cơ cấu đất đai và vị trí phân bổ hiện tại
Cơ cấu đất đai và vị trí phân bổ theo quy hoạch
Biện pháp chu chuyển
Cải tạo bảo vệ đất theo tiềm năng đât
Việc đánh giá tiềm năng đất đai là căn cứ quan trọng để lập kế hoạch phân bổ đất đai với nội dung:
+ Xác định khả năng mở rộng diện tích đất nông - lâm nghiệp
+ Xác định khả năng thâm canh tăng vụ trên đất nông nghiệp hiện có
+ Xây dựng biện pháp cải tạo, chuyển loại sd và bảo vệ đất
Để xác định được khả năng mở rộng diện tích của đất nông, lâm nghiệp thì phải đánh giá, thống kê diện tích đất hoang hóa hiện nay chưa sử dụng nhưng có khả năng áp dụng các biện pháp cải tạo, thuần hóa thích hợp để đưa vào sử dụng nông, lâm nghiệp trên cơ sở đánh giá đất hoang hóa về mặt đặc tính tự nhiên của đất (thổ nhưỡng, địa hình, độ dày tầng canh tác…) đặc điểm khí hậu, chế độ nước, mối quan hệ sinh thái giữa đất và các yếu tố môi trường khác; hiệu quả kinh tế của việc sử dụng vào các mục đích nông lâm nghiệp và các biện pháp dụng. Qua đó ta sẽ phân loại các đặc tính đất theo khả năng sử dụng vào mục đích nông nghiệp hay lâm nghiệp theo mức độ thích hợp.
+ Đất chỉ thích hợp cho nông nghiệp (đất ngập nước thường xuyên, hoặc ngập thời gian dài trong năm) để nuôi trồng thủy sản.
+ Đất thích hợp cho nông và lâm nghiệp: để xác định mục đích sử dụng loại đất này cần căn cứ vào nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất là hiệu qủa kinh tế của việc sử dụng loại đất này và lượng vốn đầu tư để cải tạo, thuần hóa đất.
+ Đất chỉ thích hợp cho lâm nghiệp.
Ngoài ra, để tăng diện tích gieo trồng, tăng sức sản xuất đất, tăng thu nhập ở những nơi đất chật người đông không còn khả năng khai thác mở rộng diện tích thì việc xác định khả năng thâm canh tăng vụ là một hướng quan trọng dựa trên các yếu tố:
+ Tính chất tự nhiên của đất và khả năng đầu tư để áp dụng các biện pháp cải tạo, nâng cao sức sản xuất của đất.
+ Khả năng sử dụng của con người: Phụ thuộc vào trình độ canh tác, công cụ sản xuất, tập quán sản xuất.
+ Khả năng của cây trồng theo thời vụ, áp dụng chế độ luận phiên hợp lý và hiệu quả đem lại của chúng.
Sau đó đề ra cơ cấu đất sử dụng hợp lý nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai cần phải có những biện pháp chuyển đất từ loại hình sử dụng này sang loại hình sử dụng khác theo các hướng chín:
+ Khai hoang đất mới dựa vào mục đích sử dụng khác nhau
+ Mở rộng diện tích đất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao
+ Cải tạo hình thể và vị trí phân bổ đất đai, để đất sử dụng mang tính tập trung, tạo thuận lợi gần nguồn lao động và khả năng phân bố cơ sở hạ tầng trên vùng này là tốt phục vụ cho lưu thông hàng hóa và giao lưu giữa các vùng.
Trong giai đoạn hiện nay, đất nông lâm nghiệp có thể bị giảm do nhiều nguyên nhân như: Chuyển vào mục đích chuyên dùng, do quá trình đô thị hóa… Bên cạnh đó, tốc độ tăng dân số lại quá nhanh gây áp lực lớn đối với đất đai nhất là đất nông lâm nghiệp.
Việc dự báo nhu cầu đất nông nghiệp phải căn cứ vào dân số và mức tiêu dùng nông sản phẩm; căn cứ vào số lao động và năng suất lao động cùng mức trang bị kỹ thuật để tính khả năng đảm nhận và tổ chức sản xuất có hiệu quả trên diện tích đất nông nghiệp và căn cứ thứ ba để dự báo nhu cầu đất nông nghiệp là khả năng mở rộng diện tích trên cả hai hướng: thâm canh tăng vụ và khai hoang sử dụng đất mới. Khi đó diện tích đất nông nghiệp dự báo ở năm định hình quy hoạch được tính:
SNQ = SNH - SNC + SNK
Trong đó:
SNQ: Đất nông nghiệp năm quy hoạch
SNH: Đất nông nghiệp hiện có
SNC: Đất nông nghiệp chuyển mục đích trong thời kỳ quy hoạch
SNK: Đất khai hoang đưa vào sản xuất nông nghiệp trong thời kỳ
Việc dự báo nhu cầu đất lâm nghiệp căn cứ vào nhu cầu và khả năng tận dụng đất đai các loại để trồng rừng nhằm bảo vệ đất đai, bảo vệ môi trường, và kinh doanh khai thác lâm sản. Diện tích rừng có thể dự báo được với từng loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất) và được tính:
SRQ = SRH - SRC + SRT
Trong đó:
SRQ: Diện tích rừng năm quy hoạch
SRH: Diện tích rừng hiện trạng
SRC: Diện tích rừng chuyển mục đích trong thời kỳ quy hoạch
SRK: Diện tích rừng trồng mới và khoanh nuôi tái sinh trong thời kỳ
Từ việc đánh giá tiềm năng đất nông lâm nghiệp và dự báo nhu cầu sử dụng đất của hai loại đất này tiến hành bố trí sử dụng đất từng loại với diện tích bao nhiêu, phân bố ở địa điểm nào và tính chất tự nhiên của đất phù hợp với mục đích sử dụng và loại cây trồng để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Phân bổ đất chuyên dùng.
Sự phát triển kinh tế, xã hội đòi hỏi phải xây dựng những công trình công cộng, giao thông vận tải, hệ thống thủy lợi, năng lượng và các công trình phi công nghiệp mới như (như: Giáo dục. y tế, dịch vụ…) các công trình phục vụ nhu cầu an ninh quốc phòng, các khu bảo tồn, di tích lịch sử và văn hóa, các khu danh lam thắng cảnh… Quy hoạch phân bổ đất đai có nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu đất đai cho các mục đích đó với nội dung.
+ Xác định diện tích đất chuyên dùng cần cấp
+ Phân bố đất chuyên dùng
+ Xác định những hậu quả liên quan đến việc trưng dụng đất và các phương pháp khắc phục
+ Biện pháp sử dụng và bảo vệ lớp đất màu và phục hóa đất chuyên dùng sau khi hết thời hạn khai thác sử dụng.
+ Xác định điều kiện sử dụng đất chuyên dùng
Căn cứ nhu cầu sử dụng đất vào mục đích phi nông nghiệp ghi trong dự án tiền khả thi đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp nhận, các ngành sẽ tự xác định nhu cầu diện tích đát cần thiết dựa vào định hướng sử dụng đất theo tiêu chuẩn Nhà nước hiện hành đối với từng loại công trình và mật độ xây dựng đối với quy mô phát triển từng loại công trình. Hiện nay định mức sử dụng được tính:
Mx(%) = Px/Pt*100%
Trong đó:
Px: Diện tích xây dựng m2
Pt: Tổng diện tích mặt bằng m2
Đại lượng Mx càng lớn chứng tỏ việc sử dụng đất càng tiết kiệm. Trong công nghiệp, Mx giao động từ 17 -74%.
+ Đối với đất giao thông, nhu cầu sử dụng đất để xây dựng đường sắt, đường bộ, sân bay, hải cảng… do các đơn vị chuyên ngành tự lập dựa trên căn cứ vào quy hoạch phát triển vủa ngành, chủ yếu là sử dụng các quy định về chỉ tiêu định mức chiếm đất của từng ngành. Diện tích đất cần cho phát triển giao thông cũng có thể được xác định căn cứ vào mối tương quan thuận giữa lưu lượng hàng hóa vận chuyển trong năm và diện tích chiếm đất của mạng lưới đường.
+ Đối với đất thủy lợi, để dự báo nhu cầu sử dụng cần căn cứ vào quy hoạch và nhu cầu đất của ngành. Ngoài ra có thể tính dựa theo các số liệu thống kê bình quân tỷ lệ đất thủy lợi đặc trưng cho từng khu vực trong những năm, theo tiêu chuẩn, bố cục và diện tích chiếm đất của các công trình thủy lợi hiện có.
Với việc dự báo nhu cầu sử dụng đất của các ngành công nghiệp, giao thông, thủy lợi… Quy hoạch sử dụng đất đai sẽ tiến hành tổng hợp các dự báo đó, kiểm tra theo định mức quy định, bổ sung, điều hòa và cân đối quỹ đất cho phát triển các ngành. Từ đó đưa ra được phương án phân bổ đất chuyên dùng bảo đảm sử dụng hợp lý, tiết kiệm và bảo vệ đât, không gây ô nhiễm môi trường. Việc phân bổ đất chuyên dùng thể hiện ở vị trí, số lượng, hình dáng khu đất được phân bổ cho các mục đích sử dụng đất chuyên dùng khác nhau đảm bảo phù hợp với điều kiện tự nhiên của khu đất và đáp ứng yêu cầu hoạt động bình thường của công trình, đặc biệt các công trình này phải đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ tốt nhất cho cuộc sống dân cư trong vùng quy hoạch và các vùng lân cận.
Phân đất khu dân cư.
Đất khu dân cư bao gồm đất đô thị và đất khu dân cư nông thôn.
Theo điều 55 Luật đất đai 1993: “Đất đô thị là đất nội thành, nội thị xã, thị trấn được sử dụng để xây dựng nhà ở, trụ sở các cơ quan, tổ chức, các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng, quốc phòng, an ninh và mục đích khác.”
Điều 52 Luật đất đai 1993: “Đất khu dân cư nông thôn là đất được xác định chủ yếu để xây dựng nhà ở và công trình phục vụ sinh hoạt ở nông thôn”
Trong quá trình đô thị hóa hiện nay thì việc mở rộng và hình thành các đô thị mới đang là vấn đề nổi cộm. Tuy nhiên, sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn cũng là một vấn đề mang tính chiến lược của xã hội mà một trong những vấn đề của nó là việc phân bố điểm dân cư trên địa bàn. Việc phân bố đúng điểm dân cư sẽ tạo điều kiện để phục vụ tốt công tác quản lý hành chính, tổ chức điều hành và quản lý sản xuất, cải thiện điều kiện sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân. Bên cạnh đó, vị trí phân bố của các điểm dân cư còn ảnh hưởng đến sự phân bố của các công trình như: Hệ thống giao thông, mạng lưới điện, nước, dịch vụ và ảnh hưởng đến điều kiện bố trí sử dụng hợp lý quỹ đất của xã. Điều đó cũng có nghĩa, việc phân bố hợp lý các điểm dân cư sẽ quyết định hiệu quả cuối cùng của công tác sử dụng đất và mọi quá trình sản xuất nông lâm nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, bởi nó cho phép rút ngắn khoảng cách phục vụ trung bình, do đó giảm được chi phí vận tải đồng thời cho phép tiết kiệm vốn đầu tư xây dựng cơ bản nhờ tận dụng công trình cũ, tăng hiệu quả sử dụng lao động do phục vụ tốt đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động.
Đối với việc quy hoạch sử dụng đất đô thị, vấn đề đặt ra là đất đai được sử dụng như thế nào để tạo dựng được không gian hài hòa đảm bảo tối đa hóa tính kinh tế, tính tiện dụng và tính thẩm mĩ cao. Trên cơ sở phân tích hiện trạng sử dụng đất đô thị cho công trình, vật kiến trúc như hiện trạng sử dụng đất đối với khu sản xuất, các khu ở, khu quốc phòng, an ninh, khu di tích lịch sử, khu cơ quan và công trình công cộng; Hiện trạng sử dụng đất cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, đất giao thông, đất xây dựng các tuyến kỹ thuật về cấp thoạt nước, điện… Xem xét chúng về mặt quy mô sử dụng đất, mật độ trong đô thị và vị trí của chúng, đánh giá mức độ phù hợp về mặt tổ chức, bố trí về mặt quy mô đảm bảo phục vụ đảm bảo phục vụ tốt nhất cho quá trình phát triển của đô thị. Đồng thời phải xác định được nhu cầu đất phát triển đô thị trong tương lai theo công thức:
Z = N*P
Trong đó:
Z: Diện tích đất phát triển đô thị
N: Số dân thành thị
P: Định mức dùng đất cho một khẩu đô thị năm quy hoạch
Từ đó xây dựng lên phương án quy hoạch sử dụng đất trong tương lai. Việc quy hoạch sử dụng đất đô thị bị kiểm soát bởi ba hệ thống phân loại khác nhau “Phạm vi đất sử dụng” là phần quan trọng nhất, “Vùng đất sử dụng” và “Vùng đặc biệt”. Điều đó cũng có nghĩa, khi tiến hành quy hoạch phải tính các đặc thù vùng quy hoạch và phân ra thành khu trung tâm và các khu chức năng. Khu trung tâm là bộ mặt của đô thị, vì vậy cần phải có sự ưu tiên về mọi mặt, có vị trí cảnh quan đẹp nhất, hạ tầng cấp thoát nước phải tốt nhất, việc sử dụng đất thuận lợi nhất… và phải có đất để dành đề phát triển vành đai xanh bảo vệ khu trung tâm.
Bên cạnh đó phải xây dựng đồng bộ, hợp lý các khu chức năng: Khu công nghiệp, khu dịch vụ, khu dân cư và hạ tầng kỹ thuật… đảm bảo tạo ra đủ các tuyến lực, các điểm gây sức hút lớn cho sự phát triển đô thị và phục vụ tốt nhất cho quy hoạch khu ở dân cư đô thị theo kiểu láng giềng (có tầng bậc) với sự hình thành biệt lập khu trung tâm, cụm thương mại, cụm hành chính… hay quy hoạch dân cư theo kiểu phi tầng bậc (chỉ giữ lại khu trung tâm còn các khu khác có sự đan xen lẫn lộn giữa khu ở, khu công nghiệp, khu dịch vụ thương mại, khu kinh tế…) tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt và đời sống của dân cư.
Đối với quy hoạch sử dụng đất khu dân cư nông thôn, diện tích đất có ý nghĩa quan trọng. Căn cứ vào quy mô diện tích, dân số, số lượng của các loại công trình, vị trí phân bố trên lãnh thổ cần xác định khả năng mở rộng và phát triển các điểm dân cư lẻ tẻ, vị trí không gian thuận lợi. Các khu dân cư quy hoạch cần phải được phân bố trong điều kiện thuận lợi gần các khu chức năng, gần giao thông thuận tiện cho việc giao lưu đi lại, đảm bảo cuộc sống tinh thần cho người dân và từng bước để người dân nông thôn nâng cao được trình độ dân trí của mình. Đây là cơ sở để công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn.
Tổng hợp phương án quy hoạch.
Từ các phương án phân bổ cho từng loại đất: Đất nông, lâm nghiệp, đất chuyên dùng, đất khu dân cư, cần phải tổng hợp và lên cân đối nhu cầu sử dụng đất cho các loại hình này khi đó mới có được phương án quy hoạch để sử dụng đất cụ thể cho địa bàn trong một thời kỳ đảm bảo đồng thời ba lợi ích: kinh tế , xã hội và môi trường.
IV. các phương pháp chính xây dựng quy hoạch.
Kết hợp phân tích định tính và định lượng.
Phân tích định tính là việc phán đoán mối quan hệ tương hỗ giữa phát triển kinh tế - xã hội gây áp lực đối với đất đai. Phân tích định lượng dựa trên phương pháp số học để lượng hóa mối quan hệ tương hỗ giữa sử dụng đất với phát triển kinh tế - xã hội.
Quy hoạch sử dụng đất đai là công việc phức tạp và khó khăn, đòi hỏi vừa mang tính thực tiễn, vừa mang tính khoa học. Người lập quy hoạch sử dụng đất cần có sự nhạy bén nắm bắt những vấn đề sử dụng đất có tính quy luật đó đưa ra những phán đoán của mình. Khi thông tin tư liệu chưa đầy đủ ta cần có sự phối hợp giữa tri thức khoa học và khả năng phán đoán bằng kinh nghiệm. Phương pháp kết hợp này được thực hiện theo trình tự phân tích định tính, nghiên cứu đánh giá hiện trạng sử dụng đất, phát hiện những vấn đề tồn tại và xu thế phát triển. Trên cơ sở những thông tin căn cứ thu thập được sẽ lượng hóa bằng phương pháp số học. Khi đó kết quả quy hoạch sẽ phù hợp với thực tế hơn.
Phương pháp phân tích kết hợp vi mô và vĩ mô.
Để quy hoạch sử dụng đất của một lãnh thổ hành chính cấp vi mô, trước hết phải xem xét, nghiên cứu phân tích vấn đề trên phạm vi rộng là tổng thể toàn bộ nền kinh tế quốc dân và xã hội có mối quan hệ với vấn đề sử dụng đất để từ đó thấy được mối quan hệ giữa sự thay đổi động thái sử dụng đất với các nhân tố hạn chế.
Quy hoạch tổng thể sử dụng đất đai bắt đầu từ vĩ mô để xác định tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu chiến lược của quy hoạch tổng thể, đồng thời căn cứ vào tình hình thực tế của đối tượng sử dụng đất, cụ thể hóa làm sâu thêm, hoàn thiện tối ưu hóa quy hoạch. Quy hoạch tổng thể có tác dụng vừa điều tiết khống chế vĩ mô, vừa giải quyết các vấn đề vi mô
Phương pháp cân bằng tương đối.
Quá trình xây dựng quy hoạch đất đai được thực hiện dưới sự điều khiển của con người, trong đó đề cập đến sự không cân bằng và lạc hậu của hệ thống cũ và xây dựng hệ thống mới đảm baỏ phù hợp với giai đoạn lịch sử. Theo xu thế phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu sử dụng đất cũng có sự thay đổi lớn điều đó làm mất cân bằng cung cầu sử dụng đất đai. Vì vậy, quy hoạch sử dụng đất đai là một quy hoạch động, sự mất cân đối trong sử dụng đất luôn được điều chỉnh và các vấn đề được xử lý nhờ phương pháp động.
Phương pháp toán kinh tế, dự báo và ứng dụng công nghệ tin học trong quy hoạch sử dụng đất đai.
áp dụng các phương pháp toán kinh tế và dự báo nhu cầu sử dụng đất đai trong thời kỳ quy hoạch là quá trình sáng tạo phức tạp. Dự báo sử dụng tài nguyên đất đai luôn chịu ảnh hưởng của hai nhóm yếu tố: nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tiến bộ khoa học kỹ thuật. Dự báo sử dụng đất đai có thể thực hiện theo trình tự: Phân tích, đánh giá hiện trạng sử dụng đất, dự báo tiềm năng và khả năng cải tạo đất, cân đối cung cầu sử dụng đất trong tương lai.
Bảng cân đối sử dụng tài nguyên đất được thiết lập nhằm tìm ra mô hình toán với hàm mục tiêu tối ưu, trong đó đề cập đầy đủ nhất nhu cầu của con người, những khả năng có hạn, tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiềm năng của đất cũng như sự đòi hỏi khôi phục độ màu mỡ của đất và yêu cầu bảo vệ thiên nhiên.
Trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất của các cấp, việc ứng dụng công nghệ tin học và kỹ thuật tiên tiến như hệ thống thông tin địa lý (GIS) là một yêu cầu cấp bách. Công nghệ tin học cho phép tạo những thay đổi và bước ngoặt quan trọng trong quá trình xây dựng các loại bản đồ phục vụ quy hoạch, hỗ trợ trong việc lập và hiệu chỉnh các phương án quy hoạch sử dụng đất đai. Công nghệ GIS giúp cho công tác quản lý lưu trữ và hệ thóng hóa mọi thông tin cần thiết về các loại bản đồ trên máy tính trong một thời gian dài tạo khả năng bổ sung, cập nhật thường xuyên và tra cứu dễ dàng phục vụ tốt nhất theo yêu cầu của công việc.
Phần II
Phương án quy hoạch sử dụng đất của xã đến năm 2020
I. Điều kiện tự nhiên, tài nguyên môi trường
1. Vị trí địa lý.
Xã Đại kim là một xã thuộc huyện Thanh Trì nằm ở phía Tây Nam của thành phố Hà Nội, cách trung tâm Thành phố khoảng 10 km.
Xã có vị trí địa lý như sau:
Phía Bắc giáp với xã Định Công và phường Khương Đình.
Phía Đông giáp với xã Thịnh Liệt.
Phía Nam giáp với xã Thanh Liệt.
Phía Tây giáp với xã Tân Triều và phường Kim Giang (quận Thanh xuân).
Qua số liệu kiểm kê theo chỉ thị 364 TTg thì tổng diện tích tự nhiên toàn xã là 275,2 ha và được chia ở 4 thôn: thôn Kim lũ, thôn Kim giang, thôn Đại từ và thôn Kim văn.
2. Địa hình, đất đai.
Là xã đồng bằng nên địa hình của xã Đại Kim chủ yếu là các chân vàn cao và vàn nằm rải rác ở các thôn trong xã đang được nhân dân trồng màu và trồng lúa. Trong xã vẫn còn một số ít diện tích chân vàn trũng cũng được nhân dân trồng lúa nước (nhưng thường năng suất không cao) hoặc nuôi thả cá. Độ cao trung bình so với mặt biển của toàn xã khoảng 4 - 5 mét.
Nhìn chung toàn bộ đất đai xã Đại Kim là đất phù sa sông Hồng không được bồi đắp hàng năm, có điều kiện thuận lợi cho thâm canh nông nghiệp, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế như sự nghèo mùn ở những chân cao, thành phần cơ giới nhẹ có dấu hiệu của sự bạc màu do đó khi canh tác cần bổ sung thêm một số yếu tố dinh dưỡng cho đất để tăng cường hơn nữa
chất lượng đất khi sử dụng.
3. Khí hậu thuỷ văn.
- Khí hậu: Điều kiện khí hậu của xã Đại Kim nói riêng và của toàn huyện Thanh Trì nói chung đều thuộc vùng đồng bằng sông Hồng nên mang đặc điểm khí hậu chung của vùng Đồng bằng sông Hồng là khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm. Đây cũng là điều kiện khá thuận lợi để xã có thể phát triển việc đa dạng hoá cây trồng, tuy nhiên nó cũng gây một số trở ngại nhất định cho việc sinh trưởng và phát triển của cây trồng khi có sự đổi mùa.
- Lượng mưa: Qua thống kê tại trạm Láng một số năm gần đây cho thấy tổng lượng mưa giữa các năm có sự thay đổi rất lớn. Tuy nhiên, tính trung bình từ năm 1990 trở lại đây, tổng lượng mưa trung bình/năm đạt từ 1649 mm, chủ yếu tập trung vào các tháng 5, 6, 7, 8 và 9. Vào các tháng này lượng mưa trung bình /tháng đều vượt quá 200 mm, các tháng còn lại nói chung lượng mưa thấp (khoảng 20 mm - 100 mm/tháng).
- Chế độ nhiệt: Qua số liệu thống kê từ năm 1990 trở lại đây thấy nhiệt độ trung bình qua các năm không có sự chênh lệch cao (dao động trong khoảng từ 23 - 240C). Tính trung bình cả năm vào khoảng 240C nhưng chế độ nhiệt trong năm giữa các tháng có sự chênh lệch rõ rệt. Vào các tháng 5, 6, 7, 8 và 9, nhiệt độ thường rất cao (lên tới 290C - 300C), trong khi đó vào các tháng 1, 12 là các tháng có nhiệt độ thấp nhất trong năm (160C - 180C). Với sự chênh lệch nhiệt độ như vậy nên khi canh tác cây ngắn ngày cũng gặp phải một số khó khăn do đó khi canh tác chúng ta cần lựa chọn, chú ý đến giống và thời vụ giữa các cây trồng một cách hợp lý.
- ẩm độ: Qua theo dõi số liệu về ẩm độ từ năm 1990 trở lại đây cho thấy ẩm độ bình quân cả năm qua các năm thường giao động từ 79 - 82%. Giữa các tháng ẩm độ chênh lệch cũng không lớn tuy nhiên vào tháng 3 thường là tháng ẩm nhất, dao động trong khoảng từ 80 - 90%. Trong khi đó độ ẩm vào các tháng 11, tháng 12 thường vào khoảng 70 - 80%
II. điều kiện kinh tế - xã hội.
Tình hình dân số - lao động.
a. Dân số: Theo số liệu thống kê thì hiện tại xã Đại Kim có 6478 nhân khẩu, trong đó có 2985 nhân khẩu nông nghiệp và 3493 nhân khẩu phi nông nghiệp. Toàn xã có 1527 hộ trong đó số hộ nông nghiệp là 971 hộ chiếm 63,5% tổng số hộ trong xã. Tốc độ tăng dân số hàng năm trung bình là 1,52%.
Về đời sống kinh tế văn hóa và trình độ dân trí trong xã qua điều tra cho thấy xã có nền kinh tế phát triển khá mạnh do vậy đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân cũng ở mức cao hơn so với nhiều vùng nông thôn khác thuộc khu vực đồng bằng Bắc bộ. Hầu hết các gia đình đều có hệ thống nghe nhìn, 50 - 55% gia đình có ti vi, xe máy và các phương tiện đi lại khác. hầu hết các gia đình đã được xây dựng khang trang, đường làng ngõ xóm đều đã được bê tông hoá điều đó dẫn đến dân trí ngày được một nâng cao.
Dân cư của xã Đại Kim được phân bố tại 4 thôn theo biểu sau:
Biểu 1: Hiện trạng phân bố dân cư 2001
Stt
Danh mục
Đơn
vị
tính
Các thôn
Toàn
xã
Kim văn
Kim
Lũ
Kim giang
Đại
từ
I
Tổng số hộ
Hộ
121
418
335
653
1527
Nông nghiệp
Hộ
96
342
189
344
971
Phi nông nghiệp
Hộ
25
76
146
309
556
II
Tổng số nhân khẩu
Người
520
1871
1359
2728
6478
Nông nghiệp
Người
289
1218
512
966
2985
Phi nông nghiệp
Người
231
653
847
1762
3493
Qua biểu hiện trạng phân bố dân cư năm 2001 của xã Đại Kim chúng ta thấy số hộ phân bố ở các thôn là không đồng đều, cao nhất là thôn Đại từ với 653 hộ và thấp nhất là thôn Kim văn với 121 hộ. Mặt khác tỷ lệ số hộ nông nghiệp giữa các thôn cũng có sự khác nhau và tỷ lệ số hộ phi nông nghiệp là cũng khác nhau điều này dẫn đến phân bố lao trong xã không đều điều này cũng gây một số khó khăn trong lao động sản xuất.
b. Lao động: Theo số liệu thống kê từ các thôn và tổng hợp cho toàn xã cho thấy tổng số lao động trong xã khoảng 2292 nguời, chiếm 44,8% tổng dân số toàn xã trong đó:
+ Lao động nông nghiệp có 1290 người chiếm 43,1% tổng số lao động trong xã
+ Lao động phi nông nghiệp (bao gồm lao động làm trong các cơ quan, xí nghiệp nhà nước, ngoài nhà nước, lao động tự do) có 1702 người chiếm 56,9% tổng số lao động trong xã.
Diện tích bình quân đất nông nghiệp/1 lao động nông nghiệp là 927m2 (khá thấp so với bình quân diện tích đất nông nghiệp trong toàn huyện)
Hệ thống cơ sở hạ tầng.
a. Thủy lợi: Hiện tại xã Đại Kim có hệ thống thuỷ lợi khá đầy đủ để phục vụ sản xuất nông nghiệp, có sự kết hợp hài hoà giữa thuỷ lợi cấp huyện và thuỷ nông nội đồng bao gồm các kênh mương nội đồng chạy quanh các chân ruộng trong xã. Ngoài ra toàn xã cũng có 4 trạm bơm phục vụ tưới tiêu khi úng hạn được phân bổ như sau:
Một trạm ở thôn Đại từ chủ yếu phục vụ tưới tiêu cho thôn Đại từ
Một trạm đặt ở thôn Kim giang chủ yếu phục vụ tưới tiêu cho thôn Kim giang, thôn Kim văn và thôn Kim lũ
Một trạm ở thôn Kim văn chủ yếu phục vụ tưới tiêu cho thôn Kim văn
Một trạm ở thôn Kim lũ chủ yếu phục vụ cho thôn Kim lũ
b. Giao thông: Do vị trí địa lý thuận lợi nên hệ thống giao thông trong xã khá tốt cho việc giao lưu với thủ đô Hà Nội và các xã xung quanh. Toàn xã có các tuyến đường chính như sau:
Đường 70B là tuyến đường nhựa chính chạy trong xã với chiều dài qua xã khoảng 2 km. Đây là tuyến đường quan trọng trong việc giao lưu đời sống, kinh tế của bà con trong xã với các xã, phường bên cạnh vì khi nhân dân đi vào các phường ở quận Thanh xuân - Hà Nôi và vào khu đô thị mới Linh Đàm đều đi theo tuyến đường này.
Đường giao thông liên xã Đại Kim - Tân Triều: Chạy qua địa phận xã khoảng 3 km được rải đá cấp phối.
Đường Cầu Dậu - Cầu Tiên: Chạy qua địa phận xã 1,5 km
Đường vành đai 3 theo quy hoạch chạy qua xã
Ngoài các tuyến đường chính trong xã còn một hệ thống đường liên thôn, liên xóm khá tốt, đặc biệt là các con đường trong thôn xóm phần lớn đã được bê tông hoá
c. Các công trình phúc lợi chính trong xã: Hiện tại xã có hệ thống các công trình phúc lợi công cộng phục vụ đời sống dân sinh khá hoàn chỉnh, gồm:
Hai trường học: Diện tích 7761 m2 ở thôn Đại từ và thôn Kim lũ
Hai nhà mẫu giáo: Diện tích 2753 m2 ở thôn Đại từ và thôn Kim lũ
Một bệnh viện: Diện tích 46.574 m2 ở thôn Kim văn
Một trạm y tế: Diện tích 2027 m2 ở thôn Kim lũ
UBND xã: Diện tích 3490 m2 ở thôn kim lũ
Nhà văn hoá: Diện tích 300 m2 ở thôn Đại từ
d. Các cơ sở hạ tầng khác:
- Chợ: Qua điều tra cho thấy toàn xã vẫn chưa có chợ mà tình trạng họp chợ trong xã là chợ lấn chiếm, chợ tạm, các thôn Kim giang, Kim lũ, Đại từ đều có các chợ tạm như đã nêu tuy nhiên theo hình thức tự phát nay có thể họp tại địa điểm này nhưng mai có thể họp tại địa điểm khác.
Ngoài ra do xã gần chợ phường Kim giang nên hầu hết bà con trong xã khi cần mua, bán những hàng hoá tiêu dùng thường đi chợ này.
Chính vì không có chợ cố định nên mỗi khi họp các chợ tạm trong xã đã gây ra tình trạng ùn tắc giao thông và vấn đề trong sạch môi trường. Do đó trong giai đoạn tới khi xây dựng các công trình phúc lợi, xã cần chú trọng đầu tư xây dựng một khu chợ có quy mô không những để cho bà con trong xã mua, bán các nông sản phẩm mà còn tạo điều kiện giao lưu hàng hoá với các xã, phường bên cạnh góp phần tăng cao thu nhập cho người dân trong xã.
- Điện, nước sinh hoạt: Hiện tại xã đã kéo được các đường điện đến tất cả các thôn trong xã và các trạm biến thế điện được phân bố ở các thôn như sau:
+ Thôn Kim lũ: Một trạm điện 480 kv
+ Thôn Đại từ: Hai trạm điện 180 kv
+ Thôn Kim văn: Một trạm điện 180kv
+ Thôn Kim giang hiện đang sử dụng nhờ 1 trạm 180 kv của công ty thuỷ nông
Bên cạnh một số cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống bà con nhân dân trong xã khá tốt như hệ thống giao thông, công trình phúc lợi công cộng… nhưng mặc dù ở ngay cạnh một số nhà máy nước nhưng qua điều tra cho thấy nguồn nước của nhân dân trong xã đều là nước tự nhiên (nước giếng khoan, nước mưa) nên trong giai đoạn tới xã cần có quy hoạch và kế hoạch đầu tư kinh phí xây dựng một hệ thống dẫn nước sạch hoàn chỉnh phục vụ bà con trong xã góp phần làm tăng hơn nữa đời sống nhân dân.
Tình hình sản xuất một số ngành chính trong xã.
a. Ngành trồng trọt: Tuy là xã ngoại thành Hà Nội nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn là ngành chủ đạo trong xã nên vấn đề sản xuất nông nghiệp đã được các ban ngành trong xã đặc biệt quan tâm, chú ý. Theo kết quả thống kê sản xuất tại xã trong sản xuất nông nghiệp thì ngành trồng trọt là ngành sản xuất chính với các cây trồng chủ đạo như lúa nước, khoai tây, đỗ, rau các laọi. Trong những năm qua nhờ ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nên tăng suất cây trồng ở đây đạt khá cao.
Theo thống kê năm 2001 diện tích lúa cả năm toàn xã đạt 126,8 ha với năng suất bình quân đạt 75 tạ/ha, sản lượng quy thóc toàn xã đạt 951 tấn nếu chia bình quân nhân khẩu cả xã đạt 143 kg/người. Diện tích rau màu cả năm toàn xã khoảng 16,5 ha chủ yếu trồng khoai, đậu và rau.
b. Ngành chăn nuôi: Qua điều tra tình hình chăn nuôi của xã thì thấy rằng chăn nuôi giữ một vai trò quan trọng trong nông nghiệp nói chung và trong từng hộ gia đình nói riêng. Ngành chăn nuôi đã cung cấp một lượng phân bón lớn cho cây trồng, đã giải quyết tận dụng những lao động dư thừa cũng như làm tăng thêm thu nhập cho người dân. Bên cạnh việc chăn nuôi đại gia súc thì các hộ gia đình trong xã cũng không ngừng mở rộng chăn nuôi gia cầm để tận dụng thức ăn dư thừa trong gia đình
Về ngư nghiệp cũng có bước phát triển tích cực cả về số lượng lẫn chất lượng như nuôi cá nước ngọt ở các ao, hồ, trên ruộng lúa để tạo công ăn việc làm cho các lao động nhàn rỗi và tận dụng mặt nước để tăng thêm thu nhập cho từng hộ gia đình.
c. Ngành nghề phụ: Là xã đồng bằng, cạnh thủ đô Hà Nội nên xã có điều kiện để phát triển ngành nghề phụ góp phần giải quyết lao động dư thừa trong lúc nông nhàn, tăng thêm thu nhập cho người dân, nâng cao đời sống hộ gia đình. Qua điều tra thì hiện tại ở xã nhiều hộ gia đình đang làm dịch vụ buôn bán nhỏ, những lúc nông nhàn thanh niên đi xây dựng các nơi. Ngoài ra còn một số ngành nghề thủ công như làm kẹo ở thôn Kim lũ, đan len ở thôn Đại từ từ những năm trước trong thời kỳ chưa mở cửa kinh tế nên sản xuất kinh doanh của họ cũng mang lại một số hiệu quả nhất định, song mấy năm gần đây, tình hình sản xuất thay đổi theo cơ chế thị trường, nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng của người dân tăng nên đòi hỏi cần phải có sự đầu tư trong sản xuất, trong khi đó điều kiện kinh tế của các hộ gia đình chưa có đủ khả năng, nên ngành nghề này không phát triển được, một số đang có xu hướng giảm quy mô sản xuất.
Trong giai đoạn tới xã cần có chủ trương khuyến khích, đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất vào những ngành nghề này góp phần giải quyết công ăn việc làm cho những lao động dư thừa và tận dụng tiềm năng và lợi thế mà xã có để phục vụ một số nhu cầu sản xuất và đời sống.
Thực trạng phát triển chung năm 2001.
Với quy mô và sản xuất ngành nghề như trên, kinh tế - xã hội xã Đại Kim tiếp tục phát triển trên một số lĩnh vực. Năng suất được nâng lên, kết cấu hạ tầng được cải thiện, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo tiền đề để cho bước phát triển thời kỳ sau. Đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân được cải thiện một bước. Tuy nhiên so với tiềm năng và yêu cầu phát triển thì tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Thực trạng phát triển chung cả xã Đại Kim thể hiện như sau:
+ Tổng giá trị sản xuất toàn xã: 10.325 triệu đồng
Giá trị sản xuất từ nông nghiệp: 2.396 triệu đồng
Giá trị thủ công nghiệp: 2.040 triệu đồng
Giá trị sản xuất từ thương nghiệp, dịch vụ: 4.204 triệu đồng
Giá trị thu nhập từ chăn nuôi: 1.685 triệu đồng
Bình quân giá trị 1 ha đất nông nghiệp đạt 18,9 triệu đồng
Bình quân thu nhập người/năm đạt 1,54 triệu đồng
Qua phân tích, đánh giá tình hình hiện trạng xã Đại Kim chúng ta rút ra một số nhận xét như sau:
- Điều kiện tự nhiên của xã khá thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp, đó là đặc điểm và tính chất đất đai có nhiều khả năng tốt để thâm canh cây trồng đạt năng suất cao.
- Điều kiện xã hội tác động đến sản xuất cũng rất đa dạng, nền kinh tế của Đại Kim phát triển theo hướng kinh doanh tổng hợp, trong đó các dịch vụ thương nghiệp buôn bán nhỏ rất phát triển.
- Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân phát triển khá cao nên những nhận thức của người dân cũng nhạy bén với những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các yếu tố thị trường. Người dân đã mạnh dạn làm giàu bằng nhiều biện pháp trong thời kỳ đổi mới ._.tiết cho các lĩnh vực.
Sau khi thực hiện xong quy hoạch tổng thể sử dụng đất đai, để quá trình thực hiện phương án quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai một cách nhanh chóng và thuận lợi hơn thì phải thực hiện quy hoạch chi tiết sử dụng đất cho các lĩnh vực. Trong mỗi loại đất phải chỉ rõ, chi tiết các nhu cầu sử dụng đất.
Quy hoạch tổng thể sử dụng đất đai chỉ cho ta biết một cách tổng quát rằng nhu cầu sử dụng đất đai cho các ngành, các lĩnh vực mà thôi. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện phương án quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai ta phải chi tiết thêm, cụ thể hóa thêm các nhu cầu sử dụng đất. Phải chỉ rõ trong nông nghiệp đất trồng cây hàng năm là bao nhiêu, đất ba vụ, đất hai vụ, đất cho trồng rau là bao nhiêu, đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản chiếm bao nhiêu phần trăm đất nông nghiệp, trong đó đất chuyên nuôi cá bao nhiêu, chuyên nuôi tôm và chuyên nuôi trồng thủy sản khác là bao nhiêu. Hay nói cách khác là chúng ta phải chi tiết cụ thể ra từng hạng mục sử dụng là bao nhiêu sao cho phù hợp với điều kiện tự nhiên để đem lại hiệu quả sử dụng cao nhất.
Trong đất chuyên dùng ta phải chỉ rõ được đất cho giao thông là bao nhiêu, được phân bố xây dựng ở đâu. Đât xây dựng cơ bản quy mô bao nhiêu được bố trí như thế nào, dự kiến lấy đất nào chuyển sang. Đất thủy lợi cũng vậy.
Khi ta đã xác định được rõ ranh giới, chi tiết từng vị trí, từng địa điểm cho các mục đích sử dụng nó giúp ta xác định được mức độ đầu tư vào từng hạng mục công trình, đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho các công trình đi vào thực hiện. Một phần giúp cho các nhà đầu tư biết được nên đầu tư vào công trình nào, công trình nào có khả năng thực hiện được, công trình nào không thực hiện được so với lượng vốn của mình. Một phần giúp cho các nhà đầu tư có thể xác định mức thuận tiện khi đầu tư xây dựng các công trình đó hoặc có thể xác định được khoảng thời gian thu hồi vốn của các công trình (đối với đất chuyên dùng). Trong đất nông nghiệp cũng vậy, phải chi tiết từng vùng, từng địa điểm. Nhưng trong bản quy hoạch của xã Đại Kim chủ yếu mới cho ta biết được diện tích tổng quát đất cho các ngành, các lĩnh vực. Do đó mà chúng ta phải lập quy hoạch chi tiết cụ thể cho các ngành, các lĩnh vực.
Hình thành các ban chỉ đạo và quy định rõ trách nhiệm cho từng ngành, lĩnh vực.
Quy hoạch sự dụng đất đai của xã được xây dựng trên cơ sở thực tại trong xã nên đề nghị UBND huyện và các phòng ban chức năng chuyên môn thành phố sớm thẩm định phê duyệt để xã xây dựng phương án giao đất nông nghiệp cho các hộ gia đình và cá nhân theo Nghị định 64/CP của Chính phủ.
Sau khi phương án được phê duyệt đề nghị các phòng ban chức năng của huyện như phòng địa chính - quản lý nhà, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, phòng giao thông… giúp đỡ xã trong việc triển khai thực hiện quy hoạch.
Công tác quy hoạch sử dụng đất đai là rất phức tạp, nó có thể động chạm đến nhiều lĩnh vực khác nhau trong khu vực quy hoạch; Mọi hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn quy hoạch nói riêng và trong toàn xã hội nói chung đều phải lấy đất đai làm nền tảng, làm cơ sở để thực hiện quá trình sản xuất. Do đó, quy hoạch sử dụng đất đai có thể làm biến đổi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai của các ngành, các lĩnh vực hoặc làm giảm quy mô, tăng quy mô sử dụng đất của các ngành trên địa bàn quy hoạch.
Đất đai là tài sản vô cùng quý giá và có hạn của mỗi Quốc gia. ở nước ta, đất đai được Nhà nước thống nhất quản lý và giao cho các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình (gọi chung là đối tượng sử dụng đất) đưa vào sử dụng. Vì vậy, trong quá trình thực hiện quy hoạch rất dễ xẩy ra tranh chấp, lấn chiếm và những khó khăn khác làm cản trở công việc thực hiện quy hoạch. Trong ban chỉ đạo này bao gồm đầy đủ các thành phần, lĩnh vực để có thể giải quyết mọi vướng mắc, thắc mắc hoặc những khó khăn có thể gặp phải trong quá trình thực hiện quy hoạch. Ban chỉ đạo quy hoạch sử dụng đất của xã thường gồm: Chủ tịch hoặc phó Chủ tịch UBND xã và có cả cán bộ dịa chính huyện, cán bộ tư pháp huyện xuống cùng hỗ trợ và thực hiện quy hoạch. Ngoài ra còn một số thành viên khác cùng tham gia như trưởng thôn, chủ tịch hợp tác xã…
Ban chỉ đạo quy hoạch đại diện cho quần chúng nhân dân trên địa bàn quy hoạch làm quy hoạch. Chịu hoàn toàn trách nhiệm công việc mình làm trước quần chúng nhân dân.
Để quá trình thực hiện quy hoạch được tiến hành nhanh và đạt kết quả cao thì cần có một đội ngũ cán bộ dày dạn kinh nghiệm và có trình độ nghiệp vụ cao. Đội ngũ cán bộ địa chính phải tận tình với công việc, bám sát và nắm vững địa hình để giúp quá trình thực hiện quy hoạch nhanh hơn, chất lượng cao hơn.
Các ngành, các lĩnh vực có trách nhiệm thực hiện các mục đích sử dụng đất của mình theo quy hoạch, thực hiện đầy đủ các công việc và phương án quy hoạch đề ra. Đại Kim là xã ngoại thành Hà Nội cho nên việc quản lý quỹ đất hạn hẹp là rất cần thiết. Do đó, trách nhiệm của cán bộ địa chính xã là nặng nề. Ngoài trách nhiệm hướng dẫn và chỉ đạo nhân dân thực hiện các phương án quy hoạch đề ra còn phải thường xuyên theo dõi và nắm bắt các biến động xẩy ra trong quá trình sử dụng đất. Phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với việc mình làm trước chủ tịch xã và quần chúng nhân dân trong xã.
Ngoài ra, nhân dân phải có trách nhiệm tuân thủ thực hiện các nội dung trong bản quy hoạch nên nêu ra và cùng hưởng ứng và công tác thực hiện phương án quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch.
UBND xã là người đại diện cho toàn xã và có trách nhiệm cao nhất trong việc thực hiện quy hoạch trên địa bàn xã. UBND xã Đại Kim có trách nhiệm đề ra các chính sách để thúc đẩy quá trình quy hoạch và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước cơ quan cấp trên.
Qua phân tích ta thấy được việc hình thành ban chỉ đạo quy hoạch và quy định trách nhiệm cho từng ngành, từng lĩnh vực là rất cần thiết. Trong bất kỳ một lĩnh vực sản xuất nào cũng cần có một ban lãnh đạo, người chỉ đạo điều hành có dày dạn kinh nghiệm và có trình độ chuyên môn cao thì mọi hoạt động sản xuất mới có thể diễn ra một cách suôn sẻ và đạt kết quả cao. Mọi thành viên hoạt động trong lĩnh vực đó cũng phải thực hiện đầy đủ các quy định của công ty đề ra và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước sự vi phạm của mình, có thể mới duy trì được quá trình hoạt động của công ty. Trong quy hoạch nói chung và quy hoạch sử dụng đất nói riêng cũng vậy, để quá trình thực hiện công tác quy hoạch được hoàn thành nhanh chóng và đạt kết quả cao thì phải hình thành ban chỉ đạo quy hoạch và có các chính sách quy định trách nhiệm cho từng ngành, từng lĩnh vực trên địa bàn quy hoạch phải thực hiện đúng theo nội dung trong bản quy hoạch đã đề ra. Có các chính sách khuyến khích các đối tượng sử dụng đất theo quy hoạch, những người có công tham gia tích cực vào quá trình quy hoạch. Phải có các biện pháp cứng rắn đối với các trường hợp vi phạm các quy định đặt ra cũng như các nội dung của bản quy hoạch.
Hiện nay, có một số trường hợp vì mưu cầu lợi ích cá nhân hoặc dựa vào có chức có quyền đưa con cháu không có kinh nghiệm và trình độ nghiệp vụ thấp vào ban chỉ đạo quy hoạch dẫn đến kết quả của quy hoạch đạt chất lượng không cao. Do đó, cần phải có chính sách quy định rõ những người như thế nào thì được lựa chọn vào ban chỉ đạo quy hoạch, có chính sách ưu tiên những cán bộ trẻ tuổi năng động sáng tạo. Chỉ có như vậy mới có thể đẩy nhanh được tiến độ thực hiện quy hoạch mà chất lượng của công tác này vẫn cao.
Giải pháp về thu hồi và chuyển đổi đất trong quy hoạch.
Công việc thu hồi và giải phóng mặt bằng khi thực hiện quy hoạch hiện nay gặp phải rất nhiều khó khăn, việc chi phí cho công tác này rất tốn kém trong khi đó ngân sách của xã thì có giới hạn nên việc đền bù cho thu hồi đất diễn ra rất chậm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình thực hiện quy hoạch. Tuy chính quyền xã là đại diện cho quần chúng nhân dân đứng ra quản lý toàn bộ quỹ đất của xã và giao cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng khi cần sử dụng vẫn có quyền thu hồi diện tích đất đó và chuyển các đối tượng sử dụng đất đến chỗ mới. Thế mà quá trình này diễn ra thật khó khăn và chậm chạp.
Xã cần có những chính sách khuyến khích các đối tượng sử dụng đất đẩy nhanh tiến độ di dời đến chỗ mới đã được bố trí. Ưu tiên những trường hợp chấp hành nghiêm chỉnh các quy định đặt ra.
Đối với diện tích đất đã giao khi thu hồi cần phải có các chính sách ưu tiên và khuyến khích người dân di chuyển đi chỗ khác. Xã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đối tượng sử dụng đất di chuyển một cách nhanh nhất, bố trí cho các đối tượng sử dụng đất này ở những vùng đất có điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất và sinh hoạt, đền bù hợp lý những tài sản được xây dựng trên đất. Vì vậy, các đối tượng sử dụng đất sẽ cảm thấy có lợi khi di chuyển, nên họ nhanh chóng thu xếp di chuyển đến nơi mới được bố trí. Do đó góp phần giúp cho quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng được diễn ra nhanh chóng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch.
Việc đẩy nhanh tiến độ thu hồi và chuyển đổi đất cho các đối tượng sử dụng đất trong quá trình quy hoạch là rất cần thiết. Để quá trình quy hoạch được thực hiện đúng tiến độ thì vấn đề thu hồi giải phóng mặt bằng và chuyển đổi đất cần được tiến hành một cáhc nhanh chóng. Để thực hiện được xã cần phải có các chính sách ưu tiên khuyến khích cho các đối tượng sử dụng đất.
Tăng cường công tác tổ chức, quản lý, sử dụng và bảo vệ đất đai chặt chẽ.
- Vấn đề đầu tiên chúng ta đề cập đến là cần phải khẳng định rõ cho các cấp chính quyền và toàn thể nhân dân, người sử dụng đất thấy rằng: Tài nguyên đất là loại tài nguyên vô cùng quý giá nhưng có hạn, vì vậy việc cải tạp và gìn giữ là rất cần thiết. Để chứng minh điều đó ta thấy việc cải tạo lập một ha đất nông nghiệp (đặc biệt là đất trồng lúa) là rất khó khăn, phải trải qua một thời gian lâu dài có sự đầu tư công sức, trí tuệ rất lớn của con người.
- Đại Kim là xã ngoại thành Hà Nội có diện tích đất đai không rộng vấn đề mở rộng diện tích đất nông nghiệp lại càng khó khăn trong khi đó dan số ngày một tăng, yêu cầu đất ở, đất chuyên dùng ngày càng tăng, dẫn đến tình trạng ngày càng giảm diện tích bình quân đất đai tự nhiên, đất nông nghiệp. Nếu không có biện pháp quản lý cứng đầu của chính quyền và sự ủng hộ nhiệt tình của quần chúng nhân dân và các chủ sử dụng đất thì sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh lương thực, phát triển an toàn xã hội, an ninh quốc phòng. Do đó, biện pháp hàng đầu phải đặt ra là bằng mọi cách chấm dứt tình trạng chuyển đất có độ phì nhiêu cao dùng cho sản xuất nông nghiệp sang dùng vào mục đích khác. Đặc biệt là chấm dứt hẳn tình trạng chuyển đất trồng lúa, rau màu tốt như hiện nay. Có các chính sách khuyến khích người sử dụng đất đai vừa khai thác vừa giữ gìn cải tạo đất, tránh để tình trạng khai thác kiệt độ phì nhiêu bỏ hoang hóa. Hướng dẫn người dân và các đối tượng sử dụng đất đai khai thác và sử dụng diện tích đất đai có hạn một cách đầy đủ, tiết kiệm một cách hợp lý nhất.
- Phải coi việc thực hiện phương án quy định sử dụng đất đai giai đoạn 2000 - 2020 vừa là trách nhiệm, vừa là công cụ của công tác quản lý đất đai các cấp. Các đối tượng sử dụng đất đai phải căn cứ vào phương án quy hoạch sử dụng đất đai của xã làm cái khung để thực hiện các mục đích sử dụng đất đai của mình, phải chấp hành nghiêm chỉnh các nguyên tắc mà phương án quy hoạch đề ra. Từ khung sườn đó đối tượng sử dụng đất bổ sung và chi tiết hóa các mục đích sử dụng đất đai của mình.
- Để sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai hiện có, tránh tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất tùy tiện ở một số nơi như hiện nay, xã cần phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý đất đai. Do mục đích lợi ích trước mắt mà một số đối tượng sử dụng đất đã tiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất không cần biết kết quả lợi hại ra sao. Vì vậy việc tăng cường quản lý đất đai là rất cần thiết.
- Phải thường xuyên tăng cường công tác thanh tra việc quản lý sử dụng đất phát hiện kịp thời các trường hợp vi phạm Luật đất đai và có biện pháp xử lý thật nghiêm đối với các đối tượng vi phạm, có các hình thức khen thưởng kịp thời thỏa đáng cho các tổ chức, cá nhân sử dụng đất đai tiết kiệm hiệu quả và có phương pháp cải tạo bồi bổ, khai hoang mở rộng diện tích đất theo quy định.
- Thường xuyên mở các lớp nâng cao nghiệp vụ quản lý đất đai, quản lý Nhà nước cho các cán bộ địa chính. Thông thường ở các đơn vị xã chỉ có một cán bộ địa chính mà trình độ chuyên môn chưa cao. Vì vậy trình độ nghiệp vụ có hạn mà xã là đơn vị hành chính cấp thấp nhất trực tiếp quản lý và giám sát đất đai trên địa bàn. Do đó, việc thường xuyên cho cán bộ đi học lớp nâng cao nghiệp vụ là rất cần thiết.
Hơn nữa, cần phải đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện công nghệ hiện đại để hệ thống hồ sơ địa chính: Bản đồ, tài liệu số liệu ngày một chất lượng, chính xác hơn giúp cho việc quản lý đất đai ngày càng đúng với quy hoạch, đúng pháp luật. Khi có các hệ thống các phương tiện công nghệ hiện đại nó giúp cho công tác lập quy hoạch nhanh hơn, chất lượng cao hơn rất nhiều so với không có. Nó lưu trữ được nhiều dữ liệu hơn, tính toán và lập bản đồ với tốc độ nhanh hơn và chính xác gấp nhiều lần. Do đó, để nâng cao chất lượng quy hoạch ngoài việc nâng cao trình độ cán bộ địa chính cần phải đầu tư mua sắm các thiết bị cần thiết và hiện đại để trợ giúp cho quá trình thực hiện quy hoạch đạt kết quả cao hơn.
Các giải pháp cụ thể cho từng loại đất.
Đối với đất nông nghiệp.
Phải có hạn chế đến mức thấp nhất việc chuyển đất nông nghiệp sang các mục đích phi sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là đất lúa, đất màu tốt. Đại Kim là xã có tổng diện tích đất tự nhiên hẹp, tỷ lệ đất nông nghiệp chiếm hơn một nữa mặc dù vậy do dân số ngày một tăng lên vấn đề bảo đảm an ninh lương thực là rất quan trọng. Bất kỳ sự chuyển đổi đất nông nghiệp cũng gây ảnh hưởng đến kết quả sản lượng lương thực, kết quả hàng năm của xã. Do đó việc chấp hành nguyên tắc trên là cần thiết. Bất kỳ một cơ quan, tổ chức, cá nhân nào nếu lấy đất nông nghiệp ngoài việc đền bù tài sản hoa màu, đất đai còn phải có trách nhiệm cấp kinh phí đào tạo nghề mới hoặc cấp kinh phí khai hoang đất nông nghiệp mới để tạo công ăn việc làm cho người có đất bị thu hồi.
Nhanh chóng hoàn thành giao đất nông nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho các hộ, cá nhân. Tăng cường công tác quản lý quỹ đất khó giao, đất công ích để mọi tấc đất sử dụng có hiệu quả và được quản lý chặt chẽ đúng quy hoạch đựoc duyệt.
Xây dựng ngay các phương án đầu tư khai hoang mở rộng diện tích đất nông nghiệp, khi dự án quy hoạch phân bố sử dụng đất dược phê duyệt
6.2. Đối với đất ở, đất chuyên dùng.
Việc sử dụng đất ở, đất chuyên dùng phải theo quy hoạch, kế hoạch chung và quy hoạch, kế hoạch chi tiết đến từng chủ sử dụng đất nhanh chóng xử lý hoàn thiện hồ sơ đất ở, đất chuyên dùng và tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất chuyên dùng cho các đối tượng sử dụng theo quy định của pháp luật.
Tổ chức điều tra, phân loại xác định nhu cầu đất chuyên dùng cho các tổ chức, cá nhân gọi chung là đối tượng sử dụng đất để có phương án sử dụng quỹ đất chuyên dùng giữa các lĩnh vực, ngành hợp lý, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội an ninh quốc phòng. Công việc này có tác dụng rất lớn đến việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đât. Nó chỉ ra cho biết số lượng nhu cầu đất của các đối tượng sử dụng đât, các loại đất mà đối tượng sử dụng đất cần sử dụng đất chuyên dùng chỉ việc phân bổ quỹ đất sau khi đã cân đối cho các đối tượng sử dụng đất. Vì vậy, công tác tổ chức điều tra, phân loại xác định nhu cầu đất chuyên dùng được coi như là điều kiện tiền đề để thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất chuyên dùng. Công tác này càng được đi sâu và chi tiết bao nhiêu thì quá trình thực hiện phương án quy hoạch càng nhanh và chính xác bấy nhiêu. Do đó, đây là giải pháp rất cần thiết cho quá trình thực hiện phương án quy hoạch đất chuyên dùng nói riêng và các loại đất khác nói chung.
Xã cần phải nhanh chóng thống nhất quỹ đất chuyên dùng, đất ở tránh tình trạng giao đất cho các đối tượng sử dụng đất mà đối tượng sử dụng đất lại bỏ hoang không đưa vào sử dụng ngay hoặc sử dụng không có hiệu quả. Điều này giúp cho xã nâng cao được hiệu quả sử dụng các đất hạn hẹp và quý giá này, phù hợp với luật pháp hiện hành tránh những xáo trộn gây khó khăn cho người sử dụng đất. Khi đã thống nhất được quỹ đất chuyên dùng rồi thì việc thực hiện phương án quy hoạch phân bổ quỹ đất cho các đối tượng sử dụng đất chuyên dùng và đất ở dễ dàng, nhanh chóng hơn nhiều khi chưa quản lý quỹ đất về một mối.
Việc thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất cũng phải dựa trên quỹ đất của xã, việc phân bố đất cho các nhu cầu sử dụng đất cũng phải dựa trên quỹ đất của xã. Do đó, khi thống nhất được quỹ đất của xã, nắm chắc được tổng quỹ đất của xã thì việc thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất của xã được hoàn thiện hơn, chuẩn xác hơn.
Quản lý sử dụng đất ở phải theo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, kết hợp giữa dân tộc và hiện đại, sử dụng tốt không gian với kiểu kiến trúc truyền thống bảo tồn văn hóa dân tộc. Dành diện tích thích đáng để trồng cây xanh bảo vệ, cải thiện môi trường, cảnh quan khu dân cư. Hệ thống cấp thoát nước, các công trình văn hóa thể thao cần được ưu tiên thích đáng.
Hiện nay trên địa bàn xã Đại Kim hệ thống cấp thoát nước còn thiếu nhiều, các công trình cũ thì đã xuống cấp và nhiều nơi không thể sử dụng được nữa. Các công trình văn hóa thể thao còn thiếu, mới chỉ có các công trình cho người cao tuổi còn cho thanh thiếu niên thì chưa có. Trên địa bàn xã chưa có một sân bóng đá nào hoàn thiện dành cho thiếu niên. Trong những năm tới đây xã cần có phương án quy hoạch xây dựng cải thiện các công trình này đưa vào hoạt động.
Để thực hiện được điều này thì việc sử dụng đất phải tiết kiệm và hiệu quả, dành quỹ đất thích đáng cho xây dựng các công trình. Mọi người dân pahỉ chấp hành thực hiện tốt theo phương án quy hoạch giúp cho quá trình thực hiện phương án quy hoạch sử dụng đất đai trên địa bàn xã có hiệu quả cao nhất.
Xã cần có quy định mức đất cụ thể cho các đối tượng sử dụng đất dưới
mức tối đa theo pháp luật đất đai, quy định để hạn chế việc sử dụng lãng phí đất đai, phù hợp với sinh hoạt của xã hội.
Đại Kim là một xã ngoại thành Hà Nội có diện tích tương đối nhỏ với tổng diện tích đất tự nhiên là 275,2159 ha việc định mức cho các đối tượng sử dụng đất là rất cần thiết. Một phần tránh lãng phí, một phần giúp cho công việc quy hoạch sử dụng đất đai nhanh chóng hơn.
Đầu tư khai thác đất chưa sử dụng.
Đại Kim có tổng diện tích đất chưa sử dụng chiếm tỷ lệ khá lớn trong diện tích đất tự nhiên. Do diện tích đất chưa sử dụng của xã nằm rải rác ở một số nơi trên địa bàn xã nên công việc khai thác đưa vào sử dụng gặp rất ít khó khăn.
Để tạo thuận lợi cho việc khai thác đưa quỹ đất này vào sử dụng, xã cần có chính sách đầu tư thích đáng và các chính sách khuyến khích quần chúng nhân dân trong xã tham gia khai thác cải tạo góp phần làm tăng quỹ đất sử dụng của xã. Chính là đẩy nhanh tiến độ hoàn thành phương án quy hoạch sử dụng đất đai của xã trong những năm tới.
Đầu tư cho các đối tượng sử dụng đất nào nhận quỹ đất chưa sử dụng đưa vào cải tạo và nâng độ phì nhiêu của đất. Ưu tiên giảm thuế hoặc miễn thuế sử dụng đất trong nhiều năm liền, tạo động lực cho các đối tượng sử dụng đất mở rộng diện tích và mở rộng quy mô sản xuất của mình
Biện pháp tuyên truyền giáo dục.
Tuyên truyền cho nhân dân nắm vững pháp luật, chính sách quản lý sử dụng đất đai của Đảng, Nhà nước. Hướng dẫn các đối tượng sử dụng đất biết, hiểu và thực hiện việc quản lý sử dụng, bảo vệ khai thác đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch. Người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi của mình theo pháp luật.
Cán bộ địa chính xã phải đi sâu, đi sát để nắm bắt tình hình sử dụng đất của quần chúng nhân dân, giải thích những thắc mắc và khó khăn mà nhân dân mắc phải trong quá trình sử dụng đất.
Giải pháp đầu tư.
Hỗ trợ kinh phí hướng dẫn về chuyên môn, giúp xã thực hiện tốt công tác giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai theo Nghị định 64/CP và quyết định 1615/QĐ - UB của UBND Thành phố HN
Để thực hiện được các chỉ tiêu đất đai theo quy hoạch, xã có trách nhiệm tìm nguồn vốn đầu tư khai thác đất đai bằng các nguồn vốn của cá nhân, tổ chức nhà nước.
Đại Kim trong những năm tới cần một lượng vốn đầu tư lớn để xấy dựng các công trình phục vụ cho sản xuất và đời sống của nhân dân. Trong đó có hệ thống thủy lợi và hệ thống giao thông xã dự kiến đầu tu nhiều nhất.
Với những công trình dở dang, xuống cấp cần đầu tư và tu bổ, sửa chữa nâng cấp ngay đảm bảo tính đồng bộ của mạng lưới thủy lợi từ công trình đầu mối đến hệ thống kênh mương đồng ruộng
Đầu tư kiên cố hóa và bê tông hóa những hệ thống kênh mương để tăng thêm công suất sử dụng, đảm bảo tính bền vững ngay trong điều kiện thiên tai, úng lụt. Xây dựng một số kênh mương mới cần thiết để mở rộng diện tích tưới tiêu cho các loại cây trồng khác đồng thời nâng cao khả năng chống úng lụt, hạn hán. Điều quan trọng nữa là đảm bảo nước sạch cho người dân. Hiện nay, vấn đề nước sạch ở Đại Kim nói riêng và các vùng nông thôn nói chung là thiếu rất nhiều, đa số người dân ở nông thôn dùng nước giếng khơi, ao, hồ, nước mưa chất lượng thấp ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân.
Việc đầu tư nhanh chóng vào xây dựng hệ thống thủy lợi là rất cần thiết. Đầu tư xây dựng các nhà máy lọc nước ở các thôn khẩn trương đưa vào sử dụng cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.
Đối với hệ thống giao thông, xã dự kiến chỉ đầu tư nâng cấp mở rộng toàn bộ trên các con đường cũ, không xây dựng con đường nào trong những năm tới. Hệ thống giao thông của xã khá hoàn chỉnh, có vài con đường có diện tích bề mặt hẹp và nhiều đoạn có hiện tượng xuống cấp mà dân số ngày một tăng, lưu lượng đi lại ngày càng đông, các hoạt động giao lưu buôn bán trên địa bàn xã ngày một tấp nập nên việc đầu tư mở rộng hệ thống giao thông trên địa bàn xã là rất cần thiết. Nó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của xã nói riêng và của toàn huyện nói chung. Nó tạo điều kiện thuận lợi cho dân chúng đi lại, góp phần làm đẹp bộ mặt nông thôn và nâng cao đời sống của người dân.
Giải pháp về chính sách.
- Chính sách ưu tiên phát triển nông thôn toàn diên
- Chính sánh bảo vệ và phát triển đất trồng lúa nước
- Chính sách khuyến khích mọi người dân khai thác cải tạo đất chưa sử dụng.
Phần IV
Kết luận
Trên đây là nội dung phương án quy hoạch sử dụng đất xã Đại Kim giai đoạn từ 2000 - 2020. Qua nội dung trên chúng ta thấy Đại Kim là xã có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế xã hội mà đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội của xã có nhiều nét đặc thù của một vùng nông thôn trù phú đang hướng tới đô thị hóa. Hoạt động kinh tế rất đa dạng, khá nhiều thành phần kinh tế cùng tồn tại và phát triển trên địa bàn xã trong điều kiện cơ chế quản lý về kinh tế của Nhà nước đang có sự chuyển biến, mở cử
a, đời sống kinh tế của người dân ngày một nâng cao. Vấn đề quy hoạch tổng thể xã có nhiệm vụ xác định rõ hướng đi cho các ngành. Tiến hành phân bổ nguồn tài nguyên đất đai, lao động, vật tư kỹ thuật theo quy mô và cơ cấu ngành đã được xác định, bố trí sử dụng đất nông nghiệp hợp lý trên cơ sở hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng. Phương án quy hoạch trên đã đánh giá được hiện trạng sử dụng đất đai, hiệu quả sử dụng đất qua quá trình phát triển điều kiện tự nhiê, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
Về quy hoạch phương án đã nêu nhu cầu đất đai, nhu cầu sửt dụng đất nông nghiệp đê chuyển đổi sang mục đích chuyên dùng, mục đích đất thổ cư. Đồng thời phương án cũng đã nêu ra một số giải pháp để thực hiện xây dựng một số mô hình trong canh tác nông nghiệp để góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân, tăng thêm hệ số quay vòng sử dụng đất.
Phương án quy hoạch đã nêu ra kế hoạch sử dụng đất từng giai đoạn và phân bổ mặt bằng của các loại đất đến cuối năm 2020. Làm cơ sở xây dựng kế hoạch sử dụng đất đai hàng năm và để quản lý đất đai tốt hơn.
Mặc dù đã hết sức cố gắng tìm tòi, nghiên cứu và được sự chỉ dẫn tận tình của thầy giáo GS.TSKH. Lê Đình Thắng, nhưng do thời gian và trình độ còn những hạn chế, nên chuyên đề này không tránh được những thiếu sót, em mong muốn được sự đóng góp ý kiến của các thầy cô giáo và bạn đọc để chuyên đề này được hoàn thiện hơn. Em xin chân thành cảm ơn!
Mục lục
Trang
Đặt vấn đề…………………………………………………………………………………………………………….
1
Phần I: Cơ sở khoa học của quy hoạch sử dụng đất đai……………
3
I. khái niệm và sự cần thiết của quy hoạch sử dụng đất đai…………
3
1. Khái niệm. ……………………………………………………………………………………………………...
3
2.Sự cần thiết phải quy hoạch sử dụng đât. ………………………………………………...
5
II. những căn cứ để lập quy hoạch sử dụng đất……………………
9
1. Căn cứ pháp lý để xây dựng kế hoạch. ……………………………………………………...
9
2. Căn cứ vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của vùng quy hoạch. ………………………………………………………………………………………………………..
10
Căn cứ quy hoạch sử dụng đất của cấp quản lý vùng quy hoạch. ……..
11
4. Căn cứ vào hiện trạng sử dụng và tiềm năng đất đai vùng quy hoạch. ….
12
III. Nội dung của quy hoạch sử dụng đất. ……………………………………………………..
13
1. Công tác điều tra và thu thập số liệu. …………………………………………………………
14
2. Đánh giá điều kiện tự nhiên kinh tế - xã hội. …………………………………………..
14
3. Đánh giá tình hình quản lý và sử dụng đất đai. ……………………………………….
15
4. Xây dựng các phương án quy hoạch. …………………………………………………………
15
4.1. Phân bổ đất nông - lâm nghiệp. ……………………………………………………………..
16
4.2. Phân bổ đất chuyên dùng. ……………………………………………………………………….
20
4.3. Phân đất khu dân cư.………………………………………………………………………………….
21
4.4. Tổng hợp phương án quy hoạch. ……………………………………………………………
24
IV. các phương pháp chính xây dựng quy hoạch. ……………………………………….
24
1. Kết hợp phân tích định tính và định lượng. ……………………………………………...
24
2. Phương pháp phân tích kết hợp vi mô và vĩ mô.……………………………………...
24
3. Phương pháp cân bằng tương đối. ………………………………………………………………
25
4. Phương pháp toán kinh tế, dự báo và ứng dụng công nghệ tin học trong quy hoạch sử dụng đất đai. ……………………………………………………………….
25
Phần II: Phương án quy hoạch sử dụng đất của xã đến năm 2020…
27
I. Điều kiện tự nhiên, tài nguyên môi trường. ……………………………………………..
27
1. Vị trí địa lý. ……………………………………………………………………………………………………...
27
2. Địa hình, đất đai. …………………………………………………………………………………………….
27
3. Khí hậu thuỷ văn. …………………………………………………………………………………………...
28
II. điều kiện kinh tế - xã hội. ……………………………………………………………………………...
29
1. Tình hình dân số - lao động. ………………………………………………………………………...
29
2. Hệ thống cơ sở hạ tầng. ………………………………………………………………………………...
30
3. Tình hình sản xuất một số ngành chính trong xã.…………………………………...
32
4. Thực trạng phát triển chung năm 2001. ……………………………………………………
34
5. Vấn đề phát triển kinh tế - xã hội và áp lực đối với sử dụng đất đai. …….
35
III. hiện trạng sử dụng đất và biến động đất đai. ………………………………………
36
1. Đất nông nghiệp. ……………………………………………………………………………………………..
38
2. Đất chuyên dùng. …………………………………………………………………………………………….
40
3. Đất ở. ………………………………………………………………………………………………………………….
42
4. Đất chưa sử dụng. ……………………………………………………………………………………………
43
5. Đánh giá chung tình hình sử dụng, biến động và tiềm năng đất đai của xã.
44
IV. tình hình quản lý đất đai. …………………………………………………………………………...
46
1. tình hình quản lý đất đai của xã.………………………………………………………………….
46
2. Nhận xét chung về tình hình quản lý đất đai. …………………………………………..
48
V. phương án quy hoạch sử dụng đất đai xã Đại Kim. ………………………………...
49
1. Các căn cứ để xây dựng quy hoạch. …………………………………………………………...
49
2. Định hướng phát triển kinh tế - xã hội, gắn liền với việc sử dụng đất. ……..
50
2.1. Các quan điểm khai thác sử dụng đất. …………………………………………………...
50
2.2. Định hướng phát triển kinh tế - xã hội. …………………………………………………
50
2.2.1. Về phát triển kinh tế. ……………………………………………………………………………..
51
2.2.2. Phát triển dân số. ……………………………………………………………………………………
52
2.2.3. Về xây dựng, cũng cố cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống. ….
52
3. Quy hoạch khu dân cư.………………………………………………………………………………….
54
3.1. Dự báo dân số, số hộ gia đình giai đoạn 2000 đến năm 2020. ………
55
3.2. Dự tính nhu cầu cấp đất ở. ………………………………………………………………………
57
3.3. Vị trí cấp đất ở. …………………………………………………………………………………………..
58
4. Quy hoạch phân bổ đất chuyên dùng giai đoạn 2000 đến 2020. ………..
59
4.1. Giao thông. ………………………………………………………………………………………………….
60
4.2. Thủy lợi. ………………………………………………………………………………………………………
61
4.3. Các công trình xây dựng cơ bản. …………………………………………………………...
61
5. Quy hoạch đất nông nghiệp giai đoạn 2000 – 2020. ……………………………..
63
5.1. quy hoạch đất nông nghiệp. ……………………………………………………………………
63
5.2. Phương hướng sản xuất nông nghiệp. …………………………………………………..
63
6. Đất chưa sử dụng. …………………………………………………………………………………………...
64
7. Phân bổ và chu chuyển đất đai sau quy hoạch. ………………………………………
65
7.1. phân bổ. ………………………………………………………………………………………………………..
65
7.2. Chu chuyển đất đai. …………………………………………………………………………………..
65
Phần III: Một số giải pháp chủ yếu để thực hiện quy hoạch sử dụng đất đai. ……………………………………………………………………………………
67
1. Xác định tiến độ thực hiện và mức độ ưu tiên các công trình. ……………
67
2. Hình thành phát triển quy hoạch chi tiết cho các lĩnh vực. ………………….
68
3. Hình thành các ban chỉ đạo và quy định rõ trách nhiệm cho từng ngành, lĩnh vực. ……………………………………………………………………………………………...
70
4. Giải pháp về thu hồi và chuyển đổi đất trong quy hoạch. ……………………
72
5. Tăng cường công tác tổ chức, quản lý, sử dụng và bảo vệ đất đai chặt chẽ.
73
6. Các giải pháp cụ thể cho từng loại đất. ……………………………………………………..
75
6.1. Đối với đất nông nghiệp. …………………………………………………………………………
75
6.2. Đối với đất ở, đất chuyên dùng. ……………………………………………………………..
76
6.3. Đầu tư khai thác đất chưa sử dụng. ……………………………………………………….
78
7. Biện pháp tuyên truyền giáo dục. ……………………………………………………………….
78
8. Giải pháp đầu tư.……………………………………………………………………………………………..
79
9. Giải pháp về chính sách. ……………………………………………………………………………….
80
Phần IV: Kết luận. ……………………………………………………………………………………………..
81
Tài liệu tham khảo.…………………………………………………………………………………………
82
._.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 29127.doc