BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
Trần Thị Yến Nga
QUÁN NGỮ TÌNH THÁI TIẾNG VIỆT
Chuyên ngành : Ngôn ngữ học
Mã số : 60 22 01
LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS.TS.DƯ NGỌC NGÂN
Thành phố Hồ Chí Minh - 2008
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi.
Các kết quả được đưa ra trong luận văn là trung thực và
chưa được công bố trong bất kỳ công trình nghiên cứu nào
khác.
Tác giả luận văn
94 trang |
Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 3157 | Lượt tải: 3
Tóm tắt tài liệu Quán ngữ tình thái Tiếng Việt, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Trần Thị Yến Nga
LỜI CẢM ƠN
Luận văn được hoàn thành dưới sự hướng dẫn tận tình của
PGS.TS.Dư Ngọc Ngân. Tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu
sắc tới cô.
Tôi cũng xin chân thành cảm ơn phòng Khoa học – Công
nghệ sau Đại học, Thư viện trường Đại học Sư phạm Tp.HCM,
quý thầy cô trong tổ Ngôn ngữ - khoa Ngữ văn trường Đại học
Sư phạm Tp.HCM đã tạo điều kiện cho tôi hoàn thành luận văn
của mình.
Trần Thị Yến Nga
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Trong vốn từ vựng của mỗi ngôn ngữ, bên cạnh đơn vị từ còn có
một số lượng lớn các loại đơn vị ngữ cố định được gọi là quán ngữ
(QN),… Chúng được dùng rất phổ biến trong lời ăn tiếng nói hàng ngày
cũng như trong các bài nói, bài viết, trong sáng tác văn chương, trên đài
phát thanh, truyền hình, sân khấu, báo chí,… Vì vậy, việc nắm hiểu và
trau dồi khả năng sử dụng những ngữ cố định đó đã trở thành nhu cầu tự
nhiên của mỗi người.
Gần đây, cùng với khuynh hướng chú trọng hơn đến nhân tố con
người trong ngôn ngữ và trong hoạt động ngôn ngữ, giới nghiên cứu Việt
ngữ học ngày càng quan tâm đến vấn đề tính tình thái, ý nghĩa tình thái
của ngôn ngữ. Đó cũng là lẽ tất yếu bởi không có một nội dung nhận
thức và giao tiếp hiện thực nào lại có thể tách khỏi những nhân tố như
mục đích, nhu cầu, thái độ đánh giá… của người nói đối với điều được
nói ra xét trong mối quan hệ với hiện thực, với đối tượng giao tiếp và các
nhân tố khác của ngữ cảnh giao tiếp.
Như đã biết, một trong những mục đích chính của giao tiếp là trao
đổi thông tin. Độ phức tạp trong việc xử lí thông tin và hiệu ứng mà phát
ngôn tác động đến người nghe đòi hỏi người nói có những thao tác xử lí
nhất định về mặt ngôn ngữ. Việc sử dụng ngữ điệu hay các phương tiện
từ vựng không giống nhau giúp người nói thể hiện các thái độ khác nhau
đối với nội dung phát ngôn. Các thông tin liên nhân được truyền đạt bên
cạnh những thông tin ngôn liệu được gọi là thông tin tình thái nhận
thức.
Trong số những đơn vị từ vựng biểu đạt thông tin tình thái nhận
thức, có một loại ngữ cố định chuyên biểu thị ý nghĩa tình thái, thường
được gọi là quán ngữ tình thái (QNTT). Loại đơn vị này có những nét
đặc thù về cấu tạo, chức năng và ngữ nghĩa. Sự tồn tại của các QNTT
với ý nghĩa, vai trò của chúng trong cơ chế giao tiếp liên nhân đã thôi
thúc chúng tôi tìm hiểu, khảo sát đặc điểm ngữ nghĩa, ngữ pháp của loại
đơn vị này với đề tài “Quán ngữ tình thái trong tiếng Việt”.
Về mặt lí luận, luận văn hi vọng góp phần tìm hiểu một số đặc
điểm ngữ pháp, ngữ nghĩa - ngữ dụng của QNTT, một vấn đề từ trước
đến nay ít được đề cập đến.
Về mặt thực tiễn, quá trình giải quyết những vấn đề cụ thể về
QNTT trong luận văn có thể góp thêm ý kiến cho việc biên soạn tài liệu
nghiên cứu cũng như trong việc vận dụng vào công tác giảng dạy của
bản thân về những vấn đề có liên quan đến QNTT trong tiếng Việt.
2. Lịch sử vấn đề
Như đã nói, trong tiếng Việt, các nhà nghiên cứu từ vựng học đã
gọi lớp từ chuyên dụng này là QN. Tuy nhiên, cho đến nay, sự nhìn nhận
và nắm bắt về QN một cách nhất quán, giúp người dạy, người học không
cảm thấy mơ hồ và nhập nhằng với các khái niệm tương cận vẫn còn là
vấn đề phía trước. Trong khi các hiện tượng khác thuộc ngữ cố định
được nghiên cứu một cách có hệ thống thì QN chỉ mới được đề cập đến
với những nhận định ban đầu. Chúng tôi chỉ tìm thấy được một số ít
công trình, bài viết (chủ yếu là về từ vựng học) có trình bày sơ lược về
đơn vị quán ngữ trong tiếng Việt. Các tác giả như Đỗ Hữu Châu,
Nguyễn Thiện Giáp, Hoàng Trọng Phiến đã đề cập đến QN trong các
công trình của mình nhưng cũng chỉ là những gợi mở cho các hướng
nghiên cứu sâu và qui mô hơn. Hoàng Trọng Phiến [22] đã liệt kê được
gần 500 QN trong công trình từ điển giải thích hư từ tiếng Việt của tác
giả. Đỗ Thanh và các đồng sự đã bổ sung hàng trăm đơn vị nữa trong
công trình của họ [15]. Và như đã nói, chúng tôi lấy lớp từ này làm xuất
phát điểm nghiên cứu.
Một số tác giả khác đã khảo sát QN một cách gián tiếp như là
những phương tiện “hiện thực hoá” cho các đơn vị, hiện tượng ngôn ngữ
có liên quan trong từ pháp, ngữ pháp, lôgíc-cú pháp,... Cụ thể, Đinh Văn
Đức đã xác lập khái niệm tình thái và miêu tả lớp tiểu từ tình thái trong
đó chúng có khả năng được hiện thực hoá bằng QN [10]. Ngoài ra, trong
các thành phần câu, theo đa số tác giả ngữ pháp tiếng Việt, lớp từ này
xuất hiện dưới dạng là thành phần phụ tình thái, đề tình thái hoặc thuyết
tình thái trong câu. Các tác giả phân tích diễn ngôn thì phần nhiều quan
tâm đến đặc tính liên kết của QN. Vì thế, có thể thấy rằng QN, trong địa
hạt ngữ pháp, cũng đã từng được nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác
nhau, trong thế đối lập với trạng ngữ, liên ngữ và tình thái ngữ,… Thật
vậy, trên thực tế, các nhà nghiên cứu đã tỏ ra rất nỗ lực trong việc làm rõ
vấn đề này. Nhiều tác giả đã thấy được bản chất của QN trong câu đơn
nhưng không thể xếp chúng vào một thành phần cú pháp nào cả về nên
đề nghị gọi là phụ chú ngữ (nói trộm bóng, có lẽ, kể ra...). (Nguyễn Kim
Thản) cho là gia tố (ấy thế, vả lại, mới chết chửa, có ai ngờ,..) (Lưu Vân
Lăng), hay thành phần xen kẽ (có lẽ, có ai ngờ,...) (Nguyễn Tài Cẩn).
Trong ngữ pháp chức năng, chúng là yếu tố tình thái làm thành Đề của
câu được đánh dấu bằng thì (theo ý tôi thì, nếu tôi không nhầm thì, thật
ra thì...); bằng la (quả là, nói thật là, miễn là...) (Cao Xuân Hạo). Trong
đó, Nguyễn Văn Hiệp [57] là tác giả đã quan tâm và đầu tư nhiều cho
việc kiến giải, phân biệt lớp từ này với trạng ngữ, “vị ngữ thứ yếu” (thuật
ngữ của các tác giả) mặc dù chỉ dưới góc nhìn của ngữ pháp câu và ngữ
nghĩa lôgic cú pháp. Nguyễn Văn Hiệp đặt tên cho chúng là “định ngữ
câu”. Tuy nhiên, do cố gắng tìm ra bản chất của các tham tố ngoài cú
pháp câu, các tác giả trên khá thiên về ngữ nghĩa lôgic-cú pháp. Trong
thực tế nói năng, việc sử dụng và ý nghĩa dụng học phong phú của lớp từ
này vượt hẳn ra cái gọi là “điều kiện sử dụng câu có định ngữ câu” của
tác giả.
Diệp Quang Ban đã đề nghị một đơn vị gọi là liên ngữ để chỉ quan
hệ ngoại hướng, liên kết câu chứa nó với các câu liên quan phía trước mà
thực chất chính là những QN liên kết. Ngoài ra, có hai công trình nổi bật
về liên kết văn bản của Trần Ngọc Thêm [85] và liên kết lời nói của
Nguyễn Thị Việt Thanh [73] đều bàn về QN với cách gọi khác như
“cụm từ làm thành phần chuyển tiếp”, “từ nối”,...
Trong khi đó, việc nghiên cứu QN chỉ dừng lại ở những giải nghĩa
cho từng QN, chỉ ra một vài cách dùng, một số giá trị sử dụng nào đó
của nó. Nghĩa là các tác giả hoặc chỉ nêu khái niệm QN một cách khái
lược trong các giáo trình ngôn ngữ (phần từ vựng) hoặc bàn đến một
cách chung chung về cách phân loại, cách sử dụng và đặc trưng ngữ
nghĩa của các QN tiếng Việt qua một số bài nghiên cứu đăng trên tạp chí
chuyên ngành. Chẳng hạn:
Nguyễn Thị Thìn (2000) với bài “Quán ngữ tiếng Việt” [71] đã
dựa vào công dụng thường dùng của QN để phân chia nó thành bốn loại.
Ngô Hữu Hoàng (2002)đđã chỉ ra một số điểm khác biệt giữa
thành ngữ (TN) và QN, trong bài “Vài suy nghĩ về cụm từ cố định nói
chung và quán ngữ nói riêng” [42]. Theo đó, tác giả đưa ra kết luận TN
“là kết quả của việc vay mượn để đúc kết ngữ nghĩa từ vựng (định danh)
bậc hai nhằm đáp ứng tình trạng nhu cầu phản ánh “nghĩa” của thế giới
khách quan trong giao tiếp”, còn QN “phục vụ cho các chức năng của lời
nói, tạo ra một hành vi giao tiếp sao cho có hiệu quả…Ngữ nghĩa của nó
bị hư hóa nên mất tính TN và cấu trúc nội tại từ đó cũng rất lỏng lẻo”.
Chi tiết hơn là bài viết “Bàn về điều kiện sử dụng của một số
QNTT nhận thức dưới góc độ lí thuyết quan yếu” của Ngũ Thiện Hùng
[45]. Qua khảo sát cứ liệu tiếng Anh và tiếng Việt, tác giả đã khẳng định
“việc sử dụng các QNTT nhận thức không chỉ chịu sự chế định của các
yếu tố logic cú pháp mà còn phải tính đến các điều kiện như định hướng
nội dung hay định hướng quan hệ (động cơ vì người nghe/người nói)”.
Ngoài ra, các giáo trình về từ vựng học, các từ điển có nêu khái
niệm QN chẳng hạn:
Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, 2001), Nxb Hà Nội có
nêu định nghĩa về QN như sau: “là những tổ hợp từ cố định dùng lâu
thành quen, nghĩa có thể suy ra từ nghĩa của các yếu tố hợp thành (tr.84).
Nguyễn Thiện Giáp (1990) trong giáo trình “Từ vựng học tiếng
Việt”, Nxb GD cho rằng QN “là những cụm từ được dùng lặp đi lặp lại
trong các loại văn bản để liên kết, đưa đẩy, rào đón hoặc nhấn mạnh nội
dung cần diễn đạt nào đó”.
Đỗ Hữu Châu (1999) trong “Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt” Nxb
GD lại xếp QN vào phần trung gian giữa ngữ cố định với cụm từ tự do.
Hoàng Trọng Phiến (2003), “Cách dùng của hư từ tiếng Việt hiện
đại” có nêu cách dùng của một số QN.
Cao Xuân Hạo (1991) trong “Tiếng Việt sơ thảo ngữ pháp chức
năng" (quyển 1) dù không trực tiếp đề cập đến khái niệm QN hay QNTT,
nhưng tác giả đã dành một phần trong chương II để mô tả phân tích đặc
điểm chức năng của các thành phần làm thành Đề tình thái, Thuyết tình
thái.
Điểm qua một số công trình nghiên cứu trên đây ta thấy, cho đến
thời điểm này, nhiều vấn đề cơ bản của QNTT vẫn còn bỏ ngỏ. Như vậy,
Quán ngữ tình thái tiếng Việt thực sự là một đề tài hấp dẫn, đáng được
quan tâm nghiên cứu bởi tính đa loại, đa công dụng và những đặc trưng
riêng của nó. Từ đó chúng tôi hy vọng góp phần tìm ra hoạt động của
QNTT để vận dụng vào việc nói, viết tiếng Việt cho tốt.
3. Mục đích, nhiệm vụ của luận văn
Mục đích của luận văn là tìm ra những đặc điểm ngữ nghĩa- chức
năng của QNTT. Để đạt được mục đích đó , chúng tôi tập trung giải
quyết những nhiệm vụ sau:
- Tìm ra những tiêu chí để nhận diện QNTT tiếngViệt, trên cơ sở đó
lập một danh sách về QNTT thông dụng.
- Miêu tả những đặc điểm cơ bản của QNTT về hình thức.
- Phân tích ngữ nghĩa – chức năng của lớp từ này. Từ đó khảo sát ba
chức năng cơ bản của QNTT tiếng Việt.
4. Phương pháp nghiên cứu và nguồn ngữ liệu
4.1. Phương pháp nghiên cứu
Để hoàn thành đề tài nghiên cứu, trong quá trình tiếp cận và phân
tích đối tượng, ngoài những phương pháp, thủ pháp nghiên cứu khoa học
chung như thu thập ngữ liệu, khảo sát, phân loại ngữ liệu…, luận văn
chủ yếu sử dụng những phương pháp nghiên cứu sau đây:
- Phương pháp phân tích ngôn ngữ học để phân tích ngữ nghĩa
chức năng của các QNTT thu thập được.
- Phương pháp miêu tả để trình bày quá trình khảo sát, phân tích
đối tượng và kết quả nghiên cứu.
4.2. Nguồn ngữ liệu
QNTT thường xuất hiện trong khẩu ngữ, trong những lời đối thoại
trực tiếp của những người tham gia giao tiếp. Nó cũng được liệt kê trong
một số từ điển tiếng Việt. Vì vậy để tìm ra được các đặc điểm chức năng
của lớp từ này, tư liệu chủ yếu của luận văn bao gồm:
- Các tác phẩm, các văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ văn
chương, chủ yếu là của Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, tuyển tập truyện
ngắn, tạp chí Văn nghệ quân đội,…
- Từ điển tiếng Việt và Từ điển giải thích hư từ tiếng Việt.
5. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, phần Nội dung gồm 2 chương như
sau:
Chương 1: Cơ sở lí thuyết
Trong chương này, luận văn đã điểm qua vài nét về QN như: khái
niệm, phân biệt QN với TN, phân loại các QN tiếng Việt (QNTV). Ngoài
ra, chúng tôi còn đề cập đến một số vấn đề về tình thái trong ngôn ngữ
học. Theo đó, luận văn đã nêu ra một số đặc điểm bản chất của QNTT
tiếng Việt.
Chương 2: Đặc điểm của QNTT tiếng Việt
Ở chương 2, luận văn tập trung nghiên cứu, khảo sát đặc điểm cấu
tạo, các chức năng ngữ nghĩa cơ bản của QNTT tiếng Việt như chức
năng đánh giá, chức năng tham gia biểu thị mục đích phát ngôn và chức
năng biểu thị thái độ, tình cảm của người nói.
Chương 1: CƠ SỞ LÍ THUYẾT
1.1. Vài nét về quán ngữ
1.1.1. Khái niệm quán ngữ
QN là đơn vị ngôn ngữ thuộc phạm vi quan tâm trước hết của các
nhà nghiên cứu từ vựng. Chính vì thế mà đơn vị này thường được gặp
trong công trình nghiên cứu về từ vựng hơn là trong các sách ngữ pháp.
Bản thân thuật ngữ “QN” được hiểu theo kiểu chiết tự “quán” là thói
quen. Lý do là lớp từ này được sử dụng theo “phản xạ” bản ngữ. Với đặc
tính “dùng lâu thành quen” theo “phản xạ”, một số người cũng gọi chung
TN là QN. Trong tác phẩm “Ý nghĩa và cấu trúc ngôn ngữ” [77] dịch từ
tiếng Nga, nguyên tác tiếng Anh là Meaning and the Structure of
language của tác giả người Mỹ Wallace L. Chafe, Nguyễn Văn Lai đã
dùng từ “QN hoá” thay cho “TN hoá” ở chương 5 khi dịch thuật ngữ
idiomaticization [77].
Nguyễn Văn Tu với công trình nghiên cứu về từ tiếng Việt [79] đã
dành vài trang để nói về khái niệm QN. Theo quan niệm của tác giả, QN
cũng có tính ổn định vì các thành tố gắn bó với nhau thông qua quá trình
“quen dùng” và đưa ra các ví dụ minh hoạ cho quan điểm của mình: bạn
nối khối, anh hùng rơm, gót sắt, kỷ luật sắt, mua việc,...Như vậy, đối với
Nguyễn Văn Tu, QN là một kiểu ngữ cố định mà các tác giả khác gọi tên
là ngữ cố định định danh (Vũ Đức Nghiệu); TN hợp kết (Nguyễn Thiện
Giáp), các TN ở dạng tỉ dụ (Hoàng Văn Hành)... Qua đó, tác giả quan
niệm tất cả các đơn vị của ngữ cố định đều có đặc tính “dùng lâu thành
quen” và với những cụm nào nghĩa bóng thấp thì ông gọi là QN và nghĩa
bóng cao là TN. Có thể đây là lý do giải thích có lúc người ta dùng thuật
ngữ “QN” để gọi luôn cho TN, hay ngược lại.
Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ định nghĩa QN là:
Tổ hợp từ cố định đã dùng lâu thành quen, nghĩa có thể suy ra từ
các nghĩa của các yếu tố hợp thành. [19, tr.829]
Từ điển này đưa ra các ví dụ là “lên lớp”, “lên mặt”, “lên tiếng” [19,
tr.829]. Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá thuộc
Bộ Giáo dục và Đào tạo, định nghĩa QN là:
Tổ hợp từ cố định quen dùng mà nghĩa có thể suy ra từ nghĩa của
những yếu tố cấu thành. [58, tr. 1364].
Tuy nhiên từ điển này không cho ví dụ minh hoạ. Từ định nghĩa của
hai từ điển, chúng tôi vẫn rút ra được một kết luận rất có ích cho việc
phân biệt QN với TN, đó là: QN, đứng về mặt từ vựng học, không có
nghĩa bóng.
Cho đến bây giờ, những định nghĩa mà chúng tôi có được đa phần
tập trung ở địa hạt này. Đỗ Hữu Châu phát biểu:
QN là những cách nói, cách diễn đạt cần thiết để đưa đẩy, để
chuyển ý hay dẫn ý, để nhập đề chứ không có tác dụng nêu bật một sắc
thái của những cái đã có tên hoặc nêu bật ra các sự vật, hiện tượng, tính
chất,...chưa có tên gọi. Ngoài các thí dụ đã nêu, có thể dẫn thêm các QN
khác như : “ai cũng biết rằng”, “rõ ràng là”, “chắc chắn là”,…[12,
tr.74]
Ông cho rằng TN trung gian với từ ghép và QN trung gian với cụm
từ tự do. Dựa vào đó, chúng tôi đưa ra lược đồ sau đây:
Ngữ cố định
Quán ngữ Thành ngữ
(Gần gũi cụm từ tự do)
Theo lược đồ, QN là đơn vị phân biệt với TN và qua định nghĩa của
tác giả, phân biệt ở đây không chỉ là hình thức của QN mang tính chất
của cụm từ tự do cao mà còn là về mặt nghĩa học. Trong khi TN có nghĩa
định danh và tính biểu trưng thì QN, như quan niệm của Đỗ Hữu Châu,
mang nghĩa “rỗng” vì nó chỉ có chức năng dẫn xuất, đưa đẩy. Nó là đơn
vị ngôn ngữ mang tính công cụ. Thật vậy, khi một người muốn bổ sung
giữa cái nói rồi với cái định nói nữa, anh ta sử dụng các “chỉ xuất” diễn
ngôn được làm sẵn hoặc để cho người nghe có thể “dự báo”, có thể nắm
bắt trước tinh thần phát ngôn, chuyển đổi chủ đề, tránh tình trạng đột
ngột, tạo ý khẳng định, phủ định, tạo hành vi tại lời, v.v.
Nguyễn Thiện Giáp có cùng ý kiến :
QN là những cụm từ được dùng lặp đi lặp lại trong các loại văn bản
để liên kết, rào đón hoặc nhấn mạnh nội dung cần diễn đạt nào đó. Mỗi
phong cách thường có những QN riêng, chẳng hạn các QN “của đáng
tội”, “nói khí vô phép”, “nói bỏ ngoài tai”, “chẳng nước non gì”, “còn
mồ ma”, v.v...thường được dùng trong phong cách hội thoại [67, tr.101].
Từ định nghĩa của Nguyễn Thiện Giáp, chúng tôi phát hiện thêm
một đặc điểm nữa mà sẽ là thiếu sót nếu không đưa vào đặc tính của QN:
Sự sử dụng lặp đi lặp lại thành quen dùng như một cách nói chuyên
dụng. Đặc tính này đã phần nào phản ánh lý do lớp từ này có tên là
“QN”. Ví dụ:
(1) Đừng tưởng là giỏi giang tài cán mà việc nhà ai cũng chõ vào
nhá.
Cụm từ “đừng tưởng” này không chỉ xuất hiện trong phát ngôn trên,
của riêng người phát biểu trên mà hầu như nó là một biểu thức được làm
sẵn qua một quá trình tái hiện nhiều lần trong tiếng Việt trong các tình
huống tạo phát ngôn vừa có tính chất “khuyên” vừa có tính chất “cảnh
báo”. Định nghĩa và sự sắp xếp của Nguyễn Thiện Giáp về ngữ cố định
trong đó có QN được thể hiện qua lược đồ của tác giả đề nghị sau đây
[67, tr.101]:
Có tính nhất thể
về nghĩa
Không có tính
nhất thể về nghĩa
Ngữ láy
đơn nhất
Ngữ láy
mô hình
Chức năng
biểu hiện
gợi tả
Thành ngữ
hoà kết
Thành ngữ
hợp kết
Cấu tạo
bằng
phương
thức láy
Chức năng
định danh
Ngữ định danh
hoà kết
Ngữ định danh
hợp kết
Cấu tạo
bằng
phương
Chức năng
đưa đẩy,
nhấn mạnh
QN thức ghép
Dễ nhận thấy rằng QN trong lược đồ của Nguyễn Thiện Giáp có ba
đặc điểm nổi bật:
- Có chức năng đưa đẩy, nhấn mạnh, không có nghĩa định danh (nét
khu biệt lớn nhất với các đơn vị ngữ cố định khác).
- Không có tính nhất thể về nghĩa.
- Được cấu tạo bằng phương thức ghép.
Nhưng như thế nào là “phương thức ghép”? Chắc chắn “ghép” đây
không phải theo phương thức cấu tạo của TN, từ ghép hoặc từ láy vì tác
giả đã chỉ ra:
Về ý nghĩa cũng như về hình thức cụm từ trên (tức là QN- chú thích
của người viết) chẳng khác gì cụm từ tự do nhưng do nội dung của
chúng đã trở thành điều thường xuyên phải cần đến trong sự suy nghĩ và
diễn đạt mà chúng được dùng lặp đi lặp lại như một đơn vị có sẵn [67,
tr.101].
Đặc điểm “không khác gì cụm từ tự do” có ý nghĩa rất quan trọng
trong việc quyết định sự khác nhau về hình thái cũng như nội dung của
QN với các đơn vị từ vựng khác.
Vũ Đức Nghiệu cũng quan niệm:
QN là những cụm từ được lặp đi lặp lại trong các loại diễn từ
(discourse) thuộc các phong cách khác nhau. Chức năng của chúng là
đưa đẩy, rào đón, để nhấn mạnh, hoặc để liên kết trong diễn từ. Ví dụ:
“của đáng tội”, “nói bỏ ngoài tai”, “nói tóm lại”, “kết cục là”, “nói
cách khác”,... [90, tr.161]
Ví dụ :
(2) Tự nhiên, Trường không muốn về nhà nữa. (Thạch Lam, Sợi
tóc)
“Tự nhiên” chỉ ra một hệ quả đột ngột, xuất phát từ một nguyên
nhân nào đó đã xảy ra rồi, nó gắn bó với toàn bộ cấu trúc phát ngôn
(PN). Nó hoàn toàn không phải là trạng ngữ “tự nhiên” của một PN đại
loại như:
(3) Trường cười nói rất tự nhiên.
Hoặc:
(4) Cứ tự nhiên như ở nhà.
Vũ Đức Nghiệu đã đưa ra một lược đồ để minh họa cho định nghĩa
của mình [90, tr.161]:
CỤM TỪ CỐ ĐỊNH
Ngữ cố định Thành ngữ
(Mẹ tròn con vuông)
QUÁN NGỮ Ngữ cố định định danh
(Của đáng tội) ( Mặt trái xoan)
Qua lược đồ, chúng ta có thể nhận thấy rằng tác giả dù có ý kiến
khác và thuật ngữ khác trong việc phân chia ngữ/cụm từ cố định nhưng
tác giả vẫn thống nhất đặt QN vào một vị trí trong hệ thống cụm từ cố
định.
Cũng giống như các tác giả trên, nhóm tác giả trường Cao đẳng Sư
phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Long An cũng đưa ra hai khái niệm
nổi bật trong hệ thống ngữ cố định là TN và QN trong đó QN có khuynh
hướng còn gần gũi với cụm từ tự do. Về cơ bản nhóm tác giả này cũng
đồng ý rằng:
QN là những ngữ cố định có cấu tạo và ngữ nghĩa không khác gì
ngữ tự do, nhưng được dùng nhiều trong lời nói như những công thức
“có sẵn”. Ví dụ “rõ ràng là”, “nghĩ cho cùng”, “của đáng tội”, “nói
tóm lại”, “chẳng chóng thì chày”,...[84, tr.129]
Tuy nhiên, phải thấy rằng có một ít mâu thuẫn trong định nghĩa này
khi các tác giả vừa khẳng định QN là “ngữ cố định” vừa một mặt cho
rằng chúng “có cấu tạo và ngữ nghĩa không khác gì ngữ tự do”
Hữu Đạt có định nghĩa dựa vào nội hàm của thuật ngữ nên suy ý hơi
rộng nhưng những ví dụ tác giả đã đưa ra hoàn toàn phù hợp với lớp QN
chúng tôi đang bàn luận:
Theo nghĩa đen “quán” là “quen”. Vậy QN là một loại ngữ cố định
được người ta quen dùng. Ví dụ: “nói tóm lại”, “kết quả là”, “rốt
cuộc”, “nói một cách khác”, “ nói gọn lại là”, “trước hết”, “đáng chú ý
là”, “không chóng thì chày”, “mặt khác thì”...[...]. Như vậy nói khái
quát thì QN là loại ngữ cố định được quen dùng nhưng ít hoặc không có
tính hình tượng. [29, tr. 77]
Ý kiến trên bổ sung cho phần nhận định về QN là chúng có ít hoặc
không có tính hình tượng. Thật vậy, với tư cách là đơn vị ngôn ngữ
không có nghĩa thực mà chỉ có nghĩa chuyên dụng thì việc đặt ra vấn đề
“hình tượng” hoặc “biểu trưng” là vừa rất khó và cũng không thực tế.
Quan niệm này cũng không khác gì với các từ điển tiếng Việt mà chúng
tôi tổng hợp được rằng, khác với TN, QN có ý nghĩa có thể suy ra từ các
thành tố tạo nên nó một cách trực tiếp. Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với ý
kiến này, ví dụ thật khó hình dung được đâu là nghĩa TN của các QN
như Tôi thiết nghĩ, nói tóm lại, ấy thế mà,...
Ngoài các định nghĩa về thuật ngữ QN mà theo chúng tôi, còn có
chỗ mơ hồ về các ví dụ minh hoạ, hai công trình từ điển tiếng Việt giải
thích các QN cụ thể trong mục từ của mình là “cách dùng khẩu ngữ”,
hoặc “dùng ở đầu câu”, hoặc “dùng làm thành phần phụ câu”. Ví dụ từ
điển tiếng Việt [19, tr.240) đã giải thích QN (nói) của đáng tội là khẩu
ngữ, dùng làm phần chêm trong câu. Tổ hợp biểu thị sự chuyển ý để
nhằm thanh minh hoặc làm rõ thêm cho điều ít nhiều không hay vừa nói
đến ở trên; và các ví dụ là nói cho đúng ra, cho thoả đáng, thực ra thì.”
Ví dụ :
(5) Nhiều người cho rằng nó keo kiệt, nhưng của đáng tội, nó không
có thế. [19, tr.40]
Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với quan điểm này, đặc biệt là nhận
định đặc trưng vị trí cú pháp của QN thường là “ở đầu câu”.
Đỗ Thanh [15] đã xếp QN vào trong lớp từ công cụ tiếng Việt.
Hoàng Trọng Phiến đã phát biểu:
Hư từ và các kết cấu hư từ là những thành viên không thể thiếu
trong các kết cấu cú pháp phức tạp, nhiều tầng bậc. (Trong từ điển này,
chúng tôi cũng đưa vào các tổ hợp mà chúng tôi gọi là QN, tương đương
như những locution kiểu : nói thật ra, từ bấy đến nay, không hề gì đâu)
[22].
Đến đây, chúng ta có thể hiểu khái niệm QN như sau:
“Quán ngữ là ngữ cố định, được dùng lâu dần thành quen, có
tính ổn định tương đối về kết cấu, có tính TN về nghĩa khá thấp và
không mang tính biểu trưng, tính hình tượng. Bên cạnh một số QN
có ý nghĩa từ vựng, phần lớn QN còn có ý nghĩa chức năng và tình
thái”.
1.1.2. Phân biệt quán ngữ với thành ngữ
Cho đến nay có một số giáo viên ở trường phổ thông vẫn chưa phân
biệt được QN với TN một cách rõ rệt. Có lẽ vấn đề là ở chỗ có một số
QN ít nhiều cũng có nghĩa là TN. Chẳng hạn như các QN: nói của đáng
tội, nói khí không phải, chẳng chóng thì chày, hai sôi ba lạnh, ngày một
ngày hai, chẳng chóng thì chày, ra môn ra khoai, qua ngày đoạn tháng,
… Đây là hiện tượng ranh giới mờ giữa một số TN và QN trong thực tế.
Tuy vậy, số lượng những đơn vị như trên không nhiều. Hơn nữa, cũng
không thể nói rằng không có những đơn vị thuần QN, TN.
Thật ra, QN và TN được xếp vào loại cụm từ/ngữ cố định. Giữa
chúng có những điểm chung và riêng. Điểm chung là, cả TN và QN đều
được hình thành trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân. Vì vậy,
phần lớn trong số chúng mang tính khẩu ngữ tự nhiên, giàu sắc thái chủ
quan, thích hợp với phong cách hội thoại và phong cách nghệ thuật.
Cũng như TN, QN là tổ hợp hai từ trở lên, mang tính cố định (tương đối)
về mặt kết cấu, tính TN về mặt nghĩa, có chức năng cấu tạo câu.
Nhưng khác với TN, QN không mang tính biểu trưng, tính hình
tượng. Cấu tạo QN thông thường theo cơ chế ẩn dụ, hoán dụ, so sánh
như TN. Phần lớn nghĩa của QN đều là nghĩa chức năng, được nhận ra
bằng việc lí giải từng cách dùng của nó. Cụ thể, ta phải xem thử QN
đang xét có bao nhiêu cách dùng. Trong mỗi cách dùng, nó có công dụng
ngữ pháp, nghĩa học, dụng học hay liên kết văn bản/ hội thoại như thế
nào; xuất hiện ở vị trí ngữ pháp nào trong kiểu câu chứa nó, xuất hiện
trong tình huống điều kiện như thế nào? Ta thử tìm hiểu nghĩa của QN
“không biết”. Trước hết, cần phân biệt QN không biết với tổ hợp từ tự do
gồm phụ từ phủ định không cộng với vị từ biết làm trung tâm vị ngữ chỉ
định tình trạng nhận thức của chủ thể nêu ở chủ ngữ. QN “không biết”
thường ở đầu/cuối câu làm thành phần phụ tình thái.
QN không biết có cách dùng thông thường:
- Cách dùng 1: Trong kiểu cấu trúc: không biết + câu nghi vấn ?(a)
Ví dụ: (6) Không biết dạo này Hải có còn làm ở công ti cũ nữa
không?
Khi nói ra phát ngôn có kiểu cấu trúc (a), người nói đang có vấn đề
khúc mắt cần phải suy nghĩ để tìm ra lời giải. Và, QN không biết biểu lộ
tâm trạng của người nói đang băn khoăn, trăn trở vì chưa tìm ra lời giải.
- Cách dùng 2: Trong kiểu cấu trúc: P+ thế + không biết ! (b)
Ví dụ: (7) Ồ, vẫn chưa tạnh à? Mưa lâu thế không biết !
Cấu trúc (b) thường được dùng trong tình huống: xuất hiện một
trạng thái/ thuộc tính P ở mức độ cao khác thường, vượt ra ngoài mức độ
của người nói. QN không biết góp phần nhấn mạnh vào ý nghĩa mức độ
cao, đồng thời biểu lộ tâm trạng, cảm xúc ngạc nhiên, lấy làm lạ trước sự
tình P.
Như vậy, từ hai cách dùng trên, có thể xác định ý nghĩa của QN
không biết: dùng để biểu lộ tâm trạng cảm xúc của người nói trước một
sự việc, một thuộc tính hay một tình huống:
+ Băn khoăn, trăn trở vì chưa tìm ra lời giải.
+ Ngạc nhiên, lấy làm lạ bởi mức độ khác thường của thuộc tính.
Ta cũng có thể đặt QN đang xét vào mối quan hệ đồng nghĩa, trái
nghĩa với những QN cùng nhóm nhằm phát hiện nét nghĩa tinh tế của
chúng như không đời nào = sức mấy,….Đặc tính này không thể có được
ở TN vì mỗi TN là một đơn vị có nghĩa cụ thể, nội dung riêng biệt, mà
muốn hiểu nó phải thông qua lí giải. Ví dụ với TN già kén kẹn hom,
chúng ta có thể lí giải đó là: “một hành động, một tình trạng kén chọn
trong lứa đôi, hôn nhân dể đánh mất cơ hội, bị muộn màng”. Nói một
cách nôm na, nếu như nghĩa của TN thường là nghĩa bóng thì nghĩa của
QN lại là nghĩa đen, không có tính chất tái định danh mà bị trừu tượng
hóa TN nghĩa cú pháp, cung cấp cho mệnh đề một chức năng thông báo,
một lực ngôn trung hoặc sự mạch lạc trong liên kết các phát ngôn. Lí giải
về tình trạng này, theo Ngô Hữu Hoàng có thể lí do là về mặt tâm lí ngôn
ngữ học, khác với mục đích sử dụng TN, QN thường được sử dụng như
một phương tiện tăng tính mạch lạc, cân xứng, sáng sủa, tính tình thái và
logic của diễn ngôn, có chức năng như chất bôi trơn diễn ngôn thì việc
tạo thêm cho chính phương tiện này các lớp nghĩa chồng chất lên nhau
cho thêm khó hiểu là điều không có lợi trong giao tiếp. Đến đây, ta có
thể khẳng định hầu hết các QN, nếu khảo sát kĩ, chúng ta đều phát hiện
ít nhiều tính TN trong nghĩa hệ thống nhưng rất thấp và nó thường bị mờ
đi, không còn được hiểu là TN hay không để nhường chỗ cho một cái
quan trọng hơn; ngữ nghĩa chức năng mà chúng ta tạo ra cho phát ngôn.
Một đặc điểm lớn để phân biệt TN và QN là mức độ chặt chẽ về kết
cấu. TN thường có cấu trúc chặt chẽ, tuân thủ nhiều quy luật. Chẳng hạn,
TN tiếng Việt thường có cấu trúc đối xứng, là loại TN chiếm tỉ lệ cao
nhất (thường có bốn thành tố, hai thành tố đầu đối với hai thành tố sau,
ví dụ: mẹ tròn – con vuông, ăn chắc – mặc bền,…) trong đó có đối xứng
vần điệu. Loại phổ biến thứ hai là TN so sánh thường xuất hiện quan hệ
từ như (lạnh như tiền, rẻ như bèo,…). Trong khi đó với QN ta lại có thể
thêm vào, bớt đi hoặc thay thế trong cấu trúc nội tại của chúng một đơn
vị hay một kết cấu tương đương khác cũng không ảnh hưởng đến ý nghĩa
chức năng mà nó đảm đương. Vấn đề là sao cho đạt được hiệu lực giao
tiếp chứ không phải là sự chuẩn xác về khái niệm như khi dùng TN. Đến
đây, chúng tôi có thể khái lược một số điểm khác nhau cơ bản giữa TN
với QN như sau:
Tiêu
chí
so
sánh
THÀNH NGỮ QUÁN NGỮ
Cấu
tạo
Quan hệ cú pháp nội tại
chặt che.
Thành ngữ thường có 3 thành
tố trở lên (phổ biến là 4 thành
tố), có đối, có điệp, có vần
điệu, kết hợp với nhau theo
một số quy luật nhất định, có
cấu trúc đối xứng.
Chẳng hạn: Xanh vỏ đỏ lòng.
Trong cấu trúc thường có
xuất hiện từ như (trong TN so
sánh).
Quan hệ cú pháp nội tại không
chặt chẽ.
QN có khi dài như nói khí vô
phép, khổ một nỗi là,…; cũng có
khi ngắn như: trước hết, tất
nhiên,…
QN thường có cấu trúc không
chặt chẽ như TN. Do vậy, một số
trường hợp nếu thêm vào, bớt đi
trong kết cấu của chúng một đơn
vị hay thay thế một kết cấu tương
đương khác cũng không ảnh
Ví dụ:Rách như tổ đỉa. hưởng gì đến ý nghĩa chức năng
của chúng.
Ví dụ: Các QN có động từ nói
như: nói tóm lại có thể thay thế
bằng nói ngắn gọn, nói một cách
ngắn gọn,, nói chung, ...
Ngữ
nghĩa
TN có nghĩa khái niệm. Và
nghĩa của nó toát lên từ nghĩa
của toàn bộ tổ hợp, khác hơn,
mới hơn so với tổng số nghĩa
của các yếu tố trong tổ hợp.
Như vậy, ở TN, nghĩa thống
nhất thành một khối, có
tính biểu trưng, tính hình
tượng, bóng bẩy về mặt ý
nghĩa. TN Cá nằm trên thớt
nói lên tình trạng nguy hiểm
có thể de dọa sự sống còn.
Nghĩa của phần lớn QN đều là
nghĩa chức năng, nghĩa tình
thái. Một số QN có tính thành
ngữ thấp, đã bị mờ đi, không còn
được hiểu là tính thành ngữ. Cách
hiểu QN thường không theo cơ
chế ẩn dụ, hoán dụ, so sánh như
TN mà gắn liền với từng cách
dùng của nó.
Chức
năng
TN mang chức năng định
danh hoặc chức năng miêu tả
và biểu thị sự vật hiện tượng,
thuộc tính khách quan một
cách sinh động gợi cảm.
Ví dụ: Đàn gảy tai trâu.
Gan cóc tía.
QN không có tác dụng định
danh cũng không có tác dụng sắc
thái hóa sự vật, hoạt động, tính
chất, trạng thái mà chủ yếu là để
liên kết, chuyển ý, đưa đẩy, rào
đón hoặc nhấn mạnh nội dung
nào đó cần chuyển đạt.
Ví dụ: khổ nỗi, suy cho cùng,…
1.1.3 Phân loại các quán ngữ tiếng việt
Việc phân loại QN có thể tiế._.n hành theo một số tiêu chí như sau:
- Căn cứ vào kiểu cấu tạo của QN
- Căn cứ vào vị trí ngữ pháp trong câu của QN
- Căn cứ vào mức độ tính cố định và tính thành ngữ của QN
- Căn cứ vào công dụng của QN
- Căn cứ vào phạm vi và tính chất phong cách
Cần nói thêm là mọi sự phân chia chỉ có tính chất tương đối, bởi
luôn tồn tại những đơn vị trung gian, đơn vị đa nghĩa, đa chức năng. Sự
phân biệt từ ghép - thành ngữ – QN – ngữ tự do cùng với sự phân loại
QN cũng không ngoại lệ.
Nguyễn Thị Thìn [71] đi sâu vào cách phân loại căn cứ vào công
dụng của QN. Theo đó, tác giả đã chia QN thành 4 loại. Chúng tôi có thể
tóm tắt mô hình sau:
(I) Là những QN thường chỉ là tên gọi bổ sung, không phải là tên
gọi chính thức của hiện thực khách quan được biểu thị như thực từ hay tổ
hợp từ tự do. Những cái tên gọi bổ sung này, trong một số ngữ cảnh cụ
thể, lại tỏ ra đắc dụng hơn là tên gọi chính thức bởi tính có cấu trúc và
tính khẩu ngữ tự nhiên của nó.
Ví dụ: ba xây, ba chống, hai tốt, ba đảm đang, ba sôi hai lạnh, bằng
được, phải lòng,…
Quán ngữ tiếng Việt
(I)
Quán ngữ
dùng chủ yếu
trong chức
năng NGHĨA
HỌC
(II)
Quán ngữ
dùng chủ yếu
trong chức
năng DỤNG
HỌC
(III)
Quán ngữ
dùng chủ yếu
trong chức
năng LIÊN
KẾT VĂN
BẢN
(IV)
Quán ngữ đa
chức năng
(II) Còn gọi là QNTT. Loại QN này khá phong phú về số lượng
cũng như về khả năng thể hiện ý nghĩa tình thái dụng học. Cùng với tình
thái từ, chúng thực sự trở thành loại phương tiện thông dụng và hữu hiệu
nhất trong chức năng dụng học.
Ví dụ: nói bỏ ngoài tai, của đáng tội, công bằng mà nói, chả trách
(gì), xem chừng, có lẽ nào, may ra, chưa biết chừng,…
(III) Tuy tần số sử dụng có thấp hơn so với một số loại phương tiện
liên kết khác như quan hệ từ, đại từ nhưng các QN thuộc loại này vẫn
khẳng định được sự cần thiết của mình trong chức năng liên kết văn bản,
bởi khả năng biểu thị những mối quan hệ nghĩa mà những phương tiện
khác không thể thay thế được.
Ví dụ: nhìn chung, trong khi đó, mặt khác, hơn nữa, nói tóm lại, nói
cách khác, trước hết,…
(IV) Những QN thuộc loại đang xét thường là hình thức thể hiện
tổng hợp của một số thành phần nội dung khác nhau: nội dung nghĩa
học, nội dung quan hệ. Với chúng ranh giới giữa phạm trù nghĩa học –
phạm trù dụng học trở nên không hoàn toàn minh xác.
Ví dụ: biết tay, chi phải, lấy được, hết ý, biết đâu, biết đâu đấy,…
Nhìn chung, tác giả khá tỉ mỉ, chi tiết khi phân ra 4 tiểu loại QN
như trên. Và theo khảo sát chúng tôi, QNTT (QN chủ yếu dùng trong
chức năng dụng học) chiếm đa số (hơn 80%) trong các loại QN. Một số
QNTT cũng đa chức năng; có thể dùng trong cả chức năng ngữ nghĩa
học, dụng học hay liên kết văn bản. Loại QN này gần đây đã thu hút sự
quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Chúng tôi sẽ đi sâu vào đề tài này ở
những chương sau.
1.2. Vấn đề tình thái trong ngôn ngữ học
1.2.1. Khái niệm tình thái trong ngôn ngữ
Trong ngôn ngữ, vấn đề tình thái cũng đã được các nhà nghiên cứu
quan tâm từ rất lâu. Các công trình nghiên cứu về tình thái chủ yếu xoay
quanh những nội dung như: phạm trù tình thái, các loại hình tình thái,
những ý nghĩa tình thái được phản ánh trong các ngôn ngữ, các phương
tiện diễn đạt ý nghĩa tình thái,… Xét về phạm vi ý nghĩa tình thái, các
tác giả có sự khác biệt như:
John Lyons(1977, Semantics) cho rằng tình thái là “thái độ của
người nói đối với nội dung mệnh đề mà câu biểu thị hay tính trạng mà
mệnh đề đó miêu tả” (tr.452) và “tình thái đạo nghĩa liên quan đến tính
tất yếu hay tính có thể của hành vi được thực hiện bởi một chủ thể có
trách nhiệm về đạo đức và xem xét tình thái theo nội dung về tính nghĩa
vụ, sự cho phép và cấm đoán” (tr.822, 833).
Theo Palmer (1986, Mood and Modality), tình thái là thông tin ngữ
nghĩa của câu thể hiện thái độ hay ý kiến của người nói đối với điều
được nói ra và phân biệt tình thái nhận thức với tình thái đạo nghĩa. Theo
ông “Tình thái nhận thức liên quan đến tính khả năng, tính cần thiết và
mức độ cam kết của người nói đối với điều mà anh ta nói ra (tr.51), tình
thái đạo nghĩa lại liên quan đến tính hợp thức về đạo lí của hành động do
một người nào đó hay do chính người nói thực hiện (tr.96). Còn quan
niệm về tình thái của Bybee rộng hơn khi ông cho rằng “tình thái là tất
cả những gì mà người nói thực hiện cùng với toàn bộ nội dung mệnh đề”
(tr.385).
Xa hơn là sự nghiên cứu tình thái gắn với lí thuyết hành động ngôn
từ (Theory of Speech acts). Điển hình là J.R Searle. Ông cho rằng lý
thuyết hành động ngôn từ thích hợp hơn để xem xét những vấn đề về
tình thái vì sự quan tâm đến quan hệ giữa người nói và điều được nói của
lí thuyết này. F.R.Palmer (1986) chia sẻ quan điểm trên khi cho rằng
trong hành động tạo lời, chúng ta nói về một điều gì đó (như: trả lời câu
hỏi, thông báo một sự phán quyết, khuyến cáo, hứa hẹn,… ). Sự khác
biệt giữa nội dung mệnh đề và tình thái rất gần với sự khác biệt giữa
hành động tạo lời và hành động tại lời (tr.14).
Trong giới Việt ngữ học, vấn đề tình thái cũng được chú ý quan tâm
nghiên cứu hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp. Đại diện cho nhóm tác giả
nghiên cứu gián tiếp về vấn đề tình thái có Nguyễn Kim Thản (1977)
trong “Nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt” khi phân loại các loại từ trong
tiếng Việt đã cho rằng có một số động từ tình thái (như: toan, muốn,
hòng,…) và trợ từ phục vụ cho sự biểu thị thái độ của người nói (như: ạ,
cơ, vậy, mà, đấy, đấy thế,…). Hay Lê Cận – Phan Thiều (1983) trong
“Giáo trình ngữ pháp tiếng Việt” có xác định, miêu tả tình thái từ trong
hệ thống từ loại tiếng Việt. Và Đinh Văn Đức (2001) trong “Ngữ pháp
tiếng Việt – từ loại” đã nhận định “tình thái vốn là một khái niệm về ngữ
nghĩa của câu, nghĩa là thuộc địa hạt cú pháp”. Còn Nguyễn Minh
Thuyết và Nguyễn Văn Hiệp (1998) với “Thành phần câu tiếng Việt” đã
trình bày các phương tiện ngôn ngữ dùng để biểu thị tình thái trong tiếng
Việt. Ngoài ra, Diệp Quang Ban và Hoàng Văn Thung trong Ngữ pháp
tiếng Việt (2000) cũng nêu vấn đề về tình thái từ. Theo đó, tình thái từ
“là tiểu từ chuyên dùng biểu thị ý nghĩa tình thái trong quan hệ của chủ
thể phát ngôn với người nghe hay với nội dung phản ánh”.
Tiêu biểu cho các tác giả trực tiếp quan tâm khảo sát vấn đề tình
thái thể hiện qua những bài viết đăng trên tạp chí Ngôn ngữ như:
Lê Đông (1991) “Ngữ nghĩa – ngữ dụng của hư từ tiếng Việt: ý
nghĩa đánh giá của các hư từ”.
Nguyễn Minh Thuyết (1995) “các tiền phó từ chí thời – thể trong
tiếng Việt”.
Phạm Hùng Việt (2001), “Vấn đề tình thái với việc xem xét chức
năng ngữ nghĩa của trợ từ tiếng Việt”.
Lê Đông – Nguyễn Văn Hiệp (2003) “Khái niệm tình thái trong
ngôn ngữ học”.
Lê Thị Diệu Hoa [33] đã cho rằng: “Tình thái là sự nhìn nhận, đánh
giá thái độ của người nói mà câu đề cập đến: khẳng định tính đúng đắn
chân thực của sự việc, phỏng đoán sự việc với thái độ tin cậy cao hoặc
thấp, đánh giá mức độ hay số lượng của một phương diện nào đó trong
sự việc, xác định sự việc là có thực hay chỉ là khả năng giả thiết.”
[tr.164].
Hoàng Trọng Phiến trong cuốn Ngữ pháp tiếng Việt – Câu (1980)
cho rằng tình thái là phạm trù ngữ pháp của câu ở dạng tiềm tàng. Tình
thái có mặt trong tất cả các kiểu câu. Điều này thể hiện ở chỗ câu có giá
trị thời sự, nó có tác dụng thông báo một điều mới mẻ. Qua đó, người
nghe hiểu rằng người nói có thái độ thế nào với hiện thực.
Đỗ Hữu Châu (1983) lại quan niệm “tình thái sẽ bao gồm toàn bộ
những ý nghĩa thuộc phạm vi dụng học và sẽ tập hợp lại thành thông
điệp bộc lộ kèm với lõi P của câu” (tr.16)
Chia sẻ quan điểm này, trong một bài viết bàn về khái niệm tình thái
(1988), Hoàng Tuệ đã nhận xét “tình thái là một khái niệm trong sự phân
tích theo cách nhìn tìm đến thái độ của người nói trong hoạt động phát
ngôn tức cũng là tìm đến tác động ngữ dụng, tác động mà người nói
muốn tạo ra ở người nghe trong thực tế hoạt động ngôn ngữ”.
Ở một mức khái quát cao, Cao Xuân Hạo cho rằng tình thái của câu
được biểu thị trong cấu trúc cú pháp cơ bản (mà tác giả gọi là cấu trúc
Đề – Thuyết) gồm có:
- Nhận định của người nói về giá trị chân ngụy của điều được nói ra
trong câu (khẳng định, phủ định, ngờ vực, nêu rõ phạm vi giới hạn và
điều kiện của tính chân lí).
- Về tính khả năng hay tất yếu của điều đó (có thể hay không có thể,
tất nhiên hay không tất nhiên, mức độ cao hay thấp của tính khả năng,
tính tất yếu).
- Cách đánh giá của người nói đối với sự tình được truyền đạt (đáng
mừng hay đáng tiếc, đáng hy vọng hay e ngại, nên có hay nên có, …)
- Sự giới thiệu của người nói về tính chất của câu nói (tính thành
thực, đơn giản, áng chừng hay chính xác,…)
- Mối quan hệ giữa câu nói với tình huống đối thoại hay đối với
ngôn cảnh và nhiều nội dung khác thuộc lĩnh vực lô gích và siêu ngôn
ngữ. (tr.175)
Mặc dù các diễn đạt của các tác giả là không giống nhau song nhìn
chung cách hiểu tình thái là một phạm trù ngữ nghĩa – chức năng phản
ánh mối quan hệ, thái độ, cách đánh giá của người nói đối với nội dung
của phần còn lại trong câu là cách hiểu được nhiều nhà nghiên cứu thừa
nhận nhất.
Tóm lại, trên cơ sở nghiên cứu của những người đi trước, chúng tôi
xin tổng kết thành mấy điểm chính như sau về vấn đề tình thái:
- Tình thái cùng với nội dung mệnh đề là hai thành phần cần yếu tạo
nên cấu trúc ngữ nghĩa của câu, góp phần thực tại hoá câu, gắn câu với
điều kiện giao tiếp hiện thực.
- Tình thái là một phạm trù rộng lớn thể hiện thái độ, những cách
đánh giá khác nhau của người nói đối với nội dung mệnh đề, với người
đối thoại và với các nhân tố khác của ngữ cảnh liên quan đến sự tình
được phản ánh.
- Tình thái cần được nhìn nhận, xem xét, nghiên cứu như một phạm
trù mang tính phức thể, nhiều phương diện tác động lẫn nhau và liên hệ
một cách chặt chẽ với các phạm trù ngữ nghĩa – chức năng cũng như với
các phạm trù của ngữ dụng học. Theo cách nhìn này, khi nghiên cứu tính
tình thái, chúng ta phải tính đến sự tương tác phức tạp của bốn nhân tố
của quá trình giao tiếp: người nói, người đối thoại, nội dung của phát
ngôn và thực tế.
Nội dung, ý nghĩa cụ thể của tình thái rất đa dạng nhưng phần lớn
đều trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến các trạng thái nhận thức, đánh
giá, thái độ, tâm lí, tình cảm của người nói.
1.2.2. Một số đối lập chủ yếu của tình thái ngôn ngữ
Đối với một lĩnh vực phức tạp như tình thái, các nhà nghiên cứu đã
cố gắng đưa ra những cách phân loại khác nhau nhằm sắp xếp các ý
nghĩa tình thái vào một số phạm trù. Tuy nhiên, phần lớn cách phân loại
đó thực ra chỉ là một sự phân loại trong phạm vi một nhóm ý nghĩa tình
thái chứ không phải là những sự phân loại bao quát toàn bộ các ý nghĩa
tình thái hiểu theo nghĩa rộng của phạm trù này. Đó là do trong ngôn ngữ
tự nhiên, các biểu hiện của tình thái rất đa dạng. Nếu tình thái được hiểu
theo nghĩa rộng, như là “tất cả những gì mà người nói thực hiện cùng với
toàn bộ nội dung mệnh đề” (Bybee, 1994) thì trong thực tế, các nội dung
tình thái được biểu thị xuyên thấm qua nhiều cấp độ ngôn ngữ khác
nhau, từ ngữ điệu đến trật tự từ, từ các phương tiện từ vựng đến các
phương tiện ngữ pháp, từ những thành tố thuộc bậc câu đến những thành
tố thuộc bậc trên câu, bậc dưới câu, … Tuy vậy, sau khi tham khảo
những công trình nghiên cứu về tình thái, đặc biệt là những bài viết đăng
trên tạp chí Ngôn ngữ của Nguyễn Văn Hiệp, cùng với việc khảo sát tư
liệu thực tế để kiểm chứng, chúng tôi có thể nêu ra một số đối lập chủ
yếu về tình thái trong ngôn ngữ như sau:
1.2.2.1. Đối lập giữa tình thái nhận thức (Epistemic Modality) và
tình thái đạo nghĩa (Deontic Modality)
- Tình thái nhận thức: Trước hết, thuật ngữ “nhận thức” có nghĩa là
“hiểu biết”, tuy nhiên ở đây nó được dùng theo một nghĩa rộng hơn,
không chỉ liên quan đến tình thái tất yếu, tính khả năng mà còn liên quan
đến mức độ cam kết của người nói đối với điều được nói ra trong câu.
Trường hợp không đánh dấu về tình thái nhận thức là trường hợp người
nói xác nhận hoàn toàn tính chân thật của điều được nói ra, còn trường
hợp có đánh dấu về tình thái nhận thức là trường hợp người nói thể hiện
những mức độ cam kết thấp hơn. Đối với trường hợp người nói không
cam kết hay xác nhận hoàn toàn tính chân thật của điều được nói ra,
người ta thấy có ít nhất bốn cách nói, theo đó người nói có thể trình bày
điều được nói ra với tư cách là:
+ Điều mà người nói phỏng đoán (có thể là…/Tôi nghĩ là,..)
+ Điều mà người nói suy luận (Tôi kết luận là…/kết luận rút ra
là,…)
+ Điều mà người nói được thông báo qua một người thứ ba là (nghe
nói là…/X nói là…)
+ Điều mà người nói cảm nhận được, thông qua bằng chứng của các
giác quan (có lẽ, như là,…)
Cần nói thêm rằng, sự phân biệt tình thái khách quan và tình thái
chủ quan là ở chỗ tình thái khách quan (hay tình thái logic) loại trừ vai
trò của người nói, còn tình thái chủ quan (hay tình thái ngôn ngữ) lại thể
hiện vai trò của người nói (đánh giá, cam kết, thể hiện mục đích) đối với
điều được nói ra. Xét câu: “Người ta nói nó ốm”. Ngữ đoạn chứng cứ
“người ta nói” có giá trị tương đương với các QN biểu thị tình thái như
nghe đâu, nghe nói, nghe đồn..., một dạng cam kết gián tiếp.
Có thể thấy tình thái nhận thức thể hiện cái vị thế, hiểu biết của cá
nhân người nói đối với tính chân thực của điều được nói đến trong câu,
dựa trên những bằng chứng và cơ sở suy luận nào đó mà người nói có
được.
- Tình thái đạo nghĩa: đây là loại tình thái có liên quan đến nhân tố
ý chí của người nói, cụ thể tình thái đạo nghĩa liên quan đến tính thích
hợp về đạo đức hay các chuẩn mực xã hội khác đối với hành động do
một người nào đó hay chính người nói thực hiện.
Ở tình thái đạo nghĩa, tính chủ quan thể hiện ở thái độ, ý chí và
mong muốn của người nói đối với hành động. Người nói cho rằng hành
động là bắt buộc, là bị cấm đoán, là được phép hay được miễn trừ. Qua
đó người nói thể hiện ý chí, mong ước người nghe thực hiện hành động
hay tự mình cam kết hành động.
1.2.2.2. Đối lập giữa tình thái khách quan và tình thái chủ quan
- Tình thái khách quan: thông báo mối quan hệ giữa điều được nói
ra với bên ngoài rằng điều ấy có thực hay không. Thông thường tình thái
khách quan thường được diễn đạt bằng động từ.
Ví dụ: (8) Bà đỡ nói với Nguyệt:
- Bà nên nói thật thì tôi mới liệu được.
(Nguyễn Công Hoan)
Tình thái khách quan biểu hiện hành vi ngôn ngữ trực tiếp như
một lời khuyên nhủ, nên ý muốn không bắt buộc, ý ngầm như muốn
khuyên nhủ người nghe.
Ví dụ: (9) Nó định về quê.
Người nói chỉ định trình bày một cách khách quan trạng thái tâm
lí của đối tượng được biểu thị bằng đại từ nó.
Ví dụ: (10) Anh phải gọi điện thoại cho họ ngay.
Người nói miêu tả một cách khách quan tình thế tất yếu của việc
gọi điện thoại gắn với chủ thể hành động.
- Tình thái chủ quan: Trong khi tình thái khách quan loại trừ vai trò
của người nói thì tình thái chủ quan lại đề cao vai trò của người nói. Tình
thái chủ quan thể hiện thái độ (hay quan hệ) của người nói với điều được
thông báo. Đây là những nét thông báo tinh tế, ý nhị của người nói mà
nhiều khi khó có thể cảm nhận hết được.
Ví dụ: (11) Anh bị ốm vị tất phải đến họp.
Việc anh ta đến họp theo người nói đánh giá chưa chắc xảy ra do
dựa trên căn cứ suy luận là “anh ta bị ốm”.
Ngoài ra, trong tình thái còn có một số kiểu đối lập tiêu biểu như
đối lập gữa tình thái nhận thức và tình thái căn bản, giữa tình thái của
mục đích phát ngôn và tình thái trả lời phát ngôn, giữa tình thái hướng
tác thể và tình thái hướng người nói. Bên cạnh những nội dung tình thái
được phân biệt với nhau trên đây, nói đến tình thái ngôn ngữ là nói đến
những đánh giá chủ quan, có tính cá nhân khác, của người nói đối với
điều được nói ra trong câu xét theo khía cạnh sự tình là tích cực hay tiêu
cực, đánh giá về lượng (nhiều/ít) về chủng loại (phong phú/nghèo nàn),
về thời điểm (sớm/ muộn). Những nội dung này có thể được gọi chung là
“lập trường” của người nói là những nội dung vốn không được tính đến.
Trong khung nội dung tình thái khách quan, chẳng hạn, những cặp câu
sau đây khác biệt theo những nội dung mang tính “lập trường”, thuộc về
chủ quan của người nói.
- (12) May ra nó về rồi. (Người nói đánh giá sự tình khả năng là tích
cực).
- (13) Nhỡ ra nó về rồi. (Người nói đánh giá sự tình khả năng là
không tích cực).
- (14) Thằng bé ăn mỗi một bát cơm. (Đánh giá về lượng: một bát
cơm là ít).
- (15) Thằng bé ăn đến/những một bát cơm. (Đánh giá về lượng:
một bát cơm là nhiều).
- (16) Bây giờ đa 9 giờ rồi. (Đánh giá về thời gian: 9 giờ là muộn).
- (17) Bây giờ mới 9 giờ thôi. (Đánh giá về thời gian: 9 giờ là sớm).
- (18) Cô ấy mua nào gà, nào vịt, nào trứng. (Đánh giá về chủng
loại: Mua chừng ấy thứ là nhiều).
- (19) Cô ấy chỉ mua có gà, vịt, trứng. . (Đánh giá về chủng loại:
Mua chừng ấy thứ là ít).
Với những gì vừa được trình bày trên đây, chúng tôi hy vọng, trong
khả năng hạn hẹp của mình, có thể góp phần làm rõ một số phương diện
chính yếu của phạm trù tình thái trong ngôn ngữ, nhất là cách phân loại
các kiểu ý nghĩa thuộc phạm trù tình thái trong ngôn ngữ dựa trên cơ sở
đối lập giữa tình thái nhận thức và tình thái đạo nghĩa. Đây là cơ sở quan
trọng để chúng ta có thể triển khai những nghiên cứu về hệ thống các
QNTT tiếng Việt trong tính thực tại đa dạng, sinh động của chúng và
thông qua lăng kính chủ quan của người sử dụng ngôn ngữ.
1.2.3. Các phương tiện biểu hiện tình thái trong ngôn ngữ
Cùng với sự phong phú của các ý nghĩa tình thái, các phương tiện
biểu hiện tình thái trong ngôn ngữ tự nhiên rất đa dạng. Có thể chia làm
hai nhóm lớn là nhóm các phương tiện ngữ pháp và nhóm các phương
tiện từ vựng. Ở các ngôn ngữ có biến đổi hình thái, thức và các hình thái
khác của động từ (như thời, thể) đóng một vai trò quan trọng trong việc
biểu hiện tình thái. Dĩ nhiên, những ngôn ngữ này cũng huy động các
phương tiện khác như ngữ điệu, các phương tiện từ vựng, hoặc phối hợp
đồng thời nhiều kiểu phương tiện.
Trong tiếng Việt, ngoài ngữ âm (dùng ngữ điệu, trọng âm để thể
hiện thái độ, tình cảm hoặc để nhấn mạnh vào điểm mà người nói cho là
cần chú ý) thì các phương tiện từ vựng đóng một vai trò rất quan trọng,
có thể kể ra các nhóm chính:
o Các phó từ làm thành phần phụ của vị từ: sẽ, đang, từng, vừa,
mới,…
o Các vị từ tình thái làm chính tố trong ngữ đoạn vị từ: toan,
định, muốn, cố, đành, được, bị,…
o Các động từ chỉ thái độ mệnh đề trong cấu trúc chỉ thái độ
mệnh đề: Tôi e rằng, tôi nghĩ rằng, tôi sợ rằng,..
o Các động từ ngôn hành trong kiểu câu ngôn hành (với những
điều kiện về ngôi, về chỉ tố thời,…) như: ra lệnh, van, xin, đề
nghị, yêu cầu,…
o Các thán từ: ôi, chao ôi, ồ, eo ôi,…
o Các tiểu từ tình thái cuối câu và tổ hợp tương đương: à, ư, nhỉ,
nhé, thôi, chứ, đi, mất, thật, cũng nên, lại còn, thì chết,…
o Các trợ từ tình thái: đến, những, mỗi, nào, ngay, cả, chính, đích
thị, mới, đã, chỉ,…
o Các kiểu câu điều kiện, giả định: nếu…thì…, giá…thì…,
cứ….thì….
Đặc biệt trong đó cũng có các QNTT như: nói gì thì nói, ngó bộ,
thảo nào, đằng thẳng ra, kể ra, làm như thể… Đó là những tổ hợp từ,
những lối nói đã tạo thành những đơn vị, khối hay khuôn cấu trúc tương
đối ổn định được người nói dùng như một công cụ chức năng của những
tác tử tình thái tác động vào nội dung mệnh đề theo một kiểu nào đó. Dù
khái niệm về QN vẫn chưa được các nhà từ vựng học thống nhất với
nhau về nội dung, nhưng ý nghĩa biểu đạt tình thái của lớp từ này đã
được thừa nhận. Và chúng tôi tạm gọi đối tượng mà mình đang nghiên
cứu là QNTT.
1.3. Quán ngữ tình thái tiếng Việt
Như đã nêu trong phần đặt vấn đề, đối tượng nghiên cứu mà chúng
tôi chọn là những tổ hợp từ, những lối nói đã tạo thành những đơn vị,
khối hay khuôn cấu trúc tương đối ổn định được người nói dùng như một
công cụ có chức năng của những tác tử tình thái tác động vào nội dung
mệnh đề theo kiểu nào đó. Sở dĩ chúng tôi gọi những tổ hợp này là
QNTT bởi về cơ bản chúng cũng có những đặc điểm về hình thức và ý
nghĩa tương đồng với những tổ hợp từ được gọi là QN được nhiều người
chấp nhận. Song, cũng dễ nhận thấy là ngoại diên khái niệm QNTT, theo
quan niệm của chúng tôi về một phương diện nào đó, hẹp hơn so với
quan niệm của các nhà từ vựng học. Nói một cách cụ thể hơn, ở đây,
chúng tôi chỉ quan tâm đến các đơn vị QN đã được mã hóa, dùng để
trình bày những dạng có thể thức hoặc tham gia cấu tạo nên khung câu.
Do đó, người đọc có thể thấy trong danh sách các QNTT mà chúng tôi
thu thập vắng mặt rất nhiều tổ hợp mà mọi người quen gọi là QN nhưng
lại có thể thêm nhiều tổ hợp, kết cấu trước nay chưa ai bàn đến và cũng
không loại trừ khả năng có những tổ hợp đã được nói đến nhưng lại
không được coi là QN. Chẳng hạn các tổ hợp từ kiểu: hình như, có lẽ, tất
nhiên, đương nhiên, có khi, vả lại,… mà trước nay các sách ngữ pháp
vẫn gọi là phó từ, liên từ. Thiết nghĩ điều này cũng dễ hiểu, không có gì
đáng phải bàn cãi. Bởi lẽ, việc gọi những tên khác nhau cho cùng một
đối tượng hay ngược lại những đối tượng khác nhau được xếp vào cùng
một khái niệm cũng là điều thường thấy. Nó phụ thuộc vào góc độ mà
người ta chọn để xem xét đối tượng. Ở đây, xin nhắc lại một lần nữa tiêu
chí đầu tiên và cũng là quan trọng nhất đối với các tổ hợp từ được chúng
tôi tập hợp để nghiên cứu trong luận văn này là khả năng biểu đạt các ý
nghĩa tình thái chứ không phải gì khác. Dùng khái niệm QN của từ vựng
học, thực ra chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến tính chất “khối” tương
đối ổn định và quen dùng của chúng mà thôi. Và như vậy, chúng tôi có
thể tóm tắt một số đặc điểm về bản chất của QNTT tiếng Việt như sau:
o Là cụm từ cố định, có tính ổn định tương đối về cấu trúc và
thành phần từ vựng cấu tạo nên nó.
o Có chức năng bày tỏ, bộc lộ sắc thái biểu cảm. Đây là đặc điểm
khác hẳn với những QN chỉ dùng trong phong cách khoa học, có
chức năng liên kết.
o Về cấu trúc, thường có cấu trúc là cụm từ, một số trường hợp có
kết cấu là cụm chủ – vị (chẳng hạn: ai có ngờ đâu, ai có dè
đâu,…).
o Về chức năng tạo câu, QNTT tương đương với từ.
o Về ý nghĩa từ vựng, ý nghĩa của QNTT tương đương với ý nghĩa
của một từ hoặc cụm từ.
o Là cụm từ cố định (đơn vị có sẵn trong vốn từ vựng của ngôn
ngữ) nhưng ranh giới của lớp từ này với cụm từ tự do (đơn vị
cấu tạo tự do trong lời nói) là không rõ ràng, cụ thể.
Từ những đặc điểm trên, qua khảo sát ngữ liệu, chúng tôi tổng hợp
và đưa vào danh sách một số QNTT TV thường dùng. Chúng cũng là đối
tượng nghiên cứu của luận văn (x.Phụ lục).
* Tiểu kết
Nhìn chung, ở chương này, chúng tôi đã bước đầu xác định một số
đặc điểm cơ bản của lớp từ được chọn làm đối tượng khảo sát ở luận văn
– QNTT tiếng Việt. So sánh với thành ngữ, chúng tôi rút ra vài đặc điểm
khác nhau cơ bản giữa hai khái niệm quán ngữ và thành ngữ. Luận văn
đưa ra bốn loại QN được phân biệt nhau trên cơ sở giữa chúng có sự
khác nhau về công dụng. Từ đó nhận ra QNTT – dùng trong chức năng
dụng học – là loại được sử dụng phổ biến hơn cả. Cũng cần nói thêm
rằng, trong chương này, luận văn chỉ đề cập đến một khía cạnh khá nhỏ
trong một phạm trù rộng lớn như khái niệm tình thái. Đó là chúng tôi
nhận ra rằng phần lớn ý nghĩa tình thái đều có liên quan đến trạng thái
nhận thức, đánh giá, thái độ, tâm lí và tình cảm của người nói. Cùng với
những phương tiện từ vựng khác, QNTT là đơn vị có khả năng biểu hiện
ý nghĩa tình thái với đặc điểm và cách dùng riêng.
Chương 2: ĐẶC ĐIỂM CỦA QUÁN NGỮ TÌNH
THÁI TIẾNG VIỆT
Cũng như QN theo cách hiểu thông thường, QNTT là những tổ hợp
từ hay lời nói mang tính ổn định được tái hiện nhiều lần do nhu cầu cần
thiết của sự giao tiếp. Tính thành ngữ và tính ổn định của cấu trúc của
QNTT không cao. Đặc điểm của cụm từ tự do còn in đậm trong các cụm
từ cố định thuộc loại này. Song, chúng không đơn thuần là phương tiện
liên kết hay dùng để đưa đẩy, rào đón, dẫn ý, chuyển ý như các nhà từ
vựng đã nhận định. Trên thực tế, chúng có vai trò quan trọng và đa dạng
hơn nhiều. Tác dụng của QNTT là làm phương tiện bổ trợ, tác động vào
nội dung mệnh đề, vào ý nghĩa của chỉnh thể câu; đưa vào câu những
kiểu tình thái đánh giá, biểu cảm khác nhau, gắn câu với hoàn cảnh giao
tiếp hiện thực, tạo nên tính sinh động, uyển chuyển và chính xác của câu
nói. Trên cơ sở quan sát những QNTT thu được, chúng tôi nhận thấy
chúng có những đặc điểm nổi bật đáng chú ý sau đây:
2.1. Đặc điểm hình thức của QNTT tiếng Việt
Gần đây, một số nhà Việt ngữ học đã thấy được tầm quan trọng của
QNTT trong việc tạo nghĩa tình thái hay kiến tạo phát ngôn. Thế nhưng,
việc nghiên cứu về QN tình thái cho đến nay có thể nói là còn khá mỏng
và rời rạc. Các thông tin về ngữ pháp mà chúng hàm chứa dường như
quá ít ỏi và khó khái quát thành đặc điểm chung. Rõ ràng do không có
tiêu chí minh bạch, cụ thể về hình thức cũng như nội dung nên nhìn
chung các thủ pháp phân tích kiểu cấu trúc luận đối với lớp từ này còn
gặp phải nhiều khó khăn. Dù vậy, chúng tôi cũng mong muốn khái quát
được một số đặc điểm hình thức cấu tạo của QNTT.
Xét từ góc độ hình thức cấu tạo nội tại của bản thân các QNTT, có
thể thấy chúng là những tổ hợp có độ dài ngắn khác nhau. Căn cứ vào số
lượng thành tố tham gia cấu thành tổ hợp, một cách chung nhất có thể
phân chúng thành hai nhóm:
- Nhóm 1: các QNTT có cấu tạo gồm hai thành tố, như: ắt hẳn, biết
đâu, chả trách, có lẽ, hóa ra, lại còn, nghe chừng, quả tình, phải chi, giá
mà, thảo nào, thế ra,… Đây là những tổ hợp mà trước nay quan niệm
truyền thống nhìn từ góc độ cấu trúc của câu vẫn gọi là thành phần phụ
của câu.
- Nhóm 2: các QNTT có cấu tạo từ ba thành tố trở lên. Ví dụ: ấy thế
mà, của đáng tội, cực chẳng đã, chưa biết chừng, đến mùa quýt, chẳng
đâu vào đâu, bất quá là cùng, làm cho ra vẻ,…
Căn cứ vào khả năng phân bố vị trí của các QNTT trong câu / phát
ngôn, chúng ta có thể phân thành:
- Các QNTT ở vị trí cuối câu/ phát ngôn: P cũng nên, P có khác, P
không chừng, P là cái chắc, P là cùng, P quá đi chớ, P thì có,…
- Các QNTT ở vị trí đầu câu/ phát ngôn, cho phép dự báo thông tin
phát ngôn. Đây hầu như là hình thức khá phổ biến của QN tiếng Việt và
cũng là lí do chủ yếu chúng được xếp vào hệ thống ngữ cố định. Theo đó
là các QN: theo tôi thì, có ngờ đâu là, rõ ràng là, nghe đâu, thấy bảo,
hơi sức đâu mà, may mắn thay, thật tình mà nói, thảo nào,…
- Các QNTT ở vị trí linh hoạt:
+Đầu hoặc cuối câu/ phát ngôn: thôi nào, không biết, …
+Đầu hoặc giữa câu/ phát ngôn: chắc là, hình như, quả thật, chẳng
lẽ,..
Dễ dàng nhận thấy cấu trúc của QNTT là một vấn đề cần bàn đến để
giúp phân biệt chúng với các cấu trúc của các loại đơn vị khác trong ngữ
cố định. Theo chúng tôi QN khá đa dạng về cấu trúc cú pháp. Một số
QNTT khi được sử dụng vẫn có thể thêm vào hoặc cắt đi một, hai thành
tố một cách rất linh hoạt. QNTT khá gần gũi với cụm từ tự do. Có nghĩa
là có rất nhiều QNTT có cấu trúc chưa hoàn toàn ổn định như các đơn vị
cụm từ cố định khác. Vì thế những trường hợp này rất khó khái quát đặc
điểm về cấu trúc cú pháp của QNTT. Tuy nhiên, qua khảo sát của chúng
tôi, nếu căn cứ vào đặc điểm cấu tạo, có thể tạm thời xếp một số QNTT
vào những cấu trúc cơ bản sau:
2.1.1. QNTT có cấu tạo là những tổ hợp từ có quan hệ đẳng lập
Ví dụ: chẳng chóng thì chày, qua ngày đoạn tháng, không sớm thì
muộn, ngày một ngày hai, được chăng hay chớ, đến nơi đến chốn, ra đầu
ra đũa, cắn rơm cắn cỏ, ra môn ra khoai…
Trong những QNTT này, chúng ta nhận thấy tính thành ngữ còn
khá cao. Do vậy, chúng chẳng khác TN là mấy. Trường hợp cùng một tổ
hợp từ mà các nhà nghiên cứu xếp vào những lớp từ khác nhau cũng là
khá phổ biến. Chẳng hạn, với tổ hợp từ ra môn ra khoai, Nguyễn Hữu
Quỳnh cho là TN và xếp nó vào bảng TN tiếng Việt [49, tr.307], nhưng
Hoàng Trọng Phiến lại cho nó là QN và giải thích: “ra môn ra khoai”
tương đương với ra nhẽ, biểu hiện nghĩa làm rõ sự thật của một sự việc,
một hành động.
Ví dụ: (20) Việc này phải làm cho ra môn ra khoai (phải làm cho
ra nhẽ) chứ không thể để mập mờ như vậy được.” [22, tr.216]
Tình trạng phức tạp về ngữ nghĩa của các QNTT cũng như những
đặc trưng bản chất của chúng, cho thấy những QNTT có cấu tạo theo
quan hệ bình đẳng, ngang hàng này đứng ở vị trí trung gian giữa TN và
QN.
2.1.2. QNTT có cấu tạo là những tổ hợp từ có quan hệ chính
phụ
Cụm từ chính phụ khác với cụm từ đẳng lập về kết cấu. Trong cụm
từ chính phụ có một thành tố trung tâm và một hay nhiều thành tố phụ bổ
sung ý nghĩa cho thành tố trung tâm. Căn cứ vào loại từ trung tâm và
thành tố phụ, căn cứ vào quan hệ ý nghĩa, quan hệ ngữ pháp giữa các
thành tố với nhau, ta có thể xác lập trong tiếng Việt có các kiểu loại cụm
từ khác nhau như cụm danh từ, cụm động từ, cụm tính từ. Xét về cấu tạo,
một số khá lớn, QNTT tiếng Việt là các cụm từ có quan hệ chính phụ.
Sau đây là vài hình thức hiện thực mà chúng tôi quan sát được:
2.1.2.1. QNTT có cấu tạo là tổ hợp từ có động từ làm trung tâm.
Chẳng hạn: cần gì lại phải, cần chi mà, kể làm gì, làm (cho) ra vẻ, biết
lấy làm, liệu sao thì liệu,..
Ví dụ: (21) Đứng trước bọn con gái, cậu ta làm cho ra vẻ mình là
con người có văn hóa, làm ra vẻ ta đây là trí thức.
Một số QNTT có hình thức là một tổ hợp có động từ nói làm trung
tâm, như: nói trộm bóng vía, bỏ quá cho, nói khí không phải, nói sai
đừng chấp, nói bỏ ngoài tai,…. Theo Trần Ngọc Thêm, mô hình này là
Động từ + thành tố chỉ cách thức; theo chúng tôi, vì đặc tính siêu
ngôn ngữ của QN nên động từ này thường là nói. Những QNTT có hình
thức này chủ yếu bộc lộ sự đánh giá của người nói đối với điều được
nói ra theo yêu cầu của nghi thức giao tiếp để đảm bảo tính lịch sự hay
sự kiêng tránh theo quy ước của cộng đồng. C._.iều lúc tưởng gần nhau hơn, nhưng chính lại đang xa vời vợi phải
chăng chúng mình phức tạp quá?
(Văn nghệ quân đội 5/97, tr.67)
QNTT “phải chăng” biểu thị ý khẳng định có phần dè dặt của
người nói đối với P. P được người nói nêu ra như để thăm dò trao đổi ý
kiến với người đối thoại hoặc cũng có thể là ý thắc mắc về một điều mà
người nói biết rằng người đối thoại cũng cảm thấy vô lí và khó trả lời.
Cũng cần nói thêm rằng, một số tác giả như Đoàn Thị Thu Hà,
Nguyễn Thị Cẩm Thanh hay Nguyễn Minh Thuyết và Nguyễn Văn Hiệp
đã dựa vào phạm trù nội dung nhận thức (epistemic) của Lyons để đề ra
phân loại QNTT:
a) QNTT thực hữu (factive): Báo hiệu nội dung ở P mà người nói
cho là có tính chân thực.
b) QNTT không thực hữu (non-factive): Báo hiệu nội dung ở P
mà người nói cho là không chắc chắn.
c) QNTT phản thực hữu (contra-factive): Báo hiệu nội dung ở P
mà người nghe cho là đi ngược lại với sự thật, điều kiện giả định không
đúng với sự thật.
Ví dụ và phân tích ví dụ của Nguyễn Thị Cẩm Thanh:
(91) Anh hỏi, phải chăng lần nào đến nghĩa địa, chị cũng đi tắc xi.
Theo tác giả, “phải chăng” là QNTT thuộc phạm trù nhận thức
không thực hữu vì người nói “không cam kết hay bảo đảm tính chân thực
của điều không nói ra” và giải thích: câu chứa “phải chăng” mang những
đặc trưng ngữ nghĩa sau: “thông tin luận cứ thường là gián tiếp (phải
thông qua suy luận để xác lập nội dung mệnh đề), theo đánh giá của
người nói là chưa đủ tin cậy để có thể hình thành một ý kiến mà chủ
quan người nói tin chắc là phù hợp với thực tế. Người nói còn phân vân
dao động. Người nói không bộc lộ sự chờ đợi hướng trả lời của người
đối thoại. Câu hỏi chứa từ chăng/phải chăng chủ yếu để nêu ra một vấn
đề mà bản thân người nói còn phân vân, còn phải cân nhắc xem xét có
trả lời cụ thể. (tr.91)
Trái lại, Ngô Hữu Hoàng lại cho rằng “quan niệm và cách phân loại
QN theo cách này có vẻ như chưa đến được cái nghĩa cuối cùng của
QNTT mà chỉ mới dừng lại ở nghĩa lôgích – cú pháp nếu không muốn
nói là khá cực doan, dễ rơi vào tình trạng tự cho phép mình theo chủ
nghĩa “áp đặt” ngôn ngữ (prescriptivism) trong khi nhiệm vụ của một
nhà nghiên cứu thông thường vẫn chỉ là quan sát và miêu tả thực tiễn nói
năng của quần chúng (descriptivism)”.
Theo chúng tôi, trong một chừng mực nào đó, mỗi cách phân loại
đều có cơ sở và những đóng góp riêng vào sự nhận diện một số kiểu loại
QNTT. Vả lại, cách tiếp cận đối tượng của chúng tôi cũng chỉ là một
hướng có tích chất tham khảo, dựa trên ngữ nghĩa - chức năng của
QNTT TV. Trở lại với chức năng phản ánh thái độ, tình cảm của người
nói, lớp từ này còn có những nhóm sau:
* Thể hiện thái độ ngạc nhiên, bất ngờ
té ra, hoá ra, thì ra, thế ra, hèn chi, hèn nào, thảo nào,…
* Q hèn chi P:
- Q giải thích cho hành động, trạng thái biểu thị bằng P.
- Xét về thứ tự xuất hiện trên văn bản (hoặc trong chuỗi phát ngôn)
thì Q đứng trước phát ngôn P nhưng xét về trình tự nhận thức thì Q lại là
sự tình được tri nhận sau P.
- Theo cách đánh giá của người nói thì sự tình, trạng thái được diễn
đạt bằng P là có tính chất bất thường, không giống với những gì quen
thuộc, thường thấy và họ lấy làm ngạc nhiên, thắc mắc với chính mình
về điều này.
- Khi có được câu trả lời cho sự thắc mắc này (có thể do người nói
tự tìm ra hoặc được cho biết) thì sự ngạc nhiên không còn nữa. Tuy
nhiên, chịu sự chi phối của các QNTT này, câu trả lời (phát ngôn Q) lại
có đặc tính là nằm ngoài sự dự doán, giả định của chủ ngôn (thường
không được diễn đạt hiển ngôn).
* Q thế ra P:
- P là điều người nói mới phát hiện, nhận biết được tại thời điểm
phát ngôn nhờ có Q.
- P là điều nằm ngoài, khác với dự đoán của người nói. Chính xác
hẳn, P là khả năng mà người nói hoàn toàn không ngờ tới trước đó.
- Người nói bày tỏ sự ngạc nhiên, bất ngờ ở mức độ cao đối với P,
tưởng như P không thể tin được. Chính vì vậy mà kiểu phát ngôn chứa
phương tiện có chức năng nối kết đang xét thường có hình thức câu hỏi.
* Q thì ra P:
- P là điều người nói mới phát hiện, nhận ra tại thời điểm phát ngôn
nhưng chắc chắn là sau Q. Nói khác đi, Q là sự tình được tri nhận trước
và ít nhiều có phần khó hiểu, gây ngạc nhiên đối với người nói.
- Trong mối quan hệ với Q, P là lẽ giải thích cho Q, làm cho người
nói không còn thấy thắc mắc hay ngạc nhiên nữa.
Ví dụ minh hoạ:
(92) Nắng xộc vô từ lúc nào không hay, hèn chi nóng. Trời đã
mưa, ít nhất cũng gần 9 giờ. (Văn nghệ quân đội
3/97, tr.29)
(93) Có lẽ hôm nay là mùng 2, mùng 3 Tây rồi mình nhỉ ?
- À phải, hôm nay mùng 3.
- Hèn nào em thấy người thu tiền nhà sáng nay đến.
(Tuyển tập Nam Cao/tr.101)
(94) Cái thành phố đã một thời nức tiếng khen trong khắp gầm trời
của miền châu Á này về vẻ đẹp vàng son, nhung gấm, bây giờ hoá ra
đầy cỏ, cỏ mọc thành rừng.
(Kiếp người / 257)
(95) - Hôm trước tôi đến cắt tóc ở đây có thấy một bà cụ…
- Là mẹ của nhà tôi. Thế ra bác là khách quen.
- Vâng.
(Tuyển tập truyện ngắn I/ tr.140)
(96) Đêm ấy, đang hành quân đánh đồn, bỗng nhiên chúng tôi bị
giặc phục kích giữa đường, bắn dữ dội. Cả cuộc tấn công đều bị lộ, thì ra
thằng Lộc đã trốn về với giặc, bọn phòng nhì đã lợi dụng được nó.
(Tuyển tập truyện ngắn I/ tr.186)
(97) Té ra anh không phải là người cuối cùng còn sống sót. Còn
Tư Vĩ nữa.
(Văn nghệ quân đội 8/96, tr.46)
(98) Bọn tôi đến, Phẩm mừng ra mặt. Cậu ta cười rất tươi. Thảo
nào mà sáng nay tôi nháy mắt liên tục.
(Kiếp người / 201)
Khảo sát ví dụ trên, chúng tôi nhận thấy một điều là những QNTT
này luôn xuất hiện ở những kiểu phát ngôn mà chúng đã giả định sự tồn
tại của một phát ngôn Q ở trước. Như vậy, chúng là phương tiện nối kết
câu, đoạn văn. Ngoài cái lỗi quan hệ lô gích hình thức, trong ngữ nghĩa
của chúng còn có những hàm ý tình thái nhất định (thường là cảm thấy
bất ngờ, ngạc nhiên). Và chính những nội dung tình thái mà các tổ hợp
từ này biểu thị lại có ảnh hưởng quyết định, chi phối sự hình thành và sử
dụng các cấu trúc ngữ pháp – ngữ nghĩa của câu.
* Biểu thị tâm trạng băn khoăn, trăn trở, lo lắng
liệu mà, liệu có, không biết, chẳng hiểu sao, có lẽ nào, nên chăng,
biết đâu chừng, chưa biết chừng, hay là, có thể, chẳng có lẽ, không biết
rồi, phải chăng là,…
Ví dụ: (99) Có le nào anh lại quên em ?
(Lời của bài hát “Hoa sữa” của Hồng Đăng)
(100) Chẳng hiểu sao lần này nó đi lâu thế.
(Tuyển tập truyện ngắn I/ tr.92)
Ở ví dụ trên, người phát ngôn còn băn khoăn, lo lắng không biết
khả năng khách quan có dẫn đến việc xảy ra P hay không nữa.
(101) Nghĩa nó giống anh như in. nhìn con mà em cồn cào,
không sao kìm được ý nghĩ: “chẳng có lẽ cái duyên kiếp của anh và em
lại có được cái ân sủng lớn đến như vậy sao?
(Kiếp người / 187)
QNTT “chẳng có lẽ” biểu thị ý tự vấn hoặc hoài nghi của người nói
về P, cho đó là điều có vẻ không hợp lí, không bình thường, không có lý
do nào lại như thế. Mà nếu có đúng như thế thì P cũng là điều mà theo
người nói là khó giải thích, khó tin được, ngụ ý đánh giá về tính bất
thường của P.
(102) Ông hoạ sĩ già thắc mắc:
- Sao anh lại bán tất cả số tranh ấy. Lẽ nào anh vẽ vì tiền?
* Hay là P
- Thường đứng trước một mệnh đề hoặc chen giữa chủ ngữ và vị
ngữ.
- Phát ngôn chứa QNTT hay là P có tiền giả định rằng có những
khả năng khác ngoài P.
- Khi sử dụng QNTT này, người nói ngụ ý mình chỉ đang đề cập
đến một trong các khả năng đó. Theo đó, nó là phương tiện đánh dấu sự
biểu hiện tâm trạng băn khoăn của người nói.
Ví dụ:
(103) Hôm qua bố chưa về, hay là có chuyện gì không lành ở cơ
quan.
(Thương nhớ đồng quê, tr.145)
(104) Biết đâu chừng hắn sẽ sung sướng khi không con, không vợ.
(Tuyển tập Nam Cao, tập 2, tr.12)
(105) Gạo cứ một ngày một giá. Không biết rồi làm gì ra tiền mà
đong?
(Tuyển tập Nam Cao, tập 2, tr.125)
Trong khi QNTT biết đâu chừng (104) gợi sự phỏng đoán, ngờ vực,
ngần ngại thì QNTT “không biết rồi” bộc lộ một tâm trạng lo lắng, trăn
trở của người nói về sự tình P.
* Thể hiện cảm xúc vui mừng, phấn khởi hay khó chịu, bực tức,
đau đớn
may sao, ơn trời, cực chẳng đã P, khổ một nỗi P,…
Ví dụ:
(106) May quá, mẹ đã về.
(107) Tai nạn vừa rồi, may sao không có ai thiệt mạng.
(Bản tin thời sự)
(108) Ơn trời, mọi việc đều suôn sẻ.
(Tuyển tập truyện ngắn 2/ tr.15)
(109) - Dạ ông lớn thương ! Mùa màu tôi nhờ mướn con bò đắp
đổi qua ngày. Ông lớn bắt tụi tôi chết đói.
- Tôi mua, tôi không ăn cướp. Cực chẳng đã có đám tiệc mới nhờ
tới chú. Chú giúp tôi. Sau này ở ngoài đó có việc gì tôi giúp cho.
(Tuyển tập truyện ngắn I/ tr.476)
QNTT “cực chẳng đã P” biểu thị P là điều mà người nói (hoặc ai
đó) vì bất đắc dĩ mà phải làm chứ thật ra không muốn, không thích như
thế.
Theo Diệp Quang Ban [5, tr.302] “những từ ngữ này mang ý nghĩa
chỉ mức độ cao của một sự việc, một tính chất mào đó có quan hệ rõ rệt
với từ đứng trước chúng, thường được dùng trong khẩu ngữ, tạo thành
câu cảm thán.
Ví dụ:
(110) Mừng chết đi được.
(111) Tốt miễn chê.
(112) Tệ hết chỗ chê.
(113) Sao mà cái đời nó tù túng, nó chật hẹp, nó bần tiện thế ?”
Rõ ràng, ta bắt gặp ở những lớp từ này có nét nghĩa đánh giá về
lượng, mức độ (như ở mục 2.2.1.1). Tuy nhiên, chúng cũng là những
QNTT thể hiện cảm xúc của người nói một cách hiển ngôn. Đó là những
biểu thức cảm thán tường minh, phản ánh tình cảm, thái độ cao điểm
nhất của người nói về P hoặc thành phần của P.
Như vậy, tuy chưa có được một danh sách thật đầy đủ các loại thái
độ, tình cảm của con người, nhưng các loại cảm xúc và các nhóm QNTT
biểu thị các cung bậc cảm xúc đó theo như cách xếp nhóm vừa nêu trên
cũng góp phần chuyển tải được nội dung ngữ nghĩa ẩn chứa bên trong
mỗi phát ngôn có sử dụng QNTT TV. Nhờ những đặc trưng riêng của
lớp từ này, khi sử dụng chúng trong câu / phát ngôn, người nói có thể thể
hiện được tình cảm, thái độ, ý định của mình trong giao tiếp một cách
kín đáo, mà lại tự nhiên, dễ dàng.
Trong giao tiếp, mọi hoạt động của QNTT, nói cho cùng cũng nhằm
làm cho phát ngôn có ý nghĩa giao tiếp cuối cùng của nó - hành động tại
lời và ngữ nghĩa tình thái. Tuy nhiên, sự kiến tạo ngữ nghĩa của QN đối
với phát ngôn đều nằm trên nền tảng giao tiếp liên nhân. Do vậy, sự kiến
giải chức năng tạo nghĩa cuối cùng của QNTT phải dựa vào cả nhân tố
nội nhân lẫn nguyên tắc tương tác giữa cá nhân với cá nhân với nhau.
Và dù ở hình thức ngôn ngữ nào, dù dưới một tên gọi gì chăng nữa thì
QNTT, theo quan niệm của chúng tôi, cũng là thành phần tham gia tổ
chức, điều hành ngữ nghĩa phát ngôn, có chức năng ngữ dụng và có vai
trò đặc biệt trong việc biểu đạt các ý nghĩa tình thái của người nói. Như
thế, có thể khẳng định, QNTT còn là nhu cầu giao tiếp văn hoá xã hội
không thể thiếu dù rằng tần số người sử dụng những QNTT dài (số
lượng từ ngữ nhiều) có tính chất rào đón, ngày một ít đi. Và dù rằng
thỉnh thoảng, có một số QNTT bị khó hiểu do cách dùng có tính chất
phương ngữ. Chẳng hạn, đa số người miền Bắc không dùng QNTT sức
mấy (chỉ hành động phủ định) của người miền Nam và ngược lại, đa số
người miền Nam không hiểu QNTT nói của đáng tội, nói khí không phải
(chỉ ra sự thú nhận, miễn cưỡng hay che chắn,…) của người miền Bắc.
Nhưng như trên đã nói, bằng vào ngữ năng của mình, người bản ngữ rất
nhạy trong việc nắm bắt các sắc thái đánh giá, tâm lí, tình cảm hoà
quyện, dung hợp trong nội dung ý nghĩa của QNTT.
* Tiểu kết: Nhìn một cách khái quát, ở chương này, luận văn đã đi
vào phân tích những đặc điểm về ngữ nghĩa của QNTT tiếng Việt. Trên
cở sở phân lớp từ này thành từng tiểu nhóm, khảo sát ví dụ, chúng tôi
nhận thấy về hình thức, cấu trúc QNTT có thể tồn tại từ nhỏ nhất là từ
đơn đến lớn nhất là mệnh đề. Còn về đặc điểm ngữ nghĩa chức năng,
QNTT thể hiện sự đánh giá (lượng, mức độ, tính hiện thực/phi hiện thực,
khả năng/phi khả năng, tất yếu/phi tất yếu, tính tích cực/tiêu cực,… của
sự vật, sự việc được đề cập đến). Với chức năng tham gia biểu thị hành
động ngôn từ, do điều kiện hạn hẹp, luận văn chỉ khảo sát cách diễn đạt
tình thái cảm thán và nghi vấn của QNTT. Cuối cùng, trong vô số cung
bậc thái độ, tình cảm của con người, chúng tôi đã điểm qua những
QNTT mang nét nghĩa biểu thị thái độ tin cậy hay ngạc nhiên bất ngờ;
tâm trạng băn khoăn, trăn trở và cảm xúc vui mừng hay khó chịu, bực
tức,… Rõ ràng, QNTT không chỉ là lớp từ giàu sắc thái chủ quan và tính
khẩu ngữ tự nhiên mà đây còn là đơn vị góp phần làm phong phú thêm
cách diễn đạt tư tưởng, tình cảm bằng ngôn từ trong giao tiếp.
KẾT LUẬN
Trên đây, chúng tôi đã khái quát một số nét cơ bản về đặc điểm của
QNTT TV. Đồng thời, chúng tôi cũng đã miêu tả, phân loại, khái quát hoá
ở một chừng mực nhất định ý nghĩa và cách dùng của các QNTT TV trên
cơ sở những ngữ liệu thu thập được. Từ đó, luận văn có thể rút ra một số
kết luận như sau:
1. QNTT là một phương tiện đặc biệt có giá trị tiềm năng rất lớn
trong việc biểu đạt các ý nghĩa tình thái. Chúng không đơn thuần là
phương tiện nối kết, cũng không hẳn là phương tiện dùng để đưa đẩy, rào
đón, dẫn ý, chuyển ý như các nhà từ vựng học đã nhận định. Tác dụng của
chúng là làm phương tiện bổ trợ, tác động vào nội dung mệnh đề, vào ý
nghĩa của chỉnh thể câu, đưa câu vào những kiểu tình thái đánh giá, biểu
cảm khác nhau, gắn câu với hoàn cảnh giao tiếp hiện thực, tạo nên tính
sinh động, uyển chuyển, chính xác của câu nói.
2. Các QNTT tuy có thể có sự khác nhau về hình thức, phương thức
cấu tạo, vị trí xuất hiện trong câu cũng như có thể khác nhau về một số sắc
thái ý nghĩa nào đó, nhưng trên đại thể chúng ta vẫn có thể tìm tập hợp và
nhóm chúng lại thành các nhóm có chung kiểu tác động đối với nội dung
mệnh đề. Dựa vào những tiêu chí về đặc điểm ngữ nghĩa – chức năng luận
văn đã đưa ra danh sách các QNTT TV thường dùng, phân chúng thành
những tiểu loại. Ở bước phân loại này, luận văn chấp nhận tính phức hợp
về chức năng ở mỗi QNTT nhưng cũng cố gắng tìm giả pháp hạn chế bớt
sự chồng chéo, không tách bạch ở các tiểu loại được phân ra.
3. Luận văn phân tích một số đặc điểm chức năng cuả QNTT TV
Chức năng đánh giá, chức năng tham gia biểu thị mục đích phát ngôn và
chức năng thể hiện thái độ, tình cảm của người nói. Kết quả phân tích cho
thấy mỗi một QNTT là một phức hợp về nghĩa. Do vậy, việc sử dụng
QNTT có thể biểu thị được những tình cảm tinh tế của người nói cùng với
những ý định khác nhau hàm chứa trong câu nói. Điều này giải thích tại
sao bên cạnh các phương tiện từ vựng biểu đạt ý nghĩa tình thái khác,
QNTT vẫn được người nói sử dụng thường xuyên, một cách tự nhiên, ổn
định.
4. Từ những kết quả đạt được, luận văn đã có những đóng góp
4.1. Về lí luận
Lập ra một bảng danh sách các QNTT thường dùng; phân tích, miêu
tả, phân loại chúng một cách tương đối chi tiết, có hệ thống.
Tiếp thu những thành tựu nghiên cứu về QN nói chung, QNTT nói
riêng, luận văn đã xác định một số đặc điểm về QNTT, chỉ ra khả năng
phong phú của lớp từ này trong việc thể hiện các loại ý nghĩa tình thái
trong câu, cả trực tiếp lẫn gián tiếp.
- Bước đầu tìm ra bản chất ngữ nghĩa – chức năng của QNTT TV.
Từ đó khẳng định lớp từ này là một trong những phương tiện biểu đạt ý
nghĩa tình thái quan trọng.
4.2. Về thực tiễn
- Các kết quả phân tích về ngữ nghĩa – chức năng của một số
QNTT có thể sử dụng vào việc giảng dạy trong nhà trường cho học sinh,
sinh viên hoặc cho người nước ngoài học tiếng Việt.
- Các kết quả trên cũng có thể ứng dụng vào việc biên soạn từ
điển, giúp người biên soạn có cách nhìn tổng quát hơn về QNTT nói
riêng, về lớp từ biểu thị ý nghĩa tình thái TV nói chung. Để từ đó có cách
định nghĩa nhất quán, phản ánh được các đặc điểm của lớp từ này.
5. QNTT thuộc vào số đối tượng còn ít được nghiên cứu, xem xét
một cách có hệ thống. Đây là một lớp từ có những đặc điểm về ngữ pháp,
ngữ nghĩa cũng như chức năng rất phức tạp, khó nắm bắt, khó phân tích.
Bởi nay là một đề tài rộng nên khó bao quát được đầy đủ mọi khía cạnh.
Với nguồn tư liệu thu thập được, chúng tôi ý thức rất rõ rằng kết quả
nghiên cứu chắc chắn còn khiêm tốn và không tránh khỏi những thiếu sót,
hạn chế nhất định, nhiều vấn đề thú vị còn bỏ ngỏ, các kiến giải đưa ra đôi
chỗ còn chưa thỏa đáng, toàn diện. Tuy vậy, dù sao chúng tôi cũng hi
vọng những gì khảo sát được có thể sẽ giúp ích ít nhiều cho những công
trình nghiên cứu khác còn tiếp tục khai thác đề tài này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bùi Minh Toán (1999), Từ trong hoạt động giao tiếp tiếng Việt, Nxb
GD, Hà Nội
2. Cao Xuân Hạo (1991), Tiếng Việt - Sơ thảo ngữ pháp chức năng, (tập
1), Nxb KHXH, Tp Hồ Chí Minh.
3. Cao Xuân Hạo (1998), Tiếng Việt. Mấy vấn đề ngữ âm - Ngữ pháp -
Ngữ nghĩa, Nxb GD, Tp Hồ Chí Minh.
4. Cao Xuân Hạo (chủ biên), Hoàng Xuân Tâm, Nguyễn Văn Bằng, Bùi
Tất Tươm (1992), Ngữ pháp chức năng tiếng Việt. Câu trong
tiếng Việt: Cấu trúc - Chức năng - Công dụng, Nxb GD, Hà Nội.
5. Diệp Quang Ban (1989), Ngữ pháp tiếng Việt, (T.1&2), Nxb ĐH &
THCN, Hà Nội.
6. Đào Thản (1998), Từ ngôn ngữ chung đến ngôn ngữ nghệ thuật, Nxb
KHXH, Hà Nội
7. Đái Xuân Ninh, Nguyễn Đức Dân, Nguyễn Quang, Vương Toàn
(1986), Ngôn ngữ học - Khuynh hướng-lĩnh vực-khái niệm (Hai
tập), Nxb KHXH, Hà Nội
8. Đinh Trọng Lạc (1994), Phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt,
Nxb GD, Hà Nội
9. Đinh Văn Đức (1978), Về một cách hiểu ý nghĩa các từ loại trong
tiếng Việt, Ngôn ngữ (số 2).
10. Đinh Văn Đức (2001), Ngữ pháp tiếng Việt (Từ loại), Nxb ĐHQG,
Hà Nội.
11. Đinh Văn Đức (2001), Tìm hiểu ngữ trị của các từ loại thực từ tiếng
Việt, Ngôn ngữ (số 7)
12. Đỗ Hữu Châu (1981), Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, Nxb GD, Hà
Nội.
13. Đỗ Hữu Châu (1986), Các bình diện của từ và từ tiếng Việt, Nxb
KHXH, Hà Nội.
14. Đỗ Thanh (1994), Một số vấn đề của lý luận dịch với việc dạy và học
ngoại ngữ, Khoa học (số 3), ĐHTH, Hà Nội
15. Đỗ Thanh (1998), Từ điển công cụ tiếng Việt, Nxb GD, Hà Nội.
16. Đoàn Thị Thu Hà (2000), Khảo sát ý nghĩa và cách dùng các quán
ngữ biểu thị tình thái trong tiếng Việt, Luận văn Thạc sĩ , ĐH
KHXH, ĐHQG, Hà Nội.
17. Hoàng Phê (1989), Lô gích-ngôn ngữ học, Nxb KHXH, Hà Nội
18. Hoàng Phê (1984), Toán tử lô gích- tình thái, Ngôn ngữ (số 4), Hà
Nội
19. Hoàng Phê (Chủ biên) (2001), Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ
học, Nxb KHXH, Hà Nội.
20. Hoàng Trọng Phiến (1981), Đặc trưng ngôn ngữ nói tiếng Việt, Một
số vấn đề ngôn ngữ học Việt Nam, Nxb ĐH&THCN, Hà Nội
21. Hoàng Trọng Phiến (1983), Ngữ pháp tiếng Việt-Câu, Nxb ĐH &
THCN, Hà Nội.
22. Hoàng Trọng Phiến (1991), Tự điển giải thích hư từ tiếng Việt,
Tokyo University of Foreign Studies, Japan.
23. Hoàng Trọng Phiến (1994), Một số mẹo dạy tiếng Việt, Khoa học (số
3), ĐHTH, Hà Nội
24. Hoàng Tuệ (1988), Về khái niệm tình thái tiếng Việt, Ngôn ngữ (số
1).
25. Hoàng Tuệ (1996), Ngôn ngữ và đời sống xã hội văn hoá, Nxb GD,
Hà Nội
26. Hoàng Văn Hành (Chủ biên) (1997), Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ,
Nxb KHXN, Hà Nội
27. Hoàng Văn Hành (Chủ biên), Hà Văn Năng, Nguyễn Văn Khang
(1998), Từ tiếng Việt, Nxb KHXN, Hà Nội
28. M.K.A. Halliday (2001), Dẫn luận ngữ pháp chức năng, Hoàng Văn
Vân dịch từ tác phẩm An Introduction to Functional Grammar
Halliday), Nxb ĐHQG, Hà Nội.
29. Hữu Đạt, Trần Trí Dõi, Đào Thanh Lan (1998), Cơ sở tiếng Việt,
Nxb GD, Hà Nội.
30. Lê Biên (1999), Từ loại tiếng Việt hiện đại, Nxb GD, Hà Nội.
31. Lê Đông (1992), Ngữ nghĩa - ngữ dụng của hư từ tiếng Việt: Siêu
ngôn ngữ và hư từ tiếng Việt, Ngôn ngữ (số 2).
32. Lê Quang Thiêm (1989), So sánh đối chiếu các ngôn ngữ, Nxb
ĐHTHCN, Hà Nội
33. Lê Thị Diệu Hoa (2007), Ôn luyện kiến thức và bài tập rèn luyện
Ngữ văn 11, Nxb GD
34. Lê Thị Hiền (2001), Giải thích một số yếu tố có mặt trong câu-phát
ngôn từ quan điểm dụng học, Luận văn Thạc sĩ, ĐH SPHN, Hà
Nội.
35. Lê Văn Lý (1972), Sơ thảo ngữ pháp chức năng, TTHL BGD, Sài
Gòn
36. Lê Xuân Thại (2000), Nghĩ và viết, Nxb KHXH, Hà Nội
37. Lương Văn Hy (chủ biên) (2000), Ngôn từ, giới và nhóm xã hội từ
thực tiễn tiếng Việt, Nxb KHXH, Hà Nội
38. Lưu Vân Lăng (1998), Ngôn ngữ học và tiếng Việt, Nxb KHXH, Hà
Nội
39. Ngô Hữu Hoàng (1999), Phủ định kép trong tiếng Việt và tiếng Anh,
Khoa học (số 4), ĐHQG Hà Nội
40. Ngô Hữu Hoàng (2000), Khởi ngữ trong tiếng Anh và tiếng Việt,
Ngoại ngữ, ĐHNN, ĐHQG, Hà Nội
41. Ngô Hữu Hoàng (2001), Mấy vấn đề về quán ngữ trên cứ liệu tiếng
Anh và tiếng Việt, Kỷ yếu ngữ học trẻ 2001, Thái Nguyên
42. Ngô Hữu Hoàng (2001), Vài suy nghĩ về cụm từ cố định nói chung và
quán ngữ nói riêng, Ngôn ngữ (số 7).
43. Ngô Thị Minh (2001), Một số phương tiện biểu hiện ý nghĩa tình thái
trong câu ghép tiếng Việt, Luận án Tiến sĩ, ĐHQG Hà Nội
44. Nguyễn Anh Quế (1988), Hư từ trong tiếng Việt hiện đại, Nxb
KHXH, Hà Nội
45. Ngũ Thiện Hùng (2003), Bàn về điều kiện sử dụng một số QNTT
dưới góc độ lí thuyết quan yếu, Ngôn ngữ (số 9)
46. Nguyễn Hiến Lê (1990), Chúng tôi tập viết tiếng Việt, Nxb Long An
47. Nguyễn Hoà (1998), Nghiên cứu diễn ngôn về chính trị-xã hội trên
tư liệu báo chí tiếng Anh và tiếng Việt hiện đại, Luận án Tiến sĩ,
ĐH KHXH & NV ĐHQG, Hà Nội
48. Nguyễn Hữu Quỳnh (1979), Cơ sở ngôn ngữ học (Tập 1&2), Nxb
GD.
49. Nguyễn Hữu Quỳnh (2001), Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb Từ điển bách
khoa Hà Nội.
50. Nguyễn Kim Thản (1977), Nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt, Nxb
GD, Hà Nội
51. Nguyễn Kim Thản (1977), Động từ tiếng Việt, Nxb KHXH, Hà Nội
52. Nguyễn Lai (1990), Về mối quan hệ giữa phạm trù ngữ nghĩa và ngữ
pháp trong tiếng Việt, Một số vấn đề ngôn ngữ học hiện đại, Nxb
ĐH & THCN, Hà Nội
53. Nguyễn Lai (1997), Những bài giảng về ngôn ngữ học đại cương
(Tập 1), Nxb ĐHQG, Hà Nội
54. Nguyễn Lai (1998), Ngôn ngữ với sáng tạo và tiếp nhận văn học,
Nxb GD, Hà Nội
55. Nguyễn Lai (2001), Nhóm từ chỉ hướng vận động tiếng Việt hiện đại,
Nxb KHXH, Hà Nội
56. Nguyễn Minh Thuyết (1985), Thảo luận về vấn đề xác định hư từ
trong tiếng Việt, Ngôn ngữ (số 4)
57. Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Văn Hiệp (1998), Thành phần câu
tiếng Việt, Nxb ĐHQGHN, Hà Nội.
58. Nguyễn Như Ý (Chủ biên) (1998), Đại từ điển tiếng Việt, Nxb
VHTT, Hà Nội.
59. Nguyễn Đức Dân (1976), Lô gich và sắc thái liên từ tiếng Việt, Ngôn
ngữ (số 9)
60. Nguyễn Đức Dân (1987), Lô gich-Ngữ nghĩa-Cú pháp., Nxb ĐH &
THCN, Hà Nội.
61. Nguyễn Đức Dân (1998), Lôgich và tiếng Việt, Nxb GD, Tp Hồ
Chí Minh.
62. Nguyễn Đức Dân (1998), Ngữ dụng học, Nxb GD, Tp Hồ Chí Minh.
63. Nguyễn Tài Cẩn (1975), Ngữ pháp tiếng Việt.Tiếng-Từ ghép-Đoản
ngữ, Nxb ĐH & THCN, Hà Nội.
64. Nguyễn Thị Cẩm Thanh (2003), So sánh những phương tiện biểu thị
tình thái không thực hữu trong tiếng Anh và tiếng Việt, Luận văn
Thạc sĩ, Hà Nội
65. Nguyễn Thiện Giáp (1995), Từ vựng học tiếng Việt hiện đại, Nxb
ĐH & THCN, Hà Nội
66. Nguyễn Thiện Giáp (1996), Từ và nhận diện từ tiếng Việt, Nxb GD,
Hà Nội
67. Nguyễn Thiện Giáp (1998), Từ vựng học tiếng Việt, Nxb GD, Hà
Nội.
68. Nguyễn Thiện Giáp (2000), Dụng học Việt ngữ, Nxb ĐHQG, Hà
Nội.
69. Nguyễn Thị Lương (2005), Câu tiếng Việt, Nxb ĐHSP Hà Nội
70. Nguyễn Thị Quy (1995), Vị từ hành động tiếng Việt, Nxb KHXH, Tp
Hồ Chí Minh
71. Nguyễn Thị Thìn (2000), Quán ngữ tiếng Việt, Ngôn ngữ (số 1), Hà
Nội.
72. Nguyễn Thị Thìn (2001), Câu tiếng Việt và nội dung dạy - học câu ở
trường phổ thông, Nxb ĐHQG Hà Nội
73. Nguyễn Thị Việt Thanh (1999), Hệ thống liên kết lời nói tiếng Việt,
Nxb GD, Hà Nội
74. Nguyễn Văn Hiệp (2001), Hướng đến một cách miêu tả và phân loại
các tiểu từ tình thái cuối câu tiếng Việt, Ngôn ngữ (số 5).
75. Nguyễn Văn Khang (Chủ biên) (1996), Ứng xử ngôn ngữ trong gia
đình người Việt, Nxb VHTT, Hà Nội
76. Nguyễn Văn Khang (1999), Ngôn ngữ học xã hội - những vấn đề cơ
bản, Nxb KHXH, Hà Nội
77. Wallace L. Chafe (1999), Ý nghĩa và cấu trúc của ngôn ngữ, Nguyễn
Văn Lai dịch, Nxb GD, Hà Nội .
78. Nguyễn Văn Mệnh, (1994), Bản chất và vai trò của các đơn vị ngôn
ngữ cố định trong văn bản liên kết tiếng Việt, Khoa học (số 3),
Nxb ĐHTH, Hà Nội
79. Nguyễn Văn Tu (1976), Từ và vốn từ tiếng Việt hiện đại, Nxb ĐH và
THCN, Hà Nội.
80. Nguyễn Xuân Thơm (2001), Các yếu tố ngôn ngữ trong đàm phán
thương mại quốc tế (Anh-Việt đối chiếu), Luận án Tiến sĩ, ĐH
KHXH & NV, ĐHQG Hà Nội
81. Phạm Hùng Việt (1996), Một số đặc điểm chức năng của trợ từ tiếng
Việt, Luận án PTS, Viện Ngôn ngữ học, Hà Nội.
82. Phạm Minh Thảo (1999), Nghệ thuật ứng xử của người Việt, Nxb
Thông tin, Tp Hồ Chí Minh
83. Phan Thiều, Lê Cận, Diệp Quang Ban, Hoàng Văn Thung (1983),
Giáo trình ngữ pháp tiếng Việt, Tập 1&2, GD, Hà Nội.
84. Tổ tiếng Việt CĐSP Tp HCM & CĐSP Long An (1988), Tiếng Việt
(Phục vụ chương trình Cải cách giáo dục), Nxb Long An.
85. Trần Ngọc Thêm (1985), Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt, Nxb
KHXH, Hà Nội
86. Trần Ngọc Thêm (1997), Cơ sở văn hoá Việt Nam, Nxb GD, Tp Hồ
Chí Minh
87. Trần Trí Dõi (1997), Bài tập tiếng Việt thực hành, Nxb GD, Hà Nội
88. Uỷ ban KHXN Việt Nam (1983), Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb KHXN,
Hà Nội.
89. Vũ Ngọc Khánh (1998), Văn hoá gia đình Việt Nam, Nxb Văn hoá-
Dân tộc
90. Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến, Mai Ngọc Chừ (1997), Cơ sở
ngôn ngữ học và tiếng Việt, Nxb GD, Hà Nội.
PHỤ LỤC
DANH SÁCH MỘT SỐ QUÁN NGỮ TÌNH THÁI TIẾNG
VIỆT THÔNG DỤNG
* a, ă, â
1. ai bảo
2. ai chả biết
3. ai có dè đâu
4. ai cũng biết
5. ai dại gì mà
6. ai đời
7. ai lại ... bao giờ
8. ai ngờ
9. ắt hẳn
10. âu cũng là
11. ấy chết
12. ấy chớ
13. ấy thế là
14. ấy thế / vậy mà
15. ấy thế nhưng
b
16. bằng bất cứ giá nào
17. bất quá (bất quá là cùng)
18. biết đâu ( biết đâu cũng nên)
19. biết đâu… chẳng
20. biết đâu chừng
21. biết ngay mà
22. biết như vậy
23. biết thế này thà … còn hơn
c
24. cầm bằng
25. chả là
26. chả ... là gì
27. chẳng nhẽ
28. chả thế mà
29. chả trách
30. chắc hẳn
31. chắc là
32. chắc chắn
33. ... chăng nữa
34. chẳng có lẽ
35. chẳng gì cũng là
36. chẳng hoá ra
37. chẳng ... là gì
38. chẳng lẽ
39. chẳng nước non gì
40. chi bằng
41. chỉ có điều (là)
42. chỉ được cái
43. chỉ mỗi tội
44. chính ra
45. ... cho rồi
46. ... chứ chẳng không
47. ... chứ còn gì nữa ?
48. ... chứ gì
49. ... chứ lị
50. ... chứ mấy
51. ... chứ tưởng (chứ đừng tưởng)
52. có điều
53. có mà đến tết (Công – gô)
54. có hoạ
55. có khi
56. có thể
57. có lẽ nào
58. có thế mà cũng
59. cố nhiên là
60. công bằng mà nói
61. cốt sao ... là được
62. của đáng tội
63. cực chẳng đã
64. chưa biết chừng
d, đ
65. dại gì
66. dáng chừng
67. dẫu sao
68. dễ chừng
69. dễ thường
70. dễ gì
71. dĩ nhiên
72. dù thế nào
73. dù thế nào đi nữa
74. dù sao
75. dường như
76. đã bảo mà
77. đáng lẽ (ra)
78. đáng lí
79. đáng ra
80. đằng nào cũng
81. đằng này
82. đằng thẳng ra (thì)
83. đâu như
84. đến nước này thì
85. đời nào
86. đời thuở nào
87. đời thuở nhà ai
88. đúng hơn (là)
89. đúng là
90. đúng ra là
91. được cái
92. đương nhiên là
g
93. giá như
94. ... gì cho cam
95. gì chứ
96. gì thì gì
h, i
97. hay là
98. hẳn là
99. hèn chi/ gì/ nào
100. hết chỗ chê
101. hình như ... (thì phải)
102. hình như ... hay sao ấy
103. hoá ra
104. hơi đâu mà
105. hơn nữa
106. huống chi/ gì
107. hồi còn mồ ma
108. ít ra cũng
k
109. kể gì đến
110. kể làm gì
111. kể ra
112. khéo mà
113. khí không phải
114. khổ một nỗi
115. khỏi phải nói
116. khốn nỗi
117. không chừng
118. không có lẽ nào
119. không khéo
120. kiểu gì thì kiểu
121. ... kia mà
122. không hẳn
l
123. ... là cái chắc
124. ... là cùng
125. ... là đằng khác
126. ... là thế nào
127. là thế này
128. ... làm gì
129. làm gì có
130. làm gì mà chẳng
131. làm gì mà ... thế
132. làm như
133. ... làm sao được
134. làm sao ... (cho) được
135. lẽ nào
136. lẽ ra
m, n
137. ... mà lại
138. may ra ... (thì sao)
139. may sao/ thay
140. miễn là/ rằng
141. mới biết
142. mới hay
143. nào có
144. nào ngờ
145. nghe bảo
146. nghe chừng
147. nghe đâu
148. nghe đồn
149. nghe như
150. nghe nó
151. nghĩa là
152. ngộ nhỡ ... thì sao ?
153. nhất định
154. nhỡ ra ... thì sao
155. nói gì đến
156. nói đúng hơn là
157. nói của/ quả đáng tội
158. nói gì thì nói
159. nói khí không phải
160. nói khí vô phép
161. nói sai đừng có chấp
162. nói thật với
p, q, r, s
163. phải cái (tội)
164. phải chăng
165. phải chi
166. phải vạ mà
167. phải như
168. phải nói ra rằng
169. phải tội/ vạ gì mà
170. phải đâu
171. phải biết
172. quả nhiên
173. quả thật
174. quả tình
175. ... quá đi chứ
176. ... thì cũng quá tội
177. qua ngày đoạn tháng
178. quá xá
179. quá thể
180. quái gì
181. ra thế
182. ra môn ra khoai
183. ra phết
184. ra sao
185. ra trò
186. ra tuồn
187. rõ thật
188. rốt (rút) cuộc (cục)
189. rách việc
190. rõ khéo
191. sao lại chẳng
192. số là thế này
193. suýt nữa thì
194. sức mấy mà
t
195. tất nhiên là
196. té ra
197. thảo nào
198. thật ra
199. thật/ thực tình
200. thấy bảo/ nói
201. thế mà
202. thế mới biết
203. thế mới hay
204. thế (thể) nào cũng
205. thế nào mà chả
206. thế nào đi chăng nữa
207. thế ra
208. thế rồi
209. ... thì đúng hơn
210. ... thì phải
211. thói đời
212. thôi thì
213. thú thật là
214. thuở đời nay
215. tí nữa thì
216. tội gì mà
217. trách chi mà
218. tuy nhiên
219. tuyệt nhiên
220. thiếu gì
221. thú thực
222. tiện thể
223. tới số
224. tuy rằng
ư, v, x, y
225. ước chi/ gì
226. ước sao
227. vả chăng
228. vả lại
229. vả nữa
230. vạ gì mà
231. vậy ra
232. việc chi
233. vị tất
234. với lại
235. xem chừng như
236. xem ra
237. xin bỏ ngoài tai
238. ý chừng
._.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LA7287.pdf