Quan hệ Campuchia - Việt Nam 1985 - 2006 (Cambodia - VietNam)

Tài liệu Quan hệ Campuchia - Việt Nam 1985 - 2006 (Cambodia - VietNam): ... Ebook Quan hệ Campuchia - Việt Nam 1985 - 2006 (Cambodia - VietNam)

pdf153 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 2944 | Lượt tải: 2download
Tóm tắt tài liệu Quan hệ Campuchia - Việt Nam 1985 - 2006 (Cambodia - VietNam), để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH NGUYỄN QUANG THUẦN QUAN HỆ CAMPUCHIA – VIỆT NAM 1985 - 2006 LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ Thành phố Hồ Chí Minh - 2007 CÁC CHỮ VIẾT TẮT CPP : Đảng Nhân dân Campuchia FULRO : Mặt trận Thống nhất Đấu tranh của các Sắc tộc bị áp bức. (Front Uni de Lutte des Races Opprimées) JIM : Cuộc gặp không chính thức ở Jakarta (Jakarta Informal Meeting) SNC : Hội đồng Dân tộc Tối cao Campuchia (Supreme Nation Council) SOC : Nhà nước Campuchia (State of Campuchea) UNHCR : Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn. (United Nations High Commissioner for Refugees) UNTAC : Tổ chức gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc ở Campuchia. (United Nations Transitional Authority in Campuchia) MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Là quốc gia láng giềng có lịch sử quan hệ lâu đời, Campuchia - Việt Nam có chung đường biên giới trên đất liền, trên biển. Bắt nguồn từ quan hệ láng giềng truyền thống nên hai dân tộc đã luôn kề vai sát cánh chiến đấu, đồng cam cộng khổ, một lòng ủng hộ giúp đở lẫn nhau trong cuộc đấu tranh lâu dài gian khổ chống kẻ thù chung xâm lược, xây đắp nên tình đoàn kết chiến đấu sắt son tôi luyện qua thử thách. Tình đoàn kết đó đã là sức mạnh vô địch lần lượt đánh thắng mọi kẻ thù đế quốc, bành trướng xâm lược hung hãn nguy hiểm nhất của thời đại. Sức mạnh của tình đoàn kết đó đã đạp đỗ ách thống trị của bọn đế quốc và bành trướng, bá quyền đưa lại độc lập tự do cho mỗi nước . Quan hệ Campuchia - Việt Nam là quan hệ láng giềng có những đặc thù riêng biệt, trải qua bao thăng trầm của nhiều biến cố lịch sử, không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Hơn nữa các thế lực đế quốc và phản động quốc tế có lúc đã lợi dụng tình trạng bất thường các quan hệ này để tập hợp lực lượng trong và ngoài khu vực bao vây cô lập, hòng kiềm chế và làm suy yếu Việt Nam. Bằng quan hệ chính trị ngoại giao, Campuchia - Việt Nam hai nước đã đấu tranh bề bỉ làm thất các âm mưu và thủ đoạn đó . Trong thời đại toàn cầu hoá nền kinh tế, liên kết khu vực và hội nhập quốc tế, muốn duy trì và phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị ổn định, thì cần phải đẩy mạnh hợp tác nhiều mặt trên nguyên tắc bình đẳng đôi bên cùng có lợi để tạo nên sự bền vững, gắn kết với nước láng giềng. Hơn nữa, biên giới lãnh thổ là thiêng liêng đối với mỗi quốc gia, ổn định biên giới góp phần ổn định đời sống chính trị của mỗi nước, đem lại láng giềng hữu nghị tốt đẹp và hợp tác toàn diện để xây dựng phát triển kinh tế. Xuất phát từ những lý do trên, tác giả chọn đề tài quan hệ Campuchia - Việt Nam từ năm 1985 đến năm 2006 làm đề tài luận văn. 2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề Vấn đề quan hệ Campuchia - Việt Nam từ xưa đến nay được nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu, nhưng do hạn chế về tư liệu nên còn nhiều vấn đề còn đang thảo luận, ở trong nước còn quá ít tài liệu nói về mối quan hệ Campuchia - Việt Nam, nhất là giai đoạn từ năm 1986 đến nay. Trong số những công trình nghiên cứu đã được công bố tại Việt Nam, chúng tôi xin điểm qua một vài công trình tiêu biểu: Năm 1981, Nhà xuất bản Thông tin lý luận đã xuất bản công trình “Tam giác Trung Quốc - Campuchia - Việt Nam” của Uyn - phrết Bớc - sét cung cấp rất nhiều tư liệu, tác giả đã vẽ nên bức tranh khá đầy đủ về cuộc sống của nhân dân Campuchia trong thời kỳ Pônpôt - Iêng Xary lãnh đạo đất nước. Đồng thời công trình làm sáng tỏ được phần nào thái độ của Việt Nam đối lập hẳn với thái độ giới cầm quyền Bắc Kinh đối với sự sống còn của nhân dân Campuchia. Năm 1982, Nhà xuất bản Thanh niên đã xuất bản công trình “Xứ sở nụ cười” của Tạ Văn Bảo, công trình này vạch trần tội ác của Pônpôt - Iêng Xary, đồng thời lên án âm mưu của các nước Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan nuôi dưỡng, cung cấp vũ khí để đẩy trở về phá hoại đời sống của nhân dân Campuchia vừa được khôi phục, để Khmer Đỏ tiếp tục diệt chủng theo sự chỉ đạo của Bắc Kinh. Đã một thời một số cơ quan nhân đạo quốc tế cũng tiếp tế lương thực, thuốc men cho bọn tàn quân này. Năm 1984, Nhà xuất bản Sự thật đã xuất bản công trình “Sự thật về quan hệ Thái Lan - Campuchia, Thái Lan - Lào”, Công trình này bao gồm hai văn kiện quan trọng của bộ ngoại giao nước cộng hòa nhân dân Campuchia công bố tháng 9 năm 1983 và của bộ ngoại giao nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào công bố tháng 9 năm 1984 nhằm vạch trần chính sách thù địch, xâm lược, bành trướng của Thái Lan đối với Campuchia và Lào trong lịch sử và trong giai đoạn hiện tại. Trong công trình này nói đến mối quan hệ Campuchia - Việt Nam cũng như mối quan hệ ba nước Đông Dương luôn kề vai sát cánh chiến đấu, đồng cam cộng khổ, một lòng ủng hộ giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Những học giả người úc cũng quan tâm nghiên cứu mối quan hệ giữa các nước Đông Dương và được Nhà xuất bản Quân đội Nhân Dân đã xuất bản năm 1986. Với nhan đề “Chân lý thuộc về ai” của tác giả Grantơ Ivanxơ - Kenvin Râulây. Công trình nghiên cứu về các cuộc xung đột ở khu vực bán đảo Đông Dương từ sau ngày miền Nam được giải phóng. Dưới cách nhìn và nhận thức của các học giả phương Tây, các tác giả chứng minh Việt Nam không phải là người gây ra cuộc khủng hoảng ở Đông Dương; phê phán mạnh mẽ chính sách của Trung Quốc và Mỹ trong khu vực; chứng minh mối quan hệ giữa ba nước Đông Dương là mối quan hệ bình đẳng, tin cậy lẫn nhau, giúp đỡ và hợp tác với nhau. Năm 1998, Nhà xuất bản Công An Nhân Dân đã xuất bản công trình “Năm mươi năm ngoại giao Việt Nam” gồm 2 tập của tác giả Lưu Văn Lợi. Trong công trình này, tác giả cũng đã nêu lên quan hệ Campuchia - Việt Nam, thông qua các cuộc đàm phán, phân tích tiến trình đàm phán “vấn đề Campuchia” để tiến tới ký Hiệp định Paris 1991. Năm 2001, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc đã xuất bản công trình “Mấy vấn đề lịch sử châu á và lịch sử Việt Nam một cách nhìn” trong đó tác giả Nguyễn Văn Hồng với chủ đề “Campuchia con đường lịch sử lựa chọn và sự lựa chọn con đường có tính chất lịch sử”. Nhân dân Campuchia đã tự lựa chọn con đường lịch sử, mong muốn xây dựng một nước Campuchia độc lập phồn vinh, bảo đảm hạnh phúc ấm no cho nhân dân. Trên con đường lịch sử đầy gian khổ thử thách nhưng vinh quang đó, nhân dân Campuchia cũng như nhân dân Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng: “Phát triển và củng cố mối quan hệ giữa ba nước Đông Dương đoàn kết và tôn trọng độc lập, chủ quyền mỗi nước. Hợp tác toàn diện, giúp đỡ lẫn nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là qui luật sống còn và phát triển của cả ba dân tộc anh em” [18, tr.326]. Năm 2003, Nhà xuất bản Công An Nhân Dân đã xuất bản công trình “Từ cuộc chiến chống CIA đến người tù của Khmer Đỏ” công trình được dựa theo Hồi ký của Nôrôđôm Xihanuc, thuật lại những biến cố to lớn xảy ra trên đất Campuchia từ giai đoạn 1970 đến 1979, mở đầu bằng cuộc đảo chính do cục tình báo trung ương Mỹ chủ mưu và kết thúc bằng sự sụp đổ của Khmer Đỏ. Năm 2005, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia đã xuất bản công trình “Ngoại giao Việt Nam 1945-2000” của tác giả Nguyễn Đình Bin (Chủ biên). Trong công trình này, đáng chú ý là tác giả đã dành 15 trang để tái hiện và phân tích tiến trình đàm phán “vấn đề Campuchia” để tiến tới ký Hiệp định Paris 1991. Trong đó tác giả làm nổi bật lên vấn đề là Việt Nam luôn chủ động thúc đẩy tiến trình đàm phán để nhanh chóng giải quyết “vấn đề Campuchia” không để các nước lớn lợi dụng “vấn đề Campuchia” để chống phá Việt Nam. Năm 2006, Nhà xuất bản Thế giới đã xuất bản công trình “Lược sử vùng đất Nam Bộ” của Hội khoa học lịch sử Việt Nam do GS.TSKH Vũ Minh Giang làm chủ biên. Nhóm tác giả biên soạn trên cơ sở tổng hợp các kết quả nghiên cứu của nhiều ngành khoa học liên quan ở trong nước và ngoài nước. Công trình trình bày một cách khách quan, có hệ thống , đơn giản và cô động những tư liệu chứng cứ cơ bản về lịch sử phát triển của vùng đất Nam Bộ. Công trình còn phản ánh sự tranh chấp biên giới vùng đất Nam Bộ giữa Campuchia - Việt Nam trong qua khứ. Hiện nay được hai nước đàm phán bằng con đường hòa bình để phân định cắm mốc biên giới. Những nghiên cứu riêng biệt nêu trên dẫu sao cũng không thể khái quát một cách đầy đủ về quan hệ Campuchia - Việt Nam. Quan hệ Campuchia - Việt Nam là vấn đề hết sức nhạy cảm, đặc biệt là trong những năm gần đây quan hệ hai nước có nhiều diễn biến mới vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Mặt khác, từ lịch sử nghiên cứu vấn đề cho thấy, việc nghiên cứu mối quan hệ Campuchia - Việt Nam từ năm 1986 đến 2006 như một chỉnh thể vận động là một hướng đi mới cần được tiếp tục khai phá, bởi vì có những thông tin gần đây mới được công khai và phổ biến. 3. Mục đích nghiên cứu. Tìm hiểu quan hệ Campuchia - Việt Nam trong giai đoạn 1985 - 2006. - Làm rõ mối quan hệ chính trị, ngoại giao giải quyết các vấn đề tranh chấp biên giới giữa hai nước, quá trình đàm phán để ký Hiệp ước biên giới năm 1985. - ảnh hưởng của các nước lớn đến mối quan hệ Campuchia - Việt Nam trong quá trình đàm phán để ký Hiệp định Paris về vấn đề Campuchia. - Mối quan hệ hợp tác giữa hai nước tác động trên các lĩnh vực: An ninh, kinh tế, du lịch và các vấn đề khác mà hai nước cùng quan tâm. Từ những đặc điểm của mối quan hệ hai nước để rút ra những nhận xét đánh giá nhằm thấy được những thời cơ và thách thức cũng như triển vọng quan hệ Campuchia - Việt Nam trong tương lai. 4. Đối tượng nghiên cứu. Đối tượng nghiên cứu chính của đề tài là Campuchia quan hệ với Việt Nam. Trong đó chủ thể của mối quan hệ này là Campuchia. Những quan hệ chính trị thường gắn liền với những lợi ích về lãnh thổ, đất đai. Hòa bình hay chiến tranh, xung đột hay khoan nhượng... Tất cả còn phụ thuộc vào chính sách đối ngoại của mỗi nước cũng như những thay đổi của tình hình khu vực và thế giới, chính vì vậy không thể không nghiên cứu mối quan hệ của các nước có ảnh hưởng tới quan hệ Campuchia - Việt Nam đó là Trung quốc, Mỹ, Liên Xô, Thái Lan, Lào... 5. Nhiệm vụ nghiên cứu. Trên cơ sở kế thừa những thành tựu của các nhà nghiên cứu đi trước, trong đề tài này chúng tôi cố gắng nghiên cứu tổng thể mối quan hệ Campuchia - Việt Nam trong sự vận động nội tại của nó dưới sự tác động của tình hình thế giới và khu vực. Nghiên cứu các vấn đề quan hệ chính trị - ngoại giao và giải quyết các vấn đề tranh chấp, nghiên cứu sâu về Hiệp ước biên giới, quá trình đàm phán để tiến tới ký Hiệp định Paris về vấn đề Campuchia, quan hệ hợp tác an ninh quốc phòng, thương mại, du lịch, các vấn đề mà hai nước đều quan tâm. 6. Giới hạn đề tài. Quan hệ Campuchia - Việt Nam được giới hạn trong thời gian từ năm 1985 đến năm 2006, đây không phải là những vấn đề hoàn toàn mới mà có cội nguồn và tiền đề lịch sử tồn tại trong tiến trình lịch sử của quan hệ hai nước qua các giai đoạn. Năm 1985 là cột mốc quan trọng, hai nước ký Hiệp ước hoạch định biên giới. Năm 2006 là thời điểm có hiệu lực Hiệp ước bổ sung hoạch định biên giới 1985. Vì vậy, để đảm bảo tính hệ thống, tác giả dành một chương để tìm hiểu quan hệ Campuchia - Việt Nam ở giai đoạn trước. Không gian nghiên cứu của vấn đề chỉ dừng lại ở phạm vi quan hệ giữa hai nhà nước Campuchia và Việt Nam. 7. Phương pháp nghiên cứu Trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời trong quá trình nghiên cứu, là một đề tài lịch sử, quan điểm khi nghiên cứu là tuân thủ phương pháp lịch sử. Ngoài việc phân tích, so sánh mối liên hệ giữa các sự kiện lịch sử, tác giả cố gắng trình bày các luận điểm trên cơ sở bám sát các sự kiện lịch sử, chân thực lịch sử, để tái hiện lại bức tranh sinh động của mối quan hệ Campuchia - Việt Nam trong hơn 20 năm qua (1985 - 2006). Đồng thời với quá trình đó, tác giả kết hợp kết hợp sử dụng phương pháp lôgic để lí giải một số vấn đề mang tính chất phức tạp trong quan hệ giữa hai nước, phát hiện ra bản chất và những đặc điểm manh tính quy luật đang ẩn mình vô vàn sự kiện phức tạp của quan hệ Campuchia - Việt Nam giai đoạn này. Ngoài ra, còn sử dụng phương pháp liên ngành: Phương pháp nghiên cứu quan hệ quốc tế, quan hệ kinh tế, chính trị, thống kê để sử lí số liệu, phương pháp trao đổi, thảo luận để tranh thủ ý kiến mang tính phản biện cho những nhận định, đánh giá... của mình, nhằm làm giảm bớt chủ quan trong quá trình nghiên cứu. 8. Bố cục luận văn Luận văn gồm có 178 trang. Phần nội dung chính là 153 trang, trong đó phần mở đầu 07 trang, kết luận 11 trang, tài liệu tham khảo 09 trang. Luận văn sử dụng 92 tài liệu tham khảo, có 02 bảng và 1 biểu đồ. Luận văn được chia làm 3 chương: Chương 1: Khái quát quan hệ Campuchia - Việt Nam trong lịch sử. Chương 2: Quá trình ký kết Hiệp định Paris và quan hệ Campuchia -Việt Nam giai đoạn (1986-1991). Chương 3: Quan hệ Campuchia - Việt Nam sang trang mới (1992- 2006). Bản đồ vương quốc campuchia Nguồn: Tổng Lãnh sự quán Campuchia tại Tp. Hồ Chí Minh Chương I. Khái quát quan hệ Campuchia - Việt Nam trong lịch sử Campuchia - Việt Nam là hai nước láng giềng có nhiều nét tương đồng về văn hóa và phong tục tập quán. Hai nước từng có truyền thống hữu nghị trong nhiều thời kỳ lịch sử, thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1967. Trong quá khứ hai nước cũng đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử và cùng nhau đấu tranh chống xâm lược. Hai nước có chung đường biên giới trên bộ, trên biển và có chung dòng sông Mêkông nối liền hai nước. Đất nước Campuchia và vùng đất Nam bộ và Tây Nguyên của Việt Nam trên cơ bản thuộc địa vực hạ lưu và châu thổ sông Mêkông. Đây là một vùng có nền văn hóa lâu đời và tập trung những quan hệ văn hóa truyền thống. Từ những kết quả nghiên cứu khảo cổ học, người ta có thể nhận ra rằng mấy ngàn năm lịch sử Campuchia và Việt Nam cùng nằm trong một khu vực văn hóa chun g với những đặc trưng thống nhất trong lối làm ăn, lối sống, văn hóa nghệ thuật ... Tất cả đã gắn bó với nhau, phát triển trong suốt chiều dài lịch sử. Trong quá trình hàng ngàn năm thời tiền sử và sơ sử, tổ tiên những cộng đồng tộc người sống trên đất Campuchia và những cư dân vùng đất Nam bộ Việt Nam đã có quan hệ gắn bó với nhau, cùng sáng tạo nên nền văn minh sông Mêkông với hai trung tâm chính là Tônlê Sap và Đồng Nai. 1.1. Quan hệ Campuchia - Việt Nam trong lịch sử Thực tế lịch sử hàng ngàn năm qua, nhân dân Campuchia và nhân dân Việt Nam đã có mối quan hệ láng giềng hữu nghị, chia ngọt sẻ bùi, tương thân tương ái, chung lưng đấu cật cải tạo thiên nhiên và chống ngoại xâm. Lịch sử đã chứng minh rằng trong suốt tiến trình lịch sử, nhân dân hai nước đã nhiều lần cùng nhau chống giặc ngoại xâm và làm nên những trang sử vẻ vang của cả hai dân tộc. Trong lịch sử Campuchia, chiến tranh và nội chiến xảy ra liên miên. Đến đầu thế kỷ VI, nước Chân Lạp và chế độ phong kiến tập quyền được xác lập. Thời kỳ phồn thịnh của Vương quốc Campuchia bắt đầu kể từ khi vua Giayavacman II giành độc lập thống nhất đất nước từ tay người Gia va (802-854) đóng đô ở Angkor, mở đầu cho thời kỳ Angkor. Trong thời kỳ này, các vua Campuchia đã không ngừng tiến hành rất nhiều cuộc xâm lược các nước láng giềng, xây dựng rất nhiều đền đài nguy nga, tráng lệ: “sự say sưa chiến công, xa hoa, lãng phí của các ông vua Angkor làm cho kinh tế đất nước ngày càng kiệt quệ, khiến nhân dân thêm khổ cực và bất mãn. Đó là nguyên nhân khiến cho đế chế Angkor suy sụp” [1, tr.8]. Sau thời kỳ Angkor huy hoàng, Campuchia rơi vào tình trạng suy thoái kéo dài. Nước Đại Việt sau thời Lê sơ cũng lâm vào khủng hoảng và bị chia cắt. Trái lại, Vương quốc Xiêm trẻ trung ngày càng phát tiển, trở thành một Vương quốc hùng mạnh bậc nhất của khu vực. Trong bối cảnh đó Campuchia mặc nhiên trở thành đối tượng xâm lược triền miên của người Thái. Những cuộc chiến tranh với người Thái đã làm cho Vương quốc Campuchia suy yếu trầm trọng. Từ đầu thế kỷ XVII, thông qua quan hệ hôn nhân, vua Campuchia Chey Chestha II (1618-1625) cưới Ngọc Vạn con gái chúa Nguyễn Phước Nguyên làm hoàng hậu. Dưới sự bảo trợ của của bà hoàng hậu người Việt này, cư dân người Việt tới làm ăn sinh sống ở lưu vực sông Đồng Nai ngày càng nhiều. Những hoạt động của cộng đồng cư dân ngày càng đông của người Việt đã tạo điều kiện thuận lợi cho chúa Nguyễn từng bước hợp pháp hóa sự kiểm soát của mình đối với vùng đất đã được người Việt khai khẩn. Chính vì vậy các chúa Nguyễn ở Đàng trong đã bước đầu xác lập được ảnh hưởng với triều đình Campuchia. Năm 1623, chúa Nguyễn được vua Campuchia Chey Chestha II cho phép: “Lập thương điếm ở vị trí tương ứng với Sài Gòn để thu thuế” [67, tr.61]. Năm 1658, Chân lạp xâm phạm lãnh thổ của chúa Nguyễn ở vùng Thuận - Quảng. Chúa Nguyễn sai quân đi đánh tan buộc Chân Lạp “làm phiên thần hàng năm nộp cống” [7, tr.72]. Năm 1679, hơn 3.000 quân tướng nhà Minh (Trung Quốc) của Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến ... không chịu quy phục nhà Thanh đến Đà Nẵng xin được quy phục chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn chấp nhận và khiến vua Chân Lạp cho họ tới lập nghiệp ở Đông Phố vùng đất Đồng Nai. Cùng thời gian này, Mạc Cửu người Quảng Đông (Trung Quốc), cũng vì không khuất phục triều Thanh, tới Chân Lạp “chiêu tập dân siêu dạt đến các nơi Phú Quốc, Cần Bột, Gía Khê, Luống cày, Hương úc, Cà Mau (thuộc tỉnh Hà Tiên) thành lập 7 xã thôn” [7, tr.122], biến toàn bộ vùng đất Hà Tiên thành khu vực cát cứ của dòng họ mình, hoàn toàn độc lập, không lệ thuộc vào chính quyền Chân Lạp nữa. Năm 1693, khi chúa Nguyễn thu phục được vùng đất Chiêm Thành thì Chân Lạp mới là nước láng giềng trực tiếp của Việt Nam. Mặc dù vùng đất châu thổ sông Cửu Long lúc đó danh nghĩa thuộc Chân Lạp, nhưng trong thực tế còn hoanh vu, dân cư thưa thớt, triều đình Chân Lạp chưa quản lý được. Yêu cầu về nhân lực để khai phá vùng đất này rất lớn. Đúng lúc đó làn sóng di cư ngày càng đông đảo của nông dân người Việt, Hoa, Chăm đã kéo đến cùng người Khmer sống từ trước tại đây ra sức khai phá, cải tạo thiên nhiên, chinh phục vùng đất bồi ven biển. Trong việc khai phá, cải tạo này, vai trò của người Việt rất lớn, sự có mặt của họ lúc đó rõ ràng là rất cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Với đà phát triển về mọi mặt của vùng đất này, nơi đây đã trở thành địa bàn cư trú chủ yếu của người Việt đến lập nghiệp và vùng đất này đã được sát nhập vào bản đồ Việt Nam không bằng bạo lực, mà bằng con đường hòa hợp chung sống hòa bình, rõ ràng: “Người Việt đến Chân Lạp không chỉ có những đội quân được đưa sang Chân Lạp chống lại quân Xiêm hoặc lực lượng thân Xiêm theo yêu cầu của các vua Chân Lạp, không phải dùng gươm để chiếm lấy đất đai mà là do sự trả công một cách tự nguyện của người Chân Lạp” [30, tr.7]. Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu cử Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất Đông Phố: “Bắt đầu đặt phủ Gia Định, Sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh kinh lượt đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố, lấy sứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long (nay thăng làm phủ) dựng dinh phiên Trấn Biên (tức Biên Hòa ngày nay), lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình (nay thăng làm phủ), dựng dinh Phiên trấn (tức Gia Định ngày nay), mỗi dinh đều đặt các chức lưu thủ, cai bạ, ký lục và các cơ đội thuyền thủy bộ tinh binh và thuộc binh. Mở rộng đất đai nghìn dặm, được hơn 4 vạn hộ, bèn chiêu mộ những người dân xiêu dạt từ Bố Chính trở về Nam cho đến ở cho đông” [7, tr.111]. Từ đó Gia Định đã trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa và hành chính - chính trị của Nam Bộ. Trước sự phát triển nhanh chóng của vùng Gia Định dưới chính quyền chúa Nguyễn, năm 1708, Mạc Cửu đem toàn bộ vùng đất Hà Tiên do mình cai quản về với chúa Nguyễn. Cuối năm 1755, do mắc lỗi với chúa Nguyễn, vua Chân Lạp là Nặc Nguyên chạy về Hà Tiên, nương nhờ Mạc Thiên Tứ (con Mạc Cửu). Năm 1756, Nặc Nguyên xin hiến đất hai phủ Tâm Bôn, Lôi Lạp và nạp bù lễ cống còn thiếu trong những năm trước để chuộc tội [7, tr.164]. Những người kế ngôi tiếp theo của các vua Chân Lạp tiếp tục dâng các vùng đất Nam Bộ cho chúa Nguyễn. Với việc dâng đất tiếp theo của Nặc Tôn năm 1757, hầu như toàn bộ vùng đất Nam Bộ thực tế đã hoàn toàn thuộc quyền cai quản của chúa Nguyễn, tức là chủ quyền của Việt Nam. Như vậy có thể nói, do kết quả của những cuộc di dân của những lưu dân người Việt, Hoa, Chăm cũng như những thỏa thuận của các lực lượng trong triều đình Campuchia với các chúa Nguyễn để đổi lấy sự ủng hộ của các chúa Nguyễn trong cuộc đấu tranh giành quyền lực ở Campuchia, vào cuối thế kỷ XVIII, toàn bộ vùng đất Nam Kỳ đã thuộc về chính quyền các chúa Nguyễn. Năm 1802 triều Nguyễn được thành lập, Việt Nam trở thành một quốc gia phong kiến thống nhất. Sự ra đời của triều Nguyễn đã làm thay đổi sâu sắc tương quan lực lượng trên bán đảo Đông Dương và có tác động tới quan hệ giữa hai nước Campuchia - Việt Nam, hai nước thường cử sứ giả qua lại giao hảo. Tuy nhiên, trong những năm Vua Gia Long mới lên ngôi, nhà Nguyễn do phải lo củng cố chính quyền trên cả nước và tìm kiếm sự ủng hộ, thừa nhận của nhà Thanh nên vẫn chưa có điều kiện tăng cường ảnh hưởng chính trị ở Campuchia, mặc dù triều Nguyễn và cá nhân vua Gia Long nhận thức rất rõ tầm quan trọng của vấn đề này đối với an ninh quốc gia ở biên giới Tây Nam. Để giảm áp lực và sự o ép của Xiêm, vua Ang Chan quyết định dựa vào triều Nguyễn. Tháng 9 năm 1807 Ang Chan cử sứ giả sang Huế xin triều Nguyễn phong Vương. Đề nghị của Ang Chan được triều Nguyễn chấp nhận ngay. Với việc Ang Chan xin thần thuộc, triều Nguyễn đã có một cơ hội thuận lợi để tăng cường đáng kể ảnh hưởng của mình ở Campuchia. Đến cuối thế kỷ XIX, giai cấp phong kiến đầu hàng thực dân Pháp, nhân dân Campuchia liên kết với các nghĩa sĩ Việt Nam trong phong trào Trương Công Quyền - Pôkumpao để chống xâm lược phương Tây. Sự hỗ trợ lẫn nhau trong những ngày đầu chống thực dân Pháp xâm lược là những minh chứng thể hiện sự hợp tác chặt chẽ của hai dân tộc cùng chống kẻ thù chung trong tiến trình lịch sử: “Chính sự thống trị của thực dân Pháp đã đưa Campuchia - Việt Nam lại với nhau thành một đơn vị chính trị” [15, tr15]. Từ năm 1930 trở đi với sự ra đời của Đảng Cộng sản Đông Dương, truyền thống đoàn kết chiến đấu của hai dân tộc được nâng lên một bước, biến đổi về chất, thấm đượm tinh thần cách mạng. Cách mạng tháng Tám thành công, cuộc trường kỳ kháng chiến từng bước thắng lợi. Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơnevơ (1954) đã mang lại thắng lợi to lớn cho cả ba nước trên bán đảo Đông Dương. Đó là điều kiện lịch sử vô cùng thuận lợi để nhân dân Campuchia tiếp tục đấu tranh đưa đất nước Campuchia thoát khỏi sự ràng buộc của đế quốc Pháp (25.9.1955) chấm dứt 100 năm đô hộ của chế độ thực dân. Tuy nhiên, nhân dân Campuchia và nhân dân Việt Nam lại phải tiếp tục đoàn kết chiến đấu trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai kéo dài từ năm 1954 đến năm 1975 với sự thắng lợi hoàn toàn của nhân dân Đông Dương. Trong thập niên 1960, Campuchia tuyên bố trung lập, mặc dù chưa chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Hà Nội nhưng Campuchia đã cho: “Quân đội Bắc Việt vào đóng trong lãnh thổ, làm căn cứ đánh Miền Nam Việt Nam” [20, tr.213]. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân hai nước Campuchia - Việt Nam đã phối hợp cùng đánh thắng hàng loạt các chiến lược quân sự của Mỹ và tay sai như chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ Việt Nam hóa, Campuchia hóa chiến tranh. Nhân dân hai nước đã đánh bại các cuộc hành quân chiến lược của Nich xơn như “Chen La I”, “Lam Sơn 719”, “Chen La II”... Trên đà thắng lợi ngày càng có tính chất quyết định trên chiến trường, mùa xuân năm 1975, cuộc tổng tấn công và nổi dậy của quân dân Việt Nam đánh vào hang ổ cuối cùng của quân ngụy Sài Gòn đã tạo thời cơ thuận lợi cho quân và dân Campuchia tổng công kích quân ngụy, Phnôm Pênh đã giành thắng lợi ngày 17 tháng 4 năm 1975. 1.2. Quan hệ Campuchia - Việt Nam 1975 - 1985. 1.2.1. Chính sách đối ngoại của tập đoàn Pônpôt giai đoạn 1975-1979. Việt Nam vừa được hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước ngày 30 tháng 4 năm 1975, thì ngày 01 tháng 5 năm 1975 , tập đoàn Pônpôt đã dùng lực lượng quân sự tấn công, xâm phạm lãnh thổ Việt Nam từ Hà Tiên đến Tây Ninh. Cùng với việc thanh trừng nội bộ, chính quyền Pônpôt xua đuổi và giết hại Việt kiều sinh sống hợp pháp trên đất Campuchia từ nhiều năm, chuyển dân Campuchia sống ở vùng biên giới với Việt Nam vào sâu trong nội địa Campuchia và từ thành phố về nông thôn sinh sống. Sau khi xảy ra những sự kiện nghiêm trọng trên biên giới hai nước, vào tháng 6 năm 1975, nhận lời mời của Đảng Lao động Việt Nam, đoàn Đại biểu Đảng Cộng sản Campuchia (tên gọi công khai của Đảng này từ năm 1975 là Tổ chức Cách mạng Campuchia) do Pônpôt, Bí thư Trung ương Đảng, dẫn đầu, sang thăm chính thức Việt Nam. Trong cuộc hội đàm, Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Campuchia Pônpôt đã phát biểu: "Thắng lợi của chúng tôi mặc dù là do những nhân tố chủ quan tạo nên; nhưng nếu không có sự giúp đỡ của Đảng Lao động Việt Nam; của bộ đội và nhân dân Việt Nam, và của nhân dân thế giới, trong đó đặc biệt là nhân dân Việt Nam, thì chúng tôi không thể có thắng lợi như vừa qua được”[3, tr.5]. Đối với nước Campuchia Dân chủ, Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã kiên trì chủ trương dùng phương pháp hiệp thương nhất trí với hai bên để giải quyết đúng đắn những vụ va chạm về biên giới. Ngày 07 tháng 6 năm 1977, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có thư gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Campuchia và Chính phủ nước Campuchia Dân chủ bày tỏ "lòng chân thành mong muốn nhanh chóng giải quyết vấn đề biên giới, chấm dứt những va chạm đổ máu làm tổn thương tình đoàn kết chiến đấu và hữu nghị anh em Campuchia - Việt Nam , cùng nhau xây dựng đường biên giới hữu nghị lâu dài giữa hai nước", và đề nghị "có cuộc gặp càng sớm càng tốt giữa lãnh đạo cấp cao của Đảng và hai Chính phủ..."[3, tr.5]. Rất tiếc là phía Campuchia đã khước từ đề nghị gặp gỡ này, công khai gây cuộc chiến tranh biên giới giữa hai nước đồng thời tăng cường vu khống Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Điều đặc biệt hơn là trong nội bộ, Pônpôt hay nói bóng gió: “Đối với Việt Nam, chúng ta đã tiến hành tương đối nhiều cuộc thương lượng nhưng đều vô ích, và người ta chẳng biết đến thế kỷ nào mới giải quyết được các vấn đề ấy...”[62, tr.207]. Đối với Việt Nam, Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn yêu cầu hai nước ký hiệp ước hữu nghị và nói rõ rằng: “Hai bên đều phải tôn trọng nền độc lập của nhau, tôn trọng đất đai của nhau, có như vậy mới đoàn kết được chặt chẽ, mới giữ được tình nghĩa anh em giữa nhân dân hai nước và cần phải tiến hành đàm phán để ký kết hiệp ước về biên giới giữa hai nước” [6, tr.302]. Tiếp theo đó, tháng 8 năm 1975, Đoàn đại biểu cấp cao Đảng Lao động Việt Nam do Bí thư thứ nhất Lê Duẩn dẫn đầu thăm Campuchia, phía Việt Nam đồng ý trao trả số quân nhân Campuchia bị bắt khi họ tiến công đảo Thổ Chu và bị quân đội Việt Nam truy kích đến đảo Way. Tháng 3 năm 1976, Nuôn Chia, Phó bí thư Đảng Cộng sản Campuchia, gửi thư cho Phó thủ tướng Việt Nam Phạm Hùng. Campuchia đề nghị có cuộc gặp cấp cao hai đảng về vấn đề biên giới. Ngày 6 tháng 4 năm 1976, Trung Ương Đảng Lao động Việt Nam gửi điện cho Trung ương Đảng Cộng sản Campuchia tán thành đề nghị đó và thoả thuận cuộc gặp sẽ tiến hành vào tháng 6 năm 1976. Từ ngày 4 đến 18 tháng 5 năm 1976, Thứ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam dẫn đầu đoàn sang Campuchia họp trù bị cho hội nghị cấp cao. Tại cuộc họp trù bị này: “phía Pônpôt đã đồng ý lấy đường biên giới trên đất liền theo bản đồ Pháp tỷ lệ 1/100.000 thông dụng trước năm 1954 nhưng lại đòi Việt Nam phải chấp nhận bộ bản đồ do Campuchia đưa ra có chín chỗ bị cạo sửa và đòi lấy đường Brévíe làm đường biên giới trên biển”[6, tr.302]. Chính vì vậy cuộc đàm phán thất bại và không tiến hành được cuộc gặp cấp cao hai đảng. Hai bên chỉ thỏa thuận được ba biện pháp tạm thời do đoàn Việt Nam đề nghị : “Hai bên giáo dục cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nước mình ở biên giới tăng cường đoàn kết, hữu nghị và tránh va chạm. Mọi va chạm phải được giải quyết trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau. Ban liên lạc hai bên tiến hành điều tra các vụ va chạm và gặp nhau để giải quyết.”[6, tr.303] Việt Nam đã nghiêm chỉnh thực hiện các biện pháp tạm thời được hai bên thỏa thuận, duy trì tiếp xúc với Ban liên lạc biên giới của phía Campuchia. Ngược lại, phía Campuchia vẫn tăng cường các hành động tấn công, xâm lấn lãnh thổ và giết hại dân thường Việt Nam ở biên giới. Trước tình hình nghiêm trọng đó, ngày 7 tháng 6 năm 1977, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam gửi thư cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Campuchia và Chính phủ Campuchia Dân chủ đề nghị có cuộc hội đàm càng sớm càng tốt giữa lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai chính phủ ở Phnôm Pênh, Hà Nội, hay bất cứ nơi nào khác do hai bên thỏa thuận. Ngày 18 tháng Sáu 1977, phía Campuchia Dân chủ trả lời : "Chờ một thời gian cho tình hình bình thường trở lại và những xung đột ở biên giới được chấm dứt sẽ gặp gỡ cấp cao"[6, tr.303]. Với ý đồ xâm lấn biên giới Việt Nam, một mặt từ chối thương lượng, mặt khác Pônpôt tiếp tục cho quân tấn công biên giới Việt Nam. Ngày 18 tháng 7 năm 1977, lực lượng vũ trang của Campuchia Dân chủ đồng loạt tấn công trên chiều dài 40 km vào tỉnh Kiên Giang, pháo kích nhiều lần vào thị xã Châu Đốc. Trên quốc tế, họ vu cáo Việt Nam. Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Iêng Xary ám chỉ Việt Nam xâm lược Campuchia. Ngày 26 tháng 9 năm 1977, Pônpôt tuyên bố Đảng Cộng sản Campuchia đi thăm chính thức Trung Quốc. Cùng thời điểm đó, Pônpôt cho một lực lượng lớn quân đội tấn công toàn tuyến biên giới tỉnh Tây Ninh, sát hại thường dân Việt Nam. Để giải quyết bất đồng giữa hai nước, chính phủ Việt Nam đã đưa ra những đề nghị đầy thiện chí với mong muốn giải quyết sự bất đồng bằng phương pháp thương lượng hoà bình nhưng chế độ Pônpôt đã bác bỏ mọi đề nghị thiện chí của Việt Nam. Đến cuối năm 1977, chính quyền Pônpôt chính thức ra tuyên bố vu cáo Việt Nam xâm lược Campuchia, chúng đã cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao với Việt Nam, rút sứ quán Campuchia ở Hà Nội và yêu cầu tất cả cán bộ ngoại giao của sứ quán Việt Nam ở Phnôm Pênh về nước. Chúng tập trung lực lượng, tấn công trên quy mô lớn vào lãnh th._.ổ miền Nam Việt Nam, triệt phá nhiều làng mạc, giết hại nhiều dân thường vô tội. Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố vạch rõ thái độ và hành động của phía Campuchia khiêu khích và tấn công xâm phạm lãnh thổ Việt Nam. Việc Việt Nam đánh trả là hành động tự vệ và tỏ thiện chí muốn giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước bằng thương lượng hoà bình. Việt Nam đề nghị hai bên gặp nhau càng sớm càng tốt ở bất cứ cấp nào để giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước trên tinh thần "hữu nghị anh em" nhưng Campuchia bác bỏ đề nghị thương lượng hoà bình. Tiếp theo đó, Việt Nam liên tiếp đưa ra các đề nghị đàm phán, đặc biệt quan trọng là Tuyên bố ngày 5 tháng 2 năm 1978 của Chính phủ Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam về quan hệ Campuchia - Việt Nam, bày tỏ thiện chí thật sự mong muốn chấm dứt xung đột, giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước bằng thương lượng hòa bình. Bản tuyên bố đưa ra đề nghị ba điểm: “Chấm dứt mọi hành động quân sự thù địch ở vùng biên giới, lực lượng vũ trang mỗi bên đóng sâu trong lãnh thổ của mình, cách đường biên giới 5 km. Hai bên gặp nhau ngay để bàn bạc, ký Hiệp ước hữu nghị và không xâm lược nhau và Hiệp ước hoạch định biên giới. Hai bên thoả thuận một hình thức thích hợp đảm bảo quốc tế và giám sát quốc tế”[34, tr.19]. Đề nghị ba điểm của Việt Nam được dư luận thế giới hoan nghênh nhưng phía Pônpôt bác bỏ đề nghị trên. Theo gợi ý của Lào, ngày 10 tháng 4 năm 1978, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh gửi công hàm nhờ Lào chuyển cho Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Iêng Xary nhắc lại đề nghị ba điểm. Ngày 15 tháng Năm 1978, Bộ Ngoại giao Campuchia gửi công hàm trả lời, vu khống Việt Nam xâm lược, có ý đồ thành lập Liên bang Đông Dương, đồng thời đòi Việt Nam thực hiện một số điều kiện trong thời hạn bảy tháng (đến cuối năm 1978) thì hai bên mới có thể gặp nhau. Campuchia đã đưa ra các điều kiện đó là: “Việt Nam chấm dứt mọi hành động xâm lược; chấm dứt ý đồ lập Liên bang Đông Dương; tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Campuchia” [6, tr.305]. Ngày 6 tháng 6 năm 1978, Bộ Ngoại giao Việt Nam một lần nữa gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao Campuchia nhắc lại đề nghị ba điểm ngày 5 tháng 02 năm 1978 và đề nghị hai bên tuyên bố chấm dứt hoạt động thù địch ở vùng biên giới vào một ngày gần nhất mà hai bên thoả thuận, tách quân khỏi biên giới 5km; đại diện ngoại giao hai bên tại Viêng Chăn hoặc bất cứ thủ đô nào gặp nhau để thỏa thuận ngày, giờ, địa điểm, cấp bậc cuộc họp giữa đại diện hai Chính phủ. Mọi cố gắng đề nghị thương lượng của Việt Nam đều bị bác bỏ, kể cả các đề nghị thông qua trung gian của Liên Hiệp Quốc và Phong trào Không liên kết. Trong khi đó những cuộc tiến công của quân Pônpôt giết hại người Việt Nam ở biên giới ngày càng nghiêm trọng, điển hình là vụ thảm sát ở xã Ba Chúc (An Giang) và cuộc pháo kích kéo dài bằng đại bác 130 ly vào thị xã Châu Đốc. Trung tuần tháng 12 năm 1978, chính quyền Pônpôt tập trung 19 trong tổng số 25 sư đoàn chủ lực ở biên giới Campuchia - Việt Nam ngày 23 tháng 12 năm 1978, quân Pônpôt tiến công thị trấn Bến Sỏi (Tây Ninh) với mục tiêu là đánh chiếm thị xã Tây Ninh. Pônpôt còn vạch ra kế hoạch tấn công quy mô rộng lớn hơn nhằm tiến công thành phố Hồ Chí Minh và chúng còn đưa ra khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến để đánh Việt Nam” [63, tr.70]. ở Campuchia, do chính sách thống trị vô cùng tàn bạo của chế độ Pônpôt nên mâu thuẫn giữa nhân dân với tập đoàn thống trị ngày càng sâu sắc. Chúng xây dựng một xã hội chưa từng có trong lịch sử: “Không có thành phố, không có quyền sở hữu, không có chợ búa và tiền tệ, không có gia đình” [14, tr.3]. Nhân dân đã nổi dậy đấu tranh chống lại chế độ diệt chủng. Trên cơ sở Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia ra đời do ông Hiêngxomrin làm Chủ tịch. Với sự giúp đỡ của bộ đội Việt Nam, từ cuối tháng 12 năm 1978, sau khi đập tan hệ thống phòng thủ vòng ngoài, lực lượng cách mạng đã tiến hành giải phóng Thủ đô Phnôm Pênh vào ngày 07 tháng 01 năm 1979, lật đổ chế độ “Campuchia dân chủ” của Pônpôt. Trong hồi ký của mình, Xihanuc thừa nhận: “Nếu không có sự can thiệp quân sự thắng lợi của Việt Nam vào Campuchia thì có thể Xihanuc sẽ bị Khmer Đỏ thủ tiêu” [29, tr.279]. Thắng lợi này đã mở ra một giai đoạn phát triển mới của đất nước Campuchia. Sau đó, để bảo vệ thành quả cách mạng trong khi chính quyền cách mạng mới thành lập, ngày 18 tháng 02 năm 1979, Chính phủ Hiêngxomrin đã ký với Chính phủ Việt Nam một hiệp ước yêu cầu quân đội Việt Nam ở lại Campuchia để bảo vệ thành quả cách mạng. Như vậy, sự có mặt của quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia là theo yêu cầu của Campuchia, nhằm giúp: “Nhân dân Campuchia bảo vệ độc lập, chủ quyền, an ninh và công cuộc hồi sinh của mình” [32, tr.43]. Thế nhưng, các thế lực chống đối cách mạng đã nêu lên “vấn đề Campuchia”. Với sự thao túng của một số cường quốc, Liên Hiệp Quốc đã ra một số nghị quyết ủng hộ thế lực Pônpôt đã bị nhân dân lật đổ. ở Campuchia, các thế lực chống đối cách mạng đã liên kết với nhau để chống Chính phủ Cộng hòa nhân dân Campuchia. Sau đó, các lực lượng chống đối xây dựng hệ thống căn cứ trên đất Thái Lan và thành lập “Chính phủ liên hiệp 3 phái” do Xihanuc đứng đầu. Với sự giúp đỡ của những thế lực bên ngoài, từ năm 1979 các cuộc xung đột ở Campuchia diễn ra rất quyết liệt. Nhưng với sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, quân và dân Campuchia đã liên tiếp đánh bại các cuộc tấn công của các lực lượng thù địch và từng bước khôi phục, xây dựng đất nước. Trong những nước ủng hộ Khmer Đỏ điển hình là Trung Quốc. Vì vậy những người yêu chuộng hòa bình đã lên án Trung Quốc ủng hộ Khmer Đỏ, các nhà sử học chứng minh rằng: “Bắc Kinh đã viện trợ tiền và vũ khí cho hoạt động phong trào Khmer Đỏ trong những thập niên 70 và 80, những kẻ phải chịu trách nhiệm về cái chết của khoảng 1,7 triệu người dân Campuchia trong thời gian chúng nắm quyền từ năm 1975 - 1979” [54, tr.6]. Để chứng minh sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với Khmer Đỏ, Bộ trưởng cao cấp Xingapo Lý Quang Diệu trong cuốn hồi ký của mình cũng khẳng định: “Khmer Đỏ và các nhóm chống cộng khác tại Campuchia đã nhận được khoảng 1 tỷ USD viện trợ của Trung Quốc” [54, tr.7]. Phản ứng quốc tế đối với việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia nói chung không thuận. Chỉ có Liên Xô, Lào và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu ra tuyên bố ủng hộ. Đi đôi với việc lên án Việt Nam đưa quân vào Campuchia và đòi Việt Nam rút quân, các thế lực thù địch đã tiến hành tập hợp lực lượng, thực hiện chính sách bao vây cấm vận nhằm làm suy yếu và tạo sức ép với Việt Nam. Trước tình hình đó, Việt Nam đấu tranh chống lại âm mưu của các thế lực thù địch bao vây, cấm vận Việt Nam và tăng cường phối hợp giữa ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia trong các hoạt động quốc tế. Đồng thời, cùng với các bạn bè quốc tế, Việt Nam ra sức giúp nhân dân Campuchia khắc phục hậu quả do chế độ diệt chủng để lại, xây dựng đời sống kinh tế, xã hội mới, góp sức giúp đất nước Campuchia hồi sinh. Sau khi Campuchia được giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Pônpôt, theo yêu cầu của Chính phủ Cộng hoà Nhân dân Campuchia, Việt Nam để lại một lực lượng quân đội và cử chuyên gia các ngành dân sự sang giúp nhân dân Campuchia ổn định tình hình và xây dựng lại đất nước. Các lực lượng của Cộng hoà Nhân dân Campuchia phối hợp với quân đội Việt Nam tiếp tục truy quét tàn quân Pônpôt, duy trì ổn định, bảo đảm an ninh xã hội và khắc phục nạn đói cho 4 triệu dân Campuchia. Với nỗ lực to lớn của chính quyền mới và của nhân dân Campuchia, được sự giúp đỡ của Việt Nam, Liên Xô và các nước bè bạn, đời sống của người dân Campuchia dần dần trở lại bình thường. Chợ búa, trường học, bệnh xá bị Pônpôt xoá bỏ được phục hồi. Nhân dân Campuchia tiến hành tổng tuyển cử bầu ra quốc hội. Về đối ngoại, ngay sau khi thành lập nhà nước mới, Campuchia đã thiết lập quan hệ chính thức với Việt Nam. Ngày 12 tháng 01 năm 1979, hai nước trao đổi đại sứ. Ngày 17 tháng 02 năm 1979, Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu tới Phnôm Pênh thăm chính thức Campuchia. Nhân dịp này, hai nước đã ký hiệp ước hoà bình, hữu nghị và hợp tác. Hiệp ước hoà bình, hữu nghị và hợp tác Campuchia - Việt Nam góp phần khôi phục mối quan hệ hữu nghị láng giềng thân thiện và hợp tác giữa hai nước. Trong quá trình đấu tranh về vấn đề Campuchia, Liên Xô luôn luôn ủng hộ lập trường của Việt Nam, Campuchia và Lào. Còn đối với Việt Nam, chỉ hơn bốn năm sau khi giải phóng đất nước, Việt Nam bị đưa đẩy vào cuộc chiến thảm khốc ở Campuchia. Sau hai cuộc kháng chiến gian khổ, dân Việt Nam mới chỉ được hưởng mùi vị của chiến thắng và hòa bình êm ả chưa đầy 5 năm. Vết thương chiến tranh chưa lành thì lâm vào cảnh nửa hòa bình nửa chiến tranh. Chiến tranh chống Mỹ tuy gian khổ khốc liệt song Việt Nam được mặt trận nhân dân thế giới rộng lớn ủng hộ, còn trong cuộc chiến đấu chống diệt chủng Pônpôt thì Việt Nam hầu như hoàn toàn cô lập. Các nước cùng khu vực lo sợ sau khi “hạ xong” Campuchia sẽ phát huy sức mạnh quân sự ra cả Đông Nam á. Còn Trung Quốc ra sức vu khống “Việt Nam xâm lược Campuchia” và có mưu đồ lập “Liên bang Đông Dương” để làm chủ cả Lào lẫn Campuchia, xóa mờ tính chất “chống diệt chủng” của việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia. Để chống lại các thế lực thù địch nêu lên “Vấn đề Campuchia”, ngày 16 tháng 7 năm 1979, Bộ ngoại giao nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia khẳng định: “Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn luôn tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia. Chừng nào tàn quân Pônpôt - Iêng Xary, tay sai của Bắc Kinh và các bọn phản động tay sai của đế quốc không còn hoạt động phá hoại cuộc sống yên lành của nhân dân Campuchia, chừng nào bọn bành trướng Bắc Kinh và đế quốc đồng minh của Bắc Kinh không còn thông qua bọn Pônpôt - Iêng Xary và các bọn phản động khác đe dọa nền độc lập của Campuchia, thì quân đội nhân dân Việt Nam sẽ rút ngay về nước” [34, tr.35]. Trong giai đoạn này Campuchia trở thành tiêu điểm của sự đối đầu giữa một bên là Trung Quốc và một bên là Việt Nam được Liên Xô ủng hộ. Sự đối đầu ấy trở thành xung đột quân sự ngay từ tháng 5 năm 1975 và phát triển lên thành cuộc chiến tranh biên giới Tây - Nam Việt Nam. Thực chất của cái gọi là “vấn đề Campuchia” là việc Trung Quốc sử dụng một trong những công cụ đắc lực nhất của họ để can thiệp và đe doạ an ninh của các nước Đông Dương, trước hết là Campuchia. Nếu cho rằng đây là xung đột giữa Liên Xô - Việt Nam với Trung Quốc - Khmer Đỏ là một điều sai lầm. Vì như thế sẽ không thấy được mối đe doạ lớn đối với an ninh của tất cả các nước khu vực này là chủ nghĩa bành trướng và bá quyền Trung Quốc, Liên Xô từ trước đến nay chỉ giúp nhân dân ba nước Đông Dương bảo vệ độc lập và xây dựng đất nước hoà bình. Thực chất của “vấn đề Campuchia” là cuộc xung đột giữa một bên là tàn quân Pônpôt với sự ủng hộ, giúp đỡ từ bên ngoài nhằm thủ tiêu những thành quả cách mạng mà nhân dân Campuchia đã giành được, nhằm lật đổ Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia, phục hồi chế độ diệt chủng và một bên là cuộc chiến đấu chính nghĩa của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia và nhân dân Campuchia có sự giúp đỡ thiện chí, vô tư của Việt Nam và lực lượng yêu chuộng hòa bình, công lý trên toàn thế giới để bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng cuộc sống mới. Nguyên nhân gây nên sự căng thẳng ở Campuchia trong những năm 80 không phải từ phía Việt Nam như quan điểm một số nước mà là từ phía Pônpôt. Hành động của quân tình nguyện Việt Nam là hoàn toàn chính nghĩa, phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc về quyền tự vệ chính đáng của các quốc gia và quyền giúp đỡ nhau chống thảm họa diệt chủng, phù hợp với truyền thống đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc, là hành động sáng ngời chính nghĩa, là biểu hiện cao đẹp của tinh thần quốc tế trong sáng của Việt Nam. Tuyệt nhiên, hành động đó không phải là "xâm lược" như một số nước lớn tiếng chỉ trích. Hành động đó được nhân dân Campuchia hết lòng ghi nhận, được dư luận yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao. Chính được sự giúp đỡ của quân đội Việt Nam, lực lượng cách mạng Campuchia đã tiến vào Phnôm Pênh lật đổ chính quyền Pônpôt và thành lập nên nước Cộng hoà Nhân dân Campuchia. Quan hệ giữa hai nước bước vào một thời kỳ mới. Chính sách của Pônpôt là kích động hằn thù dân tộc giữa Campuchia và Việt Nam, phá hoại tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước là nằm chung trong chính sách gây xung đột biên giới với các nước láng giềng, trong chính sách đối ngoại đóng cửa đề cao chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, khước từ các vấn đề hợp tác quốc tế và hợp tác khu vực (như hợp tác về sông Mêkông). Chính sách đối ngoại đó của nhà cầm quyền Campuchia là nhằm phục vụ chính sách đẩy mạnh các cuộc đàn áp nhân dân trong nước, thanh trừng những người cách mạng và yêu nước chống lại đường lối sai lầm của họ nhằm củng cố lại quyền lực của họ; đồng thời đánh lạc hướng dư luận nhân dân trong nước căm phẩn trước những chính sách đầy tội ác của họ. Chính sách đó không những đã phá hoại truyền thống đoàn kết giữa hai dân tộc, mà nhà cầm quyền Campuchia phản bội đối với bạn chiến đấu thân thiết của nhân dân họ, họ cũng đang đi ngược lại tình cảm thiêng liêng và lợi ích dân tộc của chính nhân dân Campuchia. 1.2.2. Những biến đổi của tình hình thế giới, tác động đến quan hệ Campuchia - Việt Nam giai đoạn 1979-1985 Vào đầu những năm 1980, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại phát triển tăng tốc, với các đợt sóng công nghệ cao, nổi bật là công nghệ thông tin, mang lại những biến đổi ngày càng sâu sắc và nhanh chóng mọi mặt đời sống nhân loại. Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đã thúc đẩy xã hội hoá sản xuất vật chất, tạo ra những bước nhảy vọt về tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, đẩy mạnh việc cơ cấu lại các nền kinh tế, tạo ra nhiều ngành kinh tế mới và thúc đẩy kinh tế tri thức. Sự phổ cập nhanh chóng của hệ thống Internet và các phương tiện hiện đại khác ngày càng mở rộng giao lưu quốc tế. Đồng thời, xu thế khu vực hoá và toàn cầu hoá được tăng cường, lôi cuốn ngày càng nhiều nước tham gia và làm gia tăng các hoạt động kinh tế thương mại quốc tế. Cải cách và mở cửa đã xuất hiện như một trào lưu tại nhiều nước trên thế giới. Để đẩy mạnh cải cách kinh tế và hiện đại hoá, một số nước tiến hành ở mức độ khác nhau quá trình dân chủ hoá và cải cách chính trị. Trước tình hình quốc tế và khu vực ngày càng diễn biến phức tạp, để bắt tay với Trung Quốc chống Liên Xô ở châu á - Thái Bình Dương. Ngày 15 tháng 12 năm 1978, Mỹ và Trung Quốc đã ra thông cáo chung chính thức công nhận nhau và thiết lập quan hệ ngoại giao từ ngày 01 tháng 01 năm 1979. Việc bình thường quan hệ Mỹ - Trung Quốc đã gây bất lợi cho quan hệ Việt Nam mà mãi tới 20 năm sau (1995) quan hệ Việt Nam - Mỹ mới được bình thường hóa và gia nhập khối ASEAN (1995) một cách khá chật vật. Ngày 16 tháng 12 năm 1979, Chính quyền Mỹ Jimmy Carter có nêu 6 nguyên tắc xử sự khi Trung Quốc xâm chiếm biên giới Việt Nam: Mỹ không can thiệp trực tiếp; khuyến khích các bên tự kiềm chế; Việt Nam rút quân khỏi Campuchia và Trung Quốc rút quân khỏi Việt Nam; cuộc xung đột không đe doạ lợi ích trước mắt của Mỹ; không đặt lại vấn đề bình thường hoá với Trung Quốc; quyền lợi đồng minh của Mỹ không bị đe dọa. Cũng từ đó, cuộc xung đột Campuchia và quan hệ với Việt Nam đã được đặt trong khuôn khổ của mối quan hệ giữa 3 nước lớn Mỹ - Xô - Trung và cũng từ đó Mỹ gắn vấn đề quan hệ Mỹ - Việt Nam với quá trình giải quyết vấn đề Campuchia. Cùng thời gian này, do những khó khăn kinh tế - xã hội chồng chất của thời kỳ chiến tranh chưa được tháo gỡ, lại bị bao vây cấm vận bên ngoài nên trong nước đã nảy sinh ra tình trạng “vượt biên” trốn ra nước ngoài của một bộ phận dân chúng ở cả hai miền Nam Bắc, tạo thêm gánh nặng về đối ngoại cho Việt Nam, bôi đen thêm hình ảnh Việt Nam trên quốc tế. Vấn đề Campuchia và vấn đề “thuyền nhân” lúc đó là gánh nặng trên mặt trận đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn này. Đối với các nước Đông Dương, từ năm 1980 đến 1985, Campuchia, Việt Nam và Lào, sáu tháng một lần tổ chức họp định kỳ, họp hội nghị bộ trưởng ngoại giao ba nước để phối hợp hoạt động quốc tế. Một hướng hoạt động ngoại giao quan trọng của ba nước là thúc đẩy đối thoại với các nước ASEAN. Trong vấn đề Campuchia, chủ trương của các nước ASEAN là phối hợp với các nước ngoài khu vực đấu tranh đòi Việt Nam rút quân, chấp nhận giải pháp không có lợi cho Campuchia, tạo thế cân bằng giữa các nước lớn ở khu vực. Ngay từ đầu, các nước ASEAN đưa ra Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc dự thảo nghị quyết lên án: “Việt Nam xâm lược Campuchia và đòi Việt Nam rút quân” [6, tr.308]. Việt Nam cảnh báo thái độ của họ đã đi ngược lại lợi ích các nước trên bán đảo Đông Dương sẽ dẫn tới đối đầu giữa hai nhóm nước. Tuy các nước ASEAN không giữ vai trò lớn trong việc giải quyết vấn đề Campuchia, nhưng từ năm 1980, Campuchia, Việt Nam và Lào, chủ trương thúc đẩy đối thoại với các nước này nhằm tạo không khí hoà dịu, tránh đối đầu, xây dựng quan hệ cùng tồn tại hoà bình giữa hai nhóm nước, tạo điều kiện thúc đẩy hoà bình, ổn định của khu vực. Tháng 01 năm 1980, Hội nghị ngoại trưởng ba nước Campuchia, Việt Nam và Lào tỏ ý sẵn sàng đàm phán để ký kết hiệp định song phương về không xâm lược với các nước Đông Nam á và bàn vấn đề xây dựng Đông Nam á thành khu vực hoà bình, độc lập, tự do, trung lập, ổn định, phồn vinh. Tháng 9 năm 1981, Bộ trưởng Ngoại giao Lào thay mặt các nước Campuchia, Việt Nam và Lào đưa ra tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đề nghị về bảy nguyên tắc chỉ đạo quan hệ cùng tồn tại hoà bình giữa hai nhóm nước Đông Dương và ASEAN. Tháng 7 năm 1982, Hội nghị ngoại trưởng ba nước lại đề nghị họp Hội nghị quốc tế về Đông Nam á gồm hai nhóm nước, cùng Mianma, ấn Độ và năm nước lớn nhưng đề nghị này không được đáp ứng. Cũng tại Hội nghị ngoại trưởng ba nước này lần đầu tiên kể từ khi Việt Nam đưa quân vào Campuchia năm 1979, Campuchia và Việt Nam đã tuyên bố về việc Việt Nam rút một bộ phận quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia về nước. Tháng 02 năm 1983, Hội nghị cấp cao ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia họp ở Viêng Chăn bàn về tăng cường hợp tác kinh tế, văn hoá giữa ba nước. Hội nghị này Việt Nam đã ra tuyên bố: “Sự có mặt của quân đội Việt Nam ở Campuchia là theo yêu cầu của Campuchia, Việt Nam sẽ rút hết quân về nước khi an ninh Campuchia được bảo đảm” [6, tr.309]. Thực hiện theo lời tuyên bố, căn cứ vào mức độ ổn định của tình hình Campuchia, hàng năm một bộ phận quân tình nguyện Việt Nam sẽ được rút về nước. Tháng 7 năm 1983, Hội nghị ngoại trưởng ba nước tuyên bố về việc một bộ phận lớn quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia rút về nước và đề nghị lập khu phi quân sự ở biên giới Thái Lan - Campuchia. Tháng 9 năm 1983, các nước ASEAN đưa ra đề nghị thực hiện hoà giải dân tộc Campuchia; các phái Campuchia cùng tham gia tuyển cử và lập chính phủ; yêu cầu Việt Nam rút quân từng bước từ tây sang đông; việc rút quân, ngừng bắn, tổng tuyển cử đều có giám sát quốc tế. Tháng 01 năm 1984, Hội nghị ngoại trưởng ba nước Campuchia, Việt Nam và Lào đưa ra cách đề cập mới: có một giải pháp toàn bộ về hoà bình và ổn định ở Đông Nam á; có một giải pháp bộ phận liên quan đến Đông Dương và Thái Lan; hoặc thoả thuận về nguyên tắc quan hệ giữa các nước ASEAN và Đông Dương có bảo đảm và giám sát quốc tế. Như vậy, trong gần bảy năm (1979 - 1985), Campuchia, Việt Nam và Lào hoạt động tích cực thúc đẩy tiếp xúc, đối thoại giữa hai nhóm nước ở Đông Nam nhưng quan điểm hai bên vẫn còn xa nhau. 1.2.3. Hiệp ước biên giới 1985 góp phần cũng cố quan hệ hữu nghị Campuchia - Việt Nam. Trong quá khứ, các triều đại phong kiến giữa Campuchia và Việt Nam đã hình thành biên giới lịch sử nhưng chỉ là những ranh giới vùng - miền. Trong thời kỳ thực dân, biên giới giữa hai nước chủ yếu là đường ranh giới hành chính, bao gồm hai phần: Đoạn biên giới giữa Nam Kỳ và Campuchia được hoạch định bởi Thỏa ước Pháp - Campuchia năm 1870 và Công ước Pháp - Campuchia năm 1873, đã được phân giới cắm mốc nhưng đến nay còn rất ít dấu tích trên thực địa. Đoạn biên giới giữa Trung Kỳ và Campuchia không có văn bản nào xác định đường biên giới, chỉ có nghị định xác định ranh giới các tỉnh Trung Kỳ, chưa được phân giới cắm mốc. Hai phần biên giới trên đã được chính quyền Pháp thể hiện trên 26 mảnh bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 do Sở địa dư Đông Dương xuất bản trong nhiều năm khác nhau. Trong giai đoạn từ năm 1954 đến 1975, tranh chấp biên giới cả trên biển và trên bộ thường xuyên diễn ra giữa chính quyền Sài Gòn và Campuchia. Kể từ khi Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền nam Việt Nam ra đời (12/1960) vấn đề biên giới lãnh thổ Campuchia - Việt Nam liên quan trực tiếp, ít nhất tới Campuchia và hai chính quyền Việt Nam Cộng hòa và Mặt trận dân tộc giải phóng Miền nam Việt Nam. Mặt khác, trong tiến trình của cuộc đấu tranh vũ trang chống Mỹ cứu nước, các lực lượng vũ trang Mặt trận dân tộc giải phóng Miền nam Việt Nam đã sử dụng khu vực biên giới như những căn cứ của mình. Chính trong bối cảnh này những tranh chấp về biên giới lãnh thổ Campuchia - Việt Nam được đặt ra ngày càng gay gắt. Sau những cuộc đàm phán không thành với chính quyền Sài Gòn, Campuchia tìm tới thỏa thuận với Mặt trận dân tộc giải phóng Miền nam Việt Nam. Tháng 8 năm 1964, Xihanuc gởi thư cho chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng Miền nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ, mong muốn hai bên gặp nhau để trao đổi ý kiến về vấn đề biên giới và tỏ lòng sẳn sàng: “Từ bỏ mọi đòi hỏi về đất đai để đổi lấy một sự công nhận rõ ràng đường biên giới hiện tại và chủ quyền của chúng tôi với các hòn đảo ven biển mà Chính phủ Sài Gòn đã đòi hỏi một cách phi pháp” [3, tr.5]. Trong các năm từ 1964 đến 1967, khi Campuchia công bố trung lập, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã hưởng ứng bản Thông cáo ngày 09 tháng 5 năm 1967 của Chính phủ Vương quốc Campuchia kêu gọi các nước tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ Campuchia trong những đường biên giới hiện tại, ngày 31 tháng 5 năm 1967, ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã trịnh trọng tuyên bố: “Khẳng định lập trường trước sau như một của mình là công nhận và cam kết tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia trong những đường biên giới hiện tại. Công nhận và cam kết tôn trọng biên giới hiện tại giữa miền Nam Campuchia và Việt Nam..."[3, tr.5]. Tiếp đó, ngày 08 tháng 6 năm 1967, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trịnh trọng tuyên bố: “Công nhận và cam kết tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia trong biên giới hiện tại. Hoàn toàn tán thành Tuyên bố ngày 31-5-1967 của ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam công nhận biên giới hiện nay giữa miền Nam Campuchia và Việt Nam. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà công nhận và cam kết tôn trọng biên giới đó” [3, tr.5]. Sau khi đất nước được thống nhất, thực hiện chính sách hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng, Việt Nam đã tiến hành đàm phán nhằm xác định rõ ràng đường biên giới với các nước láng giềng, trong đó có Campuchia. Trong các năm 1975 và 1976, hai bên đã xúc tiến một số cuộc đàm phán, thương lượng về biên giới nhưng không đạt được thỏa thuận. Theo Hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hòa nhân dân Campuchia và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hiêngxomrin thay mặt Hội đồng Nhân dân cách mạng nước Cộng hòa nhân dân Campuchia và Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay mặt chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký ngày 18 tháng Hai 1979, điều 4 có ghi: “Hai Bên sẽ đàm phán ký một Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa hai nước trên cơ sở đường biên giới hiện tại ; quyết tâm xây dựng đường biên giới này thành biên giới hòa bình, hữu nghị lâu dài giữa hai nước” [17, tr.61]. Việc giải quyết vấn đề biên giới giữa và Việt Nam trong giai đoạn này phụ thuộc vào tính chất của các bộ máy nhà nước được thiết lập ở Campuchia. Có thể nói sự giúp đỡ của Việt Nam trong việc lật đổ chế độ diệt chủng Pônpôt, thành lập Nhà nước Cộng hoà Nhân dân Campuchia, cũng như trong việc củng cố và bảo vệ bộ máy chính quyền trước hiểm họa Khmer Đỏ quay lại trong thời gian từ 1979 - 1985 đã tạo ra một môi trường thuận lợi để hai nước đàm phán, giải quyết vấn đề biên giới. Thực hiện các điều khoản của Hiệp ước ký ngày 18 tháng 02 năm 1979, Campuchia tiếp tục đàm phán với Việt Nam, hai nước đã tiến hành từng bước và đã ký kết được 4 văn kiện sau :  Hiệp định về các vùng nước lịch sử giữa CHXHCN Việt Nam và CHND Campuchia. Hiệp định này được các Bộ trưởng Ngoại giao của hai nước ký ngày 7 tháng 7 năm 1982 tại Thành phố Hồ Chí Minh và là một giải pháp tạm thời cho những vấn đề tồn tại về đường biên giới trên biển giữa hai nước. Hiệp định gồm 3 điều: Điều 1 xác định một cách chính xác một vùng biển được gọi là "vùng nước lịch sử của hai nước theo chế độ nội thủy" [2, tr.67]; Điều 2 thông báo rằng hai bên sẽ thương lượng cùng nhau để hoạch định đường biên giới biển giữa hai nước; Điều 3 đề cập tới một đường cơ sở để tính chiều rộng của vùng lãnh hải và thông báo việc hai bên chấp nhận đường Brêviê là đường phân chia các đảo.  Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Campuchia. Hiệp ước được hai Bộ trưởng Ngoại giao của hai nước ký ngày 20 tháng 7 năm 1983 tại Phnôm Pênh. Hiệp ước này đề ra những nguyên tắc để hoạch định biên giới giữa hai nước : Điều 1 xác định đường biên giới hiện tại, được thể hiện trên bản đồ tỷ lệ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương (Service Géographique de l' Indochine), thông dụng trước năm 1954 hoặc gần năm 1954 nhất, là đường biên giới quốc gia giữa hai nước, kèm theo là 26 mảnh bản đồ được hai bên xác nhận. ở nơi nào đường biên giới chưa được vẽ trên bản đồ, hoặc hai bên đều thấy chưa hợp lý thì sẽ cùng nhau bàn bạc giải quyết; Điều 2 nhắc lại Điều 2 của Hiệp định về vùng nước lịch sử ký năm 1982; Điều 3 về việc thành lập ủy ban liên hợp để hoạch định toàn bộ đường biên giới đất liền cũng như trên biển và để soạn thảo Hiệp ước về hoạch định đường biên giới quốc gia giữa hai nước. “Hiệp ước này hết giá trị sau khi Hiệp ước về hoạch định biên giới quốc gia giữa hai nước có hiệu lực” [17, tr.129].  Hiệp định về quy chế biên giới giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Campuchia Hiệp ước cũng được hai Bộ trưởng Ngoại giao ký tại Phnôm Pênh cùng ngày với Hiệp ước nêu trên. Hiệp định này gồm 19 điều quy định các thể thức qua lại biên giới, các quyền và nghĩa vụ đối với việc sử dụng sông ngòi trên đường biên giới. Hiệp định ghi rõ: “Ba tháng trước khi hết hạn, nếu không có bên nào muốn ủy bỏ Hiệp định này thì mặc nhiên thì mặc nhiên được gia hạn thêm” [2, tr.86]. Hiệp định đã chấm dứt hiệu lực từ ngày 21 tháng 7 năm 1993.  Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia Được hai Bộ trưởng Ngoại giao của hai nước ký ngày 27 tháng 12 năm 1985 tại Phnôm Pênh. Đây là kết quả hoạt động của ủy ban liên hợp được thành lập theo điều 3 của Hiệp định 1983 nói trên. Hiệp ước này gồm 5 điều : Điều 1 đưa ra một miêu tả chi tiết về đường biên giới trên bộ giữa hai nước từ ngã ba biên giới với Lào tới Vịnh Thái Lan; Điều 2 quy định việc xác định đường biên trong trường hợp đi theo các sông suối: “Sông, suối, rạch biên giới đổi dòng, đường biên giới vãn giữ nguyên không thay đổi theo dòng mới nếu hai bên không có thỏa thuận nào khác” [2, tr.102]; Điều 3 nhắc lại các nguyên tắc phân định đường biên giới trên biển và thông báo về việc sẽ ký một hiệp ước riêng về biên giới trên biển; Điều 4 thông báo về việc thành lập một ủy ban liên hợp để tiến hành việc phân giới trên thực địa và cắm mốc; Điều 5 quy định hiệp ước có hiệu lực từ ngày hai nước trao đổi thư phê chuẩn. Với việc ký kết 4 văn kiện nêu trên, toàn bộ đường biên giới trên đất liền, từ Đăk Lăk tới Hà Tiên đã được hai nước thống nhất xác định. Trong vòng 6 năm, hai nước đã hợp tác giải quyết được một công việc đáng kể về vấn đề biên giới mà trong suốt những năm trước đó đàm phán đều dẫn đến bế tắc. Việc giải quyết những vấn đề này được tiến hành trên cơ sở thực sự bình đẳng, hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau và có tinh thần xây dựng. Vì vậy, việc ký kết 4 văn kiện này là thắng lợi của tình hữu nghị, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau giữa nước Cộng hòa nhân dân Campuchia và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 giữa nước Cộng hoà nhân dân Campuchia và nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã hoạch định toàn bộ đường biên giới trên đất liền giữa hai nước trên cơ sở tuân thủ nghiêm chỉnh nguyên tắc đã được quy định trong Hiệp ước năm 1983. Nội dung hai Hiệp ước năm 1983 và 1985 nêu trên không chỉ phù hợp với thực tế khách quan về đường biên giới giữa Campuchia và Việt Nam, mà còn phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân Campuchia và nhân dân Việt Nam. Theo điều 1 Hiệp ước 1985, đường biên giới quốc gia trên đất liền giữa hai nước được mô tả chi tiết theo bản đồ UTM tỷ lệ 1/50.000 (đường biên giới đã hoạch định được chuyển từ bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 sang). “Hai bộ bản đồ đính kèm Hiệp ước (bản đồ Bonne và UTM) đều có giá trị như nhau” [2, tr.102]. Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985 đã thể hiện rõ lập trường của hai nước tôn trọng đường biên giới hiện tại, căn cứ vào các bản đồ do chính quyền thực dân xuất bản và sử dụng bản đồ UTM của quân đội Mỹ để thuận tiện cho việc phân giới cắm mốc. Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985 đánh dấu một mốc qu._. www.mofa.gov.vn/tt_baochi/pbnfn/ns060615084245 79. Đại sứ Thụy Sĩ, Na Uy, Canađa, Niu Dilân làm việc tại Gia Lai www.mofa.gov.vn/vi/nr040807104143/nr040807105039/ns051107095227 70. Đảng CPP ủng hộ Hiệp ước Biên giới Bổ sung Campuchia - Việt Nam www.mofa.gov.vn/vi/nr040807104143/nr040807105039/ns051019101658 71. Hội nghị triển khai thực hiện Hiệp ước bổ sung về biên giới VN - CPC www.mofa.gov.vn/vi/nr040807104143/nr04/08/07105001/ns041206130534 72. Hội nghị tổng kết công tác biên giới Việt Nam - Campuchia www.mofa.gov.vn/vi/nr040807104143/nr040807105001/ns401206130534 73. Hợp tác giữa các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia đạt nhiều kết quả www.mofa.gov.vn/vi/nr040807104143/nr040807105001/ns050919145651 74. Hợp tác phát triển biên giới Campuchia - Việt Nam. www.mofa.gov.vn/vi/nr040807104143/nr040807105001/ns040915151618 75. Thông cáo chung Hội nghị lần thứ hai về hợp tác và phát triển giữa các tỉnh biên giới Campuchia - Việt Nam. www.mofa.gov.vn/vi/nr040807104143/nr040807105001/ns050930093349 76. Campuchia - Việt Nam xây dựng đường biên giới hoà bình. www.mofa.gov.vn/vi/nr040807104143/nr040807105001/ns050930094619 77. Việt Nam - Campuchia hợp tác phát triển các tỉnh biên giới. www.mofa.gov.vn/vi/nr040807104143/nr04/08/07105001/ns061226083657 78. Xây dựng đường biên giới hoà bình, ổn định, hợp tác, cùng phát triển giữa Việt Nam và Campuchia. www.mofa.gov.vn/vi/nr040807104143/nr040807105039/ns051129171827 *Bộ tài nguyên môi trường 79. Cục Đo đạc và Bản đồ triển khai Hiệp ước biên giới Việt Nam - Campuchia. home.ciren.gov.vn/index.php?nre_site=News&nth_in=viewst&sid=4441 80. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Campuchia Hunxen dự khánh thành cột mốc cửa khẩu quốc tế Mộc Bài - Bà Vẹt. www.monre.gov.vn/MONRENET/default.aspx?tabid=211&idmid=&ItemID=175 45 - 35k – * bộ thương mại 81. Tình hình xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Campuchia. www1.mot.gov.vn/tktm/Default.aspx?itemid=6&ttruong=9 * ĐạI Sứ QUáN CH XHCN VN TạI HợP CHủNG QUốC HOA Kỳ 82. Họp báo của BNG Việt Nam ngày 5/4/2001. 83. Tuyên bố của NFN BNG VN về việc UNHCR rút khỏi thoả thuận 3 bên * ĐàI TIếNG NóI VIệT NAM 84. Hợp tác 3 bên về vấn đề người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên hồi hương được thực hiện tốt. www.vovnews.vn/?page=109&nid=11457#top * quê hương 85. Tiếp tục tăng cường quan tâm đến cộng đồng người Việt Nam ở Campuchia. www.quehuong.org.vn/vi/nr041215095635/nr050111152207/ns051108145127 * THÔNG TấN Xã VIệT NAM 86. Campuchia tố cáo UNHCR về vấn đề người thiểu số ở Tây Nguyên. www.vnagency.com.vn/TrangChu/VN/tabid/58/itemid/99575/Default.aspx 87. Việt Nam phê phán hành động sai trái của UNHCR. www.vnagency.com.vn/TrangChu/VN/tabid/58/itemid/99543/Default.aspx 88. Giải quyết vấn đề người thiểu số Tây Nguyên ở Campuchia. www.vnagency.com.vn/TrangChu/VN/tabid/58/itemid/97947/Default.aspx * Tuổi trẻ 89. Người Việt ở Biển Hồ. www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=45730&ChannelID=12 6 - 39k – * Vietnamnet và một số địa chỉ khác 90. Ksor Kok là ai? www2.vietnamnet.vn/service/printversion.vnn?article_id=237281 91. 92. phụ lục 1 những sự kiện quan trọng của quan hệ CAMPUCHIA - việt nam GIAI Đoạn 12/1985 - 3/2006 Ngày 27 tháng 12 năm 1985 Việt Nam và Campuchia ký Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa hai nước Ngày 23 tháng 01 năm 1986 Hội nghị ngoại trưởng Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ 12 tại PhnomPenh. Ngày 28 tháng 5 năm 1986 Đợt rút quân tình nguyện Việt Nam thứ 5 khỏi Campuchia. Ngày 08 tháng 7 năm 1986 Nghị quyết 32 BCT: chuyển sang giai đoạn đấu tranh mới dưới hình thức cùng tồn tại hoà bình với Trung Quốc, ASEAN, Mỹ; giải quyết hoà bình vấn đề Campuchia. Ngày 27 tháng 8 năm 1987 Chính phủ CHND Campuchia công bố chính sách 5 điểm về hoà hợp dân tộc. Ngày 27 tháng 11 năm 1987 Đợt rút quân thứ 6 của quân tình nguyện Việt Nam khỏi Campuchia. Ngày 20 tháng 5 năm 1988 Nghị quyết 13 BCT: giải quyết vấn đề Campuchia trước 1990, phấn đấu bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc. Ngày 26 tháng 5 năm 1988 Bộ Ngoại Giao Việt Nam tuyên bố rút quân đợt 7 gồm 50.000 quân và Bộ Tư lệnh quân tình nguyện; số quân còn lại sẽ rút sâu vào 30km tronglãnh thổ Campuchia dọc biên giới Campuchia - Thái Lan. Ngày 25 tháng 7 năm 1988 Họp JIM 1 (Jakarta Infornal Meeting) tại Bô-go (Inđônêxia). Cuộc họp tiến hành làm 2 bước: bước đầu chỉ có 4 phái Campuchia; bước sau có thêm Việt Nam, Lào và 6 nước ASEAN. Mục đích: tạo một khuôn khổ cho các cuộc thảo luận không chính thức, giữa các bên liên quan trực tiếp và các nước hữu quan trong việc tìm kiếm một giải pháp toàn diện, đúng đắn và lâu dài cho vấn đề Campuchia. Cuộc họp đã khẳng định 2 vấn đề then chốt: việc rút quân Việt Nam trong khuôn khổ một giải pháp chính trị và việc ngăn chặn sự trở lại của chế độ diệt chủng Polpot. Ngày 01 tháng 12 năm 1988 Hoàn thành đợt rút quân Việt Nam thứ 7 khỏi Campuchia gồm 50.000 quân và Bộ Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia. Ngày 05 tháng 01 năm 1989 TBT Nguyễn Văn Linh dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam đi PhnomPenh dự lễ kỷ niệm 10 năm Quốc khánh CHND Campuchia. Ngày 06 tháng 01 năm 1989 Tuyên bố của Nguyễn Văn Linh và của Heng Somrin là sẽ rút hết quân Việt Nam khỏi Campuchia trong khuôn khổ một giải pháp chính trị vào tháng 9 năm 1989 Ngày 19 tháng 02 năm 1989 Họp JIM 2. Khẳng định lại 2 vấn đề mấu chốt của giải pháp cho vấn đề Campuchia là rút quân tình nguyện Việt Nam trong khuôn khổ một giải pháp chính trị và ngăn ngừa sự quay trở của chế độ Pônpôt; chấm dứt mọi sự can thiệp của nước ngoài và sự giúp đỡ về quân sự cho các phái đối lập Khmer. Ngày 05 tháng 4 năm 1989 Ba chính phủ Việt Nam, Campuchia, Lào ra tuyên bố: sẽ rút hết quân Việt Nam khỏi Campuchia tháng 9. Ngày 30 tháng 4 năm 1989 Quốc hội Campuchia họp phiên bất thường: sửa hiến pháp, đổi tên nước CHND Campuchia thành Nhà nước Campuchia, thay quốc kỳ Ngày 30 tháng 7 năm 1989 (30/7-30/8) Hội nghị quốc tế về Campuchia tại Paris: việc rút quân Việt nam không còn là vấn đề lớn mà vấn đề lớn là diệt chủng. Hội nghị không đạt được một giải pháp chính trị, bế tắc ở vấn đề chia quyền giữa các bên Campuchia trong thời kỳ quá độ. Ngày 21 tháng 8 năm 1989 Đợt rút quân Việt nam cuối cùng khỏi Campuchia Ngày 29 tháng 9 năm 1989 Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố: Đến ngày 26 tháng 9 năm 1989, toàn bộ quân tình nguyện Việt Nam cùng với vũ khí đã rút khỏi CPC Ngày 24 tháng 02 năm 1991 Nguyễn văn Linh gặp Hiêng Somrin tại Hà nội, lại thuyết phục PhnomPenh nhận công thức 6+2+2+2+1 để thúc đẩy chính sách hoà hợp dân tộc theo ý của Trung quốc trong cuộc gặp Thành Đô ngày 3.9.90 Ngày 23 tháng 10 năm 1991 Hội nghị quốc tế về Campuchia tại Paris. Ký kết hiệp định hoà bình Campuchia Ngày 24 tháng 01 năm 1992 Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm thăm Campuchia theo lời mời của chủ tịch Hội đồng Dân tộc tối cao Campuchia Xihanuc, ký thông cáo chung về củng cố quan hệ giữa hai nước. Ngày 23 tháng 5 năm 1993 Tổng tuyển cử ở Campuchia. Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia và Mặt trận thống nhất dân tộc vì một nước Campuchia độc lập, trung lập, hòa bình và hợp tác (Funcipec) đều giành thắng lợi. Ngày 02 tháng 4 năm 1994 Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm Campuchia. Ngày 08 tháng 8 năm 1995 Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm Campuchia Ngày 13 tháng 12 năm 1998 Thủ tướng Hunxen thăm chính thức Việt Nam. Hai bên ký Hiệp định hợp tác về vận tải đường thủy và ký Nghị định về hợp tác du lịch 1999- 2000. Ngày 30 tháng 4 năm 1999 Tại Hà Nội, Campuchia được kết nạp vào ASEAN. Tổ chưc ASEAN gồm 10 nước ĐNA Ngày 06 tháng 6 năm 1999 Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm Campuchia. Hai bên đã ký Biên bản thỏa thuận kỳ họp thứ 3 của Uỷ ban liên chính phủ Campuchia - Việt Nam; Hiệp định hợp tác năng lượng giai đoạn 2000-2010 và Nghị thư về hợp tác giáo dục đào tạo. Ngày 15 tháng 01 năm 2000 Chủ tịch QH Nông Đức Mạnh thăm Campuchia Ngày 03 tháng 3 năm 2000 Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên thăm CPC Ngày 27 tháng 8 năm 2000 Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng thăm Campuchia. Hai bên đã ký Hiệp định liên chính phủ về việc tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh khi làm nhiệm vụ trong các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia; Hiệp định hợp tác nông nghiệp và Hiệp định hợp tác y tế. Ngày 05 tháng 02 năm 2001 Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hô Nam Hông thăm Việt Nam Ngày 26 tháng 11 năm 2001 Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Campuchia. Hai nước đã ký Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; Hiệp định buôn bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ thương mại khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia. Ngày 28 tháng 01 năm 2002 Thủ tướng Xămđéc Hun Xen thăm Việt Nam Ngày 26 tháng 12 năm 2002 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thăm Campuchia Ngày 13 tháng 9 năm 2004 Phó Thủ tướng Sa Khênh đồng chủ trì Hội nghị hợp tác các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia lần đầu tiên được tổ chức tại Thành phố Hồ Chic Minh. Ngày 13 tháng 01 năm 2005 Phó Thủ tướng Sốc An thăm Việt Nam Ngày 28 tháng 3 năm 2005 Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm hữu nghị chính thức Campuchia. Hai bên ra Tuyên bố chung Việt Nam - Campuchia , khẳng định phương châm phát triển quan hệ hai nước trong thời kỳ mới theo hướng “Hợp tác láng giềng tốt đẹp, đoàn kết, hữu nghị truyền thống, ổn định lâu dài” Ngày 29 tháng 9 năm 2005 Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng đồng chủ trì Hội nghị hợp tác các tỉnh biên giới Việt Nam - Campuchia lần hai tại Thành phố Xiêm Riệp. Ngày 10 tháng 10 năm 2005 Thủ tướng Campuchia Hun Xen thăm chính thức Việt Nam. Trong chuyến thăm này Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Hun Xen đã hội đàm và ký kết các văn bản: Tuyên bố chung Campuchia - Việt Nam; Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới ký năm 1985 giữa Campuchia - Việt Nam và các Bộ trưởng hai nước cũng đã ký 6 văn kiện hợp tác khác. Ngày 06 tháng 3 năm 2006 Thủ tướng Phan Văn Khải thăm chính thức Campuchia. Hai nước đã ký các văn bản hợp tác: Việt Nam giúp Campuchia sản xuất cột mốc biên giới; Hiệp định kiểm dịch y tế.... Ngày 16 tháng 3 năm 2006 Quốc vương Campuchia N. Xihamôni thăm chính thức Việt Nam. Đây là chuyên thăm đầu tiên và là chuyến thăm nước ngoài thứ ba của ông trên ngôi vị Quốc vương của Campuchia PHụ lục 2 Tuyên bố chung Campuchia - Việt Nam NĂM 2005 1. Nhận lời mời của Quốc vương Campuchia Pre Bat Xămđéc Pre Boromniết Nôrôđôm Xihamôni, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh đã sang thăm Nhà nước Vương quốc Campuchia từ ngày 28 đến ngày 30 tháng 3 năm 2005. Quốc vương Norodom Sihamoni đã nồng nhiệt chào đón Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, thể hiện mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống tốt đẹp giữa hai nước Campuchia - Việt Nam. Trong cuộc hội đàm, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Quốc vương Nôrôđôm Xihamôni, đã trao đổi ý kiến sâu rộng về tình đoàn kết hữu nghị và sự hợp tác truyền thống giữa Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia. Quốc vương Norodom Sihamoni đã mở quốc yến chào mừng Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và các vị khách quý Việt Nam. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã có các cuộc hội kiến với Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Xămđéc Hun Xen; Quyền Chủ tịch Thượng viện Campuchia Xămđéc Xixôvát Chivăn Mônirắc; Phó Chủ tịch thứ hai Quốc hội Campuchia Nguôn Nhen; thăm Vua Sãi Tép Vông và Vua Sãi Bu Kri. Các cuộc hội đàm, hội kiến đã diễn ra trong bầu không khí thắm tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống, trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Trong thời gian ở thăm Vương quốc Campuchia, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã đến đặt Vòng hoa tại Đài Độc lập và Đài Hữu nghị Campuchia - Việt Nam; thăm một số trung tâm kinh tế, văn hoá ở Thủ đô Phnôm Pênh và tỉnh Xiêm Riệp. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã thăm Đại sứ quán Việt Nam và nói chuyện thân mật với các quan chức Sứ quán và đại biểu Việt kiều ở Campuchia. 2. Quốc vương Nôrôđôm Xihamôni và các nhà lãnh đạo cấp cao Campuchia đánh giá cao ý nghĩa của chuyến thăm nhà nước Vương quốc Campuchia của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, coi đây là sự kiện trọng đại có ý nghĩa lịch sử, mở ra một giai đoạn phát triển mới của mối quan hệ đoàn kết hữu nghị truyền thống và sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Campuchia trong thế kỷ XXI. Quốc vương Norodom Sihamoni và các nhà lãnh đạo cấp cao Campuchia đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu mà Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã dành cho nhân dân Campuchia trước đây cũng như hiện nay. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu mà Quốc vương Nôrôđôm Xihamôni, cựu Quốc vương Nôrôđôm Xihanúc, Hoàng tộc, Chính phủ Hoàng gia và nhân dân Campuchia đã dành cho nhân dân Việt Nam từ trước đến nay. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chân thành chúc Quốc vương Nôrôđôm Xihamôni, cựu Quốc vương Nôrôđôm Xihanúc và Hoàng Thái hậu Nôrôđôm Môniniết Xihanúc mạnh khỏe, trường thọ và hạnh phúc, tiếp tục đóng góp cho sự phồn vinh của Vương quốc Campuchia và tình hữu nghị mãi mãi giữa hai dân tộc Campuchia - Việt Nam. 3. Quốc vương Nôrôđôm Xihamôni và các nhà lãnh đạo cấp cao Campuchia đã bày tỏ vui mừng và khâm phục trước những thành tựu to lớn mà nhân dân Việt Nam đạt được trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; hoan nghênh đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tin tưởng rằng, nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đứng đầu, tiếp tục giành được nhiều thành tựu mới to lớn hơn nữa trong công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhiệt liệt hoan nghênh những thành tựu to lớn mà nhân dân Campuchia đạt được trong sự nghiệp hoà bình, hoà hợp dân tộc, phát triển kinh tế-xã hội, mở rộng quan hệ quốc tế. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tin tưởng rằng, kế tục sự nghiệp cao cả của Cựu Quốc vương Nôrôđôm Xihanúc, dưới sự trị vì anh minh của Quốc vương Nôrôđôm Xihamôni và sự lãnh đạo sáng suốt của Chính phủ Hoàng gia Campuchia dựa trên liên minh hai đảng CPP và FUNCINPEC do Xămđéc Hun Xen làm Thủ tướng, nhân dân Campuchia tiếp tục đạt được những thành tựu mới to lớn hơn nữa trong công cuộc xây dựng một nước Campuchia hòa bình, độc lập, trung lập, không liên kết, phồn vinh, có quan hệ hữu nghị với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước láng giềng. 4. Hai bên bày tỏ hài lòng trước sự phát triển tốt đẹp trong quan hệ hai nước và một lần nữa khẳng định quyết tâm củng cố và phát triển quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài, trên cơ sở các nguyên tắc đã được nêu rõ trong các Tuyên bố chung Campuchia - Việt Nam năm 1999 và năm 2001 là: tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực; không cho phép bất cứ lực lượng chính trị, quân sự nào dùng lãnh thổ của nước mình chống nước kia; hợp tác bình đẳng cùng có lợi; giải quyết mọi vấn đề nẩy sinh giữa hai nước bằng con đường thương lượng hoà bình, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Đông Nam á và trên thế giới. 5. Hai bên thỏa thuận tiếp tục các cuộc gặp cấp cao và các cấp lãnh đạo khác, nhằm tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy và tạo thuận lợi cho việc không ngừng mở rộng hợp tác toàn diện giữa hai nước, giữa các cơ quan lập pháp, Chính phủ và chính quyền các địa phương, nhất là các địa phương giáp biên giới hai nước; khuyến khích quan hệ hữu nghị nhân dân, nhất là giữa thế hệ trẻ hai nước, nhằm làm cho họ hiểu biết về tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống Campuchia - Việt Nam. 6. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của hợp tác kinh tế, thúc đẩy quan hệ và tăng cường thương mại và đầu tư cho tương xứng với mong muốn và tiềm năng của hai nước; đánh giá cao kết quả tích cực của Cuộc họp lần thứ 7 Uỷ ban hỗn hợp về hợp tác song phương Campuchia - Việt Nam tại Phnôm Pênh tháng 2 năm 2005. Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, khoa học-kỹ thuật, giáo dục và đào tạo, văn hóa, nghệ thuật, y tế, du lịch, thể thao, bảo vệ môi trường và các lĩnh vực khác mà hai bên cùng quan tâm. 7. Hai bên cam kết tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của nhau, đánh giá cao việc thành lập Uỷ ban Liên hợp Biên giới, hoan nghênh nỗ lực của hai Chính phủ trong việc tiếp tục thúc đẩy giải quyết càng sớm càng tốt các vấn đề còn tồn tại về biên giới thông qua đàm phán hoà bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết lẫn nhau và láng giềng tốt, nhằm xây dựng đường biên giới Campuchia - Việt Nam thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác cùng phát triển. Chính phủ hai nước tiếp tục hợp tác chặt chẽ phòng chống tội phạm qua biên giới và nhập cư bất hợp pháp. 8. Hai bên tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho kiều dân của nhau để họ sinh sống bình thường ở mỗi nước như các ngoại kiều khác, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước. Phía Việt Nam bày tỏ sự cảm ơn chân thành đối với Quốc vương, Chính phủ Hoàng gia và nhân dân Campuchia đã quan tâm giúp đỡ và bảo đảm các quyền hợp pháp của Việt kiều ở Campuchia để họ sinh sống và làm ăn bình thường ở Campuchia. 9. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác với Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào trong việc thực hiện Tuyên bố Viêng Chăn về Tam giác phát triển giữa ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam; tăng cường phối hợp chặt chẽ với nhau và với các bên thứ ba khác trong khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng Mêkông, Hành lang Đông-Tây và các dự án hợp tác đa phương khác. Hai bên khẳng định tích cực đóng góp cho sự hợp tác giữa các nước ASEAN, xây dựng Đông Nam á thành khu vực hoà bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng. 10. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh chân thành cảm ơn Quốc vương Campuchia Pre Bat Xămđéc Pre Boromniết Nôrôđôm Xihamôni và các nhà lãnh đạo Campuchia, Chính phủ Hoàng gia và nhân dân Campuchia đã dành cho Tổng Bí thư sự đón tiếp trọng thị, nồng nhiệt, tràn đầy tình cảm hữu nghị anh em. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh trân trọng mời Quốc vương Campuchia Pre Bat Xămđéc Pre Boromniết Nôrôđôm Xihamôni sang thăm chính thức nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc vương Nôrôđôm Xihamôni đã chân thành cảm ơn và nhận lời. Phnôm Pênh, ngày 30 tháng 3 năm 2005 Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam tại Phnôm Pênh, ngày 30 tháng 3 năm 2005 phụ lục 3 HIệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam và nước cộng hòa nhân dân campuchia năm 1983 Hội đồng Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hội đồng Nhà nước nước Cộng hoà nhân dân Campuchia; Với lòng mong muốn không ngừng củng cố và phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tăng cường tình đoàn kết chiến đấu và sự giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt để xây dựng đất nước phồn vinh và cuộc sống hạnh phúc của nhân dân hai nước; ... Các Đại diện toàn quyền, sau khi trao đổi giấy ủy nhiệm thấy là hợp lệ, đã thoả thuận những điều sau đây : Điều 1 : Trên đất liền, hai Bên coi đường biên giới hiện tại giữa hai nước được thể hiện trên bản đồ tỷ lệ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương (Service Géographique de l'Indochine), thông dụng trước năm 1954 hoặc gần năm 1954 nhất (kèm theo 26 mảnh bản đồ được hai Bên xác nhận), là đường biên giới quốc gia giữa hai nước. ở nơi nào đường biên giới chưa được vẽ trên bản đồ, hoặc hai Bên đều thấy chưa hợp lý thì hai Bên sẽ cùng nhau bàn bạc giải quyết trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, vì lợi ích của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Campuchia, phù hợp với luật pháp quốc tế và thực tiễn quốc tế. Điều 2 : Hai Bên sẽ thương lượng vào thời gian thích hợp để hoạch định đường biên giới trên biển giữa hai nước trong vùng nước lịch sử đã được hai Bên thoả thuận theo tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, vì lợi ích của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Campuchia, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế. Điều 3 : Vào thời gian thích hợp và được hai Bên thoả thuận, hai Bên sẽ thành lập ủy ban liên hợp gồm số đại biểu bằng nhau của mỗi Bên để hoạch định đường biên giới đất liền và đường biên giới trên biển theo Điều 1 và Điều 2 của Hiệp ước này, soạn thảo Hiệp ước về hoạch định đường biên giới quốc gia giữa hai nước. Điều 4 : Hiệp ước này sẽ được phê chuẩn và có hiệu lực kể từ ngày trao đổi thư phê chuẩn. Hiệp ước này sẽ hết hiệu lực ngay sau khi Hiệp ước về hoạch định biên giới quốc gia giữa hai nước nói ở Điều 3 trên đây có hiệu lực. Làm tại Phnôm Pênh ngày 20 tháng 7 năm 1983 thành hai bản bằng tiếng Việt và tiếng Khmer, cả hai văn bản đều có giá trị như nhau. Được ủy nhiệm của Hội đồng Nhà nước nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam NGUYễN CƠ THạCH Bộ trưởng Bộ ngoại giao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Được ủy nhiệm của Hội đồng Nhà nước nước Cộng hoà nhân dân Campuchia HUN XEN Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà nhân dân Campuchia Nguồn: GS TSKH Vũ Minh Giang (chủ biên) (2006) Lược sử vùng đất Nam Bộ - Việt Nam, Nxb Thế giới 2006. Trang 128-130. phụ lục 4 HIệp định về quy chế biên giới giữa nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam và nước cộng hòa nhân dân campuchia năm 1983 Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Campuchia; ... Với lòng mong muốn xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị lâu dài giữa hai nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, phù hợp với mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Campuchia nhằm tăng cường bảo vệ an ninh khu vực biên giới hai nước; Đã thoả thuận những điều sau đây : I. Đường biên giới và khu vực biên giới Điều 1 : Cho đến khi được hoạch định chính thức, biên giới quốc gia giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà nhân dân Campuchia là đường biên giới hiện tại được thể hiện trên bản đồ tỷ lệ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương (Service Géographique de l'Indochine) thông dụng trước năm 1954 hoặc gần năm 1954 nhất như qui định ở Điều 1 Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà nhân dân Campuchia ký ngày 20 tháng 7 năm 1983. Điều 2 : Đường biên giới quốc gia giữa hai nước phải được tôn trọng. Các mốc giới phải được bảo vệ. Cấm xê dịch hoặc làm hư hại mốc giới. Điều 19 : ... Làm tại Phnôm Pênh, ngày 20 tháng 7 năm 1983 thành hai bản bằng tiếng Việt và tiếng Khmer, cả hai văn bản đều có giá trị như nhau. Thay mặt Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam NGUYễN CƠ THạCH Bộ trưởng Bộ ngoại giao nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Thay mặt Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Campuchia HUN XEN Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Cộng hoà nhân dân Campuchia Nguồn: GS TSKH Vũ Minh Giang (chủ biên) (2006) Lược sử vùng đất Nam Bộ - Việt Nam, Nxb Thế giới 2006. Tr 131-132. Phụ lục 5 danh sách hai mươi sáu tờ bản đồ 1/100.000 của sở địa dư đông dương (Kèm theo Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết biên giới Campuchia - Việt Nam) STT Tên tờ Số hiệu Năm Năm bản đồ xuất bản tái bản 1 Dak To 148 W 1954 1954 2 Yaly 156 W 1955 3 Bô Kham 164 W 1950 1954 4 Bô Kham 164 E 1928 1953 5 Komayol 172 E 1952 1953 6 Komayol 172 W 1952 7 Ban Don 181 W 1953 8 Ban Don 181 E 1953 9 Poste Maitre 192 E 1941 1953 10 Poste Maitre 192 W 1950 1953 11 Sré Kh Tum 191 E 1952 1953 12 Lôc Ninh 201 E 1929 1954 13 Lôc Ninh 201 W 1929 1951 14 Memot 200 E 1929 1951 15 Memot 200 W 1929 1951 16 Tây Ninh 210 E 1929 1951 17 Tây Ninh 210 W 1929 1951 18 Prey Veng 209 E 1929 1952 19 Trang Bang 220 W 1925 1952 20 Trang Bang 220 E 1925 1952 21 Svey Rieng 219 E 1928 1951 22 Svey Rieng 219 E 1927 1951 23 Ta Keo 218 E 1927 1951 24 Ha Tien 227 E 1932 1953 25 Ha Tien 227 W 1932 1953 26 Kampot 226 E 1943 1951 Nguồn: [2, tr.73] phụ lục 6 HIệp ước giữa hai nước chxhcn việt nam và vương quốc campuchia bổ sung hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 Ký ngày 10 tháng 10 năm 2005 Thay mặt Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và (dưới đây gọi là “hai bên ký kết”); Với lòng mong muốn xây dựng đường biên giới hoà bình, an ninh, ổn định lâu dài giữa hai nước, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào nội bộ của nhau, hợp tác bình đẳng cùng có lợi nhằm duy trì và tăng cường mối quan hệ láng giềng hữu nghị, đoàn kết truyền thống giữa hai nước; Với mục đích sớm kết thúc tiến trình phân giới cắm mốc đường biên giới chung giữa hai nước; Ngài Phan Văn Khải, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và ngài Xămdec Hunxen, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia, Đã quyết định ký Hiệp ước bổ sung về việc hoạch định biên giới trên đất liền giữa nước CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia (dưới đây gọi là “Hiệp ước bổ sung”) nhằm xác nhận những sửa đổi so với đường biên giới đã được hoạch định bởi Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Campuchia ký ngày 27/12/1985 (dưới đây gọi là “Hiệp ước hoạch định biên giới 1985”); Với những thoả thuận sau đây : Điều I : Hai bên ký kết thống nhất áp dụng một số nguyên tắc và giải pháp trên cơ sở Hiệp ước hoạch định biên giới 1985 để điều chỉnh hướng đi của đường biên giới đất liền ở một số khu vực cụ thể: 1. Hai bên ký kết thống nhất áp dụng các nguyên tắc và thực tiễn quốc tế về biên giới theo sông suối để hoạch định đường biên giới sông suối trên toàn tuyến biên giới đất liền giữa hai nước, cụ thể là: - Đối với những đoạn sông suối biên giới tàu thuyền không đi lại được, đường biên giới đi theo trung tuyến của dòng chảy chính. - Đối với những đoạn sông suối biên giới tàu thuyền đi lại được, đường biên giới đi theo tuyến của luồng chính tàu thuyền đi lại được. 1.1. Vị trí chính xác đường trung tuyến của dòng chảy chính hoặc của uồng chính tàu thuyền đi lại được và sự qui thuộc của các cồn, bãi và sự xoái mòn ven bờ sông suối sẽ được hai Bên ký kết xác định cụ thể trong quá trình phân giới, cắm mốc. Tiêu chuẩn chính xác để xác định dòng chảy chính là lưu lượng dòng chảy ở mực nước trung bình. Tiêu chuẩn chính xác để xác định luồng chính tàu thuyền đi lại được la độ sâu của luồng tàu thuyền đi lại được, kết hợp với chiều rộng và bán kính độ cong của luồng tàu thuyền đi lại được để xem xét tổng hợp. Trung tuyến của luồng chính tàu thuyền đi lại được là trung tuyến mặt nước giữa hai đường đẳng sâu tương ứng đánh dấu luồng chính tàu thuyền đi lại được. 1.2. Trong trường hợp không có sự thỏa thuận của hai bên ký kết, bất kỳ sự thay đổi nào có thể xảy ra đối với sông suối được lấy làm biên giới cũng không làm thay đổi hướng đi của đường biên giới, không ảnh hưởng đến vị trí của đường biên giới cũng như sự qui thuộc các cồn, bãi. Những cồn, bãi xuất hiện trên sông suối được lấy làm biên giới sau khi đường biên giới này đã được xác định trên thực địa sẽ được hoạch định qui thuộc theo đường biên giới trên thực địa. Đối với các cồn, bãi mới xuất hiện và nằm trên đường biên giới đã được xác định trên thực địa, hai bên ký kết sẽ bàn bạc nhằm xác định sự quy thuộc của các cồn bãi nói trên trên cơ sở công bằng và hợp lý. 2. Trong quá trình giải quyết các vấn đề biên giới trên đất lièn giữa Việt Nam và Campuchia, để xác định hướng đi của đường biên giới đối với 6 khu vực mà hai bên ký kết có sự khác biệt về quan điểm trong các vòng họp của Uỷ ban liên hợp về biên giới từ năm 1999-2000, hai bên ký kết nhất trí dựa vào những yếu tố sau để xem xét và áp dụng: - Các yếu tố pháp lý mà chính quyền thực dân đã sử dụng để vạch đường biên giới trên đất liền Việt Nam – Campuchia; - Thực trạng quản lý và chiếm hữu thực sự của dân cư qua nhiều thế hệ; - Các đặc trưng địa hình phù hợp với những nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế được áp dụng cho việc xác định hướng đi của đường biên giới qua các dạng địa hình khác nhau như đường phân thủy, đường sông núi, đường nối các điểm cao... ... Điều VI. Hiệp ước bổ sung này sẽ được phê chuẩn và có hiệu lực kể từ ngày trao đổi các Văn kiện phê chuẩn. Làm tại Hà Nội, ngày 10-10-2005 thành hai bản gốc, mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng Khmer và tiếng Pháp; cả ba bản đều có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự giải thích khác nhau, bản tiếng Pháp được lấy làm căn cứ. Thay mặt chính phủ nước Chxhcn Việt Nam (đã ký) PHAN VĂN khải thủ tướng chính phủ Thay mặt chính phủ hoàng gia campuchia (đã ký) HUN XEN chính phủ hoàng gia Nguồn: Ban biên giới (Bộ ngoại giao), Các văn bản pháp lý về việc giải quyết Biên giới Việt Nam - Campuchia, Nxb Thế giới 2006. Tr 110-120. phụ lục 7 Sự lưu luyến của người dân Campuchia với quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế lên đường về nước năm 1989. ảnh: TTXVN Quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế lên đường về nước năm 1989. ảnh: TTXVN phụ lục 8 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hunxen thực hiện nghi thức khánh thành cột mốc biên giới tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài - Bavet ngày 27-9-2006. ảnh: TTXVN Sơ đồ phân giới cắm mốc Campuchia - Việt Nam Nguồn: Ban biên giới chính phủ ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfLA7291.pdf
Tài liệu liên quan