Phong trào yêu nước chống Pháp ở Nam kỳ giai đoạn 1885 - 1918

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI ----------–&—---------- ĐẶNG THỊ HUẾ PHONG TRÀO YÊU NƯỚC CHỐNG PHÁP Ở NAM KỲ GIAI ĐOẠN 1885-1918 LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ HÀ NỘI - 2021 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI ĐẶNG THỊ HUẾ PHONG TRÀO YÊU NƯỚC CHỐNG PHÁP Ở NAM KỲ GIAI ĐOẠN 1885-1918 Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam Mã số: 9.22.90.13 LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC PGS.TS. NGUYỄN DUY BÍNH HÀ NỘI- 2021 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoa

docx213 trang | Chia sẻ: huong20 | Ngày: 13/01/2022 | Lượt xem: 626 | Lượt tải: 0download
Tóm tắt tài liệu Phong trào yêu nước chống Pháp ở Nam kỳ giai đoạn 1885 - 1918, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
n bản luận án này là công trình nghiên cứu khoa học của riêng tôi. Các trích dẫn khoa học và tài liệu tham khảo nêu trong luận án là trung thực. Các kết quả nghiên cứu nêu trong luận án chưa từng được công bố trong một công trình nào khác. Hà Nội, ngày 12 tháng 3 năm 2021 Tác giả luận án Đặng Thị Huế LỜI CẢM ƠN Để hoàn thành đề tài luận án, tôi đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ của nhiều tổ chức và cá nhân trong nước. Vì vậy tôi xin trân trọng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Ban lãnh đạo cùng các Thầy Cô Học viện Tài chính, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đặc biệt là PGS.TS Nguyễn Duy Bính đã tận tình hướng dẫn để tôi hoàn thành luận án. Tôi xin chân thành cảm ơn Ban lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Trung tâm lưu trữ Quốc gia I, Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Thư viện Quốc gia, Thư viện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Thư viện Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh...đã tạo điều kiện giúp đỡ để tôi được tiếp cận với nguồn tài liệu phục vụ cho việc nghiên cứu. Tôi xin được gửi tới quý Thầy Cô, gia đình, đồng nghiệp, bạn bè lòng biết ơn sâu sắc vì đã luôn giúp đỡ, động viên tôi trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu và hoàn thành luận án. Tác giả luận án Đặng Thị Huế MỤC LỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 152 PHỤ LỤC 171 DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT CTQG : Chính trị Quốc gia. ĐHQG : Đại học Quốc gia. KHXH và NV : Khoa học Xã hội và Nhân văn. NCLS : Nghiên cứu Lịch sử. Nxb : Nhà xuất bản. VHTT : Văn hóa Thông tin. MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Với Hiệp ước Patenôtre (6.6.1884), triều đình nhà Nguyễn đã đầu hàng thực dân Pháp xâm lược. Tuy nhiên, người dân Nam Kỳ giàu lòng yêu nước vẫn cùng nhân dân Bắc Kỳ, Trung Kỳ vùng lên đấu tranh. Giai đoạn từ năm 1885 đến năm 1918 có ý nghĩa quan trọng đối với lịch sử truyền thống đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân Nam Kỳ, đó chính là giai đoạn phong trào yêu nước chống Pháp chuyển từ khuynh hướng phong kiến sang khuynh hướng dân chủ tư sản. Các phong trào đấu tranh vũ trang thời kỳ phong kiến đã lần lượt thất bại, các sĩ phu yêu nước Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng dân chủ tư sản tác động từ bên ngoài vào đã thấy được sự cần thiết phải thay đổi con đường đấu tranh theo hình thức mới phù hợp hơn để giành thắng lợi. Phong trào yêu nước chống Pháp ở Nam Kỳ giai đoạn 1885-1918 diễn ra với nhiều hình thức khác nhau, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, thể hiện rõ ý chí kiên cường, lòng quả cảm và tính sáng tạo, không chịu khuất phục của người dân Nam Kỳ. Sự tác động của tình hình thế giới và trong nước cùng những đặc điểm về vị trí địa lý, dân cư, kinh tế xã hội ở vùng đất Nam Kỳ đã làm cho phong trào yêu nước chống Pháp ở đây hòa chung với phong trào dân tộc, lại vừa mang dấu ấn riêng đặc thù của vùng đất Nam Kỳ. Trong thời gian qua, đã có nhiều học giả nghiên cứu về phong trào yêu nước chống Pháp ở Việt Nam giai đoạn 1885-1918 ở những khía cạnh, góc độ khác nhau. Tuy nhiên, nghiên cứu về phong trào yêu nước chống Pháp ở Nam Kỳ giai đoạn 1885-1918 sau gần một năm Việt Nam mất độc lập hoàn toàn, thực dân Pháp áp đặt chế độ bảo hộ trên toàn Việt Nam đến khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc mới chỉ được nghiên cứu trong các công trình riêng lẻ. Hiện nay, chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách chuyên sâu và có hệ thống để làm rõ những yếu tố ảnh hưởng đến phong trào, diễn biến, kết quả, tính chất, đặc điểm, tác động của phong trào đối với tiến trình phát triển của lịch sử Nam Kỳ đầu thế kỷ XX, để từ đó thấy rõ sự thay đổi căn bản của phong trào từ khuynh hướng phong kiến sang khuynh hướng dân chủ tư sản. Bức tranh về phong trào yêu nước chống Pháp ở Nam Kỳ giai đoạn 1885-1918 vẫn còn là vấn đề bỏ ngỏ. Do đó, việc làm sáng tỏ những vấn đề về phong trào yêu nước chống Pháp ở Nam Kỳ giai đoạn 1885-1918 có ý nghĩa quan trọng và cần thiết. Nghiên cứu đề tài “Phong trào yêu nước chống Pháp ở Nam Kỳ giai đoạn 1885-1918” nhằm dựng lại một cách chân thực bức tranh về cuộc đấu tranh kiên cường của nhân dân Nam Kỳ, góp phần làm sáng tỏ một phần quan trọng của lịch sử Nam Kỳ thời cận đại, nhằm giảm bớt những khoảng trống về lịch sử địa phương là điều cần thiết. Từ đó, cung cấp những tư liệu cần thiết phục vụ trong quá trình học tập, nghiên cứu, giảng dạy lịch sử Việt Nam thời cận đại trong trường phổ thông, cao đẳng và đại học. Mặt khác, việc tìm hiểu “Phong trào yêu nước chống Pháp ở Nam Kỳ giai đoạn 1885-1918” nhằm ghi lại những tấm gương và hành động yêu nước, để bồi đắp niềm tự hào chính đáng và nhắc nhở thế hệ trẻ trân trọng, giữ gìn truyền thống của quê hương Nam Kỳ. Đó là cơ sở giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào khi bước vào giai đoạn mới: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với những lí do trên, tác giả quyết định chọn đề tài nghiên cứu: “Phong trào yêu nước chống Pháp ở Nam Kỳ giai đoạn 1885-1918” làm luận án Tiến sĩ Lịch sử, chuyên ngành Lịch sử Việt Nam, mã số 9.22.90.13. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 2.1. Mục đích nghiên cứu Trên cơ sở khai thác nguồn tài liệu, đặc biệt là nguồn tài liệu mới, tài liệu lưu trữ, luận án phục dựng chuyên sâu và có hệ thống bức tranh về phong trào yêu nước chống Pháp ở Nam Kỳ giai đoạn 1885-1918. Trên cơ sở đó, đánh giá một cách khách quan, khoa học tính chất, đặc điểm, tác động của phong trào đối với tiến trình phát triển của lịch sử Nam Kỳ đầu thế kỷ XX. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Luận án tập trung làm rõ những vấn đề khoa học sau đây: - Phân tích các yếu tố vị trí địa lý, dân cư, kinh tế xã hội... tác động đến phong trào yêu nước chống Pháp ở Nam Kỳ giai đoạn 1885-1918. - Luận án đi sâu nghiên cứu diễn biến, kết quả của phong trào yêu nước chống Pháp ở Nam Kỳ giai đoạn 1885-1918 để thấy rõ sự chuyển biến từ khuynh hướng phong kiến sang khuynh hướng dân chủ tư sản. - Luận án làm rõ tính chất, đặc điểm, tác động của phong trào đối với tiến trình phát triển của lịch sử Nam Kỳ đầu thế kỷ XX. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là các phong trào yêu nước chống Pháp diễn ra trên địa bàn Nam Kỳ từ năm 1885 đến năm 1918. Các phong trào yêu nước chống Pháp ở Nam Kỳ giai đoạn 1885-1918 chuyển biến từ khuynh hướng phong kiến sang khuynh hướng dân chủ tư sản. Vì thế đối tượng nghiên cứu của luận án là các phong trào yêu nước theo hai khuynh hướng nêu trên. 3.2. Phạm vi nghiên cứu * Về thời gian: Luận án tập trung nghiên cứu phong trào yêu nước chống Pháp ở Nam Kỳ từ năm 1885 đến năm 1918. Luận án chọn năm 1885 để bắt đầu nghiên cứu vì đây là thời gian sau gần một năm tính từ Hiệp ước Patenôtre (năm 1884) Việt Nam mất độc lập hoàn toàn vào tay thực dân Pháp, phong trào đấu tranh chống Pháp diễn ra liên tục trên phạm vi cả nước, năm 1885 cùng với nhân dân Bắc Kỳ và Trung Kỳ trong phong trào Cần Vương, nhân dân Nam Kỳ đã bước vào cuộc đấu tranh giành lại độc lập tự do. Luận án chọn năm 1918 để kết thúc nghiên cứu của mình vì năm 1918 chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) chấm dứt. Đồng thời, giai đoạn 1885-1918 phong trào yêu nước ở Nam Kỳ có sự chuyển biến từ khuynh hướng phong kiến sang khuynh hướng dân chủ tư sản. Tuy nhiên, luận án còn mở rộng tìm hiểu thời gian trước năm 1885 và sau năm 1918 để thấy được tính liên tục, quá trình phát triển của phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân Nam Kỳ. * Về không gian: Luận án xác định phạm vi không gian nghiên cứu là các phong trào yêu nước trên địa bàn tương ứng với các vùng Nam Kỳ lục tỉnh như cách phân chia của triều Nguyễn. Do vậy, luận án giới hạn phạm vi nghiên cứu chủ yếu là 6 tỉnh Nam Kỳ thời Pháp cai trị. Cụ thể đơn vị hành chính Nam Kỳ gồm các tỉnh sau: Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. * Về nội dung: Luận án tập trung đi sâu nghiên cứu bối cảnh lịch sử, diễn biến, kết quả của phong trào yêu nước chống Pháp ở Nam Kỳ giai đoạn 1885-1918. Trên cơ sở đó luận án đánh giá tính chất, đặc điểm, tác động của phong trào đối với tiến trình phát triển của lịch sử Nam Kỳ đầu thế kỷ XX. 4. Nguồn tài liệu và phương pháp nghiên cứu 4.1. Nguồn tài liệu Để nghiên cứu đề tài này, tác giả luận án đã khai thác từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau: - Nguồn tài liệu hiện lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, đặc biệt là nguồn tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II (Phông phủ Thống đốc Nam Kỳ) bao gồm các hồ sơ lưu trữ liên quan đến phong trào yêu nước chống Pháp ở Nam Kỳ từ năm 1885 đến năm 1918. Đây chính là nguồn tư liệu gốc mang tính xác thực cao, hoàn toàn khách quan, có giá trị giúp tác giả luận án khai thác, xử lý, đánh giá đúng, khách quan, khoa học khi giải quyết những nhiệm vụ đặt ra của luận án. - Các công trình nghiên cứu đã được xuất bản, công bố chứa đựng những nội dung liên quan đến đề tài nghiên cứu gồm: sách chuyên khảo, sách tham khảo, luận án, luận văn, bài nghiên cứu đăng trên các báo và tạp chí. Các công trình này có đề cập đến các khía cạnh khác nhau của phong trào yêu nước chống Pháp ở Việt Nam nói chung và Nam Kỳ nói riêng. Đây là nguồn tài liệu có giá trị sử dụng khác nhau, qua đó giúp tác giả có cái nhìn khái quát hoặc cụ thể trong khi nghiên cứu. - Nguồn tài liệu điền dã tại địa phương gồm tài liệu hiện có tại phòng truyền thống, phòng văn hóa, phòng địa chí, thư viện ở các địa phương như các công trình nghiên cứu về lịch sử địa phương ở các tỉnh Nam Kỳ, gia phả, thơ văn, hò, vè trong dân gian về các nhân vật lịch sử, về các cuộc khởi nghĩa, những dấu tích còn sót lại tới ngày nay... Đây là nguồn tài liệu đã góp phần cung cấp những thông tin cụ thể và chi tiết, giúp tác giả giải quyết những nhiệm vụ đặt ra của luận án. 4.2. Phương pháp nghiên cứu - Luận án được thực hiện trên cơ sở nắm vững và vận dụng phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Đây chính là phương pháp nhận thức khoa học, giúp tác giả luận án định hướng tư duy và phương pháp nghiên cứu. - Để giải quyết những vấn đề khoa học, luận án đã sử dụng hai phương pháp cơ bản: phương pháp lịch sử và phương pháp logic nhằm làm rõ quá trình lịch sử, tìm ra những vấn đề bản chất của phong trào yêu nước chống Pháp ở Nam Kỳ giai đoạn 1885-1918. - Ngoài ra tác giả luận án còn kết hợp sử dụng các phương pháp khác như: + Phương pháp sưu tầm và phân tích: giúp tác giả luận án sưu tầm và phân tích các tài liệu liên quan đến đề tài nghiên cứu gồm sách, báo, tạp chí, luận án, luận văn. Dù là tài liệu thứ cấp nhưng lại có vai trò quan trọng vì đã giúp tác giả luận án tổng kết các kết quả nghiên cứu của những tác giả đi trước, đồng thời làm sáng tỏ hơn những vấn đề chưa được đi sâu nghiên cứu. + Phương pháp điền dã: giúp tác giả khảo sát thực tế tại địa phương hiện nay để phỏng vấn, sưu tầm, so sánh, xác minh độ tin cậy của tài liệu. Phương pháp này giúp tác giả luận án tìm hiểu thêm về quy mô, đặc điểm của phong trào, vai trò, vị trí của các nhân vật lịch sử. 5. Đóng góp của luận án - Dựa trên những nguồn tài liệu phong phú và đáng tin cậy, luận án khôi phục một cách đầy đủ, chuyên sâu và có hệ thống bức tranh sinh động về phong trào yêu nước chống Pháp ở Nam Kỳ giai đoạn 1885-1918. - Luận án phân tích các yếu tố như vị trí địa lý, dân cư, kinh tế xã hội... ảnh hưởng, tác động đến sự hình thành, phát triển của phong trào. Trên cơ sở đó, đưa ra những nhận định, đánh giá khách quan, khoa học về phong trào yêu nước chống Pháp ở Nam Kỳ sau gần một năm Việt Nam mất độc lập hoàn toàn vào tay thực dân Pháp đến khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) kết thúc. - Luận án tập hợp, hệ thống những tài liệu có liên quan đến đề tài hiện còn ở nhiều nơi khác, bổ sung nguồn tài liệu mới, làm phong phú thêm các vấn đề của lịch sử cận đại Việt Nam, góp phần lấp khoảng trống về lịch sử địa phương Nam Kỳ. Đồng thời, luận án còn có giá trị tham khảo, góp phần phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy, học tập về lịch sử Việt Nam cận đại trong các trường học. 6. Bố cục của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung luận án chia làm 4 chương: - Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu vấn đề. - Chương 2: Phong trào yêu nước chống Pháp ở Nam Kỳ từ năm 1885 đến năm 1896. - Chương 3: Phong trào yêu nước chống Pháp ở Nam Kỳ từ năm 1897 đến năm 1918. - Chương 4: Nhận xét về phong trào yêu nước chống Pháp ở Nam Kỳ giai đoạn 1885-1918. Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VẤN ĐỀ 1.1. Nghiên cứu của tác giả nước ngoài Cuốn “Les Sociétés Secrètes en Terre d’Annam” (Những Hội kín trên đất An Nam), Imprimerie Commerciale C. Ardin, Sài Gòn, (1926) [202] và “Bonzes, pagodes et Sociétés Secrètes en Cochinchine” (Tăng lữ, chùa chiền và những Hội kín ở Nam Kỳ), Extrème-Asie Revue Indochinoise Illustrée, (1928) [203] của tác giả Georges Coulet đều đề cập đến phong trào yêu nước chống Pháp ở Nam Kỳ đầu thế kỷ XX nhưng tác giả chủ yếu nói về phong trào Hội kín, coi đây là yếu tố đặc sắc của phong trào yêu nước chống Pháp ở Nam Kỳ. Cuốn “Les Sociétés Secrètes en Terre d’Annam” ngoài phần mở đầu và kết luận, sách gồm có ba phần: Phần I: Vai trò của ma thuật trong những Hội kín An Nam, phần II: Vai trò của tôn giáo trong những Hội kín, phần III: Vai trò của các phàm nhân trong những Hội kín. Trong cuốn sách này, tác giả đã đề cập đến các phong trào Hội kín cùng các thủ lĩnh tiêu biểu của Hội kín, đặc biệt nhấn mạnh tính duy tâm của Hội kín, để từ đó rút ra nhận xét, đặc điểm, bản chất Hội kín. Đây là tài liệu có giá trị tham khảo cho tác giả luận án. Tác giả Philippe Devillers năm 1966 cho ra cuốn “Au Sud Vietnam il y a cent ans” (Một trăm năm ở miền Nam Việt Nam) [209]. Đây là công trình nghiên cứu khá chi tiết về quá trình thực dân Pháp đến xâm lược Việt Nam, đồng thời tác giả cũng nhắc đến các phong trào đấu tranh chống Pháp của nhân dân Nam Kỳ. Trên cơ sở đó, giúp tác giả luận án giải quyết một số nhiệm vụ đặt ra trong đề tài. Giáo sư người Pháp Georges Boudarel, người đã dành cả tuổi trẻ của mình để ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Ông nghiên cứu nhiều về Phan Bội Châu, năm 1969 ông cho ra mắt cuốn “Phan Bội Châu et la société Vietnamienne de son temps” (Phan Bội Châu và xã hội Việt Nam ở thời đại ông) [41]. Công trình đã được Nxb Văn hóa Thông tin Hà Nội xuất bản năm 1998. Cuốn sách nghiên cứu khá rõ về hoạt động của nhà yêu nước Phan Bội Châu, so sánh về con đường cứu nước của Phan Bội Châu với Phan Chu Trinh, về phong trào Đông Du ở Nam Kỳ dưới dạng khái quát. Đây là nguồn tài liệu có giá trị lớn để tác giả luận án tham khảo, phục vụ cho việc nghiên cứu đề tài. Sử gia người Mỹ David George Marr với công trình nghiên cứu “Vietnamese Anticolonialism 1885-1925” (Việt Nam chống chủ nghĩa thực dân 1885-1925) do University of California xuất bản năm 1971 [191] đã có cái nhìn khái quát, nghiên cứu những tác động của cuộc khai thác thuộc địa đến xã hội Việt Nam, qua đó tác giả đề cập đến một số phong trào yêu nước chống thực dân Pháp tiêu biểu của nhân dân Việt Nam. Tác giả đã đi sâu nghiên cứu về phạm vi phong trào, thành phần tham gia khởi nghĩanhưng tác giả David George Marr lại chưa đi sâu nghiên cứu về phong trào yêu nước chống Pháp ở Nam Kỳ, thậm chí tác giả chỉ nhắc đến một cách khái quát so với nhiều địa phương khác trong cả nước như ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Với độ dày 313 trang, công trình “The Rise of Nationalism in Vietnam, 1900-1941” (Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam, 1900-1941) của tác giả William J.Duiker, Cornell University Press, (1976) [194], đã đi sâu nghiên cứu về các thế hệ người Việt Nam yêu nước được ảnh hưởng bởi yếu tố Nho học như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinhqua đó, tác giả đưa ra những nhận xét của mình về đề tài nghiên cứu. Mặc dù, những nhận xét đó đã được nhiều nhà nghiên cứu trước đưa ra nhưng đây vẫn là tài liệu có giá trị để tác giả tham khảo khi giải quyết một số vấn đề trong luận án. Năm 2000, Nguyễn Như Diệm và Trần Sơn đã dịch và cho ra mắt độc giả cuốn “Phong trào dân tộc Việt Nam và quan hệ của nó với Nhật Bản và Châu Á” [149]. Đây là công trình nghiên cứu của tác giả người Nhật Bản Shiraishi Masaya. Tác giả Shiraishi Masaya đã nghiên cứu một cách chuyên sâu, khoa học về các phong trào yêu nước chống Pháp ở Việt Nam, đặc biệt công trình đã đi sâu nghiên cứu về phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, nhất là khi Phan Bội Châu hoạt động ở Nhật Bản như tìm hiểu chủ trương, đường lối, các hoạt động của Phan Bội Châu. Ngoài ra, tác giả còn nghiên cứu về phong trào Đông Du diễn ra ở Nam Kỳ. Tại Hội thảo quốc tế về Phong trào Duy Tân ở Việt Nam, được tổ chức tại Thành phố Aix en Provence (Pháp) ngày 3.5.2007 với chủ đề chính “Vietnam, le moment moderniste (1905-1908)” (Việt Nam, thời điểm Duy tân (1905-1908)) [81], phụ đề là “La réactivité d’une société face à I’intrusion d’une modernité exogène” (Phản ứng của một xã hội đối mặt với sự thâm nhập của xu hướng hiện đại ngoại sinh), đã có nhiều tác giả viết về Phong trào Duy Tân cùng các nhân vật tiêu biểu của phong trào như: Nhà sử học người Pháp Pierre Brocheux với tham luận “Gilbert Chiếu”, tham luận “Phong trào Đông Du và Nhật Bản” của tác giả Namba Chizuru (Đại học Tokyo), tham luận “Phan Bội Châu: một cánh tay chìa ra cho những người Gia tô giáo” của tác giả Ives Jariel...Đây là những tham luận có giá trị, giúp tác giả luận án có thêm cứ liệu để thực hiện đề tài. 1.2. Nghiên cứu của tác giả Việt Nam 1.2.1. Nghiên cứu liên quan đến phong trào yêu nước ở Việt Nam * Nhóm nghiên cứu liên quan đến các yếu tố tác động tới phong trào Cuốn “Việt Nam thời Pháp đô hộ” của tác giả Nguyễn Thế Anh, xuất bản năm 1970 [5] gồm 3 phần: Sự chiếm cứ quân sự; Chế độ thuộc địa; Phản ứng của dân Việt Nam đối với chế độ thuộc địa. Trên cơ sở nghiên cứu nguồn tài liệu gốc khá đa dạng của chính quyền thực dân Pháp, tác giả Nguyễn Thế Anh đã phân tích, lý giải một cách sâu sắc quá trình thực dân Pháp xâm lược và thiết lập chế độ cai trị trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Bên cạnh đó, tác giả cũng đề cập đến các phong trào chống Pháp tiêu biểu như phong trào Cần Vương, phong trào Đông Du, phong trào Duy Tân... Đây là cuốn sách đã cung cấp thêm những cứ liệu quan trọng, đặc biệt là chế độ cai trị hà khắc của thực dân Pháp, giúp tác giả luận án đánh giá khách quan, chính xác về một trong những nhân tố tác động đến phong trào chống Pháp ở Việt Nam. Tác giả Chương Thâu với bài viết: “Chính sách của thực dân Pháp đối với ảnh hưởng của Tân Thư ở Việt Nam” (NCLS, số 1 năm 1997, tr.7) [163] đã nêu ra những biện pháp của chính quyền thực dân Pháp để hạn chế sự ảnh hưởng tích cực của Tân Thư vào Đông Dương, qua đó giúp tác giả luận án tìm hiểu thêm chính sách của thực dân đối với ảnh hưởng của Tân Thư cũng như những ảnh hưởng tích cực mà Tân Thư đã tác động đến các nhà yêu nước Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX. Trong bài: “Nhìn lại tình hình xã hội Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX” (NCLS, số 3 năm 1998, tr.29) [143], tác giả Trương Hữu Quýnh đã đề cập đến tình hình kinh tế, xã hội, chính trị Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX, qua đó giúp tác giả luận án có đánh giá khoa học hơn về một trong những nguyên nhân của phong trào yêu nước chống Pháp ở Việt Nam. Nghiên cứu “Tư tưởng dân chủ tư sản ở Việt Nam đầu thế kỷ XX” của tác giả Nguyễn Ngọc Cơ, in trong “Một số chuyên đề lịch sử Việt nam” do Trần Bá Đệ chủ biên, xuất bản năm 2002 [22], đã phân tích các yếu tố hình thành nên phong trào Duy Tân ở Việt Nam theo khuynh hướng dân chủ tư sản trong những năm đầu thế kỷ XX. Đó là ảnh hưởng từ cuộc vận động Duy Tân của Nhật Bản, Trung Quốc, sự thất bại của các phong trào yêu nước chống Pháp ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX theo khuynh hướng phong kiến, những chuyển biến về kinh tế xã hội ở Việt Nam dưới tác động từ cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897-1914) của thực dân Pháp. Đây chính là những nhân tố quan trọng, tác động đến tư tưởng của các sĩ phu yêu nước Việt Nam như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh...Bài nghiên cứu đã giúp tác giả luận án có những đánh giá khách quan, khoa học về các yếu tố tác động đến phong trào yêu nước chống Pháp ở Việt Nam nói chung, Nam Kỳ nói riêng trong những năm đầu thế kỷ XX. Cuốn “Lịch sử Việt Nam” (tập 6: từ năm 1858 đến năm 1896), do tác giả Võ Kim Cương chủ biên, Nxb Khoa học xã hội xuất bản năm 2013 [25]. Cuốn sách đã giúp tác giả luận án tìm hiểu về các phong trào chống Pháp ở Việt Nam trước năm 1885, trong đó có đề cập đến phong trào chống Pháp trước năm 1885 ở Nam Kỳ. Đặc biệt trong chương V, cuốn sách đã giúp tác giả tìm hiểu về chính sách cai trị của thực dân Pháp ở Nam Kỳ và Việt Nam về kinh tế, chính trị, tư pháp, các đơn vị hành chính cùng những chuyển biến chính trị, kinh tế xã hội nửa cuối thế kỷ XIX ở Nam Kỳ nói riêng và Việt Nam nói chung. Đây chính là nguyên nhân sâu xa nhất của phong trào yêu nước chống Pháp cuối thế kỷ XIX. Bên cạnh đó, cuốn sách còn giúp tác giả nghiên cứu các phong trào yêu nước chống Pháp ở Việt Nam từ năm 1885 đến năm 1896, đặc biệt là phong trào Cần Vương. Cuốn “Lịch sử Việt Nam” (tập 7: từ năm 1897 đến năm 1918) do tác giả Tạ Thị Thúy chủ biên, Nxb Khoa học xã hội xuất bản năm 2013 [170]. Cuốn sách đã đề cập đến chính sách khai thác thuộc địa của Pháp, những biến đổi của tình hình kinh tế văn hóa xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX. Đây chính là cơ sở giúp tác giả luận án phân tích, lý giải một cách khoa học về nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các phong trào yêu nước chống Pháp ở Việt Nam đầu thế kỷ XX. Ngoài ra, công trình nghiên cứu còn đề cập đến các phong trào chống Pháp của nhân dân Việt Nam đầu thế kỷ XX. “Tình hình thiên tai ở Việt Nam giai đoạn 1802-1883 và chính sách cứu trợ xã hội của triều Nguyễn” của tác giả Lê Quang Chắn (NCLS, số 8 năm 2017, tr.14) [14] đã giúp tác giả tìm hiểu về một trong những nguyên nhân quan trọng của phong trào yêu nước chống Pháp ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX. Ngoài các nghiên cứu trên, còn có một số nghiên cứu liên quan đến những yếu tố tác động tới phong trào chống Pháp ở Việt Nam giai đoạn 1885-1918 như “Những thủ đoạn bóc lột của tư bản Pháp ở Việt Nam” của tác giả Nguyễn Khắc Đạm xuất bản năm 1958 [33]; “Thực trạng của giới nông dân Việt Nam dưới thời Pháp thuộc” của tác giả Phạm Cao Dương xuất bản năm 1967 [30]; “Chế độ thuế của thực dân Pháp ở Bắc Kỳ từ 1897 đến 1945” của tác giả Hồ Tuấn Dung xuất bản năm 2003 [28]; Luận văn “Thái độ chính trị của các thế lực yêu nước Việt Nam trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp (1858-1884)” của tác giả Huỳnh Quang Lâm, bảo vệ năm 2004 [83]; “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc xuất bản năm 2008 [142]... Các công trình nghiên cứu nói trên, đã đề cập đến chính sách cai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam, trong đó có đề cập khái quát về chính sách cai trị ở Nam Kỳ. Mặc dù còn sơ lược nhưng đã cung cấp cho tác giả luận án thêm tư liệu để có nhận định toàn diện hơn về các yếu tố tác động đến phong trào chống Pháp ở Việt Nam trong giai đoạn 1885-1918. * Nhóm nghiên cứu liên quan đến các phong trào chống Pháp ở Việt Nam, trong đó có đề cập đến phong trào chống Pháp ở Nam Kỳ Hồ Tài Huệ Tâm Đại học Harvard đã cho ra mắt độc giả cuốn “Millenarianism and Peasant Politics in Vietnam” (Chủ nghĩa hoàng kim và chính trị nông dân ở Việt Nam), Cambridge, Massachusetts and London, England, Harvard University Press, (1983) [192] và “Radicalism and the Origins of the Vietnamese Revolution” (Các cuộc vận động cấp tiến và nguồn gốc của cách mạng Việt Nam), Cambridge, Harvard University Press, (1992) [193]. Trong hai công trình nghiên cứu, tác giả đã đề cập đến sự phát triển của cách mạng Việt Nam, trong đó tác giả đã đề cập đến phong trào yêu nước chống Pháp ở Nam Kỳ như phong trào Duy Tân, phong trào Hội kín, về nguyên nhân phong trào, về lai lịch thủ lĩnh như Phan Xích LongBên cạnh đó, tác giả Hồ Tài Huệ Tâm còn nêu ra mối quan hệ giữa đạo Bửu Sơn Kỳ Hương với Phật giáo Hòa Hảo, đánh giá Hội kíngiúp tác giả giải quyết một số vấn đề đặt ra trong đề tài luận án. Năm 1995, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh cho xuất bản sách “Việt Nam cận đại những sử liệu mới”, tập I [132]. Đây là công trình nghiên cứu của Nguyễn Phan Quang khi ông nghiên cứu các tài liệu ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II và Kho lưu trữ ở Pháp. Sách gồm 2 phần. Phần một: Phong trào yêu nước chống Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Phần hai: Nhà tù Côn Đảo. Trong phần một đã giúp tác giả giải quyết nhiều vấn đề đặt ra trong đề tài luận án như những đánh giá, nhận định từ phía thực dân Pháp về các phong trào yêu nước. “Phong trào Duy Tân” của tác giả Nguyễn Văn Xuân [190] đã giúp tác giả luận án cái nhìn toàn diện về phong trào Duy Tân ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, đặc biệt là phong trào Duy Tân ở Nam Kỳ với việc tìm hiểu hoạt động của các nhân vật quan trọng như Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Thần Hiến, Nguyễn An Khương... trên cơ sở đó, rút ra nhận xét, đánh giá về phong trào Duy Tân ở Nam Kỳ so với phong trào Duy Tân ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Trong bài “Bước đầu tìm hiểu phong trào Cần Vương ở tỉnh Hải Dương” (NCLS, số 5 năm 2014, tr.35), tác giả Nguyễn Thị Thanh Hoa [65] đã đề cập đến nguyên nhân bùng nổ, diễn biến, nguyên nhân thất bại của phong trào Cần Vương ở tỉnh Hải Dương, đồng thời tác giả Nguyễn Thị Thanh Hoa cũng rút ra những nhận xét về đặc điểm của phong trào. Bài viết đã giúp tác giả luận án có thêm cơ sở để đánh giá về phong trào Cần Vương ở Bắc Kỳ cũng như những nhận định khoa học về đặc điểm của một phong trào chống Pháp rộng lớn ở Việt Nam. Bên cạnh các nghiên cứu trên, còn có một số nghiên cứu khác liên quan đến các phong trào chống Pháp ở Việt Nam giai đoạn 1885-1918 như “Quân dân Việt Nam chống Tây xâm (1847-1945)” của tác giả Phạm Văn Sơn [153]; “Việt Nam Pháp thuộc sử (1884-1945)” của tác giả Phan Khoang [77]; Luận án “Phong trào yêu nước chống Pháp ở Quảng Ngãi từ năm 1885 đến năm 1930” của tác giả Trương Công Huỳnh Kỳ, bảo vệ năm 2001 [80]; Luận văn “Phong trào Duy Tân ở Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX (1903-1908)” của tác giả Mai Thị Hà, bảo vệ năm 2007 [53]; Luận án “Quan hệ giữa các tổ chức yêu nước và cách mạng Việt Nam với nước ngoài đầu thế kỷ XX (1904-1929)” của tác giả Trần Thanh Nhàn, bảo vệ năm 2008 [116]; Luận án “Phong trào yêu nước chống xâm lược ở Bình Định từ cuối thế kỷ XIX đến tháng Tám năm 1945” của tác giả Nguyễn Thị Thanh Hương, bảo vệ năm 2009 [72]; Luận án “Phong trào yêu nước và cách mạng ở Bắc Trung Kỳ ba mươi năm đầu thế kỷ XX” của tác giả Dương Thị Thanh Hải, bảo vệ năm 2012 [57]; Luận án “Phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX (1903-1908)” của tác giả Trương Thị Dương, bảo vệ năm 2012 [32]; Luận án “Phong trào yêu nước chống thực dân Pháp của nhân dân vùng trung du và thượng du Bắc Kỳ từ năm 1883 đến năm 1930” của tác giả Lưu Thị Ngọc Tuyết, bảo vệ năm 2018 [182].... Các nghiên cứu trên, đã đề cập đến phong trào yêu nước chống Pháp ở một số địa phương trong cả nước những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chủ yếu ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Mặc dù, không đặt phong trào chống Pháp ở Nam Kỳ làm trọng tâm nhưng các nghiên cứu trên đã phác họa được những nét cơ bản của phong trào. Trên cơ sở đó, đã giúp tác giả có thêm cứ liệu để thực hiện nhiệm vụ của luận án. * Nhóm nghiên cứu về từng nhân vật lịch sử Năm 2005, Nxb Đà Nẵng đã cho ra mắt độc giả cuốn “Phan Châu Trinh Toàn tập” [123]. Sách gồm 3 tập với độ dài hơn 2.000 trang, do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, trực tiếp là nhà nghiên cứu sử học Chương Thâu, Dương Trung Quốc và hậu duệ của cụ Phan là bà Phan Thị Minh sưu tầm, giới thiệu tương đối hệ thống và đầy đủ các trước tác của Phan Chu Trinh, nhiều tài liệu về ông, về tư tưởng chính trị, thậm chí có cả tài liệu gốc do Phan Chu Trinh viết khi còn sống, hoạt động từ 1911 đến 1925 tại Pháp. Đây là tài liệu quý giá, giúp tác giả luận án giải quyết một số nhiệm vụ đặt ra của đề tài. Sách tham khảo của tác giả Vũ Thanh Sơn: “Nhân vật lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX” (quyển 9) [154] đã đề cập đến những nhân vật có ảnh hưởng đến lịch sử dân tộc, trong đó có những người khởi xướng, lãnh đạo phong trào chống Pháp như Phan Văn Hớn, Ngô Lợi, Đào Công Bửu, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Phan Xích Long...Đây là tài liệu đáng trân trọng giúp tác giả luận án tìm hiểu về các nhân vật lịch sử cùng những phong trào chống Pháp do họ khởi xướng lãnh đạo. Bài nghiên cứu của tác giả Nguyễn Văn Khánh: “Phan Chu Trinh trong lịch sử dân tộc Việt Nam” (Tạp chí NCLS, số 9 năm 2017, tr.11) [76] đã dựa trên nhiều nguồn tài liệu khác nhau để đưa ra những nét lớn một cách tương đối khách quan và có hệ thống về những dấu mốc lớn trong cuộc đời Phan Chu Trinh, về tư tưởng chính trị, sự nghiệp cứu nước của ông, nhất là trong phong trào dân tộc đầu thế kỷ XX. Trên cơ sở đó, tác giả Nguyễn Văn Khánh đã làm sáng tỏ thêm vai trò của Phan Chu Trinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX, nhận định Phan Chu Trinh là nhà yêu nước, có tư tưởng dân chủ tiên tiến nhất trong các sĩ phu Việt Nam đầu thế kỷ XX. Đây là tài liệu giúp tác giả luận án có cái nhìn khách quan hơn về Phan Chu Trinh, nhất là những đóng góp của Phan Chu Trinh trong phong trào yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ XX. Ngoài ra, cũng có những nghiên cứu khác liên quan đến các nhân vật lịch sử như “Cuộc đời cách mạng Cường Để” của Cường Để, xuất bản năm 1957 [38]; “Nhân vật Lê Võ trong phong trào Duy Tân-Đông Du đầu thế kỷ XX” của tác giả Nguyễn Phan Quang (NCLS, số 366 năm 2006) [137]... Mặc dù, mỗi nghiên cứu nhìn từ nhiều góc độ khác nhau nhưng tất cả đều cho thấy chủ nghĩa yêu nước chính là nhân tố quan trọng cho các phong trào yêu nước chống Pháp ở Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. * Nhóm nghiên cứu liên quan đến đánh giá, nhận xét về phong trào Công trình nghiên cứu “Phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam” của tác giả Đinh Xuân Lâm, xuất bản năm 2015 [87] gồm 5 phần. Phần một: Từ Cần Vương đến Duy Tân; phần hai: Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam; phần ba: Khía cạnh quốc tế của phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam; phần bốn: Những nhân vật lịch sử tiêu biểu; phần năm: Mấy vấn đề tư liệu, sử liệu học và nguyên tắc đánh giá nhân vật lịch sử. Trong phần một với bài viết “Phong trào yêu nước chống xâm lược Pháp cuối thế kỷ XIX: tính chất và các đặc điểm”, tr.108 đã giúp tác giả luận án cái nhìn ban đầu về tín... nguyên đến trước khi Pháp xâm lược, chỉ thay đổi là có sự tăng, giảm số lượng các phủ, huyện, tổng. Kể từ khi Pháp đặt chân đến Gia Định xâm lược, Lục tỉnh Nam Kỳ đã bị xáo trộn. Năm 1865, chính quyền thuộc địa chia Nam Kỳ thành các Tham biện (Sài Gòn, Chợ Lớn, Cần Giuộc, Tây Ninh, Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Cai Lậy, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Long Thành, Bảo Chánh, Bà Rịa). Năm 1867, chính quyền thuộc địa đã chia Nam Kỳ thành các tỉnh, dưới các tỉnh là các Tham biện (7 tỉnh, 24 Sở Tham biện). Ngày 5.1.1876, Pháp chia Nam Kỳ thành 4 khu vực hành chính lớn là Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bát Xắc (trong từng khu vực hành chính lớn, Pháp chia thành nhiều tiểu khu hành chính được gọi là hạt (19 hạt), bên dưới tiểu khu, khu vực nông thôn được chia thành tổng (211 tổng với 2.430 làng). Ngày 1.1.1900, chính quyền Pháp đổi hạt thành tỉnh, cả Nam Kỳ chia làm 20 tỉnh: “Miền Đông có 4 tỉnh: Bà Rịa, Biên Hòa, Tây Ninh, Thủ Dầu Một. Miền Trung có 9 tỉnh: Bến Tre, Chợ Lớn, Gia Định, Gò Công, Mỹ Tho, Sa Đéc, Tân An, Trà Vinh, Vĩnh Long. Miền Tây có 7 tỉnh: Bạc Liêu, Cần Thơ, Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Sóc Trăng” [92, tr.31]. “Sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945, Chính phủ Trần Trọng Kim vẫn giữ nguyên cơ cấu hành chính Nam Kỳ, chỉ đổi Nam Kỳ thành Nam Bộ” [92, tr.32]. Như vậy, lược sử hình thành vùng đất Nam Kỳ gắn liền với công lao của người Việt, người Khmer và nhiều dân tộc khác, gắn với công cuộc khẩn hoang của dân tộc dưới thời các chúa Nguyễn. Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, vùng đất Nam Kỳ đã có nhiều thay đổi, nhất là thời thực dân Pháp xâm lược nhưng nhờ công lao xây dựng của nhiều thế hệ nên Nam Kỳ đã dần hình thành và có vị trí ngày càng quan trọng. 2.1.2. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên Vùng đất Nam Kỳ nằm trong địa bàn phía nam của bán đảo Đông Dương, đồng thời Nam Kỳ còn là lãnh thổ cực nam của Việt Nam. Nam Kỳ có phía đông bắc tiếp giáp với Bình Thuận, phía đông nam tiếp giáp với biển Đông, phía tây tiếp giáp với vịnh Thái Lan, phía bắc tiếp giáp với Cao Miên. Nam Kỳ có đường bờ biển dài với ba mặt giáp biển là đông, nam và tây nam, có cả đất liền và hải đảo, là nơi giao thoa của hai nền văn minh phương Đông: văn minh Ấn Độ và văn minh Trung Hoa. Nam Kỳ còn có ưu thế về đường bộ và đường thủy, là mảnh đất trù phú, màu mỡ, nhiều tài nguyên thiên nhiên, đất rộng người thưa. Đây là những điều kiện thuận lợi góp phần đưa Nam Kỳ có vị trí, vai trò ngày càng quan trọng, do vậy Nam Kỳ đã trở thành vùng đất nhiều thế lực muốn xâm lược. Nam Kỳ có địa hình tương đối bằng phẳng [115, tr.23], đa dạng gồm cả đồng bằng, đồi gò, sông, biển, đảo và rừng ngập mặn. Về tự nhiên rất phong phú, có đồi núi thấp, bán bình nguyên đất đỏ bazan, lượng phù sa lớn nhờ có nhiều sông thuận lợi cho nông nghiệp lúa nước nên vào khoảng thế kỷ XVII, Nam Kỳ được coi là vựa lúa lớn của xứ Đàng Trong, đến thế kỷ XVIII, XIX Nam Kỳ không những cung cấp đủ gạo cho cả vùng mà còn xuất khẩu sang nước khác. Ngoài ra, Nam Kỳ có bờ biển dài với lượng dầu khí nhiều ở thềm lục địa, hệ thống động, thực vật đa dạng, đất đỏ rất phù hợp để phát triển cây công nghiệp, có cao lanh, đất sét thuận lợi cho nghề gốm sứ, thủy sản vô cùng đa dạng. Chính địa hình như vậy, đã giúp cho Nam Kỳ có nhiều sản vật quý, góp phần cung cấp lương thực, thực phẩm chính cho nghĩa quân. Rừng là tài nguyên nổi bật nhất của mảnh đất Nam Kỳ, do đất đai rộng nên Nam Kỳ có nhiều rừng cây. Những cánh rừng là nơi thực dân Pháp độc chiếm để chuyển thành vùng cao su thu huê lợi, đồng thời là nơi cung cấp vũ khí thô sơ cho nghĩa quân, nơi trú ẩn hoạt động của các nghĩa quân, trước đó là nghĩa quân Trương Định để chống thực dân Pháp. Về khí hậu, Nam Kỳ thuộc vùng nhiệt đới gió mùa, với hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa khoảng từ tháng năm đến tháng mười, mùa khô khoảng từ tháng mười một đến tháng tư. Nhiệt độ trung bình hàng năm ở Nam Kỳ là khoảng 300C, đây là vùng có độ ẩm cao, lượng bức xạ nhiều, hầu như quanh năm. Về giao thông, bên cạnh các tuyến đường chính quan trọng như Quốc lộ 1, đường số 13, đường số 14, đường số 15...Nam Kỳ còn có các tuyến đường phụ nối các vùng miền với nhau, điều này giúp cho việc đi lại của cư dân được thuận lợi hơn. Nam Kỳ có nhiều sông lớn như sông Đồng Nai, sông Bé, sông Sài Gòn, sông Cửu Long... ngoài ra, vùng còn có nhiều sông rạch nhỏ với các hệ thống kênh mương chằng chịt khắp các tỉnh. Trong “Phủ biên tạp lục”, Lê Qúy Đôn viết: “Đất ấy nhiều ngòi lạch, đường nước như mắc cửi, không tiện đi bộ. Người buôn có chở thuyền lớn thì tất đèo theo xuồng nhỏ để thông đi các kênh” [39, tr.345]. Còn trong “Gia Định thành thông chí” Trịnh Hoài Đức viết: “Đất Gia Định có nhiều sông hồ, đầm bãi, cứ 10 người thì có đến 9 người thạo chở thuyền, biết lội nước” [40, tr.148]. Ngoài ra, Nam Kỳ còn có cảng Sài Gòn, cảng Chợ Lớn là nơi vận chuyển hành khách, xuất khẩu gạo, hàng hóa nhiều nhất vùng Chính hệ thống giao thông có nhiều ưu thế, đặc biệt là đường bộ và đường thủy đã giúp Nam Kỳ tiếp xúc với các vùng khác thuận lợi hơn. Như vậy, Nam Kỳ có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi để phát triển, với địa hình đa dạng, giao thông thuận lợi, sản vật dồi dào, là nơi có nhiều tiềm năng khoáng sản phong phú, đa dạng. 2.1.3. Dân cư và truyền thống yêu nước * Dân cư Những cư dân đầu tiên đến Nam Kỳ là những người chịu áp bức bóc lột nặng nề của chế độ phong kiến Trịnh-Nguyễn, họ “đã rời quê hương, tiến vào vùng đất phía Nam khai hoang lập ấp” [7, tr.39] hoặc để tránh những cuộc chiến tranh phong kiến tàn khốc diễn ra hàng mấy trăm năm ở miền ngoài. Họ còn là những tù nhân bị đi đày, những tội phạm, thêm vào đó là số ít những người có tiền của, quyền lực chiêu mộ dân nghèo ở miền Trung vào Nam theo chính sách dinh điền của nhà Nguyễn. Với chính sách đẩy mạnh công cuộc khẩn hoang dưới thời các Chúa Nguyễn, đã thu hút đông đảo cư dân người Việt, người Hoa đến làm ăn, sinh sống. Tất cả họ đã cùng số ít những người dân bản địa, là đồng bào các dân tộc Stiêng, Chơ Ro, Mạ đã định cư trong nhiều thế kỷ, tạo lập một cuộc sống mới trên mảnh đất Nam Kỳ. Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, một số binh lính của triều đình nhà Nguyễn cùng những sĩ phu yêu nước vì không muốn hợp tác với giặc và tránh giặc nên họ đi theo quân đội triều đình vào Nam lập căn cứ kháng chiến. Qua quá trình chống giặc và đánh giặc, họ dần trở thành những người dân thổ cư trên mảnh đất Nam Kỳ trù phú. Trước khi Pháp xâm lược Nam Kỳ, người Hoa đã có vị trí kinh tế nhất định. Trong quá trình cai trị ở Nam Kỳ, đặc biệt với chính sách thương mại bất bình đẳng giữa thương nhân người Việt và thương nhân người Hoa của chính quyền thực dân (chính sách coi trọng bộ phận thương nhân người Hoa, chèn ép thương nhân người Việt) nên số lượng cư dân người Hoa nhập cư vào Nam Kỳ ngày càng tăng: Bảng 1: Số lượng người Hoa nhập cư vào Đông Dương giai đoạn 1880-1894. (Đơn vị: người) Năm Số nhập cư Năm Số nhập cư 1880 65.475 1887 66.109 1881 68.643 1889 69.394 1882 67.817 1890 67.107 1883 70.894 1891 51.312 1884 76.772 1892 64.506 1885 54.720 1893 58.437 1886 60.503 1894 79.191 [56, tr.30] Như vậy, Nam Kỳ có thành phần dân tộc, dân cư khá đa dạng gồm người Việt, người Hoa, người Chăm, người Khmer, người Chơ Ro, người Cơ Ho, người Mạ, người Stiêngnhưng nhiều nhất là người Việt. Họ từ các vùng miền khác nhau đến tụ cư tại Nam Kỳ, do đó số dân ở Nam Kỳ thay đổi liên tục qua các năm: Năm 1868, diện tích của Nam Kỳ khoảng 65.478 km2, dân số là 1.677.678 người [92, tr.215], đến năm 1880, dân số Nam Kỳ là 1.679.000 người [114, tr.57], đặc biệt trong thời gian từ năm 1881 đến năm 1895, số dân Nam Kỳ đã gia tăng rõ rệt: Bảng 2: Số dân Nam Kỳ trong giai đoạn 1881-1895. (Đơn vị: người) Năm Số dân 1881-1885 1.730.000 1886-1890 1.870.000 1891-1895 2.200.000 [135, tr.36] Nam Kỳ có nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau như Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi Giáo, Tin Lành, Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa...nhưng đông nhất và phân bố ở hầu khắp các địa phương là Phật Giáo. Chính thành phần dân cư đa dạng, điều kiện tự nhiên xã hội, dễ tiếp thu những cái mới từ bên ngoài vào...là cơ sở để người dân Nam Kỳ dung hòa tôn giáo, tín ngưỡng cũng như sáng tạo những tín ngưỡng riêng trên cơ sở chọn lọc những cái tiến bộ của tôn giáo trước đó, mặc dù họ vẫn giữ nguyên những nét riêng của tôn giáo, tộc người mình. Nam Kỳ là khu vực có đầy đủ các tôn giáo lớn ở Việt Nam như Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành, đồng thời cũng là nơi có số lượng tín đồ nhiều nhất ở Việt Nam. Các tôn giáo, tín ngưỡng ở Nam Kỳ có sức mạnh đoàn kết nhân dân chống lại áp bức bóc lột, vì vậy phong trào yêu nước chống Pháp ở Nam Kỳ luôn thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Sau khi thoát khỏi áp bức bóc lột nặng nề của chế độ phong kiến Trịnh-Nguyễn, những cư dân phải đương đầu đọ sức ngay với thời tiết khắc nghiệt của thiên nhiên, chống lại các loại thú dữ như cọp, báo, voi, rắn độc, heo rừng, cá sấuNhưng trên vùng đất hoang vu toàn rừng rậm bạt ngàn, các cư dân đã cùng nhau khai hoang, dựng nhà cửa, lập thôn ấp, tổ chức trồng cấy chăn nuôi, từ việc ăn những thứ có sẵn trong tự nhiên, họ đã tạo ra được nguồn lương thực thực phẩm dồi dào trên mảnh đất phì nhiêu màu mỡ, với những vườn rau xanh bát ngát, những vườn trái cây ngọt ngào, những ruộng lúa nặng trĩu hạt, những đầm thủy sản mênh mông. Những thành quả đó đã tạo cảm xúc cho nhiều nhà thơ viết lên những dòng thơ ngọt ngào: “Quê em hải đảo cù lao, Có dừa ăn trái, có cau ăn trầu, Quê anh có cửa biển sâu, Có ruộng lấy muối, có dâu nuôi tằm, Quê em Đồng Tháp mênh mông, Xanh tươi bát ngát, ruộng đồng bao la” [168, tr.11] “Quê anh óng ả tơ vàng, Ruộng nương thẳng tắp, ngút ngàn dâu xanh, Quê em đồng lúa xanh xanh, Cò bay thẳng cánh, vây quanh Tháp Mười” [168, tr.11] Trong hoàn cảnh phải liên tiếp chống lại thiên nhiên khắc nghiệt, thú dữ trong thời kỳ khai hoang, đấu tranh chống áp bức bóc lột của chế độ phong kiến và chống xâm lược ngoại bang, đã hình thành ở người dân Nam Kỳ tinh thần đoàn kết, yêu nước, chí căm thù giặc sâu sắc, lòng khát khao tự do, công bằng, tôn trọng lẽ phải, không chịu khuất phục trước mọi áp bức bất công nào, bất cứ từ đâu tới. Cư dân Nam Kỳ luôn yêu thương, gắn bó đùm bọc lẫn nhau, họ có tấm lòng mến khách thủy chung, trọng nghĩa khinh tài, thẳng thắn cương trực, nói thẳng nói thật rồi sẵn sàng bỏ qua, tha thứ cho nhau để cùng tiến bộ. Đây chính là nét đặc trưng của cư dân Nam Kỳ, chính hoàn cảnh trên đã hình thành tính cách của người dân Nam Kỳ khác với các vùng miền trong cả nước. Bản chất của người dân ở đâu cũng có đầu óc tư hữu, người dân Nam Kỳ cũng không thoát khỏi quy luật ấy. Nhưng bên cạnh nét bản chất đó, người dân Nam Kỳ còn có những nét đặc trưng riêng như thấy việc làm nào không đúng, họ liền lên án, bãi bỏ, nếu là việc nghĩa, việc ích nước lợi dân, họ sẽ tham gia, dù mất cả gia sản cũng không hề tiếc. Người dân Nam Kỳ sẵn sàng đóng góp cho đất nước không chỉ bằng của cải vật chất mà còn là cả tấm lòng chung thủy, bằng cả mạng sống của mình. Như vậy, “so với Bắc Kỳ và Trung Kỳ thì Nam Kỳ là vùng đất mới, quy tụ dân cư từ nhiều địa phương” [70, tr.169]. Nam Kỳ là vùng đất có tính chất điển hình về đa tộc người, đa tôn giáo tín ngưỡng vì thế trong các phong trào đấu tranh ở Nam Kỳ đều có sự tham gia của hầu hết các thành phần dân tộc với các hình thức đấu tranh phong phú đa dạng. Mặc dù, phải đương đầu với nhiều khó khăn thách thức nhưng hơn bao giờ hết người dân Nam Kỳ luôn luôn đoàn kết, yêu nước, có tinh thần tự do phóng khoáng, có đầu óc tương trợ, dám làm việc nghĩa, dám theo cái mới, đó chính là sức mạnh to lớn để đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, để lại những dấu ấn đậm nét trong đời sống kinh tế xã hội của Nam Kỳ. * Truyền thống yêu nước Vùng đất Nam Kỳ hình thành là do công lao đóng góp của nhiều thế hệ như người Việt, người Khmer, người Chơ Ro, người Stiêng...Họ đã đoàn kết cùng vượt qua những khó khăn về điều kiện tự nhiên, ách áp bức bóc lột của các thế lực để cùng tạo lập ra mảnh đất Nam Kỳ. Do vậy, họ quyết tâm bảo vệ vùng đất yêu quý trước bất kỳ thế lực xâm lược nào. Đó không chỉ là ý thức dân tộc mà còn là tư tưởng, tình cảm gắn bó với mảnh đất mà họ phải đổi bằng xương máu mới tạo lập được. Năm 1785, nhân dân Nam Kỳ đã anh dũng tham gia cùng nghĩa quân của Nguyễn Huệ “tiêu diệt gần như hoàn toàn 2 vạn quân Xiêm” [136, tr.82] trong trận Rạch Gầm-Xoài Mút, số quân xâm lược sống sót chỉ còn vài nghìn người trốn về nước. Nửa đầu thế kỷ XIX, dưới triều Nguyễn, nhân dân Nam Kỳ đặc biệt là nông dân, nho sĩ, quan lại cấp dưới...liên tục đấu tranh chống lại ách áp bức bóc lột của chính quyền và giai cấp thống trị. Ngày 1.9.1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công xâm lược Việt Nam, “ra lệnh cho tàu chiến bắn đại bác lên các đồn Điện Hải, An Hải của triều đình” [144, tr.487]. Sau 5 tháng, không đạt được kết quả như mong muốn nên thực dân Pháp quyết định “lợi dụng mùa gió bấc kéo vào đánh Gia Định (2.1859)” [144, tr.487] làm bàn đạp tấn công Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Ngay sau tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp, kế thừa truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc, của vùng đất Nam Kỳ, nhân dân Nam Kỳ đã trở thành lực lượng tiên phong đứng lên anh dũng chiến đấu, quyết tâm chống Pháp đến cùng để bảo vệ quê hương. bảo vệ độc lập dân tộc. Họ đấu tranh bằng nhiều hình thức khác nhau như đấu tranh vũ trang, đấu tranh trên mặt trận văn hóa tư tưởng, hưởng ứng phong trào tị địa... Ngày 15.2.1859, Pháp tiến đánh đồn Thủ Thiêm, Tân Thuận, sau đó tiến công thành Gia Định. Tuy nhiên, thực dân Pháp đã phải chiến đấu vất vả suốt hai ngày đêm mới chiếm được thành vì sự chống trả quyết liệt của nhân dân Nam Kỳ. Sau đó, nhân dân khắp Lục tỉnh nhiệt liệt ứng nghĩa mộ binh, tự tổ chức thành đội ngũ để đánh Pháp, Trần Thiện Chính và Lê Huy (quan lại bị cắt chức) cấp tốc chiêu mộ được khoảng 5.000 dân binh, vận động đồng bào góp tiền lương, kéo nghĩa dũng tới ngăn chặn bước tiến của quân xâm lược. Từ năm 1860, dưới sự lãnh đạo của các văn thân sĩ phu yêu nước, nhân dân Nam Kỳ đặc biệt là nông dân đã anh dũng đấu tranh. Với Hiệp ước năm 1862, triều đình Huế cắt ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ và đảo Côn Lôn cho Pháp, phong trào kháng chiến bùng lên ngày càng mạnh mẽ, gây nhiều tổn thất cho thực dân Pháp. Tháng 7.1860, đội nghĩa dũng khoảng 6.000 người do Dương Bình Tâm chỉ huy xung phong đánh vào Chợ Rẫy, đầu năm 1861: “Nghĩa quân đã phục kích, đâm chết tên đại úy Bácbê (Barbé) gần Trường Thi, đánh đắm tàu chiến địch Primôghê (Primouguet)” [144, tr.493]. Cũng trong năm 1861, Nguyễn Trung Trực chỉ huy đốt cháy tàu Étpêrăng (Espérance) của Pháp trên sông Nhật Tảo [67, tr.378], Trương Định khởi nghĩa, ngoài ra, còn nhiều cuộc khởi nghĩa khác như khởi nghĩa của Đỗ Trình Thoại, Nguyễn Thông, Phan Văn Đạt, Lưu Tấn Thiện, Võ Duy Dương ...Trong tất cả các cuộc khởi nghĩa trên, khởi nghĩa của Trương Định (1861-1864) là tiêu biểu nhất: Ngay sau khi thực dân Pháp nổ súng tấn công xâm lược Gia Định, năm 1859, “Trương Công Định chiêu mộ quân lập căn cứ tại Gò Công để đánh Pháp” [155, tr.37]. Sau đó, Trương Định huy động nghĩa quân của mình phối hợp với quân đội của triều đình tấn công Pháp. Trong quá trình khởi nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Trương Định, các tầng lớp nhân dân đã chiến đấu anh dũng “giành nhiều chiến thắng trong vùng từ Cây Mai đến Thị Nghè” [92, tr.536]. Chính Pháp thừa nhận rằng: “Nếu quan lại triều đình không tìm cách hạn chế ông mà để ông hoạt động được tự do thì “chúng” (chỉ thực dân Pháp) còn bị thiệt hại nhiều hơn nữa, và có thể đã bị thua rồi” [144, tr.494]. Tháng 3.1860, Trương Định phối hợp cùng nghĩa quân của Nguyễn Tri Phương đánh Pháp, nhân dân Nam Kỳ ra sức ủng hộ nên “đến cuối năm 1861, lực lượng nghĩa quân Trương Định đã lên tới hàng vạn người, kể cả một số Hoa kiều” [141, tr.285], địa bàn hoạt động rộng khắp từ Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Chợ Lớn, Gia Định đến biên giới Cao MiênÔng liên lạc với những người cầm đầu nghĩa quân khác, quan lại triều đình có tinh thần yêu nước như tuần phủ Gia Định là Đỗ Quang cũng xin gia nhập. Tháng 3.1862, triều đình phong chức Phó lãnh binh cho Trương Định, chỉ huy nghĩa quân ở Gia Định, phối hợp với triều đình để chiến đấu. Tháng 6 năm 1862, triều đình Huế ký Hiệp ước dâng ba tỉnh miền Đông cho thực dân Pháp, lệnh cho Trương Định giải tán lực lượng, về Bình Thuận làm lãnh binh nhưng ông đã kháng lệnh, quyết tâm ở lại cùng nhân dân chiến đấu, được nhân dân suy tôn là Bình Tây Đại Nguyên Soái. Ông đã “lập chính quyền kháng chiến thay cho chính quyền bạc nhược, không còn tác dụng của triều đình” [128, tr.119], thể hiện quyết tâm kháng Pháp của Trương Định. Phong trào chống Pháp của Trương Định dâng cao “gần như “tổng khởi nghĩa”” [144, tr.495] khắp Nam Kỳ, lôi cuốn đại bộ phận các tầng lớp nhân dân. Theo bước chân của thực dân Pháp xâm lược, phong trào chống Pháp của Trương Định ngày càng sôi nổi, quyết liệt. Không mua chuộc được ông nên cuối cùng thực dân Pháp đã sử dụng tay sai là Huỳnh Công Tấn (đội Tấn) dẫn đường bí mật vào bao vây căn cứ của Trương Định (20.8.1864), “Ông bị trúng đạn gẫy xương sống. Không muốn để giặc bắt, ông đã rút gươm tự sát” [144, tr.498]. Năm 1867, Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Kế tục truyền thống yêu nước của lớp người đi trước, phong trào chống Pháp của nhân dân, đặc biệt là miền Tây Nam Kỳ diễn ra ngày càng quyết liệt với các cuộc khởi nghĩa của Phan Tôn, Phan Liêm (1867), khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Huân (1875), khởi nghĩa của Phan Tòng (1869)...gây nhiều tổn thất cho thực dân Pháp. Bên cạnh các cuộc khởi nghĩa vũ trang liên tục với quy mô lớn, nhân dân Nam Kỳ còn tham gia đấu tranh trên mặt trận văn hóa tư tưởng, tiêu biểu như Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị...Vì nhiều lí do khác nhau, các nhà nho yêu nước không thể cầm vũ khí chống Pháp nhưng thông qua ngòi bút sắc bén của mình, họ sáng tác thơ văn, hịch, vè...để tố cáo thực dân, trách cứ triều đình “Bến nghé của tiền tan bọt nước/ Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây/ Hỡi trang dẹp loạn rày đâu vắng/ Nỡ để dân đen mắc nạn này” [159, tr.220], kêu gọi nhân dân đứng lên chiến đấu: “Bớ các quân ơi!/ Chớ thấy chín trùng hòa nghị mà tấm lòng địch khái nỡ phôi pha/ Đừng rằng ba tỉnh giao hòa mà cái việc cừu thù đành bỏ dở” [42, tr.20], ca ngợi những anh hùng hi sinh vì nghĩa lớn: “Cuộc trung nghĩa hai năm làm đại tướng, nhọc nhằn vì nước, nào sờn tiếng thị phi. Cõi An Hà một chức chịu lãnh binh, lây lất theo thời, chưa chắc đâu thành đâu bại” [159, tr.235]. Cùng với các cuộc khởi nghĩa vũ trang, đấu tranh trên mặt mặt trận văn hóa tư tưởng, nhân dân Nam Kỳ còn hưởng ứng phong trào tị địa. Ngay khi Pháp xâm lược Nam Kỳ, nhân dân Gia Định đã tự tay thiêu hủy nhà cửa, chuyển đi nơi khác, chính Pháp thừa nhận “Chiều nào ở thành phố cũng có những đám cháy”. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu rời Bình Dương về Cần Giuộc, năm 1861, ông chuyển về Ba Tri dạy học, bốc thuốc, liên hệ với nghĩa quân Trương Định...Lưu Tấn Thiện (tri huyện Gia Định) rời về Vĩnh Long sinh sống, Nho sĩ Nguyễn Thông di chuyển phần mộ người Thầy Võ Trường Toản từ Gia Định về Vĩnh Long vì ông không muốn mộ Thầy nằm trên đất bị giặc chiếm...Phong trào tị địa phản ánh thái độ bất hợp tác với thực dân, gây khó khăn cho chính quyền thực dân trong tổ chức quản lý những vùng bị chiếm. Như vậy, truyền thống yêu nước của người dân Nam Kỳ đã hình thành ngay trong quá trình tạo lập ra vùng đất mới, truyền thống đó ngày càng được phát huy trong quá trình chống xâm lược ngoại bang. Phong trào yêu nước chống Pháp ở Nam Kỳ trước năm 1885, diễn ra sôi nổi, quyết liệt với nhiều hình thức đấu tranh phong phú, cho thấy tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên quyết bảo vệ vùng đất của nhân dân Nam Kỳ. Truyền thống ấy đã đi vào lịch sử với những trang hào hùng. Phong trào lúc đầu diễn ra ở miền Đông rồi lan sang các tỉnh miền Tây theo dấu chân của thực dân Pháp xâm lược, giống như tuyên bố của Nguyễn Trung Trực: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người nước Nam đánh Tây” [92, tr.537]. Mặc dù, tất cả các cuộc khởi nghĩa đều thất bại do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng đã gây tổn thất cho các thế lực xâm lược, góp phần cản trở quá trình xâm lược của thực dân, tiếp thêm sức mạnh cho nhân dân Nam Kỳ chiến đấu khi có điều kiện thuận lợi. 2.2. Chính sách cai trị của thực dân Pháp ở Nam Kỳ trước và trong giai đoạn 1885 -1896 Theo quy định của Hiệp ước Nhâm Tuất (5.6.1862), ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ gồm Biên Hòa, Gia Định, Định Tường là thuộc địa của Pháp. Đến tháng 6.1867, ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ gồm Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên tiếp tục trở thành thuộc địa của Hoàng đế Napoléon. Từ đây, người dân Nam Kỳ phải chịu tác động sớm nhất từ chế độ thực dân. Pháp đã thiết lập bộ máy cai trị sớm nhất nhằm củng cố ách chiếm đóng tại chỗ, làm bàn đạp tấn công xâm lược toàn bộ Việt Nam và Đông Dương. Với Hiệp ước Harmand (1883) và Hiệp ước Patenôtre (1884), Việt Nam chính thức trở thành thuộc địa của thực dân Pháp, triều đình nhà Nguyễn hoàn toàn đầu hàng thực dân Pháp xâm lược. Từ đó, Pháp một mặt tập trung binh lực đè bẹp các phong trào kháng chiến của nhân dân ở các địa phương để ổn định tình hình, mặt khác từng bước tạo lập bộ máy chính quyền cai trị bao gồm cả những tên tay sai đắc lực, tiến hành đầu tư vơ vét các nguồn tài nguyên và nông sản của đất nước. Rõ ràng với chiến lược “tằm ăn lá” [140, tr.240], thực dân Pháp đã kết thúc thời kỳ vũ trang xâm lược Việt Nam, đưa Nam Kỳ nói riêng, Việt Nam nói chung vào hệ thống thuộc địa của thực dân Pháp. Cũng từ Hiệp ước Patenôtre, đất Nam Kỳ do Bộ Hải quân và Thuộc địa Pháp nắm. Chính sách về chính trị: Từ năm 1876, “Pháp chia Nam Kỳ thành 4 khu vực hành chính gồm 20 hạt tham biện” [52, tr.356], mỗi hạt sau đó trở thành một tỉnh của xứ Nam Kỳ, có viên tham biện (chủ tỉnh) do người Pháp đứng đầu. Các cấp chính quyền dưới tỉnh, Pháp giao cho những phần tử tay sai làm chủ. Thực dân Pháp “tuyển lựa từ trong đám địa chủ phong kiến và đào tạo chúng thành kẻ cầm quyền từ cấp làng xã đến tổng quận để thu thuế, bắt phu, bắt lính và trấn áp nhân dân” [90, tr.232]. Do vậy, thực dân và tay sai ngày càng quan hệ chặt chẽ với nhau để áp bức bóc lột nhân dân, tạo thuận lợi để Pháp gia tăng và tiếp tục duy trì chính sách cai trị hà khắc ở Nam Kỳ, còn tay sai dựa vào quyền lực của thực dân để chuộc lợi, Đặng Huy Trứ nhận định: “Người làm quan phần đông là nóng lòng mưu cầu giàu sang, hoặc bỏ vào chỗ dễ kiếm chác hoặc mong thăng cao” [143, tr.36]. Đó cũng là lí do chính cắt nghĩa tại sao thực dân lại lập được bộ máy cai trị ở huyện, tổng, xã. Lẽ dĩ nhiên không phải tất cả thân hào địa chủ phong kiến đều theo Pháp, số thân hào chống Pháp vẫn còn đông. Năm 1879, Pháp đã ổn định được bộ máy đàn áp cai trị ở xứ Nam Kỳ, chấm dứt chế độ võ quan cai trị (thực chất là chế độ quân sự, trải qua 24 đời sỹ quan, cấp bậc từ đô đốc đến thiếu tướng hải quân), chuyển sang chế độ văn quan (chế độ dân sự). Năm 1880, do nhu cầu bóc lột, xâm chiếm mới, cần phải có người thống trị theo cách mới nên thực dân Pháp đã đưa Lemyre de Vilers vào làm Thống đốc dân sự đầu tiên ở Nam Kỳ. Chính Lemyre de Vilers đã đưa ra kiến nghị “Theo ý tôi thì đã đến lúc phải nghiêm chỉnh đưa người bản xứ vào cùng lo việc của họ” [52, tr.247]. Người bản xứ mà Lemyre Devilers đề cập ở đây là các quan lại cao cấp đã trung thành với thực dân như địa chủ phong kiến, tư sản mại bản. Điều này giúp cho quyền thống trị của thực dân sẽ ở trong phạm vi rộng hơn, mạnh hơn trong việc cai trị dân Nam Kỳ, chuẩn bị xâm chiếm Bắc Kỳ và toàn Việt Nam. Thực dân Pháp thi hành một số thủ đoạn lừa bịp như nghị định ngày 8.2.1880, quyết định để Lemyre de Vilers lập ra Hội đồng quản hạt Nam Kỳ có chức năng tư vấn. Hội đồng gồm 6 người Pháp, 6 người Việt (nhưng là người Việt đã vào “làng Tây” [99, tr.581]), 2 người đại biểu phòng thương mại và 2 người do Thống đốc chỉ định trong hội đồng tư vấn. Hội đồng quản hạt Nam Kỳ không đại diện cho quyền lợi của người dân Nam Kỳ, chỉ có quyền đề đạt ý kiến về thuế, ngân sách, cấm thảo luận chính trị. Cả Nam Kỳ với 1.500.000 người, chỉ có 2.273 người có quyền bầu cử, trong số cử tri này lại có 2 người Pháp và 4 tay sai là người Việt đang làm việc cho thực dân trong một hội đồng 14 người. Ngay người Pháp cũng phải thốt lên rằng: “Sự cải cách có một tai hại nghiêm trọng là đặt vào tay đa số người Pháp cả một ngân sách 14 triệu - ngân sách này sẽ gấp rút lên tới 20 triệu – phần lớn ngân sách đó là do người bản xứ đóng thuế, nhưng không phải là chi phí ra theo quyền lợi của nhân dân đóng thuế” [52, tr.247]. Ngoài ra, thực dân Pháp còn đặt bộ máy tư pháp riêng ở Sài Gòn và các tỉnh. Việc nhấn chìm các cuộc khởi nghĩa, triều đình phản lại quyền lợi dân tộc nên chính quyền thực dân lại càng được củng cố hơn. Những vụ kiện về đất, tài sản, buôn bánngày càng nhiều trong khi chính quyền thực dân luôn bênh vực cho lực lượng tay sai nên vì thế thực dân Pháp lại càng được hưởng lợi nhiều hơn. Bên cạnh việc đặt bộ máy tư pháp riêng ở Sài Gòn và các tỉnh, việc xem xét của tham biện và Thống đốc vẫn không bị thủ tiêu, nghĩa là thực dân lại đeo thêm vào cổ người dân một bộ máy đàn áp nữa “một số lớn ký sinh trùng mà dân phải nộp thuế để nuôi” [52, tr.248]. “Ở một xứ mà trong nhân dân không có công dân, chỉ có những thuộc dân, ở một xứ mà tiếng nói và phong tục hoàn toàn khác với tiếng nói và phong tục của ta, điều căn bản là làm sao cho người thay mặt cho chính phủ phải có quyền hành đặc biệt để cho chỉ thị của họ được có hiệu lực, để cho dân chúng thấy rõ cái chủ quyền của ta” (Lời của Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa ngày 21.5.1881). Thực dân còn cho các tham biện có quyền bắt giam, niêm phong tài sản của người Việt. Chính Lemyre de Vilers chủ trương liên kết chặt chẽ với các tầng lớp trong xã hội vì thực dân cho rằng nếu xây dựng hậu phương ổn định, vững chắc là điều kiện thuận lợi cho việc thống trị lâu dài. Để có hiệu suất trấn áp cao hơn, Pháp đã cho thay đổi chi tiết về hành chính, “thực dân Pháp ở Nam Kỳ trong thời kỳ này đẩy mạnh việc bắt lính ngụy” [144, tr.516]. Vấn đề chính là lính mã tà và lính tập. Thời trước nếu như các sĩ quan làm chủ tỉnh, chỉ huy lính mã tà thì bây giờ họ là chủ tỉnh, không phải là võ quan nữa. Pháp lựa chủ tỉnh từ những cử nhân luật, học sinh từ trường tham biện. Các chủ tỉnh không chỉ huy được quân nên ngày 2.12.1869, Pháp lập ra đội lính tập (khoảng 3.000 người chưa kể người Pháp). Các đội lính này sẽ là đội quân đối lập với nhân dân, dùng để trấn áp phong trào của nhân dân Nam Kỳ đồng thời phục tùng đắc lực cho chính quyền thực dân Pháp. Ngoài lính tập, còn các đội mã tà cũ nhưng đổi tên là mã tà tỉnh, chuyên việc canh gác trạm giao thông, các khám ở tỉnh, huyện. Như vậy, bộ máy đàn áp cai trị của thực dân Pháp nặng nề, quyết liệt hơn trước. Điều này chứng tỏ rằng phong trào đấu tranh của nhân dân Nam Kỳ không hề bị lắng xuống, ngược lại phong trào càng trở nên sôi nổi, mạnh mẽ hơn. Chính sách về kinh tế, tài chính: Nông nghiệp: Nam Kỳ có đất đai rộng, màu mỡ, vì thế thực dân Pháp chú trọng đến phát triển nông nghiệp. Chính quyền thuộc địa luôn đánh giá cao tiềm năng phát triển nông nghiệp ở vùng đất này: “Đất đai Nam Kỳ với độ phì nhiêu kỳ lạ, với hàng triệu lao động nông nghiệp bản xứ, đó là thực tế hùng hồn của thuộc địa tuyệt diệu này. Nam Kỳ không cần sự viện trợ của chính quốc, mà bản thân nó đủ sức nuôi sống 200 lần dân số của nó hiện nay” [138, tr.6]. Do vậy, chính quyền thực dân đã đưa nông nghiệp lên thành ngành sản xuất chính với mục đích đem lại nguồn lợi cao cho thực dân, làm giàu cho chính quốc. Với chính sách cướp đoạt ruộng đất của nông dân, điều chỉnh lại quyền sở hữu ruộng đất của Pháp ở Nam Kỳ nên ruộng đất tập trung chủ yếu vào thực dân và tay sai. Vì thế, diện tích trồng lúa ngày càng được mở rộng nên khối lượng lúa gạo thu hoạch được cũng không ngừng gia tăng. Bảng 3: Diện tích và khối lượng lúa ở Nam Kỳ trong giai đoạn 1868-1909 (Đơn vị: hecta, tấn) Năm Diện tích ruộng lúa Thu hoạch 1868 215.500 259.000 1880 522.000 627.000 1894 1.134.000 1.361.000 1909 1.527.000 1.833.000 [114, tr.56] Thông qua bảng số liệu trên cho thấy từ năm 1868 đến năm 1909, khối lượng lúa gạo sản xuất ở Nam Kỳ liên tục gia tăng, năm 1868 là 259.000 tấn nhưng đến năm 1909 đã lên đến 1.833.000 tấn, tăng hơn 7 lần so với năm 1868. Điều đó phản ánh chính sách khai thác, bóc lột triệt để của chính quyền thực dân Pháp đối với người dân Nam Kỳ trong lĩnh vực lúa gạo. Lúa gạo không chỉ phục vụ đủ cho xứ Nam Kỳ mà còn giúp cho thực dân xuất khẩu gạo với số lượng ngày càng tăng, đem lại lợi nhuận cao cùng với việc đánh thuế nặng về nông nghiệp. Từ năm 1870 đến năm 1885, thực dân Pháp đã xuất khẩu được khối lượng gạo ở Nam Kỳ như sau: Bảng 4: Khối lượng gạo xuất khẩu ở Nam Kỳ giai đoạn 1870-1896 (Đơn vị: tấn) Năm Khối lượng Năm Khối lượng Năm Khối lượng 1870 230.031 1879 367.681 1888 569.145 1871 299.422 1880 294.563 1889 349.364 1872 235.397 1881 258.368 1890 566.720 1873 279.775 1882 372.773 1891 463.265 1874 187.734 1883 539.360 1892 654.315 1875 341.272 1884 532.451 1893 779.740 1876 344.673 1885 501.382 1894 735.173 1877 312.878 1886 495.792 1895 679.250 1878 219.765 1887 533.949 1896 568.996 [Nguồn: 178, tr.23] Tuy nhiên, trái ngược với nguồn lợi lớn từ nông nghiệp mà thực dân Pháp thu được là cuộc sống đói khổ, bần cùng của người dân Nam Kỳ. Đó chính là lí do căn bản của các phong trào yêu nước chống Pháp ở Nam Kỳ giai đoạn 1885-1896. Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp: Do điều kiện tự nhiên ở Nam Kỳ không thuận lợi so với các vùng khác ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ trong phát triển công nghiệp nên thực dân Pháp không chú trọng các chính sách để công nghiệp phát triển. Tuy nhiên, do nhu cầu thực tiễn, phục vụ xuất khẩu nên một số ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vẫn phát triển như công nghiệp xay xát gạo, chế biến gỗ, rượu, mía, đường, sản xuất tơ lụa, gốm sứđặc biệt công nghiệp xay xát gạo phát triển rất mạnh, có đến hàng chụ... thiên tai ở Việt Nam giai đoạn 1802-1883 và chính sách cứu trợ xã hội của triều Nguyễn”, Tạp chí NCLS, số 8, tr.14-29. 15. Phan Bội Châu (1957), Niên biểu, Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội. 16. Phan Bội Châu (1957), Khổng học đăng, Nxb Anh Minh, Huế. 17. Văn Công Chí, Võ Văn Sổ (1994), Gia phả họ Phan ở Bà Điểm-Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh. 18. Ngô Chuẩn (2011), Cuộc đời Đức bổn sư Ngô Lợi, Kỳ 3, Báo An Giang online, ngày 27.9. 19. Ngô Chuẩn, Trần Bắt Gặp (2011), Cuộc đời Đức bổn sư Ngô Lợi, Kỳ cuối, Báo An Giang online, ngày 28.9. 20. Nguyễn Thúc Chuyên (2006), 157 nhân vật trong phong trào xuất dương, Nxb Nghệ An. 21. Nguyễn Ngọc Cơ, Tư tưởng dân chủ tư sản ở Việt Nam đầu thế kỷ XX, in trong Trần Bá Đệ (chủ biên, 2002), Một số chuyên đề lịch sử Việt Nam, Nxb ĐHQG Hà Nội. 22. Nguyễn Ngọc Cơ (2007), Phong trào dân tộc trong đấu tranh chống Pháp ở Việt Nam từ 1885 đến 1918, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. 23. Nguyễn Ngọc Cơ (chủ biên, 2010), Giáo trình lịch sử Việt Nam, tập IV (1858-1918), Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. 24. Nguyễn Ngọc Cơ, Trần Xuân Trí (2012), “Thuế ruộng trồng lúa ở Nam Kỳ từ 1862 đến chiến tranh thế giới lần thứ nhất”, Tạp chí NCLS, số 2, tr.17-28. 25. Võ Kim Cương (chủ biên, 2013), Lịch sử Việt Nam, tập 6 (từ năm 1858 đến năm 1896), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 26. Trần Đức Cường (chủ biên, 2014), Lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ (từ khởi thuỷ đến năm 1945), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 27. Hà Tân Dân (1971), Hệ phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Sài Gòn. 28. Hồ Tuấn Dung (2003), Chế độ thuế của thực dân Pháp ở Bắc Kỳ từ 1897 đến 1945, Nxb CTQG, Hà Nội. 29. Cù Thị Dung (2011), Hoạt động giáo dục ở Nam Kỳ thời Pháp thuộc 1862-1945, Luận văn Thạc sĩ Lịch sử, Đại học KHXH và NV Thành phố Hồ Chí Minh. 30. Phạm Cao Dương (1967), Thực trạng của giới nông dân Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, Nxb Khai Trí, Sài Gòn. 31. Đinh Trần Dương (2002), Sự chuyển biến của phong trào yêu nước và cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam trong ba mươi năm đầu thế kỷ XX, Nxb ĐHQG Hà Nội. 32. Trương Thị Dương (2012), Phong trào Duy Tân ở Việt Nam đầu thế kỷ XX (1903-1908), Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội. 33. Nguyễn Khắc Đạm (1958), Những thủ đoạn bóc lột của tư bản Pháp ở Việt Nam, Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội. 34. Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (1995,2014), Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, Tập I, II, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. 35. Trương Minh Đạt (2008), Nghiên cứu Hà Tiên, Nxb Trẻ, Tạp chí Xưa và Nay. 36. Trần Bạch Đằng (1991), Địa chí Sông Bé, Nxb Tổng hợp Sông Bé. 37. Nguyễn Đình Đầu (2002), “Nam Bộ với phong trào Đông Du”, Tạp chí Xưa và Nay, số 130, tr.26-27. 38. Cường Để (1957), Cuộc đời cách mạng Cường Để, nguyên tác Nhật ngữ, ký giả Tùng Lâm chấp bút, bản dịch của Ban tuyên truyền VNQPH, Tráng Liệt xuất bản, Sài Gòn. 39. Lê Qúy Đôn (1977), Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 40. Trịnh Hoài Đức (1998), Gia Định thành thông chí, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 41. Georges Boudarel (1998), Phan Bội Châu và xã hội Việt Nam ở thời đại ông, Nxb VHTT, Hà Nội. 42. Bảo Định Giang, Ca Văn Thỉnh (1997), Thơ văn yêu nước Nam Bộ nửa sau thế kỷ XIX, Nxb Văn học, Hà Nội. 43. Bảo Định Giang, Huỳnh Lứa, Nguyễn Quảng Tuân (2001), Gương sáng ngàn đời, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 44. Vũ Minh Giang (chủ biên, 2006), Lược sử vùng đất Nam Bộ, Nxb CTQG, Hà Nội. 45. Đoàn Lê Giang (2010), “Các chiến sĩ Đông Du Nam Kỳ hoạt động ở Nhật Bản”, Hội thảo quốc tế Trường Đại học KHXH và NV Thành phố Hồ Chí Minh. 46. Trần Văn Giàu (1975), Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến cách mạng tháng Tám, Tập II: Hệ ý thức tư sản và sự thất bại của nó trước các nhiệm vụ lịch sử, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 47. Trần Văn Giàu (1993), Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến cách mạng tháng Tám, Tập I: Hệ ý thức phong kiến và sự thất bại của nó trước các nhiệm vụ lịch sử, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. 48. Trần Văn Giàu (1997), “Người lục tỉnh”, Tạp chí Xưa và Nay, số 44B, tr.4. 49. Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng (chủ biên, 1998), Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Tập I, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. 50. Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Sơn Nam (1998), 300 năm Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. 51. Trần Văn Giàu và nhiều tác giả khác (1999), Nam Bộ xưa và nay, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh và Tạp chí Xưa và Nay. 52. Trần Văn Giàu (2001), Chống xâm lăng (Lịch sử Việt Nam từ 1858-1898), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. 53. Mai Thị Hà (2007), Phong trào Duy Tân ở Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX (1903-1908), Luận văn Thạc sĩ Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội. 54. Nguyễn Ngọc Hà, Biện Thị Hoàng Ngọc (2009), “Đặc điểm của phong trào Duy Tân Nam Kỳ đầu thế kỷ XX”, Kỷ yếu hội thảo Đề án quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ. 55. Nguyễn Thị Hà (2014), Phong trào Duy Tân ở Nam Kỳ những năm đầu thế kỷ XX (1905-1930), Luận văn Thạc sĩ Lịch sử, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. 56. Châu Hải (1992), Các nhóm cộng đồng người Hoa ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 57. Dương Thị Thanh Hải (2012), Phong trào yêu nước và cách mạng ở Bắc Trung Kỳ ba mươi năm đầu thế kỷ XX, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội. 58. Đinh Văn Hạnh (1997), “Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa với phong trào chống Pháp ở Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX”, Tạp chí NCLS, số 2, tr.32-38. 59. Nguyễn Văn Hầu (2002), Chí sĩ Nguyễn Quang Diệu-một lãnh tụ trọng yếu của phong trào Đông Du miền Nam, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 60. Trương Minh Hiển (2002), “Nguyễn Quang Diệu, lãnh tụ trọng yếu trong phong trào Đông Du miền Nam”, Tạp chí Xưa và Nay, số 120, tr.22-23. 61. Nguyễn Đức Hiệp (2019), Sài Gòn và Nam Kỳ trong thời kỳ canh tân 1875-1925, Nxb Văn hóa-Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. 62. Nguyễn Hữu Hiếu (2005), “Một trăm năm cuộc Minh Tân ở Nam Kỳ”, Tạp chí Xưa và Nay, số 236, tr.28-30. 63. Nguyễn Hữu Hiếu (2006), Yếu tố dẫn tới sự hình thành nét riêng của Phong trào Đông Du miền Nam, Tạp chí Xưa và Nay, Nxb Văn hóa Sài Gòn. 64. Lê Huỳnh Hoa (2003), Cảng Sài Gòn và biến đổi kinh tế Nam Kỳ thời Pháp thuộc (giai đoạn 1860-1939), Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. 65. Nguyễn Thị Thanh Hoa (2014), “Bước đầu tìm hiểu phong trào Cần Vương ở tỉnh Hải Dương”, Tạp chí NCLS, số 5, tr.35-46. 66. Ngô Văn Hòa, Dương Kinh Quốc (1978), Giai cấp công nhân Việt Nam những năm trước thành lập Đảng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 67. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (1997), Một số chuyên đề về lịch sử Việt Nam, Nxb CTQG, Hà Nội. 68. Hồ Chí Minh toàn tập (2011), Tập 1 (1912-1924), Nxb CTQG, Hà Nội. 69. Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh (2004), Nam Bộ đất và người, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 70. Đoàn Minh Huấn, Nguyễn Ngọc Hà (2017), Vùng đất Nam Bộ, Tập V (từ năm 1859 đến năm 1945), Nxb CTQG Sự thật, Hà Nội. 71. Đỗ Quang Hưng (chủ biên, 2001), Lịch sử báo chí Việt Nam 1865-1945, Nxb ĐHQG Hà Nội. 72. Nguyễn Thị Thanh Hương (2009), Phong trào yêu nước chống xâm lược ở Bình Định từ cuối thế kỷ XIX đến tháng Tám năm 1945, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội. 73. Phạm Văn Hướng (chủ biên, 1995), Lịch sử Tỉnh Trà Vinh, Tập I (1732-1945), Ban Tư tưởng Tỉnh ủy Trà Vinh. 74. Phương Hữu (1950), Phong trào Đông Du, Nxb Nam Việt, Sài Gòn. 75. Jean Pierre Aumiphin (1994), Sự hiện diện tài chính và kinh tế của Pháp ở Đông Dương (1859-1939), Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam xuất bản, Hà Nội. 76. Nguyễn Văn Khánh (2017), “Phan Chu Trinh trong lịch sử dân tộc Việt Nam”, Tạp chí NCLS, số 9, tr.11-21. 77. Phan Khoang (1960), Việt Nam Pháp thuộc sử (1884-1945), Nxb Khai Trí, Sài Gòn. 78. Lê Thị Kinh (2001, 2003), Phan Chu Trinh qua những tài liệu mới, Tập I,II, Nxb Đà Nẵng. 79. Trần Trọng Kim (2000), Việt Nam sử lược, Nxb VHTT, Hà Nội. 80. Trương Công Huỳnh Kỳ (2001), Phong trào yêu nước chống Pháp ở Quảng Ngãi từ năm 1885 đến năm 1930, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội. 81. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Vietnam, le moment moderniste (1905-1908)” tại Thành phố Aix en Provence (Pháp) ngày 3.5.2007, bản PDF. 82. Phạm Thị Lan (2002), Sự chuyển biến của phong trào yêu nước chống Pháp ở Thái Bình cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Đại học KHXH và NV Hà Nội. 83. Huỳnh Quang Lâm (2004), Thái độ chính trị của các thế lực yêu nước Việt Nam trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp (1858-1884), Luận văn Thạc sĩ Lịch sử, Đại học KHXH và NV Thành phố Hồ Chí Minh. 84. Việt Lâm (1962), “Một ít tài liệu về cuộc khởi nghĩa Phan Xích Long ở Nam Kỳ năm 1913”, Tạp chí NCLS, số 38, tr.19-21. 85. Đinh Xuân Lâm (chủ biên, 1997), Tân Thư và xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Nxb CTQG, Hà Nội. 86. Đinh Xuân Lâm (1998), “Sài Gòn trong kháng chiến chống Pháp (1859-1885)”, Tạp chí Xưa và Nay, số 50B, tr.17-18. 87. Đinh Xuân Lâm (2015), Phong trào chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 88. Lemyre de Vilers (1998), “Người Pháp nói về thuộc địa Nam Kỳ và Sài Gòn hồi cuối thế kỷ XIX”, Tạp chí Xưa và Nay, số 53B, tr.31-32. 89. Léopold Pallu (2019), Nam Kỳ viễn chinh ký 1861, Thanh Thư dịch, Nxb Hồng Đức, Hà Nội. 90. Nguyễn Quang Lê (2001), Từ lịch sử Việt Nam nhìn ra thế giới, Nxb VHTT, Hà Nội. 91. Nguyễn Đình Lê (2009), “Cơ cấu xã hội Nam Kỳ thời cận đại”, in trong Kỷ yếu Hội thảo Nam Bộ thời kỳ cận đại, Trường Đại học KHXH và NV Hà Nội. 92. Phan Huy Lê (chủ biên, 2016), Vùng đất Nam Bộ quá trình hình thành và phát triển, Tập I,II, Nxb CTQG Sự thật, Hà Nội. 93. Lênin Toàn tập (2005), Tập 3, Nxb CTQG, Hà Nội, bản PDF. 94. Nguyễn Thị Liên (2012), Sự phát triển nghề xà phòng ở Nam Kỳ nửa đầu thế kỷ XX, Luận văn Thạc sĩ Lịch sử, Đại học KHXH và NV Thành phố Hồ Chí Minh. 95. Trần Huy Liệu (1960), Lịch sử tám mươi năm chống Pháp, Tập III, Nxb Văn Sử Địa, Hà Nội. 96. Huỳnh Bá Lộc (2017), Thái độ chính trị của trí thức Nam Kỳ (1919-1939), Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Đại học KHXH và NV Thành phố Hồ Chí Minh. 97. Huỳnh Lứa (2000), Góp phần tìm hiểu vùng đất Nam Bộ các thế kỷ XVII-XVIII- XIX, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 98. Lý Thị Mai (2005), “Phụ nữ Nam Kỳ trong phong trào Đông Du”, Tạp chí Xưa và Nay, số 250, tr.21-23. 99. Huỳnh Minh (2001), Gia Định xưa, Nxb Thanh niên, Hà Nội. 100. Nguyễn Tư Tường Minh (2014), Phong trào Minh Tân ở Nam Kỳ đầu thế kỷ XX, Luận văn Thạc sĩ Lịch sử, Đại học KHXH và NV Thành phố Hồ Chí Minh. 101. Sơn Nam (1981), Bến Nghé xưa, Nxb Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. 102. Sơn Nam (1984), Đất Gia Định xưa, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. 103. Sơn Nam (1988), Lịch sử An Giang, Nxb Tổng hợp Hậu Giang. 104. Sơn Nam (1990), Người Sài Gòn, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 105. Sơn Nam (1992), Cá tính của miền Nam, Nxb Văn hóa, Hà Nội. 106. Sơn Nam (2016), Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 107. Sơn Nam (1998), Sài Gòn lục tỉnh xưa, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. 108. Sơn Nam (2002), Lịch sử Tỉnh Vĩnh Long (1732-2000), Nxb CTQG, Hà Nội. 109. Sơn Nam (2015), Nói về miền Nam, cá tính miền Nam và thuần phong mỹ tục Việt Nam, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 110. Sơn Nam (2019), Phong trào Duy Tân ở Bắc, Trung, Nam. Miền Nam đầu thế kỷ XX-Thiên Địa hội và cuộc Minh Tân, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 111. Nguyễn Thị Nga (2010), Cuộc vận động Duy Tân trên lĩnh vực kinh tế ở Nam Kỳ 30 năm đầu thế kỷ XX, Luận văn Thạc sĩ Lịch sử, Đại học KHXH và NV Thành phố Hồ Chí Minh. 112. Nguyễn Phúc Nghiệp (1993), “Có một phong trào Cần Vương ở Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX”, Tạp chí Kiến thức ngày nay, số 120, tr.3-6. 113. Nguyễn Phúc Nghiệp (2006), “Đồng bào Mỹ Tho với nhà yêu nước Phan Châu Trinh”, Tạp chí Xưa và Nay, số 256, tr.14-15. 114. Trần Thị Bích Ngọc (1985), “Tình hình sản xuất lúa gạo ở Nam Bộ dưới thời Pháp thuộc (1862-1945)”, Tạp chí NCLS, số 5, tr.55-63. 115. Nguyễn Quang Ngọc (chủ biên, 2017), Vùng đất Nam Bộ (tập IV: từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX), Nxb CTQG Sự thật, HN. 116. Trần Thanh Nhàn (2008), Quan hệ giữa các tổ chức yêu nước và cách mạng Việt Nam với nước ngoài đầu thế kỷ XX (1904-1929), Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Đại học KHXH và NV Thành phố Hồ Chí Minh. 117. Nhiều tác giả (1991), Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Hóc Môn (1859-1975), Ban chấp hành Đảng bộ huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh. 118. Nhiều tác giả (1997), Tân thư và xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Nxb CTQG, Hà Nội. 119. Nhiều tác giả (2007), Phong trào Đông Du ở miền Nam, Nxb Văn hóa Sài Gòn, Tạp chí Xưa và Nay. 120. Nhiều tác giả (2013), Nam Bộ xưa và nay, Nxb Thời đại, Tạp chí Xưa và Nay. 121. Lương Ninh (chủ biên, 2015), Lịch sử Việt Nam giản yếu, Nxb CTQG Sự thật, Hà Nội. 122. Nguyễn Duy Oanh (2018), Quân dân Nam Kỳ kháng Pháp trên mặt trận quân sự và văn chương (1859-1885), Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. 123. Phan Châu Trinh Toàn tập (2005), Nxb Đà Nẵng. 124. Philippe Devillers (2006), Người Pháp và người An Nam bạn hay thù, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. 125. Đặng Duy Phúc (2015), Giản yếu sử Việt Nam, Nxb Hà Nội. 126. Vũ Huy Phúc (1996), Tiểu thủ công nghiệp Việt Nam (1858-1945), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 127. Vũ Huy Phúc (2003), Lịch sử Việt nam 1858-1896, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 128. Lê Hữu Phước, Nguyễn Phan Quang (1989), Khởi nghĩa Trương Định, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. 129. Võ Thành Phương (2014), Lược sử hình thành và khai phá đất An Giang, Nxb Văn hóa-Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật An Giang. 130. Nguyễn Phan Quang (1991), “Phong trào chống Pháp do Đào Công Bửu lãnh đạo (1893-1894)”, Tạp chí NCLS, số 4, tr.67-70. 131. Nguyễn Phan Quang (1995), “Về cuộc vận động chống Pháp của Lê Công Chánh trên địa bàn Nam Kỳ (cuối thế kỷ XIX)”, Tạp chí NCLS, số 4, tr.80-84. 132. Nguyễn Phan Quang (1995,1998), Việt Nam cận đại những sử liệu mới, Tập I,II, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. 133. Nguyễn Phan Quang (1997), “Về hội kín “Thiên Địa hội” ở Gia Định năm 1901”, Tạp chí NCLS, số 4, tr.92-94. 134. Nguyễn Phan Quang (1999), Việt Nam thế kỷ XIX (1802-1884), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. 135. Nguyễn Phan Quang (2004), Thị trường lúa gạo Nam Kỳ 1860-1945, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. 136. Nguyễn Phan Quang (2005), Theo dòng lịch sử dân tộc, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. 137. Nguyễn Phan Quang (2006), “Nhân vật Lê Võ trong phong trào Duy Tân-Đông Du đầu thế kỷ XX”, Tạp chí NCLS, số 10, tr.66-70. 138. Vũ Văn Quân (2008), “Nam Bộ-một số vấn đề tiếp cận thiết chế quản lý xã hội”, in trong: Lịch sử nghiên cứu và phương pháp tiếp cận (Kỷ yếu Hội thảo khoa học lần thứ nhất Đề án khoa học xã hội cấp nhà nước: Qúa trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ), Nxb Thế giới, Hà Nội. 139. Dương Kinh Quốc (1981), Việt Nam những sự kiện lịch sử 1858- 1945, Tập I, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 140. Dương Kinh Quốc (1988), Chính quyền thuộc địa ở Việt Nam trước cách mạng tháng tám 1945, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 141. Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, bản dịch, Tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 142. Nguyễn Ái Quốc (2008), Bản án chế độ thực dân Pháp, Nxb CTQG, Hà Nội. 143. Trương Hữu Quýnh (1998), “Nhìn lại tình hình xã hội Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX”, Tạp chí NCLS, số 3, tr.29-36. 144. Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn (chủ biên, 2008), Đại cương lịch sử Việt Nam toàn tập, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 145. Trần Văn Rạng (2006), “Phong trào Hội kín ở Nam Kỳ”, Tạp chí Xưa và Nay, số 260, tr.13-15. 146. Trần Ngọc Sáng (2010), Các xu hướng trong phong trào yêu nước ở Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX, Luận văn Thạc sĩ Lịch sử, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. 147. Võ Văn Sen (2017), “Phong trào Duy Tân ở Nam Kỳ đầu thế kỷ XX-quá trình và đặc điểm”, Tạp chí Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, số 7, tr.43-53. 148. Vương Hồng Sển (1990), Sài Gòn năm xưa, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. 149. Shiraishi Masaya (2000), Phong trào dân tộc Việt Nam và quan hệ của nó với Nhật Bản và Châu Á, Tập I,II, Nxb CTQG, Hà Nội. 150. Hồ Song, Chương Thâu (1997), “Sự chuyển hướng tư tưởng trong phong trào quốc gia dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX”, Tạp chí NCLS, số 2, tr.16-31. 151. Kiều Lê Công Sơn (2014), “Hóc Môn (Gia Định) trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc (1885-1945)”, Kỷ yếu Khoa Lịch sử Đại học Vinh. 152. Phạm Văn Sơn (1962), Việt sử tân biên (Việt Nam kháng Pháp sử), Quyển V, Sài Gòn. 153. Phạm Văn Sơn (1971), Quân dân Việt Nam chống Tây xâm (1847-1945), Sài Gòn. 154. Vũ Thanh Sơn (2012), Nhân vật lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Quyển 9, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội. 155. Vũ Thanh Sơn (2018), Anh hùng hào kiệt Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. 156. Nguyễn Văn Tân (2002), Từ điển địa danh lịch sử, văn hóa du lịch Việt Nam, Nxb VHTT, Hà Nội. 157. Đặng Hoàng Thám (2012), Huyền thoại về ông “Năm Thiếp” Núi Tượng, Báo Cần Thơ online, ngày 28.4. 158. Trịnh Vân Thanh (1967), Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển, quyển 2, Nxb Hồn Thiêng, Sài Gòn. 159. Cao Tự Thanh (2009), Nho giáo ở Gia Định, Nxb Văn hóa Sài Gòn. 160. Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế (1991), Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 161. Nguyễn Quyết Thắng (2006), Phong trào Duy Tân và các khuôn mặt tiêu biểu, Nxb VHTT, Hà Nội. 162. Chương Thâu (1989), “Ảnh hưởng của cách mạng tư sản Pháp đối với một số nhà nho Việt Nam yêu nước và tiến bộ đầu thế kỷ XX”, Tạp chí NCLS, số 2, tr.79-86. 163. Chương Thâu (1997), “Chính sách của thực dân Pháp đối với ảnh hưởng của Tân Thư ở Việt Nam”, Tạp chí NCLS, số 1, tr.7-10. 164. Chương Thâu (2000), Phan Bội Châu toàn tập, (10 tập), Nxb Thuận Hóa, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội. 165. Chương Thâu (2005), “Về đội ngũ lưu học sinh Việt Nam trên đất Nhật Bản đầu thế kỷ XX”, Tạp chí NCLS, số 12, tr.9-23. 166. Chương Thâu (2007), Góp phần tìm hiểu Nho giáo, nho sỹ, trí thức Việt Nam trước năm 1945, Nxb VHTT, Viện Văn hóa, Hà Nội. 167. Chương Thâu (2019), Hoạt động chống Pháp trong các xứ An Nam từ 1905 đến 1918, Nxb ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh. 168. Trần Thuận (2014), Nam Bộ vài nét lịch sử - văn hóa, Nxb Văn hóa Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh. 169. Trần Minh Thuận (2018), Kinh tế đồn điền ở miền Tây Nam Kỳ từ năm 1900 đến năm 1945, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội. 170. Tạ Thị Thúy (chủ biên, 2013), Lịch sử Việt Nam, tập 7 (từ năm 1897 đến năm 1918), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 171. Nguyễn Thanh Tiến (2005), Hội kín ở Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Luận văn Thạc sĩ Lịch sử, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. 172. Nguyễn Thanh Tiến (2007), “Góp thêm ý kiến về Hội kín Phan Xích Long”, Tạp chí Xưa và Nay, số 282, tr.32-33. 173. Tổng cục du lịch Việt Nam, Trung tâm công nghệ thông tin du lịch (2004), Non nước Việt Nam, Hà Nội. 174. Thu Trang (2000), Những hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp 1911-1925, Nxb Văn nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh. 175. Trần Xuân Trí (2009), Những biến đổi trong kinh tế nông nghiệp Nam Kỳ thời thuộc địa từ 1862 đến 1945, Luận văn Thạc sĩ Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội. 176. Trần Xuân Trí (2018), “Thuế thân và sưu dịch ở Nam Kỳ dưới thời Pháp đô hộ”, Tạp chí NCLS, số 11, tr.3-19. 177. Phan Châu Trinh (1958), Giai nhân kỳ ngộ, Nxb Hướng Dương, Sài Gòn. 178. Phạm Quang Trung (1985), “Chính sách vơ vét lúa gạo của tư bản Pháp và quá trình phát triển của giai cấp địa chủ ở Nam Bộ thời Pháp thuộc”, Tạp chí NCLS, số 6, tr.23-31. 179. Nguyễn Văn Trung (2015), Hồ sơ về Lục châu học, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh. 180. Truyện Phan Xích Long (1913), Sài Gòn. 181. Phạm Hồng Tung (1999), “Tìm hiểu thêm về Phan Bội Châu và vấn đề đoàn kết lương giáo chống Pháp đầu thế kỷ XX”, Tạp chí NCLS, số 6, tr.72-81. 182. Lưu Thị Ngọc Tuyết (2018), Phong trào yêu nước chống thực dân Pháp của nhân dân vùng trung du và thượng du Bắc Kỳ từ năm 1883 đến năm 1930, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội. 183. Nguyễn Đình Tư (2016), Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954), Tập I, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. 184. Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (1985), Lịch sử Việt Nam, Tập II, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 185. Trần Mai Ước (2013), “Từ tư tưởng “khai dân trí” của Phan Châu Trinh suy nghĩ về đổi mới giáo dục ở nước ta hiện nay”, Tạp chí Khoa học, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, số 42, tr.112-119. 186. Viện Viễn đông bác cổ Pháp, Cục Lưu trữ nhà nước Việt Nam (1997), Văn thơ Đông Kinh nghĩa thục, Nxb Văn hóa, Hà Nội. 187. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Sử học (2014), Lịch sử Việt Nam thường thức, Tập 2 (từ năm 1858 đến năm 2000), Nxb Giáo dục, Hà Nội. 188. Thiên Vũ, Võ Huy Quang (2001), Khắc họa chân dung tử tù trong lịch sử đấu tranh giữ nước giai đoạn năm 1858 đến năm 1975, Tập I, Nxb Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. 189. Trần Nhật Vy (2015), Mười tám thôn vườn trầu, Nxb Văn hóa-Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. 190. Nguyễn Văn Xuân (1995), Phong trào Duy Tân, Nxb Đà Nẵng. II. TÀI LIỆU TIẾNG NƯỚC NGOÀI. * Tiếng Anh. 191. Marr David George (1971), Vietnamese Anticolonialism (1885-1925), University of California Press, Berkeley. 192. Hue Tam Ho Tai (1983), Millenarianism and Peasant Politics in Vietnam, Cambridge, Massachusetts and London, England, Harvard University Press. 193. Hue Tam Ho Tai (1992), Radicalism and the Origins of the Vietnamese Revolution, Cambridge, Harvard University Press. 194. William Duiker (1976), The Rise of Nationalism in Vietnam, 1900-1941, Cornell University Press, Ithaca and London. * Tiếng Pháp. 195. A.Thomazi (1934), La conquete de L’Indochine, Paris. 196. Charles Gosselin (1904), L’Empire d’Annam, Paris. 197. Charles Robequain (1939), L’évolution économique de L’Indochine Francaise, Paris. 198. Cochinchine Francaise (1898), Procès-verbaux du Conseil colonial: session ordinaire de 1897, Imprimerie coloniale, Sai Gon. 199. Cochinchine Francaise (1908), Procès-verbaux du Conseil colonial: session ordinaire de 1908, Imprimerie coloniale, Sai Gon. 200. Daniel H’mery (1975), Révolutionnaires Vietnamiens et pouvoir colonial en Indochine, Paris. 201. Fernand Bernard (1901), L’Indochine, Erreurs et dangers, Charpentier, Paris. 202. Georges Coulet (1926), Les Sociétés Secrètes en Terre d’Annam, Imprimerie Commerciale C. Ardin, Sài Gòn. 203. Georges Coulet (1928), Bonzes, pagodes et Sociétés Secrètes en Cochinchine, Extrème-Asie Revue Indochinoise Illustrée. 204. Henri Galos (1861), L’Expédition de Cochinchine et la politique Francaise dans L’Extreme-Orient, Revue des Deux Mondes. 205. Jean Chesneaux (1955), Contribution à L’histoire de la nation Vietnamienne, E’ditions sociales, Paris. 206. P. Quesnel (1919), Rapports, Sai Gon. 207. Paul Doumer (1902), Situation de L’Indochine (1897-1901), Ha Noi. 208. Paul Alinot (1916), L’Indochine Francaise-phisique, e’conomique, politique, administrative et historique, Saigon, Albert Portail, Imprimer-éditeur. 209. Philippe Devillers (1966), Au Sud Vietnamil y a cent ans, France- Asie. 210. Pierre Gourou (1939), L’utilisation du sol en Indochine Francaise, P.Harmant édition, Paris. 211. Pierre Richard Feray (1979), Le Vietnam au XX ème siecle, Paris. 212. Prosper Cultru (1910), Histoire de la Cochinchine Francaise: des origines à 1883, Challamel Ainé, Paris. 213. Tài liệu lưu trữ, Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ, Dossier relatif à L’Inspection des Affaires Politiques et Administratives diverses des provinces années 1871-1943, ký hiệu 3095, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Thành phố Hồ Chí Minh. 214. Tài liệu lưu trữ, Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ, Dossier relatif à L’insurrection d'Hoc Mon en Février 1885 et condamnations années 1885-1892, ký hiệu 13092, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Thành phố Hồ Chí Minh. 215. Tài liệu lưu trữ, Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ, Rapports mensuels de L’année 1892 du commissariat central de la Police administrative et judiciaire de la ville de Sai Gon, ký hiệu 3751, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Thành phố Hồ Chí Minh. 216. Tài liệu lưu trữ, Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ, Rapports au Conseil Colonial de la Cochinchine années 1886 – 1893, ký hiệu 18084, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Thành phố Hồ Chí Minh. 217. Tài liệu lưu trữ, Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ, Rapports au Conseil Colonial de la Cochinchine années 1894 – 1898, ký hiệu 18085, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Thành phố Hồ Chí Minh. 218. Tài liệu lưu trữ, Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ, Rapports mensuels au Gouverneur Général de L’Indochine sur la situation politique et économique de la Cochinchine années 1895-1898, ký hiệu 46004, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Thành phố Hồ Chí Minh. 219. Tài liệu lưu trữ, Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ, État de la Cochinchine Francaise en 1895, ký hiệu NV.2150, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Thành phố Hồ Chí Minh. 220. Tài liệu lưu trữ, Phông Phủ Thống đốc Nam Kỳ, État de la Cochinchine Francaise (1887-1896), ký hiệu NV.592, NV.663, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, Thành phố Hồ Chí Minh. 221. Yves Henry (1932), Économie agricole de L’Indochine, (bản dịch), ký hiệu LT 68/27, Thư viện Thông tin Khoa học xã hội, Hà Nội. PHỤ LỤC DANH MỤC PHỤ LỤC Phụ lục 1: Bản đồ Đông Dương. Phụ lục 2: Bản đồ hành chính Nam Kỳ Lục tỉnh năm 1836. Phụ lục 3: Quy hoạch hành chính của Nam Kỳ năm 1808. Phụ lục 4: Cơ cấu dân số theo giới tính ở Nam Kỳ thời cận đại. Phụ lục 5: Các ảnh tư liệu liên quan đến phong trào yêu nước chống Pháp ở Nam Kỳ. PHỤ LỤC 1 Bản đồ Đông Dương [Nguồn: The citizen’s atlas of the world, John bartholomew and son limited edinburgh, 1952, tr.96] PHỤ LỤC 2 Bản đồ hành chính Nam Kỳ Lục tỉnh năm 1836 [Nguồn: Nguyễn Đình Đầu, Tổng kết nghiên cứu địa bạ Nam Kỳ Lục tỉnh, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1994, tr.64] PHỤ LỤC 3 TT Gia Định trấn (1802) Gia Định thành (1808) 1 Dinh Phiên Trấn Huyện Tân Bình Tổng Bình Dương Tổng Tân Long Tổng Phúc Lộc Tổng Bình Thuận Trấn Phiên An Phủ Tân Bình Huyện Bình Dương Huyện Tân Long Huyện Phúc Lộc Huyện Thuận An 2 Dinh Trấn Biên Huyện Phúc Long Tổng Tân Chính Tổng Bình An Tổng Long Thành Tổng Phúc An Trấn Biên Hòa Phủ Phúc Long Huyện Phúc Chính Huyện Bình An Huyện Long Thành Huyện Phúc An 3 Dinh Vĩnh Trấn Châu Định Viễn Tổng Bình An Tổng Bình Dương Tổng Tân An Trấn Vĩnh Thanh Phủ Định Viễn Huyện Vĩnh An Huyện Vĩnh Bình Huyện Tân An 4 Dinh Trấn Định Huyện Kiến An Tổng Kiến Đăng Tổng Kiến Hưng Tổng Kiến Hòa Trấn Định Tường Phủ Kiến An Huyện Kiến Đăng Huyện Kiến Hưng Huyện Kiến Hòa 5 Đạo Long Xuyên Huyện Long Xuyên Tổng Long Thúy Tổng Quảng Xuyên 6 Đạo Kiên Giang Huyện Kiên Giang Tổng Kiên Định Tổng Thanh Giang Quy hoạch hành chính của Nam Kỳ năm 1808 [Nguồn: Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch, tập 3, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.287] PHỤ LỤC 4 Tỷ lệ nam ở Nam Kỳ chiếm 50,83% tổng số cư dân Nữ chiếm 49,17% Tỷ lệ nam vùng Nam Kỳ cao hơn bình quân cả nước khoảng 1% (số liệu cả nước vào thời điểm này là: 49,66% nam; 50,34% nữ). Đặc biệt tại vùng đô thị, kinh tế năng động, tỷ lệ nam rất cao như: Ở Rạch Giá (52,56%); Thủ Dầu Một (52,34%); Hà Tiên (55,56%); Sài Gòn 55,42%; Chợ Lớn 53,19%; Côn Đảo có tỷ lệ nam 100% dân số; Cơ cấu dân số theo giới tính ở Nam Kỳ thời cận đại [Nguồn: Tổng cục Thống kê, Số liệu thống kê Việt Nam thế kỷ XX, tập 1, Hà Nội, 2004] PHỤ LỤC 5 CÁC ẢNH TƯ LIỆU LIÊN QUAN ĐẾN PHONG TRÀO YÊU NƯỚC CHỐNG PHÁP Ở NAM KỲ Pháp tấn công thành Gia Định [Nguồn: Baotanglichsu.vn] Dinh Norodom thời Pháp thuộc [Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử] Một bản báo cáo của Trần Tử Ca [Nguồn: 189, tr.75] Thống kê một số mặt hàng xuất nhập khẩu năm 1895 (trang 178 - 181) [Nguồn: Situation commercial statisque importation et exportation, Rey et Curie, 1897, tr. 46] Nông nghiệp Thương nghiệp Công nghiệp Văn học Trung học đệ nhị cấp Sư phạm Pháp chính Ban khoa học Ban văn học Trung học đệ nhất cấp Tiểu học Pháp – Việt Trường làng (ấu học) Sơ đồ tổ chức hệ giáo dục Pháp-Việt theo cải cách của Toàn quyền Paul Doumer [Nguồn: Phan Trọng Báu, Giáo dục Việt Nam thời cận đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006, tr.72] Bảng so sánh xuất khẩu lúa gạo từ năm 1908 [Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, ký hiệu IA3/193] Phan Bội Châu và Cường Để: hai nhân vật chính trong phong trào Đông Du [Nguồn: Baotanglichsu.vn] Phan Chu Trinh, người khởi xướng phong trào Duy Tân [Nguồn: Baotanglichsu.vn] Phan Xích Long, lãnh đạo phong trào Hội kín [Nguồn: Baotanglichsu.vn] Sơ đồ khởi nghĩa Phan Văn Hớn [Nguồn: Bảo tàng huyện Hóc Môn] Trích bản cáo trạng vụ án tại Hóc Môn, Anh Trần dịch (trang 186 – 191) [Nguồn: 189, tr.293] Trích Nghị định kết án những người tham gia khởi nghĩa Phan Văn Hớn (trang 192 – 195) [Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, ký hiệu 13092] Công văn số 148, ngày 30.3.1886 của Chánh Biện lý Sở Tư pháp Nam Kỳ gửi Giám đốc Nha Nội chính về việc Tòa bác đơn kháng nghị của những người tham gia khởi nghĩa Phan Văn Hớn. (trang 196 - 198) [Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II, ký hiệu 13092] Ff Fg L kkhyhll Núi Tượng, căn cứ kháng Pháp trong khởi nghĩa Ngô Lợi [Nguồn: Ảnh thực địa do tác giả luận án chụp năm 2019] Các nhân vật người Vĩnh Long trong phong trào Đông Du [Nguồn: Nghiencuuquocte.org] Phong trào cắt tóc ngắn [Nguồn: vi.wikipedia.org] Báo Nông Cổ Mín Đàm [Nguồn: Thư viện Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh] Báo Lục Tỉnh Tân Văn [Nguồn: Thư viện Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh] Thầy phù thủy trong phong trào Hội kín [Nguồn: Georges Coulet (1926), Les Sociétés Secrètes en Terre d’Annam, Imprimerie Commerciale C. Ardin, Sài Gòn] Cờ trong cuộc khởi nghĩa năm 1916 của phong trào Hội kín [Nguồn: Georges Coulet (1926), Les Sociétés Secrètes en Terre d’Annam, Imprimerie Commerciale C. Ardin, Sài Gòn] Bùa hộ mệnh của nghĩa quân trong phong trào Hội kín [Nguồn: Ngô Văn, Việt Nam 1920-1945: cách mạng và phản cách mạng thời đô hộ thực dân, Nxb Chuông Rè, L’Insomniaque, Montreuil (Pháp), 2000] Chùa Tam Bửu, nơi thờ Ngô Lợi [Nguồn: Ảnh thực địa do tác giả luận án chụp năm 2019] Đền thờ Phan Văn Hớn [Nguồn: Ảnh thực địa do tác giả luận án chụp năm 2019]

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docxphong_trao_yeu_nuoc_chong_phap_o_nam_ky_giai_doan_1885_1918.docx
  • pdfCấp NN.pdf
  • docThong tin ve nhung KL moi cua LA.doc
  • pdfThong tin ve nhung KL moi cua LA.pdf
  • docxTóm tắt TA gửi phản biện kín.docx
  • pdfTóm tắt TA gửi phản biện kín.pdf
  • docxTóm tắt TV gửi phản biện kín.docx
  • pdfTóm tắt TV gửi phản biện kín.pdf
Tài liệu liên quan