Phong trào cánh tả Mỹ La tinh: thực trạng và triển vọng

Tài liệu Phong trào cánh tả Mỹ La tinh: thực trạng và triển vọng: ... Ebook Phong trào cánh tả Mỹ La tinh: thực trạng và triển vọng

doc131 trang | Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 6719 | Lượt tải: 1download
Tóm tắt tài liệu Phong trào cánh tả Mỹ La tinh: thực trạng và triển vọng, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Mỹ Latinh là khu vực địa lý trải dài từ Mexico xuống hết Nam Mỹ, với tổng diện tích trên 20,5 triệu km2 và dân số trên 500 triệu người; có 33 quốc gia độc lập và 14 vùng lãnh thổ (các đảo nhỏ thuộc Anh, Pháp và Hà Lan). Trừ người Brasil nói tiếng Bồ Đào Nha, tất cả người dân các nước còn lại ở Mỹ Latinh đều nói tiếng Tây Ban Nha. Nét độc đáo về ngôn ngữ và văn hoá trên đây của các dân tộc dân chủ tiến bộ ở Mỹ Latinh là yếu tố hỗ trợ cho các khuynh hướng, phong trào chính trị lan toả nhanh chóng và rộng khắp châu lục. Từ đầu những năm 1990 (thế kỷ XX), ở Mỹ Latinh đã xuất hiện xu hướng thiên tả và ngày càng phát triển mạnh, đến đầu thế kỷ XXI nó đã thực sự trở thành một trào lưu chính trị - xã hội có tiếng vang lớn không chỉ ở khu vực, mà còn trên quy mô toàn thế giới. Điển hình ở Mỹ Latinh hiện có 4 quốc gia là Venezuela, Bolivia, Ecuador và Nicaragua lựa chọn con đường xây dựng “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI”. Trên thực tế, 3 yếu tố chính đã hình thành nên bước phát triển mới của trào lưu cánh tả Mỹ Latinh: Một là, các phong trào xã hội mạnh mẽ với sự tham gia của các tầng lớp nhân dân rộng rãi đòi hỏi phải có sự thay đổi để thoát khỏi tình trạng mất dân chủ và bất bình đẳng xã hội ngày càng nghiêm trọng, do việc áp dụng ồ ạt “chủ nghĩa tự do mới”. Một mô hình quản lý kinh tế xã hội tư bản chủ nghĩa kiểu Mỹ, tuy mang lại một số kết quả tức thời, nhưng những mặt trái của nó là những hậu quả nặng nề của sự áp đặt mô hình chủ nghĩa tự do mới đã làm gia tăng sự lệ thuộc của các nước Mỹ Latinh vào tư bản độc quyền nhà nước, nhất là tư bản Mỹ, lợi ích quốc gia và nền độc lập dân tộc bị phương hại. Do đó, ở Mỹ Latinh, đồng thời với sự thức tỉnh ý thức tự chủ, tự tôn dân tộc của các tầng lớp xã hội, đã dấy lên phong trào đấu tranh ngày càng mạnh mẽ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động vì mục tiêu dân sinh, dân chủ, tiến bộ xã hội. Đây là điều kiện thuận lợi để các lực lượng cánh tả khu vực đẩy mạnh hoạt động và trở thành lực lượng đi đầu cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tự do mới, chống sự lệ thuộc vào Mỹ, bảo vệ độc lập chủ quyền và bình đẳng trong quan hệ quốc tế. Hai là: Các lực lượng cánh tả và các đảng cộng sản thay đổi phương thức đấu tranh, chuyển từ hoạt động vũ trang sang chú trọng vận động quần chúng nhân dân thấy được sự cần thiết khách quan phải thực hiện những cải cách sâu rộng, từ bỏ mô hình kinh tế chủ nghĩa tự do mới, thực hiện dân chủ, công bằng tiến bộ xã hội.. Đây thực sự là bước phát triển mới của trào lưu cánh tả Mỹ Latinh, đồng thời trở thành một hiện tượng nổi bật trong thực tiễn chính trị thế giới sau “chiến tranh lạnh”. Khởi đầu cho bước phát triển mới của trào lưu cánh tả Mỹ Latinh là thắng lợi của ông Hugo Chavez tại cuộc bầu cử tổng thống năm 1998 ở Venezuela. Sự kiện này có ảnh hưởng tích cực đối với thắng lợi tiếp theo của các lực lượng cánh tả ở các quốc gia Mỹ Latinh khác như: Chile, Brasil, Argentina, Panama, Bolivia, Nicaragua, Ecuador. Ba là : Các cuộc cải cách (Venezuela, goị là cách mạng) mang tính dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, nhằm củng cố độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia, đảm bảo các quyền dân sinh, dân chủ cho người dân … Trong trào lưu này, các “thủ lĩnh” nổi lên từ các phong trào đấu tranh vì dân sinh, dân chủ có vai trò đặc biệt quan trọng, trong khi các chính đảng, kể cả các Đảng cộng sản, cánh tả (trừ Đảng Lao động Brasil hiện chưa có vị trí, vai trò gì đáng kể). Tuy nhiên, bản thân các “thủ lĩnh” ở Mỹ Latinh cũng như các lực lượng tham gia liên minh cầm quyền đều đã nhận thức rõ nhu cầu cấp thiết phải xây dựng một chính đảng làm nòng cốt chính trị cho tiến trình cải cách. Đồng thời thông qua công tác vận động, tổ chức quần chúng tham gia phong trào xã hội và trực tiếp tham gia đấu tranh. Vì vậy các Đảng Cộng sản, đảng cánh tả ở các nước Mỹ Latinh đều có những bước phục hồi và phát triển rõ rệt cả về tổ chức và lực lượng, nâng cao vị trí trên trường quốc tế. Ấn tượng của trào lưu cánh tả Mỹ Latinh không chỉ dừng lại ở thắng lợi của họ trong các cuộc bầu cử, mà còn thể hiện qua việc thực hiện những chính sách kinh tế - xã hội có xu hướng tiến bộ. Kể từ khi nắm chính quyền, các chính phủ cánh tả đã tuyên bố hoặc đã tiến hành cải cách kinh tế - xã hội, chuyển từ mô hình chủ nghĩa tự do mới sang mô hình thực hiện kinh tế thị trường kết hợp với việc giải quyết các vấn đề xã hội. Những cải cách của các chính phủ cánh tả đã thu được kết quả bước đầu rất tích cực, kinh tế phục hồi và có bước tăng trưởng khá, chính trị đi vào ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ người nghèo giảm từ 44 % năm 2002 xuống 38 % năm 2006 . Về đối ngoại: Nhiều nhà lãnh đạo thực thi chính sách đối ngoại mềm dẻo, linh hoạt, thúc đẩy hợp tác đa phương. Tuy chưa thoát khỏi sự lệ thuộc vào Mỹ nhưng chính sách đối ngoại của các chính phủ cánh tả đã thể hiện rõ xu hướng độc lập hơn . Xu hướng liên kết ở khu vực này khá rõ nét: Cuba, Bolivia và Venezuela ký hiệp ước thương mại (ALBA), thách thức ý tưởng thành lập khu vực mậu dịch tự do của Mỹ. Hội nghị bốn nước Brasil, Argentina, Venezuela và Bolivia, thúc đẩy liên kết Mỹ Latinh trong khuôn khổ khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) tăng cường hợp tác với Cuba, mở rộng hợp tác với EU, Trung Quốc, Nhật Bản và các nước khác. Bốn là, quá trình tập hợp lực lượng của các đảng cộng sản, cánh tả, tiến bộ Mỹ La tinh thông qua các diễn đàn, hội nghị quốc tế cũng là yếu tố thuận lợi giúp cánh tả khu vực củng cố và mở rộng ảnh hưởng của mình. Ngoài diễn đàn Sao pao lô, cánh tả Mỹ Latinh còn thường xuyên tổ chức hội thảo quốc tế thu hút sự tham gia của hàng chục đảng cộng sản, công nhân cánh tả ở Mỹ Latinh , châu Âu và châu Á. Bên cạnh đó, Hội nghị “Toàn cầu hóa và những vấn đề của sự phát triển” do Cu Ba đăng cai tổ chức cũng là một diễn đàn rộng rãi thu hút sự tham gia của đại diện các đảng cộng sản, cánh tả cùng với các tổ chức quốc tế, các nhà kinh tế có quan điểm tiến bộ. Là một bộ phận cấu thành hữu cơ của cách mạng thế giới, hơn bảy thập niên qua, ĐCS Việt Nam một mặt thường xuyên nhận được sự cổ vũ, động viên, giúp đỡ về vật chất và tinh thần của các lực lượng cách mạng ở khắp các châu lục, trong đó có nhân dân các nước Mỹ Latinh; Nhiều người trong thế hệ đó nay đang nắm giữ những cương vị lãnh đạo quan trọng trong chính quyền, các lực lượng chính trị hoặc trong các lĩnh vực kinh tế, tiếp tục mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt nam. Sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng cánh tả ở khu vực Mỹ Latinh sau chiến tranh lạnh là một nhân tố thuận lợi mới cho sự phát triển quan hệ giữa nước ta với khu vực Mỹ Latinh. Hiện nay ngoài việc củng cố và tăng cường tình đoàn kết, quan hệ chính trị, ngoại giao với các nước Mỹ Latinh, Việt Nam đang chú trọng đẩy mạnh quan hệ kinh tế, thương mại, khoa học, công nghệ , đi vào một số lĩnh vực cụ thể phù hợp với thế mạnh và đáp ứng nhu cầu của nhau. Đương nhiên, để củng cố và tăng cường một cách hiệu quả mối quan hệ với phong trào cánh tả Mỹ Latinh, chúng ta cần hiểu rõ tình hình thực tế, đường lối, chiến lược, sách lược cũng như triển vọng của phong trào những năm sắp tới. Do vậy, việc nghiên cứu sự vận động, những biến chuyển của phong trào cánh tả Mỹ Latinh và tác động của nó đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế những năm đầu thế kỷ XXI có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cấp bách đối với sự nghiệp cách mạng nước ta, đồng thời đây cũng là một đóng góp nhất định đối với việc nghiên cứu về phong trào Cộng sản và phong trào cánh tả hiện nay. Vì vậy, chúng tôi lựa chọn đề tài "Phong trào cánh tả Mỹ La tinh: thực trạng và triển vọng" làm hướng nghiên cứu của mình. 2. Tình hình nghiên cứu của đề tài Những năm gần đây, khu vực Mỹ Latinh đang chứng kiến những thắng lợi vang dội của lực lượng cánh tả. Làn sóng phát triển thiên tả của các quốc gia trong khu vực khiến cho dư luận hết sức quan tâm. Giới nghiên cứu quốc tế trong và ngoài nước đã có nhiều bài viết, thông tin, phân tích và đưa ra những nhận định đánh giá về phong trào này. * Tình hình nghiên cứu trong nước. Nghiên cứu Mỹ Latinh nói chung và phong trào cánh tả Mỹ Latinh nói riêng ở trong nước còn tương đối mới mẻ, hầu như chưa có tác phẩm nào mang tính hàn lâm khi nghiên cứu khu vực. Đa phần, các bài viết chỉ là sự tập hợp tư liệu, đưa tin, những phân tích nhận định về cơ bản dựa vào các kênh thông tin ở ngoài nước. Cụ thể, gần đây có một số sách, công trình nghiên cứu và bài viết nổi bật sau: 1. Trung tâm nghiên cứu Bắc Mỹ - Viện Khoa học xã hội Việt Nam: "Mỹ La tinh một vùng năng động" - 1998. 2. Luận án tiến sĩ của Nguyễn Viết Thảo: "Liên kết khu vực Mỹ Latinh: văn hoá, chính trị, kinh tế" bảo vệ năm 1998. Luận án đã đi sâu mô tả, phân tích về quá trình hợp tác, liên kết văn hoá, chính trị, kinh tế giữa các nước Mỹ Latinh trong những năm đầu thập niên 1990. Luận án cũng đưa ra được những dự báo về triển vọng có sức thuyết phục về hợp tác liên kết mở rộng ở khu vực này trong những năm tiếp theo. 3. Nguyễn Văn Thanh: "Nhận diện chủ nghĩa tự do mới" - Nxb CTQG. H. 2005. Tác giả phân tích, đánh giá việc tiến hành những cải cách theo mô hình chủ nghĩa tự do mới ở Mỹ Latinh những năm đầu thập niên 90 đã có những tác dụng nhất định trong việc thúc đẩy kinh tế phát triển. Tác phẩm cũng chỉ ra được "bóng dáng của các nhà tư bản tài chính Mỹ" đứng đằng sau các chương trình cải cách đó là nguyên nhân của sự chao đảo kinh tế đi đến lệ thuộc ngày càng nhiều vào tư bản Mỹ của các nền kinh tế Mỹ Latinh. Các phân tích của tác giả chính là những dữ liệu rất giá trị cho việc nghiên cứu sự bùng nổ thành công của phong trào cánh tả Mỹ Latinh trong những năm đầu thế kỷ XXI này. Tiếp đến là một số bài báo, tạp chí, đưa tin, phân tích, bình luận về phong trào: 4. TS. Lưu Văn An, Phong trào cánh tả ở khu vực Mỹ Latinh thời kỳ sau chiến tranh lạnh, Kỷ yếu đề tài khoa học cấp bộ năm 2005. 5. Nhật Mai, "Hiện tượng Môralét" và phong trào cánh tả ở Mỹ Latinh, Báo Quân đội nhân dân ngày 29-12-2005. 6. Th.S Đặng Công Minh, Khung điểm tương đồng - sức mạnh mới của các Đảng cánh tả, tiến bộ Mỹ La tinh, Kỷ yếu đề tài khoa học cấp bộ năm 2005. 7. Hoàng Liên - Trưởng ban Quốc tế - Báo Nhân dân, Những cuộc hội tụ của lực lượng cánh tả, Tạp chí Thông tin đối ngoại. 8. Nguyễn Xuân Trung, Tình hình kinh tế Mỹ Latinh đầu thế kỷ XXI, Tạp chí Nghiên cứu Châu Mỹ ngày nay, số 3/2006. 9. Báo Điện tử Cần Thơ: từ ngày 28-4-2006 đã lần lượt đăng 8 kỳ các bài viết về phong trào cánh tả Mỹ Latinh và bình luận của các hãng thông tấn nước ngoài như: BBC; AP. Cloomberg và Countercurent...). 10. Minh Phương, Cộng đồng Nam Mỹ với những ước vọng về sự thống nhất, Báo CCB Việt Nam số 633 ngày 21-12-2006, tr.11. 11. Nguyễn Văn Quang, Xu hướng đi lên CNXH của các nước Mỹ La tinh, Tạp chí Cộng sản điện tử số 127 (4/2007). 12. TS Thái Văn Long - Th.S Hồ Ánh Nguyệt, Bước tiến mới của phong trào cánh tả Mỹ La tinh, Tạp chí Lý luận chính trị, số 3-2007. 13. TS. Nguyễn Hoàng Giáp - TS. Nguyễn Thị Quế, Bước tiến mới của phong trào cánh tả Mỹ Latinh những năm đầu thế kỷ XXI, Tạp chí Cộng sản, số 3-2007. 14. Lê Văn Nga, Bất bình đẳng ở Mỹ Latinh, Tạp chí Nghiên cứu Châu Mỹ ngày nay, số 2 (2/2007). 15. TS Nguyễn Mạnh Hùng: Trào lưu cánh tả ở Mỹ Latinh và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI ở Vênêduêla. Tạp chí Lý luận chính trị, số 9 và 10 năm 2007. Nhìn chung, các bài viết đã đề cập tương đối phong phú những nét mới của phong trào. Các bài viết về cơ bản đã đề cập được những nội dung chính: Mô tả, tường thuật lại những thắng lợi trong bầu cử gần đây của các Đảng cánh tả ở Mỹ Latinh; Khái quát những phương pháp hoạt động, tập hợp lực lượng mới của phong trào; Phân tích những tiến bộ đã đạt được trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của các Chính phủ cánh tả; Rút ra những nguyên nhân thắng lợi, một số hạn chế và một số bài học kinh nghiệm bước đầu của phong trào cánh tả; Đưa ra một số dự báo về triển vọng của phong trào. Tuy nhiên các bài viết này mới chỉ dừng lại ở việc đưa tin là chính, chưa có những công trình nghiên cứu với quy mô lớn, khái quát đầy đủ mọi hoạt động của cả phong trào, nhất là chưa đề cập đến những ảnh hưởng của phong trào đến PTCS - CNQT hiện nay. * Tình hình nghiên cứu ngoài nước: Tác phẩm: “Làn sóng thứ tư” về chu kỳ phát triển chính trị - xã hội mới của Mỹ Latinh, cách nhìn từ phía tả, của PTS Maidanic - Viện Kinh tế thế giới, Viện Hàn lâm khoa học Nga. Công trình đã mô tả những chuyển biến của phong trào cánh tả Mỹ Latinh bằng những chứng minh về kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội. Tác phẩm “Kinh nghiệm của một số nước Mỹ Latinh trong xử lý mâu thuẫn xã hội”, do tác giả Trương Thiết Ánh nghiên cứu. Tạp chí Những vấn đề quốc tế đương đại (TQ, số 4 – 2007). Công trình mô tả những biểu hiện của các mâu thuẫn xã hội ở các nước Mỹ Latinh, và kinh nghiệm xử lý giải quyết những mâu thuẫn từ đó rút ra những bài học đối với những Đảng cộng sản cầm quyền. Gần đây Viện Khoa học xã hội Trung Quốc đã công bố công trình nghiên cứu của tập thể các nhà khoa học trong Viện có tiêu đề: "Nghiên cứu chủ nghĩa tự do mới", 10/2003. Tài liệu này đã được dịch ra tiếng Việt và đăng trên Tạp chí "Những vấn đề chính trị - xã hội" của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh dưới dạng tổng thuật trong các số 38 và 39 (10/2006). Đáng chú ý có bài "Chặng đường thành công của Brasil" của tác giả Pablo Fonseca Pdos. Santos được dịch và trích đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Châu Mỹ. Với cách phân tích khách quan, chính xác của một nhà kinh tế - ông đã làm rõ những nguyên nhân thắng lợi của Tổng thống Lula Da Silva (9/2002 và nêu lên những thay đổi cách mạng toàn diện trong chương trình cải cách của Brasil. Viện Thông tin khoa học – Học viện CTQG Hồ Chí Minh đã ấn hành tập Thông tin chuyên đề về “Lực lượng cánh tả Mỹ Latinh: những góc nhìn khác biệt’’ năm 2006 với nhiều viết của các tác gỉa nước ngoài về phong trào này hết sức sâu sắc. Trên các trang web của các hãng thông tấn lớn đều có các bài viết, đưa tin, phân tích về sự lớn mạnh, phát triển của phong trào. Nhìn chung, các công trình nghiên cứu ngoài nước là những nguồn tư liệu phong phú, cập nhật về phong trào cánh tả Mỹ Latinh. Tuy nhiên, đây là những góc độ nghiên cứu rất khác nhau, đa dạng không thể truyền tải nguyên văn, nên các nhà nghiên cứu trong nước đã tìm hiểu và phân tích đánh giá chúng dưới các dạng khác nhau. Đến nay, trải qua gần một thập kỷ phát triển và thu được những thành tựu đáng ghi nhận, phong trào cánh tả Mỹ Latinh rất cần có sự nghiên cứu một cách hệ thống, khoa học để chúng ta đánh giá, nhận thức cũng như truyền đạt lại cho người khác về nó. Hơn nữa, dù ít hay nhiều phong trào cánh tả MLT hiện nay đang có những ảnh hưởng đến PTCS - CNQT nên rất cần có những nhận xét đánh giá ở góc độ này, làm cơ sở cho Đảng và Nhà nước ta hoạch định chính sách đối ngoại cho phù hợp, đưa lại hiệu quả cao trong quan hệ với các nước Mỹ Latinh hiện nay. 3. Mục tiêu và nhiệm vụ của đề tài + Mục tiêu: Khảo sát đánh giá một cách khoa học, chính xác về phong trào cánh tả ở khu vực Mỹ Latinh từ sau chiến tranh lạnh đến nay (cơ sở lý luận, thực tiễn, thực trạng phong trào, ý nghĩa và xu hướng vận động trong 10 năm tới), kiến nghị một số vấn đề về chính sách quan hệ của Đảng và Nhà nước Việt Nam với phong trào cánh tả Mỹ Latinh. + Nhiệm vụ: Trên cơ sở mục đích trên, đề tài có những nhiệm vụ sau: Một là, phân tích lịch sử hình thành và phát triển của phong trào cánh tả ở khu vực Mỹ Latinh, đặc biệt là phân tích rõ các nhân tố tác động đến sự chuyển biến của phong trào cánh tả Mỹ Latinh từ sau chiến tranh lạnh (1991) đến nay. Hai là, phân tích đánh giá một cách khoa học thực trạng phong trào cánh tả Mỹ Latinh hiện nay trên các khía cạnh quan điểm tư tưởng lý luận, đường lối chủ trương chính sách cải cách về kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội và đối ngoại, kinh nghiệm và bài học đấu tranh giải quyết những mâu thuẫn kinh tế chính trị xã hội trong nước và quan hệ quốc tế, tập trung khảo sát ở một số nước: Venezuela, Bolivia, Ecuador và Nicaragua. Ba là, đánh giá ý nghĩa dân tộc và quốc tế của các phong trào cánh tả Mỹ Latinh, sự quan tâm của phong trào cộng sản quốc tế. Khả năng quan hệ giữa các nước XHCN với các chính quyền cánh tả khu vực Mỹ Latinh. Bốn là, tổng quan về mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước ta với các đảng và chính quyền cánh tả Mỹ Latinh. Kiến nghị một số vấn đề về chủ trương chính sách thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và các chính quyền cánh tả Mỹ Latinh. 4. Phương pháp nghiên cứu: Trong quá trình nghiên cứu, đề tài quán triệt và tuân thủ hệ quan điểm, những phương pháp luận cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; những nhận định, đánh giá của Đảng Cộng sản Việt Nam về quan hệ quốc tế nói chung và về phong trào cánh tả Mỹ Latinh hiện nay và tác động của nó đối với PTCS và CNQT nói riêng. Kết hợp phương pháp lôgic với phương pháp lịch sử, phương pháp phân tích với phương pháp tổng hợp, so sánh.v.v... Mọi nhận định, đánh giá trong đề tài sẽ được xây dựng trên cơ sở phân tích, khái quát những dữ kiện thực tế; những văn kiện, tài liệu được thông qua tại các đại hội, hội nghị, hội thảo, các diễn đàn quốc tế của các tổ chức thuộc phong trào cánh tả Mỹ Latinh, PTCS và CNQT trên thế giới từ thập niên 90 thế kỷ XX đến nay; đồng thời kế thừa một cách có chọn lọc kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học đã công bố trong và ngoài nước liên quan đến đề tài. 5. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của đề tài: - Về mặt lý luận: Thông qua phân tích sự vận động của phong trào cánh tả ở một số nước Mỹ Latinh gần mười năm qua, đề tài khẳng định triển vọng phát triển và tác động tích cực của nó đối với phong trào cách mạng thế giới những năm đầu thế kỷ XXI. Từ đây, đề tài chứng minh rằng, với tư cách là đại biểu cho lợi ích của bộ phận không nhỏ GCCN và các tầng lớp lao động, thì sự tồn tại của lực lượng cánh tả ở Mỹ Latinh là một tất yếu lịch sử. Cho nên, mặc dù còn đứng trước nhiều khó khăn, hạn chế nhưng lực lượng này sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển tiến bộ của đời sống chính trị - xã hội khu vực Mỹ Latinh trong thời đại ngày nay. Kết quả nghiên cứu đề tài góp phần làm rõ thêm cơ sở lý luận, củng cố lập trường tư tưởng, niềm tin khoa học của GCCN và quần chúng nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. - Về mặt thực tiễn: đề tài có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu, giảng dạy về lịch sử thế giới hiện đại, lịch sử PTCS và công nhân quốc tế, đồng thời có thể góp phần cung cấp cứ liệu cho công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. 6. Quá trình nghiên cứu và kết quả chính. Đề tài được thực hiện trong 12 tháng (1/2008-1/2009) theo kế hoạch đã được đăng ký với cơ quan quản lý. Các thanh, quyết toán tài chính của đề tài được thực hiện theo quy định hiện hành. Sản phẩm nghiên cứu gồm 1 kỷ yếu, 1 báo cáo tổng hợp và 1 bản kiến nghị của đề tài. 7. Kết cấu của đề tài. Kết cấu của đề tài, gồm phần mở đầu, 3 chương, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo. Chương I: KHẢO SÁT NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ PHONG TRÀO CÁNH TẢ MỸ LATINH TỪ CUỐI THẬP NIÊN 90 CỦA THẾ KỶ XX ĐẾN NAY (2007) 1. Quan niệm về phong trào cánh tả Mỹ Latinh Tả khuynh hay cánh tả, phái tả dùng để chỉ khuynh hướng trong hệ thống chính trị có tư tưởng tiến bộ, đổi mới, dân chủ. Ngược lại hữu khuynh hay cánh hữu, phái hữu dùng để chỉ lực lượng có tư tưởng thụt lùi bảo thủ. Quan niệm này được đưa ra từ cuối thế kỷ thứ XVIII và được sử dụng rộng rãi ở các thời kỳ lịch sử đương đại. Theo từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học: tả khuynh là "bộ phận thiên về tiến bộ, về cách mạng trong Nghị viện hoặc trong các tổ chức chính trị ở một số nước tư bản, trong mối quan hệ đối lập với hữu là bộ phận thiên về bảo thủ, thỏa hiệp hay phản cách mạng" Viện Ngôn ngữ học: Từ điển Tiếng Việt. Nxb Đà Nẵng - Trung tâm từ điển học Hà Nội. 2006. Tr 881 . Cùng với sự phát triển của lịch sử, nội hàm khái niệm phái tả, phái hữu có chỗ khác nhau, nhưng “với tư cách là khái niệm chính trị học, nó biểu thị hai khuynh hướng đối lập ở phương diện thái độ chính trị, nên vẫn được sử dụng liên tục đến ngày nay. Bên cạnh các khái niệm cánh tả, cánh hữu, trong chính trị học còn xuất hiện các khái niệm “trung tả”, “trung hữu”, “cực tả”, “cực hữu”…Các khái niệm này chỉ phản ánh lập trường chính trị của các đảng trong những trường hợp cụ thể và đối với những vấn đề cụ thể chứ chưa thể hiện được đầy đủ bản chất thực sự của đảng nên trên thực tế có nhiều đảng có tên gọi tương tự nhưng lại có khuynh hướng chính trị rất khác nhau. Do vậy việc nghiên cứu và sắp xếp các đảng vào cánh tả hay cánh hữu nhiều lúc rất phức tạp và cần phải căn cứ trên các hoạt động cụ thể của họ chứ không chỉ dựa vào tên gọi. Cách tiếp cận về nội hàm của khái niệm cánh tả Mỹ Latinh hiện nay cũng không hoàn toàn giống với cánh tả Mỹ Latinh thời kỳ những năm 60 và 70 của thế kỷ XX. Quan niệm về chính phủ cánh tả hoặc phong trào cánh tả Mỹ Latinh truyền thống chủ yếu chỉ “những người xã hội chủ nghĩa và những người cộng sản lấy việc chống chủ nghĩa tư bản, chống bá quyền Mỹ làm mục tiêu”. Quan điểm chính trị và chủ trương, chính sách chiếm vị trí chủ đạo của phái tả Mỹ latinh hiện nay là lấy “tiêu chuẩn chủ yếu là thái độ đối xử với những vấn đề dân chủ, bình đẳng và công bằng xã hội... Có thái độ phê phán việc cải cách kinh tế của chủ nghĩa tự do mới, chủ trương thông qua cải cách xã hội để thực hiện công bằng xã hội, chống toàn cầu hoá do Phương Tây chủ đạo, yêu cầu phải thiết lập trật tự quốc tế bình đẳng và hợp lý hơn” . Nhìn từ góc độ đó, quan niệm về phái tả Mỹ Latinh là tương đối rộng, bao gồm: các chính đảng phái tả và các phong trào xã hội phái tả, và tất cả các lực lượng chính trị bất mãn với hiện trạng, mong muốn thay đổi hiện thực. * Do cách nhìn nhận khác nhau về phe cực đoan của phái tả (tức là tổ chức vũ trang chống chính phủ, tồn tại ở một số nước hiện nay) vì vậy các học giả đã có sự phân chia phái tả Mỹ Latinh như sau : Theo định nghĩa phái tả truyền thống, nhìn nhận phe cực đoan của phái tả, tức là tổ chức vũ trang chống chính phủ, tồn tại ở một số nước, đều thuộc phái tả Mỹ Latinh vì đối với nhân dân của những nước đó, những tổ chức này là những tổ chức hợp pháp trong cuộc chiến tranh công khai ở nước đó. Đối với họ, đấu tranh vũ trang là một trong những con đường có thể thực hiện sự biến đổi chính trị. Có học giả chỉ ra, mặc dầu đặc điểm nổi bật của những tổ chức vũ trang chống chính phủ (thậm chí hình thức đấu tranh cực đoan như khủng bố), nhưng trong chủ trương chính trị, họ mong muốn biến đổi hiện thực, tranh thủ cải thiện cảnh ngộ của nhân dân tầng lớp giữa và dưới và tiến bộ xã hội, nhìn từ góc độ chính trị học và học thuật, từ mặt phân loại chính trị, tư tưởng những tổ chức vũ trang chống chính phủ thuộc “cánh tả”. Mỹ và EU định tính chúng là những tổ chức khủng bố (sau sự kiện “11-9), Giới chính trị hoặc giới học thuật phương Tây liệt lực lượng này vào tổ chức theo chủ nghĩa khủng bố. Luồng ý kiến thứ nhất quan niệm rằng phạm vi của phái tả Mỹ Latinh rất rộng, bao gồm tất cả các chính đảng, các tổ chức phi chính phủ, các phong trào quần chúng, các tổ chức chính trị quân sự vẫn kiên trì con đường đấu tranh vũ trang và giới trí thức, tôn giáo, chính khách v.v. chủ trương xã hội công bằng, bảo vệ sự bình đẳng của con người. Luồng ý kiến thứ hai quan niệm rằng: trong hiện thực Mỹ Latinh, lực lượng phái tả bao gồm các chính đảng phái tả (các chính đảng có tính chất như ĐCS, đảng công nhân, đảng xã hội v.v...), các tổ chức quần chúng phái tả (bao gồm công đoàn, hội nông dân, tổ chức phụ nữ và tổ chức thanh niên), và tầng lớp trí thức, tiểu tư sản, những người làm nghề tự do v.v... Luồng ý kiến thứ ba lại phân chia phái tả Mỹ Latinh thành 4 loại lớn: các chính đảng phái tả (các ĐCS, một số đảng xã hội hoặc đảng dân chủ xã hội và một số chính đảng theo chủ nghĩa dân tộc), các chính phủ phái tả (Cuba, Venezuela, Brasil, Ecuador và Argentina), các phong trào xã hội phái tả (hoặc tổ chức xã hội phái tả) và các lực lượng phái tả độc lập. Về phương thức đấu tranh, nếu như phong trào cánh tả Mỹ latinh trước đây thường có xu hướng sử dụng sức mạnh bạo lực trong phương pháp cách mạng, lấy việc lật đổ chính quyền độc tài chuyên chế, kiến lập chính quyền dân tộc, dân chủ là mục tiêu thì từ thập niên 90 của thế kỷ XX trở lại đây, do tình hình quốc tế và tương quan lực lượng có nhiều thay đổi, lực lượng cánh tả Mỹ latinh lại nghiêng về xu hướng đấu tranh và giành chính quyền bằng con đường nghị trường là chủ yếu. Thay cho biện pháp đấu tranh vũ trang, tiến hành các biện pháp cách mạng bạo lực giành chính quyền như ở Nicaragua, Venezuela trước đó, đến nay lực lượng cánh tả ở các quốc gia khác thuộc Mỹ Latinh chú ý hơn tới biện pháp vận động, thuyết phục quần chúng nhân dân; đó đề ra các cương lĩnh tranh cử phù hợp với nguyện vọng của đông đảo nhân dân lao động, biết tập hợp các lực lượng và có chính sách liên minh rộng rói; tăng cường đoàn kết, liên kết các phong trào cánh tả và tiến bộ khác nhau ở mỗi nước và trên toàn bộ châu lục đấu tranh nghị trường với các mục tiêu hấp dẫn cử tri. 2. Những nhân tố tác động đến sự phát triển của phong trào cánh tả Mỹ Latinh a. Nhân tố lịch sử Khái niệm Mỹ Latinh được đưa ra ban đầu để nhằm chỉ các dân thuộc địa của thực dân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sử dụng ngôn ngữ có gốc hệ latinh, phân biệt với các xứ thuộc địa Bắc Mỹ sử dụng tiếng Anh có gốc hệ Giécmanh. Về sau, các khái niệm Bắc Mỹ và Mỹ Latinh đã trở thành những không gian, thực thể văn hoá khác biệt nhau, thậm chí nó cũng trở thành các phạm trù kinh tế – xã hội và chính trị: Bắc Mỹ tư bản đế quốc, mang bản chất bóc lột, bành trướng, xâm lược và Mỹ Latinh thuộc địa tiến hành cách mạng chống đế quốc, vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội; Bắc Mỹ của phương Bắc phát triển trở thành một trong những trung tâm của chủ nghĩa tư bản hiện đại và Mỹ Latinh của phương Nam chậm phát triển là một trong những ngoại vi của tư bản chủ nghĩa với phong trào giải phóng dân tộc và độc lập dân tộc từ thế kỷ XIX. Phong trào giải phóng dân tộc và độc lập dân tộc ở khu vực Mỹ Latinh phát triển khá sớm do giai cấp tư sản tiến bộ lãnh đạo. Ngay từ năm 1810, khi lãnh tụ Simon Bolivar tuyên bố giải phóng nô lệ và phát động khởi nghĩa chống thực dân Tây ban Nha ở Venezuela, phong trào giải phóng dân tộc đã lan rộng khắp khu vực. Đến cuối thế kỷ thứ XIX, hầu hết các thuộc địa ở Mỹ Latinh đã được giải phóng, trở thành những quốc gia độc lập, có chủ quyền. Nét nổi bật của truyền thống đấu tranh cách mạng của Mỹ Latinh là nội dung chống thực dân đế quốc, tác động mạnh mẽ đến các lực lượng chính trị, trong đó có phong trào công nhân, phong trào cánh tả và cộng sản của khu vực. Phong trào công nhân, công đoàn phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ XIX, đầu XX. Do tác động của công cuộc công nghiệp hoá, một số quốc gia Mỹ Latinh đã có nền công nghiệp khá phát triển, những đô thị sầm uất và đội ngũ công nhân đông đảo. Điển hình là ở Argentina, Brasil, Mexico, Uruguay, Cuba, Chile…, trong đó đội ngũ công nhân đóng vai trò nòng cốt, là lực lượng tiến bộ trong xã hội. Một số tổ chức công nhân có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, tiêu biểu là đảng công nhân xã hội chủ nghĩa Chile theo khuynh hướng tư tưởng mácxít. Mặt khác, quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản ở các nước Mỹ Latinh còn bị chi phối nặng nề bởi sự bành trướng, bá quyền của chủ nghĩa tư bản độc quyền Mỹ, cho nên cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh kinh tế xã hội nói chung và cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân nói riêng mang khuynh hướng chống đế quốc, chống Mỹ một cách tự nhiên. Cuộc cách mạng Xã hội chủ nghiã tháng Mười Nga năm 1917 là sự kiện có tác động mạnh mẽ đến các lực lượng công nhân, cánh tả, dân chủ và cách mạng ở Mỹ Latinh, làm cho lực lượng này phân hoá sâu sắc. Hai thập niên đầu thế kỷ XX, nhiều đảng Xã hội đã đổi tên thành Đảng Cộng sản lấy tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin, chủ nghĩa cộng sản và lập trường của Quốc tế Cộng sản để xây dựng đường lối hoạt động cách mạng. Tiêu biểu như: Đảng Cộng sản Argentina (1920), Đảng cộng sản Mexico (1919), Đảng Cộng sản Uruguay (1921), Đảng Cộng sản Chile (1922), Đảng Cộng sản Brasil (1922). Đảng Cộng sản Cuba (1925) và các Đảng cộng sản ở các quốc gia vùng Caribe như đảng Cộng sản Mactinich (1920), Đảng Cộng sản Ecuador (1926), Đảng Cộng sản Ondurat (1927), Đảng cộng sản Peru, Đảng Cộng sản Uruguay (1928), Đảng Cộng sản En Xanvado năm 1930, Đảng Cộng sản Venezuela (1931), Đảng Xã hội chủ nghĩa Nicaragua (1939).v.v Nhìn chung, phong trào công nhân, phong trào cánh tả và cộng sản Mỹ Latinh đã khẳng định được vị trí tiên phong trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, bảo vệ độc lập dân tộc, hoà bình, dân chủ và tiến bộ xã hội ngay tại “sân sau” của đế quốc Mỹ. Đặc biệt, sau thắng lợi của cách mạng Cuba (1959), Đảng Cộng sản Cuba một lần nữa được thành lập từ việc thống nhất các tổ chức chính trị, nòng cốt là “phong trào 26 tháng 7” có sức lan toả đến phong trào giành độc lập dân tôc ở Mỹ Latinh. Nửa sau thế kỷ XX, nhiều quốc gia Mỹ latinh đã giành được độc lập. Các lực lượng cách mạng và tiến bộ ở Mỹ latinh đã kiên trì triển khai quá trình liên kết, hội nhập khu vực độc lập, không có sự chi phối của đế quốc Mỹ, chống lại quá trình nhất thể hoá tự do toàn châu Mỹ mà chính phủ Mỹ đang tiến hành. b. Tác động của tình hình thế giới và khu vực Về tình hình thế giới Sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu và Liên Xô (cũ) vào cuối thập niên 80 đầu 90 của thế kỷ XX đã đánh dấu thời kỳ kết thúc chiến tranh lạnh. Cục diện thế giới bước sang một trang mới với những thay đổi sâu sắc về địa – chính trị và tương quan lực lượng trên thế giới. Chủ nghĩa xã hội hiện thực lâm vào thoái trào đã khiến cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Tình hình quốc tế biến chuyển theo chiều hướng bất lợi cho phong trào cánh tả trên thế giới. Riêng ở khu vực Mỹ Latinh, sự sụp đổ của Liên Xô khiến cho Cu Ba - nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên và đến thời điểm này là duy nhất ở Mỹ latinh, nước có vai trò quan trọng đối với phong trào cộng sản và phong trào cánh tả trong khu vực - mất đi chỗ dựa vô cùng quan trọng về kinh tế và chính trị và cũng lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc về kinh tế và xã hội trong một thời gian dài. Điều này cũng khiến cho các lực lượng cánh tả tiến bộ trong khu vực gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển lý luận, phát triển lực lượng và tăng cường ảnh hưởng. Từ nửa cuối thập niên 90 của thế kỷ XX trở đi, mặc dù còn nhiều khó khăn và vẫn chưa ra khỏi khủng hoảng, song phong trào cộng sản._. và công nhân thế giới đã bước đầu vượt qua được thời kỳ khó khăn nhất và đã bắt đầu có những bước phục hồi quan trọng, lực lượng cánh tả trên thế giới cũng có những bước phát triển tích cực. Ở châu Âu, sự ra đời một chính đảng cánh tả toàn châu Âu được bắt đầu từ năm 2004 và xúc tiến trong lòng các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu. Tháng 5 năm 2004, Đảng Cánh tả châu Âu ra đời, tập hợp những người cộng sản cùng chí hướng ở 17 quốc gia châu Âu như Đức, Pháp, Italia, Áo, Bỉ, Hunggari, Séc, Rumani, Thụy Sĩ, Hi Lạp,… Cuối tháng 10 năm 2005, Đại hội lần thứ nhất Đảng Cánh tả châu Âu (PGE) đã được tổ chức tại thủ đô Aten của Hi Lạp. Đại hội đã thông qua bản tuyên bố Aten chỉ rõ trong thời gian tới các lực lượng cánh tả châu Âu cần tập hợp lực lượng trong một mặt trận thống nhất đấu tranh cho lý tưởng và trật tự mới ở châu Âu. Bước phát triển mới của lực lượng cánh tả thế giới là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn cho phong trào cánh tả ở Mỹ Latinh. Riêng ở khu vực Mỹ latinh, các tổ chức cánh tả tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đã bước đầu tìm cách tháo gỡ bế tắc về đường lối và đề ra được những giải pháp có hiệu quả nhằm tập hợp lực lượng để tiếp tục đấu tranh có hiệu quả trong hình mới. Sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới không đồng nghĩa với việc chủ nghĩa tư bản trở thành hệ tư tưởng thống lĩnh, chỉ đạo con đường phát triển của thế giới. Cùng với sự phát triển của nhân loại, mô hình phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa ngày càng bộc lộ rõ hơn những hạn chế thuộc về bản chất, những mâu thuẫn nội tại không thể khắc phục và giới hạn lịch sử không thể vượt qua của nó. Mặc cho những luận điệu mị dân mà các nhà tư tưởng tư sản rêu rao, thực tiễn đã chỉ ra chân lý rằng chủ nghĩa tư bản không thể là tương lai của xã hội loài người. Chủ nghĩa xã hội hiện thực không những không bị mất đi mà nó vẫn tồn tại, trụ vững được trước những thách thức của lịch sử. Trên cơ sở nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm và bài học từ những thành công và thất bại của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, các nước xã hội chủ nghĩa còn lại đã tìm tòi, sáng tạo cả về lý luận và thực tiễn để tìm ra con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của nước mình cũng như những diễn biến của tình hình thế giới. Tới nay, mặc dù còn nhiều khó khăn song công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội tại các nước xã hội chủ nghĩa còn lại đều đang đứng vững và tiếp tục phát triển. Chủ nghĩa xã hội có điều kiện và khả năng phát triển hơn nữa. Công cuộc cải cách, mở cửa của Trung Quốc; công cuộc đổi mới của Việt Nam và công cuộc phát triển chế độ dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội của Lào đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Cuba và Triều Tiên, tuy còn gặp nhiều khó khăn và phải đối phó với sự chống phá quyết liệt của Đế quốc Mỹ, đặc biệt là sự bao vây, cấm vận về kinh tế, song công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở hai nước này đã có những bước tiến triển đáng khích lệ. Đây chính là “một thực tế lịch sử chứng minh cho sức sống và khả năng tự đổi mới để phát triển chủ nghĩa xã hội hiện thực; trở thành nguồn cổ vũ, động viên rất lớn cho các đảng cộng sản và công nhân, củng cố niềm tin vào lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, đóng góp tích cực vào phát triển lý luận chủ nghĩa xã hội" Ban Tư tưởng Văn hoá - Trung ương, tài liệu tham khảo phục vụ nghiên cứu nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lân thứ X của Đảng, Nxb CTQG, H.2006, tr.11 . Về tình hình khu vực Các nước Mỹ Latinh hầu như cùng trải qua những chặng đường lịch sử giống nhau: thực dân, độc tài, kinh tế thị trường, khủng hoảng kinh tế tài chính. Mexico, Brasil… đã nổi tiếng với những món nợ không trả nổi bởi việc áp dụng mô hình "kinh tế thị trường" một cách quá máy móc. Gần hai chục năm qua, nghèo đói và khủng hoảng kinh tế lan tràn trên toàn khu vực Mỹ latinh. Nếu trong thập kỷ 80 của thế kỷ XX, tổng số nợ nước ngoài của Mỹ latinh là 300 tỷ USD thì đến đầu thế kỷ XXI con số này lên tới 800 tỷ USD. Chỉ tính từ năm 1992 đến năm 1999, cả khu vực mất 913 tỷ USD để trả lãi và dịch vụ nợ. Các tổ chức quốc tế xác định 56% kim ngạch xuất khẩu của Mỹ Latinh hàng năm phải dùng để thanh toán lãi và dịch vụ nước ngoài. NỢ NƯỚC NGOÀI MỘT SỐ NƯỚC MỸ LATINH (1990 - 2001) (Đơn vị: Triệu đô la Mỹ) 1990 1993 1994 1995 1996 1997 1998 2000 2001 MLT 443.049 527.303 562.830 616.919 638.519 663.090 745.360 739.930 725.805 Argetina 62.233 72.209 85.656 98.547 109.756 124.696 140.489 146.200 142.300 Brasil 123.439 145.726 148.295 159.256 179.935 199.998 241.664 236.157 226.820 Chile 18.576 19.665 21.768 22.026 22.979 26.701 31.691 36.849 37.060 Colombia 17.848 18.908 21.855 24.928 29.513 32.036 35.696 35.851 38.170 Mexico 101.900 130.524 139.818 165.600 157.200 149.000 161.300 149.300 146.100 Venezuela 36.615 40.836 41.179 38.484 34.222 31.212 29.526 31.545 30.000 Những tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật ngày nay đã tạo điều kiện cho các tập đoàn, công ty tư bản xuyên quốc gia có những phương tiện để chia rẽ giai cấp công nhân, phân hóa, cô lập nhân dân các nước trên thế giới. Giai cấp tư sản ra sức rêu rao rằng các công ty xuyên quốc gia đang đem công ăn việc làm và sự thịnh vượng đến cho các nước đang phát triển song trên thực tế, họ chỉ ráo riết săn lùng nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn lao động giá rẻ ở đây mà thôi. Như trường hợp của Mexico, việc tham gia vào NAFTA đã đánh tụt giá nhân công lao động Mexico. NAFTA đã làm cho ngành sản xuất truyền thống, đặc biệt là ngành nông nghiệp của Mexico bị phá sản. NAFTA cũng đẩy hàng triệu nông dân Mexico ra khỏi đất đai của họ, biến họ thành đội quân thất nghiệp, thành tầng lớp bần cùng của xã hội. Ở Peru, một nửa dân số sống dưới mức nghèo khổ. Theo số liệu của các cơ quan chức năng của Liên Hợp Quốc, năm 1980, người nghèo đói chiếm 39% dân số khu vực Mỹ latinh và đến năm 2002 thì con số này là 45%. Đến cuối những năm 90 của thế kỷ XX, nhờ những chuyển hướng của nền kinh tế theo hướng giảm giá đồng tiền nội tệ, tăng các khoản chi cho các mục tiêu xã hội và thực hiện các chương trình giúp đỡ người nghèo, tình trạng đói nghèo ở một số nước trong khu vực đã có chiều hướng giảm nhưng tốc độ giảm rất chậm và không đồng đều, ở một số nước tình trạng đói nghèo không những không giảm mà còn có chiều hướng tăng lên như ở Argentina, Mexico, Venezuela… Tình trạng nghèo đói gia tăng trong khu vực đi liền với tình trạng phân hoá giàu nghèo ngày càng trở nên sâu sắc khiến cho Mỹ latinh bị coi là khu vực có sự phân phối thu nhập mất cân đối nhất thế giới. Vào những năm 80 của thế kỷ XX, khi kinh tế bị sa sút thì 20% số người có thu nhập thấp bị giảm lương, trong khi 20% số người có thu nhập cao lại được tăng lương. Cuối những năm 90, hình thức phân phối thu nhập càng đi ngược lại với quá trình khôi phục và tăng trưởng kinh tế, hiện tượng phân phối thu nhập không bình đẳng vẫn diễn ra ở hầu khắp các nước Mỹ latinh. Sự giàu có hầu như đều nằm trong tay những người da trắng còn cảnh sống bần cùng, cơ cực nhất thuộc về những người gốc thổ dân. Nhà ngôn ngữ học kiêm hoạt động chính trị - Noam Chomsky đã viết như sau về vấn đề này: "Lịch sử thực dân ở Mỹ Latinh để lại tại mỗi nước một sự phân hóa nội bộ nặng nề giữa một thiểu số tinh hoa giàu sụ và một đại đa số người nghèo. Sự liên hệ với nhóm chủng tộc là rất gần gũi. … Mối liên hệ chặt chẽ đó còn tiếp tục đến tận bây giờ" . Nguyễn Văn Huỳnh: “Sơ lược lịch sử Brazil”, Tạp chí Nghiên cứu Châu Mỹ ngày nay, số 2/2007. . Chế độ độc tài cầm quyền ở một số nước đã gây ra nỗi bất bình, bức xúc trong rộng rãi nhân dân, yêu cầu phải thay đổi và đi vào xây dựng chế độ dân chủ. Có thể kể đến nền độc tài cánh hữu của tướng Augusto Pinochet ở Chile với sự tàn bạo, chống cộng sản điên cuồng, bảo thủ, phân biệt đối xử và đàn áp những trí thức thiên tả. Sự đàn áp của chế độ độc tài gây tâm lý bất bình, chống đối trong dân chúng và vì vậy nó không thể tồn tại lâu được và dưới áp lực của các phong trào đấu tranh chính trị, đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX khu vực này dần được thay thế bởi các chế độ dân chủ với việc thừa nhận rộng rãi hơn nền dân chủ lập hiến như là một nền dân chủ lý tưởng. Sự can thiệp của Mỹ vào tình hình nội bộ các nước Mỹ latinh thông qua chính quyền cánh hữu thân Mỹ và các tổ chức quốc tế khiến cho tâm lý bất mãn với chế độ và tâm lý chống Mỹ ngày càng gia tăng. Thêm vào đó là những hậu quả của việc thực thi chủ nghĩa tự do mới là nguyên nhân đưa đến sự phát triển mạnh mẽ của các phong trào xã hội và phong trào cánh tả hướng vào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ,bình đẳng, chống đói nghèo, chống bạo lực, như cuộc đấu tranh của những người trồng ca-cao ở Chapare, Bolivia; cuộc đấu tranh của nhân dân Venezuela chống những chính sách điều chỉnh cơ cấu do Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) thúc ép. Điển hình như cuộc nổi dậy của người dân ngày 27-2-1989 tại thủ đô Caracas; cuộc đấu tranh của những người thất nghiệp ở Argentina; những vụ chiếm đất trên quy mô toàn quốc của Phong trào những nông dân không có đất (MST) ở Brasil; những cuộc biểu tình của nông dân ở Paragoay; những phong trào xã hội sôi động ở Peru và phong trào Zapatista ở Mexico… là bằng chứng về sự phản ứng mạnh mẽ của quần chúng nhân dân đối với chủ nghĩa tự do mới của Mỹ. Nửa cuối những năm 90 của thế kỷ XX, một chu kỳ phản đối xã hội hướng vào mô hình tự do mới đã nổi lên mạnh mẽ. Theo nghiên cứu của Đài quan sát xã hội Mỹ latinh OSAL-CLACSO thì từ tháng 5 đến tháng 8 các năm 2000, 2001, 2002, các cuộc xung đột tăng lên ở thời kỳ cao nhất là 180% và ở thời kỳ thấp nhất là 11% Nguyễn Văn Thanh: Nhận diện chủ nghĩa tự do mới. Sdd, tr.74-75. .Ở Peru và Ecuador, một phong trào rầm rộ thu thập chữ ký yêu cầu chính phủ triệu tập các đại hội nhân dân để thực hiện tham vấn đại chúng về các hiệp định song phương và CAFTA. Những người đứng đầu các chính phủ theo đường lối tự do mới ở Argentina, Bolivia, Peru, Ecuador buộc phải từ chức. Năm 2001, Tổng thống Argentina Fernando de la Rua phải từ chức và nhường chỗ cho người kế nhiệm theo lập trường trung tả Nestor Kirchner. Năm 2003, Tổng thống Bolivia Sánchez de Lozada được thay bằng Phó Tổng thống Carlos Mesa. Ở Ecuador, Tổng thống mới Palacio, thông qua Bộ trưởng Kinh tế Rafael Correa, đã tuyên bố: "phải tôn trọng các hiệp định thương mại, nhưng các nước không được thương lượng trong điều kiện nô lệ" Nguyễn Văn Thanh: Nhận diện chủ nghĩa tự do mới. Sdd, tr.71-72. . Ở Bolivia, nhân dân bất bình với kiểu cải cách do chủ nghĩa tự do mới Bắc Mỹ áp đặt, đã lật đổ hai tổng thống trong vòng hai năm. Trả lời câu hỏi của phóng viên tạp chí Tấm gương của Đức về lý do nhiều nước Mỹ latinh chuyển sang cánh tả, Tổng thống Bolivia - Evo Morales cũng đã khẳng định: “Chính sự bất công, bất bình đẳng và đói nghèo của nhân dân đã buộc chúng tôi phải tìm đến những điều kiện sống tốt hơn. Người da đỏ chiếm phần lớn trong dân số Bolivia đã bị cô lập, bị đàn áp về chính trị và bị thờ ơ về văn hóa. Sự giàu có của đất nước chúng tôi, tài nguyên thiên nhiên của chúng tôi thì bị cướp đoạt” Tổng thống Bôlôvia: chủ nghĩa tư bản chỉ làm tổn hại đến Mỹ Latinh” cập nhật ngày 19/7/2007 . Thông qua các cuộc bầu cử dân chủ, lập hiến đã có nhiều chính phủ cánh tả lên cầm quyền, mà điển hình là ở Venezuela, Nicaragua, Panama, Bolivia, Brasil, Chile… Những thành công bước đầu đó đã cổ vũ mạnh mẽ các lực lượng hòa bình, dân chủ và tiến bộax hội. Một số chính phủ tiến bộ lên cầm quyền, họ đã tuyên bố hoặc tiến hành nhiều cải cách kinh tế, xã hội mà xu hướng chung là chuyển từ mô hình chủ nghĩa tự do mới sang mô hình kinh tế thị trường kết hợp với giải quyết các vấn đề xã hội theo hướng coi trọng lợi ích quốc gia và quan tâm đến người lao động. c. Chủ nghĩa tự do mới của Mỹ ảnh hưởng sâu sắc đối với khu vực Mỹ Latinh Học thuyết “chủ nghĩa tự do mới” của Feidrich August von Hayek (Mỹ) ra đời từ năm 1944. Chủ nghĩa tự do mới của F. Hayek tuyệt đối hoá vai trò của thị trường, cho rằng cần phải để cho thị trường quyết định mọi vấn đề kinh tế, Nhà nước phải giảm bớt vai trò của mình trong nền kinh tế, các tập đoàn tư bản phải được hoàn toàn tự do, cá nhân phải được coi trọng hơn tập thể và phải kiềm chế các Công đoàn Nguyễn Văn Thanh: Nhận diện chủ nghĩa tự do mới, Nxb CTQG. H,2005 . Thời kỳ sau chiến tranh thế giới thứ hai, học thuyết này không được chú ý như học thuyết của Keynes – vốn đề cao vai trò can thiệp của Nhà nước đối với nền kinh tế và mô hình Nhà nước phúc lợi. Chủ nghĩa tự do mới được Mỹ và Anh thúc đẩy ở Mỹ Latinh từ rất sớm, sau các cuộc đảo chính quân sự của Pinôchê ở Chile (1973 – 1989), của các lực lượng quân phiệt Argentina (1976 – 1984), ở Uruguay (1972 – 1985), ở Bolivia(1971 – 1984), ở Peru (1991 – 2001)… Các chế độ độc tài được thành lập và khuyến khích tiến hành những cải cách theo mô hình của chủ nghĩa tự do mới, thúc đẩy tư hữu hoá trên quy mô lớn. Dưới áp lực của các nước tư bản, đứng đầu là Mỹ và các thiết chế tài chính quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và Ngân hàng Liên Mỹ, các nước Mỹ Latinh đã áp dụng mô hình chủ nghĩa kinh tế tự do mới với các đặc trưng cơ bản là: giảm tới mức tối thiểu sự can thiệp của nhà nước, để thị trường quyết định các diễn biến kinh tế, thương mại và cả xã hội, chính trị; tư nhân hoá đến mức tối đa nền kinh tế. Chính phủ nhiều nước Mỹ la tinh, được điều hành bởi đội ngũ những nhà kỹ trị theo trường phái kinh tế chính trị học Mỹ, đặt nhiều hy vọng vào chủ nghĩa tự do mới, coi đó như con đường đưa khu vực này thoát khỏi vực thẳm của nợ nần, suy thoái để vươn tới sự phát triển thần kỳ. Chủ nghĩa tự do mới ngoài việc khuyến mãi đơn thuốc tự do hoá, tư hữu hoá và phi điều tiết còn không quên cuộc chiến đấu điên cuồng chống cộng sản. Trên lĩnh vực kinh tế, việc áp dụng thực hiện mô hình chủ nghĩa tự do mới ở các nước Mỹ la tinh đã đưa đến một số thành tựu. Một là, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng liên tục ở mức tương đối cao, trung bình toàn khu vực là 3,6%/năm, từ năm 1991 đến năm 1994. Mặc dù bị ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ ở Mexico, nhưng GDP của phần lớn các quốc gia Mỹ la tinh năm 1995 vẫn tăng trung bình từ 2% đến 5%. Riêng 4 nước Chile, Colombia, Xanvanđo và Peru đạt trên 5%. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), mức tăng trưởng năm 1996 của toàn bộ khu vực là 3,1% và năm 1997 sẽ là 4,8%. Như vậy Mỹ La tinh không những khắc phục thời kỳ suy thoái một cách thành công (mức tăng trưởng năm 1986 là 3,9%, năm 1987: 2,7%, năm 1988: 0,3%, năm 1989: -0,5% và năm 1990: - 1,2%), mà còn tạo được sự khởi sắc quan trọng. Hai là, lạm phát đã được kiềm chế từ ba con số ở mức cao cuối thập kỷ 80 giảm xuống còn ở mức hai con số (25% năm 1995) - mức thấp nhất trong 2-3 thập kỷ trở lại đây. Năm 1989, lạm phát ở Argentina đạt tới mức kỷ lục 4 con số, đến năm 1995 giảm xuống chỉ còn dưới 10%; ba nước là Chile, Goatêmala cũng đạt được thành công tương tự. Ngoài ra, có 7 nước khác kiềm chế được lạm phát ở mức trên 10%; 5 nước khác từ 20% đến 30% và chỉ ba nước là Mexico, Uruguay và Venezuela lạm phát trên 30%, năm 1995. Ba là, đã khơi dòng tư bản nước ngoài đầu tư vào Mỹ Latinh và khối lượng đầu tư vào đây đã đứng nhất nhì thế giới: 48 tỉ đô la năm 1992, 65 tỉ đô la năm 1993, 57 tỉ đô la năm 1994 và 22,4 tỉ đô la năm 1995 (không kể 50 tỉ đô la đột xuất dành cho Mexico. Bốn là, đã tăng cường khả năng xuất khẩu của khu vực. Từ năm 1992 đến năm 1994, tổng kim ngạch xuất khẩu Mỹ la tinh tăng 8%/năm, ngang ngửa với các “con rồng” Đông Á; riêng năm 1995, đột ngột vọt lên 23% như kết quả tích tụ của nửa thập kỷ phát triển kinh tế. Điểm tích cực là các mặt hàng công nghiệp chế tạo đã ngày càng gia tăng tỷ trọng trong kim ngạch xuất khẩu Mỹ Latinh; đồng thời khuynh hướng buôn bán trong nội bộ khu vực được mở rộng, thúc đẩy quá trình liên kết kinh tế, tạo lập thị trường chung. Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình chủ nghĩa tự do mới đã tạo ngay trong lòng các nước Mỹ Latinh một nghịch lý: Kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng đời sống xã hội ngày càng có nguy cơ xuống cấp trầm trọng. Bức tranh kinh tế - xã hội ở Mỹ Latinh mấy năm qua bên cạnh 4 thành tựu kinh tế nổi bật vừa nêu, còn chứa đựng nhiều mảng tối tác động tiêu cực đến sự ổn định và an ninh của khu vực. Có thể nêu lên 5 vấn đề sau: Trước hết là sự phụ thuộc quá lớn của nền kinh tế vào các tập đoàn kinh tế, tài chính nước ngoài. Các chính phủ Mỹ Latinh bao gồm phần lớn những nhà kỹ trị theo thuyết tự do mới đã lãnh đạo chính phủ xây dựng chính sách kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn xuyên quôc gia và các thiết chế tài chính quốc tế. Các tập đoàn và tổ chức quốc tế này đã dùng sức mạnh của mình can thiệp vào nền kinh tế các nước và ép các nước này phải thực thi chính sách “thắt lưng buộc bụng”, cắt dịch vụ công để tài trợ, giảm thuế cho người giàu, tiến hành tư hữu hoá, có nghĩa là bán các tài sản công hay các dịch vụ công cho tư bản xuyên quốc gia. Trong thời kỳ từ năm 1980 đến 2005, các nước Mỹ Latinh đã ký trên 80 Hiệp định với Quỹ Tiền tệ quốc tế – IMF. Những Hiệp định này thường đi kèm một số hình thức tư nhân hoá, giải phóng kinh tế và giải phóng quản lý. Kết quả là dịch vụ bị giảm sút, lương và phúc lợi của công nhân viên chức trong khu vực này cũng bị ảnh hưởng và món nợ mà các nước này phải trả cho các ngân hàng nước ngoài lên đến con số khổng lồ, đẩy họ lâm vào tình trạng vỡ nợ, điển hình là số nợ của Argentina lên đến 100 tỷ USD (2001), dẫn đến khủng hoảng tài chính (vỡ nợ), quyền lực cũng như các nguồn lực của đất nước bị chuyển vào tay các nhà tài chính trong nước và ngoại quốc. Mặc dù đang vấp phải sự chống đối mạnh mẽ của nhân dân Mỹ Latinh, nhưng chủ nghĩa tự do mới không dễ từ bỏ những trận địa đã giành được. Theo số liệu của WB, trong những năm 90, Mỹ Latinh chiếm tới 60% tổng số các trường hợp tư nhân hoá ở các nước đang phát triển thì năm 2003 chỉ còn 1% và đến 2003 lại tăng lên 3% Hồ Sơ sự kiện – Chuyên san của Tạp chí Cộng sản số 3/2007 trang 26 . Thực tế, một số quốc gia không còn theo đuổi chính sách tự do mới, như Côxta Rica, Jamaica, Argentina, và thậm chí đã tái quốc hữu hoá ở một số nước như Venezuela, Bolivia. Tuy nhiên điều này không hoàn toàn có nghĩa là tước đoạt, mà chỉ là thương lượng lại các điều kiện hợp tác với giới đầu tư nước ngoài. Anvarô Gacxia Linêra – Phó Tổng thống Bolivia giải thích :Quốc hữu hoá thế kỷ XXI để cho các công ty nước ngoài ở lại với đồng vốn và bí quyết công nghệ cùng máy móc. Họ có thể thu lợi, nhưng không còn là chủ sở hữu dầu mỏ và khí đốt nữa. Mặc dù lợi nhuận đưa lại cho ngân sách của Bolivia chưa phải lớn, song ít nhất nó cũng đã được cải thiện từ 140 triệu USD/năm khi chưa quốc hữu hoá lên 1,4 tỷ USD/năm sau khi quốc hữu hoá. TĂNG TRƯỞNG GDP VÀ GDP BÌNH QUÂN ĐẦU NGƯỜI CỦA MỸ LATINH (%): Nước Thời kỳ 1960 - 1980 Thời kỳ 1981 - 2002 GDP GDP/đầu người GDP GDP/đầu người Argentina 4,2 2,6 0,8 -0,6 Bolivia 4,7 2,3 2,0 -0,3 Brasil 7,2 4,6 1,8 0,1 Chile 3,5 1,6 4,7 3,2 Colombia 5,3 2,6 2,9 0,9 Costa Rica 6,2 3,1 3,7 0,9 Ecuador 8,4 5,4 2,1 -0,2 Mexico 6,8 3,7 2,5 0,6 Peru 4,6 1,8 1,8 -0,2 Cộng hòa Dominicana 7,3 4,7 4,9 3,0 Uruguay 2,2 1,5 0,8 0,1 Venezuela 5,1 1,6 1,0 -1,3 Trung bình khu vực 5,5 3,0 2,4 0,5 * Nguồn CEPAL SỐ NĂM TĂNG TRƯỞNG GDP ÂM CỦA MỘT SỐ NƯỚC MLT THỜI KỲ 1980 - 2002 (Đơn vị: Năm) Nước 1980 - 2002 Argentina 11 Bolivia 10 Brasil 9 Colombia 7 Costa Rica 8 Ecuador 8 Mexico 8 Peru 10 Uruguay 9 Venezuela 12 Trung bình khu vực 8,3 *Nguồn: Economic growth in Latin America in the late twentieth century: Evidence and Intepretation của Andres Solimano và Raimundo Soto, CEP AL, 12/2003. Hai là, sự bất bình đẳng xã hội, sự nghèo khổ và phân cực giàu nghèo sâu sắc. Trong quá trình thực hiện mô hình chủ nghĩa tự do mới, phần lớn các chính phủ Mỹ la tinh cắt giảm ngân sách phúc lợi xã hội, y tế và giáo dục, đẩy mức sống của đông đảo tầng lớp dân cư xuống giới hạn của sự nghèo khổ. Theo số liệu thống kê của Ủy ban kinh tế Mỹ Latinh của Liên hợp quốc, hiện có 196 triệu người Mỹ la tinh sống nghèo khổ, chiếm gần 46% dân số toàn khu vực. Quá trình bần cùng hóa diễn ra nhanh và rộng những năm 90 của thế kỷ XX, với tốc độ từ 2% đến 3,6%/năm. Cuộc sống ở nông thôn sa sút nghiêm trọng: 60% dân cư đang nằm trong tình trạng nghèo khổ. Cùng cực nhất là cuộc sống của 40 triệu thổ dân Anh Điêng sống rải rác trên nhiều quốc gia. Đối lập với sự nghèo khổ của đông đảo tầng lớp nhân dân là tình trạng của cải ngày càng tập trung vào một nhóm nhỏ người ở Mỹ Latinh. Trong khi số người nghèo khổ nhất chiếm 20% số dân khu vực chỉ được hưởng 4% tổng thu nhập xã hội, thì cũng chừng ấy số người giàu lại được hưởng tới 50% tổng thu nhập. Brasil là trường hợp điển hình: 10% người giàu thâu tóm 53,2% tổng thu nhập xã hội. Mexico cũng là một trong những nước bị phân cực nhanh chóng trong vòng 10 năm qua. Các gia đình giàu có nhất (20% tổng số gia đình cả nước) chiếm 49,5% GDP (1984) và 57,5% (1994), trong khi đó các gia đình nghèo chỉ hưởng 4,84% và 3,25%. Cơ chế phân phối hết sức bất bình đẳng này đã tạo ra nhiều vấn đề nhức nhối trong đời sống xã hội: bất bình, mâu thuẫn, xung đột, mất ổn định... Cuộc nổi dậy của nông dân miền Chiapat chống chính phủ Mexico bắt nguồn vừa sâu xa vừa trực tiếp từ những đối kháng gay gắt về lợi ích kinh tế và địa vị xã hội giữa các cộng đồng dân cư. Ba là, nạn thất nghiệp gia tăng như hậu quả tất yếu của quá trình giảm nhẹ bộ máy hành chính và tư nhân hóa các cơ sở sản xuất của nhà nước. Việc cơ cấu lại bộ máy hành chính và cắt giảm biên chế ở hầu hết các nước Mỹ Latinh đã đẩy một loạt nhân viên, công chức, vào đội ngũ những người thất nghiệp. Đồng thời, đội quân này được bổ sung bằng các lực lượng lao động khác dôi dư từ khi nhiều cơ sở kinh tế nhà nước bị tư nhân hóa một cách ồ ạt. Mặt khác, do không cạnh tranh nổi với luồng hàng hóa nhập khẩu, không ít công ty vừa và nhỏ ở Mỹ Latinh bị phá sản, người lao động chỉ còn biết trông chờ sự trợ cấp của chính phủ. Tốc độ “tăng trưởng” của đội quân thất nghiệp năm 1994 là 6,2% (so với năm 1993), năm 1995 là 7,3% (so với năm 1994) và hiện nay chiếm gần 20% lực lượng lao động toàn khu vực. Bốn là, nạn tham nhũng đã trở thành một quốc nạn ở các nước Mỹ Latinh. Nạn tham nhũng lan tràn mọi cấp, mọi ngành trong bộ máy quyền lực nhà nước. Lợi dụng làn sóng tư nhân hóa, nên có thể được coi như những vụ đánh cắp tài sản xã hội, nhiều chính khách, viên chức cao cấp... bỏ túi những món tiền kếch xù. Ông Carlos Andres Perez là vị Tổng thống Mỹ Latinh đầu tiên phải ra hầu tòa và bị tống giam với tội danh chiếm dụng quỹ an ninh quốc gia và biển thủ 17 triệu đô la. Vừa qua, một số nguyên thủ Mỹ Latinh khác bị tố cáo đã nhận hối hộ trong các đợt tranh cử. Theo số liệu chưa đầy đủ, hằng năm nền kinh tế Mỹ la tinh bị thất thoát 21 tỉ đô la. Nhiều nhà phân tích cho rằng tham nhũng là một yếu tố gây mất ổn định và căng thẳng xã hội ở khu vực trong suốt các thập niên cuối cùng của thế kỷ XX. Năm là, tình trạng buôn bán ma túy, bạo lực và khủng bố có xu hướng ngày càng nghiêm trọng. Mỹ Latinh là một trong ba khu vực sản xuất côcain, hêrôin và bạch phiến lớn nhất thế giới. Theo số liệu của Văn phòng xuất bản của Nhà trắng (Mỹ), sản lượng chất độc hại này ở Mỹ Latinh tăng từ 290.900 tấn năm 1994 lên 309.400 tấn năm 1995. Peru là nước sản xuất nhiều ma túy nhất, sau đó là Bolivia và Colombia. Mấy năm gần đây, nhiều nhóm dân cư lao động vào sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ... ma túy. Những băng buôn lậu ma túy đồng thời cũng là những nhóm khủng bố. Tệ nạn này đã gây nhiều rối loạn và bất ổn định trong đời sống kinh tế - xã hội khu vực. Hơn hai thập niên tiến hành các chính sách theo mô hình chủ nghĩa tự do mới, các chính phủ ở Mỹ Latinh đã không mang lại những kết quả mong đợi cho khu vực vốn có nhiều tài nguyên thiên nhiên – một trong những tiềm năng để trở thành các nước phát triển. Những thành tích của chủ nghĩa tự do mới chỉ toả sáng trong thời gian đầu. Hiện nay chủ nghĩa tự do mới đang bộc lộ nghiêm trọng những mặt trái của nó. Những hậu quả của việc thực thi chủ nghĩa tự do mới ở khu vực đã khiến cho xung đột xã hội gia tăng từ nửa sau những năm 90 của thế kỷ XX. Sự phê phán của đông đảo quần chúng lao động Mỹ Latinh đối với mô hình chủ nghĩa tự do mới cũng trở nên gay gắt. Chính sách tư nhân hóa bị tố cáo là một chính sách phá hoại đời sống nhân dân. Tháng 5 năm 1995, hơn 120 tổ chức phi chính phủ của khu vực ra lời thỉnh cầu chung, đề nghị chính quyền các nước thực hiện công bằng xã hội và thay đổi mô hình kinh tế. Cùng thời gian đó, Hội nghị các giáo chủ Thiên chúa Mỹ Latinh tố cáo chính sách kinh tế hiện hành là nguyên nhân của bất công xã hội, làm cho người giàu càng giàu hơn, người nghèo càng nghèo đi. Khi cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ Mexico bùng nổ, hơn 100 chính khách thuộc đảng cầm quyền (Đảng cách mạng Thể chế) đệ trình chính phủ một bản khuyến cáo điều chỉnh mô hình kinh tế. Tháng 7 năm 1996, 115 đảng phái, tổ chức thành viên Diễn đàn Xao Paolo họp Hội nghị lần thứ VI tại thủ đô Xan Xanvađo (En Xanvađo) mà trọng tâm là xoay quanh cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội và cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tự do mới ở Mỹ Latinh. Diễn đàn vạch rõ chủ nghĩa tự do mới về kinh tế là mô hình do chủ nghĩa tư bản Mỹ áp đặt ở khu vực nhằm phục vụ lợi ích của các tập đoàn tư bản độc quyền đang củng cố địa vị thống trị thông qua việc lợi dụng xu thế quốc tế hóa và toàn cầu hóa. Với hai nội dung ưu tiên là tư nhân hóa và giảm vai trò can thiệp của nhà nước, mô hình chủ nghĩa tự do mới tuy tạo ra sự ổn định tương đối về kinh tế vĩ mô, nhưng lại làm nảy sinh và tầm trọng hàng loạt vấn đề xã hội, môi sinh, dân số... Căn cứ vào thực tế đó, Diễn đàn Xao Paolo VI kết luận chủ nghĩa tự do mới không thể dung hòa với các mục tiêu phát triển, dân chủ và công bằng xã hội ở Mỹ Latinh và trên thế giới. Các phong trào xã hội và nhân dân phát triển và củng cố trên cả quy mô quốc gia và quốc tế và đây chính là cơ hội thuận lợi để lực lượng cánh tả nổi lên đấu tranh và từng bước giành được những thắng lợi vang dội trong các cuộc bầu cử ở khu vực. Cuộc đấu tranh ở đây còn lắm chông gia, nhưng chủ nghĩa tự do mới đã chuốc lấy những thất bại đầu tiên và địa vị bá quyền của Mỹ ở khu vực đã bị thách thức nghiêm trọng. 3. Những vấn đề chiến lược Xã hội chủ nghĩa ở Mỹ Latinh “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI” là con đường mà lực lượng cánh tả Mỹ Latinh đã lựa chọn - đó chính là sự đổi mới tư duy và phương pháp hoạt động. Tuy cũn cú quan niệm chưa thống nhất và khác nhau về đặc sắc của chủ nghĩa xó hội, con đường và biện pháp đi tới chủ nghĩa xó hội ở cỏc nước trong khu vực, nhưng một điểm chung khác với cánh tả ở khu vực Đông Âu, Liên Xô cũ là không có tỡnh trạng rập khuụn, sao chộp, giỏo điều và xét lại đối với chủ nghĩa xó hội. Trỏi lại, cỏnh tả Mỹ Latinh hiện nay rất mềm mỏng, linh hoạt, sỏng tạo, đồng thời kiên trỡ trong quỏ trỡnh phấn đấu cho mục tiêu xó hội chủ nghĩa của mỡnh. Trong số các nước Mỹ Latinh do các đảng cánh tả cầm quyền hiện nay, Venezuela là nước có tiến trỡnh cải cỏch sõu rộng và triệt để nhất với tên gọi là “Cuộc cách mạng Bolivar” (cuộc cỏch mạng mang tờn Simún Bolivar 1783-1830 – người Anh hùng giải phóng dân tộc của Venezuela thời kỳ chống ách đô hộ của thực dân Tây Ban Nha). Từ năm 2005, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez nhiều lần cụng khai tuyờn bố mục tiờu của cuộc cỏch mạng Bolivar ở Venezuela là đưa đất nước đi lên “chủ nghĩa xó hội thế kỷ XXI”. Trong diễn văn kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5 tại cuộc mít tinh quần chúng ở Thủ đô Caracát năm 2006, Tổng thống Chavez khẳng định: “Chúng tôi sẽ xây dựng một xó hội, trong đó mọi người đều được quan tâm, không có người nghèo và mọi người được sống xứng đáng. Chúng tôi xây dựng một xó hội bỡnh đẳng, công bằng; hoà bỡnh với chớnh mỡnh và hoà bỡnh với cỏc dõn tộc khỏc trờn thế giới. Chỳng tụi khụng sao chộp mụ hỡnh cỏc nước khác, thời đại khác. Chúng tôi cần có năng lực và khả năng sáng tạo để đưa ra mô hỡnh riờng của mỡnh, một mụ hỡnh hợp với thực tế, điều kiện lịch sử và truyền thống của mỡnh”; “Chỳa sẽ ban phước lành người nghèo… Thiên đường đang ở ngay trên trái đất. Đó là vương quốc của bỡnh đẳng, tự do và hoà bỡnh. Chỳng tụi sẽ sống để tạo ra thiên đường trên Tổ quốc này”. Trong bài phát biểu ngày 3/12/2006 ngay sau khi tái đắc cử, Tổng thống Chavez khẳng định: “Venezuela sẽ tiếp tục con đường đi lên chủ nghĩa xó hội thế kỷ XXI” như sau: Về nền tảng tư tưởng: lấy chủ nghĩa Mác, tư tưởng cách mạng và tiến bộ của Simún Bolớvar, tư tưởng nhân đạo Thiên chúa giáo làm nền tảng tư tưởng. Về chớnh trị: Nhấn mạnh tư tưởng “dân chủ cách mạng” (cũn gọi là “dõn chủ tham gia hay dõn chủ trực tiếp”) và “chớnh quyền nhõn dõn”, theo đó nhân dân có trách nhiệm cùng tham gia quyết định vận mệnh của đất nước, tham gia vào việc xây dựng một nhà nước pháp quyền, công bằng xó hội, xõy dựng một mụ hỡnh xó hội mới, nơi mà mọi người dân đều có vị trí xứng đáng, cho dù đó là thổ dân… Vấn đề Đảng chính trị: Xúc tiến thành lập Đảng XHCN Thống nhất Venezuela (PSUV) – một chính đảng cách mạng do Tổng thống Hugo Chavez đứng đầu làm nũng cốt chớnh trị và lónh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xó hội thế kỷ XXI. PSUV sẽ được xây dựng theo mô hình chính đảng từ dưới lên, coi trọng tiếng nói, quyền lực của cơ sở; coi trọng dân chủ trong đảng, mọi chức vụ trong đảng nhất thiết phải do tập thể người lao động là đảng viên bầu ra; tránh nguy cơ quan liêu, xa rời thực tiễn, độc đoán, chuyên quyền. Về kinh tế: chủ trương thực hiện kinh tế nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước và hợp tỏc xó nắm vai trũ chủ đạo: nhấn mạnh việc giành lại chủ quyền quốc gia – dân tộc đối với tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là dầu mỏ, nước sạch và môi sinh… Kế hoạch hoá kinh tế nhằm đảm bảo đáp ứng các nhu cầu của mọi vùng miền được xem như vấn đề có tính nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội ở các nước Mỹ Latinh. Thiếu kế hoạch hoá kinh tế thì không thể có chủ nghĩa xã hội và thiếu dân chủ hoá thì không thể kế hoạch hoá nền kinh tế. Về chế độ và các hình thức sở hữu tư liệu sản xuất, nhà nước Venezuela xác định: đảm bảo tôn trọng tính đa ._.Chavez. Venezuela nhấn mạnh, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Việt Nam là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với Venezuela và các nước Mỹ Latinh; nhất trí với những đề xuất của ta về những phương hướng, biện pháp tăng cường quan hệ ổn định, bền vững, lõu dài theo tinh thần “đối tác toàn diện, trên cơ sở tin cậy, hợp tác bỡnh đằng và cùng có lợi”; bày tỏ tin tưởng quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước sẽ tăng nhanh trong thời gian tới; trước mắt, tập trung triển khai sớm các thoả thuận đó ký, nhất là về hợp tỏc thăm dũ và khai thỏc dầu khớ ở Venezuela, xây dựng nhà máy lọc dầu ở Việt Nam; tăng nhanh kim ngạch buôn bán hai chiều; xúc tiến liên doanh, liên kết sản xuất hàng tiờu dựng tại Venezuela; lập Quỹ hỗ trợ cỏc doanh nghiệp… - Với Đảng Xó hội Chile Ngày 25/3/1971, Việt Nam và Chile đó thiết lập quan hệ ngoại giao dưới thời Tổng thống Xan-va-đô A-giên-đê, mở Văn phũng thương mại và nâng cấp thành Đại sứ quán ngày 1/6/1972.  Tuy nhiên, quan hệ bị gián đoạn từ tháng 9/1973 sau cuộc đảo chính quõn sự tại Chile. Thỏng 9/1990, Chile đề nghị Việt Nam khôi phục quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ và ta mở lại ĐSQ tại Santiago (10/2003). Chile cử Lónh sự Danh dự (7/2001) và mở lại Đại sứ quán tại Hà Nội (10/2004). Việt Nam và Chile đó ký cỏc Hiệp định Hợp tác Kinh tế - Thương mại (11/1993);  Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư, Thoả thuận Tham khảo Chính trị và Hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (9/1999); Bản ghi nhớ về Hợp tác Văn hoá - Giáo dục (12/2000); Kiểm dịch Động vật; Nghị định thư Hợp tác trong lĩnh vực mỏ và Thoả thuận Hợp tỏc giữa 2 Phũng Thương mại và Công nghiệp (10/2002);  Miễn thị thực đối với hộ chiếu ngoại giao và công vụ (10/2003); Hợp tác Nghề cá và Nghị định thư về đàm phán đi đến ký kết Hiệp định Hợp tác Khoa học-Công nghệ (11/2004); Thỏa thuận Hợp tỏc về Du lịch (1/2006); Hợp tỏc Khoa học-Cụng nghệ và Thỏa thuận thành lập Uỷ ban hợp tỏc liờn chớnh phủ Việt Nam-Chile (5/2007); “Nghị định thư lập Nhóm nghiên cứu chung về đàm phán Hiệp định Thương mại tự do song phương” và tiến tới lập “Uỷ ban hợp tỏc liờn chớnh phủ” (11/2006). Chile ủng hộ Việt Nam vào Uỷ ban Kinh tế và Xó hội của Liờn Hợp Quốc - ECOSOC (10/1997), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bỡnh Dương - APEC (1998), ký Thoả thuận kết thúc đàm phán song phương về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO, ủng hộ Việt Nam ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Tại cuộc gặp giữa Nguyên thủ hai nước bên lề Hội nghị cấp cao APEC 15 tại Xít-ni (9/2007), Chile tuyờn bố cụng nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, thoả thuận hai bên xúc tiến đàm phán về Hiệp định tự do thương mại song phương (FTA). Công ty Ki-nhên-cô thuộc tập đoàn Lúc-xích tổ chức lễ ra mắt và nhận giấy phép đầu tư tại Việt Nam (11/2006). Chile đánh giá quan hệ giữa hai nước hiện nay là “rất tích cực”, nhất là trong lĩnh vực chính trị và kinh tế; nhất trí với những đề xuất của ta về các phương hướng và biện pháp tăng cường quan hệ song phương “hợp tác toàn diện trên cơ sở bỡnh đẳng, cùng có lợi và hỗ trợ lẫn nhau cựng phỏt triển”. Tổng thống Mi-chen Ba-chê-lê khẳng định Việt Nam là đối tỏc rất quan trọng của Chile ở chõu Á và phỏt triển quan hệ hợp tỏc với Việt Nam là quyết tõm chớnh trị của Chile; nhấn mạnh các lĩnh vực hợp tác về văn hoá, khoa học-công nghệ, đào tạo, đầu tư, khai khoáng, lâm nghiệm, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, du lịch, hợp tác giữa các địa phương…; nhất trí thành lập và sớm đưa Uỷ ban hợp tác Liên chính phủ đi vào hoạt động; bày tỏ mong muốn hai nước sớm ký Hiệp định thương mại tự do trước hội nghị cấp cao APEC 15. Bạn nhiều lần cảm ơn ta hưởng ứng tích cực đề nghị của bạn về việc ủng hộ Chile ứng cử Uỷ viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2014-2015. b. Quan hệ đa phương Hơn bất kỳ một khu vực nào khác trên thế giới, Mỹ Latinh là nơi diễn ra nhiều diễn đàn chính trị-xó hội thường niên của các lực lượng cánh tả và tiến bộ: Một là: Diễn đàn Xao Paolo. Hai là: Hội thảo quốc tế ”Các đảng chính trị và một xó hội mới”. Ba là: Hội nghị quốc tế thường niên: “Toàn cầu hóa và các vấn đề phát triển”. Bốn là: Diễn đàn xó hội thế giới (WSF) Tại cỏc cuộc gặp trờn, Đoàn đại biểu của Đảng ta được coi trọng, được đón tiếp trọng thị đều có vinh dự được ưu tiên phát biểu trong ngày đầu tiên, được lónh đạo Đảng đăng cai tổ chức tiếp thân mật. Quan điểm của Đảng ta về các vấn đề toàn cầu hoá, vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế và tiến trỡnh hội nhập của Việt Nam đó thực sự thu hỳt mối quan tõm của cỏc đảng tham dự. Nhiều bài phát biểu của ta đó được in và phát đến tận tay các đại biểu. Ngoài việc tham gia tất cả các hoạt động của các diễn đàn trên, Đoàn đại biểu Đảng ta thường có tiếp xúc, trao đổi thông tin trực tiếp với đại diện các đảng cánh tả, phong trào tiến bộ cùng tham dự. Nhiều đại biểu thuộc các đảng, phong trào khu vực Mỹ Latinh - Caribe bày tỏ nguyện vọng được Đảng ta cung cấp thông tin về Việt Nam, đặc biệt là những văn kiện đại hội của Đảng. Qua tiếp xúc, trao đổi, các đảng cánh tả đều tỏ ra quan tâm đến công cuộc đổi mới và những thành tựu về xây dựng đất nước ở Việt Nam. Nhiều bạn bè nhắc lại những kỷ niệm sâu sắc thời kỳ Việt Nam chống Mỹ và bày tỏ khâm phục đối với sự nghiệp cách mạng vĩ đại và vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong chiến tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như tỡnh hỡnh phỏt triển kinh tế xó hội nhanh chúng và ổn định của Việt Nam hiện nay. Hầu hết các đảng đều bày tỏ nguyện vọng tăng cường quan hệ với Đảng ta, muốn có cơ hội tiếp xúc, tăng thêm hiểu biết và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Một số đảng nêu cụ thể nhu cầu học tập kinh nghiệm của Việt Nam về xoá đói giảm nghèo, về việc giải quyết những vấn đề kinh tế xó hội đối với vùng dân cư khó khăn. Qua tiếp xúc, trao đổi cho thấy bạn bố rất thiếu thông tin mang tính thời sự về Việt Nam, đặc biệt là công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lónh đạo trên một đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề nhưng đó thu được những thắng lợi rất đáng khâm phục. Hầu hết các đảng cánh tả đều mong muốn được cập nhật nhiều thông tin hơn nữa về Việt Nam. 4. Quan điểm và đánh giá của Đảng Cộng sản Việt Nam về phong trào cánh tả Mỹ Latinh hiện nay và một số kiến nghị a. Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quan hệ với phong trào cánh tả Mỹ Latinh hiện nay Là một bộ phận cấu thành hữu cơ của phong trào cách mạng thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam một mặt thường xuyên nhận được sự cổ vũ, động viên giúp đỡ về vật chất và tinh thần của các lực lượng cách mạng ở khắp các châu lục, trong đó có nhân dân các nước Mỹ Latinh. Mặt khác, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm theo dõi sát sao, từng bước phát triển của các đảng cánh tả trong phong trào cánh tả ở Mỹ Latinh hiện nay. Quan điểm nhất quán xuyên suốt trong nhận định đánh giá và xúc tiến quan hệ hợp tác với các đảng cánh tả và phong trào cánh tả Mỹ Latinh hiện nay của Đảng Cộng sản Việt Nam là: Các Đảng Cộng sản cánh tả ở Mỹ Latinh nói riêng và phong trào cánh tả hiện nay ở Mỹ Latinh nói chung là bạn bè truyền thống có quan hệ tốt đẹp từ lâu với Đảng Cộng sản Việt Nam và cách mạng Việt Nam. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (4/2006) khẳng định quan điểm thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế. Đồng thời, Đại hội cũng tiếp tục xác định: "... củng cố và tăng cường quan hệ với các Đảng Cộng sản, công nhân, Đảng cánh tả; các phong trào độc lập dân tộc, cách mạng và tiến bộ trên thế giới" Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.113. Thực hiện nhất quán đường lối đó trong những năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị với các lực lượng cánh tả Mỹ Latinh, tăng cường hoạt động trao đổi kinh tế, thương mại, khoa học công nghệ, giáo dục, y tế... Thực hiện chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân trong điều kiện, hoàn cảnh mới, bằng thực tiễn sinh động và thành tựu của hơn 20 năm đổi mới, Đảng ta đã góp phần không nhỏ vào quá trình phục hồi, củng cố phong trào cộng sản, công nhân quốc tế hiện nay. Các Đảng Cộng sản, các lực lượng cánh tả tiến bộ cầm quyền và nhân dân Mỹ Latinh đều có tình cảm tốt đẹp và sâu sắc đối với Việt Nam, đánh giá cao những thành tựu đổi mới của Việt Nam. Các chính phủ cánh tả tiến bộ và các Đảng Cộng sản, cánh tả đang cầm quyền ở nhiều nước Mỹ Latinh hiện nay rất quan tâm tìm hiểu kinh nghiệm Việt Nam, đặc biệt là kinh nghiệm trong việc giải quyết các vấn đề bức thiết như: xây dựng mặt trận đoàn kết dân tộc, xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế nhiều thành phần... Phó trưởng Ban đối ngoại Trung ương CuBa nhấn mạnh: "Sự hiện diện của Việt Nam ở khu vực là rất quan trọng, bởi Việt Nam có uy tín và có nền kinh tế phát triển nhanh; kinh nghiệm của Việt Nam có thể để các nước Mỹ Latinh tham khảo"57 Dẫn theo: "Một số nét đáng chú ý về tình hình Mỹ Latinh gần đây", Tin của Ban Đối ngoại Trung ương, tr.7. . Thành công của chuyến thăm 4 nước Mỹ Latinh (Chile, Argentina, Brasil, CuBa) của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam - Nông Đức Mạnh vào tháng 5/2007 vừa qua là một minh chứng cho quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quan hệ với các Đảng cánh tả Mỹ Latinh - là bạn bè truyền thống, thủy chung, đoàn kết ủng hộ giúp đỡ lẫn nhau theo tinh thần bình đẳng hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau đảm bảo lợi ích dân tộc chân chính, kết hợp với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân trong điều kiện mới. b. Những đánh giá của Đảng Cộng sản Việt Nam về phong trào cánh tả Mỹ Latinh Với quan điểm coi nhau là bạn bè truyền thống, có trách nhiệm ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau trên bước đường phát triển của mỗi nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đánh giá, nhìn nhận phong trào cánh tả Mỹ Latinh dưới những góc độ: Thứ nhất: Phong trào cánh tả Mỹ Latinh hiện nay là một trào lưu chính trị mới mang tính cách mạng đang có những bước phát triển mạnh mẽ... "đã làm cho quần chúng nhân dân các nước thấy được sự cần thiết phải thực hiện những cải cách sâu rộng, từ bỏ mô hình kinh tế chủ nghĩa tự do mới, thực hiện dân chủ và tiến bộ xã hội"58 Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương: Tài liệu tham khảo phục vụ nghiên cứu nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.14+15. . Thực tiễn lịch sử cho thấy các lực lượng cánh tả và các Đảng Cộng sản ở Mỹ Latinh trong những năm gần đây đã thay đổi phương thức đấu tranh, chuyển từ đấu tranh vũ trang sang chú trọng vận động quần chúng nhân dân thấy được sự cần thiết khách quan phải thực hiện những cải cách sâu rộng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, thực hiện dân chủ, công bằng và tiến bộ xã hội. Chính bằng đường lối đúng đắn đó, các lực lượng cánh tả đã làm dấy lên một phong trào nhân dân mạnh mẽ lật đổ các chính phủ cánh hữu, đưa các lực lượng cánh tả lên cầm quyền thông qua các cuộc bầu cử (Tính đến 4/2008) đã có 11 đảng cánh tả trở thành đảng cầm quyền thông qua con đường này. Đây thực sự là bước phát triển mới của phong trào cánh tả Mỹ Latinh, đồng thời trở thành một hiện tượng nổi bật trong thực tiễn chính trị thế giới từ "sau chiến tranh lạnh" đến nay. Thứ hai: Đảng ta đánh giá cao công cuộc cải cách kinh tế - xã hội sâu rộng ở các nước Mỹ Latinh có Đảng cánh tả đang nắm quyền. Ấn tượng của trào lưu cánh tả Mỹ Latinh không chỉ dừng lại ở thắng lợi của họ trong các cuộc bầu cử, mà còn thể hiện qua việc thực hiện những chính sách kinh tế - xã hội có xu hướng tiến bộ. Trong tài liệu phục vụ nghiên cứu Nghị quyết Đại hội X của Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương có viết: "Các chính phủ cánh tả ở các nước Mỹ Latinh đã tiến hành các cải cách kinh tế - xã hội sâu rộng, theo hướng từ bỏ mô hình kinh tế chủ nghĩa tự do mới, thực hiện dân chủ hoá và kinh tế thị trường đi đôi với giải quyết các vấn đề xã hội; đấu tranh chống phân biệt mầu da; điều chỉnh một số luật theo hướng coi trọng lợi ích quốc gia và có lợi cho người lao động... đã thu được những kết quả bước đầu tích cực; kinh tế phục hồi và có mức tăng trưởng khá; chính trị đi dần vào ổn định; đời sống nhân dân được cải thiện; tỷ lệ mù chữ giảm mạnh..."59 Ban Tư tưởng văn hoá Trung ương: Tài liệu phục vụ nghiên cứu nghị quyết X, Sđd, tr.15. . Về đối ngoại, nhiều chính phủ cánh tả thực thi chính sách đối ngoại mềm dẻo hơn, linh hoạt hơn, thúc đẩy hợp tác đa phương. Tuy chưa thoát khỏi sự lệ thuộc vào Mỹ nhưng chính sách đối ngoại của các chính phủ cánh tả đã thể hiện rõ xu hướng độc lập hơn với Mỹ. Xu hướng liên kết ở khu vực này khá rõ nét: Cu Ba, Bolivia và Venezuela ký Hiệp ước thương mại (ALBA), thách thức ý tưởng thành lập khu vực mậu dịch tự do cho toàn châu Mỹ của Mỹ. Hội nghị bốn nước Brasil, Argentina, Venezuela và Bolivia, thúc đẩy liên kết Mỹ Latinh trong khuôn khổ thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) tăng cường hợp tác với Cu Ba, mở rộng hợp tác với EU; Trung Quốc, Nhật Bản và các nước khác. Có thể đánh giá rằng: "ở mức độ này hay mức độ khác, các Chính phủ cánh tả, tiến bộ ở các nước Mỹ Latinh đều đang tiến hành các cuộc cải cách mang tính dân tộc, dân chủ, nhằm củng cố độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia, mở rộng dân sinh, dân chủ, nâng cao vị thế nước mình trên trường quốc tế"60 Nguyễn Mạnh Hùng: Trào lưu cánh tả ở Mỹ Latinh và công cuộc xây dựng CNXH thế kỷ XXI ở Venezuela, Tạp chí Lý luận chính trị, số 9-2007, tr.72. . Thứ ba: Các lãnh tụ cánh tả đang đóng vai trò quyết định trong việc tập hợp và dẫn dắt phong trào đấu tranh của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong nước và khu vực, mở đường và định hướng cho phong trào cánh tả Mỹ Latinh. Thật vậy, Mỹ Latinh là khu vực có truyền thống "chủ nghĩa thủ lĩnh" khá đậm nét. Vai trò cá nhân thủ lĩnh rất quan trọng, mang tính quyết định đến việc thành bại của một tiến trình cách mạng. Với các thủ lĩnh này, trong những năm qua người dân Mỹ Latinh thấy được làm người, thấy được những lợi ích mà các tiến trình cách mạng đem lại cho họ. Chính vì vậy mà họ sẵn sàng xuống đường đấu tranh, thúc đẩy và bảo vệ tiến trình cải cách, bảo vệ lãnh tụ và bảo vệ các quyền được làm người của chính họ: Trong phong trào cánh tả Mỹ Latinh hiện nay nổi lên một hiện tượng đặc biệt là Venezuela với vai trò "thủ lĩnh" của Tổng thống Hugo Chavez. "Chính phủ của Tổng thống Hugo Chavez đã lựa chọn con đường đẩy mạnh cải cách với các bước đi ngày càng triệt để hơn, tách khỏi quỹ đạo gắn với Mỹ trước đây... thiết lập quan hệ chiến lược với Cu Ba và tuyên bố quá độ đi lên CNXH"61 Ban Tư tưởng văn hoá Trung ương: Tài liệu hướng dẫn nghiên cứu nghị quyết X, Sđd, tr.16. . Thứ tư: Phong trào cánh tả Mỹ Latinh đã tạo ra được những hình thức liên kết tập hợp lực lượng cách mạng mới. Có thể khẳng định: Xu hướng cánh tả ở Mỹ Latinh không thể phát triển thành một cao trào như ngày nay nếu không thiết lập được những hình thức tập hợp lực lượng mới, thông qua các diễn đàn, Hội nghị quốc tế để tranh thủ sự đoàn kết, ủng hộ của các lực lượng cách mạng tiến bộ trong khu vực và trên thế giới. Hoạt động gần hai thập kỷ vừa qua của Diễn đàn Sao Paolo, của các hội thảo quốc tế: "các đảng chính trị và một xã hội mới"; "toàn cầu hoá và những vấn đề của sự phát triển"..., cũng như các cuộc gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm song phương giữa các đảng cánh tả, cộng sản trong và ngoài khu vực Mỹ Latinh là những biểu hiện sinh động của tình đoàn kết và ủng hộ quốc tế đối với các lực lượng cách mạng và tiến bộ Mỹ Latinh. Những nhận định của Đảng Cộng sản Việt Nam về phong trào cánh tả Mỹ Latinh hiện nay: Một là: phong trào cánh tả ở Mỹ Latinh hiện nay "còn non trẻ", vẫn đứng trước nguy cơ bị đảo ngược. Triển vọng tới đây tùy thuộc rất nhiều vào khả năng chèo lái, tiếp tục đẩy mạnh cải cách cả về kinh tế - xã hội và chính trị của các lãnh tụ, các Chính phủ cánh tả tiến bộ ở Mỹ Latinh; vào việc xây dựng một chính đảng mạnh làm nòng cốt chính trị cho tiến trình cải cách; vào việc xây dựng và củng cố khối liên kết, hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các nước Mỹ Latinh, cũng như sự ủng hộ quốc tế của các lực lượng cách mạng, cánh tả và tiến bộ trên thế giới62 Dẫn theo: "Một số nét đáng chú ý về tình hình Mỹ Latinh gần đây", Sđd, tr.7. . Hai là: sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng cánh tả ở khu vực Mỹ Latinh gần đây là một nhân tố thuận lợi mới cho sự phát triển quan hệ giữa nước ta với khu vực Mỹ Latinh. Tiềm năng hợp tác kinh tế - thương mại giữa các nước trong khu vực với Việt Nam còn rất lớn. Các nước khu vực đều mong muốn mở rộng quan hệ với Việt Nam. Hàng hoá của Việt Nam được chấp nhận và có khả năng cạnh tranh tại thị trường Mỹ Latinh63 Như 7 Sđd, tr.8. . Ba là: còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu tiếp về phong trào cánh tả ở Mỹ La tinh song những diễn biến mấy năm gần đây là những nét mới thể hiện sự phục hồi của lực lượng cộng sản, cánh tả ở khu vực này64 Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương: Tài liệu tham khảo phục vụ nghiên cứu Nghị quyết X, Sđd, tr.16. . Những bước phát triển mới này là thực tế sống động tạo cơ sở cho niềm tin vào sự thắng lợi của cuộc đấu tranh vì các mục tiêu mang tính thời đại là: hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi và mong muốn mở rộng tăng cường quan hệ với các Đảng Cộng sản, các đảng cánh tả trong phong trào cánh tả Mỹ Latinh hiện nay. Đảng ta luôn coi đây là một trong những hướng ưu tiên trong công tác đối ngoại, coi các đảng cánh tả ở các nước Mỹ Latinh là bạn bè truyền thống có quan hệ hữu nghị tốt đẹp từ lâu. Về phần mình Đảng Cộng sản Việt Nam xác định trách nhiệm là phải ủng hộ, giúp đỡ phong trào cánh tả Mỹ Latinh theo tinh thần chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh quốc tế mới, phù hợp với lợi ích chung của hai dân tộc và lợi ích của cách mạng thế giới. c. Kiến nghị chủ trương và chính sách của đảng ta với các đảng cánh tả Mỹ Latinh - Cần tiếp tục mở rộng quan hệ với các đảng cánh tả nhằm phục vụ nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Tăng cường quan hệ trên cơ sở độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xó hội. Trong quan hệ, đảm bảo các nguyên tắc: độc lập, tự chủ, bỡnh đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, vỡ hoà bỡnh, hợp tỏc và phỏt triển; - Chủ động tăng cường và ưu tiên mối quan hệ với các đảng cánh tả nũng cốt và cỏc đảng cầm quyền trong khu vực, nhất là ở các nước có vị trí, vai trũ quan trọng ở chõu lục và trờn thế giới như Mexico, Venezuela, Brasil, Chile… - Mở rộng quan hệ của Đảng ta với từng Đảng, phong trào cách mạng, tuy nhiên không liên kết tập hợp lực lượng thành cỏc mặt trận đối đầu gay gắt với phương Tõy. - Cần coi trọng vai trũ và vị trớ của cỏc đảng cánh tả Mỹ Latinh, đặc biệt là đối với các đảng cánh tả cầm quyền. Quan hệ với các đảng cầm quyền góp phần thúc đẩy quan hệ về mặt nhà nước, trước hết là quan hệ kinh tế, mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân; - Tiếp tục tăng cường tỡnh hữu nghị, đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau với các đảng cánh tả ở Mỹ Latinh; tăng cường trao đổi thông tin, trao đổi đoàn nghiên cứu, tham dự Đại hội và các sự kiện trọng đại của các đảng cộng sản trong khu vực; - Tiếp tục tham gia các cơ chế, diễn đàn thường kỳ của các đảng cánh tả, phong trào tiến bộ ở khu vực Mỹ Latinh; Chủ động tiếp xúc, trao đổi với các đảng cánh tả tại các diễn đàn quốc tế và khu vực. - Tăng cường công tác nghiên cứu sõu và cú hệ thống về tỡnh hỡnh từng đảng và phong trào cánh tả ở khu vực Mỹ Latinh; nâng cao công tác tuyên truyền về những chủ trương chính sách và định hướng lớn của Đảng ta, để bạn hiểu và ủng hộ ta nhiều hơn, tranh thủ sự đồng tỡnh, ủng hộ, sự hậu thuẫn chớnh trị quốc tế rộng rói cho sự nghiệp xõy dựng và bảo vệ Tổ quốc. - Đảng ta cần tăng cường cử đoàn tiếp xúc, nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm ở khu vực Mỹ Latinh nhằm khơi dậy mối thiện cảm sâu sắc với Việt Nam từ xưa tới nay của các lực lượng cánh tả., tiến bộ, nhân dân, kể cả chính giới phục vụ thúc đẩy tiềm năng to lớn trong quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các nước Mỹ latinh. KẾT LUẬN Bối cảnh quốc tế sau chiến tranh lạnh và sự tác động thuận, nghịch của toàn cầu hoá đã làm cho đời sống của nhân dân các nước Mỹ Latinh rơi vào khủng hoảng, nợ nần chồng chất. Nhưng đây cũng chính là cơ hội tốt để cho lực lượng cánh tả ở các nước này phát huy vai trò của mình. Nắm bắt được tình hình và nguyện vọng của đông đảo quần chúng, một số lực lượng cánh tả Mỹ Latinh đã đề ra được những hình thức, biện pháp hiệu quả để phát triển xã hội và được nhân dân tín nhiệm bầu làm Người dẫn dắt phong trào đấu tranh cho một xã hội mới tốt đẹp hơn. Đây cũng là một xu hướng chung của thế giới hiện nay, khi mà sự gia tăng của các phong trào dân chủ đã đưa đến những biến đổi quan trọng trong đời sống chính trị của nhiều quốc gia với mục tiêu bảo vệ lợi ích của quần chúng nhân dân lao động. Những bước đi ban đầu của các chính phủ cánh tả Mỹ Latinh trong quá trình tiến hành cải cách là tích cực song quá trình thực hiện các ý tưởng cải cách đó sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn. Để vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội phát triển và thực hiện mong muốn xây dựng một xã hội mới mang đậm tính nhân văn thì các chính phủ cánh tả Mỹ Latinh cần phải tiến hành cải cách một cách thận trọng, thông qua các bước thăm dò để sớm tìm ra các hạn chế để có sự điều chỉnh linh hoạt, sáng tạo và kịp thời từ tư tưởng, lý luận đến đường lối, chính sách. Hơn nữa, việc phát triển lý luận và đề ra đường lối, chính sách không những phải xuất phát từ tình hình trong nước mà còn phải tính đến những thay đổi của tình hình khu vực, quốc tế cũng như những xu thế của thời đại. Thực tiễn lịch sử phát triển của chủ nghĩa xã hội trong suốt thế kỷ XX đã cho thấy, dù cùng chung một mục tiêu hướng tới chủ nghĩa xã hội song tùy theo các điều kiện cụ thể về địa lý, kinh tế, chính trị, văn hóa của mình mà mỗi quốc gia có thể lựa chọn những mô hình kinh tế chính trị khác nhau. Do vậy, các chính phủ cánh tả Mỹ Latinh trong khi đoàn kết với nhau, hỗ trợ nhau cùng phát triển thì cũng phải tôn trọng những đặc thù và sự lựa chọn mô hình phát triển của nhau. Đảng Cộng sản Việt Nam có quan hệ truyền thống với các đảng cánh tả Mỹ Latinh trước đây và phong trào cánh tả hiện nay ở Mỹ Latinh. Trước những thắng lợi bước đầu của lực lượng này, Đảng ta luôn quan tâm theo dừi sỏt sao tỡnh hỡnh, đồng thời coi trọng việc mở rộng và tăng cường quan hệ với các đảng này. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng xác định trách nhiệm là phải ủng hộ, giúp đỡ phong trào cánh tả Mỹ Latinh theo tinh thần chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh quốc tế mới hiện nay và lợi ích của nhân dân hai nước nói riêng và lợi ích của cách mạng thế giới nói chung. Điều mà các chính phủ cánh tả Mỹ Latinh đang thực hiện là thực sự mang tính cách mạng và tiến bộ và do đó nhận được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân. Những thắng lợi bước đầu của họ cho phép hi vọng về "Một thế giới mới và tốt đẹp hơn là có thể, và chúng ta đang xây dựng thế giới đó"65./. 65 Hữu Nghị, “Hugo Chavez”, cập nhật ngày 10-12-2006. TÀI LIỆU THAM KHẢO Andy Mclnerney, “Sự chuyển động về phía tả ở Mỹ Latinh”, Tạp chí điện tử “Chủ nghĩa xã hội và Giải phóng”, số tháng 3-2006, Trương Thiết Ánh, “Kinh nghiệm của một số nước Mỹ Latinh trong xử lý mâu thuẫn xã hội”, Thông tin Những vấn đề lý luận, số - 2007. B. Kagarlytsky, “Sự lựa chọn khó khăn của cách mạng Vênêxuêla”, Thông tin Những vấn đề chính trị - xã hội, số 46 (tháng 11-2007). Nguyễn Đình Bin, Nước Cộng hòa Nicaragua, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội,1983. BTK-TTX, “Chủ tịch Phi-đen và Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la đề cao tư tưởng của Chê Ghê-va-ra”, cập nhật ngày 15-10-2007. TS. Hồ Châu, “Mô hình phát triển của Mỹ Latinh”, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 2-2006. “Chủ tịch Phi-đen và Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la đề cao tư tưởng của Chê Ghê-va-ra”, cập nhật ngày 15-10-2007. Chuyên đề nghiên cứu về Phong trào cánh tả Mỹ Latinh, Báo Điện tử Cần Thơ, cập nhật ngày 28-4- 2006. Cov. Lvovitch Klotchkovskii, “Các quan hệ kinh tế Bắc - Nam và Mỹ Latinh”, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 9-2002. TS. Dương Quốc Dũng, “Chủ nghĩa xã hội - sự phát triển hợp quy luật lịch sử”, cập nhật ngày 25-7-2006. Thuỳ Dương, “Vài nét về Cộng đồng các quốc gia Nam Mỹ”, cập nhật ngày 5-1-2007. Danh Đức, “Châu Mỹ Latinh và chủ nghĩa xã hội của thế kỷ 21”, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Giáp, “Làn sóng cánh tả Mỹ Latinh: nguyên nhân và kết quả chủ yếu”, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 03-2007. PGS.TS. Nguyễn Hoàng Giáp và TS. Nguyễn Thị Quế, "Những thắng lợi của phong trào cánh tả Mỹ Latinh gần đây", Tạp chí cộng sản, số 3-2007. Greg Grandin, “Sự đồng thuận mới của Mỹ Latinh”, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 07-2007. Trần Minh Huân, “Bolivia sẽ quốc hữu hoá khu vực khai mỏ”, cập nhật ngày 26-1-2007. Nguyễn Mạnh Hùng, “Trào lưu cánh tả ở Mỹ Latinh và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI ở Vênêduêla", Tạp chí Lý luận chính trị, 9-2007. Thu Huyền, “Quan hệ Việt Nam - Mỹ Latinh: một tầm cao mới”, cập nhật ngày 16-7-2007. Nguyễn Hương, “Venezuela rút khỏi IMF và WB”, cập nhật ngày 2-5-2007. Trần Kiên, “Cuộc đối đầu giữa Bush và phần còn lại”, cập nhật ngày 4-11-2005. Hương Linh, “Xu hướng thiên tả ở Mỹ Latinh”, cập nhật ngày 12-12-2006. TS. Thái Văn Long và Thạc sĩ Hồ Ánh Nguyệt, “Bước tiến mới của phong trào cánh tả Mỹ Latinh", Tạp chí Lý luận chính trị, số 3-2007. Manuel Pastor, Carol Wise, “Liên kết Tây bán cầu: tự do thương mại chưa đủ”, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 2-1996. Phạm Xuân Nam, Phong trào đấu tranh chống Đế quốc Mỹ ở châu Mỹ Latinh: Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Nxb. Khoa học xã hội, 1968. Huyền Nga, “Mái nhà chung Nam Mỹ”, http:// www.nguoidaibieu.com.vn, cập nhật ngày 11-12-2006. Lê Văn Nga, "Bất bình đẳng ở Mỹ Latinh", Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 2-2007. Bình Nguyên, “Sự lựa chọn vì ổn định và phát triển ở Argentina”, cập nhật ngày 28-10-2007. Trung Nguyên, “Tại sao Mỹ Latinh ngày càng thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ”, cập nhật ngày 14-5-2006.” Minh Nhật, “Venezuela muốn quốc hữu hoá các ngân hàng”, cập nhật ngày 4-5-2007. Nguyễn An Ninh, “Động thái tích cực trong đời sống chính trị khu vực Mỹ la-tinh gần đây”, cập nhật ngày 6-4-2007. Kim Oanh, “Khi Mỹ Latinh từ chối sự giúp đỡ của IMF và WB”, cập nhật ngày 4-5-2007. Nguyễn Văn Quang, “Xu hướng đi lên chủ nghĩa xã hội của các nước Mỹ Latinh", Tạp chí Cộng sản, số 127 (4-2007). Rebeca Grynspan, “Liệu Mỹ Latinh có nắm bắt được thời cơ?”, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 10-2007. Minh Sơn, “Tổng thống Chavez và con đường chủ nghĩa xã hội của Venezuela”, cập nhật ngày 6-12-2006. Nguyễn Khắc Sứ, "Lực lượng cánh tả Mỹ Latinh - thực trạng và triển vọng", Tạp chí Cộng sản, số 99-2006. Nguyễn Khắc Sứ, “Vê-nê-xu-ê-la, đất nước của Xi-môn Bô-li-va”, Tạp chí Cộng sản, số 19 (tháng 10 năm 2006). Lưu Kỷ Tân, “Hiện trạng và xu thế phát triển của phái tả Mỹ Latinh”, Tạp chí Phong trào cộng sản quốc tế (Trung Quốc), số 4-2005. Nguyễn Văn Thanh, Nhận diện chủ nghĩa tự do mới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005. “Tổng thống Venezuela kêu gọi thành lập khối phòng thủ cánh tả”, cập nhật ngày 10-6-2007. Trần Chí Thành, “Sân sau nổi gió”, cập nhật ngày 19-5-2005. Nguyễn Viết Thảo, "Liên kết khu vực Mỹ Latinh: văn hóa, chính trị, kinh tế", Luận án tiến sĩ lịch sử, bảo vệ năm 1998. Nguyễn Viết Thảo, “Quan hệ Việt Nam - Mỹ Latinh: lịch sử hình thành và giai đoạn phát triển mới”, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 4-1998. “Thông tin cơ bản về một số nước Mỹ Latinh và quan hệ với Việt Nam”, Lê Thị Thu, “Quan hệ Mỹ - Brasil những năm đầu thế kỷ XXI”, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 09-2006. “Tổng thống Bolivia: chủ nghĩa tư bản chỉ làm tổn hại đến Mỹ latinh”, cập nhật ngày 19-7-2007. Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Trung tâm Nghiên cứu Bắc Mỹ, Mỹ Latinh một vùng năng động, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998. Nguyễn Xuân Trung, “Tình hình kinh tế Mỹ Latinh đầu thế kỷ XXI” TTXVN, “Bất lợi đối với nỗ lực của Chavez”, Tài liệu tham khảo đặc biệt, 24-12-2007. TTXVN, “Cánh tả mới ở Mỹ Latinh đi về đâu?”, Những vấn đề chính trị - xã hội, số 25 (tháng 6-2007). TTXVN, “Cánh tả đang thắng thế ở Mỹ Latinh”, Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 20-4-2006. TTXVN, “Thanh niên cánh tả Mỹ Latinh tích cực tham gia tiến trình liên kết khu vực”, cập nhật ngày 27-6-2007. TTXVN, “Việt Nam - Chi lê tiến tới Hiệp định tự do thương mại”, cập nhật ngày 26-5-2007. TTXVN, Những thách thức đối với Tổng thống cánh tả Evo Morales của Bôlivia, Thông tin chuyên đề Lực lượng cánh tả Mỹ Latinh: Những góc nhỡn khỏc biệt, Viện TTKH, thỏng 11/2006 TTXVN, Cánh tả Mỹ Latinh đi về đâu?, Tài liệu TKĐB, số 119-TTX, ngày 26/52007 ThS. Đỗ Minh Tuấn, “Vai trò của Mỹ ở khu vực Mỹ Latinh”, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 11-2005. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2001. Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốclần thứ X , Nxb. CTQG, Hà Nội, 2006. “Venezuela muốn xây dựng đất nước theo chủ nghĩa xã hội”, cập nhật ngày 10-1-2007. “Venezuela xây dựng mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa kiểu mới”, cập nhật ngày 28-11-2005. Xebaxchiao Đơ Rego Barrox, “Các cơ sở liên kết Nam Mỹ”, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 6-1996. TÀI LIỆU TIẾNG NƯỚC NGOÀI Tiếng Anh 61. Irving Louis Horowitz, Latin American radicalism: A documentary report of left and nationalist movement, Nxb. Jonathan Cape Ltd, Luân Đôn, 1969. 62. Bách khoa điện tử Wikipedia, Về Mặt trận Giải phúng dõn tộc Sandino (FSLN) ở Nicaragua, (tiếng Anh), 63. Robert J. Alexander, Latin - American Politics and Government Nxb. Happer & Row, New York, 1965. Tiếng Nga 64. Alan Woods, Trưng cầu dõn ý về sửa đổi hiến phỏp ở Vờnờxuờla, 65. James Petras, Trưng cầu dân ý ở Vờnờxuờla: Phõn tớch nguyờn nhõn thất bại và những hệ lụy cú thể, 66. Alan Woods, Cỏch mạng Vờnờxuờla và nhiệm vụ của những người cộng sản Tiếng Pháp 67. DIAL, “Amérique latine: les politiques des gouvernements de gauche”, janvier 2006. 68. La crise des Malouines (Falkland): Sources et conséquences, Nxb. Ed. Academie du Scienes de L"U.R.S.S", 1984. 69. Plate-Forme de Liberdade vermelha (Liberté rouge), “Brésil: Fraction publique de Démocratie socialiste (DS), tendance interne du PT”, mardi 6 juillet 2004. MỘT SỐ TRANG WEB ._.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docDTKH017.doc
Tài liệu liên quan