Mở đầu
Hiện nay cùng với xu hướng toàn cầu hoá , các nước đều đã và đang trong quá trình hội nhập với thế giới để phát triển kinh tế xã hội và đã có nhiều mối quan hệ được kết nối giữa các nước như kinh tế chính trị , văn hoá , xã hội .... Thanh toán quốc tế cũng phát sinh trên cơ sở các mối quan hệ trên và góp phần hoàn thành trọn vẹn các mối quan hệ ấy . Đặc biệt trong quan hệ thương mại giữa các nước , khối lượng hàng hoá giao thương luôn luôn đa dạng phong phú về chủng loại mặt hàng và vấn
11 trang |
Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 4627 | Lượt tải: 3
Tóm tắt tài liệu Nội dung & trường hợp áp dụng 2 phương thức thanh toán nhờ thu & tín dụng chứng từ trong thanh toán quốc tế, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
đề dặt ra là chọn phương thức thanh toán như thế nào cho hợp lý . Có nhiều phương thức thanh toán trong nghiệp vụ thanh toán quốc tế , phương thức thanh toán nhờ thu và tín dụng chứng từ là hai trong số các phương thức thanh toán này và đây cũng là hai phương thức thanh toán phổ biến nhất hiện nay trong quan hệ thương mại quốc tế . Vì vậy em đã chọn đề tài : "Đặc điểm , nội dung và trường hợp áp dụng của hai phương thức thanh toán nhờ thu và tín dụng chứng từ trong thanh toán quốc tế " để nêu lên một phần hiểu biết của mình trong quá trình học tập về hai phương thức thanh toán này.
Nội dung tiểu luận gồm có :
I - Đặc điểm , nội dung và trường hợp áp dụng phương thức thanh toán nhờ thu
II - Đặc điểm , nội dung và trường hợp áp dụng phương thức thanh toán
tín dụng chứng từ
III - Liên hệ thực tế Việt Nam
Do khối lương kiến thức còn nhiều hạn chế nên trong bài viết của em không
tránh khỏi những thiếu sót . Em rất mong các thầy cô giáo đánh giá, nhận xét
và chỉ giúp em hoàn thiện và củng cố thêm vốn kiến thức của mình .
Nội dung
I - Đặc điểm , nội dung và trường hợp áp dụng phương thức thanh toán nhờ thu
1 . Đặc điểm
Giữa hai bên thanh toán phải có tài khoản ở ngân hàng (NH): Đây là điều kiện tiên quyết để áp dụng phương thức thanh toán này vì khi khách hàng mở tài khoản tại NH và kí thác vốn của mình vào đó đã tạo điều kiện cho NH kiểm soát được tình hình tài chính và tình hình kinh doanh của khách hàng . Và nhờ đó NH sẽ thực hiện thanh toán cho khách hàng của mình
Không cần sử dụng tiền mặt để thanh toán : Giữa hai bên thanh toán đều có tài khoản ở NH nên số tiền cần thanh toán sẽ được chuyển khoản từ tài khoản của người thanh toán sang tài khoản của người được thanh toán mà không cần phải sử dụng tiền mặt
Quá trình thanh toán phải thực hiện tại NH : Thông qua hiệp định thanh toán, quan hệ thanh toán sẽ được NH thực hiện thông qua các nghiệp vụ của mình và qúa trình này hoàn toàn được thực hiện tại NH
Thanh toán với số tiền lớn : Thông thường trong quan hệ thương mại quốc tế, các hợp đồng mua bán giữa các bên với khối lượng hàng hoá rất lớn cho nên số tiền hàng thanh toán cũng là số tiền rất lớn
NH tham gia hướng dẫn , kiểm soát toàn bộ quá trình thanh toán : Quá trình thanh toán được thực hiện tại NH và thanh toán với số tiền lớn cho nên NH phải tham gia hướng dẫn các bên thanh toán đồng thời phải kiểm soát toàn bộ quá trình thanh toán này
2 . Nội dung
a . Khái niệm phương thức thanh toán nhờ thu
Phương thức thanh toán nhờ thu là một phương thức thanh toán mà người bán sau khi hoàn thành nghĩa vụ giao hàng sẽ ký phát hối phiếu đòi tiền người mua nhờ NH thu hộ số tiền ghi trên tờ hối phiếu đó . Người mua khi nhận được giấy báo nhờ thu của NH phải trả tiền ngay và nhận chứng từ hàng hoá để đi lấy hàng
Trong phương thức thanh toán này có bốn bên liên quan
+ Người bán hàng ( người xuất khẩu ) là người gửi giấy nhờ thu
+ NH chuyển chứng từ là NH phục vụ người bán
+ NH thu tiền là NH phục vụ người mua
+ Người mua hàng ( người nhập khẩu ) là người trả tiền
b . Các giai đoạn chủ yếu của phương thức thanh toán nhờ thu
Giai đoạn 1 : Sau khi giao hàng theo hợp đồng , bên mua tập hợp bộ chứng từ , ghi rõ những khoản mục nhờ thu vào trong hợp đồng
Giai đoạn 2 : Phát hành nhờ thu và chuyển chứng từ
Trên cơ sở giấy yêu cầu nhờ thu và các chứng từ người bán gửi đến NH phục vụ bên người bán phát hành nhờ thu, chuyển các chứng từ và những chỉ thị cụ thể tới NH phục vụ bên người mua để thu tiền
Giai đoạn 3 : Xuất trình chứng từ và thanh toán
NH bên mua thông báo cho người mua về việc chứng từ đã tới và những điều kiện của nó . Người mua trả tiền hoặc chấp nhận hối phiếu và nhận chứng từ. Sau đó NH phục vụ người mua chuyển số tiền đã thu được cho NH bên người bán . Đến lượt NH này trả tiền cho người bán bằng cách ghi có số tiền vào tài khoản của người bán gửi tại NH này
c . Phân loại uỷ thác nhờ thu
Căn cứ vào phương thức thực hiện phân biệt hai loại uỷ thác là uỷ thác thu bằng thư và ủy thác thu bằng điện
Căn cứ vào thời gian trả tiền, phân biệt hai loại uỷ thác thu là nhờ thu trả tiền trao chứng từ và nhờ thu chấp nhận trả tiền trao chứng từ
d . Trình tự thực hiện các loại uỷ thác thu
ủy thác thu bằng thư : Người bán ( xuất khẩu ) sau khi giao hàng theo hợp đồng cho người mua ( nhập khẩu ), lập bộ chứng từ hàng hoá và hối phiếu , uỷ thác cho NH phục vụ mình đòi tiền người nhập khẩu thông qua NH nước nhập khẩu bằng ủy thác mua ( giấy nhờ thu ). Người nhập khẩu sẽ thanh toán hoặc chấp nhận thanh toán ngay khi NH phục vụ mình (NH bên nhập khẩu ) trao chứng từ
ủy thác thu bằng điện : Người xuất khẩu ủy thác cho NH nước mình thông qua NH nước người nhập khẩu để đòi tiền người nhập khẩu bằng cách điện báo thu tiền . Căn cứ vào điện báo đó , người nhập khẩu sẽ trả tiền ngay hoặc chấp nhận khi được NH phục vụ mình báo tin mà không căn cứ vào chứng từ hàng hoá ( chứng từ hàng hoá được gửi đến sau bằng đường bưu điện hoặc thông qua NH hoặc do người xuất khẩu gửi trực tiếp cho người nhập khẩu ) .
Nhờ thu phiếu trơn : Là phương thức mà người xuất khẩu chỉ đưa hối phiếu hoặc hoá đơn nhờ NH thu hộ tiền hàng , còn các chứng từ hàng hoá thì người xuất khẩu gửi thẳng cho người nhập khẩu để họ đi nhận hàng
Nhờ thu kèm chứng từ : Là một phương thức thanh toán mà người xuất khẩu khi hoàn thành việc giao hàng lập bộ chứng từ thanh toán nhờ thu ( gồm chứng từ hàng hoá và hối phiếu ) nhờ NH thu hộ số tiền ghi trên tờ hối phiếu đó với điều kiện người nhập khẩu trả tiền hoặc chấp nhận thì NH trao chứng từ để người nhập khẩu đi nhận hàng .
3 . Trường hợp áp dụng
Đây là một phương thức thanh toán quốc tế được áp dụng tương đối phổ biến trong quan hệ thương mại giữa các nước . Phương thức này được áp dụng nếu :
+ Người xuất khẩu và nhập khẩu đã từng có các mối liên hệ đáng tin cậy
+ ý muốn thanh toán tiền hàng và khả năng tài chính của người mua phải chắc chắn
+ Tình hình chính trị , pháp luật và kinh tế ở nước người nhập khẩu phải ổn định
+ Việc chuyển trả trong thanh toán quốc tế của nước người nhập khẩu không bị đe doạ do việc kiểm soát hối đoái cũng như các hạn chế tương tự
Ngoài ra trong phương thức nhờ thu kèm chứng từ thì :
+ Nhờ thu trả tiền trao chứng từ được thực hiện trong trường hợp mua bán trả tiền ngay
+ Nhờ thu chấp nhận trả tiền trao chứng từ được áp dụng trong hợp đồng mua bán chịu ( bằng hối phiếu có kì hạn )
4 . Ưu điểm và nhược điểm :
a . Ưu điểm :
Có sự tín nhiệm giữa hai bên mua và bán : Người bán và người mua tin cậy lẫn nhau , hai bên quen biết nhau nhiều và đã từng giao dịch lâu năm .
Có kỉ luật thanh toán : Bên bán lập chứng từ thanh toán nhờ NH khống chế bộ chứng từ hàng hoá đối với người mua , NH phục vụ bên bán chỉ trao chứng từ hàng khi người mua trả tiền hoặc chấp nhận hối phiếu nên quyền lợi thanh toán tiền hàng của người bán được bảo đảm hơn .
Phạm vi áp dụng rộng rãi : Trong quan hệ thương mại quốc tế , công việc giao thương hàng hoá không chỉ bó hẹp trong phạm vi quốc gia mà xuyên suốt khắp các quốc gia và trên cả thị trường tài chính với khối lượng hàng hoá lớn , đa dạng và phong phú .
Giảm khối lượng tiền mặt trong lưu thông : Vì đây là phương thức áp dụng thanh toán chuyển khoản nên giảm một khối lượng lớn tiền
mặt trong lưu thông , tiết kiệm chi phí lưu thông tiền mặt và một số
chi phí khác như vận chuyển , bảo quản , kiểm đếm ... của tiền mặt .
b . Nhược điểm :
Giữa hai bên phải có tài khoản trong NH
Người bán thông qua NH mới chỉ khống chế được quyền quyết định về hàng hoá của người mua chứ không khống chế được việc thanh toán tiền hàng của người mua
Việc trả còn chậm kể từ lúc gửi hàng đến lúc nhận được tiền . Người mua trong thực tế có thể kéo dài việc trả tiền vì một lí do nào đó bằng cách chưa chịu nhận chứng từ hàng hoá hoặc có thể là không trả tiền hàng nên còn bất lợi cho người bán
Ngân hàng chỉ là người trung gian thu tiền hộ không phải chịu trách nhiệm gì đến việc trả tiền của người mua, vấn đề này giải quyết giữa hai bên không có sự tham gia của NH
Nếu thanh toán giữa hai NH khác nhau thì thủ tục thanh toán còn nhiều phức tạp làm cho tốc độ thanh toán chậm và bất lợi cho người bán
II - Đặc điểm , nội dung và trường hợp áp dụng phương thức thanh toán tín dụng chứng từ .
1 . Đặc điểm :
Phương thức thanh toán này có một số đặc điểm giống như phương thức thanh toán nhờ thu . Tuy nhiên nó còn có đặc điểm khác để phân biệt với phương thức nhờ thu đó là : Khâu thanh toán hoàn toàn độc lập với hợp đồng mua bán . Trước hết xét về chủ thể , hợp đồng mua bán là cam kết giữa người bán và người mua còn trong thư tín dụng ( L/C ) đó là cam kết của NH mở L/C đối với người thụ hưởng ( thông thường là người bán hàng ) . Thứ hai, xét về đối tượng, trong hợp đồng mua bán đó là hàng và tiền còn trong L/C đó là tiền và chứng từ về hàng hoá . Vì vậy NH chỉ căn cứ vào L/C để quyết định thanh toán tiền hàng .
2 . Nội dung .
a . Cơ sở lý luận - những nét chung về tín dụng chứng từ .
Phương thức thanh toán tín dụng chứng từ là : " Một sự thoả thuận trong đó một NH( NH mở tín dụng chứng từ - thư tín dụng ) theo yêu cầu của một khách hàng ( người xin mở thư tín dụng - L/C ) sẽ trả tiền cho người thứ ba hoặc trả cho bất kỳ người nào theo lệnh của người thứ ba đó ( người hưởng lợi ) hoặc sẽ trả, chấp nhận mua hối phiếu do người hưởng lợi phát hành hoặc cho phép một NH khác trả tiền , chấp nhận hay mua hối phiếu khi xuất trình đầy đủ các chứng từ đã quy định và mọi điều kiện đặt ra đều được thực hiện đầy đủ .
Từ định nghĩa trên ta thấy tín dụng chứng từ đã quy định cam kết thanh toán có điều kiện của NH. Trong thương mại quốc tế , khi thực hiện thanh toán bằng phương thức tín dụng chứng từ phải có đủ bốn bên tham gia đó là :
+ Người yêu cầu mở thư tín dụng (là người nhập khẩu ) .
+ Người hưởng lợi ( là người xuất khẩu ) .
+ Ngân hàng mở L/C là NH đại diện cho người nhập khẩu ở nước người nhập khẩu .
+ NH thông báo là NH ở nước người hưởng lợi, NH này thông báo cho người bán biết L/C đã mở .
Ngoài hai NH trên thì trong quy tắc về tín dụng chứng từ còn quy định thêm :
+ Ngân hàng xác nhận
+ Ngân hàng thanh toán
b . Định nghĩa thư tín dụng ( L/C ) .
L/C là một văn bản cam kết dùng trong thanh toán thương mại quốc tế, trong đó NH bên người nhập khẩu theo yêu cầu của người nhập khẩu mở L/C ủy nhiệm chi nhánh hay đại lý của mình ở nước ngoài (NH bên người xuất khẩu) trả tiền cho người xuất khẩu , ghi rõ trong L/C một số tiền nhất định trong phạm vi thời gian quy định với điều kiện là người xuất khẩu phải xuất trình đầy đủ các chứng từ phù hợp với các điều kiện quy định trong L/C .
c . Công cụ của tín dụng
Hối phiếu :
Khái niệm : Hối phiếu là một tờ lệnh trả tiền không điều kiện do một người ký phát cho người khác , yêu cầu người này khi nhìn thấy phiếu , đến một ngày nhất định hoặc đến một ngày cụ thể xác định trong tương lai phải trả một số tiền nhất định cho một người nào đó hoặc theo lệnh của người này trả cho một người khác hoặc trả cho người cầm phiếu .
- Chức năng của hối phiếu :
+ Là công cụ tín dụng .
+ Là phương tiện đảm bảo .
+ Là công cụ đầu tư vốn .
+ Là công cụ thanh toán .
Các loại hối phiếu : Hối phiếu trả tiền ngay, hối phiếu có kỳ hạn, hối phiếu trơn, hối phiếu kèm chứng từ, hối phiếu đích danh, hối
phiếu vô danh, hối phiếu theo lệnh, hối phiếu thương mại, hối phiếu NH
Séc :
Khái niệm : Séc là một tờ lệnh trả tiền vô điều kiện do một khách hàng của NH ký phát cho NH đó , yêu cầu trích từ tài khoản của mình một số tiền nhất định để trả cho người cầm séc hoặc cho người được chỉ định trên séc .
Đặc trưng của séc so với hối phiếu là việc phát hành séc do NH làm . NH theo sự ủy nhiệm của khách hàng ký phát séc ra lệnh cho ngân hàng đại lý của mình ở nước ngoài trả tiền cho người sở hữu séc .
Các loại séc :
+ Căn cứ vào tính chất lưu chuyển có ba loại séc : séc đích danh, séc vô danh, séc theo lệnh .
+ Căn cứ vào đặc điểm sử dụng séc : séc tiền mặt, séc chuyển khoản, séc gạch chéo, séc xác nhận, séc du lịch .
d . Trình tự thực hiện phương thức thanh toán tín dụng chứng từ
Bên người mua làm đơn xin mở L/C và gửi đến NH phục vụ mình , NH phát hành L/C thông qua NH thông báo ( xác nhận ) .
NH thông báo ( xác nhận ) thông báo nội dung L/C cho bên bán .
Bên bán giao hàng cho bên mua ( nếu chấp nhận L/C ), bên bán lập bộ chứng từ thanh toán và xuất trình cho NH chỉ định .
NH kiểm tra các chứng từ , néu đáp ứng yêu cầu của L/C thì NH thanh toán ( hoặc chấp nhận ) chiết khấu theo các điều khoản L/C, NH gửi bộ chứng từ thanh toán cho NH phát hành L/C
Ngân hàng phát hành L/C kiểm tra chứng từ , nếu đáp ứng các yêu cầu của L/C thì hoàn lại tiền cho NH đã thanh toán
Ngân hàng phát hành chuyển bộ chứng từ thanh toán cho bên mua với yêu cầu hoàn lại tiền cho mình, bên mua được nhận chứng từ để đi nhận hàng
e . Các hình thức cơ bản của thư tín dụng
Thư tín dụng có thể huỷ ngang , thư tín dụng không thể huỷ ngang, thư tín dụng tuần hoàn , thư tín dụng ứng trước, thư tín dụng giáp lưng, thư tín dụng chuyển nhượng, thư tín dụng đối xứng, thư tín dụng thanh toán dần
3 . Trường hợp áp dụng
áp dụng cho việc thanh toán từng lần : quan hệ giữa người mua và người bán không thường xuyên, chưa có dủ tin cậy hoặc thường xuyên nhưng người mua mua bán chậm trễ gây khó khăn cho người bán cho nên người bán không chịu thanh toán theo phương thức nhờ thu .
Tín dụng chứng từ là phương pháp thanh toán thương mại quốc tế phổ biến nhất hiên nay , nó thường xuyên được áp dụng trong thương mại quốc tế . Giữa hai bên mua và bán thì phương thức này
tạo điều kiện thuận lợi cho bên bán vì về bản chất nó là những giao dịch riêng biệt với các hợp đồng mua bán hoặc các hợp đồng khác mà các hợp đồng này có thể làm cơ sở của tín dụng .
Ngoài ra phương thức này còn được áp dụng trên thị trường tài chính như hình thức tín dụng thư du khách . Đây là hình thức tín dụng thư mà khách hàng sẽ dùng để mua hàng hoá ở nước ngoài hay cho một khách hàng du lịch để sử dụng trong cuộc hành trình
4 . ưu điểm và nhược điểm .
a . ưu điểm :
Xúc tiến quá trình giao hàng và nhận hàng giữa hai bên mua-bán : Người bán sau khi thực hiện đúng các nghĩa vụ giao hàng thì có thể yên tâm nhận tiền đúng thời hạn, người mua yên tâm là sẽ nhận được hàng .
Kết nối các mối quan hệ : Thông qua hoạt động buôn bán thành công giữa hai bên mà nhiều mối quan hệ được hình thành và có sự tín nhiệm , tin cậy lẫn nhau giữa các đối tác .
Giảm khối lượng tiền mặt trong lưu thông : Giống như phương thức thanh toán nhờ thu khối lượng tiền mặt trong lưu thông giảm xuống hạn chế nhiều rủi ro và khó khăn trong việc thanh toán khi dùng tiền mặt .
b . Nhược điểm :
Chưa có sự tín nhiệm giữa hai bên mua và bán: Trong phương thức thanh toán này do mối quan hệ giao thương giữa hai bên mua và bán không thường xuyên cho nên chưa có sự tín nhiệm , tin cậy . Để đảm bảo cho việc thanh toán thì người mua phải ký cược trước một số tiền để mở L/C làm cơ sở cho việc thanh toán được hoàn thành .
Còn nhiều rủi ro trong thanh toán giữa hai bên :
+ Việc thanh toán có thể bị hoãn hay từ chối chỉ vì các chừng từ không phù hợp theo yêu cầu của L/C .
+ L/C có thể bị mất giá trị thương mại của nó khi người bán không tuân theo bất cứ điều khoản nào của L/C .
+ Trong qúa trình thanh toán chỉ cần một sai sót nhỏ của NH là có thể làm thất thoát một số lượng tiền lớn của khách hàng .
L/C đòi hỏi NH phải có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm trong việc điều hành L/C
III - Liên hệ thực tế Việt Nam .
1 . Phương thức thanh toán nhờ thu .
Hiện nay phương thức thanh toán này được áp dụng rộng rãi trong kinh doanh xuất nhập khẩu ở nước ta . Nhờ ưu điểm của phương thức thanh toán này mà nhiêu hợp đồng kinh doanh trong nước và quốc tế được ký kết thành công đánh dấu những bước chuyển biến tốt đẹp trong công nghiệp sản xuất của Việt Nam . Đây cũng là dấu hiệu đáng mừng cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước những năm gần đây .
2 . Phương thức thanh toán tín dụng chứng từ .
Tín dụng chứng từ là phương thức thanh toán thông dụng nhất hiện nay với khối lượng thanh toán ngày càng rộng lớn . Trên thị trường tài chính phương thức này được áp dụng phổ biến nhất , rộng rãi nhất trong quan hệ thương mại đặc biệt là quan hệ xuất nhập khẩu giữa nước ta với các nước khác . Hàng năm NH mở L/C hàng trăm triệu USD để nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước như : dây chuyền công nghệ , sắt , thép , ...
Nhìn chung phương thức thanh toán này phù hợp với điều kiện nước ta khi đang dần dần hoà nhập với nền kinh tế thế giới .
3 . ý kiến của bản thân .
Qua tìm hiểu hai phương thức thanh toán trên em thấy hai phương thức thanh toán này phù hợp với môi trường kinh tế nước ta hiện nay . Tuy nhiên nó đòi hỏi ở NH những kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm điều hành thông thạo . ở nước ta , nhìn chung là các thiết bị , máy móc đều đươc trang bị và cải tiến nhưng vẫn còn thiếu cán bộ vững chuyên môn, có nhiều người còn nhầm lẫn giữa hai phương thức thanh toán này ( thậm chí cả người đã qua đào tạo nghiệp vụ xuất nhập khẩu ) . Hầu như hai phương thức này mới chỉ được áp dụng ở các NH thuộc thành phố lớn và số người thông thạo luật pháp và tập quán thương mại quốc tế còn thiếu , vì vậy cần phải đào tạo thêm những cán bộ có nghiệp vụ vững chắc để điều hành hoạt động của hai phương thức này hiệu quả hơn . Xét về tổng thể thì sự phát triển của thanh toán quốc tế mà tiêu biểu là hai phương thức thanh toán này là bước ngoặt lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và thế giới , thúc đẩy quá trình phát triển đất nước trong cơ chế thị trường mới .
Kết luận
Ngày nay mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại là điều cực kì quan trọng để thúc đẩy sự nghiệp đổi mới và cũng là con đường duy nhất để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng nền kinh tế , phát huy lợi thế của đất nước , đưa đất nước vào một thời kỳ phát triển nhanh hơn , toàn diện hơn . Khi đó nền kinh tế của đất nước được giao thương với thế giới thì vấn đề thanh toán quốc tế được đặt ra để làm sao thuận tiện nhất cho việc mua bán giữa các bên . Do nhận thức được tầm quan trọng đó em đã mạnh dạn tìm hiểu về phương thức thanh toán nhờ thu và tín dụng chứng từ trong thanh toán quốc tế để nêu lên tác dụng của nó trong quan hệ thương mại quốc tế . Mối quan hệ quốc tế này có thể phát sinh giữa hai hay nhiều chính phủ vơi nhau, giữa hai hay nhiều tư nhân nhiều nước với nhau, giữa chính phủ , cơ quan chính phủ nước này với tư nhân , tổ chức xã hộ nước khác hoặc với tổ chức tài chính quốc tế . Bất kể những người tham gia là ai thì mọi quan hệ thanh toán đều thực hiện thông qua nghiệp vụ của các NH thương mại quốc gia và quốc tế . Chính vì thế mà ngoài hai bên mua và bán thì còn một chủ thể thứ ba không thể thiếu trong quá trình thanh toán đó là NH. Cả ba chủ thể này luôn tác động qua lại với nhau theo các trình tự nhất định để quá trình thanh toán nhanh chóng được hoàn thành . Trên thực tế đây là vấn đề rất rộng cần phải tìm hiểu nhiều hơn nữa nhưng trong phạm vi của bài tiểu luận nên em chỉ nêu lên những lý thuyết cơ bản để tìm hiểu về vấn đề này và với vốn kiến thức vẫn còn nhiều hạn chế trong quy mô đào tạo của nhà trường chưa được đi thực tế cụ thể nên còn nhiều thiếu sót . Em kính mong các thầy cô giáo xem xét và chỉ bảo giúp em , để em hoàn thiện bài viết và củng cố thêm vốn kiến thức của mình .
Tài liệu tham khảo
Giáo trình tài chính trường Đại học Quản lý và Kinh doanh - Hà nội
Các nghiệp vụ ngân hàng thương mại - NXB Thống Kê
Thanh toán Quốc tế - NXB Tài Chính
Tạp chí Ngân hàng
Thời báo Ngân hàng
._.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- I0093.doc