BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
Phan Thị Phương Thế Ngọc
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 60 22 34
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
TS. NGUYỄN THÀNH THI
Thành phố Hồ Chí Minh - 2008
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Nhân vật là đối tượng trung tâm, là linh hồn của tác phẩm văn học. Qua nhân vật,
nhà văn bày tỏ quan điểm, tư tưởng, nhận thức,… trước cuộc đời và con người; gửi
gắm những tình cảm, suy tư, trải nghiệm của chí
151 trang |
Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 2670 | Lượt tải: 2
Tóm tắt tài liệu Nhân vật trí thức văn nghệ sĩ trong văn xuôi Việt Nam hiện đại, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
nh lòng mình, đời mình; đồng thời thể
hiện tài năng, cá tính, phong cách của mình.
Nhìn lại chiều dài lịch sử văn học Việt Nam, ta thấy xuất hiện nhiều loại nhân vật:
người phụ nữ, người nông dân, người lính, người anh hùng, người trí thức,… Mỗi loại
nhân vật đều có những đặc điểm riêng về hoàn cảnh, cuộc sống, diện mạo, tâm hồn,
tính cách,… nhưng sâu sắc và phức tạp hơn cả, có lẽ là hình tượng người trí thức.
Trí thức là người có kiến thức từ việc học tập, nghiên cứu, luôn khát khao cống
hiến tài năng cho đời, và có lối hành xử văn minh, văn hóa. Ở họ, tập trung mọi tinh
hoa của dân tộc và nhân loại. Họ là nhân vật trung tâm, là động lực của xã hội, có sự
đóng góp to lớn và giúp xã hội phát triển vững chắc, ngày càng văn minh, tiến bộ hơn.
Họ mang cái đẹp đến cho đời. Họ khai sáng cho những vùng đất còn tối tăm, hoang dã,
cho những con người còn sống trong nghèo đói, lạc hậu, u mê.
Trí thức, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ, mang lí tưởng, hoài bão, ước mơ cao cả, luôn
khát khao sáng tạo, và lúc nào cũng băn khoăn, tìm kiếm cho mình một chỗ đứng, một
lẽ sống trong cuộc đời, một con đường đi riêng cho mình. Họ gánh trên vai thiên chức
khai hóa dân trí và cải cách xã hội. Bên cạnh đó, họ lại là những người giàu mặc cảm
và cô đơn trong những bi kịch cá nhân. Vốn nhạy bén, đa cảm, dễ xúc động, lãng mạn
và mơ mộng trước cái đẹp, họ mang đầy những trăn trở, day dứt, dằn vặt, đau đớn
trước cái xấu trong cuộc đời và trong chính con người mình. Thế giới tâm hồn của
người trí thức đầy bí ẩn, phức tạp, nhiều cung bậc, sắc thái, thanh âm, luôn khát khao
vươn đến cái đẹp hoàn mỹ, tuyệt đối.
Hiện thực cuộc sống tác động lên mọi mặt của đời sống xã hội, người trí thức rất
nhạy cảm với thời cuộc và những đổi thay trong cuộc sống. Bên cạnh quan niệm sống,
lí tưởng sống, họ còn phải tự tìm con đường đúng đắn để cống hiến tài năng và sáng
tạo, để hoàn thiện nhân cách, chế ngự tham vọng, tránh rơi vào những sai lầm, đánh
mất đi phẩm cách của mình, gây ra những tác hại cho con người và xã hội. Họ luôn
muốn sống xứng đáng và đẹp đẽ. Vì thế, trong họ luôn có nhu cầu nhận thức và tự
nhận thức; thường xuyên diễn ra những xung đột, những mâu thuẫn, những cuộc đấu
tranh nội tâm gay gắt, mãnh liệt để tự ý thức, tự nhận thức bản ngã đích thực của mình,
để từ đó càng hoàn thiện mình hơn.
Nhà văn cũng là trí thức văn nghệ sĩ, nên khi viết về nhân vật trí thức văn nghệ sĩ,
chính là lúc họ đang viết chuyện của đời mình, của lòng mình, của giới mình. Ở đây,
nhà văn và nhân vật đã có mối dây đồng cảm sâu sắc và dường như không có khoảng
cách. Hơn ai hết, nhà văn hiểu rõ nhân vật, cũng như hiểu rõ những ngõ ngách, những
khía cạnh, những ưu nhược điểm của bản thân mình và đời sống nội tâm phức tạp của
mình. Nhà văn mổ xẻ con người và thế giới tâm hồn của nhân vật, cũng chính là mổ xẻ
con người và thế giới tâm hồn của nhà văn trong những biến động của cuộc đời và bể
dâu của tình người.
Tìm hiểu về nhân vật trí thức trong văn học, ta tìm đến với diện mạo và tâm hồn
của giới văn nghệ sĩ Việt Nam nói riêng, của trí thức Việt Nam nói chung. Do vậy, tác
giả luận văn muốn khám phá, soi sáng những chiều kích, những ngóc ngách, những
góc cạnh trong con người và tâm hồn của nhân vật trí thức văn nghệ sĩ trong văn xuôi
Việt Nam hiện đại, những vấn đề xoay quanh nhân vật, và cả những gì nhà văn gửi
gắm qua nhân vật của mình.
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
2.1. Đối tượng
Ở đây, chúng tôi phân loại nhân vật trí thức trong văn xuôi nghệ thuật Việt Nam
hiện đại như sau:
Nhân vật trí thức sáng tạo ra cái đẹp: nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ, kiến trúc sư,…
Nhân vật trí thức truyền tải kiến thức, ánh sáng văn hóa: nhà giáo, nhà báo,…
Nhân vật trí thức được đào tạo qua trường lớp, làm những nghề chuyên môn khác
như: luật sư, bác sĩ, kỹ sư,…
Luận văn tập trung tìm hiểu hai kiểu nhân vật trí thức: người sáng tạo ra cái đẹp và
người truyền tải kiến thức, ánh sáng văn hóa (chủ yếu là nhà văn và nhà giáo) được gọi
chung là nhân vật trí thức - văn nghệ sĩ. Do vậy, luận văn chỉ điểm qua sơ lược những
nhân vật trí thức khác để làm nền tảng cho việc khái quát diện mạo chung của giới trí
thức Việt Nam.
2.2. Phạm vi nghiên cứu
Luận văn khảo sát phần văn xuôi Việt Nam hiện đại (từ đầu thế kỉ XX – 2000) chia
làm ba giai đoạn: đầu thế kỉ XX – 1945, 1945 – 1975, sau 1975. Ở mỗi giai đoạn, do
giới hạn của đề tài, luận văn chỉ chọn tìm hiểu một số tác phẩm nổi bật viết về nhân vật
trí thức văn nghệ sĩ.
Danh mục các tác giả, tác phẩm được chọn để khảo sát:
- Giai đoạn từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945:
+ Nhất Linh: Hai vẻ đẹp, Làm gì mà băn khoăn thế, Đôi bạn, Đoạn tuyệt, …
+ Khái Hưng: Đẹp, Gánh hàng hoa.
+ Thạch Lam: Đói, Đứa con đầu lòng, Một cơn giận, Sợi tóc, Ngày mới,…
+ Nguyễn Tuân: Vang bóng một thời, Tùy bút I, Tùy bút II, Nguyễn, Thiếu quê
hương.
+ Vũ Trọng Phụng: Số đỏ.
+ Nguyên Hồng: Lớp học lẩn lút, Miếng bánh, Hai dòng sữa, Buổi chiều xám, Giọt
máu,…
+ Nam Cao: Trăng sáng, Đời thừa, Quên điều độ, Cái mặt không chơi được, Mua
nhà, Sống mòn,…
- Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1975:
+ Nam Cao: Đôi mắt, Đường vô Nam, Nhật kí Ở rừng.
+ Nguyễn Huy Tưởng: Sống mãi với thủ đô.
+ Nguyễn Đình Thi: Vỡ bờ.
+ Nguyên Hồng: Cơn bão đã đến.
+ Nguyễn Minh Châu: Dấu chân người lính.
+ Trần Đình Vân: Sống như anh.
- Giai đoạn từ sau năm 1975 (tính đến năm 2000):
+ Nguyễn Minh Châu: Cỏ lau, Bức tranh, Chiếc thuyền ngoài xa,…
+ Ma Văn Kháng: Đám cưới không có giấy giá thú, Mùa lá rụng trong vườn,
Ngược dòng nước lũ.
+ Nguyễn Khải: Gặp gỡ cuối năm, Vòng sóng đến vô cùng, Một cõi nhân gian bé tí,
Thượng đế thì cười.
+ Nguyễn Huy Thiệp: Huyền thoại phố phường, Chút thoáng Xuân Hương, Mưa
Nhã Nam, Vàng lửa, Phẩm tiết,…
+ Dương Thu Hương: Bên kia bờ ảo vọng, Những thiên đường mù.
+ Phạm Thị Hoài: Man Nương, Thiên sứ.
+ Tô Hoài: Cát bụi chân ai.
+ Nguyễn Việt Hà: Cơ hội của Chúa.
Trong giai đoạn 1945 – 1975, luận văn sẽ không trực tiếp đề cập đến văn học thành
thị miền Nam, mà khi cần, chỉ liên hệ thêm để so sánh, đối chiếu.
3. Phương pháp nghiên cứu
3.1. Phương pháp hệ thống
Luận văn hệ thống hóa các tác phẩm viết về người trí thức trong văn xuôi Việt Nam
hiện đại qua ba giai đoạn để làm rõ sự biến đổi, phát triển của hình tượng nhân vật trí
thức.
3.2. Phương pháp phân tích
Luận văn sử dụng phương pháp phân tích là chủ yếu để khám phá những nét tính
cách đặc trưng cũng như phân tích hình thức, kĩ thuật thể hiện hình tượng nhân vật trí
thức qua từng chặng đường văn học.
3.3. Phương pháp tổng hợp
Phương pháp tổng hợp giúp luận văn khái quát nên những mẫu người tiêu biểu từ
việc phân tích những biểu hiện tính cách của hình tượng nhân vật, và khái quát nên
những kĩ thuật, hình thức thể hiện phổ biến khi xây dựng nhân vật trí thức.
3.4. Phương pháp so sánh
Khi phân tích và khái quát tính cách nhân vật cũng như kĩ thuật, hình thức thể hiện
nhân vật, luận văn có sử dụng phương pháp so sánh để rút ra những điểm giống và
khác nhau trong hình tượng nhân vật trí thức ở mỗi chặng đường văn học nói chung, ở
mỗi tác giả nói riêng.
3.5. Phương pháp miêu tả lịch sử
Luận văn đặt những tác phẩm viết về người trí thức vào từng chặng đường sáng tác
để thấy được sự tác động của hoàn cảnh xã hội và góc nhìn nghệ thuật đối với sự thay
đổi trong hình tượng nhân vật.
Các phương pháp nêu trên sẽ được phối hợp với nhau trong suốt quá trình nghiên
cứu để có thể giải quyết tốt những vấn đề đặt ra.
4. Lịch sử vấn đề
Văn học là loại hình nghệ thuật đặc thù dùng ngôn từ để khám phá con người và
suy ngẫm về đời sống. Lịch sử văn học chính là lịch sử tâm hồn nhân loại. Nhiệm vụ
chủ yếu và lâu dài của văn học trong việc phản ánh hiện thực vẫn là miêu tả số phận
con người, khắc họa các tính cách con người. Để thực hiện nhiệm vụ đó, nhà văn, bằng
tài năng và tâm huyết, xây dựng nên những hình tượng nhân vật trong tác phẩm của
mình.
Văn xuôi Việt Nam hiện đại có một khối lượng lớn tác phẩm viết về người trí thức.
Có lẽ, ở loại nhân vật này, nhà văn dễ dàng bày tỏ, chia sẻ, phát ngôn những quan niệm,
tư tưởng, tình cảm,… của mình về con người và cuộc sống. Do vậy, có rất nhiều bài
viết, công trình nghiên cứu của các nhà văn, các nhà lí luận phê bình về những tác
phẩm viết về nhân vật trí thức.
Nguyễn Hoành Khung trong bài viết về Nhất Linh (Từ điển văn học) đã nhận xét
rằng nhân vật thanh niên trí thức của Nhất Linh sống trong gia đình giàu sang nhưng
luôn cảm thấy băn khoăn về cuộc sống tối tăm của dân quê nghèo khổ, ngu dốt, muốn
tìm cách cứu vớt họ. Thế nhưng, “những nhân vật trí thức đầy trăn trở này chỉ để lại
trong người đọc một ấn tượng rằng họ không chấp nhận thực tế, họ luôn vật vã, suy tư,
đau khổ, nhưng họ không trở thành chiến sĩ cách mạng” [163, tr.1257]. Ở đây, Nguyễn
Hoành Khung đã soi chiếu nhân vật trí thức ở vai trò xã hội của họ.
Theo Phan Cự Đệ, trong tiểu thuyết Đẹp, “dường như Khái Hưng không lí tưởng
hóa lớp văn nghệ sĩ lãng mạn, mà muốn làm sống lại một lớp văn nghệ sĩ vào những
năm 40, những “nhân vật thật trong xã hội hiện thời” với tất cả những mặt đẹp, mặt
xấu, những nét đáng yêu và đáng ghét của họ, không bình luận, không phê phán. Và cố
gắng dựng nhiều kiểu người với những cá tính, phong cách và lối sống khác nhau” [52,
tr.923]. Nhìn chung, nhân vật trí thức của Nhất Linh, Khái Hưng là những “nhân vật
phi thường” hoặc “nhân vật lãng mạn”: “Họ phần lớn xuất thân từ những gia đình
quan lại hay tư sản giàu sang và có một cuộc sống dư dật. Họ nếu không phải là những
“khách tình si” cả cuộc đời theo đuổi một mối tình lãng mạn, thì cũng là những
“khách chinh phu” mải mê với một lí tưởng cách mạng nào đó. Cuộc sống của họ
được các nhà văn thi vị hóa” [Hà Văn Đức; dẫn theo 85, tr.569].
Trong khi đó, khi “tìm vào nội tâm, tìm vào cảm giác”, nhân vật trí thức của Thạch
Lam lại “có nét chân thực và gần với cuộc sống đời thường,… thường được đặt trong
những hoàn cảnh khó khăn, trở ngại. Cái đói, cái nghèo dường như lúc nào cũng đeo
đẳng với số phận của nhân vật, xô đẩy họ vào những tình huống đầy tuyệt vọng” [Hà
Văn Đức; dẫn theo 85, tr.580]. Nguyễn Thành Thi (Phong cách văn xuôi nghệ thuật
Thạch Lam) cũng cho rằng khi tìm kiếm hình ảnh con người trong cõi thầm kín - thế
giới nội tâm, thế giới cảm giác phiền phức mà người trí thức nào cũng có, “… Thạch
Lam chỉ kể nhiều về những trạng thái bất thường hoặc những cảm tưởng, cảm giác
mới mẻ dấy lên trong tâm hồn của họ. Những trí thức bình dân này có thể thành đạt
hay thất bại trên đường đời, đáng trọng hay đáng thương trong nhân cách số phận…
song tất cả họ giống nhau ở chỗ đều có những trạng thái nội tâm “phiền phức”, những
khoảnh khắc bí ẩn, bất thường” [131, tr.64]. Hai ý kiến trên cho thấy nhân vật trí thức
có một thế giới tâm hồn phong phú, một nội tâm phức tạp. Đó là địa hạt hấp dẫn sự
khám phá của người cầm bút.
Khi viết “Lời giới thiệu Nguyễn Tuân và thể tùy bút”, Vương Trí Nhàn cho rằng:
“Giả sử như giờ đây, có một ai đó muốn tìm hiểu cuộc sống của lớp trí thức thành thị,
nhất là cánh ký giả viết văn, viết báo đương thời xem họ ăn gì, chơi gì, đọc sách ra sao,
hưởng thụ ra sao…, tôi nghĩ nhất thiết người ấy phải đọc lại một số trang viết của ông
Nguyễn” [145, tr.19]. Theo nhà nghiên cứu này, nhân vật trí thức trong tác phẩm phản
ánh khá chân thực hình ảnh người trí thức ngoài cuộc đời. Mặt khác, nó phản ánh hình
ảnh của chính Nguyễn Tuân: “Nhân vật của ông nhìn kỹ đều là những con người lửng
lơ vượt thoát ra ngoài mối quan hệ bình thường với xã hội. Họ như không đi mà chỉ
bay là là trên mặt đất, không đậu hẳn vào đâu, gì cũng biết, mà hóa ra không ràng
buộc với cái gì cả. Nghề nghiệp, không xác định. Nhà cửa, không thiết tha. Cho đến cả
tiền tài, sự nghiệp cũng không phải là điều họ quan tâm theo đuổi... Niềm say mê mà
nhân vật của Nguyễn Tuân và chính ông để cả đời theo đuổi là say mê tìm hiểu chính
mình và và khắc họa bức chân dung tinh thần khác người của mình trước đồng loại”
[Vương Trí Nhàn, Lời giới thiệu Thiếu quê hương; 146, tr.330].
Nhà văn Nam Cao có một mảng tác phẩm về đề tài người trí thức. Xoay quanh việc tìm
hiểu những tác phẩm này có nhiều ý kiến sâu sắc, thỏa đáng. Nhà nghiên cứu Hà Minh Đức
đặc biệt chú ý đến những biến động trong đời sống tinh thần của nhân vật trí thức của Nam
Cao trong mối quan hệ với hoàn cảnh: “Tiếp xúc với những thực tế khắc nghiệt, trải qua
những cuộc vật lộn kiếm sống, con người trí thức tiểu tư sản bị quăng quật nhừ tử cả thể xác
lẫn tâm hồn” [166, tr.483]. Bích Thu nhận ra: “Với các nhân vật nhà văn, nhà giáo nghèo, cái
nhục vì miếng ăn được Nam Cao đẩy lên đỉnh điểm. Đó là sự giằng xé nội tâm giữa “vị nhân
sinh” và “vị nghệ thuật”, giữa những lo lắng đời thường, thế sự với khát vọng sáng tác nghệ
thuật của họ” [Sức sống của một sự nghiệp văn chương; 134, tr.33]. Nguyễn Hoành Khung
(trong Nam Cao, về tác gia và tác phẩm) cho rằng: “Trong khi dựng lại tình cảnh nhếch nhác
của người trí thức nghèo, ngòi bút Nam Cao đã tập trung xoáy sâu vào tấn bi kịch tinh thần
của họ, qua đó đặt ra một loạt vấn đề có ý nghĩa khái quát xã hội và triết học sâu sắc. (…).
Đó là tất cả tấn bi kịch đang diễn ra ngấm ngầm trong đời sống tinh thần thế hệ 1930 khi đó”
[134, tr.409-413]. Nhà văn đã phát hiện ra mặc cảm cô đơn, vỡ mộng trong tấn bi kịch tinh
thần của người trí thức, và, qua những câu chuyện về người trí thức: “Câu chuyện đời thường
xoàng xĩnh thế thôi, nhưng bao vấn đề hệ trọng trong tinh thần thời đại đã được đặt ra một
cách ám ảnh: cá nhân và xã hội, lí tưởng và hiện thực, nghệ thuật và tình thương, nhân cách
và hoàn cảnh” [134, tr.475]. Một số bài viết khác về tác phẩm viết về người trí thức của Nam
Cao: Nam Cao và sự lựa chọn một chủ nghĩa hiện thực mới (Phạm Xuân Nguyên), Nam
Cao và nghệ thuật sáng tạo tâm lí (Hà Minh Đức) [134], Nam Cao – nhà văn hiện thực
xuất sắc, nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn (Trần Đăng Xuyền, Tạp chí Văn học, số 6, 1998)
[153],... đều xoáy sâu vào tấn bi kịch tinh thần của nhân vật trí thức. Đặc biệt, Đinh Trí Dũng
(Bi kịch tự ý thức – Nét độc đáo trong cảm hứng nhân đạo của Nam Cao) còn phát hiện ra:
“Trong văn học hiện thực phê phán 1930 - 1945 không phải chỉ có các nhân vật của Nam Cao
mới có vấn đề tự ý thức. Các nhân vật tiểu tư sản trong truyện ngắn của Thạch Lam, Nguyên
Hồng, Bùi Hiển,… cũng có nhiều phút suy tư dằn vặt đầy cảm động, nhưng chưa ai đưa được
vấn đề tự ý thức của nhân vật lên đến mức sâu sắc, thường trực, nhất quán như ở ngòi bút
Nam Cao” [134, tr.213].
Trong công trình Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ
khám phá nhiều tác phẩm viết về người trí thức trong giai đoạn văn học 1945 – 1975.
Theo ông, tuỳ bút Nhận đường (Nguyễn Đình Thi) đã “ghi lại lộn xộn những thắc
mắc nhiều khi đau xót của một cuộc lột vỏ... Cuộc lột vỏ nhiều khi rất đau đớn” [20,
tr.130] của người trí thức. Còn Đôi mắt (Nam Cao) là “một tuyên ngôn của những nhà
văn lớp trước kiên quyết đoạn tuyệt với con người cũ và cố gắng vươn tới để hoà nhập
quần chúng cách mạng” [20, tr.131]. “Vỡ bờ (Nguyễn Đình Thi), Sóng gầm (Nguyên
Hồng) miêu tả chuyện thất nghiệp, đói cơm, rách áo, những đau đớn quằn quại trong
tâm hồn lớp tiểu tư sản trí thức nghèo ở thành thị; những con đường đến với cách
mạng khác nhau của họ, những nỗi băn khoăn, lo lắng của họ trước vận mệnh của đất
nước, của dân tộc” [20, tr.230]. Đặc biệt, khi xây dựng nhân vật điển hình Tư (Vỡ bờ),
“Nguyễn Đình Thi tập trung miêu tả niềm say mê sáng tạo của một nghệ sĩ có tài,
trong sạch” [20, tr.357] và “Nhà văn muốn đặt ra vấn đề có tầm khái quát cao: số
phận của những nghệ sĩ muốn sáng tạo ra một nền nghệ thuật chân chính trong xã hội
Tư bản chủ nghĩa, một xã hội mà mọi thứ thiêng liêng nhất của con người đều biến
thành hàng hóa” [20, tr.369]. Những tác phẩm viết về người trí thức trong giai đoạn
này đều khẳng định vai trò nghệ sĩ - chiến sĩ của nhân vật trí thức.
Hà Minh Đức (Khảo luận văn chương) nhận thấy trong Nhật kí Ở rừng “ít nhiều
bóng dáng của con người trí thức tiểu tư sản thời kì trước Cách mạng của Nam Cao
đang tự vượt lên ở trình độ cao hơn. Vẫn những tâm trạng dày vò trong cuộc đấu tranh
giữa hai con người tích cực và tiêu cực được bộc lộ ra một cách chân tình nhưng khác
đi là không xót xa, bế tắc. Con người cũ hiện ra thấp thoáng trong mạch cảm nghĩ như
một liên hệ, một trăn trở để càng nổi lên những suy nghĩ khỏe khoắn, tốt đẹp của con
người mới” [24, tr.328]. Cũng theo nhà nghiên cứu này, qua nhân vật trí thức của mình,
nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã “khai thác sâu vào thế giới tiểu tư sản với những màu
sắc đa dạng và phức tạp của nó… Trong cuộc kháng chiến của Thủ đô, những người
trí thức tiểu tư sản, đặc biệt là bộ phận tiểu tư sản nghèo, đã biểu thị sâu sắc lòng
quyết tâm đánh giặc giữ nước” [24, tr.678].
Những tác phẩm viết sau năm 1975 với cái nhìn tiểu thuyết đã làm thay đổi cách
nhìn về nhân vật trí thức. “Khi tiếng nói thế sự vang lên trong văn học, muôn vàn
những sinh hoạt đời thường bày ra trước mắt, văn học đề cập đến cái sai, cái xấu, và
cả cái ác trong nội bộ con người, giữa con người với con người” [La Khắc Hoà, Nhìn
lại những bước đi, lắng nghe những tiếng nói; 89, tr.62]. Cho nên, “Không phải ngẫu
nhiên mà giai đoạn này, trong văn xuôi lại nổi lên nhân vật người trí thức. Trong rất
nhiều lý do, chúng tôi nghĩ có một lý do rất quan trọng này: Trí thức thường nhạy cảm,
dễ thức tỉnh, khả năng tự ý thức cao, hành trình tinh thần của loại nhân vật này thường
phong phú, phức tạp” (Nguyễn Thị Bình; 6, tr.311). Do đó, nhiều bài viết, công trình
nghiên cứu tập trung đi vào khai thác những biểu hiện của nhân vật trí thức trong thời
hiện đại.
Lê Thành Nghị quả quyết, từ nhân vật trí thức trong sáng tác của Nguyễn Minh
Châu, người đọc có thể nhận ra “bài học về nhân thế, sự thực nghiệt ngã trong các mối
quan hệ con người, nỗi buồn về những khuất tất ở đời...” [Nguyễn Minh Châu -
Người mải miết với cái đẹp; 100, tr.188].
Trong Đám cưới không có giấy giá thú, “Ma Văn Kháng viết về cái “bi kịch vỡ
mộng” của “một bữa tiệc dang dở, một đám cưới không thành, một cuốn sách hay để
lầm chỗ” rất tâm huyết, suy nghĩ và trăn trở, khát vọng và nỗi đau trước thời cuộc,
trước tình trạng xuống cấp về trình độ tư duy và phẩm chất đạo đức ngay trong một số
người tự cho mình là cán bộ lãnh đạo, là trí thức hoặc là kỹ sư của tâm hồn” [Phan Cự
Đệ; 20, tr.271]. Lê Thành Nghị (Người trí thức trong Đám cưới không có giấy giá
thú) phân tích rõ nét hơn nữa: “Đám cưới không có giấy giá thú làm nổi rõ trước mắt
bạn đọc một sự tha hóa, pha trộn của đội ngũ trí thức trong trường học, sự tha hóa của
nhân cách, sự pha trộn hổ lốn dẫn đến xung đột gay gắt giữa những người đồng
nghiệp, sự đảo lộn kỷ cương trong một không gian vốn được xem là nền nếp, sự phạm
quy nghiêm trọng ở chốn học đường, những thô phàm trong hành vi và lời ăn tiếng nói
của những thầy giáo - lớp người vốn là kỹ sư của tâm hồn, luôn tôn trọng cái đẹp, cái
chuẩn xác, cái “mực ngay thước thẳng” ở đời” [100, tr.134]. Từ nỗi đau, bi kịch của
một người trí thức, nhà văn Ma Văn Kháng đã khái quát bi kịch chung của người trí
thức trong một xã hội, một môi trường, một nền kinh tế cơ chế thị trường, đồng thời đề
cập đến thực trạng tha hóa, xuống cấp về đạo đức trong một bộ phận trí thức.
Đi sâu vào thực trạng này, nhân vật trí thức càng nhem nhuốc, xúi xó hẳn đi, và phá
hủy kiểu nhân vật trí thức truyền thống. Nguyễn Thị Thu Nguyên (Nghệ thuật xây
dựng nhân vật trong tiểu thuyết Thiên sứ) đã có những nhận định khái quát: “Trong
truyền thống văn học trước 1945, trí thức như một biểu tượng của dân trí, là tinh hoa
của một cộng đồng, người đại diện cho cái mới, cái tiến bộ… Trong văn học hiện thực
xã hội chủ nghĩa, do hoàn cảnh lịch sử, nhân vật công – nông – binh lên ngôi, nhân vật
trí thức luôn đứng ở vị trí chông chênh và đầy mặc cảm trên hành trình hòa nhập vào
dòng thác cách mạng… Trong văn học đổi mới, sự trở lại của nhân vật trí thức đánh
dấu một thay đổi quan trọng trong sự bừng tỉnh của ý thức cá nhân, đồng thời cũng là
sự thay đổi quan niệm về bản chất văn chương” [89, tr.252]. Ma Văn Kháng đổ lỗi cho
hoàn cảnh đã tạo nên bi kịch của người trí thức. Dựa vào mối quan hệ giữa thời thế và
con người, Nguyễn Khải đưa ra một loạt trí thức “lạc thời”,... Thế nhưng, nhân vật trí
thức của Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu tuy có ít nhiều nét nhem
nhuốc, xúi xó, vẫn được các nhà văn xem họ là “chuẩn” của cách sống đẹp. Còn trong
Thiên sứ, Phạm Thị Hoài đã phá hủy hình tượng nhân vật trí thức truyền thống, nhà
văn “tập trung vào một đối tượng mà chị cho là ưu tú (élite), tầng lớp trí thức. Bằng
một hệ thống chữ nghĩa sắc như dao và một thái độ không chút khoan nhượng, thậm
chí đôi lúc đến mức đanh đá, chị xoáy sâu vào những ung nhọt vẫn bị che giấu của cái
tầng lớp thường đầy ảo tưởng về chính mình đó, mổ xẻ không thương tiếc cái tầng lớp
là đại diện ấy của xã hội, tự đặt nó đối diện với thực chất chẳng hay ho gì của chính nó,
thẳng tay lột tung chiếc mặt nạ lâu nay nó tự đeo cho mình” [Nguyên Ngọc, Văn xuôi
Việt Nam hiện nay – Lôgic quanh co của các thể loại, những vấn đề đang đặt ra và
triển vọng; 89, tr.175]. Chưa khi nào, nhân vật trí thức bị phanh phui đến tận cùng
những mặt trái, góc khuất như trong những tác phẩm viết về họ sau năm 1975.
Mang tinh thần phê phán, nhà văn có ý thức mổ xẻ cái xấu xa, cái thấp hèn của con
người. Cho nên, hình tượng nhân vật trí thức không còn đẹp đẽ như trong nhận thức
truyền thống của cộng đồng nữa. Nguyễn Huy Thiệp viết khá nhiều truyện ngắn về
người trí thức. “Nhà văn đề cập đến những “trí thức giả cầy” và “sự ngu dốt của bọn
có học”. Đối với Nguyễn Huy Thiệp, nghệ sĩ chẳng phải loại người nào đặc biệt. Văn
chương cũng như mọi nghề khác vậy thôi. Thậm chí một số ông nhà văn còn nhếch
nhác, bệ rạc quá quắt nữa là đằng khác” [Nguyễn Đăng Mạnh; 97, tr.254]. Sử dụng
những nhân vật đã ổn định về giá trị trong quá khứ để chuyển tải các vấn đề hiện tại,
Nguyễn Huy Thiệp đã tạo nên một cuộc tranh cãi thú vị trong giới nghiên cứu, phê
bình: Một trường hợp đang bàn cãi (Đặng Anh Đào; Văn nghệ, ngày 3-9-1988), Khởi
sắc hay là sự chuyển mình của văn học (Nguyễn Oanh, Văn nghệ, 3-12-1988), Về
truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp (Nguyễn Văn Lưu, Báo Hà Nội mới, 28-8-
1988),... Trong Nhà văn hiện đại - Những giới hạn và sứ mệnh, Trần Văn Toàn có
cái nhìn thấu đáo hơn: “Các nhà văn trong những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp là
những người có thể tạng mẫn cảm. Họ hiểu và cảm nhận một cách tinh tế sức o ép của
cuộc đời lên tồn tại của một cá thể. Có khi họ còn được miêu tả như một nhà tiên tri
thấu thị. Rất tinh tế nhưng bất lực. Tất cả họ đều bị lún sâu trong đám bùng nhùng của
hiện thực đời sống, hoàn toàn không có khả năng tác động đến hiện thực” [89,
tr.133]…
Trong giới hạn của luận văn, chúng tôi chỉ trình bày một số ý kiến, bài viết có liên
quan tới đề tài. Nhìn chung, có nhiều ý kiến, bài viết về nhân vật trí thức trong văn học,
nhưng đó mới chỉ là những bài viết rải rác, chưa có một công trình dày dặn nào khảo
sát loại hình nhân vật này qua ba giai đoạn phát triển của văn xuôi nghệ thuật Việt
Nam hiện đại. Do vậy, chúng tôi, bằng khả năng còn hạn hẹp của mình, mong muốn
đóng góp một vài ý kiến trong việc nghiên cứu hình tượng người trí thức trong văn
xuôi Việt Nam hiện đại.
5. Đóng góp của luận văn
5.1. Trên cơ sở nhìn nhận vai trò của người trí thức văn nghệ sĩ trong đời sống xã
hội hiện đại qua từng giai đoạn phát triển, luận văn xác định vị trí của hình tượng nhân
vật trong văn xuôi Việt Nam hiện đại.
5.2. Với cái nhìn hệ thống, luận văn khảo sát, mô tả hình tượng nhân vật trí thức -
văn nghệ sĩ theo sự phân chia giai đoạn và theo cái nhìn nghệ thuật của nhà văn (tư duy
sử thi hay tư duy tiểu thuyết); từ đó, rút ra những đặc điểm chính của loại nhân vật này
trong quá trình hình thành và phát triển của văn xuôi Việt Nam hiện đại.
5.3. Luận văn tìm hiểu và khái quát những hình thức, kĩ thuật thể hiện hình tượng
nhân vật trí thức văn nghệ sĩ trong văn xuôi Việt Nam hiện đại để làm nổi rõ hơn vị trí,
đặc điểm của hình tượng nhân vật trong văn học, đồng thời thấy được phần nào đặc
điểm sáng tạo nghệ thuật của nhà văn - những trí thức ngoài cuộc đời.
6. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, phần Kết luận và Tài liệu tham khảo, luận văn triển khai thành
ba chương:
Chương 1: Người trí thức hiện đại Việt Nam - từ cuộc đời đến những trang văn
Chương 2: Hình tượng nhân vật trí thức trong văn xuôi Việt Nam hiện đại - những
mẫu người đa tính cách
Chương 3: Hình tượng giàu ý nghĩa nhận thức và đậm chất tự truyện, bi kịch
Chương 1:
NGƯỜI TRÍ THỨC HIỆN ĐẠI VIỆT NAM
TỪ CUỘC ĐỜI ĐẾN NHỮNG TRANG VĂN
Trí thức là người có kiến thức, tài năng, nhân cách và cá tính sáng tạo. Ở bất kỳ
thời đại nào, họ đều có vai trò to lớn và đặc biệt quan trọng đối với sự tồn vong, phát
triển và tiến bộ của xã hội. Họ thực hiện sứ mệnh của lịch sử, thiên chức của người
“làm đổi thay thế giới”, khai hóa đất nước, đưa đất nước, dân tộc đến với chân trời tri
thức, với ánh sáng văn minh và giá trị nhân văn cao cả. Bàn tay và khối óc của họ làm
ra của cải vật chất cho xã hội, phát minh ra những thành tựu khoa học vĩ đại, kiến thiết
nên những công trình kiến trúc đồ sộ, vẽ nên những bức danh họa muôn đời, sáng tạo
những áng văn chương bất hủ,…
Người trí thức in đậm dấu ấn cá nhân của mình ở những biến chuyển lớn lao của
đời sống xã hội, của quốc gia dân tộc. Văn học là nơi ghi lại những dấu ấn sâu đậm đó
của người trí thức, đặc biệt của giới văn nghệ sĩ. Văn học và đời sống có mối quan hệ
mật thiết với nhau. Văn học phản ánh mọi khía cạnh của đời sống. Đời sống xã hội với
những biến cố quan trọng, những sự thay đổi lớn lao ảnh hưởng đến cuộc sống con
người, tác động sâu sắc đến tinh thần, tình cảm, suy nghĩ, hành động của họ. Có thể nói,
mọi sự thay đổi của đời sống xã hội đều tác động đến người trí thức, và cũng chính
người trí thức, với nhu cầu nội tại của mình, góp phần làm thay đổi đời sống xã hội.
Văn học là nơi thể hiện sâu sắc, chân thực, toàn diện hình ảnh và vai trò của họ ở mỗi
giai đoạn, mỗi thời kỳ phát triển của đất nước. Ở chương 1, tác giả luận văn đi vào tìm
hiểu vai trò của người trí thức trong đời sống xã hội hiện đại và vị trí của hình tượng
người trí thức trong văn xuôi Việt Nam hiện đại qua ba giai đoạn phát triển: Đầu thế kỉ
XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, từ năm 1945 đến năm 1975, và từ sau năm
1975 (tính đến năm 2000).
1.1. Vai trò của tầng lớp trí thức trong đời sống xã hội hiện đại
1.1.1. Người khai sáng văn hóa và tiên phong trong cải cách xã hội (Giai đoạn
từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945).
Sau khi xâm lược nước ta, Pháp tiến hành hai cuộc khai thác thuộc địa (lần thứ nhất
từ năm 1897 đến năm 1914, lần thứ hai từ năm 1919 đến năm 1929) khiến cho nước ta
suy sụp, kiệt quệ về kinh tế, đời sống nhân dân đói khổ, lầm than, biến nước ta thành
nơi tiêu thụ hàng hóa, và thành nơi cung cấp sức người sức của cho gót giày xâm lược
của bọn lính viễn chinh. Sau hai cuộc khai thác thuộc địa, cơ cấu xã hội Việt Nam có
những biến đổi sâu sắc. Một số thành phố công nghiệp ra đời, nhiều đô thị, thị trấn xuất
hiện, cuộc sống thay đổi từ thành thị đến nông thôn. Những giai cấp, tầng lớp xã hội: tư
sản, tiểu tư sản (trí thức, viên chức, học sinh, sinh viên,…), công nhân, dân nghèo
thành thị,… xuất hiện ngày càng đông đảo.
Trước thực trạng đó, tầng lớp trí thức phải trăn trở, hành động để tìm một lối thoát
cho đất nước. Ngay từ đầu thế kỉ, các nhà nho yêu nước mang tư tưởng tiến bộ đã thức
thời, và, chịu tác động của việc truyền bá tân thư, đã tập hợp lại đi tìm một đường lối
cứu nước mới : cải cách và duy tân. Họ thấy được tầm quan trọng của văn hóa và trình
độ dân trí của một quốc gia nên đã mở trường Đông Kinh nghĩa thục để truyền bá tư
tưởng yêu nước và duy tân. Phong trào lan rộng từ Bắc chí Nam, có sức ảnh hưởng
mạnh mẽ đối với những nhà nho và trí thức tân học buổi đầu. Tuy về sau phong trào
duy tân thất bại, nhưng nó đã để lại những âm vang cuộn trào trong lòng những người
yêu nước, và ghi lại những dấu ấn khó phai về vai trò, tấm lòng và bản lĩnh của trí thức
Việt Nam.
Văn hóa Việt Nam dần thoát khỏi ảnh hưởng của văn hóa phong kiến Trung Quốc,
bắt đầu mở rộng tiếp xúc với văn hóa phương Tây, đặc biệt là văn hóa Pháp. Lớp thanh
niên Việt Nam tiếp xúc với văn minh phương Tây, văn hóa Pháp, trở thành tầng lớp trí
thức Tây học. Bên cạnh đó, ngoài chính sách bình định quân sự và khai thác kinh tế,
thực dân Pháp còn thi hành chính sách văn hóa nô dịch, biến một số trí thức trở thành
những kẻ lai căng, nô lệ, thực thi những chính sách cai trị của chúng, thành những “ông
Tây An Nam” lạc lõng trên đất nước mình. Còn phần lớn trí thức Tây học đều có tinh
thần dân tộc sâu sắc và có ý thức tự học, tự lập rất cao, mong muốn cống hiến tài năng,
tâm huyết cho đất nước. Họ ý thức được sứ mệnh lịch sử của mình, mang khát vọng
thay đổi hoàn cảnh tối tăm hiện tại. Để nâng cao dân trí, họ khuyến khích học chữ quốc
ngữ. Họ đề xướng nhiều phong trào cải cách xã hội, chống lại lễ giáo phong kiến lỗi
thời, lạc hậu, tôn trọng tự do cá nhân,… Có thể kể qua một số tên tuổi như Vũ Ngọc
Phan, Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Hoàng Xuân Hãn, Đông Hồ, Thiếu Sơn, Hoài
Thanh, Hải Triều, Nam Xương, Nguyễn Huy Tưởng,… Những trí thức này, ngoài vai
trò khai hoá ánh sáng và cải cách xã hội, họ còn đảm nhận những vai trò kép: nhà
chính trị - khách văn chương.
Trong giai đoạn này, hoạt động kinh doanh văn hóa ra đời và phát triển sôi động.
Do sự phát triển của đô thị, ._.một lớp công chúng mới xuất hiện, có đời sống tinh thần và
thị hiếu mới. Họ tìm đến văn học như một phương tiện giải trí, một công cụ nhận thức
về thực tại cuộc sống đang thay đổi xung quanh, và những bí ẩn trong đời sống nội tâm,
trong thế giới tinh thần của con người hơn là những bài học thuyết giảng về đạo đức
của văn học trung đại. Họ đòi hỏi tác phẩm văn học phải phù hợp và phản ánh được
nếp tâm lí, cách cảm nghĩ, những nhu cầu mới,… Mặt khác, chữ quốc ngữ được phổ
biến rộng rãi đã tạo điều kiện thuận lợi cho công chúng tiếp xúc với sách báo, với văn
chương. Những trí thức dân tộc nhân đó mà thực hiện sứ mệnh khai thông dân trí, mở
mang dân khí. Họ dùng văn chương như một phương tiện chuyển tải ánh sáng văn hóa
và phát huy hồn dân tộc. Qua văn chương, họ gửi vào đấy lòng yêu tiếng Việt. Văn
chương có thể làm cho xã hội tiến bộ hơn, văn minh hơn, và người trí thức phải là
những người tiên phong, nòng cốt trong việc khai thông dân trí, tác động mạnh mẽ đến
đời sống xã hội. Những điều này khiến cho đời sống xã hội đầu thế kỉ XX đến Cách
mạng tháng Tám năm 1945 trở nên sôi động, tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam đổi
mới theo hướng hiện đại hóa, mau chóng hòa nhập vào thế giới.
Hơn nữa, dưới chính sách chèn ép, bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp, đời sống của
nhân dân ta nói chung, đời sống của tầng lớp trí thức nói riêng lâm vào tình trạng ngột
ngạt, khó khăn, bế tắc. Thực thi những thủ đoạn cai trị hà khắc, bạc đãi các tầng lớp
tiểu tư sản, các trí thức người Việt, thực dân Pháp cố tình đẩy họ vào tình trạng thất
nghiệp, bần cùng hóa, nhằm triệt tiêu khả năng phản kháng của họ. Trong khi đó, trên
vũ đài chính trị xuất hiện những lực lượng xã hội mới. Đảng Cộng Sản Đông Dương ra
đời 2/1930, phong trào cách mạng do giai cấp vô sản và Đảng lãnh đạo phát triển với
các cao trào mới. Giai cấp tiểu tư sản Việt Nam bất mãn sâu sắc với thực dân Pháp, lại
vốn có lòng yêu nước, nên không ít trí thức trong số họ, cùng với các giai cấp khác
như nông dân, công nhân,… đã đến với cách mạng, tham gia phong trào giải phóng
dân tộc, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh giành độc lập, tự do, thể hiện rõ ý thức
trách nhiệm của người công dân trong một đất nước đang bị nô dịch.
1.1.2. Những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, người thư kí trung thành của thời
đại (Giai đoạn từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 1975)
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã đem lại những đổi thay lớn lao, kỳ
diệu cho dân tộc và cho cả những cuộc “đời thừa” của người trí thức. Từ thân phận nô
lệ, con người ngỡ ngàng, sung sướng đón nhận sự tự do của một nước Việt Nam độc
lập. Đời sống cá nhân được đặt vào cộng đồng, sống với đời sống chung của dân tộc và
đất nước trong những năm tháng cam go, quyết liệt, trong dòng chảy của lịch sử, lay
chuyển và thức tỉnh ở mỗi cá nhân ý thức công dân, tinh thần dân tộc tiềm tàng bấy lâu.
Người trí thức, với sự nhạy cảm vốn có, đã cảm nhận được một cách sâu sắc những
biến đổi lớn lao ấy.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc được giải phóng, bước
vào thời kì khôi phục đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Lúc này, xã hội Việt
Nam lại đứng trước những thử thách mới: Một mặt là những nhu cầu thiết yếu của con
người trong cuộc sống thời bình sau bao nhiêu năm chiến tranh khốc liệt; Một mặt lại
tiếp tục đấu tranh chống một thế lực thù địch mới - đế quốc Mỹ - để thực hiện những
mục tiêu cách mạng: thống nhất đất nước và xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Những thử
thách này buộc con người Việt Nam phải phát triển theo những điều kiện lịch sử mới,
những yêu cầu mới của cách mạng trong sự thống nhất hài hòa giữa cái riêng và cái
chung.
Sau hiệp định Genève, đất nước chia hai, miền Nam buộc phải sống dưới ách thống
trị của chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ. Mỹ và chính quyền Sài Gòn ra sức
thực hiện những thủ đoạn tàn ác đàn áp nhân dân, chống phá cách mạng, muốn làm
tiêu tan khát vọng độc lập, thống nhất, dân chủ, và thủ tiêu ý chí chiến đấu của nhân
dân ta. Chúng muốn “Chinh phục trái tim và khối óc”, “Hủy diệt màu xanh trong tâm
hồn Việt Nam”. Chúng đàn áp dã man giới trí thức tiến bộ ở các thành thị miền Nam.
Bất chấp sự đàn áp dã man đó, trí thức Nam Bộ vẫn tiếp tục đấu tranh sôi nổi ở các đô
thị miền Nam, trong đó, văn hóa văn nghệ là một trận tuyến. Văn học yêu nước ở các
đô thị miền Nam hình thành và phát triển trong một hoàn cảnh phức tạp với sự phân
chia giới tuyến giữa những văn nghệ sĩ phản động làm tay sai cho Pháp và những văn
nghệ sĩ chân chính một lòng vì đất nước.
Trải qua bao nhiêu đau thương mất mát, trả giá bằng máu và nước mắt, cuộc kháng
chiến chống đế quốc Mỹ là một thử thách vô cùng khốc liệt, nhưng cũng là một chiến
công vĩ đại, oanh liệt, hào hùng. Cuộc chiến đấu ấy đã làm sục sôi tình yêu nước, khơi
dậy mọi sức mạnh tiềm tàng của dân tộc, tập hợp mọi công dân Việt Nam trong một ý
chí chung, một vận mệnh chung, một nhiệm vụ chung. Hoàn cảnh đất nước đòi hỏi con
người phải có sự biến chuyển, sự thay đổi cho phù hợp với thời đại. Nếu trước đây,
người trí thức “bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước”, thì bây giờ, đã thực sự có
bước chuyển tiến bộ trong nhận thức, tư tưởng, hành động. Từ địa vị nô lệ đến địa vị
người làm chủ đất nước, người trí thức hiểu một cách sâu sắc vai trò của họ đối với sự
nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. “Hơn ai hết, họ cảm nhận được sự
thay đổi của vận mệnh dân tộc, vận mệnh công dân và giác ngộ sâu sắc về vai trò mới
của mình. Sau một thoáng ngơ ngác, choáng ngợp của buổi “ban đầu dân quốc”, các
nhà văn, nhà thơ đã mau chóng hòa nhập, mau chóng tìm được nguồn cảm hứng mới
mẻ, không kém phần sôi nổi và bồng bột từ thực tế lịch sử mới để sáng tác. Từ thế giới
cái Tôi tuyệt đối, cái Tôi nhiều giọng điệu, nhiều cung bậc từng thống lĩnh văn chương
trước năm 1945, các nhà văn, nhà thơ đã bắt đầu làm quen với thế giới của cái Ta hòa
đồng, cái Ta không ranh giới giữa nghệ sĩ và công dân, giữa nghệ sĩ và Tổ quốc” [164,
tr.568]. Người trí thức thực hiện vai trò kép: nghệ sĩ - chiến sĩ, sống, lao động, chiến
đấu cho Tổ quốc vinh quang. Họ dùng tài năng, trí tuệ và ngòi bút của mình phục vụ
cho kháng chiến, xây dựng một nền văn nghệ cách mạng, có sức động viên, cổ vũ lớn
lao tinh thần của quần chúng tham gia kháng chiến. Trong Đề cương văn hóa Việt Nam
năm 1943, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: “Rõ ràng là dân tộc bị áp bức, thì
văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng… Anh chị
em nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận đó” [Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB. Chính trị quốc
gia, Hà Nội, 1996, t.10, tr.646]. Trước sự đổi đời và đổi thời, giới văn nghệ sĩ Việt
Nam đã kịp thời thức tỉnh và thức thời, đã có nhiều sự đóng góp tích cực cho cách
mạng. Chúng ta có thể kể đến những tên tuổi: Trần Đăng, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên
Hồng, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tô Hoài, Kim Lân, Nguyễn
Đình Thi, Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu,…
Có thể nói, giới trí thức đã góp phần không nhỏ cho thắng lợi của dân tộc. Có một
thời, người ta quan niệm trí thức chỉ là tầng lớp trung gian của cuộc kháng chiến. Họ
không đông đảo như nông dân, công nhân - lực lượng nòng cốt của kháng chiến. Nhiều
người trong số họ không trực tiếp cầm súng chiến đấu. Nhưng, xét cho cùng, chính trí
thức là người góp phần đưa kháng chiến đến thành công. Họ soi lối, chỉ đường, vạch ra
những kế hoạch tác chiến cụ thể. Họ biết cách đi sâu sát quần chúng, tìm hiểu tâm tư,
nguyện vọng, tác động to lớn đến tâm lí chiến đấu. Hãy nhìn lại sự đóng góp to lớn của
họ trên mặt trận văn hóa văn nghệ để đánh giá một cách khách quan hơn vai trò của trí
thức ở giai đoạn này.
1.1.3. Người trí thức - điểm hội tụ của trình độ văn minh dân trí, dân chủ và phát
triển đời sống xã hội (Giai đoạn sau 1975)
Cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, đất nước tự do, con người làm chủ đất nước,
làm chủ vận mệnh nhưng lại đương đầu với những khó khăn chồng chất, những thử
thách khắc nghiệt của thời hậu chiến. Từ thời chiến chuyển sang thời bình, cuộc sống
lại hiện ra với tất cả những mặt phức tạp vốn có của nó. Những khó khăn và khủng
hoảng của đời sống kinh tế xã hội, tính phức tạp và sự chi phối của kinh tế thị trường,
sự đổi thay những quan niệm về đạo đức, nhân sinh, lối sống,… đẩy tới sự phân cực
giữa trắng – đen, thiện – ác, tốt - xấu. Khái quát bức tranh xã hội Việt Nam những năm
bước ra từ thời chiến, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã nhận định: “Thời này diễn ra
một cuộc đối chứng giữa nhân cách và phi nhân cách, giữa hoàn thiện và chưa hoàn
thiện, giữa ánh sáng và những khoảng bóng tối còn rơi rớt bên trong tâm hồn của mỗi
con người” [161, tr.5]. Hiện thực cuộc sống với những bộn bề, trăn trở, với những
niềm vui và nỗi buồn của con người vừa bước ra khỏi cơn ác mộng đằng đẵng ba mươi
năm là sự thách thức lớn đối với người trí thức. Làm thế nào để xây dựng lại đất nước,
làm thế nào để hàn gắn vết thương chiến tranh,… Đến giai đoạn này, người trí thức
càng thể hiện rõ hơn vai trò khai sáng. Họ tìm cách cải cách xã hội cả về chiều rộng lẫn
chiều sâu.
Yêu cầu đổi mới toàn diện đất nước ngày càng trở nên bức thiết. Trước tình hình đó,
tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” (Đại hội Đảng
lần VI/1986) đã mang lại luồng sinh khí mới cho mọi mặt đời sống xã hội, đã củng cố
lòng tin của giới trí thức, giúp họ nghĩ hành động theo đúng lương tâm, lương tri, và lý
tưởng của mình, góp phần phát triển đất nước.
Từ những năm 90 trở lại đây, đất nước ta chuyển hướng theo nền kinh tế thị trường
theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
nhằm xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ,
văn minh trong bối cảnh giao lưu văn hóa, hội nhập kinh tế quốc tế và xu hướng toàn
cầu hóa. Giao lưu văn hóa là một cơ hội để văn hóa, văn học Việt Nam có dịp cọ xát
với thực tế, tìm kiếm một hướng đi riêng. “Sự mở rộng giao lưu văn hóa, không chỉ với
khu vực các nước Xã hội chủ nghĩa mà là với toàn thế giới, chấp nhận giao lưu đa
chiều, đa phương, tuy không tránh khỏi những phức tạp, nhưng rõ ràng có tác dụng
tích cực, thúc đẩy sự khởi phát nhiều tiềm năng văn học dân tộc, nhiều thể nghiệm
cách tân” [6, tr.134]. Như vậy, trong thời đại hội nhập, một yêu cầu cơ bản và cần thiết
được đặt ra là giao lưu văn hóa “hòa nhập chứ không hòa tan”, tiếp thu những văn
minh tiến bộ nhưng vẫn giữ vững bản sắc dân tộc – cái gốc của dân tộc Việt Nam.
Muốn được như vậy, người trí thức phải đi đầu trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Bước ra từ cuộc chiến, người trí thức trở về với cái Tôi cá nhân (cái Tôi đã có sự
hòa hợp, thống nhất với cái Ta), trăn trở tìm hướng phát triển cho đất nước: công
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo cơ chế xã hội chủ nghĩa có sự chi phối của kinh
tế thị trường; và một hướng đi mới cho văn học: xây dựng một nền văn hóa, văn học
đậm đà bản sắc dân tộc, bắt kịp và giao lưu với văn hóa, văn học thế giới. Họ trở thành
điểm hội tụ của trình độ văn minh dân trí, dân chủ, thành lương tri và sự phản tỉnh của
dân tộc, thành sức mạnh của nhân cách cá nhân trên hành trình tự hoàn thiện chính
mình.
1.2. Sự nhận thức, tự nhận thức về thiên chức xã hội và về số phận cá nhân, bi
kịch tinh thần của tầng lớp trí thức trong văn xuôi Việt Nam hiện đại
1.2.1. Ưu thế nhận thức của văn xuôi nghệ thuật hiện đại
Trong văn học trung đại, thể loại văn học chủ đạo là thơ. Khách văn chương -
những trí thức phong kiến - dùng hình thức văn học này để giãi bày tình cảm và nói chí.
Thơ giàu cảm xúc, giàu nhạc điệu, giàu hình ảnh, dễ dàng truyền tải những tình cảm, ý
chí của chủ thể sáng tạo (người nói, người viết) đến khách thể tiếp nhận (người đọc,
người nghe). Thơ tác động đến người đọc bằng sự nhận thức cuộc sống, những liên
tưởng, tưởng tượng phong phú, nhưng cái cốt lõi của thơ là trữ tình. Nó là tấm gương
của tâm hồn, là tiếng nói của tình cảm con người, những rung động của trái tim trước
cuộc đời. Thơ chú trọng đến cái đẹp, phần thi vị của tâm hồn con người và cuộc sống
khách quan. Trong văn học hiện đại, thơ chiếm một tỉ lệ lớn trong sáng tác, ở bất kỳ
hoàn cảnh nào, thời đại nào, con người cũng có nhu cầu bộc lộ tình cảm của mình.
Văn xuôi xuất hiện muộn hơn thơ. Bắt đầu từ “Chiếu dời đô” (Lý Công Uẩn) năm
1010, đến ba thế kỉ sau, đời Trần mới có tiếp những áng văn xuôi kể chuyện ma quái,
thần linh (Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh). Năm thế kỉ nữa mới có được văn
xuôi quốc ngữ hiện đại nhờ vào sự truyền bá rộng rãi chữ quốc ngữ, sự xuất hiện của
báo chí và phong trào dịch thuật, và nhờ vào những tìm tòi, thể nghiệm (cả về nội dung,
hình thức, thể loại,… ) của người trí thức trong quá trình sáng tạo nghệ thuật.
Cuối thế kỉ XIX, nhiều nhà nho, quan lại hay thân sĩ - những trí thức của thời đại cũ
- hoặc tự nhiệm hoặc hưởng ứng phong trào Cần Vương, đứng lên cầm gươm giết giặc
và cầm bút làm văn chương: Nguyễn Đình Chiểu, Trương Định, Thủ Khoa Huân,
Nguyễn Trung Trực, Phan Tòng,… Họ kêu gọi nhân dân chống giặc, thổ lộ nỗi lòng
trước cảnh nước mất nhà tan, ca tụng những gương trung nghĩa của anh hùng cứu nước.
Thể loại văn học được sử dụng chủ yếu cho việc bày tỏ cảm xúc là chiếu, biểu, thư,
hịch, câu đối, văn tế, thơ cảm hoài.
Đầu thế kỉ XX, những nhà nho có tư tưởng tiến bộ, dân chủ (Phan Bội Châu, Phan
Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thượng Hiền,…) đã phát động phong trào
Duy tân rộng khắp trong cả nước nhằm truyền bá, giáo dục cho nhân dân những tư
tưởng mới, giác ngộ nhân dân, tập hợp lực lượng thanh niên yêu nước, để từ đó có thể
phát kiến con đường cứu nước mang lí tưởng tư sản. Nhận ra sự ảnh hưởng to lớn,
mạnh mẽ, và sức rung động sâu xa của văn chương, họ biến văn chương thành vũ khí,
thành “thứ công cụ vạn năng, vừa là trống, là chiêng thức tỉnh người mê ngủ, vừa là
gươm, là súng đánh đổ cường quyền” [21, tr.83]. Để thực hiện được điều đó, cần phải
có một thứ ngôn ngữ thống nhất (vì trong nhân dân nhiều người không biết chữ Hán,
chữ Nôm), và một thể loại thích hợp với việc giải thích, trình bày tư tưởng. Vấn đề
thiết yếu đặt ra là cải cách văn tự, cải cách ngôn ngữ, thể loại nghệ thuật của văn học.
Đông Kinh nghĩa thục đã chủ trương dùng chữ quốc ngữ và viết văn xuôi. Phục vụ cho
mục đích chính trị - xã hội, nhưng vô hình chung, các nhà nho duy tân đã là người khơi
nguồn cho sự phát triển của văn xuôi tiếng Việt.
Từ đó, văn xuôi - với sự phát triển phong phú của các thể loại và sự hiện đại hóa
trong kĩ thuật tự sự - đã trở thành một hình thức nghệ thuật thích hợp với việc phản ánh
đời sống và những biến chuyển trong tâm trạng con người. Tác phẩm của Tự lực văn
đoàn phản ánh đời sống thành thị Việt Nam những năm 1930 – 1945 cùng với những
tâm trạng băn khoăn của một bộ phận trí thức mới muốn đấu tranh đòi giải phóng cá
nhân, lên tiếng cho tự do hôn nhân, phê phán kịch liệt đại gia đình phong kiến. Tác
phẩm của các nhà văn hiện thực (Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Vũ
Trọng Phụng, Nam Cao,…) đi sâu vào những đề tài xã hội và đời tư, thế sự, bộc lộ
niềm cảm thông sâu sắc đối với số phận của con người, phản ánh hiện thực cuộc sống
tối tăm, ngột ngạt, bế tắc, có tác dụng tích cực cho sự chuyển biến tư tưởng và nhận
thức đúng đắn hiện thực của lớp thanh niên giàu lòng yêu nước, muốn thay đổi hoàn
cảnh hiện tại của đất nước với một khát vọng không che giấu: thoát khỏi thân phận nô
lệ, giành lại tự do. Văn xuôi trong giai đoạn 1945 - 1975 đã phản ánh hiện thực đời
sống trong hai cuộc chống Pháp và chống Mỹ; ghi lại và tạo dựng được những bức
tranh chân thực về một giai đoạn lịch sử của dân tộc với nhiều biến cố trọng đại, nhiều
gian lao, hi sinh, nhưng cũng rất đỗi hào hùng; thể hiện được những hình ảnh mới mẻ
về quần chúng nhân dân trong sự thức tỉnh và trưởng thành với sức mạnh vĩ đại và
những chiến công, những hi sinh to lớn, những phẩm chất cao đẹp kết tinh truyền
thống dân tộc và tinh thần của thời đại. Còn tác phẩm văn xuôi sau năm 1975 thì phản
ánh cuộc sống như một phức hợp với ngổn ngang những tạp âm đời thường, đi sâu vào
nỗi mất mát của con người bước ra từ cuộc chiến, cuộc sống đời thường với những góc
khuất, những “vùng mờ ẩn ức”, hạnh phúc riêng tư của con người, đời sống tâm linh
với những sắc thái tình cảm, những nhu cầu bản năng, những dục vọng thấp hèn,…
Như vậy, văn xuôi phản ánh đời sống trong tính khách quan của nó qua con người,
hành vi, sự kiện được miêu tả và kể lại bởi một người kể chuyện (người trần thuật) nào
đó. Sự vận động của hiện thực cuộc sống được phản ánh qua các sự kiện, biến cố trong
tác phẩm, qua đó, góp phần khắc họa rõ nét tính cách nhân vật, số phận từng cá nhân.
Văn xuôi có khả năng tái hiện đời sống xã hội rộng lớn và bộc lộ, thể hiện từng số phận
con người, cho nên nó mang ưu thế đặc thù: chức năng nhận thức. Nhờ ưu thế nhận
thức đó, văn xuôi với các thể loại của nó (tiểu thuyết, truyện ngắn, tuỳ bút, hồi kí, nhật
kí,…) được sử dụng để thể hiện hình tượng người trí thức trong đời sống một cách toàn
vẹn, sinh động, đồng thời đi sâu khám phá số phận của tầng lớp trí thức trong việc thực
hiện vai trò xã hội và trong cuộc sống cá nhân.
1.2.2. Sự nhận thức và tự nhận thức về thiên chức xã hội của tầng lớp trí thức
Đảm nhận vai trò khai sáng văn hóa và tiên phong trong cải cách xã hội, người trí
thức nhận thức rất rõ về thiên chức cao cả của tầng lớp mình.
1.2.2.1. Sống trong một nước thuộc địa, bị nô dịch, bị cai trị bằng những chính sách
khủng bố, đàn áp, đại đa số quần chúng đói nghèo, mù chữ, trình độ dân trí chưa cao,
trong khi đó đất nước đang chuyển mình lớn lao, yêu cầu của thời đại, của dân tộc đang
thôi thúc mãnh liệt, người trí thức nhận thức và ý thức được vai trò, thiên chức của
mình đối với sự phát triển xã hội. Trong bài “Thiên chức của văn sĩ Việt Nam”, nhà
văn Lan Khai từng khẳng định: “Trong bài diễn văn đọc tại hội nghị quốc tế các nhà
văn họp năm 1935, một văn sĩ Pháp, André Gide đã nói: “Ngày nay, vấn đề cốt yếu là
tạo ra một nhân loại mới”. Tôi muốn nói khác: “Ngày nay, vấn đề cốt yếu của chúng
ta là tạo ra cho cuộc đời tương lai một lớp người Việt Nam mới, bằng những khả năng
của dân tộc” [Dẫn theo 164, tr.389]. Muốn tạo ra “một lớp người Việt Nam mới”, tầng
lớp trí thức phải đóng góp tài năng, truyền bá ánh sáng văn hóa, nâng cao dân trí, có
những chính sách cải cách xã hội cho phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của xã hội
đương thời. Vận mệnh và trình độ của một quốc gia được đo bằng trình độ của người
trí thức.
Ở thời kì trung đại, văn chương là một trong những thú vui tiêu khiển thanh nhã
của nhà nho. Họ thuộc tầng lớp quý tộc, quan lại, có cuộc sống sung túc hoặc trung lưu.
Những vấn đề của cuộc sống đời thường (cơm áo gạo tiền) chưa tác động sâu sắc đến
họ. Họ không xem văn chương là một cách để kiếm sống. Người sáng tác chưa có ý
thức rõ ràng về mục đích của việc cầm bút, cũng như chưa quan tâm đến “quyền tác
giả”. Trái lại, người trí thức của thế kỉ XX ý thức rất sâu sắc về nghề nghiệp. Viết văn
trở thành một nghề để kiếm sống (Nỗi đời cay cực đang giơ vuốt, Cơm áo không đùa
với khách thơ), và để thực hiện lí tưởng, hoài bão trong cuộc đời. Lí tưởng, hoài bão đó
không gì khác hơn là muốn nâng cao dân trí người Việt Nam và cải tạo xã hội. Hơn thế
nữa, viết văn là cái nghề không nhằm vào sự giàu sang, vinh thân phì gia, càng không
chịu thân phận công chức nô lệ. “Cái định hướng chọn loại nghề tự do này cũng nói
lên phần nào ý thức dân tộc, lòng tự trọng, niềm mong mỏi tự do của người trí thức
Việt Nam; và mặt khác cũng chứng minh sự nhạy cảm của một thế hệ trí thức trước
nhu cầu canh tân, đổi mới. Họ đã không thể đi con đường của các văn thân - sĩ phu
trước đó hoặc của những người cộng sản đồng thời là con đường đầy chông gai và
nguy hiểm; không thể hoặc phải tránh những con đường đó, họ phải chọn con đường
xây dựng nền văn hóa dân tộc theo xu thế hiện đại, để cho kịp người và bằng người”
[164, tr.392]. Nhận thức được nghề văn thích hợp với điều kiện kinh tế, khả năng, tâm
lí của mình, giới trí thức tân học buổi đầu, và nhất là lớp trí thức Tây học những năm
1930 – 1945, đã tìm đến văn chương như một lẽ sống duy nhất. Trong hoàn cảnh nô lệ,
ngoài con đường làm cách mạng, con đường làm văn chương thích hợp với các trí thức
tâm huyết với đất nước. Qua văn chương, họ có thể nói tiếng nói của dân tộc, làm cho
nó trong sáng, tinh tế hơn, góp phần phát triển nền văn hóa của dân tộc, khơi dậy trong
nhân dân tình yêu sâu sắc đối với tiếng Việt.
1.2.2.2. Cách mạng tháng Tám năm 1945 và hai cuộc kháng chiến chống thực dân
Pháp, đế quốc Mỹ đã đem lại cho giới trí thức một sự phát hiện lớn lao: Sức mạnh quật
khởi của đất nước và con người Việt Nam trong một vẻ đẹp mới lạ của cuộc sống thời
chiến, của đời sống cộng đồng. Người trí thức nhận ra tâm thế của mình thay đổi theo
sự đổi thay của thời đại. Sau phút ngỡ ngàng, họ sung sướng và nhanh chóng bắt kịp
bước đi của lịch sử. Họ không còn muốn trốn chạy, ẩn mình trong những “vỏ ốc”,
những “tháp ngà” của cái tôi cô đơn, riêng lẻ. Họ nhận ra: “Cảnh tưng bừng của cả
dân tộc Việt Nam đang trỗi dậy. Tôi cảm thấy khắp nơi ở xung quanh tôi và trong lòng
tôi một cuộc tái sinh màu nhiệm” [Hoài Thanh. Dân khí, Tạp chí Tiên phong, số
3/1945]. Họ đã phải tiến hành cuộc đấu tranh tư tưởng gian khổ, phức tạp để nhận thức
và tự nhận thức về thiên chức xã hội mới trong giai đoạn mới của đất nước. Phần đông
người trí thức đi theo cách mạng, phục vụ cách mạng, mong muốn cống hiến sức lực,
tài năng, vạch đường, chỉ lối đưa cách mạng đến thành công, đưa đất nước thoát khỏi
ách nô lệ. Nhà văn vừa sáng tác với tư cách một nghệ sĩ sáng tạo, vừa sáng tác với tư
cách một người làm nhiệm vụ cổ động, tuyên truyền cách mạng, ghi lại những mâu
thuẫn của thời đại, những vấn đề của cuộc sống tinh thần, của lịch sử dân tộc.
Chẳng hạn như phong trào đấu tranh chính trị và khuynh hướng văn học yêu nước,
cách mạng ở các đô thị miền Nam (1954 – 1975). Mỹ và chính quyền Sài Gòn dùng
văn nghệ như một vũ khí chống lại cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc ta. Trong khi
không ít trí thức lầm đường, lạc lối, bị “chiêu bài” của Mỹ làm mờ mắt, quay lưng lại
với nhân dân, viết những văn phẩm suy đồi, phản động, lệch lạc, tiếp sức cho văn nghệ
thực dân mới,... thì số đông trí thức chân chính đã dấy động những cuộc đấu tranh
chính trị, những cuộc biểu tình rộng khắp trong sinh viên, học sinh: Trần Quang Long,
Vũ Hạnh, Sơn Nam, Lê Vĩnh Hòa, Miên Đức Thắng, Tần Hoài Dạ Vũ, Nguyễn Văn
Xuân, Lý Chánh Trung, Trần Nguyên Lan, Lữ Phương,... Vũ khí của họ chính là ngòi
bút:
Con sẽ vót nhọn thơ thành chông
Xuyên vào gan lũ giặc
Con sẽ mài thơ thành kiếm sắc
Chặt đầu văn nghệ tay sai…
(Thưa mẹ trái tim - Trần Quang Long)
Họ nhận thức và ý thức sâu sắc trách nhiệm và nhiệm vụ của một người cầm bút:
“Văn học ngày nay của chúng ta làm gì khác hơn nếu không phơi trần ra sự thực ấy để
kêu đòi cho đời sống tươi sáng hơn” [Lữ Phương - Mấy vấn đề văn nghệ, NXB Trình
bày, Sài Gòn, 1967]. “Bút máu” (Vũ Hạnh) là một tuyên ngôn nghệ thuật về trách
nhiệm nặng nề của người cầm bút, đồng thời là lời cảnh báo gián tiếp đến những cây
bút phản động, tiếp tay cho kẻ thù. Phong trào đấu tranh chính trị và những tác phẩm
văn học yêu nước có tác dụng lớn lao, có tính chiến đấu mạnh mẽ. Nó thức tỉnh những
trí thức vô tình lầm lạc và một bộ phận nhân dân đô thị, nhất là thanh niên. “Nó đã tẩy
rửa phần nào những vẩn đục của bùn nhơ tư tưởng mà kẻ thù đã gieo rắc, và đem lại
cho những người này lòng tự trọng, ý thức về nhân phẩm, tinh thần dân tộc truyền
thống và nhiệt tình yêu chân lí” [123, tr.126].
Sự tích cực thực hiện vai trò xã hội của người trí thức đã góp phần thúc đẩy đời
sống xã hội và tiến trình lịch sử, cũng như góp phần hiện đại hóa nền văn xuôi Việt
Nam từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 1975 theo xu hướng đại chúng
hóa và có sự phân chia “giới tuyến”.
1.2.2.3. Sau hai cuộc chiến tranh khốc liệt, trở lại với cuộc sống muôn mặt của đời
thường, bao nhiêu mặt trái, góc khuất của cuộc đời hiện ra: con người vật vã trong cuộc
mưu sinh, trong những vết thương tâm hồn không thể lành lặn bởi chiến tranh, trong
cuộc vật lộn nhân cách với cơm áo, tiền bạc, danh vọng, địa vị. Đứng trước nhiều thay
đổi, nhiều bộn bề trong cuộc sống đời thường, người trí thức lại băn khoăn, tìm kiếm
câu trả lời cho những câu hỏi: Thiên chức của người trí thức trong thời đại mới? Sứ
mệnh của người trí thức là gì? Lý tưởng của người trí thức là ở đâu?... Cả một thế hệ trí
thức lại bắt đầu nhập cuộc, lắng nghe hơi thở của đời sống, sự chuyển mình của thời
đại. Họ nhận thức qui luật phát triển của xã hội ở giai đoạn mới, xác lập những chuẩn
mực và giá trị tư tưởng mới, kết hợp giữa việc giữ gìn, phát huy truyền thống với hiện
đại hóa, giữa phê phán và xây dựng, giữa tính dân tộc và tính quốc tế. Để bắt kịp nhịp
sống sôi động của thời đại, và phản ánh trung thực hiện thực cuộc sống đa dạng, người
trí thức cần xác tín thái độ, nhận thức trách nhiệm đối với bản thân, nghề nghiệp, và
với xã hội, để tránh tình trạng tha hóa về đạo đức, đánh mất nhân phẩm của con người.
Trong thời đại giao lưu, hội nhập, họ tiếp xúc với văn hóa, văn học các nước trên thế
giới, quen thuộc với những giá trị chung của nhân loại, có nhu cầu trao đổi, trò chuyện,
đối thoại, giao lưu,… Đất nước phát triển theo con đường công nghiệp hóa, hiện đại
hóa, người trí thức lại tiếp tục thực hiện thiên chức xã hội của tầng lớp mình: xây dựng
một đất nước giàu đẹp, văn minh, xây dựng một xã hội với những nền tảng đạo đức
bền vững, mang đậm giá trị nhân văn.
Cuộc sống đời thường và những vận động ở chiều sâu của nó đòi hỏi một loại văn
học mới - văn học nghiền ngẫm hiện thực - khác với văn học sử thi giai đoạn trước.
Đổi mới là yêu cầu khách quan của sự phát triển, và là nỗi khát khao, nguyện vọng của
những nhà văn có trách nhiệm, có lương tâm. Nhà văn được giải phóng cá tính sáng tạo,
được tự do trong sáng tác, không còn ép mình, gò mình viết nên những đứa con tinh
thần theo khuôn mẫu, lí tưởng, thước đo của thời đại. Sự thức tỉnh ý thức cá nhân và sự
đổi mới tư duy nghệ thuật trong hoạt động sáng tạo của người nghệ sĩ đã thúc đẩy văn
học Việt Nam đổi mới, làm cho văn xuôi Việt Nam có sự chuyển biến mạnh mẽ và có
nhiều thành tựu mới.
1.2.3. Sự nhận thức và tự nhận thức về số phận cá nhân, bi kịch tinh thần của
tầng lớp trí thức
Bên cạnh thiên chức xã hội, người trí thức sống, làm việc trong môi trường cộng
đồng và trong nhiều mối quan hệ chồng chéo với gia đình, xã hội. Không phải lúc nào
họ cũng gặt hái được những vinh quang, thắng lợi, mà, trong đời sống cá nhân, họ vẫn
vấp phải những bi kịch, đắng cay.
1.2.3.1. Khi cái Tôi cá nhân xuất hiện, nó phá vỡ nhiều khuôn khổ, quan niệm.
Trong đó, con người thành thực với tâm hồn mình hơn. Họ bắt đầu nhận thức và tự
nhận thức về số phận của mình. Trong một xã hội nhiều biến động như xã hội Việt
Nam đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, tầng lớp trí thức mang tâm
thế hoang mang, cô đơn, nhiều mâu thuẫn: lúc vội vàng, hăng say theo đuổi lí tưởng,
hoài bão; lúc thờ ơ, chán nản, hoài nghi trước thực tại. Họ băn khoăn trong việc lựa
chọn hướng đi và dễ rơi vào tâm trạng cô đơn, buồn bã, chán chường.
Trí thức luôn khao khát sáng tạo, thể hiện và cống hiến tài năng, nhưng sự thay đổi
của hoàn cảnh xã hội đã tác động rất lớn đến cuộc đời họ, khiến họ khó thể thực hiện
được những hoài bão cao đẹp. Họ bị cuốn vào vòng xoay áo cơm, dễ bị sa ngã trước
cám dỗ, thậm chí, đối diện với sự tha hóa nhân cách. Họ bắt đầu tự nhận thức về những
bi kịch cá nhân, có nhu cầu bộc bạch, thể hiện, nghiền ngẫm số phận và bi kịch cá nhân.
Họ vừa muốn phản ánh hiện thực cuộc sống, vừa muốn đi sâu khám phá cái tôi - thế
giới tâm hồn bí ẩn, phức tạp. Văn xuôi là hình thức nghệ thuật thích hợp nhất.
Sau 1975, bước ra từ cuộc chiến, như bao người khác, trí thức lại quay về với cuộc
sống đời thường. Cái tôi, một lần nữa, trỗi dậy mãnh liệt với ý thức cá tính sâu sắc. Họ
tiếp nối cuộc hành trình dang dở vì hoàn cảnh lịch sử, thể hiện những khát vọng sáng
tạo cái đẹp và cống hiến tài năng. Nhưng những đổi thay trong quan niệm cuộc sống,
đặc biệt là sự ảnh hưởng của cơ chế kinh tế thị trường, tác động sâu sắc đến họ. Sự
phân hoá giàu nghèo, sự phân biệt địa vị, chức vụ, gia thế đã đẩy người trí thức vào
những tình huống trớ trêu, bi kịch và tình trạng tha hoá, xói mòn nhân cách.
Con người sống giữa cộng đồng, và đòi hỏi sự quan tâm đến mỗi cá nhân, đến từng
số phận. Sự thay đổi trong quan niệm nghệ thuật về con người đã khiến người trí thức
tìm đến với hiện thực đời sống, khám phá những góc khuất, miền tối, vùng cấm địa
trước đây. Họ được miêu tả ở nhiều góc độ (tốt - xấu, thiện – ác,…) và ở mọi cung bậc
(xã hội, tự nhiên, tâm linh, bản năng, vô thức,…). Nhà văn đi sâu khai thác nội tâm,
đào xới đời sống tâm linh với những sắc thái tình cảm riêng tư, những dục vọng, bản
năng, tận cùng của nỗi đam mê và đau khổ - điều mà ở giai đoạn 1945 - 1975 họ chưa
dám thể hiện. Trong sự vật lộn với cuộc sống đời thường, người trí thức luôn khát khao
mãnh liệt vươn đến một thế giới của thần thánh, thế giới của lòng tin, thế giới của tình
yêu thương, thế giới của những giá trị nhân văn cao cả. Hình tượng người trí thức mất
dần tính nguyên phiến, sử thi, mà được soi chiếu từ nhiều chiều, hiện ra trong nhiều
mâu thuẫn, nhất là trong đạo đức, tình cảm. Ngoài con người xã hội kinh điển còn có
một loạt những con người trong cùng xã hội và ngay trong cùng một con người. Trong
họ, thường xuyên diễn ra những cuộc đấu tranh để tồn tại, để tự nhận thức, tự ý
thức, và để giữ được nhân cách. ._. bà mẹ lao động nghèo như mẹ Lê (Nhà mẹ Lê), là cô gái quê
như Tâm (Cô hàng xén), hay là những cô gái giang hồ phải sống đời ô trọc, lầm lỡ như
cô Liên, cô Huệ (Tối ba mươi). [Nguồn: Vương Trí Nhàn: “Cốt cách trí thức ở ngòi
bút Thạch Lam”, Tạp chí Văn học số 5, 1990.]
Quả thật, trí thức là tinh hoa của đất nước (“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”),
phần tinh hoa trong con người trí thức văn nghệ sĩ là tiêu chuẩn tốt đẹp mà con người
nói chung cần vươn tới, trân trọng, nuôi dưỡng. Con người khi có được cốt cách trí
thức là con người trưởng thành, đáng kiêu hãnh, một nền kinh tế trí thức là một nền
kinh tế phát triển, theo kịp thời đại.
Đọc tác phẩm văn xuôi hiện đại viết về người trí thức, dĩ nhiên ta gặp các nhân vật
có cốt cách trí thức. Nhưng đáng nói hơn là khả năng “trí thức hóa” những người xung
quanh, môi trường xung quanh của người trí thức trong các tác phẩm này. “Trí thức
hóa” ở đây hiểu theo cả hai mặt: a) Cái tốt đẹp, tinh hoa ở nhân vật người trí thức tỏa
sáng, nhân lên ở những người xung quanh họ, góp phần nhân đạo hóa môi trường; b)
Cái tốt đẹp, tinh hoa bị tha hóa, mai một như là bài học chua xót hay như là những lời
cảnh tỉnh: hãy giữ gìn, nâng đỡ phần tinh hoa trong cốt cách trí thức Việt Nam.
Một ví dụ cho trường hợp thứ nhất (a): Trong mối tương quan với nhân vật ông
giáo, cái cách mà lão Hạc - một người nông dân - suy nghĩ và hành động quả thật
mang hơi hướng cốt cách của một người trí thức. Ông giáo cạnh Lão Hạc (Lão Hạc –
Nam Cao) làm cho Lão Hạc có một điểm tựa tinh thần, một người bạn tin cẩn, ngược
lại nhân cách người cha đáng kính của Lão Hạc đặt cạnh ông giáo, làm cho ông giáo
càng phải giữ gìn cốt cách trí thức hơn. Cũng như thế, tinh hoa trí thức ở nhân vật “tôi”
- ông giáo chắc chắn làm cho nhân vật người vợ, Binh Tư và dân làng Vũ Đại cũng trở
nên trí thức hơn trong cách ứng xử. Đặc biệt, bài học ứng xử ở đời: Phải “cố tìm mà
hiểu” “những người xung quanh ta” của nhân vật tôi – “ông giáo”, chắc chắn có khả
năng “trí thức hóa” con người và môi trường rất lớn.
Có thể tìm thấy nhiều ví dụ tương tự trong văn xuôi Việt Nam hiện đại.
Trong Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân), “chữ” của “người tử tù” tài hoa lẫm liệt
Huấn Cao là thứ ánh sáng vẫy gọi những người sống nhầm chỗ, chọn lầm nghề như
ngục quan, thơ lại đến với cái tài, cái dũng, cái thiên lương. Cái tài, cái dũng, cái thiên
lương của Huấn Cao đã làm cho một kẻ “mê muội” như ngục quan tỉnh ngộ ra nhiều
điều tốt đẹp.
Một số ví dụ cho trường hợp thứ hai (b): Sự tha hóa của các nhân vật trí thức của
Nam Cao và bài học từ sự phản tỉnh của họ (Hộ trong Đời thừa, Điền trong Trăng
sáng, Thứ trong Sống mòn,…); Sự tha hóa đáng tiếc của nhân vật Thuật (Đám cưới
không có giấy giá thú, Ma Văn Kháng),… còn mang lại những bài học cay đắng và
sâu sắc hơn.
Hình tượng nhân vật trí thức có khả năng “trí thức hoá” hình tượng con người Việt
Nam, làm tỏa sáng những tính tình tốt đẹp, những cốt cách của con người. Con người
Việt Nam dù ở tầng lớp nào cũng đều hiện lên trong văn học với một bản lĩnh vững
vàng và những nét đẹp tính cách, tâm hồn. Ngay cả khi đề cập đến cái xấu, cái ác của
con người, hình tượng nhân vật giúp ta nhận thức, đề phòng, cũng như biết cách tự vệ
và tiêu diệt cái xấu, cái ác. Hình tượng nhân vật trí thức còn góp phần phát triển nền
văn học: quan niệm nghệ thuật về con người, hệ thống thể loại, kĩ thuật tự sự,... Cùng
với quá trình vận động và phát triển của hình tượng nhân vật, văn học cũng vận động
và phát triển theo. Đó là sự vận động và phát triển của một nền văn học có sự nhận
thức, có ý thức, và mang tính tự vấn cao, để có thể đáp ứng được yêu cầu của thời đại
và con người, đồng thời, làm cho thời đại và con người tiến bộ, phát triển lên ở một
tầm vóc cao hơn, cả về vi mô lẫn vĩ mô.
Như vậy, trong chương này, luận văn đã tìm hiểu những hình thức, kĩ thuật thể hiện
hình tượng nhân vật trí thức văn nghệ sĩ trong văn xuôi Việt Nam hiện đại. Hình thức,
nghệ thuật thể hiện này, dưới tài năng và tài hoa của người sáng tác, đã xây dựng được
hình tượng người trí thức trong văn học - những mẫu người hội đủ cả vinh quang và
cay đắng, kiêu hãnh và mặc cảm như chính nguyên mẫu ngoài cuộc đời.
KẾT LUẬN
1. Từ đầu thế kỉ XX đến nay (tính đến năm 2000), đất nước và xã hội Việt Nam trải
qua nhiều cơn biến động, ba đào: một cuộc Âu hóa làm đổi thay quan niệm cũ (XX –
1945), một hành trình đấu tranh gian khổ cho độc lập, tự do (1945 – 1975), một công
cuộc xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế (sau 1975). Trong những biến cố của đời
sống xã hội, người trí thức có một vai trò quan trọng, to lớn tương ứng với mỗi giai
đoạn phát triển của đất nước: Người khai sáng văn hóa và tiên phong trong cải cách xã
hội (Giai đoạn từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945); Người chiến sĩ
trên mặt trận văn hóa - Người thư ký trung thành của thời đại (Giai đoạn từ Cách
mạng tháng Tám năm 1945 đến năm 1975); Người trí thức - điểm hội tụ của trình độ
văn minh dân trí, dân chủ và phát triển đời sống xã hội (Giai đoạn sau 1975).
Văn xuôi nghệ thuật mang chức năng nhận thức, với những đặc trưng về thể loại, đi
vào khám phá hình tượng nhân vật trí thức chủ yếu ở hai phương diện: Sự nhận thức,
tự nhận thức về thiên chức xã hội và về số phận cá nhân, bi kịch tinh thần của tầng lớp
trí thức. Từ cuộc đời đến những trang văn, qua các góc nhìn và tư duy nghệ thuật (tư
duy sử thi hay tư duy tiểu thuyết) của các thế hệ nhà văn, nhân vật trí thức được xem
xét ở các khía cạnh: Người trí thức như là chủ thể sáng tạo văn học; Người trí thức
như là đối tượng trung tâm của văn học; Người trí thức và nhiệm vụ tôn vinh chiến sĩ,
quần chúng cách mạng; Người trí thức – linh hồn của văn hóa và giá trị nhân văn, tinh
thần dân chủ.
2. Ở từng chặng đường văn học, tùy vào cái nhìn nghệ thuật (tư duy sử thi hay tư
duy tiểu thuyết), hình tượng người trí thức - những mẫu người đa tính cách - được thể
hiện nghiêng về vinh quang hay cay đắng, kiêu hãnh hoặc mặc cảm.
2.1. Qua cái nhìn sử thi của văn xuôi Việt Nam hiện đại (1945 – 1975), hình tượng
người trí thức là những mẫu người lấy vinh quang, kiêu hãnh nhấn chìm cay đắng, mặc
cảm.
Theo tiếng gọi của lí tưởng cách mạng, người trí thức văn nghệ sĩ đi theo kháng
chiến, hòa vào đời sống chung của dân tộc, nhưng vẫn còn rơi rớt những mặc cảm lạc
lõng trong quan hệ với cộng đồng của một số trí thức chưa kịp thức thời, giác ngộ. Thế
nhưng, cốt cách trí thức và thái độ thức thời chân chính đã giúp cho người trí thức
không ngừng tự vươn lên, vượt qua “cái tôi” để chiến thắng niềm mặc cảm lạc lõng đó.
Người trí thức thể hiện ước muốn “nhận đường” và “lột xác”, trở thành người thư ký
trung thành của thời đại, ghi lại một thời kỳ đau thương nhưng vĩ đại, hào hùng, xây
dựng hình tượng con người Việt Nam anh hùng, bất khuất, có tác dụng cổ vũ lớn lao,
mạnh mẽ tinh thần chiến đấu và lòng yêu nước của nhân dân ta. Người trí thức văn
nghệ sĩ đã rất tận tâm với lí tưởng nghệ thuật mới mẻ đó. Họ vươn mình trở thành
những trí thức - chiến sĩ với một niềm tin bất diệt vào độc lập, tự do. Nhân vật trí thức
kết tinh những phẩm chất cao đẹp của thời đại. Họ tìm kiếm và thể nghiệm một lẽ sống
đẹp trong cuộc đời.
2.2. Qua cái nhìn tiểu thuyết của văn xuôi Việt Nam hiện đại (trước 1945 và sau
1975), hình tượng người trí thức là những mẫu người giàu kiêu hãnh và mặc cảm trong
ý thức sâu xa về nhân cách, về bản thể.
Trí thức thường rất kiêu hãnh về bản ngã của mình. Sự kiêu hãnh đó thể hiện ở tình
yêu, lòng tôn thờ, niềm khát khao sáng tạo cái đẹp, tha thiết với hoài bão, lí tưởng cao
cả trong cuộc đời và trong nghệ thuật. Họ tìm kiếm những con đường khác nhau để đi
tìm, theo đuổi mục đích lớn nhất của cuộc đời mình. Với người trí thức, sống là phải
làm việc, phải cống hiến và sáng tạo. Cái đích mà họ khát khao vươn tới chính là cái
đẹp.
Sự kiêu hãnh đó còn thể hiện ở niềm khát khao vươn đến một thế giới tinh thần
phong phú, độc đáo, một nhân cách đẹp theo quan niệm, cảnh ngộ của mỗi người, mỗi
thời. Trí thức vốn rất đa cảm và nhạy cảm, thế giới tinh thần, đời sống nội tâm của họ
phong phú với nhiều cung bậc, lắm thanh âm, đa màu sắc: Nhân vật trí thức luôn có ý
thức “tìm vào nội tâm, tìm vào cảm giác” của Thạch Lam; Nhân vật trí thức tài hoa tài
tử và rất “ngông” của Nguyễn Tuân; Nhân vật trí thức khắc khoải với tấn bi kịch tinh
thần đau đớn của Nam Cao;… Trí thức luôn biết tự nhận thức, tự đấu tranh, tự vấn để
vươn đến một thế giới tinh thần độc đáo và một nhân cách toàn vẹn, đẹp đẽ.
Không phải chỉ được thể hiện ở sự kiêu hãnh về bản ngã, hình tượng người trí thức
trong văn học còn được soi chiếu trong niềm mặc cảm, cay đắng, cô đơn trong hành
trình đi tìm bản thể. Trí thức dễ rơi vào mặc cảm cô đơn, vỡ mộng. Họ cô đơn vì chịu
sự tác động của hoàn cảnh xã hội lên thân phận cá nhân (nhân vật trí thức của Nhất
Linh, Nguyễn Tuân). Họ cô đơn trong sự đối mặt với chính mình, với những cuộc đấu
tranh căng thẳng trong tâm hồn mình (nhân vật trí thức của Nam Cao, Nguyên Hồng).
Họ cô đơn vì mặc cảm con người thừa, thân phận bèo bọt và lạc loài, lạc thời (nhân vật
trí thức của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Bảo Ninh,…). Họ cô đơn trong cuộc
đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, sự huỷ hoại về nhân tính (nhân vật trí thức của Ma
Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp). Họ cô đơn trong dòng chảy trôi của cuộc sống đời
thường (Hoàng – Cơ hội của Chúa, Nguyễn Việt Hà, Kiên - Nỗi buồn chiến tranh,
Bảo Ninh),… Sự cô đơn đó xuất phát từ bi kịch vỡ mộng, và tạo nên một niềm mặc
cảm chân thành, lành mạnh, và chính đáng của những con người luôn biết ý thức sâu
sắc về bản ngã của mình.
Người trí thức trong văn học còn đối mặt với mặc cảm tha hóa của bản thân và của
tầng lớp mình. Lúc đầu chỉ là những hiện tượng tha hóa riêng lẻ (nhân vật trí thức lưu
manh của Vũ Trọng Phụng, nhân vật trí thức có những biểu hiện tha hóa nhân cách của
Thạch Lam, Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Minh Châu), về sau là sự tha hóa tập
thể và nó trở thành một vấn nạn đáng báo động về sự xuống cấp, suy đồi đạo đức (đám
đông trí thức trong Đám cưới không có giấy giá thú – Ma Văn Kháng, Thiên sứ -
Phạm Thị Hoài, Cơ hội của Chúa - Nguyễn Việt Hà,…). Thế nhưng, nhân vật trí thức
của Thạch Lam, Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Minh Châu còn biết tự thú, tự vấn,
sám hối với niềm mặc cảm bi thiết, còn đám đông trí thức trong văn học sau 1975
không mấy người biết mặc cảm trước sự tha hóa của bản thân mình.
2.3. Trong tư tưởng và ý thức của người Việt Nam, trí thức đại diện cho trí tuệ, tâm
hồn, tinh hoa của cộng đồng. Nhưng khi tư duy sử thi nhường chỗ cho tư duy tiểu
thuyết, hình tượng người trí thức trong văn học không còn là những con người luôn vật
vã đấu tranh cho sự hoàn thiện nhân cách, mà họ được đem ra xem xét, mổ xẻ, khám
phá ở nhiều bình diện, đặc biệt là những góc khuất của tâm lí, tâm linh. Nhân vật trí
thức không còn đẹp đẽ một cách thần thánh, “vô trùng”, mà là con người “như tự nó”
với sự tồn tại của cả “cái tốt và cái xấu, rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và ác quỷ”
trong cùng một con người. Họ mang những nét tính cách rất “phản anh hùng” (nhân
vật trí thức của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Việt Hà).
Dưới cái nhìn sử thi hoặc cái nhìn tiểu thuyết, ở mỗi chặng đường văn học, chân
dung, tính cách, tâm hồn của nhân vật trí thức được thể hiện khá chận thực, toàn diện.
Hình tượng người trí thức - những mẫu người đa tính cách – là loại nhân vật có sự phát
triển khá nhất quán cùng với sự phát triển của văn xuôi Việt Nam hiện đại.
3. Trong chương 3, luận văn nghiên cứu hình thức, kĩ thuật thể hiện hình tượng
nhân vật trí thức trong văn xuôi Việt Nam hiện đại. Trước hết, viết về người trí thức
là một nhu cầu bức bách, thiết yếu và là một thách thức lớn đối với người cầm bút. Nó
đòi hỏi lòng can đảm, sự dũng cảm và thái độ “trung thực vô ngần” khi nhà văn bộc
bạch, phơi bày, mổ xẻ con người mình và tầng lớp mình.
Do đặc trưng riêng của loại hình nhân vật, người trí thức trong văn học là những
hình tượng nghệ thuật giàu ý nghĩa nhận thức. Thông qua hình tượng nhân vật, nhà
văn thể hiện sự nhận thức, tự nhận thức về vai trò xã hội cũng như sự nhận thức, tự
nhận thức số phận cá nhân, bi kịch tinh thần của tầng lớp trí thức. Do vậy, trong tác
phẩm viết về người trí thức, nhà văn xây dựng cốt truyện, tình huống giàu ý nghĩa nhận
thức, xây dựng nhân vật giàu ý nghĩa nhận thức và sử dụng ngôn ngữ kể chuyện giàu ý
nghĩa nhận thức, triết lí.
Bên cạnh đó, hình tượng người trí thức còn đậm chất tự truyện. Vì thế, các thể
loại tự truyện, tự thuật, hồi kí, nhật kí, tùy bút rất thích hợp để nhà văn, thông qua nhân
vật, bộc lộ cái tôi, cái chủ quan. Để khắc họa hình tượng người trí thức đậm chất tự
truyện, nhà văn sáng tạo nên những cốt truyện tâm lí, những tình tiết, những nhân vật
đậm chất tự truyện và sử dụng điểm nhìn trần thuật mang chất tự truyện.
Cuộc đời của nhân vật trí thức đúng là những lớp bi kịch viết bằng văn xuôi. Tính
cách, số phận của nhân vật trí thức gần với tính cách, số phận của nhân vật bi kịch. Nhà
văn thường đặt nhân vật vào những tình huống, xung đột nội tâm và thể hiện những
tính cách, số phận bi kịch của người trí thức để khám phá ra thế giới tâm hồn sâu thẳm,
đầy phức điệu của người trí thức và sự mênh mông, bừa bộn, hỗn tạp của cuộc sống.
Khi thể hiện tính cách, số phận bi kịch của nhân vật trí thức, nhà văn xoáy sâu vào
những trạng thái tâm lí và những dòng độc thoại nội tâm.
Cốt cách, tâm hồn của nhân vật trí thức được soi sáng dựa trên mối quan hệ tương
tác với những loại nhân vật khác trong tác phẩm (công nhân, nông dân, người lính,…).
Nhưng cốt cách của nhân vật trí thức cũng tác động rất lớn đến hành vi, ngôn ngữ,
nhận thức, tâm hồn,… của những loại nhân vật khác. Nói cách khác, hình tượng nhân
vật trí thức trong văn học có khả năng “trí thức hóa” những người xung quanh, môi
trường xung quanh. Cốt cách trí thức của nhân vật người trí thức tỏa sáng, nhân lên ở
những người xung quanh họ, góp phần nhân đạo hóa môi trường. Cốt cách trí thức của
họ cũng làm cho người đọc cùng chia sẻ nỗi bất an trong lòng khi mà cái tốt đẹp, tinh
hoa bị tha hóa, mai một. Trong trường hợp này tác phẩm là bài học chua xót hay là lời
cảnh tỉnh: hãy giữ gìn, nâng đỡ phần tinh hoa trong cốt cách trí thức Việt Nam.
4. Qua sự phác họa những đặc trưng tiêu biểu trong hình tượng nhân vật trí thức
và những hình thức, kĩ thuật thể hiện hình tượng nhân vật trí thức trong văn xuôi Việt
Nam hiện đại, có thể rút ra một kết luận chung nhất:
Văn học không chỉ phản ánh hiện thực đời sống, hiện thực thời đại mà còn là,
luôn là bức tranh phản chiếu tâm thế, “não trạng” của thời đại, và, hơn ở đâu hết, hình
tượng người trí thức trong văn xuôi nghệ thuật Việt Nam hiện đại cho ta thấy rõ nhất,
cái tâm thế, “não trạng” ấy.
Ai đó đã nói rằng: Hãy cho biết anh chơi với ai, tôi sẽ nói cho biết anh là người
thế nào. Sẽ không hề vu vơ hay quá lời khi ta cũng nói theo cách đó: Hãy cho biết một
giai đoạn, một nền văn học viết về người trí thức như thế nào, tôi sẽ nói về đặc điểm,
trình độ phát triển của giai đoạn hoặc nền văn học ấy.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Vũ Tuấn Anh – Lê Thị Dục Tú (2001), Thạch Lam - Về tác gia và tác phẩm, Nxb
Giáo dục, Hà Nội.
2. Lại Nguyên Ân (1998), 150 thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
3. Lại Nguyên Ân (2003), Sống với văn học cùng thời, Nxb Thanh niên.
4. M. Bakhtin (1992), Lí luận và thi pháp tiểu thuyết, Phạm Vĩnh Cư dịch, Bộ Văn hóa
thông tin và thể thao, Trường viết văn Nguyễn Du.
5. M. Bakhtin (1998), Những vấn đề thi pháp tiểu thuyết Đôtxtôiepxki, (Lại Nguyên Ân,
Vương Trí Nhàn, Trần Đình Sử dịch), Nxb Giáo dục, Hà Nội.
6. Nguyễn Thị Bình (1995), Quan niệm nghệ thuật về con người trong văn xuôi Việt
Nam sau Cách mạng tháng Tám, Hà Nội.
7. Nam Cao (1987), Tuyển tập truyện ngắn, tập 1, Nxb Văn học, Hà Nội.
8. Nam Cao (2002), Nam Cao toàn tập (2 tập) – Hà Minh Đức sưu tầm, giới thiệu, Nxb
Văn học, Hà Nội.
9. Nam Cao (2006), Sống mòn, Nxb Giáo dục.
10. Nam Cao (2003), Tuyển tập Nam Cao, Nxb Văn học.
11. Nguyễn Minh Châu (2001), Dấu chân người lính, Nxb Thanh niên.
12. Nguyễn Minh Châu (2003), Tuyển tập truyện ngắn, Nxb Văn học.
13. Nguyễn Minh Châu (2002), Trang giấy trước đèn, Nxb Khoa học xã hội.
14. Tân Chi (1999), Thạch Lam – Văn và đời, Nxb Hà Nội.
15. Vũ Khắc Chương (2000), Nghệ thuật kể chuyện trong tác phẩm Nam Cao, Nxb
Văn học, Hà Nội.
16. Đặng Anh Đào (1992), “Nguồn gốc và tiền đề của tiểu thuyết”, Tạp chí Văn học,
số 6.
17. Đặng Anh Đào (1988), “Một trường hợp đang bàn cãi”, Văn nghệ, ngày 3-9-1988.
18. Phan Cự Đệ (1990), Tự lực văn đoàn – Con người và văn chương, Nxb Văn học.
19. Phan Cự Đệ (2002), Văn học lãng mạn (1930 – 1945), Nxb Văn học, Hà Nội.
20. Phan Cự Đệ (2003), Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, Nxb Giáo dục.
21. Phan Cự Đệ (2004), Văn học Việt Nam thế kỉ XX, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
22. Nguyễn Đăng Điệp (2003), Vọng từ con chữ, Nxb Văn học.
23. Hà Minh Đức (1991, chủ biên), Mấy vấn đề lí luận văn nghệ trong sự nghiệp đổi
mới, Nxb Sự thật, Hà Nội.
24. Hà Minh Đức (2003), Khảo luận văn chương (tái bản lần 3), Nxb Khoa học xã hội .
25. Hà Minh Đức (2007), Tô Hoài - Đời văn và tác phẩm, Nxb Văn học.
26. Umberco Eco (2003), “Về một vài chức năng của văn học”, Tạp chí Văn học, số 5.
27. Văn Giá (2002), Một khoảng trời văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
28. Nguyễn Việt Hà (2006), Cơ hội của Chúa, Nxb Hội nhà văn.
29. Nguyễn Việt Hà (2006), Khải huyền muộn, Nxb Hội nhà văn.
30. Lê Thị Đức Hạnh (2000), Nguyễn Công Hoan - Về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo
dục, Hà Nội.
31. Nguyễn Văn Hạnh (1993), Nam Cao - Một đời người, một đời văn, Nxb Giáo dục,
Hà Nội.
32. Nguyễn Văn Hạnh, Huỳnh Như Phương (1998), Lý luận văn học - Vấn đề và suy
nghĩ, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
33. Hegel (1999), Mĩ học (Phan Ngọc dịch, tập 1), Nxb Văn học, Hà Nội.
34. Hoàng Ngọc Hiến (1992), Năm bài giảng về thể loại, Trường viết văn Nguyễn Du.
35. Hoàng Ngọc Hiến (1997), Văn học và học văn, Nxb Văn học, Hà Nội.
36. Hoàng Ngọc Hiến (2006), “Đọc Cơ hội của Chúa của Nguyễn Việt Hà”, Cơ hội
của Chúa, Nxb Hội nhà văn.
37. Trần Văn Hiếu (2005), Ba phong cách trào phúng trong văn học Việt Nam thời kì
1930-1945: Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nxb Đại học quốc
gia Hà Nội.
38. Đỗ Đức Hiểu (1993), Đổi mới phê bình văn học, Nxb Khoa học xã hội và Mũi Cà
Mau.
39. Đỗ Đức Hiểu (2000), Thi pháp hiện đại, Nxb Hội nhà văn.
40. Lê Cẩm Hoa (2000), Nhất Linh – Con người và tác phẩm, Nxb Văn học, Hà Nội.
41. Lê Huy Hòa, Nguyễn Văn Bình (1995), Những bậc thầy văn chương thế giới, Nxb
Văn học, Hà Nội.
42. Nguyễn Thái Hòa (2000), Những vấn đề thi pháp của truyện, Nxb Giáo dục, Hà
Nội.
43. Phạm Thị Hoài (1988), Thiên sứ, Tạp chí Tác phẩm văn học, Số 7.
44. Tô Hoài (1992), Cát bụi chân ai (hồi kí), Nxb Hội nhà văn.
45. Tô Hoài (2007), Ba người khác, Nxb Hội nhà văn.
46. Tô Hoài (2007), Mười năm, Nxb Hội nhà văn.
47. Đỗ Kim Hồi (1994), “Đôi mắt của Nam Cao”, Giảng văn văn học Việt Nam, Nxb
Giáo dục.
48. Nguyên Hồng (2002), Truyện ngắn trước 1945, Văn học Việt Nam thế kỉ XX, quyển
2, tập 4, Nxb Văn học.
49. Nguyên Hồng (1961), Sóng gầm, Nxb Văn học.
50. Nguyên Hồng (1998), Cơn bão đã đến, Nxb Văn học.
51. Nguyễn Thị Thu Huệ (1993), Hậu thiên đường, Nxb Hội nhà văn.
52. Khái Hưng (2001), Đẹp, Văn chương Tự Lực văn đoàn, Nxb Giáo dục, tập 1, Viện
Văn học – Trung tâm KHXH – NV quốc gia.
53. Mai Hương (2000, tuyển chọn), Vũ Trọng Phụng - Một tài năng độc đáo, Nxb Văn
hóa thông tin Hà Nội.
54. Dương Thu Hương (1987), Bên kia bờ ảo vọng, Nxb Phụ nữ.
55. Dương Thu Hương (1988), Các vĩ nhân tỉnh lẻ, Nxb Thanh niên Hà Nội.
56. Dương Thu Hương (1988), Những thiên đường mù, Nxb Phụ nữ.
57. Trần Đình Hượu (1988), Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900 – 1930, Nxb
Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.
58. Nguyễn Khải (2001), Tuyển tập tiểu thuyết (2 tập), Nxb Thanh niên.
59. Nguyễn Khải (1982), Gặp gỡ cuối năm, Nxb Tác phẩm mới.
60. Nguyễn Khải (1983), Thời gian của người, Nxb Tác phẩm mới.
61. Nguyễn Khải (1999), Vòng sóng đến vô cùng, Nxb Trẻ TP.HCM.
62. Nguyễn Khải (1989), Một cõi nhân gian bé tí, Nxb Văn nghệ TP.HCM.
63. Ma Văn Kháng (1986), Mùa lá rụng trong vườn, Nxb Phụ nữ.
64. Ma Văn Kháng (2001), Tuyển tập truyện ngắn, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
65. Ma Văn Kháng (2003), Đám cưới không có giấy giá thú, Nxb Công an nhân dân.
66. Ma Văn Kháng (2003), Ngược dòng nước lũ, Nxb Công an nhân dân.
67. Nguyễn Hoành Khung (1997), “Đời thừa”, Giảng văn văn học Việt Nam, Nxb Giáo
dục.
68. M.B. Kharapchenco (1979), Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn
học, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội.
69. M.B. Khrapchenko (2002), Những vấn đề lý luận và phương pháp luận nghiên cứu
văn học, (nhiều người dịch), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
70. Lê Minh Khuê (1992), Viết về cái ác cũng là một cách thức tỉnh nhân tính, Nxb
Tác phẩm mới.
71. Phùng Ngọc Kiếm (1998), Con người trong truyện ngắn Việt Nam 1945 – 1975,
Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.
72. Milan Kundera (2001), Nghệ thuật tiểu thuyết (Nguyên Ngọc dịch), Nxb Văn hóa
thông tin, Hà Nội.
73. Chu Lai (1992), Ăn mày dĩ vãng, Nxb Hội nhà văn.
74. Thạch Lam (1988), Tuyển tập, Nxb Văn học.
75. Thạch Lam (1999), Sợi tóc, Nxb Văn nghệ TP.HCM.
76. Thạch Lam (1999), Gió đầu mùa, Nxb Văn nghệ TP.HCM.
77. Tôn Phương Lan (2002), Phong cách nghệ thuật Nguyễn Minh Châu, Nxb KHXH.
78. Phong Lê (1986), “Người trí thức kiểu Nam Cao và chiến thắng của chủ nghĩa hiện
thực”, Tạp chí văn học, số 5.
79. Phong Lê (1987), “Nam Cao – văn và đời”, Tuyển tập Nam Cao, tập 1, Nxb Văn
học.
80. Phong Lê (1997), Văn học Việt Nam trên hành trình của thế kỉ XX, Nxb Đại học
Quốc gia Hà Nội.
81. Phong Lê (2001), Một số gương mặt văn chương - học thuật Việt Nam hiện đại,
Nxb Giáo dục.
82. Phong Lê (2003), Nam Cao - Người kết thúc vẻ vang trào lưu văn học hiện thực,
Nxb ĐHQG Hà Nội.
83. Nhất Linh (1989), Bướm trắng, Nxb Tổng hợp An Giang.
84. Nhất Linh (2000), Tuyển tập truyện ngắn, Nxb Văn học.
85. Nhất Linh (2001), Đoạn tuyệt, Văn chương Tự Lực văn đoàn, Nxb Giáo dục, tập 1,
Viện Văn học – Trung tâm KHXH – NV quốc gia.
86. Nhất Linh (2001), Đôi bạn, Văn chương Tự Lực văn đoàn, Nxb Giáo dục, tập 1,
Viện Văn học – Trung tâm KHXH – NV quốc gia.
87. Phạm Quang Long (1994), “Một đặc điểm thi pháp truyện ngắn Nam Cao”, Tạp chí
văn học, số 2.
88. Nguyễn Văn Long (2002), Văn học Việt Nam trong thời đại mới, Nxb Giáo dục.
89. Nguyễn Văn Long, Lã Nhâm Thìn (2006, chủ biên), Văn học Việt Nam sau 1975 -
Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, Nxb Giáo dục.
90. NguyễnVăn Lưu (1988), “Về truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp”, Báo Hà Nội
mới, 28-8-1988.
91. Phương Lựu (1997), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
92. Phương Lựu (2001), Lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỉ XX, Nxb Văn học,
Hà Nội.
93. Hoàng Như Mai (1989), Trí thức và nghệ sĩ, Nxb Tổng hợp An Giang.
94. Đặng Thai Mai (1960), Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỉ XX, Nxb Văn học.
95. Nguyễn Đăng Mạnh (2001), Nhà văn, tư tưởng và phong cách, Nxb Đại học quốc
gia Hà Nội.
96. Nguyễn Đăng Mạnh (2002), Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn,
Nxb Giáo dục, Hà Nội.
97. Nguyễn Đăng Mạnh (2006), Nhà văn Việt Nam hiện đại – Chân dung và phong
cách, Nxb Văn học.
98. Tôn Thảo Miên (1998), Nguyễn Tuân - Về tác gia và tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà
Nội.
99. Nguyễn Thanh Minh (2005), Quan niệm về cái đẹp của Nguyễn Tuân trong sáng
tạo nghệ thuật, Nxb Văn học.
100. Lê Thành Nghị (2003), Văn học – Sáng tạo và tiếp nhận, Nxb Quân đội nhân dân.
101. Phương Ngân (2001, tuyển chọn), Nguyễn Huy Tưởng – Khát vọng một đời văn,
Nxb Văn hóa thông tin Hà Nội.
102. Vương Trí Nhàn (1990), “Cốt cách trí thức ở ngòi bút Thạch Lam”, Tạp chí Văn
học, số 5.
103. Vương Trí Nhàn (1996), Khảo về tiểu thuyết, Nxb Hội nhà văn.
104. Vương Trí Nhàn (2001), Sổ tayt truyện ngắn, Nxb Văn nghệ TP.HCM.
105. Vương Trí Nhàn (2001), Những kiếp hoa dại, Nxb Hội nhà văn.
106. Phùng Quý Nhâm (1992), Thẩm định văn học, Nxb Văn nghệ TP.HCM.
107. Phùng Quý Nhâm (1998), “Tinh thần phân tích tâm linh - một đặc trưng của chủ
nghĩa hiện thực”, Tạp chí Văn học, số 4.
108. N.I. Niculin (2007), Lịch sử văn học Việt Nam, Nxb Văn học – Trung tâm nghiên
cứu quốc học.
109. Bảo Ninh (2006), Nỗi buồn chiến tranh, Nxb Văn học.
110. Nguyễn Oanh (1988), “Khởi sắc hay là sự chuyển mình của văn học”, Văn nghệ,
3-12-1988.
111. M.F. Ôpxiannhicôp (2001), Mĩ học cơ bản và nâng cao, Nxb Văn hóa thông tin,
Hà Nội.
112. Vũ Ngọc Phan (1989), Nhà văn hiện đại (2 tập), Nxb Khoa học xã hội, TP.HCM.
113. Hoàng Phê (1997), Tự điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng.
114. Pospelov (1998), Dẫn luận nghiên cứu văn học, Nxb Giáo dục.
115. Vũ Trọng Phụng (2006), Số đỏ, Nxb Văn học.
116. Vũ Trọng Phụng (2006), Giông tố, Nxb Văn học.
117. Huỳnh Như Phương (1994), Những tín hiệu mới, Nxb Hội nhà văn.
118. J.P. Sartre (1999), Văn học là gì? (Nguyên Ngọc dịch), Nxb Văn học, Hà Nội.
119. Trần Đình Sử (1996), Lý luận và phê bình văn học, Nxb Hội nhà văn.
120. Trần Đình Sử (2002), Đọc văn và học văn, Nxd Giáo dục, Hà Nội.
121. Trần Đình Sử (2003, chủ biên), Tự sự học - Một số vấn đề lí luận và lịch sử, Nxb
ĐHSP Hà Nội.
122. Trần Hữu Tá (1988), “Lời tựa Bướm trắng”, Bướm trắng, Nxb An Giang.
123. Trần Hữu Tá (2001), Nhìn lại một chặng đường văn học, Nxb TP.HCM.
124. Vũ Thăng (2001), Một vài đặc điểm thi pháp truyện Nam Cao, Nxb Quân đội
nhân dân.
125. Hoài Thanh, Hoài Chân (2006), Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học.
126. Hoài Thanh (1978), Toàn tập, Nxb Văn học Hà Nội.
127. Ngô Thảo (2000), Văn học với đời sống - Đời sống văn học, Nxb Văn học.
128. Bùi Việt Thắng (2001), Bàn về tiểu thuyết, Nxb Văn học.
129. Đoàn Cầm Thi (2004), “Cơ hội của Chúa - Từ nhật kí đến hậu trường văn học”,
Cơ hội của Chúa, Nxb Hội nhà văn.
130. Nguyễn Đình Thi (2001), Vỡ bờ (2 tập), Nxb Văn học.
131. Nguyễn Thành Thi (2006), Phong cách văn xuôi nghệ thuật Thạch Lam, Nxb
Khoa học xã hội.
132. Nguyễn Thành Thi (2008), “Lược đồ văn học quốc ngữ Việt Nam trước 1945 nhìn
từ quá trình hình thành và tương tác thể loại”, Bình luận văn học, Nxb Văn hóa
Sài Gòn.
133. Nguyễn Huy Thiệp (2005), Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Nxb Hội nhà văn.
134. Bích Thu (2004, tuyển chọn), Nam Cao - Về tác gia và tác phẩm, Nxb CAND.
135. Nguyễn Ngọc Thiện (1996, chủ biên), Nhìn lại cuộc tranh luận nghệ thuật 1935 –
1939, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
136. Trần Mạnh Tiến (2001), Lý luận phê bình văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX, Nxb
Giáo dục.
137. Lê Ngọc Trà (1990), Lý luận và văn học, Nxb Trẻ, TP.HCM.
138. Lê Ngọc Trà (2002), Thách thức của sáng tạo – Thách thức của văn hóa, Nxb
Thanh niên, TP.HCM.
139. Hoàng Trinh, Nam Mộc, Duy Thành, Nguyễn Cương (1978), Văn học, cuộc sống
nhà văn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
140. Hà Bình Trị (1991), “Chất trữ tình trong sáng tác của Nam Cao”, Báo Giáo dục và
thời đại, số 37.
141. Hà Bình Trị (1992), “Tâm lý nhân vật trong một số sáng tác của Nam Cao”, Tập
san Giáo dục phổ thông, số 3.
142. Võ Gia Trị (2001), Văn chương và nghệ sĩ, Nxb Văn học.
143. Trần Thị Thanh Trúc (2004), Số phận tinh thần của con người trong tác phẩm của
Nam Cao, Luận văn thạc sĩ ĐHSP. TPHCM.
144. Nguyễn Tuân (2002), Vang bóng một thời, Nxb Văn học.
145. Nguyễn Tuân (1998), Tùy bút viết trước 1945, Nxb Hải Phòng.
146. Nguyễn Tuân (2005), Thiếu quê hương, Nxb Văn học.
147. Lê Thị Dục Tú (2003), Quan niệm về con người trong tiểu thuyết Tự Lực văn
đoàn, Nxb Thanh niên.
148. Xuân Tùng (2000, sưu tầm), Thạch Lam và văn chương, Nxb Hải Phòng.
149. Nguyễn Huy Tưởng (1996), Sống mãi với thủ đô, Toàn tập (tập 4), Nxb Văn học.
150. Nguyễn Huy Tưởng (1997), Vũ Như Tô (Kịch nói Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX),
Nxb Sân khấu.
151. Phùng Văn Tửu (2002), Tiểu thuyết pháp hiện đại, những tìm tòi đổi mới, Nxb
Khoa học xã hội, Hà Nội.
152. Nguyễn Thị Thanh Xuân (2004), Phê bình văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX
(1900 – 1945), Nxb Đại học quốc gia TP.HCM.
153. Trần Đăng Xuyền (1998), “Nam Cao – nhà văn hiện thực xuất sắc, nhà nhân đạo
chủ nghĩa lớn”, Tạp chí Văn học, số 6.
154. Trần Đăng Xuyền (2002), “Cá tính sáng tạo và đặc điểm tiểu thuyết hiện thực của
Vũ Trọng Phụng”, Tạp chí Văn học, số 10.
155. Trần Đăng Xuyền (2002), Nhà văn hiện thực - Đời sống và cá tính sáng tạo, Nxb
Văn học, Hà Nội.
156. Phạm Hoàng Yến (1996), “Truyện ngắn Nam Cao với phương thức cấu trúc theo
số phận nhân vật”, Tạp chí Trung học phổ thông – Khoa học xã hội, số 18.
157. Peter Zinoman (2002), “Số đỏ của Vũ Trọng Phụng và chủ nghĩa hiện đại Việt
Nam”, Tạp chí văn học, số 6.
158. Trần Đình Vân (1965), Sống như anh, Nxb Văn học.
159. Lê Trí Viễn (2001), Đặc trưng thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb Văn
nghệ TP.HCM.
160. Nguyễn Khắc Viện (1993), “Con đường trở thành “kẻ sĩ hiện đại””, Bàn về đạo
Nho, Nxb Thế giới, Hà Nội.
161. Một số vấn đề về đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy ngữ văn ở trường
THPT, Tài liệu lưu hành nội bộ, 2007.
162. Nhiều tác giả (1989), Nguyễn Huy Thiệp – Tác phẩm và dư luận, Tạp chí Sông
Hương – Nxb Trẻ TP.HCM.
163. Nhiều tác giả (2004), Từ điển văn học, Nxb Thế giới mới.
164. Nhiều tác giả (2002), Nhìn lại một thế kỉ văn học, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội.
165. Nhiều tác giả (1995), Hồi ức binh nhì, Truyện ngắn chọn lọc 1992 – 1994, Nxb
Văn học.
166. Nhiều tác giả (1994), Bến trần gian (Tập truyện ngắn chọn lọc cuộc thi tạp chí
Văn nghệ Quân đội 1992 – 1994), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.
167. Nhiều tác giả (2001), Văn học Việt Nam 1930 – 1945 (tái bản lần 5), Nxb Giáo
dục, Hà Nội.
._.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LA5163.pdf