Thông báo Khoa học và Công nghệ* Số 2-2012 68
NHÂN TỐ HÌNH THÀNH SẮC THÁI KIẾN TRÚC DÂN GIAN
VÙNG NAM TRUNG BỘ
(Tiểu vùng ba tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa)
ThS. NCS. kts. Trần Văn Hiến
Phó Khoa Kiến trúc, trường Đại học Xây dựng Miền Trung
Tóm tắt: Vai trò kiến trúc trong xã hội chúng ta là hết sức quan trọng. Thiết kế và xây dựng
các công trình luôn là mối quan tâm hàng đầu của mọi cá nhân, mọi tầng lớp, tổ chức xã
hội, nhằm đáp ứng nhu cầu về vật chất và tinh thần, đồng
7 trang |
Chia sẻ: huongnhu95 | Lượt xem: 505 | Lượt tải: 0
Tóm tắt tài liệu Nhân tố hình thành sắc thái kiến trúc dân gian vùng Nam Trung Bộ, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
thời thúc đẩy quá trình phát triển
xã hội. Kiến trúc Việt hình thành và phát triển trong suốt một thời gian dài của lịch sử, là một
di sản văn hoá quí báu cho các thế hệ lưu giữ, tìm hiểu, nghiên cứu để kế thừa và phát huy
trên con đường xây dựng nền kiến trúc đương đại. Mục tiêu cơ bản của bài viết về "Nhân tố
hình thành sắc thái kiến trúc dân gian vùng Nam Trung Bộ" là tìm hiểu sự dung hoà và tiếp
biến những sắc thái dân gian trong các thực thể kiến trúc khu vực miền Nam Trung Bộ. Qua
đó liên hệ, đúc kết những nhận định về thực tiễn của công tác bảo tồn trùng tu các công trình
kiến trúc dân gian xưa và khuynh hướng phát triển của kiến trúc này trong thời đại mới.
1. Sắc thái kiến trúc dân gian vùng Nam
Trung Bộ
Việc tổ chức kiến trúc ngôi nhà dân
gian được bắt đầu từ việc chuẩn bị đất xây
dựng sau đó mới tới hình thức kiến trúc, vật
liệu và kỹ thuật xây dựng.
1.1. Phong thủy nhà dân gian
Quan điểm chủ đạo trong việc chọn vị
trí đất và nhà dân gian trong xây dựng là
theo những nguyên tắc của phong thủy.
Mảnh đất xây nhà được chọn lựa rất kỹ để
phù hợp với chủ nhân của nó về tuổi tác,
cung mệnh. Người đứng ra xây dựng nhà
trước tiên tìm tới các thầy "địa" để xem
phong thủy, địa cuộc đất đai rồi chọn thợ,
xem ngày cúng tế rồi mới cho động thổ khởi
công. Nhà theo phong thủy phải có thế đất
đẹp: “Minh đường thủy tụ” tức là trước nhà
có nước tụ trong sáng như gương để nuôi
dưỡng khí mạch của đất. Vì thế nếu không
có sự tụ thủy tự nhiên, người ta thường đào
ao trước nhà hoặc xây hòn non bộ để tượng
trưng cho yếu tố này. Nhà có thế đất “tả phù
hữu bật” tức là hai bên tả có Thanh long,
hữu có Bạch hổ thì gia chủ sẽ phát tài, nhiều
lộc, đông con trai gái. Cổng và cửa chính
của nhà thường lệch nhau không nằm trên
một trục. Người ta cũng tổ chức lối đi riêng,
tách biệt cho người và gia súc (trâu, bò).
Nhà dân gian xưa có vị trí hài hòa
trong khu đất, trước và sau nhà đều có sân
vườn nhiều hoa, cây xanh. Sân trước dùng
để sinh hoạt và kết hợp làm không gian sản
suất phụ, phơi nông sản sau mùa thu hoạch.
Các loại cây được chọn trồng sân trước nhà
thường là cây và bụi hoa thấp. Đặc biệt cây
cau, dừa tuy cao nhưng được trồng nhiều, vì
có tán lá ở trên cao nên vừa không che tầm
nhìn, gió mát, vừa che bớt nắng khi mặt trời
lên cao, bên cạnh đó nó góp phần cải thiện
kinh tế và phù hợp tập tục ăn trầu cau ở địa
phương. Vườn sau nhà trồng chuối vì có
nhiều cái lợi, chuối là loại trái cây được ưa
chuộng. Chuối thấp có lá to nên có thể cản
được gió lạnh, lại có thân cây mềm nên dù
có đổ cũng không thể làm hỏng nhà được.
1.2. Hình thức kiến trúc xây dựng nhà
dân gian
Công trình nhà dân gian thường có xu
hướng trải dài để đón gió mát từ hướng
Thông báo Khoa học và Công nghệ* Số 2-2012 69
Nam, Đông Nam. Nhà có cao trình thấp
nhưng xây trên nền đất cao ráo, có số gian
lẻ một, ba, năm, và thường có hai chái ở
trước, sau nhà. Chái nhà trước rộng rãi và là
nơi sinh hoạt chính của gia đình: ăn uống,
hóng gió, tiếp bà con hàng xóm, Ở đây,
không gian được tổ chức đơn giản và cởi mở
nhưng lại thành nét văn hóa đặc trưng cho
ngôi nhà Việt. Gian nhà chính là không gian
linh thiêng nên được đặt bàn thờ tổ tiên và
chỉ tiếp khách quan trọng. Đàn ông trong gia
đình thì ở bên trái, buồng phụ nữ thì ở bên
phải gắn với khu phụ, bếp núc trong nhà.
Trong bố cục nhà dân gian thường xuất hiện
hai khối kiến trúc đó là: gian nhà chính và
nhà Đông bên phải kết hợp với nhau trên
mặt bằng thành hình chữ “L”. Thể loại nhà
này rất phù hợp với kiểu khí hậu Nam Trung
Bộ và tập quán sinh hoạt của người dân.
Về thể loại nhà ở Nam Trung Bộ thì
đa dạng phong phú theo chủng loại vật liệu,
gồm có: nhà xây dựng bằng gỗ, gạch ngói,
tranh tre vách đất, mái lá, Đối với loại
nhà gỗ xưa thì nhà rường cột (nhà rường) là
một loại chính thường được xây dựng. Nhà
rường phổ biến, phân bố khắp vùng vì có
nhiều ưu điểm. Theo thư tịch cổ thì “Rường”
có nghĩa là ràng lại, trên là xuyên trính dưới
là đá (ngạch), chân cột kê trên đá. Tất cả hợp
thành một bộ khung vững chắc, đây là cách
thiết kế có tác dụng thích ứng với tự nhiên
thường mưa bão, nắng hạn. Trước khi dùng
người ta phải chọn lựa, xử lý gỗ rất kỹ. Nhà
gỗ cũng có sự kết hợp giữa vật liệu gạch để
xây tường bảo vệ bên ngoài.
Nhà rường gỗ dân gian của vùng
thường được lợp mái bằng lá. Loại lá thường
gặp nhất và phổ biến là lá tranh, có đôi khi
người ta cũng dùng lá dừa, rơm (cây lúa sau
khi gặt) để thay thế. Thể loại nhà Mái Lá này
trở một loại nhà dân gian đặc sắc trong vùng.
Đây là một sự sáng tạo và dung hợp văn hóa
giữa người Việt (Nam tiến) với người Chăm
địa phương trong việc thiết kế và ứng xử với
môi trường sống nhằm phục vụ nhu cầu ở.
Quan hệ giữa gia chủ với ngôi nhà thể
hiện qua thước tầm, một loại thước đo khá
đặc biệt. Khi làm nhà cho ai người thợ cả lấy
chiều dài đốt út của chủ nhân làm đơn vị cơ
bản cho cái thước.
1.3. Hình thức trang trí
Các chi tiết cấu tạo kiến trúc với các
hoa văn hình học tinh xảo và chạm khắc gỗ
thường thấy là hình các con vật, đồ vật dân
dã như: phụng, rùa, sóc, cá, nai, các loại
cây như: trúc, lan, cúc, lựu, bát bửu, ốc,
binh, tù và, cái tán, hoa sen, với kỹ thuật
khá điêu luyện. Nghệ thuật chạm khắc thể
hiện triết lý làm người, tinh thần mong ước
bình an, no đủ trong cuộc sống.
2. Những nhân tố hình thành sắc thái kiến
trúc dân gian Vùng Nam Trung Bộ
Kiến trúc dân gian hình thành trong
vùng chịu nhiều ảnh hưởng của các yếu tố
khác nhau như sau:
2.1. Đặc điểm tự nhiên
2.1.1 Vị trí địa lý:
Vị trí địa lý và lịch sử của ba tỉnh: Bình
Định, Phú Yên, Khánh Hòa thuộc vùng khảo
sát có liên hệ mật thiết với nhau. Các tỉnh
này đều có đặc điểm là phía Đông tiếp giáp
biển Đông với các bờ biển dài và nhiều hải
đảo; phía Tây là sườn Đông của dãy Trường
Sơn với các vùng trung du và những dãy núi
đâm ra biển [1]. Về việc đi lại ngày xưa ở
trong vùng và liên hệ với các tỉnh lân cận có
phần ít thuận tiện do bị chia cắt bởi đồi núi,
biển cả, các con sông. Cũng chính vì thế mà
dẫn đến sự hình thành những tiểu vùng văn
hóa có nhiều nét tương đồng và khác biệt so
Thông báo Khoa học và Công nghệ* Số 2-2012 70
với các vùng lân cận. Giao thông thủy phát
triển mạnh về phía biển Đông với nhiều vịnh,
bến cảng tốt. Với vị trí địa lý của mình, vùng
đất này đã từng có những mối liên hệ thuận
tiện với nhiều quốc gia khác đồng thời giao
lưu và chịu ảnh hưởng của các nền văn hóa
đó từ rất sớm. (H.1)
H .1. Dạng địa hình đồi núi đâm ra biển kết hợp với
dạng đồng bằng châu thổ ven sông là một trong
những dạng địa hình đặc trưng cho vùng Nam Trung
Bộ (Thành phố biển Nha Trang).
[Nguồn sưu tầm]
2.1.2 Khí hậu thủy văn
Khí hậu trong vùng về bản chất là khí
hậu nhiệt đới gió mùa nhưng lại kèm theo
tính khí hậu vùng biển, đại dương nên nóng
ẩm, mưa nhiều. Tần suất gió thường khác
nhau và có nhiều hướng thay đổi liên tục,
ngay cả trong một ngày cũng có thể xuất
hiện những hướng gió khác nhau. Sông ngòi
đều bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, số lượng
tương đối nhiều nhưng ngắn và dốc, lượng
nước phân không đều cạn khô vào mùa nắng
và thường gây lũ quét vào mùa mưa [2].
Như vậy về khí hậu thủy văn trong
vùng Nam Trung Bộ so với miền Nam thì có
phần khắc nghiệt hơn, tuy nhiên khí hậu
nhìn chung tương đối ôn hòa hơn miền Bắc
và vùng Bắc Trung Bộ. Trong vùng do địa
hình tương đối phức tạp và đặc biệt nên khí
hậu vì thế cũng có nhiều sự biến đổi tạo ra
các tiểu vùng khí hậu khác nhau giữa vùng
đồng bằng châu thổ ven sông, vùng ven biển
và miền núi. Công trình kiến trúc trong vùng
do đó thường nằm ở các vị trí đất đai cao
ráo hoặc phải tôn nền lên cao để tránh lụt
và có những giải pháp riêng để thích nghi
với khí hậu trong vùng.
2.1.3 Địa hình – địa chất – thổ nhưỡng
Địa hình của khu vực Nam Trung Bộ
tương đối phức tạp, thấp dần từ Tây sang
Đông với các dạng địa hình đồi núi, đồng
bằng châu thổ ven sông, ven biển và hải đảo.
Nhiều dãy núi đâm ra biển và chia cắt địa
hình tạo ra những vùng đất nhỏ hẹp. Đặc
điểm địa hình cũng tạo ra cảnh quan phong
phú, vừa đa dạng lại vừa có được tính đặc
thù của mỗi tiểu vùng, vừa mang tính đan
xen và hòa nhập (H.2). Địa chất. Độ ổn định
của các tầng địa chất là tương đối tốt, cường
độ chịu lực khá cao.
H .2. Dạng địa hình núi đá chạy ra sát biển tạo ra
những đầm vịnh nước lợ, cảng biển sâu, kín gió
a. Đầm Ô Loan – Phú Yên.
b. Hòn chồng – Khánh Hòa
[Nguồn sưu tầm]
Thổ nhưỡng tự nhiên gồm nhiều loại
đất: Đất cát ven biển, Đất mặn phèn, Đất phù
sa, Đất xám, Đất đen, Đất nâu vàng, nâu đỏ
trên đá bazan, Đất màu vàng đỏ, Đất vàng đỏ
trên đá macmacaxi. Rừng chiếm một diện
tích lớn với nhiều loại gỗ quý.
Những công trình như tháp Chăm, nhà
Mái Lá, là những thể hiện sinh động cho
việc ứng dụng các loại vật liệu được chế tạo
Thông báo Khoa học và Công nghệ* Số 2-2012 71
từ các nguồn khoáng sản đất như gạch-ngói
sống và nung; đất sét trộn rơm, thường là
những vật liệu phổ biến, khá phát triển.
Người dân cũng biết dùng đá vôi, san hô, vỏ
sò, để sản suất ra vôi, vật liệu kết dính.
2.2. Đặc điểm kinh tế – xã hội
Lịch sử hình thành: về gốc tích có thể
xem Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa trước
kia là đất của vương quốc Chămpa; người
Chiêm gọi vùng Bình Định là Vijaya, gọi
vùng Khánh Hòa là Kauthana cả hai đều
từng là những kinh đô cũ của người Chăm và
Phú Yên là vùng đất ở giữa hai kinh đô cổ
này. Về sau vùng này được người Việt thu
phục và chiếm lĩnh trong quá trình Nam tiến.
Dân cư, dân tộc Tại vùng Nam Trung
Bộ chủ yếu là người Kinh chiếm đa số, có
nguồn gốc từ vùng đồng bằng Bắc Bộ [3]. Các
dân tộc thiểu số khác có số lượng người ít hơn
chủ yếu là người Chăm. Vấn đề kinh tế – xã hội
chủ yếu của vùng chính là nông nghiệp dựa vào
việc trồng cây lúa nước. Người dân địa phương
vùng biển sinh sống chủ yếu dựa vào khai thác,
đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản. Nguồn kinh
tế khai thác từ lâm đặc sản cũng mang lại một
giá trị nhất định.
Dân cư có kinh tế ở mức trung bình,
không quá giàu có cũng không quá nghèo
khó. Xét về quy mô các công trình kiến trúc
thì thường nhỏ và chưa có sự tập trung cao
độ về tài chính, công trình có xu hướng hòa
vào tự nhiên. Tài năng nghệ thuật, kỹ thuật
chứa đựng sự tiềm tàng to lớn cho thấy khả
năng phát triển tư duy của người Nam Trung
Bộ cũng đã ở đỉnh cao của nhân loại.
2.3. Văn hoá vùng đồng bằng duyên hải
Nam Trung Bộ
2.3.1 Yếu tố văn hoá nông nghiệp trồng
lúa nước
Cách thức sản xuất của nền nông
nghiệp trồng lúa nước làm xuất hiện hình thức
cư trú theo cộng đồng làng xã, mang nhiều
nét đặc thù như: ý thức đoàn kết cộng đồng
cao từ đó đã thúc đẩy tính dân chủ làng xã; ý
thức tự trị thông qua các lệ làng và hương
ước; diện mạo văn hóa mỗi làng một khác
theo tùy cách thức ứng xử với các điều kiện
tự nhiên, lao động, sinh hoạt, đồng thời tính
đa thần là đặc điểm nổi bật trong đời sống tín
ngưỡng ở làng. Nghề nghiệp và kinh nghiệm
được lưu truyền cục bộ theo kiểu cha truyền
con nối. Hình thức tổ chức và xây dựng các
công trình kiến trúc trong làng thường được
do các người cao tuổi và các nhóm thợ địa
phương thực hiện. Chính vì vậy mà hầu như
tất cả các thể loại kiến trúc mang đậm dấu ấn
của dân gian từng vùng. (H.3)
2.3.2 Yếu tố văn hoá của dân cư vùng biển
Đối với ngư dân thì Biển là nguồn
sống của họ, kinh tế vì thế phụ thuộc rất nhiều
vào hiệu quả đánh bắt, khai thác thủy hải sản
từ biển. Trong cuộc sống, ngư dân phải nhờ
vào kinh nghiệm, sự mạnh mẽ và thành kính
tôn thờ các thần thánh của biển cả. Cộng đồng
ngư dân biển hình thành và có ý thức cộng
đồng, bảo bộc nhau rất chặt chẽ. Nhà cửa
được xây dựng san sát bên nhau rất đơn giản,
chủ yếu tập trung vào các phương tiện sản
xuất. Về tâm linh ở vùng biển này người ta rất
tôn thờ thần biển thông qua hình tượng của
cá "Ông" [4]. Tín ngưỡng trong cộng đồng
ngư dân rất sinh động, riêng với Phật Giáo
trong vùng người dân thờ Phật Quan Âm
bằng những quan niệm gần gũi và gắn với văn
hóa biển rõ nét. (H.4)
Những nét văn hóa riêng ấy được hình
thành và phát triển từ hình thức lao động trên
biển. Nét văn hóa riêng của người Việt Bắc
Bộ, cùng với sự giao thoa từ nét văn hóa
biển gốc Chăm đã hình thành nên những nét
văn hóa biển Nam Trung Bộ riêng biệt.
Thông báo Khoa học và Công nghệ* Số 2-2012 72
H .3. Đồng quê, làng xã vùng Nam Trung Bộ gắn
liền với hoạt động trồng lúa nước mang tính mở,
phóng khoáng hơn (Ninh Hòa – Khánh Hòa).
[Nguồn: tác giả]
H .4. Làng biển gắn liền với các hoạt động nông -
ngư nghiệp, nhà cửa ngư dân xây dựng san sát bên
nhau, không phải vì thiếu đất đai mà vì thể hiện tính
cộng đồng cao
a. Làng biển ở Qui Nhơn – Bình Định )
b. Làng biển ở Tuy An – Phú Yên ).
[Nguồn: tác giả]
2.3.3 Yếu tố văn hoá của người dân tộc
thiểu số
Đa số người dân tộc thiểu số sống ở
các vùng miền núi, nền kinh tế chủ yếu dựa
vào nương rẫy, săn bắn, hái lượm cây trái
trong núi rừng. Người dân tộc thiểu số có
nhiều nét tinh tế nhiều hơn người Việt mô tả
trong các sử cũ.
Người Việt ở Nam Trung Bộ chịu sự
ảnh hưởng tương đối rõ và dễ nhận thấy
nhất là hệ giá trị văn hóa vật chất - tinh thần
của người Chăm. Những ảnh hưởng văn hóa
Chăm vào người Việt chủ yếu về mặt tinh
thần nghệ thuật và công nghệ xây dựng. Các
tháp Chăm tồn tại cho tới ngày nay đã trải
nhiều thế kỷ, tuy có nhiều hư hỏng nhưng
vẫn thể hiện được sự vững chắc với thời
gian. Một số không nhỏ công trình đền tháp
Chăm vẫn được người Việt sử dụng và
đương nhiên chúng cũng được Việt hóa về cả
nội dung lẫn hình thức.(H.5). Nhiều tác
phẩm điêu khắc, hình tượng thần, chim thú
vẫn còn lưu truyền trong dân gian minh
chứng rõ nét cho các cuộc giao lưu, ảnh
hưởng lẫn nhau của hai dân tộc Việt – Chăm.
Nhiều tục lệ, nét văn hóa có nguồn gốc từ
người Chăm vẫn tồn tại trong sinh hoạt của
cộng đồng người Việt. (H.6)
H.5. Đền tháp Chăm vẫn được người Việt sử dụng
và được Việt hóa [Nguồn: tác giả]
a. Tháp Chăm ở Bình Định
b. Tháp Chăm ở Khánh Hòa
H.6. Dấu tích văn hóa Chămpa với nhiều di tích, di
sản văn hóa hữu thể và di sản văn hóa vô thể được
người Việt tiếp nhận, Việt hóa chúng (a,b)
[Nguồn: tác giả]
a. Thờ bà Thiên Y (thần người Chăm) vẫn tồn tại trong
tín ngưỡng dân gian (miếu bà ở Phú Lâm - Phú Yên)
b. Thờ Cá Ông (cá Voi), thần biển trong các lăng
làng biển.(Lăng Đông Tác – Phú Yên)
Thông báo Khoa học và Công nghệ* Số 2-2012 73
2.3.4 Yếu tố văn hoá tâm linh
Tục thờ vong linh - tổ tiên: Người
Việt cho đến nay vẫn cơ bản giữ nguyên
được tinh thần, ý nghĩa, quan niệm thờ
phụng vong linh ông bà, tổ tiên, người khuất
mặt. Nét văn hóa này đi sâu, hòa vào các tôn
giáo, các công trình kiến trúc và trở thành
một phần không thể thiếu của nó.
Phật Giáo: được truyền vào Việt Nam
từ những năm đầu công nguyên, vào thời kỳ
nội thuộc Trung Quốc. Phật Giáo đã đến
Việt Nam trước tiên bằng đường biển thông
qua các thương nhân và tăng sĩ Ấn Độ. Việc
linh hoạt trong cách tiếp biến văn hóa Phật
Giáo tại Nam Trung Bộ đã tạo ra một bản
sắc Phật Giáo riêng biệt. Phật Giáo đã hòa
mình vào trong tinh thần, đời sống cộng
đồng và hiện có rất đông người theo đạo
Phật. Các công trình kiến trúc chùa có ở
khắp nơi [5]. Trong lịch sử giành độc lập và
phát triển Phật Giáo thật sự đã để lại một dấu
ấn quan trọng đáng được ghi nhận.
Nho giáo và Lão giáo: Nho giáo du
nhập vào nhập vào Việt Nam khoảng cuối thế
kỷ II và đến thế kỷ XV vào đời nhà Lê thì
Nho giáo trở thành hệ tư tưởng chính thống
trong xã hội phong kiến Việt Nam. Nho giáo
xem trọng việc giáo dục cho mọi người tuy
nhiên không coi trọng kinh tế - kỹ thuật của
xã hội. Lão giáo du nhập vào nước ta cùng
thời gian với Nho giáo, theo người Việt vào
Nam Trung Bộ, bị biến thành các thuật tu
tiên, thuật trừ tà bắt yêu, thuật phong thủy để
xem hướng xây dựng nhà cửa, mồ mả, bói
toán tử vi, Âm dương ngũ hành là tư tưởng
biện chứng thời cổ đại ảnh hưởng sâu rộng
nhất trong thế giới quan của người Á Đông
trong đó có cả người Việt. Nho giáo, Lão
giáo, Âm Dương Ngũ hành hòa vào trong tâm
trí người Việt nói chung và vùng Nam Trung
Bộ nói riêng một cách sâu đậm. Tuy là tư
tưởng được du nhập từ bên ngoài nhưng
người Việt đã biến nó thành một nét văn hóa,
tư tưởng truyền thống trong vùng.
Văn hoá tâm linh khác: Người Việt
còn có những tín ngưỡng tâm linh khác như:
tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng sùng bái tự
nhiên, thờ Thổ Công, Táo Quân, Thành
Hoàng làng, tục thờ Bà, nữ thần,
Sự dung hoà các yếu tố văn hoá tâm
linh : Những tư tưởng Phật Giáo và Nho
giáo, Đạo giáo, đã kết hợp chặt chẽ với
cuộc sống cộng đồng dân tộc góp phần nhất
định trong công cuộc xây dựng, bảo vệ xã
hội Việt Nam trong lịch sử. Trong đó, có cả
các thành tựu về kiến trúc, tạo nên bản sắc
hấp dẫn, thú vị mang đầy màu sắc phương
Đông.Văn hóa tâm linh vùng Nam Trung Bộ
cùng với tinh thần bao dung của dân tộc đã
tạo nên những bản sắc riêng biệt. Sự dung
hòa các yếu tố tâm linh khác nhau vừa thể
hiện tính dân tộc vừa thể hiện tính triết lý
“vạn pháp quy tông”.
3. Luận bàn
Công trình Kiến trúc có quá trình
hình thành và sự hiện thân của nó bị chi phối
bởi rất nhiều yếu tố mang những tính chất
khác nhau như: điều kiện tự nhiên, tư tưởng,
văn hóa, xã hội, kỹ thuật, kinh tế,
Khi tất cả những thành tố trên hội tụ
đầy đủ thì kiến trúc mới có thể sinh ra, chúng
cũng sẽ bị hủy diệt khi các thành tố cấu
thành đó thay đổi hoặc mất đi. Một khi hiểu
rõ những điều kiện hình thành, những
nguyên tố gốc cơ bản thì sự hình thành của
kiến trúc và căn nguyên những biến thể đa
dạng hầu như sẽ dễ dàng được làm sáng tỏ
cùng với những quy luật, nguyên tắc sinh ra
nó. Người dân Nam Trung Bộ trải qua nhiều
đời định cư trên vùng đất này đã phát hiện và
vận dụng một cách tổng hợp, linh hoạt những
Thông báo Khoa học và Công nghệ* Số 2-2012 74
quy luật về tự nhiên, văn hóa dưới nhiều hình
thức đa dạng. Nội hàm trong kiến trúc dân
gian được thể hiện một cách tinh tế qua tác
động từ nhiều góc độ của các yếu tố hình
thành nên kiến trúc. Sắc thái dân gian thông
qua các công trình kiến trúc đã được lưu tồn
vững chắc (H.7). Khi tiến hành nghiên cứu,
thiết kế kiến trúc thì nhất thiết cần hết sức
chú trọng những đặc điểm văn hóa của người
dân trong từng vùng nhằm đúc kết, đưa ra
các kết luận, tác phẩm có giá trị và mang tính
khoa học thực tiễn.
a. Gian nhà chính và nhà Đông bên phải kết hợp với
nhau trên mặt bằng thành hình chữ “L”
b. Nhà gạch gỗ được cải tạo từ nhà mái lá truyền thống
c. Nhà cũ có hình dáng nhà mái lá truyền thống
H. 7. Nhà dân gian truyền thống vùng Nam Trung Bộ
[Nguồn: tác giả]
Cộng đồng người Việt trong quá trình hình
thành, định cư và phát triển đã chịu nhiều tác
động của nhiều nền văn hóa lớn khác nhau
như Trung Hoa, Ấn Độ, cùng với những
đặc tính riêng biệt xuất phát từ văn hóa bản
địa đã hình thành nên một sắc thái văn hóa
độc đáo. Chính nền tảng về những bản sắc
văn hóa đó đã giúp cho người Việt vượt qua
nhiều giai đoạn lịch sử đầy thăng trầm, phức
tạp thể hiện một sức sống mãnh liệt, bất
khuất. Sắc thái dân gian trong kiến trúc vùng
Nam Trung Bộ là một trong những thể hiện
xuất sắc của người Việt trong tiến trình phát
triển, khai hoang, định cư tại vùng đất mới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Lê Bá Thảo, Việt Nam: lãnh thổ và các vùng địa lý, nxb Thế Giới, Hà Nội, 2001.
[2]. Phạm Ngọc Toàn – Phan Tất Đắc, Khí hậu Việt Nam, nxb khoa học và kỹ thuật 1978.
[3]. Lê Hồng Lý, Những luồng di cư của người Việt vào Nam Trung Bộ và một số sắc thái
văn h.óa của nó, Viện nghiên cứu văn hóa, Hà Nội, 2004.
[4]. Nhiều tác giả, Văn hóa vùng Biển, tập hợp các bài viết tham luận tại hội thảo do hội
VNDG – VHCDT tỉnh Phú Yên tổ chức tháng 10 – 2004.
[5]. Nguyễn Đức Hiền, Lịch sử Phật Giáo Đàng Trong, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1995.
[6]. Nguyễn Khởi, Ảnh hưởng triết học phương Đông trong kiến trúc truyền thống Việt Nam,
tạp chí KT và ĐS số 28/1999.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- nhan_to_hinh_thanh_sac_thai_kien_truc_dan_gian_vung_nam_trun.pdf