BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
-------------------------
TRẦN THÚY AN
NGƯỜI PHỤ NỮ HIỆN ĐẠI
QUA CÁI NHÌN CỦA MỘT SỐ
NHÀ VĂN NỮ
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 60 22 34
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS. TS. HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Thành phố Hồ Chí Minh – 2007
LỜI CẢM ƠN
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với tất cả các thầy cô giáo đã dạy dỗ tôi
trong quá trình học Cao học tại Trường Đại học Sư Phạm Tp. H
125 trang |
Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 1690 | Lượt tải: 1
Tóm tắt tài liệu Người phụ nữ hiện đại qua cái nhìn của mỗi số nhà văn nữ, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ồ Chí Minh.
Tôi xin đặc biệt cảm ơn PGS.TS. Huỳnh Như Phương, người đã hướng dẫn tôi
làm luận văn này. Chính thầy đã gợi ý đề tài, cung cấp tài liệu, đọc luận văn và góp ý
nhiều lần để luận văn được hoàn thiện như ngày hôm nay.
Tôi xin trân trọng cảm ơn Giám đốc Sở GDĐT Tp. HCM, Trưởng phòng
GDĐT Quận 1, Ban giám hiệu Trường THCS Trần Văn Ơn Quận 1 và các đồng
nghiệp ở bộ môn văn đã quan tâm giúp đỡ và tạo điều kiện cho tôi được đi học.
Tôi xin cảm ơn các nhà văn Dạ Ngân, Lý Lan, Võ Thị Hảo đã trả lời phỏng
vấn; cảm ơn các nhà văn Phong Điệp, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà đã cung cấp tư liệu để
luận văn có thêm sức thuyết phục.
Xin cảm ơn gia đình đã là điểm tựa vững chắc để tôi hoàn thành nhiệm vụ học
tập.
Xin chân thành cảm ơn tất cả!
MỞ ĐẦU
1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI VÀ MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU
Trong xã hội Việt Nam xưa, người phụ nữ có duyên với nghiệp văn chương rất
hiếm. Hiếm bởi người Việt Nam quan niệm đàn bà con gái sinh ra là để làm vợ, làm
mẹ, chứ không phải để thi thố tài năng. Họ không được học hành nên hầu như không
biết chữ. Cái quan niệm ấy ăn sâu vào máu thịt con người bởi ngay từ khi con còn
trong nôi mẹ đã ru rằng:
Gái thời giữ việc trong nhà
Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa
Trai thời đọc sách ngâm thơ
Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa
Ấy thế mà vẫn có những nữ sĩ được lưu danh muôn thuở. Đó là những gương
mặt thi ca đặc biệt xuất chúng mà có thể kể ra đây hai đại diện tiêu biểu: Hồ Xuân
Hương và Bà Huyện Thanh Quan. Các nhà nghiên cứu văn học của ta đã tốn không ít
giấy mực để viết về cuộc đời và sáng tác thơ văn của hai bậc nữ lưu kì tài này.
Cùng với thời gian, quan niệm của xã hội về người phụ nữ có những thay đổi.
Con số phụ nữ viết văn, làm thơ tăng dần lên. Hoài Thanh trong cuốn “Thi nhân Việt
Nam” xuất bản năm 1942 đã giới thiệu bảy nhà thơ nữ trên tổng số 46 nhà thơ. Sau
1945, ở miền Bắc, số lượng các cây bút nữ tăng lên nhiều. Theo tác giả Châm Khanh
trong bài “Phụ nữ và văn chương” đăng tải trên trang báo điện tử tienve.org, trong cả
thảy hơn 750 hội viên chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam từ 1957 đến 1997 có
hơn 70 tác giả nữ, chiếm tỉ lệ chưa tới 10% nhưng đã cao hơn trước. Còn theo Võ
Phiến trong cuốn “Văn học Miền Nam, tổng quan” thì ở miền Nam từ 1954 đến 1975
trong số khoảng 60 tác giả tương đối có tiếng tăm, các cây bút nữ chiếm tỉ lệ 17%.
Những năm cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI, văn đàn Việt Nam chứng kiến sự
bùng nổ về số lượng các nhà văn, nhà thơ nữ. Khó mà thống kê được con số chính
xác, nhưng lượng tác phẩm của họ nhiều không kém gì các đồng nghiệp nam. Có
người đặt câu hỏi : Tại sao thời điểm hiện nay lại xuất hiện nhiều cây bút nữ như
vậy? Câu hỏi này đã có nhiều người tìm cách lí giải, nhưng khó mà tìm ra câu trả lời
thấu đáo. Đó cũng là một trong những lí do khiến chúng tôi chọn nghiên cứu sáng tác
của các nhà văn nữ. Cũng phải nói rằng, tuy là phụ nữ, nhưng cũng như các nhà văn
nam giới, họ khai thác những vấn đề đa dạng, đa chiều của hiện thực cuộc sống muôn
màu muôn vẻ. Thế nhưng vì thuộc phái nữ nên trang văn của họ đậm chất nữ tính:
trắc ẩn, khoan dung, tinh tế và đằm thắm. Nhân vật chính của họ khá đa dạng với mọi
kiểu người ở những lứa tuổi khác nhau, nhưng nổi lên vẫn là những thân phận phụ nữ
bé nhỏ giữa dòng chảy ào ạt của cuộc đời. Tất nhiên, những nhà văn nam giới cũng
để nhiều tâm huyết viết về phụ nữ, nhưng nhân vật phụ nữ dưới cái nhìn của các nhà
văn nữ giới vẫn có nét độc đáo riêng, là một đề tài hấp dẫn, cần được quan tâm
nghiên cứu.
2. GIỚI HẠN ĐỀ TÀI VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
Tên đề tài là Người phụ nữ hiện đại qua cái nhìn của một số nhà văn nữ cho
thấy phạm vi chúng tôi khảo sát nằm trong các sáng tác của các nhà văn nữ có tiếng
vang trong thời kì hiện nay.
Thuật ngữ “hiện đại” có hai nghĩa: 1) Hiện đại chỉ một giai đoạn phát triển
trong lịch sử nhân loại gắn liền với thời đại công nghiệp cổ điển; 2) Hiện đại đồng
nghĩa với đương đại, cái hiện thời, hiện kim. Thuật ngữ “hiện đại” trong đề tài của
luận văn được hiểu ở nghĩa thứ hai. “Người phụ nữ hiện đại” trong đề tài nghiên cứu
của chúng tôi là những người phụ nữ ở thời điểm cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI, chứ
không phải là những nhân vật nữ thời Tự lực văn đoàn, thời chống Pháp, chống Mỹ.
Và cụm từ “một số nhà văn nữ” cũng nhắm đến những nhà văn hiện còn đang sáng
tác, đang sống trong bầu không khí nghệ thuật của văn đàn Việt Nam đương thời.
Do số lượng nhà văn nữ của chúng ta hiện nay rất đông đảo, nên chúng tôi sẽ
không thể khảo sát được sáng tác của tất cả những nhà văn nữ. Vì vậy, chúng tôi sẽ
lựa chọn một số gương mặt tiêu biểu, đó là những nhà văn lấy người phụ nữ hiện đại
làm đối tượng thẩm mĩ. Ngay cả ở những nhà văn này, chúng tôi cũng sẽ lựa chọn
những tác phẩm tiêu biểu của họ về đề tài người phụ nữ hiện đại. Những nhà văn nữ
sau đây đã được chúng tôi cân nhắc lựa chọn làm đối tượng để khảo sát:
- Y Ban
- Võ Thị Xuân Hà
- Võ Thị Hảo
- Phạm Thị Hoài
- Nguyễn Thị Thu Huệ
- Lý Lan
- Trần Thùy Mai
- Bích Ngân
- Dạ Ngân
- Thuận
Ngoài ra chúng tôi sẽ tham khảo thêm tác phẩm của các nhà văn lớp trước như:
Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn Minh Dậu, Lê Minh Khuê, Phạm Thị Ngọc Liên, Nguyễn
Thị Anh Thư, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Trần Thị Trường.
Sự lựa chọn trên đây có thể làm cho một vài người không khỏi băn khoăn.
Những câu hỏi có thể xuất hiện, chẳng hạn như: “Tại sao những cây bút có bản sắc
riêng như Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Tư lại không có mặt?”, hay “Tại sao lại
chọn nhà văn này vào đối tượng khảo sát chính, trong khi nhà văn kia lớn hơn nhiều
mà chỉ được đặt ở phạm vi tham khảo?”. Theo suy nghĩ của chúng tôi, mọi sự chọn
lựa đều có tính chất tương đối. Vả lại, rất nhiều nhà văn nữ nổi tiếng của chúng ta lại
không lấy người phụ nữ hiện đại làm đối tượng thẩm mĩ, mà cái nhìn của họ hướng
về những đối tượng khác, những vấn đề khác. Với khả năng còn hạn hẹp của mình,
chúng tôi chỉ dám lựa chọn một mảng nhỏ trong sáng tác của các nhà văn nữ để
nghiên cứu. Mọi sự tiếc nuối về một giới hạn buộc phải đặt ra ở luận văn này xin
dành lại cho một công trình khác có quy mô lớn hơn trong tương lai.
3. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ
Ngay tựa đề của luận văn đã cho thấy đối tượng mà luận văn hướng tới là
“người phụ nữ hiện đại”, đó là vấn đề của “cái ngày hôm nay”, do đó những công
trình nghiên cứu về nó thật ra chưa đủ nhiều để góp thành lịch sử. Vấn đề mà chúng
tôi nghiên cứu chỉ là một phần nhỏ trong mảng đề tài lớn: “Người phụ nữ Việt Nam
trong sáng tác của các nhà văn nữ” hoặc lớn hơn nữa: “Người phụ nữ Việt Nam
trong văn học”. Đã có một vài công trình nghiên cứu về đề tài người phụ nữ Việt
Nam trong văn học. Chúng tôi xin điểm qua một số bài viết và công trình nghiên cứu
mà chúng tôi may mắn có trong tay.
Trên các báo và tạp chí:
Cách đây tròn bốn mươi năm, Tạp chí Văn học số 9 năm 1967 đã đăng bài viết nhan
đề “Nhân vật phụ nữ nông thôn trong truyện ngắn của Vũ Thị Thường” và sau đó
một năm, lại tiếp tục đăng bài “Nhân vật phụ nữ ba đảm đang qua sáng tác của một
số nhà văn nữ” của cùng một tác giả là Lê Thị Đức Hạnh. Mười năm sau, Tạp chí
Văn học dành hẳn một số (số 1 năm 1978) giới thiệu những cây bút nữ nghiên cứu
văn học. Trong số này có nhiều bài đáng quan tâm về đề tài phụ nữ như “Nhìn qua
những tác phẩm viết về đề tài phụ nữ trong văn học chữ Hán thế kỉ XVIII đến đấu thế
kỉ XIX” của Trần Thị Băng Thanh hay “Người phụ nữ Việt Nam xã hội chủ nghĩa và
cuộc Cách mạng khoa học kĩ thuật trong văn học” của Đoàn Thị Hương. Đến số
tháng 3 năm 1979, Tạp chí Văn học lại đăng bài “Đề tài phụ nữ trong văn học yêu
nước thời cận đại” của Trịnh Thu Tiết. Nhìn lại quá khứ, chúng tôi nhận thấy đề tài
người phụ nữ trong văn học đã được nhiều người quan tâm nhưng ngay ở tựa đề các
bài viết trên cũng cho chúng ta thấy rằng đối tượng thẩm mĩ của các nhà văn là người
phụ nữ thời phong kiến, thời chống Pháp, chống Mỹ. Bẵng đi một thời gian, Tạp chí
Văn học số 6 năm 1996 có bài tường thuật của Vương Trí Nhàn tập hợp ý kiến của
các cây bút phê bình: Đặng Anh Đào, Văn Tâm, Vương Trí Nhàn, Lại Nguyên Ân,
Phạm Xuân Nguyên; hai nhà văn: Lê Minh Khuê, Võ Thị Hảo; hai nhà thơ: Ngô Thế
Oanh và Đặng Minh Châu. Cuộc trao đổi xoay quanh những vấn đề: chỗ mạnh và chỗ
yếu của nhà văn nữ; triển vọng của họ đối với nghề văn; cây bút nữ nào đang nổi
lên? có đóng góp gì? và ai có thể đi xa? Vương Trí Nhàn cho rằng phụ nữ bắt mạch
thời đại nhanh hơn nam giới bởi họ có sự nhạy cảm riêng. Họ luôn gần với cái lỉnh
kỉnh, dở dang của đời sống. Mặt khác, với cái cực đoan sẵn có – tốt, dịu dàng, rộng
lượng thì không ai bằng, mà nhỏ nhen, chấp nhặt, dữ dằn cũng không ai bằng, từng
cây bút phụ nữ tìm ra mặt mạnh của mình khá sớm, định hình khá sớm. Cùng chung
suy nghĩ này với Vương Trí Nhàn còn có Văn Tâm, khi ông nhấn mạnh rằng từ khi
mới xuất phát, các cây bút nữ thường đã đạt đến độ chín. Đặng Anh Đào, một
chuyên gia về văn học phương Tây, nhưng lại có nhiều bài viết phê bình sắc sảo về
văn học Việt Nam đương đại thì lại thấy điểm mạnh của phụ nữ chính là ở chỗ họ
đưa tất cả cuộc đời và tâm hồn họ vào trang sách. Còn nhà văn nữ Lê Minh Khuê khi
nghĩ về những người viết cùng giới với mình lại bị chi phối bởi một cảm giác nước
đôi: Một mặt, nhiều chị em bộc lộ một tài năng rõ rệt, không lèm nhèm, không mờ
nhạt. Mặt khác, sao vẫn cảm thấy, đặt trong hoàn cảnh chung, rồi mỗi người cũng
đến thế thôi, không bao giờ có cái gọi là đồ sộ, vĩ đại ở những cây bút nữ này cả.
Trong tất cả các ý kiến đó, chúng tôi cảm thấy tâm đắc nhất với những nhận xét của
nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên. Theo ông, xu thế dân chủ hóa đời sống,
mà người ta hay nói, vào trong văn chương, bộc lộ ra thành một quan niệm cới mở về
nghề văn: văn chương như một trò chơi, ai thử cũng được, khi nào còn thích thì làm,
không thích thì bỏ… có lẽ cái sự cởi mở ấy đã được nhiều chị em phụ nữ cảm thấy
một cách đầy đủ, sâu sắc, và họ đã viết. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý là có những người
viết với một quan niệm hẳn hoi, như Pham Thị Hoài, hoặc ở Phan Thị Vàng Anh các
trang viết có một bề dày văn hóa rõ rệt. Rồi ông kết luận đội ngũ các nhà văn nữ hiện
nay khá đa dạng, mỗi người có một gam riêng, chứ không thuần bản năng như có
người nghĩ. Nhìn chung, những người tham gia bộc lộ một cách khá thẳng thắn quan
điểm của mình về những vấn đề nêu trên, nhiều ý kiến tỏ ra có sự theo dõi sát sao con
đường đi của các nhà văn nữ, nhưng vì là một cuộc trò chuyện văn chương, nên
những vấn đề chỉ được nêu mà chưa được bàn sâu.
Báo Nông nghiệp Việt Nam, số 138 năm 2001, tác giả Văn Chinh có bài giới
thiệu “Tuyển văn tác giả nữ Việt Nam” với tiêu đề “Văn nữ thế kỉ XX – một tuyển tập
đáng quý”. Trong bài viết, ngoài việc giới thiệu một số tác giả, tác phẩm tiêu biểu,
Văn Chinh đã khái quát nên một số đặc điểm của văn nữ Việt Nam như: “nữ tính
được miêu tả thật hơn, sâu hơn”; “giữa cái tốt, cái xấu trải ra rộng hơn và lắm cung
bậc hơn”; “khi các nhà văn nam đang cảm thấy mệt mỏi, bế tắc thì sự xuất hiện của
các nhà văn nữ đã mang đến cho văn xuôi sự tươi tắn, trẻ trung có vẻ như do nữ tính
của họ phát tiết và được nhìn dưới ánh sáng của trí tuệ thời đại”.
Báo Văn Nghệ, số 10 năm 2007, tác giả Dương Thuấn có bài “Văn học dân tộc
thiểu số ngày càng thêm nhiều cây bút nữ”. Trong bài viết, tác giả chỉ ra được các
gương mặt nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học là nữ của các dân tộc thiểu số.
Có khoảng 13 nhà thơ, 15 nhà văn và một người làm nghiên cứu. Tuy vậy trong số
những cái tên đó chỉ có Vi Thùy Linh (dân tộc Tày) và Dư Thị Hoàn (dân tộc Hoa) là
được nhiều người biết tới với tư cách một nhà thơ. Bài viết ghi nhận những đóng góp
của các cây bút nữ này tuy còn ở mức độ khá khiêm tốn.
Trên các trang báo điện tử, có một số bài viết về sáng tác của các nhà văn nữ
đương đại Việt Nam nhưng rất ngắn gọn, chỉ dừng lại ở mức độ cảm nhận, như “Cảm
nhận về văn xuôi của các cây bút nữ” của Bích Thu (www.hanoi.vnn.vn). Trong bài
viết của mình, Bích Thu đã nêu tên một số nhà văn nữ đã thành danh và đang khẳng
định mình như: Vũ Thị Thường, Lê Minh, Nguyễn Thị Cẩm Thạnh, Bích Thuận,
Nguyễn Thị Ngọc Tú, Nguyễn Thị Như Trang, Hoàng Ngọc Hà, Đoàn Lê, Lê Minh
Khuê, Dạ Ngân, Vũ Thị Hồng, Trần Thị Thắng, Trần Thị Trường, Phạm Thị Minh
Thư, Nguyễn Minh Dậu, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Hảo, Y Ban, Phan Thị Vàng
Anh, Phạm Sông Hồng, Võ Thị Xuân Hà, Hồ Thị Hải Âu, Trần Thanh Hà… Bài viết
“Phụ nữ - nguồn cảm hứng sáng tác của văn xuôi Việt Nam thời kì đổi mới” trên
www.hanoi.vnn.vn chỉ dừng lại ở mức độ khái quát diện mạo các nhân vật nữ trong
một giai đoạn mà nền văn học Việt Nam khởi sắc trên tinh thần đổi mới. Cũng viết về
đề tài nhân vật phụ nữ trong văn học thời kì đổi mới, Đào Đồng Điện có tiểu luận
“Phụ nữ là … đàn bà” đăng trên www.tuoitre.com. Trong bài viết này, tác giả chỉ ra
điểm khác biệt cơ bản của nhân vật nữ trong văn xuôi đổi mới và trong văn xuôi cách
mạng. “Khi nhìn nhận người phụ nữ ở những cái thuộc về thiên tính, các nhà văn
hôm nay quan tâm vẻ đẹp cơ thể của người phụ nữ và những nhu cầu bản năng của
họ. Những “lạch đào nguyên”, những “tòa thiên nhiên” là vẻ đẹp tự nhiên mà tạo
hóa ban cho người phụ nữ. Đây cũng là một điểm khác biệt cơ bản của nhân vật nữ
trong văn xuôi đổi mới và trong văn xuôi cách mạng. Con người nói chung và người
phụ nữ nói riêng trong văn học cách mạng đều rất đẹp nhưng đó là vẻ đẹp tâm hồn,
vẻ đẹp toát ra từ những phẩm chất cao quí như lòng dũng cảm, sự hi sinh... Dễ nhận
thấy khi mô tả ngoại hình nhân vật nữ, nhà văn cách mạng thường chọn mô tả mái
tóc. Đây là bộ phận vừa thể hiện được vẻ đẹp nữ tính lại vừa “an toàn”. Hơn nữa
mái tóc dài đối với người phụ nữ VN truyền thống đã nhuốm vẻ đẹp tinh thần và có
tính tượng trưng cao. Trong xã hội hôm nay, tóc tai không còn nhiều giá trị khu biệt
về giới tính nữa. Cho nên các nhà văn quan tâm hơn đến làn da, bầu vú, cặp mông,
đôi chân, những đường cong cơ thể…” Đây là những so sánh rất thú vị, gợi cho
người đọc những suy ngẫm về xu hướng tìm lại con người ở những đặc trưng bản thể
và khát khao trần thế của văn học Việt Nam hiện nay. Tiểu luận “Phụ nữ và văn
chương” của Châm Khanh trên www.tienve.org có tính chất tổng kết và lí giải hiện
tượng nhà văn nữ ngày càng đông và nhà văn nữ chỉ tập trung viết văn xuôi. Dù tác
giả tỏ ra rất thấu hiểu văn học nữ Việt Nam cả ở trong nước và hải ngoại, nhưng bài
viết chỉ đi đến một kết luận là một cây bút nữ hẳn phải viết khác một cây bút nam.
Về các công trình nghiên cứu chuyên sâu:
Chúng tôi có trong tay luận văn Thạc sĩ của Hồ Thị Liễu với đề tài “Khảo sát
truyện ngắn các nhà văn nữ Việt Nam từ 1986 đến 1996”, bảo vệ tại trường Đại Học
Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn năm 2002. Luận văn cung cấp một cái nhìn hệ thống
về truyện ngắn nữ Việt Nam 10 năm thời kì đổi mới 1986 -1996, bước đầu đưa ra
những nhận định về đặc điểm nội dung và nghệ thuật cũng như những đóng góp của
các nhà văn nữ. Về mặt nội dung, luận văn khảo sát truyện ngắn của các nhà văn nữ
theo đề tài: chiến tranh, cuộc sống đời thường, khát vọng tình yêu, hạnh phúc. Về mặt
nghệ thuật, luận văn tìm hiểu các đặc điểm về nhân vật, kết cấu và ngôn ngữ. Nói
chung tác giả có các nhận định khá quyết đoán và có sức thuyết phục. Tuy nhiên,
luận văn chỉ dừng lại ở những tác phẩm ra đời vào năm 1996 trở về trước. Từ bấy
đến nay, đã hơn 10 năm trôi qua, đã có thêm một số gương mặt nữ trẻ tỏa sáng; đã có
một số tác giả nữ Việt kiều có sách xuất bản trong nước như Thuận, Phạm Hải Anh,
Phan Việt, Đoàn Minh Phương; đã có những tác phẩm mới có tiếng vang của Dạ
Ngân, Võ Thị Xuân Hà, Thùy Dương, Võ Thị Hảo được xuất bản. Vì vậy, cần có
những công trình nghiên cứu mới có tính chất cập nhật hơn.
Bên cạnh đó, chúng tôi tìm thấy luận văn Thạc sĩ của Lê Thị Tâm Hoài bảo vệ
tại Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh năm 2005 với đề tài: “Cái nhìn nghệ thuật về
người phụ nữ trong một vài tiểu thuyết đoạt giải năm 1991 của Hội Nhà văn Việt
Nam”. Công trình này cũng nghiên cứu về người phụ nữ trong văn học, nhưng chỉ
giới hạn trong ba tiểu thuyết của ba nhà văn nam: Nguyễn Khắc Trường, Dương
Hướng, Bảo Ninh.
Với việc điểm qua những bài viết trên, chúng tôi nhận thấy hình tượng người
phụ nữ trong sáng tác của các nhà văn nữ đã từng được quan tâm theo dõi. Các tác
giả đề cập đến vấn đề người phụ nữ trong văn học ở các mức độ, góc độ khác nhau,
nhưng chưa có ai nhắc đến hình ảnh người phụ nữ hiện đại trong sáng tác của các nhà
văn nữ. Vì vậy, chúng tôi chọn đề tài này với mong muốn góp một chút công sức nhỏ
bé của mình vào không khí “trăm nhà đua tiếng” của nghiên cứu, phê bình văn học
hiện nay.
4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Để thực hiện đề tài này, chúng tôi sử dụng các phương pháp sau:
- Phương pháp lịch sử: Được dùng để làm rõ sự tác động của hoàn cảnh
lịch sử, xã hội đến đời sống văn học. Cần phải đặt các tác phẩm trong bối cảnh xuất
hiện của nó để nhìn thấy những đóng góp mà các tác giả đem lại so với thời kì trước
đó cũng như những hạn chế của thời đại mà các tác giả không thể vượt qua.
- Phương pháp phân tích: Trước hết được dùng để phân tích tác phẩm văn
học nhằm tìm ra những đặc điểm tiêu biểu về nội dung và nghệ thuật. Tiếp theo,
chúng tôi còn sử dụng phương pháp phân tích để phân tích nhân vật với mục đích tìm
ra những mô hình tính cách, những tổ chức phẩm hạnh từ đó khái quát những chân
dung con người được thể hiện qua sác tác văn học.
- Phương pháp so sánh: Một hiện tượng văn học không bao giờ tồn tại một
cách biệt lập. Cho nên muốn tìm hiểu nó, chúng ta không thể chỉ mổ xẻ phân tích nó
một cách biệt lập, mà ta phải tìm hiểu các mối quan hệ đa dạng và đa chiều của nó.
Chúng tôi dùng phương pháp so sánh để đối chiếu một hiện tượng văn học với các
hiện tượng cùng loại, và ở cấp độ nhỏ hơn: để thấy được sự tương đồng và khác biệt
giữa nhà văn này với nhà văn khác.
5. NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN VĂN
Với việc thực hiện đề tài này, luận văn sẽ cố gắng để đạt được những mục tiêu
sau đây:
- Cung cấp cho người đọc cái nhìn của các nhà văn nữ, chủ thể sáng tạo,
về người phụ nữ hiện đại, đặc biệt là những quan niệm của họ về trách nhiệm của nhà
văn khi viết về người phụ nữ.
- Phác họa chân dung người phụ nữ hiện đại trong cách ứng xử với những
mối quan hệ gia đình và xã hội, với những khao khát về tình yêu, hạnh phúc; những
nỗi cô đơn, trăn trở, day dứt trước cuộc đời. Từ những số phận rất khác nhau ấy, luận
văn hi vọng cung cấp cái nhìn đa diện về người phụ nữ Việt Nam trong thời điểm đất
nước có nhiều biến chuyển phức tạp như hiện nay.
- Làm sáng tỏ những điểm độc đáo về bút pháp mà các nhà văn nữ đã thể
hiện qua những trang viết đầy trắc ẩn của mình.
6. KẾT CẤU CỦA LUẬN VĂN
MỞ ĐẦU
1.Chương 1: Các nhà văn nữ: cái nhìn của chủ thể sáng tạo
1.1.Người phụ nữ hiện đại trong quan niệm sống của nhà văn nữ
1.2.Người phụ nữ hiện đại trong quan niệm văn chương của nhà văn nữ
1.3.Vấn đề giới
2. Chương 2: Người phụ nữ hiện đại: đối tượng thẩm mĩ của các nhà
văn nữ
2.1. Người phụ nữ hiện đại trong quan hệ với xã hội
2.2. Người phụ nữ hiện đại trong quan hệ với gia đình
2.3. Người phụ nữ hiện đại trong quan hệ với bản thân
3.Chương 3: Giá trị thẩm mĩ: từ cái nhìn đến bút pháp
3.1. Điểm nhìn trần thuật
3.2. Tâm lí nhân vật
3.3. Ngôn ngữ văn xuôi
KẾT LUẬN
PHỤ LỤC
CHƯƠNG 1
CÁC NHÀ VĂN NỮ:
CÁI NHÌN CỦA CHỦ THỂ SÁNG TẠO
Người phụ nữ đời nào cũng vậy, là tặng phẩm tuyệt diệu của tạo hóa. Nhưng
sự phản ánh họ trong văn học qua cái nhìn nghệ thuật của nhà văn thì mỗi thời mỗi
khác. Trong một giai đoạn mà cảm hứng công dân chi phối sát hoạt động sáng tác,
người phụ nữ trong văn học Cách mạng Việt Nam 1945-1975 ít được nhìn nhận ở
những đặc trưng giới tính. Họ thường mang trong mình một phẩm chất chung xác
định giá trị con người là lòng yêu nước, ý chí chiến đấu, thành tích cống hiến cho tập
thể. Họ được ca ngợi là những người “giỏi việc nước đảm việc nhà”.
Trong xu hướng tìm lại con người ở những đặc trưng bản thể và khát khao trần
thế, các nhà văn thời kỳ đổi mới nhìn nhận người phụ nữ nghiêng về những gì thuộc
về thiên tính, thiên chức của họ. Văn học đổi mới không còn nhiều những phụ nữ sắt
đá, kiên cường nữa mà thay vào đó là những con người yếu đuối, nhẹ dạ cả tin, đa
cảm, đa đoan...
Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta được gặp gỡ đủ loại phụ nữ trong truyện
ngắn của các nhà văn nữ. Bằng kinh nghiệm bản thân, các nhà văn này thoải mái đã
phô bày đời sống của người phụ nữ ở tầng sâu bản thể. Họ đem đến cho văn học
những trải nghiệm mới, những hiểu biết mới về người phụ nữ. Họ cho ta cảm nhận về
người phụ nữ hiện đại, những con người thật đa sự. Sự bất ổn trong nội tâm của họ là
do “bản tính” của họ mà ra chứ không do ai khác gây ra. Viết văn đòi quyền lợi cho
người phụ nữ hoặc phản ánh tình trạng mất bình quyền nam nữ cũng là mục đích
sáng tác của nhiều cây bút nữ thời nay.
Trong văn giới Việt Nam, chúng ta thường nghe câu nói "Văn là người".
Chúng tôi không cho rằng nhà văn sống ngoài đời ra sao thì sống trong tác phẩm
cũng như thế. Văn không phải là tấm gương phản chiếu thành thật con người tác giả.
Tuy nhiên, để hiểu sâu sắc tác phẩm của nhà văn thì một việc nhất thiết phải làm là
tìm hiểu quan niệm của nhà văn về đối tượng thẩm mĩ mà họ hướng đến. Chính vì
vậy, chương 1 của luận văn dành để tổng hợp một số quan niệm của các nhà văn nữ
về người phụ nữ để từ đó chúng ta hiểu biết thêm về nhà văn với tư cách là chủ thể
sáng tạo.
1.1. Người phụ nữ hiện đại trong quan niệm sống của nhà văn nữ
Phải thấy rằng, những nhà văn nữ mà chúng tôi đang nói đến trước hết cũng là
những người phụ nữ hiện đại. Họ có một nghề nghiệp với những va chạm phức tạp.
Họ có một gia đình với những mối quan hệ bề bộn. Họ còn phải, nói như nhà văn Võ
Thị Hảo, mang trên vai cả một gánh “hành trang của người đàn bà Âu Lạc”. Trước
đây, họ là đối tượng để cho các nhà văn, hầu hết là nam giới, phân tích, mổ xẻ. Nay
họ đã đủ tự tin để tự nói về mình, mà còn nói một cách chân thực, tinh tế nữa.
Nhà văn Dạ Ngân, người vừa cho ra đời tiểu thuyết Gia đình bé mọn được giải
thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2005, đã bày tỏ những suy nghĩ rất thú vị của mình
về người phụ nữ hiện đại. Chị thuộc thế hệ phụ nữ sinh ra và lớn lên trong chiến
tranh, trưởng thành khi đất nước hòa bình. Cuộc đời Dạ Ngân cũng lắm thăng trầm,
truân chuyên, nhưng chị vẫn vượt qua tất cả bằng một nghị lực phi thường. Dạ Ngân
là một ví dụ tiêu biểu cho những người phụ nữ Việt Nam vượt qua những ngăn trở,
những định kiến của xã hội để giành lấy hạnh phúc. Theo chị, người phụ nữ hiện đại
nếu được giải phóng triệt để về mặt tự do cá nhân sẽ có tất cả năng lực như nam giới.
Họ có thể rất xuất sắc trong các vị trí mà trước đây chỉ nam giới là có quyền đảm
nhận như chính khách, nhà khoa học, tướng lĩnh và các cương vị chuyên môn khác.
Tuy vậy, nhà văn Dạ Ngân vẫn nhấn mạnh chức năng làm vợ, làm mẹ của người phụ
nữ, chị còn cho rằng chính tính nữ trong đời sống hôn nhân và trong tình mẫu tử sẽ
làm cho người phụ nữ hiện đại thành đạt “một cách có hương vị”. Bằng sự từng trải
của một người phụ nữ trí thức đứng tuổi, Chị thấy rằng: “So với phụ nữ Hàn, phụ nữ
Nhật, phụ nữ đạo Hồi, phụ nữ các nước Nam Á, phụ nữ Việt Nam nói chung rất có ý
thức vùng dậy… Vai trò người phụ nữ trong từng gia tộc rất lớn, rất phi thường. Phụ
nữ Việt Nam rất có uy với cộng đồng của mình”. [95] Những nhận định này được chị
thể hiện rất thành công qua hai nhân vật trong tiểu thuyết Gia đình bé mọn là cô Tư
Ràng: “quan tòa của gia tộc”, có quyền sinh quyền sát đối với lũ con cháu mà cô
không hề mang nặng đẻ đau và bà mẹ của nhân vật Đính: rất yêu con nhưng cũng là
“bà trời” với các con, các cháu.
Trong khi nhà văn Dạ Ngân chú trọng đến năng lực và ảnh hưởng của người
phụ nữ hiện đại đối với cộng đồng, thì nhà văn Võ Thị Hảo lại quan tâm đến tính
năng động và độc lập của người phụ nữ. Theo chị, “người phụ nữ hiện đại là người
luôn nắm bắt được thông tin, kiến thức và hành xử cập nhật thời đại. Đồng thời,
không nô lệ trong suy nghĩ, không lệ thuộc lối mòn, tôn trọng nhân phẩm và nhân
quyền của chính mình”. [89] Ở điểm này, suy nghĩ của nhà văn Võ Thị Hảo gặp gỡ
với nhà văn Lý Lan. Theo Lý Lan, “người phụ nữ hiện đại là người độc lập, tự do”.
[94]
Thiết nghĩ, hai từ “độc lập”, “tự do” bao quát rất nhiều lĩnh vực: trong lao động
sáng tạo, trong đời sống gia đình, trong các quan hệ xã hội; và cốt lõi nhất là người
phụ nữ phải tự ý thức được sự tự do trong tư tưởng của mình.
Nhà văn Trần Thị Trường, người ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc với những
cuốn tiểu thuyết Lời cuối cho em, Kẻ mắc chứng điên, hoặc những tập truyện ngắn
Hoa mưa, Thời gian ngoảnh mặt... được coi là nữ văn sĩ của những thân phận phụ
nữ. Chị đã từng sống và làm việc ở Châu Âu, Mỹ. Với vốn sống phong phú, chị đưa
ra nhận xét của mình về phong cách sống của phụ nữ Việt Nam trong sự so sánh với
phụ nữ phương Tây:
Phụ nữ ngày nay phải đi làm, thậm chí gánh vác nhiều hơn cả đàn ông
ở trong xã hội lẫn gia đình. Một thời sống ở Châu Âu và mấy năm vừa rồi sang Mỹ,
tôi thấy đàn ông người Âu hay người Mỹ đi làm về là chia đôi việc nhà với vợ. Nếu
người đàn ông chủ động bỏ vợ, sẽ phải bồi thường... Và tôi thấy phụ nữ Việt Nam nói
riêng, phụ nữ Châu Á nói chung quả là rất khổ. Ngày càng có nhiều đàn ông Châu
Âu, Châu Mỹ muốn lấy phụ nữ Châu Á làm vợ, và người vợ đó rất được yêu chiều.
Họ kể rằng, họ yêu và muốn cưới vì phụ nữ Châu Á bây giờ vừa có khả năng làm việc
như đàn ông, vừa rất dịu dàng và chăm chỉ. Con rể tôi (R.Michael - người Mỹ) cũng
bảo hình ảnh đẹp nhất của phụ nữ Việt Nam là lúc nấu cơm tối và thêu thùa bên bếp
lửa. [102]
Cùng nói về khả năng tiềm tàng của người phụ nữ hiện đại, nhà văn Nguyễn
Thị Bích Thuận có những ý kiến khá trùng khớp với nhà văn Dạ Ngân. Chị cho rằng:
Trong xã hội hiện đại, người phụ nữ có được những quyền lợi bình
đẳng như là nam giới. Họ nhận thức được vai trò của mình trong xã hội hiện đại và
tự tin với khả năng của mình. Họ không ngừng học hỏi, nghiên cứu, trau dồi khả
năng lãnh đạo và không ít người trong số họ đã đạt đến những địa vị rất cao trong xã
hội. Trong gia đình cũng vậy, người phụ nữ hiện đại vẫn giữ được vai trò truyền
thống làm vợ, làm mẹ, nhưng bên cạnh đó họ vẫn luôn phấn đấu cho sự bình đẳng
trong quan hệ giữa vợ và chồng. Họ muốn đưa ra những quyết định để xây dựng gia
đình. Họ muốn quan tâm, chia sẻ những công việc cơ quan của chồng thay vì chỉ lo
chăm sóc chồng, con, nghe lời chồng như một người nô tỳ. Ngoài ra, người phụ nữ
hiện đại là người biết đấu tranh cho lý tưởng của mình, không quá phụ thuộc vào
nam giới. Họ luôn phấn đấu không ngừng để chứng tỏ một điều rằng không phải chỉ
có nam giới mới là người có khả năng lãnh đạo. [71]
Qua những ý kiến trên, có thể dễ dàng nhận thấy các nhà văn nữ của chúng ta
nhận thức rất đầy đủ về khả năng và những lợi thế của người phụ nữ. Hơn ai hết, họ ý
thức được ảnh hưởng của mình trong gia đình, trong xã hội. Ý kiến của các nhà văn
nữ nói trên hầu hết gặp nhau ở một điểm: người phụ nữ hiện đại có năng lực chẳng
kém gì nam giới, song họ còn có những nghĩa vụ, trách nhiệm của người vợ, người
mẹ. Những công việc thuộc về nữ tính thiên phú làm cho họ có ít thời gian dành cho
công việc hơn. Đó là thiệt thòi của nhà văn nữ nói riêng và cũng là thiệt thòi của phụ
nữ Việt Nam nói chung.
Đến với nhà văn Y Ban, chúng ta sẽ hiểu người phụ nữ hơn trong sự so sánh
giữa các thế hệ. Chị cũng là một mẫu phụ nữ hiện đại năng động, từng giảng dạy
trường Đại học Y Thái Bình trước khi viết văn. Chị cũng từng phải đi bán gà tần, đi
buôn đất để có tiền nuôi con trong những lúc khó khăn. Chính vì vậy, cái nhìn của chị
về người phụ nữ rất thực tế. Nhìn vào ba thế hệ phụ nữ trong gia đình mẹ chị, chị,
con gái, chị nhận thấy những khác biệt của cuộc sống hôm nay.
Mẹ tôi, tôi và con gái tôi đều là những người phụ nữ mạnh mẽ. Tôi cảm nhận
rằng mạnh mẽ là một điểm nổi bật trong phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam, dù
nhìn vẻ ngoài họ là những phụ nữ nhu mì, cam chịu. Họ đã phải nén cảm xúc của
mình hàng nghìn năm và lúc nào họ cũng có nguy cơ bùng nổ. Mẹ tôi phải nuôi một
bầy con khi bố tôi đi chiến trường. Bà chèo chống với thời kỳ đói nghèo để nuôi gia
đình. Tôi là thế hệ giao thời, với những buồn - vui, sướng - khổ không rành rẽ. Giống
như mẹ tôi, tôi luôn coi trọng việc học hành của con cái. Thời của mẹ tôi, nghèo khó
nhưng không phải lo lắng nhiều về cái gọi là đạo đức của con gái mình. Tôi đầy đủ
hơn nhưng lại luôn lo lắng. Con gái tôi mười lăm tuổi và lúc nào tôi cũng tự hỏi cháu
sẽ tránh khỏi những cám dỗ của đời sống hiện đại ồn ào như thế nào. Nhưng con gái
tôi khác biệt với tôi và mẹ tôi một điểm lớn, đó là tính độc lập. [81]
Chị còn tâm sự:
Tôi thích viết về phụ nữ và những vấn đề của phụ nữ hiện đại. Tôi cũng rất
thích mổ xẻ đến tận cùng tâm lý của người đàn bà hiện đại. Họ thông minh, giỏi
giang nhưng vẫn luôn cần một cuộc sống tình cảm phong phú. Tôi không thích sự cực
đoan và cô đơn. Tôi thích người phụ nữ có trách nhiệm với gia đình, nhưng người đó
cũng yêu và hiểu về tình yêu. [80]
Ý kiến của Y Ban có điểm gặp gỡ với các nhà văn chúng ta đã nói ở trên ở
những nhận xét về người phụ nữ: mạnh mẽ, thông minh, giỏi giang, độc lập… nhưng
chị lại để ý đến một đặc điểm rất “phụ nữ” là “họ luôn cần một đời sống tình cảm
phong phú”. Cũng như vậy với Nguyễn Thị Thu Huệ, trong khi các nhà văn khác nói
về các khả năng tiềm tàng của người phụ nữ làm cho họ chẳng thua kém gì các đấng
mày râu thì từ những trải nghiệm của chính mình, chị cho rằng: “Khác với nhiều
người nghĩ, thực ra người đàn bà lúc nào cũng muốn nương tựa. Bất đắc dĩ mới phải
tự mình đứng thẳng, vì bị xô đẩy mà phải gánh vác việc của đàn ._.ông và người đàn
ông phải hiểu điều đó”. [92]
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ là một người phụ nữ có nhan sắc, và cũng rất
thành đạt vừa trên cương vị một nhà văn, đồng thời lại là giám đốc một hãng phim
truyền hình. Ý kiến của Thu Huệ không đối lập với các bạn văn của mình, mà nó có
tính chất bổ sung. Người phụ nữ Việt Nam là vậy, họ luôn muốn nương tựa dưới một
bóng tùng quân nào đó. Mạnh mẽ, giỏi giang ở đâu đó nhưng vẫn muốn có một bờ
vai vững chãi để dựa vào những khi yếu lòng. Và có lẽ chính đặc điểm này làm nên
nét nữ tính của phái đẹp, là một thế mạnh không thể có được ở các đấng nam nhi.
Thế nhưng không phải người phụ nữ nào cũng có được hạnh phúc là sự nương
tựa. Trong số những nhà văn nữ đương đại của Việt Nam, nhà văn Võ Thị Hảo có
cuộc sống riêng khá vất vả. Chị vừa là nhà văn nổi tiếng, vừa là một nhà báo sắc sảo
và là mẹ của hai đứa con gái tuổi cập kê. Chị tâm sự:
Tôi vốn là người đàn bà thích được che chở. Nhưng oái oăm thay, số
phận không cho tôi điều đó. Tôi luôn phải gánh vác những công việc của đàn ông từ
khi mới lớn đến tận bây giờ… Gánh đã chất trên vai, muốn sống thì phải gánh, vậy
thôi. Cũng có lúc mệt mỏi, chùn bước lại đứng dậy, buộc phải gánh tiếp. Nhưng
trong tôi vẫn khắc khoải là mình sinh ra để làm đàn bà – mong được là một “dây leo
đẹp” bên một “cây đại thụ”. [16]
Một người bạn của chị đã viết về chị như sau:
Gần gũi chị, nhiều lúc cũng cảm thấy xót xa khi thấy chị phải gánh
vác quá nhiều trong gia đình bốn người. Người phụ nữ nào, dù giỏi đến đâu, nhiều
lúc vẫn cần có cảm giác được dựa vào tình yêu lớn của một người đàn ông thực sự.
Là đàn bà, thật hạnh phúc khi thấy mình thực sự bé nhỏ trong vòng tay của một
người đàn ông của riêng mình. Một cánh tay chở che, cảm giác được chia sẻ tri âm
với người bạn đời, với chị Hảo trong một cuộc đời làm vợ hầu như không có. Không
chỉ bây giờ khi chỉ còn ba mẹ con chị cũng luôn phải cố gắng để vừa làm mẹ, vừa
làm bố cho hai con.. Chị bảo: “Hạnh phúc là do cách người ta quan niệm và lựa
chọn”. Giờ đây, có lẽ chị đang hạnh phúc vì thanh thản… [90]
Mỗi người có một câu chuyện, mỗi người là một dòng sông, nó chảy từ nguồn
ra tới biển. Dòng sông là thứ chúng ta không thể cắt khúc, rồi xóa đi khúc này khúc
nọ được, nó cần có sự liên tục. Trò chuyện với các nhà văn, lĩnh hội ý kiến của họ
cũng như soi bóng mình xuống dòng sông tư tưởng của họ. Có thể dòng sông này
hiền hòa, êm ả, dòng sông kia nhiều ghềnh thác hoặc ngay trên môt dòng sông cũng
có khúc dịu dàng, có khúc dữ dội nhưng chính những nét khác biệt đó lại tạo nên sự
cuốn hút mãnh liệt.
Quan điểm của các nhà văn nữ có thể có những điểm tương đồng, cũng có thể
khác biệt, điều đó không có gì khó hiểu. Qua những phát biểu đó, chúng ta hiểu về
người phụ nữ hiện đại trong tác phẩm của họ hơn, nhờ vậy, tác phẩm của họ đến gần
với độc giả hơn.
1.2. Người phụ nữ hiện đại trong quan niệm văn chương của nhà
văn nữ
Nhà văn cho ra đời một tác phẩm văn học, cũng như người mẹ sinh thành một
đứa con, đều muốn đứa con của mình lớn lên khỏe mạnh và có ích cho xã hội. Từ
những quan niệm, những suy nghĩ về người phụ nữ trong cuộc sống, họ đã xây dựng
nên những chân dung phụ nữ trong văn chương với những lời nhắn gửi thiết tha tới
những người đồng giới nói riêng và xã hội nói chung. Y Ban tâm sự:
Thực ra, khi viết về những người phụ nữ hôm nay, mổ xẻ và phân tích
thân xác cũng như thân phận của họ, tôi muốn rằng các tác phẩm của tôi sẽ là thứ để
họ vin vào và đứng dậy. Tôi muốn chỉ ra rằng, đàn bà chúng ta, họ đau khổ và phức
tạp hơn, ngay từ trong ý nghĩ. Họ bị hành hạ bởi những suy nghĩ, có khi chỉ là rất
nhỏ nhoi, như một phút xao lòng. Tôi muốn chỉ cho họ một lối đi, để họ hiểu rằng,
cuộc sống là thế đấy, đàn bà là thế đấy, đừng dằn vặt bản thân mình, đừng hỏi tại
sao”. Từ các câu chuyện của mình, tôi cũng có thêm tham vọng là chỉ cho phụ nữ
những ranh giới, để họ biết dừng lại, khi họ là phụ nữ. Đó là con đường mà các nhà
văn nữ trước tôi và cả các bạn nữ viết văn sau này vẫn sẽ tiếp nối nhau. Những nhà
văn nữ thực sự đang đóng góp cho sự tiến bộ của xã hội, bằng các tác phẩm của
mình. Bắt đầu từ việc họ thay đổi chính mình, tiến bộ hơn, văn minh hơn. Tôi muốn
xã hội hãy đọc tác phẩm của nhà văn nữ như một sự lắng nghe, một sự thấu hiểu. Vì
đó chính là tiếng lòng của họ, là những khát khao tự giải phóng bản thân mình. [81]
Những định hướng như vậy đã giúp nhà văn Y Ban thành công trong khá nhiều
truyện ngắn viết về những phút giây xao lòng của người phụ nữ trước người đàn ông
không phải là chồng mình. Những người phụ nữ trong truyện ngắn Sau chớp là bão
giông và Người đàn bà và những giấc mơ của chị đều có những cơ hội để có thể
ngoại tình, nhưng họ đã biết dừng lại đúng lúc để giữ gìn mái ấm gia đình bền vững.
Cái níu giữ họ lại với gia đình có thể là những chăm sóc chu đáo tận tình của chồng
hay tiếng gọi của những đứa con nhắc nhở họ trách nhiệm của người làm mẹ. Truyện
ngắn của Y Ban, ngoài tác dụng cảnh tỉnh chị em phụ nữ đừng chạy theo những tình
cảm nông nổi, bồng bột, thoáng qua, còn nhắc nhở những người đàn ông hãy biết giữ
lấy người phụ nữ của mình. Hạnh phúc gia đình trong thời buổi này thật quá mong
manh. Khi được hỏi: “Trong văn học thời kỳ trước đây, có rất ít cảnh phụ nữ ngoại
tình. Nhưng trong các tác phẩm của chị, và nhiều nhà văn đương đại khác, hình ảnh
người đàn bà ngoại tình (có thể chỉ là trong tư tưởng) lại hơi... nhiều. Vì sao vậy?”
Chị đã nói rằng:
Xã hội nào thì hoàn cảnh đấy. Và thân phận của người phụ nữ thể
hiện rõ nhất hoàn cảnh xã hội mà chị ta đang sống. Trong xã hội phong kiến, trong
chiến tranh, thế giới quan của người phụ nữ chỉ bó gọn trong một gia đình, một cái
làng nhỏ, phải đối diện với những lề thói, hủ tục, sự soi mói của người đời nên rất
khó để người phụ nữ thay đổi cuộc sống của mình. Nhưng trong xã hội hiện đại đã
khác đi nhiều. Người phụ nữ độc lập, tự chủ hơn. Họ có xu hướng sống cho bản thân
mình, chiều chuộng cảm xúc của chính mình. Khát vọng hạnh phúc của người phụ nữ
thể hiện ở khát vọng chinh phục người đàn ông. Và chinh phục người khác giới cũng
chính là để chinh phục chính mình. [81]
Là một nhà văn nữ, nhiều truyện ngắn của Y Ban được viết ra nhằm giảm bớt
“tai nạn” của người phụ nữ trong xã hội ngày nay. Những truyện ngắn như Thiên
đường và địa ngục, Cái điềm con thỏ trắng, Sự vô tội của Ađam và Êva... là những
“câu chuyện cảnh giác” chị viết dành riêng cho các cô gái trẻ, khuyên họ chớ yêu mù
quáng, chớ quá tin vào đàn ông mà rước họa vào thân. Các cô gái trong những truyện
này đều chịu chung cảnh “trống thủng vì chưng kẻ nặng dùi” hay “cả nể cho nên hóa
dở dang”. Khi “tai nạn” không may đã xảy ra với họ, chị lại viết Bức thư gửi mẹ Âu
Cơ đòi mẹ phải quan tâm đến họ.Từ những tên sách của chị: Người đàn bà có ma
lực, Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, Đàn bà xấu thì không có quà... có thể thấy phụ nữ là đề
tài mà chị quan tâm nhất. Có thể nói, Y Ban đang tự vẽ chân dung người đồng giới
mình. Khi đặt bút viết về thân phận một người đàn bà nào đó, chị đã hóa thân vào họ,
kể lại những câu chuyện của họ. Chị tâm sự rằng: “Tôi chỉ có một gương mặt. Còn
hình tượng người phụ nữ trong các tác phẩm của tôi có nhiều gương mặt khác nhau.
Tất nhiên, trong các gương mặt ấy có một phần gương mặt của tôi. Vì vậy, có thể tôi
viết chưa hay, chưa tới, nhưng tôi không viết giả tạo”. [81]
Với Y Ban, viết về người phụ nữ là để làm điểm tựa cho họ “vin vào và đứng
dậy”, để “chỉ cho phụ nữ những ranh giới, để họ biết dừng lại, khi họ là phụ nữ”. Võ
Thị Hảo cũng có những suy nghĩ tương tự, chỉ khác nhau ở cách diễn đạt mà thôi.
Phóng viên Nguyên Hằng trong bài phỏng vấn nhà văn Võ Thị Hảo với nhan đề Suốt
đời chỉ mơ một giấc đã viết về chị như sau: “Vào nghề viết văn chưa lâu, song Võ
Thị Hảo đã nhanh chóng được người đọc biết đến. Chị được xếp vào hàng những cây
bút sắc sảo và giàu nữ tính. Những thân phận đàn bà, những con người nhỏ bé trước
bão lũ cuộc đời, “những gì rất riêng tư mà chẳng riêng tư chút nào”… [22] là điều
mà chị luôn trăn trở trên các trang viết của mình. Võ Thị Hảo đã dùng cụm từ “những
thân phận bé mọn” để chỉ những người phụ nữ, “những người mà tôi đã không quên
họ, nếu họ sống thì cũng vẫn tiếp thân phận bé mọn, vẫn ngơ ngác, lạc lõng, hẳn phải
có rất nhiều thời gian để vực dậy, đánh thức họ sang giấc mơ khác, cả với tôi cũng
vậy. Có thể suốt đời chỉ mơ một giấc mà thôi.” [22]
Những ý tưởng của chị được cụ thể hóa qua hình tượng các nhân vật nữ luôn
khát khao hạnh phúc mà hạnh phúc với họ chỉ là những ngôi sao xa không bao giờ
với tới được. Đó là Trang, một cô gái xinh đẹp và đoan trang yêu đêm đầu tiên và thất
tình ngay trong đêm đầu tiên để rồi trở thành một “người đàn bà cẩm thạch” với đôi
bàn tay và ánh mắt giá băng. (Bàn tay lạnh). Đó là Thuận, góa phụ đen kì bí, nguy
hiểm và quyến rũ tưởng như đã tìm được tình yêu nhưng rồi cái chết của người tri kỉ
trên môt chuyến bay đã vĩnh viễn cướp đi hạnh phúc muộn mằn (Góa phụ đen). Đó
là Hạnh, người phụ nữ luôn được đàn ông săn đuổi nhưng đã tự thu mình vào ốc đảo
cô đơn sau cuộc hôn nhân tan vỡ (Tiếng vạc đêm). Tất cả đều xinh đẹp, quyến rũ và
lương thiện. Nhưng tất cả họ đều rất cô đơn, cô đơn đến cùng cực trong sự săn đuổi
và những ánh mắt ngưỡng vọng của người khác giới.
Trong khi Y Ban và Võ Thị Hảo viết về phụ nữ một cách đầy ý thức thì Võ Thị
Xuân Hà lại viết rất hồn nhiên. Phóng viên Hiền Hòa đã nói về chị với một sự so sánh
thú vị: “Đôi mắt to với cái nhìn vừa cay nghiệt vừa dịu dàng, vừa trần trụi vừa mơ
mộng, Võ Thị Xuân Hà biến ảo và khó nắm bắt như màu sắc một hạt cườm dưới ánh
mặt trời. Những trang viết của chị cũng lóng lánh y hệt một thứ nhà gương mà người
ta có thể nhận diện đủ loại gương mặt của mình, để rồi lúc thì bật cười, lúc lại sợ
hãi.” [85]
Trong bài trả lời phỏng vấn ông Trần Quý Phiệt, Giáo sư khoa Tiếng Việt
trường Đại học Northeastern University, Hoa Kỳ, khi được hỏi: “Chị có viết với tư
cách nhà văn phụ nữ như các nhà văn phụ nữ tranh đấu cho nữ quyền có ở phương
Tây không?”, chị bày tỏ:
Khi ngồi vào bàn viết, tôi nghĩ mình viết về những con người, cho
những con người, nhưng vì tôi là phụ nữ nên việc thể hiện những xúc cảm nội tại sẽ
thiên giọng nữ hơn. Đã là nhà văn thì phải đấu tranh cho và vì quyền con người. Nếu
những tác phẩm của tôi góp phần tranh đấu cho hạnh phúc của một hay hàng vạn chị
em phụ nữ thì cũng đơn giản vì tôi là một nhà văn. Tôi không có ý chia thế giới ra
làm hai phần và xác định mình phải viết để tranh đấu cho một phần hai thế giới là
phụ nữ như mình. Chính bởi vì tôi không thích bất cứ một sự thương xót nào mà
người ta có thể quan niệm về sự tự ti, sự yếu đuối, sự kêu gọi thương hại từ phía phụ
nữ. [88]
Câu trả lời của Xuân Hà cho thấy rõ ràng chị không “ưu ái” nhân vật nữ. Chị
không xác định phải đấu tranh cho nữ quyền bằng việc chia thế giới ra làm hai phần
và xác định mình phải viết để đấu tranh cho một phần hai thế giới là phụ nữ như
mình. Thế nhưng, thế giới nhân vật của chị chủ yếu là những người đàn bà. Đó là một
cô Diễm biệt danh cáo Ecmơlin, thường gọi bố chồng là đồ tể, thích nghiền ngẫm
khoái cảm xác thịt và thường mơ những giấc mơ quái gở. Thế giới của Diễm là sự
pha trộn giữa cõi sống và cõi chết, giữa cõi âm và cõi dương và có vẻ gì đó không
bình thường. Nhưng hình như cũng nhờ thế mà người ta có thể hiểu nhau hơn (Đàn
sẻ ri bay ngang rừng). Đó là một cô gái theo đuổi nghề viết văn với tâm trạng nửa
bụi bặm, nửa thánh thiện, nửa muốn phá phách, nửa muốn xây dựng, nửa muốn sống
theo bản năng, nửa lại bị khuôn vào những phép tắc, những quy ước xã giao, những
định kiến xã hội (Người đàn bà và những con rối). Và nữa, một người đàn bà tên
Linh. Nàng không bao giờ thoả mãn với tình yêu và luôn muốn tìm cảm giác mới.
Nàng đã tự đánh giá mình quá cao và rồi chợt tỉnh ra khi nhìn thấy những nốt mụn đỏ
dưới chân mình (Mùa biển)... Những người đàn bà của Võ Thị Xuân Hà dù ngoan
ngoãn hay vụng trộm, phá phách cũng đều có một đặc điểm giống nhau: mặc kệ cuộc
sống nghèo khó hay sung túc, họ luôn bị trộn lẫn giữa thực tại và mộng tưởng, bị ám
ảnh bởi một quá khứ mông lung, một tương lai đầy bất trắc. Hà Phạm Phú trong bài
viết Ngôi nhà gương của Võ Thị Xuân Hà, đăng trên tạp chí “Người đẹp Việt Nam”,
đã có một sự tổng kết về hình tượng những người phụ nữ trong sáng tác văn chương
của Võ Thị Xuân Hà như thế. Ông viết: “Thế giới đàn bà của Hà là một thế giới
riêng, không lẫn vào ai. Những người đàn bà của chị hình như cũng là sự xáo trộn
giữa cái tốt và cái xấu, đầy lòng vị tha nhưng cũng ích kỉ, rất tự tin nhưng cũng dễ bị
cám dỗ, sống yên phận nhưng lại không chịu yên với số phận đã an bài. Mỗi người
phụ nữ là một bí ẩn”. [57]
Thật khó mà tìm ra một chân dung phụ nữ ổn định trong sáng tác của mỗi nhà
văn, bởi trong trang viết của họ có rất nhiều cuộc đời, rất nhiều số phận phụ nữ.
Nhưng tôi cho rằng khi đặt bút viết về những người đồng giới với mình, các nhà văn
nữ của chúng ta hẳn phải gửi gắm nhiều điều, mà những điều đó không nằm ngoài
việc mong muốn cho cuộc sống của người phụ nữ tốt đẹp hơn lên. Nhưng, những ý
tưởng tốt đẹp ấy có trở thành hiện thực hay không lại cần có một điều kiện. Đó là nhà
văn phải gặp được bạn đọc tri âm của mình. Hoàn cảnh xã hội Việt Nam hiện nay vẫn
còn có những trở ngại cho việc đó. Theo nhà văn Dạ Ngân là “do dân trí thấp, mà số
thấp lại nằm phần lớn ở phụ nữ, đó là thiệt thòi của nhà văn nữ nói riêng và cũng là
thiệt thòi của phụ nữ Việt Nam nói chung”. [95] Còn nhà văn Lý Lan thì cho rằng đối
với chị, “trong thời điểm hiện nay, khó khăn nhứt là việc đưa tác phẩm của mình vượt
qua cơ chế xuất bản, hệ thống phát hành, sự rụt rè của giới nghiên cứu phê bình, sự
hờ hững của công chúng, để đến được bạn đọc tri âm”. [94]
Thiết nghĩ, những khó khăn này không phải chỉ của riêng nhà văn nữ. Và dẫu
có khó khăn, hầu hết họ vẫn trung thành với các nhân vật là nữ. Nhà văn Dạ Ngân đã
tâm sự:
Tôi tiếp tục chung thủy với những nhân vật trung tâm là nữ. Nhưng
những tiểu thuyết tôi đang nghĩ tới tính xã hội rộng hơn, nhân vật nam không lép vế.
Ví như tôi đang thai nghén một tiểu thuyết về đề tài hậu chiến và hòa giải dân tộc,
nam và nữ đều được chăm sóc như nhau. Ví như sẽ có cuốn về cuộc chiến tranh 10
năm ở Campuchia, ở đó những nhân vật là người lính. Tôi đang cố gắng rời chất tự
truyện trong sáng tác của mình để tầm bao quát có thể rộng hơn. [95]
Chị đang cố gắng để tự vượt mình, vượt khỏi một sự thật thường thấy cả ở Việt
Nam cũng như trên thế giới là “các tiểu thuyết gia nữ thường đưa yếu tố tự truyện
vào”; vượt khỏi cái lối nghĩ của ai đó về nhà văn nữ rằng: “viết mãi thì cũng không ra
khỏi thân phận người nữ như chạy trời không khỏi nắng”. Đối với nhà văn Võ Thị
Hảo, vấn đề không phải ở đề tài vì đề tài nào cũng liên quan đến phụ nữ, mà ở thời
gian để viết ra nó mà thôi. Còn nhà văn Lý Lan thì “bật mí” rằng chị sắp xuất bản tiểu
thuyết Đàn bà.[94] Chẳng cần phải nói nhiều, chỉ cái tên tiểu thuyết cũng đã thể hiện
phần nào đó nội dung của tác phẩm.
Bằng kinh nghiệm, ai cũng biết nam giới và nữ giới khác nhau trong rất nhiều
phương diện, từ cách ăn, cách mặc, cách giải trí đến cách cảm xúc, cách suy nghĩ và
cách ứng xử trong cuộc sống... Nếu giữa hai phái tính có một sự khác biệt sâu rộng
như vậy thì trong lãnh vực văn chương liệu họ có khác nhau không? Theo nhà văn Dạ
Ngân, điểm khác biệt giữa một cây bút nam và một cây bút nữ khi viết về phụ nữ
được chính là lợi thế về giới tính của các cây bút nữ. “Sự tinh tế trong phát hiện chi
tiết, trong chiều sâu tâm lí và sự chân thực trong tính cách nhân vật… đó là thế mạnh
không ai giành được ở nhà văn nữ. Trên hết, sự trải nghiệm và chiêm nghiệm cá
nhân của người nữ mặc nhiên sẽ có sự đồng cảm lớn lao với nhân vật của mình, từ
đó khoảng cách giữa nhà văn với độc giả, nhất là độc giả nữ sẽ ngắn hơn nhiều”.
[95] Ý kiến của Võ Thị Hảo cũng tương tự như vậy khi chị cho rằng: “Về cơ bản là
giống nhau, chỉ khác ở chỗ phụ nữ viết về chính giới của mình thì sẽ phát hiện ra
nhiều nỗi đau hơn của phụ nữ và cảm thấy tình yêu ở một khía cạnh khác hơn là khía
cạnh hưởng thụ và chiêm ngưỡng như nam giới thường hay quan tâm trong các tác
phẩm của họ”. [89] Trong khi đó Lý Lan không thấy có sự khác biệt giữa cây bút nữ
và cây bút nam viết về phụ nữ mà chị chỉ thấy “sự khác biệt giữa người viết giỏi và
người viết không giỏi mà thôi”. [94]
Có lẽ mọi người đều có thể đồng ý là một cây bút nữ hẳn phải viết khác một
cây bút nam. Thế nhưng, không phải ai cũng cho rằng nhà văn nữ gặp nhiều khó khăn
trong nghề nghiệp hơn nhà văn nam giới. Tìm ra lí lẽ thuyết phục không phải là một
công việc dễ dàng. Chúng ta sẽ có dịp bàn về vấn đề này ở tiểu mục sau.
1.3.Vấn đề giới
Viết văn là một công việc rất khó. Dù là nam hay nữ, đã theo đuổi nghiệp văn
chương là phải đương đầu với nhiều thử thách. Tuy nhiên, có những khó khăn mà chỉ
nhà văn nữ mới vấp phải. Đó trước hết là những vất vả do thiên chức làm vợ, làm mẹ
mang đến cho người phụ nữ. Kế tiếp là trong một xã hội còn ít nhiều dấu ấn của tư
tưởng trọng nam khinh nữ như Việt Nam thì sự đánh giá của dư luận dành cho nhà
văn nữ còn khắt khe. Nhà văn Dạ Ngân và nhà văn Võ Thị Hảo đã chỉ rất rõ điều này
khi nói về những khó khăn của nhà văn nữ trong thời điểm hiện nay. Theo Dạ Ngân,
khó khăn cụ thể là thời gian. “Người phụ nữ bị xẻ đôi, xẻ ba cho nhiều nghĩa vụ:
nghĩa vụ công sở, nghĩa vụ gia tộc, nghĩa vụ gia đình”. Chị nhấn mạnh, nếu người
đó là nhà văn nữa thì sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa bởi, “người họ lúc nào
cũng căng như sợi dây đàn, chạm đến là rung mà cũng có thể đứt bất cứ lúc nào”.
Chị cho rằng, khó khăn chung của tất cả các nhà văn nữ là áp lực xã hội khi phán xét
họ: viết thế nào là vừa liều lượng để không bị kêu là hay chính trị hoá, hoặc viết về
tình dục sao cho không bị kêu là quá lộ liễu, hoặc viết sao cho không mang tiếng
“đem đời mình và những người chung quanh ra bới”.[95]
Với Võ Thị Hảo vấn đề không chỉ là thời gian mà còn ở quan niệm của người
đàn ông về nghề viết văn. Họ không coi đó là nghề nghiệp của phụ nữ mà lại cho
rằng ngồi vào bàn viết là một hành động phí phạm thời gian. Với nhiều người đàn
ông, chỗ của phụ nữ là ở trong bếp. Và do đó: “Phụ nữ Việt Nam rất khó để trở thành
nhà văn chuyên nghiệp vì phải gánh trên vai quá nhiều trách nhiệm trong gia đình và
trong xã hội”. [89] Thực ra, đây không chỉ là vấn đề của nhà văn nữ Việt Nam, mà ở
nhiều nước khác người phụ nữ cũng phải đối mặt với khó khăn này. Iran là một ví dụ.
Những người phụ nữ viết tiểu thuyết ở Iran thường phải chấp nhận một cuộc sống gò
bó, khuôn khổ hơn các đồng nghiệp nam giới của mình. Họ không được khuyến
khích trong việc bày tỏ những tâm tư nguyện vọng của bản thân thông qua việc viết
lách. Hôn nhân, gia đình, chồng con là những gì ngăn cản người phụ nữ đến với nghề
viết: "Tôi thường xuyên phải tranh cãi với chồng vì anh ấy luôn cho rằng văn chương
không thể coi là một nghề được", Fariba Vafi, 43 tuổi, người từng giành 3 giải
thưởng quan trọng của Iran cho cuốn tiểu thuyết My Bird tâm sự. Một nhà văn nữ ở
Iran thường phải đối mặt với hai trở ngại chính: chính quyền và gia đình. Ở phía
chính quyền, Bộ Văn hóa nước này sẽ kiểm duyệt tất cả các tác phẩm trước khi xuất
bản. Cơ quan kiểm duyệt sẽ loại trừ tất cả các tác phẩm đề cập đến sex. Những từ như
"nude", "ngực", "vú" đều phải loại trừ ra khỏi tác phẩm, bất kể nó được viết dưới
hình thức ẩn dụ hay không nhằm mục đích ám chỉ đến cơ thể con người. Và thế là
trong quá trình viết, các nhà văn nữ đã phải “lách” để tránh các từ “phạm húy”. Trở
ngại thứ hai đối với các nhà văn nữ Iran là những phản ứng từ phía gia đình, bởi họ
hàng của nhà văn thường tự liên hệ những câu chuyện được mô tả trong tác phẩm với
những nhân vật và câu chuyện có thật trong cuộc sống. Vafi kể: "Tôi thường xuyên
nhận được những cú điện thoại từ những người họ hàng của mình, kiểu như: "Tôi
biết cô đang viết về ai rồi đấy nha", còn chồng tôi thì phàn nàn: "Em chẳng giữ được
chút gì bí mật trong đời sống của chúng mình cả”. [45]
Theo chúng tôi nghĩ, so với cách đây mấy chục năm, người phụ nữ Việt Nam
đã có nhiều cơ hội để khẳng định mình. So với phụ nữ thế giới, phụ nữ Việt Nam
cũng không phải là những người bị phân biệt đối xử quá đáng như phụ nữ các nước
đạo Hồi. Tuy nhiên, qua chuyện trò với các nhà văn nữ, chúng tôi vẫn nhận thấy
trong xã hội Việt Nam hiện đại, người phụ nữ vẫn chưa hoàn toàn bình đẳng với nam
giới. Đó là lí do mà nhà văn Dạ Ngân phải dùng cụm từ “nếu được giải phóng triệt để
về mặt tự do cá nhân” và nhà văn Bích Thuận dùng cụm từ “không quá phụ thuộc
vào nam giới”. Để cải thiện tình hình này, sự vùng vẫy của những người phụ nữ sẽ
chẳng đi đến đâu nếu không có sự trợ giúp của những người đàn ông. Nhà văn Y Ban
khi được hỏi về vai trò của người đàn ông trong công cuộc giải phóng phụ nữ đã nói
rằng:
Tôi có suy nghĩ là, mỗi người phụ nữ phải luôn luôn có ý thức tự cởi
trói cho mình khỏi những ràng buộc. Họ sẽ phải giải quyết những vấn đề của chính
mình trên con đường đi tới sự thừa nhận của toàn xã hội. Ở nước ta, và nhiều nước
khác, kể cả những nước phát triển, nơi phụ nữ được phát huy tối đa quyền bình đẳng
của mình, vẫn có các ủy ban, các hiệp hội bảo vệ phụ nữ, vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Nhìn, để thấy rằng, phụ nữ, dù thế nào cũng là những người yếu đuối và cần được
bảo vệ, được chia sẻ. Phụ nữ cần nhận được từ phía những người đàn ông sự khích
lệ, tình yêu thương. Đó còn là trách nhiệm của người đàn ông, vì họ hiểu hơn ai hết,
rằng người phụ nữ mang một sứ mệnh quan trọng, có ảnh hưởng lớn với người đàn
ông và những đứa con. Chính là những người đàn ông sẽ góp phần tạo ra một thế
giới bình đẳng hơn”. [81]
Qua lời phát biểu của nhà văn Y Ban, chúng ta thấy chị hoàn toàn ý thức được
vấn đề “tự cởi trói”. Nhưng có một nhà văn tuy nhận thức rất rõ vấn đề nhưng lại
không dám sống khác đi, đó là nhà văn Trần Thị Trường. Chị từng giãi bày:
Có một điều chắc chắn rằng tôi đã sống một cuộc sống đầy mâu
thuẫn. Tôi tận mắt thấy những biểu hiện văn hoá của người xứ khác, nhưng không
dám thay đổi và bước theo những ước muốn của mình. Tôi cố trải mình trong mọi nỗi
vất vả của một người phụ nữ Việt Nam, chấp nhận bất công. Có thể khao khát thay
đổi và muốn người khác, thế hệ khác có cuộc sống khác đi, công bằng hơn, văn minh,
văn hoá hơn đã khiến tôi say mê viết về những thân phận phụ nữ”.[102]
Cũng như Trần Thị Trường, các nhà văn nữ của chúng ta bằng việc viết về
người phụ nữ đều đã có những đóng góp đáng kể trong công cuộc giải phóng phụ nữ.
Trong một số truyện ngắn của Võ Thị Hảo, tiếng nói đòi nữ quyền thể hiện rất mạnh
mẽ. Ở những truyện dạng này, nhà văn thường dùng hư cấu khi sáng tạo ra những
nhân vật nữ không có thực trong cuộc đời để gửi gắm ý đồ nghệ thuật của mình.
Truyện ngắn Hành trang của người đàn bà Âu Lạc là tiếng kêu thương của người
phụ nữ Việt Nam về gánh nặng quá sức mà họ đang phải mang ở trên vai. Theo nhà
văn, chính những người đàn ông phải chịu trách nhiệm về nỗi khổ đau của phụ nữ.
Thời phong kiến, để kìm giữ người đàn bà, họ đặt ra triết lí, đặt ra tôn ti, đặt ra công,
dung, ngôn, hạnh. Đến thế kỉ giải phóng phụ nữ, tưởng như túi hành trang của người
đàn bà vơi bớt phần nào, nhưng chẳng những không vơi bớt đi, mà còn nặng thêm bởi
những mĩ từ của thời đại mới. “Túi đầy những mĩ từ ca ngợi đàn bà. Và mỗi mĩ từ lại
óc ách đầy những giọt mồ hôi, nước mắt và cả máu của đàn bà, những sợi tóc bạc,
những vệt nhăn nheo trước tuổi…”. Và cho đến thời hiện đại, người đàn bà phải rơi
nước mắt, bởi họ ý thức được gánh mình mang trên vai sẽ mỗi ngày chỉ nặng hơn mà
thôi. “Người đàn bà Âu Lạc hiện đại khóc. Nàng nhấc hành trang lên vai. Hành
trang của nàng nặng hơn của bà Dạ Dần và mẹ Âu Cơ, vì trong gánh của bà Dạ Dần
và mẹ Âu Cơ chưa có triết lí, chưa có bình đẳng và những mĩ từ”. [25]
Bằng tác phẩm của mình, nhà văn Võ Thị Hảo đã chứng minh vai trò của nhà
văn nữ trong công cuộc giải phóng phụ nữ. “Họ là những người tiên phong, nhu cầu
này nằm trong máu của họ…”. Chị thấy đáng buồn khi đa phần mọi người đều hiểu
bình đẳng giới là việc “mấy mụ đàn bà đòi quyền làm chồng”. Thật là hoàn toàn sai
lầm nếu hiểu như vậy. “Bình đẳng giới không cho riêng ai. Nó là nhu cầu tự thân về
những tổn thương xẩy ra do sự mất cân bằng của xã hội đem lại. Khi những kẻ yếu bị
kẻ mạnh ức hiếp, rồi chính kẻ mạnh cũng đến lượt bị tổn thương gián tiếp vì không
một kẻ mạnh nào có thể tách rời hoàn toàn được những kẻ yếu...” [89] Những tác
phẩm của các chị đã giúp người phụ nữ hiểu mình hơn, có tiếng nói mạnh mẽ hơn với
bất công. Nhưng không biết những truyện ngắn của họ đến được tay bao nhiêu phụ
nữ? Theo nhà văn Dạ Ngân thì so với phụ nữ Hàn, phụ nữ Nhật, phụ nữ đạo Hồi, phụ
nữ các nước Nam Á, phụ nữ Việt Nam nói chung rất có ý thức vùng dậy. Nhưng tác
dụng của nhà văn nữ trong xã hội Việt Nam chưa cao vì số dân trí thấp nằm phần lớn
ở phụ nữ. Nhà văn Lý Lan cũng nghĩ rằng lẽ ra nhà văn nữ có thể đóng một vai trò
lớn hơn thực tế hiện nay.
Cũng là một khía cạnh của vấn đề giới, viết về tình dục là một lĩnh vực khá
nhạy cảm trong các sáng tác của các nhà văn. Một nhà văn nam nếu có quá tay một
chút thì cũng không sao, nhưng nếu là với một nhà văn nữ thì rất có thể họ sẽ bị đánh
giá thế này thế nọ về mặt đạo đức. Nhà văn Dạ Ngân từng nói một cách cay đắng là
hình như có lúc chị từng bị kêu là “con này vén cao váy quá”. [95] Thật đáng ngạc
nhiên khi người ta dịch, in và đọc ào ào tác phẩm của các nhà văn nữ trẻ của Trung
Quốc, những người viết về tình dục bạo liệt hơn nhiều lần các nhà văn Việt Nam thì
chẳng thấy ngăn cấm gì, thế mà đối với các nhà văn nữ Việt Nam thì dường như bị
“soi” quá kĩ. Thế mới biết dư luận xã hội Việt Nam còn khe khắt hơn cả Trung Quốc,
nơi xuất phát của những tư tưởng Nho giáo hà khắc trói buộc người phụ nữ trong suốt
thời kì phong kiến. Xã hội Trung Quốc ngày nay đang mất dần đi những giáo điều để
trở lại với những nhu cầu tự nhiên trần tục. Xã hội như một cỗ máy chạy hết tốc lực
cốt làm ra của cải vật chất, còn con người phải tìm lấy một cách để tự lo cho mình, và
việc đó được chung quanh sẵn sàng khuyến khích, miễn nó không đi ngược trào lưu
chung và ngăn cản tự do người khác, tức là không vi phạm pháp luật. So với xã hội
Trung Hoa cũ đầy húy kị và khuôn mẫu ràng buộc con người, thì tinh thần chủ yếu
chi phối xã hội hiện đại là tinh thần giải phóng. Lớp trẻ không giấu diếm rằng họ
muốn được giàu sang sung sướng, muốn được nếm trải mọi niềm lạc thú trên đời.
Hơn thế nữa, họ muốn khẳng định mình, muốn tự khám phá và trình ra cho thế giới
thấy mình là người thế nào, muốn nổi tiếng bằng mọi giá có thể có. Viết văn là một
trong những cách làm để nổi tiếng. Một số bạn trẻ Trung Hoa viết truyện về chính
mình, và họ đã nổi tiếng bởi họ nói lên tiếng nói của lớp trẻ Trung Hoa thời hiện đại.
Trong tác phẩm của mình, họ không ngần ngại phô bày những khao khát bản năng.
Thiếu nữ đánh cờ vây của Sơn Táp, Điên cuồng như Vệ Tuệ của Vệ Tuệ, Búp bê
Bắc Kinh của Xuân Thụ, Xin lỗi, em chỉ là con đĩ của Tào Đình đều nói về tình dục
ở những mức độ đậm nhạt khác nhau. Dù có nhiều trang tả cảnh ái ân, song không
thể nói những trang truyện này mang tính cách khiêu dâm. Cũng có một số người
Trung Quốc lo lắng, họ cho rằng tự do sẽ làm cho lớp trẻ hư hỏng. Nhưng xem ra
những người ấy đã lo quá xa. Vốn từ thời trung đại đã có sự giao lưu rộng rãi với cả
thế giới, giờ đây, văn minh Trung Hoa lại đang tiếp tục làm giàu cho bản sắc của
mình bằng những cuộc đối thoại thông minh với mọi nền văn minh khác.
Thế nhưng ở Việt Nam, xã hội vẫn chưa cởi trói hoàn toàn cho các nhà văn,
đặc biệt là nhà văn nữ. Sau Đỗ Hoàng Diệu, Y Ban cũng thường nhận được những
phản ứng khá gay gắt từ phía dư luận xã hội và cả từ phía các nhà phê bình. Mới đây
nhất, tập truyện I am đàn bà của chị đã bị ngưng phát hành. Nhưng đọc những bài trả
lời phỏng vấn của chị về vấn đề này, chúng tôi thấy chị có định hướng rất rõ ràng khi
viết về sex.
Theo tôi, tình dục cổ xưa như loài người vậy, bởi nó trước hết là con
đường duy trì nòi giống cho nhân loại. Nhưng sex không chỉ dừng lại ở đó. Để có một
em bé, người ta cần đến "x lần", hai em bé - "2x lần"… nhưng trong một đời người,
có đến hàng trăm, hàng nghìn cái "x lần" như vậy. Đâu phải tất cả đều nhằm để duy
trì nòi giống. Vậy thì sex còn là phương tiện giải trí và văn hóa. Văn chương, theo tôi
cần tôn trọng sex ở khía cạnh đó. Còn viết về sex tục hay không tục là do câu chữ.
Nếu mình viết trực tiếp, thẳng tuột về nó như một thứ nhu cầu bản năng, kích động ở
người đọc những ý nghĩ không lành mạnh, không trong sáng thì tác phẩm sẽ trở nên
phản cảm. Nhưng nếu tác giả khéo léo, thay thế những khái niệm về các bộ phận, các
hành vi của con người bằng nhiều cách diễn đạt văn chương hơn, phủ lên chi tiết
“tục” những ý nghĩa rất người, đưa trí tưởng tượng của độc giả đến các vấn đề nhân
văn thì khi đó, người đọc sẽ không "lăn tăn" đến chuyện đề tài nữa”. [83]
Hầu như các nhà văn đều xác định được sẽ viết khéo léo và chừng mực, tóm lại
là thể hiện một cách có nghệ thuật, mang tính thẩm mĩ. Nhưng trên trang viết, cái
ranh giới giữa thanh và tục thật quá mong manh, nên phải nói rằng, viết về lĩnh vực
này nhà văn cần đến một bản lĩnh vững vàng và chỉ như thế thôi cũng vẫn chưa đủ,
mà xã hội cũng cần phải có một cái nhìn “thoáng” hơn đối với họ. Nhà văn Dạ Ngân
đã nói: “Xã hội Nho giáo Việt Nam vẫn chưa cởi mở bằng Nho giáo gốc là Tàu, vì
vậy cái trần cho nhà văn Việt Nam vẫn rất thấp”. [95] Quả đúng như vậy! Dường
như nền văn học của chúng ta còn có một khoảng cách khá xa so với thế giới. Một
trong những cách khắc phục là nân._.xuống thong thả. Nhẹ nhàng. Khu vườn nhuộm màu vàng sậm, ánh chút
đỏ phía góc trời”. (Tân cảng)
Không thiếu những cụm từ chỉ thời gian, không gian được đặt thành hẳn một
câu, thường là ở đầu đoạn: “Ba giờ.”, “Mùa hè.”, “Năm giờ.”, “Buổi sáng”. “Phi
trường.”, “Phía sau.”, “Trên máy bay.”… (Tân cảng)
Câu văn ngắn, bị bẻ vụn. Đoạn văn cũng ngắn. Có những đoạn chỉ một câu, có
khi vài ba câu. Sáu bảy đoạn ngắn như vậy liền nhau. Nhiều chỗ xuống dòng, tạo ra
nhiều khoảng giấy trống. Chị tạo được nhiều khoảng cách cho câu chữ của mình, và
cũng tạo được nhiều khoảng không gian xa, gần, cao, thấp cho những sự việc đang
được miêu tả. Nhân vật là những khối rời, cô đơn, khó hòa nhập.
Không giống như Nguyễn Thị Thu Huệ, với Y Ban, câu văn thường dài, dàn
trải theo dòng tâm trạng của nhân vật. Y Ban cũng thường dùng từ “hòa nhập”: “Một
người đàn ông nàng không thể nào nắm bắt và hoà nhập được”. “Đầu óc nàng miên
man và cơ thể thì không hoà nhập được với khối óc”. “Hoà nhập đến thế là cùng”.
[4]
Nhà văn Thuận tuy chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam với ba tiểu thuyết nhưng
cũng đã bước đầu xây dựng cho mình được một phong cách ngôn ngữ độc đáo.
“Ngổn ngang và tung tóe như những mảnh của một trò chơi ghép hình, không
chương hồi liền một mạch suốt hơn 200 trang sách, bề bộn những suy ngẫm, hình
tượng, chi tiết nhấn đi nhấn lại bất tận đến thành ám ảnh, như lưỡi dao cùn nhay mãi
không đứt, như cái đĩa hát cũ bị vấp rãnh, cuốn sách đậm đặc một thứ humour xót xa
và không thiếu những yếu tố mà giờ đây người ta gọi là hậu hiện đại này nhiều lúc
làm tôi như nhập đồng”. [69] Nhà văn Dương Tường đã có những nhận xét như vậy
về văn phong của tiểu thuyết Phố Tầu. Còn đây là một đoạn trong Paris 11 tháng 8:
“ Hai người vừa đi vừa nói chuyện. Tay bà váy đỏ chém vào không khí. Tay giáo viên
chém vào không khí. Bên ngoài sơ mi tím than là một áo khoác cũng màu tím than.
Cả cây tím than nhìn từ xa vẫn không hết nghiêm trang và năng động. Liên tự hỏi có
nên trốn vào gốc cây bên cạnh thì cả hai đã đi qua. Giầy cao gót mà bước nhanh
ghê. Phăm, phăm, phăm. Cứ như không có gì dưới đất. Những phụ nữ quan trọng
như thế chắc không bao giờ vấp ngã. Không nhìn xuống đất cũng không bị vấp ngã.
Những phụ nữ kém quan trọng thì không đi guốc cao gót cũng vấp ngã. Bác gác cổng
khu nhà Liên ở chẳng hạn, hay vấp ngã đến nỗi bạc cả mũi giày. Bà đưa thư cũng vài
lần vấp ngã, từ cổng đến hộp dựng thư có mấy bước chân mà cũng vấp ngã, không
hiểu thế nào. Hai cô nhân viên siêu thị Franprix tuần trước bê sọt rau xà lách va
phải chiếc xe đẩy, cả người cả hàng đổ kềnh đổ càng. Các cụ già thì thường xuyên
vấp ngã, nhất là trong buồng tắm, móng tay dài cào rách da Liên. Con bé Cuba có vẻ
rắn rỏi thế mà cũng vấp ngã, nó bảo nhà cửa ở đây kinh thật, toàn kính là kính, lại
lau trong veo, nhiều khi tưởng không có gì cứ thế lao đi, may mà kính năm li chứ
không đền sạt nghiệp. Bà hàng xóm của Liên thì sau đợt vấp ngã một mạch từ tầng
bảy xuống tầng năm còn ngã thêm một lần nữa, cũng vì giẫm nhầm vỏ chuối, nhưng
đến tầng sáu thì dừng lại, cái chổi vẫn leo xuống đến tầng trệt”. Văn của chị có nhịp
điệu: lúc nhịp nhàng “Tay bà váy đỏ chém vào không khí. Tay giáo viên chém vào
không khí”, khi gấp gáp: “Phăm, phăm, phăm”, có khi do sự hoà phối âm thanh bằng
trắc, bay bổng lên xuống cứ như thơ: “cả người cả hàng đổ kềnh đổ càng” . Nhiều từ
được nhay đi nhay lại tạo ấn tượng cho người đọc ( hai lần cụm từ “chém vào không
khí”, ba lần từ “tím than”, chín lần từ “vấp ngã”) . Lời gián tiếp của người kể chuyện,
lời trực tiếp của nhân vật (“Giầy cao gót mà bước nhanh ghê” – lời Liên, “ở đây kinh
thật, toàn kính là kính, lại lau trong veo, nhiều khi tưởng không có gì cứ thế lao đi,
may mà kính năm li chứ không đền sạt nghiệp” – lời nhân vật khác qua lời kể của
Liên) hòa quyện vào nhau rất giống với kiểu văn của Nam Cao trong Chí Phèo.
Trong một chừng mực nào đó, ngôn ngữ địa phương cũng tạo nên nét khác biệt
trong ngôn ngữ văn xuôi của từng nhà văn, dù nó chưa đủ để tạo nên một phong cách.
Bên cạnh đó, nó còn tiết lộ với chúng ta vùng đất mà nhà văn ấy sinh ra và lớn lên.
Văn của Nguyễn Ngọc Tư có cái duyên dáng của thổ ngữ vùng đồng bằng sông Cửu
Long. Lời văn nghệ thuật Dạ Ngân, và Lý Lan cũng vậy. Những phương ngữ Nam
Bộ xuất hiện nhiều trong ngôn ngữ nhân vật. Trong văn Dạ Ngân chúng ta hay gặp
những từ “nầy”, “chớ”, “vầy”, “rỉ rả”, “ngầy ngà”, “chụp giựt”; còn Lý Lan lại rất ưa
dùng từ “nhứt” và cách nói “bả”, “ổng”, “ảnh”.
Tóm lại, các cây bút nữ đều có ý thức cá tính hóa về mặt ngôn ngữ, đồng thời
có xu hướng tiệm cận ngôn ngữ đời sống với sự gia tăng thành phần khẩu ngữ trong ý
thức đưa tác phẩm đến gần hơn với người đọc. Tuy vậy, có người tạo được ấn tượng,
tiến dần tới tạo ra một bút pháp riêng, cũng có những người còn mờ nhạt, chìm khuất.
Bằng một nhãn quan ngôn ngữ mới, các chị góp phần vào việc phá vỡ tính khuôn
định trong cách sử dụng ngôn từ. Ngôn ngữ mực thước, trang trọng không còn là lựa
chọn duy nhất. Dường như, văn xuôi nữ Việt Nam nói riêng và văn xuôi Việt Nam
nói chung đang cố bắt kịp với văn xuôi thế giới, tiệm cận với xu thế hậu hiện đại, nơi
mà ranh giới giữa tính chất bình dân và tính chất bác học hàn lâm bị xóa nhòa.
KẾT LUẬN
Gần ba trăm năm trước, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm viết Đền thiêng ở cửa bể kể
chuyện về nàng Nguyễn Cơ quý phi của Trần Duệ Tông. Đây có thể nói là tác phẩm
văn xuôi đầu tiên của một nhà văn nữ viết về người phụ nữ. Bẵng đi hơn một trăm
năm sau, mới có các nữ sĩ Đạm Phương, Tương Phố đủ thấy dòng văn học nữ khởi
nguyên thật chật vật. Nhưng từ nửa cuối thế kỉ qua, khi văn nữ chảy thành dòng với
các tác giả Mộng Sơn, Thanh Hương, Vũ Thị Thường, Nguyễn Thị Ngọc Tú… thì nó
lại mạnh mẽ, ào ạt với hàng loạt tác giả ngang ngửa với nhà văn phái mạnh. Và trong
khoảng hai mươi năm trở lại đây, các nhà văn nữ đã không ngừng xuất hiện trên bục
nhận giải nhất văn chương trong các cuộc thi lớn. Điều đó chứng tỏ có một dòng văn
học nữ Việt Nam đang cuộn chảy và ngày càng lớn mạnh trong lòng dân tộc.
Người phụ nữ Việt Nam nói chung và các nhà văn nữ Việt Nam nói riêng đang
có một khoảng trời tự do ở phía trước để học tập, phấn đấu và tự khẳng định mình.
Đội ngũ viết văn nữ ngày càng đông lên, do những người phụ nữ đã có đủ vốn tri
thức để thi thố với chữ nghĩa, và cũng còn bởi ngày nay quan niệm về nghiệp văn
chương không còn nhiều khe khắt, giáo điều như trước. Cơ chế xuất bản cũng thông
thoáng hơn. Văn chương thực sự trở thành một sân chơi rộng lớn, nơi bất kì ai cũng
có thể tham dự một cách tự do và bình đẳng. Người phụ nữ nào cũng có thể thử sức
mình trong lĩnh vực văn chương, nếu thành công thì họ ở lại, nếu thất bại thì họ ra đi.
Ngay cả khi đã ở lại họ cũng có thể chọn cho mình con đường trở thành nhà văn
chuyên nghiệp, hay chỉ là một người viết nghiệp dư, nghĩa là khi nào thích thì viết,
mệt thì nghỉ. Hầu như không có nhà văn Việt Nam nào sống được bằng nhuận bút,
nên các nhà văn nữ thường kiêm nhiệm nhiều việc, thường là những việc có liên quan
đến chữ nghĩa văn chương như làm báo, làm biên tập viên văn học, làm xuất bản…
để có thể nuôi sống nghiệp văn. Nghề tiếp xúc nhiều với chữ mang đến cho họ tầm
hiểu biết rộng; nỗi lo mưu sinh rèn luyện cho họ trở thành những con người thực tế;
thiên chức làm vợ, làm mẹ khiến cho họ gần gũi với những cái lỉnh kỉnh, lặt vặt của
cuộc sống đời thường. Tất cả những thứ đó cộng lại tạo nên một lối viết ít tô vẽ, rất
“đời” nhưng cũng rất giàu nữ tính.
Đọc tác phẩm của các nhà văn nữ hiện nay viết về đề tài người phụ nữ hiện đại,
chúng ta sẽ tìm thấy được những đặc điểm về tính cách của người phụ nữ hiện đại
trong mối quan hệ với xã hội, với gia đình và bản thân. Cuộc sống muôn màu muôn
vẻ cộng với cá tính sáng tạo của từng nhà văn đã tạo nên nhiều hình ảnh khác nhau về
người phụ nữ Việt Nam ở cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI. Chúng ta gặp ở đây những
gương mặt phụ nữ ở đủ mọi tính cách, đủ mọi lứa tuổi. Đó có thể là những người phụ
nữ đẹp, tự tin, năng động mà cũng có thể là những người phụ nữ nhan sắc bình
thường mà lại nhẹ dạ, cả tin. Đó có thể là những người mẹ suốt đời hi sinh cho con,
hay những người mẹ chỉ biết sống cho riêng mình. Đó còn là những người phụ nữ
thành đạt trong công việc, có một gia đình hạnh phúc nhưng vẫn không ngừng khát
khao một cuộc sống tinh thần luôn phong phú, tươi mới. Đó còn là những người phụ
nữ nghèo khó gánh trên vai một gánh gia đình, lúc nào cũng loay hoay với những câu
hỏi về mưu sinh. Đó còn là hình ảnh của những cô thiếu nữ đang chập chững bước
vào đời luôn băn khoăn với những câu hỏi về tình yêu, về lẽ sống… Những người
phụ nữ ấy hiện lên dưới cái nhìn của các nhà văn nữ đều rất sống động với thế giới
nội tâm phức tạp, với những nét tính cách rất chân thực, không tô vẽ. Lấy giá trị nhân
bản làm gốc, những trang truyện của các nhà văn nữ đi sâu lí giải, trân trọng từng nỗi
khát khao; cảm thông với những lầm lẫn, ngô nhận; nâng đỡ từng số phận sa ngã; yêu
quý từng cuộc đời đơn lẻ. Các nhà văn với thế mạnh là những người cùng giới, hiểu
tường tận những nỗi niềm của người phụ nữ hiện đại, thể hiện nó trên những trang
văn làm cho nam giới hiểu phụ nữ hơn, và chính phụ nữ cũng hiểu mình hơn.
Các nhà văn nữ ngày nay đã được trang bị học vấn và những tri thức toàn diện
về đời sống. Nhờ biết tiếp thu những yếu tố nội sinh của văn học dân tộc và tiếp biến
kĩ thuật hiện đại của thế giới, chất lượng nghệ thuật trong tác phẩm của họ mỗi ngày
một nâng cao. Họ biết lựa chọn những điểm nhìn thích hợp để bày tỏ cái tôi nội cảm
của nhân vật một cách tự nhiên và thuyết phục. Tiêu điểm nội quan được lựa chọn
nhiều nhất, và có thể nói đây là một lựa chọn thích hợp, là một trong những yếu tố
góp phần tạo nên thành công cho hệ thống tác phẩm viết về người phụ nữ. Cái nhìn từ
bên trong tạo thuận lợi cho việc miêu tả tâm lý nhân vật, phù hợp với kiểu “truyện
tâm tình”, không chú trọng nhiều đến tình tiết và cốt truyện mà hướng đến những
khoảnh khắc tâm trạng.
Tâm lý nhân vật được mô tả bằng nhiều thủ pháp. Có khi các nhà văn để cho
nhân vật tự bộc lộ, tự giãi bày. Cũng có khi các nhà văn áp dụng biện pháp vẽ cảnh
để tả tình, nhờ thiên nhiên nói hộ lòng người. Ngôn ngữ nhân vật cũng là một trong
những phương tiện để nhân vật bộc lộ tính cách và tâm trạng.
Về ngôn ngữ văn xuôi, các nhà văn cũng có những đóng góp nhất định trong
việc làm cho ngôn ngữ văn chương gần gũi với ngôn ngữ đời thường. Khẩu ngữ được
gia tăng, làm cho nhân vật sống thật hơn, gần với người đọc hơn. Ngoài ra, ngôn ngữ
văn xuôi của các nhà văn nữ cũng mang những đặc điểm có tính thời đại: tăng cường
tính tốc độ, thông tin và triết luận. Có những nhà văn đã bước đầu tạo ra được dấu ấn
ngôn ngữ riêng trong lòng độc giả.
Bên cạnh những thành công nêu trên, văn chương nữ Việt Nam ở thời điểm
cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định.
Thứ nhất, nội dung đề tài còn chưa thật sự phong phú, phần nhiều xoay quanh
những mảnh đời nhỏ bé của người phụ nữ giữa dòng chảy cuồn cuộn của cuộc đời.
Tác phẩm của họ chưa có tầm khái quát cao và ít tác phẩm “đứng” được lâu trong
lòng độc giả.
Thứ hai, các nhà văn nữ thường lấy cuộc đời mình ra làm chất liệu cho những
sáng tạo nghệ thuật. Việc làm này có những lợi thế như sự chân thực trong cảm xúc,
chiều sâu trong những chiêm nghiệm về cuộc đời, nhưng ngược lại có những bất lợi,
mà như cách nói của nhà thơ Đặng Minh Châu “viết mà xài đến vốn rồi, lấy cả cuộc
đời mình ra viết, như thế, về mặt làm nghề mà xét phải rất tài, nếu không chóng hết
lắm”. [55]
Thứ ba, không phải tất cả, nhưng một số nhà văn nữ đang có nguy cơ lặp lại
mình. Sự lặp lại thể hiện trong việc chọn lựa đề tài, cách dàn dựng kết cấu, cách chọn
lựa lối hành văn cho tác phẩm. Tất nhiên trên một chặng đường dài của sáng tạo nghệ
thuật, chúng ta không thể đòi hỏi các nhà văn lúc nào cũng ở trong trạng thái cảm xúc
thăng hoa để tạo nên những thành công, nhưng chúng ta cũng mong muốn được
thưởng thức những tác phẩm văn chương thực sự có giá trị, chịu được thử thách khắc
nghiệt của thời gian.
Để phát huy những mặt tích cực và hạn chế đi những nhược điểm của mình,
không có con đường nào khác là các nhà văn nữ Việt Nam phải tăng cường học hỏi
và rèn luyện tay nghề. Như một “người trong cuộc” đã nói: “Chúng ta đang ở một
thời mà người cầm bút buộc lòng phải có một giao tiếp nhất định với sản phẩm tinh
thần và nghệ thuật toàn thế giới. Tôi cho rằng, ngày nay, một nhà văn thực sự không
được phép xin lỗi cho sự thiếu hiểu biết của mình về hoạt động của các đồng nghiệp
xuất sắc trên thế giới nữa…”. [31]
Để nâng mình lên một tầm cao mới, cố gắng của cá nhân là chưa đủ. Nhà
nước, xã hội và gia đình cũng cần chắp đôi cánh để các nhà văn nữ của chúng ta bay
cao, bay xa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tạ Duy Anh (2006), “Tôi thích tự huyễn hoặc mình đấy”, Tường thành, Nhà
xuất bản Hội nhà văn, Hà Nội.
2. Nhuệ Anh (2006), “Các nhà văn nữ của “thế kỉ nàng”, Văn nghệ, (21).
3. Phan Thị Vàng Anh, Võ Thị Hảo, Lý Lan, Nguyễn Thị Thu Huệ (2002),
Truyện ngắn bốn cây bút nữ, Nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội.
4. Y Ban (2005), Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, Tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Thanh
Niên, Hà Nội.
5. Lê Huy Bắc (1998), “Giọng và giọng điệu trong văn xuôi hiện đại”, Tạp chí
Văn học, (9).
6. Nguyễn Thị Bình (2003), “Đổi mới ngôn ngữ và giọng điệu – Một thành công
đáng chú ý của văn xuôi sau 1975”, Tự sự học: một số vấn đề lí luận và
lịch sử, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội.
7. Xuân Cang, “Y Ban và những thân phận đàn bà”, www.hanoi.vnn.vn.
8. Văn Chinh (2001), “Văn nữ thế kỉ XX, một tuyển tập đáng quý”, Nông nghiệp
Việt Nam, (138).
9. Trương Chính (1990), “Nhìn lại vấn đề giải phóng phụ nữ trong tiểu thuyết Tự
lực văn đoàn”, Tạp chí Văn học,(5).
10. Ngô Thị Kim Cúc (1996), Thảm cỏ trên trời, Tập truyện ngắn, Nhà xuất bản
Công an nhân dân.
11. Phạm Việt Cường , “Hợp đồng ngầm với các con chữ”, www.talawas.org.
12. Trần Ngọc Dung (2006), “Đời sống thể loại văn học sau 1975”, Nghiên cứu
văn học,(2).
13. Hạnh Đỗ, “Không nên tước đi bản năng tự nhiên của nhân vật”, Tường thành,
Nhà xuất bản Hội nhà văn, Hà Nội.
14. Đào Đồng Điện, Phụ nữ là đàn bà, tuoitre online.com.vn.
15. Nhị Hà (2005), “Tôi ngồi bệt trên đất và viết”, Người sót lại của rừng cười,
Nhà xuất bản Phụ nữ, Hà Nội.
16. Minh Hà (2005), “Tôi vốn là người đàn bà thích che chở”, Hồn trinh nữ, Nhà
xuất bản Phụ nữ, Hà Nội.
17. Võ Thị Xuân Hà (2002), Truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà, Nhà xuất bản Phụ nữ,
Hà Nội.
18. Võ Thị Xuân Hà (2006), Chuyện của con gái người hát rong, Tập truyện ngắn,
Nhà xuất bản Hội nhà văn, Hà Nội.
19. Võ Thị Xuân Hà (2006), Tường thành, Tiểu thuyết, Nhà xuất bản Hội nhà văn,
Hà Nội.
20. Lê Thị Đức Hạnh (1967), “Nhân vật phụ nữ nông thôn trong truyện ngắn Vũ
Thị Thường”, Tạp chí Văn học, (9).
21. Lê Thị Đức Hạnh (1968), “Nhân vật phụ nữ ba đảm đang qua sáng tác của một
số nhà văn nữ”, Tạp chí Văn học,(7).
22. Nguyên Hằng (2005), “Suốt đời chỉ mơ một giấc”, Người sót lại của rừng
cười, Nhà xuất bản Phụ nữ, Hà Nội.
23. Võ Thị Hảo (2005), Người sót lại của rừng cười, Tập truyện ngắn, Nhà xuất
bản Phụ Nữ, Hà Nội.
24. Võ Thị Hảo (2005), Hồn trinh nữ, Tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Phụ Nữ, Hà
Nội.
25. Võ Thị Hảo (2005), Góa phụ đen, Tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Phụ Nữ, Hà
Nội.
26. Hoàng Ngọc Hiến, “Không chỉ là một “Gia đình bé mọn”, www.hanoi.vnn.vn.
27. Hoàng Ngọc Hiến (2003), “Kể lại nội dung và viết nội dung”, Tự sự học: một
số vấn đề lí luận và lịch sử, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội.
28. Đỗ Đức Hiểu (1990), “Đọc Phạm Thị Hoài”, Văn Nghệ ngày nay, (50).
29. An Hoa, “Văn chương một thời để nhớ”, www.cpv.org.vn.
30. Nguyễn Thái Hòa (2003), “Điểm nhìn trong lời nói giao tiếp và Điểm nhìn
nghệ thuật trong truyện”, Tự sự học: một số vấn đề lí luận và lịch sử, Nhà
xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội.
31. Phạm Thị Hoài (1989), “Viết như một phép ứng xử”, Tạp chí Sông Hương,
(39).
32. Phạm Thị Hoài (1989), Mệ lộ, Tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Tổng hợp Phú
Khánh.
33. Phạm Thị Hoài (1990), “Một trò chơi vô tăm tích”, Văn Nghệ (50).
34. Phạm Thị Hoài (1995), Thiên sứ, Tiểu thuyết, Nhà xuất bản Hội nhà văn, Hà
Nội.
35. Phạm Thị Hoài, “Hư cấu thật, hiện thực giả”, www.talawas.org.
36. Phạm Thị Hoài, Cam tâm, truyện ngắn, www.thoivan.com.
37. Phạm Thị Hoài, Man nương, truyện ngắn, www.evan.com.vn.
38. Phạm Thị Hoài, Ám thị, truyện ngắn, www.thoivan.com.
39. Lê Thị Tâm Hoài (2005), Cái nhìn nghệ thuật về người phụ nữ trong một vài
tiểu thuyết đoạt giải năm 1991 của Hội nhà văn Viêt Nam, Luận văn Thạc
sĩ ngữ văn, Trường Đại học Sư Phạm Tp. Hồ Chí Minh.
40. Đoàn Thị Hương (1978), “Người phụ nữ Việt Nam xã hội chủ nghĩa và cuộc
cách mang khoa học kĩ thuật trong văn học”, Tạp chí Văn học,(1).
41. Châm Khanh: “Phụ nữ và văn chương”, www.tienve.org.
42. Bích Khuê, “Tọa đàm về tác phẩm nhà văn nữ được giải thưởng 2005”, Văn
Nghệ (24).
43. Lý Lan (2006), Người đàn bà kể chuyện, Tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Văn
Nghệ. Tp. Hồ Chí Minh.
44. Hồ Thị Liễu (2002), Khảo sát truyện ngắn các nhà văn nữ Việt nam từ 1986
đến 1996, Luận văn Thạc sĩ khoa học ngữ văn, Trường Đại học Khoa học
Xã hội và Nhân văn, Thành phố Hồ Chí Minh.
45. Hà Linh, “Phụ nữ viết văn trong xã hội Iran”, www.evan.com.vn.
46. Phương Lựu chủ biên (1997), Lí Luận văn học , Nhà xuất bản Giáo Dục, Hà
Nội.
47. Trần Thùy Mai (2003), Biển đời người, Tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Công
an nhân dân.
48. Trần Thùy Mai (2005), Mưa đời sau, Tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Văn
Nghệ.
49. Hoài Nam, “Bốn lới bình về “Gia đình bé mọn” của Dạ Ngân”,
www3.thanhnien.com.vn.
50. Lê Thanh Nga: “Ngụ cư” và thân phận người phụ nữ”, Văn Nghệ, (24).
51. Bích Ngân (2005), Truyện ngắn Bích Ngân, Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố
Hồ Chí Minh.
52. Bích Ngân (2005), Người đàn bà bơi trên sóng, Tập truyện ngắn, Nhà xuất bản
Văn Nghệ, Thành phố Hồ Chí Minh.
53. Dạ Ngân (1995), “Dù phải sống ít hơn”, Truyện ngắn chọn lọc 14 tác giả nữ,
Nhà xuất bản Hội nhà văn, Hà Nội.
54. Dạ Ngân (2006), Gia đình bé mọn, Tiểu thuyết, Nhà xuất bản Phụ Nữ, Hà Nội.
55. Vương Trí Nhàn (1996), “Phụ nữ và sáng tác văn chương”, Tạp chí Văn học,
(6).
56. Đỗ Hải Phong (2003), “Vấn đề người kể chuyện trong thi pháp tự sự hiện đại”,
Tự sự học: một số vấn đề lí luận và lịch sử, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm
Hà Nội.
57. Hà Phạm Phú (2002), “Ngôi nhà gương của Võ Thị Xuân Hà”, Truyện ngắn Võ
Thị Xuân Hà, Nhà xuất bản Phụ nữ, Hà Nội.
58. Huỳnh Như Phương, Nguyễn Văn Hạnh (1995), Lí luận văn học: vấn đề và suy
nghĩ, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.
59. Huỳnh Như Phương (1995), “Trong sân chơi của Vàng Anh”, Khi người ta trẻ,
Nhà xuất bản Hội nhà văn.
60. Trần Hữu Tá (1994), “Về cây bút trẻ ấy”, Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh,(9).
61. Thanh Tâm (2006), “Ưu thế tiểu thuyết của Võ Thị Xuân Hà?”, Tường thành,
Nhà xuất bản Hội nhà văn, Hà Nội.
62. Hồ Anh Thái, Wayne Karlin chủ biên (2004), Tình yêu sau chiến tranh (Love
after War), Tập truyện ngắn, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, Hà Nội.
63. Đào Thản (1994), “Đặc trưng của ngôn ngữ nghệ thuật thể hiện trong văn
xuôi”, Tạp chí Văn học, (2).
64. Bùi Việt Thắng (2002), “Tứ tử trình làng”, Truyện ngắn bốn cây bút nữ , Nhà
xuất bản Văn học, Hà Nội.
65. Bùi Việt Thắng (1998), “Một giọng nữ trầm trong văn chương”, Văn hóa,
(397).
66. Bích Thu, “Cảm nhận về văn xuôi của các cây bút nữ”, www.hanoi.vnn.vn.
67. Lý Hoài Thu (2006), “Về tiểu thuyết “Tường thành” của Võ Thị Xuân Hà”,
Văn Nghệ (24).
68. Dương Thuấn (2007), “Văn học dân tộc thiểu số ngày càng thêm nhiều cây bút
nữ”, Văn Nghệ (10).
69. Thuận (2005), Phố Tầu, Tiểu thuyết, Nhà xuất bản Đà Nẵng.
70. Thuận (2005), Paris 11 tháng 8, Tiểu thuyết, Nhà xuất bản Đà Nẵng.
71. Nguyễn Thị Bích Thuận, “Người phụ nữ hiện đại luôn tin vào khả năng của
mình”, www.322duc.org.
72. Lê Hương Thủy (2006), “Truyện ngắn sau 1975 – Một số đổi mới về thi pháp”,
Nghiên cứu văn học, (11).
73. Trịnh Thanh Thủy, “Sex”, VIETWEEKLY,
74. Nguyễn Thị Thu Thủy (2003), “Về khái niệm “Truyện kể ở ngôi thứ ba” và
“Người kể chuyện ở ngôi thứ ba”, Tự sự học: một số vấn đề lí luận và lịch
sử, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội.
75. Trịnh Thu Tiết (1979), “Đề tài phụ nữ trong văn học yêu nước thời cận đại”,
Tạp chí Văn học (3).
76. Trần Thị Trường (2005), Lời cuối cho em, Tiểu thuyết, Nhà xuất bản Hội nhà
văn, Hà Nội.
77. Lê Dục Tú (2007), “Thể loại truyện rất ngắn trong đời sống văn học đương
đại”, Nghiên cứu văn học, (2).
78. Lê Dục Tú (1994), “Miêu tả nội tâm trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn”, Tạp
chí Văn học, (8).
79. Hoàng Thị Văn (2001), Đặc trưng truyện ngắn Việt Nam từ 1975 đến đầu thập
niên 90, Luận án Tiến sĩ ngữ văn, Trường Đại học Sư Phạm TP. Hồ Chí
Minh.
80. Phỏng vấn Y Ban, Y Ban viết về nỗi đau rất đàn bà, www.thotre.com.
81. Phỏng vấn Y Ban, “Hãy lắng nghe tác phẩm của nhà văn nữ”,
www.evan.com.vn.
82. Phỏng vấn Y Ban, “Y Ban và lối viết phá cách về tình yêu”,
www.Vnexpress.net.
83. Phỏng vấn Y Ban, “Sex là giải trí và văn hóa”, www.Vnexpress.net.
84. Phỏng vấn Y Ban, “Tình yêu được tôi chắt chiu và dùng dè xẻn”,
www.vnexpress.net.
85. Phỏng vấn Võ Thị Xuân Hà, “Viết để đỡ đau đớn hơn khi nhìn thực tế”,
www.vnexpress.net.
86. Phỏng vấn Võ Thị Xuân Hà, “Nhà văn Võ Thị Xuân Hà phiêu lưu”,
www.hatay.gov.vn.
87. Phỏng vấn Võ Thị Xuân Hà, “Có thể con tôi chân không dài lắm nhưng nó vẫn
xinh”, www.thotre.com.
88. Phỏng vấn Võ Thị Xuân Hà, “Trả lời phỏng vấn giáo sư Trần Quý Phiệt”,
Truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà, Nhà xuất bản Phụ nữ, Hà Nội.
89. Phỏng vấn Võ Thị Hảo do tác giả luận văn thực hiện, Phụ lục của luận văn.
90. Phỏng vấn Võ Thị Hảo (2005), “Gương mặt Võ Thị Hảo”, Góa phụ đen, Nhà
xuất bản Phụ nữ, Hà Nội.
91. Phỏng vấn Võ Thị Hảo và Trần Thanh Hà, Nữ quyền trong văn chương nữ
Việt nam chưa mạnh, www.tuoitre.com.vn.
92. Phỏng vấn Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Thị Thu Huệ muốn tận hưởng tình
yêu đích thực, www.vnexpress.net.
93. Phỏng vấn Nguyễn Thị Thu Huệ, Tôi không hạ bệ đàn ông,
www.vnexpress.net.
94. Phỏng vấn Lý Lan do tác giả luận văn thực hiện, Phụ lục của luận văn.
95. Phỏng vấn Dạ Ngân do tác giả luận văn thực hiện, Phụ lục của luận văn.
96. Phỏng vấn Dạ Ngân, Viết văn như xây nhà, hanoi.vnn.vn.
97. Phỏng vấn Trần Thùy Mai, Trần Thùy Mai: một cái nhìn khai phóng về cuộc
sống, www.tuoitre .com.vn.
98. Phỏng vấn Trần Thùy Mai, Với đôi cánh tình yêu, www.tuoitre.com.vn.
99. Phỏng vấn Trần Thùy Mai, Nếu có siêu thị đàn ông, www.hue.vnn.vn.
100. Phỏng vấn Trần Thùy Mai, Viết văn là một cách thương yêu,
www.tuoitre.com.vn.
101. Phỏng vấn Thuận, Phỏng vấn Thuận (tác giả Made in Vietnam),
www.tienve.org.
102. Phỏng vấn nhà văn Trần Thị Trường, Nhà văn Trần Thị Trường: say mê
viết về thân phận phụ nữ, www.hanoi.vnn.vn.
103. Phỏng vấn nhiều nhà văn, Vẻ đẹp dâng hiến, www.dddv.com.vn.
104. “Phụ nữ - nguồn cảm hứng sáng tác của văn xuôi Việt Nam thời kì đổi
mới”, www.hanoi.vnn.vn.
105. “Tường thành” – Thế giới đa diện của những người làm báo”,
www.evan.com.vn.
106. Nhiều tác giả (1999), Truyện ngắn nữ thập niên 90, Nhà xuất bản Phụ Nữ,
Hà Nội.
107. Nhiều tác giả (2006),Văn chương một thời để nhớ, Tập truyện ngắn, Nhà
xuất bản Văn học, Hà Nội.
PHỤ LỤC
Phỏng vấn nhà văn Võ Thị Hảo*
1. Xin cho biết quan niệm của chị về người phụ nữ Việt Nam hiện đại?
- Người phụ nữ hiện đại là người luôn nắm bắt được thông tin, kiến thức và
hành xử cập nhật thời đại. Đồng thời, không nô lệ trong suy nghĩ, không lệ thuộc lối
mòn, tôn trọng nhân phẩm và nhân quyền của chính mình.
2. Khi viết về người phụ nữ, theo chị có điểm khác biệt giữa một cây bút
nữ với một cây bút nam không?
- Cơ bản là giống nhau. Chỉ khác ở chỗ phụ nữ viết về chính giới của mình thì
sẽ phát hiện ra nhiều nỗi đau hơn của phụ nữ và cảm thấy tình yêu ở một khía cạnh
khác hơn là khía cạnh hưởng thụ và chiêm ngưỡng như nam giới thường hay quan
tâm trong các tác phẩm của họ.
3. Theo chị, đâu là những khó khăn của nhà văn nữ trong thời điểm hiện
nay?
- Vẫn ở vấn đề thời gian và quan niệm. Phụ nữ Việt Nam rất khó để trở thành
nhà văn chuyên nghiệp vì phải gánh trên vai quá nhiều trách nhiệm trong gia đình và
trong xã hội. Và việc cô ta ngồi vào bàn viết văn như là một hành động phí phạm thời
gian đối với nhiều người đàn ông: Chỗ của cô ta là trong bếp hoặc bôn ba đi kiếm
tiền để nuôi cả nhà thì "phải lẽ hơn".
4. Đóng góp của nhà văn nữ trong công cuộc giải phóng phụ nữ?
- Đương nhiên, họ là những người tiên phong, khi nhu cầu này nằm trong máu
của họ và khi đó, cây bút viết nên nỗi đau, nỗi tổn thương. Bình đẳng giới, đáng buồn
là đa phần mọi người đều hiểu đó là việc mấy mụ đàn bà đòi quyền làm chồng. Hoàn
toàn sai lầm nếu hiểu như vậy. Bình đẳng giới không cho riêng ai. Nó là nhu cầu tự
thân về những tổn thương xẩy ra do sự mất cân bằng của xã hội đem lại, Khi những
kẻ yếu bị kẻ mạnh ức hiếp, rồi chính kẻ mạnh cũng đến lượt bị tổn thương gián tiếp vì
không một kẻ mạnh nào có thể tách rời hoàn toàn được những kẻ yếu...
5. Những dự định của chị có liên quan đến các nhân vật là nữ?
- Tôi còn nhiều đề tài để viết tiểu thuyết. Vấn đề là dành thời gian để viết ra
nó. Đề tài nào thì cũng liên quan đến phụ nữ. Và đương nhiên, cả đàn ông.
Phỏng vấn nhà văn Lý Lan*
1. Xin cho biết quan niệm của chị về người phụ nữ hiện đại?
- Là người phụ nữ độc lập, tự do.
2. Khi viết về người phụ nữ, theo chị, có điểm nào khác biệt giữa một cây bút
nữ với một cây bút nam?
- Tôi không thấy khác biệt giữa cây bút nữ và cây bút nam viết về phụ nữ - tôi thấy sự
khác biệt giữa người viết giỏi và người viết không giỏi mà thôi.
3. Những khó khăn của nhà văn nữ Việt Nam trong thời điểm hiện nay?
- Tôi không thể nói thay cho các nhà văn khác, phần tôi, trong thời điểm hiện nay,
khó khăn nhứt là việc đưa tác phẩm của mình vượt qua cơ chế xuất bản, hệ thống
phát hành, sự rụt rè của giới nghiên cứu phê bình, sự hờ hững của công chúng, để
đến được bạn đọc tri âm.
4. Đóng góp của nhà văn nữ trong công cuộc giải phóng phụ nữ / bình đẳng
giới?
- Lẽ ra có thể đóng một vai trò lớn hơn thực tế hiện nay.
5. Những dự định tương lai của chị có liên quan đến đề tài người phụ nữ?
- Xuất bản tiểu thuyết "Đàn Bà".
Phỏng vấn nhà văn Dạ Ngân*
1. Xin cho biết quan niệm của chị về người phụ nữ Việt Nam hiện đại?
- Người phụ nữ hiện đại nếu được giải phóng triệt để về mặt tự do cá nhân, họ
sẽ có tất cả năng lực như nam giới. Chính khách ư, nhà khoa học ư, các cương vị
chuyên môn xã hội học ư, tướng lĩnh ư… tôi tin họ làm được hết và còn làm xuất sắc.
Thế giới ngày càng nhiều chính khách chủ chốt là nữ đã nói lên tiềm năng của nữ
giới. Tuy vậy, không người phụ nữ nào có thể nhạt đi vai trò làm vợ làm mẹ, tính nữ
trong đời sống hôn nhân và tình mẫu tử bao quát càng khiến cho người phụ nữ hiện
đại thấu đáo hơn, tức là thành đạt một cách có hương vị.
2. Khi viết về người phụ nữ, theo chị có điểm khác biệt giữa một cây bút
nữ với một cây bút nam không?
- Dĩ nhiên khi viết về phụ nữ thì nhà văn nữ đã sẵn lợi thế hơn cây bút nam. Sự
tinh tế trong phát hiện chi tiết, trong chiều sâu tâm lí và sự chân thực trong tính cách
nhân vật… đó là thế mạnh không ai giành được ở nhà văn nữ. Trên hết, sự trải
nghiệm và chiêm nghiệm cá nhân của người nữ mặc nhiên sẽ có sự đồng cảm lớn lao
với nhân vật của mình, từ đó khoảng cách giữa nhà văn với độc giả, nhất là độc giả
nữ sẽ ngắn hơn nhiều.
3. Theo chị, đâu là những khó khăn của nhà văn nữ trong thời điểm hiện
nay?
- Khó khăn cụ thể là thời gian. Họ bị xẻ đôi, xẻ ba cho nhiều nghĩa vụ: nghĩa
vụ công sở, nghĩa vụ gia tộc, nghĩa vụ gia đình. Và nếu người đó là nhà văn nữa thì
ôi thôi, người họ lúc nào cũng căng như sợi dây đàn, chạm đến là rung mà cũng có
thể đứt bất cứ lúc nào. Trên hết, khó khăn chung vẫn là áp lực xã hội khi phán xét họ:
viết thế nào là vừa liều lượng để không bị kêu “con này hay chính trị hoá” (tôi hay bị
kêu như vậy), hoặc viết về tình dục sao cho “con này vén cao váy quá đấy” (hình như
tôi cũng có bị kêu), hoặc viết sao cho không mang tiếng “đem đời mình và những
người chung quanh ra bới” (trên thế giới nhiều tiểu thuyết gia nữ thường đưa yếu tố
tự truyện vào, đó là đặc điểm nữ). Xã hội Nho giáo Việt Nam vẫn chưa cởi mở bằng
Nho giáo gốc là Tàu, vì vậy cái trần cho nhà văn Việt Nam vẫn rất thấp.
4. Đóng góp của nhà văn nữ trong công cuộc giải phóng phụ nữ?
- So với phụ nữ Hàn, phụ nữ Nhật, phụ nữ đạo Hồi, phụ nữ các nước Nam Á,
phụ nữ Việt Nam nói chung rất có ý thức vùng dậy. Đó là do nhu cầu tự thân của xã
hội chiến trận Việt Nam. Vai trò người phụ nữ trong từng gia tộc rất lớn, rất phi
thường. Phụ nữ Việt Nam rất có uy với cộng đồng của mình. Nhà văn nữ cũng nằm
trong số đó, tuy vậy, độc giả nữ ở Việt Nam lại không đông như nam giới, vì vậy tác
dụng của nhà văn nữ trong xã hội Việt Nam chưa cao. Do dân trí thấp, mà số thấp lại
nằm phần lớn ở phụ nữ. Đó là thiệt thòi của nhà văn nữ nói riêng và cũng là thiệt
thòi của phụ nữ Việt Nam nói chung.
5. Những dự định của chị có liên quan đến các nhân vật là nữ?
- Tôi tiếp tục chung thủy với những nhân vật trung tâm là nữ. Nhưng những
tiểu thuyết tôi đang nghĩ tới tính xã hội rộng hơn, nhân vật nam không lép vế. Ví như
tôi đang thai nghén một tiểu thuyết về đề tài hậu chiến và hòa giải dân tộc, nam và
nữ đều được chăm sóc như nhau. Ví như sẽ có cuốn về cuộc chiến tranh 10 năm ở
Campuchia, ở đó những nhân vật là người lính. Tôi đang cố gắng rời chất tự truyện
trong sáng tác của mình để tầm bao quát có thể rộng hơn.
______________________________
* Phỏng vấn do tác giả luận văn thực hiện vào tháng 4 năm 2007.
._.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- LA7106.pdf