Tài liệu Nghiên cứu các hệ thống chăn nuôi gia cầm trong nông hộ tại huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội: ... Ebook Nghiên cứu các hệ thống chăn nuôi gia cầm trong nông hộ tại huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội
122 trang |
Chia sẻ: huyen82 | Lượt xem: 3811 | Lượt tải: 1
Tóm tắt tài liệu Nghiên cứu các hệ thống chăn nuôi gia cầm trong nông hộ tại huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Bé gi¸o dôc vµ ®µo t¹o
trêng ®¹i häc n«ng nghiÖp hµ néi
----------eêf----------
Vò thÞ thuËn
NGHIÊN CỨU CÁC HỆ THỐNG CHĂN NUÔI GIA CẦM TRONG NÔNG HỘ TẠI HUYỆN PHÚ XUYÊN - HÀ NỘI
LuËn v¨n th¹c sÜ n«ng nghiÖp
Chuyªn ngµnh : ch¨n nu«i
M· sè : 60.62.40
Ngêi híng dÉn khoa häc: ts. Vò §×NH T¤N
Hµ Néi - 2009
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan số liệu và kết quả nghiên cứu trong luận văn này là trung thực và chưa hề được sử dụng để bảo vệ một học vị nào.
Tôi xin cam đoan mọi sự giúp đỡ cho việc thực hiện luận văn đã được cảm ơn và các thông tin trích dẫn đã được chỉ rõ nguồn gốc.
Tác giả luận văn
Vũ Thị Thuận
LỜI CẢM ƠN
Nhân dịp hoàn thành luận văn tốt nghiệp, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến TS Vũ Đình Tôn – người hướng dẫn tôi thực hiện đề tài này.
Tôi xin trân thành cảm ơn các thầy giáo và cô giáo trong Bộ môn Chăn nuôi chuyên khoa, Khoa Chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, Viện đào tạo sau đại học đã góp ý và chỉ bảo để tôi hoàn thành luận văn này.
Tôi xin trân thành cảm ơn các cán bộ và nhân dân huyện Phú Xuyên cũng như các xã điều tra đã giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để tôi thực hiện đề tài này.
Để hoàn thành luận văn này tôi còn nhận được sự giúp đỡ, sự động viên khích lệ của người thân của người than, bạn bè và đồng nghiệp. Tôi xin trân thành cám ơn những tình cảm cao quý đó!
Một lần nữa, tôi xin trân thành cảm ơn những sự giúp đỡ quý báu trên!
Hà Nội, ngày 22 tháng 09 năm 2009 Tác giả luận văn
Vũ Thị Thuận
MỤC LỤC
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT
TTTA/kg TT Tiêu tốn thức ăn/ kg tăng trọng
TTTA Tiêu tốn thức ăn
KL Khối lượng
TL Tỷ lệ
VAC Vườn – Ao – Chuồng
NN Nông Nghiệp
DT Diện tích
LĐ Lao động
SS Sinh sản
SL Sản lượng
TL Tỷ lệ
TG Thời gian
HQKT Hiệu quả kinh tế
DANH MỤC BẢNG
STT
Tên bảng
Trang
4.1 Tình hình sử dụng đất của huyện Phú Xuyên 35
4.2 Điều kiện kinh tế, xã hội của huyện Phú Xuyên 37
4.3 Tình hình chăn nuôi của huyện Phú Xuyên từ 2006 – 2008 41
4.4 Tình hình sử dụng đất của các xã nghiên cứu 45
4.5 Điều kiện kinh tế, xã hội của các xã nghiên cứu 48
4.6 Tình hình chăn nuôi gia cầm của các xã nghiên cứu từ 2006 - 2008 49
4.7 Các hệ thống chăn nuôi gia cầm tại huyện Phú Xuyên 51
4.8 Các giống gia cầm được nuôi trong các hệ thống 56
4.9 Thông tin chung về các nông hộ điều tra theo các hệ thống 58
4.10 Số lượng gia súc, gia cầm trong các nông hộ theo các hệ thống 61
4.11 Mức độ an toàn sinh học trong chăn nuôi theo các hệ thống 64
4.12 Năng suất chăn nuôi gà sinh sản theo các hệ thống 67
4.13 Năng suất chăn nuôi thuỷ cầm sinh sản trong hệ thống 1 70
4.14 Năng suất chăn nuôi gia cầm thịt theo các hệ thống 73
4.15 Tình hình sử dụng thức ăn chăn nuôi gia cầm theo các hệ thống 76
4.16 Chuồng trại trong chăn nuôi gia cầm theo các hệ thống 78
4.17 Tình hình sử dụng vắc-xin trong các hệ thống 81
4.18 Một số bệnh thường gặp trong chăn nuôi gia cầm theo các hệ thống 84
4.19 Hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi gà sinh sản theo các hệ thống 86
4.20 Hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi thủy cầm sinh sản 89
4.21 Hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi gia cầm thịt theo các hệ thống 91
4.22 So sánh hiệu quả kinh tế chăn nuôi gia cầm theo các hệ thống 93
4.23 Tổng thu nhập của nông hộ theo các hệ thống 95
DANH MỤC ĐỒ THỊ
STT
Tên hình
Trang
2.1 Mô hình VAC của nông hộ 5
4.1 Bản đồ địa chính huyện Phú Xuyên 33
4.2 Phân bố lượng mưa và nhiệt độ trung bình trong năm 36
4.3 Tốc độ phát triển đàn gia cầm của huyện Phú Xuyên giai đoạn 2001 - 2008 42
4.4 Mật độ đàn gia cầm của các xã trong huyện Phú Xuyên 42
4.5 Cơ cấu thu nhập trong nông hộ theo các hệ thống 95
4.6 Sự biến động của giá thức ăn trong chăn nuôi gia cầm 97
4.7 Sự biến động của giá con giống gia cầm 98
4.8 Sự biến động của giá gia cầm thịt tại vùng nghiên cứu 100
4.9 Các kênh thương mại hoá sản phẩm gia cầm tại huyện Phú Xuyên 102
1. MỞ ĐẦU
1.1 Tính cấp thiết của đề tài
Chăn nuôi là ngành kinh tế quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ trọng chăn nuôi là giải pháp chủ yếu để duy trì và nâng cao giá trị của sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp của nước ta chiếm trên 25% và định hướng sẽ tăng lên, đạt 32% vào năm 2010, 38% vào năm 2015 và 42% vào năm 2020. Phát triển chăn nuôi nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập của khu vực nông nghiệp, nông thôn, góp phần cải thiện chất lượng dinh dưỡng cho người dân và thúc đẩy tiến trình giảm nghèo. Sản phẩm chăn nuôi không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn cho nhu cầu xuất khẩu (Cục Chăn nuôi, 2008) [15].
Chăn nuôi gia cầm chiếm vị trí quan trọng trong chương trình cung cấp protein động vật cho con người. Các sản phẩm trứng và thịt gia cầm có giá trị dinh dưỡng cao, tương đối đầy đủ và cân bằng các chất dinh dưỡng. Trứng gia cầm có tới 12,5% protein, thịt gia cầm có 22,5% protein, trong khi đó ở thịt bò là 20% protein và ở thịt lợn là 18% protein.
Trên thực tế, chăn nuôi gia cầm đã trở thành một nghề không thể thiếu trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của mọi quốc gia (Nguyễn Duy Hoan, 1999) [3]. Ở nước ta chăn nuôi gia cầm đóng một vai trò quan trọng trong kinh tế nông hộ, chiếm 19% tổng thu nhập nông hộ, xếp thứ hai, sau chăn nuôi lợn (Cục Chăn nuôi, 2006) [17]. Tốc độ tăng trưởng hàng năm của đàn gia cầm trong giai đoạn 1990 - 2003 khoảng 7% (Vũ Đình Tôn và CS, 2008) [5]. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này bị giảm từ 14% - 16% trong giai đoạn 2004 - 2006 do tác động của dịch cúm trên đàn gia cầm xảy ra vào đầu năm 2004 (Cục chăn nuôi, 2006) [16], [17]… Do vậy, ngành chăn nuôi gia cầm trong những năm vừa qua không bền vững, nguy cơ bùng phát dịch cúm H5N1 trên đàn gia cầm là rất lớn. Như vậy, một vấn đề đang được đặt ra trong chăn nuôi gia cầm là: làm thế nào để phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng bền vững?
Để phát triển bền vững trong chăn nuôi chúng ta phải có cách nhìn, cách tiếp cận đúng đắn và phù hợp. Trước đây khi nghiên cứu về chăn nuôi người ta thường tiếp cận theo lối cục bộ, nghĩa là tiếp cận theo từng vấn đề cụ thể và mang tính cấp bách cần giải quyết ở quy mô đơn vị sản xuất như: vấn đề thức ăn, cải tạo giống, chuồng trại, bệnh tật… Mặc dù lối tiếp cận này cũng đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy chăn nuôi phát triển nhưng bên cạnh đó nó cũng có những hạn chế vì chưa quan tâm nhiều đến sự phát triển lâu dài, bền vững.
Để khắc phục hạn chế của lối tư duy cục bộ trên thì từ những năm 70 của thế kỷ XX, các nhà khoa học đã áp dụng lối tư duy hệ thống trong nghiên cứu phát triển nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi và chăn nuôi gia cầm.
Tuy nhiên, do hệ thống chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm ở nước ta nói riêng lại rất đa dạng và mang tính địa phương cao. Do vậy, việc nghiên cứu về các hệ thống chăn nuôi gia cầm ở mỗi vùng là cần thiết và có ý nghĩa nhằm phát triển chăn nuôi gia cầm cũng như phát triển kinh tế, xã hội của vùng một cách nhanh chóng và bền vững.
Phú Xuyên là một huyện thuộc Thành phố Hà Nội từ tháng 8/2008, cách trung tâm Hà Nội 35km về phía Nam. Số lượng đàn gia cầm của huyện rất lớn so với các huyện khác trong tỉnh, tới 824.556 con (Thống kê huyện Phú Xuyên, 2008) [23]. Đây là huyện đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp các sản phẩm gia cầm cho thủ đô Hà Nội và các vùng lân cận. Đồng thời, đây cũng là nơi cung cấp gia cầm giống cho các nông hộ trong tỉnh và các tỉnh khác trong cả nước. Ước tính có khoảng 2 triệu gia cầm giống được xuất đi các địa phương khác từ Phú Xuyên mỗi tuần vào các giai đoạn cao điểm (Chi Cục thú y Hà Tây, 2007) [21].
Tuy vậy, từ năm 2003 đến nay, chăn nuôi gia cầm của huyện cũng như của nhiều tỉnh khác trong cả nước luôn gặp không ít những khó khăn như vấn đề dịch bệnh, sự biến động quá lớn về giá cả đầu vào và đầu ra trong chăn nuôi... Do vậy, việc nghiên cứu về hệ thống chăn nuôi gia cầm theo lối tư duy hệ thống nhằm đánh giá sự đa dạng của các hệ thống chăn nuôi gia cầm của huyện và đề ra các giải pháp phát triển phù hợp và bền vững là thiết thực và có ý nghĩa. Xuất phát từ những vấn đề đó, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: «Nghiên cứu các hệ thống chăn nuôi gia cầm trong nông hộ tại huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội»
1.2 Mục đích nghiên cứu
- Xác định và đặc điểm hoá các hệ thống chăn nuôi gia cầm tại vùng nghiên cứu.
- Đánh giá năng suất và hiệu quả kinh tế của các hệ thống chăn nuôi gia cầm.
- Thấy được những thuận lợi và những cản trở trong chăn nuôi gia cầm.
- Đưa ra những giải pháp nhằm tháo gỡ những vấn đề gặp phải trong chăn nuôi gia cầm tại vùng nghiên cứu.
1.3 Ý nghĩa khoa học
- Góp phần hoàn thiện về phương pháp nghiên cứu hệ thống chăn nuôi.
- Góp phần làm cơ sở khoa học cho việc phát triển chăn nuôi gia cầm nông hộ.
1.4 Ý nghĩa thực tiễn
- Đề tài cung cấp thông tin và đưa ra một số giải pháp phát triển chăn nuôi gia cầm phù hợp với điều kiện địa phương nghiên cứu.
- Làm tư liệu tham khảo cho việc xây dựng các chương trình phát triển chăn nuôi gia cầm.
2. TỔNG QUAN TÀI LIỆU
2.1 Cơ sở lý luận
2.1.1 Lý thuyết về hệ thống
2.1.1.1 Khái niệm về hệ thống
Khái niệm ‘‘hệ thống” đã xuất hiện từ thời cổ đại và nó là một bộ phận trong tư duy của nhân loại để mô tả về thế giới. Aristot (người Hy lạp cổ đại) có một khái niệm rất cơ bản về hệ thống mà đến nay vẫn còn giá trị "cái tổng thể lớn hơn tổng các bộ phận của nó".
Ngày nay, chúng ta đã có những khái niệm mới và hoàn chỉnh về "hệ thống". "Hệ thống là tập hợp các yếu tố có liên quan với nhau bởi các mối quan hệ và tạo thành một tổ chức nhất định để thực hiện một số chức năng nào đó" (L. Von Bertalanffy, dẫn theo Vũ Đình Tôn, 2008) [6].
Tuy nhiên, bản thân hệ thống không phải là con số cộng của các bộ phận của nó, mà là các bộ phận cùng hoạt động, những bộ phận có thể cùng hoạt động theo nhiều cách khác nhau. Chúng cùng hoạt động theo những cách nhất định để sản sinh ra những kết quả nhất định và những kết quả này chính là sản phẩm của cả một hệ thống chứ không phải là của một bộ phận nào đó trong hệ thống (Vũ Đình Tôn, 2008) [6].
Mối liên hệ của các bộ phận chính là để cho chúng cùng hoạt động và cũng để cho chúng duy trì các quan hệ giữa chúng với nhau, đây chính là điều kiện cho hệ thống tồn tại. Nếu như không tồn tại các quan hệ giữa các bộ phận và các bộ phận cũng không cùng hoạt động theo một cách nào đó để duy trì quan hệ thì chúng ta sẽ không có hệ thống. Điều này không có nghĩa là các quan hệ giữa các bộ phận của hệ thống là cố định mà chỉ có nghĩa là các bộ phận liên tục tác động ảnh hưởng lẫn nhau (Vũ Đình Tôn, 2008) [6].
thức ăn
thức ăn
nước, chất
dinh dưỡng
thức ăn, nước
Phân bón
CHUỒNG
VƯỜN
AO
phân
Mô hình Vườn – Ao - Chuồng (VAC) của các nông hộ là một ví dụ rất điển hình về hệ thống. Trong đó, mỗi bộ phận trong hệ thống này đều có liên quan với những bộ phận khác (Hình 2.1).
Hình 2.1. Mô hình VAC của nông hộ
Thông qua mô hình kinh tế VAC có thể thấy được tại sao hầu hết các nông hộ thực hiện mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao, đó chính là do các yếu tố sản xuất này đã tạo thành hệ thống và mỗi yếu tố thành phần hệ thống đã tạo ra giá trị cao hơn từng yếu tố thành phần cộng gộp lại (Vũ Đình Tôn, 2008) [6].
Việc nghiên cứu một hệ thống không phải chỉ giới hạn ở việc mô tả cấu trúc của hệ thống mà cần phải nghiên cứu về chức năng và sự biến đổi của hệ thống.
2.1.1.2 Các phương pháp phân loại hệ thống
Hệ thống được phân loại theo nhiều phương pháp:
* Xác định hệ thống theo chức năng: hệ thống tuần hoàn, hệ thống hô hấp, hệ thống tiêu hoá ở con người... Chúng ta xem xét những hệ thống này thông qua việc chúng thực hiện tốt như thế nào những chức năng của chúng, những chức năng này rất cần thiết cho sự sống của con người.
* Những hệ thống tự nhiên và hệ thống nhân tạo: những hệ thống được tạo ra bởi con người như hệ thống VAC, cái đồng hồ... Những hệ thống tồn tại một cách tự nhiên như hệ mặt trời. Việc nhận dạng và xác định phạm vi và chức năng của các hệ thống tự nhiên thường khó hơn so với các hệ thống nhân tạo. Khi làm công tác nghiên cứu chúng ta phải vạch ra những ranh giới của hệ thống cần nghiên cứu. Do các danh giới là thường không rõ ràng, bởi vậy chúng ta phải lựa chọn và quyết định điều này dựa trên những cái hữu ích.
* Những hệ thống cơ giới và hệ thống sống: hệ thống mặt trời hay chiếc đồng hồ là những hệ thống cơ giới. Con người, hệ sinh thái và hệ thống xã hội là những hệ thống bao hàm sự sống và đây là những hệ thống phức tạp hơn và khó dự báo hơn so với những hệ thống cơ giới.
Ví dụ, những hệ thống sinh thái xã hội, văn hoá của vùng nông thôn Việt Nam là rất phức tạp và biến đổi nhanh chóng. Nghiên cứu về hệ thống chính là để hiểu nó và có thể can thiệp được vào hệ thống làm cho hệ thống hoạt động theo ý muốn của con người. Để có thể can thiệp đúng thì cần phải chẩn đoán được những sự thay đổi của nó, nếu không những can thiệp sẽ kém hiệu quả.
Những hệ thống kinh tế - xã hội biến đổi không ngừng, sự biến đổi này là do rất nhiều yếu tố gây ra trong đó có yếu tố chủ quan của con người như do nhu cầu thay đổi, do yếu tố chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật thay đổi. Những biến đổi này rất cần có sự dự tính trước, như vậy mới tránh đưa ra các quyết định can thiệp nỗi thời.
* Những hệ thống mở và hệ thống khép: chỉ trừ các hệ thống tượng trưng như toán học, còn các hệ thống tồn tại trong thế giới thực tại đều là những hệ thống mở. Hệ thống mở là những hệ thống có sự trao đổi của các dòng vật chất, năng lượng và thông tin giữa môi trường ngoài và các yếu tố bên trong hệ thống. Một hệ thống càng mở là khi càng có nhiều các dòng này chuyển động vào hệ thống và ra môi trường và ngược lại càng ít sự chuyển động thì hệ thống càng khép.
2.1.2 Lý luận về hệ thống nông nghiệp
2.1.2.1 Khái niệm hệ thống nông nghiệp
Hệ thống nông nghiệp trước hết là một phương thức khai thác môi trường được hình thành trong lịch sử với một lực lượng sản xuất thích ứng với những điều kiện sinh khí hậu của một môi trường nhất định và đáp ứng được các điều kiện và nhu cầu của xã hội tại thời điểm ấy (M. Mazoyer, 1985) (dẫn theo Vũ Đình Tôn, 2008) [6].
Như vậy, hệ thống nông nghiệp là một phương thức khai thác môi trường và là một hệ thống về lực lượng sản xuất, vì thế hệ thống nông nghiệp không phải được đặt vào môi trường nông thôn mà chính nó là biểu hiện cách thức mà người nông dân sử dụng các phượng tiện sản xuất để khai thác môi trường và quản lý không gian nhằm đạt được các mục tiêu mà người ta đặt ra (Vũ Đình Tôn, 2008) [6].
Cách thức mà người nông dân sử dụng để khai thác môi trường ở thời điểm hiện tại là kết quả của một quá trình lịch sử, đó chính là quá trình thích nghi với những biến đổi của môi trường như sự thay đổi về dân số, về kinh tế, kỹ thuật. Mà các yếu tố bên ngoài môi trường luôn luôn biến đổi, do vậy hệ thống nông nghiệp không phải là một hệ thống cứng nhắc và bất biến mà trái lại nó là một hệ thống động, nó tiến triển không ngừng.
Để hiểu được sự vận hành của môi trường nông thôn cần phải vạch ra được các giai đoạn tiến triển khác nhau, xác định được các yếu tố quyết định, các yếu tố động lực của sự tiến triển và phân tích kỹ các điều kiện là nguồn gốc của sự thay đổi (Vũ Đình Tôn, 2008) [6].
Tính bền vững: hệ thống nông nghiệp là một hệ thống động nhưng cũng mang tính bền vững, có nghĩa là nó tồn tại trong một thời gian nhất định và ổn định trong một thời gian nào đó nhưng không có nghĩa là vĩnh cửu.
Hệ thống nông nghiệp phải thích nghi với các điều kiện sinh khí hậu của một khoảng không nhất định. Điều này chỉ đúng đối với các hệ thống nông nghiệp ít được cơ giới hoá. Với nền nông nghiệp được nhân tạo nhiều thì phương thức khai thác môi trường không phụ thuộc nhiều vào các điều kiện sinh khí hậu.
Một hệ thống nông nghiệp tồn tại thì phải thực hiện được chức năng của nó là đáp ứng được các điều kiện và nhu cầu của xã hội hiện tại.
Hiện nay khái niệm và phương pháp tiếp cận về hệ thống nông nghiệp vẫn chưa được thống nhất và vẫn còn là vấn đề tiếp tục được nghiên cứu và hoàn thiện. Nhưng nói chung có hai cách tiếp cận chính được công nhận rộng rãi đó là tiếp cận hệ thống nông trại (farming systems) của các nước nói tiếng Anh và tiếp cận hệ thống nông nghiệp (agricultural systems) của Pháp.
Tiếp cận hệ thống nông nghiệp có một số đặc điểm là:
+ Tiếp cận “dưới lên” (bottom-up) là điểm quan trọng nhất. Tiếp cận “dưới - lên” là dùng phương pháp quan sát và phân tích hệ thống nông nghiệp, xem hệ thống “mắc” ở chỗ nào để tìm cách can thiệp nhằm giải quyết những cản trở. Do đó, các tiếp cận từ “dưới - lên” phù hợp hơn so với lối tiếp cận ’’trên – xuống hay Top – down’’ như trước kia. Tiếp cận “dưới - lên” thường gồm 3 giai đoạn nghiên cứu là giai đoạn chẩn đoán, giai đoạn thiết kế và giai đoạn thử triển khai. Tiếp cận “dưới - lên” rất coi trọng tìm hiểu logic ra quyết định của nông dân. Nếu chúng ta không hiểu logic ra quyết định của người nông dân thì không thể đề xuất các giải pháp để họ có thể tiếp thu.
+ Coi trọng mối quan hệ xã hội như các nhân tố của hệ thống. Tiếp cận này tập trung vào phân tích mối quan hệ qua lại giữa hệ phụ sinh học và hệ phụ kinh tế – xã hội trong một tổng thể của hệ thống nông nghiệp. Trong quá trình nghiên cứu về sự phát triển nông thôn, có thể các hạn chế về kinh tế – xã hội sẽ gây khó khăn cho việc tiếp thu các kỹ thuật mới của hộ nông dân. Nếu những hạn chế về kinh tế - xã hội được tháo gỡ thì sẽ tạo điều kiện cho nông dân áp dụng rất dễ dàng các kỹ thuật mới.
+ Phân tích động thái của sự phát triển, có nghĩa là xem xét sự tiến triển của hệ thống trong lịch sử. Việc nghiên cứu sự phát triển của hệ thống nông nghiệp là cần thiết nhằm xác định phương hướng phát triển của hệ thống trong tương lai và giải quyết được cản trở phù hợp với xu hướng phát triển ấy. Trong nghiên cứu về hệ thống nông nghiệp, ta đối diện với một hệ thống động. Mục tiêu của hệ thống, các điều kiện quyết định sự phát triển của nó, môi trường tự nhiên và kinh tế – xã hội thay đổi rất nhiều, vì vậy các giải pháp về kỹ thuật hay chính sách phải thay đổi cho phù hợp (Đào Thế Tuấn, 2006) [7].
Quá trình thay đổi cơ bản nhất của hệ thống nông nghiệp là sự tiến hoá của nông dân từ tình trạng tự cấp, tự túc sang tình trạng sản xuất hàng hoá. Sự tiến hoá ấy đang diễn ra không đồng đều giữa các vùng, các làng, các hộ. Vậy không thể có giải pháp đồng nhất cho tất cả các hệ thống mà cần có những giải pháp hợp lý đối với mỗi hệ thống nhất định.
2.1.2.2 Nhận dạng và đặc điểm hoá một hệ thống nông nghiệp
Một hệ thống nông nghiệp thường được cấu thành nên từ 3 tổng thể thành phần là yếu tố tự nhiên, yếu tố nhân văn – xã hội và yếu tố kỹ thuật.
Các yếu tố tự nhiên: khí hậu, đất đai, địa hình, cấu trúc khoảng không, thảm thực vật...
Các yếu tố nhân văn và xã hội: dân tộc, các thể thức về sở hữu đất đai, quản lý lao động, tình hình y tế, thương mại hoá sản phẩm, tổ chức kinh tế...
Các yếu tố kỹ thuật: giống động vật, thực vật, các công cụ, kiến thức kỹ thuật, phương thức trồng trọt, phương thức chăn nuôi..
Theo một số tác giả (Rambo và Saise, 1984) thì một hệ thống nông nghiệp có thể ra đời từ sự tương tác của hai nhóm hệ thống lớn là hệ sinh thái và hệ thống xã hội (dẫn theo Vũ Đình Tôn, 2008) [6].
Hệ thống xã hội gồm: dân số, kỹ thuật, đức tin, các giá trị, các cấu trúc và thể chế xã hội..
Hệ sinh thái (ecosystem): gồm các thành phần về điều kiện tự nhiên (như đất, nước) và các thành phần sinh học (thực vật, động vật, vi sinh vật).
Vai trò của sinh thái nhân văn ở đây chính là nghiên cứu để nhận ra và hiểu được đặc điểm của các mối tương tác giữa hai hệ thống này (hệ thống xã hội và hệ sinh thái). Sinh thái nhân văn thường tập trung vào ba vấn đề chính là:
+ Các dòng vật chất, năng lượng và dòng thông tin giữa hai hệ thống trên
+ Hệ thống xã hội đáp ứng với sự thay đổi của hệ sinh thái ra sao.
+ Các tác động của con người vào hệ sinh thái.
2.1.3 Lý luận về hệ thống chăn nuôi
2.1.3.1 Khái niệm về hệ thống chăn nuôi
Hệ thống chăn nuôi là sự kết hợp các nguồn lực, các loài gia súc, các phương tiện kỹ thuật và các thực tiễn bởi một cộng đồng hay một người chăn nuôi, nhằm thoả mãn những nhu cầu của họ và thông qua gia súc làm giá trị hoá các nguồn lực tự nhiên (Vũ Đình Tôn, 2008) [6].
Như vậy theo định nghĩa này thì hệ thống chăn nuôi gồm 3 cực chính:
Cực con người: là tác nhân và gia đình của họ, đôi khi là một cộng đồng. Đây là trung tâm của hệ thống.
Cực đất đai: là nguồn lực mà gia súc sử dụng.
Cực gia súc: là những loài, giống gia súc được các tác nhân lựa chọn.
2.1.3.2 Các yếu tố trong chăn nuôi
Hoạt động chăn nuôi là do người chăn nuôi tiến hành. Hiệu quả của hoạt động này phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó các yếu tố này được phân thành hai nhóm chính: gia súc và môi trường.
* Yếu tố gia súc
Hệ thống chăn nuôi thường được chia thành nhiều loại khác nhau tuỳ thuộc vào các loài gia súc hay các giống gia súc được nuôi. Theo Ir.Geert montsma, 1982 (dẫn theo Vũ Đình Tôn, 2008) [6] thì một số loài động vật chính sử dụng trong nông nghiệp là:
- Loài ăn cỏ gồm hai nhóm: nhóm động vật nhai lại (trâu, bò, dê, cừu, lạc đà …) và nhóm động vật không nhai lại (ngựa, thỏ).
- Các loài khác: lợn, gia cầm, các loài côn trùng....
* Các yếu tố môi trường
- Môi trường tự nhiên
+ Đất, nước: có tác động trực tiếp và gián tiếp đến sự phát triển gia súc thông qua sự phát triển của thảm thực vật, nguồn nước uống.
+ Khí hậu: là yếu tố rất quan trọng, nó ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến chăn nuôi thông qua các điều kiện về nhiệt độ và độ ẩm. Thông thường mỗi loài hay giống gia súc có điều kiện nhiệt độ tối ưu, tối thiểu và tối đa. Nếu vượt ra khỏi giới hạn này đều có tác động xấu tới năng suất vật nuôi, thậm chí gây chết thông qua phá vỡ cân bằng thân nhiệt của gia súc. Ngoài tác động trực tiếp, nó còn tác động gián tiếp thông qua sự phát triển của thảm thực vật, sự phát triển của tác nhân gây bệnh...
- Môi trường sinh học
+ Thực vật (flora): cây trồng là nguồn thức ăn quan trọng đối với gia súc. Thực vật là nguồn cung cấp thức ăn chính cho vật nuôi, chất lượng và số lượng của cây trồng sẽ có ảnh hưởng rõ rệt tới năng suất vật nuôi.
+ Động vật (fauna): ở đây đề cập chủ yếu đến động vật ký sinh hay vật truyền mầm bệnh như các loài côn trùng và ve,...
- Môi trường kinh tế - xã hội:
+ Quyền sở hữu đất đai: thường có 2 loại là sở hữu cộng đồng (tập thể) và sở hữu cá nhân. Các hình thức sở hữu khác nhau dẫn đến mức đầu tư khác nhau. Đất thuộc quyền sử dụng của tư nhân, thường được đầu tư thâm canh tạo năng suất cao hơn và như vậy có điều kiện phát triển chăn nuôi hơn.
+ Vốn: gồm vốn tự có hoặc nguồn vốn vay. Việc tiếp cận vốn vẫn là điều kiện quan trọng ảnh hưởng tới phương thức cũng như quy mô chăn nuôi. Khi nguồn vốn dồi dào sẽ có điều kiện đầu tư thâm canh hơn như hình thức chăn nuôi trang trại, chăn nuôi công nghiệp quy mô lớn. Đồng thời cũng mang lại những hiệu quả cao hơn do sử dụng con giống tốt, thức ăn chất lượng cao, quy trình vệ sinh, chuồng trại hợp lý…
+ Lao động: lao động là yếu tố rất quan trọng trong phát triển chăn nuôi, nhất là tại những nước phát triển, sự thiếu hụt lao động thường xuyên xảy ra. Lao động được đề cập tới không chỉ số lượng mà còn cả chất lượng thông qua trình độ khoa học kỹ thuật. Lực lượng lao động trong chăn nuôi, nhất là chăn nuôi thâm canh, quy mô lớn lại càng yêu cầu chất lượng cao vì khi chăn nuôi quy mô lớn thì việc sử dụng máy móc càng nhiều và cũng đòi hỏi người lao động càng phải có tri thức cao hơn.
+ Năng lượng: các hệ thống chăn nuôi sử dụng năng lượng để làm đất, vận chuyển, xây dựng chuồng trại, sưởi ấm, sản xuất thức ăn công nghiệp và phục vụ cơ giới hoá trong chăn nuôi...Như vậy, khi chăn nuôi càng hiện đại thì nguồn năng lượng được sử dụng càng nhiều.
+ Cơ sở hạ tầng: gồm hệ thống giao thông, hệ thống thông tin, nguồn nước, các cơ sở bảo dưỡng máy móc, dịch vụ thú y, các điều kiện tiếp cận tín dụng, cơ sở thụ tinh nhân tạo, thị trường... Các điều kiện này ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi thông qua dịch vụ cung cấp đầu vào, đầu ra, sự tiếp cận với các thông tin khoa học kỹ thuật, thị trường và ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển đàn gia súc thông qua dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, nguồn thức ăn thô xanh… Tuy nhiên, sự phátt triển các cơ sở hạ tầng chịu ảnh hưởng rất lớn bởi các chính sách liên quan.
+ Thị trường: thị trường ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi thông qua nguồn cung cấp đầu vào và tiêu thụ đầu ra, nhất là khi chuyển từ sản xuất tự cấp tự túc lên sản xuất hàng hoá. Do vậy, thị trường là một trong những yếu tố quyết định quy mô sản xuất và hiệu quả kinh tế của hệ thống chăn nuôi.
+ Các yếu tố văn hoá và tín ngưỡng: các yếu tố này ảnh hưởng đến sự phát triển chăn nuôi rất rõ rệt. Ví dụ, ở các nước đạo hồi họ kiêng thịt lợn và sử dụng thịt cừu rất nhiều vào các dịp lễ hội. Từ đó dẫn đến giá thịt cừu thường rất cao và hầu như không phát triển chăn nuôi lợn. Ở Ấn Độ, bò rất ít được giết thịt. Ở một số nước thuộc Châu Phi, số lượng đàn gia súc được coi như là một yếu tố để phân biệt đẳng cấp xã hội.
2.1.3.3 Nghiên cứu và chẩn đoán các hệ thống chăn nuôi
* Cơ sở để tiến hành nghiên cứu về hệ thống chăn nuôi
Trước đây khi nghiên cứu về chăn nuôi người ta thường sử dụng phương pháp nghiên cứu cục bộ, tức là chỉ tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất trong chăn nuôi như vấn đề bệnh tật của gia súc, vấn đề nuôi dưỡng, cây thức ăn, giống, các vấn đề về môi trường chăn nuôi như nước tưới cho đồng cỏ, năng suất đàn gia súc... Phương pháp này có nhược điểm là không cho biết được mối liên hệ giữa các vấn đề trong một hệ thống chăn nuôi và không quan tâm đến sự phát triển lâu dài và bền vững của hệ thống chăn nuôi. Do vậy, để khắc phục nhược điểm của phương pháp nghiên cứu này thì việc đưa ra kiểu tiếp cận hệ thống là rất thiết thực.
Tuy nhiên tiếp cận hệ thống không phải là phương pháp đối lập, tách rời hay dùng để thay thế cho phương pháp cũ mà cả hai phương pháp này đều được sử dụng để bổ sung cho nhau trong quá trình nghiên cứu hệ thống chăn nuôi.
* Các vấn đề cần tập trung trong nghiên cứu về hệ thống chăn nuôi
- Tập trung vào con người - tác nhân trung tâm của hệ thống
Hệ thống chăn nuôi có thể được chia thành hai tiểu hệ thống:
+ Hệ thống quản lý hay điều hành: là nơi hình thành nên những mục tiêu, các thông tin về môi trường và về cấu trúc và sự vận hành của hệ thống. Đó là các dạng và các thể thức tổ chức cũng như sự huy động các phương tiện sản xuất và các quyết định quản lý (huy động sử dụng đất đai, lao động và vốn sẵn có).
+ Các hệ thống kỹ thuật sinh học của sản xuất: nơi hình thành các quá trình sản xuất và phương thức chăn nuôi cho phép đạt được các mục tiêu và chiến lược của người sản xuất . Khi nghiên cứu về hệ thống chăn nuôi sẽ tập trung chủ yếu vào hệ thống điều hành do một tác nhân hay một nhóm tác nhân điều khiển. Quan tâm đến yếu tố con người ở đây chính là người chăn nuôi, một mặt là gắn với khoa học nhân văn, nhưng đồng thời cũng quan tâm đến mục đích chủ yếu của những nghiên cứu này, đó là tham gia vào sự phát triển. Các thực tiễn chăn nuôi là những cái mang tính cá nhân của những người chăn nuôi mà ta có thể quan sát được. Những thực tiễn này cho chúng ta biết được những dự kiến và các cản trở của những hộ liên quan.
- Tiến hành nghiên cứu đa ngành
Tiếp cận tổng thể là quan tâm chủ yếu đến các mối tương tác, quan tâm đến sự vận hành của một hệ thống hơn là các yếu tố cấu trúc. Mà sự vận hành của một hệ thống chăn nuôi thường diễn ra trong một môi trường tự nhiên cũng như môi trường kinh tế, xã hội nhất định, do đó khi nghiên cứu hệ thống chăn nuôi cần có sự phối hợp và trao đổi giữa các chuyên ngành khác nhau như kinh tế, nông học và chăn nuôi.
- Tiến hành nghiên cứu trên các quy mô khác nhau
Các hệ thống chăn nuôi thường được tổ chức theo các quy mô khác nhau như đơn vị sản xuất, cộng đồng, vùng… Do vậy, việc quan sát và nghiên cứu trên các quy mô này có thể tìm ra câu giải thích cho các quy mô và cấp độ khác.
2.2 Tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước
2.2.1 Tình hình nghiên cứu trên thế giới
Theo nghiên cứu của FAO (2005) tại 5 quốc gia là Cambodia, Indonesia, Lào, Việt Nam và Thái Lan thì hệ thống chăn nuôi gia cầm được chia thành 4 loại như sau:
Hệ thống 1. Hệ thống chăn nuôi gia công công nghiệp (Industrial Integrated System). Là hệ thống có mức độ an toàn sinh học cao, được bố trí ở cách xa các thành phố lớn, bến cảng và cách sân bay. Đây là hình thức chăn nuôi gia công hợp đồng giữa các doanh nghiệp sản xuất thức ăn, cung cấp con giống và các nông hộ. Số lượng gia cầm được nuôi trong các trang trại thuộc hệ thống này có sự khác nhau giữa các nước nghiên cứu. Ở Việt Nam, các trang trại chăn nuôi gia công có quy mô từ trên 2.000 gà thịt thường xuyên một lứa. Ở Indonesia, quy mô chăn nuôi gia cầm hợp đồng từ 20.000 – 500.000 gia cầm/trại. Sản phẩm đầu ra của hệ thống này thường để xuất khẩu hoặc cung cấp cho các thành phố lớn theo một hệ thống khép kín từ chăn nuôi tới các lò giết mổ tới hệ thống phân phối là các cửa hàng, siêu thị.
Hệ thống 2. Hệ thống chăn nuôi gia cầm hàng hoá (Commercial Production System). Đây là hệ thống chăn nuôi gia cầm quy mô gia trại với mức độ an toàn sinh học cao. Các sản phẩm của hệ thống này được bán cho các thành phố và các vùng nông thôn nhưng không theo một hệ thống khép kín như trong hệ thống chăn nuôi gia công. Gia cầm được nuôi nhốt trong chuồng và hạn chế tiếp xúc với các loài gia cầm khác hoặc với động vật hoang dã. Ở Vịêt Nam, các nông trại trong hệ thống chăn nuôi này có quy mô từ 151 – 2.000 con/lứa. Trong khi, quy mô chăn nuôi theo hệ thống này ở Indonesia từ 5.000 – 10.000 con/lứa.
Hệ thống 3. Hệ thống chăn nuôi gia cầm quy mô hàng hoá nhỏ (Small – Scale commercial production system). Hệ thống này có nhiều đặc điểm tương tự như hệ thống 2 nhưng với quy mô nhỏ hơn và mức độ an toàn sinh học thấp hơn. Gia cầm có thể được chăn thả tự do. Sản phẩm của hệ thống này được bán ở dạng gia cầm sống trong các chợ thành phố và nông thôn. Ở Việt Nam, quy mô chăn nuôi gia cầm được nuôi trong các nông hộ thuộc hệ thống này từ 51 – 150 con/lứa, ở Indonesia, quy mô chăn nuôi từ 500 – 10.000 con/lứa.
Hệ thống 4. Hệ thống chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ (The village or backyard system). Đây là hệ thống chăn nuôi phổ biến trong các nông hộ ở cả 5 quốc gia nghiên cứu. Nhiều hộ trong hệ thống này là những hộ nghèo. Có khoảng 60% – 80% số hộ ở vùng nông thôn có nuôi gia cầm quy mô nhỏ và sản phẩm thu được từ chăn nuôi gia cầm thường được sử dụng cho gia đình và bán với số lượng ít. Các nông hộ chăn nuôi gia cầm trong hệ thống này thường là chăn nuôi hỗn hợp nhiều loài gia cầm, phổ biến là gà và vịt với sự tiếp xúc với nhau thường xuyên. Mức độ an toàn sinh học trong hệ thống chăn ._.nuôi này là thấp.
Theo điều tra hệ thống có chăn nuôi gà trong hệ thống sản xuất kết hợp trồng trọt – chăn nuôi được thực hiện năm 1999 ở một huyện thuộc miền trung của Burkina Faso, phía tây Châu phi, sử dụng phương pháp ra theo các tiêu chuẩn định trước nhằm mô tả chăn nuôi gà ở các hệ thống này. Ở đây, chăn nuôi gà đều là chăn thả quảng canh với đầu vào và đầu ra rất thấp. Chuồng trại của hệ thống đơn giản, mức đầu tư thấp mang tính chất kết hợp, tận dụng giữa trồng trọt và chăn nuôi. Tỷ lệ chết ở đàn gà cao và tỷ lệ ấp nở thấp một phần là do điều kiện nuôi dưỡng kém, chuồng trại hạn chế. Nghiên cứu đã chỉ ra mức độ kém hiệu quả của hệ thống này và chăn nuôi gia cầm chỉ mang tính hàng hoá địa phương nhỏ. Cần có thêm những khảo sát nhằm xác định mức độ ảnh hưởng của các nhân tố như chế độ nuôi dưỡng, điều kiện chuồng trại gây ra sự kém hiệu quả này, từ đó có thể giúp cho hệ thống chăn nuôi gia cầm của vùng phát triển bền vững (S.R Kondombo, 1999) [7].
2.2.2 Một số nghiên cứu trong nước
Trong những năm gần đây ở nước ta đã áp dụng tư duy hệ thống trong nghiên cứu phát triển nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng. Việc phân loại các hệ thống chăn nuôi có sự khác nhau, tuỳ thuộc vào mục đích nghiên cứu.
Hệ thống chăn nuôi kết hợp vịt – lúa – cá là khá phổ biến trong các quốc gia Đông Nam Á, ở Việt Nam các hệ thống chăn nuôi kết hợp này có ở hầu hết các tỉnh thành từ Bắc tới Nam như ở Hà Tây, Nam Định với Vĩnh Long, Trà vinh… Trên mỗi hec-ta mặt nước có thể nuôi được từ 200-300 vịt, sự kết hợp này có thể làm tăng năng suất chăn nuôi cá lên từ 30%-40% so với ao không nuôi vịt. Ngoài ra, nuôi kết hợp vịt – cá còn làm cải thiện được điều kiện vệ sinh của ao (Lê Hồng Mận, 1992) [30].
Đặng Vũ Bình và Nguyễn Xuân Trạch (2002) [2] cũng cho biết một số hệ thống canh tác kết hợp tại Việt Nam, trong đó có hệ thống lúa - vịt. Nghiên cứu cho biết khi các đàn vịt con được chăn thả trên những ruộng lúa nước mới cấy thì ở đó vịt có thể ăn cỏ, ăn côn trùng như châu chấu, sâu bọ. Do vậy, khi trồng lúa sẽ giảm thiểu việc sử dụng các loại thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu. Ngoài ra, vịt cũng giúp cải thiện điều kiện lý tính của đất thông qua việc sục bùn và thải phân bón ruộng làm giảm nhu cầu sử dụng phân hoá học và nâng cao năng suất cây lúa. Vịt đàn cũng được thả vào ruộng lúa ngay sau khi thu hoạch để tận dụng thóc rơi rụng và giảm được lượng thức ăn cần cung cấp thêm. Như vậy, canh tác kết hợp sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo kết quả nghiên cứu của AVSF, FAO (2006) [36], các hệ thống chăn nuôi vịt ở miền Bắc nước ta được phân loại thành 3 hệ thống là (1) hệ thống chăn nuôi vịt chăn thả nhỏ lẻ với đặc trưng là vịt được nuôi chăn thả tự do với số lượng nhỏ để tận dụng các nguồn thức ăn trên kênh, rạch, đồng ruộng, (2) hệ thống chăn nuôi vịt kết hợp trong một diện tích lớn của trang trại kết hợp giữa nuôi vịt, trồng lúa, nuôi lợn hoặc các vật nuôi khác trong trang trại và (3) hệ thống chăn nuôi vịt nuôi nhốt trong ao, vườn kết hợp cá-vịt, đây là hệ thống chăn nuôi hàng hoá trung bình hoặc hàng hoá nhỏ với các giống vịt sinh sản hoặc vịt siêu thịt Super M, trong đó vịt là vật nuôi chính trong nông hộ.
Theo kết quả nghiên cứu của Agrifood, FAO (2007) [35] cũng cho biết các hệ thống chăn nuôi gia cầm ở nước ta bao gồm: hệ thống chăn nuôi gà thịt với các tiểu hệ thống là hệ thống chăn nuôi gia công giữa nông dân với các doanh nghiệp, hệ thống chăn nuôi gà công nghiệp nông hộ, hệ thống chăn nuôi quy mô hàng hoá nhỏ và trong hệ thống chăn nuôi nhỏ lẻ. Nghiên cứu này cũng cho biết trong các hệ thống chăn nuôi quy mô nhỏ thì chi phí cho sản xuất 1kg gia cầm thịt cao hơn nhiều so với hệ thống chăn nuôi gia công và hệ thống chăn nuôi gà công nghiệp nông hộ.
Theo Vũ Đình Tôn và Hán Quang Hạnh (2008) [7] thì hệ thống chăn nuôi gia cầm có được phân thành 2 loại:
+ Chăn nuôi gia cầm thâm canh: có quy mô chăn nuôi từ 500 – 1.000 gà hoặc ngan siêu thịt/hộ/năm trở lên.
+ Chăn nuôi gia cầm bán thâm canh: có quy mô từ 200 – 500 gà thả vườn hoặc gà địa phương hoặc ngan, vịt/hộ/năm.
Nghiên cứu cũng cho biết, năng suất của hệ thống chăn nuôi gia cầm thâm canh cao hơn hẳn so với hệ thống chăn nuôi gia cầm bán thâm canh do trong hệ thống chăn nuôi thâm canh được đầu tư tốt và thường nuôi các giống cao sản. Hiệu quả kinh tế của hệ thống chăn nuôi gia cầm thâm canh cao gấp 4 lần so với hệ thống chăn nuôi gia cầm bán thâm canh.
Vũ Đình Tôn và CS (2008) [5] cũng cho biết, hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi gia cầm ở các quy mô khác nhau như: quy mô nhỏ chỉ với 18 gà thịt với các giống gà địa phương, các hộ có quy mô 100 gà thịt/năm, hệ thống chăn nuôi ngan Pháp với quy mô từ 60 – 2.000 con/năm, hệ thống chăn nuôi ngan quy mô lớn tới 2.000 con/năm, hệ thống chăn nuôi vịt siêu trứng và vịt thịt quy mô nhỏ .
Cũng theo Vũ Đình Tôn và CS (2008) [34] cho biết, có 3 hệ thống chăn nuôi gia cầm ở Việt Nam là :
+ Hệ thống 1: Chăn nuôi gia cầm quy mô hàng hoá với sự đầu tư chuồng trại tốt. Hệ thống này có các tiểu hệ thống là chăn nuôi gà đẻ, chăn nuôi gà thả vườn. Đặc điểm của hệ thống này là quy mô chăn nuôi tới 1.000 gà đẻ hoặc hàng nghìn gà thịt, các hộ chăn nuôi đều sử dụng thức ăn công nghiệp, gia cầm được nuôi nhốt trong chuồng hoặc nuôi thả vườn kết hợp với chuồng trại tốt. Các giống gà đẻ được mua từ các doanh nghiệp hoặc trung tâm giống gia cầm với các giống như Isa White, Isa Brown, Lương phượng, Ai cập...Các giống gà thịt chủ yếu là Isa White, Sasso, AA, Kabir, Lương Phượng, Lương Phượng lai.
+ Hệ thống 2: Chăn nuôi gia cầm quy mô hàng hoá, ít đầu tư chuồng trại. Hệ thống này có 3 tiểu hệ thống là: tiểu hệ thống chăn nuôi vịt, ngan trong vườn; chăn nuôi hỗn hợp gà, vịt; chăn nuôi vịt thả đồng. Hệ thống này có đặc điểm là nuôi kết hợp nhiều loại gia cầm, nuôi thả tự do với điều kiện vườn, bãi rộng hoặc chăn thả trên đồng, đầu tư chuồng trại hạn chế hoặc không có nhất là đối với các hộ nuôi thuỷ cầm.Trong đó, vịt siêu trứng là gia cầm nuôi chính kết hợp với nuôi ngan Pháp hoặc nuôi vịt siêu thịt, sử dụng thức ăn công nghiệp. Các giống vịt thịt được nuôi trong tiểu hệ thống vịt chạy đồng là vịt siêu trứng là Khaki Campbell, Triết Giang, vịt Cỏ, vịt Hoà Lang, trong đó các giống vịt nuôi thả đồng là vịt Bầu Cánh Trắng, vịt Cỏ, vịt Hoà Lang và vịt Triết Giang.
+ Hệ thống 3: Chăn nuôi gia cầm quy mô nhỏ. Đây là hệ thống chăn nuôi với mức đầu tư thấp, gia cầm được nuôi thả tự do, tự sản xuất con giống. Các loại gia cầm được nuôi là gà, ngan, vịt giống địa phương, với sản phẩm hàng hoá tạo ra một phần được sử dụng cho nhu cầu của gia đình, một phần khác được bán lẻ cho người tiêu dùng tại địa phương.
Nghiên cứu này cũng cho biết, hệ thống 1 có mức độ an toàn sinh học cao, không có sự tiếp xúc giữa các loài gia cầm hoặc vật nuôi khác trong trang trại, trình độ chuyên môn của người chăn nuôi cao hơn các hệ thống khác, tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia cầm cho nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh trong hệ thống này được hạn chế. Hệ thống 2 và 3 là những hệ thống có mức độ an toàn sinh học thấp, nhiều loại gia cầm được nuôi trong cùng một nông hộ với diện tích hạn chế, hiểu biết về phòng bệnh và vệ sinh trong chăn nuôi còn hạn chế. Đây là những nguy cơ tiềm ẩn của dịch bệnh trong đó có bệnh cúm H5N1.
Ngoài ra, nghiên cứu này còn cho biết, có việc bán chạy gia cầm gồm cả gia cầm bệnh và gia cầm chết trong các hộ chăn nuôi và đây là nguyên nhân làm tăng thêm dịch bệnh trong chăn nuôi. Nguồn gốc con giống được cung cấp phần lớn từ các lò ấp tư nhân xong việc kiểm soát vệ sinh ấp nở và vệ sinh và chất lượng con giống bị hạn chế. Việc tiêm phòng vắcxin H5N1 đã góp phần ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trên đàn gia cầm.
Phùng Đức Tiến (2008) cho biết các hệ thống chăn nuôi gia cầm ở 8 tỉnh đại diện cho 8 vùng sinh thái ở nước ta bao gồm:
+ Chăn nuôi quy mô nhỏ (dưới 200 con/hộ/năm): có 12,5% số hộ nuôi theo hình thức bán công nghiệp và 87,5% số hộ chăn nuôi theo hình thức chăn thả tự do.
+ Chăn nuôi quy mô trung bình (trên 200 con/hộ/năm): có 8,65% số hộ chăn nuôi công nghiệp và 62,92% nuôi bán công nghiệp và 28,42% nuôi chăn thả tự do.
+ Chăn nuôi quy mô lớn (trên 2.000 con/hộ/năm): có 75% hộ chăn nuôi theo hình thức công nghiệp và 25% chăn nuôi bán công nghiệp.
Theo Cục Chăn nuôi (2006) [18], Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các hệ thống chăn nuôi gia cầm được phân loại như sau:
* Chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ: Là phương thức chăn nuôi truyền thống của nông thôn Việt Nam. Đặc trưng của phương thức chăn nuôi này là nuôi thả tự do, tự tìm kiếm thức ăn và tận dụng phụ phẩm nông nghiệp trong gia đình, đồng thời tự sản xuất con giống. Các giống gà bản địa có chất lượng thịt, trứng thơm ngon được lựa chọn chăn nuôi trong phương thức này. Theo Tổng cục Thống kê (2004), có tới 65% hộ gia đình nông thôn chăn nuôi gà theo phương thức này (trong tổng số 7,9 triệu hộ chăn nuôi gia cầm) với tổng số gà từ phương thức này khoảng 110 - 115 triệu con, chiếm khoảng 50 - 52% tổng số gà xuất chuồng của cả năm.
* Chăn nuôi bán công nghiệp: Đây là phương thức chăn nuôi tương đối tiên tiến, nuôi nhốt trong chuồng thông thoáng tự nhiên với hệ thống máng ăn, uống bán tự động. Giống gia cầm chăn nuôi thường là các giống kiêm dụng như Lương Phượng, Sacsso, Kabir... và chủ yếu là sử dụng thức ăn công nghiệp. Là hình thức chăn nuôi hàng hoá, quy mô đàn thường từ 200 - 500 con; tỷ lệ nuôi sống và hiệu quả chăn nuôi cao; thời gian nuôi rút ngắn (70-90 ngày), quay vòng vốn nhanh. Ước tính có khoảng 10-15% số hộ nuôi theo phương thức này với số lượng gà sản xuất hàng năm chiếm tỷ lệ 25-30%.
* Chăn nuôi công nghiệp: Chăn nuôi gà công nghiệp phát triển trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhưng mạnh nhất là từ 2001 đến nay. Các giống nuôi chủ yếu là các giống cao sản (Isa, Lomann, Ross, Hyline...). Hệ thống này sử dụng hoàn toàn thức ăn công nghiệp, ứng dụng các công nghệ tiên tiến như chuồng kín, chuồng lồng, chủ động điều khiển nhiệt độ, ẩm độ, cho ăn uống tự động... Năng suất chăn nuôi đạt cao, gà nuôi 42 - 45 ngày tuổi đạt 2,2 - 2,4 kg/con. Tiêu tốn 2,2 - 2,3 kg TA/kg tăng trọng. Gà đẻ đạt 270 - 280 trứng/năm, tiêu tốn 1,8 - 1,9 kg TA/10 quả trứng.Ước tính, chăn nuôi công nghiệp đạt khoảng 18% - 20% trong tổng số gà thịt hàng năm.
Tuy nhiên, chăn nuôi công nghiệp chủ yếu là hình thức gia công, liên kết của các trang trại với các doanh nghiệp nước ngoài như C.P.Group, Japfa, Cargill, Proconco và phát triển mạnh ở các tỉnh như Hà Tây, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương... Ngoài ra, rất nhiều hộ nông dân, trang trại có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm chăn nuôi cũng tự chủ đầu tự chăn nuôi theo phương thức công nghiệp này.
2.3 Nguồn cung cấp con giống gia cầm ở nước ta
Nước ta có nhiều loại giống gia cầm nội với phẩm chất thịt tốt, sức đề kháng cao với dịch bệnh như các giống gà Ri, gà Mía, gà Hồ, gà H’Mông, gà Tre, gà ác, vịt cỏ, ngan sen… khối lượng giết thịt chỉ khoảng 1,5kg, thời gian nuôi kéo dài tới 6 – 7 tháng. Hầu hết các giống gia cầm nội chỉ được nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ theo phương thức chăn thả, chưa được kiểm soát. Việc sản xuất và cung cấp con giống trong các hộ gia đình chăn nuôi chủ yếu còn theo phương thức tự cung, tự cấp. Hiện cả nước chưa có cơ sở nào đầu tư vào sản xuất các giống gia cầm nội theo phương thức chăn nuôi hàng hoá, hoặc cung cấp con giống chất lượng cho thị trường (Cục chăn nuôi, 2005)[19].
Để đáp ứng nhu cầu của sản xuất, trong những năm vừa qua, nước ta đã nhập khẩu 14 giống gà, 3 giống vịt và 1 giống ngan. Tuy nhiên, chủ yếu là nhập các giống bố mẹ và chỉ một số ít giống ông bà, song năng suất chăn nuôi của các giống gia cầm nhập nội chỉ đạt khoảng 85%-90% so với năng suất chuẩn của giống (Cục chăn nuôi, 2005)[19]. Các giống nhập khẩu được nuôi tại các cơ sở giống của Nhà nước, các đơn vị nghiên cứu khoa học về chăn nuôi gia cầm, ba công ty có vốn nước ngoài lớn như CP Group, Japfa comfeed, Topmill và các trang trại gia cầm tư nhân.
Theo Cục chăn nuôi (2006) [16], cả nước hiện có 11 cơ sở giống trực thuộc Trung ương, chăn nuôi gà giống gốc, với số lượng khoảng gần 3.000 con gia cầm cụ kỵ và 18.000 con gia cầm giống ông bà. Thực tế, ngay cả các hộ có nuôi gia cầm sinh sản, con giống cũng được cung cấp chính từ các lò ấp tư nhân mà gia cầm bố mẹ của chúng lại chính là những gia cầm thương phẩm được nuôi trong các nông hộ. Việc tiêm các loại vắc-xin phòng các bệnh cho đàn gia cầm, bao gồm cả vắc-xin H5N1 trong giai đoạn đang sinh sản là hạn chế hoặc không được chấp hành do người chăn nuôi lo sợ ảnh hưởng tới tỉ lệ đẻ của gia cầm (Phan Đăng Thắng, 2009).
2.4 Phát triển chăn nuôi gia cầm quy mô trang trại
Đặc điểm chính của chăn nuôi gia cầm ở nước ta là quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, trong khu dân cư, khó kiểm soát dịch bệnh. Tuy vậy, chăn nuôi trang trại, tập trung, cách xa khu dân cư đã hình thành trong những năm vừa qua và hiện đang rất được các cấp chính quyền địa phương quan tâm, đặc biệt là từ khi có nghị quyết 03/2000/NQ-CP ngày 2/2/2000 của Chính phủ về phát triển kinh tế trang trại. Đây là xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế quan trọng được ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta với mục đích tăng dần tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi. Nhiều địa phương đã có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân xây dựng trang trại chăn nuôi gà công nghiệp hoặc chăn nuôi với mức độ an toàn sinh học cao, cách xa khu dân cư và hỗ trợ cho việc xây dựng các lò mổ tập trung, các chợ đầu mối tiêu thụ gia cầm với chất lượng cao hơn.
Số trang trại chăn nuôi gia cầm của nước ta năm 2006 là khoảng 2.837 trang trại, chiếm khoảng 17% tổng số trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó trang trại nuôi gà thịt chiếm khoảng 68,7%, trang trại nuôi vịt thịt chiếm khoảng 23,5% và trang trại nuôi giữ giống chiếm 7,7%. Trang trại chăn nuôi gia cầm phát triển nhất tại ĐBSH và ĐBSCL và vùng Đông Nam Bộ, chiếm khoảng 68%, trong đó trang trại gà chiếm khoảng 50% và trang trại nuôi vịt chiếm khoảng 18%. Phát triển chăn nuôi gia cầm quy mô trang trại còn rất hạn chế trong các vùng Đông Bắc (2,7%), Tây Bắc (1,5%) và Tây Nguyên (4,5%) so với tổng số trang trại gia cầm.
Quy mô chăn nuôi gà trang trại phổ biến từ 2.000 – 11.000 gà chiếm khoảng 93,5%, từ 11.000 – 15.000 gà chiếm khoảng 3,4% và trên 15.000 gà chiếm khoảng 3,1%. Trong chăn nuôi thủy cầm, quy mô chăn nuôi trang trại phổ biến từ 2.000 – 5.000 con, chiếm 97,8%, quy mô từ 5.000 - 11.000 con chỉ chiếm khoảng 2% và quy mô trên 15.000 con chỉ chiếm khoảng 0,2%.
Có 92,3% số trang trại chăn nuôi gia cầm thương phẩm (70% số trang trại chăn nuôi gà thương phẩm và 22,3% số trang trại nuôi thủy cầm) và 7,7% trang trại chăn nuôi gia cầm sinh sản.
Như vậy, chăn nuôi gia cầm quy mô trang trại chủ yếu là quy mô nhỏ, dưới 8.000 con một trang trại chiếm khoảng 92%. Quy mô chăn nuôi trang trại kết hợp với các doanh nghiệp thường nuôi từ 4.000 – 5.000 con, quy mô chăn nuôi trang trại trên 8.000 con là rất ít chiếm khoảng 8%. Vùng có số lượng trang trại nhiều và qui mô lớn tập trung chủ yếu ở vùng ĐBSH, ĐBSCL và vùng Đông Nam Bộ.
2.5 Thách thức và định hướng phát triển chăn nuôi gia cầm
Thách thức thứ nhất với ngành chăn nuôi gia cầm nước ta là chăn nuôi nông hộ quy mô nhỏ, phân tán (28-30 con/hộ chiếm tới 90% số hộ). Số lượng gia cầm cung cấp cho thị trường từ các cơ sở chăn nuôi lớn còn hạn chế chỉ chiếm khoảng 30-35%.
Thứ hai là các giống gia cầm địa phương cho năng suất thấp, bị lai tạp giữa nhiều giống và các giống nhập nội năng suất chưa cao.
Thứ ba là các nguồn lực đầu tư cho chăn nuôi gia cầm còn hạn chế, phát triển chăn nuôi trang trại, quy mô hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn đầu tư, thiếu quy trình kỹ thuật hoặc điều kiện đất đai cho phát triển chăn nuôi trang trại là trở ngại chính của nhiều địa phương.
Cuối cùng là thách thức của quá trình hội nhập khu vực và quốc tế, năng suất chăn nuôi thấp, giá thành cao do giá thức ăn chăn nuôi cao, nhiều nguyên liệu phải nhập từ nước ngoài (ngô, đậu tương, bột cá, premix, khô dầu…) và các cơ sở giống gia cầm gốc còn hạn chế, phụ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài.
Định hướng chung của chăn nuôi gia cầm nước ta đến năm 2015 là chuyển đổi chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, chăn thả tự do có mức độ an toàn sinh học thấp trong các vùng đông dân cư sang hướng chăn nuôi tập trung mang tính hàng hóa cao hơn. Thúc đẩy phát triển chăn nuôi gia cầm hàng hóa tại các vùng có tiềm năng như các vùng trung du. Từ đó chủ động kiểm soát và khống chế được dịch bệnh trên đàn gia cầm, trong đó có bệnh cúm H5N1 trên gia cầm. Xây dựng quy trình chăn nuôi, giết mổ khép kín nhằm cung cấp các sản phẩm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Dự kiến tốc độ tăng trưởng hàng năm của đàn gia cầm khoảng 7% - 8%/năm, tổng đàn gia cầm năm 2010 là khoảng 282 triệu con trong đó số lượng gà chiếm 83%, vịt chiếm 17%, năm 2015 là khoảng 397 triệu con, trong đó số lượng gà chiếm 88% và vịt chiếm 12%.
Bên cạnh đó, các thành phần kinh tế được khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến, giết mổ gia cầm, đảm bảo các sản phẩm vệ sinh, an toàn thực phẩm và nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi gia cầm. Đầu tư nhân giống và phát triển đàn gia cầm bản địa hoặc các dòng lai có phẩm chất thịt cao như các giống gà Ri, gà Hồ, gà H’Mông,… là các giống có sức miễn dịch cao với các dịch bệnh và phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.
Các giải pháp đồng bộ khác được Chính phủ quan tâm như các chính sách đầu tư và ưu đãi đầu tư cơ sở hạ tầng tới các khu chăn nuôi, huy động các nguồn tín dụng, các nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức trong và ngoài nước cho phát triển ngành chăn nuôi gia cầm. Thúc đẩy phát triển chăn nuôi gia cầm quy mô trang trại hàng hóa tại các vùng trung du, vùng đồng bãi xa khu dân cư nhằm giải quyết được vấn đề về đất đai và ô nhiễm môi trường. Từ đó dễ dàng quản lý, kiểm soát được ngành chăn nuôi gia cầm và việc buôn bán giết mổ gia cầm sống tại các thành phố, thị xã, khu vực đông dân cư, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
3. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.1 Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là các nông hộ có chăn nuôi gia cầm tại 3 xã đại diện cho 3 tiểu vùng, khác nhau về sự đa dạng của các hệ thống chăn nuôi gia cầm tại huyện Phú Xuyên – Hà Nội.
- Xã Hoàng Long: nằm phía tây huyện Phú Xuyên, vùng trong đồng, chủ yếu chăn nuôi vịt thịt thả đồng và vịt sinh sản siêu trứng.
- Xã Hồng Thái: nằm phía đông huyện Phú Xuyên, vùng đồng bãi ven đê sông Hồng với đặc trưng là chăn nuôi gia cầm sinh sản (gà, vịt, ngan).
- Xã Phúc Tiến: nằm phía nam huyện Phú Xuyên, dọc theo quốc lộ 1A, tiếp giáp Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên với sự phát triển chăn nuôi gia cầm sinh sản và các cơ sở ấp nở gia cầm tư nhân.
3.2 Địa điểm nghiên cứu
Đề tài được nghiên cứu tại 3 xã nói trên thuộc huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
3.3 Thời gian nghiên cứu
Đề tài được tiến hành từ tháng 12/2008 đến 6/2009.
3.4 Nội dung nghiên cứu
3.4.1 Các thông tin chung về vùng nghiên cứu
- Điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế và xã hội của huyện Phú Xuyên
- Hoạt động sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp của huyện Phú Xuyên
- Điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế và xã hội của các xã điều tra
- Hoạt động sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp của các xã điều tra
3.4.2 Các thông tin chung về nông hộ
- Số hộ, số khẩu, số lao động chính, trình độ văn hoá, tuổi của chủ hộ
- Hoạt động trồng trọt: diện tích đất nông nghiệp, diện tích ao, vườn
- Hoạt động chăn nuôi: kinh nghiệm chăn nuôi, số lao động trong chăn nuôi, thời gian chăn nuôi, các loài vật nuôi khác trong nông hộ, số lượng đàn gia súc gia cầm trong nông hộ..
- Hoạt động phi nông nghiệp của các nông hộ: buôn bán, xây dựng, nghề phụ...
3.4.3 Chăn nuôi gia cầm
- Các giống gia cầm được nuôi, nguồn gốc con giống, giá con giống
- Các loại thức ăn và giá các loại thức ăn chăn nuôi gia cầm
- Chuồng trại trong chăn nuôi gia cầm: kiểu chuồng, chi phí làm chuồng
- Năng suất chăn nuôi gia cầm trong các hệ thống
- Hiệu quả kinh tế chăn nuôi gia cầm trong các hệ thống
- Tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm trong các nông hộ tại vùng nghiên cứu
- Vấn đề thương mại hoá các sản phẩm gia cầm trong vùng nghiên cứu
3.5 Phương pháp nghiên cứu
3.5.1 Phương pháp phân tầng vùng nghiên cứu
Đề tài được nghiên cứu trên quy mô là một huyện nên khó có thể điều tra được tất cả các hộ chăn nuôi gia cầm trong huyện, do vậy cần phải tiến hành phân tầng vùng nghiên cứu. Dựa vào điều kiện tự nhiên và sự đa dạng của các loài gia cầm được nuôi tại vùng nghiên cứu, chúng tôi phân vùng nghiên cứu thành 3 tiểu vùng như sau:
Tiều vùng 1: nằm ở phía đông của huyện, ven đê sông Hồng, là vùng đất cao nhất của huyện với nhiều diện tích đất bãi ven sông và nhiều diện tích ao hồ, phù hợp cho trồng cây rau màu và chăn nuôi cá cũng như chăn nuôi nhiều loài gia cầm.
Tiểu vùng 2: nằm phía tây của huyện, là vùng đất trũng, cách xa trung tâm huyện, thích hợp cho trồng lúa và chăn nuôi thuỷ cầm.
Tiểu vùng 3: là vùng đất trũng nhất huyện với độ cao chưa đầy 1m so với mặt nước biển, nằm ở phía nam, thích hợp cho việc phát triển các hệ thống kết hợp như lúa - cá, lúa - vịt và lúa - cá - vịt. Đồng thời, đây cũng là vùng thuộc trung tâm huyện, có giao thông thuận lợi và giáp với Trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên cho nên có lợi thế về phát triển và cung cấp con giống gia cầm.
3.5.2 Phương pháp chọn mẫu điều tra
Sau khi phân thành các tiểu vùng khác nhau của huyện, chúng tôi tiến hành chọn mẫu để điều tra. Căn cứ vào mức độ phát triển và sự đa dạng của các loại hình chăn nuôi gia cầm, chúng tôi quyết định lựa chọn 3 xã đại diện cho 3 tiều vùng như sau:
Tiểu vùng 1: chọn xã Hồng Thái
Tiểu vùng 2: chọn xã Hoàng Long
Tiểu vùng 3: chọn xã Phúc Tiến
Từ mỗi xã, chúng tôi tiếp tục lựa chọn các hộ có nuôi các loài gia cầm khác nhau để điều tra. Để đảm bảo vừa có thể đa dạng hoá các hệ thống chăn nuôi gia cầm, vừa có thể đáp ứng được độ tin cậy của mẫu nghiên cứu, chúng tôi chọn mẫu tối thiểu 10 nông hộ cho mỗi tiểu hệ thống chăn nuôi gia cầm, tối thiểu 30 hộ ở một xã và tối thiếu 90 hộ ở quy mô huyện nghiên cứu.
3.5.3 Phương pháp xây dựng bộ câu hỏi điều tra
Bộ câu hỏi bán cấu trúc là bộ câu hỏi gồm các câu hỏi mở để người trả lời tự đưa ra các phương án trả lời. Việc xây dựng bộ câu hỏi được dựa vào các nội dung cần nghiên cứu và đáp ứng được các mục đích nghiên cứu. Một bộ câu hỏi tốt yêu cầu phải ngắn gọn nhưng cho phép thu thập đầy đủ và phong phú các thông tin về nông hộ. Khi xây dựng bộ câu hỏi cần có sự góp ý của những người có kinh nghiệm và của các cán bộ địa phương nơi tiến hành điều tra.
Bộ câu hỏi sau khi xây dựng xong cần được điều tra thử ở tất cả các tiểu vùng để chỉnh sửa và hoàn thiện.
3.5.4 Phương pháp điều tra, thu thập số liệu
Có hai loại số liệu cần được thu thập trong quá trình nghiên cứu đó là số liệu thứ cấp và số liệu sơ cấp.
Số liệu thứ cấp là các thông tin được thu thập tại Phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Địa Chính, phòng Thống Kê của huyện và từ các báo cáo, các tài liệu đã được công bố của địa phương, các tạp chí chuyên ngành, các công trình nghiên cứu trước đó…Các số liệu này cần được thu thập đầu tiên để phục vụ cho việc lựa chọn vùng nghiên cứu cũng như trong các bước phân tầng, chọn mẫu điều tra trong quá trình nghiên cứu.
Số liệu sơ cấp là các số liệu thu được trong quá trình điều tra thông qua bộ câu hỏi bán cấu trúc. Các số liệu sơ cấp thường được thu thập theo 2 phương pháp là phương pháp điều tra chính thức và phương pháp điều tra không chính thức.
* Phương pháp điều tra không chính thức: là những cuộc phỏng vấn nhanh các cán bộ huyện, cán bộ địa phương hay những người am hiều về vùng nghiên cứu. Đây là dạng điều tra nhằm xác định nhanh các hệ thống chăn nuôi gia cầm hiện có tại vùng nghiên cứu.
* Phương pháp điều tra chính thức: là phương pháp sử dụng bộ câu hỏi bán cấu trúc để phỏng vấn các nông hộ chăn nuôi gia cầm. Điều tra chính thức gồm 2 dạng điều tra nghiên cứu đó là nghiên cứu các chỉ tiêu mang tính hệ thống và nghiên cứu các chỉ tiêu liên quan đến kỹ thuật chăn nuôi gia cầm.
+ Các chỉ tiêu mang tính hệ thống bao gồm các loài gia cầm được nuôi, các thông tin về người chăn nuôi hay chủ hộ (tuổi, trình độ văn hoá, kinh nghiệm..) và diện tích đất sản xuất cũng như diện tích đất dành cho chăn nuôi...Đồng thời, để thấy được sự hoạt động của hệ thống cần phải xác định được mối liên hệ giữa các thành phần trong hệ thống và giữa các thành phần trong hệ thống với môi trường xung quanh như mối quan hệ giữa diện tích ao vườn của nông hộ với các giống gia cầm được nuôi hay mối quan hệ giữa giá cả trên thị trường với quy mô chăn nuôi...
+ Các chỉ tiêu kỹ thuật trong chăn nuôi gia cầm bao gồm các chỉ tiêu về năng suất trong chăn nuôi gia cầm như: số con/hộ/năm, số lứa/hộ/năm, thời gian nuôi (tháng/lứa), tỷ lệ nuôi sống và loại thải (%), khối lượng bán (kg/con), tổng khối lượng xuất bán (kg/hộ/năm), sản lượng trứng/mái/năm, sản lượng trứng/hộ/năm…Hay các vấn đề như tình hình dịch bệnh, tình hình sử dụng thức ăn, chuồng trại trong chăn nuôi gia cầm...
3.5.5 Phương pháp phân loại các hệ thống chăn nuôi gia cầm
Việc phân loại các hệ thống chăn nuôi gia cầm phụ thuộc vào nhiếu yếu tố như loài, giống gia cầm được nuôi và mức độ thâm canh trong chăn nuôi gia cầm của nông hộ. Để phân biệt mức độ thâm canh của các hệ thống chăn nuôi người ta thường dựa vào các chỉ tiêu như: quy mô đàn gia cầm, giống gia cầm được nuôi và mức độ đầu tư chuồng trại và thức ăn cho gia cầm.
Khi dựa vào mức độ thâm canh trong chăn nuôi người ta thường phân chia hệ thống chăn nuôi thành 3 loại là chăn nuôi thâm canh, bán thâm canh và chăn nuôi tận dụng.
+ Chăn nuôi thâm canh: chăn nuôi quy mô lớn, nuôi các giống cao sản bắng thức ăn công nghiệp hoàn toàn và chuồng trại được đầu tư tốt với mức độ an toàn sinh học cao, sản phẩm mang tính hàng hoá.
+ Chăn nuôi bán thâm canh: quy mô chăn nuôi vừa phải, thường nuôi các giống gia cầm địa phương, chăn nuôi mang tính hàng hoá nhưng sử dụng tận dụng các nguồn thức ăn sẵn có trong nông hộ hoặc mua từ bên ngoài.
+ Chăn nuôi tận dụng: quy mô chăn nuôi nhỏ với thức ăn tận dụng trong gia đình và phần lớn sản phẩm để phục vụ nhu cầu của gia đình, một phần được bán nhưng mang tính hàng hoá nhỏ.
3.5.6 Phương pháp xử lý số liệu
Các số liệu thu được trong quá trình điều tra được xử lý trên phần mềm Excel 2003. Các chỉ tiêu năng suất chăn nuôi được tính bao gồm: dung lượng mẫu điều tra (n), trung bình mẫu (), sai số tiêu chuẩn (SE), hệ số biến động của số trung bình (Cv%).
Việc tính toán hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi gia cầm được áp dụng theo các công thức sau:
Lợi nhuận = Tổng thu – Tổng chi
Tổng thu = Tiền bán sản phẩm theo giá bán thực tế của nông hộ (gồm cả sản phẩm chính và sản phẩm phụ)
Tổng chi = Chi phí trung gian + Khấu hao + Chi phí tài chính + Thuê lao động (nếu có) + Thuế (nếu có), trong đó:
- Chi phí trung gian gồm: thức ăn, giống, thuốc thú y, điện nước, độn chuồng.
- Khấu hao: gồm khấu hao chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi.
- Chi phí tài chính: lãi suất ngân hàng vay phục vụ chăn nuôi
- Chi phí lao động: trả lương cho lao động làm thuê.
- Thuế: trả thuế đất hay thuế sản xuất kinh doanh, tiền thuê đất sản xuất.
4. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
4.1 Điều kiện tự nhiên của huyện Phú Xuyên
4.1.1 Vị trí địa lý
Phú Xuyên là một huyện của tỉnh Hà Tây cũ, nhưng từ tháng 8/2008 nó đã trở thành một huyện thuộc Thành phố Hà Nội. Huyện Phú Xuyên nằm ở phía Nam của Hà Nội, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 35 km. Phía Đông huyện giáp với sông Hồng và bên kia sông Hồng là các xã thuộc tỉnh Hưng Yên, phía Bắc giáp huyện Thường Tín và huyện Thanh Oai, phía Tây giáp huyện Ứng Hòa, phía Nam giáp huyện Duy Tiên của tỉnh Hà Nam (Hình 4.1).
Hình 4.1 Bản đồ địa chính huyện Phú Xuyên
Toàn huyện có 26 xã và 2 thị trấn, trong đó thị trấn Phú Xuyên nằm ở vị trí trung tâm của huyện. Huyện có vị trí giao thông thuận tiện cả về đường bộ, đường thuỷ và đường sắt. Đường bộ với quốc lộ 1A, đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (quốc lộ 1B), đường sắt Bắc – Nam và đường thuỷ với sông Hồng. Do vậy, huyện có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự phát triển kinh tế và xã hội.
Đường quốc lộ 1A chạy qua trung tâm, chia huyện Phú Xuyên thành 3 tiểu vùng có độ dốc từ đông sang tây gồm vùng trung tâm, vùng phía đông và vùng phía tây. Vùng trung tâm huyện với sự phát triển về giao thông đường bộ, đường sắt thuận tiện cho giao thương với các xã khác và các tỉnh khác trong vùng như các xã Châu Can, Phú Yên, Vân Từ, Đại Xuyên, Phúc Tiến, thị trấn Phú Xuyên, Nam Phong và xã Nam Triều. Vùng phía đông có vị trí địa lý cao hơn, giáp sông Hồng nhưng có điều kiện đi lại khó khăn hơn, gồm các xã Bạch Hạ, Minh Tân, Quang Lãng, Khai Thái, Hồng Thái và Thuỵ Phú. Phía tây huyện là vùng đồng trũng, cách xa đường quốc lộ, điều kiện giao thông khó khăn hơn nhưng có diện tích canh tác nông nghiệp lớn và phát triển nhiều ngành tiểu thủ công truyền thống như khảm trai, mây tre đan… bao gồm các xã Phượng Dực, Tri Trung, Phú Túc, Hoàng Long, Văn Hoàng, Tân Dân, Chuyên Mỹ, Đại Thắng, Quang Trung và xã Sơn Hà. Nhìn chung, huyện Phú Xuyên có vị trí tương đối thấp so với mặt nước biển, đặc biệt vùng phía tây huyện chỉ cao hơn mực nước biển chưa đầy 1m.
4.1.2 Điều kiện tự nhiên
Phú xuyên là một huyện thuộc vùng đồng chiêm trũng của châu thổ sông Hồng. Huyện có hệ thống sông ngòi chằng chịt và hệ thống đê bao hai bên bờ sông tạo nên vùng đồng bằng dân cư ở giữa các con đê nên tình trạng ngập úng thường kéo dài trong suốt mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 9 dương lịch hàng năm. Đây chính là điều kiện phù hợp với canh tác lúa nước kết hợp với chăn nuôi thuỷ cầm và chăn nuôi cá.
Tổng diện tích đất tự nhiên là 17.104,61 ha. Trong đó, diện tích đất nông nghiệp là 11.329,61 ha, chiếm 66,24% diện tích tự nhiên. Đất nông nghiệp của huyện chủ yếu là đất trồng lúa 10.438,87 ha, chiếm 92,14%. Còn lại đất trồng màu rất ít, chỉ chiếm 0,36% và đất cho nuôi trồng thuỷ sản chiếm 7,5% diện tích đất nông nghiệp. Diện tích đất ở, đất phi nông nghiệp là 5.689,79 ha, chiếm 33,26% diện tích đất tự nhiên. Diện tích sông, kênh mương là 84,89 ha, chiếm 0,50%.
Bảng 4.1 Tình hình sử dụng đất của._. lãi vay
0
0
591
2,95
0
0
0
0
Lợi nhuận/con/lứa
6,58
3,67
21,38
8,73
Lợi nhuận/lứa/hộ
3.940
4.175
1.568
434
Lợi nhuận/hộ/năm
10.828
13.330
2.916
1.248
Kết quả phân tích trên bảng 4.21 cho thấy, tổng thu/lứa trong chăn nuôi gà thả vườn là 15.550 nghìn đồng/hộ, tổng thu từ chăn nuôi vịt thịt là 24.216 nghìn đồng/hộ. Tổng thu từ chăn nuôi gà thịt trong hệ thống 3 là 2.698 nghìn đồng/lứa/hộ và chăn nuôi vịt thịt là 1.050 nghìn đồng/lứa/hộ.
Tổng chi trong chăn nuôi gà thả vườn là 11.610 nghìn đồng/lứa/hộ và tổng chi từ chăn nuôi vịt thịt là 20.041 nghìn đồng/hộ/lứa. Tổng chi trong hệ thống 3 với gà thịt là 1.130 nghìn đồng/lứa/hộ và với chăn nuôi vịt thịt là 616 nghìn đồng/hộ/lứa. Trong đó, chi phí mua con giống trong chăn nuôi gà chiếm tới 8,96%, chi phí thức ăn chiếm tới 76,42% trong tiểu hệ thống chăn nuôi gà thả vườn, chiếm 78,49% trong hệ thống 3. Trong chăn nuôi vịt, chi phí mua con giống chiếm 9,85% trong tiểu hệ thống nuôi vịt thịt và chiếm 15,58% trong hệ thống 3. Chi phí thức ăn chiếm 81,4% trong tiểu hệ thống nuôi vịt thịt và 66,88% trong hệ thống 3.
Như vậy, trong chăn nuôi gia cầm thịt, chi phí con giống và chi phí thức ăn chiếm tỉ lệ cao nhất, các khoản chi phí khác như điện nước, khấu hao và chi phí là không có hoặc không đáng kể. Tuy nhiên, chi phí thú y trong tiểu hệ thống chăn nuôi gà thả vườn chiếm 5,27%, trong khi các tiểu hệ thống còn lại chỉ chiếm từ 1,33% – 1,79% và chi phí khấu hao chiếm từ 4,13% - 15,75% trong tổng chi phí.
Lợi nhuận trong chăn nuôi gia cầm thịt tính theo đầu gia cầm biến động từ 3,67 nghìn đồng/con trong chăn nuôi vịt thịt tới 21,38 nghìn đồng/con trong chăn nuôi gà thịt giống địa phương. Hoặc lợi nhuận từ chăn nuôi gà thịt thả vườn tới 3.940 nghìn đồng/lứa/hộ hoặc tới 10.828 nghìn đồng/hộ/năm, lợi nhuận từ chăn nuôi vịt thịt trong hệ thống 2 là 4.175 nghìn đồng/lứa/hộ hoặc 13.330 nghìn đồng/hộ/năm. Trong hệ thống chăn nuôi nhỏ lẻ, lợi nhuận/lứa gà là 1.568 nghìn đồng hoặc 2.916 nghìn đồng một hộ/năm và lợi nhuận/lứa vịt là 434 nghìn đồng và lợi nhuận/năm là 1.248 nghìn đồng.
Trong thực tế, hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi gia cầm thịt phụ thuộc rất lớn vào sự biến động của giá bán đầu ra. Chính vì vậy, một số nông hộ chăn nuôi vịt thịt trong mùa vụ đông xuân năm 2008 đã bị lỗ do giá giảm quá thấp, nhiều hộ bị lỗ tới 5.586 nghìn đồng/lứa.
Như vậy, hiệu quả kinh tế trong một năm thì chăn nuôi gia cầm thịt trong hệ thống 2 cao hơn từ 3,7 – 10,68 lần so với hệ thống 3.
4.9.4 So sánh hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi gia cầm theo các hệ thống
Kết quả kinh tế chung từ chăn nuôi các loại gia cầm trong cùng một nông hộ hoặc trong cùng hệ thống là kết quả được sử dụng để so sánh hiệu quả kinh tế và xem xét chiều hướng phát triển giữa các hệ thống chăn nuôi tại vùng nghiên cứu. Để so sánh hiệu quả kinh tế giữa các hệ thống chăn nuôi gia cầm, kết quả được trình bày trên bảng 4.22.
Bảng 4.22 So sánh hiệu quả kinh tế chăn nuôi gia cầm theo các hệ thống
(Đơn vị: 1.000 đồng/hộ/năm)
Hệ thống
Chỉ tiêu
Hệ thống 1
Hệ thống 2
Hệ thống 3 (n=15)
Gà SS (n=10)
Ngan SS (n=16)
Vịt SS (n=16)
Gà, vịt, ngan SS (n=18)
Gà thả vườn (n=11)
Vịt thịt (n=12)
HQKT từ gà sinh sản
162.263
-
-
61.568
-
-
398
HQKT từ vịt SS
-
-
37.802
57.033
-
-
-
HQKT từ ngan SS
-
25.978
-
40.922
-
-
-
HQKT từ gà thịt
-
-
-
-
10.828
-
2.916
HQKT từ vịt thịt
-
-
-
-
-
13.330
1.248
HQKT chăn nuôi gia cầm/hộ/năm
162.263
25.978
37.802
159.523
10.828
13.330
4.562
Kết quả trình bày trên bảng 4.22 cho thấy, hiệu quả kinh tế cao nhất là từ tiểu hệ thống chăn nuôi gà sinh sản với 162.263 nghìn đồng/hộ/năm và với 159.523 nghìn đồng trong tiểu hệ thống chăn nuôi hỗn hợp gia cầm sinh sản. Đứng thứ 2 là hiệu quả kinh tế của tiểu hệ thống chăn nuôi ngan sinh sản và chăn nuôi vịt siêu trứng sinh sản với 25.978 nghìn đồng và 37.802 nghìn đồng/hộ/năm. Đứng thứ 3 là hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi gia cầm thịt với 10.828 nghìn đồng/hộ/năm trong hệ thống chăn nuôi gà thịt và 13.330 nghìn đồng/hộ/năm trong hệ thống chăn nuôi vịt thịt. Thấp nhất là hiệu quả kinh tế trong hệ thống chăn nuôi nhỏ lẻ, chỉ có 4.562 nghìn đồng/hộ/năm.
Như vậy, hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi gia cầm sinh sản bán thâm canh mang lại hiệu quả kinh tế rất cao và đây là xu hướng phát triển chính của các nông hộ tại vùng nghiên cứu. Song chăn nuôi ngan Pháp sinh sản và chăn nuôi vịt siêu trứng sinh sản có thể bị hạn chế hơn chăn nuôi gà Lương Phượng sinh sản vì yếu tố dịch bệnh cao trong chăn nuôi ngan và giá trứng vịt luôn ở mức thấp trong những năm qua.
Trong chăn nuôi gia cầm thịt bán thâm canh, chăn nuôi vịt thịt có một vị trí quan trọng và tiểu hệ thống này sẽ phát triển ổn định nếu giá cả đầu ra của vịt bán thịt ổn định. Chăn nuôi gà thịt hiện phát triển hạn chế và chỉ chiếm một cơ cấu nhỏ trong các nông hộ. Do chăn nuôi quy mô nhỏ nên chỉ đóng góp hiệu quả kinh tế hạn chế nhưng đây vẫn là hệ thống chăn nuôi có vai trò quan trọng trong nhiều hộ gia đình để giải quyết nguồn phụ phẩm nông nghiệp trong gia đình và để giải quyết vấn đề dinh dưỡng và cải thiện điều kiện sống trong nông hộ.
4.10 Cơ cấu thu nhập của nông hộ theo các hệ thống
Thực tế cho thấy, thu nhập của nông hộ thường rất đa dạng bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi và hoạt động phi nông nghiệp. Trong đó, chăn nuôi gia cầm đóng góp một nguồn thu nhập quan trọng trong kinh tế hộ. Để hiểu rõ hơn về cơ cấu thu nhập của nông hộ cũng như vai trò của chăn nuôi gia cầm trong nông hộ, kết quả được trình bày trên bảng 4.23 và hình 4.5.
Bảng 4.23 Tổng thu nhập của nông hộ theo các hệ thống
(Đơn vị: 1.000 đồng/hộ/năm)
Hệ thống
Nguồn thu
Hệ thống 1
Hệ thống 2
Hệ thống 3 (n=15)
Gà sinh sản (n=10)
Ngan Pháp SS (n=16)
Vịt sinh sản (n=16)
Gà và vịt, ngan SS (n=18)
Gà thả vườn (n=11)
Vịt nuôi thịt (n=12)
Trồng trọt
6.288
8.369
7.134
7.600
8.232
9.000
6.787
Chăn nuôi cá, lợn
6.100
10.063
23.313
16.500
8.091
13.667
8.067
Chăn nuôi gia cầm
162.263
25.978
37.802
159.523
10.828
13.330
4.562
Phi nông nghiệp
12.548
15.597
7.390
29.253
13.091
7.708
21.491
HQKT chung/hộ/năm
187.199
60.007
75.639
166.683
40.242
43.705
40.907
Hình 4.5 Cơ cấu thu nhập trong nông hộ theo các hệ thống
Kết quả trình bày trên bảng 4.23 và hình 4.5 cho thấy, các nông hộ trong hệ thống 1 có thu nhập từ chăn nuôi gia cầm là cao nhất, chiếm từ 43,29% trong tiểu hệ thống chăn nuôi ngan sinh sản đến 86,68% trong tiểu hệ thống chăn nuôi gà sinh sản. Hệ thống 2 có thu nhập từ chăn nuôi gia cầm chiếm tỉ lệ từ 26,9% trong tiểu hệ thống chăn nuôi gà thả vườn tới 30,5% trong tiểu hệ thống chăn nuôi vịt thịt. Thu nhập từ chăn nuôi gia cầm trong hệ thống 3 chỉ chiếm 11,15% tổng thu nhập của nông hộ. Tuy nhiên, thu nhập chính của các nông hộ trong hệ thống 2 và hệ thống 3 lại chủ yếu từ hoạt động phi nông nghiệp (chiếm 52,53% trong hệ thống 3 và từ 17,63 - 32,53% trong hệ thống 2) và các hoạt động khác (như chăn nuôi cá, lợn và trồng trọt).
Như vậy, chăn nuôi gia cầm là nguồn thu nhập chủ yếu của các nông hộ trong hệ thống 1 và có vai trò quan trọng trong hệ thống 2. Còn chăn nuôi gia cầm trong hệ thống 3 chỉ mang tính tận dụng, chủ yếu để phục vụ nhu cầu của gia đình và ít mang tính kinh tế trong gia đình.
4.11 Giá và sự biến động giá liên quan đến chăn nuôi gia cầm
4.11.1 Sự biến động của giá thức ăn trong chăn nuôi
Do thức ăn chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng chi phí chăn nuôi gia cầm cho nên sự biến động của giá cả thị trường chính là yếu tố dẫn đến sự thất bại hay thành công của người chăn nuôi. Trong khuôn khổ của nghiên cứu, chúng tôi xem xét đến sự biến động giá cả thị trường liên quan đến ngành chăn nuôi gia cầm tại vùng nghiên cứu trong thời gian từ tháng 9/2008 tới tháng 8/2009 về thức ăn, con giống và sản phẩm gia cầm thịt. Hình 4.6 trình bày sự biến động của giá thức ăn trong chăn nuôi gia cầm.
Kết quả trên hình 4.6 cho thấy, giá các loại thức ăn năm 2008 có sự biến động theo chiều hướng tăng rất lớn theo sự biến động của cuộc khủng hoảng về giá của các sản phẩm lương thực trên thế giới, đỉnh điểm vào giai đoạn từ tháng 9-10/2008 giá cám đậm đặc gà thịt là 13.850 đồng/kg, giá cám hỗn hợp cho vịt thịt là 9.120 đồng/kg, giá thóc là 7.000 đồng/kg và giá ngô tới 5.000 đồng/kg. Tâm lý của người chăn nuôi, khi giá lương thực tăng cao sẽ dẫn đến giá sản phẩm chăn nuôi giảm và như vậy điều này tác động rất lớn đến hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi gia cầm nhất là chăn nuôi gia cầm sinh sản vì không bán được con giống hoặc giá bán thấp.
Hình 4.6 Sự biến động của giá thức ăn trong chăn nuôi gia cầm
Từ cuối năm 2008 sang giữa năm 2009, giá các loại thức ăn bắt đầu giảm xuống, thức ăn đậm đặc cho gà chỉ còn 11.680 đồng/kg, thức ăn hỗn hợp cho vịt còn 7.400 đồng/kg, ngô và thóc chỉ còn dao động ở mức 4.000 đồng/kg. Hoặc mức độ giảm từ 15% - 20% giá thành cho 1kg thức ăn, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với giá thức ăn trước năm năm 2008. Tuy nhiên, từ tháng 5/2009, giá của các loại thức ăn chăn nuôi lại bắt đầu tăng trở lại với cám đậm đặc và cám hỗn hợp, lên tới 12.850 đồng/kg cám đậm đặc cho gà và 7.850 đồng/kg cám hỗn hợp cho vịt vào tháng 8/2009, hoặc mức tăng tới 10% giá cám công nghiệp. Trong khi đó, giá thóc và ngô vẫn ổn định và dao động ở mức 4.000 đồng/kg. Người chăn nuôi tại ở đây bắt đầu giảm số lượng cám công nghiệp hỗn hợp hoàn chỉnh sang dạng cám ngô, thóc trộn với cám đậm đặc cho gia cầm.
Như vậy, sự biến động của các loại thức ăn trong chăn nuôi có ảnh hưởng lớn tới quyết định của người chăn nuôi, khi giá đầu vào trong chăn nuôi cao, người chăn nuôi có thể tạm dừng việc chăn nuôi hoặc chuyển từ các loại thức ăn công nghiệp hoàn chỉnh sang các loại thức ăn khác như ngô, thóc…
4.11.2 Sự biến động của giá con giống gia cầm
Quy luật thông thường là khi giá cả đầu vào trong chăn nuôi tăng quá cao sẽ dẫn đến quy mô chăn nuôi và số lượng người chăn nuôi sẽ giảm. Đặc trưng của chăn nuôi gia cầm tại các nông hộ tại Phú Xuyên là sản xuất và cung cấp con giống. Do vậy, khi giá cả thức ăn trong chăn nuôi tăng cao nhưng giá con giống sản xuất ra vẫn cao thì sẽ có tác dụng duy trì sự phát triển đàn gia cầm tại huyện tức là người chăn nuôi tại huyện nghiên cứu vẫn có lợi nhuận. Từ đó, để rõ hơn về sự biến động về giá của một số loại con giống sản xuất ra tại vùng nghiên cứu như giá vịt Bầu Cánh Trắng, vịt siêu trứng, gà Lương Phượng, gà Mía và ngan Pháp, kết quả được trình bày trên hình 4.7.
Hình 4.7 Sự biến động của giá con giống gia cầm
Kết quả trình bày trên hình 4.7 cho thấy, giá các loại con giống sản xuất ra tại vùng nghiên cứu đều giảm mạnh từ các tháng cuối năm 2008 sang đầu năm 2009, giảm từ 6.000 đồng/gà địa phương vào tháng 9/2008, còn 4.000 đồng/con vào tháng 1/2009, gà Lương Phượng giảm từ 5.000 đồng/con xuống còn 1.800 đồng/con vào tháng 12/2008 hoặc một mức giảm từ 20% – 65% giá bán gia cầm giống. Sự giảm giá này, một phần do tác động tiêu cực từ giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong cùng thời điểm thì một phần khác còn liên quan đến thời vụ chăn nuôi. Thông thường vào các tháng cuối năm, giá con giống bị giảm mạnh do thời tiết và dịch bệnh thường xảy ra vào các tháng cuối và đầu năm âm lịch.
Giá bán con giống tăng trở lại vào giai đoạn từ tháng 2-3/2009, tương đương với giá bán gia cầm con vào thời điểm tháng 9-10/2008. Giá gà địa phương dạo động ở mức cao, tới 8.000 đồng/con, vịt siêu trứng tới 6.000 đồng/con, vịt Bầu Cánh Trắng ở mức 5.500 đồng/con, gà Lương Phượng tới 4.700 đồng/con và ngan Pháp tới 4.700 đồng/con. Tuy nhiên, sự biến động giá này lại quá lớn, sang giai đoạn từ tháng 5-8/2009, giá bán các loại con giống lại giảm rất lớn, giảm thấp hơn cả giai đoạn từ tháng 11/2008-1/2009. Vào tháng 8/2009, vịt Bầu Cánh Trắng chỉ còn giá 3.700 đồng/con, gà Lương Phượng xuống còn 2.500 đồng/con, ngan Pháp còn 3.250 đồng/con.
Như vậy, một lần nữa yếu tố tăng hay giảm giá con giống không còn chỉ liên quan đến mùa vụ chăn nuôi của người chăn nuôi mà còn liên quan rất lớn tới sự biến động của giá thức ăn. Theo người chăn nuôi và các lò ấp trứng gia cầm tại địa phương, giá bán gia cầm con thấp như trong tháng 8, trong khi giá thức ăn lại tăng lên là người chăn nuôi đang chịu lỗ.
4.11.3 Sự biến động của giá gia cầm thịt
Ngoài con giống, giá bán sản phẩm đầu ra là gia cầm thịt cũng được quan tâm có liên quan tới hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Trong nghiên cứu này, chúng tôi chỉ giới hạn giá một số sản phẩm gia cầm thịt như gà thịt, vịt thịt và ngan thịt, kết quả được trình bày trên hình 4.8 về giá của một số sản phẩm chăn nuôi gia cầm từ tháng 9/2008 đến tháng 8/2009.
Hình 4.8 Sự biến động của giá gia cầm thịt tại vùng nghiên cứu
Kết quả trình bày trên hình 4.8 cho thấy, giá gà thịt địa phương và gà thịt lông màu ổn định ở mức cao trong cả năm, trung bình từ 65.000 – 70.000 đồng/kg với gà địa phương hoặc cao nhất tới 75.000 đồng/kg, gà lông màu từ 35.000 – 40.000 đồng/kg, giá thường tăng cao vào các tháng cuối năm âm lịch. Sự ổn định của giá gà thịt, một phần là do nhu cầu tiêu thụ tăng cao vào các tháng cuối năm, một phần khác là do đây là giống gia cầm địa phương và gà lông màu nên giá bán loại gà thịt này luôn ổn định.
Giá ngan thịt tăng cao vào cuối năm 2008, tới 48.000 đồng/kg và giảm xuống vào năm 2009 xuống còn 32.000 đồng/kg vào tháng 8/2009. Giá vịt thịt biến động không lớn từ cuối năm 2008 sang giữa năm 2009, ở mức 27.000 – 28.000 đồng/kg, nhưng xuống rất thấp vào mùa vụ năm 2009, còn 23.000 đồng/kg vào tháng 8/2009.
Ngoài ra, sản phẩm từ chăn nuôi vịt siêu trứng sinh sản là trứng vịt bán trực tiếp cho người tiêu dung và trứng vịt bán cho các lò ấp trứng vịt lộn. Ở đây, chúng tôi đề cập đến giá trứng trắng bán từ nông hộ. Giá trứng vịt giảm dần từ giữa năm 2008 sang năm 2009 trong khi giá thức ăn trong chăn nuôi lại liên tục tăng cao vào giữa năm 2008. Giá trứng từ 2.000 đồng/quả vào tháng 9/2008 xuống 1.600 đồng/quả từ tháng 11/2008 - 2/2009, dẫn đến nhiều hộ chăn nuôi vịt siêu trứng bị lỗ hoặc không có lãi. Giá trứng tăng trở lại từ 1.700 – 1.800 đồng/quả từ tháng 3 - 6/2009. Theo người chăn nuôi, nếu giá trứng giảm xuống còn 1.600 đồng/quả là không có lãi trong lúc giá thức ăn như hiện nay.
Như vậy, sự biến động về giá đầu vào và đầu ra trong chăn nuôi gia cầm là rất lớn gây bất lợi cho người chăn nuôi tại vùng nghiên cứu. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực lớn tới người chăn nuôi gia cầm. Do vậy, Nhà nước cần có sự trợ giúp người chăn nuôi thông qua việc cung cấp các thông tin mang tính dự đoán với độ chính xác cao. Bên cạnh đó cần có sự phát triển các mối liên kết, sự hợp tác giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu để có thể góp phần giảm những thiệt hại cho người chăn nuôi khi sự biến động quá lớn về giá.
4.12 Thương mại hoá sản phẩm gia cầm
Chăn nuôi gia cầm đóng vai trò quan trọng trong kinh tế của các nông hộ tại vùng nghiên cứu, trong đó đặc biệt là chăn nuôi thuỷ cầm. Các sản phẩm từ chăn nuôi gia cầm ở đây chủ yếu là con giống, thịt và trứng gia cầm. Trong đó, trứng vịt lộn được coi là món ăn đặc sản của Phú Xuyên. Con giống gia cầm đã được nhiều tỉnh thành trong cả nước biết đến. Để rõ hơn về các kênh thương mại hóa các sản phẩm gia cầm, kết quả được trình bày trên hình 4.9.
Chú thích:
Hình 4.9 Các kênh thương mại hoá sản phẩm gia cầm tại huyện Phú Xuyên
Kết quả trình bày trên hình 4.9 cho thấy, các tác nhân tham gia trong các kênh thương mại hóa các sản phẩm gia cầm tại vùng nghiên cứu bao gồm: (1) tác nhân cung cấp con giống, là các lò ấp trứng tư nhân, (2) tác nhân sản xuất, là người chăn nuôi gia cầm trong các hệ thống, (3) tác nhân trung gian nhỏ, là những người mua bán gia cầm nhỏ lẻ, mang tính địa phương thôn, xã, (4) tác nhân trung gian lớn, là những người kinh doanh buôn bán gia cầm lớn, mang tính quy mô huyện, tỉnh, (5) các chợ kinh doanh, buôn bán gia cầm.
Huyện Phú Xuyên có lợi thế bởi Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên, từ sự phát triển của một vài lò ấp gia cầm tư nhân vào đầu những năm 1990 của thế kỷ trước, tới này trong huyện có khoảng 140 lò ấp trứng gia cầm tư nhân, mỗi lò ấp có từ 2-5 máy ấp với công suất khoảng 9.000 trứng/máy mỗi phiên (Phan Đăng Thắng, 2008). Các lò ấp trứng gia cầm cung cấp một số lượng rất lớn con giống gia cầm 1 ngày tuổi cho các địa phương thông qua các hợp đồng ấp nở bằng miệng giữa người chăn nuôi gia cầm sinh sản trong huyện hoặc các huyện lân cận của Phú Xuyên về cung cấp trứng giống cho các lò ấp.
Trứng gia cầm được các hộ chăn nuôi gia cầm chuyển đến lò ấp theo thoả thuận ấp thuê. Gia cầm con nở ra, một phần nhỏ được cung cấp trở lại cho những người chăn nuôi bán thâm canh hàng hoá trong huyện và các huyện lân cận (chiếm khoảng 5%). 15% số lượng gia cầm con được các lò ấp bán cho người buôn nhỏ gia cầm con và mang đi bán lẻ ở các chợ lẻ ở các làng, xã trong huyện. Số lượng lớn, 80% gia cầm con được bán cho những người mua buôn lớn từ khắp các tỉnh thành từ miền Bắc tới miền Trung và Tây Nguyên. Như vậy, các lò ấp gia cầm tư nhân tại Phú Xuyên đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp con giống cho người chăn nuôi trong và ngoài tỉnh.
Tác nhân sản xuất ở đây là các nông hộ chăn nuôi ở các quy mô khác nhau theo các hệ thống chăn nuôi gia cầm đã phân tích ở trên. Trong đó, h 4.7 iện tác nhân sản xuất thông qua 2 loại hình sản xuất là người chăn nuôi gia cầm quy mô nhỏ và người chăn nuôi bán thâm canh.
Nguồn cung cấp con giống cho người chăn nuôi nhỏ đến từ 2 nguồn chính là nguồn tự cung tự cấp trong gia đình (chiếm 85%) và mua ở chợ thông qua người buôn bán nhỏ hoặc được mua từ các hộ hàng xóm (chiếm 15%). Hàng hoá tạo ra là gia cầm thịt được chủ yếu sử dụng cho nhu cầu tiêu thụ trong gia đình (chiếm 40%), bán cho người buôn nhỏ lẻ và ở chợ xã (chiếm 60%) và mang bán lẻ trực tiếp cho người tiêu thụ tại địa phương (chiếm 10%).
Nguồn con giống cung cấp cho các nông hộ chăn nuôi bán thâm canh chiếm 100% từ các lò ấp trứng gia cầm tại huyện Phú Xuyên. Sản phẩm tạo ra từ người chăn nuôi bán thâm canh là trứng gia cầm, gia cầm loại và gia cầm thịt. Gần như toàn bộ trứng gia cầm được bán cho các lò ấp trứng trong huyện (chiếm 92%), còn lại chỉ có trứng loại là được bán cho người tiêu dùng thông qua người mua buôn trứng. Sản phẩm gia cầm loại và gia cầm thịt được bán cho người buôn bán gia cầm lớn bên ngoài xã tại trại chăn nuôi (chiếm 86%). Số gia cầm, trứng gia cầm tự tiêu thụ trong gia đinh chỉ chiếm 7% và số lượng gia cầm bán lẻ cho người tiêu thụ tại địa phương thông qua các chợ hoặc bán cho những người buôn bán nhỏ trong xã chiếm 7%. Tác nhân người buôn bán lớn ngoài xã mua gia cầm từ nông hộ và bán lại gia cầm tại các chợ đầu mối lớn tại Thường Tín cho người giết mổ nhỏ lẻ và các lò mổ. Theo tác nhân buôn bán lớn, gia cầm sau khi giết mổ đa số được bán lẻ tại các chợ ở Hà Nội và bán cho các cửa hàng ăn uống, quán phở.
Như vậy, gia cầm trong các hệ thống chăn nuôi bán thâm canh, sản phẩm sản xuất ra chủ yếu được bán ở trang trại, trực tiếp cho những người mua buôn ngoài xã và sau đó được vận chuyển đến bán lại cho các lò mổ, cơ sở giết mổ nhỏ. Điều này cho thấy, thói quen tiêu dùng gia cầm thịt của người tiêu dùng đã có bước thay đổi, từ chỗ chỉ mua hàng tươi sống còn lông chuyển sang hàng tươi sống mổ sẵn. Trong khi đó, ở hệ thống chăn nuôi nhỏ lẻ, hàng hoá sản xuất chủ yếu được sử dụng cho nhu cầu tự tiêu thụ trong gia đình và một phần khác dùng để bán cho tác nhân thương mại nhỏ tại xã.
5. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ
5.1 Kết luận
* Có 3 hệ thống chăn nuôi gia cầm chính tại huyện Phú Xuyên với 6 tiểu hệ thống chăn nuôi gia cầm bán thâm canh. Trong đó, các tiểu hệ thống chăn nuôi thủy cầm là phổ biến hơn so với các tiểu hệ thống chăn nuôi gà; chỉ còn rất ít nông hộ chăn nuôi vịt siêu trứng do giá trứng thấp và do nhu cầu trứng trắng cũng như trứng vịt lộn giảm…Trong chăn nuôi bán thâm canh, các tiểu hệ thống chăn nuôi gia cầm sinh sản phát triển mạnh hơn so với các tiểu hệ thống chăn nuôi vịt thịt. Hệ thống chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn là thói quen của nhiều nông hộ tại vùng nghiên cứu.
* Năng suất và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi gia cầm bán thâm canh cao hơn từ 2,37 – 35,56 lần so với hệ thống chăn nuôi nhỏ lẻ. Hiệu quả kinh tế đạt cao nhất trong tiểu hệ thống chăn nuôi gà sinh sản và tiểu hệ thống chăn nuôi hỗn hợp gia cầm sinh sản (từ 159.523 – 162.263 nghìn đồng/hộ/năm). Đứng thứ 2 là tiểu hệ thống chăn nuôi ngan Pháp sinh sản và tiểu hệ thống chăn nuôi vịt sinh sản đạt 25.978 – 37.802 nghìn đồng/hộ/năm. Hiệu quả kinh tế trong hệ thống chăn nuôi gia cầm thịt bán thâm canh chỉ đạt 10.828 – 13.330 nghìn đồng/hộ/năm và thấp nhất là 4.562 nghìn đồng/hộ/năm trong hệ thống chăn nuôi nhỏ lẻ.
* Các giống gia cầm được nuôi trong các hệ thống chủ yếu có nguồn gốc từ các lò ấp tư nhân, chất lượng con giống thường không được kiểm soát. Đây là một trong những nguyên nhân làm giảm năng suất và hiệu quả kinh tế trong các hệ thống.
* Chuồng trại trong các hệ thống chăn nuôi chưa được đầu tư nhiều, chỉ có hệ thống chăn nuôi gà sinh sản được đầu tư tốt. Chuồng nuôi trong các hệ thống chăn nuôi gà được đầu tư tốt hơn so với các hệ thống chăn nuôi thủy cầm.
* Thức ăn công nghiệp đã được sử dụng nhiều trong các hệ thống chăn nuôi bán thâm canh. Tuy nhiên, giá thức ăn công nghiệp tăng cao là một trong những nguyên nhân chính làm giảm hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.
* Việc tiêm vắcxin phòng bệnh cho đàn gia cầm trong hệ thống chăn nuôi gia cầm sinh sản đã được quan tâm nhưng chỉ được phòng bệnh trong giai đoạn hậu bị, còn trong giai đoạn sinh sản không được sử dụng. Các hệ thống chăn nuôi gà được phòng bệnh tốt hơn so với các hệ thống chăn nuôi ngan và vịt. Đàn gia cầm trong hệ thống chăn nuôi nhỏ lẻ và hệ thống chăn nuôi vịt thịt rất ít được tiêm phòng, cho nên đây là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho việc khống chế và kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là dịch cúm gia cầm H5N1.
* Sự biến động giá của đầu vào và sản phẩm đầu ra và sự diễn biến phức tạp của dịch bệnh là những bất lợi lớn ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người chăn nuôi.
* Các sản phẩm gia cầm trong các tiểu hệ thống chăn nuôi bán thâm canh thường được bán thông qua nhiều tác nhân trung gian và không có hợp đồng trước đó nên khó tránh khỏi bị ép giá. Do vậy, hiệu quả kinh tế chăn nuôi gia cầm cũng bị ảnh hưởng khá nhiều.
5.2 Đề nghị
* Cần có sự hỗ trợ người chăn nuôi vấn đề chất lượng con giống cũng như vấn đề an toàn dịch bệnh cho đàn gia cầm thông qua các lớp khuyến nông, các hội người chăn nuôi gia cầm hay các dự án…nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, đồng thời khống chế được sự bùng phát của dịch bệnh.
* Nhà nước cần có sự trợ giúp người chăn nuôi thông qua việc cung cấp các thông tin mang tính dự đoán với độ chính xác cao nhằm hạn chế thiệt hại do biến động giá thức ăn đầu vào và các sản phẩm đầu ra.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
TÀI LIỆU TIẾNG VIỆT
Nguyễn Văn Bắc (2000), 28 câu hỏi – đáp trong chăn nuôi vịt siêu trứng Khaki Campbell và CV Super M, Nhà xuất bản nông nghiệp.
Đặng Vũ Bình, Nguyễn Xuân Trạch (2002), Canh tác kết hợp nhằm phát triển nông thôn bền vững, Kết quả nghiên cứu khoa học - kỹ thuật nông nghiệp, Trung tâm nghiên cứu lien ngành và phát triển nông thôn, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Nhà xuất bản Nông Nghiệp.
Nguyễn Duy Hoan, Bùi Đức Lũng, Nguyễn Thanh Sơn, Đoàn Xuân Trúc (1999), Chăn nuôi gia cầm – giáo trình dùng cho cao học và nghiên cứu sinh ngành chăn nuôi, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, Nhà xuất bản nông nghiệp.
Nguyễn Đức Lưu, Lương Tất Nhợ và CS (1999), Nuôi ngan, vịt và các bệnh quan trọng thường gặp, Nhà Xuất bản nông nghiêp.
Phan Đăng Thắng, Vũ Đình Tôn và CS (2008), Hiệu quả kinh tế - kỹ thuật của các hệ thống nông nghiệp trong giai đoạn chuyển đổi nông nghiệp hiện tại của một xã thuộc vùng đồng bằng Sông Hồng: nghiên cứu trường hợp xã Cẩm Hoàng, tỉnh Hải Dương, Kết quả nghiên cứu khoa học, chương trình hợp tác liên đại học (1997 – 2007), Nhà xuất bản nông nghiệp Hà Nội.
Vũ Đình Tôn (2008), Bài giảng hệ thống nông nghiệp dùng cho cao học nông nghiệp, Trường Đại học Nông Nghiệp Hà Nội.
Vũ Đình Tôn, Hán Quang Hạnh (2008), Nghiên cứu năng suất và hiệu quả của một số hệ thống chăn nuôi ở huyện Cầm Giàng, tỉnh Hải Dương, Kết quả nghiên cứu khoa học , chương trình hợp tác liên đại học (1997 – 2007), Nhà xuất bản Nông Nghiệp, Hà Nội.
Vũ Đình Tôn, Phan Đăng Thắng và CS (2008), Động thái nông nghiệp – nông thôn của xã Cẩm Hoàng, tỉnh Hải Dương trong giai đoạn đổi mới kinh tế từ năm 1980 tới nay, Kết quả nghiên cứu khoa học, chương trình hợp tác liên đại học (1997 – 2007), Nhà xuất bản nông nghiệp, Hà Nội.
Vũ Đình Tôn và CS (2009), Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật và các hoạt động phi nông nghiệp của các hệ thống sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp ở xã Cẩm Hoàng, tỉnh Hải Dương, Tạp chí khoa học và phát triển, tập 7, số 1 – 2009, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội.
Vũ Đình Tôn, Phan Đăng Thắng, 2002. Kết quả chăn nuôi ngan Pháp tại nông hộ, Thực nghiệm tại xã Xương Lâm - Lạng Giang - Bắc Giang. Kết quả nghiên cứu Khoa học - Kỹ thuật nông nghiệp, số 3/2002. Nhà xuất bản Nông nghiệp, 2002.
Lương Tất Thợ, Hoàng Văn Tiệu (2001), Nuôi vịt siêu thịt CV Super M, Nhà xuất bản nông nghiệp.
Đinh Xuân Tùng, Vũ Trọng Bình, Trần Công Thắng (2003), Báo cáo nền chăn nuôi ở Việt Nam, Tổng cục thống kê.
Đặng Kim Sơn (2001), Công nghiệp hoá từ nông nghiệp: Lý luận, thực tiễn và triển vọng áp dụng ở Việt Nam, NXB Nông nghiệp, Hà Nội.
Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn (2000). Một số văn bản pháp luật hiện hành về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhà xuất bản Lao động – Xã hội.
Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn (2008), Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020, Nhà xuất bản nông nghiệp, Hà Nội.
Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2006), Báo cáo tổng kết chăn nuôi gà giai đoạn 2001 - 2005 và phương hướng phát triển giai đoạn 2006 - 2015, Hà Nội.
Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2006), Báo cáo tổng kết chăn nuôi thủy cầm giai đoạn 2001 - 2006 và định hướng phát triển giai đoạn 2006 - 2015, Hà Nội.
Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2006), Báo cáo tổng kết chăn nuôi trang trại, tập trung giai đoạn 2001 - 2006, định hướng và giải pháp phát triển giai đoạn 2007 - 2015, Hà Nội.
Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2005), Đề án đổi mới hệ thống chăn nuôi gia cầm, Hà Nội.
Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2007), Dịch cúm gia cầm, tiêu hủy gia cầm và chính sách hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, Hội thảo “Tương lai của người nông dân chăn nuôi gia cầm Việt Nam sau dịch cúm gia cầm độc lực cao”, Hà Nội.
Chi cục thú y Hà Tây (2007), Báo cáo tổng kết công tác chăn nuôi và vệ sinh phòng bệnh trên đàn gia súc – gia cầm của tỉnh, Hà tây.
Cục thống kê Hà tây (2008), Niên giám thống kê Hà Tây năm 2007.
Phòng thống kê huyện Phú Xuyên (2008), Số liệu thống kê huyện Phú Xuyên năm 2008.
Uỷ ban nhân dân xã Hoàng Long (2008), Báo cáo tình hình thực hiện phát triển kinh tế, xã hội năm 2008 và phương hướng, mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế xã hội năm 2009.
Uỷ ban nhân dân xã Hồng Thái (2008), Báo cáo tình hình thực hiện phát triển kinh tế, xã hội năm 2008 và phương hướng, mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế xã hội năm 2009.
Uỷ ban nhân dân xã Phúc Tiến (2008), Báo cáo tình hình thực hiện phát triển kinh tế, xã hội năm 2008 và phương hướng, mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế xã hội năm 2009.
Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện Phú Xuyên (2005), Đất Phú Xuyên – Người Phú Xuyên, Sở văn hóa thông tin Hà Tây, 2005.
TÀI LIỆU TIẾNG ANH
C. Le Bas, Phan Dang Thang, S. Desvaux, N. V. Duy, N. C. Oanh, H. Q. Hanh, J. F. Renard, Vu Dinh Ton (2008), Tentative approach for an HACCP – like risk scoring methodology, Enviromental health and socio-economic risks associated with livestock intensification, PRISE - CIRAD conference, Hanoi.
Stéphanie Desvaux, Phan Dang Thang, Pham Thi Thanh Hoa, Nguyen Thi Lien Huong, 2008. Description of the poultry production system in Vietnam. A general review and a description of the poultry production in Vietnam. Agricultural publishing house.
Pham Thi Thanh Hoa, Phan Dang Thang, Nguyen Thi Lien Huong, Stéphanie Desvaux, 2008. Day old chick supply chain in Vietnam. A general review and a description of the poultry production in Vietnam. Agricultural publishing house.
Le Hong Man (1992). Duck-fish integration in Vietnam. Proceedings of FAO/IPT workshop on integrated livestock-fish production system, Kuala Lumpur,
Phan Dang Thang, M. Peyre, S. Desvaux, Vu Dinh Ton, J-F. Renard, F. Roger, 2009. Characteristics of poultry production systems and cost-benefit ananysis of mass vaccination campaign against HPAI in poultry production systems in Long An Province, South Vietnam. Journal of Science and Development, Vol.7, English issue N°1/2009. Hanoi University of Agriculture.
Phan Dang Thang, M. Peyre, S. Desvaux, J-F. Renard, F. Roger, Vu Dinh Ton, 2008. Relation between the poultry production systems and the Highly Pathogenic Avian Influenza (HPAI) in Vietnam. The 13th AAAP Animal Science Congress, September 22-26, 2008. Hanoi, Vietnam (The Asian-Australasian Association of Animal Production Societies –AAAP).
P.D Thang, N.V Duy, N.C Oanh, V.D Ton, C. Le Bas, S. Desvaux, J-F. Renard, 2008. Poultry production systems, functional diagrams. GRIPAVI expert meeting on HPAI risk analysis in poultry production systems. The 3rd November, 2008. Hanoi University of Agriculture.
Vu Dinh Ton, Phan Dang Thang, Pham Thi Thanh Hoa, Stéphanie Desvaux, 2008. Poultry production in Vietnam: facts and figure. A general review and a description of the poultry production in Vietnam. Agricultural publishing house.
Agrifood consulting international, FAO (2007), The economic impact of Highly Pathogenic aivan influenza, Hanoi, Vietnam.
AVSF, FAO (2006), Review of free-range duck farming systems in Northern Vietnam and assessement of their implication in the spreading of the Highly Pathogenic (H5N1) strain of HPAI, Hanoi, Vietnam.
FAO (2005), Emergency Regional Support for Post-Avian Influenza Rehabilitation.
._.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- CHCN014.doc