ĐẶT VẤN ĐỀ
Bóng chuyền là một môn thể thao phát triển nhanh và rộng rãi ở nước ta, là một môn thể thao có tính hấp dẫn cao với các hoạt động kỹ - chiến thuật biến hoá đa dạng đã thu hút rất nhiều người tham gia tập luyện và thi đấu. Tập luyện và thi đấu bóng chuyền không những có tác dụng phát triển thể chất, củng cố nâng cao sức khoẻ, mà bóng chuyền đỉnh cao còn tạo cho VĐV có tính tập thể, tinh thần đoàn kết, giáo dục, rèn luyện cho VĐV những phẩm chất đạo đức và ý chí, góp phần vào việc giáo
150 trang |
Chia sẻ: huong20 | Ngày: 18/01/2022 | Lượt xem: 360 | Lượt tải: 0
Tóm tắt tài liệu Luận án Xác định quan hệ tố chất sức mạnh với kỹ thuật nhảy phát bóng, nhảy chuyền bóng trong bóng chuyền, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
dục, phát triển con người toàn diện.
Trong lĩnh vực GDTC trường học, cũng như trong lĩnh vực TDTT quần chúng, bóng chuyền được phát triển ở hầu hết các địa phương trong cả nước, được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia tập luyện; đồng thời bóng chuyền đã trở thành môn học chính thức trong chương trình GDTC tự chọn tại các trường THPT, Đại học, Cao đẳng và THCN, hàng năm đều có các giải thi đấu môn bóng chuyền của học sinh, sinh viên toàn quốc, là môn thi đấu chính thức tại Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc, cũng như Hội thi nghiệp vụ sư phạm toàn quốc do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Về thể thao thành tích cao, bóng chuyền Việt Nam được đánh giá là có sự tiến bộ vượt bậc so với những năm trước đây. Vừa qua, đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam đã giành được thứ hạng nhất định trong khu vực. Hiện nay bóng chuyền hiện đại thế giới đã phát triển mạnh theo xu hướng toàn diện: Cao, nhanh, mạnh, linh hoạt thể hiện trên tất cả kỹ thuật của bóng chuyền, từ mở đầu là phát bóng, đệm bóng, chuyền bóng, cuối cùng là đập bóng. Bóng chuyền hiện đại phải khống chế tầm cao trên không bằng tiếp xúc bóng nhanh. Có thể nói, nhảy phát bóng và nhảy chuyền bóng kết hợp với hoạt động đập bóng là biện pháp chính để giành điểm, là mặt đối lập của phòng thủ (đỡ phát bóng, đỡ đập bóng, chắn bóng...) luôn là mặt chính tạo ra sự mất cân bằng giữa tấn công và phòng thủ. Tấn công là mặt chính yếu, thúc đẩy toàn bộ kỹ thuật bóng chuyền phát triển. Trong bóng chuyền, từ kỹ thuật phát bóng, di chuyển trong phòng thủ, di chuyển trong chuyền hai, di chuyển trong chắn bóng đến các kỹ thuật khác đều thể hiện nổi trội tố chất, năng lực sức mạnh mà rõ nhất là nhảy phát bóng và nhảy chuyền bóng, các huấn luyện viên khi huấn luyện đã tăng cường các bài tập kỹ thuật và thể lực toàn diện hơn như sức mạnh nhằm nâng cao trình độ kỹ thuật toàn diện, biến hóa nhiều trên cơ sở tâm lý ổn định. Muốn có sức tấn công nhanh, mạnh, biến hóa thì sức mạnh là yếu tố quyết định để vượt lên trên đối phương giành chiến thắng.
Thực tế của công tác giảng dạy - huấn luyện bóng chuyền hiện nay cho thấy, một trong những xu thế rõ nhất của bóng chuyền hiện đại là tấn công chiếm ưu thế hơn phòng thủ, đồng thời xu hướng phát triển bóng chuyền hiện đại là: Toàn diện, nhanh, cao, biến. Về mặt kỹ, chiến thuật - khâu thể hiện chính tính đối kháng trong thi đấu nhằm được điểm nhiều hơn và đối phương được điểm ít hơn, nên việc nghiên cứu các kỹ thuật thuộc hai phạm trù tấn công và phòng thủ là một trọng điểm trong phát triển bóng chuyền hiện đại. Thực tế quá trình phát triển của bóng chuyền cho thấy: Kỹ thuật luôn là một khâu then chốt để thực hiện mục tiêu chiến thuật nhằm giải quyết quy luật được mất điểm trên cơ sở tố chất thể lực và hình thái cơ thể tốt. Nói một cách khác, kỹ thuật là khâu xuyên suốt để hợp đồng trực tiếp giữa các thành viên trong đội để chiến thuật biến hoá trên cơ sở kỹ thuật điêu luyện trong đó kỹ thuật tấn công làm trung tâm, gồm các kỹ thuật nhảy phát bóng, nhảy chuyền bóng, đập bóng...
Hoàn thiện kỹ - chiến thuật tấn công trong bóng chuyền hiện đại là nhờ nâng cao khả năng phối hợp tấn công nhanh với tín hiệu, xu thế trong tấn công là giãn vị trí tấn công ra xa lưới, phối hợp nhanh, biến hoá ở vị trí số 3, hơn nữa tấn công từ tuyến hai ngày càng được sử dụng rộng rãi. Lối đánh tốc độ và bất ngờ kết hợp với động tác giả như: Nhảy phát bóng, nhảy chuyền bóng, chạy lên đập giả, nhảy giả, đập bóng bằng bật nhảy một chân đã được sử dụng nhiều và mang lại hiệu quả cao. Trong thi đấu, các pha phản công liên tục, tối đa, có hiệu quả đã tạo áp lực lâu dài lên đối phương. Cho đến nay, nhảy phát bóng và nhảy chuyền bóng được coi là một trong những kỹ thuật tấn công rất có hiệu quả, với việc thay đổi luật thi đấu gần đây cho phép phát bóng chạm lưới, nên các VĐV đã chú trọng rất nhiều đến chiến thuật phát bóng, chuyền bóng. Những pha phát bóng luôn với mục đích phá vỡ chiến thuật tấn công của đối phương, thậm chí nếu chiến thuật phát bóng tốt sẽ giành được điểm trực tiếp [28], [36].
Mặt khác, bóng chuyền hiện đại đòi hỏi các VĐV phải có một thể lực tốt, khả năng phối hợp tấn công biến hoá, đa dạng. Hơn nữa, hiện nay trong thi đấu bóng chuyền đã có VĐV libero chuyên về phòng thủ, do đó cần thiết phải có một sự phối hợp chiến thuật thi đấu tốt đặc biệt là chiến thuật phát bóng tốt mới đem lại hiệu quả cao trong thi đấu. Một trong những yếu tố được xác định có mối quan hệ mật thiết đối với các kỹ - chiến thuật bóng chuyền hiện đại đó là tố chất thể lực, đặc biệt là tố chất sức mạnh. Việc xác định được mối quan hệ ảnh hưởng giữa tố chất sức mạnh với các kỹ - chiến thuật như nhảy phát bóng, nhảy chuyền bóng sẽ là cơ sở để các giáo viên, HLV làm căn cứ điều chỉnh quá trình giảng dạy, huấn luyện kỹ - chiến thuật nhằm nâng cao hiệu quả trong tập luyện và thi đấu. Nhưng tiếc rằng đến nay, vấn đề này vẫn chưa được các nhà chuyên môn quan tâm nghiên cứu một cách đầy đủ.
Ở Việt Nam, các nghiên cứu về vấn đề giảng dạy - huấn luyện kỹ, chiến thuật và thể lực chuyên môn cho sinh viên, VĐV bóng chuyền đã thu hút sự chú ý quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà khoa học TDTT, các nhà nghiên cứu, các nhà giáo dục chuyên môn ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: Đinh Văn Lẫm (1994, 1999) [28], [29]; Ngô Trung Lượng, Phan Hồng Minh (1965) [32]; Phan Hồng Minh, Nguyễn Thành Lâm, Trần Đức Phấn (1997) [35], [36]; Trần Hùng (2007) [31]; Phạm Thế Vượng (2008) [83]; Lê Trí Trường (2012) [77]... Kết quả nghiên cứu của các công trình này đã đưa ra được hệ thống các bài tập huấn luyện kỹ thuật đập bóng cũng như hệ thống các bài tập huấn luyện tâm lý, thể lực chuyên môn cho sinh viên, VĐV bóng chuyền.
Có thể khẳng định, các kết quả nghiên cứu trên, dù ở lĩnh vực này hay ở lĩnh vực khác tuy chưa nhiều, song chúng là cơ sở ban đầu hết sức đáng quý cả về mặt tư liệu lẫn về mặt định hướng, và về phương pháp nghiên cứu đối với đối tượng chủ yếu trong giảng dạy - huấn luyện kỹ chiến thuật, tố chất thể lực chuyên môn cho VĐV các đội tuyển cũng như sinh viên chuyên sâu các trường Đại học TDTT.
Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, nhằm mục đích phát triển tố chất thể lực và kỹ thuật chuyên môn cho sinh viên chuyên sâu bóng chuyền, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy môn học bóng chuyền cho sinh viên chuyên sâu ngành sư phạm thể dục trường Đại học TDTT Bắc Ninh, từng bước nâng cao hiệu quả công tác giảng dạy - học tập trong nhà trường, chúng tôi tiến hành nghiên cứu đề tài:
“XÁC ĐỊNH QUAN HỆ TỐ CHẤT SỨC MẠNH VỚI KỸ THUẬT NHẢY PHÁT BÓNG, NHẢY CHUYỀN BÓNG TRONG BÓNG CHUYỀN”
Mục đích nghiên cứu:
Trên cơ sở phân tích tổng hợp tài liệu, sử dụng các trang thiết bị quan trắc video vào nghiên cứu kỹ thuật trên các đối tượng sinh viên, VĐV bóng chuyền, luận án tiến hành xác định đặc điểm và mối tương quan giữa tố chất sức mạnh chuyên môn với kỹ thuật nhảy phát bóng, nhảy chuyền bóng trong bóng chuyền, trên cơ sở đó hệ thống hóa các bài tập phát triển tố chất sức mạnh chuyên môn đối với mối tương quan giữa sức mạnh và kỹ thuật nhảy phát bóng, nhảy chuyền bóng cho sinh viên chuyên sâu bóng chuyền.
Mục tiêu nghiên cứu:
Đề đạt được mục đích nghiên cứu nêu trên, luận án thực hiện các mục tiêu nghiên cứu sau:
Mục tiêu 1: Xác định đặc điểm sinh cơ học và mối quan hệ giữa tố chất sức mạnh với kỹ thuật nhảy phát bóng, nhảy chuyền bóng trong bóng chuyền.
Mục tiêu 2: Hệ thống hóa và xác định hiệu quả các bài tập phát triển sức mạnh của kỹ thuật nhảy phát bóng và nhảy chuyền bóng trong bóng chuyền.
Giả thuyết khoa học của luận án:
Giả thuyết xác định rằng, nếu mối quan hệ giữa tố chất sức mạnh chuyên môn với kỹ thuật nhảy phát bóng, nhảy chuyền bóng được xác định là mối tương quan mạnh và thuận chiều thì hệ thống các bài tập phát triển sức mạnh mà luận án nghiên cứu sẽ đem lại hiệu quả ứng dụng đối với mối tương quan giữa sức mạnh chuyên môn và hai kỹ thuật nhảy phát bóng, nhảy chuyền bóng. Đồng thời mối quan hệ ảnh hưởng này sẽ là cơ sở để các HLV, các giáo viên làm căn cứ góp phần nâng cao hiệu quả kỹ thuật nhảy phát bóng, nhảy chuyền bóng luyện trong quá trình giảng dạy - huấn luyện cho sinh viên, VĐV bóng chuyền.
Chương 1. TỔNG QUAN CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU.
1.1. Những vấn đề cơ bản của bóng chuyền hiện đại.
1.1.1. Đặc trưng của thi đấu bóng chuyền hiện đại.
Bóng chuyền, môn thể thao đồng đội thi đấu đối kháng gián tiếp do có lưới ngăn cách, không va chạm thân thể trực tiếp, hoạt động thi đấu bóng chuyền theo hướng Toàn diện - Cao - Nhanh - Biến, đòi hỏi ở VĐV khả năng thích ứng với LVĐ lớn và năng lực phối hợp vận động cao trong thời gian dài [14], [16], [34], [35].
Toàn diện trong thi đấu bóng chuyền thể hiện ở việc thực hiện một loạt kỹ thuật cơ bản và biến hóa (chuyền, đệm, phát, đập, chắn) trong một khoảng thời gian ngắn. Kỹ thuật ứng dụng thi đấu (vận dụng cụ thể trong thi đấu); kỹ thuật sở trường, tức khả năng vận dụng điêu luyện vào tình huống nào đó được đào tạo phù hợp với điều kiện cá nhân (chuyền 2, libero, chủ công, phụ công, hoặc sở trường về phát, phòng thủ, chuyền 1, chắn), độc chiêu tức có trình độ kỹ xảo cao mang tính sáng tạo, độc đáo của cá nhân mà người khác chưa đạt tới. Cuối cùng xuyên suốt mang tính nền móng cơ sở tạo điều kiện cho sự phát triển của tất cả các kỹ thuật trên mà mọi tài năng muốn phát triển đến trình độ cao nhất cần có là công cơ bản (công tay, công thân, công chân, công mắt và năng lực phán đoán cảm nhận). Ngoài toàn diện về kỹ thuật ra còn phải toàn diện về tri thức, vận dụng kỹ- chiến thuật cá nhân và tập thể, năng lực thích ứng với hoàn cảnh, sức khoẻ, tâm lý, nhân cách và thể lực chuyên môn. Sự toàn diện thể hiện năng lực, trình độ thi đấu gắn chặt hữu cơ thống nhất ở con người. Tính toàn diện này cần gắn với xu thế phát triển của bóng chuyền hiện đại, hướng ứng dụng của quá trình đào tạo, huấn luyện, đồng thời là yêu cầu toàn diện của từng cá nhân VĐV, chưa kể phạm vi trình độ tổng hợp một đội bóng hình thành sức mạnh thể hiện về trình độ thi đấu cao trước mọi đối thủ [13], [22], [28], [42], [43].
Cao trong bóng chuyền chỉ chiều cao đứng, cao với tay, bật cao xa có đà hoặc không có đà, cao thể hiện năng lực khống chế không gian cao xa tạo điều kiện cho VĐV khống chế tầm cao, không gian chiều cao theo chiều thẳng đứng và chiều ngang [43], [46], [53], [55], [83].
Nhanh trong bóng chuyền chỉ năng lực thực hiện động tác nhanh, tần số động tác nhanh (bật đập nhanh, ghìm nhanh, xoay chuyển nhanh), nhanh trong sự điều khiển của thần kinh theo hướng tăng tốc và nhanh trong giảm tốc. Nhanh chính là điều kiện để thực hiện được là biến hoá [43], [46], [53], [71], [87], [88].
Biến hoá nhanh chỉ năng lực điều khiển cao nhất với trình độ kỹ năng, kỹ xảo cao vận dụng trong điều kiện biến đổi của thi đấu. Biến hoá phải thể hiện trên cơ sở nhịp điệu tốc độ biến điểm, biến tầm, biến phương, biến chiều, biến hình động tác, biến lực...). Bóng chuyền phải vận động tiếp xúc điều khiển bóng trong thời gian rất ngắn (theo luật), bóng lại luôn chuyển động trên không, không dừng lại nên biến hoá là mục tiêu cao nhất mang tính nghệ thuật sáng tạo cao, tức tài năng bóng chuyền cần có năng lực linh hoạt cao [13], [14], [16], [22], [28], [34], [35], [42], [43].
1.1.2. Xu thế hiện đại trong các môn thể thao tập thể.
Do thành tích thi đấu không đo đếm được mà chỉ xác định theo chuẩn mực quy định mang tính quan sát chủ quan, nên sự phát triển của từng môn thể thao tập thể (môn bóng) chủ yếu bằng phương pháp xây dựng mô hình VĐV tương ứng với nó và là mô hình của từng tuyến chơi.
Có thể khái quát một số xu thế chính phát triển các môn thể thao tập thể trong thời gian hiện nay là:
Sự phát triển nhanh mang tính phổ cập, làm cho thể thao trở thành bộ phận không thể thiếu trong đời sống văn hoá xã hội của con người hiện đại [1], [6], [8], [29], [58].
Trong công tác huấn luyện và thi đấu đặc biệt nâng cao lượng vận động tối đa, chú trọng các tố chất chuyên môn đặc thù, chuyên môn hoá từng cầu thủ, chú trọng các kỹ thuật sở trường của VĐV để thích ứng nhanh với nhịp độ thi đấu cao luôn biến đổi [2], [7], [12].
Toàn diện hoá lối chơi và chức năng của cầu thủ. Huấn luyện toàn diện các tuyến chơi trong giai đoạn thi đấu khác nhau, chú ý chức năng thi đấu của từng cầu thủ cùng với việc phối hợp nhuần nhuyễn với một lượng vận động ngày càng lớn, chất lượng cao hoạt động thi đấu của toàn đội [24], [25], [27].
Sự tri thức nghệ thuật hoá lối chơi và chức năng của các cầu thủ được đặc biệt quan tâm: VĐV phải nắm vững nhanh và chính xác diễn biến trận đấu cùng những tình huống phát triển của nó. Có suy nghĩ độc lập, sáng tạo ứng phó nhanh, linh hoạt phối hợp toàn đội một cách nhịp nhàng. Trong huấn luyện phải kết hợp chặt chẽ giữa trí tuệ bẩm sinh với tiếp thu, bổ xung hình thành nhanh các kỹ năng vận động, kinh nghiệm thi đấu của đội thông qua các cuộc thi đấu lớn [30], [31], [32]
Nói tóm lại xu thế phát triển của các môn thể thao tập thể biểu hiện ở tính năng động và tích cực của từng đấu thủ, chất lượng hiệu quả của các hành động phối hợp thi đấu ăn ý của họ và uy tín phổ cập của từng môn thể thao tập thể.
1.2. Tổng quan những đặc điểm cơ bản về kỹ thuật - chiến thuật trong thi đấu bóng chuyền.
1.2.1. Đặc điểm về kỹ thuật.
Trong huấn luyện thể thao mặc dù với những giá trị khác nhau, song kỹ thuật thể thao vẫn là một trong những đại lượng cơ bản để xác định thành tích. Do đó một bộ phận chính của huấn luyện thể thao là huấn luyện kỹ thuật thể thao, phải hướng vào sự lĩnh hội và việc nắm vững chắc chắn phần nào thành thạo kỹ thuật thể thao.
Kỹ thuật là cơ sở để thực hiện các nhiệm vụ chiến thuật. Trình độ vận dụng kỹ thuật trong mọi tình huống thi đấu liên quan chặt chẽ với trình độ thể lực, năng lực tâm lý [11], [72], [73]. Trong bóng chuyền tính phối hợp tập thể cao, phức tạp, kỹ thuật ứng dụng mang tính chuyên môn cao, tinh tế, như phát bóng - chuyền - đệm - đập - chắn bóng.
Theo các tác giả Iu.N.Klesep, A.G.Airianx (1997) Kỹ thuật là tổng hợp của các động tác chuyên môn cần thiết cho VĐV bóng chuyền để đạt thành tích cao trong thi đấu. Trong mỗi giai đoạn phát triển, kỹ thuật là phương tiện quan trọng để tiến hành thi đấu, tạo điều kiện giải quyết các nhiệm vụ chiến thuật cụ thể trong các tình huống khác nhau trong khuôn khổ của luật quy định. Để đạt được hiệu quả cao khi giải quyết các tình huống chớp nhoáng xảy ra trong quá trình thi đấu, VĐV bóng chuyền phải nắm vững các loại kỹ thuật và sử dụng chúng có hiệu quả trong thi đấu [30].
Theo đặc điểm tổ chức các hoạt động thì kỹ thuật thi đấu được chia thành làm 2 loại: Kỹ thuật tấn công và kỹ thuật phòng thủ. Mỗi loại chia thành 2 nhóm: Kỹ thuật di chuyển và kỹ thuật với bóng. Mỗi nhóm được chia ra hàng loạt các động tác kỹ thuật: Kỹ thuật di chuyển gồm 4 loại: (tư thế chuẩn bị, đi, chạy, nhảy); kỹ thuật tấn công gồm 3 loại (phát bóng, chuyền nêu bóng, đập bóng); kỹ thuật phòng thủ gồm 2 loại (đỡ bóng và chắn bóng).
1.2.2. Đặc điểm về chiến thuật.
Hiện nay với trình độ thành tích thể thao cao, việc xử lý về chiến thuật của một VĐV, một nhóm hay toàn đội trong thi đấu đã trở thành một nhân tố xác định thành tích. Nhân tố này có thể có ý nghĩa quyết định thắng hay bại.
Theo D. Harre (1988), chiến thuật thể thao được hiểu là học thuyết chỉ đạo cuộc đấu thể thao. Học thuyết này thể hiện trên 3 hình thức tương ứng với các bộ môn thể thao và các môn thể thao khác nhau: Thi đấu cá nhân, thi đấu giữa 2 người và thi đấu đồng đội [17].
Bóng chuyền là môn thi đấu đồng đội, chiến thuật là việc tổ chức phối hợp của toàn đội trong thi đấu với sự giúp đỡ phối hợp của các hoạt động mang tính chất cá nhân, nhóm và toàn đội. Mục đích hàng đầu của huấn luyện chiến thuật là dạy cho người tập thực hiện các động tác kỹ thuật phù hợp với các tình huống thi đấu. Trình độ điêu luyện chiến thuật của VĐV bóng chuyền sẽ không thể có được nếu như VĐV không có sự hiểu biết về chiến thuật thi đấu hiện đại, và lịch sử phát triển của chiến thuật. Dựa trên các nguyên tắc tổ chức hoạt động, chiến thuật thi đấu bóng chuyền được chia thành: chiến thuật tấn công và chiến thuật phòng thủ. Các loại chiến thuật được chia thành các nhóm chiến thuật: chiến thuật cá nhân, chiến thuật nhóm và chiến thuật toàn đội [43], [60], [61].
Chiến thuật tấn công: Chiến thuật tấn công và chiến thuật phòng thủ có mối liên quan chặt chẽ với nhau. Mỗi một động tác phòng thủ cũng là một hoạt động phản công hoặc chuẩn bị tấn công [30], [35], [43].
Chiến thuật cá nhân trong tấn công: Hoạt động chiến thuật của từng VĐV là một phần của chiến thuật toàn đội, bao gồm: hoạt động không có bóng và hoạt động có bóng.
Các hoạt động không bóng có liên quan tới chọn vị trí để đỡ phát (chuyền một, chuẩn bị tấn công), chọn vị trí chuyền hai (tổ chức tấn công), chọn vị trí đập bóng (hoàn thành tấn công), những hoạt động này ổn định kéo dài trong suốt thời gian thi đấu nhằm thu hút đánh lừa đối phương.
Các hoạt động có bóng gồm các hoạt động chọn các cách phối hợp tấn công, phòng thủ và áp dụng biện pháp đó có hiệu quả. VĐV có thể dùng các cách phát bóng biến lực (đa dạng), đập bóng nhiều kiểu khác nhau... để làm đối phương ảnh hưởng về tâm lý và rối loạn chiến thuật.
Chiến thuật nhóm trong tấn công: Là sự phối hợp của hai hoặc một số VĐV nhằm giải quyết một phần nhiệm vụ chiến thuật của toàn đội.
Đội hình thi đấu trên sân của đội được bố chí thành hai hàng, các VĐV hàng trên và các VĐV hàng dưới, phản ánh sự phối hợp của các VĐV cùng hàng và giữa hai hàng. Nhưng sự phối hợp đó được xác định bằng số lần chạm bóng của đội và vị trí đứng để thực hiện tấn công.
Chiến thuật toàn đội trong tấn công: Hiệu quả tấn công phụ thuộc không chỉ vào trình độ chuẩn bị kỹ - chiến thuật cá nhân của các VĐV và hành động chuẩn xác của người chủ công mà còn phụ thuộc vào sự thống nhất và phối hợp ăn ý chặt chẽ của toàn đội.
Chiến thuật phòng thủ: Mục đích của chiến thuật phòng thủ là làm vô hiệu hoá các đợt tấn công của đối phương. Nhiệm vụ chủ yếu của phòng thủ là không để bóng rơi xuống sân đội mình và không phạm lỗi kỹ thuật, đồng thời tìm cơ hội để tạo ra các pha bóng tấn công sang sân đối phương [35], [43].
Chiến thuật cá nhân trong phòng thủ: Tư thế chuẩn bị, chọn vị trí để hoạt động và các hoạt động không trực tiếp với bóng.
Chiến thuật nhóm trong phòng thủ: Là sự phối hợp hành động của một số VĐV hoặc một số bộ phận trong các tình huống thi đấu khác nhau. Các bộ phận liên quan được xác định bằng 3 tuyến phòng thủ: hàng chắn bóng, yểm hộ chắn bóng và phòng thủ hàng sau.
Chiến thuật toàn đội trong phòng thủ: Chiến thuật toàn đội phòng thủ được xác định bằng 3 tuyến (chắn bóng, yêm hộ và phòng thủ hàng sau), được quyết định tùy thuộc vào phương án bố trí đội hình và sự phối hợp hoạt động của các VĐV khi chắn bóng và phòng thủ đỡ đập bóng.
1.2.3. Xu hướng phát triển kỹ thuật phát bóng và chuyền bóng trong bóng chuyền hiện đại.
Do phân hoá mạnh chuyên sâu toàn diện nhằm phát huy năng lực vận động điều khiển vận dụng của con người, thêm cải tiến luật thi đấu ngày càng hoàn chỉnh, kỹ thuật phát bóng và chuyền bóng trong bóng chuyền những năm gần đây, nhất là sau khi luật thi đấu mới ra đời, đã hiện rõ xu hướng phát triển theo các hướng nổi bật là phát bóng cao, chuyền bóng nhanh biến.
Phát bóng điểm chạm phát bóng tầm cao:
Trong thi đấu bóng chuyền trước đây, sau khi kỹ thuật phát bóng bổ nghiêng mạnh ra đời, người ta đã dùng cách đối phó là chuyền bóng cao tay đỡ bước một với các tư thế thấp lăn ngã, rồi sinh ra kỹ thuật đệm bóng bàn tay, mu bàn tay và cổ tay nhưng không được chính thức chấp nhận vì cho đệm bóng là kỹ thuật chuyền bóng “ngoại lai” không chính thống, không mang tính khéo léo của bàn tay và ngón tay. Do quan niệm đơn sơ như vậy, nên kỹ thuật đệm bóng không được nghiên cứu và phát triển. Chỉ khi bóng bay và đập bóng mạnh cắm ra đời, đệm bóng mới được thừa nhận là kỹ thuật chính thức với đầy đủ chức năng kỹ chiến thuật, các hệ phương pháp giảng dạy huấn luyện cho nó. Bóng bay đã hoàn thiện kỹ thuật đệm bóng, đưa đệm bóng thành một kỹ thuật làm kỹ thuật bóng chuyền hoàn thiện toàn diện hơn, là mặt đối lập của phát bóng và đập bóng [28], [45], [46].
Do kỹ thuật đệm bóng được nâng cao chi tiết chuyên sâu nên đã trở thành vũ khí tốt đối lập với tấn công phát bóng đập bóng, việc nghiên cứu đập bóng phát bóng được đẩy mạnh. Trong thời gian dài, đệm bóng chế ngự được uy lực phát bóng (mạnh, bay) đập bóng nên bóng chuyền đã quay lại trong thời gian dài dùng phát bóng bảo đảm qua lưới (phát cao tay trước mặt) không hỏng nên được điểm phải nhờ chắn bóng phòng thủ phản công. Mức đối kháng giảm rõ trong khâu đỡ phát - tấn công sau đỡ phát, thi đấu bóng chuyền trở nên kém hấp dẫn do kéo dài thời gian đấu.
Các chuyên gia đã tìm cách tăng uy lực phát bóng nhằm gây khó khăn cho đệm bóng bằng cách phát triển biến hoá các loại hình phát bóng như: Phát bóng bay cao tụt, bay là ngang lượn sóng hay rắn bò, bay rẽ ngang, bay lao ngực nhưng chưa thật thành công và kĩ thuật nhảy phát bóng cao mạnh ra đời. Nhảy phát bóng có cấu trúc động tác giống vụt đập quần vợt, phát bóng tiếp xúc ở tầm cao, tốc độ nhanh, phạm vi khống chế điểm rơi sân đối phương ở hàng sau tốt, dùng sức mạnh toàn thân như đập bóng mạnh nên tính tấn công tăng rõ và được các VĐV có thể hình cao to sức bật tốt nhất là các đội Âu Mỹ tiếp nhận sử dụng rất nhanh. Trước đó tỷ lệ phát bóng ăn điểm trực tiếp chỉ khoảng 1 - 2% tối đa 5%, tỉ lệ đỡ phát tốt và tổ chức tấn công sau đỡ phát thành công tới 70%, dẫn đến chiến thuật tấn công của quá trình phát - đỡ phát đa dạng (nhất là hàng sau đan lên) với mức thành công 45% (phản công đạt 15%), với nữ trên 30% và phản công khoảng 20%. Các đội Châu Á, đặc biệt là nữ trong thời kỳ này đã phát huy hết mức đệm bóng tổ chức chiến thuật tấn công sau đỡ phát rất thành công nên đã giữ chức vô địch thế giới nhiều lần trước các đội Âu Mỹ [44], [56].
Do uy lực phát bóng giảm nên tăng hiệu quả tấn công của giai đoạn phát - đỡ phát tấn công, gánh nặng của thi đấu đối kháng rơi vào quá trình phòng thủ chắn bóng phản công rõ nhất là quá trình chắn bóng - phòng thủ phản công sau tấn công sau đỡ phát. Mức đối kháng căng thẳng nhất là chắn bóng - phòng thủ đỡ đập, tỉ lệ chắn bóng thấp, tỉ lệ phòng thủ đỡ đập càng thấp hơn. Vì thế phần lớn yếu tố tổ chức phản công phải bằng hình thức chiến thuật đơn giản điển hình là điều chỉnh phản công. Đối với các đội nam trình độ cao trên thế giới thường chỉ đạt 30% thành công trong chắn bóng, còn đội nữ thường chỉ đạt 20%.
Ngay khi thi đấu theo luật mới, do sợ phát hỏng mất điểm nên xảy ra hiện tượng tương tự phát kém uy lực - đỡ phát tốt - tấn công sau đỡ phát đa dạng và gánh nặng rơi vào chắn bóng phòng thủ của phản công. Theo thống kê, các đội nam nữ mạnh của ta thì chắn bóng phòng thủ phản công ít thành công nên thi đấu xảy ra hiện tượng “ăn nhát một”, bên phát bóng ít được điểm, bên đỡ phát lại tấn công ăn điểm giành lại quyền phát bóng khá dễ dàng.
Các đội nam nữ phương đông do thể hình tương đối thấp linh hoạt trong tấn công sau đỡ phát nhất là khi uy lực phát tấn công cao cho nên hiệu quả của giai đoạn này giảm, khó tổ chức tấn công biến hoá đa dạng ảnh hưởng kết quả thi đấu. Rõ ràng để đối phó với nhảy phát bóng cao mạnh cũng như các biến hoá của nó phải “cắt” ngay, nếu không sẽ bị đối phương dẫn điểm.
Vũ khí nhảy phát bóng của VĐV cao to có sức bật tốt sức mạnh lớn chứng tỏ uy lực tấn công lớn, ép ghìm đối phương ngay từ đầu, không cho đối phương tổ chức tấn công biến hoá ngay sau đỡ phát. Điều đó không chỉ gây khó khăn cho các đội Châu Á mà ngay các đội Âu Mỹ cũng gặp khó khăn về đỡ phát tấn công. Tăng tầm cao khi phát bóng, làm đối phương khó đỡ phát phá chuyền bước 1 cao hơn, nhằm áp đảo đối phương giành chủ động từ đầu. Các kỹ thuật nhảy phát quạt chém bổ bóng, phát bay và mạnh, phát cắm và là là ngang làm nhảy phát biến hoá hơn. Do chiều cao đứng VĐV tăng nhanh gần như bóng rổ, sức bật cao, lực tay lớn, tốc độ vung tay nhanh nên đúng là nhảy phát bóng rất “khó chịu”, được ứng dụng rộng trong bóng chuyền hiện đại. Đội nữ Cu Ba có Luis, Margarita, Mosai (Braxin) Carol (Mỹ) Artamonova (Nga) Gui Yongmei (Trung Quốc) nhảy phát uy lực với tầm chạm bóng khoảng 300cm. Với nam bật với trung bình khoảng 350 - 360 cm (cao nhất 372 cm), tầm chạm bóng phát cao nên nhảy phát bóng thường rơi ở cuối sân khoảng 200cm, độ rơi phủ khá kín hàng sau Nhảy phát bóng từ cao xuống với biến hoá của nó, tốc độ bóng nhanh (cao nhất khoảng 30 - 32m/s, tức 108 - 115km/g) nên kỹ thuật phát bóng đó là yếu tố thúc đẩy giành điểm trong thi đấu. Ở Thế vận hội lần thứ 25, trận đấu giữa nam Braxin - Hà lan, Braxin dùng nhảy phát mạnh được 11 điểm giúp đội giành chức vô địch Thế vận hội. Các đội Âu Mỹ cao to nhưng chỉ những ai nhảy phát bóng đạt tốc độ khoảng 30m/s trở lên mới được nhảy phát [44], [54], [56].
Nhiều đội Châu Á, vì không nghiên cứu kỹ phát bóng trong thi đấu theo luật mới, sợ hỏng ngay từ phát bóng đối phương được điểm ngay nên đã chọn phát bảo đảm không hỏng và trông chờ vào “may rủi” của chắn bóng phản công. Nên quan niệm đó không hoàn toàn đúng vì không phát huy được uy lực tấn công phát bóng, không chủ động tấn công ngay từ đầu. Lại thêm do ít dùng nhảy phát nên không tập được đỡ nhảy phát bóng do đó khó thành công.
Việc mở rộng khu phát bóng đến hết 9m biên ngang từ ngày 01/01/1995 đã tạo điều kiện cho biến hoá phát bóng điểm đường, góc, xa gần dẫn đến tầm khống chế nhảy phát rộng hơn. Lợi dụng ưu thế chiều dài chiều rộng của sân để tận dụng không gian phát theo dọc sân chéo sân, bóng mạnh nhẹ, nhanh chậm độ vòng, xa gần lưới, phát khu, phát người, phát điểm cần được nghiên cứu kỹ.
Luật thi đấu mới đã tạo điều kiện cho nâng cao uy lực tấn công trong phát bóng, do đó đi trước một bước trong vấn đề này sẽ mở đầu cho giành ưu thế để giành chiến thắng trận đấu [28], [46].
Chuyền bóng nhanh biến:
Chuyền bóng nhanh chỉ kỹ thuật chuyền bóng cao tay, kỹ thuật này ngày càng tăng tốc độ. Chuyền bóng là kỹ thuật lâu đời nhất từ lúc có bóng chuyền, đây là kỹ thuật cơ bản quan trọng nhất, là phương tiện tổ chức bắc cầu nối liền tấn công và phản công hạt nhân của tổ chức tấn công. Kỹ thuật chuyền bóng cao tay thể hiện năng lực linh hoạt biến hoá cao nhất của con người, điều khiển bóng theo góc độ, tầm, độ vòng, điểm rơi góc độ theo tính thời gian, tính không gian và tính không - thời gian. Chỉ tính tiếp xúc bóng với các hình tay có bàn tay, ngón tay, nắm đấm, bàn tay mở, bàn tay chụm với động tác như gõ, đẩy, chọc, vạt, quạt, úp, vẩy, mổ quay, đập, móc, củng, chém [46], [54], [56].
Chiến thuật chuyền bóng là nhân tố quyết định thành bại tấn công trận đấu. Trong nhiều năm, mục đích chiến thuật bóng chuyền là phát huy sức mạnh tổng hợp các kỹ thuật, trong đó người nêu bóng luôn giữ vai trò người lãnh đạo phát động tổ chức chiến thuật, điều chỉnh nhịp độ trận đấu về tốc độ, diện, cánh, điểm tấn công. Tất cả các đội đều cần người nêu có kỹ thuật điêu luyện, động tác kín đáo, khống chế bóng tốt, phân bóng hợp lý, năng lực biến hoá linh hoạt ứng biến rất cao, tốc độ chuyền bóng ra tay khống chế tốt luôn nhanh biến. Người nêu hiện đại không chỉ giỏi về đứng nêu, di động nêu, mà còn nhảy nêu 1 hay 2 tay hoãn xung bóng hợp lý tăng giảm thời gian chuyền bóng 0,1 - 0,2 giây (dùng tăng giảm độ nảy của ngón tay cổ tay), tăng hay hạ thấp điểm tiếp súc bóng, linh hoạt úp ngửa bàn tay, đứng ngang hay nghiêng hoặc úp mặt vào lưới che động tác ra tay người nêu chuyền vào lưới, xa lưới hay ra hàng sau, song song hay chéo lưới bóng nhanh với độ vòng tương đối thấp tăng tốc độ rút ngắn thời gian bóng trên không biến đổi nhịp độ tấn công. Theo thống kê, thời gian từ lúc bóng chạm tay đến khi bóng rời tay thường là 0,075s. Nếu dùng hình tay hai ngón cái ngang đối nhau thì thời gian bóng trong tay là 0,073s, còn dùng hình tay ngón chọc trước thì thời gian trên là 0,0775s. Thời gian từ lúc bóng rời tay đến khi đập chạm bóng cần 0,3s, với lao ngắn 0,35s, lao tên bắn biên 0,8s, nêu cho đập 1 chân lao bay sau cần 0,53s. Cầu thủ Orbeira đội Braxin từ số 1 lướt ra sau tấn công mất thời gian từ nêu đến đập 0,8s; cầu thủ Phuore đội Pháp đập hàng sau lao dãn biên ở khu số 5 mất thời gian từ nêu đến đập 1s đến 1,1s; cầu thủ Buveir đập chồng sau ở khu số 6 mất 0,8s, nên xét tổng quát, chạy đập hàng sau mất thời gian cơ bản không khác hàng trước khi tấn công, tức là tấn công hàng trước hay hàng sau với bóng nêu của người chuyền hai tương đối thấp tốc độ nhanh để tăng tốc tranh thủ thời gian đột phá hàng chắn bóng đối phương hiệu quả hơn [28], [44].
1.2.4. Đặc điểm chuyên môn hoá vị trí trong huấn luyện và thi đấu.
Căn cứ vào đặc điểm, nhiệm vụ và luật thi đấu, các chuyên gia bóng chuyền chia chức năng của các cầu thủ thi đấu trên sân thành: VĐV tấn công (nhịp thứ nhất và nhịp thứ hai), VĐV chuyền hai và VĐV phòng thủ tự do (Libero) Iu.N.Klesep - A.G.Airianx (1997) [30].
VĐV tấn công “nhịp thứ nhất”: Chính là các VĐV tấn công bảo đảm, ổn định và hiệu quả. Thường thường các VĐV này đập bóng với đường chuyền hai thấp. VĐV tấn công “nhịp thứ nhất” thường thực hiện chức năng chắn bóng chính. Khi chắn bóng đơn, VĐV này hoạt động như các VĐV khác, thực hiện theo nhiệm vụ đã phân công, bám chắn các VĐV cụ thể của đối phương.
Chức năng của VĐV “nhịp thứ nhất” được mở rộng trước hết nhờ vào sự đa dạng của đập bóng từ các đường chuyền hai khác nhau ở các vị trí, cũng như việc nâng cao đáng kể trình độ tập luyện của VĐV.
VĐV tấn công “nhịp thứ hai”: Phải đạt trình độ huấn luyện tổng hợp và có thể lực toàn diện, linh hoạt, khả năng định hướng nhanh, tư duy chiến thuật sắc bén. VĐV này phải nắm vững các phương pháp tấn công ở tất cả các vị trí trong những tình huống phối hợp chiến thuật phức tạp.
Trong khi chắn bóng, VĐV “nhịp thứ hai” đảm nhiệm chắn bóng phụ “biên” hoặc chắn bóng ở giữa “chính”. Chức năng của VĐV “nhịp thứ hai” được mở rộng cùng với sự hoàn thiện các hành động tấn công và phòng thủ của toàn đội.
VĐV chuyền hai (người nêu chính): Là người tổ chức phối hợp chiến thuật toàn đội, nhất là trong tấn công, là người có trình độ kỹ thuật toàn diện, đặc biệt là có khả năng chuyền hai chính xác biến hóa trong mọi tình huống. Các khả năng chuyên biệt của VĐV chuyền hai bao gồm: Khả năng phán đoán, quan sát( đối phương và đồng đội), bình tĩnh, khả năng đị... là cơ sở kết hợp giữa anaerobic - aerobic [56], [81], [82], [84].
Kết quả nghiên cứu những năm 90 của FIVB tại Giải vô địch thế giới bóng chuyền nam tại Hy lạp, các chuyên gia đã chỉ rõ nguồn cung cấp năng lượng cho vận động bóng chuyền chủ yếu là năng lượng anaerobic nhưng cơ sở là năng lượng ưa khí aerobic. Do mục đích thi đấu bóng chuyền hiện thời giải quyết được mất điểm được mất phát bằng 1 - 2 pha đấu trong khoảng 4 - 5 giây chiếm tỉ lệ cao tới trên 70%, thi đấu 4 - 5 pha mới quyết định được điểm phát cần 6 - 8 giây rất ít. Vì thế thi đấu vận động của bóng chuyển chủ yếu trong trạng thái năng lượng cung cấp anaerobic [56], [81], [82].
Biểu đồ 1.1. Sự thay đổi của năng lượng cung cấp trong các thời gian vận động khác nhau của cơ thể
Để rõ hơn về biến đổi cung cấp năng lượng vận động trong cơ thể, có thể biểu diễn quá trình vận động theo thời gian diễn ra liên tiếp (biểu đồ 1.1).
Có thể thấy rõ qua biểu đồ 1.1 vận động căng thẳng từ lúc ban đầu đến 5 - 6 giây mới bắt đầu vào vùng sức mạnh bột phát, cũng tức là trạng thái cung cấp năng lượng yếm khí phải trong thời gian 1 - 5 giây. Đặc điểm đó yêu cầu rõ ràng về huấn luyện năng lực thể lực cho VĐV bóng chuyền.
Nhưng thi đấu bóng chuyền diễn ra trong thời gian khá dài liên tục có khi đến 2 - 3 giờ mà giữa chừng có một số lần ngắt quãng, tạm dừng. Điều đó quyết định phải lấy cung cấp năng lượng ưa khí aerobic làm cơ sở, nếu không sẽ không thể thi đấu liên tục được [19], [20], [21].
1.4.3.2. Thay đổi cường độ và khối lượng trong quá trình huấn luyện.
Trong quá trình huấn luyện, do các giai đoạn huấn luyện khác nhau số lượng bài tập và cường độ có những thay đổi biến hoá tương ứng nên tác động kích thích với cơ thể khác nhau nhưng phải có mục đích là tạo sự thay đổi trong cơ thể có lợi nhất cho thay đổi của thi đấu quan trọng nhất, tức phải đạt được trạng thái thi đấu sung sức tối ưu. Nói chung, khi khối lượng tập tương đối lớn thì cường độ tập phải giảm nhỏ đi cho phù hợp; còn khi cường độ vận động lớn thì khối lượng phải tương đối nhỏ đi (biểu đồ 1.2) [56], [81], [82].
Biểu đồ 1.2. Biểu thị biến hoá khối lượng và cường độ
1.4.3.3. Sắp xếp nội dung huấn luyện sức mạnh theo mẫu hình “ba giai đoạn”.
Sắp xếp nội dung huấn luyện sức mạnh cho VĐV bóng chuyền phải dựa vào chu kì thi đấu để xác định. Nói chung, chu kì nhỏ thường là 3 tháng, chu kì dài là 6 - 7 tháng, nhưng dù là chu kì dài hay ngắn thì giữa các chu kì vẫn có thời gian điều chỉnh (không phải là quá độ nghỉ như trước đây thường hiểu), và thường làm theo cách cũ là dừng hoàn toàn tập sức mạnh. Khi bắt đầu chu kì mới thường bắt đầu tập lại sức mạnh, do tố chất sức mạnh giảm mất rất nhanh. Từ thực tế đã tìm ra mẫu hình “ba giai đoạn” như sau: [56], [81], [82], [84]
a. Khi bắt đầu một chu kì huấn luyện, huấn luyện sức mạnh thường chủ yếu là sức mạnh bền. Đặc điểm của giai đoạn huấn luyện này là trọng lượng tập tương đối nhỏ, số lần lặp lại nhiều, số tổ tập cũng tương đối nhiều, còn thời gian tập dài hay ngắn, số buổi tập dài hay không lại phải căn cứ vào trình độ tập luyện của VĐV và thời gian của chu kì dài hay ngắn. VĐV có trình độ tập luyện cao thì thời gian tập sức mạnh bền ngắn hơn; còn khi thời gian của chu kì ngắn thì tập sức mạnh bền cũng giảm đi tương ứng; ngược lại với trường hợp trên tất nhiên phải dài hơn. Sức mạnh bền là cơ sở cho phát triển sức mạnh tối đa nên phải được coi trọng đúng mức.
b. Giai đoạn thứ hai có nhiệm vụ là phát triển sức mạnh tối đa bằng sử dụng sắp xếp nội dung tập với trọng lượng trung bình và lớn, số lần ít số tổ tập ít, để đạt được mục đích phát triển sức mạnh tối đa. Giai đoạn này là giai đoạn huấn luyện chủ yếu của huấn luyện sức mạnh nên phải kiểm tra kết quả tập luyện theo định kì để điều chỉnh lượng vận động. Phương pháp kiểm tra để thực hiện là gánh tạ đòn ngồi xuống đứng lên. Cụ thể là: VĐV gánh tạ xuống thấp ở tư thế ngồi với góc hợp thành của gối là 120° thì gánh tạ đứng thẳng người lên. Làm ba lần với một trọng lượng đòn tạ gánh, sau đó tăng thêm trọng lượng tạ đòn đến khi chỉ làm được hai lần thì dừng. Tổng trọng lượng tối đa gánh được là trọng lượng gánh theo động tác trên được hai lần cộng thêm 10% trọng lượng tạ đòn. HLV phải căn cứ vào thông tin trên để sắp xếp trọng lượng tạ phải tập của VĐV. Huấn luyện sức mạnh bằng trọng lượng có thể tham khảo bảng 1.1 dưới đây:
BẢNG 1.1. TIÊU CHUẨN LƯỢNG VẬN ĐỘNG HUẤN LUYỆN SỨC MẠNH.
TT
Nội dung
Khối lượng
Trọng lượng gánh chịu tối đa
95% - 100%
Trọng lượng lớn
80% - 94%
Trọng lượng trung bình
60% - 79%
Trọng lượng nhỏ
40% - 59%
Trọng lượng rất nhỏ
0% - 39%
c. Huấn luyện giai đoạn ba phải đạt mức cường độ tối đa bằng kích thích lớn nhất, đồng thời phải chú ý đến phát triển tốc độ, tức là phải coi trọng đúng mức tập lực bột phát. Yêu cầu huấn luyện giai đoạn này là trọng lượng gánh chịu lớn, số lần ít, số tổ tập cũng ít và thời gian nghỉ giữa quãng tương đối dài. Nói chung, trong thời gian huấn luyện bình thường, thì 1 tuần phải đảm bảo ba buổi tập sức mạnh và trong thời kì thi đấu giữ được tập sức mạnh 1 lần cũng được. Hiện nay, các chuyên gia hàng đầu thế giới thường dùng biện pháp tốt huấn luyện sức mạnh cho một bộ phận cơ bắp nào đó khi di chuyển trên đường bằng dây cao su.
1.4.3.4. Nhịp tim - tiêu chuẩn xác định cường độ vận động.
Trong huấn luyện sức mạnh, thường kiểm tra đánh giá cường độ vận động tập luyện tác động với cơ thể người tập bằng cách đơn giản, dễ làm và dễ phối hợp giữa HLV, VĐV và bác sĩ, đó là nhịp tim cần phải đạt khi tập. Cách làm này khoa học, rất quan trọng. Tất nhiên nếu phối hợp với các chỉ tiêu khác như sinh hoá càng tốt hơn.
Trong tập luyện bình thường có thể dùng test chạy 12 phút (Cooper test) để xác định năng lực cung cấp năng lượng aerobic ưa khí. Về năng lực cung cấp năng lượng anaerobic yếm khí thường dùng chạy ngắn tốc lực trong thời gian 30 - 90 giây. Cách tập đó giúp nâng cao tố chất thể lực cho VĐV và dễ so sánh sau một thời gian tập liên tục để thấy VĐV có đạt được yêu cầu đề ra hay không. Trong huấn luyện sức mạnh cũng như các tố chất khác, dùng nhịp tim làm chuẩn đánh giá trình độ tập luyện của VĐV như sau (bảng 1.2) [56].
BẢNG 1.2. NHỊP TIM TỐI THIỂU, NHỊP TIM PHẢI ĐẠT VÀ NHỊP TIM KHÔNG ĐƯỢC VƯỢT Ở CÁC TRÌNH ĐỘ TẬP LUYỆN KHÁC NHAU (%)
Loại nhịp tim
Trình độ tập luyện
Thấp
Trung bình
Cao
Nhịp tim tối thiểu
40 %
60%
70%
Nhịp tim phải đạt khi tập
60%
75%
80%
Nhịp tim không vượt qua
75%
85%
90%
Như vậy từ kết quả ở bảng 1.2 cho thấy, người có trình độ tập luyện thế nào thì phải tính loại nhịp tim khi tập với tỉ lệ cường độ cao, thấp, trung bình khác nhau, phù hợp đặc điểm chịu đựng của cá thể trong phạm vi giới hạn khi vận động. Cách tính này có độ ứng dụng phù hợp đặc trưng lớn của tập luyện trình độ cao, thấp, trung bình.
1.5. Quan điểm về huấn luyện kỹ thuật nhảy phát bóng và nhảy chuyền (nêu bóng) trong bóng chuyền.
1.5.1. Quan điểm về huấn luyện kỹ thuật nhảy phát bóng.
Nhảy phát bóng là kĩ thuật tấn công uy lực mở đầu cho trận đấu nhưng phải đạt mức bảo đảm không hỏng, gây khó khăn cho đỡ phát tổ chức tấn công lần 1 của đối phương, tranh thủ tối đa được điểm nếu có thể, tạo thế cho “mở cửa” tấn công toàn trận đấu, pha đấu tốt. Một đội không có trình độ phát bóng tốt, uy lực cao thường kéo theo trình độ đỡ phát kém nên phải coi trọng hết mức nâng cao trình độ uy lực phát bóng của đội nhà.
Đặc điểm huấn luyện: [45], [46]
Toàn đội bóng là một thể thống nhất về tính năng đa dạng uy lực cao phát bóng trên cơ sở mỗi người có sở trường phát bóng khác nhau. Sở trường uy lực phát bóng từng cá nhân theo hướng bảo đảm ít hỏng nhưng uy lực cao uy hiếp đối phương thể hiện bằng nhiều khả năng được điểm và phá vỡ chiến thuật đỡ phát bóng tấn công của đối phương. Khi tập phát bóng, HLV dựa trên yêu cầu mỗi cá nhân giỏi phát một kiểu, một tính năng với biến hoá đường, lực, tốc độ, điểm khác nhau đồng thời nếu có thể nắm vững tương đối một kiểu phát tính năng thứ hai với các vị trí phát khác nhau. HLV phải tính toán sao cho trên cơ sở mỗi người phát một hai loại tính năng tốt tạo thành toàn đội có uy lực tính năng phát toàn diện, uy lực tổng hợp cao làm đối phương khó đối phó do biến hoá tính năng của đội. Từ tính toán bố trí tổng thể chiến thuật do tính đa dạng uy lực của phát bóng tăng dần tính chuẩn xác của phát bóng để từng cá nhân cũng như toàn đội vững tin khi vận dụng.
Phải bố trí huấn luyện phát bóng thường xuyên suốt quá trình huấn luyện. Thực tiễn cho thấy, không thể tập trung trong thời kì nào đó giải quyết được chất lượng phát bóng. Cũng như đỡ phát, nếu ít tập phát bóng, tập không thường xuyên là chất lượng phát giảm, rõ nhất là uy lực thấp, độ chuẩn xác giảm nhanh. Điều quan trọng là do phải nâng cao trình độ đỡ phát thường xuyên nên phát bóng cũng phải tập nâng cao theo cho phù hợp, đúng ra nâng cao uy lực phát bóng phải đi trước một bước. Nhất định phải bố trí tập nâng cao uy lực phát bóng liên tục đều trong suốt quá trình huấn luyện.
Phải đảm bảo ý thức trách nhiệm cao thực hiện yêu cầu chặt chẽ với tác phong thận trọng nhưng kiên quyết trong tập phát bóng. Tập phát bóng chủ yếu là tập cá nhân nên tương đối khô khan, dễ phát triển theo hướng hình thức tự do cá nhân. Lại thêm HLV không coi trọng giáo dục ý thức trách nhiệm cao cho cá nhân nên thường khi tập dễ lỏng lẻo hình thức, biện pháp yêu cầu thiếu chặt chẽ nên tập phát bóng thường chỉ là bài tập xen kẽ thả lỏng sau tập nặng. Do tập hình thức qua loa như trên nên thi đấu phát kém chất lượng, nhất là hay hỏng, run tay vào thời điểm quyết định của thi đấu. Phát bóng mang nặng đặc điểm cá nhân nên phải tăng cường mạnh hơn yêu cầu chặt hơn cả về kĩ thuật, chiến thuật và vận dụng trong các tình huống thể lực và tâm lí điều kiện ngoại cảnh khác nhau. Kiểm tra chặt chẽ theo chỉ tiêu yêu cầu cao khi tập phát bóng.
Bố trí tập phát bóng hợp lí: Trước hết phát bóng tuy cường độ không cao (mật độ có thể cao) nên nhiều đội thường dùng nó để thả lỏng điều chỉnh giữa hai bài tập cường độ cao, hoặc tập vào cuối buổi tập mang tính điều chỉnh thả lỏng hoặc dùng nó để cá nhân tự tập, có khi dùng để phạt VĐV nữa. Theo luật mới phát bóng có thể được mất điểm trực tiếp, lại mở đầu pha bóng, hiệp đầu và trận đấu nên gánh nặng tâm lí lo hỏng thường xảy ra, cầu thủ dễ phát bảo đảm cho qua lưới là xong. Phát bảo đảm là trạng thái bình thường khi đấu nhưng do không được tập sát tình huống thi đấu nên vào thời điểm quan trọng quyết định VĐV lại phát hỏng. Vì thế phải bố trí tập phát bóng phải có chủ đích, hợp lí, không quá dài. Thường một buổi tập phải có hai tới ba lần tập phát bóng (không kể phát bóng trong các bài tập khác).
Tập trọng điểm về phát bóng cho nữ và cầu thủ phát bóng giỏi. Như trên đã trình bày, tỉ lệ phát bóng được điểm trực tiếp và phá đỡ bước 1 của nữ cao hơn nam. Cần bố trí tập tỉ lệ cao hơn, tăng độ khó và độ ổn định tâm lí (nhất là lòng tin và ý chí quyết định).
Phát bóng nói chung và nhảy phát bóng nói riêng là kĩ thuật được thực hiện chủ động không bị ai cản trở trực tiếp, nên nếu trình tự các khâu kĩ thuật như tung bóng, đánh chạm bóng, độ cao tung bóng không ổn định và cố định thì khó khống chế được bóng chuẩn xác. Lại thêm động tác đánh chạm bóng, nhịp điệu động tác chuẩn thì người phát dễ thực hiện chuẩn hơn các khâu tầm cao phát, điểm chạm, hình tay Thực tế cho thấy việc nâng cao trình độ công cơ bản phát bóng tập trung vào hai khâu tung bóng và động tác vung tay đánh chạm giúp cho nâng cao năng lực khống chế bóng phát.
Về động tác vung tay: [45], [46]
Trong phát bóng và đập bóng, kĩ thuật vung tay nhanh (tốc độ) tốt hay không bảo đảm cho phát huy uy lực của bóng. Nâng cao kĩ thuật vung tay đánh bóng không chỉ nhờ tập kĩ thuật phát bóng mà cần có bài tập chuyên môn cũng như bài tập thể lực chuyên dụng. Chú ý một số điểm sau:
Một là: Tay thể hiện tốc độ cao và linh hoạt biến hoá nhất trong đánh bóng. Động tác vung tay đánh bóng là loại động tác phức tạp nhất liên quan đến thần kinh điều khiển và rất nhiều cơ bắp toàn thân vì mọi lực sử dụng cuối cùng đều thể hiện ở tay, đều truyền dần đến tận cùng là tay ở giai đoạn chạm bóng điều khiển bóng. Tay (nếu chi dưới là chân) là sự phối hợp cuối cùng một tốc độ và lực của các phần cơ thể, thể hiện cuối cùng bằng tốc độ cao nhất biến hoá nhất. Hiểu rõ tác dụng truyền động lượng mà hạt nhân là lực để HLV, VĐV cố gắng tối đa thể hiện sức mạnh và tốc độ trong động tác vung tay đánh và điều khiển biến hoá nhanh bóng ở động tác ra tay cuối cùng.
Vung tay đánh bóng có trị số lớn nhỏ từ lúc phát lực đến động tác kết thúc nên thời gian sử dụng có thể lớn hay nhỏ. Khi tốc độ co rút của cơ bắp như nhau, động tác lớn nhỏ khác nhau nên quãng đường vung của tay (quỹ đạo chuyển động) cũng dài ngắn khác nhau, phối hợp động tác cũng khác nhau (không có động tác phụ hay thừa), nên thời gian đánh chạm bóng có nhanh chậm khác nhau. Người có trình độ cao cùng động tác đánh bóng có thể mạnh hay nhanh với hai dạng vận động của tay không giống nhau, dạng tay vung cũng khác nhau. VĐV không thể chỉ biết đánh bóng mạnh với tay vung nhanh thời gian dài và cũng không thể chỉ biết đánh bóng nhanh đập nhú với động tác vung tay đánh bóng trong thời gian ngắn. Đó là chưa kể các biến hoá của vung tay như tăng tốc, giảm tốc động tác vung cũng như biến đường, biến góc, biến tâm, biến tốc, biến lực, biến hình tay, biến điểm chạm tiếp xúc bóng mà cơ sở chính vẫn là tốc độ co rút nhanh biến của cơ bắp tạo ra để giải quyết tốt động tác vung tay lớn hay nhỏ.
Khi vung tay phải chú ý động tác phối hợp nhịp nhàng mà cơ sở của nó phải dựa vào sức mạnh cơ bắp để có tốc độ. Sự phối hợp động tác đó không chỉ tạo lực tổng hợp và biến hoá cuối cùng điều khiển biến hoá bóng, còn làm cơ không chấn thương. Chú ý khi tập tốc độ sức mạnh vung tay không làm cho cơ bắp kém linh hoạt phối hợp, cơ cứng khó phát huy tốc độ co rút và vung tay. Vì thế động tác phối hợp trong sức mạnh và tốc độ làm động tác phát huy được biến hoá tốt nhất mà không mất sức.
Như vậy, khi tập vung tay đánh bóng phải tập với các tốc độ vung khác nhau, các kiểu trước mặt, nghiêng, hất cao, sau ra trước, dưới lên trên và ngược lại, vẩy, gạt, chém, quặt, đẩy úp
Hai là: Nội dung tập tốc độ vung tay:
Tập sức mạnh cơ bản: gồm sức mạnh phát lực từ thắt lưng, bụng, vai, khuỷu, cổ tay liên tiếp chuyển động lượng qua các khớp liền nhau và cuối cùng ra đến bàn, ngón tay. Phải tập sức mạnh của thân, chi trên, đặc biệt chú ý đối tượng nam cao thân chân tay dài quá khổ và nữ có cơ bụng thân yếu nên khi bật nhảy không phát được lực của các khu vực quan trọng này, mà chỉ dùng lực của tay vai nên dễ chấn thương vai tay Số VĐV yếu sức mạnh tay càng khó cho nâng tốc độ nhanh biến của tay vung nên động tác có thể phối hợp tốt nhịp nhàng nhưng do sức mạnh kém nên vẫn không thể vung tay đánh bóng với sức mạnh nhanh cao nhất có thể thể hiện bằng tốc độ vung tay nhanh.
Như vậy, khi huấn luyện vung tay ngoài sức mạnh tay ra phải huấn luyện cả tốc độ và tính phối hợp linh hoạt trong tập kĩ thuật, từ đó mới có thể phát huy hết mức sức mạnh làm cơ sở cho phát triển tốc độ và không cản trở lẫn nhau giữa chúng.
Huấn luyện lực bộc phát. Vung tay nhanh tốc độ cao cần nhất tới động lượng tức tích số của khối lượng với tốc độ tay vung, khi huấn luyện đạt mức cần thiết về sức mạnh thì huấn luyện sức mạnh vung tay phải chuyển sang việc tập trung giải quyết sức mạnh tốc độ lực bộc phát.
Huấn luyện lực bộc phát cần trọng lượng nhất định. Khi tập toàn bộ động tác vung tay để có tốc độ nhanh thì dùng trọng lượng mang theo nhưng không quá lớn. Các bài tập thường dùng hiệu quả nhất là ném bóng nhồi nhỏ, bóng đá, ném gạch bóng nhỏ lựu đạn hoặc ném bao cát nhỏ cũng như các vật trọng lượng nhỏ tập vung tay nhanh. Nếu khi tập không kết hợp với toàn bộ động tác vung tay mà chỉ tập lực bộc phát của những cơ liên quan thì có thể tăng trọng lượng mang nhưng phải bảo đảm nguyên tắc vung tay với tốc độ nhất định. Các bài tập như cầm tạ đòn, tạ con đưa ra sau đầu gập duỗi hai tay, dùng bóng nhồi ném từ sau đầu ra xa, co tay xà đơn nhanh, nằm ngửa gập bụng nhanh, kết hợp chuyển thân có hiệu quả tốt.
Huấn luyện tốc độ: Huấn luyện tốc độ vung tay phải tập toàn bộ hoàn chỉnh động tác vung tay, có thể mang nặng trọng lượng nhỏ hoặc không mang nặng, yêu cầu vung tay với tốc độ nhanh nhất có thể như: Tay không vung tay nhanh ném bóng bàn, cầu lông, bóng con Các bài tập ném xa có thi đua tác động tốt đến tăng tốc độ vung tay. Tuy vậy, phải đề phòng tập quá sức mệt mỏi bị chấn thương vai, khuỷu tay, cẳng tay, thắt lưng. Do đó, phải khởi động và yêu cầu đúng mức.
1.5.2. Quan điểm về huấn luyện kỹ thuật nhảy chuyền (nêu) bóng.
Để phát huy sở trường tấn công nhanh biến hoá của người châu Á, ngoài nâng cao độ chuẩn xác và chất lượng phát bóng - đỡ phát ra, phải có hệ thống biện pháp riêng bồi dưỡng người nêu bóng - linh hồn của tổ chức chiến thuật tấn công. Cần thực hiện những vấn đề sau: [45], [46]
Huấn luyện chuyên biệt cho người nêu (chuyền hai). Người nêu là linh hồn là hạt nhân của tổ chức chiến thuật tấn công mà không đơn giản chỉ là người bắc cầu. Nên người nêu phải được tuyển chọn bồi dưỡng đào tạo riêng. Người nêu phải có trình độ công cơ bản vững về năng lực cảm giác, quan sát, khống chế điều khiển với bóng tới khác nhau (nhanh chậm, độ vòng, điểm rơi, các vị trí, điểm tổ chức tấn công) phục vụ cho các dạng tấn công khác nhau của ta nhờ vào quan sát dự đoán tốt tình huống. Huấn luyện bồi dưỡng người nêu phải đi trước việc thực hiện các chiến thuật một bước đủ đảm nhiệm tổ chức chiến thuật đó, nhờ đó tạo điều kiện tăng lòng tin thực hiện chiến thuật dự định phối hợp ăn ý người nêu với tấn công. Hiện thường dùng loại người nêu là VĐV có kinh nghiệm thi đấu và tuổi đời cao [3], [4], [9], [15], [18], [33], [37], [70], [71].
Giải pháp bồi dưỡng phải theo chuyên môn riêng biệt, có chỉ định không chỉ về kĩ thuật, hiểu biết chiến thuật mà cả nhân cách và độ trưởng thành tâm lí, uy tín với đội nhất là với người tấn công. Người nêu có trình độ kĩ xảo khống chế xử lí bóng điệu nghệ phải qua tập đều đặn, có biện pháp riêng mang tính đối chuẩn cá nhân, ít được nghỉ ngơi (người khác nghỉ nhưng người chuyền hai vẫn phải tập riêng một mình). Phải chạm bóng thường xuyên đơn điệu lại phải gánh chịu mọi phàn nàn trách móc và cả mâu thuẫn hiểu lầm, có trình độ tâm lí cao, thực tế là người “anh hùng giấu mặt”. Tính kiên nhẫn, tính khiêm tốn, tính kĩ xảo là đặc trưng của việc lựa chọn và bồi dưỡng người chuyền hai kiểu mới hiện đại [39], [41], [49], [50], [52], [57], [71].
Bồi dưỡng người chuyền hai (nêu bóng) đặc biệt là nhảy chuyền không những chỉ biết chuyền hai giỏi mà còn phải biết tấn công để thực hiện các kỹ thuật giả chuyền sang đập và giả đập sang chuyền. Đây là yếu tố chiến thuật rất hiệu quả, nó làm cho đối phương luôn bị động trong phòng thủ, gây cho đối phương rất nhiều áp lực về mặt tâm lý. Nếu người chuyền bóng nhảy lên thì bắt buộc đối phương phải có người theo sát bám chắn, đây sẽ là cơ hội cho phối hợp tấn công hoặc phản công. Để thực hiện tốt kỹ - chiến thuật phối hợp này ta nên tuyển chọn và đào tạo VĐV chuyền hai thuận tay trái, nếu VĐV chuyền hai thuận tay trái thì hiệu quả của tấn công giả chuyền sang đập rất cao. Để duy trì khả năng bật nhảy suốt trận đấu đòi hỏi VĐV chuyền hai phải có nền tảng thể lực tốt, tâm lý thi đấu vững vàng. Ngoài các điểm trên còn chú ý năng lực chủ động trong quan hệ là người biết ổn định toàn đội thực hiện ý đồ chiến thuật trong bất kì tình huống nào. Người nêu phải ít nói về bản thân khi thành công, khiêm tốn nhận lỗi khi không thành công, dám chịu trách nhiệm, dám xin ý kiến đồng đội, động viên khích lệ mọi người không thành kiến tính toán cá nhân hơn thiệt. Người nêu phải có trình độ kĩ năng kĩ xảo điều khiển bóng, luôn vui vẻ, tâm lí vững, tính tình sảng khoái, dẫn đầu đội trong mọi tình huống thành công cũng như bất lợi thậm chí thất bại.
Theo xu hướng bóng chuyền hiện đại, người chuyền hai phải là người toàn diện, hội tụ đầy đủ đầy đủ các yếu tố kỹ - chiến thuật, thể lực, tâm lý đồng thời đòi hỏi phải đáp ứng được yêu cầu tấn công từ quả chuyền bước một (tấn công 2 chuyền) khi có điều kiện và cần thiết. Vì vậy kỹ thuật tấn công, kỹ thuật giả đập sang chuyền hay giả chuyền đang đập bóng của VĐV chuyền hai luôn tạo được sức ép phòng thủ của đối phương cần phải được chú trọng trong đào tạo VĐV chuyền hai. Do vậy, yếu tố bật nhảy cao và có độ dừng cũng là yêu cầu quan trọng đối với VĐV chuyền hai.
Phương pháp huấn luyện người nêu bóng theo nguyên tắc từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, tập kĩ thuật nêu bóng đảm bảo cho tấn công nhanh biến hoá. Điều kiện của người nêu về cơ bản đã biết, nhưng bồi dưỡng làm tốt nhiệm vụ của từng chiến thuật, từng miếng phối hợp phải được đi trước nhằm mục đích người nêu nắm được ý đồ và các bước, các khâu cấu thành chiến thuật, từ đó có thể điều khiển, điều chỉnh phù hợp nhịp điệu chung cũng như từng tình huống cụ thể. Như người nêu tổ chức tấn công nhanh chẳng hạn, lúc đầu không nên quá phức tạp, điều kiện thực hiện không quá khó (chuyền 1). Đến khi quen nhịp điệu chung của chiến thuật và phối hợp mới tăng độ khó độ phức tạp.
Về quy cách kĩ thuật lối đánh phải yêu cầu chặt chẽ để tự mỗi người qua cảm giác nhịp điệu chung của chiến thuật do người nêu khống chế tạo sự ăn ý chung, từ đó tự điều khiển hoạt động của từng người trong tổng cảm giác đã “hoà nhập” không xảy ra lỡ trớn (chậm, nhanh) khi thực hiện phối hợp miếng chiến thuật. Như chiến thuật lao ngắn chẳng hạn cần phối hợp tốc độ cao, cảm giác vị trí thời gian có cảm giác không thời gian (cắt đường đánh trúng bóng nhanh) chính xác là không dễ dàng. Nếu lúc đầu người chuyền hai không hình thành nhịp phối hợp để đưa bóng phù hợp (tầm, đường, tốc độ, góc độ với lưới) thì người đập không thể xác định chuẩn vận động của mình để cắt đúng điểm cần chạm đập bóng. Yêu cầu phối hợp ăn ý trên cơ sở kĩ thuật đúng cảm giác nhịp điệu chiến thuật phải qua tập nhiều lần với các điều kiện khác nhau nhưng quyết định vẫn là nhịp điều khiển của người nêu bóng. Định hình cảm giác nhịp điệu phối hợp là vấn đề then chốt nhất của phối hợp chiến thuật do HLV công trình sư kiến tạo, không xác định đúng chuẩn mức ngay từ đầu thì sẽ khó thực hiện trong thi đấu.
Chiến thuật thi đấu không được mắc căn bệnh hình thức hiệu quả thấp, huấn luyện chiến thuật cần chất lượng cao dựa trên cơ sở số lượng nhất định. Khi tổ chức chiến thuật cần xem xét từng vòng, từng khu vực để tạo thành các trung tâm chiến thuật tổ chức thành các chiến thuật đa dạng hiệu quả. Dựa vào mỗi vòng và đặc điểm từng cá nhân để tạo các chiến thuật ăn ý hiệu quả. Miếng chiến thuật có nhiều và đều xuất phát từ trung tâm là vị trí người nêu tuỳ theo đường bóng lên của bước 1 đã quy định tổng thể từ trước. Các miếng chiến thuật từ các trung tâm chiến thuật phải hiệu quả, tiên tiến, đạt mức thành thạo.
Cần chú ý trong một loạt phối hợp chiến thuật từ một trung tâm phải chọn miếng cơ bản nhất tập thành thạo, sau đó chuyển sang các phối hợp khác, nâng cao chiến thuật cơ bản và phát triển biến hoá của nó. Sau khi thành thạo cơ bản và biến hoá của nó từ một trung tâm chiến thuật của vòng mới chuyển sang trung tâm khác. Do luật mới cho phép được tấn công ở mọi điểm vùng toàn sân, nên một vòng có nhiều trung tâm tổ chức chiến thuật ở gần lưới, vùng vạch 3m, và cả hàng sau... biến hoá nhiều tăng độ phức tạp biến hoá của chiến thuật tất có lợi cho thi đấu của đối đội nhưng không được quên hiệu quả của chiến thuật và độ ổn định của nó.
Việc học tập các chiến thuật mới hết sức cần thiết nhưng phải xem xét có phù hợp điều kiện của mình hay không. Khi huấn luyện các chiến thuật và qua sử dụng thấy được hiệu quả của nó, do yêu cầu tiếp tục phát triển, nâng cao nó để trở thành “vũ khí” làm đối phương khó đối phó. Khi độ thành thạo điêu luyện của miếng chiến thuật càng cao, tạo cơ sở cho sự phát triển biến hoá càng rộng, càng có sức mạnh uy hiếp. Ví dụ lúc mới sử dụng chiến thuật tấn công nhanh với đập nhú tại giải vô địch thế giới đầu tiên tại Paris, nhiều trọng tài đã bắt người nêu nhú do cảm giác sai về độ dính bóng. Còn bây giờ thì cả thế giới đều dùng nó với mức bóng dừng trong tay có cảm giác như dính dừng trong tay người nêu nhiều hơn trước được mọi người thừa nhận. Biến hoá từ chiến thuật cơ bản càng rộng, đa dạng thì càng tạo điều kiện khó đối phó cho đối phương trong thi đấu.
Phải tìm cách tìm được cái mới từ chiến thuật tấn công nhanh. Xu hướng bóng chuyền thế giới đã từ mạnh nhanh sang cao nhanh biến linh hoạt với tốc độ nhanh bất ngờ. Quy trình cơ bản về đánh nhanh ai cũng biết, nhưng quan trọng là phải tùy điều kiện cụ thể để tận dụng hình thức cơ bản và biến hoá nó trở thành vũ khí mang nét riêng biệt. Như kĩ thuật đánh nhanh sau đều dần sáng tạo ra đánh nhanh bóng nêu là trượt lao sau nay là bật nhảy một chân nhanh sau và đập đuổi bóng lao sau, hiện đang phát triển thành đập lao nhanh xa lưới ở số 2 vùng gần vạch 3m.
Khi tìm ra lối đánh mới vấp nhiều khó khăn thử thách, nhưng điều quyết định là hiệu quả cuối cùng của nó cao hay thấp. Phải kể đến quyết tâm tập luyện và thực hiện nó. Kinh nghiệm thành công của đội nữ Trung Quốc giành 5 lần các chức vô địch thế giới trong thời gian ngắn, đặc biệt là nhảy vọt bất ngờ của đội nữ Cuba đã chứng tỏ không sáng tạo lối đánh mới mang màu sắc độc đáo thì khó thắng. Nếu đội nữ Nhật những năm 60 tập trung vào khổ luyện phòng thủ phản công, kĩ thuật phát bóng bay, tinh thần đồng đội cao thì đội nữ Trung Quốc lại thành công ở cả 6 người đều tấn công nhanh. Đội nữ Cuba sáng tạo lối đánh nhanh tầm cao với thể lực tuyệt vời nhất là sức bật là bài học đáng để ta nghiên cứu.
1.5.3. Quan hệ giữa yếu tố thể lực và kỹ thuật nhảy phát bóng, nhảy chuyền (nêu) bóng trong huấn luyện bóng chuyền.
Trong huấn luyện kỹ thuật nhảy phát bóng và nhảy chuyền bóng, HLV phải có mục đích rõ ràng, tập trung vào những hoạt động chính. Thực hiện nguyên tắc huấn luyện kỹ thuật, phát hiện sớm vấn đề nảy sinh và giải quyết chúng kịp thời, hướng dẫn đúng cho vận động viên trong quá trình tập luyện, và chỉ bằng cách đó huấn luyện viên mới có thể cải tiến trình độ kỹ thuật của vận động viên một cách hiệu quả [45], [46], [55], [62].
Kỹ thuật được coi là hợp lý nếu tuân theo các quy luật sinh cơ và sinh lý, tâm lý để với kỹ thuật hợp lý ấy cho phép thực hiện động tác biến hóa và các hành động khác hiệu quả và tiết kiệm. Trong bóng chuyền hiện đại, huấn luyện và phát triển kỹ thuật - thể lực cho VĐV phải thiết lập một số yêu cầu sau:
Các hoạt động và kỹ thuật đúng: [45], [46], [76], [77]
Quan trọng là vận động viên phải nắm vững các hoạt động và kỹ thuật đúng, đặc biệt là với VĐV năng khiếu, trẻ. Việc sửa chữa kỹ thuật, hoạt động sai khó hơn nhiều việc nắm vững kỹ thuật mới. Nên HLV phải thường xuyên làm cho VĐV hình thành những kỹ năng đúng và kịp thời sửa chữa lỗi sai. Bằng cách này, VĐV mới nhanh chóng đạt đến trình độ cao. Về hoạt động, vận động, kỹ thuật đạt ở mức kỹ xảo.
Để hình thành và thuần thục các kỹ thuật chuẩn, theo tài liệu của Prof Zhang Ran. International Volley Tech 3/92: “Mỗi kỹ thuật đều có những tính đặc thù tiêu chuẩn riêng, vận động viên phải được huấn luyện phù hợp và xây dựng các kỹ thuật chuẩn xác thường xuyên”. VĐV phải nắm được những đặc thù tiêu chuẩn của kỹ thuật và tạo thành thói quen. Ví dụ: Đặc điểm kỹ thuật chuẩn của động tác vung tay đánh bóng gồm có 5 điểm sau đây:
Quỹ đạo vung tay hình vòng cung mà không phải một đường thẳng, lăng vòng trên bóng (hoạt động cổ tay) để bóng xoáy xuống.
Tay đánh bóng giống động tác đánh roi mà không phải đánh gậy, tay quất (vút) vào bóng nhanh, nhịp nhàng đặc biệt là tăng tốc hoạt động căng tay, không duỗi cứng.
Đánh bóng ở điểm cao nhất, nâng cao vai và vươn căng khuỷu tay chạm bóng, không hạ thấp vai chạm bóng ở tầm thấp.
Đánh bóng bằng bàn tay mở rộng và điều khiển bóng tốt, không nên chạm bóng với phần ngón tay.
Ngay lúc chạm bóng, đè lên phần trên bóng, gập lưng khi bóng xa lưới, mà không chỉ sử dụng hoạt động của tay.
Huấn luyện kỹ thuật nhảy phát bóng, nhảy chuyền bóng trong bóng chuyền cần lưu ý phát triển toàn diện kỹ năng để VĐV có được kỹ năng tốt trong cả tấn công và phòng thủ. Ngày nay, phát triển toàn diện là xu hướng phát triển của bóng chuyền trên thế giới, nên VĐV phải được tập luyện lặp lại một cách hệ thống từng bước để nắm vững, thành thạo các kỹ thuật hiệu quả, linh hoạt.
Đặc điểm của kỹ thuật: [45], [46]
Kỹ thuật của VĐV phải chuẩn xác, toàn diện và hiệu quả, ngoài ra còn phải mang đặc điểm riêng của từng VĐV. Mỗi VĐV phải có sở trường riêng thể hiện sự thuần thục, tinh xảo trong thực hiện kỹ thuật đạt trình độ cao. HLV phải huấn luyện một cách có ý thức VĐV của mình trong thời gian dài để điêu luyện sở trường theo vị trí, nhiệm vụ khác nhau của từng người. Nếu có trình độ kỹ thuật toàn diện mà không có sở trường, độc chiêu thì chưa thể là VĐV thi đấu tốt. Tuy với các VĐV trẻ năng khiếu rất khó đạt những điều trên. Theo xu hướng phát triển, họ phải được huấn luyện để có nền tảng vững chắc cho tương lai, nên trong huấn luyện phải nhấn mạnh huấn luyện các yếu lĩnh kỹ thuật cho người mới tập, năng khiếu trẻ.
Những yếu lĩnh kỹ thuật cơ bản: [28], [45], [46]
Để đạt được yêu cầu của huấn luyện kỹ thuật, phải nhấn mạnh các phần kỹ thuật, nhất là đối với người mới tập năng khiếu, trẻ Mỗi kỹ thuật bóng chuyền gồm nhiều hoạt động khác nhau như: Hoạt động của chân, của tay trong những hoạt động cấu thành kỹ thuật này, thì điểm quan trọng thiết yếu nhất được gọi là những hoạt động cơ bản, yếu lĩnh kỹ thuật nhưng không phải là toàn bộ kỹ thuật mà là nền, khung những phần chính yếu của toàn bộ kỹ thuật. Như kỹ thuật nhảy phát bóng gồm: Chạy đà, dậm nhảy, vung tay và đánh bóng, rơi xuống đất cũng như sự phán đoán đường bóng từ bắt đầu cho đến kết thúc bóng. Tất cả chúng liên quan, ảnh hưởng lẫn nhau. Để thực hiện kỹ thuật không thể thiếu bất kỳ phần nào trong chuỗi hoạt động cấu thành kỹ thuật đó, các hoạt động không quan trọng như nhau, mà những điểm quan trọng nhất. Việc chú trọng yếu lĩnh kỹ thuật trong huấn luyện làm vận động viên tập trung vào những động tác hoạt động chủ yếu để đạt nền tảng cơ bản vững chắc, tạo thành kỹ năng, kỹ xảo và đạt được đến trình độ cao.
Nhìn chung những thành...mọi chỉ tiêu quan sát đều hơn hẳn nhóm đối chứng (P < 0.05). Điều đó chứng tỏ hệ thống bài tập lựa chọn phát triển sức mạnh chuyên môn đã đem lại hiệu quả rõ rệt hơn so với các bài tập hiện hành do bộ môn áp dụng.
Sau 16 tháng (2 năm học) thực nghiệm, để làm rõ hơn kết quả tác động của hệ thống bài tập chuyên môn của hai nhóm thực nghiệm và đối chứng so với tiêu chuẩn phân loại trình độ kỹ thuật do bộ môn bóng chuyền trường Đại học TDTT Bắc Ninh xây dựng, luận án đã tiến hành lấy kết quả kiểm tra của hai nhóm sau 2 năm thực nghiệm để xếp loại trình độ kỹ thuật nhảy phát bóng, nhảy chuyền bóng theo 5 mức, tốt, khá, trung bình, yếu, kém. Sau đó sử dụng công thức tính c2 đã trình bày ở chương 2 để so sánh. Kết quả được trình bày ở bảng 3.34 và 3.35.
BẢNG 3.34. SO SÁNH SỰ KHÁC BIỆT VỀ KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ XẾP LOẠI KỸ THUẬT NHẢY PHÁT BÓNG CỦA 2 NHÓM ĐỐI CHỨNG VÀ THỰC NGHIỆM SAU 16 THÁNG THỰC NGHIỆM.
Xếp loại kỹ thuật
Nhóm đối tượng nghiên cứu
Tổng
Nhóm TN
(n = 15)
Nhóm ĐC
(n = 15)
Tốt
8
2
10
5.000
5.000
Khá
7
9
16
8.000
8.000
Trung bình
0
4
4
2.000
2.000
Tổng
15
15
30
So sánh
c2tính = 7.850 > c20.05 = 5.991 với P < 0.05
BẢNG 3.35. SO SÁNH SỰ KHÁC BIỆT VỀ KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ XẾP LOẠI KỸ THUẬT NHẢY CHUYỀN BÓNG CỦA 2 NHÓM ĐỐI CHỨNG VÀ THỰC NGHIỆM SAU 16 THÁNG THỰC NGHIỆM.
Xếp loại kỹ thuật
Nhóm đối tượng nghiên cứu
Tổng
Nhóm TN
(n = 15)
Nhóm ĐC
(n = 15)
Tốt
10
3
13
6.500
6.500
Khá
5
7
12
6.000
6.000
Trung bình
0
5
5
2.500
2.500
Tổng
15
15
30
So sánh
c2tính = 9.103 > c20.05 = 5.991 với P < 0.05
Từ kết quả ở bảng 3.34 và 3.35 thu được c2tính đều > cbảng = 5.991 ở ngưỡng xác suất P < 0.05. Điều đó một lần nữa cho thấy có sự khác biệt rõ rệt về các bài tập chuyên môn phát triển sức mạnh ứng dụng trong giảng dạy kỹ thuật nhảy phát bóng, nhảy chuyền bóng cho 2 nhóm đối chứng và nhóm thực nghiệm, sự khác biệt này là đủ độ tin cậy ở ngưỡng xác xuất thống kê cần thiết (với P < 0.05).
Tóm lại: Từ những kết quả nghiên cứu nêu trên, qua 16 tháng thực nghiệm (tương ứng với 2 năm học trong chương trình đào tạo) đối với 2 nhóm đối tượng nghiên cứu tập luyện theo các bài tập chuyên môn đã lựa chọn, từ kết quả thu được trong quá trình thực nghiệm cho thấy, các bài tập và phương tiện chuyên môn phát triển sức mạnh mà luận án xây dựng tỏ rõ hiệu quả trong việc nâng cao hiệu quả giảng dạy kỹ thuật nhảy phát bóng, nhảy chuyền bóng cho sinh viên chuyên sâu bóng chuyền 2 năm cuối trong chương trình đào tạo tại trường Đại học TDTT Bắc Ninh.
3.2.4. Bàn luận về hiệu quả hệ thống bài tập phát triển sức mạnh của kỹ thuật nhảy phát bóng và nhảy chuyền bóng trong bóng chuyền.
Tổ chức thực nghiệm như đã trình bày ở trên (mục 3.2.3.1 chương 3), quá trình thực nghiệm được tiến hành trên 2 nhóm đối tượng sinh viên chuyên sâu bóng chuyền chuyên ngành sư phạm thể dục khoá Đại học 44 trường Đại học TDTT Bắc Ninh: Nhóm đối chứng (gồm 15 sinh viên chuyên sâu bóng chuyền khoá Đại học 44 - năm học thứ ba) - Nhóm này được tập luyện, ứng dụng các bài tập chuyên môn theo chương trình giảng dạy môn học chuyên sâu bóng chuyền chuyên ngành sư phạm thể dục của bộ môn bóng chuyền trường Đại học TDTT Bắc Ninh xây dựng trong chương trình đào tạo cử nhân TDTT chuyên môn bóng chuyền. Nhóm thực nghiệm (gồm 15 sinh viên chuyên sâu bóng chuyền khoá Đại học 44 - năm học thứ ba) - Nhóm này được ứng dụng các bài tập chuyên môn mà luận án đã lựa chọn và xây dựng, và thưc nghiệm trong tiến trình giảng dạy 2 năm trong chương trình đào tạo và giáo án do quá trình nghiên cứu đã xây dựng.
Như kết quả thực nghiệm đã thu được cho thấy việc giảng dạy kỹ thuật nhảy phát bóng, nhảy chuyền bóng cần quan tâm đến các bài tập phát triển sức mạnh, trong đó điểm nổi bật của luận án đã sử dụng hệ thống máy tập sức mạnh Nautilus thích hợp cho phát triển các nhóm cơ tham gia thực hiện kỹ thuật động tác môn bóng chuyền.
Về tác động của các bài tập phát triển sức mạnh trong kỹ thuật nhảy phát bóng, nhảy chuyền bóng sau 8 tháng thực nghiệm.
Sau 8 tháng thực nghiệm áp dụng các bài tập đã chọn với cả 10/10 test sư phạm, cùng với các chỉ số sinh cơ học có sự khác biệt giữa 2 nhóm đối chứng và thực nghiệm (với P < 0.05), đã cho thấy hiệu quả thực hiện kỹ thuật nhảy phát bóng, nhảy chuyền bóng của nhóm thực nghiệm bước đầu đã có khác biệt so với nhóm đối chứng. Sau 8 tháng thực nghiệm mức tăng trưởng trung bình của nhóm thực nghiệm là: 3.956% đến 4.350%, so với nhóm đối chứng là 2.853% và 2.892%. Như vậy sau 8 tháng thực nghiệm áp dụng các bài tập mới vào huấn luyện cho đối tượng thực nghiệm bước đầu nhóm này đã có mức tăng rõ, chứng tỏ tác động của hệ thống bài tập được lựa chọn có khác biệt về năng lực phản ứng của hệ thần kinh cơ và sức mạnh chuyên môn của hệ cơ quan vận động của nhóm thực nghiệm tốt hơn so với nhóm đối chứng. Vấn đề đặt ra là, các kỹ thuật nhảy phát bóng, nhảy chuyền bóng là những kỹ thuật có độ khó cao, việc thực hiện các kỹ thuật này thông thường được gắn với yếu tố chiến thuật trong thi đấu. Do đó, để khẳng định sự khác biệt rõ rệt hơn hệ thống các bài tập này trong việc nâng cao hiệu quả kỹ thuật nhảy phát bóng, nhảy chuyền bóng cần phải tiếp tục xem xét kết quả về sức mạnh chuyên môn sau hai năm học (16 tháng) thực nghiệm.
Về tác động của các bài tập phát triển sức mạnh trong kỹ thuật nhảy phát bóng, nhảy chuyền bóng sau 16 tháng thực nghiệm.
Sau 16 tháng thực nghiệm (tương ứng với 2 năm học) cho thấy, tác dụng các bài tập được chọn tốt hơn hẳn so với thời điểm ban đầu và sau 12 tháng qua 10 test sư phạm và các chỉ số sinh cơ học đều khác biệt rõ giữa nhóm thực nghiệm và nhóm đối chứng với ttính > tbảng ở ngưỡng xác suất P < 0.001, nhịp tăng trưởng của nhóm thực nghiệm tăng lớn hơn so với nhóm đối chứng. Sự khác biệt còn rõ hơn qua so sánh kết quả nhịp tăng và so sánh tự đối chiếu giữa nhóm thực nghiệm và nhóm đối chứng. Kết quả này đã chứng tỏ tập theo hệ thống bài tập nào cũng đều mang lại hiệu quả phát triển sức mạnh chuyên môn, nâng cao hiệu quả kỹ thuật nhảy phát bóng, nhảy chuyền bóng cho nam sinh viên chuyên sâu bóng chuyền ngành sư phạm thể dục là đối tượng nghiên cứu, nhưng mức tăng của nhóm thực nghiệm cao hơn hẳn so với nhóm đối chứng sau 16 tháng thực nghiệm với mức tăng trung bình của nhóm thực nghiệm là: 19.455% đến 19.500%.
Sau 16 tháng thực nghiệm áp dụng các bài tập mới vào giảng dạy cho đối tượng thực nghiệm có sự khác biệt rõ của nhóm thực nghiệm so với nhóm đối chứng với ctính > cbảng ở ngưỡng xác suất P < 0.05. Cụ thể khi so sánh khác biệt của hai nhóm thực nghiệm và nhóm đối chứng sau 16 tháng thực nghiệm thì cả 15 sinh viên nhóm thực nghiệm xếp loại khá và tốt chiếm tỷ lệ 100.00%, không có sinh viên xếp loại trung bình hoặc yếu; còn nhóm đối chứng chỉ có 10 đến 11 sinh viên xếp loại khá và tốt, còn lại vẫn có 4 đến 5 sinh viên xếp loại trung bình. Điều đó một lần nữa khẳng định các bài tập mới được chọn ứng dụng có hiệu quả phù hợp đối tượng thực nghiệm và đảm bảo khách quan, khoa học.
Như vậy tác động của các bài tập được lựa chọn ở nhóm thực nghiệm ảnh hưởng tốt tới chỉ số sức mạnh chuyên môn và hiệu quả kỹ thuật nhảy phát bóng, nhảy chuyền bóng hơn so với nhóm đối chứng là nhóm sinh viên được tập luyện theo chương trình giảng dạy kỹ thuật nhảy phát bóng, nhảy chuyền bóng và sức mạnh của nhà trường do bộ môn bóng chuyền xây dựng.
Mặt khác, kết quả nghiên cứu đã cho thấy, hệ thống các bài tập chuyên môn đã lựa chọn chỉ phát huy tính hiệu quả rõ rệt sau thời gian 2 năm giảng dạy, đồng thời khi xây dựng tiến trình áp dụng các bài tập chuyên môn phát triển sức mạnh cần phải căn cứ vào mức độ ưu tiên của các nhóm yếu tố thành phần đã xác định theo tỷ trọng ảnh hưởng của các nhóm nhân tố đó (nhóm yếu tố kỹ thuật, tố chất sức mạnh chuyên môn). Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn công tác giảng dạy, huấn luyện cũng như hệ thống các chương trình, kế hoạch huấn luyện đã được xây dựng. Và như vậy, nhóm các bài tập chuyên môn phát triển sức mạnh và hiệu quả kỹ thuật nhảy phát bóng, nhảy chuyền bóng đã lựa chọn đảm bảo đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn, độ tin cậy và tính hiệu quả, phù hợp với tình hình giảng dạy, huấn luyện và điều kiện thực tiễn của nhà trường.
Đặc biệt, ngày nay do sự phát triển bùng nổ của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, các phương tiện giảng dạy hiện đại đã được áp dụng trong thực tiễn huấn luyện các môn thể thao nói chung và huấn luyện kỹ thuật môn bóng chuyền nói riêng. Với điều kiện cơ sở vật chất hiện có của nhà trường (tuy còn những hạn chế nhất định), nhưng quá trình nghiên cứu đã tiến hành áp dụng các phương tiện hiện đại như: Các phương tiện thông tin, ghi hình (camera), các phần mềm máy tính trong quá trình thực nghiệm giảng dạy kỹ thuật cơ bản cho đối tượng nghiên cứu và đã khẳng định hiệu quả rõ rệt của phương pháp trong việc nâng cao hiệu quả dạy học kỹ thuật động tác cho sinh viên chuyên sâu bóng chuyền trường Đại học TDTT Bắc Ninh.
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Kết luận:
Từ kết quả nghiên cứu chứng minh qua thực nghiệm theo mục tiêu của luận án, cho phép đi đến một số kết luận sau:
1. Đặc điểm sinh cơ học của các kỹ thuật nhảy phát bóng, nhảy chuyền bóng trong bóng chuyền được xác định và phân tích theo cấu trúc chuyển động trong không gian, thời gian và cấu trúc về lực. Quá trình nghiên cứu của luận án đã xác định được các thông số về tốc độ các khớp cổ tay, mũi bàn tay cùng với các thông số gián tiếp đánh giá về lực như tốc độ bóng, trọng tâm cơ thể so với mặt đất cho thấy gần như có sự ổn định và đồng đều nhau, đồng thời có sự khác biệt rõ rệt về các đặc tính sinh cơ học giữa các đối tượng có trình độ chuyên môn khác nhau.
Quá trình nghiên cứu của luận án đã lựa chọn được hệ thống gồm 10 test sư phạm và các chỉ số sinh cơ đánh giá sức mạnh chuyên môn ứng dụng trong giảng dạy - huấn luyện kỹ thuật nhảy phát bóng, nhảy chuyền bóng cho sinh viên gồm:
Các test sư phạm:
Các test thể lực gồm 06 test:
Bật cao với tại chỗ (cm).
Bật cao với có đà bằng 1 chân (cm).
Bật xa tại chỗ (cm).
Bật xa 3 bước (cm).
Lực bóp tay thuận (kG).
Lực duỗi cơ chi dưới (kG).
Các test kỹ thuật gồm 04 test:
Nhảy chuyền bóng trúng đích (điểm)
Nhảy chuyền bóng cao tay trước mặt số 3 ® 4 (điểm).
Nhảy phát bóng cao tay trước mặt 3m cuối sân (điểm).
Nhảy phát bóng chuẩn vào ô (điểm).
Các chỉ số sinh cơ:
Đối với kỹ thuật nhảy chuyền bóng gồm 03 chỉ số:
Tốc độ cổ tay (m/s).
Tốc độ của mũi bàn tay (m/s).
Tốc độ của bóng sau khi bóng rời tay (m/s).
Đối với kỹ thuật nhảy phát bóng gồm 04 chỉ số:
Tốc độ cổ tay (m/s).
Tốc độ của mũi bàn tay (m/s).
Tốc độ của bóng sau khi bóng rời tay (m/s).
Trọng tâm cơ thể so với mặt đất (m).
Trên cơ sở đó, kết quả nghiên cứu của luận án đã xác định được mối tương quan thuận chiều ở mức chặt chẽ giữa từng test đánh giá sức mạnh với kỹ thuật nhảy phát bóng, nhảy chuyền bóng, cũng như mối quan hệ đa nhân tố ở mức tương đối chặt chẽ và tỷ trọng ảnh hưởng của từng nhóm nhân tố đến hiệu quả thực hiện kỹ thuật trên cả đối tượng nam sinh viên và nam VĐV bóng chuyền. Qua đó khẳng định được giữa các yếu tố sức mạnh chuyên môn có quan hệ thuận ở mức chặt chẽ với kỹ thuật nhảy phát bóng, nhảy chuyền bóng.
2. Luận án đã hệ thống hóa được 49 bài tập chuyên môn và phương tiện 10 máy tập Nautilus nhằm phát triển sức mạnh ứng dụng trong giảng dạy kỹ thuật nhảy phát bóng, nhảy chuyền bóng cho sinh viên chuyên sâu bóng chuyền, cụ thể:
Nhóm bài tập phát triển sức mạnh kỹ thuật nhảy chuyền bóng: 13 bài tập.
Nhóm bài tập phát triển sức mạnh kỹ thuật nhảy phát bóng: 14 bài tập.
Nhóm bài tập phát triển sức mạnh chung cho 2 kỹ thuật: 12 bài tập
Hệ thống máy tập sức mạnh Nautilus: 10 máy.
Qua thời gian thực nghiệm sư phạm 16 tháng (tương ứng với 02 năm học) đã xác định rõ được hiệu quả ứng dụng của các bài tập đối với mối tương quan giữa sức mạnh và hai kỹ thuật trong giảng dạy kỹ thuật nhảy phát bóng, nhảy chuyền bóng cho sinh viên chuyên sâu bóng chuyền chuyên ngành sư phạm thể dục trường Đại học TDTT Bắc Ninh, với sự khác biệt có ý nghĩa thống kê của các test với ttính > tbảng ở ngưỡng xác xuất P c2bảng với P < 0.05.
Kiến nghị:
Từ những kết quả nêu trên của quá trình nghiên cứu, cho phép đi đến một số kiến nghị sau:
1. Hệ thống các chỉ số sinh cơ, các test sư phạm đã nghiên cứu có thể được coi là các chỉ tiêu, tiêu chuẩn cần được áp dụng trong quá trình kiểm tra và đánh giá trình độ kỹ thuật nhảy phát bóng, nhảy chuyền bóng, cũng như trình độ sức mạnh chuyên môn cho 02 kỹ thuật này trong quá trình giảng dạy - huấn luyện sinh viên chuyên sâu bóng chuyền ở 2 năm cuối của chương trình giảng dạy.
2. Hệ thống các bài tập chuyên môn phát triển sức mạnh, các máy tập sức mạnh Nautilus mà luận án đã xác định có thể được coi là các phương tiện mang lại hiệu quả cao trong quá trình giảng dạy - huấn luyện kỹ thuật nhảy phát bóng, nhảy chuyền bóng; đồng thời các phương tiện này có thể ứng dụng trên đối tượng VĐV bóng chuyền. Mặt khác, để nâng cao hiệu quả kỹ thuật nhảy phát bóng, nhảy chuyền bóng, trong quá trình giảng dạy, huấn luyện, các giáo viên, HLV nên lưu ý đến mức độ ưu tiên trong sử dụng các bài tập kỹ thuật và bài tập phát triển sức mạnh theo tỷ trọng ảnh hưởng đã xác định.
3. Nhà trường cần thiết phải trang bị bổ sung các thiết bị dạy học hiện đại cho các môn học nói chung và môn bóng chuyền nói riêng, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu của của công tác giảng dạy - học tập, cũng như công tác kiểm tra - đánh giá.
4. Cần thiết phải có những nghiên cứu bổ sung mang tính toàn diện và sâu sắc hơn về vấn đề đổi mới phương tiện, phương pháp giảng dạy các môn học nói chung và các môn thể thao chuyên sâu cũng như môn học bóng chuyền nói riêng cho sinh viên trường Đại học TDTT Bắc Ninh.
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU ĐÃ CÔNG BỐ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN.
Tô Xuân Thục (2014), “Bước đầu xác định mối tương quan giữa tố chất sức mạnh với kỹ thuật nhảy phát bóng và nhảy chuyền bóng trong bóng chuyền”, Tạp chí khoa học TDTT, Viện khoa học TDTT, số 1/2014.
Tô Xuân Thục (2014), “Đặc điểm sinh cơ học của kỹ thuật nhảy phát bóng và nhảy chuyền bóng trong bóng chuyền”, Tạp chí khoa học TDTT, Viện khoa học TDTT, số 2/2014.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt:
Aleco B (1996), “Huấn luyện sức mạnh của KevinYan”, Thông tin khoa học kỹ thuật TDTT, Dịch: Huy Tường, (3), tr. 24 - 30.
Belov, Trikin (1973), “Phương pháp giảng dạy huấn luyện các môn bóng đối với thanh thiếu niên”, Bản tin khoa học TDTT (12), Viện khoa học TDTT, Hà Nội, tr 25 - 26.
Bosco C. (1989), “Phát triển sức mạnh chân cho vận động viên Bóng chuyền”, Bản tin Khoa học kỹ thuật TDTT, Hà Nội, số 6/89.
Brit. M.C, Xilono Novaro (1984), “Tiêu chuẩn tuyển chọn vận động viên bóng chuyền ở Cuba”, Bản tin khoa học TDTT (11), Viện khoa học TDTT, Hà Nội.
Lê Bửu, Dương Nghiệp Chí, Nguyễn Hiệp (1983), Lý luận và phương pháp huấn luyện thể thao, Sở TDTT thành phố Hồ Chí Minh, tr. 19.
Lê Bửu, Nguyễn Thế Truyền (1991), Lý luận và phương pháp thể thao trẻ, Nxb TDTT thành phố Hồ Chí Minh, tr. 77 - 79.
Lê Bửu, Nguyễn Thế Truyền (1986), Kiểm tra năng lực thể chất và thể thao, Nxb TDTT thành phố Hồ Chí Minh, tr. 37 - 41.
Bùi Huy Châm, Hà Mạnh Thư (1989), Chiến thuật bóng chuyền, Nxb TDTT, Hà Nội, tr. 55 - 57.
Cherebetin. G (1993) “Tuyển chọn về mặt y sinh trong bóng chuyền”, Bản tin khoa học TDTT (8), Viện khoa học TDTT, Hà Nội.
Dương Nghiệp Chí, Nguyễn Danh Thái (2002), Công nghệ đào tạo vận động viên trình độ cao, Nxb TDTT, Hà Nội, tr. 38 - 42.
Nguyễn Ngọc Cừ, Nguyễn Kim Minh, Lê Quí Phượng (1997), Khoa học tuyển chọn tài năng thể thao I, II, III, Viện khoa học TDTT, Hà Nội, tr. 33 - 37, 57 - 59.
Daxiorơxki. V.M (1978), Các tố chất thể lực của VĐV, Nxb TDTT, Hà Nội.
Trần Đức Dũng (2002), Nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn, nội dung kiểm tra đánh giá kỹ năng chuyên môn cơ bản các môn thực hành tại trường Đại học TDTT I, Đề án nghiên cứu khoa học cấp ngành, Trường Đại học TDTT I, tr. 13 - 17, 114 - 116.
Gardinal. C.H (1998), “Huấn luyện thể lực cho vận động viên bóng chuyền”, Bản tin khoa học TDTT (3), Viện khoa học TDTT, Hà Nội.
Gerler. E.M (1987), “Những xu hướng chuyên môn hiện đại trong bóng chuyền”, Bản tin khoa học TDTT (3), Viện khoa học TDTT, Hà Nội, tr.13
Gieledonhiac I.D (1983), Vươn tới nghệ thuật bóng chuyền, Nxb TDTT, Hà nội
Goikhơman P.N (1978), Các tố chất thể lực của VĐV, Dịch: Nguyễn Quang Hưng, Nxb TDTT, Hà Nội.
Gozolin. M (1986), Học thuyết huấn luyện, Dịch: Bùi Thế Hiển, Nxb TDTT, Hà Nội.
Gustav, Booeznen (1976), “Phát triển tốc độ trong bóng chuyền”, Bản tin khoa học TDTT, Chuyên đề bóng chuyền, Viện khoa học TDTT, Hà Nội.
Harre. D (1996), Học thuyết huấn luyện, Dịch: Trương Anh Tuấn, Bùi Thế Hiển, Nxb TDTT, Hà Nội.
Bùi Quan Hải và cộng sự (2009), “Giáo trình tuyển chọn tài năng thể thao”, Nxb TDTT, Hà Nội.
Lưu Quang Hiệp, Phạm thị Uyên (2003), Sinh lý học TDTT, Nxb TDTT, Hà Nội, tr. 457 - 467.
Bùi Thị Hiếu (1982), “Nghiên cứu đặc điểm hình thái và chức năng sinh lý của vận động viên một số môn thể thao”, Bản tin khoa học TDTT (5), Viện khoa học TDTT, Hà Nội, tr.4.
Trịnh Trung Hiếu, Nguyễn Sỹ Hà (1994), Huấn luyện thể thao, Nxb TDTT, Hà Nội, tr. 109 - 114.
Hyrosi Toyoda, Matsaru Saito (1980), “Lý thuyết bóng chuyền của Nhật”, Bản tin khoa học TDTT, Chuyên đề bóng chuyền, Viện khoa học TDTT, Hà Nội.
Hyrosi Toyoda, Kazuo Yoshihara (1980), “Kế hoạch huấn luyện chiến thuật bóng chuyền”, Bản tin khoa học TDTT, chuyên đề bóng chuyền, Viện khoa học TDTT, Hà Nội.
Hội bóng chuyền Nhật (1980), “Test kiểm tra thể lực của vận động viên bóng chuyền”, Bản tin khoa học TDTT, Chuyên đề bóng chuyền, Viện khoa học TDTT, Hà Nội, tr.14.
Hội bóng chuyền Hungari (1985), “Bồi dưỡng và kiểm tra năng lực vận động viên bóng chuyền trẻ”, Bản tin khoa học TDTT (2), Viện khoa học TDTT, Hà Nội, tr. 22.
Nguyễn Hữu Hùng (1997), “Nghiên cứu cơ cấu các tố chất tốc độ của nữ vận động viên bóng chuyền trẻ”, Bản tin khoa học TDTT (2), Viện khoa học TDTT, Hà Nội, tr. 22.
Nguyễn Hữu Hùng (2001), Huấn luyện thể lực cho vận động viên bóng chuyền, Nxb TDTT, Hà Nội.
Trần Hùng (2007), Nghiên cứu sự phát triển sức mạnh tốc độ của kỹ thuật đập bóng cho vận động viên nam lứa tuổi 14 - 17, Luận án tiến sĩ Giáo dục học, Viện khoa học TDTT, Hà Nội
Iuri Tresnokov (2005), “Huấn luyện bóng chuyền sau luật thi đấu mới”, Khoa học TDTT, Chuyên đề bóng chuyền, (3/2006), Bài giảng của Iuri Tresnokov trong lớp bồi dưỡng của FIVB tại Trung Quốc cho HLV châu Á, Biên dịch: Nguyên Thái, Viện khoa học TDTT, Hà Nội.
Kedulop. M.C (1962), Vấn đề lý luận chung các môn bóng, Nxb TDTT, Hà Nội.
Klesep. Iu.N, Airianx A.G (1997), Bóng chuyền, Dịch: Đinh Lẫm, Xuân Ngà, Hữu Hùng, Nghiêm Thúc, Nxb TDTT, Hà Nội.
Nguyễn Thành Lâm (1998), Xác định các tố chất chủ đạo (trội) của VĐV bóng chuyền nữ lứa tuổi 15 - 18, Luận án tiến sĩ Giáo dục học, Viện khoa học TDTT, Hà Nội, tr. 36 - 42.
Nguyễn Thành Lâm, Phan Hồng Minh, Lê Nguyệt Nga, Trịnh Hùng Thanh (1997), “Đánh giá bước đầu về phát triển tố chất vận động của VĐV bóng chuyền nữ trẻ”, Tuyển tập nghiên cứu khoa học TDTT trường Đại học TDTT I, Nxb TDTT, Hà Nội, tr. 79 - 82.
Đinh Văn Lẫm (1994), “Bước đầu xác định một số chỉ tiêu trong tuyển chọn VĐV bóng chuyền nữ trẻ”, Tuyển tập nghiên cứu khoa học TDTT trường Đại học TDTT I, Nxb TDTT, Hà Nội, tr. 58 - 62.
Liên đoàn Bóng chuyền quốc tế (FIVB) (2001 - 2005, 2004 - 2006), “Phát triển mới của bóng chuyền sau thay đổi luật (từ giải vô địch thế giới năm 2005)”, Khoa học TDTT, Chuyên đề bóng chuyền (3/2006), Biên dịch: Thái Ba, Viện khoa học TDTT, Hà Nội.
Liên đoàn Bóng chuyền quốc tế (FIVB) (2005, 2006), “Điểm nổi bật của kỹ chiến thuật bóng chuyền thế giới (từ năm 2000 đến nay)”, Khoa học TDTT, Chuyên đề bóng chuyền (3/2006), Biên dịch: Thái Ba, Viện khoa học TDTT, Hà Nội.
Liên đoàn Bóng chuyền quốc tế (FIVB) (2011), Luật bóng chuyền, Nxb TDTT, Hà Nội.
Hà Khả Luân và cộng sự (1997), Nghiên cứu bước đầu xây dựng các chỉ tiêu tuyển chọn về hình thái - tố chất - tâm lý - chuyên môn thông qua tuổi xương cho VĐV các môn bơi lội - điền kinh và bóng chuyền, Báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học, Sở TDTT, Hà Nội.
Ngô Trung Lượng, Phan Hồng Minh (1965), Kế hoạch huấn luyện cho VĐV bóng chuyền, Hội bóng chuyền Việt Nam, tr. 33 - 37.
Phan Hồng Minh (1980), “Test tuyển chọn các em có năng khiếu bóng chuyền”, Bản tin khoa học TDTT (11), Viện khoa học TDTT, Hà Nội, tr. 9.
Phan Hồng Minh (1987), “Cơ sở sinh lý trong huấn luyện thể lực đối với vận động viên bóng chuyền”, Bản tin khoa học TDTT (11), Viện khoa học TDTT, Hà Nội, tr. 23.
Nguyễn Kim Minh, Phạm Xuân Ngà (1996), Một số vấn đề về tuyển chọn và đào tạo VĐV trẻ, Nxb TDTT, Hà Nội.
Phan Hồng Minh (1996), “Một số vấn đề về thể thao hiện đại”, Bản tin khoa học TDTT (6), Viện khoa học TDTT, tr. 25.
Phan Hồng Minh, Nguyễn Thành Lâm, Trần Đức Phấn (1997), “Phân loại chiến thuật bóng chuyền hiện đại”, Tuyển tập nghiên cứu khoa học TDTT trường Đại học TDTT I, Nxb TDTT, Hà Nội.
Phan Hồng Minh, Nguyễn Thành Lâm, Trần Đức Phấn (1997), “Phương pháp huấn luyện bóng chuyền”, Bản tin khoa học TDTT (4), Viện khoa học TDTT, Hà Nội, tr. 9.
Phan Hồng Minh, Nguyễn Thành Lâm, Bùi Trọng Toại, Âu Xuân Đôn (1998), “Một số vấn đề về lý luận của kỹ thuật bóng chuyền”, Bản tin khoa học TDTT, Chuyên đề bóng chuyền, Viện khoa học TDTT, Hà Nội.
Phan Hồng Minh, Đào Hữu Uyển, Trần Đức Phấn (2002), “Luật thi đấu mới và sự phát triển bóng chuyền hiện đại”, Khoa học thể thao, Chuyên đề bóng chuyền (2/2002), Viện khoa học TDTT, Hà Nội.
Phan Hồng Minh, Đào Hữu Uyển, Hà Mạnh Thư, Nguyễn Thành Lâm (1999), “Chương trình giảng dạy huấn luyện bóng chuyền các nhóm tuổi dưới 12 đến 20 nữ, 21 nam”, Bản tin khoa học TDTT, chuyên đề bóng chuyền (2), Viện khoa học TDTT, Hà Nội.
Phan Hồng Minh (2003), “Phát bóng và đỡ phát bóng trong bóng chuyền”, Khoa học thể thao, chuyên đề bóng chuyền, Viện khoa học TDTT, Hà Nội, số 3/2003.
Trần Hợp Minh (1981), “Một số vấn đề lý luận về sự hoàn thiện các tố chất thể lực của vận động viên”, Bản tin khoa học TDTT (1), Viện khoa học TDTT, Hà Nội, tr.5.
Nabatnhicôva. M.Ia (1985), “Mối liên hệ giữa trình độ chuẩn bị thể lực toàn diện và thành tích thể thao của VĐV trẻ”, Thông tin khoa học kỹ thuật TDTT, (3), Viện khoa học TDTT, Hà Nội, tr. 6.
Nôvicôp. A.D, Matvêep. L.P (1980), Lý luận và phương pháp giáo dục thể chất, Nxb TDTT, Hà Nội.
Trần Đức Phấn (2001), Nghiên cứu ứng dụng hệ thống bài tập nhằm phát triển năng lực linh hoạt chuyên môn cho VĐV bóng chuyền 14 - 16 tuổi, Luận án Tiến sĩ khoa học giáo dục, Viện khoa học TDTT, Hà Nội.
Philin. V.P (1996), Lý luận và phương pháp thể thao trẻ, Dịch: Nguyễn Quang Hưng, Nxb TDTT, Hà Nội.
Phomin E.V (1986), “Vấn đề phát triển tốc độ đối với VĐV bóng chuyền trẻ”, Bản tin khoa học TDTT, chuyên đề bóng chuyền (6), Viện khoa học TDTT, tr.14.
Phomin. E.V (1987), “Nghiên cứu sức mạnh các nhóm cơ chính của các VĐV bóng chuyền”, Bản tin khoa học TDTT, (8), Viện khoa học TDTT, tr. 17.
Phomin. E.V (1989), “Cấu trúc trình độ chuẩn bị thể lực chuyên môn của các VĐV bóng chuyền”, Bản tin khoa học TDTT (6), Viện khoa học TDTT, tr. 26.
Polichep M.I (1992), “Phát triển sức bật cho vận động viên bóng chuyền 14 - 15 tuổi theo đặc điểm hình thái chức năng”, Bản tin khoa học kỹ thuật TDTT, Viện khoa học TDTT, Hà Nội số 6/1992.
Saura (2002), “Huấn luyện sức mạnh của bóng chuyền Âu Mỹ”, Khoa học TDTT, Chuyên đề bóng chuyền (3/2006), Biên soạn: Hồng Thái, Viện khoa học TDTT, Hà Nội.
Sở TDTT Hà Nội (1997), Bước đầu xây dựng các chỉ tiêu tuyển chọn về hình thái - tố chất - tâm lý - chuyên môn thông qua tuổi xương cho VĐV các môn bơi lội - điền kinh và bóng chuyền, Báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố, Hà Nội, tr. 47 - 50.
Nguyễn Danh Thái (1998), Nghiên cứu một số biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ TDTT, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp ngành, Trường Đại học TDTT I, tr. 18 - 21.
Phạm Trọng Thanh (1973), “Một số vấn đề về sức nhanh và sức mạnh tốc độ ở học sinh lứa tuổi 8 - 12”, Bản tin khoa học kỹ thuật TDTT, (10), Viện khoa học TDTT, Hà Nội.
Trịnh Hùng Thanh, Lê Nguyệt Nga, Trịnh Trung Hiếu (1988), Sinh cơ và huấn luyện thể thao, Nxb thành phố Hồ Chí Minh.
Lâm Quang Thành, Bùi Trọng Toại (2002), Tính chu kỳ trong huấn luyện thê thao, Nxb TDTT, Hà Nội.
Hà Mạnh Thư (1986), “Chương trình huấn luyện tuyển chọn 1 năm dành cho VĐV bóng chuyền nữ 15 - 17 tuổi”, Bản tin khoa học kỹ thuật TDTT, Chuyên đề bóng chuyền, (10), Viện khoa học TDTT, Hà Nội, tr. 19.
Hà Mạnh Thư (1987), “Một số thử nghiệm xác định thể lực của VĐV đội tuyển bóng chuyền”, Bản tin khoa học kỹ thuật TDTT, chuyên đề bóng chuyền, (7), Viện khoa học TDTT, Hà Nội, tr. 12.
Bùi Trọng Toại (1996), “Bước đầu xác định hệ thống test kiểm tra thể lực VĐV bóng chuyền nữ”, Tuyển tập nghiên cứu khoa học TDTT, trường Đại học TDTT II, tr. 77 - 80.
Nguyễn Toán (1998), Cơ sở lý luận và phương pháp đào tạo VĐV, Nxb TDTT, Hà Nội, tr. 255 - 278.
Nguyễn Toán, Phạm Danh Tốn (2000), Lý luận và phương pháp TDTT, Nxb TDTT, Hà Nội, tr. 128, 134-135, 416-438, 464-474, 492-542.
Phạm Danh Tốn (1991), Lý luận và phương pháp TDTT, Nxb TDTT, Hà Nội, tr 352 - 357.
Nguyễn Thế Truyền (1991), Lý luận và phương pháp huấn luyện thể thao trẻ, Nxb TDTT, Hà Nội, tr. 87 - 92.
Nguyễn Thế Truyền, Lê Quí Phượng, Nguyễn Kim Minh, Ngô Đức Nhuận, Nguyễn Thị Tuyết (1999), Xác định chuẩn mức đánh giá trình độ tập luyện của VĐV một số môn thể thao trọng điểm trong chương trình quốc gia về thể thao, Báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học, Viện khoa học TDTT, Hà Nội, tr. 7 - 9, 25 - 28.
Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Kim Minh, Trần Quốc Tuấn (2002), Tiêu chuẩn đánh giá trình độ tập luyện trong tuyển chọn và huấn luyện thể thao, Nxb TDTT, Hà Nội.
Lê Trí Trường (2012), “Xác định các tiêu chuẩn đánh giá và phương pháp phát triển sức bền chuyên môn của VĐV Bóng Chuyền Nữ cấp cao Việt Nam”, Luận án tiến sĩ Khoa học Giáo dục, Viện khoa học TDTT, Hà Nội.
Trương Anh Tuấn (1989), “Tố chất thể lực trong quá trình tuyển chọn và xác định năng khiếu VĐV trẻ”, Thông tin khoa học TDTT, (4), Viện khoa học TDTT, Hà Nội.
Đào Hữu Uyển (1986), “Mô hình đặc trưng về thể chất của VĐV bóng chuyền cấp cao Việt Nam”, Bản tin khoa học kỹ thuật TDTT, chuyên đề bóng chuyền, (5), Viện khoa học TDTT, Hà Nội, tr. 11.
Phạm Ngọc Viễn (1991), Tâm lý học TDTT, Nxb TDTT, Hà Nội, tr. 78 - 81, 103 - 105.
Phạm Ngọc Viễn, Lê Văn Xem, Mai Văn Muôn, Nguyễn Thanh Nữ (1991), Tâm lý học TDTT, Nxb TDTT, Hà Nội, tr. 82 - 86.
Voinaropska. B (1985), “Khả năng thể lực của các nữ thiếu niên tập luyện các môn thể thao khác nhau”, Thông tin khoa học kỹ thuật TDTT, (4), Viện khoa học TDTT, Hà Nội.
Phạm Thế Vượng (2008), Xác định tiêu chí đánh giá và giải pháp chuyên môn nhằm nâng cao trình độ kỹ thuật cơ bản ở hai năm đầu cho sinh viên chuyên sâu bóng chuyền, Luận án tiến sĩ Giáo dục học, Viện khoa học TDTT, Hà Nội.
Chen Hong Wu (1993), “Việc phát hiện các tài năng thể thao ở Trung Quốc”, Thông tin khoa học TDTT, (3), Viện khoa học TDTT, Hà Nội, tr. 20.
Xergei. E.A (1988), “Tuyển chọn vận động viên bóng chuyền nữ có triển vọng”, Bản tin khoa học TDTT (5), Viện khoa học TDTT, Hà Nội, tr.23.
Zhang R (1997), “Phương pháp tập luyện bóng chuyền”, Bản tin khoa học TDTT (4), Viện khoa học TDTT, Hà Nội, tr. 1-6.
2. Tài liệu tham khảo tiếng Nga.
И.С. Пальма. Л.Г. Эльгорт (1971), “Применение Метода корреляции в строительстве” - Москва, с. 116 - 134.
3. Tài liệu tham khảo tiếng Anh.
Athere (1993), “Dimensional cinemato graphical analysis of the volleyball Spike” Joannal of Sports sciences.
Coleman S, Benham A, Northcott S - “A three dimensional cinematogrephical analysis of the Volleyball spike” - Soeerual of sport Science № 11 - 1993, pp. 259 - 302.
Championship Volleyball Techniques and Dzills pabker, Publishing company, New York 1994.
Charles Hcardinal (1991), International Volleyball Tech.
Chen Huang Gin, Chang Liu, Tai Yen Sher (2001), “Kilematic analysis of the Volleyball back row jump spice” - Jounal of sport Science, (№ 9), pp. 33 - 37.
Dr Hort Baacke (1991), International Volleyball Tech.
Zhang Huan, Li Yijun (2001), “Kilematic analysis of jumping services performad by elite chinese and foreign men’s Voleyballer” - Sport Science Vol 22, (№ 2), pp. 45 - 49.
FIVB (2006), World Grand Champions Cup 2004 - 2006 Final report 2. FIVB: Vol1eybal1 World 2001 - 2005, pp. 18 - 23.
FIVB (2006) Vol1ey World N03 2006. 2. FIVB (2005) World Grand Pin 2005 Final report. 3. FIVB (2005) World Grand Champions Cup 2005 Final report, pp. 43 - 46.
Michael McKeever (2012), Volleyball, The British Volleyball Federation
Saltin, B., E. Nygaar, E. Henriksson, and P.Andersen (1977), “Fiber types and metabolic potetials of skeletal muscles in sedentary man and endurance runners”, Ann. NY Acad.Science, 301, pp. 3-29.
Sasho MacKenzie, Kyle Kortegaard, Marc LeVangie, and Brett Barro (2012), Evaluation of Two Methods of the Jump Float Serve in Volleyball, St. Francis Xavier University.
Scmi DT (1991), “Motor Learning and Performance Human Kinetics”, USA, 1991.
Simon Coleman, Erdinburgh, Scotland. UK.
Por Zhang Ran (1991), “In ternational Volley Tech”, August, 3/92.
Wilmore, J.H., Parr, R.B., Girandola,R.N., Ward,P., Vodak, P.A., Bastow, T.J.,Pipes, T.V., Romero, G.T and Leslie, P.(1979), “Physiololical alteraions consequence to circuit weight training”, Medicine and science in sports, 10, pp.79-84.
4. Tài liệu tham khảo tiếng Đức.
Autorenkollektiv (1974), Unterr Leitung von Günther Stiehler: Methodik des Sportunterrichts, Volk und Wissen Volkseigener Verlag Berlin, s. 1949 - 19F.
Teil C. (11.2005), Ausbildungs - und Püfungsrichtlinien für die sportpraktische Ausbildung für die Studiengänge: Diplom Sportwissuschaft.
Methodisch (12.2001), Didaktische Übungen in der Sportart, Volleyball in den Studiengänge Diplom.
Michaen Van Husen (2005), Belastungen der unteren Extremität im Handball und Volleyball, (Dissertation zur Naturwissenschaft) s. 46 - 48.
5. Tài liệu tham khảo tiếng Trung.
黄輔周。吕乾正(1991), 排球。北京体育学院出版社 北京, 页 7-14.
吴中量。李安格(1997), 排球。高等教育出版社 北京, 页 16 - 23
全国体育院校教材委员会(1999), 排球。人民体育出版社,页 6-26。