VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
TRỊNH LAN HƯƠNG
VẤN ĐỀ KHAI THÁC CHẤT LIỆU VĂN HỌC DÂN GIAN
TRONG SÁNG TÁC CA KHÚC VIỆT NAM
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC
Hà Nội, năm 2016
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
TRỊNH LAN HƯƠNG
VẤN ĐỀ KHAI THÁC CHẤT LIỆU VĂN HỌC DÂN GIAN
TRONG SÁNG TÁC CA KHÚC VIỆT NAM
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HÓA HỌC
MÃ SỐ: 62 31 06 40
HƯỚNG DẪN KHOA HỌC
GS. TS. NGUYỄN XUÂN KÍNH
Hà Nội, năm 2
230 trang |
Chia sẻ: huong20 | Ngày: 14/01/2022 | Lượt xem: 574 | Lượt tải: 1
Tóm tắt tài liệu Luận án Vấn đề khai thác chất liệu văn học dân gian trong sáng tác ca khúc Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
2016
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan, đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Nội dung và số
liệu trong luận án là hoàn toàn trung thực, trích dẫn đúng quy định. Nếu có điều gì
trái với lời cam đoan trên, tôi xin chịu trách nhiệm.
TÁC GIẢ LUẬN ÁN
Trịnh Lan Hương
MỤC LỤC
Trang
LỜI CAM ĐOAN
MỤC LỤC
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT VÀ KÝ HIỆU
DANH MỤC CÁC BẢNG
MỞ ĐẦU ................................................................................................................ .1
Chương 1: TỔNG QUAN VỀ TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ LUẬN...9
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu ....................................................................... ..9
1.2. Cơ sở lý luận ..... ............................................................................................... 16
Chương 2: MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC KHAI THÁC CHẤT LIỆU VĂN HỌC
DÂN GIAN TRONG SÁNG TÁC CA KHÚC VIỆT NAM ............................... 33
2.1. Vì chất lượng, hiệu quả nghệ thuật ................................................................... 33
2.2. Tự tôn dân tộc, phục vụ cuộc đấu tranh vì độc lập tự do, xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc ........................................................................................................ 40
2.3. Giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc trong âm nhạc Việt Nam theo chủ
trương, đường lối của Đảng .................................................................................... 56
Chương 3: THỰC TẾ VIỆC KHAI THÁC CHẤT LIỆU VĂN HỌC DÂN GIAN
TRONG SÁNG TÁC CA KHÚC VIỆT NAM ................................................... 66
3.1. Các phương thức khai thác ................................................................................ 66
3.2. Mức độ khai thác các thể loại văn học dân gian ............................................... 84
3.3. Xu hướng vận động, biến đổi của việc khai thác chất liệu văn học dân gian
trong sáng tác ca khúc Việt Nam ............................................................................ 89
Chương 4: NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN VIỆC KHAI THÁC
CHẤT LIỆU VĂN HỌC DÂN GIAN TRONG SÁNG TÁC CA KHÚC
VIỆT NAM HIỆN NAY ...................................................................................... 110
4.1. Sự lãnh đạo của Đảng, chính sách của nhà nước ............................................ 110
4.2. Chủ thể sáng tạo và biểu diễn ca khúc ............................................................ 114
4.3. Quá trình toàn cầu hóa và sự giao lưu, hội nhập quốc tế ................................ 116
4.4. Yếu tố kinh tế thị trường ................................................................................ 120
4.5. Quá trình đô thị hóa, sự biến đổi hệ giá trị văn hóa truyền thống ................. 122
4.6. Văn hóa đọc .................................................................................................... 129
4.7. Sự khiếm khuyết, bất cập trong công tác quản lý nhà nước về sáng tác,
biểu diễn, giáo dục đào tạo văn hóa nghệ thuật .................................................... 131
4.8. Hoạt động của các cơ quan thông tin, truyền thông ........................................ 133
KẾT LUẬN .......................................................................................................... 139
DANH MỤC CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ ............................... 142
TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................................................... 143
PHỤ LỤC ............................................................................................................. 161
BẢNG DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT VÀ KÝ HIỆU
I. CÁC CHỮ VIẾT TẮT
- CLVHDG: Chất liệu văn học dân gian
- CNXH: Chủ nghĩa xã hội
- CNH - HĐH: Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa
- GS: Giáo sư
- HN: Hà Nội
- KHXH: Khoa học xã hội
- KHXH và NV: Khoa học xã hội và nhân văn
- NCS: Nghiên cứu sinh
- NSND Nghệ sĩ nhân dân
- NSƯT:
- Nxb:
Nghệ sĩ ưu tú
Nhà xuất bản
- PGS Phó giáo sư
- tr: Trang
- TS: Tiến sĩ
- VHDG: Văn học dân gian
- VHNT: Văn hóa nghệ thuật
- VN: Việt Nam
- xb: Xuất bản
- XHCN: Xã hội chủ nghĩa
II. KÝ HIỆU
Trong luận án, những đoạn trích dẫn được rút từ các tài liệu tham khảo đều
được ghi xuất xứ. Con số thứ nhất là thứ tự tài liệu trích dẫn (như trong danh mục
Tài liệu tham khảo), sau dấu phẩy là các chữ số biểu thị trang của đoạn trích dẫn, tất
cả đều được ghi trong móc vuông.
Ví dụ: ký hiệu [111, tr.289] thể hiện xuất xứ của đoạn trích dẫn là ở trang 289
của tài liệu có số thứ tự 111 trong danh mục Tài liệu tham khảo.
DANH MỤC CÁC BẢNG
Bảng 3.1: Mức độ khai thác các thể loại văn học dân gian trong sáng tác ca
khúc Việt Nam ......................................................................................................... 85
Bảng 3.2: Mức độ sử dụng các phương thức khai thác chất liệu văn học dân
gian qua các thời kỳ ca khúc Việt Nam ................................................................. 89
Bảng 3.3: Mức độ khai thác chất liệu văn học dân gian theo các tính chất
chủ đề nội dung qua các thời kỳ ca khúc Việt Nam ........................................... 100
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Văn học (trong đó có văn học dân gian) và âm nhạc (trong đó có ca khúc) là
hai loại hình nghệ thuật chuyên biệt, mỗi loại hình có những đặc trưng riêng về chất
liệu để xây dựng hình tượng, về phương thức phản ánh đời sống song chúng tồn tại
và phát triển trong sự tương tác, ảnh hưởng sâu sắc lẫn nhau. Từ trước đến nay, việc
khai thác chất liệu văn học dân gian trong sáng tác ca khúc của các thế hệ nhạc sĩ
Việt Nam luôn là một thực tế sống động và phong phú, biểu hiện mối quan hệ
khăng khít giữa ngôn ngữ văn học và ca từ trong âm nhạc mới.
Mỗi ca khúc là một chỉnh thể, giai điệu và các yếu tố âm nhạc vốn được coi
là rất quan trọng nhưng không vì thế mà phần ca từ có thể xem nhẹ. Có những bài
hát, giai điệu dù rất đẹp nhưng cũng nhanh chóng bị lãng quên bởi người ta không
muốn nghe những lời ca tẻ nhạt, trống rỗng, tầm thường của nó. Bởi vậy, khi soạn
ca từ, các nhạc sĩ luôn phải dày công chọn lựa những từ ngữ trong vốn ngôn ngữ
của cộng đồng để chuốt ra những lời ca hay. Mỗi ca khúc đều chứa đựng những
“cái mã”, những tín hiệu nghệ thuật, thể hiện thế giới tâm hồn của người sáng tác;
sự đồng điệu cảm xúc, sự yêu thích của người thưởng thức đối với ca khúc chỉ có
được khi họ có thể “giải mã”, hiểu được những tầng vỉa ý nghĩa của những tín hiệu
nghệ thuật đó. Văn học dân gian là sự kết tinh cái hay cái đẹp của ngôn ngữ dân tộc,
kết tinh trí tuệ và tâm hồn con người Việt Nam qua các thời đại. Trong quá trình
sáng tác, các nhạc sĩ Việt Nam đã tìm về kho tàng văn học dân tộc, khai thác vốn
quý văn học dân gian, làm cho cái hay, cái đẹp của văn học dân gian hóa thân vào
ca từ, mang lại cho ca khúc những giá trị và sức sống bền lâu. Đó chính là việc đưa
những mã, những tín hiệu nghệ thuật ngôn từ dân gian đã từng được biết đến, đã trở
nên quen thuộc với nhiều người vào trong một tác phẩm mới. Vậy, dấu hiệu nào để
nhận biết được sự hiện diện của chất liệu văn học dân gian trong ca khúc? Có những
cách thức nào để chuyển hóa văn học dân gian thành ca từ? Các tác giả ca khúc khai
thác chất liệu văn học dân gian nhằm mục đích gì? Trong bối cảnh văn hóa xã hội nước
2
ta hiện nay, nhà lãnh đạo – quản lý, người sáng tác, công chúng thưởng thức âm nhạc
có quan điểm nhìn nhận như thế nào về việc văn học dân gian trở thành chất liệu nghệ
thuật của những tác phẩm âm nhạc?... Những câu hỏi cứ dần tăng lên đã khiến chúng
tôi có sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề khai thác chất liệu văn học dân gian trong sáng
tác ca khúc Việt Nam.
Bản sắc văn hóa Việt Nam hình thành, tồn tại và phát triển từ nền tảng văn hóa
dân gian mà trong đó có văn học dân gian. Giai đoạn hiện nay, trong bối cảnh toàn
cầu hóa, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một
trong những nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo của Đảng. Việc khai thác,
vận dụng vốn văn hóa dân gian phục vụ quá trình sáng tạo tác phẩm nghệ thuật đã
được đông đảo giới lãnh đạo, quản lý, sáng tác, nghiên cứu, công chúng âm nhạc
quan tâm. Tuy nhiên, khi bàn luận về ca khúc, giới nghiên cứu âm nhạc mới chỉ dành
sự quan tâm đặc biệt tới vấn đề khai thác chất liệu âm nhạc dân gian (thang âm, điệu
thức, tiết nhịp...), còn thiếu vắng những công trình nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề
khai thác chất liệu văn học dân gian, vấn đề ca từ trong ca khúc Việt Nam. Vì vậy,
đây là một đề tài mới, xứng đáng được nghiên cứu.
Chọn vấn đề khai thác chất liệu văn học dân gian trong sáng tác ca khúc Việt
Nam để nghiên cứu, chúng tôi cũng hướng tới việc đáp ứng yêu cầu thực tiễn đã trở
nên cấp thiết của đời sống âm nhạc nước ta hiện nay. Chất liệu văn học dân gian là
một yếu tố góp phần làm nên tính dân tộc, bản sắc dân tộc trong ca khúc Việt Nam.
Nhìn chung, âm nhạc Việt Nam hiện nay đã có nhiều yếu tố cập nhật, hội nhập với
đời sống âm nhạc đương đại của thế giới. Tuy nhiên, đối với một số người sáng tác
- nhất là những người viết trẻ, việc cho ra đời những ca khúc mới có ca từ vừa phù
hợp với thẩm mỹ thời đại lại vừa mang đậm bản sắc dân tộc thực sự là một thử
thách không dễ vượt qua. Trong những tác phẩm của họ, số lượng ca khúc có ca từ
sử dụng chất liệu văn học dân gian còn ít và khai thác chưa hiệu quả. Vì vậy, nếu
không nghiên cứu để thấy rõ tác dụng và ý nghĩa của chất liệu văn học dân gian, sự
phong phú và đa dạng của các phương thức khai thác... thì việc khai thác chất liệu
văn học dân gian trong sáng tác ca khúc sẽ có nguy cơ bị mai một và một trong
3
những lối đi dẫn tới tính dân tộc, bản sắc dân tộc cho ca khúc có thể sẽ không được
coi trọng, thậm chí bị lãng quên.
Vấn đề khai thác chất liệu văn học dân gian trong sáng tác ca khúc Việt Nam
càng trở nên cấp thiết hơn khi những năm gần đây (đặc biệt là từ tháng 7/2011), các
phương tiện thông tin đại chúng nhiều lần đề cập tới một tình trạng đáng báo động.
Không ít ca khúc bị coi là “thảm họa” khi ca từ không phù hợp với thẩm mỹ dân tộc,
lai – căng nước ngoài, lời ca thô mộc, tầm thường. Nhiều nhạc sĩ, nhà quản lý, nhà
báo và công chúng yêu nhạc đã bày tỏ sự lo ngại về chất lượng nghệ thuật của những
ca khúc trẻ mà ca từ của nó vẫn giữ nguyên cái vẻ thô nhám, bụi bặm, suồng sã của
thứ ngôn ngữ thường gặp ở nơi lộn xộn, bát nháo... Trong những ca khúc đó, cái ranh
giới của ngôn từ nghệ thuật với ngôn ngữ của đời thường đã bị xóa nhòa, ca từ chỉ
còn là những lời nói đơn điệu, có khi cợt nhảm, phi thẩm mỹ gây nên sự phản cảm,
lệch lạc về thị hiếu thẩm mỹ, tác động tiêu cực tới việc xây dựng nhân cách đạo đức,
lối sống của giới trẻ. Để ca từ không còn là vấn đề “thảm họa”, “đáng báo động”, để
ca khúc của người trẻ viết cho giới trẻ không xa rời mục đích thỏa mãn nhu cầu
thưởng thức cái đẹp, nâng cao sự hiểu biết và thanh lọc tâm hồn cho con người thì
việc phê phán, cảnh báo là chưa đủ; cần phải định hướng cho những người sáng tác
ca khúc (đặc biệt là những người trẻ mới vào nghề) bằng việc gợi ý thêm một hướng
đi với những cách thức có hiệu quả để vận dụng vào quá trình sáng tác, góp phần
nâng cao chất lượng nghệ thuật của ca từ nói riêng và của ca khúc nói chung. Chúng
tôi hy vọng, đề tài luận án kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn nói trên.
Là một giảng viên giảng dạy Ngữ văn trong nhà trường quân đội thuộc khối
văn hóa nghệ thuật, từng học và biểu diễn chuyên ngành Thanh nhạc, bản thân tôi
nhận thấy rất rõ sức sống và vai trò của văn học (trong đó có văn học dân gian) đối
với các loại hình nghệ thuật khác (trong đó có ca khúc âm nhạc). Thiết nghĩ, nếu
giải quyết tốt những vấn đề đặt ra, đề tài chắc chắn sẽ có tác động tích cực đối với
việc giảng dạy của bản thân cũng như việc học tập của sinh viên - nhất là chuyên
ngành Sáng tác âm nhạc. Vì vậy, đối với tôi, nghiên cứu đề tài này không đơn thuần
là một nhiệm vụ khoa học cần phải hoàn thành mà đó thực sự là một nhu cầu tự
thân với nhiều hứng thú, say mê.
4
2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích
Thông qua việc phân tích, luận giải về tính chủ động của người sáng tác ca
khúc khi khai thác chất liệu văn học dân gian (CLVHDG) kết hợp với việc nhận
diện quá trình khai thác CLVHDG trong sự vận động của đời sống xã hội (lịch sử,
chính trị, văn hóa...), luận án trình bày những kiến giải về mối quan hệ giữa thành tố
văn học và âm nhạc trong bối cảnh nền văn hóa VN hiện nay nhằm làm sáng tỏ
những luận điểm khoa học có tính định hướng đối với chủ thể sáng tạo nghệ thuật
về việc khai thác CLVHDG trong quá trình sáng tác.
2.2. Nhiệm vụ
Để đạt được mục đích trên, luận án giải quyết các nhiệm vụ sau:
- Trình bày tổng quan tình hình nghiên cứu theo các nhóm vấn đề; đánh giá mức
độ thành công cũng như những khoảng trống mà người đi trước chưa đề cập đến.
- Giới thuyết các khái niệm cơ bản (“ca khúc”, “ca từ”, “bản sắc dân tộc”), trình
bày quan niệm về khai thác CLVHDG; vận dụng lý thuyết hệ thống, lý thuyết diễn
ngôn, lý thuyết hành động xã hội trong quá trình nghiên cứu.
- Nghiên cứu mục đích của người sáng tác ca khúc khi khai thác CLVHDG.
- Trình bày quá trình khai thác CLVHDG trong sáng tác ca khúc VN từ trước
Cách mạng tháng Tám đến nay, nhận diện các phương thức khai thác, mức độ khai
thác và xu hướng vận động của việc khai thác CLVHDG qua diễn trình lịch sử.
- Phân tích các yếu tố tác động đến việc khai thác CLVHDG trong sáng tác ca
khúc VN hiện nay.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Việc khai thác CLVHDG trong sáng tác ca khúc VN.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Về chủ thể sáng tác: phạm vi nghiên cứu là các tác giả ca khúc VN. Việc
phỏng vấn được tiến hành đối với 14 nhạc sĩ tiêu biểu cho các thành phần lứa tuổi,
phong cách âm nhạc, tính chất công việc (nhạc sĩ làm lãnh đạo - quản lý, nhạc sĩ tự
5
do, nhạc sĩ quân đội...); phần lớn trong số 14 nhạc sĩ này là những người nổi tiếng,
có nhiều thành công với những ca khúc mang phong cách dân gian [Phụ lục 02,
tr.168].
Về tư liệu ca khúc: phạm vi nghiên cứu là ca khúc VN từ thời kỳ Tân nhạc
(1930) cho đến nay. Căn cứ vào những dấu hiệu nhận biết CLVHDG [Phụ lục 03,
tr.170], chúng tôi đề xuất một danh sách gồm 274 ca khúc có khai thác CLVHDG;
từ kiến bình chọn của các chuyên gia (ca sĩ, nghệ sĩ - giảng viên thanh nhạc) chọn ra
150 ca khúc tiêu biểu để tiến hành khảo sát - thống kê [Phụ lục 01, tr.162], [Phụ lục
04, tr.174].
Do tính chất phức hợp của đề tài nên trong quá trình khảo sát - thống kê, các
tác phẩm VHDG in trong Tổng tập văn học dân gian người Việt (Viện Nghiên cứu
văn hóa dân gian, Nxb KHXH, 19 tập, 2002 - 2006) được dùng để so sánh, đối chiếu.
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
4.1. Phương pháp luận
Trong quá trình nghiên cứu, tác giả luận án luôn quán triệt nguyên lý của chủ
nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử: sự vật luôn vận động và thường
xuyên có mối liên hệ với các sự vật khác; việc nhận xét, đánh giá bất kỳ sự việc, hiện
tượng nào cũng phải chú ý đến những điều kiện lịch sử cụ thể. Khi xử lý vấn đề về văn
học nghệ thuật, chúng tôi cũng luôn thấm nhuần một yêu cầu có tính nguyên tắc của
Đảng Cộng sản VN là kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống kết hợp với việc tiếp thu
tinh hoa văn hóa của nhân loại.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
4.2.1. Phương pháp nghiên cứu liên ngành
Đối với một vấn đề nằm ở vị trí “giáp ranh” giữa văn học và âm nhạc, NCS
sử dụng phương pháp liên ngành - kết hợp phương pháp nghiên cứu của nhiều
ngành liên quan: tiếp cận đối tượng nghiên cứu từ góc độ văn học để tìm hiểu tình
hình, mức độ khai thác các thể loại VHDG; từ góc độ âm nhạc học để phân tích các
phương thức khai thác CLVHDG; từ góc độ văn hóa học để lý giải mục đích của
việc khai thác CLVHDG, chiều hướng vận động, biến đổi của việc khai thác
6
CLVHDG trong tiến trình phát triển nền ca khúc VN và tìm hiểu những yếu tố liên
quan, tác động đến việc khai thác CLVHDG giai đoạn hiện nay.
4.2.2. Các phương pháp cụ thể
- Phương pháp nghiên cứu tài liệu. Qua việc tập hợp và nghiên cứu các văn
bản tài liệu liên quan gồm tác phẩm VHDG, tác phẩm âm nhạc, sách, báo, công
trình nghiên cứu (với các thao tác: phân tích, tổng hợp, khảo sát - thống kê, so
sánh...), NCS kế thừa và vận dụng kết quả những công trình trước đây, đồng thời
phát hiện, khái quát hóa thành những luận điểm, nhận định riêng. Trong đó, việc
khảo sát - thống kê được chú trọng sử dụng để nghiên cứu mức độ và các phương
thức khai thác CLVHDG, bởi các con số thu được từ thao tác có tính định lượng
này có nhiều ý nghĩa.
- Phương pháp điều tra xã hội học: sử dụng kết hợp việc dùng bảng hỏi
(phiếu điều tra) và phỏng vấn sâu.
+ Bảng hỏi (phiếu điều tra): dùng bảng hỏi để thu nhận ý kiến bình chọn ca
khúc của các ca sĩ, nghệ sĩ - giảng viên thanh nhạc, từ đó xác định phạm vi ca khúc
nghiên cứu [Phụ lục 09, tr.207].
+ Phỏng vấn sâu: tiếp cận phỏng vấn 14 nhạc sĩ sáng tác thuộc phạm vi
nghiên cứu của đề tài luận án để lý giải một số khía cạnh liên quan của vấn đề khai
thác CLVHDG trong sáng tác ca khúc VN bằng “cái nhìn của người trong cuộc”.
Đây là phương pháp định tính quan trọng, khi sử dụng kết hợp với kết quả khảo sát
- thống kê và bảng hỏi sẽ có thể đi đến những kết luận, nhận định khả dĩ thuyết
phục trong nghiên cứu.
- Phương pháp xin ý kiến chuyên gia. Trong quá trình thực hiện luận án,
NCS đã gặp gỡ 5 nhà quản lý về VHNT và 4 nhà khoa học am hiểu về các lĩnh vực
liên quan đến đề tài. Có khi, sau một buổi làm việc, ý kiến của họ gợi mở thêm ý
tưởng mới hoặc ý kiến phản biện, giúp bổ sung và hoàn thiện luận án.
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
Luận án nghiên cứu làm sáng tỏ những nội dung khoa học và giá trị khoa học
của vấn đề khai thác CLVHDG trong sáng tác ca khúc VN. Cụ thể như sau:
7
Qua việc giới thuyết các khái niệm, trình bày quan niệm về “khai thác
CLVHDG” và “bản sắc dân tộc”, tác giả luận án đóng góp ý kiến bàn luận, trao đổi
dưới góc độ lý luận, góp tiếng nói vào đời sống học thuật hiện nay về vấn đề bản
sắc dân tộc nói riêng và vấn đề văn hóa xã hội nói chung.
Khi nghiên cứu mục đích khai thác CLVHDG, luận án góp phần lý giải điều
gì đã thôi thúc những chủ thể sáng tạo nghệ thuật sử dụng CLVHDG một cách có chủ
ý, tự giác. Đây là lần đầu tiên vấn đề này được xem xét từ góc độ chủ thể sáng tạo.
Với việc nhận diện các phương thức khai thác, nghiên cứu mức độ khai thác
các thể loại VHDG, xu hướng vận động, biến đổi về phương thức khai thác và về
nội dung chủ đề CLVHDG qua các thời kỳ lịch sử ca khúc..., luận án đi đến những
nhận xét, nhận định khái quát, làm căn cứ ban đầu cho những nghiên cứu tiếp theo
về từng tác giả, tác phẩm cụ thể nhìn từ vấn đề này.
Ngoài ra, luận án còn đánh giá những tác động (thuận chiều và nghịch chiều)
của các yếu tố trong đời sống xã hội đối với việc khai thác CLVHDG. Các nội dung
trên được giải quyết sẽ là những đóng góp khoa học trong nghiên cứu về mối quan
hệ giữa các thành tố trong chỉnh thể nền văn hóa VN hiện nay.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
Về mặt lý luận, kết quả nghiên cứu của luận án góp phần khẳng định tính
đúng đắn của những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật
lịch sử, tính đúng đắn của đường lối văn hóa - văn nghệ của Đảng Cộng sản VN.
Luận án cũng cho thấy: việc các nhạc sĩ khai thác CLVHDG trong quá trình sáng
tác ca khúc là phong phú, gợi mở nhiều vấn đề về lý luận và học thuật. Đi theo
hướng này, các nhạc sĩ chẳng những đóng góp thiết thực vào đời sống văn hóa - văn
nghệ nước nhà mà còn là dịp để bộc lộ tài năng cá nhân, sự sáng tạo độc đáo. Qua
nghiên cứu, luận án cũng góp phần làm rõ mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng,
khẳng định giá trị của văn hóa truyền thống, góp thêm tiếng nói bảo vệ quan điểm,
đường lối văn hóa - văn nghệ của Đảng Cộng sản VN.
Về ý nghĩa thực tiễn, luận án là tài liệu tham khảo để các nhà quản lý VHNT
hoạch định những chính sách, giải pháp phù hợp và hiệu quả đối với hoạt động sáng
tác và biểu diễn ca khúc.
8
Kết quả nghiên cứu còn có thể làm tài liệu tham khảo phục vụ công tác
nghiên cứu, giảng dạy, học tập các chuyên ngành nghệ thuật ở các trường thuộc
khối VHNT và áp dụng vào thực tiễn của người sáng tác ca khúc. Điều này có ý
nghĩa thiết thực đối với việc nâng cao chất lượng đào tạo, tác động tích cực đến sự
phát triển đúng hướng, lành mạnh của nền ca khúc âm nhạc VN trong hiện tại và
tương lai.
Nghiên cứu vấn đề khai thác CLVHDG trong sáng tác ca khúc VN góp phần
định hướng, nâng cao nhận thức của người sáng tác ca khúc và công chúng âm nhạc
về vai trò và sức mạnh của VHDG đối với nghệ thuật đương đại, hiện thực hóa chủ
trương, đường lối của Đảng về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân
tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
7. Cơ cấu của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận án gồm 4 chương:
- Chương 1: Tổng quan về tình hình nghiên cứu và cơ sở lý luận
- Chương 2: Mục đích của việc khai thác CLVHDG trong sáng tác ca khúc VN
- Chương 3: Thực tế việc khai thác CLVHDG trong sáng tác ca khúc VN
- Chương 4: Những yếu tố tác động đến việc khai thác CLVHDG trong sáng tác
ca khúc VN hiện nay
9
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ LUẬN
1.1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
Giới nghiên cứu phê bình âm nhạc VN đã sớm quan tâm tìm hiểu về thể loại
ca khúc từ nhiều góc độ khác nhau, trong đó có vấn đề khai thác, vận dụng vốn quý
cổ truyền của dân tộc. Số lượng bài viết, công trình nghiên cứu về vấn đề trên khá
dồi dào: Mấy ý kiến về vấn đề nghiên cứu dân ca và vận dụng dân ca vào sáng tác
(1962) của Lê Lôi, Xung quanh vấn đề vận dụng dân ca miền Trung vào một số sáng
tác mới (1966) của Đào Việt Hưng; các bài viết của Nguyễn Viêm: Dùng chất liệu
âm nhạc cổ truyền dân tộc cho tác phẩm mới (1979), Ứng dụng chất liệu dân ca
Bình Trị Thiên vào tác phẩm mới (1979), Âm nhạc dân gian với tác phẩm chuyên
nghiệp (1982); luận văn Đại học chuyên ngành Lý luận âm nhạc của Biện Thị Lộc,
Nhạc viện HN: Tìm hiểu việc sử dụng chất liệu hát ví và giặm Nghệ - Tĩnh trong một
số ca khúc mới Việt Nam (1985); luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn hóa học của
Trần Bảo Lân, Viện Nghiên cứu văn hóa: Những yếu tố dân gian trong ca khúc Việt
Nam thời đổi mới (2007); luận văn Đại học chuyên ngành Lý luận âm nhạc của Tạ
Xuân Sơn, Nhạc viện HN: Nhạc sĩ An Thuyên và một số ca khúc mang phong cách
dân gian (2007); luận văn Đại học chuyên ngành Lý luận âm nhạc của Đỗ Trọng
Thi, Nhạc viện HN: Phương pháp vận dụng chất liệu âm nhạc truyền thống trong
một số ca khúc Việt Nam đương đại mang âm hưởng dân gian (2008); Luận án Tiến
sĩ chuyên ngành Văn hóa dân gian, Học viện KHXH của Trần Bảo Lân: Bản sắc dân
tộc trong ca khúc mới Việt Nam (2013)...
Ca khúc là một thể loại âm nhạc được tạo thành bởi hai thành phần cốt yếu:
nhạc và lời cho nên nói đến việc khai thác, vận dụng chất liệu dân gian trong sáng
tác ca khúc là phải xem xét việc khai thác, vận dụng chất liệu âm nhạc dân gian và
CLVHDG (bộ phận tinh túy của ngôn ngữ dân gian). Tuy nhiên, các nghiên cứu nêu
trên mới chỉ tập trung vào vấn đề chất liệu âm nhạc dân gian (thang âm, điệu thức,
âm hình, tiết tấu...) mà chưa nhìn nhận sâu về vấn đề CLVHDG và ca từ. Có thể
10
nói, sự quan tâm thiên lệch - “nặng” về nhạc, “nhẹ” về lời (ca từ) là thực trạng bức
tranh nghiên cứu về ca khúc VN bấy lâu nay. Tình hình trên xuất phát từ quan điểm
cho rằng vấn đề ca từ nằm ở đường giáp ranh giữa hai loại hình: nghệ thuật ngôn từ và
nghệ thuật âm nhạc, nơi mà mà cả hai ngành khoa học là văn học và âm nhạc học đều
tuyên bố rằng mình không có thẩm quyền [1, tr.15]. Số lượng bài viết, công trình
nghiên cứu có đề cập đến vấn đề ca từ, vấn đề khai thác CLVHDG trong sáng tác ca
khúc VN cũng cho thấy điều đó.
1.1.1. Điểm luận tài liệu
1.1.1.1. Những nghiên cứu đề cập đến vấn đề khai thác chất liệu văn học dân gian
trong sáng tác ca khúc Việt Nam - nhìn từ góc độ thể loại văn học
Tuy không đặt thành một vấn đề độc lập để nghiên cứu nhưng trong một
chừng mực nhất định, các tác giả đã đề cập tới việc khai thác các thể loại VHDG
trong sáng tác ca khúc VN. Các nhận định khá thống nhất: trong quá trình sáng tác
ca khúc VN, nhiều nhạc sĩ đã tìm về kho tàng VHDG của dân tộc, vận dụng ngôn từ
nghệ thuật ở các thể loại VHDG. Một số ý kiến tiêu biểu như sau:
Tác giả Tạ Xuân Sơn khi nghiên cứu đề tài Nhạc sĩ An Thuyên và một số ca
khúc mang phong cách dân gian đã viết: “Lời ca trong các ca khúc thường thấm
đượm ca dao, tục ngữ dân gian” [122, tr.52]. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những nhận
định khái quát, tác giả chưa khảo sát cụ thể về vấn đề này.
Trong luận văn thạc sĩ của Trần Bảo Lân Những yếu tố dân gian trong ca
khúc Việt Nam thời đổi mới (1986 - 2007), những yếu tố dân gian được nghiên cứu
gồm: thang âm - điệu thức, âm điệu, tiết tấu, thủ pháp ca từ, lối cấu trúc đan xen
giữa kiểu nhạc có tiết nhịp và không tiết nhịp, yếu tố dân gian trong phần đệm, phần
biểu diễn. Khi tiến hành khảo sát khá toàn diện các yếu tố đó, tác giả đã đề cập đến
một số thể loại VHDG được dùng làm chất liệu để sáng tác ca khúc và đi đến nhận
định: “Ca khúc thời đổi mới tiếp tục khai thác những hình tượng văn học dân gian
từ nhiều nguồn khác nhau như: ca dao, tục ngữ, dân ca, các tích truyện dân gian...”
[79, tr.56].
11
Vấn đề này còn tiếp tục được Trần Bảo Lân đề cập tới trong luận án Văn hóa
dân gian Bản sắc dân tộc trong ca khúc mới Việt Nam. Tác giả khẳng định: trong
giai đoạn ca khúc VN thời đổi mới, các yếu tố dân gian tiếp tục được khai thác từ
nhiều góc độ, từ đời sống dân gian của người dân, từ ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích,
truyền thuyết... và được sử dụng với mức độ gia tăng so với ca khúc VN trước thời
đổi mới [80].
Có thể thấy, trong những công trình, bài viết nêu trên, vấn đề các thể loại
VHDG và sự tham gia của chúng vào quá trình sáng tác ca khúc mới chỉ được điểm
qua một cách khái lược. Tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, trong bài viết Bước đầu
tìm hiểu việc khai thác chất liệu văn học dân gian trong sáng tác ca khúc Việt Nam,
chúng tôi đã dành một phần nội dung để trình bày về tình hình khai thác chất liệu
VHDG nhìn từ góc độ thể loại. Trên thực tế, các thể loại VHDG được khai thác,
vận dụng với mức độ không như nhau. Qua khảo sát ca khúc của Nguyễn Xuân
Khoát, Phó Đức Phương, An Thuyên, Trần Tiến, Lê Minh Sơn, kết luận được rút ra
là: trong các thể loại VHDG, thể loại ca dao (thuộc phương thức trữ tình) được khai
thác, vận dụng nhiều nhất; kế đến là tục ngữ (thuộc phương thức luận lý); thể loại
truyện dân gian (thuộc phương thức tự sự) ít khi được khai thác; các kịch bản chèo,
tuồng, múa rối... (thuộc phương thức kịch sân khấu dân gian) rất ít được khai thác,
vận dụng [60, tr.49].
Năm 2012, trong cuốn sách Sức sống của văn học dân gian trong ca khúc
Việt Nam (Trịnh Lan Hương chủ biên), vấn đề này đã được tìm hiểu ở phạm vi bao
quát hơn. Trên phương diện lý thuyết, ngôn từ ở tất cả các thể loại VHDG đều có
thể trở thành chất liệu để sáng tác. Tuy nhiên, thể loại nào có sự tương đồng, phù
hợp, gần gũi với ca từ hơn thì sẽ được người sáng tác ca khúc vận dụng nhiều hơn.
Từ đó, tác giả đã tiến hành khảo sát thực tế, đánh giá mức độ khai thác của một số
nhạc sĩ VN đối với từng thể loại VHDG, xác định thể loại nào được khai thác, vận
dụng nhiều nhất và bước đầu lý giải vì sao trên thực tế, các thể loại văn học VHDG
lại được khai thác ở mức độ nhiều, ít như vậy [59, tr.38 - 60].
12
1.1.1.2. Những nghiên cứu đề cập đến phương thức khai thác chất liệu văn học
dân gian trong sáng tác ca khúc Việt Nam
Trong một số công trình, bài viết giới thiệu chân dung nhạc sĩ, nghiên cứu các
giai đoạn ca khúc, các phong cách âm nhạc, các dòng nhạc và tác giả, tác phẩm âm
nhạc VN, các tác giả Nguyễn Thị Minh Châu, Văn Chung, Nguyễn Thụy Kha, Tú
Ngọc, Nguyễn Thị Nhung, Bùi Đình Thảo, Nguyễn Viêm... ít nhiều đều đã nói đến
việc chuyển hóa VHDG vào ca khúc bằng những cách thức, phương pháp nhất định.
Tác giả Nguyễn Thụy Kha, khi phát biểu cảm nhận và sự yêu thích của mình
đối với ca khúc Hồ trên núi của nhạc sĩ Phó Đức Phương đã nhấn mạnh đến nét ca
dao “non xanh nước biếc” [63, tr.165]. Tác giả Nguyễn Thị Nhung, khi bàn về tính
kế thừa truyền thống cũng đề cập tới việc học tập “cách phổ thơ” trong dân ca [112,
tr.1017]. Có chung quan niệm đó, nhạc sĩ Bùi Đình Thảo khẳng định: “Trong sáng
tác bài hát, phổ thơ là một cách làm rất dân tộc và kế thừa một truyền thống tốt đẹp”
[124, tr.1037]. Chi tiết hơn, từ kinh nghiệm của bản thân, nhạc sĩ Văn Chung nói
đến một số kỹ thuật, thủ pháp phổ thơ: nhắc lại, thêm câu thêm từ, hoặc đảo câu đảo
từ để phát triển, biến hóa, mở rộng bài ca dao [20, tr.72].
Liên quan đến vấn đề này, đáng chú ý là ý kiến của Nguyễn Viêm, Nguyễn
Thị Minh Châu về ca khúc của nhạc sĩ Văn Chung. Nguyễn Viêm viết:
(...) trong bài Gái thôn Đoài trai thôn Thượng: Lời ca duyên dáng, tình
tứ mở đầu bài hát: “Mình về có nhớ ta chăng”... cho người nghe liên tưởng
đến điệu cò lả quen thuộc vốn khó quên được lời ca: “Mình về có nhớ ta
chăng/ Ta về ta nhớ hàm răng mình cười” [146, tr.646].
Nguyễn Thị Minh Châu nhận xét:
Lời ca của Văn Chung rất tự nhiên và mang nhiều nét “mộc” của dân
gian. Ông có cái duyên riêng trong cách diễn tả theo lối dân dã (...) Những câu
ca dao “nguyên chất” - như “Trâu ơi ta bảo trâu này”, “Mình về có nhớ ta
chăng? - hay “pha chất” ca dao với những hình ảnh thôn dã cây đa giếng nước
mái đình đã được phổ nhạc với khá nhiều “gợi ý” của các cụ ta xưa [17, tr.53]...”, bị áp đặt văn hóa bởi những nước lớn.
Tuyên ngôn toàn cầu của UNESCO về đa dạng văn hóa ra đời (năm 2001) đã làm
bùng lên trào lưu bảo vệ sự đa dạng của bản sắc các dân tộc trên thế giới. Xuất
phát từ quan điểm cho rằng sự hồi sinh của văn hóa dân tộc, ý thức tìm về cội
nguồn là cách khẳng định vị thế dân tộc mình, chống lại sự đồng nhất văn hóa, bá
quyền văn hóa, nhiều quốc gia đã có những chiến lược phát triển văn hóa mà tinh
thần cốt yếu là dựa vào bản sắc văn hóa dân tộc, ý thức hệ truyền thống, tín
ngưỡng tôn giáo của dân tộc mình. Một số nước đã coi việc giữ gìn bản sắc dân
tộc, bản sắc văn hóa dân tộc “là một hình thức an ninh chiến lược liên quan trực
tiếp đến sự tồn vong của dân tộc và họ đã đẩy văn hóa lên thành thứ quyền lực
mềm của chính trị quốc tế, làm nảy sinh ý thức về chủ quyền văn hóa; coi bảo vệ
văn hóa cũng tức là bảo vệ chủ quyền quốc gia” [125, tr.19].
27
Ở VN, từ xa xưa - trước khi xuất hiện các khái niệm, thuật ngữ “bản sắc
dân tộc”, “bản sắc văn hóa dân tộc”, cha ông ta đã có ý thức phân biệt mình với
Trung Quốc, mặc dù người xưa học tập Trung Quốc rất nhiều. Bên cạnh việc thừa
nhận có những tương đồng nhất định với Trung Quốc nhưng người xưa vẫn
thường chỉ ra những điểm khác biệt:
Thời phong kiến, một vị vua Trần đã từng nói: Tổ tông chúng ta đã có pháp
độ riêng, cớ sao bọn thư sinh mặt trắng cứ phải học theo Trung Quốc? Một vị vua
Trần khác (Trần Dụ Tông) đã so sánh việc Kiến Thành bị giết, Trần Liễu được
sống dưới hai triều vua đều có miếu hiệu Thái Tông rằng: “Miếu hiệu tuy đồng
đức bất đồng” [156, tr.42]. Vào cuối thế kỷ XIV, một nhà nho hay chữ nước ta đã
viết một bài minh, trong đó phân biệt vạc nhà Chu với vạc đất Việt rồi kết luận: họ
dễ đổi thay còn ta thường vui vẻ [90, tr.35]. Đỉnh cao của ý thức phân biệt giữa ta
và họ thể hiện trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Theo đó, so với nước
láng giềng Trung Quốc, nước ta cũng có truyền thống lịch sử, văn hiến đáng tự
hào của mình. Chính nhận thức được bản sắc riêng và ý chí độc lập tự cường, dân
tộc ta đã lập nên những chiến công vang dội chống giặc ngoại xâm phương Bắc.
Ở thời kỳ Pháp thuộc, trong những lời các sĩ phu yêu nước hiệu triệu nhân
dân ta đứng lên chống giặc ngoại xâm, trong những lời kêu gọi của Đảng Cộng
sản VN đều nhắc đến truyền thống lịch sử, văn hóa của VN. Năm 1922, trong một
bài diễn thuyết ở Pháp, Phạm Quỳnh (người mà cho đến nay chưa được một tác
giả nào trong nước gọi là sĩ phu yêu nước) cũng đã nói rằng, nền văn hóa VN
không phải là một tờ giấy trắng. Đó là một cuốn sách cổ chứa đầy những dòng chữ
được viết bằng một thứ mực không thể tẩy xóa được hoàn toàn và người ta không
thể tự do muốn viết gì vào đấy thì viết [119, tr.405 - 406]. Theo ông, ngôn ngữ và
văn học nghệ thuật chính là sức sống của một dân tộc: “Truyện Kiều còn thì tiếng
ta còn, tiếng ta còn thì nước ta còn”.
Từ những năm 80 của thế kỷ trước đến nay, các tác giả VN bàn luận nhiều
về bản sắc dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc. Trước đó, các cụm từ, thuật ngữ “tính
chất dân tộc”, “tính dân tộc”, “tính cách dân tộc”, “hồn dân tộc” được sử dụng
28
trong văn kiện chính trị của Đảng, trong các công trình, bài viết mang tính học
thuật và cả trong giao tiếp hằng ngày của xã hội. Suy xét kỹ có thể nhận thấy, mặc
dù trong thời kỳ này, thuật ngữ “bản sắc dân tộc” chưa xuất hiện nhưng những
cụm từ, thuật ngữ nói trên thường được sử dụng với nội hàm ý nghĩa gần gũi,
tương đương:
Trong Đề cương văn hóa (1943), Đảng ta đã xác định rõ tính chất của nền
văn hóa mới: “Văn hóa mới Việt Nam là một thứ văn hóa có tính chất dân tộc về
hình thức và tân dân chủ về nội dung” [7, tr.32].
Năm 1960, cụm từ “tính chất dân tộc về hình thức” trong diễn ngôn trước đó
được đổi thành “tính chất dân tộc” khi xác định đặc điểm của nền văn nghệ mới:
“Phát triển nền văn nghệ mới với nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc.”
[7, tr.153].
Năm 1977, Chỉ thị số 08 – CT/TW của Ban chấp hành Trung ương Về công
tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn cả nước tiên lên chủ nghĩa xã hội nêu rõ:
Cần quán triệt những quan điểm cơ bản trong Nghị quyết của Đại hội
Đảng: (...) xây dựng nền văn hóa mới có nội dung XHCN và tính chất dân
tộc, nền văn hóa có tính Đảng và tính nhân dân sâu sắc [7, tr.276].
Năm 1982, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (1982) tiếp tục xác định
nhiệm vụ:
Xây dựng con người mới, xây dựng nền văn hoá mới (...). Nền văn
hoá mới là nền văn hoá có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc, có
tính đảng và tính nhân dân sâu sắc, thấm nhuần chủ nghĩa yêu nước và chủ
nghĩa quốc tế vô sản [7, tr.352].
Năm 1986, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI khẳng định: “tiếp tục
phát triển và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật, xây dựng
một nền văn hóa, văn nghệ xã hội chủ nghĩa đậm đà bản sắc dân tộc” [32, tr.222].
Từ năm 1986 đến nay, cụm từ “bản sắc dân tộc” tiếp tục xuất hiện trong
Cương lĩnh chính trị (1991), trong văn kiện Đại hội VIII (1996), trong Nghị quyết
Trung ương 5 khóa VIII (1998) Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam
tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong Văn kiện Đại hội X (2006) và Văn kiện Đại
29
hội XI (2011): Xây dựng nền văn hóa VN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vừa kế
thừa, phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc VN
vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của
xã hội [14], [135], [179].
Như vậy, trong văn kiện của Đảng, cụm từ “bản sắc dân tộc” được chính thức
ghi nhận từ năm 1986. Từ đó, trên các diễn đàn chính trị, học thuật, lý luận phê bình
và trong ngôn ngữ đời sống thường nhật, thuật ngữ “bản sắc dân tộc”, “bản sắc văn
hóa dân tộc” ngày càng được sử dụng rộng rãi; các từ ngữ, thuật ngữ “tính chất dân
tộc”, “tính dân tộc”, “nét riêng của dân tộc”, “diện mạo đặc sắc của dân tộc”... không
mất đi song ít được sử dụng so với trước.
+ Quan niệm về bản sắc dân tộc
Ở nước ngoài, “bản sắc dân tộc”, “bản sắc văn hóa” được quan niệm và thể
hiện bằng những diễn giải khác nhau. Nội dung của nó ngày càng trở nên phong
phú, đa nghĩa. Tuy nhiên, tựu trung lại có hai góc độ tiếp cận là “bản thể luận” và
“kiến tạo luận”. Những người theo cách tiếp cận truyền thống - “bản thể luận” cho
rằng bản sắc dân tộc là một thực thể khách quan, tự thân (bản sắc văn hóa được hiểu
tương tự với “bản chất” về cái tôi/căn tính), tồn tại ở trạng thái tĩnh, ít biến đổi còn
những người tiếp cận theo góc độ “kiến tạo luận” lại cho rằng bản sắc dân tộc là do
cái chủ quan của nhà nghiên cứu, nhà chính trị... kiến tạo ra; nó “chỉ là một mô tả
trong ngôn ngữ (diễn ngôn) và vì vậy, bản sắc dân tộc nói chung (bản sắc văn hóa)
nói riêng không có tính cố định, tĩnh tại - “đa dạng” và hay thay đổi. Điều đáng
quan tâm, từ góc độ “kiến tạo luận” đã làm xuất hiện quan niệm: bản sắc văn hóa là
tạo dựng, là vấn đề của sự lựa chọn - mà các diễn ngôn chính là cách thức để tạo
dựng bản sắc văn hóa. Theo Đoàn Thị Tuyến, trong tranh luận học thuật hiện nay ở
nước ngoài, chưa có kiến giải nào thuyết phục được những người theo “kiến tạo
luận” từ bỏ lập trường [138, tr.7 - 14].
Ở VN, đã từng có nhiều phát biểu thể hiện quan niệm về bản sắc dân tộc.
Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy có những điểm thống nhất như sau: “Bản sắc
dân tộc là sắc thái bao quát một cách uyển chuyển, linh hoạt những đặc điểm của
một dân tộc tạo nên diện mạo và dạng hình riêng của dân tộc” [157, tr.15], nó được
30
coi “là dấu hiệu cơ bản để phân biệt nền văn hóa của dân tộc này với dân tộc khác”.
Bản sắc bao gồm “các giá trị đặc trưng tiêu biểu phản ánh diện mạo, cốt cách, phẩm
chất và bản lĩnh riêng của mỗi quốc gia, dân tộc” và “thể hiện tập trung trong truyền
thống văn hóa dân tộc” [179]. Cho nên, “tìm bản sắc dân tộc là tìm cái cốt lõi, cái tinh
túy của tính dân tộc ở mỗi lĩnh vực cụ thể của văn hóa và nghệ thuật” [157, tr.25].
Chúng tôi nhất trí với quan niệm: bản sắc dân tộc là dấu hiệu cơ bản để phân
biệt dân tộc này với dân tộc khác, tuy cả hai đều có tính chung nhân loại. Nói cách
khác, bản sắc là cách thể hiện riêng cái bản chất người của nhân loại ở từng dân tộc.
Trong đó, bản sắc văn hóa giống như một tấm thẻ căn cước, giúp nhận dạng và phân
biệt giữa các cá nhân, nhóm và cộng đồng trên cơ sở các trải nghiệm văn hóa trong
các bối cảnh [138, tr.20]. Nội hàm của “bản sắc dân tộc” rộng hơn “bản sắc văn hóa
dân tộc”; trong “bản sắc dân tộc”, “bản sắc văn hóa dân tộc” là bộ phận chủ yếu.
Bản sắc có khi là cái chỉ có ở dân tộc này mà không có ở dân tộc khác, song trong
nhiều trường hợp, bản sắc là cái tuy nhiều dân tộc cùng có nhưng lại tập trung đậm
nét ở một dân tộc. Bản sắc không phải là một cái gì nhất thành bất biến. Có trường
hợp, bản sắc là thực thể/cái có tính khách quan, tự thân (như tính linh hoạt, mềm
dẻo là một trong những phẩm chất của người Việt; nó thuộc về bản chất người Việt
và là thực tế khách quan). Có trường hợp, bản sắc là do kiến tạo - đó là khi người ta
nhận diện đúng về các yếu tố làm cơ sở, nền tảng cho sự hình thành bản sắc và tác
động đến các yếu tố đó nhằm thúc đẩy sự hình thành của bản sắc. Bản sắc là “con
dao hai lưỡi”, nếu các nước đang phát triển không chú ý đến bản sắc thì sẽ bị hòa
tan, song nếu quá nhấn mạnh đến bản sắc thì sẽ kéo dài tình trạng tụt hậu. Không
chỉ nước nhỏ, nước đang phát triển mới chú ý bảo vệ văn hóa dân tộc, hạn chế ảnh
hưởng văn hóa ngoại lai. Ấn Độ ngăn chặn việc bán Coca Cola, Pháp sử dụng hàng
vạn cán bộ và chi rất nhiều tiền để giữ bộ mặt văn hóa độc đáo, Trung Quốc tuyên
bố chống ô nhiễm tinh thần, Nhật Bản liên tục mở những hội nghị bàn về văn hóa
dân tộc... [74], [125].
Khi bàn luận, nghiên cứu về bản sắc dân tộc trong âm nhạc, có một vài ý
kiến không thực sự đề cao vai trò quan trọng của chất liệu dân gian:
31
1/ Năm 1967, một nhạc sĩ phát biểu:
Bất kỳ sự sáng tạo cái mới nào, với mức độ khác nhau trên cơ sở vốn
cổ, nếu tinh thần bài hát không gây được cho người nghe tình yêu tổ quốc,
lòng tự hào dân tộc, tính chiến đấu và tính thần lạc quan chiến thắng kẻ thù
thì bài hát đó không cách mạng, và do đó nó không mang tính dân tộc (...)
Cái nhận thức đầu tiên đối với một bài hát không phải là tỉ lệ phần trăm về
chất liệu dân ca nhạc cổ mà chủ yếu là tính tư tưởng của tác phẩm thông qua
tiếng hát [152, tr.507].
2/ Tác giả Hoàng Đạm, trong bài viết Suy nghĩ về tính dân tộc trong tác phẩm
âm nhạc (1972), mặc dù không phủ nhận nhưng tác giả cũng không đề cao vai trò của
chất liệu dân gian mà đề cao yếu tố thời đại đối với việc tạo nên bản sắc dân tộc:
Một tác phẩm âm nhạc có thể giàu ngôn ngữ dân gian những chưa
chắc đã có tính dân tộc, nếu tác phẩm đó không mang hơi thở cuộc sống, hay
là không biểu hiện gì, hoặc biểu hiện những tình cảm đen tối, phản động, lạc
lõng với thời đại [Dẫn theo 80, tr.29].
3/ Tác giả Thiên Lang, trong bài viết Dân ca và không gian văn hóa (2006) đã
phủ định vai trò, mối liên hệ của việc khai thác chất liệu dân gian với bản sắc dân tộc:
Khi khai thác một quãng đặc trưng của dân ca, “mượn” từ dân ca dù chỉ
là một nét giai điệu, một thủ thuật nhấn nhá, một cách gieo quãng hay cả một hệ
thống thang âm (...) cũng chỉ là sử dụng các thành tố của một không gian văn
hóa như những chất liệu âm nhạc. Những chất liệu ấy không hề mang ý nghĩa
“bản sắc” hay quyết định “tính dân tộc” của một tác phẩm [Dẫn theo 80, tr.30].
Tuy nhiên đó chỉ là số ít. Đại đa số các ý kiến đều khẳng định vai trò của
chất liệu dân gian (âm nhạc dân gian, VHDG) đối với việc hình thành, kiến tạo bản
sắc, tính dân tộc trong ca khúc: những yếu tố dân gian là nền tảng cơ bản cho việc
tạo nên bản sắc dân tộc trong lĩnh vực ca khúc nói riêng và trong âm nhạc nói
chung. Đây cũng là kết luận của Trần Bảo Lân sau khi hệ thống hóa các quan niệm
từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau và qua nghiên cứu đề tài luận án Bản sắc dân tộc
trong ca khúc mới Việt Nam [80, tr.67 - 72].
32
Tiểu kết
Trong nguồn tài liệu phong phú viết về VHDG, số công trình, bài viết về
CLVHDG và việc khai thác CLVHDG phục vụ quá trình sáng tác văn học nghệ thuật
(văn học hiện đại, sân khấu, điện ảnh...) nói chung và sáng tác ca khúc nói riêng chỉ
chiếm một phần rất nhỏ. Về vấn đề khai thác CLVHDG trong sáng tác ca khúc VN,
những nghiên cứu trước đây mới chỉ tập trung nhìn nhận, đánh giá từ góc độ Văn
học, Âm nhạc học mà chưa tìm hiểu, lý giải từ góc độ Văn hóa học; còn một số chiều
cạnh của vấn đề vẫn chưa được đề cập tới hoặc đề cập chưa thấu đáo. Vì vậy, cần tìm
hiểu mục đích của việc khai thác CLVHDG, tìm hiểu sự vận động, biến đổi và
nguyên nhân biến đổi của việc khai thác CLVHDG qua các chặng đường phát triển
của ca khúc VN và xem xét những tác động của các yếu tố xã hội đối với việc khai
thác CLVHDG hiện nay.
Khi thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, lý thuyết hệ thống, lý thuyết diễn ngôn, lý
thuyết hành động xã hội là những cơ sở lý luận giúp tác giả luận án nhận thức đối
tượng nghiên cứu, đi tới những kiến giải phù hợp.
Liên quan đến đề tài luận án, các khái niệm, thuật ngữ: “ca khúc”, “ca từ”,
“khai thác chất liệu văn học dân gian”, “bản sắc dân tộc” thường được sử dụng; trong
đó thuật ngữ “bản sắc dân tộc” đã thu hút được sự chú ý của nhiều tác giả trong nước
và nước ngoài. Tác giả luận án nhất trí với quan niệm: bản sắc dân tộc là dấu hiệu cơ
bản để phân biệt để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác; trong đó, bản sắc văn hóa
giống như một “tấm thẻ căn cước”, giúp nhận dạng và phân biệt giữa các cá nhân, các
nhóm và cộng đồng trên cơ sở các trải nghiệm văn hóa trong các bối cảnh. Từ trước
khi xuất hiện thuật ngữ “bản sắc dân tộc”, cha ông ta đã có ý thức nhận diện những
đặc điểm riêng, biểu hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau (ngôn ngữ, các sản phẩm văn
hóa, cách ứng xử...), giúp phân biệt nước ta với nước khác. Đảng và Nhà nước ta hiện
nay cũng đã quan tâm thích đáng đến vấn đề này. Trên các diễn đàn trao đổi, học
thuật, tuy còn một vài ý kiến khác biệt nhưng đại đa số các nhà nghiên cứu VHNT
đều khẳng định vai trò, tầm quan trọng của CLVHDG đối với việc góp phần tạo nên
bản sắc dân tộc trong tác phẩm văn học nghệ thuật hiện đại.
33
Chương 2
MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC KHAI THÁC CHẤT LIỆU VĂN HỌC DÂN GIAN
TRONG SÁNG TÁC CA KHÚC VIỆT NAM
2.1. VÌ CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ NGHỆ THUẬT
Ca khúc là một bản nhạc có lời ca, là một tổng thể khăng khít giữa nhạc và
lời. Từ nguồn cội âm nhạc dân gian, dân ca là những khúc hát được tạo nên từ việc
đem lời thơ dân gian “bẻ thành những làn điệu” cho nên công chúng âm nhạc VN
lâu nay vẫn có thói quen, có nhu cầu thưởng thức nhạc có lời, nhạc hát. Nắm bắt
nhu cầu và thói quen đó, những nhạc sĩ thành danh của VN cũng là những người
luôn hướng đến việc tạo nên sức sống cho ca khúc của mình từ vẻ đẹp của cả phần
âm nhạc và lời ca để có thể khảm vào trí nhớ của người nghe, lay động những cảm
xúc tâm hồn của họ và trở thành tiếng hát trái tim của mọi người, mọi nhà.
Nhưng viết lời ca cho những bài hát VN là một việc không hề đơn giản,
không dễ có những thành công ngay. Người sáng tác “phải trải qua biết bao trăn trở,
cân nhắc biết bao suy nghĩ, đi qua biết bao thử thách thất bại” mới tạo nên sự kết
hợp có tính thẩm mỹ giữa nhạc và lời, mới điều khiển cùng một lúc cả tư duy âm
nhạc và tư duy văn học để sáng tạo nên những hình tượng đẹp, những ấn tượng sâu
sắc cho người nghe. Những điều được rút ra từ kinh nghiệm gần 40 năm sáng tác ca
khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng chính là mối quan tâm của các thế hệ nhạc sĩ
VN về việc làm thế nào để có được lời ca đẹp cho một bản nhạc hay: “Sự dễ dãi
trong cách dùng từ ngữ là kẻ thù phải xa lánh” [143, tr.605]. Suy nghĩ đó đã hướng
những người sáng tác đến việc khai thác CLVHDG - khai thác vốn ngôn ngữ nghệ
thuật của những người bình dân, trải qua sự sàng lọc của thời gian, nó được coi là
một kho tàng vĩ đại và vô giá, ở đó hội tụ đầy đủ các giá trị nhận thức, giáo dục,
thẩm mỹ. Họ đã học được rất nhiều khi ngẫm nghĩ về những lời ca dao trong những
bài hát dân ca VN được nhiều người yêu thích. Những câu: Cây trúc xinh tang tình
là cây trúc mọc... hay Người ơi người ở đừng về... hoặc Giận thì giận mà thương thì
34
thương..., với chất thơ của nó đã làm cho “tâm hồn người nghe dính chặt vào bài
hát” ngay từ những câu hát mở đầu [143, tr.605].
Mỗi CLVHDG là một cái “mã nghệ thuật” để mở ra các tầng vỉa nội dung
ngữ nghĩa. Chỉ một điển tích quê hương Phù Đổng (Mẹ tôi - Đoàn Bổng) có thể
mang trọn hàm ý sâu xa về một quê hương giàu truyền thống yêu nước, tinh thần
đoàn kết đánh thắng giặc ngoại xâm; một biểu tượng con cò (Vũ khúc con cò – Phó
Đức Phương) có thể gợi lên sự lam lũ, nhọc nhằn nhưng đầy nghị lực của những
người lao động chốn quê nghèo. Có khi, chỉ một câu tục ngữ được tác giả đưa vào
ca từ (Hát ru người mẹ lính – An Thuyên) cũng chứa đựng thông điệp về đạo lý
“uống nước nhớ nguồn” - nét đẹp trong truyền thống văn hóa của dân tộc Một số
trường hợp tiêu biểu:
Ca khúc Câu hò bên bờ Hiền Lương (Hoàng Hiệp – thơ: Đằng Giao). Tác
phẩm được sáng tác năm 1957, khi dòng sông Bến Hải và cây cầu Hiền Lương đã
trở thành ranh giới chia cắt đất nước thành hai miền - hai chế độ, việc hiệp thương
tổng tuyển cử toàn quốc không thực hiện được. Biết bao gia đình, đôi lứa phải sống
trong xa cách; Bắc - Nam vẫn mong mỏi ngày vui sum họp. Trong lời hát, hiện lên
hình tượng một người đang đứng từ bờ Bắc ngóng trông về phía quê nhà; từ nơi
rộng mở thênh thang buồm căng theo gió, đàn chim dang cánh lưng trời gửi lời nhớ
thương bờ Nam đang chìm trong sương mờ và bão tố:
35
Hò ơ... ơ ớ ơ... Thuyền ơi, thuyền ơi có nhớ bến chăng? Bến thì một dạ khăng khăng
đợi thuyền. Câu hát được lấy từ lời ca dao đã làm nên đoạn cao trào tình cảm của
bài hát, đúc kết tình cảm vợ chồng, Bắc - Nam thủy chung son sắt. Tình yêu gắn bó
bền chặt, thủy chung là một trong những phẩm chất tâm hồn mà con người mọi thời
đại đều khát khao hướng tới. Vì vậy, sự xuất hiện của lời ca dao thuyền – bến trong
Câu hò bên bờ Hiền Lương đã làm giàu thêm ý nghĩa và sức sống cho ca từ. Từ khi
ra đời cho đến nay đã hơn nửa thế kỷ, ca khúc này vẫn được nhiều người yêu thích,
hiện diện thường xuyên trong đời sống âm nhạc nước nhà.
Trước một đề tài được cho là khô khan, khó viết (đề tài dân số - kế hoạch
hóa gia đình), nhạc sĩ Trần Tiến đã sáng tác một chùm ca khúc chẳng những đáp
ứng mục đích tuyên truyền mà còn trở thành những giá trị nghệ thuật. Bằng việc
khai thác CLVHDG, cái khô cái khó của đề tài đã được ông đã hóa giải:
Hồi đó, vào năm 1989, một người bạn của tôi công tác trong Ban tổ
chức Cuộc vận động sáng tác ca khúc cho thanh niên về hôn nhân và dân số
(do Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phát động) đến đặt
vấn đề nhờ tôi sáng tác bài hát cho chương trình đó. Tôi nhận lời mời tham
gia với ý nghĩ, có thể mình không viết được nhưng sẽ liên hệ với khoảng 20
nhạc sĩ mà mình quen biết để mời họ cùng sáng tác cho cuộc vận động này.
Về cuộc vận động, tinh thần cốt yếu của nó là: đừng vội yêu, yêu rồi thì đừng
vội cưới, cưới rồi thì đừng vội đẻ, ai đẻ rồi thì đừng đẻ nhiều. Tôi đã viết.
“Đừng vội yêu” thì tôi viết Cô bé vô tư - “Đừng yêu em anh nhé, đừng yêu
nhé, em muốn làm con dế vô tư lang thang, em không muốn làm người
lớn đâu anh”; “đẻ rồi thì đừng đẻ nhiều” là bài Thượng đế buồn. Bài “yêu
rồi đừng vội lấy” thì lúc đầu tôi giao cho anh Xuân Hồng, nói: “- Anh viết
cho em bài hát Đừng vội lấy chồng”. Thế mà rồi không hiểu vì sao anh Xuân
Hồng không hoàn thành, chiều nay vẫn không có bài, trong khi sáng hôm sau
phải nộp bài rồi Thấy gấp quá, tôi cũng không biết làm sao. Tối hôm đó,
câu chuyện “nợ bài” lại được nhắc tới trong bữa nhậu với với những người
bạn. Rồi một người bạn - vẫn được gọi vui là Vua Lốp ở Hà Nội - nó mới
36
đọc: “Bướm vàng đậu trái mù u/ Lấy chồng càng sớm lời ru càng buồn”...
Tôi bảo: “- Thôi chết, đây rồi!”. Thế là trong bữa nhậu thịt chó đó, tôi vừa
nhậu vừa viết, đúng 1 tiếng rưỡi thì xong. Sáng hôm sau hát thì đó là bài hát
hay nhất, được giải Và bài Thượng đế buồn, viết để vận động chị em lấy
chồng rồi thì đừng đẻ nhiều cũng có giải.
(Nhạc sĩ Trần Tiến trả lời phỏng vấn, ngày 14/2/2015)
Như vậy, lời ca dao “Bướm vàng đậu trái mù u/ Lấy chồng càng sớm lời ru
càng buồn” đã gợi ý, dẫn dắt ý tưởng cho sự hình thành ca từ của bài Sao em nỡ vội
lấy chồng. Cũng tương tự, khi sáng tác ca khúc Thượng đế buồn, câu tục ngữ “Trời
sinh voi, trời sinh cỏ” lại là xuất phát điểm để từ đó tác giả phản ánh một thực trạng
đáng báo động – Trời sinh voi, trời không còn cỏ. Thượng đế buồn, thượng đế bỏ
đi... nhằm thuyết phục mọi người phải có trách nhiệm thực hiện kế hoạch hóa gia
đình, giảm tốc độ tăng dân số. Bằng việc khai thác, vận dụng CLVHDG, những câu
chữ, khẩu hiệu khô cứng của cuộc vận động (khó kết hợp với nhạc) đã được thay
thế bằng ca từ giàu hình ảnh và hàm súc dựa trên nền tảng ngôn từ VHDG.
Nhạc sĩ Trần Tiến đã nói rõ về sự chủ động của ông trong việc khai thác cái
hay cái đẹp của chất liệu dân gian để làm nên chất lượng nghệ thuật cho ca khúc mà
ông tâm đắc:
Khi viết bài Tùy hứng qua cầu, tôi đưa một chút Nam Bộ vào đúng cái
câu quan trọng nhất: “Ôi đóa hoa tím trôi liu riu... anh thấy em nhỏ xíu, nhỏ
xíu anh thương”... Chỉ đến đúng cái câu ca dao Nam Bộ đó tôi mới cho một
chút điệu thức của người Nam Bộ vào. Còn bài Phố núi, có câu hát: Thung
lũng buồn bên nhà rông, người thiếu nữ vú cong môi hồng, tà váy rộng, gió
thổi tung, bắp chân trần như chớp đêm giông. Nó là từ một bài kể khan của
người Ê - đê (hay là dân tộc nào đó tôi không nhớ rõ). Đại ý, lời kể khan là
thế này: Em đi lên đèo, gió thổi tung váy, bắp chân của em chợt sáng lên như
một tia chớp... Đó là một hình ảnh rất chân thực và là một hình tượng rất đẹp.
Vì tôi nhớ kỹ và rất thích nên khi sáng tác ca khúc thì đưa vào. Thung lũng
buồn, bên nhà rông, người thiếu nữ vú cong môi hồng là câu của tôi. Còn
37
câu tiếp theo lấy ý từ lời khan là: Tà váy rộng gió thổi tung, bắp chân trần
như chớp đêm giông. Đấy là câu “kinh khủng” nhất của tôi.
(Nhạc sĩ Trần Tiến trả lời phỏng vấn, ngày 22/1/2015)
Nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng không phải là một ngoại lệ. Trong một lần trả
lời phỏng vấn trên báo mạng (năm 2010), ông cũng cho rằng âm nhạc dân gian,
VHDG của dân tộc là di sản vô cùng quý giá, nó đã được thời gian - “hội đồng nghệ
thuật công tâm nhất”- thẩm định:
Một bài hát bình thường sống hàng vài chục năm, vài ba ngày, có bài
chết ngay khi ra, nhưng âm nhạc dân gian nó đã sống hàng nghìn năm nay rồi
(...). Tôi có buổi nói chuyện với sinh viên. Các bạn thích các bài thất tình chứ
gì? Cứ thỏa sức hát. Nào tình não, tình khổ, tình buồn, tình nhớ nhung các
thứ đi. Sau khi họ hát xong, tôi chỉ hát một câu thôi: Đêm nằm ôm gối thở
than/ Gối ôi là gối, bạn xưa đâu rồi. Tất cả những than tình trước nó đều đều
trở nên rởm hết. (...) Tây xịn ngồi nghe nhạc trẻ, nó cười khẩy mũi nhưng
nghe âm nhạc dân gian là không dám đùa rồi [181].
Ông cho rằng âm nhạc dân gian, VHDG là một kho báu, một thứ vàng mà
người Việt ta luôn có sẵn trong người. Và ông tự hỏi: “Ta có sẵn vàng trong
người, tại sao không dùng?”. Đó là một câu hỏi mang hàm ý khẳng định việc khai
thác vốn nghệ thuật dân gian VN là vô cùng cần thiết và có ý nghĩa quan trọng làm
nên cái hay cái đẹp của ca khúc âm nhạc VN đương đại. Cũng từ nhận thức như
vậy về giá trị và vai trò của chất liệu dân gian mà trong quá trình sáng tác ca khúc,
nhạc sĩ Nguyễn Cường luôn trung thành với con đường mình đã chọn. Chất liệu
âm nhạc Tây Nguyên và dân ca đồng bằng Bắc Bộ được ông ví như hai bộ trang
phục (một là cái khố, hai là bộ áo the khăn xếp) góp phần làm nên diện mạo đặc
sắc của mình. Công chúng âm nhạc cảm thấy quen thuộc gần gũi khi nghe những
câu hát: Đâu trúc mai sân đình. Đâu dáng ai ưa nhìn. Động lòng tôi câu hát người
xinh (Mái đình làng biển); ... Nửa chăn nửa chiếu ngại ngùng. Ngẩn ngơ một bóng
lạnh lùng. Tiếc cho ngày tháng trôi qua. Tiếc cho ngày tháng trôi qua lạnh lùng
(Khúc độc thoại Thị Màu)...
38
Là một người có nhiều thành công trong việc khai thác, vận dụng chất liệu
dân ca Nghệ Tĩnh, nhạc sĩ An Thuyên đã phát biểu, có ý đúc kết kinh nghiệm:
Lời trong các bài hát dân ca Nghệ Tĩnh đạt đến độ hoàn bích của nghệ
thuật văn chương. Hoàn bích đến mức, âm nhạc tôi nhìn thấy như là cái cột,
còn lời ca là toàn bộ ngôi nhà; âm nhạc là con đò, còn lời ca là những lấp
lánh ánh trăng trải đầy dòng sông. Cho nên nghiên cứu và khai thác dân ca
Nghệ Tĩnh phải có cái nhìn tổng thể, không thể chỉ nhìn cái cột mà không
nhìn toàn bộ ngôi nhà, không thể chỉ nhìn con thuyền mà không biết nhìn cả
dòng sông đầy trăng. () Trong lĩnh vực sáng tác, chỉ khi nào người nhạc sĩ
không đơn thuần tiếp thu chất liệu âm nhạc, phải có đậm đà văn chương
trong chất liệu ấy và thấm đẫm tình đời, tình người xứ Nghệ mới có những
bài ca rung động lòng người. Nay đang thông thường là giới nhạc chúng tôi
đang ít chú ý đến lời ca, đấy là sự thiệt thòi lớn. Phải có văn chương trong lời
ca thì ca khúc phát triển dân ca Nghệ Tĩnh mới rung động lòng người” [214].
Lời phát biểu của nhạc sĩ An Thuyên đã hé mở tính mục đích của việc khai
thác CLVHDG trong những sáng tác của ông. Từ nhận thức về vẻ đẹp và giá trị
nghệ thuật của VHDG (cụ thể là ca dao xứ Nghệ), ý thức được tầm quan trọng của
việc khai thác chất liệu âm nhạc dân gian và CLVHDG đối với chất lượng nghệ
thuật của ca khúc, bản thân ông thêm vững tin đi tiếp con đường dân gian dân tộc và
kêu gọi, khuyến khích những người khác tận dụng tối đa những giá trị của
CLVHDG. Ngay trong một ca khúc của ông - Neo đậu bến quê, nhiều lời ca dao, ý
ca dao, hình ảnh và biểu tượng ca dao cùng được phát huy: ... Xuống đò một mình
tôi với dòng sông tuổi thơ. Và một giọng đò đưa, vẫn neo đậu bến xưa. Lang thang
đi bốn phương trời, nay về sông quê tắm mát. Sông Lam biết khi mô cho cạn. Đục
trong, đục trong nhục vinh hỡi người (1). Câu đò đưa thầm gọi tôi ghé về tuổi thơ.
Vầng trăng non ngơ ngác theo tôi đi chân trần. Cây đến thì trổ hoa, chuyến đò đầy
rời bến. Em hát rằng đến duyên, em lấy chồng năm ấy (2). Hát lại giọng đò đưa
như mẹ ru hồn tôi. Điệu buồn và điệu thương sao cháy lòng đến thế. Sông Lam biết
khi mô cho cạn, như tình quê hương trong tôi. Sông Lam biết khi mô cho cạn, người
39
ơi, đục trong câu hát cháy lòng (3). Người về neo đậu bến mô, hồn tôi bến quê neo
đậu, người ơi (4).
Có thể nhận ra CLVHDG trong lời ca đó, bao gồm:
(1): Ca dao - dân ca Nghệ Tĩnh
Ai biết sông Lam rằng là trong, là đục
Biết cuộc đời rằng là nhục, là vinh...
(2): Ca dao – dân ca Nghệ Tĩnh
Anh đến giàn hoa, hoa đến thì hoa nở
Anh đến bến đò, đò đầy đò phải sang sông
Đến duyên em thì em phải lấy chồng...
(3): Ca dao – dân ca Nghệ Tĩnh. Giống như trường hợp (1).
(4): Ca dao
Thuyền về có nhớ bến chăng
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền
Trước thời điểm Neo đậu bến quê ra đời (năm 1993), trong nền ca khúc VN
đã từng có nhiều khúc hát về quê hương rất hay, lưu dấu vững chắc và bền chặt
trong lòng người. Nhưng dù vậy, nhạc sĩ An Thuyên vẫn tạo được một dấu ấn riêng.
Câu thơ dân gian Thuyền về có nhớ bến chăng/ Bến thì một dạ khăng khăng đợi
thuyền là lời của tình yêu lứa đôi, của người đi người ở. Vận dụng chất liệu đó, nhạc
sĩ đã lấy cái tha thiết, thủy chung son sắt của tình yêu lứa đôi để nói về tình yêu quê
hương: Người về neo đậu bến nao, hồn tôi bến quê neo đậu. Tình cảm sâu nặng với
quê hương khó có thể nói hết bằng một vài từ chung chung như nhớ, thương, yêu...
Nó đã được nói bằng những tầng lớp ý nghĩa của ngôn từ nghệ thuật, bằng lời ca dao.
Văn chương làm cho câu chữ của người nhạc sĩ có hồn, ngắn gọn mà hàm
súc, sâu sắc. Kho ngôn từ phong phú của VHDG sẽ giúp cho người nhạc sĩ có thể
phản ánh một cách chân thực, gợi cảm và sống động những bức tranh hiện thực đời
sống và diện mạo tâm hồn con người. Khi được đưa vào ca khúc một cách có hiệu
quả, CLVHDG làm tăng cường khả năng biểu đạt nội dung của lời ca. Bằng kinh
40
nghiệm thực tế, nhạc sĩ Văn Chung nhận định: “Phổ thơ là nâng cao chất lượng văn
học và nghệ thuật trong ca khúc” [20, tr.72].
Nhạc sĩ Trần Hoàn bình luận:
Không phải ngẫu nhiên mà bài Trông cây lại nhớ đến Người của Đỗ
Nhuận, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác của An Thuyên và nhiều bài hát của
các nhạc sĩ hiện đại khi khai thác tốt chất liệu dân ca Nghệ Tĩnh đều được
đông đảo nhân dân yêu thích và đều có sức sống lâu bền. Bài hát Giữa Mạc
Tư Khoa nghe câu hò ví dặm của tôi nếu trong đó không vận dụng được cái
đẹp của dân ca Nghệ Tĩnh để đưa vào, chưa chắc đã được nhiều người ưa
thích [102, tr.429].
Trong một cuộc phỏng vấn (ngày 17/11/2014), nhạc sĩ Ngọc Thịnh cho biết:
“Nền tảng chất liệu dân gian là cái căn bản, vô cùng quan trọng. Bất cứ một tác
phẩm nghệ thuật nào được xây dựng trên nền móng đó đều vững bền hơn”.
Trả lời phỏng vấn, khi khai thác CLVHDG một cách có ý thức (chủ ý), tất cả
các nhạc sĩ được hỏi đều nói đến mục vì đích chất lượng, hiệu quả nghệ thuật của
tác phẩm - trừ một đôi khi họ khai thác CLVHDG một cách vô thức: “Lúc đó tôi
không nghĩ gì cả, ca dao dân ca nó ngấm sẵn trong con người tôi, lúc nào nó ra là nó
ra” (nhạc sĩ Trần Tiến). Thậm chí có tác giả nhấn mạnh, tuyệt đối hóa mục đích
này: dùng CLVHDG vì cái gì thì cũng không quan trọng, miễn là nó phải hay.
Từ những cứ liệu trên đây có thể khẳng định: trong quá trình sáng tác ca
khúc, nhiều nhạc sĩ VN đã tìm thấy ở CLVHDG những giá trị quan trọng để mang
lại cho tác phẩm của mình sự lôi cuốn hấp dẫn và sức sống bền lâu; CLVHDG đã trở
thành một công cụ để phục vụ cho mụ...iờ ngày 7/9/1990, thời lượng phát sóng ban đầu là 8 giờ/ ngày, đến
1/1/1995 phát sóng 24 giờ/ngày) đã dành thời lượng đáng kể giới thiệu dân ca và
nhạc cổ truyền của các dân tộc. Hầu hết di sản âm nhạc của các dân tộc có dân số
đông và tương đối đông như Kinh, Tày, Nùng, Thái, Mường, Ba Na, Gia Rai, Ê
Đê, Mơ Nông, Chăm, Khơ Me v.v đều đã ít nhiều được truyền trên sóng của
VOV. Tuy còn một số hạn chế (làm cho thính giả không được tiếp nhận những di
sản âm nhạc dân tộc ở dạng nguyên gốc) nhưng đây vẫn và một phương thức
truyền bá một cách nhanh chóng và sâu rộng đến công chúng âm nhạc - nhất là ở
vùng sâu vùng xa, tạo nên tiền đề thuận lợi cho việc kế thừa và phát triển những
giá trị âm nhạc truyền thống trong ca khúc VN hiện nay.
201
PHỤ LỤC 07:
MỘT SỐ HỘI THẢO KHOA HỌC VỀ TÍNH DÂN TỘC VÀ HIỆN ĐẠI,
VỀ BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG ÂM NHẠC VIỆT NAM
TỪ NĂM 2009 ĐẾN NAY
Để đạt được mục tiêu xây dựng nền văn hóa VN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân
tộc, giới văn nghệ sĩ (trong đó có giới nghiên cứu, lý luận, phê bình, sáng tác âm
nhạc) đã có nhiều trăn trở, tìm tòi, thể nghiệm ở nhiều cách thức, con đường khác
nhau. Đó cũng là những nội dung trọng tâm của các hội thảo âm nhạc được tổ chức ở
nhiều vùng, miền trên cả nước.
1. Hội thảo Tính dân tộc và tính hiện đại trong tác phẩm văn học nghệ thuật
Việt Nam hiện nay do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương
tổ chức (tháng 8/2009) tại Hội An - Quảng Nam.
2. Hội thảo Tính dân tộc và tính hiện đại trong ca khúc trước yêu cầu hội
nhập toàn cầu hóa do Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh và Nhạc viện Thành
phố Hồ Chí Minh tổ chức (tháng 10/2009) tại thành phố Hồ Chí Minh.
3. Hội thảo Bảo tồn và phát huy dân ca trong giáo dục âm nhạc ở trường phổ
thông do Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương tổ chức (tháng 10/2009)
tại HN.
4. Hội thảo Tính dân tộc – hiện đại trong âm nhạc hiện nay được tổ chức
trong khuôn khổ Liên hoan Âm nhạc Miền núi phía Bắc (tháng 11/2009), tại Việt
Trì - Phú Thọ.
5. Hội thảo Tính dân tộc – hiện đại trong ca khúc Đồng bằng sông Cửu Long
được tổ chức (tháng 11/2009) tại Cần Thơ.
6. Hội thảo Vị trí của âm nhạc dân tộc trong đời sống âm nhạc Việt Nam
được tổ chức trong khuôn khổ Liên hoan Âm nhạc khu vực phía Nam do Hội Nhạc
sĩ VN phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận tổ chức (cuối tháng 3/2012)
tại Phan Rang - Tháp Chàm - tỉnh Ninh Thuận.
7. Hội thảo Nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động âm nhạc hiện nay
được tổ chức trong khuôn khổ Liên hoan Âm nhạc khu vực phía Bắc do Hội Nhạc
202
sĩ VN phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức (tháng 5/ 2012) tại
Vĩnh Yên - tỉnh Vĩnh Phúc.
8. Hội thảo Nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động sáng tác và biểu
diễn trong khuôn khổ Liên hoan Âm nhạc khu vực Bắc miền Trung do Hội nhạc sĩ
VN phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình (tháng 11/2012) tại Đồng Hới
- tỉnh Quảng Bình.
9. Hội thảo Khai thác và phát huy Âm nhạc dân gian trong quá trình hội
nhập quốc tế trong khuôn khổ Liên hoan Âm nhạc khu vực phía Bắc do Hội Nhạc
sĩ VN phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La (tháng 4/2013) tại Sơn La.
10. Hội thảo Âm nhạc Bắc miền Trung - Truyền thống và đương đại trong
khuôn khổ Liên hoan Âm nhạc khu vực Bắc miền Trung do Hội Nhạc sĩ VN phối
hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh (tháng 11/2013) tại Hà Tĩnh.
11. Hội thảo Giữ gìn và phát huy bản sắc các dân tộc Tây Nguyên trong quá
trình hội nhập trong khuôn khổ Liên hoan Âm nhạc khu vực Tây Nguyên và các
tỉnh phía Nam do Hội Nhạc sĩ VN phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai tổ
chức (tháng 3/2014) tại Pleiku - tỉnh Gia Lai.
12. Hội thảo Âm nhạc khu vực phía Bắc - truyền thống và đương đại trong
khuôn khổ Liên hoan Âm nhạc phía Bắc do Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh phối
hợp với Hội Nhạc sĩ VN tổ chức (tháng 4/2014) tại Bắc Ninh.
13. Hội thảo quốc tế Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca trong xã hội đương
đại do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tổ
chức (tháng 5/2014) tại Vinh - tỉnh Nghệ An.
14. Hội thảo quốc gia Những giải pháp tổ chức, triển khai Nghị quyết số 33 -
NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu
phát triển bền vững đất nước do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp
với Ban Tuyên giáo trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội
đồng Lý luận trung ương và Báo Nhân Dân tổ chức (tháng 1/2015) tại HN.
203
PHỤ LỤC 08:
MỘT SỐ VĂN BẢN, VĂN KIỆN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
VỀ CHỦ TRƯƠNG, ĐƯỜNG LỐI VĂN HÓA NGHỆ THUẬT
1. Đề cương văn hóa Việt Nam. Trước cách mạng tháng Tám, ngay trong bản
Đề cương văn hóa VN (1943), Đảng ta đã xác định phương hướng nhiệm vụ xây
dựng một nền văn hóa với ba mục tiêu là: dân tộc, khoa học và đại chúng. “Văn hóa
mới Việt Nam là một thứ văn hóa có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về
nội dung”.
2. Báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2/1951). Đảng
ta xác định nhiệm vụ: “.... phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc
và tiếp thu những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới để xây một nền văn hóa Việt
Nam có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng”.
3. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 9/1960). Đại hội tiếp
tục khẳng định: “Chúng ta phải phát triển nền văn nghệ mới với nội dung xã hội chủ
nghĩa và tính chất dân tộc, có tính Đảng và tính nhân dân sâu sắc. (...) Báo chí, xuất
bản, thông tin, truyền thanh, điện ảnh và các công tác văn hóa khác phải thật sự trở
thành vũ khí ngày càng sắc bén của giai cấp công nhân trên mặt trận tư tưởng và
chính trị. Cần ra sức nâng cao tính tư tưởng, tính chiến đấu, tính quần chúng của các
công tác đó”.
4. Chỉ thị số 104 - CTTƯ ngày 28/7/1965 “Về công tác văn hóa, văn nghệ
trong tình hình mới” và chỉ thị 114- CTTƯ ngày 6/12/1965 về Tăng cường công tác
lãnh đạo văn hóa, văn nghệ ở miền núi trong giai đoạn chống Mĩ, cứu nước hiện
hay” đều nhấn mạnh: “công tác văn hóa, văn nghệ phải làm tốt hơn nữa chức năng
tuyên truyền, giáo dục”.
5. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12 năm 1976). xác
định "Xây dựng con người mới, xây dựng nền văn hoá mới, tuyên truyền giáo dục
chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối chính sách của Đảng thấu suốt trong cán bộ,
đảng viên và quần chúng, tiến hành đấu tranh chống tư tưởng văn hoá phản động của
chủ nghĩa thực dân và của giai cấp bóc lột". Nền văn hoá mới là nền văn hoá có nội
204
dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc, có tính đảng và tính nhân dân sâu sắc,
thấm nhuần chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản. Nền văn hoá mới vừa
kết tinh và nâng lên một tầm cao mới những gì đẹp nhất trong truyền thống bốn nghìn
năm của tâm hồn VN, của văn hoá VN, vừa hấp thụ có chọn lọc những thành quả của
văn minh loài người, những thành tựu văn hoá, khoa học hiện đại. Nền văn hoá mới
kết hợp hài hoà những tinh hoa văn hoá có phong cách riêng của các dân tộc anh em
trong gia đình dân tộc VN.
6.Chỉ thị số 08/CT - TW ngày 13/4/1977 của Ban chấp hành Trung ương Về
công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội tiếp
tục nhấn mạnh: “Cần quán triệt những quan điểm cơ bản (...) xây dựng nền văn hóa
mới có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc, nền văn hóa có tính Đảng và
tính nhân dân sâu sắc”.
7.Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3 năm 1982). Báo cáo
chính trị của Ban chấp hành Trung ương (Phần I. Tình hình và nhiệm vụ chung) đã
xác định: Về tư tưởng và văn hoá, đẩy mạnh công cuộc xây dựng nền văn hoá mới và
con người mới bám thật sát yêu cầu cách mạng và phù hợp với khả năng kinh tế, thúc
đẩy tốt hơn công cuộc xây dựng chế độ mới và nền kinh tế mới. Tăng cường đấu
tranh xoá bỏ những tệ nạn xã hội cũ, những tàn dư văn hoá thực dân mới, chống mọi
ảnh hưởng tư tưởng và văn hoá phản động.
Trong phần sau (Phần III. Những nhiệm vụ văn hóa xã hội), Báo cáo chính chị
nêu rõ: Chế độ mới và nền kinh tế mới có ảnh hưởng quyết định đến sự hình thành
nền văn hoá mới, con người mới. Ngược lại, những thắng lợi của sự nghiệp xây
dựng nền văn hoá mới, con người mới là một động lực to lớn thúc đẩy tiến trình
xây dựng chế độ mới và nền kinh tế mới. Trong công cuộc xây dựng nền văn hoá
mới, con người mới, vai trò cực kỳ quan trọng thuộc về lĩnh vực hoạt động văn hoá
nghệ thuật: văn học, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, kiến trúc, bảo
tồn bảo tàng. “Đảng tin tưởng và đánh giá cao sự cống hiến của anh chị em văn nghệ
sĩ, luôn luôn mong mỏi trên đất nước ta xuất hiện nhiều tài năng sáng tạo. (...) Đảng
khuyến khích mọi tìm tòi, sáng tạo, khuyến khích sự phát triển của phong cách và tài
năng nghệ thuật”.
205
8. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12 năm 1986). Trong
Nghị quyết ghi rõ: “Tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng các hoạt động văn
hóa, văn học nghệ thuật, xây dựng một nền văn hóa, văn nghệ xã hội chủ nghĩa đậm
đà bản sắc dân tộc”.
9. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (tháng 6 năm 1991). Một lần
nữa quan điểm về văn học nghệ thuật được nêu rõ trong Báo cáo chính trị: “Văn học
nghệ thuật là một bộ phận quan trọng trong nền văn hóa, gắn bó với đời sống nhân
dân và sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Khuyến khích tự do sáng tạo văn
học, nghệ thuật vì sự hoàn thiện con người”. Cương lĩnh chính trị (năm 1991) cũng
tiếp tục đưa ra nhiệm vụ xây dựng nền văn hoá VN có đặc trưng “tiên tiến, đậm đà
bản sắc dân tộc”.
10. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (tháng 6/1996), Nghị quyết
Trung ương 5 khóa VIII.
Chủ trương, đường lối văn hóa nghệ thuật của Đảng tiếp tục được bổ sung,
hoàn thiện trong Báo cáo chính trị: “ Mọi hoạt động văn hóa, văn nghệ phải nhằm xây
dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. (...) Kế thừa và phát
huy các giá trị tính thần, đạo đức và thẩm mỹ, các di sản văn hóa dân tộc. (...) Trong
điều kiện kinh tế thị trường và mở rộng giao lưu quốc tế, phải đặc biệt quan tâm gìn
giữ và nâng cao bản sắc văn hóa dân tộc”.
Đường lối của Đảng được cụ thể hóa trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa
VIII (tháng 7/1998) Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm
đà bản sắc dân tộc với 5 quan điểm cơ bản chỉ đạo, 10 nhiệm vụ cụ thể và 4 giải
pháp lớn để xây dựng và phát triển nền văn hóa VN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân
tộc. Trong đó, quan điểm cơ bản chỉ đạo là: Nền văn hoá VN là nền văn hoá tiên tiến,
đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng và phát triển nền văn hoá là sự nghiệp của toàn
dân, do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng
11. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (tháng 4/2001), Văn kiện Đại
hội Đảng toàn quốc lần thứ X (tháng 4/2006), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần
thứ XI (tháng 1/2011), Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (tháng 1/2016).
206
Chủ trương, đường lối văn hóa nghệ thuật của Đảng tiếp tục được khẳng định
trong Văn kiện Đại hội IX với quan điểm: “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà
bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã
hội”; tiếp tục được bổ sung trong Văn kiện Đại hội X, Đại hội XI: “Xây dựng nền văn
hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vừa kế thừa, phát huy những truyền
thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam vừa tiếp thu tinh hoa văn
hóa nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội” và hoàn thiện thêm
trong Văn kiện Đại hội XII: “Phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng đặc biệt
của văn hóa, con người; phải thực hiện có kết quả mục tiêu xây dựng nền văn hóa và
con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần
tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; xây dựng văn hóa thực sự trở thành
nền tảng tính thần vững chắc của xã hội; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn
diện. (...) Mọi hoạt động văn hóa, từ bảo tồn, phát huy các di sản lịch sử, văn hóa; phát
triển văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản đến bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc
thiểu số, văn hóa tôn giáo, xây dựng thiết chế văn hóa... đều phải phục vụ thiết thực sự
nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người”.
207
PHỤ LỤC 09. PHIẾU BÌNH CHỌN CA KHÚC
Để phục vụ việc nghiên cứu Vấn đề khai thác chất liệu văn học dân gian trong sáng tác ca khúc Việt Nam, chúng tôi đề xuất một
danh sách gồm những ca khúc có khai thác chất liệu văn học dân gian. Xin quý vị vui lòng cho biết ý kiến của mình bằng cách đánh
dấu X vào ô tương ứng trong mỗi cột dưới đây. Những thông tin mà quý vị cung cấp sẽ được công bố theo nguyên tắc khuyết danh và
chỉ sử dụng vào mục đích nghiên cứu khoa học. Xin cảm ơn!
Họ và tên: .................................... Tuổi:........... Đơn vị công tác:.................................................Ký tên:.......................
STT
TÊN CA KHÚC TÁC GIẢ
TÔI
KHÔNG
BIẾT
CA
KHÚC
NÀY
TÔI BIẾT CA KHÚC NÀY
SỰ NỔI TIẾNG
CỦA CA KHÚC NÀY
Ý KIẾN ĐÁNH GIÁ CỦA
CÁ NHÂN
VỀ CA KHÚC NÀY
Ít
người
biết
Từng nổi
tiếng ở một
vài thời kỳ
nhất định
Rất nổi tiếng
- là “bài ca đi
cùng năm
tháng”
Không
hay
Nghe
được
Khá
hay
Rất
hay
1 Con cò Lưu Hà An
2 Đi tìm người hát lý
thương nhau
Vĩnh An
3 Nhớ câu hò sông nước
miền Trung
Vĩnh An
4 Một đời người một rừng
cây
Trần Long Ẩn
5 Mừng tuổi mẹ Trần Long Ẩn
6 Cái bống Phan Trần Bảng
7 Trở về bến mơ Ngọc Bích
8 Điệu buồn phương Nam Vũ Đức Sao Biển
9 Mẹ tôi Đoàn Bổng
208
STT
TÊN CA KHÚC TÁC GIẢ
TÔI
KHÔNG
BIẾT
CA
KHÚC
NÀY
TÔI BIẾT CA KHÚC NÀY
SỰ NỔI TIẾNG
CỦA CA KHÚC NÀY
Ý KIẾN ĐÁNH GIÁ CỦA
CÁ NHÂN
VỀ CA KHÚC NÀY
Ít
người
biết
Từng nổi
tiếng ở một
vài thời kỳ
nhất định
Rất nổi tiếng
- là “bài ca đi
cùng năm
tháng”
Không
hay
Nghe
được
Khá
hay
Rất
hay
10 Nỗi buồn chim sáo Đinh Trầm Ca
11 Cung đàn xưa Văn Cao
12 Thiên thai Văn Cao
13 Trương Chi Văn Cao
14 Thà rằng chẳng biết Vĩnh Cát
15 Trăng xuân Vũ Duy Cương
16 Đàn cầm dây vũ dây văn Nguyễn Cường
17 Khúc độc thoại Thị Màu Nguyễn Cường
18 Mái đình làng biển Nguyễn Cường
19 Khúc mô phỏng những
câu ca
Xuân Cửu
20 Cô Tấm ngày nay Ngọc Châu
21 Chuyển bến Đoàn
Từ Linh
Chuẩn -
22 Gửi gió cho mây ngàn
bay
Đoàn
Từ Linh
Chuẩn -
23 Lá đổ muôn chiều Đoàn
Từ Linh
Chuẩn -
24 Tình nghệ sĩ Đoàn
Từ Linh
Chuẩn -
209
STT
TÊN CA KHÚC TÁC GIẢ
TÔI
KHÔNG
BIẾT
CA
KHÚC
NÀY
TÔI BIẾT CA KHÚC NÀY
SỰ NỔI TIẾNG
CỦA CA KHÚC NÀY
Ý KIẾN ĐÁNH GIÁ CỦA
CÁ NHÂN
VỀ CA KHÚC NÀY
Ít
người
biết
Từng nổi
tiếng ở một
vài thời kỳ
nhất định
Rất nổi tiếng
- là “bài ca đi
cùng năm
tháng”
Không
hay
Nghe
được
Khá
hay
Rất
hay
25 Thu quyến rũ Đoàn
Từ Linh
Chuẩn -
26 Dung dăng dung dẻ Văn Chung
27 Đếm sao Văn Chung
28 Gái thôn Đoài trai thôn
Thượng
Văn
Lời: thơ Phạm Huyền - Văn Chung
Chung
29 Quê tôi giải phóng Văn Chung
30 Về thăm mẹ Trần Chung
31 Bài ca thống nhất Võ Văn Di
32 Bài ca dâng Bác Huy Du
33 Chợ Chờ em vẫn chờ ai Huy
Thơ: Phạm Tiến Duật
Du
34 Người sống mãi trong
lòng con
Huy Du
35 Nhớ về cửa biển Huy Du
36 Nổi lửa lên em Huy
Lời: Giang Lam - Huy Du
Du
37 Sóng nước Ngọc Tuyền
38 Thi sĩ bên bờ sông Đuống Huy
Lời: thơ Thế Hùng
Du
39 Con mèo mà trèo cây cau Đào Ngọc Dung
40 Chú Cuội Phạm Duy
210
STT
TÊN CA KHÚC TÁC GIẢ
TÔI
KHÔNG
BIẾT
CA
KHÚC
NÀY
TÔI BIẾT CA KHÚC NÀY
SỰ NỔI TIẾNG
CỦA CA KHÚC NÀY
Ý KIẾN ĐÁNH GIÁ CỦA
CÁ NHÂN
VỀ CA KHÚC NÀY
Ít
người
biết
Từng nổi
tiếng ở một
vài thời kỳ
nhất định
Rất nổi tiếng
- là “bài ca đi
cùng năm
tháng”
Không
hay
Nghe
được
Khá
hay
Rất
hay
41 Đố ai Phạm Duy
42 Nụ tầm xuân Phạm Duy
43 Ông trăng xuống chơi Phạm Duy
44 Quê nghèo Phạm Duy
45 Thằng Bờm Phạm Duy
46 Vợ chồng quê Phạm Duy
47 Chào em cô gái Lam
Hồng
Ánh Dương
48 Hướng về Hà Nội Hoàng Dương
49 Ai về sông Tương Thông Đạt
50 Đừng trách đa đa Võ Đông Điền
51 Đêm nay anh ở đâu Phan Huỳnh Điểu
52 Giai điệu quê mình Phan Huỳnh Điểu
53 Người ấy bây giờ đang ở
đâu
Phan Huỳnh
Thơ: Hoài Vũ
Điểu
54 Trầu cau Phan Huỳnh Điểu
55 Mơ hoa Hoàng Giác
56 Ngày về Hoàng Giác
57 Nghệ Tĩnh mình đây Xuân Giao
58 Cho dù có đi nơi đâu Thế Hiển
59 Cảm xúc lý ngựa ô Hoàng Hiệp
211
STT
TÊN CA KHÚC TÁC GIẢ
TÔI
KHÔNG
BIẾT
CA
KHÚC
NÀY
TÔI BIẾT CA KHÚC NÀY
SỰ NỔI TIẾNG
CỦA CA KHÚC NÀY
Ý KIẾN ĐÁNH GIÁ CỦA
CÁ NHÂN
VỀ CA KHÚC NÀY
Ít
người
biết
Từng nổi
tiếng ở một
vài thời kỳ
nhất định
Rất nổi tiếng
- là “bài ca đi
cùng năm
tháng”
Không
hay
Nghe
được
Khá
hay
Rất
hay
60 Câu hò bên bờ Hiền Lương Hoàng
Lời: thơ Đằng Giao
Hiệp
61 Chở pháo sang sông Hoàng
Thơ: Cao Phương
Hiệp
62 Đất mũi Cà Mau Hoàng Hiệp
63 Tuổi thơ Hoàng
Thơ: Nguyễn Duy
Hiệp
64 Em đứng giữa giảng
đường hôm nay
Tân Huyền
65 Tiếng hò trên đất Nghệ An Tân Huyền
66 Về miền thương nhớ Hoàng Hiệp
67 Tình yêu bên dòng sông
quan họ
Phan Lạc
Thơ: Đỗ Trung Lai
Hoa
68 Giận mà thương Trần Hoàn
69 Giữa Mạc Tư Khoa nghe
câu hò ví dặm
Trần
Thơ: Quý Doãn
Hoàn
70 Lời Bác dặn trước lúc đi xa Trần Hoàn
71 Mời anh về Hà Tĩnh Trần Hoàn
72 Vỗ bến lam chiều Trần Hoàn
73 Tìm về lời ru Đào Đăng Hoàn
74 Bài ca may áo Xuân Hồng
75 Hát cho mình nghe Nghiêm Bá Hồng
212
STT
TÊN CA KHÚC TÁC GIẢ
TÔI
KHÔNG
BIẾT
CA
KHÚC
NÀY
TÔI BIẾT CA KHÚC NÀY
SỰ NỔI TIẾNG
CỦA CA KHÚC NÀY
Ý KIẾN ĐÁNH GIÁ CỦA
CÁ NHÂN
VỀ CA KHÚC NÀY
Ít
người
biết
Từng nổi
tiếng ở một
vài thời kỳ
nhất định
Rất nổi tiếng
- là “bài ca đi
cùng năm
tháng”
Không
hay
Nghe
được
Khá
hay
Rất
hay
76 Tiếng hát sông Lam Đinh Quang Hợp
77 Giọt đàn Thạch Sanh Tuấn Khanh
78 Nhật kí chú Cuội Tuấn Khanh
79 Hết quan hoàn dân Lê Đăng Khoa
80 Con cò đi ăn đêm Nguyễn Xuân Khoát
81 Con mèo trèo cây cau Nguyễn Xuân Khoát
82 Con voi Nguyễn Xuân Khoát
83 Hồn xuân Nguyễn Xuân
Lời: thơ Thế Lữ
Khoát
84 Ông giẳng ông giăng Nguyễn Xuân Khoát
85 Sơn Tinh Thủy Tinh Nguyễn Xuân Khoát
86 Thằng Bờm Nguyễn Xuân Khoát
87 Người đàn bà hóa đá Trần Lập
88
Câu giã bạn Trọng
Lời: phóng tác từ bài thơ Câu giã bạn
của Thế Hùng
Loan
89 Lời ca dâng Bác Trọng Loan
90 Câu hát tình quê Trần Quang Lộc
91 Chờ nhau Trần Quang Lộc
92 Ngả nón trông theo Trần Quang Lộc
93 Chim sáo xa rồi Trương Quang Lộc
94 Tập tầm vông Lê Hữu Lộc
213
STT
TÊN CA KHÚC TÁC GIẢ
TÔI
KHÔNG
BIẾT
CA
KHÚC
NÀY
TÔI BIẾT CA KHÚC NÀY
SỰ NỔI TIẾNG
CỦA CA KHÚC NÀY
Ý KIẾN ĐÁNH GIÁ CỦA
CÁ NHÂN
VỀ CA KHÚC NÀY
Ít
người
biết
Từng nổi
tiếng ở một
vài thời kỳ
nhất định
Rất nổi tiếng
- là “bài ca đi
cùng năm
tháng”
Không
hay
Nghe
được
Khá
hay
Rất
hay
95 Đóng nhanh lúa tốt Lê Lôi
96 Con nhện tìm duyên Lê Minh
97 Khách đến chơi nhà Lê
Thơ: Việt Dũng
Minh
98 Lời ru
Lê
Thơ: Hoàng Hạnh
Minh
99 Về hội Lim
Lê
Thơ: Nguyễn Bá Thắng
Minh
100 Đồng dao con cò Phan Văn Minh
101 Thằng Bờm Phan Văn Minh
102 Son Đức Nghĩa
103 Ánh trăng Hồ Núi Cốc Đặng An Nguyên
104 Em ở nơi đâu Phan Nhân
105 Con cò mà đi ăn đêm Cù Minh Nhật
106 Sông Thương sông nhớ Xuân Nhật
107 Đất nước lời ru Văn Thành Nho
108 Quả bom câm
Doãn
Lời: Nghiêm Đa Văn
- Doãn Nho
Nho
109 Giặc đến nhà ta đánh Đỗ Nhuận
110 Quê ta từ đất dấy lên Đỗ Nhuận
111 Sóng cả không ngã
tay chèo
Đỗ Nhuận
214
STT
TÊN CA KHÚC TÁC GIẢ
TÔI
KHÔNG
BIẾT
CA
KHÚC
NÀY
TÔI BIẾT CA KHÚC NÀY
SỰ NỔI TIẾNG
CỦA CA KHÚC NÀY
Ý KIẾN ĐÁNH GIÁ CỦA
CÁ NHÂN
VỀ CA KHÚC NÀY
Ít
người
biết
Từng nổi
tiếng ở một
vài thời kỳ
nhất định
Rất nổi tiếng
- là “bài ca đi
cùng năm
tháng”
Không
hay
Nghe
được
Khá
hay
Rất
hay
112 Trai anh hùng gái đảm
đang
Đỗ Nhuận
113 Trông cây lại nhớ đến
người
Đỗ Nhuận
114 Việt Nam quê hương tôi Đỗ Nhuận
115 Con thuyền không bến Đặng Thế
Lời: Đặng Thế Phong
- Bùi Công Kỳ
Phong
116 Giọt mưa thu Đặng Thế Phong
117 Hương cau vườn Bác Vi Phong
118 Cơn mưa sang đò Đặng Hữu Phúc
119 Cô lái đò Nguyễn Đình
Phổ thơ Nguyễn Bính
Phúc
120 Cô Tấm sang sông Nguyễn Đình Phúc
121 Tiếng đàn bầu Nguyễn Đình Phúc
122 Theo câu Quan họ Nguyễn Đình Phúc
123 Bạch Đằng giang
Lưu Hữu
Lời: Mai Văn Bộ, Nguyễn Thành
Nguyên, Lưu Hữu Phước
Phước
124 Tiếng gọi thanh niên
Lưu Hữu
Lời: Hoàng Mai Lưu
Phước
125 Bài ca thần chim Lạc Phó Đức Phương
126 Cô Nụ thôn tôi Phó Đức Phương
215
STT
TÊN CA KHÚC TÁC GIẢ
TÔI
KHÔNG
BIẾT
CA
KHÚC
NÀY
TÔI BIẾT CA KHÚC NÀY
SỰ NỔI TIẾNG
CỦA CA KHÚC NÀY
Ý KIẾN ĐÁNH GIÁ CỦA
CÁ NHÂN
VỀ CA KHÚC NÀY
Ít
người
biết
Từng nổi
tiếng ở một
vài thời kỳ
nhất định
Rất nổi tiếng
- là “bài ca đi
cùng năm
tháng”
Không
hay
Nghe
được
Khá
hay
Rất
hay
127 Cũng một con đò Phó Đức Phương
128 Hồ trên núi Phó đức Phương
129 Huyền thoại hồ Núi Cốc Phó Đức Phương
130 Khúc hát phiêu ly Phó Đức Phương
131 Lồng lộng quê Thanh Phó Đức Phương
132 Mái chèo thiên thu Phó Đức Phương
133 Một thoáng Tây Hồ Phó Đức Phương
134 Người đi Tam Đảo Phó Đức Phương
135 Những cô gái quan họ Phó Đức Phương
136 Phong Châu mở hội Phó Đức Phương
137 Về quê Phó Đức Phương
138 Vũ điệu con cò Phó Đức Phương
139 Người ơi hãy về Tào Tuấn Phương
140 Tình đất Tào Tuấn Phương
141 Dòng máu Lạc Hồng Lê Quang
142 Em yêu anh như yêu câu
ví dặm
Vũ Ngọc Quang
143 Hát về mẹ Vũ Ngọc Quang
144 Khúc cuối Trương Chi Vũ Ngọc Quang
145 Phía tối tâm hồn tôi Phú Quang
146 Thương lắm tóc dài ơi Phú Quang
216
STT
TÊN CA KHÚC TÁC GIẢ
TÔI
KHÔNG
BIẾT
CA
KHÚC
NÀY
TÔI BIẾT CA KHÚC NÀY
SỰ NỔI TIẾNG
CỦA CA KHÚC NÀY
Ý KIẾN ĐÁNH GIÁ CỦA
CÁ NHÂN
VỀ CA KHÚC NÀY
Ít
người
biết
Từng nổi
tiếng ở một
vài thời kỳ
nhất định
Rất nổi tiếng
- là “bài ca đi
cùng năm
tháng”
Không
hay
Nghe
được
Khá
hay
Rất
hay
147 Chim sáo ngày xưa Nhất Sinh
148 Tơ hồng Nhất Sinh
149 Em đi trên cỏ non Bắc Sơn
150 À í a Lê Minh Sơn
151 Chuồn chuồn ớt Lê Minh Sơn
152 Đá trông chồng Lê Minh Sơn
153 Đàn cò Lê Minh Sơn
154 Gà trống nuôi con Lê Minh Sơn
155 Người ở người về Lê Minh Sơn
156 Ôi quê tôi Lê Minh Sơn
157 Ơ kìa Lê Minh Sơn
158 Lời ru Âu lạc Nguyễn Minh Sơn
159 Bạc Liêu hoài cổ Thanh Sơn
160 Dư âm ngày cũ Thanh Sơn
161 Em về qua bến Bắc Thanh Sơn
162 Hành trình trên đất
phù sa
Thanh Sơn
163 Hình bóng quê nhà Thanh Sơn
164 Hương tóc mạ non Thanh Sơn
165 Thương về cố đô Thanh Sơn
217
STT
TÊN CA KHÚC TÁC GIẢ
TÔI
KHÔNG
BIẾT
CA
KHÚC
NÀY
TÔI BIẾT CA KHÚC NÀY
SỰ NỔI TIẾNG
CỦA CA KHÚC NÀY
Ý KIẾN ĐÁNH GIÁ CỦA
CÁ NHÂN
VỀ CA KHÚC NÀY
Ít
người
biết
Từng nổi
tiếng ở một
vài thời kỳ
nhất định
Rất nổi tiếng
- là “bài ca đi
cùng năm
tháng”
Không
hay
Nghe
được
Khá
hay
Rất
hay
166 Lặng lẽ nơi này Trịnh Công Sơn
167 Lời mẹ ru Trịnh Công Sơn
168 Kéo cưa lừa xẻ Phạm Thị Sửu
169 Yêu nhau ghét nhau Vy Nhật Tảo
170 Đôi mắt đò ngang Nguyễn Trọng Tạo
171 Khúc hát sông quê Nguyễn Trọng
Thơ: Lê Huy Mậu
Tạo
172 Làng quan họ quê tôi Nguyễn Trọng
Thơ: Nguyễn Phan Hách
Tạo
173 Làng tôi bên dòng Ô Lâu Nguyễn Trọng Tạo
174 Vầng trăng bến đậu Nguyễn Trọng Tạo
175 Chuyện tình nàng Tô Thị Nguyễn Tiến
176 Hoa cau vườn trầu Nguyễn Tiến
177 Nghe em hát bèo dạt
mây trôi
Nguyễn Tiến
178 Nghe em hát còn duyên Nguyễn Tiến
179 Nhớ đêm giã bạn Nguyễn Tiến
180 Tìm em câu hát dân ca Nguyễn Tiến
181 Cây đàn đất nước Trần Tiến
182 Chị tôi Trần Tiến
183 Mẹ tôi Trần Tiến
184 Ngẫu hứng sông Hồng Trần Tiến
218
STT
TÊN CA KHÚC TÁC GIẢ
TÔI
KHÔNG
BIẾT
CA
KHÚC
NÀY
TÔI BIẾT CA KHÚC NÀY
SỰ NỔI TIẾNG
CỦA CA KHÚC NÀY
Ý KIẾN ĐÁNH GIÁ CỦA
CÁ NHÂN
VỀ CA KHÚC NÀY
Ít
người
biết
Từng nổi
tiếng ở một
vài thời kỳ
nhất định
Rất nổi tiếng
- là “bài ca đi
cùng năm
tháng”
Không
hay
Nghe
được
Khá
hay
Rất
hay
185 Quê nhà Trần Tiến
186 Ra ngõ mà say Trần Tiến
187 Ra ngõ mà thương Trần Tiến
188 Ra ngõ mà yêu Trần Tiến
189 Sao em nỡ vội lấy chồng Trần Tiến
190 Sắc màu Trần Tiến
191 Tóc gió thôi bay Trần Tiến
192 Tùy hứng lý ngựa ô Trần Tiến
193 Tùy hứng lý qua cầu Trần Tiến
194 Thượng đế buồn Trần Tiến
195 Đất nước Phạm Minh
Lời: dựa ý thơ Tạ Hữu Yên
Tuấn
196 Đường tàu mùa xuân Phạm Minh Tuấn
197 Bờm ơi Hồ Trọng Tuấn
198 Mẹ Âu Cơ Hồ Trọng Tuấn
199 Thương nhau lí tơ hồng Trương Quang Tuấn
200 Bà còng đi chợ Phạm Tuyên
201 Cái cò đi đón cơn mưa Phạm Tuyên
202 Cánh cò trong câu hát
mẹ ru
Phạm
Trích thơ Chế Lan Viên
Tuyên
219
STT
TÊN CA KHÚC TÁC GIẢ
TÔI
KHÔNG
BIẾT
CA
KHÚC
NÀY
TÔI BIẾT CA KHÚC NÀY
SỰ NỔI TIẾNG
CỦA CA KHÚC NÀY
Ý KIẾN ĐÁNH GIÁ CỦA
CÁ NHÂN
VỀ CA KHÚC NÀY
Ít
người
biết
Từng nổi
tiếng ở một
vài thời kỳ
nhất định
Rất nổi tiếng
- là “bài ca đi
cùng năm
tháng”
Không
hay
Nghe
được
Khá
hay
Rất
hay
203 Câu hát mẹ ru Phạm
Lời: thơ Nghiêm Thị Hằng
Tuyên
204 Có ai vô xứ Nghệ
Phạm
Lời: trích thơ Huy Cận
Tuyên
205 Con chim chích chòe Phạm
Lời: Đồng dao
Tuyên
206 Đền thờ tình yêu Phạm
Lời: trích thơ Băng Sơn
Tuyên
207 Gánh gánh gồng gồng Phạm Tuyên
208 Nhớ ơn Phạm Tuyên
209 Đêm tàn bến Ngự Dương Thiệu Tước
210 Ơn nghĩa sinh thành Dương Thiệu Tước
211 Lời ru của mẹ Vũ Trọng Tường
212 Ai xây chiến lũy Nguyễn Văn Tý
213 Ăn cỗ đi trước lội nước
đi sau
Nguyễn Văn Tý
214 Bài ca năm tấn Nguyễn Văn Tý
215 Con sáo sang sông Nguyễn Văn Tý
216 Đường về xứ Nghệ Nguyễn Văn Tý
217 Mẹ yêu con Nguyễn Văn Tý
220
STT
TÊN CA KHÚC TÁC GIẢ
TÔI
KHÔNG
BIẾT
CA
KHÚC
NÀY
TÔI BIẾT CA KHÚC NÀY
SỰ NỔI TIẾNG
CỦA CA KHÚC NÀY
Ý KIẾN ĐÁNH GIÁ CỦA
CÁ NHÂN
VỀ CA KHÚC NÀY
Ít
người
biết
Từng nổi
tiếng ở một
vài thời kỳ
nhất định
Rất nổi tiếng
- là “bài ca đi
cùng năm
tháng”
Không
hay
Nghe
được
Khá
hay
Rất
hay
218 Một khúc tâm tình của
người Hà Tĩnh
Nguyễn Văn Tý
219 Người đi xây hồ Kẻ Gỗ Nguyễn Văn Tý
220 Buông áo em ra Hoàng Thành
221 Nghe câu quan họ trên
cao nguyên
Vũ
Lời: Phỏng ý thơ Nguyễn Hữu Chỉnh
Thiết
222 Sao lệ rơi giếng ngọc Duy Thịnh
223 Anh có về chiều nay Ngọc
Thơ: Bùi Thị Thủy
Thịnh
224 Ca dao sông quê Ngọc Thịnh
225 Câu đợi câu chờ Ngọc Thịnh
226 Hà Tĩnh quê mình Ngọc Thịnh
227 Lời quê Ngọc Thịnh
228 Tháng Giêng Ngọc Thịnh
229 Câu hát quê hương
Hồ Hữu
Thơ: Nguyễn Trọng Tạo
Thới
230 Về Nghệ An Hồ Hữu Thới
231 Con thuyền xa bến Lưu Bách Thụ
232 Ca dao em và tôi An Thuyên
233 Chú Cuội chơi trăng An Thuyên
221
STT
TÊN CA KHÚC TÁC GIẢ
TÔI
KHÔNG
BIẾT
CA
KHÚC
NÀY
TÔI BIẾT CA KHÚC NÀY
SỰ NỔI TIẾNG
CỦA CA KHÚC NÀY
Ý KIẾN ĐÁNH GIÁ CỦA
CÁ NHÂN
VỀ CA KHÚC NÀY
Ít
người
biết
Từng nổi
tiếng ở một
vài thời kỳ
nhất định
Rất nổi tiếng
- là “bài ca đi
cùng năm
tháng”
Không
hay
Nghe
được
Khá
hay
Rất
hay
234 Chỉ tại dòng sông đa tình An Thuyên
235 Đêm trăng thôn nữ An Thuyên
236 Hà Tĩnh mình thương An Thuyên
237 Hát ru người mẹ lính An Thuyên
238 Khi xe tăng qua miền
quan họ
An
Lời: thơ Nguyễn Ngọc Phú
Thuyên
239 Khúc hát ru những người
đàn bà đánh dậm
An Thuyên
240 Mẹ tôi An Thuyên
241 Neo đậu bến quê An Thuyên
242 Nón trắng đồng quê An Thuyên
243 Sông Hiền Lương An Thuyên
244 Tình làng quê An Thuyên
245 Thanh Chương quê
hương mến thương
An Thuyên
246 Về miền Trung An Thuyên
222
STT
TÊN CA KHÚC TÁC GIẢ
TÔI
KHÔNG
BIẾT
CA
KHÚC
NÀY
TÔI BIẾT CA KHÚC NÀY
SỰ NỔI TIẾNG
CỦA CA KHÚC NÀY
Ý KIẾN ĐÁNH GIÁ CỦA
CÁ NHÂN
VỀ CA KHÚC NÀY
Ít
người
biết
Từng nổi
tiếng ở một
vài thời kỳ
nhất định
Rất nổi tiếng
- là “bài ca đi
cùng năm
tháng”
Không
hay
Nghe
được
Khá
hay
Rất
hay
247 Con mèo trèo cây cau Lê Thương
248 Hòn vọng phu 1 Lê Thương
249 Hòn vọng phu 2 Lê Thương
250 Hòn vọng phu 3 Lê Thương
251 Ông Ninh ông Nang Lê Thương
252 Thằng Cuội Lê Thương
253 Ông sấm ông sét
Đỗ Mạnh
Lời 1: Đồng dao
Lời 2: Đỗ Mạnh Thường
Thường
254
Tùng dinh tùngdinh Đỗ Mạnh
Lời: đồng dao
Thường
255 Hai chị em Hoàng Vân
256 Hát về cây lúa hôm nay Hoàng Vân
257 Người chiến sĩ ấy Hoàng Vân
258 Quảng Bình quê ta ơi Hoàng Vân
259 Lòng mẹ Y Vân
260 Em đến thăm anh một
chiều mưa
Tô Vũ
261 Bẽ bàng Lê Yên
262 Bộ đội về làng Lê
Lời: thơ Hoàng Trung Thông
Yên
223
STT
TÊN CA KHÚC TÁC GIẢ
TÔI
KHÔNG
BIẾT
CA
KHÚC
NÀY
TÔI BIẾT CA KHÚC NÀY
SỰ NỔI TIẾNG
CỦA CA KHÚC NÀY
Ý KIẾN ĐÁNH GIÁ CỦA
CÁ NHÂN
VỀ CA KHÚC NÀY
Ít
người
biết
Từng nổi
tiếng ở một
vài thời kỳ
nhất định
Rất nổi tiếng
- là “bài ca đi
cùng năm
tháng”
Không
hay
Nghe
được
Khá
hay
Rất
hay
263 Dù xa cuối bể chân trời Lê
Lời: thơ Mai Bình
Yên
264 Bài ca đất Quảng Thuận
Phỏng thơ Hoàng Bích Sơn
Yến
265 Bến đợi Thuận
Thơ: Hồ Ngọc Chương
Yến
266 Con gái mẹ đã thành
chiến sĩ
Thuận Yến
267 Gửi em ở cuối sông
Hồng
Thuận
Lời: phỏng thơ Dương Soái
Yến
268 Hát mừng quê ta giải
phóng
Thuận Yến
269 Lắng nghe con mẹ ru mẹ
hát
Thuận Yến
270 Mẹ tôi Thuận Yến
271 Miền Trung nhớ Bác Thuận Yến
272 Thì thầm với dòng sông Thuận
Lời: thơ Hoài Vũ
Yến
273 Tình ca Tiên Dung Thuận Yến
274 Vọng lời mẹ ru Thuận
Lời: thơ Thế Kỳ
Yến
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- luan_an_van_de_khai_thac_chat_lieu_van_hoc_dan_gian_trong_sa.pdf