BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
VŨ THỊ HỒNG TIỆP
TÍNH TƯƠNG TÁC CỦA DIỄN NGÔN BÁO CHÍ
QUA MỘT SỐ BÁO ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN HIỆN NAY
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN
HÀ NỘI - 2017
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
VŨ THỊ HỒNG TIỆP
TÍNH TƯƠNG TÁC CỦA DIỄN NGÔN BÁO CHÍ
QUA MỘT SỐ BÁO ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN HIỆN NAY
CHUYÊN NGÀNH: NGÔN NGỮ VIỆT NAM
Mã số: 62.22.01.02
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC
1. PGS.TS. NGUYỄN THỊ NGÂN HO
166 trang |
Chia sẻ: huong20 | Ngày: 18/01/2022 | Lượt xem: 418 | Lượt tải: 0
Tóm tắt tài liệu Luận án Tính tương tác của diễn ngôn báo chí qua một số báo điện tử phổ biến hiện nay, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
A
2. PGS.TS. NGUYỄN THỊ THU THỦY
HÀ NỘI - 2017
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa học của riêng tôi. Các số liệu thống kê là hoàn toàn trung thực do tôi thực hiện. Đề tài nghiên cứu và các kết luận khoa học chưa từng được công bố trong bất kì công trình nào khác.
Tác giả luận án
Vũ Thị Hồng Tiệp
MỤC LỤC
QUY ƯỚC VIẾT TẮT
- DT: báo Dân trí
- VNN: báo VietNamNet
- DNBC: diễn ngôn báo chí
- HĐNT: hành động ngôn từ
- PTTT: phương thức tương tác
QUY ƯỚC TRÍCH DẪN
- Trích dẫn dẫn chứng
(Tên báo, thời gian xuất bản, trang theo phụ lục)
DT: báo Dân trí
VNN: báo VietNamNet
Ví dụ: (VNN 23/04/2015, PL3)
VNN: báo VietNamNet, thời gian xuất bản ngày 23/04/2015, chi tiết về bài xem trang PL3.
DANH MỤC CÁC BẢNG
Bảng 2.1: Tổng hợp số lượng các bài báo được khảo sát 52
Bảng 2.2: Thống kê lượng bài tương tác chủ đề 55
Bảng 2.3: Phân loại các thể loại 65
Bảng 2.4: Các kiểu tiêu đề 71
Bảng 2.5: Tần số xuất hiện của các kiểu tiêu đề 72
Bảng 2.6: Tần số xuất hiện của các kiểu sapô 78
Bảng 2.7: Phân loại các PTTT dựa vào hành động ngôn từ 85
Bảng 3.1: Số lượng các phản hồi 99
Bảng 3.2: Thống kê lượng bài lấy nguồn từ báo khác 100
Bảng 3.3: So sánh lượng phản hồi giữa bài báo gốc và bài báo lấy lại (1) 102
Bảng 3.4: So sánh lượng phản hồi giữa bài báo gốc và bài báo lấy lại (2) 102
Bảng 3.5: Số lượng các nhóm hành động ở lời trong phản hồi 118
Bảng 3.6: Ví dụ về các nhóm hành động ở lời trong phản hồi 120
DANH MỤC CÁC HÌNH, MÔ HÌNH, BIỂU ĐỒ
Hình
Hình 1.1: Các yếu tố trong quá trình giao tiếp của R. Jakobson...15
Hình 1.2: Quá trình giao tiếp báo chí 16
Hình 1.3: Các yếu tố trong quá trình giao tiếp báo chí.17
Hình 1.4: Cấu trúc văn bản báo chí 44
Hình 1.5: Cấu trúc văn bản báo chí: cấu trúc hình chữ nhật ........... .45
Hình 1.6: Cấu trúc văn bản báo chí: cấu trúc kim tự tháp xuôi 46
Hình 1.7: Cấu trúc văn bản báo chí: cấu trúc kim tự tháp ngược 46
Hình 2.1: Đường siêu liên kết chủ đề 54
Hình 2.2: Quy tắc vàng trong viết báo 83
Hình 3.1: Quá trình tương tác của thể phát - thể nhận và các thể nhận 95
Hình 3.2: Phản hồi dưới mỗi bài viết của báo điện tử 97
Hình 3.3: Tương tác của thể nhận 117
Hình 3.4: Một số phương tiện ngôn ngữ trong phản hồi 145
Mô hình
Mô hình 1.1: Mô hình truyền thông báo chí 16
Mô hình 1.2: Mô hình truyền thông của Claude Shannon 17
Mô hình 1.3: Mô hình hoạt động trao lời 28
Mô hình 1.4: Mô hình hoạt động đáp lời 28
Mô hình 2.1: Mô hình duy trì và phát triển chủ đề 61
Mô hình 2.2: Mô hình duy trì và phát triển chủ đề ở các chủ đề 62
Mô hình 2.3: Mô hình tương tác thể loại 66
Mô hình 2.4: Mô hình tương tác thể loại cụ thể ở các chủ đề 67
Biểu đồ
Biểu đồ 2.1: Biểu đồ thể hiện tỉ lệ các chủ đề 53
Biểu đồ 2.2: Biểu đồ thể hiện tỉ lệ xuất hiện của các kiểu tiêu đề 72
Biểu đồ 2.3: Biểu đồ thể hiện tỉ lệ xuất hiện của các kiểu sapô 79
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
1.1. Hiện nay, báo chí (newspaper, journal) với thế mạnh truyền thông đã và đang trở thành cơ quan “quyền lực thứ tư” sau tam quyền (Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp). Quyền lực báo chí thể hiện ở khả năng tạo lập và định hướng dư luận. Thời đại của Internet trong một thế giới phẳng đã thay đổi quá trình truyền thông báo chí - không còn là quá trình truyền thông một chiều, mà giờ đây là sự tương tác hai chiều và đa chiều. Xu hướng của báo chí truyền thông thế giới là tương tác hơn, đa dạng hơn. Điều này tạo cho báo chí đương đại có tính tương tác cao.
1.2. Báo điện tử là loại hình báo chí phổ biến, có tính tương tác nổi bật và dễ nhận diện nhất. Báo điện tử hiện nay đã thể hiện được những đặc điểm tương tác rõ nét.
Báo điện tử có hệ thống phản hồi được hiện lên trên giao diện tờ báo, rất dễ để nhận ra. Ở báo điện tử, tính tương tác nổi rõ do mối quan hệ giữa nhà báo và độc giả tiếp nhận là mối quan hệ mở trong thế đối thoại. Đây là một trong những đặc điểm tiêu biểu của báo điện tử và là nhân tố quan trọng thu hút sự tham gia của công chúng vào quá trình thông tin cùng với nhà báo và tòa soạn. Ngoài ra, đây cũng là cách để tạo hứng thú cho công chúng, thu hút họ trở thành bạn đọc thường xuyên của báo.
Vì vậy, tìm hiểu tính tương tác của diễn ngôn báo chí thông qua báo điện tử là tìm hiểu một trong những đặc điểm tiêu biểu của báo chí đương đại. Hơn nữa, nó còn là yếu tố tạo nên tính hấp dẫn, khả năng thu hút bạn đọc - yếu tố sống còn, lí do cho sự tồn tại của các trang báo điện tử hiện nay.
1.3. Phân tích diễn ngôn nói chung và diễn ngôn báo chí nói riêng là một lĩnh vực đa diện, đa chiều. Lí luận phân tích diễn ngôn cho thấy việc chuyển đối tượng từ câu sang phát ngôn, văn bản sang diễn ngôn thực sự là một sự chuyển hệ quan trọng thay đổi quan niệm về đối tượng nghiên cứu ngôn ngữ. Với đối tượng là diễn ngôn, nghiên cứu ngôn ngữ đã chuyển sang hệ giao tiếp và các yếu tố văn hóa có tác động đến sự hành chức của ngôn ngữ.
Do đó, tìm hiểu tính tương tác trong diễn ngôn báo chí chính là tìm hiểu hoạt động của ngôn ngữ trong một môi trường giao tiếp đặc biệt: lĩnh vực báo chí - công luận. Đó là nghiên cứu mối quan hệ biện chứng giữa ngôn ngữ trong hệ thống với ngôn ngữ ở dạng hành chức trong một phong cách chức năng cụ thể. Công việc này hứa hẹn sẽ mang lại những kết quả thú vị.
Chính vì những lí do trên, cho nên chúng tôi quyết định chọn đề tài Tính tương tác của diễn ngôn báo chí qua một số báo điện tử phổ biến hiện nay.
2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
Mục đích của luận án là chỉ ra tính tương tác của diễn ngôn báo chí thông qua các đặc điểm về nội dung và hình thức của diễn ngôn báo điện tử. Từ đó chỉ ra bản chất tương tác của diễn ngôn báo chí như một thuộc tính bao trùm chi phối mọi đặc trưng của diễn ngôn báo chí nói chung và báo điện tử nói riêng.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Xây dựng cơ sở lí thuyết về tương tác của diễn ngôn, tương tác của diễn ngôn báo chí.
- Khảo sát hệ thống các bài báo điện tử ở các báo khác nhau để thấy rõ các đặc điểm tương tác.
- Chỉ ra các đặc điểm, các yếu tố thể hiện tính tương tác của thể phát (nhà báo, tòa soạn báo).
- Chỉ ra các đặc điểm, các yếu tố thể hiện tính tương tác của thể nhận (độc giả).
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là tính tương tác của diễn ngôn báo chí thông qua khảo sát các diễn ngôn của báo điện tử. Luận án lựa chọn nghiên cứu trường hợp trên báo điện tử - một loại hình báo chí tiêu biểu của thời đại. Báo điện tử là sự kết hợp của rất nhiều phương tiện: hình ảnh, video clip...; trong luận án, chúng tôi chỉ khảo sát yếu tố văn bản (text).
Có hai phạm vi của diễn ngôn được xem xét trong luận án, đó là:
(1) Diễn ngôn của nhà báo (đại diện cho tờ báo): Diễn ngôn này bao gồm các diễn ngôn cơ sở (chứa nguồn tin gốc, cung cấp thông tin đầu tiên) và các diễn ngôn phái sinh trong cùng một tờ báo hoặc các tờ báo khác nhau (các diễn ngôn này có liên quan về mặt chủ đề, đối tượng được nói đến với diễn ngôn cơ sở).
(2) Diễn ngôn phản hồi của độc giả: diễn ngôn xuất hiện sau khi độc giả tiếp nhận thông tin từ các diễn ngôn trên.
Về mặt phạm vi, chúng tôi lựa chọn hai website báo điện tử: Dân trí (dantri.com), VietNamNet (vietnamnet.vn). Theo Alexa (www.alexa.com) - trang web uy tín trong việc thống kê và thông tin về lượng truy cập website hiện nay, đây là hai tờ báo nằm trong top các báo điện tử có nhiều người đọc ở Việt Nam. Báo điện tử Dân trí luôn thu hút lượng người đọc và bình luận phản hồi lớn còn VietNamNet là tờ báo điện tử đầu tiên của Việt Nam. Ngữ liệu chủ yếu của luận án là 185 bài báo mạng thuộc chuyên mục Giáo dục được xuất bản trong năm 2015 của hai website này. Hệ thống các bình luận phản hồi được tính từ thời điểm bài báo xuất bản đến ngày 31/12/2015. Ngoài ra, để đảm bảo tính cập nhật (update) của báo chí nói chung và báo điện tử nói riêng; khi phân tích các trường hợp điển hình, chúng tôi có đề cập tới một số bài báo xuất bản thời gian gần đây.
4. Phương pháp nghiên cứu
4.1. Phương pháp miêu tả (description): Trên cơ sở miêu tả đặc điểm về chủ đề, thể loại, cấu trúc, hành động ngôn từ ... được thể hiện ra bằng ngôn ngữ của diễn ngôn để nhận diện ra đặc điểm tương tác của diễn ngôn. Nhận diện tương tác diễn ngôn thông qua miêu tả các đặc điểm nội dung và hình thức của nó.
(i) Miêu tả định lượng: Các yếu tố có thể định lượng, đo đếm được: số bài báo, số phản hồi; số chủ đề, số tin liên quan tới một chủ đề cụ thể; số lượng các hành động ngôn từ... Thống kê, phân loại, miêu tả đặc điểm các yếu tố dựa trên tần số xuất hiện của nó.
(ii) Miêu tả định tính: Từ những miêu tả định lượng có những miêu tả định tính. Đó là những phán đoán, tiên liệu liên quan tới phân tích ngữ cảnh. Có những yếu tố có thể nhận diện được trực tiếp: chủ đề (đối tượng được nói đến), phạm vi đề tài; thời gian (tin xuất bản trước, sau), kênh và môi trường truyền tin (mục, trang tin)...: tất cả các yếu tố có thể nhìn thấy trên giao diện. Có những yếu tố phải nhận diện gián tiếp như: các quan niệm, thái độ của nhà báo và độc giả (có thể tường minh, có thể không tường minh); đích diễn ngôn của nhà báo và độc giả có tính hàm ẩn...
4.2. Phương pháp phân tích diễn ngôn (discourse analysis): Chúng tôi lựa chọn cách tiếp cận diễn ngôn theo:
(1) đường hướng dụng học (pragmatics): dựa vào lí thuyết hành động nói (speech acts)
(2) đường hướng phân tích diễn ngôn phê phán (critical discourse analysis) với ba kiểu phân tích tương ứng ba chiều đo đã được Fairclough chỉ ra: 1- Định dạng văn bản (miêu tả diễn ngôn), 2- Phân tích quá trình sản sinh và thực hành diễn ngôn (tìm hiểu diễn ngôn), 3- Phân tích các đặc điểm văn hóa - xã hội tác động ở bề sâu diễn ngôn (giải thích diễn ngôn).
4.3. Thủ pháp so sánh đối chiếu (comparison): So sánh đối chiếu giữa các văn bản, các diễn ngôn báo chí cùng một chủ đề thông tin. So sánh đặc điểm của diễn ngôn: về nội dung (tiêu điểm thông tin, độ đậm nhạt của thông tin...); so sánh về mặt đặc trưng loại hình của diễn ngôn (các thể loại); so sánh diễn ngôn trong cùng một tờ báo và ở các tờ báo khác nhau...
5. Đóng góp mới của luận án
5.1. Về mặt lí luận
Luận án góp phần mở rộng biên độ nghiên cứu ngôn ngữ truyền thông hiện đại, những kết luận của luận án sẽ bổ sung vào kho lí luận ngôn ngữ truyền thông.
Luận án tổng hợp và vận dụng một số lí thuyết liên quan tới tương tác của diễn ngôn, từ đó góp phần làm rõ thêm lí thuyết về tính tương tác của diễn ngôn, tương tác của diễn ngôn báo chí ở một thể loại cụ thể là báo điện tử.
5.2. Về mặt thực tiễn
Kết quả nghiên cứu của luận án có thể được sử dụng vào việc giảng dạy, nghiên cứu phong cách ngôn ngữ báo chí, đặc biệt ở loại hình báo điện tử.
Ngoài ra, luận án là tài liệu tham khảo giúp rèn luyện kĩ năng viết báo (đặc biệt là báo điện tử). Các phân tích ngôn ngữ cụ thể của luận án chỉ ra một số cách sử dụng ngôn ngữ để đạt được hiệu quả tương tác cao.
Những kết quả của luận án sẽ góp phần điều chỉnh, định hướng sự giao lưu, tương tác báo chí theo hướng tích cực.
6. Cấu trúc của luận án
Ngoài phần phần mở đầu, phần kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục; phần nội dung của luận án gồm 3 chương:
Chương 1: Tổng quan về đề tài nghiên cứu và cơ sở lí thuyết
Chương 2: Tương tác của thể phát trong diễn ngôn báo điện tử
Chương 3: Tương tác của thể nhận trong diễn ngôn báo điện tử
Chương 1
TỔNG QUAN VỀ ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÍ THUYẾT
Dẫn nhập
Chương này tổng quan lại các công trình có liên quan tới đề tài nghiên cứu, hệ thống những tiền đề lí thuyết làm cơ sở cho việc triển khai đề tài.
Tổng quan về đề tài nghiên cứu
Tổng quan về đề tài nghiên cứu bao gồm tổng quan các công trình nghiên cứu về diễn ngôn (diễn ngôn, diễn ngôn báo chí, diễn ngôn báo điện tử) và các nghiên cứu về tính tương tác của diễn ngôn báo điện tử.
1.1.1. Các nghiên cứu về diễn ngôn, diễn ngôn báo chí, diễn ngôn báo điện tử
1.1.1.1. Các nghiên cứu về diễn ngôn
Tên gọi “Phân tích diễn ngôn” đã có từ năm 1952 với Z.Harris. Ông đã đề xuất khái niệm “diễn ngôn - discourse” là văn bản liên kết, ở bậc cao hơn câu. Sau đó, các nhà nghiên cứu J. McH. Sinclair và R. M. Coulthard (1975); R. M. Coulthard (1977) đã sử dụng phổ biến thuật ngữ “diễn ngôn”. Năm 1979, R. De Beaugrande đã ấn định sự kết thúc của giai đoạn ngôn ngữ học văn bản để chuyển sang giai đoạn tiếp theo - giai đoạn phân tích diễn ngôn. Từ đây, các công trình của M. Stubbs (1983); G. Brown và G. Yule (1983); nhà dụng học S. C. Levinson (1983), D.Nunan (1993) đã nghiên cứu chuyên sâu về diễn ngôn. Nổi bật là công trình Phân tích diễn ngôn (Discourse Analysis) của G. Brown và G. Yule [9]. Trong công trình này, các tác giả đã chỉ ra phương thức để giải mã diễn ngôn gắn với ngữ cảnh cụ thể và “phép luận suy” để tìm ra cái được nói đến trong diễn ngôn.
Theo Schiffrin (1994), kể từ khi phân tích diễn ngôn trở thành một lĩnh vực được nhiều người quan tâm đã có nhiều đường hướng phân tích diễn ngôn ra đời. Thứ nhất, đường hướng dụng học với hai nhánh. Một là, dựa trên lí thuyết hành động nói (speech acts), Austin và Searle cho rằng bản chất của các phát ngôn ngôn ngữ là thực hiện một hành động nói. Hai là, dựa trên sự phân biệt các loại ý nghĩa khác nhau của Grice, ông đã lập luận rằng nguyên tắc cộng tác là căn cứ cho việc suy ra ý định phát ngôn của người nói.
Một đường hướng khác bắt nguồn từ các lĩnh vực khác nhau như nhân chủng học, xã hội học và ngôn ngữ học gọi là đường hướng ngôn ngữ học xã hội tương tác (interactional sociolinguistics).
Đường hướng phân tích diễn ngôn phê phán (critical discourse analysis- CDA) ra đời vào những năm 70 của thế kỉ XX. Đường hướng này quan tâm đến vấn đề quyền thế và hệ tư tưởng được thể hiện trong diễn ngôn.
Ở Việt Nam, sự quan tâm tới phân tích diễn ngôn bắt đầu từ đầu thập kỷ 80. Các tác giả như Hoàng Phê, Đỗ Hữu Châu (1985), Trần Ngọc Thêm (1985), Nguyễn Đức Dân, Cao Xuân Hạo (1991), Diệp Quang Ban (1998), Nguyễn Thiện Giáp (2000), Nguyễn Hòa đã nghiên cứu những vấn đề của phân tích diễn ngôn.
Nguyễn Hòa (Phân tích diễn ngôn phê phán: Lí luận và phương pháp) [49] coi diễn ngôn như một quá trình giao tiếp tương tác. Còn trong Giao tiếp diễn ngôn và cấu tạo văn bản [8]; Diệp Quang Ban đã hệ thống về văn bản, phân biệt văn bản và diễn ngôn trong đó nổi bật là quan điểm diễn ngôn là một quá trình, thuộc về mặt nghĩa, gắn với ngữ cảnh sử dụng.
Đỗ Hữu Châu trong Đại cương Ngôn ngữ học tập 2 (Ngữ dụng học) [12] có đề cập đến diễn ngôn như một khái niệm nền tảng của ngữ dụng học và phân biệt nó với khái niệm câu, phát ngôn. Tác giả cũng đã chỉ ra các thành tố nội dung của diễn ngôn và sử dụng thuật ngữ này một cách thống nhất trong công trình của mình.
Các công trình nghiên cứu về diễn ngôn nổi bật trên đã cung cấp một cái nhìn tương đối toàn vẹn về diễn ngôn.
1.1.1.2. Các nghiên cứu về diễn ngôn báo chí và báo điện tử
Hiện nay, trên thế giới và ở Việt Nam có khá nhiều nghiên cứu về vấn đề báo chí và ngôn ngữ báo chí nói chung. Có thể kể tên một số công trình nổi bật ở Việt Nam như: Ngôn ngữ báo chí - Những vấn đề cơ bản (Nguyễn Đức Dân, 2007) [22], Báo chí - Những vấn đề lí luận và thực tiễn (Khoa Báo chí, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, 2005) [61], Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí (Hoàng Anh, 2003) [1], Những kỹ năng về sử dụng ngôn ngữ trong truyền thông đại chúng (Hoàng Anh, 2008) [2], Ngôn ngữ báo chí (Vũ Quang Hào, 2002) [36] Các công trình này, về cơ bản đã cung cấp một hệ thống lí luận đầy đủ về báo chí và phân tích diễn ngôn báo chí ở các mặt: cấu trúc một diễn ngôn tin, các thành phần kết cấu, các thể loại Các công trình mà chúng tôi tiếp cận được có các hướng nghiên cứu chính như:
- Các thành phần kết cấu của diễn ngôn báo chí: những phần hay được nghiên cứu là tiêu đề (title) và sapô (sapo).
- Các thể loại của diễn ngôn báo chí: tin, phóng sự, thư tín thương mại, quảng cáo, nghị luận, chính trị xã hội
- Ngôn ngữ, phong cách báo chí thể hiện qua từ ngữ, câu, đoạn văn
Trong đó, những công trình nghiên cứu về báo điện tử (E-newspaper, online newspaper: báo điện tử, báo mạng, báo mạng điện tử) đã có những thành tựu bước đầu. Trên thế giới phải kể đến cuốn Writing for web (Viết bài cho web) (1999) của tác giả Kilian Crawford [dt 2; 61]. Đây gần như là tư liệu đầu tiên đề cập đến việc sử dụng ngôn ngữ trong các bài viết được đăng tải trên báo điện tử. Tác giả chỉ dẫn việc dùng từ, đặt câu, trình bày đoạn văn (như dùng dạng câu chủ động thay cho bị động, đặt câu đơn giản, đoạn văn không nên quá 70 chữ, dài nhất là gồm 4 dòng, các đoạn cách nhau một dòng) Năm 2002, cuốn Journalism Online (Báo chí trực tuyến) của Mike Ward [dt 2; 61] chỉ ra những điểm nổi bật mà các nhà báo cần quan tâm khi sử dụng ngôn ngữ trong loại hình báo chí này (như cần ngắn gọn, súc tích, dung lượng chỉ bằng 50% so với báo in, đi thẳng vấn đề, mỗi câu chỉ mang một hoặc một thông tin nhất định, dùng từ dễ hiểu và gần gũi) Các tác giả đã nghiên cứu khá chi tiết về cách viết báo mạng điện tử. Tuy nhiên, đây là những nghiên cứu mang tính tổng thể về việc viết như thế nào, sử dụng ngôn từ như thế nào để phù hợp với việc thông tin trên báo mạng điện tử nói chung chứ không đi sâu vào một vấn đề cụ thể nào.
Ở Việt Nam, các nghiên cứu về báo mạng điện tử thiên về phân tích các kĩ năng cơ bản để viết báo. Các công trình của Nguyễn Thị Trường Giang (2010), Báo mạng điện tử - Những vấn đề cơ bản [28]; Vũ Kim Hải, Đinh Thuận (biên soạn) (2006), Các thủ thuật làm báo điện tử: Thiết kế báo điện tử [35] tập trung đi vào hướng dẫn cách đặt tít, viết sapô, dung lượng câu Trên website Vietnamjournalism.com [120], tác giả Lê Quốc Minh có một số bài viết về vấn đề sử dụng ngôn ngữ trên báo mạng điện tử như Giật tít trên báo điện tử, Nguyên tắc viết bài cho báo điện tử, Đặt tít ngắn, Thủ thuật viết bài cho website loạt bài thiên về kĩ năng nghề nghiệp chung cho báo điện tử trên cơ sở kinh nghiệm.
Tại các cơ sở đào tạo nghề nghiệp chuyên về báo chí và báo điện tử; hệ thống các khóa luận tốt nghiệp, luận văn Thạc sĩ xuất hiện tương đối nhiều. Các vấn đề chủ yếu về báo điện tử đã được khai thác ở khá nhiều mảng khác nhau như: thông tin trên báo mạng, tiêu đề, lời dẫn, giao diện, diễn đàn, phỏng vấn, ảnh, độc giả Về tổng thể, các công trình đã chỉ ra một số đặc điểm nổi bật của báo điện tử như: thông tin trên báo điện tử bao gồm thông tin khai thác lại và thông tin tự khai thác, quá trình xử lí thông tin có thể là: lựa chọn nguồn để đưa thông tin lên mạng, làm giàu thông tin bằng các thông tin liên quan; tiêu đề, lời dẫn trên báo mạng có đặc điểm ngắn gọn, hấp dẫn trực tiếp người đọc; giao diện, ảnh, đồ họa trên báo mạng cần bắt mắt; độc giả của báo mạng rất năng động với những phản hồi
Những vấn đề này cung cấp kiến thức nền tảng về báo điện tử, tạo điều kiện cho chúng tôi tìm hiểu những đặc điểm có tính chất đặc trưng của tính tương tác.
1.1.2. Các nghiên cứu về tính tương tác của diễn ngôn báo điện tử
Các nghiên cứu về tính tương tác của diễn ngôn báo điện tử (The interaction of E-newspaper discourse) đã bước đầu được đề cập đến ở các cấp độ khác nhau. Về cơ bản, các công trình đã đề cập tới vấn đề các hình thức tương tác và vấn đề độc giả tương tác với tòa soạn và nhà báo.
1.1.2.1. Nghiên cứu về sự tương tác của độc giả với tòa soạn và nhà báo
Đây là những nghiên cứu phổ biến và nổi bật về tính tương tác của diễn ngôn báo điện tử. Hầu hết các tác giả cho rằng tính tương tác của báo điện tử chính là sự tương tác của độc giả với toà soạn và nhà báo.
Một số công trình đã bước đầu đề cập đến vấn đề này song chưa có những phân tích đi sâu cụ thể. Trong Báo chí - những vấn đề lí luận và thực tiễn [61], các tác giả khái quát và cho ví dụ về tính tương tác cao của báo điện tử qua vai trò của độc giả phản hồi lại thông tin. “Một tin tức gửi đi nhanh chóng nhận ngay phản hồi của rất nhiều độc giả, nhận xét về nội dung thông tin, chia sẻ tình cảm với người trong cuộc thậm chí phản ứng ngay với tờ báo về cách đưa tin (Ví dụ việc đưa tin về vụ sóng thần hồi cuối năm 2004 rất được quan tâm nhưng không ít người phàn nàn về việc đăng tải các hình ảnh quá thương tâm). Đài phát thanh và truyền hình có một số mục giao lưu hay talkshow cho phép người xem, người nghe gọi điện trực tiếp, nhưng chắc chắn không “bì” kịp với kiểu trao đổi qua Internet” [61; 255].
Hoàng Anh (trong Những kỹ năng về sử dụng ngôn ngữ trong truyền thông đại chúng, bài Các đặc điểm của ngôn ngữ báo mạng điện tử) [2] cũng chỉ ra tính tương tác là một đặc điểm của ngôn ngữ báo điện tử. Tác giả phân tích kết cấu mở là điểm làm cho báo điện tử khác với các loại hình báo chí khác. Nhiều tác phẩm trên báo mạng điện tử có kết cấu mở để thu hút sự tham gia công chúng vào quá trình thông tin. “Xuất phát từ nhận thức rằng thông tin mà nhà báo đưa ra chỉ là một lát cắt, một khía cạnh nhỏ trong cả mảng thông tin lớn đáng quan tâm, vì thế nó cần được tiếp nối, được bổ sung, được làm rõ để bảo đảm tính đa dạng, phong phú, nhiều chiều, đáp ứng sự chờ đợi của công chúng, các nhà báo mạng điện tử thường gợi mở thêm nhiều vấn đề để chính độc giả trả lời. Nhờ tính tương tác cao, báo mạng cho phép độc giả dễ dàng gửi ý kiến của mình tới tòa soạn và những ý kiến như vậy có thể được biên tập và công bố tức thì.” [2;75]
Như vậy, theo tác giả, tính tương tác của báo mạng điện tử là do vai trò năng động của độc giả. Cụ thể hơn, tác giả đưa ra ba cách phổ biến để công chúng tham gia vào quy trình thông tin trong báo mạng điện tử: Thứ nhất là dạng lấy ý kiến độc giả. Thứ hai là dạng giao lưu, hỏi đáp giữa độc giả và các nhân vật. Thứ ba là mời độc giả tham gia vào diễn đàn nhằm thảo luận về một vấn đề thời sự đang được quan tâm rộng rãi trong xã hội.
Tác giả kết luận kết cấu mở của các tác phẩm báo mạng là nhân tố quan trọng giúp tòa soạn thu nhận được nhiều thông tin. Ngoài ra, đây cũng là cách để tạo ra niềm hứng thú cho công chúng, thu hút họ trở thành bạn đọc thường xuyên của mình.
Đây cũng là hướng phân tích trong Những kĩ năng về sử dụng ngôn ngữ trong truyền thông đại chúng (www.journalism.org) [120]. Kết cấu mở của báo mạng có ba dạng: lấy ý kiến độc giả, đặt câu hỏi độc giả trả lời, giao lưu trực tuyến. Nhờ tính tương tác cao, độc giả gửi ý kiến của mình tới tòa soạn, tòa soạn biên tập rồi công bố. Công trình Các thủ thuật làm báo điện tử (Nxb Thông Tấn 2006) [35]: đề cập đến sự thay đổi vai trò của độc giả: độc giả bình đẳng, bình luận, tương tác lại, phản hồi thông tin, chia sẻ tình cảm với bài báo.
Như vậy, các công trình kể trên đã bước đầu chỉ ra tính tương tác của báo mạng điện tử là do sự tương tác qua phản hồi của độc giả với thông tin mà bài báo đã đưa ra và kết cấu mở của báo mạng chính là đặc điểm thu hút sự tham gia của độc giả vào quá trình làm báo. Đây là sự tương tác giữa độc giả với tòa soạn và nhà báo.
Ngoài ra, trên website báo chí www.journalism.org [120] công bố một số công trình nghiên cứu trực tiếp về tính tương tác của báo điện tử. Các tác giả đã chỉ ra vai trò của độc giả trong việc tương tác, các phương tiện đa phương tiện để tương tác, các tiêu chí đo tính tương tác và các biểu hiện tương tác. Cụ thể công trình: Những đặc điểm mang tính tương tác của báo điện tử (Keith Kenney, Alexander Gorelik và Sam Mwangi). Công trình này đề cập tới mô thức mới của truyền thông và độc giả, đưa ra các tiêu chí đo lường tính tương tác như: công cụ tìm kiếm, siêu liên kết, phản hồi, các đặc điểm đa phương tiện Ngoài phản hồi thuộc về mặt ngôn ngữ, các tiêu chí này đều thuộc về mặt phi ngôn ngữ.
Như vậy, nghiên cứu này đã cho thấy có sự tương tác bằng ngôn ngữ và không bằng ngôn ngữ. Trên cơ sở đó, chúng tôi chỉ lựa chọn tương tác bằng ngôn ngữ.
Những nghiên cứu trên tuy trực tiếp đề cập tới những biểu hiện cụ thể của tính tương tác song về cơ bản vẫn chỉ tập trung ở những đặc điểm về độc giả, về đặc tính đa phương tiện của báo. Những biểu hiện này là đúng, là trúng nhưng chưa đủ đối với sự tương tác đa dạng của diễn ngôn báo điện tử. Độc giả chỉ là một yếu tố, một nhân vật tương tác trong quy trình tương tác của báo điện tử.
1.1.2.2. Nghiên cứu về hình thức tương tác
Phần lớn hệ thống các khóa luận tốt nghiệp, luận văn Thạc sĩ ở các cơ sở đào tạo ([53], [59], [63], [94]) đã có nghiên cứu cụ thể về tính tương tác của báo điện tử; song mới chỉ chỉ ra các hình thức tương tác bề mặt của diễn ngôn báo điện tử.
Rất nhiều công trình đã chỉ ra tính tương tác là đặc điểm làm nên sự khác biệt lớn giữa báo điện tử và các loại hình báo chí còn lại; đồng thời cũng thống kê một số hình thức tương tác giữa tòa soạn báo mạng và công chúng như: tương tác qua box phản hồi; tương tác qua thư điện tử (e-mail); tương tác qua đường dây nóng; tương tác qua thư tín; tương tác qua hình thức thăm dò dư luận (vote); tương tác qua giao lưu trực tuyến. Từ đó, các tác giả thống kê các hình thức tương tác chính trên báo mạng điện tử như sau: (1) Tương tác giữa người đọc và máy: công cụ tìm kiếm (tìm kiếm theo chủ đề, theo ngày tháng, theo từ khóa), hình thức bỏ phiếu (vote), đọc báo theo ý thích, RSS. (2) Tương tác giữa độc giả và tòa soạn: hộp thư góp ý, giao lưu trực tuyến (chat với người nổi tiếng, bàn tròn trực tuyến. (3) Tương tác giữa độc giả với độc giả. (4) Tương tác giữa độc giả với phóng viên, BTV.
Như vậy, các công trình này thực chất mới chỉ đề cập tới những hình thức tương tác giữa tòa soạn, nhà báo - độc giả, người đọc và máy. Những khía cạnh về nội dung, quan hệ, các nhân tố tương tác hoàn toàn chưa được đề cập đến.
Điểm lại các công trình có đề cập đến tính tương tác của diễn ngôn báo chí và báo mạng điện tử có thể nhận thấy vấn đề này đã bước đầu được quan tâm nghiên cứu. Hầu hết các tác giả đã chỉ ra tính tương tác là đặc điểm của báo chí nói chung và đặc biệt thể hiện rõ ở báo mạng điện tử. Nguyên nhân được lí giải đó là do báo điện tử có sự phản hồi của độc giả. Phần lớn các công trình đã khảo sát và thống kê chi tiết, đầy đủ các hình thức tương tác. Song thực tế, tính tương tác của diễn ngôn báo chí là một địa hạt với nhiều vấn đề phức tạp và hấp dẫn hơn rất nhiều. Toàn bộ nội dung, quan hệ và các nhân tố tương tác là những vấn đề đang còn bỏ ngỏ cần sự nghiên cứu chi tiết. Những vấn đề thiên về mặt cấu trúc hình thức, ngôn ngữ có tác động lớn và chịu ảnh hưởng bởi tính tương tác hầu như chưa được đề cập tới. Luận án sẽ có một cái nhìn toàn diện hơn về tương tác ở cả người phát (nhà báo, tòa soạn) và người nhận (độc giả). Và điểm khác biệt chính là nghiên cứu báo điện tử ở bình diện diễn ngôn với những đặc tính tiêu biểu liên quan tới hệ tư tưởng - quyền lực - ngữ cảnh - hành động.
1.2. Cơ sở lí thuyết
“Tương tác” theo Từ điển tiếng Việt là “tác động qua lại lẫn nhau” [76;1383], tác động là “làm cho một đối tượng nào đó có những biến đổi nhất định” [76;1134]. Như vậy, tương tác chính là tác động qua lại khiến cho đối tượng có sự biến đổi.
Theo Đỗ Hữu Châu [11], tác động là làm biến đổi trạng thái của các sự vật chịu tác động. Ví dụ có A và B là hai sự vật nằm trong quá trình tương tác. Trước khi tương tác A ở trạng thái a, B ở trạng thái b. Nếu sau khi tương tác a chuyển sang trạng thái c và b chuyển sang trạng thái d thì A đã tác động vào B và ngược lại. Khi đó quá trình tương tác đạt hiệu quả. Do đó, tương tác chính là quá trình tác động qua lại giữa các yếu tố với nhau nhằm tạo ra sự biến đổi giữa các yếu tố đó.
Điểm khác biệt giữa tương tác và tác động chính là ở sự tác động qua lại. Tác động là mối quan hệ một chiều từ A tới B hoặc B tới A nhưng tương tác là mối quan hệ hai chiều giữa A và B (A tác động B và ngược lại B có sự tác động trở lại A).
Thuật ngữ tương tác (interaction) mà chúng tôi dùng ở đây xuất phát từ tương tác hội thoại (interaction in dialogue) và tương tác diễn ngôn (discourse interaction, discourse in interaction). Tương tác trong tương tác hội thoại được đặt trong phạm vi giao tiếp. Tương tác trong tương tác diễn ngôn được xuất phát từ mệnh đề “diễn ngôn như một sự tương tác xã hội” (discourse as social interaction) của Van Dijk.
Đặc tính về tương tác trong ngôn ngữ được chỉ ra khi ngôn ngữ học nghiên cứu về giao tiếp. Vì thế, tương tác ở đây được dùng trong phạm vi giao tiếp và được hiểu là một vấn đề của giao tiếp. Nó là một khái niệm của dụng học mà chỉ từ khi có dụng học tương tác mới trở thành một đối tượng nghiên cứu (trong tương tác của hội thoại). Tương tác trong tương tác hội thoại chỉ ra mối quan hệ tương tác giữa các nhân vật giao tiếp (thể phát và thể nhận), tương tác của các nhân tố giao tiếp.
Ngoài ra, thuật ngữ tương tác xuất phát từ tương tác diễn ngôn với ba nguyên lí cơ bản đã được thừa nhận là:
1- Giao tiếp là một quá trình tương tác.
2- Diễn ngôn là sản phẩm của giao tiếp trong quá trình tương tác.
3- Trong quá trình hoạt động, giữa các diễn ngôn luôn có sự tương tác.
Diễn ngôn báo chí cũng không nằm ngoài quy luật đó. Trong báo chí có tương tác bằng lời và tương tác không bằng lời (ví dụ tương tác qua các hình ảnh, giao diện website của báo điện tử...). Trong luận án này, chúng tôi chỉ xét đến tương tác bằng lời và thông qua lời, tương tác giữa các nhân vật giao tiếp thông qua lời và bằng lời trong phạm vi của diễn ngôn báo chí (cụ thể trên các trang tin điện tử). Nghĩa là những tương tác được nghiên cứu ở đây có liên quan đến ngôn ngữ. Tương tác bằng lời là một trường hợp riêng của tương tác nói chung. Tương tác bằng lời là hoạt động giao tiếp sử dụng lời nói giữa những người tham gia giao tiếp. Trong đó, diễn ngôn (sản phẩm của giao tiếp) thông qua các thành phần nội dung thực hiện chức năng tác động đến các nhân vật giao tiếp. Lời bao gồm cả dạng nói và dạng viết. Trong luận án, tương tác của diễn ngôn báo chí chỉ được xem xét qua lời viết (loại trừ lời nói).
Dưới đây, chúng tôi sẽ lần lượt trình bày các vấn đề về hoạt động giao tiếp và giao tiếp báo chí, diễn ngôn và diễn ngôn báo chí, tính tương tác trong giao tiếp và diễn ngôn.
1.2.1. Khái quát về hoạt động giao tiếp và giao tiếp báo chí
1.2.1.1. Hoạt động giao tiếp
Theo định hướng xã hội, giao tiếp được hiểu như là một hoạt động mang tính tương tác giữa những người tham gia để chia sẻ kinh nghiệm cộng đồng xuyên qua thời gian. Vì thế, bản thân hoạt động giao tiếp đã mang tính tương tác cao. Hơn nữa, tương tác còn là một kiểu quan hệ xã hội đặc t...d not only as form, meaning and mental process, but also as complex structures and hierarchies of interaction and social practice and their function in context, society and culture) [103; 6].
Điều này đồng nghĩa với việc chú ý tới hiện tượng mang tính thực tiễn, xã hội và văn hóa của diễn ngôn. Diễn ngôn được tạo lập và thấu hiểu bởi người sử dụng ngôn ngữ. “Những người sử dụng ngôn ngữ tham gia diễn ngôn, hoàn thành những hành động mang tính xã hội và tham gia vào quá trình tương tác xã hội, điển hình là trong đối thoại và những dạng thức khác của đối thoại.” (Language users engaging in discourse accomplish social acts and participate in social interaction, typicially so in conversation and other form of dialogue) [103; 2].
Dijk trong nghiên cứu của mình đã đưa ra quan điểm phổ biến và thừa nhận tính xã hội của diễn ngôn (discourse to be social): “Diễn ngôn là một loại hình của hành động và tương tác xã hội” (Discourse is a form of action and interaction) [103; 6]. Theo đó, con đường để tìm hiểu diễn ngôn là “từ cấu trúc và quá trình đến hoạt động mang tính xã hội trong ngữ cảnh và xã hội” (from structure and process to social action in context and society) [103; 2].
Vì thế, theo Dijk, khi phân tích diễn ngôn cần chú ý các yếu tố sau:
1- Hành động (action): chúng ta xác định diễn ngôn như hành động nhưng cụ thể hành động nào và điều gì đã khiến diễn ngôn trở thành một loại hình của tương tác xã hội? (We have defined discourse as action, but what exactly is action and what makes discourses a form of social interaction? [103; 6])
2- Ngữ cảnh (context): Những nghiên cứu về diễn ngôn mang tính xã hội thường nghiên cứu về diễn ngôn trong ngữ cảnh. Nhưng ý niệm về ngữ cảnh không được nghiên cứu một cách chi tiết như văn bản hay lời nói. (Social discourse analysis typically studies discourse in context. However, although frequently used, the notion of context is not always analysed in as much detail as text and talk [103; 7]).
3- Quyền lực (power): Cả ngữ cảnh của hành động và diễn ngôn đều mô tả người tham gia - những thành phần của những nhóm xã hội khác nhau. Quyền lực là ý niệm then chốt trong nghiên cứu về mối quan hệ giữa các nhóm xã hội. Nếu bất kỳ đặc điểm nào của ngữ cảnh và xã hội tác động đến văn bản và lời nói (và ngược lại) thì đó chính là quyền lực. (Both action and discourse contexts feature participants who are members of different social groups. Power is a key notion in the study of group relations in society. If any feature of context and society at large impinges on text and talk (and vice versa), it is power [103; 7].)
4- Hệ tư tưởng (ideology): Ở một cấp độ khác, những hệ tư tưởng cũng thiết lập mối liên kết giữa diễn ngôn và xã hội. Hệ tư tưởng là nhân tố tri nhận khác đối với quyền lực. Nó chi phối cách người sử dụng ngôn ngữ tham gia vào diễn ngôn. Cùng lúc, diễn ngôn còn cần thiết cho sự tạo lập của hệ tư tưởng.
Để minh chứng về hệ tư tưởng, Dijk đưa ra những phân tích về bài phát biểu của ngài Rohrabacher (diễn ngôn được đưa ra phân tích rất chi tiết trong tập đầu cuốn Discourse as social interaction). Trong bài phát biểu này, những hậu quả tiêu cực của Pháp chế về Quyền công dân được Rohrabacher tô đậm. Đặc biệt là những ảnh hưởng của nó đối với phụ nữ - đối tượng mà Đảng của ông cam kết bảo vệ. Đồng thời họ cũng chính là những con người được ông tái hiện như những nạn nhân khốn khổ của chính sách tự do. Theo Dijk, tất cả những mô tả này đều mang ngụ ý nên diễn ngôn sẽ mang tính tư tưởng (ideological [103; 33-34] ).
Trong nghiên cứu của mình, Dijk bàn nhiều về hệ tư tưởng của tập thể và cho rằng những tập thể nhận thức qua các thành viên (groups think through their members [103; 31]). Các thành viên lại chính là những người tham gia vào diễn ngôn - những người gắn với văn bản và lời nói. Vì thế, theo cách này, các tập thể hoạt động thông qua những thành viên của họ. Và ông đi đến kết luận: “Hệ tư tưởng của người nói trong vai trò như một thành viên của tập thể có thể được truyền tải qua mọi cấp độ và mọi đặc điểm của diễn ngôn, cũng như của ngữ cảnh”. (All levels and structural properties of discourse and context may ‘code for’ the ideologies of language users acting as group members) [103; 34].
Như vậy, qua những nghiên cứu của Dijk có thể khẳng định rằng hệ tư tưởng là một yếu tố cần chú ý khi phân tích diễn ngôn và chỉ ra sự tương tác của diễn ngôn. Diễn ngôn mang tính tư tưởng và nó được thể hiện thông qua những người tham gia vào diễn ngôn đặc biệt là người nói. Hệ tư tưởng là yếu tố ở cấp độ vĩ mô bao trùm và chi phối diễn ngôn.
Dưới đây, chúng tôi sẽ đề cập tới các yếu tố còn lại theo trình tự từ vĩ mô đến vi mô: quyền lực - ngữ cảnh - hành động.
a1. Quyền lực
Từ góc độ tiếp cận ngôn ngữ học, quyền lực không đơn thuần chỉ quyền thống trị hay áp bức của giai cấp thống trị và bị trị theo cách hiểu truyền thống; quyền lực tồn tại trong giao tiếp ngôn ngữ một cách khách quan, ngoài ý muốn chủ quan của con người. Là một một phương tiện giao tiếp, ngôn ngữ vừa là công cụ truyền tải những quan hệ quyền lực; vừa chịu sự chi phối, điều chỉnh của quyền lực.
“Quyền lực là sự kiểm soát hành động, điều mà đòi hỏi sự kiểm soát đối với ý thức của cá nhân hay cộng đồng và ẩn sau đó là sự kiểm soát đối với những diễn ngôn cộng đồng”. (Power is control of action, which requires control of personal and social cognitions, which presupoposes control of public discourse”) [103; 22].
Một trong những luận điểm nổi tiếng của M. Foucault (1926 - 1984) về quyền lực và ngôn ngữ là “Quyền lực xuyên thấm vào điều khiển cách tư duy và cách nói năng giao tiếp của con người”. Đối với ông, quyền lực không đơn thuần là sự cưỡng bức hay ngăn trở tự do hay ý nguyện của người khác mà còn là “điều kiện tạo thành tất cả mọi lời nói” và “diễn ngôn có thể vừa là một công cụ, vừa là hệ quả của quyền lực” [dt 4; 40]. Như vậy, tư tưởng về quyền lực là một trong những tư tưởng chủ đạo tạo nên mối quan hệ giữa diễn ngôn và xã hội. Nói cách khác, muốn hiểu về các chức năng cơ bản của diễn ngôn trong tương tác và xã hội thì nhận thức sâu sắc về nguồn gốc của quyền lực của diễn ngôn là cần thiết.
Nhận thức về quyền lực là rất rộng, ở đây chúng tôi chỉ chỉ ra các cách thức mà diễn ngôn liên quan tới quyền lực. Theo Dijk, tư tưởng chủ đạo dùng để xác định quyền lực xã hội chính là tư tưởng về sự kiểm soát hành vi và lí trí (control of action and mind). Những quyền lực trong xã hội không đơn thuần mang tính vũ lực mà phần nhiều lại mang tính tâm lí. Vì thế, thay vì kiểm soát hành vi của người khác một cách chặt chẽ bằng vũ lực, người ta sẽ kiểm soát lí trí người khác qua những hành động và bằng lời nói. Nói cách khác, “một trong những phương tiện quyết định được dùng để tác động đến lí trí của người khác và khiến cho họ hành động như những gì ta mong muốn chính là văn bản và lời nói” (one of the crucial means used to influence others people’s minds so that they will act as we want is text or talk” [103; 17]. Kết luận này giúp chúng ta có thể thấy mối quan hệ cơ bản và rõ ràng nhất giữa diễn ngôn và quyền lực (relationship between power and discourse).
Cụ thể, “diễn ngôn không chỉ là một phương tiện trong sự đảm nhiệm của quyền lực mà còn cùng lúc là nguồn gốc của quyền lực” (discourse is not only a means in the enactment of power, as are other actions of the powerful, but at the same time itself a power resource) [103; 20]. Quyền lực kiểm soát quá trình hình thành diễn ngôn đồng thời diễn ngôn thể hiện sự kiểm soát của quyền lực.
Điều đặc biệt là sự kiểm soát này hoàn toàn không có sự ép buộc, thay vì các mệnh lệnh, yêu cầu, gợi ý hay lời khuyên trực tiếp; chúng ta có thể gián tiếp khiến người khác tự tạo lập hành vi mà chúng ta muốn thông qua các diễn ngôn. Nói như Dijk thì “nếu diễn ngôn của chúng ta có thể khiến họ tin tưởng theo cách như vậy và chúng ta có thể hoàn toàn gián tiếp kiểm soát hành động của họ thì chúng ta đã thao túng họ hoàn toàn bằng lời nói và văn bản” (if our discourse can make people belive in this way and we thus indirectly control their actions such that they are in our best interest, we have successfully manipulated them through text and talk) [103; 19]. Sự thao túng này chính là quyền lực của diễn ngôn. Quyền lực thể hiện ở việc kiểm soát hành động của những đối tượng khác qua việc dùng diễn ngôn kiểm soát lí trí của họ (về mặt kiến thức, thái độ, hệ tư tưởng).
Vì thế, một trong những điều quan trọng nhất của phân tích diễn ngôn chính là chỉ ra quyền lực được thể hiện qua và bằng các diễn ngôn như thế nào? Trên cơ sở nào, người tạo lập diễn ngôn được nói như vậy và việc nói như vậy có tác động đến các đối tượng nào? Sự tác động dẫn đến sự thay đổi như thế nào trong nhận thức, hành động? Và tất cả những điều đó được biểu hiện bằng các phương tiện ngôn ngữ như thế nào?
Mối quan hệ giữa diễn ngôn, lí trí và quyền lực đang được sử dụng rộng rãi trong những văn bản và lời nói đại chúng, rất tiêu biểu là ở lĩnh vực báo chí. Diễn ngôn báo chí mang đậm tính chính trị - xã hội và quyền lực. Ở đây, quyền lực của diễn ngôn được thể hiện trước hết ở vai của nhà báo. Nhà báo là người được quyền nói tất cả những vấn đề về xã hội. Và việc nhà báo nói như vậy luôn có tác động đến tất cả đối tượng độc giả đọc bài báo đó.
Quyền lực của diễn ngôn (bao gồm sự tác động và làm cho một đối tượng nào đó có sự biến đổi) chính là biểu hiện cho tính tương tác của diễn ngôn báo chí. Có thể nói, tính tương tác của diễn ngôn được thể hiện gốc rễ ở vấn đề quyền lực của diễn ngôn.
Song để có thể kiểm soát lí trí của người khác qua diễn ngôn, quyền lực cần thiết phải kiểm soát những yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến người đó. Những kiểm soát này được thể hiện trong các ngữ cảnh.
a2. Ngữ cảnh
Từ điển The Encyclopedia of Language and Linguistics định nghĩa: “Ngữ cảnh là bối cảnh ngoài ngôn ngữ của một phát ngôn hay là những thông tin ngoài ngôn ngữ góp phần tạo nên nghĩa (của phát ngôn)” [dt 10; 97]. Cụ thể, tập hợp các nhân tố: nhân vật giao tiếp, hiện thực được nói tới, hoàn cảnh giao tiếp và môi trường giao tiếp được gọi chung là ngữ cảnh.
Ngữ cảnh là một khái niệm quan trọng trong lí luận phân tích diễn ngôn. Bản chất của phân tích diễn ngôn là phân tích ngôn ngữ trong ngữ cảnh cụ thể của chúng và do đó, yếu tố quan trọng trong giải mã diễn ngôn là ngữ cảnh. I. Bellert, 1971 đã đưa ra khái niệm: “Diễn ngôn là chuỗi liên tục những phát ngôn S1, Sn, trong đó việc giải thuyết nghĩa của mỗi phát ngôn Si (với 2 ≤ i ≤ n) lệ thuộc vào sự giải thuyết những phát ngôn trong chuỗi S1, , Si-1. Nói cách khác, sự giải thuyết thỏa đáng một phát ngôn tham gia diễn ngôn đòi hỏi phải biết ngữ cảnh đi trước” [dt 10; 199]. Khái niệm này nhấn mạnh vai trò của ngữ cảnh.
Trong những nghiên cứu về diễn ngôn như hành động và tương tác, ngữ cảnh đóng vai trò then chốt. Ranh giới lớn nhất giữa những phân tích về diễn ngôn mang tính trừu tượng và những phân tích về diễn ngôn mang tính xã hội chính là những phân tích mang tính xã hội có kể đến ngữ cảnh. Trong những nghiên cứu về diễn ngôn mang tính xã hội xác định, diễn ngôn được mô tả đặt trong một địa điểm hay trong một bối cảnh xã hội.
“Diễn ngôn biểu thị hay bộc lộ cùng lúc hình thái và những đặc điểm liên quan của ngữ cảnh văn hóa xã hội, cái được gọi là ngữ cảnh” (Discourse manifests or expresses, and at the same time shapes, the many relavant properties of sociocultural situation we call its context) [103; 4]. Một cách cảm tính, khái niệm ngữ cảnh thường gợi ra môi trường hay tình huống mà sự kiện, hành động hay diễn ngôn xảy ra. Nó có thể tạm thời được xác định bao gồm các yếu tố như: người tham gia, vai trò của họ, mục đích và đặc điểm của bối cảnh: không gian, thời gian, địa điểm. Diễn ngôn được tạo nên, hiểu và phân tích dựa trên các đặc điểm đó của ngữ cảnh.
Song “Những phân tích về ngữ cảnh có thể phức tạp như chính những phân tích về diễn ngôn” (context analysis may be as complex as discourse analysis itself) [103; 14]. Trong khi cấu trúc của một cuộc đối thoại thường nhật giữa những người bạn có thể được kiểm soát bởi một số ít những dữ liệu về ngữ cảnh (như hoàn cảnh, hiểu biết, vai xã hội - bạn bè) thì những bản tin, những cuộc tranh luận nghị viện hay những tương tác trong phòng xử án có thể được nghiên cứu trong mối liên hệ với những điều kiện và kết quả mang tính xã hội, chính trị và văn hóa phức tạp. Vì thế, “nhà phân tích diễn ngôn làm việc trong thế giới thực phải có khả năng rút ra, xem như là tương thích, chỉ những phẩm chất của các đặc tính ngữ cảnh tương thích với hành vi giao tiếp cụ thể mà anh ta đang mô tả, và những phẩm chất của các đặc tính ngữ cảnh hỗ trợ cho việc giải thuyết phát ngôn (hay ý nghĩa theo dự định)” [9; 99].
Gillian Brown, George Yule trong Phân tích diễn ngôn đã chỉ ra phương thức để giải mã diễn ngôn là gắn với ngữ cảnh cụ thể và “phép luận suy” để tìm ra cái được nói đến trong diễn ngôn. Phép luận suy giúp người đọc/người nghe không nhất thiết phải chú ý đến mọi đặc điểm của ngữ cảnh mà chỉ chú ý đến những đặc điểm cần thiết và tương thích trong các tình huống tương tự ở quá khứ để giải mã diễn ngôn. Để giải mã thành công diễn ngôn, nhà phân tích cũng cần đến nguyên lý “giải thuyết” cục bộ. Nguyên lý “giải thuyết cục bộ” cho phép người nghe “không nên xây dựng một ngữ cảnh lớn hơn cần thiết để bảo đảm một giải thuyết” [9; 102].
Hơn nữa, không phải tất cả các đặc điểm của một bối cảnh xã hội đều nằm trong ngữ cảnh của diễn ngôn. Do đó, “tùy thuộc vào bối cảnh về mặt lý thuyết, chúng ta có thể giới hạn sự xác định của ngữ cảnh trong số ít những đặc điểm liên quan rõ ràng như người tham gia, khung cảnh hay những hành động khác.” (Depending on our theoretical perspective, we may limit the definition of context to a small number of immediately relavant features of participants, settings and other acts [103; 14]). Trong đó, phải khẳng định rằng những người tham gia (các nhân vật giao tiếp) là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong ngữ cảnh. “Về tính chất mà nói thì họ (người nói, người nghe và đối thể được chỉ định) được phú cho vô vàn các đặc tính vật chất và xã hội, mà bất cứ đặc tính nào trong đó cũng có thể là phẩm chất tương thích cho một hành vi giao tiếp cụ thể” [48; 99]. Do đó, vai trò của nhân tố nhân vật giao tiếp là vô cùng quan trọng.
Một ví dụ của Nguyễn Hòa [48; 36] về đầu đề diễn ngôn tin “THE UNFINISHED WAR” xuất hiện đầu năm 2002 trên CNN. Đầu đề tin này không chỉ nói về một cuộc chiến tranh chưa kết thúc. Hàm ngôn của nó rất mạnh mẽ nếu người nghe/người đọc nhớ về cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Phần lớn các phương tiện thông tin đại chúng và nhiều nhà chính trị của phương Tây vào những năm sau khi kết thúc cuộc chiến tranh vùng Vịnh đều phê phán Tổng thống Mĩ G.Bush (bố) đã không hoàn tất cuộc chiến bằng cách đánh thẳng vào thủ đô của Irắc để tiêu diệt Tổng thống Sadam Hussein. Và họ cho rằng cuộc chiến tranh vẫn chưa kết thúc (unfinished). Sử dụng đầu đề này trong bối cảnh Mĩ đánh Afghanistan chống khủng bố không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên. Bush con không nên lặp lại sai lầm của Bush bố đã mắc phải: phải đánh đến cùng. Để giải mã diễn ngôn trong trường hợp này, người nghe cần những hiểu biết tương thích về cuộc chiến tranh trong quá khứ và hiện tại.
Trong hoạt động báo chí, để độc giả hiểu đúng thông tin, cần thiết và bắt buộc phải hướng tới sự đồng nhất ngữ cảnh của quá trình tạo lập diễn ngôn (nhà báo) và ngữ cảnh của quá trình tiếp nhận, lĩnh hội diễn ngôn (độc giả). Điều đặc biệt, nhà báo là người cung cấp thông tin về hoàn cảnh giao tiếp cho độc giả. Mở đầu các bài báo, các yếu tố về thời gian, không gian, sự kiện cụ thể bao giờ cũng được đề cập đến đầu tiên. Tính chất đầy đủ, chính xác về hoàn cảnh giao tiếp là yêu cầu bắt buộc của báo chí.
Người ta thường đề cập đến cấu trúc tin của một văn bản báo chí gồm những yếu tố quan trọng 5W và 1 H (5W: Ai? (Who?), Cái gì? (What?), Khi nào? (When?), Ở đâu? (Where?), Tại sao? (Why?) và 1H: Như thế nào? (How?). Câu chuyện nghề nghiệp của William Caldwell - nhà báo được giải thưởng Pulitzer của Mĩ đã nhấn mạnh điều này. Ông từng nhắc đến một đoạn dẫn nhập mà ông cho là hay nhất từ em trai vào năm 1922 khi ông còn là một biên tập viên bình thường của một tuần báo địa phương. Trên đường về, em trai đã chạy đến đón ông vừa khóc và nói: “Cha đã chết đuối sáng nay ở hồ George”. Ông phát hiện câu nói của người em là một lời dẫn nhập hoàn hảo. Trong đó, “danh từ, động từ, vị ngữ, dấu chấm câu và ai - cái gì - khi nào - ở đâu - cùng khởi động”.
Ngữ cảnh báo chí đặc biệt chính là căn cứ để nhà báo tạo ra các hàm ý. Trên mặt báo, có những điều không được phép nói, không tiện nói ra hoặc nói thẳng chưa chắc đã đạt hiệu quả cao bằng những lời nói tế nhị, chứa đựng hàm ý. Ngữ cảnh báo chí khi đó có thể bộc lộ được những thông tin không công khai trên giấy trắng mực đen.
Nguyễn Đức Dân từng đưa ra những dẫn chứng thú vị về những trường hợp “ý tại ngôn ngoại” biểu hiện những thông tin chìm của ngôn ngữ báo chí có được do ngữ cảnh [20]. Bình thường câu “Ngọn lửa đã tắt vì ông X” không có hàm ý gì. Thế nhưng, trong tình huống thủ tướng Đức G.Schroeder đến đài tưởng niệm các nạn nhân Do Thái bị phát xít giết hại trong chiến tranh thì lại khác. Trong lễ tưởng niệm, thủ tướng G.Schroeder định vặn nút điều chỉnh để khơi sáng thêm ngọn lửa trên Đài tưởng niệm. Loay hoay thế nào, ngọn lửa lại leo lét rồi tắt. Một người thợ phải dùng quẹt gas mồi lại ngọn lửa. Ngay hôm sau, bản tin của một phóng viên hãng Reuters với hàng tít “Ngọn lửa Holocaust đã tắt vì ông Schroeder” xuất hiện trên các báo điện tử khắp thế giới (Tuổi trẻ, 03.11.2000).
Nhà báo thậm chí có thể “lợi dụng” ngữ cảnh để tạo ra thông tin theo ý muốn. Ví dụ của Nguyễn Đức Dân [20]: Một giáo chủ nọ lần đầu đến New York, nghe nói rất dễ bị các nhà báo gài bẫy nên ông rất thận trọng trong nói năng. Ông vừa xuống sân bay, một nhà báo tới hỏi: “Cha có định tới dạ hội không?” Giáo chủ muốn tránh trả lời liền cười hỏi lại: “New York có dạ hội phải không?” Thế là ngày hôm sau có một tờ báo đăng một tít lớn: “Câu hỏi đầu tiên khi giáo chủ xuống sân bay là: New York có dạ hội phải không?” Trong trường hợp này, nhà báo có thể viết như vậy mà giáo chủ không thể bác bỏ được.
Như vậy, ngữ cảnh có vai trò quan trọng trong việc giải mã diễn ngôn. Yếu tố quan trọng hàng đầu của ngữ cảnh là người tham gia (nhân vật giao tiếp).
a3. Hành động
Khi nói năng chúng ta thực hiện những hành động khác nhau. “Nói là làm” (how to do things with words) - là nhan đề cuốn sách nổi tiếng của Austin, người khởi xướng lí thuyết hành động ngôn ngữ. Khi nêu ra điều kiện sử dụng các loại hành động ngôn từ, Austin đã phát hiện ra nghĩa tương tác xã hội hay nghĩa liên nhân của phát ngôn đồng thời bước đầu đề cập đến quyền lực của các nhân vật giao tiếp. Searle sau đó hoàn chỉnh lí thuyết hành động ngôn từ bằng việc phân chia hành động ngôn từ thành 5 phạm trù lớn với luận điểm: “đơn vị cơ bản của giao tiếp ngôn ngữ là hành động ngôn từ” [dt 40]. Searle cho rằng hàng loạt những quy tắc mà hành động của nhân loại phải tuân thủ cũng đồng thời là quy tắc mà hành động ngôn từ phải tuân theo. Theo thời gian, lí thuyết hành động ngôn từ ngày càng được nghiên cứu chuyên sâu. “Hành động ngôn từ được nhìn nhận như là đơn vị cơ sở của diễn ngôn” (Katie Wales, 1989] [dt 83; 54]. Các lí thuyết này cho phép khẳng định: Diễn ngôn như một hành động (discourse as a action), có diễn ngôn là có hành động. Cụ thể, diễn ngôn là phương tiện chuyên chở các hành động ngôn từ của người nói để tác động tới người nghe.
Nói năng nói chung và diễn ngôn nói riêng là một dạng hành động - hành động bằng ngôn ngữ. Nó cũng chịu những quy tắc chung chi phối hành động nói chung của con người. Đó là “phải được thực hiện theo một ý định nhất định với một công cụ nhất định, đích có khi trực tiếp mà cũng có khi gián tiếp, ngầm ẩn. Thông qua hành động mà con người tác động đến sự vật, người khác, làm thay đổi trạng thái của sự vật, người đó. Cũng như vậy, bằng lời nói của mình, con người làm thay đổi trạng thái tinh thần hay vật lí của người nghe” [12; 14]. Tương tự, khi tạo lập diễn ngôn chúng ta luôn có một đích nhất định; bằng diễn ngôn đó, chúng ta có khả năng tác động đến người nghe và thực hiện đích đã định trước của mình. Tất cả những điều đó được thực hiện thông qua hành động ngôn từ. Hay nói cách khác, quyền lực của diễn ngôn được thực thi thông qua các hành động ngôn từ. Bằng diễn ngôn chứa hành động ngôn từ, chúng ta tác động tới người khác và làm thay đổi họ. Vì vậy, khi phân tích diễn ngôn không thể không nói đến các hành động ngôn từ. Cũng cần nói thêm rằng chủ định và mục đích được gán cho diễn ngôn có thể được chủ định từ trước và mang tính mục đích, nó nằm trong tầm kiểm soát của người nói (hành động ở lời). Song cũng có khi nhiều vấn đề của diễn ngôn vượt ra khỏi kiểm soát của người nói hoặc chỉ được biểu đạt thông qua những người người nghe (hành động mượn lời).
Cần chú ý các dạng thức của diễn ngôn trong việc thể hiện hành động ngôn từ. Hầu hết những nghiên cứu về diễn ngôn như một hành động đều tập trung vào đối thoại và hội thoại, hay nói cách khác là lời nói. Điển hình là nhà nghiên cứu Dijk chú trọng tính thực tiễn và tính tương tác của diễn ngôn - được gắn kết vào việc sử dụng ngôn ngữ như một hình thức tương tác dạng lời nói. Nói và viết là những dạng thức khác nhau của lời nói. Một sự khác biệt chính là nói (ngoại trừ hội thoại qua điện thoại) diễn ra trong sự gặp gỡ trực tiếp (mặt đối mặt) của những người sử dụng ngôn ngữ. Họ có sự tương tác trực tiếp và cuộc hội thoại được tổ chức bởi sự chuyển vai. Vì thế, người nói sẽ phản ứng lại trực tiếp với những gì đối phương nói hoặc hành động. Còn ở văn bản viết, không có sự tương tác trực tiếp như vậy.
Ở đây, chúng tôi chỉ nghiên cứu diễn ngôn dạng văn bản viết ở lĩnh vực báo chí. Vì thế, tương tác trong diễn ngôn báo chí có những điểm khác biệt so với tương tác của diễn ngôn giao tiếp hàng ngày. Trong giao tiếp hàng ngày, các nhân vật giao tiếp cùng hiện diện, cùng đối thoại, tương tác đối mặt trực tiếp. Còn diễn ngôn báo chí là những loại hình diễn ngôn mang tính một mặt bởi sự phân chia rõ rệt chủ thể giao tiếp và đối tác giao tiếp, người tạo lập và người tiếp nhận; những người tham gia diễn ngôn ở những không gian, thời gian khác nhau. Do đó, sự tương tác diễn ngôn là sự tương tác cách mặt giữa các chủ thể tương tác. Điều này xuất phát từ sự khác biệt giữa các loại hình giao tiếp. Jackobson (1969) [dt 78; 44] quan niệm có hai loại hình giao tiếp: giao tiếp trực tiếp (giao tiếp hai chiều) và giao tiếp gián tiếp (giao tiếp một chiều). Giao tiếp giữa nhà báo và độc giả thuộc loại thứ hai. “Người nhận thông điệp không cùng chung ngữ cảnh với người viết, do đó người viết chỉ có thể sử dụng ngôn ngữ để truyền đạt, phải dự đoán trước thái độ và phản ứng của người nhận, loại bỏ được mọi mập mờ có thể đồng thời có trong quá trình nhận thông điệp và hạn chế tới mức tối đa những sai lệch trong quá trình suy giải thông điệp”. Vì thế, Voyenne [dt 78; 45] cho rằng trong mọi giao tiếp, người nhận không chỉ nhận thông điệp mà chủ yếu là suy giải thông điệp. Đọc báo là một quá trình suy giải chủ quan của người đọc để dựng lại sự kiện được nói tới trong bài báo và phỏng đoán ý đồ của nhà báo. Hay Giroud (1979) [dt 78; 45]) quan niệm rằng: “Báo chí luôn luôn chứa đựng tính chủ quan và các chính kiến khác nhau. Vấn đề là phải thông báo cho người đọc biết đâu là chủ quan, đâu là khách quan hay cụ thể hơn đâu là chất xác thực của sự kiện mà người viết có thể tiếp cận được”. Để làm điều này, trước hết, người đọc phải căn cứ vào những hành động ngôn từ được thể hiện qua diễn ngôn truyền tải thông điệp của nhà báo.
b. Nhận diện tương tác diễn ngôn
Mệnh đề “diễn ngôn như một sự tương tác xã hội” (như đã phân tích ở trên) đã chỉ ra để nhận diện sự tương tác của diễn ngôn, cần thiết phải chú ý đến các yếu tố: hệ tư tưởng - quyền lực - ngữ cảnh - hành động.
- Hệ tư tưởng: Diễn ngôn cần thiết cho sự tạo lập của hệ tư tưởng và hệ tư tưởng chi phối cách người sử dụng ngôn ngữ tham gia vào diễn ngôn. Hệ tư tưởng của người nói có thể được truyền tải qua mọi cấp độ và mọi đặc điểm của diễn ngôn, cũng như của ngữ cảnh.
- Quyền lực: Quyền lực của diễn ngôn (tính hiệu quả và tính hiệu lực) bao gồm sự tác động và làm cho một đối tượng nào đó có sự biến đổi cả về nhận thức và hành động. Tính tương tác của diễn ngôn được thể hiện ở nguồn cội vấn đề quyền lực của diễn ngôn. Quyền lực thể hiện ở việc kiểm soát hành vi của những đối tượng khác qua việc dùng diễn ngôn kiểm soát lí trí của họ (về mặt kiến thức, thái độ, tư tưởng).
- Ngữ cảnh: Trong những nghiên cứu về diễn ngôn như hành động và tương tác, ngữ cảnh đóng vai trò then chốt. Yếu tố quan trọng hàng đầu của ngữ cảnh là người tham gia (nhân vật giao tiếp).
- Hành động: Diễn ngôn là phương tiện chuyên chở các hành động ngôn từ của người nói để tác động tới người nghe. Quyền lực của diễn ngôn được thực thi thông qua các hành động ngôn từ. Bằng diễn ngôn chứa hành động ngôn từ, chúng ta tác động tới người khác và làm thay đổi họ.
Các yếu tố kể trên đều xoay quanh một yếu tố đó là nhân vật giao tiếp. Đây là nhân tố quan trọng hàng đầu của ngữ cảnh, là nhân tố thực hiện các hành động để thể hiện quyền lực và hệ tư tưởng của diễn ngôn. Quyền lực và hệ tư tưởng là trừu tượng, nó được thể hiện qua các hành động ngôn ngữ được nhân vật giao tiếp tạo lập trong các ngữ cảnh khác nhau. Từ đó, chúng tôi xác lập tiêu chí để nhận diện tính tương tác của diễn ngôn nói chung và của diễn ngôn báo chí nói riêng là: nhân vật giao tiếp (thể phát Sp1 - thể nhận Sp2) và quan hệ giữa chúng trong những hoàn cảnh xác định. Rõ ràng, đây là nhân tố quan trọng của ngữ cảnh thể hiện được quyền lực và hệ tư tưởng của diễn ngôn thông qua các hành động ngôn ngữ.
Vậy các nhân vật giao tiếp (thể phát và thể nhận) có những đặc điểm và mối quan hệ nào để thể hiện tính tương tác của diễn ngôn?
1.2.3.3. Các yếu tố thể hiện sự tương tác trong diễn ngôn báo chí
Tương tác của diễn ngôn báo chí chính là sự tương tác (tác động qua lại) của các nhân vật giao tiếp (thể phát và thể nhận). Chúng tôi đặt ra mục tiêu đi tìm quan hệ của các nhân vật giao tiếp thể hiện tương tác; nhận diện bản chất của tương tác diễn ngôn báo chí qua các mối quan hệ đó. Cụ thể, trong báo chí, đó là các mối quan hệ:
(1) Mối quan hệ của các thể phát: qua diễn ngôn của các nhà báo với nhau. Đây chính là sự tương tác giữa các bài báo (trên cơ sở chủ đề, đối tượng được nói đến).
(2) Mối quan hệ của thể phát với thể nhận: qua diễn ngôn của nhà báo. Đây chính là sự tương tác của nhà báo với độc giả thông qua các bài báo.
(3) Mối quan hệ của thể nhận với thể phát: qua diễn ngôn của độc giả. Đây chính là sự phản hồi trở lại của độc giả với nhà báo và bài báo.
(4) Mối quan hệ của các thể nhận: qua diễn ngôn của các độc giả với nhau. Đây là chính là sự tương tác giữa các phản hồi.
Bản chất của tương tác diễn ngôn là những mối quan hệ để thể hiện ra đặc điểm bản chất của diễn ngôn mà nó được đánh dấu bằng các phương tiện ngôn ngữ, có thể nhận diện ra bằng các yếu tố bên trong diễn ngôn (nằm trong cấu tạo) và những yếu tố bên ngoài diễn ngôn (ví dụ ngôn ngữ...) Những mối quan hệ ấy sẽ tác động trở lại tới những đặc điểm cả về mặt nội dung và hình thức của diễn ngôn (bởi tương tác là sự tác động qua lại). Dựa vào các mối quan hệ ấy thì đặc điểm nội dung và hình thức của diễn ngôn được thể hiện như thế nào?
a. Tương tác thể hiện ở nội dung diễn ngôn: yếu tố chủ đề
Nội dung diễn ngôn có nhiều yếu tố, trong luận án chúng tôi chỉ đề cập tới yếu tố nổi bật và bao trùm nhất, đó là chủ đề. Chủ đề của diễn ngôn là yếu tố quan trọng của nội dung diễn ngôn giúp nhận diện tương tác diễn ngôn báo chí. Trong báo chí, chủ đề được nói tới thường là những vấn đề công chúng quan tâm và cần đối thoại. Những vấn đề nóng hổi, thu hút sự chú ý, có thể gây tranh cãi, bàn luận, đánh giá theo nhiều cách khác nhau.
Theo từ điển tiếng Việt, chủ đề là “1. tư tưởng trung tâm biểu hiện trong một tác phẩm văn học nghệ thuật, là chủ thể và nòng cốt của nội dung tác phẩm, biểu hiện nhận thức, sự đánh giá và tư tưởng của tác giả đối với đời sống hiện thức. 2. đề tài được chọn làm nội dung chủ yếu” [76; 237]. Ở đây, chúng tôi quan niệm chủ đề chính là nội dung chủ yếu của bài báo; nó cũng thể hiện nhận thức, sự đánh giá và tư tưởng của nhà báo đối với đời sống hiện thực.
Diễn ngôn luôn luôn tồn tại sự liên kết chủ đề. “Liên kết chủ đề là sợi dây kết nối hợp lí giữa những vật, việc được nói đến trong các câu có liên kết với nhau” [7; 135]. (Diệp Quang Ban chú giải thuật ngữ chủ đề được hiểu như đề tài; vật, việc được nói đến). Có thể thực hiện việc liên kết chủ đề theo 2 cách:
- Duy trì chủ đề, hiểu một cách giản đơn là nhắc lại cùng một vật, một việc nào đó trong các câu có liên kết với nhau.
- Triển khai chủ đề, là cùng với một (hoặc một vài) chủ đề đã cho, đưa thêm vào một hoặc những chủ đề (vật, việc) khác nữa có liên quan với chủ đề ban đầu, theo tiêu chuẩn cần và đủ của logic để bảo đảm cho các câu chứa chúng liên kết được với nhau [7; 135].
Trong diễn ngôn báo chí cũng có sự liên kết chủ đề. Nó tạo nên sự tương tác chủ đề với các kiểu tương tác tiêu biểu.
b. Tương tác thể hiện ở hình thức diễn ngôn: yếu tố cấu trúc, thể loại, các phương tiện ngôn ngữ
Phong cách học chức năng nhấn mạnh phương diện chủ đề, cấu trúc của các diễn ngôn. Từ đó nhấn mạnh phạm vi thể loại vì thể loại là phương diện thể hiện đặc trưng cho cấu trúc của diễn ngôn. Mỗi thể loại sẽ có một cấu trúc đặc thù để biểu đạt thông tin.
Lí thuyết phân tích diễn ngôn và lí thuyết hoạt động giao tiếp sẽ gặp nhau ở quan điểm: phạm vi của hoạt động giao tiếp sẽ quy định đặc trưng tổ chức thông tin và vai của người truyền tin. Có nghĩa là phạm vi giao tiếp báo chí sẽ quy định cách tổ chức thông tin của bài báo và vai của người truyền tin - nhà báo. Mà cách tổ chức thông tin lại được thể hiện ở cấu trúc hình thức của diễn ngôn. Do đó, trong luận án, các đặc điểm hình thức thể hiện tính tương tác diễn ngôn báo chí sẽ được phân tích qua các cấu trúc của diễn ngôn. Cụ thể, ở diễn ngôn báo chí, những điểm có thể đánh dấu nổi ...ó là lựa chọn của các bạn cũng như lựa chọn ở đất Việt mình. Đất nước còn nghèo khổ lắm (dưa hấu không bán được, thanh long đầy bờ ruộng, chuối tiêu hồng đầy gốc). Chúng tôi đang cố gắng vun đắp cho “cây khế” quê hương ra nhiều quả ngọt để khi đó có đủ điều kiện để các bạn về hái quả ngọt ... (VNN, 5)
Tôi tôn trọng quyết định của mỗi cá nhân nhưng tôi nghĩ nếu ai coi đất nước như một người mẹ thì dù người mẹ đó có ốm yếu, xấu xa cỡ nào thì họ cũng không thể bỏ mặc người mẹ đó. Họ sẽ về chăm sóc mẹ để mẹ ngày càng khỏe mạnh hơn. (VNN, 12)
So sánh đất nước – người mẹ để đánh vào tấm lòng những người con, những người con cần chăm sóc mẹ, cần trở về đất nước để xây dựng nó ngày một to đẹp hơn. Đó là hàm ý ẩn trong lời bình luận.
Sự trở về đất nước luôn ẩn chứa nhiều khó khăn, nhưng đó chỉ là những “chướng ngại vật” mà các thí sinh từng chinh phục đỉnh Olympia đã vượt qua dễ dàng – một ẩn dụ trong một phản hồi:
Khi chinh phục đỉnh Olympia tôi thấy các bạn vượt chướng ngại vật giỏi như vậy mà. Việt Nam mình văn hóa khác Tây, chắc các bạn là người hiểu nhất; đất nước đang cần các bạn mà. (DT, 8)
Ẩn dụ hình ảnh “chướng ngại vật” ở Olympia chính là những “chướng ngại vật” ngoài đời – những vật cản, khó khăn, thử thách cần vượt qua. Khi chinh phục đỉnh Olympia vượt chướng ngại vật giỏi thì trong cuộc sống cũng cần vượt qua những khó khăn, thử thách. Đất nước đang cần những người tài như các du học sinh. Lời bình luận đã trở nên tường minh về nghĩa qua ẩn dụ “chướng ngại vật” (của chương trình Olympia) – khó khăn, thách thức (của cuộc đời).
Ngược lại với việc hô hào cần quay trở lại để dựng xây đất nước thì có những phản hồi lại phản bác bằng cách ẩn ý những người hô hào kia là những người đang ở “cung trăng”, không có thực tế:
“Có người như đang ở trên cung trăng, nên cứ ra sức hô hào phải ở trong nước mới là cống hiến. [] (DT, 13)
Hình ảnh cung trăng chỉ hàm ý không phải mặt đất, không thực tế. Phản hồi này phản bác lại và cho rằng thật không thực tế khi hô hào về nước mới là cống hiến bởi ở đâu cũng có thể cống hiến.
Các hình ảnh ẩn dụ đã giúp các độc giả nói được nhiều hơn qua lớp ngôn từ.
b. Lặp giọng điệu
Giọng điệu khi phản hồi của độc giả rất phong phú. Khi phản hồi, độc giả thường kết hợp nhiều giọng điệu khác nhau (đa giọng điệu). Ở đây, chúng tôi chỉ nói đến một điểm độc đáo trong giọng điệu phản hồi đó là sự trùng lặp giọng điệu của độc giả và nhà báo trong cùng một bài viết.
Trong bài báo Du học sinh, đi đi đừng về! (II, 6) có câu kết: Trong vô vàn du học sinh, có ai không mơ ước về một Việt Nam tốt đẹp hơn? Nhưng có lẽ các em sẽ phải đợi. Và chờ nhiều năm nữa...
Độc giả phản hồi lại với cùng một giọng điệu:
Nhưng có lẽ các em sẽ phải đợi. Và chờ nhiều thế kỉ nữa... (VNN, 6)
Việc thay từ chỉ thời gian “năm” của bài báo bằng từ chỉ thời gian “thế kỉ” (rất lâu, lâu gấp nhiều lần năm) với một giọng điệu tương đồng cho thấy dụng ý của độc giả. Nói quá lên bằng từ “thế kỉ” và bằng giọng của nhà báo, độc giả muốn tô đậm hơn nữa thời gian chờ đợi của các em du học sinh mà tác giả bài báo đã đề cập tới.
Trong bài bình luận “Liệu Doãn Minh Đăng có “tâm thần”,“dị dạng” hay là “tàn tích”?! (DT, 6), tác giả Bùi Hoàng Tám đã thể hiện trong bài viết của mình sự đa giọng điệu khi vừa giễu, vừa thương TS Doãn Minh Đăng, vừa đả kích xã hội. Sau bài viết, độc giả đã có những phản hồi mang chính giọng điệu của tác giả:
“Sống ở đảo người gù, thằng nào đứng thẳng là thẳng ấy dị dạng, nguy hiểm cần loại bỏ”. (DT, 6)
“Ai cũng gù không lẻ để một tên không gù. Phải làm cho nó giống mình mới có hàng có ngũ. Xã hội mà.(DT, 6)
Đúng là ở đảo người GÙ thì một người THẲNG lưng rõ ràng là dị dạng. Và đó lại là hiện thực của xã hội chúng ta. (DT, 6)
May thay trong đảo người gù vẫn có người dị dạng. Xã hội sẽ dần thay đổi khi có những người “dị dạng” như thế này. Nếu không có ông thầy “dị dạng” thì những đứa học trò vẫn mãi là “người gù”. (DT, 6)
Ở đây có một sự trùng lặp về giọng điệu giữa nhà báo và độc giả. Nhà báo viết: “Thời nay, có ai đó tự dưng được trao chức, trao quyền lại từ chối thì “tâm thần” là còn nhẹ?! Đó là chưa kể theo triết lý: “Sống ở đảo người gù, ai thẳng lưng là dị dạng - NV”, nên nếu sống ở thời và ở nơi chạy chức, chạy quyền, ai từ chối quyền chức sao lại không “dị dạng” nhỉ? Sự trùng lặp giọng điệu cùng với sự lặp lại các từ “dị dạng”, “người gù” trong bài nhằm thể hiện sự đồng tình, ủng hộ của người bình luận đối với quan điểm của nhà báo. Nhà báo và độc giả đã cùng chỉ ra rằng xã hội là một “đảo người gù”, TS Đăng là kẻ “thẳng lưng”, vì thế là “dị dạng” trong xã hội.
Cũng thể hiện sự tán đồng, ở một phản hồi khác, độc giả không còn sử dụng hình ảnh “người gù” và “dị dạng” thay vào đó là hình ảnh “người mù” và “kẻ bị chột”:
“Ở xứ sở của những người mù thì kẻ bị chột làm vua”. (DT, 6)
Với những dẫn chứng trên, có thể thấy việc sử dụng hình ảnh ẩn dụ và sự lặp giọng điệu của độc giả với giọng điệu nhà báo là một thủ pháp ngôn ngữ được sử dụng hiệu quả tạo nên những sắc thái ý nghĩa độc đáo cho các phản hồi.
Các ví dụ đã trình bày trên chưa thể bao quát hết được những đặc điểm ngôn ngữ phản hồi của độc giả báo mạng điện tử. Còn rất nhiều điều thú vị mà chúng tôi chưa đề cập đến như vấn đề về dấu câu, cách viết hoa, sử dụng tiếng lóng, từ địa phương, từ nước ngoài, điệp từ, cấu trúc câu đối, song song Song với những thủ pháp ngôn ngữ như đã phân tích ở trên, có thể khẳng định rằng độc giả báo mạng điện tử có khả năng sử dụng ngôn từ rất đa dạng. Đây là những điểm độc đáo của ngôn ngữ độc giả khi tham gia vào quá trình đọc báo, phản hồi và tương tác lại với nhà báo và bài báo. Vì thế, ngôn ngữ phản hồi mang những đặc điểm tương tác. Có thể khái quát đặc điểm tương tác của ngôn ngữ phản hồi qua mô hình sau:
Sử dụng thành ngữ, tục ngữ, ca dao
Chơi chữ
Trích dẫn nhiều nguồn
Hình ảnh ẩn dụ, lặp giọng điệu
Một số phương tiện ngôn ngữ trong phản hồi
Giữ nguyên dạng
Cải biên các yếu tố
Sử dụng từ đồng âm hoàn toàn
Sử dụng từ đồng âm không hoàn toàn
Thơ, văn, truyện
Lời bài hát
Lời người xưa, nhân vật nổi tiếng
Hình 3.4: Một số phương tiện ngôn ngữ trong phản hồi
Tiểu kết
Trong chương 3, chúng tôi tiến hành phân tích tính tương tác giữa thể phát với thể nhận và giữa các thể nhận với nhau.
1. Tương tác của thể nhận được thể hiện qua kênh thông tin phản hồi quan trọng của báo điện tử. Phản hồi chính là diễn ngôn của các thể nhận. Lượng phản hồi của báo điện tử là rất lớn, thể hiện khả năng tương tác mạnh của độc giả đọc báo. Phản hồi báo điện tử là một đặc điểm đặc trưng làm nên sự khác biệt giữa tương tác của báo điện tử với các loại hình báo chí khác.
2. Tương tác của thể nhận được thể hiện trong việc tương tác trở lại với thể phát và tương tác với các thể nhận khác.
Ở đối tượng tương tác đầu tiên là thể phát - nhà báo, độc giả phản hồi về các thành phần của bài báo như: tiêu đề, nội dung... Tiêu đề là phần đầu tiên của văn bản báo chí tác động đến người đọc. Vì thế, với những tiêu đề có điểm nhấn luôn tạo được sự tương tác phản hồi nhiều của độc giả. Nội dung là phần quan trọng nhất của bài báo. Các tương tác ở phần này luôn đa dạng. Một số hướng tương tác với nội dung nổi bật là: Tương tác với nội dung toàn bài báo, tương tác với một phần nội dung bài báo, tương tác với nội dung ở bài báo khác.
Đối tượng thứ hai độc giả tương tác là các độc giả cùng đọc báo. Sự tương tác này hiện lên trực tiếp và song song cùng các phản hồi với bài báo. Nó tạo nên một cuộc tranh luận trực tiếp giữa các độc giả. Đây cũng là một kiểu tương tác rất đặc biệt của báo mạng điện tử mà những loại hình báo chí khác không có được. Trong đó các độc giả tương tác với nhau về nội dung bài báo và tương tác với nhau về nội dung của phản hồi.
3. Các yếu tố thể hiện sự tương tác của thể nhận là hành động ngôn từ và các phương tiện ngôn ngữ. Hành động ngôn từ nổi bật ở hành động ở lời với ba nhóm hành động: trình bày, điều khiển, biểu cảm; với các yếu tố ngôn ngữ đánh dấu tiêu biểu: “là”, “thật”, “thật là”, “đồng tình”, “phản đối”, “ủng hộ” Có hành động mượn lời là nét riêng biệt ở thể nhận. Thông qua phản hồi, những hiệu quả tác động ngoài ngôn ngữ được thể hiện. Nó chứng tỏ tính bình đẳng, quyền lực của độc giả trong việc tiếp nhận và đánh giá thông tin.
Ngôn ngữ phản hồi mang đặc điểm tương tác cao. Các phản hồi đã thể hiện rất nhiều điểm độc đáo trong cách sử dụng ngôn ngữ làm tăng khả năng tương tác, tác động đến người đọc. Trong đó nổi bật nhất là các thủ pháp: dùng thành ngữ, tục ngữ, ca dao; chơi chữ; trích dẫn nhiều nguồn phong phú; sử dụng hình ảnh ẩn dụ, lặp giọng điệu...
KẾT LUẬN
Luận án là công trình đầu tiên phân tích tính tương tác của diễn ngôn báo chí trên báo mạng điện tử. Đây là một loại hình báo chí tiêu biểu và nổi bật của thời đại công nghệ ngày nay. Độc giả phản hồi nhanh, trực tiếp, đa dạng là điểm đặc trưng làm nên sự khác biệt của tương tác báo mạng so với các loại hình báo chí khác. Trên cơ sở khảo sát 185 bài báo mạng của hai báo điện tử Dân trí và VietNamNet, luận án thu được những kết quả chính như sau:
1. Bước đầu luận án chỉ ra tính tương tác của diễn ngôn là một hướng đi được quan tâm nghiên cứu bởi diễn ngôn có tính tương tác cao. Để nhận diện sự tương tác của diễn ngôn, cần chú ý đến các yếu tố: hệ tư tưởng - quyền lực - ngữ cảnh - hành động. Luận án xác lập tiêu chí quan trọng để nhận diện sự tương tác là: nhân vật giao tiếp (thể phát - thể nhận). Tính tương tác của diễn ngôn báo chí là sự tác động qua lại của các nhân vật giao tiếp (thể phát - thể nhận). Cụ thể, luận án phân tích các quan hệ tương tác giữa các nhân vật giao tiếp: tương tác của thể phát (giữa các thể phát và giữa thể phát với thể nhận); tương tác của thể nhận (giữa thể nhận với thể phát và giữa các thể nhận với nhau). Các mối quan hệ này thể hiện đặc điểm bản chất của diễn ngôn và chúng được đánh dấu bằng các đặc điểm về nội dung diễn ngôn (chủ đề) và hình thức của diễn ngôn (cấu trúc, thể loại, hành động ngôn từ, các phương tiện ngôn ngữ).
2. Tương tác của thể phát là tương tác của các nhà báo đại diện cho các tờ báo, các cơ quan truyền thông. Thể phát tương tác với hai đối tượng là: thể phát khác và thể nhận. Tương tác của thể phát được thực hiện thông qua các diễn ngôn của nhà báo (các bài báo).
Tương tác giữa các thể phát được thể hiện ở tương tác chủ đề (tương tác nội dung) và tương tác thể loại (tương tác hình thức). Luận án khảo sát 7 chủ đề và phân loại thành ba kiểu tương tác: tạo lập chủ đề, duy trì chủ đề, duy trì và phát triển chủ đề. Ở các bài báo gốc có sự tạo lập chủ đề (7,6%), còn phổ biến các bài báo duy trì chủ đề (64,9%), một số bài ngoài duy trì chủ đề còn có sự phát triển chủ đề mới trên cơ sở chủ đề cũ (27,5%). Tương tác giữa các thể phát trên cơ sở chủ đề thể hiện mối quan hệ tương tác về mặt chủ đề giữa các diễn ngôn của nhà báo. Đó là sự thay đổi và tương tác về tiêu điểm thông tin trong các bài báo có cùng chủ đề với nhau.
Tương tác thể loại thể hiện mối quan hệ tương tác về mặt thể loại giữa các diễn ngôn báo chí. Bốn thể loại (tin, tường thuật, phỏng vấn, bình luận) được khảo sát đều có thế mạnh và khả năng tương tác riêng. Các chủ đề có một mô hình tương tác thể loại phổ biến, đó là: mở đầu bằng thể loại tin (tin ngắn để thông báo sự việc, vấn đề) rồi đến các bài phỏng vấn (khai thác thông tin nhiều hướng) - các bài tường thuật với các bản tin đầy đủ - các bài bình luận, đánh giá và cuối cùng kết thúc bằng thể loại tin (giải quyết vấn đề). Sự đan xen và chuyển linh hoạt từ thể loại này sang thể loại khác cho ta thấy các bước để tìm hiểu thông tin trong báo chí.
Tương tác của thể phát với thể nhận thể hiện quyền lực tương tác của nhà báo. Nhà báo là người tạo lập ra các diễn ngôn báo chí và nó có tác động tới độc giả. Thông qua độc giả, quyền lực của thể phát tạo ra các dư luận và giải quyết các vấn đề theo định hướng. Các yếu tố thể hiện được quyền lực tương tác này là: cấu trúc diễn ngôn (tiêu biểu là tiêu đề, sapô - những thành phần dễ nhận diện nhất trong cấu trúc diễn ngôn báo chí) và hành động ngôn từ (trong đó, hành động kể, trần thuật (nhóm trình bày) với mục đích thông tin là hành động được sử dụng nhiều nhất).
3. Tương tác của thể nhận được thực hiện qua kênh thông tin phản hồi quan trọng của báo mạng điện tử. Đây là một yếu tố quan trọng thể hiện hiệu quả tương tác. Phản hồi báo điện tử là một đặc điểm đặc trưng làm nên sự khác biệt giữa tương tác của báo điện tử với các loại hình báo chí khác. Phản hồi chính là diễn ngôn của các thể nhận. Qua khảo sát, luận án chỉ ra lượng phản hồi của báo điện tử là rất lớn thể hiện khả năng tương tác cao của loại hình báo chí này.
Tương tác của thể nhận được thể hiện trong việc tương tác trở lại với thể phát và tương tác với các thể nhận khác. Luận án khai thác phương diện tương tác về nội dung diễn ngôn ở hai đối tượng này. Ở đối tượng tương tác đầu tiên là thể phát - nhà báo, độc giả phản hồi với các thành phần cấu trúc (tiêu biểu là tiêu đề) và nội dung. Nội dung tương tác ở phần này luôn đa dạng. Một số hướng tương tác với nội dung nổi bật là: tương tác về nội dung toàn bài báo, tương tác về một phần nội dung bài báo, tương tác về nội dung ở bài báo khác.
Đối tượng thứ hai độc giả tương tác chính là các thể nhận - độc giả cùng đọc báo. Đây là một kiểu tương tác rất đặc biệt của báo mạng điện tử mà những loại hình báo chí khác không có được. Tương tác của các thể nhận thể hiện ở sự tương tác về nội dung bài báo và tương tác về nội dung của phản hồi khác. Sự tương tác này hiện lên trực tiếp và song song cùng các phản hồi với bài báo. Nó tạo nên một cuộc tranh luận trực tiếp giữa các độc giả.
Các yếu tố thể hiện tương tác của thể nhận là hành động ngôn từ và các phương tiện ngôn ngữ. Phản hồi của thể nhận thể hiện hành động ở lời và hành động mượn lời. Khảo sát cho thấy có ba nhóm hành động ở lời là: trình bày (thể hiện thông tin) - 54,4%, điều khiển (quyết định thông tin) - 30,4 % và biểu cảm (cảm xúc về thông tin) - 15,5%. Ba nhóm hành động ở lời này thể hiện quyền lực của độc giả trong việc muốn thể hiện thái độ, quan điểm, hiểu biết về thông tin mà nhà báo đưa ra. Ngoài những hành động ở lời, phản hồi còn thể hiện những hành động ở lời với hiệu quả ngoài mục đích tạo lập diễn ngôn của nhà báo. Nếu như sự phong phú về hành động ở lời tạo nên sự “đa thanh” (nhiều tiếng nói) thì sự đa dạng của hành động mượn lời tạo nên sự “dị thanh” (nhiều tiếng nói khác nhau).
Bên cạnh đó, các phản hồi đã thể hiện rất nhiều điểm độc đáo trong cách sử dụng ngôn ngữ làm tăng khả năng tương tác, tác động đến người đọc.
4. Tính tương tác là sợi dây liên kết chặt chẽ giữa nhà báo với nhà báo, nhà báo với độc giả, độc giả với nhà báo và độc giả với độc giả khác. Nó thúc đẩy nhà báo phải tìm cách hấp dẫn người đọc không chỉ đọc mà còn tương tác với thông tin mà nhà báo đưa ra. Tận dụng lợi thế về tính tương tác không những đưa người đọc vào thế giới thông tin một cách nhanh nhất, thuận tiện nhất; mà còn tạo điều kiện cho họ tham gia vào quá trình cung cấp thông tin, thu hẹp dần khoảng cách giữa nhà báo, tờ báo và bạn đọc. Đó là lợi thế của báo mạng điện tử so với báo chí truyền thống. Quá trình này đã tạo cho báo chí nói chung và báo mạng điện tử một vị thế mới./.
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ
CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN
Vũ Thị Hồng Tiệp (2013), “Tiếp nhận tác phẩm văn học, diễn ngôn báo chí từ lý thuyết hoạt động giao tiếp ngôn ngữ”, Ngôn ngữ và văn học (Kỉ yếu hội thảo Ngôn ngữ học toàn quốc), Nxb ĐH Sư phạm, tr.823-833.
Vũ Thị Hồng Tiệp (2016), “Ngôn ngữ bình luận của độc giả báo mạng điện tử”, Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và giáo dục ngôn ngữ trong nhà trường (tập 2) (Kỉ yếu hội thảo khoa học), Nxb Dân trí, tr.1112-1123.
Vũ Thị Hồng Tiệp (2016), “Một số kiểu tương tác của quan hệ liên văn bản trong diễn ngôn báo chí (qua một số báo điện tử phổ biến hiện nay)”, Tuyển tập công trình nghiên cứu Ngữ văn học (tập 2) (Hội thảo khoa học Sau đại học ngành Ngữ văn), Nxb ĐH Sư phạm, tr.661-670.
Vũ Thị Hồng Tiệp (2016), “Về tương tác diễn ngôn từ lí thuyết kí hiệu học”, Kí hiệu học - từ lí thuyết đến ứng dụng trong nghiên cứu và dạy học Ngữ văn (Kỉ yếu Hội thảo khoa học quốc gia), Nxb Giáo dục Việt Nam, tr.581-588.
Vũ Thị Hồng Tiệp (2016), “Đặc điểm tương tác của các phản hồi báo mạng điện tử”, Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng (Tóm tắt báo cáo hội thảo khoa học Đài tiếng nói Việt Nam), Nxb Dân trí, tr.265.
Vũ Thị Hồng Tiệp (2017), “Tương tác của diễn ngôn báo chí qua tiêu đề và sapô”, Tạp chí Ngôn ngữ & đời sống, số 1 (255), tr.53-59.
Vũ Thị Hồng Tiệp (2017), “Hành động ngôn từ trong diễn ngôn phản hồi của độc giả báo điện tử”, Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, số 3 (47).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
TÀI LIỆU TIẾNG VIỆT
Hoàng Anh (2003), Một số vấn đề sử dụng ngôn từ trên báo chí, Nxb Lao động, HN.
Hoàng Anh (2008), Những kĩ năng về sử dụng ngôn ngữ trong truyền thông đại chúng, Nxb ĐH Quốc gia, HN.
Chu Vân Anh (2012), Sự tương tác giữa truyền thông xã hội và báo mạng điện tử ở Việt Nam hiện nay, Khóa luận tốt nghiệp, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, HN.
M.Bakhtin (2003), Lý luận và thi pháp tiểu thuyết (Phạm Vĩnh Cư dịch), Nxb Hội nhà văn, HN.
M.Bakhtin, Vấn đề các thể loại lời nói (Lã Nguyên dịch),
R. Barthes, Cái chết của tác giả (Trần Đình Sử dịch),
lythuyetvanhoc.wordpress.com.
Diệp Quang Ban (2008), Văn bản và liên kết trong tiếng Việt, Nxb Giáo dục, HN.
Diệp Quang Ban (2009), Giao tiếp diễn ngôn và cấu tạo văn bản, Nxb Giáo dục VN, HN.
Gillian Brown - Goerge Yule (2001), Phân tích diễn ngôn (Trần Thuần dịch), Nxb ĐH Quốc gia, HN.
Đỗ Hữu Châu (1998), Cơ sở ngữ nghĩa học từ vựng, Nxb Giáo dục, HN.
Đỗ Hữu Châu (2003), Cơ sở ngữ dụng học (tập 1), Nxb ĐH Sư phạm, HN.
Đỗ Hữu Châu (2007), Đại cương ngôn ngữ học (tập 2), Nxb Giáo dục, HN.
Đinh Kiều Châu (2016), Ngôn ngữ truyền thông và tiếp thị Góc nhìn từ lí luận đến thực tiễn tiếng Việt, Nxb ĐH Quốc gia Hà Nội, HN.
V.I. Chiupa, Diễn ngôn như một phạm trù của tu từ học và thi pháp học hiện đại (Lã Nguyên dịch),
Huỳnh Thị Chuyên (2014), Ngôn ngữ bình luận trong báo in tiếng Việt hiện nay, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Viện khoa học xã hội, HN.
Mai Ngọc Chừ (chủ biên), Nguyễn Thị Ngân Hoa, Đỗ Việt Hùng, Bùi Minh Toán (2007), Nhập môn ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, HN.
Phạm Vĩnh Cư (2007), Sáng tạo giao lưu, Nxb Giáo dục, HN.
Phạm Vĩnh Cư, M. Bakhtin với Lý luận tiểu thuyết, lyluanvanhoc.com.vn.
Nguyễn Đức Dân (2001), Ngữ dụng học (tập 1), Nxb Giáo dục, HN.
Nguyễn Đức Dân (2004), “Ý tại ngôn ngoại những thông tin chìm trong ngôn ngữ báo chí”, Tạp chí Ngôn ngữ số 2.
Nguyễn Đức Dân (2004), “Vận dụng tục ngữ, thành ngữ và danh ngôn trên báo chí”, Tạp chí Ngôn ngữ số 10.
Nguyễn Đức Dân (2007), Ngôn ngữ báo chí: những vấn đề cơ bản, Nxb Giáo dục, HN.
Trần Thị Dung (2011), Đặc điểm cấu trúc, ngữ nghĩa và phong cách của ngôn ngữ trong phần tiêu đề và dẫn nhập báo chí (qua khảo sát phóng sự ảnh trên báo mạng Việt Nam), Khóa luận tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, HN.
Lê Thị Thùy Dương (2013), Tương tác giữa các block trong diễn ngôn truyện kể của Nguyễn Huy Thiệp (qua khảo sát một số tác phẩm tiêu biểu), Khóa luận tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, HN.
Nguyễn Văn Dững (2006), Truyền thông lý thuyết và kỹ năng cơ bản, Nxb Lý luận chính trị, HN.
Nguyễn Văn Dững chủ biên (2012), Cơ sở lý luận báo chí, Nxb Lao động, HN.
Hữu Đạt (2011), Phong cách học tiếng Việt hiện đại, Nxb Giáo dục VN, HN.
Nguyễn Thị Trường Giang (2004), Tổ chức diễn đàn trên báo mạng điện tử ở Việt Nam hiện nay (khảo sát Nhân dân điện tử, VnExpress, Vietnamnet, VOVNews, VTV từ tháng 9/2003 – 6/2004), Luận văn Thạc sĩ Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Nguyễn Thị Trường Giang (2010), Báo mạng điện tử - Những vấn đề cơ bản, Nxb Chính trị Hành chính, HN.
Nguyễn Thiện Giáp (2006), Những ứng dụng của Việt ngữ học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, HN.
Nguyễn Thiện Giáp (2007), Các phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, mã số QX.2007.07, HN.
Nguyễn Thiện Giáp (2016), Từ điển khái niệm ngôn ngữ học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
Hallliday M.A.K (2004), Dẫn luận ngữ pháp chức năng (Hoàng Văn Vân dịch), Nxb ĐH Quốc gia, HN.
Nguyễn Thị Hà (2010), Khảo sát chức năng ngôn ngữ văn bản quản lí nhà nước qua phương pháp phân tích diễn ngôn, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, HN.
Vũ Kim Hải, Đinh Thuận (biên soạn) (2006), Các thủ thuật làm báo điện tử: Thiết kế báo điện tử, Nxb Thông Tấn, HN.
Vũ Quang Hào (2002), Ngôn ngữ báo chí, Nxb ĐH Quốc gia, HN.
Cao Xuân Hạo (2001), Câu trong tiếng Việt, Nxb Giáo dục, HN.
Loic Hervouet (1999), Viết cho độc giả (Lê Hồng Quang dịch), Hội nhà báo Việt Nam, HN.
Lương Thị Hiền, Mối quan hệ quyền lực và diễn ngôn từ cách tiếp cận của lí thuyết phân tích diễn ngôn phê phán,
Lương Thị Hiền (2014), Các phương tiện ngôn ngữ biểu thị quyền lực trong giao tiếp hành chính tiếng Việt, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Viện khoa học xã hội, HN.
Trần Thị Thu Hiền (2012), Tìm hiểu đặc trưng phong cách của ngôn ngữ quảng cáo tiếng Việt (trong sự so sánh với tiếng Anh), Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Viện khoa học xã hội, HN.
Đỗ Đức Hiểu (2000), Thi pháp hiện đại, Nxb Hội nhà văn Hà Nội, HN.
Phạm Minh Hoa (2009), Từ mượn gốc Anh trong một số bài báo viết và báo điện tử tiếng Việt, Báo cáo khoa học khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, HN.
Nguyễn Thị Ngân Hoa (2013), Vận dụng lý thuyết tương tác biểu tượng tìm hiểu biến thể ý nghĩa của biểu tượng ngôn từ,
Nguyễn Hòa và Đinh Văn Đức (1999), Quan yếu trong cấu trúc diễn ngôn bản tin chính trị - xã hội trong báo tiếng Anh và tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ số 2. tr.25-34
Nguyễn Hòa (1999), Nghiên cứu diễn ngôn về chính trị - xã hội (trên tư liệu báo chí tiếng Anh và tiếng Việt hiện đại), Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, HN.
Nguyễn Hòa (2002), Ngữ cảnh trong lí luận phân tích diễn ngôn, Tạp chí Ngôn ngữ số 11.
Nguyễn Hòa (2003), Phân tích diễn ngôn: Một số vấn đề lí luận và phương pháp, Nxb Quốc gia HN, HN.
Nguyễn Hòa (2006), Phân tích diễn ngôn phê phán: lí luận và phương pháp, Nxb Quốc gia HN, HN.
Đồng Thanh Hoàn (2014), Tác động của mạng xã hội đến hệ thống báo in của lực lượng công an (khảo sát báo Công an nhân dân, báo An ninh thủ đô, báo Công an Nghệ An từ tháng 3/2013 đến tháng 3/2014), Luận văn Thạc sĩ Báo chí học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, HN.
Dương Nam Hoàng (2013), Tác động của mạng xã hội đến việc xử lý thông tin của báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay, Luận văn Thạc sĩ Báo chí học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, HN.
Nguyễn Thị Minh Huệ (2008), Cách thức tổ chức và trình bày trang nhất của một số tờ báo mạng điện tử ở Việt Nam (khảo sát: Vietnamnet, VnExpress, Dân trí điện tử, Tienphongonline), Khóa luận tốt nghiệp, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, HN.
Vũ Thị Huệ (2004), Tính tương tác của báo chí trực tuyến, Khóa luận tốt nghiệp, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, HN.
Đỗ Việt Hùng, Nguyễn Thị Ngân Hoa (2004), Phân tích phong cách ngôn ngữ trong tác phẩm văn học: Ngôn từ - Tác giả - Hình tượng, Nxb ĐH Sư phạm Hà Nội, HN.
Đỗ Việt Hùng (2014), Ngữ nghĩa học - Từ bình diện hệ thống đến hoạt động, Nxb ĐH Sư phạm, HN.
Trần Quang Huy (2006), Hoạt động tương tác trên báo mạng điện tử, Luận văn Thạc sĩ truyền thông đại chúng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, HN.
Mai Xuân Huy (2001), Các đặc điểm của ngôn ngữ quảng cáo dưới ánh sáng của lí thuyết giao tiếp (cấu trúc ngữ nghĩa – ngữ dụng của diễn ngôn quảng cáo), Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Viện ngôn ngữ học.
Phạm Thị Mai Hương (2017), Ngôn ngữ hội thoại trong thể loại phỏng vấn (trên tư liệu báo in tiếng Việt hiện nay), Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, HN.
Nguyễn Hoàng Quỳnh Hương (2012), Tương tác giữa tòa soạn và công chúng báo mạng điện tử (khảo sát báo Vietnamnet.vn. VnExpress.net và Tuoitre.com.vn từ 01/2006 đến 01/2011), Luận văn Thạc sĩ Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, HN.
Đinh Văn Hường (2006), Các thể loại báo chí thông tấn, NXB ĐH Quốc gia Hà Nội, HN.
Khoa Báo chí, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội (2005), Báo chí - Những vấn đề lí luận và thực tiễn, Nxb ĐH Quốc gia Hà Nội, HN.
Đinh Trọng Lạc (chủ biên) (1997), Phong cách học tiếng Việt, Nxb Giáo dục, HN.
Nguyễn Tùng Lâm (2013), Các hình thức tương tác giữa tòa soạn báo mạng điện tử và bạn đọc (khảo sát trên các báo VOV Online và VnExpress tháng 04/2012 đến 04/2013), Khóa luận tốt nghiệp, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, HN.
Nguyễn Lực - Lương Văn Đang (1993), Thành ngữ tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội, HN.
John Lyons (2006), Ngữ nghĩa học dẫn luận (Nguyễn Văn Hiệp dịch), Nxb Giáo dục Việt Nam, HN.
Nguyễn Thị Ngọc Minh, Ba cách tiếp cận khái niệm diễn ngôn,
Nguyễn Thị Ngọc Minh (2013), Kí như một loại hình diễn ngôn, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, HN.
Thái Thị Mơ (2008), Một số đặc điểm cú pháp ngôn ngữ báo điện tử, Luận văn Thạc sĩ khoa học Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, HN.
Phùng Lan Nga (2012), Phản hồi của công chúng trên báo mạng điện tử ở Việt Nam hiện nay (khảo sát báo Dân trí, Tuổi trẻ Online, VOV Online từ tháng 11/2012 đến tháng 3/2012), Khóa luận tốt nghiệp, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, HN.
Đỗ Chí Nghĩa, Nhận diện thể loại bình luận ngắn trên báo chí hiện nay,
Nguyễn Tri Niên (2006), Ngôn ngữ báo chí, Nxb Thanh niên, HN.
Trần Kim Nở - Lê Xuân Khuê - Dương Ngọc Dũng - Trần Huỳnh Phúc (1993), Từ điển Anh - Việt, NXB Chính trị quốc gia, HN.
David Nunan (1997), Dẫn nhập phân tích diễn ngôn, Nxb Giáo dục, HN.
Hoàng Phê (1989), Logic - ngôn ngữ học, Nxb Khoa học xã hội, HN.
Hoàng Phê (2008), Tuyển tập ngôn ngữ học, Nxb Đà Nẵng.
Hoàng Phê (chủ biên) (2009), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng.
Phạm Mai Phương (2012), Phân tích diễn ngôn hội thoại trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (qua một số tác phẩm tiêu biểu), Khóa luận tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, HN.
Dương Văn Quảng (1998), “Phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ báo chí”, Tạp chí Thông tin khoa học xã hội, Viện thông tin Khoa học xã hội, 98(6), HN.
Saussure.F.D (1973), Giáo trình ngôn ngữ học đại cương (Cao Xuân Hạo dịch), Nxb Khoa học xã hội, HN.
Trịnh Sâm (2008), Tiêu đề văn bản tiếng Việt, Nxb Giáo dục, HN.
Trịnh Sâm (2014), Lí thuyết ngữ vực và việc nhận diện các đặc điểm của diễn ngôn, Tạp chí Khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội, Vol.30, No.1S, tr1-6
Dương Xuân Sơn - Đinh Văn Hường - Trần Quang (2005), Cơ sở lý luận báo chí và truyền thông, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, HN.
Đặng Thị Hảo Tâm (2010), Hành động ngôn từ gián tiếp và sự tri nhận, Nxb Đại học Sư phạm, HN.
Nguyễn Thị Thịnh (2011), Vai trò của chất liệu văn học đối với việc hình thành phong cách nhà báo thể thao (khảo sát phong cách của ba nhà báo thể thao Bùi Hàn Sĩ, L. Trung, Đông Tà), Luận văn Thạc sĩ truyền thông đại chúng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, HN.
Nguyễn Diệu Thương (2009), Từ tiền giả định đến hàm ý ngữ dụng, Luận văn Thạc sĩ khoa học Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội.
Bùi Minh Toán (1999), Từ trong hoạt động giao tiếp tiếng Việt, Nxb Giáo dục, HN.
Bùi Minh Toán (2012), Câu trong hoạt động giao tiếp tiếng Việt, Nxb Giáo dục, HN.
Tzvetan Todorov (Đào Ngọc Chương dịch) (2004), Mikhail Bakhtin - Nguyên lý đối thoại, Nxb ĐH Quốc gia TP. HCM.
T. Todorov (2011), Di sản Bakhtin (La Khắc Hòa dịch), vienvanhoc.org.vn
Nguyễn Vũ Diệu Trang (2005), Cơ quan báo chí đa loại hình ở Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ truyền thông đại chúng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, HN.
Trần Lệ Trang (2008), Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt trên báo mạng điện tử (khảo sát trên báo mạng điện tử Vietnamnet, VnExpress, Dân trí), Khóa luận tốt nghiệp, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, HN.
Nguyễn Thị Thu Trà (2015), Hoạt động tương tác trong các chương trình truyền hình trên kênh VTV6 (Khảo sát các chương trình: Bữa trưa vui vẻ, Thư viện cuộc sống, Có gì mới sáng nay từ 1/2014 -6/2014), Luận văn Thạc sĩ Báo chí học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, HN.
Trần Hồng Vân (2004), Thực trạng và giải pháp xử lí thông tin trong tòa soạn báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay, Luận văn Thạc sĩ Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, HN.
Đồng Tiến Việt (2007), Tính tương tác trong báo mạng điện tử ở Việt Nam, Khóa luận tốt nghiệp, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, HN.
Nguyễn Như Ý (1996), Từ điển giải thích thuật ngữ ngôn ngữ học, Nxb Giáo dục, HN.
Lê Minh Yến (2011), Vấn đề sử dụng ảnh báo chí trên báo mạng điện tử Việt Nam hiện nay (khảo sát các báo Vietnamnet, Dantri, VnExpress từ tháng 1 đến tháng 9/2011), Luận văn Thạc sĩ truyền thông đại chúng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, HN.
Nguyễn Thị Hải Yến (2009), Sử dụng chất liệu văn học thế giới trong sáng tạo tác phẩm báo chí ở Việt Nam (khảo sát báo: Lao động, Bóng đá, Hoa học trò và một số tờ báo khác từ 2003 – 2008), Luận văn Thạc sĩ truyền thông đại chúng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, HN.
Trần Hải Yến (2012), Giải mã diễn ngôn miêu tả trong sáng tác của Nam Cao, Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội, HN.
G.Yule (2001), Dụng học, (Hồng Nhâm, Trúc Thanh, Ái Nguyên dịch), Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, HN.
TÀI LIỆU TIẾNG ANH
R.E. Asher, J.M.Y. Simpson, The Encyclopedia of Language and Linguistics, Volume 2, Pergamon Press, Oxford, New York, Seoul, Tokyo, 1994.
Gillian Brown, George Yule (1983), Discourse Analysis (Cambridge Textbooks in Linguistics), Cambridge University Press, Cambridge.
Teun A. van Dijk (1985), Handbook of Discourse Analysis, Academic Press, London.
Teun A. van Dijk (1997), Discourse as social interaction, Sage, London.
Diane Gayeski, David Williams (1985), Interactive Media, Englewood Cliffs, NJ: Prentice-Hall.
Helen E Katz, H. (2008), The Media Handbook, New Jersey, Lawrence Erlbaum Asociates, Inc.
Fairclough N. (1995), Critical Discourse Analysis: The Critical Study of language and Power, Edinburgh: Pearson Education Limited.
Fairclough N. (2001), Language and Power, Longman Group Limited.
www.journalism.org, Vietnamjournalism.com