Luận án Tín hiệu thẩm mỹ thuộc trường nghĩa “mắt” trong kho tàng ca dao người việt và thơ ca Việt Nam 1945 -1975

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI --------b&a------- ĐỖ THỊ HƯƠNG BƯỞI TÍN HIỆU THẨM MỸ THUỘC TRƯỜNG NGHĨA “MẮT” TRONG KHO TÀNG CA DAO NGƯỜI VIỆT VÀ THƠ CA VIỆT NAM 1945 -1975 LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN HÀ NỘI - 2021 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI --------b&a-------- ĐỖ THỊ HƯƠNG BƯỞI TÍN HIỆU THẨM MỸ THUỘC TRƯỜNG NGHĨA “MẮT” TRONG KHO TÀNG CA DAO NGƯỜI VIỆT VÀ THƠ CA VIỆT NAM 1945-1975 Chuyên ngành: Ngôn ngữ học Mã số: 9.22.90.20 LUẬN

doc177 trang | Chia sẻ: huong20 | Ngày: 14/01/2022 | Lượt xem: 483 | Lượt tải: 1download
Tóm tắt tài liệu Luận án Tín hiệu thẩm mỹ thuộc trường nghĩa “mắt” trong kho tàng ca dao người việt và thơ ca Việt Nam 1945 -1975, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN Người hướng dẫn khoa học: GS. TS. Hoàng Trọng Phiến HÀ NỘI - 2021 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết quả nghiên cứu, số liệu trình bày trong luận án là trung thực, những kết luận khoa học của luận án chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác. Tác giả luận án Đỗ Thị Hương Bưởi LỜI CẢM ƠN Tôi xin chân thành cảm ơn các Thầy, Cô trong Tổ Ngôn ngữ, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã chỉ bảo, hướng dẫn, góp ý tận tình đối với tôi trong quá trình học tập, nghiên cứu và hoàn thành luận án. Trân trọng cảm ơn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tôi được học tập và nghiên cứu. Đặc biệt, tôi xin chân thành bày tỏ lòng kính trọng và tri ân sâu sắc đến Thầy giáo - Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Trọng Phiến, người Thầy đã tận tình hướng dẫn, giúp đỡ, động viên tôi trong quá trình nghiên cứu và hoàn thành luận án. Tôi cũng xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới các Thầy, Cô là các nhà nghiên cứu chuyên ngành Ngôn ngữ học, hiện đang công tác tại Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Viện Ngôn ngữ học - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Khoa Ngôn ngữ học - Trường Đại học KHXH & NV - ĐHQGHN, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam đã quan tâm và có những ý kiến quý báu giúp tôi hoàn thành luận án. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn tới những người thân yêu trong gia đình, đồng nghiệp đã động viên, khích lệ, giúp đỡ tôi trong suốt thời gian qua. Mặc dù bản thân tôi đã rất nỗ lực, cố gắng, nhưng khó tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót, vì vậy, tôi kính mong Quý Thầy, Cô đóng góp ý kiến để luận án được hoàn thiện hơn. Hà Nội, 15 tháng 02 năm 2021 Người viết Đỗ Thị Hương Bưởi MỤC LỤC DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT TRONG LUẬN ÁN 1 BTKH Biến thể kết hợp 2 BTTV Biến thể từ vựng 3 BTQH Biến thể quan hệ 4 CBH Cái biểu hiện 5 CĐBH Cái được biểu hiện 6 HT Hằng thể 7 KH Kí hiệu 8 TH Tín hiệu 9 THNN Tín hiệu ngôn ngữ 10 THTM Tín hiệu thẩm mỹ 11 THVC Tín hiệu văn chương 12 Ts Tần số xuất hiện 13 YNBT Ý nghĩa biểu trưng 14 YNTM Ý nghĩa thẩm mỹ 15 VD Ví dụ MỞ ĐẦU I. Lý do chọn đề tài 1. Tín hiệu thẩm mỹ là một trong những phương tiện biểu hiện quan trọng nhất của hoạt động sáng tạo nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng. Với tư cách là một phương tiện đặc thù nhằm truyền tải những thông tin thẩm mỹ, ngôn ngữ trong tác phẩm văn chương vừa được sử dụng như những THTM, vừa là cái biểu đạt cho các THTM. Đến lượt mình, tác phẩm văn chương cũng chính là THTM. Nghiên cứu THTM là một công việc cần thiết đối với người làm công tác nghiên cứu văn học nói chung, nghiên cứu ngôn ngữ nói riêng. Tác phẩm văn chương tồn tại với tư cách là một hệ thống tín hiệu. Để hiểu và đánh giá đúng đắn, có cơ sở khoa học một tác phẩm văn học cụ thể rất cần sự khảo sát, đánh giá hệ thống các tín hiệu thẩm mỹ trong tác phẩm đó. Nghiên cứu THTM đã có nhiều công trình, riêng THTM thuộc trường nghĩa “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945-1975 chưa được nghiên cứu. Lựa chọn THTM “mắt” làm đối tượng nghiên cứu vì mắt là nét đẹp tiêu biểu của người con gái Việt Nam, mắt gợi tả tâm hồn, tình cảm của con người Việt Nam trong ca dao và thơ ca, ghi lại đặc điểm tâm hồn, tư duy văn hóa văn học của con người Việt Nam ở thời kì xã hội phong kiến và xã hội hiện đại; mắt trở thành một hình tượng thẩm mỹ đã đi vào tâm thức con người Việt Nam như một thứ cửa sổ chiếu dọi tâm hồn con người. 2. Về trường từ vựng - ngữ nghĩa, nhiều vấn đề đã được các nhà nghiên cứu quan tâm, giải quyết: các từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể người, từ chỉ tên riêng của người, chỉ quan hệ thân tộc, xưng hô, chỉ y phục; chỉ sự vật, chỉ động vật, thực vật; chỉ hiện tượng tự nhiên, khí tượng, chỉ hướng vận động; chỉ màu sắc Một số công trình không chỉ dừng ở trong phạm vi ngôn ngữ, mà còn xem xét các mối tương giao giữa ngôn ngữ học với sử học, văn hóa học, xã hội học Một số công trình đã quan tâm nghiên cứu khả năng hành chức của một trường nghĩa trong thực tế sử dụng ngôn ngữ, trong tác phẩm văn học. Đó là các vấn đề như: các tính từ chỉ màu sắc trong thơ Tố Hữu, các từ chỉ hiện tượng tự nhiên - khí tượng trong ca dao và thơ Nguyễn Trãi, chỉ không gian trong ca dao, chỉ cây cối trong thơ Việt Nam, trường nghĩa “lửa”, “nước” trong tiếng Việt, chỉ “động vật” trong truyện đồng thoại Việt Nam Nghiên cứu trường nghĩa trong thực tế sử dụng ngôn ngữ (trong đời sống, trong tác phẩm văn học) cũng là xem xét ngôn ngữ trong hoạt động hành chức để thấy được giá trị của ngôn ngữ đối với đời sống con người. Từ cách tiếp cận ngôn ngữ học, chúng tôi chọn đề tài THTM thuộc trường nghĩa “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945-1975 nhằm phát hiện giá trị ý nghĩa thẩm mỹ “mắt” trong tri nhận mang tính tư duy văn hóa dân tộc, trong đời sống tâm hồn dân tộc ở từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Thực hiện luận án này sẽ đóng góp ngữ liệu cụ thể vào lý thuyết THTM và gợi mở cách phân tích ngôn ngữ đối với việc giảng dạy ngôn ngữ văn chương trong nhà trường hiện nay. II. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 1. Mục đích nghiên cứu - Vận dụng lý thuyết về THTM để khảo sát tín hiệu thẩm mỹ thuộc trường nghĩa “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945-1975 góp phần tìm hiểu đặc điểm sử dụng ngôn ngữ, thi pháp ca dao, thi pháp thơ ca Việt Nam 1945-1975. - Kết quả nghiên cứu sẽ đóng góp vào việc giảng dạy, học tập ca dao, thơ ca Việt Nam trong nhà trường phổ thông. Những năm qua, cùng với yêu cầu chung của công cuộc cải cách giáo dục, những yêu cầu về việc đổi mới phương pháp giảng dạy, phân tích tác phẩm văn học cũng được đặt ra cấp bách trong nhà trường phổ thông. 2. Nhiệm vụ Luận án tập trung giải quyết những nhiệm vụ chính sau đây: - Hệ thống hóa, có phản biện các lý thuyết về trường nghĩa, tín hiệu thẩm mỹ có liên quan đến đề tài THTM thuộc trường nghĩa “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945-1975. - Thống kê, phân loại THTM thuộc trường nghĩa “mắt” kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945-1975, xác định tần số xuất hiện, phân tích các cách kết hợp của các nhóm THTM hằng thể và các biến thể. - Tìm hiểu ý nghĩa thẩm mỹ của THTM “mắt”, chỉ ra được nét thống nhất và khác biệt về cách sử dụng và ý nghĩa thẩm mỹ của THTM thuộc trường nghĩa “mắt” trong ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945-1975. III. Đối tượng, ngữ liệu nghiên cứu 1. Đối tượng nghiên cứu THTM thuộc trường nghĩa “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945-1975. Trường nghĩa “mắt” là một trong những trường nghĩa hoạt động rất phong phú trong hệ thống từ vựng tiếng Việt. Ở trường nghĩa này, chúng tôi chỉ tập trung vào tìm hiểu các từ có chức năng kiến tạo nghĩa thẩm mĩ được dùng để biểu thị các hình tượng nghệ thuật trong ca dao và thơ ca. Đây là một trường từ vựng ngữ nghĩa có số lượng nhiều trong các tiểu trường chỉ cơ thể người trong tiếng Việt và có các nghĩa biểu trưng phong phú. Không phải mọi tín hiệu ngôn ngữ thuộc trường nghĩa “mắt” nào cũng được đưa vào thơ đều trở thành chất liệu thơ, thành THTM. Ngay những THTM xuất hiện trong văn chương, tần suất, ý nghĩa của chúng cũng khác nhau ở từng giai đoạn, từng tác giả, từng thời kì sáng tác của cùng một tác giả. Vì thế, hàm lượng giá trị thẩm mỹ của chúng không đồng đều nhau và trong tiến trình vận động chung của cả hệ thống, các đại lượng trong bản thân mỗi THTM ấy cũng không ngừng biến đổi. Đối tượng khảo sát có tính đa dạng, phức tạp nên chúng tôi chỉ tập trung vào những đơn vị có tần suất cao nhất trong toàn bộ kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945-1975. Và, ở thơ ca Việt Nam 1945 -1975, chúng tôi chỉ chọn tác phẩm thơ của một số nhà thơ tiêu biểu. 3. Ngữ liệu nghiên cứu Tài liệu khảo sát về ca dao là cuốn Kho tàng ca dao người Việt do Nguyễn Xuân Kính, Phan Đăng Nhật chủ biên (1995) [116] gồm bốn tập. Ngoài ra chúng tôi còn tham khảo thêm một số tài liệu khác như: Hợp tuyển ca dao Việt Nam của Hội văn hoá dân gian Việt Nam, Tục ngữ - Ca dao - Dân ca Việt Nam do Vũ Ngọc Phan chủ biên (2009) [74]. Ngữ liệu có được là 1.122/11.825 bài có tín hiệu “mắt”. Tài liệu khảo sát về thơ Việt Nam 1945 - 1975 là cuốn Văn học Việt Nam thế kỷ XX, phần thơ ca Việt Nam 1945-1975, quyển bốn, tập VII [117], VIII [118], IX [119] của nhóm tác giả PGS.TS. Lưu Khánh Thơ (chủ biên), PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp, PGS.TS. Nguyễn Bích Thu, ThS. Đoàn Ánh Dương biên soạn và tuyển chọn. Trong đó, luận án sẽ tập trung nghiên cứu THTM thuộc trường nghĩa “mắt” của các tác giả tiêu biểu cho thời kỳ này là: Tố Hữu, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Vũ Cao, Nông Quốc Chấn, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy. Về tiêu chí lựa chọn, chúng tôi hướng đến tác giả ở các phạm vi khác nhau: có tác giả tiêu biểu cho cả hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, có tác giả trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, có tác giả là gương mặt tiêu biểu cho thế hệ thơ trẻ chống Mỹ, có tác giả là gương mặt đại diện cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ngữ liệu thơ có 306 bài trong tổng số 415 bài thơ có xuất hiện tín hiệu “mắt”. IV. Phương pháp nghiên cứu Thực hiện đề tài này chúng tôi vận dụng các phương pháp chính sau đây: 1- Phương pháp phân tích thành tố nghĩa: luận án vận dụng phương pháp này nhằm nhận diện tín hiệu “mắt” trong tổ chức câu ca dao, thơ ca đồng thời làm cơ sở cho việc phân tách THTM thuộc trường nghĩa “mắt” thành các THTM trong các tiểu trường. Ngoài ra, đây cũng là phương pháp được vận dụng để phân tích các hướng chuyển nghĩa của từ của THTM thuộc trường nghĩa “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945 - 1975. 2 - Phương pháp phân tích trường nghĩa: áp dụng lí thuyết trường vào việc nghiên cứu nghĩa, là biểu hiện của xu hướng ngôn ngữ học hiện đại nhằm xác định hệ thống ngữ nghĩa của ngôn ngữ. Trong luận án này, phương pháp phân tích trường nghĩa sẽ được bàn kĩ hơn trong Chương I khi chúng tôi làm rõ các lí thuyết về trường nghĩa. Phương pháp phân tích trường nghĩa được vận dụng trước hết nhằm xác định các đơn vị ngôn ngữ thuộc trường nghĩa “mắt”, nhận diện từ ngữ trung tâm, ngoại vi của mỗi tiểu trường. Trên cơ sở đó tìm ra đặc điểm hoạt động cũng như ý nghĩa thẩm mỹ của THTM “mắt” trong ca dao và thơ ca; đồng thời phát hiện mối liên hệ giữa nghĩa gốc và nghĩa chuyển của “mắt” (còn gọi là nghĩa gốc và nghĩa phái sinh). 3 - Phương pháp phân tích ngôn cảnh Ngôn cảnh là một môi trường phi ngôn ngữ trong đó ngôn ngữ được sử dụng. Các nhà ngôn ngữ phân biệt hai loại ngôn cảnh: ngôn cảnh tình huống và ngôn cảnh văn hóa. Ngôn cảnh tình huống là ngôn cảnh của một hiện tượng ngôn ngữ, của một văn bản, của một trường hợp cụ thể của ngôn ngữ. Ngôn cảnh văn hóa là ngôn cảnh của ngôn ngữ với tư cách là một hệ thống các quan hệ được lựa chọn. Ngôn cảnh tình huống là thế giới xã hội và tâm lí mà trong đó, ở một thời điểm nhất định người ta sử dụng ngôn ngữ. Nó có thể bao gồm sự hiểu biết về vị trí, thời gian và không gian, sự hiểu biết về phép xã giao trong xã hội và sự hiểu biết về mã ngôn ngữ được dùng (nói hoặc viết), sự hiểu biết về nội dung giao tiếp và bối cảnh giao tiếp (trường học, nhà máy, phòng thí nghiệm). Ngôn cảnh tình huống bao gồm cả sự chấp nhận ngầm của người nói và người nghe về tất cả các quy ước, các niềm tin và các tiền đề được coi là đương nhiên của các thành viên trong cộng đồng. Ngôn cảnh văn hóa bao gồm hàng loạt nhân tố văn hóa như phong tục, tập quán, chuẩn tắc hành vi, quan niệm giá trị, sự kiện lịch sử, những tri thức về tự nhiên và xã hội, chính trị và kinh tế. Tiền ước là những hiểu biết chung về lịch sử, văn hóa, tập quán, khả năng lĩnh hội thông tin bằng tiếng nước ngoài (hoặc tiếng mẹ đẻ) của những người tham gia giao tiếp. Tri thức nền là sự hiểu biết và khả năng cảm nhận các hiện tượng văn hóa của cả hai bên người nói và người nghe, là cơ sở đảm bảo thành công cho việc giao tiếp bằng ngôn ngữ [30, tr.44]. M.A.K. Halliday cho rằng sự lựa chọn hình thức ngôn ngữ bị chi phối bởi môi trường văn hóa. Vì thế, ông kết hợp ngôn ngữ với xã hội để nghiên cứu. Theo ông biến thể ngôn ngữ có liên quan đến ngôn cảnh nghĩa của từ và nghĩa của câu bị quy định bởi ngôn cảnh. Ngôn cảnh lại chi phối bởi chế độ xã hội. Chế độ xã hội chi phối hệ thống hành vi, trong đó có hành vi ngôn ngữ [Dẫn theo 30, tr.45]. Phương pháp phân tích ngôn cảnh được vận dụng trong luận án nhằm giải thích nghĩa hàm ẩn còn gọi là nghĩa biểu trưng của “mắt”. Ở đây chúng tôi dùng thao tác phân tích theo trục hệ hình (thay thế) và trục kết hợp. Từ đó xem xét nghĩa ẩn dụ của THTM “mắt”. Phương pháp phân tích ngữ cảnh ngôn ngữ để tìm hiểu những biến thể quan hệ của THTM “mắt” trong mỗi lần xuất hiện so với THTM hằng thể. 4 - Phương pháp miêu tả: là hệ thống những thủ pháp nghiên cứu được vận dụng để thể hiện đặc tính của các hiện tượng ngôn ngữ trong một giai đoạn phát triển nào đó. Phương pháp miêu tả quan sát, miêu tả ngôn ngữ như một hệ thống - cấu trúc ở mọi bình diện, cấp độ, thuộc tínhcủa các đơn vị ngôn ngữ, những mối liên hệ, quan hệ, cách thức tổ chức và trật tự tôn ti trên nguyên tắc: phân biệt đơn vị ngôn ngữ (khách quan) và đơn vị phân tích (chủ quan do người nghiên cứu đặt ra). Trong luận án này, phương pháp miêu tả được vận dụng để quan sát, miêu tả THTM “mắt” với các đơn vị định danh cho mắt, các đặc tính của mắt, các mô hình cấu trúc ngôn ngữ của các biến thể kết hợp của mắt. Đây là phương pháp chính cùng với phương pháp phân tích thành tố nghĩa để giải quyết các vấn đề của luận án. Từ những nguồn ngữ liệu đã thu thập, chúng tôi tiến hành phân tích miêu tả đặc điểm ngữ nghĩa và nghĩa biểu trưng của THTM thuộc trường nghĩa “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945 - 1975. 5 - Dựa trên các phương pháp nghiên cứu được vận dụng, luận án đã sử dụng một số thủ pháp nghiên cứu sau: - Thủ pháp thống kê: trong bất kì một công trình nghiên cứu nào có sử dụng một khối lượng tư liệu lớn, người ta không thể bỏ qua việc xử lí các số liệu về mặt thống kê toán học. Những khái niệm cơ bản cần được nắm vững khi dùng thủ pháp này là: tần số, tần xuất, độ phân bố, độ dài văn bản, hạng Số lần xuất hiện của một yếu tố nào đó trong văn bản được khảo sát là tần số của yếu tố ấy. Đem tần số chia cho tổng số các yếu tố của văn bản ta sẽ được xác suất của yếu tố đó. Khi so sánh hai yếu tố với nhau, yếu tố nào có tần số lớn hơn thì có hạng lớn hơn. Độ phân bố dùng để nghiên cứu tính phổ biến của một yếu tố, từ có độ phân bố lớn hơn là từ được dùng rộng rãi hơn, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau hơn. Một từ xuất hiện với tần số không cao nhưng được phân bố rộng rãi ở nhiều tác giả, nhiều tác phẩm vẫn quan trọng hơn một từ có tần số cao nhưng chỉ tập trung ở một nhà văn, một tác phẩm hay một thể loại. Luận án đã dùng các thao tác thống kê nhằm phát hiện tần số xuất hiện và khả năng hoạt động của mắt trong ca dao và thơ ca ở những văn cảnh xuất hiện cụ thể, dưới dạng hằng thể, biến thể các tiểu trường, gồm các từ gọi tên mắt và các bộ phận của mắt, các từ chỉ hoạt động trạng thái, tính chất của mắt; vận dụng các khái niệm tần số, tần xuất, độ phân bố... - Thủ pháp thay thế: thay thế một đơn vị ngôn ngữ bằng một đơn vị ngôn ngữ khác cùng cấp độ trong khi cấu trúc vẫn giữ nguyên. Đây là một phép thử để xem xét khi yếu tố biểu đạt này thay thế yếu tố khác trong cùng một cấp độ có làm thay đổi hình thức biểu đạt không. Hai đơn vị ngôn ngữ có thể sử dụng trong những cấu trúc tương tự, trong cùng ngữ cảnh và có cùng tiêu chí phân bố gọi là hai đơn vị có khả năng thay thế cho nhau. Trong luận án, thủ pháp thay thế được vận dụng khi nghiên cứu các mô hình cấu trúc, các kiểu kết hợp của THTM “mắt” để thấy được cách dùng THTM “mắt” có sự phù hợp góp phần biểu đạt ý nghĩa thẩm mỹ trong các ngôn cảnh cụ thể. - Thủ pháp phân loại, hệ thống hoá nhằm phân xuất các nhóm, các loạt đơn vị ngôn ngữ và các phạm trù vốn có đối với đơn vị ngôn ngữ nào đó; bao gồm việc xác định, phân chia, phân loại thành các nhóm, các loại, hệ thống con, hệ thống lớn các đơn vị ngôn ngữ và cả việc xác định các phạm trù, các mặt, các thuộc tính của các đơn vị này. Trong luận án này, chúng tôi dùng thủ pháp phân loại, hệ thống hoá để phân xuất THTM “mắt” thành các tiểu trường, các nhóm nhỏ (ví dụ: nhóm hằng thể, biến thể từ vựng, biến thể kết hợp... để thuận lợi cho việc nghiên cứu khả năng hoạt động của THTM “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945 - 1975. - Thủ pháp phân tích thành tố trực tiếp: nguyên tắc chung của thủ pháp này là phân chia cấu trúc phức tạp ra thành những bộ phận tối đa chủ yếu là ở hai phần: phần hạt nhân và phần phụ thuộc, tức phần cơ bản và phần kèm theo. Phân tích thành tố trực tiếp có giá trị đối với việc phân tích những kết cấu phức tạp cho nên nó được vận dụng trước hết vào cú pháp Thủ pháp phân tích thành tố trực tiếp được chúng tôi vận dụng trong việc nghiên cứu kết cấu cú pháp trong các mô hình cấu trúc là các kiểu kết hợp của THTM “mắt”. Ở đây, tổ hợp của các từ, các nhóm từ có mối liên hệ trực tiếp với THTM “mắt” được xem như một kết cấu. Mỗi mô hình kết cấu được thể hiện như một chuỗi các đơn vị giữ vai trò nhất định trong ngữ pháp. Các bộ phận của mỗi mô hình kết cấu có thể là từ (định danh mắt hoặc các hoạt động, trạng thái của mắt) hoặc các nhóm từ, các đơn vị nhỏ được hiểu là các thành tố trực tiếp của nó. Phân tích thành tố trực tiếp không cho ta một bức tranh tĩnh về mô hình cấu trúc các kiểu kết hợp của THTM “mắt” mà cho ta một sự phân tích động, được xây dựng như một chuỗi các bước phân tích mô hình kết hợp của THTM “mắt” - Ngoài ra, luận án còn sử dụng thao tác so sánh hai thể loại văn bản: ca dao và thơ ca. Có 2 loại so sánh thường được sử dụng trong nghiên cứu ngôn ngữ: (1) So sánh bên trong 1 ngôn ngữ (đơn vị, phạm trù thuộc các cấp độ, bình diện khác nhau); (2) so sánh bên ngoài 2 hoặc nhiều hơn 2 ngôn ngữ. Trong luận án, chúng tôi sử dụng chủ yếu loại so sánh bên trong 1 ngôn ngữ (đơn vị, phạm trù thuộc các cấp độ, bình diện khác nhau); ở cấp độ đơn vị từ vựng đối với những từ thuộc trường nghĩa “mắt” trong hai loại hình văn học: văn học dân gian và văn học viết, trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945 - 1975. V. Những đóng góp của luận án 5.1. Về ý nghĩa khoa học Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần làm sáng tỏ thêm một số vấn đề về chức năng ngôn ngữ, bản chất TH ngôn ngữ, trường nghĩa và THTM, ngôn ngữ văn chương... Đây cũng là công trình đầu tiên khảo sát cụ thể các đơn vị đại diện của trường từ vựng - ngữ nghĩa “mắt” trong thơ ca dân tộc từ bình diện ngôn ngữ thông thường đến bình diện ngôn ngữ nghệ thuật, từ các ý nghĩa thông thường trong hệ thống, đến các ý nghĩa nghệ thuật cụ thể, mới mẻ, sinh động. 5.2. Về ý nghĩa thực tiễn Luận án đã chỉ ra những nghĩa biểu trưng của mắt - cửa sổ tâm hồn của người Việt Nam trong sáng tạo ngôn ngữ nghệ thuật đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Luận án cung cấp thêm ngữ liệu của THTM “mắt” vào việc nghiên cứu từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt và sự phát triển tư duy thẩm mỹ của con người Việt Nam. Những kết quả đó còn đóng góp vào việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập ca dao, thơ ca Việt Nam trong nhà trường phổ thông. Đặc biệt có thể coi những ngữ liệu, những biện giải trong luận án như là những tham khảo cung cấp thêm cách nhìn mới từ góc độ bản chất ngôn ngữ - văn hóa - nghệ thuật của các từ - THTM “mắt” giúp biên soạn phần mục này trong một cuốn từ điển về Ngôn ngữ - Văn hóa - Dân tộc học. VI. Bố cục của luận án Căn cứ vào mục đích nghiên cứu và cách triển khai đề tài, luận án được kết cấu thành ba chương: Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ sở lý luận. Chương 2: Khảo sát tín hiệu thẩm mỹ thuộc trường nghĩa “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945 - 1975. Chương 3: Ý nghĩa biểu trưng của tín hiệu thẩm mỹ thuộc trường nghĩa “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và trong thơ ca Việt Nam 1945 - 1975. - THTM “mắt” biểu trưng cho đặc điểm hình thức của con người. - THTM “mắt” biểu trưng cho đời sống tâm hồn của con người. - THTM “mắt” biểu trưng cho trí tuệ của con người. NỘI DUNG CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÍ LUẬN 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu 1.1.1. Lịch sử nghiên cứu về tín hiệu thẩm mỹ Gần đây vấn đề tín hiệu thẩm mỹ đã được nhiều học giả trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu. Đã có một số công trình hướng đến việc nghiên cứu các THTM trong tác phẩm văn học có tính xâu chuỗi trong hàng loạt tác phẩm, trong tiến trình lịch sử văn học góp phần cho người đọc hình dung được đặc điểm hình thức, ngữ nghĩa của THTM đó trong tiến trình lịch sử văn học cũng như đặc trưng văn hóa của dân tộc được thể hiện qua việc sử dụng các THTM đó. Có thể kể đến các công trình như: THTM chỉ không gian trong ca dao, hoa trong thơ Dương Thuấn, trăng trong thơ Hàn Mặc Tử, cây trong thơ Việt Nam 1.1.1.1. Các nghiên cứu về tín hiệu thẩm mỹ trên thế giới Khái niệm tín hiệu thẩm mỹ (còn gọi là ký hiệu thẩm mỹ) ra đời gắn với khuynh hướng cấu trúc trong nghiên cứu mỹ học và nghệ thuật những năm giữa thế kỉ XX với các công trình của Iu.A.Philipiep [50] , M.B.Khrapchenco [57]. Ngoài ra còn nhiều tác giả khác bàn đến THTM như: R. Jacobson [53], [54], [52]; R.C. Hjelmslev [82]; R.Barther [9], Iu.M.Lotman [51], A.Belưi, V.I.Proopp, M.Bakhtin, B.X.Likhasôp, E.Cassires, S.Langer, Cho đến nay, chúng tôi chưa tìm thấy một định nghĩa nào trọn vẹn và hoàn chỉnh về Tín hiệu thẩm mỹ (THTM). Thuật ngữ “aesthetic signal”, “signe esthetique” được dịch là THTM và Kí hiệu thẩm mỹ (KHTM). Sử dụng KHTM có các tác giả: M.B.Khrapchenco, Kasêvich, Cassirer, Langer Các tác giả dùng THTM: Stêpanôp, Philipiep Tuy nhiên, về tên gọi có thể khác nhau nhưng nội hàm khái niệm nhìn chung đều thống nhất về chức năng. Đó là những yếu tố thuộc phương tiện biểu hiện của nghệ thuật. Chúng dù có tính chất vật thể hay phi vật thể thì cũng có ý nghĩa thẩm mỹ (YNTM) và việc sử dụng chúng phải nhằm mục đích thẩm mỹ. Trước hết phải nói tới quan niệm của các nhà ngôn ngữ học tiêu biểu của thế kỉ XX như R.Jakobson, R.Barthes, Yu.Lotman, Tz.Todorov, R.C.Hjelmslev về THTM. Vinogradop đã xem ngôn ngữ trong tác phẩm văn học như là một tổng thể các tín hiệu thẩm mỹ, được cấu tạo lại từ ngôn ngữ chung. Vì vậy, những vấn đề bản chất của ngôn ngữ nghệ thuật không tách rời những vấn đề của tín hiệu học và lí thuyết cấu trúc - chức năng. Theo R.C.Hjelmslev [Dẫn theo 20, tr.441] nếu coi hệ thống tín hiệu ngôn ngữ tự nhiên là hệ thống cơ sở (hệ thống tín hiệu thứ nhất) thì hệ thống ngôn ngữ nghệ thuật là hệ thống tín hiệu thứ hai, được xây dựng trên cơ sở hệ thống thứ nhất, có sự biến đổi về bản chất tín hiệu: hệ thống thứ nhất là hệ thống vật biểu (biểu nghĩa trực tiếp), hệ thống thứ hai là hệ thống hàm nghĩa (biểu nghĩa gián tiếp). Như vậy, có thể miêu tả bản chất tín hiệu học của ngôn ngữ nghệ thuật như sau: Âm thanh Cái biểu đạt: -------------------------------- Ý nghĩa sự vật - lôgic Ngôn ngữ nghệ thuật: ------------------------------------------------ Cái được biểu đạt: Ý nghĩa thẩm mỹ R.Jakobson trong Những vấn đề thi pháp học [52], đặc biệt là với bài viết Ngôn ngữ học và thi học [54] đã bước đầu chỉ ra sự khác biệt về chức năng của tín hiệu ngôn ngữ trong các phạm vi giao tiếp. R.Jakobson nhấn mạnh vào chức năng thơ (chức năng thẩm mỹ) của ngôn ngữ như là “sự định hướng của thông báo (bằng các kí hiệu ngôn ngữ) vào chính bản thân nó” [R.Jakobson, dẫn theo 20; tr.442] tạo nên đặc trưng của hình thức biểu hiện mang tính thẩm mỹ. Trong bài nghiên cứu Thơ là gì [R.Jakobson, dẫn theo 20; tr.442], R.Jakobson cũng khẳng định, trong thơ ca, đặc biệt là thơ ca hiện đại, mọi tín hiệu ngôn ngữ tự nhiên đều có thể được sử dụng và cấu tạo lại, biến đổi về bản chất tín hiệu và chức năng để thực hiện vai trò biểu đạt những ý nghĩa hình tượng - thẩm mỹ theo mục đích của tác giả, trong đó hình thức tổ chức của các yếu tố ngôn từ trong thơ không chỉ là phương tiện biểu đạt mà còn có một giá trị tự thân (giá trị mỹ học của bản thân hình thức). Trong Cơ sở kí hiệu học [9], R.Barthes đã phân tích giá trị của các tín hiệu trên các mối quan hệ bản chất nhất: quan hệ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt, quan hệ trên trục lựa chọn (hệ hình) và quan hệ trên trục kết hợp (tuyến tính) của ngôn ngữ [R.Barthes, dẫn theo 20, tr.443 ]. Yu.M.Lotman cho rằng “văn học nói bằng một ngôn ngữ đặc biệt được xây chồng lên trên ngôn ngữ tự nhiên với tính cách là một hệ thống cấp hai” [Dẫn theo 69, tr.64]. Về tương quan tín hiệu ngôn ngữ (THNN) với THTM - THVC đã được L.Hjelmslev thể hiện trong quan niệm về thứ ngôn ngữ liên hội dựa theo sơ đồ [ Dẫn theo 72, tr.28]: Cbh Âm thanh Cđbh Ý nghĩa ngôn ngữ TH ngôn ngữ Ý nghĩa thẩm mỹ Cbh Cđbh THTM Từ sơ đồ trên có thể hiểu hai mặt CBH và CĐBH của THNN lại trở thành CBH cho một CĐBH mới là ý nghĩa thẩm mỹ của THTM trong tác phẩm văn học. Sự khác biệt có tính “vượt cấp” này là do vai trò quyết định của chủ thể sáng tạo khiến cho “giữa cách dùng ngôn ngữ hàng ngày và ngôn ngữ nhà văn có một vực thẳm không qua được” [Ch.Bally, dẫn theo 86, tr.9]. P.Guiraud có bàn về sự sáng tạo lại ngôn ngữ tự nhiên trong tác phẩm văn học cũng tương đồng với các ý kiến trên. Trong Thi pháp học, Tz.Todorow đã chỉ rõ tầm quan trọng của những mối quan hệ trong văn bản và liên văn bản trong việc xác định giá trị của văn bản nghệ thuật như một sự liên kết, tương tác tín hiệu thẩm mỹ ở nhiều cấp độ khác nhau...[Tz.Todorow, Dẫn theo 20, tr.444]. Trong quan niệm của trường phái kí hiệu học Mĩ, THTM được xác định là tín hiệu trong nghệ thuật, là “tín hiệu miêu tả hoặc tạo hình” trong quan niệm của Ch.Morris, Ch.Pierce. Họ xem nghệ thuật như một “ngôn ngữ đặc biệt”, khác với mọi phương tiện truyền thống khác. Tính cấu trúc, tính phổ quát và sự tương ứng với các quan hệ giá trị được họ xem là những đặc tính cơ bản của THTM. Tín hiệu ngôn ngữ nghệ thuật là một tín hiệu phức hợp. Quan niệm này cũng thống nhất với Roland Bather khi cho rằng đây chính là trường hợp mà “hệ thống thứ nhất sẽ được dùng làm bình diện hoặc làm cái biểu đạt cho hệ thống thứ hai”. Các tác giả cũng thống nhất với R.C.Hjelmslev khi gọi loại kí hiệu học này là ký hiệu học hàm biểu; hệ thống thứ nhất là phương diện vật biểu, hệ thống thứ hai là phương diện hàm biểu. Mối quan hệ giữa cái biểu hiện và cái được biểu hiện của ngôn ngữ nghệ thuật không phải là mối quan hệ mang tính võ đoán mà là mối quan hệ có lí do. Trước hết có một mối tương quan chặt chẽ giữa ý nghĩa sự vật logic của một từ trong ngôn ngữ nghệ thuật và ý nghĩa của hình tượng này. Trường phái Prague với R.Jacobson đã quan tâm đến ngữ pháp và âm vị trên bình diện kết học, Jacobson lưu ý đặc biệt đến tương quan giữa kết học với những vấn đề biểu nghĩa. Vận dụng những phương pháp ngôn ngữ vào nghiên cứu thi ca, nhà nghiên cứu xác định chức năng “nội chỉ” như mục đích tự thân đặc thù của thơ ca và đưa ra phương thức xác định “chức năng thi ca” là “đem nguyên tắc tương đương của trục tuyển lựa (trục ngữ nghĩa) chiếu lên trục kết hợp”. Phát triển ý tưởng vốn bắt nguồn từ Saussure- xem hoạt động kí hiệu học như hiện tượng giao tiếp, Jacobson đưa ra hồ sơ hoạt động biểu nghĩa với 6 thành tố: Ngữ cảnh (contex) - Thông điệp (mesage) - Người phát (addresser) - Người nhận (addressee) - Tiếp xúc (contact) - Mã (code). Với mô hình này, thực chất, Jacobson đã triển khai cả những vấn đề dụng học (Pragmatics) vốn chưa được quan tâm nhiều trong kí hiệu học trước đó [R.Jacobson, Dẫn theo 56, tr.13]. Iu.M.Lotman, người sáng lập nên Trường phái kí hiệu học Tartu-Moskva từ đầu những năm 1960 đã quan tâm tới việc xác định hệ thống mã của “ngữ pháp học văn hóa” - mô tả cấu trúc của những phương tiện kí hiệu văn hóa trong nhiều lĩnh vực khác nhau và trong mọi thời đại [Iu.M.Lotman, Dẫn theo 56, tr.14]. Nhà nghiên cứu chủ trương lấy văn bản làm trung tâm kiến tạo thế giới kí hiệu và xác định ba đặc điểm của nó là tính biểu thị, tính phân giới và tính cấu trúc, đồng thời mở rộng quan niệm về văn bản ra toàn bộ các lĩnh vực văn hóa, coi văn hóa nói chung cũng là một văn bản vô cùng phức tạp. Từ lí thuyết lấy văn bản làm trung tâm, từ cuối những năm 1970, Iu.M. Lotman khai sinh cho kí hiệu học văn hóa và đi đến khái niệm kí hiệu quyển như “toàn bộ không gian kí hiệu học xem như một cơ cấu thống nhất” [Iu.M.Lotman, Dẫn theo 56, tr.15]. Lotman cũng cho rằng “Trong thế giới biểu tượng đa dạng của tác phẩm thi ca, chúng ta tìm thấy một sự tổ chức ổn định nào đó, những yếu tố cố kết vừa là đại diện cho sự thống nhất trong sáng tác đa diện của nhà thơ, vừa mang lại cho tác phẩm của ông ta dấu ấn của một cá nhân” [51]. Các nhà nghiên cứu hậu cấu trúc Pháp từ những năm 1960 có những điểm tương đồng với bước đi của Lotman và các nhà nghiên cứu Nga trong những cố gắng khắc phục tính giản lược của khuynh hướng kí hiệu học cấu trúc thuần túy, củng cố quan niệm về sự chồng xếp nhiều mã trong mối quan hệ đối thoại giữa các chủ thể phát, nhận, và ngữ cảnh, truyền thống văn hóa, cũng như bối cảnh tiếp xúc... Như vậy, các tác giả trên đã thống nhất ở điểm: một THTM cần hội đủ các điều kiện: 1, cbh: các hình thức vật chất (chất liệu) nghệ thuật; 2, cđbh: YNTM; 3, chủ thể sáng tạo (thế giới phát ngôn, tạo ngôn - tác giả; thế giới tiếp nhận, thụ ngôn – công chúng, bạn đọc); 4, thuộc về một hệ thống THTM nhất định. Trong Ký hiệu, hay biểu tượng cũng chứa đựng yếu tố văn hóa dân tộc, thời đại và dấu ấn của cá nhân người sáng tác. 1.1.1.2. Các nghiên cứu về Tín hiệu thẩm mỹ ở Việt Nam Ở nước ta, vấn đề tín hiệu và tín hiệu thẩm mỹ đã được nhiều nhà nghiên cứu như Hoàng Tuệ, Hoàng Trinh, Đào Thản, Phan Ngọc, Đái Xuân Ninh, Trần Đình Sử, Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Lai, Lại Nguyên Ân, Phương Lựu, Hoàng Trọng Phiến, Bùi Minh Toán, Đỗ Việt Hùng, Nguyễn Thị Ngân Hoa, Trương Thị Nhàn, Phạm Thị Kim Anh gần đây nhất có công trình Ký hiệu và liên ký hiệu của Lê Huy Bắc Người đặt cơ sở nghiên cứu tín hiệu thẩm mỹ là tác giả Đỗ Hữu Châu. Trong bài viết “Những luận điểm về cách tiếp cận ngôn ngữ học các sự kiện văn học” [14], Đỗ Hữu Châu cho rằng: cách tiếp cận văn học của ngôn ngữ học trước đây xuất phát từ quan điểm thông thường: phương tiện của ... [18, tr. 183] ra đời trên cơ sở những luận điểm về ngôn ngữ học đã được hình thành từ trước đó. Đầu tiên, phải kể đến giả thuyết về “tính tương đối ngôn ngữ” mà hai người được coi là có đóng góp lớn trong việc nghiên cứu là Sapir (1921) và Whorf (1956). Tiếp theo đó, những nghiên cứu tìm hiểu về ngữ nghĩa của ngôn ngữ mà tiêu biểu là công trình của Talmy (1981), Langacker (1987) và Lakoff (1987) đã góp phần tìm ra nhân tố cho hệ thống khái niệm về trường nghĩa. Sau khi xuất hiện vào những năm 20 - 30 của thế kỷ XX, khái niệm về trường nghĩa (semantic fields) nhanh chóng được phổ biến và đạt được những thành tựu quan trọng. Lí thuyết về trường nghĩa gắn với tên tuổi các nhà nghiên cứu ngôn ngữ như G. Ipsen, J.Trier, Weisgerber, W. Porzig v.v. Tư tưởng cơ bản của lí thuyết này là khảo sát từ vựng một cách hệ thống. Chẳng hạn, Weisgerber cho rằng: “sự phân chia ngữ nghĩa của hệ thống ngôn ngữ được xác định không phải bởi những mối quan hệ có thực trong thực tế khách quan, mà được xác định bởi những nguyên tắc nằm trong bản thân ngôn ngữ, trong kết cấu ngữ nghĩa của nó (Meyer gọi là NHỮNG YẾU TỐ KHU BIỆT) [Dẫn theo 31, tr. 432]. Mối quan hệ giữa các yếu tố trong trường nghĩa luôn được các nhà nghiên cứu chú ý mà tiêu biểu là J. Trier - người đề xướng lí thuyết trường nghĩa. Tác giả cho rằng: “Mỗi một từ có ý nghĩa chỉ là vì có các từ khác có liên hệ trực tiếp với nó”. J.rier cũng đã sử dụng thuật ngữ “trường ngôn ngữ” (Sprachliche Felder) “để diễn tả mối quan hệ về nghĩa giữa các từ” và quan niệm “ý nghĩa từ vựng chính là khái niệm”; do đó, trường nghĩa còn được gọi là trường khái niệm [dẫn theo 33, tr. 184, 187]. Tuy nhiên, “sự không phân biệt ý nghĩa với khái niệm, các lớp ý nghĩa, từ với khái niệm và quan niệm quá dứt khoát về ranh giới giữa các trường khái niệm và các vùng khái niệm của từ với nhau” là nguyên nhân khiến giá trị lí thuyết “trường” của J.Trier chỉ dừng ở mức độ những gợi ý [16, tr.874]. G.Ipsen là người đầu tiên trong lịch sử ngành ngôn ngữ học dùng khái niệm trường nghĩa [Grzegorz 121, tr.190, Dẫn theo 88, tr.8], ông cho rằng “trường nghĩa bao hàm những từ có những mối quan hệ với nhau về hình thái và về nghĩa” [G. Ipsen 120, Dẫn theo 88]. Một nhà nghiên cứu khác là Weisgerber cho rằng các trường có ba mặt, không phải hai mặt như của J.Trier [32]. Ông cho rằng khái niệm là cầu nối trung gian giữa chủ thể và hiện tượng khách quan. Ông chia các trường thành trường một tầng và trường nhiều tầng. Trường một tầng là kết quả của cái mà chúng ta nhìn xuất phát từ một quan điểm duy nhất. Ngược lại, trường nhiều tầng là trường có từ hai quan điểm trở lên. Khi nghiên cứu trường các “tội lỗi, khuyết tật” ông nêu ra hai “góc nhìn”: mức độ trách nhiệm của người gây ra; các chuẩn mực bị xâm phạm. Trách nhiệm có 7 mức độ và chuẩn mực cũng có 7 [16,tr. 875]. Đối lập với quan niệm của J.Trier và một số nhà nghiên cứu dựa vào quan hệ dọc của ngôn ngữ để xây dựng lí thuyết trường nghĩa (trường đẳng lập/paratactic field), W.Porzig - nhà ngôn ngữ học người Đức lại dựa vào quan hệ ngang giữa các tín hiệu ngôn ngữ để đề xuất lí thuyết về trường nghĩa (trường từ vựng - cú pháp/syntactic field). Theo ông, khái niệm về trường nghĩa dựa trên cơ sở về nghĩa giữa các cặp từ có mối quan hệ ngữ đoạn với nhau. W.Porzig cho rằng, ý nghĩa của các từ có thể được chỉ ra một cách độc lập trong những trường hợp sử dụng cú pháp khác biệt. Khả năng kết hợp về mặt cú pháp của một từ, tức là khả năng cùng một số từ khác kết hợp thành một cấu trúc cú pháp là bằng chứng cho ý nghĩa độc lập của từ. Như vậy, xuất hiện cùng các động từ là các danh từ chủ thể tương ứng (như “wierhern” – “pfern” (“hí” - “ngựa”); “bellen” – “hund” (“sủa” – “chó”)) [dẫn theo 31, tr. 438]); hoặc nếu không theo quy luật này, tức là dùng từ theo lối chuyển nghĩa, chuyển nghĩa từ vựng từ trường nghĩa gốc sang trường nghĩa mới. Ví dụ: (1) “Cái ghế biết nói, cái ghế cười khanh khách, con mèo thủ thỉ trò chuyện, con mèo hối hận vì lười lao động, chim đi thăm quan nhà máy, hai chú gà ri cãi nhau” [45, tr.12] Những biến thể ngôn ngữ (BTNN) như nói, cười, thủ thủ trò chuyện, hối hận, lao động, đi tham quan, cãi nhau trong ví dụ (1) vốn chỉ hoạt động của con người đã được sử dụng chỉ hoạt động của con vật nhằm mục đích nhân hóa. Tương tự, một tính từ cũng chỉ chọn danh từ bổ ngữ phù hợp như “điếc - tai”, “mù - mắt”, “cụt - đuôi”, “gẫy - cánh” v.v. Những đơn vị có khả năng kết hợp với động từ hoặc tính từ đã được ngầm định trong chính bản thân đơn vị đó. Với cách nhìn như vậy, Porzig xác định sự sắp xếp của những từ có đặc điểm ngữ pháp giống nhau (có khả năng kết hợp giống nhau với các từ khác) tạo thành trường từ vựng - cú pháp. Với những nghiên cứu, bổ sung từ các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học về con đường do J.Trier khai phá, lí thuyết về trường nghĩa hiện nay được “chấp nhận như là sự cụ thể hóa lí thuyết về tính hệ thống của ngôn ngữ trong lĩnh vực từ vựng” [16, tr.879]. Trên cơ sở quan điểm của các nhà ngôn ngữ học nước ngoài đi trước, các nhà Việt ngữ học đã đề xuất quan điểm về trường nghĩa căn cứ vào thực tế sử dụng tiếng Việt, tiêu biểu trong số đó là các tác giả Đỗ Hữu Châu, Bùi Minh Toán, Nguyễn Thiện Giáp, Đỗ Việt Hùng... Nhìn từ góc độ người tiếp nhận và sử dụng ngôn ngữ, tác giả Nguyễn Thiện Giáp nhận thấy, mỗi người luôn “tiếp nhận từ vựng gắn bó chặt chẽ với việc tập hợp các đơn vị từ vựng theo từng nhóm có quan hệ gần gũi về nghĩa.” [33, tr.185]. Do vậy, theo quan niệm của Nguyễn Thiện Giáp, trường nghĩa là phạm vi những đơn vị từ vựng có quan hệ lẫn nhau về nghĩa (có chung một thành tố nghĩa), trong đó đơn vị từ vựng có thể là một từ vị hay một ngữ vị” [33, tr.184]. Đỗ Hữu Châu cho rằng “Những quan hệ về ngữ nghĩa giữa các từ sẽ hiện ra khi đặt các từ (nói cho đúng là ý nghĩa của từ) vào những hệ thống con thích hợp. Nói cách khác, tính hệ thống về ngữ nghĩa trong từ vựng thể hiện qua quan hệ ngữ nghĩa giữa các từ riêng lẻ thể hiện qua quan hệ giữa tiểu hệ thống ngữ nghĩa chứa chúng” [16, tr. 587]. Từ đó, Đỗ Hữu Châu định nghĩa “Mỗi tiểu hệ thống ngữ nghĩa được gọi là một trường nghĩa. Đó là những tập hợp từ đồng nhất với nhau về ngữ nghĩa” [16, tr. 588]. Như vậy, mối quan hệ ngữ nghĩa giữa các từ với nhau phải được xem xét trong hệ thống trường nghĩa. Các nét nghĩa trong trường có các mối quan hệ với nhau, đan xen và quy định lẫn nhau. Các yếu tố cấu thành trường có những nét nghĩa chung (ngoài nét nghĩa khác biệt). Ngược lại, mối quan hệ ngữ nghĩa giữa các trường với nhau phải được xem xét trong hệ thống trường lớn hơn. Điều này càng khẳng định tính hệ thống trong ngữ nghĩa của ngôn ngữ. Đối với quan hệ ngữ nghĩa trong trường nghĩa thì “chúng ta có thể phân định một cách tổng quát những quan hệ ngữ nghĩa trong từ vựng thành những quan hệ ngữ nghĩa giữa các trường nghĩa và những quan hệ ngữ nghĩa trong lòng mỗi trường” [16, tr. 588]. Như vậy, Đỗ Hữu Châu đã phân lập trường nghĩa dựa trên cơ sở ý nghĩa của từ. Từ khi ra đời đến nay, lý thuyết này đã được vận dụng nghiên cứu nhiều kiểu trường nghĩa: Trường nghĩa thời gian, trường nghĩa màu sắc, trường nghĩa thực vật, trường nghĩa động vật Đối với trường nghĩa “mắt”, luận án chọn quan niệm của tác giả Đỗ Hữu Châu và những tác giả có cùng quan niệm về việc phân lập trường nghĩa căn cứ vào “sự đồng nhất về ngữ nghĩa xét theo một phương diện nào đấy” [16, tr.872], “cơ sở phân lập trường là ý nghĩa của từ” [16, tr.880]. Nghĩa là, đặc trưng ngữ nghĩa chung là cơ sở để tập hợp các đơn vị trong một trường nghĩa, còn đặc trưng ngữ nghĩa riêng của các đơn vị sẽ là dấu hiệu để khu biệt chúng với nhau. Và “vấn đề quan hệ ngữ nghĩa trong một trường cũng là vấn đề phân hóa nó thành những trường và những nhóm nhỏ hơn” [16, tr.888]. Ngoài ra, luận án cũng chú ý đến khả năng “phân định một cách tổng quát những quan hệ ngữ nghĩa trong từ vựng thành những quan hệ ngữ nghĩa giữa các trường nghĩa và những quan hệ ngữ nghĩa trong lòng mỗi trường” [16, tr.588]. 1.2.1.2. Đặc điểm của trường nghĩa Cấu trúc nghĩa của trường nghĩa có tính hệ thống, tính tầng bậc, tính giao thoa, hiện tượng đồng nghĩa, trái nghĩa... Tuy nhiên, luận án chỉ đưa ra một số đặc điểm tiêu biểu có liên quan đến các vấn đề luận án cần giải quyết. - Tính tầng bậc Hệ thống ngữ nghĩa của trường nghĩa tồn tại một kiểu quan hệ điển hình là một trường có thể phân cấp ra thành các trường nhỏ hơn. Trong đó, có những trường có quan hệ trái ngược nhau, có những trường có quan hệ bình đẳng đối với nhau và có những trường có quan hệ đan xen, lồng vào nhau. Ngược lại, có những trường có quan hệ tôn ti, cấp bậc đối với nhau. Trường lớn có thể bao hàm trong nó một vài hay nhiều trường nhỏ. Trường cấp trên chi phối các trường cấp dưới. Nói cách khác, các trường có thể độc lập hoàn toàn, có thể giao nhau và cũng có thể bao chứa lẫn nhau, tùy theo điều kiện chúng có hay không có những từ thuộc vùng ngoại vi đối với nhau. Ví dụ: trường “mắt” là trường tối cao, dưới bậc cao có các tiểu trường bậc 1, dưới bậc 1 là bậc 2, dưới bậc 2 là bậc 3, tiếp tục phân chia cho đến khi còn lại từng nhóm hoặc từng từ cụ thể. Chính vì trường có đặc tính tầng bậc mà trong phần phân xuất các từ, chúng tôi đã xác lập được các trường cấp dưới trong lòng các trường cấp trên cũng như các trường đồng cấp với nhau. Chúng tạo ra các tầng bậc song song nhau, đan xen lẫn nhau và lồng ghép vào nhau. Trường “mắt” được chúng tôi sơ đồ hóa như sau: Trường tối cao “Mắt” Bậc 1 Hằng thể (mắt) Biến thể từ vựng: Con mắt, Đôi mắt, Khóe thu ba, nhãn, mục Biến thể kết hợp Bậc 2 Trạng thái của mắt: (Mắt) long lanh (Mắt) lúng liếng Mắt toét (Mắt) lim dim Mắt lơ mơ Mắt bần thần (Mắt) lờ đờ.. Hình dáng của mắt: Mắt bé mắt nhỏ mắt tròn xoe Mắt lá răm Mắt lươn Mắt bồ câu Mắt phượng Mắt thỏ Mắt chuồn chuồn Hoạt động của mắt: Thấy Trông Ngó Nhìn Ngước Khóc Xem Tìm Soi Coi Màu sắc của mắt: (Mắt) đen Mắt xanh (Mắt) đỏ (lòm) Mắt ngọc Mắt huyền Mắt biếc (Mắt) màu gio Mắt trắng Các bộ phận của mắt: Con ngươi Ánh mắt Lông mày Màu mắt Mí mắt Tròng mắt Hốc mắt Đuôi mắt Khóe mắt Đáy mắt Mi/hàng mi - Tính giao thoa: Các từ không đơn thuần có một nghĩa mà trong mỗi từ có thể có nhiều nghĩa. Mỗi nghĩa có thể thuộc một trường, miền khác nhau tạo ra hiện tượng giao thoa trong các trường. Vì vậy, một từ có thể thuộc về một trường hay nhiều trường khác nhau và những từ chỉ thuộc một trường nghĩa chiếm tỉ lệ không lớn. Ngoài những từ trung tâm, điển hình của trường còn các từ nằm vùng ngoại vi. Các từ này không chỉ nằm ở một trường mà có thể nằm ở những trường khác nhau. Đây chính là sự giao thoa giữa các trường với nhau. Chính vì đặc điểm này mà trong phần phân xuất các từ vào các tiểu trường của chúng tôi có xuất hiện những hiện tượng giao thoa giữa các tiểu trường. Chẳng hạn các từ chuồn chuồn, lươn, bồ câu là cùng trường nghĩa động vật và dường như chẳng liên quan gì đến mắt. Nhưng trong các trường hợp: “Mắt chuồn chuồn”, “mắt lươn”, “mắt bồ câu” thì thuộc trường nghĩa “mắt”, gọi tên các hình dáng khác nhau của mắt và cũng chỉ ra một phần đặc điểm, tính cách của con người theo quan niệm dân gian: trông mặt mà đặt hình dong. 1.2.1.3. Phân loại trường nghĩa a. Cơ sở phân loại trường Về tiêu chí xác lập trường nghĩa đã được Đỗ Hữu Châu nêu rõ: Tiêu chí để phân lập các trường từ vựng ngữ nghĩa là tiêu chí ngôn ngữ. Ông cho rằng: “Không thể bắt đầu sự phân lập bằng các phạm vi sự vật, hiện tượng mà con người có thể biết từ ngoài ngôn ngữ, cũng không thể bắt đầu bằng các vùng khái niệm đã có trong tư duy” [16, tr.880]. Như vậy, cơ sở để phân phối trường nghĩa chính là ý nghĩa của từ. Cơ sở nhận diện và phân tích trường nghĩa: các đơn vị từ vựng của một trường nghĩa phải có nét nghĩa chung. Để xác lập được một trường từ vựng - ngữ nghĩa, chúng ta sẽ tìm ra các trường hợp điển hình, tức những trường hợp mang và chỉ mang cái đặc trưng từ vựng - ngữ nghĩa mà chúng ta lấy làm cơ sở. Những từ điển hình cho trường lập thành tâm của trường. Những từ có thể đi vào một số trường lập thành vùng ngoại vi của các trường đang xem xét [16, tr.882]. Nếu như đã phân biệt ý nghĩa biểu vật và ý nghĩa biểu niệm thì cơ sở để phân lập trường (trường trực tuyến) là sự đồng nhất nào đó trong ý nghĩa biểu vật và ý nghĩa biểu niệm của các từ. Đỗ Hữu Châu cho rằng: có thể phân ra hai loại trường từ vựng - ngữ nghĩa lớn: trường biểu vật và trường biểu niệm. Hai loại này không loại trừ lẫn nhau và có liên hệ với nhau nhưng về nguyên tắc phải phân biệt chúng với nhau. Mỗi loại trường này có cách chi phối riêng hoạt động của từ trong giao tiếp, trong sự tạo lập nên thông điệp [16, tr.880]. Cơ sở để lập trường biểu vật phải xuất phát từ ý nghĩa biểu vật của từ. Tất cả các ý nghĩa biểu vật nào cùng có chung một phạm trù nghĩa (biểu vật) thì có thể được đưa vào một trường. Tiêu chí để xác lập các trường biểu vật chỉ là sự đồng nhất ở một phạm trù nghĩa (biểu vật). Các nghĩa phạm trù khác sẽ được sử dụng để phân lập các trường lớn thành các trường bộ phận theo các cấp loại khác nhau. Chúng ta chọn các danh từ làm gốc. Các danh từ này phải có tính khái quát cao, gần như là các tên gọi của các phạm trù biểu vật như người, động vật, thực vật, khí tượng,Các danh từ này có tác dụng hạn chế ý nghĩa của từ về mặt biểu vật, là những ý nghĩa cụ thể, thu hẹp nghĩa của từ. Trong luận án này, danh từ “mắt” làm trung tâm tập hợp hàng loạt các từ khác có chung một phạm trù nghĩa (biểu vật) về “mắt” tạo nên trường biểu vật: đôi mắt, con ngươi, lông mày, lông mi, mí mắt, tròng mắt, nước mắt Cơ sở để phân lập các trường biểu niệm cũng giống như các nguyên tắc phân lập các trường biểu vật. Nhưng cũng có thể phân lập theo sự đồng nhất của toàn bộ cấu trúc biểu niệm gồm những nét nghĩa phạm trù. Để xác lập trường nghĩa biểu niệm ta chọn một cấu trúc biểu niệm làm gốc, trên cơ sở đó thu thập các từ có chung cấu trúc biểu niệm gốc đó. Ví dụ (VD) 1: Cấu trúc biểu niệm (hoạt động) (đưa mắt hướng vào đâu để thấy)tạo nên một trường biểu niệm gồm các từ: nhìn, trông, ngó, liếc, dòm, nhòm... Cơ sở để xác lập trường nghĩa tuyến tính là mối quan hệ trên trục ngữ đoạn của các đơn vị ngôn ngữ. Để lập một trường nghĩa tuyến tính, chúng ta chọn một từ làm gốc rồi tìm tất cả những từ có quan hệ với từ gốc đó về nghĩa và có thể kết hợp với từ gốc đó thành những chuỗi tuyến tính (cụm từ, câu) chấp nhận được trong ngôn ngữ. “Các từ trong một trường tuyến tính là những từ thường xuất hiện với từ trung tâm trong các loại ngôn bản” [16, tr.600]. VD 2: Từ “mắt” tạo nên một trường nghĩa tuyến tính: mắt xanh, mắt đẹp, đau mắt, con mắt đen sì, đôi mắt nhìn như chớp lửa đêm dông, đôi mắt sắc sảo... Một từ khi được nhắc tới thường gợi ra trong chúng ta một loạt các từ khác. Đó chính là liên tưởng. Nói cách khác, tập hợp các từ được gợi ra từ mối liên tưởng với một từ trung tâm gọi là trường liên tưởng và mỗi từ có những sự liên tưởng riêng không giống các từ khác. Chính vì thế mà trường liên tưởng mang tính chủ quan, phụ thuộc vào điều kiện, môi trường sống, thời đại sống, trải nghiệm của mỗi cá nhân. Vì thế, mỗi cá nhân sẽ có trường liên tưởng khác nhau. Do đó nó mang tính chủ quan, cá thể cao. VD 3: Đối với người Việt, từ “trăng” có thể gợi lên một trường liên tưởng là: ngày rằm, trung thu, đi lễ chùa, cây đa thằng cuội, chị Hằng, một tháng, VD 4: Đối với người Việt, từ “mắt” có thể gợi lên một trường liên tưởng là: đôi mắt, cách nhìn, cách đánh giá, quan điểm, sự xem xét, phán đoán, sự quan tâm, cửa sổ tâm hồn, chớp lửa đêm dông, dao cau... Từ sự xem xét trên có thể xác lập trường dựa vào các tiêu chí cơ bản sau: Thứ nhất: Xác lập trường nghĩa phải dựa vào ý nghĩa của ngôn ngữ. Ý nghĩa của ngôn ngữ xét một mặt nào đó chính là ý nghĩa của từ. Như vậy, là dựa vào các ý nghĩa của từ làm cơ sở để tập hợp các từ thành trường. Thứ hai: Phải tìm được từ điển hình (trung tâm) chỉ mang các đặc trưng từ vựng - ngữ nghĩa của trường đó. Chính nó sẽ tạo ra một “lực” nghĩa “thu hút, hấp dẫn” các từ khác vào trong một trường. Theo tiêu chí này, trường nghĩa có ranh giới tương đối, có thể độc lập hoặc giao nhau, bao hàm lẫn nhau, có những trường hợp điển hình (trung tâm) và những trường hợp kém điển hình (ngoại vi). Thứ ba: Dựa vào ý nghĩa biểu vật và biểu niệm và sự đồng nhất ở những nghĩa phạm trù (biểu vật và biểu niệm) của từ để xác lập trường biểu vật và trường biểu niệm. Dựa vào ngữ nghĩa của từ trung tâm và các từ kết hợp theo trục ngang để xác lập trường tuyến tính, dựa vào sự liên tưởng mà một từ trung tâm gợi ra để xác lập trường liên tưởng của từ đó. Thứ tư: với trường biểu vật, tiêu chí xác lập cũng chỉ là sự đồng nhất ở một nét nghĩa biểu vật. Thứ năm: với trường nghĩa biểu niệm, tiêu chí xác lập cũng chỉ là sự đồng nhất ở một nét nghĩa biểu niệm. Thứ sáu: với trường tuyến tính, là dựa hẳn vào ngữ nghĩa từ trung tâm. Từ này phải đáp ứng được yêu cầu về quan hệ ngữ nghĩa ngữ pháp của các từ trong trường [16, tr.884-885]. Thứ bảy: dùng để xác lập trường liên tưởng, cơ sở tạo lập trường này là các nghĩa ngữ dụng (meanings in use) của từ trung tâm. Đó là những nghĩa mới được tạo ra trong quá trình từ hành chức, chưa đi vào hệ thống. Từ trung tâm khi cùng xuất hiện với loạt các từ nào đó trong nhiều ngữ cảnh trùng lặp sẽ có hiện tượng đẳng cấu ngữ nghĩa. Khi đó, chúng sẽ tạo thành một trường nghĩa liên tưởng mà các từ có quan hệ với nhau nhờ những mối liên tưởng ngữ nghĩa nào đó. Từ cơ sở phân lập trên, hệ thống từ vựng ngữ nghĩa của một ngôn ngữ có thể được phân lập ra các loại trường nghĩa. b. Các loại trường nghĩa Đỗ Hữu Châu đã phân chia trường nghĩa thành hai loại: trường nghĩa ngang (trường nghĩa tuyến tính) và trường nghĩa dọc (trường nghĩa trực tuyến). Căn cứ vào kiểu loại ý nghĩa của từ để phân ra trường nghĩa biểu vật và trường nghĩa biểu niệm trong trường nghĩa trực tuyến. Ngoài ra còn căn cứ vào đặc trưng liên tưởng để xác lập trường nghĩa liên tưởng [16, tr.588]. - Trường nghĩa biểu vật (trường biểu vật) Trường biểu vật là một tập hợp từ có cùng hạt nhân về ý nghĩa biểu vật. Từ điển hình của trường thường là các danh từ có tính khái quát cao, gần như là tên gọi của các phạm trù biểu vật. Chẳng hạn, trường nghĩa về mắt ta sẽ có tập hợp các từ đồng nhất về phạm vi biểu vật như: + Cấu tạo của mắt: mi, mí, lòng đen, con ngươi, giác mạc, + Hình dáng của mắt: tròn, dài, lá răm, mắt lươn, ti hí, + Màu sắc của mắt: đen, nâu, trắng, xanh, huyền, + Trạng thái của mắt: tinh, mờ, mù, lòa, + Hoạt động của mắt: mở, nhắm, giương, trợn, nhìn, ngắm, Trong luận án này, THTM thuộc trường nghĩa “mắt” được chúng tôi phân tích chủ yếu ở phương diện trường nghĩa biểu vật. Các trường biểu vật rất khác nhau về số lượng, cách thức tổ chức các đơn vị, miền phân bố ở từng ngôn ngữ. Vì từ có tính nhiều nghĩa biểu vật, do đó một từ có thể nằm trong nhiều trường khác nhau, các từ có thể “thẩm thấu”, “giao thoa” nhau khi một số từ của trường này cùng nằm trong trường kia. Quan hệ của các từ đối với một trường biểu vật không giống nhau. Có những từ gắn rất chặt với trường (những từ, ngữ điển hình) có những từ, ngữ gắn lỏng lẻo hơn. Căn cứ vào tính chất, quan hệ giữa từ với trường, chúng ta hiểu rằng có một lõi trung tâm quy định những đặc trưng ngữ nghĩa của trường, gồm những từ điển hình cho nó. Ngoài cái lõi của trường là các lớp từ khác mỗi lúc một đi xa khỏi lõi, liên hệ với trường mờ nhạt đi. VD 5: Trong trường nghĩa mắt ta thấy có những từ không chỉ thuộc về trường nghĩa mắt mà còn thuộc về nhiều trường nghĩa khác nhau như từ “xanh”, “ đen” còn thuộc về trường nghĩa màu sắc; từ “hạt nhãn”, “lá răm” còn thuộc về trường nghĩa thực vật ... Các trường nghĩa khác nhau có thể có một số lượng từ nhất định chung nhau. Các trường nghĩa đó gọi là trường nghĩa giao nhau. - Trường nghĩa biểu niệm (trường biểu niệm) Trường biểu niệm là một tập hợp từ có chung cấu trúc biểu niệm là các ý nghĩa biểu niệm của từ. Cũng như trường biểu vật, trường biểu niệm lớn có thể phân thành các trường nhỏ hơn với những miền, những mật độ khác nhau. Do từ có nhiều nghĩa biểu niệm cũng giao thoa, thẩm thấu vào nhau, cũng có lõi trung tâm là các từ điển hình và các lớp ngoại vi là các từ kém điển hình. Để xác lập một trường biểu niệm chúng ta dựa vào một cấu trúc nghĩa biểu niệm làm gốc đồng nhất nào đó trong nghĩa biểu niệm. Chẳng hạn, có cấu trúc nghĩa biểu niệm: (hoạt động) (đưa mắt hướng vào đâu để thấy) ta sẽ xác lập được trường biểu niệm với các từ: nhìn, trông, ngó, liếc, ngắm, dòm/nhòm, thấy Các từ cùng trường nghĩa biểu niệm có thể rất khác nhau về trường biểu vật. Chẳng hạn, các từ “trườn”, “bay” đều thuộc về trường biểu niệm (hoạt động), (dời chỗ của người hoặc vật) song chúng lại thuộc về những trường biểu vật khác nhau: từ “trườn” thuộc trường nghĩa biểu vật của rắn, còn từ “bay” lại thuộc trường nghĩa biểu vật của chim. - Trường nghĩa tuyến tính (trường nghĩa ngang) Trường tuyến tính xuất phát từ tính hình tuyến của tín hiệu ngôn ngữ, các tín hiệu phải lần lượt kế tiếp thành một chuỗi chứ không thể đồng thời xuất hiện được, do đó quan hệ ngữ đoạn còn gọi là quan hệ hàng ngang hay quan hệ tuyến tính. Muốn có quan hệ ngữ đoạn với nhau, các yếu tố phải cùng thực hiện một chức năng về ngôn ngữ hoặc về nội dung giao tiếp. Thông qua các kết hợp ngữ đoạn các từ trung tâm sẽ bộc lộ các ý nghĩa từ vựng - ngữ pháp của chúng. Để lập một trường tuyến tính, chúng ta chọn một từ làm gốc rồi tìm tất cả những từ có mối quan hệ tương hợp về nghĩa với từ gốc đó và có thể kết hợp với nó thành những chuỗi tuyến tính chấp nhận được trong giao tiếp ngôn ngữ. VD 6: trường tuyến tính của “mắt” là tập hợp tất cả những từ có thể kết hợp ở trước và sau nó để tạo nên các sản phẩm lời nói: đen, nâu, trắng, đưa, liếc Trường tuyến tính của từ ăn là các từ: cơm, cháo, phở, chực, mày, tham, bẩn, bám, gian, hối lộ, diện, cắp, đòn, nấu Trường tuyến tính của từ sách là các từ: dày, mỏng, thiếu nhi, khoa học, lậu, quý, hiếm, đọc, xem, viết, bán, in Cùng với các trường nghĩa dọc, trường nghĩa ngang (trường tuyến tính) góp phần làm sáng tỏ những quan hệ và cấu trúc ngữ nghĩa của từ vựng, phát hiện những đặc điểm nội tại và những đặc điểm hoạt động của từ. Ở luận án này, trường nghĩa tuyến tính thể hiện ở sự kết hợp của “mắt” (hay biến thể của chúng) với các từ chỉ đặc điểm, tính chất, trạng thái của “mắt” Và chính ở trường này giá trị biểu trưng của “mắt” được biểu hiện cụ thể. - Trường nghĩa liên tưởng (trường liên tưởng) Trường liên tưởng là tập hợp các từ biểu thị các sự vật, hiện tượng, hoạt động, tính chất có quan hệ liên tưởng với một từ trung tâm. Các từ trong một trường liên tưởng là sự hiện thực hóa, sự cố định bằng các ý nghĩa liên hội có thể có của từ trung tâm. Các từ trong một trường liên tưởng trước hết là những từ cùng nằm trong trường trực tuyến và trường tuyến tính, tức là những từ có quan hệ cấu trúc đồng nhất và đối lập về ngữ nghĩa với từ trung tâm. Trong trường liên tưởng còn có nhiều từ khác được liên tưởng tới do xuất hiện đồng thời với từ trung tâm trong những ngữ cảnh có chủ đề tương đối đồng nhất, lặp đi lặp lại. Điều này khiến cho các trường liên tưởng vừa có tính dân tộc, tính thời đại vừa có tính cá nhân. Chính vì vậy, các trường liên tưởng không có tính ổn định. Trong trường liên tưởng có những từ có ý nghĩa biểu vật giống nhau, nhưng cũng có những từ khác nhau về nghĩa. Có thể thấy mỗi trường liên tưởng đều được thiết lập dựa trên một mối tương đồng hay một sự giống nhau nào đó không liên quan tới khả năng chiếm giữ cùng một vị trí trên chuỗi lời nói, không liên quan tới khả năng thay thế cho nhau. VD 7: trường liên tưởng do từ “mặt trời” gợi ra, như sau: sáng nóng sao hành tinh lặn buổi sáng MẶT TRỜI hoàng hôn bình minh phía đông ấm nắng mặt trăng vũ trụ ban ngày Hình vẽ dựa theo Guo Changhong [122, tr.53]. Như vậy, mỗi trường liên tưởng là một tập hợp các từ xuất hiện khi có một từ kích thích. Mỗi từ đều có thể trở thành từ trung tâm của một trường liên tưởng. Trường liên tưởng có tính chủ quan cao nên không ổn định, không giúp ích cho việc phát hiện những quan hệ cấu trúc ngữ nghĩa nội tại nhưng lại có hiệu lực cao trong giải thích việc dùng từ, đặc biệt là việc dùng từ trong các tác phẩm văn học. Khi thưởng thức và nghiên cứu văn học nhiều khi phải viện đến trường liên tưởng để lý giải các hiện tượng ý tại ngôn ngoại “sấm bên Đông động bên Tây, tuy rằng bên đấy nhưng đây động lòng”, hay chuỗi kết hợp bất thường, mơ hồ về nghĩa trong thơ ca hay các biểu tượng, biểu trưng văn học, chẳng hạn: Mắt em là một dòng sông/Thuyền anh bơi lội trong dòng mắt em (Lưu Trọng Lư). Cần nói thêm, các nghiên cứu về ngữ cảnh từ trước đến nay mới chỉ đề cập đến ngữ cảnh của từ, của diễn ngôn chứ chưa đề cập đến ngữ cảnh của trường nghĩa. Song, khi hành chức, từ nào cũng thuộc về một trường ngữ nghĩa nhất định, nằm trong một diễn ngôn nhất định được xét theo một phương diện nhất định. Cho nên lí thuyết về ngữ cảnh của từ, của diễn ngôn theo chúng tôi cũng có thể tạm được xem như là lí thuyết về ngữ cảnh của trường nghĩa. Việc tìm hiểu ngữ cảnh của trường nghĩa “mắt”, chủ yếu được tiến hành theo định hướng ấy. Đặt từ vào các trường liên tưởng tức là vào các ngữ cảnh, xét từ với tư cách là một thực thể lịch sử - giao tiếp nghệ thuật, tư cách THTM ta có thể minh định được lịch sử phát triển tâm lý xã hội luôn gắn liền với hoạt động tạo nghĩa, luận nghĩa các THTM. Đó là những gợi dẫn cần thiết phải tìm hiểu lí luận về THTM được trình bày tiếp dưới đây. 1.2.1.4. Hiện tượng chuyển trường Ngôn ngữ có tính đa trị (quy luật tiết kiệm) là dùng cái hữu hạn để biểu thị cái vô hạn. Quy luật này có mặt ở tất cả các cấp độ của ngôn ngữ: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp. Về mặt từ vựng, quy luật này thể hiện ở chỗ, cùng một hình thức âm thanh có thể diễn đạt được nhiều nội dung khác nhau. Hiện tượng này được gọi là hiện tượng đa nghĩa từ vựng, tính đa nghĩa của từ được coi là quy luật phổ quát trong ngôn ngữ. Sự chuyển biến ý nghĩa của từ tạo ra từ đa nghĩa. Từ ban đầu chỉ có một nghĩa biểu vật. Trong quá trình sử dụng chúng được gán thêm nghĩa biểu vật mới. Do đó, từ ngày càng có thêm nhiều nghĩa biểu vật. Do nhu cầu giao tiếp của xã hội đòi hỏi nên ngôn ngữ phải kịp thời sáng tạo ra những phương tiện mới hoặc dùng phương tiện sẵn có với ý nghĩa mới để biểu thị những sự vật, hiện tượng và những nhận thức mới xuất hiện trong xã hội, nhằm thay thế những cách diễn đạt, những tên gọi cũ đã mất, không còn khả năng gợi tả bộc lộ cảm xúc và gây ấn tượng sâu sắc ở người nghe. Thay đổi ý nghĩa của từ và đa dạng hóa nghĩa biểu vật của từ đã làm cho ngôn ngữ đa dạng và phong phú hơn, để đáp ứng kịp thời những nhu cầu giao tiếp trong sự biến đổi liên tục của xã hội loài người. Các đơn vị ngôn ngữ trong hành chức luôn ở trạng thái vận động, biến đổi và chuyển hóa. Những biến đổi đó ban đầu xuất phát từ những cá nhân đơn lẻ, dần dần xã hội thừa nhận và sử dụng rộng rãi. Vấn đề tính nhiều nghĩa và sự chuyển biến ý nghĩa của từ cũng gắn liền với vấn đề trường nghĩa. Bởi vì, có những từ có nhiều nghĩa biểu vật nên chúng có thể nằm trong nhiều trường biểu vật hay trong nhiều trường nhỏ phụ thuộc vào số lượng các ý nghĩa biểu vật của những từ ấy. Sự chuyển nghĩa của từ thường kéo theo sự chuyển trường nghĩa (Khi nói đến chuyển trường tức là đã chuyển nghĩa, còn chuyển nghĩa chưa chắc đã chuyển trường. Ở luận án này, chúng tôi nghiên cứu hiện tượng chuyển trường của từ, không nghiên cứu hiện tượng chuyển nghĩa của từ cùng trường). Những từ cùng một trường nghĩa thường có hướng chuyển nghĩa giống nhau. Khi các từ này xuất hiện trong ngữ cảnh với nghĩa mới, chúng vẫn giữ được một sắc thái nghĩa nào đó của nghĩa gốc. Điều đó làm cho các từ thêm phong phú về nội dung biểu đạt. Hiện tượng này góp thêm phần khẳng định tính đa trị trong ngôn ngữ. VD 8: Từ “mắt” có nghĩa gốc chỉ cơ quan để nhìn của con người hay động vật. Trong hoạt động hành chức, từ “mắt” chuyển nghĩa và chuyển sang các trường khác: + Chuyển sang trường nghĩa đồ vật, sự vật: mắt kính, mắt xích, mắt tre, mắt lưới, mắt cáo, mắt gà, mắt bão, mắt gió, mắt thuyền + Chuyển sang trường nghĩa thể hiện bản chất, tính cách con người: mắt trắng môi thâm, mắt cú da lươn, mắt lươn + Chuyển sang trường nghĩa trạng thái sức khỏe của con người: mắt hột, mắt lòa chân chậm, mắt bù lạch, mắt nổ đóm đóm Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp chuyển nghĩa đều chuyển trường. Có những trường hợp chỉ chuyển nghĩa trong trường nên không xảy ra hiện tượng chuyển trường. VD 9: vẫn là từ “mắt” với nghĩa gốc như ở trên nhưng đã được chuyển nghĩa để chỉ các bộ phận khác của cơ thể người: mắt cá chân, Khi hiện tượng chuyển trường nghĩa diễn ra đối với hàng loạt các từ thuộc cùng một trường nghĩa và hướng đến cùng một trường nghĩa khác thì đó chính là một quá trình thể hiện một ẩn dụ ý niệm trong sự tri nhận của cộng đồng ngôn ngữ (từ miền nguồn sang miền đích). Chẳng hạn, hàng loạt các từ thuộc trường nghĩa “tiền bạc” (mất, còn, tiêu, tốn, tiết kiệm, lãng phí, tận dụng, sử dụng, quỹ...) đều chuyển sang sử dụng trong trường nghĩa “thời gian”. Đó chính là một ẩn dụ ý niệm trong sự tri nhận của người Việt: THỜI GIAN LÀ TIỀN BẠC. 1.2.2. Lý thuyết tín hiệu thẩm mỹ Tín hiệu thẩm mỹ (THTM) trong tác phẩm văn học được xây dựng bằng chất liệu ngôn từ để thể hiện những ý nghĩa thẩm mỹ, vừa thuộc phạm trù ngôn ngữ vừa thuộc phạm trù nghệ thuật. Vì vậy, nghiên cứu một THTM cũng phải tìm hiểu nó trên cơ sở ngôn ngữ học và mỹ học. 1.2.2.1. Cơ sở ngôn ngữ học THTM xét về mặt bản chất cũng là một loại tín hiệu, hơn thế là một loại tín hiệu được xây dựng bằng chất liệu ngôn ngữ, vì thế THTM cần được xem xét trong phạm trù chung - phạm trù tín hiệu và trong mối quan hệ hữu cơ với hệ thống THNN được sử dụng làm phương tiện thể hiện trong tác phẩm văn học. a. Tín hiệu (ký hiệu): THTM vốn là một loại tín hiệu cho nên nó cũng mang những đặc trưng của tín hiệu (TH) nói chung. Vậy tín hiệu là gì? Có nhiều quan niệm khác nhau về tín hiệu: Theo P.Guiraud: "Một tín hiệu là một kích thích mà tác động của nó đến cơ thể gợi ra hình ảnh ...a dân tộc: - Nếu trong ca dao khía cạnh về tình yêu đôi lứa được thể hiện rất phong phú ở hầu hết các cung bậc cảm xúc, thì trong thơ ca 1945 - 1975 khía cạnh tình cảm này ít được thể hiện, con người cá nhân tạm nhường chỗ cho những tình cảm công dân, trách nhiệm với đất nước. - Trong loại ý nghĩa biểu trưng về tình cảm với quê hương, đất nước, nhân dân, THTM mắt trong thơ ca đã bộc lộ một cách phong phú, sâu sắc, mãnh liệt và xúc động hơn bao giờ hết, bởi đây là thời kỳ con người cần phát huy cao độ trách nhiệm với đất nước và nhân dân. - Thơ ca Việt Nam 1945 - 1975 vẫn tiếp tục kế thừa ý nghĩa thẩm mĩ của THTM “mắt” trong việc thể hiện trí tuệ của nhân dân. Tuy nhiên, do nhận thức của thời đại, cái nhìn biện chứng, THTM “mắt” còn thể hiện sự nhận thức sâu sắc về đất nước và nhân dân, về kẻ thù; nhìn thấy tương lai tất thắng của dân tộc, khẳng định viễn cảnh độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc. Khi một biểu tượng còn sống, “nó là cách biểu hiện tốt nhất một sự kiện; nó chỉ sống khi nó ứ đầy ý nghĩa” [Dẫn theo 111, tr. XXV]. Cũng có thể nói như vậy về THTM “mắt”, ý nghĩa thẩm mĩ không chỉ dừng lại ở việc luận giải của luận án này, chúng tôi chỉ xem đây như một gợi ý. Bởi lẽ, vượt qua sức hấp dẫn thẩm mĩ, lối tư duy logic, đối với mỗi người đọc THTM “mắt” vẫn có khả năng khơi tạo những ý nghĩa thẩm mĩ mới. Thế giới tâm hồn, khả năng tưởng tượng và tiếp nhận, những dự cảm và cảm xúc, trải nghiệm của mỗi chúng ta sẽ tạo ra một sự sống mới cho THTM thuộc trường nghĩa mắt trong ca dao, thơ ca và các loại hình nghệ thuật khác. KẾT LUẬN 1. Tín hiệu thẩm mĩ “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945 - 1975 là một đề tài liên quan đến vấn đề vận dụng ngôn ngữ học vào nghiên cứu văn học nói chung và THTM trong văn học nói riêng. Với đề tài này, chúng tôi đã vận dụng, kế thừa thành tựu của các công trình nghiên cứu đi trước về tín hiệu thẩm mĩ. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã vận dụng để tìm hiểu và làm rõ một số vấn đề về lý thuyết tín hiệu, tín hiệu ngôn ngữ, tín hiệu thẩm mĩ trong nghệ thuật nói chung và tín hiệu thẩm mĩ trong tác phẩm văn học nói riêng; các vấn đề về trường nghĩa. Trong mỗi vấn đề lý thuyết, chúng tôi đã cố gắng làm sáng tỏ những khái niệm, những đặc trưng cơ bản, vận dụng phân tích những dẫn chứng nhằm diễn giải và nhận thức sâu sắc hơn các vấn đề lý thuyết. - Luận án này đã đưa ra một cách khái quát nhất khái niệm về THTM và điều kiện để một THNN trở thành một THTM. THTM là toàn bộ những yếu tố, những chi tiết của hiện thực đời sống khách quan (bao gồm cả TH ngôn ngữ) và tâm trạng được đưa vào tác phẩm vì mục đích thẩm mĩ. Điều kiện để một THNN trở thành một THTM là phải đảm bảo có một cái biểu hiện mang tính vật chất chứa đựng một nội dung tinh thần - cái được biểu hiện, nó phải nằm trong một chỉnh thể nhất định vì mục đích thẩm mĩ và được lý giải bởi một chủ thể tiếp nhận. Từ những hiểu biết chung về THTM, chúng tôi tìm hiểu sâu hơn về THTM trong tác phẩm văn chương trên các phương diện: chất liệu, phương thức chuyển hóa, nguồn gốc, phương thức cấu tạo, các tính chất và chức năng, các biến thể của THTM trong tác phẩm văn chương. Chúng tôi tiến hành khảo sát tần số xuất hiện, phân lập THTM “mắt” thành các tín hiệu hằng thể và các biến thể kết hợp được sử dụng phân tích ý nghĩa biểu trưng của THTM “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945 - 1975. Luận án đã sử dụng các phương pháp phân tích ngôn ngữ học và các thao tác thống kê, phân tích ngữ liệu để tìm ra quy luật hoạt động cũng như tìm hiểu ý nghĩa thẩm mĩ của “mắt”. Đó là phương pháp phân tích THTM theo thành tố trực tiếp dựa vào các mô hình kết hợp, phương pháp nghiên cứu trường hợp, phương pháp miêu tả, ... và một số thao tác phân tích ngôn ngữ: thống kê, so sánh... 2. Kết quả đạt được: Thứ nhất: Khảo sát THTM “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945 - 1975 vận dụng các vấn đề về lý thuyết THTM, chúng tôi đã tiến hành khảo sát THTM “mắt” ở hai dạng: hằng thể và biến thể. Trong dạng biến thể, chúng tôi đã tiến hành khảo sát và tìm hiểu hai loại: BTTV và BTKH. Tổng hợp chung có tất cả là 173 đơn vị, trong đó: 01 hằng thể, 03 BTTV, 169 BTKH. Chúng tôi xem xét số lượng biến thể và tần số xuất hiện của từng loại, có sự đối sánh để từ đó bước đầu đưa ra những nhận xét khái quát về giá trị và ý nghĩa thẩm mĩ của THTM “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945-1975. Trong đó, các BTKH của THTM “mắt” xuất hiện trong kho tàng ca dao và thơ ca với số lượng và tần số lớn nhất: Các BTKH của THTM thuộc trường nghĩa “mắt” có tần số xuất hiện rất lớn với 51 biến thể và 2 193 lần xuất hiện trong ca dao, 149 biến thể với 1329 lần trong thơ ca Việt Nam 1945-1975 áp đảo so với hằng thể và các BTTV. Điều này cho thấy khả năng hoạt động của THTM dưới dạng BTKH là vô cùng phong phú, từ THTM hằng thể trung tâm, phát triển phong phú thành các BTKH với những ý nghĩa thẩm mĩ hết sức đa dạng. Xem xét giá trị của THTM “mắt” là chủ yếu tìm hiểu các biến thể của nó trong mỗi lần xuất hiện khác nhau. Khảo sát 173 đơn vị theo mô hình mắt (hoặc BTTV của mắt) + x ; chúng tôi thấy có các phương diện được đề cập đến: hình dáng của mắt, màu sắc của mắt, hoạt động của mắt, trạng thái của mắt, tính chất của mắt. Mỗi phương diện lại được gọi tên bằng những mô hình khác nhau. Đây chính là cơ sở cho việc luận giải giá trị của THTM “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca 1945 – 1975 Trong loại cấu trúc của BTKH Mắt + Y (Y là động từ) + B (đối tượng tác động) xảy ra hiện tượng: Danh hóa động từ, chẳng hạn: ngủ -> giấc ngủ, cái áo ngủ, cái nhìn. Có động từ không phải thuộc tính của mắt nhưng lại được dùng chỉ mắt như mắt cười: niềm vui chiến thắng. Thứ hai: THTM “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945 - 1975 có các ý nghĩa biểu trưng tiêu biểu. Ca dao cũng như thơ ca không đi sâu vào miêu tả nhằm tái hiện hiện thực mà thường tập trung cho mục đích biểu trưng, dùng một số khuôn mẫu nhất định để miêu tả. Điều đó lí giải vì sao số lượng hằng thể và các biến thể của THTM “mắt” tuy không nhiều nhưng tần số xuất hiện của chúng là khá lớn như số liệu đã khảo sát. Vì vậy, việc tìm hiểu ý nghĩa thẩm mĩ của THTM “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945 -1975 chủ yếu là đi vào tìm hiểu giá trị biểu trưng của nó. Có khi nào ca dao và thơ ca miêu tả mắt bằng các biến thể kết hợp như: mắt long lanh, mắt xanh, hoặc những tìm, ngó, trông, liếc thì điều quan trọng không phải là đi tìm hiểu con mắt xanh ngoài đời thế nào hoặc nước mắt đầm đầm như mưa thì thế nào, cái sự ngó, trông, liếc thế nào mà chính là tìm hiểu những ý tình gửi gắm trong đó, đấy là cách ca dao và thơ ca bày tỏ tâm trạng con người. Như thế hằng thể, các biến thể của THTM “mắt” đã trở thành những kiểu mẫu những mô típ tả tình, bộc lộ thế giới tinh thần của con người. Nếu đi một mình, mắt sẽ mang nghĩa sở chỉ cơ thể người. Khi đi vào ca dao và thơ ca, mắt đã trở thành tín hiệu thẩm mĩ với những ý nghĩa phái sinh là ý nghĩa biểu trưng. Qua sự phân tích tìm hiểu cho thấy: Mắt là biểu trưng cho đặc điểm hình thức của con người. Mắt cũng biểu đạt cho thế giới tâm hồn, tình cảm; cho vẻ đẹp trí tuệ, thể hiện sự khám phá, đánh giá đối với con người, cuộc sống, thời đại. Trong ba loại ý nghĩa biểu trưng, thì ý nghĩa biểu trưng cho vẻ đẹp tâm hồn con người của THTM “mắt” là loại ý nghĩa được đề cập nhiều nhất trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca 1945 -1975. Thứ ba: Giữa ca dao và thơ ca có những điểm khác biệt nhất định trong việc sử dụng THTM thuộc trường nghĩa “mắt”. Ngoài sự kế thừa ca dao, THTM “mắt” trong thơ ca 1945 -1975 có những đặc điểm sau: - Số lượng các BTKH phong phú hơn, nhất là các BTKH chỉ trạng thái của mắt, điều đó cho thấy sự phát triển trong tư duy ngôn ngữ của dân tộc, con người sáng tạo ra những đơn vị ngôn ngữ mới để thể hiện nhu cầu diễn đạt phong phú và thế giới nội tâm tinh tế, phức tạp của mình. Có một số biến thể chỉ xuất hiện trong ca dao mà không có trong thơ ca (BTTV) làn thu thủy, BTKH: mắt lá răm, mắt bồ câu, mắt toét) , ngược lại có nhiều biến thể không có trong ca dao nhưng lại xuất hiện nhiều trong thơ ca: mắt huyền, mắt hoang dại, mắt trầm tư... - Có mô hình cấu trúc của THTM chỉ xuất hiện trong thơ ca 1945 -1975 mà không xuất hiện trong ca dao, đó là mô hình: A (mắt) + B (yếu tố chỉ vị trí, địa danh). - Các loại ý nghĩa thẩm mĩ biểu trưng cho tình yêu đôi lứa của THTM “mắt” trong thơ ca 1945 - 1975 không phong phú như trong ca dao. Ngược lại chất trữ tình công dân, tình cảm với đất nước, nhân dân lại được thể hiện sâu sắc, sinh động và phong phú mang đậm âm hưởng của thời đại: đau thương mà hào hùng. Chất trí tuệ trong thơ ca 1945 - 1975 thể hiện cái nhìn biện chứng về đất nước, nhân dân, kẻ thù và tương lai của đất nước. DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN Đỗ Thị Hương Bưởi, 2013, Tìm hiểu Tín hiệu thẩm mỹ mắt trong kho tàng ca dao người Việt, Kỉ yếu hội thảo Ngôn ngữ học toàn quốc 2013, NXB ĐHSPHN. Đỗ Thị Hương Bưởi, 2017, Tín hiệu thẩm mỹ mắt trong kho tàng ca dao người Việt, Từ điển học & Bách khoa thư, Viện Từ điển và Bách khoa thư Việt Nam, số 6. Đỗ Thị Hương Bưởi, 2019, Khảo sát tín hiệu thẩm mỹ thuộc trường nghĩa mắt trong kho tàng ca dao cổ người Việt và thơ ca Việt Nam 1945 – 1975, Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 9 TÀI LIỆU THAM KHẢO Tiếng Việt Trần Thị An, 1990, “Về một phương diện nghệ thuật trong ca dao tình yêu”, Tạp chí Văn học số 6. Phạm Thị Kim Anh (2005), Tín hiệu thuộc trường nghĩa cây trong thơ Việt Nam, Luận án tiến sĩ Ngữ văn, ĐHSPHN. Nguyễn Thị Vân Anh,(2015), Tín hiệu ngôn ngữ thẩm mĩ trong ca dao Nam - Trung bộ, LATS, ĐHQG T.p Hồ Chí Minh. Lê Huy Bắc (2018), Ký hiệu và liên ký hiệu, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Diệp Quang Ban (2008), Ngữ pháp tiếng Việt, NXB GD, H. Y Ban, (2010), Đất làng Cam, Truyện ngắn hay 2010, NXB Thời đại. Lê Bảo, Hà Minh Đức, (1997), Giảng văn văn học Việt Nam, NXB Giáo dục, H. Lê Bảo (1999), Nhà văn và tác phẩm trong nhà trường: Quang Dũng - Chính Hữu, NXBGD, tp.HCM. Barthes, R. (1964), Cơ sở kí hiệu học, NXB Bách khoa Hà Nội Lê Biên (1998), Từ loại tiếng Việt hiện đại, NXB Giáo dục Trần Thị Phú Bình (2001), Tố Hữu về tác gia và tác phẩm, NXBGD Bộ VHTT-TT (1992), Mấy vấn đề văn hóa và phát triển Việt Nam hiện nay, (1992), Bộ VHTT-TT xuất bản, Hà Nội, . Đỗ Hữu Châu (1990), Những luận điểm về cách tiếp cận ngôn ngữ học các sự kiện văn học, T/c Ngôn ngữ, số 10. Đỗ Hữu Châu (1990), Những luận điểm về cách tiếp cận ngôn ngữ học các sự kiện văn học, Tạp chí ngôn ngữ, số 2. Đỗ Hữu Châu (1998), Cơ sở ngữ nghĩa học từ vựng, NXB Giáo dục, Hà Nội. Đỗ Hữu Châu (2005), Đỗ Hữu Châu Tuyển tập, T1: Từ vựng - Ngữ nghĩa, NXB Giáo dục, Quảng Nam. Đỗ Hữu Châu (2005), Đỗ Hữu Châu Tuyển tập, T2: Đại cương - Ngữ dụng học - ngữ pháp văn bản, NXB Giáo dục, Quảng Nam. Đỗ Hữu Châu (2007), Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, Nxb, ĐHQG, HN Mai Ngọc Chừ, (1991), Ngôn ngữ ca dao Việt Nam, Tạp chí Văn học, số 5. Mai Ngọc Chừ (2007), Nhập môn ngôn ngữ học, NXBBGD, H. Hữu Đạt, (1996), Đặc điểm phong cách ngôn ngữ thơ và ca dao, Tạp chí Ngôn ngữ số 4.2008 Chu Xuân Diên, (1981), Về việc nghiên cứu thi pháp văn học dân gian, Tạp chí Văn học, số 5 Nguyễn Thị Ngọc Điệp (2002), “Đôi nét về nhóm biểu tượng hoa trong ca dao”, Tạp chí Nguồn sáng dân gian, số 4, tr.46 - 49, 52 Nguyễn Thị Ngọc Điệp (2002), Biểu tượng nghệ thuật trong ca dao truyền thống người Việt, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Đại học Sư pham Thành phố Hồ Chí Minh . Lưu Văn Din, (2013), Đặc điểm ngôn ngữ thơ Hàn Mặc Tử từ góc nhìn tín hiệu thẩm mĩ, Khoá luận tốt nghiệp, Đại học Đà Nẵng. Đinh Văn Đức (1986), Ngữ pháp tiếng Việt (Từ loại), NXB ĐH và THCN. Hà Minh Đức (chủ biên), (1997), Lí luận văn học, NXBGD Đinh Văn Đức (2012), Ngôn ngữ học đại cương - Những nội dung quan yếu, NXBGD Việt Nam. Đào Thị Dương, 2015, Một số tín hiệu thẩm mĩ trong ca dao Việt Nam, Luận văn thạc sỹ, ĐHQG Hà Nội. Nguyễn Thiện Giáp (2009), Các phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ, NXB Giáo dục. Nguyễn Thiện Giáp (2010), 777 Khái niệm ngôn ngữ học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội. Nguyễn Thiện Giáp (2012), Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ, NXB GD, H. Nguyễn Thiện Giáp (2014), Nghĩa học Việt ngữ, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội. Ngân Hà, (2001), Nữ sĩ Xuân Quỳnh - Cuộc đời để lại, NXB Phụ nữ. Lê Thị Tuyết Hạnh, (1990), Một số tín hiệu thẩm mĩ trong thơ Xuân Quỳnh, luận văn thạc sĩ, Đại học Sư phạm. Nguyễn Đức Hạnh, (2001), Một số biểu tượng thơ dân gian trong thơ Việt Nam hiện đại, Tạp chí Văn học, số 3. Nguyễn Thị Ngân Hoa, (2001), Biểu tượng chiếc áo trong đời sống tinh thần người Việt qua thơ ca, Tạp chí Ngôn ngữ, số 8. Nguyễn Thái Hòa, (2005), Từ điển tu từ-phong cách-thi pháp học, NXB Giáo dục. Nguyễn Thị Ngân Hoa, (2005), Sự phát triển ý nghĩa của hệ biểu tượng trang phục trong ngôn ngữ thơ ca Việt Nam, Luận án Tiến sĩ, Đại học Sư phạm. Nguyễn Thái Hòa (2006), Giáo trình Phong cách học tiếng Việt, NXB Đại học Sư phạm. Đỗ Thị Hòa (2007), “Giá trị biểu trưng của trường nghĩa “chim chóc” trong ca dao người Việt”, Tạp chí Ngôn ngữ, số 6, tr.18 – 23. Đỗ Thị Hòa (2008), “Thế giới động vật thủy sinh và đời sống văn hóa Việt trong ca dao”, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 1, tr.16 - 24. Nguyễn Thị Hòa (2008), Trường từ vựng ngữ nghĩa chỉ màu sắc trong thơ Tố Hữu, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Sư phạm Hà Nội. Đỗ Thị Hòa, (2010), Thế giới động vật trong ca dao cổ truyền người Việt, LATS, ĐHSPHN. Tô Hoài (1999), Tuyển tập văn học thiếu nhi, Tập 2 (Tập “Dế mèn, chim gáy bồ nông), NXB Văn học, Hà Nội. Đỗ Việt Hùng - Nguyễn Thị Ngân Hoa (2003), Giáo trình Phân tích phong cách ngôn ngữ trong tác phẩm văn học, NXB ĐHSP. Đỗ Việt Hùng, (2013), Ngữ nghĩa học - Từ bình diện hệ thống đến hoạt động, NXB ĐHSP. Mai Hương (tuyển chọn), (2000), Thơ Tố Hữu - Những lời bình, NXB Văn hóa - Thông tin, H. Vũ Thị Thu Hương (2000) “Ca dao Việt Nam - Những lời bình”, NXB Văn hóa thông tin, H. Iu.A.Philip (1971), Những tín hiệu của thông tin thẩm mĩ, NXB Khoa học, M. (Bản dịch và đánh máy Thư viện ĐHSPHN). Iu.M.Lotman (Lã Nguyên dịch) (24-12-2012), Biểu tượng - “gene của truyện kể”, Jakobson, R.(1973), Những vấn đề thi pháp học bản dịch của Trần Bá Dĩnh. Jakobson, R (1996), Thơ là gì? Tạp chí Văn học số 12. Jakobson, R (2001), Ngôn ngữ học và thi học, Tạp chí Ngôn ngữ số 14. Đinh Gia Khánh (2010), Văn học dân gian là một nghệ thuật nguyên hợp, trích VHVN thế kỷ XX, tr.279. Khoa Ngữ văn (2016) Kí hiệu học - Từ lí thuyết đến ứng dụng trong nghiên cứu và dạy học Ngữ văn, Kỉ yếu Hội thảo khoa học quốc gia (2016), Trường Đại học sư phạm Hà Nội, NXB Giáo dục Việt Nam. Khrapchenco M.B (1978), Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học, NXB Tác phẩm mới. Nguyễn Xuân Kính, (2006), Thi pháp ca dao, Khoa học xã hội, H. Đinh Trọng Lạc – Nguyễn Thái Hòa (1993), Phong cách học tiếng Việt, NXBGD. Nguyễn Xuân Lạc, (1994), Môtip nghệ thuật dân gian: Cái cầu trong ca dao, Tạp chí Văn học dân gian, số 2 Nguyễn Xuân Lạc, (1998), Văn học dân gian Việt Nam trong nhà trường, NXBGDVN. Nguyễn Lai (1991), Ngôn ngữ và sáng tạo văn học, NXB Khoa học xã hội. Nguyễn Lai, (1996), Ngôn ngữ với sáng tạo và tiếp nhận văn học, NXBGD, H. Lê Thị Lâm, (2014), THTM hoa và đặc trưng tư duy văn hóa của người Việt trong ca dao, Khóa luận tốt nghiệp, Đại học Tây Bắc. Phong Lan, (2001), Tố Hữu- về tác gia và tác phẩm, NXB Văn học, H. Phong Lê, (2014), Phác thảo Văn học Việt Nam hiện đại (thế kỷ XX), In lần thứ 3, NXB Trí thức, H. Vương Ngọc Long (2003), Đôi mắt trong thi ca, Tập san Chuyên nghiệp Dược khoa số 4. Vân Long, (2004), Xuân Quỳnh – Thơ và đời, NXB Văn hóa thông tin Hoàng Kim Ngọc, Hoàng Trọng Phiến, (2011), Ngôn ngữ văn chương, NXB ĐHQG, H. Nguyễn Văn Long (chủ biên), (2000), Giảng văn văn học Việt Nam hiện đại, NXB Đại học Quốc gia, H. Trương Thị Nhàn (1991), Giá trị biểu trưng nghệ thuật của các vật thể nhân tạo trong ca dao cổ truền Việt Nam, Tạp chí văn hóa dân gian, số 3. Trương Thị Nhàn (1995), Sự biểu đạt bằng ngôn ngữ của THTM - Không gian trong ca dao, Luận án Phó tiến sĩ, ĐHSPHN. Trương Thị Nhàn, (2011), Tín hiệu thẩm mĩ và vấn đề nghiên cứu tín hiệu thẩm mĩ trong tác phẩm văn chương ƯƠNG_THỊ_NHÀN_-_NHỮNG_VẤN_ĐỀ_VỀ_THTM._.... Vũ Nho (2015), Con mắt với tình yêu trong ca dao, vunhonb.blogspot.com/2015/08/con-mat-voi-tinh-yeu.html Vũ Ngọc Phan (2009), Tục ngữ - ca dao - dân ca Việt Nam, NXB Văn hóa Hà Nội. Đào Ngọc Phong, 2020, Báo Văn nghệ số 7, 15/2/2020. Đào Ngọc Phong, 2020, Nhìn vào ánh mắt, Báo Văn nghệ số 7, 15/2/2020. Mai Thị Kiều Phượng (2008), Trong chuyên luận Tín hiệu thẩm mỹ trong ngôn ngữ văn học, NXB Khoa học xã hội. Nguyễn Thị Thu Quế, (2014), Trường từ vựng tên gọi động vật thủy sinh và tín hiệu thẩm mĩ được tạo nên trong ca dao, Khóa luận tốt nghiệp, Đại học Tây Bắc. Võ Tấn Quyên, 2015, Tín hiệu ngôn ngữ thẩm mĩ thuộc trường nghĩa hiện tượng tự nhiên trong thơ Xuân Quỳnh, Đại học Quy Nhơn, Khóa luận tốt nghiệp. Nguyễn Hữu Quỳnh (2001), Ngữ pháp tiếng Việt, NXB Từ điển Bách khoa. R.C. Hjelmslev, L. (1973), Ngôn ngữ, ĐHTH Trần Đình Sử (tuyển chọn), (1999), Giảng văn chọn lọc văn học Việt Nam, NXB Hà Nội. Hà Công Tài, (2013), Biểu tượng trưng trong thơ ca dân gian, Tạp chí văn học, số 5 Trần Thị Thái, (2011), Một số tín hiệu thẩm mĩ trong thơ Tố Hữu, Khóa luận tốt nghiệp, ĐHQG Hà Nội. Đào Thản (1993), Hệ thống từ ngữ chỉ màu sắc của tiếng Việt trong liên hệ với mấy điều phổ quát, T/c Ngôn ngữ số 2. Đào Thản (1998), Từ ngôn ngữ chung đến ngôn ngữ nghệ thuật, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội. Nguyễn Văn Thạo, (2017), Trường nghĩa là “lửa” và “nước” trong tiếng Việt, LATS, ĐHSPHN. Trần Ngọc Thêm, (1981), Suy nghĩ về một phương pháp phân tích văn bản thơ, T/c Văn học số 5. Nguyễn Ngọc Thiện (chủ biên), (2008), Văn học Việt Nam thế kỷ XX, Lý luận - phê bình 1945-1975, Quyển Năm, tập VII, NXB Văn học Hà Nội. Thư 2008 Đỗ Ngọc Thư, (2008), Khảo sát các tín hiệu thẩm mĩ “M Nguyễn Ngọc Thiện (chủ biên), (2009), Văn học Việt Nam thế kỷ XX, Quyển Năm, tập IX (lý luận - phê bình 1945-1975), NXB Văn học, H. Nguyễn Ngọc Thiện (chủ biên), (2009), Văn học Việt Nam thế kỷ XX, Quyển Năm, tập X (lý luận - phê bình 1945-1975), NXB Văn học, H. Nguyễn Ngọc Thiện (chủ biên), (2010), Văn học Việt Nam thế kỷ XX, Lý luận - phê bình 1975-2000; Quyển Năm, tập XIV, NXB Văn học Hà Nội. Nguyễn Ngọc Thiện (chủ biên), (2010), Văn học Việt Nam thế kỷ XX, Quyển Năm, tập XI (lý luận - phê bình 1945-1975), NXB Văn học, H. Nguyễn Ngọc Thiện (chủ biên), (2010), Văn học Việt Nam thế kỷ XX, Quyển Năm, tập XII (lý luận - phê bình 1945-1975), NXB Văn học, H. Nguyễn Ngọc Thiện (chủ biên), (2010), Văn học Việt Nam thế kỷ XX, Quyển Năm, tập XIII (lý luận - phê bình 1975-2000), NXB Văn học, H. Bùi Minh Toán (2017), Ngôn ngữ với văn chương, NXB ĐHSPHN. Nguyễn Đức Tồn (2010), Đặc trưng văn hoá - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy, NXB Từ điển bách khoa, Hà Nội. Thùy Trang, (2013), Xuân Quỳnh – Tác phẩm và lời bình, NXB Văn học, H. Trung 2004 Nguyễn Chí Trung (2004), Trường từ vựng ngữ nghĩa chỉ bộ phận cơ thể người trong thơ Chế Lan Viên, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Sư phạm Hà Nội. Hoàng Tiến Tựu (2001), Bình giảng ca dao, NXBGD. Vũ Kim Tuyến, (2000), Thơ Xuân Quỳnh và những lời bình, NXB Văn hóa thông tin Chế Lan Viên (giới thiệu)..., (1971), Thơ Tố Hữu, NXBGD Hoài Việt, 2000, Nhà văn trong nhà trường: Quang Dũng, NXBGD, tp.HCM. Nguyễn Thị Xuân Yến, (2010), Về tính hệ thống và tính dân tộc của tín hiệu thẩm mỹ trong văn học, Thứ ba, 11.05.2010, 09:32pm (GMT+7) nhavan.vn Từ điển Lại Nguyên Ân (2004), 150 thuật ngữ văn học, NXB ĐHQGHN. Lê Bá Hán,Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, (2007) Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục. Nguyễn Thái Hòa (2005), Từ điển tu từ phong cách học, NXB Giáo dục, H. Hoàng Long - Gia Huy - Quý An, 2007, Từ điển Tiếng Việt, Viện ngôn ngữ, NXB Từ điển bách khoa. Jean Chevalier - Alain Gheerbrant, 2002, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, NXB Đà Nẵng, trường viết văn Nguyễn Du. Đỗ Thị Kim Liên, (2015), Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam trong hành chức, NXB Khoa học xã hội. Hoàng Phê (chủ biên), (2010), Từ điển tiếng Việt, NXB Từ điển bách khoa. Nguyễn Ngọc San - Đinh Văn Thiện (1998), Từ điển Điển cố văn học trong nhà trường, NXB GD. Nguyễn Như Ý (1999), Đại từ điển tiếng Việt, NXB Văn hóa thông tin. Tư liệu trích dẫn Nguyễn Xuân Kính, Phan Đăng Nhật (chủ biên), (1995), Kho tàng ca dao người Việt, NXB Văn hóa thông tin, H. Lưu Khánh Thơ (chủ biên), Nguyễn Đăng Điệp, Nguyễn Bích Thu, Đoàn Ánh Dương (biên soạn và tuyển chọn), (2010), Văn học Việt Nam thế kỷ XX, phần thơ ca Việt Nam 1945-1975, quyển bốn, tập VII, NXB Văn học. Lưu Khánh Thơ (chủ biên), Nguyễn Đăng Điệp, Nguyễn Bích Thu, Đoàn Ánh Dương (biên soạn và tuyển chọn), (2010), Văn học Việt Nam thế kỷ XX, phần thơ ca Việt Nam 1945-1975, quyển bốn, tập VIII, NXB Văn học. Lưu Khánh Thơ (chủ biên), Nguyễn Đăng Điệp, Nguyễn Bích Thu, Đoàn Ánh Dương (biên soạn và tuyển chọn), (2010), Văn học Việt Nam thế kỷ XX, phần thơ ca Việt Nam 1945-1975, quyển bốn, tập IX, NXB Văn học. Tiếng nước ngoài G. Ipsen (1932), Der neue Sprachbegriff, “Zeitschrift fur Deutschkund”, Leipzig – Berlin. Grzegorz A. Kleparski, Angelina Rusinek (2007), The tradition of field theory and the study of lexical semantic change, Zeszyt, volume 47, pp. 187-205; Guo, Changhong (2010) The application of the semantic field theory in college English vocabulary instruction, Chinese journal of applied linguistics, volume 33, no 3. pp. 50-62. Hudson, R.A. (1991), Word meanings, Routlege. PHỤ LỤC PHỤ LỤC I Tần số xuất hiện của những biến thể từ vựng của THTM “mắt” trong kho tàng ca dao cổ người Việt và thơ ca Việt Nam 1945 -1975 Tín hiệu thẩm mĩ Kho tàng ca dao người Việt Thơ ca Việt Nam 1945-1975 Tần số xuất hiện Tỉ lệ (%) Tần số xuất hiện Tỉ lệ (%) Con mắt 47 92 22 44,9 Đôi mắt 2 4 27 55,1 Khóe thu ba 2 4 Nửa mắt 1 Tổng số: 51 100 49 100 PHỤ LỤC II Tần số xuất hiện của các biến thể kết hợp của THTM thuộc trường nghĩa “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945 -1975 Nhóm Kho tàng ca dao người Việt Thơ ca Việt Nam 1945-1975 Số lượng biến thể Tần số xuất hiện Số lượng biến thể Tần số xuất hiện Hình dáng của mắt 05 10 05 16 Màu sắc của mắt 04 11 08 22 Các bộ phận của mắt 03 7 13 47 Nước mắt 16 347 19 87 Trạng thái của mắt 06 24 56 115 Hoạt động của mắt 16 1767 46 1039 Tổng: 54 2 253 148 1327 PHỤ LỤC III: Hệ thống các BTKH của THTM “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945 -1975 TT Đặc điểm của mắt Tín hiệu thẩm mỹ Kho tàng ca dao người Việt Thơ ca Việt Nam 1945 -1975 Số lần xuất hiện Tỷ lệ xuất hiện Số lần xuất hiện Tỷ lệ xuất hiện 1 Hình dáng của mắt Mắt bé 2 2 (mắt) nhỏ 1 3 (mắt) tròn xoe 9 4 Mắt chuồn chuồn 2 5 Mắt lươn 2 2 7 Mắt bồ câu 2 9 Mắt phượng 2 10 Mắt thỏ 1 11 Mắt lá răm 3 12 Màu sắc của mắt (Mắt/tròng mắt) (sẫm) đen 7 13 Mắt xanh 5 6 14 (Mắt) đỏ (lòm) 2 3 16 (Màu mắt) lạ 2 17 Mắt trắng 2 18 Mắt ngọc 2 19 Mắt huyền 1 20 Mắt biếc 1 21 (Mắt) màu gio 1 22 (màu mắt) trong 1 23 Các bộ phận của mắt Con ngươi 3 24 Ánh mắt 1 9 25 Lông mày 3 6 26 Mi/hàng mi/bóng mi 11 27 Mí mắt 2 28 Tròng mắt 3 29 Hốc mắt 2 30 Đuôi mắt 2 31 Khóe mắt 2 32 Đáy mắt 2 33 Màu mắt 2 34 Tầm mắt 3 35 Tầm nhìn 1 36 Cái nhìn 2 37 Trạng thái của mắt (Mắt) long lanh 3 6 38 Mắt lóng lánh 1 39 (Mắt) lúng liếng 2 40 Mắt trong lành 1 41 (Mắt) lung linh 1 42 Mắt linh lợi 3 43 (Mắt) lờ đờ, lừ đừ 5 2 45 (Mắt) lim dim 4 4 46 Mắt lơ mơ 1 47 Mắt bần thần 2 48 (Mắt) sắc (như dao) 8 2 49 Mắt toét 2 50 Mắt rụt rè 1 51 Mắt đẹp 4 52 Mắt trừng (trợn) 5 53 Mắt tráo trâng 1 54 Mắt trầm tư 1 55 Mắt ướt 3 56 Mắt sáng 5 57 Mắt sáng trong 1 58 Mắt sáng bừng 1 59 Mắt sáng ngời 2 60 Mắt sáng quắc 1 61 Mắt mờ 1 62 Mắt mù 1 63 Mắt đom đóm 1 64 Mắt lòa 1 65 Mắt lóa 1 66 Mắt ngơ ngác 3 67 Mắt nghiêng 1 68 Mắt rộng vời/ xa vời/vời 4 69 Mắt đắng 1 70 Mắt mỏi 4 71 Mắt nheo cười 7 72 Mắt u ẩn 1 73 Mắt biển khơi 2 74 Mắt u buồn 1 75 Mắt đau buồn 1 76 Mắt yêu đời 1 77 Mắt đầm ấm 3 78 Mắt khoan dung 3 79 Mắt dại 2 80 Mắt hoang dại 1 81 Mắt viền 1 81 Mắt thân yêu 1 82 Mắt bình thản 2 83 Mắt/nhìn vui ấm 2 84 (Mắt) nheo cười 7 85 Mắt chan chứa nhân tình 1 86 Mắt (mẹ) hiền 4 87 Mắt/mày tươi 2 88 Lông mày rậm 1 89 Mi trường 1 90 Mắt thâm quầng 1 91 Tròng mắt cay 1 92 Mi mọng 1 93 (ánh mắt) lạ kỳ 1 Tổng 52 1039 PHỤ LỤC VI: Hệ thống các BTKH của THTM “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945 -1975 TT Đặc điểm của mắt Tín hiệu thẩm mỹ Kho tàng ca dao người Việt Thơ ca Việt Nam 1945-1975 Số lần xuất hiện Tỷ lệ xuất hiện Số lần xuất hiện Tỷ lệ xuất hiện 1 Nước mắt (Dịch trong mắt) Nước mắt 103 42 2 Lệ 21 10 3 Lụy 56 4 Châu 19 5 Giọt 8 6 Nhỏ sa 40 7 Đầm đầm (như mưa) 30 8 Tuôn 28 2 9 Rưng rưng 11 7 10 Lai láng 9 11 (nước mắt/lệ) thấm bâu 6 12 Trào (nước mắt) 5 13 Lã chã 4 1 14 (nước mắt/lệ) rơi 4 15 Ròng ròng 4 16 Chứa chan 3 1 17 Sụt sùi 3 18 Đầm đìa 3 19 Ướt đầm 2 20 Giàn giụa 2 21 Lau (nước mắt) 2 22 (lệ) chảy 1 23 Ứa (nước mắt) 1 24 Chắt ra (nước mắt) 1 25 Hứng lệ 1 26 (nước mắt) nóng 1 27 Đằm 1 28 (lệ) tràn 1 29 (lệ) khô ráo 1 Tổng 347 87 PHỤ LỤC V: Hệ thống các BTKH của THTM “mắt” trong kho tàng ca dao người Việt và thơ ca Việt Nam 1945 -1975 TT Đặc điểm của mắt Tín hiệu thẩm mỹ Kho tàng ca dao người Việt Thơ ca Việt Nam 1945 -1975 Số lần xuất hiện Tỷ lệ xuất hiện Số lần xuất hiện Tỷ lệ xuất hiện 1 Hoạt động của mắt Thấy 577 161 2 Trông 479 83 3 Ngó 253 23 4 Nhìn 98 230 5 Gặp 56 65 6 Khóc 31 48 7 Xem 85 42 8 Tìm 81 107 9 Soi 42 18 10 Coi 34 11 Liếc 27 12 Ngước 2 4 13 Nom 12 2 14 Ngắm 6 17 15 Dòm/nhòm 7 3 16 Nhắm mắt 1 20 17 Trừng 03 1 18 Ngủ 81 19 Thức/thao thức 37 20 Dán 16 21 Mở 14 22 Ghé/ Nghé 12 23 Chớp 10 24 Nhằm 7 25 Khép 7 26 (Mắt) cười 5 5 27 (mắt) trồi ra 3 28 Ngóng 3 29 Giương (mắt) 2 30 Trợn mắt 2 31 Cau/chau mày 2 32 Dõi 2 33 Thổn thức 2 34 Nghẹn ngào 2 35 Cầm (nước mắt) 2 36 Nhắm (nhìn) 1 37 (nhìn) thiêu 1 38 (nhìn) đốt 1 39 Nghé 1 40 Bịt (mắt) 1 41 Xoa (mắt) 1 42 Bừng (mắt) 1 43 Chợp mắt 1 44 Nức nở 1 45 Rọi 1 46 Trố mắt 1 47 (mắt) dùi 1 48 Đưa đẩy 1 49 Đưa (mắt) 1 50 Lườm 1 51 (Mắt) cứa 1 52 (Lông mày) dựng 1 1794 1039 PHỤ LỤC VI THỐNG KÊ ĐỘNG TỪ THUỘC TRƯỜNG NGHĨA “MẮT” Trong thơ Vũ Cao, Hoàng Cầm, Nông Quốc Chấn, Tố Hữu, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Quang Dũng, Xuân Quỳnh TT Tính từ Vũ Cao Hoàng Cầm Nông Quốc Chấn Tố Hữu Phạm Tiến Duật Nguyễn Duy Quang Dũng Xuân Quỳnh Tổng số (nước mắt)Chứa chan 1 1 (nước mắt) nóng 1 1 (nước mắt) rưng rưng 1 1 3 1 1 7 (nước mắt) đầm đìa 1 1 1 3 Đằm (nước mắt) 1 1 (Nước mắt) lã chã 1 1 Nước mắt giàn giụa 1 1 2 Lệ khô/ráo 1 1 (lệ) tràn 1 1 (khóc) mềm 1 1 (khóc) xót xa 1 1 (khóc) nức nở 1 1 2 (khóc) nghẹn ngào/nghẹn 2 1 1 4 (khóc) rì rầm 1 1 (khóc) sấm sút 1 1 (Khóc) âm y 1 1 (khóc) đỏ 1 1 Mi mọng 1 (mắt) đỏ 1 1 1 3 (mắt) xanh 3 3 6 (mắt) biếc 1 1 (tròng mắt/mắt) (sẫm) đen 2 1 3 1 7 Mắt màu gio 1 1 (mắt) huyền 1 1 (màu mắt) trong 1 1 (màu mắt) lạ 2 2 (mắt) thỏ 1 1 (mắt) chuồn chuồn 1 1 2 (mắt) lươn 1 1 2 (mắt) bé 1 1 2 (mắt) nhỏ 1 1 (mắt) tròn (xoe) 1 1 3 4 9 (ánh mắt) lạ kỳ 1 1 (mắt) tráo trâng 1 1 (mắt) trừng (trừng/trợn) 1 1 2 1 5 (mắt) đẹp 0 1 2 1 4 (Đẹp) mắt 1 1 Mắt trầm tư 1 1 (mắt) lóng lánh 0 1 1 (mắt) long lanh 1 3 2 6 (mắt) đom đóm 1 1 (mắt) lung linh 1 1 (mắt) trong lành 1 1 (mắt) ướt 2 1 3 Ướt mắt 1 1 (mắt) sáng 1 2 2 5 (mắt) u ẩn 1 1 (mắt) sáng trong 1 1 (mắt) sáng bừng 0 1 1 (mắt) sáng ngời 2 2 Ngời đôi mắt 1 1 (mắt) sáng quắc 1 1 Mắt lòa 1 1 (mắt) mù 1 1 lòa mắt 1 1 Mắt lóa 1 1 (mắt) sắc 1 1 2 (mắt) lừ đừ 1 1 2 (mắt) ngơ ngác 3 3 Mắt nghiêng 1 1 Mắt rộng vời/ xa vời/vời 3 1 4 Mắt đắng 1 1 (mắt) mỏi 1 2 1 4 (mắt) (mẹ) hiền 2 1 1 4 (mắt) linh lợi 1 1 1 3 (mắt) bần thần 1 1 2 (mắt) dại 1 1 2 (con mắt) rụt rè 1 1 (Mắt) thâm quầng 1 1 (mắt) (nheo) cười 1 5 1 7 (mắt) biển khơi 2 2 (mắt) u buồn 1 1 (mắt) đau buồn 1 1 (mắt) yêu đời 1 1 (mắt) đầm ấm 1 1 1 3 (mắt) khoan dung 1 1 1 3 (mắt) hoang dại 1 1 (mắt) viền 1 1 (mắt) thân yêu 1 1 (mắt/mi) lim dim 3 1 4 (mắt) lơ mơ 1 1 (mắt) mờ 1 1 (mắt) chan chứa nhân tình 1 1 (mắt) bình thản 1 2 Mày/mắt tươi 2 2 (tròng mắt) cay 1 1 (nhìn) đưa đón 1 1 (nhìn) đăm đắm/ đăm đăm 1 2 2 5 (nhìn) chăm chú 1 1 2 (nhìn) vơi đầy 1 1 (nhìn) lấc láo 1 1 (nhìn) cong 1 1 (nhìn) nghe nghé 0 0 1 1 (Soi/nhìn) rõ 1 1 2 (nhìn) nghiêng 1 1 2 (nhìn) sáng 1 1 (thấy, nhìn, ngắm, trông) ngẩn ngơ 7 1 8 (tầm nhìn/nhắm) thẳng 1 1 2 (nhìn/ngó) lặng 2 2 (nhìn) săm soi 1 1 Nhìn/mắt vui ấm 2 2 (nhìn) bâng khuâng 1 1 (nhìn) mải mê 1 1 (nhìn) khủng khiếp 1 1 (Nhìn) thăm thẳm/thẳm 2 2 Nhìn bát ngát 1 1 Mải (trông) 1 1 (trông) ngơ ngác 1 1 (ngủ) hiền 1 1 (ngủ) yên 1 1 2 (ngủ) lâu 1 1 (ngủ) say 2 1 3 ngủ) khì 1 1 (ngủ) ngon (giấc) 1 1 1 3 (ngủ) thiu thiu 1 1 2 (ngủ) lăn lóc 1 1 (ngủ) xôn xao 1 1 (Khép) hờ 1 1 Lông mày rậm 1 1 Ngút mắt 1 1 (mi) trường 1 1 (nhắm) nghiền 1 1 (thấy) ngỡ ngàng 1 1 (Lông mày) dựng 1 1 (tìm) tha thẩn 1 1 Tổng 18 53 10 93 21 17 20 12 244

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docluan_an_tin_hieu_tham_my_thuoc_truong_nghia_mat_trong_kho_ta.doc
  • pdfLuận án Đỗ Thị Hương Bưởi - Tín hiệu thẩm mỹ thuộc trường nghĩa mắt trong kho tàng ca dao người Việt.pdf
  • docThông tin tính mới Luận án Đỗ Thị Hương Bưởi.doc
  • pdfThông tin tính mới Luận án Đỗ Thị Hương Bưởi.pdf
  • docTóm tắt Luận án Đỗ Thị Hương Bưởi (Tiếng Anh) - Tín hiệu thẩm mỹ thuộc trường nghĩa mắt trong kho tà.doc
  • docxTóm tắt Luận án Đỗ Thị Hương Bưởi (Tiếng Việt) - Tín hiệu thẩm mỹ thuộc trường nghĩa mắt trong kho t.docx
  • pdfTóm tắt Luận án Đỗ Thị Hương Bưởi (Tiếng Việt) - Tín hiệu thẩm mỹ thuộc trường nghĩa mắt trong kho t.pdf
  • docxTóm tắt Luận án Đỗ Thị Hương Bưởi (Tiếng Việt) - Tín hiệu thẩm mỹ thuộc trường nghĩa mắt trong kho t.docx
Tài liệu liên quan