BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
ĐỖ THỊ NHÀN
TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ CỦA LAN KHAI
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN
Hà Nội - Năm 2020
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
ĐỖ THỊ NHÀN
TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ CỦA LAN KHAI
Chuyên ngành: LÍ LUẬN VĂN HỌC
Mã số: 9.22.01.20
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN
Người hướng dẫn khoa học:
PGS.TS TRẦN MẠNH TIẾN
Hà Nội - Năm 2020
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết quả nêu trong luận án l
176 trang |
Chia sẻ: huong20 | Ngày: 14/01/2022 | Lượt xem: 459 | Lượt tải: 0
Tóm tắt tài liệu Luận án Tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
à trung thực, đảm bảo độ chính xác. Các tài liệu tham khảo, trích dẫn có xuất xứ rõ ràng. Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về công trình nghiên cứu của mình.
Hà Nội, tháng 09 năm 2020
Tác giả luận án
Đỗ Thị Nhàn
LỜI CẢM ƠN
Trong quá trình học tập và nghiên cứu, tôi đã nhận được sự giúp đỡ quý báu của các thầy cô, gia đình, anh chị em và bè bạn.
Em xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến PGS.TS Trần Mạnh Tiến, người thầy đã trực tiếp giảng dạy và tận tình hướng dẫn em trong suốt quá trình học tập, hoàn thành công trình nghiên cứu này.
Em xin trân trọng cảm ơn các thầy cô giảng viên của Tổ Bộ môn Lí luận văn học, Khoa Ngữ Văn, Phòng Sau đại học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tận tình giúp đỡ em trong quá trình học tập, nghiên cứu tại trường.
Tôi xin trân trọng cảm ơn Ban Giám hiệu, Hội đồng giáo dục trường THPT Chuyên Trần Phú, Hải Phòng đã tạo điều kiện tốt để tôi học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn gia đình, người thân, bạn bè, những người đã động viên tôi trong quá trình tôi học tập và hoàn thành luận án.
Hà Nội, tháng 09 năm 2020
Tác giả luận án
Đỗ Thị Nhàn
MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN i
LỜI CẢM ƠN ii
MỤC LỤC iii
DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT vi
MỞ ĐẦU 1
1. Tính cấp thiết của đề tài 1
2. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu 2
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3
4. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu 3
5. Đóng góp mới của luận án 5
6. Cấu trúc luận án 5
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU 6
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu tiểu thuyết lịch sử 6
1.1.1. Khái niệm về tiểu thuyết lịch sử 6
1.1.2. Một số công trình nghiên cứu về tiểu thuyết lịch sử trên thế giới 8
1.1.3. Các bài viết và công trình nghiên cứu tiểu thuyết lịch sử ở Việt Nam 13
1.2. Sự khác nhau giữa TTLS thời kì trung đại và thời kì hiện đại 25
1.3. Tình hình nghiên cứu về Lan Khai và tiểu thuyết lịch sử của ông 26
1.3.1. Về nhà văn Lan Khai 26
1.3.2. Về tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai 30
1.4. Những vấn đề cấp thiết đặt ra trong nghiên cứu tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai 33
Tiểu kết chương 1 34
Chương 2: TỪ QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT ĐẾN QUÁ TRÌNH SÁNG TÁC
TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ CỦA LAN KHAI 36
2.1. Về quan niệm của Lan Khai 36
2.1.1. Quan niệm về nhà văn 36
2.1.2. Quan niệm về văn học 39
2.1.3. Quan niệm nghệ thuật về con người trong tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai 45
2.2. Quá trình sáng tác của Lan Khai 47
2.2.1. Sở trường sáng tác và thể tài tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai 47
2.2.2. Hoàn cảnh sáng tác tiểu thuyết lịch sử 49
2.2.3. Diễn trình sáng tác tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai 51
2.2.4. Tiểu thuyết lịch sử trong sự nghiệp sáng tác của Lan Khai và trong sự vận động của thể tài tiểu thuyết lịch sử Việt Nam 55
Tiểu kết chương 2 61
Chương 3: TỪ HIỆN THỰC LỊCH SỬ ĐẾN BỨC TRANH NGHỆ THUẬT
TRONG TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ CỦA LAN KHAI 63
3.1. Cảm hứng sáng tác trong tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai 63
3.1.1. Ca ngợi truyền thống yêu nước của dân tộc 64
3.1.2. Ca ngợi cái đẹp, cái thiện 65
3.1.3. Phê phán xã hội phong kiến và chiến tranh phi nghĩa 67
3.2. Sự kiện trong tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai 70
3.2.1. Sự hoán đổi ngôi vị của các triều đại phong kiến 70
3.2.2. Những cuộc nội chiến trong xã hội phong kiến 71
3.2.3. Những cuộc nổi dậy của nhân dân chống chế độ phong kiến 72
3.2.4. Những cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược và bè lũ tay sai 72
3.3. Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai 73
3.3.1. Nhân vật vua chúa, quan lại và tướng lĩnh 74
3.3.2. Nhân vật người anh hùng 79
3.3.3. Người phụ nữ trong xã hội phong kiến 85
3.3.4. Nhân vật binh sĩ và dân chúng 97
3.3.5. Nhân vật kẻ thù cướp nước và bán nước 102
Tiểu kết chương 3 106
Chương 4: CÁC PHƯƠNG THỨC VÀ BIỆN PHÁP BIỂU HIỆN NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ CỦA LAN KHAI 107
4.1. Sự kết hợp hài hòa giữa lịch sử và hư cấu nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai 107
4.1.1. Nhân vật và sự kiện lịch sử 107
4.1.2. Nhân vật và tình huống hư cấu 111
4.2. Nghệ thuật kết cấu 115
4.2.1. Kế thừa và sáng tạo kết cấu của tiểu thuyết truyền thống 115
4.2.2. Kết cấu kiểu tiểu thuyết hiện đại 119
4.3. Các phương thức kiến tạo chân dung nhân vật 121
4.3.1. Qua giới thiệu tiểu sử, miêu tả ngoại hình 121
4.3.2. Khắc họa nhân vật qua hành động 123
4.3.3. Khắc họa tâm lí nhân vật 124
4.3.4. Qua bút pháp miêu tả thiên nhiên 128
4.4. Thời gian và không gian nghệ thuật 129
4.4.1. Thời gian nghệ thuật 129
4.4.2. Không gian nghệ thuật 131
4.5. Nghệ thuật trần thuật 138
4.5.1. Người trần thuật và điểm nhìn trần thuật 138
4.5.2. Ngôn ngữ và giọng điệu trần thuật 140
KẾT LUẬN 147
DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC: DANH MỤC TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN CỦA LAN KHAI
PHỤ LỤC: DANH MỤC TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ VIỆT NAM TIÊU BIỂU
DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT
TTLS: Tiểu thuyết lịch sử
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
1.1. Lan Khai là nhà văn nổi tiếng trong trào lưu cách tân văn học giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX. Sự nghiệp sáng tác của Lan Khai đa dạng về thể loại. Đương thời trong cuốn Nhà văn hiện đại (1942) nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan đã nhận xét: Lan Khai là “lão tướng trong làng tiểu thuyết đang gắng tìm đường mới”. Nhiều tác phẩm của Lan Khai đã thu hút sự quan tâm của đông đảo giới nghiên cứu trong nước. Thời gian gần đây thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn đường rừng cùng tên tuổi của Lan Khai đã được giới thiệu trên Tạp chí Quốc tế (ISSN 24103918) (tháng 7 năm 2019, tập 5, trang 2) của Học viện Kinh doanh hành chính, Luật và Khoa học xã hội châu Âu. Tuy nhiên mảng TTLS của ông vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ và hệ thống, mặc dù tính tới thời điểm hiện tại, ông là nhà văn có số lượng tiểu thuyết lịch sử lớn nhất trong các nhà văn hiện đại Việt Nam (26 tác phẩm) và là cây bút sớm có tinh thần tiên phong đổi mới, có ảnh hưởng lớn tới sáng tác ở các giai đoạn sau.
Trong giai đoạn 1930-1945 1945 trào lưu cách tân văn học diễn ra sôi nổi nhưng “trong cái mới vẫn còn rớt lại nhiều cái cũ” (Một thời đại trong thi ca - Hoài Thanh) với những quan niệm nghệ thuật mới, TTLS của Lan Khai đã làm sôi động thêm không khí phê bình văn học, tạo ra những cuộc tranh luận xung quanh vấn đề lịch sử và hư cấu nghệ thuật, vấn đề sử dụng ngôn ngữ trong tiểu thuyết v.v Với những đổi mới táo bạo, TTLS của Lan Khai đã có tác động mạnh mẽ đến không khí phê bình văn học đương thời và kích thích sự sáng tạo của các nhà văn về đề tài lịch sử. Tuy nhiên, do cái chết đầy bí ẩn của ông suốt thời gian dài chưa được công bố nên từ sau 1945 trở đi còn nhiều di cảo của Lan Khai và hàng chục TTLS của ông chưa được tái bản, nghiên cứu và giới thiệu rộng rãi đến bạn đọc. Cho đến nay vẫn chưa có công trình nào có tính quy mô, toàn diện và hệ thống về thể tài TTLS của Lan Khai. Vì vậy trong công trình nghiên cứu này, chúng tôi sẽ làm sáng tỏ tính tiên phong trong hành trình cách tân thể loại của một cây bút tiểu thuyết giàu tài năng và tâm huyết nửa đầu thế kỉ XX.
Năm 2006, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Lễ Kỷ niệm 100 năm sinh Lan Khai và Hội thảo Khoa học: Lan Khai với văn học Việt Nam hiện đại, Lan Khai được hoàn nguyên, cho thấy di sản văn học của Lan Khai là rất lớn và các TTLS có vị trí quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của ông và nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Điều đó đã đặt ra yêu cầu cấp thiết cần có một công trình nghiên cứu kịp thời, quy mô và hệ thống, toàn diện các tác phẩm của nhà văn ở thể tài TTLS để thấy được những đóng góp của ông trong giai đoạn 1930 - 1945 và tiến trình phát triển của lịch sử văn học dân tộc, đồng thời làm sáng tỏ thêm những vấn đề lí luận về thể loại.
1.2. Những năm gần đây, TTLS của các nhà văn đất Việt đã vươn mình lớn dậy với sự gia tăng không ngừng về số lượng tác phẩm và quy mô phản ánh, hình thành nhiều khuynh hướng đa dạng, phong phú nên đã xuất hiện nhiều quan niệm nghệ thuật khác nhau trong sáng tác và tiếp nhận. TTLS đã và đang trở thành tâm điểm của thời sự văn học. Trước trào lưu hội nhập quốc tế, ngày càng xuất hiện nhiều công trình ứng dụng lý thuyết hiện đại phương Tây vào nghiên cứu văn học trong đó có TTLS. Tuy nhiên hệ thống lý thuyết về thể tài này còn khá khiêm tốn và việc giới thiệu ở trong nước còn phân tán, quan niệm về thể loại chưa thống nhất, sáng tác ngày càng diễn biến phức tạp lại tiếp tục nảy sinh nhiều cuộc tranh luận sôi nổi xung quanh vấn đề lịch sử và hư cấu nghệ thuật.
Xuất phát từ thực trạng đó đòi hỏi chúng ta cần phải tìm hiểu những sáng tác đã được trải nghiệm và cách tiếp cận thích hợp mới đem lại cái nhìn sáng rõ hơn về sự hình thành phát triển của một thể tài văn học mang tính đặc thù trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Do vậy, chúng tôi chủ trương đi sâu nghiên cứu đề tài này nhằm làm sáng tỏ những điểm mới mẻ, độc đáo trong TTLS của Lan Khai trên phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật. Qua những thành quả nghiên cứu chúng tôi sẽ làm rõ thêm một số vấn đề lí thuyết về quan niệm sáng tác và thể loại nhằm góp thêm hướng tiếp cận toàn diện và hệ thống TTLS hiện nay.
1.3. Công trình nghiên cứu của chúng tôi còn có ý nghĩa thiết thực trong việc giảng dạy tích hợp môn Ngữ văn và Lịch sử trong Nhà trường. Kết quả nghiên cứu của công trình sẽ cung cấp thêm các tri thức lý luận và thực tiễn sáng tác đáp ứng nhu cầu mở rộng nhận thức của học sinh trong nhà trường phổ thông. Nghiên cứu TTLS của Lan Khai góp phần làm cho bức tranh văn học sử Việt Nam toàn diện hơn, giúp học sinh nhận thức lịch sử sâu sắc hơn, khơi dậy những cảm xúc thẩm mĩ cho các em về truyền thống vẻ vang của dân tộc.
Xuất phát từ nhu cầu cấp thiết trong nghiên cứu và học tập hiện nay cũng như góp phần tổng kết các thành tựu tiêu biểu của văn học Việt Nam thế kỷ XX, chúng tôi chọn đề tài Tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai nhằm làm sáng tỏ những vấn đề lí luận và thực tiễn sáng tác cũng như những đóng góp của Lan Khai trong hành trình đổi mới thể loại và hiện đại hóa nền văn học nước nhà giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX.
2. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Để thực hiện đề tài này, chúng tôi tập trung khảo sát 20 TTLS tiêu biểu của Lan Khai đã xuất bản và tái bản từ trước năm 1945 đến nay, bao gồm: Gái thời loạn, Chiếc ngai vàng, Cái hột mận, Ai lên phố Cát, Chế Bồng Nga, Bóng cờ trắng trong sương mù, Cánh buồm thoát tục, Đỉnh non Thần, Người thù của mặt trời, Gửi cái xuân tàn, Treo bức chiến bào, Chàng áo xanh, Tình ngoài muôn dặm, Trăng nước Hồ Tây, Trong cơn binh lửa, Thành bại với anh hùng, Rỡn sóng Bạch Đằng, Ái tình và sự nghiệp, Chàng đi theo nước, Chàng kỵ sỹ ở cả hai bình diện nội dung và hình thức. Trên cơ sở đó, chúng tôi đưa ra những kiến giải về sự vận động của TTLS của Lan Khai trong quá trình sáng tác của ông và trong sự vận động của nền văn học hiện đại Việt Nam.
2.2. Phạm vi nghiên cứu
Công trình của chúng tôi tập trung đi sâu khảo sát 20 TTLS của Lan Khai (đã nêu trong Đối tượng nghiên cứu), khi cần thiết chúng tôi có sự đối sánh với một số TTLS tiêu biểu khác. Đồng thời chúng tôi cũng quan tâm đến một số truyện ngắn, kí về thể tài lịch sử của ông như: Sóng nước lô Giang, Mũi tên dẹp loạn, 8023; kết hợp liên hệ với một số TTLS Việt Nam tiêu biểu và TTLS nước ngoài để nhìn nhận vấn đề nghiên cứu toàn diện hơn.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu:
Công trình nghiên cứu của chúng tôi nhằm làm sáng tỏ ý thức nghệ thuật và thành quả đổi mới trong TTLS, những đóng góp quan trọng của Lan Khai đối với sự phát triển của TTLS Việt Nam hiện đại trong trào lưu cách tân văn học 1930 - 1945. Dựa trên lí thuyết về thể loại và thực tiễn sáng tác, chúng tôi chỉ ra quan niệm nghệ thuật, vốn văn hóa, cá tính sáng tạo của nhà văn, các nguồn ảnh hưởng, phương thức cách tân, các hình thức kết cấu tác phẩm, các nhân tố tạo nên thành tựu nghệ thuật mới của Lan Khai, từ đó rút ra nhận định về lí luận và sáng tác.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Công trình nghiên cứu của chúng tôi nhằm làm sáng tỏ những bình diện cơ bản sau:
Khái quát một số công trình nghiên cứu tiêu biểu về TTLS trên thế giới và ở Việt Nam để liên hệ tới những sáng tác của Lan Khai. Tổng hợp lại những kết quả nghiên cứu tiêu biểu về nhà văn Lan Khai và TTLS của ông. Trên cơ sở đó, chúng tôi khảo sát quan niệm nghệ thuật và quá trình sáng tác TTLS của Lan Khai trong nền văn học Việt Nam thời kì đầu thế kỉ XX.
Từ cơ sở lí luận, chúng tôi đi sâu phân tích, lý giải một số đặc trưng TTLS của Lan Khai ở các bình diện cảm hứng sáng tác, các sự kiện lịch sử và thế giới nhân vật để làm nổi rõ quan niệm nghệ thuật của nhà văn và những nhân tố chi phối những sáng tác của ông.
Khảo sát và chỉ ra một số phương thức và phương tiện biểu hiện nghệ thuật trong TTLS của Lan Khai ở các bình diện như: nghệ thuật hư cấu, tổ chức kết cấu, việc lựa chọn cốt truyện và sự kiện; kiến tạo chân dung nhân vật, vấn đề không gian và thời gian, nghệ thuật trần thuật; ngôn ngữ và giọng điệu trong TTLS của nhà văn. Trên cơ sở đó, chúng tôi chỉ ra những thành quả đổi mới về thể loại và những đóng góp của Lan Khai cho sự phát triển rực rỡ của TTLS Việt Nam đương đại cũng như những thành công và những hạn chế trong TTLS của ông.
4. Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu
4.1. Cơ sở lý thuyết
Trong điều kiện tồn tại nhiều hệ hình lý thuyết văn học đa dạng và phong phú hiện nay, chúng tôi chủ trương lấy học thuyết duy vật lịch sử và duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác Lê - nin làm nền tảng, đồng thời kết hợp với những tri thức của lí thuyết phương Tây hiện đại để làm sáng tỏ những giá trị nghệ thuật trong TTLS của Lan Khai. Trong đó, chúng tôi chú ý tới đặc trưng của thể loại TTLS, ý thức cách tân nghệ thuật của nhà văn, kết cấu cốt truyện, nhân vật, ngôn ngữ, tính chất giao thoa thể loại, vấn đề không gian, thời gian v.v... Đồng thời chúng tôi cũng liên hệ với những vấn đề lí luận của các trường phái văn học phương Tây như Trường phái văn hóa lịch sử, Phân tâm học, Chủ nghĩa Siêu thực, Lí thuyết tự sự học, Kí hiệu học... đã ảnh hưởng ít nhiều tới sáng tác của nhà văn, cho thấy sự kế thừa và sáng tạo, đổi mới cách nhìn lịch sử của tác giả trong sự vận động của thể loại; những đột phá của Lan Khai trong việc lựa chọn đề tài, chủ đề, khắc họa nhân vật v.v tạo dấu ấn riêng vừa mang tính dân tộc vừa mang tính hiện đại.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài Tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai, chúng tôi chủ trương phối hợp đồng thời các phương pháp nghiên cứu sau:
4.2.1. Phương pháp duy vật lịch sử và duy vật biện chứng: Chúng tôi sẽ đặt các TTLS của Lan Khai vào hoàn cảnh sáng tác cụ thể trong giai đoạn 1930 - 1945 để khảo sát, đồng thời có liên hệ tới các giai đoạn trước và sau đó, nhằm lí giải những nguyên nhân và kết quả sáng tạo của ông. Đây là phương pháp nghiên cứu chủ đạo nhằm khảo sát toàn diện cả về nội dung và hình thức nghệ thuật TTLS của Lan Khai.
4.2.2. Phương pháp hệ thống: Chúng tôi sẽ tập hợp các TTLS của Lan Khai thành hệ thống và khảo sát để thấy được quan niệm nghệ thuật, sở trường khám phá lịch sử và những sáng tạo riêng, thể hiện tính tiên phong về nghệ thuật tiểu thuyết của ông.
4.2.3. Phương pháp so sánh: Trong quá trình khảo sát, khi cần thiết chúng tôi có liên hệ, đối chiếu TTLS của Lan Khai với một số TTLS tiêu biểu thời kì trung đại và của các nhà văn cùng thời, với TTLS đương đại và nước ngoài để thấy rõ những điểm mới, những sáng tạo độc đáo của nhà văn ở thể tài này.
4.2.4. Phương pháp phân loại: Chúng tôi sẽ phân loại các kiểu dạng nhân vật, sự kiện, kết cấu tác phẩm cho thấy các góc nhìn khác nhau về lịch sử trong tác phẩm của Lan Khai.
4.2.5. Phương pháp liên ngành: Chúng tôi tiến hành phân tích mối tương đồng và khác biệt giữa lịch sử với văn học trong một nền văn hóa nhằm chỉ ra tính đặc thù thẩm mĩ của văn chương và hiện thực trong quá khứ.
4.2.6. Phương pháp loại hình: Chúng tôi đặt các TTLS của Lan Khai trong cùng hệ thống nhằm xác định những đặc trưng về kiểu dạng kết cấu và chức năng với cái nhìn bao quát về mô hình sáng tạo dựa trên các phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật.
Ngoài những phương pháp trên, luận án của chúng tôi còn sử dụng linh hoạt một số phương pháp tiếp cận khác như: Văn hóa học, Nữ quyền luận, Chủ nghĩa tân lịch sử, Lí thuyết liên văn bản để hoàn thiện mục tiêu nghiên cứu. Đồng thời chúng tôi sẽ chú trọng sử dụng các thao tác phân tích tác phẩm để đi sâu khám phá tư tưởng và bút pháp nghệ thuật của nhà văn, vừa soi sáng lí thuyết thể loại vừa khẳng định tinh thần đổi mới mạnh mẽ của Lan Khai ở thể tài này.
5. Đóng góp mới của luận án
Đây là công trình nghiên cứu đầu tiên có tính quy mô và hệ thống về TTLS của Lan Khai trên các phương diện quan niệm sáng tác, cảm hứng, sự kiện, nhân vật; đồng thời làm sáng tỏ những đổi mới trong sáng tạo mang tính đột phá của ông về các phương thức và biện pháp nghệ thuật, về tạo dựng cốt truyện, miêu tả nhân vật, sử dụng ngôn ngữ và kết cấu thời gian, không gian nghệ thuật. Chúng tôi chỉ ra con đường sáng tạo riêng của Lan Khai, những dấu ấn độc đáo và những cống hiến của ông trong công cuộc cách tân văn học giai đoạn 1930 - 1945 ở mảng sáng tác này.
Luận án đã làm nổi bật tư tưởng và các phương thức sáng tạo nghệ thuật mới của Lan Khai đã vượt thoát lối mòn truyền thống, tạo nên những phẩm chất mới cho nền văn học dân tộc và có ảnh hưởng nhất định tới TTLS Việt Nam đương đại. Từ đó, làm rõ hơn các vấn đề lý thuyết từ cách tiếp cận, lựa chọn sự kiện lịch sử; vấn đề hư cấu khi phản ánh lịch sử; quan niệm về nhân vật lịch sử trong thời đại mới cũng như những đổi mới về thi pháp nghệ thuật trong TTLS của Lan Khai.
6. Cấu trúc luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, Phụ lục, nội dung của luận án bao gồm 4 chương như sau:
Chương 1.
Tổng quan tình hình nghiên cứu
Chương 2.
Từ quan niệm nghệ thuật đến quá trình sáng tác trong tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai
Chương 3.
Từ hiện thực lịch sử đến bức tranh nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai
Chương 4.
Các phương thức và biện pháp biểu hiện nghệ thuật trong
tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu tiểu thuyết lịch sử
1.1.1. Khái niệm về tiểu thuyết lịch sử
Tiểu thuyết lịch sử viết về các sự kiện và nhân vật của thời kì quá khứ nhưng không đồng nhất với cách viết của nhà sử học. Nếu các sử gia mô tả lịch sử một cách khách quan bằng ngòi bút biên niên sử thì nhà văn gửi gắm cái nhìn chủ quan và cảm xúc của mình trước hiện thực lịch sử. Người nghệ sĩ nhạy cảm với những chuyển biến lịch sử, nên quá khứ lịch sử được tái tạo sống động “thêm da thêm thịt” bởi tính uyển chuyển của nghệ thuật văn chương. Là kết quả giao thoa giữa văn học và sử học, TTLS thể hiện sự hấp dẫn, độc đáo trong việc nhận thức, phản ánh hiện thực và khao khát khám phá, lí giải lịch sử của mọi người.
TTLS Việt Nam hình thành và phát triển từ thời kì trung đại và không ngừng lớn mạnh từ đầu thế kỉ XX cho đến nay. Suốt thời kì văn học trung đại, thể tài này có mầm mống từ loại hình văn xuôi và mô hình tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa, chủ yếu sáng tác theo nguyên tắc mô phỏng lịch sử với hình thức chương hồi. Đến giai đoạn đầu thế kỉ XX mặc dù vẫn bị chi phối bởi quan niệm văn - sử - triết bất phân nhưng TTLS Việt Nam đã có nhiều khởi sắc và có giá trị nhiều hơn về văn hóa nghệ thuật. Càng về sau các tác giả càng tăng thêm yếu tố hư cấu, tưởng tượng khiến thể loại này có sự chuyển mình mạnh mẽ thích ứng với nhu cầu tiếp nhận mới của người đọc. Do vậy, lịch sử từ chỗ là những chứng tích trong quá khứ đã trở thành nhân tố cho sự thăng hoa cảm xúc sáng tạo của người nghệ sĩ. Đến thời kì đổi mới, đặc biệt là trong những năm gần đây, TTLS phát triển rực rỡ đã tạo nên cuộc tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn văn học. Như vậy, loại hình nghệ thuật độc đáo này đã phát triển qua một chặng đường dài và càng ngày càng chứng tỏ sức hấp dẫn đặc biệt của nó, đáp ứng nhu cầu khám phá lịch sử của con người đương đại. Đáng chú ý, trong những năm gần đây sự biến đổi của tình hình văn hóa và thực tiễn sáng tác cùng với sự xuất hiện các hệ thống lí thuyết mới ở phương Tây như chủ nghĩa nữ quyền, chủ nghĩa tân lịch sử, chủ nghĩa hậu thực dân, chủ nghĩa hậu hiện đại thì không khí tranh luận về thể tài này càng trở nên sôi nổi với nhiều ý kiến khác nhau. Song song với sự ra đời các tác phẩm mới thì cũng xuất hiện các quan niệm mới về TTLS.
Trong cuốn Từ điển thuật ngữ văn học (1992) của nhóm tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử có nhận định: “TTLS là các tác phẩm viết về đề tài lịch sử, chứa đựng các nhân vật và chi tiết hư cấu, tuy nhiên nhân vật chính và các sự kiện chính thì được sáng tạo trên các sử liệu xác thực trong lịch sử, tôn trọng lời ăn tiếng nói, trang phục, phong tục tập quán phù hợp với giai đoạn lịch sử ấy. Tác phẩm lịch sử thường mượn chuyện đời xưa để nói chuyện đời nay, hấp thu những bài học trong quá khứ, bày tỏ sự đồng cảm đối với con người và thời đại đã một đi không trở lại. Song không vì thế mà hiện đại hóa người xưa, phá vỡ tính chân thực lịch sử của thể loại này” [40; tr. 352]. Qua đó, các tác giả đã chỉ ra sự khác biệt cơ bản về đề tài và cách thức phản ánh lịch sử của thể tài này so với các hình thức nghệ thuật khác và thừa nhận sự kết hợp giữa lịch sử và hư cấu là đặc tính tất yếu tạo nên sức sống vượt thời gian của TTLS.
Trong cuốn 150 thuật ngữ văn học (1999) của tác giả Lại Nguyên Ân có nêu ý kiến: “TTLS là tác phẩm tự sự hư cấu, lấy đề tài lịch sử làm nội dung chính, lịch sử trong ý nghĩa khái quát là quá trình phát triển tự nhiên của xã hội. Các Khoa học Xã hội đều nghiên cứu quá khứ loài người trong tính cụ thể và đa dạng của nó. Tuy vậy, những tiêu điểm chú ý của các sử gia cũng như các nhà văn khi quan tâm đến đề tài lịch sử thường là sự hình thành, hưng thịnh, diệt vong của các quốc gia, dân tộc, những biến cố lớn lao trong đời sống xã hội của cộng đồng, quốc gia, trong các mối quan hệ của quốc gia như chiến tranh, cách mạng, cuộc sống... và sự nghiệp của các nhân vật có ảnh hưởng đến tiến trình lịch sử” [5; tr. 262]. Theo đó, các tác giả cũng thừa nhận hư cấu là yếu tố tiên quyết của hoạt động sáng tạo nhưng vẫn nhấn mạnh nội dung trọng tâm là phản ánh các sự kiện, biến cố trọng đại hoặc các nhân vật có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của lịch sử.
Bên cạnh đó, bản thân những người sáng tác TTLS cũng bày tỏ những quan điểm khác nhau. Trong bài viết Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Tiểu thuyết lịch sử là sự giải mã lịch sử của tác giả Cao Minh, trên báo Báo Sài Gòn giải phóng.org.vn có nêu ý kiến của nhà văn Hoàng Quốc Hải: “Lịch sử không bày, đặt sẵn mà lịch sử chỉ giữ lại cho ta những tín hiệu, chẳng khác những mật mã. Công việc của nhà văn chính là giải mã lịch sử. Chìa khóa để giải mã chính là sự trung thực của nhà văn và những thẩm thấu văn hóa mà nhà văn tiếp nhận được. Tiểu thuyết nói chung, kể cả TTLS đều phải lấy hư cấu làm phương tiện nghệ thuật và TTLS cũng không có ngoại lệ. Cũng không có nghĩa là sự bịa tạc, mà là sự tìm tòi đi đến chân thực. Sự thật lịch sử trong TTLS đáng tin cậy hơn vì nó được giải mã, nó có cuộc sống” [105]. Như vậy, tác giả Hoàng Quốc Hải cũng coi hư cấu là một thuộc tính nổi bật của thể tài này nhưng phải trong chừng mực nhất định, không được xuyên tạc lịch sử. Trong cách luận giải này, tác giả vẫn đặt ra yêu cầu đối với người sáng tác là phải tôn trọng chân lí lịch sử.
Tác giả Nguyễn Văn Dân trong bài viết Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại, một số xu hướng chủ yếu ( đã trích dẫn ý kiến của nhà TTLS Thái Vũ: “Khi tôi nói tôi viết TTLS sự thật là tôi không viết tiểu thuyết mà tôi viết lịch sử, trước hết phải trung thực với mọi chi tiết lịch sử” [21]. Như vậy, theo Thái Vũ thì trung thực với lịch sử là nguyên tắc sáng tác và mục tiêu cần hướng tới của nhà văn.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh trong bài viết Vài suy nghĩ về tiểu thuyết lịch sử đã luận giải: “Những TTLS của chúng ta ngày nay đều chịu ảnh hưởng của phương Tây, tức là viết dưới quan niệm của Aristote. Nghĩa là có sự phân biệt rõ ràng giữa nhà chép sử và nhà TTLS. Ðã là tiểu thuyết thì phải hư cấu, dù đó là TTLS, hư cấu là đặc trưng của tiểu thuyết. Hư cấu là đặc quyền của nhà văn” [79]. Ông cũng chỉ rõ: “TTLS không phải là sự kể lại lịch sử, minh họa lại lịch sử mà là phản ánh những vấn đề của con người trong biến cố lịch sử. Người viết không hẳn đã dựng lại được lịch sử ngày xưa, điều cốt yếu là thuyết phục người đọc” [79]. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh coi tính hư cấu là một “đặc quyền” của người sáng tác và vì thế tác phẩm không bị lệ thuộc vào sự độc quyền của tư duy lịch sử.
Trong bài viết Tác giả Trường An: Lịch sử ghi chép rất lạnh lùng của Thu Hiền có nêu ý kiến của cây bút trẻ Trường An: “Lịch sử chỉ ghi chép số liệu một cách khô khan, nhiệm vụ của người viết TTLS là phải thêm da thêm thịt cho nhân vật” [50]. Theo đó, TTLS đi liền với hoạt động hư cấu, sáng tạo để làm sống dậy các sự kiện và nhân vật lịch sử.
Như vậy, tất cả các lập luận trên cho dù chưa hoàn toàn thống nhất nhưng đều dựa trên thực tiễn sáng tác và tính đặc thù của thể loại. Xuất phát từ thực tiễn nghiên cứu, chúng tôi xin đưa ra cách hiểu như sau: TTLS là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa những đặc trưng cơ bản của tiểu thuyết với những tài liệu của sử học trên cơ sở lấy lịch sử làm đề tài và tôn trọng sự kiện, nhân vật lịch sử. Tác phẩm đưa ra những kiến giải sâu sắc về lịch sử, về cuộc sống bù lấp vào những khoảng trống của sử học. Trong TTLS, hư cấu nhằm phản ánh lịch sử ở cả bề rộng, bề sâu và làm sống động bức tranh lịch sử, tăng tính chân thực nghệ thuật trong tiểu thuyết.
1.1.2. Một số công trình nghiên cứu về tiểu thuyết lịch sử trên thế giới
TTLS là cầu nối gắn văn học với hiện thực đời sống đã có trong sự vận động xã hội của nhân loại. Vì vậy, các sáng tác về đề tài lịch sử nói chung và TTLS nói riêng đã, đang và sẽ có chỗ đứng quan trọng trong văn học và thực tiễn đời sống của con người. Trải qua các thời kì lịch sử, cách văn học phản ánh lịch sử cũng có nhiều thay đổi. Khi “Chủ nghĩa tân lịch sử”, “Chủ nghĩa hậu hiện đại” ra đời thì hầu như các thể loại văn học đều có những đổi thay. Trong phạm vi lý thuyết các nhà nghiên cứu chú ý hơn đến các thể tài tự sự khác, còn những biến đổi của TTLS vẫn chưa được quan tâm toàn diện và sâu sắc. Chúng tôi xin được trích lược những ý kiến tiêu biểu của một số nhà nghiên cứu lý luận phê bình và nhà văn nước ngoài như sau:
Tiểu thuyết lịch sử (1937) của G. Lukacs (Hungari) là công trình nghiên cứu chuyên sâu về TTLS. Trong chuyên luận này, G. Lukacs cho rằng “thể tài này ra đời vào đầu thế kỷ XIX (khoảng thời gian Napoléon sụp đổ và chủ nghĩa tư bản ra đời với tư cách là một cấu trúc kinh tế), đánh dấu bởi tác phẩm Waverley của tiểu thuyết gia người Scotland Walter Scott (1771 - 1832), góp phần khẳng định cảm thức lịch sử như một tiến trình”. Ông kỳ vọng: TTLS phải tái trải nghiệm (re-experience) tâm lý và đạo đức của con người quá khứ như một giai đoạn phát triển của nhân loại, có liên quan đến con người đương đại. G. Lukacs cũng nhấn mạnh vai trò của “sự sai lệch thời gian cần thiết” (necessary anachronism) hay hư cấu trong TTLS. Hư cấu cho phép “các nhân vật diễn đạt tình cảm, tư tưởng về các quan hệ lịch sử có thực rõ nét hơn những con người của thời ấy đã từng trải nghiệm” nhưng phải luôn xác thực về mặt lịch sử, xã hội” (Dẫn theo Nguyễn Nam, Cái chết của tác giả (tiểu thuyết lịch sử)? Những vấn đề nhân đọc Hoàng Việt xuân thu, Nguồn: vanhoanghean.com.vn). G. Lukacs phát triển thêm: “Không chỉ tiểu thuyết nói chung, mà TTLS phải đạt tới chiều sâu của triết lí lịch sử. TTLS không chỉ bảo đảm việc miêu tả hoàn cảnh duy trì được không khí lịch sử, mà quan trọng hơn là miêu tả trung thực bằng nghệ thuật một thời kì lịch sử cụ thể” [24; tr. 299]. Từ đó, G. Lukacs lý giải: “Việc mô tả hiện thực của một thời kì lịch sử có thể thành công qua việc mô tả đời thường của nhân dân, nỗi đau và niềm vui sướng của những con người bình thường. Trong lĩnh vực xây dựng TTLS, tài năng bộc lộ qua việc phản ánh những nguyên nhân dẫn đến sự thật trong trái tim con người, những sự thật mà biến động của chúng đã bị giới sử học bỏ qua. Các nhân vật của TTLS phải sinh động hơn các nhân vật lịch sử, vì các nhân vật của TTLS được trao cho sự sống còn các cá nhân lịch sử thì đã sống” [24; tr. 62]. Đó là do nhà sử học chỉ quan tâm sự kiện hoặc nhân vật bao trùm lịch sử, nhưng chính nhà văn mới quan tâm tới con người cá nhân trong những cơn biến động lịch sử. Những luận điểm sắc bén của G. Lukacs có tính mở đường cho việc xác lập những đặc trưng tiêu biểu của loại hình nghệ thuật này dựa trên nguyên tắc sáng tác, mục đích nghệ thuật, khác với tiểu thuyết tâm lý, tiểu thuyết kỳ ảo, tiểu thuyết viễn tưởng...
Nhà lí luận Nga G. Lenobl trong công trình Lịch sử và văn học (1960) nêu ra ba tiêu chí của TTLS: “Một là nhân vật và sự kiện lịch sử. Hai là nguyên tắc hay chủ nghĩa lịch sử, tức là cho thấy sự xung đột các thời đại, sự quá độ các giá trị. Ba là nội dung của tiểu thuyết phải là hiện thực đã qua, mà tác giả và người đọc không phải là người đương thời của hiện thực đó. Người đọc luôn cảm thấy có một sự khác thời” (Dẫn theo Trần Đình Sử, Về tiểu thuyết lịch sử, nguồn: Như vậy, quan niệm nổi bật của G. Lenobl là coi tính xác thực của sự kiện và nhân vật phù hợp với sách sử là tiêu chí căn bản trong nguyên tắc sáng tác. Vi phạm điều này coi như thủ tiêu tính chất căn cốt của thể loại. Tuy nhiên ý kiến của ông còn khá “cứng nhắc” bởi trong thực tế sáng tác luôn có sự mở rộng và xê dịch cách nhìn về con người và sự kiện lịch sử, nếu không, tác phẩm khó tránh khỏi sự phỏng chép lịch sử một cách khiên cưỡng, vụng về và thiếu đi tính uyển chuyển của nghệ thuật văn chương.
Hai tác giả Drothy Brewster và John Angus Burrell trong cuốn sách Tiểu thuyết hiện đại (1971) cũng đã thể hiện quan niệm riêng về TTLS: “TTLS có thể thoát thai từ ao ước của một tác giả muốn đào thoát khỏi hiện tại, đồng thời thỏa mãn ước ao tương tự của độc giả. Nhưng TTLS còn có nhiều tác dụng nữa. Nó có thể soi sáng những thời kì quá khứ con người đã qua, với những mục đích rõ ràng là gạn lọc những tình... Lukacs, M. Kundera...; đồng thời ông viện dẫn những đặc trưng cơ bản của thể loại này vừa bám vào lịch sử nhưng vừa hư cấu nghệ thuật, không chỉ trong văn học Việt Nam mà cả trong văn học thế giới. Ông coi kĩ thuật tiểu thuyết là yếu tố quan trọng tạo nên sự độc đáo và sức sống của TTLS.
Tác giả Nguyễn Văn Dân, trong bài viết Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam đương đại một số xu hướng chủ yếu (2006) vừa khẳng định tính trung thực của TTLS, mặt khác ông cho rằng phải thừa nhận “sự pha trộn giữa sự thật và tính hư cấu khi tái hiện nhân vật lịch sử” [21]. Nghĩa là khi tiếp cận đề tài lịch sử, nhà văn không thể bất lực trước các nguyên mẫu lịch sử từ ngoại hình cho đến tính cách mà phải có “sự pha trộn” giữa yếu tố lịch sử và hư cấu để tạo cho nhân vật một đời sống thật. Để làm sáng tỏ quan điểm đó, tác giả Nguyễn Văn Dân trích dẫn khái niệm được nêu trong cuốn Từ điển bách khoa toàn thư (Encyclopedia Britannica, 1995):“TTLS là tiểu thuyết lấy một giai đoạn lịch sử làm khung cảnh và mong muốn truyền bá cái tinh thần, kiểu cách, và các điều kiện xã hội của một thời kỳ quá khứ với những chi tiết hiện thực và trung thành với sự thật lịch sử (tuy nhiên trong một số trường hợp sự trung thành này chỉ là giả tạo). Công trình sáng tạo đó có thể đề cập đến những nhân vật lịch sử có thật... hoặc có thể bao hàm một sự pha trộn nhân vật lịch sử với nhân vật hư cấu” [21].
Công trình Bão táp triều Trần, tác phẩm và dư luận (2006, Nhiều tác giả) do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành đã tập hợp nhiều bài viết của các nhà văn, nhà nghiên cứu và các sử gia như nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Phùng Văn Khai, nhà văn Hoàng Công Khanh, Tiến sĩ Sử học Đinh Công Vỹ... về TTLS của Hoàng Quốc Hải. Tiêu biểu như ý kiến của nhà thơ Hữu Thỉnh: “Đây là một sự kiện quan trọng trong đời sống văn học. Tôi biết nhà văn Hoàng Quốc Hải có khi vắng nhà đến một năm liền để đi điền dã, tập hợp tư liệu và cho ra đời hai bộ tiểu thuyết vô cùng đồ sộ và có chất lượng” [122; tr. 34]. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh: “Tác giả đã chọn những sự kiện quan trọng nhất, chứa đựng tất cả các vấn đề văn hóa, lịch sử của đất nước với cách viết khúc chiết, không dàn trải” [122; tr. 42]. Tiến sĩ Sử học Đinh Công Vỹ khẳng định: “Hoàng Quốc Hải không viết theo lối thông sử mà cắt ngang, chọn những thời điểm gay cấn nhất để làm nền cho cốt truyện” [122; tr. 47] v.v... Những kết quả đánh giá đã khẳng định phong cách độc đáo của Hoàng Quốc Hải cũng như sự thành công của tác phẩm này trong việc tôn trọng tính khách quan, tái hiện chân thực bức tranh quá khứ để từ chân lí lịch sử thăng hoa thành sự thực nghệ thuật.
Có thể thấy sau khi những TTLS có dung lượng lớn ra mắt độc giả đã xuất hiện hàng loạt các cuộc hội thảo, các bài viết trên các tờ báo uy tín tranh luận về thể tài này. Không khí phê bình văn học diễn ra hết sức sôi nổi, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Bên cạnh các buổi tọa đàm, hội thảo được tổ chức quy mô, còn có các bài viết, bài nghiên cứu công phu của nhiều tác giả như: Trần Đình Sử, Nguyễn Văn Dân, Lại Nguyên Ân, Phan Cự Đệ, Trần Mạnh Tiến, Nguyễn Thị Tuyết Minh... với nhiều kiến giải sâu sắc.
Trong bài viết Tiểu thuyết lịch sử và người đầu tiên mở hướng cách tân (2011) (Tạp chí Nhà văn, số 1, tr. 78 - 84), tác giả Trần Mạnh Tiến đã điểm qua ý kiến của nhiều tác giả xoay quanh vấn đề nguyên mẫu lịch sử và việc hư cấu nghệ thuật. Theo Trần Mạnh tiến: Lan Khai là một trong những nhà văn tiên phong đổi mới về tiểu thuyết lịch sử. Trong các ý kiến tiêu biểu phải kể đến quan niệm của Vương Trí Nhàn: “Có muôn vàn cách thức của người viết văn làm cho trang sách của mình khác đi so với quá khứ, và ở đây không ai có quyền tuyên bố mình có trong tay cái chìa khóa duy nhất” (Đề tài lịch sử cảm hứng sáng tạo từ sự suy ngẫm về hai cuốn tiểu thuyết Chốn xưa và Ngân thành cố của nhà văn Trung Quốc Lý Nhuệ, Báo Văn Nghệ, số 16, ngày 21 tháng 4 năm 2007). Theo Vương Trí Nhàn thì nhà văn phải là chủ thể sáng tạo chân dung lịch sử. Việc nhận thức lại lịch sử của nhà tiểu thuyết là điều tất yếu khi quá khứ đã khép lại, kể cả độ tin cậy từ các tài liệu sử học còn hạn chế, hoặc sự chi phối của các thể chế chính trị. Bài viết Về nhân vật lịch sử trong văn chương hiện đại (Báo Văn Nghệ, số 36, 6/9/2008), Phạm Quý Bính lại cho rằng: “Nhân vật lịch sử trong văn chương trước hết là một hình ảnh đây không phải là một hình ảnh bịa đặt tự do, vì nhân vật lịch sử bao giờ cũng có nguyên mẫu trong trí tưởng tượng của bạn đọc, dù các nguyên mẫu ấy đậm hay nhạt. Nếu nhà văn bất chấp cái nguyên mẫu đó, nhân vật có nguy cơ không được độc giả chấp nhận”. Trong bài viết Xin đừng nhầm lẫn giữa tiểu thuyết và lịch sử (Báo Văn nghệ, số 45, 8/1/2008) gửi nhà văn Cao Duy Thảo, tác giả Đình Kính nhấn mạnh: “Đừng biến các nhà văn thành các nhà báo, lẽo đẽo chạy theo các sự kiện như kiểu: đã viết về chiến tranh nhất thiết phải có “bóng dáng lính Mĩ và chư hầu” để đúng với lịch sử, “chưa thay đổi tư duy chúng ta chưa thể nâng cao tính chuyên nghiệp của văn chương”. Như vậy, cả hai tác giả trên đều coi lịch sử là yếu tố cốt lõi nhưng không vì thế mà đòi hỏi sự trùng khớp giữa tính chân thực nghệ thuật với lịch sử của sử học. Mặc dù còn tồn tại một số ý kiến chưa thống nhất nhưng các nhà nghiên cứu đều coi tác phẩm văn học là kết quả của hoạt động sáng tạo của nhà văn nên cần tránh các lối mòn, khuôn mẫu khi sáng tác. Đến bài viết Đề tài lịch sử không bao giờ xưa (Văn Nghệ trẻ số 44, 26/10/2008), tác giả Hà Ân quan niệm: “Nhân vật trong TTLS cho phép sai biệt với nhân vật trong chính sử: Có thể có những sai biệt cho phép. Như nhân vật trong chính sử có khi chỉ là một cái tên. Ví dụ: Thái hậu Dương Vân Nga hay công chúa An Tư hay các anh hùng, dũng sĩ”. Các bài viết trên được tác giả Trần Mạnh Tiến tán thành về sự linh hoạt, tinh tế của người cầm bút khi sáng tạo tiểu thuyết trên nền lịch sử.
Trong bài Bàn về tiểu thuyết lịch sử (2012), tác giả Hải Thanh cũng bày tỏ: “TTLS là sự sáng tạo, hư cấu trên cái nền đã ổn định của sự kiện lịch sử và nhân vật lịch sử. Nhà TTLS có thể tha hồ bay lượn trong không gian tưởng tượng sáng tạo nhưng phải nhằm mục đích làm sáng tỏ hơn lịch sử, đem đến những cảm hứng, làm giàu thêm vốn thẩm mỹ mới cho bạn đọc về lịch sử. Nghĩa là qua sáng tạo mới, nhà tiểu thuyết phải làm cho bạn đọc thêm hiểu, thêm yêu, thêm quý trọng nhân vật lịch sử, nếu đó là nhân vật tích cực, chính diện và ngược lại” [154; tr. 6]. Như vậy, quan điểm của Hải Thanh lại nghiêng về việc đề cao tính chân thực lịch sử trong TTLS. Cho dù nhà văn được quyền hư cấu, sáng tạo nhưng không được phép làm sai lệch chân dung nhân vật hoặc làm mất đi tính xác thực của sự kiện lịch sử.
Trên báo Văn hóa Nghệ An ngày 17/3/2012, tác giả Ngô Thời Tân có bài viết: “Tứ đại kì thư” của tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc: tên gọi - văn bản - tác giả đã lược thuật về thành tựu to lớn của bốn tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa (Tam quốc diễn nghĩa, Thủy Hử, Tây Du Ký, Kim Bình Mai). Tác giả đã điểm qua tình hình nghiên cứu ở Trung Hoa và ảnh hưởng của những kiệt tác này với nền văn học hiện đại Trung Hoa, trong đó có đề cập tới tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa thể hiện mối liên hệ khăng khít giữa lịch sử và văn học. Công trình này gợi cho chúng tôi nhiều ý kiến quý báu trong việc tiếp cận, khám phá TTLS.
Sau các TTLS Hồ Quý Ly (2000), Mẫu thượng ngàn (2008) của Nguyễn Xuân Khánh ra mắt bạn đọc đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình. Ngày 15/10/2012 Viện Văn học tổ chức Hội thảo đánh giá thành công cũng như hạn chế trong TTLS của Nguyễn Xuân Khánh và của văn học Việt Nam những năm gần đây. Trong đó có rất nhiều bài viết đáng chú ý như: Một cách luận giải lịch sử dân tộc của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nhân đọc tiểu thuyết Hồ Quý Ly của Đỗ Ngọc Yên, Mẫu thượng ngàn - con đường tìm về cội nguồn văn hóa và sức sống dân tộc của Nguyễn Văn Long, Nguyễn Xuân Khánh và sự va chạm với cái vảy ngược trên ngực của những con rồng của Phan Tuấn Anh, Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh, sự đan bện giữa lịch sử và văn hóa - phong tục của Nguyễn Hoài Nam Các tham luận trong buổi Hội thảo được tập hợp trong công trình Lịch sử và văn hóa, cái nhìn nghệ thuật Nguyễn Xuân Khánh (2012) của Nguyễn Đăng Điệp (Chủ biên) góp phần làm sống động bức tranh thể loại và gợi mở nhiều giá trị nhân sinh khác của đời sống văn hóa dân tộc mà nhà văn cần sáng tạo. Tiêu biểu là ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp (tiểu luận Đề dẫn Hội thảo) đã nêu ra nhiều luận điểm sắc bén về TTLS: “Khác với truyền thống coi lịch sử là đại lịch sử (đã xong xuôi), lý thuyết hiện đại, hậu hiện đại khẳng định lịch sử là quá trình chưa hoàn tất mà đang được cấu tạo lại với sự xuất hiện của các tiểu lịch sử. Do đó, lịch sử được hình dung như những mảnh vỡ Có người khẳng định, nhà văn có quyền tưởng tượng đến vô hạn và tác phẩm của họ thực chất là cách cấu tạo lịch sử theo quan điểm cá nhân. Tại đó, có một thứ lịch sử khác (ngoại vi) so với lịch sử được thừa nhận (trung tâm), và lịch sử, khi đi vào lãnh địa tiểu thuyết, phải được tổ chức trên cơ sở hư cấu vốn là một đặc trưng của nghệ thuật” [29; tr. 8].
Cuối năm 2012, Hội đồng Lí luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đã tổ chức buổi Hội thảo khoa học Sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử. Trong báo cáo Đề dẫn Hội thảo, Phan Trọng Thưởng đề cập đến những nguyên tắc sáng tạo nghệ thuật về đề tài lịch sử. Mặc dù bàn về kịch lịch sử nhưng những kiến giải của tác giả có ý nghĩa thiết thực trong việc nghiên cứu TTLS. Các tham luận khác vừa đưa ra nhiều vấn đề lí luận cơ bản vừa đặt mục tiêu giải quyết những vấn đề có tính thời sự từ thực tiễn sáng tác về đề tài lịch sử. Hội thảo tập trung vào một số nội dung quan trọng như điều kiện, môi trường sáng tác, vai trò trách nhiệm của người nghệ sĩ, động cơ sáng tác, mối quan hệ giữa hư cấu và sự thật lịch sử... Tại cuộc Hội thảo, các nhà văn, các nhà nghiên cứu đã tranh luận, đối thoại sôi nổi để đi tới sự đồng thuận. Mặc dù vẫn còn những vấn đề chưa thống nhất nhưng đa số các ý kiến đều cho rằng TTLS phải sáng tạo trên nền lịch sử.
Chuyên luận Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1945 (2012) của Nguyễn Thị Tuyết Minh là công trình nghiên cứu công phu, hệ thống, bao quát sự vận động và phát triển của TTLS qua hai giai đoạn: 1945 - 1975 và từ sau 1975 đến nay. Đóng góp của công trình này là tác giả đã khảo sát kĩ lưỡng tư duy tự sự lịch sử và các phương thức nghệ thuật tự sự trong TTLS Việt Nam sau 1945; đặt TTLS trong sự vận động, đổi mới của nền văn học. Trên cơ sở đó, tác giả đã chia thành hai khuynh hướng “lịch sử hóa tiểu thuyết” và “tiểu thuyết hóa lịch sử” và phân loại hai dạng cảm thức lịch sử: “Lịch sử như một đối tượng được chiêm bái và ngưỡng vọng” và “Lịch sử như một đối tượng phân tích và giả định” [106; tr. 35].
Tiếp đến trong bài viết Suy nghĩ mới về tiểu thuyết lịch sử (2013), tác giả Trần Đình Sử nêu ý kiến: “Nhu cầu sáng tác chính là nhu cầu đối thoại, phản biện lại với lịch sử, nhu cầu khôi phục những sự thật đã khuất lấp, những góc nhìn mới nhưng không thể đòi hỏi hoàn nguyên lịch sử, một việc mà bản thân sử học quan niệm về lịch sử. Từ chủ nghĩa cấu trúc đến hậu cấu trúc, từ hậu cấu trúc đến chủ nghĩa tân lịch sử, người ta nhận rõ lịch sử chỉ là sự trần thuật về lịch sử, tạo nên sự hoài nghi đối với tính chân thực của văn bản lịch sử” [134]. Theo đó việc yêu cầu TTLS phải phản ánh trung thực lịch sử là không hợp lí, bản thân sử học cũng chỉ là một loại diễn ngôn, một sự trần thuật chủ quan về lịch sử. Như vậy, tác giả bài viết đề cao vai trò của hư cấu trong sáng tác. Đây là ý kiến cần tiếp tục nghiên cứu cho thấu đáo hơn bởi thực tế lịch sử là những sự kiện gắn với nhân vật xác định, việc nhận thức về lịch sử còn tùy thuộc ở các nhà văn. Nhà văn có thể dùng cái nhìn chủ quan để miêu tả, nhận thức lịch sử, nhưng không thể thay thế sự kiện và nhân vật lịch sử bằng thiên kiến cá nhân. Khi con người và sự kiện đã thành lịch sử được cộng đồng thừa nhận thì đó là căn cứ để nhận thức về quá khứ và đó là tài liệu cho các nhà TTLS sau này sáng tạo.
Tại Hội thảo Đổi mới tư duy tiểu thuyết lần 2 của Hội Nhà văn tại Hà Nội ngày 28 tháng 2 năm 2018 (đăng trên baovannghe.com.vn ngày 2/3/2018) đã trích đưa những ý kiến tiêu biểu của các nhà văn về TTLS. Trong bản tham luận nhan đề Với tiểu thuyết lịch sử, nhà văn Vũ Xuân Tửu nhấn mạnh: “Với TTLS, không phải mọi sự thật đều được viết ra, và cũng không phải mọi điều viết ra đều là sự thật. Tuy nhiên, dù ngòi bút có thăng hoa đến mức nào đi nữa, thì cũng không được viết sai lệch bản chất lịch sử. Sự thật lịch sử không chỉ nằm trong sách giáo khoa mà tồn tại khách quan trong xã hội, có khi ẩn hiện đâu đó, khiến người cầm bút phải tìm tòi, suy ngẫm”. Còn nhà văn Nguyễn Thế Quang khẳng định: “Đổi mới tư duy tiểu thuyết là yêu cầu hàng đầu, tất yếu của TTLS. Nhà khoa học tìm hiểu lịch sử qua chứng cứ cụ thể, còn nhà văn khám phá bề sâu phong phú vô cùng phức tạp của tâm hồn con người. Viết TTLS không phải chỉ quay lại tìm vẻ đẹp của người xưa với tinh thần hoài cổ mà cái chính là để đối thoại với hiện tại, chia sẻ cùng bạn đọc, hướng tới sự tiến bộ”. Nhà văn Trần Thanh Cảnh thì cho rằng: “Việc hư cấu trong TTLS là không giới hạn, nó hoàn toàn tùy thuộc vào trí tưởng tượng của nhà văn. Tuy nhiên việc sáng tạo đến đâu, như thế nào tùy thuộc vào vị trí, góc nhìn, phông văn hóa của nhà văn”. Cũng tại buổi Hội thảo, nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh - từng là nhân chứng trực tiếp trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đại thắng mùa xuân 1975, tác giả của các kí sự lịch sử nổi tiếng, đã trình bày bài tham luận nhan đề Về một cách nhìn lịch sử trong tiểu thuyết đương đại. Với bài viết này, ông nêu nhiều ý kiến sắc sảo, đúng đắn về cách nhìn lịch sử bằng tiểu thuyết: “Không ai được phép độc quyền về cách nhìn, cách phán xét cũng như cách thức xây dựng tác phẩm văn học từ các sự kiện lịch sử của dân tộc. Nhưng chỉ có điều bất kì góc độ nào, cách nhìn nào, người viết cũng phải tôn trọng sự thật lịch sử, góp phần làm bật lên sự thật và giá trị của các sự kiện và tình tiết quan trọng của lịch sử. Trong Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.1975, tôi đã sử dụng không gian 4 chiều để soi rọi làm rõ sự thật...”. Ông đưa ra 4 tiêu chí then chốt đối với người viết TTLS: “Thứ nhất - Phải tôn trọng sự thật khách quan của lịch sử: Lịch sử là tự nó viết ra, đó chính là sự thật. Điều cốt lõi của lịch sử chính là sự thật. Sự thật lịch sử không hề bị hoen gỉ bởi thời gian, nó thách thức những mưu toan xuyên tạc, bóp méo của con người. Sự thật rồi cuối cùng cũng trở về với sự thật. Nói như vậy không phải là hạ thấp khả năng tưởng tượng phong phú và giá trị sáng tạo của nhà văn. Chỉ có điều khả năng sáng tạo, hư cấu của nhà văn phải hướng tới việc khắc họa trung thực và nâng tầm lịch sử chứ không phải xuyên tạc, bóp méo, đổi trắng thay đen các sự kiện, các nhân vật của lịch sử nhằm phục vụ ý đồ riêng của mình. Thứ hai - Phải chinh phục niềm tin của người đọc: Những sự kiện, tình tiết, nhân vật thuộc về một phần của lịch sử mà nhà văn xây dựng trong tác phẩm của mình, trước hết phải là sự thật. Không thể đùa nghịch, bỡn cợt với lịch sử. Không thể lên mặt với lịch sử, tùy tiện sửa chữa, nhào nặn lịch sử theo ý đồ riêng của mình. Thứ ba - Viết về đề tài lịch sử đương đại phải rất khắt khe về sự thật. Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, những sự kiện, tình tiết trong tác phẩm phải có bằng chứng vững chắc mới có thể đứng vững được. Thứ tư - Yêu cầu về tính chân thật của các sự kiện lịch sử mà tác phẩm đề cập. Đó là những tài liệu nguyên bản, văn bản tin cậy đã được kiểm chứng”. Đó là những ý kiến xác đáng của Trần Mai Hạnh về TTLS rút ra từ thực tiễn sáng tác Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 đã vượt qua sự thử thách khắc nghiệt của dư luận và được thời gian sàng lọc. Bởi lẽ, nếu sự thật về các sự kiện lịch sử mà tác phẩm đề cập tới bị đổ vỡ thì đương nhiên giá trị văn chương cũng sẽ bị khai tử. Do vậy, cho dù là tác phẩm nghệ thuật nhưng không thể thoát li sự thực lịch sử mới có giá trị thuyết phục người đọc. Qua đó cho thấy TTLS đang được quan tâm nghiên cứu một cách thích đáng, phần nào đã đáp ứng được với thực tiễn sáng tác vô cùng phong phú của nó.
Có thể nói, chưa bao giờ TTLS được nghiên cứu theo nhiều hướng khác nhau như thi pháp học, tự sự học, phân tâm học, nữ quyền luận, các trường phái tân lịch sử, hậu thực dân, hậu hiện đại... như hiện nay. Mỗi đề tài, mỗi công trình nghiên cứu là một cách nhìn, cho thấy sự đa dạng, khác biệt cũng như sự đổi mới tư duy, những thành công và hạn chế của thể tài này trong đời sống văn học, thể hiện tư duy của nhà văn về lịch sử là không ngừng vận động. Trong những năm gần đây nhiều luận văn, luận án, tiểu luận nghiên cứu tại các trường Đại học, các cơ sở nghiên cứu cũng góp phần đa dạng hóa bức tranh tiếp nhận, đánh giá TTLS. Có thể thấy, càng ngày TTLS càng thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu cũng như khẳng định vị trí quan trọng của nó trong đời sống văn học. Với sự đa dạng của các hướng tiếp cận, tình hình nghiên cứu TTLS cũng có nhiều thay đổi và hầu như các nhà nghiên cứu đều thừa nhận hư cấu là thuộc tính tất yếu của thể loại này, nhưng phải dựa trên cái nền lịch sử. Các bài viết và các công trình nghiên cứu trên đã góp thêm những ý kiến quan trọng trong việc xác lập tính liên tục của quá trình nghiên cứu TTLS ở nước ta.
1.2. Sự khác nhau giữa TTLS thời kì trung đại và thời kì hiện đại
Sự khác nhau của TTLS trung đại và hiện đại trên những phương diện nội dung và hình thức cho thấy quá trình chuyển biến của TTLS Việt Nam từ tiểu thuyết truyền thống (chương hồi) sang tiểu thuyết hiện đại ở các mặt sau:
Về văn tự: Tất cả các TTLS trung đại như Hoan Châu ký của Nguyễn Cảnh Thị, Hoàng Việt Long hưng chí của Ngô Giáp Đậu và kí sự lịch sử Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia văn phái v.v đều viết bằng chữ Hán. Đến TTLS hiện đại chỉ còn tác phẩm Trùng Quang tâm sử của Phan Bội Châu viết bằng chữ Hán, còn lại đều được viết bằng chữ Quốc ngữ.
Về đề tài: Tiểu thuyết trung đại nhằm phục hiện diện mạo của một giai đoạn lịch sử hoặc làm nổi nhân vật, sự kiện lịch sử. Cụ thể như: Hoan Châu ký phản ánh quá trình trung hưng của nhà Lê sau khi họ Mạc tiếm ngôi, Nam Triều công nghiệp diễn chí mô tả lại 133 năm Trịnh Nguyễn phân tranh, Hoàng Lê nhất thống chí phản ánh sự suy thoái, sụp đổ của chế độ phong kiến Lê Trịnh và cuộc khởi nghĩa Tây Sơn Nguyễn Huệ thế kỷ XVIII, Hoàng Việt Long hưng chí dựng lại quá trình “phục hưng” nhà Nguyễn của Nguyễn Ánh v.v Còn TTLS hiện đại thì chỉ một số tác phẩm khai thác chủ đề này (Trùng Quang tâm sử của Phan Bội Châu, Gia Long tẩu quốc của Tân Dân Tử, Trần Nguyên chiến kỷ của Nguyễn Tử Siêu). Còn đa số các tác phẩm khác tập trung khai thác một sự kiện lịch sử đặc biệt của một triều đại để khám phá lịch sử đời tư của những con người có liên quan tới biến cố lịch sử đó như: Đêm hội Long Trì của Nguyễn Huy Tưởng khi miêu tả Đặng Thị Huệ, Tiếng sấm đêm đông của Nguyễn Tử Siêu khi miêu tả thế giới nội tâm của Đinh Tiên Hoàng hoặc nỗi tương tư của Lý Chiêu Hoàng trong Chiếc ngai vàng và nhiều tác phẩm khác của Lan Khai.
Về kết cấu: Tiểu thuyết trung đại được kết cấu theo kiểu chương hồi, chia làm nhiều tiết, nhiều hồi. Cụ thể: Hoan Châu ký có 16 tiết, Hoàng Việt Long hưng chí có 34 hồi, Việt Lam xuân thu có 64 hồi, Nam Triều công nghiệp diễn chí có 8 quyển (8 hồi). Riêng Hoàng Lê nhất thống chí là loại kí sự lịch sử có tính tiểu thuyết, bởi nó vừa mang tính kí sự vừa mang tính tiểu thuyết. TTLS hiện đại có sự kế thừa hình thức tiểu thuyết chương hồi nhưng các dấu vết của tiểu thuyết chương hồi rất mờ nhạt, càng về sau các nhà văn càng sử dụng lối kết cấu của tiểu thuyết hiện đại phương Tây với cốt truyện cơ động, lấy nhân vật và quá trình phát triển tính cách nhân vật làm nòng cốt. Về cơ bản TTLS giai đoạn đầu vẫn kết thúc có hậu như: Cái hột mận, Cánh buồm thoát tục của Lan Khai, Việt Thanh chiến sử của Nguyễn Tử Siêu, Vua Quang Trung của Phan Trần Chúc v.v. nhưng từ sau 1930 trở đi các tác phẩm có kết thúc tự nhiên hơn, hợp lí hơn, không khiên cưỡng.
Về nghệ thuật trần thuật: Loại hình này vừa kế thừa tiểu thuyết truyền thống vừa sáng tạo TTLS hiện đại. Người kể toàn tri dần dần được lồng ghép vào các ngôi kể khác tạo nên sự đa thanh, nhiều bè của TTLS hiện đại. Điều này có thể thấy rõ qua các TTLS của Nguyễn Tử Siêu, Lan Khai, Trương Tửu.
Về ngôn ngữ: Trùng Quang tâm sử của Phan Bội Châu được viết bằng lối văn cổ điển của TTLS thời kì trung đại với tần suất lớn các câu văn biền ngẫu, nhiều từ ngữ Hán Việt, lối chuyển hồi, chuyển đoạn: Có 121 từ “rằng”, 125 từ “mà”, 306 từ “là”, 305 từ “thì” trên tổng số 140 trang của tác phẩm. Tuy nhiên TTLS của Phan Bội Châu cũng đã có một số điểm bước sang địa hạt của TTLS hiện đại. Tiêu biểu là cách giới thiệu nhân vật qua một nhân vật khác hoặc các hồi được đặt tên cụ thể, ngắn gọn, tóm tắt nội dung của hồi đó như: Bỏ nhà cứu bạn, Lộ gan anh hùng, Tráng sĩ đăng đàn Còn TTLS hiện đại nhìn chung chỉ kế thừa TTLS trung đại ở một vài biểu hiện về từ ngữ cổ, một số yếu tố tượng trưng, ước lệ để gợi lại không khí lịch sử.
Qua sự so sánh trên có thể thấy được tính chất giao thời của TTLS hiện đại giai đoạn 1900-1945. Đây là giai đoạn văn học có tính bản lề và cũng là giai đoạn thể hiện sự đổi mới mạnh mẽ của các nhà TTLS góp phần vào công cuộc hiện đại hóa nền văn học. TTLS hiện đại trên cơ sở kế thừa và tiếp biến có chọn lọc những ảnh hưởng của quan điểm mỹ học phương Đông và phương Tây đã chứng minh được sức sống tiềm tàng, sự nhạy bén, cơ động của nó trên hành trình tự đổi mới và bắt kịp với sự phát triển của TTLS thế giới, cũng như thích ứng được với những đòi hỏi ngày càng khắt khe của độc giả. Đây cũng là cơ sở để đánh giá khách quan, khoa học TTLS của Lan Khai.
1.3. Tình hình nghiên cứu về Lan Khai và tiểu thuyết lịch sử của ông
1.3.1. Về nhà văn Lan Khai
Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Lan Khai đã để lại dấu ấn rõ nét trong nền văn học Việt Nam hiện đại giai đoạn nửa đầu thế kỉ XX. Nhưng do cái chết bí ẩn của ông (11/1945) nên gần 20 năm sau các cây bút ở hai miền Nam Bắc mới đề cập tới thân thế và văn nghiệp của Lan Khai nhưng trong số đó còn có những thông tin thiếu khách quan và không chính xác.
Trước 1945 đã có nhiều học giả nghiên cứu sự nghiệp sáng tác của Lan Khai, tiêu biểu như Trương Tửu, Hải Triều, Trần Huy Liệu, Vũ Ngọc Phan, Phạm Mạnh Phan Các tác giả đương thời đều đánh giá cao tài năng và sức sáng tạo dồi dào của cây bút Lan Khai, tiêu biểu là nhận định của tác giả Trương Tửu, Vũ Ngọc Phan về sở trường của Lan Khai ở đề tài lịch sử. Trên tờ báo Loa năm 1935, trong mục Văn học Việt Nam hiện đại, Trương Tửu gọi Lan Khai là: “Nhà nghệ sĩ của rừng rú”, “là đàn anh trong thế giới sơn lâm”, “là cây đa cổ thụ giữa cánh đồng bát ngát” [147; tr. 26].
Trong cuốn Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan mệnh danh Lan Khai là “lão tướng trong làng tiểu thuyết đang gắng tìm đường mới” [126; tr. 176]. Từ sau 1945 đến 1965 tên tuổi Lan Khai trên văn đàn hầu như vắng bóng. Từ 1965 - 1985 trên một số cuốn sách ở miền Bắc như Mấy vấn đề văn học hiện thực phê phán của Nguyễn Đức Đàn, Lược truyện về các nhà văn hiện đại (Tập 2, 1972, Trần Văn Giáp chủ biên) đã đưa một số thông tin sai lệch về ông.
Hồi kí nhan đề Truyện lầm than của chúng tôi (1989) của bà quả phụ Hà Thị Minh Kim đã ghi lại chân thực cuộc đời hoạt động cách mạng và sáng tác của Lan Khai gắn với những chuyển động của lịch sử đất nước (từ 1926 đến 1945). Đây là một tài liệu quý về chân dung một nhà văn yêu nước và tận hiến tài năng trí tuệ cho nghệ thuật: Năm 1936, ông được trao Giải nhất văn học của Hội Trí tri cho cuốn Tiếng gọi của rừng thẳm. Năm 1938, ông cho xuất bản cuốn Lầm than liền bị thực dân Pháp bắt giam. Bên cạnh thiên chức một nhà văn, Lan Khai còn là một nhà giáo và tham gia vào Hội Trí tri của nhà trí thức cách mạng Nguyễn Văn Tố. Ông thường xuyên tham gia diễn thuyết văn học cho các tổ chức văn hóa giáo dục đương thời. Năm 1943, Lan Khai gia nhập Hội văn hóa cứu quốc do Đảng cộng sản Đông Dương lãnh đạo làm nhiệm vụ tuyên truyền cho mặt trận Việt Minh và phát hành báo chí cách mạng. Năm 1944, ông cùng gia đình hồi hương từ Hà Nội về Tuyên Quang. Tháng 8 năm 1945, Lan Khai tham gia cướp chính quyền tại quê nhà và là vị Chủ tịch lâm thời đầu tiên của Khu Xuân Hòa thị xã Tuyên Quang; sau đó được điều vào Khu ATK làm nhiệm vụ dạy học và mất vào ngày 29/11/1945 tại bản Lũng Cò, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang “do một tên côn đồ ám sát” (Lời Thiếu tướng Hoàng Mai). Bên cạnh sự nghiệp cách mạng, Lan Khai là một cây bút tiêu biểu của giai đoạn văn học 1930 - 1945. Năm 1938, ông cùng với nhà văn Lê Văn Trương đã trở thành hai cây bút trụ cột của Nhà xuất bản Tân Dân. Năm 1939, ông làm Tổng thư kí Tạp chí Tao Đàn của nhà xuất bản Tân Dân, một nhà xuất bản lớn ở Việt Nam thời đó. Ông sớm được đông đảo bạn đọc đương thời biết đến bằng những cuốn tiểu thuyết tâm lí xã hội như Nước Hồ Gươm (1928), Cô Dung (1936), Lầm than (1938), những truyện đường rừng như Mũi tên độc (1932), Rừng khuya (1935), Tiếng gọi của rừng thẳm (1936), Suối Đàn (1941) và tuyển truyện ngắn Truyện đường rừng (1940). Đặc biệt ông để lại 26 cuốn TTLS và trên 30 tác phẩm kí, các công trình dịch thuật và sưu tầm văn học dân gian miền núi cùng nhiều tranh kí họa. Cho đến nay Lan Khai là cây bút có số lượng TTLS nhiều nhất ở Việt Nam. Tuy nhiên do “cái chết đầy bất ngờ của ông trong hoàn cảnh có nhiều tao loạn lịch sử đã không được công bố và giải thích rõ ràng đã phủ lên dư luận một màn đêm kéo dài gần sáu mươi năm” [147; tr. 22] nên trong danh sách các nhà văn tiêu biểu của giai đoạn 1930 - 1945 hầu như ít người nhắc đến Lan Khai, vì vậy việc nghiên cứu sự nghiệp văn học của ông vẫn còn nhiều khoảng trống.
Từ năm 1990 trở đi sự thật về cái chết của Lan Khai dần dần được phát lộ. Năm 2006 Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Kỷ niệm 100 năm sinh Lan Khai và Hội thảo khoa học: Lan Khai với văn học Việt Nam hiện đại, thân thế và sự nghiệp sáng tác của ông đã hoàn toàn sáng tỏ. Tất cả đã được trình bày rõ trong cuốn “Lan Khai nhà văn hiện thực xuất sắc” (2006) của tác giả Trần Mạnh Tiến (Chủ biên). Do vậy, chúng tôi chỉ điểm qua một số những nét chính như sau: Lan Khai từng là một chiến sĩ cách mạng yêu nước; ông tham gia tổ chức Quốc dân Đảng do lãnh tụ Nguyễn Thái Học lãnh đạo từ năm 1928 đến năm 1930 và bị thực dân Pháp bắt tù đày. Khi ra tù, Lan Khai để lại cuốn bút kí nhan đề 8023 in nhiều số trên báo Loa năm 1935. Tập bút ký đã ghi lại tinh thần yêu nước quả cảm của các chiến sĩ cách mạng quyết tâm chống thực dân Pháp để giành quyền độc lập tự do cho dân tộc với chân dung những nhà yêu nước như Nguyễn Thái Học, Trần Huy Liệu. Đó là nguồn tài liệu lịch sử quý của Lan Khai về một thời kì đấu tranh chống thực dân cướp nước của lịch sử dân tộc đầu thế kỉ XX. Sau khi ra tù, ông dồn tâm sức vào sáng tác văn chương, lí luận, phê bình, sưu tầm, dịch thuật và hội họa.
Từ năm 1990 trở đi, trong hoạt động nghiên cứu nhiều cây bút đã cung cấp thêm những tư liệu về các nhà văn và tác phẩm trước 1945. Tiêu biểu là một số bài viết, bài nghiên cứu về Lan Khai như: Đôi điều về nhà văn Lan Khai (Báo Văn Nghệ cuối tuần tháng 8/1990) của tác giả Gia Dũng đã cho thấy nhiều chi tiết quan trọng, mới mẻ về Lan Khai qua tìm hiểu những người thân của nhà văn thời tiền chiến. Cùng thời gian trên, trong bài viết Hành hương về thủ đô kháng chiến (1990) của Hoàng Minh Tường đã bổ sung thêm những tư liệu tin cậy về Lan Khai.
Sau đó, nhiều bài viết, hồi kí về Lan Khai cũng được công bố. Công trình Đốt lò hương cũ (1992) (Nxb Khánh Hòa) của Ngọc Giao có bài: Lan Khai với chuyện lạ đường rừng và Chơi sách (1996) đã đề cao tài năng sáng tạo và phẩm chất nghệ sĩ của Lan Khai cũng như cái chết oan khuất của ông. Nhà văn Ngọc Giao đã nhấn mạnh cá tính, sở trường và tinh thần dân tộc của Lan Khai thể hiện qua nhiều tác phẩm.
Công trình Văn thi sĩ tiền chiến (Nxb Hà Nội, tái bản 1994) của Nguyễn Vĩ với hai bài viết: Lan Khai và Cái hột mận của Lan Khai đã cung cấp những thông tin mới, hữu ích về đời tư và cá tính sáng tạo của Lan Khai. Tác giả bài viết thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về Lan Khai và khẳng định TTLS là sở trường sáng tác của ông.
Trong từ điển Tác gia văn hóa Việt Nam và Từ điển nhân vật lịch sử (1996, Nhiều tác giả) cũng công bố những tư liệu về thân thế và văn nghiệp của Lan Khai, đồng thời có đề cập tới một số TTLS của ông nhưng còn rất sơ lược.
Đặc biệt, từ năm 2000 trở đi các công trình nghiên cứu về Lan Khai của tác giả Trần Mạnh Tiến như: Lan Khai - Tác phẩm nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học (2002), Lan Khai - Truyện đường rừng (2004) viết chung với Nguyễn Thanh Trường; Lan Khai nhà văn hiện thực xuất sắc (2006); Lan Khai tuyển tập (2 tập, 2010); Lan Khai - Tuyển truyện ngắn (2011) và Lan Khai - Ký (2015); Lan Khai – Truyện cổ và thơ ca dân gian (2016). Người viết đã sưu tầm, nghiên cứu và đáng gía tòa bộ những thành tựu sáng tác, lí luận phê bình, sưu tầm dịch thuật trong cuộc đời lao động nghệ thuật của Lan Khai. Đồng thời, tác giả Trần Mạnh Tiến đã làm sáng tỏ cuộc đời hoạt động cách mạng và hoạt động văn học của Lan Khai bằng các tư liệu lịch sử từ gia đình, quê hương nhà văn, các nhân chứng cùng thời với Lan Khai và các bậc lão thành cách mạng tiền bối hiểu biết về Lan Khai. Đây là nguồn tư liệu đã được kiểm chứng và tin cậy giúp chúng tôi nghiên cứu toàn diện và hệ thống sự nghiệp cách mạng và những đóng góp của Lan Khai cho nền văn học dân tộc những năm đầu thế kỉ XX. Trong đó đáng chú ý nhất là phóng sự của tác giả Trần Mạnh Tiến nhan đề Cuộc gặp với Thiếu tướng Hoàng Mai ngày 10/5/2003 đăng trên báo Văn Nghệ ngày 15/4/2006 đã nêu rõ ý kiến của Thiếu tướng Hoàng Mai sự thật về cái chết của Lan Khai. Tiếp theo đó là bài “Sáu mươi năm chúng tôi đi tìm cha” (Văn nghệ 22/4/2006) của Lan Phương, đã nhắc lại ý kiến của Thiếu tướng Hoàng Mai: “Lịch sử không bao giờ lầm lẫn, nhà văn Lan Khai là người có công với nước” [147; tr. 7]. Điều đó đã làm sáng rõ các ý kiến sai lầm, phiến diện, vô căn cứ của một số cây bút phê bình văn học ở miền Bắc như Hồng Chương, Ngu...2008, Chủ biên), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục.
Hoàng Cẩm Giang (2015), Tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XXI: Cấu trúc và khuynh hướng (Chuyên khảo), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (Đồng chủ biên, 1992), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục.
Nguyễn Văn Hạnh, Huỳnh Như Phương (1985), Lý luận văn học, vấn đề và suy nghĩ, Nxb Giáo dục.
Nguyễn Văn Hạnh (2009), Lý luận phê bình văn học thực trạng và khuynh hướng, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
F. Hêghen (1999), Mỹ học (tập 1), Nxb Văn học, Hà Nội.
F. Hêghen (1999), Mỹ học (tập 2), Nxb Văn học, Hà Nội.
Phùng Minh Hiến (2002), Tác phẩm văn chương một sinh thể nghệ thuật, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
Lưu Hiệp (1999), Văn tâm điêu long, Nxb Văn học, Hà Nội.
Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá (Đồng chủ biên, 2004), Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb Thế giới.
Hoàng Ngọc Hiến (1995), “Những điểm sáng, những vùng tranh cãi”, Tạp chí Văn học (4), tr.8-15.
Hoàng Ngọc Hiến (1999), Năm bài giảng về thể loại, Nxb Giáo dục.
Thu Hiền, “Tác giả Trường An: Lịch sử ghi chép rất lạnh lùng”,
Nguồn: https://news.zing.vn.
Nguyễn Thái Hòa (2000), Những vấn đề thi pháp của truyện, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Hoàng Thị Huệ (2014), “Tiểu thuyết đương đại - tiếng gọi của trò chơi”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (2), tr.69-73.
Đỗ Huy, Vũ Trọng Dung (2003), Giáo trình mỹ học Mác Lê-nin, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
Phan Mạnh Hùng (2009), “Tiểu thuyết lịch sử - một khuynh hướng nổi bật trong văn xuôi quốc ngữ Nam Bộ đầu thế kỷ XX”, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 2 năm 2009.
Nguyễn Văn Hùng (2014), Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1986 dưới góc nhìn tự sự học, Luận án Tiến sĩ Văn học, Học viện Khoa học Xã hội.
Liên Hương (2014), “Nguyễn Huy Tưởng và nghệ thuật khắc họa nhân vật lịch sử trong truyện viết cho thiếu nhi”, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (3), tr.78-81.
Trần Đình Hượu, Lê Chí Dũng (1983), Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900-1930, Nxb ĐH và THCN, Hà Nội.
Trần Trọng Kim (2003), Việt Nam sử lược, Nxb Đà Nẵng.
Lan Khai (1933), Gái thời loạn, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1935), Chiếc ngai vàng, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1935), Chàng đi theo nước, Nxb Đời Mới, Hà Nội.
Lan Khai (1936), Cái hột mận, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1937), Ai lên Phố Cát, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1938), Chàng áo xanh, Tiểu thuyết thứ bẩy từ số 185-195
Lan Khai (1938), Chế Bồng Nga, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1938), Bóng cờ trắng trong sương mù, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1940), Đỉnh non Thần, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1941), Người thù của mặt trời, (Thành Cát Tư Hãn), Nxb Hương Sơn, Hà Nội.
Lan Khai (1941), Gửi cái xuân tàn, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1941), Trăng nước Hồ Tây, Nxb Hương Sơn, Hà Nội.
Lan Khai (1942), Tình ngoài muôn dặm, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1942), Trong cơn binh lửa, Nxb Kiến Thiết, Hà Nội.
Lan Khai (1942), Thành bại với anh hùng, Nxb Quốc Gia, Hà Nội.
Lan Khai, Nguyễn Tố (1942), Rỡn sóng Bạch Đằng, Nxb Duy Tân, Hà Nội.
Lan Khai (1942), Ái tình và sự nghiệp, Nxb Hương Sơn, Hà Nội.
Lan Khai (1942), Treo bức chiến bào, Nxb Hương Sơn, Hà Nội.
Lan Khai (1942), Cánh buồm thoát tục, Nxb Duy Tân, Hà Nội
Lan Khai (1943), Chàng kỵ sỹ, Nxb Duy Tân, Hà Nội.
Nguyễn Xuân Khánh (2012), “Vài suy nghĩ về tiểu thuyết lịch sử”,
Nguồn:
M. Kundera (1998), Nghệ thuật tiểu thuyết (Nguyên Ngọc dịch), Nxb Đà Nẵng.
M.B. Khrapchenco (1978), Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn học, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội.
M.B. Khrapchenco (1984), Sáng tạo nghệ thuật, hiện thực, con người, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Nguyễn Lai (1996), Ngôn ngữ với sáng tạo và tiếp nhận, Nxb Giáo dục.
Đinh Trọng Lạc (1994), Phong cách học văn bản, Nxb Giáo dục.
Phong Lê (1972), Mấy vấn đề văn xuôi Việt Nam 1945-1970, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Phong Lê (Chủ biên, 1977), Tác gia văn xuôi Việt Nam hiện đại, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Phong Lê (1990), Văn học và hiện thực, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Phong Lê (2009), Hiện đại hóa và đổi mới văn học Việt Nam thế kỉ XX, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội
I. X. Lixêvich (2000), Tư tưởng văn học cổ Trung Quốc, Nxb Giáo dục.
Ngô Sĩ Liên (2010), Đại Việt sử kí toàn thư (Tập 1), Nxb Thời đại.
Ngô Sĩ Liên (2010), Đại Việt sử kí toàn thư (Tập 2), Nxb Thời đại.
Bùi Văn Lợi (1998), Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945 (Diện mạo và đặc điểm), Luận án Tiến sĩ Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội.
Nguyễn Văn Long (2002), Văn học Việt Nam trong thời đại mới, Nxb Giáo dục.
Iu. M. Lotman (2004), Cấu trúc văn bản nghệ thuật (Trịnh Bá Đĩnh, Trần Ngọc Vương, Nguyễn Thu Thủy dịch), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
Phương Lựu (2001), Lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỷ XX, Nxb Văn học, Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội.
Phương Lựu (Chủ biên, 2002), Lý luận văn học (Tập 1), Văn học, Nhà văn và Bạn đọc, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội.
Phương Lựu (2011), Lý thuyết văn học hậu hiện đại, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
Phương Lựu (2014), “Văn khí với phong cách”, Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm (3), tr.134-137.
Phương Lựu (2007), Tư tưởng văn hóa, văn nghệ của chủ nghĩa Mác phương Tây, Nxb Thế giới, Hà Nội.
Gyorgy Lukacs, Đặc trưng mĩ học (chương XIII, Tập 2), (Trương Đăng Dung dịch), Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 10/2005, tr. 8 – 42.
Nguyễn Đăng Mạnh (1994), Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, Nxb Giáo dục.
Nguyễn Đăng Mạnh (2000), Giáo trình lịch sử văn học Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
Lê Xuân Mậu, “Cảm hứng trong sáng tác văn chương”,
Nguồn: tuanbaovan nghetphcm.vn.
E.M. Meletinsky (2004), Thi pháp của huyền thoại (Trần Nho Thìn và Song Mộc dịch), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
Cao Minh, “Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Tiểu thuyết lịch sử là sự giải mã lịch sử”, Nguồn: Báo Gài Gòn giải phóng.org.vn
Nguyễn Thị Tuyết Minh (2012), Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau 1945 (Chuyên luận), Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
Nguyễn Đăng Na (2001), Đặc điểm văn học Việt Nam trung đại - Những vấn đề văn xuôi tự sự, Nxb Giáo dục.
Nguyễn Nam, “Cái chết của tác giả (tiểu thuyết lịch sử)? Những vấn đề nhân đọc Hoàng Việt xuân thu”, Nguồn: vanhoanghean.com.vn
Đỗ Hải Ninh (2009), “Quan niệm về lịch sử trong tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh”, Tạp chí Văn học (2), tr.77-85.
Vương Trí Nhàn (2000), Những lời bàn về tiểu thuyết trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến năm 1945, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
Đỗ Thanh Nga (2009), “Cảm hứng lịch sử trong tiểu thuyết Nguyễn Huy Tưởng”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học (7), tr.32-39.
Lê Thành Nghị (1994), Văn học sáng tạo và tiếp nhận, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.
Phạm Xuân Nguyên (Sưu tầm và biên soạn, 2001), Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, Nxb Văn hóa thông tin.
Nhiều tác giả (1983), Từ điển văn học, (Tập 1), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Nhiều tác giả (1989), Văn xuôi lãng mạn Việt Nam (1930-1945), (Tập 1), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội
Nhiều tác giả (1992), Triết học và mỹ học phương Tây hiện nay, Nxb Văn hóa, Hà Nội.
Nhiều tác giả (1995), Từ điển bách khoa Encyclopaedia Britannica, Nxb Giáo dục.
Nhiều tác giả (1998), Văn học Việt Nam 1900-1945, Nxb Giáo dục.
Nhiều tác giả (2002), Đổi mới tư duy tiểu thuyết, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
Nhiều tác giả (2003), Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỉ XX, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
Nhiều tác giả (2003), Văn học hậu hiện đại thế giới - Những vấn đề lý thuyết, Nxb Hội Nhà văn.
Nhiều tác giả (2006), Bão táp triều Trần - Tác phẩm và dư luận, Nxb Phụ nữ.
G.N. Pôspêlốp (1993), Dẫn luận nghiên cứu văn học (Tập 1), Nxb Giáo dục.
G.N. Pôspêlốp (1993), Dẫn luận nghiên cứu văn học (Tập 2), Nxb Giáo dục.
Karl Popper (2012), Sự nghèo nàn của thuyết sử luận (Chu Lan Đình dịch), Nxb Tri thức, Hà Nội.
Vũ Ngọc Phan (1989, tái bản, tập 4), Nhà văn hiện đại, Nxb Thăng Long, Sài Gòn.
Hoàng Phê (Chủ biên, 2006), Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học.
Trần Đình Sử (1996), Lý luận và phê bình văn học, Nxb Hội Nhà văn.
Trần Đình Sử (1998), Dẫn luận thi pháp học, Nxb Giáo dục.
Trần Đình Sử (2007, Chủ biên), Tự sự học (Tập 1), Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
Trần Đình Sử (2008, Chủ biên), Tự sự học, (Tập 2), Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
Trần Đình Sử (2008, Chủ biên), Lý luận văn học (Tập 2), Tác phẩm và Thể loại văn học, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội.
Trần Đình Sử , “Lịch sử và tiểu thuyết lịch sử”, Nguồn:
Trần Đình Sử, “Suy nghĩ mới về tiểu thuyết lịch sử,”
Nguồn: https://trandinhsu.wordpress.com.
Trần Đình Sử, “Về tiểu thuyết lịch sử”, Nguồn:
Henryk Sienkiewicz (2011, tái bản), Quo Vadis (Nguyễn Hữu Dũng dịch), Nxb Văn học, Hà Nội.
Bùi Duy Tân (Chủ biên, 1997), Tổng tập văn học Việt Nam (Tập 6), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Nguyễn Minh Tấn, “Nguồn cảm hứng quan trọng bậc nhất của sáng tạo nghệ thuật”, Tạp chí Văn học, số 6, năm 1975.
Trần Mạnh Tiến (Sưu tầm, nghiên cứu và tuyển chọn, 2002), Lan Khai - Tác phẩm nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
Trần Mạnh Tiến, Nguyễn Thanh Trường (2004), Lan Khai - Truyện đường rừng: tác phẩm và chuyên khảo, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
Trần Mạnh Tiến (2004), Lầm than - Chuyên khảo và tác phẩm, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
Trần Mạnh Tiến (2006), “Người đầu tiên tìm ra kho báu chốn sơn lâm”,Tạp chí Dân tộc, số 6, tr.35.
Trần Mạnh Tiến (2006), “Vấn đề nhà văn trong quan niệm của Lâm Tuyền Khách”, Kỉ yếu Hội thảo Khoa học: Lan Khai với văn học Việt Nam hiện đại, Kỉ niệm 100 năm ngày sinh Lan Khai.
Trần Mạnh Tiến (2006), Lan Khai - Nhà văn hiện thực xuất sắc (Kỷ yếu Hội thảo kỉ niệm 100 năm sinh Lan Khai), Nxb Hội Nhà văn.
Trần Mạnh Tiến (2007), “Truyện kì ảo của Lan Khai”, Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Trần Mạnh Tiến (2008), “Phạm Quỳnh với nền lý luận phê bình văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX”, Tạp chí Nhà văn, số 9, tr.146-158.
Trần Mạnh Tiến (2010), Lan Khai tuyển tập (Tập 1), Nxb Văn học, Hà Nội.
Trần Mạnh Tiến (2010), Lan Khai tuyển tập (Tập 2), Nxb Văn học, Hà Nội.
Trần Mạnh Tiến (2011), “Tiểu thuyết lịch sử và người đầu tiên mở hướng cách tân”, Tạp chí Nhà văn, số 1, tr.78-84.
Trần Mạnh Tiến (2011), Lan Khai - Tuyển Truyện ngắn, Nxb Hà Nội.
Trần Mạnh Tiến (2015), Lan Khai - Ký, Nxb Hội Nhà văn.
Nguyễn Gia Tường (1993), Đại Việt sử lược - Đất nước 4000 năm, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
Phùng Văn Tửu (2002), Tiểu thuyết Pháp hiện đại những tìm tòi đổi mới,Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Hải Thanh (2012), “Bàn về tiểu thuyết lịch sử”, Nguồn:
Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Bá Thế (1997), Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb Văn hóa, Hà Nội.
Ngô Thảo (2000), Văn học với đời sống - đời sống với văn học, Nxb Văn học, Hà Nội.
Nguyễn Ngọc Thiện (Chủ biên, 2010), Văn học Việt nam thế kỉ XX (Lý luận phê bình 1945-1975, quyển Năm, tập XI), Nxb Văn học, Hà Nội.
Bùi Thiết (2000), Từ điển vua chúa Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
Nguyễn Thông (2009), Việt sử thông giám cương mục khảo lược, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
Bích Thu (2007), “Nguyễn Huy Tưởng - nhà chép sử bằng văn chương”, Tạp chí Văn học (9), tr.11-17.
Đỗ Lai Thúy (2005), “Phong cách học và phê bình văn học”, Tạp chí Văn học nước ngoài (1), tr.65-70.
Lộc Phương Thủy (Chủ biên, 2007), Lí luận - Phê bình văn học thế giới thế kỉ XX, (Tập 1), Nxb Giáo dục, tr. 284 - 325.
Đặng Việt Thủy, Đặng Thành Trung (2009), 54 vị Hoàng hậu Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân.
Phan Trọng Thưởng (2001), Văn chương tiến trình tác giả - tác phẩm, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Tzvetan Todorov (2004), Thi pháp văn xuôi, (Đặng Anh Đào, Lê Hồng Sâm dịch) Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
Lê Ngọc Trà (2018), Nhà văn và sáng tạo nghệ thuật, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
Tạ Chí Đại Trường (2009), Những bài dã sử Việt, Nxb Tri thức, Hà Nội
Tạ Chí Đại Trường (2009), Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802, Nxb Tri thức, Hà Nội.
Nguyễn Văn Trung (1987), Những áng văn chương quốc ngữ đầu tiên, Nxb Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Nguyễn Văn Trung, “Tiểu luận Vấn Ðề Nhân Vật Lịch Sử: Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh và Những Cách Tiếp Cận”, Tạp chí Văn học, số 200, tháng 12/2002.
Trần Vũ, “Lịch sử trong tiểu thuyết - một tùy tiện ý thức?”, Nguồn: www.tranvu.free.fr.
Trần Quốc Vượng (1960), Việt sử lược, Nxb Văn - Sử - Địa, Hà Nội.
Trần Quốc Vượng (2003), Văn hóa Việt Nam, tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn học, Hà Nội.
L.X. Vưgôtxki (1981), Tâm lý học nghệ thuật, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
Đinh Công Vỹ (2005), Bên lề chính sử, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
Đinh Công Vỹ (2012), Chuyện tình vua chúa Hoàng tộc Việt Nam, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.
Nguyễn Vỹ (2007), Văn sĩ tiền chiến, Nxb Văn học, Hà Nội.
Lý Tế Xuyên(1972), Việt điện u linh (Trịnh Đình Rư dịch, Đinh Gia Khánh hiệu đính và giới thiệu), Nxb Văn học, Hà Nội.
B.TIẾNG ANH
David Lindenfeld (2009), Jungian archetypes & the discourse of history, Rethingking History, Vol.13, No.2. June 2009.
Hayden White (2005), “Intruction: Historical fiction, fiction history, and historical reality”, Rethinking History, Vol.9, No.2/3, June/September 2005.
Assoc. Prof. Tran Manh Tien (2019). Lan Khai – Opened the way to the world of the forest in modern Vietnamese literature, ISI 2410-3918 Acces online at www, iipccl.org - Academic Journal of Business, Administration, Law and Social Sciences – HPCCL, Publíhing, Graz - Austria - Vol.5No.2 july, 2019.
PHỤ LỤC
DANH MỤC TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN CỦA LAN KHAI
(Xếp thứ tự theo thể loại và năm xuất bản)
I. TIỂU THUYẾT VÀ TRUYỆN NGẮN TÂM LÍ XÃ HỘI
Lan Khai (1928), Nước hồ Gươm, Nhà in Nhật Nam thư quán, Hà Nội.
Lan Khai (1932), Lẩn sự đời Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1934), Giông tố, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1934), Bỡn cợt với tình, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1934), Một việc tự tư, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1934), Vì cánh hoa trôi, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1934), Nơi ước hẹn, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1934), Anh Sẩm, Ngọ báo. Thứ 2 ngày 8 và thứ 3 ngày 9/1/1934.
Lan Khai (1934), Thằng gầy, Ngọ báo. Thứ 4, ngày 10/1/1934.
Lan Khai (1934), Cô Bụt, Ngọ báo. Thứ Tư, ngày 24/1/1934.
Lan Khai (1934), Khóc thông reo, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1934), Cái của nợ, Ngọ báo. Chủ nhật ngày 21/1/1934.
Lâm Tuyền Khách (1934), Tình lụy, Đông pháp xuất bản.
Lan Khai (1935), Khổ tình, Loa, số 90. Thứ Năm, tháng 7. Novembre.
Lan Khai (1935), Kiếp con tằm. Loa, số 96, thứ Năm, ngày 18 tháng De’cembre.
Lan Khai (1935), Chung tình, Loa, số 95. thứ Năm, 12 De’cembre.
Lâm Tuyền Khách (1936), Tro tàn, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1928-1938), Cô Dung,Nxb Tân Dân, Hà Nội
Lan Khai (1938), Lầm than, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1938), Liếp Ly, Phổ thông bán nguyệt san. Số 24. Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1941), Mực mài nước mắt, Nxb Đời mới, Hà Nội.
Lan Khai (1942), Tội và thương, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1942), Tội nhân hay nạn nhân, Nxb Kiến Thiết, Hà Nội.
II. TIỂU THUYẾT VÀ TRUYỆN NGẮN ĐƯỜNG RỪNG
Lan Khai (1933), Lô HNồ, Ngọ báo, Hà Nội.
Lan Khai (1933), Mũi tên độc,Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1934), Pàng Nhả. Ngọ báo, 25, 26, 27 Janvier.
Lan Khai (1934), Lên thác xuống ghềnh, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1934), Lẩn sự đời, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1934), Lẩn sự đời, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1934), Khảm khắc, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1934), Nùng Ty Ao, Đông Pháp từ số 6 đến số 17
Lan Khai (1935), Rừng khuya, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1935), Gò thần,Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1935), Sóng nước Lô Giang, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1935), Dưới miệng hùm, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1939), Tiếng gọi của rừng thẳm, PTBNS, Số 45.
Lan Khai (1939), Mọi rợ, Tao Đàn, từ số 5-13, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1940), Dấu ngựa trên sương, Hương Sơn xuất bản.
Lan Khai (1940), Hồng thầu, PTBNS, số 57. Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1940), Truyện đường rừng, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1941), Suối Đàn, Nxb Cộng lực, Hà Nội.
Lan Khai (1940), Tiếng khóc trong sương, PTBNS, số 72, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1941), Chiếc nỏ cánh dâu. Duy Tân thư xã xuất bản.
Lan Khai (1942), Tình và máu, Hương Sơn xuất bản.
III. TÁC PHẨM SƯU TÂM, NGHIÊN CỨU, LÍ LUẬN PHÊ BÌNH
Lan Khai (1933), Gió núi trăng ngàn, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1934), Tài hoa cái lụy ngàn đời, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1934), Tình và cảnh. Đông Phương. Số 04, thứ 2 ngày 19/11.
Lan Khai (1935), Đẹp. Loa, số 81, thứ Năm ngày 5/10.
Lan Khai (1935), Nguồn cảm hứng của thi nhân Việt Nam. Loa, số 92. Thứ Năm 21/11.
Lan Khai (1935), Đàn bà trong thi ca Ả rập. Loa, số 91.Thứ Năm ngày 14/11.
Lan Khai (1937), Những câu hát xanh, Tao Đàn, từ số 8 đến số 13.
Lan Khai (dịch) (1939), Cần một ông trời, Tao Đàn, số 3.
Lan Khai (1939), Tính cách Việt Nam trong văn chương, Tao Đàn, số 4.
Lan Khai (1939), Thiên chức của văn sĩ Việt Nam, Tao Đàn, số 5.
Lan Khai (1939), Nguyễn Triệu Luật - con người và tác phẩm, Tạp chí Tao Đàn, số 5
Lan Khai (1939), Cảm tưởng về sách dạy hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Diệp, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1939), Cái nguy mất gốc, Tao Đàn, số 6.
Lan Khai (1939), Gửi một bạn trẻ muốn theo đuổi nghề viết văn, Tao Đàn, số 6.
Lan Khai (1939), Một lòng tin cần phải có, Tao Đàn, số 7.
Lan Khai (1939), Phác họa hình dung và tâm tính thi si Tản Đà, Tao Đàn , số 9-10.
Lan Khai (1939), Bàn về nghệ thuật, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1939), Một quan niệm về văn chương, Tao Đàn, số 7.
Lan Khai (1939), Con người Vũ Trọng Phụng, Tao Đàn, số đặc biệt ra ngày 1/12/1939.
Lan Khai (1939), Cảm tưởng về sách dạy hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Diệp, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1940), Lê văn Trương, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1940), Cái đẹp với nghệ thuật, Nxb Đời mới, Hà Nội.
Lan Khai (1941), Vũ Trọng Phụng, (Phê bình). Nxb Minh Phương, Hà Nội.
Lan Khai (1941), Hồ Xuân Hương, (Phê bình). Nxb Minh Phương, Hà Nội.
IV. KÍ
Lan Khai (1933), Trường hận ca về sự chết,Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1933), Sáu năm cách biệt nay hồi cố hương, Đông Phương. Số 862, thứ Bảy ngày 10/6/1933.
Lan Khai (1933), Viếng cô Hồng Yến, Đông Phương. Số 859, thứ Tư ngày 21/6/1933
Lan Khai (1934), Thầy đồ tôi, Đông Phương. Số 855, thứ Tư ngày 7/6/1934.
Lan Khai (1934), Cháu tôi chết, Đông Phương. Số 856, thứ Bảy ngày 10/6/1934.
Lan Khai (1935), Biệt li, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1935), Tập hồi kí nhan đề 8023,Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1935), Cánh hoa mua, Loa, số 93. Thứ Năm, ngày 28/11/1935.
Lan Khai (1935), Đau và chết, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1935), Con ngựa hồng của tôi, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1935), Một cuộc săn đêm, Loa.14/5/1935.
Lan Khai (tức Nguyễn Văn Huyên, 1934), Những giống người và chế đô thổ ty châu Chiêm Hóa, Đông Pháp từ số 2534- 2555
Lan Khai (Lâm Tuyền Khách, 1935), 8023, Đông Pháp 343, tr.5
Lâm Tuyền Khách (1935), Người Thổ nâu, Đông Pháp, số 3078, tr.3
Lâm Tuyền Khách (1935), Tự nhiên, Đông Pháp, số 3074, tr.5
Lâm Tuyền Khách (1936), Đầu đỏ với ngày xuân, số 3147
Lâm Tuyền Khách (1937), Đèo heo hút gió, số 3485-3589
Lâm Tuyền Khách (1939), Một tháng với Tản Đà, Ngày Nay, số 171, ngày 22/7/1939
Lan Khai (1939), Đau và chết, Tao Đàn, số 4,5,6,8, Tân dân
Lâm Tuyền Khách (1940), Chút phảo nòn thoai, Đông Pháp, số4551, tr 4
Lâm Tuyền Khách (1940), Thanh niên ở «Xứ xanh », Đông Pháp, số 4536, tr.4
Lâm Tuyền Khách (1941), Thanh niên và «Xứ xanh», Đông Pháp, số 4723, tr.4
Lâm Tuyền Khách (1941), Con đường tranh đấu của thanh niên, Đông Pháp, số 4715
Lâm Tuyền Khách (1941), Thế giới phải có một lúc hồi xuân, Đông Pháp, số 4726, tr.3
Lâm Tuyền Khách (1942), Tiếng tiêu trên núi Lịch, Đông Pháp, số 5098, tr.4
Lâm Tuyền Khách (1942), Quần cộc chơi xuân, Đông Pháp, số 5055
Lâm Tuyền Khách (1943), Gõ đầu trẻ, Thanh Nghị, số 52
V. TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ
Lan Khai (1933), Gái thời loạn, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1935), Chiếc ngai vàng, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1935), Chàng đi theo nước, Nxb Đời Mới, Hà Nội.
Lan Khai (1936), Cái hột mận, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1937), Ai lên phố Cát, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1938), Chàng áo xanh, Tiểu thuyết thứ bẩy từ số 185-195.
Lan Khai (1938), Chế Bồng Nga, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1938), Bóng cờ trắng trong sương mù, Tiểu thuyết thứ Bảy, từ số 210-223.
Lan Khai (1940), Đỉnh non Thần, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1940), Cưỡi đầu voi dữ, Nxb Tân Dân, Hà Nội. Lan Khai (1940)
Lan Khai (1941), Gửi cái xuân tàn, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1941), Sầu lên ngọn ải, Nxb Duy Tân, Hà Nội.
Lan Khai (1941), Người thù mặt trời (Thành Cát Tư Hãn), Nxb Hương Sơn, Hà Nội.
Lan Khai (1941), Trăng nước Hồ Tây, Nxb Hương Sơn, Hà Nội.
Lan Khai (1942), Treo bức chiến bào, Nxb Hương Sơn, Hà Nội.
Lan Khai (1942), Trong cơn binh lửa, Nxb Kiến Thiết, Hà Nội.
Lan Khai (1942), Thành bại với anh hùng, Nxb Kiến Thiết, Hà Nội.
Lan Khai (1942), Tình ngoài muôn dặm, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai Nguyễn Tố (1942), Rỡn sóng Bạch Đằng, Nxb Duy Tân, Hà Nội.
Lan Khai (1942), Cánh buồm thoát tục, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1942), Theo lớp mây đưa, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1942), Ái tình và sự nghiệp, Nxb Hương Sơn, Hà Nội.
Lan Khai (1942), Giấc mơ bạo chúa, Nxb. Hương Sơn, Hà Nội.
Lan Khai (1943), Cưỡi đầu voi dữ, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1943), Chàng kỵ sỹ, Nxb Đời Mới, Hà Nội.
Lan Khai (1943), Việt Nam ngươi đi đâu?, Nxb Hoạt động, Hà Nội.
PHỤ LỤC
DANH MỤC TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ VIỆT NAM TIÊU BIỂU
Trường An (2017), Vũ tịch, Nxb Phụ nữ, Hà Nội
Trường An (2017), Thiên hạ chi vương, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.
Trường An (2017), Thiên hạ chi vương, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.
Trường An (2017), Hồ Dương (Tập 1: Ngày về Gia Định),
Nxb Phụ nữ, Hà Nội.
Trường An (2017), Hồ Dương (Tập 2: Nam Bắc đại thống),Nxb Phụ nữ, Hà Nội.
Phan Bội Châu (1971, tái bản), Trùng Quang tâm sử, Nxb Văn học, Hà Nội.
Phan Trần Chúc (1940), Hồi chuông Thiên mụ, Chính Ký xuất bản.
Phan Trần Chúc (1940), Vua Hàm Nghi, Chính Ký xuất bản.
Phan Trần Chúc (1940), Bánh xe khứ quốc, Chính Ký xuất bản.
Phan Trần Chúc (1940), Vua Quang Trung, Chính Ký xuất bản.
Phan Trần Chúc (1941), Cần vương, Chính kí xuất bản.
Phan Trần Chúc (1940), Tĩnh đô vương, Chính Ký xuất bản.
Phan Trần Chúc (1943), Giọt máu sau cùng, Nxb Đời Mới.
Phan Trần Chúc (1943), Thưởng trì cung, Phổ thông bán nguyệt san số 121 năm 1942 và số 122 năm 1943.
Nam Dao (1999), Gió lửa, Nxb Thi văn, Canada.
Nam Dao (2007), Đất trời, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng.
Hàn Thế Dũng (2004), Bà Triệu, Nxb Công an Nhân dân, Hà Nội.
Lê Đình Danh (2006), Tây Sơn bi hùng truyện, Nxb Văn hóa - thông tin, Hà Nội.
Vũ Ngọc Đĩnh (2003), Mười hai sứ quân, Nxb Văn học, Hà Nội.
Nguyễn Mộng Giác (1998), Sông Côn mùa lũ, Nxb Văn học, Hà Nội.
Siêu Hải (2010), Tiểu thuyết lịch sử Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, Nxb Thanh niên, Hà Nội.
Hoàng Quốc Hải (2009), Huyết chiến Bạch Đằng, Nxb Văn học, Hà Nội.
Hoàng Quốc Hải (2009), Huyền Trân công chúa, Nxb Văn học, Hà Nội.
Hoàng Quốc Hải (2009), Đuổi quân Mông Thát, Nxb Văn học, Hà Nội.
Hoàng Quốc Hải (2009), Bão táp cung đình, Nxb Văn học, Hà Nội.
Hoàng Quốc Hải (2009), Vương triều sụp đổ, Nxb Văn học, Hà Nội.
Hoàng Quốc Hải (2009), Thăng Long nổi giận, Nxb Văn học, Hà Nội.
Hoàng Quốc Hải (2010), Tám triều vua Lý (tập 3: Bình Nam dẹp Bắc), Nxb Phụ nữ, Hà Nội.
Hoàng Quốc Hải (2010), Tám triều vua Lý (tập 4: Con đường định mệnh), Nxb Phụ nữ, Hà Nội.
Hoàng Quốc Hải (2010), Tám triều vua Lý (tập 2: Con ngựa nhà Phật), Nxb Phụ nữ, Hà Nội.
Hoàng Quốc Hải (2010), Tám triều vua Lý (tập 1: Thiền sư dựng nước), Nxb Phụ nữ, Hà Nội.
Võ Thị Hảo (2005), Giàn thiêu, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.
Trần Thu Hằng (2005), Đàn đáy, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
Dương Hướng (2007), Dưới chín tầng trời, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
Lan Khai (1933), Gái thời loạn, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1935), Chiếc ngai vàng, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1936), Cái hột mận, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1937), Ai lên phố Cát, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1937), Chàng áo xanh, Tiểu thuyết thứ bẩy từ số 185-195.
Lan Khai (1938), Chế Bồng Nga, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1940), Cưỡi đầu voi dữ, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1940), Bóng cờ trắng trong sương mù, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1940), Cánh buồm thoát tục, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1941), Chiếc nỏ cánh dâu, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1941), Đỉnh non Thần, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1941), Người thù mặt trời (Thành Cát Tư Hãn), Nxb Hương Sơn, Hà Nội.
Lan Khai (1941), Gửi cái xuân tàn, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1941), Treo bức chiến bào, Nxb Hương Sơn, Hà Nội.
Lan Khai (1942), Theo lớp mây đưa, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1942), Tình ngoài muôn dặm, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1942), Trăng nước Hồ Tây, Nxb Hương Sơn, Hà Nội.
Lan Khai (1942), Trong cơn binh lửa, Nxb Kiến Thiết, Hà Nội.
Lan Khai (1942), Thành bại với anh hùng, Nxb Quốc Gia, Hà Nội.
Lan Khai, Nguyễn Tố (1942), Rỡn sóng Bạch Đằng, Nxb Duy Tân, Hà Nội.
Lan Khai (1942), Sầu lên ngọn ải, Nxb Duy Tân, Hà Nội.
Lan Khai (1942), Ái tình và sự nghiệp, Nxb Duy Tân, Hà Nội.
Lan Khai (1942), Chàng đi theo nước, Nxb Đời Mới, Hà Nội.
Lan Khai (1943), Vuông vải trắng, Nxb Hoạt Động, Hà Nội.
Lan Khai (1943), Theo lớp mây đưa, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Lan Khai (1943), Chàng kỵ sĩ, Nxb Đời Mới, Hà Nội.
Lan Khai (1943), Việt Nam ngươi đi đâu, Nxb Duy Tân, Hà Nội.
Nguyễn Xuân Khánh (2000), Hồ Quý Ly, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.
Nguyễn Xuân Khánh (2006), Mẫu thượng ngàn, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.
Nguyễn Xuân Khánh (2011), Đội gạo lên chùa, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.
Hoàng Công Khanh (1999), Vằng vặc sao Khuê, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
Phạm Minh Kiên (1928), Việt Nam anh kiệt, Tín Đức thư xã, Sài Gòn.
Phạm Minh Kiên (1929), Việt Nam Lý Trung Hưng, Tín Đức thư xã, Sài Gòn.
Phạm Minh Kiên ( 1931), Lê Triều Lý Thị, Tín Đức thư xã, Sài Gòn.
Phạm Minh Kiên (1932), Tiền Lê vận mạt, Tín Đức thư xã, Sài Gòn.
Lưu Văn Khuê (2007), Mạc Đăng Dung, Nxb Hải Phòng, Hải Phòng
Nguyễn Triệu Luật (1938), Hòm đựng người, Nxb Nhật Tân, Hà Nội.
Nguyễn Triệu Luật (1938), Bà chúa Chè, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Nguyễn Triệu Luật (1939), Ngược đường trường thi, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Nguyễn Triệu Luật (1939), Loạn kiêu binh, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Nguyễn Triệu Luật (1940), Chúa Trịnh Khải, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Nguyễn Triệu Luật (1941), Thiếp chàng đôi ngả, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Nguyễn Triệu Luật (1941), Rắn báo oán, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Nguyễn Triệu Luật (1941), Thiếp chàng đôi ngả, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Nguyễn Triệu Luật (1943), Bốn con yêu và hai ông đồ, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Trần Thanh Mại (1944), Ngô Vương Quyền, Phụ nữ Tân văn xuất bản.
Phạm Ngọc Cảnh Nam (2011), Thế kỉ bị mất, Nxb Hội Nhà văn.
Đào Trinh Nhất (1945), Phan Đình Phùng,Nxb Đại La, Hà Nội.
Ngô Gia Văn Phái (2008), Hoàng Lê nhất thống chí, (Nguyễn Đức Vân, Kiều Thu Hoạch dịch), Nxb Văn học, Hà Nội.
Nguyễn Khắc Phê (2009), Biết đâu địa ngục thiên đường, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.
Ngô Văn Phú (2001), Gươm thần Vạn Kiếp, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
Ngô Văn Phú (2006), Lý Công Uẩn, Nxb Công an Nhân dân, Hà Nội.
Ngô Văn Phú (2010), Tuyên phi Đặng Thị Huệ, Nxb Dân trí, Hà Nội.
Nguyễn Khắc Phục (2000), Thăng Long kíQuyển 1: Kinh đô rồng), Nxb Thanh niên.
Nguyễn Khắc Phục (2004), Thăng Long kí (Quyển 2: Một mất một còn), Nxb Thanh niên.
Nguyễn Tử Siêu, Tiếng sấm đêm đông (1928), Nhà in Nhật Nam - Thi Quán, Hà Nội.
Nguyễn Tử Siêu(1929),Vua Bố Cái, Nhà in Nguyễn Kính, Hải Phòng.
Nguyễn Tử Siêu (1929), Lê Đại Hành, Nhà in Nguyễn Kính, Hải Phòng.
Nguyễn Tử Siêu (1929), Mai Hắc Đế, Nhà in Nguyễn Kính, Hải Phòng.
Nguyễn Tử Siêu (1929), Lý Nam Đế, Nhà in Nguyễn Kính, Hải Phòng.
Nguyễn Tử Siêu (1929), Đinh Tiên Hoàng, Nhà in Nhật Nam, Hà Nội.
Nguyễn Tử Siêu (1935), Việt Thanh chiến sử, Nhà in Nhật Nam, Hà Nội.
Nguyễn Tử Siêu (1935), Trần Nguyên chiến kỷ, Nhà in Nhật Nam, Hà Nội.
Nguyễn Tử Siêu (1929), Tiếng sấm đêm đông, Nhà in Nguyễn Kính, Hải Phòng.
Nguyễn Tử Siêu (1936), Vua bà Triệu Ẩu, Nhà in Nhật Nam, Hà Nội.
Nguyễn Tử Siêu (1936), Hai bà đánh giặc, Nhà in Nhật Nam, Hà Nội.
Yên Tử cư sĩ Trần Đại Sỹ (2004), Nam Quốc Sơn Hà, Nxb Trẻ.
Yên Tử cư sĩ Trần Đại Sỹ (2004), Anh hùng Đông A dựng cờ bình Mông, Nxb Trẻ.
Yên Tử cư sĩ Trần Đại Sỹ (2004), Anh hùng Tiêu Sơn, Nxb Trẻ.
Yên Tử cư sĩ Trần Đại Sỹ (2004), Anh hùng Lĩnh Nam, Nxb Trẻ.
Yên Tử cư sĩ Trần Đại Sỹ (2012), Gươm thiêng Hàm Tử, Nxb Lĩnh Nam, New Orlean.
Bùi Anh Tấn (2010), Nguyễn Trãi (Quyển 1: Oan khuất), Nxb Thanh niên, Hà Nội.
Bùi Anh Tấn (2010), Nguyễn Trãi (Quyển 2: Bức huyết thư), Nxb Thanh niên, Hà Nội.
Bùi Anh Tấn (2010), Bí mật hậu cung, Nxb Thanh niên, Hà Nội.
Hồng Thái (2018), Thiệu Bảo bình Nguyên (Tập 1: Điệp vụ thám báo), Nxb Trẻ, Hà Nội.
Hồng Thái (2018), Thiệu Bảo bình Nguyên (Tập 2: Trước cơn giông tố), Nxb Trẻ, Hà Nội.
Hồng Thái (2018), Thiệu Bảo bình Nguyên (Tập 3: Sơn hà rực lửa), Nxb Trẻ, Hà Nội.
Hồng Thái (2018), Thiệu Bảo bình Nguyên (Tập 4: Khúc tráng ca mùa hạ), Nxb Trẻ, Hà Nội.
Nguyễn Quang Thân (2001), Con ngựa Mãn Châu, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
Nguyễn Quang Thân (2009), Hội thề, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.
Chu Thiên (1941), Lê Thái Tổ, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Chu Thiên (1942), Bà quận Mỹ, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Chu Thiên (2014), Bóng nước Hồ Gươm, Nxb Alphabook.
Đinh Gia Thuyết (1931), Ngọn cờ lau, Nhà in Thực nghiệp, Hà Nội.
Đinh Gia Thuyết (1934), Ngọn cờ vàng,Nhà in Thực nghiệp, Hà Nội.
Ngô Tất Tố (1935), Vua Hàm Nghi với việc kinh thành thất thủ, Nhà in Nhất Nam,
Hà Nội.
Ngô Tất Tố (1935), Lịch sử Đề Thám, Nhà in Nhất Nam, Hà Nội.
Ngô Văn Triện (1930), Hùng Vương diễn nghĩa, Nxb Tân Dân, Hà Nội.
Uông Triều (2015), Sương mù tháng giêng, Nxb Trẻ, Hà Nội.
Tân Dân Tử, Giọt máu chung tình (1989), Nxb Tổng hợp Tiền Giang.
Tân Dân Tử, Gia Long tẩu quốc (1989), Nxb Tổng hợp Tiền Giang.
Tân Dân Tử, Gia Long phục quốc (1989), Nxb Tổng hợp Tiền Giang.
Nguyễn Huy Tưởng (1942), Đêm hội Long Trì,Nxb Thanh Niên.
Nguyễn Huy Tưởng (1944), An Tư, Nxb Thanh Niên.