BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐẠI HỌC HUẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC
NGUYỄN HOÀNG HUẾ
TIẾN TRÌNH HỢP TÁC KINH TẾ
GIỮA CÁC NƯỚC THUỘC HÀNH LANG
KINH TẾ ĐÔNG TÂY (1998 - 2010)
Chuyên ngành: Lịch sử thế giới
Mã số: 62.22.03.11.
LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ
Người hướng dẫn khoa học:
1. PGS.TS NGUYỄN VĂN TẬN
2. PGS.TS TRỊNH THỊ ĐỊNH
HUẾ, 2014
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan bản luận án là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung thực và có nguồn gốc rõ
195 trang |
Chia sẻ: huong20 | Ngày: 15/01/2022 | Lượt xem: 414 | Lượt tải: 0
Tóm tắt tài liệu Luận án Tiến trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc hành lang kinh tế Đông tây (1998 - 2010), để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ràng.
Tác giả luận án
Nguyễn Hoàng Huế
MỤC LỤC
Trang
TRANG PHỤ BÌA i
PHỤ LỤC
BẢNG CHỮ CÁI VIẾT TẮT
STT
CHỮ VIẾT TẮT
TIẾNG ANH
TIẾNG VIỆT
1
ACMECS
Ayeyawady - Chao Phraya – Mekong Economic Cooperation Strategy
Chiến lược hợp tác kinh tế Ayayewady - Chao Phraya - Mekong
2
ADB
Asian Development Bank
Ngân hàng phát triển châu Á
3
AEC
ASEAN Economic Community
Cộng đồng kinh tế ASEAN
4
AFTA
ASEAN Free Trade Area
Khu vực mậu dịch tự do ASEAN
5
APEC
Asia - Pacific Economic Cooperation
Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương
6
ASEAN
Association of Southeast Asian Nations
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á
7
ASEAN-METI
Association of Southeast Asian NationsMinister for Economy, Trade and Industry
Ủy ban hợp tác kinh tế và công nghiệp ASEAN
8
CBTA
Cross Border Transport Agreement
Hiệp định vận tải qua biên giới
9
EWEC
East West Economic Corridor
Hành lang kinh tế Đông Tây
10
EU
European Union
Liên minh Châu Âu
11
FDI
Foreign Direct Investment
Đầu tư trực tiếp nước ngoài
12
GMS
Greater Mekong Subregion
Tiểu vùng Mekong mở rộng
13
GMS BF
Greater Mekong Subregion Business Forum
Diễn đàn doanh nghiệp Tiểu vùng Mekong mở rộng
14
GMS-CBTA
Greater Mekong Subregion - Cross Border Transport Agreement
Hiệp định vận tải qua biên giới của các nước Tiểu vùng sông Mekong mở rộng
15
GSP
Generalized System of Preferences
Hệ thống ưu đãi phổ cập
16
IMF
International Monetary Fund
Quỹ Tiền tệ Quốc tế
17
JBIC
Japan Bank for International Cooperation
Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản
18
JETRO
Japan External Trade Organization
Tổ chức ngoại thương Nhật Bản
19
JICA
Japan International Cooperation Agency
Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản
20
KKTTMĐB
-
Khu kinh tế - thương mại đặc biệt
21
KKTTMĐBLB
Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo
22
NAFTA
North America Free Trade Agreement
Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ
23
NSEC
North - South Economic Corridor
Hành lang kinh tế Bắc - Nam
24
ODA
Official Development Assistance
Viện trợ phát triển chính thức
25
RFID
Radio Frequency Identification
Thẻ kiểm tra đối tượng bằng sóng vô tuyến
26
SEC
South Economic Corridor
Hành lang kinh tế phía Nam
27
SOM EWEC
Senior Officials Meeting East West Economic Corridor
Hội nghị cấp cao EWEC
28
TNHH
-
Trách nhiệm hữu hạn
29
TNHH MTV
Trách nhiệm hữu hạn một thành viên
30
TTXVN
-
Thông tấn xã Việt Nam
31
UBND
-
Uỷ ban nhân dân
32
UNESCO
United Nations Educational Scientific and Cultural Organization
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc
33
WB
World Bank
Ngân hàng thế giới
34
WTC
World Trade Center
Trung tâm thương mại quốc tế
35
WTO
World Trade Organization
Tổ chức thương mại thế giới
36
XNK
-
Xuất nhập khẩu
DANH MỤC CÁC BẢNG
Bảng 1.1: Tỉ trọng thương mại của các nước EWEC với Nhật Bản 35
Bảng 1.2: Thông tin về các tỉnh, thành phố thuộc EWEC 36
Bảng 2.1: Các chỉ số vĩ mô và xã hội của các nước EWEC, giai đoạn 2000 - 2005 48
Bảng 2.2: Nguồn vốn phân bổ cho các lĩnh vực hợp tác ưu tiên của GMS (1992 - 2007) 51
Bảng 2.3: Kết quả thu hút đầu tư vào KKTTMĐBLB qua các năm: 2000 - 2010 52
Bảng 2.4: Xuất khẩu qua biên giới trên EWEC (2002-2008) 60
Bảng 2.5: Tốc độ tăng trưởng xuất, nhập khẩu (%/năm) của các nước thành viên EWEC 63
Bảng 2.6: Hành lang kinh tế Đông Tây tại các nước trên tuyến 67
Bảng 2.7: Tổng số người xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Lao Bảo (2001 - 2010) 67
Bảng 2.8: Lượng khách du lịch quốc tế vào các nước EWEC 80
Bảng 2.9: Nguồn vốn vay cho lĩnh vực năng lượng của các nước EWEC 85
Bảng 3.1: Tỷ lệ % của các ngành CN-XD và dịch vụ trong GDP của Đà Nẵng,
Thừa Thiên Huế và Quảng Trị 102
Bảng 3.2: So sánh thủ tục hải quan hiện nay của các quốc gia EWEC và Singapore 118
DANH MỤC CÁC HÌNH
Hình 1.1: Hành lang kinh tế Đông Tây 19
Hình 1.2: Vị trí của Hành lang kinh tế Đông Tây 39
Hình 2.1: Các nhà tài trợ nguồn tài chính cho xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông
của EWEC 49
Hình 2.2: Các dự án giao thông vận tải trên EWEC 65
Hình 2.3: Thành phố Khon Kaen và các thị trấn lân cận trên EWEC 83
Hình 3.1: Tốc độ tăng GDP/ng của các tỉnh phía Việt Nam và Việt Nam 101
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Trong thập niên đầu của thế kỷ XXI toàn cầu hoá, khu vực hóa tiếp tục phát triển sâu rộng và tác động tới tất cả các nước. Các quốc gia lớn nhỏ đang tham gia ngày càng tích cực vào quá trình hội nhập quốc tế. Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, phản ánh đòi hỏi bức xúc của các quốc gia, dân tộc trong quá trình phát triển.
Trong xu thế phát triển chung của nhân loại, song song với quá toàn cầu hoá, cạnh tranh mang tính quốc tế vẫn tiếp tục gia tăng không kém phần gay gắt. Đáp lại thực tế mang nhiều thách thức đó, nhiều nước đang phát triển đã nhận thức rằng phải hợp tác với các nước láng giềng của mình để đảm bảo cho các nguồn lực: tự nhiên, con người, cũng như tiền vốn được sử dụng một cách hiệu quả. Mặt khác, hoạt động mậu dịch, đầu tư cùng nhiều loại hình kinh doanh có xu hướng vượt ra ngoài biên giới quốc gia ngày càng mạnh, đòi hỏi các chính phủ phải tiến hành hợp tác khu vực và hợp tác tiểu vùng để tạo ra môi trường thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh.
Trong hoàn cảnh đó, Ngân hàng phát triển Châu Á đã đề xuất sáng kiến Hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) vào năm 1992. Các nước thành viên của Hợp tác GMS bao gồm 5 nước (Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam), và hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây, Trung quốc. Hợp tác GMS bao gồm 10 lĩnh vực là: (1) Giao thông tận tải; (2) Năng lượng; (3) Môi trường; (4) Du lịch; (5) Bưu chính Viễn thông; (6) Thương mại; (7) Đầu tư; (8) Phát triển Nguồn nhân lực; (9) Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và (10) Quản lý nguồn nước [73, tr1].
Tại Hội nghị lần thứ 8 các Bộ trưởng GMS, tổ chức tại Manila (Philippines) tháng 10/1998, có 5 dự án hành lang được đưa ra thảo luận, trong đó hội nghị đã thống nhất ưu tiên thực hiện Hành lang kinh tế Đông tây (EWEC). Hành lang kinh tế Đông Tây là chương trình hợp tác phát triển tổng thể nhằm mục tiêu phát triển liên vùng nghèo bao gồm lãnh thổ lớn kéo dài từ miền Trung Việt Nam lên Trung Hạ Lào, Đông Bắc Thái Lan và đến tận Myanmar.
Sự ra đời của Hành lang kinh tế Đông Tây sẽ đem lại lợi ích thiết thực và lâu dài cho các quốc gia thành viên. Đây là cơ hội cho các quốc gia tiếp cận tốt hơn các nguồn tài nguyên khoáng sản, hải sản và năng lượng phục vụ cho các ngành sản xuất và chế biến; tạo điều kiện phát triển cho các thành phố, thị trấn nhỏ dọc hành lang đồng thời thúc đẩy thương mại xuyên biên giới; thu hút đầu tư từ các nguồn địa phương, khu vực và thế giới; phát triển các hoạt động kinh tế mới thông qua việc sử dụng hiệu quả không gian kinh tế và hình thành khu vực kinh tế xuyên quốc gia; mở cửa cho hàng hoá của Myanmar, Thái Lan, Lào, Việt Nam và Trung Quốc thâm nhập vào các thị trường đầy tiềm năng của Nam Á, Đông Á, châu Âu và châu Mỹ. Ngoài ra, hành lang còn là môi trường để thử nghiệm các chính sách kinh tế mới, đặc biệt là ở Myanmar, Việt Nam và Lào. Hành lang kinh tế Đông Tây cũng đã mở ra những cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực cho các địa phương thành viên.
Sự ra đời của Hành lang kinh tế Đông Tây bên cạnh xu hướng toàn cầu hoá, khu vực hoá và liên kết tiểu vùng thì nguyên nhân cơ bản nhất đó là xuất phát từ nhu cầu phát triển của mỗi nước thành viên. Cả Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam đều ủng hộ và hưởng ứng sáng kiến hợp tác EWEC bởi vì tham gia hợp tác và phát triển trong Hành lang kinh tế Đông Tây sẽ giúp cho mỗi nước phát huy được lợi thế của mình đồng thời tranh thủ các điều kiện của các nước láng giềng trong quá trình phát triển nền kinh tế đất nước. EWEC còn có ý nghĩa to lớn về nhiều mặt kinh tế - xã hội, hợp tác phát triển và xoá đói giảm nghèo cho các địa phương và các nước thành viên.
Trong số các thành viên của ASEAN, Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam là những nước láng giềng gần gũi, có quan hệ gắn bó qua các thời kỳ lịch sử. Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và tăng cường hợp tác Tiểu vùng của Việt Nam hiện nay, việc tìm hiểu các mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các nước láng giềng không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn có ý nghĩa thực tiễn to lớn và có tính thời sự cấp thiết.
Đối với Việt Nam, lưu vực sông Mekong có ý nghĩa chiến lược về kinh tế - xã hội, môi trường, sinh thái và an ninh, quốc phòng. Việt Nam nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ của các tuyến giao thông quan trọng trong lưu vực sông Mekong. Mục đích cơ bản của những chương trình hợp tác tiểu vùng Mekong phù hợp với chủ trương chính sách về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Bởi vậy, Việt Nam ủng hộ và tham gia tích cực, là thành viên của hầu hết các chương trình dự án này. Việt Nam đã và đang xúc tiến việc lập kế hoạch tổng thể tham gia tiến trình hợp tác phát triển lưu vực sông Mekong nhằm khai thác cao nhất lợi thế của mình trong khu vực, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả của các chương trình này. Việt Nam đã tham gia hợp tác tiểu vùng GMS kể từ khi Sáng kiến GMS được khởi xướng từ năm 1992. Việt Nam cũng là nước tích cực tham gia hợp tác trên EWEC.
Kể từ khi chương trình hợp tác Hành lang kinh tế Đông Tây được hình thành cho đến năm 2010, đã nhận được sự quan tâm của chính phủ các nước, các nhà tài trợ quốc tế, đặc biệt là Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Chính phủ Nhật Bản; sự quan tâm của các địa phương trên tuyến hành lang, của cộng đồng doanh nghiệp và hàng chục triệu người dân trong vùng EWEC. Nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực đã được triển khai để hiện thực hóa những ý tưởng và mục tiêu tốt đẹp của Hành lang kinh tế Đông Tây. Những hoạt động đó đã đưa lại những kết quả rất đáng ghi nhận cho quá trình phát triển của EWEC như: Một số cơ chế hợp tác đã được hình thành, một số dự án hỗ trợ đã được triển khai, và nhiều sự kiện liên quan đến Hành lang kinh tế Đông Tây đã được tổ chức, tiêu biểu như sự kiện Tuần lễ EWEC 2007 tại Đà Nẵng, do Bộ Ngoại giao Việt Nam và UBND thành phố Đà Nẵng đồng chủ trì với chủ đề “Hành lang hữu nghị và hợp tác kinh tế: Từ ý tưởng đến hiện thực”, đã góp phần nâng cao nhận thức và hành động của các nhà tài trợ quốc tế, của chính phủ các nước, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trên hành lang về những cơ hội phát triển của Hành lang kinh tế Đông Tây. Song song với điều kiện hạ tầng cứng của hành lang như: giao thông, viễn thông, năng lượng, tiếp tục được nâng cấp, hạ tầng mềm với các chính sách nhằm tạo điều kiện thông thoáng về thủ tục cho sự lưu thông của người và hàng hóa đã được chính phủ các nước quan tâm cải tiến. Các nhà tài trợ đã có những hỗ trợ tích cực, hiệu quả. Các địa phương dọc trên tuyến hành lang đã tích cực cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư, thúc đẩy hợp tác, tạo sự liên kết kinh tế - văn hóa Các doanh nghiệp đã năng động tìm kiếm các cơ hội đầu tư, góp phần biến những tiềm năng thành lợi ích kinh tế thực sự
Quá trình hình thành và phát triển Hành lang kinh tế Đông Tây từ năm 1998 đến nay đã đạt được những thành tựu bước đầu và có tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế, xã hội của các nước và các địa phương dọc theo hành lang. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, sự hợp tác giữa các nước nằm dọc Hành lang còn gặp phải những khó khăn hạn chế cần khắc phục và tháo gỡ nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước EWEC lên tầm cao mới.
Từ những vấn đề trình bày trên, chúng tôi chọn đề tài: “Tiến trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây (1998 - 2010)” làm đề tài cho luận án tiến sĩ thuộc Chuyên ngành Lịch sử thế giới, Mã số 62.22.03.11.
2. Tổng quan tình hình nghiên cứu
2.1. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài
Sự ra đời và phát triển của EWEC không chỉ nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo các nước trong vùng, các đối tác lớn của khu vực và thế giới mà còn của các nhà nghiên cứu. Vấn đề: “Tiến trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây (1998 - 2010)” đã và đang thu hút sự quan tâm, nghiên cứu của nhiều học giả đến từ nhiều quốc gia và tổ chức khác nhau trên thế giới, đặc biệt là các nhà nghiên cứu đến từ các nước thuộc Tiểu vùng Mekong mở rộng, Nhật Bản và Ngân hàng Phát triển Châu Á. Có thể kể ra một số công trình như: “East-West Economic Corridor (EWEC) Strategy and Action Plan, Development Study of the East-West Economic Corridor Greater Mekong Subregion” do ADB phát hành năm 2009 nghiên cứu về những cơ sở, tầm nhìn chiến lược và thành tựu của hợp tác trên EWEC trong giai đoạn 2001 - 2008; phân tích thực trạng hợp tác EWEC trên các lĩnh vực: thương mại, đầu tư, khu vực tư nhân, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi truờng. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng đề ra các giải pháp để thúc đẩy hợp tác EWEC; “Strategy and Action Plan for the Greater Mekong Subregion East - West Economic Corridor” do ADB phát hành năm 2010 nghiên cứu về tầm quan trọng và giá trị kinh tế - xã hội khi hành lang kinh tế Đông Tây được hoàn thành và sự thay đổi trong các chiến lược và kế hoạch hành động qua hai giai đoạn:1998 - 2001, 2001 - 2008 và triển vọng của EWEC; “The East-West Economic Corridor Project in Thailand: Perceived Meanings and Expectations” của Yaowalak Apichatvullop Panadda Phucharoensilp, Đại học Khon Kaen, Thái Lan năm 2007, đề cập đến các vần đề như ý nghĩa và giá trị của hành lang kinh tế Đông Tây đối với các nước và các địa phương trên EWEC; qua nghiên cứu các dữ liệu được thu thập từ ba nhóm đối tượng: các tổ chức địa phương, các doanh nghiệp tư nhân và người dân địa phương tác giả đã đưa ra những đánh giá tác động từ sự phát triển của EWEC đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội của các bên liên quan; gợi ý những chính sách để tăng cường kết quả hợp tác của các địa phương trên EWEC; “Strategy and Action Plan to Encourage Tourists to Stay Longer and Spend More on the East West Economic Corridor Savannakhet” của Lee Sheridan năm 2009 đề cập đến tác động của EWEC đến sự phát triển du lịch bền vững của tỉnh Savannakhet (Lào); các lựa chọn chiến lược khuyến khích khách du lịch ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn khi đến Savannakhet; các giải pháp để đạt được mục tiêu chiến lược của ngành du lịch tỉnh Savannakhet trên EWEC; “Special Economic Zones and Economic Corridors” của Masami Ishida năm 2009 phản ánh sự khác nhau giữa các hành lang kinh tế và khu kinh tế đặc biệt trong GMS. Đặc biệt nhấn mạnh vai trò và chiến lược phát triển các khu kinh tế đặc biệt của 4 nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam; “Planning Framework for International Freight Transportation Infrastructure: A Case Study on the East-West Economic Corridor in the Greater Mekong Subregion” của Toshinori Nemoto, Đại học Hitotsubashi, Nhật Bản năm 2009 đề cập đến khung kế hoạch cho vận tải quốc tế và cơ sở hạ tầng của GMS từ những nghiên cứu về Hành lang kinh tế Đông Tây thông qua các hoạt động vận chuyển quốc tế, hậu cần, nhu cầu hợp tác, lợi ích của các nước thành viên...
Trên thực tế, từ năm 1998 đến nay còn có nhiều tài liệu đã được ADB, các nước thành viên EWEC, các nhà tài trợ, các nhà tư vấn, các nhà nghiên cứu đã chuẩn bị và cung cấp nhiều tài liệu quý báu về Tiến trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc EWEC tại các hội thảo quốc tế về Hợp tác kinh tế EWEC tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là ở các nước và các địa phương thuộc EWEC như các Hội thảo quốc tế do ADB tổ chức tại Nhật Bản, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan...
Tuy nhiên các nghiên cứu đã được công bố chủ yếu là của các cơ quan của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), hoặc là của chính phủ Nhật Bản hay các nước thành viên EWEC và các nước khác tập trung nhiều nhất vào việc đánh giá việc triển khai các chương trình dự án, kết quả hợp tác của các địa phương và các nước thuộc EWEC. Trong khi các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học nhất là nghiên cứu dưới góc độ Sử học không nhiều nếu không muốn nói là rất ít. Hơn nữa những kết quả nghiên cứu này chủ yếu là những bài nghiên cứu được công bố trong các hội thảo khoa học trong nước hoặc quốc tế về hợp tác Hành lang kinh tế Đông Tây.
Như đã trình bày ở trên, số lượng các công trình nghiên cứu chuyên khảo và dưới góc độ Sử học về “Tiến trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây (1998 - 2010)” không nhiều nhưng nhìn chung các công trình nghiên cứu ở nước ngoài đều tập trung phản ánh sự cần thiết, lợi ích, sự hưởng ứng và lợi thế của các địa phương và các quốc gia khi tham gia các dự án hợp tác trên EWEC. Một số công trình phản ánh kết quả hợp tác và tác động của EWEC tới sự phát triển của các nước và các địa phương trên EWEC. Tuy nhiên những công trình này chỉ phản ánh một phần nhỏ, một thời gian ngắn hay một địa phương, một quốc gia trên EWEC và chưa phản ánh đầy đủ tiến trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây trong giai đoạn: 1998 - 2010. Mặc dù vậy, những công trình này rất có giá trị đối với Luận án, vì đây là những tài liệu tham khảo rất quan trọng để đánh giá tiến trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây trong giai đoạn nghiên cứu.
2.2. Tình hình nghiên cứu ở Việt Nam
Cho đến nay, “Tiến trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây (1998 - 2010)” đã được các nhà nghiên cứu đề cập dưới nhiều góc độ khác nhau. Có thể tìm thấy nội dung về Hành lang kinh tế Đông Tây trong các công trình nghiên cứu đã được công bố.
2.2.1. Các công trình nghiên cứu về ASEAN và sự hợp tác của các quốc gia ASEAN
Các công trình nghiên cứu tiêu biểu như: Nguyễn Quốc Lộc - Nguyễn Công Khanh - Đoàn Thanh Hương (2004), Tổng quan về ASEAN và tiềm năng Thành phố Hồ Chí Minh trong tiến trình hội nhập, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hồ Chí Minh; Hoài Nguyên (2008), Lào - đất nước và con người, Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế; Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam - Ban Tuyên huấn Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (2012), Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930 -2007), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội; Võ Thanh Thu (2008), Quan hệ kinh tế quốc tế, NXB Thống Kê, Hà Nội; Nguyễn Duy Dũng (chủ biên) (2010), Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia từ lý thuyết đến thực tiễn, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội; Hoàng Thị Minh Hoa (chủ biên) (2010), Nhật Bản với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Lào và Campuchia trong giai đoạn hiện nay, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội; Nguyễn Thị Thúy Hồng (2008), Kinh tế các nước ASEAN, NXB Giáo dục, Hà Nội...
Trong các công trình nghiên cứu này, tiến trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây (1998 - 2010) được đề cập đến không nhiều, chủ yếu là những nghiên cứu về hợp tác kinh tế giữa từng nước trong hành lang với nhau. Tuy nhiên, khi tìm hiểu nhóm công trình này có thể giúp cho các nhà nghiên cứu những tư liệu có ích về quá trình hình thành và phát triển của Hành lang kinh tế Đông Tây và các nhân tố tác động tới quan hệ hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây (1998 - 2010).
2.2.2. Nhóm các công trình nghiên cứu về hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng
Nhóm các công trình nghiên cứu về hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng có thể kể đến một loạt công trình nghiên cứu như: Các công trình nghiên cứu của Nguyễn Trần Quế: “Sông và tiểu vùng Mê Kông tiềm năng và hợp tác phát triển quốc tế”, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001; “Hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng trong điều kiện mới”, Đề tài nghiên cứu cấp Bộ (2007), Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới; “Hợp tác phát triển tiểu vùng Mê Kông mở rộng hiện tại và tương lai”, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2007. Những nghiên cứu này đề cập tới cơ chế, mục tiêu, phương thức hoạt động, những kết quả chủ yếu, những vấn đề tồn tại và khó khăn của hợp tác GMS từ khi hình thành đến năm 2006. Phân tích những điều kiện mới của hợp tác GMS. Đồng thời khái quát quá trình tham gia hợp tác, quan điểm và những định hướng để nâng cao hiệu quả hợp tác của Việt Nam trong GMS; công trình nghiên cứu của Nguyễn Hồng Nhung, “Vai trò của chính quyền địa phương trong hợp tác Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng”, Sách chuyên khảo, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, 2011, đã phân tích vai trò và hoạt động của chính quyền địa phương, từ đó đánh giá và đề ra các giải pháp phát huy vai trò của chính quyền địa phương trong việc thực hiện các cam kết quốc gia trong khung khổ hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng trong tương lai...
Trong nhóm này phải kể đến một số lượng không nhỏ các bài nghiên cứu được công bố trên các tạp chí chuyên ngành như: tạp chí Lịch sử Đảng, tạp chí nghiên cứu Đông Nam Á, tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á, tạp chí Những vấn đề Kinh tế và chính trị thế giới, tạp chí Sự kiện và nhân chứng, tạp chí nghiên cứu lịch sử, tạp chí nghiên cứu quốc tế. Có thể kể đến một loạt các công trình của các tác giả như: Nguyễn Xuân Thắng, “Hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng: Các sáng kiến, sự tiến triển và những lựa chọn ưu tiên”, Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và chính trị thế giới, số 12, 2005, trên cơ sở phân tích các sáng kiến, sự tiến triển, thành tựu chủ yếu và các vấn đề đặt ra trong hợp tác GMS, tác giả đánh giá triển vọng và những lựa chọn ưu tiên trên con đường tiến tới sự phát triển bền vững của GMS; Trần Cao Thành, “Tiểu vùng Mê Công: Một số nét khái quát và đặc điểm”, tạp chí nghiên cứu Đông Nam Á, số 6, 2006, đề cập khái quát các vấn đề: vị trí địa lý, nguồn nhân lực, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và môi trường tự nhiên của các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong mở rộng; Phạm Thái Quốc, “Hợp tác GMS và tác động của nó đến phát triển kinh tế miền Trung Việt Nam”, Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và chính trị thế giới, số 10, 2006, đề cập khái quát về hợp tác GMS, trên cơ sở các điều kiện, lợi thế, một số dự án, chương trình trong GMS giai đoạn 1990 - 2008, tác giả đánh giá những tác động của hợp tác GMS đến sự phát triển kinh tế của miền Trung Việt Nam; Nguyễn Hồng Nhung, “Việt Nam trong hợp tác Tiểu vùng Mê Kông mở rộng”, Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và chính trị thế giới, số 5, 2007, đề cập đến tầm quan trọng của hợp tác GMS đối với Việt Nam, quan điểm, hoạt động, kết quả hợp tác và những vấn đề đặt ra trong quá trình hợp tác của Việt Nam trong GMS...
Nhìn chung các công trình nghiên cứu thuộc nhóm này đã phản ánh được sự cần thiết, nhu cầu, các chủ trương, chính sách và quá trình hợp tác của các nước và các địa phương trong Tiểu vùng Mekong mở rộng.
Tuy nhiên, trong các công trình này vấn đề tiến trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây được đề cập đến không nhiều và không được hệ thống trong cả một giai đoạn (1998 - 2010).
2.2.3. Nhóm các công trình nghiên cứu về Hành lang kinh tế Đông Tây
Đã có nhiều công trình có tính chất chuyên khảo của các tác giả đề cập tới quan hệ kinh tế giữa các nước trong Hành lang kinh tế Đông Tây như: Nguyễn Xuân Thắng, “Hành lang kinh tế và Hành lang kinh tế Đông - Tây: Một số đề xuất về giải pháp phát triển”, Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và chính trị thế giới, số 5, 2006, đề cập đến những vấn đề lý luận về hành lang kinh tế, đặc điểm, chiều hướng phát triển và đề xuất những giải pháp phát triển Hành lang kinh tế Đông - Tây; Lê Hữu Phúc, “Vai trò của tỉnh Quảng Trị đối với việc xây dựng và phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây”, Tạp chí Đông Nam Á, số 11, 2008, đề cập đến vị trí, vai trò, sự hưởng ứng, một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh Quảng Trị đối với việc xây dựng và phát triển Hành lang kinh tế Đông Tây; Trần Văn Minh, “Vai trò của thành phố Đà Nẵng với việc xây dựng và phát triển tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây”, Tạp chí Đông Nam Á, số 11, 2008, đề cập tới lợi ích của EWEC, vị trí, vai trò, kết qủa hợp tác, các giải pháp để tăng cường hiệu quả hợp tác của thành phố Đà Nẵng trên Hành lang kinh tế Đông Tây; Nguyễn Hoàng Giáp, Mai Hoàng Anh, “Quan điểm và đối sách của Việt Nam về hành lang kinh tế Đông -Tây”, Tạp chí Đông Nam Á, số 11, 2008, đề cập khái quát về EWEC, các quan điểm, chính sách của Việt Nam về phát triển Hành lang kinh tế Đông Tây, những trở ngại và khuyến nghị để phát huy hơn nữa vai trò và vị thế của Việt Nam trên Hành lang kinh tế Đông Tây; Trương Duy Hoà, “Hành lang kinh tế Đông - Tây và tác động của nó đến Lào và quan hệ Việt - Lào”, Tạp chí Đông Nam Á, số 11, 2008, đề cập khái quát về Hành lang kinh tế Đông Tây và tác động của nó đến Lào và quan hệ Việt Nam - Lào trong bối cảnh liên kết khu vực và quốc tế hiện nay...
Đặc biệt các bài nghiên cứu trong các Kỷ yếu Hội thảo khoa học phản ánh một cách rõ nét các vấn đề lên quan đến quan hệ kinh tế giữa các nước trong Hành lang kinh tế Đông Tây (1998 - 2010) như: Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Du lịch Quảng Trị - hội nhập và phát triển” do Tổng cục du lịch Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Trị đồng tổ chức năm 2007, đề cập đến tiềm năng du lịch của các quốc gia và các địa phương nằm dọc EWEC, cơ hội và thách thức cho ngành du lịch Quảng Trị trước ngưỡng cửa hội nhập quốc tế cũng như cơ hội hợp tác về du lịch, thương mại của các quốc gia tiểu vùng sông Mekong và các quốc gia nằm trên trục đường xuyên Á; Kỷ yếu Hội thảo "Nhu cầu khách du lịch trên tuyến hành lang Đông Tây - Cơ hội cho các địa phương" do Khoa Du lịch - Đại học Huế và tổ chức phát triển Hà Lan Bắc miền Trung (SNV) về nghiên cứu nhu cầu khách du lịch tại các tỉnh dọc tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây đồng tổ chức năm 2008, đề cập đến nhu cầu khách du lịch, các cơ hội thị trường và gợi mở cho việc hoạch định chính sách kinh doanh và phát triển du lịch của các địa phương cho các địa phương dọc tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây; Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh Bắc miền Trung Việt Nam với Lào và Thái Lan” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình tổ chức (2010). Nội dung của Hội thảo đề cập đến thực trạng hợp tác, sự cấn thiết phải có sự hợp tác của lãnh đạo các địa phương, các ngành nhất là ngành du lịch của ba nước Việt Nam, Lào, Thái Lan về chính sách, giải pháp nhằm đầu tư xây dựng các sản phẩm, các loại hình dịch vụ, các phương tiện, vật chất, kỹ thuật, cách thức hỗ trợ các doanh nghiệp để mở văn phòng, liên doanh khai thác khách du lịch, đề ra các kế hoạch liên kết chặt chẽ để phát triển nhanh, mạnh và bền vững. Đồng thời các bài nghiên cứu cũng khẳng định vị thế du lịch trong cơ cấu ngành kinh tế quan trọng của các địa phương trong mạng lưới du lịch trên EWEC....
Trong các bài viết của các nhà lãnh đạo các nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar cũng đề cập tới quan hệ hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây. Đây là những cơ sở để nghiên cứu, đánh giá sự hưởng ứng và tham gia hợp tác của các nước và các địa phương nằm dọc EWEC.
Nhìn chung, ưu điểm nổi bật của các công trình này là trình bày tập trung mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây (1998 - 2010). Tuy vậy, hạn chế của các bài nghiên cứu là thiếu tính toàn diện, khái quát và theo tiến trình từ năm 1998 đến năm 2010.
Có thể nói, cho đến năm 2010 chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu về tiến trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây dưới góc độ Sử học một cách tổng thể, toàn diện, có luận cứ khoa học sâu sắc.
Trên cơ sở kế thừa có chọn lọc kết quả nghiên cứu của các tác giả đi trước, luận án nghiên cứu về tiến trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây trong giai đoạn 1998 - 2010 một cách tổng thể, toàn diện, có luận cứ khoa học sâu sắc để đưa ra các gợi ý chính sách cho các nước thuộc EWEC nói riêng, GMS nói chung và nhất là gợi mở chính sách cho chính phủ Việt Nam nhằm thúc đẩy và tăng cường hiệu quả hợp tác trên Hành lang kinh tế Đông Tây.
3. Đối tượng và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Bằng phương pháp chuyên ngành kết hợp với các phương pháp liên ngành, đề tài sẽ phản ánh tiến trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây từ năm 1998 đến năm 2010 đi từ cơ sở hình thành, thực trạng hợp tác đến tác động của tiến trình này đối với các chủ thể, các cơ chế hợp tác khác và bước đầu dự báo triển vọng của hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây trong thời gian tới.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để thực hiện mục tiêu của đề tài, tác giả luận án sẽ thực hiện các nhiệm vụ cơ bản sau đây:
- Trình bày khái quát về những cơ sở của hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây.
- Phân tích khái niệm Hành lang kinh tế Đông Tây, sự tham gia của các nước thuộc hành lang và sự tiến triển hợp tác kinh tế giữa bốn nước Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam trong EWEC.
- Trình bày có hệ thống tiến trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây từ năm 1998 đến năm 2010.
- Phân tích, đánh giá tiến trình hợp tác kinh tế và tác động của nó tới các nước thành viên EWEC cũng như các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu. Từ đó đề xuất những giải pháp thúc đẩy quá trình hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây.
- Dự báo triển vọng của quan hệ hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây.
4. Phạm vi nghiên cứu và nguồn tư liệu
4.1. Phạm vi nghiên cứu
Về thời gian: Từ năm 1998 đến 2010. Năm 1998 là mốc thời gian từ khi Hành lang kinh tế Đông Tây được chính thức thông qua tại Hội nghị lần thứ 8 các Bộ trưởng GMS và năm 2010 là năm kết thúc thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI với nhiều sự kiện kinh tế, chính trị có tác động mạnh mẽ tới quan hệ quốc tế nói chung và hợp tác EWEC nói riêng. Để đảm bảo tính logic của đề tài, các giai đoạn hợp tác kinh tế giữa các nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây trước năm 1998 và từ sau năm 2010 cũng được đề cập ở mức độ nhất định.
Về không gian: Luận án chỉ tập trung nghiên cứu tiến trình hợp tác kinh tế giữa 13 tỉnh (Mawlamyine, Kayin, Tak, Sukhothai, Kalasin, Phitsanulok, Khon Kaen, Yasothon, Mukdahan, Savannakhet, Quảng Trị, Huế và Đà Nẵng) của 4 nước (Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam) thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây.
4.2. Nguồn tư liệu
Trong quá trình thực hiện đề tài chúng tôi sử dụng chủ yếu các nguồn tư liệu sau:
- Các văn kiện gốc như: Các văn kiện của Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ ng...g hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninhở khu vực Đông Á, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm hợp tác khu vực. Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho ASEAN theo đuổi vị trí dẫn đầu hợp tác khu vực Đông Á [114, tr35].
Trong quá trình hội nhập, xu thế khu vực hoá và liên kết tiểu vùng được mở ra như sự bổ sung và như là một cách thích ứng với xu thế toàn cầu hoá. Sự phồn vinh của cả khu vực sẽ là nền tảng cho sự phát triển của mỗi nước riêng biệt. Với các đặc điểm địa chính trị, địa kinh tế, hợp tác tiểu vùng làm giảm đi những đặc điểm dị biệt của mỗi nước và góp phần tăng cường phối hợp chính sách, liên kết kinh tế giữa các nước.
Trong khung cảnh mang tính toàn cầu đó, cùng với bầu không khí hoà bình, hữu nghị, hợp tác phát triển, Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) đã hình thành và ngày càng được tăng cường. Tiểu vùng Mekong mở rộng bao gồm các nước Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam và hai tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc. Với tổng diện tích 2,3 triệu km2, đông dân cư (320 triệu người) (năm 2006), đa sắc tộc và có các nền văn hóa rất phong phú, lưu vực sông Mekong giàu tài nguyên thiên nhiên, điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho sản xuất nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, nhìn chung đây còn là vùng nghèo, chậm phát triển ở Đông Nam Á và châu Á, cơ sở hạ tầng yếu kém, đã bị các cuộc chiến tranh kéo dài tàn phá nặng nề, ngay trong tiểu vùng cũng tồn tại sự cách biệt về trình độ phát triển giữa các địa phương.
Từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, xu thế hợp tác, phát triển và hội nhập trở thành xu thế chủ đạo, thúc đẩy hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng. Liên kết, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, nguồn nước là những “động lực” thôi thúc các nước trong lưu vực sông Mekong tìm kiếm cơ chế hợp tác song phương và đa phương. Trong bối cảnh đó, Chương trình hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng được hình thành vào năm 1992 theo sáng kiến của Ngân hàng phát triển châu Á. Ban đầu, GMS bao gồm các nước nằm trong lưu vực sông Mekong: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); năm 2004, thêm tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) tham gia vào hợp tác GMS.
Từ mục tiêu của GMS là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân lưu vực sông Mekong. Do vậy các nước trong lưu vực đã thỏa thuận hợp tác phát triển hạ tầng giao thông, nông công nghiệp, năng lượng, viễn thông tạo thuận lợi cho thương mại, du lịch, đào tạo nguồn nhân lực
Trong đó, hợp tác phát triển hạ tầng giao thông được dành ưu tiên hàng đầu và đạt nhiều kết quả nổi bật nhất, tập trung vào 3 hành lang kinh tế chính:
- Thứ nhất là Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC), dài 1450 km, bắt đầu từ thành phố cảng Mawlamyine (Myanmar) chạy qua Thái Lan và các tỉnh Savanakhet (Lào), Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng (Việt Nam). Đầu năm 2007, với việc hoàn thành cây cầu quốc tế thứ 2 qua sông Mekong, giao thông đường bộ của Hành lang kinh tế Đông Tây đã thông suốt và EWEC trở thành hành lang đi vào hoạt động đầu tiên trong Tiểu vùng Mekong.
- Thứ hai là Hành lang kinh tế Bắc Nam (NSEC), gồm 3 tuyến dọc theo trục Bắc - Nam là Côn Minh - Chiềng Rai - Băng Cốc, Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng và Nam Ninh - Hà Nội. Đây là tuyến hành lang có lợi thế là nối các khu vực đô thị chủ yếu ở các quốc gia giàu có nhất khu vực GMS: Thái Lan và Trung Quốc.
- Thứ ba là Hành lang kinh tế phía Nam (SEC): gồm 3 tuyến đường nối phía Nam Thái Lan qua Campuchia với Việt Nam.
Năm 2007, GMS thông qua Chiến lược giao thông Tiểu vùng Mekong 2006 -2015 điều chỉnh lại quy hoạch các hành lang kinh tế Tiểu vùng thành 9 hành lang để mở các tuyến liên kết 3 hành lang chính trước đây; mở thêm các tuyến mới phía Tây liên kết tiểu vùng Mekong với Ấn Độ. Ngoài 3 cửa ngõ ra biển phía Đông hiện có là thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, quy hoạch còn mở thêm 2 cửa ngõ mới ở Việt Nam là Thanh Hóa và Quy Nhơn.
Nhìn chung hợp tác GMS tiến triển tương đối thuận lợi do các nước trong GMS tích cực thúc đẩy hợp tác; Ngân hàng phát triển châu Á đóng vai trò tích cực trong điều phối, hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ; các nhà tài trợ khác cũng quan tâm và tích cực tham gia. Hiện nay, Ngân hàng thế giới (WB) đang xem xét khả năng trở thành nhà đồng tài trợ cùng ADB trong hợp tác GMS.
Tóm lại, bối cảnh quốc tế và khu vực những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI đã đi theo một xu hướng tích cực hơn. Xu thế đối thoại thay cho đối đầu mở ra cho nhân loại một thời kỳ mới - thời kỳ hòa bình hợp tác và cạnh tranh trên cơ sở các bên cùng có lợi. Đó là một xu thế khách quan hợp quy luật. Với bối cảnh quốc tế như vậy, không một nước nào dù lớn hay nhỏ tránh khỏi được sự tác động của nó. Vì thế, việc hoạch định chính sách ngoại giao càng phức tạp, nếu không thấy được xu thế chung của thế giới hiện nay là hòa bình, phát triển để tranh thủ thời cơ đưa đất nước tiến lên theo con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì sẽ là một sai lầm chiến lược. Mặt khác, nếu không thấy hết tính chất phức tạp của thế giới trong giai đoạn chuyển tiếp sang một thời kỳ mới thì sẽ mất cảnh giác, đe dọa đến nền an ninh quốc gia và dân tộc.
1.4. Khái quát hợp tác kinh tế giữa Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam trước năm 1998
Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam là những quốc gia Đông Nam Á lục địa cùng uống chung dòng nước sông Mekong, là điểm giao thoa, cầu nối nhiều phần giữa đại lục châu Á.
Cả bốn quốc gia cùng nằm trong khu vực Đông Nam Á, tiếp giáp với các nền văn minh lớn của nhân loại, nên cũng như nhiều quốc gia Đông Nam Á khác bốn nước này đều chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng này ở mỗi quốc gia là khác nhau. Những ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa và Ấn Độ được biểu hiện trên các mặt của đời sống như: Tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán mang đậm bản sắc của văn hóa phương Đông.
Sự gần gũi về mặt địa lý đã tạo nên những nét tương đồng về văn hóa, lịch sử giữa bốn nước chính là cơ sở cho mối quan hệ thân thiết từ xa xưa trong lịch sử, để từ đó hình thành nên một cách tự nhiên những mối quan hệ đa dạng và đa chiều trong lịch sử quan hệ giữa bốn nước, tạo thêm cơ sở vững chắc và lâu bền trong quan hệ hợp tác giữa bốn quốc gia, dân tộc đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế.
Quan hệ kinh tế giữa Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam trước năm 1998 nằm trong mối quan hệ kinh tế giữa các nước ở khu vực Đông Nam Á và bị chi phối bởi mối quan hệ giữa ASEAN và các nước Đông Dương.
Các nước Đông Nam Á thời kỳ cận đại từng bị chủ nghĩa thực dân xâm lược thống trị hàng trăm năm, nền kinh tế mang nặng những hậu quả nặng nề của chế độ thuộc địa, nửa thuộc địa, phong kiến nên sau khi giành độc lập nền kinh tế các nước đều nghèo nàn lạc hậu, cơ cấu kinh tế què quặt mất cân đối, chủ yếu là nông nghiệp độc canh, công nghiệp nhỏ bé, chủ yếu là khai thác nguyên nhiên liệu.
Năm 1967, năm nước Đông Nam Á là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, và Philippines đã thành lập một tổ chức liên kết của khu vực với tên gọi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tuyên bố Bangkok, bản Tuyên ngôn thành lập ASEAN, đã nêu lên 7 điểm xác định mục tiêu của ASEAN là phát triển kinh tế và văn hoá, hợp tác thúc đẩy tiến bộ xã hội của các nước thành viên trên tinh thần duy trì hoà bình và ổn định của khu vực.
Chiến tranh lạnh chấm dứt đã tạo thời cơ thuận lợi cho các nước Đông Nam Á xóa bỏ rào cản ngăn cách giữa các quốc gia trong khu vực. Năm 1995 Việt Nam gia nhập ASEAN, tạo ra bước ngoặt cho tổ chức này. Năm 1997 Lào, Myanmar gia nhập ASEAN.
Như vậy, từ chỗ chỉ có Thái Lan là thành viên sáng lập của ASEAN, đến năm 1997 cả 4 nước thành viên của EWEC đều gia nhập ASEAN. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi cho quá trình hợp tác kinh tế của các nước nằm dọc Hành lang kinh tế Đông Tây ở giai đoạn tiếp theo.
Với sự kết thúc của cục diện Chiến tranh lạnh, trong quan hệ quốc tế đã bắt đầu xuất hiện xu thế hòa dịu, hòa hoãn. Cả bốn quốc gia Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam đều nhận thấy cần phải hợp tác với nhau trên nhiều lĩnh vực để hướng tới một nền kinh tế khu vực ổn định. Do đó những bất đồng, nghi kỵ trước đây đã giảm dần và thay vào đó là tiến tới đối thoại, hợp tác cùng phát triển.
Từ đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, xu thế hợp tác, phát triển và hội nhập trở thành xu thế chủ đạo, thúc đẩy hợp tác Tiểu vùng sông Mekong. Liên kết, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, nguồn nước là những “động lực” thôi thúc các nước trong lưu vực sông Mekong tìm kiếm cơ chế hợp tác song phương và đa phương. Trong bối cảnh đó, Chương trình hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (Greater Mekong Subregion – GMS) được hình thành vào năm 1992 theo sáng kiến của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) [116, tr69].
Cả bốn nước Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam đều tham gia vào hợp tác GMS để phát huy những lợi thế của mình, đồng thời tranh thủ những nguồn lực bên ngoài để thúc đẩy hợp tác, phát triển nền kinh tế đất nước. Cho đến trước năm 1998, hợp tác kinh tế giữa Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam cùng với các thành viên khác trong khuôn khổ GMS đã được triển khai những bước đầu tiên. Trong giai đoạn đầu của hợp tác GMS, các hoạt động chủ yếu là tham khảo ý kiến của từng chính phủ trong tiểu vùng, chuẩn bị dự thảo báo cáo khung của chương trình hợp tác, xác định mục đích, nguyên tắc lựa chọn dự án, phạm vi, cơ hội, lợi ích, cơ chế hợp tác kinh tế giữa các nước trong Tiểu vùng, tổ chức các cuộc họp cấp cao, các diến đàn quốc tế.... Mục tiêu trước mắt của GMS là xúc tiến các hoạt động chung trong các lĩnh vực có khả năng nhất như: hạ tầng cơ sở, thương mại đầu tư, du lịch, bảo vệ môi trường và phát triển nguồn nhân lực, tạo ra môi trường thuận lợi thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên của GMS.
Hợp tác kinh tế giữa Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam trước năm 1998 còn được thể hiện thông qua các mối quan hệ kinh tế song phương của các nước này với nhau. Đặc biệt là quan hệ kinh tế song phương giữa hai nước có chung đường biên giới. Thể hiện rõ nhất quan hệ kinh tế song phương của các nước thuộc EWEC là quan hệ kinh tế Việt Nam - Lào.
Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Lào đã có từ lâu trong lịch sử. Tuy nhiên, do đặc thù lịch sử và chính sách đối ngoại của mỗi nước, quan hệ kinh tế thời kỳ đó chủ yếu là thông qua việc giao thương, trao đổi hàng hóa của các cư dân vùng biên giới. Từ năm 1975, sau khi cả Việt Nam và Lào hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, quan hệ ngoại giao kinh tế giữa hai nước đặc biệt được coi trọng. Đáng chú ý là từ khi Việt Nam và Lào ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác năm 1977, quan hệ kinh tế giữa hai nước mới thực sự có quy mô cấp Nhà nước.
Quan hệ kinh tế Việt Nam – Lào cho đến trước năm 1998 đã có nhiều chuyển biến. Nhất là từ sau khi Việt Nam và Lào tiến hành đổi mới, mở cửa nền kinh tế đối ngoại vào năm 1986. Việt Nam và Lào đã đưa ra những chính sách phù hợp với tình hình quốc tế và khu vực thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước phát triển và đã thu được những thành tựu đáng kể.
Quan hệ thương mại Việt Nam - Lào được xác lập từ năm 1961, khi Chính phủ hai nước ký Hiệp định thương mại, nhưng tới gần 30 năm sau việc trao đổi hàng hóa theo Nghị định thư mới được giao cho một số doanh nghiệp hai nước thực hiện.
Việt Nam và Lào đã thực hiện công cuộc đổi mới đất nước vào năm 1986. Quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào giảm dần tính bao cấp, tập trung chuyển sang sản xuất hạch toán kinh doanh cùng có lợi. Hai nước vẫn dành cho nhau những ưu tiên, ưu đãi để tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội ở mỗi nước.
Từ năm 1990 trở đi, công cuộc đổi mới ở Việt Nam và ở Lào đã đạt được những thành tựu đáng kể, quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào đã thực hiện theo phương hướng chiến lược, có kế hoạch, có chương trình hợp tác cụ thể và được thực hiện dưới nhiều hình thức (Hợp tác, liên doanh, liên kết, đầu tư, đấu thầu). Đặc biệt, hai nước chú trọng dành ưu tiên cho nhau trong hoạt động đầu tư và thương mại.
Ngày 15 tháng 02 năm 1992, Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật thời kỳ 1992 - 1995 đã được ký kết giữa Chính phủ hai nước. Từ năm 1992 đến trước năm 1998, Chính phủ hai nước Việt Nam - Lào còn ký thêm nhiều thỏa thuận, cơ chế chung về hợp tác kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ kinh tế giữa hai nước phát triển và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Trên lĩnh vực đầu tư, thương mại giữa hai nước trong thời gian này có nhiều bước tiến quan trọng. Về đầu tư, hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Lào đã có từ những thập niên 80 của thế kỷ XX. Nhưng lúc đó chủ yếu là Việt Nam viện trợ, giúp đỡ Lào để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển đất nước theo phương châm: bạn cần gì, ta giúp được gì, hai bên cùng thực hiện. Bước sang thập niên 90 của thế kỷ XX, khi công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới thu được nhiều thành quả đáng khích lệ, hai nước đã quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào và cho các doanh nghiệp Lào đầu tư sang Việt Nam.
Tóm lại, quan hệ kinh tế giữa bốn quốc gia Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam đã có từ xa xưa. Nhưng do đặc điểm lịch sử phát triển của mỗi nước cùng với bối cảnh quốc tế và khu vực chi phối nên mối quan hệ này chưa được quan tâm và tập trung phát triển. Cho đến trước năm 1998, quan hệ kinh tế giữa bốn quốc gia bước đầu đã đạt được hiệu quả nhất định. Tuy nhiên mối quan hệ này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của cả bốn nước và chưa thực sự trở thành động lực thúc đẩy quan hệ toàn diện giữa Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam cũng như thúc đẩy quá trình hợp tác trong ASEAN. Mặc dù vậy, những kết quả hợp tác kinh tế giữa bốn quốc gia Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam trước năm 1998 là những tiền đề quan trọng cho quá trình hợp tác kinh tế của bốn nước ở giai đoạn tiếp theo, nhất là hợp tác trong khuôn khổ Hành lang kinh tế Đông Tây.
1.5. Sáng kiến của Ngân hàng Phát triển châu Á và Nhật Bản
EWEC ra đời và phát triển có vai trò quan trọng của Ngân hàng Phát triển châu Á, của Nhật Bản, Trung Quốc và các nhà ngoại giao, chuyên gia các nước Australia, Nga, Ukraine, Ấn Ðộ, Chile... EWEC không chỉ gắn kết các nền kinh tế các quốc gia Tiểu vùng Mekong mà còn là cầu nối hợp tác hữu nghị, liên kết kinh tế và phát triển giữa các nước bên bờ Thái Bình Dương với các nước bên bờ Ấn Ðộ Dương và vươn xa tới Tây bán cầu.
1.5.1. Vai trò của Ngân hàng Phát triển châu Á
Hành lang kinh tế Đông Tây do ADB và Nhật Bản khởi xướng và được 4 nước Việt Nam, Myanmar, Lào và Thái Lan tán thành và ủng hộ.
Quan điểm của ADB về EWEC được thể hiện: Hợp tác kinh tế EWEC được hình thành dựa vào các yếu tố là Tuyến hành lang dài 1450 km, đi qua 13 tỉnh của 4 nước Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam, có nhiều nét tương đồng thể hiện ở chỗ các địa phương dọc hành lang đa số đều tương đối nghèo, chậm phát triển, đông dân cư và xa cách về mặt địa lý; Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng, sự phát triển của công nghiệp còn hạn chế; thiếu vốn, công nghệ và công nghệ quản lý hiện đại, thiếu cán bộ được đào tạo tốt; có nhiều tiềm năng phát triển.
ADB khởi xướng và hỗ trợ phát triển EWEC nhằm mục tiêu tạo điều kiện cho các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng gồm Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế. EWEC nhằm thúc đẩy giao lưu thương mại, đầu tư và phát triển giữa các nước, giảm chi phí lưu thông hàng hóa, hành khách trong khu vực hành lang và tạo điều kiện cho việc lưu thông được thuận lợi và hiệu quả. EWEC góp phần giảm nghèo, hỗ trợ phát triển khu vực dọc biên giới và các vùng nông thôn, tăng thu nhập cho các hộ thu nhập thấp, cung cấp việc làm cho phụ nữ và phát triển du lịch. Thêm vào đó, Hành lang kinh tế Đông Tây cũng sẽ góp phần hỗ trợ phát triển công - nông nghiệp và du lịch.
Hỗ trợ đầu tiên của ADB cho việc phát triển Hành lang kinh tế Đông Tây được thực hiện thông qua một khoản vay ưu đãi trị giá 57 triệu USD vào năm 1999, chủ yếu để tài trợ cho việc xây dựng và nâng cấp đường giao thông tại Việt Nam và Lào.
Từ năm 1998 đến năm 2010, ADB luôn hỗ trợ tích cực cho tiến trình hợp tác kinh tế giữa các nước và các địa phương nằm dọc EWEC. Sự hỗ trợ của ADB được thể hiện thông qua việc tài trợ cho các hội nghị, hội thảo quốc tế và quốc gia ở các nước thành viên EWEC để thúc đẩy các nghiên cứu lý luận về hợp tác EWEC; đầu tư cho các dự án phát triển hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông trên EWEC... Trong một bản thông cáo báo chí của Ngân hàng Phát triển châu Á ngày 15 tháng 06 năm 2009, Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á của ADB, ông Arjun Thapan đã khẳng định ý nghĩa của EWEC: “Các con đường mòn nhỏ hẹp và bụi bặm đã nhường chỗ cho những quốc lộ hiện đại được sử dụng để chuyên chở hàng điện tử, hoa quả đầy hấp dẫn và du khách”. Trong giai đoạn đầu phát triển của EWEC, hai đối tác chính đầu tư vào khu vực này là ADB và Nhật Bản. Với sự hỗ trợ tài chính kỹ thuật của hai đối tác này, các hạng mục lớn trên tuyến hành lang là hầm đường bộ xuyên Đèo Hải Vân và cầu hữu nghị 2 nối Savannkhet của Lào với Mukdahan của Thái Lan đã hoàn thành, góp phần mang lại nhiều thay đổi kinh tế - xã hội cho khu vực.
1.5.2. Vai trò của Nhật Bản
Do những thuận lợi khách quan và do ưu thế về nguồn lực, trong thập kỷ 90, ảnh hưởng của Nhật Bản đã chiếm được ưu thế ở Đông Nam Á nói chung và Đông Dương nói riêng. Nhật Bản trở thành nước đóng vai trò chủ đạo trong các hoạt động tái thiết Đông Dương. Tháng 1/1993 Thủ tướng Nhật Bản Kiichi Miyazaoa đưa ra sáng kiến tổ chức Diễn đàn phát triển toàn diện Đông Dương. Thực hiện sáng kiến trên, tháng 2/1995, Hội nghị Bộ trưởng Diến đàn này đã được khai mạc ở Tokyo dưới sự chủ trì của Nhật Bản. Mục đích của Hội nghị là: Phát triển các nước Đông Dương dựa trên triển vọng của khu vực; Hợp tác quốc tế thông qua điều phối tự nguyện các hỗ trợ dựa trên sự trao đổi thông tin giữa các quốc gia và các tổ chức; thúc đẩy kinh tế thị trường ở các nước Đông Dương [82, tr30].
Trong chính sách đối với Đông Dương, Nhật Bản đặc biệt coi trọng việc phát triển Tiểu vùng Mekong. Tháng 3/1996, Nhật Bản đã thành lập Nhóm đặc nhiệm về chiến lược phát triển lưu vực sông Mekong. Tháng 8/1996, Nhóm tác chiến trên đã trình báo cáo của họ và đề xuất cách tiếp cận đối với khu vực này. Nhận thức được tầm quan trọng của Tiểu vùng Mekong, Chính phủ Nhật Bản đã đề xuất sáng kiến phát triển khu vực Mekong nhằm 3 mục tiêu sau:
Đảm bảo sự ổn định của toàn Châu Á.
Tăng cường hội nhập khu vực.
Thúc đẩy thương mại đầu tư, quan hệ con người và quan hệ đối tác.
Để triển khai sáng kiến trên Nhật Bản đề ra 3 cách tiếp cận. Đó là:
1. Cách tiếp cận bao trùm lên toàn bộ khu vực. Với cách tiếp cận này các dự án mở rộng ra toàn khu vực sẽ được triển khai.
2. Cách tiếp cận bán khu vực. Cách tiếp cận này đề cập tới các dự án mang lại lợi ích.
3. Cách tiếp cận song phương. Theo cách tiếp cận này, một số dự án nhằm giảm chênh lệch về trình độ phát triển sẽ được triển khai [82, tr32].
Trong dự án hợp tác phát triển khu vực Mekong, vai trò của Hành lang kinh tế Đông Tây rất quan trọng. Nước nào nắm được hành lang này sẽ khống chế được bán đảo Đông Dương và như vậy sẽ chiếm được ảnh hưởng ưu thế ở Đông Nam Á. Phát triển Hành lang kinh tế Đông Tây sẽ tạo tác động lan toả, lôi cuốn các vùng ngoại vi hành lang này vào luồng phát triển chung. Như vậy, phát triển Hành lang Đông Tây chính là chìa khoá để phát triển hạ lưu Mekong.
Xuất phát từ các mục tiêu trên, sáng kiến thành lập EWEC của Nhật Bản là nhằm:
Thứ nhất, thông qua EWEC, thúc đẩy quan hệ với toàn khối ASEAN.
Thứ hai, Xây dựng con đường vận tải trên bộ nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, giảm bớt sự phụ thuộc của Nhật Bản vào con đường vận tải chảy qua eo Malacca.
Thứ ba, với sự ra đời của EWEC sẽ tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư của Nhật Bản tới đầu tư ở các tỉnh dọc hành lang này [82, tr32-33].
ADB và Nhật Bản đã đầu tư trên toàn tuyến EWEC nối các quốc gia và điểm cuối của EWEC là các cảng biển Việt Nam.
EWEC mang lại lợi ích thiết thực đối với Nhật Bản. Qua thống kê dưới đây cho ta thấy tỉ trọng xuất nhập khẩu giữa Nhật Bản với các nước trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây.
Bảng 1.1: Tỉ trọng thương mại của các nước EWEC với Nhật Bản
(tính đến hết tháng 10/2008)
Đơn vị tính: 1.000 USD
Nước
Xuất khẩu sang Nhật
Nhập khẩu từ Nhật
Balance
Việt Nam
7.633.047
6.686.988
946.059
Thái Lan
17.460.244
24.814.940
-7.354.696
Lào
15.250
47.931
-32.681
Myanmar
255.758
158.050
97.708
Nguồn: 2008, JETRO (Bộ Tài Chính Nhật)
Thứ tư, việc xây dựng EWEC còn nhằm mục tiêu cạnh tranh với Trung Quốc trong hợp tác tiểu vùng Mekong. Ý định biến Hành lang Đông Tây thành Hành lang kinh tế Đông Tây của Nhật Bản được các nước liên quan ủng hộ. Bởi vì, khi được xây dựng xong, Hành lang kinh tế Đông Tây sẽ góp phần biến 13 tỉnh dọc hành lang này thành khu vực phát triển kinh tế, thu hẹp khoảng cách phát triển với các khu vực khác ở Đông Dương. Ngoài ra, sự có mặt của Nhật Bản ở khu vực này cũng giúp cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Dương, phù hợp với chính sách của ASEAN ở thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh [82, tr33-34].
1.6. Đặc điểm của Hành lang kinh tế Đông Tây
Hành lang kinh tế Đông Tây có những đặc điểm sau:
- Thứ nhất, Hành lang kinh tế Đông Tây là tuyến giao thông dài 1450 km, đi qua 4 nước, bắt đầu từ thành phố cảng Mawlamyine (bang Mon) đến cửa khẩu Myawaddy (bang Kayin) ở biên giới Myanmar - Thái Lan. Ở Thái Lan, bắt đầu từ Mae Sot, chạy qua 7 tỉnh: Tak, Sukhothai, Kalasin, Phitsanulok, Khon Kaen, Yasothon và Mukdahan. Ở Lào, chạy từ tỉnh Savannakhet đến cửa khẩu Dansavanh và ở Việt Nam, chạy từ cửa khẩu Lao Bảo qua các tỉnh thành Quảng Trị, Huế và Đà Nẵng. Đây là tuyến hành lang dài nhất trong 5 hành lang kinh tế của GMS theo sáng kiến của ADB, chạy qua nhiều nước GMS nhất (4 nước). Hành lang kinh tế Đông Tây là con đường huyết mạch nối liền GMS với không gian kinh tế sông Hằng (Ấn Độ), rút ngắn khoảng cách và phí tổn cho việc mở rộng giao lưu kinh tế giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
13 tỉnh của 4 nước thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây là những địa phương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nhưng đa số đều tương đối nghèo và chậm phát triển.
Bảng 1.2: Thông tin về các tỉnh, thành phố thuộc EWEC
STT
Tên tỉnh,
thành phố
Diện tích (km2)
% so với diện tích cả nước
Dân số (người)
% so với dân số cả nước
1
Mawlamyine
12.155
1,79
300.000
0,55
2
Kayin
30.383
4,49
1.431.377
2,65
3
Tak
16.406,6
3,19
486.146
0,74
4
Sukhothai
6.596,1
1,28
593.264
0,91
5
Kalasin
6.946,7
1,35
921.366
1,41
6
Phitsanulok
10.815,8
2,10
792.678
1,21
7
Khon Kaen
10.886,0
2,11
1.733.434
2,66
8
Yasothon
4.161,7
0,80
561.430
0,86
9
Mukdahan
4.339,8
0,84
310.718
0,47
10
Savannakhet
21.774
9,19
872.159
12,82
11
Quảng Trị
4744,3
1,43
598.000
0,67
12
Thừa Thiên Huế
5065,3
1,52
1.087.600
1,22
13
Đà Nẵng
1283,4
0,38
887.100
0,99
Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của Phòng Thông tin đối ngoại -
Sở ngoại vụ Quảng Trị năm 2010
Nhìn vào bảng số liệu trên chúng ta thấy Hành lang kinh tế Đông Tây là một liên vùng rộng lớn bao gồm các tỉnh thuộc miền Trung Việt Nam, Trung và Hạ Lào, Đông Bắc Thái Lan và một phần lãnh thổ Myanmar. Các địa phương của Việt Nam nằm ở đầu phía Đông của hành lang, đầu mối thông thương ra biển Đông không chỉ của EWEC mà của cả Tiểu vùng Mekong mở rộng. Ba địa phương của Việt Nam thuộc EWEC chiếm tỷ lệ 3,33% diện tích và 2,88% dân số cả nước. Thành phố Đà Nẵng và các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị có nhiều tiềm năng phát triển về vị trí địa lý, kinh tế biển, văn hóa, lịch sử, nhân lực cùng với một số tỉnh lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi... nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung của Việt Nam. Tỉnh Savannakhet của Lào trên EWEC chiếm tỷ lệ 9,19% diện tích và 12,82% dân số cả nước. Savannakhet có lợi thế của khu vực đất rộng, người thưa, nhiều tiềm năng chưa được khai thác, hệ thống giao thông đường bộ, đường sông và đường hàng không khá thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp và công nghiệp. Các tỉnh Đông Bắc Thái Lan thuộc hành lang chiếm tỷ lệ 11,67% diện tích và 8,26% dân số cả nước. Đây là khu vực có nhiều khoáng sản quan trọng như: Apatít, đồng đỏ, mangan, quặng, vàng, chì và khí đốt thiên nhiên. Đây cũng là khu vực có nhiều điểm du lịch đặc biệt riêng hấp dẫn du khách đặc trưng cho sự phát triển của dân tộc Thái. Các tỉnh Đông Bắc Thái Lan có quan hệ gần gũi với các tỉnh Nam Lào. Đồng thời đây là một vùng có tiềm năng, khả năng sản xuất lương thực, chế biến nông lâm sản khá lớn của Vương quốc Thái Lan. Các tỉnh của Myanmar thuộc hành lang chiếm tỷ lệ 3,28% diện tích và 3,20% dân số cả nước. Đây là khu vực có lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên, đất trồng trọt lớn và vị trí chiến lược, vì thế có tiềm năng vô cùng to lớn trong việc tăng cường hợp tác liên vùng cũng như việc ổn định khu vực.
Tóm lại, các địa phương nằm dọc tuyến hành lang của Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam đều có những lợi thế so sánh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên đây là khu vực tương đối nghèo, chậm phát triển, đông dân cư và xa cách về mặt địa lý. Do vậy, dự án này mở đường giúp xóa đói, giảm nghèo cho hàng triệu người ở cả bốn nước, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển và tăng cường liên kết giữa vùng này với những khu vực khác trong ASEAN cũng như với các nước trong khu vực và trên thế giới.
- Thứ hai, Hành lang kinh tế Đông Tây có nhiều ưu thế được thể hiện trên các mặt sau:
+ Hành lang kinh tế Đông Tây là trục cắt ngang trong mạng lưới giao thông tiểu vùng vì thế nó không chỉ khơi dậy khả năng phối hợp phát triển giữa các thành phố lớn dọc tuyến hành lang như: Mawlamyine, Phitsanulok, Khon Kaen, Savannakhet, Huế, Đà Nẵng mà còn tiếp nhận và bổ sung hiệu ứng phát triển của các trung tâm phát triển lớn ở các nước thành viên khi Hành lang Đông - Tây đã giao cắt với các trục tuyến đường huyết mạch giao thông Bắc Nam của cả 4 nước GMS.
+ Đây là cơ hội cho các vùng, địa phương nghèo trong GMS tiếp cận tốt hơn các nguồn tài nguyên, khoáng sản, hải sản và năng lượng của nhau, phục vụ tốt cho các ngành sản xuất và chế biến, tạo điều kện phát triển cho các địa phương, vùng... vốn trước đây bị đặt ra ngoài các tiến trình hội nhập khu vực, thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội xuyên biên giới. Đặc biệt thông qua sử dụng hiệu quả không gian kinh tế và hình thành các khu vực kinh tế xuyên quốc gia, hành lang kinh tế này chính là khuôn khổ phát triển có khả năng tạo dựng hình ảnh và lôi cuốn được mối quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư thương mại bên ngoài vào Tiểu vùng.
+ Khon Kaen (Thái Lan) và Đà Nẵng (Việt Nam) được coi là hai trung tâm phát triển nhất của hành lang này, chúng có thể trở thành vùng động lực cho tất cả các địa phương trong GMS. Hành lang kinh tế Đông Tây chính là tiền đề nhân rộng khả năng bổ sung giữa các vùng động lực với các địa phương (các vùng vốn còn có chênh lệch phát triển và sự khác biệt quá lớn trong GMS). Như vậy, Hành lang kinh tế Đông Tây là sáng kiến để thực hiện thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước trong GMS nói riêng và giữa các nước GMS thuộc ASEAN với toàn ASEAN nói chung. Cúng tương tự như vậy, tiến trình hội nhập ASEAN (AFTA) và lộ trình xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ đi vào thực chất hơn khi Hành lang kinh tế Đông Tây đi vào hoạt động hiệu quả.
+ Nhìn chung, Hành lang kinh tế Đông Tây bao gồm các địa phương, vùng, về cơ bản vẫn là sản xuất nông nghiệp (chiếm 20 - 50% tỷ trọng GDP của các địa phương này và vẫn chiếm tới 60 - 80% dân số là nông dân). Phát triển công nghiệp trên thực tế vẫn chỉ là chế biến các nguyên liệu nông nghiệp, tài nguyên và còn ở mức độ thấp. Dịch vụ hầu như chưa phát triển. Do vậy, Hành lang kinh tế Đông Tây được coi là khuôn khổ chiến lược khơi thông nguồn lực, khởi động tiến trình công nghiệp hóa mới ở các nước trong tiểu vùng. Hành lang kinh tế Đông Tây thực chất sẽ gắn hội nhập kinh tế khu vực với công nghiệp hóa và tạo không gian mới để thực hiện công nghiệp hóa mới. Nghĩa là tạo ra kênh quan trọng để lôi cuốn, dẫn dắt nguồn lực bên ngoài phục vụ cho nhu cầu công nghiệp hóa và phát triển bên trong của Tiểu vùng (khu vực GMS nếu tự mình sẽ không có đủ nguồn lực, nhất là không bao giờ có đủ vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa).
+ Hành lang kinh tế Đông Tây có tiềm năng lớn về phát triển du lịch nhờ tính đa dạng sinh học và truyền thống lịch sử văn hóa phong phú lâu đờ của nó. Di sản Sukhothai ở miền Bắc Thái Lan và đặc biệt hai di sản văn hóa thế giới: cố đô Huế và thánh địa Mỹ Sơn của Quảng Nam (Việt Nam) sẽ là những điểm du lịch hấp dẫn tạo ra khả năng du lịch xuyên vùng, thúc đẩy sự kết hợp chặt chẽ giữa du lịch văn hóa, lịch sử và du lịch sinh thái [143, tr5-6].
Hình 1.2: Vị trí của Hành lang kinh tế Đông Tây
Nguồn: Asian Development Bank (2009), East-West Economic Corridor (EWEC) Strategy and Action Plan, Development Study of the East-West Economic Corridor Greater Mekong Subregion, Manila, tr15.
- Thứ ba, bên cạnh những đặc điểm được khẳng định là tích cực và ưu thế, Hành lang kinh tế Đông Tây vẫn có rất nhiều những thách thức phát triển:
+ Các địa phương dọc hành lang hầu hết đều nghèo, trình độ phát triển thấp, chậm chuyển đổi, dân cư đông và xa các trung tâm, đô thị phát triển. Cũng vì vậy, ở đây dân trí thấp, tay nghề và kỷ luật lao động thấp, vẫn còn những tập tục sản xuất lạc hậu. Đây cũng là vùng tập trung hầu hết các dân tộc thiểu số của các nước vì vậy, ngoài những hạn chế về chỉ số phát triển kinh tế và chỉ số phát triển con người, đây còn là các vùng luôn phức tạp và dễ tổn thương về mặt xã hội và an ninh, nghĩa là nguy cơ xảy ra các xung đột về sắc tộc, tông giáo luôn tiềm ẩn ở các địa phương dọc hành lang, nhất là các vùng nằm dọc biên giới Thái Lan và Myanmar.
+ Thực chất hợp tác trên Hành lang kinh tế Đông Tây là hợp tác giữa các đối tác yếu - yếu. Khả năng bổ sung cho nhau, về lý thuyết là to lớn song việc hiện thực hóa các khả năng này là rất khó khăn. Khon Kaen và Đà Nẵng được coi là động lực cho hành lang, trên thực tế đây vẫn là những trung tâm phát triển chậm và thấp xa so với các vùng kinh tế trọng điểm quốc gia khác của Thái Lan và Việt Nam. Vì vậy, chúng chưa thể trở thành các cú hích ...Suphăn Kẹomexay (2010), Tác động của Hành lang kinh tế Đông - Tây đối với tỉnh Savannakhet, Hành lang Kinh tế Đông - Tây, UBND tỉnh Quảng Trị - Bộ ngoại giao - Báo Thế giới & Việt Nam, Đông Hà, tr14-15.
126. Bùi Thị Tám (2012), Đánh giá khả năng thu hút khách du lịch của hành lang kinh tế Đông Tây phía Việt Nam, Báo cáo tổng kết Đề tài Nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Khoa Du lịch, Đại học Huế.
127. Nguyễn Văn Tận (2000), “Nhìn lại chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và hệ quả của nó”, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 4, tr49-51.
128. Nguyễn Xuân Tế (2000), Thể chế chính trị các nước ASEAN, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
129. Trần Minh Tích (2012), Hành lang Kinh tế Đông Tây (EWEC) - Cơ hội phát triển, ngày truy cập 19/7/2013,
130. Phạm Tiến (2010), Nhận diện nền chính trị thế giới 10 năm đầu thế kỷ XXI, Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và chính trị thế giới, số 8, tr3-12.
131. Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế (2011), Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hoá, du lịch đặc sắc của cả nước giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 15 tháng 11 năm 2011, Huế.
132. Nguyễn Anh Thái (chủ biên) (2001), Lịch sử thế giới hiện đại, NXB Giáo dục, Hà nội.
133. Hoàng Văn Thái (1983), Liên minh, đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia, NXB Sự thật, Hà Nội.
134. Nguyễn Quốc Thanh (2013), Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo qua 10 năm phát triển tạo động lực trên Hành lang Kinh tế Đông - Tây, Nghiên cứu trao đổi - Trường chính trị Lê Duẩn, Quảng Trị.
135. Phạm Đức Thành (chủ biên) (2001), Đặc điểm con đường phát triển kinh tế - xã hội của các nước ASEAN, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
136. Phạm Đức Thành (2008), “Campuchia với Hành lang kinh tế Đông Tây”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 11, tr. 41-46.
137. Phạm Đức Thành - Trương Duy Hòa (chủ biên) (2002), Kinh tế các nước Đông Nam Á thực trạng và triển vọng, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
138. Phạm Đức Thành (2007), Vai trò kinh tế của người Việt ở Lào, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2, tr19-26.
139. Trần Cao Thành (2008), Hợp tác phát triển tiểu vùng Mê Công mở rộng và vai trò tác động xây dựng cộng đồng ASEAN, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 6, tr.17-24.
140. Lê Hữu Thăng (2010), Việt Nam và ASEAN: những bước hội nhập tiếp theo, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 2, tr6-9.
141. Nguyễn Xuân Thắng (2005), Hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng: Các sáng kiến, sự tiến triển và những lựa chọn ưu tiên, Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và chính trị thế giới, số 12, tr14-15.
142. Nguyễn Xuân Thắng (2005), Hợp tác Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng: Các sáng kiến, sự tiến triển và những lựa chọn ưu tiên, Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và chính trị thế giới, số 12, tr3-13.
143. Nguyễn Xuân Thắng (2006), Hành lang kinh tế và Hành lang kinh tế Đông - Tây: Một số đề xuất về giải pháp phát triển, Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và chính trị thế giới, số 5, tr3-13.
144. Trần Đình Thiên (2005), Liên kết kinh tế ASEAN vấn đề và triển vọng, NXB Thế giới, Hà Nội.
145. Nguyễn Duy Thiệu (2007), Cộng đồng người Việt tại Lào sinh tồn và giữ gìn bản sắc, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2, tr3-13.
146. Thông tấn xã Việt Nam (2006), “Quan hệ hữu nghị đặc biệt hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào”, Thông tin tư liệu, tr15-21.
147. Thông tấn xã Việt Nam, 26/08/2007.
148. Thông tấn xã Việt Nam, 27/08/2007.
149. Thông tấn xã Việt Nam, 28/08/2007.
150. Thông tấn xã Việt Nam, 29/08/2007.
151. Thông tấn xã Việt Nam, 30/08/2007.
152. Thông tấn xã Việt Nam, 31/08/2007.
153. Thông tấn xã Việt Nam, 01/09/2007.
154. Thông tấn xã Việt Nam (2009), Việt Nam, Thái Lan, Lào thực hiện hiệp định thúc đẩy giao thương trên hành lang kinh tế Đông-Tây, ngày truy cập 19.7.2013,
155. Thời báo kinh tế Việt Nam, 27/12/2005.
156. Thời báo kinh tế Việt Nam, 15/06/2009.
157. Võ Thanh Thu (2000), Kinh tế đối ngoại, NXB tài chính, Hà Nội.
158. Võ Thanh Thu (2008), Quan hệ kinh tế quốc tế, NXB Thống kê, Hà Nội.
159. Bùi Thị Thu, Vũ Mạnh Cường (2010), Định hướng khai thác các di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Quảng Trị cho mục đích du lịch, Tạp chí khoa học, Đại học Huế, tập 72A, số 3, tr259-267.
160. Thủ tướng Chính phủ (2005), Quyết định về việc Ban hành Quy chế Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị, ngày 12 tháng 01, Hà Nội.
161. Thủ tướng Chính phủ (2011), Quyết định số: 495/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, ngày 07/04, Hà Nội.
162. Trường Đại học sư phạm Huế - Khoa Lịch sử (2005), Một số vấn đề lịch sử, Tập I, NXB Thuận Hóa, Huế.
163. UBND tỉnh Quảng Trị (2012), Quảng Trị tiềm năng & cơ hội đầu tư, Quảng Trị.
164. Viện Đông Nam Á (1981), Tìm hiểu lịch sử văn hóa nước Lào, Tập II.
165. Nguyễn Văn Vinh (2008), Những sự kiện lịch sử ở Lào 1353 - 1975, NXB Lao động, Hà Nội.
166. Yaowalak Apichatvullop (2010), Quan điểm từ phía trường ĐH Khonkaen (KKU) Thái Lan, Hành lang Kinh tế Đông - Tây, UBND tỉnh Quảng Trị - Bộ ngoại giao - Báo Thế giới & Việt Nam, Đông Hà, tr32-35.
TIẾNG NƯỚC NGOÀI
167. Asian Development Bank (1999), Technical Assistance for East-West Corridor Coordination, Manila.
168. Asian Development Bank (2000), Proceedings of the 7th Ministerial Conference on GMS, Manila.
169. Asian Development Bank (2001), Proceedings of the 10th Ministerial Conference on GMS, Manila.
170. Asian Development Bank (2008), Lao People’s Democratic Republic and Socialist Republic of Viet Nam: Greater Mekong Subregion: East−West Corridor Project, Manila.
171. Asian Development Bank (2008), Project Completion Report on the Greater Mekong Subregion: East-West Corridor Project (Lao PDR and Viet Nam), Manila.
172. Asian Development Bank (2008), Technical Assistance to the Lao People’s Democratic Republic for Building Lao PDR’s Capacity to Develop Special Economic Zones, Manila .
173. Asian Development Bank (2008), Sector Assistance Program Evaluation on Transport and Trade Facilitation in the Greater Mekong Subregion, Manila.
174. Asian Development Bank (2010), Strategy and Action Plan for the Greater Mekong Subregion East-West Economic Corridor, Mandaluyong City, Philippines.
175. Asian Development Bank (2008), Vientiane Action Plan, ADB Publication, Manila.
176. Asian Development Bank (2009), East-West Economic Corridor (EWEC) Strategy and Action Plan, Development Study of the East-West Economic Corridor Greater Mekong Subregion, Manila.
177. Calla Wiemer (2009), Economic Corridors for the Greater Mekong Subregion, EAI Background Brief No.479, East Asian Institute.
178. Discussion Paper No.35, Aug.2005, Masami Ishida, Effectiveness and Challenges of Three Economic Corridor of the the Greater Mekong Subregion, Institute of Developing Countries (IDE), Japan.
179. GMS Sustainable Tourism Development Project in Lao PDR (2009), Development of a Thematic Interpretation Plan & Strategy to Encourage Tourists to Stay Longer on the East-West Economic Corridor in Lao PDR, Savannakhet Province, Lao PDR.
180. Japan Bank for International Coopera tion (2003), Regional cooperation strategy on interconnected power networks in Indochina, Japan.
181. Japan International Cooperation Agency (2001), Promotion of the Development of the Mekong River Basin, Japan.
182. Htun, K. W., N. N. Lwin, T. H. Naing and K. Tun (2011), ‘ASEAN-India Connectivity: A Myanmar Perspective’ in Kimura, F. and S. Umezaki (eds.), ASEAN-India Connectivity: The Comprehensive Asia Development Plan, Phase II, ERIA Research Project Report 2010-7, Jakarta: ERIA, pp.151-203.
183. Katsumi Uchida (2008), Japan’s Policy and Strategy of Economic Cooperation in CLMV, International Development Research Institute (IDRI), Foundation for Advanced Studies on International Development (FASID), Japan;
184. Lee Sheridan (2009), Strategy and Action Plan to Encourage Tourists to Stay Longer and Spend More on the East West Economic Corridor Savannakhet, Lao PDR, SNV Lao Programme Savannakhet Provincial Tourism Department Lao National Tourism Administration, Lao PDR.
185. Le Le Phyo (2010), Border Trade in Myanmar, 1997-1998 to 2007-2008, Yangon Institute of Economics, Myanmar.
186. Myo Nyunt (2004), A study of Myanmar Trade with ASEAN, 1996/1997 - 2001/2002, Yangon Institute of Economics, Myanmar.
187. Ruth Banomyong et all (2008), East-West Economic Corridor Logistics, Benchmark Study.
188. Yaowalak Apichatvullop Panadda Phucharoensilp (2007), The East-West Economic Corridor Project in Thailand: Perceived Meanings and Expectations, Center for Research on Plurality in the Mekong Region, Faculty of Humanities and Social Sciences, Khon Kaen University Khon Kaen, Thailand.
189. Yin Yin Mya (2006), Overview of Myanmar Economy, Seminar on ASEAN Economic Community and the Proposed East Asian Free Trade Area: Prospects and Implications on Trade and Development of Myanmar, March 22-23, Yangon, Myanmar.
190. Yongvanit, Sekson and Bejrananda, Monsicha. (2006). The East West Economic Corridor (EWEC) and its impact on the urban development of Khon Kaen City. In Urban changes in different scales: systems and structures, Presented in Santiago de Compostela, Spain on 31 July - 6 August 2006.
PHỤ LỤC 1
Những ưu tiên chiến lược và các dự án ưu tiên chiến lược
của chương trình phát triển nguồn nhân lực trong GMS
Khu vực
Những ưu tiên chiến lược của GMS
Những dự án ưu tiên được đề xuất
Sức khỏe
1. Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm - sốt rét, nhiễm khuẩn, sốt xuất huyết...
2. HIV/AIDA và giáo dục về các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục - đặc biệt cho thanh niên và phụ nữ.
3. Hoàn thành chính sách - xây dựng tiêu chuẩn, phối hợp, nghiên cứu hệ thống y tế, cấp kinh phí chăm sóc sức khỏe, đào tạo và trao đổi.
4. Kiểm soát dịch bệnh đối với SARS, cúm gia cầm...
1. Hợp tác Khu vực vì sự phát triển hệ thống Y tế
2. Hệ thống Giám sát và ứng phó GMS
3. HIV/AIDA, Giáo dục các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục vì sức khỏe của thanh niên, phụ nữ và trẻ em
4. Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm đối với các cộng đồng dân cư nông thôn.
Giáo dục
1. Quản lý giáo dục - lập kế hoạch, tài chính, phi tập trung hóa dữ liệu.
2. Phát triển chất lượng - cải cách chương trình, hoạt động dạy và học, chất lượng giáo viên, phát triển kỹ năng, kinh nghiệm địa phương, đảm bảo chất lượng và đánh giá.
3. Tiếp cận - đào tạo từ xa, sự tham gia của cộng đồng, bình đẳng giới và đào tạo không chính thức.
4. Công nghệ thông tin, viễn thông trong giáo dục - phần mềm, đào tạo giáo viên, phần cứng.
1. Giáo dục phòng ngừa bệnh . HIV/AIDA thông qua công nghệ thông tin và viễn thông - các thành viên đều cho rằng cần phải tiếp tục giai đoạn II của dự án.
2. Đảm bảo chất lượng trong giáo dục cơ bản ở GMS - các nước GMS chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
3. Xây dựng mạng lưới giáo dục bậc cao - chia sẻ kinh nghiệm tiên tiến trong giảng dạy và nghiên cứu giảm nghèo.
4. Chính sách phi tập trung hóa - phân cấp quản lý trong giáo dục.
5. Hội thảo và tọa đàm cấp khu vực về phát triển và cải cách giáo dục.
Lao động
1. Di chuyển lao động
2. Thông tin lao động
3. Phát triển kỹ năng
4. Tiêu chuẩn kỹ năng
1. Nghiên cứu đánh giá về phát triển lao động GMS
2. Đào tạo kỹ năng và tiêu chuẩn hóa kỹ năng GMS
3. Dịch vụ Thông tin thị trường lao động GMS
4. Tiêu chuẩn lao động GMS
Nguồn: Nguyễn Hồng Nhung (2007), Chính sách phát triển nguồn nhân lực ở một số nước GMS, thực trạng và những vấn đề đặt ra, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp viện năm 2007, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Hà Nội, tr29.
PHỤ LỤC 2
Các tiêu chí lựa chọn dự án cho chương trình làm việc của Nhóm công tác chương trình phát triển Hành lang Đông Tây (WEC)
Các tiêu chí sau sẽ được áp dụng trong việc lựa chọn các khuyến nghị dự án để đưa vào Chương trình làm việc của Nhóm công tác:
1. Dự án phải đóng góp thúc đẩy thương mại, đầu tư và phát triển công nghiệp của khu vực WEC, đưa tới việc tạo môi trường kinh doanh tốt hơn.
Chú ý 1:
Cụm từ “phát triển công nghiệp” bao gồm cả sự phát triển công nghiệp dịch vụ và công nghiệp phục vụ nông nghiệp.
Chú ý 2:
Khu vực địa lý WEC gồm các vùng nằm ở giữa bán đảo Đông Dương, trải từ Đông sang Tây và thuộc các quốc gia trong WEC như Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam. Các hoạt động phát triển đã và đang được đưa ra cho khu vực dọc theo tuyến đường nối Đà Nẵng, Huế (Việt Nam), với Savannakhet (Lào), Mukdahan, Mae Sot (Thái Lan) và Mawlamyine. WEC có thể bao gồm cả những khu vực ngoài những vùng đã đề cập ở trên với điều kiện tất cả các nước thành viên trong Nhóm công tác nhất trí là việc phát triển các khu vực đó có tác động tích cực về kinh tế - xã hội đối với các quốc gia WEC.
2. Dự án phải được mở rộng và đem lại lợi ích cho ít nhất hai quốc gia WEC, do đó phải có ít nhất hai quốc gia WEC, kể cả các cơ quan địa phương có liên quan, tham gia và hỗ trợ thực hiện dự án.
3. Dự án phải được thiết kế phù hợp với khung chung và nên đưa ra được kết quả cụ thể trong một thời gian tương đối ngắn.
4. Dự án phải được tính toán để phát triển cơ sở hạ tầng “mềm” như phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực tổ chức pháp lý, hoặc đưa ra được các kết quả “dạng mềm” như một bản quy hoạch tổng thể, kế hoạch hành động hay một báo cáo nghiên cứu khả thi cho sự phát triển trong vùng, kể cả cho việc phát triển cơ sở hạ tầng “cứng”.
5. Trong trường hợp một dự án có các mục tiêu hoặc nội dung trùng với một dự án phát triển được đưa ra tại một diễn đàn phát triển khác, dự án đó cần tạo ra hiệu quả thúc đẩy hoặc bổ trợ cho dự án kia thông qua việc duy trì sự phối hợp chặt chẽ giữa hai dự án.
Nguồn: Vụ tổng hợp kinh tế - Bộ ngoại giao (2000), Hợp tác phát triển liên vùng dọc Hành lang Đông Tây (WEC), Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội, tr23-24.
PHỤ LỤC 3
Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao GMS lần thứ 3
được tổ chức tại thủ đô Vientiane (Lào) vào các ngày 30-31/3/2008
1. Chúng tôi, Lãnh đạo Chính phủ Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Liên hiệp Myanmar, Vương quốc Thái Lan, Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) tuyên bố:
Nhắc lại tại Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ nhất và thứ hai tổ chức tại Phnôm Pênh và Côn Minh, chúng tôi đã đặt nền móng cho tầm nhìn về một tiểu vùng hội nhập, hòa hợp và thịnh vượng chung, thông qua Khung chiến lược 10 năm cho hợp tác kinh tế GMS và đưa ra những định hướng cơ bản để tăng cường sự kết nối, khả năng cạnh tranh và tính cộng đồng;
Khẳng định lại những nguyên tắc hợp tác cơ bản của tiểu vùng, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tiếp cận thực tiễn, hướng tới hành động và kết quả thực tiễn trong quá trình chuẩn bị và thực hiện các dự án tiểu vùng, thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 tổ chức tại Côn Minh tháng 7-2005;
Nhận thức rõ xu hướng toàn cầu hóa nhanh chóng, những tiến bộ khoa học và công nghệ, sự gia tăng tự do hóa thương mại-đầu tư và hội nhập kinh tế ở cấp độ khu vực và toàn cầu cũng như vai trò ngày càng tăng của các nền kinh tế mới nổi tại các khu vực xung quanh sẽ có ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển của tiểu vùng GMS;
Ý thức rằng trong khi những thách thức đối với sự phát triển của GMS còn đang hiện hữu, những tiến bộ đạt được trong hợp tác tiểu vùng đang mở ra những cơ hội chưa từng có;
Tin tưởng rằng sự duy trì và thúc đẩy những nỗ lực hợp tác và hội nhập kinh tế là hết sức cần thiết nhằm đối phó với những thách thức và tận dụng đầy đủ các cơ hội cho sự phát triển của hợp tác GMS;
Nhân dịp này tái khẳng định sự cam kết và quyết tâm hiện thực hóa tầm nhìn về một tiểu vùng hội nhập, hòa hợp, và thịnh vượng và tiếp tục hợp tác chặt chẽ nhằm thúc đẩy sự phồn vinh của người dân tiểu vùng.
Tiến triển trong hợp tác kinh tế GMS
2. Chúng tôi rất hài lòng về những thành quả to lớn của hợp tác GMS từ năm 1992 tới nay.
3. Chương trình hợp tác kinh tế và phát triển tiểu vùng đang tăng tốc, mang đến những kết quả thiết thực và góp phần hiện thực hóa tầm nhìn chung. Sự mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư, du lịch và sự tăng cường hiểu biết lẫn nhau trên cơ sở cải thiện và nâng cấp hạ tầng giao thông trong tiểu vùng có ý nghĩa quan trọng. Sự suy giảm nhanh chóng về tỷ lệ nghèo từ năm 1992 là thành tựu đáng kể. Trong số các nhân tố tạo nên thành công này, chương trình hợp tác GMS rõ ràng là nhân tố quan trọng hướng tới mục tiêu cốt lõi về xóa đói, giảm nghèo của các nỗ lực chung về phát triển tiểu vùng.
4. Chúng tôi hài lòng ghi nhận sự cải thiện đáng kể về chất lượng và sự tăng cường hạ tầng giao thông trong Tiểu vùng, thể hiện qua sự hoàn thành gần như toàn bộ các tuyến Hành lang Ðông - Tây, Hành lang Bắc - Nam, Hành lang phía Nam đi đôi với các nỗ lực đồng bộ nhằm giảm thiểu những rào cản phần mềm đối với sự di chuyển người và hàng hóa qua biên giới thể hiện qua Hiệp định Vận tải qua biên giới GMS (CBTA). Những biện pháp này đã góp phần cắt giảm chi phí và thời gian di chuyển, thúc đẩy thương mại qua biên giới và những cơ hội hợp tác kinh tế tại các khu vực cửa khẩu, đồng thời tăng cường sự giao lưu giữa các cộng đồng. Chúng tôi hoan nghênh kết quả triển khai giai đoạn đầu của Hiệp định CBTA tại các cặp cửa khẩu Lao Bảo - Dansavanh, Mukdahan - Savanakhet và Hà Khẩu - Lào Cai.
5. Chúng tôi cũng đạt được những thành tựu quan trọng trong nhiều lĩnh vực hợp tác khác. Trong lĩnh vực năng lượng, chúng tôi đang trong quá trình xây dựng các nhà máy và mạng lưới truyền tải điện mới, đồng thời mở rộng phạm vi hợp tác chuyên ngành và đặt nền móng cho việc hình thành thị trường mua bán điện năng và năng lượng tiểu vùng trong tương lai. Trong lĩnh vực viễn thông, chúng tôi đã xây dựng hạ tầng viễn thông tiểu vùng và đang tiến tới giai đoạn hợp tác cao hơn, thông qua việc phát triển Mạng lưới siêu xa lộ thông tin GMS. Trong lĩnh vực du lịch, chúng tôi đang hướng tới Kế hoạch hành động cụ thể cho 5 năm tới, bao gồm các biện pháp đưa Tiểu vùng trở thành điểm đến du lịch thống nhất và phát triển hạ tầng du lịch. Trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi đang thực hiện chương trình thúc đẩy thương mại nông nghiệp qua biên giới, đảm bảo an ninh lương thực và cải thiện đời sống cho người nông dân. Trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, chúng tôi đang triển khai thành công chương trình phòng chống bệnh dịch truyền nhiễm và Kế hoạch Phnôm Pênh về cung cấp các chương trình đào tạo về quản lý phát triển cho các quan chức Chính phủ.
Trong lĩnh vực môi trường, chương trình tổng thể nhằm đối phó với các thách thức về môi trường, bao gồm việc hình thành các hành lang đa dạng sinh học, đã được thực hiện. Trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, chúng tôi đang đạt tiến bộ về tạo lập môi trường thuận lợi, ưu đãi và cạnh tranh tại các nước trong tiểu vùng thông qua việc thực hiện Khung chiến lược hành động, tạo thuận lợi thương mại và đầu tư tiểu vùng (SFA-TFI). Những thành quả trên đã tạo nên một nền tảng vững chắc, giúp duy trì và làm sâu sắc hơn hoạt động hợp tác trong thời gian tới.
Những cơ hội, thách thức và định hướng hành động trong tương lai
6. Những tiến bộ đạt được cho thấy hợp tác tiểu vùng là cơ chế hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thách thức còn nhiều, bao gồm sự xuất hiện những rủi ro về y tế, nạn buôn lậu ma túy và buôn người, sự gia tăng các nguy cơ với môi trường như sự biến đổi khí hậu. Ðồng thời, cũng có rất nhiều cơ hội có thể tận dụng thành công thông qua các hoạt động hợp tác. Những cơ hội này bao gồm những xu hướng đang ngày càng chi phối ở cấp độ khu vực và toàn cầu, chẳng hạn sự mở rộng của các chuỗi cung ứng toàn cầu, sự gia tăng các khu vực thương mại tự do, những bước tiến mạnh mẽ hướng tới chủ nghĩa khu vực và sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
7. Những cơ hội và thách thức nảy sinh từ sự phát triển của tiểu vùng GMS đã được xem xét toàn diện trong quá trình đánh giá Khung chiến lược hợp tác 10 năm GMS, là văn kiện định hướng cho việc thực hiện các chương trình hợp tác GMS trong 5 năm qua. Chúng tôi hoan nghênh và thông qua những kết luận và khuyến nghị của bản đánh giá. Chúng tôi nhất trí với kết luận của bản đánh giá rằng Khung chiến lược vẫn phù hợp và là căn cứ vững chắc cho hợp tác khu vực trong 5 năm tới. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tin tưởng rằng, như kết quả đánh giá đã cho thấy, cần có một số điều chỉnh đối với hợp tác GMS để tận dụng tốt hơn những cơ hội từ sự gia tăng toàn cầu hóa và hội nhập khu vực.
8. Vì vậy, trong khi quyết tâm đẩy mạnh và duy trì sự hợp tác để phát triển cơ sở hạ tầng Tiểu vùng, chúng tôi cũng đặt quan tâm lớn hơn tới các khía cạnh hợp tác nhằm: (i) Phát huy lợi ích của sự kết nối để nâng cao năng lực cạnh tranh; (ii) Ðẩy nhanh hơn nữa tốc độ giảm nghèo và cải thiện đời sống người dân; (iii) Chủ động đối phó những thách thức xuyên biên giới như sự lan truyền dịch bệnh truyền nhiễm, sự di cư lao động bất hợp pháp và suy thoái môi trường.
9. Nâng cao khả năng cạnh tranh về kinh tế và thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc phát huy hơn nữa các lợi ích của sự tăng cường kết nối sẽ là trọng tâm chính của hoạt động hợp tác trong những năm tới. Với địa thế nằm ở trung tâm Ðông Á và sự liền kề biên giới, hội nhập kinh tế khu vực không chỉ đem lại những lợi ích to lớn mà còn có tác dụng lan tỏa. Nâng cao năng lực cạnh tranh là nhân tố thiết yếu giúp hiện thực hóa tiềm năng của Tiểu vùng để trở thành trung tâm phát triển trong khu vực.
10. Ðể tăng cường khả năng cạnh tranh, chúng tôi sẽ phát huy những thành quả kết nối về giao thông nhằm hướng tới sự kết nối toàn diện và bền vững. Chúng tôi sẽ khuyến khích sự khai thác những lợi ích của việc cải thiện cơ sở hạ tầng Tiểu vùng nhằm thúc đẩy thương mại, đầu tư và du lịch. Chúng tôi sẽ đảm bảo việc sử dụng an toàn và hiệu quả cơ sở hạ tầng và đưa vào áp dụng các quy định và luật lệ phù hợp. Chúng tôi cũng sẽ từng bước thiết lập hạ tầng xã hội và môi trường để tăng cường tính cạnh tranh, thông qua việc phát triển nguồn nhân lực và khai thác bền vững môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Chúng tôi sẽ tiếp tục cùng nhau hướng tới sự liên kết các chính sách và chương trình liên quan tới những lĩnh vực nêu trên ở cấp độ địa phương, quốc gia và khu vực. Ðồng thời, chúng tôi cần hài hòa các dự án và sáng kiến tiểu vùng, bao gồm từ phát triển cơ sở hạ tầng tới phát triển nguồn nhân lực, từ thúc đẩy thương mại và đầu tư tới du lịch nhằm tránh sự trùng lặp và hướng tới sự bổ trợ, hiệu quả và sức mạnh tổng hợp cao hơn.
11. Chúng tôi đánh giá cao việc khởi động sáng kiến toàn diện, nhằm hỗ trợ tiến trình thuận lợi hóa thương mại và giao thông, nhằm gắn kết và tăng cường những nỗ lực hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định Vận tải qua biên giới (CBTA) và SFA-TFI. Chúng tôi yêu cầu các Bộ trưởng đẩy nhanh việc thực hiện CBTA và các kế hoạch hành động vùng và quốc gia trong khuôn khổ SFA-TFI.
12. Chúng tôi sẽ tăng cường những nỗ lực tạo lập môi trường mang tính cạnh tranh và thuận lợi cho thương mại, đầu tư và phát triển khu vực tư nhân, coi đây là yếu tố quyết định đối với việc phát triển những hành lang giao thông thành hành lang kinh tế. Chúng tôi sẽ ban hành các chính sách kinh tế hữu hiệu, triển khai các khuôn khổ pháp luật và thể chế và thúc đẩy quá trình tự do hóa, hài hòa và đồng bộ hóa các cơ chế thương mại và đầu tư. Chúng tôi sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác giữa khu vực nhà nước và tư nhân nhằm tăng cường hoạt động kinh doanh và đầu tư trong tiểu vùng để trên cơ sở đó tạo ra cơ hội thu nhập và việc làm lớn hơn cho người dân. Trong bối cảnh đó, chúng tôi hoan nghênh đề xuất thiết lập Diễn đàn Hành lang kinh tế để điều phối sự phát triển của các hành lang kinh tế.
13. Các biện pháp được áp dụng đã góp phần củng cố Diễn đàn doanh nghiệp GMS và chúng tôi sẽ nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong quá trình lập kế hoạch và phát triển tiểu vùng. Chúng tôi đánh giá cao hoạt động đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp vào ngày 30-3-2008 và yêu cầu các Bộ trưởng tiếp tục theo dõi và triển khai những khuyến nghị đưa ra trong buổi đối thoại, bao gồm sáng kiến thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào hoạt động xuất khẩu.
14. Chúng tôi đánh giá cao việc đưa Diễn đàn Thanh niên tiểu vùng GMS vào chương trình Hội nghị Thượng đỉnh lần này. Thanh niên tiểu vùng là thế hệ lãnh đạo và hoạch định chính sách kế tiếp, là những người lao động và những bậc phụ huynh tương lai của Tiểu vùng, do đó cần được trao cơ hội để được bày tỏ, lắng nghe và gánh vác công việc chung. Chúng tôi cũng hoan nghênh việc tổ chức Chương trình hữu nghị thanh niên Mê Công và trông đợi thanh niên sẽ tham gia rộng rãi hơn vào chương trình GMS.
Kế hoạch hành động phát triển GMS 2008-2012
15. Chúng tôi thông qua Kế hoạch hành động Viêng Chăn về Phát triển Tiểu vùng GMS giai đoạn 2008-2012. Trong bối cảnh này, chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai sớm và thực chất những biện pháp sau:
Giao thông: Ðẩy mạnh xây dựng và cải tạo các tuyến đường nằm trong các hành lang GMS và mở rộng mạng lưới các hành lang thông qua sự kết nối đa phương thức, bao gồm tuyến đường sắt Xin-ga-po - Côn Minh.
Năng lượng: Hỗ trợ thiết lập một thị trường cung cấp năng lượng bền vững và hiệu quả trong GMS;
Viễn thông: Thúc đẩy sự kết nối hạ tầng viễn thông; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông thông qua Mạng lưới Siêu xa lộ thông tin GMS; tăng cường nguồn lực cho sự phát triển thông tin tại các vùng nông thôn trong tiểu vùng; triệu tập hội nghị Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực viễn thông tiểu vùng lần thứ nhất;
Nông nghiệp: Thực hiện sáng kiến GMS về phát triển năng lượng sinh học và năng lượng tái tạo tại khu vực nông thôn; mở rộng quy mô các chương trình kiểm soát dịch bệnh ở gia súc xuyên biên giới và tăng khả năng tiếp cận về thông tin trong lĩnh vực nông nghiệp tại các vùng hẻo lánh;
Môi trường: Hỗ trợ giảm thiểu các rủi ro môi trường đối với sinh kế của người dân và các kế hoạch phát triển của tiểu vùng, bao gồm những rủi ro về thay đổi khí hậu; kêu gọi tăng cường sự hợp tác giữa các nước thành viên nhằm bảo vệ tài nguyên rừng trong GMS;
Du lịch: Tăng cường quản lý bền vững các điểm du lịch tự nhiên và du lịch văn hóa; thúc đẩy việc quảng bá chung du lịch của tiểu vùng; tăng cường hoạt động của Cơ quan điều phối du lịch Mê Công;
Phát triển nguồn nhân lực: Thực hiện các khung chiến lược và kế hoạch hành động mới về hợp tác giáo dục, y tế, lao động và các lĩnh vực xã hội khác; mở rộng và khai thác sâu những nội dung của Kế hoạch quản lý phát triển Phnôm Pênh; ủng hộ Viện Mê Công thực hiện những chức năng được giao phó; tăng cường phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm tại các khu vực biên giới; .
Thuận lợi hóa thương mại: Hài hòa và thống nhất các thủ tục và hệ thống quản lý nhằm tạo thuận lợi cho di chuyển qua biên giới, cụ thể trong các lĩnh vực hải quan, di cư, kiểm dịch và thúc đẩy các dịch vụ hỗ trợ thương mại;
Ðầu tư: Thúc đẩy sự hợp tác về đầu tư và tăng cường sự tham gia của Diễn đàn Doanh nghiệp tiểu vùng trong tiến trình hợp tác GMS.
Chúng tôi yêu cầu các Bộ trưởng, quan chức cấp cao, và các cơ quan chính phủ phối hợp chặt chẽ nhằm bảo đảm Kế hoạch hành động này được thực hiện hiệu quả và đúng thời hạn.
16. Chúng tôi nhận thức sự cần thiết huy động sự hỗ trợ và nguồn tài chính lớn hơn nhằm triển khai Kế hoạch Hành động. Theo đó, chúng tôi sẽ: (i) Tăng cường tính tự chủ và sự tham gia nhiều bên vào chương trình GMS; (ii) Thúc đẩy sự hợp tác giữa các chính phủ và doanh nghiệp GMS nhằm khuyến khích thương mại, đầu tư, du lịch và các lĩnh vực kinh tế-xã hội khác; (iii) Tăng cường huy động các nguồn lực cho các dự án ưu tiên của tiểu vùng. Chúng tôi cũng sẽ củng cố các khung thể chế và cơ chế để thúc đẩy những tiến triển trong hợp tác GMS.
17. Chúng tôi nhận thức đầy đủ và đánh giá cao vai trò đặc biệt của ADB với tư cách là đối tác thúc đẩy, cố vấn và tài trợ. Sự tham gia của ADB đã giúp đưa đến những thành công của GMS ngày nay. Chúng tôi cũng cảm ơn các đối tác phát triển khác đã tin tưởng và đóng góp thiết thực cho các nỗ lực hợp tác tiểu vùng. Chúng tôi đề nghị ADB và các đối tác phát triển tiếp tục hỗ trợ chương trình GMS bằng những nguồn lực và sự chuyển giao tri thức nhằm đưa GMS trở thành trung tâm hội nhập kinh tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Kết luận
18. Mười lăm năm trước đây, thật khó để hình dung sự thay đổi của tiểu vùng GMS ngày nay hoặc để nhận thức đầy đủ những đóng góp của chương trình GMS vào sự thay đổi này. Sự thay đổi ngày nay đem lại lợi ích to lớn cho các nước và người dân trong tiểu vùng và gắn liền với chương trình GMS. Sự liên kết kinh tế-thương mại giữa các nước trong tiểu vùng đã làm gia tăng đáng kể sự đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực và thể chế do được thúc đẩy bởi những tiến bộ về kết nối hạ tầng, cũng như sự tăng cường ý thức cộng đồng và nhận thức về những lợi ích chung của sự hợp tác.
19. Hướng tới tương lai, chúng tôi cam kết gìn giữ và phát huy những thành quả đạt được. Tương lai GMS là do chúng tôi quyết định. Chúng tôi sẽ tăng cường sự hợp tác, phối hợp và hành động thống nhất để hiện thực hóa tầm nhìn về một tiểu vùng hội nhập, hài hòa và thịnh vượng.
Nguồn: Bộ ngoại giao Việt Nam
PHỤ LỤC 4. MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ HÀNH LANG KINH TẾ ĐÔNG TÂY
Hành lang kinh tế Đông Tây
Cầu Hữu nghị 2 trên tuyến hành lang Đông – Tây
nối Savanakhet (Lào) và Mukdahan (Thái Lan)
Khai mạc tuần lễ EWEC 2007
Tuần lễ hành lang kinh tế Đông Tây 2007
Diễn đàn hợp tác hành lang kinh tế Đông Tây 2010
Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại diễn đàn hợp tác hành lang kinh tế Đông Tây 2010
MỘT SỐ HÌNH ẢNH KHẢO SÁT THỰC TẾ CỦA TÁC GIẢ
Hàng hóa được vận chuyển qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo
Cửa khẩu ĐENSAVAN
Cửa khẩu MUKDAHAN
Tham dự Hội thảo Khoa học Quốc tế lần thứ 5, chủ đề "Hợp tác nhằm phát triển trên hành lang kinh tế Đông - Tây: Mạng lưới hợp tác cùng phát triển bền vững để hội nhập ASEAN" tại Trường Đại học Rajabhat Sakon Nakhon – Thái Lan
Tham quan trung tâm nghiên cứu về Việt Nam của Đại học Rajabhat Sakon Nakhon – Thái Lan
Tham quan cảng Tiên Sa – Đà Nẵng