BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
BÙI THỊ LAN HƯƠNG
TÁC GIẢ NHO HỌC - TÂN HỌC VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP ĐỐI
VỚI THỂ LOẠI TIỂU THUYẾT QUỐC NGỮ ĐẦU THẾ KỶ XX
(QUA MỘT SỐ TÁC GIẢ TIÊU BIỂU)
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN
HÀ NỘI - 2020
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
BÙI THỊ LAN HƯƠNG
TÁC GIẢ NHO HỌC - TÂN HỌC VÀ NHỮNG ĐÓNG GÓP ĐỐI VỚI THỂ LOẠI TIỂU THUYẾT QUỐC NGỮ ĐẦU THẾ KỶ XX (QUA MỘT SỐ TÁC GIẢ TIÊU BIỂU)
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 9 22 01 21
LU
189 trang |
Chia sẻ: huong20 | Ngày: 13/01/2022 | Lượt xem: 383 | Lượt tải: 0
Tóm tắt tài liệu Luận án Tác giả Nho học - Tân học và những đóng góp đối với thể loại tiểu thuyết quốc ngữ đầu thế kỷ XX (qua một số tác giả tiêu biểu), để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN
Người hướng dẫn khoa học:
1. PGS. TS. Vũ Thanh
2. PGS. TS. Trần Thị Hoa Lê
HÀ NỘI - 2020
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS. TS. Vũ Thanh, PGS. TS. Trần Thị Hoa Lê. Các số liệu, kết quả nghiên cứu trong luận án này là trung thực và chưa được công bố trong bất kỳ công trình nào trước đó. Các trích dẫn ý kiến của các nhà khoa học và nguồn tài liệu được thực hiện nghiêm chỉnh theo đúng quy định chung. Nếu vi phạm, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Tác giả luận án
Bùi Thị Lan Hương
LỜI CẢM ƠN
Lời đầu tiên, cho tôi gửi lời cảm ơn đến các thầy cô giáo ở Khoa Ngữ văn, Ban lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ, các thầy giáo, cô giáo Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, tận tình giảng dạy, động viên, nhiệt tình giúp đỡ cho tôi trong suốt quá trình học tập.
Tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới hai nhà khoa học hướng dẫn là PGS. TS. Vũ Thanh và PGS. TS. Trần Thị Hoa Lê. Trong suốt quá trình học tập và thực hiện luận án, tôi đã luôn luôn nhận được sự khích lệ, động viên tinh thần kịp thời để tôi có thể có được thành quả như ngày hôm nay.
Cuối cùng, tôi xin cảm ơn người thân trong gia đình và bạn bè đã động viên tôi, giúp đỡ tôi trong thời gian học tập và nghiên cứu.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Hà Nội, ngày 10 tháng 3 năm 2020
Tác giả luận án
Bùi Thị Lan Hương
MỤC LỤC
MỞ
ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Lý do khoa học
Văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX là một trong những giai đoạn đặc biệt của lịch sử văn học dân tộc, lâu nay vẫn được các nhà khoa học định danh là giai đoạn giao thời, chuyển tiếp giữa hai thời kỳ, hai phạm trù từ văn học trung đại sang văn học hiện đại, từ những ảnh hưởng mang tính khu vực sang những mối liên hệ trực tiếp với văn học thế giới.
Trong giai đoạn lịch sử đặc biệt đó, nền văn học Việt Nam đã xuất hiện một vài loại hình tác giả mới, trong đó có một kiểu loại tác giả là sản phẩm của thời điểm giao thời giữa cái cũ truyền thống và cái mới, ảnh hưởng phương Tây, đó là các tác giả Nho học - Tân học. Hiểu một cách đơn giản nhất, đó là những tác giả có sự kết hợp hai yếu tố trong cấu trúc, trong ý thức hệ tư tưởng: Nho giáo và học phong của thời đại mới. Họ có thể là những người đỗ đạt trong các kỳ thi Nho học, hoặc là những người đã nhiều năm theo đòi chữ nghĩa thánh hiền và chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền học vấn này. Song, do những biến thiên của thời cuộc, trên cơ sở tiếp thu những tư tưởng mới của phương Tây, những nhà nho này đã theo học tiếng Pháp, tiếp thu văn hóa Pháp và chuyển sang viết văn bằng chữ Quốc ngữ. Đội ngũ tác giả Nho học - Tân học là một mẫu hình tác giả nhà nho kiểu mới và họ có những đóng góp không nhỏ cho quá trình hình thành và phát triển của nền văn học Quốc ngữ giai đoạn đầu thế kỷ XX.
Tác giả Nho học - Tân học Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng cho sự hình thành và phát triển của văn học đương thời, đặc biệt cho sự duy trì và tiếp nối những thành tựu và ảnh hưởng của văn học quá khứ với nền văn học mới, trong một bối cảnh khi mà đa số người sáng tác đã quay lưng hoặc tìm cách xóa bỏ dấu vết của nền “cựu học”. Loại hình tác giả này, từ trước tới nay mới được các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu chủ yếu dưới góc độ là những nhà văn riêng lẻ, độc lập, hoặc tìm hiểu họ trên những phương diện khác mà chưa phải với tư cách là một loại hình tác giả. Đôi khi những đặc điểm mang tính loại hình của họ như sự duy trì trạng thái tiếp nối truyền thống trên các phương diện như đề tài, chủ đề, cảm hứng tư tưởng hay những thủ pháp nghệ thuật, ngôn từ, cách xây dựng hình tượng nghệ thuật lại chỉ được coi là những hạn chế rơi rớt từ quá khứ. Những thành tựu của loại hình tác giả Nho học - Tân học ở nhiều trường hợp lại bộc lộ ngay trong sự thể hiện những vấn đề tưởng như đã cũ so với thời đại. Chính những thành tựu to lớn, cũng như những vấn đề còn để ngỏ của nghiên cứu văn học đầu thế kỷ XX đã gợi ý cho chúng tôi triển khai đề tài về các tác giả Nho học - Tân học và những đóng góp (cũng như hạn chế) của họ
cho sự hình thành và phát triển của văn học giai đoạn giao thời.
1.2. Lý do thực tiễn
Các tác giả trên, cũng như văn học đầu thế kỷ XX là đối tượng nghiên cứu và giảng dạy của chúng tôi bấy lâu trong nhà trường đại học. Riêng sáng tác của Hồ Biểu Chánh, Tản Đà và Ngô Tất Tố đã từ lâu được đưa vào chương trình ngữ văn từ bậc trung học cơ sở đến bậc trung học phổ thông. Do vậy, đây là một đề tài rất thiết thực, giúp cho chúng tôi cơ hội được tiếp tục nghiên cứu sâu hơn các hiện tượng văn học quá khứ, nhất là văn học Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX.
Với những lí do khoa học và lý do thực tiễn trên đây, chúng tôi chọn đề tài “Tác giả Nho học - Tân học và những đóng góp đối với thể loại tiểu thuyết Quốc ngữ đầu thế kỷ XX (qua một số tác giả tiêu biểu)” làm nội dung nghiên cứu trong luận án của mình.
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng luận án lựa chọn nghiên cứu là loại hình tác giả Nho học – Tân học và đóng góp của họ đối với thể loại tiểu thuyết Quốc ngữ Việt Nam đầu thế kỷ XX thông qua năm tác giả Nho học - Tân học tiêu biểu là: 1) Nguyễn Chánh Sắt (1869-1947); 2) Hồ Biểu Chánh (1884-1958); 3) Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939); 4) Nguyễn Trọng Thuật (1883-1950) và 5) Ngô Tất Tố (1894-1954). Ngoài ra, luận án còn quan tâm đến các nhà văn đầu thế kỷ XX khác cùng loại hình hoặc có một số điểm tương đồng như Nguyễn Bá Học (1857-1921), Nguyễn Hữu Tiến (1874-1941), Nguyễn Đôn Phục (1878-1954), Lê Hoằng Mưu (1879-1941) hay Bửu Đình (1898-1931)
2.2. Phạm vi nghiên cứu
- Trên thực tế, số lượng các tác giả Nho học - Tân học trong quy loại của chúng tôi khá nhiều song do khuôn khổ của luận án chúng tôi chỉ tập trung nghiên cứu sâu về năm tác giả đã được chọn. Thứ tự xuất hiện theo thời gian của năm tác giả, về cơ bản cũng thể hiện được phần nào bước tiến, bước chuyển tiếp trên một số phương diện của loại hình tác giả này cả về quan niệm nghệ thuật và những thành tựu trong sáng tác.
- Về hệ thống tác phẩm được khảo sát: chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát tất cả các cuốn tiểu thuyết của năm tác giả Nho học - Tân học trên đây. Các sáng tác ở các thể loại khác của họ, cũng như sáng tác của các nhà văn khác đầu thế kỷ XX sẽ là nguồn tư liệu để chúng tôi tiến hành so sánh, đối chiếu, phân tích khi cần thiết.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu loại hình tác giả Nho học -Tân học và loại hình tác phẩm (tiểu thuyết Quốc ngữ) của các tác giả này, chúng tôi hướng đến hai mục đích chính sau đây: - Nghiên cứu cơ sở hình thành và đặc điểm loại hình tác giả Nho học – Tân học Việt Nam đầu thế kỷ XX; - Nghiên cứu những đóng góp của loại hình tác giả Nho học – Tân học cho thể loại tiểu thuyết Quốc ngữ Việt Nam đầu thế kỷ XX từ tiếp cận thể loại trên hai phương diện nội dung và nghệ thuật.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Tập trung tìm hiểu loại hình tác giả Nho học - Tân học giai đoạn giao thời đầu thế kỷ XX và các sáng tác của họ ở thể loại tiểu thuyết, luận án đặt ra các nhiệm vụ nghiên cứu sau đây:
- Lý giải nguyên nhân, điều kiện lịch sử - văn hóa, xã hội và văn học ở giai đoạn giao thời giữa hai thế kỷ đã góp phần hình thành nên loại hình tác giả Nho học - Tân học và những đóng góp của họ cho sự phát triển văn học dân tộc. Đây sẽ là bối cảnh có ý nghĩa quan trọng, góp phần hình thành một kiểu loại nhà văn mới mang đặc trưng của giai đoạn chuyển tiếp giữa hai thời kỳ, hai phạm trù văn học. Từ đó, luận án bước đầu nhận diện một số đặc điểm mang tính loại hình quy định đến sự lựa chọn cuộc đời, sự nghiệp, cũng như con đường mà các nhà văn đến với sáng tác tiểu thuyết Quốc ngữ; những đổi thay trong quan niệm văn học, quan niệm thẩm mỹ của họ cũng cho thấy sự khác biệt giữa tác giả Nho học - Tân học so với các kiểu loại tác giả khác đương thời.
- Nhận diện các sáng tác tiểu thuyết viết bằng chữ Quốc ngữ của tác giả Nho học - Tân học trên một số phương diện nội dung và nghệ thuật cơ bản: hệ thống đề tài - chủ đề, kết cấu cốt truyện; xây dựng nhân vật, giọng điệu nghệ thuật và ngôn ngữ nghệ thuật.
4. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện nội dung nghiên cứu này, chúng tôi vận dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể sau đây:
4.1. Phương pháp loại hình học và nghiên cứu văn học theo thể loại
Loại hình học văn học hướng tới việc xác định và chỉ ra những đặc điểm chung mang tính loại hình tác giả và thể loại tác phẩm văn học. Tuy nhiên, để tránh sơ lược hóa và khiên cưỡng vấn đề, trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu, chúng tôi luôn dành sự quan tâm thỏa đáng đến tính đặc thù lịch sử - xã hội, tư tưởng - văn hóa cũng như sự khác biệt trong cá tính sáng tạo của từng tác giả thể loại tiểu thuyết quốc ngữ đầu thế kỷ XX.Bên cạnh đó,chúng tôi cũng luôn tuân thủ những định hướng mang tính phương pháp của việc nghiên cứu thể loại để có những nhìn nhận về các vấn đề của tác giả và tác phẩm tiểu thuyết quốc ngữ trong đặc trưng, nguyên tắc tổ chức của thể loại, có sự giao thoa, tiếp nhận kinh nghiệm nghệ thuật của các thể loại khác, nhất là những giai đoạn đầu của quá trình hình thành và phát triển.
4.2. Phương pháp tiếp cận tự sự học
Thể loại tiểu thuyết vốn là một trong những thể loại mang đặc trưng cho loại hình tự sự. Vì thế, đặt vấn đề nghiên cứu loại hình tác giả Nho học - Tân học và những đóng góp của họ đối với sự vận động và phát triển của tiểu thuyết Quốc ngữ Việt Nam đầu thế kỷ XX nên phương pháp tiếp cận tự sự học là một trong những phương pháp quan trọng được vận dụng trong luận án. Phương pháp tiếp cận tự sự học giúp cho chúng tôi tiến hành nghiên cứu những đặc điểm của thể loại tiểu thuyết Quốc ngữ - một phương thức tự sự cỡ lớn đầu thế kỷ XX trên các nội dung như kết cấu cốt truyện, xây dựng nhân vật cũng như giọng điệu và ngôn ngữ nghệ thuật.
4.3. Phương pháp hệ thống
Ở cấp độ vĩ mô, đặt trong cái nhìn toàn diện của nền văn học dân tộc, phương pháp tiếp cận hệ thống giúp chúng tôi có cái nhìn ở hai chiều cạnh: một là nhìn nhận loại hình tác giả Nho học - Tân học trong tương quan với các loại hình tác giả nhà nho khác vốn đã được các nhà nghiên cứu lâu nay thừa nhận (như tác giả nhà nho hành đạo, tác giả nhà nho ẩn dật hay tác giả nhà nho tài tử); hai là nhìn nhận loại hình tác giả và loại hình tác phẩm (tiểu thuyết Quốc ngữ) của tác giả Nho học - Tân học như một hệ thống mang tính nội tại. Trong hệ thống lớn, loại hình tác giả cũng như loại hình tiểu thuyết Quốc ngữ sẽ mang những đặc điểm chung nhất định của lịch sử văn học dân tộc. Nhưng cũng đồng thời, trong hệ thống nội tại đó, mỗi một tác giả Nho học - Tân học cũng như mỗi một sáng tác của họ lại được nhìn nhận như những cá tính sáng tạo, những sinh mệnh nghệ thuật riêng, đồng thời tham gia kiến tạo những điểm chung của hệ thống đó. Giữa các tác giả Nho học - Tân học, cũng như giữa các tiểu thuyết Quốc ngữ của họ sẽ cùng mang những đặc điểm chung của loại hình tác giả, tác phẩm song vẫn có những điểm riêng ít nhiều độc đáo. Đây chính là điểm bổ sung cho tiếp cận từ lý thuyết cũng như phương pháp loại hình sẽ được chúng tôi bàn kĩ hơn ở Chương 1 của luận án.
4.4. Phương pháp so sánh – đối chiếu
So sánh văn học có thể đồng thời vừa được hiểu là phương pháp, vừa được hiểu là thao tác tiếp cận trong nghiên cứu văn học. Vì thế, so sánh văn học đã phát huy hiệu quả đáng kể trong nghiên cứu của chúng tôi ở luận án này. Trong quá trình triển khai các nội dung, khi cần thiết chúng tôi sẽ sử dụng phương pháp so sánh văn học để nhìn nhận tác giả Nho học - Tân học trong tương quan với loại hình nhà nho khác; so sánh các tác giả Nho học - Tân học và so sánh các tiểu thuyết Quốc ngữ của các tác giả Nho học - Tân học với nhau. Cũng đồng thời, trong một số trường hợp khác, khi cần thiết, chúng tôi cũng tiến hành so sánh các tiểu thuyết Quốc ngữ của cùng một tác giả Nho học - Tân học để thấy được quá trình vận động của phong cách nghệ thuật ở mỗi tác giả. Phương pháp và thao tác so sánh cùng đồng thời sẽ kết hợp với phương pháp và thao tác đối chiếu để từng bước nhận diện và luận giải thỏa đáng đặc điểm loại hình tác giả Nho học – Tân học trong tương quan với các loại hình tác giả khác; đặc điểm tiểu thuyết của họ với tiểu thuyết của các loại hình tác giả khác cùng thời kỳ.
4.5. Phương pháp nghiên cứu liên ngành
Vận dụng phương pháp này cho phép chúng tôi nhìn nhận đối tượng nghiên cứu trong mối quan hệ chặt chẽ với văn hóa Việt Nam bối cảnh giai đoạn giao thời. Phương pháp nghiên cứu liên ngành được vận dụng để tiếp cận văn học từ góc nhìn văn hóa. Phương pháp này sẽ giúp chúng tôi thấy được những nền tảng hình thành và quá trình vận động, phát triển của các tác giả Nho học - Tân học trong bối cảnh lịch sử, xã hội và tư tưởng, văn hóa lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, những nội dung được phản ánh trong thể loại tiểu thuyết của các tác giả Nho học - Tân học cũng đồng thời là sự phản ánh sinh động đời sống văn hóa lúc bấy giờ. Vì thế, việc tiếp cận tiểu thuyết của đội ngũ Nho học - Tân học từ góc nhìn liên ngành văn hóa – văn học sẽ giúp chúng tôi đưa ra những luận giải tường rõ hơn về nội dung cũng như nghệ thuật tác phẩm.
Ngoài các phương pháp cơ bản trên, trong quá trình thực hiện đề tài này, chúng tôi còn vận dụng kết hợp một số thao tác nghiên cứu khác như phân tích - tổng hợp, thống kê - phân loại...
5. Đóng góp mới của luận án
5.1. Tìm hiểu đặc điểm loại hình tác giả Nho học - Tân học và những đóng góp của họ cho sự hình thành và phát triển của thể loại tiểu thuyết giai đoạn đầu thế kỷ XX, luận án sẽ là công trình khoa học đầu tiên nghiên cứu một cách tương đối hệ thống về loại hình tác giả và loại hình tác phẩm (tiểu thuyết Quốc ngữ) của các tác giả này trong quá trình vận động và phát triển của lịch sử văn học dân tộc nói chung.
5.2. Trên cơ sở giới thuyết khái niệm, luận án đã bước đầu làm sáng tỏ điều kiện hình thành cũng như đặc điểm loại hình tác giả Nho học - Tân học trong mối tương quan với các loại hình tác giả khác trước đó cũng như các loại hình tác giả khác cùng thời gian xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
5.3. Luận án đã đi sâu khảo sát, mô tả và luận giải các đặc điểm chính về nội dung và nghệ thuật tiểu thuyết Quốc ngữ Việt Nam đầu thế kỷ XX thông qua hệ thống đề tài - chủ đề, tổ chức kết cấu cốt truyện; xây dựng nhân vật; giọng điệu nghệ thuật và ngôn ngữ nghệ thuật ở giai đoạn đầu của quá trình hiện đại hóa văn học dân tộc.
5.4. Ngoài ra, qua kết quả nghiên cứu, luận án cũng hi vọng cung cấp và ứng dụng một hướng tiếp cận, đánh giá đối với một loại hình tác giả đặc biệt, bổ sung kiến thức cho việc tham khảo và nghiên cứu, giảng dạy về một số tác giả, tác phẩm của văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX.
6. Cấu trúc của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, nội dung chính của luận án được triển khai thành bốn chương như sau: - Chương 1: Cơ sở lý thuyết và tổng quan vấn đề nghiên cứu (31trang, từ trang 7 đến trang 37); - Chương 2: Điều kiện hình thành và đặc điểm loại hình tác giả Nho học - Tân học giai đoạn đầu thế kỉ XX (33 trang, từ trang 38 đến trang 70); - Chương 3: Tác giả Nho học - Tân học với tiểu thuyết Quốc ngữ đầu thế kỷ XX trên phương diện hệ thống đề tài - chủ đề và tổ chức kết cấu cốt truyện (33 trang, từ trang 71 đến trang 103); - Chương 4: Tác giả Nho học - Tân học với tiểu thuyết Quốc ngữ đầu thế kỷ XX trên phương diện xây dựng hệ thống nhân vật, giọng điệu và ngôn ngữ (47 trang, từ trang 104 đến trang 150).
Chương 1
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ TỔNG
QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU
Trong chương này, chúng thôi sẽ điểm qua một số cơ sở lý thuyết có liên quan trực tiếp đến quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu, bao gồm lý thuyết về loại hình học văn học, lý thuyết tự sự và những công trình nghiên cứu đi trước có liên quan, làm cơ sở cho việc đặt ra và giải quyết các nhiệm vụ nghiên cứu tiếp theo.
1.1. CƠ SỞ LÝ THUYẾT
1.1.1. Lý thuyết loại hình học văn học
Trước khi có những giới thuyết khái quát về lý thuyết loại hình học văn học, trên cơ sở tham bác ý kiến của các nhà nghiên cứu đi trước, chúng tôi đưa ra cách hiểu về khái niệm loại hình và khái niệm loại hình tác giả như sau:
Chữ loại hình (tiếng Anh và tiếng Pháp: type) cũng có nghĩa là kiểu, loại. Loại hình là tập hợp sự vật, hiện tượng cùng có chung những đặc trưng cơ bản nào đó, cùng có quan hệ cộng đồng về mặt giá trị.
Khái niệm loại hình tác giả dùng để chỉ tập hợp những tác giả văn học có một số đặc điểm tương đồng về điều kiện hình thành, sự lựa chọn con đường lập nghiệp, sự hấp thu nền học vấn và các học thuyết tư tưởng – chính trị hay đạo đức xã hội; hệ thống đề tài - chủ đề trong sáng tác; hình tượng nghệ thuật, các vấn đề về thể loại và ngôn ngữ trong sáng tác Dù sự rạch ròi loại hình tác giả ở đây không phải lúc nào cũng rành mạch như bản thân sự tồn tại vốn có của nó, song loại hình học vẫn có nhiệm vụ tối thượng trong việc khu biệt hoá, thành tố hoá họ như những đối tượng nghiên cứu đặc thù để từng bước nhận diện diện mạo, đặc điểm con người, văn chương cũng như vai trò của họ trong lịch sử văn học dân tộc ở một mức độ tương đối có thể chấp nhận được.
Loại hình học (tiếng Anh: typology, tiếng Pháp: typologie) là khoa học nghiên cứu về loại hình nói chung. Đây vừa là một lý thuyết vừa là một phương pháp trong nghiên cứu văn học, vốn xuất phát từ rất sớm, ngay từ trong nền văn hóa cổ đại Hi Lạp - La Mã với cách phân chia văn học của Aristot. Tuy nhiên, nhắc đến lý thuyết loại hình học văn học, chúng ta phải kể đến thành tựu của các nhà nghiên cứu văn học Nga trước đây. Tên tuổi của một số nhà nghiên cứu tiên phong có thể nhắc đến như V. Propp, M.B. Khrapchenko hay B.L. Riptin Ở Việt Nam, tư duy loại hình, phương pháp loại hình ngày càng được nhiều nhà nghiên cứu chú ý. Trước hết phải kể tới một số công trình dịch thuật về vấn đề tư duy loại hình và phương pháp loại hình như: Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn học [95] Những vấn đề lý luận và phương pháp luận nghiên cứu văn học [135]; Hình thái học truyện cổ tích [290]; Cấu trúc văn bản nghệ thuật [93], Thi pháp văn học Nga cổ [118] Đây là những công trình khá tiêu biểu của một số học giả, nhà nghiên cứu uy tín trên thế giới tiếp cận văn học theo hướng loại hình và những công trình này khi được công bố bản tiếng Việt đã trở thành những sách công cụ hữu ích cho những ai quan tâm đến lĩnh vực chuyên ngành. Nhiều vấn đề đặt ra trong đó đã được vận dụng linh hoạt và hữu ích khi soi chiếu vào thực tiễn của nền văn học dân tộc.
Hướng đến việc phân chia, phân loại các sự vật, hiện tượng, các vấn đề của văn học (trong đó có vấn đề về tác giả) để từ đó xác định vị trí, ý nghĩa, vai trò của nó trong một hệ thống, trong cấu trúc tổng thể cũng như nhận dạng được diện mạo và đặc điểm của cả một hệ thống chính là điểm nổi bật của lý thuyết loại hình học văn học. Các nhà nghiên cứu, bằng nhãn quan tư duy này đã tìm cách “rạch ròi hóa” các vấn đề, các hiện tượng của văn học dựa trên những tiêu chí, những cơ sở tương đối có thể chấp nhận. Từ đây, các nhà nghiên cứu đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề liên quan đến một bộ phận không nhỏ tác giả, tác phẩm trong đời sống văn chương dân tộc thời trung đại, cũng như thời cận hiện đại sau này.
Về vấn đề tác giả, loại hình học đã giúp các nhà nghiên cứu đề xuất những tiêu chí xếp loại, xác định được đặc điểm của đội ngũ tác giả cũng như thời điểm hình thành và đóng góp của họ cho lịch sử văn học dân tộc. Kể từ Trương Tửu với trường hợp tác giả cụ thể là Nguyễn Công Trứ, việc ứng dụng lí thuyết loại hình học liên tục được kế thừa và tỏ ra ưu việt trong nghiên cứu đội ngũ tác giả trong văn học trung cận đại ở nước ta. Điều đó được thể hiện bằng hàng loạt công trình mang tính khái quát của Trần Đình Hượu như: Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900 - 1930 [90], Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại [88] Có thể nói, bằng phương pháp loại hình, Trần Đình Hượu đã đề xuất một hướng nghiên cứu đầy tiềm năng cho văn học trung cận đại. Ông đã chỉ ra tính quy luật của đội ngũ tác giả nhà nho và mối quan hệ giữa loại hình tác giả nhà nho với văn chương Nho giáo thời trung cận đại. Việc phân loại mẫu hình tác giả nhà nho đã tạo tiền đề cơ sở để tiến hành nghiên cứu chuyên sâu và khu biệt được những nội dung tư tưởng cũng như đặc sắc nghệ thuật của các mẫu hình nhà nho thời trung đại. Đó là văn học nhà nho (qua Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Đào Tấn, Nguyễn Thông); văn học nhà chí sĩ - kiểu nhà nho tiếp thu tư tưởng tư sản, tiên phong đi làm cách mạng (qua Nguyễn Thượng Hiền, Phan Châu Trinh, đặc biệt qua Phan Bội Châu); văn học nhà nho tài tử trong xã hội tư sản (qua Tản Đà); văn học giai đoạn giao thời (qua sáng tác của nhiều kiểu nhà nho trong bối cảnh chuyển hướng từ văn học Hán - Nôm sang văn học bằng chữ Quốc ngữ đầu thế kỷ XX); văn học hiện đại qua bước ngoặt hiện đại hóa trong lịch sử văn học phương Đông nhìn từ góc độ tính liên tục của lịch sử (qua trường hợp Tự lực văn đoàn) Tiếp nối Trần Đình Hượu là hàng loạt công trình nghiên cứu lấy lí thuyết loại hình làm cơ sở để triển khai và tạo được dấu ấn trong trường phái lí thuyết loại hình ở Việt Nam. Tiêu biểu nhất là công trình Loại hình học tác giả văn học - Nhà nho tài tử và văn học Việt Nam của Trần Ngọc Vương [293]. Trong công trình này, ông đã phân loại mẫu hình nhà nho trong văn học Việt Nam thời trung đại thành ba loại: nhà nho hành đạo, nhà nho ẩn dật và nhà nho tài tử. Công trình đã mở ra tính ứng dụng trong việc nghiên cứu loại hình tác giả cũng như những đặc trưng văn học của từng loại hình tác giả. Công trình đã tạo bước ngoặt và cổ vũ cho việc ứng dụng lí thuyết loại hình vào nghiên cứu văn học Việt Nam. Tiếp đó là hàng loạt những công trình nghiên cứu mang tính chuyên sâu vào từng loại hình tác giả như Nguyễn Hữu Sơn với nghiên cứu về đội ngũ tác giả Thiền sư trong Loại hình tác phẩm Thiền uyển tập anh [189], Lê Văn Tấn nghiên cứu về loại hình nhà nho ẩn dật và đóng góp của họ đối với sự phát triển của văn học trung đại Việt Nam [216]...
Về loại hình học tác phẩm, đa số các công trình nghiên cứu về đội ngũ tác giả cũng dành khá nhiều công phu trong việc nghiên cứu sáng tác của từng nhóm tác giả để tìm ra những nét đặc trưng và có tính khu biệt trong sáng tác của họ. Ngoài ra, lí thuyết loại hình còn được ứng dụng để nghiên cứu từng loại hình hay thể loại của văn học Việt Nam như Đặc điểm văn học trung đại Việt Nam: Những vấn đề văn xuôi tự sự của Nguyễn Đăng Na [39], Thơ Nôm Đường luật của Lã Nhâm Thìn [235], Ngâm khúc: quá trình hình thành, phát triển và đặc trưng thể loại của Ngô Văn Đức [55], Văn học trào phúng Việt Nam thời trung đại của Trần Thị Hoa Lê [112], Loại hình văn học trung đại Việt Nam của Biện Minh Điền [45]
Những công trình trên đây giúp chúng tôi hiểu một cách thấu đáo hơn về lý thuyết cũng như phương pháp loại hình trong nghiên cứu văn học, đặc biệt là cách thức lựa chọn đối tượng và vận dụng lý thuyết này trong những trường hợp cụ thể.Trên thực tế, việc nghiên cứu lịch sử văn học không thể không chú ý đến vấn đề hệ thống các loại hình, loại thể của văn học. Khi tư duy nghiên cứu hướng tới yêu cầu tổng hợp, phân loại các hiện tượng văn học dựa trên những hệ tiêu chí khả dĩ có thể khái quát và thâu tóm thành một “cộng đồng thẩm mỹ” nhất định, nói lên tư cách tồn tại của chúng, khi ấy loại hình học văn học ra đời. Vận dụng lý thuyết loại hình học vào đề tài nghiên cứu được chúng tôi cụ thể hóa qua những vấn đề sau:
- Về vấn đề tác giả: Loại hình học cho phép chúng tôi bước đầu nhận diện đội ngũ tác giả Nho học - Tân học. Đây là những tác giả có những đặc điểm chung ở sự tiếp nhận cả hai mô hình giáo dục là mô hình giáo dục theo kiểu Nho học và mô hình giáo dục Tây học. Họ là những trí thức sinh ra trong bối cảnh giao thoa, chuyển giao giữa hai thế kỉ, phải chứng kiến sự giao tranh giữa văn hóa truyền thống với văn hóa phương Tây hiện đại;
- Về vấn đề tác phẩm: Vận dụng lý thuyết loại hình để nghiên cứu thể loại tiểu thuyết Quốc ngữ đầu thế kỷ XX qua sáng tác của các tác giả này. Đây vốn là một thể loại có quy mô phản ánh hiện thực tương đối rộng lớn trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật:
+ Ở phương diện thể hiện nội dung tư tưởng: lý thuyết loại hình học giúp chúng tôi chỉ ra được sự tương đồng trong việc nhà văn thể hiện mối quan tâm đến hệ thống các đề tài, chủ đề cũng như hệ thống hình tượng nghệ thuật trung tâm trong sáng tác của tác giả Nho học - Tân học. Mặc dù có những điểm khác nhau mang cá tính sáng tạo riêng nhưng về cơ bản, sự lặp lại mang tính phổ biến ở một số đề tài - chủ đề và hình tượng nghệ thuật trung tâm cho thấy sự gặp gỡ của các tác giả về nhu cầu phản ánh hiện thực cũng như những thông điệp nhân sinh khác mà những tác giả Nho học - Tân học muốn gửi gắm tới người đọc.
+ Ở phương diện thể hiện một số đặc điểm nghệ thuật: lý thuyết loại hình giúp chúng tôi tổng hợp và từ đó sẽ chỉ ra sự tương đồng về mô hình tổ chức kết cấu cốt truyện, về giọng điệu nghệ thuật cũng như ngôn ngữ nghệ thuật tiểu thuyết Quốc ngữ của các tác giả Nho học - Tân học.
Trong quá trình vận dụng lí thuyết, như các nhà nghiên cứu đi trước đã nhắc đến, việc tuyệt đối hóa hay cực đoan ở bất kể chiều hướng nào đều sẽ dẫn đến những kết luận không thỏa đáng, không phù hợp với thực tiễn của quá trình vận động, phát triển văn học dân tộc. Vì thế, trong quá trình vận dụng lí thuyết loại hình, chúng tôi sẽ có sự kết hợp với những lý thuyết khác nhằm lý giải các vấn đề về loại hình tác giả và loại hình tác phẩm của tác giả Nho học - Tân học một cách xác đáng nhất. Trên thực tế, loại hình tác giả Nho học - Tân học, thoạt nhìn có vẻ thuần nhất song sự khác biệt ở từng tác giả lại khá rõ nét. Đó cũng chính là định hướng cho chúng tôi trong quá trình luận giải cần có sự kết hợp giữa những phân tích đặc điểm chung và những khác biệt ở từng tác giả.
Như vậy, sự xuất hiện của hàng loạt công trình nghiên cứu lấy lí thuyết loại hình làm nền tảng đã cho thấy việc tiếp nhận lí thuyết này ở Việt Nam khá sôi nổi. Sau gần một thế kỉ xuất hiện ở Việt Nam, có thể nói lí thuyết loại hình học đã trở thành công cụ nghiên cứu hữu hiệu cho những ai quan tâm đến văn học Việt Nam, nhất là những tiếp cận từ phương diện loại hình học tác giả văn học. Tính đến nay, lý thuyết loại hình học đã trở nên khá quen thuộc, so với một số lý thuyết nghiên cứu văn học khác, nó không bị cũ đi và vẫn luôn hữu ích cho nhiều nhà nghiên cứu. Có thể khẳng định, ở Việt Nam đã hình thành nên một xu hướng nghiên cứu văn học theo lý thuyết loại hình học là trên thực tiễn như vậy.
1.1.2. Lý thuyết tự sự học
Trước hết, cần nhắc đến thuật ngữ tự sự học được đề cập đầu tiên là nhà nghiên cứu T.Todorov vào năm 1969 để gọi tên lĩnh vực nghiên cứu lấy đối tượng căn bản là văn bản tác phẩm tự sự, với phạm vi là đặc điểm cấu trúc văn bản, đặc điểm trần thuật văn bản. Bản thân, khái niệm tự sự vốn có nội dung khá rộng, nó không chỉ dùng để chỉ một nguyên tắc trong kể chuyện tác phẩm văn học mà còn chỉ phương thức biểu đạt của các loại hình nghệ thuật khác như hội họa, kiến trúc, điêu khắc hay âm nhạc... Còn ở phạm vi nghĩa hẹp, sau đề xuất của T.Todorov, các nhà nghiên cứu, lí luận văn học dùng thuật ngữ tự sự để chỉ tự sự văn học, tự sự trong văn bản tác phẩm văn học. Tự sự văn học ở đây sẽ gắn chặt với việc nhà văn kể về một câu chuyện, một hiện tượng của đời sống xã hội, hay tư tưởng, tinh thần nào đó cho người nghe bằng những phương thức riêng hướng đến một hiệu quả thẩm mĩ cao nhất. Cùng một nội dung phản ánh, cùng một câu chuyện song cách tự sự, nghệ thuật tự sự khác nhau sẽ mang lại những hiệu ứng khác nhau với người tiếp nhận. Tự sự có trong các thể loại như tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn... và cũng có trong cả một số thể loại khác như thơ trữ tình hay kịch (chúng ta vẫn nói tới cái gọi là tự sự trong thơ hay kể chuyện trong thơ chẳng hạn). Có điều, với tư cách là một phương thức tái hiện, phản ảnh đời sống thông qua các biến cố, các sự kiện, tình tiết, suy nghĩ, tâm trạng... của nhân vật thì tự sự vẫn được vận dụng soi chiếu phổ biến hơn cả.
Khái niệm tự sự (narratology) vốn có thể được hiểu: hoặc là lý thuyết nghiên cứu hình thức, quy luật vận động, tính chất của các tác phẩm tự sự với các chất liệu khác nhau, nghiên cứu năng lực tự sự của chủ thể sản sinh và đối tượng tiếp nhận tác phẩm tự sự. Các bình diện mà nó tìm hiểu bao gồm nội dung của câu chuyện ra sao và hình thức trần thuật của nó như thế nào, trong mối quan hệ của chúng với nhau; tự sự cũng được hiểu là một biểu đạt văn tự đối với sự kiện câu chuyện (nghĩa là theo hướng này, người nghiên cứu sẽ ít quan tâm đến bản thân câu chuyện mà quan tâm chủ yếu là diễn ngôn tự sự. Như thế, trong hướng tập trung thứ nhất của tự sự học, người nghiên cứu sẽ quan tâm đến tác phẩm tự sư trong tính trọn vẹn của chỉnh thể tác phẩm. Các phương diện của nội dung cũng như nghệ thuật của tác phẩm tự sự sẽ được quan tâm luận giải thỏa đáng trong mối quan hệ qua lại giữa chúng. Còn trong hướng tập trung thứ hai, nhà nghiên cứu sẽ hạn định sự quan tâm của mình vào biểu đạt ngôn từ (tức sẽ đi sâu vào lời văn) mà bỏ qua các yếu tố thuộc về nội dung tác phẩm, thậm chỉ bỏ qua nhiều phương diện khác của nghệ thuật tác phẩm. Dù sao thì việc cực đoan một trong hai chiều hướng này đều khiến cho việc nghiên cứu với những trường hợp cụ thể chưa thật thỏa đáng. Tự sự học, thực chất là khoa học nghiên cứu cấu trúc văn bản tự sự và những vấn đề liên quan như chúng tôi đã nhắc phía trên. Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sử, nhìn chung, tự sự học tìm cách phân biệt giữa việc kể “cái gì” và “kể như thế nào”, và từ đó làm nổi bật vai trò của chủ thể trong trần thuật. Lý thuyết tự sự học hiện đại lần đầu tiên cho người ta thấy sự phức tạp của cấu trúc trần thuật. “Nhà văn sẽ không bao giờ hiện diện trong tiểu thuyết như là một người kể, người phát ngôn, mà chỉ xuất hiện như là một tác giả hàm ẩn, một cái Tôi thứ hai của nhà văn, với tư cách là người mang hệ thống quan niệm và giá trị trong tác phẩm. Tác giả thực sự xuất hiện chỉ như người ghi, người sao lục lời kể hoặc là người nghe trộm người kể. Người trần thuật là kẻ được sáng tạo ra để mang lời kể. Và hành vi trần thuật là hành vi của người trần thuật đó mà s...g”. Ngô Bằng Giang trong Góp phần tìm hiểu Tản Đà nhận thấy văn xuôi của Tản Đà không chỉ là cái tài mà còn là tấm lòng ưu thời mẫn thế, có ích cho đời và đặc biệt cũng có lắm bài có thể sánh với những hạt ngọc phiến ngà, như những bài văn vần vì cũng dụng công đẽo chuốt chạm trổ kỹ càng lắm... Trong lời tựa cho hai tập Giấc mộng con viết năm 1941, Nguyễn Tiến Lãng quả quyết “giá trị văn xuôi của Tản Đà cũng không kém gì giá trị văn vần của Tản Đà”. Nguyễn Mạnh Bổng trong lời tựa cho tiểu thuyết Thần tiền tái bản tháng 6 năm 1945 cũng đánh giá rất cao cuốn tiểu thuyết này: “Thật là một thiên tiểu thuyết kiệt tác ở trong tủ sách tiểu thuyết quốc văn ta”. Mặc dù có thiện ý nhưng những khám phá về tiểu thuyết của Tản Đà qua hai lời tựa này còn khá chung chung.
Năm 1962, trong giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam, tập IV-B, Nguyễn Đình Chú nghiên cứu về Tản Đà với tư cách một tác giả văn học. Ông đã chỉ ra “chất phong tình” ở Tản Đà và chứng minh một cách thuyết phục dấu ấn của phong cách này qua hai cuốn tiểu thuyết Giấc mộng con. Tính chất hiện thực trong tiểu thuyết Thần tiền cũng đã được ông nêu ra như một định hướng cho quá trình nghiên cứu sau này. Ngoài ra, còn phải kể đến Tầm Dương với chuyên luận Tản Đà khối mâu thuẫn lớn (1964). Với khả năng bao quát, khảo sát một khối lượng lớn các tư liệu, Tầm Dương đã làm sáng tỏ những mối quan hệ giữa văn xuôi Tản Đà với các sáng tác của các nhà văn sau này mà trường hợp của Nguyễn Công Hoan là một ví dụ tiêu biểu. Nỗ lực nghiên cứu này được thể hiện rõ nhất qua hai chương “Tinh thần lãng mạn” và “Chủ trương và tính chất hiện thực” [24]. Những phân tích của nhà nghiên cứu về hình tượng người lữ khách, những giấc mơ yêu đương, hình tượng đồng tiền trong Thần tiền đã là những minh chứng cho phạm vi ảnh hưởng của văn xuôi Tản Đà đối với văn học đương thời và sau này. Còn ở Miền Nam, trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên - Tập 3, Phạm Thế Ngũ nhận thấy các tiểu thuyết của Tản Đà thực chất là những thiên ký sự, một hình thức tập dượt của văn xuôi Quốc ngữ buổi đầu. Tuy nhiên đối tượng khảo sát, phân tích của Phạm Thế Ngũ ở đây chỉ chủ yếu là hai cuốn Giấc mộng con. Ở thời kỳ này, ngoài Phạm Thế Ngũ còn có nhiều tác giả khác cũng tập trung nghiên cứu về Tản Đà như Nguyễn Thiện Thụ với Tản Đà thực và mộng, Nguyễn Duy Diễn, Bằng Phong với Luận đề về Tản Đà...
Từ sau 1975 đến nay, việc nghiên cứu về Tản Đà nói chung, văn xuôi
của ông nói riêng có được những thành tựu đặc biệt quan trọng. Xuân Diệu đã đánh giá rất cao văn xuôi của Tản Đà. Ông khẳng định: “phần văn xuôi rất quan trọng để hiểu được toàn bộ Tản Đà”. Văn xuôi của Tản Đà được nghiên cứu một cách hệ thống và sâu sắc hơn cả là ở những công trình của Trần Đình Hượu: Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900-1930 (1988). Trong công trình này, Trần Đình Hượu xếp Tản Đà là một nhà nho sống trong xã hội tư sản: “Tản Đà là một nhà nho nhưng không phải là một nhà nho chính thống hành đạo - ẩn dật. Ông là nhà nho tài tử, nhà nho tài tử sống trong môi trường khác trước: xã hội tư sản”. Tản Đà “cách tân văn học cũ đi đến sân khấu và tiểu thuyết, nhưng dừng lại trước kịch và tiểu thuyết hiện đại, cuối cùng quay lại thơ thất ngôn, trải qua quá trình lại giống và trở về với lối sống và văn chương nhà nho”. Có thể nói những ý kiến của Trần Đình Hượu đã khơi mở việc tìm hiểu “kiểu” tác giả “Nho học - Tân học” Tản Đà. Một mặt Tản Đà là một người được sôi kinh nấu sử trong “cửa Khổng sân Trình”, từng đi thi tuy nhiên sau đó đã bỏ chữ Nho theo học chữ Quốc ngữ và sáng tác bằng thứ ngôn ngữ mới này [90; tr.206].
Trong Thơ văn Tản Đà (1993), nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Chú cũng đã có những khái quát khá sắc nét về cuộc đời, văn nghiệp của nhà văn Tản Đà. Trên cơ sở phân tích những đặc điểm cơ sở lịch sử - xã hội, tư tưởng - văn hóa của thời đại cùng những nét riêng trong xuất thân của thi sĩ, nhà nghiên cứu đã chỉ ra ở Tản Đà sự dung hòa của cá tính độc đáo, nhân cách thanh cao; con người của bi kịch, dang dở[25]. Năm 1997, trong cuốn Văn học Việt Nam dòng riêng giữa nguồn chung, Trần Ngọc Vương viết bài “Sự thống nhất của các mâu thuẫn trong tư tưởng và sáng tác của Tản Đà”. Tác giả cho rằng: “Sự thống nhất đó vừa là thống nhất giữa các mâu thuẫn lại vừa giữ lại sự nhất quán truyền thống, tạo nên một sợi chỉ đỏ xuyên suốt tư tưởng Tản Đà” [294; tr.367]. Sau đó, trong Chương V của Giáo trình Văn học Việt Nam ba mươi năm đầu thế kỷ XX [295; tr.202], ông tiếp tục lý giải và làm sáng rõ căn nguyên, đặc điểm, nội dung, tính chất của sự thống nhất giữa các mâu thuẫn trong tư tưởng và sáng tác của nhà Nho tài tử Tản Đà... Việc nghiên cứu về con người và văn nghiệp Tản Đà hãy còn được tiếp tục. Tản Đà nổi tiếng nhất là thơ. Nhưng văn xuôi của ông, thực sự cũng có những giá trị riêng, không thể phủ nhận.
Gần đây, trong công trình Tản Đà về tác gia và tác phẩm (2007) [52], nhóm tác giả Trịnh Bá Đĩnh và Nguyễn Đức Mậu đã sưu tập và trích tuyển khá đầy đủ các công trình nghiên cứu về Tản Đà từ trước đó đến thời điểm ra sách. Sách được phân chia thành hai phần: thứ nhất là những bài viết của các nhà văn kể về những kỷ niệm với Tản Đà (gồm 14 bài) và những bài nghiên cứu, phê bình về tư tưởng và văn chương Tản Đà (gồm 45 bài). Một số bài đáng chú ý khi bàn đến Tản Đà trong tư cách của một tác giả tiểu thuyết là: 1) “Văn Tản Đà” của Nguyễn Triệu Luật; 2) “Vấn đề thể loại văn học trong sáng tác của Tản Đà” của Lê Chí Dũng; 3) “Quan niệm văn học của Tản Đà” của Trần Đình Hượu Nhìn chung, Tản Đà về tác gia và tác phẩm, dù đã có công sưu tầm, phân loại, trích tuyển khá đầy đủ các công trình nghiên cứu về thơ văn Tản Đà song những nghiên cứu về ông trong tư cách thi sĩ (tác giả thơ trữ tình) vẫn lấn át những công trình nghiên cứu về Tản Đà trong tư cách của một văn sĩ (tác giả văn xuôi). Đặc biệt, dường như tư cách tiểu thuyết gia ở nhà văn có quá nhiều phức tạp này còn chưa được chú ý một cách thỏa đáng.
Chúng tôi chú ý đến ba bài viết của nhà nghiên cứu Trần Văn Toàn sau đây: 1) Tản Đà - tiểu sử con người và kiểu nhà thơ giao thời [261]; 2) Tản Đà nhìn từ góc độ thể loại [262] và 3) Tản Đà - sầu mộng và sự hiện diện của cái tôi cá nhân [263]. Trong ba bài viết này (thực chất là một chuyên luận ngắn) của mình, Trần Văn Toàn đã có những luận giải khá thấu đáo về nhiều phương diện trong tư cách nhà văn, đặc điểm thể loại cũng như đặc điểm sự thể hiện con người cá nhân Tản Đà trong văn chương. Nhìn chung, những gợi ý của nhà nghiên cứu này đã giúp cho chúng tôi có cái nhìn đầy đủ hơn về kiểu tác giả cũng như một số đặc điểm khá thú vị về về nội dung và nghệ thuật tiểu thuyết Quốc ngữ của tác giả Tản Đả.
1.3.1.4. Những nghiên cứu về Nguyễn Trọng Thuật
Mặc dù viết không nhiều và cũng không thực sự đình đám vào thời điểm lúc bấy giờ, song tác giả Nguyễn Trọng Thuật cũng đã dành được sự quan tâm của các nhà phê bình, nghiên cứu đương thời như Thiếu Sơn hay Vũ Ngọc PhanTrong công trình Nhà văn hiện đại, Vũ Ngọc Phan nhận xét chung về Nguyễn Trọng Thuật khá tinh tường như sau: “Nguyễn trọng Thuật là nhà văn có cái chí hướng và lúc nào cũng muốn cho văn chương Việt Nam có cái đặc tính Việt Nam ‘Đông Dương tạp chí’ chưa có truyện dài do người Việt Nam soạn và ‘Nam Phong tạp chí’ cũng phải đợi đến khi ‘Quả dưa đỏ’ của Nguyễn Trọng Thuật ra đời mới có truyện dài do người Việt Nam viết để đăng báo Như vậy, trong buổi đầu thật rất có ít người Nho học lại có óc sáng kiến như Nguyễn Trọng Thuật” [174; tr. 121]. Còn trong Văn học và tiểu thuyết, khi đề cập đến sự hình thành và phát triển của tiểu thuyết Việt Nam từ những thế kỷ trước đến đầu thế kỷ XX, tác giả Doãn Quốc Sĩ dành nhiều ưu ái cho tác phẩm Quả dưa đỏ và tác giả của nó là Nguyễn Trọng Thuật khi cho rằng: “Đến ‘Quả dưa đỏ’ (1925) của Nguyễn Trọng Thuật thì tiểu thuyết thật sự chào đời” [185, tr.140]. Về Quả dưa đỏ, dường như ít mang được “sức lửa” nên cũng thiếu vắng những công trình nghiên cứu lớn.
Nhận định về giá trị của tác phẩm Quả dưa đỏ, bà Phạm Thị Ngoạn trong một luận án về Nam phong đã có nhận xét chính xác: “Bố cục theo kỹ thuật Tây phương, cuốn tiểu thuyết phiêu lưu này giới thiệu các nhân vật thật điển hình, do đó người ta đã coi như một luận đề tiểu thuyết cuốn tiểu thuyết này cũng đã vượt xa những tác phẩm khác, vì điển hình cho một loại tư tưởng và một thể văn dung hòa cả tân lẫn cựu” [147; tr.132]. Tác giả Hoài Anh trong Chân dung văn học (2001) có dành 13 trang viết về tác giả Nguyễn Trọng Thuật và tiểu thuyết Quả dưa đỏ của ông. Tuy thế, tác giả Hoài Anh, do quá chú ý luận giải ý nghĩa xã hội của tác phẩm nên những đóng góp của Nguyễn Trọng Thuật ở phương diện tư duy tiểu thuyết ít được bàn đến.
Trong cuốn Từ điển Văn học (Bộ mới), Nguyễn Quảng Tuân cho rằng: Với Quả dưa đỏ, “Nguyễn Trọng Thuật là một trong những cây bút tiểu thuyết Quốc ngữ tiên phong”, và là “cây bút viết báo buổi đầu thế kỷ đã cố gắng duy trì nền văn hóa cổ truyền của dân tộc, đồng thời tiếp thu nền văn hóa mới của Tây phương” [162, tr.1205]. Tuy nhiên, nhận định của Nguyễn Quảng Tuân cho đến nay đã được các nhà nghiên cứu chứng minh: Quả dưa đỏ không phải là tiểu thuyết tiên phong mà phải là tác phẩm Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản.
1.3.1.5. Những nghiên cứu về Ngô Tất Tố
Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến phong cách nhà văn chính là hoàn cảnh sống, xuất thân của nhà văn. Đây là những yếu tố tác động một cách trực tiếp đến cách cảm nhận của nhà văn về hiện thực cuộc sống. Truyền thống gia đình, quê hương chính là những căn rễ văn hóa sớm ảnh hưởng đến phong cách nhà văn. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho giáo và bản thân Ngô Tất Tố cũng được đào luyện nơi cửa Khổng sân Trình, cội rễ đó đã ảnh hưởng đến trước thuật của ông. Đặc điểm này trong sự nghiệp viết của Ngô Tất Tố đã được hầu hết các nhà nghiên cứu chỉ ra. Tiêu biểu như Kiều Thanh Quế với bài “Phê bình Lều chõng” (báo Tri tân, số 33, ngày 23-1-1942), mục viết về Ngô Tất Tố trong Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan (1942-1945), Phong Lê với bài “Ngô Tất Tố - một chân dung lớn, một sự nghiệp lớn” [113], Vương Trí Nhàn với bài “Nhà nho thức thời - ngòi bút tình cảm Ngô Tất Tố” [153], Phan Cự Đệ với “Ngô Tất Tố sống mãi trong lòng cách mạng” [39]...
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn trong bài viết “Nhà nho thức thời, ngòi bút tình cảm Ngô Tất Tố” đã nhận xét: “Giữa những dòng chữ, người đọc không cần tinh ý lắm cũng đọc ra được nỗi ngây ngất của ông đầu xứ trước quá khứ đẹp đẽ của mình, và có cơ sở để ngờ rằng mãi mãi về sau ông còn nhấm nháp vẻ thi vị của nó một cách hào hứng” [153, tr.44]. Trong nhận xét này, Vương Trí Nhàn đã gián tiếp đề cập đến ảnh hưởng của Nho giáo trong sáng tác của Ngô Tất Tố. Tuy nhiên, Nho giáo không đơn giản là đối tượng phản ánh khách quan của nhà văn mà theo tác giả bài viết, còn ăn sâu vào tình cảm, nhận thức của Ngô Tất Tố. Cũng trong bài báo trên, khi lí giải cho sự linh hoạt của ngòi bút Ngô Tất Tố, Vương Trí Nhàn cho rằng “triết lí của đạo Khổng vẫn có điểm tựa cho những người ham sống, biết lựa chiều cuộc sống để tồn tại một cách hợp lí”. Đây thực chất là quan niệm về bổn phận của một kẻ sĩ còn phảng phất trong cách ứng xử với thời thế của Ngô Tất Tố.
Trong lời giới thiệu cho Ngô Tất Tố toàn tập xuất bản năm 1996, tác giả Phan Cự Đệ đã bàn luận khá chi tiết về tư tưởng Nho giáo trong cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhà văn. Nhà nghiên cứu đã tái hiện lại bối cảnh lịch sử thời đại Ngô Tất Tố, quá trình diễn biến tư tưởng của nhà văn khi ông “vượt lên phía trước, đuổi kịp thế hệ và trở thành một trong những người tiến bộ nhất của lớp nhà nho cuối mùa”. Và nhà nghiên cứu khẳng định: “Sự phê phán của Ngô Tất Tố đối với Khổng Tử và Nho giáo không phải là sự phủ định toàn diện và triệt để. Chỗ đứng của Ngô Tất Tố vẫn là lập trường của một nhà nho trí thức” [39; tr.16]. Theo Phan Cự Đệ, chính vì xuất thân là môn đồ Khổng giáo nên những tư tưởng Nho giáo vẫn vương vấn Ngô Tất Tố với những hình ảnh có phần thi vị về một thời vang bóng qua một số mẫu hình nhà nho, một số cảnh sinh hoạt Nho học trong Lều chõng và Trong rừng nho. Nhà văn Vũ Tú Nam trong bài viết “Cây bút sắt sắc bén của một nhà nho” cũng nhận xét về phong cách của Ngô Tất Tố: “Nếp sống của ông trước sau vẫn giữ phong cách của một nhà nho - nhưng là một nhà nho với bản lĩnh và cá tính đặc biệt, vừa nghiêm túc vui tươi, sâu sắc mà hoạt bát, trí tuệ và tâm tư luôn năng động, chân thành gắn bó với những con người và sự vật xung quanh, cũng có nghĩa với vận mệnh đất nước” [144, tr.4]. Trong nhận định này, nhà văn Vũ Tú Nam cũng khẳng định những điểm tích cực của Nho giáo trong lối sống, tư tưởng của Ngô Tất Tố.
Trong bài viết “Ngô Tất Tố - Cây bút cựu học giữa thời tân văn”, nhà nghiên cứu Vũ Tuấn Anh đã phân tích và chỉ ra những dấu vết “cựu học” còn được bảo lưu trong tư tưởng cũng như lối viết của Ngô Tất Tố. Bên cạnh đó, tác giả bài viết còn cho thấy những biểu hiện của “tân văn” trong hệ thống thể loại mà ngòi bút Ngô Tất Tố lựa chọn để sáng tác. Ông cho rằng tiểu thuyết Lều chõng là: “cuộc chia tay không ít lưu luyến của nhà văn với quá khứ của chính ông, và ở tầm vĩ mô, của văn hóa mới với văn hóa Nho giáo”. Ở cấp độ khái quát hơn, tác giả Vũ Tuấn Anh viết: “Vốn hiểu biết phong phú về Khổng giáo, về sinh hoạt trường ốc thi cử của một người thông hiểu Tứ thư, Ngũ kinh và đã từng nghiệm sinh một thời lều chõng đã tạo nên những trang viết giàu tính tư liệu của một nhà khảo cứu và giàu tính sinh động của một cây bút phóng sự” [10; tr.13-20]. Như vậy, nhà nghiên cứu Vũ Tuấn Anh đã chỉ ra sự tác động của tư tưởng Nho giáo đến sáng tác của Ngô Tất Tố như một tất yếu. Cho dù phê phán Nho học, trong sáng tác, chất Nho giáo vẫn tồn tại như một “vô thức sáng tạo” của nhà văn, điều đó cho thấy ông không khước từ hoàn toàn hệ tư tưởng này. Trong cuốn giáo trình Văn học Việt Nam (1900-1945), Phan Cự Đệ còn tiếp tục đưa ra những nhận xét về đời sống Nho giáo trong tiểu thuyết Lều chõng. Nhà nghiên cứu đã chỉ ra ảnh hưởng đậm nét của Nho giáo trong giấc mộng công danh, một lựa chọn lập thân bằng con đường khoa bảng song bất thành của nhà văn. Không dừng lại ở đó, nhà nghiên cứu Phan Cự Đệ còn khẳng định: “Lều chõng còn là một tấn bi kịch của những nhà nho trí thức dưới chế độ phong kiến. Đó là sự sụp đổ thảm hại về mặt tinh thần của những người trí thức suốt đời lấy khoa cử làm con đường tiến thân nhưng lại bị hoàn toàn thất vọng” [42; tr. 392].
Năm 2010, chuyên luận Ngô Tất Tố - Một sự nghiệp văn học lớn về báo chí và văn học của Trần Thị Phương Lan được xuất bản. Trên cơ sở kế thừa và tiếp thu những thành quả của các nhà nghiên cứu đi trước, công trình đã bổ sung những phát hiện và tổng hợp thành công trình nghiên cứu toàn diện sự nghiệp sáng tác của Ngô Tất Tố ở hai mảng lớn là văn học và báo chí. Đặc biệt, ở Chương III: Sự nghiệp văn chương của Ngô Tất Tố, tác giả tập trung vào nghiên cứu hai tiểu thuyết tiêu biểu của Ngô Tất Tố là Tắt đèn và Lều chõng để thấy được những đóng góp xuất sắc của ông cho khuynh hướng văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1932-1945 [104].
Có thể thấy, mỗi nhà văn lớn cần luôn được bình giá và nhận định ở những thời điểm khác nhau, tiếp tục phát hiện những điều chưa được phát hiện, tiếp tục khẳng định những điều cần khẳng định thêm. Đánh giá về Ngô Tất Tố qua các thời kỳ, nhìn chung những ý kiến nhận xét, phê bình đều nhất trí ca ngợi và khẳng định đóng góp quan trọng của ông cho nền văn học và báo chí nước nhà. Thực tế cho thấy thời gian là thước đo để chúng ta khẳng định một Ngô Tất Tố tài năng, uyên thâm, có đóng góp trên nhiều lĩnh vực khác nhau: nhà văn, nhà báo, nhà văn hóa. Luận án của chúng tôi cũng không nằm ngoài mong muốn đó. Đặc biệt, trong suy luận của chúng tôi, từ cái nhìn loại hình học tác giả văn học Nho học - Tân học, ở Ngô Tất Tố, sự kết tinh có thể nhìn thấy ở nhiều phương diện, từ nội dung đến nghệ thuật, mặc dù với thể loại tiểu thuyết Quốc ngữ, so với các tác giả trong nhóm cũng như so với nhiều tiểu thuyết gia khác, ông viết không nhiều.
Trên thực tế, các công trình nghiên cứu đi trước hầu hết chưa nhìn nhận năm tác giả trên như một loại hình tác giả trong quy loại của chúng tôi. Bởi thế chúng tôi đã lựa chọn cách tiếp cận các công trình nghiên cứu về từng tác giả, trong đó nhấn mạnh các nghiên cứu ít nhiều đề cập đến phương diện loại hình ở họ. Từ những gợi ý đi trước, luận án của chúng tôi sẽ tiếp tục luận giải về loại hình tác giả Nho học – Tân học ở những nội dung cụ thể trong các chương 2, 3 và 4.
1.3.2. Những công trình nghiên cứu thể loại tiểu thuyết giai đoạn giao thời và tiểu thuyết Quốc ngữ của tác giả Nho học - Tân học
Trước hết, chúng tôi muốn điểm qua một số công trình nghiên cứu tiêu biểu về tiểu thuyết Quốc ngữ giai đoạn giao thời để làm định hướng cho việc khu biệt đối tượng nghiên cứu của luận án. Nhìn chung, văn học giai đoạn giao thời nói chung, tiểu thuyết Quốc ngữ giai đoạn giao thời nói riêng đã từ lâu trở thành mối quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu văn học và đã có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu.
Năm 1932 trên Nam phong (số 175 và 176), Trúc Hà trong một công trình dài hơi có tính chất tổng kết và đánh giá một giai đoạn văn học dưới nhan đề Lược khảo về sự tiến hóa của quốc văn trong lối viết tiểu thuyết, vì quan niệm tiểu thuyết bao gồm cả truyện ngắn (đoản thiên tiểu thuyết) và tiểu thuyết nên tác giả đề cập đến một loạt các gương mặt truyện ngắn tiêu biểu thời kỳ này như Tản Đà, Nguyễn Bá Học, Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Vũ Đình Chí, Nguyễn Công Hoan Tác giả đã khẳng định: “Xét ra ngoài mười mấy năm nay về phương diện tiểu thuyết chưa nói đến các phương diện khác, quốc văn thật đã tiến nhiều” [170], [171].
Đến năm 1943, trong Tập san Hội khuyến học Nam Kỳ (số 1-1943), tác giả Hải Đường có bài viết Lược khảo phong trào văn chương ở Nam Kỳ (1865-1942). Đúng với tính chất của bài lược kháo, tác giả đã trình bày một cách khái quát, giản đơn nhất về diện mạo văn học Quốc ngữ ở Nam Kỳ trong vòng gần 80 năm. Tiếp sau, năm 1944, Trường Sơn Chí Ung Ngọc Ky và Bằng Giang đã bắt tay vào công việc sưu tầm tài liệu về văn học Quốc ngữ Nam Bộ. Bước đầu, Trường Sơn Chí Ung Ngọc Ky đã có bài viết Những luồng sóng văn học trên đất Việt trên tuần báo Thanh niên số 39 ra ngày 2-9-1944, khẳng định: “Bây giờ luồng sóng Quốc ngữ lại đi ngược từ Nam ra Bắc” [100]. Tuy nhiên, những biến động của lịch sử khiến cho các ông không thực hiện tiếp những dự định ban đầu.
Tình hình nghiên cứu tiểu thuyết giai đoạn này còn được tiếp tục trong công trình của một số nhà nghiên cứu có tên tuổi sau: “Bàn về báo giới và tiểu thuyết” (Thiếu Sơn, Phê bình và cảo luận - 1933), Ba mươi năm văn học (Mộc Khuê - 1942), Nhà văn hiện đại (Vũ Ngọc Phan - 1942), Ba người thợ cần mẫn (Lê Thanh - 1943), Việt Nam văn học sử yếu (Dương Quảng Hàm - 1944) Trong Phê bình và cảo luận (1933), với lối phê bình chân dung, Thiếu Sơn tập trung vào một số gương mặt nhà văn và tiểu thuyết tiêu biểu như Hồ Biểu Chánh, Phan Huấn Chương, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Thới Xuyên [193]. Mộc Khuê (Kiều Thanh Quế), trong công trình có tính chất tổng kết Ba mươi năm văn học (1942) cũng chỉ dừng lại ở công việc “tính sổ” và “điểm mặt” các hiện tượng tiểu thuyết Phú Đức, Bửu Đình, Phan Huấn Chương, Nguyễn Thới Xuyên [180]. So với công trình của Thiếu Sơn và Vũ Ngọc Phan, dù chỉ ở mức sơ lược nhưng Ba mươi năm văn học đã cung cấp một dữ liệu đáng tin cậy về tên tuổi nhà văn và tác phẩm văn học những năm đầu thế kỷ XX. Điều quan trọng hơn, qua những trang viết của Kiều Thanh Quế, tiểu thuyết của hai vùng Nam - Bắc lần đầu tiên được đặt trong sự đối sánh nhau, giúp ta nhận rõ phần nào diện mạo phong phú của tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Sau 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất. Cùng với những biến chuyển trong đời sống sáng tác, đời sống phê bình cũng khởi sắc với nhiều thành tựu đáng ghi nhận, đặc biệt là công việc tổng duyệt lại văn học quá khứ từ sau đổi mới. Những vấn đề của tiểu thuyết 30 năm đầu thế kỷ XX tiếp tục được đề cập đến trong một số công trình đáng chú ý sau:
Công trình Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh của tập thể tác giả Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Công Bình biên soạn xuất bản lần đầu năm 1988 nhưng đến năm 1998, nhân kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - Gia Định - Thành phố Hồ Chí Minh, công trình đã được các tác giả sửa chữa, bổ sung tái bản gồm 4 tập. Ở Tập 2: “Văn học - Báo chí - Giáo dục” [65], trong bài viết Văn học chữ quốc ở Sài Gòn Gia Định cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX của Tầm Vu, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Văn Y, các tác giả đã nêu lên một mảng thư tịch đồ sộ về văn học miền Nam trong thời kỳ này, nhắc đến các tên tuổi lớn của văn học Nam Bộ thời bấy giờ như: Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Paulus Của, Nguyễn Trọng Quản, Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Chánh Sắt và điểm qua một số tác phẩm nổi bật của nhà văn này. Ngoài ra, cuốn địa chí còn in Thư mục văn học (Sài Gòn và Nam Bộ từ 1866 đến 1930) của Bùi Đức Tịnh tập hợp hơn 1122 tác phẩm văn học, trong đó tiểu thuyết và truyện ngắn là 276 cuốn. Có thể nói đây là những chỉ dẫn hết sức quý giá để các nhà nghiên cứu sưu tầm để từ đó đánh giá hết giá trị văn văn học Nam Bộ đối với tiến trình phát triển của văn học Việt Nam.
Trong Chân dung văn học [3], Hoài Anh cũng phác thảo một số chân dung các cây bút văn xuôi như: Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Chánh Sắt, Tản Đà, Tân Dân Tử, Phạm Minh Khiêm, Bửu Đình, Phú Đức Những vấn đề của văn xuôi thời kỳ này còn được đề cập đến trong các bộ Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam từ đầu thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX [9], Từ điển văn học bộ mới [162], Văn học Việt Nam thế kỷ XX do GS. Phan Cự Đệ [41] chủ biên xuất bản năm 2004 Ngoài ra, còn công trình Những bước đầu của báo chí, truyện ngắn, tiểu thuyết và thơ mới (1865-1932) của tác giả Bùi Đức Tịnh [249] cũng là một dạng như vậy. Cuốn sách này được Bùi Đức Tịnh xuất bản lần đầu vào năm 1974 với tên Phần đóng góp của văn học miền Nam những bước đầu của báo chí, tiểu thuyết và thơ mới (Lửa Thiêng xuất bản, Sài Gòn).
Đáng chú ý nhất là công trình của tập thể các nhà nghiên cứu Viện Khoa học xã hội tại Tp. Hồ Chí Minh: Tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX [4] do Nguyễn Kim Anh chủ biên. Trong công trình này, các tác giả thống nhất nghiên cứu cả mảng “đoản thiên tiểu thuyết” (hay truyện ngắn) song song với “tiểu thuyết”. Các tác giả đã đề cập đến một số lượng lớn các nhà văn tiêu biểu ở Nam Bộ giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX như: Bửu Đình, Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Chánh Sắt, Tân Dân Tử, Lê Hoằng Mưu, Đạm Phương nữ sử, Đào Thanh Phước, Cẩm Tâm, Đào Thanh Phước, Hoàng Minh Tự, Nam Đình Nguyễn Thế Phương, Trương Quang Tiền, Việt Đông, Gabriel Võ Lộ, Huỳnh Quang Huê, Huỳnh Thị Bảo Hòa, Nguyễn Thành Long, Trần Quang Nghiệp, Ngọc Sơn, Phan Thị Bạch Vân, Phú Đức Đây có thể nói là công trình nghiên cứu công phu nhất từ trước đến nay về mảng văn học lâu nay còn để ngỏ: văn xuôi Quốc ngữ Nam Bộ nói chung và tiểu thuyết nói riêng. Tuy nhiên, do khối lượng tư liệu quá lớn nên các tác giả chủ yếu mới bước đầu tìm hiểu và đánh giá ở từng tác giả, tác phẩm lẻ tẻ theo dạng “điểm bình” mà chưa có cái nhìn toàn cục, chuyên sâu để từ đó khái quát nên diện mạo và những đặc điểm cơ bản trong quá trình hình thành và phát triển của thể loại giai đoạn này.
Ngoài ra còn một số các luận án tiến sĩ đề cập đến văn xuôi Quốc ngữ giai đoạn đầu thế kỉ XX. Đầu tiên là luận án PTS: Sự hình thành và vận động của thể loại tiểu thuyết văn xuôi tiếng Việt ở Nam Bộ giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến 1932 của Tôn Thất Dụng năm 1993 [34] và luận án Quá trình hiện đại hóa tiểu thuyết Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX của Cao Thị Xuân Mỹ năm 2001 [138],“Tả thực” với hiện đại hóa văn xuôi Quốc ngữ giai đoạn giao thời của Trần Văn Toàn năm 2009 [252], Nghệ thuật tự sự tiểu thuyết Nam bộ từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1932 của Phan Mạnh Hùng năm 2014 [84] Đây là những công trình nghiên cứu khá thấu đáo về sự hình thành và phát triển của thể loại tiểu thuyết Quốc ngữ Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX cũng như những đóng góp của thể loại cho quá trình hiện đại hóa thể loại tiểu thuyết nói riêng và văn học Việt Nam nói chung giai đoạn giao thời. Ngoài ra còn có thể kể đến luận án Đóng góp của văn học Quốc ngữ Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX vào tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam của Lê Ngọc Thúy thực hiện tại Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh năm 2001 [243], luận án Quá trình hình thành và phát triển của văn xuôi Quốc ngữ Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX của tác giả Cao Thị Hảo năm 2009 thực hiện tại Viện Văn học [77]
Gần đây, năm 2016, trong Hội thảo khoa học do Trường Đại học KHXH và NV, Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh, Trường Đại học Thủ Dầu Một và Viện Văn học phối hợp tổ chức với chủ đề “Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ”, nhiều nội dung liên quan đến tiểu thuyết Quốc ngữ nói chung, tiểu thuyết của các tác giả Nho học - Tân học nói riêng cũng đã được bàn đến. Có thể kể đến một số bài viết tiêu biểu như: 1) Văn học Nam Bộ từ cuối thế kỷ XIX đến 1945: đặc điểm và giá trị của Đoàn Lê Giang [166, tr.3-9]; 2) Mấy ghi chép về sự ra đời của văn xuôi Quốc ngữ ở Nam Bộ trong tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc của Phong Lê [166, tr.10-20]; 3) Văn học Quốc ngữ Nam Bộ từ góc nhìn hiện đại hóa của Nguyễn Văn Kha; 4) Một số đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ nghệ thuật trong văn xuôi Quốc ngữ Nam Bộ giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX của Cao Thị Hảo [166, tr.65-79]; 5) Tiểu thuyết nghĩa hiệp ở Nam Bộ đầu thế kỷ XX của Lê Tú Anh [166, tr.90-110]; 6) Tiểu thuyết “viết lại” của Hồ Biểu Chánh và vấn đề chuyển giao tự sự của Trần Thị Quỳnh Thuận [166, tr.595-609]; 7) Nhân vật trong tiểu thuyết “Nam cực tinh huy” của Hồ Biểu Chánh - Từ nguyên mẫu lịch sử đến hình tượng nghệ thuật của Mai Thế Mạnh [166, tr.619-631]; 8) Những ảnh hưởng của phương Đông và phương Tây trong tiểu thuyết “Ai làm được” của Hồ Biểu Chánh của Nguyễn Giáng Hương [166, tr.632-636], 9) Cảm nhận về tác phẩm “Chị Đào, chị Lý” - tiểu thuyết ra đời ở giai đoạn sáng tác cuối của Hồ Biểu Chánh của Huỳnh Thị Lan Phương và Nguyễn Văn Nở [166, tr.637-648] Nhìn chung, thông qua các nghiên cứu trên, một số vấn đề về văn học Quốc ngữ Nam Bộ, tiểu thuyết Quốc ngữ Nam Bộ cũng như tiểu thuyết của các tác giả Nho học - Tân học đã được ít nhiều đề cập đến trên cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật. Đó sẽ là những gợi ý cần thiết cho việc triển khai các vấn đề nghiên cứu của luận án.
Ở nước ngoài, theo tư liệu mà chúng tôi hiện được biết, những công trình nghiên cứu về văn xuôi Quốc ngữ nói chung và tiểu thuyết nói riêng đến nay vẫn không có nhiều. Trong công trình Introduction à la littérature Vietnamienne (Giới thiệu văn học Việt Nam - 1969), Maurice M. Durand và Nguyễn Trần Huân cũng chỉ trình bày một cách hết sức sơ lược về tác phẩm của 2 tác giả Hồ Biểu Chánh và Bửu Đình. Trong công trình Le roman Vietnamien contemporain (Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại - 1972) của Bùi Xuân Bào [307], tác giả có đề cập đến một số tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Thời Xuyên và đặc biệt là Nguyễn Trọng Thuật với tác phẩm Quả dưa đỏ. Tác giả chọn mốc năm 1925 với sự ra đời của Quả dưa đỏ và Tố Tâm làm mốc ra đời của tiểu thuyết hiện đại. Dù những đánh giá này của Bùi Xuân Bào cho đến nay đã không còn chính xác nhưng có thể thấy lúc bấy giờ, Bùi Xuân Bào đánh giá rất cao tác phẩm Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật (và cả Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách) trong tiến trình hình thành thể loại tiểu thuyết ở Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Ngoài ra, còn có thể kể đến các công trình của Cao Thị Như Quỳnh và John C. Schaffer: Hồ Biểu Chánh and the early development of the Vietnamese novel (Hồ Biểu Chánh và sự phát triển đầu tiên của tiểu thuyết Việt Nam)in trong tạp chí The Vietnam forum số 12 Summner fall, Mỹ, 1988 [310]; From Verse narrative to novel: the development of prose fiction in Vietnam- Từ truyện thơ đến sự phát triển của văn xuôi hư cấu ở Việt Nam (The Journal of Asian Studies, No.4-1988) [311]
1.3.3. Nhận xét chung
Trở lên, điểm qua tình hình nghiên cứu về các tác giả Nho học - Tân học, về tiểu thuyết Quốc ngữ Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX cũng như tiểu thuyết Quốc ngữ của các tác giả Nho học - Tân học chúng tôi thấy rằng: nhìn chung, ở trong nước, tuy đã có một số công trình nghiên cứu chuyên sâu về loại hình tác giả (như các công trình nghiên cứu về tác giả nhà nho hành đạo, tác giả nhà nho ẩn dật, tác giả nhà nho tài tử...) nhưng những loại hình tác giả nhà nho đó chủ yếu thuộc giai đoạn văn học trung đại, mang đặc điểm đặc thù của loại hình tác giả trung đại. Cho đến nay, đặc điểm loại hình nhà nho thuộc giai đoạn giao thời (đầu thế kỷ XX) vẫn chưa được tìm hiểu nhiều, riêng tác giả Nho học - Tân học thì chưa có công trình nào nghiên cứu một cách hệ thống và chuyên sâu. Nghiên cứu tác giả Nho học - Tân học và những đóng góp của họ cho sự hình thành, phát triển của tiểu thuyết Quốc ngữ đầu thế kỷ XX, chúng tôi hi vọng sẽ góp phần làm rõ hơn những vấn đề còn bỏ ngỏ như vấn đề đặc điểm loại hình tác giả và vị trí, đóng góp của loại hình tiểu thuyết được sáng tác bởi các tác giả Nho học - Tân học giai đoạn đầu thế kỷ XX của Việt Nam. Ở nước ngoài, các nhà nghiên cứu mới chỉ tập trung vào một số hiện tượng văn học tiêu biểu như Trương Vĩnh Ký, Hồ Biểu Chánh, với tác phẩm như truyện Thầy Lazaro Phiền; còn tác giả Nho học - Tân học thì hầu như chưa được đề cập đến từ góc độ loại hình. Luận án của chúng tôi cố gắng trên phương diện tổng kết, đánh giá, khu biệt loại hình tác giả Nho học - Tân học, từ đó hy vọng có thêm một tiếng nói khẳng định những đóng góp cũng như chỉ ra những mặt còn hạn chế qua các sáng tác của họ đối với quá trình hiện đại hóa thể loại tiểu thuyết nói riêng và nền văn học hiện đại Việt Nam đầu thế kỷ XX nói chung.
Tiểu kết Chương 1
Có thể khẳng định rằng, trong khoa nghiên cứu văn học Việt Nam, từ trước đến nay đã có rất nhiều các phương pháp tiếp cận khác nhau và mỗi phương pháp đều có những điểm khả thủ của nó mà sự vận dụng phù hợp luôn mang lại cho người nghiên cứu những kiến giải thú vị. Phương pháp loại hình học văn học vốn được các nhà nghiên cứu Việt Nam tiếp thu từ khoa nghiên cứu văn học, văn hóa Nga để soi chiếu thực thể văn...n đất Việt”, tuần báo Thanh niên số 39 ra ngày 2-9-1944.
Milan Kundera (2001), Tiểu luận Nghệ thuật tiểu thuyết và Những di chúc bị phản bội, Nguyên Ngọc dịch, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
Phạm Ngọc Lan sưu tầm, khảo luận (1989), Hồ Biểu Chánh, con người và tác phẩm, Nxb Tp. Hồ Chí Minh.
Tôn Phương Lan (2010), “Đóng góp của Hồ Biểu Chánh vào tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX”, onngu.edu.vn
Trần Thị Phương Lan (2012), Ngô Tất Tố - Một sự nghiệp lớn về báo chí và văn học, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
Thanh Lãng (1967), “Hồ Biểu Chánh”, Văn, (80).
Thanh Lãng (1967), Bảng lược đồ văn học Việt Nam, Nxb Trình bầy, Sài Gòn.
Huỳnh Thị Lành (2005), “Khả năng tiếp biến văn học phương Tây của Hồ Biểu Chánh qua một số tiểu thuyết phỏng dịch của ông (1912-1932)”, Khoa học, Trường ĐHSP Tp Hồ Chí Minh, (3).
Huỳnh Thị Lành (2006), Vị trí của Hồ Biểu Chánh trong văn xuôi Quốc ngữ Việt Nam đầu thế kỉ XX (1900 - 1930), Luận án Tiến sĩ Ngữ Văn, Trường ĐHSP Tp. Hồ Chí Minh.
Mã Giang Lân chủ biên (2000), Quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam 1900-1945, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
Nguyễn Hiến Lê (1969), “Bốn lối kết cấu trong tiểu thuyết, bốn nhân sinh quan”, Bách khoa, (289), tr.41-44.
Nguyễn Hiến Lê (1969), “Bốn lối kết cấu trong tiểu thuyết, bốn nhân sinh quan”, Bách khoa, (290), tr.24-28.
Trần Thị Hoa Lê (2017), Văn học trào phúng Việt Nam thời trung đại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
Phong Lê (1994), “Ngô Tất Tố - một chân dung lớn, một sự nghiệp lớn”, Tạp chí Văn học, số (1).
Phong Lê (1996), “Tố Tâm với nền tiểu thuyết mới và với giòng văn xuôi lãng mạn Việt Nam”, Tạp chí văn học, (8), tr.13-19.
Phong Lê (2002), “Văn xuôi những năm 20 (thế kỷ XX) phòng chờ cho bước chuyển giai đoạn sau 1932”, Tạp chí văn học, (5), tr.3-12.
Vũ Đình Liên, Đỗ Đức Hiểu, Lê Trí Viễn, Huỳnh Lý, Trương Chính, Lê Thước (1957), Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam, tập 3, Nxb Xây dựng, Hà Nội.
Lưu Liên (1987), “Tiểu thuyết, một thể loại năng động và đầy triển vọng”, Tạp chí văn học, (4), tr.68-77.
Likhachov (2010), Thi pháp văn học Nga cổ, Phan Ngọc dịch, Nxb Văn học, Hà Nội.
Ngô Thế Long (1995), Nho học ở Việt Nam - Giáo dục và thi cử, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Bình Nguyên Lộc (1967), “Biến cố và chiếc cầu Hồ Biểu Chánh”, Văn, (80).
Nguyễn Lộc (1984), Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XIX, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.
Nguyễn Lộc (1997), Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII - hết thế kỷ XIX, tái bản lần thứ 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Bùi Văn Lợi (1998), Tiểu thuyết lịch sử Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XX đến 1945 (diện mạo và đặc điểm), Luận án tiến sĩ ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội.
Phương Lựu chủ biên (2002), Lý luận văn học, tập 1, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội.
Phương Lựu chủ biên (2016), Lí luận văn học, tập 3, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội.
Nguyễn Công Lý (2011), Giáo dục - khoa cử và quan chế ở Việt Nam thời phong kiến và thời Pháp thuộc, Nxb Đại học Quốc gia, TP. Hồ Chí Minh.
Huỳnh Lý, Hoàng Dũng, Nguyễn Hoành Khung (1973), Lịch sử văn học Việt Nam, Tập 5: 1930-1945. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Hoàng Như Mai (2005), “Sự tái hồi của hai cuốn tiểu thuyết”, Hoàng Như Mai tuyển tập, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Đặng Thai Mai (1961). Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX (1900-1925), Nxb Văn hóa, Hà Nội.
Nguyễn Đăng Mạnh (1981), “Khải luận”, Tổng tập văn học Việt Nam, tập 30A, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
Nguyễn Đăng Mạnh (Chủ biên, 1987), Hợp tuyển văn học Việt Nam(1920-1945), tập V, quyển 1, Nxb Văn học, Hà Nội.
Nguyễn Đăng Mạnh (1997), “Quá trình hiện đại hóa của văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX”, Tạp chí văn học, (5), tr.16-24.
Nguyễn Đăng Mạnh (2001), Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Nguyễn Đăng Mạnh (2000), Giáo trình lịch sử văn học Việt Nam 1930-1945. Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
M.B. Khrapchenko (2002), Những vấn đề lý luận và phương pháp luận nghiên cứu văn học, Nhiều người dịch, Trần Đình Sử tuyển chọn và giới thiệu, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
Cao Xuân Mỹ sưu tầm, Mai Quốc Liên giới thiệu (1999), Văn xuôi Nam Bộ nửa đầu thế kỷ 20, tập 1, Nxb Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh.
Cao Xuân Mỹ sưu tầm, Mai Quốc Liên giới thiệu (2000), Văn xuôi Nam Bộ nửa đầu thế kỷ 20, tập 2, Nxb Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh.
Cao Xuân Mỹ (2001), Quá trình hiện đại hóa tiểu thuyết Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, Luận án tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Nguyễn Đăng Na (1998), Đặc điểm văn học trung đại Việt Nam: Những vấn đề văn xuôi tự sự, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Nguyễn Đăng Na tuyển chọn và giới thiệu (2000), Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, tập 3: Tiểu thuyết chương hồi, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Hoài Nam (2013), “Tản Đà và một cách sống ở đời”,
Sơn Nam (1967), “Nghĩ về Hồ Biểu Chánh”, Văn, (80).
Sơn Nam (1971), Miền Nam đầu thế kỷ XX - Thiên Địa hội và Cuộc Minh Tân, Nxb Lá Bối, Sài Gòn.
Vũ Tú Nam (1994), “Cây bút sắt sắc bén của một nhà nho”, báo Văn nghệ, số 1, ra ngày 1-1-1994.
N.D. Tamarchenko (05/1/2019), “Các trần thuật thuộc cổ mẫu văn học”, Lã Nguyên dịch, nguồn: https://languyensp.wordpress.com/2019/01/05/cac-tran-thuat-thuoc-mau-goc-van-hoc/
N.D. Tamarchenko (24/1/2019), “Bakhtin và những vấn đề “thể loại học” trong thi pháp học thế kỷ XX”, Lã Nguyên dịch, nguồn: https://languyensp.wordpress.com/2019/01/24/bakhtin-va-nhung-van-de-the-loai-hoc-trong-thi-phap-hoc-the-ky-xx/
Phạm Thị Ngoạn (1993), Tìm hiểu tạp chí Nam phong (Ý Việt xuất bản, Paris.
Phan Ngọc (2002), Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội.
Vũ Văn Ngọc chủ biên (2011), Nam Bộ nhìn từ văn hóa, văn học và ngôn ngữ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
Phạm Thế Ngũ (1997), Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập 3, (tái bản), Nxb Đồng Tháp.
Lã Nguyên (Tuyển dịch) (2012), Lí luận văn học- những vấn đề hiện đại, Nxb Đại học sư phạm Hà Nội, Hà Nội.
Phạm Xuân Nguyên (1991), “Phân tích tâm lý trong tiểu thuyết”, Tạp chí văn học, (2), tr.69-73.
Vương Trí Nhàn (1994), “Nhà nho thức thời - ngòi bút tình cảm Ngô Tất Tố”, Tạp chí Văn học, số (1).
Vương Trí Nhàn sưu tầm và biên soạn (1996), Khảo về tiểu thuyết, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
Vương Trí Nhàn sưu tầm và biên soạn (2000), Những lời bàn về tiểu thuyết trong văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến 1945, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
Vương Trí Nhàn (2005), Nhà văn tiền chiến và quá trình hiện đại hóa, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
Vương Trí Nhàn (2005), “Vai trò của trí thức trong quá trình tiếp nhận ăn hóa phương Tây ở Việt Nam đầu thế kỷ XX”, Tạp chí văn học, (7).
Đào Trinh Nhất (1924), Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ, Nhà in Thủy Ký, Hà Nội.
Trần Thị Tú Nhi (2015), “Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục (1878-1954) - người lưu giữ quốc hồn, quốc túy trong du kí Quốc ngữ”, Tạp chí Khoa học, Đại học Sư phạm Tp Hồ Chí Minh, (4/69), tr.17-25.
Nhiều tác giả (1983), Số phận của tiểu thuyết, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội.
Nhiều tác giả (1999), Luận về Quốc học (nghiên cứu, cảo luận), Nxb Đà Nẵng & Trung tâm nghiên cứu Quốc học, Đà Nẵng.
Nhiều tác giả (2004), Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb Văn học, Hà Nội.
Nhiều tác giả (2006), Hồ Biểu Chánh - người mở đường cho tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, Nxb Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh.
Nhiều tác giả (2009), Nghiên cứu văn học Việt Nam những khả năng và thách thức, tuyển tập chuyên khảo do Viện Harvard - Yenching tài trợ, Nxb Thế giới, Hà Nội.
Nhiều tác giả (2013), Kỷ yếu hội thảo khoa học Nhà văn, nhà báo Nguyễn Chánh Sắt (1869 - 1947, Hội khoa học lịch sử An Giang xuất bản.
Nhiều tác giả (2016), Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ, Kỷ yếu Hội thảo khao học, Nxb Đại học Quốc gia, Tp. Hồ Chí Minh.
Võ Văn Nhơn (2000), “Con đường đến với tiểu thuyết hiện đại của hai nhà văn tiên phong Nam Bộ”, Tạp chí văn học, (3), tr.39-42.
Võ Văn Nhơn (2006), “Lê Hoàng Mưu, nhà văn của những thử nghiệm táo bạo đầu thế kỷ XX”, Nghiên cứu văn học, (7), tr.26-35.
Võ Văn Nhơn (2007), Văn học Quốc ngữ trước 1945 ở thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Văn hóa Sài Gòn, Tp Hồ Chí Minh.
Võ Văn Nhơn (2008), Tiểu thuyết Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Luận án tiến sĩ Ngữ văn, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh.
N.I. Niculin (1983), “Sự tiến triển của truyện thơ cổ điển Việt Nam và sự vay mượn cốt truyện”, Lê Sơn dịch, Tạp chí văn học, (3), tr.108. In lại trong Văn học Việt Nam và giao lưu quốc tế (2000), Nguyễn Hữu Sơn tuyển chọn và giới thiệu, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.518-531.
N.I. Niculin (1986), “Sự phản ánh những mối giao tiếp văn hóa với châu Âu trong văn học Việt Nam thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XIX”, Lê Sơn trích dịch, Tạp chí văn học, (6), tr.83-95. In lại trong Văn học Việt Nam và giao lưu quốc tế (2000), Nguyễn Hữu Sơn tuyển chọn và giới thiệu, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.540-559.
N.I. Niculin (2000), Văn học Việt Nam và giao lưu quốc tế, Nguyễn Hữu Sơn tuyển chọn và giới thiệu, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Vũ Ngọc Phan (1998), Nhà văn hiện đại, tập 1, tái bản, Nxb Văn học, Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học Thành phố Hồ Chí Minh.
Vũ Ngọc Phan (1998), Nhà văn hiện đại, tập 2, tái bản, Nxb Văn học, Hà Nội.
Nguyễn Khắc Phi, Trần Đình Sử, Lê Bá Hán (Đồng chủ biên) (2006), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Thế Phong (1972), Phê bình văn học thế hệ 32,Phong trào văn hóa Sài Gòn xuất bản.
V.IA. Propp (2003), Tuyển tập, tập 1, nhiều người dịch, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
Kiều Thanh Quế (1942), “Phê bình Lều chõng”, báo Tri tân, số 33, ngày 23-1-1942.
Kiều Thanh Quế (2009), Cuộc tiến hoá văn học Việt Nam (Tuyển tập khảo cứu phê bình), Nxb Thanh niên, Hà Nội.
Nguyễn Thị Chân Quỳnh (2007), Khoa cử Việt Nam. Tập hạ:Thi Hội Thi Đình. Trung tâm nghiên cứu Quốc học và Nxb Văn học, Hà Nội. Truy cập tại
Phạm Quỳnh (1918), “Mộng hay mị?”, Nam Phong, số 7.
Phạm Quỳnh (1921), “Bàn về tiểu thuyết (Tiểu thuyết là gì và phép làm tiểu thuyết thế nào)”, Nam Phong, số 43.
Trần Bích San, Thi cử và giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc Pháp. Truy cập tại https://www.vanhoanghean.com.vn/van-hoa-va-doi-song27/van-hoa-hoc-duong40/thi-cu-va-giao-duc-viet-nam-duoi-thoi-thuoc-phap.
Doãn Quốc Sĩ (1973), Văn học và tiểu thuyết, NxbSáng tạo, Sài Gòn.
Phạm Văn Sĩ (1986), Về tư tưởng văn học phương Tây hiện đại, Nxb Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.
Lê Văn Siêu (1974), Văn học sử thời kháng Pháp, Nxb Trí Đăng, Sài Gòn.
Trang Quang Sen, Phan Tấn Tài, Nguyễn Văn Nở chủ biên (2006), Hồ Biểu Chánh người mở đường cho tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, Nxb Văn nghệ, Tp Hồ Chí Minh.
Nguyễn Hữu Sơn (2002), Loại hình tác phẩm “Thiền uyển tập anh”, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
Nguyễn Hữu Sơn (2005), Văn học trung đại Việt Nam: Quan niệm con người và tiến trình phát triển, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
Nguyễn Kim Sơn (2009), “Tư tưởng luân lý mới của các nhà Nho Duy tân trong “Tân đính luân lý giáo khoa thư”, Tạp chí Triết học, (4/125), nguồn:
Thiếu Sơn (1931), Lối văn phê bình nhơn vật: Ông Hồ Biểu Chánh, báo Phụ nữ tân văn số 106.
Thiếu Sơn (1933), Phê bình và cảo luận, Nxb Nam ký, Hà Nội.
Thiếu Sơn (1967), “Nhớ Hồ Biểu Chánh”, Văn, (80).
Triều Sơn (1965), “Chuyện phiếm về tiểu thuyết”, Văn, (34), tr.73-79.
Trần Đăng Suyền (2001), Chủ nghĩa hiện thực Nam Cao, chuyên luận, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
Trần Đăng Suyền (2002), “Cá tính sáng tạo và đặc điểm tiểu thuyết hiện thực của Vũ Trọng Phụng”, Tạp chí văn học, (10), tr.22-28.
Trần Đăng Suyền (2002), Nhà văn, hiện thực đời sống và cá tính sáng tạo, tiểu luận phê bình, Nxb Văn học, Hà Nội.
Trần Đăng Suyền (2010), Chủ nghĩa hiện thực trong văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX (chuyên luận), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
Trần Đăng Suyền (2012), Phương pháp nghiên cứu và phân tích tác phẩm văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Trần Đăng Suyền, Lê Quang Hưng đồng Chủ biên (2016), Văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến 1945, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội.
Trần Đình Sử (1998), Giáo trình Dẫn luận thi pháp học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Trần Đình Sử (2002), “Lý thuyết Cacnavan hóa của M. Bakhtin và tư duy tiểu thuyết hiện đại”, Diễn đàn văn nghệ Việt Nam, (12), tr. 37-39.
Trần Đình Sử, Lã Nhâm Thìn, Lê Lưu Oanh tuyển chọn (2005), Văn học so sánh nghiên cứu và triển vọng, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
Trần Đình Sử chủ biên (2007), Tự sự học - một số vấn đề lí luận và lịch sử, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
Trần Đình Sử chủ biên (2008), Tự sự học - một số vấn đề lí luận và lịch sử, Phần 2, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
Trần Đình Sử chủ biên (2012), Lí luận văn học, tập 2, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội.
Trần Hữu Tá (1988), “Một vài cảm nghĩ nhân đọc lại tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh”, Ngọn cỏ gió đùa, Nxb Tổng hợp Tiền Giang.
Trần Hữu Tá (1999), “Tiểu thuyết Nam Bộ trong chặng đầu của quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam”, Kiến thức ngày nay, (309).
Trần Hữu Tá (2000), “Nghĩ về buổi bình minh của tiểu thuyết Nam Bộ”, Tạp chí Văn học, (10), tr.11-16.
Bùi Duy Tân (1992), “Mối quan hệ về thể loại giữa văn học Trung Quốc và văn học Việt Nam thời trung đại: tiếp nhận - cách tân - sáng tạo”, Tạp chí văn học, (1), tr.9-12.
Bùi Duy Tân (1997), “Tân thư và phong trào Đông Kinh nghĩa thục”, Tạp chí văn học, (2), tr.36-41.
Bùi Duy Tân (1999), Khảo và luận một số tác gia tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Bùi Duy Tân (2001), Khảo và luận một số thể loại tác gia tác phẩm văn học trung đại Việt Nam, tập 2, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
Lê Văn Tấn (2013), “Loại hình tác giả nhà nho ẩn dật trong văn học trung đại Việt Nam”, Nghiên cứu văn học, (10), tr.43-58.
Lê Văn Tấn (2013), Tác giả nhà nho ẩn dật và Văn học trung đại Việt Nam,Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội; tái bản có chỉnh sửa bổ sung, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2019.
Lê Văn Tấn (2015), “Loại hình tác giả nhà nho hành đạo trong văn học trung đại Việt Nam”, Tạp chí khoa học xã hội, Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, (7), tr.28-40.
Lê Văn Tấn (2015), “Hình tượng dật sĩ trong văn chương tác giả nhà nho ẩn dật”, Nghiên cứu văn học, (5), tr.95-103.
Lê Văn Tấn (2017), “Nguyễn Thông và vẻ đẹp thơ văn nhà nho hành đạo nửa sau thế kỷ XIX”, Nhịp cầu tri thức, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, (3/96), tr.55-58.
Phạm Xuân Thạch (2007), Sự hình thành hệ thống thể loại tự sự nghệ thuật trong tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, bản tóm tắt Luận án tiến sỹ Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.
Phạm Xuân Thạch (2009), “Ba thập niên đầu thế kỷ XX và sự hình thành “trường văn học” ở Việt Nam”, Nghiên cứu văn học Việt Nam những khả năng và thách thức, tuyển tập chuyên khảo do Viện Harvard - Yenching tài trợ, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr.301-336.
Phạm Xuân Thạch (2012), “Quá trình cách tân và những giới hạn trong sự nghiệp sáng tác văn xuôi của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu”, https://phebinhvanhoc.com.vn/qua-trinh-cach-tan-va-nhung-gioi-han-trong-su-nghiep-sang-tac-van-xuoi-cua-tan-da-nguyen-khac-hieu/
Lê Thanh (1939), Thi sĩ Tản Đà, Tản Đà thư cục, Hà Nội.
Trần Thị Băng Thanh (1997), “Nguyễn Thượng Hiền và phong trào canh tân đất nước đầu thế kỷ XX”, Tạp chí văn học, (2), tr.47-52.
Hoài Thanh, Hoài Chân (1988), Thi nhân Việt Nam (in theo bản in lần đầu Nguyễn Đức Phiên xb năm 1942), Nxb Văn học, Hà Nội.
Cao Tự Thanh (2010), Nho giáo ở Gia Định, Nxb Văn hóa Sài Gòn, Tp. Hồ Chí Minh.
Vũ Thanh (1994), “Những biến đổi của yếu tố kỳ và thực trong truyện ngắn truyền kì Việt Nam”, Tạp chí Văn học, số 6.
Nguyễn Thành sưu tầm, biên soạn (1997), Tổng tập văn học Việt Nam, tập 20, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
Nguyễn Q. Thắng (1998), Tiến trình văn nghệ miền Nam (Văn học Việt Nam nơi miền đất mới), In lần thứ 2, Nxb Văn học, Hà Nội.
Nguyễn Q. Thắng (1990), “Bước bình minh của tiểu thuyết hiện đại Việt Nam”, Bách khoa, (1), tr.44-49.
Bùi Việt Thắng (biên soạn) (2000), Bàn về tiểu thuyết, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
Nguyễn Q. Thắng (2005), Khoa cử và Giáo dục Việt Nam, tái bản lần thứ 4, có bổ sung, Nxb Tổng hợp, TP. Hồ Chí Minh.
Chương Thâu chủ biên (1996), Tổng tập văn học Việt Nam, tập 21, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
Nguyễn Đình Thi (964), Công việc của người viết tiểu thuyết, Nxb Văn học, Hà Nội.
Lã Nhâm Thìn (1998), Thơ Nôm Đường luật, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Trần Nho Thìn (2002), Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hoá, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Trần Nho Thìn (2018), Phương pháp tiếp cận văn hóa trong nghiên cứu giảng dạy văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Lưu Khánh Thơ (2005), “Từ quan niệm về thơ đến lí luận về tiểu thuyết - đến bước phát triển trên con đường hiện đại hóa văn học dân tộc”, Nghiên cứu văn học, (4), tr.71-80.
Nguyễn Đức Thuận (2005), “Về thuật ngữ tiểu thuyết trên Nam phong tạp chí”, Nghiên cứu văn học, (2), tr.117-125.
Nguyễn Đức Thuận (2006), “Tình hình nghiên cứu phần Văn trên Nam Phong tạp chí (1917-1934)”, Tạp chí văn học, (5).
Nguyễn Đức Thuận (2007), Tìm hiểu Văn trên Nam Phong tạp chí, Luận án tiến sĩ Ngữ văn, Viện Văn học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Hà Nội.
Nguyễn Đức Thuận (2015), Đoản thiên tiểu thuyết, truyện ngắn trên Nam Phong tạp chí, Nxb Văn học, Hà Nội.
Lê Ngọc Thúy (2001), Đóng góp của văn học Quốc ngữ Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX vào tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam, Luận án tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Lộc Phương Thủy (chủ biên) (2007), Lí luận phê bình văn học thế giới thế kỉ XX, (tập 1), Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Lộc Phương Thủy (chủ biên) (2007), Lí luận phê bình văn học thế giới thế kỉ XX, (tập 2), Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Phạm Thị Thu Thủy (2017), Con người Nam Bộ trong sáng tác văn xuôi của Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam và Nguyễn Ngọc Tư, Luận án tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội.
Phan Trọng Thưởng (1983), “Những thu hoạch ban đầu về phương pháp loại hình trong nghiên cứu văn học”, Tạp chí Văn học, (5), tr.
Phan Trọng Thưởng (2001), Văn chương tiến trình tác giả - tác phẩm, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
Bùi Đức Tịnh (2002), Những bước đầu của báo chí, tiểu thuyết và thơ mới (1865 - 1932), tài bản lần thứ hai, Nxb. Tp Hồ Chí Minh.
Bùi Đức Tịnh (2005), Lược khảo lịch sử văn học Việt Nam (từ khởi thủy đến cuối thế kỷ XX), Nxb Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh.
Nghiêm Toản (1949), Việt Nam văn học sử trích yếu, Nxb Vĩnh Bảo, Sài Gòn.
Trần Thị Trâm (1993), Tố Tâm và vị trí của tác phẩm trong quá trình phát triển của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, Luận án phó tiến sĩ khoa học ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Trần Văn Toàn (2005), “Một số vấn đề lý thuyết tiếp nhận từ hoạt động dịch thuật đầu thế kỷ XX”, Văn học so sánh nghiên cứu và triển vọng, Trần Đình Sử, Lê Lưu Oanh chủ biên, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, tr.248-262. Nguồn:
Trần Văn Toàn (2008), “Hồ Biểu Chánh và thị hiếu độc giả”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, (2), tr.87-90. Đăng lại với nhan đề “Thị hiếu độc giả và vấn đề tính hiện đại trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh”, nguồn:
Trần Văn Toàn (2008), “Cảm quan thế giới trong lý luận, phê bình văn học của Phạm Quỳnh và tác động của nó đến tiến trình văn học”, Nghiên cứu văn học, (9), tr.80-90. Nguồn:
Trần Văn Toàn (2008), “Ảnh hưởng của văn hóa phương Tây qua sự hiện diện của tờ báo”, Tia sáng, (12), tr.14-15,58. Nguồn:
Trần Văn Toàn (2009), “Diễn ngôn về tính dục trong văn xuôi hư cấu Việt Nam (từ đầu thế kỷ XX đến 1945)”, Nghiên cứu văn học Việt Nam những khả năng và thách thức, tuyển tập chuyên khảo do Viện Harvard - Yenching tài trợ, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr.247-300.
Trần Văn Toàn (2010), “Tả thực” với hiện đại hóa văn xuôi nghệ thuật Quốc ngữ giai đoạn giao thời, Luận án tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Trần Văn Toàn (2011), “Tính chất “tả thực” trong kiểu nhân vật hành đạo của truyện ngắn và tiểu thuyết giao thời”, Nghiên cứu văn học, (1), tr.95-105. Nguồn:
Trần Văn Toàn (2014), “Tính chất “tả thực” trong kiểu nhân vật hành đạo của truyện ngắn và tiểu thuyết giao thời”, Nghiencuu/VanhocVietNamhiendai/tabid/103/newstab/275/Default.aspx
Trần Văn Toàn (2015), “Tản Đà, tiểu sử con người và kiểu nhà thơ giao thời”, nguồn:
Trần Văn Toàn (2015), “Tản Đà, sầu mộng và sự hiện diện của cái tôi cá nhân”, nguồn:
Trần Văn Toàn (2015), “Tản Đà nhìn từ góc độ thể loại”, nguồn:
Trần Văn Toàn (2015), “Quan niệm về tả thực trong tiểu thuyết giai đoạn giao thời”, nguồn:
Trần Văn Toàn (2015), “Cảm quan hiện tại và mô hình không - thời gian trong văn xuôi hư cấu giao thời”, nguồn:
Nghiêm Toản (1949), Việt Nam văn học sử trích yếu, NxbVĩnh Bảo, Sài Gòn.
Tzevan Todorov (2008), Dẫn luận về văn chương kỳ ảo, Lê Hồng Sâm và Đặng Anh Đào dịch, Nxb Đại học sư phạm Hà Nội, Hà Nội.
Phan Chu Trinh (2005), Phan Chu Trinh toàn tập, tập 3, Nxb Đà Nẵng.
Hoàng Trinh (1968), Phương Tây - Văn học và con người, (2 tập), Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.
Trần Văn Trọng (2015), Truyện ngắn Quốc ngữ Nam Bộ từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, Luận án tiến sĩ văn học, Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
Nguyễn Văn Trung (1965), Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết, Nam Sơn xuất bản, Sài Gòn.
Nguyễn Văn Trung (1974), Chữ, văn Quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc, Nam Sơn xuất bản, Sài Gòn.
Nguyễn Văn Trung (1987), Những áng văn chương Quốc ngữ đầu tiên, (tài liệu in ronéo), Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Nguyễn Văn Trung (1998), Hồ sơ Lục Châu học, website: namkyluctinh.org.
Trương Quốc Phong (2001), Tiểu thuyết sử thoại các thời đại Trung Quốc, Thái Trọng Lai biên dịch, Nxb Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh.
Lê Thị Dục Tú (1994), “Miêu tả nội tâm trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn”, Tạp chí văn học, (8), tr.20-24.
Lê Dục Tú (2003), Quan niệm nghệ thuật về con người trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, Nxb Thanh niên, Hà Nội.
Nguyễn Văn Tùng (2012), Lí luận văn học và đổi mới đọc - hiểu tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Lê Thị Phong Tuyết (2007), “Cay đắng mùi đời và những cảm hứng được tiếp nhận từ Không gia đình”, Văn học nước ngoài, (5), tr.123-136.
Trang Tử (1994), Nam Hoa kinh, Nguyễn Hiến Lê chú dịch và giới thiệu, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
Phùng Văn Tửu (2002), Tiểu thuyết Pháp hiện đại - Những tìm tòi đổi mới, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
Phùng Văn Tửu (2010), Tiểu thuyết trên đường đổi mới nghệ thuật, Nxb Tri thức, Hà Nội.
Viện Văn học (2001), Những vấn dề lý luận và lịch sử văn học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
Viện Văn học (2010), Loại hình tác gia văn học trung đại Việt Nam, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Nguyễn Hữu Sơn chủ nhiệm, Viện Văn học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
Viện Văn học (2011), Thể loại truyện ngắn Quốc ngữ Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến 1932, Quyển 1: Chuyên luận, Đề tài khoa học cấp Bộ, Phạm Thị Thu Hương và Lê Thị Dục Tú đồng chủ nhiệm, Viện Văn học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
Lê Trí Viễn, Nguyễn Đình Chú (1962), Lịch sử văn học Việt Nam, tập IV B, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Lê Trí Viễn, Phan Côn, Huỳnh Lý (1963), Giáo trình lịch sử văn học Việt Nam, NxbVăn học, Hà Nội, 1963.
Lê Trí Viễn (1998), Quy luật phát triển lịch sử văn học Việt Nam”, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Tầm Vu, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Văn Y (1998), Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Tập 2, Nxb Tổng hợp, Tp. Hồ Chí Minh.
V.IA. Propp 92003), Hình thái học truyện cổ tích, nhiều người dịch, Nxb Văn hóa dân tộc - Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội.
Vưgotxki L.X. (1985), Tâm lí học nghệ thuật, nhiều người dịch, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
Vương Gia (Wang Jia) (2016), Ảnh hưởng của tiểu thuyết Minh Thanh đối với tiểu thuyết Nam Bộ Việt Nam giai đoạn 1900-1930, Luận án tiến sĩ Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam, Trường ĐHSP Tp. Hồ Chí Minh.
Trần Ngọc Vương (1995), Loại hình học tác giả văn học - nhà nho tài tử và văn học Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Trần Ngọc Vương (1997), Văn học Việt Nam dòng riêng giữa nguồn chung, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
Trần Ngọc Vương chủ biên, Trần Hải Yến, Phạm Xuân Thạch (2010), Giáo trình Văn học Việt Nam ba mươi năm đầu thế kỷ XX, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
Welleck R., Warren A. (2009), Lí luận văn học, Nguyễn Mạnh Cường dịch, Nxb Văn học, Hà Nội.
Nguyễn Vỹ (2015), Tuấn, chàng trai nước Việt, chứng tích thời đại đầu thế kỷ XX. Truy cập tại Kec6d MK9YHkXU53g lNeZoFNwZCGQ&ssid=1460
Bôrix Xuskôv (1980), Số phận lịch sử của chủ nghĩa lịch sử, (2 tập), nhiều người dịch, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội.
Nguyễn Thị Thanh Xuân (2000), “Văn học hiện đại Việt Nam - Bước đầu quan trọng ở Sài Gòn - Nam Bộ”, Tạp chí Văn học, (3), tr.33-38.
Nguyễn Thị Thanh Xuân (2004), Phê bình văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX (1900-1945), Nxb Đại học Quốc gia, Tp. Hồ Chí Minh.
Nguyễn Thị Thanh Xuân (2006), “Phú Đức - Một mẫu hình nhà văn Nam Bộ đặc biệt đầu thế kỷ XX”, Nghiên cứu văn học, (7), tr.16-25.
Nguyễn Thị Thanh Xuân (2009), “Độc thoại nội tâm đồng hiện trong Thân phận của tình yêu”, Diễn đàn văn nghệ Việt Nam, (172/5), tr. 41-44.
Nguyễn Thị Thanh Xuân (2015), Tiểu thuyết phóng sự Việt Nam, Luận án tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội.
Nguyễn Khắc Xương (1997), Tản Đà trong lòng thời đại, NxbHội nhà văn, Hà Nội.
Nguyễn Khắc Xương sưu tầm, biên soạn, giới thiệu (2002), Tản Đà toàn tập, tập 1, Nxb Văn học, Hà Nội.
Trần Thị Hải Yến (2002), Giai nhân kỳ ngộ diễn ca trong dòng văn học duy tân yêu nước đầu thế kỷ XX, Luận án tiến sĩ Ngữ văn, Viện Văn học,Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.
B. Tài liệu tiếng Anh
Bùi Xuân Bào (1972), Le roman Vietnamien contemporain, Tủ sách Nhân văn xã hội, Sài Gòn.
Barnes, Leslie, (2014), “Vietnam and the Codonial Condition of French Literature”, University of Nebraska Press.
Culler J. (1975): Structuralist poetics (structuralism linguistics and the study of literature, Cornell University press, New York.
David Marr (1995), Essays into Vietnamese pasts. Cornell University, Inthaca New York.
DeFrancis, John (1977), Colonialism and Language Policy in Viet Nam, Mouton Publishers, the Hague.
George Dutton, (2014), ‘Socity’ and Struggle in the Early Twentieth Century: The Vietnamese neologistic project and French colonialism, Cambridge University Press: 04 December 2014.
Karl Ashoka Britto, (2004), Disorientation: France, Vietnam, and te Ambialence of Interculturality, Social Science.
Cao Thị Như Quỳnh, Schaffer John C. (1988), “Hồ Biểu Chánh and the early development of the Vietnamese novel”, The Vietnam forum, No.12, Summer fall, USA.
Cao Thị Như Quỳnh, Schaffer John C. (1988), “From Verse narative to novel: the development of prose fiction in Vietnam”, The Journal of Asian Studies, No.4.
PHỤ LỤC
DANH MỤC TIỂU THUYẾT CỦA CÁC TÁC GIẢ
NHO HỌC - TÂN HỌC ĐƯỢC KHẢO SÁT TRONG LUẬN ÁN
(Xếp theo thứ tự ABC tên tác phẩm)
TT
TÊN TÁC PHẨM
TÊN TÁC GIẢ
NƠI XB
NĂM XB
TIỂU LOẠI
Nguồn
1
Ai làm được
Hồ Biểu Chánh
S.: Xưa Nay
1926
Tiểu thuyết
KM.4223 (8) (TVQG)
2
Bỏ chồng
Hồ Biểu Chánh
1938
3
Bỏ vợ
Hồ Biểu Chánh
1938
4
Cay đắng mùi đời
Hồ Biểu Chánh
S.: Xưa Nay
1923
Tiểu thuyết
KM.4222 (13) (TVQG)
5
Con nhà nghèo
Hồ Biểu Chánh
S.: Đức Lưu Phương
1930
Tiểu thuyết
6
Cha con nghĩa nặng
Hồ Biểu Chánh
Khởi đăng trên Phụ nữ tân văn từ số 23 đến số 39 (1929)
1929
Tiểu thuyết
7
Chúa tàu Kim Quy
Hồ Biểu Chánh
S.: Xưa Nay
1922
Tiểu thuyết
S87.25071
8
Chút phận linh đinh
Hồ Biểu Chánh
S.: Nguyễn Khắc
1928
Tiểu thuyết
KM.5593(3)
9
Cười gượng
Hồ Biểu Chánh
1935
10
Dây oan
Hồ Biểu Chánh
1935
11
Đóa hoa tàn
Hồ Biểu Chánh
1936
12
Đoạn tình
Hồ Biểu Chánh
1940
13
Gái trả thù cha
Nguyễn
Chánh Sắt
S.: J. Nguyễn Văn Viết
1925
Tiểu thuyết trinh thám
14
Giang hồ nữ hiếp
Nguyễn
Chánh Sắt
S.: Đức Lưu Phương
1928
Tiểu thuyết
15
Giấc mộng con (I)
Tản Đà
H.: Đông Kinh ấn quán
1917
16
Giấc mộng con (II)
Tản Đà
Đăng trên Đông Pháp thời báo
1927-1929
17
Giấc mộng lớn
Tản Đà
1929
Tự truyện
18
Kẻ làm người chịu
Hồ Biểu Chánh
S: Tín Đức thư xã
1929
Tiểu thuyết
KM.2286(20)
19
Khóc thầm
Hồ Biểu Chánh
S.: An Tường
1929
Gia đình tiểu thuyết
M.9292
20
Lời thề trước miễu
Hồ Biểu Chánh
1938
21
Lều chõng
Ngô Tất Tố
Đăng trên báo Thời vụ 1939-1944; Mai Lĩnh xuất bản 1952
1939-1944
Phóng sự tiểu thuyết
22
Lòng người nham hiểm
Nguyễn
Chánh Sắt
S.: Nguyễn Văn Của
1925
Tiểu thuyết
23
Man hoang kiếm hiệp
Nguyễn
Chánh Sắt
Tiếu thuyết kiếm hiệp
24
Một chữ tình
Hồ Biểu Chánh
1923
25
Một đôi hiệp khách
Nguyễn
Chánh Sắt
S.: Imp.De I’Union
1929
Tiểu thuyết
26
Nam cực tỉnh huy
Hồ Biểu Chánh
S.: Đức Lưu Phương
1924
Tiểu thuyết
27
Nặng gánh cang thường
Hồ Biểu Chánh
S.: Đức Lưu Phương
1930
Tiểu thuyết lịch sử
28
Nghĩa hiệp kỳ duyên
Nguyễn
Chánh Sắt
Đăng trên Nông Cổ Mín Đàm
1920
Kim thời tiểu thuyết
29
Ngọn cỏ gió đùa
Hồ Biểu Chánh
S.: Nguyễn Khắc
1929
Tiểu thuyết
Km.5868 (9)
30
Nhơn tình ấm lạnh
Hồ Biểu Chánh
S.: Tín Đức
1928
Tiểu thuyết
KM.5373(6)
31
Quả dưa đỏ
Nguyễn
Trọng Thuật
H.: Tiến Đức
1925
Tiểu thuyết
32
Tài mạng tương đố
Nguyễn
Chánh Sắt
S.: Imp.De I’Union
1925
Tiểu thuyết
33
Tân phong nữ sĩ
Hồ Biểu Chánh
1937
34
Tắt đèn
Ngô Tất Tố
In trên báo Việt nữ năm 1937; Mai Lĩnh xuất bản 1939
1937
Tiểu thuyết
35
Tiền bạc bạc tiền
Hồ Biểu Chánh
S.: Imp.De I’Union
1926
Tiểu thuyết
S87.25070
36
Tiêu hồng bào hải thoại
Nguyễn
Chánh Sắt
S.: J. Nguyễn Văn Viết
37
Tình đời ấm lạnh (In trong sách Thiên Sanh Đường đại dược phòng)
Nguyễn
Chánh Sắt
S.: Imp. Man Sanh
1928
Tiểu thuyết
38
Tỉnh mộng
Hồ Biểu Chánh
S.: Imp. Man Sanh
1923
Tiểu thuyết
39
Thằng ăn trộm mặc áo đen
Nguyễn
Chánh Sắt
Đăng trên Nông cổ mín đàm
1920-1922
Trinh thám tiểu thuyết
40
Thầy thông ngôn
Hồ Biểu Chánh
1926
41
Thề non nước
Tản Đà
Công bố năm 1932; Hương Sơn xuất bản năm 1940
1932
Tiểu thuyết
42
Trinh hiệp lưỡng mỹ
Nguyễn
Chánh Sắt
S.: Imp. Man Sanh
Tiếu thuyết
43
Vạn Huê lầu diễn nghĩa
Nguyễn
Chánh Sắt
S.: Xưa Nay
1929
Tiểu thuyết
44
Việt Nam Lê Thái Tổ
Nguyễn
Chánh Sắt
S.: Đức Lưu Phương
1929
Tiểu thuyết lịch sử
45
Ý và tình
Hồ Biểu Chánh
1938-1942