MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Nằm trong vùng châu thổ Bắc Bộ - vùng đất vốn được coi là cái nôi của nhiều nghề, làng nghề thủ công, khu vực Hà Nội hiện đang là nơi hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề trên toàn quốc với 286 làng nghề truyền thống đã được công nhận. Trong số các nhóm nghề thủ công truyền thống đang hiện diện trên mảnh đất Thủ đô phải kể tới nghề sơn - một nghề cổ truyền xuất hiện từ rất sớm trên đất nước ta và đã để lại dấu ấn bản sắc văn hóa Việt Nam đối với thế giới. Đến thời đ
24 trang |
Chia sẻ: huong20 | Ngày: 15/01/2022 | Lượt xem: 320 | Lượt tải: 0
Tóm tắt tài liệu Luận án Sự biến đổci của nghề sơn truyền thống ở các làng bối khê (huyện Phú xuyên) và Vũ lăng (huyện Thanh oai), thành phố Hà nội hiện nay, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
điểm này, Hà Nội là nơi tập trung nhiều làng có nghề sơn nhất cả nước với 8 làng nghề chuyên sâu đang và đã từng hoạt động.
Kể từ khi Hà Nội cùng đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới, tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội khá mạnh mẽ, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng ngày càng được mở rộng, song, quá trình phát triển nhanh chóng này đã tạo đà cho những biến đổi sâu sắc ở tất cả các lĩnh vực trong đó có sự biến đổi của các ngành nghề truyền thống như nghề sơn theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực. Hai làng Bối Khê (huyện Phú Xuyên) và Vũ Lăng (huyện Thanh Oai), Tp. Hà Nội đã có nghề sơn truyền thống từ lâu đời và sớm khẳng định được vị trí riêng về chất lượng kỹ thuật và mỹ thuật của các sản phẩm làm ra trong hệ thống các làng nghề sơn ở châu thổ Bắc Bộ. Nằm ở hai huyện được đánh giá là những khu vực có sự phát triển kinh tế khá năng động với mật độ làng nghề đông đảo nhất Hà Nội, có thể coi hoạt động nghề ở hai làng Bối Khê và Vũ Lăng là những trường hợp thể hiện khá rõ nét xu thế biến đổi nhiều mặt của nghề sơn truyền thống dưới tác động của các điều kiện chủ quan và khách quan, đã và đang diễn ra rất phổ biến tại các làng nghề trên địa bàn Thủ đô hiện nay. Sự biến đổi này là tất yếu và cần có để nghề sơn truyền thống ở các làng Bối Khê và Vũ Lăng có thể tiếp tục duy trì và phát triển trong bối cảnh hiện nay. Trước những tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, trong khi nhiều làng nghề sơn truyền thống đã không thể tiếp tục duy trì nghề như Bình Vọng (Hà Nội), Đình Bảng (Bắc Ninh), nghề sơn truyền thống tại hai làng Bối Khê và Vũ Lăng cho đến nay vẫn hoạt động khá tốt nhờ có sự nhạy bén, chủ động thay đổi các mặt hàng sản phẩm phù hợp với bối cảnh mới. Tuy nhiên, trong quá trình vận động biến đổi thì ngành nghề sơn cổ truyền cũng phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức mà nếu thiếu vai trò điều tiết của Nhà nước thì chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng hoạt động tự phát ở các làng nghề, nhiều giá trị có nguy cơ bị mai một và mất đi trong một tương lai không xa.
Trước xu thế biến đổi nhiều mặt đang diễn ra ngày càng sâu sắc của nghề thủ công truyền thống ở khu vực Hà Nội, việc tìm hiểu, nắm bắt được sự vận động biến đổi (bao gồm bản chất, tác nhân và hệ quả) của nghề sơn truyền thống ở các làng nghề Bối Khê và Vũ Lăng, qua đó định hướng cho ngành nghề này phát triển dựa trên các cứ liệu khoa học là một trong những yêu cầu cấp thiết và có ý nghĩa thiết thực đối với sự nghiệp gìn giữ và phát huy di sản văn hóa dân tộc cũng như công cuộc chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội ở nông thôn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh này thì việc tìm hiểu và tôn vinh những làng nghề truyền thống đang bị lu mờ dần trong tâm trí của người Việt ở xã hội đương đại như các làng nghề Bối Khê và Vũ Lăng lại càng trở nên có ý nghĩa hơn lúc nào hết.
Mặc dù nghề sơn và làng nghề sơn vốn là đề tài khoa học có sức hấp dẫn với không ít nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu dưới nhiều góc độ và ở nhiều mức độ khác nhau. Trong đó, nghiên cứu nghề sơn và làng nghề sơn truyền thống ở Việt Nam dưới góc độ biến đổi bước đầu là chủ đề quan tâm của một số nhà nghiên cứu. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, nghề sơn truyền thống ở hai làng Bối Khê và Vũ Lăng hầu như chưa được nghiên cứu, đặc biệt là từ quan điểm tiếp cận liên ngành Văn hóa học.
2. Mục đích nghiên cứu
- Luận án chứng minh sự biến đổi là quy luật tất yếu khách quan để nghề sơn truyền thống ở các làng nghề như Bối Khê và Vũ Lăng có thể duy trì và phát triển trong bối cảnh đương đại.
- Luận án hướng đến xác lập những căn cứ khoa học và thực tiễn để tham khảo định hướng cho nghề sơn truyền thống ở hai làng nghề phát triển trong tương lai.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là nghề sơn truyền thống ở các làng Bối Khê (huyện Phú Xuyên) và Vũ Lăng (huyện Thanh Oai), Tp. Hà Nội trong quá trình vận động, biến đổi theo thời gian để thích nghi tồn tại. Đây vốn là hai làng nghề sơn có lịch sử khá lâu đời và đã khẳng định được đặc trưng riêng ở các kỹ thuật cơ bản của nghề sơn truyền thống là sơn mài, sơn thếp và sơn quang. Tuy nhiên, để làm rõ diện mạo và sự đóng góp của nghề sơn ở các làng nghề trên thì luận án sẽ mở rộng tìm hiểu nghề sơn truyền thống ở một số làng khác trong khu vực Hà Nội cũng như vùng châu thổ Bắc Bộ dưới góc nhìn liên hệ, so sánh.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
- Phạm vi không gian: Nghề sơn truyền thống ở hai làng Bối Khê (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên) và Vũ Lăng (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai), Tp. Hà Nội trong bối cảnh các làng nghề sơn vùng châu thổ Bắc Bộ.
- Phạm vi thời gian: Nghiên cứu, tìm hiểu nghề sơn truyền thống ở hai làng Bối Khê và Vũ Lăng từ năm 1945 đến nay (2013) với các mốc thời gian cụ thể gắn với những biến đổi trong nghề sơn truyền thống ở hai làng.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp tiếp cận
4.1. Cơ sở lý luận
4.1.1. Một số khái niệm thao tác
Nghề sơn truyền thống
Trên cơ sở kế thừa những quan điểm về nghề truyền thống của các nhà khoa học đi trước, chúng tôi đưa ra định nghĩa về nghề sơn truyền thống trong bối cảnh hiện nay và coi đó là khái niệm mang tính công cụ của luận án như sau: Nghề sơn truyền thống là một trong những nghề tiểu thủ công nghiệp xuất hiện lâu đời trên đất nước ta, được truyền từ đời này qua đời khác và tồn tại đến ngày nay, ở đó, ngoài những tinh hoa nghệ thuật và kỹ thuật truyền thống được sáng tạo và lưu truyền bởi các thế hệ nghệ nhân còn bao gồm cả những phương pháp chế tác được cải tiến hoặc những loại máy móc hiện đại được sử dụng để hỗ trợ sản xuất, song về cơ bản vẫn tuân thủ công nghệ truyền thống và sản phẩm vẫn thể hiện những nét văn hóa độc đáo của dân tộc.
Làng nghề sơn truyền thống
Làng nghề sơn truyền thống trong bối cảnh hiện nay được chúng tôi hiểu và định nghĩa như sau: Làng nghề sơn truyền thống vốn là làng nông nghiệp, trong đó có duy trì thực hành qua nhiều thế hệ nghề sơn truyền thống vốn đã tồn tại và phát triển lâu đời với ít nhất 50% số hộ gia đình chuyên sống bằng nghề sơn, là nơi quy tụ đội ngũ nghệ nhân và thợ lành nghề sử dụng kỹ thuật truyền thống với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại ở mức độ nhất định để chế tác và bán những sản phẩm độc đáo mang đậm dấu ấn văn hóa địa phương và bản sắc dân tộc.
Biến đổi nghề sơn truyền thống
Dựa trên cơ sở lý luận là các khái niệm về biến đổi nói chung và biến đổi văn hóa nói riêng, theo chúng tôi, nghề sơn truyền thống với tư cách là một hiện tượng văn hóa, ở góc độ nào đó có thể hiểu sự biến đổi nghề sơn truyền thống chính là sự biến đổi/thay đổi các thành tố cơ bản cấu thành nghề sơn truyền thống như nguyên vật liệu, quy trình chế tác, sản phẩm, thị trường tiêu thụ - khách hàng, hoạt động tổ chức sản xuất kinh doanh, nguồn nhân lực, vấn đề truyền dạy nghề, đời sống sinh hoạt của thợ nghề dưới sự tác động của các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội.
4.1.2. Một số luận điểm khoa học
Luận án đi vào nghiên cứu sự biến đổi nghề sơn truyền thống trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay nên tác giả đã chọn một số luận điểm của các nhà khoa học đi trước làm điểm tựa lý thuyết định hướng cho nghiên cứu của mình, đó là: luận điểm về biến đổi văn hóa ở làng là một quá trình tất yếu trong bối cảnh hiện nay và luận điểm về biến đổi nghề truyền thống và làng nghề truyền thống trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình đa dạng về các mô hình biến đổi và các cấp độ biến đổi.
4.2. Phương pháp tiếp cận
Xuất phát từ đối tượng nghiên cứu của luận án là nghề sơn truyền thống trong quá trình biến đổi đa dạng và phức tạp, chúng tôi lựa chọn phương pháp tiếp cận liên ngành Văn hóa học với hy vọng đó là phương pháp tiếp cận hữu hiệu cho đề tài luận án. Phương pháp tiếp cận liên ngành có sự đóng góp khoa học của nhiều chuyên ngành khác nhau sẽ là một trong những công cụ lý thuyết hỗ trợ việc nhìn ra những yếu tố biến đổi của nghề sơn truyền thống ở hai làng Bối Khê và Vũ Lăng từ cả hai góc độ hiện tượng và bản chất.
4.3. Phương pháp nghiên cứu
Luận án sử dụng phương pháp tiếp cận Văn hóa học mang tính liên ngành, với sự kết hợp và hỗ trợ của nhiều ngành khoa học khác nhau nhằm tìm hiểu và khai thác các khía cạnh nhiều mặt của đối tượng nghiên cứu. Trong đó, bao gồm các thao tác nghiên cứu cụ thể: Điều tra điền dã tại địa bàn các làng nghề sơn truyền thống Bối Khê (huyện Phú Xuyên) và Vũ Lăng (huyện Thanh Oai), Tp. Hà Nội với các phương pháp quan sát tham dự, phỏng vấn nhóm, phỏng vấn sâu...; Tiếp cận với các nguồn sử liệu, điều tra hồi cố... nhằm tìm hiểu nghề sơn truyền thống của các làng Bối Khê và Vũ Lăng qua các thời kỳ, giai đoạn trong lịch sử; Sử dụng các phương pháp phân tích, tổng hợp, thống kê, so sánh... trong việc thu thập những cứ liệu cụ thể nhằm làm sáng tỏ nội dung nghiên cứu của luận án; Lưu ý đến mối quan hệ, ảnh hưởng tác động qua lại giữa các yếu tố văn hóa và kinh tế dưới góc độ tiếp cận kinh tế học văn hóa. Đây là hướng tiếp cận cần thiết khi nghiên cứu về các nguồn lợi kinh tế, nguồn thu của thợ nghề và những đóng góp của nghề và làng nghề truyền thống trong bối cảnh hiện nay.
5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
Một là, kết quả nghiên cứu của luận án sẽ bổ sung vào việc nghiên cứu về biến đổi nghề và làng nghề ở châu thổ Bắc Bộ trong bối cảnh kinh tế thị trường và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước - là chủ đề nghiên cứu đang được coi là mới và “nóng” hiện nay. Đặc biệt, đề tài luận án đi theo hướng nghiên cứu trường hợp là hướng nghiên cứu đang được chú trọng và ưu tiên trong khoa học xã hội nhân văn; Hai là, nghiên cứu nghề sơn truyền thống ở các làng nghề Bối Khê và Vũ Lăng góp phần bổ sung những thông tin về nghề sơn ở khu vực Hà Nội, qua đó góp phần vào việc nghiên cứu sắc thái đa dạng của nghề sơn truyền thống ở châu thổ Bắc Bộ; Ba là, nghiên cứu thực trạng biến đổi của nghề sơn truyền thống ở các làng Bối Khê và Vũ Lăng, Tp. Hà Nội hiện nay góp phần cung cấp cho chính quyền các cấp những cứ liệu khoa học trong việc xây dựng các chính sách và giải pháp tháo gỡ có tính khả thi, giúp cho nghề sơn truyền thống ở hai làng nghề nói riêng và các làng nghề sơn khác ở châu thổ Bắc Bộ nói chung tồn tại và phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu “dân giàu, làng xã mạnh” trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
6. Cấu trúc của luận án
Ngoài phần Mở đầu (22 trang), Kết luận (4 trang), Tài liệu tham khảo (11 trang) và Phụ lục (28 trang), nội dung của luận án được kết cấu thành 3 chương:
Chương 1. Khái quát về nghề sơn truyền thống ở châu thổ Bắc Bộ và ở các làng Bối Khê, Vũ Lăng (Thành phố Hà Nội) (37 trang).
Chương 2. Nghề sơn truyền thống ở các làng Bối Khê và Vũ Lăng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay (37 trang).
Chương 3. Vấn đề phát triển nghề sơn truyền thống ở các làng Bối Khê, Vũ Lăng và những đóng góp mới của luận án (31 trang).
Chương 1
KHÁI QUÁT VỀ NGHỀ SƠN TRUYỀN THỐNG Ở CHÂU THỔ BẮC BỘ VÀ Ở CÁC LÀNG BỐI KHÊ, VŨ LĂNG (THÀNH PHỐ HÀ NỘI)
1.1. Nghề sơn truyền thống ở châu thổ Bắc Bộ
1.1.1. Vài nét về lịch sử nghề sơn
Nghề sơn là một trong những nghề thủ công có lịch sử lâu đời trên thế giới. Ở Việt Nam, qua sử sách và các cứ liệu khảo cổ học, có thể khẳng định đồ sơn đã xuất hiện ở châu thổ Bắc Bộ vào khoảng thế kỷ IV trước Công nguyên. Vào khoảng những năm 30 của thế kỷ XX, nghề sơn cổ truyền có một bước ngoặt quan trọng khi chất liệu sơn ta được áp dụng vào bộ môn nghệ thuật tạo hình, tạo dựng nên nền nghệ thuật sơn mài của Việt Nam.
1.1.2. Các loại hình kỹ thuật chế tác sản phẩm cơ bản của nghề sơn truyền thống
Qua thời gian, với sự sáng tạo không ngừng của các thế hệ nghệ nhân và họa sĩ, nghề sơn truyền thống Việt Nam đã tạo dựng được sắc thái đa dạng bao gồm nhiều loại hình kỹ thuật chế tác như Sơn quang, Sơn thếp, Sơn mài, Sơn khảm, Sơn khắc. Trong đó, mỗi làng nghề sơn truyền thống thường chuyên về một loại hình kỹ thuật chế tác nào đó với sản phẩm đặc thù gắn liền với tên tuổi của làng nghề như sơn quang Cát Đằng, sơn mài Hạ Thái, sơn khảm Bối Khê, sơn thếp Vũ Lăng, Sơn Đồng...
1.1.3. Sản phẩm sơn trong đời sống của cư dân châu thổ Bắc Bộ
Trải qua hơn 2000 năm tồn tại và phát triển, những sản phẩm của nghề sơn đã và đang đóng góp một vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày của cư dân châu thổ Bắc Bộ ở giá trị thực dụng trong sinh hoạt hàng ngày, giá trị văn hóa - tâm linh phục vụ cho nhu cầu tôn giáo - tín ngưỡng và giá trị thẩm mỹ thoả mãn nhu cầu thưởng thức cái đẹp của con người.
1.1.4. Các làng nghề sơn truyền thống ở châu thổ Bắc Bộ
Nghề sơn truyền thống Việt Nam vốn được xem là xuất hiện sớm nhất và phát triển rực rỡ nhất ở châu thổ Bắc Bộ. Theo sử sách ghi lại, nổi tiếng đứng hàng số một trong các nghề thủ công truyền thống ở khu vực này là các phường thợ tiêu biểu như như Cát Đằng (Nam Định), Đình Bảng (Bắc Ninh), Nam Ngư (Hà Nội), Bình Vọng (Hà Tây cũ)... Trải qua những thăng trầm lịch sử, có những làng nghề mất đi, có nhiều làng nghề vẫn duy trì tồn tại cho đến ngày nay nằm rải rác ở các tỉnh, thành phố như Bắc Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nội.
1.2. Nghề sơn truyền thống ở các làng Bối Khê và Vũ Lăng
1.2.1. Nghề sơn truyền thống làng Bối Khê
1.2.1.1. Khái quát về làng Bối Khê
* Địa lý hành chính
Làng nghề sơn khảm Bối Khê cách trung tâm Hà Nội khoảng 50 km, là một trong 7 thôn hành chính của xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Nằm trong địa phận xã Chuyên Mỹ - là vùng đất thuộc ô trũng thấp nhất của Hà Nội, làng Bối Khê không có nhiều lợi thế về nông nghiệp. Tuy nhiên, vốn là một làng nằm ven sông nên cùng các thôn khác trong xã, Bối Khê có điều kiện phát triển nghề thủ công, đó là nghề sơn mài khảm với khoảng 80% số hộ làm nghề.
* Lịch sử hình thành làng
Bối Khê trước đây vốn là một xã, vào đầu thế kỷ XIX Bối Khê thuộc huyện Phú Xuyên, phủ Thường Tín, xứ Sơn Nam Thượng. Đến đầu thế kỷ XX, xã Bối Khê thuộc tổng Thịnh Đức Thượng, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông. Sau năm 1945, xã Bối Khê mới được chuyển thành một thôn thuộc xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông. Cuối năm 1953, thôn Bối Khê lại được chuyển về xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây. Kể từ 1/8/2008, khi toàn bộ địa giới của tỉnh Hà Tây được sáp nhập vào thủ đô Hà Nội thì thôn Bối Khê lúc này thuộc xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
* Các giá trị văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể tiêu biểu
Cũng giống như bao ngôi làng khác của người Việt, làng Bối Khê là nơi bảo lưu nhiều giá trị văn hóa gắn liền với đời sống sinh hoạt sản xuất của người dân nơi đây. Bao gồm, hệ thống di tích lịch sử - văn hóa và lễ hội truyền thống.
1.2.1.2. Nghề sơn truyền thống
* Lịch sử xuất hiện của nghề sơn truyền thống
Nghề sơn truyền thống làng Bối Khê có từ bao giờ, được tiếp nhận từ đâu hiện nay chưa ai đưa ra được câu trả lời chính xác. Các nghệ nhân trong làng chỉ biết rằng ngành nghề của cha ông đã có từ rất lâu đời, nghề được duy trì và tồn tại cho đến bây giờ mang tính chất cha truyền con nối. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng: Bối Khê - một làng nghề chuyên làm đồ sơn mài khảm nằm trên vùng đất Chuyên Mỹ vốn được coi là nơi xuất xứ của nghề khảm. Vậy, hẳn là có mối liên quan nào đó giữa nghề sơn với nghề khảm này? Nhiều người dân Chuyên Mỹ tin rằng: người có công đầu trong việc truyền dạy nghề khảm ở quê hương họ là cụ Trương Công Thành ở thôn Ngọ - một danh tướng dưới thời nhà Lý.
* Nguyên vật liệu và dụng cụ làm nghề
- Nguyên vật liệu: Chất liệu chủ đạo của nghề sơn khảm xưa là sơn ta Phú Thọ nổi tiếng. Ngoài ra còn cần tới các nguyên vật liệu khác như: các chất phụ gia là mùn cưa, bột đá, đất sét dùng để pha chế sơn bó, hom; Gỗ để làm cốt; Vàng quỳ, bạc quỳ mua của làng Kiêu Kỵ; Các nguyên liệu khảm có vỏ trứng, vải trai, vỏ ốc...
- Dụng cụ làm nghề
Bộ đồ nghề của các nghệ nhân sơn mài Bối Khê cũng đã phần nào phản ánh sự công phu của ngành nghề cổ truyền này. Ở mỗi công đoạn sẽ có những dụng cụ tương ứng để phục vụ cho việc chế tác, theo đó sẽ có bộ công cụ chế biến sơn, bộ công cụ trong khâu làm vóc và bộ công cụ trong khâu chế tác sản phẩm.
* Quy trình chế tác sản phẩm sơn truyền thống, bao gồm hai công đoạn cơ bản: chế biến sơn ta và chế tác sản phẩm.
* Các loại hình sản phẩm tiêu biểu, bao gồm:
- Hàng nét (đồ thờ)
- Hàng mỹ nghệ
1.2.2. Nghề sơn truyền thống làng Vũ Lăng
1.2.2.1. Khái quát về làng Vũ Lăng
* Địa lý hành chính
Thôn Vũ Lăng nằm ở phía Bắc khu cộng đồng dân cư thuộc xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội, cách trung tâm thành phố chừng 30 km về phía Nam. Về cơ bản, Vũ Lăng vẫn là một làng nông nghiệp, song song với nghề nông làng còn có nghề thủ công truyền thống là nghề sơn tạc tượng với khoảng 90% số hộ làm nghề.
* Lịch sử hình thành làng
Theo các cụ cao tuổi trong làng thì ngôi làng Việt cổ Vũ Lăng có từ khi nào và ai là người có công khai khẩn giờ không ai biết được chính xác, ngoại trừ một vài thông tin từ thần phả và truyền thuyết cổ như sau: từ triều Lê Cảnh Hưng trở về trước, làng có tên là Vũ Lăng Trang, thuộc xã Tuyền Cam, tổng Tuyền Cam, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên. Đầu thế kỷ XX, thôn Vũ Lăng được nâng lên thành một xã thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông. Năm 1947, xã Vũ Lăng hợp nhất với xã Canh Hoạch thành xã Dân Chủ. Năm 1948, xã Dân Chủ và xã Cộng Hòa được hợp nhất thành xã Dân Hòa. Hiện nay, Vũ Lăng là một thôn thuộc xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
* Các giá trị văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể tiêu biểu: Bao gồm hệ thống di tích lịch sử - văn hóa là cụm di tích đình, đền và chùa còn bảo lưu nhiều di vật cổ có giá trị và lễ hội truyền thống làng Vũ Lăng.
1.2.2.2. Nghề sơn truyền thống
* Lịch sử xuất hiện của nghề sơn truyền thống
Nghề sơn truyền thống làng Vũ Lăng có từ bao giờ, ông tổ nghề là ai hiện vẫn chưa tìm thấy tài liệu nào nói tới, chỉ biết trong chùa Vũ Lăng vẫn còn lưu giữ một số pho tượng cổ có cách đây khoảng 300 - 400 năm. Cuốn ngọc phả còn lưu giữ ở đình Vũ Lăng có ghi chép rằng: những pho tượng cổ này là do chính những người thợ tài hoa của làng tạo tác. Như vậy, có thể kết luận nghề sơn tạc tượng làng Vũ Lăng đã có truyền thống từ lâu đời, được nhiều thế hệ nghệ nhân gìn giữ và truyền lại cho đến hôm nay.
* Nguyên vật liệu và dụng cụ làm nghề
- Nguyên vật liệu
Trong nghề sơn - tạc tượng truyền thống Vũ Lăng, có hai nguyên vật liệu được xem như chủ đạo là sơn ta và gỗ. Ngoài ra, còn cần tới một vài nguyên liệu phụ gia bổ trợ cho sơn ta như: mùn cưa, đất thó (chất đất thó Vũ Lăng vốn được coi là tốt, hiếm có nơi nào bằng), giấy bản khi dùng để pha chế các nước sơn dùng trong khâu gắn, bó, hom; nguyên liệu son được làm từ chu sa; nguyên liệu thếp là vàng quỳ, bạc quỳ cũng được mua ở Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội.
- Dụng cụ làm nghề: Nghề sơn truyền thống Vũ Lăng với hàng loạt công đoạn phức tạp gắn liền với bộ công cụ chế tác thủ công rất phong phú, đa dạng, về cơ bản cũng tương tự như nghề sơn ở Bối Khê.
* Quy trình chế tác sản phẩm sơn truyền thống: Bao gồm hai công đoạn cơ bản: làm cốt mộc và kỹ thuật sơn.
* Các loại hình sản phẩm tiêu biểu: Sản phẩm của làng nghề Vũ Lăng gồm hai nhóm cơ bản là Tượng thờ và Đồ thờ.
1.2.3. Đặc trưng và giá trị của nghề sơn truyền thống ở các làng Bối Khê và Vũ Lăng
Có thể nói, hai làng nghề Bối Khê và Vũ Lăng đã định danh cho mình bởi những đặc trưng và giá trị nhất định. Ở góc độ khái quát nhất, đó là giá trị về mặt kỹ thuật và mỹ thuật, giá trị kinh tế mà nghề sơn đem lại cho cộng đồng làng nghề và giá trị lịch sử - văn hóa được hàm chứa trong các sản phẩm sơn truyền thống của hai làng nghề.
Tiểu kết
Nghề sơn đã xuất hiện từ rất sớm trên đất nước ta với điểm khởi đầu là châu thổ Bắc Bộ. Với hơn 2000 năm tồn tại, nghề sơn đã và đang có vai trò, vị trí nhất định trong đời sống sinh hoạt và tâm linh của người Việt.
Nghề sơn truyền thống ở châu thổ Bắc Bộ được định danh bởi các phường nghề, làng nghề chuyên làm nghề sơn ta với nhiều loại hình kỹ thuật chế tác. Nằm trong số các làng nghề này, nổi lên hai trung tâm sản xuất đồ sơn là Bối Khê - huyện Phú Xuyên và Vũ Lăng - huyện Thanh Oai, Tp. Hà Nội với hai lối kỹ thuật chế tác tiêu biểu là sơn mài khảm và sơn thếp. Trải qua bao năm tháng thăng trầm đồng hành cùng dân làng, nghề sơn có lúc phát triển thịnh vượng, có lúc bị gián đoạn, thậm chí có nguy cơ mai một. Song, với ý thức gìn giữ tinh hoa nghề nghiệp cha ông của cộng đồng làng nghề cùng những chính sách mới của Đảng và Nhà nước kể từ sau năm 1986, nghề sơn truyền thống ở các làng Bối Khê và Vũ Lăng đã dần được hồi sinh và đang hoạt động mạnh mẽ trở lại, đem lại nhiều lợi ích cho đời sống dân sinh.
Chương 2
NGHỀ SƠN TRUYỀN THỐNG Ở CÁC LÀNG BỐI KHÊ VÀ VŨ LĂNG TRONG QUÁ TRÌNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA HIỆN NAY
2.1. Những tác nhân chủ yếu của quá trình biến đổi nghề sơn truyền thống
2.1.1. Quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn
Sự nghiệp đổi mới của đất nước ta đã bước sang giai đoạn mới: đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà một trong những nội dung trọng tâm là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Quá trình này đòi hỏi phải biết phát huy nội lực, tranh thủ nguồn lực bên ngoài và hội nhập quốc tế nhằm đảm bảo cho đất nước phát triển nhanh và bền vững. Một trong những nội dung quan trọng để thực hiện mục tiêu này là khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống - nơi sáng tạo và bảo lưu nhiều giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc. Sau năm 1986, quan điểm của Đảng và Nhà nước về sự cần thiết phải phát triển các làng nghề - trong đó đặc biệt quan tâm đến các làng nghề có thế mạnh về hàng xuất khẩu và các loại hình dịch vụ đã được cụ thể hóa bằng một loạt quy chế, chính sách áp dụng cho các ngành nghề, làng nghề thủ công truyền thống mà đặc biệt là đối với ngành nghề thủ mỹ nghệ như nghề sơn truyền thống. Các văn bản, chính sách đã ban hành kể trên có thể coi là cơ sở pháp lý để phát triển nghề thủ công truyền thống nói chung và nhóm ngành nghề thủ công mỹ nghệ như nghề sơn nói riêng.
2.1.2. Sự chuyển biến trong đời sống kinh tế, xã hội
Công cuộc Đổi mới đất nước được thực hiện từ sau năm 1986 với bước ngoặt quan trọng: chuyển đổi từ cơ chế quản lý bao cấp sang cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước cùng các chính sách đổi mới toàn diện trên tất cả các mặt đã tạo nên những chuyển biến to lớn trong đời sống kinh tế - xã hội nước ta. Đi cùng sự no đủ hơn về vật chất là các nhu cầu tinh thần ngày càng được quan tâm. Đó chính là mảnh đất tốt để nghề sơn truyền thống chế tác đồ thờ và hàng thủ công mỹ nghệ có thể mở mang, phát triển. Các làng nghề sơn truyền thống như Vũ Lăng, Bối Khê ngay lập tức nắm lấy cơ hội này và đã có sự tự điều chỉnh trong suốt một thời gian dài để thích ứng với hoàn cảnh mới. Đó là một quá trình biến đổi toàn diện, đa dạng của cả làng nghề. Đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và thị trường hóa nền kinh tế, hội nhập vào nền kinh tế thế giới và khu vực, nghề sơn truyền thống đang có cơ hội thực hiện cơ khí hóa và ứng dụng công nghệ hiện đại vào các khâu sản xuất.
2.2. Những biểu hiện cụ thể của quá trình biến đổi nghề sơn truyền thống
2.2.1. Nguyên vật liệu
Hàng loạt nguyên vật liệu mới thay thế cho các chất liệu trước đây nhờ ưu điểm nhanh khô, năng suất lao động cao, giá thành rẻ. Sơn ta được thay thế bằng các loại sơn mới như sơn Nhật (sơn do Nhật Bản sản xuất) và sơn điều của Việt Nam trong chế tác. Ngoài nhựa sơn, các nguyên vật liệu khác cũng thay đổi nhằm tương thích với chất liệu sơn mới phục vụ cho nhu cầu sản xuất hàng loạt của các làng nghề, như: bảng màu hóa học phong phú hơn; vật liệu để mài, đánh bóng tiện dụng và nhanh hơn rất nhiều so với trước đây với sự xuất hiện của các loại máy móc thay thế cho lao động thủ công; chất liệu làm cốt/vóc không còn bó hẹp như trước, ngoài gỗ, vóc có thể được làm từ nhiều vật liệu khác như nhựa, gốm sứ, composite, tre nứa...; vàng quỳ được làm từ vàng hay bạc thật được thay thế bằng chất liệu thiếc với giá thành rẻ hơn
Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước về những sản phẩm thông thường với giá thành vừa phải như hiện nay, việc các làng nghề truyền thống chuyển sang dùng các nguyên vật liệu mới là hợp lý. Đó là sự năng động cần thiết của các làng nghề trong cơ chế thị trường.
2.2.2. Quy trình chế tác
Các loại nguyên liệu mới và máy móc giúp quy trình chế tác sản phẩm nhanh và dễ dàng hơn rất nhiều với khả năng sản xuất một khối lượng hàng hóa lớn có thể đáp ứng được đơn đặt hàng bất kể số lượng sản phẩm là bao nhiêu. Có lẽ vì vậy mà việc sản xuất ở các làng nghề sơn này hiện nay đang được người ta gọi bằng một thuật ngữ rất phổ biến là “công nghệ chế tác”.
2.2.3. Sản phẩm
Loại hình, kiểu dáng và đề tài của sản phẩm hiện nay phong phú hơn trước rất nhiều nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Đặc biệt, trước thị hiếu thẩm mỹ của khách hàng - nhất là khách du lịch, các sản phẩm đều chú trọng vào tiêu chí độc đáo và mới lạ.
2.2.4. Thị trường tiêu thụ - khách hàng
Hiện nay, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước của nghề sơn được mở rộng hơn rất nhiều. Với dòng đồ thờ, thị trường trong nước lớn nhất là các tỉnh phía Bắc, kế đến là các tỉnh miền Nam và một số tỉnh miền Trung. Thị trường nước ngoài cũng có cơ hội được mở rộng do khách hàng là người Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu đặt đồ thờ cho chùa chiền và nơi thờ tự tại tư gia ngày càng nhiều. Khác với đồ thờ làng Vũ Lăng, hàng thủ công mỹ nghệ của nghề sơn truyền thống làng Bối Khê chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu và đã có mặt ở rất nhiều nước trên thế giới.
2.2.5. Hoạt động tổ chức sản xuất kinh doanh
Dưới tác động của sự đổi mới cơ chế, chính sách của Nhà nước, từ năm 1992 trở đi, các làng nghề sơn truyền thống đã có sự thay đổi cách thức tổ chức sản xuất: từ hình thức phường thợ, sau là hợp tác xã chuyển sang hình thức sản xuất cá thể theo hộ gia đình cho phù hợp với thị trường. Quy mô sản xuất của các hộ được mở rộng để phục vụ và khai thác có hiệu quả thị trường hiện tại. Những doanh nghiệp và cơ sở lớn ra đời đã biến không ít các tổ hợp sản xuất nhỏ, các hộ cá thể trở thành cơ sở sản xuất vệ tinh được chuyên môn hóa ở từng công đoạn, tạo nên một quy trình sản xuất khép kín. Đó là những hiện tượng chưa từng có ở các làng nghề trước đó. Quan niệm về mua - bán, giao dịch giờ đã mở hơn, không còn chỉ là sự tiếp xúc trực tiếp giữa người thợ với khách hàng. Khoảng cách địa lý dù là bao nhiêu cũng không còn là rào cản, đó là bởi có sự trợ giúp của công nghệ thông tin. Có thể nói, sự kết hợp giữa cái chàng, cái đục với chiếc laptop online là hiện tượng giờ mới có trong hoạt động kinh doanh của những người thợ sơn không chỉ riêng ở các làng nghề như Bối Khê, Vũ Lăng.
2.2.6. Nguồn nhân lực
Giai đoạn trước năm 1954 nghề sơn truyền thống ở Bối Khê, Vũ Lăng hoạt động chủ yếu theo hình thức phường thợ - thường là anh em họ hàng, người làng cùng kéo nhau đi làm lưu động tranh thủ lúc nông nhàn. Trong khi hiện nay, sức lao động tại các làng nghề này khá dồi dào do nhu cầu phát triển nghề truyền thống, theo đó, đội ngũ lao động làm nghề là người trong làng cũng như lực lượng lao động đến từ các làng lân cận và thậm chí là cả ở các tỉnh khác đều tăng lên theo từng năm. Đội ngũ này cũng góp phần mang lại cho các làng nghề sự thịnh vượng về kinh tế. Ngoài ra, việc xuất hiện những nghệ nhân có tay nghề giỏi đồng thời là những chủ xưởng, chủ doanh nghiệp có đầu óc kinh doanh, rất năng động trong cơ chế thị trường khác với người thợ cả xưa chỉ biết làm nghề và truyền nghề cũng là một trong những nét mới ở nghề sơn truyền thống hiện nay.
2.2.7. Vấn đề truyền dạy nghề
Theo các nghệ nhân làm sơn truyền thống ở Bối Khê, Vũ Lăng thì ngày xưa việc giữ bí quyết nhà nghề hết sức được coi trọng, đặc biệt là các khâu cốt yếu của nghề sơn như pha chế sơn theo diễn biến của thời tiết, kỹ thuật sơn, kỹ thuật mài được bảo mật gần như tuyệt đối. Song ngày nay, ý thức và tâm lý nghề nghiệp của thợ nghề đã thoáng, mở hơn nhiều so với trước.
Sự can thiệp, hỗ trợ từ phía chính quyền trong vấn đề truyền dạy nghề cũng là một nét mới ở các làng nghề. Đó là việc đưa ra ý kiến chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện, tạo hành lang pháp lý để xin kinh phí hỗ trợ dạy nghề, nâng cao tay nghề. Qua đó, tổ chức các lớp dạy nghề sơn ở các làng nghề, thu hút được rất nhiều thanh niên ở làng cũng như các tỉnh khác tham gia. Có thể nói, so với trước đây, vấn đề truyền dạy nghề sơn truyền thống ở các làng Bối Khê, Vũ Lăng đã được mở rộng hơn về quy mô, đa dạng hơn về hình thức, góp phần tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện cuộc sống cho bà con nhân dân.
2.2.8. Đời sống sinh hoạt của thợ nghề
Thu nhập từ nghề truyền thống đã đưa đến đời sống vật chất khấm khá hơn rất nhiều cho người dân ở các làng Bối Khê, Vũ Lăng. Bên cạnh đó, đời sống tinh thần ở các làng nghề cũng có những chuyển biến tích cực, một mặt nó là kết quả của sự cải thiện đời sống vật chất, mặt khác nó cũng là yêu cầu cần có để nắm bắt được về tình hình thị trường và những vấn đề có liên quan, tác động đến hoạt động của các doanh nghiệp và hộ sản xuất ở làng nghề. Sự biến đổi trong cuộc sống hiện tại ở cộng đồng làm nghề sơn với một số biểu hiện cụ thể nói trên có thể xem như là kết quả to lớn đáng ghi nhận có được từ quá trình biến đổi đa dạng của ngành nghề truyền thống này mà Bối Khê và Vũ Lăng là những ví dụ tương đối điển hình.
2.3. Hệ quả của quá trình biến đổi nghề sơn truyền thống
2.3.1. Hiện tượng tái cấu trúc hệ giá trị của nghề sơn truyền thống
Suy cho cùng, bản chất của quá trình biến đổi nghề sơn truyền thống ở các làng nghề như Bối Khê và Vũ Lăng chính là sự điều chỉnh lại hệ giá trị truyền thống đã có từ bao đời để ngành nghề cổ truyền có thể duy trì tồn tại trong bối cảnh mới. Theo đó, hệ giá trị này (bao gồm cả yếu tố truyền thống và hiện đại) có ba bộ phận khá rõ nét. Đó là:
+ Một số giá trị truyền thống vẫn được gìn giữ gần như nguyên vẹn (phổ biến hơn với làng nghề chế tác đồ thờ như Vũ Lăng) như việc duy trì chất liệu gỗ truyền thống trong chế tác; Các loại hình sản phẩm vốn đã nằm trong một hệ thống chuẩn của nghề sơn chế tác đồ thờ cũng gần như không có gì thay đổi so với trước; Quan niệm về tầm quan trọng của chữ tâm trong chế tác đồ thờ để mỗi sản phẩm (nhất