Luận án Sáng tác của yoshimoto banana từ góc nhìn thẩm mĩ Kawaii

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI NGUYỄN THỊ HUỲNH TRANG SÁNG TÁC CỦA YOSHIMOTO BANANA TỪ GÓC NHÌN THẨM MĨ KAWAII LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC HÀ NỘI, 2021 VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI NGUYỄN THỊ HUỲNH TRANG SÁNG TÁC CỦA YOSHIMOTO BANANA TỪ GÓC NHÌN THẨM MĨ KAWAII Ngành: VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI Mã số: 9 22 02 42 LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS. TS. Nguyễn Thị Mai Liên 2. PGS. TS. Ph

pdf168 trang | Chia sẻ: huong20 | Ngày: 15/01/2022 | Lượt xem: 761 | Lượt tải: 2download
Tóm tắt tài liệu Luận án Sáng tác của yoshimoto banana từ góc nhìn thẩm mĩ Kawaii, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ùng Ngọc Kiên HÀ NỘI, 2021 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi dưới sự hướng dẫn của tập thể giáo viên hướng dẫn. Các số liệu, tài liệu được sử dụng trong luận án là trung thực và có nguồn gốc rõ ràng. Tác giả luận án Nguyễn Thị Huỳnh Trang MỤC LỤC MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1 Chương 1: TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU ................................. 11 1.1. Những nghiên cứu về kawaii trong và ngoài Nhật Bản ...................... 11 1.1.1. Những nghiên cứu về kawaii ở Nhật Bản ..................................... 11 1.1.2. Những nghiên cứu về kawaii ngoài Nhật Bản .............................. 15 1.2. Những nghiên cứu về kawaii trong sáng tác của Y. Banana trong và ngoài Nhật Bản ................................................................................... 15 1.3. Đánh giá khái quát tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án ............................................................................................................ 24 Tiểu kết chương 1 .......................................................................................... 27 Chương 2: THẨM MĨ KAWAII .................................................................. 28 2.1. Khái lược về thẩm mĩ kawaii ................................................................. 28 2.1.1. “Thẩm mĩ” (“aesthetics”) .............................................................. 28 2.1.2. “Kawaii” ........................................................................................ 31 2.2. Kawaii trong dòng riêng Nhật Bản ....................................................... 35 2.2.1. Những biểu đạt của kawaii trong đời sống văn hóa...................... 35 2.2.2. Những dấu vết của kawaii từ mĩ học truyền thống ....................... 39 2.3. Kawaii trong dòng chung hiện đại ........................................................ 42 2.3.1. Tinh thần văn hóa đại chúng ......................................................... 42 2.3.2. Sản phẩm giao thoa toàn cầu ........................................................ 45 Tiểu kết chương 2 .......................................................................................... 49 Chương 3: TIẾNG VỌNG CỦA THẨM MĨ KAWAII TRONG SÁNG TÁC YOSHIMOTO BANANA ....................................................... 51 3.1. Vẻ hiền hòa, khả ái ................................................................................. 52 3.1.1. Thiên nhiên hiền hòa ..................................................................... 52 3.1.2. Con người khả ái ........................................................................... 59 3.2. Cảm giác mong manh ............................................................................ 65 3.2.1. Số phận mong manh ...................................................................... 66 3.2.2. Tâm hồn mong manh .................................................................... 68 3.2.3. Tình trạng sống mong manh ......................................................... 69 3.3. Ánh nhìn hướng sáng ............................................................................. 74 3.3.1. Nhìn về phía sự sống ..................................................................... 74 3.3.2. Nhìn về phía yêu thương ............................................................... 82 Tiểu kết chương 3 .......................................................................................... 90 Chương 4: TIẾNG NÓI KHÁC BIỆT CỦA Y. BANANA TỪ TRONG LÒNG THẨM MĨ KAWAII ........................................................................ 91 4.1. Thăng hoa văn học đại chúng ............................................................... 92 4.1.1. Sự gắn bó với không gian mở ....................................................... 94 4.1.2. Sự lên ngôi của những ấn tượng ................................................. 106 4.2. Giải biên văn học tinh hoa ................................................................... 118 4.2.1. Từ nền văn học nữ tính đến những câu chuyện shoujo .............. 119 4.2.2. Từ giá trị vĩnh cửu đến giá trị tức thời ........................................ 131 Tiểu kết chương 4 ........................................................................................ 142 KẾT LUẬN .................................................................................................. 144 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ ............................................................................................. 149 TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................................... 150 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài 1.1. Yoshimoto Banana là nữ tác gia văn học Nhật Bản hiện đại, người được mệnh danh là “linh hồn và bếp phó của Nhật Bản những năm 2000” [147, 5], “một trong những tác giả Nhật Bản tiên phong của thập kỉ” [147, 5], và cũng là người đã tạo ra cơn sốt Banana khi xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên – Kitchen. Thành công của Y. Banana cùng với những cây bút trẻ khác đã đem lại một sức sống mới, một tinh thần mới cho văn học xứ sở mặt trời mọc. Lớn lên vào nửa sau thế kỉ XX, Y. Banana (cùng với thế hệ nhà văn trẻ ở Nhật như Haruki Murakami, Ryu Murakami, Yamada Eimi...) phải “tập quên đi” những cái bóng quá lớn của những cây đại thụ trước đó như Yasunari Kawabata, Tanizaki Junichiro, Mishima Yukio, Oe Kenzaburo... để có thể tạo ra một diện mạo mới cho văn học Nhật Bản. Làm thế nào vừa không giẫm lên bước chân của người đi trước, vừa không đánh mất quốc túy, đó là một thách thức lớn đối với thế hệ của Y. Banana. Sau hàng loạt những tác phẩm không chỉ thành công trong nước mà còn gây tiếng vang rộng khắp thế giới với nhiều giải thưởng danh giá khác nhau, Y. Banana gần như đã chinh phục được những thách thức ấy. Tài năng không đợi thời gian, Y. Banana đã thành công ngay từ tác phẩm đầu tay ra đời khi tác giả mới 22 tuổi. Sau đó, với hàng loạt những tác phẩm đáng chú ý khác, Y. Banana đã nhanh chóng được khẳng định trong lòng công chúng do những giá trị mà bà muốn gửi gắm được kí thác trong một hình thức đẹp, thấm đẫm thẩm mĩ kawaii của người Nhật. Có thể nói, sáng tác của Y. Banana một mặt là nghệ thuật ngôn từ, mặt khác lại được hiểu và thưởng thức như một loại hình cận văn học (paraliterature) với những vay mượn từ văn hóa đại chúng. Bằng sự kết hợp nhiều yếu tố, sáng tác của Y. Banana đã tạo ra sự phân cực giữa các ý kiến đánh giá và làm nên tính thời sự cho nền văn học đương đại, chẳng hạn vấn đề ranh giới giữa truyền thống và văn hiện đại, nghệ thuật cao hay thấp. Thành công của Y. Banana giúp chúng ta xác - định - lại khái niệm văn học đương đại, vốn dĩ là khái niệm mang tính “mở” rất cao, ở cả Nhật Bản cũng như trên thế giới. Trong tương quan giữa giá trị của một nền văn học với số lượng các công trình nghiên cứu 2 về nó, nhất là ở Việt Nam, chúng tôi thấy chưa có sự tương xứng. Vì vậy, nghiên cứu Y. Banana vẫn là một khoảng trống cần sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học. 1.2. Sáng tác của Y. Banana thuộc về văn học đại chúng hay văn học tinh hoa? Y. Banana đã đứng và đi trên lằn ranh giao thoa mong manh của hai kiểu văn học ấy như thế nào? Giá trị của tác phẩm Y. Banana tỏa ra từ đâu?... Những câu hỏi ấy khiến chúng ta không ngừng trăn trở để đi tìm câu trả lời, vì sức lan tỏa mà sáng tác của Y. Banana tạo ra là điều có thật. Chúng tôi nhận thấy, mặc dù Y. Banana tạo ra sự quan tâm lớn của độc giả thế giới nhưng đa phần những công trình nghiên cứu chỉ mới đi vào các vấn đề về chủ đề tư tưởng, hoặc nếu không thì từ góc độ thi pháp hay thể loại, chưa tiếp cận Y. Banana từ phương diện thẩm mĩ. Trong khi đó, thẩm mĩ của thời đại (luôn) có những ảnh hưởng nhất định đến vùng thẩm mĩ của cá nhân, nhất là đối với nhà văn. Y. Banana lớn lên trong thời đại nửa sau của thế kỉ XX, trong không gian của văn hóa đại chúng, đồng thời lại (vẫn) được hấp thu những tinh hoa của văn học Nhật Bản truyền thống. Một câu hỏi khả dĩ đặt ra và cần được giải quyết đó là nhìn sáng tác của Y. Banana từ trong bối cảnh văn hóa của nó để phát hiện có một dòng chảy mĩ học ảnh hưởng, chi phối đến toàn bộ thế giới nghệ thuật của nhà văn này: thẩm mĩ kawaii. Nhật Bản làm thế giới ngưỡng mộ về năng lực cảm thụ cái đẹp của mình: độc lập và duy nhất. Nói như Trần Lê Bảo, “Nghệ thuật Nhật Bản được thể hiện bằng năng lực cảm thụ tinh tế về cái đẹp của tự nhiên và xã hội con người. Đặc biệt là cách thức cảm thụ mang tính hình tượng được chi phối bởi các quan niệm thẩm mĩ độc đáo của Nhật Bản, đạt đến trình độ cao của “đạo”, làm nên những loại hình nghệ thuật thể hiện phong cách riêng, độc đáo khó có thể hòa trộn với một nền văn nghệ nào khác.” [4, 200] Gắn với đặc điểm truyền thống lịch sử văn hóa của một đất nước bốn bề là biển, một vị trí biệt lập về địa lí, người Nhật có truyền thống thẩm mĩ riêng với những phạm trù tiêu biểu như mono no aware, sabi, wabi, yugen... và có quan niệm riêng về cái đẹp. Thời hiện đại, trong bối cảnh xã hội thị trường, người dân nơi đây có một xu thế đề cao lí tưởng thẩm mĩ mới: kawaii. Đó là kết quả của sự giao thoa văn hóa nội sinh của đất 3 nước Nhật Bản với luồng sóng văn hóa toàn cầu thời hiện đại. Với tư cách là một xu hướng thẩm mĩ, kawaii ngay lập tức tỏa đều vào trong mọi lĩnh vực của đời sống. Sản xuất, tiêu dùng, âm nhạc, hội họa, xếp giấy, hoa đạo, trà đạo, thời trang, và cả trong an ninh, chính trị, ngoại giao và văn học... đều chịu sự chi phối của thẩm mĩ kawaii. Không nằm ngoài quy luật, những tác phẩm của Y. Banana cũng hội tụ được tất cả những gì thuộc về vùng thẩm mĩ ấy. Y. Banana không chỉ là người tiếp thu thụ động mà hoàn toàn chủ động, làm cho người đọc vừa cảm nhận kawaii như là nguồn ảnh hưởng tự nhiên, máu thịt; vừa như là những hồi ứng mà tác giả đã sáng tạo nên từ sự tiếp thụ của mình. Do đó, nghiên cứu sáng tác của Y. Banana từ phương diện thẩm mĩ, cụ thể là từ thẩm mĩ kawaii, là một hướng nghiên cứu vừa phù hợp với quy luật sáng tạo của nhà văn, vừa phù hợp với đặc trưng của nền văn học Nhật Bản. Xuất phát từ những lí do trên, chúng tôi đã chọn đề tài Sáng tác của Yoshimoto Banana từ góc nhìn thẩm mĩ kawaii làm đối tượng nghiên cứu cho luận án của mình. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án 2.1. Mục đích nghiên cứu Thực hiện đề tài Sáng tác của Yoshimoto Banana từ góc nhìn thẩm mĩ kawaii, chúng tôi hướng đến các mục đích như sau: Thứ nhất, luận án hướng tới mục đích tìm hiểu một khái niệm thẩm mĩ của người Nhật có sự ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội hiện đại: kawaii và con đường tác động vào văn học của nó. Từ việc đi sâu tìm hiểu khái niệm “thẩm mĩ” để cắt nghĩa được những tầng bậc ý nghĩa của khái niệm này, luận án có cơ sở để tìm hiểu bản chất của thẩm mĩ kawaii trong cách tri nhận cái đẹp và khả năng tri nhận cái đẹp của người Nhật hiện đại. Thứ hai, chúng tôi đặt sáng tác của Y. Banana với môi trường mà tác giả đã sống và hấp thụ, đó là xã hội đương đại, là bầu khí quyển của văn hóa đại chúng, từ đó thấy được những tương liên, hòa hợp, phản chiếu từ thẩm mĩ kawaii (thứ thuộc về sự lựa chọn và tri nhận của cộng đồng) lên sáng tác của Y. Banana (thứ thuộc về sự lựa chọn của cá nhân sống trong cộng đồng đó). Chúng tôi muốn đi tìm những 4 biểu đạt của thẩm mĩ kawaii trong sáng tác Y. Banana như là cách tạo ra đường “link” kết nối gần như hầu hết các vấn đề nổi bật mà độc giả vẫn thường nhắc tới mỗi khi bàn về Y. Banana. Từ đó, có thể tìm thấy được lí do vì sao tác phẩm của Y. Banana được sự yêu mến và hưởng ứng rộng khắp của độc giả Nhật Bản và thế giới đương đại như vậy. Thông qua việc tìm hiểu sáng tác của một tác gia từ góc nhìn thẩm mĩ - văn hóa, chúng tôi hướng đến mục đích tìm kiếm những câu trả lời góp phần vào sự khám phá giá trị của tác phẩm của Y. Banana với những đóng góp trong việc thể nghiệm một lối viết mang màu sắc khác biệt so với dòng văn học truyền thống ở Nhật Bản. Nói cách khác, chúng tôi đi tìm sự tương tác, hồi ứng từ sáng tác của Y. Banana đến thẩm mĩ kawaii, để thấy Y. Banana không dừng lại là một tác giả đại chúng, sáng tác của Y. Banana không dừng lại là sản phẩm của văn hóa đại chúng, mà đó còn là một thế giới nghệ thuật độc đáo với những chủ ý nghệ thuật riêng của người sáng tạo. Thực hiện được các mục đích trên chính là đóng góp và thành công của luận án. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Nhiệm vụ nghiên cứu của luận án là cần trả lời được các câu hỏi nghiên cứu. Câu hỏi nghiên cứu thứ nhất liên quan đến sự khảo sát tổng quan về thẩm mĩ kawaii: ngoại sinh hay nội sinh, là giá trị tức thời hay là kết quả của một quá trình? Để trả lời được câu hỏi này, luận án cần minh định khái niệm “thẩm mĩ” và “kawaii” để xem xét đầy đủ các phương diện biểu hiện nghĩa của từ ngữ này. Từ đó đi đến khái quát những đặc điểm thuộc về bản chất (những “mã khóa”) của “thẩm mĩ kawaii” để làm cơ sở, làm “mắt” để “nhìn” sáng tác của Y. Banana. Bằng việc nghiên cứu là thẩm mĩ kawaii đặt trong mối liên hệ với văn hóa truyền thống với dòng chảy mĩ học đã thành hình sắc ở Nhật Bản (aware, sabi, wabi, yugen) và văn hóa đại chúng của con người đương đại, luận án tìm một con đường cắt nghĩa sự thâm nhập - con đường đi của kawaii vào đời sống (vật chất lẫn tinh thần) của con người Nhật Bản như thế nào cũng như đã tác động vào văn chương ra sao. Với câu hỏi nghiên cứu thứ hai của luận án: Sáng tác của Y. Banana mang những đặc điểm nghệ thuật nào của thẩm mĩ kawaii?, đối tượng nghiên cứu phục 5 vụ cho việc trả lời câu hỏi này là những tín hiệu của kawaii được biểu đạt trong sáng tác của Y. Banana. Luận án cần khảo sát văn bản, phân tích, khái quát để tìm ra những đặc trưng của thẩm mĩ kawaii trong sáng tác của Y. Banana qua nhiều phương diện. Từ đó, luận án khái quát mối quan hệ giữa những phương diện ấy trong “trường” thẩm mĩ kawaii, hướng đến việc chỉ rõ sáng tác của Y. Banana là một phần, một đại diện của thẩm mĩ này, xem xét dưới sự tác động của ánh sáng thẩm mĩ này, tác phẩm của Y. Banana đã có những phản chiếu ra sao. Đối với câu hỏi nghiên cứu thứ ba: Những sáng tạo riêng nào của Y. Banana như một sự kết tinh giá trị thẩm mĩ kawaii?, luận án sẽ tập trung vào đối tượng nghiên cứu là những tín hiệu của Y. Banana đã tạo ra trong sáng tác của bà. Cả ba câu hỏi với những đối tượng nghiên cứu như trên nhằm hướng đến đối tượng là mối tương quan biện chứng giữa thẩm mĩ kawaii và những sáng tạo của Y. Banana trong thời hiện đại. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là những biểu đạt nghệ thuật thuộc về thẩm mĩ kawaii xuất hiện trong tác phẩm của Y. Banana. Khi soi chiếu thẩm mĩ kawaii vào sáng tác của Y. Banana, chúng tôi nhận thấy có sự tập trung của một vùng ánh sáng của kawaii - một trường văn hóa và thẩm mĩ quan trọng của thời đại, đã chi phối các sáng tác của Y. Banana. Là người tiếp thụ và đứng trên lằn ranh của văn học tinh hoa với văn học đại chúng, Y. Banana đã cho thấy những dấu ấn nghệ thuật mang đậm tinh thần kawaii trong sáng tác của mình không chỉ là sự chịu ảnh hưởng, đó còn là hoạt động chủ động sáng tạo trên cái nền của sự ảnh hưởng. Như vậy, việc hướng đến đối tượng nghiên cứu là những biểu đạt nghệ thuật trong sáng tác của Y. Banana giúp người nghiên cứu phát hiện Y. Banana trong vai người sáng tạo, từ đó trả lời được những câu hỏi liên quan đến giá trị văn chương nghệ thuật của Y. Banana. 3.2. Phạm vi nghiên cứu - Về phạm vi nội dung nghiên cứu: Đề tài Sáng tác của Yoshimoto Banana từ góc nhìn thẩm mĩ kawaii được triển khai chủ yếu qua hai nội dung lớn là tiếng nói 6 chung (lời đồng vọng từ thẩm mĩ kawaii) và tiếng nói riêng (sự góp lời của một cá nhân cho cộng đồng) với những nội dung nghiên cứu cụ thể như nhân vật, chủ đề, thế giới thiên nhiên, tổ chức nghệ thuật (không gian, thời gian), thủ pháp nghệ thuật Thông qua những phương diện cơ bản này, chúng tôi đi tìm và góp phần minh định sự ảnh hưởng cũng như sự phát triển, sáng tạo của Y. Banana từ một vùng thẩm mĩ mà tác giả đã và đang sống trong nó. - Về phạm vi văn bản khảo sát: Chúng tôi khảo sát trên các văn bản là các tác phẩm của Y. Banana đã được dịch sang tiếng Việt và tiếng Anh. Sau Kitchen, Y. Banana tiếp tục thành công với 12 tiểu thuyết và 7 tập truyện ngắn. ■ Trong số đó, đã xuất bản tại Việt Nam: + Kitchen, Bóng trăng (Bóng từ ánh trăng), Lương Việt Dũng dịch, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2006 + N.P, Lương Việt Dũng dịch, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2006 + Vĩnh biệt Tugumi (Tugumi), Vũ Hoa dịch, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2007 + Amrita (Amurita), Trần Quang Huy dịch, Công ty Nhã Nam, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2008 + Say ngủ, Trương Thị Mai dịch, Công ty Nhã Nam, Nhà xuất bản Văn hóa Sài Gòn, 2008 + Thằn Lằn, Nguyễn Phương Chi dịch, Công ty Nhã Nam, Nhà xuất bản Văn học, 2009 + Hồ, Uyên Thiểm dịch, Công ty Nhã Nam, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2014 + Nắp biển, Dương Thị Hoa dịch, Công ty Nhã Nam, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2018 ■ Đồng thời, chúng tôi có tham khảo bản dịch tiếng Anh của một số tác phẩm đã được dịch sang tiếng Việt như Kitchen, Moonlight Shadow, N.P, Amrita, Goodbye Tugumi, Asleep, Lizard, The Lake + Kitchen, Moonlight Shadow, Megan Backus dịch, Grove Press, New York 1993 + N.P, Ann Sherif dịch, Grove Press, New York, 1994 + Lizard, Ann Sherif dịch, London: Faber and Faber, 1995 + Amrita, Russell F. Wasden dịch, London: Faber and Faber, 1997 + Asleep, Michel Emmerich dịch, London: Faber and Faber, 2000 + Goodbye Tugumi, Michel Emmerich dịch, London: Faber and Faber, 2002 7 ■ Các tác phẩm chưa được dịch sang tiếng Việt: + Argentine Hag, Sawa Fumiya dịch, Tokyo, 2002 + Hardboiled Hardluck, Michael Emmerich dịch, Grove Press, New York, 2005 4. Cơ sở lí thuyết và phương pháp nghiên cứu của luận án Một trong những phương pháp chính mà luận án lựa chọn đó là phương pháp nghiên cứu liên ngành, trong đó, đặc biệt quan trọng là nghiên cứu văn hóa. Đối tượng nghiên cứu chính của luận án là sáng tác của một tác gia văn học Nhật Bản đương đại nhìn từ góc độ ảnh hưởng, tiếp thu và sáng tạo từ một thẩm mĩ cũng của chính xã hội Nhật Bản đương đại. Thẩm mĩ đó lưu chuyển trong nền văn hóa của đất nước ấy nên không thể tách rời sáng tác của tác gia văn học này với văn hóa. Bên cạnh đó, khái niệm thẩm mĩ này tuy mới nhưng lại là kết quả của một dòng chảy xuyên suốt trong đời sống của người dân Nhật Bản từ xưa đến nay, không tách biệt với những khái niệm trước đó. Qua văn hóa và những nền tảng lí thuyết của mĩ học, chúng ta có thể xác định được những hệ giá trị của con người Nhật Bản đương đại để từ đó có những cách giải thích phù hợp trong việc đánh giá các vấn đề được phản ánh trong sáng tác của Y. Banana. Đặt văn học trong vùng văn hóa và vùng thẩm mĩ của chính đất nước đã sản sinh ra nó thiết nghĩ là cách làm phù hợp. Người viết đặt tác phẩm của Y. Banana trong mối quan hệ với bối cảnh lịch sử - xã hội và văn hóa – mĩ học Nhật Bản hiện đại và đương đại, nhất là từ nửa sau thế kỉ XX đến nay, để nghiên cứu và giải thích một số hiện tượng văn học, kiểm định và đánh giá sự ảnh hưởng, tương tác giữa sáng tác của Y. Banana với những sự kiện, hiện tượng khác trong đời sống văn hóa xã hội Nhật. Ngoài ra, luận án còn vận dụng những hiểu biết từ xã hội (tâm lí xã hội và lịch sử xã hội), truyện tranh (đặc biệt là thể loại shoujo manga, loại truyện tranh dành cho thiếu nữ), phim hoạt hình. Nhờ vào những hiểu biết về các ngành khác sẽ giúp chúng ta lí giải được cách xây dựng nhân vật, xu hướng tâm lí, đời sống nội tâm của các nhân vật cũng như hiểu được quan niệm thẩm mĩ của con người thời hiện đại diễn ra trong tác phẩm của Y. Banana. Phương pháp so sánh: Luận án sử dụng phương pháp so sánh khi đặt kawaii trong mối quan hệ với những thẩm mĩ khác của văn học Nhật Bản như mono no aware, miyabi, yugen, wabi, sabi, iki... để phát hiện những điểm giao thoa và khác 8 biệt, từ đó hướng đến việc tìm hiểu đối tượng nghiên cứu một cách thỏa đáng hơn. Đồng thời, chúng tôi cũng đặt kawaii trong mối quan hệ so sánh với các khái niệm mĩ học của một số nền văn hóa khác như cute, lovely của phương Tây. Luận án cũng đặt ra và giải mã những vấn đề dựa trên cơ sở so sánh Y. Banana với các tác giả khác (cùng thời đại hoặc khác thời đại) để thấy những nét chung và những gì khác biệt mà Y. Banana đã tạo ra trong sáng tác của mình. Phương pháp loại hình: Phương pháp loại hình là phương pháp nghiên cứu dựa trên sự tập hợp các sự vật, hiện tượng cùng có chung những đặc trưng cơ bản nào đó, khi chúng cùng có một “quan hệ cộng đồng giá trị” [18, 144]. Phương pháp này giúp người nghiên cứu đi tìm những điểm tương đồng của các yếu tố, giúp nắm bắt được các hiện tượng trong mối quan hệ tổng thể, bao quát, từ đó phát hiện quy luật, những thông số giá trị về điều cần giải mã. Luận án sử dụng phương pháp loại hình trong việc nhóm hợp những biểu hiện có cùng chung những đặc trưng cơ bản giữa các nhân vật (ngoại hình, tính cách, số phận), những yếu tố thường xuyên xuất hiện trong sáng tác của Y. Banana, những đặc trưng cơ bản của các thủ pháp nghệ thuật Phương pháp hệ thống: Phương pháp hệ thống là đặt đối tượng vào một hệ thống nào đó để xem xét những đặc thù, từ đó xác định giá trị, vị trí cũng như đóng góp của nó cho hệ thống. “Trong nghiên cứu văn học, chúng ta có thể coi một tác phẩm hay toàn bộ sáng tác của một nhà văn, một thể tài, một thể loại, một nền văn học, như là những hệ thống”, “trong khi phương pháp loại hình chú ý đến quan hệ cộng đồng giá trị, thì phương pháp hệ thống lại chú ý đến quan hệ phân cấp và quan hệ nhân quả” [18, 151 - 152]. Lợi ích cơ bản của phương pháp hệ thống là nó giúp ta xác định được vị trí (hay tọa độ) của một sự vật trong mối quan hệ phân cấp với các sự vật khác, qua đó giúp ta đánh giá được đầy đủ giá trị và ý nghĩa của sự vật đó”. Trong luận án này, người viết đặt kawaii trong dòng chảy mĩ học của Nhật Bản và thế giới, đặt sáng tác của Y. Banana trong văn học đại chúng và văn học tinh hoa, từ đó nghiên cứu về giá trị của thẩm mĩ kawaii trong sáng tác của Y. Banana có ý nghĩa như thế nào đối với văn học đương đại Nhật Bản, thế giới. 9 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án Thứ nhất, luận án đóng góp vào việc nghiên cứu một phạm trù thẩm mĩ chi phối văn hóa Nhật Bản đương đại là kawaii. Trên tinh thần tiếp thu, đối thoại và phản biện, luận án góp phần chỉ ra được một yếu tố quan trọng chi phối cách xây dựng tác phẩm của Y. Banana - một yếu tố vừa có nguồn gốc nội sinh trong cái nhìn lịch đại, vừa có ý nghĩa ngoại hợp trong cái nhìn đồng đại: thẩm mĩ kawaii. Từ đó, luận án đóng góp vào việc làm rõ vai trò của kawaii đối với giá trị của tiểu thuyết Y. Banana. Luận án đặt ra vấn đề: sáng tác của Y. Banana có phải là một sản phẩm của văn hóa đại chúng không? Rõ ràng, sáng tác của Y. Banana không chỉ khoác một chiếc áo đại chúng, mà đó là những sản phẩm đại chúng thật sự. Song tất cả không dừng lại ở đó. Sáng tác của Y. Banana không phải là một sự chệch khỏi quỹ đạo của văn chương nghệ thuật cũng như những chuẩn mực thẩm mĩ truyền thống. Cái gọi là phong vị Nhật Bản vẫn luôn len lỏi vào trong thế giới nghệ thuật của Y. Banana để phát hiện và diễn tả một cách tinh tế nhất những trạng thái cảm xúc của con người. Nếu là những tác phẩm câu khách dễ dãi với một lối văn tuềnh toàng, chắc hẳn Y. Banana không thể có được một lượng độc giả đông đảo để đứng vào hàng best-seller trên thế giới như vậy. Luận án hướng đến việc hiểu được đặc trưng phong cách của một nhà văn với sở trường là những tác phẩm dễ thương, khả ái, cung cấp một cách nhìn mới về nghệ thuật tiểu thuyết đương đại Nhật Bản cũng như văn học đương đại thế giới trong sắc thái đa diện của nó. Phong cách của Y. Banana luôn có sự kết hợp giữa truyền thống – những rung cảm tinh tế của tâm hồn con người với tinh thần hiện đại – văn hóa đại chúng, giữa những giá trị cũ và mới, tất cả hòa quyện trong những sáng tạo nghệ thuật tuyệt vời. Như vậy, luận án đóng góp vào việc làm rõ vai trò của kawaii đối với giá trị của tiểu thuyết Y. Banana. 6. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn của luận án Về ý nghĩa lí luận, đề tài Sáng tác của Yoshimoto Banana từ góc nhìn thẩm mĩ kawaii trước hết đóng góp vào việc nghiên cứu hệ thống lí luận một phạm trù mĩ học của Nhật Bản hiện đại đang có những ảnh hưởng rộng khắp: kawaii. Y. Banana đã “nâng cấp” kawaii để nó không chỉ là một hot trend (trào lưu, xu hướng cuồng 10 nhiệt) của văn hóa đại chúng mà còn là một thẩm mĩ độc đáo, thể nghiệm thẩm mĩ ấy vào trong văn chương để tìm kiếm những giá trị sâu sắc. Công chúng yêu văn học nói chung và yêu văn học Nhật Bản nói riêng trên khắp thế giới không những sẽ biết đến văn học Nhật Bản với những phạm trù thẩm mĩ truyền thống mà còn là một phạm trù thẩm mĩ mới: năng động, tươi trẻ, đầy sức sống – kawaii. Bên cạnh đó, luận án cũng góp vào hướng tiếp cận văn học từ nghiên cứu liên ngành giữa văn học với văn hóa, mĩ học, xã hội học..., trong xu hướng nghiên cứu chung của thế giới hiện nay. Về ý nghĩa thực tiễn, đề tài Sáng tác của Yoshimoto Banana từ góc nhìn thẩm mĩ kawaii đã tìm hiểu sự thâm nhập của văn hóa, thẩm mĩ (cụ thể là kawaii) vào trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có văn học, và người sáng tạo. Mọi sáng tạo văn học đều không nằm ngoài sự phản ánh đời sống và tác động trở lại đời sống. Qua những trang viết của Y. Banana, người đọc không chỉ hiểu mà còn thực hiện hành vi, giúp cho thế giới quan, nhân sinh quan, làm cho mỗi người trở nên hiền hòa, sống hòa nhã và xích lại gần nhau hơn. Với kawaii, con người bớt đi áp lực cuộc sống và tình trạng chông chênh trước những bất an, biến cố. Với kawaii, xã hội Nhật Bản càng khẳng định được “thương hiệu” của một đất nước luôn khác lạ trong mắt nước ngoài. 7. Cấu trúc của luận án Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, Tài liệu tham khảo, luận án được sắp xếp thành bốn chương: Chương 1: Tổng quan vấn đề nghiên cứu Chương 2: Thẩm mĩ kawaii Chương 3: Tiếng vọng của thẩm mĩ kawaii trong sáng tác Y. Banana Chương 4: Tiếng nói khác biệt của Y. Banana từ trong lòng thẩm mĩ kawaii 11 Chương 1 TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU Chương 1 là chương Tổng quan về vấn đề nghiên cứu nhằm tổng thuật những công trình nghiên cứu đi trước có liên quan đến đề tài của luận án, cụ thể là những công trình có đối tượng nghiên cứu là sáng tác Y. Banana, thẩm mĩ kawaii và đặc biệt là những công trình quan tâm đến các khía cạnh biểu hiện của thẩm mĩ kawaii trong sáng tác của Y. Banana. Từ đó, người nghiên cứu xác tín những cơ sở khoa học cho luận án và chỉ ra những khoảng trống khoa học cần được bổ sung, lấp đầy. Khoảng trống đó là sự xem xét kawaii như một phạm trù thẩm mĩ chi phối toàn bộ các vấn đề từ nội dung tư tưởng đến hình thức nghệ thuật trong sáng tác của Y. Banana. Ở chương này, người viết sẽ lần lượt trình bày các công trình nghiên cứu đi trước (bao gồm cả những tài liệu tiếng Việt và tiếng Anh) đã khai thác vấn đề mà luận án đang nghiên cứu, xem xét các công trình đã nghiên cứu về vấn đề của luận án như thế nào và đến đâu, để từ đó tìm ra khoảng trống khoa học cần giải quyết. Người viết sẽ trình bày theo trình tự:  Những nghiên cứu liên quan đến phạm trù thẩm mĩ kawaii  Những nghiên cứu liên quan đến kawaii trong sáng tác của Y. Banana. Từng mục sẽ được trình bày kết quả của các công trình nghiên cứu theo trình tự thời gian. 1.1. Những nghiên cứu về kawaii trong và ngoài Nhật Bản 1.1.1. Những nghiên cứu về kawaii ở Nhật Bản Theo Kyoko Koma, quyển sách về kawaii với nhan đề Kawaii Ron được viết bởi tác giả Inuhiko Yomota (Đại học Meiji, nhà xuất bản Chikuma, năm 2006) với mục đích mang kawaii tiếp cận với lượng độc giả đông đảo. Quyển sách có một đoạn tóm tắt: “Những nhân vật Nhật Bản như Hello Kitty, Pokemon, Thủy thủ Mặt Trăng... áp đảo trên toàn thế giới [...]. Vì sao kawaii của Nhật Bản lại phát ra ánh sáng rực rỡ như vậy? Cuốn sách này là nỗ lực định hướng đầu tiên để phân tích đồng đại và lịch đại cấu trúc của kawaii bằng cách đặt nó vào mĩ học của thế kỉ 12 XXI” [144, 7]. Tác giả đã xem nó như là một thẩm mĩ và phân tích kawaii theo chiều dài lịch sử. Theo tác giả, nguồn gốc của kawaii bắt đầu từ quyển Sách gối đầu (Pillow Book) của Seiso Nagon (966 – 1017, thời Heian). Yomota giải thích rằng dịch giả Arthur David Waley (người dịch tác phẩm này sang tiếng Anh) đã chọn cách dịch từ “utsukushi” (うつくし, 美し) sang tiếng Anh là “pretty”, nghĩa là “đẹp”, nói về một người “ngây thơ” (innocent), “trẻ con” (infant), “trong khiết” (pure), những người cần sự bảo vệ của người lớn. Tác giả tiếp tục chỉ ra thẩm mĩ kawaii phát triển trong thời Edo (1603 – 1868) trong những vở kịch Kabuki nổi tiếng và trong sáng tác của tác giả Osamu Dazai. Nó được hiểu như là những cảm xúc thẩm mĩ về những gì nhỏ nhắn, mong manh, và cần được bảo vệ. Yomota chỉ rõ, “một người có tính cách kawaii không phải là một người trưởng thành, không phải là một người đẹp, mà nữ tính, trẻ con, ngoan và trong sáng” [144, 8]. Kan Satoko, một thành viên khoa Nghiên cứu Nhật Bản Quốc tế, trường Đại học Ochanomizu, trong bài viết năm 2007: kawaii – từ khóa của Văn hóa thiếu nữ ở Nhật Bản cho rằng, có những kiểu văn hóa mới xuất hiện và đang dần thay thế cho văn hóa Nhật Bản truyền thống, một trong số đó là kawaii. Bà đã đi tìm bản chất của kawaii và đưa ra một khái niệm, cũng là một lí do tác động đến việc hiểu từ kawaii phù hợp, đó là văn hóa nữ giới. Tác giả đã phân tích những bàn luận về kawaii, xem nó tương đương với khái n...n rất rõ nét một thẩm mĩ của Nhật Bản đương đại – kawaii. Bằng cách này hay cách khác, các công trình nghiên cứu đã gợi mở những vấn đề có liên quan đến đề tài mà luận án đang thực hiện. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu chỉ dừng lại ở một số phương diện sau: ♦ Chỉ xem xét tác phẩm của Y. Banana ở cách đánh giá khái quát, về các vấn đề khá tản mạn như chủ đề gia đình, giới tính, vai trò của giới tính nữ trong xã hội Nhật Bản đương đại hoặc về lối viết nhẹ nhàng, giàu cảm xúc (dừng lại ở những lời bình giá, nhận xét). ♦ Khi nói đến mối liên hệ giữa kawaii với sáng tác của Y. Banana, các tác giả chỉ đề cập qua song chưa nói rõ Y. Banana đã ảnh hưởng như thế nào (với những biểu hiện cụ thể), chỉ giới thiệu để chuyển dẫn đến vấn đề về vai trò của Y. 26 Banana trong nền văn học đương đại Nhật Bản. Do đó, các công trình chưa chỉ ra được việc Y. Banana đã hấp thụ nền văn hóa đại chúng như thế nào (trong đó có kawaii) và đóng góp cho nền văn học tinh hoa ra sao. 27 Tiểu kết chương 1 Như vậy, nhìn chung, các công trình nghiên cứu của người đi trước đã mở ra cho người nghiên cứu những cơ hội để khai thác vấn đề kawaii trong sáng tác của Y. Banana. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu thẩm mĩ kawaii trong tác phẩm của Y. Banana như một đối tượng nghiên cứu chính, từ đó giải mã những tín hiệu thẩm mĩ độc đáo trong sáng tác của Y. Banana và tìm đến các thang bậc giá trị mới trong thế giới nghệ thuật của nữ tác gia này. Đây chính là khoảng trống khoa học mà luận án này muốn hướng đến giải quyết. Từ những mảnh ghép rời rạc là những ý tưởng được gợi lên từ những công trình đi trước, luận án hướng đến việc kết nối các ý tưởng lại trong một sợi dây chung khả dĩ: thẩm mĩ kawaii như một thứ ánh sáng soi lối cho những trang viết của Y. Banana. Điều này cho thấy, có những hiện tượng văn hóa được xem là không chính thống nhưng lại liên hệ mật thiết với tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của nước Nhật hiện đại và con người hiện đại chấp nhận nó (một cách chủ động). Y. Banana, nhà văn xuất hiện vào cuối những năm 1980 đã sống, đã lớn lên trong vùng văn hóa đó và bà mang hơi thở của cuộc sống đương đại ấy vào trong sáng tác của mình. Đó là một lối đi rất khác so với văn học tinh hoa, văn học truyền thống, nhưng lại không phải là văn học thị trường, câu khách dễ dãi. Ngược lại, bằng cách riêng của mình, Y. Banana đã giúp người đọc xác định lại ranh giới của các giá trị văn học thuần túy (pure) Nhật Bản, thúc đẩy họ tiến tới một dạng văn học mới. Với thẩm mĩ kawaii, có thể thấy, dễ thương hóa cuộc sống không phải là mốt nhất thời của người Nhật, càng không phải là một trò giải trí mang tính quốc gia. Kawaii đã trở thành đặc điểm văn hóa của nước Nhật và người Nhật hiện đại. Chúng tôi muốn khám phá: khi Y. Banana tham gia vào môi trường của kawaii, rồi cũng chính Banana trở thành một nhà viết văn mang với lối viết đậm chất kawaii, thì bà đã vừa hấp thụ vừa tạo nên cái mới như thế nào. Nói cách khác, trong tư cách hai vai: vai công chúng và vai người sáng tạo, Y. Banana đã tạo ra một dấu nối tương đương từ mã đặc thù của kawaii đến những sáng tác của mình để rồi không dừng lại ở đó với cấp độ mô phỏng hay minh họa, Y. Banana đã sáng tạo chúng trong văn chương để đem đến những giá trị đẹp cho con người đương đại. 28 Chương 2 THẨM MĨ KAWAII Ở chương 1, luận án đã tổng thuật những công trình nghiên cứu đi trước có liên quan đến đề tài của luận án. Khi xem xét kawaii như một phạm trù thẩm mĩ chi phối toàn bộ các vấn đề từ nội dung tư tưởng đến hình thức nghệ thuật trong sáng tác của Y. Banana, chương 2 của luận án sẽ làm rõ các khái niệm “thẩm mĩ”, “kawaii”, từ đó xác định kawaii là một phạm trù thẩm mĩ, một hệ giá trị chi phối mĩ cảm của người Nhật hiện đại. Bên cạnh đó, chương 2 của luận án sẽ bàn về lịch sử của khái niệm kawaii, nhìn nó trong dòng chảy văn hóa – xã hội Nhật Bản, trong mối liên hệ với những thẩm mĩ truyền thống Nhật Bản và cả trong bối cảnh giao thoa của văn hóa thế giới. Tìm được bản chất của kawaii là gì, tức là đi tìm được những mã khóa của kawaii, luận án có được những tiền đề khoa học cần thiết để đặt các vấn đề về sáng tác của Y. Banana dưới sự chi phối của thẩm mĩ kawaii. 2.1. Khái lược về thẩm mĩ kawaii 2.1.1. “Thẩm mĩ” (“aesthetics”) Theo Từ điển Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học Việt Nam, “thẩm mĩ là cảm thụ và hiểu biết về cái đẹp” [88, 922]. Từ ngữ này trong tiếng Anh là “aesthetics”, được sử dụng bao quát cả ý nghĩa “thẩm mĩ” và “mĩ học”. Theo Từ điển Anh – Anh American Heritage [183], “aesthetics” có hai nét nghĩa chính:  a. Một phân nhánh của triết học, nội dung có liên quan đến bản chất, biểu hiện và nhận thức về cái đẹp, ví dụ những nghiên cứu về mĩ thuật, nghệ thuật hội họa; b. Nghiên cứu về những phản ứng tâm lí đối với cái đẹp và những trải nghiệm nghệ thuật;  a. Một quan niệm về cái có giá trị hiện thực thực sự hay là đẹp; b. Một sự hiện diện đẹp hay dễ chịu về phương diện nghệ thuật. Mặc dù khái niệm này có nhắc đến khá nhiều về cái Đẹp, nhưng cần hiểu: thứ nhất, cái Đẹp viết hoa theo nội hàm ý nghĩa rất phổ quát của nó; thứ hai: thẩm mĩ và cái đẹp là hai khái niệm không đồng nhất. Nói tới thẩm mĩ là nói tới một quan năng, tức khả năng tri nhận cái đẹp, dựa vào cảm xúc và trí tưởng tượng. Theo Immanuel Kant (1724 – 1804), “cái đẹp chính là cái lí tưởng được số đông xã hội chấp nhận, yêu mến, hài lòng nhưng cái đẹp lại mang 29 tính chủ quan, phụ thuộc nhiều vào cảm xúc của con người, do đó không có tiêu chí chung cho cái đẹp” [48, 58]. Trong cả hệ thống triết học mà Kant xây dựng để con người nhận thức thế giới và bản thân, thì nhận thức thẩm mĩ chiếm một vị trí quan trọng. Theo Kant, phán đoán thẩm mĩ không phải là một phán đoán nhận thức, do đó không có tính logic, mà có tính thẩm mĩ, được hiểu là một phán đoán mà cơ sở của nó không thể là gì khác hơn ngoài chủ quan. Quan điểm này của Kant tiếp nối quan điểm của A. Baumgarten (1714 – 1762) cho rằng cái đẹp được đánh giá bằng cảm giác, không phải bằng lí trí. Tuy cái đẹp không có tiêu chuẩn phổ biến nhưng có thể có cảm quan chung đối với cái đẹp, gọi là cảm quan chung thẩm mĩ (sensus communis aestheticus). Và cảm quan chung ấy mang tính phổ biến chủ quan. Như Kant khẳng định, “Có một tính hợp quy luật mà không có quy luật, và một sự hài hòa chủ quan giữa trí tưởng tượng và giác tính mà không có một sự hài hòa khách quan. [...] Mọi cái hợp quy tắc cứng nhắc tự chúng có cái gì đi ngược lại với sở thích (tức cái thẩm mĩ – người viết).” [48, 58] Như vậy, bản thân cái đẹp không phải là không có phép tắc riêng của nó, không phải chỉ thuộc về cảm giác riêng của từng người mà chúng còn có quan hệ với nhân quần xã hội. Thẩm mĩ là nơi tập trung những phép tắc ấy, thể hiện những mối quan hệ ấy. Nó hình thành cho con người những quan niệm về cái đẹp, từ đó có thể luyện cho con người có tài thẩm mĩ, có lòng ái mĩ. Đứng trước cái đẹp / xấu, thẩm mĩ trở thành hệ giá trị, thành thước đo để con người đối chiếu và thẩm định, đánh giá. Đây là một nội dung có ý nghĩa quan trọng bởi nó liên quan đến những biểu hiện đa dạng, phong phú, thậm chí có những lúc trái ngược nhau, có những lúc đi lệch pha với những hệ giá trị khác như đạo đức, sự thực..., vì đơn giản, cái thẩm mĩ có hệ giá trị và những thang đo lường của riêng nó. Cũng cần phân biệt, đẹp không giống với thích. Cái gì ta thích không nhất thiết phải đẹp. Đẹp cũng không giống với ích lợi, vì đẹp không có mục đích và không theo mục đích nào cả. Có những cái vô ích mà đẹp thì con người vẫn quý chuộng. Đẹp cũng không giống với thực. Sự thực tuy là một phần trong cái đẹp nhưng không phải sự thực nào cũng đẹp. Nhà thơ Pháp Boileau nói: “Không cái gì đẹp bằng sự thực”, nhưng sự thực 30 phải gợi lên mĩ cảm mới gọi là đẹp được. Cho nên, nói như Platon thì đúng hơn: “Cái đẹp ấy là cái vẻ rực rỡ của sự thực”. Đẹp cũng không giống với thiện (lành, đạo đức). Ở đây, cần chú ý lập luận của Kant và những người nghiên cứu mĩ học: “đẹp” như một thuộc tính khách quan vì có những đại lượng chỉ ra được, nhưng việc đánh giá / phán đoán về đối tượng như thế nào lại thuộc về sự chủ quan của người tiếp nhận, được gọi là “thẩm mĩ”. Do vậy thẩm mĩ chỉ một quan hệ tương tác hai chiều, nhưng không đồng nhất với “sở thích” vốn chỉ hoàn toàn có tính chất chủ quan. Thẩm mĩ còn chứa kích thước “cộng đồng”, để từ đó có thể nhận ra rằng mỗi cá nhân đưa ra phán đoán hay mỗi sự vật được phán đoán phải nằm trong những khu vực ảnh hưởng của cộng đồng đó. Từ đó, có thể nhận ra rằng bản thân khái niệm thẩm mĩ phải được nhận ra ở ba chiều kích:  Bản thân đối tượng (sở thích, gu thẩm mĩ). “Ai không chịu nô lệ cho thời trang nhất thời mà tự mình có năng lực phán đoán về cái đẹp, người ấy chứng tỏ mình có sở thích hay có gu thẩm mĩ, vì thế, phán đoán thẩm mĩ về cái đẹp cũng được gọi là phán đoán sở thích.” [48, 31] Đây là bình diện đầu tiên giúp ta phân biệt phán đoán thẩm mĩ với phán đoán logic, còn gọi là phán đoán nhận thức, để khẳng định thuộc tính khách quan của đối tượng. Phán đoán sở thích có liên quan đến cảm trạng của người đang nhận xét, có sự hài lòng, sự dễ chịu với đối tượng. Rõ ràng, hài lòng, dễ chịu không phải là một thuộc tính của đối tượng, mà là một trạng thái của chủ thể.  Những phán đoán / thước đo của cộng đồng. Thẩm mĩ còn chứa kích thước cộng đồng, để từ đó có thể nhận ra mỗi cá nhân đưa ra phán đoán hay mỗi sự vật được phán đoán phải nằm trong những khu vực ảnh hưởng của cộng đồng đó. Sở thích cá nhân chỉ giữ vai trò tạm thời và thứ yếu trong việc phán đoán về cái đẹp, và về nguyên tắc, phải được thay thế bằng một phán đoán của giác tính có giá trị phổ biến. Kant vừa khẳng định tính chủ quan của phán đoán thẩm mĩ, vừa cho rằng “trong phán đoán thẩm mĩ, tức một cái phổ biến, những đối tượng vẫn được thẩm định dựa theo một quy tắc, tức một cái phổ biến, nhưng không phải dựa theo các khái niệm khoa học hay các nguyên tắc luân lí, gọi là cái phổ biến chủ quan” [48, 31 35]. Nghĩa là, cái đẹp phải được hình dung như là đối tượng của một sự hài lòng phổ biến (xét về mặt lượng).  Những phản ứng / phán đoán của cá nhân (khả năng nhận thức của bản thân đối với những sở thích cá nhân và những quy chuẩn cộng đồng) – tức tính cá biệt. “Trái với sản phẩm của nghệ thuật máy móc (chẳng hạn: mĩ nghệ thủ công) xuất phát từ sự áp dụng các quy tắc phổ biến, sản phẩm của mĩ thuật tỏ ra thoát li khỏi mọi cưỡng chế của các quy tắc như thể đó là một sản phẩm của Tự nhiên đơn thuần.” [48, 36] Với một tác giả văn học, thẩm mĩ phải là thứ được nhận thức, chọn lọc, từ đó có thể tiếp nhận và sáng tạo, nếu không, nó chỉ dừng lại là sở thích thông thường. Nghĩa là, ở khâu này, có sự tham gia của lí trí, của ý đồ nghệ thuật ở nhà văn chứ không đơn thuần là cảm tính nữa. “Ở đây, thẩm mĩ không phải là những “vườn trồng tiêu ngay hàng thẳng lối” cho giác tính mà là thiên nhiên phong phú vô hạn không chịu phục tùng quy tắc nhân tạo nhào hết để mang lại dưỡng chất lâu bền cho sở thích. Như thế, cái cá biệt, đơn lẻ thể hiện cả nơi cái đẹp tự nhiên lẫn cái đẹp nghệ thuật” [48, 36]. Tuy nhiên, tính cá biệt độc đáo không đồng nghĩa với tính vô quy tắc và vô chính phủ: một mặt, việc sáng tạo nên các nghệ phẩm riêng lẻ, độc nhất vô nhị hầu như là sự biệt đãi để thoát khỏi sự ràng buộc của các quy tắc phổ biến, vì các quy tắc này chỉ làm suy yếu sức bật của tinh thần. Nhưng mặt khác, theo Kant, “không có ngành mĩ thuật nào lại không có trong mình điều gì đấy có tính máy móc”, tức có điều gì đấy có tính trường quy (schulgerecht) tạo nên điều kiện cơ bản cho nghệ thuật, và “chỉ có những đầu óc nông cạn mới tin rằng, họ có thể chứng tỏ mình là những thiên tài phát tiết khi vứt bỏ hết sự cưỡng chế trường quy của mọi quy tắc và tin rằng có thể thao diễn tốt hơn trên lưng một con ngựa chứng hơn là trên lưng một con ngựa đã thuần” [48, 38]. 2.1.2. “Kawaii” 2.1.2.1. Nguồn gốc khái niệm “kawaii” Tác giả Inuhiko Yomota phân tích nguồn gốc của kawaii bắt đầu được nói đến trong quyển Sách gối đầu (Pillow Book), do Sei Shonagon (966 – 1017) thời Heian viết, Arthur David Waley dịch. Waley đã chọn cách dịch từ うつくし 32 [Ustukushi], sang tiếng Anh là pretty, có thể hiểu là đẹp, chỉ về một ai đó rất hồn nhiên, một đứa trẻ, một sự trong trẻo, và cả những ai cần sự bảo vệ từ người lớn. Sau đó thì khái niệm kawaii tiếp tục được phát triển trong thời Edo (1603 – 1868) trong những vở kịch Kabuki nổi tiếng, và tác giả Osamu Dazai, được hiểu như là những cảm xúc thẩm mĩ về những gì nhỏ nhắn, mong manh, và cần được bảo vệ. I. Yomota chỉ rõ, “một người có tính cách kawaii không phải là một người trưởng thành, không phải là một người đẹp, mà nữ tính, trẻ con, ngoan và trong sáng” [144, 7]. Không giống như I. Yomota, Reiko Koga, Đại học Bunka Joshi, trong công trình nghiên cứu của bà về kawaii có tên là Đế chế kawaii: thời trang, truyền thông đa phương tiện và những cô gái (NXB. Seido), cho rằng nguồn gốc của kawaii là từ văn hóa thiếu nữ (shoujo), “thứ được hình thành vào cuối thời Minh Trị (Meiji) và kéo dài đến đầu thời Đại Chính (Taisho)” [142, 7]. Koga đã nhấn mạnh quan điểm của mình thông qua những phân tích lịch đại về kawaii từ khi nó bắt đầu được sử dụng đến nay, chạm vào khía cạnh truyền thông đa phương tiện. “Văn hóa thiếu nữ”, theo Koga, gắn liền với các khái niệm 清く[Kiyoko], 正しく[Tadashiku], 美し く [Utsukusiku], nghĩa là Trong khiết (Purity), Chân thành (Honesty) và Đẹp (Beauty) sau Thế chiến thứ II. 2.1.2.2. Những cách hiểu, cách đánh giá về kawaii Numano Mistuyoshi trong bài nói chuyện ở Việt Nam năm 2009 đã nói lên cách đánh giá của ông về kawaii: “Thịnh hành nhất hiện nay là ý thức thẩm mĩ được thể hiện bằng một từ tối tân và đầy chất hiện đại: kawaii, một tính từ được dùng từ xa xưa để biểu đạt tình cảm quý mến dành cho trẻ nhỏ hoặc những gì xinh xắn, có vẻ ngoài đáng yêu và có thần thái dễ thương, trong sáng. Tuy nhiên, ngày nay, nó đã được dùng rộng rãi trong những hoàn cảnh khác nhau, tựu trung lại là vẻ đẹp đáng yêu, một kiểu mĩ học thường thấy trong manga (truyện tranh), anime (phim hoạt hình). Ngày nay, nó trở thành câu nói cửa miệng của các teen Nhật để nói về những thứ mình thích hay khen một cái gì đó hay.” [189] Về mặt từ ngữ, kawaii (かわいい) viết theo kí tự Kanji là khả ái (可愛い). Nó bắt nguồn từ cụm từ kao tsukushi, nghĩa là khuôn mặt rạng rỡ. Kawaii có hàm ý 33 nói về cảm giác giống – như – trẻ - con, bao gồm cảm giác ấm áp, được che chở; kết nối với thời thơ ấu của một con người. Thời thơ ấu gắn liền với vẻ đẹp sơ khai và sự tự do, trong sáng. Một thứ cảm xúc được coi là kawaii thì thứ đó phải gây một tác động thị giác mạnh mẽ và tạo cho người nói một cảm xúc tích cực. Kawaii khá gần với khái niệm cute hay lovely của tiếng Anh, nhưng lại không hoàn toàn trùng khít với các khái niệm ấy. Dù Hán tự của từ ngữ này là Khả ái nhưng người Nhật lại thích viết bằng chữ Hiragana hơn (vì chữ Hiragana tạo sự mềm mại và có nguồn gốc bản địa). Điều đó gợi nên nội hàm kawaii có ý nghĩa nội sinh, là một đặc điểm gắn liền với mĩ cảm riêng của xứ sở anh đào. Kawaii gắn liền với tính chất nhỏ nhắn, xinh xắn. Nó có xu hướng nói đến những gì mềm mại, tròn, những màu sắc thanh nhã (màu hồng hoặc màu nhạt), gắn liền với sự mong manh, nữ tính. Ở Nhật Bản, những nhân vật hoạt hình ma quỷ xấu xí và nhỏ nhắn, mèo Kitty, ngôi sao nhạc nhẹ, những bé con ... đều có thể được gắn với từ kawaii. Kawaii còn đang tạo cho riêng mình một hệ thống ngôn ngữ kèm theo: kimokawaii (từ ghép giữa kimochiwarui – xấu xa, nổi dậy và kawaii để chỉ những nhân vật hoạt hình ma quỷ vừa xấu xí lại vừa kháu. Chính vì vậy, kawaii không thể dịch hoàn toàn sang ngôn ngữ khác được, nhất là ngôn ngữ phương Tây. Người ta chỉ có thể tìm thấy khi tra kawaii trong tự điển các từ mà bản thân chúng cũng mâu thuẫn lẫn nhau: kháu, quan trọng, xinh, đẹp... Kawaii được hiểu như một phạm trù thẩm mĩ rất riêng của người Nhật, không đồng nhất với các khái niệm của phương Tây hoặc của một đất nước nào. Theo nhà xã hội học Sharon Kinsella, trong quyển Những nét đáng yêu ở Nhật Bản, “dễ thương, về bản chất, là giống trẻ con, bao gồm ngọt ngào, đáng yêu, ngây thơ, đơn giản, thành thật, yếu ớt và thiếu từng trải về các hành vi xã hội cũng như thể chất” [143, 220]. Nói chung, đó là tính cách như trẻ con và mong manh, nhẹ nhàng trong cảm xúc của người đối diện. Kinsella chỉ ra rằng, những ước mơ mãnh liệt của giới trẻ Nhật Bản, được bao bọc trong văn hóa dễ thương, là vượt thoát khỏi những điều khắt khe ảnh hưởng đến cuộc sống của họ như chủ nghĩa khắc kỉ, trách nhiệm, chịu đựng những điều kiện khắc nghiệt, làm việc cật lực, và những nghĩa vụ... Trong xã hội hiện đại, từ kawaii được dùng như một thuật ngữ mang xu hướng đặc trưng nhất cho văn hóa Nhật, được phản ánh trong các khía cạnh của xã 34 hội như trang phục, ẩm thực, vật phẩm, lễ nghi, hành vi ứng xử Theo Kan Satoko, kawaii không chỉ tạo ra một kiểu văn hóa của những người trẻ sinh sau thập niên 70 (thường là nữ) mà còn ảnh hưởng đến nội tâm, hành vi, lối sống của họ. Nghĩa từ điển của Kawaii là “cảm giác được bảo vệ cho ai đó yếu hơn mình, nhỏ bé hơn mình và mong muốn sẽ mang đến cho họ những điều kiện tốt hơn” [142, 200]. Tuy nhiên, người Nhật ngày nay, nhất là phụ nữ, sử dụng từ ngữ này với ý nghĩa rộng hơn. Ví dụ, sinh viên trong trường Đại học Ochanomizu nơi bà đang dạy sẽ nói câu “Teacher so and so kawaii” [Cô giáo thật là dễ thương] ít nhất một lần. Hơn thế, họ còn nói câu này với cả những thầy giáo có tuổi, trong khi trước đó (về nguồn gốc), từ này không dành cho người lớn tuổi và nam giới mà chỉ dành cho những người nhỏ hơn và yếu ớt hơn. Vậy, điều gì làm thay đổi nghĩa của từ kawaii? Theo Kan là do văn hóa nữ giới (onna no ko bunka / girl‟s culture). Sau năm 70, trào lưu shoujo manga ra đời, chia làm hai dòng: những tác giả manga như Moto Hagio, Keiko Takemiya, và Ryoko Yamagishi, những người được gọi là “24nengumi” vì họ sinh ra vào thời Showa năm thứ 24 (1949). Đây là dòng hàn lâm. Tuy nhiên còn có một dòng khác rất liên quan đến thuật ngữ kawaii, được khai phá bởi các tác giả manga như Ako Mutsu, Yumiko Tabuchi, và Hideko Tachikake. Theo Hideshi Otsuka, những tác phẩm của họ có thể gọi là otomechikko manga hay maiden‟s manga, vì nó được viết bởi những tác giả nữ trẻ, và vì khái niệm kawaii được dành để nói những cô gái trẻ ở Nhật Bản. Nhân vật nữ chính trong các tác phẩm manga này thường nhút nhát, bình thường, không có sự thông minh gì đặc biệt. Họ không đẹp, nhưng lại trông rất cute (dễ thương), không chỉ bên ngoài mà còn cả đời sống bên trong và những suy nghĩ cũng rất cute. Otomechikku manga là thể loại manga giúp cho phái nữ nuôi dưỡng sự tự tin về bản thân mình. Họ có thể sống theo cách riêng của mình. Nói cách khác, họ không cần phải quá nổi bật, họ chỉ là chính họ và không cần phải cố gắng để tốt hơn chính mình của hiện tại. “Bởi vì sự không hoàn hảo mà bạn mới thật dễ thương.” [142, 201] Tóm lại, kawaii là khái niệm mà ban đầu được dùng với ý nghĩa chỉ những gì liên quan đến trẻ con hoặc chỉ vẻ đẹp của những sự vật nhỏ nhắn. Giờ đây, khái 35 niệm này ngày càng trở nên phổ biến rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ chữ viết, quần áo, thực phẩm, thời trang đến cả những ý nghĩ, quan điểm sống và tín ngưỡng. Trong văn hóa Nhật Bản đương đại, kawaii được xem là hệ giá trị có mối liên quan đặc biệt đến văn hóa đại chúng nói chung và văn hóa shoujo (văn hóa thiếu nữ) nói riêng vốn rất phổ biến ở xã hội Nhật Bản đương đại. Trong mĩ học, kawaii được xem là một khái niệm thẩm mĩ, được đặt trên cùng một trục đường thẳng với mono no aware, yugen, wabi, sabi Thực tế, nó không mâu thuẫn với các khái niệm mĩ học truyền thống, bởi đó đều là cảm xúc về cái đẹp, nhất là cảm giác khó diễn tả bằng lời, trải nghiệm niềm vui từ những điều nhỏ nhặt, tinh tế. 2.2. Kawaii trong dòng riêng Nhật Bản 2.2.1. Những biểu đạt của kawaii trong đời sống văn hóa Văn hóa kawaii ghi dấu trong các lĩnh vực nghệ thuật truyền thống Nhật Bản. Những con thú nhồi bông đáng yêu được tạo ra bởi sự đan móc trong nghệ thuật đan len Amigurumi. Những hình thú ngộ nghĩnh nhưng vô cùng tinh tế, kĩ thuật được tạo ra từ nghệ thuật xếp giấy Origami, Kirigami. Những chiếc bình hoa được cắm theo phong cách tối giản xinh xắn, dễ thương được tạo ra từ nghệ thuật cắm hoa... Trong nghệ thuật Trà đạo, trong ẩm thực, người Nhật ghi dấu ấn đậm nét với phong cách tinh tế, không lạm dụng quá nhiều gia vị mà chú trọng làm nổi bật hương vị tươi ngon, tinh khiết, tự nhiên. Hương vị các món ăn Nhật thường thanh tao, nhẹ nhàng và phù hợp thiên nhiên từng mùa. Đó chính là tinh thần của kawaii. Ngoài ra kawaii cũng thể hiện trên hình thức trình bày những món ăn. Chúng ta có thể lấy ví dụ là món bánh Wagashi, loại bánh đặc trưng cho phong cách ẩm thực sang trọng và tinh tế bậc nhất của người Nhật. Bánh được tạo hình phỏng theo dáng các loài thực vật. Các cánh hoa thường có hình dạng tròn, tạo hình mềm mại, tông màu pastel – là những màu tạo cảm giác dịu mát, ấm áp, tạo cảm giác nhẹ nhàng, thanh khiết. Kawaii trong ẩm thực của người Nhật còn được thể hiện ngay cả trong những hộp cơm đầy màu sắc, công phu mà người đi học, đi làm hay mang theo để ăn trưa vô cùng thuận tiện. Một hộp cơm Bento (thuận tiện) thường gồm cơm, cá, thịt, rau củ, được sắp xếp và trang trí theo các hình ảnh đáng yêu, tinh nghịch như 36 các con vật, các nhân vật hoạt hình, các cô bé, cậu bé... Việc làm cho hộp cơm đáng yêu, ngộ nghĩnh như thế không chỉ có tính giải trí, vui mắt, mà còn là cả một sự sáng tạo, cả những tâm hồn lạc quan, thêm vào cho mỗi bữa ăn sự tươi mới, sống động. Nó thể hiện nhu cầu tinh thần rất quan trọng của người dân Nhật Bản hiện đại trước những áp lực ngày một lớn của đời sống công nghiệp và sự chênh chao của các giá trị. Kawaii cũng trở thành phong cách mới cho những làn sóng giải trí hàng đầu như âm nhạc, thời trang và phim ảnh. Trong lĩnh vực thời trang, nữ sinh Nhật Bản được biết đến nhiều với trang phục là chiếc váy ngắn, đôi bốt cao kết hợp với chiếc áo khoác sáng màu, nhẹ nhàng và những phụ kiện dễ thương. Cách trang điểm cũng được xem như là đặc trưng của phong cách thời trang này: lông mi dài, dày, cong; kẻ mắt làm cho đôi mắt to, tròn; tóc uốn nhẹ nhàng hoặc để tự nhiên. Một trong những phong cách thời trang mà thế giới biết nhiều về Nhật Bản đó là Lolita. Thời trang Lolita được kết hợp cùng những cá tính riêng của mỗi người, làm nên hình tượng như những con búp bê dễ thương, ngây thơ, xinh xắn với những chiếc váy xòe bồng bềnh nhiều lớp vải, được trang trí thêm bằng ren ruy băng, nơ, tạp dề hay những chiếc ô nhỏ xinh. Trong lĩnh vực âm nhạc, rất nhiều những ngôi sao ca nhạc theo đuổi phong cách đáng yêu, trong sáng, ngây thơ, thể hiện qua trang phục, qua phong cách biểu diễn cũng như các ca khúc của họ như nhóm nhạc Morning Musume, AKB48, Momoiro Clover Z... Họ trở thành thần tượng của giới trẻ và có sự ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần của những người trẻ này. J-pop (tên gọi tắt của nhạc pop Nhật Bản) đã nổi tiếng từ nhiều năm qua nhưng chỉ trong giới hạn châu Á. Những thông tin trên cũng làm người ta nghĩ đến nghệ thuật làm búp bê của Nhật Bản. Đa phần búp bê của Nhật đều nhỏ nhắn, đáng yêu, phong cách thân thiện (chứ không theo phong cách sang trọng, quý phái như búp bê phương Tây). Trong đó, búp bê Daruma có hình dáng phỏng theo dung mạo của thiền sư Bồ Đề Đạt Ma, người sáng lập ra Thiền tông, có ý nghĩa tâm linh đặc biệt. Loại búp bê này thường làm bằng gỗ, hình tròn, sơn đỏ, không có chân tay, khuôn mặt có mắt trống rỗng và 37 có ria mép lớn màu đen. Trong tư thế ngồi thiền, hai chân bắt chéo lên nhau, hai tay xếp sát vào thân, trước bụng viết chữ “Phước”, “Cự Phước”... được nhũ vàng. Daruma tượng trưng cho sự may mắn, thường dùng để làm quà tặng với mong muốn cầu chúc an lành, bình phục sức khỏe. Sự xuất hiện của búp bê Daruma vào khoảng năm 1700 được xem như biểu trưng của văn hóa kawaii thời kì trước. Văn hóa kawaii còn xuất hiện qua những vật dụng phục sức thường ngày, đánh dấu sự phát triển ngành thủ công mĩ nghệ của người Nhật. Một trong số đó là Netsuke (根付), là những đồ vật chạm khắc nhỏ, được phát minh ở Nhật Bản khoảng thế kỉ XVII, thời Edo (khoảng năm 1615 – 1868), đến ngày nay vẫn được lưu giữ như một nét đẹp văn hóa đặc trưng của Nhật Bản. Netsuke ra đời để phục vụ một nhu cầu thiết thực, đó như là một cái túi rời gắn vào trang phục kosode và kimono (vốn không có túi), để mang theo những vật dụng cá nhân như tẩu thuốc, thuốc lá, con dấu, tiền bạc, thuốc men... Đó có thể là một cái túi, một cái giỏ nhỏ, nhưng phổ biến nhất là một cái hộp thủ công mĩ nghệ (inro), được treo vào dải thắt lưng của áo thụng bằng một sợi dây nhỏ. Các hộp này được điêu khắc, chạm trổ rất tinh xảo, hình dáng đa dạng (hình người, ngành nghề, loài vật, cây cỏ...), nhưng điểm chung của chúng là nhỏ gọn, sinh động, hài hòa, tạo cảm giác thoải mái và ưa thích cho người sử dụng. Kawaii ảnh hưởng hầu hết trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hóa xã hội của Nhật Bản, một đất nước tự tin vững bước với sự độc tôn đặc biệt của riêng mình. Hình ảnh những con vật đáng yêu được trang trí trên các hàng rào, biển báo đến các phương tiện giao thông như ô tô, máy bay... trở thành biểu tượng của các thành phố, các tổ chức văn hóa hay kênh truyền hình. Phụ nữ cũng lựa chọn cho mình những trang phục làm nổi bật sự dễ thương, mang kiểu dáng của trẻ nhỏ, những màu sắc tươi sáng, ấm áp, có thể kết hợp các phụ kiện như đồ chơi, túi... Không chỉ phụ nữ mà ngay cả nam giới cũng tham gia xu hướng này. Họ có thể hóa trang thành các nhân vật trong truyện tranh hay hoạt hình để phục vụ cho các chương trình giải trí. Sở Cảnh sát Tokyo có hình đại diện là Pi-Po Chan, một chú chuột hoạt hình, được thể hiện trên chính bộ Cảnh phục. Người nước ngoài nhìn vào 38 có thể cho rằng cảnh sát Tokyo không nghiêm túc, nhưng người Nhật lại nghĩ Pi-Po Chan giúp họ gần với các anh cảnh sát nghiêm nghị hơn, vì cảnh sát không phải để đe dân, mà là người giữ an bình, hòa đồng xã hội và củng cố trật tự, gần gũi và đáng yêu trong mắt người dân. Khi mở tài khoản trong một ngân hàng Nhật Bản, khách sẽ được mời lựa chọn những mẫu thẻ tín dụng và sổ ngân hàng in hoạt hình rất độc đáo, từ Hello Kitty, Doraemon đến Pokemon. Cùng với thiết kế thẻ mới chọn, khách sẽ được tặng một chiếc khăn lông to bự hay một giỏ đi chơi rất dễ thương mang cùng hình nhân vật trên thẻ để sưu tập. Hãng Hàng không quốc gia Nhật Bản thì cho sơn hình Pikachu cười toe toét, màu vàng chói lọi trên thân những chiếc máy bay Boeing 747. Đây là cách họ tách biệt mình ra khỏi những biểu tượng cao sang nhưng dễ nhầm lẫn của các hãng hàng không khác. Kawaii cũng được thể hiện trong các lễ hội văn hóa truyền thống của người Nhật. Lễ hội Tango no Sekku (端午の節句) được biết đến như ngày của các bé trai và Hinamatsuri là ngày của các bé gái, sau đó đã được gộp lại và lấy ngày mùng 5 tháng 5 gọi chung là Ngày của trẻ em (こどもの日), nhằm thể hiện sự tôn trọng nhân cách của trẻ em và chào mừng hạnh phúc của chúng. Vào ngày này, các gia đình sẽ treo các lá cờ dạng cá chép koinobori. Các gia đình cũng bày một búp bê Kintarō thường cưỡi trên một con cá chép lớn, và chiếc mũ giáp quân đội truyền thống của Nhật Bản, kabuto, do truyền thống của họ như là biểu tượng sức mạnh và sức sống. Theo truyền thống Nhật Bản, người ta (đặc biệt là trẻ em) sẽ ăn bánh giầy mochi (bánh nhân mứt đậu đỏ), được gói trong lá kashiwa (sồi), gọi là kashiwa-mochi và chimaki (một kiểu “mứt gạo nếp”, gói trong lá diên vĩ hoặc lá tre). Từ những chú cá koi đến búp bê Kintarō, chiếc mũ kabuto hay món bánh mochi đều toát lên tinh thần của kawaii. Trong văn hóa tâm linh, người Nhật đặc biệt dành sự kính ngưỡng cho thần Jizo (Địa Tạng Bồ Tát), người Nhật gọi là Jizo Bosatsu hay O-Jizo-Sama, Jizo-san, vị thần bảo hộ trẻ em ở thế giới bên kia. Hình tượng Jizo được kế thừa từ Phật giáo, nhưng khi đến với Nhật Bản, lại được sáng tạo phù hợp với những đặc trưng riêng trong cách tri nhận thẩm mĩ của họ. Đa phần tượng Jizo ở Nhật Bản đều có kích 39 thước nhỏ, mang một khuôn mặt trẻ thơ, rất đáng yêu, mặc quần áo và mang yếm của trẻ nhỏ. Jizo được xem như là vị cứu tinh xoa dịu những đau khổ, che chở những đứa trẻ ở thế giới bên kia, và đáp lại lời cầu nguyện sức khỏe cũng như thành công cho những người đang sống. 2.2.2. Những dấu vết của kawaii từ mĩ học truyền thống Văn học Nhật Bản có một mô hình phát triển khá đặc biệt: thu nhận tất cả và không loại bỏ gì hết: haiku không xóa bỏ waka, kabuki không thay thế Noh và Kyogen. Không có sự xung đột một mất một còn giữa cái cũ và cái mới. Do đó, những khái niệm thẩm mĩ của người Nhật thuở trước vẫn còn cho đến ngày nay: mono no aware thời Heian, yugen thời Kamakura, wabi và sabi thời Muromachi, iki thời Tokugawa... Vậy, mối liên hệ giữa kawaii với những thẩm mĩ truyền thống ra sao? Giữa chúng, là một sự đứt gãy hay là sự tiếp biến? Người Nhật ở từng thời kì, do sự chi phối của hoàn cảnh lịch sử, sẽ có những tình cảm thẩm mĩ khác nhau. Cảm thức thẩm mĩ chủ đạo thời Heian là mono no aware ((物の哀れ - bi cảm nhân sinh) và miyabi (雅 - nhã). Aware (mono no aware) được hiểu là nỗi buồn sự vật / “vật ai”, là cảm xúc xao xuyến, bâng khuâng, luyến tiếc trước vẻ đẹp luôn biến đổi của sự vật (thiên nhiên và con người). Miaybi là sự tinh tế, tao nhã trong mối quan hệ con người - thiên nhiên, biểu hiện chủ yếu là ở thái độ ngưỡng vọng, nâng niu những tạo vật mong manh, nhỏ bé. Hai thẩm mĩ này nói về mối quan hệ ứng xử giữa con người với... đâu trên đất nước Nhật cũng thấy dấu ấn của kawaii in rõ nét. Từ những món ăn trong bữa cơm, những thức bánh trong lễ hội, trang phục hàng ngày, quà 145 tặng, cuốn truyện tranh, âm nhạc, cắm hoa, ... cho đến những biển báo giao thông, hàng rào, cửa hiệu... Nó không chỉ thúc đẩy sự phát triển của các loại dịch vụ, thương mại của đất nước mà còn là cơ hội để thể hiện nhiều khía cạnh của xứ sở này ở tầng sâu như văn học. 2. Y. Banana đã trở thành một cây bút tiên phong chất lượng hàng đầu trong việc “mã hóa” thành công thẩm mĩ kawaii vào văn học. Vừa kế thừa dòng chảy thẩm mĩ truyền thống Nhật Bản như mono no aware, miyabi, yugen, sabi, wabi..., vừa tắm đẫm trong bầu không khí của văn hóa đại chúng, nhất là mối quan tâm và ảnh hưởng rất lớn từ shoujo manga, tác giả Y. Banana có cơ hội được gieo trên mảnh đất của mình một thế giới tươi mới mà sự neo đậu của chúng không gì khác hơn ngoài sự hài hòa và triết lí đề cao tình yêu thương của văn học muôn đời. Trong không gian mới (xã hội đương đại), văn học cũng như các hình thái ý thức xã hội khác, đã mở rộng biên độ khi tiếp thu và sáng tạo tất cả những nét độc đáo của văn hóa, mĩ học và các loại hình nghệ thuật khác nhau để phát triển, xây dựng những phong cách mới, những diện mạo mới. Văn học Nhật Bản, trong một “tạo hình” mới mang dáng dấp của phương Tây được cho là quá “lai Mĩ”, đánh mất vẻ đẹp của văn học Nhật Bản truyền thống, chịu ảnh hưởng của văn hóa đương đại (văn hóa đại chúng – mass culture, văn hóa phổ biến – pop culture), những cây bút trẻ đầy năng lượng trong đó có Y. Banana, đã cống hiến với con đường nghệ thuật riêng biệt. Con đường nghệ thuật ấy của Y. Banana mang đậm dấu ấn của một quan niệm thẩm mĩ mới – kawaii. Y. Banana đã tạo ra một dấu nối tương đương từ mã đặc thù của kawaii như một tinh thần chủ đạo của văn hóa đại chúng lẫn kawaii như là kết quả của nguồn mạch thẩm mĩ truyền thống vẫn chảy trong tâm hồn người dân Nhật Bản. Nhưng không dừng lại với cấp độ mô phỏng hay minh họa, Y. Banana đã sáng tạo chúng trong văn chương để đem đến những giá trị đẹp cho con người đương đại. Kawaii là thẩm mĩ gắn liền với vẻ đẹp nhỏ nhắn, xinh xắn, đáng yêu, tạo cho con người một cảm xúc tích cực, lạc quan, kiên cường. Cho dù đời sống tinh thần của cả một thế hệ trẻ Nhật Bản đang dần kiệt quệ, những nỗi đau tinh thần đã làm thay đổi cuộc đời con người ghê gớm, nhưng hệ giá trị mà kawaii mang lại, sức mạnh của 146 tình cảm giữa con người với con người, tình bạn, tình cảm gia đình hay tình yêu trong sáng và thuần khiết... sẽ là điểm tựa vững chắc cho mỗi con người. Bằng cách đó, mỗi sáng tác của Y. Banana mang lại cho người đọc những nhận thức mới mẻ về những điều tưởng đã cũ: gia đình, tình yêu, hôn nhân, tình bạn... Đó là cái nhìn đầy bao dung với con người vượt qua cả những giới hạn đạo đức vốn có. Chính những quan niệm mới mẻ bắt nguồn từ sự nhạy cảm và tình yêu thương con người của Y. Banana là một trong nhiều lý do khiến tác phẩm của cô thành công đến vậy. Đó không phải là quá trình đổi mới tư duy nghệ thuật một cách tùy tiện, bẻ gãy truyền thống hay bê nguyên si những gì đã tiếp thu được mà là cả một con đường sáng tạo vừa năng động, vừa không tách rời khỏi tâm thức mĩ học truyền thống. Phong cách của Y. Banana có sự kết hợp giữa truyền thống – những rung cảm tinh tế của tâm hồn con người với tinh thần hiện đại – văn hóa đại chúng, giữa những giá trị cũ và mới, tất cả hòa quyện trong những sáng tạo nghệ thuật tuyệt vời. Đọc tác phẩm của Y. Banana cũng như ta đang bước đi trong cuộc sống để khám phá nó, giống như ý nghĩa của Amrita: Sống như uống lấy từng giọt nước thánh . 3. Với thẩm mĩ kawaii, Y. Banana đã góp vào một tiếng nói mới mẻ trong cách lựa chọn cái thẩm mĩ của cộng đồng. Y. Banana là người tiếp thụ và đứng giữa những dấu ấn của văn học tinh hoa với văn học đại chúng. Sự lên ngôi và thăng hoa của thẩm mĩ kawaii trong thời kì này có ý nghĩa lớn đối với con người đương đại, như là điểm tựa cho họ nương vào trước nhiều con sóng dữ của thời đại: nền văn minh kĩ trị, sự phát triển vũ bão của khoa học kĩ thuật kéo theo sự thơ ơ lạnh nhạt trong đời sống tâm hồn, tình cảm, dư âm của chiến tranh, những bất an và biến cố vô thường của đời sống... Con người hơn lúc nào hết muốn vươn tới vẻ đẹp thánh thiện để rời xa những xấu xí của cuộc sống. Luận án đã từng bước làm rõ những biểu đạt phong phú và sâu sắc của thẩm mĩ kawaii trong sáng tác của Y. Banana, qua đời sống của các nhân vật, qua vẻ ngoài, qua tính cách, tâm hồn, qua sở thích và vùng thẩm mĩ của các nhân vật, qua thế giới mà họ sống với các dạng thức của không gian, thời gian... Tất cả thường gắn với thiên hướng nữ tính, dễ thương, trong sáng, nhẹ nhàng, nhỏ nhắn, chẳng với những điều giản dị nhưng mát lành, ấm áp 147 trong cuộc sống.... Qua những nhân vật đáng yêu như thế, không gian, thời gian cũng trở nên tươi sáng hơn, nên thơ hơn và đáng trân trọng, nâng niu hơn. Kawaii trở thành linh hồn cho mọi cái nhìn về cảnh, về người. Y. Banana viết về những người trẻ tuổi, đi sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật nhưng chú ý đặc biệt ở những biểu cảm nhẹ nhàng, tinh tế, ở cái ấm áp của mối quan hệ giữa con người với nhau, trân trọng những điều mong manh trong cuộc sống, hàn gắn những vết thương tinh thần và phát triển khái niệm gia đình. Dưới ánh sáng thẩm mĩ kawaii, Y. Banana đã gửi tới con người thông điệp để con người trở nên thánh thiện hơn. Cảm quan sống của các nhân vật trong sáng tác của Banana với toàn bộ thế giới xung quanh thật giản đơn, khiến người đọc có cảm giác cuộc sống đơn giản chỉ là như thế, không có gì ngoài thế. Cuộc sống vì thế mà cũng hiện lên giản đơn trong sáng đẹp đẽ, dù con người và sự việc có thực sự đẹp đẽ, tươi vui hay đầy rẫy nỗi đau chăng nữa. Hơn thế nữa, Y. Banana đã “nâng cấp” kawaii thành một khái niệm thẩm mĩ chứ không chỉ là một biểu hiện của văn hóa đại chúng. Trong cuộc thể nghiệm văn chương này, Y. Banana đã tìm kiếm những màu sắc riêng cho mình. Trong tư cách hai vai: người thụ hưởng không gian văn hóa kawaii và người tiếp biến, phát triển nó vào trong văn chương để đem đến một hiệu quả mới cho khái niệm này, Y. Banana đã làm tốt trong việc thể hiện cả hai điều đó một cách thật nhuần nhuyễn trên từng trang viết. Sáng tác của Y. Banana là những câu chuyện về cái đẹp. Cái đẹp luôn choán chỗ trong mọi cái nhìn, trong cảm thức về thực tại của các nhân vật của Y. Banana. Nhưng đó là cái đẹp trong dáng vẻ hiện đại của nó và trong cảm thức hiện đại về nó, mong manh đầy bất trắc nhưng đáng yêu và đáng trân trọng. Có nhiều con đường khác nhau để tiếp cận thế giới nghệ thuật của một nhà văn. Với những sáng tác của Y. Banana, đặt trong từ trường của vùng thẩm mĩ kawaii, bỗng trở nên xác hợp đến lạ, bởi đó chính là môi trường đã nuôi lớn một tác giả đương đại như Y. Banana – người đã hấp thụ thẩm mĩ kawaii trong sự lan tỏa của văn hóa đại chúng mà shoujo manga là một ví dụ. Y. Banana đã để lại dấu ấn với những tác phẩm mang đặc điểm của văn chương hiện đại, không chú ý quá nhiều vào những đại tự sự, cũng không chú ý đến những 148 sự kiện, biến cố, mà quan tâm đến phản ứng của con người trước những biến cố. Sinh ra và lớn lên trong môi trường của kawaii, giờ đây, trong vai người sáng tạo, Y. Banana đã tiếp thu những điều mình thụ hưởng để tạo ra một phong vị mới cho mảnh đất văn chương của mình. 149 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ 1. Nguyễn Thị Huỳnh Trang (2017), Sáng tác của Yoshimoto Banana từ góc nhìn Phê bình sinh thái, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Phê bình sinh thái: tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu, MXB. Khoa học xã hội 2. Nguyễn Thị Huỳnh Trang (2018), Tiểu thuyết của Yoshimoto Banana và Shoujo manga từ góc nhìn so sánh thể loại, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 07 3. Nguyễn Thị Huỳnh Trang (2020), Sự độc đáo của Yoshimoto Banana qua thẩm mĩ Kawaii, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 04 150 TÀI LIỆU THAM KHẢO A- TIẾNG VIỆT 1. Andrew Juniper (2003), Wabi Sabi Nghệ thuật Nhật Bản về lẽ vô thường, NXB. Turtle, Hoa Kì, Mai Liên dịch 2. Aninik Howa Gendrot (2003), Nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản, NXB. Đà Nẵng 3. Đào Tuấn Ảnh, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Thị Hoài Thanh (2004), Văn học hậu hiện đại thế giới – Những vấn đề lí thuyết, NXB. Hội Nhà văn, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây 4. Trần Lê Bảo (2012), Giáo trình văn hóa phương Đông, NXB. Đại học Sư phạm, Hà Nội 5. Lê Huy Bắc (2006), Nghệ thuật Franz Kafka, NXB. Giáo dục, Hà Nội 6. Roland Barthes (1997), Độ không của lối viết, Nguyên Ngọc dịch và giới thiệu, NXB. Hội nhà văn, Hà Nội 7. Roland Barthes (2008), Những huyền thoại, Phùng Văn Tửu dịch, NXB. Tri thức, Hà Nội 8. Ruth Benedict (2016), Hoa cúc và gươm – Những mẫu hình văn hóa Nhật Bản, NXB. Hồng Đức, Hà Nội 9. Chieko Hosokawa & Fumin (2001), Trở lại Cairo – Nữ hoàng Ai Cập (tập 9), NXB. Kim Đồng 10. Carl Gustav Jung (2007), Thăm dò tiềm thức, NXB. Tri thức, Hà Nội 11. Nhật Chiêu (2001), “Genji Monogatari, kiệt tác của văn học Nhật Bản”, Tạp chí văn học, số 11, Hà Nội 12. Nhật Chiêu (2003), Văn học Nhật Bản từ khởi thủy đến 1868, NXB. Giáo dục, Quy Nhơn 13. Nhật Chiêu (2003), Nhật Bản trong chiếc gương soi, NXB. Giáo dục, Đà Nẵng 14. Đào Ngọc Chương (2003), Thi pháp tiểu thuyết và thi pháp tiểu thuyết Hemingway, NXB. Đại học quốc gia TP. HCM 15. Đào Ngọc Chương (2008), Phê bình huyền thoại, NXB. Đại học quốc gia TP. HCM 151 16. Đào Ngọc Chương (2010), Truyện ngắn dưới ánh sáng so sánh, NXB. Văn hóa thông tin, 2010 17. Nguyễn Văn Dân (2004), Phương pháp luận nghiên cứu văn học, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội 18. Nguyễn Văn Dân (2011), Lý luận văn học so sánh, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội 19. Trương Đăng Dung (1998), Từ văn bản đến tác phẩm văn học, NXB. Khoa học xã hội, HN 20. Daniel Grojnowski (1993), Đọc truyện ngắn, Trần Hinh – Phùng Kiên dịch (2017), NXB. Hội nhà văn, Hà Nội 21. Đặng Anh Đào (1995), Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại, NXB. Giáo dục, Hà Nội 22. Trịnh Bá Đĩnh (2017), Từ kí hiệu đến biểu tượng, NXB. Khoa học Xã hội 23. Hà Minh Đức (1997), Lí luận văn học, NXB. Giáo dục, Hà Nội 24. E. M. Meletinsky (2004), Thi pháp của huyển thoại, NXB. Đại học quốc gia Hà Nội 25. Sigmund Freud (2002), Phân tâm học nhập môn, NXB. ĐHQG HN, H 26. Erich Fromm (2003), Ngôn ngữ bị lãng quên, NXB. Văn hóa thông tin, Hà Nội 27. Fujiko. F. Fujio (1994), Đôrêmon (Doraemon), NXB. Kim Đồng, Hà Nội 28. G. N. Pospelov (1985), Dẫn luận nghiên cứu văn học, NXB. Giáo dục, Hà Nội 29. Đoàn Lê Giang (1997), “So sánh quan niệm trong văn học cổ điển Việt Nam và Nhật Bản”, Tạp chí Văn học, số 9, Hà Nội 30. Đoàn Lê Giang (1998), “Sự ra đời của từ văn học và quan niệm mới về văn học ở các nước Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản”, Tạp chí Văn học, số 6, HN 31. J. F. Lyotard (2007), Hoàn cảnh hậu hiện đại, NXB. Tri thức, Hà Nội 32. Hans Robert Jauss (1921), Lịch sử văn học như là sự khiêu khích, Trương Đăng Dung dịch và giới thiệu, Tạp chí Văn học nước ngoài, số 1/ 2002 33. Hasebe Heikichi (1997), Văn hóa và văn học Nhật Bản – đặc điểm chung và sự tiếp nhận dưới góc độ cá nhân, Luận án Phó Tiến sĩ Khoa học Ngữ văn, Viện Văn học, Hà Nội 152 34. Haruki Murakami (2005), Rừng Na-Uy, Trịnh Lữ dịch, NXB. Hội Nhà văn, Hà Nội 35. Haruki Murakami (2007), Kafka bên bờ biển, Dương Tường dịch, NXB. Văn học 36. Haruki Murakami (2008), Biên niên kí chim vặn dây cót, Trần Tiễn Cao Đăng dịch, NXB. Hội Nhà văn 37. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) (2006), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB. Giáo dục, Hà Nội 38. Đào Thị Thu Hằng (2006), Nghệ thuật kể chuyện trong tác phẩm Yasunari Kawabata, Luận án Tiến sĩ, Viện Văn học, Hà Nội 39. Đào Thị Thu Hằng (2007), Văn hóa Nhật Bản và Yasunari Kawabata, NXB. Giáo dục, Hà Nội 40. Hê-ghen (1999), Mỹ học, Phan Ngọc giới thiệu và dịch, tập 1, NXB. Văn học 41. Đào Duy Hiệp (2008), Phê bình văn học từ lý thuyết hiện đại, NXB. Giáo dục, Hà Nội 42. Lưu Hiệp (1999), Văn tâm điêu long, Phan Ngọc dịch, NXB. Văn học 43. Đỗ Đức Hiểu (2000), Thi pháp hiện đại, NXB. Hội nhà văn, Hà Nội 44. Hoàng Thị Minh Hoa (2005), “Nhật Bản sau chiến tranh thế giới thứ hai dưới góc độ đặc thù dân tộc”, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 3 45. Nguyễn Thái Hòa (2000), Những vấn đề thi pháp của truyện, NXB. Giáo dục, Hà Nội 46. Lê Phụng Hoàng (chủ biên) (2006), Lịch sử văn minh thế giới, NXB. Giáo dục, Hà Nội 47. Nguyễn Thị Từ Huy (2009), Alain Robbe – Grillet: Sự thật và diễn giải, NXB. Hội nhà văn, Hà Nội 48. Immanuel Kant (2007), Phê phán năng lực phán đoán, Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, NXB. Tri Thức, Hà Nội 49. James George Frazer (2007), Cành vàng, Ngô Bình Lâm dịch, NXB. Văn hóa thông tin, Hà Nội 50. Jean Chevalier, Alain Gheerbrand (2002), Từ điển biểu tượng thế giới, NXB. Đà Nẵng 153 51. Jean – Francois Lyotard (2008), Hoàn cảnh hậu hiện đại, NXB. Tri thức, Hà Nội 52. Keiko Yamanaka (1991), Con người và thời đại Nhật thập kỉ 90, NXB. TP. HCM 53. Kawabata Yasunari (1968), Sinh ra từ vẻ đẹp Nhật Bản, Diễn từ Nobel Văn học, Đoàn Tử Huyến dịch, NXB. Lao động – Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội 54. Nguyễn Thị Dư Khánh (2006), Thi pháp học và vấn đề giảng dạy văn học trong nhà trường, NXB. Giáo dục 55. Nguyễn Phương Khánh (2018), Nhật Bản từ mĩ học đến văn chương, NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội 56. Phùng Ngọc Kiên (2017), Những thế giới song song: khả thể và giới hạn trong (tái) diễn giải văn chương, NXB. Tri thức, Hà Nội 57. Cao Kim Lan, “Lí thuyết về điểm nhìn nghệ thuật của R. Scholes và R. Kellogg”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 10/ 2008 58. Nguyễn Thị Mai Liên (2010), Hợp tuyển văn học Nhật Bản, NXB. Lao động - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội. 59. Nguyễn Thị Mai Liên (2015), “Hạ đỏ” của Nguyễn Nhật Ánh và “Tugumi‟ của Y. Banana từ góc nhìn hội họa shoujo manga, Nguyễn Nhật Ánh hiệp sĩ tuổi thơ, NXB Đại học Quốc gia. 60. Lotman, Iu.M, Trần Ngọc Vương dịch (2007), Cấu trúc văn bản nghệ thuật, Nxb. ĐHQG HN 61. Phạm Phương Mai (2010), Yếu tố tình dục trong tiểu thuyết của Murakami, Luận văn Thạc sĩ, trường Đại học Sư phạm. TP. HCM 62. Matsuo Basho (1998), Con đường thiên lí hẹp – cuộc hành trình Haiku, Hàn Thủy Giang dịch, NXB. Hà Nội 63. M. Bakhtin (2002), Lí luận và thi pháp tiểu thuyết, NXB. Hội nhà văn, Hà Nội 64. Milan Kundera (1998), Nghệ thuật tiểu thuyết, Nguyên Ngọc dịch, NXB. Đà Nẵng 65. Mitsuyoshi Numano (2009), Lịch sử văn học Nhật Bản, Trung tâm Giao lưu 154 Văn hóa Nhật Bản 66. Mitsuyoshi Numano (2009), Thế giới thơ và tiểu thuyết – Từ Truyện Genji đến Haruki Murakami, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản 67. Murakami Shigeyoshi (2005), Tôn giáo Nhật Bản, Trần Văn Trình dịch, NXB. Tôn giáo, Hà Nội 68. Murasaki Shikibu (1991), Truyện Genji, nhiều người dịch, NXB. Hà Nội 69. Nao Takeachi (1995), Thủy Thủ Mặt Trăng, tập 9, Công chúa Kim Cương, NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội 70. Nao Takeachi (1995), Thủy Thủ Mặt Trăng, tập 14, Trận đấu với người mây, NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội 71. Nao Takeachi (1995), Thủy Thủ Mặt Trăng, tập 15, Tu-xê-đô và Bani Tsukino, NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội 72. Nao Takeachi (1995), Thủy Thủ Mặt Trăng, tập 17, Coi chừng ! Trên núi có..., NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội 73. Nao Takeachi (1995), Thủy Thủ Mặt Trăng, tập 20, Lời nhắn gửi từ quá khứ, NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội 74. Nao Takeachi (1995), Thủy Thủ Mặt Trăng, tập 20, Thức tỉnh, NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội 75. Nao Takeachi (1995), Thủy Thủ Mặt Trăng, tập 22, Niềm thương nhớ, NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội 76. Nao Takeachi (1995), Thủy Thủ Mặt Trăng, tập 23, Sự biến thân mới, NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội 77. Nao Takeachi (1995), Thủy Thủ Mặt Trăng, tập 26, Bí mật thế giới ma quỷ, NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội 78. Nao Takeachi (1995), Thủy Thủ Mặt Trăng, tập 27, Thiên sứ, NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội 79. Nao Takeachi (1995), Thủy Thủ Mặt Trăng, tập 28, Tuyệt giao, NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội 155 80. Nao Takeachi (1995), Thủy Thủ Mặt Trăng, tập 30, Hãy bảo vệ nhóc, NXB Văn hóa - Thông tin, Hà Nội 81. Đặng Bích Ngân (chủ biên) (2002), Từ điển thuật ngữ mĩ thuật phổ thông, NXB. Giáo dục, Hà Nội 82. Hữu Ngọc (2006), Dạo chơi vườn văn Nhật Bản, NXB. Văn nghệ, Hà Nội 83. Nhiều tác giả (2010), Kỷ yếu hội thảo Quá trình hiện đại hóa văn học Nhật Bản và các nước khu vực văn hóa chữ Hán: Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc (từ cuối thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX), Khoa Văn học và Ngôn ngữ, trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn, TP. HCM 84. Nguyễn Diệu Minh Chân Như (2009), Đạm trong tuyệt cú của Vương Duyvà wabi trong thơ haiku của Basho, Luận văn Thạc sĩ Đại học Sư phạm TP. HCM 85. N. Konrat (1997), Phương Đông và phương Tây, Trịnh Bá Đĩnh dịch, NXB. Giáo dục, Hà Nội 86. N. Konrat (1999), Văn học Nhật Bản từ cổ điển đến cận đại, Trịnh Bá Đĩnh dịch, NXB. Đà Nẵng 87. Lê Lưu Oanh (2011), Văn học và các loại hình nghệ thuật, NXB. Đại học Sư phạm, Hà Nội 88. Hoàng Phê chủ biên (2005), Từ điển tiếng Việt, Viện ngôn ngữ học, NXB. Đà Nẵng 89. R. Jakobson (1986), “Bàn về các tín hiệu thị giác và thính giác”, Trịnh Bá Đĩnh dịch, Tạp chí Nghiên cứu văn học (06/2007), Viện Văn học, Học viện Khoa học xã hội Việt Nam 90. Nguyễn Văn Sĩ (1993), “Văn xuôi Nhật Bản hiện đại”, Tạp chí Văn học, số 2 91. Trần Đình Sử (1993), Một số vấn đề thi pháp học hiện đại, Bộ GDĐT – Vụ giáo viên, Hà Nội 92. Trần Đình Sử (1996), Lí luận và phê bình văn học, NXB. Hội nhà văn 93. Trần Đình Sử (1998), Giáo trình dẫn luận thi pháp học, NXB. Giáo dục, Hà Nội 94. Trần Đăng Suyền (2014), Phương pháp nghiên cứu và phân tích tác phẩm văn học, NXB. Giáo dục, Hà Nội 156 95. Stephen Wilson (2003), Sigmund Freud – nhà phân tâm học thiên tài, NXB. Trẻ, TP. HCM 96. Suzue Miuchi (2006), Mặt nạ thủy tinh (tập 3), NXB. Kim Đồng, Hà Nội 97. Takeo Doi (2008), Giải phẫu sự phụ thuộc, NXB. Tri thức, Hà Nội 98. Takeo Doi (2008), Giải phẫu cái tự ngã: cá nhân chọi với xã hội, NXB. Tri thức, Hà Nội 99. Lê Ngọc Tân (2002), Chủ nghĩa tự nhiên Zola và tiểu thuyết, NXB. Hội nhà văn, Hà Nội 100. Phạm Hồng Thái (2005), “Đời sống tôn giáo Nhật Bản hiện nay”, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, 9/2005 101. Đỗ Lai Thúy (2007), Phê bình văn học và tính cách dân tộc, NXB. Tri thức, Hà Nội 102. Đỗ Lai Thúy (2009), Bút pháp của ham muốn: Phê bình phân tâm học, NXB. Tri thức, Hà Nội 103. Nguyễn Thị Bích Thúy (2010), “Phức cảm Genji trong tiểu thuyết Kafka bên bờ biển của Haruki Murakami”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 05 104. Nguyễn Thị Thu Thủy (2003), Ngôn ngữ kể chuyện trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội 105. Lộc Phương Thủy (2007), Lí luận và phê bình văn học phương Tây, NXB. Giáo dục. 106. Lại Văn Toàn (chủ biên) (1998), Văn học Nhật Bản, Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia viện thông tin Khoa học xã hội, Nxb thông tin khoa học xã hội - chuyên đề, Hà Nội 107. Tzvetan Todorov (2004), Thi pháp văn xuôi, Đặng Anh Đào, Lê Hồng Sâm dịch, NXB. ĐHSP HN 108. Tzvetan Todorov (2004), Mikhail Bakhtin: Nguyên lí đối thoại, Đào Ngọc Chương dịch, NXB. ĐHQG TP. HCM 109. Trần Hương Trà (2014), Tiểu thuyết Vĩnh biệt Tugumi từ góc nhìn hội họa shoujo manga, Luận văn Thạc sĩ, Đại học Sư phạm Hà Nội 157 110. Nguyễn Thị Huỳnh Trang (2011), Tìm hiểu đặc điểm nghệ thuật trong tác phẩm của Y. Banana, Luận văn Thạc sĩ Văn học, Đại học Sư phạm TP. HCM 111. Nguyễn Thị Huỳnh Trang (2017), “Sáng tác của Y. Banana từ góc nhìn phê bình sinh thái”, Kỉ yếu Hội thảo quốc tế Phê bình sinh thái – tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu, Viện Văn học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, NXB. Khoa học xã hội 112. Nguyễn Thị Huỳnh Trang (2018), “Tiểu thuyết của Y. Banana và shoujo manga từ góc nhìn so sánh thể loại”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 07, Viện Văn học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam 113. Nguyễn Gia Trí (1993), Một số ghi chép của Nguyễn Gia Trí (Các bậc thầy hội họa Việt Nam Tô Ngọc Vân - Nguyễn Gia Trí - Nguyễn Sáng - Bùi Xuân Phái), NXB. Mĩ thuật, Hà Nội 114. Hoàng Trinh (1990), Từ kí hiệu học đến thi pháp học, NXB. Khoa học xã hội 115. Nguyễn Thành Trung (2010), Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Gabriel Garcia Marquez, Luận văn Thạc sĩ, trường ĐHSP. TP. HCM 116. Hoàng Ngọc Tuấn (2002), Văn học hiện đại và hậu hiện đại qua thực tiễn sáng tác và góc nhìn lý thuyết, NXB. Văn nghệ, Hà Nội 117. Phùng Văn Tửu (2002), Tiểu thuyết Pháp hiện đại – Những tìm tòi đổi mới, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội 118. Phùng Văn Tửu (2010), Tiểu thuyết trên đường đổi mới nghệ thuật, NXB. Tri thức 119. Huỳnh Vân (1990), “Quan hệ văn học – hiện thực và vấn đề tác động, tiếp nhận và giao tiếp thẩm mĩ”, trong Văn học và hiện thực, NXB. Khoa học xã hội 120. V. Pronikov, I. Ladanov (2004), Người Nhật, Đức Dương dịch, NXB. Tổng hợp TP. HCM 121. Vladimir Nabokov (2015), Lolita, Dương Tường dịch, NXB. Hội nhà văn, Hà Nội 122. V. V. Otrinnikov (1996), “Những quan niệm thẩm mĩ độc đáo về nghệ thuật của người Nhật”, Phong Vũ dịch, Tạp chí Văn học, số 05, Hà Nội 158 123. Nguyễn Thị Thanh Xuân chủ biên (2008), Văn học Nhật Bản ở Việt Nam, NXB. Đại học quốc gia TP. HCM 124. Yoshimoto Banana, (2006), Kitchen, Lương Việt Dzũng dịch, NXB. Hội nhà văn, Hà Nội 125. Yoshimoto Banana, (2006), N.P, Lương Việt Dzũng dịch, NXB. Đà Nẵng 126. Yoshimoto Banana, (2007), Vĩnh biệt Tugumi, Vũ Hoa dịch, NXB. Đà Nẵng 127. Yoshimoto Banana, (2008), Amrita, Trần Quang Huy dịch, NXB. Đà Nẵng 128. Yoshimoto Banana, (2008), Say ngủ, Trương Thị Mai dịch, NXB. Văn học Sài Gòn 129. Yoshimoto Banana, (2009), Thằn lằn, Nguyễn Phương Chi dịch, NXB. Văn học, Hà Nội 130. Yoshimoto Banana, (2014), Hồ, Uyên Thiểm dịch, NXB. Hội nhà văn, Hà Nội 131. Yoshimoto Banana, (2018), Nắp biển, Dương Thị Hoa dịch, NXB. Hội nhà văn, Hà Nội B - TIẾNG ANH 132. Connie Wang Hongyu (2006), Fantastic Elements, Speacial Families and Feminine Power in Healing – A Study of Y. Banana‟s Novels, A Thesis Submitted for The Degree of Master of Arts, Department of Japanese Studies, National University of Singapore 133. Emerald Louise King (2008), Hot young things: re-writing young Japanese women for the new century, the 17 th Biennial Conference of the Asian Studies Association of Australia in Melbourne 134. Frederick Jameson (1992), Postmodernism and Comsumer Society, Longman, New York 135. Giorgio Amitrano (1996), The New Japanese Novel: Popular Culture and Literary Tradition in the Work of Murakami Haruki and Y. Banana, Italian School of East Asian Studies 136. Gordon Lynch (2005), Understand Theology and Popular Culture, Blackwell Publishing, Malden 159 137. Imamura Anne (1996), Re-Imaging Japanese Women, Berkeley, Los Angeles, London: University of California Press 138. Inuhiko Yomota (2006), Kawaii Ron, Chikuma 139. Ioana Fotache (2016), A Subculture of Their Own - Ecriture Shoujo and Banana Yoshimoto‟s The Lake, Nagoya University 140. Jimmy Heung Kak Lam (2006), A Comparative Study of the Themes of Yoshimoto Banana‟s “First Phase Bananna”: Tugumi, N.P and Amrita, The Degree of Master of Philosophy at the Department of Japanese Studies of the University of Hong Kong 141. Joseph T. Shipley (1964), Dictionary of the world literature, Littlefield, Adams and Company, New Jersey 142. Kan Sotoko (2007), “Kawaii” – The keyword of Japanese Girls‟ Culture, Ochanomizu University 143. Sharon Kinsella (1995), Cuties in Japan, In: Skov, L. and Moeran, B. (eds) Women, Media and Consumption in Japan. London: Curzon Press, 220-254. 144. Kyoko Koma (2013), Kawaii as represented in Scientific Research: The Possibilities of Kawaii Cutural Studies, International Research Centre for Japanese Studies 145. Mayako Murai (2015), From Dog Bridegroom to Wolf Girl: Contemporary Japanese Fairy-Tale Adaptations in Conversation with the West, Wane State University Press, Detroit, Michigan 146. Martin Ramsay (2009), Single frame heroics: New ways of Being in the fiction of Y. Banana, Thesis of Ph.D, Swinburn University of Technology, Australia 147. Mihm Gesa Doris (1998), Shoujo and beyond: Depiction of the world of women in fictional works of Banana Yoshimoto, The Faculity of East Asia Study, The University of Arizona. 148. Nobuko Awaya and David P. Philips (1996), Popular Reading – The Literary World of the Japanese Working Women, from Re-Imaging Japanese Women, edited and with an introduction by Anne E. Ianamura, University of California Press 160 149. Noriko Mizuta Lippit (1980), Reality and Fiction in modern Japanese, M. E. Sharpe, Inc, New York 150. Nozumi Uematsu (2017), Could Women Ever “Shine”? Happiness and its Shadow in Right-Wing Discourse since 2011 and Banana Yoshimoto‟s Kitchen, Hitotsushiba University Repository 151. Oxford Student‟s dictionary (2007), Oxford University Press 152. Paul Varley (2000), (the 4 th edition), Japanese Culture, University of Hawai‟Press 153. Richard Gid Powers and Hidetoshi Kato, 1989, Handbook of Japanese Poplar Culture, Greenwood Press, London 154. Treat John Whittier (1993), Y. Banana Writes Home: Shoujo Culture and the Nostalgic Subject, in Contemporary Japan and Popular Culture 155. Yukata Tazawa, Saburo Matsubara, Shunsuke Okuda, Yasunori Nagahata, (1973), Japan‟s cultural history – A perspective, Ministry of Foreign Affairs, Japan C - INTERNET 156. Banana Yoshimoto Nguồn: http:///www.worldlingo.com/ma/dewiki/en/Banana_Yoshimoto 157. Banana Yoshimoto official site, Nguồn: 158. Nhật Chiêu, Thực tại trong ma ảo (Đọc Kafka bên bờ biển của Haruki Murakami) Nguồn: 159. Nguyễn Đăng Điệp (2017), Văn học đại chúng ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 07 Nguồn: n50173.html 160. Fukuzawa Yukichi, Thoát Á luận Nguồn: 161. Nguyễn Chí Hoan (2017), Ca ngợi khoảnh khắc, Bài tham luận tại Toạ đàm 161 “Thế giới của Haruki Murakami và Banana Yoshimoto” Nguồn: 162. Ngô Hương Lan (2010), Chuyên đề nghiên cứu “Văn hóa – xã hội Nhật Bản: Những vấn đề nổi bật, xu hướng chủ yếu trong 10 năm đầu thế kỉ XXI và triển vọng 2020” Nguồn: 163. Nguyễn Thị Mai Liên, Một số phương diện thi pháp thơ Haiku và lục bát, ngũ ngôn tứ tuyệt, ghazal từ góc nhìn so sánh, ngày 21/12/2018 Nguồn: 3209/Default.aspx 164. Hà Linh, Tác giả Kitchen chinh phục độc giả ở Italia Nguồn: vnexpress.net ngày 22. 09. 2007 165. Trần Thị Tố Loan, Thực tại và con người trong sáng tác của Murakami Haruki Nguồn: 166. Hoàng Long (2019), Văn học thuần túy và văn học đại chúng Nguồn: https://kilala.vn/van-hoa-nhat/van-hoc-thuan-tuy-va-van-hoc-dai-chung- nhat-ban.html 167. Michele Marra, Modern Japanese aesthetics: a reader Nguồn: 168. Modern Japanese Literature Nguồn: a306393#ixzz198ssvbYA 169. Oe Kenzaburo (1990), Về nền văn học Nhật Bản cận đại và hiện đại, Ngô Quang Vinh dịch từ tiếng Pháp, Hội nghị Wheatland, San Francisco Nguồn: 170. Numano Mistuyoshi (2008), From Mono no Aware to Kawaii Nguồn: https://english.spbu.ru/news/2508-from-mono-no-aware-to-kawaii- professor-mitsuyoshi-numano-on-the-singularities-of-japanese-literature 171. Rebecca D. Larson, Yoshimoto Banana and Yasunari Kawabata, nguồn: http:// 162 rds.yahoo.com 172. Ruth Fulton Benedict (1946), Chrysanthemum and the Sword: patterns of Japanese Culture Nguồn: 173. Takahashi Genichiro, Văn học Nhật Bản sẽ thay hình đổi dạng để sống tiếp, nguồn: ngày 05.12.2008 174. Phạm Vũ Thịnh, Tản mạn về vấn đề nữ quyền ở Nhật Bản Nguồn: 175. Nguyễn Nam Trân, Tổng quan lịch sử văn học Nhật Bản Nguồn: 176. Hoàng Phong Tuấn, Nghịch dị trong nghệ thuật khắc học chân dung nhân vật của Oe Kenzaburo (Qua tiểu thuyết Một nỗi đau riêng), Nguồn: 177. Hồ Khánh Vân, Từ quan niệm về lối viết nữ đến việc xác lập một phương pháp nghiên cứu trong phê bình nữ quyền Nguồn: 178. The appeal of shoujo culture: Banana Yoshimoto and her audience Nguồn: 179. Võ Minh Vũ, Nền văn hóa đại chúng ở Nhật Bản thập niên 1920 Nguồn: 180. 181. 182. 183. ahdictionary.com 184. https://en.wikipedia.org/wiki/Kawaii 185.https://yumenavi.info/lecture.aspx?GNKCD=g005459&OraSeq=44&ProId=W NA002&SerKbn=Z&SearchMod=2&Page=1&KeyWord=%E3%82%A2%E3%83 %8B%E3%83%A1%EF%BC%88%E3%82%A2%E3%83%8B%E3%83%A1%E3% 83%BC%E3%82%B7%E3%83%A7%E3%83%B3%EF%BC%89 163 186. 187. Zainab Akram, Naheed Qasim, Hajira Masroor and Shahnaz Mehboob (2015), I Prefer a World without Men: A Study of Language, Gender and Power in Women Writers of South Asia, Journal of Educational and Social Study, MCSER, Rome, Italy, 188. Suzuki Setsuko (chủ biên) (1996), Những khái niệm then chốt của mỹ học Nhật Bản, NXB. Kodansha, Hoàng Long dịch (từ Chương 1 “Mỹ học” 美学, trong quyển sách song ngữ Nhật-Anh “Linh hồn Nhật Bản” 英語で話す日本の 心 / Keys to the Japanese Heart and Soul, 14-45) Nguồn: https://www.mcser.org/journal/index.php/jesr/article/view/6579/6304 189. Numano Mitsuyoshi (2018), “From Mono No Aware to Kawaii” Nguồn:https://english.spbu.ru/news/2508-from-mono-no-aware-to-kawaii- professor-mitsuyoshi-numano-on-the-singularities-of-japanese-literature 190. Nobuyoshi Kurita (2006), Cute is cool in Japan, Nguồn: https://www.aljazeera.com/news/2006/6/15/cute-is-cool-in-japan 191. Marco Pellitteri (2018), Kawaii Aesthetics from Japan to Europe: Theory of the Japanese “Cute” and Transcultural Adoption of Its Styles in Italian and French Comics Production and Commodified Culture Goods School of Journalism and Communication, Shanghai International Studies University Nguồn: https://www.mdpi.com/2076-0752/7/3/24 192.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfluan_an_sang_tac_cua_yoshimoto_banana_tu_goc_nhin_tham_mi_ka.pdf
Tài liệu liên quan