Luận án Ngôn ngữ mảnh vỡ trong tiểu thuyết của Toni Morrison (Fragmentary language in Toni Morrison’s novels)

MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1 1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI 1 2. MỤC ĐÍCH, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU 2 2.1. Mục đích nghiên cứu 2 2.2. Đối tượng nghiên cứu 3 2.3. Phạm vi nghiên cứu 3 3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI 4 4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 5 5. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN ÁN 6 6. CẤU TRÚC CỦA LUẬN ÁN 6 Chương 1: TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU 7 1.1. PHÊ BÌNH LÍ LUẬN VỀ “MẢNH VỠ” 7 1.1.1. Trên thế giới 7 1.1.2. Ở Việt Nam 10 1.2. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ TONI MORRISON 16 1.2.1. Nghiên cứu

doc166 trang | Chia sẻ: huong20 | Ngày: 15/01/2022 | Lượt xem: 463 | Lượt tải: 1download
Tóm tắt tài liệu Luận án Ngôn ngữ mảnh vỡ trong tiểu thuyết của Toni Morrison (Fragmentary language in Toni Morrison’s novels), để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
về Toni Morrison trên thế giới 16 1.2.2. Nghiên cứu về Toni Morrison ở trong nước 33 Chương 2: KHÁI NIỆM “NGÔN NGỮ MẢNH VỠ” 40 2.1. NGÔN NGỮ NGHỆ THUẬT 40 2.2. “NGÔN NGỮ MẢNH VỠ” 47 2.2.1. Mảnh vỡ như là đặc trưng của tư duy hậu hiện đại 51 2.2.2. Nội hàm khái niệm 62 Chương 3: NGÔN TỪ MẢNH VỠ 65 3.1. NGÔN TỪ HỖN ĐỘN 66 3.1.1. Mảnh vụn ngôn từ – tấm gương của thế giới đảo ngược 69 3.1.2. Sức mạnh phá hủy của ngôn từ trong thế giới ảo 74 3.2. NGÔN TỪ RỜI RẠC VÀ PHI CHUẨN 79 3.2.1. Ngôn từ rời rạc 79 3.2.2. Ngôn từ phi chuẩn 90 3.3. NGÔN TỪ SAI LẠC 93 3.3.1. Sự sai lạc ngẫu nhiên 96 3.3.2. Nick – name (biệt hiệu) 98 3.3.3. Cái tên bị nguyền rủa 101 Chương 4: NHÂN VẬT MẢNH VỠ 105 4.1. KHÁI NIỆM “NHÂN VẬT” VÀ “NHÂN VẬT MẢNH VỠ” 105 4.1.1. Nhân vật 105 4.1.2. Nhân vật mảnh vỡ 108 4.1.2.1. Nhân vật truyền thống 108 4.1.2.2. Nhân vật mảnh vỡ 111 4.2. NHÂN VẬT MẢNH VỠ CỦA TONI MORRISON 114 4.2.1. Sự phá hỏng bản thể – Pecola 115 4.2.2. Ghép nối mảnh vỡ bản thể – Milkman 123 4.2.3. Nửa người nửa ma hay bản thể Beloved 131 4.2.4. Vị thánh bất hạnh hay bản thể vỡ nát của Baby Suggs 137 4.2.5. Cuộc chiến đấu vì bản thể của người mẹ giết con – Sethe 142 KẾT LUẬN 147 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 151 THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 152 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu khoa học của riêng tôi. Các thông tin và kết quả trong luận án là do tôi tự tìm hiểu, đúc kết và phân tích một cách nghiêm túc, trung thực trong suốt quá trình thực hiện đề tài. Tác giả Nguyễn Thị Minh Thảo LỜI CẢM ƠN Luận án này được hoàn thành tại khoa Ngữ văn, Bộ môn Lý luận văn học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Lời đầu tiên, cho phép tôi được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới GS.TS. Lê Huy Bắc, người Thầy đã tận tình hướng dẫn, chỉ bảo cho tôi những kiến thức quý giá trong suốt thời gian học tập, nghiên cứu; giúp tôi có thể hoàn thành luận án. Tôi xin chân thành cảm ơn các thầy cô trong trường Đại học Sư phạm Hà Nội, các thầy cô trong Bộ môn Lí luận văn học và Văn học nước ngoài của nhà trường, đã nhiệt tình giúp đỡ và truyền đạt cho tôi những kiến thức và phương pháp nghiên cứu khoa học trong suốt quá trình học tập và hoàn thiện luận án này. Cuối cùng, tôi xin gửi lời cảm ơn tới gia đình, bạn bè, những người thân luôn ủng hộ và động viên tôi trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu. Xin trân trọng cảm ơn. Hà Nội, tháng 10 năm 2013 Tác giả ThS. Nguyễn Thị Minh Thảo MỞ ĐẦU 1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI Lần đầu tiên trong văn học Hoa Kỳ (Mỹ), nữ văn sĩ người da đen Toni Morrison đã nhận được giải thưởng Nobel văn học cao quý. Viện Hàn lâm Thụy Điển khi công bố giải thưởng đã nhận định Morrison là một “văn sĩ thượng thặng”, mà tác phẩm “được khắc họa đẹp đẽ và gắn bó một cách kì diệu với cuộc sống, con người”. Tình yêu và sức sống, bi kịch, khát vọng và nỗi đau của người nô lệ da đen đã được thể hiện bằng một tài năng nghệ thuật trác tuyệt. Tất cả những điều ấy đã hoà trộn và tạo nên vẻ đẹp kinh ngạc trong những tác phẩm của bà. Tiểu thuyết của Toni Morrison đã gây chấn động và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu phê bình trên thế giới. Sáng tác của Morrison được xếp vào vị trí của những kiệt tác kinh điển. Bà được đưa vào hàng ngũ những nhà nhân văn của mọi thời...Tác phẩm của bà hiện đang được dạy ở nhiều trường đại học và phổ thông ở Mỹ, cũng như một số trường đại học, cao đẳng trên thế giới. Ở Việt Nam hiện nay đã có hai tiểu thuyết là Người yêu dấu (Beloved) và Mắt biếc (The Bluest Eye) được dịch sang tiếng Việt. Ngôn ngữ nghệ thuật là phương tiện để nhà văn mô hình hóa thế giới, qua đó bộc lộ toàn bộ tài năng nghệ thuật và tư tưởng của nhà văn, đồng thời là tiếng nói nghệ thuật của nhà văn về thế giới. Morrison trong nỗ lực không mệt mỏi của mình, đã kiến tạo một thế giới nghệ thuật đặc sắc, bằng ngôn ngữ và lối tư duy của hệ hình hậu hiện đại: ngôn ngữ mảnh vỡ. Ngôn ngữ mảnh vỡ là lối diễn ngôn để Morrison khắc họa thực trạng và cuộc đấu tranh giành quyền sống cho những người đồng bào đáng thương của bà. Đồng thời, bà cũng đề nghị tha thiết về một sự bình đẳng giữa các tiếng nói, các ngôn ngữ; đồng nghĩa với việc giành quyền sống công bằng cho các chủng tộc, màu da. Ta có thể nhận thấy, ngòi bút tràn đầy thiên tính nữ và tình yêu thương mênh mang, sức sống lạc quan của Morrison cuộn chảy trên từng trang viết. Viết về một thế giới bị tàn phá, lệch lạc song Morrison không hề tuyệt vọng. Bà chỉ cho những người đồng bào yêu quý con đường đến với tự do: đó là tình yêu thương, sự nối kết với lịch sử và văn hóa. Morrison là người đã ca khúc ca chiến thắng, đã cất đôi cánh vĩ đại kết tinh từ tôn giáo da đen nhân bản nguyên thủy và sức mạnh của cộng đồng, của tình yêu thương. Trong phạm vi tài liệu chúng tôi thu thập được, các nhà nghiên cứu mới chỉ đề cập đến vấn đề mảnh vỡ, chưa có bài nào khái quát và chỉ ra đặc trưng ngôn ngữ mảnh vỡ trong diễn ngôn nghệ thuật hậu hiện đại và trong tiểu thuyết của Morrison. Sự cách tân này xuyên suốt, tạo ra sự độc đáo, sức cuốn hút kì lạ, thể hiện tài năng nghệ thuật phi thường và đó có lẽ cũng chính là nguyên nhân mang lại thành công vang dội cho Morrison. Vì thế, chúng tôi quan tâm nghiên cứu đề tài Ngôn ngữ mảnh vỡ trong tiểu thuyết của Toni Morrison (Fragmentary language in Toni Morrison’s novels) với mong muốn đưa ra một hướng tiếp cận khả dĩ khám phá được những lớp ý nghĩa nghệ thuật ẩn sâu trong tác phẩm của nữ văn sĩ da màu này. Thực hiện đề tài, chúng tôi hi vọng sẽ góp phần mở ra một hướng nghiên cứu mới đối với ngành lí luận văn học. Đó là nghiên cứu các tác phẩm văn học hậu hiện đại thế giới dưới góc nhìn kí hiệu học hậu hiện đại. Nó sẽ giúp chúng ta khai phá những khung trời mới lạ bằng sắc màu kì diệu của nghệ thuật, khắc phục được những hạn chế của các cách tiếp cận trước đây, chủ yếu là tiếp cận ở phương diện thế giới quan, tư tưởng hệ. Thành công của luận án sẽ có đóng góp thiết thực cho việc thúc đẩy xây dựng diện mạo hệ thống lí thuyết về nghiên cứu phê bình văn học hậu hiện đại trong nước, một gương mặt vừa quen thuộc vừa đầy lạ lẫm. 2. MỤC ĐÍCH, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU 2.1. Mục đích nghiên cứu Chúng tôi tiến hành nghiên cứu ngôn ngữ mảnh vỡ trong tiểu thuyết của Morrison để thấy những đặc trưng nghệ thuật của Morrison, những sáng tạo, cách tân của bà trong sáng tác. Trên cơ sở đó, luận án hướng đến những vấn đề thuộc về văn hóa da trắng, da đen trong sự xung đột, hòa giải và những di chứng không thể xóa bỏ giữa các chủng tộc áp bức và bị áp bức trong đời sống con người thời hậu hiện đại. Về mặt lí luận, khái niệm ngôn ngữ mảnh vỡ, một đặc trưng của văn học hậu hiện đại cũng được làm rõ, có thể trở thành một công cụ để nghiên cứu văn học hậu hiện đại nói chung. 2.2. Đối tượng nghiên cứu Luận án tập trung nghiên cứu thế giới nghệ thuật của tiểu thuyết Morrison. Trọng tâm là cách biểu đạt, cách cắt nghĩa thế giới ấy bằng hình tượng ngôn từ. Sau khi xác lập khái niệm ngôn ngữ mảnh vỡ, luận án khảo sát ngôn ngữ mảnh vỡ trong tiểu thuyết của bà ở các phương diện cơ bản là lớp ngôn từ mảnh vỡ và lớp nhân vật mảnh vỡ. Chúng tôi quan niệm “ngôn từ” và “nhân vật” là ngôn ngữ, là lối biểu đạt, diễn ngôn mảnh vỡ hậu hiện đại. 2.3. Phạm vi nghiên cứu Phạm vi nghiên cứu của luận án là ba cuốn tiểu thuyết của Toni Morrison: Mắt biếc (The Bluest Eye), Người yêu dấu (Beloved) và Bài ca của Solomon (Song of Solomon). Trong đó, Mắt biếc và Người yêu dấu đã được dịch sang tiếng Việt, tiểu thuyết Bài ca của Solomon, chúng tôi tiến hành khảo sát trên nguyên bản tiếng Anh. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, đối với hai cuốn Mắt biếc và Người yêu dấu chúng tôi cũng tiến hành đối chiếu, so sánh với nguyên tác. Ba cuốn tiểu thuyết này có thể đại diện và kết tinh đặc trưng tiểu thuyết Morrison, đã được giới nghiên cứu phê bình văn học thế giới khẳng định. Trong đó, thế giới của người da màu được đề cập với sự có mặt đầy đủ của các thế hệ: Mắt biếc là câu chuyện về một cô bé; Người yêu dấu là câu chuyện về người mẹ và con gái; Bài ca của Solomon viết về người cha và con trai... Đối với Người yêu dấu, tác phẩm được giới phê bình nghiên cứu trên thế giới đánh giá cao, thời báo Los Angeles khẳng định, đây là “một kiệt tác thật tuyệt vời không thể tưởng tượng nổi nền văn học Mỹ nếu thiếu nó”, còn tạp chí Chicago Sun ca ngợi “Tác phẩm hoàn hảo nhất của Toni Morrison. Chưa có cái gì bà viết lại nâng bà lên cao đến thế, lại thể hiện tài năng phi thường, gây sửng sốt đến thế” Ngoài ba cuốn đã được đề cập, Morrison còn có sáu tiểu thuyết khác là Thiên Đường (Paradise), Sula, Tar Baby, Jazz, Yêu (Love) và Lòng nhân (A Mercy). Tuy chúng tôi không khảo sát kĩ các tiểu thuyết này, nhưng trong quá trình nghiên cứu luận án sẽ có những liên hệ và so sánh để thấy được cái nhìn thống nhất trong sáng tác của Morrison. 3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI Luận án kết hợp nghiên cứu lí luận với vận dụng phân tích tác phẩm của tác giả nữ da đen Mỹ đầu tiên đoạt giải Nobel văn học. Ở phương diện lí thuyết, chúng tôi khảo sát, nghiên cứu hoàn cảnh ra đời, xác lập nội hàm khái niệm ngôn ngữ mảnh vỡ như là một đặc trưng diễn ngôn của thời kì hậu hiện đại nói chung và văn học hậu hiện đại nói riêng. Tiếp đó, chúng tôi vận dụng khảo sát trên ba tiểu thuyết tiêu biểu của Toni Morrison. Tác phẩm của bà mang đặc trưng của tiểu thuyết hậu hiện đại, với những sáng tạo nghệ thuật độc đáo, mới lạ, đóng góp cho văn học thế giới những diện mạo mới. Song song với quá trình nghiên cứu, chúng tôi tiến hành dịch tiểu thuyết Bài ca của Solomon (Song of Solomon) sang tiếng Việt. Công việc nghiên cứu và dịch thuật tác phẩm của Toni Morrison góp phần giới thiệu những di sản văn hóa của nhân loại, làm phong phú kho tàng văn học nước ngoài ở Việt Nam. Trước mắt, luận án giúp sinh viên tiếp cận với nền văn học Mỹ – Phi, với phong cách nghệ thuật độc đáo, những cách tân mạnh mẽ, tinh thần nhân văn lớn lao của các tác giả đương đại. Luận án có ý nghĩa khoa học, có đóng góp thiết thực cho việc nghiên cứu lí thuyết phê bình hậu hiện đại, đó là việc nghiên cứu một thuật ngữ lí luận công cụ và tập dượt vận dụng nghiên cứu những tác phẩm văn xuôi hậu hiện đại, một lĩnh vực hãy còn khá mới mẻ ở trong nước. Ở Việt Nam, đây là luận án đầu tiên có tính chất tổng hợp, khái quát về thế giới nghệ thuật tiểu thuyết Morrison trên những phương diện cơ bản. Luận án đã tập hợp được một số nhận định về đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết, đặc biệt là tính mảnh vỡ – đặc trưng của văn học hậu hiện đại – trong tiểu thuyết của bà. Luận án cũng làm nổi bật được sự độc đáo trong nghệ thuật trần thuật, khẳng định ngôn ngữ mảnh vỡ trong thế giới tiểu thuyết Morrison, một lối hành văn táo bạo, mới mẻ, kiệt xuất. Thành công của luận án bắc một cây cầu nhỏ cho những người nghiên cứu tiếp theo về thế giới nghệ thuật của Morrison nói riêng, cũng như nghiên cứu về văn học hậu hiện đại nói chung. 4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Để hoàn thành đề tài này, dưới cái nhìn của lí thuyết Phê bình hậu hiện đại, chúng tôi áp dụng một số phương pháp nghiên cứu như sau: Phương pháp văn hóa – xã hội: Chúng tôi nghiên cứu tiểu thuyết của Morrison trong mối liên hệ mật thiết với hoàn cảnh văn hóa, xã hội. Những nội dung của tiểu thuyết được phân tích, soi rọi từ góc nhìn văn hóa, xã hội. Đó là những vấn đề văn hóa, xã hội của người da đen, cộng đồng người da đen trong môi trường văn hóa, xã hội người da trắng. Phương pháp nghiên cứu thi pháp học lịch sử: Phương pháp này chúng tôi sử dụng để chỉ ra những cách tân trong văn học hậu hiện đại – những hình thức nghệ thuật phản truyền thống, những kĩ thuật tiểu thuyết còn mang tính thử nghiệm, mới mẻ. Phương pháp nghiên cứu thi pháp học lí thuyết: Phương pháp này được áp dụng chủ yếu khi chúng tôi phân tích, tìm hiểu những biện pháp nghệ thuật cơ bản của nhà văn khi xây dựng tác phẩm. Luận án chỉ ra vai trò, giá trị của những chi tiết, kĩ thuật, hình thức nghệ thuật mà nhà văn sử dụng để biểu đạt nội dung tư tưởng trong tác phẩm. Phương pháp phê bình tiểu sử: Chúng tôi nghiên cứu tiểu sử của nhà văn để thấy được mối quan hệ, tác động qua lại giữa cuộc đời và sự nghiệp sáng tác, những cơ sở để minh giải về thế giới nghệ thuật tiểu thuyết của một cây bút khá đặc biệt trên thế giới: một nữ văn sĩ người da đen. Ngoài ra, chúng tôi sử dụng các thao tác phân tích, bình giá để vừa mở rộng vừa đào sâu vấn đề cần nghiên cứu. 5. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN ÁN Về phương diện lí thuyết, luận án tổng hợp và xác định nội hàm khái niệm thuật ngữ ngôn ngữ mảnh vỡ, đặc trưng của văn học hậu hiện đại. Thuật ngữ này đã được sử dụng rải rác trong các công trình nghiên cứu về văn học hậu hiện đại, tuy nhiên, nội hàm khái niệm vẫn chưa được làm rõ. Từ chỗ minh giải nội hàm khái niệm, đóng góp của luận án là xây dựng một công cụ lí luận để nghiên cứu về văn học hậu hiện đại nói chung. Về thế giới nghệ thuật tiểu thuyết Morrison, luận án làm sáng tỏ nghệ thuật ngôn ngữ mảnh vỡ, khẳng định những giá trị chân, thiện, mỹ và những đóng góp lớn của Morrison đối với văn học hậu hiện đại thế giới – một nữ nhà văn hãy còn khá mới mẻ đối với bạn đọc Việt Nam. 6. CẤU TRÚC CỦA LUẬN ÁN Sau phần Mở đầu, luận án được triển khai theo bốn chương như sau: Chương 1: Tổng quan về vấn đề nghiên cứu Chương 2: Khái niệm “Ngôn ngữ mảnh vỡ” Chương 3: Ngôn từ mảnh vỡ Chương 4: Nhân vật mảnh vỡ Các chương này dù đứng độc lập vẫn có mối quan hệ mật thiết với nhau, cùng hướng vào việc chỉ ra đặc trưng nghệ thuật tiểu thuyết Morrison và ý nghĩa của nó đối với nghiên cứu, phê bình lí luận văn học. Cuối cùng là phần Kết luận, Danh mục các công trình liên quan đến đề tài luận án và Tài liệu tham khảo. Chương 1 TỔNG QUAN VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU Ở chương tổng quan này, chúng tôi tiến hành khảo sát, tóm tắt, tổng thuật những luận điểm cơ bản trong các công trình nghiên cứu có liên quan đến tính mảnh vỡ ở trong nước và trên thế giới, cũng như những công trình khảo cứu chuyên sâu về vấn đề này trong tiểu thuyết của Toni Morrison. 1.1. PHÊ BÌNH LÍ LUẬN VỀ “MẢNH VỠ” 1.1.1. Trên thế giới Khó có thể bao quát hết mảng tài liệu này đối với việc nghiên cứu xuất phát từ Việt Nam. Dẫu sao, chúng tôi cũng cố gắng thu thập các công trình nghiên cứu trong phạm vi có thể. Dưới đây là những tài liệu chúng tôi có được ở vào thời điểm thực tại. Thuật ngữ mảnh vỡ (còn gọi là tính phân mảnh, ghép mảnh, mảnh ghép), là một trong những đặc tính nổi bật của văn học hậu hiện đại. Các nhà nghiên cứu chú ý đến những đặc trưng của tự sự hậu hiện đại: mảnh vỡ, chắp nối, những phiến đoạn chia cắt, không liền mạch Trong cuốn Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ, phần viết về Chủ nghĩa hậu hiện đại đã khái quát: “Cốt lõi của phê bình hậu hiện đại chính là việc nghiên cứu những phương thức khác nhau của kỹ thuật trần thuật, tập trung vào việc xây dựng diễn ngôn rời rạc, tức tính cắt mảnh (fragmentaire) của trần thuật” [35;398]. Trong cuốn Dẫn luận lí luận văn học, nhà phê bình văn học Terry Eagleton xác định, “tác phẩm nghệ thuật hậu hiện đại điển hình nhất là tùy tiện, đa trị, lai ghép, lệch tâm, dễ thay đổi, ngưng đọng, hệt như một mô phỏng” [dẫn theo 9;30]. Khi đi vào đặc trưng của văn xuôi hư cấu hậu hiện đại, nhà nghiên cứu Barry Lewis đã đề cập đến các phương diện sau: “sự hỗn độn thế tục, cóp nhặt, mảnh vỡ, sự nới lỏng tổ chức, tính hoài nghi và vòng tương tác” [9;31]. Do chưa có điều kiện nghiên cứu sâu rộng tính mảnh vỡ trong văn học thế giới nói chung, phần này chúng tôi khảo sát và thuật lại theo công trình của Stuart Sim, cuốn Từ điển phê bình về tư tưởng hậu hiện đại (Critical Dictionary of Postmodern Thought). Theo Stuart Sim, các nhà văn hậu hiện đại tấn công vào những nền tảng muôn đời của văn học. “John Hawkes có lần đã tiết lộ, khi bắt đầu viết lách, ông cho rằng “những kẻ thù thực sự của tiểu thuyết là cốt truyện, nhân vật, cấu trúc và chủ đề”. Tất nhiên là, rất nhiều tác giả sau đó đã làm rất tốt công việc của họ để giáng những đòn búa tạ vào bốn hòn đá tảng trên của văn học, đưa nó vào địa hạt của sự lãng quên. Không những cốt truyện bị nghiền, bị tán thành những mảnh nhỏ của sự kiện và chi tiết, các nhân vật thì tan rã ra thành những mớ ước muốn mãnh liệt, cấu trúc thì không hơn gì những màn cảnh sân khấu chớp nhoáng, ngắn ngủi, mà cả các chủ đề cũng trở nên quá mờ nhạt đến mức có thể nói một sự sai lầm đến tức cười nếu nói rằng chắc chắn các cuốn tiểu thuyết là một “thể loại như thế, như thế nào đó” [131;125–26]. Jonathan Baumbach quan sát một truyện ngắn trong tập Sự trở về của nghi lễ (The Return of Service,1979), và nhận định nếu “bạn đọc một truyện trong thời buổi này thì nó không hề là câu chuyện một tẹo nào cả, không hề có những cảm xúc truyền thống” [131;126]. Các nhà văn hậu hiện đại không tin tưởng ở sự trọn vẹn và tính hoàn chỉnh, người bạn đồng hành của các câu chuyện trong quá khứ. Một trong những cách để thay thế đó là sự đa kết thúc (nhiều khả năng kết thúc cho một câu chuyện), điều này đã chống lại sự đóng kín bằng cách đưa ra rất nhiều kết thúc cho một cốt truyện. Theo nghiên cứu của Stuart Sim, một số nhà văn khác phá vỡ cách kể chuyện theo trình tự có mở đầu, kết thúc trọn vẹn bằng những cách khác nhau: “Fowles phá vỡ lối kể chuyện bằng cách nhảy dù, (phô bày sự thân mật, gần gũi) của ông với Marx, Darwin và những người khác. Ông trực tiếp nói chuyện với người đọc, thậm chí ở một mức độ bước hẳn vào trong câu chuyện của chính ông với tư cách như là một nhân vật. Đa kết thúc là một phần của những chiến thuật nhảy dù đó. Fowles từ chối chọn lựa giữa hai kết cục hoàn chỉnh cho tiểu thuyết của ông: kết thúc thứ nhất là Charles và Sarah tái hợp sau chuyện tình giông bão, kết thúc thứ hai là họ tiếp tục tách rời, không thay đổi. Do đó ông tạo nên một yếu tố chính không chắc chắn trong cuốn sách. Ông thậm chí còn dây dưa đến một khả năng thứ ba, đó là để Charles ở trên tàu, tìm kiếm Sarah trong thành phố: ‘nhưng quy ước ngầm của tiểu thuyết Victorian cho phép, không có điểm bắt đầu, không có kết thúc...’” [131;127]. Một cách thức khác để phá vỡ tính hoàn kết của văn học truyền thống là “làm cho không có điểm bắt đầu và không có kết thúc, bằng cách bẻ gẫy văn bản thành những mảnh vụn hoặc từng phần, bị chia cắt bởi không gian, nhan đề, các con số hoặc các biểu tượng. Tiểu thuyết và truyện ngắn của Richard Brautigan và Donald Barthelme đầy ắp những mảnh vỡ. Một số tác giả khác thậm chí còn đi xa hơn và mảnh vỡ là của chính kết cấu văn bản với các hình minh họa, bản in hoặc trộn lẫn với điện ảnh. Như Raymond Federman đưa nó vào trong lời giới thiệu cho Tiểu thuyết siêu thực: Tiểu thuyết hiện nay... và mai sau (1975): “trong những không gian nơi không có gì để viết, các tác giả tiểu thuyết có thể, ở bất cứ thời điểm nào, đưa vào chất liệu (dấu trích dẫn, các bức tranh, các sơ đồ, bảng biểu, chữ ký, những mẩu của văn bản/diễn ngôn khác...) hoàn toàn không liên quan gì đến câu chuyện” [131;127]. Minh họa cho điều này, Stuart Sim dẫn câu chuyện Người vợ cô đơn của Willie Master (1967) của William Gass. “Tác giả đã thực hiện tất cả những điều trên trong 60 trang giấy kì quặc của nó, và đó là một văn bản của nhà văn hậu hiện đại tuyệt vời (parexelence). Những trang giấy đó, trong bản thân nó gồm bốn màu khác nhau: màu xanh sổ tay ghi chép, xanh kaki, màu đỏ dâu và màu trắng bóng láng. Một phụ nữ “nude” nằm ườn chiếm hết trang bìa trước. Nàng là một người vợ vỡ mộng, người ẩn dụ cho sự hiện thân của ngôn ngữ tình dục (lovemaking language)”. Bên cạnh đó, tác giả đề cập đến một ví dụ nữa, để minh họa cho tính ghép mảnh, sự bị bẻ gãy của văn bản, đó là tác phẩm của Marshall McLuhan. “Sự bài trí, bày đặt thực sự kì cục, lập dị có lẽ được thiết kế bởi Marshall McLuhan trong chất gây ảo giác. Sự đa dạng của các mặt chữ (in đậm, in nghiêng), các phông chữ (Gô tích; kí tự), các kí hiệu (biểu tượng của âm nhạc, chất giọng), và sự pha tạp các cách sắp xếp (nhiều cột, nhiều lời chú thích), tranh giành không gian với những hình ảnh lố bịch (những vết bẩn của tách cà phê, dấu hoa thị khổng lồ). Trong một bài nghiên cứu khái quát, Ronald Sukenic gọi đó là “một cơn mưa rào bất chợt của những sự kiện mảnh vỡ”” [131;127–28]. Tác giả nhận định, “Với những tác phẩm theo kiểu như vậy được viết bởi Fowles, Brautigan, Barthelme và Gass, quả thật là điều khó khăn khi chúng ta không nhớ đến lời đề từ nổi tiếng của E. M. Forster trong Howards End: “Sống trong những mảnh vỡ sẽ chẳng còn bao lâu nữa.” Chúng ta có thể thấy những đối âm này với một lời phát biểu của nhân vật trong tác phẩm Xem trăng của Barthelme (1968): ‘Những mảnh vỡ là hình thái duy nhất mà tôi tin tưởng’. Hai trạng thái này chứng tỏ sự khác biệt dữ dội giữa chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại” [131;128]. Có thể thấy, mảnh vỡ là một đặc trưng tiêu biểu của văn học hậu hiện đại phương Tây. Các nhà văn hậu hiện đại đã nói bằng ngôn ngữ mảnh vỡ, thứ ngôn ngữ nghệ thuật, mà theo họ, có thể giải phóng được tư duy, xúc cảm, thể hiện sinh động vẻ đẹp vốn có của cuộc sống. Những sáng tạo mới lạ của các nhà văn hậu hiện đại trong ngôn ngữ mảnh vỡ trên các yếu tố: ngôn từ, nghệ thuật kể chuyện, nhân vật, cốt truyện,... theo chúng tôi nhận thấy, như là một biểu hiện chống lại những trung tâm đã cũ mòn, xơ cứng, muốn phá vỡ, bẻ gẫy, lật tung, đào xới tất cả,... muốn tìm đến những mảnh đất mới lạ cho sáng tác nghệ thuật, đồng thời, đó cũng là biểu hiện của sự khao khát thoát khỏi những hệ thống quy tắc, chuẩn mực đã lỗi thời,... khiến họ ngạt thở, không còn khả năng tái sinh. Ngôn ngữ mảnh vỡ, là một sáng tạo đặc biệt thành công của các nhà văn hậu hiện đại, để có thể thể hiện, bộc lộ tâm thức của con người thời đại. 1.1.2. Ở Việt Nam Thuật ngữ “mảnh vỡ” cũng giành được sự quan tâm thích đáng trong nghiên cứu phê bình văn học ở Việt Nam. Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia tháng 1 năm 2013 Văn học hậu hiện đại – lí thuyết và thực tiễn, có 5/30 bài trực tiếp nghiên cứu về mảnh vỡ, đề cập đến các vấn đề từ cốt truyện đến nhân vật, ngôn từ mảnh vỡ. Đó là các bài “Kiểu nhân vật phụ nữ mảnh vỡ trong Thằng điên và quỷ sứ của Sarkadi Imre” của Mai Thị Liên Giang; “Cốt truyện phân mảnh, lắp ghép trong tác phẩm của Murakami” của Nguyễn Anh Dân; “Về mảnh vỡ ngôn ngữ của David Lurie trong Ruồng bỏ của J.M. Coetzee” do Nguyễn Thị Ngọc Thủy viết; “Ngôn từ mảnh vỡ trong tiểu thuyết của Toni Morrison” của Nguyễn Thị Minh Thảo; “Kí hiệu rỗng trong ngôn ngữ trần thuật của Kafka” của Đoàn Thị Việt Nga. Ngoài ra, hầu hết các bài viết còn lại đều có đề cập đến thuật ngữ mảnh vỡ như là một đặc trưng của văn học hậu hiện đại. Trong bài đề dẫn Hậu hiện đại như là một siêu ngôn ngữ, Lê Huy Bắc nhận xét “Ngày nay, những khái niệm mảnh vỡ, phân mảnh, trò chơi, phi trung tâm, liên văn bản, nhại, hỗn độn,... đã trở nên quá quen thuộc với giới nghiên cứu trẻ và sách báo” [68;5]. Lê Nguyên Cẩn trong công trình Về một vài khái niệm của chủ nghĩa hậu hiện đại, ghi nhận: “Chủ nghĩa hậu hiện đại là sự tiếp nối điển hình xu hướng tính phân mảnh”, về sự “giải” các siêu tự sự, tạo ra các tiểu tự sự “Với đại tự sự sẽ có giải đại tự sự, nghĩa là tạo ra các tiểu tự sự, bởi vì theo J.F. Lyotard thì ngày nay “chúng ta là nhân chứng chứng kiến sự đập vụn, xé lẻ “những lịch sử lớn” và sự xuất hiện vô vàn những “câu chuyện lịch sử manh mún”, đơn giản, cục bộ; ý nghĩa của những thiên trần thuật có bản chất “cực kì nghịch lí” ấy không phải là hợp thức hóa tri thức, mà là “kịch tính hóa sự hiểu biết của chúng ta về khủng hoảng” [68;10]. Nhà nghiên cứu khẳng định: phi trung tâm hóa, phân rã, phân mảnh (mảnh vỡ) là khuynh hướng của triết học hậu cấu trúc (giải cấu trúc), nhằm mục đích loại bỏ tư tưởng “trung tâm”: “Cũng như vậy, phi trung tâm hóa nghĩa là tạo ra nhiều trung tâm, mỗi nhân vật trong tác phẩm trở thành một trung tâm của một câu chuyện nào đó; giữa các câu chuyện này có thể hoặc không có mối liên hệ nào và không có khả năng kết hợp lại với nhau; tất cả tạo thành các mảnh vỡ được khớp nối theo sở thích của tác giả. Vì thế, khi đọc tác phẩm hậu hiện đại, người đọc sẽ phải phiêu lưu trôi dạt theo các mảnh vỡ mà không nắm bắt được câu chuyện, vả lại cũng chẳng có một câu chuyện nào theo mô hình kể chuyện truyền thống được đưa ra ở đây cả. Người đọc sẽ rơi vào trạng thái bất định mà nguyên lí bất định trong toán học đã được E. Thom đưa ra. Trạng thái bất định đó cũng là hiện thực của cuộc sống đương diễn ra. “Mỗi mảnh vỡ trở thành một câu chuyện, có thể lôgic có thể không, tùy thuộc trạng thái của nhân vật người kể chuyện, trạng thái kể có ý thức hay vô thức. Cho nên, mỗi mảnh vỡ đều có giá trị tự thân, giá trị đó lớn hay nhỏ, tùy thuộc chuẩn đánh giá của người đọc mà không nằm trong ràng buộc với một chuẩn chung nào cả. Chuẩn chung chỉ xuất hiện khi xã hội là một tổng thể, còn ở chủ nghĩa hậu hiện đại, xã hội là giải kết hợp, là không thể liên kết được với nhau, là nằm trong trạng thái tâm thần phân lập. Tính đa trị được hiểu là như thế” [68;13]. Trong bài Phân tâm học cấu trúc và lí thuyết ngôn ngữ của J. Lacan, Châu Minh Hùng phân tích tính luôn luôn phân mảnh của ngôn ngữ do bản chất của ngôn ngữ khi được diễn đạt ra bên ngoài sau khi đã được sắp xếp, cắt xén, biên tập bởi ý thức (do trật tự và luật lệ quy định, chi phối). “Trong cách nhìn ấy, với Lacan, vô thức là một cấu trúc phức tạp của tinh thần, nó chỉ bắt đầu xuất hiện khi con người tham gia vào đời sống văn hóa xã hội. Nó là sản phẩm của xung đột và hòa hoãn giữa tự nhiên và văn hóa xã hội, giữa ham muốn và trật tự luật lệ, giữa tính toàn vẹn và tính bị phân mảnh. Điểm khác biệt giữa Lacan với Freud là trong khi Freud nhấn mạnh vào bản tính tự nhiên và sinh lí mà con người có thể nhận diện thông qua kết tập các mảnh vỡ trong giấc mơ, Lacan lại nhấn mạnh vào tính văn hóa xã hội đã tạo ra lối mòn và sự chệch hướng trong nhận thức thông thường. Theo Lacan, bản tính tự nhiên và sinh lí là cái toàn vẹn nhưng không thể nhận diện được trọn vẹn vì nó luôn luôn bị phân mảnh, tức bị cắt xén, biên tập bởi trật tự và luật lệ của Biểu trưng. Bao viền xung quanh đời sống chúng ta là những Biểu trưng với hình thức ước lệ là kí hiệu ngôn ngữ, cho nên không có chủ thể nào độc lập với trật tự Biểu trưng và ngôn ngữ, chính Biểu trưng và ngôn ngữ đã đi vào chiều sâu tinh thần và điều hành cuộc sống của chúng ta, nó che đậy và kìm nén sự thực và tư tưởng làm cho chúng ta rơi vào trạng thái vô minh hay ngộ nhận (misrecognition). Nói một cách đơn giản (trong khi bản chất của vấn đề không hề đơn giản), chúng ta luôn bị (nhưng lại tự tin là được) nói và hành động theo các nguyên tắc của trật tự và luật lệ mà quên rằng thực chất cuộc sống không phải thế, chúng ta ít có cơ hội phản tỉnh rằng, các Biểu trưng và ngôn ngữ đã tạo thành thứ mặt nạ che đậy thực chất cuộc sống luôn muốn nổi loạn ở xung quanh chúng ta và trong chúng ta” [68;34]. Nghiên cứu về Nhân vật hậu hiện đại trong truyện ngắn Việt Nam sau 1986, Lê Văn Trung chỉ ra bốn kiểu nhân vật điển hình, đó là kiểu nhân vật phân rã hình tượng trung tâm, những nhân vật ngoại biên, dị biệt; kiểu nhân vật nữ quyền; những nhân vật kí hiệu và những nhân vật mảnh vỡ, ghép mảnh. Ở kiểu nhân vật mảnh vỡ, ghép mảnh, tác giả nhận xét: “Đặc điểm nổi bật của kiểu nhân vật này là sự vụn vỡ từng mảnh của mỗi cá nhân, là mối quan hệ cực kì lỏng lẻo, rời rạc của các nhân vật trong cùng một tác phẩm. “Những nhân vật “tôi” trong rất nhiều truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Phan Thị Vàng Anh, Y Ban, Võ Thị Hảo, Nhật Chiêu... là những cái “tôi” vụn vỡ thành những mảnh rời rạc. Đó không phải là những cái tôi phân thân nữa mà là nhiều cái tôi trong một hình tượng. Những cái tôi đa diện, những cái tôi vô nghĩa lí, những cái tôi nghịch dị” [68;96]. Phùng Văn Tửu trong bài Biểu tượng “Ông bố chết” trong tiểu thuyết của Donald Barthelme ghi nhận về tính chất mảnh vỡ của phong cách ngôn từ “Cuốn Cẩm nang, truyện trong truyện Ông Bố Chết, về cơ bản vẫn cùng phong cách với đại bộ phận còn lại, có những mục câu cú mảnh vụn, nhưng cũng có những mục loằng ngoằng thiếu các loại dấu chấm câu. Có nhiều ý kiến nghiêm túc chắc chắn khiến Thomas và Julie tâm đắc, nhưng lại xen lẫn với vô số điều vô nghĩa lí hoặc hài hước như các mục nói về màu sắc của các ông bố chi phối tính cách, về bộ phận sinh dục của các ông bố so với của những ai không phải là bố...” [68;141]. Cùng đề cập đến Mảnh vỡ, bài viết Cốt truyện phân mảnh, lắp ghép trong tác phẩm của Murakami của Nguyễn Anh Dân nghiên cứu các kiểu cấu trúc cốt truyện mang phong cách hậu hiện đại của nhà văn người Nhật. Đó là các kiểu “cốt truyện phân mảnh, lắp ghép; phi tuyến tính; mô hình cốt truyện lồng khung”. Với các kiểu kết cấu này, tác giả đã tạo nên những “không – thời gian ảo hóa, mê lộ khiến con người lạc lối, lầm lẫn; những cốt truyện và kết cấu mê cung, phân mảnh, đầy biến ảo, lôi cuốn, hấp dẫn”. Về kiểu cốt truyện phân mảnh, qua khảo sát, tác giả nhận xét: “Cốt truyện phân mảnh là hình thức tổ chức các sự kiện, biến cố không theo một trình tự mà có sự gián đoạn, phân cách, khiến cho người đọc khó theo dõi, khó giải mã. Phân mảnh là một hình thức đặc trưng của tư duy hậu hiện đại, nơi mà mọi giá trị đều bị phá vỡ và cảm quan “phân mảnh” về thế giới ngự trị” [68;157]. Với bài Kiểu nhân vật mảnh vỡ phụ nữ trong “Thằng điên và Quỷ sứ” của Sarkadi Imre, Mai Thị Liên Giang khảo sát và thấy nhân vật trong tác phẩm này là những con người mảnh vỡ – đặc trưng của nhân vật hậu hiện đại, lạc loài, cô đơn, không tính cách, không tình cảm, mất liên lạc với nhau. “Cũng như nhiều nhà văn hậu hiện đại khác, một trong những thủ pháp nghệ thuật của Sarkadi Imre là xây dựng kiểu nhân vật mảnh vỡ. Tiếp xúc với các nhân vật trong tác phẩm, chúng ta gặp các nhân vật với những đổ vỡ, chấn thương tinh thần trước những điều phi lí của xã hội. Trong Thằng điên và quỷ sứ, kiểu nhân vật này thể hiện rõ nhất qua hình ảnh bác sĩ Sebuếc Dôntan. Mảnh vỡ là khuynh hướng sáng tác tiêu biểu của chủ nghĩa hậu hiện đại. Đơn giản bởi mảnh vỡ chính là bản thể của hiện tồn hậu hiện đại” [68;205]...y bụi)... quá khứ là thấy mình dần dần trong ngoặc vuông, và sau đó bị xóa bỏ hoàn toàn, để lại chúng tôi với không có gì, ngoài văn bản. Đối với Morrison, lịch sử với nghĩa lịch sử là một và giống nhau”[88;3]. Công trình nghiên cứu cũng đề cập đến tính mở, sự mơ hồ, lưỡng nghĩa trong tác phẩm của Morrison. Tác giả cho rằng, Morrison đã lựa chọn hai lời đề từ để nhấn mạnh tính hai mặt này: “một mặt là để chỉ sự thật lịch sử “Middle Pasage”, mặt khác, đó là văn bản (Kinh thánh), điều luôn được xem như là sự thật. Trong khi bản thân Kinh thánh không có biên giới rõ ràng giữa sự thật và hư cấu, con số “600 người và hơn thế nữa” là một ước đoán được lượm lặt từ những bản ghi chép từ lịch sử, mặc dù cuộc Cưỡng bức giữa thế kỉ là một sự thật lịch sử khủng khiếp, nhưng những con số được tính toán là một sự thực không thể kiểm tra được, vì cái chết của những người nô lệ thường là những số liệu bị làm hụt đi đến khó tin. Tất cả những cuộc sống bị mất đi có thể không bao giờ được tính toán bởi vì sự tiếp cận của chúng ta đối với lịch sử luôn luôn bị hạn chế bởi các từ ngữ và bởi những người có quyền lực điều khiển sự ra đời của văn bản. Do đó, mở đầu cuốn tiểu thuyết với những lời đề từ này, Morrison dường như đã đặt tiểu thuyết của mình ở cả hai bình diện: sự thật lịch sử đồng thời là câu hỏi khả năng tìm được một lịch sử khác bên ngoài hay cái gì đó đã có trước/ xảy ra trước những gì được nói đến ở hiện tại” [88;7]. Đúng hơn, những gì ta nhận được đó là những mảnh vỡ của lịch sử. Có nhiều khoảng trống và lỗ hổng, và những khoảng trống này “cần được đọc như là đặc tính của hậu hiện đại” [88;9]. Morrison viết Người yêu dấu như một cuốn tiểu thuyết để đưa ra một tiếng nói về một sự kiện không thể nói, một sự kiện gần như bị xóa khỏi bộ nhớ văn hóa Mỹ. Nhà nghiên cứu cho rằng, bút pháp hậu hiện đại của Morrison cần được đọc theo một hướng mới, không thể chỉ khuôn theo những lí thuyết về hậu hiện đại mà các nhà lập thuyết đã nói trước đó, vì hậu hiện đại ở đây là hậu hiện đại da đen, nó bắt nguồn từ văn hóa, lịch sử và tư tưởng chính trị của người Mỹ da đen khi xây dựng tác phẩm. Ông cũng khẳng định rằng, mặc dù Morrison từng có lần phản đối khi giải thích tác phẩm của bà theo lý thuyết của Jameson, nhưng chiến lược trần thuật và kỹ thuật tiểu thuyết cũng như tư tưởng chính trị của Morrison khiến cho những tác phẩm của bà mang đặc trưng hậu hiện đại. Bài viết này đã giải quyết cho chúng tôi những băn khoăn khi khảo sát tác phẩm của Morrison, rõ ràng thật không thoải mái khi xếp bà vào cùng hàng với các nhà văn hậu hiện đại như Milan Kundera, Thomas Pynchon... Chúng ta cần chú ý rằng đây là nhà văn da đen hậu hiện đại. John N. Duvall nghiên cứu Toni Morrison qua cuốn Nhận dạng tiểu thuyết của Toni Morrison, tính chất xác thực hiện đại và nhà văn da đen hậu hiện đại (The Identifying Fiction of Toni Morrison, Modernist Authenticity and Postmodern Blackness). Cuốn sách là một công trình nghiên cứu dày dặn đi sâu phân tích, lý giải và xác định những đặc trưng nghệ thuật trong tiểu thuyết của Morrison. Trong đó, chúng tôi quan tâm đến các chương: chương 2, Cái tên vô hình và tác giả phức tạp trong “Mắt biếc” (Invisible Name and Complex Authority in “The Bluest Eye”); chương 4: “Bài ca của Solomon”, tương đồng trần thuật và liên văn bản Faulkner (“Song of Solomon”, Narative Identity and the Faulknerian Intertext); chương 6: Morrison đích thực: Phản thân và tường thuật lịch sử (Authorized Morrison: Reflexivity and the Historiographic). Các bài nghiên cứu tập trung lý giải về những mối quan hệ giữa cuộc đời nhà văn và những trang viết, về tính lịch sử và thời đại, những sự thật khốc liệt được phơi bày Về những cái tên được biến tấu từ tên thật của bản thân nhà văn (ví dụ, tên nhân vật trong Mắt biếc – cô bé Claudia, được cho là bắt nguồn từ Chloe – tên thật của Toni [89;29–31], những chấn thương vì là người da đen trong xã hội da trắng, hay phân tích quá trình Morrison làm luận văn Thạc sĩ về Faulkner và những ảnh hưởng của ông đến Toni, đồng thời là những ảnh hưởng của Toni tới Faulkner. Tuy nhiên, ở đây, nhà nghiên cứu đã đưa ra một vấn đề mới: “Nhưng tranh luận về mối quan hệ liên văn bản ở đây không phải để yêu cầu cho Faulkner một vị trí bậc thầy. Trên thực tế, mục đích của tôi không phải là thảo luận về những ảnh hưởng của Faulkner đến Morrison, mà hơn thế, đó là đọc Morrison như thế nào và khôi phục lại cách đọc Faulkner (...). Việc mở rộng những khái niệm liên văn bản, nhấn mạnh vào những ý nghĩa cộng hưởng, mở rộng ra đến vô cùng của ngôn ngữ, điều đó có ý nghĩa là, khi đọc một cách đúng đắn, không chỉ thấy những ảnh hưởng của Faulkner đối với Morrison, mà cả những ảnh hưởng của Morrison với Faulkner – làm thế nào để những tiểu thuyết của bà và phê bình văn học có thể trở thành nguyên nhân để nghĩ lại tác phẩm của Faulkner theo rất nhiều cách khác nhau”... [89;75]. Ở chương cuối (chương 6), nhà nghiên cứu khẳng định Morrison đã tái hiện lại lịch sử và cuộc sống của bản thân bà, cuộc đời bà đã phản chiếu trong các tác phẩm. Tóm lại, John N. Duvall đi sâu nghiên cứu các yếu tố lịch sử và tiểu sử của Morrison, xem xét những ảnh hưởng của hai yếu tố này trong tiểu thuyết của bà. Đặc biệt là, trong cuốn sách đó, với bài viết Đặt tất cả bên nhau: Nỗ lực hợp nhất trong “Bài ca của Solomon” (Putting It All Together: Attempted Unification in “Song of Solomon”) khi nhận định về Bài ca của Solomon, Philip Page đã chỉ ra khát vọng hàn gắn của Morrison về một thế giới đổ vỡ tàn khốc: “Trong Mắt biếc là những hình ảnh chia cắt khủng khiếp của một cộng đồng bị vỡ, những gia đình vỡ và đặc biệt là sự vỡ vụn của những cá thể. Trong Sula, tác giả tập trung vào những sự chia cắt không thể tránh khỏi giữa các cặp đối lập, Bài ca của Solomon ban đầu cũng được đặt vào một thế giới chia cắt tương tự như vậy, nhưng tiểu thuyết này chuyển dịch theo hướng nỗ lực và tham vọng hòa giải những phần bị chia tách (...), tiểu thuyết thứ ba này của Morrison mở rộng tìm kiếm sự trả lời cho câu hỏi về bản sắc và ý nghĩa thông qua những hiểu biết về tổ tiên và văn hóa trong quá khứ. Cũng như hai cuốn sách đầu, vấn đề là, một trong những mảnh vỡ – các gia đình đều “vỡ vụn hoàn toàn”, đến mức “không có ai biết mình là ai”, nhưng ở đây, nỗ lực giải quyết không phải là tìm ra bản sắc và ý nghĩa trong các mối quan hệ cặp đôi, mà là hợp nhất các yếu tố khác hẳn nhau và các đầu mối xung đột thành một tổng thể đầy ý nghĩa, nói tóm lại, là “đặt tất cả bên nhau” [122;84]. Về Milkman, nhân vật trong Bài ca của Solomon, nhà nghiên cứu Marc C. Coner phân tích tính vỡ mảnh trong cái tôi của nhân vật này: “Bài ca của Solomon cũng khắc họa một nhân vật trung tâm dễ vỡ Milkman Dead, một nhân vật thiếu cá tính, một cái tôi không có ý thức mạnh mẽ về cái tôi. Được chăm bẵm rất lâu bởi người mẹ luôn gắn chặt với anh ta, Milkman thấy khó có thể xác định rõ ý kiến của chính anh ta về bản thân hay về thế giới của anh ta – “Tất cả những gì anh ta biết trong thế giới về thế giới là những gì người khác nói với anh ta” – và sự tự tha hóa này được bám rễ trong sự tha hóa của anh ta từ cộng đồng. Như Kathleen O’Shaugnessy chỉ rõ, “trong cộng đồng da đen [Milkman]... lạc lõng hoàn toàn từ mỗi nhóm người, mỗi cá nhân anh ta tiếp xúc, đặc biệt là với chính gia đình anh ta”. Khi anh ta soi mình trong gương, Milkman nhận thấy rằng “nó thiếu sự gắn kết, sự kết nối các nét thành tổng thể. Tất cả chỉ là nỗ lực, cái cách anh ta nhìn, như thể một người trộm nhìn quanh cái góc ở đâu đó anh ta không chắc là mình ở đó, cố đưa ra quyết định nên tiến tới hoặc quay lại”. Theodore Mason nhận định rằng “nhân dạng của Milkman là một đống mảnh vỡ mà chẳng thể nào ghép nối thành tổng thể” [85;63], và sự rã tan đó đã đồng hiện cả nguyên nhân lẫn kết quả thân phận Milkman như là một nhân vật khiếm khuyết và vỡ mảnh. Qua mối quan hệ của anh ta với Pilate và sự chú ý của anh ta đối với các dạng thức giao tiếp xã hội khác, Milkman như thể được đưa từ trạng thái tách li và phân mảnh đến trạng thái hội tụ trong chính bản thân và trong mối quan hệ với cộng đồng. Chắc chắn đây là cách đa số các nhà phê bình giải thích cái kết của cuốn tiểu thuyết: những chuyện Milkman hấp thu được ở miền Nam cho phép anh ta cảm nhận sự gắn kết, ý thức về cái tôi có thật cũng như tội lỗi rõ ràng đối với người khác. Giống như khi Milkman hướng đến cộng đồng xung quanh, thì cộng đồng cũng trải lòng ra với Milkman: “toàn bộ cộng đồng của thị trấn quê Virginia tham dự vào sự khám phá của Milkman về bản thể anh ta qua sự gỡ rối cái quá khứ của anh ta”. Nếu Milkman khám phá ra anh ta là ai và anh ta từ đâu đến, thì anh ta có thể quay về quê hương mình ở Michigan với cảm giác trách nhiệm và gắn kết. Mặc dù anh ta đến quá trễ để ngăn cái chết của Hagar, nhưng anh ta đảm đương trách nhiệm về linh hồn cô, mang mái tóc cô trở về ngôi nhà của cha anh ta, nơi từng là cái bẫy của sự giàu có mà anh đã từ bỏ. Như O’Shaugnessy đã chỉ ra, “Mặc dù không thể quay ngược quá khứ, nhưng anh ta nỗ lực tương tác với cộng đồng nơi anh ta từng có một phần quá khứ trước đó” [85;64–75]. Bên cạnh đó, còn có khuynh hướng nghiên cứu ở góc độ trần thuật học về tiểu thuyết của Toni Morrison. Cuốn từ điển riêng về Toni Morrison do tác giả Elizabeth Ann biên tập, Nhà xuất bản Green Wood, 2003, đề cập đến rất nhiều nội dung về Morrison cũng như các tác phẩm của nữ văn sĩ. Riêng về Người yêu dấu, cuốn sách có những nhận xét: “Trong Người yêu dấu, có sự kết hợp các yếu tố lịch sử, văn hoá dân gian và một trí tưởng tượng sáng tạo tuyệt vời để kể một câu chuyện về sự vật lộn của tình yêu dưới sự đàn áp khốc liệt và những thương tổn nặng nề mà nó gây nên. Hình thức kể chuyện của Người yêu dấu bao gồm sự tập hợp lại những mảnh vỡ của các nạn nhân sống sót sau khi bị làm chấn thương nặng nề tại Sweet Home. Câu chuyện trước tiên và hầu hết là thuộc về Sethe, nhưng sự tường thuật của cô và sự tập hợp lại bắt buộc phải nghĩ về qua các thông tin tiết lộ từ người kể chuyện ngôi thứ ba và giọng kể của các nhân vật khác. Câu chuyện có liên quan đến nhiều giọng kể trong các hồi tưởng, dẫn chúng ta đi từ thế giới tự do đến chế độ nô lệ và quay trở lại. Hình thức kể chuyện do đó, không theo trật tự thời gian niên biểu cũngchẳng theo một con đường thẳng nào. Cách kể chuyện của Người yêu dấu quanh co, gấp khúc, tiến lên phía trước, trượt về sau, xoắn ốc lên trên và xuống dưới, rồi lại tiến về phía trước (). Người đọc bắt buộc phải tham gia vào việc tập hợp lại câu chuyện” [74]. Nhận định này đã chỉ ra phần nào hiện tượng mảnh vỡ trong trần thuật của Morrison. Luận án sẽ tiếp thu ý kiến này. Với bài Sự đặt tên và kể chuyện trong“Bài ca của Solomon” của Morrison (Naming and Storytelling in Morrison’s Song of Solomon), Ashe chú ý đến nghệ thuật kể chuyện của Morrison: Bài ca của Solomon thực chất là câu chuyện về những cái tên. Tác giả nhận thấy có một mối quan hệ, những mối liên kết giữa những cái tên và những câu chuyện. Ví dụ như trường hợp của Milkman: việc tìm ra tên cũng chính là câu chuyện về cuộc đời của Milkman. Tác giả chỉ cho người đọc sự nhấn mạnh và dụng ý nghệ thuật của Morrison về những cái tên. “Lời đề từ của Morrison giới thiệu cho người đọc hướng tới hai chủ đề nổi bật: chuyến bay và những cái tên. Và những từ ngữ đó ẩn chứa một vài bí mật, những sự thật ẩn giấu, thứ mà thế hệ sau phải được thụ hưởng từ tổ tiên của họ. Mỗi cái tên kể một câu chuyện, bắt nguồn từ Kinh thánh hoặc từ một nguồn gốc huyền bí nào đó. Ở đây, chúng ta nhận thấy cái tên có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thâm nhập vào đó, mỗi cá nhân tìm được bản sắc và bản lĩnh của chính họ” [76;3]. Đây là một gợi ý quý báu cho chúng tôi trong quá trình nghiên cứu và khảo sát tác phẩm, chúng tôi đã chú ý hơn đến cái tên cũng như dụng ý nghệ thuật của Morrison và phát hiện ra có một sự sai lạc và sự đặt lại của những cái tên. Đằng sau mỗi cái tên ẩn chứa những bí mật, những câu chuyện bí ẩn. Điều này có ảnh hưởng mạnh mẽ, trực tiếp tới cuộc đời, số phận của mỗi cá nhân, của cộng đồng và cả lịch sử của người Mỹ gốc Phi sống trên đất Mỹ. Đồng thời, sự ngập ngừng và hoài nghi nghệ thuật có lẽ là một dụng ý để Morrison phác họa lại lịch sử đã bị cố tình xuyên tạc, tìm lại bản sắc và văn hóa da đen đã bị tẩy trắng trên đất Mỹ. Những tài liệu nghiên cứu về Morrison trên thế giới mà chúng tôi thu thập được, có lẽ chưa nhiều và chưa đầy đủ, nhưng phần nào đã cho thấy được tài năng nghệ thuật bậc thầy của Toni Morrison. Các công trình này đã cho chúng tôi những nhận định quý báu, những định hướng ban đầu để chúng tôi triển khai luận án. Bên cạnh những công trình đề cập trực tiếp đến mảnh vỡ, có một số tuy không trực tiếp đề cập, nhưng cũng đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc xác lập nền tảng văn hóa xã hội cho những mảnh vỡ và đặc thù mảnh vỡ trong tác phẩm Morrison. 1.2.2. Nghiên cứu về Toni Morrison ở trong nước Ở Việt Nam, các công trình nghiên cứu và bài viết liên quan đến nữ sĩ Morrison và tiểu thuyết của bà chúng tôi tập hợp được không nhiều. Ngoài một số bài giới thiệu về tác giả, tác phẩm trên các sách, báo, tạp chí, trên mạng Internet, ở nước ta có ba công trình nghiên cứu có tính chất chuyên biệt, đó là luận văn Thạc sỹ của tác giả Nguyễn Thị Hiếu Thiện với đề tài Con đường tới tự do của người Mỹ da đen trong nghệ thuật thuật tiểu thuyết Toni Morrison (Trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 2003) và Nguyễn Phương Khánh với đề tài Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong tác phẩm “Người yêu dấu”(Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008). Bên cạnh đó, có công trình của Đường Thị Thùy Trâm, Luận văn Thạc sỹ, “Người yêu dấu” của Toni Morrison dưới góc nhìn huyền thoại, (Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, 2009). Cuốn Hồ sơ văn hoá Mỹ của tác giả Hữu Ngọc là một tài liệu quí, tập hợp những kiến thức bổ ích về lịch sử, văn hoá, tôn giáo, kinh tế, khoa học, con người. Trong đó ông dành hẳn một mục để giới thiệu về nền văn học Mỹ: Dạo chơi vườn văn Mỹ. Trong phần này, nữ sĩ Toni Morrison được ông trân trọng dành hẳn một phần, đó là bài Di sản văn hoá Mỹ da đen: Nhà văn nữ Toni Morrison. Ngoài việc giới thiệu về tiểu sử, vinh quang của nhà văn, ông đã tóm lược những đặc điểm nội dung và nghệ thuật trong các sáng tác của bà, đó là “Chất người xuyên qua những tiểu thuyết trữ tình lớn ấy bay bổng trên những bể khơi và lục địa, đắm chìm trong những truyền thuyết và hiện thực của tâm hồn da đen Mỹ” [53;671]. Và viện Hàn Lâm Thuỵ Điển đã quyết định tặng giải Nobel cho bà, một nhà văn “mà nghệ thuật tiểu thuyết được đặc trưng bởi một trí tưởng tượng mãnh liệt và một cách thể hiện thi ca phong phú, đã vẽ lên một bức họa sinh động của một diện mạo cơ bản về hiện thực Mỹ” [theo 53;671]. Ngoài ra, ông còn lưu ý đến chất nhạc jazz trong các tác phẩm của Toni Morrison. Cuốn Tiếp cận đương đại văn hoá Mỹ do tác giả Nguyễn Liên và Jonathan Auerbach biên tập, có bài giới thiệu về tiểu thuyết Người yêu dấu của Morrison: Đối kháng giai cấp trong văn xuôi Mỹ da đen đương đại của Nicole King. Bài viết đã nhấn mạnh đến vấn đề mâu thuẫn giai cấp trong nội bộ cộng đồng người Mỹ da đen, nguyên nhân là do tâm lý nô lệ đã thấm sâu vào họ; và về vấn đề chủng tộc. Còn các nội dung khác thì tác giả không đề cập tới “...Qua việc đọc kỹ lưỡng các tác phẩm của Lee và Morrison, tôi phát hiện thấy các tác giả này đã nhìn nhận khát vọng giai cấp là vấn đề mấu chốt của phương pháp tìm hiểu màu da đen như một phạm trù lưu chuyển, đặc biệt là sự lưu chuyển này tạo lợi thế cho cuộc đấu tranh đang tiếp diễn của người dân da đen vì bình đẳng chủng tộc và công bằng xã hội ở Hoa Kỳ” [41;130]. Ngoài mâu thuẫn chủng tộc, tác giả còn chỉ rõ sự thiếu liên kết, sự chia rẽ trong bản thân cộng đồng người da màu đã dẫn đến những hậu quả rất nặng nề. Khi nghiên cứu về đề tài ngôn ngữ mảnh vỡ, đây cũng là một nội dung mà chúng tôi lưu tâm. Dành hẳn một chương trong chuyên luận Lịch sử văn học Hoa Kỳ để bàn về Toni Morrison, Lê Huy Bắc đã đề cập đến cuộc đời và sự nghiệp, những tác phẩm tiêu biểu của nữ văn sĩ da màu này. Nhà nghiên cứu chú ý đến tính mảnh vỡ trong nghệ thuật kể chuyện của Toni Morrison qua việc hướng đến khẳng định cái tôi của nhân vật: “Tự do gắn với ý thức của cá nhân về tự do. Nhân vật của Morrison cảm nhận được sự thay đổi tinh tế nhất trong thể xác, tình cảm, tư duy của mình. Họ thấy cánh tay họ cử động cho họ, trái tim đập vì họ, cái tên gọi là của họ... Thế là một cái tôi được khẳng định trên đời. Tính chất ghép mảnh, đặc trưng của chủ nghĩa hậu hiện đại tỏ ra phát huy hiệu quả trong việc tái nhận thức, tái hiện về cái tôi này. Từng phần cơ thể trước đây bị mất đi, ngay cả cái tên mang một kí hiệu viết tắt (Paul D) kiểu Kafka nay cũng được ghép nối để trở thành một hiện hữu thống nhất. Sethe là quá khứ nô lệ, tù nhân, ghép nối với thực tại tự do, Beloved là bóng ma quá khứ được ghép nối với con người da thịt thực tại. Baby Suggs là quá khứ nô lệ ghép nối với thực tại thánh nhân. Paul D là nạn nhân nô lệ ghép nối với chủ nhân của sự tự do...” [8;902]. Luận văn Thạc sỹ của Nguyễn Thị Hiếu Thiện với đề tài Con đường tới tự do của người Mỹ da đen trong nghệ thuật tiểu thuyết Toni Morrison (2003), đã tập trung làm rõ những vấn đề sau: – Những chấn thương tinh thần do chế độ nô lệ da đen ở Mỹ để lại trong tâm thức của người Mỹ da đen được thể hiện trong ba tác phẩm mà trọng tâm là Người yêu dấu. – Mối quan hệ giữa quá khứ với hiện tại và những bài học nhân sinh được thể hiện tập trung trong tác phẩm Người yêu dấu. – Mối quan hệ giữa chủ nghĩa phân biệt chủng tộc định chế hoá, “cái nhìn” và căn bệnh tự – khinh – ghét – dòng – giống – mình được thể hiện trong ba tác phẩm với trọng tâm là Mắt biếc. – Cuộc hành trình đi tìm cái tôi trong ba tác phẩm với trọng tâm là Bài ca của Solomon và Người yêu dấu. – Mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, trọng tâm là Bài ca của Solomon và Người yêu dấu. – Bản sắc của người Mỹ da đen trong Mắt biếc và Bài ca của Solomon. Luận văn tuy đi sâu vào khai thác vấn đề nội dung mà chưa đề cập nhiều đến kỹ thuật tiểu thuyết, nhưng cũng cung cấp cho chúng tôi cái nhìn tương đối toàn diện về bức tranh nghiên cứu phê bình ở Mỹ đối với các tác phẩm của Morrison, về giá trị nội dung, và bước đầu có những gợi ý về nghệ thuật, kỹ thuật tiểu thuyết. Trong luận văn, tác giả nhận xét: “Nhìn chung các công trình nghiên cứu ở Mỹ cho thấy về cơ bản tiểu thuyết của Morrison bao gồm các yếu tố của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, thuyết nữ quyền, chủ nghĩa hiện đại, chủ nghĩa hậu hiện đại giàu chất gô tích Mỹ gốc Phi, văn học viễn tưởng. Sáng tác của Toni Morrison cũng chịu ảnh hưởng của nhiều trường phái phê bình hiện đai như phê bình cổ mẫu, tâm phân học, chủ nghĩa lịch sử mới” [64;16]. Luận văn của tác giả Nguyễn Phương Khánh với đề tài Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong tiểu thuyết “Người yêu dấu” của Toni Morrison là công trình khá dầy dặn, trong đó tác giả đi sâu vào các vấn đề nghệ thuật, kỹ thuật tiểu thuyết, khẳng định hai yếu tố hiện thực và huyền ảo đan cài tạo nên phẩm chất nghệ thuật đặc trưng của tác phẩm. Trong đó, luận văn tập trung vào các nội dung sau: – Cái huyễn hoặc và cụ thể lịch sử. Tác giả chỉ ra các yếu tố huyền ảo trong tiểu thuyết, đó là sự xuất hiện của hồn ma, ma đội lốt người, những cái tôi lưỡng phân, yếu tố Ki Tô giáo trong văn hoá da đen. Bên cạnh đó là những sự kiện lịch sử chân thật của nước Mỹ, có kèm theo năm, tháng cụ thể. – Cái huyền ảo trong không – thời gian hiện thực. – Chất thơ trong tiểu thuyết. Trong đó tác giả chỉ rõ cấu trúc xoay vòng và cấu trúc của nhạc thấm đẫm trong từng trang tiểu thuyết. Đây là công trình chuyên biệt đầu tiên khi tác giả đi sâu vào nghiên cứu, khai thác các mảng về nghệ thuật, kỹ thuật tiểu thuyết, khẳng định sự có mặt của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong tác phẩm. Luận văn mang đến cho chúng tôi một số gợi ý trong quá trình thực hiện đề tài. Trong luận văn, tác giả nhận định: “Nhân vật của cuốn tiểu thuyết là tập hợp của những mảnh vỡ, những đoạn đứt gãy bên trong của tinh thần và thể xác bị huỷ hoại. Dường như mọi nhân vật đều đứng giữa những biến động dữ dội trong tâm hồn” [39;33]. Đường Thị Thùy Trâm với luận văn Thạc sỹ, “Người yêu dấu” của Toni Morrison dưới góc nhìn huyền thoại, nghiên cứu yếu tố huyền thoại trong tiểu thuyết Người yêu dấu, luận văn tập trung vào một số vấn đề: Giới thuyết một số khái niệm: huyền thoại, cổ mẫu, hiến tế, tái sinh... và thuyết minh các nội dung đó trong tiểu thuyết. Phân tích sự xuất hiện của các cổ mẫu, hay là sự xuất hiện của những “hình tượng mang tính hằng số” – cách gọi của C.Jung. Bàn về nguyên lý tính Mẫu trong tác phẩm, tác giả luận văn tập trung vào các hình tượng như: Baby Suggs, Sethe, và một số nhân vật nữ vô danh khác. Nội dung này được triển khai trong sự đối sánh với huyền tích về vai trò người phụ nữ trong huyền thoại cổ xưa. Sự hóa thân của Beloved, ý nghĩa ẩn giấu đằng sau câu chuyện về quá trình hiến tế và tái sinh của cô. Nhìn chung luận văn tập trung khám phá nghệ thuật tiểu thuyết bằng góc nhìn huyền thoại, qua đó tìm hiểu thế giới tư tưởng của tiểu thuyết Toni Morrison thông qua một tác phẩm cụ thể. Ngoài ra, chúng tôi tập hợp được một số tài liệu đáng tin cậy từ các trang web như tạp chí văn chương da màu, vietsiences, findartical Trên trang web: vietsiences.free.fr/nobel/literature/morrison có đăng bài giới thiệu về Toni Morrison của tác giả Phạm Văn Tuấn. Ông nhận xét về tác phẩm Người yêu dấu như sau: “Tác phẩm đã khai thác nhiều chủ đề phức tạp () và tác giả đã dùng tới nhiều khung thời gian (timeframes) và các đột biến, chứng tỏ tài năng kể chuyện độc đáo của tác giả, khiến cho độc giả phải chấp nhận cái bất thường là hiện thực”. Về kỹ thuật tiểu thuyết, bài viết đề cập đến vấn đề chúng tôi tìm hiểu như “Bà đã cứu xét các cảm xúc, ngôn từ, phép ẩn ý (metaphor) khiến cho các đoạn văn ăn khớp vào toàn thể câu chuyện và tác giả còn bỏ nhiều thời giờ để thử nghiệm mọi cách tiếp cận, duyệt xét từng phần và làm cho các đoạn văn thêm phần bóng bẩy. Vì thế kết quả là một thể văn đặc biệt nhờ sự pha trộn khác thường của tầm xa tưởng tượng với cách quyết định về cấu trúc cuốn truyện” [60]. Mai Kim Ngọc có bài giới thiệu về tác giả Toni Morrison, ngoài sơ lược vắn tắt về cuộc đời, sự nghiệp, về tác giả, người viết nhận xét, riêng về phẩm chất nhân văn trong con người Morrison, phẩm chất quan trọng hàng đầu để tạo nên những giá trị nghệ thuật đích thực “...Nhưng nhìn kỹ hơn, nhất là ngắm bà cười nói hay đối đáp trên đài truyền hình khi được phỏng vấn, ta sẽ thấy bà tuy vẫn là tây đen, nhưng lại có cái gì khác lắm. Không những bà không giống người da đen bình thường bao nhiêu, mà bà cũng chẳng giống những người bình thường của đời sống hàng ngày, dù đen hay trắng hay đỏ hay vàng. Thật ra bà thuộc về một giống người đặc biệt, gồm những nghệ sĩ chân thành của khắp nơi. Họ có khuôn mặt, hay đúng hơn có đôi mắt rất đặc biệt, đôi mắt của người đã thấy rõ, đã trải qua những eo sèo những hệ lụy của con người, để vẫn yêu thương con người với những hệ lụy những eo sèo ấy bằng một tình thương không mệt mỏi... Khuôn mặt bà có thể là khuôn mặt của một Gabriel Garcia Marquez, một Kawabata, một Chekhov hay một Lỗ Tấn, mặc dầu những xa cách về chủng tộc, về văn hóa, hay về hoàn cảnh sinh sống” [43]. Như vậy, qua việc phân tích và tìm hiểu những tài liệu đã tìm được, chúng tôi thấy rằng: Nghiên cứu về mảnh vỡ là một xu thế tương đối tập trung, được nhiều nhà nghiên cứu phê bình văn học hậu hiện đại trên thế giới cũng như trong nước quan tâm. Có thể thấy, mảnh vỡ được khảo sát và luận bàn trên nhiều bình diện: ngôn ngữ, nhân vật, cốt truyện Thông qua đó, những sáng tạo, cách tân, những quan điểm nghệ thuật mới mẻ của các cây bút hậu hiện đại được đào sâu, khám phá, lí giải một cách khoa học, thuyết phục và hấp dẫn. Nghiên cứu về Toni Morrison và những tiểu thuyết của bà bao gồm các vấn đề như chất nhân văn, những chấn thương kinh hoàng mà người da đen phải chịu đựng trong xã hội mà họ bị coi là nô lệ; khát vọng tự do, hạnh phúc, tình mẹ, khát vọng về mái ấm; vấn đề chủng tộc, bản sắc, cá tính, các yếu tố lịch sử và tôn giáo...; về kỹ thuật tiểu thuyết, các vấn đề đã được phát hiện như sự tồn tại của chủ nghĩa hiện thực và huyền ảo, sự lai ghép giữa các thể loại, ảnh hưởng từ Kinh thánh, sự sử dụng nhiều khung thời gian, tính mơ hồ và đa nghĩa, kỹ thuật dòng ý thức, sử dụng lối kể chuyện đa chủ thể, phi tuyến tính, ảnh hưởng vô thức từ phân tâm học... đặc biệt tính mảnh vỡ được nhìn nhận như là một đặc điểm tồn tại cả trong nội dung cũng như nghệ thuật của tiểu thuyết Morrison. Đó là những gợi ý để chúng tôi kế thừa và phát triển trong luận án. Ở Việt Nam hiện nay nghiên cứu về ngôn ngữ mảnh vỡ trong tiểu thuyết của Toni Morrison, với tư cách là một diễn ngôn đặc thù của hậu hiện đại, còn là một vấn đề đang bỏ ngỏ. Những nhận xét ban đầu chỉ có tính khái quát, và mới dừng ở mức độ gợi ý. Vì đây là nét nghệ thuật tự sự rất đặc trưng của tiểu thuyết Morrison, nên chúng tôi mạnh dạn chọn đề tài này, với mong muốn tìm ra một con đường để tiếp cận các lớp giá trị của những thiên kiệt tác, mở ra một ô cửa để bước đầu tìm hiểu những đại dương mênh mông của nền văn học thế giới, đặc biệt là nền văn học được gọi là hậu hiện đại, với những cách tân và sáng tạo mạnh mẽ trên nhiều phương diện. Chương 2 KHÁI NIỆM “NGÔN NGỮ MẢNH VỠ” “Khi nhà triết học Ludwig Wittgenstein (1889–1951) đề xuất khái niệm Trò chơi ngôn ngữ (Language games) làm tiền đề cho giải cấu trúc (deconstructure) thì thuật ngữ Mảnh vỡ (fragmentary) trong tư duy và nghiên cứu nghệ thuật hậu hiện đại ra đời. Mảnh vỡ gắn với việc giải hoàn hảo (deperfect), giải đại tự sự (degrand–narrative), giải tâm (còn gọi là phi trung tâm, decenter). Mảnh vỡ thuộc về cái ngoại biên (periphery), là cái đang vận động, chưa hoàn kết và là cái có khả năng kết hợp và tái sinh vô cùng...” [10;16]. Mảnh vỡ thường được xem như là một tính chất trong sáng tạo nghệ thuật. Trong triết học, nó là kết quả của sự hoài nghi các đại tự sự, các trung tâm, của ý niệm về sự hỗn độn của tồn tại; đôi lúc nó được nâng lên thành chủ nghĩa: chủ nghĩa mảnh vỡ (fragmentarism). Từ đó, trong văn học, có thể xem đây là một khuynh hướng sáng tác. Ở phạm vi luận án, chúng tôi chỉ tập trung xác định và khai thác khái niệm mảnh vỡ ở khía cạnh là một tính chất của ngôn ngữ nghệ thuật, một kiểu diễn ngôn, cách cắt nghĩa cuộc sống đặc thù của văn chương hậu hiện đại nói chung và của Toni Morrison nói riêng. Trước khi xác lập khái niệm ngôn ngữ mảnh vỡ, chúng tôi bắt đầu từ ngôn ngữ nghệ thuật. 2.1. NGÔN NGỮ NGHỆ THUẬT Ngôn ngữ là kí hiệu do con người phát minh ra trong quá trình lao động và sản xuất. Nhờ ngôn ngữ, con người mới có khả năng tư duy vượt bậc và ngày càng phát triển. Đối với văn học, “Ngôn ngữ là công cụ, là chất liệu cơ bản của văn học” [31;215]. Từ ngôn ngữ đời sống đến ngôn ngữ văn học là cả một bước tiến dài của nhân loại. Phải mất cả triệu năm, có thể còn lâu hơn thế, người cổ đại mới có thể sử dụng ngôn ngữ để sáng tác được một bài thơ hoặc một câu chuyện thần thoại. Có sự khác biệt rất lớn giữa ngôn ngữ văn chương và lời nói thường nhật. Đi vào văn chương, ngôn ngữ phải có chức năng chuyển tải hình tượng, tư tưởng và giải phóng cảm xúc không thực hiện được điều này, ngôn ngữ đó không thể tồn tại như một dạng ngôn ngữ văn chương. Ngôn ngữ nghệ thuật, cụ thể ở đây là ngôn ngữ văn học, “là một trong những yếu tố quan trọng thể hiện cá tính sáng tạo, phong cách, tài năng của nhà văn” [31;215]. Thuộc tính của ngôn ngữ văn học gồm có, “Tính chính xác, tính đa nghĩa, tính tạo hình và biểu cảm” [31;215]. Phân biệt ngôn ngữ văn học với các hình thái hoạt động ngôn ngữ khác, các nhà nghiên cứu chỉ rõ, “ngôn ngữ văn học là hình thái hoạt động ngôn ngữ mang ý nghĩa thẩm mĩ. Nó được sử dụng để phục vụ nhiệm vụ trung tâm là xây dựng hình tượng văn học và giao tiếp nghệ thuật. Vì vậy, tính hình tượng, tính thẩm mĩ là thuộc tính bản chất, xuyên thấm vào mọi thuộc tính khác, quy định những thuộc tính ấy” [31;215]. Theo các nhà cấu trúc luận, tất cả mọi hiện hữu đều là những hệ thống kí hiệu, tức là một loại ngôn ngữ, mọi kí hiệu đều gắn liền với ý nghĩa, tức đều biểu đạt (signify) một cái gì đó, họ nhìn ngôn ngữ như một hệ thống khép kín và tĩnh tại. Nhưng đến Ludwig Wittgenstein, Mikhail Bakhtin và các nhà hậu cấu trúc, thì ngôn ngữ được xem là luôn thuộc về những tương tác, đối thoại nào đó, nghĩa là, bao giờ cũng ở trong quá trình vận động. Do đó, ngôn ngữ gắn bó mật thiết với xã hội và lịch sử. Ngôn ngữ trong tinh thần hậu hiện đại được xem là một diễn ngôn (discourse), tức ngôn ngữ đang được sử dụng. Điều này dẫn đến hai hệ quả chính: một là, văn bản là một cái gì luôn luôn dở dang, luôn luôn được hình thành, tồn tại trong quá trình “sản xuất” liên tục; hai là, tính thống nhất của nó không ở nơi xuất phát mà chủ yếu ở nơi tiếp nhận, hay nói cách khác, người có khả năng tạo nên sự thống nhất của văn bản không phải là tác giả mà chính là người đọc. Trong ý nghĩa này, Roland Barthes tuyên bố: “Tác giả đã chết”. Vì cho “Tác giả đã chết”, nên trong việc tìm hiểu văn học, các nhà hậu cấu trúc luận bị đè nặng bởi cảm giác bất lực. Đây cũng là sự khác biệt quan trọng giữa hậu cấu trúc luận và cấu trúc luận. Trong khi cấu trúc luận tin tưởng là ý nghĩa nằm đâu đó trong cấu trúc của tác phẩm và nhất thiết phải như thế, thì hậu cấu trúc luận quan niệm ý nghĩa là một tiến trình bất định, hầu như vô giới hạn và luôn trải dài về phía trước trong sự tương tác với người đọc.  Quan niệm này gắn liền với thuật ngữ “differance” do Jacques Derrida đưa ra để chỉ bản chất của ký hiệu ngôn ngữ như một cái gì vừa khác biệt vừa phát triển đến vô hạn, trong đó, ý nghĩa là một cái gì vừa có mặt vừa vắng mặt và không bao giờ thực sự có mặt trọn vẹn cả. Khác với Ferdinand de Saussure, triết gia Jacques Derrida cho kí hiệu không phải là một cấu trúc khép kín của hai mặt biểu đạt và được biểu đạt mà chỉ là cấu trúc của những sự dị biệt: một cái biểu đạt không nhất thiết dẫn đến một cái được biểu đạt tương ứng mà thường, nếu không muốn nói là luôn luôn, dẫn đến những cái biểu đạt khác, và chúng ta sẽ không bao giờ vươn tới được cái được biểu đạt cuối cùng mà bản thân...đến tuyệt đối cái tôi, sự chuyển hoá từ người sang đồ vật, hàng hoá khiến các giá trị người bị tiêu diệt và biến mất hoàn toàn. Nó khủng khiếp hơn cái chết. Sự phá vỡ lần thứ nhất – phá vỡ hoàn toàn về cái tôi–bản thể diễn ra tại Sweet Home. Chính sự tàn bạo cùng cực của nó đã dẫn đến nỗi tuyệt vọng cùng quẫn của Sethe khi chị huỷ hoại con của mình, chỉ bởi vì: “Bất kì kẻ da trắng nào cũng có thể lấy đi toàn bộ cái tôi của bạn, kể cả những gì xuất hiện trong ý nghĩ. Không chỉ bắt bạn lao động, giết bạn hay gây thương tích mà còn làm nhục bạn. Làm nhục bạn đến mức bạn không thể yêu quý bản thân được nữa. Làm nhục bạn đến mức bạn quên mình là ai và không thể suy nghĩ được gì” [50;391]. Chế độ nô lệ đã bóp méo và làm biến dạng tình yêu của Sethe. Đối với cô “tình yêu mong manh không phải là tình yêu”. Nhưng nó “quá dầy” và trong sự dồn đẩy của một xã hội tàn bạo, tình yêu của người mẹ đã trở thành kẻ giết người. Bởi vì, như chị giải thích “nếu tôi không giết nó thì nó cũng sẽ chết, người ta sẽ cào nát mông nó trước khi giết nó”. Đối với logic lí luận trong một tình trạng xã hội tàn bạo, hành động đó có thể là đúng. Nhưng bất luận thế nào, sự kiện này là quá khủng khiếp đối với một người mẹ. Chỉ cần “con bị muỗi đốt thôi, mẹ đã đau đớn vô cùng”. Vậy mà chính tay chị phải giết con, chỉ vì không muốn nó khổ hơn? Việc buộc phải giết con, hủy hoại chính những gì thiêng liêng đẹp đẽ nhất của chính mình khiến Sethe mãi mãi bị ám ảnh, hành hạ, dày vò. Nó bao phủ và chôn vùi cuộc đời chị. Đó là hình ảnh trung tâm và mọi câu chuyện xoay vòng xung quanh nó, kể về nó, đau đớn, sám hối, nuối tiếc và cả những khát vọng âm thầm muốn được chuộc lỗi. Bằng cách chắp nối những mảnh đoạn kí ức, những hình ảnh vỡ vụn, lộn xộn, chúng ta dần dần hình dung được toàn bộ sự thật, một sự thật “khủng khiếp hơn địa ngục”. Liệu các nhân vật có thể hàn gắn nỗi đau và vượt qua quá khứ? Các nhân vật mảnh vỡ này sống trong không gian và thời gian vỡ mảnh. Họ sống trong những ngôi nhà thiếu tình yêu, những ngôi nhà chết chóc, ngôi nhà ma ám, ngôi nhà nguy nga như cung điện nhưng chẳng khác gì nhà tù. Bên cạnh đó, ta thấy thời gian của cuộc sống hiện tại luôn bị cắt mảnh, xâm lấn của một quá khứ ám ảnh, tạo nên cảm giác phi thời gian của truyện kể. Ngôn ngữ mảnh vỡ được thấy trong tất cả các bình diện nghệ thuật tiểu thuyết Morrison. Từ nhân vật, đến ngôn từ, không gian, thời gian và lối trần thuật phù hợp với nó. Tiểu kết Nói bằng nhân vật mảnh vỡ là một tiếng nói mà Morrison dụng công xây dựng để phát ngôn với thế giới về những sự thật bấy lâu bị vùi lấp. Số phận của những người phụ nữ, những người đàn ông da đen, nhất là các bé gái người da đen được hiện lên dần dần qua kĩ thuật ghép mảnh, cho ta hình dung về một thế giới khổng lồ, vô cùng của cái ác và sự nhẫn tâm; một thế giới đen tối, thăm thẳm mà chúng ta chưa bao giờ có thể hình dung là nó đã xảy ra với con người. Thật khó để bóc tách và chia lẻ các vấn đề trong tiểu thuyết của Morrison, bởi sự liên kết chặt chẽ, sự đan bện và trùng điệp trong kết cấu trọn vẹn của tác phẩm nghệ thuật. Ở Morrison, vấn đề cái tên – ngôn từ cũng chính là số phận con người và còn là dấu hiệu của lịch sử, văn hóa. Tuy nhiên, chúng tôi cố gắng phân tách để đi sâu nghiên cứu ngôn ngữ nhân vật ở khía cạnh: những mảnh vỡ bản thể và hành trình truy tìm căn tính, đồng nghĩa với việc đi tìm tự do và hạnh phúc của người nô lệ da đen hay những người bị áp bức nói chung. Với Toni Morrison, nhân vật được hiện lên qua những mảnh vỡ. Họ là những kí hiệu, những con số, bị áp đặt những cái tên kì quặc, những hình ảnh ám ảnh, thậm chí, có nhân vật là hồn ma hiện hình sống với người, ăn ở với họ, thậm chí có mang, rồi lại biến mất không tăm tích. Các nhân vật mảnh vỡ này sống trong những thời gian vỡ mảnh và không gian luôn căng thẳng chỉ chực nổ tung. Đó là linh hồn và xác thịt của những người da màu bị tàn hại trong lịch sử, bị cưỡng bức khỏi quê hương, hiện diện trong một xã hội mà họ không được coi là người. Họ luôn sống trong những bi kịch vì đã bị tàn hại và sẽ tiếp tục bị tàn hại bất kì lúc nào. Không chỉ bị bắt lao động, bị đánh đập, bị giết, bị thiêu sống, mà họ còn bị làm nhục, làm bẩn, hủy hoại khiến “bạn không biết mình là ai và không yêu quý được bản thân mình nữa”. Những câu chuyện đau đớn, bi thảm đã được tái hiện dưới ngòi bút đầy sức sáng tạo và một trái tim mạnh mẽ yêu thương. Nhân vật mảnh vỡ cho thấy sự tan rã của chỉnh thể, của những gì thống nhất, trọn vẹn. Nó không phải là một vũ trụ của sự thống nhất, hài hòa, mà là một tập hợp những mảnh vỡ. Đối với người da đen trên đất Mỹ, mảnh vỡ nhân vật càng trở nên khốc liệt. Ở chương này, ta vẫn thấy sự nhấn mạnh của Morrison về mối liên quan giữa ngôn ngữ và cuộc đời, số phận nhân vật. Bà vẫn khao khát đấu tranh để khẳng định tiếng nói, đòi quyền sống, làm dịu bớt đau thương cho các nhân vật của mình. Ngôn ngữ nhân vật mảnh vỡ, có thể thấy là một lựa chọn đặc biệt thành công của Morrison trong việc đưa nhân vật bước đi trên hành trình gian khó để tìm kiếm bản thể, để thể hiện những tư duy nghệ thuật sâu sắc và đầy bao dung của mình. KẾT LUẬN Trên hành trình phi trung tâm những đại tự sự, tư duy nghệ thuật hậu hiện đại đã hướng đến ngôn ngữ mảnh vỡ như một tất yếu. Mảnh vỡ đã trở thành chuẩn mực mới về cái đẹp. Mảnh vỡ tham gia kiến tạo nên một đội ngũ tác giả và độc giả mới cho kỉ nguyên con người không tin vào quyền năng tuyệt đối của lí tính. Từ cảm quan hậu hiện đại này, mảnh vỡ đã xâm nhập vào sáng tác và phê bình văn học như một phạm trù cốt lõi. Tất nhiên, mỗi tác gia văn học đều có một đặc thù riêng khi sử dụng ngôn ngữ mảnh vỡ. Toni Morrison là bậc thầy ở nghệ thuật này. Với đề tài Ngôn ngữ mảnh vỡ trong tiểu thuyết của Toni Morrison, luận án là công trình đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu văn học hậu hiện đại Mỹ dưới góc độ tiếp cận tu từ học, thi pháp học. Chúng ta có thể thấy, bằng cách tiếp cận này, luận án đã khắc phục được phần nào những vướng mắc trước đây của một số công trình nghiên cứu về ngôn ngữ nghệ thuật trong quá trình tạo nghĩa. Về vấn đề thuật ngữ, luận án xem xét và xây dựng khái niệm ngôn ngữ mảnh vỡ. Ngôn ngữ nghệ thuật mà chúng tôi nghiên cứu ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, đó là tất cả các đơn vị tạo nghĩa của tác phẩm văn học từ cấp độ hình tượng theo quan điểm kí hiệu học mà nhà kí hiệu học I.U. Lotman và các nhà hậu cấu trúc đã làm sáng tỏ. Chúng ta có thể thấy, từ bản chất, ngôn ngữ nghệ thuật lồng trong nó rất nhiều loại ngôn ngữ. Đó là ngôn ngữ được sáng tạo, nhào nặn trên cơ sở ngôn ngữ nguyên sinh theo ý đồ của nhà văn, là một dạng kí hiệu đặc biệt được nhà văn sử dụng để mô hình hóa thế giới. Do thế giới hậu hiện đại là một hiện thực thậm phồn, nên ngôn ngữ nghệ thuật, nhờ thế, có khả năng phát triển, mở rộng giới hạn đến vô cùng, tạo ra tầng tầng lớp lớp ý nghĩa nhờ sự cộng hưởng từ phía bạn đọc Luận án cũng tiến hành khảo sát và chỉ ra một đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ hậu hiện đại, đó là ngôn ngữ mảnh vỡ, ngôn ngữ thể hiện cảm quan tư duy của con người thời hậu hiện đại. Ngôn ngữ đó có sức mạnh tạo ra những cái siêu phàm, vượt qua sức biểu đạt của ngôn ngữ nghệ thuật truyền thống. Trong khuôn khổ luận án, chúng tôi đi sâu phân tích biểu hiện ngôn ngữ mảnh vỡ ở hai phương diện, đó là lớp ngôn từ và lớp nhân vật. Ngôn ngữ mảnh vỡ trở thành nét chủ đạo trong nghệ thuật tự sự của Toni Morrison. Trong tiểu thuyết của bà, đã xảy ra trận chiến quyết liệt trên bình diện ngôn từ. Tấn công vào ngôn từ, với Toni Morrison, tức là tấn công vào nền tảng văn hóa da trắng, diễn ngôn đại tự sự bấy lâu ngự trị trên một đất nước được thêu vẽ bằng những ngôn từ hoa mĩ nhưng thực tế lại không phải như vậy, để thiết lập nền tảng văn hóa, mĩ học da đen tương đồng với mĩ học da trắng. Toni Morrison thật xứng đáng là một trong những chiến binh dũng cảm trong công cuộc phi tâm hóa những đại tự sự. Trở thành đại biểu xuất sắc của nền văn chương hậu hiện đại, bà đã kiến tạo một thế giới ngôn từ mảnh vỡ độc đáo, kết dính hoặc tách rời về hình thức, dùng chữ với nghĩa sai lạc khi so với cách sử dụng truyền thống, nhằm làm sống lại những sự thật bị che giấu, phơi bày những khoảng tối, những mảnh vỡ không thể chối cãi của lịch sử, văn hóa và phận người bị áp bức. Từ những mảnh đoạn ngôn từ bị cắt xẻo, hỗn độn, ta dễ dàng nhận thấy một kết cấu mảnh vỡ ở tất cả các hình ảnh, sự kiện chi tiết, nhân vật... đã được dụng công xây dựng để có thể nói về một sự đổ vỡ đau đớn, không gì có thể cứu vãn của số phận các nhân vật của Toni Morrison. Những hồi ức, những mảnh đoạn sự kiện rời rạc, những lời thì thầm vĩnh viễn không được viết lên trên các trang giấy, đã được tập hợp để kể về những sự việc mà “tốt hơn hết không nên biết gì về chúng”. Bóc tách câu chuyện dần dần qua những mảnh vỡ, cũng là một nghệ thuật mà Toni Morrison cố gắng xoa dịu, giảm bớt nỗi đau, tránh những cảm giác phải tiếp xúc với những gì quá thô bỉ, quá gớm ghiếc diễn ra trong đời sống thường nhật. Nghệ thuật tạo ra từ những câu chuyện không nói hết, “vẫn còn vướng mắc ở trung tâm của chuyện kể”, tạo ra sức sáng tạo, liên tưởng và cộng hưởng mãnh liệt từ phía người đọc, thể hiện một tài năng nghệ thuật bậc thầy, khiến Lyotard trầm trồ kính nể bà, khẳng định đó là “sự kì vĩ của cái siêu phàm”. Ngôn từ mảnh vỡ tất yếu khai sinh ra nhân vật mảnh vỡ. Từ các nhân vật đa dạng và sinh động khác nhau, những mảnh vỡ thân phận được hiện lên dần dần, xoay đi lặp lại tạo nên một kiểu ngôn ngữ mảnh vỡ nhân vật đặc thù, để người đọc nỗ lực tập hợp và cùng nhà văn kiến tạo bức tranh về thế giới, về phận người nô lệ, người bị áp bức nói chung. Những mảnh vỡ hiện tại–quá khứ; thực–ảo, người–ma còn khiến cho tác phẩm của Toni Morrison mang bầu không khí huyền hồ, khiến người đọc mãi bâng khuâng, trăn trở. Toni Morrison qua nghệ thuật ngôn ngữ mảnh vỡ còn cho thấy sự sáng tạo, cách tân lớn khi bà sử dụng lời nói của cộng đồng người da đen bên rìa thị trấn, về cái tên bị xóa và sự nỗ lực tìm lại họ tên, tìm lại tổ tiên, tìm lại chính mình. Vậy nên, ngôn ngữ, như Morrison cho thấy, có một sức mạnh phi thường, kết tinh trong nó là văn hóa, là lịch sử, là sự sống còn của một dân tộc. Việc bị đặt sai tên, hiểu sai... là tấn bi kịch của người da màu trong lịch sử, một dân tộc bị “xóa mất trí nhớ”. Bên cạnh đó, sự hiểu khác, dùng ngược, làm nôm na hóa thứ ngôn ngữ chuẩn mực của người da trắng, bẻ gãy nó theo nhiều cách khác nhau, cũng là cách mà người da đen chống lại sự nô dịch của nền văn hóa áp đảo này. Nếu mảnh vỡ ngôn từ chủ yếu cho thấy sự mất mát đớn đau của một chủng tộc người trong quá khứ và cả thực tại khi họ và tất thảy mọi người vẫn sống trong bầu khí quyển nghi kị, đố kị và xa lạ,... thì ngôn ngữ nhân vật mảnh vỡ lại là nơi để Toni Morrison cho người đọc thấy được hành trình đi tìm bản thể hòng chấm dứt nỗi đau, sự mất mát của những người da đen trong thế giới da trắng. Như thế, ngôn ngữ mảnh vỡ trở thành một dấu hiệu đặc thù trong tư duy nghệ thuật tiểu thuyết của Toni Morrison. Dùng mảnh vỡ để lạ hóa ngôn từ, để nói lên nỗi bi thương cho kiếp người, dùng mảnh vỡ để đấu tranh đòi bình đẳng giữa hai chủng tộc trắng – đen, dùng mảnh vỡ để kiến tạo bản thể của những con người mới và của nền văn hóa mới,... Toni Morrison đã khẳng định được quyền năng của mình với tư cách là nhà sáng tạo trên chất liệu ngôn từ. Bà đã thực sự thành công khi dùng ngôn ngữ mảnh vỡ để kiến tạo thế giới nghệ thuật. Bà đồng thời cũng khẳng định rằng, bản chất của ngôn ngữ, cũng như bản chất của sự tồn tại, thực ra không phải là những chỉnh thể tròn trịa như bấy lâu nay người ta vẫn nhầm tưởng, mà thực sự, trong sự sinh động của tồn tại, bản chất của nó là những mảnh vỡ. Tư tưởng này mang bản chất nhân văn lấp lánh của thời đại. Đã đến lúc, con người cần nhìn nhận về những tiếng nói và những sự sống có quyền tồn tại ngang bằng nhau, có cùng cơ hội như nhau để sống và phát triển. Ngôn ngữ mảnh vỡ, như Morrison khẳng định, là bản chất tất yếu của ngôn ngữ hậu hiện đại, con người cần nhận ra và công nhận nó. Từ những nghiên cứu trên, luận án đã mở ra một hướng nghiên cứu hứa hẹn. Đó là, nghiên cứu tác phẩm văn chương hậu hiện đại từ góc độ kí hiệu học. Việc khảo sát và minh định nội hàm khái niệm của thuật ngữ ngôn ngữ mảnh vỡ giúp phê bình hậu hiện đại có một công cụ hữu hiệu để khám phá văn học hậu hiện đại Việt Nam và thế giới. Đây có thể trở thành một con đường để phê bình lí luận văn học trong nước chinh phục những đỉnh cao nghệ thuật của nhân loại. Trước nghệ thuật kì vĩ của Toni Morrison, những khám phá của chúng tôi quả thật còn vô cùng nhỏ bé. Chúng tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều công trình tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi sâu hơn về văn nghiệp của bà, một cây bút chiến đấu không mệt mỏi cho tự do, lẽ phải và sự công bằng bằng một tình yêu không mệt mỏi và một tài năng nghệ thuật trác việt, phi thường. DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 1. Nguyễn Thị Minh Thảo (2008), Kiểu nhân vật mảnh vỡ trong tác phẩm “Người yêu dấu” của Toni Morrison, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay, số 12, tr. 54-61. 2. Nguyễn Thị Minh Thảo (2009), Thời gian mảnh vỡ trong tiểu thuyết “Người yêu dấu” của Toni Morrison, Tạp chí Khoa học, trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, số 54, tr. 117-125. 3. Nguyễn Thị Minh Thảo (2011), Những cái tên sai lạc trong “Bài ca của Solomon” của Toni Morrison, Kỉ yếu Hội thảo Khoa học Ngữ Văn, trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, tr. 202-210. 4. Nguyễn Thị Minh Thảo (2013), Ngôn từ mảnh vỡ trong tiểu thuyết của Toni Morrison, Kỉ yếu hội thảo Khoa học quốc gia, tr. 235-244. THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO A. TIẾNG VIỆT Lại Nguyên Ân biên soạn (2003), 150 thuật ngữ văn học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. R.M. Albérès (2002), Cuộc phiêu lưu vào tư tưởng văn học phương Tây hiện đại, NXB Lao động. Đào Tuấn Ảnh (2005), “Quan niệm thực tại và con người trong văn học hậu hiện đại”, Tạp chí Nghiên cứu văn học (7), tr. 24–27. Roland Barthes (1984), La mort de l’Auteur trong cuốn Le bruissement de la langage, Paris, Seuil, pp. 61–67. Lý Thơ Phúc dịch, có đối chiếu với bản dịch của Trần Đình Sử, Lê Huy Bắc biên dịch (2000), Tuyển tập truyện ngắn Châu Mỹ, NXB Văn học, tập 5. Lê Huy Bắc (2002), Phê bình lý luận văn học Anh Mỹ, tập 1, NXB Giáo dục. Lê Huy Bắc (2002), Truyện ngắn Hậu hiện đại, Tạp chí Văn học, số 9. Lê Huy Bắc (2010), Lịch sử văn học Hoa Kỳ, NXB Giáo dục. Lê Huy Bắc (2012), Văn học hậu hiện đại – Lí thuyết và tiếp nhận, NXB Đại học Sư Phạm. Lê Huy Bắc chủ biên (2013), Phê bình văn học Hậu hiện đại Việt Nam, NXB Tri thức. M. Bakhtin (1992), Lí luận và thi pháp tiểu thuyết, Phạm Vĩnh Cư tuyển dịch, trường viết văn Nguyễn Du xuất bản. Lê Nguyên Cẩn (1999), Cái kỳ ảo trong tác phẩm của Balzac, NXB Giáo dục. Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (2002), Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, (tập thể dịch giả), NXB Đà Nẵng. Lê Đình Cúc (2001), Văn học Mỹ mấy vấn đề tác giả, NXB Khoa học Xã hội. Lê Đình Cúc (2004), Tác gia văn học Mỹ, Viện KHVN, NXB Khoa học xã hội Việt Nam. Lê Đình Cúc (2007), Lịch sử văn học Mỹ, NXB Giáo dục. Đỗ Đức Dục (1981), Chủ nghĩa hiện thực phê phán trong văn học phương Tây, NXB Khoa học Xã hội. Phan Huy Dũng (1999), Kết cấu thơ trữ tình, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, chuyên ngành Lí luận văn học, ĐHSP Hà Nội. Vũ Dũng (1990), Những tác phẩm lớn trong văn chương thế giới, NXB Đà Nẵng. Đặng Anh Đào (2001), Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. Đặng Anh Đào (1994), Tài năng và người thưởng thức, NXB Hội nhà văn. Nguyễn Đức Đàn (1996), Hành trình văn học Mỹ, NXB Văn học. Dorothy Brewster, John Burrell (2003), Tiểu thuyết hiện đại, NXB Lao động. Nguyễn Trung Đức (1995), “Hiệu quả nghệ thuật không–thời gian trong tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn” của G. G. Mackét”, TCVH (1), tr. 28–31. Hà Minh Đức (1997), Những nguyên lý về lý luận văn học, Nxb Văn học. Mircea Eliade (2005), Cái thiêng và cái phàm, Tạp chí văn học (2), tr 43–47. Huyền Giang dịch. Lê Minh Đức, Nguyễn Nghị (1994), Lịch sử nước Mỹ, NXB Văn hoá thông tin. A.J.A. Gurêvich (1998), Các phạm trù văn hoá trung cổ, Hoàng Ngọc Hiến dịch, NXB Giáo dục. Paula Geyh, Fred G. Leebron, Andrew Levy, Giới thiệu tiểu thuyết hậu hiện đại Hoa Kỳ, Phan Tấn Hải dịch, http:// tapchitho.org. Kate Hamburger (2004), Logic về các thể loại văn học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) (2007), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục. Đặng Thị Hạnh (chủ biên) (1994), Lịch sử văn học Pháp thế kỷ XX, NXB Thế giới. Đào Duy Hiệp (2008), Phê bình văn học từ lí thuyết hiện đại, NXB Giáo dục. Đỗ Đức Hiểu (2000), Thi pháp hiện đại, NXB Hội nhà văn. I.P. Ipilin, E.A. Tugranova (2003), Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỷ XX, Đào Tuấn Ảnh dịch, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. Milan Kundera (1998), Nghệ thuật tiểu thuyết, NXB Đà Nẵng. N. Konrat (1997), Phương Đông và phương Tây, NXB Giáo dục, Hà Nội. Trịnh Bá Đĩnh dịch. Nguyễn Thị Khánh (chủ biên) (1997), Văn học Mỹ: quá khứ và hiện đại, NXB Viện thông tin KHXH, Hà Nội. Nguyễn Phương Khánh (2008), Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trong tiểu thuyết “Người yêu dấu” của Toni Morrison, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội. Nguyễn Phương Khánh (2012), Toni Morrison và tiểu thuyết, NXB Văn học. Nguyễn Liên (2009), Văn học Mỹ nghệ thuật viết văn và kỹ xảo, NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội. Nguyễn Liên và Jonathan Auerbach, (2001), Tiếp cận đương đại văn hoá Mỹ, NXB Văn hoá thông tin. Mai Kim Ngọc, Toni Morrison, giải Nobel văn học 1993, Tạp chí văn chương da màu. Website:www.damau.org. I.U. Lotman (2004), Cấu trúc văn bản nghệ thuật, Trần Ngọc Vương dịch, NXB Đại học Quốc gia HN. I.U. Lotman (2012), Lí luận văn học những vấn đề hiện đại, Lã Nguyên dịch, NXB Đại học Sư Phạm. Phương Lựu (2001), Lí luận phê bình văn học phương Tây thế kỉ XX, NXB Văn học. Phương Lựu (2011), Lí thuyết văn học Hậu hiện đại, NXB Đại học Sư Phạm. J.F. Lyortard (2007), Hoàn cảnh Hậu hiện đại, Ngân Xuyên dịch, Nhà xuất bản Tri thức. E.M. Meletinsky (2004), Thi pháp của huyền thoại, Trần Nho Thìn, Song Mộc dịch, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội. Toni Morrison (2007), Người yêu dấu, Nguyễn Hải Hà- Nguyễn Thanh Tâm dịch, NXB Văn học. Toni Morrison (1995), Mắt biếc, Phan Quang Định dịch, NXB Trẻ. Toni Morrison, Diễn từ Nobel – Con chim trong đôi tay các ngươi, Thường Quán chuyển ngữ, Tạp chí văn chương da màu. Website: www.damau.org. Hữu Ngọc (2006), Hồ sơ Văn hoá Mỹ, NXB Thế giới. G.N. Pospelov (1998), Dẫn luận nghiên cứu văn học, Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Lê Ngọc Trà dịch, NXB Giáo dục, HN. Liviu Petreescu, (2012), Thi pháp chủ nghĩa Hậu hiện đại, Lê Nguyên Cẩn dịch và giới thiệu, NXB Đại học Sư Phạm. Nguyễn Hưng Quốc,Chủ nghĩa hậu hiện đại (chuyên đề chủ nghĩa hậu hiện đại). http:// www. tienve. org. Trần Đình Sử, Dẫn luận thi pháp học, giáo trình ĐHSP HN (tập bài giảng) Trần Đình Sử (chủ biên) (2005), Giáo trình lí luận văn học, NXB ĐHSP. Lộc Phương Thuỷ (chủ biên) (2007), Lí luận phê bình văn học thế giới (tập2), NXB Giáo dục Đà Nẵng. Phạm Văn Tuấn, Nữ văn hào da đen, Toni Morrison,vietsiences.free.fr. Tocqueville (2007), Nền dân trị Mỹ (hai tập), Phạm Toàn dịch, NXB Tri thức. Tzvetan Todorov (2004), Dẫn luận văn chương kì ảo, Đặng Anh Đào, Lê Hồng Sâm dịch, NXB Đại học Sư phạm. Alvin Toffler, (1992) Làn sóng thứ ba, Nguyễn Văn Trung dịch, NXB Thông tin. Nguyễn Thị Hiếu Thiện (2003), Con đường tới tự do của người Mỹ da đen trong nghệ thuật tiểu thuyết Toni Morrison, Luận văn Thạc Sĩ, Trường ĐHSPThành phố Hồ Chí Minh. Phùng Văn Tửu (2002), Tiểu thuyết Pháp hiện đại – những tìm tòi, đổi mới, NXB Khoa học Xã hội. Đường Thị Thùy Trâm (2009), “Người yêu dấu” của Toni Morrison dưới góc nhìn huyền thoại, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Karthryn Vanspankechen (2001), (Lê Đình Sinh, Vũ Hồng Chương dịch), Phác thảo văn học Mỹ, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh. Nhiều tác giả (2013), Văn học hậu hiện đại, Lí thuyết và thực tiễn, Kỉ yếu hội thảo quốc gia, Khoa Ngữ văn – Bộ môn văn học nước ngoài, NXB Đại học Sư Phạm. Nhiều tác giả (2013), Văn học hậu hiện đại – Lí thuyết và diễn giải, NXB Văn học. Nhiều tác giả (1997), Văn học Phương Tây, NXB Giáo dục. Nhiều tác giả (2002), Kinh Thánh, Cựu Ước và Tân ước, NXB Tôn giáo. B. TIẾNG ANH M. H. Abrams (1985), A Glossary of Literary Terms (Seven Edition), Harcourt Brace Jovenovich, U.S.A. J. Adamson, Hilary Anne Clark (1999), Scenes of Shame: Psychoanalysis, Shame, and Writing, Suny Press. Elizabeth Ann Beaulieu (2003), The Toni Morrison Encyclopedia, Connecticut: Greenwood Press. Elizabeth Ann Beaulieu (1999), Black Women Writers and the American Neo–Slave Narrative. Westport, Connecticut: Greenwood Press. Ashe (1995), Naming and Storytelling in Morrison’s Song of Solomon –and–Storytelling–in–Toni–Morrison–s–Song–of–Solomon (pp. 1–13). Ayer (Sitter), Deborah, (1998), “The Making of a Man: Dialogic Meaning in Beloved” Critical Essays on Toni Morrison’s Beloved. Ed. Barbara H. Solomon. New York: G. K. Hall & Co., (pp.189–204). Schapiro Barbara (2000), The Bonds of Love and the Boundaries of Self in Toni Morrison’s Beloved. Understanding Toni Morrison’s Beloved and Sula. Eds. Marla W. Iyasere Solomon O. Iyasere. New York: Whitston Publishing Company, New York, (pp.155–172). James Berger (1996), “Ghosts of Liberalism: Morrison’s Beloved and the Moynihan Report”, PMLA 111, (pp. 408–420). Bernard W.Bell (1989), The Afro–American Novel and Its Tradition, The University of Massachusetts Press. J. Brooks Bouson (2000), Quiet As It's Kept: Shame, Trauma, and Race in the Novels of Toni Morrison – Suny Series in Psychoanalysis and Culture, Suny Press, 277 pages. Ozana Budau (2007) Beckett and Morgan – two perspective on postmodernism, groundreport.com/postmodern–literature Terry Paul Caesar (1994), Slavery and Motherhood in Toni Morrison’s Beloved. Revista de Letras, 34, (pp. 111–120). Mary P Carden (1999), “Models of Memory and Romance: the Dual Endings of Toni Morrison's Beloved.” Twentieth Century Literature, 45, (pp. 401–427). Marc C. Conner (2000), The Aesthetics of Toni Morrison: Speaking the Unspeakable, University Press of Mississippi, (pp. 52–75). J.A. Cuddon, 1992, Dictionary of Literary terms and Literary Theory, (Third Edition), Penguin Books, London, p.p. 135–137. Martha J. Cutter (2000), “The Story Must Go On and On: The fantastic, Narration, and Intertextuality in Toni Morrison’s Beloved and Jazz.” African American Review, 34, (pp. 61–75). Kimberly Chabot Davis (1998), Twentieth Century Literature. Copy right: www. findarticles.com. John N. Duvall (2000), The Identifying Fiction of Toni Morrison, Modernist Authenticity and Postmodern Blackness, Palgrave Macmillan, 192 pages. Elliot, Mary Jane (2000), “Postcolonial Experience in a Domestic Context: Commodified Subjectivity in Toni Morrison’s Beloved.” MELUS 20.3, (pp. 181–202). Encarta 2007. Americana Encyclopedia. Robin E Field (2007),“Tracing Rape: The Trauma of Slavery in Toni Morrison’s Beloved.” Women Writing Rape: The Blog, April. Howard W. Fulweiler (2000), Belonging and Freedom in Morrison’s Beloved: Slavery, sentimentality, and the Evolution of Consciousness. Understanding Toni Morrison’s Beloved and Sula. Eds. Marla W. Iyasere Solomon O. Iyasere. New York: Whitston Publishing Company, New York (pp.113–143). Carmen Gillespie (2009), Toni Morrison: A Literary Reference to Her Life and Work, Infobase Publishing, 484 pages. Gurleen Grewal (2000), Circles of Sorrow, Lines of Struggle: The Novels of Toni Morrison, Louisiana State University Press, (pp. 1–2), 154 pages. William R Handley (1995), “The House a Ghost Built: Nommo, Allegory, and the Ethics of Reading in Toni Morrison’s Beloved.” Contemporary Literature, 36, (pp. 676–701). Harding Wendy Harding, Jacky Martin, Reading at the cultural interface: the corn symbolism of “Beloved” (Theory, Culture and Criticism) Trudier Harris (1998), “Beloved: ‘Woman, The Name Is Demon.’” Critical Essays on Toni Morrison’s Beloved. Ed. Barbara H. Solomon. New York: G. K. Hall & Co. (pp. 127–137). D. Scott Hinson (2007), “Narrative and Community Crisis in ‘Beloved’ MELUS, 26(4), African American Literature,147–167. JSTOR. Millikin U, Decatur, 25 Nov.  W. Lawrence Hogue (1996), Race, Modernity, Postmodernity: A Look at the History and the Literatures of People of color since 1960, Sunny Press. 209 pages. Ajtay–Horváth Magda, The power of language in Toni Morrison’s Song of Solomon, (pp. 209–258). College of Nyíregyháza Solomon O. Iyasere and Marla W. Iyasere (2000), Understanding Toni Morrison’s Belovedand Sula, Whiston Publishing Company Troy, New York. Holden–Kirwan, Jennifer L. (2007) "Looking into the Self That is No Self: An Examination of Subjectivity in Beloved." African–American Review, Vladimir Kleyman (2002),“Song of Solomon”: Themes, motifs and symbols, Spark Publishing, 60 pages. Lynda Koolish (2001),“‘To Be Loved and Cry Shame’: A Psychological Reading of Toni Morrison’s Beloved.” MELAS 26 (pp. 169–195). –psychological–reading–toni–morrison. Lorraine Liscio (2007), “Beloved's Narrative: Writing Mother's Milk.” Tulsa Studies in Women's Literature, 11(1), (1992), 31–46. JSTOR. Millikin U, Decatur, IL. 25 Nov.  Irena R. Makaryk (1997), Encyclopedia of Contemporary Literary Theory, University of Toronto Press. Carl D. Malmgren (2000), Mixed genres and the Logic of Slavery in Toni Morrison’s Beloved, Understanding Toni Morrison’s Beloved and Sula. Eds. Marla W. Iyasere Solomon O. Iyasere. New York: Whitston Publishing Company (pp.189–201). Rene Matthew and Robin Chandler, (1998),“Using Reader Response to Teach Beloved in a High School American Studies Classroom.” English Journal 88 (pp. 85–92). Jill L. Matus (1998), Toni Morrison, Contemporary World Writers, Manchester University Press. Carolyn A. Mitchell (2000), “I loved to Tell the Story”: Biblical Revisions in Beloved, Understanding Toni Morrison’s Beloved and Sula. Eds. Marla W. Iyasere Solomon O. Iyasere. New York: Whitston Publishing Company, (pp. 172–188). Angelyn Mitchell (2002), The Freedom to Remember: Narrative, Slaver, and Gender in Contemporary Black Women’s Fiction. New Brunswick, NJ: Rutgers U P. Toni Morrison (1987), Beloved, Published by Penguin Group, New York. Toni Morrison (1995), Song of Solomon, David Campbell Publisher Ltd. Toni Morrison (2000), The Bluest Eye, Alfred A. Knopf Publishing. Syed Mujahid (2011), Racial Discourse in Toni Morrison’s ‘The Bluest Eye’, Volume 4 Issue 2, SV. University, Tirupati. A. P. India. Peter A. Muckley, (2000), To Garner stories: A note on Margaret and Sethe in and out of history, and Toni Morrison’s Beloved. John Peck and Martin Coyle, Literary terms and Criticism, New Edition, Macmillan, London, p.p. 110–111. James Phelan (1993), “Toward a Rhetorical Reader–Response Criticism: The Difficult, The Stubborn, and the Ending of Beloved.” Modern Fiction Studies, 39, (pp. 109–128). Philip Page, (1995), Dangerous Freedom: Fusion and Fragmentation in Morrison’s Novel UP of Mississippi. Philip Page, (2000), Putting It All Together, Attempted Unification in Song of Solomon, Understanding Toni Morrison’s Beloved and Sula, Whiston Publishing Company Troy, New York (pp. 84–108). Betty Jane Powel, (2000), “Will the parts hold?” The Jouney Toward a Coherent Self in Beloved.” Understanding Toni Morrison’s Beloved and Sula. Eds. Marla W. Iyasere Solomon O. Iyasere. New York: Whitston Publishing Company, (pp. 142–154). Daniel P. Popernack, The Mythic and the Historic in Morison: A Formalistic Study Eusebio L. Rodrigues, The Telling of Beloved, Caroline Rody, (2000), “Toni Morrison’s Beloved: History, ‘Rememory,’ and a ‘Clamor for a Kiss’.” Understanding Toni Morrison’s Beloved and Sula. Eds. Marla W. Iyasere Solomon O. Iyasere. New York: Whitston Publishing Company, (pp. 83–112). Barbara Schapiro, (2000), The Bonds of Love and the Boundaries of Self in Toni Morrison’s Beloved, Understanding Toni Morrison’s Beloved and Sula. Eds. Marla W. Iyasere Solomon O. Iyasere. New York: Whitston Publishing Company, (pp. 154–171). Evelyn Jaffe Schreiber, (1996), “Reader, Text, and Subjectivity: Toni Morrison’s Beloved as Lacan’s Gaze Qua Object.” Style 30,(pp. 445–461). Copy right: www. findarticles.com. Barbara Solomon (ed), (1998), Critical Essays on Toni Morrison’s Beloved. New York: G.K. Hall; London: Prentice Hall International. Ágens Surányi, The Bible as Intertext in Toni Morrison novels, http: www.tonimorrisonsociety.org. Stuart Sim, (ed), (1999), Critical Dictionary of Postmodern Thought, Published by Routledge, New York. Susana Vasconcelos Teixeira, The City and the Village in Toni Morrison’s Song of Solomon: Reading in the Space in Search for Meaning and Identity (pp. 25–39). Naomi Van Tol, The Fathers may soar, http:// google book.com. Cathy C. Waegner (1997), From Faulkner to Morrison: “Jazzing Up”the American Nobel Prize Heritage, Metzler Publishing House. Teresa N. Washington (2005), “The Mother–Daughter Ajé Relationships in Toni Morrison’s Beloved.” African American Review, 39, (pp. 171–188). Reginald Watson, (2004),” The Power of the ‘Milk’ and Motherhood: Images of Deconstruction and Reconstruction in Toni Morrison’s Beloved and Alice Walker’s The Third Life of Grange Copeland.” CLA Journal, (pp. 56–182). Wikipedia, Online Dictionary, “Toni Morrison”, “Beloved”. Joanna Wolfe, (2004),“Ten Minutes for Seven Letters”: Song as Key to Narrative Revision in Toni Morrison’s Beloved.” Narrative 12.3. (pp. 263–280). Academic Search Premier. Publishing by The Ohio State University.www.hbcolleage.com. Jean Wyatt, Giving Body to the Word: The Maternal Symbolic in Toni Morrison’s Beloved, Copy right: www. Unsiegen.de.nobelpr.htm. Website: Website: Website: Website: Website: Website:–eye–essays Website: –online.com Website:–influence–african–american–culture–musical–216055.html Website: mini–biography–2176629591 Website: Website: Website: –webster.com Website: Website:

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docluan_an_ngon_ngu_manh_vo_trong_tieu_thuyet_cua_toni_morrison.doc
  • docNhững kết luận mới của Luận án.doc
  • docThảo, tóm tắt.doc
  • docTÓM TẮT TIẾNG ANH.doc
Tài liệu liên quan