ĐẠI HỌC HUẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC
HỒ CHÂU
NGOẠI THƯƠNG ĐÀNG TRONG
THỜI CHÚA NGUYỄN
LUẬN ÁN TIẾN SĨ SỬ HỌC
HUẾ, NĂM 2021
ĐẠI HỌC HUẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC
HỒ CHÂU
NGOẠI THƯƠNG ĐÀNG TRONG
THỜI CHÚA NGUYỄN
Ngành: Lịch sử Việt Nam
Mã số: 9229013
LUẬN ÁN TIẾN SĨ SỬ HỌC
Người hướng dẫn khoa học:
PGS.TS. BÙI THỊ TÂN
HUẾ, NĂM 2021
MỤC LỤC
Trang
Lời cam đoan .......................................................................................
195 trang |
Chia sẻ: huong20 | Ngày: 14/01/2022 | Lượt xem: 586 | Lượt tải: 2
Tóm tắt tài liệu Luận án Ngoại thương đàng trong thời Chúa Nguyễn, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
............................. i
Lời cảm ơn ..................................................................................................................... ii
Danh mục các chữ viết tắt ............................................................................................ iii
MỞ ĐẦU ...................................................................................................................... 01
1. Lý do chọn đề tài ...................................................................................................... 01
2. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu ............................................................................ 03
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ........................................................................... 04
4. Phương pháp nghiên cứu .......................................................................................... 05
5. Nguồn tư liệu nghiên cứu ......................................................................................... 06
6. Đóng góp của luận án .............................................................................................. 07
7. Bố cục của luận án .................................................................................................... 08
NỘI DUNG ................................................................................................................. 09
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU .................................... 09
1.1. Tình hình nghiên cứu .......................................................................................... 09
1.1.1. Tình hình nghiên cứu ở trong nước .................................................................... 09
1.1.2. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài ................................................................... 20
1.2. Những vấn đề luận án kế thừa từ các công trình nghiên cứu đã xuất bản và
những những vấn đề đặt ra luận án cần tiếp tục nghiên cứu ................................. 25
1.2.1. Những vấn đề luận án kế thừa từ các công trình nghiên cứu đã xuất bản .......... 25
1.2.2. Những vấn đề đặt ra luận án cần tiếp tục nghiên cứu ........................................ 27
* Tiểu kết chương 1 .................................................................................................... 28
CHƯƠNG 2: BỐI CẢNH LỊCH SỬ VÀ CHÍNH SÁCH MỞ CỬA NGOẠI
THƯƠNG CỦA CHÚA NGUYỄN Ở ĐÀNG TRONG ........................................... 29
2.1. Bối cảnh quốc tế và khu vực ............................................................................... 29
2.1.1. Sự ra đời, phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Tây Âu.......................................... 29
2.1.2. Chính sách hướng biển và thâm nhập vào châu Á của các nước Tây Âu .......... 32
2.1.3. Các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á với luồng hải thương thế giới thế kỷ
XVI – XVII ................................................................................................................... 39
2.2. Bối cảnh trong nước ............................................................................................ 44
2.2.1. Mâu thuẫn giữa hai dòng họ Trịnh – Nguyễn và sự ra đời chính quyền chúa
Nguyễn ở Đàng Trong .................................................................................................. 44
2.2.2. Chiến tranh Trịnh – Nguyễn ............................................................................... 48
2.2.3. Đàng Trong thời chúa Nguyễn với luồng hải thương thế giới ........................... 50
2.3. Chính sách mở cửa phát triển ngoại thương của chúa Nguyễn ...................... 51
2.3.1. Cơ sở để chúa Nguyễn tiến hành chính sách ...................................................... 51
2.3.2. Chính sách mở cửa phát triển ngoại thương của chúa Nguyễn .......................... 59
* Tiểu kết chương 2 .................................................................................................... 62
CHƯƠNG 3: HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI GIỮA ĐÀNG TRONG THỜI
CHÚA NGUYỄN VỚI NƯỚC NGOÀI THẾ KỶ XVI – XVIII ............................ 63
3.1. Các đối tác thương mại ....................................................................................... 63
3.1.1. Buôn bán với phương Đông ............................................................................... 63
3.1.2. Buôn bán với phương Tây .................................................................................. 70
3.2. Hàng hóa xuất nhập khẩu ................................................................................... 88
3.2.1. Hàng xuất khẩu ................................................................................................... 88
3.2.2. Hàng nhập khẩu .................................................................................................. 91
3.3. Tiền tệ, thuế khóa ................................................................................................ 95
3.3.1. Tiền tệ ................................................................................................................ 95
3.3.2. Thuế ngoại thương ............................................................................................ 101
* Tiểu kết chương 3 .............................................................................................. 105
CHƯƠNG 4: ĐẶC ĐIỂM, TÁC ĐỘNG CỦA NGOẠI THƯƠNG ĐÀNG
TRONGTHỜI CHÚA NGUYỄN ............................................................................ 107
4.1. Đặc điểm của ngoại thương Đàng Trong thời chúa Nguyễn ......................... 107
4.1.1. Vũ khí - yếu tố quan trọng dẫn đến những thay đổi trong chính sách về ngoại
thương của chúa Nguyễn ............................................................................................ 107
4.1.2. Sự độc quyền của nhà nước đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động ngoại
thương ......................................................................................................................... 112
4.1.3. Hoạt động thương mại giữa Đàng Trong với nước ngoài diễn ra chủ yếu ở các
đô thị/phố cảng lớn, mà trung tâm là Hội An ............................................................. 114
4.1.4. Hoạt động thương mại giữa Đàng Trong với nước ngoài diễn ra chủ yếu theo
mùa vụ ........................................................................................................................ 116
4.1.5. Dù chủ động, song ngoại thương Đàng Trong vẫn chịu sự ảnh hưởng, tác động
từ bên ngoài ................................................................................................................ 119
4.2 Tác động của ngoại thương đối với Đàng Trong ............................................. 121
4.2.1. Tác động đối với chính trị - quân sự ................................................................ 121
4.2.2. Tác động đối với kinh tế ................................................................................... 124
4.2.3. Tác động đối với văn hóa - xã hội .................................................................... 126
4.2.4. Tác động đối với đô thị/thương cảng ............................................................... 132
* Tiểu kết chương 4 .................................................................................................. 133
KẾT LUẬN ............................................................................................................... 134
DANH MỤC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ
TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả
nêu trong luận án là trung thực và chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công trình
nào khác.
Huế, ngày 16 tháng 6 năm 2021
Tác giả
Hồ Châu
i
LỜI CẢM ƠN
Lời đầu tiên tôi xin được gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo Trường Chính trị Nguyễn
Chí Thanh và lãnh đạo Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế đã tạo điều kiện thuận
lợi để tôi tham gia học tập và hoàn thành luận án này.
Tôi xin bày tỏ niềm kính trọng, lòng biết ơn sâu sắc đến cô giáo PGS.TS. Bùi Thị
Tân – người đã tận tình hướng dẫn, chỉ bảo cũng như động viên tinh thần cho tôi trong
suốt quá trình thực hiện luận án.
Trân trọng cảm ơn quý thầy cô giáo trong và ngoài Trường Đại học Khoa học,
Đại học Huế đã tận tình giảng dạy, chỉ bảo, góp ý, động viên tôi trong quá trình nghiên
cứu, thực hiện, hoàn thiện luận án.
Con xin cảm ơn và ghi nhớ công ơn người thầy – người cha – PGS.TS. Đỗ Bang.
Cảm ơn cha đã động viên con làm nghiên cứu sinh cũng như hỗ trợ, khích lệ tinh thần
cho con trong suốt thời gian qua.
Xin cảm ơn gia đình, người thân, bạn bè và quý anh chị đồng nghiệp đã luôn
quan tâm, khuyến khích, ủng hộ tôi về nhiều mặt trong quá trình học tập và thực hiện
luận án này.
Tác giả
Hồ Châu
ii
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
BAVH Bulletin des Amis du Vieux Hué
BEFEO Bulletin de l‘École francaise d’Extrême- Orient
Cb Chủ biên
CIO Compagnie francaise pour le commerce des Indes orientales
(Công ty Đông Ấn Pháp)
ĐHQG Đại học Quốc gia
EIC English East India Company
(Công ty Đông Ấn Anh)
NCLS Nghiên cứu Lịch sử
Nxb Nhà xuất bản
P Page
TP HCM Thành phố Hồ Chí Minh
Tr Trang
VOC Vereenigde Oots-Indische Compagnige
(Công ty Đông Ấn Hà Lan)
iii
MỞ ĐẦU
1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Dân tộc Việt Nam có quan hệ buôn bán với nước ngoài, đặc biệt là các nước láng
giềng, khu vực từ lâu đời. Quá trình giao lưu, buôn bán với nước ngoài đã có những
ảnh hưởng, tác động nhất định đến sự biến chuyển về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội
Việt Nam qua từng thời kỳ lịch sử, trong đó biểu hiện của sự thay đổi về kinh tế được
phản ánh khá rõ nét.
Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, đến các thế kỷ XVI - XVIII, Đàng Trong thời
chúa Nguyễn với vị trí địa lý thuận lợi, nền sản xuất hàng hóa phát triển, thị trường
buôn bán trong nước sôi động đã thu hút sự chú ý của thương nhân ngoại quốc; và vấn
đề mở cửa để giao thương với bên ngoài trở thành nhu cầu bức thiết cả về phía chính
quyền nhà nước lẫn nhân dân. Với những điều kiện thuận lợi trong nước, nắm bắt
được tình hình, xu thế hải thương thế giới cũng như trong khu vực, chúa Nguyễn đã
thực hiện chính sách mở cửa, chủ động mời gọi thương nhân các nước phương Đông
và phương Tây cập bến cảng Đàng Trong để trao đổi, mua bán. Với chính sách hướng
biển, làm giàu từ biển, tăng cường sức mạnh và tiềm lực cho chính quyền thông qua
thương mại, các chúa Nguyễn đã đưa nền kinh tế Đàng Trong bước sang một giai đoạn
mới - phát triển vượt bậc về ngoại thương.
Chính ngoại thương là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng tác động đến
sự thịnh suy của chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Có thể nói rằng, tiềm lực
kinh tế vững mạnh của chính quyền họ Nguyễn ở Đàng Trong có được là kết quả của
sự tổng hòa nhiều yếu tố, nhưng ngoại thương mới là điểm khác biệt, tạo điểm nhấn
căn bản nhất. Với chúa Nguyễn thì không còn chuyện “ngăn sông, cấm chợ” mà là
khuyến khích hoạt động trao đổi, buôn bán giữa các vùng miền trong cõi và buôn bán
với thương nhân ngoại quốc. Theo chúng tôi, đó là một sự lựa chọn đúng đắn, sáng
suốt, mang yếu tố quyết định tạo nên sức sống/sinh khí mới cho vùng đất Đàng Trong
thời chúa Nguyễn.
Nghiên cứu về ngoại thương Đàng Trong thời chúa Nguyễn, luận án sẽ có ý
nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn sau:
Về mặt khoa học: Luận án được thực hiện trong bối cảnh thời gian qua nền sử
học nước nhà đã đạt được những thành tựu quan trọng; nhiều nhà sử học hàng đầu
trong và ngoài nước dày dặn về kinh nghiệm, hàn lâm về tri thức đã khám phá, làm rõ
1
rất nhiều vấn đề, uẩn khúc của lịch sử Việt Nam nói chung và thời kỳ chúa Nguyễn ở
Đàng Trong nói riêng. Tuy nhiên, vấn đề ngoại thương Đàng Trong thời các chúa
Nguyễn vẫn chưa được nghiên cứu một cách chuyên sâu và đầy đủ. Do vậy, kết quả
nghiên cứu của luận án sẽ góp phần bổ sung, hệ thống hóa nguồn tư liệu về ngoại
thương Đàng Trong. Qua đó, chúng tôi có những căn cứ khoa học để chứng minh rằng,
chính sách mở cửa, phát triển ngoại thương của chúa Nguyễn lúc bấy giờ là quyết sách
đúng đắn, sáng suốt, phù hợp với xu thế và thời cuộc.
Luận án cung cấp thêm nguồn tư liệu lịch sử về quan hệ thương mại giữa Đàng
Trong với nước ngoài ở các thế kỷ XVI - XVIII, đặc biệt là tư liệu tiếng Pháp và tư
liệu hiện vật; qua đó góp phần quan trọng vào việc nhận thức ngày càng đầy đủ hơn,
sấu sắc hơn về sự phục hồi, phát triển và đi đến suy yếu của ngoại thương Đàng Trong
thời chúa Nguyễn.
Với những cứ liệu lịch sử đáng tin cậy, luận án khẳng định vai trò, tác động mạnh
mẽ của ngoại thương đối với sự thịnh suy của chính quyền Đàng Trong đương thời.
Trong luận án, chúng tôi hạn chế việc đưa ra những phán đoán, nhận định mang tính
suy diễn, định kiến chủ quan cá nhân. Thông qua những cứ liệu lịch sử có chọn lọc,
chúng tôi sử dụng phương pháp luận sử học và tinh thần đổi mới sử học hiện nay để
nhìn nhận, đánh giá mọi vấn đề, hướng đến việc đưa ra những nhận định xác đáng,
khách quan và trung thực.
Về mặt thực tiễn: Hiện nay, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp
luật của nhà nước Việt Nam là tăng cường mở rộng giao lưu, hợp tác với các nước trên
thế giới trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó vấn đề hợp tác kinh tế luôn giữ
vị trí quan trọng, đặc biệt ưu tiên hàng đầu. Vậy nên, việc lần giở những trang sử cũ để
tìm hiểu, khảo cứu về ngoại thương Đàng Trong thời chúa Nguyễn nhằm rút ra những
bài học kinh nghiệm áp dụng cho đường hướng phát triển thực tại ở Việt Nam là việc
làm thực sự cần thiết, mang tính thời sự.
Luận án góp phần cung cấp thêm những cứ liệu lịch sử quan trọng trong quan hệ
thương mại giữa Đàng Trong với nước ngoài từ giữa thế kỷ XVI đến những năm 70
của thế kỷ XVIII; làm nền tảng, cầu nối cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt
Nam với các nước trên thế giới, đặc biệt là những nước có quan hệ thương mại truyền
thống từ lâu đời. Vì vậy, nghiên cứu ngoại thương Đàng Trong thời chúa Nguyễn là
2
góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam một cách thiết thực
và có ý nghĩa.
Kết quả nghiên cứu của luận án có thể làm tài liệu tham khảo cho những ai quan
tâm đến lịch sử Đàng Trong thời chúa Nguyễn nói chung và ngoại thương nói riêng;
và cũng có thể sử dụng để phục vụ cho hoạt động giảng dạy, học tập phần lịch sử Việt
Nam thời trung đại ở các trường đại học hoặc cao đẳng. Đồng thời, chúng tôi sẽ tiếp
tục nghiên cứu, bổ khuyết thêm các vấn đề liên quan đến nội dung luận án, cốt để vấn
đề ngoại thương Đàng Trong thời chúa Nguyễn ngày càng tường minh hơn.
Từ tính cấp thiết, ý nghĩa khoa học và thực tiễn như trên, chúng tôi chọn vấn đề
“Ngoại thương Đàng Trong thời chúa Nguyễn” làm đề tài Luận án Tiến sĩ, chuyên
ngành Lịch sử Việt Nam.
2. MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU
2.1. Mục tiêu nghiên cứu
Nghiên cứu đề tài, chúng tôi nhằm mục tiêu tái hiện lại bức tranh ngoại thương
Đàng Trong thời chúa Nguyễn một cách cụ thể, trung thực, đa chiều và toàn diện. Cụ
thể, luận án phản ánh được bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước; làm rõ chính sách
mở cửa ngoại thương của các chúa Nguyễn; trình bày có hệ thống và cung cấp thêm
nguồn tư liệu mới về quan hệ thương mại giữa Đàng Trong với nước ngoài, về các mặt
hàng xuất nhập khẩu quan trọng, vấn đề tiền tệ và thuế khóa. Trên cơ sở đó, luận án rút
ra được những đặc điểm, tác động của ngoại thương đối với chính trị - quân sự, kinh
tế, văn hóa - xã hội, đô thị ở Đàng Trong thế kỷ XVI - XVIII.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Trong quá trình thực hiện luận án, tác giả tập trung giải quyết những nhiệm vụ
chính sau:
Khảo cứu, sưu tầm, hệ thống hóa nguồn tư liệu liên quan trực tiếp đến vấn đề
nghiên cứu nhằm tái hiện toàn cảnh về ngoại thương Đàng Trong thời chúa Nguyễn;
bảo đảm việc cung cấp thêm nguồn tư liệu mới, tin cậy, khoa học.
Xem xét ngoại thương Đàng Trong thời chúa Nguyễn luôn gắn liền với bối cảnh
trong nước, khu vực và thế giới ở các thế kỷ XVI - XVIII; qua đó cho thấy được
những cơ sở, nền tảng quan trọng để chúa Nguyễn có thể thực hiện chính sách mở cửa,
đẩy mạnh phát triển ngoại thương, bang giao với thế giới bên ngoài.
Từ những cứ liệu được sắp xếp, biên mục một cách có hệ thống, logic, trong khi
thực hiện, chúng tôi trình bày nội dung chính yếu của đề tài là hoạt động thương mại
3
giữa Đàng Trong thời chúa Nguyễn với nước ngoài theo tiến trình từ mở cửa, phát
triển rồi đi đến suy yếu.
Luận án rút ra được những đặc điểm cơ bản trong chính sách đối với ngoại
thương của chúa Nguyễn và đặc điểm nổi bật của hoạt động giao thương giữa Đàng
Trong với nước ngoài; đồng thời làm rõ những tác động của ngoại thương đến chính
trị - quân sự, kinh tế, văn hóa - xã hội, đô thị Đàng Trong hồi thế kỷ XVI - XVIII.
3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là ngoại thương Đàng Trong thời chúa Nguyễn
từ năm 1558 đến năm 1775, bao gồm các khía cạnh chính như: Bối cảnh lịch sử và
chính sách mở cửa ngoại thương của chúa Nguyễn ở Đàng Trong; các đối tác thương
mại (phương Đông, phương Tây); hàng hóa xuất nhập khẩu; về tiền tệ, thuế khóa;
những đặc điểm, tác động của ngoại thương...
3.2. Phạm vị nghiên cứu
Về mặt thời gian: Đề tài nghiên cứu ngoại thương Đàng Trong thời chúa Nguyễn
trong khoảng thời gian từ năm 1558 đến năm 1775.
Luận án lấy mốc nghiên cứu như trên dựa vào các lý do sau:
Mốc mở đầu nghiên cứu của luận án, chúng tôi lấy năm 1558, vì đây là năm mà
Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng được vua Lê cắt cử vào trấn nhậm xứ Thuận Hóa và
sau đó là tiếp quản vùng Thuận - Quảng. Vào nửa sau thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ
XVII, Nguyễn Hoàng đã có những chính sách, biện pháp nhằm ổn định xã hội, khôi
phục và phát triển kinh tế Thuận - Quảng, đặc biệt là mở cửa buôn bán với các nước
bên ngoài. Thời kỳ này, nhiều thương thuyền ngoại quốc đã đến giao thương tại cảng
biển thuộc vùng Thuận - Quảng do Nguyễn Hoàng trực tiếp cai trị.
Mốc kết thúc nghiên cứu của luận án là năm 1775 - thời điểm chúa Trịnh đem
quân từ Đàng Ngoài vào đánh, chiếm được thủ phủ của chính quyền Đàng Trong -
Dinh Phú Xuân, chúa Nguyễn bỏ chạy vào Nam. Mặc dù đến năm 1777, quân Tây Sơn
mới tiến vào đánh Gia Định, bắt giết Nguyễn Phúc Thuần cùng một số quan lại, chính
quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong chính thức bị lật đổ. Tuy nhiên, năm 1775, khi bỏ
Phú Xuân chạy vào Nam, hoạt động bang giao nói chung, ngoại thương nói riêng giữa
chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong với nước ngoài dường như đã khép lại.
4
Có thể nói, Đàng Trong chính thức ra đời vào đầu thế kỷ XVII, khi Nguyễn
Hoàng tìm cách trốn chạy khỏi đất Bắc để trở về Thuận - Quảng. Tuy nhiên, trong luận
án, khái niệm “Đàng Trong” được chúng tôi dùng để chỉ vùng đất phía Nam của Đại
Việt do các chúa Nguyễn cai trị, phân biệt với vùng đất Đàng Ngoài (từ Bắc sông
Gianh, Quảng Bình trở ra) do vua Lê – chúa Trịnh cai trị. Từ đó, chúng tôi dùng khái
niệm Đàng Trong với nghĩa tương đối nhằm để chỉ cả thời gian Nguyễn Hoàng vào
trấn nhậm vùng Thuận Hóa và sau đó là Thuận - Quảng vào nửa sau thế kỷ XVI.
Về mặt không gian: Phạm vi không gian nghiên cứu của đề tài là toàn bộ lãnh thổ
Đàng Trong thời chúa Nguyễn, từ Nam sông Gianh, châu Nam Bố Chính, phủ Quảng
Bình trở vào Nam cho đến hết địa phận trấn Hà Tiên. Ngày nay, không gian đó tương
ứng với vùng đất từ Nam sông Gianh (Quảng Bình) trở vào Nam cho đến tận Mũi Cà
Mau (tỉnh Cà Mau), bao gồm cả trên đất liền và vùng biển đảo, nhưng tập trung chủ
yếu là ở địa bàn các tỉnh ven biển - đương thời là nơi có cửa biển thuận lợi cho tàu
thuyền ra vào, lập phố chợ và thương điếm.
4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Thực hiện đề tài, chúng tôi đặc biệt chú ý sử dụng phương pháp lịch sử, phương
pháp logic và kết hợp hài hòa hai phương pháp này trên cơ sở phương pháp luận của chủ
nghĩa duy vật biện chứng.
Phương pháp lịch sử được chúng tôi sử dụng để trình bày các vấn đề theo tiến
trình lịch sử, khôi phục lại bức tranh quá khứ theo đúng trình tự không gian và thời
gian của nó; đặt mình vào bối cảnh đương thời khi nhìn nhận, mô tả các sự kiện, hiện
tượng lịch sử đã diễn ra. Trên cơ sở phương pháp lịch sử, chúng tôi trình bày, phản
ánh lại bức tranh ngoại thương Đàng Trong thời chúa Nguyễn một cách chân thật và
toàn diện.
Phương pháp logic được chúng tôi sử dụng trong việc xâu chuỗi, liên kết các sự
kiện, hiện tượng lại với nhau rồi đi đến nghiên cứu vấn đề trong hình thức tổng quát;
đồng thời có sự liên hệ, đối chiếu để đi đến việc rút ra những đặc điểm, bản chất, quy
luật trong sự vận động khách quan của chúng.
Vì đề tài đề cập đến vấn đề ở vào khoảng thời gian cách khá xa so với hiện nay,
do vậy, để đảm bảo độ tin cậy, chính xác của tư liệu chữ viết và tư liệu hiện vật, chúng
tôi sử dụng các phương pháp giám định, đối chiếu, so sánh đồng đại trong việc xử lý,
khai thác các tư liệu hiện vật, ví như: đồng tiền, đồ gốm sứ
5
Quá trình thực hiện đề tài, chúng tôi còn sử dụng các phương pháp: nghiên cứu tư
liệu thành văn, điền dã, nghiên cứu thực địa, điều tra, phỏng vấn, thống kê, phân tích,
tổng hợp, phương pháp liên ngành
5. NGUỒN TƯ LIỆU NGHIÊN CỨU
Luận án được thực hiện dựa trên nhiều nguồn tài liệu khác nhau, nhưng tập trung
khai thác các nguồn tư liệu chính yếu sau đây:
Nguồn tư liệu thư tịch và tài liệu của các tác giả đương thời: Để thực hiện luận
án, tác giả đặc biệt chú trọng việc sử dụng nguồn tư liệu gốc liên quan trực tiếp đến
nội dung đề tài. Tiêu biểu là các tác phẩm: Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn; Đại Nam
thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn; Xứ Đàng Trong năm 1621 của Cristoforo
Borri; Văn thư thông thương giữa chính quyền Đàng Trong với chính quyền Nhật
Bản
Nguồn tư liệu tiếng Pháp: Từ giữa thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, thực dân
Pháp xâm lược, đặt ách cai trị lên đất nước Việt Nam. Trong khoảng thời gian đó,
nhiều học giả người Pháp đã nghiên cứu về lịch sử, văn hóa Việt Nam, trong đó có
những công bố có liên quan đến tình hình ngoại thương Đàng Trong thời chúa
Nguyễn. Là nguồn tư liệu thứ cấp, nhưng tư liệu người Pháp sử dụng rất đáng tin cậy,
bởi phương pháp nghiên cứu khoa học, khách quan, nghiêng về phản ánh lịch sử hơn
là bàn luận vấn đề. Vì vậy, chúng tôi có sự kế thừa, sử dụng nguồn tư liệu này trong
quá trình thực hiện đề tài.
Nhiều công trình nghiên cứu bằng tiếng Pháp liên quan đến ngoại thương Đàng
Trong thời chúa Nguyễn đã được dịch sang tiếng Việt, hiệu đính và xuất bản cũng đã
tạo thuận lợi rất nhiều cho chúng tôi trong việc khảo cứu nguồn tư liệu. Một số công
trình tiêu biểu được kể đến như: Những người châu Âu ở nước An Nam của C. B.
Maybon; Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII của Nguyễn Thanh Nhã;
Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX của Lê Thành Khôi; nhiều bài viết
được đăng trên Bulletin des Amis du Vieux Hué (BAVH) và Bulletin de l‘École
francaise d’Extrême - Orient (BEFEO);
Nhiều công trình nghiên cứu của người Pháp liên quan đến nội dung đề tài hiện
đang lưu giữ ở các thư viện lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM), Hà Nội cũng
được chúng tôi sưu tầm, dịch thuật, khai thác, sử dụng phục vụ cho quá trình thực hiện
đề tài. Đồng thời, các công trình nghiên cứu của các học giả trong nước có sử dụng
nguồn tư liệu quý cũng được chúng tôi kế thừa, sử dụng có chọn lọc và trích dẫn
nguồn rõ ràng.
6
Nguồn tư liệu hiện vật: Các hiện vật liên quan đến ngoại thương thời chúa
Nguyễn đến nay không còn nhiều, tuy nhiên, đây cũng là một trong những nguồn tư
liệu mà chúng tôi rất trân quý, sử dụng, ví như: súng thần công, đồ gốm, tiền đồng,
Quá trình trực tiếp đi điền dã, khảo sát thực địa ở một số địa điểm liên quan đến
nội dung đề tài luận án, ví như: Hội An (Quảng Nam), Thanh Hà (Thừa Thiên Huế),
Biên Hòa (Đồng Nai), Hà Tiên (Kiên Giang), Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long,
Cần Thơ, Mũi Cà Mau (Cà Mau) đã giúp cho tác giả ở mức độ nào đó có thể định
hình rõ ràng hơn về vị trí địa lý, đặc điểm, điều kiện tự nhiên của vùng đất Đàng Trong
thời chúa Nguyễn. Chúng tôi đã đi khảo sát một số ngôi mộ của thương nhân Nhật Bản
được chôn cất tại Hội An hồi thế kỷ XVII; qua đó hiểu rõ hơn về quan hệ thương mại
giữa Đàng Trong với Nhật Bản, góp phần củng cố, xác minh độ tin cậy nguồn tư liệu
chữ viết đã tiếp cận được.
6. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN ÁN
6.1. Đóng góp về mặt tư liệu
Chúng tôi đã dành khá nhiều thời gian đi đến các thư viện lớn ở Thủ đô Hà Nội,
Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) để tra cứu, tìm kiếm, sưu tầm nguồn tư liệu, trong
đó có nhiều tư liệu gốc, tư liệu nghiên cứu của các học giả người pháp hồi nửa sau thế
kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Luận án tập trung khai thác nguồn tư liệu từ những công
trình tiếng Pháp của các học giả như: P. Cultru (1883), Histoire de la Cochinchine
Francaise des origines à 1883, Augustin Challamel, Éditeur, Paris; Pierre Mirand (1906),
Les Relations de la Hollande avec le Cambodge et la Cochinchine au XVIIe siècle,
Libr. G.P. Maisonneuve, Paris; C. B. Maybon (1916), Les marchands européens en
Cochinchine et au Tonkin (1600 – 1775), Revue Indochinoise, Ha Noi; Noel Péri
(1923), “Essai sur les relations du Japon et de l'Indochine aux XVIe et XVIIe siècles”,
BEFEO, Tome 23; W. J. M. Buch (1936), “La Compagnie des Indes Néerlandaises et
l’Indochine”, BEFEO, Tome 36; Từ đó, thông qua luận án, chúng tôi sẽ cung cấp
thêm một số tư liệu tin cậy, góp phần bổ khuyết thêm nhiều vấn đề liên quan đến ngoại
thương Đàng Trong thời chúa Nguyễn. Đặc biệt, luận án cung cấp thêm nguồn tư liệu
về hiện vật như: quả cân (dùng để cân hàng hóa), tiền đồng, tiền kẽm, đồ gốm sứ,
6.2. Đóng góp về mặt nội dung
Luận án vạch ra được những cơ sở, nền tảng để chúa Nguyễn ở Đàng Trong chủ
động thực hiện chính sách mở cửa phát triển ngoại thương; qua đó có thể biết được căn
nguyên vì sao chúa Nguyễn lại thực hiện chính sách như vậy và rồi hiểu được những
điều chỉnh, thay đổi của chính sách đó ở trong những thời điểm lịch sử nhất định. Qua
7
nội dung chính sách có thể thấy được tầm nhìn, tư duy hướng biển của các chúa
Nguyễn ở Đàng Trong trong bối cảnh lịch sử cùng thời là chủ trương đúng đắn, phù
hợp với thời cuộc.
Luận án tái hiện lại quan hệ thương mại giữa Đàng Trong với nước ngoài (cả
phương Đông và phương Tây) theo tiến trình thời gian của sự thịnh suy. Nửa sau thế
kỷ XVI và thế kỷ XVII ngoại thương Đàng Trong phục hồi, phát triển mạnh mẽ;
nhưng bước sang thế kỷ XVIII thì lại dần suy yếu và từ giữa thế kỷ XVIII trở đi thì
suy yếu trầm trọng; qua đó cho thấy được tính lôgic của vấn đề.
Luận án rút ra được những đặc điểm cũng như đưa những nhận xét, đánh giá về
tác động của ngoại thương đối với Đàng Trong ở các mặt chính trị - quân sự, kinh tế,
văn hóa – xã hội, đô thị. Qua đó cho thấy được vai trò cũng như những tác động của
ngoại thương đối với sự thịnh suy của chính quyền Đàng Trong thời các chúa Nguyễn.
6.3. Đóng góp về tư vấn chính sách
Kết quả nghiên cứu luận án sẽ cung cấp tư liệu lịch sử về quan hệ Việt Nam với
nước ngoài, cụ thể là với các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh,
Pháp vào nửa sau thế kỷ XVI – XVIII; làm cơ sở, nền tảng cho việc thúc đẩy phát triển
quan hệ hợp tác dựa trên truyền thống lâu đời, phù hợp với đường lối đối ngoại hiện
nay của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tăng cường hợp tác toàn diện với các nước,
đặc biệt là hợp tác trên lĩnh vực thương mại.
Luận án cho thấy vai trò cũng như những tác động to lớn của ngoại thương đối
với Đàng Trong đương thời trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội; nguyên nhân phát triển
hay suy yếu của ngoại thương Đàng Trong, từ đó các nhà hoạt động ngoại giao, các
nhà hợp tác kinh tế quốc tế ở một mức độ nhất định có thể rút ra bài học kinh nghiệm
để hoạch định đường lối đối ngoại, hợp tác kinh tế của Việt Nam đúng đắn, mang lại
lợi ích lâu dài, bền vững.
7. BỐ CỤC CỦA LUẬN ÁN
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận án
được chia thành 04 chương như sau:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu
Chương 2: Bối cảnh lịch sử và chính sách mở cửa ngoại thương của chúa Nguyễn
ở Đàng Trong
Chương 3: Hoạt động thương mại giữa Đàng Trong thời chúa Nguyễn với nước
ngoài thế kỷ XVI - XVIII
Chương 4: Đặc điểm, tác động của ngoại thương Đàng Trong thời chúa Nguyễn
8
NỘI DUNG
CHƯƠNG 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
1.1. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
Trong phạm vi các công trình nghiên cứu đã công bố có thể tiếp cận được, chúng
tôi xin trình bày khái quát tình hình nghiên cứu vấn đề ngoại ngoại thương Đàng
Trong thời chúa Nguyễn ở trong nước và ở nước ngoài.
1.1.1. Tình hình nghiên cứu ở trong nước
- Giai đoạn trước năm 1975
Đàng Trong thời chúa Nguyễn là giai đoạn lịch sử mang nhiều ý nghĩa, đặc biệt
là dấu ấn của công cuộc mở mang bờ cõi, phát triển lãnh thổ về phía Nam và sự tăng
cường mở rộng quan hệ thương mại với các nước bên ngoài. Vì vậy, lịch sử vùng đất
nói chung, ngoại thương Đàng Trong nói riêng là chủ đề hấp dẫn, thu hút sự quan tâm
tìm hiểu, dày công nghiên cứu của giới sử học Việt Nam. Từ trước Cách mạng Tháng
Tám năm 1945, một số bài viết có nội dung liên quan đến ngoại thương Đàng Trong
thời chúa Nguyễn đã được công bố rải rác trên các tạp chí Tri Tân, Nam Phong, Sử
Địa,...Ví như, bài viết “Cuộc giao thiệp giữa người Nam và mấy nước láng giềng từ
thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX” của Từ Ngọc (Tri Tân, số 22, 1941).
Các công trình, tập sách như: Lịch sử đạo Thiên Chúa ở Việt Nam: Thế kỷ XVI -
XVIII của Hồng Lam (xuất bản tại Huế, năm 1944) và Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam,
quyển I (các thừa sai dòng Tên 1615-1665) của Nguyễn Hồng (Nxb Hiện tại, năm
1959); đã tập trung đi sâu vào nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử đạo Thiên Chúa ở Việt
Nam, tuy nhi...Trong thời chúa Nguyễn nói riêng.
Noel Péri (1923), “Essai sur les relations du Japon et de l'Indochine aux XVIe et
XVIIe siècles”, (BEFEO, Tom 23), đã nói đến tình hình thương mại Nhật Bản thời kỳ
Châu ấn thuyền; về chính sách cai trị, thương mại của Mạc phủ Tokugawa. Noel Péri
đã làm rõ quan hệ thương mại giữa Nhật Bản với các quốc gia ở Đông Dương nói
chung và với chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong nói riêng. Qua đó cho biết quan
hệ thương mại giữa Đàng Trong và Nhật Bản được thiết lập từ hồi cuối thế kỷ XVI và
phát triển mạnh mẽ vào những năm đầu thế kỷ XVII.
C. B. Maybon (1930), Lectures sur l'histoire moderne et contemporaine du pays
d'Annam de 1428 à 1926, (Impr. d'Extreme-Orient, Ha Noi). Công trình gồm 120 bài
học về lịch sử Việt Nam từ năm 1428 đến năm 1926, mà cụ thể là nói về tình hình Việt
Nam dưới thời Hậu Lê, nhà Tây Sơn và triều Nguyễn; về quá trình can thiệp, xâm
lược, đặt ách cai trị của thực dân Pháp lên đất nước Việt Nam. Công trình có đề cập
đến một số hoạt động thương mại giữa Đàng Trong với nước ngoài, mặc dù còn mang
tính sơ lược.
Boudet Paul (1941), Un voyageur philosophe Pierre Poivre en Annam 1749-
1750, (Impr. Trung Bac Tan Van, Ha Noi). Tập sách là công trình khảo cứu, viết về
một thương gia nổi tiếng người Pháp hồi thế kỷ XVIII có tên là Pierre Poivre, người
của công ty Đông Ấn Pháp (CIO). Ông đã hai lần đến Đàng Trong, lần thứ nhất là vào
năm 1740 và lần thứ hai là năm 1749. Trong lần thứ hai đến Đàng Trong, trên thương
thuyền, ông mang theo quà tặng và rất nhiều thứ hàng hóa để bán. Ông cho thuyền cập
bến tại thương cảng Hội An, rồi sau đó ra Phú Xuân để gặp Võ Vương - Nguyễn Phúc
Khoát thương thuyết các vấn đề liên quan đến thương mại giữa hai nước. Sau đó,
Pierre Poivre đã có những báo cáo gửi về cho chính phủ Pháp nói về tình hình kinh tế,
thương mại, xã hội tại Đàng Trong và Đàng Ngoài.
Năm 1970, Nguyễn Thanh Nhã – nguyên là giáo sư kinh tế học, Đại học Paris 1
(Sorbonne-Panthéon) đã xuất bản công trình Tableau économique du Vietnam aux XVII
et XVIII siècles (Cujas, Pháp). Đến năm 2013, cuốn sách này được Nguyễn Nghị dịch
sang tiếng Việt dưới nhan đề: Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII (Nxb Tri
22
Thức, Hà Nội), sau đó được tiếp tục in nhiều lần. Trong sách, Nguyễn Thanh Nhã dành
hẳn một chương để nói về ngoại thương Việt Nam hồi thế kỷ XVII và XVIII. Tác giả đã
nói đến nhu cầu, động cơ mở cửa để giao lưu buôn bán với bên ngoài của chúa Nguyễn;
hoạt động buôn bán giữa Đàng Trong với các nước phương Đông và phương Tây; tác
động của ngoại thương đến sự thịnh suy của chính quyền họ Nguyễn Quả thật, đây là
công trình sử học hết sức có giá trị, nguồn tư liệu phong phú, có thể tìm thấy nhiều tư
liệu quý từ trong tác phẩm này - những tư liệu hiện nay chưa được tìm thấy ở Việt Nam.
Tuy nhiên, rất tiếc là khi viết về ngoại thương tác giả đã viết theo kiểu lồng ghép, gộp
chung cả Đàng Trong và Đàng Ngoài trong cùng một vấn đề mà không có sự tách biệt
rõ ràng nên dẫn đến khó khăn trong nhận thức, lĩnh hội nội dung tác phẩm.
Một tác giả khác cũng rất tâm huyết nghiên cứu về lịch sử Việt Nam là Lê Thành
Khôi. Ông đã nghiên cứu, biên soạn và cho xuất bản hai cuốn sách: Le Viêt Nam,
Histoire et Civilisation (Việt Nam, Lịch sử và Văn minh) (Minuit, Paris, 1955) và
Histoire du Viêt Nam, des origines à 1858 (Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến năm
1858) (Sud-Est Asie, Paris, 1982). Đến năm 2014, Công ty Văn hóa và Truyền thông
Nhã Nam và Nhà xuất bản Thế giới chủ trương tổng hợp hai công trình đó lại, dịch
sang tiếng Việt và xuất bản thành cuốn Lịch sử Việt Nam, từ nguồn gốc đến giữa thế
kỷ XX (Nguyễn Nghị dịch, Nguyễn Thừa Hỷ hiệu đính) (Nxb Thế giới, Hà Nội), sách
được tiếp tục in vào năm 2016. Trong sách từ trang 323 đến trang 333 đề cập đến
ngoại thương Đàng Trong ở các khía cạnh quan hệ buôn bán giữa Đàng Trong với các
nước phương Đông, phương Tây theo quy luật cung cầu trong sản xuất và lưu thông
hàng hóa. Tác giả đã đánh giá thương nghiệp Đàng Trong thời chúa Nguyễn có sự phát
triển, song cũng bị kìm hãm, “sự phát triển này đã bị kìm hãm bởi sự thống trị của
người ngoại quốc, người Hoa và người Nhật, cũng như bởi các ông hoàng nắm giữ
các độc quyền” [74; tr.332].
Pierre-Yves Manguin (1972), Les Portugais Sur les Côtes du Việt – Nam et du
Campa, (Êcole Francaise d’Exttrême-Orient, Paris). Công trình là kết quả nghiên cứu
của Pierre-Yves Manguin về hoạt động thương mại – truyền giáo của người Bồ Đào
Nha không chỉ ở Đàng Trong thời chúa Nguyễn, mà còn ở Macao, Campuchia, Nhật
Bản. Công trình cho biết, người Bồ đến Đàng Trong để thiết lập quan hệ thương mại –
truyền giáo từ rất sớm. Trong quan hệ với Đàng Trong, người Bồ nhận được những ưu
23
đãi từ phía các chúa Nguyễn, đổi lại, người Bồ đã cung cấp cho chính quyền Đàng
Trong nhiều vũ khí quân sự hiện đại thời bấy giờ, ví như súng thần công/đại bác; giúp
chúa Nguyễn trang bị vũ khí cho quân đội, phục vụ cho các cuộc chiến tranh chống lại
quân Trịnh ở Đàng Ngoài. Công trình còn cho biết về một người Bồ tên là João da
Cruz đã ở lại Phú Xuân (Huế) để giúp chúa Nguyễn đúc súng ở phường Thợ Đúc (nay
là Phường Đúc, thành phố Huế) Đặc biệt, công trình có nhiều bản đồ rất giá trị,
trong đó có những bản đồ về vùng đất Đàng Trong, về tuyến thương mại trên biển ở
khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á được vẽ hồi thế kỷ XVI – XVII.
Li Tana - nhà Việt Nam học người Trung Quốc đã đầu tư nghiên cứu và có nhiều
công bố về lịch sử Việt Nam, tiêu biểu nhất là công trình Xứ Đàng Trong, Lịch sử Kinh tế
- Xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII (Bản tiếng Anh: Nguyen Cochinchina, Southern
Vietnam in Seventeenth and Eighteenth Centuries). Công trình là một luận án tiến sĩ được
bảo vệ thành công và sau đó xuất bản thành sách vào năm 1998 tại Hoa Kỳ. Nội dung
công trình đề cập cả về quân sự, kinh tế, xã hội Đàng Trong thời chúa Nguyễn; trong đó,
từ chương 3 - 5 nói về kinh tế thương nghiệp. Qua nghiên cứu, Li Tana có nhấn mạnh
rằng, chính ngoại thương là yếu tố quyết định sự sống còn của chính quyền họ Nguyễn ở
Đàng Trong. Công trình này được giới sử học nghiên cứu trong và ngoài nước đánh giá
rất cao bởi những giá trị về góc độ nhìn nhận, đánh giá vấn đề của tác giả.
C. B. Maybon với công trình Những người châu Âu ở nước An Nam do Nguyễn
Thừa Hỷ dịch, (Nxb Thế giới, Hà Nội, 2006). Đây là công trình nghiên cứu rất công
phu của C. B. Maybon, nội dung đề cập đến cả Đàng Trong và Đàng Ngoài. Tác phẩm
nói đến sự có mặt và hoạt động của các giáo sĩ, thương nhân phương Tây ở Đàng
Trong thế kỷ XVII - XVIII. Đây là tài liệu hết sức có giá trị khi nghiên cứu về tôn
giáo, ngoại thương Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn.
Nhìn chung, từ trước đến nay, vấn đề nghiên cứu về lịch sử Đàng Trong thời
chúa Nguyễn đã được giới sử học trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu.
Các bài viết, tập sách, đề tài, luận án và luận văn đã tập trung phản ánh những nét
chung nhất về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội Đàng Trong đương thời. Vấn
đề ngoại thương cũng được nhiều người quan tâm nghiên cứu; tuy nhiên, ở những tập
sách xuất bản thì các kết quả dường như còn mang tính khái quát, sơ lược; còn đối với
các đề tài, luận án, luận văn do phạm vi và đối tượng nghiên cứu hẹp nên các kết quả
nghiên cứu có vẻ chỉ cho thấy từng mảnh ghép của vấn đề. Do đó, nếu không cùng lúc
24
tiếp cận với tất cả khối tài liệu trên thì sẽ rất khó hình dung được toàn cảnh bức tranh
quan hệ thương mại giữa Đàng Trong thời chúa Nguyễn với nước ngoài.
Chúng tôi nhận thấy rằng, trong thời gian qua, đã có nhiều bài báo được công bố,
tập sách được xuất bản, nhiều đề tài các cấp được nghiệm thu, một số luận án và luận
văn đã được bảo vệ thành công có nội dung nghiên cứu liên quan đến đề tài ở những
mức độ, phạm vi khác nhau. Tuy nhiên, đến hiện tại, theo chúng tôi được biết thì vẫn
chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện về vấn đề
ngoại thương Đàng Trong thời chúa Nguyễn.
1.2. NHỮNG VẤN ĐỀ LUẬN ÁN KẾ THỪA TỪ CÁC CÔNG TRÌNH
NGHIÊN CỨU ĐÃ XUẤT BẢN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA LUẬN ÁN CẦN
TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU
1.2.1. Những vấn đề luận án kế thừa từ các công trình nghiên cứu đã xuất
bản
Chúng tôi nghĩ rằng, kết quả nghiên cứu của các công trình đã xuất bản có liên
quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến nội dung đề tài là nguồn tài liệu tham khảo quý, gợi
mở cho chúng tôi nhiều vấn đề bổ ích trong quá trình thực hiện luận án. Trong luận án
Ngoại thương Đàng Trong thời chúa Nguyễn, chúng tôi đã có cơ hội kế thừa những
thành tựu, kết quả của những nhà nghiên cứu đi trước.
Về phương pháp luận: Từ các kết quả nghiên cứu của những người đi trước,
chúng tôi nhận thấy rằng, để thực hiện thành công đề tài Ngoại thương Đàng Trong
thời chúa Nguyễn cần phải sử dụng linh hoạt nhiều phương pháp khác nhau trong quá
trình thu thập tư liệu, biên mục, biên soạn. Phải chú trọng việc áp dụng phương pháp
lịch sử và phương pháp lôgic, sử dụng phương pháp liên ngành để đối chiếu so sánh,
từ đó có sự tham chiếu với thực tế, có sự so sánh giữa ngoại thương Đàng Trong với
Đàng Ngoài và các nước trong khu vực trong bối cảnh cùng thời.
Về nội dung: Thông qua kết quả nghiên cứu của các tác giả đi trước có thể biết
được ngoại thương Đàng Trong thời chúa Nguyễn đã được nghiên cứu ở những khía
cạnh nào, mức độ đến đâu, vấn đề nào đã được nghiên cứu, vấn đề nào vẫn còn bỏ ngỏ
mà luận án cần tiếp tục nghiên cứu, bổ khuyết. Qua đó, luận án sẽ trình bày được bức
tranh toàn cảnh về ngoại thương Đàng Trong thời chúa Nguyễn, bảo đảm về mặt nội
dung.
Trong các tập sách đã xuất bản: Một số công trình nói đến hoạt động thương mại
giữa giữa Việt Nam với nước ngoài hồi thế kỷ XVI – XVIII và trong đó hoạt động
25
giao thương giữa Đàng Trong với các nước được trình bày lồng ghép vào với cả Đàng
Ngoài mà không có sự tách biệt rõ ràng; cũng có công trình nghiên cứu tách Đàng
Trong, Đàng Ngoài ra thành riêng biệt, và đi vào trình bày quan hệ thương mại giữa
Đàng Trong với nước ngoài theo nhóm nước là với các nước phương Đông, phương
Tây; lại có sách thì cho biết về quan hệ buôn bán giữa Đàng Trong với nước ngoài
theo từng nước, chủ yếu là với Trung Quốc, Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh,
Pháp. Vì phạm vi, đối tượng nghiên cứu của các tập sách là tương đối rộng, vậy nên
vấn đề thương mại giữa Đàng Trong với nước ngoài thường chiếm dung lượng/số
trang khá khiêm tốn. Về mặt nội dung, các công trình/tập sách công bố sau nội dung
thường có sự trùng lặp khá nhiều so với các công trình trước đó, hoặc có bổ sung thêm
về tư liệu nhưng vẫn rất hạn chế. Nhìn chung, trong các tập sách đã xuất bản của cá
nhân hoặc tập thể tác giả đã nêu trên, ngoại thương Đàng Trong thời chúa Nguyễn đã
được đề cập một cách sơ lược, khái quát và chủ yếu mang tính liệt kê những sự kiện
thuyền buôn nước ngoài đến buôn bán với Đàng Trong; vấn đề bối cảnh lịch sử cũng
như những điều kiện, cơ sở nền tảng để chúa Nguyễn thực hiện chính sách mở cửa,
phát triển ngoại thươngvẫn chưa được nghiên cứu hoặc làm rõ.
Một số tập sách xuất bản trước năm 1975 có cung cấp những tư liệu quý, đặc biệt
là tư liệu tiếng Pháp; tuy nhiên cách trích dẫn nguồn theo cách trước đây nên rất khó
khăn trong việc tra cứu tư liệu, thể hiện ở chỗ tên tài liệu tham khảo chỉ ghi tên tác giả
và tên sách, không có nhà xuất bản, năm xuất bản; mặt khác, khi trích dẫn lại không
ghi đoạn được trích dẫn nằm ở trang nào.
Một số luận án nghiên cứu về ngoại thương Việt Nam thế kỷ XVI – XVIII có đề
cập đến hoạt động thương mại giữa Đàng Trong với các nước như: Nhật Bản, Bồ Đào
Nha, Pháp ở những mức độ, khía cạnh khác nhau được thực hiện trong thời gian gần
đây có phương pháp tiếp cận, nhìn nhận, đánh giá vấn đề khá phù hợp và đã cung cấp
thêm một số tư liệu lịch sử quan trọng. Trong các luận án, Đàng Trong được đặt trong
bối cảnh chung của cả nước để nghiên cứu; hoặc có luận án chỉ đi vào nghiên cứu
quan hệ thương mại song phương: Đàng Trong – Nhật Bản, Đàng Trong – Bồ Đào
Nha, Đàng Trong – Pháp theo những giai đoạn lịch sử nhất định.
Các bài viết, khảo cứu công bố trên các tạp chí chuyên ngành, bài hội thảo trong
thời gian qua, đặc biệt là trong những năm gần đây của các tác giả đi trước đã góp
phần làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến ngoại thương Đàng Trong thời chúa
Nguyễn, chủ yếu tập trung vào các vấn đề: Văn thư trao đổi giữa chính quyền Đàng
26
Trong với Nhật Bản cuối thể kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII, về quan hệ giữa Đàng Trong
với Bồ Đào Nha, về một số mặt hàng được sản xuất tại Đàng Trong Tuy nhiên, vẫn
còn nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ hoặc chưa đi sâu vào nghiên cứu như: Sự thay đổi trong
chính sách ngoại thương của chúa Nguyễn đối với thương nhân các nước; về tiền tệ,
thuế khóa; những đặc điểm, tác động của ngoại thương đối với Đàng Trong
Về tư liệu: Luận án kế thừa nguồn tài liệu về ngoại thương của các tác giả đi
trước để có phương thức khai thác, bổ sung, hệ thống hóa trở thành cơ sở dữ liệu, phục
vụ cho việc nghiên cứu chuyên sâu về ngoại thương Đàng Trong thời chúa Nguyễn.
Thông qua phương pháp thu thập dữ liệu thứ cấp, luận án ưu tiên kế thừa, khai thác có
chọn lọc những nguồn tài liệu gốc được trích dẫn trong các công trình nghiên cứu có
liên quan trực tiếp đến đề tài.
Khảo cứu kết quả nghiên cứu của các tác giả đi trước ở trong cũng như ngoài
nước thời gian qua, có thể thấy rằng, ngoại thương Đàng Trong thời chúa Nguyễn đã
được đề cập đến ở những góc độ và khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, đến hiện tại thì
vấn đề ngoại thương Đàng Trong thời chúa Nguyễn vẫn chưa được nhận thức một
cách đầy đủ, mà chỉ dừng lại ở chỗ nghiên cứu những vấn đề riêng lẻ hoặc đề cập một
cách khái quát, sơ lược. Do đó, việc nghiên cứu một cách có hệ thống, toàn diện, đi
vào chiều sâu về ngoại thương Đàng Trong thời chúa Nguyễn là việc làm cần thiết và
có ý nghĩa thiết thực hiện nay.
Chúng tôi trân quý kết quả nghiên cứu của các tác giả đi trước thông qua các
công trình đã xuất bản có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến nội dung đề tài, và xem
đó là nguồn tài liệu tham khảo quý, gợi mở cho chúng tôi nhiều vấn đề bổ ích trong
quá trình thực hiện đề tài luận án.
1.2.2. Những vấn đề đặt ra luận án cần tiếp tục nghiên cứu
Trên cơ sở các công trình nghiên cứu đã công bố của những người đi trước, luận
án sẽ tiếp tục nghiên cứu để làm sáng tỏ những vấn đề sau:
Luận án phản ánh bối cảnh quốc tế, trong nước và chủ trương mở cửa thiết lập
quan hệ thương mại với nước ngoài của các chúa Nguyễn; đồng thời khẳng định chính
sách hướng biển phát triển ngoại thương của chúa Nguyễn ở Đàng Trong là sáng suốt,
đúng đắn, phù hợp với xu thế và thời cuộc.
Dựa trên nguồn tư liệu đã sưu tầm, xử lý, luận án trình bày có hệ thống về hoạt
động giao thương giữa Đàng Trong với nước ngoài theo tiến trình lịch sử của sự thịnh
27
suy. Giai đoạn phát triển là nửa cuối thế kỷ XVI và thế kỷ XVII, giai đoạn suy yếu là
từ đầu thế kỷ XVIII đến năm 1775.
Kết quả nghiên cứu luận án cho thấy sự thay đổi trong chính sách ngoại giao,
thương mại của chúa Nguyễn đối với mỗi nước hoặc ở mỗi giai đoạn xuất phát từ
những căn nguyên sâu xa của nó. Ở những thời điểm nhất định, chính sách ngoại
thương của chúa Nguyễn tỏ ra đúng đắn, mang lại những tác động tích cực, góp phần
đưa đến sự phát triển vững mạnh của chính quyền Đàng Trong; tuy nhiên, cũng có lúc
chính những chính sách của chúa Nguyễn lại gây ra những tác động xấu làm cho ngoại
thương bị kìm hãm, suy yếu.
Luận án rút ra những đặc điểm, tác động của ngoại thương Đàng Trong thời chúa
Nguyễn; có những nhận định, đánh giá xác đáng về vấn đề nghiên cứu, hướng đến bảo
đảm tính khoa học, khách quan và trung thực.
Tiểu kết chương 1
Trong thời gian qua, ngoại thương Đàng Trong thời chúa Nguyễn là một trong
những đối tượng thu hút sự quan tâm, nghiên cứu của giới sử học trong và ngoài nước.
Đã có khá nhiều bài viết, công trình được công bố có liên quan hoặc đề cập đến vấn đề
này. Tuy nhiên, nếu nhìn trên bình diện tổng thể thì các bài viết công bố ở các hội
thảo, tạp chí chuyên ngành dường như chỉ dừng lại ở những vấn đề, khía cạnh riêng lẻ;
còn các công trình (sách, đề tài,) thì phần nhiều mang tính sơ lược, khái quát những
vấn đề có liên quan đến nội dung đề tài.
Các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước từ trước đến nay đã làm rõ được
một số vấn đề, song vẫn chưa phản ánh một cách đầy đủ bức tranh về ngoại thương
Đàng Trong thời chúa Nguyễn. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn rất trân quý những kết quả
nghiên cứu của các tác giả đi trước, xem đó là những tư liệu có giá trị, bổ ích để tham
khảo, kế thừa có chọn lọc; trong đó, có một số công trình chúng tôi đánh giá rất cao về
nguồn tư liệu, cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề của các tác giả.
Với nguồn tư liệu tiếp cận được và vận dụng phương pháp, tinh thần đổi mới sử
học hiện nay, tác giả luận án hướng đến mục đích tái hiện lại những vấn đề lịch sử về
ngoại thương Đàng Trong thời chúa Nguyễn một cách đầy đủ nhất, trung thực. Cũng
từ đó, luận án rút ra được những đặc điểm, tác động của ngoại thương đối với tình hình
chính trị - quân sự, kinh tế, văn hóa – xã hội, đô thị Đàng Trong đương thời. Chúng tôi
nhận thấy rằng, nghiên cứu về ngoại thương Đàng Trong thời chúa Nguyễn là một việc
làm cần thiết, vừa mang ý nghĩa khoa học lại vừa mang ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.
28
CHƯƠNG 2
BỐI CẢNH LỊCH SỬ VÀ CHÍNH SÁCH MỞ CỬA NGOẠI THƯƠNG
CỦA CHÚA NGUYỄN Ở ĐÀNG TRONG
2.1. BỐI CẢNH QUỐC TẾ VÀ KHU VỰC
2.1.1. Sự ra đời, phát triển của chủ nghĩa tư bản ở Tây Âu
Thế kỷ XV, kinh tế Tây Âu có những biến chuyển quan trọng cả về thủ công
nghiệp, nông nghiệp và thương nghiệp. Những phát minh, cải tiến trong lĩnh vực thủ
công nghiệp đã thúc đẩy quá trình sản xuất phát triển mạnh mẽ. Sự phát triển của nền
sản xuất là yếu tố quan trọng hàng đầu đưa đến sự ra đời của nền kinh tế hàng hóa ở
Tây Âu. Cùng với đó, “những hình thức mới của sự lưu thông hàng hóa như sở giao
dịch, ngân hàng,...ra đời càng làm cho thương nghiệp phát triển nhanh chóng và do
đó càng thúc đẩy nền kinh tế hàng hóa phát triển mạnh mẽ” [109; tr.73]. Hệ quả tất
yếu của nó là đưa đến sự ra đời, phát triển của nhiều thành thị mới bên cạnh những
thành thị đã xuất hiện từ trước đó. Thành thị ngày càng phát triển và trở thành những
trung tâm buôn bán lớn, đồng thời là nơi tập trung nhiều xưởng sản xuất hàng hóa. Và
đó chính là những tiền đề quan trọng đưa đến sự ra đời của một nền sản xuất
mới/phương thức sản xuất mới – sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Sự phát triển trong sản xuất, lưu thông hàng hóa đã dẫn đến những thay đổi lớn
trong phân công lao động giữa các ngành nghề, vùng sản xuất. Từ trong lòng xã hội
phong kiến Tây Âu, hai giai cấp mới đã ra đời, đó là giai cấp tư sản và giai cấp vô sản.
Giai cấp tư sản ngày càng phát triển, trong khi đó giai cấp cầm quyền phong kiến lại là
thế lực kìm hãm họ. Vì vậy, giai cấp tư sản muốn đánh đổ chế độ phong kiến để thiết
lập một chế độ mới mà ở đó họ được tự do phát triển, đó là nguyên nhân chính dẫn đến
các cuộc các mạng tư sản đầu tiên trên thế giới.
Cách mạng Nederlands (Hà Lan) thế kỷ XVI – cuộc cách mạng tư sản đầu tiên
trên thế giới;
Nederlands có phạm vi địa lý tương ứng với lãnh thổ của các nước Hà Lan, Bỉ,
Lucxămbua và một số vùng thuộc đông bắc nước Pháp ngày nay. Tên gọi Nederlands
có nghĩa là “Xứ thấp”, vì vùng đất này phần lớn diện tích thấp hơn so với mực nước
biển.
Vào đầu thế kỷ XVI, Nederlands có nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển nhất
châu Âu với nhiều hải cảng, thành phố, trung tâm thương mại nổi tiếng. Nơi đây có tới
29
trên 300 thành phố lớn nhỏ, nổi tiếng nhất là Antwerpen (Anvécpen). Thành phố
Antwerpen có một bến cảng được xây dựng rất tốt, cùng một lúc có thể neo đậu 2.500
thuyền buôn đến từ các nước trên thế giới. Bấy giờ, “Anvécpen trở thành một thành
phố thương nghiệp và tín dụng có tính chất quốc tế” [109; tr. 167].
Dù có nền kinh tế phát triển so với một số nước khác ở châu Âu, nhưng
Nederlands bấy giờ lại đang chịu sự thống trị của Vương quốc Tây Ban Nha. Người
dân Nederlands đã nhiều lần nổi dậy chống lại sự đô hộ của Vương quốc Tây Ban
Nha, mạnh mẽ nhất là cuộc khởi nghĩa vào tháng 8 năm 1566. Một thời gian ngắn sau
đó, cuộc khởi nghĩa bị đàn áp đẫm máu nhưng vẫn không bị dập tắt. Đến tháng 4 năm
1572, quân khởi nghĩa đã chiếm giữ và làm chủ được vùng đất ở phía bắc của lãnh thổ,
cuộc đấu tranh vẫn cứ tiếp diễn. Tầng lớp quý tộc phong kiến bị tư sản hóa đã tham gia
cuộc khởi nghĩa và nắm quyền lãnh đạo.
Tháng 7 năm 1581, Hội nghị các đẳng cấp diễn ra với sự tham gia của đại biểu
các tỉnh miền bắc Nederlands. Đại biểu các tỉnh đã thống nhất hợp nhất các tỉnh lại để
thành lập nhà nước cộng hòa với tên gọi là Các tỉnh Liên hiệp (về sau gọi là Hà Lan).
Tuy nhiên, Tây Ban Nha vẫn chưa công nhận nền độc lập của Hà Lan, do đó cuộc đấu
tranh của nhân dân vẫn cứ tiếp diễn. Mãi đến năm 1648, tại Hội nghị đình chiến
Vétphalen (ở Đức) nền độc lập của Hà Lan mới được chính thức công nhận.
Cách mạng Hà Lan diễn ra dưới hình thức của một cuộc khởi nghĩa chống lại ách
đô hộ Tây Ban Nha, nhưng lại mang tính chất của một cuộc cách mạng tư sản, đã lật
đổ chế độ phong kiến và đưa đất nước tiến lên xã hội tư bản chủ nghĩa. Sau khi thoát
khỏi sự thống trị của Tây Ban Nha, Hà Lan trở thành quốc gia độc lập và phát triển
theo con đường tư bản chủ nghĩa. Thắng lợi của cách mạng Hà Lan đã ảnh hưởng rất
lớn đến những cuộc cách mạng tư sản nổ ra sau đó.
Cách mạng Hà Lan không chỉ giúp cho đất nước này trở thành “một nước tư bản
kiểu mẫu trong thế kỷ XVII”, mà còn có ý nghĩa to lớn về mặt kinh tế. Nhờ xóa bỏ
được sự thống trị, kìm hãm của các thế lực phong kiến ngoại bang và trong nước, các
ngành công thương nghiệp Hà Lan phát triển nhanh chóng. Đặc biệt, về ngoại thương,
“Hà Lan có quan hệ buôn bán rộng rãi với nhiều nước ở châu Âu, nhất là Bắc Âu và
Trung Âu, thậm chí việc buôn bán ở vùng biển Bantích và Bắc Hải chủ yếu nằm trong
tay người Hà Lan, số thuyền buôn của Hà Lan lui tới biển Bantích chiếm đến 70%.
Hơn nữa, hoạt động thương nghiệp của Hà Lan còn mở rộng đến châu Phi, Trung Cận
Đông, Ấn Độ, Đông Nam Á và châu Mỹ” [109; tr. 181]. Đi đôi với việc phát triển
30
thương nghiệp, người Hà Lan còn chủ trương xâm lược nhiều vùng đất mà họ đặt chân
đến, biến thành thuộc địa của mình. Trong quá trình sang phương Đông để tiến hành
hoạt động thương mại - truyền giáo, họ xâm chiếm đất đai, xây dựng cứ điểm ở một số
nơi như: Ấn Độ, Indonesia, Đài Loan, Nửa đầu thế kỷ XVII, Hà Lan cũng đẩy mạnh
thiết lập quan hệ thương mại với Đàng Trong, lập thương điếm ở Hội An và đi kèm
với đó là cả âm mưu xâm chiếm. Năm 1644, một hạm đội Hà Lan mở cuộc tấn công
Đàng Trong, nhưng bị quân của chúa Nguyễn đánh bại trên vùng biển Đà Nẵng [187,
tr.1776]. Ở thế kỷ XVII, người Hà Lan còn nổi tiếng với việc dùng thuyền buôn của
mình để chở thuê hàng hóa cho thương nhân nhiều nước khác, vì thế mà họ còn được
mệnh danh là “người đánh xe ngựa trên biển”.
Cách mạng Anh thế kỷ XVII;
Vào thế kỷ XVII, sự thay đổi lớn về mặt kinh tế đã dẫn đến những thay đổi lớn về
mặt xã hội Anh. Giai cấp tư sản và quý tộc mới ngày càng phát triển đe dọa nền thống
trị của các thế lực phong kiến. Ngược lại, chế độ phong kiến lại là rào cản sự phát triển
của giai cấp tư sản và tầng lớp quý tộc mới. Vì vậy, mâu thuẫn giữa giai cấp sư sản,
quý tộc mới với các thế lực phong kiến ngày càng gay gắt, dẫn đến cuộc cách mạng nổ
ra nhằm lật đổ chế độ phong kiến, xác lập quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Tháng 8 năm 1640, cuộc nội chiến chính thức bùng nổ, quân đội của Quốc hội
Anh do Oliver Cromwell chỉ huy được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân đã đánh
bại quân đội nhà vua. Trước sức ép của quân đội và áp lực của quần chúng, Oliver
Cromwell đưa Charles I ra xét xử. Ngày 30/01/1649, Charles I bị xử tử trước sự chứng
kiến của đông đảo quần chúng; Anh trở thành nước cộng hòa do Oliver Cromwell
đứng đầu. Quyền lực nhà nước thuộc về quý tộc mới và giai cấp tư sản. Lên nắm
quyền, Oliver Cromwell đã thiết lập chế độ độc tài quân sự.
Năm 1658, Oliver Cromwell qua đời, nước Anh rơi vào tình trạng bất ổn về
chính trị. Mặc dù nền cộng hòa được thiết lập, tuy nhiên nông dân và binh lính lại
không được hưởng chút quyền lợi gì, sự bất mãn của quần chúng ngày càng tăng và họ
tiếp tục nổi dậy đấu tranh. Để giữ thành quả của cách mạng, quý tộc mới và tư sản đã
thỏa hiệp với lực lượng phong kiến cũ, khôi phục lại chế độ quân chủ.
Tháng 12 năm 1688, Quốc hội tiến hành một cuộc đảo chính, phế truất vua James
II (lên ngôi năm 1658), đưa William III (Quốc trưởng Hà Lan, con rể James II) lên làm
vua, thiết lập chế độ quân chủ lập hiến. Nhà vua không nắm thực quyền, quyền lực nhà
nước thuộc về quý tộc mới và tư sản.
31
Cuộc cách mạng tư sản Anh diễn ra, thành công dưới sự lãnh đạo của quý tộc
mới và tư sản, được sự ủng hộ, tham gia đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng nhân dân;
mở đường cho sức sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ hơn. Có thể nói,
“cách mạng Anh là cuộc cách mạng đầu tiên có ý nghĩa lớn đối với quá trình hình
thành Chủ nghĩa tư bản trên phạm vi toàn châu Âu và thế giới” [108; tr. 9].
Sau cách mạng tư sản, tình hình chính trị, kinh tế của nước Anh có những chuyển
biến quan trọng. Từ đây, người Anh đẩy mạnh hành động bành trướng thuộc địa được
thực hiện chủ yếu bằng con đường thương mại có từ hồi thế kỷ XVI. Đến thế kỷ
XVIII, người Anh chiếm vị trí hàng đầu trên mặt biển sau khi đánh bại hai địch thủ
của họ là Tây Ban Nha và Pháp. Hệ thống thuộc địa của Anh được mở rộng trên quy
mô lớn; khắp các châu lục Âu, Á, Phi, Mỹ đều có thuộc địa của Anh. Bấy giờ,
“thương nhân Anh mang từ các thuộc địa nhiệt đới nhiều hàng hóa quý như hương
liệu, hồ tiêu, chè, thuốc,về bán ở thị trường châu Âu với giá rất cao. Nhờ đó, họ thu
được những món lợi khổng lồ. Nhưng món hàng nhiều lãi và vô nhân đạo hơn cả là
việc buôn bán người da đen” [108; tr. 34].
Như vậy, với thắng lợi của cách mạng tư sản Hà Lan và cách mạng tư sản Anh,
có thể thấy rằng, đến thế kỷ XVII, ở Tây Âu, chủ nghĩa tư bản đã ra đời và phát triển,
nhưng vẫn chưa thể xác lập vị thế trên toàn lãnh thổ châu Âu, mà chỉ dừng lại ở phạm
vi của từng nước. Sau hai cuộc cách mạng này, nửa sau thế kỷ XVIII, cách mạng tư
sản tiếp tục nổ ra và lan rộng trên phạm vi thế giới. Có thể nói, cách mạng tư sản Hà
Lan và cách mạng tư sản Anh thành công một mặt giúp kinh tế trong nước phát triển
theo con đường tư bản chủ nghĩa, mặt khác tạo ra những yếu tố thuận lợi thúc đẩy hai
nước này mở rộng quan hệ thương mại với các nước bên ngoài, đi liền với đó là hoạt
động truyền giáo và xâm lược thuộc địa. Ở thế kỷ XVII – XVIII, Hà Lan và Anh là hai
trong những nước phương Tây có quan hệ thương mại mạnh mẽ nhất với các nước
phương Đông nói chung và Đông Nam Á nói riêng.
2.1.2. Chính sách hướng biển và thâm nhập vào châu Á của các nước Tây Âu
Vào cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, các cuộc thám hiểm được thực hiện thành
công bởi những người Tây Âu đã làm thay đổi nhận thức của con người thời bấy giờ,
minh chứng cho thuyết trái đất hình tròn trong thực tiễn (thực chất là hình cầu). Nhưng
vượt lên hết, các cuộc phát kiến địa lý đã dẫn đến những thay đổi lớn về kinh tế của
hai quốc gia Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha nói riêng, cũng như Tây Âu và thế giới nói
chung.
32
Các cuộc phát kiến địa lý đã góp phần xích các châu lục trên phạm vi thế giới lại
với nhau. Người Tây Âu đã tìm ra con đường mới để đi đến phương Đông thay thế cho
những con đường cũ trước đó. Trong quá trình tìm đường sang phương Đông, người
Tây Âu đồng thời cũng đã phát hiện ra con đường đi đến châu Phi, châu Mỹ. Và rồi
thương nhân các nước Tây Âu có thể tiến hành trao đổi, mua bán hàng hóa trực tiếp
với phương Đông, châu Phi, châu Mỹ; như vậy mạng lưới thương mại thế giới đã được
hình thành, thiết lập. Đến đây, phạm vi giao thương thế giới đã tăng lên gấp 5 lần so
với trước đó. Các thương nhân Tây Âu có thể mạnh dạn đầu tư số vốn lớn để thực hiện
những chuyến buôn bán với những nơi xa xôi mà trước đó họ không dám mạo hiểm.
Nói một cách khác, từ sau sự thành công của các cuộc phát kiến địa lý do người Tây
Âu thực hiện, đã dẫn đến sự ra đời của luồng hải thương thế giới với một mạng lưới
thương mại rộng lớn bao la.
Với các cuộc phát kiến địa lý lớn được thực hiện thành công, mong muốn của
người Tây Âu trong việc tìm ra con đường buôn bán với phương Đông bằng đường
biển đã trở thành hiện thực. Tuy nhiên, đi liền sau các cuộc phát kiến địa lý nhằm mục
đích thương mại – truyền giáo, các nước Tây Âu còn âm mưu xâm lược thuộc địa đối
với một số quốc gia, vùng đất mà họ đặt chân đến. Chủ nghĩa thực dân ra đời, đầu tiên
là hai đế quốc thực dân Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, sau đó các quốc gia Hà Lan,
Anh, Pháp cũng nối gót. Nếu như các thuộc địa của Tây Ban Nha nằm ở châu Mỹ, thì
với Bồ Đào Nha các thuộc địa lại chủ yếu nằm ở châu Á, trải dài theo bờ biển Ấn Độ
lên khu vực Đông Bắc Á.
Người Bồ Đào Nha thâm nhập vào châu Á;
Sau khi tìm được con đường biển tới Ấn Độ, năm 1503, Bồ Đào Nha cho đặt căn
cứ và cử hạm đội đóng ở vùng biển Ấn Độ Dương nhằm mục đích kiểm soát vùng
biển này. Năm 1509, ở Địa Trung Hải đã diễn ra một cuộc hải chiến ác liệt giữa người
Bồ và người Ả Rập, và kết quả là người Ả Rập đã thua. Từ đó, người Bồ độc chiếm,
kiểm soát con đường buôn bán bằng đường biển với Ấn Độ.
Biết rằng phương Đông là xứ sở giàu hương liệu, sản vật, cho nên từ Ấn Độ
người Bồ lại tiếp tục men theo đường biển đi về phía Đông. Năm 1509, họ đã vượt Ấn
Độ Dương tới được đảo Sumatra (hòn đảo lớn nhất của Indonesia). Hai năm sau, năm
1511, sau khi đánh bại các hạm đội... hóa Sài Gòn, TP HCM.
132. Trần Thuận (2014), Nam Bộ: Vài nét lịch sử - văn hóa, Nxb Văn hóa – Văn
nghệ, TP HCM.
146
133. Trịnh Tiến Thuận (2002), Quan hệ Nhật Bản – Việt Nam thế kỷ XVI – XVII,
Luận án Tiến sĩ Sử học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
134. Chu Thuấn Thủy (1999), Ký sự đến Việt Nam năm 1657 (An Nam cung dịch kỷ
sự), Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam xuất bản.
135. Trần Nam Tiến (2002), “Quan hệ Việt Nam – Anh quốc trong lịch sử (thế kỷ
XVII – 1858)”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (36).
136. Trần Nam Tiến (2012), “Quan hệ giữa chúa Nguyễn với Bồ Đào Nha ở Đàng
Trong (từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVII)”, Tạp chí NCLS, số 7.
137. Trần Nam Tiến (2018), Nam Bộ dưới thời chúa Nguyễn thế kỷ XVII – XVIII,
Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
138. Tống Trung Tín (2000) “Tình hình trao đổi buôn bán đồ gốm giữa Việt Nam và
Nhật Bản (thế kỷ XIV-XVIII)” , Tạp chí NCLS, số 3.
139. Lưu Trang (2007), “Phố cảng Đà Nẵng, yết hầu vùng kinh tế Thuận Quảng dưới
thời các chúa Nguyễn”, in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế: Việt Nam
trong hệ thống thương mại châu Á thế kỷ XVI – XVII, ĐHQG Hà Nội, Hà Nội.
140. Lưu Trang, Trương Anh Thuận (2010), “Đặc điểm và vai trò quan hệ giao
thương Nhật Bản – Cochinchina cuối thế kỷ XVI – nửa đầu thế kỷ XVII”, in
trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc tế: Nhật Bản và các nước tiểu vùng sông
Mekong, ĐHQG TP HCM, TP HCM.
141. Cận Đằng Thủ Trọng, An Nam Quốc thư, Bức thư thứ 46, Người dịch: Võ Vinh
Quang, Tư liệu Đề tài Nghiên cứu biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam, tập XI, Mã
số KX LSVN.11/14-18.
142. Cận Đằng Thủ Trọng, An Nam Quốc thư, Bức thư thứ 47, Người dịch: Võ Vinh
Quang, Tư liệu Đề tài Nghiên cứu biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam, tập XI, Mã
số KX LSVN.11/14-18.
143. Lâm Hiếu Trung (chủ biên) (1998), Biên Hòa – Đồng Nai – 300 năm hình
thành và phát triển, Nxb Đồng Nai, Đồng Nai.
144. Nguyễn Chí Trung (2010), Cư dân Faifo - Hội An trong lịch sử, Nxb Đà Nẵng,
Quảng Nam.
145. Nguyễn Thế Trung (2018), “Công cuộc khai thác tài nguyên thiên nhiên và phát
huy vị thế thương mại vùng biển đảo Hà Tiên – Kiêng Giang trong mạng lưới
thương mại Đông Nam Á dưới thời các chúa Nguyễn”, Tạp chí NCLS, số 3.
146. Đăng Trường (2013), Đô thị Thương cảng Hội An, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
147
147. Trương Ngọc Trường (1992), “Tiền tệ và chính sách tiền tệ ở Đàng Trong”, in
trong Những vấn đề văn hóa xã hội thời Nguyễn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
148. Trường ĐHKHXH&NV – ĐHQG TP HCM, Quỹ giao lưu Quốc tế Nhật Bản
(Japan Foundation) (2016), Kỷ yếu Hội thảo quốc tế: “Quan hệ Việt Nam – Nhật
Bản thời cận thế (thế kỷ XVI – XVII), TP HCM.
149. Hoàng Anh Tuấn (2011), “Mạng lưới thương mại Nội Á và bang giao Hà Lan –
Đại Việt (1601- 1638)”, Tạp chí NCLS, số 6.
150. Hoàng Anh Tuấn (2014), “Góc nhìn khu vực về quan hệ Việt Nam – Nhật Bản
thế kỷ XVII”, Tạp chí Khoa học ĐHQG Hà Nội: Khoa học Xã hội và Nhân văn,
tập 30, số 3.
151. Hoàng Anh Tuấn (2016), Thương mại thế giới và hội nhập của Việt Nam thế kỷ
XVI – XVIII, Nxb ĐHQG Hà Nội, Hà Nội.
152. Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (1971), Lịch sử Việt Nam, tập 1, Nxb Khoa
học xã hội, Hà Nội.
153. Ủy ban nhân dân thị xã Hội An (2008), Kỷ yếu Hội nghị khoa học về Khu phố
cổ Hội An 23 - 24/7/1985, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An xuất bản,
Hội An.
154. Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (2008), Kỷ
yếu Hội thảo khoa học Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt
Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, Nxb Thế giới, Hà Nội.
155. Nguyễn Trọng Văn, Mai Phương Ngọc (2009), “Quan hệ thương mại của Đàng
Trong với người Hoa thế kỷ XVI – XVIII”, Tạp chí NCLS, số 9.
156. Trần Thị Vinh (1994), “Phố Hiến, mối quan hệ giao thương thế kỷ 16 – 17”, in
trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học về Phố Hiến, Sở Văn hóa Thông tin - Thể thao
Hải Hưng.
157. Trần Thị Vinh (chủ biên) (2013), Lịch sử Việt Nam, tập 4: Từ thế kỷ XVII đến
thế kỷ XVIII, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
158. Bùi Văn Vượng (2002), Làng nghề truyền thống Việt Nam, Nxb Văn hóa thông
tin, Hà Nội.
159. Trần Quốc Vượng (1998), “Về một nền văn hóa cảng thị ở miền Trung”, in
trong Việt Nam, cái nhìn địa văn hóa. Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
160. Thành Thế Vỹ (1961), Ngoại thương Việt Nam hồi thế kỷ XVII, XVIII và đầu
XIX, Nxb Sử học, Hà Nội.
148
161. Vũ Thị Xuyến (2015), “Nguồn hàng và thương phẩm của Quảng Bình trong sự
phát triển thương mại Đàng Trong thế kỷ XVI – XVIII”, Tạp chí Nghiên cứu và
phát triển, số 3 (120).
TIẾNG ANH
162. Leonard Blussé (1986), Strange Company: Chinese Settlers, Mestizo Women
and Dutch in VOC Batavia, Foris Publications, Dordrecht, Holland.
163. Anthony Farrington (2002), Trading places: The East India Company and Asia
1600-1834, The British Library, London.
164. Femme S. Gaastra (2012), Geschiedenis van de VOC, Walburg Pers, Zutphen.
165. Paul M. Kennedy (2004), The Rise and Fall of British Naval Mastery, Penguin
Books, New York.
166. H. Terpstra (1950), Jacop van Neck, Amterdams admiraal en regent, Van
Kampen, Amterdam.
167. James Alexander Williamson (1961), A Short History of British Expansion, The
Old Colonial Empire, London.
TIẾNG PHÁP
168. Henri Bernard (1939), Pour la Compréhension de l’Indochine et de l’Occident,
Imprimerie G. Taupin & Cie, Ha Noi.
169. Paul Boudet (1942), “La conquête de la Cochinchine par les Nguyên et le rôle
des émigrés chinois”, BEFEO, Tome 42.
170. Paul Boudet (1951), Un voyageur philosophe: Pierre Poivre en Annam (1749 –
1950), Cahier de la société de Geographie de Ha Noi.
171. W. J. M. Buch (1936), “La Compagnie des Indes Néerlandaises et l’Indochine”,
BEFEO, Tome 36.
172. Antoine Cabaton (1926), “Le Mémorial de Pedro Sevil à Philippe III sur la
conquête de l'Indochine (1603)”, Extrait du Bulletin de la Commission
archéologique de l'Indochine, 1914-1916, Paris.
173. L. Cadière (1906), “Première partie: période de fondation”, BEFEO, Tome 6.
174. L. Cadière (1913), Mesmoire de Bénigne Vachet sur la Conchinchine,
Imprimerie Nationale, Paris.
175. P. Cultru (1910), Histoire de la Cochinchine Francaise des origines à 1883,
Augustin Challamel, Éditeur, Paris.
149
176. Nguyen Quoc Dinh (1941), Les congrégations chinoises en Indochine francaise,
Paris.
177. Emile Gaspardone (1929), “W. J. M. Buch: De Oost-indische Compagnie en
Quinam. De betrekkingen der Nederlanders met Annam in de XVIIe eeuw”,
BEFEO, Tome 29.
178. Guy Faure, Laurent Schwab (2004), Japon – Viêt Nam: Histoire d’une liaison
sous inliuences, Les Indes Savantes, Paris.
179. Nicole-Dominique Lê (1975), Les Missions-Étrangères et la pénétration
française au Viêt-Nam, Mouton, Paris.
180. Malleret Louis (1974), Pierre Poivre, Ecole francaise d'Extreme-Orient, Paris.
181. Pierre-Yves Manguin (1972), Les Portugais Sur les Côtes du Việt – Nam et du
Campa, Êcole Francaise d’Exttrême-Orient, Paris.
182. C. B. Maybon, Henri Russier (1909), Notions d’histoire d’ Annam, Imprimerie
d’Extrême – Orient, Ha Noi - Hai Phong.
183. C. B. Maybon (1912), Jean Koffler auteur de Historica Cochinchinae
descripyio, Imprimerie d’Extrême – Orient, Ha Noi.
184. C. B. Maybon (1916), Les marchands européens en Cochinchine et au Tonkin
(1600 – 1775), Revue Indochinoise, Ha Noi.
185. C. B. Maybon (1920), Histoire moderne pays d’Annam (1592-1802), Plon-
Nourrit et Cie, Imprimeurs-Éditeurs, Librairie Plon, Paris.
186. C. B. Maybon (1930), Lectures sur l'histoire moderne et contemporaine du pays
d'Annam de 1428 à 1926, Impr. d'Extreme-Orient.
187. Pierre Mirand (1906), Les Relations de la Hollande avec le Cambodge et la
Cochinchine au XVIIe siècle, Libr. G.P. Maisonneuve, Paris.
188. Léon Pagés (1870), Histoire de la Religion Chrétienne au Japon Depuis 1598
Jusqu’a 1651, CharlesDuniol, Libraire – Éditeur, Pais
189. Noel Péri (1923), “Essai sur les relations du Japon et de l'Indochine aux XVIe et
XVIIe siècles”, BEFEO, Tom 23.
190. Alfred Schreiner (1906), Abrégé de l’histoire d’Annam, Sai Gon.
150
PHỤ LỤC
DANH MỤC PHỤ LỤC
Trang
Phụ lục 2.1: Bản đồ hàng hải Thái Bình Dương được vẽ năm 1622 .......................... PL1
Phụ lục 2.2: Bản đồ hàng hải vùng biển Đông Nam Á năm 1560 ............................. PL2
Phụ lục 2.3: Bản đồ hàng hải được vẽ năm 1590 ....................................................... PL3
Phụ lục 2.4: Bản đồ 1592-1594 .................................................................................. PL4
Phụ lục 2.5: Bản đồ Cocincina (tức Đàng Trong) ...................................................... PL5
Phụ lục 2.6: Bản đồ Đàng Trong năm 1658 -1659 ..................................................... PL6
Phụ lục 3.1: Thư của Nguyễn Hoàng gửi Đức Xuyên Gia Khang (Tokugawa Ieyasu)
nước Nhật Bản đề ngày 5 tháng 5 năm Hoằng Định thứ 2 (1601) ............................. PL7
Phụ lục 3.2: Thư của Đức Xuyên Gia Khang (Tokugawa Ieyasu) nước Nhật Bản gửi
phúc đáp thư của Nguyễn Hoàng đề tháng 10 năm Tân Sửu (1601). ........................ PL9
Phụ lục 3.3: Thư của Nguyên Gia Khang nước Nhật Bản gửi Nguyễn Hoàng đề ngày 2
tháng 10 năm Nhâm Dần (1602) .............................................................................. PL11
Phụ lục 3.4: Các tờ Shuinjo (Châu ấn trạng) ............................................................ PL12
Phụ lục 3.5: Danh mục quà tặng của chính quyền Đàng Trong gửi chính quyền Nhật
Bản vào năm 1632 .................................................................................................... PL14
Phụ lục 3.6: Quy trình đúc tiền ................................................................................. PL15
Phụ lục 3.7: Lễ báo tin, lễ tiến, lễ trình diện dâng lên chúa Nguyễn của thuyền buôn
nước ngoài khi đến Đàng Trong buôn bán ............................................................... PL17
Phụ lục 2.1: Bản đồ hàng hải Thái Bình Dương được vẽ năm 1622
(Minh họa cho hành trình sang phương Đông của Jacob van Neck - thuyền trưởng
người Hà Lan vào năm 1599)
Nguồn: Marcel Destombes (1941), Cartes Hollandaises: La Cartographie de la
Compagnie des Indes Orientales 1593 – 1743, Saigon.
PL1
Phụ lục 2.2: Bản đồ hàng hải vùng biển Đông Nam Á năm 1560
Nguồn: Pierre-Yves Manguin (1972), Les Portugais Sur les Côtes du Việt – Nam et du
Campa, Êcole Francaise d’Exttrême-Orient, Paris.
PL2
Phụ lục 2.3: Bản đồ hàng hải được vẽ năm 1590
Nguồn: Pierre-Yves Manguin (1972), Les Portugais Sur les Côtes du Việt – Nam et du
Campa, Êcole Francaise d’Exttrême-Orient, Paris.
PL3
Phụ lục 2.4: Bản đồ 1592-1594
Nguồn: Pierre-Yves Manguin (1972), Les Portugais Sur les Côtes du Việt – Nam et du
Campa, Êcole Francaise d’Exttrême-Orient, Paris.
PL4
Phụ lục 2.5: Bản đồ Cocincina (tức Đàng Trong)
(Alexandre de Rhodes vẽ năm 1650)
Nguồn: Henri Bernard (1939), Pour la compréhension de l’Indochine et de
l’Occident, Imprimerie G. Taupin & Cie, Ha Noi.
PL5
Phụ lục 2.6: Bản đồ Đàng Trong năm 1658 -1659
Nguồn: W. J. M. Buch (1936), “La Compagnie des Indes Néerlandaises et
l’Indochine”, BEFEO, Tome 36, pl XXX.
PL6
Phụ lục 3.1: Thư của Nguyễn Hoàng gửi Đức Xuyên Gia Khang (Tokugawa
Ieyasu) nước Nhật Bản đề ngày 5 tháng 5 năm Hoằng Định thứ 2 (1601)
Phiên âm:
“An Nam quốc thiên hạ Thống Binh Đô Nguyên úy Đoan Quốc công tư lũ mông
Gia Khang công quý ý; tiền sai Bạch Tân Hiển Quý phát thuyền vãng phản, thông
thương kết hảo, hựu mông tứ văn hàn. Nãi tiền nhậm Đô đường vãng phục. Kim ngã
tân nhậm Đô thống Nguyên soái, dục y tiền sự lưỡng quốc giao thông, bất hạnh chí
cựu niên tứ nguyệt gian (thiên ngũ bách bát thập ngũ niên), Hiển Quý thuyền bạc tại
Thuận Hóa hải môn, bị phong đãng thuyền phá, vô sở y đặc. Thuận Hóa Đại Đô đường
quan bất thức Hiển Quý lương thương, dữ thuyền chúng tranh khí, bất ý Đô đường
quan sự ngộ thân cố, chư tương soái hưng sư báo oán. Thả nhật nhật yếu sát tử Hiển
Quý. Ngã tại Đông Kinh văn thử tiêu tức, ái tích nan thắng. Ử thượng niên ngã phụng
mệnh Thiên Triều phục lâm cự trấn, kiến Hiển Quý thượng tại ngã quốc. Ngã bản dục
phát thuyền hứa hồi, nại thiên thời vị thuận, diên chí kim nhật, hạnh kiến quý quốc
thương thuyền phục đáo. Hiển Quý ám hiểu sự do, ngã vô bất duyệt, viên cẩn cụ phi
nghi, liêu biểu vi ý, thứ dung thiểu nạp, ngoại chuyên thư nhất phong, phiền vi truyền
thượng vị, thị hạ tử Hiển Quý phản quốc, dĩ kết huynh đệ chi bang, dĩ giao thiên địa
chi nghi, thành như thị tắc trợ dĩ quân khí tứ (sinh diêm tất tịnh khí giới). Dĩ sung quốc
dụng, ngã cảm đức vô nhai, dị nhật dung đầu chí chúc, tư thư.
Hoằng Định nhị niên ngũ nguyệt sơ ngũ nhật.
Ấn thư
Thư áp (Tây kỉ nguyên thiên lục bách linh nhất niên Nhật Bản Khánh Trường lục
niên).
Biệt phúc kê tài vật ngũ hạng: Kì nam hương nhất phiến (tam cân thập lạng) Bạch
thục quyên tam sơ, Bạch mật thập trình, Lôi mộc nhất bách mai, Khổng tước tử ngũ
chủỵ.
Hoằng Định nhị niên ngũ nguyệt, sơ ngũ nhật”.
PL7
Dịch nghĩa:
“Thiên hạ Thống binh Đô Nguyên soái Đoan Quốc công nước An Nam, nhiều lần
đội ơn ý tốt của quý công Gia Khang, trước đây sai Bạch Tân Hiển Quý điều thuyền
qua lại thông thương giao hảo, lại đội ơn ban cho công văn thư tín. Nhưng, vị Đô
đường tiền nhiệm đã nghỉ việc. Nay tôi mới đảm nhiệm chức Đô thống Nguyên soái,
muốn theo như việc trước đây hai nước vẫn giao thương. Chẳng may đến khoảng
tháng tư năm trước (năm 1585), tàu thuyền của Hiển Quý đỗ ở cửa biển Thuận Hóa bị
sóng lớn phá hủy, chẳng biết cậy nhờ ai. Quan Đại Đô đường ở Thuận Hóa không biết
Hiển Quý là thương nhân tốt, cùng với thuyền [của Hiển Quý] gây ra việc tranh chấp,
không ngờ quan Đồ đường lỡ bị chết, các tướng soái dấy quân báo oán, hơn nữa ngày
ngày đều muốn giết chết Hiển Quý. Tôi ở Đông Kinh nghe được tin này, thật là ưu
phiền tiếc nuối không thể nào hơn. Vào năm trước, tôi phụng mệnh Thiên triều, lại đến
trấn lớn này, gặp Hiển Quý còn ở tại nước tôi. Tôi vốn muốn đi thuyền trở về, ngặt vì
thời tiết không thuận, kéo dài đến ngày nay, may mắn thấy thương thuyền của quý
quốc lại đến, Hiển Quý hiểu được nguyên do của sự việc, tôi chẳng có gì là không vui
cả, bèn cẩn thận chuẩn bị lễ mọn, gọi là một chút bày tỏ tấm lòng, ngõ hầu khoan dung
nhận cho. Ngoài ra, chuyển lên ngài một phong thư, làm phiền chuyển lên cho ngài,
chỉ thị cho cấp dưới Hiển Quý trở về nước, để kết giao thành nước anh em, để hợp với
nghi thức kết giao của trời đất. Quả thực được như thế thì xin giúp đỡ vài đồ quân khí
(sinh diêm, sơn và khí giới) để sung vào dùng cho việc nước, tôi cảm đức vô bờ bến,
ngày khác tự mình đến thăm chúc. Nay thư.
Ngày mùng 5 tháng 5, niên hiệu Hoằng Định thứ 2
Đóng dấu
(Tây lịch năm 1601, Niên hiệu Khánh Trường năm thứ 6 nước Nhật Bản)
Thiếp riêng kê năm loại sản vật.
Một mảnh kì nam hương (nặng 3 cân 10 lạng), lụa trắng ba tấm, sữa ong mười
bình, 100 cây gỗ lôi, 5 con chim công.
Ngày mùng 5 tháng 5, niên hiệu Hoằng Định thứ 2”.
Nguồn: [75; tr.32-34].
PL8
Phụ lục 3.2: Thư của Đức Xuyên Gia Khang (Tokugawa Ieyasu) nước Nhật Bản
gửi phúc đáp thư của Nguyễn Hoàng đề tháng 10 năm Tân Sửu (1601)
Phiên âm:
“Nhật Bản quốc Nguyên Gia Khang phúc chương An Nam quốc Thống binh
Nguyên soái Thụy Quốc công45 thư tín lạc chủ, quyển thư tái tam, tự bản bang Trường
Kỳ sở phát chi thương thuyền, ư kỳ địa nghịch phong phá thuyền, hung đồ sát giả quốc
nhân nghi giới chi. Túc hạ chí kim phủ dục chu nhân giả, từ huệ thâm giả, quý quốc
dị sản như mục lục thu chi. Phù vật dĩ viễn chí hãn kiến vi trân. Kim dã ngã bang tứ
biên vô sự, quần quốc thăng bình dã. Thương nhân vãng phản thương hải lục địa bất
khả hữu nghịch chính, khả an tâm hĩ. Bản bang chi chu dị nhật đáo kì địa, dĩ thử thư
chi ấn vi chứng cứ, vô ấn chi chu giả bất khả hứa chi, sưởng bang binh khí liêu đầu
tặng chi. Thực thiên lý nga mao dã. Duy thời mạnh đông, bảo sắc trân trọng.
Khánh Trường niên Tân Sửu tiểu xuân nhật
Ấn thư”
Dịch nghĩa:
“Nguyên Gia Khang nước Nhật Bản trả lời thư cho Thống binh Nguyên soái
Thụy Quốc công46 nước An Nam, thư đã nhận tận tay, đọc đi đọc lại vài ba lần. Từ đảo
Trường Kỳ (Nagasaki) nước tôi, các thuơng thuyền ra đi, đến nơi đất Ngài bị gió to
làm hư hỏng thuyền, bọn hung đồ giết người là người trong nước, quý quốc phải trừng
trị răn dạy.
45 Ở ây chúng tôi ghi lại theo đúng phiên âm và dịch nghĩa của Nguyễn Huy Khuyến. Tuy nhiên, theo chúng tôi
là Đoan Quốc công thì đúng hơn. Nguyễn Huy Khuyến trong bài viết “Văn thư thông thương giữa chúa Nguyễn
ở Đàng Trong và Nhật Bản thế kỷ XVII (kỳ I)”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 5 (135), năm 2012, dường
như sơ suất nên có sự nhầm lẫn khi trích luôn cả lời của tác giả Sở Cuồng Lê Dư như đặt tiêu đề, dẫn nguồn vào
văn thư và cho đó là toàn văn bức thư rồi phiên âm, dịch nghĩa. Đây là sơ suất rất đáng tiếc. Chúng tôi nghĩ rằng
công bố của Sở Cuồng Lê Dư trên Nam Phong tạp chí, bản chữ Hán, quyển 9, số 54, đĩa DVD của Viện Văn học
mà Nguyễn Huy Khuyến đã tiếp cận được và công bố 3 bức thư trên số tạp chí trên thì tiêu đề của các bức thư do
Sở Cuồng Lê Dư đặt, sau nội dung bức thư tác giả Lê Dư cũng dẫn nguồn của bức thư được chép ở tài liệu nào.
Bởi rằng, Hy Tôn Hiếu Văn Hoàng đế là miếu hiệu, thụy hiệu Gia Long truy tôn Sãi Vương – Thụy Quốc Công
Nguyễn Phúc Nguyên; và rằng trong văn thư bang giao không thể có chuyện chúa Nguyễn xưng Hoàng đế với
Đức Xuyên Gia Khang nước Nhật Bản và ngược lại. Chúng tôi mạo muội nghĩ rằng, có lẽ, do đọc nhầm văn bản
nên Sở Cuồng Lê Dư đọc Đoan Quốc công thành ra Thụy Quốc công rồi cho đó là các bức thư của Thụy Quốc
Công gửi qua lại với Đức Xuyên Gia Khang (Tokugawa Ieyasu) nước Nhật Bản. Như vậy, 3 bức thư Nguyễn
Huy Khuyến đã công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 5 (135) đích thực là thư bang giao giữa
Nguyễn Hoàng với Đức Xuyên Gia Khang (Tokugawa Ieyasu) nước Nhật Bản.
46 Chúng tôi nghĩ rằng Đoan Quốc công thì chính xác hơn.
PL9
Túc hạ đến nay còn an ủi vỗ về thuyền nhân, ân huệ nhân từ sâu đậm, các đặc sản
của quý quốc tôi đã thu nhận theo như biên mục kê khai. Ôi vật ở nơi xa xôi gửi tới, ít
thấy mà thành quý giá. Ngày nay, nước tôi bốn bề yên ổn, các nơi đều yên bình,
thương nhân tấp nập buôn bán trên biển và đất liền không trái lại với quy định nên có
thể an lòng. Thuyền của nước tôi sau này đến nơi đó, thì lấy ấn của thư này làm chứng
cứ, nếu thuyền nào không có ấn, không thể cấp phép. Binh khí của nước tôi xin gửi
tặng Ngài, thật là của ít lòng nhiều. Nay là đầu đông, xin bảo trọng.
Tháng 10 âm lịch năm Tân Sửu niên hiệu Khánh Trường.
Đóng dấu”.
Nguồn: [75; tr.34-35].
PL10
Phụ lục 3.3: Thư của Đức Xuyên Gia Khang (Tokugawa Ieyasu) nước Nhật Bản
gửi Nguyễn Hoàng đề ngày 2 tháng 10 năm Nhâm Dần (1602)
Phiên âm:
“An Nam quốc Đại Đô thống Thụy Quốc công47 mộ hạ, dao truyền trân chương.
Cận kiến vương tự, thiên lý thiều thiều, bất dị ngộ đối, huống hựu linh khu chi dị
sản, viễn phương chi phương tình, bất thắng hoan biện, quý quốc khẩn cầu chi phương
vật, sưởng bang sở sản thổ nghi giả, khả tùy thương nhân sở tư địa dã. Tuy trở hải sơn,
kì tình bất giảm xích ngũ, tha nhật thương thuyền vãng lai, phong ba nan giả thiên dã.
Sưởng bang chi tứ phương hải lục thiết bất khả hữu hung tặc. Bản bang binh khí (mục
lục cụ biệt chử), kì vật tuy phi bạc, chỉ chi sở chi dã. Duy thời sương khí tiêu nghiêm
dã, vi quốc nghi bảo trọng, bất bị.
Khánh Trường thất niên Nhâm Dần tiểu xuân sơ nhị nhật.
Ấn thư”.
Dịch nghĩa:
“Ngài Đại Đô thống Thụy Quốc công nước An Nam! Thư từ nơi xa truyền đến
thật là thư quý. Gần đây nhìn được nét chữ của ngài, nơi xa xôi ngàn dặm, chẳng khác
đối diện đàm đạo, huống chi lại nhận được những đặc sản nơi đất linh, tình cảm thơm
tho nơi xa xôi, thật vui mừng khôn xiết. Những sản vật địa phương vật mà quý quốc
khẩn cầu, đó đều là những thổ sản thích nghi với đất đai ở bản quốc, có thể theo
thương nhân nghĩ cách lo liệu. Tuy biển núi cách trở, nhưng tình cảm không hề giảm
chút nào. Ngày khác, thương thuyền qua lại buôn bán, gặp nạn sóng gió là do trời vậy.
Còn bốn biển và đất liền nước tôi nhất quyết không có hung tặc. Khí giới của bản quốc
(có ghi từng mục riêng) tuy là lễ vật nhỏ bé song cốt để biểu thị tấm lòng. Lúc này thời
tiết sương khí hơi khắc nghiệt, vì nước ngài hãy bảo trọng, thư còn chưa hết lời.
Ngày mùng 2 tháng 10 âm lịch năm Nhâm Dần niên hiệu Khánh Trường thứ 7.
Đóng dấu”.
Nguồn: [75; tr.36]
47 Chúng tôi nghĩ rằng Đoan Quốc công thì chính xác hơn.
PL11
Phụ lục 3.4: Các tờ Shuinjo (Châu ấn trạng)
(Chính quyền Mạc phủ cấp vào các năm 1604 (2 tờ), 1605, 1614, cho phép
thuyền buôn Nhật Bản đến buôn bán với Đàng Trong)
PL12
Nguồn: Các văn bản này được lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia Kyushu, tỉnh Fukuoka,
Nhật Bản.
Ảnh: Trần Đức Anh Sơn
PL13
Phụ lục 3.5: Danh mục quà tặng của chính quyền Đàng Trong gửi chính quyền
Nhật Bản vào năm 1632
Nguồn: Văn bản này được lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia Kyushu, tỉnh Fukuoka, Nhật
Bản
Ảnh: Trần Đức Anh Sơn
PL14
Phụ lục 3.6: Quy trình đúc tiền
1. Gia công khung gỗ và bàn khắc để làm khuôn 2. Tiền mẫu được khắc chạm cẩn thận và tinh xảo
3. Dùng đất sét tạo khuôn 4. Ấn tiền mẫu vào khuôn đất sét và chồng các khuôn
lên nhau
5. Bao lớp đất sét bên ngoài các khuôn 6. Các khuôn bao được nén chặt vào lò nung
7. Làm bình rót kim loại và ống thổi không khí 8. Trộn đồng với chì và một số kim loại khác
PL15
9B. Cách khác: Dùng hợp kim sản xuất tiền xu nung
9A. Dùng ống để thổi lửa nung nồi kim loại
nóng và trộn trong lò
10. Đổ kim loại nóng chảy vào khuôn 11. Sau khi nguội rã khuôn
12. Tiền xu được tách rời 13. Mài dũa những đồng tiền cho tròn và có kích thước
giống nhau
Nguồn: Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh
PL16
Phụ lục 3.7: Lễ báo tin, lễ tiến, lễ trình diện dâng lên chúa Nguyễncủa thuyền
buôn nước ngoài khi đến Đàng Trong buôn bán
“Thuyền trưởng soạn lễ báo tin, đệ lên, Nguyễn lệnh chè 3 cân, cai tàu 2 cân, tứ
trụ văn ban cùng thái giám coi Tàu vụ và cai bạ mỗi viên 1 cân, tri bạ, cai phủ, ký lục
mỗi viên nửa cân. Đơn khai thì sai nộp ở Chính dinh, Nguyễn lệnh xem trước rồi mới
chiếu phát cho các quan. Thuyền trưởng lại soạn lễ tiến, hoặc là các hạng gấm, đoạn,
lĩnh, sa, đồ chơi, hoa quả, kê trình quan cai bạ, sai quân đệ trình quan cai tàu, tàu chiếu
nộp cho Nguyễn lệnh. Lễ ấy không có định hạng, đại khái tính tiền độ 500 quan. Cũng
có tàu dâng một hai thứ lễ, thích ý thì truyền cho miễn thuế, không theo lệ. Tiến lễ
xong, thuyền trưởng kê khai hàng hóa trong tàu mỗi hạng 1 bản. Nếu có ẩn giấu một
vật trở lên, xét được thì sẽ thu vào nhà nước, lại theo luật của nước mà trị tội... Về lễ
trình diện các viên, quan cai tàu thì so với lễ tiến giảm một nửa, cai bạ và các nha thì
theo thứ bậc mà giảm dần. Hễ là tàu Thượng Hải, Quảng Đông, Phúc Kiến, Mã Cao
thì đều có lễ tiến, tàu Hải Nam thì không có”.
Nguồn: [48; tr. 254-255].
PL17
DANH MỤC HÌNH ẢNH MINH HỌA
Hình 2.1: Thương thuyền của Công ty Đông Ấn Hà Lan (CIO) thế kỷ XVII ......... PL18
Hình 2.2: Tranh vẽ trên gỗ do họa sĩ Hisikawa Magobei vẽ năm 1647 ................... PL19
Hình 2.3: Tranh cuộn Shuin-sen Kochi toko zukan cuối thế kỷXVII – đầu thế kỷ XVIIIPL20
Hình 3.1: Gốm sứ Trung Quốc thế kỷ XVII – XVIII ............................................... PL21
Hình 3.2: Gốm Nhật Bản thế kỷ XVII ..................................................................... PL22
Hình 3.3: Quả cân dùng để cân hàng hóa thế kỷ XVII – XIX ................................. PL23
Hình 3.4: Tiền An Pháp nguyên bảo (F6) và Thái Bình thông bảo (F7)của nhà Mạc
được sử dụng tại Đàng Trong thời chúa Nguyễn ..................................................... PL23
Hình 3.5: Tiền đồng đúc ở Đàng Trong thế kỷ XVI – XVIII .................................. PL24
Hình 3.6: Tiền kẽm được đúc ở Đàng Trong thế kỷ XVI –XVIII ........................... PL25
Hình 3.7: Tiền đồng Nhật Bản thế kỷ kỷ XVII ........................................................ PL26
Hình 3.8: Tiền Khang Hy (Trung Quốc) thế kỷ XVII – XVIII ................................ PL27
Hình 3.9: Tiền Càn Long (Trung Quốc) thế kỷ XVIII ............................................. PL27
Hình 4.1: Súng thần công Bồ Đào Nha thế kỷ XVIII .............................................. PL28
Hình 4.2: Lăng mộ của ông Gusokukun - thương nhân Nhật Bản ........................... PL29
Hình 4.3: Bia mộ ông Tani Yajirobei – thương nhân Nhật Bản .............................. PL30
Hình 4.4: Bia mộ ông Banjiro - thương Nhân Nhật Bản .......................................... PL31
Hình 4.5: Bia mộ ông Chu Kỳ Sơn chôn cất tại Hội An vào nửa sau thế kỷ XVII . PL31
Hình 4.6: Mộ của giáo sĩ người phương Tây tại Hội An ......................................... PL32
Hình 4.7: Chùa Cầu (cầu Nhật Bản) ......................................................................... PL33
Hình 4.8: Cửa Đại – cửa ngõ để tàu thuyền ra vào buôn bán tại Hội An ................. PL33
PL
18
Hình 2.1: Thương thuyền của Công ty Đông Ấn Hà Lan (CIO) thế kỷ XVII
Nguồn: Marcel Destombes (1941), Cartes Hollandaises: La Cartographie de la
Compagnie des Indes Orientales 1593 – 1743, Saigon.
Hình 2.2: Tranh vẽ trên gỗ do họa sĩ Hisikawa Magobei vẽ năm 1647
(Vẽ thương thuyền Nhật Bản đến mua bán với Đàng Trong thế kỷ XVII)
Bức tranh hiện đang được lưu giữ tại đền Himure Hachimangu ở tỉnh Shiga, Nhật Bản
Ảnh: Trần Đức Anh Sơn
PL19
Hình 2.3: Tranh cuộn Shuin-sen Kochi toko zukan cuối thế kỷ XVII
– đầu thế kỷ XVIII
(Lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia Kyushu, tỉnh Fukuoka, Nhật Bản)
(Bức tranh này mô tả hành trình của thương thuyền Nhật Bản vượt biển sang buôn bán
với Đàng Trong: Bắt đầu từ cảng Nagasaki, vượt biển đi về phía Nam, đến Cù Lao
Chàm, vào cảng Hội An. Sau đó, thương thuyền tiếp tục lên đường ra Phú Xuân để
diện kiến chúa Nguyễn và dâng quà tặng).
Ảnh: Trần Đức Anh Sơn
PL20
Hình 3.1: Gốm sứ Trung Quốc thế kỷ XVII – XVIII
(Lưu giữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An)
Ảnh: Tác giả chụp ngày 07/7/2017
PL21
Hình 3.2: Gốm Nhật Bản thế kỷ XVII
(Lưu giữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An)
Ảnh: Tác giả chụp ngày 07/7/2017
PL22
Hình 3.3: Quả cân dùng để cân hàng hóa thế kỷ XVII – XIX
(Lưu giữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An)
Ảnh: Tác giả chụp ngày 07/7/2017
Hình 3.4: Tiền An Pháp nguyên bảo (F6) và Thái Bình thông bảo (F7)
của nhà Mạc được sử dụng tại Đàng Trong thời chúa Nguyễn
(Lưu giữ tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh)
Ảnh: Tác giả chụp ngày 19/7/2017
PL23
Hình 3.5: Tiền đồng đúc ở Đàng Trong thế kỷ XVI – XVIII
(Lưu giữ tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh)
Ảnh: Tác giả chụp ngày 19/7/2017
(Ghi chú: 1.An Tháp nguyên bảo; 2.Chính Pháp nguyên bảo; 3.Chính Long
nguyên bảo; 4.Đại Hòa thông bảo; 5.Thái Hòa thông bảo; 6.Đại Định thông bảo;
7.Thái Định thông bảo; 8.Hán Nguyên thông bảo; 9.Hán Nguyên thánh bảo; 10.Hàm
Bình nguyên bảo; 11.Hàm Thiệu nguyên bảo; 12.Hy Nguyên thông bảo; 13.Nguyên
Hựu thông bảo; 14.Nguyên Phù thông bảo; 15.Nguyên Phong thông bảo).
PL24
Hình 3.6: Tiền kẽm được đúc ở Đàng Trong thế kỷ XVI -XVIII
(Lưu giữ tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh)
Ảnh: Tác giả chụp ngày 19/7/2017
(Ghi chú: 1.An Tháp thông bảo; 2.Bình Nam thông bảo; 3.Chính Thánh nguyên
bảo, 4.Cảnh Trị thông bảo; 5.Cảnh Hưng thông bảo; 6.Cảnh Thịnh thông bảo; 7.Cảnh
Hưng cự bảo; 8.Cảnh Định nguyên bảo; 9.Cảnh Định thông bảo; 10.Cảnh Đức nguyên
bảo; 11.Chiêu Thống nguyên bảo; 12.Chính Hòa thông bảo; 13.Chu Nguyên thông
bảo; 14.Chính Nguyên thông bảo; 15.Chính Hòa thông bảo; 16.Chính Long nguyên
bảo).
PL25
Hình 3.7: Tiền đồng Nhật Bản thế kỷ kỷ XVII
(Lưu giữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An)
Ảnh: Tác giả chụp ngày 07/7/2017
PL26
Hình 3.8: Tiền Khang Hy (Trung Quốc) thế kỷ XVII - XVIII
(Lưu giữ tại Nhà thờ tộc Trần. Địa chỉ: 21 Lê Lợi, thành phố Hội An)
Ảnh: Tác giả chụp ngày 07/7/2017
Hình 3.9: Tiền Càn Long (Trung Quốc) thế kỷ XVIII
(Lưu giữ tại Nhà thờ tộc Trần. Địa chỉ: 21 Lê Lợi, thành phố Hội An)
Ảnh: Tác giả chụp ngày 07/7/2017
PL27
Hình 4.1: Súng thần công Bồ Đào Nha thế kỷ XVIII
(Trưng bày tại Bảo tàng Hải dương học, Thành phố Nha Trang)
Ảnh: Tác giả chụp tháng 6/2017
PL28
Hình 4.2: Lăng mộ của ông Gusokukun - thương nhân Nhật Bản
(Chôn cất ở Hội An năm 1629)
Ảnh: Tác giả chụp ngày 07/7/2017
PL29
Hình 4.3: Bia mộ ông Tani Yajirobei – thương nhân Nhật Bản
(Được lập tại Hội An năm 1647)
Ảnh: Tác giả chụp ngày 07/7/2017
PL30
Hình 4.4: Bia mộ ông Banjiro, thương Nhân Nhật Bản
(Chôn cất tại Hội An năm 1665)
Ảnh: Tác giả chụp ngày 07/7/2017
Hình 4.5: Bia mộ ông Chu Kỳ Sơn chôn cất tại Hội An vào nửa sau thế kỷ XVII
(Ông là Cai phủ tàu người Hoa, là một trong những chức vụ được chúa Nguyễn
cho quản lý tàu thuyền nước ngoài xuất nhập cảng tại Hội An)
PL31
Ảnh: Tác giả chụp ngày 07/7/2017
PL32
PL
33
Hình 4.6: Mộ của giáo sĩ người phương Tây tại Hội An
((Từ trái sang, mộ giáo sĩ Gulielmo Mahot, nhận chức Giám mục tại Hội An năm 1682 và mất năm 1684;
mộ của giáo sĩ Phanxico Perez nhận chức tại Hội An năm 1691 và mất năm 1728; mộ của giáo sĩ Gioan
Valere Rist nhận chức tại Hội An năm 1735 và mất năm 1737).
Ảnh: Tác giả chụp ngày 06/7/2017
Hình 4.7: Chùa Cầu (cầu Nhật Bản)
(Cầu do thương nhân Nhật Bản xây dựng tại Hội An thế kỷ XVII)
Ảnh: Tác giả chụp ngày 07/7/2017
Hình 4.8: Cửa Đại – cửa ngõ để tàu thuyền ra vào buôn bán tại Hội An
(Trên cầu Cửa Đại nhìn ra đảo Cù Lao Chàm)
Ảnh: Tác giả chụp ngày 07/7/2017
PL34