Luận án Giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống cho sinh viên Việt Nam hiện nay

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYấN TRUYỀN ĐÀO THỊ TRANG Giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống cho sinh viên Việt Nam hiện nay LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC HÀ NỘI - 2018 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYấN TRUYỀN ĐÀO THỊ TRANG Giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống cho sinh viên Việt Nam hiện nay Chuyờn ngành: Triết học Mó số: 92

doc180 trang | Chia sẻ: huong20 | Ngày: 13/01/2022 | Lượt xem: 582 | Lượt tải: 3download
Tóm tắt tài liệu Luận án Giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống cho sinh viên Việt Nam hiện nay, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
29 001 LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS Nguyễn Thế Kiệt 2. PGS.TS Hoàng Thúc Lân HÀ NỘI - 2018 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan, đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Luận án này, được PGS.TS. Nguyễn Thế Kiệt và PGS.TS. Hoàng Thúc Lân hướng dẫn. Các số liệu, kết quả sử dụng trong luận án là trung thực. Các kết luận của luận án chưa được công bố trong bất kỳ công trình nào khác. Tác giả Đào Thị Trang LỜI CẢM ƠN Tác giả xin chân thành cảm ơn Ban Giám đốc, Ban Đào tạo, Khoa Triết học của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã giúp đỡ tác giả trong quá trình nghiên cứu và thực hiện luận án. Tác giả xin bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc tới PGS.TS Nguyễn Thế Kiệt và PGS.TS Hoàng Thúc Lân đã tận tình hướng dẫn, động viên, giúp đỡ tác giả trong suốt quá trình thực hiện luận án. Tác giả xin cảm ơn các nhà khoa học đã nhận xét, góp ý để tác giả hoàn thiện luận án. Trong quá trình thực hiện luận án, tác giả còn nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía gia đình, cơ quan, bạn bè và đồng nghiệp. Tác giả xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới những sự ủng hộ, giúp đỡ đầy quý báu đó. Tác giả Đào Thị Trang MỤC LỤC PHỤ LỤC MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là kết tinh những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, là tượng trưng cho sự tiếp nối giữa giá trị đạo đức truyền thống dân tộc với tinh hoa triết học và văn hóa nhân loại mà đỉnh cao là chủ nghĩa Mác – Lênin. Bằng sự uyên bác với thiên tài trí tuệ và phẩm chất của mình, Người đã tiếp thu một cách nhuần nhuyễn các tri thức ấy rồi nhào luyện trong thực tiễn cách mạng Việt Nam mà biến thành một điều thực sự độc đáo mang tên Hồ Chí Minh, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Với Người, lý luận và thực tiễn, tư tưởng và hành động, tình cảm và lý trí, cách mạng và khoa học, cuộc sống và nghệ thuật... là một sự thống nhất hữu cơ, sinh động. Tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người là tài sản tinh thần vô giá cho các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo. Thanh niên – sinh viên hiện nay là những cán bộ, trí thức trong tương lai của nước nhà, là những người kế tục sự nghiệp của cha anh. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn Đảng ta cần phải chăm lo cho giáo dục đạo đức cách mạng, cho thanh niên, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng CNHX vừa “hồng” vừa “chuyên”. Sau hơn 30 năm đổi mới, chúng ta đã xây dựng được nhiều thế hệ sinh viên vừa có đức, vừa có tài, có khả năng gánh vác được trách nhiệm mà Tổ quốc tin yêu và giao phó. Đó là những con người cơ bản có bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý thức tự chủ, tự cường, năng động, sáng tạo, có kiến thức, trình độ và năng lực hoạt động thực tiễn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm... thích nghi dần với cơ chế mới. Mặt khác, không thể không thấy rằng, công cuộc đổi mới càng đi vào chiều sâu, đặc biệt là sự phát triển của kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, càng làm bộc lộ sự chưa ngang tầm trong phẩm chất đạo đức của sinh viên so với yêu cầu và công cuộc đổi mới đang đặt ra. Sự xuống cấp về tư tưởng đạo đức và lối sống của một bộ phận sinh viên đang làm cả xã hội lo ngại. Nhiều tiêu cực, bất công, nghịch lý trong xã hội, trong học đường đã cản trở lớn cho công tác giáo dục đạo đức, xây dựng lối sống mới cho sinh viên. Cần chú ý là, việc giáo dục đạo đức, giáo dục lối sống cho sinh viên không chỉ xuất phát từ tình hình suy thoái đạo đức, lối sống hiện nay của một bộ phận sinh viên, mà còn vì định hướng phát triển lâu dài trong tương lai với tầm nhìn và hành động chiến lược. Phát triển kinh tế và hiện đại hóa xã hội rất cần đến sức mạnh của kinh tế, nhưng xét đến cùng, không có mục đích tự thân. Không xây dựng nền tảng tinh thần, lối sống, đời sống tinh thần lành mạnh, xã hội không thể phát triển bền vững, cuộc sống của từng cá nhân trong cộng đồng không thể bình yên, thanh niên- sinh viên không thể lập thân, lập nghiệp một cách lành mạnh và tìm thấy triển vọng trong cuộc sống. Chính từ đây, đặt ra hàng loạt vấn đề đối với sinh viên. Làm thế nào để sinh viên Việt Nam trong tương lai đáp ứng được yêu cầu hết sức nặng nề nhưng vẻ vang mà đất nước đang đặt lên vai họ? Làm thế nào để họ định hướng đúng đạo đức, lối sống, nhân cách... trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế? Làm thế nào xây dựng được những người chủ tương lai của nước nhà, phát triển toàn diện vừa có đức, vừa có tài, nhân cách phong phú, đáp ứng được yêu cầu cách mạng hiện nay? Việc nghiên cứu tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh sẽ cho chúng ta cơ sở định hướng về mặt thế giới quan, phương pháp luận, kim chỉ nam đối với công tác giáo dục đạo đức trong xây dựng lối sống cho sinh viên Việt Nam hiện nay. Với ý nghĩa đó, tôi chọn vấn đề: “Giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống cho sinh viên Việt Nam hiện nay” làm đề tài luận án tiến sĩ triết học, hy vọng sẽ góp một phần nhỏ vào việc giải quyết vấn đề mà đề tài đặt ra. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 2.1. Mục đích nghiên cứu Làm rõ tầm quan trọng và thực trạng của giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong việc xây dựng lối sống cho sinh viên ở Việt Nam, từ đó đưa ra phương hướng và một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong việc xây dựng lối sống cho sinh viên ở Việt Nam hiện nay. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu - Trình bày tổng quan các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài; - Làm rõ bản chất, vị trí, nội dung tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh; - Làm rõ vai trò và nội dung giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống cho sinh viên Việt Nam hiện nay; - Làm rõ thực trạng của việc giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống cho sinh viên Việt Nam và những vấn đề đặt ra; - Đề xuất phương hướng và một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong việc xây dựng lối sống cho sinh viên Việt Nam hiện nay. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong việc xây dựng lối sống cho sinh viên Việt Nam hiện nay. 3.2. Phạm vi nghiên cứu - Đề tài luận án chỉ nghiên cứu trong phạm vi giới hạn là sinh viên Việt Nam đang học trong các trường Đại học, Cao đẳng trong nước. - Sinh viên là một khái niệm rộng, chỉ lực lượng xã hội đông đảo ở mọi vùng miền đất nước, nhưng luận án chỉ giới hạn nghiên cứu sinh viên Việt Nam đang học ở một số trường Đại học và Cao đẳng (ở Hà Nội, ở Nghệ An, ở thành phố Hồ Chí Minh, ở Cần Thơ và ở Đồng Tháp). Số liệu khảo sát chủ yếu từ năm 1986 đến nay. 4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận án 4.1. Cơ sở lý luận Luận án chủ yếu dựa trên các quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam về giáo dục đạo đức, đạo đức cách mạng cho thanh niên (trong đó có sinh viên), về xây dựng lối sống cho thanh niên, sinh viên. Luận án còn kế thừa các thành tựu của một số công trình có liên quan đến đề tài. 4.2. Phương pháp nghiên cứu Luận án sử dụng những phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử; các phương pháp cụ thể như: phân tích và tổng hợp; lịch sử và logic; so sánh; phương pháp điều tra xã hội học... 5. Đóng góp về khoa học của luận án - Góp phần làm sáng tỏ vai trò và thực trạng của giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong việc xây dựng lối sống cho sinh viên Việt Nam hiện nay. - Đề xuất phương hướng và một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong việc xây dựng lối sống cho sinh viên Việt Nam hiện nay. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án - Kết quả nghiên cứu của luận án có thể dùng làm tài liệu tham khảo trong giảng dạy và nghiên cứu một số chuyên đề, chương trình lý luận về giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong việc xây dựng lối sống cho sinh viên ở nước ta hiện nay. - Ở một mức độ nhất định, luận án có thể dùng làm tài liệu tham khảo trong việc giáo dục lối sống cho sinh viên ở nước ta hiện nay. 7. Kết cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận án gồm 3 chương 7 tiết. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 1. Các công trình nghiên cứu tiêu biểu liên quan đến đạo đức, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, lối sống, lối sống sinh viên, xây dựng lối sống sinh viên và quan hệ giữa đạo đức và lối sống 1.1. Các công trình nghiên cứu liên quan đến đạo đức, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh 1.1.1. Một số công trình tiêu biểu liên quan đến đạo đức - Trong công trình: “Đạo đức học” tập I, tập II của Bandzeladze [10], tác giả đã phân tích và luận giải vai trò của đạo đức, làm sáng tỏ nhiều hiện tượng đạo đức xã hội cũng như mối quan hệ giữa đạo đức với “tính người” của con người. Theo ông, “Đạo đức là hệ thống những chuẩn mực biểu hiện sự quan tâm tự nguyện, tự giác của những con người trong quan hệ với nhau và trong quan hệ với xã hội nói chung. Bản chất của đạo đức là sự quan tâm tự giác của những con người đến lợi ích của nhau, đến lợi ích của xã hội” [10.tr104, tập 1]. Ở đây, ông đã trình bày hệ thống các vấn đề chủ nghĩa Mác về đạo đức: Đạo đức là gì? Đạo đức đã phát sinh phát triển như thế nào? mối quan hệ giữa đạo đức với các hình thái ý thức xã hội khác, lý thuyết đạo đức cộng sản. Trong nước, các công trình tiêu biểu bàn về đạo đức như: - Trong công trình “Đạo đức mới” của tác giả Vũ Khiêu (Chủ biên) [79], các tác giả đã trình bày cơ sở khoa học của đạo đức, nội dung cơ bản của đạo đức mới, lao động, học tập đạo đức mới trong các quan hệ gia đình, tình bạn, tình yêu, phấn đấu không ngừng rèn luyện đạo đức theo gương Hồ Chí Minh. - Trong cuốn: “Giáo trình đạo đức học Mác - Lênin” của Nguyễn Ngọc Long và Nguyễn Thế Kiệt (đồng chủ biên). Giáo trình Đạo đức học Mác – Lênin của tác giả Vũ Trọng Dung (chủ biên), các tác giả đã trình bày khái niệm, nguồn gốc, bản chất, chức năng của đạo đức, của nguyên tắc xây dựng đạo đức mới - Trong cuốn sách: “Mấy vấn đề đạo đức trong điều kiện kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay” của Nguyễn Trọng Chuẩn và Nguyễn Văn Phúc (đồng chủ biên) [19], đã có bài viết về giá trị đạo đức truyền thống Việt Nam, đạo đức trong điều kiện kinh tế thị trường, giữ gìn phát huy giá trị đạo đức truyền thống trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay. - Cuốn: “Đạo đức xã hội ở nước ta hiện nay – vấn đề và giải pháp” của Nguyễn Duy Quý (chủ biên) [148] đã đề cập đến những vấn đề đạo đức đang tồn tại ở các nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Các tác giả cũng đã phân tích thực trạng đạo đức của cán bộ, đảng viên và công chức, đạo đức trong lao động và trong giao tiếp, đạo đức trong gia đình, đạo đức của thanh niên ở Việt Nam hiện nay. Các tác giả chỉ ra nguyên nhân suy thoái của đạo đức trong xã hội, cũng như phương hướng và giải pháp xây dựng đạo đức xã hội ở nước ta hiện nay. - Trong cuốn sách: “Mấy vấn đề về đạo đức học và xây dựng đạo đức trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt nam hiện nay” của Nguyễn Thế Kiệt [86], đã trình bày rõ nguồn gốc, bản chất của đạo đức, các quy luật vận động của đạo đức, khái niệm đạo đức mới, các yêu cầu của đạo đức mới, xây dựng đạo đức mới trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trên sẽ là nguồn tư liệu quý giá cho NCS có thể tham khảo, kế thừa trong những nội dung cụ thể của luận án nhất là các khái niệm đạo đức, nguồn gốc, bản chất đạo đức, quan hệ đạo đức với các hình thái ý thức xã hội khác, đạo đức mới, đạo đức cách mạng. 1.1.2. Một số công trình tiêu biểu liên quan đến tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức là một bộ phận quan trọng trong hệ thống tư tưởng của Người, có giá trị toàn diện, sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn, được thể hiện với một phong cách độc đáo, cô đúc, giản dị và dễ hiểu. Nó trở thành tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta, vì thế đã trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều đề tài, nhiều công trình khoa học. Có thể liệt kê một số tác phẩm tiêu biểu như: - Cuốn sách: “Phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh” của tác giả Đặng Xuân Kỳ chủ biên [87] là một trong số ít tài liệu nghiên cứu một cách khái quát, hệ thống những vấn đề này, đưa công tác nghiên cứu về phương pháo và phong cách Hồ Chí Minh lên một tầm cao mới. Các tác giả đã trình bày khái niệm, nội dung của phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh, đi từ khái niệm đến hệ thống phương pháp và phong cách của Người, cũng như khẳng định mối quan hệ giữa phương pháp Hồ Chí Minh với những phương pháp cách mạng Việt Nam, giữa phong cách Hồ Chí Minh với phong cách của những người cộng sản chân chính, ... Từ đó, các tác giả cũng khẳng định tầm quan trọng của việc nghiên cứu và vận dụng sáng tạo phương pháp và phong cách của Người trong sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay. - Cuốn sách: “Những bài giảng về môn học Tư tưởng Hồ Chí Minh ” của tác giả Nguyễn Khánh Bật chủ biên [9]. Công trình này gồm có 15 bài, được viết theo từng chuyên đề, trên cơ sở kế thừa và phát triển thành quả của tập tài liệu xuất bản năm 1996, trong đó có chuyên đề tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, tác giả đã trình bày những vấn đề về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, nội dung cơ bản của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Đây là tài liệu rất quý cho tác giả trong quá trình thực hiện viết luận án. - Cuốn sách: “Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh truyền thống dân tộc và nhân loại” do tác giả Vũ Khiêu chủ biên [80]. Công trình (đề tài KX2) đã tập hợp các bài tham luận và bài phát biểu tại Hội thảo về: Nguồn gốc hình thành và đặc điểm tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh; Hồ Chí Minh với các giá trị và tinh hoa đạo đức của nhân loại. Các tác giả đã phân tích và chỉ rõ: Quá trình hình thành, phát triển tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là một cuộc cách mạng trên lĩnh vực đạo đức, nó thể hiện thái độ khoa học đối với đạo đức cũ; Trên cơ sở của chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh đã gạt bỏ cái lỗi thời, phát huy những nhân tố tích cực của đạo đức cũ để xây dựng một nền đạo đức mới; Đạo đức mới là đạo đức chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì sự tiến bộ của nhân loại, vì tự do và hạnh phúc của mỗi con người. Những vấn đề tư tưởng đạo đức luôn được thể hiện trong lời nói và bài viết của Người. Đây là những tư liệu quý báu giúp tác giả tìm thấy những căn cứ đúng nhất để “xét người, xét việc và xem xét chính bản thân mình”; giúp tác giả tìm thấy ở đây những chuẩn mực để yêu hay ghét, ca ngợi hay chê trách, tán thành hay phản bác, đặc biệt là biết phấn đấu vươn tới những phẩm chất cao đẹp của con người. - Cuốn sách: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức” của tác giả Đinh Xuân Dũng [22] là tập hợp nhiều bài viết về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh của nhiều nhà lãnh đạo chính trị cao cấp và một số nhà khoa học như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh... Mỗi bài viết là một góc nhìn, một chiều cạnh riêng về tư tưởng đạo đức, tác phong, nhân cách Hồ Chí Minh. Cuốn sách là tập hợp những bài nghiên cứu, những trích dẫn tiêu biểu về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh và một số mẩu chuyện chân thật, sinh động về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đây là những nội dung bổ ích định hướng cho tác giả trong quá trình nghiên cứu thực hiện đề tài luận án. - Cuốn sách: “Học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh xây dựng nền văn hóa đạo đức nước ta hiện nay”, của tác giả Thành Duy và Lê Quý Đức [26], có nhận định: Trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, tư tưởng đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh đã góp phần rất quan trọng, có tác dụng mạnh mẽ trong sự nghiệp chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược, giành độc lập dân tộc và tự do cho nhân dân ta. Có thể nói, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là kết quả thử nghiệm thành công thực tiễn cuộc sống chiến đấu giành độc lập, tự do của một dân tộc còn mang nặng ý thức hệ phong kiến, chín mươi phần trăm dân số là nông dân chưa thoát khỏi điều kiện sản xuất nhỏ của một nước nông nghiệp còn nghèo nàn, lạc hậu. Từ ý thức đề cao vị trí, vai trò của đạo đức, đồng thời khẳng định người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, Hồ Chí Minh luôn đòi hỏi cán bộ đảng viên trước hết phải trau dồi đạo đức cách mạng, coi đó là một trong những điều kiện tiên quyết nhất để trở thành người cách mạng chân chính. - Các cuốn sách Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh của Hội đồng trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và của Bộ giáo dục và đào tạo. Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh của Học Viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh của Bộ Giáo dục và đào tạo. Tất cả các cuốn sách này đều dành riêng một chương phân tích về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Các giáo trình không chỉ phân tích các chuẩn mực đạo đức cách mạng cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh như: trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; thương yêu con người, sống có tình nghĩa và có tinh thần quốc tế trong sáng mà còn làm sáng tỏ các nguyên tắc xây dựng đạo đức cách mạng trong tư tưởng của Người như: nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức, xây đi đôi với chống, phải tu dưỡng đạo đức suốt đời, - Cuốn sách: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức mới” của Thanh Lê [93], nội dung chủ yếu của cuốn sách là trích dẫn từ tài liệu gốc trong các tác phẩm của Hồ Chủ tịch và được ghi chú rõ nguồn tài liệu nhằm cung cấp cho bạn đọc tra cứu dễ dàng và thuận lợi. Nội dung của cuốn sách còn để dành một phần ghi lại ý kiến của một số nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta với những lời ca ngợi nồng nhiệt, những đánh giá sắc sảo về Hồ Chủ tịch và một số ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo nói về đạo đức mới của Hồ Chủ tịch đăng tải trên báo Sài Gòn giải phóng. Nội dung cuốn sách còn có phần trích đăng một số bài viết trong những năm gần đây về Bác Hồ của soạn giả Thanh Lê xoay quanh chủ đề: Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh hướng về con người, về xã hội trong tương lai. - Bài viết “Bản chất của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh” của tác giả Vũ Văn Thuấn đã khẳng định: Đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh là đạo đức cách mạng, nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người [161] . - Bài viết: “Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh bước phát triển mới về đạo đức trong văn hóa Việt Nam”, của tác giả Đỗ Huy [73], đã khẳng định: Trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, Người đã “phát triển các giá trị đạo đức dân tộc, tiếp biến tinh hoa đạo đức của nhân loại, xác lập nhiều chuẩn mực đạo đức mới trong văn hóa Việt Nam [73, tr.9]. Các tư tưởng về công bằng, bình đẳng xã hội; về sự kết hợp giữa lợi ích cộng đồng và lợi ích cá nhân; về chủ nghĩa yêu nước kiểu mới, về lòng khoan dung và nhân đạo; về đạo đức sinh thái... dựa trên nội dung mới của các phạm trù thiện – ác, lương tâm, vinh dự, trách nhiệm xã hội và ý nghĩa cuộc sống đã nâng nền văn hóa Việt Nam lên một giai đoạn phát triển mới, đáp ứng được yêu cầu của thời đại. - Bài viết: “Không gian và tiêu điểm của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh” của tác giả Hà Thúc Minh, [136], tác giả đã chỉ ra và hoàn toàn đúng và cần thiết phải học tập nghiên cứu những phẩm chất, hành vi đạo đức tốt đẹp của đạo đức Hồ Chí Minh như: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nhân lễ, trí, tín; phê phán chủ nghĩa cá nhân, chống tệ nạn tham nhũng, lãng phí. Nhưng đó là điều kiện cần chứ chưa phải là điều kiện đủ, bởi vì những quan niệm về đạo đức xưa nay trong lịch sử của nhân loại không thiếu những nội dung đó. “Điều không thể thiếu trong khi nghiên cứu, học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là cần phải xác định rõ hơn mục đích chính trị mà đạo đức hướng tới” [136, tr.14]. Tác giả cũng kết luận: Không gian tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh không giới hạn trong quá khứ hay tương lai. Chừng nào đạo đức vẫn tiếp tục “đại hạ giá”, chừng nào thiên hạ phải thắp đuốc để đi tìm cái “tâm” của con người thì chừng đó giá trị của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh càng cần thiết giống như không khí cần sự sống. - Bài viết: “Tìm hiểu cấu trúc và tính chất tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh” của tác giả Thái Duy Tuyên và Từ Đức Văn [164], các tác giả đã đi vào phân tích 5 yếu tố cơ bản là: Những chuẩn mực, những nguyên tắc trong quan hệ, thái độ, cách ứng xử... đối với mình, đối với người, đối với công việc, đối với Tổ quốc nhân dân, đối với tự nhiên- môi trường. Theo các tác giả, đạo đức Hồ Chí Minh có một số tính chất cơ bản như: tính thuyết phục, lan tỏa; tính kế thừa phát triển; tính chất thiết thực; tính chất mềm dẻo, không cực đoan; hướng tới xây dựng lẽ sống. - Cuốn sách: “Một số chuyên đề về tư tưởng Hồ Chí Minh” của tác giả Đinh Xuân Lý và Phạm Ngọc Anh (đồng chủ biên) [107], các tác giả có nhận định: Xây dựng ý thức phục vụ nhân dân là trung tâm xây dựng đạo đức cách mạng ở Việt Nam của Hồ Chí Minh. Tác giả viết: Từ Hồ Chí Minh và qua nghiên cứu đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta thấy rất rõ là một người, nếu người đó muốn trở thành người có đạo đức thì người ấy nhất định phải có tinh thần hiến thân, phục vụ người khác, phục vụ xã hội. Người có đạo đức là bất cứ lúc nào, khi nào cũng nghĩ về Tổ quốc, vì xã hội và vì những người khác quanh mình. Những kết quả trên là những tư liệu bổ ích cho nghiên cứu sinh trong việc kế thừa và đi sâu phân tích bản chất, đặc điểm, vị trí tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. - Khẳng định tính toàn diện, tính phổ biến và giá trị trường tồn của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh nhằm quán triệt và vận dụng tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức của Người trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện con người mới trong bối cảnh xã hội hiện nay, tác giả Bùi Đình Phong đã viết cuốn sách “Văn hóa, đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh” [143], đã đi sâu phân tích và trình bày có hệ thống về nguồn gốc, đặc trưng bản chất và những nội dung cơ bản của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Trong đó, tác giả đã phân tích làm rõ sự thống nhất giữa tư tưởng chính trị và tư tưởng đạo đức, giữa tư tưởng và hành động, giữa đức và tài trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ đó, đi sâu phân tích những đặc trưng bản chất trong tư tưởng đạo đức của Người, đó là nguyên tắc “ở đời và làm người” phải yêu nước, thương dân, thương nhân loại bị áp bức. - Bài viết: “Tìm hiểu cơ sở triết lý của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh nhằm tăng tính thuyết phục trong việc giáo dục tư tưởng của Người”, của tác giả Nguyễn Tấn Hùng [75], tác giả đã đi sâu phân tích cơ sở triết lý của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh: suốt đời phấn đầu, hy sinh cho lợi ích của Tổ quốc và nhân dân; tư tưởng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Theo tác giả, những triết lý đó không chỉ có giá trị trong các giai đoạn cách mạng trước đây mà còn có giá trị tích cực trong việc giáo dục tư tưởng đạo đức của Người cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong giai đoạn hiện nay. - Cuốn sách: “Hồ Chí Minh từ đạo đức truyền thống đến đạo đức cách mạng”, của Phạm Minh Hạc [56], đã giành một phần trình bày tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò cũng như những mặt còn hạn chế của thanh niên, từ đó, tác giả đã chỉ những nhiệm vụ của thanh niên, trong đó có trách nhiệm rèn luyện đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện hiện nay. - Bài viết: “Một số giá trị đạo đức Việt Nam: từ truyền thống đến Hồ Chí Minh” của Nguyễn Thế Kiệt [84], tác giả đã cho rằng đạo đức nảy sinh do nhu cầu của đời sống xã hội và là kết quả của sự phát triển lịch sử. Các giá trị của nó được hình thành và khẳng định từ quan hệ giữa người với người trong những hoàn cảnh lịch sử nhất định. Ở đây, bài viết đi sâu tìm hiểu về một số giá trị đạo đức Việt Nam: từ truyền thống đến Hồ Chí Minh, được hình thành trong những điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước. Đó là: “tinh thần yêu nước, tinh thần nhân đạo cao cả, tinh thần đoàn kết cộng đồng sâu sắc, tính trung thực, khiêm tốn, giản dị, thủy chung, cần, kiệm, sáng tạo trong lao động, học tập”. - Công trình chuyên khảo tập hợp những kết quả nghiên cứu công phu trong nhiều năm cũng như những trải nghiệm của tác giả Vũ Khiêu về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là tư tưởng lớn, được coi là điểm nhấn của cuốn sách “Hồ Chí Minh ngôi sao sáng mãi trên bầu trời Việt Nam” [81], tác giả đã chia sẻ cùng bạn đọc một nỗ lực để “thấu hiểu và thấu cảm” về Hồ Chí Minh trên những cung bậc, chiều cạnh khác nhau: nhà tư tưởng, nhà đạo đức học và người thực hành đạo đức, nhà văn hóa kiệt xuất, trí tuệ uyên bác, tư tưởng cách tân, bản lĩnh sáng tạo cùng với tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ, đạo đức cao quý, đời sống giản dị, thanh tao của bậc hiền triết... Hơn tất cả là con người suốt đời vì dân, vì nước, tận trung với nước, tận hiếu với dân để tận hiến cả đời mình cho dân, cho nước và cho cả nhân loại. “Vĩ đại mà Giản dị, Hiện đại và mang tầm Thời đại” mà gắn bó máu thịt với truyền thống, làm cho tinh hoa dân tộc được sống động và nâng cao nhờ tiếp thu sáng tạo những tinh hoa tư tưởng văn hóa nhân loại. Đó là tài năng và bản lĩnh Hồ Chí Minh, làm cho Hồ Chí Minh sống mãi trong trái tim dân tộc và nhân loại, là ngôi sao sáng mãi trên bầu trời Việt Nam. - Cuốn sách “Hồ Chí Minh nhà tư tưởng lỗi lạc” của tác giả Song Thành [155], tác giả đã phân tích sự ảnh hưởng của bối cảnh kinh tế - xã hội, sự tác động qua lại của các yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa đối với sự chuyển đổi tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người, bàn về nội dung, biện pháp đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống và trở thành kim chỉ nam cho hành động. Các tác giả đã chỉ ra những yếu tố tạo nên sự bền vững của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là do Người đã tìm thấy được sự thống nhất biện chứng giữa truyền thống và hiện đại, giữa dân tộc và quốc tế. - Luận án TSTH: “Vấn đề kế thừa, phát triển một số phạm trù cơ bản của đạo đức Nho giáo trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh” của Nguyễn Thị Hồng Doan [27], đã đi sâu nghiên cứu sự kế thừa, phát triển một số phạm trù cơ bản của đạo đức Nho giáo (Nhân, Trí, Lễ, Nghĩa, Tín, Trung, Hiếu, Cần, Kiệm, Liêm, Chính) trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, từ đó rút ra ý nghĩa lý luận và thực tiễn của việc kế thừa, phát triển vào trong hoạt động thực tiễn cách mạng của mình, bởi đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức của hành động và chỉ có hành động cách mạng, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh mới thể hiện hết được giá trị của mình. Những kết quả trên là những tư liệu quý giá về tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Đây là những nội dung cơ bản định hướng cho nghiên cứu sinh trong việc kế thừa và thực hiện đề tài luận án của mình. 1.2. Các công trình liên quan đến lối sống, lối sống sinh viên, xây dựng lối sống sinh viên Lối sống nói chung, lối sống sinh viên nói riêng là những vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, tiêu biểu như: Cuốn “Lối sống xã hội chủ nghĩa” của tập thể tác giả của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Liên Xô (trước đây) [102]. Các tác giả cuốn sách này đã nêu ra và luận giải về lối sống, lối sống xã hội chủ nghĩa, đặc trưng của lối sống xã hội chủ nghĩa. - Với cách tiếp cận này, trong cuốn “Văn hóa và lối sống”, của tác giả Thanh Lê [92] lại xem xét vấn đề lối sống như một bộ phận của văn hóa, từ đây tác giả đề cập việc xây dựng lối sống mới XHCN trong giai đoạn hiện nay. - “Một số vấn đề về lối sống, đạo đức, chuẩn giá trị xã hội” của tác giả Huỳnh Khái Vinh (chủ biên) [173] đã đề cập đến những vấn đề cơ bản của lối sống, đạo đức, chuẩn giá trị xã hội cũng như mối quan hệ giữa chúng với phát triển văn hóa và con người. Bên cạnh đó, nhóm tác giả còn phân tích những ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị, xã hội đến lối sống và việc kế thừa, phát huy nếp sống, đạo đức, chuẩn giá trị xã hội truyền thống và cách mạng, những kinh nghiệm, bài học xây dựng, phương hướng, quan điểm và giải pháp xây dựng lối sống, đạo đức, chuẩn giá trị xã hội. Các công trình trên đây đã là những tư liệu bổ ích, giúp cho nghiên cứu sinh trong quá trình nghiên cứu về lối sống, lối sống sinh viên. - Cuốn sách: “Xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa ở thủ đô Hà Nội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” do tác giả Nguyễn Viết Chức (chủ biên) [21], bao gồm nhiều bài tham luận của các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa đã đề cập ở những mức độ khác nhau về tầm quan trọng và sự cần thiết của việc xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa ở thủ đô Hà Nội. - Đề tài khoa học cấp Nhà nước KHXH 04 “Về phát triển văn hóa và xây dựng con người thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” của Phạm Minh Hạc và Nguyễn Khoa Điềm (đồng chủ biên) [55]. Xuất phát từ góc độ tiếp cận văn hóa, những yếu tố cấu thành của nó, những tiền đề lý luận và thực tiễn hoạt động văn hóa hơn nửa thế kỷ qua, các tác giả đã khảo sát thực trạng văn hóa, đạo đức lối sống, đặc biệt là của thanh niên, từ đó đề xuất một số giải pháp để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và xây dựng lối sống trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. - Cuốn sách: “Bản sắc văn hóa trong lối sống hiện đại” của tác giả Lê Như Hoa [77], đã tiếp cận vấn đề nếp sống, lối sống, lối sống đô thị, lối sống gia đình trong giai đoạn hiện nay. - Cuốn sách: “Giáo dục lối sống – nếp sống mới” do Thanh Lê (chủ biên) [94], trong công trình này tác giả trình bày 3 phần: 1) Giải thích khái niệm “lối sống”, 2) Bàn về lối sống đô thị và 3) Xây dựng lối sống – nếp sống đô thị thành phố Hồ Chí Minh. Nội dung của cuốn sách tuy không phải là mới vì vấn đề đặt ra được dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống của dân tộc. Cái mới của nó là khơi dậy và được sắp xếp lại một cách khoa học, hệ thống hóa các vấn đề và xây dựng nó thành một quy chế mang tính pháp lý phù hợp với những hoạt động của công dân đô thị. - Luận án TSTH: “Kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trong việc xây dựng lối sống ở Việt Nam hiện nay” của Võ Văn Thắng [157], tác giả luận án đã có những luận giải khoa học việc kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc là tất yếu trong xây dựng lối sống ở Việt Nam hiện nay với những nội dung: lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, ý thức cộng đồng... làm rõ nội dung cơ bản của lối sống mà chúng ta xây dựng, chỉ ra ảnh hưởng của các nhân tố đến việc xây dựng lối sống của con người Việt ...n bộ quản lý ký túc xá của 4 trường đóng trên địa bàn thành phố Ninh Bình, Tam Điệp. Ở đây, các tác giả đã phân tích thực trạng giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, lý tưởng đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh và các giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên. Tuy có đề cập đến phương hướng và giải pháp nâng cao giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống cho sinh viên nhưng mới dừng ở các khía cạnh khác nhau của vấn đề này. Mặc dù vậy, đây là những tư liệu quý cho nghiên cứu sinh kế thừa thực hiện đề tài luận án. 4. Khái quát những kết quả đạt được của các công trình có liên quan đến đề tài luận án và những vấn đề đặt ra để tiếp tục nghiên cứu. 4.1. Khái quát những kết quả đạt được của các công trình có liên quan đến đề tài Một là, các công trình đã làm rõ được tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, bản chất, vị trí, nội dung tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh; lối sống, xây dựng lối sống cho sinh viên, giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên, một số bài đã đề cập vai trò giá trị đạo đức truyền thống, giáo dục giá trị đạo đức truyền thống trong xây dựng lối sống cho sinh viên Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, phần bàn về vai trò giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống cho sinh viên thì chưa được đề cập nhiều, vì thế đề tài cần phải tiếp tục đi sâu nghiên cứu và giải quyết một cách có hệ thống vấn đề này. Hai là, các công trình đã đề cập đến nhân tố khách quan, chủ quan giáo dục đạo đức trong xây dựng lối sống cho sinh viên, thực trạng giáo dục đạo đức trong xây dựng lối sống cho sinh viên Việt Nam hiện nay, thực trạng giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên. Tuy nhiên, phần thực trạng giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống cho sinh viên Việt Nam thì chưa được đề cập nhiều. Đây là vấn đề đề tài tiếp tục đi sâu nghiên cứu một cách có hệ thống vấn đề này dưới góc độ triết học. Ba là, các công trình đề cập nhiều đến phương hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho sinh viên, giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên, giáo dục đạo đức trong xây dựng lối sống cho sinh viên, còn giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống cho sinh viên thì còn ít và chưa có tính hệ thống. Đây là vấn đề cần phải tiếp tục đi sâu nghiên cứu, giải quyết một cách có hệ thống dưới góc độ triết học . Tuy nhiên, những công trình trên cũng góp phần cho nghiên cứu sinh những tư liệu bổ ích, những nội dung, phương hướng, giải pháp bổ ích trong quá trình nghiên cứu sinh kế thừa, thực hiện đề tài luận án này một cách có hệ thống dưới góc độ triết học. 4.2. Những vấn đề đặt ra luận án tiếp tục nghiên cứu Trên cơ sở kết quả của những nghiên cứu nói trên, trong luận án này tác giả sẽ làm rõ thêm một số nội dung sau: - Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài. - Góp phần làm rõ bản chất, vị trí, nội dung tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, lối sống sinh viên, xây dựng lối sống sinh viên, tầm quan trọng và nội dung yêu cầu xây dựng lối sống sinh viên Việt Nam hiện nay. - Bước đầu phân tích quan hệ giữa đạo đức và lối sống, nhất là làm rõ vai trò và nội dung giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống cho sinh viên Việt Nam hiện nay. - Bước đầu làm rõ một số nhân tố khách quan và chủ quan tác động đến giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống cho sinh viên Việt Nam hiện nay. - Phân tích thực trạng giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống cho sinh viên Việt Nam hiện nay, nguyên nhân của chúng và những vấn đề đặt ra. - Đề xuất phương hướng và một số giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả việc giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống cho sinh viên Việt Nam hiện nay. CHƯƠNG 1 GIÁO DỤC TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH TRONG XÂY DỰNG LỐI SỐNG CHO SINH VIÊN VIỆT NAM HIỆN NAY – MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN 1.1. Bản chất, vị trí, nội dung tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh 1.1.1. Bản chất của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là một hệ thống những quan điểm toàn diện, sâu sắc của Hồ Chí Minh về vai trò, các giá trị đạo đức chuẩn mực, các nguyên tắc tu dưỡng rèn luyện đạo đức mới – đạo đức cách mạng vừa mang bản chất đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc vừa kế thừa tinh hoa văn hóa nhân loại. Cùng với sự vận động của thực tiễn cách mạng Việt Nam, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đã trở thành một sức mạnh to lớn, một trong những nhân tố quyết định mọi thắng lợi trên đất nước ta trong thế kỷ XX. Và ngày nay, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ phát huy sức mạnh ở chặng đường trước mắt mà còn có ý nghĩa lâu dài, tiếp tục soi đường, cổ vũ chúng ta trên con đường chúng ta đi tới tương lai. Tư tưởng đạo đức của Người sẽ luôn trở thành vũ khí tinh thần có sức mạnh to lớn của toàn Đảng, toàn dân ta trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Về vấn đề này đã có không ít tác giả nghiên cứu và phân tích nguồn gốc của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Tựu chung lại có thể khẳng định tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh xuất phát từ những nguồn gốc sau đây: Truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam. Tinh hoa đạo đức phương Đông và phương Tây. Những tư tưởng đạo đức của Mác, Ăngghen, Lênin và những tấm gương đạo đức của các ông để lại. Thực tiễn đấu tranh kiên cường bất khuất của dân tộc Việt Nam, truyền thống lịch sử và cách mạng Việt Nam, từ bản thân cuộc đời hoạt động vĩ đại của Hồ Chí Minh [86, tr.10]. Những kết luận trên hoàn toàn đúng. Ở đây cần lưu ý thêm mấy điểm sau: Một là, khẳng định tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là sự kế thừa những tư tưởng đạo đức của nhân loại, chúng ta không nên coi đây là sự cộng sinh, sự lắp ghép giản đơn các quan điểm đạo đức khác nhau, mà ở đây, Người đã kế thừa có phê phán, có chọn lọc theo tinh thần biện chứng duy vật. Vì thế, khi bàn về đạo đức, xây dựng đạo đức cách mạng, các chuẩn mực, các nguyên tắc xây dựng đạo đức cách mạng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng nhiều khái niệm, phạm trù đạo đức học phương Đông như trung, hiếu, nhân, nghĩa, trí, dũng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, ... nhưng nội dung đã được đổi mới và đối lập với đạo đức cũ cho phù hợp với thực tiễn và thời đại. Hai là, đạo đức không tự sinh ra đạo đức mà là sản phẩm của đời sống xã hội. Vì thế, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trước hết là sự phản ánh hoàn cảnh kinh tế, xã hội của đất nước Việt Nam, là sản phẩm của thực tiễn cách mạng Việt Nam thông qua nhận thức và hành động của bản thân Hồ Chí Minh. Có thể khẳng định tiêu chuẩn thực tiễn và kết quả lịch sử là chỗ dựa cho chân lý của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Với Người, tư tưởng và hành động, lý luận và thực tiễn, tình cảm và lý trí, cách mạng và khoa học, cuộc sống và nghệ thuật... là một sự thống nhất hữu cơ, sinh động. Ba là, lịch sử chứng minh, năng lực xuất chúng của tất cả các bậc vĩ nhân bao giờ cũng biểu hiện hai mặt: một là, khả năng kế thừa những tinh hoa của nhân loại; hai là, khả năng vượt qua những thành kiến tư tưởng đang là xiềng xích vô hình trói buộc con người, khám phá một lối đi mới cho dân tộc, cho nhân loại. Hồ Chí Minh thuộc lớp người như thế, Người tự chọn con đường đi cho riêng mình “Đi tới đất nước của chính kẻ thù đang rày xéo lên Tổ quốc mình”, và chính từ đây tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh nói riêng từng bước hình thành và phát triển. Vì thế, tìm hiểu nguồn gốc tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ chú ý đến nhân tố khách quan mà chúng ta cần phải chú ý đến vai trò nhân tố chủ quan. Bởi vì, tư tưởng do con người sáng tạo ra trên cơ sở thực tiễn, nó còn chịu sự tác động của phẩm chất chủ thể. Mặt khác, xét riêng về một cá nhân, dù cho đó là một nhân vật lịch sử kiệt xuất thì sự trưởng thành về tư tưởng, nhận thức cũng là một quá trình không ngừng vận động, không ngừng tu dưỡng rèn luyện bản thân. Có thể khẳng định, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là tượng trưng cho sự tiếp nối giữa giá trị truyền thống đạo đức dân tộc với tinh hoa triết học và văn hóa nhân loại mà đỉnh cao là chủ nghĩa Mác – Lênin. Bằng sự uyên bác với thiên tài trí tuệ và phẩm chất của mình, Người đã tiếp thu một cách nhuần nhuyễn các tri thức ấy rồi nhào luyện sáng tạo trong thực tiễn cách mạng Việt Nam và biến thành một điều thực sự độc đáo mang tên Hồ Chí Minh, trở thành tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Như vậy, sự ra đời của tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh nói riêng là sự thống nhất giữa điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan. Đạo đức Hồ Chí Minh là gốc rễ, nền tảng của người cách mạng, là nguồn nước làm cho tinh thần cách mạng không bao giờ cạn. Vậy, bản chất của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là gì? Thứ nhất, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh mang bản chất đạo đức của giai cấp công nhân tiên tiến cách mạng. Đấu tranh để xóa bỏ mọi sự khác biệt và đối kháng giai cấp – Đó là sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp vô sản. Đạo đức cách mạng không chỉ phản ánh những lợi ích cơ bản của giai cấp công nhân trong cách mạng vô sản mà còn là vũ khí tinh thần mạnh mẽ để giai cấp công nhân sử dụng nhằm mục đích xóa bỏ xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Cho nên, đứng về mặt bản chất giai cấp của đạo đức cách mạng, cũng như C.Mác, Ph.Ăngghen và V.I.Lênin, Hồ Chí Minh coi bản chất của đạo đức cách mạng chính là biểu hiện của ý thức giai cấp công nhân. Người khẳng định: “Người cách mạng phải thấy rõ điều đó và đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, để hết lòng hết sức đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, cho giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân lao động. Đạo đức cách mạng là tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân” [130, tr.285]. Thứ hai, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh mang bản chất nhân đạo-là chủ nghĩa nhân đạo chiến đấu. Anh thanh niên trẻ C.Mác năm 18 tuổi đã khẳng định: hạnh phúc con người phải do con người giành lấy, con người là thượng đế của bản thân mình, là tác giả của chính mình. Đạo đức của người cộng sản là tất cả những gì góp phần đoàn kết tất cả những người lao động xung quanh giai cấp vô sản đang sáng tạo ra xã hội mới cộng sản chủ nghĩa. Kế thừa chủ nghĩa nhân đạo Mác – Lênin, chủ nghĩa nhân đạo Hồ Chí Minh là chủ nghĩa nhân đạo hiện thực, chiến đấu để giải phóng quần chúng lao khổ, quần chúng bị đọa đầy dưới ách thống trị của thực dân, đế quốc. Và Người cho rằng, phải hòa vào quần chúng lao khổ bị nô dịch để thức tỉnh và khơi nguồn sức mạnh, tìm ra vũ khí tinh thần, vật chất để giải phóng họ. Người nói: “Anh em phải làm thế nào để được giải phóng? Vận dụng công thức của C.Mác chúng tôi nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện bằng nỗ lực của bản thân anh em, ...” [124, tr.128]. Hồ Chí Minh khẳng định cách mạng là việc chung của cả dân chúng chứ không phải của một hai người, công – nông là gốc của cách mạng, có dân là có tất cả. Cho nên ở đâu, lúc nào, Người cũng luôn ý thức về tổ chức, tập hợp những người nô lệ, những dân tộc bị nô dịch đấu tranh đòi quyền sống. Đúng như Môngtarông ca ngợi: “Cụ Hồ Chí Minh là chiến sĩ đầu tiên của thế giới thứ ba của các dân tộc nghèo đói thèm khát một cuộc sống cho ra người, ... Cụ dạy: cuộc chiến đấu vì nhân phẩm và tự do phải được đặt lên trên mọi cuộc chiến đấu khác. Cụ đã bênh vực những ai yếu hèn và mang lại nhân phẩm cho những người nghèo khổ” [167, tr.276-279]. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh vừa mang đậm truyền thống nhân ái, thương người da diết, vừa thể hiện tính chiến đấu mạnh mẽ, chiến đấu kiên trì, không hề nhân nhượng với cái ác, cái xấu. Tác giả Trần Văn Giàu cho rằng: “Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là chủ nghĩa nhân văn giải thoát của những người yếu hèn lao khổ, của các dân tộc bị chà đạp, giải thoát bằng chính ý thức lực lượng của mình, to lớn, rất lớn là vì vậy” [52, tr.92]. Đó là tinh thần nhân văn cách mạng, nhân văn chiến đấu để giải phóng nhân loại khỏi đau khổ, giải phóng con người khỏi ách thống trị của thực dân, đế quốc bằng chính lực lượng của họ. Do đó, bản chất tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là chủ nghĩa nhân đạo chiến đấu. Thứ ba, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh sinh động, dễ hiểu, phổ quát. Đạo đức Hồ Chí Minh là là đạo đức mới, đạo đức cách mạng, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong sáng, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân, suốt đời tranh đấu cho Đảng, cho cách mạng. Tuyệt đối trung thành, kiên định lý tưởng cách mạng, đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, dân tộc lên trên tất cả; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tận trung với nước, tận hiếu với dân; hết lòng yêu thương đồng bào, đồng chí, yêu thương con người... Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh luôn đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích của cá nhân mình. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là sự kết hợp đạo đức truyền thống của dân tộc với tinh hoa đạo đức của nhân loại, giữa phương Đông với phương Tây, được hình thành và phát triển từ yêu cầu của sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam. Phải nhận thức rằng, Hồ Chí Minh đánh giá cao đạo đức truyền thống dân tộc, đó là những đức tính sống có tình có nghĩa, có thủy có chung, có nhân có đức, có trước có sau, biết trung, biết hiếu. Phong cách Hồ Chí Minh, phản ánh những giá trị cốt lõi trong tư tưởng, đạo đức của Người và được thể hiện vô cùng sinh động, tự nhiên, có sức thu hút, cảm hóa kỳ diệu trong hoạt động, ứng xử hằng ngày. Đó là: Phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn gắn chặt lý luận với thực tiễn; phong cách làm việc dân chủ, khoa học...; phong cách ứng xử văn hóa, tinh tế, đầy tính nhân văn, thấm đậm tinh thần yêu dân, trọng dân, vì dân; phong cách nói đi đôi với làm, đi vào lòng người; nói và viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm; phong cách quần chúng, dân chủ, tự mình nêu gương... Có thể thấy rằng, hệ thống tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh rất đời thường, rất dung dị và hòa với cách nghĩ, lối sống của nhân dân nhưng lại bao hàm những tư tưởng nhân sinh rộng lớn, như là bó đuốc kỳ vĩ soi lối, dẫn đường cho chúng ta đi, nó mang tính phổ quát. Trong cuộc sống hiện tại, để đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn cho dân tộc ta, mỗi chúng ta ai cũng cần, ai cũng đều có thể học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác được, miễn là người đó xác định và quyết tâm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác để cho “... Đời ta trong sáng hơn”. 1.1.2. Vị trí của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong đời sống xã hội Thứ nhất, đạo đức Hồ Chí Minh là nền tảng kim chỉ nam trong đời sống tinh thần của xã hội, đạo đức cách mạng là gốc của người cách mạng. Một là, Hồ Chí Minh là một trong những nhà tư tưởng, nhà cách mạng viết nhiều nhất đến vấn đề đạo đức. Mặc dù không phải là người chuyên nghiên cứu về vấn đề đạo đức, cũng không có những tác phẩm lớn về đạo đức, nhưng tư tưởng đạo đức của Hồ Chí Minh được thể hiện sinh động trong những bài nói, bài viết ngắn gọn của Người, quan trọng hơn chính cuộc đời Người là một tấm gương sáng về đạo đức cho chúng ta học tập và noi theo. Đảng ta lấy Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh (trong đó có tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh) là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng, của nhân dân trong quá trình cách mạng Việt Nam và cũng là cơ sở kim chỉ nam cho mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Hai là, Hồ Chí Minh đã thực sự làm một cuộc cách mạng trên lĩnh vực đạo đức ở Việt Nam. Nhờ đó, nền đạo đức Việt Nam đã mang bản chất mới và được Người gọi là đạo đức mới, đạo đức cách mạng. Gọi là đạo đức mới vì nó chưa hề xuất hiện trong lịch sử, nó chỉ hình thành và phát triển với tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta. Gọi là đạo đức cách mạng vì nó là đạo đức phục vụ cách mạng, là đạo đức được nảy sinh và phát triển trong cách mạng. Đạo đức Hồ Chí Minh là gốc rễ, nền tảng của người cách mạng, là nguồn nước làm cho tinh thần cách mạng không bao giờ cạn. Ba là, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là cơ sở định hướng cho việc xóa bỏ những chuẩn mực đạo đức phong kiến thực dân, những phong tục tập quán lạc hậu. Theo Người, đạo đức mới xóa bỏ các chuẩn mực đạo đức phong kiến trói buộc con người vào những lễ giáo hủ bại, phục vụ cho chế độ đẳng cấp, tôn ti trật tự hết sức hà khắc của giai cấp phong kiến. Đạo đức mới hoàn toàn trái ngược với đạo đức cá nhân chủ nghĩa, ích kỷ cực đoan của giai cấp tư sản. Nó cũng xa lạ với đạo đức của giai cấp tiểu tư sản kìm hãm con người trong những lợi ích riêng tư, cục bộ, hẹp hòi. Nó cũng không giống với đạo đức tôn giáo luôn khuyên con người khắc kỷ, cam chịu, chấp nhận số phận trong chốn trần tục để hướng tới cuộc sống tốt đẹp ở thế giới bên kia... Sức mạnh của đạo đức cách mạng là ở chỗ nó phải tự xóa bỏ đi những gì đã lỗi thời, lạc hậu, đạo đức cách mạng phá tan sự ràng buộc, nô dịch về tinh thần mà chế độ phong kiến và thực dân đã đem lại cho nhân dân ta. Cách mạng giải phóng cho con người về mặt kinh tế, chính trị, đồng thời giải phóng cho con người về mặt đạo đức. Không có lý do gì khiến con người sống trong điều kiện kinh tế mới lại phải thực hiện những chuẩn mực đạo đức của xã hội cũ. Cuộc cách mạng trên lĩnh vực đạo đức của Hồ Chí Minh là một sự biến đổi về chất của truyền thống đạo đức, là sự phủ định biện chứng đối với đạo đức cũ, kiên quyết xóa bỏ những cái đã lỗi thời của đạo đức phong kiến. Đó là xóa bỏ vị trí độc tôn của vua chúa phong kiến, đặt vào đó vị trí của người dân lao động, tạo điều kiện cho quần chúng nhân dân lao động từ chỗ bị áp bức và bị thống trị trở thành người chủ đất nước. Hồ Chí Minh coi đạo đức như gốc của cây, như ngọn nguồn của sông suối: “Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì người tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” [126, tr.252]. “Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang” [130, tr.283]. Thứ hai, đạo đức Hồ Chí Minh là cơ sở nội dung định hướng cán bộ, đảng viên và nhân dân trong học tập và rèn luyện xây dựng đạo đức cho mình. Theo Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng có vai trò to lớn trong sự nghiệp xây dựng đất nước. “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước, ... khi gặp thuận lợi hoặc thành công vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, ...” [130, tr.284]. Người kết luận: “Mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay là không” [128, tr.480]. Hồ Chí Minh đề cập đến đạo đức cách mạng ở mọi đối tượng, nhưng lĩnh vực, Người quan tâm nhất là đạo đức cách mạng ở cán bộ, đảng viên. Đối với người cán bộ, đạo đức cách mạng có thể nói tóm tắt là: “Nhận rõ phải trái, giữ vững lập trường, tận trung với nước, tận hiếu với dân” [128, tr.480]. Người cán bộ phải: “Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng. Có đạo đức cách mạng thì mới hy sinh tận tụy với cách mạng, mới lãnh đạo được quần chúng đưa cách mạng tới thắng lợi hoàn toàn” [127, tr.50]. Đối với người đảng viên: “Đạo đức cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, ... giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng” [130, tr.285], “Đạo đức cách mạng là hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng, ...” [130, tr.290]. Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra... Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm sẽ ngày càng ít, mà những tính tốt như sau ngày càng thêm. Nói tóm lại, tính tốt ấy có năm điều: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm” [126, tr.251]. Đối với thanh niên, đạo đức cách mạng là: “Bất kỳ ở cương vị nào, bất kỳ làm một công việc gì, đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của nhân dân, đều nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội” [131, tr.306]. “Thanh niên phải luôn rèn luyện đạo đức cách mạng. Đạo đức cách mạng có thể tóm tắt trong mấy điểm: Trung thành: trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp. Dũng cảm: không sợ khổ, không sợ khó thực hiện. “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên làm”, “gian khổ đi trước, hưởng thụ sau mọi người”. Khiêm tốn: không nên tự cho mình là tài giỏi, không khoe khoang, không tự phụ” [131, tr.62]. Thanh niên “Phải giữ vững đạo đức cách mạng, phải khiêm tốn, cần cù, hăng hái, dũng cảm. Phải tránh tư tưởng kiêu ngạo, công thần, tự ti, tự lợi” [126, tr.263]. Thanh niên “Phải cố gắng học hỏi, để không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hóa và kỹ thuật để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân” [131, tr.106]. Đối với cán bộ quân sự, muốn có đạo đức cách mạng, theo Hồ Chí Minh phải có năm điều: trí, tín, nhân, dũng, liêm. Phát biểu tại buổi lễ phong quân hàm cấp tướng cho cán bộ cao cấp trong quân đội, Người yêu cầu: “Để lãnh đạo quân đội tiến bộ không ngừng, các đồng chí phải trau dồi đạo đức cách mạng... Dù ở cương vị nào chúng ta cũng cần phải cố gắng để xứng đáng là người đầy tớ trung thành và tận tụy của nhân dân” [130, tr.496]. Đối với công nhân, đạo đức cách mạng của giai cấp công nhân là đạo đức chân chính, là đạo đức tiến bộ của loài người bởi vì nó phục vụ lợi ích của nhân dân, nó được hình thành trong đấu tranh cách mạng. Đối với nhi đồng, “Đạo đức cộng sản chủ nghĩa đối với các cháu không giống ở người lớn. Ví dụ như đối với người nông dân tập thể thì là sản xuất cho nhiều, cho tốt... Thầy giáo thì dạy cho tốt, cho dễ hiểu. Đạo đức cộng sản chủ nghĩa đối với các cháu là chăm học, giúp người lớn, đoàn kết, có kỷ luật tốt...”[128, tr.680]. Thứ ba, đạo đức Hồ Chí Minh là cơ sở định hướng trong việc đấu tranh chống những căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân. Nhấn mạnh vai trò của đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh cũng chỉ ra những căn bệnh trái với nó, những căn bệnh mà cán bộ, đảng viên dễ mắc phải như: bè phái, nể nang, ham chuộng hình thức, chủ nghĩa cá nhân.. Trong đó, Người đặc biệt nhấn mạnh đến căn bệnh cá nhân chủ nghĩa. Cùng với chủ nghĩa cá nhân thì tham ô, lãng phí và quan liêu cũng là những bệnh rất nguy hiểm đối với cán bộ, đảng viên. Người cho rằng tham ô, lãng phí đều do bệnh quan liêu và chủ nghĩa cá nhân mà ra. Vì thế, để chống được tham ô, lãng phí, phải chống bệnh quan liêu, chống chủ nghĩa cá nhân. Thứ tư, trong quan hệ giữa đức và tài thì đạo đức cách mạng là gốc, là nền tảng cho tài năng nảy nở. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh luôn mang tính biện chứng trong sự thống nhất giữa đức và tài trong sự thống nhất đó thì đức là gốc. Khi nói tới đạo đức là gốc, là nền tảng của con người, không có nghĩa là Người tuyệt đối hóa mặt đạo đức. Ngược lại, Người luôn khẳng định con người cần phải có cả đức lẫn tài. Hồ Chí Minh đã từng nhận định, có tài mà không có đức là người vô dụng.Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Đạo đức cách mạng luôn gắn liền với mục tiêu của Đảng, nên một người cách mạng vừa phải có đức, vừa phải có tài, có tài lại phải có đức. Đức là gốc, là nền tảng, nhưng người cách mạng cũng phải có năng lực. Đặc biệt khi cách mạng phát triển, xã hội đi lên, chúng ta muốn bớt đi sự mò mẫm, sai lầm thì càng cần phải có tài. Cán bộ, đảng viên nếu không được học tập, nâng cao trình độ lý luận, không hiểu biết về khoa học kỹ thuật, không có một trình độ văn hóa nhất định thì không thể nói đến xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, Hồ Chí Minh đã ví có đức mà không có tài thì như ông bụt ngồi trên chùa, không làm hại ai nhưng cũng không giúp ích gì. Trong một buổi nói chuyện với giáo viên, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Có tài mà không có đức thì hỏng, có đức mà chỉ i, tờ thì dạy thế nào?” [130, tr.492]. Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, tài và đức thống nhất biện chứng với nhau nhưng trong đó đức là gốc, là nền cho tài năng nảy nở và phát triển. Với quan niệm nhất quán đó về tài và đức, khi nói về công tác lựa chọn và sử dụng nhân tài, Hồ Chí Minh cho rằng việc đề ra tiêu chuẩn cán bộ không phải dựa trên ý muốn chủ quan mà phải xuất phát từ thực tiễn. Tiêu chuẩn chung nhất mà người cán bộ phải có là phẩm chất chính trị và năng lực, tức là đức và tài. 1.1.3. Nội dung các chuẩn mực và các nguyên tắc xây dựng đạo đức trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh 1.1.3.1. Nội dung các chuẩn mực đạo đức cách mạng theo Tư tưởng Hồ Chí Minh Trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, những phẩm chất đạo đức được Người nêu ra là hoàn toàn phù hợp với từng đối tượng cụ thể; Người nhấn mạnh phẩm chất này hay phẩm chất khác đều là nhằm mục đích đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ nhất định. Từ đó, Người đã khái quát thành những phẩm chất chung nhất của nền đạo đức mới, đạo đức cách mạng Việt Nam. Theo Hồ Chí Minh, những chuẩn mực đạo đức cách mạng cơ bản nhất của con người Việt Nam trong thời đại mới bao gồm những phẩm chất sau: Thứ nhất, trung với nước, hiếu với dân. Trung với nước chính là thể hiện tinh thần yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, yêu nước phải suốt đời phấn đấu hy sinh cho độc lập tự do đất nước. Hiếu với dân nghĩa là phải biết yêu nhân dân, quý trọng dân, học tập, làm việc vì dân. Thứ hai, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Cần là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng, dẻo dai. Kiệm là tiết kiệm vật tư, tiền bạc, của cải, thời gian, không xa xỉ, không hoang phí. Liêm là trong sạch, không tham lam. Chính là không tà, thẳng thắn, đúng đắn. Chí công vô tư, về thực chất là sự tiếp nối cần, kiệm, liêm, chính. Chí công vô tư là phải đặt lợi ích tập thể, của nhân dân, của cách mạng lên trên lợi ích cá nhân, chống chủ nghĩa cá nhân. Thứ ba, yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình. Yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình luôn là những phẩm chất đáng quý của người Việt Nam từ xưa đến nay. Cùng với đó, việc kế thừa truyền thống nhân nghĩa của dân tộc, kết hợp với chủ nghĩa nhân đạo cộng sản và tiếp thu tinh thần nhân văn của nhân loại qua nhiều thế kỷ trước, đó là việc thể nghiệm của chính bản thân mình qua hoạt động thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định tình yêu thương con người, sống có tình, có nghĩa là một trong những phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất của nhân loại. Thứ tư, tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung. Đó chính là tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản. Người đã nêu lên mệnh đề: “Bốn phương vô sản đều là anh em”. Đó là tinh thần đoàn kết của nhân dân Việt nam với các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, với tất cả những người tiến bộ trên thế giới vì hòa bình, công lý và tiến bộ xã hội. Tinh thần quốc tế ấy được gọi là chủ nghĩa quốc tế vô sản. 1.1.3.2. Các nguyên tắc xây dựng đạo đức cách mạng theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh Để xây dựng được một nền đạo đức mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những nguyên tắc cơ bản để định hướng cho sự lãnh đạo của Đảng cũng như cho việc rèn luyện của bản thân mỗi con người. Cụ thể những nguyên tắc đó là: Thứ nhất, tu dưỡng đạo đức suốt đời thông qua thực tiễn cách mạng. Người khẳng định, đạo đức cách mạng cần phải đấu tranh, rèn luyện bền bỉ mới thành. Người nói: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”[131, tr.612]. Theo Người, cần phải rèn luyện, tu dưỡng đạo đức suốt đời. Người dạy: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”[134, tr.672]. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì tự rèn luyện có một vai trò rất quan trọng. Bởi, đã là người thì ai cũng có chỗ hay, chỗ dở, chỗ xấu, chỗ tốt, ai cũng có thiện, có ác trong mình. Nhưng vấn đề chủ yếu ở đây là có dám nhìn thẳng vào con người mình để thấy rõ được cái hay, cái tốt, cái thiện để phát huy còn cái dở, cái xấu, cái ác có thể tự mình khắc phục. Do đó, tu dưỡng đạo đức phải được thực hiện trong mọi hoạt động thực tiễn, trong đời sống riêng tư cũng như trong sinh hoạt cộng đồng, trong mọi mối quan hệ của mình. Thứ hai, Nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức. Đối với mỗi người, lời nói và việc làm phải đi đôi với nhau. Nói đi đôi với làm trước hết là sự nêu gương tốt. Sự làm gương của thế hệ đi trước với thế hệ đi sau, của lãnh đạo với nhân viên... là rất quan trọng. Người yêu cầu, cha mẹ làm gương cho các con, anh chị làm gương cho em, ông bà làm gương cho con cháu, lãnh đạo làm gương cho cán bộ, nhân viên. Đảng viên phải làm gương trước quần chúng. Do đó, Người đã từng nói: “Trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải là mực thước cho người ta bắt chước” [126, tr.16]. Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng cho hậu thế soi vào để học tập. Bởi, Người là một người mẫu mực về nêu gương đạo đức. Người không chỉ nói về đạo đức mà còn thực hiện điều này một cách nghiêm túc, đầy đủ nhất, nói đi đôi với làm. Người thường nhắc nhở: Đối với mỗi con người thì lời nói phải đi đôi với việc làm mới đem lại hiệu quả thiết thực cho chính bản thân mình và có tác dụng với người khác. Còn ngược lại, nếu nói nhiều làm ít, nói mà không làm, hơn nữa nói một đường, làm một nẻo thì chỉ đem lại hậu quả phản tác dụng. Thứ ba, xây dựng đi đôi với chống. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, muốn xây dựng được đạo đức mới, muốn bồi dưỡng được những phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thì cần phải chống được những biểu hiện xấu xa, trái với những yêu cầu của đạo đức mới. Việc xây dựng đạo đức mới trước hết phải tiến hành bằng việc giáo dục những phẩm chất, những chuẩn mực đạo đức mới. Trong đời sống hàng ngày giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái đúng và cái sai, giữa cái đạo đức và cái vô đạo đức luôn luôn đan xen nhau, đối chọi nhau. Do đó, “xây” phải đi đôi với “chống”; “chống” nhằm mục đích để “xây”; xây dựng con người mới chủ nghĩa xã hội thì phải chống chủ nghĩa cá nhân. Để xây dựng được đạo đức mới trước hết phải được tiến hành bằng việc giáo dục, từ gia đình, nhà trường rồi mới đến ...đời sống văn hóa ở thủ đô Hà Nội trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, Viện Văn hóa và Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội. Đinh Xuân Dũng (2008), Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức, Nxb CTQG, Hà Nội. Thành Duy (1993), Vấn đề nghiên cứu tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, nguồn gốc và bản chất, Tạp chí Triết học số 3. Mai Thị Dung (2013), Về lối sống và định hướng xây dựng lối sống mới cho thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay, Tạp chí Triết học, số 5 (263) Mai Thị Dung (2014), Giáo dục giá trị đạo đức truyền thống trong xây dựng lối sống cho thế hệ trẻ Việt Nam, Luận án TSTH. Thành Duy và Lê Quý Đức (2007), Học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh xây dựng nền văn hóa đạo đức ở nước ta hiện nay, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội. Nguyễn Thị Hồng Doan (2015), Vấn đề kế thừa, phát triển một số phạm trù cơ bản của đạo đức Nho giáo trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, Luận án TSTH. Đoàn Nam Đàn (2002), Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên, Nxb CTQG, Hà Nội. Đặng Thị Phương Duyên (2015), Giá trị văn hóa truyền thống với sự phát triển lối sống của thanh niên Việt Nam hiện nay, Luận án TSTH, Học viện Chính trị, Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nôi. Đảng Cộng sản Việt Nam (1993), Văn kiện Hội nghị BCHTW lần thứ 4 khóa VII, Nxb Sự thật, Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam (1994), Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, (Lưu hành nội bộ). Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb CTQG, Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Hội nghị lần thứ 2, BCHTW Đảng khóa VIII, Nxb CTQG, Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Hội nghị lần thứ 5, BCHTW khóa VIII, Nxb CTQG, Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, Hà Nội. Đảng Cộng Sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 43, Nxb CTQG, Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam (2008), Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy, BCHTW khóa X, Nxb CTQG, Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG – Sự thật, Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội. Phạm Minh Đoan (2013), Pháp luật với lối sống theo pháp luật và văn hóa giao tiếp pháp lý, Nxb CTQG – Sự thật, Hà Nội. Trần Minh Đoàn (2002), Giáo dục đạo đức cho thanh niên học sinh theo tư tưởng Hồ Chí Minh ở nước ta hiện nay, Luận án TSTH, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Đoàn Nam Đàn (2008), Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên, Nxb CTQG, Hà Nội. Trần Độ (1985), Bàn về nếp sống và nếp sống XHCN, Nxb Văn hóa Lê Quý Đức và Hoàng Chí Bảo (2007), Văn hóa đạo đức ở nước ta vấn đề và giải pháp, Nxb Văn hóa thông tin và viện Văn hóa Lê Xuân Giang và Phan Thị Hồng Duyên (đồng chủ biên), (2017), Giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên Việt Nam hiện nay (qua thực tế tỉnh Ninh Bình), Nxb Đại học Quốc Gia, Hà Nội. Võ Nguyên Giáp (2008), Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb CTQG, Hà Nội. Đặng Thái Giáp (2000), Đạo đức và pháp luật với an ninh trật tự trong nền kinh tế thị trường, Tạp chí Cộng sản, (2). Trần Văn Giàu (1980), Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Trần Văn Giàu (1990), Vĩ đại một con người, Nxb Long An, tr.92. Nguyễn Ngọc Hà (2011), Đặc điểm tư duy và lối sống của con người Việt Nam hiện nay: một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Nguyễn Thị Thanh Hà (2012), Giá trị đạo đức truyền thống với việc xây dựng lối sống mới cho sinh viên Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, Luận án TSTH, Học viện CTQG Hồ Chí Minh, Hà Nội. Phạm Minh Hạc, Nguyễn Khoa Điềm (2002), Về phát triển văn hóa và xây dựng con người thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb CTQG, Hà Nội. Phạm Minh Hạc (2010), Hồ Chí Minh từ đạo đức truyền thống đến đạo đức cách mạng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Phạm Minh Hạc, Thái Duy Tiên (2012), Định hướng giá trị con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, Nxb CTQG- Sự thật, Hà Nội. Cao Thu Hằng (2010), Giáo dục các giá trị đạo đức truyền thống trong xây dựng nhân cách con người Việt Nam, Tạp chí Phát triển nhân lực, (5). Nguyễn Hùng Hậu (2002), Từ cái thiện truyền thống đến cái thiện trong cơ chế thị trường ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Triết học, (8). Đỗ Lan Hiền (2002), Vấn đề xây dựng đạo đức trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường. Tạp chí Triết học, (4). Hội đồng quốc gia giáo dục Việt Nam, Diễn đàn quốc tế về giáo dục Việt Nam (2005), Đổi mới giáo dục đại học và hội nhập quốc tế, Nxb Giáo dục, Hà Nội. Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam (1998), Báo cáo đề tài nghiên cứu vai trò của gia đình trong việc giáo dục xã hội hóa trẻ em, Hà Nôi. Hội sinh viên Việt Nam (2003), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc Hội sinh viên Việt Nam lần thứ VII, Nxb Thanh niên, Hà Nội. Hội sinh viên Việt Nam (2008), Chuyên đề định hướng giá trị cho sinh viên hiện nay, Hà Nội. Hội sinh viên Việt Nam (2009), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc Hội sinh viên Việt Nam lần thứ VIII, Nxb Thanh niên, Hà Nội. Hội sinh viên Việt Nam (2009), Báo cáo tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội sinh viên Việt Nam lần thứ IX (nhiệm kỳ 2009 – 2013), Hà Nội. Hội sinh viên Việt Nam (2013), Lịch sử phong trào học sinh, sinh viên và Hội sinh viên Việt Nam (1925- 2013), Nxb Thanh niên, Hà Nội. Hội sinh viên Việt Nam (2017), Báo cáo của BCHTW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, số 562. BC/TWĐTN, tr.6, Nxb Thanh niên, Hà Nội. Nguyễn Thị Bích Hằng (2014), Lối sống hành xử bạo lực coi thường pháp luật của một bộ phận giới trẻ Việt Nam hiện nay dưới góc nhìn từ hai bản năng Eros và Thanatos của S.Freud, Tạp chí Triết học, số 7, tr 76-82. Phùng Thu Hiền (2015), Giá trị đạo đức truyền thống với việc hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay, Luận án TSTH. Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh (2013), Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, Hà Nội. Hội thảo khoa học quốc tế (2015), Giáo dục giá trị trong bối cảnh hội nhập, Học Viện Báo chí và Tuyên truyền. Đỗ Huy (2006), Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh bước phát triển mới về đạo đức trong văn hóa Việt Nam, Tạp chí Triết học, số 5 (180) Đỗ Huy (2008), Lối sống dân tộc, hiện đại. Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Văn hóa, thông tin, Hà Nội. Nguyễn Tấn Hùng (2008), Tìm hiểu cơ sở triết lý của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh nhằm tăng tính thuyết phục trong việc giáo dục tư tưởng của Người, Tạp chí Cộng sản, số 789, tháng 7/2008. Trịnh Duy Huy (2007), Vấn đề xây dựng đạo đức mới trong điều kiện kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay, Luận án TSTH Lê Như Hoa (2003), Bản sắc văn hóa trong lối sống hiện đại, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội. Nguyễn Thị Thanh Huyền (2007), Toàn cầu hóa và nguy cơ suy thoái đạo đức, lối sống con người Việt Nam hiện nay, Tạp chí Triết học, số 2, tr17-19. Vũ Khiêu (1974), Đạo đức mới, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Vũ Khiêu (1993), Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh truyền thống dân tộc và nhân loại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Vũ Khiêu (2012), Hồ Chí Minh ngôi sao sáng mãi trên bầu trời Việt Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội Vũ Khiêu (2013), Đạo đức xã hội – nỗi lo chung của toàn nhân loại, Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Hà Nội. Trần Kiều (2001), Thực trạng tư tưởng chính trị -đạo đức – lối sống thanh niên, học sinh, sinh viên. Đề tài cấp bộ. Nguyễn Thế Kiệt (2006), Một số giá trị đạo đức Việt Nam; từ truyền thống đến Hồ Chí Minh, Tạp chí Lý luận chính trị, (7). Nguyễn Thế Kiệt (2011), Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh với việc nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam hiện nay, Nxb CTQG- Sự thật, Hà Nội. Nguyễn Thế Kiệt (2012), Mấy vấn đề về đạo đức học và xây dựng đạo đức trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay, Nxb CTQG- Sự thật, Hà Nội. Đặng Xuân Kỳ (2004), Phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội. Đặng Xuân Kỳ (2005), Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển văn hóa và con người, Nxb CTQG, Hà Nội. Hoàng Thúc Lân (2014), Xây dựng lối sống sinh viên Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Tạp chí Lý luận chính trị & Truyền thông, tháng 9/2014, tr.98-103. Hoàng Thúc Lân (2016), Đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh – yếu tố cơ bản trong nhân cách trí thức Việt Nam hiện nay. Tạp chí Giáo dục, số 376 (kì 2 – 2/2016), tr.21-23. Phan Huy Lê, Vũ Minh Giang (đồng chủ biên), (1994), Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay. Chương trình Khoa học công nghệ cấp nhà nước, đề tài KX07-02, H, tr.265. Thanh Lê (2000), Văn hóa và lối sống, Nxb Thanh niên, Hà Nội. Thanh Lê (2004), Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức mới, Nxb Thanh niên, Hà Nội. Thanh Lê (2004), Giáo dục lối sống – Nếp sống mới, Nxb Tổng hợp thành phố HCM, Thành phố HCM. V.I.Lênin (2004), Bàn về thanh niên, Nxb Thanh niên, Hà Nội. V.I.Lênin (2005), Toàn tập, Tập 1, Nxb CTQG, Hà Nội. V.I.Lênin (2005), Toàn tập, Tập 25, Nxb CTQG, Hà Nội. V.I.Lênin (2006), Toàn tập, Tập 29, Nxb CTQG, Hà Nội. V.I.Lênin (2006), Toàn tập, Tập 37, Nxb CTQG, Hà Nội. V.I.Lênin (2006), Toàn tập, Tập 41, Nxb CTQG, Hà Nội. V.I.Lênin (2006), Toàn tập, Tập 45, Nxb CTQG, Hà Nội. Lối sống XHCN, Tập thể tác giả Viện Hàn lâm khoa học xã hội Liên Xô (trước đây, 1982, Nxb Sự thật, Hà Nội. Dương Thị Liễu (2003), Vấn đề kế thừa và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống trong nền kinh tế thị trường ở nước ta. Đề tài cấp Bộ, Hà Nội. Nguyễn Ngọc Long (1987), Quán triệt mối quan hệ giữa kinh tế với đạo đức trong việc đổi mới tư duy, Tạp chí Nghiên cứu (1). Nguyễn Ngọc Long và Nguyễn Thế Kiệt (đồng chủ biên) (2004), Giáo trình đạo đức Mác – Lênin, (Dùng cho hệ cử nhân chính trị), Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội. Phạm Bá Lượng (2009), Giá trị đạo đức truyền thống trong việc giáo dục đạo đức cho sinh viên công an nhân dân Việt Nam hiện nay, Luận án TSTH. Đinh Xuân Lý và Phạm Ngọc Anh, (2008), Một số chuyên đề về tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Lý luận chính trị . C.Mác và Ph.Ăngghen (2004), Toàn tập, Tập 1, Nxb CTQG, Hà Nội. C.Mác và Ph.Ăngghen (2004), Toàn tập, Tập 2, Nxb CTQG, Hà Nội. C.Mác và Ph.Ăngghen (2004), Toàn tập, Tập 3, Nxb CTQG, Hà Nội. C.Mác và Ph.Ăngghen (2004), Toàn tập, Tập 16, Nxb CTQG, Hà Nội. C.Mác và Ph.Ăngghen (2004), Toàn tập, Tập 20, Nxb CTQG, Hà Nội. C.Mác và Ph.Ăngghen (2004), Toàn tập, Tập 21, Nxb CTQG, Hà Nội. C.Mác và Ph.Ăngghen (2004), Toàn tập, Tập 22, Nxb CTQG, Hà Nội. C.Mác và Ph.Ăngghen (2004), Toàn tập, Tập 39, Nxb CTQG, Hà Nội. C.Mác và Ph.Ăngghen (2004), Toàn tập, Tập 42, Nxb CTQG, Hà Nội. Hồ Chí Minh (1995), Về xây dựng con người mới, Nxb CTQG, Hà Nội. Hồ Chí Minh (1992), Biên niên tiểu sử, tập 1, Nxb Sự thật, Hà Nội. Hồ Chí Minh (1996), Biên niên tiểu sử, Tập 10, Nxb CTQG Hà Nội. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 1, Nxb CTQG, Hà Nội. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, Hà Nội. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội. Hồ Chí Minh (2001), Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, Hà Nội. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 7 , Nxb CTQG, Hà Nội. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 8, Nxb CTQG, Hà Nội. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, Hà Nội. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 10, Nxb CTQG, Hà Nội. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, Hà Nội. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, Hà Nội. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 13, Nxb CTQG, Hà Nội. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 14, Nxb CTQG, Hà Nội. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, Hà Nội. Hồ Chí Minh (1992), Biên niên tiểu sử, Tập 1, Nxb Sự thật, Hà Nội. Đỗ Mười (1995), Trí thức trẻ Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới và xây dựng đất nước, Nxb CTQG, Hà Nội. Hà Thúc Minh (2007), Không gian và tiêu điểm của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, Tạp chí Khoa học xã hội, số 5 (105.) Ngô Thị Thu Ngà (2011), Giá trị đạo đức truyền thống với việc xây dựng đạo đức mới cho thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay, Luận án TSTH, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội. Trần Thanh Nam (2007), Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh trong giáo dục thanh niên hiện nay, Nxb Lao động xã hội, Hà Nội. Phạm Đình Nghiệp (2000), Giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ Việt Nam trong tình hình mới, Nxb Thanh niên, Hà Nội. Đoàn Thị Minh Oanh (2011), Xây dựng tư tưởng và lối sống con người Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Trần Sỹ Phán (1999), Giáo dục đạo đức với sự hình thành và phát triển nhân cách sinh viên Việt Nam hiện nay, Luận án TSTH, Học viện CTQG Hồ Chí Minh, Hà Nội. Trần Sỹ Phán (2012), Ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dụng đến lối sống của sinh viên Việt Nam hiện nay, Tạp chí Lý luận chính trị , (3). Bùi Đình Phong (2008), Văn hóa đạo đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. Nguyễn Văn Phúc (2000), Tình cảm đạo đức và giáo dục tình cảm đạo đức trong điều kiện hiện nay, Tạp chí Triết học (6). Nguyễn Văn Phúc (2006), Về việc tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng nền đạo đức mới ở nước ta hiện nay, Tạp chí Triết học (11). Đào Duy Quát (2004), Về giáo dục đạo đức cách mạng trong cán bộ, đảng viên hiện nay, thực trạng và giải pháp, Nxb CTQG, Hà Nội. Nguyễn Duy Quý (2004), Đạo đức xã hội ở nước ta hiện nay – vấn đề và giải pháp, Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu đề tài, Hà Nội. Nguyễn Duy Quý (2006), Đạo đức xã hội ở nước ta hiện nay – vấn đề và giải pháp, Nxb CTQG, Hà Nội. Hồ Sĩ Quý (2005), Về giá trị và giá trị châu Á, Nxb CTQG, Hà Nội. Mai Thị Quý (2007), Toàn cầu hóa và vấn đề kế thừa một số giá trị truyền thống của dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, Luận án TSTH , Viện khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội. Trần Đăng Sinh, Nguyễn Thị Thọ (Đồng chủ biên) (2008), Giáo trình Đạo đức học, Nxb CTQG, Hà Nội. Nguyễn Văn Sơn (2015), Di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp trồng người, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Huỳnh Văn Sơn (2009), Sự lựa chọn các giá trị đạo đức và nhân văn trong định hướng lối sống của sinh viên ở các trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, Nxb Tp. Hồ Chí Minh. Song Thành (2005), Nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức - một nguyên tắc cơ bản của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản, (11), tr26 -30. Song Thành (2013), Hồ Chí Minh nhà tư tưởng lỗi lạc, Nxb Chính trị - hành chính, Hà Nội. Ngô Văn Thạo (2010), Giáo dục đạo đức cách mạng, lối sống văn hóa cho thanh niên trên truyền thông đại chúng, Tạp chí Lý luận chính trị , tháng 1 – 2010, tr71-75 Võ Văn Thắng (2005), Kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trong việc xây dựng lối sống ở Việt Nam hiện nay, Luận án TSTH, Học viện CTQG Hồ Chí Minh, Hà Nội. Võ Văn Thắng (2006), Ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường đến việc xây dựng lối sống ở nước ta hiện nay, Tạp chí Cộng sản, số 10, tháng 5/2006. Phạm Thu Thủy (2017), Kế thừa các giá trị đạo đức truyền thống trong việc xây dựng lối sống cho thanh niên Việt Nam hiện nay, Luận án TSTH, Học viện KHXH, Hà Nội. Lê Thị Thủy (2000), Vai trò của đạo đức đối với sự hình thành nhân cách của con người Việt Nam trong điều kiện đổi mới ở nước ta hiện nay, Luận án TSTH, Học viện CTQG Hồ Chí Minh, Hà Nội. Vũ Văn Thuấn (2007), Bản chất của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, Tạp chí Tư tưởng – văn hóa, số 5/2007. Thế giới ca ngợi và thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1971, tập 3, tr.276-279. Lê Văn Tích (2008), Đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào cuộc sống mấy vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb CTQG, Hà Nội. Thái Duy Tiên và Từ Đức Văn (2011), Tìm hiểu cấu trúc và tính chất tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, Tạp chí Giáo dục, số 263 (kỳ 2-3/2011). Bùi Thị Tỉnh (2014), Ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dụng đối với lối sống của sinh viên hiện nay, Đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ. Phạm Hồng Tung (2011), Thanh niên và lối sống của thanh niên Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, Nxb CTQG, Hà Nội. Văn Tùng (2002), Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục thanh niên, Nxb CTQG, Hà Nội. Trần Đình Tuấn (2006), Tăng cường giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên, Tạp chí Tâm lý học, số 12, tr.47. Võ Minh Tuấn (2004), Ý thức đạo đức sinh viên Việt Nam hiện nay. Luận án TSTH, Đại học KHXH và Nhân văn. Phạm Tấn Xuân Tước và Huỳnh Thị Gấm (đồng chủ biên), (2008), Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào giáo dục đạo đức cho sinh viên ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội. Mạc Văn Trang (1995), Đặc điểm lối sống sinh viên hiện nay và những phương hướng, biện pháp giáo dục, Đề tài cấp bộ, Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục. Lưu Minh Văn và Trần Văn Kham (2006), Giá trị trong lối sống của sinh viên Việt Nam hiện nay: thực trạng và xu hướng, Nxb ĐHQG, Hà Nội. Huỳnh Khái Vinh (2001), Một số vấn đề về lối sống, đạo đức, chuẩn giá trị xã hội, Nxb CTQG, Hà Nội. V.A.Xukhômlinxki (1981), Giáo dục con người chân chính như thế nào? (Lời khuyên của các nhà giáo dục), người dịch Đỗ Bá Dung, Đặng Thị Huệ, Vũ Nhật PHỤ LỤC Phụ lục 1 PHIẾU TRƯNG CẦU Ý KIẾN (Của sinh viên thuộc 9 trường Đại học và Cao đẳng: Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Ngoại thương, Đại học Sư phạm Hà Nội, Cao đẳng Y tế Hà Nội, Đại học Vinh, Đại học Đồng Tháp, Sỹ quan Công binh – Bình, Đại học Kỹ thuật Cần Thơ, Đại học Dược Cần Thơ. Số liệu khảo sát năm 2018 (tác giả tự khảo sát) PHIẾU TRƯNG CẦU Ý KIẾN I. Anh (Chị) vui lòng cho biết thông tin về bản thân: 1. Anh (chị) là Nam: £ Nữ: £ 2. Anh (chị) là sinh viên năm thứ mấy (xin ghi cụ thể): 3. Trường Cao đẳng:. 4. Quê quán:.. 5. Bạn đang ở: Kí túc £ Ngoại trú (nhà trọ) £ Gia đình: £ 6. Hiện tại bạn đang tham gia: - Cán bộ đoàn: £ Cán sự lớp: £ Đoàn viên: £ - Sinh viên tình nguyện: £ II. Trưng cầu ý kiến về nội dung đề tài: Câu 1: Theo Anh (Chị) lối sống của sinh viên Việt Nam hiện nay có đặc điểm gì (Chọn các phương án trả lời theo cảm nhận của bản thân): - Có nhiều quan niệm khác nhau về lối sống £ - Chú trọng cống hiến cho cộng đồng, dân tộc trong lối sống £ - Thờ với quá khứ trong lối sống £ - Ít quan tâm người khác trong lối sống £ - Chạy theo lối sống phương Tây £ - Chú trọng hưởng thụ trong lối sống £ Câu 2: Anh (Chị) cho biết ý nghĩa của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đối với xây dựng lối sống cho sinh viên Việt Nam hiện nay (chọn một phương án) - Rất quan trọng £ Quan trọng £ - Ít quan trọng £ Không quan trọng £ Câu 3: Theo Anh (Chị) giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh có tạo nền tảng tinh thần định hướng cho việc xây dựng lối sống của sinh viên Việt Nam hiện nay hay không? (Chọn một phương án) - Có £ Không £ Không chắc chắn £ Câu 4: Theo Anh (Chị) xây dựng lối sống của sinh viên Việt Nam hiện nay chịu ảnh hưởng của những nhân tố nào dưới đây? (Lựa chọn số lượng phương án trả lời theo cảm nhận của bản thân): - Giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh £ - Những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc £ - Giáo dục gia đình £ - Đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về đạo đức, về thanh niên, sinh viên £ - Hệ thống pháp luật £ - Văn hóa nghệ thuật £ - Lối sống và văn hóa nước ngoài £ - Phong tục tập quán £ - Giáo dục trong nhà trường £ - Hệ thống truyền thông £ - Sự kích động lôi kéo của các thế lực thù địch £ Câu 5: Theo Anh (Chị) giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh có tạo động lực tinh thần trong việc xây dựng lối sống cho sinh viên Việt Nam hay không? (Chọn một phương án): - Có £ Không £ Không chắc chắn £ Câu 6: Theo Anh (Chị) những nguyên nhân nào sau đây làm chệch hướng trong việc xây dựng lối sống cho sinh viên Việt Nam hiện nay? - Nhận thức và giáo dục đạo đức chưa sâu sắc, coi nhẹ trong giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh £ - Định hướng phát triển lối sống chưa thích hợp £ - Những tác động của chủ thể giáo dục chưa thống nhất £ - Các sản phẩm văn hóa nghệ thuật trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu định hướng giá trị cho việc xây dựng lối sống sinh viên £ - Kiểm soát các loại hình văn hóa nghệ thuật từ nước ngoài vào chưa hiệu quả £ - Mặt trái của kinh tế thị trường chưa được khắc phục tối đa £ - Vai trò của các tổ chức chính trị xã hội chưa được phát huy tối đa £ - Tâm lý lứa tuổi thanh niên, sinh viên £ - Kết hợp giáo dục gia đình, nhà trường, xã hội chưa tốt £ - Xã hội chưa tạo điều kiện việc làm cho sinh viên khi ra trường £ Câu 7: Anh (Chị) đánh giá thế nào về quan điểm sống? (Lựa chọn phương án trả lời): Mức độ Vấn đề Đồng ý Không đồng ý Ý kiến khác 1. Tôi luôn sống nghiêm chỉnh chấp hành theo pháp luật. 2. Tôi không bao giờ phá hoại môi trường và luôn bảo vệ môi trường. 3. Tôi luôn kính trên, nhường dưới và quan hệ đúng mực với mọi người. 4. Tôi luôn tôn trọng lối sống văn minh, lịch sự. 5. Tôi luôn tôn trọng những giá trị đạo đức truyền thống. Câu 8: Anh (Chị) đánh giá thế nào về thực trạng phương pháp giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống cho sinh viên Việt Nam hiện nay? (Lựa chọn phương án trả lời): Mức độ Vấn đề Đồng ý Không đồng ý Ý kiến khác 1. Trường tôi thường lồng ghép tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong các môn giáo dục Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các môn khoa học xã hội. 2. Các buổi sinh hoạt chính trị đầu khóa 3. Các chủ đề hoạt động của Đoàn thanh niên, của trường tôi phát động thường phản ánh theo định hướng của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. 4. Phương pháp giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh rất linh hoạt, hấp dẫn và hiệu quả. Câu 9: Anh (Chị) đánh giá thế nào về thực trạng tính tích cực chủ động tự giác, học tập tiếp nhận giá trị đạo đức tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống của sinh viên Việt Nam hiện nay? (Lựa chọn phương án trả lời): Mức độ Vấn đề Đồng ý Không đồng ý Ý kiến khác 1. Tôi thấy giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh rất cần thiết cho xây dựng lối sống cho mình (Những tư tưởng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư). 2. Tôi rất quan tâm đến học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. 3. Tôi luôn chủ động tìm hiểu và làm theo tấm tưởng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. 5. Tôi sẵn sàng tham gia các phong trào chính trị - xã hội thực tiễn mang mục đích tuyên truyền giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên. 6. Tôi luôn cố gắng vận dụng và làm theo những giá trị đạo đức tiếp thu được vào các hoạt động trong xây dựng lối sống của mình. 7. Tôi thường bất bình và luôn luôn đấu tranh để loại bỏ những hành vi sai trái về đạo đức trong lối sống. Câu 10: Anh (Chị) lựa chọn phương pháp nào về giáo dục thông qua phương pháp nêu gương, xây dựng những tấm gương điển hình về đạo đức và lối sống trong thực tiễn: Số phiếu Tỷ lệ% Giáo dục tấm gương sáng về đạo đức Cách mạng và lối sống cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh Giáo dục thông qua sự gương mẫu của cha mẹ và các thầy cô Nêu cao các tấm gương mẫu mực trong xã hội Xây dựng và phát huy những tấm gương điển hình về đạo đức và lối sống cao đẹp trong chính đội ngũ sinh viên Phụ lục 2 KẾT QUẢ ĐIỀU TRA (Của sinh viên thuộc 9 trường Đại học và Cao đẳng: Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Ngoại thương, Đại học Sư phạm Hà Nội, Cao đẳng Y tế Hà Nội, Đại học Vinh, Đại học Đồng Tháp, Sỹ quan Công binh - Bình Dương, Đại học Kỹ thuật Cần Thơ, Đại học Dược Cần Thơ). Số liệu khảo sát năm 2018 (tác giả tự khảo sát) Qua điều tra, nghiên cứu, số phiếu mà chúng tôi đã phát cho 9 trường nói trên mỗi trường 200 phiếu thì: Tổng số phiếu phát ra: 1.8000 Số phiếu thu vào: 1.635 I. Anh (Chị) vui lòng cho biết một chút về mình: 1. Anh (chị) là Nam: Nữ: 2. Anh (chị) là sinh viên năm thứ mấy (xin ghi cụ thể): 3. Trường đại học:.. 4. Quê quán:.. 5. Bạn đang ở: Kí túc 670 Ngoại trú (nhà trọ) 425 Gia đình: 230 6. Hiện tại bạn đang tham gia: - Cán bộ đoàn: 405 Cán sự lớp: 205 Đoàn viên: 1.635 - Sinh viên tình nguyện: 467 II. Trưng cầu ý kiến về nội dung đề tài: Câu 1:Theo Anh (Chị) lối sống của sinh viên Việt Nam hiện nay có đặc điểm gì (Trình bày theo chọn số lượng, phương án trả lời): Số phiếu Tỉ lệ (%) Có nhiều quan niệm khác nhau về lối sống 303 22,86 Chú trọng cống hiến cho cộng đồng, dân tộc trong lối sống 122 9,2 Thờ với quá khứ trong lối sống 437 33 Ít quan tâm người khác trong lối sống 106 8 Chạy theo lối sống phương Tây 525 39,6 Chú trọng hưởng thụ trong lối sống 611 49,07 Câu 2: Anh (Chị) cho biết ý nghĩa của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đối với xây dựng lối sống của sinh viên Việt Nam hiện nay (chọn một phương án) Số phiếu Tiể lệ (%) Rất quan trọng 524 39,56 Quan trọng 253 19,1 Không quan trọng 197 14,9 Khó trả lời 351 26,5 Câu 3:Theo Anh (Chị) giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh có tạo nền tảng tinh thần định hướng cho việc xây dựng lối sống của sinh viên Việt Nam hiện nay hay không? (Chọn một phương án) Số phiếu Tỉ lệ (%) Có 467 35,3 Không 273 20,6 Không chắc chắn 585 44,1 Câu 4: Theo Anh (Chị) xây dựng lối sống của sinh viên Việt Nam hiện nay chịu ảnh hưởng điều tiết của những nhân tố nào? (Lựa chọn số lượng phương án trả lời): Số phiếu Tỷ lệ (%) Giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh 231 17,4 Những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc 432 32,6 Giáo dục gia đình 570 43,1 Đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về đạo đức,về thanh niên, sinh viên 123 9,3 Hệ thống pháp luật 198 14,9 Văn hóa nghệ thuật 221 16,7 Lối sống và văn hóa nước ngoài 434 32,8 Phong tục tập quán 172 13 Giáo dục trong nhà trường 283 21,4 Hệ thống truyền thông 322 24,3 Sự kích động lôi kéo của các thế lực thù địch 107 8,07 Câu 5: Theo Anh (Chị) giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh có tạo động lực tinh thần trong việc xây dựng lối sống cho sinh viên Việt Nam hay không? (Chọn một phương án): Số phiếu Tỷ lệ Có 328 24,8 Không 285 21,5 Không chắc chắn 712 53,7 Câu 6: Theo Anh (Chị) những nguyên nhân nào sau đây làm chệch hướng trong việc xây dựng lối sống cho sinh viên hiện nay? Số phiếu Tỷ lệ (%) Nhận thức và giáo dục đạo đức chưa sâu sắc, coi nhẹtrong giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh 137 10,3 Định hướng phát triển lối sống chưa thích hợp 238 18 Những tác động của chủ thể giáo dục chưa thống nhất 125 9,4 Các sản phẩm văn hóa nghệ thuật trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu định hướng giá trị cho việc xây dựng lối sống sinh viên 326 24,5 Kiểm soát các loại hình văn hóa nghệ thuật từ nước ngoài vào chưa hiệu quả 298 22,5 Mặt trái của kinh tế thị trường chưa được khắc phục tối đa 273 20,6 Vai trò của các tổ chức chính trị xã hội chưa được phát huy tối đa 237 17,9 Tâm lý lứa tuổi thanh niên, sinh viên 365 27,5 Kết hợp giáo dục gia đình, nhà trường, xã hội chưa tốt 198 15 Xã hội chưa tạo điều kiện việc làm cho sinh viên khi ra trường 563 42,5 Câu 7: Anh (Chị) đánh giá thế nào về quan điểm sống? (Lựa chọn phương án trả lời): Mức độ Vấn đề Đồng ý Không đồng ý Ý kiến khác 1. Tôi luôn sống nghiêm chỉnh chấp hành theo pháp luật. 557 352 726 34,06% 21,5% 44,4% 2. Tôi không bao giờ phá hoại môi trường và luôn bảo vệ môi trường. 581 452 602 35,5% 27,6% 36,8% 3. Tôi luôn kính trên, nhường dưới và quan hệ đúng mực với mọi người. 768 152 815 46,9% 9,26% 49,8% 4. Tôi luôn tôn trọng lối sống văn minh, lịch sự. 561 237 747 34,3% 14,5% 45,6% 5. Tôi luôn tôn trọng những giá trị đạo đức truyền thống. 468 327 840 28,6% 20% 51,3% Câu 8: Anh (Chị) đánh giá thế nào về thực trạng phương pháp giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống cho sinh viên Việt Nam hiện nay? (Lựa chọn phương án trả lời): Mức độ Vấn đề Đồng ý Không đồng ý Ý kiến khác 1. Trường tôi thường lồng ghép tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong các môn giáo dục Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các môn khoa học xã hội. 586 237 812 34,7% 14,4% 49,6% 2. Các buổi sinh hoạt chính trị đầu khóa 688 325 622 42,07% 19,8% 38,04% 3. Các chủ đề hoạt động của Đoàn thanh niên, của trường tôi phát động thường phản ánh theo định hướng của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. 721 125 789 44,09% 7,6% 48,2% 4. Phương pháp giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh rất linh hoạt, hấp dẫn và hiệu quả. 564 385 686 34,5% 23,5% 42% Câu 9: Anh (Chị) đánh giá thế nào về thực trạng tính tích cực chủ động tự giác, học tập tiếp nhận giá trị đạo đức tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng lối sống của sinh viên Việt Nam hiện nay? (Lựa chọn phương án trả lời): Mức độ Vấn đề Đồng ý Không đồng ý Ý kiến khác 1. Tôi thấy giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh rất cần thiết cho xây dựng lối sống cho mình (Những tư tưởng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư). 464 485 686 28,3% 29,6% 42% 2. Tôi rất quan tâm đến học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. 367 427 841 22,4% 26,1% 51,4% 3. Tôi luôn chủ động tìm hiểu và làm theo tấm tưởng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. 477 227 931 29,1% 13,8% 57% 5. Tôi sẵn sàng tham gia các phong trào chính trị - xã hội thực tiễn mang mục đích tuyên truyền giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh cho sinh viên. 523 236 876 32% 13,4% 53,5% 6. Tôi luôn cố gắng vận dụng và làm theo những giá trị đạo đức tiếp thu được vào các hoạt động trong xây dựng lối sống của mình. 505 229 901 30,8% 14,0% 55,1% 7. Tôi thường bất bình và luôn luôn đấu tranh để loại bỏ những hành vi sai trái về đạo đức trong lối sống. 602 127 906 36,8% 7,76% 55,4% Câu 10: Anh (Chị) lựa chọn phương pháp nào về giáo dục thông qua phương pháp nêu gương, xây dựng những tấm gương điển hình về đạo đức và lối sống trong thực tiễn: Số phiếu Tỷ lệ% Giáo dục tấm gương sáng về đạo đức Cách mạng và lối sống cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh 273 20,6 Giáo dục thông qua sự gương mẫu của cha mẹ và các thầy cô 476 35,6 Nêu cao các tấm gương mẫu mực trong xã hội 327 24,7 Xây dựng và phát huy những tấm gương điển hình về đạo đức và lối sống cao đẹp trong chính đội ngũ sinh viên 528 39,8

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docluan_an_giao_duc_tu_tuong_dao_duc_ho_chi_minh_trong_xay_dung.doc
  • docxgui bo giao duc dao tao.docx
  • docxThông tin kết luận mới luận án tiếng Anh.docx
  • docxThông tin kết luận mới luận án tiếng Việt.docx
  • doctóm tắt LA tiếng Anh.doc
  • doctóm tắt LA tiếng Việt.doc
Tài liệu liên quan