Luận án Cổng làng người việt ở châu thổ Bắc Bộ

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI ----------------- VŨ THỊ THU HÀ CỔNG LÀNG NGƯỜI VIỆT Ở CHÂU THỔ BẮC BỘ CHUYÊN NGÀNH VĂN HÓA DÂN GIAN Mã số: 62 22 01 30 Người hướng dẫn khoa học: GS.TS. Nguyễn Xuân Kính Hà Nội, 2016 I LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan luận án: Cổng làng người Việt ở châu thổ Bắc Bộ do tôi thực hiện. Các tư liệu, số liệu, kết quả nghiên cứu nêu trong luận án là trung thực và lần đầu tiên được công bố tại luận án này. Nếu sa

pdf231 trang | Chia sẻ: huong20 | Ngày: 15/01/2022 | Lượt xem: 501 | Lượt tải: 1download
Tóm tắt tài liệu Luận án Cổng làng người việt ở châu thổ Bắc Bộ, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
i tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm. Nghiên cứu sinh II MỤC LỤC MỞ ĐẦU ................................................................................................................... 1 Chương 1: LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU CỔNG LÀNG, TỔNG QUAN VỀ CHÂU THỔ VÀ LÀNG VIỆT BẮC BỘ, LÝ THUYẾT VẬN DỤNG ............................ 8 1.1. Lịch sử nghiên cứu cổng làng ............................................................................. 8 1.2. Tổng quan về châu thổ Bắc Bộ và làng Việt ..................................................... 15 1.3. Lí thuyết vận dụng......................................... .................................................... 38 Chương 2: NHẬN DIỆN CỔNG LÀNG TRUYỀN THỐNG Ở CHÂU THỔ BẮC BỘ ................................................................................................................... 46 2.1. Vị trí và sự phân bố cổng làng .......................................................................... 46 2.2. Phân loại cổng làng ........................................................................................... 55 2.3. Điêu khắc, trang trí trên cổng làng .................................................................... 72 2.4. Mối quan hệ giữa cổng làng với đình làng, chùa làng ...................................... 80 Chương 3: CHỨC NĂNG VÀ GIÁ TRỊ CỦA CỔNG LÀNG Ở CHÂU THỔ BẮC BỘ ................................................................................................................... 84 3.1. Chức năng của cổng làng .................................................................................. 84 3.2. Giá trị của cổng làng ....................................................................................... 104 Chương 4: CỔNG LÀNG TRONG LỊCH SỬ VÀ TRONG CUỘC SỐNG ĐƯƠNG ĐẠI, NHỮNG VẤN ĐỀ BÀN LUẬN ................................................. 116 4.1. Cổng làng trong lịch sử ................................................................................... 116 4.2. Cổng làng trong cuộc sống đương đại ............................................................ 119 4.3. Những vấn đề bàn luận ................................................................................... 125 KẾT LUẬN ........................................................................................................... 141 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ ....... . 144 TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................................................... 145 PHỤ LỤC ...................................................................................................... ........156 III DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT CB ĐH Chủ biên Đại học GS H Giáo sư Hà Nội KHXH NCS Khoa học xã hội Nghiên cứu sinh Nxb PGS Nhà xuất bản Phó giáo sư Tr. trang TS TSKH Tiến sĩ Tiến sĩ khoa học Tp Thành phố UBND VHDG VHDT Uỷ ban nhân dân Văn hóa dân gian Văn hóa dân tộc VHNT Văn hóa nghệ thuật VHTT Văn hóa thông tin xb Xuất bản 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Văn hóa truyền thống của người Việt từ ngàn đời nay được lưu giữ một phần lớn và quan trọng là ở làng. Làng Việt ở Bắc Bộ là nơi định cư sớm của cư dân Việt. Đa phần công việc trong làng là làm nghề nông. Về cảnh quan, có đường làng, chùa làng, đình làng, ao làng, chợ làng,... và nhiều làng không thể thiếu cổng làng. Cổng làng được các nhà nghiên cứu văn hóa xếp vào danh mục các di sản văn hóa vật thể, cũng như các di tích kiến trúc nghệ thuật khác như đình, chùa, đền, miếu, văn chỉ, từ chỉ, nhà thờ họ... Song, cổng làng không chỉ là di sản văn hóa vật thể. Ẩn sau diện mạo khó quên của những chiếc cổng làng, còn có những giá trị văn hóa phi vật thể mà nếu được quan tâm nghiên cứu, cổng làng sẽ là tư liệu quý, giúp chúng ta hiểu thêm về làng Việt và văn hóa dân tộc. Là một bộ phận cấu thành của thực thể làng Việt, cổng làng có vai trò, chức năng của nó. Cổng làng thể hiện mơ ước, nguyện vọng của cộng đồng, mang giá trị tâm linh, trở thành một biểu tượng khó mờ phai đối với dân làng. Thêm nữa, cổng làng còn là vách ngăn, một thứ biểu tượng để phân biệt làng này với làng khác, là nơi chức dịch kiểm soát dân làng. Vai trò, chức năng ấy đã dần dần thay đổi. Những yếu tố truyền thống và biến đổi hiện nay trong nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc trang trí, những yếu tố vay mượn của cổng làng và ý nghĩa của cổng làng trong không gian văn hóa của làng quê xưa và nay luôn luôn cần được tìm hiểu. Việc nghiên cứu một cách hệ thống cổng làng vùng châu thổ Bắc Bộ sẽ góp phần khẳng định những giá trị truyền thống văn hóa của làng, góp thêm tiếng nói vào việc nghiên cứu sự biến đổi văn hóa hiện nay. Thực trạng của cổng làng hiện nay có rất nhiều vấn đề đáng quan tâm, số lượng cổng làng cũ hiện tại không còn nhiều bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Có nhiều cách lý giải, ứng xử trước sự biến đổi này. Liệu có cần thiết giữ gìn nét truyền thống của cổng làng ở mỗi làng quê cho phù hợp với cảnh quan không gian 2 của làng? Sự tồn tại của cổng làng sẽ làm tôn thêm vẻ đẹp truyền thống của mỗi làng, hay chỉ bó buộc không gian sống của con người, cản trở giao thông khi xe cộ càng nhiều, kích thước càng lớn? Khi xây mới hoặc tu sửa cổng cũ thì cần lưu ý những gì? Trong thời kì mở cửa, hội nhập và phát triển kinh tế, văn hóa hiện nay, cổng làng cũng như nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật khác đã trải qua nhiều tác động tiêu cực của thời gian, của cơ chế thị trường và những bất cập trong quản lý văn hóa, đặc biệt là của quá trình đô thị hóa quá nóng. Diện mạo, chức năng và giá trị của cổng làng đang dần mai một theo văn hóa truyền thống. Để bảo tồn, phát huy và khai thác những giá trị lịch sử - nghệ thuật cổng làng của người Việt vùng châu thổ Bắc Bộ trong bối cảnh hiện nay, với những lý do vừa trình bày, tôi chọn “Cổng làng người Việt ở châu thổ Bắc Bộ” làm đề tài nghiên cứu. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án 2.1. Mục đích nghiên cứu Nhận diện cổng làng ở châu thổ Bắc Bộ trong quá trình lịch sử, trình bày diện mạo, chức năng, giá trị và vai trò của nó trong xã hội truyền thống và đương đại. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu 2.2.1. Tìm hiểu sự vận động của cổng làng ở châu thổ Bắc Bộ trong diễn trình lịch sử 2.2.2. Phân tích các chức năng, giá trị của cổng làng truyền thống 2.2.3. Khảo sác các xu hướng ứng xử hiện nay với cổng làng 2.2.4. Trình bày những suy nghĩ về vai trò của cổng làng trong xã hội đương đại, dự báo số phận của nó trong tương lai. Nhằm thực hiện những nhiệm vụ trên, tức là tác giả luận án đã trả lời cho các câu hỏi nghiên cứu sau: - Cổng làng ra đời từ bao giờ, diện mạo, chức năng xã hội và giá trị của nó ra sao? - Cổng làng biến đổi như thế nào trong cuộc sống hiện nay? 3 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là các cổng làng truyền thống và cổng làng mới ở châu thổ Bắc Bộ từ xưa đến nay. 3.2. Phạm vi nghiên cứu 3.2.1.Không gian nghiên cứu Không gian nghiên cứu là cổng làng ở châu thổ Bắc Bộ. Châu thổ Bắc Bộ là một vùng rộng lớn, bên cạnh việc cố gắng bao quát bức tranh chung, tình hình chung, nghiên cứu sinh chọn những điểm nghiên cứu có tính đại diện. Trước hết, NCS chú ý đến những cổng làng là đại diện cho bốn tiểu vùng Đông, Tây, Nam, Bắc của Bắc Bộ xưa. Về xứ Đông, chúng tôi khảo sát cổng làng Cầu Nôm (nay thuộc Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), (H1)1. Về xứ Đoài (phía Tây) chúng tôi khảo sát cổng làng Mông Phụ (nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội), (H2). Về phía Nam, nghiên cứu sinh khảo sát cổng làng Tây Bình Cách (xã Đông Xá), (H3); cổng Tây (thôn Duyên Hà, xã Đông Kinh), (H4), cả hai cổng làng này đều thuộc huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Về xứ Bắc, chúng tôi khảo sát một số cổng làng xã Dương Xá2 (nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội), (H5); cổng làng Đồng Kị (nay thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), (H6); cổng làng Thổ Hà (nay thuộc huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), (H7). Thứ hai, NCS chú ý đến những tiêu chí đại diện khác. Cổng làng Ước Lễ (nay thuộc Thanh Oai, Hà Nội ), là cổng làng cổ được coi là đẹp nhất châu thổ Bắc Bộ, là cổng trước của một làng nông nghiệp có hai nghề phụ nổi tiếng là nghề giã giò và nghề may mặc. Cổng làng Mông Phụ là chiếc cổng cổ nhất còn giữ được cho đến nay (H8). Cổng làng Cầu Nôm là cổng của một làng buôn bán trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Làng này có nghề buôn đồng nát nổi tiếng: “Bao nhiêu đồng nát thì về Cầu Nôm, con gái nỏ mồm thì ở với cha” (tục ngữ). Cổng làng Thổ Hà là cổng làng nghề gốm lâu đời. Cổng làng Đồng Kị là cổng của một làng có quá trình 1 (H1), (H2), (H3)... tương ứng với hình ảnh trong phụ lục. 2 Xã Dương Xá gồm có sáu thôn: Dương Đanh, Dương Đá, Dương Đình, Thuận Tiến Thuận Quang, Yên Bình. 4 đô thị hóa rất nhanh, tiêu biểu cho loại làng “vươn ra phố” (Nguyễn Thị Phương Châm). Cổng làng Tây Bình Cách và cổng Tây làng Duyên Hà, Thái Bình tiêu biểu cho loại cổng của những làng thuần nông. Một số cổng hiện còn ở đường trên phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội hiện nay), như Hồ Khẩu, Trích Sài, Bái Ân, Võng Thị... là loại cổng vốn là của làng xóm xưa kia, nay bị kẹt cứng trong không gian đô thị (H9). Cổng làng Dương Xá (Gia Lâm, Hà Nội) nằm ngay sát nội đô Hà Nội, cũng là một kiểu cổng cần tìm hiểu. Ngoài ra, trong những phân tích cụ thể, trong những vấn đề cụ thể, chúng tôi sẽ phân tích những cổng làng khác nữa. 3.2.2.Thời gian nghiên cứu Tác giả luận án bắt đầu nghiên cứu cổng làng Bắc Bộ từ năm 2009 đến tháng 8 năm 2015. Những thông tin về thời gian trước năm 2009 là những thông tin hồi cố từ các cán bộ dân làng địa phương hoặc tác giả thu thập từ thư tịch, báo chí. 4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án 4.1. Phương pháp luận Khi nghiên cứu cổng làng người Việt ở Bắc Bộ, tác giả luận án luôn luôn đặt cổng làng trong bối cảnh của làng (bao gồm điều kiện địa lí tự nhiên, không gian vật lí và không gian văn hóa xã hội). Khi nghiên cứu cổng làng người Việt ở Bắc Bộ nghiên cứu sinh nhìn đối tượng trong sự vận động, vận dụng những tri thức về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật để lí giải sự biến đổi, sự xuất hiện những yếu tố mới, sự vắng bóng những yếu tố cũ. 4.2.Phương pháp nghiên cứu Để thực hiện đề tài luận án, NCS sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu. Trước hết là phương pháp tập hợp các tài liệu thứ cấp. Tài liệu viết về cổng làng khá hiếm. Nhiều khi trong một cuốn sách, trong một bài tạp chí, chúng tôi chỉ tìm được mươi dòng có thông tin liên quan đến đề tài luận án. Thí dụ trong cuốn sách của Phan Hữu Dật, NCS chỉ tìm thấy một dòng thông tin: “Các làng miền Trung nước ta làm gì có cổng làng” [20, tr.116]. Chúng tôi đã đọc hết ba cuốn sách về văn bia mà không thấy một thông tin nào về cổng làng [110], [127], [128]. NCS 5 đã đọc kĩ hai cuốn sách sưu tập 3000 và 5000 hoành phi, câu đối Hán Nôm do Trần Lê Sáng chủ biên mà không tìm thấy một thông tin nào về cổng làng [90], [91]. Thứ hai, từ những gợi ý của các tác giả đi trước, NCS tiến hành khảo sát thực địa. NCS khảo sát 47 cổng làng tại Hà Nội và các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Hưng Yên. Chúng tôi đã chụp ảnh, hỏi chuyện người dân địa phương. Có những cổng làng NCS đi đến nhiều lần như cổng làng Đường Lâm, cổng làng Dương Xá, cổng làng Đồng Kỵ, cổng làng Duyên Hà, cổng làng Cầu Nôm, cổng làng Ước Lễ,... Thứ ba, NCS sử dụng các phương pháp phân tích và tổng hợp trong nghiên cứu văn hóa dân gian. Về phương pháp này, Đinh Gia Khánh đã trình bày chi tiết trong cuốn sách của Viện Văn hóa dân gian: Văn hóa dân gian những phương pháp nghiên cứu (1990) [126]. Tiếp thu những gợi ý của tác giả, NCS hiểu cổng làng là một tổng thể, nhiều yếu tố. Để hiểu nó, cần phân tích những yếu tố cụ thể để nghiên cứu sau đó sẽ tổng hợp lại. Thứ tư, phương pháp phỏng vấn chuyên gia cũng được sử dụng. NCS đã phỏng vấn GS.TSKH Phan Đăng Nhật và PGS.TS Nguyễn Xuân Đức. Cả hai vị đều là nhà nghiên cứu văn hóa, văn hóa dân gian. Đặc biệt GS.Phan Đăng Nhật năm nay 84 tuổi (sinh năm 1931). Kí ức của ông cho biết tình hình cổng làng ở làng quê ông trước cách mạng tháng Tám 1945. PGS.TS Nguyễn Xuân Đức (sinh năm 1948), hiện đang nghỉ hưu ở Hà Nội. Ông cho tôi biết văn hóa ở làng quê ông hiện nay ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ngoài ra, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh được đào tạo về Hán học, có nhiều năm giữ cương vị Giám đốc Sở Văn hóa thông tin tỉnh Thái Bình. Ông giúp đỡ chúng tôi những hiểu biết về một vùng quê lúa và cổng làng trước kia. Không chỉ qua trò chuyện, ông còn trực tiếp dẫn chúng tôi đến hai cổng làng cổ ở Thái Bình. Về Hán học, chúng tôi nhận được sự giúp đỡ của nhà giáo TS. Nguyễn Ngọc Lân, Trường Đại học Hà Nội. Ông đã thể hiện các chữ Hán mà ở phần câu đối, tác giả Vũ Kiêm Ninh chỉ mới phiên âm bằng chữ quốc ngữ. Ông cũng góp phần trao đổi về ý nghĩa của một số điển tích. Thứ năm, NCS sử dụng phương pháp so sánh. NCS sẽ so sánh giữa các cổng làng với nhau để hiểu cái chung và nét riêng của từng khu vực và từng thời đại. 6 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án 5.1. Đưa ra cái nhìn hệ thống về cổng làng của người Việt ở Bắc Bộ từ góc nhìn văn hóa học, trình bày những mốc chính trong diễn trình lịch sử của nó (trong điều kiện tài liệu hiện nay cho phép), mô tả và phân loại chi tiết về cổng làng. 5.2. Phân tích có hệ thống các chức năng, giá trị của cổng làng, nhìn nhận vai trò của các chức năng này trong diễn trình lịch sử. 5.3.Trình bày các xu hướng ứng xử với cổng làng trong cuộc sống đương đại, đề xuất những suy nghĩ để các nhà quản lí và giới nghiên cứu tham khảo. 6. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn của luận án 6.1. Ý nghĩa lí luận 6.1.1. Góp phần vào việc nhận diện cảnh quan, đời sống văn hóa, tâm linh ở nông thôn Bắc Bộ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhận diện sự biến đổi của những yếu tố này trong thời đại mới. 6.1.2. Làm rõ vai trò qua lại giữa các thành tố trong một hệ thống với toàn bộ hệ thống và sự tương tác giữa các yếu tố trong một hệ thống. 6.2. Ý nghĩa thực tiễn 6.2.1. Kết quả nghiên cứu của luận án sẽ là tài liệu tham khảo cho các nhà quản lí, các cấp có thẩm quyền trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống, hoạch định, xây dựng nông thôn mới hiện nay. 6.2.2. Bản luận án sẽ góp phần vào nhận thức của người dân Việt nói chung, của thế hệ trẻ nói riêng trên con đường tìm về cội nguồn, hướng về cội nguồn, trong đạo lí uống nước nhớ nguồn và từ đó thêm yêu quê hương, đất nước. 7. Cơ cấu của luận án Trong phần chính văn, ngoài mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo, bản luận án có bốn chương như sau: Chương 1. Lịch sử nghiên cứu cổng làng, tổng quan về châu thổ Bắc Bộ và làng Việt, lý thuyết vận dụng (tr.8 - tr.438) Chương 2. Nhận diện cổng làng truyền thống Bắc Bộ (tr.46 - tr.80) 7 Chương 3. Chức năng và giá trị của cổng làng ở châu thổ Bắc Bộ (tr.84 - tr.104) Chương 4. Cổng làng trong lịch sử và trong cuộc sống đương đại, những vấn đề bàn luận (tr.116 - tr.125) Ngoài ra, luận án còn có một phụ lục, nhằm làm rõ thêm nội dung của phần chính văn. 8 Chương 1 LỊCH SỬ NGHIÊN CỨU CỔNG LÀNG, TỔNG QUAN VỀ CHÂU THỔ BẮC BỘ VÀ LÀNG VIỆT, LÝ THUYẾT VẬN DỤNG 1.1. Lịch sử nghiên cứu cổng làng Khi nghiên cứu cổng làng, văn bia là một trong những nguồn tài liệu thu hút sự chú ý của chúng tôi. Văn bia thời Mạc (1996) của Đinh Khắc Thuân [110] giới thiệu 147 văn bia và một bài minh văn khắc trên chuông đồng chùa Tư Phúc (ở Thái Bình). 148 trong số tài liệu này, văn bia ở chùa chiếm đại đa số (nói về việc công đức tu sửa chùa, làm giếng chùa, dựng cầu vào chùa, làm lại hướng mới của chùa,). Ngoài ra còn có bia đền thần, bia ghi lại công tích, sự nghiệp của danh nhân, Trong công trình Văn bia thời Lê xứ Kinh Bắc và sự phản ánh sinh hoạt làng xã (2003), tác giả Phạm Thị Thùy Vinh cho biết số lượng bia thời Lê; dựng và phân bố ở các địa điểm như sau: chùa 556 bia; đình 302 bia; đền, miếu 50 bia; văn chỉ 40 bia; từ đường 36 bia; lăng mộ 22 bia; từ chỉ 19 bia; cầu 15 bia; chợ 9 bia; sinh từ 7 bia; điếm 6 bia; am 1 bia [127]. Trong Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội. Tuyển tập văn khắc Hán Nôm (2010), chủ biên Phạm Thị Thùy Vinh và các đồng soạn giả biên dịch 135 bài minh văn, nội dung chủ yếu của các văn bản này nói về việc dựng chùa, tu sửa chùa, làm đình, đúc chuông, cung tiến ruộng đất, lập từ đường, [128]. Trong tất cả ba cuốn sách nêu trên, không có một văn bia nào nói về việc xây hoặc tu sửa cổng làng! Cổng làng thường có các câu đối. Chính vì vậy, chúng tôi đã tìm đọc cuốn 3000 hoành phi, câu đối Hán Nôm (2003) do Trần Lê Sáng chủ biên [90], cuốn 5000 hoành phi, câu đối Hán Nôm (2015) cũng do Trần Lê Sáng chủ biên [91]. Đáng tiếc, hai cuốn sách không cho nghiên cứu sinh một thông tin nào về cổng làng. 9 Những tài liệu đề cập đến cổng làng thực sự ít ỏi. Số lượng tài liệu không chỉ ít, trong mỗi tài liệu, đại đa số các tác giả lại chỉ viết rất ít về cổng làng. 1.1.1. Tài liệu viết không tập trung về cổng làng Pierre Gourou (1900 - 1999), nhà sử học và địa lí học người Pháp công bố cuốn sách Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ vào năm 1936. Khi viết về làng của người Việt, tác giả đặc biệt chú ý đến lũy tre và đã viết về cổng làng. Ông cho biết số lượng cổng của một làng, chất liệu xây dựng, kích thước của cổng và công dụng của cổng. Cuốn sách của ông còn có một bức ảnh về cổng làng Đông Viên, thôn Chu Quyến, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội) [29]. Năm 1939 khi viết về khu phố buôn bán ở Hà Nội, Henri Bernard nhận thấy: “Những bức tường bao và những cổng phố được đóng lại vào ban đêm, đã chia cắt những phường khác nhau, với số lượng là 36, mỗi một phường lại chia thành hai phường nhỏ” [7, tr.79]. Tác giả không mô tả cổng phố, không có ảnh chụp và không cho biết cổng phố có khác cổng làng không, nó được làm bằng chất liệu gì. Chúng tôi không nhận được thông tin cụ thể về hình dáng, kích thước và chất liệu làm cổng. Vào nửa cuối những năm 60 của thế kỉ trước, tại Sài Gòn, trong cuốn sách Làng xóm Việt Nam với hơn 270 trang, tác giả Toan Ánh chỉ dành hai đoạn miêu tả cổng làng: một đoạn gồm 8 dòng (viết về chiếc cổng xây), một đoạn 15 dòng (viết về cổng tre). Cả hai chiếc cổng này đều ở Bắc Bộ [1,tr.6,10]. Năm 1977, trong cuốn sách nhiều tác giả, trong bài “Về vai trò của làng xã trong sự nghiệp đấu tranh vũ trang giữ nước ở Việt Nam thời xưa”, tác giả Lê Văn Lan cho biết từ đầu Công nguyên, người Trung Quốc đã nói đến những lũy tre gai “không sao công phá được” ở các làng Việt, ghi nhận từ thế kỉ thứ XIII, sứ giả nhà Nguyên là Trần Phu đã viết về các bụi tre gai ở Đại Việt. Từ đó tác giả nghĩ rằng đi kèm với lũy tre là cổng làng với hai hình thức thô sơ (cổng tre) và kiên cố (cổng xây bằng gạch). Tác giả không chỉ ra được những cái cổng đó được sách vở, tác giả nào ghi nhận [123]. Trong cuốn sách vừa nêu, trong bài “Làng xã trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông (thế kỉ XIII)”, tác giả Phùng Văn Cường 10 cũng dẫn câu văn mà sứ giả Trần Phu ghi nhận những bụi tre gai nước Việt, và không nói gì về cổng làng [123, tr.262]1. Năm 1978, trong bài “Tìm hiểu về sự cư trú ở một số làng xã trên miền đồng bằng Bắc Bộ”, tác giả Huy Vu dành hai đoạn văn (đoạn dài nhất không quá một trang) miêu tả cảnh quan xung quanh cổng làng [124, tr. 78]. Năm 1991, trong cuốn sách của nhiều tác giả Văn hóa và văn hóa cư dân đồng bằng sông Hồng, Vũ Tự Lập miêu tả cảnh quan xung quanh cổng làng gần giống như Huy Vu đã viết: ...xưa kia vào làng rất khó, nhiều khi có có lối đi vào duy nhất, hai bên đường có ao, lại có cổng chắc chắn, cổng xây gạch cửa gỗ, bên trên có địch lâu tích trữ gạch đá, mảnh chai làm vũ khí tự vệ. Làng nghèo lắm thì cổng cũng có rào chông bảo vệ. Ở những làng giàu có, quản lí chặt chẽ thì cách cổng làng khoảng 50m lại xây điếm canh, có tuần phiên canh gác, nhất là về ban đêm. Trước cổng làng thường trồng các cây cổ thụ, như cây đa, cây đề, cây si, cây bàng và núp dưới chúng có cái quán nhỏ mở hàng nước [65, tr.55-56]. Cùng năm 1991, trong cuốn sách Mĩ thuật ở làng gồm 247 trang (cả chữ và hình), hai tác giả Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng chỉ viết về cổng làng vẻn vẹn mấy dòng như sau: Cổng làng thường là cổng gạch kiểu tam quan, có chạm trổ bằng vữa, đắp hình, ghép gốm Nhiều cổng khá đồ sộ, nhưng thường thì xinh xắn mà thôi. Nó giống như cột mốc vào làng hơn là một cổng thành để tự vệ. Cái cổng thông thoáng này dẫn qua đoạn chính của đường làng tới đình và có thể có những đoạn khác cũng rộng rãi dẫn tới chùa, miếu, đến thờ [86, tr.27]. Trong cuốn sách 740 trang khổ lớn của nhiều tác giả Làng ở vùng châu thổ sông Hồng: vấn đề còn bỏ ngỏ (xb 2002), trong bài “Về không gian làng”, tác giả Nguyễn Tùng viết hai đoạn văn về cổng làng như sau: 1 Ở mục lục của sách, tên tác giả là Phạm Văn Cường, trong bài, tên tác giả là Phùng Văn Cường? 11 + Trước năm 1945, Mộ Trạch (thôn Thượng) có ba cổng gạch ngày nay không còn nữa: Đông, Chùa và Nam. Cổng nam lớn nhất có gác cho tuần phiên ngủ. Theo hương ước của làng sửa đổi hay bổ sung vào năm 1665 và 1679, không gian cư trú của Mộ Trạch trước đây là lũy tre, hào và dường như cả tường gạch cao vây quanh: nếu đúng thế thì đây là điều khá hiếm!” [83, tr.115]. +Ở Tả Thanh Oai, Đông Ngạc cũng như ở nhiều làng ngoại ô Hà Nội khác nằm dọc theo sông Hồng hay sông Tô Lịch, mỗi ngõ thường có một cổng mở ra đường ven sông và một cổng mở ra đồng ruộng. Ở Mộ Trạch và Mông Phụ, là hai làng xa sông, cổng làng có chức năng kiểm soát các con đường chính đi vào làng từ đường thiên lý hay không gian canh tác, nhằm bảo vệ không gian cư trú. Mông Phụ có 5 cổng mang tên của 5 khu (hay xóm): Đình, Sải, Sui, Chim và Hè. Điều đáng ngạc nhiên là trước đây ngoài 3 cổng Đông, Nam và Chùa, Mộ Trạch không có cổng ở phía bắc, chắc là vì thời xưa chưa có đường liên xã nối Mộ Trạch với My Cầu và Sặc” [83, tr.130]. Trong bản dịch tiếng Việt (in lần đầu 2007) của công trình Làng Việt đối diện tương lai hồi sinh quá khứ, John Kleinen cho rằng, không thể biết chắc chắn làng Việt ở châu thổ Bắc Bộ “được bảo vệ bằng cổng gạch và hệ thống lũy tre khi nào” nhưng những mô tả của người nước ngoài từ đầu thế kỉ XIX đều khẳng định rằng đến lúc đó, cảnh tượng này là rất phổ biến [61, tr.40]. Nhà nghiên cứu dân tộc học Bùi Xuân Đính có hơn 30 năm gắn bó với đề tài làng xã, khảo sát nhiều làng cụ thể ở các vùng quê. Trong cuốn Lệ làng phép nước, ông nêu một số quy định về vấn đề bảo vệ an ninh trong làng, liên quan đến cổng làng [24]. Trong hai tập Hành trình về làng Việt cổ, ông và các đồng tác giả đã khảo sát sơ bộ cổng của các làng thuộc xứ Đoài như Yên Sở, Dương Liễu, Kim Hoàng, Hậu Ái, An Trai... thuộc xứ Nam như Ngọc Hồi, Văn Điển, Cổ Điển, Cương Ngô... [26],[27]. Tuy trong khuôn khổ khảo sát chung về làng, mang tính sơ bộ, song các phần viết cũng đưa ra các thông tin về cổng làng, như số lượng cổng, cách bố trí, 12 những đặc điểm của làng qua hệ thống câu đối và các đại tự. Ông cũng cho biết những thông tin tư liệu về cổng làng ở một số làng thuộc loại hình “làng khoa bảng”, như Đông Ngạc, Phú Thị, Tả Thanh Oai... , trong cuốn Các làng khoa bảng Thăng Long – Hà Nội, do ông đồng chủ biên. Năm 2009, trong chuyên khảo Biến đổi văn hóa ở các làng quê hiện nay, tác giả Nguyễn Thị Phương Châm đề cập đến ba làng như những nghiên cứu trường hợp về làng quê cổ kính, điển hình của xứ Kinh Bắc xưa. Trong không gian và cảnh quan xưa của ba làng Đồng Kị, Trang Liệt, Đình Bảng trước kia, lũy tre làng gắn kết với cổng làng. Đến nay sự uy nghi của những cổng làng không còn, cổng làng chỉ còn lại như chứng tích của thời gian về một không gian cổ xưa của làng. Sự phân định giữa không gian trong làng và ngoài làng bằng những cổng làng cũng không còn nữa, do dân cư trong làng ngày càng tràn ra ngoài cổng làng, các ngôi nhà và những công trình mới vươn cao lên át đi vẻ uy nghi một thủa của những chiếc cổng xưa. [15, tr.134-135]. Năm 2011, trong cuốn Văn hóa tâm linh, nhà giáo Nguyễn Đăng Duy cho rằng, tâm linh xuất hiện trong mọi mặt của cuộc sống đời thường. Tâm linh trong đời sống cá nhân, gia đình (nằm ngay trong niềm tin thiêng liêng của con người), tâm linh trong cộng đồng làng xã, tính thiêng liêng trong tín ngưỡng tôn giáo được tôn thờ trong không gian thiêng, sự cố kết xóm làng trong cộng đồng làng xã chính là bản sắc văn hóa xóm làng và không gian thiêng của người Việt mang tính xã hội mà ở đó là không gian tâm linh qua kiến trúc dân gian như: đình, đền, chùa, miếu, am, cổng làng[23]. Năm 2012 trong trong cuốn Văn hóa gốm của người Việt vùng đồng bằng sông Hồng, tác giả Trương Minh Hằng nhận xét rằng, đến thế kỉ thứ XIX sự xuất hiện các đô thị mới được dựa trên các làng cổ ngay lòng đô thị cổ. Đô thị mới xuất hiện rộng khắp nhưng vẫn không làm mất đi hình ảnh những chiếc cổng làng truyền thống [37, tr.31]. Năm 2012 trong luận án tiến sĩ Văn hóa học Khai thác các giá trị văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch, (nghiên cứu trường hợp làng Mông Phụ, xã 13 Đường Lâm, Sơn Tây), tác giả Đào Duy Tuấn nhận định: “Cổng làng Mông Phụ được xây dựng vào đời Lê Thần Tông (1553). Cổng được làm như gian nhà, được xây bít đốc có trụ đỡ mái và đầu nóc, bên trong có khung gỗ, kèo, hoành rui, trên mái lợp ngói”[119]. Niên đại 1553 mà tác giả nêu ra cần phải bàn. Theo Niên biểu Việt Nam, vua Lê Thần Tông có hai thời gian trị vì là từ năm 1619 đến 1643, từ năm 1649 đến 1662 [130]. Vậy nếu đã công nhận thời gian xây dựng cổng dưới thời Lê Thần Tông thì con số 1553 là không chính xác. Còn hiện nay giới nghiên cứu chưa có bằng chứng cụ thể tin cậy nào chứng minh cổng làng Mông Phụ được xây dựng dưới thời vua Lê Thần Tông. Ở trên, một cách có chủ ý, chúng tôi đã làm rõ trong các tài liệu đã phân tích, chưa có tác giả nào tập trung nghiên cứu cổng làng, đa phần họ chỉ dành ít dòng viết về nó, trong khi mối quan tâm chuyên môn chủ yếu của họ dành cho vấn đề khác, chủ đề khác. 1.1.2.Tài liệu tập trung giới thiệu , nghiên cứu cổng làng Luận văn thạc sĩ Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị của các cổng làng trong quy hoạch đô thị Hà Nội, (2002) của tác giả Giang Thị Thu Hiền, gồm 105 trang trình bày về vai trò và hình ảnh của cổng làng trong cấu trúc làng xã truyền thống Việt Nam và trong các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống, tác giả còn bàn về các giá trị đặc sắc của cổng làng: giá trị sử dụng, giá trị lịch sử văn hóa và giá trị xã hội nhân văn của cổng làng. Tác giả cũng bàn về bố cục họa tiết, nghệ thuật trang trí, hình thức và tỉ lệ kiến trúc của cổng làng. Người viết còn phân loại các cổng làng ở khu vực Hà Nội, bàn về tính năng tồn tại cổng làng, tác giả chưa phân tích sâu cổng làng trong bối cảnh làng xã, điểm mạnh của luận văn là dưới cái nhìn của kiến trúc sư, tác giả đã có những bản vẽ chi tiết chuyên nghiệp về mặt bằng, mặt đứng, mặt sau, mặt cắt của một số cổng làng ở Hà Nội [45]. Cuốn sách Cổng làng Hà Nội xưa và nay (2007) của tác giả Vũ Kiêm Ninh cũng hết sức quý giá đối với việc chúng tôi. Tác giả đã đi khảo sát tất cả các quận huyện ngoại thành Hà Nội (ở thời gian chưa sáp nhập Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và một số xã của Hòa Bình vào Hà Nội). Số cổng làng mà ông đã 14 nhận diện được ở quận Hoàn Kiếm là 2 cổng làng; quận Ba Đình 4; quận Cầu Giấy: 9; quận Đống Đa: 1; quận Hoàng Mai: 7; quận Long Biên: 6; quận Tây Hồ: 10; huyện Đông Anh: 22; huyện Gia Lâm: 9; huyện Sóc Sơn: 2; huyện Thanh Trì: 17; huyện Từ Liêm: 18. Ông cũng có quan tâm nhưng chưa tìm thấy cổng làng trên địa phận quận Hai Bà Trưng. Trong tập sách, tác giả giới thiệu 109 cổng làng1 [75]. Mỗi cổng đều có ảnh (do ông chụp), đều được mô tả khái quát; ở một số cổng, tác giả còn viết về nghề nghiệp, tín ngưỡng, lễ hội của làng,... Tập sách chưa phải là một chuyên khảo về cổng làng Hà Nội. Tác giả chưa được đào tạo về Hán học nên các câu đối chữ Hán chỉ mới được phiên âm, mức độ chính xác của bản dịch cần được thẩm định. Song từ đây, chúng tôi rút ra được nhiều thông tin bổ ích. Đó là những phiên âm, lời dịch câu đối chữ Hán, chữ Nôm và các câu đối chữ quốc ngữ ở những cổng làng cụ thể, một số cổng có thông tin về năm xây dựng hoặc năm xây dựng lại, lí do cổng bị tàn phá, tên tuổi những người hưng công xây dựng ở một số cổng làng,... Những cổng có niên đại sớm nhất là vào cuối thế kỉ XIX và số cổng này rất ít. Năm 2007, trong khóa luận tốt nghiệp Cổng làng, kiến trúc biểu trưng cho không gian làng Việt, tác giả Lê Thị Thu trình bày khái quát chung về không gian kiến trúc cổng làng, mô tả vẻ đẹp của cổng làng xứ Đoài trong sáng tạo nghệ thuật [109]. Dành hẳn sự quan tâm đối với cổng làng, năm 2011, tác giả luận án đã bảo vệ luận văn thạc sĩ Cổng làng ở ngoại thành Hà Nội truyền thống và biến đổi. Trên cơ sở tiếp thu những suy nghĩ, những nhận xét gợi mở của các tác giả đi trước, NCS đã khảo sát, tìm hiểu về sự biến đổi của cổng làng hiện nay tại hai xã Dương Xá và Kim Sơn thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Những thông tin trong luận văn mới dừng lại ở việc mô tả so sánh giữa các cổng làng thuộc huyện Gia Lâm ngoại thành Hà Nội, bàn về vấn đề bảo tồn di sản văn hóa của làng [31]. Trong luận án này, NCS có 1 Tác giả gọi 109 cổng là cổng làng, nhưng theo chúng tôi, có nhiều cổng như cửa Ô Quan Chưởng, cổng Ngõ Đa Lộc không phải là cổng làng. 15 sử dụng kết quả điền dã về cổng làng khi thực hiện luận văn cao học. Như vậy, việc điền dã của NCS được tiến hành từ năm 2009 đến năm 2015. Bài viết “Nghệ thuật trang trí cổng làng Hà Nội” của tác giả L.T.L (2012) có nhiều thông tin và nhận xét quan trọng. Tác giả đã phân loại các kiểu cổng làng cổ c...ồng sự thực hiện những chủ trương của Hội đồng kì mục, và chịu trách nhiệm về việc làng, việc nước trước chính quyền quân chủ trung ương (được đại diện bởi các cấp 29 quan liêu trung gian) [120, tr. 65 - 66]. Dân hàng xã gồm toàn cư dân nam giới, từ đinh tráng trở lên. Mỗi khi được lí dịch mời đến nhóm họp tại đình, dân hàng xã có thể ngồi theo từng giáp, thậm chí nhiều khi phát biểu ý kiến cá nhân với tư cách là thành viên của giáp này hay giáp kia. Tất cả vai trò năng động của giáp trong sinh hoạt hàng xã vẫn không ngăn cản nổi ý thức đẳng cấp của xã hội ngoài giáp khỏi chi phối mạnh mẽ thiết chế dân hàng xã. Tại các cuộc họp ở đình, dân hàng xã đâu còn là một tập thể thuần nhất, trong đó mọi thành viên đều bình đẳng với nhau (tuy vẫn có thể chấp nhận tôn ti dựa trên tuổi tác). Hội đồng kì mục, về lí thuyết là cơ quan đề ra chủ trương (và nhiều khi cả những biện pháp hành chính) để cho lí dịch căn cứ vào đó mà thi hành. Tuy nhiên, trong các cuộc họp, ở nội bộ hội đồng kì mục hay ở các cuộc họp khao quan viên hàng xã, ý kiến của hội đồng thường phân tán. Chính ở cái kẽ hở này sẽ nổi bật lên vai trò của lí dịch. Trong phạm vi từng xã, lí dịch phải chịu trách nhiệm chính trong việc thi hành mọi chủ trương của nhà nước quân chủ. “Trát quan trên tư về là tư cho lí trưởng, không thông qua cấp tổng"1, và lí trưởng (cùng các đồng sự) phải thi hành nội dung từng trát một. Theo tục lệ lâu đời của mọi làng xã Việt ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ, sau khi nhận được trát, lí trưởng phải “trình các cụ”, tức là trước hết trình tiên chỉ và thứ chỉ, rồi đến hội đồng kì mục hay quan viên hàng xã. Những việc quan trọng, thiết thân đối với từng hộ trong xã (như sưu thuế, hay quân phân công điền công thổ), lí dịch còn phải “trình dân ” nữa, tức đem ra bàn ở cuộc họp dân hàng xã. Mới nhìn thì cuộc họp này là biểu hiện của nền “dân chủ làng mạc”. Nhưng về thực chất, dân đinh đâu có quyền ăn quyền nói, lão hạng thì xuất lão vô sự, việc bàn bạc chủ yếu diễn ra giữa những kì mục hay quan viên, rất có khả năng biến thành cuộc cãi vã giữa các phe phái, do đó nhiều khi không dẫn đến những quyết định thực sự cụ thể. Về mặt này, ứng xử của tiên chỉ và thứ chỉ cũng thật điển 1 Nguyễn Từ Chi giải thích: Trên xã dưới huyện là tổng, cấp tổng gồm có chánh tổng và phó tổng, thường được lựa chọn trong số những địa chủ giàu có nhất hàng tổng. Còn lí dịch ở cấp xã thường chỉ là trung nông lớp trên, cấp tổng không có bộ máy để hoạt động, còn cấp xã lại có dưới tay một bộ máy đơn giản nhưng hoàn chỉnh. 30 hình. Trong những trường hợp hiếm hoi mà uy thế của họ vượt quá xa uy thế của đám kì mục bên dưới (do sản nghiệp lớn, cộng với phẩm hàm rất cao), thì ý kiến của hai vị được nghe theo răm rắp. Nhưng, thông thường thì, mặc uy tín của mình, và cũng chính để bảo vệ uy tín ấy, tiên chỉ và thứ chỉ sẽ phát biểu ý kiến một cách chung chung, cố giữ thái độ dàn hoà giữa các phe phái. Và một khi đã lĩnh ý “các cụ”, và đã có đôi lời với dân rồi, lí dịch cứ chiếu theo tình hình thực tế mà làm việc, vì dù sao họ còn phải chịu trách nhiệm trước quan viên nữa. Như vậy, bàn cãi có khi chỉ là hình thức. Theo Nguyễn Từ Chi, đó là tính vô hiệu của hội đồng kì mục, hay tập thể quan viên () [120,tr.76]. Lí dịch không chỉ phải đương đầu với mâu thuẫn giữa các phe phái trong làng, trong xã, không chỉ phải đối phó với kì mục và quan viên hàng xã mà còn phải đối phó với dân nữa, những người nông dân với bao nguyện vọng, quyền lợi riêng tây. Dưới triều Nguyễn (từ năm 1802 đến tháng 8 năm 1945), tổ chức lí dịch thường gồm có bốn chức danh chính: * Lí trưởng: là người cầm đầu tổ chức lí dịch cấp xã và chịu trách nhiệm chính trước nhà nước quân chủ (thông qua các cấp quan liêu trung gian) về việc vận hành công việc của hàng xã, nhằm thực hiện những đòi hỏi của nhà nước đối với dân xã (đóng thuế, đi phu, đi lính); * Phó lí: là người phụ tá cho lí trưởng và cùng lí trưởng chịu trách nhiệm trước nhà nước. Phó lí thường là người thay mặt lí trưởng đi đôn đốc từng việc cụ thể (bắt phu, lấy lính, kiểm tra việc canh phòng làng xã). Trong trường hợp xã lớn bao gồm nhiều làng, thì một xã có thể có nhiều phó lí, mỗi phó lí trực tiếp làm việc với một thôn; * Hương trưởng: là người đặc trách việc công ích, do đó cũng là người (cùng phó lí) trực tiếp lấy phu, cũng như trực tiếp điều khiển công việc tại nơi làm công ích; * Xã tuần: là người đặc trách bảo đảm việc an ninh cho làng xóm. Dưới tay xã tuần có một số tuần đinh hay tuần phiên. 31 Về nạn lí dịch tham nhũng, áp bức dân làng, đến nay dân vẫn nhớ. Chúng tôi đến làng Tây Bình Cách, xã Đông Xá, huyện Đông Hưng, Thái Bình (tên gọi trước là làng Gạch). Trước đây làng có ba cổng là cổng Tây, cổng Bắc, cổng Nam. Ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), cổng Tây và cổng Bắc bị phá, chỉ còn lại cổng Nam (phía đầu làng). Theo lời kể của cụ Nguyễn Thị Lan (80 tuổi), khu vực gần cổng Nam tập trung các địa chủ sinh sống, cũng là nơi tuần đinh giam cầm những người không nộp sưu thuế. Dấu ấn cổng làng xưa như chứng tích của một thời mà ở không ít nơi người dân nghèo đã phải sống cực khổ vô cùng1. Việc lí dịch trong làng áp bức dân làng đã được sử cũ ghi lại. Năm 1855, vua Tự Đức (làm vua 1848 - 1883), đã nhận xét rằng: Bọn tổng lí, hương hào, nhà nào cũng giàu có, có kẻ tôi tớ hoặc một trăm người, hoặc sáu, bảy mươi người, rồi chiêu tập bọn côn đồ, chứa ngầm binh khí. Người trong một tổng, một làng đều bị bọn chúng hơi nhếch mép, hất hàm là phải theo. Ai thuận theo thì chúng dử cho chút lợi, trái ý thì chúng lấy quyền thế bức bách [Dẫn theo 87, tr.223]. Sau đó, năm 1858, Tự Đức đã đồng ý cho thi hành điều sau: Những tổng lí, hào cường không được nuôi nhiều đầy tớ (không quá ba, bốn người) để xử đoán hung hăng trong làng xóm, hiếp tróc dân lương thiện, bắt dân bầu [làm hậu thần thờ phối] vào đình chùa, bắt dân phu làm việc riêng, đi về xe lọng, cưỡi ngựa giáo mác nghênh ngang, cùng những bọn du côn lừa dối, các tệ ấy phải cấm hẳn. Nhân dân nếu có việc tranh kiện tầm thường chỉ cho tổng lí phân xử bằng miệng, không được tự tiện gông cùm giam đánh ở nhà riêng. Nếu tên nào quen tính làm bậy không chừa, cho dân sở tại đi kiện. Viên phủ, huyện bất thình lình xét xử, chiếu theo luật côn đồ, gian ác xử tội [Dẫn theo 87, tr. 223]. Trước kia, lí dịch có đàn áp, giam cầm dân làng. Nhưng như Nguyễn Từ Chi đã phân tích, lí dịch không chỉ phải đối phó với mâu thuẫn giữa các phe phái trong làng, trong xã với kì mục và quan viên hàng xã, mà còn phải đương đầu với dân. 1 Tư liệu điền dã ngày 15/3/2004 32 Dân tiểu nông là một cộng đồng phức tạp, gây nên rất nhiều mâu thuẫn tuy nhỏ nhưng liên miên diễn ra. Khi thi hành trát của cấp trên, lí dịch không chỉ đơn thuần đàn áp, mà chủ yếu tìm một thế thỏa hiệp [120, tr.76-77]. Theo Nguyễn Từ Chi, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, phần lớn lí dịch ở các xã thuộc vùng đồng bằng và trung du bắc Bộ đều xuất thân từ các thành phần trung gian, thường là trung nông lớp trên, nếu có một số địa chủ nào đó, thì cũng là địa chủ nhỏ mà mọi phe phái, mọi tầng lớp và đa số các hộ gia đình có thể chấp nhận [120, tr.76-77]. Như vậy, các chiếu dụ của Tự Đức và nhận xét của Nguyễn Từ Chi về lí dịch đều đúng, đúng với một làng cụ thể, với một thời gian cụ thể. Chức dịch có khi đàn áp, có khi không. Triết học Mác xít nói rằng, chân lí là cụ thể, rằng sự vật luôn luôn vận động. Còn Philippe Papin và Oliver Tessier thì viết: Người nghiên cứu phải thận trọng, phải để ý đến “những chuyển biến và biến đổi bất ổn” [83. tr.25]. Những cách diễn đạt khác nhau này đều thể hiện một điểm về phương pháp nhận thức. 1.2.2.2.5. Làng là tập hợp người trong tổ chức dựa trên sự tự nguyện tham gia của từng cá nhân: phe, hội, phường. Trên cửa miệng của người nông dân Việt ở Bắc Bộ, từ “phe” thường được ghép với từ “giáp” thành một từ kép là “phe giáp”. Mỗi làng có thể có nhiều phe, nhưng đứng trên hết là phe tư văn. Trên danh nghĩa, các thành viên của phe này đều là những người có học thức. Về hội, có hội tư cấp (còn gọi là họ tư cấp). Nội dung cũng như mục đích của tổ chức này là giúp đỡ nhau, trong phạm vi từng nhóm những người tự nguyện, bằng cách chung nhau chơi một bát họ (do đó mà có tên gọi “họ”). Số thành viên của một hội không vượt quá đôi chục người. Trong một làng có thể tồn tại cùng một lúc nhiều bát họ. Đã chơi họ tất phải có người “cầm cái” hay “nhà cái”, tức hội trưởng của hội tư cấp. Ngoài ra, còn có hội võ (tập hợp những người biết võ nghệ), hội chèo (tập hợp những người tập và diễn chèo), hội các vãi hay hội chư bà (tổ chức Phật giáo của các lão bà),... 33 Về phường, có phường mộc, phường nề, phường sơn, phường thêu, Trên đây là nói về làng xã Bắc Bộ. Còn ở miền Trung, các tổ chức ngõ xóm, phe, giáp, phường hội khá mờ nhạt [108, tr.47]. 1.2.2.3. Những cảnh quan thường thấy ở làng 1.2.2.3.1.Ruộng làng Ruộng làng Bắc Bộ là cánh đồng trồng lúa nước, có những con ngòi dẫn nước, đôi khi có cây cổ thụ trên bãi đất cao để hoang giữa cánh đồng. Trẻ con thường chăn trâu, bò ở nơi đây. Thông thường thì cư dân ở làng nào sẽ canh tác ở đồng ruộng ấy. Nhưng cũng có trường hợp người làng này canh tác tại ruộng trên cánh đồng làng khác. Có trường hợp đặc biệt như làng Hành Thiện (tỉnh Nam Định hiện nay) thì ruộng đất canh tác chỉ chiếm một phần ba đất đai của làng. Sở dĩ như vậy là vì cuối thế kỉ XIV làng bị sông Hồng cuốn đi nên mới sáp nhập vào Nghĩa Xá. Vào thế kỉ thứ XVI, Nghĩa Xá cũng bị xói lở, cho nên dân làng mua khu đất hiện nay lập làng Hành Cung, sau đó đổi thành Hành Thiện. Trước năm 1954, trong số người giàu có ở trong làng, không có ai có nhiều hơn 3 mẫu ruộng ở làng (tức là dưới 1 ha). Nhưng những người Hành Thiện lại mua ruộng ở rất nhiều nơi khác nhau. Các điền chủ Hành Thiện có ruộng tại nhiều tỉnh (Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Bắc Giang,..). Cụ thể là ở các huyện Kim Bảng, Thư Trì, Vũ Tiên, Tiền Hải, Cẩm Thủy, Hoàng Hóa, Yên Mô, Bố Hạ, Lạng Giang,... Người làng Hành Thiện là Đặng Vũ Khâm đã lập đồn điền nuôi bò và trồng cà phê ở Yên Mô, diện tích 600 ha [48, tr.514-515]. 1.2.2.3.2. Đường làng Từ đường cái lớn, có con đường nhỏ hơn đi ngoằn ngoèo qua những cánh đồng, xuyên qua chiếc cổng đầu làng, đi vào trong làng, rồi dần dần đi suốt làng cho tới chiếc cổng cuối làng. Chiếc cổng này không khác gì chiếc cổng đầu làng, trừ những chữ đại tự trên cổng và nội dung đôi câu đối hai bên. Đến đây, con đường chui qua cổng để ra đồng ruộng [1]. Con đường làng không đi thẳng một mạch từ đầu làng tới cuối làng. Vào trong làng, nó tách ra làm năm bảy nhánh, đi vào năm bảy xóm, lượn qua những bờ 34 ao vườn chuối để đi đến tận từng nhà. Có một con đường nhánh đi thẳng một mạch từ con đường chính tới cửa đình làng, rồi đi men đình để vào một xóm mé trong. Lại có một nhánh, sau khi tách rời khỏi con đường chính, đi ngay vào chiếc giếng giữa làng. Giếng này nằm dưới một gốc đa lớn mà bóng mát của nó toả khá rộng. Dưới gốc đa loáng thoáng vài ba chiếc bình vôi, thỉnh thoảng có người tới cắm dăm ba nén hương [1]. 1.2.2.3.3. Cây đa đầu làng Cây đa bờ giếng đã già và đã to nhưng cây đa đầu làng còn già hơn và to hơn; những rễ phụ của nó ăn hẳn xuống đất cũng đã biến thành những thân cây khác. “Dưới gốc cây, rễ bò lổm ngổm, một số rễ nổi trên mặt đất, một số khác lửng lơ nửa chìm nửa nổi tạo nên những cái hốc ăn sâu vào rễ cây, hoặc ăn sâu xuống mặt đất. Các cụ bảo rằng, trong các hốc đó có ngựa ngài ở, và các cụ giải thích ngựa ngài là những cặp rắn có mào, có khi là những cặp rắn trắng toát với chiếc mào đỏ chót”[1]. Ngay ở gốc cây đa, có một bàn thờ nhỏ, với bài vị có bốn chữ “Đại thụ linh thần”. Bàn thờ có bát hương, có bình hoa, hai bên mé bàn thờ là khá nhiều bình vôi to, nhỏ. Bình vôi còn được treo vào những rễ cây rủ xuống.Về hoa cắm trong bình, theo sự hồi cố của nhà nghiên cứu Toan Ánh, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ở quê ông (tỉnh Bắc Giang), thường là mấy bông hoa huệ. Lại có ý kiến cho rằng ở châu thổ Bắc Bộ, thường thì có bó hoa các màu hoặc bình hoa cắm nhiều loại hoa khác nhau. Theo tâm linh, hoa huệ thường được cúng trong chùa và cúng vào dịp giỗ người đã khuất tại gia đình (nhưng không cắm hoa huệ dịp cuối năm)1. Về cây đa làng, người dân Việt đã lưu truyền câu chuyện cổ tích Kiện ngành đa [17, tr.586-588] (H12). 1.2.2.3.4. Luỹ tre làng Cách cây đa làng vài chục mét là luỹ tre làng. Luỹ tre bao bọc chung quanh làng, gồm hai rặng tre hai bên đi từ cổng đầu làng đến cổng cuối làng. Tre mọc rất dày. Bên trong luỹ tre có nơi có ao cá, có vườn rau, có nơi có một vài ngôi nhà sát gần luỹ tre. Những nhà này có khi trổ một chiếc cổng gai để tiện ra ngoài, không 1 Ý kiến của người phản biện độc lập luận án viết ngày 14 tháng 4 năm 2016. 35 phải đi qua cổng làng. Tuy mở ban ngày, nhưng ban đêm bao giờ chiếc cổng gai cũng được đóng kín [1], (H13). 1.2.2.3.5. Chợ làng Chợ không ở hẳn trong làng mà ở ngoài luỹ tre xanh, bên cạnh đường làng. Chợ có một quán chính năm gian, chung quanh quán là nhiều ngôi lều tranh bé nhỏ, mỗi lều rộng không quá hai mét vuông. Chợ họp một tháng sáu phiên, cách bốn ngày lại đến ngày phiên chợ. Sở dĩ như vậy là vì nhiều làng trong vùng có chợ, phiên họp phải tránh trùng nhau để không có trường hơp hai chợ cùng hợp một ngày. Vào ngày phiên chợ, làng rất vui. Trong làng ai có hoa màu gì muốn bán đều mang ra chợ, cũng như ai đan được ít rổ, rá, bện được ít chổi lúa, phất trần, hoặc làm thêm được bất cứ thức gì trong phạm vi tiểu công nghệ gia đình đều mang ra chợ bán. Hoặc có ai nuôi được lứa gà, lứa vịt đã lớn, hoặc nhà ai có đàn chó con mới đẻ, cần bán bớt, họ cũng đều nhân phiên chợ này mà tiêu thụ đi [1], (H14). 1.2.2.3.6. Đình làng Nhìn chung đình là nơi thờ thành hoàng và những người có công với làng được tôn phong là thần. Thành hoàng làng có thể là những người đã từng có đóng góp lớn cho sự tồn tại và phát triển của làng hoặc của đất nước; cũng có thể là thiên thần có công âm phù bảo vệ và che chở cho dân làng. Đình là nơi sinh hoạt chung của cả làng, ở đó có các viên quan sắc mục bàn về các công việc làng như thuế khóa, binh dịch, kiện cáo, ruộng đất, thờ cúng,lễ hội[127, tr.76]. Nhận xét này của Phạm Thị Thùy Vinh là đúng nhưng chưa đầy đủ bởi có làng không thờ thần thành hoàng làng ở đình. Cũng có trường hợp thần thành hoàng làng là người hành khất đi qua làng chết vào giờ thiêng được mối đùn lên thành đống to. Theo nhà sử học Phan Đại Doãn, có thể cho rằng, làng xã thế kỉ XV chưa có đình mà chùa cũng ít [127,tr.34], (H15). 1.2.2.3.7. Chùa làng Chùa là nơi thờ Phật (H16). Làng Tả Thanh Oai có bốn ngôi chùa mà dân làng thường chỉ biết tên nôm: Bùi (tên chữ: Bùi Linh tự), Phe, Thắm (tên chữ: An 36 Linh tự) và Chợ. Ở đầu thế kỉ XX, cả bốn ngôi chùa này đều thuộc các khu có dân cư trú [83, tr.125]. Ở hầu hết các chùa ở miền Bắc, Đạo giáo hiện diện khá rõ nét thông qua các ban thờ tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc ĐẩuCác tượng này, được đặt ngay ở chính điện bên cạnh các tượng Phật tam thế hay thông qua tục thờ mẫu: Có thể nói không chùa nào là không có bàn thờ Liễu Hạnh, tam tòa hay tứ tòa Thánh Mẫu, hoặc một thánh mẫu địa phương như bà chúa Mía ở chùa Sùng Nghiêm (Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) [83, tr.126]. 1.2.2.3.8. Văn chỉ Văn chỉ là nơi thờ Khổng Tử và những người đỗ đạt của làng, do hội tư văn đứng ra thành lập. Các thành viên trong hội tư văn phải thờ cúng các bậc tiên hiền. Văn chỉ là sự phát triển tiếp nối của Văn miếu từ cấp nhà nước xuống đến huyện, xã, thôn. Văn chỉ xuất hiện từ thế kỉ XV trở về sau khi Nho giáo đã phát triển đến đỉnh cao. Hội tư văn là hội của kẻ sĩ nông thôn, và văn chỉ là nơi để họ tập hợp sinh hoạt và tưởng nhớ những người đã tham gia thi tuyển qua các kì thi của Nho học. Mục đích của việc dựng văn chỉ và lập ra hội tư văn là để khẳng định và đề cao Nho giáo ở nông thôn. Nhưng càng lùi về sau, nhất là cuối thời Lê (thế kỉ XVIII) tính chất và mục đích của hội tư văn đã thay đổi. Những người nào muốn vào hội tư văn chỉ cần nộp một số tiền nhất định là trở thành thành viên của hội. Tương ứng như vậy, văn chỉ không chỉ là nơi thờ các vị tiên hiền, tức kẻ sĩ đã trải qua thi cử Nho học các cấp, mà còn thờ cả những người được bầu là hậu hiền. Đối tượng hậu hiền là những người có tiền, của, công sức, đã đóng góp để tu sửa, xây dựng văn chỉ, họ được bầu hậu hiền thờ sau những người hiền tài của địa phương [127, tr.77]. Ở làng Mộ Trạch (Hải Dương trước kia), văn chỉ ở giữa làng, gồm hai ngôi nhà song song với nhau,mỗi cái ba gian,làm bằng gỗ lim, xây tường gạch,lợp ngói. Hàng năm hội tư văn tế lễ hai lần vào hai mùa xuân, thu. Trong thời Pháp thuộc, nhà ngoài của văn chỉ được dùng làm trường học hàng tổng nên sau đó văn chỉ được chuyển ra khu vực đất chùa. Văn chỉ của làng Đông Ngạc thời xưa ở phía Đông của đình làng. Từ năm 1921 trở đi, nó được dùng làm nhà hội đồng để hằng tháng các tộc biểu và lí dịch đến họp. Ở Mông Phụ (nay thuộc Hà Nội), văn chỉ là một nền đất đắp cao nằm 37 ở phía đông của không gian cư trú, gần bên lũy tre làng [83, tr.127], (H17). 1.2.2.3.9. Quán Quán ở đây không phải là đạo quán của đạo Lão, cũng không phải là quán bán hàng, mà là ngôi nhà nhỏ không có tường nằm trong không gian canh tác hoặc bên cạnh đường đi để che mưa nắng cho dân làng đi làm hoặc là nơi trú ngụ qua đêm cho những người nhỡ đường vì trước đây các làng đều không muốn cho người lạ vào trong làng ban đêm. Ở làng Tả Thanh Oai đầu thế kỉ XX, có hai chiếc quán ở giữa đồng bên cạnh đường đi. Ở Đông Ngạc, trước năm 1945, các quán được gọi là cầu để người làm ruộng hay khách đi đường nghỉ ngơi hay trú nắng mưa. Ở Mông Phụ hiện nay cũng vẫn còn có quán nằm bên ngoài làng cạnh cổng làng, gọi là quán Rô (H18). 1.2.2.3.10. Điếm Điếm xuất hiện khi làng xã đã khá phát triển về thiết chế tổ chức, từng ngõ, giáp đều phải có điếm. Điếm được dựng lên ở mỗi ngõ, hoặc mỗi giáp, có khi điếm được dựng gần cổng làng (như ở làng Đồng Kị, điếm làng Thổ Hà1) với mục đích ban ngày là nơi nghỉ ngơi, tránh mưa nắng của người dân sở tại, ban đêm là nơi dừng chân của những người tuần tra bảo vệ an ninh xóm làng. Nếu người lạ vào trong ngõ hoặc giáp đều phải qua điếm để kiểm tra. Lúc đầu điếm được làm bằng tranh, tre, lứa, lá, sau này do nhu cầu cần tu sửa vững chãi hơn, các cộng đồng dân cư trong cùng một khu vực đã cùng đóng góp hoặc do một cá nhân hảo tâm đứng ra xây dựng [123,tr.78], (H19). 1.2.2.3.11. Giếng làng Giếng làng là nơi chứa nước ăn cho cả làng, có giếng đất và giếng gạch. Trước kia Tả Thanh Oai có năm chiếc giếng đất giống như năm chiếc ao con tròn trịa và đều mang tên của các di tích kế cận: Giếng Chợ, giếng Chùa Thắm, giếng Đình, giếng Miếu Ông và giếng chùa Bùi. Giếng Chợ ngày xưa có nước ngọt nổi tiếng, đã bị lấp trong thời kì tập thể hóa, tức là vào những năm 60, 70 của thế kỉ XX. Mộ Trạch chỉ có một giếng đất, nhưng giếng này rất to, chu vi hơn 160 m. 1 Hiện nay điếm đã thay đổi chức năng của nó, người dân chuyển thành nơi thờ của các xóm. 38 Trước kia giếng có tường gạch cao chừng 1m bao quanh và có bệ thờ thần giếng. Ở Mông Phụ, mỗi xóm có một giếng xây bằng đá ong và nước thường rất trong, nhưng ngày nay họ ít dùng vì hầu hết các nhà đều có giếng khơi [83, tr.129-130], (H20). 1.2.2.3.12. Cổng làng Cổng làng là yếu tố không thể thiếu trong cảnh quan của làng, trong tâm thức dân làng. Nó là đối tượng nghiên cứu của luận án nên chúng tôi sẽ trình bày kĩ trong các chương sau. 1.3. Lí thuyết vận dụng Chúng tôi tiếp cận cổng làng dưới góc độ của khoa nghiên cứu văn hóa dân gian. Những quy phạm của khoa học này được tác giả Đinh Gia Khánh thể hiện trong cuốn sách Trên đường tìm hiểu văn hóa dân gian (1989), trong bài viết: “Để nắm bắt thực chất của văn học dân gian” (1977). Tác giả cho rằng, nếu hiểu văn hóa dân gian theo nghĩa rộng thì là tất cả các hoạt động vật chất và tinh thần của dân chúng đều là văn hóa dân gian. Theo ông, tác giả của văn học, văn hóa dân gian là người nông dân, thợ thủ công và có cả sự tham gia của nhà nho. Các tác giả Cao Huy Đỉnh, Nguyễn Xuân Kính cho rằng, lực lượng sáng tác dân gian nhiều hơn thế. Ngoài nông dân, thợ thủ công, còn có các nhà nho bình dân, còn có người buôn bán, còn có các ca nữ, những người hát xẩm và binh lính,[59]. Từ sự hiểu biết trên lí thuyết về lực lượng tác giả, chúng tôi thấy được tác giả của cổng làng phải là sự kết hợp giữa những người đứng đầu, các nhà nho, những vị quan hưu trí (nếu làng có) và việc thực hiện nó là những người thợ nề, thợ ngõa và những người nông dân trong làng. Khi nghiên cứu cổng làng, chúng tôi còn được gợi ý bởi lý thuyết chức năng trong nghiên cứu văn hóa. Theo các nhà sáng lập lí thuyết chức năng, có ba định nghĩa khác nhau về chức năng: 39 1. Định nghĩa thứ nhất hiểu “chức năng” theo một ý nghĩa có vẻ toán học. Mọi tập tục đều có tương quan với tất cả những tập tục khác trong cộng đồng, vì vậy mỗi tập tục quy định tình trạng của những tập tục kia. 2. Định nghĩa thứ hai, đặc biệt do Malinowski sử dụng, được rút ra từ sinh lí học. Chức năng của các tập tục là được thỏa mãn những nhu cầu sinh học, chủ yếu của cá nhân thông qua phương tiện văn hóa. 3. Định nghĩa thứ ba do A.Racliff Brown lấy từ những lý thuyết của Durkheim. Chức năng của một tập tục là vai trò mà nó nắm giữ trong việc duy trì sự toàn vẹn của hệ thống xã hội [5, tr.51,52]. Thuyết chức năng trong nhân học về cơ bản được chia thành hai hệ tư tưởng mà mỗi hệ tư tưởng gắn với một người khởi xướng chủ chốt. Trường phái chức năng tâm lí gắn liền với tên tuổi của Malinowski (1884 – 1942). Ông sinh ra ở Ba Lan. Thời sinh viên ông học vật lí và toán học, sau đó ông quan tâm tới lịch sử văn hóa và những công trình nghiên cứu về nhân học văn hóa. Sau khi tốt nghiệp nghiên cứu sinh, ông bắt đầu làm việc tại Trường Đại học Tổng hợp Luân Đôn. Nhà nghiên cứu dành nhiều thời gian đi khắp châu Úc [5, tr.207]. B.Malinowski chịu ảnh hưởng mạch mẽ của G.Spencer, người xem xã hội như một tổ chức sinh học loại biệt. Khái niệm văn hóa học của nhà sáng lập chức năng luận đã được xây dựng trên những nguyên tắc sinh học, có liên kết chặt chẽ với việc nghiên cứu phương thức thỏa mãn các nhu cầu của con người trong ăn uống, áo quần, nhà ở, tình dục, cặp đôi, di chuyển ... Lí thuyết các nhu cầu là một nền tảng trong khái niệm văn hóa của B.Malinowski. Để tách con người ra khỏi vương quốc động vật, ông chia các nhu cầu thành các nhu cầu cơ bản và các nhu cầu sản xuất sinh ra do môi trường văn hóa. Gắn với nhu cầu sản xuất, sinh ra do môi trường văn hóa. Gắn với nhu cầu sản xuất có các nhu cầu về trao đổi kinh tế, về quyền uy, kinh tế xã hội, hệ thống giáo dục và các dạng khác... B. Malinowski khẳng định: bản thân khái niệm văn hóa không phải lúc nào cũng đơn nghĩa. Khi thỏa mãn các nhu cầu sinh vật của mình, con người tìm kiếm thức ăn, xây dựng nhà ở... hơn nữa nó cải tạo môi trường xung quanh vào tạo ra hoàn 40 cảnh (môi trường), sản xuất ấy là văn hóa. Ngoài ra, văn hóa là tổng thể những đáp ứng đối với các nhu cầu cơ bản và nhu cầu sản xuất. Văn hóa phù hợp với cách đặt vấn đề trên đây, còn là một cơ chế (bộ máy) vật thể và tinh thần, nhờ có nó mà con người giải quyết các nhiệm vụ chuyên biệt, cụ thể đặt ra trước mắt nó. Văn hóa còn là một chỉnh thể, được tạo ra từ những nguyên tử bộ phận, phối hợp trong các thiết chế. Thiết chế được xem như một đơn vị tổ chức khởi nguyên, đó là một tổng thể những phương tiện và phương thức để thỏa mãn các nhu cầu này hay khác: cơ bản hay sản xuất. Đó là bức tranh về cấu trúc văn hóa theo Malinowski [5, tr.105 - 106]. Trường phái cấu trúc chức năng về văn hóa gắn liền với tên tuổi của A.Radcliff Brown (1881 – 1955). Sinh ra ở Anh, sau khi tốt nghiệp nhân học tại Trường Đại học Tổng hợp Kembơrítgiơ, ông nghiên cứu đời sống người thổ dân ở Úc, đã đi du lịch qua châu Phi, Trung Quốc và nhiều nước khác. Một thời gian dài ông giảng dạy về nhân học tại Úc, Nam Phi và Hoa Kì. Năm 1938, ông trở về Anh với tư cách là một nhà khoa học nổi tiếng. Ông chia khoa học về văn hóa thành hai lĩnh vực: dân tộc học và nhân học xã hội (văn hóa). Dân tộc học là khoa học nghiên cứu lịch sử, cụ thể các dân tộc riêng lẻ, sự phát triển bên trong của chúng, các mối liên hệ văn hóa giữa chúng. Phương pháp cơ bản của dân tộc học là tái hiện lại lịch sử. Còn nhân học xã hội có nhiệm vụ tìm tòi những quy luật chung của sự vận hành và phát triển xã hội và văn hóa [5, tr. 108-109]. Khác với B.Malinowski, ông không từ chối việc nghiên cứu lịch sử các nền văn hóa. Những nhận xét lí luận phổ quát của ông dựa trên sự khẳng định tất cả các dạng hiện thực khách quan đều là những lớp khác nhau trong hệ thống tự nhiên (nguyên tử, tế bào, tổ chức xã hội của con người). Ông ủng hộ quan điểm của E.Durkheim khi nhà bác học này cho rằng, xã hội là hiện thực đặc biệt không đồng nhất với các cá thể. Theo A.Racliff Brown, bất cứ hệ thống nào cũng được xác định bằng: a) Các đơn vị (các yếu tố) cấu thành nó. 41 b) Các quan hệ giữa chúng, các thực thể nhân loại như là tổng thể của những hiện tượng hành vi, còn quan hệ giữa chúng là các quan hệ xã hội, đây là những đơn vị của hệ thống xã hội. Hệ thống xã hội gồm có: a) Cấu trúc xã hội b) Tổng thể chung của những tập quán xã hội c) Những hình ảnh, chuyên biệt về ý tưởng và cảm xúc gắn với các tập quán xã hội [5, tr.109]. Trong thời gian sau, A.Racliff quan niệm đối tượng của nhân học là rất hẹp. Khước từ khái niệm văn hóa, ông dùng khái niệm cấu trúc xã hội. Theo đó, tổ chức chính trị của các nền văn hóa khác nhau, những đặc điểm của hệ thống thân tộc và vai trò của chúng trong hệ thống xã hội, sự phân tích chức năng các cấu trúc của những hình thành tín ngưỡng nguyên thủy đã trở thành những phương diện cơ bản trong hoạt động nghiên cứu của ông [5, tr.110]. Dù các nhà nghiên cứu chức năng khác nhau như thế nào thì điểm chung của họ vẫn đúng như A.A Belik đã tổng kết: Nghiên cứu văn hóa như một cơ chế toàn vẹn, được tạo ra bằng các yếu tố, các bộ phận là đặc điểm của phương pháp tiếp cận chức năng, nhiệm vụ quan trọng nhất là chia tách chỉnh thể (văn hóa) thành ra các bộ phận và vạch ra những quan hệ phụ thuộc giữa chúng. Xu hướng chức năng trong nghiên cứu văn hóa ở mức độ lớn nhất là hướng tới việc làm bộc lộ các cơ chế hành động tái tạo những cấu trúc xã hội. Mỗi tế bào nguyên tử của văn hóa được nghiên cứu không phải với tư cách là cơ chế (tàn dư) ngẫu nhiên, không cần thiết (có hại, cổ sơ) mà như là một nhiệm vụ cụ thể cần phải thực hiện như là chức năng trong cộng đồng xã hội - văn hóa. Hơn nữa, đôi khi yếu tố riêng lẻ lại có vai trò không chỉ giản đơn là chứa đựng bản thân nó (có ý nghĩa quan trọng), mà còn là một khâu, thiếu nó thì văn hóa không thể tồn tại với tính cách một cơ chế toàn vẹn [5, tr.103 – 104]. Trong quá trình nghiên cứu văn hóa học, khái niệm chức năng mang hai nghĩa cơ bản. Một là nó chỉ ra vai trò, mà yếu tố văn hóa cụ thể nào đó thể hiện trong mối quan hệ với chỉnh thể. Hai là, nó diến đạt tính phụ thuộc giữa các bộ phận, các thành tố của văn hóa [5, tr.104] 42 Tiếp thu lí thuyết chức năng chúng tôi nhận thấy rằng cổng làng đáp ứng nhu cầu phòng vệ của dân làng, nhu cầu tự thể hiện, phân biệt làng mình với làng khác. Xét về cấu trúc, trong mối quan hệ với làng thì cổng làng là một thành tố, là một bộ phận ; trong mối quan hệ với bộ phận (trụ cổng, cánh cổng, ...) là cổng làng là một chỉnh thể. Trong quá trình thực hiện luận án, chúng tôi còn tiếp cận lí thuyết về giá trị. Giá trị chỉ tính có ích, có ý nghĩa của những sự việc hành động tự nhiên hay xã hội có khả năng thỏa mãn nhu cầu phục vụ lợi ích của con người. Ở đây, các sự vật hiện tượng được xem xét dưới góc độ đúng không hay không đúng mong muốn, có ý nghĩa tích cực hay không đối với đời sống xã hội. Có thể phân loại giá trị theo nhiều cách khác nhau. Có những giá trị thiên nhiên mà con người thường xuyên sử dụng và hưởng thụ (môi trường sống, tài nguyên, phong cảnh); những giá trị văn hóa do lịch sử toàn thế giới hay của một số nước tạo ra (thiết chế giáo dục, y tế, công trình kiến trúc, tác phẩm văn hóa nghệ thuật, ...); Những giá trị vật chất (đối tượng của lợi ích, nhu cầu); những giá trị tinh thần (lí tưởng, quan niệm, niềm tin, truyền thống ,...); những giá trị xã hội (tự do, công bằng, dân chủ, ...); những giá trị nhận thức (chân lí), giá trị đạo đức (điều thiện); giá trị thẩm mĩ (cái đẹp)... Tiếp cận giá trị từ góc độ văn hóa học, tác giả Ngô Đức Thịnh quan niệm: Giá trị cũng như tập quán, chuẩn mực, tri thức...đều là sản phẩm của quá trình tư duy, sáng tạo tinh thần của con người, nó là yếu tố cốt lõi nhất của văn hóa. Giá trị văn hóa là một hình thái của ý thức, của đời sống tinh thần, tuy nhiên nó phản ánh và kết tinh những giá trị của cả đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần của con người. Cho nên quan niệm cho rằng, văn hóa hay giá trị chỉ là lĩnh vực đời sống tinh thần thôi thì chưa thật thỏa đáng. Tuy nhiên tùy theo mỗi bộ môn khoa học, mỗi góc độ tiếp cận, thậm chí tùy thuộc vào mục đích nghiên cứu riêng người ta có thể nhấn mạnh hay chỉ quan tâm đến giá trị tinh thần hay giá trị vật chất của các hiện tượng văn hóa này hay khác [107, tr.21]. 43 Sau khi trình bày định nghĩa về giá trị của Clyde Kluckhohn; J.H.Fichter; M.Roodentan và P.Iuđin, Ngô Đức Thịnh định nghĩa: Giá trị là hệ thống những đánh giá mang tính chủ quan của con người về bất cứ một hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy theo hướng những cái đó là cần, là tốt, là hay, là đẹp, nói theo cách của các nhà triết học phương Tây, một t... Làm ruộng 22/2/2013 160 S TT HỌ VÀ TÊN NĂM SINH ĐỊA CHỈ NGHỀ NHIỆP NGÀY 23 Phan Văn Hải 1953 Làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội Công nhân nghỉ mất sức 22/2/2013 24 Hà Thị Vin 1928 Làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội Bà lão bán hàng ở Xích Hậu 22/2/2013 25 Hà Thị Lợi 1955 Làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội Làm ruộng 22/2/2013 26 Phùng Thị Hường 1944 Làng Cầu Nôm, xã Đồng Cầu, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên Công nhân nghỉ hưu 21/7/2013 27 Nguyễn Thúy Vượng 1951 Làng Hồ Khẩu, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội Công nhân nghỉ hưu 24.12.2013 28 Vũ Văn Cầu 1957 Làng Hồ Khẩu, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội Cán bộ nghỉ hưu 24.12.2013 29 Đinh Văn Sinh 1945 Làng Hồ Khẩu, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội Cán bộ nghỉ hưu 24.12.2013 30 Hồ Thị Oanh 1943 Làng Hồ Khẩu, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội Tổ trưởng tổ dân phố số 9, khu dân cư số 2, phường Bưởi. 26.12.2013 161 S TT HỌ VÀ TÊN NĂM SINH ĐỊA CHỈ NGHỀ NHIỆP NGÀY 31 Vũ Văn Luân 1933 Làng Hồ Khẩu, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội Đã về hưu năm 1990, là nhà giáo dạy văn. 29.12.2013 32 Bùi Thị Nghĩa 1943 Xóm Giếng, làng Đồng Kỵ, phường Đồng Quang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh Làm nghề tự do (bán hàng nước) 30.12.2013 33 Nguyễn Văn Cường 1946 Khu phố Thanh Bình, làng Đồng Kỵ, phường Đồng Quang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh Công nhân nghỉ hưu 34 Nguyễn Thị Lan 1943 Làng Tây Bình Cách, xã Đông Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình Làm ruộng, cán bộ tiền khởi nghĩa 15/3/2014 35 Đỗ Ngọc Ru 1934 Làng Duyên Hà, xã Đông Kinh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình Làm ruộng 16/3/2014 36 Trần Công Trừng 1944 Làng Bồng Tiên, xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình Làm ruộng 28/9/2014 37 Trần Văn Tự 1942 Làng Bồng Tiên, xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình Làm ruộng 28/9/2014 162 S TT HỌ VÀ TÊN NĂM SINH ĐỊA CHỈ NGHỀ NHIỆP NGÀY 38 Trần Văn Minh 1954 Làng Bồng Tiên, xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình Làm ruộng 28/9/2014 39 Trần Quyết Chiến 1951 Làng Bồng Tiên, xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình Bộ đội nghỉ hưu 28/9/2014 40 Trần Văn Liêm 1941 Làng Bồng Tiên, xã Vũ Tiến, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình Cán bộ nghỉ hưu 28/9/2014 41 Nguyễn Văn Bức 1942 Phố Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội Bí thư Chi bộ 2 khu phố Đại Từ 21/2/2015 42 Nguyễn Văn Đào 1945 Làng Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội Cán bộ nghỉ hưu 25/3/2015 43 Trần Thị Phượng 1933 Làng Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội Cán bộ iền khởi nghĩa 25/3/2015 44 Tạ Văn Bình 1956 Xóm Chân Sông, thôn Phúc Đức, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội Thợ nề 15/6/2015 45 Nguyễn Đình Xuân 1940 Xóm Chân Sông, thôn Phúc Đức, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội Thợ nề 15/6/2015 163 S TT HỌ VÀ TÊN NĂM SINH ĐỊA CHỈ NGHỀ NHIỆP NGÀY 46 Tạ Văn Hân 1945 Xóm Chân Sông, thôn Phúc Đức, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội Làm ruộng 15/6/2015 47 Tạ Văn Cân 1935 Xóm Chân Sông, thôn Phúc Đức, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội Làm ruộng 15/6/2015 48 Tạ Văn Bảy 1955 Xóm Chân Sông, thôn Phúc Đức, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội Làm ruộng 15/6/2015 49 Phong Ngọc Sáu 1955 Làng Sơn Đồng, xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Làm ruộng 15/6/2015 50 Lê Thị Sử 1937 Làng Giá, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Làm ruộng 18/7/2015 51 Nguyễn Văn Xuân 1967 Làng Phúc Đức, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Công nhân 26/7/2015 52 Nguyễn Hữu Hùng 1960 TP Thái Bình Trưởng phòng Nghiệp vụ, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thái Bình 9/5/2015 164 S TT HỌ VÀ TÊN NĂM SINH ĐỊA CHỈ NGHỀ NHIỆP NGÀY 53 Quách Đông Phương 1958 Phố Sơn Tây, quận Đống Đa, Hà Nội Là người có đam mê chụp ảnh cổng làng 2/7/2015 54 Phan Đăng Nhật 1931 Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam GS.TSKH, quê ở Nghệ An 13/7/2015 55 Nguyễn Xuân Đức 1948 Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam PGS.TS, quê ở Hà Tĩnh 13/7/2015 56 Đỗ Đức Minh 1938 Thôn Mễ Trì Hạ, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội Công nhân nghỉ hưu 4/10/2015 165 BẢNG THỐNG KÊ VỀ CỔNG LÀNG HÀ NỘI (Bảng thống kê bước đầu của NCS từ năm 2009 đến tháng 8 năm 2015) S TT TÊN CỔNG LÀNG ĐỊA CHỈ (Thôn, xã) NĂM XÂY DỰNG NĂM TU SỬA QUẬN NAM TỪ LIÊM Cổng làng xây dựng trước năm 1945 1 Đại Cát Liên Mạc 1924 2 Đông Ngạc/Kẻ vẽ Đông Ngạc 3 Nhật Tảo Đông Ngạc 1924 1994 4 Xóm Cầu Điếm Thượng Cát 5 Cổng xóm Hòe Thị Xuân Phương 6 Ngọc Mạch/ Cổng Điếm Xuân Phương 7 Thôn Hoàng Cổ Nhuế 8 Đức Diễn Phú Diễn Cổng làng xây dựng sau năm 1945 9 Nguyên Xá Minh Khai 2004 10 Phúc Lý Minh Khai 2004 11 Hoàng Xá Liên Mạc 1994 12 Yên Nội Liên Mạc 2001 13 Liên Mạc/ Hoàng Liên Liên Mạc 14 Đống Ba Thượng Cát 2003 15 Phú Thứ Tây Mỗ 16 Phùng Khoang Trung Văn 1950 17 Phú Mỹ Mĩ Đình 18 Khu Tân Xuân Xuân Đỉnh 2002 166 S TT TÊN CỔNG LÀNG ĐỊA CHỈ (Thôn, xã) NĂM XÂY DỰNG NĂM TU SỬA QUẬN THANH XUÂN Cổng làng xây dựng trước năm 1945 1 Làng Mọc / Nhân Chính Mọc Quan Nhân Cự Chính 1919 2 Chính Kinh Nhân Chính HUYỆN THANH TRÌ Cổng làng xây dựng trước năm 1945 1 Ích Vịnh Vĩnh Quỳnh 2 Cổng đông Ích Vịnh Vĩnh Quỳnh 3 Vĩnh Thịnh Đại Áng 4 Cổng Tiền Đại Áng Đại Áng 5 Nguyệt Áng cũ Đại Áng 6 Làng Thanh Liệt/cổng làng Quang Thanh Liệt 7 Xóm Bỏ (thôn Văn) Thanh Liệt 1936 8 Trù Nhĩ Thanh Liệt 1942 Cổng làng xây dựng sau năm 1945 1. Vĩnh Trung Đại Áng 2003 2. Đại Áng/ làng Đảm Đại Áng 3. Nguyệt Áng mới Đại Áng 4. Cự Đông Thanh Liệt 2002 5. Thôn Tràng Thanh Liệt 6. Thôn Trung Thanh Liệt 167 S TT TÊN CỔNG LÀNG ĐỊA CHỈ (Thôn, xã) NĂM XÂY DỰNG NĂM TU SỬA QUẬN TÂY HỒ Cổng làng xây dựng trước năm 1945 1 Yên Thái (An Thái) Bưởi 2 Làng khoa bảng tiến sĩ Bưởi 3 Cổng Hầu làng An Thọ Bưởi 1998 4 Cổng Cảnh (cổng Xanh) Bưởi 5 Cổng làng Đông Xã Bưởi 6 Giáp Bắc (cổng Giếng) Bưởi 7 Xóm Chùa (làng Hồ Khẩu) Bưởi 8 Cổng Cái (làng Hồ Khẩu) Bưởi Cổng làng xây dựng sau năm 1945 1 Giáp Đông (làng Hồ Khẩu) Bưởi 1994 2 Hồ ấp đình môn (cổng Đình) Bưởi 3 Cầu Dừa (cổng Chùa) Bưởi HUYỆN SÓC SƠN Cổng làng xây dựng trước năm 1945: Không có Cổng làng xây dựng sau năm 1945 1 Dược Hạ Tiên Dược 2004 2 Dược Thượng Tiên Dược 2004 QUẬN ĐỐNG ĐA Cổng làng xây dựng trước năm 1945 168 S TT TÊN CỔNG LÀNG ĐỊA CHỈ (Thôn, xã) NĂM XÂY DỰNG NĂM TU SỬA 1 Nam Đồng Nam Đồng Cổng làng xây dựng sau năm 1945: Không có QUẬN LONG BIÊN Cổng làng xây dựng trước năm 1945 1 Xuân Đỗ Thượng/Cổng Thượng Thổ Khối 1994 2 Xuân Đỗ Hạ/Cổng Đồng Thổ Khối 3 Thanh Am Thượng Thanh Cổng làng xây dựng sau năm 1945 1 Bắc Biên Ngọc Thụy 2 Lâm Du Bồ Đề 3 Tư Đình Tư Đình HUYỆN GIA LÂM Cổng làng xây dựng trước năm 1945 1 Đỗ Xá Yên Thường 2 Vân Nhuộm/Cổng Xóm Chợ Yên Viên 3 Doanh Trung Phù Đổng 4 Tề Xuyên/Cổng Đông Đình Xuyên 5 Cổng Đình Dương Xá 6 Cổng Miễu/Dương Đình (cổng sau) Dương Xá 7 Dương Đá Dương Xá 8 Yên Bình Dương Xá 9 Phù Ninh (Làng Nành) Ninh Hiệp 169 S TT TÊN CỔNG LÀNG ĐỊA CHỈ (Thôn, xã) NĂM XÂY DỰNG NĂM TU SỬA 10 Kim Sơn - Cổng Đình - Cổng Đông Kim Sơn 1931 Cổng làng xây dựng sau năm 1945 1 Quy Mộng Yên Thường 2 Yên Khê Yên Thường 2005 3 Dương Đanh Dương Xá 1998 4 Linh Quy Bắc Kim Sơn 2002 5 Linh Quy Đông Kim Sơn 2002 6 Giao Tất Kim Sơn 7 Thận Tiến Dương Xá 2010 QUẬN HOÀNG MAI Cổng làng xây dựng trước năm 1945 1 Hậu Tứ Kì Hoàng Liệt 2 Linh Đàm Hoàng Liệt 3 Lũ Trung (Kim Lũ) – Quan Miện Đại Kim Cổng làng xây dựng sau năm 1945 1 Pháp Vân (Kẻ Vân) Hoàng Liệt 1986 2 Tứ Kì Đại Kim 3 Đại Từ Đại Kim 2003 4 Tương Mai Tương Mai QUẬN CẦU GIẤY Cổng làng xây dựng trước năm 1945 1 Tiên Thượng Nghĩa Đô 170 S TT TÊN CỔNG LÀNG ĐỊA CHỈ (Thôn, xã) NĂM XÂY DỰNG NĂM TU SỬA 2 Trung Nha (Làng Nghè) Nghĩa Đô 3 Vạn Long (Làng Dâu) Nghĩa Đô 4 An Phú Nghĩa Đô 5 Trung Từ (Làng Trung Kính thượng) Trung Hòa 6 Xóm Riềng (Làng Trung Hòa) Trung Hòa 7 Trung Kính Hạ (Đường Trần Duy Hưng) Trung Hòa 8 Ngõ Đa Lộc Dịch Vọng Hậu 9 Dịch Vọng Sở Mai Dịch HUYỆN ĐÔNG ANH Cổng làng xây dựng trước năm 1945 1 Dục Tú Dục Tú 2 Mai Hiên 1889 3 Gia Lộc 1889 Cổng làng xây dựng sau năm 1945 1 Xuân Canh Vân Canh 2005 2 Xuân Trạch Vân Canh 2000 3 Hội Phụ Đông Hội 4 Lại Đà Đông Hội 5 Võng La Võng La 6 Sáp Mai Võng La 7 Lễ Pháp Tiên Dương 8 Lương Nỗ Tiên Dương 171 S TT TÊN CỔNG LÀNG ĐỊA CHỈ (Thôn, xã) NĂM XÂY DỰNG NĂM TU SỬA 9 Xóm Trong Uy Nỗ 10 Lộc Hà Uy Nỗ 11 Thôn Đông Tàm Xá 12 Cổ Điển Hải Bối 13 Thư Cưu Cổ Loa 14 Cổng Thượng Việt Hùng 1951 2000 15 Đình Trung Xuân Nộn 16 Thôn Bầu Kim Chung 2003 17 Hậu Dưỡng Kim Chung 2005 18 Dục Tú Dục Tú 19 Lí Nhân Dục Tú 20 Phúc Hậu Dục Tú 21 Đông Dầu Dục Tú 22 Du Ngoạn Mai Lâm 23 Ngọc Chi Vĩnh Ngọc 24 Phương Trạch Vĩnh Ngọc HUYỆN THANH OAI Cổng làng xây dựng trước năm 1945 1 Ước Lễ (cổng trước) Tân Ước 1998 Cổng làng xây dựng sau năm 1945 1 Ước Lễ (cổng sau) Tân Ước 1998 2 Tri Lễ Tân Ước 2010 HUYỆN QUỐC OAI Cổng làng xây dựng trước năm 1945 1 Làng Vũng/cửa Sóc Dịch Phượng Cách 172 S TT TÊN CỔNG LÀNG ĐỊA CHỈ (Thôn, xã) NĂM XÂY DỰNG NĂM TU SỬA Cổng làng xây dựng sau năm 1945 1 Làng Phượng Cách Phượng Cách 2 Làng Phúc Đức Sài Sơn 2013 3 Làng Phúc Đức/xóm Chân Sông Sài Sơn 2013 HUYỆN HOÀI ĐỨC Cổng làng xây dựng trước năm 1945 1 Cổng xóm Dô/ làng Quán Miện/làng Mũ Sơn Đồng 2 Cổng xóm Gạch Sơn Đồng 3 Làng Vạng Song Phương Cổng làng xây dựng sau năm 1945 Cổng Giá/xóm trại Đường Cối Yên Sở 2012 173 BẢNG THỐNG KÊ VỀ CỔNG LÀNG TỈNH THÁI BÌNH (Bảng thống kê này do ông Nguyễn Hữu Hùng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình cung cấp thông tin) S TT TÊN CỔNG LÀNG ĐỊA CHỈ (Thôn, xã) NĂM XÂY DỰNG NĂM TU SỬA THÀNH PHỐ Cổng làng xây dựng trước năm 1945: Không có Cổng làng xây dựng sau năm 1945 1 Thôn Đinh Thôn Đinh, xã Tân Bình 2005 (Hình thức trụ cột vuông) HUYỆN KIẾN XƯƠNG Cổng làng xây dựng trước năm 1945: Không có Cổng làng xây dựng sau năm 1945 1 Thôn Tân Đông Xã Bình Định 2 Thôn Sơn Trung Xã Bình Định 3 Thôn Hưng Đạo Xã Bình Định 4 Thôn Hòa Bình Xã Bình Định 5 Thôn Trần Phú Xã Bình Định 6 Thôn Ái Quốc Xã Bình Định 7 Thôn Thái Hòa Xã Bình Định 8 Thôn Công Bình Xã Bình Định 9 Thôn Phương Ngải Xã Bình Minh 10 Thôn Đông Thành Xã Bình Minh 11 Thôn Hưng Đạo Xã Bình Minh 12 Thôn Đoàn Kết Xã Bình Minh 174 S TT TÊN CỔNG LÀNG ĐỊA CHỈ (Thôn, xã) NĂM XÂY DỰNG NĂM TU SỬA 13 Thôn Phú Mỹ Xã Bình Minh 14 Thôn An Chỉ Xã Bình Nguyên 15 Thôn Đông Lâu Xã Bình Nguyên 16 Thôn Quân Hành Xã Bình Nguyên 17 Thôn Khả Phú Xã Bình Thanh 18 Thôn Lập Ấp Xã Bình Thanh 19 Thôn Đa Cốc Xã Bình Thanh 20 Thôn Cao Trung Xã Đình Phùng 21 Thôn Nam Huân Bắc Xã Đình Phùng 22 Thôn Nam Huân Trung Xã Đình Phùng 23 Thôn Nam Huân Nam Xã Đình Phùng 24 Thôn Cao Bạt Nang Xã Đình Phùng 25 Thôn Nam Sơn Xã Hòa Bình 26 Thôn Việt Hưng Xã Hòa Bình 27 Thôn Đông Tiến Xã Hồng Tiến 28 Thôn Cao Bình Xã Hồng Tiến 29 Thôn Khả Cảnh Xã Hồng Tiến 30 Thôn Tân Thành Xã Hồng Tiến 31 Thôn Nam Hòa Xã Hồng Tiến 32 Thôn Phú Ân Xã Lê Lợi 33 Thôn An Thái Xã Lê Lợi 34 Thôn Cao Đồng Xã Minh Hưng 35 Thôn Nội Thôn Xã Minh Hưng 36 Thôn Kinh Nguyên 1 Xã Minh Hưng 37 Thôn Kinh Nguyên 2 Xã Minh Hưng 175 S TT TÊN CỔNG LÀNG ĐỊA CHỈ (Thôn, xã) NĂM XÂY DỰNG NĂM TU SỬA 38 Thôn Tân Ấp 1 Xã Minh Tân 39 Thôn Thái Cao Xã Nam Bình 40 Thôn Sơn Thọ Xã Nam Bình 41 Thôn Thượng Hiền Xã Nam Bình 42 Thôn Cao Bạt Nam Xã Nam Cao 43 Thôn Cao Bạt Thượng Xã Nam Cao 44 Thôn Cao Bạt Trung Xã Nam Cao 45 Thôn Cao Bạt Đoài Xã Nam Cao 46 Thôn Nam Đường Tây Xã Nam Cao 47 Thôn Cao Bạt Đông Xã Nam Cao 48 Thôn Ngái Đông Xã Quang Bình 49 Thôn Ngái Xã Quang Bình 50 Thôn Đông Xã Quang Bình 51 Thôn Kim Thịnh Xã Quang Bình 52 Thôn Bắc Sơn Xã Quang Bình 53 Thôn Đoàn Kết Xã Quang Bình 54 Thôn Hưng Tiến Xã Quang Bình 55 Thôn Hoa Thám Xã Quang Bình 56 Thôn Đại Thành Xã Quang Bình 57 Thôn Nam Tiến Xã Quang Hưng 58 Thôn Tây Nghĩa Xã Quang Hưng 59 Thôn Đông Nghĩa Xã Quang Hưng 60 Thôn Nghĩa Môn Xã Quang Hưng 61 Thôn Hữu Tiệm Xã Quang Hưng 62 Thôn Luật Nội Tây Xã Quang Lịch 176 S TT TÊN CỔNG LÀNG ĐỊA CHỈ (Thôn, xã) NĂM XÂY DỰNG NĂM TU SỬA 63 Thôn Trà Đông Xã Quang Trung 64 Thôn Trà Đoài Xã Quang Trung 65 Thôn Đắc Chúng Bắc Xã Quốc Tuấn 66 Thôn Thụy Lũng Nam Xã Quốc Tuấn 67 Thôn Bích Kê Xã Quốc Tuấn 68 Thôn Đông Tiến Xã Quốc Tiến 69 Thôn Trung Tiến Xã Quốc Tiến 70 Thôn Hồng Tiến Xã Quốc Tiến 71 Thôn Tử Tế Xã Thanh Tân 72 Thôn An Cơ Nam Xã Thanh Tân 73 Thôn Trung Quý Xã Thượng Hiền 74 Thôn Đồng Vinh Xã Vũ An 75 Thôn An Điềm Xã Vũ An 76 Thôn Đô Lương Xã Vũ An 77 Thôn Phụng Thượng Xã Vũ An 78 Thôn Đồng Lầu Xã Vũ An 79 Thôn Đồng Tâm Xã Vũ An 80 Thôn Thái Công Bắc Xã Vũ Công 81 Thôn Thái Công Nam Xã Vũ Công 82 Thôn Trà Vy Bắc Xã Vũ Công 83 Thôn Trà Vy Nam Xã Vũ Công 84 Thôn 1 Xã Vũ Hòa 85 Thôn 2 Xã Vũ Hòa 86 Thôn 3 Xã Vũ Hòa 87 Thôn 4 Xã Vũ Hòa 177 S TT TÊN CỔNG LÀNG ĐỊA CHỈ (Thôn, xã) NĂM XÂY DỰNG NĂM TU SỬA 88 Thôn 5 Xã Vũ Hòa 89 Thôn Bắc Sơn Xã Vũ Ninh HUYỆN ĐÔNG HƯNG Cổng làng xây dựng trước năm 1945 1 Cổng Tây Bình Cách Thôn Tây Bình Cách, xã Đông Xá 1930 2013 2 Cổng Tây Thôn Duyên Hà, xã Đông Kinh 1940 Cổng làng xây dựng sau năm 1945 1 Cổng làng thôn Phương Đài Thôn Phương Đài, Đông Dương 1997 2 Cổng làng Cổ Dũng Thôn Cổ Dũng 1, Đông La 2003 3 Cổng làng thôn Thượng Phú Thôn Thượng Phú, Đông Phong 2005 4 Cổng làng thôn Cổ Hội Thôn Cổ Hội, Đông Phong 2007 5 Cổng làng thôn Phú Bắc Thôn Phú Bắc, xã Đông Á 2010 6 Cổng làng thôn Hữu Thôn Hữu, xã Mê Linh 2011 7 Cổng làng thôn Chiến Thắng Thôn Chiến Thắng, Hoa Nam 2014 8 Cổng làng Duyên Trang Tây Thôn Duyên Trang Tây, Phú Lương 2014 9 Cổng làng Duyên Trang Đông Thôn Duyên Trang Đông, Phú Lương 2014 HUYỆN QUỲNH PHỤ Cổng làng xây dựng trước năm 1945: Không có 178 S TT TÊN CỔNG LÀNG ĐỊA CHỈ (Thôn, xã) NĂM XÂY DỰNG NĂM TU SỬA Cổng làng xây dựng sau năm 1945 1. Cổng làng An Lộng An Lộng, Quỳnh Hoàng 2. Cổng làng An Trực An Trực, Quỳnh Hoàng 3. Cổng làng Ngõ Mưa Ngõ Mưa - Quỳnh Hoàng 4. Cổng làng Liên Hiệp Liên Hiệp, Quỳnh Hoàng 5. Cổng làng Thượng Phán Thượng Phán, Quỳnh Hoàng 6. Cổng làng Hạ Phán Hạ Phán, Quỳnh Hoàng 7. Cổng làng Ngọc Minh Ngọc Minh, Quỳnh Hoàng 8. Cổng làng Đại Điền Đại Điền, An Vũ 2006 9. Cổng làng An Mỹ An Mỹ, An Dục 2007 10. Cổng làng Lạc Cổ Lạc Cổ, An Dục 2009 11. Cổng làng Lương Mỹ Lương Mỹ, Quỳnh Hội 2012 12. Cổng làng Mỹ Xá Mỹ Xá, Quỳnh Châu 2013 13. Cổng làng Châu Duyên Châu Duyên, Quỳnh Châu 2014 14. Cổng làng Tân Dân Tân Dân, Quỳnh Hưng 2015 15. Cổng làng Tiên Bá Tiên Bá, Quỳnh Thọ 16. Cổng làng Hiệp An Hiệp, Quỳnh Giao 17. Cổng làng Thượng Xá Thượng Xá, Quỳnh Minh HUYỆN TIỀN HẢI Cổng làng xây dựng trước năm 1945: Không có Cổng làng xây dựng sau năm 1945 1 Làng văn hoá Châu Nhai Việt Thắng, Nam Thanh 2001 2 Cổng làng Ngải Châu Ngải Châu, Đông Minh 2005 179 S TT TÊN CỔNG LÀNG ĐỊA CHỈ (Thôn, xã) NĂM XÂY DỰNG NĂM TU SỬA 3 Làng Quý Đức Quý Đức, Đông Quý 2005 4 Cổng làng Ngoại Đê Đông Sơn, Tây Sơn 2007 5 Cổng làng La Cao Đông Sơn, Tây Sơn 2009 6 Làng Hải Nhuận Hải Nhuận, Đông Quý 2012 HUYỆN HƯNG HÀ Cổng làng xây dựng trước năm 1945 1 Đan Hội Thôn Đan Hội, xã Dân Chủ 1945 Cổng làng xây dựng sau năm 1945 1 Lương Ngọc Thôn Lương Ngọc, xã Tân Tiến 1972 2 Làng văn hóa thôn Tây Nha Thôn Tây Nha, xã Tiến Đức 2000 3 Hùng Thắng Thôn Hùng Thắng, xã Hồng An 2002 4 Lưu Xá Thôn Lưu Xá, xã Canh Tân 2003 5 Vũ Thôn Thôn Vũ Thôn, xã Cộng Hòa 2003 6 Làng văn hóa thôn Do Đạo Thôn Do Đạo, xã Tiến Đức 2003 7 Làng văn hóa thôn Đoan Bản Thôn Đoan Bản, xã Tiến Đức 2003 8 Lương Thôn Thôn Lường, xã Tân Hòa 2008 9 Ngũ Đoài Thôn Vũ Đoài, xã Điệp Nông 2008 180 S TT TÊN CỔNG LÀNG ĐỊA CHỈ (Thôn, xã) NĂM XÂY DỰNG NĂM TU SỬA 10 Vũ Đông Thôn Vũ Đông, xã Hồng Lĩnh 2010 11 Vũ Đoài Thôn Vũ Đoài, xã Hồng Lĩnh 2010 12 Nhân Phú Thôn Nhân Phú, xã Hùng Dũng (3 cổng) 2010 13 Văn Mỹ Thôn Văn Mỹ, xã Đoan Hùng 2010 14 Mỹ Thịnh Thôn Mỹ Thịnh, xã Tây Đô 2012 15 Duyên Trường Thôn Duyên Trường, xã Tây Đô 2013 16 Minh Thiện Thôn Minh Thiện, xã Hòa Bình 2014 17 Làng văn hóa Thăng Long Thôn Thăng Long, xã Bắc Sơn 2015 HUYỆN THÁI THỤY Cổng làng xây dựng trước năm 1945: Không có Cổng làng xây dựng sau năm 1945 1 Cầu Cất Thôn Cầu Cất, xã Thụy Ninh 2001 2010 2 Lũng Tả Thôn Lũng Tả, xã Mỹ Lộc 2003 2008 3 Trần Phú Thôn Trần Phú, xã Thái Dương 2004 2008 4 Đồng Tỉnh Thôn Đồng Tỉnh, xã Thái Dương 2004 181 S TT TÊN CỔNG LÀNG ĐỊA CHỈ (Thôn, xã) NĂM XÂY DỰNG NĂM TU SỬA 5 Chỉ Thiện Thôn Chỉ Thiện, xã Mỹ Lộc 2004 2010 7 Tân Minh Thôn Tân Minh, xã Mỹ Lộc 2004 2011 8 Cao Mỹ Cổ Lũng Thôn Cao Mỹ Cổ Lũng, xã Mỹ Lộc 2005 2011 9 Vũ Công Thôn Vũ Công, xã Thái An 2005 10 Lễ Thần Đông Thôn Lễ Thần Đông, xã Thái An 2005 11 Lễ Thần Đoài Thôn Lễ Thần Đoài, xã Thái An 2005 12 Nam Cường Thôn Nam Cường, xã Thái Hà 2005 2010 13 Chợ Phố Thôn Chợ Phố, xã Thái Dương 2005 14 Vị Thủy Thôn Vị Thủy, xã Thái Dương 2005 2011 15 Tiền Phong Thôn Tiền Phong, xã Thái Hòa 2005 2012 16 Kha Lý Thôn Kha Lý, xã Thụy Quỳnh 2005 2013 17 An Lệnh Thôn An Lệnh, xã Thụy Liên 2005 2012 18 Bắc Thôn Bắc, xã Thụy Trình 2005 19 Bái Thượng Thôn Bái Thượng, xã Thụy Phúc 2005 182 S TT TÊN CỔNG LÀNG ĐỊA CHỈ (Thôn, xã) NĂM XÂY DỰNG NĂM TU SỬA 20 Hoành Quang Thôn Hoành Quang, xã Thụy Liên 2005 21 Trà Linh Thôn Trà Linh, xã Thụy Liên 2005 2010 22 Ry Phúc Thôn Ry Phúc, xã Thụy Phúc 2006 23 Quỳnh Lý Thôn Quỳnh Lý, xã Thụy Quỳnh 2006 24 Bắc Thôn Bắc, xã Thái Học 2006 25 Trung Thôn Trung, xã Thái Học 2006 26 Kim Thành Thôn Kim Thành, xã Thái Sơn 2006 27 Hoàng Nguyên Thôn Hoàng Nguyên, xã Thái Sơn 2006 28 Hoài Hữu Thôn Hoài Hữu, xã Thái Sơn 2006 2011 29 Nam Hưng Đông Thôn Nam Hưng Đông, xã Thái Sơn 2006 2011 30 Nam Hưng Tây Thôn Nam Hưng Tây, xã Thái Sơn 2006 2011 31 Việt Cường Thôn Việt Cường, xã Thái Sơn 2006 2011 32 Thanh Phần Thôn Thanh Phần, xã Thái Sơn 2006 33 Văn Hàn Đông Thôn Văn Hàn Đông, xã Thái Hưng 2006 183 S TT TÊN CỔNG LÀNG ĐỊA CHỈ (Thôn, xã) NĂM XÂY DỰNG NĂM TU SỬA 34 Văn Hàn Bắc Thôn Văn Hàn Bắc, xã Thái Hưng 2006 35 Văn Hàn Trung Thôn Văn Hàn Trung, xã Thái Hưng 2007 36 Thôn Đông Thôn Đông, xã Thái Học 2007 37 Hoa Quận Thôn Hoa Quận, xã Thụy Quỳnh 2007 38 Thôn Gang Thôn Gang, xã Thụy Ninh 2007 39 Cam Đoài Thôn Cam Đoài, xã Thụy Liên 2007 40 An Cố Nam Thôn An Cố Nam, xã Thụy An 2007 41 Mai Diêm Thôn Mai Diêm, xã Thụy Hà 2008 42 Minh Vũ Thôn Minh Vũ, xã Thụy Xuân 2008 43 Lễ Củ Thôn Lễ Củ, xã Thụy Duyên 2008 44 Kiên Thắng Thôn Kiên Thắng, xã Thái Thủy 2008 45 Thùy Dương Thôn Thùy Dương, xã Thái Hòa 2008 46 Vũ Thành Đông Thôn Vũ Thành Đông, xã Thái Hưng 2008 47 Vũ Thành Tây Thôn Vũ Thành Tây, xã Thái Hưng 2008 184 S TT TÊN CỔNG LÀNG ĐỊA CHỈ (Thôn, xã) NĂM XÂY DỰNG NĂM TU SỬA 48 Nghĩa Chỉ Thôn Nghĩa Chỉ, xã Thụy Hà 2008 49 Thôn Đoài Thôn Đoài, xã Thụy Ninh 2009 50 Hạ Liệt Thôn Hạ Liệt, xã Thái Giang 2009 51 Thiên Kiều Thôn Thiên Kiều, xã Thái Thọ 2010 52 Nam Hưng Thôn Nam Hưng, xã Thái Thủy 2010 53 Bắc Đồng Thôn Bắc Đồng, xã Thái Thủy 2010 54 Minh Khai Thôn Minh Khai, xã Thái Thủy 2010 55 Xuân Phố Thôn Xuân Phố, xã Thái Phúc 2010 56 Thọ Cách Thôn Thọ Cách, xã Thụy Quỳnh 2010 57 Đồng Tiến Thôn Đồng Tiến, xã Thái Đô 2010 58 Nam Tân Thôn Nam Tân, xã Thái Hòa 2010 59 Thượng Phúc Thôn Thượng Phúc, xã Thụy Trường 2010 60 Phú Uyên Thôn Phú Uyên, xã Thái Tân 2010 61 Lũng Đầu Thôn Lũng Đầu, xã Thái Xuyên 2010 185 S TT TÊN CỔNG LÀNG ĐỊA CHỈ (Thôn, xã) NĂM XÂY DỰNG NĂM TU SỬA 62 Hạ Đồng Thôn Hạ Đồng, xã Thụy Sơn 2011 63 Cao Dương Thượng Thôn Cao Dương Thượng, xã Thụy Hưng 2011 64 Tam Lộng Thôn Tam Lộng, xã Thụy Hưng 2011 65 An Cố Tân Thôn An Cố Tân, xã Thụy An 2011 66 Giáo Lạc Thôn Giáo Lạc, xã Thái Thọ 2011 67 Thôn Vân Thôn Vân, xã Thụy Ninh 2012 68 Ngoại Trình Thôn Ngoại Trình, xã Thụy Hà 2012 69 Hổ Đội 1 Thôn Hồ Đội 1, xã Thụy Lương 2012 70 Xuân Bàng Thôn Xuân Bàng, xã Thụy Xuân 2012 71 Hổ Đội 4 Thôn Hồ Đội 4, xã Thụy Lương 2012 72 Tân Dũng Thôn Tân Dũng, xã Thụy Tân 2012 73 Phúc Tiền Thôn Phúc Tiền, xã Thái Phúc 2012 74 Nha Xuyên Thôn Nha Xuyên, xã Thái Phúc 2012 75 Đông Uyên Thôn Đông Uyên, xã Thái Phúc 2012 186 S TT TÊN CỔNG LÀNG ĐỊA CHỈ (Thôn, xã) NĂM XÂY DỰNG NĂM TU SỬA 76 Kỳ Nha Thôn Kỳ Nha, xã Thái Phúc 2012 77 Tân Phúc Thôn Tân Phúc, xã Thái Phúc 2012 78 Phúc Trung Thôn Phúc Trung, xã Thái Phúc 2012 79 Liên Khê Thôn Liên Khê, xã Thái Thành 2012 80 Lai Triều Thôn Lai Triều, xã Thụy Dương 2012 81 Hạc Ngang Thôn Hạc Ngang, xã Thụy Dương 2013 82 Lương Thường Thôn Lương Thường, xã Thụy Dương 2013 83 Vô Hối Đông Thôn Vô Hối Đông, xã Thụy Thanh 2013 84 Khu 6 Thị trấn 2013 85 Văn Tràng Thôn Văn Tràng, xã Thụy Văn 2013 86 Đông Hồ Thôn Đông Hồ, xã Thụy Phong 2013 87 Vạn Đồn Thôn Vạn Đồn, xã Thụy Hồng 2013 88 Thôn Đoài Thôn Đoài, xã Thụy Trình 2013 89 Thôn Đông Thôn Đông, xã Thụy Trình 2013 90 Hổ Đội 2 Thôn Hồ Đội 2, xã Thụy Lương 2013 187 S TT TÊN CỔNG LÀNG ĐỊA CHỈ (Thôn, xã) NĂM XÂY DỰNG NĂM TU SỬA 91 Hổ Đội 3 Thôn Hồ Đội 3, xã Thụy Lương 2013 92 Thanh Khê Thôn Thanh Khê, xã Thái Thành 2014 93 Phúc Tân Thôn Phúc Tân, xã Thái Thành 2014 94 Tuân Nghĩa Thôn Tuân Nghĩa, xã Thái Thành 2014 95 Đồng Nhân Thôn Đồng Nhân, xã Thái Thành 2014 96 Chiêm Thuận Thôn Chiêm Thuận, xã Thái Hồng 2014 97 Nghĩa Chỉ Thôn Nghĩa Chỉ, xã Thụy Liên 2014 98 Vị Dương Thôn Vị Dương, xã Thái Hồng 2014 99 Hòe Nha Thôn Hòe Nha, xã Thụy Chính 2014 100 Miếu Thôn Miếu, xã Thụy Chính 2014 101 Chính Thôn Chính, xã Thụy Chính 2014 102 Đông Dương Thôn Đông Dương, xã Thụy Dũng 2014 103 Phương Man Thôn Phương Man, xã Thụy Dũng 2014 188 S TT TÊN CỔNG LÀNG ĐỊA CHỈ (Thôn, xã) NĂM XÂY DỰNG NĂM TU SỬA 104 Nghĩa Phong Thôn Nghĩa Phong, xã Thái Thành 105 Nam Thịnh Thôn Nam Thịnh, xã Thái Thịnh 2015 106 Đoài Thịnh Thôn Đoài Thịnh, xã Thái Thịnh 2015 107 Trung Thịnh Thôn Trung Thịnh, xã Thái Thịnh 2015 108 Bắc Thịnh Thôn Bắc Thịnh, xã Thái Thịnh 2015 109 Trà Bôi Thôn Trà Bôi, xã Thụy Liên 2015 110 Đồng Hòa Thôn Đồng Hòa, xã Thụy Phong 2015 111 Thượng Phúc Thôn Thượng Phúc, xã Thụy Sơn 2015 HUYỆN VŨ THƯ Cổng làng xây dựng trước năm 1945: Không có Cổng làng xây dựng sau năm 1945 1 Thượng Hộ Trung Thôn Thượng Hộ Trung, xã Hồng Lý 2000 2 Nam Bi Thôn Nam Bi, xã Tân Hòa 2010 3 Tương Đông Thôn Tương Đông, xã Hồng Phong 2010 4 Thanh Hương Thôn Thanh Hương, xã Đồng Thanh 2011 189 S TT TÊN CỔNG LÀNG ĐỊA CHỈ (Thôn, xã) NĂM XÂY DỰNG NĂM TU SỬA 5 Đức Long Thôn Đức Long, xã Duy Nhất 2011 6 Cự Lâm Thôn Cự Lâm, xã Xuân Hòa 2011 7 An Lạc Thôn An Lạc, xã Trung An 2012 8 Trực Nho Thôn Trực Nho, xã Minh Quang 2012 9 Đại Đồng 1 Thôn Đại Đồng 1, xã Đồng Thanh 2014 10 Thanh Bản 1 Thanh Bản 1, xã Xuân Hòa 2014 11 Phúc Trung Bắc Thôn Phúc Trung Bắc, xã Phúc Thành 2014 12 Hồng Quang Thôn Phương Cáp, xã Hiệp Hòa 2014 13 Phú Lễ Thôn Phú Lễ, xã Tự Tân 2014 14 Phú Lễ Thượng Thôn Phú Lễ Thượng, xã Tự Tân 2014 15 Bình Minh Thôn Bình Minh, xã Bách Thuận 2014 16 Gia Lạc Thôn Gia Lạc, xã Hồng Lý 2014 17 Thượng Hộ Nam Thôn Thượng Hộ Nam, xã Hồng Lý 2014 18 Hữu Lộc Thôn Hữu Lộc, xã Xuân Hòa 2015 190 S TT TÊN CỔNG LÀNG ĐỊA CHỈ (Thôn, xã) NĂM XÂY DỰNG NĂM TU SỬA 19 An Thái Thôn 8, xã Vũ Đoài 2015 20 An Phúc Thôn An Phúc, xã Song An 2015 21 Tân Minh Thôn Tân Minh, xã Song An 2015 22 Trung Hòa Thôn Trung Hòa, xã Vũ Vinh 2015 191 HÌNH ẢNH CỔNG LÀNG, CÂY ĐA, GIẾNG LÀNG, ĐIẾM, ĐÌNH, CHÙA, LŨY TRE LÀNG, QUÁN LÀNG HỌA TIẾT TRANG TRÍ TRÊN CỔNG LÀNG 192 H1- Cổng trước làng Cầu Nôm (Ảnh tác giả chụp ngày 21.7.2013) H2- Cổng làng Mông Phụ (Ảnh tác giả chụp ngày 22.3.2013) 193 H3- Cổng làng Tây Bình Cách (Ảnh tác giả chụp ngày 15.3.2014) H4- Cổng làng Duyên Hà (Ảnh tác giả chụp ngày 16.3.2014) 194 H5- Cổng làng Dương Đá (Ảnh tác giả chụp ngày 18.7.2011) H6- Cổng xóm Đột làng Đồng Kỵ (Ảnh tác giả chụp ngày 30.12.2013) 195 H7- Cổng làng Thổ Hà (Ảnh tác giả chụp ngày 31/3/2011) H8- Cổng trước làng Ước Lễ (Ảnh chụp tác giả chụp ngày 27.2.2012) 196 H9- Cổng Giếng làng Hồ Khẩu (Ảnh tác giả chụp ngày 29.12.2013) H10- Ruộng làng Mông Phụ (Ảnh tác giả chụp ngày 25.8.2015) 197 H11- Đường làng Mông Phụ (Ảnh tác giả chụp ngày 25.8.2015) H12- Cây đa đầu làng Mông Phụ (Ảnh tác giả chụp ngày 25.8.2015) 198 H13- Bờ rào tre ở làng Quan Nhân - (Ảnh của Pierre Gourou, tr.561) H14- Chợ làng Cầu Nôm (Ảnh tác giả chụp ngày 21.7.2013) 199 H15- Đình làng Mông Phụ (Ảnh tác giả chụp ngày 25.8.2015) H16- Chùa làng Cầu Nôm (Ảnh tác giả chụp ngày 21.7.2013) 200 H17- Văn chỉ làng Thổ Hà (Ảnh tác giả chụp ngày 31.3.2011) H18- Quán làng Mông Phụ (Ảnh tác giả chụp ngày 25.8.2015) 201 H19- Điếm làng Mông Phụ (Ảnh tác giả chụp ngày 25.8.2015) H20- Giếng làng Mông Phụ (Ảnh tác giả chụp ngày 25.8.2015) 202 H21- Cổng làng Mông Phụ (Ảnh tác giả chụp ngày 25.8.2015) H22- Cổng làng Vũng, xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, Hà Nội (Ảnh tác giả chụp ngày 2.5.2015) 203 H23- Cổng làng Thượng Thụy, phường Đông Ngạc, Nam Từ Liêm, Hà Nội (Ảnh tác giả chụp ngày 14.3.2015) H24 -Hình rồng đắp nổi trên cổng làng Dương Đình,Gia Lâm, Hà Nội (Ảnh tác giả chụp ngày 6.8.2010) 204 H25 - Hình rồng đắp nổi trên cổng Miễu làng Dương Đình, (Ảnh tác giả chụp ngày 6.8.2010) H26 – Sấu trên trụ cổng làng Thổ Khối, Hà Nội (Ảnh tác giả chụp ngày 13.3.2010) 205 H27- Nghê trên cổng Xanh, phố Thụy Khuê (Ảnh tác giả chụp ngày 29.12.2013) H28 - Chim phượng đắp nổi trên cổng làng Thổ Khối, quận Long Biên, HN (Ảnh tác giả chụp ngày 13.3.2011) 206 H29 - Chim phượng đầu trụ cổng Giếng, Hồ Khẩu, Tây Hồ, Hà Nội (Ảnh tác giả chụp ngày 29.12.2013) H30 - Quả dành dành trên đầu trụ cổng Giếng, làng Hồ Khẩu (Ảnh tác giả chụp ngày 29.12.2013) 207 H31- Cá chép đắp nổi trên cổng làng Ước Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, HN (Ảnh tác giả chụp ngày 27.2.2012) H32 – Sen đắp trên đỉnh trụ cổng Giếng, làng Hồ Khẩu (Ảnh tác giả chụp ngày 29.12.2013) 208 H33 -Nghê và họa tiết hoa chanh được đắp trên trụ, lan can cổng làng Ước Lễ (Ảnh tác giả chụp ngày 27.2.2012) H34 - Họa tiết hoa thị được đắp trên lan can cổng làng Thổ Hà (Ảnh tác giả chụp ngày 31.3.2011) 209 H35- Biểu tượng cây khoai nước trên cổng Tây làng Duyên Hà, Thái Bình (Ảnh tác giả chụp ngày 31.3.2011) H36- Chó đá ở chân cổng làng An Thọ, phố Thụy Khuê (Ảnh tác giả chụp ngày 29.12.2013) 210 H37 - Chó đá giữ cổng (Ảnh của Pierre Gourou, tr.585) H38 - Cổng làng Linh Đàm (Ảnh tác giả chụp ngày 25.3.2015) 211 H39 – Cổng làng Sơn Đồng (Ảnh tác giả chụp ngày 15.6.2015) H40- Lê Trọng Lân – Bố cục – Sơn dầu- 1995, 150x200cm (Nguồn: sách Mĩ thuật Việt Nam hiện đại) 212 H41- Đặng Tin Tưởng – Đường làng – Sơn khắc – 1980, 76x127cm (Nguồn: sách Mĩ thuật Việt Nam hiện đại) H42 -Giang Tô – Tấp nập sớm mai – Sơn khắc – 1990, 90x120cm (Nguồn: sách Mĩ thuật Việt Nam hiện đại) 213 H43 - Đỗ Phấn – Cảnh nông thôn – Lụa 1992, 45x65cm (Nguồn: sách Mĩ thuật Việt Nam hiện đại) H44- Nguyễn Huống – Đường vào xóm – bột mầu 1980, 40x60cm (Nguồn: sách Mĩ thuật Việt Nam hiện đại) 214 H45- Cổng làng Gia Lộc (Ảnh tác giả chụp ngày 15.7.2015) H46 – Cổng làng Thổ Khối (Ảnh tác giả chụp ngày 13/3/2011) 215 H47 – Cổng làng Đại Từ (Ảnh tác giả chụp ngày 1/9/2014) H48- Cổng làng Lí Nhân (Ảnh tác giả chụp ngày 15.7.2015) 216 H49- Cổng làng Linh Quy (Ảnh tác giả chụp ngày 5.12.2010) H50- Cổng làng Dương Đanh (Ảnh tác giả chụp ngày 31.7.2011) 217 H51- Cổng làng Tri Lễ (Ảnh tác giả chụp ngày 27.2.2012) H52 - Cổng sau làng Ước Lễ (Ảnh tác giả chụp ngày 27.2.2012) 218 H53- Cổng tổ dân phố Kiên Thành (Ảnh tác giả chụp ngày 11.5.2014) H54- Cổng thôn Đông, làng Đào Xá, Đông Hưng, Thái Bình (Ảnh tác giả chụp ngày 21.9.2015) 219 H55- Cổng làng Thuận Tiến, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội (Ảnh tác giả chụp ngày 21.11.2010) H56- Cổng làng Mễ Trì Hạ, Từ Liêm, Hà Nội (Ảnh tác giả chụp ngày 25.9.2015) 220 BẢN VẼ Bản thiết kế cổng sau làng Đồng Cầu (Cầu Nôm) Bản thiết kế này do gia đình cụ Đan Văn Hoàn cung tiến xây dựng cổng sau của làng cung cấp 221 222 223 224 225 226

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfluan_an_cong_lang_nguoi_viet_o_chau_tho_bac_bo.pdf
Tài liệu liên quan